Cập nhật mới

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
[Diendantruyen.Com] Kẻ Tầm Xương

Kẻ Tầm Xương
Tác giả: Jeffery Deaver
Tình trạng: Đã hoàn thành

--- oOo ---


Mỗi nhân vật thám tử hư cấu đều có những đặc điểm riêng làm nên phong cách độc đáo, chẳng hạn như cây vĩ cầm của Sherlock Holmes hay bông phong lan của Nero Wolfe. Nhân vật thám tử cảnh sát trong Kẻ Tầm Xương cũng không phải là ngoại lệ: Anh là người liệt toàn thân sau một vụ tai nạn xảy ra khi đang truy đuổi kẻ phạm tội, bên cạnh anh không thể thiếu một hệ thống máy móc tối tân với khả năng cảm ứng cao độ.

Nhân vật đó là Lincoln Rhyme, Cựu Giám đốc pháp y của Sở Cảnh sát New York, nhà hình sự học nổi tiếng, người có khả năng xây dựng bản hồ sơ hoàn hảo về kẻ giết người. Không còn mục đích sống sau khi bị hủy hoại cả sự nghiệp lẫn cuộc sống gia đình, anh chàng Lincoln Rhyme hay cau có hẹn gặp bác sĩ William Berger, đại diện của Hội Bến Mê - một nhóm ủng hộ chết tự nguyện không đau đớn. Nhưng Lon Sellitto, đồng nghiệp cũ của Rhyme, bỗng nhiên ghé qua, đề nghị Rhyme từ bỏ ý định tự sát để tham gia săn tìm Nghi phạm 823. Sau khi giết người, hắn đã cố tình để lại một vài manh mối được che giấu hết sức tinh vi, như một lời thách thức trực diện đối với cảnh sát. Những manh mối đó đã kích thích Rhyme, là động lực khiến anh nhập cuộc.

Amelia Sachs - một nữ cảnh sát tuần tra xinh đẹp, thông minh, ương ngạnh; người dám chặn cả một đoàn tàu đang chạy lại để giữ nguyên hiện trường khi phát hiện ra xác chết kỳ lạ - được Rhyme chọn làm trợ thủ hỗ trợ anh. Cô trở thành đôi mắt, đôi tai, đôi tay, đôi chân của anh. Thông qua bộ đàm liên lạc hai chiều, cô cùng Rhyme lần theo dấu vết của tên giết người tàn bạo, bắt đầu từ hang ổ của hắn ở tầng hầm một ngôi nhà ẩm thấp.

Một manh mối hé lộ trong quá trình điều tra. Đó là cuốn sách Tội phạm ở New York xưa và câu chuyện về James Scheider, kẻ gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp New York vào đầu thế kỷ. Hắn muốn mang lại sự giải thoát cho các nạn nhân bằng cách giữ lại xương cốt của họ, bởi máu và thịt rồi sẽ nát tan, chỉ có xương cốt mới là thành phần tinh túy tồn tại vĩnh cửu. Học theo James Schneider, Nghi phạm 823 giả dạng thành một tài xế taxi, bắt cóc nạn nhân, thực hiện những hành vi tàn bạo như chôn sống, lóc da trong phòng xông hơi dưới áp suất cao, cho lũ chuột đói cắn xé, thả những con chó điên dồn đuổi nạn nhân và thích thú chứng kiến nỗi kinh hoàng tột độ của họ.

Trong cuốn tiểu thuyết này, nếu có điều gì gay cấn và nhiều thách thức hơn cả cuộc truy tìm tên sát nhân thì đó chính là mối quan hệ giữa Sachs và Rhyme. Tình cảm của họ nảy nở và phát triển cùng với diễn biến câu chuyện. Cá tính riêng khiến họ có lúc xảy ra xung đột cực độ. Khi cuốn tiểu thuyết này đến hồi kết, vụ án Kẻ Tầm Xương khép lại, Rhyme và Sachs tìm được sự đồng cảm và tình yêu, anh đã từ bỏ ý định tự vẫn ban đầu.

Khác với nhiều cuốn tiểu thuyết trinh thám khác, cuốn sách này không tập trung miêu tả những cảnh rùng rợn của hiện trường vụ án mà chủ yếu tạo độ căng bằng cách thách thức người đọc cùng các nhân vật tham gia khám phá những chi tiết ẩn giấu đằng sau một vài manh mối nhỏ lẻ.
 
Sửa lần cuối:

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 1


VUA MỘT NGÀY

Thực tại ở New York

quá hùng mạnh khiến cho quá khứ phải biến mất.

JOHN JAY CHAPMAN

10:30 PM thứ Sáu đến 3:30 PM thứ Bảy

Cô chỉ muốn ngủ.

Máy bay hạ cánh chậm hai tiếng và hành khách xếp hàng dài dằng dặc để đợi lấy hành lý. Xe phục vụ đưa đón họ đã về được một tiếng. Còn bây giờ họ đang đợi taxi.

Cô đứng trong hàng người, thân hình mảnh dẻ nghiêng đi dưới sức nặng của chiếc máy tính xách tay. John đang huyên thuyên về lãi suất và những cách thức điều chỉnh hợp đồng, nhưng tất cả những gì cô có thể nghĩ tới là 10:30 thứ Sáu, mình muốn ráo mồ hôi và ăn uống gì đấy.

Nhìn vào dòng chảy vô tận của những chiếc Yellow Cab. Có điều gì đó ở màu sắc và sự giống nhau của những chiếc xe gợi cho cô nhớ tới bọn côn trùng. Cô rùng mình vì cảm giác bò trườn ghê sợ mà cô vẫn nhớ từ hồi còn bé ở trên núi, khi cô và anh trai nhìn thấy một con lửng gan dạ bị giết hay đang cố kháng cự lại tổ kiến lửa đỏ, cô đã nhìn chằm chằm vào một khối chân cẳng và thân thể ẩm ướt, quằn quại.

T.J. Colfax lê chân về phía trước khi chiếc taxi tạt vào lề đường và phanh kít lại.

Người lái xe mở cốp nhưng vẫn ngồi trong xe. Họ phải tự xếp đồ, việc đó làm John khó chịu. Anh đã quen được người khác làm cho mọi thứ. Tammie Jean không quan tâm; đôi khi cô vẫn ngạc nhiên vì thấy mình có thư ký đánh máy và lập hồ sơ giúp. Cô ném vali vào cốp xe, đóng lại và trèo vào trong xe.

John vào sau cô, sập cửa, nhăn bộ mặt béo phị vào cái đầu hói của anh ta, cứ như nỗ lực cho cái túi đựng bộ vét của anh ta vào cốp xe đã làm anh ta kiệt sức.

“Đến Bảy mươi hai Đông trước”, John lầm bầm qua lớp kính chắn.

“Sau đó đến Upper West Side[1]”, T.J. nói thêm. Lớp kính chắn Plexi giữa hàng ghế đầu và hàng ghế sau xước xát đến mức cô gần như không thấy người tài xế.

Chiếc taxi lao bắn khỏi vỉa hè và nhanh chóng chạy trên đường cao tốc hướng về phía Manhattan.

“Xem kìa”, John nói, “kia là lý do tại sao lại đông người đến thế”.

Anh chỉ vào một bảng quảng cáo chào mừng các đoàn đại biểu đến dự hội nghị hoà bình của Liên Hiệp Quốc. Sẽ có khoảng mười nghìn khách đến thành phố. T.J. ngước nhìn tấm bảng – những người da đen, da trắng và châu Á, vẫy tay và tươi cười. Tuy vậy vẫn có điều gì đó không ổn trong bức tranh. Tỷ lệ và màu sắc đã bị phai. Các khuôn mặt trông có vẻ nhợt nhạt.

T.J. nói thầm: “Bọn ba bị.”

Họ chạy trên con đường cao tốc rộng rãi, trông bóng loáng và có màu vàng không dễ chịu dưới ánh sáng đèn đường. Chạy qua khu Cảng Hải quân cũ, qua những chiếc cầu cảng của Brooklyn.

Cuối cùng John cũng ngừng nói, lôi chiếc Texas Instruments ra và bắt đầu gõ. T.J. dựa lưng vào ghế, nhìn sang vỉa hè bốc khói và những khuôn mặt buồn thảm của những người ngồi trên các bậu cửa đá nâu trông ra đường. Họ hình như đã bị hôn mê trong cái nóng.

Trong xe nóng bức nên T.J. thò tay bấm nút mở cửa sổ. Cô không ngạc nhiên khi thấy cửa kính xe không mở được. Cô vươn qua người John. Cửa sổ bên anh cũng hỏng. Và đó là lúc cô nhận thấy xe không có khoá cửa.

Cả tay nắm cửa cũng không có.

Tay cô lần tìm nút tay nắm cửa. Chẳng có gì – cứ như ai đó đã cắt nó đi bằng cưa máy.

“Gì vậy?” John hỏi.

“À, cánh cửa… Ta mở cửa thế nào bây giờ?”

John nhìn từng cánh cửa khi biển hiệu Đường hầm Midtown xuất hiện rồi biến mất.

“Này!” John gõ vào tấm kính chắn. “Ông lỡ mất chỗ rẽ rồi. Chúng ta đang đi đâu thế này?”

“Có lẽ ông ta định qua Queensboro”, T.J. nói. Qua cầu đường sẽ dài hơn nhưng không phải trả phí qua hầm. Cô ngồi dịch lên và gõ nhẫn vào tấm kính Plexi.

“Ông định qua cầu đấy à?”

Người lái xe lờ đi.

“Này!”

Ngay sau đó họ qua chỗ rẽ Queensboro.

“Chết tiệt”, John hét lên. “Ông định đưa chúng tôi đi đâu? Harlem. Tôi cá là hắn ta định đưa chúng ta đến Harlem.”

T.J. nhìn ra ngoài cửa sổ. Một chiếc xe đang chạy song song với họ và chậm rãi vượt lên. Cô đập thật mạnh vào cửa sổ.

“Cứu!” Cô gào to. “Làm ơn đi…”

Người lái xe liếc cô một lần, rồi lần nữa, vẻ không bằng lòng. Anh ta giảm tốc độ và lùi lại sau họ nhưng chiếc taxi đã đột ngột quặt vào đường nhánh xuống Queens, vòng vào một con phố và chạy dọc theo một khu nhà kho trống trải. Có lẽ họ đã phải chạy với tốc độ hơn sáu mươi dặm[2] một giờ.

“Ông đang làm cái trò gì thế?”

T.J. đập vào tấm kính chắn. “Chạy chậm lại. Chúng ta đang ở đâu?”

“Ôi, trời ơi, không”, John thì thầm. “Nhìn kìa.”

Người tài xế đã đeo một chiếc mặt nạ trượt tuyết.

“Ông muốn gì?” T.J. hét lên.

“Tiền à? Chúng tôi sẽ đưa tiền cho ông.”

Nhưng phía trước xe vẫn im lặng.

T.J. mở tung chiếc túi hiệu Targus của cô và lôi chiếc máy tính xách tay màu đen ra. Cô ngả người về phía sau và phang góc máy tính vào cửa sổ. Kính vẫn còn nguyên vẹn mặc dù tiếng đập có vẻ đã làm người tài xế hết hồn. Chiếc taxi đổi hướng và suýt đâm vào bức tường của toà nhà họ vừa chạy qua.

“Tiền? Bao nhiêu? Tôi sẽ đưa cho ông rất nhiều tiền!” John lắp bắp, nước mắt rơi lã chã xuống hai cái má béo phị của anh ta.

T.J phang máy tính vào cửa sổ thêm một lần nữa. Cú phang mạnh đến nỗi màn hình bắn ra nhưng cửa sổ vẫn y nguyên.

Cô thử lại lần nữa, thân máy tính mở tung và rơi khỏi tay cô.

“Mẹ kiếp…”

Cả hai lao mạnh về phía trước khi chiếc xe trượt bánh trên đường và dừng lại trên một ngõ cụt tăm tối, bẩn thỉu.

Người lái xe chui ra khỏi xe, trong tay hắn là một khẩu súng lục nhỏ.

“Đừng, xin ông”, cô van xin.

Hắn ta đi ra phía sau xe và cúi người xuống, nhìn qua lớp kính bị trầy xước. Hắn đứng đó khá lâu trong khi cô và John lùi lại phía sau, dựa vào cánh cửa đối diện, thân thể đầm mồ hôi của họ dán vào nhau. Người tài xế khum tay che ánh đèn đường và nhìn họ thật gần.

Bất ngờ có tiếng nổ vang rền trong không trung. T.J. co rúm người. John thét lên một tiếng.

Phía xa, đằng sau người lái xe, bầu trời tràn ngập những chấm lửa xanh đỏ. Lại có thêm những tiếng nổ và tiếng rít. Hắn ta quay lại và nhìn lên trong khi một con nhện khổng lồ màu da cam đang trải mình phía bên trên thành phố.

Pháo hoa, T.J. nhớ lại tờ Thời báo: Món quà của Thị trưởng và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho các đoàn đại biểu, chào mừng họ tới thành phố vĩ đại nhất thế giới.

Người lái xe quay lại chiếc taxi. Hắn ta kéo tay nắm cửa với một tiếng động lớn và từ từ mở cửa.

Một cuộc gọi nặc danh. Như mọi khi

Như thế thì chẳng có cách gì kiểm tra xem người báo tin có định nói về khu đất hoang nào. Trung tâm gọi đến: “Anh ta nói Ba mươi bảy gần Mười một. Chỉ có thế thôi.”

Những người báo tin thường không biết rõ hướng tới hiện tượng vụ án.

Đã toát mồ hôi mặc dù lúc này mới có chín giờ sáng, Amelia Sachs đẩy một bệ cỏ cao. Cô đang tìm theo vạch – cách gọi của những người làm việc tại hiện trường vụ án – một sơ đồ hình chữ S. Chẳng có gì. Cô nghiêng đầu nói vào cái mic kẹp trên ve bộ đồng phục màu xanh hải quân của cô.

“5885. Không tìm thấy gì, thưa Trung tâm. Các anh có yêu cầu gì thêm không?”

Người trực tổng đài nói qua tiếng lẹt xẹt tĩnh điện: “Không cần gì tại đó nữa, 5885. Nhưng có một điều… người báo tin nói anh ta hi vọng nạn nhân đã chết. Nghe rõ.”

“Trung tâm, xin nhắc lại.”

“Người báo tin này nói anh ta hi vọng nạn nhân đã chết. Vì lợi ích của chính nạn nhân. Nghe rõ.”

“Nghe rõ.”

Hy vọng nạn nhân đã chết?

Sachs leo qua một dây xích rũ xuống và tìm một khoảng trống khác. Không có gì.

Cô muốn bỏ cuộc. Gọi đến 10-90, báo cáo vô căn cứ, và quay trở lại với Deuce, khu tuần tra thường xuyên của cô. Đầu gối cô bị đau và cô đang nóng như bị hầm trong cái thời tiết tháng Tám tệ hại này. Cô muốn lẻn vào Ban quản lí Cảng, nói chuyện với các chàng trai và uống một hộp trà đá Arizona. Sau đó, lúc 11:30 – chỉ cách đó một, hai giờ đồng hồ – cô có thể đã dọn dẹp tủ đồ đạc của mình ở Nam Midtown[3] và chuẩn bị đi tập.

Nhưng cô không, không thể thì đúng hơn, bỏ qua cuộc gọi này. Cô tiếp tục đi: dọc theo vỉa hè nóng bức, qua khoảng trống giữa hai khu đất hoang và một khu vườn nhiều cây cối khác.

Ngón tay trỏ rất dài của cô thọc vào chiếc mũ đồng phục đỉnh phẳng, qua những lớp tóc đỏ dày được búi cao trên đầu. Cô gãi mạnh khi chạm đến phía dưới chiếc mũ, rồi gãi thêm một lúc nữa. Mồ hôi chảy dọc trán cô buồn buồn và cô gãi lông mày.

Suy nghĩ: Hai giờ cuối cùng của mình ngoài phố. Mình chịu được.

Khi Sachs đi sâu hơn vào bụi cây, cô cảm thấy sự bất ổn đầu tiên trong buổi sáng hôm nay.

Ai đó đang nhìn mình.

Gió nóng thổi xào xạc trên những bụi cây khô, xe hơi và xe tải ầm ĩ qua lại Đường hầm Lincoln. Cô nghĩ tới điều mà một sĩ quan tuần tra thường làm: thành phố này quá ầm ĩ đến mức ai đó có thể lẻn tới sau mình, trong tầm dao, mà mình không hề hay biết.

Hoặc phóng ra những tia nhìn thép chiếu vào lưng mình…

Cô quay lại thật nhanh.

Chẳng có gì ngoài những chiếc lá, những cỗ máy rì rầm và rác rưởi. Trèo lên một đống đá, mặt mũi cau có. Amelia Sachs – ba mươi mốt tuổi – gần được ba mươi mốt, mẹ cô chắc sẽ nói thế – đã bị viêm khớp. Cô được thừa kế chứng bệnh đó từ ông ngoại, cũng rõ ràng như cô đã nhận được thân hình mảnh dẻ từ mẹ, vẻ ngoài xinh đẹp cũng như sự nghiệp từ cha (màu tóc đỏ thì tuỳ theo suy đoán của mọi người). Lại thêm một cơn đau nhói khi cô đi qua một bức rèm được tạo thành từ các bụi cây chết khô cao ngất. Cô may mắn dừng lại khi chỉ cách cái vách sâu ba mươi feet[4] đúng một bước chân.

Phía dưới cô là một cái khe tối tăm – cắt sâu xuống nền đá của West Side. Chạy qua đó là đường sắt Amtrak cho những đoàn tàu đi lên phía bắc.

Cô hé mắt, liếc nhìn đáy khe cách không xa nền đường sắt.

Cái gì thế?

Một vòng tròn đất mới lật, một nhánh cây nhỏ cắm bên trên? Trông nó giống như…

Ôi! Lạy chúa!

Một cảnh tượng làm cô rùng mình. Cảm thấy cơn buồn nôn dâng lên, châm vào da của cô như một làn sóng lửa. Cô kìm nén được cái phần nhỏ nhoi trong cô, cô muốn quay đi chỗ khác và làm ra vẻ như mình chưa hề trông thấy gì.

Anh ta hi vọng nạn nhân đã chết. Vì chính nạn nhân.

Cô chạy theo chiếc cầu thang sắt dẫn tới vỉa hè xuống phía dưới nền đường. Cô vươn tay và định bám vào tay vịn cầu thang nhưng cô đã kịp dừng lại. Khốn kiếp. Thủ phạm có thể tẩu thoát theo đường này. Nếu chạm vào đó, cô có thể xoá mất dấu tay hắn để lại. Được, ta làm cách khó vậy. Thở thật sâu để nén cơn đau khớp, cô bắt đầu trèo xuống theo mặt đá, cố lùa đôi giày mới của cô – đôi giày được đánh bóng như gương cho ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ mới – vào những khe đá nứt. Cô nhảy từ độ cao bốn feet xuống nền đường và chạy tới nấm mồ.

“Ôi, trời…”

Đó không phải là một nhánh cây nhô lên khỏi mặt đất mà là một cánh tay. Thân thể bị chôn đứng và đất được đắp lên tới cánh tay, cổ tay và bàn tay thò ra ngoài. Cô nhìn chằm chằm vào ngón đeo nhẫn; tất cả thịt đã bị bóc sạch và một chiếc nhẫn kim cương của phụ nữ có hình ly cocktail được lồng vào đoạn xương máu me, trần trụi.

Sachs quỳ xuống và bắt đầu đào.

Cô đào bới làm cho đất bắn tung toé, cô nhận thấy những ngón tay chưa bị cắt trông xiên xẹo và kéo dãn ngoài mức có thể uốn cong. Điều đó nói với cô rằng nạn nhân vẫn còn sống khi bị những xẻng đất cuối cùng hất vào mặt.

Và có thể vẫn còn sống.

Sachs giận dữ đào chỗ đất còn tơi, cắt tay vào mảnh chai, máu đen của cô trộn lẫn với màu đất còn đen hơn. Sau đó, cô đào đến tóc và vầng trán phía dưới, vầng trán đã xanh xám lại vì thiếu oxy. Tiếp tục đào cho tới khi cô có thể nhìn thấy hai con mắt mờ đục và cái miệng đã bị vặn xoắn thành vẻ mặt kinh hoàng khi nạn nhân cố gắng trong một vài giây cuối cùng để ngoi lên khỏi đợt thuỷ triều đất đen.

Không phải là một phụ nữ. Dù tay đeo chiếc nhẫn. Đó là một người đàn ông trên năm mươi tuổi, đậm người. Chết khi đất vùi kín anh ta.

Lùi lại phía sau, cô không thể rời mắt khỏi cái xác chết và suýt vấp phải đường tàu. Cô không thể nghĩ được điều gì khác trong gần một phút. Ngoài việc nếu bị chết như thế thì sẽ ra sao.

Sau đó: Nào, em yêu. Em đã tự dẫn mình đến hiện trường vụ án và em là sĩ quan đầu tiên có mặt tại hiện trường.

Em biết phải làm gì chứ:

ADAPT

A là Arrest: bắt kẻ tình nghi.

D là Detain: thẩm tra nhân chứng và vật chứng.

A là Assess: đánh giá hiện trường vụ án.

P là….

P là gì nhỉ?

Cô nghiêng đầu nói vào mic. “5885 gọi Trung tâm. Báo cáo tiếp. Tôi gặp 10-29 trên đường tàu hoả ở Đại lộ Ba mươi tám và Mười một. Giết người, nghe rõ. Cần thám tử, CS[5], xe bus, và bác sĩ pháp y. Nghe rõ.”

“Đã rõ, 5885. Nghi phạm đã bị bắt chưa, nghe rõ?”

“Không có nghi phạm.”

“Năm-tám-tám-năm, nghe rõ”

Sachs nhìn chằm chằm vào ngón tay, ngón tay bị lóc thịt đến tận xương. Một chiếc nhẫn không phù hợp. Hai con mắt. Và vẻ mặt nhăn nhúm… Ôi, cái vẻ mặt nhăn nhúm kinh dị này. Cơn rùng mình chạy dọc cơ thể cô. Amelia Sachs đã từng bơi với rắn trong những con sông khi đi nghỉ hè và đã từng huênh hoang một cách chân thực rằng, cô không có vẫn đề gì khi chơi bungee-jumping[6] từ cây cầu cao một trăm feet. Nhưng cứ để cô nghĩ về sự giam cầm… nghĩ tới việc bị rơi vào bẫy, hoàn toàn bất động thì cơn hoảng loạn sẽ tóm lấy cô như bị sốc điện. Đó là lí do vì sao Sachs đi nhanh và lái xe như chớp.

Khi ta di chuyển, chúng không thể bắt được ta…

Cô nghe thấy một tiếng động và ngẩng đầu.

Tiếng ầm ầm, sâu và ngày càng lớn hơn.

Những mẩu giấy vụn bay tung trên đường ray. Những đám bụi bay quanh cô như những con ma giận dữ.

Sau đó là tiếng rền rĩ nhỏ…

Sĩ quan tuần tra Amelia Sachs, chỉ cao một feet chín, thấy mình đang đối diện với một chiếc đầu máy xe lửa nặng ba mươi tấn của Amtrak, một khối sắt đỏ, trắng và xanh đang lao tới với tốc độ mười dặm một giờ.

“Dừng lại ngay!” Cô hét lên.

Người kỹ sư lờ cô đi.

Sachs nhảy vào, đứng ngay giữa đường ray, giạng chân, vẫy tay ra hiệu cho anh ta dừng lại. Chiếc đầu máy kêu rít lên rồi dừng lại. Người kĩ sư thò đầu ra ngoài cửa sổ.

“Anh không đi qua đây được”, cô nói với anh ta.

Anh ta hỏi ý cô là gì. Cô nghĩ anh ta trông quá trẻ để có thể lái đoàn tàu lớn như vậy.

“Đây là hiện trường vụ án. Vui lòng tắt động cơ.”

“Thưa quý cô, tôi không hề nhìn thấy hiện trường vụ án nào cả.”

Nhưng Sachs không nghe. Cô đang nhìn lên khoảng trống trong chuỗi xích bên phía tây của cây cầu tàu phía trên, gần Đại lộ Mười một.

Chỉ có thể có một cách để đưa xác chết đến đây mà không bị phát hiện – đỗ xe ở Đại lộ Mười một và kéo xác qua một con đường hẹp dẫn đến vách đá. Còn trên Đại lộ Ba mươi bảy, chỗ giao lộ, hắn ta có thể bị phát hiện từ hai tá cửa sổ của các căn hộ.

“Đoàn tàu này, thưa ngài. Xin cứ để nó đấy.”

“Tôi không thể để nó ở đây được.”

“Vui lòng tắt động cơ.”

“Chúng tôi không tắt động cơ của những con tàu kiểu này. Lúc nào chúng cũng chạy.”

“Và hãy gọi điện cho điều phối viên. Hay ai đó. Yêu cầu họ dừng cả các đoàn tàu đi về phía nam.”

“Chúng tôi không được làm thế.”

“Ngay bây giờ. Tôi có thể lấy số của chiếc xe đó, được không?”

“Chiếc xe?”

“Tôi khuyên anh nên làm ngay”, Sachs quát.

“Cô định làm gì, thưa quý cô? Gắn phiếu phạt tôi chắc?”

Nhưng Amelia Sachs đã lại trèo lên trên bức tường đá, các khớp xương đáng thương của cô kêu cót két, môi cô cảm thấy vị bụi đá vôi, đất sét và mồ hôi của chính mình. Cô chạy về phía con đường cô vừa nhìn thấy từ dưới kia, sau đó quay lại, nghiên cứu Đại lộ Mười một và Trung tâm Javits ở bên kia đường. Gian đại sảnh đầy người – những người đến xem và báo chí. Một biểu ngữ khổng lồ tuyên bố Chào mừng các đại biểu Liên Hiệp Quốc! Nhưng sáng hôm nay, khi con phố vắng người, tên tội phạm có thể dễ dàng tìm thấy một nơi đỗ xe ở đây là kéo cái xác đến đường ray mà không bị phát hiện. Sachs chạy tới Đại lộ Mười một, nghiên cứu đại lộ sáu làn xe đang tắc nghẽn.

Làm thôi!

Cô khó nhọc vượt qua một biển xe hơi, xe tải và chặn làn đường đi lên phía bắc. Mấy người lái xe cố chạy vớt, cô đã phải xé hai phiếu phạt và sau cùng cô kéo thùng rác ra giữa phố như một chiến lũy để đảm bảo những người dân lương thiện thực hiện nghĩa vụ công dân của họ.

Cuối cùng thì Sachs cũng đã nhớ ra quy tắc tiếp theo trong các quy tắc ADAPT của sĩ quan đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ án.

P là Protect: bảo vệ hiện trường vụ án.

m thanh của những chiếc còi xe giận dữ bắt đầu tràn ngập bầu trời buổi sáng mờ sương, sau đó được thay thế bằng những tiếng thét giận dữ hơn của các tài xế. Một lúc sau, cô nghe tiếng còi hụ tham gia ầm ĩ khi những chiếc xe khẩn cấp đầu tiên lao tới.

Bốn mươi phút sau, nơi này tràn ngập cảnh phục và các điều tra viên, có đến vài chục người – đông hơn vụ diễn ra tại Hell’s Kitchen rất nhiều, bất kể là nguyên nhân cái chết có khinh khủng hơn đến mấy. Nhưng Sachs đã học được từ những cảnh sát khác, đây là một vụ nóng, một vụ thu hút báo giới – nạn nhân có thể là một trong những hành khách đến sân bay JFK[7] đêm trước, bắt taxi vào thành phố. Họ có thể không bao giờ về được đến nhà.

“CNN[8] đang theo dõi.” Một người mặc cảnh phục thầm thì.

Vì thế Amelia Sachs không ngạc nhiên khi thấy Vince Peretti tóc vàng, giám đốc IRD[9], bộ phận theo dõi đơn vị hiện trường vụ án, trèo qua hàng rào và dừng lại lúc anh ta phủi bộ vét trị giá cả nghìn đô la của mình.

Cô ngạc nhiên khi thấy anh nhận ra cô và ra hiệu cho cô, một nụ cười giả tạo xuất hiện trên khuôn mặt sắc nét của anh ta. Cô nhận ra rằng cô sẽ nhận được một cái gật đầu cảm ơn về hành động Cliffhanger[10] vừa rồi. Bảo vệ dấu tay trên cái cầu thang đó, các chàng trai. Có thể sẽ có cả khen ngợi. Trong giờ tuần tra cuối cùng của ngày làm việc cuối cùng ở Đội Tuần tra. Ra đi với ánh hào quang của sự vẻ vang.

Anh ta nhìn cô từ trên xuống dưới. “Sĩ quan tuần tra, cô không phải là lính mới, đúng không? Giả định của tôi đúng chứ?”

“Tôi xin lỗi, thưa ngài?”

“Cô chắc không phải lính mới, tôi giả định thế.”

Cô không phải lính mới, không tuân theo quy tắc, mặc dù cô mới có ba năm phục vụ, khác với hầu hết các sĩ quan tuần tra khác ở độ tuổi cô; họ đã có chín hay mười năm phục vụ. Sachs bị lỡ mất mấy năm trước khi vào học viện. “Tôi không biết ngài định hỏi gì.”

Anh ta trông bực tức, nụ cười biến mất khỏi khuôn mặt. “Cô là sĩ quan đầu tiên có mặt tại hiện trường, đúng vậy không?”

“Vâng, thưa ngài”

“Vì sao cô lại chặn Đại lộ Mười một? Cô nghĩ gì vậy?”

Cô nhìn dọc theo con phố rộng vẫn đang bị cái thùng rác chiến lũy của cô chặn lại. Cô đã quen với tiếng còi nhưng giờ mới nhận ra là nó rất ồn, dòng xe kéo dài tới vài dặm.

“Thưa ngaì, nhiệm vụ đầu tiên của một sĩ quan là bắt nghi phạm, thẩm vấn mọi nhân chứng, bảo vệ…”

“Tôi biết quy tắc ADAPT, sĩ quan ạ. Cô chặn phố để bảo vệ hiện trường vụ án à?”

“Vâng thưa ngài. Tôi không nghĩ rằng nghi phạm sẽ đỗ xe tại giao lộ. Hắn ta có thể dễ dàng bị trông thấy từ các căn hộ trên kia. Ngài nhìn thấy chứ, trên kia? Đại lộ Mười một có thể là lựa chọn tốt hơn.”

“Được. Nhưng đó là một sự lựa chọn sai lầm. Không có dấu chân ở phía bên kia đường ray, và có hai loạt dấu chân đi lên cầu thang tới Đai lộ Ba mươi bảy.”

“Tôi đã chặn cả Đại lộ Ba mươi bảy nữa.”

“Đó là ý tôi. Đó là tất cả những gì cần chặn. Còn đoàn tàu?” Anh ta hỏi. “Vì sao cô lại chặn đoàn tàu?”

“Vâng thưa ngài. Tôi nghĩ rằng một đoàn tàu đi qua hiện trường có thể làm ảnh hưởng đến chứng cứ. Hay cái gì đó.”

“Hay cái gì đó, sĩ quan?”

“Tôi diễn đạt ý mình không được tốt lắm, thưa ngài. Ý tôi là…”

“Còn sân bay Newark thì sao?”

“Vâng thưa ngài.” Cô nhìn quanh tìm sự giúp đỡ. Có mấy sĩ quan ở gần đó, nhưng họ đang bận phớt lờ người bị quở trách. “Chính xác thì Newark là thế nào?”

“Sao cô không đóng cửa nó luôn đi?”

Ồ, tuyệt vời. Một bài học. Đôi môi Julia Roberts của cô căng lên nhưng cô nói vừa phải. “Thưa ngài, theo nhận định của tôi, có thể là…”

“Xuyên lộ New York cũng có thể là lựa chọn tốt. Jersey Pike và Xxa lộ Long Island. I-70 và các con đường đến St.Louis. Đó cũng có thể là phương cách trốn chạy.”

Cô hơi cúi đầu và nhìn lại Peretti. Hai người cao bằng nhau dù đế giày của anh ta cao hơn.

“Tôi có điện thoại từ ngài chánh thanh tra.” Anh ta tiếp tục. “Từ giám đốc của Ban quản lý Cảng, văn phòng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, giám đốc triển lãm..” Anh ta hất đầu về phía Trung tâm Javits. “Chúng ta đã phá hỏng lịch trình hội nghị, bài phát biểu của một thượng nghị sĩ Mỹ và toàn bộ giao thông bên West Side. Đường ray cách nạn nhân mười lăm feet còn con phố mà cô chặn lại cách chỗ đó một trăm feet và trên đó ba mươi feet. Ý tôi là ngay cả Bão Eve cũng không ảnh hưởng như vậy tới Hành lang Đông Tây của Amtrak.”

“Tôi chỉ nghĩ rằng…”

Peretti cười. Vì Sachs là một phụ nữ đẹp – trong những năm tháng “chìm đắm” của cô trước khi gia nhập Học viện Cảnh sát, có thời gian cô đã làm việc thường xuyên cho Công ty Người mẫu Chantelle – nên viên cảnh sát lựa chọn tha thứ cho cô.

“Tuần tra viên Sachs” – anh ta liếc nhìn bảng tên trên ngực cô, được dán một cách đơn giản trên chiếc áo chống đạn hiệu American Body Armor – “một bài học. Nhiệm vụ tại hiện trường vụ án là một việc đòi hỏi sự cân bằng. Sẽ rất tốt nếu chúng ta có thể rào cả thành phố sau mỗi vụ giết người và thẩm vấn ba triệu người. Nhưng chúng ta không thể làm điều đó. Tôi nói điều này là có tính xây dựng. Để khai sáng cho cô”.

“Trên thực tế, thưa ngài”, cô nói cộc cằn. “Tôi sắp chuyển khỏi Đội Tuần tra. Điều đó có hiệu lực từ trưa hôm nay.”

Anh ta gật đầu, cười vui vẻ. “Thế thì nói đủ rồi. Nhưng để biết thôi, có phải cô quyết định dừng đoàn tàu và phong tỏa đường phố?”

“Đúng vậy, thưa ngài”, cô nói một cách dứt khoát. “Không có sai lầm nào trong việc đó cả.”

Anh ta viết điều này vào cuốn sổ theo dõi màu đen của mình với nét bút mạnh mẽ bằng chiếc bút máy dính đầy mồ hôi.

Ôi, làm ơn đi…

“Còn bây giờ, chuyển những thùng rác ấy đi. Cô sẽ điều khiển giao thông đến khi đường thông. Cô có nghe rõ tôi nói không?”

Không “vâng, thưa ngài”, hay “không, thưa ngài”, hay bất kỳ sự khẳng định nào khác, cô đi ra Đại lộ Mười một và bắt đầu chậm chạp di chuyển những chiếc thùng rác. Người lái xe nào đi ngang cô cũng cau có hoặc lẩm bẩm điều gì đó. Sachs nhìn đồng hồ.

Còn một tiếng nữa.

Mình chịu được.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 2


Với một cú vẫy cánh ngắn, con chim ưng đỗ xuống rìa cửa sổ. Ánh sáng bên ngoài, vào giữa buổi sáng, thật rực rỡ và không khí có vẻ nóng dữ dội.

“Mày đây rồi”, người đàn ông thầm thì. Sau đó anh ta ngẩng đầu khi nghe tiếng chuông cửa ở tầng dưới.

“Có phải ông ta không?” Anh hét về phía cầu thang. “Phải không?”

Lincoln Rhyme không nghe thấy tiếng trả lời và quay lại cửa sổ. Con chim xoay đầu, một động tác nhanh, dữ dằn nhưng đối với loài chim ưng nó lại thật lịch thiệp. Rhyme thấy móng nó dính máu. Một miếng thịt đang đung đưa dưới cái mỏ khoằm hình vỏ quả hạch màu đen bị vỡ. Nó vươn cái cổ ngắn và thả lỏng mình trong tổ những cử động khiến ta nhớ tới loài rắn chứ không phải loài chim. Con chim ưng thả miếng thịt vào cái miệng đang ngửa lên của một con chim non màu xanh lông lá. Ta đang nhìn, Rhyme nghĩ, vào một tạo vật sống duy nhất ở New York mà không có thú săn bắt. Có lẽ ngoại trừ chính Chúa Trời.

Anh nghe thấy tiếng chân bước chậm chạp lên cầu thang.

“Có phải ông ta không?”Anh hỏi Thom.

Người thanh niên trả lời: “Không.”

“Ai đó? Chuông cửa vừa kêu, đúng không?”

Ánh mắt Thorn hướng về cửa sổ. “Con chim đã quay lại rồi. Nhìn này, có vết máu trên bậu cửa sổ của anh. Anh thấy không?”

Con chim ưng cái dần xuất hiện trong tầm nhìn. Xanh xám như một con cá, óng ánh ngũ sắc. Đầu nó ngẩng lên nhìn bầu trời.

“Chúng luôn đi cùng nhau. Chúng có kết bạn cả đời không nhỉ?” Thom tự hỏi thành tiếng. “Như ngỗng trời ấy?”

Ánh mắt Rhyme quay lại nhìn Thom, anh chàng này đang cúi cái eo lưng trẻ trung, gọn gàng của mình ngắm nhìn cái tổ qua cánh cửa sổ vấy bẩn.

“Ai thế?” Rhyme nhắc lại. Chàng thanh niên đang bị kẹt, điều này làm Rhyme khó chịu.

“Một người khách.”

“Một người khách? Ha.” Rhyme khịt mũi. Anh cố nhớ lại người khách cuối cùng đã ở đây. Chắc phải đến ba tháng trước. Đó là ai nhỉ? Một phóng viên, có thể, hay một người họ hàng xa. À, Peter Taylor, một trong những chuyên gia cột sống của Rhyme. Và Blaine cũng đến vài lần. Nhưng cô ấy tất nhiên không phải là người-khách.

“Lạnh quá”, Thom than phiền. Phản ứng của anh ta là mở cửa sổ. Sự thỏa mãn tức thì. Tuổi trẻ.

“Đừng mở cửa sổ”, Rhyme hạ lệnh. “Và nói cho tôi biết đấy là ai.”

“Lạnh quá.’

“Cậu đang làm phiền con chim đấy. Cậu có thể giảm điều hòa nhiệt độ. Tôi sẽ giảm điều hòa.”

“Chúng ta ở đây trước”, Thom nói, nâng tiếp cánh cửa sổ to tướng lên. “Con chim chuyển đến khi đã biết rất rõ về anh.” Con chim ưng nhìn về phía tiếng ồn, giận dữ. Nhưng chúng luôn luôn nhìn giận dữ như thế. Chúng vẫn đậu trên thành cửa sổ, làm chủ khoảng đất của mình trên những ngọn cây bạch quả xanh xao và những người đỗ xe bên kia phố.

Rhyme nhắc lại. “Ai vậy?”

“Lon Sellitto”.

“Lon?”

Hắn ta làm gì ở đây thế?

Thom nhìn căn phòng. “Chỗ này thật lộn xộn."

Rhyme không thích phải bận bịu dọn dẹp. Anh không thích sự hối hả, không thích tiếng ồn của máy hút bụi – thứ mà anh cảm thấy thực sự khó chịu. Anh thấy thoải mái ở đây, thực sự như vậy. Căn phòng này, anh gọi là văn phòng của anh, nằm trên tầng hai của ngôi nhà theo phong cách gothic ở Upper West Side của thành phố, nhìn ra Công viên Trung tâm. Căn phòng rộng, hai mươi nhân hai mươi, và gần như từng foot vuông của nó đều có đồ. Đôi khi anh nhắm mắt, chơi một trò chơi cố gắng phân biệt mùi của những đồ vật khác nhau trong phòng. Hàng nghìn cuốn sách và tạp chí, xếp thành từng chồng nghiêng như Tháp Pisa, những cái bóng bán dẫn nóng rực trong ti vi. Cái bóng đèn phủ bụi, một cái bảng ghim giấy. Mùi của nhựa vinyl, nước oxy già, nhựa mủ và vải bọc ghế.

Ba loại whisky Scotch dòng thuần mạch nha khác nhau.

Con chim ưng kia.

“Tôi không muốn gặp hắn ta. Nói với hắn ta tôi bận.”

“Và một cậu cảnh sát trẻ tuổi. Ernie Banks. Không, anh ta là một cầu thủ bóng chày, đúng không? Thực sự anh phải để tôi dọn dẹp. Anh không bao giờ nhận ra một chỗ có thể bẩn thỉu đến thế nào cho tới khi có người nói cho anh hay.”

“Nói cho anh hay? Trời, nghe có vẻ hoài cổ. Thời Victoria. Điều này nghe thế nào? Bảo với họ biến khỏi đây. Thế nghe có đạo đức hơn không?”

Lộn xộn…

Thom đang nói về căn phòng nhưng Rhyme lại cho rằng anh ta ám chỉ cả sếp của mình.

Tóc Rhyme đen và dày như tóc một thanh niên mới hai mươi tuổi – mặc dù anh gấp đôi – nhưng những lọn tóc lại lộn xộn và bờm xờm, cần được cắt gội. Mặt anh lởm chởm râu ba ngày chưa cạo, trông bẩn thỉu, và anh có thể thức giấc với cảm giác buồn buồn ngứa ngáy không ngừng trong tai, có nghĩa là lông ở đó cũng cần phải được cắt tỉa. Móng Rhyme dài, cả ở chân lẫn tay, và anh mặc bộ quần áo suốt một tuần – một bộ pyjama sọc, xấu kinh khủng. Mắt anh hẹp, nâu đậm và nằm trên một khuôn mặt mà như Blaine thỉnh thoảng nói với anh, trông giàu tình cảm và có thể coi là đẹp trai.

“Họ muốn nói chuyện với anh”, Thom tiếp tục. “Họ nói đó là việc rất quan trọng.”

“Ừ, hoan hô họ.”

“Anh không gặp Lon cả năm nay rồi.”

“Vì sao điều đó lại có nghĩa tôi phải gặp hắn ta lúc này? Cậu có làm cho con chim sợ không? Tôi sẽ rất bực nếu cậu làm nó sợ.”

“Quan trọng đấy, Lincoln.”

“Rất quan trọng. Tôi nhớ cậu đã nói thế. Bác sĩ đâu nhỉ? Ông ta có thể đã gọi điện đến. Lúc nãy tôi ngủ gật. Còn cậu đang ở ngoài.”

“Anh tỉnh dậy từ lúc sáu giờ sáng.”

“Không”. Rhyme dừng lại. “Tôi có dậy, đúng. Nhưng sau đó tôi lại ngủ gật. Giọng tôi nghe buồn ngủ lắm. Cậu đã kiểm tra tin nhắn chưa?”

Thom nói: “Rồi. Chẳng có gì của ông ta.”

“Ông ta nói ông ta sẽ đến vào tầm giữa buổi sáng."

“Bây giờ là mười một giờ hơn. Có lẽ chúng ta cũng chưa nên gọi tìm kiếm cứu nạn vội. Anh thấy thế nào?”

“Cậu có dùng điện thoại không?” Rhyme hỏi bất ngờ. “Có thể ông ta đã gọi đến khi cậu đang nghe máy.”

“Tôi có nói chuyện với…”

“Tôi có nói gì không?” Rhyme hỏi. “Giờ thì cậu tức giận rồi. Và tôi có nói là cậu không được dùng điện thoại không? Cậu được dùng chứ. Cậu luôn luôn được dùng. Ý của tôi chỉ là ông ta có thể gọi điện đến khi cậu đang nghe điện thoại.”

“Không, ý anh là sáng hôm nay phải thật tệ hại.”

“Lại nữa rồi. Cậu biết không, người ta có một thứ – gọi là chờ cuộc gọi. Cậu có thể nhận hai cuộc điện thoại một lúc. Tôi mong là chúng ta có dịch vụ này. Ông bạn cũ, Lon của tôi muốn gì thế nhỉ? Và bạn của hắn ta nữa, anh chàng cầu thủ bóng chày ấy mà.”

“Hỏi họ xem.”

“Tôi đang hỏi cậu.”

“Họ muốn gặp anh. Tôi chỉ biết thế thôi.”

“Có điều gì đó r… ất quan… trọng.”

“Lincoln.” Thom thở dài. Cậu thanh niên đẹp trai vò mớ tóc vàng của mình. Cậu ta đang mặc quần nâu và áo sơ mi trắng, đeo chiếc ca vát hoa xanh, thắt đẹp không chê vào đâu được. Khi thuê Thom một năm trước, Rhyme đã nói cậu ta có thể mặc áo phông và quần bò nếu cậu ta muốn. Nhưng hằng ngày cậu ta vẫn ăn mặc chỉnh tề, kể từ hồi đó. Rhyme không biết vì sao điều đó lại góp phần cho quyết định để cậu ta ở lại, nhưng đúng là có thế thật. Không một người nào trước Thom làm được quá sáu tuần. Số người tự bỏ việc đúng bằng số người bị đuổi.

“Được rồi, họ nói với cậu những gì?”

“Tôi nói với họ cho tôi mấy phút để bảo đảm anh ăn mặc tươm tất khi họ lên. Ngắn gọn thế thôi.”

“Cậu đã nói thế. Không hỏi ý kiến tôi. Cám ơn rất nhiều.”

Thom lùi mấy bước và gọi vọng xuống cầu thang dưới tầng một. “Lên thôi, thưa các quí ông.”

“Họ nói gì đó với cậu, đúng thế không?” Rhyme nói. “Cậu giấu tôi.”

Thom không trả lời còn Rhyme nhìn hai người đang lại gần. Khi họ vào phòng, Rhyme nói trước. Anh nói với Thom. “Hạ rèm xuống. Cậu đã chọc giận con chim quá mức rồi đấy.”

Nhưng điều đó thực ra có nghĩa là anh đã thấy quá đủ ánh nắng mặt trời.

Câm lặng.

Miếng băng dính hôi hám dán trên miệng làm cô không thể nói được, nó làm cô cảm thấy bất lực còn hơn chiếc còng đang bó chặt cổ tay cô. Hơn cả những ngón tay ngắn ngủn, mạnh mẽ của hắn đang bóp chặt bắp tay cô.

Người lái taxi, vẫn đeo mặt nạ trượt tuyết, dẫn cô đi theo một hành lang ẩm ướt, bụi bặm, dọc theo những hàng ống nước và ống cáp. Họ đang ở trong tầng hầm của một tòa nhà văn phòng. Cô chẳng biết là ở đâu.

Nếu mình có thể nói chuyện với hắn…

T.J. Colfax là một tay chơi. Một kẻ gớm ghiếc trên tầng ba của Morgan Stanley[11]. Một nhà đàm phán.

Tiền? Mày cần tiền? Tao sẽ đưa mày tiền, rất nhiều tiền. Hàng đống tiền. Cô đã nghĩ tới điều đó hàng chục lần, cố gắng bắt ánh mắt hắn ta, tựa như cô có thể thực sự đẩy ngôn ngữ vào đầu óc hắn.

Làm ơn đi, cô thầm van xin và bắt đầu nghĩ đến cách lấy tiền từ quỹ hưu trí của mình để đưa cho hắn. Ôi, làm ơn đi…

Cô nhớ lại đêm qua: Người đàn ông quay lại không nhìn pháo hoa, lôi họ ra khỏi taxi, còng tay họ. Hắn ném họ vào cốp và lái xe đi. Đầu tiên qua đoạn đường sỏi mấp mô và đoạn đường trải nhựa đầy ổ gà, sau đó là một đoạn đường êm, rồi lại xóc. Cô nghe thấy tiếng vèo vèo khi xe qua cầu. Lại cua, lại đoạn đường xóc. Cuối cùng, chiếc taxi dừng lại và người tài xế ra khỏi xe, hình như hắn ta mở một cánh cổng hay mấy cánh cửa. Hắn cho xe vào ga ra, cô nghĩ thế. Toàn bộ âm thanh của thành phố bị gián đoạn và tiếng ống xả xe hơi ngày càng lớn hơn, dội lại từ những bức tường xung quanh.

Rồi cốp xe bật mở và người đàn ông kéo cô ra. Hắn giật chiếc nhẫn kim cương từ ngón tay cô và đút vào túi. Sau đó, hắn dẫn cô đi qua những bức tường có những khuôn mặt ma quái, hình vẽ những con mắt đã phai nhạt nhìn cô chằm chằm, một tên đồ tể, một con yêu tinh, ba đứa trẻ đáng thương – được vẽ trên lớp vữa nát vụn. Kéo cô xuống tầng hầm tối và ném cô xuống sàn. Hắn đi lộp cộp lên gác, bỏ cô lại trong bóng tối, bao quanh là một mùi ghê đến phát ốm – mùi thịt thối, rác rưởi. Cô nằm ở đây hàng giờ, có ngủ được một chút, và khóc lóc rất nhiều. Cô bất ngờ tỉnh dậy khi nghe một tiếng động lớn. Một tiếng nổ sắc nhọn. Ngay gần. Rồi lại là giấc ngủ bất an.

Nửa giờ trước hắn lại đến chỗ cô. Dẫn cô ra cốp xe và lái đi khoảng hai mươi phút. Tới đây. Dù cô chẳng biết đây là chỗ nào.

Giờ thì họ đang bước trong một căn phòng mờ tối dưới tầng hầm. Ở giữa phòng là một cái cổng đen dày; hắn còng tay cô vào đấy, sau đó tóm chân cô kéo thẳng ra trước, đẩy cô ngồi dậy. Hắn quỳ xuống và trói chân cô bằng một sợi dây mảnh – việc này mất đến vài phút; hắn đeo đôi găng da. Sau đó hắn đứng lên, nhìn cô rất lâu, cúi xuống và phanh áo cô. Hắn vòng ra sau cô, và rồi cô thở gấp, cảm thấy bàn tay hắn trên vai cô, dò dẫm, bóp chặt xương bả vai.

Khóc lóc, van xin qua lớp băng dính.

Biết được điều gì sẽ xảy đến.

Hai bàn tay đi xuống dưới cánh tay cô, sau đó vòng xuống dưới và vòng qua phía trước thân người cô. Nhưng hắn không chạm vào ngực cô. Không, khi hai bàn tay đan lưới trên làn da cô. Hắn chọc và vuốt ve xương sườn cô. T.J rùng mình cố thoát ra. Hắn tóm lấy cô chặt hơn và săn sóc thêm chút nữa, ấn mạnh, cảm nhận sự đàn hồi của xương.

Hắn đứng dậy. Cô nghe thấy tiếng chân xa dần. Im lặng một lúc lâu, chẳng có gì ngoài tiếng rên rỉ của những chiếc máy điều hòa và thang máy. Rồi cô thốt ra một tiếng làu bàu kinh sợ vì một tiếng động ngay phía sau cô. Tiếng ồn lặp lại. Xoẹt. Xoẹt. Nghe rất quen, nhưng cô chẳng thể nhận ra. Cô cố quay lại xem hắn định làm gì nhưng không được. Cái gì thế nhỉ? Lắng nghe một âm thanh nhịp nhàng, lặp đi lặp lại. m thanh ấy đưa cô trở lại nhà mẹ cô.

Xoẹt. Xoẹt.

Sáng thứ Bảy, trong một căn nhà nhỏ ở Bedford, Tennessee. Đó là ngày duy nhất mẹ cô không đi làm và bà dành toàn bộ thời gian để dọn nhà. T.J. sẽ thức dậy khi mặt trời đã chiếu nắng nóng và chạy xuống nhà để giúp mẹ. Xoẹt. Cô khóc khi chợt nhớ tới kỷ niệm này, khi cô nghe âm thanh đó và tự hỏi vì sao hắn lại quét nhà cẩn thận với những nhát chổi chính xác và cẩn thận đến vậy.

Anh thấy sự ngạc nhiên và không thoải mái trên khuôn mặt họ.

Điều mà ta không thường xuyên thấy ở những viên cảnh sát điều tra án mạng của Thành phố New York.

Lon Sellito và anh chàng trẻ tuổi Banks (Jerry, không phải Ernie) ngồi xuống chỗ mà Ryhme vừa dùng cái đầu tổ quạ của anh ra hiệu cho họ ngồi: chiếc ghế mây bẩn thỉu, không thoải mái.

Ryhme đã thay đổi rất nhiều từ lần cuối cùng Sellitto đến đây và viên thám tử không giấu được cú sốc của mình. Banks thì không có tiêu chí nào để so sánh với những gì anh ta nhìn thấy, nhưng anh ta vẫn bị sốc như thường. Căn phòng nhếch nhác, một kẻ du mục đang nghi ngờ nhìn họ. Mùi thì quá chắc chắn – mùi nội tạng đang bao quanh một tạo vật được gọi là Linconl Ryhme.

Anh lấy làm tiếc là đã để họ lên.

“Sao anh không gọi điện trước hả, Lon?”

“Anh sẽ bảo chúng tôi đừng đến.”

Đúng thật.

Thom trèo lên cầu thang. Ryhme chặn trước.

“Không, Thom, chúng tôi sẽ không cần đến cậu.” Anh chợt nhớ là chàng thanh niên này luôn hỏi xem khách có muốn ăn uống gì không.

Đồ Martha Stewart[12] chết tiệt.

Im lặng một lúc. Sellitto to lớn, nhăn nhúm – một cựu chiến binh hai mươi năm – nhìn vào một cái hộp cạnh giường và bắt đầu nói. Điều anh ta định nói lập tức bị chặn lại khi anh ta nhìn thấy những cái bỉm dành cho người lớn.

Jerry Banks nói: “Tôi có đọc sách của ngài, thưa ngài.” Chàng cảnh sát trẻ tuổi này cạo râu thật kém, rất nhiều vết đứt. Còn vết bò liếm trên tóc anh ta trông thật duyên dáng! Lạy Chúa tôi, anh ta không thể quá mười hai tuổi được. Thế giới càng mệt mỏi, cư dân ở đó trông càng trẻ trung, Rhyme nghĩ.

“Cuốn nào vậy?”

“À, hướng dẫn về hiện trường vụ án, tất nhiên rồi ạ. Nhưng ý tôi là cuốn sách ảnh. Cuốn sách khoảng hai năm trước.”

“Trong đó cũng có cả chữ nữa. Thực ra, chủ yếu là chữ. Cậu có đọc nó không?”

“Ồ, tất nhiên rồi”, Banks nói nhanh.

Một chồng cao ngất các cuốn sách The Scenes of the Crime[13] còn lại đang dựa vào một bức tường trong phòng.

“Tôi không biết anh và Lon là bạn bè”, Banks nói thêm.

“À, Lon không cho cậu xem cuốn kỷ yếu sao? Cho cậu xem mấy bức ảnh? Xắn tay áo và chìa mấy cái sẹo rồi nói với cậu rằng những vết thương này tôi đã bị cùng Lincoln Rhyme?”

Sellitto không cười. Được thôi, mình có thể cho hắn ta ít thứ để cười hơn nếu hắn ta muốn. Viên thám tử có thâm niên đang lục lọi trong chiếc cặp của anh ta. Hắn ta có cái gì trong ấy nhỉ?

“Các anh đã cộng tác bao lâu rồi?” Banks hỏi, tìm cách nói chuyện.

“Có một động từ cho cậu đấy”, Rhyme nói và nhìn đồng hồ.

“Chúng tôi không phải cộng sự của nhau”, Sellito nói. “Tôi làm ở Ban Án mạng, anh ta là giám đốc IRD.”

“Ồ”. Bank mói, tỏ ra bị ấn tượng hơn nữa. Lãnh đạo IRD là một trong những công việc uy tín nhất trong sở.

“Ừ”, Rhyme nói trong khi nhìn ra ngoài cửa sổ, tựa hồ bác sĩ của anh sẽ tới qua con chim ưng. “Hai người lính ngự lâm”.

Bằng một giọng kiên nhẫn nhưng lại làm cho Rhyme khó chịu. Sellito nói: “Bảy năm liên tục, chúng tôi làm việc cùng nhau.’

“Những năm tháng tốt đẹp”, Rhyme nhấn nhá.

Thom cau có, nhưng Sellitto không nhận thấy sự mỉa mai này. Mà đúng hơn là lờ đi. Anh ta nói: “Chúng tôi có vấn đề, Lincoln. Chúng tôi cần giúp đỡ.”

Soạt. Chồng giấy đổ xuống cái bàn đầu giường.

“Giúp đỡ?” Tràng cười nổ ran từ chiếc mũi mà Blaine luôn ngờ rằng đó là sản phẩm của phẫu thuật thẩm mỹ, mặc dù không phải như vậy. Cô cũng luôn nghĩ rằng đôi môi của anh quá hoàn hảo (nếu thêm một vết sẹo, có lần cô đã đùa như vậy khi họ suýt cãi nhau). Mà tại sao hôm nay sự hiện diện đầy nhục cảm của cô lại cứ dâng mãi lên như vậy nhỉ, anh tự hỏi. Buổi sáng anh thức dậy với ý nghĩ về người vợ cũ của mình và tự nhiên muốn viết cho cô một lá thư, lá thư đó vẫn còn ở trên màn hình máy tính vào lúc này. Anh đang lưu nó vào đĩa. Sự im lặng tràn ngập cả căn phòng khi anh nhập lệnh vào máy tính bằng một ngón tay.

“Lincoln?” Sellitto hỏi.

“Vâng, thưa ngài. Sự giúp đỡ. Của tôi. Tôi nghe thấy.”

Banks vẫn giữ nụ cười không đúng chỗ trên mặt anh ta khi anh ta ngọ nguậy đầy khó chịu trên ghế.

“Tôi sắp có một cuộc hẹn, ngay bây giờ”, Rhyme nói.

“Một cuộc hẹn.”

“Một bác sĩ.”

“Thật không?” Banks hỏi, chỉ để cố gắng phá tan sự im lặng lại vừa tràn ngập căn phòng.

Không chắc lắm là cuộc nói chuyện đang đi đến đâu, Sellitto hỏi: “Anh thế nào?”

Banks và Sellitto không hỏi tới sức khỏe của anh khi họ tới. Đó là câu hỏi mọi người thường tránh khi họ gặp Lincoln Rhyme. Câu trả lời có thể sẽ rất phức tạp, và gần như chắc chắn là sẽ khó chịu.

Anh nói đơn giản: “Tôi ổn, cám ơn. Còn anh? Betty?”

“Chúng tôi đã li dị”, Sellitto nói nhanh.

“Thế à?”

“Cô ta được ngôi nhà còn tôi thì một nửa đứa con.” Viên cảnh sát lùn, đậm người với một giọng vui vẻ giả tạo, cứ như anh ta đa nói điều này trước đó, và Rhyme nói rằng có một chuyện đau đớn đằng sau cuộc chia tay. Câu chuyện mà anh chẳng hề muốn nghe. Tuy vậy, anh cũng chẳng ngạc nhiên khi thấy cuộc hôn nhân này thất bại. Sellitto là một con ngựa thồ. Anh ta là một trong khoảng một trăm thám tử hạng nhất trong lực lượng và đã từng giữ vị trí này nhiều năm – anh ta lên hạng vì có công trạng thực sự chứ không phải chỉ vì thâm niên. Anh ta làm việc tới tám mươi giờ một tuần. Rhyme không hề biết anh ta đã lấy vợ trong mấy tháng đầu tiên họ cùng làm việc.

“Giờ anh đang sống ở đâu?” Rhyme hỏi, hy vọng rằng một cuộc nói chuyện xã giao sẽ làm họ kiệt sức và biến đi.

“Brooklyn. Tại Heights. Đôi khi tôi đi bộ đi làm. Anh biết chế độ ăn kiêng định kỳ của tôi rồi chứ nhỉ? Vấn đề không phải ăn kiêng. Mà là tập luyện.”

Anh ta trông không béo hơn hay gầy hơn so với Lon Sellitto ba năm rưỡi trước đây. Hoặc Sellitto cách đây mười lăm năm.

Banks nói: “Vậy, anh nói đó là một bác sĩ. Để cho…”

“Một dạng điều trị mới à?” Rhyme hoàn thành câu hỏi. “Chính xác.”

“Chúc may mắn.”

“Cám ơn cậu rất nhiều”

Giờ là 11:36. Đã quá nửa buổi sáng từ lâu. Chậm trễ là điều không thể tha thứ đối với người làm trong ngành y.

Anh nhìn thấy Banks ngó chân anh hai lần. Anh tóm được cậu bé lần thứ hai và không ngạc nhiên khi thấy viên thám tử đỏ mặt.

Rhyme nói: “Tôi sợ rằng tôi không có thời gian để giúp đỡ các anh.’

“Nhưng bác sĩ vẫn chưa đến, đúng không?” Lon Sellitto hỏi bằng một giọng cứng rắn mà anh ta thường dùng để xuyên thủng các câu chuyện bịa đặt của những nghi phạm giết người.

Thom xuất hiện ở cửa với một ấm cà phê.

“Đồ ngốc”, Rhyme buột miệng.

“Lincoln quên mời các quý vị mấy thứ.”

“Thom đối xử với tôi như một đứa trẻ.”

“Nếu đúng thế”, anh chàng trợ lý trả miếng.

“Được rồi”, Rhyme thủng thẳng. “Mời dùng cà phê. Tôi sẽ uống ít sữa mẹ.”

“Quá sớm, quán vẫn chưa mở cửa.” Thom nói. Và anh ta cũng khiến mặt Rhyme ửng đỏ.

Ánh mắt Banks lại quét một lần nữa trên cơ thể Rhyme. Có thể cậu ta nghĩ chỉ toàn da bọc xương. Nhưng hiện tượng teo cơ đã chấm dứt không lâu sau tai nạn và những nhân viên vật lý trị liệu đầu tiên của anh đã làm anh kiệt sức với các bài tập. Thom cũng là một nhân viên vật lý trị liệu tốt, mặc dù đôi khi cậu ta giống như một thằng ngốc, nhưng những lần khác lại tỏ ra như một con gà mái già. Hằng ngày, cậu ta bắt Rhyme thực hiện các bài tập ROM[14] thụ động. Kỹ càng ghi lại các chỉ số đo góc – thang đo dùng để đo mức độ chuyển động được anh ta áp dụng vào từng khớp xương trong cơ thể Rhyme. Kiểm tra cẩn thận mức độ suy căng cơ khi cậu ta tập cho chân tay anh bằng những chu kỳ dang khép cố định. Bài tập ROM không phải phép màu nhưng nó tạo ra một chút rắn chắc cho cơ bắp, giảm những cơn co cứng làm ta đuối sức và giữ cho máu lưu thông. Với một người mà hoạt động cơ bắp chỉ giới hạn ở vai, đầu và ngón đeo nhẫn bên tay trái trong ba năm rưỡi thì tình trạng của Lincoln Rhyme không phải là tệ.

Viên thám tử trẻ rời mắt khỏi bảng điều khiển ECU[15] màu đen, rắc rối, nằm cạnh ngón tay Rhyme, được nối với những bộ điều khiển khác, những ống dẫn và dây cáp loằng ngoằng, được nối với một chiếc máy tính và một màn hình treo trên tường.

Cuộc đời của anh chàng đã bị trói buộc, trước đó rất lâu, một nhân viên trị liệu đã nói với Rhyme như thế. Ít nhất, đó là những anh chàng giàu có. Những anh chàng may mắn.

Sellitto nói: “Sáng nay có một vụ giết người ở West Side.”

“Chúng tôi nhận được báo cáo về một số người đàn ông, phụ nữ vô gia cư mất tích trong mấy tháng qua”, Banks nói. “Đầu tiên chúng tôi nghĩ có thể là một trong số họ. Nhưng không phải vậy”, cậu ta nói thêm đầy kịch tính. “Nạn nhân là một trong những người đêm qua.”

Rhyme tỏ vẻ trống rỗng trước khuôn mặt lấm chấm của chàng trai. “Những người?”

“Anh ta không xem thời sự”, Thom nói. “Nếu cậu nói về vụ bắt cóc thì anh ta chưa nghe đến.”

“Anh không xem thời sự?” Sellitto cười phá. “Ở SOB[16] anh đọc bốn tờ báo một ngày và ghi lại bản tin địa phương để xem khi đi làm về. Blaine nói với tôi một đêm anh gọi cô ấy là Katie Couric[17] trong khi làm tình.”

“Giờ tôi chỉ đọc văn học”, Rhyme nói một cách khoa trương, giả dối.

Thom nói thêm: “Văn học luôn là tin mới.”

Rhyme lờ cậu ta đi.

Sellitto nói: “Một người đàn ông và một phụ nữ đi công tác từ Bờ Biển về. Lên một chiếc Yellow Cab tại sân bay JFK. Không bao giờ về đến nhà.”

“Có báo cáo lúc khoảng mười một giờ ba mươi. Chiếc taxi chạy theo hướng BQE[18] tại khu Queens. Hành khách nam và nữ da trắng ngồi ghế sau. Có vẻ họ đã thử đập cửa sổ. Đập kính. Không người nào có thẻ ghi hay đeo hình trái tim có lồng ảnh.”

“Nhân chứng – người nhìn thấy chiếc taxi ấy có nhìn rõ tay tài xế không?”

“Không”.

“Hành khách nữ?”

“Không có dấu hiệu gì của cô ta.”

11:41. Rhyme đang điên tiết vì bác sĩ William Berger. “Làm ăn chán chết”, anh lầm bầm một cách trống rỗng.

Sellitto thở dài não nề.

“Tiếp đi, tiếp đi”, Rhyme nói.

“Anh ta đeo chiếc nhẫn của cô ta”, Banks nói.

“Ai đeo cái gì?”

“Nạn nhân. Người ta vừa tìm thấy anh ta sáng nay. Tay anh ta đeo chiếc nhẫn của người phụ nữ. Người hành khách kia.”

“Cậu chắc đấy là nhẫn của cô ta chứ?”

“Có tên viết tắt của cô ta ở mặt trong chiếc nhẫn.”

“Thế là anh có một đối tượng”, Rhyme tiếp tục, “kẻ muốn anh biết hắn ta đã bắt được người phụ nữ và cô ta vẫn còn sống”.

“Đối tượng gì?” Thom hỏi.

Sellitto nói khi Rhyme lại lờ cậu ta đi: “Đối tượng chưa biết.”

“Nhưng anh biết hắn làm thế nào để đeo vừa nó vào ngón tau nạn nhân không?” Banks hỏi, hơi nhướn mắt để thêm ấn tượng với Ryhme. “Cái nhẫn của cô ta ấy mà?”

“Tôi chịu.”

“Lóc hết da trên ngón tay anh ta. Hết sạch. Đến tận xương.’

Rhyme nặn ra nụ cười nhợt nhạt. “Hắn ta thông minh đấy chứ?”

“Vì sao lại là thông minh?”

“Để đảm bảo là không ai dám đến lấy chiếc nhẫn đi. Nó đầy máu, đúng không?”

“Kinh lắm.”

“Đầu tiên là rất khó nhận ra chiếc nhẫn. Rồi thì AIDS, viêm gan. Kể cả nếu ai đó nhận ra, nhiều người cũng sẽ bỏ qua món chiến lợi phẩm đó. Tên cô ta là gì, Lon?”

Viên thám tử lớn tuổi gật đầu ra hiệu với đồng nghiệp, anh này mở cuốn sổ ghi chép của mình.

“Tammine Jean Colfax. Cô ta hay dùng cách gọi T.J. Hai mươi tám tuổi. Làm việc cho Morgan Stanley.”

Rhyme nhận thấy Banks cũng đeo nhẫn. Một dạng nhẫn biểu tượng của trường học. Cậu chàng này bóng bẩy quá mức, chỉ đơn thuần là tốt nghiệp trung học hay Học viện Cảnh sát. Không có tí mùi quân đội nào ở cậu ta. Sẽ không ngạc nhiên nếu viên đá quý kia có tên là Yale[19]. Một thám tử điều tra án mạng ư? Thế giới này đang đi về đâu?

Viên cảnh sát trẻ ôm cốc cà phê bằng hai bàn tay đang run lẩy bẩy. Bằng một động tác nhỏ, Rhyme rê ngón tay đeo nhẫn trên bảng điều khiển ECU của công ty Everest & Jennings[20] được kẹp ở bàn tay trái của anh và bấm vào hệ thống phục vụ cá nhân một lệnh chỉnh giảm điều hòa nhiệt độ. Anh thường không mất công kiểm soát những thứ như lò sưởi và điều hòa mà dành sức cho những thứ cần thiết hơn như ánh sáng, máy tính và cái khung lật trang của anh. Nhưng khi phòng quá lạnh thì anh bị sổ mũi. Và đó là sự tra tấn thực sự đối với một anh chàng như anh.

“Không có thư đòi tiền chuộc à?” Rhyme hỏi.

“Chẳng có gì.”

“Anh là sĩ quan điều tra vụ này?” Rhyme hỏi Sellitto.

“Dưới quyền Jim Polling. Đúng thế. Và chúng tôi muốn anh nghiên cứu báo cáo hiện trường vụ án.”

Một tiếng cười nữa. “Tôi? Đã ba năm rồi tôi chưa đọc báo cáo hiện trường vụ án nào cả. Liệu tôi có thể nói gì với anh?”

“Anh có thể nói cho chúng tôi rất nhiều thứ, Linc.’

“Bây giờ ai là giám đốc IRD?”

“Vince Peretti.”

“Con trai của thượng nghị sĩ”, Rhyme nhớ lại. “Cứ để anh ta đọc đi.”

Một khoảnh khắc ngại ngùng. “Chúng tôi vẫn muốn anh.”

“Chúng tôi là ai?”

“Sếp trưởng. Và người bạn trung thành của anh.”

“Thế còn, Đại úy Peretti sẽ cảm thấy ra sao với lá phiếu không tín nhiệm này?” Rhyme hỏi, cười như một cô bé.

Sellitto đứng dậy và bước qua phòng, nhìn xuống những chồng tạp chí. Tạp chí Khoa học Điều tra Pháp y. Catalog sản phẩm của Công ty thiết bị khoa học Harding & Boyle. Niên kỷ Điều tra Pháp lý New Scotland Yard. Tạp chí của Đại học Giám định Pháp y Mỹ. Báo cáo của Hiệp hội Các giám đốc Phòng thí nghiệm Tội phạm Mỹ. Giám định Pháp y của CRC Press[21]. Tạp chí của Viện Khoa học Pháp y Quốc tế.

“Nhìn chúng này”, Rhyme nói. “Đăng ký hết hạn từ lâu rồi. Còn chúng thì phủ đầy bụi.”

“Mọi thứ ở đây đều bụi bặm kinh tởm, Linc. Sao anh không ngồi dậy mà dọn dẹp cái chuồng lợn này đi?”

Banks trông đầy sợ hãi. Rhyme xổ ra một tràng cười mà chính bản thân anh cũng cảm thấy xa lạ. Người canh gác của anh đã trượt chân và sự khó chịu biến thành ngạc nhiên. Ngay tức khắc anh cảm thấy tiếc vì anh và Sellitto đã rời xa nhau. Sau đó anh dập tắt ngay cái cảm giác đó. Anh càu nhàu: “Tôi không giúp anh được. Xin lỗi.”

“Chúng ta có một hội nghị về hòa bình bắt đầu vào thứ Hai. Chúng tôi…”

“Hội nghị nào?”

“Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Các đại sứ, nguyên thủ quốc gia. Sẽ có hàng nghìn nhân vật đáng kính đến thành phố. Anh có nghe về việc vừa diễn ra ở London hai ngày trước không?”

“Việc?” Rhyme cay độc nhắc lại.

“Có kẻ đã cố gắng đánh bom khách sạn nơi UNESCO họp. Thị trưởng lo hết hồn nếu có kẻ nào lại tiếp tục làm thế với hội nghị ở đây. Ông ta không muốn có một tiêu đề kinh khủng nào đó trên tờ Bưu điện.”

“Có một vấn đề nhỏ”, Rhyme nói nghiêm khắc. “Đó là cô Tammie Jean sẽ không còn thích thú với chuyện về nhà của mình nữa.”

“Jerry, nói cho anh ta thêm một vài chi tiết. Kích thích khẩu vị của anh ta đi nào.”

Banks đã chuyển sự chú ý từ chân Rhyme sang chiếc giường của anh, thứ mà – như chính Rhyme đã phải công nhận – thú vị hơn nhiều. Đặc biệt là bảng điều khiển. Trông nó giống như thứ gì đó lấy từ tàu con thoi và cũng đắt tiền đúng như thế. “Mười tiếng sau khi họ bị bắt, chúng tôi tìm thấy hành khách nam – John Ulbrecht – bị bắn và chôn sống trên đường tàu Amtrak gần Đại lộ Ba mươi bảy và Mười một. Đúng ra là chúng tôi tìm thấy anh ta đã chết. Anh ta đã bị chôn sống. Viên đạn cỡ .32.” Banks nhìn lên và nói thêm. “Honda Accord của các loại đạn dược.”

Có nghĩa là không có suy luận ác ý nào về thứ vũ khí không rõ ràng. Anh chàng Banks này có vẻ thông minh, Rhyme nghĩ, và tất cả những gì anh ta phải chịu đựng là tuổi trẻ, tuổi trẻ mà anh ta có thể trưởng thành để thoát khỏi nó, hoặc là không. Lincoln Rhyme tin rằng bản thân anh chưa bao giờ trẻ cả.

“Đạn có rãnh xẻ không?” Rhyme hỏi.

“Sáu đường gân và đường xẻ, xoáy trái.”

“Vì thế hắn tìm cho mình một khẩu Colt”, Rhyme nói và liếc nhìn sơ đồ hiện trường vụ án một lần nữa.

“Anh nói hắn”, viên thám tử trẻ tuổi tiếp tục. “Nhưng thực ra đó là chúng.”

“Cái gì?”

“Đối tượng. Có hai tên. Có hai nhóm dấu chân giữa ngôi mộ và chân chiếc cầu thang sắt dẫn lên phố”, Banks nói, chỉ vào sơ đồ hiện trường vụ án.

“Có dấu chân nào trên cầu thang không?”

“Không có gì. Nó đã bị lau đi. Chúng đã làm rất tốt. Dấu chân đi ra huyệt và quay lại cầu thang. Nói chung là phải có hai tên mới có thể kéo được nạn nhân. Anh ta nặng hơn một trăm pound[22]. Một người không thể làm được việc đó.”

“Tiếp đi.”

“Chúng kéo anh ta tới huyệt, vứt anh ta xuống, bắn và chôn anh ta, sau đó quay lại cầu thang, trèo lên và biến mất.”

“Bắn anh ta dưới huyệt?” Rhyme hỏi.

“Đúng thế. Không hề có vết máu quanh cầu thang và trên đường đến huyệt.”

Rhyme thấy mình có vẻ hơi quan tâm. Nhưng anh nói: “Các anh cần tôi làm gì?”

Sellitto cười, nhe hàm răng vàng lởm chởm. “Chúng tôi vớ được một điều huyền bí, Linc. Một mớ vật chứng chẳng có ý nghĩa chết tiệt gì.”

“Thì sao?” Đây là một hiện trường vụ án hiếm có, ở đó mọi chứng cứ vật lý đều có ý nghĩa.

“Đúng hơn là điều đó thực sự kỳ dị. Đọc báo cáo mà xem. Làm ơn đi. Tôi sẽ để nó ở đây. Cái này làm việc thế nào nhỉ?” Sellitto nhìn Thom đang gắn tập báo cáo vào khung lật trang.

“Tôi không có thời gian đâu, Lon”, Rhyme phản đối.

“Cái này thực kỳ lạ”, Banks phát biểu, nhìn vào cái khung. Rhyme không trả lời. Anh đang nhìn vào trang đầu tiên và đọc chăm chú. Di chuyển ngón đeo nhẫn sang trái đúng một mm. Một chiếc đũa thần bằng cao su lật trang giấy.

Đọc. Suy nghĩ. Ừ, đúng là quái lạ.

“Ai chịu trách nhiệm về hiện trường?”

“Chính Peretti. Khi anh ta biết rằng nạn nhân là một trong những hành khách taxi, anh ta đến đó và tiếp nhận vụ này.”

Rhyme tiếp tục đọc. Trong khoảng một phút, những từ ngữ thiếu sáng tạo trong bản báo cáo của cảnh sát làm anh quan tâm. Rồi chuông cửa reo và trái tim anh nhảy lên vì một cơn rùng mình. Ánh mắt anh hướng đến Thom. Chúng lạnh lùng và cho thấy rõ ràng là thời gian đùa bỡn đã chấm dứt. Thom gật đầu và ngay lập tức đi xuống cầu thang.

Tất cả mọi ý nghĩ về những người lái taxi, về vật chứng và những nhân viên ngân hàng bị bắt có biến khỏi đầu óc Lincoln Rhyme.

“Đấy là bác sĩ Berger”, Thom nói qua máy đàm thoại nội bộ.

Cuối cùng. Sau bao nhiêu lâu.

“Được rồi, tôi xin lỗi, Lon. Tôi sẽ phải đề nghị các anh ra về. Thật vui khi gặp lại anh.” Một nụ cười. “Một vụ rất thú vị, vụ này ấy mà.”

Sellitto ngần ngừ rồi đứng dậy. “Nhưng anh sẽ đọc qua báo cáo chứ, Lincoln? Nói cho chúng tôi những gì anh nghĩ chứ?”

Rhyme nói: “Chắc rồi”, sau đó ngả đầu xuống gối. Những người bệnh như Rhyme, có khả năng chuyển động được đầu và cổ, có thể kích hoạt cả chục chức năng điều khiển chỉ nhờ chuyển động đầu ba chiếu. Nhưng Rhyme đã tránh xa các thiết bị đeo trên đầu. Giờ đây, khi chỉ còn rất ít sự sung sướng nhờ các giác quan còn lại, anh không muốn tước đi sự thoải mái khi được dựa đầu vào chiếc gối hai trăm đô la của mình. Những người khách đã làm anh mệt. Không chỉ buổi trưa, mà lúc nào anh cũng buồn ngủ. Cơ cổ anh run rẩy vì đau đớn.

Khi Sellitto và Banks đã ra đến cửa, Rhyme nói: “Lon, đợi đã.”

Viên thám tử quay lại.

“Có một điều anh nên biết. Anh mới chỉ tìm thấy một nửa hiện trường vụ án. Hiện trường quan trọng chính là nửa còn lại – hiện trường chính. Nhà hắn ta. Đó là nơi hắn sẽ đến. Và sẽ rất khó tìm.”

“Sao anh lại nghĩ rằng còn một hiện trường khác?”

“Vì hắn ta không bắn nạn nhân dưới huyệt. Hắn bắn anh ta ở chỗ kia – tại hiện trường chính. Và đấy có thể là nơi hắn giữ người phụ nữ. Đó sẽ là một tầng hầm hay một nơi rất vắng vẻ trong thành phố. Hoặc cả hai. Vì… Banks ạ…” – Rhyme đoán trước câu hỏi của viên thám tử trẻ – “hắn ta không muốn có rủi ro khi phải bắn ai đó và bị bắt nếu đó không phải là một nơi yên tĩnh và riêng tư.”

“Có thể hắn dùng ống giảm thanh.”

“Không có dấu màng ngăn cao su hay bông trên viên đạn”, Rhyme ngắt lời.

“Nhưng làm thế nào mà người đàn ông bị bắn ở đó được?” Banks phản đối. “Ý tôi là, không hề có máu vương ở hiện trường.”

“Tôi giả định là nạn nhân bị bắn vào mặt”, Rhyme tuyên bố.

“À, vâng”, Banks trả lời, nở một nụ cười ngu ngốc. “Làm sao mà anh biết?”

“Rất đau đớn, rất hiệu quả, rất ít máu với một viên đạn cỡ .32. Ít khi chết người nếu không trúng não. Với một nạn nhân cỡ như vậy, đối tượng có thể dẫn anh ta đi bất cứ đâu hắn muốn. Tôi nói đối tượng, số ít vì chỉ có một đối tượng thôi.”

Im lặng. “Nhưng… có hai nhóm dấu chân”, Banks gần như thì thầm, như thể anh ta đang gỡ mìn.

Rhyme thở dài. “Đế giày là một. Chúng do một người đi hai vòng để lại. Để lừa chúng ta. Và những dấu chân đi về phía bắc có cùng độ sâu như những dấu chân đi về phía nam. Như thế là hắn ta không vác một khối lượng hai trăm pound đi theo đường này và không vác khi đi đường kia. Nạn nhân có phải đi chân đất không?”

Banks lật nhanh ghi chép của mình. “Đi tất.”

“Được rồi, thế thì thủ phạm đi giày của nạn nhân trong chuyến đi dạo thông minh của hắn tới cầu thang và ngược lại.”

“Nếu hắn không đi xuống cầu thang thì làm thế nào hắn tới được huyệt?”

“Hắn tự kéo người đó theo đường ray xe lửa. Có thể từ phía bắc.”

“Nhưng không có cầu thang nào xuống đường tàu từ cả hai phía.”

“Nhưng có những đường hầm chạy song song với đường ray”, Rhyme tiếp. “Chúng nối với tầng hầm của một vài nhà kho cũ dọc Đại lộ Mười một. Một kẻ gangster tên là Owney Madden đã cho đào chúng trong thời kỳ cấm rượu để hắn có thể chuyển rượu whisky lậu lên các đoàn tàu từ nhà ga Trung tâm New York đi Albany hay Bridgeport.”

“Thế tại sao không chôn nạn nhân gần đường hầm? Sao lại mạo hiểm vì có thể bị nhìn thấy khi kéo anh chàng đi qua gầm cầu?”

Đã hết kiên nhẫn. “Anh biết hắn đang nói gì với chúng ta đúng không?”

Banks định nói, nhưng sau đó lắc đầu.

“Hắn phải để xác ở nơi có thể được tìm thấy”, Rhyme nói. “Hắn cần ai đó tìm thấy nó. Đó là lý do tại sao hắn để tay nạn nhân trên không. Hắn đang vẫy chúng ta. Để được chúng ta chú ý. Xin lỗi, các anh có thể có một đối tượng nhưng hắn lại quá thông minh để có thể là hai. Có một cánh cửa ra vào đường hầm ở gần đâu đó. Hãy đến đó và thử tìm dấu tay. Sẽ không có gì đâu. Nhưng các anh phải làm đúng như thế. Báo chí, các anh biết rồi đấy. Khi câu chuyện bắt đầu xuất hiện… Được rồi, chúc may mắn, thưa các quý ngài. Giờ thì cho tôi xin lỗi chứ, Lon?”

“Có?”

“Đừng quên hiện trường chính. Bất kể điều gì xảy ra, anh phải tìm bằng được nó. Và nhanh lên.”

“Cảm ơn, Linc. Đọc báo cáo nhé.”

Rhyme nói tất nhiên anh sẽ đọc và thấy họ tin vào điều nói dối đó. Hoàn toàn tin.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 3


Ông ta có cách hành xử bên giường bệnh tốt nhất mà Rhyme từng biết. Và nếu ai đó có kinh nghiệm về cách hành xử bên giường bệnh thì đó chính là Lincoln Rhyme. Anh đã thử tính một lần và thấy anh từng gặp bảy mươi tám bác sĩ có bằng cấp trong vòng ba năm rưỡi qua.

“Cảnh đẹp đấy chứ”, Berger nói, nhìn ra cửa sổ.

“Đúng không? Đẹp thật.”

Mặc dù do chiều cao của cái giường mà Rhyme chẳng hề nhìn thấy gì ngoài bầu trời mù sương phía trên Công viên Trung tâm. Nó – và những con chim – về cơ bản là những gì anh nhìn thấy từ khi chuyển từ bệnh viện phục hồi chức năng cuối cùng về đây khoảng hai năm rưỡi trước. Phần lớn thời gian anh buông rèm cửa.

Thom đang bận lật ông chủ của mình – công việc này giúp giữ sạch phổi – sau đó thông bàng quang cho Rhyme, điều này cần phải làm cách sáu, bảy giờ một lần. Sau chấn thương cột sống, cơ thắt có thể bị kẹt trong trạng thái mở hay trạng thái đóng. Rhyme may mắn vì cơ thắt của anh bị kẹt đóng – may mắn, với điều kiện có ai đó ở bên để mở chiếc ống nhỏ thiếu cộng tác đó bằng một cái que thông và kem K-Y bốn lần trong ngày.

Bác sĩ Berger quan sát quy trình này một cách chuyên nghiệp về phương diện lâm sàng và Rhyme không hề để ý tới vấn đề thiếu riêng tư. Một trong những việc làm đầu tiên mà một kẻ tàn phế cần phải vượt qua là sự e ngại. Khi mà việc che cơ thể lúc tắm rửa, di chuyển hay khám nghiệm được thực hiện với những nỗ lực nửa vời thì những kẻ tàn phế nghiêm trọng, thực sự tàn phế, rất tàn phế không quan tâm. Tại trung tâm phục hồi chức năng đầu tiên của Rhyme, sau khi một bệnh nhân đi dự tiệc hay đi hò hẹn đêm trước về, tất cả những người cùng phòng sẽ lăn xe tới giường anh ta để kiểm tra nước giải, đó là phong vũ biểu chỉ mức độ thành công của cuộc đi chơi. Một lần Rhyme đã chiếm được sự kính trọng mãi mãi của những người tàn tật ở cùng bệnh viện khi anh cho ra đến một nghìn bốn trăm ba mươi cc.

Anh nói với Berger: “Bác sĩ hãy nhìn rìa cửa mà xem. Tôi có thiên thần hộ mệnh của riêng mình.”

“Ồ, diều hâu à?”

“Chim ưng. Thường thì chúng làm tổ cao hơn. Tôi không hiểu vì sao chúng lại chọn sống cùng với tôi.”

Berger liếc nhìn những con chim rồi rời khỏi cửa sổ, lại hạ rèm xuống. Chim chóc không làm ông ta quan tâm. Ông ta không to lớn nhưng trông gọn gàng, một người tập chạy, Rhyme đoán thế. Ông ta trông khoảng gần năm mươi nhưng mái tóc đen chưa hề có sợi bạc và đẹp trai như một phát thanh viên truyền hình.

“Đúng là một cái giường.”

“Ông thích nó chứ?”

Cái giường của hãng Clinitron, một hình chữ nhật to tướng. Đó là một cái giường có đệm không khí – chất lỏng và có gần một tấn hạt bọc silicon. Không khí nén được thổi qua các hạt này và chúng đỡ cơ thể Rhyme. Nếu anh có thể có cảm giác, anh sẽ cảm thấy như mình đang trôi nổi.

Berger đang uống cà phê do Rhyme ra lệnh cho Thom đem đến. Anh ta đem nó lên, đảo mắt thì thầm trước khi mời: “Có phải chúng ta đang quá xã giao không vậy?”

Người bác sĩ hỏi Rhyme: “Anh đã từng là cảnh sát, có đúng anh nói với tôi thế không?”

“Đúng. Tôi là giám đốc giám định pháp y của NYPD[23].”

“Anh bị bắn à?”

“Không. Tìm kiếm trên hiện trường vụ án. Mấy người công nhân tìm thấy một xác chết tại công trường xây dựng ga tàu điện ngầm. Đấy là một cảnh sát tuần tra trẻ tuổi, bị mất tích sáu tháng trước – chúng tôi có một kẻ giết người hàng loạt chuyên bắn cảnh sát. Tôi được yêu cầu xử lý riêng vụ này và khi tôi đang tìm kiếm ở đó thì một thanh rầm sập xuống. Tôi bị vùi trong bốn giờ.”

“Thực sự là có ai đó lang thang tìm giết cảnh sát à?”

“Giết ba người và làm bị thương một người. Thủ phạm cũng là một cảnh sát. Dan Sherperd. Một trung úy trong Đội Tuần tra.”

Berger liếc nhìn vết sẹo hồng trên cổ Rhyme. Một dấu hiệu tiêu biểu của chứng liệt tứ chi – một vết cắt mờ đế đưa ống thông khí vào cổ họng và giữ ở đó vài tháng sau tai nạn. Đôi khi là vài năm, đôi khi là mãi mãi. Nhưng Rhyme – với bản chất ương bướng cùng với những nỗ lực hết mình của các bác sĩ trị liệu – đã có thể dứt bỏ được ống thông khí. Giờ thì anh có hai lá phổi mà anh cá là có thể giúp anh lặn dưới nước đến năm phút.

“Như vậy là chấn thương cổ.”

“C4.”

“À, vâng.”

C4 là khu phi quân sự của chấn thương cột sống. Một SCI[24] phía trên đốt sống cổ thứ tư có thể đã giết anh. Dưới đốt sống cổ thứ tư thì anh có thể hồi phục một phần bàn tay và cánh tay, nếu không nói là chân. Chấn thương đốt sống cổ thứ tư không mấy nổi tiếng giúp anh sống nhưng bị liệt hẳn tứ chi. Anh hoàn toàn không còn sử dụng được tay chân. Cơ ổ bụng và cơ liên sườn gần như mất hết khả năng và anh chủ yếu thở bằng cơ hoành. Anh có thể cử động đầu và cổ, nhúc nhích vai một chút. Sự may mắn duy nhất là chiếc rầm gỗ sồi rơi xuống đã bỏ qua một sợi thần kinh vận động độc nhất, nhỏ xíu. Điều đó cho phép anh động đậy ngón đeo nhẫn bên tay trái.

Rhyme đã không kể cho bác sĩ nghe về vở diễn của cuộc đời anh trong năm tiếp sau tai nạn đó. Một tháng nứt sọ: những chiếc kẹp kẹp những cái lỗ khoan vào đầu anh để kéo cột sống anh thẳng lại. Mười hai tuần dùng một thiết bị bao quanh đầu như vầng hào quang – một cái tạp dề nhựa và một giàn giáo thép bọc quanh đầu giữ cho cổ bất động. Để giúp phổi anh tiếp tục bơm không khí, một ống thông khí lớn được dùng trong suốt một năm, sau đó là một bộ kích thích dây thần kinh cơ hoành. Que thông. Phẫu thuật. Tắc ruột do liệt, những chỗ loét nội tạng, quá căng thẳng và làm giảm nhịp tim, nằm nhiều biến chứng thảnh lở nằm, co cứng cơ vì mô bắt đầu co lại và đe dọa lấy mất khả năng cử động quý báu của ngón tay, những cơn đau ảo khiến ta điên dại – cảm giác bỏng và đau ở đầu các chi vốn không còn cảm giác.

Tuy vậy anh đã nói với Berger về tiến triển mới nhất. “Mất phản xạ tự phát.”

Gần đây vấn đề này xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Tim đập mạnh, huyết áp quá cao, những cơn đau đầu dữ dội. Những thứ này có thể xuất hiện chỉ vì một nguyên nhân đơn giản như táo bón.

Chuyên gia SCI của Rhyme, bác sĩ Peter Taylor trở nên lo lắng về tần suất của những lần đột quỵ. Lần cuối cùng – khoảng một tháng trước – nguy hiểm tới mức Taylor đã phải hướng dẫn Thom xử lý tình huống mà không đợi cấp cứu đến và bắt người trợ lý phải nạp số điện thoại của bác sĩ vào danh mục quay số nhanh. Taylor đã cảnh báo rằng, điều đó đủ nguy hiểm và có thể dẫn đến trụy tim hay đột quỵ.

Berger lắng nghe với một chút thông cảm, sau đó nói: “Trước khi chuyển sang công việc này, tôi chuyên về tình hình lão khoa. Chủ yếu là công việc thay khớp và hông. Tôi không biết nhiều về thần kinh. Cơ hội hồi phục ra sao?”

“Bằng không, tình trạng này là vĩnh viễn”, Rhyme nói, có vẻ hơi vội vàng. Anh nói thêm: “Bác sĩ hiểu vấn đề của tôi, đúng không?”

“Tôi nghĩ vậy. Nhưng tôi muốn nghe anh nói điều đó.”

Lắc đầu để tự dọn dẹp mấy sợi tóc nổi loạn, Rhyme nói: “Ai cũng có quyền tự sát.”

Berger đáp: “Tôi nghĩ tôi không đồng ý với điều này. Trong hầu hết các xã hội, có thể anh có quyền lực nhưng không có quyền. Khác nhau đấy.”

Rhyme cười cay đắng. “Tôi chẳng phải là nhà triết học. Nhưng tôi thậm chí cũng chẳng có quyền lực. Chính vì thế mà tôi cần đến bác sĩ.”

Lincoln Rhyme đã đề nghị bốn bác sĩ giết anh. Tất cả đều từ chối. Anh nói, cũng được, anh sẽ tự làm và đơn giản là không ăn nữa. Nhưng quá trình tự loại bỏ mình cho đến chết trở thành sự tra tấn thuần túy. Nó làm cho dạ dày anh đau dữ dội và tạo ra những cơn đau đầu khủng khiếp. Anh không thể ngủ được. Vậy là anh bỏ ý định và sau đó trong một cuộc nói chuyện kinh khủng, anh đã yêu cầu Thom giết mình. Chàng thanh niên gần phát khóc – lần đầu tiên cậu ta thể hiện nhiều tình cảm đến thế – và nói cậu ta ước gì mình có thể làm được. Cậu ta có thể ngồi nhìn Rhyme chết, cậu ta có thể từ chối không cứu sống anh. Nhưng cậu ta không thể giết anh được.

Thế rồi có một phép màu. Nếu có thể gọi như vậy.

Sau khi cuốn The Scenes of the Crime được xuất bản, phóng viên bắt đầu xuất hiện để phỏng vấn anh. Một bài báo – trên Thời báo New York – có đoạn trích dẫn cay độc dưới đây của tác giả Rhyme:

“Không, tôi không có dự định viết thêm cuốn sách nào nữa. Thực tế, dự án lớn tiếp theo của tôi sẽ là tìm cách tự sát. Đây thực sự là một thách thức. Tôi đã cố gắng tìm ai đó có thể giúp được tôi trong suốt sáu tháng qua.”

Dòng chữ chấn động này đã thu hút sự chú ý của dịch vụ tư vấn của NYPD và một số người trước đây đã biết Rhyme, nhất là Blaine (người đã nói với anh rằng anh là đồ điên khi tính đến điều đó, anh phải ngừng việc chỉ nghĩ về bản thân anh đi – giống như khi họ còn ở với nhau – và bây giờ, khi mà cô đã đến, cô nghĩ cô cần nói rằng, cô sắp tái hôn).

Trích dẫn này cũng thu hút sự chú ý của William Berger, người một đêm đột ngột gọi điện cho anh từ Seattle. Sau một vài phút trao đổi xã giao,Berger nói ông ta đã đọc bài báo về Rhyme. Sau một khoảng lặng trống rỗng, ông hỏi: “Anh đã bao giờ nghe nói đến Hội Bến mê chưa?”

Rhyme đã được nghe. Đó là một nhóm ủng hộ chết tự nguyện không đau đớn mà anh đã cố gắng theo đuổi trong nhiều tháng. Hội này nguy hiểm hơn rất nhiều so với Con đường An lạc hay Hội Độc cần[25]. “Những người tình nguyện của chúng tôi bị truy nã để thẩm vấn về hàng chục vụ tự tử có trợ giúp trên toàn quốc”, Berger giải thích. “Chúng tôi phải cố giữ bí mật.”

Ông ta nói ông ta muốn xem xét yêu cầu của Rhyme. Berger không đồng ý hành động nhanh chóng và họ đã có một vài cuộc trao đổi trong bảy hoặc tám tháng qua. Hôm nay là buổi gặp mặt đầu tiên của họ.

“Vậy là anh không có cách nào để tự mình vượt qua, phải không?”

Vượt qua…

“Nếu như kiểu của Gen Harrod thì không. Và cũng có phần không được chắc chắn lắm.”

Harrod là một thanh niên sống ở Boston, một người tàn tật, anh ta muốn tự tử. Không tìm được người giúp đỡ, cuối cùng anh ta quyết định tự làm bằng cách duy nhất mà anh ta có thể. Với một chút khả năng kiểm soát mà anh ta có, anh ta đốt căn hộ của mình, khi căn hộ cháy anh ta lái chiếc xe lăn vào trong đám cháy và tự thiêu. Anh ta chết vì bỏng độ ba.

Vụ này thường được những người ủng hộ quyền được chết đưa ra như ví dụ về thảm kịch mà luật chống quyền được chết không đau đớn có thể gây ra.

Berger cũng biết vụ này và lắc đầu thông cảm. “Không, như thế thì không ai muốn chết.” Ông ta phân tích cơ thể Rhyme, đám dây dẫn và bảng điều khiển. “Kỹ năng cơ học của anh ra sao?”

Rhyme giải thích về ECU – Bộ điều khiển E&J do ngón tay đeo nhẫn của anh vận hành, bộ điều khiển bằng cách hút và thổi cho miệng anh, những cái cần điều khiển bằng cằm, một máy tính đọc chính tả có thể đưa ra màn hình các từ anh đọc.

“Nhưng mọi thứ phải được người khác thiết lập cho anh, đúng không?” Berger hỏi. “Ví như ai đó phải đến cửa hàng, mua khẩu súng, giương lên, lên cò và nối nó vào bộ điều khiển của anh.”

“Đúng thế.”

Làm cho người đó cảm thấy có tội âm mưu giết người, cũng như ngộ sát.

“Thiết bị của anh thế nào?” Rhyme hỏi. “Hiệu quả không?”

“Thiết bị nào?”

“Anh dùng gì? Hừm, để làm việc đó ấy mà?”

“Rất hiệu quả. Tôi chưa bị bệnh nhân nào than phiền cả.”

Rhyme nháy mắt và Berger cười. Rhyme cười với ông ta. Nếu anh không thể cười vì cái chết thì anh còn cười vì điều gì được nữa?”

“Anh xem đi.”

“Anh đem nó theo à?” Hy vọng bừng lên trong tim Rhyme. Lần đầu tiên sau nhiều năm anh cảm nhận được cảm giác ấm áp đó.

Bác sĩ mở chiếc ca táp của ông ta ra – lấy ra một chai rượu mạnh, hành động của ông ta hơi mang vẻ nghi lễ. Một lọ thuốc nhỏ. Một chiếc túi nhựa và một băng cao su.

“Thuốc gì vậy?”

“Seconal. Không còn ai kê nữa. Ngày xưa tự tử dễ dàng hơn nhiều. Những em bé này chắc chắn sẽ làm tốt, không cần thắc mắc. Giờ đây thì không thể nào tự giết mình được với những thứ thuốc an thần hiện đại. Halcion, Librium, Dalmane, Xanax… Anh có thể sẽ ngủ rất lâu nhưng rồi cuối cùng thì anh cũng sẽ tỉnh lại.”

“Còn cái túi?”

“À, cái túi.” Berger nhặt nó lên. “Đây là biểu tượng của Hội Bến mê. Tất nhiên là phi chính thức – không giống như logo của chúng ta. Nếu thuốc và rượu mạnh chưa đủ, chúng ta sẽ dùng đến cái túi. Trùm lên đầu, buộc sợi dây cao su quanh cổ. Chúng tôi cho vào đó một ít đá vì sau mấy phút nó sẽ khá nóng.”

Rhyme không thể rời mắt khỏi bộ ba dụng cụ. Cái túi, sợi dây cao su dày như tấm tạp dề của thợ sơn. Chai rượu rẻ tiền và lọ thuốc là loại thông thường, anh nghĩ.

“Thật là một ngôi nhà đẹp”, Berger nhình quanh và nói. “Phía tây Công viên Trung tâm…. Anh có nhận trợ cấp tàn tật không?”

“Có một ít. Tôi còn tư vấn cho cảnh sát và FBI[26]. Sau tai nạn, công ty xây dựng đền bù cho tôi ba triệu đô la. Họ thề rằng họ không có trách nhiệm gì nhưng rõ ràng có một quy tắc luật pháp quy định rằng một người liệt toàn thân động thắng trong bất kỳ vụ kiện nào chống lại các công ty xây dựng, bất kể đó là lỗi của ai. Ít nhất nếu nguyên đơn đến tòa để bày trò.”

“Rồi anh viết cuốn sách đó, đúng không?”

“Tôi nhận được một ít tiền từ đó. Không nhiều. Đó là một cuốn ‘bán khá chạy’. Chưa phải là cuốn bán chạy nhất.”

Berger nhặt một cuốn The Scene of the Crime, lật qua. “The Scene of the Crime nổi tiếng. Nhìn này.” Ông ta cười. “Ở đây có đến bốn mươi, năm mươi hiện trường?”

“Năm mươi mốt.”

Rhyme nhớ lại – trong trí nhớ và trí tưởng tượng của anh, vì anh đã viết cuốn sách sau vụ tai nạn – tất cả các hiện trường vụ án xưa cũ của Thành phố New York mà anh có thể nhớ được. Một số vụ được giải quyết, một số không. Anh viết về Nhà máy Bia Cũ, một căn phòng khét tiếng tại Five Points, nơi mười ba vụ giết người không liên quan đến nhau đã xảy ra trong một đêm vào năm 1839. Viết về Charles Aubridge Deacon, người đã giết mẹ mình vào ngày Mười ba tháng Sáu năm 1863, trong một cuộc nổi loại chống quân dịch thời kỳ Nội chiến. Hắn đổ cho những người cựu nô lệ đã giết bà và gây ra một cơn thịnh nộ chống lại người da đen. Viết về vụ giết người vì cuộc tình tay ba của kiến trúc sư Stanford White bên trên Khu vườn Quảng trường Madison và về sự mất tích của Thẩm pháp Crater. Về George Metesky, kẻ đánh bom mất trí trong những năm 1950 và Murph Lướt sóng, kẻ ăn trộm viên kim cương Ngôi sao Ấn Độ.

“Vật liệu xây dựng thế kỷ XIX, những dòng chảy ngầm, trường đào tạo quản gia”, Berger trích dẫn, lật qua các trang sách, “nhà tắm đồng tính, nhà thổ khu Chinatown[27], nhà thờ Chính thống giáo Nga… Làm thế nào anh biết được tất cả những điều đó về thành phố?”

Rhyme nhún vai. Trong những năm lãnh đạo IRD, anh đã nghiên cứu rất nhiều về thành phố, nhiều như anh từng nghiên cứu về ngành pháp y. Lịch sử, chính trị, xã hội học, cơ sở hạ tầng của thành phố. Anh nói: “Các nhà hình sự học không tồn tại trong chân không. Anh càng biết nhiều về môi trường, anh càng ứng dụng tốt hơn…”

Vừa nghe thấy âm hưởng nhiệt tình trong giọng nói của mình, anh đột ngột dừng lại.

Tự giận dữ với bản thân vì đã bị mắc bẫy dễ như vậy.

“Làm hay lắm, bác sĩ Berger”, Rhyme nói đầy căng thẳng.

“Nào. Hãy gọi tôi là Bill. Làm ơn đi.”

Rhyme không có ý định trệch đường ray lần nữa. “Tôi nghe điều này nhiều lần rồi. Hãy lấy một tờ giấy thật to, sạch sẽ, nhẵn nhụi và viết ra tất cả những lý do vì sao tôi nên tự tử. Sau đó, lại lấy một tờ giấy thật to, sạch sẽ, nhẵn nhụi khác và viết ra tất cả lý do vì sao tôi không nên. Những từ như kiểu năng suất, hữu ích, thú vị, thách thức sẽ hiện trong đầu. Những từ đao to búa lớn. Những từ đáng giá cả mười đô la. Chúng chẳng có ý nghĩa chết tiệt gì với tôi cả. Ngoài ra, tôi cũng chẳng thể cầm được một cái bút chì của nợ lên để mà cứu rỗi tâm hồn mình.”

“Lincoln”, Berger mềm mỏng nói tiếp. “Tôi cần đảm bảo anh là ứng cử viên phù hợp cho chương trình.”

“Ứng cử viên? Chương trình? À, sự độc tài của học thuyết quyền được chết không đau đớn”, Rhyme cay đắng nói. “Này bác sĩ, tôi đã quyết định rồi. Tôi muốn làm việc này ngay hôm nay. Thực sự là ngay bây giờ.”

“Vì sao lại là hôm nay?”

Ánh mắt Rhyme trở lại với đám chai lọ và cái túi. Anh thì thầm: “Sao lại không? Hôm nay là ngày nào? Hai mươi ba tháng Tám? Cũng là một ngày tốt để chết như những ngày khác thôi mà.”

Ông bác sĩ mấp máy đôi môi mỏng. “Tôi phải có thời gian nói chuyện với anh, Lincoln. Nếu tôi được thuyết phục là anh thực sự quyết tâm tiến hành…”

“Tôi muốn”, Rhyme nói. Như mọi lần, anh nhận ra rằng ngôn từ của chúng ta yếu ớt đến đâu khi không có điệu bộ cơ thể hỗ trợ. Anh thực sự muốn đặt tay mình lên tay Berger hay nhấc bàn tay mình lên cầu xin.

Không cần xin phép, Berger lấy trong túi ra một gói Marlboros và cái bật lửa. Ông ta lấy chiếc gạt tàn kim loại gấp trong túi và mở nó ra. Bắt tréo đôi chân gầy guộc. Ông ta trông giống như một chàng công tử bột trong phòng hút thuốc của một trường đại học hàng đầu. “Lincoln, anh hiểu vấn đề của chúng ta ở đây, đúng không nào?”

Chắc chắn rồi, anh hiểu. Đó chính là lý do vì sao Berger đến đây và vì sao một trong những bác sĩ của Rhyme chưa “làm nhiệm vụ”. Đem một cái chết không thể tránh khỏi đến ngay lập tức là một chuyện; gần một phần ba số bác sĩ hành nghề điều trị cho những bệnh nhân không thể qua khỏi đã kê hoặc cho kê những đơn thuốc quá liều. Phần lớn các công tố viên làm ngơ trước điều đó, trừ khi chính bác sĩ tiết lộ – như trường hợp của Kevorkian.

Nhưng còn một người liệt tứ chi? Người bán thân bất toại? Người liệt toàn thân? Người tàn tật? Ồ, đó lại là chuyện khác. Lincoln Rhyme năm nay bốn mươi tuổi. Anh không còn phải dùng máy thở, nếu không vì một số gen ẩn nào đó trong dòng họ Rhyme thì không có lý do y học nào khiến anh không thể sống đến tám mươi tuổi.

Berger nói thêm: “Tôi xin phép được thô lỗ một chút, Lincoln. Tôi cần đảm bảo rằng đây không phải là một cái bẫy.”

“Một cái bẫy?”

“Các công tố viên. Trước đây tôi cũng đã từng mắc bẫy.”

Rhyme cười. “Chưởng lý New York là một người bận bịu. Ông ta sẽ không mất công nghe trộm một người tàn tật đang tìm cho mình một người ủng hộ quyền được chết không đau đớn đâu.”

Liếc nhìn bản báo cáo hiện trường vụ án.

… cách nạn nhân khoảng mười feet về phía tây nam, tìm thấy vài thứ trên một đống cát trắng: một cuộn sợi đường kính khoảng sáu cm, bắt đầu phai màu. Sợi đã được phân tích trong máy X-quang tán xạ năng lượng và cho thấy có chứa A2 B5 (Si, Al)8 O22 (OH)2. Không tìm thấy nguồn, không phân biệt được sợi. Mẫu đã đuợc gửi tới văn phòng PERT[28] của FBI để phân tích.

“Tôi phải thận trọng”, Berger nói tiếp. “Việc này là cả sự nghiệp của tôi. Tôi đã hoàn toàn từ bỏ ngành lão khoa. Nói chung, đó không chỉ là công việc. Tôi quyết định dành cuộc đời mình để giúp người khác chấm dứt cuộc đời họ.”

Bên cạnh cuộn sợi còn tìm thấy hai mẩu giấy cách đó khoảng ba inch[29]. Một mẩu là loại giấy báo bình thường, trên đó có mấy từ “3:00 PM” in với phông chữ Times Roman bằng loại mực in báo thương mại thông thường. Mẩu giấy kia có vẻ như là góc của một trang sách trên đó có in số trang “823”. Phông chữ Garamond và được ghi ngày. Phân tích ALS[30] và phân tích ninhydrin[31] tiếp theo không cho thấy dấu vết in hằn trên mặt giấy. Không thể phân loại được.

Có vài điều hối thúc Rhyme. Thứ nhất là cuộn sợi. Vì sao Peretti lại không biết được ngay đó là gì nhỉ? Cái đó thật rõ ràng. Và vì sao những vật chứng này – những mẩu giấy và cuộn sợi – lại nằm cạnh nhau? Ở đây có gì đó không ổn.

“Lincoln?”

“Tôi xin lỗi.”

“Tôi đang nói là… Anh không phải nạn nhân bỏng đang chịu cơn đau không thể chịu đựng nổi. Anh không phải là người vô gia cư. Anh có tiền, anh có tài năng. Việc tư vấn cho cảnh sát của anh… việc đó giúp được rất nhiều người. Nếu anh muốn, anh có thể có… một cuộc sống hữu ích phía trước. Một cuộc đời dài.”

“Dài, đúng. Thế mới là vấn đề. Một cuộc đời dài.” Anh cảm thấy mệt vì phải tỏ ra có thái độ cư xử tốt. Anh nói: “Nhưng tôi không muốn một cuộc đời dài. Đơn giản thế thôi.”

Berger chậm rãi nói: “Nếu có bất kỳ một cơ hội nhỏ nhất nào mà anh lại tiếc nuối về quyết định của mình, thì, xem nào, tôi là người phải sống với nó. Không phải anh.”

“Ai mà có thể chắc chắn về một điều gì đó tương tự được?”

Ánh mắt anh lại quay về với bản báo cáo.

Tìm thấy được một con ốc kim loại bên trên các mẩu giấy. Đó là một con ốc hình lục lăng, trên đầu có đóng các chữ “CE”. Dài hai inch, xoắn theo chiều kim đồng hồ, đường kính 15/16 inch.

“Mấy ngày tới tôi bận”, Berger nhìn đồng hồ nói. Đó là một chiếc Rolex. Hừm, cái chết luôn sinh lời. “Giờ thì chúng ta có khoảng một tiếng. Hãy nói chuyện một lúc, sau đó anh có một ngày nghỉ ngơi và tôi sẽ quay lại.”

Điều gì đó hối thúc Rhyme. Một cơn ngứa điên người – lời nguyền của tất cả những người liệt tứ chi – mặc dù trường hợp này là một cơn ngứa trí tuệ. Kiểu ngứa ngáy ám ảnh cả cuộc đời anh.

“Này bác sĩ, làm ơn giúp tôi một chút, được không? Bản báo cáo ở kia. Anh có thể lật qua nó, được không? Tìm cho tôi bức hình của một con ốc.”

Berger ngần ngại. “Một bức hình?”

“Một bức hình Palaroid chụp lấy ngay. Nó phải được gắn đâu đó ở cuối. Cái khung lật trang này chậm quá.’

Berger nhấc bản báo cáo ra khỏi cái khung và lật trang giúp Rhyme.

“Ở đó. Dừng.”

Anh nhìn vào bức hình và một cảm giác khẩn cấp khó chịu chiếm lấy anh. Ôi, không phải ở đây, không phải lúc này. Làm ơn đi, không.

“Tôi xin lỗi, anh có thể lật lại trang lúc nãy được không?”

Berger lật lại.

Rhyme không nói gì, chăm chú đọc.

Những mẩu giấy…

3:00 PM… trang 823

Tim Rhyme đập mạnh, đổ mồ hôi trán. Anh nghe tiếng ù ù trong tai.

Đây là một tiêu đề bài báo trong một tờ báo khổ nhỏ. MỘT NGƯỜI CHẾT KHI NÓI CHUYỆN VỚI BÁC SĨ TỬ THẦN…

Berger chớp mắt. “Lincoln? Anh ổn chứ?” Đôi mắt từng trải của người đàn ông quan sát Rhyme thật kỹ lưỡng.

Cố gắng tỏ ra bình thường nhất có thể, Rhyme nói: “Tôi hiểu, bác sĩ, tôi xin lỗi. Nhưng tôi cần làm mấy việc.”

Berger chậm rãi gật đầu, không chắc chắn lắm. “Cuối cùng thì vụ này không được ổn lắm, phải không?”

Cười. Lãnh đạm. “Tôi băn khoăn không biết có thể yêu cầu ông quay lại đây sau vài giờ nữa đươc không?”

Cẩn thận. Nếu ông ta cảm nhận được mục đích, ông ta sẽ coi anh là loại không muốn tự sát, lấy lại đám chai lọ và cái túi nhựa của ông ta rồi bay về xứ Starbucks.

Mở cuốn sổ hẹn ra, Berger nói: “Ngày hôm nay không được. Ngày mai… Không. Tôi sợ rằng sớm nhất là thứ Hai. Ngày kia.”

Rhyme ngần ngừ. Chúa ơi… Sự mong chờ cuối cùng đã gần như nằm trong tay anh, điều mà anh mơ tới hằng ngày trong mấy năm qua. Có hay không?

Quyết định.

Cuối cùng, Rhyme nghe thấy mình nói: “Được. Thứ hai.” Cố nặn ra một nụ cười vô vọng.

“Chính xác thì vấn đề là gì?”

“Một người cùng làm với tôi trước kia. Anh ta muốn có lời khuyên của tôi. Tôi chưa thực sự quan tâm tới điều đó, như tôi cần phải làm. Tôi phải gọi cho anh ta.”

Không, đó chẳng phải là liệt phản xạ, đó là một cơn lo lắng.

Lincoln Rhyme cảm thấy điều gì đó mà lâu lắm anh chưa hề cảm thấy. Anh đang cực kỳ vội vàng.

“Ông có thể gọi Thom lên đây được không? Tôi nghĩ cậu ta ở dưới nhà, trong bếp.”

“Vâng, tất nhiên rồi. Rất vui lòng.”

Rhyme có thể nhìn thấy điều gì đó khác thường trong mắt Berger. Cái gì vậy? Có thể. Gần như là sự thất vọng. Khi tiếng chân người bác sĩ nhỏ dần dưới cầu thang, Rhyme hét lên với chất giọng trầm như bom nổ: “Thom? Thom!”

“Gì vậy?” Giọng người thanh niên trả lời.

“Gọi cho Lon. Bảo anh ta quay lại đây. Ngay bây giờ.”

Rhyme liếc nhìn đồng hồ. Đã quá trưa. Họ chỉ còn chưa đầy ba giờ nữa.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 4


“Hiện trường vụ án bị dàn cảnh”, Lincoln Rhyme nói.

Lon Sellitto phanh áo khoác, để lộ một chiếc áo sơ mi nhàu nhĩ. Anh ta đang ngửa lưng về phía sau, khoanh tay, dựa vào một cái bàn đầy sách báo.

Jerry Banks cũng đã quay lại, đôi mắt xanh nhợt của anh ta đang nhìn vào mắt Rhyme; cái giường và bảng điều khiển không còn làm anh ta quan tâm nữa.

Sellitto nghiêm nghị. “Vậy đối tượng định nói gì với chúng ta?”

Trên hiện trường vụ án, đặc biệt là những vụ giết người, đối tượng thường chơi đùa với PE[32] hòng lừa điều tra viên. Một số tên khá thông minh, nhưng phần lớn không như vậy. Chẳng hạn một người chồng đánh vợ mình đến chết rồi tạo hiện trường như vụ cướp – mặc dù anh ta chỉ nghĩ tới việc ăn trộm đồ nữ trang của cô ta – mà vẫn để lại chiếc vòng cổ vàng và chiếc nhẫn kim cương hồng của mình trong ngăn kéo.

“Điều thú vị”, Rhyme nói tiếp. “Không phải là điều đã xảy ra, Lon. Mà là điều sẽ xảy ra.”

Sellitto nghi ngờ hỏi: “Điều gì khiến anh nghĩ vậy?”

“Những mẩu giấy. Chúng có nghĩa là ba giờ chiều nay.”

“Hôm nay?”

“Nhìn này!” Hất đầu về phía bản báo cáo, một cái hất đầu thiếu kiên nhẫn.

“Mẩu giấy đó nói ba giờ chiều”, Banks chỉ ra. “Nhưng mẩu kia chỉ có số trang. Tại sao anh nghĩ như thế có nghĩa là hôm nay?”

“Đấy không phải là số trang.” Rhyme nhướn mày. Họ vẫn chưa hiểu. “Logic! Lý do duy nhất khi bỏ lại dấu vết là để nói gì đó với chúng ta. Nếu đúng như vậy thì 823 phải có ý nghĩa gì khác hơn là số trang, vì chẳng có dấu hiệu gì để chỉ ra nó được lấy từ cuốn sách nào. Và nếu đó không phải là số trang thì sẽ là gì được?”

Im lặng.

Điên tiết. Rhyme quát lên: “Đấy là ngày tháng. Tám hai mươi ba. Ngày Hai mươi ba tháng Tám. Điều gì đó sẽ xảy ra lúc ba giờ chiều nay. Còn bây giờ, một cuộn sợi? Đấy là abestos[33].”

“Abestos?” Sellitto hỏi.

“Trong bản báo cáo? Công thức? Đó là hornblende[34]. Silicon dioxide. Đó là abestos. Vì sao Peretti lại gửi nó cho FBI thì tôi không hiểu. Như vậy thì sao. Chúng ta có abestos trên lòng đường ray, nơi mà không thể có được. Và chúng ta có một con ốc sắt với phần đầu hoen gỉ nhưng phía dưới thì không. Điều đó có nghĩa là con ốc này đã được vặn ở đâu đó rất lâu và mới được tháo ra.”

“Có thể nó được moi từ dưới đất lên”, Banks đề xuất. “Khi hắn ta đào huyệt?”

Rhyme nói: “Không. Ở Midtown nền đá rất gần với mặt đất, điều đó có nghĩa là tầng ngậm nước cũng vậy. Tất cả đất từ Phố Ba mươi tư lên tới khu Harlem chứa đủ nước để làm oxy hóa sắt trong vòng vài ngày. Nếu bị chôn, nó sẽ phải gỉ hoàn toàn chứ không chỉ phần đầu. Không phải, nó đã được tháo ra ở đâu đó, được đem tới hiện trường và được bỏ lại đó. Còn cát… Nào, cát trắng làm gì trên đường tàu ở Midtown Manhattan? Thành phần đất ở đây là đất mùn, phù sa, đá vôi, nền cứng và đất sét mềm.”

Banks bắt đầu nói nhưng Rhyme đột ngột cắt lời anh ta. “Và tất cả những thứ đó được tập hợp lại để làm gì? Ồ, nghi phạm của chúng ta, hắn định nói điều gì đó với chúng ta. Chắc chắn là thế. Banks, còn cánh cửa để vào thì sao?”

“Anh đã đúng”, người thanh niên nói. “Họ tìm thấy một cánh cửa cách huyệt khoảng một trăm feet về phía bắc. Bị phá từ bên trong. Anh cũng đúng về dấu tay. Chẳng có gì. Cũng chẳng có vết lốp xe hay dấu vết nào.”

Một cuộn abestos bẩn, một con ốc, một tờ báo rách…

“Hiện trường?” Rhyme hỏi. “Vẫn nguyên trạng chứ?”

“Đã giải phóng rồi.”

Lincoln Rhyme, một kẻ tàn tật với lá phổi của tên sát nhân, ầm ĩ thở hắt ra, đầy kinh tởm. “Ai mắc sai lầm này?”

“Tôi không biết”, Sellitto nói, vẻ không thuyết phục. “Có thể là người chỉ huy giám sát.”

Đó là Peretti, Rhyme hiểu. “Giờ thì các anh kẹt với những gì các anh có.”

Bất kỳ dấu vết nào để chỉ ra kẻ bắt cóc là ai và hắn đang mưu tính điều gì hoặc đã nằm trong báo cáo, hoặc đã vĩnh viễn biến mất; đã bị chân của cảnh sát, người đến xem và nhân viên đường sắt giẫm lên. Đào bới – hỏi han dân cư xung quanh hiện trường vụ án, phỏng vấn nhân chứng, thu thập chứng cứ, những công việc truyền thống của thám tử – được tiến hành một cách nhàn nhã. Nhưng hiện trường vụ án phải được khảo nghiệm “như sét đánh”, Rhyme thường hạ lệnh cho sĩ quan của mình ở IRD. Anh đã đuổi việc vài kỹ thuật viên CSU[35], những người di chuyển không được nhanh như anh yêu cầu.

“Có phải Peretti tự xử lý hiện trường không?” Anh hỏi.

“Peretti và toàn thể bộ sậu.”

“Toàn thể bộ sậu?” Rhyme hỏi chế giễu. “Toàn thể bộ sậu là cái gì?”

Sellitto nhìn Banks, người trả lời: “Bốn kỹ thuật viên ảnh, bốn người lấy dấu. Tám nhân viên tìm kiếm. Bác sĩ khám nghiệm ME.”

“Tám nhân viên tìm kiếm hiện trường vụ án?”

Trong khám nghiệm hiện trường vụ án, có một đường cong dạng chuông. Hai sĩ quan được xem là hiệu quả nhất khi khám nghiệm hiện trường giết người. Một mình, anh có thể bỏ qua vài thứ, ba người trở lên anh còn đánh mất nhiều thứ hơn. Lincoln Rhyme luôn khám nghiệm hiện trường một mình. Anh để nhân viên lấy dấu vân tay, dấn chân, chụp ảnh, quay phim. Còn anh luôn tự mình đan lưới.

Peretti. Khoảng sáu, bảy năm trước Rhyme đã thuê người thanh niên này, con trai một chính trị gia giàu có và anh ta đã chứng tỏ được mình là một thám tử hiện trường tốt, rất sách vở. Đơn vị khám nghiệm hiện trường luôn được coi là một nơi béo bở và thường phải xếp hàng khá dài để vào được đơn vị. Rhyme luôn thích thú khi được rút ngắn hàng người đợi này bằng cách cho họ xem album ảnh gia đình – một bộ sưu tập những bức ảnh hiện trường vụ án kinh khủng nhất. Một số sĩ quan tái mặt, một số khác cười khẩy. Một vài người trả lại cuốn album, nhướn lông mày như muốn hỏi, Thì sao? Và đó lại là những người mà Lincoln Rhyme sẽ thuê. Peretti là một người như vậy.

Sellitto hỏi một câu. Rhyme thấy người thám tử này đang nhìn anh. Sellitto nhắc lại: “Anh sẽ cùng chúng tôi làm vụ này chứ, Lincoln?”

“Làm việc với anh?” Lincoln vừa ho vừa cười. “Không được đâu, Lon. Không. Tôi chỉ đưa ra cho các anh vài ý tưởng thôi. Anh có chúng rồi đấy. Dùng chúng đi. Thom, gọi Berger cho tôi.” Anh đang nuối tiếc việc lùi cuộc gặp mặt đối mặt với bác sĩ tử thần. Có thể vẫn chưa quá muộn. Anh không thể chịu đựng nổi ý nghĩ phải chờ thêm một, hai ngày nữa cho sự ra đi của mình. Và thứ Hai… Anh không muốn chết vào thứ Hai. Điều này xem ra quá tầm thường.

“Hãy nói làm ơn đi.”

“Thom!”

“Được rồi”,. người trợ lý trẻ tuổi nói, giơ hai tay đầu hàng.

Rhyme liếc nhìn vào một điểm trên chiếc bàn đầu giường của anh, cái lọ, những viên thuốc và cái túi nhựa đã được đặt ở đó – quá gần, nhưng lại giống với tất cả những thứ khác trong cuộc đời này, hoàn toàn nằm ngoài tầm với của Lincoln Rhyme.

Sellitto gọi một cuộc điện thoại, nghiêng đầu khi cuộc gọi thông. Anh ta tự giới thiệu. Chiếc đồng hồ trên tường chỉ 12:30.

“Vâng, thưa ngài.” Giọng viên thám tử trầm xuống thành tiếng thì thầm kính trọng. Thị trưởng, Rhyme đoán. “Về vụ bắt cóc ở sân bay Kennedy. Tôi đã nói chuyện với Lincoln Rhyme… Vâng, thưa ngài, anh ta đã có một vài ý tưởng về việc này.” Viên thám tử bước về phía cửa sổ, nhìn chằm chằm con chim ưng một cách trống rỗng và đang cố gắng giải thích một điều không thể giải thích cho người đàn ông đang điều hành thành phố bí ẩn nhất thế giới này. Anh ta dập máy và quay lại phía Rhyme.

“Ông ta và cả sếp muốn có anh, Linc. Họ đòi riêng anh. Chính Wilson.”

Rhyme cười. “Lon. Nhìn quanh phòng xem. Nhìn tôi đây! Có giống như là tôi đang làm vụ này không?”

“Không phải một vụ bình thường, không. Nhưng đây là một vụ không bình thường lắm, phải không nào?”

“Tôi xin lỗi. Tôi không có thời gian. Người bác sĩ lúc nãy. Việc điều trị. Thom, cậu đã gọi ông ta chưa?”

“Vẫn chưa. Sẽ gọi ngay bây giờ đây.”

Thom nhìn Sellitto. Đi về phía cửa, bước ra ngoài. Rhyme biết cậu ta sẽ không gọi. Thế giới này thật tệ hại.

Banks chạm tay vào một vết sẹo cạo râu hình chấm và ngắt lời: “Hãy nói cho chúng tôi một vài suy nghĩ của anh. Làm ơn đi. Kẻ nghi phạm đó, hắn…”

Sellitto xua tay để cậu ta im lặng. Anh ta vẫn nhìn Rhyme.

Ôi, đồ đê tiện, Rhyme nghĩ. Sự lặng im ngày xưa cũ. Chúng ta thường ghét nó đến đâu và luôn vội vàng để lấp đầy nó. Biết bao nhiêu nhân chứng và nghi phạm đã ẩn nấp dưới những sự im lặng nóng bỏng, dày đặc như thế này. Đúng, anh và Sellitto đã từng làm việc với nhau rất ăn ý. Rhyme hiểu chứng cứ còn Sellitto hiểu con người.

Hai người lính ngự lâm. Và nếu có người thứ ba, thì đó là Sellitto im lặng tinh khiết đầy nghiêm nghị.

Ánh mắt của viên thám tử chìm sâu vào bản báo cáo hiện trường vụ án. “Lincoln, theo anh nghĩ điều gì sẽ diễn ra lúc ba giờ chiều nay?”

“Tôi không có ý tưởng gì”, Rhyme tuyên bố.

“Không phải thế chứ?”

“Rẻ tiền quá, Lon. Tôi sẽ trị anh đấy.”

Cuối cùng, Rhyme nói. “Hắn ta sẽ giết cô ấy – người phụ nữ trên chiếc taxi. Và giết một cách rất tệ hại, tôi đảm bảo với các anh đấy. Một kiểu có thể sánh ngang với chôn sống.”

“Chúa ơi”, Thom thì thầm phía ngoài cửa.

Vì sao họ lại không để anh yên? Liệu có tốt hơn không khi anh nói cho họ biết về cơn đau anh đang cảm thấy ở cổ và trên vai? Hay là những cơn đau ma quái – yếu hơn nhiều và khó chịu hơn nhiều – đang lang thang khắp cơ thể xa lạ của anh? Về sự kiệt sức mà anh phải chịu đựng hằng ngày khi cố gắng để làm mọi thứ, sự thực là thế. Về sự vô vọng lớn nhất – việc phải trông cậy hoàn toàn vào người khác?

Có thể anh sẽ nói với họ về con muỗi bay vào phòng tối qua và châm chích đầu anh suốt một tiếng đồng hồ; Rhyme chóng cả mặt khi cứ phải gật đầu để xua nó đi cho tới khi con côn trùng đáp xuống tai anh, chỗ mà anh chấp nhận cho nó đốt, vì đó là chỗ mà anh có thể dụi xuống gối cho đỡ ngứa.

Sellitto nhướn mày.

“Hôm nay”, Rhyme thở dài. “Một ngày. Thế thôi.”

“Cảm ơn, Linc. Chúng tôi nợ anh.” Sellitto kéo chiếc ghế lại gần giường. Ra hiệu cho Banks làm theo. “Còn bây giờ. Cho tôi biết suy nghĩ của anh. Trò chơi của thằng khốn này là gì?”

Rhyme nói: “Đừng nhanh quá như thế. Tôi không làm việc một mình.”

“Một kỹ thuật viên của IRD. Người giỏi nhất trong phòng thí nghiệm. Tôi muốn anh ta ở đây với những thiết bị cơ bản. Và chúng ta hãy sẵn sàng với đội chiến thuật. Cấp cứu. Và tôi muốn có vài số điện thoại.” Rhyme hạ lệnh, liếc nhìn chai Scotch trên ngăn kéo của mình. Anh nhớ lại chai rượu mạnh Berger có trong bộ đồ nghề của ông ta. Không đời nào anh lại ra đi bằng cái thứ rác rưởi rẻ tiền đó. Buổi Ra đi Cuối cùng của anh ít nhất sẽ phải là loại Lagavulin mười sáu năm hay Macallan được để vài chục năm. Hoặc – mà sao lại không nhỉ? – cả hai.

Banks rút điện thoại di động. “Số loại nào? Chỉ cần…”

“Số cố định.”

“Ở đây?”

“Tất nhiên là không phải rồi”, Rhyme quát lên.

Sellitto nói: “Ý anh ta là anh muốn người khác gọi điện thoại. Từ Đại Bản Doanh[36].”

“Ồ.”

“Gọi vào thành phố”, Sellitto ra lệnh. “Bảo họ cho ta ba đến bốn điều phối viên.”

“Lon”, Rhyme hỏi. “Ai là người khám nghiệm tử thi ngày hôm nay?”

Banks nuốt vào một nụ cười. “Những Chàng trai Dũng cảm.”

Một cái liếc mắt của Rhyme tước bỏ nụ cười khỏi khuôn mặt anh ta. “Thám tử Bedding và Saul, thưa ngài”, chàng thanh niên vội nói.

Nhưng sau đó ngay cả Sellitto cũng nhăn mặt. “Những Chàng trai Dũng cảm. Mọi người đều gọi họ thế cả. Anh không biết họ đâu, Linc. Họ làm trong Nhóm Đặc nhiệm Điều tra Trọng án của thành phố.”

“Thứ nhất là họ trông hơi giống nhau”, Banks giải thích. “Thứ hai là kết quả của họ cũng hơi buồn cười.”

“Tôi không muốn bọn diễn viên hề.”

“Không, họ giỏi đấy”, Sellitto nói. “Những điều tra viên hiện trường tốt nhất của chúng tôi. Anh có biết con quái vật đã bắt cóc cô bé tám tuổi ở Queens năm ngoái không? Bedding và Saul đã điều tra đấy. Họ thẩm vấn toàn bộ vùng lân cận – thu được hai nghìn hai trăm lời khai. Điều đó giúp chúng tôi cứu được cô bé. Khi chúng tôi được biết nạn nhân sáng nay là hành khách từ sân bay JFK, sếp Wilson đã phái họ đi.

“Giờ họ đang làm gì?”

“Chủ yếu là nhân chứng. Quanh đường ray. Và đánh hơi xung quanh tìm người lái xe và chiếc taxi.”

Rhyme quát Thom ở phía cuối hành lang: “Cậu đã gọi cho Berger chưa? Không, tất nhiên là cậu chưa gọi. Cậu có hiểu từ ‘bất tuân thượng lệnh’ không? Ít nhất hãy tỏ ra có ích một chút. Hãy đưa cái báo cáo hiện trường vụ án lại gần hơn và lật trang đi.” Anh hất đầu về phía cái khung lật trang. “Cái của nợ này là của Edsel đấy.”

“Chẳng phải hôm nay chúng ta đang có tâm trạng vui vẻ hay sao?” Người trợ lý đối đáp.

“Nâng nó cao lên. Tôi bị lác đến nơi rồi.”

Anh đọc khoảng một phút, rồi nhìn lên.

Sellitto đang nói điện thoại, nhưng Rhyme ngắt lời anh ta. “Bất kể là điều gì sẽ diễn ra lúc ba giờ chiều nay, nếu chúng ta có thể tìm được nơi hắt ta đang nói tới thì đó cũng sẽ là một hiện trường vụ án. Tôi cần ai đó khám nghiệm chỗ này.”

“Tốt”, Sellitto nói. “Tôi sẽ gọi Peretti. Ném cho anh ta một cái xương. Tôi biết là mũi anh ta sẽ vểnh lên vì chúng ta đang đi rón rén quanh anh ta.”

Rhyme gầm gừ. “Tôi có càn đến Peretti đâu?”

“Nhưng anh ta là chàng trai vàng của IRD”, Banks nói.

“Tôi không muốn anh ta”, Rhyme cằn nhắn. “Sẽ có ai đó khác mà tôi muốn.”

Sellitto và Banks nhìn nhau. Viên thám tử lớn tuổi hơn cười, xoa tay một cách vô nghĩa vào chiếc áo sơ mi nhàu nát của anh ta. “Bất cứ người nào anh muốn, Linc, anh sẽ có người đó. Hãy nhớ rằng hôm nay anh là vua.”

Nhìn chằm chằm vào con mắt mờ đục.

T.J. Colfax, kẻ trốn chạy có mái tóc đen từ vùng đồi Đông Tennessee, tốt nghiệp Trường Quản trị Kinh doanh, Đại học New York, một người buôn bán tiền tệ nhanh như chớp, vừa bơi ra khỏi giấc mộng sâu. Mái tóc rối bù của cô vướng vào gò má, mồ hôi chảy thành dòng trên mặt, cổ và ngực.

Cô thấy mình đang nhìn vào một con mắt đen – một cái lỗ trong một ống hoen gỉ, đường kính khoảng sáu inch, một cái đĩa truy cập nhỏ đã được lấy ra từ đó.

Cô hít thứ không khí mốc meo vào mũi. Miệng cô vẫn đang bị dán chặt, có vị nhựa, chất hồ dán cay. Đắng.

Còn John? Cô băn khoăn. Anh ta đâu rồi? Từ chối không nghĩ tới tiếng nổ lớn trong tầng hầm đêm qua. Cô lớn lên ở Đông Tennessee và cô biết tiếng súng nghe như thế nào.

Làm ơn đi, cô cầu nguyện cho sếp. Hãy để anh ta bình an.

Bình tĩnh nào, cô nổi giận với chính mình. Mày lại sắp khóc rồi đấy, mày nhớ điều gì đã xảy ra mà. Trong tầng hầm, sau tiếng súng nổ, cô đã mất phương hướng hoàn tàn, suy sụp, thổn thức trong cơn hoảng loạn và gần như bị chết ngạt.

Đúng rồi. Bình tĩnh.

Nhìn vào con mắt đen trên cái ống. Tưởng như nó đang nháy mắt với mày. Con mắt của thiên thần hộ mệnh.

T.J. ngồi trên sàn, bị hàng trăm đường ống, những đường ống dẫn, những đường cáp điện ngoằn ngoèo như rắn bao quanh. Nóng hơn cả bữa ăn tối tại nhà anh cô, nóng hơn cả cái ghế sau chiếc Nova của Jule Whelan mười năm trước. Nước nhỏ xuống, stalactite[37] rơi xuống từ những cái xà nhà trên đầu cô. Khoảng nửa tá bóng đèn màu vàng nhỏ xíu là nguồn chiếu sáng duy nhất. Trên đầu cô – ngay trên đỉnh đầu – là một cái biển báo. Cô không thể đọc được nó một cách rõ ràng, dù cô có thể nhìn thấy đường viền đỏ. Phía sau cái thông điệp gì đó có một dấu chấm than to tướng.

Cô cố thử lại một lần nữa, nhưng cái còng giữ cô chặt quá, chọc cả vào xương. Từ cổ họng cô dâng lên một tiếng hét tuyệt vọng, tiếng kêu thét của thú vật. Nhưng miếng băng dính dày trên miệng cô và tiếng ồn ào không nghỉ của máy móc đã nuốt mất âm thanh đó; không ai có thể nghe thấy tiếng của cô.

Con mắt đen tiếp tục nhìn chằm chằm. Mày sẽ cứu tao, đúng không? Cô nghĩ.

Bất ngờ, sự im lặng bị phá vỡ bởi một tiếng lanh lảnh, một cái chuông sắt, ở rất xa. Như cánh cửa của một con tàu bị sập lại. Tiếng động đến từ cái lỗ trên miệng ống. Từ con mắt thân thiện của cô.

Cô thúc còng vào cái ống và cố đứng dậy. Nhưng cô không thể di chuyển được quá vài inch.

Được rồi, không hoảng loạn. Thư giãn. Mày sẽ ổn thôi.

Đó chính là lúc cô nhìn thấy cái biển báo trên đầu. Trong khi cố thả lỏng, cô đã đứng thẳng lên được một chút và nghiêng đầu sang một bên. Điều đó khiến cô có thể nhìn thấy rõ hơn các từ.

Ôi không, Chúa trong tim con…

Và nước mắt lại rơi.

Cô hình dung ra mẹ cô, tóc buộc ngược phía sau, khuôn mặt tròn, mặc bộ đồ ở nhà màu xanh – vàng râu ngô, thì thầm: Ổn thôi, con yêu. Đừng lo lắng gì.”

Nhưng cô không tin những lời đó.

Cô tin vào điều mà biển báo đó nói.

Rất nguy hiểm! Hơi siêu nóng dưới áp suất cao. Không nhấc đĩa ra khỏi ống. Gọi Edison Hợp nhất để truy cập. Rất nguy hiểm.

Con mắt đen mở nhìn cô, con mắt mở vào trái tim của đường ống dẫn hơi nước. Nó nhìn thẳng vào phần thịt màu hồng trên ngực cô. Từ đâu đó tít ở sâu trong cái ống xuất hiện một tiếng kim loại đập vào kim loại, những người công nhân đang đập búa, vặn chặt lại những mối nối cũ.

Trong khi Tammie Jean Colfax khóc lóc, cô nghe thấy một tiếng va đập nữa. Sau đó là một tiếng rên từ xa, rất nhẹ. Và qua hàng lệ, cô thấy hình như cuối cùng con mắt đen đã nhấp nháy.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 5


“Tình hình là như thế này”, Lincoln Rhyme tuyên bố. “Chúng ta có một nạn nhân bị bắt cóc và thời điểm là ba giờ chiều nay.”

“Không có việc đòi hỏi tiền chuộc”, Sellitto thêm vào phần tóm tắt của Rhyme, sau đó anh ta quay đi để trả lời cuộc điện thoại gọi đến. “Jerry”, Rhyme nói với Banks, “tóm tắt cho họ biết về hiện trường vụ án sáng nay”.

Trong căn phòng tối tăm của Lincoln Rhyme đang có nhiều người lượn lờ hơn lúc nào hết. Ồ, sau tai nạn, thỉnh thoảng bạn bè cũng đến mà không báo trước (tất nhiên khả năng Rhyme ở nhà là rất cao), nhưng anh đã không ủng hộ việc này. Và anh cũng không trả lời điện thoại, ngày càng ẩn dật hơn, trôi dần vào sự cô đơn. Anh dành nhiều thời gian cho việc viết sách và khi không còn cảm hứng để viết thêm cuốn nào nữa, thì anh đọc. Khi chán đọc đã có phim thuê, truyền hình trả tiền và âm nhạc. Rồi sau đó anh bỏ cả ti vi và dàn âm thanh, chuyển sang ngắm nghía hàng giờ liền các phiên bản in nghệ thuật mà người trợ lý đã treo lên bức tường đối diện chiếc giường nằm. Cuối cùng, những bức tranh này cũng được hạ xuống.

Cô độc.

Đó là tất cả những gì anh cầu xin, và bây giờ thì anh nhớ nó biết bao.

Jim Polling đang đi lại, trông có vẻ căng thẳng. Lon Sellitto là sĩ quan phụ trách vụ án, nhưng những sự kiện như thế này cần có một đại úy chỉ huy và Polling đã tình nguyện làm việc đó. Vụ này là một quả bom hẹn giờ và có thể phá tung sự nghiệp trong nháy mắt, do đó sếp và đội truyền thông của sở sẵn sàng để anh ta đứng ra chắn đạn. Họ sẽ thực hành môn nghệ thuật tạo khoảng cách và khi máy quay phim hoạt động, những cuộc họp báo của họ sẽ được rắc đầy những từ như kiểu ủy quyền, chỉ định và nhận lời khuyên của… Họ sẽ nhanh chóng liếc sang Polling khi có những câu hỏi khó khăn. Rhyme chẳng thể hình dung được tại sao bất kỳ cảnh sát nào trên thế giới cũng có thể tình nguyện làm công việc đó trong một vụ như thế này.

Polling là một người kỳ lạ. Một con người nhỏ bé đã tự khai phá đường đi cho mình qua khu vực Bắc Midtown như một trong những thám tử điều tra các vụ giết người thành công và nổi tiếng nhất thành phố. Nổi tiếng nóng tính, anh ta đã gặp rắc rối nghiêm trọng khi giết chết một nghi phạm không có vũ khí. Nhưng thật kỳ lạ là anh ta lại có thể khôi phục sự nghiệp của mình bằng cách kết thúc thành công vụ Shepherd – vụ giết cảnh sát hàng loạt, vụ mà Rhyme bị thương. Được thăng cấp đại úy sau lần bắt bớ rất công khai này, Polling trải qua một trong những thay đổi khó khăn nhất của cuộc đời – từ bỏ chiếc quần jeans xanh và những bộ vét Sears[38] để đổi lấy những bộ vét sang trọng của Brooks Brothers (hôm nay anh ta mặc một bộ Calvin Klein màu xanh hải quân) – và bắt đầu cuộc leo trèo lì lợm của mình lên một góc văn phòng xa hoa ở One Police Plaza.

Một sĩ quan khác đang dựa vào cái bàn gần đó. Tóc húi cua, vóc dáng cao chắc chắn, Bo Haumann là một đại úy và chỉ huy ESU[39]. Đội đặc nhiệm SWAT[40] của NYPD.

Banks kết thúc phần giới thiệu tóm tắt của mình đúng lúc Sellitto kết thúc cuộc điện đàm của anh ta. “Những Chàng trai Dũng cảm.”

“Có thêm thông tin gì về chiếc taxi không?” Polling hỏi.

“Không có gì. Họ vẫn đang đập bụi.”

“Có bất kỳ dấu hiệu gì chứng tỏ cô ta ngủ với ai đó mà cô ta không nên hay không?” Polling hỏi. “Có thể là một thằng bạn trai thần kinh?”

“Không. Không có bạn trai. Chỉ hẹn hò bình thường với mấy anh chàng. Trông có vẻ như không có ai theo đuổi.”

“Không có ai gọi điện đòi tiền chuộc?” Rhyme hỏi.

“Không.”

Chuông cửa reo. Thom ra mở cửa.

Rhyme nhìn về phía những giọng nói đang lại gần.

Một khoảnh khắc sau đó, người trợ lý dẫn một sĩ quan cảnh sát mặc cảnh phục lên cầu thang. Từ xa trông cô ta có vẻ rất trẻ, nhưng khi lại gần anh áng chừng cô ta khoảng ba mươi tuổi. Cô ta cao và có vẻ đẹp “vênh váo” của những người đàn bà trên trang bìa của các tạp chí thời trang.

Chúng ta nhìn người khác theo cách tự nhìn chính mình, vì thế sau tai nạn, Lincoln Rhyme rất ít khi nghĩ về mọi người từ phương diện cơ thể của họ. Anh quan sát chiều cao của cô, cái hông gọn gàng, mái tóc đỏ rực. Người khác có thể nhìn những đặc điểm này và nghĩ, đẹp quá. Nhưng với Lincoln Rhyme, ý nghĩ này không đến. Điều làm anh ấn tượng là cái nhìn trong mắt cô.

Không có sự ngạc nhiên – rõ ràng rồi, chắc ai đó đã báo trước anh là người tàn tật – nhưng là cái gì đó khác. Một biểu hiện mà trước đó anh chưa hề nhìn thấy. Tựa như hoàn cảnh của anh lại làm cô thấy thoải mái. Hoàn toàn trái ngược so với phản ứng của mọi người. Như thể cô đi vào phòng và cô đang thư giãn.

“Sĩ quan Sachs?” Rhyme nói.

“Vâng thưa ngài”, cô nói, tự ngăn được mình trước khi chìa tay ra. “Thám tử Rhyme.”

Sellitto giới thiệu cô với Polling và Haumann. Cô cũng đã biết hai người này, ít nhất qua uy tín của họ nếu không phải vì điều gì khác nữa, giờ thì ánh mắt cô lại càng tỏ ra thận trọng.

Cô quan sát căn phòng, bụi bặm, tăm tối. Liếc nhìn một trong những bức ảnh nghệ thuật. Nó bị mở ra lưng chừng, nằm dưới gầm bàn. Nighthawks[41], tác giả Edward Hopper. Những người cô đơn ngồi bên bàn ăn lúc tối muộn. Một trong những bức tranh cuối cùng bị dỡ xuống.

Rhyme giải thích ngắn gọn về thời hạn ba giờ chiều. Sellitto gật đầu bình thản nhưng Rhyme có thể nhìn thấy một thoáng gì đó trong ánh mắt cô, cái gì nhỉ? Sự sợ hãi? Ghê tởm?

Jerry Banks, những ngón tay đang lúng túng với cái nhẫn học sinh chứ chẳng phải một cái đai đám cưới, ngay lập tức bị vẻ đẹp của cô hấp dẫn và nở một nụ cười tươi hơn bình thường. Nhưng cái liếc mắt đáp lời duy nhất của Sellitto đã cho thấy rõ ở đây không hề có việc mối mai nào cả. Và có lẽ sẽ không bao giờ có.

Polling nói: “Có thể đây là một cái bẫy. Chúng ta tìm thấy chỗ hắn muốn dẫn ta đến, bước vào và ở trong là một quả bom.”

“Tôi nghi ngờ điều đó”, Sellitto nhún vai nói. “Vì sao lại tạo ra tất cả những rắc rối đó? Nếu anh muốn giết một tên cớm thì anh chỉ việc đi tìm lấy một tên và bắn hắn chết toi.”

Một khắc im lặng lúng túng khi Polling nhìn thoáng từ Sellitto sang Rhyme. Suy nghĩ đó tập hợp được từ vụ Shepherd; chính trong vụ đó Rhyme bị thương.

Nhưng sự lỡ lời này chẳng có nghĩa lý gì với Rhyme, anh tiếp tục: “Tôi đồng ý với Lon. Nhưng tôi sẽ nói với tất cả nhóm S&S[42] và nhóm HRT[43] phải đề phòng mai phục. Anh chàng của chúng ta có vẻ đang viết ra quy tắc riêng cho mình.”

Sachs nhìn bức tranh của Hopper một lần nữa. Rhyme dõi theo ánh mắt cô. Có thể những người trong bữa ăn tối không thực sự cô đơn, anh ngẫm nghĩ, thì trông họ đều rất hài lòng.

“Ở đây ta có hai loại vật chứng”, Rhyme nói tiếp. “Vật chứng chuẩn. Những thứ mà nghi phạm không muốn bỏ lại. Tóc, lông, sợi, vân tay, có thể là máu, dấu giày. Nếu ta có thể tìm đủ vật chứng loại này – và nếu ta may mắn – chúng có thể dẫn ta đến hiện trường thứ nhất. Đây là nơi hắn ta sống.”

“Hay là hang ổ lẩn trốn của hắn”, Sellitto gợi ý. “Một chỗ ở tạm.”

“Một nơi ẩn nấp an toàn?” Rhyme gật đầu đăm chiêu. “Chắc là anh đúng đấy, Lon. Hắn cần một nơi để hành động.” Anh tiếp tục: “Sau đó là những vật chứng được cố ý để lại. Ngoài hai mẩu giấy – nói với chúng ta ngày tháng – chúng ta có một con ốc, một cuộn asbestos và cát.”

“Một cuộc săn tìm kho báu chết tiệt”, Haumann gầm gừ, vuốt mớ tóc cắt ngắn của mình. Anh ta trông vẫn giống anh chàng trung sĩ tập sự mà Rhyme còn nhớ.

“Điều đó đồng nghĩa với việc tôi có thể báo cáo lên cấp trên là ta có khả năng tìm được nạn nhân đúng lúc?” Polling hỏi.

“Tôi nghĩ thế, có thể.”

Viên đại úy gọi điện thoại và đi về phía góc phòng để nói chuyện. Khi dập máy anh ta càu nhàu: “Thị trưởng. Sếp đang ngồi với ông ấy. Sẽ có một cuộc họp báo sau một tiếng nữa và tôi sẽ phải đến đó để đảm bảo cái của quý của họ vẫn còn trong quần và được kéo khóa. Tôi còn có gì để nói thêm với họ nữa không?”

Sellitto liếc nhìn Rhyme, anh lắc đầu.

“Chưa có gì đâu”, viên thám tử nói.

Polling cho Sellitto số di động của anh ta và đi ra, đúng hơn là chạy ra khỏi cửa.

Một khắc sau, một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi, hói, gầy guộc thư thả đi lên gác. Mel Cooper là một người mà lúc nào cũng có vẻ ngớ ngẩn, một nhân vật hàng xóm luộm thuộm trong một vở hài kịch tình thế. Đi sau anh ta là hai cảnh sát trẻ khênh cái rương nồi hấp và hai chiếc va li trông có vẻ nặng cả nghìn pound. Hai viên sĩ quan đặt món hàng nặng nề của mình xuống và ra về.

“Mel.”

“Thám tử.” Cooper đi tới chỗ Rhyme và siết chặt cánh tay vô dụng của anh. Sự tiếp xúc vật lý duy nhất trong ngày với những người khách của anh, Rhyme ghi nhận. Anh và Cooper đã từng làm việc cùng nhau trong nhiều năm. Có bằng hóa hữu cơ, toán và vật lý, Cooper là chuyên gia cả trong lĩnh vực nhận dạng – lấy dấu tay, DNA, tái tạo pháp lý – và phân tích vật chứng.

“Nhà hình sự học hàng đầu thế giới hôm nay thấy thế nào?” Cooper hỏi anh.

Rhyme cảm thấy một sự giễu cợt thiện ý. Danh xưng này được báo chí gắn cho anh mấy năm trước, sau khi một bản tin gây ngạc nhiên về việc FBI đã chọn anh – một cảnh sát thành phố – làm tư vấn cho việc thành lập PERT của họ. Không thỏa mãn với “nhà pháp y hàng đầu”, các phóng viên đã gọi Rhyme là “nhà hình sự học”.

Thuật ngữ này thực ra đã tồn tại nhiều năm, đầu tiên được dùng tại Mỹ cho Paul Leland Kirk[44] huyền thoại, người điều hành Trường Hình sự học của Đại học California ở UC Berkeley. Ngôi trường được sếp August Vollmer huyền thoại hơn thành lập và là ngôi trường đầu tiên thuộc loại này ở nước Mỹ. Gần đây tên gọi đó trở thành mốt, và khi các kỹ thuật viên trên toàn quốc rụt rè làm quen với các cô gái tóc vàng tại những buổi tiệc cocktail, họ giới thiệu mình là các nhà hình sự học thay vì là những nhà khoa học pháp y.

“Ác mộng của mọi người”, Cooper nói, “anh vào taxi nhưng hóa ra lại có một thằng khùng đang lái xe. Cả thế giới đang quan sát Quả Táo Lớn[45] vì cái hội nghị đó. Tôi sẽ lấy làm lạ nếu họ không lôi anh ra khỏi chỗ nghỉ hưu vì việc này.”

“Mẹ anh thế nào?” Rhyme hỏi.

“Vẫn than phiền về mọi cơn đau nhức. Vẫn khỏe hơn tôi.”

Cooper sống với người phụ nữ lớn tuổi đó trong một ngôi nhà ở Queens, nơi anh ta sinh ra. Niềm đam mê của anh ta là khiêu vũ dạ hội – tango là hàng độc của anh ta. Cớm thường đàm tiếu trong IRD về xu hướng giới tính của anh ta. Rhyme không quan tâm đến cuộc sống cá nhân của các nhân viên của mình nhưng cũng đã ngạc nhiên như những người khác khi gặp Greta, bạn gái lâu năm của Cooper, một phụ nữ Bắc u lộng lẫy dạy toán tại Columbia.

Cooper mở cái rương lớn lót nhung. Anh ta lấy ra các bộ phận của ba cái kính hiển vi lớn và bắt đầu lắp ráp.

“Ồ, điện trong nhà.” Anh ta thất vọng liếc nhìn ổ cắm, đẩy cái kính gọng kim loại cao hơn lên mũi.

“Vì đây là một ngôi nhà mà, Mel.”

“Tôi đã giả định rằng anh sống trong một cái phòng thí nghiệm. Liệu điều đó có quá ngạc nhiên không?”

Rhyme nhìn chăm chăm các thiết bị, màu đen và màu xám, bầm dập. Giống như những thiết bị anh đã từng ở cùng trong hơn mười lăm năm. Một cái kính hiển vi tiêu chuẩn và một cái dùng ánh sáng phân cực. Cooper mở những cái va li, trong đó có nhiều loại chai lọ, bình và thiết bị thí nghiệm của một Thầy Phù thủy. Trong một thoáng, ngôn từ trở lại với Rhyme, những ngôn từ đã từng là một phần trong vốn từ vựng hằng ngày của anh. Những cái ống lấy máu chân không EDTA[46], acetic acid, orthotolidine, thuốc thử luminol, Magna-Brush, hiện tượng màu tím Ruhemann…

Người đàn ông gầy gò nhìn quanh phòng. “Giống hệt như văn phòng trước kia của anh. Làm thế nào mà anh có thể tìm thấy bất cứ thứ gì ở đây? Ví dụ, tôi muốn có một ít không gian ở đây.”

“Thom.” Rhyme hướng đầu về phía cái bàn ít bừa bộn nhất.. Họ bỏ sang bên các loại báo, tạp chí, sách và để lộ ra cái mặt bàn mà Rhyme đã không nhìn thấy nhiều năm qua.

Sellitto nhìn bản báo cáo hiện trường vụ án. “Chúng ta gọi đối tượng là gì nhỉ? Ta vẫn chưa có số cho vụ này.”

Rhyme liếc nhìn Banks. “Chọn một số đi. Số nào cũng được.”

Banks đề nghị: “Số trang. Ừ, ý tôi là ngày tháng.”

“Đối tượng 823. Tốt như bất kỳ số nào khác.”

Sellitto viết con số này vào bản báo cáo.

“Vâng, cho tôi xin lỗi? Thám tử Rhyme?”

Đó là giọng của nữ cảnh sát tuần tra. Rhyme quay về phía cô.

“Tôi phải quay lại Đại Bản Doanh vào buổi trưa.”

“Sĩ quan Sachs…”, anh đã ngay lập tức quên mất cô. “Cô là sĩ quan đầu tiên đến hiện trường sáng nay à? Chỗ vụ giết người gần đường ray.”

“Đúng thế. Tôi đã nhận cuộc gọi.” Cô nói với Thom.

“Tôi ở đây, thưa sĩ quan.” Rhyme lạnh lùng nhắc cô, cố gắng kiểm soát cơn nóng giận. “Đằng này.” Khi người ta nói với anh qua người khác, qua những người khỏe mạnh, anh tức giận.

Cô xoay đầu lại rất nhanh và anh biết bài học đã được tiếp thu. “Vâng, thưa ngài”, cô nói. Trong giọng cô có sự mềm mại, nhưng trong mắt cô là băng giá.

“Tôi đã giải ngũ. Cứ gọi tôi là Lincoln.”

“Liệu anh có thể làm ơn chấm dứt chuyện này, được không?”

“Thế nghĩa là sao?” Anh hỏi.

“Lý do anh đưa tôi đến đây. Tôi xin lỗi. Tôi đã không suy nghĩ. Nếu anh muốn xin lỗi bằng văn bản, tôi sẽ viết. Có điều là tôi đã bị muộn cho nhiệm vụ mới và tôi không có cơ hội gọi điện cho chỉ huy của tôi.”

“Xin lỗi?” Rhyme hỏi.

“Vấn đề là tôi không hề có kinh nghiệm thực tế về hiện trường vụ án. Tôi chỉ là dân nghiệp dư.”

“Cô đang nói gì thế?”

“Chặn đoàn tàu và phong tỏa Đại lộ Mười một. Chính vì lỗi của tôi mà ngài thượng nghị sĩ đã không kịp phát biểu ở New Jersey và một vài quan chức cao cấp Liên Hiệp Quốc không đến kịp cuộc họp từ sân bay Newark.”

Rhyme chặc lưỡi. “Cô có biết tôi là ai không?”

“À. Tôi cũng có nghe về anh. Tôi nghĩ là anh đã…”

“Đã chết?” Rhyme hỏi.

“Không, ý tôi không phải như vậy.” Dù ý cô đúng là như vậy. Cô nhanh chóng nói tiếp: “Tất cả chúng tôi đều dùng sách của anh trong học viện. Nhưng chúng tôi không nghe nhiều về anh. Ý tôi là về chuyện cá nhân…” Cô nhìn lên bức tường và căng thẳng nói: “Theo suy nghĩ của tôi, như một sĩ quan đầu tiên đến hiện trường, tốt nhất là phải chặn đoàn tàu và phong tỏa đường phố để bảo vệ hiện trường. Và đó chính là điều tôi làm, thưa ngài…”

“Gọi tôi là Lincoln. Và cô là…”

“Tôi…”

“Tên cô?”

“Amelia.”

“Amelia. Từ gốc là nữ phi công à?”

“Không. Một cái họ.”

“Amelia, tôi không muốn một lời xin lỗi. Cô đúng và Vince Peretti đã sai.”

Sellitto nhúc nhích khi thấy sự vô ý đó, nhưng Lincoln Rhyme không quan tâm. Cuối cùng thì anh là một trong số vài người trên thế giới có thể vẫn cứ nằm ườn ra ngay cả khi tổng thống Mỹ bước vào phòng. Anh tiếp tục: “Peretti khám nghiệm hiện trường như thể Thị trưởng đang nhòm qua vai anh ta, và đó là cách thức số một để làm hỏng việc. Anh ta có quá nhiều người, anh ta hoàn toàn sai lầm khi cho đoàn tàu và các phương tiện giao thông chuyển động; anh ta không bao giờ được giải phóng hiện trường sớm như anh ta đã làm. Nếu chúng ta giữ được đường ray, biết đâu chúng ta lại chẳng tìm thấy một hóa đơn thẻ tín dụng với một cái tên ở đó. Hay là một dấu vân tay thật đẹp.”

“Có thể”, Sellitto tế nhị nói. “Nhưng giữ điều đó cho chúng ta thôi.” Khi ra mệnh lệnh im lặng, ánh mắt anh ta quay về phía Sachs, Cooper và Jerry Banks trẻ tuổi.

Rhyme phì ra một nụ cười bất kính. Sau đó quay lại phía Sachs, anh bắt gặp cô đang nhìn chân và cơ thể anh dưới tấm chăn màu vàng mơ, như Jerry Banks sáng nay. Anh nói với cô: “Tôi gọi cô đến đây để xử lý hiện trường tiếp theo cho chúng tôi.”

“Cái gì?” Lần này thì không phải nói qua người phiên dịch.

“Làm việc cho chúng tôi”, anh nói ngắn gọn. “Hiện trường vụ án tiếp theo.”

“Nhưng…” Cô cười. “Tôi đâu có phải là IRD. Tôi thuộc Đội Tuần tra. Tôi chưa bao giờ làm công việc xử lý hiện trường.”

“Đây là một vụ bất thường. Như chính thám tử Sellitto đã nói với cô. Nó thực sự là kỳ quặc. Đúng không, Lon? Đúng, nếu đó là một vụ cổ điển, chúng tôi không cần cô. Nhưng trong vụ này chúng tôi cần một cặp mắt mới.”

Cô liếc nhìn Sellitto, anh ta chẳng nói gì. “Tôi chỉ… Tôi hoàn toàn không giỏi việc này. Tôi chắc đấy.”

“Được rồi”, Rhyme kiên nhẫn nói. “Sự thật nhé?”

Cô gật đầu.

“Tôi cần ai đó có gan dừng cả đoàn tàu trên đường ray để bảo vệ hiện trường và chịu đựng được rắc rối sau đó.”

“Cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội, thưa ngài, Lincoln. Nhưng…”

Rhyme nói ngắn gọn. “Lon.”

“Sĩ quan”, viên thám tử càu nhàu với Sachs, “cô không có lựa chọn nào ở đây. Cô đã được phân công vào vụ này để trợ giúp tại hiện trường vụ án.”

“Thưa ngài, tôi phải phản đối. Tôi đã chuyển khỏi Đội Tuần tra. Ngày hôm nay. Tôi được chuyển vì lý do sức khỏe. Quyết định đó có hiệu lực cách đây một giờ.”

“Lý do sức khỏe?” Rhyme hỏi.

Cô ta chần chừ, rồi lại miễn cưỡng nhìn chân anh.

“Tôi bị viêm khớp.”

“Đúng thế à?” Rhyme hỏi.

“Viêm khớp mãn tính.”

“Tôi rất tiếc.”

Cô nhanh chóng tiếp tục: “Tôi nhận cuộc gọi sáng nay vì ai đó bị ốm phải nằm ở nhà. Tôi không định làm việc đó.”

“Đúng thế, được rồi. Tôi cũng có chương trình khác”, Lincoln Rhyme nói. “Giờ thì ta hãy nghiên cứu một số bằng chứng.”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 6


“Con ốc.”

Nhớ lại nguyên tắc nghiên cứu hiện trường vụ án cổ điển: Phân tích bằng chứng bất thường nhất đầu tiên.

Thom liên tục xoay xoay cái túi nhựa trên tay khi Rhyme nghiên cứu cái đinh vít, nửa gì nửa không. Cùn. Mòn.

“Anh chắc về dấu vân tay chứ? Anh đã dùng, chất thử vi hạt chưa? Đó là loại tốt nhất cho các vật chứng bị tiếp xúc với các nguyên tố.”

“Đúng”, Mel Cooper khẳng định.

“Thom”, Rhyme hạ lệnh, “bỏ cái tóc này khỏi mắt tôi! Trả nó lại chỗ cũ. Tôi đã nói với cậu chải lại nó sáng nay rồi”.

Người trợ lý thở dài và chải mớ tóc đen rối bù. “Cẩn thận”, anh ta thầm thì oán giận với ông chủ của mình và Rhyme lại hất đầu một cách thô bạo, làm cho tóc càng rối hơn. Amelia Sachs sưng sỉa ngồi ở góc phòng. Chân cô đặt dưới ghế trong tư thế xuất phát của vận động viên chạy nước rút, và chắc chắn là cô ta trông như thể đang chờ tiếng súng xuất phát.

Rhyme quay lại với con ốc.

Khi còn lãnh đạo IRD, Rhyme bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu. Ví dụ như chỉ mục sơn xe hơi liên bang hay hồ sơ thuốc lá BATF[47]. Anh thiết lập hồ sơ tiêu chuẩn đạn, sợi, vải, lốp xe, giày, công cụ, dầu xe, dầu hộp số. Anh dành hàng trăm giờ biên soạn các danh mục, đặt chỉ mục và tham chiếu chéo.

Dù vậy, ngay cả trong thời kỳ cầm quyền mê đắm của Rhyme, IRD cũng chưa bao giờ lập catalog cho dụng cụ. Anh băn khoăn tại sao lại không làm như vậy, anh tự giận mình vì không dành thời gian để làm, và còn tức giận Peretti hơn nữa vì anh ta cũng không nghĩ tới điều đó.

“Ta phải gọi cho tất cả các nhà sản xuất và buôn bán ốc vít khu Đông Bắc. Không, cả nước. Hỏi xem họ có làm loại ốc nào như thế này không và họ bán nó cho ai. Hãy gửi fax các bản miêu tả và ảnh của con ốc cho nhân viên điều phối của chúng ta ở Phòng Truyền thông.”

“Quỷ thật, có thể phải là hàng triệu”, Banks nói. “Từng cửa hàng Ace Hardware và siêu thị Sears trên toàn quốc.”

“Tôi không nghĩ vậy”, Rhyme trả lời. “Đó phải là một dấu tích có ý nghĩa. Hắn sẽ không để nó lại nếu nó vô dụng. Nguồn cung cấp những con ốc này chắc cũng có hạn thôi. Tôi cá với anh đấy.”

Sellitto gọi điện và ngẩng lên sau vài phút. “Tôi đã có điện thoại viên cho anh rồi đây, Lincoln. Bốn người. Chúng tôi lấy danh sách các nhà sản xuất ở đâu?”

“Cho nhân viên tuần tra đến Phố Bốn mươi hai.” Rhyme trả lời. Thư viện công cộng. Ở đó họ có danh bạ điện thoại của các công ty. Trước khi lấy được nó, hãy để điện thoại viên của chúng ta dùng Những Trang Vàng Kinh Doanh.”

Sellitto nhắc lại vào điện thoại.

Rhyme nhìn đồng hồ. Một giờ ba mươi.

“Còn bây giờ là sợi abestos.”

Trong một khoảnh khắc, từ này rực sáng trong đầu anh. Anh cảm thấy choáng váng – nơi mà không thể cảm thấy choáng váng được. Abestos thì có gì quen thuộc nhỉ? Điều gì đó mà anh vừa mới đọc hay nghe được – mới đây thôi, mặc dù Lincoln Rhyme không còn tin tưởng vào cảm nhận thời gian của mình nữa. Khi ta nằm đông cứng một chỗ từ tháng này qua tháng khác, thời gian trôi đi chậm chạp gần như chết. Anh có thể nghĩ tới một số thứ mà anh đã đọc được cách đây hai năm.

“Ta biết gì về abestos?” Anh đăm chiêu. Không ai trả lời câu hỏi này, nhưng không quan trọng; anh sẽ tự trả lời. Như anh vẫn thường thích làm. Abestos là một phân tử phức hợp, polime sillic. Nó không cháy, vì giống như kính, nó đã bị oxy hóa hoàn toàn.

Khi anh khám nghiệm hiện trường vụ án của những vụ giết người ngày trước – làm việc với các nhà pháp y học, nhân chủng học và các bác sĩ nha khoa – Rhyme thường thấy mình ở trong các tòa nhà được bao bọc abestos. Anh nhớ cái vị đặc biệt của những chiếc mặt nạ họ phải đeo trong khi dọn dẹp abestos ở ga tàu điện ngầm City Hall ba năm rưỡi trước, tại đó nhân viên tìm thấy xác của một trong những cảnh sát bị Dan Shepherd giết và vứt vào phòng máy nổ. Khi Rhyme chậm chạp cúi xuống để nhặt sợi từ chiếc áo khoác màu xanh dương nhạt của viên sĩ quan, anh nghe thấy tiếng gãy và tiếng rắc của thanh xà gỗ sồi. Chiếc mặt nạ có thể đã cứu anh không bị ngạt thở đến chết trong đám bụi bặm và bùn đất xung quanh.

“Có thể hắn đưa cô ta đến một công trường phá dỡ”, Sellitto nói.

“Có thể”, Rhyme đồng ý.

Sellitto ra lệnh cho người trợ lý trẻ tuổi của mình. “Gọi EPA[48] và Sở Môi trường Thành phố. Tìm xem có công trường phá dỡ nào đang được tiến hành ngay lúc này không.”

Viên thám tử gọi điện.

“Bo”, Rhyme gọi Haumann, “đội của cậu đã sẵn sàng triển khai chưa?”

“Sẵn sàng chiến đấu.” Viên đội trưởng ESU khẳng định. “Dù vậy tôi vẫn phải nói rằng chúng tôi chỉ có một nửa lực lượng vì phải phục vụ cho hội nghị của Liên Hiệp Quốc. Họ bị Ủy ban Mật vụ và An ninh của Liên Hiệp Quốc mượn.”

“Tôi đã có vài thông tin về EPA ở đây.” Banks ra hiệu cho Haumann và họ đi ra góc phòng. Họ dẹp sang bên một vài chồng sách. Khi Haumann trải một trong những tấm bản đồ chiến thuật New York của ESU lên bàn, có thứ gì đó rơi xuống nền nhà.

Banks nhảy dựng lên. “Chúa ơi.”

Từ góc nhìn nơi anh đang nằm, Rhyme không thể thấy cái gì vừa bị rơi. Haumann chần chừ một giây, sau đó cúi xuống để nhặt lên một đoạn xương sống đã bạc màu và đặt nó lên mặt bàn.

Rhyme cảm thấy ánh mắt vài người nhìn anh nhưng anh không nói gì về khúc xương. Haumann cúi người nhìn tấm bản đồ, Banks cũng vậy, đang nghe điện thoại và cung cấp cho Haumann thông tin về các công trường thu dọn abestos. Viên chỉ huy đánh dấu chúng bằng bút sáp. Có vẻ như có rất nhiều công trường, tản mát ở khắp năm quận của thành phố. Tình hình không mấy khả quan.

“Ta phải tiếp tục khoanh vùng gọn hơn. Xem nào, cát”, Rhyme nói với Cooper. “Phóng đại lên xem. Nói cho tôi biết anh nghĩ gì.”

Sellitto chuyển cái phong bì đựng vật chứng cho kỹ thuật viên, anh này đổ những thứ bên trong vào một cái khay khám nghiệm tráng men. Chất bột lóng lánh để lại một đám mây bụi nhỏ. Ở giữa có một hòn đá, đã bị bào mòn, nó lăn vào giữa đống cát.

Cổ họng Lincoln Rhyme nghẹn lại. Không phải vì những gì anh thấy – anh vẫn chưa biết anh đang nhìn vào cái gì – nhưng vì một xung thần kinh đứt đoạn phóng ra từ não anh và tắt ngấm nửa đường khi đến cánh tay phải vô dụng, thúc bách cầm lấy một cái bút chì và thử. Lần đầu tiên trong thời gian khoảng một năm, anh cảm thấy sự thúc bách đó. Điều này suýt làm anh phát khóc và niềm an ủi duy nhất của anh là ký ức về cái lọ nhỏ đựng Seconal, cái túi nhựa mà bác sĩ Berger mang theo, những hình ảnh bay lượn trong phòng như thiên thần hộ mệnh.

Anh hắng giọng. “Lấy thử dấu tay đi.”

“Cái gì?” Cooper hỏi lại.

“Hòn đá.”

Sellitto nhìn anh dò hỏi.

“Hòn đá ở đó không hợp”, Rhyme nói. “Táo và cam. Tôi muốn biết vì sao. Lấy dấu đi.”

Sử dụng một cái kẹp có đầu bằng sứ, Cooper nhấc hòn đá lên và nghiên cứu nó. Anh ta đeo kính, dùng chiếc đèn PoliLight chiếu vào hòn đá – bộ đèn có ắc quy lớn như ắc quy xe hơi với một cây đũa thần gắn ở đó.

“Chẳng có gì”, Cooper nói.

“VMD?”

VMD, lắng chân không kim loại là kỹ thuật hiển thị vân tay ẩn trên những bề mặt không xốp. Nó làm bay hơi vàng hay kẽm trong một buồng chân không có chứa đối tượng cần kiểm tra; kim loại sẽ phủ lên dấu vân tay ẩn, làm thấy rõ hoa tay và những điểm đỉnh.

Nhưng Cooper không đem theo máy VMD.

“Vậy thì anh có gì?” Rhyme hỏi, vẻ không vui.

“Sudan đen, thuốc tráng phim ổn định, iodine, amido đen, DFO và thuốc nhuộm chữa bỏng, Magna-Brush.”

Anh ta còn đem theo ninhydrin để phát hiện dấu tay trên những bề mặt xốp và khuôn Keo Siêu dính cho những bề mặt nhẵn. Rhyme nhớ lại những tin tức chấm động đã tràn qua cộng đồng giám định vài năm trước: Một kỹ thuật viên làm việc trong phòng thí nghiệm giám định của quân đội Mỹ ở Nhật bản đã dùng Keo Siêu dính để sửa chiếc máy quay bị vỡ của mình và vô cùng ngạc nhiên khi thấy khói bốc lên từ chất keo dính đã làm hiện ra dấu tay tốt hơn phần lớn các loại hóa chất được tạo ra cho mục đích này.

Đó chính là phương pháp Cooper sử dụng. Dùng một cái kẹp, anh ta đặt hòn đá vào một hộp thủy tinh nhỏ và rỏ một ít keo vào cái đĩa nóng đặt bên trong. Vài phút sau, anh ta lấy hòn đá ra.

“Ta có gì đó rồi đây này”, anh ta phủ một lớp bụi UV bước sóng dài lên hòn đá và dùng đèn PoliLight soi vào nó. Có thể nhìn thấy rõ ràng một dấu vân tay. Đúng trung tâm. Cooper chụp ảnh nó bằng một cái máy Palaroid CU-5, tỷ lệ 1:1. Anh ta đưa bức ảnh cho Rhyme.

“Đưa nó lại gấn hơn tí nữa.” Rhyme liếc mắt khi xem bức ảnh. “Đúng rồi! Hắn ta đã xoay nó.”

Dấu vân tay xoay – xoa ngón tay lên một bề mặt – tạo ra ấn tượng khác so với khi nhặt vật thể đó lên. Đó là một khác biệt rất nhỏ – ở chiều rộng giữa các đường vân tại những điểm khác nhau của sơ đồ vân tay – nhưng là sự khác biệt mà Rhyme có thể nhìn thấy rất rõ.

“Nhìn này, cái gì đây?” Anh đăm chiêu. “Đường kẻ này.” Có một dấu hiệu hình vòng cung mờ nhạt bên trên dấu vân tay.

“Nó trông giống như là…”

“Đúng thế”, Rhyme nói, “móng tay của cô ấy. Thường thì ta sẽ không có dấu hiệu này. Nhưng tôi cá là hắn đặt hòn đá để người ta nhặt nó. Nó để lại một vết hằn nhờn dầu. Giống như vân tay.”

“Vì sao hắn làm thế?” Sachs hỏi.

Lại phật ý vì xem ra chẳng có ai hiểu ra vấn đề nhanh như mình, Rhyme cục cằn giải thích: “Hắn nói với ta hai điều. Thứ nhất, hắn muốn ta biết nạn nhân là phụ nữ. Trong trường hợp ta không liên kết được cô ta với các xác sáng nay.”

“Hắn làm thế để làm gì?” Banks hỏi.

“Trộn đỗ với thóc.” Rhyme nói.”Để làm ta toát thêm ít mồ hôi. Hắn cho ta biết có một người phụ nữ đang gặp nguy hiểm. Hắn đánh giá nạn nhân – như tất cả chúng ta làm – kể cả khi chúng ta nói là chúng ta không làm vậy.” Rhyme tình cờ nhìn vào tay Sachs. Anh ngạc nhiên khi thấy rằng, một người phụ nữ đẹp như Sachs mà các ngón tay lại xấu tệ hại. Bốn đầu ngón tay dán băng Band-Aid và mấy ngón khác bị gặm đến tận thịt. Lớp biểu bì ở một ngón bị phủ một lớp máu nâu. Anh còn nhận thấy da dưới lông mày cô bị viêm đỏ, do bị kéo, anh đoán. Và một dấu xước cạnh tai cô. Tất cả những thói quen tự hủy hoại. Có hàng triệu cách để phê, ngoài thuốc và rượu Armagnac.

Rhyme nói: “Có một điều nữa hắn nói với chúng ta mà tôi đã cảnh báo trước với các anh. Hắn biết chứng cứ. Hắn đang nói. Đừng quan tâm đến những vật chứng pháp lý thông thường. Tôi cũng sẽ không để lại gì. Tất nhiên đó là điều hắn nghĩ. Nhưng chúng ta sẽ tìm thấy gì đó. Tôi cá là chúng ta sẽ thấy.” Đột nhiên Rhyme nhăn mặt. “Bản đồ! Ta cần bản đồ. Thom!”

Người trợ lý buột miệng: “Bản đồ nào?”

“Cậu biết ý tôi nói cái bản đồ nào mà.”

Thom thở dài. “Tôi chịu, Lincoln.”

Nhìn ra cửa sổ và nói, một nửa là với chính mình, Rhyme đăm chiêu. “Cầu vượt qua đường ray, đường hầm buôn rượu lậu và những cánh cửa ra vào, abestos – đều là những thứ cũ. Hắn thích New York lịch sử. Tôi muốn bản đồ Randel.”

“Ở đâu?”

“Hồ sơ nghiên cứu cho cuốn sách của tôi. Còn ở đâu được nữa hả?”

Thom lục lọi trong đống cặp hồ sơ và lấy ra một bản sao của một tấm bản đồ Manhattan dài, nằm ngang. “Cái này à?”

“Cái đó, đúng rồi!”

Đó là Khảo sát của Randel, vẽ năm 1811 cho các ủy viên Hội đồng thành phố quy hoạch mạng lưới phố xá của Manhattan. Tấm bản đồ được in ngang, với Công viên Battery, phía nam, bên trái và Harlem, phía bắc, sang phải. Vẽ theo cách này, hòn đảo tạo thành một con chó đang nhảy lên, cái đầu hẹp của nó ngẩng lên, chuẩn bị tấn công.

“Gắn nó lên đây. Tốt.”

Trong khi viên trợ lý làm, Rhyme nói: “Thom, chúng ta sẽ cử cậu làm đại diện. Đưa cho anh ta một cái phù hiệu bóng loáng hay cái gì đó đi, Lon.”

“Lincoln”, cậu ta lắp bắp.

“Chúng tôi cần cậu. Nào. Chẳng phải là lúc nào cậu cũng muốn trở thành Sam Spade[49] hay Kojak[50] đó sao?”

“Chỉ là Jury Garland[51] thôi.” Người trợ lý đáp lời.

“Thế thì là Jessica Fletcher[52] vậy. Cậu sẽ viết hồ sơ. Làm đi, lấy cái bút Mont Blanc lúc nào cũng dính trong túi áo cậu ra đi.”

Chàng thanh niên đảo mắt khi cậu ta lấy cái bút Parker ra và nhặt một cuốn sổ màu vàng từ chồng sách vở dưới một cái bàn.

“Không, tôi có ý hay hơn”, Rhyme tuyên bố. “Treo một trong những bức tranh kia lên. Những bức tranh nghệ thuật ấy. Xoay ngược nó lại rồi viết ra mặt sau bằng bút đánh dấu. Viết thật to vào. Để tôi còn đọc được.”

Thom chọn bức tranh hoa huệ tây của Monet, dán lên tường.

“Trên cùng”, nhà hình sự học nói, “viết ‘Đối tượng 823’ sau đó kẻ bốn cột. ‘Ngoại hình. Nơi ở. Phương tiên đi lại. Khác.’ Đẹp rồi. Giờ thì bắt đầu thôi. Chúng ta biết gì về hắn ta?”

Sellitto nói: “Phương tiện đi lại… Hắn ta có chiếc Yellow Cab.”

“Đúng thế. Và trong cột ‘Khác’ cần thêm hắn ta biết quy trình khám nghiệm hiện trường.”

Sellitto nói: “Điều đó có thể có nghĩa là hắn đã từng gặp chuyện rắc rối.”

“Thế nghĩa là gì?” Thom hỏi.

“Có nghĩa là hắn có thể có tiền án.” Viên thám tử giải thích.

Banks nói: “Ta có cần thêm là hắn có khẩu Colt cỡ .32 không?”

“Mẹ kiếp, có”, sếp của anh ta khẳng định.

Rhyme đóng góp: “Và hắn biết về FRs…”

“Cái gì?” Thom hỏi.

“Vân ma sát – dấu vân tay. Cậu biết đấy, đó là những đường vân trên bàn tay và chân chúng ta để tạo ma sát. Và viết thêm là có thể hắn ta có khả năng hành động từ một nơi ẩn nấp an toàn. Tốt lắm, Thom. Nhìn cậu ta này. Cậu ta quả là một người thực thi pháp luật nhà nòi.”

Thom đỏ mặt, rời khỏi bức tường, phẩy mạng nhện vương trên chiếc áo sơ mi.

“Đây rồi, anh em”, Sellitto nói. “Hình ảnh đầu tiên của chúng ta về Ngài 823.”

Rhyme quay về phía Mel Cooper. “Còn bây giờ là cát. Chúng ta có thể nói gì về nó nhỉ?”

Cooper kéo cái kính lên vầng trán nhợt nhạt của anh ta. Anh ta đổ một mẫu vào thanh trượt, đẩy nó xuống dưới cái kính hiển vi ánh sáng phân cực rồi điều chỉnh núm điều khiển.

“Hừm. Lạ thật. Không thấy có khúc xạ đúp.”

Kính hiển vi phân cực cho thấy khúc xạ đúp của tinh thể hay sợi và một số vật liệu khác. Cát bãi biển có tính khúc xạ đúp lớn.

“Thế thì không phải cát”, Rhyme lẩm bẩm. “Đó là một thứ bị xay nhỏ… Anh có thể nhận dạng cá thể được không?”

Nhận dạng cá thể… Mục tiêu của nhà hình sự học. Phần lớn vật chứng có thể được nhận dạng. Nhưng ngay cả khi ta biết được đó là gì, nó có thể xuất phát từ hàng trăm hay hàng nghìn nguồn. Vật chứng đã được nhận dạng cá thể là một thứ mà chỉ có thể xuất phát từ một nguồn hay một số lượng nguồn rất hạn chế. Một dấu vân tay, một hồ sơ DNA, một mẩu sơn vừa vào chỗ tróc trên xe của nghi phạm giống như một mảnh của một bức tranh đố ghép hình.

“Có thể”, kỹ thuật viên trả lời. “Nếu tôi có thể xác định được đó là cái gì.”

“Bột kính nghiền?” Rhyme gợi ý.

Kính về bản chất là cát bị nung chảy nhưng quá trình chế tạo kính đã thay đổi cấu trúc tinh thể. Bột kính nghiền không khúc xạ đúp. Cooper cẩn thận nghiên cứu mẫu.

“Không, tôi không nghĩ đó là kính. Tôi không biết nó là cái gì. Giá mà tôi có EDX[53] ở đây.”

Một công cụ thông dụng trong phòng thí nghiệm hình sự là kính hiển vi quét điện tử kết hợp với một thiết bị tia X phân tán năng lượng; nó xác định thành phần hóa học của các mẫu dấu vết được tìm thấy tại hiện trường vụ án.

“Tìm cho anh ta một cái”, Rhyme ra lệnh cho Sellitto, sau đó nhìn quanh phòng. “Chúng ta cần thêm thiết bị. Tôi muốn có thêm cả thiết bị lấy dấu vân tay chân không kim loại. Và GC-MS[54].” Một loại máy sắc ký khí dùng để phân tách các hợp chất thành những nguyên tố thành phần và quang phổ kế ánh sáng để nhận dạng từng nguyên tố. Những thiết bị này cho phép các nhà hình sự học kiểm tra một mẫu chưa biết với khối lượng nhỏ tới một phần triệu g và tìm kiếm nó trong một cơ sở dữ liệu hàng trăm nghìn các hợp chất đã biết, được phân loại theo nhận dạng và tên nhãn hiệu.

Sellitto gọi điện tới phòng thí nghiệm CSU thông báo danh mục thiết bị cần thiết.

“Nhưng ta không thể đợi tới khi có đồ, Mel. Anh phải làm theo cách truyền thống thôi. Nói cho tôi thêm một chút về cái thứ cát rởm của chúng ta nào.”

“Nó lẫn một ít bụi. Có đất mùn, những đốm thạch anh, chất feldspar và mica. Có rất ít mảnh lá cây và thực vật phân rã. Một số đốm có thể là bentonite.”

“Bentonite.” Rhyme thỏa mãn. “Đó là tàn tro núi lửa mà các nhà xây dựng sử dụng trong hồ xi măng khi họ đào móng trong những vùng có nước của thành phố, nơi nền đá ở rất sâu. Dùng chống xói mòn. Vậy chúng ta phải tìm những công trường xây dựng gần nước, có thể ở phía nam Phố Ba mươi tư. Phía Bắc, vùng đó nền đá khá gần mặt đất nên họ không cần dùng hồ xi măng.”

Cooper xê dịch thanh trượt. “Nếu phải đoán, tôi sẽ nói rằng đó chủ yếu là calcium. Đợi chút, ở đây có gì đó dạng sợi.”

Cái núm lại bị xoay và Rhyme sẽ trả mọi thứ để có thể được nhìn vào cái ống ngắm kia. Nhớ lại tất cả những buổi tối anh dán mắt vào cái viền ống ngắm cao su màu xám, quan sát sợi hay những mẩu vỏ bào kim loại trôi ra trôi vào tiêu điểm.

“Ở đây còn mấy thứ nữa. Hạt lớn. Ba lớp. Một giống như cái loa kèn. Sau đó là hai lớp calcium. Màu sắc hơi khác nhau. Những mẩu khác trong suốt.”

“Ba lớp?” Rhyme giận dữ quát lên. “Của nợ, đấy là vỏ sò.” Anh cảm thấy bực tức với bản thân. Anh phải nghĩ tới điều đó chứ.

“Đúng rồi, nó đấy.” Cooper gật đầu. “Tôi nghĩ là con hàu.”

Những bãi hàu quanh thành phố chủ yếu nằm ngoài bờ biển Long Island và New Jersey. Rhyme đã hy vọng là nghi phạm hạn chế khu vực địa lý cần tìm kiếm trong Manhattan – nơi nạn nhân được tìm thấy sáng nay. Anh lẩm bẩm: “Nếu hắn mở rộng ra cả thành phố thì việc tìm kiếm là vô vọng.”

Cooper nói: “Tôi đang nhìn thấy một thứ khác. Tôi nghĩ đấy là đá vôi. Rất cổ. Dạng hạt.”

“Có thể là bê tông.” Rhyme gợi ý.

“Có thể. Đúng.”

“Thế thì tôi không hiểu vỏ sò”, Cooper nói thêm, vẻ trầm ngâm. “Những bãi sò quanh New York đầy bùn và thực vật. Thứ này bị trộn lẫn với bê tông và thực sự là không hề có chất gì liên quan đến thực vật.”

Bất thình lình Rhyme quát lên: “Cạnh! Cạnh của cái vỏ sò ấy như thế nào, Mel?”

Nhân viên kỹ thuật nhìn vào ống ngắm: “Đứt đoạn, không bị mòn. Nó bị tán vụn dưới áp lực. Không bị nước bào mòn.”

Ánh mắt Rhyme trượt sang tấm bản đồ Randel, quét từ phải sang trái. Tập trung vào vùng mông con chó đang nhảy.

“Có rồi!” Anh hét lên.

Năm 1913, F.W. Woolworth xây một cấu trúc sáu mươi tầng đến bây giờ vẫn còn mang tên ông, bọc gốm, được bao phủ bởi miệng máng xối và điêu khắc gothic. Trong suốt mười sáu năm, đó là tòa nhà cao nhất thế giới. Vì nền đá ở khu vực này của Manhattan nằm cách Broadway ba mươi mét, những người công nhân đã phải đào đường trục rất sâu để neo tòa nhà. Không lâu sau khi động thổ, những người công nhân đã tìm thấy thi hài của nhà công nghiệp Manhattan, Talbott Soames, người bị bắt cóc năm 1906. Xác của ông ta bị chôn trong một bãi dày, một thứ trông giống như cát nhưng thực ra là vỏ sò bị nghiền nát, một việc mà báo chí lá cải đã làm ầm ĩ, nhắc đến sự đam mê của nhà tư bản đối với đồ ăn ngon. Vỏ sò rất phổ biến dọc theo mũi thấp phía đông Manhattan đến mức chúng được sử dụng để lấn biển. Đó cũng là lý do Phố Pearl[55] lại được đặt tên như vậy.

“Cô ta ở đâu đó trong khu trung tâm.” Rhyme tuyên bố. “Có thể ở phía đông. Cũng có thể gần phố Pearl. Cô ta đang ở dưới lòng đất, sâu khoảng năm đến mười lăm feet. Có thể là một công trường xây dựng, có thể là một tầng hầm. Một tòa nhà cũ hay một đường hầm.”

“Kiểm tra chéo bản đồ của EPA đi Jerry”, Sellitto ra lệnh. “Những chỗ họ dọn dẹp abestos.”

“Trên phố Pearl? Không có gì.” Viên sĩ quan trẻ nâng tấm bản đồ mà anh ta và Haumann đang nghiên cứu lên. “Có khoảng ba tá công trường phá dỡ – ở Midtown, Harlem và Bronx. Nhưng ở trung tâm không có gì.”

“Abestos… abestos…”, Rhyme lại trầm ngâm. Có gì đó rất quen ở đây.

Đã là 2:05.

“Bo, ta phải đi thôi. Hãy đưa người của anh tới đó và bắt đầu tìm kiếm. Tất cả các tòa nhà dọc theo Phố Pearl. Cả Phố Water nữa.”

“Trời”, viên cảnh sát thở dài, “thế thì rất nhiều.” Anh ta ra đến cửa.

Rhyme nói với Sellitto: “Lon, tốt hơn là anh cũng nên đi. Sẽ là cuộc chạy đua sát nút đấy. Họ cần tất cả những nhân viên truy tìm mà họ có thể có. Amelia, tôi muốn cả cô cũng đi.”

“Nhưng này, tôi đang nghĩ xem…”

“Sĩ quan”, Sellitto quát, “đây là mệnh lệnh…”.

Một ánh hồng nhạt đảo qua khuôn mặt xinh đẹp của cô.

Rhyme hỏi Cooper: “Mel, anh đến đây bằng xe bus à?”

“RRV[56]”, anh ta trả lời.

Những chiếc xe bus thành phố dành cho hiện trường vụ án lớn là những chiếc xe tải lớn – chứa đầy thiết bị và vật tư phục vụ cho việc thu nhập chứng cứ, được trang bị tốt hơn phòng thí nghiệm của những thành phố nhỏ. Nhưng khi Rhyme điều hành IRD, anh đã đặt mua những chiếc xe phục vụ hiện trường vụ án nhỏ hơn – những chiếc xe kiểu wagon – với những thiết bị thu nhập và phân tích cơ bản nhất. Những chiếc RRV trông bình thường nhưng Rhyme đã bắt Phòng Vận chuyển gắn cho chúng động cơ turbo của Đội Cảnh sát Cơ động. Chúng thường vượt xe của Đội Tuần tra để đến hiện trường trước; đã có lần sĩ quan đầu tiên đến hiện trường lại là những kỹ thuật viên hiện trường dày dạn. Đó chính là giấc mơ của mọi công tố viên.

“Đưa chìa khóa cho Amelia.”

Cooper đưa chìa khóa cho Sachs, cô lườm anh, sau đó ra khỏi phòng và chạy xuống cầu thang. Ngay cả tiếng bước chân của cô nghe cũng có vẻ giận dữ.

“Được rồi, Lon. Anh nghĩ gì?”

Sellitto nhìn hành lang trống rỗng và lại gần Rhyme. “Anh thực sự muốn có P.D cho vụ này à?”

“P.D?”

“Ý tôi là cô ta. Sachs. P.D là biệt hiệu.”

“Cho cái gì?”

“Đừng nói điều đó với cô ta. Bỏ cô ta đi. Cha cô ta là một cảnh sát tuần tra trong bốn mươi năm. Đó là lý do vì sao cô ta được gọi là P.D (Con gái cớm tuần tra).”

“Anh không nghĩ rằng tôi nên chọn cô ta?”

“Không. Tôi không nghĩ thế. Vì sao anh lại muốn cô ta?”

“Vì cô ta đã trèo xuống một bờ ngăn cao ba mươi feet để bảo vệ hiện trường vụ án. Cô ta phong tỏa đại lộ chính và đường ray của Amtrak. Đó là sáng kiến.”

“Thôi nào, Linc. Tôi biết hàng chục cảnh sát đã làm như thế.”

“Được rồi, cô ta là người tôi muốn.” Rhyme ném cho Sellitto một cái nhìn nghiêm nghị, nhắc nhở anh ta, tế nhị không tranh cãi, về những điều khoản trong thỏa thuận của họ.

“Điều tôi muốn nói là”, viên thám tử nói nhỏ, “tôi vừa mới nói chuyện với Polling. Peretti đang cay cú vì bị gạt sang một bên và nếu – không, tôi nói là khi nào – hắn biết ai đó trong Đội Tuần tra đi xử lý hiện trường thì khi đó sẽ rắc rối to.”

“Chắc là vậy”, Rhyme nói nhẹ nhàng, vẫn nhìn vào tấm áp phích hồ sơ, “nhưng tôi có cảm giác đó là ngày ít rắc rối nhất của chúng ta”.

Và anh ngửa cái đầu mệt mỏi của mình xuống chiếc gối dày phía dưới.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 7


Chiếc xe lao nhanh vào khe núi tăm tối, bẩn thỉu của Phố Wall, trung tâm New York.

Ngón tay Amelia Sachs nhẹ nhàng nhảy múa trên vô lăng khi cô cố gắng hình dung nơi T.J. Colfax có thể bị giam giữ. Việc tìm kiếm cô ta xem ra vô vọng. Quận Tài chính mà cô đang tiến đến gần, chưa bao giờ trông nó lại lớn đến vậy, đầy những ngõ ngách, đầy những miệng cống, đầy những cửa ra vào và những tòa nhà lấm tấm những ô cửa sổ màu đen.

Quá nhiều chỗ để giấu con tin.

Cô nhớ lại cái cảnh mà cô đã nhìn thấy, một bàn tay thò ra từ lỗ huyệt bên cạnh đường ray. Chiếc nhẫn kim cương trên ngón tay máu me, xương xẩu. Sachs nhận ra kiểu nữ trang đó. Cô gọi chúng là những chiếc nhẫn an ủi – kiểu nhẫn mà những cô gái giàu có, cô đơn hay mua cho mình. Kiểu nhẫn mà cô sẽ đeo nếu cô giàu có.

Lao nhanh xuống phía nam, vượt qua những người đưa tin đi xe đạp và những chiếc taxi.

Ngay cả trong buổi chiều chói chang này, dưới ánh mặt trời bực bội, đây vẫn cứ là vùng kinh khủng của thành phố. Những tòa nhà tỏa bóng râm kinh dị và bị bao phủ bởi bóng tối khủng khiếp như máu khô.

Sachs rẽ với tốc độ bốn mươi, trượt bánh xe trên mặt đường nhựa mềm như bọt biển và lại nhấn ga để tăng tốc độ lên sáu mươi.

Động cơ hết ý, cô nghĩ. Và quyết định thử xem chiếc xe sẽ tuyệt như thế nào khi điều khiển với tốc độ bảy mươi.

Nhiều năm trước, trong khi cha cô ngủ – ông thường làm ca từ ba giờ tới mười một giờ – thiếu nữ Amie Sachs thường lấy chìa khóa chiếc Camaro của ông, nói với mẹ là cô đi mua đồ và hỏi xem mẹ có muốn mua gì ở cửa hiệu thịt lợn Fort Halminton hay không. Trước khi mẹ cô kịp trả lời: “Không, nhưng con đi tàu thôi, không được lái xe đâu nhé”, thì cô bé đã biến mất ngoài cửa, khởi động xe và lao về phía tây.

Về nhà sau ba tiếng, không có thịt lợn, Amie sẽ lẩn lên cầu thang để rồi phải đối mặt với người mẹ đang vô cùng giận dữ với trò tiêu khiển của con gái mình, bà sẽ lại giảng giải cho cô về nguy cơ mang thai và chuyện đó sẽ phá hoại cơ hội kiếm hàng triệu đô la bằng nghề người mẫu nhờ khuôn mặt xinh đẹp của cô như thế nào. Rồi cuối cùng, khi biết được rằng cô không ngủ lang đâu đó mà chỉ lái xe với tốc độ một trăm dặm một giờ trên đường cao tốc Long Island, bà lại càng giận dữ và tiếp tục giảng giải cho cô về việc làm hỏng mất khuôn mặt xinh đẹp và chuyện đó sẽ phá hoại cơ hội kiếm hàng triệu đô la bằng nghề người mẫu như thế nào.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nữa khi cô có bằng lái xe.

Còn bây giờ thì Sachs đang bị kẹp giữa hai chiếc xe tải hai tầng, hy vọng không hành khách hay tài xế nào lại tự nhiên mở cửa. Trong nháy mắt, cô đã vượt qua họ.

Khi ta di chuyển, chúng không thể bắt được ta…

Lon Sellitto xoa khuôn mặt béo tròn của anh ta bằng những ngón tay chuối nắn và không buồn để ý đến việc lái chiếc Indy 500. Ông nói chuyện với đối tác của mình về vụ án như một kế toán viên nói về bảng cân đối lỗ lãi. Còn Banks, anh ta không đắm đuối nhìn trộm đôi mắt và cặp môi của Sachs nữa mà bắt đầu nhìn tốc kế mỗi phút một lần.

Họ trượt đi trong một cú cua điên dại khi qua cầu Brooklyn. Cô lại nghĩ về việc giam giữ người phụ nữ, hình dung ra những chiếc móng tay dài, lịch thiệp của T.J. khi cô gõ tay mình lên vô lăng. Cô ta lại hiện lên trong tâm trí cô, hình ảnh đó không chịu biến mất: một cánh tay như nhánh cây thò ra khỏi lỗ huyệt ẩm ướt. Một cái xương máu me.

“Anh ta có vẻ hơi điên điên”, cô đột nhiên nói, để đổi hướng suy nghĩ.

“Ai?” Sellitto hỏi.

“Rhyme.”

Banks thêm: “Hỏi tôi đây này, anh ta trông giống em của Howard Hughes[57].”

“Đúng, điều đó làm tôi thấy ngạc nhiên”, viên thám tử lớn tuổi hơn công nhận. “Trông không ổn lắm. Đã từng là một anh chàng đẹp trai. Nhưng mọi người biết đấy. Sau tất cả những gì anh ta phải trải qua. Làm thế nào mà cô lại lái xe như thế, Sachs, cô là cảnh sát tuần tra à?”

“Khi tôi bị chỉ định. Họ không yêu cầu. Họ nói với tôi.” Giống như anh vừa làm xong, cô nghĩ. “Anh ta có thực sự giỏi như thế không?”

“Rhyme? Giỏi hơn thế. Hầu hết các anh chàng CSU ở New York xử lý khoảng hai trăm cái xác một năm. Tối đa. Rhyme làm gấp đôi. Ngay cả khi anh ta điều hành IRD. Ví dụ như Peretti, anh ta là người tốt nhưng anh ta chỉ ra ngoài hai tuần một lần và chỉ ở những vụ lên báo. Cô không nghe thấy tôi nói điều đó đấy chứ, sĩ quan?”

“Không. Thưa ngài.”

“Nhưng Rhyme thì tự khám nghiệm hiện trường. Có khi anh ta không khám nghiệm hiện trường thì anh ta ra ngoài và đi dạo.”

“Làm gì?”

“Chỉ đi dạo thôi. Ngắm nghía mọi thứ. Anh ta đi bộ hàng cây số. Đi khắp thành phố. Mua bán, nhặt nhạnh, sưu tập các thứ.”

“Những thứ gì?”

“Tiêu chuẩn chứng cứ. Bùn đất, thức ăn, tạp chí, nắp tròn đậy trục bánh xe, giày, sách y học, thuốc, cây cối… Anh ta sẽ tìm và ghi chúng vào mục lục. Cô biết đấy – khi có vật chứng nào đó xuất hiện anh ta có thể sẽ có ý tưởng rõ ràng hơn về việc thủ phạm có thể đã ở đâu hay hắn ta đang làm gì. Nếu cô tìm anh ta, có thể anh ta sẽ ở Harlem hay Lower East Side hay Hell’s Kitchen.”

“Cảnh sát từ trong máu?”

“Không. Cha anh ta là nhà khoa học ở phòng thí nghiệm quốc gia hay gì đó kiểu thế.”

“Rhyme học ngành đó à? Khoa học ấy?”

“Đúng. Học ở Champaign-Urbana, nhận được một, hai cái bằng nào đấy. Hóa học và lịch sử. Mà tôi thì chẳng hiểu tại sao. Ông cụ nhà anh ta mất từ khi tôi biết anh ta, trời ạ, có thể đã mười lăm năm rồi. Và anh ta thì chẳng có anh chị em gì cả. Anh ta lớn lên ở Illinois. Vì thế mà có tên là Lincoln.”

Cô muốn hỏi anh ta đã lập gia đình chưa, nhưng lại thôi. Cô hỏi: “Anh ta có thực sự là cái thứ…”

“Cô cứ nói đi, sĩ quan.”

“Củ chuối?”

Banks phá lên cười.

Sellitto nói: “Mẹ tôi có cách diễn đạt thế này. Bà nói ai đó ‘có đầu óc’. Câu ấy mô tả đúng Rhyme. Anh ta là người có đầu óc. Có lần một cậu kỹ thuật viên ngu ngốc đã phun luminol – cái chất thử máu ấy – lên một dấu vân tay, thay vì dùng ninhydrin. Làm hỏng hết dấu vân tay. Rhyme đuổi việc anh ta ngay lập tức. Lần khác, một cảnh sát đi giải tại hiện trường và giật nước bồn cầu. Trời ạ, Rhyme phát khùng, nói với anh ta xuống ngay tầng hầm và đem tất cả những gì có ở chỗ chắn cống lên.” Sellitto cười. “Tay cảnh sát, cũng là dạng có cấp bậc, nói: ‘Tôi sẽ không làm việc đó, tôi là trung úy.’ Và Rhyme đáp: ‘Đã nghe. Còn bây giờ anh là thợ sửa ống nước.’ Tôi có thể kể mãi được. Mẹ kiếp, sĩ quan, cô đang chạy với tốc độ tám mươi đấy à?”

Họ lao qua Đại Bản Doanh và cô đau đớn nghĩ, đó là chỗ đáng ra bây giờ mình đang có mặt. Gặp các sĩ quan thông tin đồng sự, ngồi trong lớp đào tạo, hít thở không khí có điều hòa.

Chúa ơi, nóng. Nóng, bụi bặm, nóng châm chích, nóng thiêu đốt. Giờ tệ hại của thành phố. Tâm trạng bùng phát như dòng nước màu xám phụt ra từ những cái vòi cứu hỏa ở Harlem. Hai Giáng sinh trước, cô và bạn trai có một ngày nghỉ lễ ngắn – từ mười một giờ tối đến nửa đêm, thời gian rỗi trùng nhau duy nhất mà những ca trực của họ cho phép – trong một buổi tối lạnh bốn độ. Cô và Nick, ngồi ở Trung tâm Rockefeller, bên ngoài, gần sân trượt băng, cùng uống cà phê và rượu brandy. Họ đồng ý rằng chẳng thà chịu một tuần lạnh giá còn hơn là một ngày tháng Tám nóng bức.

Cuối cùng, khi đang lao nhanh trên phố Pearl, cô nhìn thấy trạm chỉ huy của Haumann. Để lại một dấu phanh trượt dài gần tám feet, Sachs đưa chiếc RRV vào giữa xe của anh ta và chiếc xe bus EMS.

“Mẹ kiếp, cô lái xe siêu quá.” Sellitto chui ra. Vì một lý do nào đó Sachs thấy vui khi nhìn dấu tay đầy mồ hôi của Jerry Banks để lại, hiện rõ trên kính cửa sổ khi anh ta mở cửa hậu của xe.

Các sĩ quan EMS và đồng phục của Đội Tuần tra ở khắp nơi, có đến năm mươi hay sáu mươi người. Và còn những người khác đang đến. Có vẻ như toàn bộ tâm trí của One Police Plaza đang tập trung vào trung tâm New York. Tự nhiên Sachs nảy ra ý nghĩ nếu ai đó muốn một vụ ám sát hay chiếm Biệt thự Gracie hay một lãnh sự quán nào đó, thì có lẽ bây giờ là lúc thích hợp nhất.

Haumann chạy đến chỗ chiếc xe. Anh ta nói với Sallitto: “Chúng tôi đang khám từng nhà, xem xét từng công trường xây dựng trên Phố Pearl. Chẳng ai biết gì về công trường dọn asbestos và không ai nghe thấy tiếng kêu cứu cả.”

Sachs sửa soạn ra khỏi xe, nhưng Haumann nói: “Không, sĩ quan. Nhiệm vụ của cô là ở lại đây với chiếc RRV.”

Cô vẫn bước ra.

“Vâng, thưa ngài. Ai ra lệnh đó vậy?”

“Thám tử Rhyme. Tôi vừa nói chuyện với ông ấy. Cô phải gọi điện đến Trung tâm khi cô ở CP[58].”

Haumann đi khỏi. Sallitto và Banks vội vàng chạy tới trạm chỉ huy.

“Thám tử Sallitto”, Sachs gọi.

Anh ta quay lại. Cô nói: “Tôi xin lỗi, thưa thám tử. Vấn đề là ai là người chỉ huy giám sát của tôi? Tôi phải báo cáo với ai?”

Anh ta nói ngắn gọn: “Cô báo cáo cho Rhyme.”

Cô phá lên cười: “Nhưng tôi không thể báo cáo với anh ta.”

Sallitto nhìn cô trống rỗng.

“Ý tôi là, ở đây không có vấn đề gì như kiểu trách nhiệm hay sao? Luật pháp? Anh ta là dân thường. Tôi cần ai đó, một cái khiên, để tôi còn báo cáo.”

Cuối cùng, Sellitto nói: “Nghe này, sĩ quan. Tất cả chúng ta đều báo cáo với Lincoln Rhyme. Tôi không quan tâm anh ta là dân thường hay anh ta là sếp hay tên Thập Tự Chinh khốn kiếp. Hiểu chưa?”

“Nhưng…”

“Nếu cô muốn than phiền, làm văn bản đi và ngày mai hãy làm.”

Và anh ta đi mất. Sachs nhìn theo anh ta một lúc rồi sau đó quay lại chiếc ghế trước của xe, gọi điện đến Trung tâm báo cáo cô đang 10-84[59] tại hiện trường. Chờ chỉ thị.

Cô cười nhăn nhó khi giọng một phụ nữ vang lên: “Mười-bốn, 5885. Hãy chú ý. Thám tử Rhyme sẽ liên lạc lại sớm. Nghe rõ.”

Thám tử Rhyme.

“Mười-bốn, nghe rõ.” Sachs trả lời và nhìn ra đằng sau chiếc xe, băn khoăn không hiểu trong cái vali đen có gì.

2:40.

Điện thoại nhà Rhyme reo. Thom trả lời. “Điều phối viên từ sở chỉ huy.”

“Nối máy đi.”

Điện thoại tải loa bắt đầu hoạt động. “Thám tử Rhyme, anh không nhớ tôi nhưng tôi làm việc cho IRD khi anh còn ở đấy. Dân thường. Làm chi tiết điện thoại. Emma Rollins.”

“Tất nhiên, tôi nhớ. Các con cô thế nào, Emma?” Rhyme nhớ lại một người phụ nữ da đen to béo, vui vẻ, làm hai công việc để nuôi năm đứa con. Anh nhớ những ngón tay chuối mắn của cô bấm nút mạnh đến nỗi đã có lần cô làm hỏng một chiếc điện thoại công.

“Jeremy sẽ vào đại học sau hai tuần nữa và Dora vẫn đóng kịch, hoặc nó nghĩ là nó đang đóng kịch. Bọn trẻ con thì đều ổn cả.”

“Lon Sellitto gọi cho cô, đúng không?”

“Không. Tôi biết anh làm vụ này và tôi đã đuổi vài cô cậu đi làm 911. Emma sẽ làm việc này, tôi nói với họ thế.”

“Cô có gì cho chúng tôi nào?”

“Chúng tôi đang lập danh mục những công ty sản xuất ốc vít. Và một cuốn sách liệt kê những nơi họ bán buôn. Và đây là thứ chúng tôi tìm được. Đó là nhờ những chữ cái. Những chữ cái đóng trên con ốc. CE. Họ chế tạo riêng cho Công ty Con Ed.”

Quý thật. Tất nhiên rồi.

“Chúng được đánh dấu như thế vì chúng có kích thước khác với phần lớn ốc vít do công ty này bán – đường kính mười lăm inch sáu phần mười, và thân dài hơn hầu hết các con ốc khác. Đó là công ty Michigan Tool và Die ở Detroit. Họ dùng chúng trong những đường ống cũ chỉ có ở New York. Những đường ống được làm sáu mươi, bảy mươi năm trước. Cách các thành phần của đường ống gắn với nhau làm cho chúng phải được gắn thật chặt. Phải gắn chặt hơn cô dâu chú rể trong đêm tân hôn, anh chàng ấy nói với tôi thế. Cố làm tôi đỏ mặt.”

“Emma, tôi yêu chị. Chị sẽ trực, đúng không?”

“Chắc chắn rồi.”

“Thom!” Rhyme hét. “Cái điện thoại này không dùng được. Tôi phải tự gọi điện. Chức năng kích hoạt bằng tiếng nói trong máy tính, tôi sử dụng nó, được không?”

“Anh đã bao giờ đặt mua nó đâu.”

“Tôi chưa?”

“Chưa.”

“Vậy thì tôi cần nó.”

“Nhưng chúng ta không có.”

“Làm gì đi. Tôi muốn gọi điện thoại.”

“Tôi nghĩ là có bộ ECU điều khiển bằng tay ở đâu đó.” Thom đào bới trong một cái hộp cạnh tường. Anh ta tìm thấy một màn hình điện tử nhỏ, cắm một đầu vào điện thoại và đầu kia vào que điều khiển gắn cạnh má Rhyme.

“Cái này kinh quá.”

“Nhưng đó là tất cả những gì chúng ta có. Nếu chúng ta gắn hồng ngoại lên trên lông mày anh như tôi gợi ý thì anh đã có thể gọi điện thoại sex từ cách đây hai năm rồi.”

“Nhiều dây dợ quá thể”, Rhyme quát.

Cổ anh bất ngờ đau thắt và làm rơi cái điều khiển ra khỏi tầm với. “Mẹ kiếp.”

Chính phút đó, Lincoln thấy nhiệm vụ – chưa nói đến sứ mệnh của họ – tự nhiên có vẻ bất khả thi. Anh kiệt sức, cổ anh đau, đầu anh. Nhất là mắt anh. Chúng nhức nhối – và điều đó càng làm anh đau đớn hơn – anh có nhu cầu khẩn thiết dụi lưng bàn tay lên đôi mắt đang nhắm. Một cử chỉ thư giãn nhỏ xíu mà phần còn lại của thế giới làm hằng ngày.

Thom đặt lại cái cần điều khiển. Rhyme lấy lại được kiên nhẫn từ đâu đó và hỏi người trợ lý: “Cái này hoạt động thế nào?”

“Có một màn hình. Anh thấy nó trên bộ điều khiển chứ? Chỉ cần dịch cần điều khiển tới con số anh cần quay, đợi một giây và nó đã được nhớ. Sau đó, quay số tiếp theo giống như thế. Khi có được bảy số, ấn cái cần vào đây để gọi.”

Anh thử. “Không hoạt động.”

“Phải tập chứ.”

“Chúng ta không có thời gian!”

Thom càu nhàu: “Tôi trả lời điện thoại hộ anh quá lâu rồi đấy.”

“Được rồi”, Rhyme hạ giọng – đó là cách anh xin lỗi. “Tôi sẽ tập sau. Cậu có thể gọi tới Con Ed giúp tôi được không? Tôi cần nói chuyện với giám sát viên.”

Sợi dây làm cô đau, cái còng làm cô đau nhưng chính tiếng động lại làm cô hoảng sợ nhất.

Tammie Jean Colfax cảm thấy mồ hôi của cả cơ thể đang chảy trên mặt cô, ngực cô, tay cô khi cô cố kéo sợi xích của cái còng tay tới lui trên một con ốc gỉ. Cổ tay cô tê dại, nhưng có vẻ cô đã cắt được một phần sợi xích.

Cô dừng lại, kiệt sức và bẻ tay xuôi ngược để không bị chuột rút. Cô lại lắng nghe. Đó là tiếng công nhân đang bắt ốc và đóng các cấu kiện lại với nhau. Những tiếng búa cuối cùng. Cô hình dung họ đang kết thúc công việc trên đường ống và chuẩn bị về nhà.

Đừng đi, cô gào thầm. Đừng bỏ tôi. Chừng nào họ còn làm việc, cô còn được an toàn.

Tiếng đập cuối cùng, sau đó là sự im lặng tuyệt đối.

Ra khỏi đó thôi, con gái. Nào.

Mẹ ơi…

T.J. khóc mất vài phút, nghĩ về gia đình cô ở Đông Tennessee. Mũi cô dính đặc, nhưng khi bắt đầu ngạt, cô hỉ mũi thật mạnh và cảm thấy được rất nhiều nước mắt và nước mũi. Sau đó cô lại thở được. Điều đó làm cô cảm thấy tự tin. Sức mạnh. Và cô tiếp tục cưa.

“Tôi hiểu sự khẩn cấp của ngài, thưa thám tử. Nhưng tôi không biết tôi có giúp được gì cho ngài không. Chúng tôi dùng ốc vít khắp nơi trong thành phố. Đường ống dầu, đường ống gas…”

“Được rồi”, Rhyme nói cộc lốc và hỏi giám sát viên của Con Ed tại trụ sở chính của công ty trên Phố Mười bốn. Các chị có dùng asbestos để cách nhiệt đường ống không?”

Một chút ngần ngừ.

“Chúng tôi đã dọn tới chín mươi phần trăm loại này đi rồi”, người phụ nữ nói chắc chắn. “Chín mươi nhăm”.

Người ta có thể khó chịu đến mức ấy được ư. “Tôi hiểu. Tôi chỉ cần biết asbestos còn được dùng bọc đường ống ở đâu nữa không thôi.”

“Không”. Cô ta nói một cách cứng rắn. “Vâng, không bao giờ dùng cho điện. Chỉ cho hơi nước và đó là phần nhỏ nhất trong dịch vụ của chúng tôi.”

Hơi nước!

Đó là tiện ích ít nổi tiếng nhất và hiếm hoi nhất của thành phố. Con Ed đun nước lên một nghìn độ sau đó thổi nó qua mạng đường ống hàng trăm dặm nằm dưới Manhattan. Luồng hơi nước nóng bỏng được đun lên rất nóng – khoảng ba trăm tám mươi độ – và lao qua thành phố với tốc độ bảy mươi lăm dặm một giờ.

Rhyme nhớ lại một bài báo. “Có phải tuần trước các chị có chỗ bị thủng đường ống không?”

”Vâng, thưa ngài. Nhưng không có asbestos bị rò rỉ. Chỗ này đã được dọn nhiều năm trước.”

“Nhưng trong các đường ống của các chị ở khu trung tâm vẫn còn asbestos, đúng không?”

Cô ta ngần ngừ. “À…”

“Chỗ ống thủng ấy ở đâu?” Rhyme nhanh chóng tiếp tục.

“Broadway. Cách Chambers một khối nhà lên phía bắc.”

“Có phải có một bài trên tờ Thời báo nói về điều đó?”

“Tôi không biết. Có thể. Vâng.”

“Bài báo ấy có nhắc đến asbestos không?”

“Có”, cô ta khẳng định, “nhưng nó chỉ nói là trước đây việc ô nhiễm asbestos đã từng là vấn đề.”

“Đường ống thủng ấy… đã chạy qua hay có chạy qua phía nam Phố Pearl không?”

“Để tôi xem. Có, nó có chạy qua đó. Ở Phố Hanover. Phía bắc.”

Anh hình dung ra T.J. Colfax, người phụ nữ có những ngón tay thon và móng tay dài, sắp phải chết.

“Và hơi nước sẽ được bơm lại lúc ba giờ?”

“Đúng thế. Bất kỳ lúc nào.”

“Không được.” Rhyme quát. “Có người đã can thiệp vào đường ống. Các chị không được bơm hơi nước!”

Cooper ngẩng đầu lên khỏi cái kính hiển vi của mình.

Nhân viên giám sát nói: “À, tôi không biết…”

Rhyme quát Thom. “Gọi Lon, bảo anh ta là cô ấy trong một tầng hầm ở Phố Hanover và Phố Pearl. Phía bắc.” Anh nói với cậu ta về hơi nước. “Gọi đội cứu hỏa đến đấy nữa. Mặc quần áo chống nhiệt.”

Rhyme quát vào điện thoại. “Gọi đội công nhân! Ngay bây giờ! Họ không được bơm hơi nước lại. Họ không thể!” Anh nhắc lại từng từ một cách trống rỗng, ghê tởm sự tưởng tượng kỳ dị của mình, trong đó hình ảnh về da thịt một người phụ nữ chuyển thành màu hồng, rồi đỏ, sau đó bị xé nát dưới đám mây hơi nước trắng, dữ dội, nóng bỏng cứ quay vòng không kết thúc.

Cái bộ đàm trong xe kêu lục cục. Lúc này là 2:57 theo đồng hồ của Sachs. Cô trả lời cuộc gọi.

“5885, nghe rõ…”

“Quên thủ tục đi, Amelia”, Rhyme nói. “Chúng ta không có thời gian đâu.”

“Tôi…”

“Chúng tôi nghĩ rằng mình đã biết cô ấy đang ở đâu. Phố Hanover và Phố Pearl.”

Cô liếc nhìn qua vai và thấy mấy chục sĩ quan ESU đang ra sức chạy đến một tòa nhà cũ.

“Anh có muốn tôi…”

“Họ sẽ tìm cô ấy. Còn cô hãy sẵn sàng khám nghiệm hiện trường.”

“Nhưng tôi có thể giúp…”

“Không. Tôi muốn cô ra sau xe. Ở đó có một cái va li đánh dấu 02. Hãy đem nó theo. Và trong một cái hộp nhỏ có một chiếc đèn PoliLight. Cô đã thấy nó trong phòng tôi. Mel đã dùng nó. Lấy cả chiếc đèn nữa. Trên cái va li đánh dấu 03 cô sẽ thấy cái tai nghe và mic. Cắm nó vào bộ đàm Motorola của cô rồi đi tới tòa nhà chỗ những sĩ quan làm việc. Gọi lại cho tôi khi cô đã trang bị đủ. Kênh ba mươi bảy. Tôi sẽ dùng điện thoại cố định nhưng cuộc gọi của cô sẽ được chuyển đến tôi.”

Kênh ba mươi bảy. Tần số cho các nhiệm vụ đặc biệt trên toàn thành phố. Tần số ưu tiên.

“Cái gì?…” Cô hỏi. Nhưng bộ đàm không trả lời.

Cô có một cây đèn halogen dài màu đen đeo ở thắt lưng nên cô để chiếc đèn pha mười hai volt cồng kềnh lại xe, vơ chiếc đèn PoliLight và cái va li nặng trịch. Nó phải nặng tới hai mươi lăm pound. Đúng là thứ mà đám khớp xương của nợ của mình đang cần. Cô nắm tay, nghiến răng lại vì đau, chạy vội tới chỗ giao lộ.

Sellitto chạy như muốn đứt hơi về phía tòa nhà. Banks chạy theo họ.

“Cô nghe thấy chưa?” Viên thám tử già hỏi. Sachs gật đầu.

“Nó đấy à?” Cô hỏi.

Sellitto gật đầu về phía con đường. “Hắn phải đưa cô ta theo lối này. Dưới sảnh có trạm bảo vệ.” Họ đang chạy trên con đường rải sỏi phủ bóng râm, nóng như thiêu, bốc mùi nước tiểu và rác rưởi. Cạnh đó là những cái thùng rác màu xanh, méo mó.

“Đằng kia”, Sellitto quát. “Mấy cái cửa kia kìa.”

Các nhân viên cảnh sát chạy tản ra. Ba trong số bốn cánh cửa bị khóa chặt từ bên trong.

Cánh cửa thứ tư đã được mở bằng xà beng và giờ nó bị khóa bằng xích. Khóa và dây xích vẫn còn mới.

“Đây rồi!” Sellitto vươn tay chạm vào cánh cửa, hơi ngần ngừ. Có thể anh ta nghĩ đến dấu tay. Sau đó, anh ta nắm lấy tay nắm và giật mạnh. Cánh cửa hé mở mấy inch nhưng sợi xích giữ nó lại. Anh ta cho ba sĩ quan mặc đồng phục đi vòng cổng trước để xuống tầng hầm từ bên trong. Một người cảnh sát nhặt một viên sỏi trên đường và bắt đầu đập vào nắm đấm cửa. Vài cú đập mạnh, thêm vài cú nữa. Anh ta nhăn mặt khi tay đập phải cánh cửa, máu phun ra từ ngón tay rách toạc của anh ta.

Một nhân viên cứu hỏa ôm dụng cụ Halligan chạy tới – đó là một tổ hợp giữa cuốc chim và xà beng. Anh ta ấn một đầu vào sợi xích và kéo tung ổ khóa. Sellitto nhìn Sachs chờ đợi. Cô chằm chằm nhìn lại.

“Được rồi, đi thôi sĩ quan!” Anh ta quát lên.

“Cái gì?”

“Anh ta không nói với cô à?”

“Ai?”

“Rhyme.”

Khỉ thật, cô quên cắm tai nghe. Cô lần mò tìm kiếm, cuối cùng cũng cắm được nó vào. Và nghe thấy: “Amelia, cô…”

“Tôi đây.”

“Cô có ở tòa nhà không?”

“Có.”

“Vào trong đi. Họ đã khóa hơi nước nhưng tôi không biết có còn kịp hay không. Hãy đem theo nhân viên y tế và một sĩ quan ESU. Hãy vào phòng nồi hơi. Có lẽ cô sẽ nhìn thấy cô ta ngay, Colfax ấy. Hãy đến gần cô ta, nhưng đừng đi thẳng từ cửa đến chỗ cô ta. Tôi không muốn cô làm mất dấu chân nào mà hắn ta có thể để lại. Hiểu chứ?”

“Vâng.” Cô gật đầu dứt khoát, không nghĩ rằng anh ta không nhìn thấy cô. Ra hiệu cho nhân viên y tế và một sĩ quan ESU đi theo, Sachs bước vào cái hành lang bẩn thỉu, bóng tối khắp nơi, tiếng rên rẩm của máy móc, nước nhỏ giọt.

“Amelia”, Rhyme gọi.

“Có.”

“Chúng tôi đang nói tới một cuộc phục kích ở đây. Từ những gì mà tôi biết về hắn ta lúc này, tôi không nghĩ như vậy. Như thế thì phi lý. Nhưng cứ sẵn sàng tay súng nhé.”

Phi lý.

“Được rồi.”

“Đi thôi! Nhanh lên!”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 8


Một cái hang âm u. Nóng bức, đen tối và ẩm ướt.

Ba người họ nhanh chóng đi dọc theo hành lang bẩn thỉu về phía cánh cửa duy nhất mà Sachs có thể nhìn thấy. Một cái biển viết PHÒNG NỒI HƠI. Cô đi sau viên sĩ quan ESU được trang bị đầy đủ áo giáp chống đạn và đội mũ bảo hiểm. Nhân viên y tế đi sau cùng.

Khớp ngón phải và vai cô nhói lên dưới sức nặng của chiếc va li. Cô chuyển nó sang tay trái, suýt thì đánh rơi và phải điều chỉnh lại cái tay cầm. Họ đi tiếp về phía cánh cửa.

Đến nơi, viên sĩ quan SWAT lao vào trong và chĩa súng quanh căn phòng sáng lờ mờ. Chiếc đèn pin gắn ở nòng súng chiếu một tia sáng nhợt nhạt vào những luồng hơi nước. Sachs ngửi thấy mùi ẩm mốc. Và một thứ mùi khác, ghê sợ.

Cách. “Amelia?” Giọng nói như tiếng nổ của Rhyme làm cô hết hồn. “Cô đang ở đâu thế, Amelia?”

Tay run run, cô vặn tiếng nhỏ đi.

“Bên trong”, cô hổn hển.

“Cô ta còn sống không?”

Sachs đung đưa trên hai chân, nhìn chằm chằm vào cảnh tượng đó. Cô nhìn nghiêng, không chắc chắn mình đang nhìn gì. Rồi cô hiểu ra.

“Ôi, không.” Cô thì thầm. Cảm thấy buồn nôn.

Mùi thịt luộc kinh khủng thoảng quanh cô. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều tệ hại nhất. Cũng không phải là hình ảnh da của người phụ nữ, đỏ tươi, gần như màu cam, bị tróc ra từng mảng lớn. Hay khuôn mặt bị lột hết da. Không, điều kinh dị nhất là cái góc do cơ thể T.J. Colfax tạo ra, tay chân và thân hình vặn xoắn khi cô ta cố thoát khỏi luồng hơi nóng tàn phá.

Anh ta hi vọng nạn nhân đã chết. Vì chính nạn nhân…

“Cô ta còn sống không?” Rhyme nhắc lại.

“Không.” Sachs thầm thì. “Tôi không thấy có cách nào… không.”

“Căn phòng đã an toàn chưa?”

Sachs nhìn viên sĩ quan, người đã nghe thấy cuộc điện đàm và gật đầu.

“Hiện trường an toàn.”

Rhyme nói với cô: “Tôi muốn sĩ quan ESU ra ngoài, sau đó cô và nhân viên y tế xem xét cô ta.”

Cô nôn khan một lần nữa vì mùi thịt rồi ép mình kiểm soát phản xạ. Cô và nhân viên y tế đi theo đường chéo tới chỗ đường ống. Anh ta nghiêng người về phía trước một cách vô cảm rồi sờ tay vào cổ người phụ nữ. Anh ta lắc đầu.

“Amelia?” Rhyme hỏi.

Xác chết thứ hai trong ca trực. Cả hai trong cùng một ngày.

Nhân viên y tế nói: “DCDS[60].”

Sachs gật đầu, nói vào mic: “Đã chết. Khẳng định chết tại hiện trường.”

“Chết do bỏng?” Rhyme hỏi.

“Có vẻ như thế.”

“Bị trói vào tường?”

“Đường ống. Bị còng, tay sau lưng. Chân bị trói bằng dây phơi. Miệng bị dán băng dính. Hắn đã mở đường ống hơi nước. Cô ta chỉ cách đó có mấy bước. Chúa ơi!”

Rhyme tiếp tục: “Cho nhân viên y tế đi ra theo đường các vị đã vào. Ra đến cửa. Để ý bước chân.”

Cô làm theo, vừa nhìn vào cái xác. Làm sao mà da lại có thể đỏ thế được nhỉ? Như cua luộc.

“Được rồi, Amelia. Cô sẽ khám nghiệm hiện trường. Mở cái va li ra.”

Cô không nói gì, vẫn tiếp tục nhìn.

“Amelia, cô có đứng ở cửa không?... Amelia?”

“Cái gì?” Cô quát lên.

“Cô có đứng ở cửa không?”

Giọng của anh ta bình tĩnh quá thể. Hoàn toàn khác biệt với giọng nói xỏ xiên, đòi hỏi mà cô còn nhớ trong phòng ngủ. Bình tĩnh… và còn gì đấy khác nữa. Cô không biết là gì.

“Có. Tôi đang đứng ở cửa. Anh biết đấy, chuyện này thật điên rồ.”

“Cực kỳ điên khùng”, Rhyme đồng ý, gần như vui vẻ. “Cái va li đã mở ra chưa?”

Cô bật mở nắp và nhìn vào trong. Kìm và kẹp, một cái gương quay trên một cái cán, những viên bông, thuốc nhỏ mắt, kéo răng cưa, ống hút, bàn xẻng, dao mổ…

Những thứ này là cái gì?

… Ống thổi bụi, vải màn, phong bì, màng lọc, chổi lông, kéo, những cái túi bằng nhựa và bằng giấy, những cái hộp sắt, chai lọ – năm phần trăm nitric acid, ninhydrin, silicone, iodide, đồ lấy dấu vân tay.

Không thể được. Cô nói vào mic: “Tôi không nghĩ là anh tin tôi, thám tử. Tôi thực sự không biết gì về công việc khám nghiệm hiện trường.”

Mắt nhìn về cơ thể bị tàn phá của người phụ nữ. Nước nhỏ xuống từ cái mũi đã bị lột da của cô ta. Một khoảng màu trắng – xương – chìa ra trên má. Còn khuôn mặt cô ta bị biến dạng thành một kiểu cười đau khổ. Giống hệt như nạn nhân sáng nay.

“Tôi tin cô, Amelia”, anh ta nói một cách thô bạo. “Còn bây giờ thì đã mở va li ra chưa?” Anh đã bình tĩnh và giọng anh ta nghe… thế nào nhỉ. Đúng rồi, đúng cái tông ấy. Quyến rũ. Anh ta nói như một người tình.

Mình ghét hắn ta, cô nghĩ. Thật sai trái khi ghét một người tàn tật. Nhưng mình căm ghét hắn ta.

“Cô đang trong tầng hầm, phải không?”

“Vâng, thưa ngài.”

“Nghe này, cô phải gọi tôi là Lincoln. Chúng ta sẽ rất hiểu nhau khi vụ này kết thúc.”

Tối đa là khoảng sáu mươi phút.

“Cô sẽ thấy mấy sợi dây cao su trong va li, nếu như tôi không nhầm.”

“Tôi thấy mấy sợi.”

“Đeo chúng quanh giày của cô. Chỗ gót chân ấy. Nếu có bị lẫn lộn dấu chân thì cô sẽ biết dấu nào là của cô.”

“OK. Đã xong.”

“Lấy mấy cái túi vật chứng và phong bì. Bỏ vào túi cô khoảng một tá. Cô có biết dùng đũa không?”

“Anh vừa nói gì?”

“Cô sống ở thành phố, đúng không? Cô có bao giờ tới Phố Mott chưa? Để ăn món thịt gà của Tướng Tso[61]? Mì nguội, có vị vừng?”

Bụng cô dâng lên khi nghe nói đến thức ăn. Cô cố không nhìn người phụ nữ đang đung đưa trước mặt mình.

“Tôi biết dùng đũa”, giọng cô lạnh băng.

“Hãy nhìn vào va li. Tôi không chắc có có tìm thấy chúng không. Họ luôn để chúng ở đấy khi tôi khám nghiệm hiện trường.”

“Tôi chẳng thấy đôi nào.”

“Thế thì cô tìm mấy cái bút chì vậy. Cho chúng vào túi. Bây giờ thì cô sẽ đan lưới. Từng inch một. Cô sẵn sàng chưa?”

“Đã sẵn sàng.”

“Đầu tiên nói cho tôi biết cô nhìn thấy gì?”

“Một căn phòng lớn. Khoảng hai mươi nhân ba mươi. Đầy ống gỉ. Nền xi măng nứt. Tường gạch. Mốc.”

“Có cái hộp nào không? Có gì trên sàn không?”

“Không, chẳng có gì. Trừ những cái ống, hộp dầu, nồi hơi. Có cát – vỏ sò, một đống cát bị văng ra từ vết nứt trên tường. Và có thứ gì đó màu xám nữa…”

“Thứ gì đó?” Anh ta chớp lấy. “Tôi không nhận ra từ này. Thứ gì là cái gì?”

Một cơn giận bùng lên trong cô. Cô bình tĩnh lại và nói: “Đấy là asbestos, nhưng không phải gói bùi nhùi như sáng nay. Đây là dạng tấm bị vỡ vụn.”

“Tốt. Còn bây giờ là lần quét thứ nhất. Cô đang tìm kiếm dấu chân và bất kỳ dấu vết nào mà hắn để lại cho chúng ta.”

“Anh nghĩ hắn có để lại thêm à?”

“Ồ, tôi cá đấy”, Rhyme nói. “Đeo kính vào và dùng đèn PoliLight đi. Đi thấp. Đan lưới khắp phòng. Từng inch một. Cô biết cách đan lưới chứ?”

“Biết.”

“Như thế nào?”

Cô nổi giận. “Không cần phải kiểm tra tôi.”

“À, thế thì đùa với tôi đi. Như thế nào?”

“Tiến và lùi theo một hướng. Sau đó tiến và lùi theo hướng vuông góc.”

“Từng bước một, bước không dài quá một foot.”

Cô không biết điều này. “Tôi biết”, cô nói.

“Làm thôi.”

Cây đèn PoliLight tỏa ra thứ ánh sáng ma quái từ thế giới khác. Cô biết cái đó gọi là ALS, nó làm cho dấu tay, tinh dịch, máu và một số dấu giày tỏa sáng. Ánh sáng xanh màu mật rực rỡ làm cho những cái bóng nhảy nhót múa may và đã mấy lần cô suýt nữa bắn vào một hình thù đen ngòm mà hóa ra lại là một con ma bóng tối.

“Amelia?” Giọng Rhyme sắc ngọt. Cô lại giật bắn mình.

“Có? Cái gì?”

“Cô có nhìn thấy dấu chân nào không?”

Cô tiếp tục nhìn chăm chăm xuống sàn. “Tôi, à, không. Tôi có nhìn thấy mấy vệt trên đất. Hay là cái gì đó.” Cô co rúm lại khi nghe những lời nói sơ suất này. Nhưng Rhyme, không giống Peretti sáng nay, không để ý. Anh ta nói: “Vậy à. Sau đó hắn đã quét đi rồi.”

Cô ngạc nhiên. “Đúng thế, là nó! Vết chổi. Làm sao mà anh biết được?”

Rhyme cười – âm thanh làm Sachs gai người trong cái nấm mồ này – rồi nói: “Hắn đủ thông minh để xóa dấu vết của mình vào buổi sáng hôm nay; không có lý do gì để ngừng lại. Anh chàng này giỏi đấy. Nhưng chúng ta cũng giỏi. Làm tiếp đi.”

Sachs cúi xuống, khớp xương cô đang bốc lửa, cô bắt đầu tìm kiếm. Cô tìm từng bước chân trên sàn. “Không có gì ở đây. Hoàn toàn không có gì.”

Anh nhận thấy dấu hiệu muốn chấm dứt trong giọng nói của cô. “Chúng ta mới bắt đầu thôi, Amelia. Hiện trường vụ án có ba chiều. Hãy nhớ điều đó. Hãy bắt đầu từ điểm cách xa luồng hơi nước nhất và tìm từng inch một.”

Cô từ từ đi vòng quanh con rối ghê sợ ở giữa phòng. Cô nghĩ về trò chơi Maypole – cây nêu ngày mùng Một tháng Năm cô đã từng chơi trong những lần vui chơi trên phố Brooklyn lúc cô mới khoảng sáu, bảy tuổi, khi cha cô tự hào đem phim về nhà. Đi vòng quanh thật chậm. Đấy là một căn phòng nhỏ nhưng có hàng nghìn chỗ để tìm kiếm.

Vô vọng… Không thể.

Nhưng không phải như vậy. Trên gờ tường, cách sàn nhà khoảng sáu feet, cô tìm thấy nhóm chứng cứ tiếp theo. Cô bật ra một tràng cười nhanh. “Tôi tìm được gì rồi này.”

“Một cụm chứ?”

“Đúng thế. Một mảnh gỗ lớn màu đen.”

“Đũa.”

“Cái gì?” Cô hỏi.

“Dùng bút chì đi. Lấy bút chì để nhặt nó lên. Nó có bị ướt không?”

“Mọi thứ ở đây đều ướt.”

“Chắc chắn rồi, phải thế mà. Hơi nước. Cho nó vào trong túi vật chứng bằng giấy. Nhựa sẽ giữ bọn vi khuẩn lại và trong cái nóng như thế này thì vi khuẩn sẽ hủy hoại dấu vết trên vật chứng. Ở đó còn gì nữa?” Anh hăng hái hỏi.

“Đó là, tôi không biết, lông. Tôi nghĩ thế. Ngắn, đã được cắt. Một nắm lông.”

“Rời nhau hay bị dính vào da?”

“Rời nhau.”

“Trong va li có một cuộn băng dính rộng. Nhãn 3M. Dùng nó để lấy lông lên.”

Sachs nhặt gần hết nắm lông lên, đặt chúng vào cái phong bì giấy. Cô nghiên cứu chỗ gờ tường quanh nắm lông. “Tôi thấy có mấy vết bẩn. Trông như gỉ sắt hay là máu.” Cô nghĩ nên soi chỗ đó bằng đèn PoliLight. “Chúng phát sáng.”

“Cô có thể làm bài thử giả định máu không?”

“Không.”

“Cứ giả sử đó là máu. Có thể là máu của nạn nhân không?”

“Không giống thế. Chỗ này quá xa và không dẫn đến chỗ xác cô ta.”

“Nó có dẫn đến đâu không?”

”Có vẻ như vậy. Tới một viên gạch trên tường. Viên gạch này lỏng lẻo. Trên đó không có dấu tay. Tôi sẽ đi sang bên cạnh. Tôi – ôi Chúa ơi!” Sachs hổn hển, vội lùi lại khoảng một hoặc hai feet, bị vấp và suýt ngã.

“Cái gì thế?” Rhyme hỏi.

Cô nghiêng người ra phía trước, không tin vào mắt mình.

“Amelia. Nói với tôi nào.”

“Một cái xương. Một cái xương máu me.”

“Xương người?”

”Tôi không biết”, cô trả lời. “Làm sao mà tôi…? Tôi không biết.”

“Vụ giết người vừa rồi?”

“Có vẻ thế. Dài khoảng hai inch và hai inch đường kính. Trên đó vẫn còn máu với thịt. Nó bị cưa đứt. Thằng khốn nào có thể làm thế được…”

“Đừng cuống lên.”

“Nếu hắn lấy cái xương này từ nạn nhân khác thì sao?”

“Thì chúng ta lại càng phải tìm ra hắn thật nhanh. Amelia, cho nó vào túi đi. Túi nhựa để đựng xương.”

Trong khi cô đang làm, anh ta hỏi: “Có dấu tích dàn cảnh nào khác không?” Anh ta có vẻ lo lắng.

“Không.”

“Chỉ có thê thôi à? Lông, một cái xương và một mảnh gỗ. Hắn không thể để cho việc đó quá dễ dàng, đúng không?”

“Tôi có cần đem nó về… văn phòng của anh không?”

Rhyme đang cười. “Hắn muốn chúng ta đem nó đi. Nhưng chưa đâu. Ta vẫn chưa xong. Hãy tìm hiểu thêm chút nữa về Đối tượng 823 nào.”

“Nhưng ở đây chẳng có gì.”

“Ồ, có đấy Amelia. Ở đó có địa chỉ và số điện thoại của hắn, hy vọng và cảm hứng của hắn. Mọi thứ đếu ở quanh cô.”

Cô điên người vì giọng lưỡi giáo sư của anh ta nhưng vẫn giữ im lặng.

“Cô có đèn không?”

“Tôi có cái đèn halogen được cấp…”

“Không”, anh ta càu nhàu. “Đèn pin được cấp chiếu quá hẹp. Cô cần cây đèn mười hai volt có vùng chiếu rộng hơn.”

“Thế à, tôi không đem theo rồi”, cô phản ứng. “Liệu tôi có phải quay lại lấy không?”

“Không có thời gian đâu. Kiểm tra đường ống đi.”

Cô tìm kiếm khoảng mười phút, leo lên trần nhà, và dùng cây đèn rất sáng soi vào những điểm mà có lẽ chưa từng được soi sáng trong cả năm mươi năm rồi. “Không, tôi chẳng nhìn thấy gì cả.”

“Quay ra cửa đi. Nhanh lên.”

Cô ngần ngừ rồi quay lại.

“Được rồi. Tôi đang ở đây.”

“Bây giờ thì nhắm mắt lại. Cô ngửi thấy gì nào?”

”Mùi? Có phải anh vừa nói mùi không?” Anh ta có điên không nhỉ?

“Lúc nào cũng phải ngửi không khí ở hiện trường vụ án. Nó có thể nói với cô nhiều điều.”

Cô vẫn mở mắt và hít vào. Cô nói: “Nhưng tôi không biết tôi đang ngửi thứ gì?”

“Đó không phải câu trả lời được chấp nhận.”

Cô thở ra một cách bực tức và hy vọng tiếng rít có thể đến ống nghe của anh ta vừa ầm ĩ vừa rõ ràng. Cô nhắm chặt hai mắt, hít vào và lại cảm thấy buồn nôn. “Mùi mốc, mùi nước nóng từ đám hơi nước.”

“Cô không biết nó từ đâu đến. Cứ tả nó thôi.”

“Nước nóng. Mùi nước hoa của người phụ nữ.”

“Cô có chắc đấy là nước hoa của cô ta không?”

“À, không.”

“Cô có dùng nước hoa không?”

“Không.”

“Nước hoa dùng sau khi cạo râu thì sao? Nhân viên y tế? Sĩ quan ESU?”

“Tôi không nghĩ vậy. Không.”

“Tả nó xem.”

“Khô. Như rượu gin.”

“Đoán thử xem, mùi nước dùng sau khi cạo râu của đàn ông hay nước hoa phụ nữ.”

Nick dùng gì nhỉ? Arrid Extra Dry?

“Tôi không biết”, cô nói. “Loại đàn ông.”

“Đi đến chỗ cái xác đi.”

Cô liếc nhìn đường ống, sau đó nhìn xuống sàn.

“Tôi…”

“Đi đi”, Lincoln Rhyme nói.

Cô đi. Da bị lột trông giống như gỗ bulô đỏ và đen.

“Ngửi cổ cô ta xem.”

“Nó… Ý tôi là, không còn nhiều da ở đó nữa đâu.”

“Tôi xin lỗi, Amelia, nhưng cô phải làm thế. Ta phải xem đó có đúng là nước hoa của cô ta không?”

Cô làm theo, hít vào. Nôn khan, suýt nôn thốc ra.

Mình sẽ nôn mất, cô nghĩ. Giống như lần mình và Nick trong cái đêm ở Pancho, say mềm vì hỗn hợp rượu rum đông lạnh chết tiệt. Hai cảnh sát cứng cựa uống cạn thứ đồ uống nhạt thếch có con cá kiếm nhựa màu xanh bơi lội bên trong.

“Cô có ngửi thấy mùi nước hoa không?”

Nó đến rồi… lại nôn khan.

Không. Không được! Cô nhắm mắt, tập trung vào các khớp xương đau nhức của mình. Phần đau nhất – đầu gối. Và thật thần kỳ, cơn buồn nôn lại qua đi. “Đó không phải là nước hoa của cô ta.”

“Tốt. Có thể anh chàng của chúng ta đủ kiêu ngạo để bôi thật nhiều nước hoa dùng sau khi cạo râu. Đó có thể là dấu hiệu của giai tầng xã hội. Hoặc có thể hắn muốn che giấu thứ mùi gì đó mà hắn có thể để lại. Tỏi, xì gà, cá, whisky. Ta sẽ phải xem. Giờ thì nghe thật kỹ đây, Amelia.”

“Cái gì?”

“Tôi muốn cô là hắn ta.”

Ồ. Thằng điên thối tha. Đúng là thứ mình cần.

“Tôi thực sự không nghĩ rằng ta có thời gian cho việc này.”

“Không bao giờ có đủ thời gian cho khám nghiệm hiện trường”, Rhyme dịu dàng nói tiếp. “Nhưng điều đó không ngăn được chúng ta. Chỉ cần đi vào trong đầu hắn. Cô đã nghĩ theo cách chúng ta nghĩ. Giờ tôi muốn cô nghĩ theo cách hắn nghĩ.”

“Vậy à. Tôi phải làm thế nào?”

“Hãy dùng trí tưởng tượng. Đó là lý do Chúa đem nó đến cho chúng ta. Rồi, giờ cô là hắn. Cô đã còng và bịt miệng cô ta. Cô đưa cô ta đến căn phòng ở đó. Cô còng cô ta vào đường ống. Cô dọa cô ta. Cô đang tận hưởng điều đó.”

“Làm sao anh biết hắn tận hưởng điều đó?”

“Cô đang tận hưởng. Không phải là hắn. Làm sao mà tôi biết được? Vì chẳng có ai lại đâm đầu vào ngần ấy rắc rối để làm những việc anh ta không thấy thích. Giờ thì cô biết đường rồi. Trước kia cô đã tới đây chưa?”

“Sao anh lại nghĩ thế?”

“Cô cần kiểm tra trước – để tìm một chỗ hoang vắng với một đường ống dẫn trong hệ thống hơi nước. Và để lấy những thứ manh mối mà hắn để lại trên đường ray.”

Sachs bị thôi miên bởi giọng nói êm ái, nhỏ nhẹ của anh ta. Cô hoàn toàn quên mất rằng cơ thể của anh ta đã bị hủy hoại. “Ồ. Đúng rồi.”

“Cô tháo bỏ nắp đường ống dẫn hơi. Cô nghĩ gì vậy?”

“Tôi không biết. Tôi chỉ muốn làm cho xong. Ra ngoài.”

Nhưng những lời nói đó chưa kịp bật ra khỏi miệng cô trước khi cô nghĩ: Sai rồi. Rồi cô không ngạc nhiên khi nghe tiếng Rhyme tặc lưỡi trong tai nghe. “Cô có thực sự nghĩ thế không?” Anh ta hỏi.

“Không. Tôi muốn nó kéo dài.”

“Đúng! Tôi nghĩ đó đúng là điều cô muốn. Cô đang nghĩ xem hơi nước sẽ làm gì cô ta. Cô còn cảm thấy gì nữa?”

“Tôi…”

Một ý nghĩ hình thành trong đầu cô. Mờ nhạt. Cô nhìn thấy người phụ nữ đang vật lộn để thoát thân. Nhìn thấy thứ gì đó khác nữa… một ai đó khác nữa. Hắn, cô nghĩ. Đối tượng 823. Nhưng hắn thì sao? Cô gần như hiểu ra. Cái gì… cái gì? Nhưng đột nhiên ý nghĩ tan biến. Mất hút.

“Tôi không biết”, cô thì thầm.

“Cô có cảm thấy vội vàng không? Hay cô đang thấy thích những điều mình đang làm?”

“Tôi đang vội. Tôi phải đi. Cảnh sát sẽ tới đây bất cứ lúc nào. Nhưng tôi vẫn…”

“Cái gì?”

“Suỵt”, cô ra lệnh. Rồi quét căn phòng lần nữa, tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể gieo mầm lại cho ý nghĩ vừa biến mất trong đầu cô.

Căn phòng đang bơi, một đêm đen đầy sao. Những vòng xoáy của bóng tối và khoảng cách, ánh sáng vàng vọt. Chúa ơi, đừng để con bị ngất.

Có thể hắn…

Kia! Đúng rồi. Ánh mắt Sachs chạy theo đường ống dẫn hơi. Cô đang nhìn vào một cái nắp nằm sâu trong hốc tường tối của căn phòng. Đó có thể là một chỗ trốn tốt hơn cho cô gái – ta không thể nhìn thấy nó từ ô cửa nếu ta đi ngang qua – và cái nắp thứ hai chỉ có bốn con ốc trên đó, không phải tám, như cái hắn đã chọn.

Tại sao không phải cái ống kia?

Rồi cô chợt hiểu.

“Hắn không muốn…Tôi chưa muốn bỏ đi vội vì tôi còn muốn để mắt tới cô ta.”

“Sao cô nghĩ vậy?” Anh ta hỏi, bắt chước lời lẽ của cô vài phút trước đó.

“Có một cái ống khác mà tôi có thể xích cô ta vào, nhưng tôi đã chọn một cái ở chỗ trống trải.”

“Để cô có thể nhìn thấy cô ta?”

“Tôi nghĩ thế.”

“Tại sao?”

“Có thể để chắc chắn là cô ta không chạy mất. Có thể để bảo đảm là miệng cô ta đã được dán chặt… Tôi không biết.”

“Tốt. Amelia. Nhưng điều đó nghĩa là gì? Chúng ta sử dụng sự việc này như thế nào?”

Sachs nhìn quanh phòng để tìm kiếm chỗ hắn ta có thể nhìn cô gái rõ nhất mà không bị trông thấy. Hóa ra đó là khoảng bóng tối giữa hai thùng dầu đốt nóng.

“Đúng rồi!” Cô phấn khích nói, nhìn xuống nền nhà. “Hắn đã ở đây”. Quên mất trò chơi đóng vai. “Hắn đã quét nhà.”

Cô quét khu vực đó bằng ánh sáng xanh mật của chiếc đũa thần PoliLight.

“Không có dấu chân”, cô nói đầy thất vọng. Nhưng khi cô nhấc cây đèn lên để tắt nó đi, một vết mờ mờ tỏa sáng trên một cái thùng.

“Tôi có dấu tay rồi!” Cô tuyên bố.

“Một dấu tay?”

“Anh sẽ nhìn thấy cô gái rõ hơn nếu anh vươn người ra trước và dựa vào cái thùng. Đó là điều hắn đã làm. Tôi chắc chắn thế. Có điều, thật kỳ quặc. Lincoln. Nó bị… biến dạng. Tay hắn ấy.” Cô rùng mình khi nhìn vào bàn tay ác quỷ.

“Trong vali có một bình xịt dán nhãn DFO. Đó là thuốc nhuộm huỳnh quang. Phun nó vào chỗ dấu tay, chiếu đèn PoliLight vào đó rồi chụp ảnh bằng máy Polaroid tỷ lệ 1:1.”

Khi xong việc, cô báo với Lincoln. Anh ta nói: “Còn bây giờ hút bụi chỗ giữa hai cái thùng. Nếu ta may mắn hắn có thể đánh rơi một sợi tóc hay cắn móng tay.”

Thói quen của mình, Sachs nghĩ. Đó là một trong những thứ phá hoại sự nghiệp người mẫu của cô – móng tay dây máu, hàng lông mày lo lắng. Cô đã cố thử, thử và thử ngừng lại. Nhưng cuối cùng đành đầu hàng, chán nản, điên cuồng vì chỉ một thói quen nhỏ nhặt đã làm thay đổi hẳn định hướng cuộc đời cô.

“Cho bộ lọc chân không vào túi.”

“Túi giấy?”

“Đúng rồi, túi giấy. Giờ đến thi thể, Amelia.”

“Cái gì?”

“À, cô phải xử lý thi thể.”

Tim cô chùng xuống. Ai đó khác chứ, làm ơn đi. Để ai đó khác làm việc ấy đi. Cô nói: “Nhưng không được làm trước khi khám nghiệm pháp y. Đó là quy định.”

“Hôm nay không có quy định, Amelia. Chúng ta sẽ đặt quy tắc cho mình. Đội khám nghiệm pháp y sẽ nhận cô ta sau chúng ta.”

Sachs lại gần người phụ nữ.

“Cô biết quy trình chứ?”

“Vâng.” Cô bước lại gần cơ thể bị hủy hoại.

Rồi đông cứng. Cánh tay chỉ cách lớp da nạn nhân vài inch.

Tôi không làm được. Cô rùng mình. Tự nhủ phải tiến lên. Nhưng cô không thể; cơ bắp không tuân lệnh.

“Sachs, cô có đấy không?”

Cô không thể trả lời.

“Tôi không làm được…Chỉ đơn giản thế thôi. Không thể. Tôi chịu.”

“Sachs?”

Và rồi cô nhìn sâu vào trong con người mình, bằng cách nào đó cô nhìn thấy cha mình, mặc đồng phục, khom thấp người trên vỉa hè nóng bức, lồi lõm ở Phố Bốn mươi hai Tây, vòng tay ôm một kẻ say rượu hèn hạ để đưa anh ta về nhà. Rồi cô nhìn thấy Nick của cô lúc anh đang cười và uống bia với một tên cướp máy bay trong quán rượu khu Bronx, kẻ sẽ lập tức giết anh nếu hắn biết anh là cảnh sát chìm. Hai người đàn ông trong cuộc đời cô, làm việc họ cần phải làm.

“Amelia?”

Hai hình ảnh đó lấp loáng trong ý nghĩ của cô, và vì sao chúng làm cô bình tĩnh lại, hay sự bình thản đó đến từ đâu, cô không thể biết. “Tôi đây”, cô trả lời Lincoln Rhyme và làm công việc như cô đã được huấn luyện. Cạo móng tay, chải lấy lông và tóc – trên đầu và trên mu. Tường thuật với Rhyme những gì cô làm lúc cô thực hiện điều đó.

Lờ đi đôi nhãn cầu mờ đục…

Lờ đi phần thịt đỏ ngầu.

Cố lờ đi cái mùi đó.

“Lấy quần áo của cô ta”, Rhyme nói. “Cắt mọi thứ. Trước hết lót phía dưới một tờ báo để lấy tất cả các mảnh vụn rơi ra.”

“Tôi có cần kiểm tra túi không?”

“Không, ta sẽ kiểm tra ở đây. Gói các thứ vào giấy.” Sachs cắt cái váy và chiếc áo dài tay ra, quần áo lót. Cô vươn tay định lấy cái mà cô tưởng là chiếc áo ngực, đang đung đưa trước ngực người phụ nữ. Cảm giác thật kỳ lạ, nó như rã ra trong tay cô. Sau đó, như bị một cái tát, cô nhận ra mình đang cầm thứ gì và cô thét lên. Không phải vải, mà là da.

“Amelia? Cô ổn chứ?”

“Vâng!” Cô hổn hển. “Tôi ổn.”

“Hãy tả lại những thứ hắn dùng để giam hãm cô ta.”

“Miệng bị dán băng dính, rộng hai inch. Còng số tám loại chuẩn để còng tay, dây phơi để trói chân.”

“Soi đèn PoliLight vào cơ thể cô ta. Hắn có thể đã dùng bàn tay trần để chạm vào người cô ta. Tìm dấu tay xem.”

Cô làm theo. “Không có gì.”

“Được rồi. Bây giờ thì cắt sợi dây phơi – nhưng không cắt vào nút, được chứ. Cho nó vào túi. Túi nhựa.”

Sachs làm theo. Sau đó Rhyme nói: “Ta cần cái còng.”

“Được rồi. Tôi có chìa khóa còng đây.”

“Không. Amelia. Đừng mở còng”

“Cái gì?”

“Cơ chế khóa còng là một trong những cách tốt nhất để lấy dấu vết từ nghi phạm.”

“Thế thì làm thế nào để tôi tháo nó ra mà không cần chìa?” Cô cười.

“Trong va li có một lưỡi cưa sắt.”

“Anh muốn tôi cưa cái còng à?”

Rhyme dừng một chút rồi nói: “Không, không phải cái còng đâu, Amelia.”

“Thế thì anh muốn tôi làm gì…Anh không nói nghiêm túc đấy chứ? Nói nghiêm túc đấy chứ? Tay cô ta?”

“Cô phải làm.” Anh ta khó chịu vì sự ngần ngại của cô.

Được rồi, thế thôi. Sellitto và Polling đã chọn một thằng khùng làm cộng sự. Có thể sự nghiệp của họ sẽ gặp rắc rối, nhưng mình sẽ không đi theo họ.

“Quên đi.”

“Amelia, đó chỉ là một cách thu thập vật chứng thôi mà.”

Vì sao anh ta lại nói nghe có lý đến vậy? Cô gắng sức nghĩ ra một lý do. “Cái còng sẽ dính đầy máu nếu tôi cắt…”

“Tim cô ta ngừng đập rồi. Ngoài ra…”, anh ta nói như một đầu bếp trên truyền hình, “máu đã bị nấu đông lại rồi.”

Bụng cô lại dâng đầy lên.

“Nào, Amelia. Đến chỗ cái va li đi. Lấy cái cưa. Trên nắp ấy.” Anh ta lạnh nhạt nói thêm: “Làm ơn.”

“Thế thì vì sao anh lại bắt tôi cạo móng tay cô ta? Tôi có thể đem về cả bàn tay cho anh cơ mà!”

“Amelia, ta cần cái còng. Ta phải mở nó ra ở đây và ta không thể đợi đội khám nghiệm pháp y được. Cần phải làm việc này.”

Cô quay lại cửa. Tháo sợi dây, nhấc cái cưa trông xấu xí ra khỏi hộp. Cô nhìn chăm chăm vào người phụ nữ đang đông cứng ở giữa phòng trong tư thế bị tra tấn.

“Amelia? Amelia?”

Bên ngoài, bầu trời vẫn bao phủ bởi thứ không khí vàng vọt, tù đọng. Những ngôi nhà bên cạnh bị bọc bởi lớp xút như những cái xương bị thiêu cháy thành than. Nhưng Sachs lại chưa bao giờ vui như lúc này, khi được ở ngoài không khí của thành phố. Va li khám nghiệm hiện trường ở một tay, tay kia là chiếc cưa sắt, cái tai nghe câm lặng đong đưa quanh cổ cô. Sachs bỏ qua đám đông cảnh sát và những người tò mò đang nhìn cô, đi thẳng về phía chiếc xe.

Khi đi ngang qua Sellito, cô đưa cho anh ta cái cưa mà không buồn dừng lại, đúng ra là quẳng nó cho anh ta. “Nếu Rhyme thực sự muốn làm việc đó, nói với anh ta là anh ta có thể xuống đó mà tự làm lấy.”

II

NGUYÊN TẮC LOCARD

Trong đời thực, anh chỉ có một cơ hội tại hiện trường vụ án giết người.

VERNON J. GEBERTH

TRUNG ÚY CHỈ HUY (ĐÃ NGHỈ HƯU)

SỞ CẢNH SÁT NEW YORK
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 9


4:00 PM đến 10:15 PM thứ Bảy

“Tôi đang gặp rắc rối, thưa ngài.”

Người đàn ông ngồi phía bên kia của chiếc bàn làm việc trông giống như hình mẫu lý tưởng về ngài phó chánh thanh tra cảnh sát một thành phố lớn trong một chương trình truyền hình. Mà đấy chính là cấp bậc của ông ta. Tóc trắng, xương hàm trông cá tính, kính gọng vàng, tư thế tuyệt hảo.

“Vấn đề gì vậy, sĩ quan?”

Phó Chánh thanh tra Randolph C. Eckert nhìn dọc theo cái mũi dài của ông với một cái nhìn mà Sachs lập tức nhận ra; việc chấp nhận bình quyền của ông ta có nghĩa là phải đối xử nghiêm khắc với các nữ sĩ quan như các nam sĩ quan.

“Tôi có khiếu nại, thưa ngài”, cô căng thẳng nói. “Ngài đã nghe về vụ bắt cóc trên một chiếc taxi rồi chứ ạ?”

Ông gật đầu. “À, vụ đã đưa cả thành phố vào tình trạng khó hiểu.”

Cô tin rằng đó là trò nhảy dây bình thường ở trường học, nhưng không muốn sửa lời của ngài phó chánh thanh tra.

“Cái hội nghị chết tiệt của Liên Hiệp Quốc”, ông ta tiếp, “cả thế giới đang theo dõi. Thật không công bằng. Người ta không nói đến tội ác ở Washington. Hay Detroit. Ừ, họ có nói về Detroit thật. Còn Chicago. Không bao giờ. Không, chính New York là nơi người ta chõ mũi vào. Năm ngoái Richmond, Virginia có tỷ lệ giết người tính trên đầu người nhiều hơn chúng ta. Tôi đã điều tra rồi. Và tôi thà nhảy dù không có vũ khí vào Trung tâm Harlem còn hơn là mở cửa sổ trong lúc lái xe qua khu Đông Nam thủ đô vào bất kỳ ngày nào.”

“Vâng, thưa ngài.”

“Tôi hiểu rằng người ta tìm thấy cô gái đã chết. Có trên tất cả các báo. Bọn nhà báo này…”

“Ở trung tâm. Vừa mới xong.”

“Thật đáng tiếc.”

“Vâng, thưa ngài.”

“Chúng chỉ giết cô ta thôi ư? Thế thôi ư? Không có yêu cầu tiền chuộc hay gì đó à?”

“Tôi không nghe nói gì về tiền chuộc cả.”

“Khiếu nại của cô là gì?”

“Tôi là sĩ quan đầu tiên tại hiện trường một vụ giết người có liên quan sáng nay.”

“Cô là sĩ quan tuần tra?” Eckert hỏi.

“Tôi đã là sĩ quan tuần tra. Tôi dự kiến được thuyên chuyển sang Phòng Quan hệ công chúng từ trưa nay. Để tham gia khóa đào tạo.” Cô giơ hai bàn tay dán băng Band-Aids lên, rồi thả chúng rơi xuống đùi. “Nhưng họ bắt cóc tôi.”

“Ai?”

“Thanh tra Lon Sellitto, thưa ngài. Đại úy Haumann. Và Lincoln Rhyme.”

“Rhyme?”

“Vâng, thưa ngài.”

“Không phải anh chàng gánh vác IRD mấy năm về trước đấy chứ?”

“Vâng, thưa ngài. Đúng là anh ta.”

“Tôi tưởng anh ta đã chết rồi.”

Những kẻ tự phụ như thế chẳng bao giờ chết.

“Vẫn còn sống khỏe mạnh, thưa ngài.”

Ngài phó chánh thanh tra nhìn ra ngoài cửa sổ. “Anh ta không còn phục vụ trong lực lượng nữa. Thế anh ta liên quan gì đến chuyện này?”

“Chắc là cố vấn, thưa ngài. Đây là vụ của Lon Sellitto. Đại úy Polling làm giám sát. Tôi chờ đợi lần thuyên chuyển này đã tám tháng. Nhưng họ bắt tôi khám nghiệm hiện trường. Trước đây, tôi chưa bao giờ khám nghiệm hiện trường. Nó chẳng có ý nghĩa gì và nói thực là tôi ghét bị bắt phải làm việc mà mình chưa được đào tạo.”

“Hiện trường vụ án?”

“Rhyme ra lệnh cho tôi khám nghiệm toàn bộ hiện trường vụ án. Tự tôi.”

Eckert không hiểu. Những ngôn từ đó không được chấp nhận. “Tại sao một dân thường lại ra lệnh được cho sĩ quan mặc cảnh phục làm bất cứ điều gì?”

“Ý kiến cá nhân của tôi, thưa ngài”. Cô kéo cần. “Ý tôi là, tôi sẽ giúp đỡ đến một mức độ nào đó. Nhưng tôi không sẵn sàng xẻ thịt nạn nhân…”

“Sao?”

Cô chớp mắt như thể ngạc nhiên vì ông ta không nghe ra. Cô kể lại chuyện cái còng.

“Chúa trên thiên đường, họ nghĩ cái quái quỷ gì vậy? Xin lỗi đã nói tiếng Pháp. Chẳng lẽ họ không biết là cả nước đang theo dõi hay sao? Suốt cả ngày trên CNN phát vụ bắt cóc này. Cắt tay cô ta? Cô có đúng là con gái của Herman Sachs không?”

“Đúng thế.”

“Một sĩ quan giỏi. Một sĩ quan xuất sắc. Tôi đã trao tặng bằng khen cho ông. Đó thực sự là một cảnh sát khu vực mẫu mực. Nam Midtown, đúng không?”

“Hell’s Kitchen. Khu của tôi.”

Khu cũ của tôi.

“Herman Sachs có lẽ đã ngăn chặn được nhiều tội ác hơn cả một sư đoàn cảnh sát làm trong một năm. Chỉ cần làm mọi việc bình ổn, cô biết đấy.”

“Đúng là cha tôi. Chắc rồi.”

“Tay cô ta?” Eckert khịt mũi. “Gia đình cô gái sẽ kiện chúng ta. Ngay khi họ phát hiện ra điều đó. Người ta kiện chúng ta vì mọi thứ. Có một tên hiếp dâm kiện chúng ta vì hắn bị bắn vào chân khi đang cầm dao lao vào một sĩ quan. Luật sư của hắn ta đưa ra cái lý thuyết gọi là ‘lựa chọn ít chết chóc nhất’. Thay vì bắn, ta phải phang hắn hay dùng gậy. Hay phải hỏi chúng một cách lịch sự, tôi không biết. Tôi chắc phải cảnh báo sếp và Thị trưởng về việc này. Tôi sẽ gọi vài cuộc, sĩ quan.” Ông ta nhìn lên đồng hồ treo tường. Hơn bốn giờ một chút. “Phiên của cô hôm nay hết rồi, phải không?”

“Tôi phải tới nhà ở của Lincoln Rhyme. Đó là nơi chúng tôi làm việc.” Cô nghĩ đến cái cưa sắt. Cô lạnh lùng nói. “Thực ra là phòng ngủ của anh ta. Đó là trung tâm chỉ huy của chúng tôi.”

“Phòng ngủ của một dân thường là trung tâm chỉ huy của cô?”

“Tôi đánh giá cao tất cả những gì ngài có thể làm, thưa ngài. Tôi đã đợi lần thuyên chuyển này rất lâu rồi.”

“Cắt tay cô ta. Lạy Chúa lòng lành!”

Cô đứng dậy, đi ra cửa và đi vào một trong những cái hành lang mà sắp sửa trở thành nhiệm vụ mới của cô. Có điều cảm giác nhẹ nhõm đến với cô muộn hơn cô mong đợi.

Hắn đứng cạnh khung cửa sổ kính vỏ chai, nhìn xuống một đàn chó hoang đang rình mò trên bãi đất bên kia phố.

Hắn đang ở tầng một của tòa nhà cũ kỹ này, tòa nhà kiểu liên bang được lát đá cẩm thạch, xây dựng từ những năm 1800. Được bao quanh bởi những bãi đất trống và những tòa nhà – một số đã bị bỏ hoang, một số được thuê mặc dù phần lớn là bị chiếm dụng bất hợp pháp – tòa nhà cũ kỹ này đã bị bỏ không trong nhiều năm.

Kẻ Tầm Xương nhặt mẩu giấy ráp lên và tiếp tục đánh. Hắn nhìn xuống cái sản phẩm thủ công của mình. Sau đó lại nhìn ra ngoài cửa sổ.

Tay hắn xoay trong những chuyển động tròn đều chính xác. Mẩu giấy ráp nhỏ xíu khẽ kêu suỵt, suỵt… Như tiếng một người mẹ đang nựng con.

Một thập kỷ trước, trong những ngày đầy hứa hẹn của New York, một nghệ sĩ điên khùng đã chuyển đến ở đây. Ông ta chất đầy những thứ đồ cổ vỡ nát và gỉ sét vào tòa nhà hai tầng nhớp nháp này. Những cái chấn song sắt uốn, những gờ tường hình vương miện, những ô kính hình vuông bẩn thỉu chằng chịt như tơ nhện, những cột trụ nứt nẻ. Một vài tác phẩm của nghệ sĩ này vẫn còn được treo trên tường. Những bức bích họa trên lớp vữa cũ: những bức tranh tường chẳng bao giờ được hoàn thành vẽ những người công nhân, trẻ em, những đôi tình nhân đầy lo lắng. Những khuôn mặt tròn trịa, vô cảm – chủ đề con người – những cái nhìn trống rỗng như thể linh hồn đã bị lôi ra khỏi cơ thể nhẵn nhụi của họ.

Người họa sĩ chưa bao giờ quá thành công, thậm chí là sau những ý tưởng tiếp thị cứng rắn nhất – vụ ông ta tự sát – và ngân hàng đã tịch thu tòa nhà này mấy năm trước.

Suỵt…

Kẻ Tầm Xương tìm thấy nơi này vào năm ngoái và hắn ta ngay lập tức nhận ra rằng đó chính là nhà mình. Sự cách biệt của khu nhà hàng xóm chắc chắn rất quan trọng đối với hắn ta – và rõ ràng đó là điều cần thiết. Nhưng còn nhiều sự hấp dẫn khác, riêng tư hơn: khu đất trống bên kia phố. Trong một lần đào bới vài năm trước, máy xúc đã đào lên được nhiều xương người. Hóa ra đó là một trong những nghĩa trang cũ của thành phố. Những bài báo viết về việc này cho rằng, những nấm mồ có thi hài không chỉ của những người New York Liên bang và Thuộc địa mà còn cả của những người da đỏ Manate và Lenape.

Lúc này hắn đặt sang một bên thứ mà hắn đang mài bằng giấy ráp – một khối xương bàn tay tinh tế – rồi nhặt lên một khúc xương cổ tay mà hắn ta đã rất thận trọng tách ra từ xương khuỷu và xương ngón đêm trước khi ra sân bay Kennedy để bắt những nạn nhân đầu tiên. Nó đã được phơi khô hơn một tuần và đã bong gần hết thịt, nhưng vẫn phải cố gắng lắm mới tách được các nhóm xương gắn kết với nhau. Chúng tách nhau ra với một tiếng rơi tõm nhạt nhòa, như tiếng cá quẫy trên mặt hồ.

Ồ, bọn cớm, chúng giỏi hơn hắn trông đợi rất nhiều. Hắn đã theo dõi khi chúng tìm kiếm trên Phố Pearl, băn khoăn không hiểu chúng có tìm ra nơi hắn giấu người phụ nữ từ sân bay không? Hắn ngạc nhiên khi thấy chúng chạy đến đúng tòa nhà. Hắn đoán chúng chỉ có thể cảm nhận được manh mối sau hai hay ba nạn nhân. Tất nhiên là chúng không cứu được cô ta. Nhưng chúng có thể. Chỉ cần sớm một, hai phút là mọi chuyện đã khác đi.

Cũng giống như nhiều thứ khác trong cuộc đời.

Xương thuyền, xương lưỡi liềm, xương móc câu, xương đầu…những chiếc xương đan chéo vào nhau như cái vòng đố ghép hình kiểu Hy Lạp, tách rời nhau ra dưới sức mạnh ngón tay hắn. Hắn nhặt những mẩu thịt và gân ra khỏi chúng. Hắn chọn một mẩu đa giác lớn hơn – chỗ đã từng là gốc ngón tay cái – và lại bắt đầu mài.

Suỵt…

Kẻ Tầm Xương nheo mắt nhìn ra ngoài và hình dung hắn nhìn thấy một người đàn ông đang đứng bên cạnh một trong những ngôi mộ cũ. Đó chắc là hình dung của hắn vì người đàn ông đó đội một cái mũ chơi bowling và mặc bộ quần áo vải gabardine màu vàng nhạt. Anh ta đặt mấy bông hồng cạnh bia mộ và quay đi, vừa đi vừa phải tránh xe ngựa trên con đường dẫn tới một cây cầu uốn cung tao nhã bên trên nhánh hồ Collect ở Phố Canal. Anh ta đến thăm ai vậy? Cha mẹ? Một người anh em? Gia đình người đó có thể bị chết vì lao phổi hay một trong những đợt dịch cúm đã tàn phá thành phố vừa qua…

Vừa qua?

Không, tất nhiên là không phải vừa qua. Một trăm năm trước… đó là ý hắn.

Hắn nheo mắt và nhìn thêm lần nữa. Không có dấu hiệu nào của xe ngựa hay ngựa. Hay của người đàn ông đội mũ chơi bowling. Mặc dù trông họ thực như bằng xương bằng thịt.

Bất kể là họ thực đến đâu.

Suỵt, suỵt.

Quá khứ lại tràn về. Hắn nhìn thấy những sự việc đã xảy ra trước đây, những điều xảy ra sau đó, cứ như chúng xảy ra lúc này. Hắn có thể kiểm soát điều đó. Hắn biết là hắn có thể.

Nhưng khi nhìn ra cửa sổ thì hắn nhận ra rằng, tất nhiên là chẳng có tương lai cũng như quá khứ. Không dành cho hắn. Hắn trôi ngược xuôi theo thời gian, một ngày, năm năm, một trăm năm hay hai trăm năm, như chiếc lá khô trong ngày trời gió.

Hắn nhìn xuống đồng hồ. Đến giờ phải đi rồi.

Đặt khúc xương lên mặt lò sưởi, hắn rửa tay kỹ càng – như một bác sĩ phẫu thuật. Sau đó, hắn lăn chiếc lô phủi lông thú vật trên áo khoảng năm phút để làm sạch hết bụi xương hay bụi bẩn hay lông cơ thể có thể dẫn cớm đến chỗ hắn.

Hắn đi qua một bức tranh vẽ dở một tên đồ tể mặt tròn mặc một cái tạp dề màu trắng máu me để tới chỗ nhà để xe ngựa. Kẻ Tầm Xương bắt đầu chui vào taxi nhưng lại thay đổi ý định. Bất định là cách phòng thủ tốt nhất. Lần này hắn sẽ đi xe ngựa… chiếc sedan, chiếc Ford. Hắn khởi động, lái xe vào phố, đóng và khóa cửa ga ra phía sau hắn.

Không có trước đây hay sau này…

Khi hắn đi ngang qua nghĩa địa, một đàn chó ngẩng lên nhìn chiếc Ford rồi quay lại ẩu đả trong bụi cây, tìm chuột và làm ầm ĩ khi tranh nhau nước trong cái nóng không thể chịu đựng nổi.

Không có sau đó hay bây giờ…

Hắn lấy ra chiếc mặt nạ trượt tuyết và đôi găng tay từ trong túi, đặt chúng xuống ghế bên cạnh trong khi lao ra khỏi khu dân cư cũ. Kẻ Tầm Xương đi săn mồi.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 10


Có thứ gì đó trong phòng đã thay đổi, nhưng cô chưa thể xác định ngay được nó là gì.

Lincoln Rhyme nhìn thấy điều ấy trong mắt cô.

“Chúng tôi nhớ cô, Amelia”, anh ta bẽn lẽn nói. “Chuyện vặt vãnh à?”

Cô tránh không nhìn anh ta. “Rõ ràng không có ai nói với chỉ huy mới của tôi là hôm nay tôi sẽ không đi làm. Tôi nghĩ ai đó phải nói chứ.”

“À, ừ.”

Cô đang nhìn vào tường, dần dần hiểu ra điều đó. Ngoài những thiết bị căn bản mà Mel Cooper đã đem đến, trong phòng còn có cái kính hiển vi điện tử quét với bộ phận chiếu X-quang, các bộ ống kính nổi và hot-stage để thử kính, một kính hiển vi so sánh, một ống đo biến thiên mật độ để thử đất và cả trăm ống nghiệm, bình, lọ, hóa chất.

Ở giữa phòng là niềm tự hào của Cooper – một máy sắc ký khí điều khiển bằng máy tính và một bộ phổ kế thường thấy. Và một cái máy tính khác, nối mạng với bộ xử lý trung tâm của chính Cooper tại phòng thí nghiệm ở IRD.

Sachs bước qua những sợi cáp trườn xuống dưới cầu thang – nguồn điện trong nhà cũng ổn, đúng, nhưng dòng điện quá nhỏ trong ổ cắm phòng ngủ. Với những bước đi tao nhã, đã được luyện tập ấy, Rhyme thấy cô thật đẹp. Chắc chắn là người phụ nữ đẹp nhất trong sở cảnh sát.

Trong một khoảnh khắc, anh thấy cô thật hấp dẫn. Người ta nói rằng tình dục là trong đầu ta và anh thấy đúng. Cắt dây không cắt đứt được sự thèm muốn. Anh nhớ lại, vẫn còn một chút kinh hoàng về một đêm, sáu tháng sau tai nạn. Anh và Blaine đã thử. Chỉ để xem điều gì sẽ xảy ra, họ nói vậy, chỉ thử thôi mà. Không có vấn đề gì lớn.

Hóa ra lại là chuyện lớn. Trước hết, tình dục là một chuyện rắc rối, nhưng khi ta thêm vào phương trình này cả ống và túi thông tiểu thì ta phải có sức khỏe tốt, tính hài hước và nền tảng tốt hơn người khác. Nhưng chủ yếu điều làm anh cụt hứng rất nhanh là vẻ mặt của cô. Anh nhìn thấy nụ cười gắng gượng, khó khăn trên mặt Blaine Chapman Rhyme, nụ cười nói rằng cô làm việc đó chỉ vì thương hại và điều đó đâm thủng tim anh. Hai tuần sau anh nộp đơn li dị. Blaine có phản đối nhưng cô đã ký ngay đợt đầu.

Sellitto và Banks đã quay lại và đang sắp xếp vật chứng do Sachs thu thập. Cô nhìn họ làm, chỉ hơi có vẻ quan tâm.

Rhyme nói với cô: “Đơn vị Ngầm chỉ tìm được tám chứng cứ không hoàn chỉnh khác, nhưng chúng lại thuộc về hai người công nhân bảo trì trong tòa nhà.”

“Thế à.”

Anh gật đầu mạnh. “Chỉ có tám.”

“Anh ta đang khen cô đấy.” Thom giải thích. “Tận hưởng đi. Nhiều nhất thì cô cũng chỉ nhận được từ anh ấy ngần ấy thôi.”

“Không cần phiên dịch, Thom, nhưng cảm ơn.”

Cô trả lời: “Tôi vui vì đã giúp được.” Cảm thấy vui.

Ồ, cái gì thế nhỉ? Rhyme đã nghĩ cô sẽ lao vào phòng và ném cái túi vật chứng lên giường anh. Có thể là cả cái cưa, thậm chí cả cái túi nhựa đựng hai bàn tay hư hại của nạn nhân. Anh đã chờ bị đánh gục, lôi khỏi sàn đấu; người ta hiếm khi bỏ găng tay khi họ đánh nhau với một kẻ tàn tật. Anh đã nghĩ về cái nhìn trong mắt cô khi cô gặp anh, có thể đó là bằng chứng của một sự giống nhau mơ hồ nào đó giữa họ.

Nhưng không, giờ anh thấy là anh đã sai. Amelia cũng giống như những người khác – xoa đầu anh và tìm lối ra gần nhất.

Trong phút chốc, trái tim anh đông cứng. Anh nói như thể đang nói với lớp mạng nhện giăng trên trần và những bức tường phía xa. “Chúng tôi đang nói về thời hạn cho nạn nhân tiếp theo, thưa sĩ quan. Không có vẻ gì là có thời gian xác định cả.”

“Điều chúng tôi nghĩ là”, Sellitto nói tiếp, “bất kể tên quái vật này có kế hoạch gì cho nạn nhân tiếp theo thì điều đó cũng đang diễn ra. Hắn không biết chính xác khi nào nạn nhân sẽ chết. Lincoln nghĩ có thể hắn đang chôn vài tên khốn ở đâu đó, nơi mà có rất ít không khí”.

Mắt Sachs nheo lại một phút khi nghe câu này. Rhyme nhận thấy điều đó. Chôn sống. Nếu ta phải có một nỗi sợ hãi, nó giống như bất cứ thứ gì.

Câu chuyện của họ bị hai người đàn ông mặc bộ vét màu xám làm gián đoạn. Họ lên cầu thang và đi vào phòng như thể họ sống ở đây.

“Chúng tôi có gõ cửa”, một người nói.

“Chúng tôi có bấm chuông”, người kia nói.

“Không ai trả lời.”

Họ khoảng bốn mươi tuổi, một người cao hơn một chút nhưng cả hai đều có mớ tóc màu cát như nhau. Họ cùng nở một nụ cười giống nhau và trước khi giọng nói lè nhè vùng Brooklyn kịp phá hỏng hình ảnh mà Rhyme đã nghĩ: Những anh chàng nhà quê. Một người có lớp bụi tàn nhang kiểu trung thực với Chúa trên sống mũi nhợt nhạt của anh ta.

“Các quý ông.”

Sellitto giới thiệu Những Chàng trai Dũng cảm: hai thám tử Bedding và Saul, nhóm điều tra. Kỹ năng chính của họ là đi vận động – phỏng vấn những người sống gần hiện trường vụ án để tìm nhân chứng và dấu vết. Đây là một nghệ thuật nhưng Rhyme chưa bao giờ học được, và không có ý định học. Anh hài lòng với việc phát hiện sự thật trần trụi và chuyển chúng cho các sĩ quan như họ, những người khi được trang bị các dữ liệu này sẽ trở thành cái máy sống phát hiện nói dối có thể phá tan những câu chuyện bịa đặt hay nhất của nghi phạm. Không ai trong số họ cảm thấy chuyện phải báo cáo với một thường dân ốm liệt giường là kỳ quặc.

Saul, viên thám tử cao hơn, người có tàn nhang nói: “Chúng tôi tìm thấy ba mươi sáu…”

“tám, nếu anh tính cả hai thằng nghiện. Nhưng anh không tính. Tôi thì có.”

“… đối tượng. Đã phỏng vấn tất cả bọn họ. Không may mắn lắm.”

“Hầu hết họ đều mù, điếc hay quên. Anh biết đấy, như lệ thường.”

“Không có dấu hiệu gì của chiếc taxi. Chúng tôi đã lùng sục ở West Side. Zero. Vèo.”

Bedding: “Nhưng cho họ biết tin tốt đi.”

“Chúng tôi tìm được một nhân chứng.”

“Một nhân chứng?” Banks phấn chấn hỏi. “Tuyệt vời.”

Rhyme, kém nhiệt tình hơn nhiều, nói: “Tiếp đi.”

“Vào khoảng thời gian nạn nhân chết sáng nay ở gần đường tàu.”

“Anh ta nhìn thấy một người đàn ông đi dọc theo Đại lộ Mười một, rẽ…”

“Bất thình lình, anh ta nói thế…”, Bedding, mặt không tàn nhang nói thêm.

“… và đi qua một con đường dẫn tới cầu vượt đường sắt. Hắn đứng đó một lúc…”

“Nhìn xuống.”

Rhyme bị điều đó làm cho lo lắng. “Không có vẻ giống như anh chàng của chúng ta. Hắn quá thông minh để bị nhìn thấy như vậy.”

“Nhưng…”, Saul tiếp tục, giơ một ngón tay lên và liếc nhìn đối tác của mình.

“Chỉ có một cửa sổ trong toàn khu vực mà từ đó ta có thể nhìn thấy chỗ ấy.”

“Và đó là chỗ nhân chứng của ta đứng.”

“Dậy sớm, cầu Chúa phù hộ cho quả tim anh ta.”

Trước khi nhớ lại là anh đang bực mình với cô, Rhyme hỏi: “Amelia, cô thấy thế nào?”

“Xin lỗi?” Cô chuyển sự chú ý khỏi cửa sổ.

“Đúng”, Rhyme nói. “Cô đã khóa Đại lộ Mười một, không phải Đại lộ Ba mươi bảy.”

Cô không biết phải trả lời thế nào nhưng ngay lập tức Rhyme quay trở lại với hai anh em sinh đôi. “Miêu tả?”

“Nhân chứng của chúng ta không thể nói được nhiều.”

“Say khướt rồi.”

“Anh ta nói đó là một anh chàng nhỏ người. Không có màu tóc. Chủng tộc…”

“Có lẽ là người da trắng.”

“Mặc gì?” Rhyme hỏi.

“Thứ gì đó tối màu. Anh ta chỉ nói được đến thế.”

“Và làm gì?” Sellitto hỏi.

“Tôi trích dẫn: Hắn ta chỉ đứng đấy và nhìn xuống. Tôi nghĩ là hắn ta sẽ nhảy. Anh biết đấy, vào đầu tàu. Nhìn đồng hồ mấy lần.”

“Sau đó bỏ đi. Nhân chứng nói hắn ta tìm kiếm gì đó xung quanh. Trông có vẻ như không muốn bị ai nhìn thấy.”

Hắn ta làm gì nhỉ? Rhyme băn khoăn. Xem nạn nhân chết? Hay đó là lúc trước khi hắn chôn xác, kiểm tra xem nền đường có ai không?”

Sellitto hỏi: “Đi bộ hay lái xe?”

“Đi bộ. Chúng tôi đã kiểm tra tất cả các bãi đỗ xe...”

“Và ga ra.”

“... trong vùng lân cận. Nhưng nơi đó gần trung tâm hội nghị nên chỗ đỗ xe ngập đến tận tai. Có nhiều chỗ đỗ đến nỗi nhân viên bãi đỗ đứng ngoài phố, cầm cờ vàng để vẫy cho xe vào.”

“Nhưng do hội nghị nên đến bây giờ một nửa bãi đỗ đã đầy xe. Chúng tôi có một danh sách khoảng chín trăm biển số.”

Sellitto lắc đầu. “Các anh theo tiếp vụ này nhé...”

“Đã nhận”, Bedding nói.

“... nhưng tôi dám cá là đối tượng không để xe trong bãi.” Viên thám tử nói tiếp. “Hay mua vé để xe.”

Rhyme gật đầu đồng tình và hỏi: “Tòa nhà ở Phố Pearl?”

Một người hay cả hai anh em sinh đôi đồng thanh: “Điều tiếp theo trong danh sách của chúng tôi. Chúng tôi đang trên đường.”

Rhyme nhìn thấy Sachs đang xem đồng hồ, cái đồng hồ đeo trên cổ tay trắng trẻo gần những ngón tay hồng hào của cô. Anh yêu cầu Thom thêm những đặc điểm mới đó của nghi phạm vào sơ đồ hồ sơ.

“Anh có muốn phỏng vấn anh chàng đó không?” Banks hỏi. “Anh chàng đứng cạnh đường ray ấy.”

“Không, tôi không tin tưởng nhân chứng”, Rhyme nói đầy kiêu hãnh. “Tôi muốn quay lại với công việc.” Anh nhìn Mel Cooper. “Lông, máu, xương và một mẩu gỗ. Cái xương đầu tiên”, Rhyme hạ lệnh.

Morgen[62]...

Monelle Gerger trẻ tuổi mở mắt và chậm rãi ngồi dậy trên chiếc giường đệm trũng. Suốt thời gian hai năm ở Greenwich Village, cô không thể làm quen được với buổi sáng.

Thân hình tròn trịa hai mươi mốt tuổi của cô nghiêng về phía trước và luồng ánh sáng tàn nhẫn buổi sáng tháng Tám chiếu thẳng vào đôi mắt lờ mờ của cô. “Mein Gott[63]...”

Cô rời câu lạc bộ lúc năm giờ, về nhà lúc sáu giờ và làm tình với Brian đến bảy giờ...

Giờ là mấy giờ nhỉ?

Sáng sớm, cô chắc chắn thế.

Cô nhăn mặt nhìn đồng hồ. Ôi. 4:30.

Không phải früh morgens[64] lắm.

Cà phê hay đi giặt đồ?

Vào khoảng thời gian này cô thường lang thang tới Dojo để ăn sáng với bánh kẹp nhân rau và ba cốc cà phê đặc. Ở đó, cô gặp những người cô biết, những người đi chơi đêm như cô – những người trong trung tâm thành phố.

Nhưng vừa rồi cô đã bỏ đi nhiều thứ, những thứ đồ trong nhà. Vì thế, cô mặc hai cái áo phông lụng thụng để giấu đi thân hình tròn trịa của mình, đeo năm sáu chuỗi xích quanh cổ và nhặt giỏ đồ bẩn, đổ Wisk[65] vào.

Monelle tháo ba con ốc đang chặn cửa. Cô nhấc giỏ đồ bẩn lên và đi xuống cái cầu thang tối tăm của khu chung cư. Cô dừng lại ở tầng hầm.

Irgendwas stimmt hier nicht[66].

Cảm thấy không ổn, Monelle nhìn quanh cầu thang không người, hành lang tối tăm.

Có cái gì đó khang khác thì phải?

Ánh sáng, đúng rồi! Những cái bóng đèn trong hàng lang đã bị cháy. Không – cô nhìn kỹ hơn – chúng đã bị mất. Bọn trẻ con mất dạy lấy trộm mọi thứ. Cô chuyển tới đây, Deutsche Haus – vì về nguyên tắc, đây là nơi cư trú cho các nhạc công và nghệ sĩ Đức. Nhưng hóa ra đấy chỉ là một tòa nhà bẩn thỉu, giá thuê quá cao ở khu East Village, giống như tất cả các tòa nhà cho thuê khác ở đây. Sự khác biệt duy nhất là cô có thể chửi rủa người quản lý bằng tiếng mẹ đẻ của cô.

Cô đi tiếp qua cánh cửa tầng hầm vào phòng đốt rác, tối tăm đến mức cô phải sờ soạng lần đường dọc theo bờ tường để chắc chắn không bị vấp vào rác thải trên sàn nhà.

Đẩy cửa mở ra, cô bước vào lối hành lang dẫn đến phòng giặt đồ.

Có tiếng lê bước. Tiếng bước chân lướt nhanh trên sàn.

Cô quay lại thật nhanh nhưng không nhìn thấy gì ngoài những cái bóng bất động. Mọi tiếng động mà cô nghe thấy là tiếng xe cộ, tiếng rên rỉ của một tòa nhà cũ kỹ.

Đi qua bóng tối lờ mờ. Đi qua những chồng hộp và đám bàn ghế cũ hỏng. Những dây cáp ngầm bị bao bọc bởi lớp bụi nhớp nháp. Monelle tiếp tục đi đến phòng giặt đồ. Ở đây cũng chẳng có bóng đèn. Cô cảm thấy không thoải mái, nhớ đến một điều gì đó đã không xảy ra với cô trong nhiều năm. Đi bộ cùng cha cô theo con đường hẹp bên ngoài Lange Strasse, gần Obermain Brücke, trên đường đến vườn bách thú. Lúc đó chắc cô năm hay sáu tuổi gì đó. Bất ngờ cha bóp vai cô, chỉ về phía cây cầu và kể với cô, giọng đầy nghiêm trọng, về những người khổng lồ độc ác đói bụng đang đi phía dưới. Khi họ đi qua cầu về nhà, ông nhắc cô phải đi nhanh. Lúc này cô cảm thấy một gợn sóng của cơn hoảng loạn đang dựng lên theo cột sống lan tới tận mái tóc vàng hoe cắt ngắn của cô.

Thật ngu xuẩn. Người khổng lồ ư…

Cô tiếp tục đi xuống lối hàng lang tăm tối, lắng nghe tiếng rền rền của mấy thứ thiết bị điện. Xa hơn nữa, cô nghe thấy bài hát của những người anh em thù hận ở Oasis[67].

Phòng giặt đồ tối om.

Được, nếu những cái bóng đèn này mà cháy nữa, thì thế là hết. Cô sẽ chạy lên gác, đập cửa phòng Herr Neischen cho tới khi hắn phải bỏ chạy. Cô sẽ cho hắn ta một trận vì những cái bản lề gãy ở cửa trước, cửa sau và vì những đứa trẻ lu bù bia bọt mà hắn ta không bao giờ đuổi ra khỏi cửa. Cô cũng sẽ cho hắn ta một trận vì những cái bóng đèn cháy này nữa.

Cô thò tay vào trong và bật công tắc.

Ánh sáng chói chang. Ba cái bóng đèn lớn cháy sáng như mặt trời cho thấy một căn phòng bẩn thỉu nhưng trống rỗng. Monelle đi tới chỗ bốn cái máy giặc và vứt đồ trắng vào một cái, đồ màu vào một cái. Cô chọn ra mấy đồng hai mươi lăm cent, nhét chúng vào khe và kéo cần gạt.

Chẳng thấy gì.

Monelle lắc lắc cái cần gạt. Rồi đá vào cái máy giặc. Không có phản ứng.

“Chết tiệt. Cái tòa nhà gottverdammte[68] này.”

Sau đó cô nhìn thấy dây điện. Thằng ngu nào đó đã rút dây điện khỏi máy. Cô biết đấy là ai rồi. Neischen có một thằng con trai mười hai tuổi, là thủ phạm của hầu hết các vụ rắc rối quanh tòa nhà. Năm ngoái khi cô đang khiếu nại một vụ gì đó thì thằng trời đánh này đã cố đá cô.

Cô nhặt sợi dây lên, bò xuống, vươn ra sau chiếc máy và tìm ổ điện. Cô cắm phích.

Và cảm thấy hơi thở của một người đàn ông nơi cổ mình.

Nein[69]!

Hắn ta đứng kẹp giữa bức tường và mặt sau cái máy giặt. Gào lên một tiếng, cô thoáng thấy một cái mặt nạ trượt tuyết và bộ quần áo đen khi cánh tay hắn ta kẹp chặt tay cô như một hàm răng thú vật. Cô mất thăng bằng và hắn dễ dàng hất cô ra phía trước. Cô ngã xuống nền nhà, đập mặt vào nền bê tông và nuốt tiếng thét đang thành hình trong cổ họng.

Hắn ngồi lên cô ngay lập tức, gí chặt tay cô xuống sàn, dán một miếng băng dính dày màu xám vào miệng cô.

Hilfe[70]!

Nein, bitte nicht[71].

Bitte nicht.

Hắn không to lớn nhưng khỏe. Hắn dễ dàng lật cô nằm sấp xuống và rồi cô nghe thấy tiếng lạch xạch của chiếc còng khóa cổ tay mình.

Sau đó hắn ta đứng lên. Một lúc lâu im lặng, chẳng có tiếng động gì ngoài tiếng nước nhỏ giọt, tiếng thở hổn hển của Monelle, tiếng động của một động cơ nhỏ đâu đó trong tầng hầm.

Cô chờ đợi một bàn tay sờ soạng cơ thể mình, xé toang quần áo mình. Cô nghe tiếng hắn ta ra cửa nhìn để chắc chắn họ chỉ có một mình.

Ồ, hắn được riêng tư hoàn toàn, cô biết, điên cuồng với chính cô; cô là một trong số ít những người thuê nhà sử dụng phòng giặt quần áo. Phần lớn họ tránh sử dụng vì nó rất trống trải, rất gần với cửa hậu và cửa sổ, rất xa sự giúp đỡ.

Hắn quay lại và lật ngửa cô ra. Thì thầm điều gì đó cô không nghe rõ. Rồi: “Hanna.”

Hanna? Nhầm rồi. Hắn nghĩ mình là người khác. Cô lắc đầu thật mạnh, cố làm hắn hiểu điều đó.

Nhưng sau đó, khi nhìn vào mắt hắn, cô ngừng lại. Ngay cả lúc hắn đeo mặt nạ trượt tuyết, rõ ràng là có điều gì đó không đúng. Hắn bực mình. Hắn quét cơ thể cô, lắc đầu. Hắn nắm những ngón tay đeo găng của hắn quanh cánh tay bụ bẫm của cô. Bóp mạnh vai cô, véo một véo mỡ. Cô rùng mình vì đau.

Đó chính là điều cô nhìn thấy: sự thất vọng. Hắn bắt được cô nhưng lúc này hắn không chắc là hắn có muốn cô hay không.

Hắn cho tay vào túi và chầm chậm rút tay ra. Tiếng động của con dao tựa như cơn sốc điện. Nó khởi đầu cho một cơn thổn thức.

Nein, nein, nein!

Tiếng thở xẹt qua kẽ răng hắn nghe như cơn gió thổi qua hàng cây trong mùa đông. Hắn cúi xuống cô, suy nghĩ.

“Hanna”, hắn thì thầm. “Mình làm gì bây giờ?”

Thế rồi hắn đột nhiên quyết định. Hắn cất con dao đi và kéo cô đứng dậy, dắt cô ra phía hành lang qua cửa hậu – cánh cửa có ổ khóa bị hỏng mà cô đã từng bắt Herr Neischen phải sửa.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 11


Nhà hình sự học là một con người của thời kỳ Phục Hưng.

Anh ta phải có kiến thức về thực vật học, địa lý, đạn đạo học, y học, hóa học, văn học và nghề kỹ sư. Nếu anh ta hiểu thực tế – ví dụ như tàn tro có chứa nhiều stronti có thể phát tích từ các đám cháy trên đường cao tốc, rằng faca trong tiếng Bố Đào Nha có nghĩa là “con dao” và những người Ethiopia khi ăn tối không dùng dụng cụ ăn mà chỉ dùng tay phải, rằng viên đạn với vết xẻ nòng kiểu lốm đốm, xoay bên phải, không thể được bắn ra từ một khẩu súng ngắn Colt – nếu anh ta biết được những điều đó, anh ta có thể đưa ra những liên kết đặt nghi phạm vào hiện trường vụ án.

Một lĩnh vực mà tất cả các nhà hình sự học đều biết là giải phẫu. Và đó chắc chắn là chuyên môn của Lincoln Rhyme, vì anh đã giành ba năm rưỡi để tìm hiểu về logic quanh co của xương và dây thần kinh.

Lúc này anh đang nhìn túi vật chứng lấy được từ phòng nồi hơi mà Jerry Banks đang đung đưa trên tay và tuyên bố: “Xương chân. Không phải xương người. Vì thế không phải của nạn nhân tiếp sau.”

Đó là một vòng xương đường kính khoảng hai inch, bị cưa đều đặn. Trên những đường cưa do lưỡi cưa để lại vẫn còn vết máu.

“Một con thú cỡ vừa”, Rhyme tiếp tục. “Một con chó lớn, hay cừu, dê. Tôi đoán là cái xương này có thể đỡ khối lượng khoảng một trăm pound. Tuy vậy cứ thử để chắc chắn đó là máu động vật. Vì nó vẫn có thể là máu nạn nhân.”

Đã có những tên tội phạm dùng xương để đánh hay đâm chết nạn nhân. Bản thân Rhyme đã gặp ba trường hợp tương tự; vũ khí được dùng là xương đầu gối bò, một cái xương chân hươu và trong một trường hợp khó chịu lại chính là xương khuỷu tay của nạn nhân.

Mel Cooper thực hiện phép thử thẩm thấu gel để tìm nguồn gốc máu. “Chúng ta phải đợi một lúc mới có kết quả”, anh ta giải thích, vẻ có lỗi.

“Amelia”, Rhyme nói, “chắc cô giúp được chúng tôi. Hãy dùng kính lúp và xem xét thật kỹ cái xương. Nói xem cô thấy gì?”.

“Không phải kính hiển vi à?” Cô hỏi. Anh nghĩ cô sẽ phản đối nhưng cô lại đi tới chỗ cái xương, tò mò nhìn nó.

“Phóng đại nhiều quá”, Rhyme giải thích.

Cô đeo kính lên và cúi xuống cái khay tráng men màu trắng. Cooper bật cây đèn hình cổ ngỗng lên.

“Những vết cắt”, Rhyme nói. “Chúng mấp mô hay phẳng?”

“Chúng khá là phẳng.”

“Một cái cưa khỏe.”

Rhyme băn khoăn không biết con thú có còn sống khi hắn làm việc đó hay không.

“Cô thấy gì bất thường không?”

Cô nhìn chăm chăm một lúc vào cái xương, nói nhỏ: “Tôi không biết. Tôi không nghĩ thế. Nó trông chỉ giống như một khúc xương bình thường.”

Chính lúc đó Thom đi ngang qua và nhìn vào cái khay. “Đó là dấu vết của các vị à? Buồn cười thật.”

“Buồn cười”, Rhyme nói. “Buồn cười?”

Sellitto hỏi: “Anh có ý kiến gì chăng?”

“Chẳng có ý kiến gì.” Anh ta cúi xuống ngửi khúc xương. “Đây là osso bucco.”

“Cái gì?”

“Chân bê. Tôi đã nấu món này cho anh một lần rồi, Lincoln. Món osso bucco. Món chân bê om.” Anh ta nhìn Sachs và nhăn mặt. “Anh ta chê nó nhạt.”

“Mẹ kiếp.” Sellitto kêu to. “Hắn mua cái này ở cửa hàng thực phẩm!”

“Nếu ta may mắn thì...”, Rhyme nói, “hắn mua nó ở cửa hàng thực phẩm của hắn”.

Cooper khẳng định phép thử kết tủa cho thấy âm tính với máu người trên mẫu được Sachs đem về. “Có thể đó là máu bò”, anh ta nói.

“Nhưng hắn định nói gì với chúng ta nhỉ?” Banks hỏi.

Rhyme không biết. “Hãy tiếp tục đi. À, có gì trên khóa móc và xích không?”

Cooper nhìn vật nằm trong cái túi nhựa giòn. “Giờ không còn ai khắc tên nhãn hiệu lên xích nữa. Như vậy ở đây ta không may mắn rồi. Cái khóa này là loại hàng trung bình của Secure-Pro. Nó không an toàn lắm và chắc chắn không phải loại chuyên nghiệp. Phải mất bao lâu để phá nó?”

“Mất ba giây”, Sellitto nói.

“Thấy chưa. Không có số thứ tự. Người ta bán nó ở tất cả các cửa hàng kim khí trên cả nước.”

“Khóa chìa hay khóa số?” Rhyme hỏi.

“Khóa số.”

“Gọi cho nhà sản xuất. Hỏi họ xem nếu ta tháo tung nó ra rồi khôi phục lại tổ hợp số từ lẫy khóa, điều đó có cho ta biết được nó nằm trong đợt hàng nào và đi đến đâu không?”

Banks huýt sáo. “Ôi giời, xa quá.”

Cái nhìn của Rhyme làm mặt anh chàng đỏ lựng. “Sự nhiệt tình trong giọng nói của anh cho thấy, thưa thám tử, anh đúng là người phù hợp để làm việc đó.”

“Vâng, thưa ngài.” Chàng trai trẻ tuổi nhấc điện thoại di động. “Tôi làm đây.”

Rhyme hỏi: “Có vết máu trên xích không?”

Sellitto nói: “Của một trong những người của ta. Anh ta tự làm mình bị thương khá nặng lúc phá khóa.”

“Như vậy là nó đã bị ô nhiễm.” Rhyme cau có.

“Anh ta cố cứu cô ấy thôi”, Sachs nói với Rhyme.

“Tôi hiểu. Anh ta rất tốt bụng. Nhưng nó vẫn bị ô nhiễm rồi.” Rhyme nhìn lại về phía cái bàn cạnh Cooper. “Dấu tay?”

Cooper nói anh ta đã kiểm tra và chỉ thấy mỗi dấu vân tay của Sellitto trên dây xích.

“Được rồi, mẩu gỗ Amelia tìm được. Kiểm tra dấu tay xem.”

“Tôi làm rồi”, Sachs nói nhanh. “Tại hiện trường.”

P.D., Rhyme nhớ lại. Cô nàng không có vẻ giống như biệt hiệu. Những người đẹp ít khi thế.

“Hãy thử vũ khí hạng nặng xem, để cho chắc chắn”, Rhyme nói và ra lệnh cho Cooper. “Dùng DFO hoặc ninhydrin. Sau đó chiếu nit-yag.”

“Cái gì?” Banks hỏi.

“Tia laser neodymium:yttrium aluminum garnet.”

Kỹ thuật viên làm mẩu gỗ sủi bọt bằng một thứ chát lỏng từ lọ xịt nhựa và chiếu tia laser lên đó. Anh ta đeo kính và xem xét nó một cách cẩn trọng. “Không có gì.”

Anh ta tắt đèn và xem xét cẩn thận miếng gỗ. Nó là một miếng gỗ dài khoảng sáu inch, màu tối. Trên đó có một vết bẩn, giống như nhựa đường và bị dính đầy bụi. Anh ta cầm nó bằng một cái kẹp.

“Tôi biết Lincoln thích dùng đũa”, Cooper nói. “Nhưng khi đến Ming Wa[72] tôi luôn gọi dĩa.”

“Anh có thể làm vỡ tế bào”, nhà hình sự học càu nhàu.

“Tôi có thể. Nhưng tôi không làm vỡ”, Cooper đáp lời.

“Loại gỗ gì?” Rhyme băn khoăn. “Có cần chạy máy phân tích tàn tro không?”

“Không cần, đó là gỗ sồi. Chắc chắn thế.”

“Có dấu cưa hay bào gì không?” Rhyme vươn người ra trước. Bất ngờ cổ anh bị co thắt, không thể chịu đựng nổi những cơn đau cơ vì chuột rút. Anh hổn hển, nhắm mắt và xoay cổ, cố gắng kéo dãn cơ. Anh cảm thấy bàn tay mạnh mẽ của Thom xoa bóp vùng cổ. Cuối cùng thì cơn đau cũng bớt.

“Lincoln?” Sellitto hỏi. “Anh ổn chứ?”

Rhyme thở sâu: “Tốt rồi. Không có gì đâu.”

“Đây này.” Cooper đem khúc gỗ lại phía giường, đeo kính phóng đại lên mắt cho Rhyme.

Rhyme kiểm tra mẫu vật. “Bị cắt theo hướng của thớ gỗ bằng cưa khung. Vết cắt rất không đều. Vì thế tôi đoán đây là một cây cột hay xà nhà được xẻ hơn một trăm năm trước. Có lẽ là cưa hơi nước. Đưa nó lại gần hơn một chút đi, Mel. Tôi muốn ngửi nó.”

Anh ta để mẩu gỗ dưới mũi Rhyme.

“Có tẩm creozot – dung dịch than-nhựa đường. Dùng để bảo vệ gỗ trước khi các công ty xẻ gỗ xử lý áp suất. Làm cầu tàu, ụ tàu, tà vẹt…”

“Có thể lại có kẻ hâm mộ đường sắt”, Sellitto nói. “Hãy nhớ đến đường ray sáng nay.”

“Có thể”, Rhyme ra lệnh. “Kiểm tra ép tế bào đi, Mel.”

Anh ta dùng kính hiển vi xem xét mẩu gỗ. “Nó được ép rất tốt. Nhưng ép dọc theo thớ. Không phải ngược lại. Không phải tà vẹt. Đấy là cột chống hay cọc đỡ. Mang trọng lượng…”

Một khúc xương… một cái cột gỗ cũ…

“Tôi thấy trong gỗ có bụi. Điều đó có nói với chúng ta thứ gì không?”

Cooper trải một tờ báo lớn lên bàn, xé bìa đi. Anh ta cầm mẩu gỗ trên tờ báo và chải một ít bụi từ khe nứt trên mẩu gỗ. Anh ta xem xét những chấm nhỏ trên tờ giấy trắng – một chòm sao ngược.

“Anh có đủ để thử biến thiên mật độ không?” Rhyme hỏi.

Trong phép thử biến nhiệt mật độ, bụi được đổ vào một cái ống chứa những chất lỏng có trọng lượng riêng xác định, khác nhau. Đất sẽ phân rã ra và mỗi hạt sẽ lơ lửng ở lớp chất lỏng có trọng lượng riêng tương ứng. Rhyme đã thiết lập một thư viện rất đầy đủ hồ sơ biến thiên mật độ của đất từ cả năm khu. Không may là phép thử này chỉ có tác dụng khi ta có đủ một lượng đất nhất định; Cooper không nghĩ rằng họ có đủ đất. “Ta có thể sử nhưng sẽ phải dùng tất cả mẫu. Và nếu nó không có tác dụng, ta chẳng còn gì cho các phép thử khác.”

Rhyme bảo anh ta xem xét bằng mắt thường trước rồi phân tích nó trên GC-MS.

Tay kỹ thuật viên chải một ít đất vào bàn trượt. Anh ta nhìn nó vài phút qua kính hiển vi. “Lạ thật, Lincoln. Đó là đất bề mặt. Với mức độ thực vật cao bất thường. Nhưng dưới dạng rất lạ. Bị thối rữa và phân hủy rất nặng.” Anh ta ngẩng lên và Rhyme nhận thấy những vệt màu đen phía dưới mắt anh ta vì tỳ vào ống ngắm. Anh nhớ rằng sau nhiều giờ làm việc trong phòng thí nghiệm, những vệt đen này nổi lên khá rõ và một kỹ thuật viên giám định thường ra khỏi phòng thí nghiệm ở IRD để được chào đón với dàn hợp xướng Rocky Raccoon[73].

“Đốt nó lên”, Rhyme ra lệnh.

Cooper đặt một mẫu vào thiết bị GC-MS. Cái máy rùng rùng sống dậy và phát ra tiếng xì xì. “Đợi một, hai phút.”

“Trong khi ta chờ”, Rhyme nói, “cái xương… tôi vẫn băn khoăn về cái xương. Soi nó bằng kính hiển vi xem nào, Mel”.

Copper cẩn thận đặt khúc xương vào dưới kính hiển vi. Anh ta nghiên cứu nó rất kỹ càng. “Ồ, có thứ gì đây này.”

“Cái gì?”

“Rất nhỏ. Trong suốt. Đưa cho tôi cái kẹp cầm máu”, Cooper nói với Sachs, hất đầu về phía một cái kẹp bấm. Cô đưa nó cho anh ta và anh ta cẩn trọng tìm kiếm trong phần tủy của khúc xương. Anh ta nhặt thứ gì đó lên.

“Một mẫu cellulose tái chế”, Cooper tuyên bố.

“Là giấy bóng kính”, Rhyme nói. “Cho tôi biết thêm đi.”

“Có dấu bị kéo và giật. Tôi có thể nói hắn ta không cố tình để nó lại; không có cạnh nào bị cắt. Nó không mâu thuẫn với giấy bóng kính bền”, Cooper nói.

“Không mâu thuẫn.” Rhyme cau có. “Tôi không thích kiểu phòng vệ của hắn.”

“Chúng ta phải phòng vệ, Rhyme.” Cooper tươi tỉnh nói.

“Liên quan đến. Khuyến nghị. Tôi đặc biệt ghét không mâu thuẫn.”

“Rất nhiều khả năng”, Cooper nói. “Khả năng gần nhất của tôi là giấy bóng kính ở cửa hàng thịt hay cửa hàng thực phẩm. Không phải Saran Wrap. Chắc chắn không phải giấy gói của một thương hiệu vô danh.”

Jerry Banks từ hàng lang đi vào phòng. “Tin xấu. Công ty Secure-Pro không giữ hồ sơ nào về các tổ hợp mã khóa. Máy móc thiết lập ra chúng ngẫu nhiên.”

“À.”

“Nhưng điều thú vị là họ nói họ thường xuyên nhận được các cuộc gọi của cảnh sát về sản phẩm của họ và anh là người đầu tiên nghĩ tới việc truy tìm ổ khóa qua tổ hợp mã.”

“Có thể thú vị đến đâu nếu như đó là ngõ cụt?” Rhyme càu nhàu và quay về phía Mel Cooper, anh ta đang lắc đầu khi nhìn vào máy tính của GC-MS. “Gì thế?”

“Có kết quả phân tích đất rồi. Nhưng tôi sợ là máy có thể phải sửa. Quá nhiều nitrogen. Ta phải thử lại lần nữa, chắc lần này phải dùng nhiều mẫu hơn.”

Rhyme bảo anh ta làm. Ánh mắt anh quay lại phía khúc xương. “Mel, con vật bị giết lâu chưa?”

Mel xem xét vài mảnh nhỏ dưới kính hiển vi điện tử.

“Có rất ít các nhóm vi khuẩn. Cậu Bambi này chắc mới bị thịt, có lẽ thế. Hay mới được lấy ra khỏi tủ lạnh khoảng tám tiếng.”

“Như thế là hắn mới mua nó”, Rhyme nói.

“Hoặc tháng trước và làm đông lạnh nó”, Sellitto đề xuất.

“Không”, Cooper nói. “Nó không bị đông lạnh. Không có vết biểu bì bị tinh thể băng phá hoại. Và nó không ở trong tủ lạnh quá lâu. Không bị khô; tủ lạnh hiện đại làm thức ăn bị khô.”

“Dấu vết tốt đấy”, Rhyme nói. “Hãy điều tra thêm một chút đi.”

“Điều tra thêm?” Sachs cười. “Ý anh nói là chúng ta sẽ gọi điện cho tất cả các cửa hàng thực phẩm trong thành phố để hỏi ngày hôm qua có ai bán xương bê không à?”

“Không”, Rhyme nói. “Mà là trong hai ngày qua.”

“Anh có cần gọi Những Chàng trai Dũng cảm không?”

“Cứ để họ làm việc của họ. Gọi Emma, ở trung tâm, xem cô ấy còn làm việc không? Và nếu không, gọi cô ấy quay lại văn phòng cùng với những điều phối viên khác để họ làm ngoài giờ. Đưa cho cô ấy danh sách tất cả các cửa hàng thực phẩm trong thành phố. Tôi cá là anh chàng của chúng ta không mua thực phẩm cho gia đình bốn người, vì thế nói với Emma giới hạn danh sách xuống những người chỉ mua dưới năm thứ.”

“Lệnh bắt?” Banks hỏi.

“Hễ có ai đó giật mình, ta sẽ có lệnh bắt”, Sellitto nói. “Nhưng cứ thử không có lệnh trước. Ai biết được? Vài công dân có thể thực sự cộng tác. Người ta nói với tôi là, đôi khi điều đó có xảy ra.”

“Nhưng làm sao các cửa hàng biết được ai đã mua chân bê?” Sachs hỏi. Cô không còn lơ đãng như trước. Trong giọng nói của cô đã có chút góc cạnh. Rhyme tự hỏi liệu sự khó chịu của cô có phải là triệu chứng của điều mà chính anh đôi khi cũng tự cảm thấy – gánh nặng của bằng chứng. Vấn đề cốt yếu với các nhà hình sự học không phải là có quá ít bằng chứng mà là quá nhiều.

“Kiểm tra máy quét”, Rhyme nói. “Họ đăng ký giao dịch bán hàng trên máy tính. Để kiểm kê và mua thêm hàng. Banks, nói đi. Tôi thấy hình như có điều gì đó trong đầu cậu? Nói ra đi. Lần này tôi không đẩy cậu đi Siberia nữa đâu.”

“Thôi được, chỉ có các cửa hàng nằm trong cùng một chuỗi mới có máy quét, thưa ngài”, viên thám tử trẻ tuổi nói. “Có hàng trăm cửa hàng riêng lẻ và hàng thịt không có máy quét.”

“Ý hay. Nhưng tôi nghĩ hắn sẽ không đến một cửa hàng nhỏ. Hắn sẽ mua ở những cửa hàng lớn. Phi cá nhân.”

Sellitto gọi điện cho Phòng Truyền thông và nói với Emma những gì họ cần làm.

“Hãy chụp phân cực mẩu giấy bóng kính này xem”, Rhyme nói với Cooper.

Người kỹ thuật viên đặt mẫu nhỏ này vào kính phân cực, sau đó đặt máy ảnh Polaroid vào ống ngắm và chụp ảnh. Đó là một tấm ảnh màu, một chiếc cầu vồng với một vạch sáng màu xuyên qua. Rhyme nghiên cứu tấm ảnh. Hình mẫu đó chẳng nói lên điều gì với họ, nhưng có thể so sánh nó với các mẫu giấy bóng kính khác để xem chúng có cùng một nguồn gốc hay không.

Rhyme nảy ra một ý nghĩ. “Lon gọi vài sỹ quan ESU đến đây. Khẩn trương.”

“Tới đây?” Sellitto hỏi.

“Chúng ta sẽ chuẩn bị một chiến dịch.”

“Anh chắc chứ?” Viên thám tử hỏi.

“Đúng thế! Tôi cần họ ngay.”

“Được rồi.” Anh ta gật đầu với Banks, người gọi điện cho Haumann.

“Còn bây giờ những dấu vết để lại khác thì sao – mấy sợi lông mà Amelia tìm thấy.”

Cooper đào bới chúng bằng cái que thăm sau đó đưa vài sợi lên kính hiển vi đối pha. Công cụ này chiếu hai nguồn ánh sáng vào một đối tượng, luồng ánh sáng thứ hai được chiếu muộn hơn một chút – lệch pha – sao cho mẫu vừa được chiếu sáng, vừa có bóng tối.

“Không phải của người”, Cooper nói. “Tôi có thể nói ngay với anh như vậy. Hơn nữa đây là lông bảo vệ, không phải lông phía dưới.”

Ý anh ta là nó từ bộ lông của động vật.

“Con gì? Chó?”

“Con bê?” Banks đề xuất, một lần nữa đầy sự nhiệt tình và trẻ trung.

“Kiểm tra vảy”, Rhyme ra lệnh. Ý anh là những vảy nhỏ tạo thành lớp vỏ ngoài sợi lông.

Cooper gõ bàn phím máy tính và mấy giây sau hình ảnh những cái que nhỏ đầy vảy hiện ra trên màn hình. “Nhờ anh đấy, Lincoln. Nhớ cơ sở dữ liệu không?”

Ở IRD, Rhyme đã tập hợp một bộ sưu tập khổng lồ những bức vi ảnh các loại lông khác nhau. “Nhớ chứ, Mel. Nhưng lần cuối cùng tôi nhìn thấy chúng là trong cặp hồ sơ cơ mà, làm thế nào mà anh cho chúng vào máy tính được?”

“Tất nhiên là nhờ scan rồi. Nén dưới dạng JPEG.”

Jay-peg? Cái quái gì thế nhỉ? Chỉ trong vài năm công nghệ đã vượt qua Rhyme. Thật lạ lùng...

Khi Cooper xem xét các bức ảnh, Lincoln Rhyme lại băn khoăn về điều anh đã băn khoăn cả ngày – câu hỏi cứ hiện lên: Vì sao lại có những dấu vết? Con người thật tuyệt vời nhưng trên hết đó chỉ là – một con thú. Một con thú biết cười, nguy hiểm, thông minh và hoảng sợ nhưng luôn luôn hành động có lý do – một động cơ đẩy con thú đến với dục vọng của nó. Nhà khoa học Lincoln Rhyme không tin vào sự tình cờ, hay sự ngẫu nhiên, hay thiếu chứng cứ. Ngay cả kẻ điên cũng có logic của họ, bất kể nó có rối rắm đến đâu, và anh biết phải có lý do gì đó để Đối tượng 823 nói chuyện với họ bằng cách thức khó hiểu như vậy.

Cooper gọi: “Có rồi. Loài gặm nhấm. Có thể là chuột. Hơn nữa lông bị cạo.”

“Dấu vết kiểu gì vậy?” Banks nói. “Có hàng triệu con chuột trong thành phố. Nó không dẫn tới chỗ nào cả. Hắn định nói gì với chúng ta vậy?”

Sellitto nhắm mắt một khắc và lẩm bẩm điều gì đó trong hơi thở. Sachs không nhận thấy cái gì đó. Cô đang tò mò liếc nhìn Rhyme. Anh ta ngạc nhiên là cô không nhận ra thông điệp của kẻ bắt cóc là gì nhưng anh ta không nói gì. Anh thấy không có lý do gì phải chia sẻ phần kiến thức kinh hoàng đó với bất kỳ ai vào lúc này.

Nạn nhân thứ bảy của James Schneider, hoặc thứ tám, nếu hắn nhớ không nhầm, trong số đó có thiên thần nhỏ bé O’Connor, là vợ của một người nhập cư cần cù, người đã xây một căn nhà giản dị gần Phố Hester, bên khu Lower East Side của thành phố.

Chính nhờ sự dũng cảm của người phụ nữ không may mắn này mà cảnh sát phát hiện ra nhân dạng của tên tội phạm. Hanna Goldschmidt có dòng máu Đức – Do Thái và được kính trọng trong một cộng đồng gần gũi ở đó cô, chồng cô và sáu đứa con nhỏ của họ (một đứa đã mất khi sinh) sinh sống.

Kẻ Tầm Xương chậm rãi lái xe qua những con phố, cẩn thận tuân theo biển hạn chế tốc độ dù hắn biết chắc chắn rằng cảnh sát giao thông New York không chặn ai lại vì một lý do nhỏ như lái xe vượt quá tốc độ.

Hắn dừng lại ở đèn hiệu giao thông và nhìn lên một tấm bảng dán thông cáo của Liên Hợp Quốc khác. Mắt hắn nhìn thấy những khuôn mặt tươi cười, nhạt nhẽo – như những khuôn mặt ghê sợ được vẽ trên tường của khu nhà lớn – rồi nhìn ra xa, thành phố quanh hắn. Đôi khi hắn thấy ngạc nhiên khi nhìn lên và thấy những tòa nhà thật to lớn, những mái đua bằng đá thật cao, kính thật phẳng, những chiếc xe thật đẹp và con người thật tầm thường. Thành phố mà hắn biết tăm tối, thấp tịt, khói mù, bốc mùi mồ hôi và bùn đất. Ngựa có thể giẫm lên người ta, những băng nhóm lưu manh có ở khắp nơi – một số tên chỉ mới mười hay mười một tuổi – có thể đập đầu ta bằng gậy rồi bỏ đi với đồng hồ và ví tiền của ta... đó chính là thành phố của Kẻ Tầm Xương.

Đôi khi hắn thấy mình trong tình trạng này – lái chiếc xe Taurus XL màu bạc thật bảnh của mình trên con đường nhựa êm ái nghe đài WNYC[74] và thấy khó chịu, như tất cả người New York khác, khi hụt đèn xanh, băn khoăn vì cái lý do quái gì mà thành phố không cho ta rẽ phải khi có đèn đỏ.

Hắn nghiêng đầu và nghe mấy tiếng đập vọng ra từ cốp xe. Nhưng tiếng ồn bên ngoài lớn tới nức không ai có thể nghe thấy sự chống cự của Hanna.

Đèn xanh.

Tất nhiên đó là một sự kiện đặc biệt ngay cả trong thời kỳ đã thoát khỏi những thành kiến, phụ nữ được phiêu lưu trên phố vào buổi tối, không có quý ông đi kèm; và ngày nay thì điều này còn đặc biệt hơn nữa. Nhưng vào cái đêm không may mắn ấy, Hanna không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt buộc phải rời nơi ở của mình trong chốc lát. Đứa con út của cô bị sốt và chồng cô đang thành tâm cầu nguyện trong nhà thờ gần đó, cô lao vào bóng đêm đi mua thuốc đắp cho cái trán nóng như lửa của đứa con. Khi đóng cửa, cô nó với con gái cả của mình.

“Đóng cửa thật chặt con nhé. Mẹ sẽ về sớm.”

Nhưng, Chúa ơi, lời nói của cô không thành hiện thực. Ngay sau đó cô gặp James Schneider.

Kẻ Tầm Xương nhìn quanh những con phố tồi tàn ở đây. Khu vực này – gần nơi hắn chôn nạn nhân đầu tiên – là Hell’s Kitchen, khu West Side của thành phố, nơi từng là pháo đài của các băng nhóm Ireland, ngày nay là nơi sinh sống của những chuyên gia trẻ tuổi, các công ty quảng cáo, studio chụp ảnh và những nhà hàng kiểu cách.

Hắn ngửi thấy mùi phân bón và không ngạc nhiên khi bống dưng nhìn thấy một con ngựa lồng lên trước mặt.

Sau đó hắn nhận thấy con vật đó không phải là ma quỷ từ những năm 1800 mà là con ngựa được thắng vào một chiếc xe ngựa hai bánh chạy trong Công viên Trung tâm với mức phí của thế kỷ XX. Chuồng ngựa của họ đặt ở đây.

Hắn cười với chính mình. Mặc dù đó là một âm thanh ghê rợn.

Người ta chỉ có thể suy đoán về những gì đã xảy ra, vì chẳng có một nhân chứng nào. Nhưng chúng ta có thể hình dung quá rõ ràng sự khủng khiếp. Tên tội phạm lôi người phụ nữ đang cố chống cự vào con đường nhỏ, đâm cô, ý định dã man của hắn ta là chưa giết ngay cô ta mà chỉ khuất phục cô, đó là thói quen của hắn. Nhưng với sức mạnh trong tâm hồn của người đàn bà lương thiện Goldschmidt, ý nghĩ mình chắc chắn sẽ phải trở về với những đứa con còn non nớt của cô đã làm con quái thú thật ngạc nhiên khi cô liên tục tấn công hắn; cô đấm liên tục vào mặt hắn, rứt tóc trên đầu hắn.

Ngay lập tức cô thoát được và từ miệng cô vang lên tiếng thét khủng khiếp. Schneider hèn nhát đánh cô thêm một, hai cú nữa rồi bỏ chạy.

Người phụ nữa dũng cảm lê bước tới vỉa hè rồi ngã xuống, và ở đó cô đã chết trên tay một viên cảnh sát được hàng xóm gọi đến.

Câu chuyện trên xuất hiện trong một cuốn sách lúc này đang nằm trong túi quần Kẻ Tầm Xương, Crime in Old New York[75]. Hắn không thể giải thích được sự hấp dẫn kinh khủng của cuốn sách mỏng này đối với hắn. Nếu phải miêu tả mối quan hệ của hắn với cuốn sách, hắn có thể nói hắn nghiện nó. Bảy mươi lăm tuổi và vẫn còn trong tình trạng rất tốt, một hòn ngọc của nghề đóng sách. Đó là bùa hộ mệnh và vật ban phước lành cho hắn. Hắn tìm thấy nó trong một nhánh nhỏ của thư viện công cộng và hắn đã thực hiện một trong những vụ ăn cắp hiếm hoi trong đời mình bằng cách tuồn nó vào túi áo mưa và chuồn ra khỏi tòa nhà.

Hắn đọc trong chương nói về Schneider hàng trăm lần và gần như đã thuộc lòng.

Lái xe thật từ từ. Họ đã gần đến nơi.

Khi người chồng tội nghiệp của Hanna khóc nức nở bên cơ thể không còn sức sống của cô, anh ta nhìn vào mặt cô: lần cuối trước khi người ta đưa cô đến nhà tang lễ (vì theo niềm tin của người Do Thái, người chết cần được chôn cất càng nhanh càng tốt). Và anh ta nhận thấy trên gò má trắng như sứ của cô có vết thâm tím mang hình một biểu tượng lạ lùng. Đấy là một biểu tượng hình tròn trông như trăng lưỡi liềm và một dấu vết trông giống như chòm sao lơ lửng phía trên.

Cảnh sát nói rằng đó là dấu hằn do chiếc nhẫn của tên đồ tể tàn ác để lại khi hắn đánh nạn nhân tội nghiệp. Các thám tử đã nhờ đến sự giúp đỡ của một nghệ sĩ và anh ta đã phác thảo một hình ảnh bản gốc (Bạn đọc hãy tham chiếu hình XXII). Người ta đã thẩm vấn một số thợ kim hoàn trong thành phố, thu thập tên tuổi và địa chỉ một số người đã mua chiếc nhẫn như thế trong khoảng thời gian đó. Hai trong số những quý ông đã mua chiếc nhẫn hoàn toàn nằm ngoài sự nghi ngờ, vì một người là mục sư nhà thờ và người kia là giáo sư nổi tiếng trong một trường đại học danh tiếng. Còn người thứ ba là một người đàn ông mà từ lâu cảnh sát đã nghi ngờ vì có những hoạt động bất chính. Đó chính là James Schneider.

Quý ông này đã từng có ảnh hưởng trong một số tổ chức từ thiện của Manhattan: đáng kể nhất là Hội Trợ giúp bệnh nhân lao phổi và Hội Phúc lợi xã hội cho người hưởng tiền trợ cấp. Ông ta rơi vào tầm ngắm của cảnh sát khi một vài người lớn tuổi trong các nhóm nói trên biến mất không lâu sau khi Schneider đến thăm họ. Ông ta chưa bao giờ bị kết tội tấn công, nhưng sau những lần điều tra, ông ta biến mất khỏi tầm ngắm.

Sau khi Hanna Goldschmidt bị giết một cách tàn bạo, có một cuộc truy tìm thầm lặng những bóng ma mơ hồ trong thành phố nhưng vẫn không tìm ra được nơi ở của Schneider. Cảnh sát cho dán thông báo khắp khu vực trung tâm và khu vực bờ sông, đưa ra mô tả hình dạng của tên tội phạm nhưng hắn không hề e sợ; một thảm kịch thực sự, chắc chắn như vậy, dưới ánh sáng của vụ thảm sát tàn khốc đã xảy đến với thành phố đang nằm trong bàn tay ghê tởm của hắn.

Đường phố trống trải. Kẻ Tầm Xương lái xe vào con phố nhỏ. Hắn mở cánh cửa kho và lái xe theo đoạn đường dốc bằng gỗ vào một đường hầm dài.

Sau khi chắc chắn nơi này không có ai, hắn đi ra sau xe. Hắn mở cốp và lôi Hanna ra. Cô ta đầy thịt, béo, như một cái bao vải mềm oặt. Hắn lại càng giận dữ và lôi cô ta xềnh xệch xuống một đường hầm rộng khác. Xe cộ từ phía đường cao tốc West Side chạy trên đầu họ. Hắn nghe tiếng cô ta khò khè và đã định giơ tay tháo miếng băng dán miệng thì hắn cảm thấy cô ta giật mình và hoàn toàn mềm nhũn. Thở hổn hển vì phải cố gắng kéo cô ta, hắn đặt cô ta xuống nền đường hầm và nới lỏng miếng băng dính dán trên miệng cô ta. Không khí yếu ớt nhỏ giọt vào trong. Cô ta có bị ngất không? Hắn lắng nghe tim cô ta. Hình như nó vẫn đập tốt.

Hắn cắt sợi dây phơi trói mắt cá chân cô ta, nghiêng về phía trước và thầm thì: “Hanna, kommen Sie mit mir mit[76]”, Hanna, Goldschmidt...”

“Nein”, cô ta lẩm bẩm, giọng cô ta nhỏ dần rồi im bặt.

Hắn cúi gần hơn, tát nhẹ vào mặt cô ta. “Hanna, cô phải đi cùng tôi.”

Và cô ta hét lên: “Mein name ist micht Hanna[77].” Rồi đánh trúng hàm hắn.

Một chùm ánh sáng vàng lóe lên trong đầu hắn và hắn nhảy sang bên cạnh tới hai, ba feet, cố giữ thăng bằng. Hanna bật dậy, chạy mò mẫm dọc theo hành lang tăm tối. Nhưng hắn chạy rất nhanh theo cô. Hắn bắt được cô khi cô chạy chưa được mười thước[78]. Cô ngã rất mạnh, hắn ngã theo, hổn hển vì đứt hơi.

Hắn nằm nghiêng khoảng một phút, bị cơn đau chiếm lĩnh, cố gắng thở, tóm áo cô ta vì cô ta giãy giụa. Nằm ngửa, tay vẫn bị còng, cô ta cố gắng sức sử dụng vũ khĩ duy nhất mình có – hai chân, cô ta nhấc chân đạp rất mạnh vào tay hắn. Một cơn đau nhói xuyên suốt người hắn và làm găng tay hắn tuột ra. Cô ta lại nhấc chân lên, hắn thoát được gọt giày của cô ta chỉ vì cô ta nhắm trượt; cú đạp xuống đất mạnh đến nỗi nếu trúng chắc chắn hắn sẽ gãy xương.

“So nicht![79]” Hắn gầm gừ điên dại, hai bàn tay trần túm lấy cổ họng cô ta, bóp mạnh cho tới khi cô ta quằn quại van xin, rồi không còn quằn quại van xin được nữa. Cô ta giật giật vài cái rồi bất động.

Khi hắn nghe tim cô ta thì tiếng đập đã rất yếu. Lần này là thật. Hắn nhặt chiếc găng tay, đeo vào và kéo cô qua đường hầm để chỗ cái cột trụ. Trói lại chân và dán miếng băng dính mới lên miệng cô. Khi cô tỉnh lại, bàn tay hắn lang thang trên cơ thể cô. Đầu tiên cô kinh ngạc sau đó co rúm lại khi hắn chăm chút phần thịt sau tai cô. Khuỷu tay cô, quai hàm cô. Trên người cô không có nhiều chỗ làm hắn thích động chạm. Cô ta như cái bị thịt... điều này làm hắn thấy ghê tởm.

Nhưng phía dưới lớp da... Hắn nắm chân cô thật chặt. Đôi mắt cô mở to nhìn hắn lần tìm trong túi lấy ra một lưỡi dao. Không một chút chần chừ, hắn luồn con dao xuyên qua da cô sâu, tới tận đoạn xương màu vàng trắng. Cô thét lên qua lớp băng dính, một tiếng khóc điên dại, đá thật mạnh nhưng chân đã bị trói chặt. Thích không, Hanna? Cô gái sụt sùi, rên la ầm ĩ. Vì thế hắn phải nghiêng tai xuống tận chân cô để nghe tiếng động ngọt ngào của mũi dao đưa đi đưa lại trên đoạn xường. Kí... t...

Rồi hắn cầm tay cô.

Ánh mắt họ chạm nhau trong giây lát cô thảm hại lắc đầu, âm thầm van xin. Ánh mắt hắn rơi xuống cánh tay mập mạp của cô, và nhát cắt tiếp theo cũng thật sâu.. Cả người cô cứng lại vì đau. Thêm một tiếng thét man dại, câm lặng nữa. Một lần nữa hắn cúi đầu như một nhạc sĩ, lắng nghe tiếng lưỡi dao cạo trên xương cánh tay. Tới, lui. Kít, kít... Một lúc sau hắn nhận ra cô đã bất tỉnh.

Cuối cùng hắn cũng dứt được mình ra và đi về phía chiếc xe. Hắn đặt những manh mối tiếp theo, sau đó lấy từ cốp xe một cây chổi và cẩn thận quét hết dấu chân của họ. Hắn lái xe lên đoạn đường dốc, đỗ lại, vẫn để động cơ chạy và đi xuống lần nữa, cận thận quét sạch dấu bánh xe.

Hắn dừng lại và nhìn xuống đường hầm. Nhìn cô ta, chỉ nhìn không thôi. Bất ngờ, một nụ cười thoáng hiện trên môi Kẻ Tầm Xương. Hắn ngạc nhiên nhận thấy những người khách đầu tiên đã xuất hiện. Một tá những cặp mắt nhỏ tí xíu đỏ ngầu, hai tá, rồi ba tá... Có vẻ chúng đang nhìn cơ thể đầy máu của Hanna với một chút tò mò... và có thể cả đói nữa. Mặc dù mới chỉ là hình dung của hắn; Chúa biết, những hình ảnh đó cũng đủ rõ ràng.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 12


“Mel, nghiên cứu chỗ quần áo của Colfax xem. Amelia, cô làm ơn giúp anh ấy một tay, được chứ?”

Cô vui vẻ gật đầu với anh ta, kiểu gật đầu lịch sự. Rhyme nhận ra là anh đã khá giận cô.

Theo sự hướng dẫn của kỹ thuật viên, cô đeo găng tay cao su, nhẹ nhàng mở đống quần áo, đặt phía dưới một tờ báo lớn và dùng bàn chải lông ngựa chải vải. Mấy mảnh vụn nhỏ rơi xuống. Cooper dùng băng dính nhặt chúng lên và soi dưới kính hiển vi.

“Không có gì nhiều”, anh ta báo cáo. “Hơi nước đã xóa hầu hết dấu vết. Tôi thấy một ít đất, không đủ để làm D-G. Đợi chút... Tuyệt vời. Tôi có một, hai sợi vải. Nhìn chúng này...”

Tôi chịu, Rhyme giận dữ nghĩ.

“Màu xanh hải quân, vải pha len và acrylic, tôi đoán thế. Nó không đủ thưa để làm thảm và không cong. Như vậy đây là vải quần áo.”

“Trời nóng thế này chắc hắn sẽ không đi tất dày và mặc áo len. Mặt nạ trượt tuyết?”

“Tôi cũng cá vậy”, Cooper nói.

Rhyme suy tư: “Như vậy hắn đã rất nghiêm túc trong việc cho ta cơ hội cứu họ. Nếu hắn nghiêng về việc giết chóc, việc họ nhìn thấy hắn hay không cũng không quan trọng.”

Sellitto thêm: “Còn có nghĩa là thằng khốn này nghĩ hắn có thể chạy thoát. Không hề có ý định tự sát. Chỉ cho chúng ta thêm một ít quyền lực đàm phán nếu hắn bắt con tin khi ta tóm hắn.”

“Tôi thích sự lạc quan của anh, Lon ạ”, Rhyme nói.

Thom ra mở cửa khi nghe tiếng chuông, một khắc sau Jim Polling leo lên cầu thang, trông có vẻ phờ phạc và mệt nhọc. Được rồi, phải chạy qua chạy lại giữa các cuộc họp báo, văn phòng ngài thị trưởng và tòa nhà kiểu liên bang đã làm anh ta ra nông nỗi này.

“Cá hồi tệ quá”, Sellitto nói với anh ta. Sau đó giải thích cho Rhyme: “Jimmy của chúng ta là một trong những người đi câu cá thực thụ. Tự mắc mồi và làm những thứ khác. Còn tôi, tôi lên thuyền dự dạ hội với sáu lon bia và tôi thấy vui.”

“Ta phải tóm thằng khốn này trước rồi nghĩ tới cá mú sau.”, Polling nói, uống ly cà phê Thom để lại trên bậu cửa sổ. Anh ta nhìn ra ngoài và chớp mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy hai con chim lớn đang nhìn mình. Anh ta quay lại phía Rhyme và giải thích vì có vụ bắt cóc mà anh ta đã phải hoãn chuyến đi câu cá ở Vermont. Rhyme chưa bao giờ đi câu – chưa bao giờ có thời gian hay xu hướng tìm cho mình bất kỳ mối quan tâm nào khác – nhưng anh thấy ghen tị với Polling. Sự bình yên khi câu cá hấp dẫn anh. Đó là môn thể thao mà anh có thể chơi một mình. Thể thao của người tàn tật thường là những môn đối mặt. Đối kháng. Chứng minh cho cả thế giới... và cho chính mình. Bóng rổ, xe lăn, tennis, cuộc chạy marathon. Rhyme quyết định nếu anh cần phải chơi môn thể thao nào thì sẽ là câu cá. Dù quăng dây câu bằng một ngón tay có thể vẫn nằm ngoài tầm của công nghệ hiện đại.

Polling nó: “Báo chí gọi hắn ta là tên bắt cóc hàng loạt.”

Nếu đúng thế, Rhyme suy tư.

“Thị trưởng đang phát điên. Muốn gọi cho những nhân viên FBI. Tôi đã thuyết phục sếp không làm gì trong vụ này. Nhưng chúng ta không thể đánh mất thêm một nạn nhân nữa.

“Chúng tôi sẽ cố hết sức” Rhyme chua cay nói.

Polling hớp một ngụm cà phê đen và đến gần chiếc giường. “Anh ổn chứ, Lincoln?”

Rhyme nói: “Ổn cả.”

Polling đánh giá anh thêm một chút nữa, sau đó gật đầu với Sellitto. “Hãy tóm tắt cho tôi. Chúng ta sẽ có một cuộc họp báo nữa, trong vòng nửa tiếng. Cậu đã thấy cuộc họp trước chưa? Nghe những câu hỏi của nhà báo chưa? Chúng ta nghĩ gia đình nạn nhân cảm thấy thế nào khi cô ta bị hấp đến chết?”

Banks lắc đầu. “Trời ạ.”

“Tôi suýt chút nữa đánh thằng khốn đó.”, Polling nói.

Ba năm rưỡi trước, Rhyme nhớ lại, trong vụ điều tra sát hại cảnh sát, viên đại úy này đã đập vỡ máy quay mới của nhân viên quay phim khi một phóng viên hỏi rằng, có phải Polling quá xông xáo trong cuộc điều tra vì nghi phạm, Dan Shepherd, là nhân viên trong lực lượng hay không?

Polling và Sellitto đi về phía góc phòng và viên thám tử báo cáo với anh ta. Khi viên đại úy xuống cầu thang, Rhyme nhận ra, sự sôi nổi của anh ta không còn được một nửa.

“Được rồi”, Cooper tuyên bố. “Ta có được một sợi tóc. Trong túi cô ta.”

“Nguyên một cọng?” Rhyme hỏi, không hy vọng nhiều lắm và không ngạc nhiên khi thấy Cooper thở dài. “Xin lỗi, không có chân tóc.”

Không có chân tóc đi cùng, sợi tóc không được xem như chứng cứ cá nhân; nó còn chưa chắc đã phải là một loại vật chứng. Ta không thể dùng nó để kiểm tra DNA và gắn nó với một nhân vật cụ thể nào. Nhưng nó vẫn có giá trị thử nghiệm tốt. Nghiên cứu nối tiếng của Canadian Mounties mấy năm trước kết luận rằng nếu tóc để lại hiện trường trùng với tóc của nghi phạm, thì xác suất hắn là người để lại sợi tóc chỉ khoảng 4.500/1. Vấn đề của tóc là ta không thể tìm được nhiều thông tin về chủ nhân của nó. Không thể xác định giới tính qua tóc, cũng không thể xác định chính xác chủng tộc. Chỉ có thể ước lượng qua tóc của trẻ vị thành niên. Không thể tin được màu tóc vì các loại thuốc nhuộm và màu trang điểm, và ai cũng rụng mỗi ngày mấy chục sợi tóc nên không thể nói được nạn nhân có bị hói đầu hay không.

“So sánh với tóc nạn nhân xem. Đếm kích thước và so sánh màu tóc gốc’, Rhyme ra lệnh.

Một khắc sau, Cooper ngẩng đầu lên khỏi kính hiển vi, nói, “Không phải tóc của Colfax.”

“Miêu tả?” Rhyme hỏi.

“Nâu nhạt. Không xoăn nên tôi có thể nói không phải người da đen. Màu tóc gốc nói rằng không phải người châu Á.”

“Vậy là người da trắng”, Rhyme nói, gật đầu về phía sơ đồ trên tường. “Khẳng định điều nhân chứng đã nói. Tóc hay lông trên cơ thể?”

“Có rất ít biến đổi trong phân bố đồng dạng hạt màu tóc. Tôi sẽ nói đó là tóc.”

“Chiều dài?”

“Ba cm.”

Thom hỏi anh ta có cần thêm vào hồ sơ là tóc tên bắt cóc màu nâu hay không.

Rhyme nói không. “Ta sẽ đợi thêm những chứng cứ chắc chắn hơn. Chỉ cần viết là ta biết hắn đeo mặt nạ trượt tuyết màu xanh hải quân. Cạo móng tay có gì không, Mel.”

Cooper xem xét dấu vết nhưng không tìm thấy gì hữu ích.

“Dấu tay mà cô tìm thấy. Trên tường ấy. Hãy nhìn nó đi. Amelia, cô cho tôi xem, được không?”

Sachs ngần ngừ một chút, sau đó đem bức hình Polaroid ra chỗ anh ta.

“Con quái vật của cô”, Rhyme nói. Đó là một bàn tay to lớn, biến dạng, thực sự kỳ quái, không có những đường rẽ nhánh và xoắn ốc thanh lịch của vân tay mà là hình hoa văn lốm đốm với những đường thẳng nhỏ xíu.

“Một bức tranh tuyệt đẹp – cô gần như là Edward Weston[80] rồi, Amelia. Nhưng đáng tiếc đấy không phải là bàn tay. Kia không phải vân tay. Đấy là găng tay. Da. Đã cũ. Đúng không, Mel?”

Tay kỹ thuật viên gật đầu.

“Thom, hãy viết là hắn có một đôi găng tay cũ”, Rhyme nói với những người khác. “Chúng ta bắt đầu có vài ý tưởng về hắn. Hắn không để lại dấu vân tay của hắn ở hiện trường. Nhưng hắn để lại dấu găng tay. Nếu tìm thấy đôi găng tay do hắn sở hữu, chúng ta vẫn có thể đưa hắn vào hiện trường. Hắn nhanh trí. Nhưng chưa thật thông minh.”

Sachs hỏi: “Những tên tội phạm thông minh mặc đồ gì?”

“Đồ da lộn vải bông”, Rhyme nói. Sau đó hỏi: “Cái túi lọc đâu? Của máy hút bụi?”

Tay kỹ thuật viên đổ những thứ trong bộ lọc hình nón – trông như bộ lọc trong máy pha cà phê – ra một tờ giấy trắng.

Vật chứng dấu vết...

Công tố viên, các nhà báo và quan tòa thích những chứng cứ rõ ràng. Những đôi găng đẫm máu, dao, những khẩu súng vừa nhả đạn, các bức thư tình, tinh dịch và dấu vân tay. Nhưng chứng cứ yêu thích của Rhyme là dấu vết – bụi hay những thứ phát sinh từ hiện trường vụ án, rất dễ bị bọn tội phạm bỏ qua.

Nhưng máy hút bụi không hút được gì hữu ích.

“Được rồi”, Rhyme nói. “Ta tiếp tục nào. Hãy nhìn cái còng tay.”

Sachs cứng người khi Cooper mở cái túi nhựa và đổ chiếc còng lên một tờ báo. Như Rhyme đã dự kiến, có rất ít máu. Bác sĩ lưu động từ văn phòng giám định y khoa đã dùng cái cưa sắt, sau khi luật sư của NYPD fax giấy phép đến Phòng Giám Định Y khoa.

Cooper xem xét cái còng rất cẩn thận. ”Hãng Boy & Keller. Loại hạng bét. Không có số thứ tự.” Anh ta phun chrome với DFO lên đó và chiếu đèn PoliLight. ”Không có có dấu tay, chỉ có một vết bẩn dây từ găng tay.”

“Mở nó ra xem sao.”

Cooper dùng chìa khóa đa năng mở còng. Anh ta dùng khí nén rửa kính thổi vào ổ khóa.

“Cô vẫn giận tôi đấy à, Amelia?” Rhyme nói. “Về vụ hai bàn tay ấy.”

Câu hỏi làm cô bất ngờ. “Tôi không giận.” Cô nói sau một lúc. “Tôi nghĩ thế là không chuyên nghiệp. Cái điều anh bảo tôi làm.”

“Cô có biết Edmond Locard là ai không?”

Cô lắc đầu

“Một người Pháp. Sinh năm 1877. Ông ta sáng lập Viện Hình sự học của trường Đại học Tổng hợp Lyon. Ông ta phát minh ra một quy tắc mà tôi luôn tuân thủ khi điều hành IRD. Nguyên tắc Trao đổi của Locard. Ông ta nghĩ rằng bất cứ khi nào hai người tiếp xúc với nhau, một thứ gì đó từ một người sẽ được trao đổi với người khác và ngược lại. Có thể là bụi, tế bào da, bùn đất, sợi, mạt kim loại. Nhưng việc trao đổi này có xảy ra – vì thế chúng ta có thể bắt được nghi phạm.”

Câu chuyện này chẳng làm cô quan tâm tí nào.

“Cô may mắn đấy”, Mel Cooper nói với Sachs mà không nhìn lên. “Anh ta đã định bắt cô và bác sĩ xem xét những thứ trong dạ dày của cô ta đấy.”

“Điều đó có thể có ích”, Rhyme nói, tránh ánh mắt cô.

“Tôi thuyết phục anh ta thôi đấy”, Cooper nói.

“Khám nghiệm tử thi”, Sachs nói và thở dài, tựa như chẳng có điều gì mà Rhyme nói có thể làm cho cô ngạc nhiên.

Tại sao, thậm chí cô ta còn chẳng ở đây nữa, anh giận dữ nghĩ. Đầu óc cô ta lơ lửng cách đây hàng nghìn dặm.

“À”, Cooper nói. “Tôi tìm thấy gi này. Tôi nghĩ đó là một mẩu găng tay.”

Cooper đặt mẩu nhỏ lên kính hiển vi. Xem xét nó.

“Da. Nhuộm đỏ. Một mặt được đánh bóng.”

“Màu đỏ, thế là tốt”, Sellitto nói. Với Sachs, anh ta giải thích: “Quần áo của bọn chúng càng man dại, càng dễ tìm ra chúng. Họ không dạy cô điều này trong học viện, tôi cá là như thế. Lúc nào đó tôi sẽ kể cô nghe chúng tôi đã tóm cổ Jimmy Plaid, trong băng nhóm của Gambino như thế nào. Cậu còn nhớ chuyện đó chứ, Jerrry?”

“Ta có thể phát hiện cái quần đùi đó cách hàng dặm”, viên thám tử trẻ tuổi nói.

Cooper nói tiếp: “Da đã bị khô. Không có nhiều dầu trong hạt. Anh đúng khi nói đôi găng đã cũ.”

“Da gì vậy?”

“Tôi sẽ nói đấy là cừu non. Chất lượng cao.”

“Nếu đôi găng tay mới, điều đó có thể có nghĩa là hắn ta giàu”, Rhyme lẩm bẩm. “Nhưng vì đấy là găng cũ, hắn có thể tìm thấy chúng hoặc mua hàng dùng rồi. Có vẻ là không thể suy luận được từ đồ phụ kiện của nghi phạm 823. Được rồi, Thom, thêm vào hồ sơ đôi găng tay da cừu đó. Ta còn có thêm gì nữa nhỉ?”

“Hắn sử dụng nước hoa dùng sau dao cạo râu”, Sachs nhắc anh.

“Tôi quên mất. Tốt. Có thể dùng để che giấu mùi khác. Đôi khi bọn tội phạm cũng làm thế. Viết đi, Thom. Nó có mùi như thế nào, Amelia? Cô tả xem nào.”

“Không. Như rượu gin.”

“Dây phơi thì sao?” Rhyme hỏi.

Cooper xem xét sợi dây. “Trước đây tôi từng thấy loại này rồi. Dây nhựa. Bện từ vài tá dây nhỏ làm từ sáu tới mười loại nhựa khác nhau và một – không phải, hai sợi dây kim loại.”

“Tôi muốn có nhà sản xuất và nguồn.”

Cooper lắc đầu. “Không được. Quá chung chung.”

“Mẹ kiếp”, Rhyme lẩm bẩm. “Nút thắt thì sao?”

“Đây là thứ khác thường. Rất hiệu quả. Xem nó được quấn vòng hai lần như thế nào này. Dây là từ nhựa PVC là loại dây khó thắt nút nhất, nhưng cái nút này không tuột được.”

“Họ có cơ sở dữ liệu nút thắt ở trung tâm không nhỉ?”

“Không”

Không thể tha thứ được, anh nghĩ.

“Thưa ngài?”

Rhyme quay về phía Banks.

“Tôi đã từng lái thuyền buồm...”

“Ở Westport”, Rhyme nói.

“À, thật ra là đúng như vậy. Sao anh biết?”

Nếu ta điều tra pháp lý về xuất xứ của Jerry Banks, kết quả sẽ là Connecticut. “Đoán mò ấy mà.”

“Nó không thuộc hàng hải. Tôi không nhận ra nó.”

“Thật tốt khi biết điều đó. Treo nó lên kia đi.” Rhyme hất đầu về phía bức tường, bên cạnh tấm hình Polaroid của miếng giấy bóng kính và bức tranh của Monet. “Ta nghiên cứu nó sau.”

Chuông cửa reo và Thom biến đi mở cửa. Rhyme cảm thấy một chút tệ hại khi nghĩ đó là bác sĩ Berger trở lại để nói với anh rằng ông ta không còn quan tâm đến việc trợ giúp anh trong “dự án” của họ nữa.

Nhưng tiếng bốt giẫm nặng nề nói với Rhyme ai đang đến.

Những sĩ quan của Đội Đặc nhiệm, tất cả đều to lớn, tất cả đều u ám, mặc đồng phục chiến đấu, lịch sự vào phòng, gật đầu chào Sellitto và Banks. Họ là những người đàn ông hành động và Rhyme cá là phía sau hai mươi con mắt bất động kia là mười phản ứng rất tệ hại trước hình ảnh một người đàn ông phải nằm ngửa vĩnh viễn.

“Các quý ông, các anh đã biết về vụ bắt cóc tối qua và cái chết của nạn nhân chiều nay”, anh tiếp tục nói bằng một giọng khẽ khàng nhưng chắc chắn. “Nghi phạm của chúng ta có một nạn nhân khác. Chúng tôi có một số dấu vết cho vụ này và tôi cần các anh đến mấy nơi quanh thành phố để lấy vật chứng. Lập tức và đồng thời. Mỗi người, một chỗ.”

“Ý anh là...”, một sĩ quan để ria mép hỏi không chắc chắn, “không có yểm trợ?”.

“Anh sẽ không cần đến.”

“Với tất cả sự tôn trọng, thưa ngài. Tôi không có ý định tham gia vào bất cứ tình huống chiến thuật nào mà không có yểm trợ. Ít nhất phải có một công sự chứ.”

“Tôi không nghĩ sẽ có đấu súng. Mục tiêu là chuỗi những cửa hàng thực phẩm lớn trong thành phố.”

“Cửa hàng thực phẩm?”

“Không phải tất cả. Chỉ cần một cửa hàng nằm trong chuỗi các cửa hàng J&G’s, ShopRite, Food Warehouse,...”

“Chính xác là chúng tôi sẽ làm gì?”

“Mua chân bê.”

“Cái gì?”

“Một gói từ mỗi cửa hàng. Tôi e là tôi phải yêu cầu các anh tự trả tiền, thưa các quý ông. Nhưng thành phố sẽ thanh toán cho cách anh. Ồ, mà chúng tôi cần nó càng sớm càng tốt.”

Cô nằm nghiêng, bất động.

Mắt cô đã quen với bóng tối lờ mờ của đường hầm và cô có thể nhìn thấy những con vật khốn khiếp đang lại gần hơn. Cô đặc biệt để mắt đến một con.

Chân Monelle đau ghê gớm, nhưng cơn đau chính lại nằm ở cánh tay, chỗ hắn cắt sâu vào da thịt. Vì tay bị còng ra sau nên cô không nhìn thấy vết thương, không biết mình chảy bao nhiêu máu. Nhưng chắc là rất nhiều; cô cảm thấy rất uể oải và có thể cảm nhận được vết thương rỉ máu dinh dính trên tay và bên sườn.

Có tiếng cào – những cái móng hình kim cào trên nên xi măng. Những khối màu nâu xám hối hả lao trong bóng tối. Những con chuột cống tiếp tục giật cục đi về phía cô. Chúng phải có đến hàng trăm con.

Cô bắt mình nằm im và theo dõi con chuột đen. Schwarzie, cô đặt tên cho nó. Nó đứng ngay trước mặt, đi tới đi lui, nghiên cứu cô.

Monelle Gerger đã đi vòng quanh thế giới hai lần khi cô mới mười chín tuổi. Cô đi nhờ xe dọc Sri Lanka, Campuchia và Pakistan. Đi qua Nebraska, nơi những người đàn bà nhìn bộ ngực không áo lót và những cái vòng đeo lông mày của cô với vẻ khinh miệt. Đi qua Iran, nơi những người đàn ông nhìn cánh tay trần của cô như lũ chó động đực. Cô ngủ trong công viên thành phố ở Thành phố Guatemala và ở ba ngày với lực lượng nổi loạn ở Nicaragua lúc bị lạc đường khi đến khu bảo tồn động vật hoang dã.

Nhưng chưa bao giờ cô hoảng sợ như lúc này.

Mein Gott.

Và điều cô hoảng sợ nhất chính là điều cô sắp làm với bản thân mình.

Một con chuột chạy tới gần, thân thể màu nâu của nó lao tới trước, lùi lại sau, rồi lại tiến lên mấy inch. Bọn chuột đang sợ, cô nghĩ vậy, vì chúng chuyển động giống bò sát hơn bọn gặm nhấm. Một cái mũi rắn, cái đuôi rắn. Và những cặp mắt đỏ ngầu khốn khiếp.

Đằng sau đó là Schwarzie, to gần bằng một con mèo nhỏ. Nó đứng trên hai chân sau nhìn thứ làm nó phấn khích. Quan sát. Chờ đợi.

Thế rồi con chuột con tấn công. Vội vàng trên bốn cái chân nhọn hoắt, lờ đi tiếng thét bị bóp nghẹt của cô, nó lao tới, nhanh và thắng. Nhanh như sóc, nó rứt một miếng thịt từ cái chân bị cắt của cô. Vết thương nhói lên như bị bỏng. Monelle kêu ré lên – vì đau, và vì giận dữ. Tao không cần mày. Cô đạp gót giày rất mạnh lên lưng nó với một tiếng rắc khô khốc. Nó giãy một cái rồi nằm im.

Một con khác xông lên cổ cô, rứt một miếng rồi chạy lui, nhìn chằm chằm vào cô, nháy nháy mũi như thế nó đang liếm mép, hưởng thụ mùi vị của cô.

Dieser Schmerz[81]...

Cô rùng mình vì cơn đau rát tỏa ra từ vết cắn. Dieser Schmerz! Đau quá! Monelle bắt mình nằm im.

Kẻ tấn công tí hon định lao lên lần nữa, nhưng rồi động đậy và quay đi. Monelle biết tại sao. Schwarzie cuối cùng đã tiến lên hàng đầu. Nó đi lấy cái nó muốn.

Tốt, tốt.

Nó là con chuột cô đang chờ đợi. Vì có vẻ như nó không quan tâm đến máu thịt cô; cách đây hai mươi phút nó đã tới gần, phấn khích với miếng băng dính màu bạc dán trên miệng cô.

Con chuột bé hơn vội vàng chạy đến nhập đàn khi Schwarzie tiến lên trên những cái chân tí hon, bẩn thỉu. Dừng lại. Lại tiến lên. Sáu feet, năm.

Rồi ba.

Cô nằm im như chết. Thở thật nhẹ hết mức có thể, sợ hơi thở của mình sẽ làm con chuột sợ hãi.

Schwarzie dừng lại. Rồi tiến lên. Sau đó dừng hẳn. Cách đầu cô hai feet.

Không được động đậy.

Lưng nó vồng cao, môi nó liên tục đưa đẩy trên hàm răng nâu vàng. Nó tiến lên thêm một foot nữa và dừng lại, mắt đảo điên. Ngồi dậy, xoa hai cái chân đầy móng vuốt vào nhau, rồi lại tiến lên.

Monelle Gerger giả chết.

Chỉ còn sáu inch nữa thôi. Vorwärts[82]!

Nào!

Thế rồi nó đến sát mặt cô. Cô ngửi thấy mùi rác rưởi và dầu mỡ trên cơ thể nó, mùi phân, mùi thịt thối. Nó đánh hơi và cô cảm thấy những cái râu của nó cù mũi cô buồn không chịu nổi khi những cái răng nhỏ xíu thò ra khỏi miệng và bắt đầu gặm miếng băng dính.

Nó gặm quanh miệng cô tới năm phút. Có lúc, một con chuột khác xông tới, cắn vào mắt cá chân của cô. Cô nhắm mắt và cố quên cơn đau. Schwarzie đuổi nó đi rồi đứng trong bóng tối nghiên cứu cô.

Vorwärts, Schwarzie! Nào!

Nó từ từ quay lại chỗ cô. Lệ ròng ròng trên má, Monelle miễn cưỡng hạ thấp miệng mình xuống cho nó.

Gặm, gặm…

Nào!

Cô cảm thấy hơi thở nóng bức, ghê tởm của nó trong miệng mình khi nó cắn xuyên qua lớp băng dính và bắt đầu rứt ra những miếng nhựa lớn lấp loáng màu bạc. Nó kéo những mẫu nhựa từ miệng ra, tham lam kẹp chúng giữa hai chân trước.

Không hiểu đã đủ lớn chưa? Cô tự hỏi.

Phải thế thôi. Cô không thể chịu nổi nữa.

Cô chậm rãi nhấc đầu lên, từng mm một. Schwarzie nháy mắt và nghiêng về phía trước, vẻ tò mò.

Monelle há rộng miệng và nghe thấy âm thanh tuyệt vời khi miếng băng dính rách toang. Cô hít không khí thật sâu vào phổi. Cô lại thở được rồi!

Và cô đã có thể kêu cứu.

“Bitte, helfen Sie mir![83]”

Schwarzie lùi lại, giật mình vì tiếng hú dựng tóc gáy của cô, đánh rơi cả miếng băng dính bạc quý báu của nó. Nhưng nó không chạy xa. Nó dừng và quay lại, đứng lên hai chân sau béo mập.

Lờ đi cái cơ thể gù đen ngòm của nó, cô đá cái cột mà cô đang bị trói vào. Bụi và bùn đất rơi xuống như một màn tuyết nâu nhưng cây cột gỗ không động đậy. Cô la hét cho tới khi họng bỏng rát.

“Bitte![84]”

Dòng xe cộ nhớp nháp nuốt chửng âm thanh đó.

Bất động một lúc. Sau đó Schwarzie bắt đầu đi lại phía cô. Lần này nó không đi một mình. Một đàn chuột gian xảo đi theo nó. Run rẩy, căng thẳng. Nhưng cương quyết tiến lên khi ngửi thấy mùi máu hấp dẫn của cô.

Xương và gỗ, gỗ và xương.

“Mel, anh có gì đằng kia thế?” Rhyme hất đầu về phía cái máy tính gắn với máy GC-MS. Cooper đang thử lại chỗ bụi họ tìm thấy trong mẫu gỗ.

“Vẫn rất giàu nitrogen. Vượt ngưỡng.”

Ba lần thử riêng biệt, kết quả như nhau. Kiểm tra chẩn đoán cho thấy thiết bị làm việc tốt. Cooper suy tư rồi nói: “Nhiều nitrogen như vậy thì có thể là nơi sản xuất súng hoặc đạn dược.”

“Thế thì phải là Connecticut, không phải Manhattan.” Rhyme nhìn đồng hồ. 6:30. Ngày hôm nay thời gian trôi thật nhanh. Ba năm rưỡi qua nó trôi mới chậm làm sao. Anh cảm thấy như anh đã thức nhiều ngày liền.

Viên thám tử trẻ tuổi miệt mài trên tấm bản đồ Manhattan, đẩy miếng xương đốt sống nhợt nhạt vừa rơi xuống nền nhà lúc nãy sang một bên.

Cái đĩa đó là do một chuyên gia cột sống của Rhyme, Peter Taylor, để lại. Trong một lần gặp trước với anh ta. Người bác sĩ lành nghề đã khám cho anh, sau đó ngồi vào chiếc ghế mây kêu sột soạt và lấy thứ gì đó trong túi ra.

“Thời gian để diễn và nói”, người bác sĩ nói.

Rhyme liếc nhìn bàn tay mở rộng của Taylor.

“Đây là đốt sống thứ tư. Giống như đốt sống ở cổ anh. Cái đốt sống bị vỡ. Anh có thấy mẩu đuôi bé ở đây không?” Tay bác sĩ xoay khúc xương lại một lúc rồi hỏi. “Anh nghĩ gì khi anh nhìn thấy nó?”

Rhyme kính trọng Taylor – người không đối xử với anh như một đứa trẻ hay thằng dở hơi hay sự bất tiện lớn – nhưng ngày hôm đó anh không có tâm trạng chơi trò gây cảm hứng. Anh không trả lời.

Taylor vẫn nói tiếp: “Vài bệnh nhân của tôi nghĩ nó giống như con cá đuối. Một số khác cho rằng đó là tàu vũ trụ. Hoặc một cái máy bay. Hay xe tải. Bất cứ lúc nào tôi hỏi câu này, người ta thường so sánh nó với cái gì đó to lớn. Không ai nói: ‘Ồ, một mẩu calcium và magnesium.’ Thấy không, họ không thích ý tưởng là một thứ gì đó rất tầm thường như thế lại biến cuộc sống của họ thành địa ngục.”

Rhyme nhìn lại ông ta với vẻ nghi ngờ nhưng ông bác sĩ tóc bạc, điềm tĩnh này là một tay cứng rắn với các bệnh nhân SCI nên ông ta lịch sự nói: “Đừng làm tôi cụt hứng chứ, Lincoln.”

Taylor đưa cái đĩa lại gần mặt Rhyme. “Anh nghĩ rằng không công bằng khi một thứ nhỏ thế này có thể đem đến cho anh nhiều đau khổ đến vậy. Nhưng quên nó đi. Quên nó đi. Tôi muốn anh nhớ những điều trước khi xảy ra tai nạn. Những điều tốt và điều xấu trong cuộc đời anh. Hạnh phúc, khổ đau… Anh có thể cảm thấy những điều này lần nữa.” Khuôn mặt ông bác sĩ chuyển thành bất động. “Nhưng thành thực mà nói, tất cả những gì tôi đang nhìn thấy lúc này là một kẻ đang đầu hàng.”

Taylor để khúc xương lại trên cái bàn đầu giường. Có vẻ như tình cờ. Nhưng sau đó Rhyme nhận thấy trong hành động này có sự tính toán. Mấy tháng qua, khi Rhyme đang cố quyết định có nên tự tử hay không, anh thường nhìn cái đĩa nhỏ đó. Nó đã trở thành biểu tượng cho luận điểm của Taylor – luận điểm ủng hộ cuộc sống. Nhưng cuối cùng phía này đã thua; những lời nói của ông bác sĩ, có đúng đến đâu chăng nữa cũng không thể vượt qua được gánh nặng của những cơn đau, đau đầu và kiệt sức mà Lincoln Rhyme phải chịu đựng ngày này qua ngày khác.

Lúc này anh tránh nhìn chiếc đĩa – quay sang Amelia Sachs – và nói: “Tôi muốn cô nghĩ lại về hiện trường một lần nữa.”

“Tôi đã nói với anh mọi thứ tôi nhìn thấy.”

“Không phải là nhìn thấy. Tôi muốn biết tất cả những gì cô cảm thấy.”

Rhyme nhớ lại hàng nghìn lần anh khám nghiệm hiện trường. Đôi khi phép màu cũng xảy ra. Anh có thể nhìn ngó xung quanh và bằng cách nào đó các ý tưởng về đối tượng sẽ đến với anh. Anh không thể giải thích được nó như thế nào. Những nhà hành vi học nói về việc lập hồ sơ như thể chính họ là người sáng chế ra nó. Nhưng các nhà hình sự học đã lập hồ sơ từ hàng trăm năm nay. Đan lưới, đi ở chỗ hắn đã đi, tìm những thứ hắn để lại, nghĩ ra hắn sẽ đem gì theo – và ta sẽ rời khỏi hiện trường với một hồ sơ rõ ràng như một bức chân dung.

“Nói tôi biết”, anh hỏi. “Cô cảm thấy gì?”

“Khó chịu. Căng thẳng. Nóng bức.” Cô nhún vai. “Tôi không biết, tôi thực sự không biết. Xin lỗi.”

Nếu có thể di chuyển, Rhyme đã nhảy ra khỏi giường, nắm lấy vai cô mà lắc. Hét lên: Nhưng cô biết tôi đang nói gì mà! Tôi biết là cô biết. Tại sao cô không làm việc với tôi?… Tại sao cô lờ tôi đi?

Nhưng anh hiểu ra một điều gì đó… Hiểu rằng cô đã ở đó, trong cái tầng hầm ngột ngạt. Cúi người xuống cơ thể bị phá nát của T.J. Ngửi thứ mùi ghê tởm. Anh nhìn thấy điều đó trong ngón tay cái bị cậy đến bật máu của cô, anh nhìn thấy điều đó trong cách cô giữ một khoảng cách lịch sự giữa họ. Cô ghê tởm việc có mặt trong cái tầng hầm kinh khủng đó và cô căm thù anh vì anh nhắc nhở cô rằng, một phần của cô vẫn còn ở đó.

“Cô đã đi ngang qua phòng”, anh nói.

“Tôi thực sự không nghĩ rằng tôi có thể giúp gì thêm.”

“Chơi thôi mà”, anh nói, cố dẹp cơn giận. Anh cười. “Nói cho tôi biết cô nghĩ gì?”

Khuôn mặt cô bất động và cô nói: “Chỉ là… những ý nghĩ. Những ấn tượng thì ai cũng có.”

“Nhưng cô đã ở đó. Mọi người thì không. Nói cho chúng tôi nghe đi.”

“Kiểu như… rất đáng sợ.” Cô nói và cảm thấy hối tiếc vì những từ ngữ vụng về.

Nghiệp dư.

“Tôi cảm thấy…”

“Ai đó đang nhìn cô?” Anh hỏi.

Điều đó làm cô ngạc nhiên. “Đúng. Chính xác là thế.”

Rhyme cũng đã từng cảm thấy như vậy. Nhiều lần. Anh cảm thấy điều đó ba năm rưỡi trước, khi cúi mình xuống cơ thể đang phân hủy của người cảnh sát trẻ tuổi, nhặt một sợi vải trên bộ cảnh phục. Anh chắc chắn có ai đó ở gần. Nhưng chẳng có ai – chỉ là một cái rầm gỗ sồi lớn chọn đúng khoảnh khắc đó để gầm lên, tăng tốc và rơi trúng đốt sống cổ thứ tư của Lincoln Rhyme với sức nặng của cả quả đất.

“Cô còn nghĩ gì nữa, Amelia?”

Cô không chống cự nữa. Môi cô thư giãn, mắt cô trôi theo bức tranh Nighthaws – những người ăn tối, cô đơn hay đơn độc một cách mãn nguyện. Cô nói: “Được rồi, tôi nhớ là tôi nói với chính mình: ‘Trời ạ, chỗ này cổ thật.’ Nó giống như những bức tranh mà ta nhìn thấy ở đó các nhà máy trong giai đoạn chuyển giao thế kỷ. Và tôi…”

“Đợi đã”. Rhyme quát lên. “Hãy nghĩ về điều này xem. Cổ xưa…”

Ánh mắt anh lướt qua tấm bản đồ Randel Survey. Trước đó anh đã nhận xét về sự quan tâm của nghi phạm về New York lịch sử. Tòa nhà nơi T.J. chết cũng là một tòa nhà cổ. Và đường hầm nơi họ tìm thấy xác chết đầu tiên cũng vậy. Tàu hỏa Trung tâm New York đã từng chạy trên mặt đất. Có quá nhiều tai nạn gây thương vong đến mức Đại lộ Mười một được đặt tên là Đại lộ Death và tuyến đường sắt cuối cùng bị bắt buộc phải đi ngầm.

“Và Phố Pearl”, anh lẩm bẩm một mình, “là con đường vòng chính của New York trước kia. Vì sao hắn lại quan tâm đến những thứ đồ cổ?”. Anh hỏi Sellitto: “Terry Dobyns còn làm việc cho chúng ta không?”

“Ồ, anh chàng bác sĩ tâm thần? Còn. Chúng tôi cùng làm một vụ năm ngoái. Nhân tiện, anh ta có hỏi anh. Nói là anh ta có gọi điện một, hai lần, và anh không bao giờ…”

“Được rồi, được rồi, được rồi”, Rhyme nói. “Gọi anh ta đến đây. Tôi muốn anh ta suy nghĩ về khuôn mẫu của 823. Còn bây giờ, Amelia, cô còn nghĩ gì nữa?”

Cô nhún vai nhưng tỏ ra rất lạnh nhạt. “Chẳng có gì.”

“Không có?”

Thế thì cô có giữ lại cảm giác của mình không? Anh băn khoăn, nhớ lại điều gì đó mà Blaine có nhắc tới một lần khi nhìn thấy một người phụ nữ đẹp bước đi trên Đại lộ Năm: Hàng càng đẹp càng khó mở.

“Tôi không biết…Được rồi, tôi nghĩ tôi có nhớ một việc tôi đã nghĩ đến. Nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Nó không giống như một quan sát, thế nào nhỉ, chuyên nghiệp.”

Chuyên nghiệp…

Thật tệ hại khi tự mình đặt tiêu chuẩn cho mình, phải không Amelia?

“Hãy cứ nghe xem thế nào”, anh nói với cô ta.

“Khi anh nói với tôi hãy giả vờ tôi là hắn? Và tôi tìm thấy chỗ mà hắn đứng để nhìn cô ta?”

“Tiếp tục đi.”

“Tôi nghĩ…” Trong một khoảnh khắc có vẻ như lệ sắp tràn lên đôi mắt đẹp của cô, anh nhận thấy chúng có sắc xanh óng ánh. Ngay lập tức cô kiểm soát được mình. “Tôi băn khoăn không biết cô ta có nuôi chó không. Cô Colfax ấy mà.”

“Chó? Tại sao cô lại băn khoăn về điều đó?”

Cô ngừng lại một lát rồi nói: “Bạn tôi… vài năm trước. Chúng tôi có nói chuyện mua một con chó khi, đúng hơn là nếu, chúng tôi dọn đến ở với nhau. Tôi luôn muốn có một con. Một con chó giống collie. Thật buồn cười. Đó là giống chó mà bạn tôi cũng rất thích. Thậm chí trước cả khi chúng tôi biết nhau.”

“Một con chó.” Tim Rhyme nổ bục như một con ruồi lao đầu vào cửa kính mùa hè. “Và?”

“Tôi nghĩ rằng người phụ nữ đó…”

“T.J.” Rhyme nói.

“T.J.” Sachs tiếp tục. “Tôi chỉ nghĩ thật buồn nếu cô ta có con vật cưng nào mà không thể về nhà và chơi đùa với chúng nữa. Tôi không hề nghĩ về chồng hay bạn trai cô ta. Tôi chỉ nghĩ về bọn thú cưng.”

“Nhưng vì sao lại là ý nghĩ đó? Chó, những con vật cưng? Tại sao?”

“Tôi không biết tại sao.”

Im lặng.

Cuối cùng cô nói: “Tôi hình dung tôi nhìn cô ta bị trói ở đó…Và tôi nghĩ cách hắn đứng tránh sang một bên để nhìn cô ta. Đứng giữa những cái thùng dầu. Giống như hắn đứng nhìn một con vật ở một bãi chăn được rào kín.”

Rhyme nhìn những sơ đồ sóng hình sin trên màn hình máy tính GC-MS.

Thú vật…

Nitrogen…

“Phân!” Rhyme kêu lên.

Mọi người quay lại nhìn anh.

“Đấy là phân.” Nhìn chằm chằm vào màn hình.

“Đúng, tất nhiên rồi!” Cooper vò đầu nói. “Toàn nitrogen. Đấy là phân bón. Và là loại phân bón cũ.”

Thình lình Rhyme có cảm giác về một trong những khoảnh khắc mà trước đây anh đã gặp. Một ý nghĩ vừa lao vào đầu anh. Hình ảnh của những con cừu.

Sellitto hỏi: “Anh ổn chứ?”

Một con cừu, lang thang trong phố.

Giống như hắn đứng nhìn một con vật…

“Thom”, Sellitto nói, “anh ấy ổn chứ?”

… ở một bãi chăn được rào kín.

Rhyme có thể hình dung ra con vật vô tư. Một quả chuông treo trên cổ, hàng chục con khác theo sau.

“Lincoln”, Thom nói một cách gấp gáp, “anh đang đổ mồ hôi đấy, anh ổn chứ?”

“Suỵt…”, nhà hình sự học ra lệnh.

Anh cảm thấy cơn ngứa lan xuống mặt. Cảm hứng và trụy tim; triệu chứng giống nhau một cách kỳ lạ. Nghĩ, nghĩ đi…

Xương, cột trụ gỗ và phân bón…

“Rồi!” Anh thì thầm. Con cừu Judas[85], dẫn đàn của mình đến chỗ chết.

“Trại chăn nuôi”, Rhyme nói với cả phòng. “Cô ta bị nhốt ở trong một trại chăn nuôi.”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 13


“Nhưng ở Manhattan không có cái trại chăn nuôi nào cả.”

“Trước đây, Lon ạ”, Rhyme nhắc anh ta. “Những thứ cổ xưa làm hắn phấn khích. Làm cho máu hắn chảy. Ta phải nghĩ đến những trại chăn nuôi cũ. Càng cũ càng tốt.”

Khi nghiên cứu để viết cuốn sách của mình, Rhyme đã đọc về một vụ giết người mà tên tội phạm quý tộc Owney Madden bị kết tội: bắn chết một đối thủ bán rượu lậu ngay bên ngoài nhà hắn tại Hell’s Kitchen. Madden không bao giờ bị kết án – dù sao đi nữa cũng không phải vì một vụ án mạng ngoại lệ. Hắn đứng lên, bằng một giọng Anh đầy nhịp điệu, hắn đã giảng bài cho phòng xử án về sự phản bội. “Toàn bộ vụ này là do đối thủ của tôi vu cáo, những người đã nói dối về tôi. Thưa quý tòa, các ngài có biết điều đó khiến tôi nhớ đến cái gì không? Trong khu tôi sống, ở Hell’s Kitchen, những đàn cừu được dẫn qua phố đến lò mổ trên Phố Bốn mươi mốt. Ngài có biết ai dẫn dắt chúng không? Không phải chó, không phải người. Mà là một trong số chúng. Một con cừu Judas với một cái chuông đeo quanh cổ. Nó dẫn đàn cừu đi trên con đường đó. Nhưng sau đó nó dừng lại và những con còn lại sẽ vào trong. Tôi là một con cừu vô tội và những nhân chứng chống lại tôi, chúng là những con cừu Judas.”

Rhyme tiếp tục. “Banks, gọi điện cho thư viện. Họ chắc sẽ có một nhà sử học.”

Viên thám tử trẻ tuổi mở điện thoại di động và gọi. Giọng anh ta hạ thấp dần khi nói. Sau khi nói điều mình cần, anh ta dừng lại và nhìn vào tấm bản đồ thành phố.

“Gì vậy?” Rhyme hỏi.

“Họ đang tìm ai đó. Họ có…”, anh ta cúi đầu khi có người trả lời và lặp lại yêu cầu của mình.

Anh ta bắt đầu gật đầu và nói với cả phòng: “Tôi có hai chỗ… không phải, ba.”

“Ai đấy?” Rhyme cục cằn hỏi. “Cậu đang nói chuyện với ai đấy?”

“Người phụ trách việc lưu trữ của thành phố… Ông ta nói trước đây có khoảng ba trại chăn nuôi chính tại Manhattan. Một ở West Side, quanh Phố sáu mươi…Một ở Harlem, trong những năm 1930 hoặc 1940. Và một ở Lower East Side trong thời kỳ Cách mạng.”

“Ta cần địa chỉ, Banks. Địa chỉ!”

Lắng nghe.

“Ông ta không chắc chắn.”

“Sao ông ta lại không tìm được. Nói với ông ta tìm đi.”

Banks trả lời: “Ông ta nghe thấy ngài nói rồi, thưa ngài… Ông ta nói: Ở đâu? Tìm chúng ở đâu? Khi đó họ vẫn chưa có Những Trang Vàng. Ông ta đang nhìn vào cổ xưa…”

“Bản đồ dân số của khu vực thương mại không có tên phố”, Rhyme càu nhàu. “Rõ ràng quá, cứ để ông ta đoán.”

“Đúng là ông ta đang làm thế. Ông ta đang đoán.”

Rhyme nói: “Ta cần ông ta đoán nhanh lên.”

Banks lắng nghe, gật đầu.

“Cái gì, cái gì, cái gì, cái gì?”

“Quanh Phố Sáu mươi và Mười.” Viên sĩ quan trẻ tuổi nói. Một khắc sau: “Lexington gần sông Harlem…và sau đó…trang trại Delancey ở đâu? Có phải gần phố Delancey không?...”

“Tất nhiên rồi. Từ Tiểu Ý con đường đi thẳng xuống sông Đông. Rất nhiều khu vực. Hàng dặm. Ông ta có thể thu hẹp lại một chút, được không?”

“Quanh Phố Catherine. Lafayette…Walker. Ông ta không chắc.”

“Gần tòa án”, Sellitto nói và bảo Banks. “Gọi đội của Haumann. Chia họ ra. Khám xét tất cả ba khu vực.”

Viên thám tử trẻ tuổi gọi điện, sau đó ngẩng đầu lên. “Giờ thì sao?”

“Chúng ta đợi”, Rhyme nói.

Sellitto càu nhàu: “Tôi ghét phải đợi.”

Sachs hỏi Rhyme: “Tôi dùng điện thoại của anh, được không?”

Rhyme hất đầu về phía cái bàn đầu giường.

Cô ngần ngừ. “Anh có cái nào ở ngoài kia không?” Cô chỉ ra phía hàng lang.

Rhyme gật đầu.

Với một dáng đi hoàn hảo, cô bước ra khỏi phòng ngủ. Anh có thể nhìn thấy cô trong tấm gương ở hành lang, khoan thai gọi cuộc điện thoại quý giá. Ai vậy? Anh băn khoăn. Bạn trai, chồng? Trung tâm chăm sóc ban ngày? Vì sao cô lại chần chừ trước khi nhắc đến “người bạn” của cô, lúc cô nói với họ về con chó giống collie? Chắc là có một câu chuyện đằng sau, Rhyme đoán thế.

Người cô gọi không có ở đó. Anh thấy mắt cô biến thành những viên cuội màu xanh thẫm khi không thấy ai trả lời. Cô ngẩng đầu lên và bắt gặp Rhyme đang nhìn cô qua tấm gương bụi bặm. Cô quay lưng lại. Điện thoại trượt xuống cái giá đỡ và cô quay lại phòng anh.

Yên lặng trong năm phút. Rhyme không có một cơ chế mà ai cũng có để làm giảm tình trạng căng thẳng. Anh là một người tính khí thất thường khi anh còn đi lại được, điều đó làm cho mọi sĩ quan trong IRD phát khùng. Lúc này, mắt anh đang hăng hái quét trên tấm bản đồ Randel khi Sachs đưa tay lên mũ tuần tra để gãi đầu.

Mel Cooper vô hình đang sắp xếp vật chứng, bình tĩnh như một bác sĩ phẫu thuật.

Tất cả, trừ một người trong phòng, đều nhảy bật lên khi nghe điện thoại của Sellitto reo. Anh ta nghe, mặt mũi nhăn nhó.

“Được rồi!” Một trong những sĩ quan của Haumann đang ở Phố Mười một và Sáu mươi. Họ nghe thấy tiếng thét của phụ nữ ở đâu đó quanh đấy. Họ không biết chắc chắn là ở đâu. Họ đang tìm kiếm từng nhà.”

“Đi giày chạy của cô vào”, Rhyme ra lệnh cho Sachs.

Anh thấy mặt cô xịu xuống. Cô nhìn điện thoại của Rhyme, như thể nó có thể đổ chuông với một cuộc gọi ân xá từ văn phòng Thị trưởng vào bất kỳ lúc nào. Sau đó nhìn Sellitto, lúc này đang cúi người trên bản đồ chiến thuật ESU của West Side.

“Amelia”, Rhyme nói, “ta đã mất một người. Thế là quá tệ. Nhưng chúng ta không phải mất thêm ai nữa.”

“Nếu anh nhìn thấy cô ấy”, cô thì thầm. “Nếu mà anh nhìn thấy hắn làm gì với cô ấy…”

“Ồ, nhưng tôi có thấy, Amelia”, anh nói đều đều, ánh mắt anh nghiêm khắc và thách thức. “Tôi thấy điều gì xảy đến với T.J. Tôi đã nhìn thấy điều gì xảy đến với những cơ thể bị để cả tháng trong cốp xe nóng nực. Tôi nhìn thấy điều mà nửa cân C4 làm với tay, chân và mặt. Tôi đã khám nghiệm đám cháy tại Happy Land. Hơn tám mươi người bị bỏng đến chết. Chúng tôi chụp ảnh Polaroid mặt nạn nhân hoặc những gì còn lại của họ để gia đình họ nhận dạng – vì chẳng có một ai sau khi đi qua những hàng xác chết đó mà không bị điên. Ngoại trừ chúng tôi. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác.” Anh hít vào, chống lại cơn đau đang tràn qua cổ. “Thấy không, nếu cô muốn tồn tại được trong cái ngành này, Amelia… Nếu cô muốn tồn tại trong cuộc đời, cô phải học được cách bỏ qua người đã chết.”

Từng người một trong phòng dừng công việc mình đang làm và nhìn về phía họ.

Không một lời xã giao từ Amelia Sachs. Không một nụ cười lịch sự. Trong một khắc, cô thử tạo ra cái nhìn trở nên bí ẩn. Nhưng nó chỉ trong suốt như thủy tinh. Cơn giận của cô – không tương xứng với những nhận xét của anh ta – chọc giận lại cô; khuôn mặt dài của cô gập lại vì một sức mạnh đen tối. Cô hất mớ tóc đỏ lười biếng sang bên và nhặt cái tai nghe trên bàn. Cô dừng lại phía trên cầu thang và nhìn anh ta với cái nhìn khinh miệt, nhắc nhở Rhyme rằng, chẳng có gì lạnh lùng hơn một nụ cười lạnh lùng của người phụ nữ đẹp.

Và vì lý do nào đó, anh thấy mình đang nghĩ: Chào mừng cô quay trở lại, Amelia.

“Anh có gì vậy? Anh có bánh kẹo, anh có một câu chuyện, anh có những bức hình?”

Scruff ngồi trong quán rượu phía East Side, Manhattan, Đại lộ Ba – với thành phố thì nó giống như khu mua bán nhỏ ở vùng ngoại thành. Đó là một quán rượu bẩn thỉu, sắp sửa tràn ngập đám dân công sở trẻ nửa mùa. Nhưng lúc này nó là nơi trú ngụ của những người dân địa phương ăn mặc tồi tàn, ăn bữa tối với món cá đáng ngờ và món sa lát héo rũ.

Một người đàn ông gầy gò, có làn da giống như gỗ mun lốm đốm mặc áo sơ mi rất trắng và bộ vét màu xanh lá. Anh ta nghiêng lại gần Scruff hơn. “Anh có tin, anh có mã bí mật, anh có thư không? Anh có phân không?”

“Này. Ha”

“Anh không cười khi anh nói: ha”, Fred Dellray nói, thực ra là D’Ellret vài thế hệ trước. Anh ta cao sáu feet bốn, hiếm khi cười ngay cả với chuyện đùa Jabberwocky và là nhân viên sáng giá trong văn phòng FBI ở Manhattan.

“Không đâu. Tôi không cười.”

“Thế thì anh có gì?” Dellray bóp chặt đầu mẩu điếu thuốc đang ở bên tai trái.

“Mất thời gian đấy ông bạn”, Scruff, một người đàn ông thấp bé, vừa gãi mái tóc nhờn của mình vừa nói.

“Nhưng anh không có thời gian đâu. Thời gian rất quý báu, thời gian đang trôi đi, và thời gian là thứ mà anh. Không. Có.”

Dellray cho bàn tay to lớn của mình xuống dưới gầm của cái bàn có hai ly cà phê bên trên, bóp đùi Scruff thật mạnh đến nỗi hắn phải rên rỉ.

Sáu tháng trước, anh chàng trắng trẻo, nhỏ thó đó bị tóm khi đang cố bán mấy khẩu M16 tự động cho mấy tên điên cánh hữu, mà họ – bất kể có phải như thế hay không – lại là nhân viên mật của BATF.

Tất nhiên nhân viên an ninh liên bang không muốn Scruff, một của nợ nhỏ thó tóc nhờn. Họ muốn bắt những kẻ cung cấp súng cho anh ta. ATF[86] đã lội ngược dòng khá xa nhưng không tìm được gì đáng giá, vì thế họ giao anh ta cho Dellray, nhân viên quản lý đặc tình Numero Uno số một của Cục, để xem anh ta có đem lại lợi ích gì không? Nhưng cho tới lúc này, anh ta vẫn chỉ tỏ ra là một gã khó chịu, một thứ chuột bọ gầy nhẳng, mà rõ ràng chẳng có tin tức, mã bí mật, thậm chí là phân cho nhân viên liên bang.

“Cách duy nhất anh có thể thoát án, mọi bản án, là anh phải cung cấp cho chúng tôi thứ gì đó vừa đẹp lại vừa dính. Chúng ta đồng ý vụ này chứ?”

“Lúc này thì tôi chẳng có quái gì cho các anh, đó là điều tôi đang nói. Ngay lúc này.”

“Không đúng, không đúng. Mày đã có gì đó rồi. Tao có thể nhìn thấy điều đó trên mặt mày. Đúng là mày biết điều gì đó, thằng hâm.”

Chiếc xe bus đỗ xịch bên ngoài, tiếng phanh hơi rin rít. Một đám người Pakistan trèo ra khỏi cửa.

“Anh bạn, cái hội nghị khốn kiếp của Liên Hiệp Quốc”, Scruff lẩm bẩm, “họ đến đây làm chó gì thế? Thành phố này đã quá đông rồi. Cái lũ ngoại quốc ấy.”

“Hội nghị khốn kiếp. Đồ chết đói, đồ đê tiện”, Dellray cắn cảu. “Mày có gì phản đối hòa bình thế giới thế?”

“Chẳng có gì.”

“Thế thì nói cho tao điều gì đó hay ho đi.”

“Tao chẳng biết điều gì hay ho cả.”

“Mày đang nói chuyện với ai đây?” Dellray độc ác nhăn mặt. “Tao là loài thằn lằn. Tao có thể cười vui vẻ, nhưng tao cũng có thể chơi trò bóp cẳng đấy.”

“Đừng anh bạn, đừng”, Scruff ré lên. “Mẹ kiếp, đau quá. Thôi ngay đi.”

Nhân viên quầy bar nhìn họ và một cú liếc ngắn của Dellray buộc anh ta quay lại công việc đánh bóng cốc chén của mình.

“Được rồi, có lẽ là tao biết một việc. Nhưng tao cần giúp đỡ. Tao cần…”

“Bóp thêm tí nữa phải không?”

“Mẹ mày. Con mẹ mày.”

“Ồ, đó là một cuộc nói chuyện rất thông minh”, Dellray đáp trả. “Mày nói như bọn trong mấy bộ phim tệ hại, mày biết đấy, người tốt và kẻ xấu cuối cùng cũng gặp nhau. Như Stallone gặp kẻ khác. Và tất cả mọi điều chúng có thể nói với nhau là ‘con mẹ mày’, ‘không, con mẹ mày’, ‘không, con mẹ mày cơ’. Bây giờ thì mày nói tao nghe điều gì đó hữu ích. Đồng ý không?”

Và nhìn chằm chằm Scruff cho đến khi anh ta đầu hàng.

“Ok, đây. Tôi tin anh đấy, anh bạn. Tôi…”

“Rồi. Rồi. Rồi. Mày có gì?”

“Tôi vừa nói chuyện với Jackie. Anh biết Jackie chứ?”

“Tao biết Jackie.”

“Và hắn nói với tôi.”

“Hắn nói gì với mày?”

“Hắn nói với tôi là nếu tôi có đến đó, đến hoặc đi đâu đó trong tuần này, đừng có đi bằng máy bay.”

“Vậy thì cái gì đến hoặc đi? Lại thêm 16s nữa à?”

“Tôi nói với anh rồi, anh bạn. Tôi chẳng có gì cả. Tôi chỉ nói với anh điều Jackie…”

“Nói với mày.”

“Đúng rồi, anh bạn. Rất chung chung, anh biết chứ?” Scruff mở to mắt nhìn Dellray. “Tôi có cần nói dối anh không?”

“Đừng có bao giờ đánh mất phẩm giá”, viên đặc vụ long trọng cảnh cáo, chỉ ngón tay cứng như đá vào ngực Scruff. “Bây giờ, có gì ở sân bay? Sân bay nào? Kennedy? La Guardia?”

“Tôi không biết. Tất cả những gì tôi biết là có tin đồn sẽ có ai đó ở sân bay. Ai đó rất tệ.”

“Cho tao cái tên.”

“Không có tên.”

“Jackie ở đâu?”

“Không biết. Nam Phi. Tôi nghĩ thế. Có thể ở Liberia.”

“Tất cả những thứ đó có ý nghĩa gì?” Dellray bóp điếu thuốc của anh ta lần nữa.

“Tôi đoán có khả năng sắp có điều gì đó xảy ra, anh biết đấy, như kiểu lại có hàng về.”

“Mày đoán.” Scruff rúm người, nhưng Dellray không có ý định tiếp tục tra tấn anh chàng nhỏ thó này thêm nữa. Anh ta đã nghe thấy chuông báo động: Jackie – tên buôn vũ khí mà cả Cục đã biết đến khoảng một năm – có thể nghe được điều đó từ một trong những khách hàng của hắn ta, những người lính ở châu Phi và Trung u, những đơn vị dân quân ở Mỹ, về một tên khủng bố sẽ tấn công sân bay. Thường thì Dellray không nghĩ về điều đó, ngoại trừ vụ bắt cóc ở sân bay JFK đêm qua. Anh ta không chú ý lắm đến điều này – đó là việc của NYPD. Nhưng lúc này anh lại nghĩ đến vụ nổ lựu đạn không thành công tại cuộc họp của UNESCO ở London hôm trước.

“Anh chàng của mày không nói thêm gì nữa à?”

“Không, anh bạn ạ. Không còn gì nữa. Mà này, tôi đói. Chúng ta có thể ăn gì chứ?”

”Nhớ tao nói gì với mày về phẩm giá không? Đừng rên rỉ nữa”. Dellray đứng dậy. “Tao phải gọi điện.”

Chiếc RRV phanh kít trên Phố Sáu mươi.

Sachs nhặt chiếc vali khám nghiệm hiện trường, cây đèn PoliLight và cây đèn pin mười hai volt to tướng.

“Các anh đến đúng lúc chứ?” Sachs hỏi một binh sĩ ESU. “Cô ấy có sao không?”

Đầu tiên không ai trả lời. Sau đó cô nghe thấy tiếng thét.

“Có chuyện gì thế?” Cô lẩm bẩm, chạy đứt hơi về phía một cánh cửa lớn vừa bị ESU phá vỡ. Cảnh cửa mở ra một con đường rộng dẫn xuống một tòa nhà gạch đã bị bỏ hoang. “Cô ấy vẫn còn ở đó?”

“Đúng thế.”

“Tại sao?” Amelia Sachs bị sốc, hỏi lại.

“Họ bảo chúng tôi không được vào.”

“Không được vào? Cô ấy đang gào thét kìa. Các anh không nghe thấy à?”

Viên cảnh sát ESU nói: “Họ bảo chúng tôi đợi cô.”

Họ. Không, không phải là họ. Lincoln Rhyme. Thằng khốn.

“Chúng tôi chỉ phải tìm cô ta thôi”, viên sĩ quan nói. “Cô là người phải vào trong.”

Cô bật tai nghe. “Rhyme!” Cô quát. “Anh ở đâu?”

Không trả lời…Đồ hèn nhát.

Bỏ qua người đã chết… Đồ chó. Giận dữ như lúc cô vừa chạy xuống cầu thang nhà anh ta mấy phút trước, nhưng lúc này cơn giận dữ tăng gấp đôi.

Sachs liếc nhìn ra sau và nhận thấy một nhân viên y tế đang đứng cạnh chiếc xe EMS.

“Anh kia, đi với tôi.”

Anh ta bước tới một bước và nhìn thấy cô rút súng. Anh ta dừng lại.

“Ấy, từ từ đã”, nhân viên y tế nói. “Tôi không đi cho tới khi khu này được an toàn.”

“Đi ngay! Đi thôi!” Cô quay ngoắt lại, chắc là anh ta nhìn thấy nhiều nòng súng hơn anh ta muốn. Anh ta nhăn mặt và vội vã chạy theo cô.

Từ phía dưới lòng đất họ nghe tiếng kêu: “Aiiiii! Hilfe!” Sau đó là tiếng thổn thức.

Lạy Chúa. Sachs bắt đầu chạy về phía cánh cửa tối tăm, cao mười hai feet, bên trong tối như hũ nút.

Cô nghe thấy giọng anh ta trong đầu mình: Cô là hắn ta, Amelia. Cô nghĩ gì vậy?

Biến đi, cô thầm nói.

Nhưng Lincoln Rhyme không biến mất.

Cô vừa là tên giết người vừa là kẻ bắt cóc, Amelia. Cô sẽ đi đâu, cô sẽ chạm vào cái gì?

Quên đi! Tôi đến để cứu cô ta. Mặc kệ hiện trường vụ án…

“Mein Gott! Nàm ơn đi. Có ai không? Nàm ơn giúp tôi!”

Đi thôi, Sachs. Chạy nhanh! Hắn không có ở đây. Mày an toàn rồi. Cứu cô ta đi, đi nào…

Cô tăng nhịp bước, dây lưng khí tài của cô kêu lanh canh theo từng bước chạy. Khi chạy được khoảng hai mươi feet trong đường hầm, cô dừng lại. Tự tranh luận. Bên nào thắng cô cũng không thích.

“Ôi, mẹ kiếp”, cô quát lên. Cô đặt cái vali xuống rồi mở ra. Cô nói với nhân viên y tế: “Này, tên anh là gì?”

Chàng thanh niên căng thẳng trả lời: “Tad Walsh. Ý tôi là, điều gì đang xảy ra thế?” Anh ta nhìn vào bóng tối.

“Ôi… Bitte, helfen Sie mir!”

“Yểm trợ cho tôi”, Sachs thầm thì.

“Yểm trợ cho cô? Đợi chút, tôi không làm đâu.”

“Cầm lấy súng đi, được không?”

“Tôi yểm trợ cho cô khỏi cái gì mới được chứ?”

Nhét khẩu tự động vào tay anh ta, cô quỳ xuống. “Chốt an toàn mở rồi đấy, cẩn thận.”

Cô nhặt hai đoạn băng cao su, bọc giày. Lấy lại súng, cô bảo anh ta làm theo.

Tay run rẩy, anh ta đeo băng cao su vào.

“Tôi nghĩ…”

“Im lặng. Có thể hắn vẫn còn ở đây.”

“Đợi chút, thưa cô”, nhân viên y tế thầm thì. “Cái này không có trong phần công việc của tôi.”

“Của tôi cũng chẳng có. Cầm lấy đèn này.” Cô đưa cho anh ta cái đèn pin.

“Nhưng mà nếu hắn ở đây, có thể hắn sẽ bắn vào chỗ sáng. Ý tôi là, nếu là tôi, tôi sẽ bắn như vậy.”

“Thế thì nâng cao nó lên. Trên vai tôi đây này. Tôi sẽ đi trước. Và nếu có ai đó dính đạn, người ấy sẽ là tôi.”

“Lúc ấy thì tôi làm gì?” Tad hỏi như một cậu bé.

“Tôi sẽ chạy như điên”, Sachs lầm bầm. “Giờ thì theo tôi. Và giữ đèn cho chắc vào.”

Tay trái kéo lê cái va li CS, súng giương trước mặt, cô nhìn xuống nền đất khi bước vào trong bóng tối. Cô lại nhìn thấy vết chổi quen thuộc, giống như tại hiện trường lúc trước.

“Bitte nicht, bitte bicht, bitte…”, một tiếng thét ngắn, sau đó im lặng.

“Có chuyện quái quỷ gì ở đây thế?” Tad thầm thì.

“Suỵt”, Sachs ngăn lại.

Họ bước đi từ từ. Sachs thổi vào các ngón tay đang nắm chặt khẩu Glock – để làm khô mồ hôi – và thận trọng ngắm nhìn những mục tiêu ngẫu nhiên là những cây cột gỗ, bóng tối và bỏ qua những thứ máy móc bị cây đèn pin không ổn định trong tay Tad chiếu sáng.

Cô không tìm thấy dấu chân nào.

Tất nhiên là không rồi. Hắn thật thông minh.

Nhưng ta cũng thông minh, cô nghe thấy Lincoln nói trong đầu. Cô bảo anh ta câm đi.

Giờ thì đi chậm hơn.

Năm feet nữa. Dừng lại. Rồi chậm chạp tiến lên phía trước. Cố không để ý đến tiếng rên la của cô gái. Cô lại cảm thấy nó – cái cảm giác bị theo dõi, những móng vuốt trơn trượt của cái nhìn sắt đá đang theo dõi mình. Áo giáp không thể chống lại được đạn vỏ kim loại. Một nửa bọn người xấu dùng đạn Black Talons – vì thế một phát súng vào tay hay vào chân cũng giết chết anh ngon lành như một phát vào ngực. Mà còn đau đớn hơn rất nhiều. Đã có lần Nick nói với cô rằng, một trong những viên đạn như vậy có thể xé tung cơ thể; một trong những đồng sự của anh đã chết trên tay anh khi bị hai viên đạn ác hiểm này bắn trúng.

Phía trên và đằng sau…

Nghĩ đến anh, cô nhớ lại một đêm, nằm dựa vào lồng ngực vững chãi của Nick, nhìn ngắm khuôn mặt Italia đẹp trai của anh trên gối, khi anh kể cho cô nghe về cuộc tấn công giải cứu con tin – “Nếu ai đó bên trong muốn hạ anh khi anh đi vào, hắn sẽ làm điều đó từ phía trên và đằng sau…”

“Mẹ kiếp.” Cô khom người quỳ xuống, quay người lại, chĩa khẩu Glock lên trần, sẵn sàng nhả hết băng đạn.

“Gì thế?” Tad rúm người lại thầm thì. “Gì thế?”

Cảm giác trống rỗng tóm lấy cô.

“Không có gì.” Hít thở thật sâu, cô đứng dậy.

“Đừng làm thế.”

Có tiếng ríu rít đằng trước họ.

“Lạy Chúa”, giọng nói the thé của Tad lại vang lên. “Tôi ghét chuyện này.”

Thằng cha này tệ thật, cô nghĩ. Mình biết thế vì hắn cứ nói ra mọi điều mà chính mình cũng muốn nói ra.

Cô ngừng lại. “Chiếu đèn vào đây. Phía trước.”

“Ôi, lạy Chúa tôi…”

Sachs ngay lập tức hiểu được đám lông mà cô tìm thấy tại hiện trường lần trước là gì. Cô nhớ đến cái nhìn mà Sellitto và Rhyme trao đổi với nhau. Anh ta biết điều đối tượng đã chuẩn bị. Anh ta biết điều này sẽ xảy ra với cô ta – nhưng anh ta vẫn bắt đội ESU phải đợi. Cô lại càng ghét anh ta hơn.

Trước mặt họ là một cô gái tròn trĩnh nằm vạ vật trên sàn nhà, giữa một vũng máu. Cô ta nhìn về phía ánh sáng bằng ánh mắt đờ đẫn rồi ngất đi. Vừa lúc đó, một con chuột đen khổng lồ – to như một con mèo nhà – bò lên bụng cô ta rồi tiếp tục hướng về phía cổ họng. Nó nhe những chiếc răng bẩn thỉu, chuẩn bị cắn vào cằm cô gái.

Sachs nhẹ nhàng nâng khẩu Glock cồng kềnh lên, bàn tay trái cô đỡ báng súng. Cô ngắm thật cẩn thận.

Bắn súng cũng giống như hít thở.

Hít vào, thở ra. Bóp cò.

Đó là lần đầu tiên cô bắn kể từ lúc bắt đầu đi làm. Bốn phát. Con chuột khổng lồ đang đứng trên ngực cô gái nổ tung. Cô bắn một con khác ở phía sau trên sàn và một con nữa, trong cơn hoảng loạn nó đã lao về phía Sachs và anh chàng nhân viên y tế. Những con khác lặng lẽ biến mất, như nước thấm xuống cát.

“Lạy Chúa”, anh chàng nhân viên y tế nói. “Cô có thể bắn cả cô ta đấy.”

“Cách ba mươi feet ư?” Sachs nói. “Khó lắm.”

Máy bộ đàm lên tiếng và Haumann hỏi có phải họ bị bắn hay không.

“Không”, Sachs trả lời. “Chỉ bắn vài con chuột thôi.”

“Nghe rõ.”

Cô lấy chiếc đèn pin từ anh chàng nhân viên y tế, chiếu nó xuống thấp và tiến lên phía trước.

“Ổn rồi”, Sachs nói. “Em sẽ ổn thôi.”

Cô gái mở mắt, quay đầu sang hai bên.

“Bitte, bitte…”

Trông cô ta rất nhợt nhạt. Đôi mắt xanh của cô ta dán vào mắt Sachs, cứ như cô ta sợ phải nhìn ra chỗ khác. “Bitte, bitte, nàm ơn đi...”

Cô ta điên dại khóc lóc rồi bắt đầu sụt sùi và run rẩy vì hoảng sợ khi anh chàng nhân viên y tế băng những vết thương cho cô ta.

Sachs đỡ mái đầu vàng óng, đầy máu của cô gái, nựng nịu: “Em sẽ ổn thôi, em bé, em sẽ ổn thôi…”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 14


Trong văn phòng, cao phía trên trung tâm Manhattan, nhìn xuống khu Jersey. Những thứ vớ vẩn trong không khí càng làm cho buổi hoàng hôn trở nên tuyệt đẹp.

“Ta phải làm.”

“Không thể được.”

“Phải làm”, Fred Dellray nhắc lại và nhấp một ngụm cà phê – tệ hơn cả cà phê của nhà hàng mà Scruff và anh ta vừa ngồi cách đây một lúc. “Lấy của họ đi. Họ sẽ chấp nhận.”

“Đây là một vụ của địa phương”, đặc vụ FBI, người phó phụ trách văn phòng Manhattan đáp lời. ASAC là một người đàn ông kỹ tính, người không thể hoạt động nằm vùng – vì chỉ cần nhìn thấy anh ta, người ta sẽ nghĩ ngay, ô kìa, đặc vụ FBI.

“Đây không phải vụ địa phương. Họ coi nó như vụ địa phương thôi. Nhưng đây là một vụ lớn.”

“Chúng ta bị mất tám mươi người vào vụ Liên Hiệp Quốc.”

“Nhưng việc này có liên quan”, Dellray nói. “Tôi chắc chắn.”

“Thế thì ta sẽ thông báo cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Để mọi người…Thôi nào, đừng có nhìn tôi thế.”

“Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc? Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc? Này, anh có biết từ mâu thuẫn nghĩa là gì không?... Billy, anh đã xem tấm ảnh chưa? Hiện trường vụ án sáng nay ấy? Một cái tay thò lên khỏi mặt đất, ngón tay bị lột hết da? Cái thằng khốn bệnh hoạn đó vẫn còn lang thang ngoài kia.”

“NYPD vẫn tiếp tục cung cấp thông tin cho ta”, ASAC nói. “Ta sẽ để Chuyên gia về Hành vi trực điện thoại nếu họ muốn.”

“Lạy Chúa trên Thánh giá thiêng liêng. ‘Chuyên gia về Hành vi trực điện thoại’? Ta phải tóm thằng sát nhân ấy, Billy. Bắt hắn đi. Không phải đoán xem hắn định làm trò gì.”

“Nói lại tôi nghe xem đặc tình của anh đã nói gì?”

Nếu một hòn đá có kẽ nứt thì Dellray sẽ nhận ra và không để nó có cơ hội liền lại. Giờ là lúc tăng hỏa lực: nói về Scruff và Jackie ở Johannesbug hoặc Monrovia và những lời đồn đại trong vụ buôn lậu vũ khí về điều gì đó đang diễn ra tại sân bay New York trong tuần này nên phải tránh xa chỗ đó ra. “Đấy là hắn ta”, Dellray nói. “Chắc chắn thế.”

“NYPD đã thành lập nhóm đặc nhiệm.”

“Không phải Đội Chống khủng bố (A-T). Tôi đã gọi điện. Chẳng có người nào trong A-T biết tí gì về chuyện này. Đối với NYPD thì: khách du lịch bị giết có nghĩa là quan hệ công chúng kém. Tôi muốn vụ này, Billy.” Sau đó Fred Dellray nói hai từ mà anh ta chưa bao giờ thốt ra trong suốt tám năm làm mật vụ chìm. “Làm ơn.”

“Anh có căn cứ gì không?”

“Ôi giời, hỏi vớ vẩn”, Dellray nói, chỉ tay như một thầy giáo quở trách học sinh. “Xem nào, chúng ta đã có một bộ luật chống khủng bố thật là bảnh. Nhưng nếu anh thấy thế vẫn chưa đủ, chắc anh còn muốn quyền hạn pháp lý? Tôi sẽ cho anh quyền hạn pháp lý. Trọng tội Bang. Bắt cóc. Tôi có thể lý luận rằng thằng khốn ấy lái taxi nên nó có thể ảnh hưởng đến thương mại liên bang. Chúng ta không phải chơi những cái trò ấy chứ, phải không Billy?”

“Anh chẳng nghe gì cả, Dellray. Tôi có thể trích dẫn Luật Hoa Kỳ ngay khi đang ngủ, cảm ơn anh. Tôi muốn biết nếu chúng ta làm vụ này, chúng ta sẽ nói gì để mọi người hài lòng? Vì anh hãy nhớ rằng, sau khi đối tượng này quậy phá chúng ta phải tiếp tục làm việc với NYPD. Tôi sẽ không đưa đại ca của tôi đi chiến đấu với đại ca của họ mặc dù tôi có thể làm thế. Bất kỳ lúc nào tôi muốn. Lon Sellitto đang điều tra vụ án và anh ta là người tốt.”

“Một tay trung úy?” Dellray khịt mũi nghi ngờ. Anh ta cầm điếu thuốc gắn sau tai đưa lên mũi ngửi.

“Jim Polling chịu trách nhiệm.”

Dellray ngửa người ra sau, giả vờ hoảng sợ. “Polling? Chàng Adolph Nhí? Cái anh chàng Polling luôn dọa dẫm: Mày có quyền im lặng vì tao sắp đập vỡ mẹ cái đầu mày ra. Anh ta đấy à?”

ASAC không đáp lại. Anh ta nói: “Sellitto giỏi. Một con người thực sự. Tôi đã làm việc với anh ta trong hai đội đặc nhiệm OC.”

“Tên này đang giết người lung tung và rất có thể hắn ta sẽ mở đường lên trên.”

“Nghĩa là gì?”

“Trong thành phố có thượng nghị sĩ, có hạ nghị sĩ, có lãnh đạo Nhà nước. Tôi cho rằng hắn ta giết những người vừa rồi chỉ là để thực tập.”

“Anh đã nói chuyện với Chuyên gia về Hành vi mà không cho tôi biết?”

“Đó là điều tôi đánh hơi thấy.” Dellray sờ mũi.

ASAC thở ra. “Người đưa tin là ai?”

Dellray không cho rằng Scruff là người đưa tin đáng tin cậy, nghe cứ như trích đoạn trong tiểu thuyết của Dashiell Hammett[87].

Phần lớn bọn đưa tin đều là những bộ xương, có nghĩa là bọn trộm vặt gầy nhẵng, kinh tởm. Hoàn toàn phù hợp với Scruff.

“Hắn là đồ mạt rệp”, Dellray công nhận. “Nhưng Jackie, anh chàng mà hắn nghe được tin thì rất chắc chắn.”

“Tôi biết anh muốn vụ này, Fred. Tôi hiểu.” ASAC nói với một chút thông cảm. Vì anh ta biết chắc chắn đằng sau yêu cầu của Dellray là gì.

Kể từ khi còn là một cậu bé ở Brooklyn, Dellray đã muốn làm cớm. Kiểu cớm gì không quan trọng, chỉ cần anh ta có thể dành hai mươi tư giờ trong ngày để mà làm cớm. Nhưng ngay sau khi vào cục, anh ta đã tìm được nghề nghiệp đích thực của mình – cớm chìm.

Cùng với cộng sự thẳng thắn và thiên thần hộ mệnh của mình là Toby Dolittle, Dellray đã đưa nhiều tên tội phạm vào tù với thời gian rất dài – tổng cộng lên tới cả nghìn năm (“Này Toby-o, bọn chúng gọi mình là Đội Thiên Niên Kỷ đấy”, có lần anh ta đã tuyên bố với người cộng sự của mình như vậy). Mấu chốt thành công của Dellray là biệt hiệu của anh ta, “Kỳ nhông”. Biệt hiệu này được đặt cho anh ta khi chỉ trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, anh ta đóng giả một tên nghiện say thuốc trong tiệm ma túy tại Harlem và ngay sau đó là một quan chức Haiti trong buổi dạ tiệc tại tòa lãnh sự Panama, với một chiếc băng đỏ vắt chéo qua ngực và giọng nói Haiti không sai biệt tí nào. Họ thường xuyên được điều sang làm việc cho ATF và DEA[88], đôi khi cho cả các sở cảnh sát. Ma túy và vũ khí là chuyên môn của họ, mặc dù thỉnh thoảng họ cũng làm vài vụ buôn lậu.

Sự mỉa mai của nghề cớm chìm là anh càng giỏi thì anh càng về hưu sớm. Tin đồn sẽ lan truyền, vì thế những ông lớn, những tên tội phạm đáng giá khó bị bịp hơn. Dolittle và Dellray thấy mình không còn làm nhiều ngoài hiện trường nữa mà chuyển sang quản lý đặc tình và mật vụ. Đó chẳng phải là sự lựa chọn hàng đầu của Dellray – chẳng có gì khiến anh ta phấn khích hơn đường phố – đường phố vẫn lôi anh ta khỏi văn phòng thường xuyên hơn tất cả các đặc vụ khác trong Cục. Chưa bao giờ anh ta nghĩ tới chuyện chuyển đổi.

Cho tới hai năm trước – một buổi sáng tháng Tư ấm áp ở New York. Đúng lúc Dellray chuẩn bị rời văn phòng để bắt chuyến bay ở sân bay La Guardia thì anh ta nhận được cuộc gọi của trợ lý giám đốc Cục từ Washington. FBI là một mớ hỗn độn các thứ bậc và Dellray chẳng hình dung ra vì sao chính ông lớn lại gọi điện. Cho tới khi anh ta nghe thấy giọng nói u sầu của giám đốc điều hành cho biết tin Toby Dolittle cùng trợ lý công tố viên đến từ Manhattan có mặt ở tầng trệt của tòa nhà liên bang Thành phố Oklahoma vào buổi sáng hôm ấy, chuẩn bị cho buổi hỏi cung mà Dellray sẽ đến.

Ngày hôm sau thi thể của họ được đưa về New York.

Đó cũng là ngày Dellray nộp lá đơn RFT-2230 đầu tiên của mình đề nghị được thuyên chuyển sang A-T của Cục.

Với Fred Dellray, người luôn coi thường mọi vấn đề liên quan đến chính trị và triết học, vụ đánh bom này lại là tội ác của mọi tội ác. Anh ta cho rằng lòng tham và sự thác loạn chẳng phải là những thói quen xấu của người Mỹ – này, những thói quen đó được khuyến khích ở khắp mọi nơi, từ Phố Wall cho tới Capital Hill. Và nếu như những kẻ làm ăn bằng lòng tham và sự thác loạn đôi khi vượt quá biên giới của luật pháp thì Dellray sẵn sàng theo họ đến cùng – nhưng anh ta chẳng bao giờ làm việc đó chỉ vì lòng thù hận cá nhân. Còn giết người vì niềm tin của họ – mẹ kiếp, giết cả trẻ con trước khi chúng biết mình tin điều gì – lạy Chúa, đó là nhát dao đâm vào trái tim đất nước. Ngồi một mình trong căn hộ hai phòng thoáng đãng của mình ở Brooklyn sau đám tang của Toby, Dellray có quyết định đó chính là loại tội ác mà anh ta muốn săn đuổi.

Nhưng không may là tiếng tăm của Kỳ nhông đã vượt trước anh ta. Cớm chìm giỏi nhất của Cục giờ đây là người quản lý tốt nhất của họ, điều hành mật vụ và đặc tình của cả vùng East Coast. Các sếp của anh ta không thể để anh ta chuyển sang một trong những phòng ban yên ả hơn của FBI. Dellray là một truyền thuyết nhỏ hơn, người đã đem đến những vụ thành công lớn nhất mới đây của Cục. Vì vậy, yêu cầu tha thiết của anh ta bị từ chối với sự tiếc nuối lớn.

ASAC biết rõ về câu chuyện của Dellray, và lúc này anh ta nói rất chân thành: “Fred, tôi ước tôi có thể giúp được anh. Tôi xin lỗi.”

Nhưng trong những lời nói đó, Dellray lại thấy vết nứt đã rộng hơn. Con Kỳ nhông biến màu, nhìn chăm chăm vào ông chủ của mình. Anh ta ước mình vẫn còn chiếc răng vàng giả. Gã đàn ông đầu đường xó chợ Dellray là một thằng cha khó trị, có cái nhìn hung dữ của một tay anh chị. Trong cái nhìn đó chứa đựng một thông điệp mà bất kỳ tên giang hồ nào cũng hiểu ngay tức khắc: Tao đã hầu mày, giờ đến lượt mày hầu tao.

Cuối cùng thì ASAC cũng ấp úng nịnh bợ: “Chỉ là chúng tôi cần có thứ gì đó?”

“Thứ gì đó?”

“Móc”, ASAC nói, “chúng tôi cần một cái móc.”

Ý anh ta là một lý do để lôi vụ này ra khỏi NYPD.

Chính trị, chính trị, chính trị mẹ nó ấy.

Dellray cúi đầu, nhưng đôi mắt, nâu như xi giày, không rời ASAC một mm. “Billy, sáng nay hắn lóc da tay nạn nhân. Đến tận xương. Rồi chôn sống anh ta.”

Hai tay chống cằm, ASAC chậm rãi nói: “Tôi có một ý. Phó thanh tra NYPD. Tên là Eckert. Anh biết ông ta chứ? Ông ta là bạn tôi.”

Cô gái nằm trên cáng, nhắm mắt, tỉnh táo, nhưng váng vất. Vẫn nhợt nhạt. Ống tiếp đường gắn vào cánh tay. Sau khi được tiếp đường, cô đã suy nghĩ mạch lạc hơn và bình tĩnh đến mức đáng ngạc nhiên, sau mọi chuyện vừa rồi.

Sachs quay lại những cánh cổng địa ngục và đứng đó nhìn xuống khung cửa màu đen. Cô bấm bộ đàm gọi Lincoln Rhyme. Lần này thì anh ta trả lời.

“Hiện trường trông thế nào?” Rhyme hỏi một cách tự nhiên.

Cô trả lời cộc lốc. “Chúng tôi đã đưa cô ấy ra, nếu như anh quan tâm.”

“À, tốt. Cô ta thế nào?”

“Không ổn.”

“Nhưng còn sống chứ?”

“Gần chết.”

“Cô tức giận vì bọn chuột, phải không Amelia?”

Cô không trả lời.

“Vì tôi không cho người của Bo vào ngay. Cô còn đó không, Amelia?”

“Tôi ở đây.”

“Có năm yếu tố làm ô nhiễm hiện trường”, Rhyme giải thích. Cô nhận thấy anh ta lại chuyển sang cách nói chậm rãi, đầy quyến rũ. “Thời tiết, gia đình nạn nhân, đối tượng, những kẻ săn tìm đồ lưu niệm. Nhưng yếu tố cuối cùng là tệ hại nhất. Cô đoán xem đó là gì?”

“Nói tôi nghe.”

“Cảnh sát. Nếu tôi để ESU vào, họ có thể phá hủy mọi dấu vết. Giờ thì cô biết cách xử lý hiện trường rồi. Tôi cá là cô giữ mọi thứ trong tình trạng tốt.”

Sachs cần phải nói: “Tôi không nghĩ là cô ấy sẽ hồi phục như xưa sau vụ này. Lũ chuột bò đầy lên người cô ấy.”

“Đúng. Tôi có thể hình dung ra bọn chúng. Đấy là bản chất của chúng mà.”

Bản chất của chúng…

“Nhưng năm hay mười phút thì có khác biệt gì đâu. Cô ấy…”

Cách.

Cô tắt bộ đàm, đi ra chỗ Walsh, anh chàng nhân viên y tế.

“Tôi muốn phỏng vấn cô ta. Cô ta có quá váng vất không?”

“Không đến mức thế. Chúng tôi đã gây mê tại chỗ cho cô ấy – để khâu những vết rạch và vết cắn. Khoảng nửa tiếng nữa cô ấy cần thuốc giảm đau.”

Sachs mỉm cười và quỳ xuống cạnh cô gái: “Chào em, em thế nào?”

Cô gái, béo nhưng rất đẹp, gật đầu.

“Tôi hỏi em vài câu, được không?”

“Được. Nàm ơn. Em muốn chị tóm được hắn.”

Sellitto đến và bước thong thả đến chỗ họ. Anh ta mỉm cười với cô gái, người nhìn lại anh ta bằng ánh mắt trống rỗng. Anh ta đưa cho cô ta xem cái thẻ mà cô ta không thèm quan tâm và xưng danh.

“Cô ổn chứ, thưa cô?”

Cô gái nhún vai.

Đổ mồ hôi ròng ròng trong cái nóng oi bức, Sellitto gọi Sachs sang một bên. “Polling đến đây chưa?”

“Không nhìn thấy anh ta. Có thể anh ta ở nhà Lincoln.”

“Không, tôi vừa gọi điện đến đó. Chắc anh ta phải đến ngay Tòa Thị chính.”

“Có chuyện gì thế?”

Sellitto hạ giọng, khuôn mặt bềnh bệch của anh ta nhăn nhúm. “Chuyện tệ hại – liên lạc của chúng ta đúng ra phải được mã hóa an toàn. Nhưng bọn nhà báo khốn kiếp không hiểu đã làm thế nào mà giải mã được. Chúng nghe thấy chúng ta không vào ngay để cứu nạn nhân.” Anh ta hất đầu về phía cô gái.

“Ừ. Chúng ta không vào ngay”, Sachs cay nghiệt trả lời. “Rhyme bảo ESU chờ tôi đến.”

Viên thám tử cau mày. “Trời ơi, tôi hy vọng họ không ghi lại được câu đó. Ta cần Polling để kiểm soát thiệt hại.” Anh ta gật đầu với cô gái. “Cô phỏng vấn cô ta chưa?”

“Chưa. Tôi vừa bắt đầu.” Với một chút tiếc nuối, Sachs bấm nút bộ đàm và nghe giọng nói khẩn cấp của Rhyme.

“… cô có đấy không? Cái thứ chết tiệt này không…”

“Tôi đây”, Sachs lạnh lùng nói.

“Có chuyện gì thế?”

“Nhiễu sóng, chắc thế. Tôi đang ở cùng nạn nhân.”

Cô gái chớp mắt khi nghe cuộc trao đổi và Sachs mỉm cười.

“Chị không nói chuyện một mình”, cô chỉ cái mic. “Trụ sở cảnh sát. Tên em là gì?”

“Monelle. Monelle Gerger.” Cô ta nhìn cánh tay bị cắn xé xủa mình, kéo lớp băng bó và kiểm tra vết thương.

“Phỏng vấn cô ta nhanh”, Rhyme hạ lệnh, “sau đó khám nghiệm hiện trường.”

Lấy tay che mic, cô thì thầm giọng gắt gỏng với Sellitto: “Làm việc với ông này khó chịu quá. Thưa ngài.”

“Đùa với anh ta đi, sĩ quan.”

“Amelia!” Rhyme quát. “Trả lời tôi đi!”

“Chúng tôi đang phỏng vấn cô ấy, được chưa?” Cô đáp trả.

Sellitto hỏi: “Cô có thể nói chúng tôi biết điều gì xảy ra được chứ?”

Monelle bắt đầu nói, một câu chuyện rời rạc về phòng giặt là của khu chung cư tại East Village. Hắn đã nấp đợi cô.

“Khu chung cư nào?” Sellitto hỏi.

“Deutsche Haus. Ông biết đấy, ở đó chủ yếu là sinh viên và người nhập cư Đức.”

“Sau đó chuyện gì đã xảy ra?” Sellitto hỏi tiếp. Sachs nhận thấy mặc dù viên thám tử to lớn trông có vẻ thô lỗ hơn, xấu tính hơn Rhyme, nhưng thực ra anh ta lại là người tử tế.

“Hắn ném tôi vào cốp xe và chở đến đây.”

“Cô có nhìn thấy hắn ta không?”

Cô gái nhắm mắt lại. Sachs nhắc lại câu hỏi và Monelle nói cô không nhìn thấy; hắn ta đeo chiếc mặt nạ trượt tuyết màu xanh hải quân, đúng như Rhyme đã đoán.

“Und[89] găng tay.”

“Cô tả lại đôi găng tay đi.”

Màu tối. Cô ta không nhớ chính xác là màu gì.

“Có điều gì bất thường không? Tên bắc cóc ấy?”

“Không. Hắn là người da trắng. Em có thể chắc với chị như thế.”

“Cô có nhìn thấy biển số của chiếc taxi không?” Sellitto hỏi.

“Was[90]?” Cô gái hỏi lại bằng tiếng mẹ đẻ.

“Cô có nhìn thấy…”

Sachs nhảy dựng lên khi Rhyme cắt ngang. “Das Nummernschild[91].”

Nghĩ thầm: Thế quái nào mà anh ta biết hết mọi thứ được nhỉ? Cô nhắc lại câu đó, cô gái lắc đầu sau đó hé mắt nhìn. “Ý anh là gì, taxi?”

“Chẳng phải là hắn lái chiếc Yellow Cab hay sao?”

“Taxi? Nein. Không. Một chiếc xe bình thường.”

“Nghe thấy không, Lincoln?”

“Rồi. Anh chàng của chúng ta có chiếc xe khác. Hắn cho cô ta vào cốp xe, có nghĩa đó không phải là xe van hay loại hatchback.”

Sachs nhắc lại câu đó. Cô gái gật đầu. “Giống như chiếc sedan.”

“Cô có ý tưởng gì về chất liệu hay màu sắc không?” Sellitto tiếp tục.

Monelle trả lời. “Tôi nghĩ là màu sáng. Có thể là màu bạc hay màu xám. Hoặc là, màu gì ý nhỉ? Nâu sáng.”

“Màu be.”

Cô ta gật đầu.

“Có thể là màu be”, Sachs nói thêm hộ Rhyme.

Sellitto hỏi: “Có gì trong cốp xe không? Bất kỳ thứ gì? Dụng cụ, quần áo, va li?”

Monelle nói không có gì. Cốp xe trống rỗng.

Rhyme hỏi. “Trong cốp xe có mùi gì không?”

Sachs chuyển tiếp câu hỏi.

“Tôi không biết.”

“Mùi dầu mỡ?”

“Không. Nó có mùi… sạch sẽ.”

“Thế thì có thể là xe mới”, Rhyme đoán.

Trong một khắc, Monelle bật khóc. Sau đó cô ta lắc đầu. Sachs cầm tay cô ta và cô ta tiếp tục. “Chúng tôi đi rất lâu. Có vẻ như rất lâu.”

“Em làm tốt lắm, em bé ạ”, Sachs nói.

Giọng Rhyme cắt ngang. “Bảo cô ta cởi quần áo ra.”

“Cái gì?”

“Cởi quần áo cô ta ra.”

“Không đâu.”

“Bảo nhân viên y tế đưa cho cô ta cái áo choàng dài. Ta cần quần áo của cô ấy, Amelia.”

“Nhưng”, Sachs thì thầm. “Cô ấy đang khóc.”

“Làm ơn đi”, Rhyme khẩn khoản nói. “Quan trọng lắm đấy.”

Sellitto gật đầu và Sachs, môi mím chặt, giải thích cho cô gái chuyện quần áo và thấy ngạc nhiên khi Monelle gật đầu. Hóa ra cô ta cũng đang rất muốn thoát khỏi bộ quần áo đẫm máu. Để cô ta được riêng tư, Sellitto ra chỗ khác nói chuyện với Bo Haumann. Monelle mặc chiếc áo choàng do nhân viên y tế đưa và một thám tử chìm bọc cô ta lại bằng cái áo khoác thể thao của anh ta. Sachs cho chiếc quần bò và cái áo phông vào túi.

“Tôi lấy được rồi”, Sachs nói vào máy bộ đàm.

“Bây giờ thì cô ta phải cùng đi khám nghiệm hiện trường với cô”, Rhyme nói.

“Cái gì?”

“Nhưng phải chắc là cô ta đi sau cô. Để cô ta không làm ô nhiễm vật chứng.”

Sachs nhìn người phụ nữ trẻ tuổi đang nằm trên cáng lăn cạnh hai chiếc xe bus EMS.

“Cô ấy không có khả năng làm việc đó đâu. Hắn đã cắt cô ấy đến tận xương. Cô ấy bị mất máu và bị chuột cắn.”

“Cô ta có đi lại được không?”

“Có thể. Nhưng anh có biết cô ấy vừa trải qua điều gì không?”

“Cô ta có thể dẫn cô đi theo đường họ đã đi. Cô ta có thể nói với cô, nơi hắn đã đứng.”

“Cô ấy phải được cấp cứu. Cô ấy mất rất nhiều máu.”

Một chút ngần ngừ. Anh ta nói, vẻ vui mừng: “Hỏi cô ta xem.”

Nhưng sự vui mừng của anh ta đầy giả tạo, điều mà Sachs nghe thấy chỉ là sự nôn nóng. Cô có thể nói Rhyme là người không quen với việc chiều chuộng người khác, là người không phải chiều chuộng người khác. Anh ta là người quen với việc làm theo cách của mình.

Anh ta dai dẳng: “Chỉ cần đan lưới một lần thôi.”

Chết mẹ anh đi, Lincoln Rhyme.

“Việc này…”

“Quan trọng. Cô biết mà.”

Từ đầu dây bên kia chẳng có gì.

Cô đang nhìn Monelle. Sau đó cô nghe thấy một giọng nói, không, giọng nói của chính cô đang nói với cô gái: “Chị sẽ xuống dưới kia tìm chứng cứ. Em có đi với chị không?”

Ánh mắt của cô gái đâm sâu vào tim cô. Lệ tuôn trào: “Không, không, không. Em không đi đâu. Bitte nicht, oh, bitte nicht…”

Sachs gật đầu, nắm chặt tay cô gái. Cô bắt đầu nói vào mic, lên tinh thần để đáp lại phản ứng của anh ta. Nhưng Rhyme làm cô ngạc nhiên khi nói: “Được rồi, Amelia. Thế thì thôi. Chỉ cần hỏi cô ta khi họ đến đó thì chuyện gì xảy ra?”

Cô gái kể lại cô đã đá hắn như thế nào và chạy vào đường hầm kề bên.

“Em đá hắn lần nữa”, cô nói với một chút hài lòng. “Đánh hắn rơi cả găng tay. Sau đó hắn nổi điên và bóp cổ em. Hắn…”

“Không đeo găng tay?” Rhyme thốt lên.

Sachs nhắc lại câu hỏi và Monelle nói: “Vâng.”

“Dấu tay, tuyệt vời!” Rhyme hét, giọng anh ta lạc đi trong mic. “Chuyện ấy xảy ra lúc nào? Cách đây bao lâu?”

Monelle đoán khoảng tiếng rưỡi trước.

“Chết tiệt”, Rhyme lầm bầm. “Dấu tay trên da chỉ tồn tại khoảng một tiếng hoặc chín mươi phút là cùng. Cô có lấy được dấu tay trên da không, Amelia?”

“Tôi chưa bao giờ làm.”

“Thế hả. Thế thì giờ cô sẽ làm. Nhưng nhanh lên. Trong va li CS có một cái gói dán nhãn Kromekote. Lấy một cái thẻ ra.”

Cô tìm thấy một chồng thẻ bóng nhoáng, kích thước năm nhân bảy, trông giống giấy ảnh.

“Có rồi. Tôi có cần phun bụi vào cổ cô ấy không?”

“Không. Đè cái thẻ, mặt bóng xuống dưới, lên da cô ta, chỗ mà cô ta nghĩ hắn đã chạm vào. Giữ nó khoảng ba giây.”

Sachs làm theo, trong khi đó Monelle nhìn vô định lên trời. Sau đó, theo chỉ thị của Rhyme, cô phun bụi kim loại lên tấm thẻ bằng ống thổi Magna-Brush.

“Thế nào?” Rhyme sốt ruột hỏi.

“Không tốt. Có hình dạng của ngón tay, nhưng không thấy vân tay rõ ràng. Tôi vứt nó đi được chứ?”

“Không bao giờ vứt đi bất kỳ thứ gì từ hiện trường vụ án, Sachs”, Rhyme lạnh lùng lên lớp. “Đem nó về, đằng nào tôi cũng muốn xem nó.”

“Có một việc mà em nghĩ là em quên”, Monelle nói. “Hắn chạm vào em?”

Sachs dịu dàng hỏi: “Ý em là hắn quấy rối em. Hiếp dâm?”

“Không, không. Không theo kiểu tình dục. Hắn chạm vai em, mặt, mông, tai em. Khuỷu tay. Hắn bóp em. Em không hiểu vì sao?”

“Anh nghe thấy chứ, Lincoln? Hắn chạm vào cô ấy. Nhưng có vẻ việc đó không làm cho hắn được thỏa mãn.”

“Ừ.”

“Und… em quên một việc nữa.” Monelle nói. “Hắn nói được tiếng Đức. Không tốt lắm. Giống như hắn có học ở trường. Và hắn gọi em là Hanna.”

“Gọi cô ấy là gì?”

“Hanna”, Sachs nhắc lại vào mic. “Em có biết vì sao không?” Cô hỏi cô gái.

“Không. Nhưng hắn chỉ gọi em thế thôi. Hắn có vẻ thích gọi cái tên ấy.”

“Anh nghe được chứ, Lincoln.”

“Có, tôi nghe được. Giờ thì khám nghiệm hiện trường. Thời gian đang bị lãng phí đấy.”

Khi Sachs đứng lên, Monelle bất ngờ vươn tay nắm lấy cổ tay cô.

“Chị… Sachs, chị có phải người Đức không?”

Cô mỉm cười trả lời. “Lâu lắm rồi. Vài thế hệ trước.”

Monelle gật đầu. Cô ép tay Sachs lên má: “Vielen Dank[92]. Cám ơn chị, Sachs. Danke schön[93].”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 15


Ba cây đèn halogen của ESU bật sáng, chiếu luồng ánh sáng trắng ma quái vào đường hầm tăm tối.

Đơn độc tại hiện trường, Sachs nhìn xuống sàn trong một khắc. Có gì đó đã thay đổi. Gì vậy?

Cô lại rút súng, khom người xuống. “Hắn ở đây”, cô thầm thì, bước ra sau một cây cột.

“Cái gì?” Rhyme hỏi.

“Hắn đã quay lại. Lúc nãy ở đây có mấy con chuột chết, giờ chúng đâu hết rồi.”

Cô nghe tiếng Rhyme cười.

“Có gì buồn cười vậy?”

“Không, Amelia. Bạn bè chúng đem xác chúng đi rồi.”

“Bạn bè chúng?”

“Có một vụ ở Harlem. Một cái xác bị cắt rời, phân rã. Có rất nhiều xương bị giấu trong một vòng tròn lớn xung quanh thân thể. Sọ trong cái trống dầu, ngón chân cái ở dưới đống lá… Nó làm cho cả khu hoảng loạn. Báo chí viết về những người thờ phụng quỷ Sa tăng, những kẻ giết người hàng loạt. Nhưng cuối cùng, thủ phạm là ai, cô biết không?”

“Chịu”, cô căng thẳng nói.

“Chính là nạn nhân. Đó là một vụ tự tử. Chồn hôi, chuột và sóc đã xử lý thi hài. Như chiến lợi phẩm. Không ai biết vì sao nhưng chúng thích đồ lưu niệm của chúng. Còn bây giờ, cô đang ở đâu?”

“Phía dưới đoạn đường dốc.”

“Cô thấy gì?”

“Một đường hầm rộng. Hai đường hầm bên cạnh, hẹp hơn. Trần nhà phẳng, được chống bằng cột gỗ. Các cây cột đều bị mòn và có khía. Sàn nhà bằng bê tông cũ, phủ đầy bụi.”

“Và phân bón?”

“Trông giống thế. Ở giữa, ngay trước mặt tôi là cây cột mà cô ta bị trói vào.”

“Cửa sổ?”

“Không có. Cũng không có cửa.” Cô nhìn xuyên qua đường hầm rộng, nền nhà biến vào một vũ trụ đen cách hàng nghìn dặm. Cô cảm thấy nanh vuốt của sự thất vọng. “Quá rộng! Diện tích phải khám nghiệm quá rộng.”

“Amelia. Thư giãn đi.”

“Tôi sẽ không tìm được bất cứ thứ gì ở đây.”

“Tôi biết việc này có vẻ quá sức. Nhưng hãy nhớ rằng chỉ có ba loại vật chứng chúng ta quan tâm. Vật thể, vật chất trên cơ thể và ấn tượng. Thế thôi. Nếu cô nghĩ thế thì sẽ bớt nản chí.”

Nói thì dễ.

“Còn hiện trường cũng không rộng như vẻ bề ngoài. Chỉ cần chú ý vào những nơi họ đi qua. Đến chỗ cây cột đi.”

Sachs đi trên con đường. Mắt nhìn xuống.

Đèn ESU sáng chói nhưng chúng cũng làm cho những cái bóng lộ rõ hơn, cho thấy vài chỗ tên bắt cóc có thể lẩn trốn. Một cơn lạnh chạy dọc sống lưng cô. Đừng rời xa, Lincoln, cô miễn cưỡng nghĩ. Tôi bực mình, chắc chắn rồi, nhưng tôi muốn nghe thấy anh. Hơi thở hay gì đó.

Cô dừng lại, chiếu đèn PoliLight lên sàn nhà.

“Mọi thứ bị quét sạch sẽ rồi à?” Anh ta hỏi.

“Đúng vậy. Giống như vụ trước.”

Áo giáp siết ngực cô, mặc dù cô đã mặc áo ngực thể thao, áo lót và cũng nóng như bên ngoài, nhưng ở trong này thì không thể chịu đựng được. Da cô nhức nhối và cô cảm thấy thèm được thò tay dưới áo để gãi ghê gớm.

“Tôi đến chỗ cột rồi.”

“Hút bụi chỗ ấy để tìm dấu vết.”

Sachs bật máy Dustbuster[94]. Cô ghét tiếng ồn. Nó át đi tiếng bước chân đến gần, tiếng bóp cò súng, tiếng rút dao. Tự nhiên cô miễn cưỡng nhìn ra sau lưng, một lần, hai lần. Suýt đánh rơi máy hút bụi khi tay cô lần tìm khẩu súng.

Sachs nhìn vào dấu vết do cơ thể của Monelle để lại trên lớp bụi. Mình là hắn ta. Mình kéo cô ta theo. Cô ta đá mình. Mình vấp…

Monelle chỉ có thể đá theo một hướng, ngược với phía đường dốc. Đối tượng không bị ngã, cô ta nói thế. Có nghĩa là hắn đã tiếp đất bằng chân. Sachs bước sâu vào bóng tối khoảng một, hai thước.

“Trúng rồi!” Sachs hô lên.

“Gì thế? Nói tôi nghe?”

“Dấu chân. Hắn bỏ qua một chỗ không quét.”

“Không phải dấu chân của cô ta chứ?”

“Không. Cô ấy đi giày chạy. Còn đây là loại giày đế phẳng. Giống như giày dạ hội. Hai dấu giày rất rõ. Chúng ta sẽ biết hắn đi giày cỡ nào.”

“Không, dấu giày không nói với ta về cỡ chân. Đế giày có thể to hay bé hơn phần trên. Nhưng nó vẫn có thể nói với ta điều gì đó. Trong va li CS có máy in tĩnh điện. Đó là một cái hộp nhỏ với một cây đũa bên trên. Sẽ có mấy tờ giấy acetate bên cạnh. Tách giấy ra, đặt acetate lên dấu chân và quét cây đũa lên trên.”

Cô tìm thấy thiết bị đó và in được hai bức hình dấu chân. Thận trọng cho chúng vào một cái phong bì giấy.

Sachs quay lại chỗ cây cột. “Ở đây có vài cọng từ cái chổi.”

“Từ cái gì?...”

“Xin lỗi”, Sachs nói nhanh. “Ta không biết những cái cọng đó từ đâu rơi ra. Một mẩu cọng rơm. Tôi đang nhặt nó lên và cho nó vào túi.”

Ngày càng sử dụng bút chì thành thạo hơn. Này, Lincoln, đồ khốn nạn, có biết ta sẽ làm gì để ăn mừng ngày xa rời vĩnh viễn hiện trường vụ án không? Ta sẽ đi ăn đồ Tàu.

Những ngọn đèn halogen của ESU không chiếu được trong đường hầm mà Monelle đã chạy vào. Sachs ngừng lại ở ranh giới sáng tối, rồi lao vào trong bóng tối. Chùm sáng của cây đèn quét trên nền nhà phía trước cô.

“Nói với tôi đi, Amelia.”

“Không nhìn thấy gì nhiều. Hắn quét cả ở đây. Lạy Chúa, hắn đã tính trước mọi điều.”

“Cô nhìn thấy gì?”

“Chỉ có dấu trên đất.”

Mình chặn cô ta lại. Vật cô ta xuống. Mình phát khùng. Điên cuồng. Mình bóp cổ cô ta…

Sachs nhìn xuống nền nhà.

“Có gì đó ở đây này – dấu đầu gối. Khi hắn bóp cổ cô ta chắc chắn là hắn phải kẹp eo cô ta. Dấu đầu gối trái của hắn và hắn bỏ qua không quét.”

“Dùng máy in tĩnh điện đi.”

Cô làm theo, lần này đã nhanh hơn. Đã quen với thiết bị. Khi đang đưa bản in vào phong bì thì có gì đó khiến cô chú ý. Một vết nữa trên đất.

Cái gì thế nhỉ?

“Lincoln… Tôi đang nhìn một chỗ ở đây,… có vẻ như cái găng đã bị rơi ở đây. Khi họ đánh nhau.”

Cô bấm đèn PoliLight. Và không thể tin vào mắt mình.

“Một dấu tay. Tôi có một dấu vân tay!”

“Sao?” Rhyme ngạc nhiên hỏi. “Không phải của cô ta đấy chứ?”

“Không, không thể là dấu tay cô ấy. Tôi có thể nhìn thấy bụi chỗ cô ấy nắm. Tay cô ấy lúc nào cũng bị còng. Đây là chỗ hắn nhặt găng tay. Có thể hắn nghĩ hắn đã quét nhưng vẫn bỏ quên mất chỗ đó. Một cái dấu tay, to, đẹp hết ý!”

“Rắc bụi, chiếu sáng và chụp ảnh cỡ một-một thằng chó ấy đi.”

Cô chỉ cần chụp hai lần là có được tấm hình Polaroid rõ nét. Cô thấy mình như vừa nhặt được tờ một trăm đô la ngoài phố.

“Hút bụi chỗ đó rồi quay lại chỗ cây cột. Đan lưới đi”, anh nói với cô.

Cô chậm rãi đi tới lui trên sàn nhà. Từng foot một.

“Nhớ nhìn lên trên”, anh ta nhắc cô. “Đã có lần tôi tóm được thủ phạm chỉ nhờ một sợi tóc trên trần nhà. Hắn nạp đạn .357 vào khẩu .38 và phản lực đã thổi một sợi tóc của hắn dính lên phào trần.”

“Tôi đang tìm. Đây là mái ngói. Bẩn thỉu. Chẳng có gì khác. Chẳng có chỗ nào để giấu. Không gờ tường, không khung cửa.”

“Thế còn dấu tích dàn cảnh?” Anh hỏi.

Tới, lui. Năm phút trôi qua. Sáu, bảy.

“Có thể lần này hắn không để lại gì”, Sachs đề xuất. “Có thể Monelle là nạn nhân cuối cùng.”

“Không”, Rhyme nói chắc chắn.

Sau đó phía sau cây cột, một chớp sáng lọt vào mắt cô.

“Có gì đấy trong góc… Đúng rồi. Chúng đây rồi.”

“Chụp ảnh trước rồi hãy động vào nó.”

Cô chụp ảnh, sau đó dùng bút chì nhấc lên một búi vải trắng. “Đồ lót phụ nữ. Ướt.”

“Tinh dịch?”

“Tôi không biết”, cô nói. Băn khoăn không hiểu anh ta có bắt cô ngửi không.

Rhyme ra lệnh. “Thử đèn PoliLight. Protein sẽ phát sáng.”

Cô nhặt cây đèn, bật lên. Chỗ vải tỏa sáng, nhưng chất lỏng thì không.

“Cho nó vào túi. Túi nhựa. Còn gì nữa?” Anh ta thiết tha hỏi.

“Một cái lá. Dài, mỏng, một đầu nhọn.”

Nó bị cắt đã lâu, khô và ngả sang màu nâu.

Cô nghe tiếng Rhyme thở dài thất vọng. “Có khoảng tám nghìn loại cây lá rụng ở Manhattan”, anh ta giải thích. “Không có ích mấy. Có gì phía dưới cái lá?”

Vì sao anh ta lại nghĩ phía dưới có gì?

Nhưng hóa ra lại có. Một mẩu giấy báo. Một mặt trắng trơn, mặt bên kia in các tuần trăng.

“Mặt trăng?” Rhyme trầm ngâm. “Có chữ gì không? Thử phun ninhydrin và quét sáng thật nhanh xem sao?”

Chùm sáng cây đèn PoliLight không phát hiện được gì.

“Tất cả chỉ có vậy.”

Một khắc im lặng. “Những manh mối đó được đặt trên cái gì?”

“Ồ. Tôi không biết.”

“Cô phải biết.”

“À, trên nền nhà”, cô trả lời thăm dò. “Bụi bặm.” Chúng còn được đặt trên cái gì nữa nhỉ?

“Có giống bụi quanh đấy không?”

“Có.” Sau đó cô nhìn kỹ hơn. Khỉ thật, có khác. “À, không hẳn thế. Nó khác màu.”

Anh ta lúc nào cũng đúng.

Rhyme ra lệnh: “Cho vào túi. Túi giấy.”

Khi cô đang xúc lên. Anh ta nói: “Amelia?”

“Sao?”

“Hắn không ở đấy đâu”, Rhyme nói chắc chắn.

“Tôi đoán thế.”

“Tôi nghe thấy có gì đó trong giọng cô.”

“Tôi ổn”, cô nói ngắn gọn. “Tôi đang ngửi không khí. Tôi ngửi thấy mùi máu. Mùi mốc và nấm. Và cả mùi nước hoa dùng sau khi cạo râu.”

“Giống lần trước?”

“Đúng thế.”

“Đến từ đâu?”

Vừa ngửi không khí, Sachs vừa đi theo hình xoắn ốc, lại là Maypole, cho tới khi cô đi đến một cây cột gỗ khác.

“Ở đây. Đúng là chỗ này có mùi rõ nhất.”

“Chỗ này là cái gì, Amelia. Cô vừa là chân, vừa là mắt của tôi. Cô nhớ chứ?”

“Một trong những cái cột gỗ ấy. Như cái cột mà cô ấy bị trói vào. Cách đó khoảng mười lăm feet.”

“Có thể hắn đã dựa vào đấy. Có dấu tay, dấu chân gì không?”

Cô phun ninhydrin lên đó và chiếu sáng.

“Không. Nhưng mùi rất mạnh.”

“Lấy một mẫu từ cái cột, chỗ có mùi mạnh nhất. Có cái MotoTool trong vali. Màu đen. Một cái khoan tay. Hãy dùng mũi khoan lấy mẫu – giống như mũi khoan lỗ – và gắn nó vào máy khoan. Có một thứ gọi là cái bàn cặp. Đó là…”

“Tôi có một cái máy khoan bàn”, cô nói cộc lốc.

“Ồ”, Rhyme nói.

Cô khoan ra một mẫu cột gỗ, sau đó lau mồ hôi trán. “Cho nó vào túi nhựa?” Cô hỏi. Anh ta đồng ý. Cô cảm thấy choáng váng, cúi đầu xuống để lấy hơi. Trong này chẳng có tí không khí nào cả.

“Còn gì nữa không?” Rhyme hỏi.

“Không còn gì mà tôi có thể nhìn được.”

“Tôi tự hào vì cô, Amelia. Hãy đem kho báu của cô về đây nào.”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 16


“Cẩn thận tí chứ”, Rhyme quát.

“Tôi là chuyên gia cơ mà.”

“Mới hay cũ đấy?”

“Suỵt”, Thom nói.

“Ôi trời, vì Chúa. Lưỡi dao cạo, mới hay cũ đấy?”

“Đừng thở... À, đây rồi. Nhẵn như mông em bé.”

Họ không khám nghiệm mà trang điểm.

Thom đang cạo râu cho Rhyme, lần đầu tiên trong tuần. Anh ta cũng gội đầu và chải tóc ngược ra sau cho Rhyme.

Nửa tiếng trước, trong khi đợi Sachs vá chứng cứ trở về, Rhyme đã bảo Cooper ra khỏi phòng khi Thom khéo léo dùng K-Y thông đường tiểu cho anh và nối lại ống. Sau khi xong việc, Thom nhìn anh và nói: “Trông anh tệ lắm. Anh có thấy thế không?”

“Tôi không quan tâm. Sao tôi lại phải quan tâm chứ?”

Bất ngờ phát hiện ra anh có quan tâm.

“Cạo râu, được không?” Chành thanh niên hỏi.

“Ta không có thời gian.”

Sự quan ngại thực sự của Rhyme là nếu bác sĩ Berger thấy anh chỉnh tề quá, có thể ông ta sẽ không muốn tiếp tục vụ tự tử. Một bệnh nhân nhếch nhác là bệnh nhân đã nản lòng.

“Và tắm rửa nữa.”

“Không.”

“Lincoln, chúng ta đang có khách đấy.”

Cuối cùng thì Rhyme cũng càu nhàu: “Được rồi.”

“Và thay luôn bộ pyjama chứ? Anh thấy thế nào?”

“Có gì không ổn đâu?”

Lúc này, sau khi được tắm rửa, mặc quần bò và áo sơ mi trắng, Rhyme lảng tránh cái gương người trợ lý đang giơ trước mặt anh.

“Cất nó đi.”

“Tốt hơn rất nhiều.”

Lincoln Rhyme nhạo báng khịt mũi. “Tôi sẽ đi dạo một chút trước khi họ đến”, anh tuyên bố và ngả đầu lên gối. Mel Cooper quay sang nhìn anh với vẻ mặt khó hiểu.

“Trong đầu anh ấy”, Thom giải thích.

“Đầu anh?”

“Tôi tưởng tượng”, Rhyme tiếp.

“Một trò ảo thuật”,Cooper nói.

“Tôi có thể đi qua bất cứ khu vực lân cận nào tôi muốn mà không bao giờ bị trấn lột. Leo núi nhưng không bao giờ mệt. Trèo núi nếu tôi muốn. Đi bát phố trên Đại lộ Năm. Tất nhiên là những thứ tôi nhìn thấy chưa chắc đã có ở đó. Nhưng thế thì đã sao? Sao trên trời cũng thế mà.”

“Như thế nào?” Cooper hỏi.

“Ánh sáng của các vì sao mà ta đang nhìn thấy có tuổi thọ hàng nghìn hay hàng triệu năm. Khi chúng đến được Trái Đất thì những ngôi sao đã dịch chuyển. Chúng không còn ở chỗ mà ta nhìn thấy chúng nữa.” Rhyme thở dài vì cơn mệt mỏi lan tỏa khắp người. “Tôi cho rằng trong số chúng có cả những vì sao đã cháy hết và biến mất.” Anh nhắm mắt.

“Hắn làm mọi thứ khó khăn hơn đây.”

“Không nhất thiết”, Rhyme trả lời Lon Sellitto.

Sellitto, Banks và Sachs vừa từ hiện trường trại chăn nuôi trở về.

“Đồ lót, mặt trăng và cây cối”, Jerry Banks bi quan nhưng vui vẻ nói. “Chính xác là bản đồ đường đi.”

“Cả bụi bẩn nữa”, Rhyme nhắc, anh luôn coi trọng bùn đất.

“Anh có ý tưởng gì về ý nghĩa của chúng không?” Sellitto hỏi.

“Vẫn chưa”, Rhyme nói.

“Polling đâu nhỉ?” Sellitto lẩm bẩm. “Anh ta vẫn chưa trả lời tin nhắn.”

“Không thấy anh ta đâu”, Rhyme nói.

Một bóng người xuất hiện trên ô cửa.

“Vẫn sống và hít thở”, một giọng nam trung mượt mà vang lên.

Rhyme gật đầu ra hiệu cho một người đàn ông lênh khênh vào phòng. Trông anh ta có vẻ ủ rũ, nhưng khuôn mặt gầy guộc của anh ta nở một nụ cười ấm áp, trông có vẻ không hợp cảnh. Terry Dobyns là đại diện tiêu biểu của Phòng Khoa học Hành vi của NYPD. Anh ta học cùng với các nhà hành vi học của FBI ở Quantico, có bằng tâm lý học và khoa học pháp y.

Nhà tâm lý học này yêu opera và bóng bầu dục. Khi Lincoln Rhyme tỉnh dậy trong bệnh viện ba năm rưỡi trước đây, Dobyns ngồi cạnh anh, nghe vở Aïda trên máy Walkman. Anh ta dành ba giờ sau đó để thực hiện phiên tư vấn đầu tiên trong rất nhiều phiên tư vấn về chấn thương của Rhyme.

“Giờ thì tại sao tôi lại nhớ đến cuốn sách nói về những người không trả lời điện thoại?”

“Để sau hãy phân tích tôi, Terry. Cậu đã nghe về đối tượng của chúng ta rồi chứ?”

“Một chút”, Dobyns nói, quan sát Rhyme. Anh ta không phải bác sĩ nhưng anh ta hiểu về cơ thể học. “Cậu ổn chứ, Lincoln? Trông hơi xanh xao đấy.”

“Hôm nay tôi có chỉnh trang chút”, Rhyme thừa nhận. “Tôi có ngủ trưa. Cậu biết tôi lười thế nào rồi chứ.”

“Ừ, rồi. Cậu là người gọi tôi dậy vào lúc ba giờ sáng để hỏi vài câu về tội phạm và không hiểu vì sao tôi lại ở trên giường. Có chuyện gì thế? Cậu đang tìm hồ sơ à?”

“Bất kỳ thứ gì cậu có thể nói với chúng tôi đều có ích.”

Sellitto tóm tắt tình hình cho Dobyns, người mà theo ký ức của Rhyme hồi còn làm việc cùng nhau, không bao giờ ghi chép nhưng vẫn nhớ được mọi thứ trong cái đầu tóc đỏ sậm của anh ta.

Nhà tâm lý học đi đến trước bản sơ đồ treo trên tường, thỉnh thoảng liếc nhìn nó trong khi lắng nghe viên thám tử nói.

Anh ta giơ một ngón tay lên chặn Sellitto. “Nạn nhân, nạn nhân… Tất cả bọn họ đều được phát hiện dưới lòng đất. Bị chôn, trong tầng hầm, trong đường hầm của trại chăn nuôi.”

“Đúng thế”, Rhyme khẳng định.

“Tiếp đi.”

Sellitto tiếp tục nói về vụ giải cứu Monelle Gerger.

“Tốt, được rồi”, Dobyns nói một các trống rỗng. Sau đó ngừng, rồi quay lại nhìn sơ đồ trên tường lần nữa. Anh ta giạng chân, tay chống nạnh, nhìn chăm chăm vào những thông số rời rạc về Đối tượng 832. “Nói tôi nghe suy nghĩ của anh đi, về việc hắn thích những cổ xưa ấy.”

“Tôi không biết điều đó có đem lại gì không. Cho tới nay thì những manh mối về hắn đều có liên quan đến New York lịch sử. Vật liệu xây dựng từ hồi đầu thế kỷ, trại chăn nuôi, hệ thống hơi nước.”

Bất ngờ Dobyns tiến lên và gõ vào tờ giấy. “Hanna. Nói tôi nghe về Hanna.”

“Amelia?” Rhyme hỏi.

Cô nói với Dobyns việc đối tượng đã gọi Monelle Gerger là Hanna mà không có một lý do rõ ràng nào cả. “Cô ấy nói hắn thích gọi cái tên đó. Và nói với cô ấy bằng tiếng Đức.”

“Và hắn cũng tranh thủ sờ soạng cô ta, đúng không?” Dobyns nhận xét. “Taxi, sân bay – an toàn đối với hắn. Nhưng nấp trong phòng giặt là… Hắn ta chắc chắn phải có động lực thực sự để bắt một người Đức.”

Dobyns xoáy một búi tóc rối bù quanh ngón tay, ngồi phịch xuống một cái ghế mây và duỗi chân trước mặt.

“Được rồi, thử cái này xem. Dưới lòng đất… đó là chìa khóa. Nó nói với tôi rằng hắn là người đang giấu giếm điều gì đó và khi tôi nghe điều này tôi bắt đầu nghĩ đến chứng loạn thần kinh.”

“Hắn ta không có vẻ cuồng loạn”, Sellitto nói. “Hắn cực kỳ bình tĩnh và tính toán.”

“Không phải chứng loạn thần kinh theo nghĩa ấy. Đây là một kiểu rối loạn tâm lý. Triệu chứng biểu hiện khi có một chấn thương xảy ra trong cuộc đời bệnh nhân và vô thức chuyển đổi chấn thương này thành một thứ khác. Đó là một cố gắng bảo vệ bệnh nhân. Với việc chuyển đổi truyền thống của chứng cuồng loạn, anh sẽ thấy những triệu chứng bệnh lý – buồn nôn, đau đớn, liệt. Nhưng tôi nghĩ ở đây chúng ta đang xử lý vấn đề có liên quan. Sự phân tách – đó là tên chúng tôi gọi khi phản ứng của chấn thương ảnh hưởng đến tư duy chứ không phải thể xác. Chứng quên cuồng loạn, các trạng thái điên, bỏ nhà lang thang. Đa nhân cách.”

“Jekyll và Hyde[95]?” Mel Cooper vờ là một gã đồng tính, đấm Banks.

“À, tôi không nghĩ hắn thực sự có bệnh đa nhân cách”, Dobyns nói tiếp. “Đây là một triệu chứng rất hiếm thấy. Những trường hợp đa nhân cách truyền thống thường là người trẻ tuổi và có chỉ số IQ thấp hơn anh chàng của các cậu.” Anh ta hất đầu về phía tấm áp phích hồ sơ trên tường. “Hắn ta khéo léo và thông minh. Một kẻ tấn công rõ ràng và có tổ chức.” Dobyns nhìn ra ngoài cửa sổ một lát. “Thú vị thật đấy, Lincoln. Tôi nghĩ đối tượng của cậu khoác lên mình một nhân cách khác khi nó phù hợp với hắn ta – khi hắn ta muốn giết người – và đó là điều rất quan trọng.”

“Vì sao?”

“Hai lý do. Thứ nhất, điều đó nói cho ta vài điều về nhân cách chính của hắn. Hắn là một người được đào tạo – có thể trong công việc, có thể khi đi học – để giúp người khác, không phải làm họ tổn thương. Một thầy tu, một luật sư, chính trị gia, nhân viên hoạt động xã hội. Thứ hai, tôi nghĩ điều đó có nghĩa là hắn đã tìm được cho mình một bản đồ chi tiết. Nếu các anh tìm ra nó là gì, có thể các anh sẽ tìm được manh mối dẫn tới hắn.”

“Bản đồ chi tiết kiểu gì?”

“Có thể hắn đã muốn giết chóc từ lâu rồi. Nhưng hắn không hành động cho tới khi hắn tìm cho mình một hình mẫu. Có thể là một cuốn sách hay bộ phim. Hoặc ai đó hắn biết. Nếu đó là người mà hắn có thể bị đánh đồng cùng, ai đó mà tội ác của họ đã cấp cho hắn giấy phép giết chóc. Còn chỗ này thì tôi thấy có vẻ hơi khập khiễng…”

“Tiếp đi”, Rhyme nói: “Tiếp đi.”

“Sự đam mê đối với lịch sử của hắn nói với tôi rằng nhân vật của hắn là ai đó trong quá khứ.”

“Đời thực?”

“Tôi không chắc. Có thể là tưởng tượng, có thể không phải. Hanna, bất kể cô ta là ai, phải là một nhân vật trong một câu chuyện đâu đó. Cả ở Đức. Hay là người Mỹ gốc Đức.”

“Cậu có biết điều gì đó có thể làm hắn ra như vậy?”

“Freud nói đó là – còn gì được nữa? – xung đột tình dục trong giai đoạn Oedip[96]. Ngày nay, mọi người nhất trí rằng sự vấp váp mang tính phát triển chỉ là một trong những nguyên nhân – bất kỳ chấn thương nào cũng có thể dẫn đến điều đó. Và nó không nhất thiết chỉ là một sự kiện duy nhất. Có thể là nứt vỡ nhân cách, một loạt thất vọng về cuộc sống cá nhân hay sự nghiệp. Khó nói.” Mắt anh ta chăm chú nhìn hồ sơ. “Nhưng tôi rất hy vọng cậu sẽ tóm được hắn, Lincoln. Tôi rất muốn được làm việc với hắn trong mấy tiếng đồng hồ.”

“Thom, cậu ghi lại cả chưa?”

“Rồi, bwana.”

“Nhưng có một câu hỏi”, Rhyme bắt đầu.

Dobyns ngoảnh lại. “Tôi sẽ nói đấy chính là câu hỏi, Lincoln: Vì sao hắn để lại manh mối, đúng thế không?”

“Đúng vậy. Tại sao?”

“Nghĩ xem hắn đã làm gì… Hắn đang nói chuyện với cậu. Không dông dài, rời rạc như Con trai của Sam hay sát thủ Zodiac[97]. Hắn không bị tâm thần phân liệt. Hắn đang giao tiếp – bằng ngôn ngữ của cậu. Ngôn ngữ pháp y. Vì sao?” Đi đi lại lại, mắt anh ta nhìn lên tấm áp phích. “Tất cả những gì tôi có thể đoán lúc này là hắn muốn chia sẻ tội lỗi. Giết chóc đối với hắn rất khó khăn. Sẽ dễ dàng hơn nếu hắn lôi chúng ta vào. Nếu chúng ta không cứu được nạn nhân thì họ chết, một phần là do lỗi của chúng ta.”

“Nhưng thế thì tốt, đúng không?” Rhyme hỏi. “Thế có nghĩa là hắn sẽ tiếp tục cho chúng ta những manh mối có thể giải đoán. Nếu không, nếu câu đó quá khó, hắn sẽ không chia sẻ được gánh nặng.”

“Ừ, đúng vậy”, Dobyns nói, nụ cười đã tắt. “Nhưng vẫn còn những yếu tố khác nữa.”

Sellitto đưa ra câu trả lời: “Tăng cường hoạt động liên tục.”

“Đúng thế”, Dobyns khẳng định.

“Làm sao hắn có thể tấn công thường xuyên hơn được?” Banks lẩm bẩm. “Ba giờ một lần chưa đủ nhanh hay sao?”

“Hắn sẽ tìm được cách”, nhà tâm lý học nói tiếp. “Chủ yếu là hắn sẽ nhắm tới nhiều nạn nhân.” Đôi mắt nhà tâm lý học nheo lại. “Thế nào Lincoln, cậu ổn chứ?”

Trán nhà hình sự học lấm tấm mồ hôi, anh ta liếc mắt nhìn. “Mệt. Quá nhiều điều phấn khích trong một ngày cho một kẻ tàn tật già nua.”

“Một điều cuối cùng. Hồ sơ của nạn nhân rất quan trọng trong tội ác hàng loạt. Nhưng ở đây chúng ta gặp các giới tính, tuổi tác, và tấng lớp kinh tế khác nhau. Tất cả đều da trắng nhưng hắn chủ yếu đi săn trong ao da trắng nên điều này không có ý nghĩa nhiều về mặt thống kê. Với những gì ta đã biết, ta không thể lần ra được vì sao hắn lại chọn những người này. Nếu cậu có thể lần ra, cậu sẽ đi trước hắn.”

“Cám ơn, Terry”, Rhyme nói. “Ở lại một lúc nữa nhé.”

“Được thôi, Lincoln. Nếu cậu muốn.”

Sau đó Rhyme hạ lệnh. “Hãy xem vật chứng từ hiện trường trại chăn nuôi. Chúng ta có gì nhỉ? Đồ lót?”

Mel Cooper gom những cái túi do Sachs đem về từ hiện trường. Anh ta nhìn một cái túi đựng đồ lót. “Loại D’Amore của hãng thời trang Katrina”, anh ta tuyên bố. “Bông một trăm phần trăm, dây chun. Vải dệt tại Mỹ. Cắt và may tại Đài Loan.”

“Chỉ cần nhìn mà anh đã biết ngay ư?” Sachs ngạc nhiên hỏi.

“Không, tôi đọc thôi”, anh ta trả lời, chỉ vào cái mác.

“Ồ…”

Mấy viên cảnh sát cười rộ.

“Có thể hắn nói với chúng ta rằng, hắn đã bắt được một người phụ nữ khác chăng?” Sachs hỏi.

“Có khả năng.” Rhyme nói.

Cooper mở cái túi. “Tôi không biết chất lỏng đó là gì. Tôi sẽ đo sắc ký.”

Rhyme bảo Thom giơ mẩu giấy có tuần trăng lên. Anh thận trọng nghiên cứu nó. Một mẩu giấy như vậy là một bằng chứng xác lập cá thể tuyệt vời. Anh có thể nối nó với tờ báo mà nó bị xé ra và liên kết chứng với nhau chặt chẽ như dấu tay. Tất nhiên vấn đề ở đây là họ không có tờ báo nguyên bản. Anh tự hỏi, không biết họ có thể tìm được nó hay không. Đối tượng có thể hủy nó ngay sau khi hắn xé mẩu giấy. Nhưng Lincoln Rhyme vẫn thiên về ý nghĩ rằng hắn không làm thế. Anh muốn hình dung ra nó ở đâu đó. Đang đợi anh tìm thấy. Theo cách mà anh luôn hình dung ra bằng chứng gốc: một mẩu sơn xe hơi bị cào rớt, một ngón tay bị mất móng, cái nòng súng bắn ra viên đạn súng trường được tìm thấy trong cơ thể nạn nhân. Những nguồn này – luôn ở gần đối tượng – có nhân cách riêng của chúng trong trí óc Rhyme. Chúng có thể hống hách hay độc ác.

Hay bí hiểm.

Tuần trăng.

Rhyme hỏi Dobyns liệu đối tượng của họ có động cơ nào để hắn hoạt động theo chu kỳ hay không.

“Không. Giờ không phải là lúc trăng tròn. Tới hôm nay mới được bốn ngày.”

“Như thế mặt trăng ở đây có ý nghĩa khác.”

“Có thể ngay từ đầu nó cũng không có nghĩa là mặt trăng”, Sachs nói.

Vui vẻ, mà hoàn toàn có cơ sở, Rhyme nghĩ. Anh nói: “Ý hay đấy, Amelia. Có thể hắn nói về những vòng tròn. Về mực. Về giấy. Về hình học. Hành tinh…”

Rhyme nhận ta cô đang nhìn anh. Có thể cô vừa nhận thấy anh đã cạo râu và chải tóc, thay quần áo.

Tâm trạng của cô ta là gì? Anh tự hỏi. Giận anh, hay không quan tâm? Anh không đoán được. Lúc này Amelia cũng bí ẩn như Đối tượng 823.

Tiếng bíp của máy fax vang lên trong hành lang. Thom ra ngoài và quay lại với hai tờ giấy.

“Từ Emma Rollins”, anh ta nói. Anh ta giơ tờ giấy lên để Rhyme có thể nhìn thấy.

“Bản khảo sát các cửa hàng thực phẩm của chúng ta. Trong hai ngày qua có mười một cửa hàng ở Manhattan bán chân bê cho những khách hàng mua ít hơn năm món hàng.” Anh ta bắt đầu viết lên tờ áp phích, sau đó quay lại nhìn Rhyme: “Tên các cửa hàng?”

“Tất nhiên rồi. Ta cần nó để sau này còn tham chiếu chéo.”

Thom viết lên bản hồ sơ.

B’way & 82nd,

ShopRite

B’way & 96th,

Anderson Foods

Greenwich & Bank,

ShopRite

2nd Ave., 72nd-73nd,

Grocery World

Battery Park City,

J&G’s Emporium

1709 2nd Ave.,

Anderson Foods

34th & Lex.,

Food Warehouse

8th Ave. & 24th,

ShopRite

Houston & Lafayette,

ShopRite

6th Ave. & Houston,

J&G’s Emporium

Greenwich & Franklin,

Grocery World

“Như thế là cả thành phố còn gì”, Sachs nói.

“Kiên nhẫn”, Lincoln Rhyme bồn chồn nói.

Mel Cooper đang xem xét sợi rơm mà Sachs tìm được. “Chẳng có gì đặc biệt.” Anh ta ném nó sang một bên.

“Nó còn mới không?” Rhyme hỏi. Nếu nó còn mới, họ có thể tham chiếu chéo tới những cửa hàng vừa bán chổi, vừa bán chân bê trong một ngày.

Nhưng Cooper nói: “Tôi đã nghĩ tới điều này rồi. Khoảng sáu tháng hoặc lâu hơn.” Anh ta bắt đầu lắc các bằng chứng dấu vết trong đống quần áo của cô gái Đức xuống một tờ báo.

“Có mấy thứ ở đây”, anh ta nói trong khi soài người trên tờ báo. “Bụi bẩn.”

“Có đủ để phân tích biến thiên mật độ không?”

“Không. Thực ra chỉ là ít bụi. Có thể là từ hiện trường.”

Cooper xem xét phần còn lại của những thứ mà anh ta chải ra được từ đám quần áo máu me.

“Bụi gạch. Sao lại lắm gạch thế?”

“Từ bọn chuột bị tôi bắn. Tường chỗ đó bằng gạch.”

“Cô bắn chúng? Tại hiện trường?” Rhyme cau mày.

Sachs chống cự: “Vâng, đúng thế. Nhưng chúng bò đầy trên người cô ấy.”

Tức giận, nhưng anh bỏ qua. Chỉ nói: “Đủ các thứ ô nhiễm sinh ra lúc bắn súng. Chì, thạch tín, carbon, bạc…”

“Đây này… một mẩu da màu đỏ. Từ găng tay. Và… ta có một mẩu sợi. Một mẫu khác.”

Các nhà hình sự học rất thích sợi. Đó là một nhúm sợi nhỏ xíu, rất khó nhìn thấy bằng mắt thường.

“Tuyệt vời”, Rhyme nói. “Còn gì nữa?”

“Và đây là ảnh hiện trường”, Sachs nói, “và dấu tay. Một trên cổ họng cô gái và một ở chỗ hắn nhặt găng tay”. Cô giơ chúng lên.

“Tốt”, Rhyme nói và xem xét chúng cẩn thận.

Trên khuôn mặt cô tỏa sáng ánh hào quang của một chiến thắng miễn cưỡng – một cơn sốt chiến thắng, mặt trái của việc căm thù bản thân vì là một kẻ không chuyên.

Rhyme đang nghiên cứu tấm ảnh Polaroid thì anh nghe thấy tiếng bước chân trên cầu thang và Jim Polling đến. Anh ta vào phòng ra vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy Lincoln Rhyme được chỉnh trang và bước đến chỗ Sellitto.

“Tôi vừa ở hiện trường vụ án”, anh ta nói. “Các bạn đã cứu được nạn nhân. Làm rất tốt.” Anh ta gật đầu về phía Sachs, ra ý là anh ta tính cả cô trong đó. “Nhưng thằng khốn đó lại tóm được người khác rồi à?”

“Hoặc chuẩn bị tóm”, Rhyme lẩm bẩm, vẫn chăm chăm nhìn tấm ảnh.

“Chúng tôi đang nghiên cứu manh mối”, Banks nói.

“Jim, tôi đang cố tìm anh”, Sellitto nói. “Tôi đã thử gọi đến cả văn phòng Thị trưởng.”

“Tôi làm việc với sếp. Phải van lạy để xin thêm vài tay tìm kiếm. Tôi kiếm được thêm năm mươi người nữa từ đội an ninh cho Liên Hiệp Quốc.”

“Đại úy, có vài chuyện ta cần bàn. Chúng ta đang có vấn đề. Điều gì đó xảy ra tại hiện trường cuối cùng…”

Một giọng nói cho tới lúc này chưa ai nghe thấy vang lên trong phòng. “Vấn đề? Ai có vấn đề? Ở đây chẳng có vấn đề gì cả, đúng không? Không hề có vấn đề nào hết.”

Rhyme nhìn lên, một người đàn ông cao gầy trên ngưỡng cửa. Anh ta đen tuyền, mặc bộ vét nực cười màu xanh lá và đôi giày bóng loáng như hai tấm gương màu nâu. Tim Rhyme chùng xuống. “Dellray.”

“Lincoln Rhyme. Người hùng của New York. Chào Lon. Cả Jim Polling nữa này, công việc thế nào, anh bạn?”

Phía sau Dellray là nửa tá đàn ông và phụ nữ. Rhyme biết ngay tức khắc vì sao đặc vụ liên bang lại có mặt ở đây. Dellray nhìn lướt những sĩ quan có mặt trong phòng, sự chú ý của anh ta bùng lên một khắc khi thấy Sachs rồi tan biến.

“Anh muốn gì?” Polling hỏi.

Dellray nói: “Các vị vẫn chưa thấy sao? Các vị đã bị loại. Chúng tôi đến tiễn chân các vị. Đúng thế, thưa ngài. Đóng cửa ổ đề.”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 17


Một người trong chúng ta.

Đó là cách Dellray nhìn Lincoln Rhyme khi anh ta bước vòng quanh giường. Vài người đã làm thế. Bại liệt là một câu lạc bộ trong đó họ tổ chức dạ hội với chuyện đùa, những cái gật đầu, nháy mắt. Anh biết là tôi mến anh mà, vì tôi sẽ trêu đùa với anh.

Lincoln Rhyme biết rằng thái độ này sẽ biến mất nhanh chóng.

“Nhìn này”, Dellray vừa nói vừa chỉ Clinitron. “Cảnh trong Star Trek. Chỉ huy Riker, lên tàu ngay.”

“Biến đi, Dellray”, Polling nói. “Đây là vụ của chúng tôi.”

“Tình hình bệnh nhân của ta ra sao, bác sĩ Crusher?”

Viên đại úy tiến lên phía trước, viên đặc vụ FBI cao kều cúi người xuống. “Dellray, anh nghe tôi nói không? Biến đi.”

“Ái chà, Rhyme, tôi sẽ cố kiếm cho mình một cái giường thế này. Nằm xem thế nào cũng không tệ. Nghiêm chỉnh đấy, Lincoln, anh thế nào? Mấy năm rồi còn gì.”

“Họ có gõ cửa không?” Rhyme hỏi Thom.

“Không, họ chẳng buồn gõ cửa.”

“Các anh không gõ cửa”, Rhyme nói. “Thế thì tôi khuyên các anh nên đi ra.”

“Tôi có giấy phép đây”, Dellray lẩm bẩm, búng búng vào tờ mớ giấy tờ trong túi áo ngực.

Móng tay trỏ của Amelia Sachs cậy ngón tay cái của cô tới mức gần bật máu.

Dellray nhìn quanh phòng. Rõ ràng là anh ta bị ấn tượng bởi phòng thí nghiệm ngẫu hứng của họ nhưng lại nhanh chóng che đậy cảm giác đó. “Xin lỗi. Chúng tôi tiếp quản vụ này.”

Trong hai mươi năm làm cảnh sát, chưa bao giờ Rhyme gặp tình huống tiếp quản bắt buộc như vụ này.

“Mặc mẹ nó, Dellray”, Sellitto bắt đầu. “Anh chuyển vụ này rồi mà.”

Viên đặc vụ quay khuôn mặt đen bóng của mình lại cho tới khi anh ta nhìn xuống viên thám tử.

“Chuyển? Chuyển? Tôi không hề nghe gì về vụ này. Anh có gọi điện cho tôi không?”

“Không.”

“Thế thì ai thả xu[98]?”

“Thế thì…”, Sellitto ngạc nhiên, liếc nhìn Polling. Anh ta nói: “Các anh có tư vấn. Đó là mọi thứ chúng tôi phải gửi cho anh.” Lúc này anh ta cũng đang chống chế.

“Tư vấn. Được đấy. Này, mà nó được chuyển thế nào nhỉ? Có phải bằng Pony Ex-press[99] không? Hay qua đường bưu điện? Nói tôi nghe, Jim, tư vấn qua đêm thì có ích lợi gì cho một chiến dịch đang triển khai?”

Polling nói: “Chúng tôi không thấy nhu cầu.”

“Chúng tôi?” Dellray hỏi nhanh. Như một phẫu thuật gia tìm thấy một khối vi u.

“Tôi thấy không cần thiết”, Polling vặc lại. “Tôi nói với ngài Thị trưởng nên giữ vụ này như một vụ của địa phương. Chúng tôi kiểm soát được nó. Giờ thì biến đi, Dellray.”

“Và anh nghĩ anh có thể làm xong nó cho kịp bản tin mười một giờ?”

Rhyme giật mình khi Polling quát: “Chúng tôi nghĩ gì không phải việc của anh, khốn kiếp. Vụ chết tiệt này là của chúng tôi.” Anh biết tính khí nổi tiếng của viên đại úy, nhưng chưa bao giờ được chứng kiến.

“Thực… ra, bây giờ thì vụ chiết tiệt này là của chúng tôi.” Dellray đi ngang qua cái bàn đặt thiết bị của Cooper.

Rhyme nói: “Đừng làm thế, Fred. Chúng tôi đang nắm được thằng cha này. Hãy làm việc cùng chúng tôi, nhưng đừng lấy vụ này. Đối tượng không giống với bất kỳ kẻ nào anh đã gặp.”

Dellray mỉm cười. “Hãy xem, tin mới nhất mà tôi nghe được từ vụ ‘chết tiệt’ này là gì? Các anh để một thường dân xét nghiệm pháp y.” Viên đặc vụ ném một cái nhìn về phía chiếc giường Clinitron. “Các anh để một cảnh sát tuần tra đi khám nghiệm hiện trường. Các anh bắt quân lính đi mua thực phẩm.”

“Tiêu chuẩn chứng cứ, Frederick”, Rhyme nghiêm khắc nhắc nhở. “Đấy là SOP[100].”

Dellray trông có vẻ thất vọng. “Nhưng đó là ESU, Lincoln? Tiền của người nộp thuế cả đấy. Rồi còn cưa người ta ra, cứ như trong Texas Chainsaw[101] vậy…”

Thế quái nào mà tin này lại rò rỉ ra được? Tất cả mọi người đã thề là sẽ bảo vệ bí mật vụ cưa cắt này rồi cơ mà.

“Rồi tôi còn nghe nói quân của Haumann tìm thấy nạn nhân nhưng không vào cứu cô ta ra ngay, đúng không? Kênh Năm có mic trên đó. Nghe được cô ta kêu gào tới năm phút trước khi các anh cho người vào.” Anh ta ném cho Sellitto một cái liếc nhăn nhở. “Lon, bạn tôi, đây có phải là vấn đề mà ta vừa nói đến không?”

Họ đã đi khá xa, Rhyme nghĩ. Họ đã cảm nhận được hắn, bắt đầu học được ngôn ngữ của hắn. Bắt đầu nhìn thấy hắn. Với một chút ngạc nhiên anh hiểu ra rằng, một lần nữa anh đang làm những gì anh yêu thích. Sau bao nhiêu năm. Nhưng bây giờ có người muốn tước đoạt điều đó từ anh. Cơn giận dữ dâng lên trong anh.

“Lấy vụ này đi, Fred”, Rhyme gầm gừ. “Nhưng đừng gạt chúng tôi ta. Đừng làm thế.”

“Các anh đã mất hai nạn nhân”, Dellray nhắc.

“Chúng tôi chỉ mất một”, Sellitto sửa lại. Anh ta nhìn Polling lúc này đang cáu kỉnh. “Chúng tôi chẳng làm gì được với nạn nhân đầu tiên. Anh ta là quân bài đã hạ.”

Dobyns đứng khoanh tay, quan sát cuộc cãi vã. Nhưng Jerry Banks nhảy vào: “Chúng tôi đã nắm được cách thức hoạt động của hắn. Chúng tôi sẽ không để mất thêm ai nữa.”

“Các anh sẽ đánh mất nếu các anh tiếp tực để đội ESU ngồi nghe nạn nhân la hét.”

Sellitto nói: “Đó là…”

“Quyết định của tôi”, Rhyme nói. “Của tôi.”

“Nhưng anh là dân thường, Lincoln. Như vậy, không thể là quyết định của anh được. Đó có thể là gợi ý của anh. Đó có thể là khuyến nghị của anh. Nhưng tôi không nghĩ đó là quyết định của anh.”

Dellray lại chuyển sự chú ý sang Sachs. Mắt nhìn cô, anh ta nói với Rhyme: “Anh bảo Peretti đừng khám nghiệm hiện trường? Thật ngạc nhiên đấy, Lincoln. Sao anh lại làm một điều như thế nhỉ?”

Rhyme nói: “Tôi giỏi hơn anh ta.”

“Peretti không hài lòng lắm đâu. Không hề. Anh ta và tôi đã nói chuyện với Eckert.”

Eckert? Phòng Truyền thông? Ông ta dính dáng gì ở đây?

Anh đã hiểu ra khi liếc nhìn Sachs, nhìn vào đôi mắt xanh được bao bọc bởi những lọn tóc đỏ rối bù đang cố tình lảnh tránh ánh mắt anh.

Rhyme đóng đinh cô bằng một cái nhìn mà cô nhanh chóng lờ đi. Và anh nói với Dellray: “Xem nào… Peretti? Chẳng phải anh ta là người đã cho thông xe qua chỗ đối tượng đứng nhìn nạn nhân đầu tiên của hắn? Chẳng phải anh ta là người giải phóng hiện trường trước khi chúng tôi có cơ hội thu thập được một dấu vết quan trọng nào đó? Hiện trường mà Sachs của tôi ở đây đã nhìn thấy trước là phải chặn đường giao thông. Sachs của tôi đã làm đúng trong khi Vince Peretti và những người khác làm sai hết. Đúng thế, cô ấy đúng.”

Cô nhìn chăm chăm ngón tay cái, cái nhìn cho thấy một cảnh tượng quen thuộc, rồi cho tay vào túi lấy ra một tờ giấy thấm quấn quanh ngón trỏ đẫm máu.

Dellray tổng kết: “Đáng ra các anh phải gọi cho tôi ngay từ đầu.”

“Cút đi ngay”, Polling lầm bầm. Có gì đó xuất hiện trong mắt anh ta và anh ta cao giọng. “Cút ngay khỏi đây!” Anh ta gào lên.

Một người bình tĩnh như Dellray cũng phải giật mình lùi lại phía sau vì nước bọt bắn ra từ miệng viên đại úy.

Rhyme nhăn mặt vì Polling. Rất có thể họ sẽ cứu vớt được chút gì trong vụ này, nhưng sẽ hỏng hết nếu Polling lên cơn giận. “Jim…”

Viên đại úy lờ anh đi. “Cút!” Anh ta quát lên lần nữa. “Các anh không được lấy vụ này!” Mọi người trong phòng đầu giật bắn mình, Polling lao lên, tóm ve áo màu xanh lá của viên đặc vụ FBI rồi dồn anh ta vào tường. Sau một khắc im lặng ngạc nhiên, Dellray đẩy viên đại úy ra, đơn giản chỉ bằng một ngón tay và móc chiếc điện thoại di động. Anh ta đưa nó cho Polling.

“Gọi cho Thị trưởng. Hay sếp Wilson.”

Polling lùi xa ra khỏi Dellray theo bản năng – người thấp luôn giữ một khoảng cách với người cao. “Nếu anh muốn vụ này, anh có mẹ nó rồi đấy.” Viên đại úy bước ra cầu thang và đi xuống. Cửa trước sập mạnh.

“Lạy chúa, Fred”, Sellitto nói, “làm việc với bọn tôi. Chúng ta có thể tóm thằng khốn đó.”

“Chúng ta cần A-T của Cục”, Dellray nói, giọng anh ta nghe đầy thuyết phục. “Các anh chưa nhìn từ góc độ khủng bố.”

“Góc độ chống khủng bố nào?” Rhyme hỏi.

“Hội nghị hòa bình Liên Hiệp Quốc. Đặc tình của tôi nói, có tin đồn rằng có gì đó xảy ra tại sân bay. Chỗ hắn ta tóm nạn nhân.”

“Tôi không cho rằng hắn ta là khủng bố”, Dobyns nói. “Bất kể điều gì diễn ra trong con người hắn đều có động cơ tâm lý. Không có vấn đề ý thức hệ.”

“Nhưng, sự thật là Quantico và chúng tôi nghĩ về hắn theo một cách. Tôi đánh giá cao việc các anh nghĩ khác. Nhưng đây là cách chúng tôi xử lý vụ này.”

Rhyme đầu hàng. Sự mệt mỏi làm anh nản chí. Anh ước gì sáng nay Sellitto và viên trợ lý mặt sẹo của anh ta không đến đây. Anh ước gì anh không gặp Amelia Sachs. Anh ước gì anh không mặc cái áo sơ mi bảnh bao ngớ ngẩn này, nó chỉ làm anh thấy nghẹt cổ và tạo ra cảm giác như không có gì dưới nó.

Anh nhận thấy Dellray đang nói với mình.

“Xin lỗi?” Rhyme nhướn mày.

Dellray hỏi: “Ý tôi là, liệu chính trị có thể là động cơ của hắn không?”

“Tôi không quan tâm tới động cơ”, Rhyme trả lời. “Tôi chỉ quan tâm tới chứng cứ.”

Dellray nhìn vào cái bàn của Cooper một lần nữa. “Như vậy vụ này là của chúng tôi. Mọi người nhất trí chứ?”

“Lựa chọn của chúng tôi là gì?” Sellitto hỏi.

“Các anh hỗ trợ người tìm kiếm cho chúng tôi. Hoặc các anh có thể dừng hoàn toàn. Tất cả chỉ còn lại có thế. Giờ thì, nếu các anh không phiền, chúng tôi lấy vật chứng được rồi chứ?”

Banks ngần ngừ.

“Đưa cho họ đi”, Sellitto ra lệnh.

Viên cảnh sát trẻ tuổi nhặt những cái túi đựng vật chứng thu lượm được từ hiện trường mới đây lên, cho chúng vào trong một cái túi nhựa to. Dellray chìa tay ra. Banks nhìn vào những ngón tay gầy guộc rồi ném cái túi xuống bàn, sau đó đi ra góc xa của căn phòng – phía cảnh sát. Lincoln Rhyme là khu phi quân sự phân cách họ, Amelia Sachs đứng như trời trồng cạnh chân giường của Rhyme.

Dellray nói với cô: “Sĩ quan Sachs?”

Sau một khoảng lặng cô trả lời, mắt vẫn nhìn Rhyme: “Có?”

“Trưởng ban Eckert muốn cô đi cùng chúng tôi để báo cáo về các hiện trường vụ án. Ông ta có nói gì đó về việc cô sẽ bắt đầu công việc mới vào thứ Hai.”

Cô gật đầu.

Dellray quay lại phía Rhyme và chân thành nói: “Anh đừng lo, Lincoln. Chúng tôi sẽ tóm được hắn. Lần sau anh sẽ được nghe là hắn đã bị bêu đầu ngoài cổng thành phố.”

Anh ta gật đầu ra hiệu cho những cộng sự của mình, họ đang đóng gói vật chứng và đi xuống cầu thang. Từ ngoài hành lang, Dellray gọi Sachs. “Cô đi luôn chứ, sĩ quan?”

Cô đứng đó, hai tay nắm vào nhau như một cô học trò tại buổi dạ hội mà cô ta thấy hối hận vì đã đến.

“Tôi đi ngay.”

Dellray biến mất dưới cầu thang.

“Bọn quái vật”, Banks lẩm bẩm, vứt quyển sổ ghi chép của mình xuống bàn. “Không thể tin được, phải không?”

Sachs đung đưa trên gót chân.

“Amelia, cô nên đi thì hơn”, Rhyme nói. “Xe đang đợi cô.”

“Lincoln.” Cô lại gần giường.

“Được rồi”, anh nói. “Cô làm điều cô phải làm.”

“Tôi chẳng có gì liên quan đến khám nghiệm hiện trường”, cô buột miệng. “Tôi không bao giờ thích.”

“Và cô sẽ không còn phải làm nữa. Như mong muốn, phải không nào?”

Cô đã bắt đầu đi ra cửa, nhưng quay lại và thốt lên: “Anh chẳng quan tâm đến cái gì khác ngoài chứng cứ, đúng không?”

Banks và Sellitto bồn chồn, nhưng Sachs lờ họ đi.

“Này, Thom, cậu tiễn Amelia, được không?”

Sachs tiếp tục. “Với anh đây chỉ là trò chơi, đúng không? Monelle…?”

“Ai?”

Mắt cô tóe lửa. “Đó. Thấy chưa? Anh còn không nhớ cả tên cô ta. Monelle Gerger. Cô gái trong đường hầm... cô ấy chỉ là một phần trong câu đố của anh. Chuột bọ bò đầy người cô ấy, còn anh nói: ‘Đấy là bản chất của chúng? Đấy là bản chất của chúng? Cô ấy sẽ không bao giờ trở lại được như xưa, còn anh thì chỉ quan tâm đến mấy thứ chứng cứ quý báu của anh?”

“Khi những nhân chứng còn sống”, anh lên giọng đều đều, dạy dỗ, “vết cắn của loài gặm nhấm chỉ là những vết thương bề mặt. Ngay khi những con vật đó nhỏ nước dãi vào cô ta là cô ta đã phải tiêm phòng dại. Vậy thì thêm mấy vết cắn nữa cũng có quan trọng không?”

“Sao anh không hỏi ý kiến cô ấy?” Nụ cười của Sachs lúc này khác đi. Nó trở nên độc địa, như nụ cười của những hộ lý và trợ lý trị liệu, những kẻ căm ghét người tàn tật. Họ lúc nào cũng lượn quanh khu hồi phục chức năng với kiểu cười như vậy. Ừ, đằng nào thì anh cũng không thấy hài lòng với cô Amelia Sachs lịch sự; anh muốn một người nóng tính...

“Trả lời tôi đi chứ, Rhyme. Thực sự thì vì sao anh lại muốn tôi?

“Thom, vị khách của chúng ta không còn được chào đón nữa. Cậu làm ơn...”

“Lincoln”, người trợ lý nói.

“Thom”, Rhyme cáu kỉnh, “tôi đang bảo cậu làm việc đấy”.

“Vì tôi chẳng biết cái con khỉ gì, đúng không?” Sachs buột miệng. “Chính thế đấy! Anh không muốn một kỹ thuật viên CS thực sự vì lúc đó anh sẽ không có quyền. Còn tôi, anh có thể bắt tôi đi ra đây, ra kia. Tôi làm đúng những thứ anh cần, không hề than vãn hay oán trách.”

“À, binh biến...”, Rhyme nói, ngước mắt lên trần nhà.

“Nhưng tôi không phải lính. Ngay từ đầu tôi đã không muốn thế.”

“Tôi cũng không muốn. Nhưng giờ thì ta ở đây. Trên giường với nhau. Ồ, ít nhất là một người trong chúng ta.” Anh biết, nụ cười lạnh lùng của anh băng giá gấp nhiều lần nụ cười lạnh lùng nhất của cô.

“Vì sao, Rhyme, anh chỉ là một đứa trẻ hỗn xược được nuông chiều mà thôi.”

“Này sĩ quan, hết giờ rồi đấy”, Sellitto quát.

Nhưng cô vẫn tiếp tục: “Anh không còn làm công việc khám nghiệm hiện trường được nữa, tôi lấy làm tiếc về điều đó. Nhưng anh đang làm ảnh hưởng tới cuộc điều tra chỉ vì muốn ve vuốt lòng tự ái của mình và tôi nói như thế thật vớ vẩn.” Cô vơ lấy chiếc mũ tuần tra và lao ra khỏi phòng.

Anh nghĩ sẽ có tiếng sập cửa rất mạnh, có thể cả tiếng kính vỡ. Nhưng chỉ có một tiếng va nhẹ, rồi im lặng.

Khi Jerry Banks nhặt cuốn sổ của mình lên và lần giở nó với vẻ tập trung thái quá, Sellitto nói: “Lincoln, tôi xin lỗi. Tôi...”

“Không sao”, Rhyme nói, ngáp thật dài, hy vọng làm cho trái tim nhức nhối của anh bình ổn. “Hoàn toàn không sao.”

Mấy viên cảnh sát đứng cạnh cái bàn gần như trống trơn trong sự im lặng đáng sợ, sau đó Cooper nói: “Gói ghém đi thôi.” Anh ta nhấc hộp kính hiển vi lên bàn, bắt đầu tháo ống ngắm với sự chăm chút của một nhạc công đang tháo cây kèn saxophone của mình.

“Được rồi, Thom”, Rhyme nói. “Mặt trời lặn rồi đấy. Cậu có biết thế nghĩa là gì không? Các quầy bar mở cửa.”

Phòng chiến trận của họ thật ấn tượng. Nó vượt xa phòng ngủ của Rhyme.

Ba tá đặc vụ, máy tính và bảng điện tử như trong phim của Tom Clancy chiếm nửa tầng trong tòa nhà liên bang. Các đặc vụ trông như luật sư hay nhân viên ngân hàng đầu tư. Sơ mi trắng, cà vạt. Bảnh bao là từ đầu tiên xuất hiện trong đầu. Amelia Sachs đứng giữa phòng, nổi bật trong bộ đồng phục màu xanh hải quân, thấm đầy máu chuột, bụi bẩn và tế bào của đám súc vật đã chết hàng trăm năm.

Cô đã hết run rẩy vì cuộc cãi vã với Rhyme và mặc dù đầu óc cô quay cuồng với hàng nghìn điều cô muốn nói, ước gì cô đã nói, cô bắt mình tập trung vào những gì đang diễn ra xung quanh.

Một đặc vụ cao mặc bộ vét xám không chê vào đâu được đang hội ý với Dellray – hai người đàn ông cao lớn, cúi đầu nghiêm nghị. Cô tin rằng anh ta là Thomas Perkins, đặc vụ phụ trách văn phòng Manhattan, nhưng cô không chắc chắn lắm; quan hệ với FBI của một nhân viên Đội Tuần tra cũng không nhiều hơn của nhân viên tạp vụ hay là nhân viên bán bảo hiểm. Anh ta trông có vẻ thiếu hài hước, có năng lực và luôn luôn nhìn lên tấm bản đồ Manhattan to tướng treo trên tường. Perkins gật đầu mấy lần khi Dellray báo cáo với anh ta, sau đó anh ta bước đến chỗ cái bàn gỗ ép, trên đó đầy những cặp tài liệu, nhìn xuống nhóm đặc vụ và bắt đầu nói.

“Mọi người làm ơn chú ý… Tôi vừa nói chuyện với giám đốc và chưởng lý tại Washington. Tất cả chúng ta đều biết về đối tượng tại sân bay Kennedy. Đây là một hồ sơ không bình thường. Bắt cóc, không có yếu tố tình dục, thường thì đó không phải động cơ giết người hàng loạt. Trên thực tế, đây là đối tượng đầu tiên của loại này mà chúng ta bắt gặp tại Quận Nam. Tính đến khả năng có quan hệ với những sự kiện tại Liên Hiệp Quốc trong tuần này, chúng ta đang phối hợp với trụ sở trung tâm, Quantico và văn phòng Tổng thư ký. Chúng ta được quyền hoàn toàn chủ động trong vụ này. Mức ưu tiên cao nhất.”

SAC nhìn Dellray đang nói: “Chúng ta tiếp quản vụ này từ NYPD nhưng chúng ta sẽ dùng họ làm lực lượng hỗ trợ và nguồn nhân lực. Chúng ta có một sĩ quan hiện trường vụ án tại đây để báo cáo về hiện trường.” Ở đây, giọng Dellray khác hẳn. Không còn là ngày Nhặng nữa.

“Cô đã đăng ký vật chứng chưa?” Perkins hỏi Sachs.

Sachs thừa nhận cô chưa làm. “Chúng tôi bận cứu nạn nhân.”

Điều này làm SAC khó chịu. Nếu không khi xử án, những vụ ngon ăn thường bị đình trệ vì không đăng ký vật chứng. Đó là điều đầu tiên mà luật sư của tội phạm tóm lấy.

“Nhớ làm trước khi ra về.”

“Vâng, thưa ngài.”

Vẻ mặt Rhyme thật tệ khi anh ta đoán mình ton hót với Eckert và buộc họ phải đóng cửa. Thật tệ…

Sachs của tôi nghĩ ra, Sachs của tôi bảo toàn hiện trường…

Cô lại cậy móng tay. Thôi đi, cô nhủ thầm như cô vẫn thường làm, và lại tiếp tục chọc móng tay vào thịt. Cảm giác đau đớn thật tốt. Đó là điều mà bác sĩ trị liệu không bao giờ hiểu.

SAC nói: “Đặc vụ Dellray? Anh có thể báo cáo với mọi người cách chúng ta sẽ làm không?”

Dellray nhìn lướt qua SAC và các đặc vụ khác rồi tiếp tục: “Tại thời điểm này chúng ta có đặc vụ hiện trường đánh tất cả các nhóm khủng bố chính trong thành phố và theo đuổi bất kỳ manh mối nào mà chúng ta có để dẫn chúng ta đến nơi ở của đối tượng. Tất cả CI, tất cả đặc vụ ngầm. Điều đó có nghĩa ta sẽ làm tổn thương một số chiến dịch hiện tại, nhưng chúng tôi quyết định nó xứng đáng với rủi ro.”

“Việc của chúng ta ở đây là phản ứng nhanh. Các anh sẽ được chia thành từng nhóm sáu đặc vụ và sẵn sàng truy đuổi với bất cứ manh mối nào. Các anh phải sẵn sàng cứu con tin và hỗ trợ tấn công chiến lũy.”

“Thưa ngài”, Sachs nói.

Perkins ngẩng lên, nhăn mặt. Rõ ràng không ai có quyền làm gián đoạn buổi báo cáo trước phần hỏi đáp được phép. “Có việc gì thế, sĩ quan?”

“À, tôi chỉ có chút băn khoăn. Còn nạn nhân thì sao, thưa ngài?”

“Ai? Cô gái người Đức? Cô nghĩ chúng ta phải thẩm vấn cô ta lần nữa à?”

“Không, thưa ngài. Ý tôi là nạn nhân tiếp theo.”

Perkins trả lời: “Tất nhiên chúng ta luôn nhận thức được là có thể sẽ có những mục tiêu khác.”

Sachs nói tiếp: “Hắn đã có rồi.”

“Thật không?” SAC liếc nhìn Dellray đang nhún vai. Perkins hỏi Sachs: “Làm sao cô biết?”

“À, chính xác thì tôi không biết, thưa ngài. Nhưng hắn ta đã để lại manh mối ở hiện trường cuối cùng và hắn sẽ không làm thế nếu hắn không có nạn nhân khác. Hoặc đang chuẩn bị bắt một nạn nhân.”

“Đã ghi nhận, thưa sĩ quan”, SAC tiếp tục. “Chúng ta sẽ huy động mức nhanh nhất có thể để bảo đảm không có chuyện gì xảy ra với họ.”

Dellray nói với cô: “Chúng tôi nghĩ rằng tốt nhất ta nên tập trung chủ yếu vào con quái vật.”

“Thám tử Sachs…”, Perkins bắt đầu.

“Tôi không phải thám tử, thưa ngài. Tôi là sĩ quan Đội Tuần tra.”

“Được rồi”, SAC tiếp tục, nhìn chồng tài liệu. “Nếu có thể, hãy cho chúng tôi một số điểm chính, sẽ rất hữu ích.”

Ba mươi đặc vụ nhìn cô. Có hai phụ nữ.

“Cứ nói cho chúng tôi nghe những gì cô nhìn thấy”, Dellray nói, cắn một điếu thuốc chưa đốt giữa hai hàm răng tuyệt đẹp.

Cô đưa cho họ tóm tắt về những lần tìm kiếm của cô tại hiện trường cùng kết luận của Rhyme và Terry Dobyns. Hầu hết các đặc vụ cảm thấy lo lắng về phương thức MO[102] kỳ lạ của đối tượng.

“Như một trò chơi chết tiệt”, một đặc vụ lẩm bẩm.

Một người hỏi liệu trong những manh mối đó họ có thể giải mã được thông điệp chính trị nào không?

“Thưa ngài, thực sự chúng tôi không cho rằng hắn là kẻ khủng bố”, Sachs khăng khăng.

Perkins chuyển sự chú ý đặc biệt của mình sang Sachs. “Cho phép tôi hỏi, sĩ quan, cô công nhận là hắn thông minh, đúng không?”

“Rất thông minh.”

“Hắn có thể bịp hai lần không?”

“Ý của anh là gì?”

“Cô... Tôi phải nói rằng NYPD nghĩ hắn là một trường hợp tâm thần. Ý tôi là nhân cách tội phạm. Nhưng có phải hắn đủ thông minh để khiến cô nghĩ thế hay không? Trong khi có thể điều gì khác đang diễn ra.”

“Điều gì?”

“Manh mối hắn để lại chẳng hạn. Có thể là nghi binh?”

“Không, thưa ngài. Đó là hướng dẫn”, Sachs nói. “Dẫn chúng tôi đến chỗ nạn nhân.”

“Tôi hiểu”, Thomas Perkins nhanh trí nói. “Nhưng hắn cũng có thể làm thế để đưa chúng ta ra xa mục tiêu của hắn, đúng không nào?”

Cô chưa nghĩ tới điều này. “Tôi cho rằng cũng có thể.”

“Sếp Wilson cũng đang cố lấy người từ nhóm phục vụ an ninh cho Liên Hiệp Quốc để làm vụ bắt cóc này. Đối tượng có thể đang làm mọi người bị phân tán để hắn tự do thực thi sứ mạng thực sự của hắn.”

Sachs nhớ lại là trước đây cô cũng có những ý tưởng tương tự khi nhìn thấy những nhân viên tìm kiếm trên Phố Pearl. “Và mục tiêu đó có thể là Liên Hiệp Quốc?”

“Chúng tôi nghĩ vậy”, Dellray nói. “Bọn tội phạm đứng đằng sau vụ đánh bom UNESCO ở London có thể muốn thử lại lần nữa.”

Có nghĩa là Rhyme đang đi theo hướng hoàn toàn sai. Ý nghĩ này làm gánh nặng của cô nhẹ đi đôi chút.

“Sĩ quan, giờ cô có thể kiểm tra từng chứng cứ cho chúng tôi chứ?”

Dellray đưa cho cô bảng danh sách mọi thứ cô tìm được và cô đọc từng hạng mục. Khi nói chuyện, cô nhận thấy những hoạt động sôi sục quanh mình – vài đặc vụ nhận điện thoại, một số đứng thì thầm với người khác, số khác ghi chép. Nhưng khi nhìn vào bảng danh sách, cô nói thêm: “Tôi có lấy được một dấu vân tay của hắn tại hiện trường cuối cùng”, cô nhận thấy căn phòng tuyệt đối im lặng. Cô nhìn lên. Mọi khuôn mặt trong văn phòng đều nhìn chăm chăm vào cô như một cơn sốc vừa đi qua – nếu như đặc vụ liên bang còn có khả năng bị sốc.

Cô bất lực nhìn Dellray, anh ta đang ngẩng đầu lên. “Có phải cô bảo cô vớ được một dấu tay?”

“Vâng, đúng như thế. Hắn bị rơi găng tay khi vật lộn với nạn nhân cuối cùng, khi nhặt lên tay hắn quét xuống sàn.”

“Ở đâu?” Dellray hỏi nhanh.

“Lạy Chúa”, một đặc vụ kêu lên. “Sao cô chẳng nói gì?”

“À, tôi…”

“Tìm đi. Tìm nó ngay đi!” Một người khác kêu lên.

Tiếng xì xầm lan khắp phòng.

Tay run run, Sachs lục lọi trong cái túi đựng vật chứng và đưa cho Dellray bức hình Polaroid chụp dấu tay. Anh ta giơ nó lên, nhìn thật cẩn thận. Đưa cho một người mà cô đoán là chuyên gia về dấu tay xem. “Tốt”, đặc vụ này nói. “Chắc chắn là loại A.”

Cô biết dấu tay được phân thành các loại A, B và C, và phần lớn các cơ quan thực thi pháp luật không chấp nhận loại thấp hơn. Nhưng niềm kêu hãnh của cô về kỹ năng tìm kiếm vật chứng của mình đã bị đập tan bởi sự chê bai mang tính tập thể của họ khi cô đã không nhắc tới điều đó sớm hơn.

Và mọi thứ bắt đầu nhất loạt diễn ra. Dellray chuyển nó cho một đặc vụ, người này vội chạy đến chỗ một cái máy tính phức tạp ở góc văn phòng và đặt nó lên một bề mặt cong lớn của một cỗ máy có tên gọi Optic-Scan. Một đặc vụ khác bật máy tính và gõ lệnh trong khi Dellray vội vàng nhấc điện thoại. Anh ta sốt ruột giậm chân, và cúi đầu như thể có ai đó ở đầu dây bên kia đang trả lời điện thoại.

“Ginnie, Dellray đây. Vụ này rất xương đấy, nhưng tôi cần anh cắt tất cả các yêu cầu AFIS[103] từ khu Đông Bắc để làm cái tôi gửi cho anh đây… Tôi có Perkins ở đây. Anh ấy đồng ý rồi, nếu thế chưa đủ tôi sẽ gọi cho người ở Washington… Việc có liên quan đến Liên Hiệp Quốc.”

Sachs biết AFIS được các sở cảnh sát toàn quốc sử dụng. Chính là hệ thống Dellray lúc này đang dừng lại.

Đặc vụ ngồi máy tính nói: “Quét rồi. Chúng tôi đang gửi đi.”

“Sẽ mất bao lâu?”

“Mười, mười lăm phút.”

Dellray ép các ngón tay bẩn thỉu vào nhau. “Làm ơn, làm ơn, làm ơn đi.”

Xung quanh cô là một cơn lốc các hoạt động. Sachs nghe những giọng nói về vũ khí, trực thăng, xe hơi, các nhà đàm phán chống khủng bố. Gọi điện thoại, gõ bàn phím, trải bản đồ, kiểm tra súng ngắn.

Perkins đang nghe điện, nói chuyện với những người giải cứu con tin hoặc Thị trưởng, hoặc Giám đốc. Có thể là tổng thống. Ai biết được? Sachs nói với Dellray: “Tôi không biết là dấu tay lại quan trọng đến thế.”

“Luôn là chuyện lớn. Ít nhất là khi có AFIS. Trước kia ta chỉ lấy dấu tay để diễn. Để nạn nhân và báo giới biết là chúng ta có làm gì đó.”

“Anh đùa a?”

“Không, không đùa tẹo nào. Ví dụ Thành phố New York. Cô đi tìm khan – tức là khi cô chẳng có đối tượng nào – cô đi tìm khan theo kiểu thủ công, một kỹ thuật viên sẽ mất năm mươi năm để xem hết thẻ dấu tay. Không đùa đâu. Còn tìm tự động? Mười lăm phút. Thường thì cô sẽ nhận dạng được đối tượng với xác suất khoảng một, hai phần trăm. Giờ ta đạt được gần hai mươi, hai mươi hai phần trăm. Ồ, dấu tay quý như vàng đấy. Cô nói cho Rhyme biết chưa?”

“Anh ta biết, chắc chắn thế.”

“Thế mà anh ta không khua khoắng tất cả mọi người à? Ôi trời ơi, anh chàng này đang trượt dốc.”

“Này, sĩ quan”, SAC Perkins gọi, giữ tay trên điện thoại. “Tôi muốn cô điền luôn thẻ đăng ký vật chứng. Tôi muốn chuyển vật chứng cho PERT.”

PERT. Sachs nhớ Lincoln đã từng là người được Cục thuê để làm việc này.

“Tôi sẽ làm. Chắc chắn rồi.”

“Mallory, Kemple, đưa chỗ vật chứng này đến văn phòng và đưa cho vị khách của chúng ta vài tờ biểu đăng ký vật chứng. Cô có bút không, sĩ quan?”

“Có.”

Cô đi theo hai sĩ quan sang một văn phòng nhỏ, căng thẳng bấm cây bút bi trong khi họ đi tìm kiếm và quay lại với một xấp biểu đăng ký vật chứng do Cục ban hành. Cô ngồi xuống, mở gói.

Giọng nói vang lên đằng sau cô là của Dellray phiền muộn. Một nhân cách đang cố gắng bật ra. Trên đường đến đây, ai đó đã gọi anh ta là Kỳ nhông và cô đang dần hiểu ra lý do.

“Chúng tôi gọi Perkins là Dict Lớn. Không phải là ‘dick[104]’ như cô hiểu đâu. ‘Dict’ như trong từ điển ấy. Nhưng đừng lo cho anh ta. Anh ta thông minh, hơn thế nữa dây của anh ta có thể giật đến tận Washington, là chỗ cần giật trong những vụ như thế này.” Dellray đưa điếu thuốc là lên mũi ngửi, tựa như đó là điếu xì gà hảo hạng. “Cô biết không sĩ quan, cô gian như cáo khi làm điều cô đang làm đấy.”

“Là gì?”

“Ra khỏi Ban Tội phạm Nguy hiểm. Cô không muốn nó đâu.” Khuôn mặt đen đúa gầy gò, bóng nhoáng, chỉ có chút nếp nhăn ở mắt, lần đầu tiên trông có vẻ chân thành kể từ khi cô gặp anh ta. “Việc tốt nhất cô từng làm, là chuyển sang Phòng Quan hệ Công chúng. Ở đó cô sẽ có ích và công việc không biến cô thành bụi. Chắc chắn đấy là điều sẽ xảy ra. Công việc biến cô thành bụi.”

Một trong những nạn nhân cuối cùng chịu sự áp bức điên loạn của James Schneider, chàng trai trẻ tuổi tên là Ortega, đến Manhattan từ Thành phố Mexico, nơi bạo loạn chính trị (cuộc nổi dậy của một kẻ theo thuyết dân túy bắt đầu trước đó một năm) đã làm cho công việc làm ăn trở nên khó khăn. Tuy nhiên, doanh nhân tham vọng này đã biến mất khi tới thành phố chưa được một tuần. Người ta thấy anh ta lần cuối cùng là trước cửa một quán rượu ở khu West Side, các cơ quan chức năng ngay lập tức nghi ngờ rằng anh ta lại là một nạn nhân khác của Schneider. Đáng buồn điều đó lại là sự thực.

Kẻ Tầm Xương lượn xe trên phố khoảng mười lăm phút quanh Đại học New York, Quảng trường Washington. Rất nhiều người lang thang ngoài phố, nhưng chủ yếu là trẻ con. Sinh viên theo các khóa học hè. Trẻ trượt ván. Không khí vui vẻ, lạ thường. Ca sĩ, nghệ nhân tung hứng, nhào lộn. Những thứ đó làm hắn nhớ đến “bảo tàng” dưới Phố Bowery, rất phổ biến trong những năm 1800. Đó tất nhiên không phải là những bảo tàng mà chỉ là những con đường có mái vòm, ở đó tràn ngập những buổi trình diễn hài kịch tục tĩu, triển lãm quái vật, những tên liều mạng và những người bán dạo bán đủ mọi thứ từ bưu ảnh của Pháp cho tới những mẩu gỗ trên Thánh giá thiêng liêng.

Hắn ta đi chậm lại hai lần nhưng không có ai cần đi taxi, hoặc đủ tiền để đi taxi. Hắn quay về phía nam.

Schneider buộc đá vào chân Señor Ortega[105] và lăn anh ta xuống dưới cầu cảng ra sông Hudson để nước và cá sẽ biến cơ thể anh ta thành xương. Thi thể được tìm thấy hai tuần sau khi anh ta biến mất và người ta chẳng có cách nào biết được nạn nhân bất hạnh còn sống hoặc hoàn toàn tỉnh táo khi bị vứt xuống nước hay không. Tuy nhiên, người ta vẫn nghi ngờ như vậy. Vì Schneider đã tàn bạo cắt ngắn dây trói để cho mặt của Señor Ortega chỉ cách mặt nước vài inch – tay anh ta chắc chắn đã điên loạn khua khoắng khi anh ta nhìn tầng không khí cứu tinh bên trên.

Kẻ Tầm Xương nhìn thấy một chàng thanh niên bệnh hoạn đứng trên vỉa hè. AIDS, hắn nghĩ. Nhưng xương cốt của mày còn mạnh khỏe – và thật hoàn mỹ. Xương cốt của mày sẽ sống mãi... Anh ta không cần đi taxi và khi xe đi ngang qua, Kẻ Tầm Xương thèm thuồng nhìn anh ta qua kính chiếu hậu.

Hắn quay lại đúng lúc để vòng xe tránh một người đàn ông đứng tuổi vừa bước xuống đường, cánh tay gầy gò của ông ta giơ ra gọi xe. Người đàn ông nhảy lui, nhanh hết mức có thể, và chiếc taxi phanh kít, vượt qua ông ta rồi dừng lại.

Người đàn ông mở cửa sau xe nghiêng người vào trong. “Anh phải nhìn xem mình đi đâu chứ.” Ông ta nói câu này như một lời hướng dẫn. Không chút giận dữ.

“Xin lỗi”, Kẻ Tầm Xương nói, vẻ hối lỗi.

Người đàn ông đứng tuổi ngần ngừ một chút, nhìn quanh phố nhưng không thấy chiếc taxi nào khác. Ông ta trèo vào xe.

Cánh cửa đóng sập.

Nghĩ: già và gầy. Da chắc trượt trên xương như lụa.

“Đi đâu đấy?” Hắn nói.

“East Side.”

“Có ngay”, hắn nói trong khi trùm chiếc mặt nạ trượt tuyết lên đầu và đánh tay lái sang phải. Chiếc xe lao về phía tây.

III

III

CON GÁI CỚM TUẦN TRA

Đảo lộn, đảo lộn, đảo lộn! Đó là châm ngôn của New York... Xương cốt của tổ tiên chúng ta không được phép nằm yên trong một phần tư thế kỷ, và một thế hệ con cháu đang cố tình dỡ bỏ tất cả những di vật của những người đi trước.

PHILIP HONE

THỊ TRƯỞNG NEW YORK, NHẬT KÝ, 1845
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 18


10:15 PM thứ Bảy đến 5:30 AM Chủ nhật

“Rót thêm đi, Lon.”

Rhyme uống bằng ống hút, Sellitto uống bằng cốc. Cả hai đều uống whisky không pha. Viên thám tử ngồi trên chiếc ghế mây kêu kin kít và Rhyme cho rằng anh ta trông hơi giống Peter Lorre trong phim Casablanca.

Terry Dobyns đã về sau khi đưa ra vài nhận định tâm lý gay gắt về bệnh tự yêu bản thân và về những người được chính phủ liên bang thuê mướn, Jerry Banks cũng đã ra về. Mel Cooper đang vất vả tháo và đóng gói thiết bị của anh ta.

“Này Lincoln, ngon quá.” Sellitto nhấp ly whisky Scotch của mình. “Mẹ kiếp, tôi làm gì có tiền mua cái thứ này. Nó bao nhiêu tuổi?”

“Tôi nghĩ loại này khoảng hai mươi năm.”

Viên thám tử nhìn chất rượu nâu óng. “Quý thật, nếu đây là đàn bà, thì cô ta đã trưởng thành, rồi thì sau đó.”

“Nói tôi nghe một chuyện, Lon. Polling? Cơn điên của anh ta ấy mà. Câu chuyện đó là thế nào nhỉ?”

“Bé Jimmy?” Sellitto cười. “Giờ thì anh ta đang gặp rắc rối. Anh ta là người can thiệp để loại Peretti ra khỏi vụ này và giữ nó xa tầm tay của FBI. Thực sự là anh ta liều mạng. Anh ta cũng đòi cả anh, việc này tốn chút công sức. Cần phải tác động mấy chỗ. Tôi không phải nói anh. Chỉ là một thường dân trong một vụ nóng thế này.”

“Polling yêu cầu tôi à? Tôi tưởng đấy là sếp.”

“Đúng. Nhưng Polling làm thầy dùi cho ông ta ngay từ đầu. Anh ta gọi ngay khi nghe về vụ bắt cóc và ở hiện trường lại có mấy vật chứng ma.”

Và anh ta muốn có mình? Rhyme băn khoăn. Thật lạ. Rhyme không có liên hệ gì với Polling suốt mấy năm qua – từ vụ giết cảnh sát mà anh bị thương. Polling làm vụ này và cuối cùng cũng tóm được Dan Shepherd.

“Cậu có vẻ ngạc nhiên”, Sellitto nói.

“Về việc anh ta yêu cầu tôi? Có chứ. Chúng tôi không hợp nhau lắm. Ít nhất là trước đây.”

“Sao lại thế?”

“Tôi 13-43[106] anh ta.”

Mẫu đơn khiếu nại của NYPD.

“Năm, sáu năm trước khi anh ta còn là một viên thiếu úy, tôi thấy anh ta thẩm vấn nghi phạm ngay tại hiện trường đã được bảo vệ. Làm nó bị ô nhiễm. Tôi nổi đóa. Cho chuyện này vào báo cáo và nó được trích dẫn trong một lần đánh giá nội bộ của anh ta – lần anh ta bắn nghi phạm không có vũ khí.”

“Thế à, thế thì tôi nghĩ cậu đã được tha thứ, vì anh ta đã rất cần cậu.”

“Lon, làm ơn gọi điện giúp tôi được chứ?”

“Tất nhiên.”

“Không”, Thom vừa nói vừa lấy chiếc điện thoại trên tay viên thám tử. “Cứ để anh ta tự làm.”

“Tôi không có thời gian học sử dụng nó.” Rhyme nói, hất đầu về phía thiết bị quay số ECU mà Thom đã nối lúc trước.

“Anh không dành thời gian. Khác biệt lớn đấy. Anh gọi cho ai?”

“Berger”

“Không, anh sẽ không gọi”, Thom nói. “Muộn rồi.”

“Tôi đã nhìn đồng hồ”, Rhyme lạnh lùng trả lời. “Gọi cho ông ấy. Ông ấy ở One Police Plaza.”

“Không.”

“Tôi bảo cậu gọi cho ống ấy.”

“Đây.” Người trợ lý quăng một mẩu giấy xuống cạnh bàn ở xa nhưng Rhyme có thể đọc dễ dàng. Chúa có thể tước của Lincoln Rhyme nhiều thứ, nhưng Ngài đã ban tặng cho anh đôi mắt của một chàng trai. Anh quay số điện thoại bằng cằm và cái cần điều khiển. Dễ hơn anh nghĩ nhưng anh cố tình rình rang và lầm bầm khi làm. Bực mình, Thom lờ anh đi và xuống cầu thang.

Berger không có nhà. Rhyme bỏ máy, điên tiết vì không thể dập được điện thoại thật mạnh.

“Có vấn đề à?” Sellitto hỏi.

“Không”, Rhyme càu nhàu.

Ông ta đâu nhỉ? Rhyme bực mình nghĩ. Muộn rồi. Lúc này Berger phải về phòng khách sạn rồi mới đúng. Rhyme bị châm chọc bởi một cảm giác lạ lùng – ghen tị vì ông bác sĩ tử thần của anh đang giúp người khác được chết.

Sellitto bất ngờ nhẹ nhàng chép miệng. Rhyme ngước nhìn. Viên cảnh sát đang ăn thanh kẹo. Anh quên mất rằng đồ ăn sẵn là thực đơn chính của anh chàng khổng lồ này khi họ còn làm việc với nhau. “Tôi đang nghĩ. Anh nhớ Bennie Ponzo không?”

“Đội đặc nhiệm OC, mười năm trước?”

“Có.”

Rhyme thích làm việc với tội phạm có tổ chức. Bọn này là đội chuyên nghiệp. Hiện trường vụ án đầy thách thức. Nạn nhân cũng hiếm khi vô tội.

“Ai thế?” Mel Cooper hỏi.

“Một tay giết thuê từ Bay Ridge”, Sellitto nói. “Anh có nhớ sau khi ta tóm hắn, bánh kẹp kẹo.”

Rhyme cười, gật đầu.

“Chuyện thế nào?” Cooper hỏi.

Sellitto nói: “Được rồi. Khi đó chúng tôi ở Central Booking. Lincoln, tôi và mấy người nữa. Và Bennie, cậu nhớ không, một anh chàng to lớn, hắn đang ngồi gập cong người, đói meo. Bất ngờ hắn nói: ‘Này chúng mày, tao đói. Tao muốn một cái bánh kẹp kẹo.’ Chúng tôi nhìn nhau ngơ ngác, rồi tôi hỏi: ‘Bánh kẹp kẹo là cái gì?’ Hắn nhìn tôi như thể tôi vừa rơi trên Sao Hỏa xuống rồi nói: ‘Thế mày nghĩ nó là cái mẹ gì? Mày lấy thanh kẹo Hersey, mày kẹp nó vào giữa hai miếng bánh mì rồi chén. Đấy là bánh kẹp kẹo.”

Họ cười vang. Sellitto đưa thanh kẹo cho Cooper, anh ta lắc đầu, sau đó đưa cho Rhyme. Tự nhiên anh thấy muốn cắn một miếng. Một năm nay rồi anh chưa được ăn chocolate. Anh tránh những thức ăn loại này – đường, kẹo. Những thức ăn rắc rối. Những thứ nhỏ nhặt trong cuộc đời trở thành gánh nặng lớn nhất, những thứ làm anh kiệt sức và đau khổ nhất. Được, anh sẽ chẳng bao giờ còn được đi lặn hay leo núi Alps. Thế thì sao? Bao nhiêu người khác cũng chẳng làm những trò này. Nhưng mọi người đều đánh răng. Và đến nha sĩ, hàn răng, đón tàu về nhà. Mọi người xỉa răng để moi một mẩu lạc giắt trong răng hàm ra khi không ai để ý.

Tất cả mọi người, trừ Lincoln Rhyme.

Anh lắc đầu với Sellitto và hút một hơi dài whisky Scotch. Ánh mắt anh quay lại màn hình máy tính, nhớ tới bức thư tạm biệt anh đang viết cho Blaine khi Sellitto và Banks làm anh bị gián đoạn sáng hôm đó. Anh vẫn còn muốn viết thêm một vài bức thư.

Người mà anh dừng không viết cho nữa là Peter Taylor, chuyên gia cột sống. Phần lớn thời gian, Rhyme và Taylor không nói chuyện về tình hình bệnh nhân mà họ nói về cái chết. Ông bác sĩ này là người phản đối kịch liệt việc chết tự nguyện có trợ giúp. Rhyme thấy anh nợ ông ta một bức thư giải thích vì sao anh quyết định tự tử.

Và Amelia Sachs?

Con gái cớm tuần tra cũng sẽ nhận được một lời nhắn, anh quyết định thế.

Người tàn tật rộng lượng, người tàn tật tử tế, người tàn tật sắt đá…

Người tàn tật chẳng là gì nếu không tha thứ…

Amelia thân mến:

Amelia thân mến của tôi:

Amelia:

Sĩ quan Sachs thân mến:

Vì chúng ta đã có vinh dự được làm việc cùng nhau, tôi muốn nhân dịp này để nói rằng mặc dù tôi coi cô là tên Judas phản bội nhưng tôi đã tha thứ cho cô. Hơn nữa, tôi chúc cô thành công trong sự nghiệp tương lai của cô với tư cách là kẻ hôn đít báo chí…

“Chuyện của cô ta như thế nào, Lon? Sachs ấy mà.”

“Ngoài việc cô ta có tính cách kinh khủng mà tôi không biết ra?”

“Cô ta kết hôn chưa?”

“Không. Khuôn mặt và dáng người như thế thì chắc chắn anh sẽ nghĩ cô ta đã có một anh chàng đẹp giai nào đó rồi. Nhưng cô ta thậm chí còn chưa có người yêu. Chúng tôi nghe nói vài năm trước cô ta có một anh chàng, nhưng chẳng bao giờ cô ta nói đến chuyện đó.” Anh ta hạ giọng: “Có tin đồn cô ta là ô môi. Nhưng tôi không biết gì hơn thế – cuộc sống xã hội của tôi chỉ là bắt gái ở hiệu giặt đồ vào tối thứ Bảy. Này, có tác dụng đấy. Tôi còn nói gì được nữa?”

Cô phải học cách bỏ qua người đã chết...

Rhyme nghĩ về vẻ mặt cô khi anh nói điều đó với cô. Như thế là thế nào nhỉ? Sau đó anh thấy giận dữ với bản thân vì đã tốn thời gian nghĩ đến cô. Và làm thêm một hớp whisky lớn nữa.

Chuông cửa reo, sau đó là tiếng chân bước trên cầu thang. Rhyme và Sellitto nhìn ra cửa. Tiếng giày bốt của một người đàn ông cao lớn, mặc quần bó do thành phố cấp và đội chiếc mũ bảo vệ màu xanh dương. Một trong những cảnh sát chọn lọc của NYPD. Anh ta đưa cho Sellitto một chiếc phong bì kềnh càng và quay xuống cầu thang.

Viên thám tử mở phong bì. “Hãy nhìn chúng ta có gì này.” Anh ta đổ những thứ bên trong ra bàn. Rhyme bực dọc ngước lên. Ba hoặc bốn tá túi nhựa đựng chứng cứ, tất cả đều dán nhãn. Những cái túi đựng một mẩu giấy bóng kính từ túi đựng chân bê mà họ đã gửi đội ESU đi mua.

“Một tin nhắn từ Haumann.” Anh ta đọc: “Gửi: L. Rhyme, L. Sellitto. Từ: B. Haumann, TSRF.”

“Cái quái gì thế?” Cooper hỏi. Sở cảnh sát là tổ của các loại chữ viết tắt và rút gọn. RMP – tuần tra di động từ xa, thực ra là xe tuần tra. IED – thiết bị nổ ứng tác, tức là một quả bom. Nhưng TSRF là một chữ viết tắt mới. Rhyme nhún vai.

Sellitto tiếp tục đọc, vừa đọc vừa chặc lưỡi. “Đội đặc nhiệm chiến thuật siêu thị. Về việc: Chân bê. Lần tìm kiếm toàn thành phố phát hiện được bốn mươi sáu đối tượng, tất cả đều bị bắt và bị vô hiệu hóa với nỗ lực tối thiểu. Chúng tôi đã đọc cho chúng nghe quyền của mình và chuyển chúng đến nơi giam giữ là nhà bếp của mẹ sĩ quan T.P.Giancarlo. Sau khi thẩm vấn, nửa tá nghi phạm sẽ được chuyển cho các anh giám hộ. Đã được đun nóng ba trăm năm mươi độ trong ba mươi phút.”

Rhyme cười. Sau đó thêm một ngụm whisky, thưởng thức mùi vị. Đó là một điều anh sẽ nhớ, hơi thở ám khói của rượu. (Mặc dù trong sự bình yên của giấc ngủ vô cảm, làm thế nào mà ta nhớ được điều gì đó? Giống như chứng cứ, lấy đi tiêu chuẩn tối thiểu, thế là anh chẳng còn gì để đánh giá sự mất mát của mình; anh sẽ mãi mãi an toàn.)

Cooper xòe mấy mẫu ra. “Bốn mươi sáu mẫu giấy bóng kính. Mỗi chuỗi siêu thị và các cửa hàng độc lập lớn một mẫu.”

Rhyme nhìn các bản mẫu. Những thứ này rất tốt để phân loại. Phân loại đơn lẻ giấy bóng kính có thể là một công việc rất khó khăn – mẩu giấy được tìm thấy trong manh mối xương bê chưa chắc đã trùng với các mẫu giấy này. Tuy nhiên, vì các công ty mẹ thường mua vật tư tương đồng cho các cửa hàng trong chuỗi của họ, anh có thể biết 823 mua thịt bê ở chuỗi nào và thu hẹp được các khu vực sinh sống của hắn. Có thể anh phải gọi nhóm vật chứng của Cục và…

Không, không. Nên nhớ: bây giờ đấy là vụ chiết tiệt của họ.

Rhyme ra lệnh cho Cooper: “Gom chúng lại và gửi cho những người anh em liên bang của chúng ta.”

Rhyme định tắt máy tính nhưng ngón tay đôi khi vụng về của anh lại bấm nhầm nút. Loa phóng thanh phát ra một tràng thanh khóc dài ầm ĩ.

“Mẹ kiếp”, Rhyme lầm bầm khó chịu. “Máy móc chết tiệt.”

Không thoải mái với cơn giận bất ngờ của Rhyme, Sellitto liếc nhìn cốc của mình và đùa: “Quỷ thật, Rhyme, rượu ngon thế này chắc phải làm anh say đấy.”

“Tin mới đây”, Thom chua chát trả lời. “Anh ta say rồi.”

Hắn đỗ xe gần một đường ống thoát nước khổng lồ.

Lúc trèo ra khỏi xe, hắn có thể ngửi thấy mùi nước hôi thối, nhầy nhụa, chín nẫu. Họ đang ở trong một ngõ cụt dẫn đến một ống dẫn nước thải rộng chạy từ Xa lộ West Side xuống sông Hudson. Ở đây không ai có thể nhìn thấy họ.

Kẻ Tầm Xương quay xe lại, tận hưởng cảnh tượng người tù nhân lớn tuổi của hắn. Như hắn đã tận hưởng cảnh tượng cô gái bị hắn trói trước đường ống hơi nước. Và cánh tay lắc lư cạnh đường ray sáng sớm ngày hôm nay.

Nhìn chăm chăm vào đôi mắt đang hoảng sợ. Người đàn ông này gầy hơn hắn nghĩ. Tóc bạc hơn. Tóc rối bù.

Cơ thể già nhưng xương cốt trẻ…

Người đàn ông co rúm tránh xa hắn, hai cánh tay bắt chéo phòng vệ trước bộ ngực lép của ông ta.

Mở cửa xe, Kẻ Tầm Xương gí súng lục vào xương ngực người đàn ông.

“Xin ông”, tù nhân của hắn thì thầm, giọng ông ta run run. “Tôi không có nhiều tiền nhưng ông có thể lấy hết. Ta có thể ra máy ATM. Tôi sẽ…”

“Ra ngoài.”

“Xin ông đừng hại tôi.”

Kẻ Tầm Xương lấy đầu ra hiệu. Người đàn ông yếu đuối kinh hoàng nhìn quanh rồi tiến lên phía trước. Ông ta đứng bên cạnh xe, rúm ró, hai tay vẫn khoanh trước ngực, nổi gai ốc mặc dù trời nóng gay gắt.

“Sao ông làm thế?”

Kẻ Tầm Xương lùi lại và tìm chiếc còng tay trong túi. Vì đeo găng tay dày nên phải mất vài giây hắn mới tìm thấy sợi xích crom. Khi lôi chiếc còng tay ra, hắn nghĩ hắn có nhìn thấy một chiếc thuyền bốn buồm chạy trên sông Hudson. Dòng chảy ngược ở đây không mạnh như sông Đông, nơi các con tàu phải tốn rất nhiều thời gian để đi từ cầu tàu East, Montgomery và Out Ward lên phía Bắc. Hắn liếc mắt. Không phải, từ từ đã – đấy không phải thuyền buồm mà chỉ là một chiếc tàu có động cơ sang trọng, đầy đám thị dân trưởng giả.

Vươn đôi tay bị còng ra trước, người đàn ông tóm chặt áo kẻ bắt giữ mình. “Xin ông. Tôi đang đến bệnh viện. Vì thế tôi mới gọi ông. Tôi bị đau ngực.”

“Câm mồm.”

Bất ngờ, người đàn ông chộp lấy mặt Kẻ Tầm Xương, hai cánh tay đồi mồi nắm lấy cổ và vai hắn bóp mạnh. Một cơn đau lan tỏa từ chỗ móng tay màu vàng của ông ta đâm vào. Với một cơn bực tức bùng phát, hắn giằng tay nạn nhân ra và thô bạo còng tay ông ta.

Dán một miếng băng dính vào miệng người đàn ông. Kẻ Tầm Xương kéo ông ta trên con đường bờ sông trải sỏi tới miệng ống, đường kính khoảng bốn feet. Hắn dừng lại, xem xét người đàn ông.

Lột mày đến tận xương thật là dễ.

Xương cốt… chạm vào nó. Nghe tiếng nó.

Hắn nhấc tay người đàn ông lên. Hai con mắt kinh hoàng nhìn lại hắn, môi ông ta run rẩy. Kẻ Tầm Xương vuốt ve những ngón tay của người đàn ông, bóp chặt những đốt ngón tay ông ta trong những đốt ngón tay hắn (ước gì hắn có thể tháo găng tay, nhưng hắn không dám). Sau đó hắn nhấc bàn tay người đàn ông lên, áp chặt nó vào tai.

“Gì thế?...”

Bàn tay trái hắn nắm ngón tay út của người tù nhân và từ từ kéo cho đến khi hắn nghe thấy tiếng xương kêu lách cách. Một âm thanh ngọt ngào. Người đàn ông kêu thét lên, nhưng tiếng hét bị dập tắt qua miếng băng dính. Và rơi xuống đất.

Kẻ Tầm Xương kéo ông ta đứng thẳng dậy và dẫn người đàn ông bước đi vấp váp xuống tới miệng ống. Hắn đẩy người đàn ông lên phía trước.

Họ nổi lên phía dưới một cây cầu cảng cũ kỹ, mục nát. Một nơi kinh tởm, vung vãi đầy xác thú vật và cá đang thối rữa, rác rưởi trên những hoàn đá, và lớp bùn tảo bẹ mà xanh xám. Dưới nước là một đám rong biển nổi lên, chìm xuống, chất thành đống như một người béo phì. Mặc dù cả thành phố đang phải chịu cái nóng buổi tối, nhưng dưới này lại lạnh như một ngày tháng Ba.

Señor Ortega…

Hắn dìm người đàn ông xuống sông, còng ông ta vào trụ cầu cảng, bóp cho cái còng siết chặt vào cổ tay ông ta lần nữa. Khuôn mặt xám ngoét của người đàn ông còn cách mặt nước khoảng ba feet. Kẻ Tầm Xương thận trọng đi trên những hòn đá trơn tuột về phía ống cống. Hắn quay lại, ngừng một chút để nhìn, rồi tiếp tục nhìn. Hắn không quan tâm liệu cớm có tìm được những nạn nhân khác hay không. Hanna, người đàn bà trên taxi. Nhưng người này, Kẻ Tầm Xương hy vọng chúng không kịp thời tìm được ông ta. Thực sự là họ đừng nên tìm thấy ông ta. Để hắn có thể quay lại sau một hoặc hai tháng, kiểm tra xem con sông thông minh này có cọ sạch được bộ xương hay không.

Quay lại con đường trải sỏi, hắn tháo mặt nạ và để lại manh mối cho hiện trường tiếp theo, cách nơi hắn đỗ xe không xa. Hắn giận dữ, điên cuồng với bọn cớm, vì vậy lần này hắn giấu manh mối đi. Và hắn còn để lại một điều ngạc nhiên đặc biệt. Một thứ mà hắn đã luôn giữ cho chúng. Kẻ Tầm Xương quay lại chỗ chiếc taxi.

Gió thổi nhẹ, mang theo mùi của con sông ô nhiễm. Tiếng xào xạc của cỏ, và như thường lệ, cả tiếng xoẹt của xe cộ.

Nghe như tiếng giấy ráp cọ trên xương.

Hắn dừng lại và lắng nghe âm thanh đó, ngẩng đầu như thể hắn đang nhìn lên hàng tỷ ngọn đèn của các tòa nhà, kéo dài ra phía bắc như một thiên hà hình chữ nhật. Đúng lúc đó xuất hiện một người phụ nữ chạy rất nhanh trên đường chạy cạnh đường cống và thiếu chút nữa thì va vào hắn.

Mặc quần soóc và áo thể thao tím, người phụ nữ tóc nâu gầy gò nhảy sang bên để tránh đường hắn. Cô ta dừng lại, thở hổn hển, lâu mồ hôi trên mặt. Dáng đẹp – bắp thịt căng đầy – nhưng không xinh. Mũi khoằm, miệng rộng, da lem nhem.

Nhưng phía dưới thì…

“Anh không được… Anh không nên đỗ xe ở đây. Đây là đường chạy…”

Giọng nói cô ta nhỏ dần khi nỗi sợ hãi dâng lên trong ánh mắt cô, ánh mắt chuyển từ mặt hắn sang chiếc taxi, rồi tới chiếc mặt nạ trượt tuyết vo viên trong tay hắn.

Cô ta biết hắn là ai. Hắn mỉm cười khi nhìn thấy xương đòn của cô ta nổi rõ lên.

Mắt cá chân phải của cô ta hơi xê dịch, chuẩn bị chạy đi. Nhưng hắn tóm được cô ta trước. Hắn vờ cúi xuống để chặn cô ta. Cô ta thét lên một tiếng, hạ tay xuống để cản hắn, Kẻ Tầm Xương liền đứng vụt dậy, đánh khuỷu tay vào thái dương cô. Một tiếng cắc vang lên như tiếng vụt thắt lưng.

Cô ta ngã vật xuống sỏi, nằm im. Hoảng sợ, Kẻ Tầm Xương quỳ sụp xuống đỡ lấy đầu cô ta. Hắn ta rên rỉ: “Không, không, không…” Giận dữ với chính mình vì đánh quá mạnh, thực sự đau khổ vì hắn có thể đã làm vỡ một hộp sọ hoàn hảo nằm phía dưới mái tóc rối bù và một khuôn mặt tầm thường.

Amelia Sachs điền thêm một thẻ COC[107] nữa rồi đề nghị giải lao. Cô tạm dừng, đi tìm máy bán hàng tự động và mua một cốc cà phê có mùi vị kinh khủng. Cô quay lại cái văn phòng không cửa sổ, nhìn những chứng cứ mà cô thu lượm được.

Có thể vì những điều cô phải trải qua để thu thập chứng cứ – các khớp xương của cô đau nhức và cô vẫn còn rùng mình mỗi khi nghĩ đến cảnh tượng thi thể bị chôn sáng nay, một cánh tay máu me, cảnh tượng da thịt lủng lẳng của T.J. Colfax. Cho đến hôm nay thì vật chứng không có ý nghĩa gì với cô. Vật chứng chỉ là những bài học chán ngán trong những buổi chiều mùa xuân buồn ngủ ở học viện. Vật chứng là toán học, là những đồ thị và biểu đồ, là khoa học. Nó chết.

Không, Amelia Sachs sẽ là cảnh sát của công chúng. Tuần tra, xử lý bọn du côn, dọn dẹp ma túy. Truyền bá sự tôn trọng pháp luật – như cha cô đã làm. Hay nhét chúng vào. Như Nick Carelli đẹp trai, cựu chiến binh năm năm, ngôi sao của Tội phạm Đường phố, cười cả thế giới với nụ cười mày có vấn đề gì thế? của anh.

Đó là con người mà cô muốn trở thành.

Cô nhìn cái lá khô giòn màu nâu mà cô tìm thấy trong đường hầm bãi chăn gia súc. Một trong những manh mối 823 để lại cho họ. Và cái quần lót. Cô nhớ ra đặc vụ liên bang đã lấy vật chứng trước khi Cooper khám nghiệm xong bằng cái máy... Tên nó là gì nhỉ? Sắc ký khí? Cô tự hỏi chất lỏng trên lớp vải bông đó là gì?

Nhưng những ý nghĩ đó dẫn cô đến Lincoln Rhyme và anh ta lại là nhân vật mà cô không hề muốn nghĩ tới lúc này. Cô tiếp tục đăng ký nốt những vật chứng còn lại. Mỗi thẻ COC có những dòng kẻ trống để liệt kê danh sách những người quản lý vật chứng, theo thứ tự từ lúc phát hiện được trên hiện trường cho tới khi xử án. Sachs đã có vài lần chuyển giao vật chứng và tên cô cũng xuất hiện trên các tấm thẻ COC. Nhưng đó là lần đầu tiên A. Sachs, NYPD 5885 nằm ở dòng đầu tiên.

Cô nhấc cái túi nhựa đựng chiếc lá lên lần nữa.

Hắn đã sờ vào chiếc lá này. Hắn. Kẻ đã giết T.J. Colfax. Kẻ cầm cánh tay mập mạp của Monelle Gerger và cắt sâu vào đó. Kẻ lúc này đang tìm kiếm nạn nhân khác – nếu như hắn chưa tóm được một ai.

Kẻ chôn sống người đàn ông sáng ngày hôm nay, khi anh ta vẫy tay cầu xin lòng nhân từ mà anh không bao giờ nhận được.

Cô nghĩ tới Nguyên tắc Trao đổi của Locard. Con người khi giao tiếp, ai cũng sẽ chuyển cho người khác thứ gì đó. Dù lớn hay nhỏ. Và hầu hết mọi người lại không biết đến điều này.

Liệu 823 có để lại gì trong cái lá này không? Một tế bào da? Một giọt mồ hôi? Thật ngạc nhiên khi cô cảm thấy sự rung động của niềm phấn khích, của nỗi sợ hãi, như thể tên sát nhân đang ở ngay đây, trong căn phòng nhỏ xíu thiếu không khí này cùng với cô.

Quay lại với những tấm thẻ COC. Cô điền chúng trong khoảng mười phút và khi hoàn thành chiếc thẻ cuối cùng thì cánh cửa bật mở làm cô giật mình. Cô quay lại.

Fred Dellray đứng trong khung cửa, bộ vét màu xanh lá của anh ta xộc xệch, chiếc áo sơ mi được hồ cứng lúc này nhàu nát. Những ngón tay lần sờ điếu thuốc lá cài ở tai. “Ra ngoài một, hai phút được không, sĩ quan. Thời điểm thanh toán đã tới. Tôi nghĩ cô cũng muốn có mặt ở đó.”

Sachs đi theo anh ta vào một hành lang ngắn, cách anh chàng đang nhảy cẫng lên này hai bước.

“Đã có kết quả AFIS.” Dellray nói.

Phòng chiến sự trông bận bịu hơn bao giờ hết. Các đặc vụ không mặc áo vét lượn lờ bên bàn làm việc. Họ đều được trang bị vũ khí – những khẩu Sig-Sauer và Smith & Weson tự động, mười mm và .45s. Nửa tá đặc vụ đặc đang tập hợp quanh màn hình máy tính bên cạnh máy Opti-Scan.

Sachs không thích cách Dellray lấy vụ này, nhưng cô buộc phải công nhận đằng sau cái vẻ ngoài của một anh chàng mê nhạc jazz dẻo mỏ, Dellray là một cảnh sát rất giỏi. Các đặc vụ – trẻ cũng như già – đến hỏi ý kiến anh ta và anh ta kiên nhẫn trả lời họ. Anh ta giật điện thoại, phỉnh phờ hoặc nhiếc móc người phía đầu dây bên kia để có được thứ anh ta cần. Thi thoảng, anh ta nhìn quanh căn phòng đang sôi sục và gầm lên: “Ta sẽ tóm được cái thằng khốn đó chứ? Chắc chắn rồi, ta sẽ tóm được nó”. Và mọi người ném cho anh ta những cái nhìn khó chịu, nhưng đều công nhận nếu có ai bắt được hắn, người đó phải là Dellray.

“Đây rồi, có rồi đây”, một đặc vụ nói.

Dellray quát: “Tôi muốn có một đường dây mở đến DMV[108] New York, Jersey và Connecticut. Cả bộ phận Cải tạo và Tuần tra. INS nữa. Bảo họ chờ yêu cầu nhận dạng. Những người khác phải đợi.”

Các đặc vụ tỏa ra và bắt đầu gọi điện thoại.

Màn hình máy tính có tín hiệu.

Cô không thể tin rằng Dellray lại có thể thực sự chắp tay cầu nguyện.

Im lặng tuyệt đối trong phòng.

“Có hắn rồi!” Đặc vụ đang ngồi bên bàn phím la lên.

“Không còn nghi phạm nữa rồi”, giọng Dellray như hát, anh ta cúi nhìn màn hình. “Mọi người nghe đây. Ta có tên rồi: Victor Pietrs. Sinh ở đây, năm 1948. Cha mẹ hắn ta đến từ Belgrade. Như vậy là chúng ta có mối liên hệ với người Serbia. Nhận dạng được New York D of C cung cấp. Đã có tiền sử buôn ma túy, tấn công, có một vụ giết người. Đã lĩnh án. Được rồi, nghe này – có bệnh án tâm thần, ba lần bị buộc nhập viện. Bệnh nhân tại bệnh viện tâm thần Bellevue và Manhattan. Ngày ra viện cuối cùng là ba năm trước. LKA Washington Heights.

Anh ta nhìn lên. “Ai làm việc với các công ty điện thoại?”

Vài đặc vụ giơ tay.

“Gọi điện đi”, Dellray ra lệnh.

Năm phút dài như vô tận.

“Không có ở đây. Không có trong danh bạ điện thoại New York.”

“Chẳng có gì ở New Jersey, một đặc vụ khác nói.

“Connecticut, không có gì.”

“Mẹ kiếp”, Dellray lầm bầm. “Đảo tên lên xem. Thử các tổ hợp khác nhau. Tìm cả những số điện bị cắt do không trả tiền.’

Trong mấy phút, giọng nói dâng khắp nơi như thủy triều lên.

Dellray đi đi lại lại như điên, và Sachs hiểu ra vì sao người anh ta lại khẳng khiu như vậy.

Bất ngờ một đặc vụ la lớn: “Tìm thấy hắn rồi”.

Mọi người quay đầu lại nhìn.

“Tôi đang liên lạc với New York DMV[109]”, một đặc vụ khác gọi. “Họ đã tìm thấy hắn. Tin đang đến đây… hắn lái taxi. Dùng bằng giả.”

“Sao tin này lại chẳng làm mình ngạc nhiên nhỉ?” Dellray lẩm nhẩm. “Mình phải nghĩ tới điều đó mới phải. Tổ ấm ở đâu?”

“Morningside Height. Cách con sông một khối nhà.” Nhân viên đặc vụ viết địa chỉ, giơ nó lên cao khi Dellray đi qua lấy. “Tôi biết khu này. Hầu hết bị bỏ hoang. Rất nhiều bọn buôn ma túy.”

Một đặc vụ khác nhập địa chỉ vào máy tính của anh ta. “Được rồi, đã kiểm tra… Một ngôi nhà cũ. Thuộc về một ngân hàng. Chắc hắn thuê nhà.”

“Anh cần HRT chứ?” Một đặc vụ gọi từ phía bên kia căn phòng đang sôi sục. “Tôi có Quantico đang nghe điện đây.”

“Không còn thời gian”, Dellray tuyên bố. “Ta dùng đội SWAT trực chiến. Bảo họ chuẩn bị đi.”

Sachs hỏi: “Thế còn nạn nhân tiếp theo thì sao?”

“Nạn nhân tiếp theo nào?”

“Hắn đã tóm được ai đó. Hắn biết ta đã có manh mối được khoảng một, hai tiếng. Hắn đã bắt được nạn nhân tiếp theo rồi. Một lúc trước.”

“Không có báo cáo mất tích”, một đặc vụ nói. “Nếu hắn tóm được họ, có thể họ đang ở nhà hắn.”

“Không, họ sẽ không ở đó.”

“Sao không?”

“Họ sẽ thu nhặt quá nhiều vật chứng.” Cô nói. “Lincoln Rhyme nói hắn có một nơi ẩn nấp an toàn.”

“Được rồi, khi bắt được hắn, hắn sẽ nói cho ta biết họ ở đâu.”

Một đặc vụ khác nói: “Ta phải thật thuyết phục.”

“Đi thôi”, Dellray gọi. “Này mọi người, hãy cám ơn sĩ quan Amelia Sachs. Cô ấy là người tìm thấy dấu vân tay và lấy được nó.”

Cô đỏ mặt. Cô có thể cảm thấy điều đó và căm thù nó. Nhưng cô không thể giúp được mình. Khi nhìn xuống, cô thấy giày của mình có những đường lạ lẫm. Liếc mắt nhìn, cô nhận ra mình vẫn còn đeo những dải băng cao su.

Khi ngẩng lên cô nhìn thấy căn phòng đầy đặc vụ liên bang trông nghiêm nghị đang kiểm tra vũ khí và đi ra cửa khi họ liếc nhìn cô. Như người thợ rừng nhìn khúc gỗ mới đốn, cô nghĩ.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,359
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 19


Năm 1911, thảm họa khủng khiếp giáng xuống thành phố của chúng ta.

Ngày Hai mươi lăm tháng Ba, hàng trăm công nhân nữ đang làm việc hăng say trong một xưởng may, một trong nhiều xưởng may nổi tiếng với tên gọi “Cửa hiệu mồ hôi” ở Greenwich Village, trung tâm Manhattan.

Những người chủ của công ty đam mê lợi nhuận tới mức họ không cho các cô gái đáng thương này những tiện nghi sơ đẳng nhất mà các nô lệ còn được hưởng. Họ cho rằng không thể tin tưởng để công nhân được nhanh chóng đi vệ sinh, vì thế họ khóa kỹ xưởng may và xưởng cắt.

Kẻ Tầm Xương lái xe về tòa nhà của hắn. Hắn đi qua một xe cảnh sát, nhưng hắn luôn nhìn thẳng về phía trước. Cớm không bao giờ chú ý tới hắn.

Trong ngày định mệnh đó, đám cháy bắt đầu từ tầng tám của tòa nhà, chỉ trong vòng vài phút đã lan ra khắp nhà máy. Những người công nhân trẻ tuổi gắng sức thoát ra ngoài. Tuy nhiên, cửa khóa nên họ chẳng thể thoát ra. Nhiều người chết tại chỗ và nhiều người khác vì quá sợ lửa đã lao ra ngoài không trung, cách mặt sỏi một trăm feet và chết khi va vào nền đất mẹ cứng rắn.

Có một trăm bốn mươi sáu nạn nhân trong trận hỏa hoạn Triangle Shirtwaist. Tuy nhiên, cảnh sát đã rất ngạc nhiên khi không thể tìm được một nạn nhân, một người phụ nữ trẻ, Esther Weinraub, người mà một vài nhân chứng nhìn thấy, đã tuyệt vọng nhảy ra khỏi cửa sổ tầng tám. Không cô gái nào cùng nhảy sống sót. Phải chăng điều kỳ diệu đã xảy đến với cô? Vì thực tế là khi thi thể nạn nhân được xếp ngoài phố để gia đình tới nhận diện, người ta không tìm được cô Weinraub tội nghiệp.

Có những báo cáo về một con ma cà rồng, một người đàn ông vác một cái túi lớn ra khỏi hiện trường đám cháy. Cảnh sát rất giận dữ vì đã có người xâm phạm thi thể thiêng liêng của người phụ nữ vô tội, tới mức họ bắt đầu một cuộc tìm kiếm âm thầm nhằm vào người đàn ông.

Sau vài tuần, những nỗ lực của họ đã đem lại kết quả. Hai người dân sống ở Greenwich Village khai báo rằng họ đã nhìn thấy một người đàn ông vác một túi nặng “trông như một tấm thảm” trên vai và rời khỏi hiện trường. Cảnh sát nắm được dấu vết của hắn và theo hắn đến phía tây thành phố, ở đó họ phỏng vấn những người láng giềng và biết được người đàn ông phù hợp với mô tả là Jame Schneider, kẻ vẫn đang tự do.

Họ thu hẹp phạm vi tìm kiếm tới một nơi đổ nát tại con ngõ nhỏ ở Hell’s Kitchen, cách bãi chăn trên Phố Sáu mươi không xa. Khi họ tiến vào, một mùi hôi thối kinh khủng chào đón họ…

Hắn đang lái xe qua chỗ đám cháy Triangle – có thể sự vô thức đã dẫn hắn đến đây. Tòa nhà Asch – một cái tên mỉa mai cho cấu trúc trước kia là nhà máy định mệnh – đã biến mất, và mảnh đất đó lúc này là một phần của Đại học New York. Quá khứ và hiện tại… Kẻ Tầm Xương không ngạc nhiên khi nhìn thấy những nữ công nhân mặc áo khoác lao động trắng, những vệt lửa và làn khói ngột ngạt, rơi xuống chết quanh hắn ta như những bông tuyết.

Khi tấn công vào nơi ở của Schneider, những nhà chức trách thấy một cảnh tượng mà ngay cả những người dày dạn nhất trong số họ cũng phải chóng mặt vì hoảng sợ. Thi thể của Esther Weinbraun đáng thương – (hay là những gì còn lại) – được tìm thấy dưới tầng hầm. Schneider đang thích thú hoàn thành nốt công việc dang dở của đám cháy, chậm rãi lóc thịt người phụ nữ bằng những công cụ quá ghê tởm để có thể kể ra ở đây.

Cuộc tìm kiếm ở nơi ghê rợn này dẫn đến việc khám phá ra một căn phòng, bên ngoài tầng hầm, chứa đầy xương cốt đã vị lóc hết thịt. Dưới giường của Schneider, một cảnh sát tìm thấy cuốn nhật ký mà kẻ điên khùng ghi lại những hành động ác quỷ của hắn. “Xương” – Schneider viết – “là cốt lõi tối thượng của con người. Nó không thay đổi, không lừa dối, không đầu hàng. Một khi bề ngoài da thịt, những thiếu sót của những chủng tộc hạ đẳng, giới tính yếu ớt, bị đốt cháy hay nấu chín, thì chúng ta – tất cả chúng ta – còn lại là xương cốt cao quý. Xương cốt không dối trá. Nó là vĩnh cửu.”

Những lời văn điên loạn ghi lại những thí nghiệm khủng khiếp của hắn để tìm ra cách thức hiệu quả nhất nhằm lóc thịt ra khỏi xương nạn nhân. Hắn thử nấu chín thi thể, đốt, dùng dung dịch kiềm, cho súc vật ăn và dìm nước.

Nhưng có một phương pháp được hắn yêu thích nhất cho hành động rùng rợn này. “Cách tốt nhất, theo kết luận của tôi” – (tiếp tục nhật ký của hắn) – “là chôn thi thể xuống đất màu và để Tự nhiên làm nốt phần công việc buồn chán. Đó là phương pháp tốn thời gian nhất nhưng lại gây ít nghi ngờ nhất vì không bốc mùi. Tôi thích chôn các cá thể còn sống, lý do thì tôi không thể nói chắc chắn”.

Bên trong căn phòng cho tới nay vẫn còn là bí mật, người ta tìm thấy thêm ba thi thể nữa, trong tình trạng tương tự. Những cánh tay xiên xẹo, những khuôn mặt mong chờ của các nạn nhân tội nghiệp chứng tỏ họ đã thực sự còn sống khi Schneider lấp những xẻng đất cuối cùng lên sự tột cùng đau khổ của họ.

Chính những mưu đồ đen tối đó khiến cho các nhà báo đặt cho Schneider một cái tên làm hắn nổi tiếng mãi cho tới sau này – “Kẻ tầm xương”.

Hắn lái xe đi tiếp, suy nghĩ của hắn trở lại với người phụ nữ đang nằm trong cốp xe, Esther Weinraub. Khuỷu tay gầy guộc của cô ta, xương đòn thanh tú của cô ta như đôi cánh chim. Hắn tăng tốc, thậm chí vượt hai đèn đỏ. Hắn không thể chờ đợi thêm nữa.

“Tôi không mệt”, Rhyme cáu kỉnh.

“Mệt hay không mặc kệ, anh phải nghỉ ngơi.”

“Không, tôi muốn uống.”

Những chiếc va li đen nằm cạnh tường, chờ đợi các sĩ quan từ Đồn Mười hai chuyển giúp về phòng thí nghiệm IRD. Mel Cooper đang vác hộp kính hiển vi xuống dưới cầu thang. Lon Sellitto vẫn ngồi trên chiếc ghế mây, nhưng anh ta không nói nhiều. Anh ta vừa kết luận rằng, Rhyme Lincoln không hề say.

Thom nói: “Tôi chắc là huyết áp của anh lại lên đấy. Anh cần phải nghỉ ngơi.”

“Tôi muốn uống”.

Quỷ tha ma bắt cô, Amelia Sachs, Rhyme nghĩ. Mà không hiểu vì sao.

“Anh phải bỏ đi. Uống chẳng có ích gì cho anh cả.”

Được rồi, tôi đang bỏ, Rhyme lặng lẽ đáp lời. Bỏ hẳn. Thứ Hai. Không cần kế hoạch mười hai bước; chỉ là kế hoạch một bước.

“Rót cho tôi cốc nữa”, anh ra lệnh.

Nhưng không thực sự muốn.

“Không.”

“Rót ngay cho tôi!” Rhyme cáu kỉnh.

“Không.”

“Lon, làm ơn rót tôi cốc nữa, được chứ?”

“Tôi…”

Thom nói: “Anh ta không được uống thêm nữa. Khi tâm trạng như thế này, thật không thể chịu nổi anh ta. Chúng ta sẽ không đầu hàng anh ta”.

“Cậu từ chối tôi à? Tôi có thể đuổi cậu đấy.”

“Thoải mái đi.”

“Lạm dụng người tàn tật! Tôi sẽ cho cậu ra tòa! Bắt hắn ta ngay, Lon.”

“Lincoln”, Sellitto xoa dịu.

“Bắt hắn ta!”

Viên thám tử ngạc nhiên vì sự hằn học trong lời nói của Rhyme.

“Này anh bạn, cậu làm ơn nhẹ nhàng hơn một chút, được không?” Sellitto nói.

“Ôi, lạy Chúa”, Rhyme rên rỉ. Anh bắt đầu rên ầm ĩ.

Sellitto buột miệng: “Gì thế?” Thom im lặng, nghi ngờ theo dõi.

“Gan của tôi.” Rhyme nhăn nhó. “Có thể là xơ gan.”

Thom quay lại, giận dữ. “Tôi không vào tròng với cái trò ấy đâu. Được chưa?”

“Không, không ổn…”

Giọng một phụ nữ vang lên từ ô cửa: “Chúng ta không có nhiều thời gian.”

“… tí nào.”

Amelia Sachs vào phòng, nhìn những cái bàn trống. Rhyme cảm thấy trên môi mình dính nước bọt. Anh quá tức giận. Vì cô nhìn thấy nước dãi. Vì anh đã mặc chiếc áo sơ mi trắng bảnh bao đó chỉ vì cô. Và vì anh tuyệt vọng muốn được cô đơn, mãi mãi, cô đơn trong sự yên bình bất động – nơi anh là hoàng đế. Không phải vua một ngày. Mà là hoàng đế mãi mãi.

Nước bọt chảy ra cù anh buồn buồn. Anh cố co gân cổ đang rất đau đớn, thử liếm khô môi. Thom khéo léo rút một tờ giấy lau trong hộp, lau khô miệng và cằm cho ông chủ của mình.

“Sĩ quan Sachs”, Thom nói. “Xin chào. Một ví dụ tiêu biểu của sự trưởng thành. Ta không thấy điều đó nhiều ngay lúc này.”

Cô không đội mũ, áo choàng xanh để hở cổ. Mái tóc đỏ dài của cô thả rơi xuống cổ. Mái tóc này không làm ai gặp khó khăn khi phân tích dưới kính hiển vi.

“Mel cho tôi vào”, cô nói, hất đầu về phía cầu thang.

“Quá giờ đi ngủ của cô phải không, Sachs?”

Thom vỗ vai. Cử chỉ có nghĩa là phải biết cư xử chứ.

“Tôi vừa ở văn phòng FBI”, cô nói với Sellitto.

“Tiền thuế của chúng ta thế nào rồi?”

“Họ tóm được hắn rồi.”

“Cái gì?” Sellitto hỏi. “Đơn giản thế thôi hả? Lạy Chúa. Họ biết chuyện ấy rồi à?”

“Perkins vừa gọi cho Thị trưởng. Hắn là tài xế taxi. Hắn sinh ra ở đây, nhưng cha hắn là người Serbia. Vì vậy họ nghĩ hắn đang đòi công lý với Liên Hiệp Quốc, hay cái gì đó. Có giấy vàng. Và cả vấn đề về tâm thần. Lúc này Dellray và nhóm SWAT liên bang đang đến đấy.”

“Họ làm thế nào nhỉ?” Rhyme hỏi. “Tôi đoán đó là nhờ dấu tay.”

Cô gật đầu.

“Tôi nghĩ rằng điều này quá rõ ràng. Nói tôi nghe, họ quan tâm tới nạn nhân tiếp theo đến đâu?”

“Họ có quan tâm”, cô nói đều đều. “Nhưng chủ yếu là họ muốn tóm đối tượng.”

“À, đấy là bản chất của họ. Để tôi đoán xem. Họ nghĩ họ sẽ moi ra chỗ nạn nhân tiếp theo sau khi họ tóm được hắn.”

“Anh nói đúng.”

“Chắc cần chút cố gắng đấy”. Rhyme nói. “Tôi có thể đưa ra nhận định này mà không cần đến sự chỉ dẫn của Tiến sĩ Dobyns và phân tích hành vi. Thế nào Amelia, điều gì làm cô thay đổi ý định vậy? Sao cô quay lại?”

“Bởi vì bất kể Dellray có xích được hắn hay không thì tôi cũng không nghĩ chúng ta còn thời gian để chờ đợi. Ý tôi là, để cứu nạn nhân tiếp theo.”

“Ồ, nhưng chúng ta đã bị giải tán, cô chưa nghe à? Đóng cửa, phá sản.” Rhyme nhìn màn hình máy tính tối om cố xem xem tóc anh có được chải không?

“Anh đầu hàng?” Cô hỏi.

“Sĩ quan”, Sellitto bắt đầu, “ngay cả khi chúng ta muốn làm gì đó, chúng ta cũng không có vật chứng. Đó là liên kết duy nhất…”

“Tôi có.”

“Cái gì?”

“Tất cả. Dưới cầu thang, trong xe RRV.”

Viên thám tử nhìn ra ngoài cửa sổ.

Sachs tiếp tục: “Từ hiện trường cuối cùng. Từ tất cả mọi hiện trường.”

“Cô có nó?” Rhyme hỏi. “Sao thế được?”

Nhưng Sellitto cười phá: “Mẹ kiếp, Lincoln, cô ta cướp chúng.”

“Dellray không cần tới chúng”, Sachs chỉ ra. “Trừ khi dùng cho việc xử án. Họ đã có đối tượng, chúng ta sẽ cứu nạn nhân. Cũng được, phải không?”

“Nhưng Mel Cooper vừa về rồi.”

“Không, anh ta dưới cầu thang. Tôi bảo anh ta đợi.” Sachs bắt tréo tay. Cô nhìn đồng hồ. Quá mười một giờ. “Ta không có nhiều thời gian”, cô nhắc lại.

Anh cũng nhìn đồng hồ. Chúa ơi, anh mệt. Thom nói đúng; cả năm nay chưa bao giờ anh thức khuya như vậy. Nhưng anh thấy ngạc nhiên – không, đúng hơn là bị sốc – khi thấy rằng ngày hôm nay anh có thể giận dữ, khó xử hay bị đâm trộm bởi những rắc rối vô cảm, nhưng những giây phút vừa qua không hề đặt lên tâm hồn anh một gánh nặng nóng bỏng nào cả. Như chúng vẫn vậy, trong suốt ba năm qua.

“Được rồi, hết ý.” Rhyme bật một tràng cười. “Thom? Thom! Chúng ta cần cà phê. Suất đúp. Sachs, đưa những mẫu giấy bóng kính đó đến phòng thí nghiệm cùng với bức ảnh Polaroid của mẩu giấy mà Mel nhặt được từ cái xương bê. Tôi muốn có kết quả so sánh phân cực sau một giờ nữa. Và gọi cái bóng của anh đến đây đi, Lon. Cái anh chàng có tên như cầu thủ bóng chày ấy.”

Chiếc xe tải màu đen lao nhanh trên phố.

Đây là đường vòng tới chỗ tên tội phạm nhưng Dellray biết anh ta đang làm gì; các chiến dịch chống khủng bố phải đi đường vòng, tránh những con phố lớn, những con phố thường bị đồng phạm của chúng giám sát. Dellray, ngồi phía sau chiếc xe đi đầu, đang siết chặt dây khóa dán Velcro của chiếc áo chống đạn. Còn mười phút nữa là họ đến nơi.

Anh ta nhìn những căn hộ đang bị hỏng, những lô đất đầy rác rưởi khi họ chạy ngang qua. Lần cuối cùng, Dellray đến khu vực đổ nát này là khi anh còn là Rastafarian Peter Haile Thomas đến từ Queens. Dellray mua một trăm ba mươi bảy pound cocaine của một gã Puerto Rican nhỏ thó, nhưng anh chàng này đến phút cuối lại quyết định ăn cướp người mua hàng của mình. Hắn cầm chỗ tiền nhử mồi của Dellray, chĩa súng vào háng Dellray và bình thản bóp cò như thể đang nhặt một mớ rau. Cạch, cạch, cạch. Đạn thối. Toby Dolittle và nhóm yểm trợ nhanh chóng hạ tên khốn và đồng bọn trước khi hắn kịp hồi tỉnh, để lại cho Dellray một sự choáng váng vì thực tế đầy mỉa mai là anh ta suýt bị giết vì tên tội phạm thực sự tin vào màn kịch của viên điệp vụ – tin rằng anh ta là tên buôn ma túy, không phải cớm.

“ETA[110], còn bốn phút’, người lái xe nhắc.

Vì lí do nào đó, ý nghĩ của Dellray quay về với Lincoln Rhyme. Anh ta lấy làm tiếc đã xử tệ như vậy khi tiếp quản vụ này. Nhưng anh ta không có nhiều lựa chọn. Sellitto là người gan lì còn Polling là đồ điên – mặc dù Dellray có thể xử lý được họ. Rhyme là người làm cho anh thấy khó xử nhất. Sắc như dao cạo (quỷ thật, chính là nhóm của anh ta tìm thấy dấu tay của Pietrs, dù họ đã không khai thác nó đúng lúc). Ngày xưa, trước tai nạn, ta đã không thể đánh bại được Lincoln Rhyme nếu như anh ta không muốn bị đánh bại. Cũng chẳng thể nào lừa được anh ta.

Lúc này thì Rhyme là một thứ đồ chơi hỏng. Thật buồn khi điều tệ hại đó xảy ra cho anh ta, khi anh ta nên chết nhưng lại còn sống. Dellray đã vào phòng của anh ta – phòng ngủ của anh ta – và đã chơi anh ta một vố thật đau. Đau hơn mức cần thiết.

Có thể anh ta sẽ gọi. Anh ta có thể….

“Giờ diễn”, người lái xe thông báo và Dellray quên hết mọi thứ về Lincoln Rhyme.

Chiếc xe rẽ vào con phố nơi Pietrs sống. Hầu hết những con phố khác mà họ đi qua đều đầy những người dân nhễ nhại mồ hôi cầm chai bia hay điếu thuốc lá, cố gắng có được một, hai ngụm không khí mát mẻ. Nhưng con phố này thì tăm tối và vắng vẻ.

Chiếc xe từ từ dừng lại. Khoảng hai tá đặc vụ trong bộ đồ chiến thuật đen trèo ra khỏi xe, xách những khẩu H&K được gắn ống ngắm laser và đèn chiếu sáng. Hai người vô gia cư nhìn họ; một người giấu nhanh chai wisky mạch nha Colt 44 vào trong áo.

Dellray liếc nhìn cửa sổ trong tòa nhà của Pietrs; nó tỏa ra ánh sáng vàng nhợt nhạt.

Người lái xe lùi chiếc xe đầu tiên vào chỗ đỗ xe trong bóng tối và thì thầm với Dellray: “Perkins đấy.” Gõ vào tai nghe của anh ta. “Anh ta đang nói chuyện với giám đốc. Họ muốn biết ai là người chỉ huy cuộc tấn công?”

“Là tôi”, con Kỳ nhông cáu kỉnh. Anh ta quay lại nhóm của mình. “Tôi muốn giám sát toàn bộ con phố và các ngõ hẻm. Thiện xạ, ở đây, ở đây và ở đây. Và tôi muốn mọi người sẵn sàng năm phút trước khi tấn công. Tất cả rõ chưa?”

Xuống cẩu thang, tiếng gỗ kêu cót két.

Tay hắn ôm lấy cô, hắn dẫn người phụ nữ đang nửa tỉnh nửa mê vì cú đánh vào đầu xuống tầng hầm. Tới chân cầu thang, hắn quăng cô xuống nền nhà bụi bặm và nhìn cô chăm chăm.

Esther…

Mắt cô ngước lên nhìn hắn. Tuyệt vọng, van xin. Hắn không hề nhận thấy. Những gì hắn thấy chỉ là cơ thể cô. Hắn bắt đầu cởi quần áo cô, bộ quần áo chạy thể dục màu tía. Không thể tin được là bây giờ phụ nữ lại có thể ra khỏi nhà với bộ quần áo như đồ lót. Hắn không nghĩ Esther Weinbraub là một con điếm. Cô ta là một công nhân, may áo sơ mi với giá một xu năm cái.

Kẻ Tầm Xương quan sát xương đòn của cô ta nhô ra nơi cổ họng. Trong khi người đàn ông khác có thể nhìn ngực và núm vú tối màu của cô ta, hắn ta nhìn chỗ lõm vào của chuôi ức và những chiếc xương sườn tỏa ra từ đó như những cái chân nhện.

“Anh làm gì vậy?” Cô ta hỏi, vẫn còn lảo đảo vì cú đánh vào đầu.

Kẻ Tầm Xương nhìn cô ta thật kỹ, nhưng thứ mà hắn thấy không phải là một người phụ nữ không còn trẻ, mắc bệnh chán ăn, mũi quá rộng, môi quá dày với làn da như cát bẩn. Hắn nhìn thấy phía dưới những thứ không hoàn thiện này chứa đựng vẻ đẹp hoàn hảo của cấu trúc cơ thể cô ta.

Hắn săn sóc thái dương cô, nhẹ nhàng xoa vuốt nó. Đừng để nó bị nứt, làm ơn đi…

Cô ta ho làm cho hai lỗ mũi nở rộng – dưới này khói mù mịt, mặc dù hắn gần như không nhận thấy chúng.

“Đừng đánh tôi nữa”, cô ta thì thầm, đầu lắc lư. “Đừng đánh tôi. Làm ơn”.

Hắn lấy dao trong túi ra, cúi xuống và cắt đồ lót của cô ta. Cô ta nhìn thân thể lõa lồ của mình.

“Anh muốn à?” Cô ta nói gần đứt hơi. “Được, anh có thể chơi tôi. Được.”

Khoái lạc thân xác, hắn nghĩ… Không đúng rồi.

Hắn kéo cô ta đứng lên và cô ta giãy ra khỏi hắn như điên rồi tập tễnh chạy ra cánh cửa nhỏ ở gần tầng hầm. Không phải chạy, không thực sự cố tẩu thoát. Chỉ sụt sùi, vươn tay ta vẫy về phía cửa.

Kẻ Tầm Xương, nhìn cô ta, bị mê hoặc bởi cái dáng đi chậm chạp, đáng thương của cô ta.

Ô cửa, đã từng mở hướng ra một đường máng đổ than, giờ đây dẫn đến một đường hầm chật hẹp nối với tầng hầm của một tòa nhà bị bỏ hoang cạnh đó.

Esther cố đến được cánh cửa kim loại và kéo nó mở ra. Cô ta trèo vào bên trong.

Chưa đến một phút sau hắn ta nghe thấy tiếng la thét rền rĩ. Nối tiếp là những tiếng thét đứt hơi, giật giọng: “Trời ơi, không, không, không…” Còn những tiếng la hét khác, chìm đắm trong tiếng gào kinh hoàng.

Rồi từ đường hầm cô ta chạy ra, đã nhanh hơn, phủi tay khắp người như thể cô ta đang cố gắng giũ bỏ những thứ cô ta vừa nhìn thấy.

Đến với ta nào, Esther.

Loạng choạng trên nền nhà bụi bặm, nức nở.

Đến với ta.

Chạy thẳng tới bệnh nhân của hắn, những cánh tay chờ đợi, ôm chầm lấy cô. Hắn siết chặt người đàn bà như thể họ là tình nhân, cảm thấy chiếc xương đòn tuyệt diệu dưới ngón tay mình, và từ từ kéo người đàn bà điên dại quay lại cửa đường hầm.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại https://truyen.diendantruyen.com
Top Bottom