Cập nhật mới

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
[Diendantruyen.Com] Lá Bài Thứ XII

Lá Bài Thứ XII
Tác giả: Jeffery Deaver
Tình trạng: Đã hoàn thành

--- oOo ---


Bất cứ điều gì cũng có nguyên nhân và nguồn gốc của nó. Không có gì là ngẫu nhiên cả. Quá khứ, hiện tại, và tương lai. Tất cả đều được xâu chuỗi vào nhau, ghép vào nhau hoàn hảo đến từng giây từng phút. Mọi vấn đề đều có xuất phát điểm, hay điểm khởi đầu. Để giải quyết vấn đề đó, đương nhiên chúng ta phải truy tìm và xử lý nguồn gốc, nếu không như vậy, thì vấn đề đó sẽ vẫn còn, âm ỉ, và phát triển theo những chiều hướng khác.

“Lá Bài Thứ 12” là sự kết hợp chặt chẽ giữa quá khứ và hiện tại, đó là cả một quá trình săn đuổi, lần tìm từng nhánh lớn của vụ án để đưa tới một nguồn gốc sâu xa duy nhất. Trong mọi vụ án, động cơ gây án là yếu tố cốt lõi quyết định tới việc phơi bày tội ác và buộc tội hung thủ. Nhưng vượt khỏi tất cả mọi điều mà trí tưởng tượng có thể đưa ta tới, kết cục của những vụ án trong tiểu thuyết của Jeffery Deaver luôn làm bất ngờ người đọc.

Bắt đầu bằng cuộc đấu trí giữa một cô gái nhỏ bé, xấu xí nhưng đầy nghị lực mạnh mẽ và không thiếu phần thông minh láu cá với một tên tội phạm lạnh lùng và gần như hoàn hảo trong mỗi hành động. Đôi khi, ranh giới giữa sống và chết lại phụ thuộc vào chính giác quan, linh cảm và quyết định của chúng ta.

Một sát thủ không khác gì Tử thần. Không nao núng. Không để lại một dấu vết.

Một cô bé, bằng niềm tin và sức sống, với một ý chí vượt khỏi tất cả những gì người khác có thể nghĩ khi nhìn thấy cô lần đầu.

Một Lincoln Rhyme với những bản năng và trực giác bẩm sinh của một nhà điều tra tội phạm cùng với sự trợ giúp của những đồng đội tài ba đầy nhiệt huyết.
Một cuộc đua, một cuộc rượt đuổi, đấu trí nghẹt thở đầy kịch tính và bất ngờ đến từng chi tiết cho đến tận cuối cùng. Những âm mưu liên tiếp bị lật đổ, âm mưu này lại nằm trong âm mưu khác. Chỉ một sai lầm là đưa đến hậu quả.

“Lá bài thứ mười hai” còn mang đến cho người đọc bức tranh về mặt tối trong xã hội ở New York. Tệ nạn xã hội, tội phạm, và sự phát triển của một phần tầng lớp thanh niên hư hỏng chơi bời. Bên cạnh đó là lịch sử và sự phát triển của thành phố tuyệt vời này trên mọi mặt trong đó có những nét đặc trưng rất riêng về nghệ thuật đường phố.

Qua “Lá bài thứ mười hai”, tác giả còn gửi gắm đến người đọc một thông điệp, rằng tội ác dù ở cấp độ nào, dù có bao che đến đâu và tinh vi tới mức nào, cũng sẽ có lúc bị phơi bày. Và tất cả chúng ta đều sẽ nhận được kết quả cho hành động của mình.
 
Sửa lần cuối:

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 1


Khuôn mặt thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, người đàn ông bỏ chạy vì tự do, chạy vì cuộc sống của mình.

“Bên này! Hắn chạy bên này!”

Người cựu nô lệ không biết chính xác tiếng nói vọng đến từ phía nào. Đằng sau? Bên phải hay bên trái? Hay từ nóc của một trong những căn nhà chung cư cũ nát trải dài trên những con phố rải sỏi bẩn thỉu ở đây?

Giữa bầu không khí tháng Bảy nóng nực và đặc quánh như dầu lỏng, người đàn ông có thân hình săn chắc nhảy qua một đống phân ngựa. Xe quét đường không đi qua đây, không đến khu vực này của thành phố. Charles Singleton dừng lại bên những chiếc thùng tròn được xếp chồng lên nhau trên một tấm gỗ nâng hàng, cố lấy lại hơi thở.

Tiếng nổ giòn của một khẩu súng ngắn vang lên. Viên đạn bay trượt mục tiêu. Âm thanh sắc gọn đó ngay lập tức kéo ông trở lại cuộc chiến: Đó là khoảng thời gian điên cuồng tuyệt vọng khi ông mặc bộ quân phục bẩn thỉu và đầy bụi màu xanh da trời, cố thủ, giữ vững khẩu súng trường nặng nề, nhắm về phía những người đàn ông trong bộ quân phục xám xịt, cũng đầy bụi và đang chĩa vũ khí về phía mình.

i chạy nhanh hơn nữa. Họ lại nổ súng. Những viên đạn lại trượt.

“Ai đó hãy tóm hắn ta lại! Năm đồng vàng cho người nào bắt được hắn.”

Nhưng số người ít ỏi trên phố vào buổi sớm này - hầu hết đều là những người Ireland lượm vải vụn và làm thuê kéo nhau đi làm cùng xô và cuốc trên vai - chẳng có chút gì là muốn ngăn cản người đàn ông da đen với đôi mắt dữ dằn và những cơ bắp to khỏe với cái quyết tâm đáng sợ như vậy. Về phần thưởng, được hét lên từ miệng một viên cảnh sát của thành phố, cũng có nghĩa là sẽ chẳng có một xu nào đằng sau lời hứa ấy cả.

Trên con phố 23, Charles rẽ sang hướng tây. ông trượt chân vì giẫm phải những viên sỏi và ngã bổ nhào. Một viên cảnh sát cưỡi ngựa chạy vòng qua góc phố, giơ cao chiếc dùi cui, lao tới người đàn ông đang loạng choạng. Và rồi...

Và? Cô nghĩ.

Và?

Chuyện gì đã xảy ra với ông ấy?

Geneva Settle - cô gái mười sáu tuổi xoay chiếc núm trên chiếc máy đọc vi phim một lần nữa nhưng nó không hề di chuyển, cô đã di chuyển tới đoạn cuối cùng trong tấm vi phim này. Cô nhấc cái vật hình chữ nhật bằng kim loại lưu giữ bài báo nổi bật nhất trong ấn bản ngày 23 tháng 7 năm 1868 của Tuần báo Minh họa dành cho người da màu. Lướt nhanh qua những khung đựng các tấm vi phim trong một chiếc hộp bụi bặm, cô lo rằng những trang còn lại của bài báo đã biến mất và cô sẽ không bao giờ tìm ra được chuyện gì đã xảy ra với ông tổ của mình, Charles Singleton. Cô biết các lưu trữ lịch sử về những người da đen thường không đầy đủ, nếu không nói là bị thất lạc mãi mãi.

Phần còn lại của câu chuyện nằm ở đâu?

A... Cuối cùng thì cô đã tìm thấy nó và ráp miếng đựng vi phim vào chiếc máy đọc méo mó màu xám một cách cẩn thận, vội vã xoay chiếc núm để tìm đoạn tiếp theo trong cuộc trốn chạy của Charles.

Trí tưởng tượng phong phú và đầy màu sắc của Geneva, cùng hằng năm trời vùi mình trong những quyển sách đã giúp cô có thể tái hiện lại một cách sống động những tình tiết trong tài liệu lưu giữ về cuộc chạy trốn của người cựu nô lệ trên những con phố bẩn thỉu và nóng bức của New York thế kỷ XIX từ một tạp chí. Đến nỗi cô cảm thấy như mình đang ở đó, chứ không phải nơi đang ngồi ngay lúc này: Gần một trăm bốn mươi năm sau, trên thư viện vắng vẻ ở tầng năm của Bảo tàng Văn hóa và Lịch sử Mỹ - Phi, nằm trên con phố 55, Midtown Manhattan.

Cứ mỗi lần cô xoay chiếc nút, các trang báo lại chạy qua trên màn hình tinh thể. Geneva đã tìmphần còn lại của bài báo, được đề tít:

MỘT NỖI Ô NHỤC

GHI CHÉP VỀ TỘI LỖI CỦA KẺ ĐÃ TỪNG LÀ NÔ LỆ,

CHARLES SINGLETON, CỰU BINH NỘI CHIẾN,

PHẢN BỘI LẠI SỰ NGHIỆP CỦA NHỮNG NGƯỜI DA ĐEN CHÚNG TA BẰNG MỘT SỰ VỤ ĐẦY TAI TIẾNG

Trong bức ảnh đi kèm với bài báo là Charles Singleton, hai mươi tám tuổi, trong quân phục thời Nội chiến. Dáng người cao ráo, đôi bàn tay to, bộ quân phục bó sát ngực và cánh tay cho thấy những cơ bắp mạnh mẽ. Đôi môi dày, xương gò má cao, đầu tròn và làn da sẫm màu.

Nhìn chằm chằm vào khuôn mặt nghiêm nghị, sự bình thản, đôi mắt sắc, cô gái tin rằng có một sự tương đồng giữa cô và ông ấy - cô có cái đầu và khuôn mặt của tổ tiên mình, những đường nét rõ ràng là của ông ấy và cả màu da nữa, mặc dù không có một chút nào vóc dáng vạm vỡ và mạnh mẽ. Geneva Settle mảnh khảnh, gầy còm như một cậu bé tiểu học, giống như những gì các cô gái của Dự án Delano vẫn thích thú nhận xét.

Cô bắt đầu đọc thêm một lần nữa, bỗng có một tiếng động vang lên đột ngột.

Một tiếng “cạch” trong căn phòng. Tiếng chốt cửa?

Rồi cô nghe thấy tiếng những bước chân. Dừng lại.

Bước tiếp. Rồi im lặng. Cô liếc nhanh ra sau, không một bóng người.

Cô rùng mình, nhưng lại tự nhủ đừng quá hoảng sợ. Chỉ có những ký ức tồi tệ khiến cô cảm thấy bị kích động và sợ hãi: Đó là khi cô bị những nữ sinh Delano đánh trên sân phía sau của trường trung học Langston Hughes, và đó là khi Tonya Brown cùng nhóm của cô ta ở khu nhà Thánh Nicholas lôi cô vào một căn hẻm nhỏ, rồi đấm mạnh đến nỗi cô bay mất cả một chiếc răng hàm. Mấy đứa con trai là những kẻ sàm sỡ, khinh miệt và làm tổn thương bạn. Nhưng chính những đứa con gái mới làm bạn phải chảy máu.

Chém chết nó đi, chém, chém chết con chó cái...

Lại những bước chân. Lại dừng lại.

Im lặng.

Không khí nơi này không mang lại cho cô cảm giác an toàn. Lờ mờ, ẩm mốc và tĩnh mịch. Và chẳng có ai ở đây cả, nhất là khi mới 8 giờ 15 phút sáng thứ Ba. Bảo tàng vẫn chưa mở - những du khách vẫn còn đang ngái ngủ hay đang ăn sáng - thư viện thì mở cửa từ lúc 8 giờ. Geneva đã đứng đợi ở đó từ trước khi họ mở cửa, cô đã rất háo hức được đọc bài báo. Lúc này đây, cô đang ngồi trong căn phòng nhỏ tách biệt ở phía cuối phòng trưng bày lớn, nơi có những ma nơ canh với khuôn mặt vô cảm trong các trang phục thế kỷ XIX, các bức tường được phủ kín bởi các bức tranh về những người đàn ông trong chiếc mũ kỳ quái, những người phụ nữ đầu đội mũ bê rê, và mấy con ngựa với những cẳng chân yếu ớt gầy guộc.

Một bước chân. Lại một khoảng im lặng.

Cô nên rời khỏi đây? Có nên ra chỗ tiến sĩ Barry – thủ thư - cho đến khi kẻ kỳ quái này biến mất?

Và rồi vị khách thứ hai của thư viện cất tiếng cười.

Không phải tiếng cười quái dị, mà là một tiếng cười vui vẻ.

Anh ta nói: “Được rồi. Tôi sẽ gọi lại sau”.

Tiếng chiếc điện thoại gập lại. Đó là lý do tại sao anh ta bước từng bước, dừng lại, chỉ để lắng nghe người ở đầu dây bên kia.

Đã bảo đừng có lo sợ, nhóc. Người ta thường không có gì là nguy hiểm khi cười. Họ chẳng có vẻ gì là nguy hiểm khi nói chuyện một cách thân thiện trên điện thoại. Anh ta đi thật chậm rãi chỉ bởi vì đó là điều mà người ta vẫn thường làm khi họ nói chuyện - dù đó có là một kẻ bất lịch sự khi nói chuyện điện thoại trong thư viện? Geneva quay trở lại với màn hình chiếc máy đọc vi phim và tự hỏi: “Ông đã thoát ra khỏi đó chưa, Charles? Cháu hy vọng là ông đã làm được”.

Tuy nhiên ông đã lấy lại được thăng bằng, và thay vì thừa nhận tội lỗi của mình, như một người đàn ông can đảm sẽ làm, ông tiếp tục cuộc trốn chạy hèn nhát.

Thế là quá nhiều đối với một bài báo khách quan, cô nghĩ một cách tức giận.

Trong một thời gian ngắn, ông đã tránh được những kẻ truy bắt. Nhưng cũng chỉ là một lúc thôi. Một người giao hàng da đen trên hành lang đã nhìn thấy và cầu xin ông hãy dừng lại, nhân danh công lý, quả quyết rằng ông ta đã nghe tới hành động ngu ngốc của Singleton và quở trách ông vì đã gây ra nỗi ô nhục cho những người da màu trên khắp đất nước. Ngay sau đó, một công dân, Walker Loakes, đã ném một hòn gạch về phía Singleton nhằm đánh ngã ông. Tuy nhiên,...

Charles lách mình né tránh và quay sang phía người đàn ông, hét lên: ‘‘Tôi vô tội. Tôi không hề làm những chuyện mà cảnh sát nói.”

Trí tưởng tượng của Geneva lại ngập đầy các hình ảnh sống động từ những dòng chữ đang viết ra câu chuyện một lần nữa.

Nhưng Loakes sự phản kháng của Singleton, chạy vào con phố, báo cho cảnh sát rằng kẻ trốn chạy đang bị dồn về phía cầu tàu.

Trái tim như bị xé toạc ra, trong tâm trí ông giờ đây là hình ảnh của Violet và đứa con trai Joshua, người cựu nô lệ lại tiếp tục cuộc trốn chạy liều lĩnh vì tự do của mình.

Chạy hết sức, chạy hết tốc lực...

Ở phía sau ông là tiếng vó ngựa lớn dần của viên cảnh sát. Và phía trước, những kỵ sĩ khác được dẫn đầu bởi một cảnh sát mang mũ sắt tay khua khẩu súng ngắn xuất hiện. “Dừng lại! Dừng lại ngay, Charles Singleton! Thám tử William Simms đây, ta đã phải tìm kiếm ngươi hai ngày nay rồi.”

Người cựu nô lệ làm theo mệnh lệnh. Đôi vai rộng lớn của ông chùng xuống, những cánh tay mạnh mẽ buông xuôi, ngực nặng như thể mắc nghẹn cái không khí ẩm ướt, hôi thối bên dòng sông Hudson. Ở cách đó không xa là trụ sở thuyền kéo, và ông thấy những chiếc cột buồm vươn lên dập dềnh trên dòng sông, có đến hàng trăm chiếc, đang khiêu khích ông với lời hứa về sự tự do. Ông thở hổn hển, dựa vào tấm biển lớn của Công ty Vận tải Swiftsure. Charles nhìn chằm chằm vào viên sĩ quan đang áp sát mình cùng tiếng móng ngựa lọc cọc khua trên nền sỏi.

“Charles Singleton, ngươi đã bị bắt vì tội ăn trộm. Ngươi sẽ đầu hàng hay buộc ta phải sử dụng vũ lực. Dù có làm gì thì cuối cùng ngươi cũng sẽ phải tra tay vào còng thôi. Hãy đầu hàng và ngươi sẽ không phải chịu một chút đau đớn nào hết. Nếu chống cự thì ngươi sẽ là kẻ phải đổ máu mà thôi. Quyền lựa chọn là của ngươi.”

“Tôi đã bị buộc cái tội mà mình không hề thực hiện!”

“Ta nhắc lại: đầu hàng hay là chết. Ngươi chỉ có quyền lựa chọn một trong hai mà thôi.”

“Không, thưa ngài, tôi có một sự lựa chọn khác”, Charles hét lên. ông tiếp tục cuộc trốn chạy của mình - hướng tới cầu tàu.

“Đứng lại nếu không ta sẽ bắn!” Thám tử Simms nói.

Nhưng người đàn ông đã nhảy bật qua rào chắn của cầu tàu dũng mãnh như một chú ngựa xông lên vọt qua rào trong một bước nhảy, ông dường như khựng lại trên không một khoảnh khắc rồi lộn nhào gần mười mét xuống dòng nước đục ngầu của dòng sông Hudson, lẩm bẩm một vài tiếng, có lẽ là một lời cầu nguyện Chúa Jesus, có thể là lời nói với vợ và con trai, dù có là gì đi nữa thì những kẻ truy bắt có lẽ chẳng thể nào nghe thấy được.

Gã đàn ông bốn mươi mốt tuổi tên là Thompson Boyd tiến lại gần cô gái từ khoảng cách so với chiếc máy đọc vi phim chừng mười lăm mét.

Hắn kéo chiếc mũ len trùm qua khuôn mặt, chỉnh những lỗ mắt và mở ổ của khẩu súng ngắn để bảo đảm rằng nó không bị kẹt. Hắn đã có thể kiểm tra nó trước đó, nhưng trong việc này, không có gì là chắc chắn cả. Hắn nhét khẩu súng vào túi và kéo chiếc dùi cui ra, nhét vào trong chiếc áo mưa tối màu.

Hắn đang đứng ở giữa những giá sách trong sảnh trưng bày trang phục, chúng là vật ngăn duy nhất giữa hắn và những chiếc bàn máy đọc vi phim. Hắn đưa những ngón tay trong lớp găng cao su lên ấn vào mắt, mắt hắn đau nhói, nhất là vào buổi sáng ngày hôm nay. Hắn chớp mắt vì cơn đau.

Hắn nhìn quanh căn phòng một lần nữa, bảo đảm rằng nó hoàn toàn không còn ai khác.

Không có bảo vệ ở đây, ở tầng dưới cũng không có. Không có camera an ninh hay tờ mẫu đăng ký vào thư viện. Tất cả đều tốt. Nhưng vẫn có một số vấn đề. Căn phòng lớn hoàn toàn im ắng, im ắng một cách chết chóc. Thompson không thể tiếp cận được cô gái. Cô ta sẽ biết là có ai khác trong phòng rồi có thể sẽ đề phòng cảnh giác.

Do vậy, sau khi bước vào thư viện từ phía bên này và khóa cánh cửa phía sau lại, hắn đã cười, một nụ cười thầm. Thompson Boyd đã không cười từ lâu lắm rồi. Nhưng hắn cũng là một kẻ chuyên nghiệp để có thể hiểu được sức mạnh của sự hài hước - và cả cách tận dụng sự hài hước để có lợi thế trong công việc này. Một tiếng cười - đi kèm với một lời tạm biệt vui vẻ, hòa nhã và tiếng điện thoại đóng lại - sẽ khiến cô gái yên tâm và thở phào nhẹ nhõm, hắn cho là vậy.

Dường như mánh khóe này đã có tác dụng. Hắn nhìn nhanh quanh những hàng giá sách dài và thấy cô gái, đang chăm chú nhìn vào màn hình chiếc máy đọc vi phim. Bàn tay của cô ở hai bên như siết chặt và lại lỏng ra một cách đầy lo lắng với những gì đang đọc.

Hắn bắt đầu tiến về phía trước.

Rồi dừng lại. Cô gái đang đứng dậy ra khỏi bàn. Hắn nghe thấy tiếng chiếc ghế cô ngồi trượt trên thảm phủ sàn. Cô đang đi đâu đó. Rời khỏi đây chăng? Không. Hắn nghe thấy tiếng nước chảy từ vòi bình nước uống và tiếng cô uống từng ngụm. Rồi sau đó hắn nghe thấy tiếng loạt xoạt của những cuốn sách được lôi ra khỏi kệ và xếp chồng lên nhau trên chiếc bàn đặt máy đọc vi phim. Im lặng và cô trở lại với những chồng sách một lần nữa, lấy thêm nhiều hơn. Thịch một tiếng khi cô đặt chúng xuống. Cuối cùng, hắn nghe thấy tiếng rít khi cô kéo ghế ngồi xuống một lần nữa. Rồi im lặng.

Thompson nhìn lại một lần nữa. Cô đã trở về ghế của mình, đang đọc một cuốn từ trong cả đống sách xếp chồng lên ở phía trước mặt.

Tay trái cầm chiếc túi đựng bao cao su, dao cạo râu và băng keo, còn tay phải là chiếc dùi cui, hắn lại bắt đầu tiến về phía cô.

Hắn đang dần dần tiến tới đằng sau cô gái, sáu mét... bốn mét rưỡi, hắn nín thở thật khẽ.

Ba mét. Ngay cả khi cô bất thình lình chạy trốn, lúc này đây hắn cũng có thể lao tới và tóm cô lại - đập vỡ đầu gối hay làm cô choáng váng bằng một cú đánh vào đầu.

Hai mét mốt, rồi một mét rưỡi...

Hắn dừng lại rồi nhẹ nhàng đặt cuộn băng dính lên kệ sách. Lấy chiếc dùi cui ra bằng cả hai tay. Bước lại gần hơn, giơ cao chiếc gậy bằng gỗ sồi được đánh vernis sáng bóng.

Vẫn mê mải với cuốn sách, cô đọc một cách say sưa, quên hết cả xung quanh cùng mối nguy hiểm từ kẻ tấn công chỉ cách một gang tay phía sau. Thompson vung chiếc gậy xuống bằng tất cả sức mạnh, nhắm vào đỉnh chiếc mũ len của cô gái.

Rắc...

Bàn tay hắn nhói đau khi chiếc dùi cui đập vào đầu cô gái với một âm thanh gọn nhẹ trống rỗng.

Nhưng có một cái gì đó không đúng. Âm thanh ấy, và cảm giác đau đớn đã biến mất. Điều gì đang xảy ra vậy?

Thompson Boyd nhảy giật lùi lại phía sau khi cái xác đổ sụp xuống sàn.

Và văng ra thành nhiều mảnh.

Phần thân của một ma nơ canh rơi một đằng, phần đầu rơi một nẻo. Thompson nhìn chằm chằm một lúc. Hắn khẽ liếc qua bên cạnh mình và thấy chiếc áo dài khiêu vũ choàng lên phần thân dưới của chính cô ma nơ canh này - một phần của gian trưng bày trang phục phụ nữ thời kỳ Tái thiết ở Mỹ.

Không...

Không biết bằng cách nào, cô đã nghĩ rằng hắn là một mối đe dọa. Rồi cô đã đi lấy thêm một vài quyển sách từ trên kệ như một cái cớ để đứng dậy, và để tháo rời thân thể của ma nơ canh. Cô gái đã choàng cho nó chiếc áo và chiếc mũ len trùm của mình rồi dựa nó ngồi trên ghế.

Nhưng cô đâu rồi?

Tiếng chân bước vội vã đã cho Thompson câu trả lời. Hắn đã nghe thấy tiếng cô tháo chạy về phía cửa thoát hiểm. Hắn thả chiếc dùi cui vào trong áo mưa và rút ra khẩu súng, bắt đầu cuộc truy đuổi.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 2


Geneva Settle đang chạy.

Chạy trốn. Giống như Charles Singleton.

Thở dốc. Như Charles.

Nhưng Geneva chắc chắn rằng mình chẳng có chút phẩm chất nào mà ông tổ của cô đã thể hiện trong cuộc trốn chạy cảnh sát một trăm bốn mươi năm về trước. Geneva khóc thổn thức, kêu cứu và trượt chân vào một bức tường trong cảm giác sợ hãi và đầy kích động, làm xước cả mu bàn tay.

Bên này nó chạy bên này, cái con nhỏ thó gầy trơ xương... Bắt lấy nó!

Ý nghĩ về cái thang máy làm cô khiếp sợ, cảm giác như bị sập bẫy. Bởi vậy cô đã chọn cầu thang thoát hiểm. Lao hết tốc lực đập thật mạnh vào cánh cửa, cô làm mình choáng váng, ánh sáng vàng chói lóa ập vào mắt, cô vẫn tiếp tục chạy. Geneva nhảy vọt từ chiếu nghỉ xuống đến tầng bốn, giật mạnh cái núm cửa. Nhưng đây là cửa an toàn và nó không mở được từ phía cầu thang. Cô sẽ phải dùng cửa ở tầng trệt.

Geneva lại tiếp tục chạy xuống, thở dốc. Tại sao?

Tại sao hắn lại săn đuổi mình? Cô tự hỏi.

Con chó cái nhỏ thó đen như bánh Oreo chẳng có thời gian cho lũ chúng ta đâu...

Khẩu súng... Đó là thứ khiến cô nghi ngờ. Geneva Settle chẳng phải thành viên một băng đảng du thủ du thực nào cả, nhưng chắc chắn là bạn sẽ không thể là một học sinh trường trung học Langston Hughes ở trung tâm Harlem này mà chưa từng nhìn thấy ít nhất một vài khẩu súng trong cuộc đời mình. Khi cô nghe thấy cái tiếng “cách” đặc trưng không lẫn vào đâu được - thực sự khác hẳn tiếng điện thoại gập lại - cô đã tự hỏi liệu có phải kẻ đang cười ấy chỉ đang giả vờ, đó sẽ là một rắc rối. Bởi vậy, cô đã đứng dậy như bình thường, uống một ngụm nước, sẵn sàng vùng chạy. Nhưng cô đã khẽ liếc trộm qua những chồng sách và thấy được chiếc mũ len trùm bịt mặt. Cô đã nhận ra rằng chẳng có cách nào để đi qua hắn tới cánh cửa trừ khi khiến hắn phải tập trung vào chiếc bàn máy đọc vi phim. Cô đã chồng những quyển sách với những tiếng động lớn rồi sau đó lột quần áo của một ma nơ canh gần đó, mặc cho nó chiếc mũ và chiếc áo len của mình, để nó ngồi dựa trên chiếc ghế trước bàn máy đọc vi phim. Rồi cô đợi, đến khi hắn lại gần, và cô khẽ trườn qua khi hắn ở đó.

Đánh nó một trận, đánh con chó cái...

Geneva giờ đây lại lao vào một cuộc trốn chạy khác.

Tiếng chân bước ở phía trên. Lạy Chúa Jesus, hắn đang đuổi theo! Hắn đã lao vào cầu thang phía sau cô và giờ đây thì chỉ cách cô có một chiếu nghỉ mà thôi. Nửa chạy, nửa bước, đôi chân loạng choạng, Geneva ôm chặt bàn tay trầy xước, hướng thật nhanh xuống cầu thang trong lúc tiếng bước chân của hắn mỗi lúc một gần hơn.

Ở gần tầng trệt cô nhảy vọt qua bốn bậc cầu thang xuống nền bê tông. Trượt chân ở dưới và cô lao sầm vào bức tường nham nhở. Co rúm lại vì đau, cô gái mới lớn cố gắng đứng dậy, lắng nghe tiếng chân của kẻ truy đuổi, nhìn thấy bóng hắn trên những bức tường.

Geneva nhìn về phía chiếc cửa thoát hiểm. Cô thở hổn hển, mồm há hốc khi nhìn thấy sợi xích quấn quanh thanh nắm cửa.

Không, không, không... Sợi xích ở cửa thoát hiểm là bất hợp pháp, chắc chắn là vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là những người quản lý bảo tàng sẽ không có một cánh cửa như vậy để ngăn ngừa những tên trộm. Hoặc có thể là chính cái gã đàn ông này đã quấn sợi xích vào đó, để phòng khi cô chạy trốn theo lối này. Và giờ cô ở đây, kẹt cứng trong cái cái hốc bê tông tăm tối này. Nhưng liệu sợi xích ấy đã thực sự khóa chặt cánh cửa hay không?

Chỉ có một cách duy nhất để tìm ra câu trả lời. Tiến lên nào, nhóc!

Geneva đẩy thật mạnh và đâm vào thanh nắm cửa.

Cánh cửa bung ra.

Ôi, cảm ơn...

Bỗng một âm thanh ầm ĩ chói vào tai cô, cơn đau gào rít trong tâm trí. Cô hét lên. Cô đã bị bắn vào đầu rồi ư? Nhưng cô nhận ra rằng đó chỉ là tiếng chuông báo động, nó đang gào ré lên giống như những đứa em họ sơ sinh nhỏ xíu của Keesh. Rồi cô đi vào hành lang, sập mạnh cánh cửa phía sau, tìm con đường tốt nhất để chạy trốn, bên phải, bên trái...

Đẩy nó, đánh nó đi, đánh chết con chó cái...

Cô chọn bên phải và loạng choạng chạy rẽ vào con phố 55, len vào dòng người đông đúc đang trên đường đi làm, kéo theo ánh nhìn ái ngại của một số người, và sự lo lắng của những người khác. Hầu hết họ lờ đi cô gái với vẻ mặt đầy phiền phức. Rồi, từ phía sau, cô nghe thấy tiếng rít của chuông báo động to dần lên khi kẻ tấn công đẩy cánh cửa một cách thô bạo. Hắn sẽ chuồn hay là tiếp tục theo đuổi cô?

Geneva chạy lên phố đến chỗ Keesh, cô gái đứng trên vỉa hè, tay đang giữ hộp cà phê Hy Lạp từ một cửa hàng bán đồ ăn sẵn và đang cố để châm điếu thuốc trong gió. Cô bạn cùng lớp với làn da màu cà phê mocha – với lớp trang điểm tỉ mỉ, nổi bật màu tím và những lọn tóc giả vàng óng - bằng tuổi Geneva, nhưng cái đầu thì tròn và dài hơn, lại thẳng trông như một cái trống, cô ấy tròn trịa ở những chỗ cần thiết, với bộ ngực to và vòng eo gợi cảm của những cô gái chơi hip hop, và một vài thứ khác nữa... Cô gái đã đứng đợi từ trước ở trên phố, chẳng có chút gì thích thú với cái bảo tàng - hay bất cứ một tòa nhà nào cả, bởi vì cái lý do: Quy định không hút thuốc.

“Gen!” Cô bạn ném cốc cà phê xuống đường và chạy tới. “Sao vậy? Làm gì mà nhìn sợ hãi vậy.”

“Gã đó...” Geneva thở dốc, cảm thấy buồn nôn. “Cái gã ở trong bảo tàng, hắn tấn công tớ.”

“Chết tiệt, không thể!” Lakeesha nhìn quanh. “Hắn ở đâu?”

“Tớ không biết. Hắn ở phía sau.”

“Bình tĩnh lại nào, nhóc. Rồi sẽ ổn thôi. Rời khỏi đây nào. Nhanh lên, chạy đi.” Cô gái to lớn - vượt xa tất cả những bạn khác trong giờ học thể chất và đã hút thuốc được hai năm - bắt đầu đi thật nhanh hết mức có thể, thở dốc và hai cánh tay vung vẩy ở hai bên.

Nhưng họ chỉ đi được nửa dãy phố trước khi Geneva bước chậm lại. Rồi cô dừng hẳn. “Khoan đã...”

“Cậu đang làm gì vậy, Gen?”

Nỗi sợ hãi đã biến mất. Thay vào đó là một cảm xúc hoàn toàn khác.

“Cố lên nào, nhóc.” Keesh nói, thở hổn hển. “Nhấc cái mông lên nào.”

Dù vậy, Geneva Settle đã quyết định. Nỗi tức giận chính là cảm xúc thay thế nỗi sợ hãi. Cô nghĩ: Hắn sẽ không bỏ cuộc như vậy. Cô gái quay lại, liếc nhanh trên rồi dưới con phố. Cuối cùng, cô đã thấy thứ mà mình đang kiếm tìm, ở gần phía cửa vào hành lang mà cô vừa chạy ra khỏi đó. Cô bắt đầu quay ngược lại phía ấy.

Cách bảo tàng Mỹ - Phi một dãy nhà, Thompson Boyd thôi không chạy xuyên qua dòng người đông đúc vội vã trong giờ cao điểm. Thompson có vóc dáng trung bình. Trên mọi khía cạnh. Một mái tóc hơi nâu, cân nặng trung bình, chiều cao trung bình, khuôn mặt đẹp trung bình, ưa nhìn, trông khá khỏe mạnh. (Khi ở trong tù, hắn được biết đến với biệt danh là Joe Trung bình.) Mọi người thường có xu hướng nhìn thấy ngay điều đó ở hắn.

Nhưng một người đàn ông chạy qua những con phố trung tâm Midtown sẽ thu hút sự chú ý của mọi người trừ khi anh ta đang vội vã trên đường tới điểm dừng xe buýt, một chiếc taxi hay tới nhà ga. Bởi vậy, hắn trở về với nhịp độ bình thường chậm rãi. Nhanh chóng biến mất vào đám đông, chẳng một ai để tâm đến.

Khi đèn ở Đại lộ 6 và phố 53 vẫn còn đỏ, hắn do dự. Thompson đã quyết định. Hắn luồn chiếc áo mưa và vắt nó lên cánh tay, dù thế, vẫn bảo đảm rằng những vũ khí hắn mang theo vẫn ở trong tầm với. Hắn quay ngược lại và bắt đầu hướng về phía bảo tàng.

Thompson Boyd là một kẻ chuyên nghiệp, luôn làm mọi thứ theo sách vở, có vẻ như là cái điều hắn đang làm lúc này - quay trở lại hiện trường vụ tấn công bất thành - không phải là một ý nghĩ thông minh cho lắm, bởi chẳng có gì phải nghi ngờ là cảnh sát sẽ sớm có mặt ở đó.

Nhưng hắn cũng đã biết rằng chính những lần như thế này, với cảnh sát ở xung quanh, thì cũng là lúc mà mọi người cảm thấy an tâm nhất và mất đi cảnh giác, bị ru vào sự bất cẩn. Đó thậm chí là lúc ta có thể tiếp cận họ gần hơn bất cứ lúc nào khác. Người đàn ông với vóc dáng trung bình lúc này thong dong bước qua những đám đông và hướng tới bảo tàng, như một khách bộ hành, Joe Trung bình trên đường tới công sở.

Nó chẳng gì hơn một phép màu.

Ở đâu đó trong não bộ và cơ thể, một sự kích thích, cả về thể xác lẫn tinh thần, xuất hiện, tôi muốn nhặt cái cốc lên, tôi phải thả cái chảo đang nóng bỏng rẫy những ngón tay tôi. Sự kích thích ấy tạo ra một thôi thúc thần kinh, chạy dọc theo màng các tế bào thần kinh trên khắp cơ thể. Không như hầu hết mọi người vẫn nghĩ, sự thôi thúc ấy không phải đơn thuần là các tín hiệu điện, đó là một con sóng được tạo ra khi bề mặt của các tế bào thần kinh di chuyển cục bộ từ cảm xúc tích cực sang trạng thái tiêu cực. Sức mạnh của sự thôi thúc này không bao giờ khác - nó vừa tồn tại vừa không - và nó di chuyển nhanh, hai trăm năm mươi dặm một giờ.

Sự thôi thúc ấy đi đến đích của nó - các cơ bắp, các tuyến và các cơ quan, rồi sau đó phản hồi lại, giữ cho trái tim của chúng ta đập, phổi thì phập phồng, cơ thể thì nhảy múa, bàn tay trồng những bông hoa, viết những lá thư tình và điều khiển những con tàu vũ trụ.

Một phép màu.

Trừ khi có một cái gì đó không ổn. Nói như là, trừ khi bạn là chỉ huy của một đơn vị Khám nghiệm hiện trường, truy tìm hiện trường vụ giết người ở một điểm xây dựng đường tàu điện ngầm, và một thanh xà sụp xuống vào cổ, đánh gãy đốt sống cổ số bốn - nghĩa là có bốn cái xương bị đánh sập ở vị trí xương nền sọ. Đó là điều đã xảy ra với Lincoln Rhyme vài năm trước.

Khi một việc kiểu như vậy xảy ra, tất cả mọi thứ sẽ sụp đ

Kể cả nếu như cú đánh không phá hủy hoàn toàn thần kinh tủy sống, máu chảy lênh láng, áp lực tăng lên và dồn ứ, làm chết đói những tế bào thần kinh. Tất cả hợp lại tạo thành sự phá hủy, khi những neuron thần kinh chết - vì một lý do nào đó không biết được - nó tiết ra một axit amino độc, thậm chí còn giết nhiều neuron thần kinh hơn nữa. Cuối cùng, nếu như nạn nhân còn sống sót, mô sẹo sẽ lấp đầy chỗ trống quanh các dây thần kinh trông như là cát bụi phủ đầy trong một nấm mồ - một phép ẩn dụ phù hợp hoàn cảnh, khác với các tế bào thần kinh còn lại trong cơ thể, bởi những neuron thần kinh ở não và trong tủy sống sẽ không tái sản xuất nữa. Một khi đã chết, chúng sẽ đông cứng mãi mãi.

Trải qua những “tai nạn kinh hoàng” như vậy, cách mà những y bác sĩ rất tế nhị gọi một số bệnh nhân, chỉ những người may mắn, nhận ra rằng các neuron thần kinh làm nhiệm vụ kiểm soát, chi phối các cơ quan, bộ phận thiết yếu cần cho sự sống như tim, phổi còn tiếp tục hoạt động, và họ còn sống.

Hoặc có thể họ nằm trong số những người kém may mắn.

Bởi vì có nhiều người mong ước rằng thà trái tim của họ ngừng đập và sớm lạnh giá, giải thoát họ khỏi những căn bệnh nhiễm trùng, những vết lở loét và co cứng cơ. Cũng là giải thoát họ khỏi sự tấn công của bệnh mất phản xạ tự động mà nó có thể dẫn đến đột quỵ. Giải thoát họ khỏi những cơn đau rải rác, kỳ lạ vô hình và không có thật, mà cảm giác thì rất thật nhưng chủ nhân của những cơn đau giằng xé ấy lại không thể bị tê liệt bởi aspirin hay morphine.

Đó là còn chưa kể đến một sự thay đổi cuộc sống hoàn toàn: Các chuyên gia vật lý trị liệu, những người giúp việc rồi cả quạt gió và những chiếc ống thông tiểu, tã lót dành cho người lớn, sự phụ thuộc... Tất nhiên là cả sự tuyệt vọng chán nản...

Một số người rơi vào những hoàn cảnh kiểu như thế này chỉ biết từ bỏ và tìm đến cái chết. Tự tử luôn là một lựa chọn, dù cho không hề dễ dàng chút nào. (Thử cố tự tử xem nếu tất cả những gì bạn có thể làm được chỉ là nhúc nhích cái đầu của mình.)

Nhưng có những người khác thì sẽ chiến đấu lại.

“Đủ chưa?”, người đàn ông trẻ mảnh khảnh trong chiếc áo sơ mi trắng lùng thùng và chiếc cà vạt hoa đỏ như rượu vang nói với Rhyme.

“Chưa.” Ông chủ của anh ta trả lời không ra hơi vì bài luyện tập. “Tôi muốn tiếp tục.” Rhyme đang gắn chặt trên một chiếc máy tập xe đạp phức tạp, ở một trong những phòng ngủ dư ra trên tầng hai của ngôi nhà nằm ở khu phía tây Central Park.

nghĩ rằng anh đã tập đủ rồi đấy”, Thom - phụ tá của anh ta nói. “Đã được hơn một tiếng. Nhịp tim của anh khá cao rồi.”

“Đây chỉ giống như là đạp xe lên ngọn Matterhom mà thôi”, Rhyme thở dốc. “Tôi là Lance Armstrong.”

“Ngọn Matterhom không phải là một chặng của cuộc đua Tour de France. Đó là một ngọn núi. Anh có thể leo lên ngọn núi, nhưng không phải là đạp xe lên ngọn núi ấy.”

“Cảm ơn vì cái điều tầm phào trên kênh ESPN của cậu, Thom. Tôi nói như vậy không có nghĩa là đúng như vậy. Tôi đã đi được bao xa rồi?”

“Hai mươi hai dặm.”

“Thêm mười tám dặm nữa.”

“Tôi không đồng ý. Năm thôi.”

“Tám nhé.” Rhyme kỳ kèo.

Người phụ tá trẻ đẹp trai khẽ nhíu đôi lông mày với vẻ chịu thua. “Vâng, được rồi.”

Dù thế nào thì Rhyme cũng muốn thêm tám dặm nữa. Anh rất phấn chấn. Anh sống là để chiến thắng.

Vòng quay lại tiếp tục. Những cơ bắp của anh truyền sức mạnh sang chiếc xe đạp, vâng, nhưng có một sự khác biệt lớn giữa cử động này và việc làm sao bạn có thể đạp một chiếc xe tập ở phòng tập Gold’s Gym. Cái nguồn lực thôi thúc chuyển những xung động dọc suốt các neuron thần kinh không phải đến từ não của Rhyme mà lại là từ một chiếc máy tính, thông qua các điện cực kết nối với các cơ bắp ở chân. Thiết bị này được gọi là chiếc xe đạp kích thích điện chức năng FES. Chiếc máy giả lập chức năng tín hiệu điện này sử dụng một máy tính, các dây điện và các điện cực để bắt chước hệ thống thần kinh và chuyển các xung điện nhỏ tới các cơ bắp, khiến chúng cử động chính xác như được điều khiển bằng não bộ.

FES không được sử dụng nhiều cho hoạt động hằng ngày, như đi bộ hay sử dụng các dụng cụ. Lợi ích thực tế của nó là về mặt liệu pháp chữa bệnh, cải thiện sức khỏe của những bệnh nhân bị mất chức năng nặng.

Động lực khuyến khích Rhyme bắt đầu các bài tập là từ một người mà anh vô cùng ngưỡng mộ, diễn viên quá cố Christopher Reeve, người đã chịu đựng chấn thương còn khủng khiếp hơn do một tai nạn khi đang cưỡi ngựa. Bằng sức mạnh ý chí và những nỗ lực thể xác không mệt mỏi - và khiến cộng đồng y học truyền thống phải kinh ngạc - Reeve đã hồi phục một vài cử động và cảm giác ở những nơi mà ông không hề có cảm giác hay cử động trước đó. Sau hằng năm trời giằng xé suy nghĩ về việc thực hiện ca phẫu thuật thí nghiệm đầy mạo hiểm vào tủy sống, Rhyme đã lự chế độ luyện tập tương tự cách của Reeve.

Sự ra đi sớm của người diễn viên đã thôi thúc Rhyme thậm chí còn dành nhiều tâm sức hơn trước đây vào kế hoạch luyện tập, và Thom đã phải lần tìm một trong những bác sĩ về chấn thương tủy sống tốt nhất ở khu vực East Coast, Robert Sherman. Vị bác sĩ đã đưa vào cả một chương trình luyện tập cho anh, bao gồm cả cơ công kế, liệu pháp vận động dưới nước và máy huấn luyện vận động guồng quay - một thiết bị phức tạp lớn, được ráp những chiếc chân robot, đồng thời cũng được điều khiển bởi một máy tính. Trên thực tế, hệ thống này cử động và làm chuyển động chân của Rhyme.

Tất cả các liệu pháp này mang lại kết quả. Tim và phổi của anh đã khỏe hơn. Độ đặc của xương bằng với những người đàn ông bình thường cùng tuổi. Các khối cơ bắp tăng lên. Anh gần như đã lấy lại được vóc dáng như khi chỉ huy Bộ phận Điều tra ở Sở cảnh sát New York, cơ quan giám sát của Đội khám nghiệm hiện trường. Trước đó anh có thể đi bộ hàng dặm mỗi ngày, đôi khi còn điều tra hiện trường một mình - một điều khá hiếm ở một Đại úy - và còn đi vòng quanh những con đường của thành phố để thu thập những mẫu đá, đất, bê tông hay bồ hóng để tạo một catalogue trong cơ sở dữ liệu pháp y của mình.

Nhờ các bài tập của bác sĩ Sherman, Rhyme ít phải chịu những cơn đau do hàng giờ liền gắn chặt trên giường hoặc trên chiếc xe lăn. Các chức năng của ruột và bàng quang được cải thiện và ít bị các bệnh về viêm nhiễm đường tiết niệu. Và anh chỉ phải trải qua một giai đoạn mất phản xạ tự phát từ khi bắt đầu chế độ luyện tập.

Tất nhiên vẫn còn một câu hỏi khác là: Liệu hằng tháng trời với những bài tập gian khổ có thể tạo nên một điều gì đó thực sự giải quyết được hoàn toàn tình trạng của anh, chứ không chỉ đơn thuần là tăng sức khỏe cho các cơ bắp và xương? Một bài kiểm tra nho nhỏ về các chức năng vận động và cảm giác sẽ cho anh câu trả lời ngay lập tức. Nhưng việc này đòi hỏi phải đi tới một bệnh viện và có vẻ như là Rhyme chẳng bao giờ có thời gian để làm điều đó.

“Anh không thể bỏ ra một tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi à?”, Thom hỏi.

“Một tiếng? Một tiếng? Trong ký ức của tôi thì liệu khi nào mà một chuyến đi đến bệnh viện lại chỉ mất có một tiếng đồng hồ? Cái bệnh viện đặc biệt ấy ở đâu vậy Thom? Neverland? Oz?”

Nhưng cuối cùng thì bác sĩ Sherman đã liên tục ép Rhyme buộc phải đồng ý trải qua bài kiểm tra. Nửa tiếng nữa, anh và Thom sẽ đi tới bệnh viện New York để có được các kết luận cuối cùng về những tiến triển của anh.

Mặc dù lúc này đây, Lincoln Rhyme chẳng nghĩ gì đến điều đó ngoài những vòng xe mà anh đang ra sức đạp - trên ngọn Matterhom. Và anh cứ như đang đánh bại Lance Armstrong.

Khi hoàn thành, Thom tách anh ra khỏi chiếc xe, tắm rửa rồi mặc cho anh chiếc áo sơ mi trắng và chiếc quần tối màu. Chỗ ngồi chuyển sang chiếc xe lăn và Rhyme lái nó tới phía chiếc thang máy nhỏ. Anh đi xuống dưới, nơi trước đây là phòng khách, Amelia Sachs với mái tóc đỏ rực đang ngồi trong phòng thí nghiệm, đang đánh dấu các bằng chứng từ một trong những vụ án Sở cảnh sát New York mà Rhyme đang cố vấn.

Với một ngón tay duy nhất còn làm việc - ngón đeo nhẫn bàn tay trái - trên bảng điều khiển cảm ứng, Rhyme khéo léo lái chiếc xe lăn Storm Arrow màu đỏ tươi qua phòng thí nghiệm đến bên cạnh cô gái. Cô khẽ nghiêng sang và hôn nhẹ lên môi anh. Anh cũng hôn lại và nhấn mạnh đôi môi của mình lên đôi môi cô gái. Họ cứ như vậy một vài giây đồng hồ, Rhyme đang tận hưởng hơi ấm từ cô, mùi vị xà bông ngọt ngào từ một loại hoa, những lọn tóc đùa nghịch trên má anh.

“Anh sẽ đi được bao xa ngày hôm nay?”, cô hỏi.

“Anh có thể ở phía bắc Westchester ngay lúc này - Nếu như không bị cảnh sát bắt dừng lại.” Một cái liếc trách móc về phía Thom. Người phụ tá nháy mắt với Sachs. Chả vấn đề gì cả.

Sachs với vẻ ngoài cao ráo và yêu kiều đang mặc một chiếc quần màu xanh hải quân với một trong những chiếc áo màu đen hoặc hải quân mà cô vẫn thường mặc từ khi được đề bạt thăng lên chức thanh tra. (Một cuốn cẩm nang chiến lược cho các sĩ quan cảnh sát đã cảnh báo: Mặc những chiếc áo sơ mi hay áo choàng tương phản tạo ra một mục tiêu rõ ràng hơn cả vào khoang ngực.) Bộ quần áo bên ngoài thì cổ hủ và tiện dụng thoải mái. Hoàn toàn khác hẳn với những gì cô vẫn mặc khi làm việc trước khi trở thành một cảnh sát, Sachs đã từng là một người mẫu thời trang trong vài năm. Chiếc áo khoác hơi phồng lên một chút ở hông, chỗ cô đeo khẩu súng ngắn tự động Glock, chiếc quần kiểu của đàn ông; cô cần một chiếc túi sau - vị trí duy nhất khiến cô cảm thấy thoải mái để giấu con dao bấm bất hợp pháp, nhưng lại thường xuyên có ích. Và như mọi khi, cô đang đi đôi giày đế mềm. Đi bộ thực sự là một việc rất đau đớn với Amelia Sachs, do căn bệnh viêm khớp.

“Khi nào chúng ta sẽ đi?” cô hỏi Rhyme.

“Đến bệnh viện? Ồ, em không phải đến. Tốt hơn là ở lại đây và khai thác các bằng chứng.”

“Đã gần xong rồi. Dù sao thì đó không phải là câu hỏi của việc phải đến. Em muốn đến.”

Anh lẩm bẩm: “Rạp xiếc. Thực sự đang biến thành một rạp xiếc rồi. Tôi biết là sẽ như thế”. Anh cố gắng ném một cái nhìn đầy trách móc sang Thom nhưng người phụ tá đã đi mất rồi.

Chuông cửa reo. Thom bước vào sảnh và quay lại sau vài giây, đi theo sau là Lon Sellito. “Chào mọi người.” Viên trung úy mập lùn trong bộ áo quần nhàu nát đặc trưng của anh ta, gật đầu chào một cách niềm nở. Rhyme tự hỏi trạng thái vui vẻ hồ hởi ấy của anh ta là do đâu mà có. Có thể là điều gì đó liên quan tới những tên tội phạm mới bị bắt, hoặc có thể là bởi ngân sách dành cho sĩ quan mới hoặc có thể chỉ là anh ta mới giảm được vài kilogram. Cân nặng của viên thanh tra này giống như một con quay yo-yo lên rồi lại xuống, và anh ta vẫn thường xuyên than phiền về điều này. Với tình trạng của mình, Lincoln Rhyme không có chút kiên nhẫn nào khi một ai đó ca thán về những khiếm khuyết ngoại hình kiểu như là vòng eo quá to hay là có quá ít tóc.

Nhưng có vẻ như ngày hôm nay tinh thần đầy hứng khởi ấy của viên thanh tra trẻ có liên quan tới công việc. Anh vẫy vẫy vài tập tài liệu trong không khí. “Họ vẫn giữ nguyên bản án.”

“À”, Rhyme nói. “Vụ chiếc giày?”

“Đúng.”

Tất nhiên Rhyme rất vui, dù không hề tỏ ra bất ngờ chút nào. Tại sao lại như vậy? Anh đã dồn hết tâm trí vào vụ án chống lại tên giết người; lời buộc tội không thể bị thất bại.

Đó là một vụ án khá thú vị: Hai nhà ngoại giao Balkan đã bị giết trên đảo Roosevelt - một dải đất kỳ lạ nằm giữa dòng sông Đông - và cả hai chiếc giày bên chân phải của họ đều bị lấy mất. Do thường xuyên phải đối mặt với những vụ án khó nhằn, Sở cảnh sát New York đã thuê Rhyme với vai trò là một nhà cố vấn tội phạm học - một biệt ngữ để gọi các nhà khoa học pháp y - để giúp cho công việc điều tra.

Amelia Sachs đã khám nghiệm hiện trường, bằng chứng đã được thu thập và phân tích. Nhưng các manh mối không đưa họ tới bất cứ một hướng đi nào rõ ràng, và cảnh sát đã phải kết luận rằng vụ giết người bắt nguồn từ một nguyên do về chính trị châu Âu. Vụ án vẫn còn chưa có lời giải nhưng đã có lúc im lìm và chìm vào quên lãng – chỉ đến khi có một tin báo loan khắp Sở cảnh sát New York về vụ một chiếc va li bị bỏ lại ở sân bay quốc tế F.Kenedy. Chiếc va li chứa những bài báo về các hệ thống định vị toàn cầu, hàng tá các mạch điện và một chiếc giày đàn ông bên phải. Chiếc giày đã bị khoét rỗng gót và bên trong là một con chip vi tính. Rhyme đã tự hỏi liệu nó phải chăng là một trong những chiếc giày ở vụ án trên đảo Roosevelt và, đủ để chắc chắn rằng, chính là nó. Các manh mối khác trong chiếc va li cũng đều đưa đến hiện trường của vụ án mạng.

Những dụng cụ do thám... Bóng dáng của Robert Ludlum. Các giả thuyết bắt đầu loan truyền ngay lập tức, rồi FBI và Bộ ngoại giao lao vào làm việc cật lực... Một người từ Langley cũng ra mặt, lần đầu tiên mà Rhyme có thể nhớ về việc CIA lại quan tâm tới một trong những vụ án của anh.

Nhà tội phạm học vẫn cười vào sự thất vọng của các nhân viên FBI, khi mà một tuần kể từ lúc tìm thấy chiếc giày, thám tử Amelia Sachs đã chỉ huy một đội đặc nhiệm trong nhiệm vụ hạ gục một doanh nhân đến từ Paramus, New Jersey, một người cộc cằn có hiểu biết chính trị quốc tế ngang với tờ USA Today.

Rhyme đã chứng minh thông qua những phân tích về hóa học và độ ẩm của chất liệu tổng hợp tạo nên chiếc gót giày rằng cái lỗ rỗng bên trong, xuất hiện sau khi những người đàn ông đã bị giết mấy tuần. Anh cũng đã tìm ra rằng con chip vi tính đã được mua từ cửa hàng PC Warehouse, và rằng thông tin của Hệ thống định vị toàn cầu GPS không chỉ công khai, mà nó đã được tải về từ những trang web đã hết hạn một hoặc hai năm rồi.

Một hiện trường được dàn dựng, Rhyme đã kết luận như vậy. Và chuyển sang lần theo dấu vết của bụi đá trong chiếc va li tới một công ty chuyên bán và chế tạo các tấm lát mặt tủ nhà tắm và tủ bếp ở Jersey. Nhìn nhanh vào danh sách cuộc gọi ghi lại trên điện thoại của chủ nhà và những hóa đơn được thực hiện trên thẻ tín dụng đã đưa tới kết luận rằng vợ của người đàn ông này đã và đang có quan hệ với một trong hai nhà ngoại giao bị giết. Chồng của ả đã phát hiện ra mối quan hệ bất chính này và, cùng với một gã tên là Tony Soprano muốn làm việc cho ông ta ở xưởng của công ty này, hai người đó đã giết tình nhân của ả và người đồng nghiệp xấu số của ông ta trên đảo Roosevelt, rồi tạo ra các bằng chứng giả để khiến cho vụ án có vẻ như là vì những lý do chính trị.

“Một bê bối tình ái, không phải về ngoại giao.” Rhyme đã đưa ra lời kết luận trong lời khai của mình trước tòa. “Hành động dưới lớp vỏ bọc, dù không phải điệp viên.”

“Phản đối!”, vị luật sư mệt mỏi bên bị cáo nói.

“Chấp nhận.” Mặc dù vị thẩm phán không thể nín được cười.

Hội thẩm đoàn mất bốn mươi hai phút để kết tội vị thương nhân. Vị luật sư, tất nhiên là đã kháng án - họ luôn là vậy - nhưng, như Sellito mới tiết lộ, tòa thượng thẩm đã giữ nguyên bản án.

Thom nói: “Hãy ăn mừng chiến thắng với chuyến đi tới bệnh viện. Ngài đã sẵn sàng chưa?”.

“Đừng có giục”, Rhyme cáu kỉnh phàn nàn.

Chính lúc đó chiếc máy nhắn tin của Sellito đổ chuông. Anh ta nhìn vào màn hình, cau mày rồi lôi chiếc điện thoại ra khỏi thắt lưng và bấm số.

Sellito đây. Có chuyện gì vậy?...” Người đàn ông to béo gật đầu chậm rãi, bàn tay xoa mạnh vào bụng một cách vô thức. Anh ta mới thử chuyển sang chế độ ăn hình kim tự tháp của Atkins. Rõ ràng là ăn nhiều thịt nướng và trứng không có nhiều hiệu quả. “Cô bé ổn chứ?... Còn thủ phạm thì sao?... À... Không được hay lắm. Khoan đã.” Anh nhìn lên. “Một cuộc gọi đến theo đường dây số 1024. Bảo tàng Mỹ - Phi trên phố 55? Nạn nhân là một cô gái trẻ. Dưới hai mươi tuổi. Hiếp dâm.”

Amelia Sachs cau mày khi nghe thông tin, biểu lộ sự đồng cảm. Rhyme thì có một phản ứng khác; trong đầu anh lập tức tự hỏi: có bao nhiêu hiện trường vụ án ở đó? Liệu hung thủ có săn đuổi cô bé và để lại dấu vết nào không? Liệu họ có vật lộn, và làm xáo tung các bằng chứng? Hắn ta đến và rời khỏi hiện trường bằng phương tiện giao thông công cộng? Hay là sẽ có một chiếc ô tô có liên quan?

Một ý tưởng khác cũng hiện ra trong suy nghĩ của anh, tuy nhiên, anh không có ý định nói ra suy nghĩ này. “Cô bé bị thương không?”, Sachs hỏi.

“Tất cả chỉ là bàn tay bị trầy xước. Cô bé chạy thoát và gặp một cảnh sát đang tuần tra gần đó. Anh ta đã kiểm tra nhưng hung thủ đã biến mất... Vậy, mọi người sẽ khám nghiệm hiện trường chứ?”

Sachs nhìn Rhyme. “Em biết anh đang định nói điều gì, rằng chúng tôi đang bận.”

Cả trụ sở Sở cảnh sát New York đang trong tình trạng xôn xao, náo động. Rất nhiều nhân viên cảnh sát đã được rút khỏi nhiệm vụ thường ngày và được điều động vào nhiệm vụ chống khủng bố, hiện đang rất lộn xộn; Cục điều tra liên bang FBI đã nhận được một vài tin báo nặc danh về nguy cơ đánh bom vào các mục tiêu của Israel trong khu vực. (Sự điều động lại gợi cho Rhyme về những câu chuyện của Sachs mà trong đó ông của cô kể về cuộc sống ở Đức thời trước chiến tranh. Ông của Sachs từng là một thanh tra cảnh sát hình sự ở Berlin và cứ liên tục mất người của mình về chính phủ khi khủng hoảng tăng cao.) Bởi những lý do khác nhau, Rhyme bận rộn hơn bình thường hằng tháng trời. Anh và Sachs đang đảm nhiệm hai cuộc điều tra về vụ lừa đảo trong giới chức văn phòng, một vụ cướp có vũ trang và một vụ giết người chưa tìm ra hung thủ từ ba năm trước.

“Ừm, thực sự rất bận”, Rhyme tổng kết lại.

“Cả vỏ dưa lẫn vỏ dừa”, Sellito nói. Anh cau mày. “Tôi không hiểu cái câu này lắm.”

“Đó là: ‘Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí’. Một câu thành ngữ châm biếm.” Rhyme cốc đầu mình. “Rất vui được giúp đỡ. Ý tôi là thế. Nhưng chúng ta đã vướng rất nhiều các vụ án khác rồi. Và nhìn đồng hồ xem, tôi có một cuộc hẹn lúc này. Ở bệnh viện.

“Nào, Linc”, Sellito nói. “Chẳng có vụ nào anh đang làm giống như vụ này - nạn nhân là một đứa nhóc. Đó là một kẻ xấu, săn đuổi một cô bé học sinh trung học. Tống cổ hắn vào tù và ai biết chúng ta sẽ cứu được bao nhiêu cô gái. Anh biết cái thành phố này rồi đấy - chuyện gì đang xảy ra không phải là vấn đề. Một vài ‘con thú’ bắt đầu tìm kiếm những đứa nhóc, cấp trên sẽ cho anh bất cứ thứ gì anh cần để tóm cổ hắn lại.”

“Nhưng như vậy sẽ thành năm vụ mất”, Rhyme nói một cách nóng nảy. Anh im lặng một hồi rồi miễn cưỡng hỏi: “Cô bé bao nhiêu tuổi?”.

“Mười sáu, lạy Chúa. Nào, Linc.”

Một tiếng thở dài. Cuối cùng anh nói: “Được rồi. Tôi sẽ làm vụ này”.

“Anh sẽ làm thật hả?”, Sellito ngạc nhiên hỏi.

“Mọi người đều nghĩ rằng tôi là một kẻ khó chịu, không chấp nhận được”, Rhyme chế giễu, đảo tròn mắt. “Mọi người đều nghĩ tôi là một kẻ tẻ nhạt, luôn làm mọi người tụt hứng - có một câu khác tương tự cho anh, Lon. Tôi chỉ đang nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải cân nhắc đến vấn đề nào cần được ưu tiên. Nhưng tôi nghĩ anh đúng. Điều này quan trọng hơn.”

Người phụ tá hỏi: “Sự hào hiệp của anh liệu có liên quan tới thực tế là anh sẽ phải hoãn lại chuyến đi tới bệnh viện của mình không nhỉ?”.

“Tất nhiên là không. Tôi thậm chí còn không nghĩ tới việc đó. Nhưng giờ cậu đã nhắc đến, tôi nghĩ tốt nhất là chúng ta nên hủy đi vậy. Một ý kiến hay, Thom.”

“Đó không phải ý của tôi - anh đã bịa ra nó.”

Đúng vậy, anh đã nghĩ như thế. Nhưng giờ thì anh hỏi đầy tức tối: “Tôi á? Cậu nói nghe như thể tôi mới tấn công mọi người ở Midtown vậy.”

“Anh biết ý tôi muốn nói là gì”, Thom nói. “Anh có thể thực hiện bài kiểm tra và quay lại trước khi Amelia xong việc tại hiện trường.”

“Biết đâu sẽ có một sự trì hoãn ở bệnh viện thì sao. Tại sao tôi lại nói là ‘biết đâu’? Bởi vì luôn là thế.”

Sachs nói: “Em sẽ gọi cho bác sĩ Sherman và sắp xếp lại kế hoạch”.

“Hủy, chắc chắn là thế. Nhưng không lên lịch lại. Chúng ta không biết được nó sẽ mất bao nhiêu thời gian. Hung thủ có thể là một tội phạm có tổ chức.”

“Em sẽ hẹn lại lịch

“Hãy sắp xếp trong hai, ba tuần.”

“Em sẽ xem khi nào ông ấy có thời gian”, Sachs nói một cách cương quyết.

Nhưng Lincoln Rhyme cũng có thể ngang bướng như người cộng sự của mình. “Chúng ta sẽ tính đến điều đó sau. Bây giờ, chúng ta đang có một tên tội phạm hiếp dâm ở ngoài kia. Ai biết được hắn đang làm gì lúc này? Nhiều khả năng là đang nhắm vào một ai đó.

Thom, gọi Mel Cooper và đưa anh ấy vào đây. Bắt đầu làm việc thôi. Mỗi một phút chúng ta chậm trễ là một món quà cho tên hung thủ. Này, nói như vậy thì sao, Lon? Thiên tài của những thành ngữ - và anh đã ở đó.”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 3


Bản năng.

Các cảnh sát tuần tra rèn luyện giác quan thứ sáu để có thể nhận biết được ai đó đang mang súng. Các cựu nhân viên trong lực lượng sẽ nói với bạn rằng điều đó chẳng có gì khác ngoài cách mà đối tượng đi lại và thái độ biểu hiện - sức nặng thực tế của khẩu súng không bằng sức nặng của những hậu quả khi mang theo nó trong người. Sức mạnh mà nó mang lại cho bạn.

Và cả nguy cơ bị tóm cổ nữa. Mang một vũ khí không được cấp phép ở New York thì sẽ có “phần

thưởng Cracker Jack[1]” đi kèm: tự nhét mình vào sau xà lim. Anh giấu vũ khí trong người, anh bóc lịch. Đơn giản như vậy thôi.

[1] Phần thưởng, các đồ chơi trong các gói bim bim cho trẻ em

Không, Amelia Sachs không thể nói chính xác làm thế nào mà mình biết được điều đó, nhưng cô biết chắc rằng gã đang đứng dựa vào bức tường ngang qua con phố từ Bảo tàng Văn hóa và Lịch sử Mỹ - Phi kia có mang vũ khí trong người. Hắn đang hút thuốc, tay khoanh trước ngực, nhìn chằm chằm vào dải băng phân cách của cảnh sát, vào những ánh đèn máy ảnh chớp lóa, và những sĩ quan cảnh sát.

Khi đến gần hiện trường, đến đón cô là một viên cảnh sát có mái tóc vàng hoe của Sở cảnh sát New York - anh ta rất trẻ, hẳn phải là một nhân viên mới. “Xin chào. Tôi là cảnh sát đầu tiên có mặt. Tôi...”

Sachs cười và thì thầm: “Đừng nhìn tôi. Hãy để mắt nhìn về phía đống rác trên phố kia”.

Viên cảnh sát trẻ nhìn cô, chớp mắt. “Xin lỗi?”

“Đống rác”, cô nhắc lại bằng một tiếng thì thầm khó nghe, “không phải tôi”.

“Xin lỗi, thám tử”, người cảnh sát trẻ nói, anh ta có một mái tóc được cắt tỉa gọn gàng và tấm bảng tên trên ngực ghi: R. Pulaski. Nó không có lấy một vết lõm hay vết xước trên mình.

Sachs chỉ về phía đống rác. “Nhún vai!”

Viên cảnh sát nhún vai.

“Đi với tôi. Cứ nhìn về phía đó.”

“Có gì...?”

“Cười.”

“Tôi...”

“Cần bao nhiêu cảnh sát để thay một cái bóng đèn?”, Sachs hỏi.

“Tôi không biết”, anh nói. “Bao nhiêu?”

“Tôi cũng chả biết. Đó không phải là chuyện cười. Nhưng cứ cười như kiểu tôi mới nói với anh một điều thú vị.”

Anh ta cười. Một chút lo lắng. Nhưng đó chỉ là cười. “Cứ tiếp tục nhìn.”

“Đống rác?”

Sachs mở khuy trên chiếc áo khoác. “Bây giờ chúng ta không cười. Chúng ta đang quan tâm đến đống rác.”

“Tại sao?”

“Làm đi.”

“Được rồi. Tôi không cười. Tôi đang nhìn về phía đống rác.”

“Tốt.”

Người đàn ông với khẩu súng vẫn tha thẩn ở phía đối diện tòa nhà. Hắn ta tầm bốn mươi, rắn rỏi, với một mái tóc cắt gọn ghẽ. Cô nhìn vào chỗ cộm lên ngang hông hắn, dấu hiệu cho biết đó là một khẩu lục dài, nhiều khả năng là một khẩu côn, bởi nó có vẻ như phồng lên ở vị trí ổ đạn. “Đây là tình huống”, cô nói nhỏ với chàng lính mới. ‘‘Người đàn ông ở hướng hai giờ. Hắn ta đang mang súng.”

Viên cảnh sát - với mái tóc đinh của các cậu choai choai sáng màu vàng trông như caramen - vẫn đang nhìn về phía đống rác. “Hung thủ? Cô cho rằng vụ tấn công?”

“Tôi không biết. Cũng không quan tâm. Tôi chỉ quan tâm đến việc hắn đang mang súng trong người.”

“Chúng ta làm gì?”

“Tiếp tục đi. Lướt qua hắn, nhìn vào đống rác.

Quyết định là chúng ta không để ý đến nó nữa. Quay lại hiện trường. Anh đi chậm lại và hỏi tôi có muốn uống cà phê không. Tôi sẽ nói có. Anh đi vòng qua bên phải hắn. Hắn sẽ chú ý về phía tôi.”

“Tại sao hắn ta sẽ chú ý về phía cô?”

Ngây thơ một cách thú vị. “Hắn sẽ làm như vậy. Anh quay lại. Tiến đến gần hắn. Tạo ra một vài tiếng động, hắng giọng hay gì đó. Hắn sẽ quay về phía anh. Rồi tôi sẽ nhanh chóng áp sát phía sau hắn.”

“Được rồi, tôi đã hiểu... Tôi có nên rút súng ra khống chế hắn không?”

“Không. Chỉ để hắn biết anh ở đó và đứng sau hắn.”

“Nếu hắn rút súng thì sao?”

“Thì anh chĩa súng về phía hắn.”

“Nếu hắn bắn thì sao?”

“Tôi không nghĩ hắn sẽ làm vậy.”

“Nhưng nếu hắn làm vậy?”

“Thì anh bắn hắn. Tên của anh là gì?”

“Roland. Ron.”

“Anh đã bắt đầu công việc tuần tra bao lâu rồi?”

“Ba tuần.”

“Anh sẽ làm tốt thôi. Đi nào.”

Họ đi bộ về phía đống rác, tỏ vẻ chú ý. Nhưng rồi giống như họ thấy không có mối đe dọa nào ở đó và quay ngược lại. Pulaski đột ngột dừng lại. “Này, có muốn uống một chút cà phê không Thanh tra?”

Cường điệu hóa rồi - anh ta chắc hẳn chưa từng là khách mời của chương trình Bên trong trường quay - nhưng cân nhắc tất cả thì thấy anh ta đã diễn rất đáng tin. “Được, cảm ơn!”

Anh ta quay đi rồi khựng lại. Nói lớn: “Cô muốn cà phê thế nào?”.

“Ừm, có đường nhé!”, cô nói.

“Bao nhiêu?”

Lạy chúa Jesus... Cô nói: “Một”.

“Được rồi. À, mà cô cũng muốn cà phê Đan Mạch chứ hả?”

Được rồi, tốt lắm, cô nói với anh ta bằng ánh mắt. “Cà phê là tốt rồi”. Cô quay về phía hiện trường vụ án, cảm giác được gã đàn ông với khẩu súng đang nhìn chằm chằm vào mái tóc đỏ óng dài thượt được tết đuôi ngựa của cô. Hắn liếc lên ngực, rồi mông cô.

Tại sao hắn sẽ chú ý về phía bạn?

Hắn chắc chắn làm như vậy.

Sachs tiếp tục bước về phía bảo tàng. Cô nhìn nhanh qua cửa sổ trên phố, xem xét tình hình qua hình ảnh phản chiếu. Khi đôi mắt của gã đàn ông với điếu thuốc xoay lại phía Pulaski, cô quay lại thật nhanh và áp sát, chiếc áo khoác ngoài được phanh ra giống như áo choàng của những tay súng để cô có thể rút khẩu Glock của mình ra thật nhanh trong trường hợp cần thiết.

“Thưa ngài”, cô nói một cách cương quyết.

“Hãy để tay nơi chúng tôi có thể thấy được.”

“Làm như cô ấy nói”. Pulaski đứng ở phía bên kia người đàn ông, tay đặt lên khẩu súng.

Người đàn ông liếc về phía Sachs. “Khá nhuần nhuyễn. Thưa các cảnh sát”.

“Giữ tay ở yên như vậy. Ông đang mang súng đúng không?”

“Đúng”, người đàn ông trả lời: “và nó to hơn khẩu mà tôi được cấp khi còn ở Đội 35”.

Con số ám chỉ một phân khu cảnh sát. Anh ta từng là cảnh sát.

Có thể là thế.

“Công việc an ninh?”

“Đúng vậy.”

“Hãy để tôi nhìn thấy thẻ của anh. Chỉ dùng tay trái để lấy, nếu anh không phiền. Giữ yên vị trí tay phải.”

Ông ta rút ví ra và đưa nó cho cô. Tấm giấy phép mang súng và chứng nhận nhân viên an ninh vẫn trong thời gian hiệu lực. Vẫn hoài nghi, cô gọi điện và kiểm tra về người đàn ông. Ông ta hợp pháp. “Cảm ơn.”

Sachs thả lỏng người, trả lại giấy tờ cho ông ta.

“Không có gì, Thanh tra. Có vẻ như cô đang có hiện trường vụ án ở đây”, ông ta hất đầu về phía những chiếc xe cảnh sát đang phong tỏa con phố phía trước bảo tàng.

“Chúng tôi sẽ kiểm tra xem sao.” Cô trả lời một cách bình thường, không bày tỏ thái độ.

Người bảo vệ cất chiếc ví đi. “Tôi làm cảnh sát tuần tra mười hai năm. Nghỉ hưu vì lý do sức khỏe và đang thấy quá nhàm chán.” Ông ta hất đầu về phía tòa nhà sau lưng. “Cô sẽ nhìn thấy vài người mang vũ khí khác ở quanh đây. Nơi đây là một trong những trung tâm buôn bán trang sức lớn nhất của thành phố. Đây là tòa nhà phụ của Trung tâm Trao đổi và Mua bán trang sức của người Mỹ trên quận kim cương này. Chúng tôi nhận được những viên đá trị giá hàng triệu đô được gửi đến từ Amsterdam và Jerusalem mỗi ngày.”

Cô liếc về phía tòa nhà. Trông không được bề thế lắm, nhìn chỉ như những tòa văn phòng bình thường khác.

Ông ta cười. “Tôi cứ nghĩ rằng đó sẽ là một món béo bở, ý tôi là công việc này, nhưng tôi đã làm việc vất vả ở đây khi đi tuần tra khu vực của mình. Chúc may mắn với công việc ở hiện trường. Giá mà tôi có thể giúp gì, nhưng tôi đến đây sau khi xảy ra chút náo động.” Ông ta quay sang viên sĩ quan trẻ và nói: “Này, cậu nhóc”. Ông ta hất đầu về phía Sachs. “Trong lúc làm việc, trước mọi người, cậu đừng gọi cô ấy là ‘quý cô’. Cô ấy là ‘Thám tử’.”

Viên sĩ quan trẻ nhìn người đàn ông, ngượng ngùng nhưng cô có thể thấy được anh đã hiểu ý của người bảo vệ - điều mà cô đang chuẩn bị nói khi không ai nghe được họ nói chuyện với nhau.

“Tôi xin lỗi”, Pulaski nói với cô.

“Anh đã không biết. Giờ thì anh biết rồi.”

Đó có thể là một câu khẩu hiệu trong việc huấn luyện cảnh sát ở khắp nơi.

Họ quay bước đi. Người bảo vệ gọi: “À, này, anh lính mới?”.

Pulaski quay sang.

“Anh quên cà phê rồi”, ông ta cười toe toét.

Ở lối vào bảo tàng, Lon Sellito đang xem xét con phố và nói chuyện với viên hạ sĩ quan. Anh chàng thanh tra to lớn nhìn vào bảng tên của cậu lính trẻ và hỏi: “Pulaski, anh là cảnh sát đầu tiên có mặt?

“Vâng, thưa ngài.”

“Đầu đuôi là thế nào?”

Chàng lính trẻ hắng giọng và chỉ về hướng hành lang. “Tôi đang ở vị trí bên kia phố, ngay kia, tuần tra như bình thường. Khoảng 8 giờ 30 phút, nạn nhân, một cô bé da đen, mười sáu tuổi, tiến đến phía tôi và báo rằng...”

“Anh có thể nói theo ngôn ngữ của mình”, Sachs nói.

“Vâng. Được rồi. Tất cả là thế này, tôi đang đứng ở ngay đó và cô bé tiến đến phía tôi, trông rất hoảng hốt... Tên cô bé là Geneva Settle, học trung học. Cô bé đang nghiên cứu khóa luận hoặc gì đó trên tầng năm.” Anh ta chỉ về phía bảo tàng. “Và một gã nào đó tấn công cô bé. Da trắng, cao khoảng một mét tám, đeo mũ len trùm mặt. Hắn đang chuẩn bị hãm hiếp cô bé.”

“Sao cậu biết được điều đó?”, Sellito hỏi.

“Tôi tìm thấy túi đựng đồ để hiếp dâm của hắn trên tầng.”

“Anh đã mở nó ra xem à?”, Sachs hỏi, cau mày.

“Bằng cây bút. Thế thôi. Tôi không hề chạm vào nó.”

“Tốt. Đi thôi.”

“Cô bé chạy ra ngoài, xuống theo lối thang thoát hiểm và đi vào hành lang. Hắn đuổi theo nhưng rồi chuyển sang hướng khác.”

“Có ai thấy điều gì liên quan đến hắn không?”, Sellito hỏi.

“Không, thưa ngài.”

Anh quan sát con phố. “Cậu đã thiết lập dây ngăn báo chí phải không?”

“Vâng, thưa ngài.”

“Ừm, mười lăm mét quá gần. Đẩy ra xa hơn nữa. Báo chí giống như những con đỉa vậy. Hãy nhớ điều đó.”

“Vâng. Thưa Thanh tra.”

Anh đã không biết. Giờ thì anh biết rồi.

Anh ta nhanh chóng bắt đầu chuyển sợi dây lùi lại.

“Cô bé đâu?”, Sachs hỏi.

Viên hạ sĩ, một người đàn ông da trắng chắc nịch với mái tóc dày muối tiêu, nói: “Một sĩ quan cảnh sát đã đưa cô bé và bạn cô ấy xuống phía bắc khu Midtown. Họ đang gọi cho bố mẹ cô bé”. Ánh nắng mùa thu sắc ngọt phản chiếu lấp lánh trên những huy hiệu ông ta mang trên người. “Sau khi liên lạc được với họ, sẽ có người đưa họ tới gặp Đại úy Rhyme để phỏng vấn cô bé.” Anh ta cười. “Đó là một cô bé thông minh. Biết cô ấy đã làm gì không?”

“Làm gì?”

“Cô bé nói có cảm giác rằng có chuyện không hay, bởi vậy đã lồng áo và mũ của mình lên một ma nơ canh. Tên tội phạm đã tìm cách tiếp cận nó. Điều đó đã tạo thời gian cho cô bé chạy thoát.”

Sachs cười. “Và cô bé mới chỉ mười sáu? Thông minh thật.”

Sellito nói với cô: “Cô khám xét hiện trường. Tôi đi triển khai thực hiện lấy thông tin từ xung quanh đây”. Anh đi lên vỉa hè về phía một nhóm các sĩ quan cảnh sát - một mặc quân phục và hai người với bộ quần áo thường phục ở đội Phòng chống tội phạm - và yêu cầu họ đi loanh quanh những đám đông, các cửa hàng, tòa nhà văn phòng gần đó để tìm kiếm nhân chứng. Anh tập hợp một đội riêng để đi hỏi thông tin từng người trong hàng chục người bán hàng trên các xe đẩy ở đây, một vài người đang bán cà phê và bánh rán, những người khác thì chuẩn bị ăn trưa với xúc xích, bánh quy, bánh mỳ kẹp thịt và sandwich nhân thịt viên.

Tiếng còi ô tô vang lên và cô quay lại. Chiếc xe buýt chuyên dụng đã đến từ Sở chỉ huy đơn vị Khám nghiệm hiện trường ở Queens.

“Chào thám tử”, người lái xe vừa nói vừa bước xuống.

Sachs gật đầu chào lại anh ta và người cộng sự đi cùng. Cô đã biết hai người đàn ông trẻ tuổi này từ những vụ án trước đây. Cô cởi bỏ áo khoác và khẩu súng, mặc vào chiếc áo liền quần Tyvek màu trắng, nhằm giúp hạn chế tối thiểu việc làm hỏng hiện trường. Rồi cô lại đeo khẩu Glock bên hông, nghĩ tới lời răn thường xuyên của Rhyme luôn luôn dành cho đội khám nghiệm hiện trường của anh: Tìm kỹ và cẩn thận nhưng hãy đề phòng phía sau.

“Giúp tôi với những cái túi chứ?”, cô hỏi và nhấc lên một trong những chiếc va li kim loại chứa các thiết bị vận chuyển và thu thập bằng chứng ban đầu.

“Tất nhiên rồi.” Một kỹ sư của đơn vị Khám nghiệm hiện trường nhấc lên hai trong số những chiếc còn lại.

Cô lôi ra một chiếc tai nghe và cắm nó vào chiếc điện đàm vừa lúc Ron Pulaski quay trở lại sau khi thực hiện nhiệm vụ đẩy lùi dải băng ngăn báo chí. Anh dẫn Sachs và những người trong nhóm chuyên viên khám nghiệm hiện trường vào trong tòa nhà. Họ bước ra khỏi thang máy tầng năm và tiến vào bên phải, tới chiếc cửa lớn bên dưới tấm biển ghi: “Phòng đọc T. Washington”.

“Hiện trường ở trong này.”

Sachs và các nhân viên kỹ thuật mở những chiếc va li, bắt đầu lấy ra các thiết bị. Pulaski tiếp tục: “Tôi khá chắc chắn rằng hắn đi vào qua những cánh cửa này. Lối thoát duy nhất là cầu thang thoát hiểm và chúng ta không thể đi vào phòng từ bên ngoài đó, và nó không hề bị phá bằng xà beng. Do đó, hắn đi qua cửa này, khóa nó lại và vòng ra phía sau cô bé. Cô bé chạy thoát ra ngoài bằng cửa thoát hiểm”.

“Ai đã mở chiếc cửa trước này cho anh?”, Sachs hỏi.

“Một người thủ thư tên là Don Barry.”

“Ông ta đi cùng cậu?”

“Không.”

“Ông ta đâu rồi?”

“Ở văn phòng - tầng ba. Tôi tự hỏi đó có phải do một người bên trong tòa nhà này làm không? Do đó, tôi hỏi ông ta về danh sách tất cả những nhân viên nam da trắng và vị trí của họ khi cô bé bị tấn công.”

“Tốt.” Sachs đã dự định làm y như vậy.

“Ông ta nói sẽ mang danh sách xuống cho chúng ta ngay khi hoàn thành.”

“Nào, bây giờ thì nói xem tôi sẽ tìm thấy gì bên trong.”

“Cô bé đang ở chỗ chiếc máy đọc vi phim. Nó ở xung quanh góc bên phải. Cô sẽ dễ dàng nhìn thấy.” Pulaski chỉ về cuối căn phòng lớn được chất đầy những hàng, kệ sách cao lênh khênh, bên ngoài đó là một không gian rộng mà Sachs có thể thấy các bức tượng ma nơ canh trong những bộ quần áo, những bức tranh, bối cảnh theo các thời kỳ, giai đoạn, những cặp đựng đồ trang sức, giày, ví, phụ kiện cổ - một kiểu trưng bày bụi bặm đặc trưng của bảo tàng, những kiểu đồ mà ta nhìn vào và thực ra thì trong đầu đang nghĩ rằng mình sẽ đi ăn ở đâu, chán ngán khi đã biết hết rồi.

“An ninh xung quanh đây thế nào?”, Sachs đang tìm kiếm những chiếc camera giám sát trên trần nhà.

“Chẳng có gì cả. Không camera, không bảo vệ, không giấy đăng ký vào thư viện. Chỉ cần bước vào.”

“Không hề dễ dàng, đúng không?”“Không, thưa bà... Không, thưa Thanh tra.”

Cô đã nghĩ rằng nói với anh ta “thưa bà” cũng được, khác với “quý cô”, nhưng không biết giải thích sự khác biệt như thế nào. “Một câu hỏi. Có phải cậu đã đóng cửa thoát hiểm lại không?”

“Không, tôi để nó y nguyên như khi tôi thấy. Mở.”

“Bởi vậy hiện trường có thể bị phá hỏng.”

“Hỏng?”

“Hung thủ có thể đã quay lại.”

“Tôi...”

“Anh đã không làm gì sai. Pulaski. Tôi chỉ muốn biết thôi.”

“Ồ, tôi đoán là hắn có thể đã quay lại.”

“Được rồi, anh đứng đây, ở ngay cửa ra vào. Tôi muốn anh lắng nghe.”

“Để làm gì?”

“À, ví dụ là một gã đang nhắm bắn vào tôi. Nhưng tốt hơn là anh nên nghe thấy tiếng bước chân hoặc tiếng một ai đó lên đạn trước.”

“Ý cô đang nói là đề phòng sau lưng giúp cô?”

Cô nháy mắt. Và bắt đầu tiến vào hiện trường.

Vậy, cô ta là một cảnh sát khám nghiệm hiện trường, Thompson Boyd nghĩ, khi đang quan sát người phụ nữ đi đi lại lại trong thư viện, kiểm tra sàn nhà, tìm kiếm những dấu vân tay và dấu vết hay bất cứ gì mà họ đang tìm kiếm. Hắn không e ngại với những gì mà cô có thể sẽ tìm ra. Hắn đã rất cẩn thận, như mọi khi.

Thompson đang đứng cạnh cửa sổ tầng sáu của một tòa nhà ở bên kia con phố 55 nhìn từ bảo tàng. Sau khi cô bé chạy thoát, hắn đã lượn lòng vòng quanh hai dãy phố và quyết định đi vào tòa nhà này, rồi đi lên tầng tới cái hành lang mà hắn có thể quan sát toàn bộ con phố lúc này.

Hắn đã có cơ hội thứ hai để giết cô bé một vài phút trước; cô ấy đã ở trên phố một lúc, nói chuyện với các cảnh sát, ở phía trước bảo tàng. Nhưng có quá nhiều cảnh sát ở cạnh để hắn có thể bắn hạ cô bé và trốn thoát. Hắn vẫn có thể chụp ảnh của cô bé với chiếc camera trên điện thoại trước khi cô bé và bạn của mình bị đẩy lên xe cảnh sát và đi về hướng tây. Ngoài ra, Thompson vẫn còn nhiều việc phải làm ở đây, nên hắn đã chiếm lấy vị trí quan sát thuận lợi này.

Từ những tháng ngày ở trại giam, Thompson đã học được rất nhiều về những người “cùng cố và thực thi luật pháp” này. Hắn có thể dễ dàng chỉ ra ai lười nhác, ai nhát gan, ai ngu ngốc và ngờ nghệch, cả tin. Hắn cũng có thể biết được ai là những cảnh sát tài năng, thông minh lanh lợi, và ai sẽ là mối đe dọa.

Giống như người phụ nữ mà hắn đang quan sát lúc này đây.

Khi hắn nhỏ vài giọt thuốc vào đôi mắt bị khó chịu kinh niên, Thompson cảm thấy tò mò về cô. Khi lục lọi hiện trường, đôi mắt cô thể hiện sức tập trung, bằng ánh mắt chân thành sâu sắc, giống như ánh mắt mà mẹ của hắn thi thoảng vẫn thể hiện khi đi vào nhà thờ.

Cô biến mất khỏi tầm nhìn nhưng, huýt sáo thật nhẹ nhàng, Thompson vẫn nhìn chăm chăm từ trên cửa sổ. Cuối cùng thì người phụ nữ trong bộ đồ màu trắng cũng quay trở lại. Hắn nhận thấy sự chính xác trong mỗi việc cô thực hiện, cách bước đi thật cẩn thận, cách chạm thật nhẹ nhàng khi nhặt lên và nghiên cứu từng thứ một để không làm hỏng mất bằng chứng. Một gã đàn ông khác có lẽ đã bị đánh thức bởi vẻ đẹp của cô ấy, những đường cong; ngay cả qua bộ áo liền quần, vẫn thật dễ dàng tưởng tượng thân hình của cô như thế nào. Nhưng tất cả những suy nghĩ đó, như bình thường, không ở trong tâm trí hắn. Hắn vẫn tin rằng mình cảm nhận được một sự thích thú nho nhỏ trong tâm trí khi quan sát cô làm việc

Một điều gì đó từ trong quá khứ trở lại với hắn... Hắn cau mày, nhìn vào người phụ nữ đang đi đi lại lại... Đúng, chính là điều đó. Cái hình ảnh gợi lại cho hắn về những con rắn đuôi chuông mà người cha có thể chỉ ra khi họ đi săn cùng nhau hay đi dạo trên sa mạc ở Texas gần chiếc xe moóc của gia đình hắn, ở ngoại ô Amarillo.

Hãy nhìn chúng, con trai. Chúng chẳng là gì cả? Nhưng đừng đến quá gần. Chúng sẽ giết con chỉ với một nụ hôn mà thôi.

Hắn đứng dựa nghiêng vào tường và tiếp tục chiêm ngưỡng người phụ nữ trong bộ đồ màu trắng, đi lên đi xuống, lên rồi xuống.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 4


Nhìn nó thế nào, Sachs?”

“Tốt”, cô đáp lại Rhyme, qua máy bộ đàm.

Cô vừa mới thực hiện xong phương pháp “kẻ ô vuông” - thuật ngữ ám chỉ phương pháp khám xét một hiện trường: Kiểm tra nó theo cách giống như khi taáy cắt cỏ trong vườn, đi từ đầu này sang đầu khác rồi quay lại, cứ di chuyển như thế sang hai bên. Và rồi làm lại như vậy một lần nữa, nhưng lần thứ hai thì đi theo những đường vuông góc với lần thứ nhất. Tìm cả bên trên và bên dưới, từ sàn lên trần nhà. Bằng cách này thì chẳng có một centimet vuông hay một góc cạnh nào bị bỏ sót. Có rất nhiều cách để khám nghiệm hiện trường nhưng Rhyme luôn luôn gắn chặt với phương pháp này.

“‘Tốt’ nghĩa là sao?”, anh hỏi lại một cách gắt gỏng. Rhyme vốn không thích những gì chung chung, hay là kiểu mà anh gọi là những đánh giá “nông”.

“Hẳn bỏ quên bọc đồ để hiếp dâm”, cô đáp lại. Bởi cái thứ đang kết nối cô và Rhyme mang tên Motorola là phương tiện chủ yếu để mang sự có mặt của anh tới các hiện trường vụ án, họ thường tống khứ các quy ước về truyền tin thông qua điện đàm của Sở cảnh sát New York, như kiểu kết thúc mỗi lần nói bằng chữ K[2].

[2] Có nghĩa là “hết”.

“Hắn có biết không? Biết đâu nó cũng hữu ích như một chiếc ví để có thể nhận dạng ra hắn. Có gì ở trong đó?”

“Hơi lạ một chút, Rhyme. Nó chứa một cuộn băng dính, một con dao rọc giấy, vài cái bao cao su. Nhưng có một quân bài tarot. Hình một người đàn ông đang treo ngược trên một cái giá treo cổ.”

“Tự hỏi liệu hắn có thật sự là một kẻ bệnh hoạn không, hay chỉ là một kẻ ăn theo các vụ khác?” Rhyme trầm ngâm. Trong nhiều năm, rất nhiều tên giết người đã bỏ lại hiện trường những lá bài tarot và rất nhiều những vật huyền bí - vụ án đáng chú ý nhất gần đây ở Washington D.C., những tay bắn tỉa của một vài năm trước đó.

Sachs tiếp tục: “Tin tốt là hắn giữ tất cả mọi thứ ở trong một cái túi nhựa bóng loáng rất đẹp”.

“Tuyệt vời.” Trong khi những tên hung thủ có thể nghĩ tới việc đi găng tay ở hiện trường, chúng thường quên mất dấu tay trên những vật mà chúng mang theo để thực hiện tội ác đó. Những vỏ bao cao su bị vứt đi đã buộc tội rất nhiều những tên hiếp dâm trong khi chúng thì hoàn toàn khăng khăng khẳng định về việc không để lại dấu vân tay hay những chất dịch của cơ thể ở hiện trường. Trong những trường hợp như vậy, ngay cả khi tên sát nhân nghĩ rằng đã xóa sạch dấu vết trên những mẩu băng dính, dao và bao cao su, nhưng vẫn có khả năng hắn lại bỏ quên việc lau sạch cái túi.

Cô giờ đang đặt tài đồ vào trong chiếc túi giấy đựng vật chứng - giấy nhìn chung là tốt hơn nhựa trong việc lưu giữ bằng chứng - rồi đặt chúng sang bên. “Hắn để lại nó trên một kệ sách ở gần chỗ cô bé ngồi. Em đang tìm những dấu vết ẩn?” Cô rắc bột huỳnh quang lên chiếc kệ, đeo chiếc kính mắt lồi màu da cam và rọi chiếc đèn chiếu sáng chuyên dụng ALS để tìm dấu vết vào chỗ rắc bột. Chiếc đèn ALS hé lộ các dấu vết như máu, tinh dịch và dấu vân tay mà bình thường thì chắc chắn sẽ không thể nhìn thấy được bằng mắt. Rọi chiếc đèn lên rồi xuống, cô nói: “Không có dấu vân tay. Nhưng em có thể thấy hắn đã đeo găng tay cao su mỏng loại dùng trong phòng phẫu thuật”.

“À, thế được rồi. Có hai lý do.” Tiếng nói của Rhyme mang âm điệu của một bậc thầy. Anh đang kiểm tra cô.

Hai? Cô tự hỏi. Một lý do hiện ra ngay lập tức trong đầu cô: Nếu họ mà có khả năng tìm lại được chiếc găng tay thì họ sẽ lấy được dấu vân tay từ bên trong (một điều mà hung thủ thường quên mất). Nhưng còn lý do thứ hai?

Cô hỏi anh.

“Rõ ràng. Điều đó có nghĩa là hắn nhiều khả năng đã có hồ sơ, nên khi chúng ta tìm thấy một dấu tay, AFIS sẽ cho ta biết hắn là ai.” Hệ thống nhận dạng vân tay tự động (AFIS) của bang và Hệ thống nhận dạng vân tay tự động của FBI là những cơ sở dữ liệu máy tính có thể truy tìm và cung cấp thông tin về các dấu vân tay chỉ trong vài phút, trái ngược với hằng tuần hay hàng đống ngày với cách kiểm tra bằng tay.

“Chắc chắn rồi”, Sachs nói, khó chịu khi cô đã chịu thua bài kiểm tra.

“Điều kiện nào nữa để em xếp sự đánh giá là ‘tốt’?”

“Họ đã cọ bóng sàn nhà đêm hôm qua.”

“Và vụ tấn công xảy ra sáng sớm ngày hôm nay. Do đó em sẽ có thể nghiên cứu tốt nhất những dấu giày của hắn.”

“Ừm. Có một vài dấu vết nổi bật ở đây.” Vừa quỳ xuống, cô vừa chụp một bức ảnh tĩnh điện về dấu vết bước đi của tên hung thủ. Cô chắc chắn rằng đó là dấu chân của hắn; cô có thể thấy rõ ràng vết chân ở chỗ hắn tiến tới chiếc bàn Geneva ngồi, điều chỉnh tư thế để có thể nắm chặt chiếc dùi cui đánh cô bé rồi đuổi theo xuống dưới hành lang. Cô cũng đã so sánh những dấu chân này với dấu chân của người duy nhất đã ở đây buổi sáng hôm nay: Ron Pulaski, mà đôi giày bóng như gương của anh ta để lại những dấu vết hoàn toàn khác.

Cô giải thích về việc cô bé sử dụng ma nơ canh để đánh lạc hướng tên hung thủ như thế nào và chạy trốn. Anh cười khúc khích vì sự nhanh trí của cô bé. Cô kể thêm rằng: “Rhyme, hắn đánh cô bé - chính xác là cô ma nơ canh - rất mạnh. Bằng một vật cứng. Mạnh đến mức hắn đánh vỡ miếng nhựa qua lớp mũ len của cô bé. Sau đó hắn chắc hẳn đã tức giận điên cuồng vì đã bị cô bé lừa. Hắn cũng đập nát luôn chiếc máy đọc vi phim

“Bằng một vật cứng”, Rhyme nhắc lại. “Em có thể lấy được vết hằn chỗ bị đập không?”

Khi anh còn là chỉ huy của đơn vị Khám nghiệm hiện trường của Sở cảnh sát New York, trước khi xảy ra tai nạn, Rhyme thu thập những tập hồ sơ dữ liệu để phục vụ cho việc xác định chứng cứ và những dấu vết hằn được tìm thấy ở hiện trường. Hồ sơ về vật cứng có chứa hàng trăm bức ảnh về những vết lõm do tác động để lại trên da và những bề mặt vô tri vô giác bởi đủ mọi thể loại vật cứng - từ những thanh vặn ốc lốp xe ô tô bằng sắt cho đến xương người, và cả đá lạnh. Nhưng sau khi kiểm tra một cách cẩn thận ma nơ canh và chiếc máy đọc vi phim bị đập tan nát, Sachs nói: “Không, Rhyme. Em không thấy gì cả. Chiếc mũ Geneva đội vào đầu cô ma nơ canh...”.

“Geneva?”

“Đó là tên cô bé.”

“À, tiếp đi.”

Cô đã cảm thấy bực mình một thoáng chốc - như cô vẫn thường như vậy - rằng anh ấy chẳng bao giờ biểu lộ một chút quan tâm nào đến việc biết về cô bé hay trạng thái tinh thần của cô. Cô thường cảm thấy khó chịu vì Rhyme quá bình thản với tội ác và những nạn nhân. Anh nói, điều đó là những gì mà các nhà tội phạm học cần phải như vậy. Ta không hề muốn những người phi công quá bàng hoàng bởi một buổi hoàng hôn rực rỡ hay quá kinh hãi với những trận bão đầy sấm sét đến mức phải bay trốn vào một ngọn núi, đó là một điều tương tự với những người cảnh sát. Cô hiểu quan điểm ấy của anh nhưng đối với Amelia Sachs, nạn nhân là những con người, và tội ác không phải là những bài tập khoa học mà đó là những sự việc khủng khiếp. Đặc biệt khi nạn nhân lại là một cô bé mới mười sáu tuổi.

Cô tiếp tục: “Chiếc mũ cô bé đội lên đầu ma nơ canh làm phân tán bớt lực của cú đánh. Và chiếc máy đọc vi phim cũng vỡ nát thành nhiều mảnh”.

Rhyme nói: “À, mang về đây một ít mảnh vỡ của những vật hắn đập phá. Có thể sẽ có những dấu vết còn sót lại”.

“Chắc chắn rồi.”

Có những tiếng nói khác vọng lại qua micro của Rhyme. Anh nói bằng một giọng lạ và nghe như có vấn đề: “Xong việc và quay lại sớm, Sachs”.

“Em gần xong rồi”, cô nói. “Em đang chuẩn bị khám nghiệm dấu vết ở đường đi ra... Rhyme, có vấn đề gì vậy?”

Im lặng. Khi anh nói vào sau đó, giọng của anh nghe còn có vẻ có vấn đề rắc rối hơn nữa. “Anh phải đi, Sachs. Có vẻ là anh có một vài vị khách.

“Ai...?”

Nhưng anh đã ngắt máy.

Người phụ nữ trong chiếc áo trắng, một cảnh sát chuyên nghiệp, đã biến mất khỏi cửa sổ thư viện.

Nhưng Thompson Boyd không thích thú với cô chút nào nữa. Từ cái vị trí đứng cao mười tám mét bên trên con phố, giờ đây hắn đang quan sát một viên cảnh sát già hơn, đang đi về phía một vài nhân chứng. Người đàn ông tầm trung niên, to nặng và trong bộ trang phục nhăn nhúm, nhàu nhĩ. Thompson cũng biết kiểu cảnh sát như vậy. Ông ta không tài giỏi nhưng có thể giống như một con chó bull hung dữ. Sẽ không gì có thể ngăn cản việc ông ta làm sáng tỏ vụ án.

Khi người cảnh sát bệ vệ gật đầu về phía một người đàn ông khác, một người đàn ông da đen cao lớn trong bộ quần áo màu nâu, đang bước ra khỏi bảo tàng, Thompson rời bỏ vị trí quan sát của mình và nhanh chóng chạy xuống cầu thang. Khựng lại ở tầng trệt, hắn rút khẩu súng ra khỏi túi và kiểm tra nó để bảo đảm rằng không có gì khác nằm ở trong nòng súng hay ổ đạn. Hắn tự hỏi rằng có phải chính nó - cái âm thanh mở và đóng lại ổ đạn trong thư viện - đã cảnh báo con bé rằng hắn là một mối đe dọa.

Giờ đây, dù cho không có ai ở gần, hắn vẫn kiểm tra khẩu súng, nhẹ nhàng và hoàn toàn không một tiếng động.

Học từ chính những lỗi của ta.

Theo quyển sách.

Khẩu súng sẵn sàng hoạt động. Giấu nó vào sau chiếc áo choàng, Thompson đi bộ xuống cái cầu thang tối tăm mờ ảo và cảm thấy hào hứng suốt dọc hành lang dài, ở trên phố 56, rồi bước vào một con hẻm đưa hắn trở lại bảo tàng.

Chẳng có ai canh chừng đường vào của đầu bên kia con hẻm ở phố 55. Không bị phát hiện, Thompson luồn nhanh tới một cái thùng rác méo mó màu xanh, đang tỏa ra cái mùi hôi thối khó chịu của thức ăn bị rữa. Hắn nhìn vào con phố. Nó đã được giải tỏa giao thông nhưng vẫn có hàng tá người từ các văn phòng và cửa hiệu gần đó trên vỉa hè, đợi xem có nhìn thấy một cái gì đó hay ho để kể lại với những người bạn đồng nghiệp và gia đình. Hầu hết các viên cảnh sát đã rời đi. Người phụ nữ trong trang phục màu trắng - con rắn với nụ hôn - vẫn ở trên tầng. Ở bên ngoài là hai xe cảnh sát và chiếc xe tải của đơn vị Khám nghiệm hiện trường, và ba cảnh sát đang mang sắc phục, hai người với bộ thường phục và một thanh tra béo ú, bù xù trong bộ quần áo nhàu nhĩ.

Thompson nắm khẩu súng một cách chắc chắn. Chĩa súng bắn là một cách rất không hiệu quả để giết một ai đó. Nhưng đôi khi, giống như lúc này chẳng hạn, ta sẽ lựa chọn nào khác. Nếu như buộc phải bắn, nguyên tắc ta phải làm theo là nhắm vào đúng vị trí trái tim. Đừng bao giờ nhắm vào đầu. Xương sọ đủ cứng để bật viên đạn lại trong rất nhiều tình huống, đồng thời sọ não thì cũng khá là nhỏ và khó để mà bắn trúng.

Luôn luôn phải nhắm vào ngực.

Đôi mắt xanh sắc sảo của Thompson quan sát người cảnh sát to béo trong bộ quần áo nhàu nhĩ, khi ông ta đang nhìn vào một mẩu giấy.

Trầm lặng như một cánh rừng chết, Thompson gác khẩu súng lên cẳng tay trái, nhắm thật cẩn thận với một bàn tay chắc chắn. Hắn nổ nhanh bốn phát súng.

Viên đầu tiên trúng vào đùi của một người phụ nữ đang đứng trên vỉa hè.

Những viên còn lại trúng vào nạn nhân mà hắn nhắm tới ở chính vị trí mà hắn ngắm vào. Ba chấm nhỏ hiện ra ở giữa ngực ông ta; và trở thành ba bông hoa hồng bằng máu khi cái xác bắt đầu ngã xuống đất.

Có hai cô gái đứng ở phía trước anh và, mặc dù vẻ bề ngoài của họ hoàn toàn đối lập nhau, sự khác biệt trong ánh mắt của họ là điều mà Lincoln Rhyme nhận thấy đầu tiên.

Cô gái có thân hình to lớn - trong bộ quần áo lòe loẹt và rủng rỉnh trang sức sáng chóe, những móng tay dài màu da cam - có đôi mắt nhảy nhót như những con côn trùng õng ẹo. Không thể nhìn vào Rhyme, hay bất cứ thứ gì khác quá một giây đồng hồ, mắt cô ta đã đảo một vòng chóng mặt quanh phòng thí nghiệm của anh: những dụng cụ khoa học, các ống nghiệm, những lọ hóa chất, những chiếc máy tính và màn hình điều khiển, những sợi dây ở khắp nơi. Tất nhiên là cả vào đôi chân của Rhyme và chiếc xe lăn của anh nữa. Cô nhai viên kẹo cao su nhóp nhép một cách ầm ĩ.

Cô bé còn lại, thấp, gầy, nhỏ thó và nhìn như con trai, có một sự bình lặng bên trong. Cô nhìn chằm chằm vào Lincoln Rhyme bằng một ánh mắt vững vàng. Liếc một cái rất nhanh vào chiếc xe lăn, rồi lại nhìn vào anh. Căn phòng thí nghiệm không hề cuốn hút cô.

“Đây là Geneva Settle”, người nữ cảnh sát tuần tra giải thích, Jenifer Robinson, hất đầu về phía cô bé nhỏ nhắn với đôi mắt kiên định không dao động. Robinson là bạn của Amelia Sachs, người đã sắp xếp để Robinson đưa hai cô bé đến đây từ ngôi nhà ở phía bắc Midtown.

“Còn đây là bạn của cô bé”, Robinson tiếp tục: “Lakeesha Scott. Nhả bã kẹo đi, Lakeesha”.

Cô gái ném lại một cái nhìn ngang ngạnh nhưng vẫn nhét mẩu bã kẹo đã được vo viên vào đâu đó trong chiếc túi lớn của mình, mà chẳng cần quan tâm đến việc bọc nó lại.

Người nữ cảnh sát nói: “Cô bé và Geneva cùng đến bảo tàng buổi sáng ngày hôm nay”.

“Chỉ có mình cháu là chẳng thấy gì cả”, cô bé nhanh nhảu cướp lời trước. Phải chăng là cô gái to lớn này hoảng sợ vì vụ tấn công, anh tự hỏi, hay chỉ đơn giản là vì cô ta cảm thấy khó chịu bởi Rhyme là một người tàn tật? Cả hai đều có thể.

Geneva đang mặc một chiếc áo phông màu xám và chiếc quần lùng thùng màu đen với đôi giày thể thao, mà theo suy đoán của Rhyme đang là mốt của những học sinh trung học hiện đại. Sellito đã nói cô bé mười sáu tuổi nhưng nhìn cô trẻ hơn. Trong khi mái tóc của Lakeesha được bện thành những bím nhỏ màu vàng và đen, được tết chặt đến nỗi lộ cả da đầu, mái tóc của Geneva lại được cắt ngắn.

“Tôi đã nói với hai cô gái anh là ai, thưa Đại úy”, Robinson nói, với chức danh mà đã cũ đến vài năm rồi. “Và anh sẽ có vài câu hỏi về những gì đã xảy ra. Geneva muốn trở lại trường học nhưng tôi đã nói cô bé phải đợi.”

“Cháu có mấy bài kiểm tra”, Geneva lên tiếng.

Lakeesha tặc lưỡi qua những chiếc răng trắng bóc của mình.

Robinson nói tiếp: “Bố mẹ của Geneva không có ở trong nước. Nhưng họ đang đợi chuyến bay về gần nhất. Cô bé đã ở cùng bác khi họ đi vắng”.

“Họ đi đâu?”, Rhyme hỏi: “Bố mẹ cháu?”.

“Bố cháu đang hướng dẫn ở một hội nghị ở Oxford.”

“Ông ấy là giáo sư à?”

Cô gật đầu. “Văn học. Ở Đại học Hunter.”

Rhyme tự trách mình vì đã ngạc nhiên khi biết cô gái trẻ đến từ Harlem lại có cha mẹ trí thức và bận rộn công việc ở cả nước khác trên thế giới. Anh đã bực mình bởi sự dập khuôn định kiến, nhưng chủ yếu là cảm thấy tự ái vì đã đưa ra một suy diễn sai lầm. Sự thật là, cô bé ăn mặc như một kẻ bụi bặm nhưng anh đã có thể suy đoán cô bé xuất thân từ gia đình trí thức; cô bé đã bị tấn công khi đang ở thư viện vào một buổi sáng sớm chứ không phải đang lang thang tụ tập trên góc phố hay là xem ti vi trước khi đến trường.

Lakeesha rút ra một bao thuốc lá trong chiếc túi của mình.

Rhyme bắt đầu: “Không được...”. Thom bước vào qua cánh cửa. "... hút thuốc ở đây.” Anh nhấc nó khỏi tay cô gái và nhét lại vào trong chiếc túi.

Không ngạc nhiên khi hai cô bé bất ngờ xuất hiện trong tầm mắt của mình, Thom mỉm cười. “Uống chút gì chứ?”

“Ông có cà phê chứ?”, Lakeesha nói.

“Tôi có, tất nhiên.” Thom khẽ liếc sang Jenifer Robinson và Rhyme khi họ lắc đầu.

“Tôi muốn pha thật đặc”, cô gái to lớn nhấn mạnh.

“Ồ, vậy à?” Thom đáp lại. “Tôi cũng thế.” Anh nói với Geneva: “Cô muốn uống gì chứ?”.

Cô bé lắc đầu.

Rhyme nhìn thật lâu vào chai rượu whisky Scotland nằm trên cái kệ gần đó. Thom để ý thấy ánh mắt đó và cười. Người phụ tá biến mất. Với sự chán nản của Rhyme, nữ cảnh sát tuần tra Robinson nói: “Tôi phải quay trở lại trụ sở, thưa ngài”.

“À, vậy sao?” Rhyme đáp lại, choàng tỉnh. “Cô không thể ở lại thêm một chút nữa sao?”

“Không được, thưa ngài. Nhưng nếu ngài cần gì, cứ gọi điện cho tôi!”

Một người trông trẻ thì sao nhỉ?

Rhyme không tin vào định mệnh, nhưng nếu có, anh chắc hẳn phải thấy việc tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa ở đây: Anh đã nhận vụ này để tránh bài kiểm tra ở bệnh viện và giờ đây anh đang phải trả giá cho điều đó bằng việc phải chịu đựng nửa tiếng đồng hồ chẳng chút thoải mái trong văn phòng với hai cô bé học sinh. Những người trẻ tuổi không phải là gu của anh.

“Vậy nhé, Đại úy. Tôi đi thôi.” Robinson bước ra khỏi cửa.

Anh lẩm bẩm. “Ừ.”

Một vài phút sau, Thom quay lại với một cái khay trên tay. Anh rót một tách cà phê cho Lakeesha và đưa cho Geneva một chiếc cốc, mà Rhyme ngửi thấy, có mùi của chocolate nóng.

“Tôi vẫn đoán rằng cô muốn uống chút gì đó”, người phụ tá nói. “Nếu không thích, cô có thể để nó đấy.”

“Không. Tốt quá ạ. Em cảm ơn.” Geneva nhìn chằm chằm vào cốc chocolate nóng đang sủi bọt. Nhấp một vài ngụm.

“Các cháu ổn chứ?”, Rhyme hỏi.

Geneva gật đầu.

“Cháu cũng thế”, Lakeesha nhanh nhảu.

“Hắn tấn công cả hai à?”, Rhyme hỏi tiếp.

“Không, không phải cháu.” Lakeesha quan sát anh từ trên dưới. “Nhìn chú giống với diễn viên bị gãy cổ?” Cô gái húp xì xụp ly cà phê, đổ thêm một ít đường. Lại húp xì xụp.

“Không vấn đề gì.”

“Và chú không thể cử động được gì hết à?”

“Không nhiều lắm.”

“Chán chết.”

“Keesh”, Geneva suỵt bạn mình. “Yên đi nào.”

“Ôi, cậu biết đấy, chán chết.”

Rồi lại im lặng. Mới chỉ có tám phút đồng hồ trôi qua từ khi hai cô gái bước vào đây. Vậy mà nó dài như hàng tiếng đồng hồ. Anh nên làm gì đây? Có phải Thom đã chạy trốn và giải trí bằng một trò Board game[3] rồi không nhỉ?

[3] Tên gọi chung của các trò chơi theo nhóm, được thực hiện trên một bàn như bàn cờ.

Tất nhiên, đó là những câu hỏi phải được hỏi.

Nhưng bản thân Rhyme cũng lưỡng lự để đưa ra những câu hỏi đó. Phỏng vấn hay thẩm vấn lấy lời khai là những kỹ năng mà anh không hề có. Khi còn làm việc trong lực lượng, anh đã hỏi cung đối tượng tình nghi hàng chục lần, và chưa bao giờ có những giây phút “cảm ơn Chúa” khi hung thủ hoàn toàn suy sụp và thú nhận. Nhưng Sachs thì khác, cô có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh tự nhiên. Cô cảnh báo những viên cảnh sát trẻ rằng ta có thể phá hỏng cả một vụ án chỉ vì nói sai một từ duy nhất. Cô ấy gọi đó là “làm vẩn đục tâm hồn”, cũng giống như tội lỗi hàng đầu đối với Rhyme là “làm hỏng hiện trường vụ án”.

Lakeesha lên tiếng: “Làm sao chú có thể đi lại trên chiếc xe đó?”.

“Suỵt”, Geneva nhắc nhở.

“Tớ chỉ hỏi mà thôi.”

“Đừng.”

“Hỏi thì hại gì chứ?”

Lakeesha đã mất hoàn toàn sự lo lắng, e dè ban đầu. Rhyme đánh giá là cô gái thực sự khá biết điều. Lúc đầu cô ấy hành động không được thoải mái, làm như thể cô ấy ngây thơ, vô tội, dễ bị tổn thương, yếu đuối, rằng ta đã chiếm được sự lợi thế rồi, nhưng rất nhanh chóng cô bé đã đánh giá được mọi việc. Một khi đã làm chủ được tình thế, cô biết nên hay không nên thốt ra những lời thiếu suy nghĩ.

Thực ra, Rhyme rất cảm kích đối với bất kỳ chủ đề nào để có thể nói đến. Anh giải thích về ECU, bộ phận kiểm soát môi trường, rồi làm thế nào mà cái bảng cảm ứng ở dưới ngón tay đeo nhẫn bên trái của anh có thể điều khiển chuyển động và tốc độ của chiếc xe lăn.

“Một ngón tay?” Keesha liếc vào một trong những chiếc móng tay da cam của mình. “Thế thôi là chú đi lại được?”

“Đúng vậy. Chẳng hơn gì đầu và vai.”

“Thưa ông Rhyme”, Geneva lên tiếng, nhìn vào chiếc đồng hồ Swatch đỏ lớn, rõ ràng nổi bật trên cổ tay nhỏ bé, gầy guộc của cô: “Những bài kiểm tra của cháu thì sao? Bài kiểm tra đầu tiên sẽ bắt đầu trong một vài tiếng nữa. Chúng ta sẽ nói chuyện bao lâu nữa vậy?”.

“Đến trường ư?”, Rhyme hỏi, một cách ngạc nhiên. “À, các cháu có thể nghỉ ngày hôm nay, ta chắc chắn điều đó. Sau những gì đã xảy ra, giáo viên của các cháu sẽ hiểu thôi.”

“À, thực sự cháu không cảm thấy muốn nghỉ học. Cháu muốn làm bài kiểm tra.”

“Này, này, nhóc, hết giờ rồi. ông chú này đã nói mình có thể qua, một trăm phần trăm quá tuyệt, và cậu lại nói không muốn đấy. Nào. Thật là dở hơi.”

Geneva nhìn vào mắt cô bạn mình. “Và cậu cũng sẽ phải làm bài kiểm tra đấy. Không phải cậu đang trốn tránh đấy chứ.”

“Đấy không phải là trốn tránh, chúng ta được cho qua”, cô gái to lớn chỉ ra vấn đề với một luận điểm khổng hề sai.

Điện thoại của Rhyme reo và anh cảm thấy biết ơn với sự cắt ngang này.

“Lệnh, trả lời”, anh nói vào chiếc micro thoại rảnh tay.

“Tuyệt!” Lakeesha reo lên, nhướn cao đôi lông mày. “Nhìn nó kìa, Gen. Tớ muốn một cái như vậy.”

Nheo mắt lại, Geneva thì thầm điều gì đó với cô bạn của mình, người đang xoe tròn mắt và húp xì xụp thêm cà phê.

“Rhyme”, tiếng Sachs nói.

“Các cô bé đang ở đây, Sachs”, Rhyme nói bằng một giọng nóng nảy. “Geneva và bạn của cô bé. Và anh đang mong là em...”

“Rhyme” cô nói lại. Bằng một giọng riêng biệt. Có điều gì đó không hay.

“Chuyện gì vậy?”

“Sau cùng, hiện trường lại náo động.”

“Hắn đã ở đó

“Đúng. Chưa hề rời đi. Hay là quay lại.”

“Em vẫn ổn chứ?”

“Vâng. Không phải hắn tấn công em.”

“Chuyện gì đã xảy ra?”

“Hắn đã tiến đến rất gần, vào trong con hẻm. Bắn bốn phát đạn. Làm bị thương một người đang đứng gần đó... và giết một nhân chứng. Tên ông ấy là Don Barry. Đang chịu trách nhiệm cái thư viện ở bảo tàng. Ông ấy bị bắn ba phát vào tim. Chết ngay lập tức.”

“Em có chắc rằng kẻ nổ súng chính là hắn?”

“Đúng. Dấu giày em tìm thấy ở vị trí bắn khớp với những dấu vết ở thư viện. Lon chỉ đang định hỏi ông ấy một số vấn đề. Ông ấy đứng ngay phía trước anh ta khi mọi chuyện xảy ra.”

“Anh ấy có nhìn thấy kẻ nổ súng không?”

“Không. Không ai nhìn thấy. Hắn nấp sau một cái thùng rác lớn. Một vài cảnh sát tại hiện trường đã đến để bảo vệ người phụ nữ. Cô ta bị chảy máu khá nhiều. Hắn ta lẩn vào đám đông. Và biến mất.”

“Có ai giải quyết các vấn đề liên quan đến gia đình ông ta chưa?”

Gọi cho những người thân, vấn đề tiên quan đến gia đình[4].

[4] Ở đây ý tác giả không phải nói thẳng là “Có ai gọi điện báo với người nhà ông ta chưa?”.

“Lon đang định gọi nhưng điện thoại của anh ấy có vấn đề gì đó. Có một hạ sĩ ở hiện trường. Anh ta sẽ lo việc đó.”

“Được rồi, Sachs, quay lại với những gì em mới tìm ra... Lệnh, ngắt.” Anh nhìn lên và thấy hai cô gái đang nhìn mình chằm chằm không chợp mắt.

Anh giải thích: “Có vẻ như là kẻ đã tấn công cháu vẫn chưa rời đi, sau mọi việc. Hoặc là hắn quay lại. Hắn đã giết người thủ thư và...”

“Bác Barry?” Geneva há hốc mồm thở hổn hển... Cô ngừng mọi cử động, đơn giản là bất động choáng váng.

“Đúng vậy.”

“Chó chết”, Lakeesha rít lên khe khẽ trong miệng. Cô nhắm mắt và run rẩy.

Một phút sau, miệng của Geneva mím chặt lại và cô cúi gằm mặt xuống. Cô đặt cốc chocolate trên bàn. “Không, không...”

“Chú rất tiếc”, Rhyme nói. “Ông ấy có phải là bạn của các cháu không?”

Cô gái lắc đầu. “Không hẳn. Bác ấy chỉ giúp cháu thôi, với các bài tập của cháu.” Geneva ngồi xuống ghế. “Nhưng việc bác ấy có phải bạn cháu hay không chẳng quan trọng. Bác ấy chết rồi - điều đó thật khủng khiếp.” Cô nói thầm thì một cách đầy tức giận: “Tại sao, tại sao hắn ta lại làm như vậy?”.

“Ông ấy là một nhân chứng, chú đoán thế. Ông ấy có thể nhận dạng kẻ đã tấn công cháu.”

“Vậy nên bác ấy chết vì cháu.”

Rhyme lẩm nhẩm vài từ gì đó với cô bé, không, làm sao điều đó có thể là lỗi của cô bé được? Cô bé không hề lên kế hoạch cho việc mình bị tấn công. Đó chỉ là sự không may của ông Barry. Không đúng thời điểm, không đúng địa điểm.

Nhưng sự vỗ về an ủi chẳng có tác dụng gì với cô bé. Khuôn mặt của cô bé đanh lại, đôi mắt lạnh lùng.

Rhyme không biết phải làm gì tiếp theo. Giờ đây không chỉ còn là việc chịu đựng sự có mặt của hai cô gái - mà anh còn phải vỗ về an ủi họ, xua cái tấn thảm kịch này ra khỏi tâm trí chúng. Anh lái chiếc xe lăn đến gần hai cô bé hơn và đẩy sự kiên nhẫn của mình đến hết giới hạn bằng việc bắt đầu một cuộc trò chuyện nho nhỏ.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 5


Sau hai mươi lăm phút dài như vô tận, Sachs và Sellito về đến văn phòng của Rhyme, đi theo là một cảnh sát tuần tra trẻ, tóc vàng tên là Pulaski.

Sellito giải thích rằng anh ta đã yêu cầu chàng trai trẻ mang bằng chứng về cho Rhyme và làm cộng tác cho cuộc điều tra. Rõ ràng là một tân binh, anh ta có chữ “hăng hái” trên cái trán nhẵn thín của mình. Anh ta hẳn là đã được nói vắn tắt về tình trạng của nhà tội phạm học, thành ra đã lờ đi một cách thái quá sự thật là Rhyme bị liệt. Rhyme ghét những phản ứng giả tạo như vậy. Anh cảm thấy thích cái cách xử sự thẳng đuột của Lakeesha hơn.

Chỉ là, bạn biết đấy, chán chết...

Hai viên thanh tra cảnh sát chào những cô bé.

Pulaski nhìn chúng một lượt đầy cảm thông và hỏi thăm bằng một giọng đầy thân thiện với lũ trẻ. Rhyme thấy được vết hằn của chiếc nhẫn cưới trên ngón tay anh ta và suy đoán một cuộc hôn nhân từ thời học sinh trung học; chỉ khi đã có con của riêng mình thì mới có ánh mắt nhìn như vậy.

Lakeesha đáp lại câu hỏi: “Phá phách là kiểu của tôi. Thật khó chịu... Một vài kẻ khốn nạn gây lộn với cô bạn của tôi. Anh nghĩ sao chứ?”.

Geneva thì nói cô vẫn ổn.

“Cô biết là cháu đang ở cùng một người họ hàng, đúng không?”, Sachs hỏi.

“Bác của cháu, ông ấy sẽ ở nhà cháu đến khi bố mẹ cháu trở về từ London.”

Rhyme bất chợt nhìn vào Lon Sellito. Có gì đó không đúng. Anh ta đã thay đổi một cách đáng kinh ngạc trong hai tiếng qua. Thái độ vui vẻ đã biến mất. Đôi mắt anh ta ánh lên nỗi sợ hãi và có vẻ bồn chồn. Rhyme cũng để ý thấy những ngón tay của anh ta liên tục chà vào cùng một vị trí trên má. Anh ta đã chà xát nó đến nỗi đỏ ửng lên.

“Bị mấy viên đạn làm giật mình à?”, Rhyme hỏi, nhớ lại rằng viên cảnh sát này đã đứng ngay cạnh người thủ thư khi hung thủ bắn ông ấy. Có lẽ Sellito đã bị một mảnh vỡ của viên đạn văng vào hoặc có thể là một mẩu đá nếu như viên đạn đi xuyên qua người Barry và bắn trúng vào tòa nhà.

“Gì cơ?” Sellito chợt nhận ra mình đã chà ngón tay lên da và buông tay xuống. Anh nói bằng một giọng nhỏ, để cho những cô bé không nghe thấy: “Tôi đã ở khá gần nạn nhân. Bị một chút máu văng vào người. Chỉ có thế thôi. Chứ không sao cả”.

Nhưng chỉ một chút xíu sau đó anh lại vô thức đưa tay lên cọ má mình.

Điệu bộ đó khiến Rhyme liên tưởng đến Sachs, bởi cô có thói quen gãi đầu và nhay nhay móng tay mình. Sự thôi thúc bất chợt, bằng một cách nào đó liên quan tới nỗ lực, khát vọng của cô, sự xáo động không thể định nghĩa được bên trong hầu hết những người cảnh sát. Các cảnh sát thường làm tổn thương chính mình theo hàng trăm cách khác nhau. Và sự nguy hại thì có từ những hành động nhỏ như kiểu của Sachs, cho đến những trường hợp phá hỏng hạnh phúc gia đình và tâm hồn của những đứa trẻ với những từ ngữ tàn nhẫn, cho đến những việc như ngậm miệng quanh cái nòng sặc mùi khói của chính khẩu súng mình được phát. Dù sao thì anh chưa bao giờ thấy một điều như thế này ở Lon Sellito.

Geneva hỏi Sachs: “Không có nhầm lẫn gì hả cô?”.

“Nhầm lẫn?”

“Về tiến sĩ Barry.”

“Cô rất tiếc, không. Ông ấy chết rồi.”

Cô bé đứng im bất động. Rhyme có thể cảm thấy nỗi đau của lúc này.

Và cả sự tức giận nữa. Đôi mắt của cô bé là hai chấm đen đầy giận dữ. Rồi cô nhìn vào đồng hồ của mình, nói với Rhyme: “Những bài kiểm tra mà cháu nói đến thì sao?”.

“Ừm, hãy trả lời một số câu hỏi trước rồi chúng ta sẽ xem xét điều đó sau, Sachs?”

Với những vật chứng đã được bày ra trên chiếc bàn khám nghiệm và một bản bảo đảm tính pháp lý cho các bằng chứng đã được hoàn thành, Sachs kéo ghế xuống ngồi cạnh Rhyme và bắt đầu phỏng vấn hai cô bé. Cô hỏi Geneva chính xác những gì đã xảy ra. Cô bé giải thích rằng mình đang tìm một bài báo trong một tạp chí cũ khi hắn bước vào thư viện. Cô đã nghe thấy những tiếng chân ngập ngừng chậm rãi. Rồi một tiếng cười. Tiếng của người đàn ông kết thúc cuộc hội thoại và tiếng gập của một chiếc điện thoại.

Cô bé nheo mắt. “À, những gì cô chú có thể làm là kiểm tra tất cả các công ty viễn thông trong thành phố. Để xem những ai đang nói chuyện điện thoại lúc đó.” Rhyme đáp lại bằng một tiếng cười. “Đó là một ý kiến hay. Nhưng thực tế là ở bất cứ một thời điểm xác định nào tại Manhattan có khoảng năm mươi ngàn cuộc gọi được thực hiện hoặc đang được kết nối. Bên cạnh đó, chú không dám chắc rằng liệu có phải hắn đang gọi điện hay không.”

“Ý chú là hắn giả vờ á? Làm sao chú biết được điều đó?” Lakeesha hỏi, lén lút nhét hai thanh kẹo cao su vào miệng.

“Chú không biết điều đó. Chú nghi ngờ điều đó. Cũng như tiếng cười. Có nhiều khả năng hắn làm vậy để khiến Geneva mất cảnh giác. Ta sẽ thường không để ý đến những người đang nói chuyện điện thoại. Và hiếm khi ta nghĩ rằng đó sẽ là một mối đe dọa.”

Geneva gật gật đầu. “Vâng. Đúng thế! Lúc đầu cháu đã cảm thấy sợ hãi khi hắn bước vào thư viện. Nhưng khi cháu nghe tiếng hắn nói chuyện điện thoại, thế là, cháu đã nghĩ thật bất lịch sự khi nói chuyện điện thoại ở trong thư viện nhưng cháu cũng không cảm thấy sợ hãi nữa.”

“Rồi sau đó chuyện gì xảy ra?”, Sachs hỏi.

Cô bé giải thích rằng mình đã nghe thấy tiếng “cách” thứ hai - và nghĩ rằng âm thanh ấy nghe giống như tiếng một khẩu súng - rồi cô nhìn thấy một người đàn ông đội mũ trùm kín mặt. Cô bé sau đó kể lại việc mình đã tháo quần áo của một ma nơ canh và mặc cho nó áo và mũ của mình như thế nào.

“Tuyệt!”, Lakeesha chìa tay ra một cách tự hào. “Người chị em của cháu ở đây, thật là quá thông minh!”

Cô bé chắc chắn là như vậy, Rhyme nghĩ trong đầu. “Cháu đã tr trong những chồng sách cho đến khi hắn tiến lại chiếc máy đọc vi phim và rồi chạy về phía cửa thoát hiểm.”

“Cháu không nhìn thấy gì nữa về hắn à?”, Sachs hỏi.

“Không.”

“Chiếc mũ trùm màu gì?”

“Tối màu. Cháu không biết chính xác nữa.”

“Còn quần áo thì sao?”

“Thực sự cháu không nhìn thấy gì khác nữa. Cháu không nhớ những điều đó. Cháu đã khá là sợ hãi.”

“Cô biết cháu đã sợ.” Sachs nói. “Khi cháu đang nấp ở sau những giá sách, cháu có quan sát hướng đi của hắn không? Để có thể biết khi nào thì bỏ chạy?”

Geneva cau mày một chút. “À, vâng, đúng thế. Cháu đã quan sát hắn. Cháu quên mất điều đó. Cháu quan sát qua gầm kệ sách để có thể chạy khi hắn đến gần ghế cháu ngồi.”

“Vậy có thể cháu sẽ nhìn thấy gì khác nữa ở hắn?”

“À, cô biết đấy, cháu có. Cháu nghĩ rằng hắn đi đôi giày màu nâu. Đúng rồi, màu nâu. Nâu sáng, chứ không phải đậm tối.”

“Được rồi. Còn quần thì sao?”

“Tối màu. Cháu khá chắc chắn. Nhưng đó là tất cả những gì cháu có thể thấy, chỉ gấu quần mà thôi.”

“Cháu có ngửi thấy mùi gì không?”

“Không... Khoan đã. Hình như là cháu có. Một mùi gì đó ngọt, giống như những bông hoa.”

“Và...?”

“Hắn bước tới cái ghế và cháu nghe thấy một tiếng nứt rồi vài tiếng động ầm ầm nữa. Có cái gì đó bị đập nát.”

“Chiếc máy đọc vi phim”, Sachs giải thích. “Hắn đã đập nát nó.”

“Sau đó cháu cố hết sức chạy thật nhanh, về phía cửa thoát hiểm. Cháu chạy xuống cầu thang và khi ra tới phố gặp Keesh và chúng cháu bắt đầu chạy tiếp. Nhưng cháu nghĩ rằng có thể hắn sẽ tiếp tục làm hại một ai đó khác. Do đó, cháu quay lại và...”, cô bé nhìn về phía Pulaski, “Bọn em nhìn thấy anh”.

Sachs hỏi Lakeesha: “Cháu có nhìn thấy kẻ tấn công không?”.

“Chẳng có gì cả. Cháu chỉ đang đứng chơi và rồi Gen đến, chạy rất nhanh và lôi tha lôi thôi, chú hiểu cháugì không? Cháu chả nhìn thấy gì cả.”

Rhyme hỏi Sellito: “Hung thủ giết Barry bởi ông ấy là một nhân chứng - vậy ông ấy thấy gì?”.

“Ông ấy nói không thấy điều gì khác thường, ông ấy đưa cho tôi danh sách tên những nhân viên nam da trắng của thư viện trong trường hợp hung thủ là một trong số họ. Có hai người nhưng họ đã được kiểm tra và có chứng cứ ngoại phạm. Một người thì đang đưa con gái đến trường và một người thì ở văn phòng chính có mọi người xung quanh, vào thời điểm vụ việc xảy ra.”

“Vậy thì hung thủ là một kẻ cơ hội”, Sachs trầm ngâm. “Nhìn thấy cô bé đi vào và rình rập đằng sau.”

“Bảo tàng?” Rhyme nói: “Một sự lựa chọn kỳ cục”.

Sellito hỏi hai cô gái: “Các cháu có thấy ai đi theo mình ngày hôm nay không?”.

Lakeesha trả lời: “Chúng cháu xuống từ trên tàu C trong giờ cao điểm. Tuyến Đại lộ 8... đông đúc và bẩn thỉu. Chẳng thấy ai có biểu hiện kỳ lạ hết. Cậu thì sao?”.

Geneva lắc lắc đầu.

“Thế còn bây giờ thì sao? Có ai đang quấy rối, có thù hằn gì với cháu không? Đánh cháu chẳng hạn?”

Cả hai cô bé chẳng nghĩ được một ai có vẻ như là mối đe dọa với họ. Ngượng ngùng, Geneva nói: “Không có nhiều người theo đuổi xung quanh cháu.

Họ phải rình rập những cô gái trông thu hút hơn. Nuột hơn”.

“Nuột?”

“Ý của cậu ấy là xinh xắn, gợi cảm”, Lakeesha giải thích, người rõ ràng là hình mẫu điển hình cho những cô gái gợi cảm và xinh xắn. Cô cau mày và liếc nhìn Geneva. “Tại sao cậu phải lên đó, nhóc? Đừng nói những thứ vớ vẩn về mình đấy.”

Sachs nhìn về phía Rhyme, anh cau mày. “Anh nghĩ sao?”

“Có gì đó không đúng. Hãy xem qua một lượt chứng cứ thu thập được trong khi Geneva ở đây. Có thể sẽ có gì đó mà cô bé giải thích được.”

Cô bé lắc lắc đầu. “Còn bài kiểm tra thì sao?” Cô giơ chiếc đồng hồ lên.

“Sẽ không lâu đâu mà.” Rhyme nói.

Geneva nhìn bạn mình. “Cậu có thể đến phòng học”.

“Tớ sẽ ở lại đây với cậu. Tớ không thể ngồi hàng tiếng đồng hồ ở trong lớp với đống bài kiểm tra mà tâm trí thì lo lắng cho cậu và tất cả mọi việc.”

Geneva cười nhăn nhở. “Còn lâu, nhóc.” Cô hỏi Rhyme: “Chú không cần bạn ấy, đúng không ạ?”.

Anh nhìn Sachs, cô đang lắc đầu. Sellito ghi lại địa chỉ và số điện thoại của cô bé. “Chúng tôi sẽ gọi cháu nếu như có gì cần hỏi.”

“Cháu vẫn qua các bài kiểm tra, cô bé.” Cô nói. “Quên nó đi và về nhà nghỉ ngơi.”

“Tớ sẽ gặp lại cậu ở trường.” Geneva nói một cách kiên quyết. “Cậu sẽ đến trường chứ?” Rồi nhướn mày. “Hứa chứ?”

Hai tiếng nhóp nhép kẹo cao su lớn. Thở dài một tiếng. “Hứa”. Lưỡng lự một chút tại cửa, cô bé quay lại, nói với Rhyme: “À, thưa chú, sẽ còn bao lâu nữa thì chú có thể bước ra khỏi cái xe lăn này?”.

Không một ai nói gì để lấp đi cái phút đầy khó xử ấy. Khó xử với tất cả mọi người nhưng không với Rhyme, anh cho là như vậy.

“Có lẽ sẽ là một khoảng thời gian dài”, anh đáp lại cô gái.

“Ồ, thế thì thật khó chịu chết!”

“Ừ”, Rhyme nói. “Đôi lúc thật chán chết.”

Cô quay đầu bước về phía sảnh lớn, theo hướng cửa trước. Họ nghe thấy: “Chết tiệt, phải chú ý chứ, ông chú”. Tiếng cửa ngoài sập mạnh.

Mel Cooper bước vào phòng, quay lại nhìn cái chỗ mà anh suýt nữa bị đè bẹp bởi một cô gái trẻ nặng hơn anh đến hai mươi lăm kilogram. “Được thôi”, anh tự nói với mình. “Tôi không định hỏi.” Anh kéo chiếc áo khoác gió màu xanh lá cây ra và gật đầu chào mọi người.

Người đàn ông mảnh khảnh, hói đầu đã từng làm việc với vai trò một nhà khoa học hình sự pháp y cho Sở cảnh sát New York ở khu phía bắc một vài năm trước đây khi anh nói với Rhyme, lúc đó đang là chỉ huy đơn vị Khám nghiệm pháp y của Sở cảnh sát New York, một cách lịch sự nhã nhặn nhưng rất dứt khoát rằng, một trong những phân tích của anh là sai. Rhyme tôn trọng những người biết chỉ ra khuyết điểm hơn nhiều những kẻ nịnh bợ - tất nhiên, trong trường hợp họ nói đúng, như Cooper đã từng làm được. Rhyme ngay lập tức đã bắt đầu một chiến dịch để kéo anh ta về New York - một thử thách khó khăn mà cuối cùng anh cũng đã thành công.

Cooper sinh ra để làm một nhà khoa học nhưng quan trọng hơn cả là để làm một nhà khoa học pháp y, một ngành hoàn toàn khác biệt. Người ta thường nghĩ rằng “pháp y” liên quan tới công việc ở hiện trường vụ án, nhưng thực tế, từ này có nghĩa là mọi mặt của những vấn đề nóng bỏng gây trước tòa và luật pháp. Để là một nhà tội phạm học thành công ta phải dịch được những thông tin trần trụi thành một dạng thể mà nó hữu ích cho các công tố viên. Lấy ví dụ, việc xác định một cách đơn giản sự hiện diện của các vật chất có trong cây mã tiền ở một nơi được nghi ngờ là hiện trường vụ án vẫn là chưa đủ - các vật chất này đã được sử dụng rất nhiều trong các mục đích y tế vô hại như để chữa bệnh viêm tai. Một nhà khoa học pháp y thực sự như Mel Cooper có thể biết ngay lập tức được những vật chất như vậy sẽ tiết ra chất độc chết người strychine.

Cooper có vẻ bề ngoài của một con nghiện trò chơi máy tính. Anh sống với mẹ của mình, bà vẫn mặc những chiếc áo sơ mi kẻ ca rô rực rỡ và trông giống Woody Allen[1]. Vẻ bề ngoài lại đánh lừa tất cả. Người bạn gái từ bao lâu nay của Cooper là một cô gái tóc vàng cao và xinh đẹp dịu dàng. Họ có thể cùng nhau lướt qua sàn của một hội trường trên nền hợp xướng trong một cuộc thi khiêu vũ, mà trong đó họ thường là người chiến thắng. Mới đây nhất, họ đã tham gia cuộc thi bắn đĩa bay và cuộc thi nấu rượu vang nho (mà trong đó Cooper đã phải vận dụng một cách tỉ mỉ những nguyên tắc - nguyên lý hóa học và vật lý).

[1] Woody Allen: một diễn viên, đạo diễn, biên kịch nổi tiếng người Mỹ

Rhyme tóm tắt vụ án cho anh và họ quay sang làm việc với các chứng cứ. Rhyme nói: “Hãy nhìn vào cái gói”.

Trong khi đeo vào tay những chiếc găng cao su, Cooper nhìn về phía Sachs, cô đang chỉ ra những chiếc túi giấy có chứa gói đồ của hung thủ. Anh mở nó ra trên một tờ giấy lớn - để có thể tìm ra dấu vết xung quanh- và lấy ra những đồ vật trong đó. Đó là một cái túi nhựa mỏng. Không có logo cửa hàng nào được in lên đó, chỉ có một hình mặt cười màu vàng lớn. Người chuyên gia mở chiếc túi và dừng lại. Anh nói: “Tôi ngửi thấy mùi gì đó...”. Hít một hơi thật sâu. “Có mùi hoa. Cái gì thế?” Cooper đưa cái túi lên cho Rhyme và anh ngửi nó. Có mùi giống với mùi nước hoa, nhưng anh không thể nhận ra đó là mùi gì. “Geneva?”

“Dạ?”

“Có phải đây là mùi mà cháu đã ngửi thấy trên thư viện?”

Cô bé khịt khịt mũi. “Vâng. Đúng là nó.”

Sachs nói: “Hoa nhài. Tôi nghĩ đó là hương hoa nhài”.

“Trên bảng biểu đồ”, Rhyme nói.

“Bảng biểu đồ nào?”, Cooper hỏi, nhìn xung quanh.

Trong mỗi một vụ án của mình, Rhyme đều có một biểu đồ trên tấm bảng trắng ghi chép các bằng chứng được tìm thấy tạhiện trường và hồ sơ thông tin về các đối tượng. “Bước đầu tiên”, anh đề nghị. “Và chúng ta cần phải gọi hắn là gì đó. Một ai đó cho tôi một cái tên xem.”

Không ai đưa ra một sáng kiến nào cả.

Rhyme nói: “Không có thời gian để sáng tạo. Hôm nay là ngày mùng 9 tháng 10, đúng không. Mười/chín. Vậy hắn sẽ là Đối tượng 109. Thom! Chúng tôi cần ngòi bút tài hoa của cậu”.

“Không cần phải thêm bơ thêm đường như vậy”, người phụ tá nói và bước vào phòng với một ấm cà phê khác.

“Đối tượng 109. Biểu đồ chứng cứ và hồ sơ. Hắn là nam da trắng. Chiều cao?”

Geneva trả lời: “Cháu không biết. Với cháu thì ai cũng cao. Một mét tám, cháu đoán vậy”.

“Có vẻ như cháu cũng nhanh mắt quan sát. Chúng ta sẽ theo lời cháu. Cân nặng?”

“Không quá to hay nhỏ.” Cô bé bỗng im lặng một chút, vẻ băn khoăn. “Khoảng cân nặng của tiến sĩ Barry.”

Sellito nói: “Như vậy là khoảng chừng tám mươi hai kilogram”.

“Tuổi?”

“Cháu không biết. Cháu không thể nhìn thấy mặt hắn.”

“Tiếng nói?”

”Cháu đã không chú tâm lắm. Tầm trung, cháu đoán vậy.”

Rhyme tiếp tục: “Và đôi giày màu nâu sáng, quần tối màu, mũ trùm mặt tối màu. Cái gói trong túi có mùi hoa nhài. Hắn cũng có mùi như vậy. Có thể là xà bông hoặc nước tắm”.

“Cái gói?” Thom hỏi. “Ý anh là sao?”

“Cái gói mà hắn đựng đồ định dùng để hiếp dâm ý ạ.” Geneva nói. Liếc nhìn Rhyme. “Chú không cần phải nói tránh bất cứ điều gì cho cháu. Nếu như đó là điều chú đang làm.”

“Đủ rồi.” Rhyme gật đầu với cô bé. “Hãy tiếp tục nào.” Anh nhận thấy mặt Sachs tối sầm lại khi cô thấy Cooper nhấc chiếc túi lên.

“Có chuyện gì vậy?”

“Cái mặt cười. Trên một túi có đựng đồ để hiếp dâm. Cái thể loại chết tiệt bệnh hoạn nào làm như vậy?”

Cơn giận dữ của cô làm anh lúng túng. “Em nhận ra rằng tin tốt là hắn đã dùng nó, đúng không, Sachs?”

“Tin tốt?

“Nó hạn chế số lượng các cửa hàng chúng ta cần phải tìm kiếm. Không dễ dàng như tìm kiếm thông tin về một chiếc túi với một logo được thiết kế riêng biệt nhưng còn hơn là một chiếc túi trắng trơn không hình gì cả.”

“Em cũng nghĩ vậy”, cô nói, nhăn nhó. “Nhưng vẫn...”

Tay đeo găng cao su mỏng, Mel Cooper nhìn vào chiếc túi. Anh lấy ra lá bài tarot trước tiên. Nó có hình một người đàn ông đang treo ngược chân trên một chiếc giá treo cổ. Một chùm sáng phát ra từ đầu của nhân vật đó. Khuôn mặt thản nhiên một cách kỳ lạ. Nhìn người đàn ông này chẳng thấy có chút đau đớn nào cả. Ở bên trên là con số La Mã, XII.

“Nó có ý nghĩa gì với cháu không?”, Rhyme hỏi Geneva.

Cô bé lắc đầu.

Cooper lẩm bẩm: “Một kiểu lễ nghi hay tôn giáo chăng?”.

Sachs nói: “Tôi có ý này”. Cô rút chiếc điện thoại của mình ra, gọi cho ai đó. Rhyme đoán rằng người mà cô đang nói chuyện sẽ sớm có mặt ở đây. “Em gọi cho một chuyên gia - về quân bài.”

“Tốt.”

Cooper kiểm tra dấu vân tay trên lá bài và không phát hiện được chút gì. Cũng không có giấu vết nào hữu ích cả.

“Còn thứ nào khác trong túi nữa?”, Rhyme hỏi.

“Được rồi”, nhà khoa học hình sự pháp y trả lời: “Chúng ta có một cuộn băng dính mới nguyên, một con dao rọc giấy, vài cái bao cao su Trojan. Không thứ nào có thể lần tìm dấu vết được. Và... Đây rồi!”. Cooper giơ lên một mẩu giấy. “Một tấm hóa đơn.”

Rhyme lái chiếc xe lăn tới gần hơn và nhìn nó. Không có tên của cửa hàng; tấm hóa đơn được in ra từ một chiếc máy thanh toán kiểu cũ. Mực đã mờ.

“Không có nhiều thông tin từ nó lắm”, Pulaski nói, rồi có vẻ như đang nghĩ rằng mình đáng lẽ không nên nói gì.

Cậu ta đang làm gì ở đây nhỉ? Rhyme tự hỏi.

À, đúng rồi. Giúp Sellito.

“Rất tiếc, tôi nghĩ khác”, Rhyme nói một cách thẳng thừng- ‘‘Nó cho chúng ta rất nhiều thông tin. Hắn đã mua tất cả các đồ này từ trong cùng một cửa hàng - chúng ta có thể so sánh giá trên món đồ với cái hóa đơn - chà, cùng với một thứ gì đó khác không có ở đây mà hắn mua với năm đô chín mươi lăm xu. Có thể là bộ bài tarot. Như vậy là chúng ta có thông tin về một cửa hàng bán c băng dính, dao rọc giấy và bao cao su. Có thể là một cửa hàng tạp hóa hoặc thậm chí là một hàng dược phẩm. Chúng ta biết đó không phải là một siêu thị lớn vì không có logo cửa hàng trên hóa đơn và chiếc túi. Và nó là một cửa hàng nhỏ bởi nó chỉ có ngăn kéo đựng tiền, chứ không phải một quầy thanh toán được quản lý bằng máy tính. Không đề cập đến vấn đề giá rẻ. Và mức thuế ghi trên hóa đơn cho chúng ta biết cái cửa hàng này năm ở...” Anh nheo mắt khi so sánh tổng tiền trên hóa đơn với số tiền thuế. “Chết tiệt, ai giỏi toán nhỉ? Tỷ lệ phần trăm là bao nhiêu đây?”

Cooper nói: “Tôi có máy tính đây”.

Geneva nhìn vào tấm hóa đơn. “8.625%.”

“Làm sao cháu biết điều đó?”, Sachs hỏi.

“Cháu giống như một chiếc máy tính thôi.” Cô bé nói.

Rhyme nhắc lại: “8.625%. Đó là sự liên hệ giữa tiểu bang New York và mức thuế mua hàng của thành phố. Khiến thông tin của cửa hàng này nằm ở một trong số năm khu của tiểu bang”. Anh nhìn Pulaski. “Vậy, anh cảnh sát tuần tra, vẫn cho rằng nó không thực sự hé lộ nhiều thông tin chứ?”

“Tôi đã hiểu, thưa ngài.”

“Tôi không còn phục vụ trong lực lượng nữa. Nói ‘thưa ngài’ là không cần thiết. Được rồi. In mọi thứ ra và hãy xem chúng ta có thể tìm thấy gì.”

“Tôi á?” Chàng tân binh hỏi một cách không dám chắc.

“Không. Họ.”

Cooper và Sachs sử dụng các kỹ thuật khác nhau để lấy các dấu tay trên các vật chứng: bột huỳnh quang, tia Adrox và hương liệu có mùi keo siêu dính trên các bề mặt phẳng trơn; hơi iode và ninhydrin trên các bề mặt có nhiều lỗ nhỏ li ti, một vài trong số đó tự làm nổi dấu tay; trong khi những cái khác thì hiện kết quả dưới ánh sáng của đèn chiếu chuyên dụng.

Ngẩng lên nhìn đội phá án qua cặp kính lồi màu da cam, Cooper báo cáo: “Có các dấu tay trên tờ hóa đơn, và các dấu tay trên các đồ vật. Tất cả đều là một. Chỉ có một vấn đề là, các dấu tay nhỏ, quá nhỏ để có thể là dấu tay của một người đàn ông cao gần mét tám. Đây là dấu tay của một người phụ nữ mảnh mai nhỏ nhắn, hoặc của một nữ sinh tuổi vị thành niên, người bán hàng, tôi sẽ nói như vậy. Tôi cũng nhìn thấy vết lau. Tôi cho rằng nghi phạm đã lau sạch dấu tay của hắn rồi”.

Trong khi rất khó để xóa đi dấu vết các chất dầu của bàn tay, các dấu tay có thể bị bay biến một cách dễ dàng sau khi được chùi sạch.

“Kiểm traì chúng ta có với IAFIS.”

Cooper lấy những mẫu dấu tay và đưa lên máy scan. Mười phút sau, hệ thống nhận dạng vân tay tự động của FBI xác nhận rằng dấu vân tay không thuộc về một ai có hồ sơ trong cơ sở dữ liệu chính của thành phố, tiểu bang và liên bang. Cooper đồng thời cũng gửi chúng tới một vài cơ sở dữ liệu địa phương mà không kết nối với hệ thống của FBI.

“Dấu giày”, Rhyme nói lớn.

Sachs in ra các tấm phim âm bản. Các dấu giày đã sờn, vậy chiếc giày đã cũ.

“Cỡ mười một”, Cooper nói.

Có một sự không tương quan giữa kích thước bàn chân và cấu trúc xương cũng như chiều cao, dù nó vẫn có thể là một bằng chứng chưa được thuyết phục trước tòa. Kích cỡ bàn chân cho thấy Geneva đã khá đúng trong việc ước lượng rằng nghi phạm cao khoảng một mét tám.

“Còn nhãn hiệu thì sao?”

Cooper kiểm tra bức ảnh qua hệ thống dữ liệu về dấu giày và đã tìm ra. “Giày hiệu Bass, kiểu dành cho người đi bộ. Ít nhất đã được ba năm rồi. Họ ngừng sản xuất kiểu này từ ba năm trước.”

Rhyme nói. “Vết mòn trên giày cho chúng ta biết bàn chân phải của hắn hơi hướng ra ngoài một chút, nhưng không có dấu hiệu bước đi khập khiễng hoặc cà nhắc và không có biến dạng về xương chân chỗ ngón cái, móng mọc trong hoặc các vấn đề về chân khác[2]”

[2] Nguyên văn tiếng Pháp: Malades dé pieds.

“Tôi không biết là anh nói được tiếng Pháp đấy, Lincoln”, Cooper nói.

Chỉ trong trường hợp mà nó có ích cho cuộc điều tra. Anh biết cụm từ đặc biệt này khi đang điều tra vụ án Mất tích chiếc giày bên phải và đã có cơ hội nói chuyện hàng chục lần với một cảnh sát người Pháp. “Tình trạng dấu vết thế nào?”

Cooper đang mải mê nghiền ngẫm chiếc túi đựng vật chứng thu thập được có chứa những mẩu vụn nhỏ xíu dính chặt với dụng cụ thu thập dấu vết của Sachs, đó là một con lăn dính, giống như cái lăn dùng để hút lông chó mèo và sợi vải. Những con lăn đã thay thế chiếc máy hút bụi chân không DustBuster như một sự lựa chọn dành riêng cho sợi vải, lông tóc và chất lắng.

Đeo chiếc kính lúp vào một lần nữa, nhà khoa học hình sự sử dụng những chiếc nhíp mảnh để nhặt các chất liệu lên. Anh chuẩn bị một tấm nhựa trong và đặt nó bên dưới kính hiển vi, rồi điều chỉnh độ phóng và tiêu điểm. Đồng thời, hình ảnh hiện ra một vài chiếc máy tính màn hình phẳng ở quanh căn phòng. Rhyme xoay chiếc xe lăn và kiểm tra thật kỹ những bức ảnh. Anh có thể nhìn thấy những hạt rất nhỏ như là bụi, một vài sợi vải, những vật thể phồng lên màu trắng, và những thứ mà nhìn giống như những chiếc vỏ côn trùng được lột ra - “bộ xương ngoài”. Khi Cooper di chuyển bàn soi của chiếc kính hiển vi, một vài hạt nhỏ từ chất liệu vải mềm, mềm xốp như bọt biển có màu trắng ngà hiện ra.

“Những thứ này đến từ đâu?”

Sachs xem xét. “Có hai nguồn: sàn nhà gần chiếc bàn mà Geneva ngồi và bên cạnh chiếc thùng rác lớn mà hắn đứng khi bắn ông Barry.”

Lần theo dấu vết từ những vật chứng ở những nơi công cộng thường không có tác dụng bởi có quá nhiều khả năng những người lạ không liên quan để lại các dấu vết. Nhưng nếu như cùng một dấu vết được tìm thấy ở hai địa điểm tách biệt mà hung thủ có mặt cho thấy rõ ràng nó chắc chắn phải là dấu vết hắn để lại.

“Cảm ơn Chúa”, Rhyme lẩm bẩm: “vì sự thông minh trong việc tạo ra những chiếc giày có đế sâu”. Sachs và Thom liếc nhìn nhau.

“Không hiểu cái tâm trạng tốt của tôi à?” Rhyme hỏi, tiếp tục nhìn chằm chằm vào màn hình. “Đó có phải là lý do cho ánh mắt của hai người không? Đôi khi có thể tôi rất vui vẻ.”

“Cả năm được một lần”, người phụ tá lẩm bẩm.

“Một thành ngữ nữa, Lon. Cậu biết câu này không? Nào, bây giờ thì quay lại với các dấu vết. Chúng ta biết đó là dấu vết hắn để lại. Đó là cái gì? Và liệu nó có thể dẫn dắt chúng ta đến sào huyệt của hắn không?”

Các nhà khoa học pháp y đối mặt với những nhiệm vụ tạo thành hình kim tự tháp trong việc phân tích vật chứng. Công việc khởi đầu - và thường là công việc đơn giản dễ dàng nhất - là xác định một chất liệu (ví dụ như, tìm ra một vết loang màu nâu là máu và liệu nó là của người hay của động vật, hay một mẩu vật gì đó là một mảnh vỡ của viên đạn).

Nhiệm vụ thứ hai là phân loại các vật mẫu đó, như là, đặt nó vào một nhóm phân loại nhỏ hơn (ví dụ như xác định vết máu đó là máu nhóm O dương tính, hay là cái mảnh vỡ từ viên đạn đó là một viên đạn cỡ 38 ly). Biết được rằng một vật chứng nằm trong một nhóm riêng biệt sẽ có giá trị nhất định đối với cảnh sát và những công tố viên nếu như kẻ tình nghi có thể có liên quan đến vật chứng ở cùng một loại như thế - chiếc áo của hắn có vết máu nhóm O dương tính, và có một khẩu súng sử dụng đạn cỡ 38 ly - mặc dù những tình tiết có liên quan như vậy chưa thực sự có

Nhiệm vụ cuối cùng, và mục tiêu sau cùng của tất cả các nhà khoa học pháp y, đó là cá nhân hóa những bằng chứng - liên kết một cách không thể nghi ngờ được cái bằng chứng riêng biệt này với một địa điểm hay một con người duy nhất (mẫu DNA từ vết máu trên chiếc áo sơ mi của kẻ tình nghi khớp với máu của nạn nhân, viên đạn có những dấu vết riêng duy nhất mà chỉ có thể được tạo ra khi bắn bằng khẩu súng của hắn).

Đội phá án lúc này đang ở tầng thấp của chiếc kim tự tháp pháp y này. Ví dụ như những cái mẩu đó là một loại sợi vải, mà họ đã biết. Nhưng hàng ngàn loại sợi vải khác nhau được tạo ra trên nước Mỹ hằng năm và có hơn bảy ngàn loại màu được sử dụng để nhuộm chúng. Và cũng như thế, đội phá án có thể thu hẹp được phạm vi. Những phân tích của Cooper đã hé lộ ra rằng những mẩu vài được bỏ lại bởi tên giết người là loại từ thực vật tự nhiên - hơn là được làm từ động vật hay khoáng chất - và chúng dày.

“Tôi cá đó là dây thừng sợi bông”, Rhyme đưa ra suy đoán.

Cooper gật đầu khi anh đọc dữ liệu về các loại vải làm từ thực vật. “Đúng thế. Mặc dù, rất chung chung. Không có nhà sản xuất.”

Một sợi vải không có màu gì nhưng những mẩu vải khác có các vệt ố của một vật gì đó. Nó có màu nâu và Cooper nghĩ rằng đó có thể là vết máu. Một xét nghiệm với phenolphthalein dành cho những dấu vết được cho là vết máu đã xác định kết quả.

“Máu của hắn?”, Sellito băn khoăn.

“Ai biết?”, Cooper đáp lại, tiếp tục xét nghiệm mẫu vật. “Nhưng đó chắc chắn là của người. Với hai đầu bị xoắn chặt và đứt, tôi có thể suy luận rằng sợi thừng là dây dùng để thắt cổ. Chúng ta đã từng nhìn thấy trước đây. Nó có thể là một vũ khí giết người có chủ đích.”

Cái vật cứng hắn dùng có thể đơn giản với mục đích đánh ngất nạn nhân, hơn là được dùng để giết cô bé (Đánh một ai đó đến chết là một công việc khó khăn và sẽ gây ra một vụ lộn xộn). Hắn ta cũng có súng, nhưng nó sẽ phát ra tiếng quá to trong khi hắn muốn thực hiện vụ giết người một cách im lặng để còn trốn thoát. Một sợi thừng thắt cổ nạn nhân là lựa chọn hợp lý.

Geneva thở dài. “Chú Rhyme? Bài kiểm tra của cháu.”

“Bài kiểm tra?”

“Ở trường.”

“À, chắc chắn rồi. Đợi chú một phút... Tôi muốn biết cái vỏ lột ra này là của loại côn trùng hay bọ nào”, Rhyme

“Anh cảnh sát”, Sachs nói với Pulaski.

“Vâng, thưa b... Thanh tra?”

“Cậu có thể giúp chúng tôi một chút ở đây không?”

“Chắc chắn rồi.”

Cooper in ra một bức ảnh màu về mẩu xác và đưa nó cho anh lính trẻ. Sachs đưa anh ta ngồi xuống một chiếc máy tính và gõ lệnh để nhập vào kho dữ liệu côn trùng của sở - Sở cảnh sát New York là một trong số ít sở cảnh sát trên thế giới có không chỉ một thư viện chuyên sâu đầy đủ thông tin về côn trùng mà còn có cả một đội ngũ chuyên gia về côn trùng đang làm việc. Sau một chút tạm dừng, màn hình máy tính bắt đầu ngập đầy những bức ảnh nhỏ về các bộ phận côn trùng.

“Trời, có rất nhiều loại. Mọi người biết đấy, tôi thực sự chưa bao giờ làm cái công việc này trước đây.” Anh ta nheo mắt nhìn khi những tập tin lướt qua.

Sachs giấu một nụ cười. “Không hoàn toàn giống với CSI (Điều tra một hiện trường), đúng không?”, cô hỏi. “Hãy lướt chuột thật chậm rãi và tìm thứ mà cậu nghĩ rằng nó khớp. ‘Chậm - chắc’ là bí quyết.”

Rhyme nói: “Ngày càng có nhiều sai lầm trong các phân tích pháp y bởi vì tính vội vội vàng vàng của các kỹ thuật viên hơn bất cứ lý do nào khác”.

“Tôi không biết điều đó.”

Sachs nói: “Giờ thì cậu đã biết”.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 6


“Phân tích bằng máy sắc ký khí những chấm màu trắng ở đó.” Rhyme ra lệnh. “Chúng là cái quỷ gì thế nhỉ?”

Mel Cooper lấy ra một vài mẫu vật từ con lăn và đưa chúng qua hệ thống sắc ký khí, một công cụ có thể làm được cả một núi công việc cần thiết khó nhằn trong mọi phòng xét nghiệm pháp y. Nó phân tích các vật chứng chưa rõ thành các thành phần cấu tạo và sau đó xác định chúng. Mất mười lăm phút hoặc hơn để có kết quả phân tích, và trong khoảng thời gian chờ đợi ấy Cooper ghép những mảnh đạn mà các bác sĩ trong phòng cấp cứu đã lấy ra khỏi chân của người phụ nữ mà hung thủ đã bắn trúng. Sachs đã nói khẩu súng phải là một khẩu côn, không phải loại tự động, bởi nó không có các vỏ đạn đồng rơi ra ở hiện trường vụ nổ súng bên ngoài bảo tàng.

“Ồ, thật là kinh khủng”, Cooper nói với kinh ngạc, khi đang kiểm tra những mảnh vỡ với một chiếc nhíp. “Khẩu súng này loại nhỏ, sử dụng đạn 22 ly. Nhưng đó là những viên đạn loại có ổ thuốc nổ lớn.”

“Tốt”, Rhyme nói. Anh tỏ vẻ vui mừng vì phiên bản ổ thuốc nổ lớn đầy uy lực của loại đạn 22 ly với hạt kích nổ ở vành chân là một loại đạn khá hiếm và do đó sẽ dễ dàng hơn để lần tìm dấu vết. Trên thực tế, nếu đó là một khẩu côn thôi cũng vẫn là hiếm rồi. Điều đó có nghĩa là họ có khả năng tìm ra nhà sản xuất loại súng này một cách dễ dàng.

Sachs, vốn là một xạ thủ súng ngắn đầy tính hơn thua, thậm chí không cần phải truy tìm câu trả lời.

“Hãng sản xuất vũ khí Bắc Mỹ - North American Arms - là nhà sản xuất loại này duy nhất mà tôi biết. Có thể đó là mẫu Black Widow của họ, nhưng tôi sẽ đoán đó là mẫu Mini Master. Nó có nòng súng dài khoảng mười centimet. Như thế sẽ chính xác hơn và có thể tập trung các phát bắn khá sát nhau.”

Rhyme hỏi nhà khoa học hình sự, anh ta đang nghiền ngẫm trên chiếc bảng xét nghiệm: “Ý anh là sao khi nói ‘kinh khủng’?”.

“Hãy nhìn xem.”

Rhyme, Sachs và Sellito tiến lên phía trước. Cooper đang nhấn nhấn xung quanh những mẩu kim loại dính máu bằng chiếc nhíp. “Nhìn có vẻ như là hắn tự làm ra những thứ này.”

“Đạn nổ?”

“Không, hoàn toàn không hay. Có thể còn tồi tệ hơn. Cái vỏ ngoài của đầu đạn làm bằng chì mỏng, ở bên trong, được nhồi đầy những thứ này.”

Có đến nửa tá những chiếc kim nhỏ xíu, vào khoảng ba phần tám chiều dài của một inch[1]. Khi trúng mục tiêu, đầu đạn sẽ nổ và những chiếc kim này sẽ bắn tung tóe theo hình chữ V bên trong cơ thể. Dù những viên đạn nhỏ nhưng có thể tạo ra sức phá hoại lớn hơn nhiều với viên đạn nổ bình thường. Nó được thiết kế không phải để ngăn chặn kẻ tấn công hay để phòng thù, mục đích của nó chỉ đơn giản là để phá hoại những mạch máu, tế bào bên trong. Nếu như không có ảnh hưởng tê cứng mất cảm giác do tác động của một viên đạn cỡ lớn, những viên đạn này sẽ mang lại những vết thương đau đớn vô cùng.

[1] Một inch = 2.54 cm

Lon Sellito lắc đầu, đôi mắt vẫn dán chặt vào những cái kim, và gãi nhẹ vệt máu vô hình trên mặt anh ta, hẳn là đang nghĩ tới việc anh ta suýt bị bắn trúng bởi một trong những viên đạn này. “Lạy Chúa”, anh ta lẩm bẩm. Tiếng nói vỡ ra và anh hắng giọng, cười để giấu nó, rồi đi ra khỏi chiếc

Một cách kỳ lạ, phản ứng của viên trung úy có nhiều vấn đề phiền phức hơn là phản ứng của cô bé. Geneva có vẻ như ít quan tâm tới những chi tiết về những phát súng khủng khiếp của kẻ tấn công cô. Cô lại nhìn vào đồng hồ của mình và ngồi thườn thượt một cách thiếu kiên nhẫn.

Cooper quét mảnh lớn nhất của viên đạn và chạy những thông tin về loại đạn này thông qua Hệ thống nhận dạng đạn đạo tích hợp (IBIS), hệ thống có gần một ngàn sở cảnh sát trên khắp đất nước đăng ký, cũng như hệ thống DRUGFIRE của FBI. Những cơ sở dữ liệu khổng lồ này có thể ghép một viên đạn, những mảnh vỡ hoặc những vỏ đạn bằng đồng với những viên đạn hoặc vũ khí đã có trong dữ liệu. Ví dụ như, khẩu súng được tìm thấy ở kẻ tình nghi ngày hôm nay, có thể nhanh chóng được tìm ra khớp với một viên đạn được ghép lại từ một nạn nhân năm năm trước đây.

Mặc dù kết quả trên những viên đạn này, không được khả quan lắm. Chính những chiếc kim trong viên đạn này được bẻ ra từ đuôi của những chiếc kim khâu, loại mà ta có thể mua ở bất cứ đâu. Không thể tìm được dấu vết.

“Không bao giờ dễ dàng, đúng không?”, Cooper lẩm bẩm. Theo hướng của Rhyme, anh cũng đã tìm kiếm thông tin về những người có đăng ký sở hữu súng loại Mini Master và khẩu Black Widow nhỏ hơn, với cỡ nòng 22 ly, đưa ra kết quả gần một ngàn người và không một ai trong số họ từng có hồ sơ phạm tội. Về mặt luật pháp, các cửa hàng không được yêu cầu lưu giữ thông tin của những người mua súng đạn và do đó, họ không bao giờ làm việc này. Lúc này đây thì, thứ vũ khí đó vẫn dẫn tới một ngõ cụt.

“Pulaski?”, Rhyme nói lớn. “Có được gì với con bọ rồi?”

“Cái xác - có phải đó là cách ngài gọi nó không? Ý ngài là thế phải không ạ?”

“Đúng, đúng, đúng. Có gì về nó?”

“Chưa có dữ liệu trùng. Chính xác thì một cái xác côn trùng có ý nghĩa gì?”

Rhyme không trả lời. Anh nhìn vào màn hình và nhìn thấy chàng trai trẻ mới đi được một đoạn nhỏ tới bộ Bọ cánh nửa trong dữ liệu về côn trùng. Anh ta vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước. “Tiếp tục làm đi.”

Chiếc máy tính của máy sắc ký khí kêu một tiếng bíp; nó đã hoàn thành việc phân tích những đốm trắng, ở trên màn hình là một biểu đồ nhấp nhô, bên dưới là những khối chữ.

Cooper nghiêng về trước và nói: “Chúng ta có

Curcumin[2], demethoxycurcumin[3], bis Demethoxycurcumin[], một loại tinh dầu nguyên chất, acid amin, lizin[4] và tryptophan[4], theronine[4] và isoleucine[4], clorua, một loạt các loại protein có thể để lại dấu vết và một tỷ lệ lớn các tinh bột, dầu, các chất béo trung tính, natri, các glucid phức... Chưa bao giờ thấy hợp chất nào như thế này”.

[2] Một chất trong củ nghệ thuộc họ gừng.

[3] Một dẫn chất của Curcumin.

[4] Một loại acid amin.

Phương pháp sắc ký khí GC/MS[5] thực sự là một phép màu trong việc tách và nhận dạng vật chất, nhưng không cần thiết phải tuyệt đến mức nói cho ta biết những gì thêm vào đó. Rhyme thường có thể suy luận được những vật chất hay gặp, như xăng hay các chất nổ, chỉ dựa vào danh sách các thành phần của nó. Nhưng những thứ này thì lại mới đối với anh. Anh gõ đầu mình và bắt đầu xếp loại những chất này vào danh sách mà, là một nhà khoa học, anh biết rằng có thể và không thể được tìm thấy cùng nhau một cách logic. “Chất curcumin, những thành phần của nó và các gluxít phức rõ ràng là hợp với nhau.”

[5] Phương pháp phân tích sắc ký khí kết hợp với khối phổ - thường được dùng để định danh các chất chưa biết – giúp nhận biết chất nổ, chất cháy, ma túy,...

“Rõ ràng”, câu trả lời với một cái nhăn mặt của Amelia Sachs, người vẫn thường trốn lớp học Khoa học ở trường trung học để đi chơi trò đua xe siêu tốc.

“Chúng ta sẽ gọi nó là Nhóm chất số một. Rồi đến acid amin, các protein khác, tinh bột và chất béo tự nhiên - chúng cũng thường được tìm thấy với nhau. Chúng ta sẽ gọi nó là Nhóm chất số hai. Clorua..

“Chất độc, đúng không?” Pulaski hỏi.

“... và Natrium”, Rhyme lầm bẩm: “Gần như là giống với muối.” Một cái liếc nhìn sang chàng cảnh sát trẻ. “Chỉ nguy hiểm với những người có huyết áp cao. Hoặc nếu như cậu là một con ốc sên.”

Chàng trai trẻ quay trở lại với kho dữ liệu về côn trùng.

“Như vậy - với acid amin và tinh bột cộng với dầu - Tôi đang nghĩ Nhóm chất số hai là một loại thực phẩm, đồ ăn mặn. Lên mạng, Mel, và hãy tìm ra xem curcumin có trong cái thứ khỉ gì nào.”

Cooper làm điều đó. “Anh nói đúng. Đó là chất nhuộm có nguồn gốc tự nhiên được sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Thường được tìm thấy có liên quanứ nằm trong Nhóm chất số một. Các tinh dầu nguyên chất nữa.”

“Các loại thực phẩm thuộc loại nào?”

“Có hàng trăm thức ăn loại này.”

“Cho một vài ví dụ xem nào!”

Cooper bắt đầu đọc tên trên một danh sách dài lê thê. Nhưng Rhyme cắt ngang. “Khoan đã, bắp rang bơ có trong danh sách không?”

“Để xem nào... À, đúng thế.”

Rhyme quay sang và gọi Pulaski: “Cậu có thể dừng lại rồi”.

“Dừng lại?”

“Đó không phải một cái vỏ xác côn trùng. Nó là cái vỏ ngoài của hạt ngô.”

Muối, dầu và bắp rang. Đáng lẽ phải nghĩ ra nó ngay trước rồi. Chết tiệt.” Tuy nhiên, câu chửi thêm vào lại là một tiếng hân hoan. “Viết lên biểu đồ, Thom. Nghi phạm của chúng ta thích ăn đồ ăn vặt.”

“Tôi có nên viết điều đó lên không?”

“Tất nhiên là không. Hắn có thể ghét bắp rang. Có thể hắn làm việc cho một công ty bắp rang bơ hoặc một rạp chiếu phim. Chỉ cần thêm vào chữ “bắp rang”. Rhyme nhìn vào biểu đồ. “Giờ thì hãy lần theo những dấu vết khác nào. Những thứ có màu trắng ngà.” Cooper lại chạy thí nghiệm GC/MS một lần nữa. Kết quả chỉ ra rằng đó là đường mía và acid uric.

“Acid cô đặc”, anh ta nói. “Đường mía thì nguyên chất - không có thực phẩm nào khác - và cấu trúc kết tủa như pha lê rất độc đáo. Tôi chưa từng nhìn thấy nó bị nghiền nhỏ lại như thế này.

Rhyme cảm thấy không hay với thông tin này. “Gửi nó tới những chuyên gia bom mìn của FBI.”

“Bom?”, Sellito hỏi.

Rhyme nói: “Chưa từng đọc sách của tôi à? Hừm”.

“Chưa”, viên thanh tra to béo đáp lại. “Tôi bận đi tóm cổ những kẻ xấu xa.”

“Chịu thua. Nhưng nó sẽ có ích nếu ít nhất nhìn vào cái tiêu đề lần này qua lần khác. Như trong quyển ‘Những thiết bị nổ tự tạo’. Đường thường là một thành phần trong đó. Trộn lẫn nó với Natrium Nitrate và ta sẽ có một quả bom khói. Với thuốc tím, đó là một trái bom nho nhỏ - nhưng vẫn có thể tạo ra sức phá hoại nếu như anh nhồi nó vào trong một cái ống. Tôi không biết chắc bằng cách nào mà mà acid uric xuất hiện, nhưng Cục điều tra liên bang FBI có cơ sở dữ liệu tốt nhất trên thế giới. Họ s trả lời cho chúng ta.”

Phòng thí nghiệm của FBI sẵn sàng xử lý những vật chứng phân tích cho các sở cảnh sát bang và địa phương, mà không tính phí, điều kiện là các cơ quan yêu cầu đồng ý với hai điều: chấp nhận kết quả của FBI là kết luận cuối cùng và đưa nó cho luật sư của bị cáo thấy. Bởi vì sự hào phóng của Cục - và cả tài năng nữa – các nhân viên nhận được quá nhiều yêu cầu giúp đỡ; họ thực hiện hơn bảy trăm ngàn phân tích trong một năm.

Ngay cả một viên cảnh sát thuộc Sở cảnh sát New York cũng sẽ đứng xếp hàng như bao người khác để loại đường này được đưa vào phân tích. Nhưng Lincoln Rhyme thì có một tay trong - Fred Dellray, một đặc vụ thuộc văn phòng FBI Manhattan, thường làm việc với Rhyme và Sellito đồng thời có tầm ảnh hưởng rất lớn trong Cục. Một điều quan trọng không kém là sự thật rằng Rhyme đã giúp FBI thiết lập hệ thống PERT[6] của họ. Sellito gọi cho Dellray, người hiện đang làm việc cho lực lượng cảnh sát đặc nhiệm điều tra những báo cáo về các nguy cơ đánh bom khủng bố ở New York. Dellray gọi cho Sở chỉ huy FBI ở Washington D.C., và chỉ trong vài phút, chuyên gia kỹ thuật đã được triệu tập để giúp đỡ trong chuyên án Nghi phạm 109. Cooper gửi cho anh những kết quả của các phân tích và nén những bức ảnh kỹ thuật số của các bằng chứng thông qua một email an toàn.

[6] Hệ thống trung tâm xử lí bằng chứng thực.

Không quá mười phút trôi qua trước khi điện thoại reo lên.

“Lệnh, trả lời”, Rhyme mở hệ thống điều khiển nhận dạng giọng nói của mình lên.

“Thanh tra Rhyme...”

“Tôi nghe đây.”

“Tôi là chuyên gia xét nghiệm Phillips trên phố 9.” Phố 9 ở Washington, ý anh ta là như vậy. Sở chỉ huy FBI.

“Anh có gì cho chúng tôi nào?”, Rhyme hỏi một cách nhanh chóng.

“Và cảm ơn vì đã hồi đáp nhanh như vậy”, Sachs nói nhanh. Đôi khi cô phải xen vào bởi sự bất lịch sự của anh.

“Không vấn đề gì, thưa bà. Ừm, tôi đang nghĩ rằng nó khá là lạ, những gì mà các ngài gửi xuống. Bởi vậy tôi đã gửi chúng tới Trung tâm Phân tích chất liệu. Họ đã thực hiện thủ thuật phân tích. Theo như chất đó, chúng tôi có được kết quả chắc chắn đến 97%.”

Chất nổ này nguy hiểm tới mức nào? Rhyme tự hỏi. Anh nói: “Tiếp tục đi. Nó là cái gì vậy?”.

“Kẹo bông

Đó không phải là tên một phố mà anh biết. Nhưng có hàng đống loại chất nổ thế hệ mới có tốc độ kích nổ lên tới hơn chín cây số một giây, gấp mười lần vận tốc của một viên đạn. Liệu đây có phải là một trong số đó hay không? Anh hỏi: “Những đặc tính của nó là gì?”.

Dừng lại một chút. “Nó có vị dễ chịu.”

“Đó là gì?”

“Ngọt. Và dễ chịu.”

Rhyme hỏi: “Ý anh là nó là kẹo bông thực sự, giống như loại ta có thể mua ở chợ?”.

“Vâng, vậy ông nghĩ rằng tôi ám chỉ cái gì?”

“Không cần quan tâm đâu.” Thở dài, nhà tội phạm học hỏi: “Và cái acid uric là trên đôi giày của hắn khi hắn giẫm phải bãi nước đái của một con chó nào đó trên vỉa hè chăng?”.

“Không thể trả lời được hắn giẫm vào ở đâu”, chuyên viên xét nghiệm nói, thể hiện sự chính xác cao mà Cục vốn nổi tiếng về điều đó. “Nhưng mẫu vật này có phản ứng dương tính dành cho xét nghiệm thử với nước đái chó”.

Anh cảm ơn người chuyên gia và ngắt máy. Rồi quay lại với đội phá án. “Bắp rang bơ và kẹo bông ở trên đôi giày của hắn cùng một lúc?” Rhyme trầm ngâm. “Nó đã dây vào hắn ở đâu được?”

“Một trận bóng?”

“Các đội New York chưa có trận sân nhà nào gần đây. Tôi đang nghĩ rằng có thể nghi phạm của chúng ta đi qua một khu gần nhà mà ở đó mới có hội chợ hay hội tiệc ngày hôm qua hoặc gì đó.” Anh hỏi Geneva: “Cháu có vừa đi vào một hội chợ nào không? Hắn có thể nào thấy cháu ở đó?”.

“Cháu á? Không. Cháu không hề tới hội chợ.” Rhyme nói với Pulaski: “Bởi cậu đã xong việc với những con bọ, Cảnh sát tuần tra, cậu hãy gọi bất cứ ai cậu cần và đi tìm từng giấy phép được cấp cho một hội chợ, đám tiệc, lễ hội, yến tiệc tôn giáo, bất cứ gì”.

“Tôi sẽ làm việc đó”, chàng cảnh sát trẻ nói.

“Chúng ta còn có những gì nữa?” Rhyme hỏi. “Những mảnh vụn từ tấm đựng vi phim trong chiếc máy đọc vi phim, những chỗ mà hắn ta đập bằng một vật cứng.”

“Mẩu vụn?”

“Những mẩu vernis nhỏ, tôi đoán vậy, từ bất cứ thứ gì đó mà hắn sử dụng.”

“Được rồi, kiểm tra chúng thông qua Maryland.” Cục điều tra Liên bang có một cơ sở dữ liệu khổng lồ về những mẫu sơn hiện tại và trước đây, được đặt ở một trong những cơ sở của Cục ở Maryland. Nơi này hầu như được dùng để khớp các vật chứng bằng màu sơn với những chiếc ôtô. Nhưng cũng có đến hàng trăm mẫu vernis. Sau một cuộc gọi khác từ Dellray, Cooper gửi phân tích thành phần cấu thành từ xét nghiệm GC/MS và các dữ liệu khác trên những mảnh vụn gỗ sơn tới Cục. Chỉ trong vòng vài phút, điện thoại đã đổ chuông, và chuyên gia xét nghiệm của FBI báo cáo rằng mẫu vernis khớp với một sản phẩm được bán riêng cho các nhà sản xuất thiết bị liên quan tới võ thuật, giống như côn và dùi cui. Anh thêm vào một thông tin không được vui vẻ lắm đó là cái chất màu đó không có bất kỳ dấu hiệu của nhà sản xuất nào và được bán ra với số lượng lớn - có nghĩa rằng nó hoàn toàn không để lại một dấu vết nào.

“Được rồi, chúng ta có một tên hiếp dâm với khẩu côn, những viên đạn khiếp đảm, một sợi dây thừng dính máu... gã này quả là một cơn ác mộng biết đi.”

Tiếng chuông cửa vang lên và chỉ lát sau Thom dẫn vào một người phụ nữ khoảng hai mươi tuổi, tay anh choàng quanh vai cô gái.

“Nhìn xem ai đây nào”, người phụ tá nói lớn.

Người phụ nữ mảnh khảnh có mái tóc ngắn màu tím dựng đứng và một khuôn mặt xinh xắn. Chiếc quần dài bó sát và cái áo len cho thấy một thân hình khỏe mạnh - trên thực tế, đó là thân hình của một diễn viên, Rhyme biết điều đó.

“Kara”, Rhyme nói. “Thật tốt được nhìn thấy cô. Tôi suy luận rằng cô chính là chuyên gia mà Sachs gọi đến.”

“Chào.” Người phụ nữ trẻ ôm choàng Sachs, chào những người khác và vòng tay quanh Rhyme. Sachs giới thiệu cô với Geneva, cô bé đang nhìn cô gái với một khuôn mặt e dè.

Kara (đó là một nghệ danh; cô sẽ không hé lộ tên thật của mình) là một nghệ sĩ ảo thuật và biểu diễn, người đã từng giúp Rhyme và Sachs với vai trò cố vấn trong một vụ giết người gần đây, trong đó tên giết người sử dụng những kỹ năng của hắn như là một ảo thuật gia và một nghệ sĩ với bàn tay ma thuật để tới gần nạn nhân, giết họ và biến mất.

Cô sống ở làng Greenwich, nhưng đang thăm mẹ tại một cơ sở chăm sóc y tế ngay khu ngoại ô thành phố khi Sachs gọi, cô giải thích. Họ mất một vài phút để trò chuyện - Kara đang kết hợp chuyến đi với một show diễn cho một Trung tâm biểu diễn ở Soho, và cô đang hẹn hò với một diễn viên xiếc nhào lộn - rồi Rhyme nói: “Chúng tôi cần những ý kiến chuyên môn”.

“Chắc chắn rồi”, cô gái trẻ đáp. “Bất cứ điều gì mà tôi có thể làm được”.

Sachs giải thích về vụ án. Cô cau mày và thì thầm “Tôi rất tiếc” với Geneva khi nghe kể về ý đồ đen tối của tên hung thủ.

Cô bé chỉ nhún vai một cái.

“Hắn có thứ này”, Cooper nói, giơ lá bài tarot hình Người treo ngược từ trong gói đựng đồ gây án.

“Chúng tôi nghĩ rằng cô có thể nói cho chúng tôi biết đôi điều về nó.”

Kara đã từng giải thích với Rhyme và Sachs rằng thế giới ảo thuật được chia làm hai phe phái, những người chỉ là ảo thuật gia tại các hộp đêm, các show diễn, không hề có ý muốn sở hữu những khả năng siêu nhiên và thứ hai là những người quả quyết rằng mình có những quyền năng huyền bí. Kara chẳng có chút kiên nhẫn nào với những người thuộc nhóm thứ hai - cô chỉ là một người biểu diễn đơn thuần mà thôi - nhưng bởi vì kinh nghiệm làm việc trong các cửa hàng đồ ảo thuật của cô để trả tiền thuê nhà và tiền ăn, cô biết chút ít về tiên đoán vận mệnh.

Cô giải thích: “Được rồi, bộ bài tarot là một phương pháp bói toán ở Ai Cập cổ đại. Một bộ bài tarot được chia thành arcana[7] phụ - tương đương với bộ bài năm mươi hai quân - và arcana chính, từ số không đến hai mươi mốt. Những lá bài này kiểu như đại diện cho một chuyến đi xuyên suốt cuộc đời. Người treo ngược là lá bài thứ mười hai trong nhóm arcana chính”. Cô lắc lắc đầu. “Nhưng có điều gì đó không hợp lý ở đây.”

[7] Arcana: Từ dùng để chia nhóm các quân bài trong bộ tarot, là số nhiều của từ Aracnum mang nghĩa “Điều huyền bí”.

“Gì vậy?”, Selitto hỏi, khẽ chà tay lên da.

“Đó không phải là một lá bài xấu chút nào. Hãy nhìn vào bức tranh.”

“Nhìn anh ta khá bình thản”, Sachs nói: “Nên nhớ là anh ta đang bị treo ngược”.

“Hình ảnh trong bức tranh dựa trên hình ảnh về vị thần Odin của Na uy. Ông ta treo ngược trong vòng chín ngày với mong muốn tìm kiếm những kiến thức bên trong tâm trí. Nếu ta bốc được lá bài này trong một lần bói, điều đó có nghĩa rằng ta đang bắt đầu sứ mệnh theo đuổi sự khai sáng tâm hồn.” Cô hất đầu về phía chiếc máy tính. “Anh không phiền chứ?”

Cooper vẫy cô về phía chiếc máy. Cô gõ vào trang tìm kiếm Google và một vài giây sau đã thấy một địa chỉ trang web. “Làm sao để tôi in cái này ra nhỉ?”

Sachs giúp cô, và một lát sau tờ giấy cuộn mình ra khỏi chiếc máy in laze. Cooper đính nó lên trên chiếc bảng ghi chứng cứ. “Đó là ý nghĩa của lá bài”. Cô nói.

Người treo ngược không ám chỉ tới việc một ai đó đang bị trừng phạt. Sự hiện diện của nó ám chỉ rằng sự tìm kiếm về mặt tâm linh đưa tới một quyết định, một sự thay đổi về phương hướng. Lá bài thường dự báo một sự khuất phục trước những kinh nghiệm, kết thúc một sự tranh đấu, và chấp nhận nó. Khi lá bài này xuất hiện với bạn, bạn phải lắng nghe chính nội tâm mình, dù cho cái thông điệp ấy có vẻ như trái ngược với logic.

Kara nói: “Nó không có gì liên quan tới bạo lực hay chết chóc cả. Nó nói về sự tạm dừng về mặt ý chí và chờ đợi”. Cô lắc lắc đầu. “Nó không phải thứ mà một kẻ giết người bỏ lại - nếu như hắn biết tất cả mọi thứ về những quân bài tarot. Nếu như hắn muốn để lại một thứ gì có tính chất phá hủy, nó phải là Ngọn tháp hoặc là một trong những lá bài từ bộ kiếm trong arcana phụ. Đó mới là những lá bài mang tin xấu.”

“Vậy hắn chọn lá bài này chỉ bởi vì nhìn nó đáng sợ”, Rhyme kết luận. Và bởi vì hắn đã lên kế hoạch định thắt cổ Geneva, hoặc là “treo lên”.

“Đó là những gì mà tôi sẽ đoán.”

“Điều đó có ích lắm đấy”, Rhyme nói.

Sachs cũng cảm ơn cô.

“Tôi cần phải quay lại thôi, cần phải luyện tập.” Kara bắt tay Geneva. “Mong là mọi việc sẽ tốt cho em!”.

“Cảm ơn chị.”

Kara đi về cánh cửa. Cô dừng lại và nhìn Geneva. “Em có thích các show ảo thuật và ảo giác không?”

“Em không hay ra ngoài lắm”, cô bé nói. “Khá là bận ở trường.”

“Ừm, chị đang có một show diễn trong vòng ba tuần nữa. Nếu em quan tâm, mọi thông tin có trên tấm vé rồi.”

“Tấm...”

“Vé.”

“Em không có tấm vé nào cả.”

“Có, em có.” Kara nói. “Nó nằm trong ví của em. À, còn bông hoa nữa? Hãy xem đó như là một vật may mắn.”

Cô bước đi, và họ nghe thấy tiếng cửa sập lại.

“Chị ấy nói về điều gì vậy?”, Geneva hỏi, nhìn xuống chiếc túi của mình, nó vẫn đóng.

Sachs cười. “Mở nó ra xem.

Cô bé kéo khóa ra và đôi mắt chớp chớp trong sự ngạc nhiên. Nằm bên trong là tấm vé tới một trong những buổi biểu diễn của Kara. Ở bên cạnh là một bông hoa violet ép khô. “Làm sao chị ấy làm được nhỉ?” Geneva nói thì thầm.

“Chúng tôi chưa bao giờ có thể bắt được cô ấy”, Rhyme nói. “Tất cả những gì chúng tôi biết, cô ấy quá giỏi”.

“Ồ, cháu cũng sẽ nói thế.” Cô bé giơ bông hoa tím ép khô lên.

Đôi mắt của nhà tội phạm học lướt về phía quân bài tarot, mà Cooper đã đính lên tấm bảng bằng chứng, ở bên cạnh tờ giấy ghi ý nghĩa của nó. “Vậy nó có vẻ như là một thứ mà một kẻ giết người sẽ bỏ lại trong một cuộc tấn công mang vẻ huyền bí. Nhưng hắn lại không hề biết ý nghĩa của nó là gì. Hắn đã chọn quân bài để gây ấn tượng. Vậy điều đó có nghĩa là...” Nhưng tiếng nói của anh nhỏ dần khi nhìn vào phần còn lại của cái biểu đồ ghi chép bằng chứng. “Chúa ơi”.

Những người khác nhìn anh.

“Gì thế?”, Cooper hỏi.

“Chúng ta đã nhầm hết rồi.”

Sellito không chà tay lên mặt nữa, hỏi: “Ý anh là sao?”.

“Nhìn vào các dấu tay trên đồ vật ở trong cái gói đồ. Hẳn đã xóa hết những dấu tay của mình, đúng chứ?”

“Đúng”, Cooper xác nhận.

“Nhưng có những dấu tay”, nhà tội phạm học đưa ra suy luận của mình. “Và nhiều khả năng đó là dấu tay của nhân viên thu ngân, bởi nó trùng khớp với những dấu tay trên hóa đơn.”

“Phải”, Sellito nhún vai. “Vậy thì?”

“Vậy hắn đã xóa sạch dấu tay của mình trước khi đến quầy thanh toán. Trong khi hắn vẫn còn trong cửa hàng.” Im lặng bao trùm lên căn phòng. Phát cáu vì không ai hiểu ý của mình, nhà tội phạm học tiếp tục: “Bởi hắn muốn dấu tay của nhân viên thu ngân có ở trên mọi thứ”.

Sachs đã hiểu ra vấn đề. “Hắn chủ ý để cái bọc đồ lại. Để ta có thể thấy nó.”

Pulaski gật gù. “Nếu không, đáng ra hắn phải xóa sạch tất cả mọi thứ sau khi về đến nhà.”

“Chính xác”, Rhyme nói với giọng có chút vui sướng. “Tôi nghĩ rằng đó là bằng chứng được dàn dựng. Để chúng ta nghĩ rằng đó là một vụ cưỡng hiếp, với ngụ ý huyền bí. Được rồi, được rồi... Hãy bước lùi lại thích thú với ánh nhìn không thoải mái của Pulaski vào đôi chân của Rhyme khi anh sử dụng cách nói như vậy. “Một kẻ tấn công đuổi theo Geneva trong một bảo tàng công cộng. Không phải là bối cảnh cho một cuộc tấn công về tình dục. Rồi hắn đánh cô bé - ừm, là bức tượng ma nơ canh – đủ mạnh để giết chết cô bé, nếu như không phải là làm cô bé bất tỉnh một lúc lâu. Nếu như đó là vụ án vậy thì hắn cần con dao cắt giấy và cuộn băng dính để làm gì? Vứt lại lá bài tarot mà hắn nghĩ rằng nhìn đáng sợ nhưng nó thực ra chỉ là về một sự kiếm tìm về mặt tâm linh? Không, nó không phải một vụ chủ ý cưỡng hiếp chút nào.”

“Vậy ý đồ của hắn là gì?”, Sellito hỏi.

“Đó là điều mà chúng ta tốt hơn là phải tìm ra.” Rhyme nghĩ một lúc rồi nói: “Và anh nói rằng Tiến sĩ Barry không thấy gì hết à?”.

“Đó là những gì ông ấy nói với tôi”, Sellito đáp lại.

Nhưng hung thủ vẫn quay lại và giết ông ấy.” Rhyme cau mày. “Và quý ngài 109 đập vỡ chiếc máy đọc vi phim. Hắn là một kẻ chuyên nghiệp, nhưng cơn thịnh nộ lại chẳng hề chuyên nghiệp chút nào. Nạn nhân của hắn đã chạy thoát - hắn sẽ không phí thời gian đập phá đồ vật bởi vì hắn đã có một buổi sáng xui xẻo.” Rhyme hỏi cô bé: “Cháu nói rằng mình đang đọc một vài tờ báo cũ?”.

“Tạp chí”, cô bé chỉnh lại.

“Trên chiếc máy đọc vi phim?”

“Đúng.”

“Kia à?” Rhyme hất đầu về phía chiếc túi nhựa lớn đựng vật chứng mà bên trong là một cái hộp có những tấm vi phim Sachs đã mang về từ thư viện. Có hai ổ, số một và số ba, trống rỗng.

Geneva nhìn vào chiếc hộp. Cô bé gật đầu. “Vâng. Đây là những ổ có đựng bài báo cháu đang đọc, những cái ổ trống ý.”

“Có phải cô đã lấy tấm vi phim ở trong đầu đọc?” Sachs trả lời: “Không hề thấy chúng đâu. Hắn chắc là đã lấy đi rồi”.

“Và đập nát chiếc máy để chúng ta không chú ý rằng tấm vi phim đã biến mất. Ừm, chuyện này bắt đầu thú vị đây. Hắn định làm gì? Động cơ của hắn là cái quái gì nhỉ?”

Sellito cười. “Tôi nghĩ rằng anh không quan tâm đến động cơ. Chỉ bằng chứng mà thôi.”

“Anh cần phải rút ra sự khác biệt, Lon, giữa việc sử dụng động cơ để chứng minh một vụ án trước tòa - mà đó là một suy luận tốt nhất - và sử dụng động cơ để đưa anh đến bằng chứng, mà nó có tính quyết định việc buộc tội một hung thủ: người đàn ông giết đối tác làm ăn bằng một khẩu súng giúp ta lần ra ga ra của hắn được nạp đầy những viên đạn mua với một tấm hóa đơn chứa đầy những dấu vân tay trên đó. Trong vụ này, ai quan tâm tới việc hắn giết đối tác vì nghĩ rằng một con chó biết nói bảo hắn làm vậy hay bởi vì cái gã đối tác ấy đã ngủ với vợ của hắn? Bằng chứng chỉ rõ vụ án.”

“Nhưng sẽ thế nào nếu không có đạn, súng, hóa đơn hay vết bánh xe? Thế thì câu hỏi hoàn toàn hợp lí là tại sao nạn nhân bị giết? Trả lời câu hỏi này có thể chỉ ta tới bằng chứng giúp buộc tội hung thủ. Xin lỗi vì đã lên lớp”, anh chêm vào với giọng không có chút thành khẩn nào.

“Niềm vui đã biến mất, phải không?”, Thom hỏi. Rhyme làu bàu: “Tôi đang bỏ qua một thứ gì đó ở đây và tôi không thích điều đó”.

Geneva đang cau mày. Rhyme nhận thấy điều đó và hỏi: “Sao vậy?”.

“Ừm, cháu đang nghĩ... Tiến sĩ Barry đã nói với cháu rằng có một ai đó cũng quan tâm đến chủ đề của tạp chí đó. Người đó muốn đọc nó, nhưng tiến sĩ Barry nói với người đó rằng ông ấy có thể đợi đến khi cháu đã đọc xong.”

“Ông ấy có nói ai không?”

“Không.”

Rhyme chú ý tới điều này. “Vậy hãy đưa ra suy đoán: Người thủ thư nói với kẻ nào đó rằng cháu quan tâm tới cái tạp chí đó. Nghi phạm muốn lấy trộm nó và hắn muốn giết cháu bởi cháu đã đọc nó hoặc sẽ đọc nó.” Tất nhiên, nhà tội phạm học không được thuyết phục với tình huống này lắm. Nhưng một trong những điều khiến anh thành công là bởi sự sẵn sàng cân nhắc tới cả những giả thuyết ngược lại, đôi khi là trái khoáy. “Và hắn đã lấy đi chính cái bài báo cháu đang đọc, đúng không?”

Cô bé gật đầu.

“Nó giống như là hắn biết chính xác phải tìm cái gì... Cái bài báo đó viết về gì vậy?”

“Không có gì quan trọng cả. Chỉ là một trong những ông tổ của cháu thôi. Giáo viên của cháu đang quan tâm tới chủ đề Nguồn gốc và chúng cháu phải viết về một vị tổ tiên nào đó của mình trong quá khứ.”

“Ông ấy là ai, ông tổ này của cháu?”

“Đó là cụ tổ gì đó, một nô lệ đã được trả tự do. Cháu đến bảo tàng tuần trước và phát hiện ra có một bài báo về ông ấy trong một chủ đề của Tuần báo Minh họa dành cho người da màu. Họ không có bài này trong thư viện nhưng bác Barry nói rằng bác ấy có thể lấy tấm vi phim trong kho lưu trữ. Chỉ việc cắm nó vào là xong

“Câu chuyện nói về việc gì?” Rhyme chăm chú.

Cô bé do dự một chút rồi nói nhanh và dứt khoát: “Charles Singleton, tổ tiên của cháu, là một nô lệ ở bang Virginia. Ông chủ của ông ấy có những thay đổi trong trái tim và giải phóng tất cả nô lệ của mình. Bởi vì Charles và vợ của ông đã ở cùng với gia đình rất lâu, đã dạy dỗ những đứa trẻ trong gia đình đó đọc và viết, ông chủ đã cho họ một trang trại ở tiểu bang New York. Charles là một quân nhân trong thời Nội chiến. Sau đó, ông trở về nhà và bị buộc tội ăn trộm một khoản tiền từ quỹ giáo dục của người da đen năm 1868. Đó là tất cả những gì được viết đến trong bài báo. Cháu mới chỉ đọc đến phần ông ấy nhảy xuống dòng sông để trốn khỏi cảnh sát khi kẻ tấn công cháu xuất hiện”.

Rhyme chú ý thấy cô bé nói rất rõ ràng nhưng giật cục, như thể chúng là những chú chó con lóng ngóng cố chạy trốn. Một mặt cô bé có phụ huynh là những người tri thức uyên bác và mặt khác lại làm bạn thân với một cô gái như Lakeesha, cũng là lẽ tự nhiên khi Gevena nhiễm chứng đa nhân cách về mặt ngôn ngữ.

“Vậy cháu không biết điều gì xảy ra với ông ấy?”, Sachs hỏi.

Geneva lắc đầu.

“Tôi nghĩ chúng ta phải giả định rằng hung thủ có để ý tới những gì mà cháu đang nghiên cứu. Ai biết được chủ đề bài luận của cháu? Cô cho rằng chỉ có giáo viên của cháu biết.”

“Không, cháu không bao giờ nói với ông ấy chi tiết. Cháu không nghĩ rằng mình đã nói với bất kỳ ai khác ngoài Lakeesha. Bạn ấy có thể đã kể việc này với một ai đó nhưng cháu không tin điều đó lắm. Các bài tập nghiên cứu không khiến bạn ý quan tâm nhiều lắm, cô hiểu cháu nói gì chứ? Ngay cả bài tập của bạn ý nữa. Tuần trước, cháu đã đến văn phòng luật ở Harlem để xem họ có bất cứ ghi chép cũ nào về tội phạm trong những năm 1800 nhưng không hề nói nhiều lắm với các luật sư. Tất nhiên, tiến sĩ Barry phải biết rồi.”

“Và ông ấy hẳn là đã nói với người cũng quan tâm tới tờ tạp chí đó nữa”, Rhyme chỉ ra điều đó. “Giờ thì, để cân nhắc khả năng này, chúng ta hãy giả thiết rằng có một điều gì đó trong bài báo mà hung thủ không muốn nó được biết đến - có thể là về ông tổ của cháu, có thể là một vấn đề gì khác hoàn toàn.” Anh nhìn sang Sachs. “Có ai vẫn còn ở hiện trường không?”

“Có một cảnh sát. ”

“Yêu cầu anh ta thẩm tra các nhân viên. Tìm ra xem liệu ông Barry có nói đến việc có ai quan tâm tới tờ tạp chí cũ đó không. Hãy đưa họ tới bàn làm việc của ông ấy nữa.” Rhyme có một ý tưởng khác nữa. “Và tôi muốn danh sáchcuộc gọi trong điện thoại của ông ta trong vòng một tháng qua.”

Sellito lắc lắc đầu. “Linc, thật sự... Anh không nghĩ rằng nghe điều này có vẻ kỳ cục à? Chúng ta đang nói về, cái gì nhỉ? Những năm 1800 á? Đây không phải là một vụ án khó nuốt. Nó là một vụ không thể nhai được.”

“Một kẻ chuyên nghiệp dàn dựng một hiện trường, gần như giết một người, và đã giết một người khác - ở ngay trước mặt hàng tá cảnh sát – chỉ để lấy đi bài báo đó? Nó không hề kỳ cục chút nào, Lon. Nó phải có nguyên nhân sâu xa cho tất cả.”

Viên cảnh sát to lớn nhún vai và gọi tới sở cảnh sát để truyền mệnh lệnh tới viên cảnh sát đang thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường rồi gọi tới bộ phận cấp giấy phép để họ thông qua yêu cầu về các cuộc gọi từ điện thoại trong thư viện và điện thoại cá nhân của Barry.

Rhyme nhìn cô bé mảnh khảnh và quyết định rằng mình không còn lựa chọn nào khác, anh phải đưa ra một tin không hay lắm. “Cháu biết rằng tất cả những điều này có thể là gì, đúng không?”

Dừng lại một chút, mặc dù anh có thể thấy trong ánh mắt đầy băn khoăn của Sachs về phía Geneva rằng ít nhất thì người nữ cảnh sát biết chính xác ý anh là gì. Và chính cô đã nói điều đó với cô bé: “Lincoln đang nói rằng có lẽ hắn vẫn còn săn lùng cháu”.

“Đúng là kẻ kỳ dị mà.” Geneva nói, lắc lắc đầu của mình.

Dừng lại một chút, Rhyme trả lời một cách nghiêm nghị: “Chú sợ rằng điều này không hề kỳ lạ chút nào”.

Ngồi trong một quầy Internet tại một cửa hàng photocopy nằm ở trung tâm Manhattan, Thompson Boyd đang đọc tin trên trang web của đài truyền hình địa phương, thông tin trên đó thì được cập nhật từng phút.

Tiêu đề của bản tin mà hắn đang đọc là: NHÂN VIÊN BẢO TÀNG BỊ GIẾT; NHÂN CHỨNG TRONG MỘT VỤ TẤN CÔNG NHẰM VÀO HỌC SINH.

Huýt sáo, gần như là không ra tiếng, hắn quan sát bức tranh đi kèm, trong đó là hình ảnh người quản lý thư viện mà hắn vừa mới giết đang nói chuyện với một cảnh sát mặc thường phục trên con phố ở trước bảo tàng. Dòng chú thích viết, Tiến sĩ Donald Barry nói chuyện với một cảnh sát ngay trước khi bị bắn chết.

Bởi vì tuổi của mình, Geneva Settle không được nêu ra danh tính, mặc dù cô bé được miêu tả là một học sinh trung học sống ở Harlem. Thompson rất biết ơn với thông tin này; hắn đã không biết cô bé sống ở quận nào của thành phố. Hắn cắm điện thoại của mình vào cổng USB trên chiếc m tính và chuyển tải bức ảnh về cô bé mà hắn đã chụp sang máy tính. Rồi hắn sẽ up nó lên một tài khoản email vô danh.

Hắn tắt máy, trả tiền - tất nhiên là bằng tiền mặt - và đi lững thững trên phố Broadway, nằm ở trung tâm khu tài chính. Hắn mua một cốc cà phê từ một quầy hàng rong, uống hết một nửa, rồi lia tấm vi phim mà hắn đã lấy ra vào chiếc cốc, đặt lại chiếc nắp và thả nó xuống một cái thùng rác.

Hắn dừng lại ở một trạm điện thoại, nhìn quanh và không thấy một ai khác chú ý đến mình. Hắn quay số. Không có tin nhắn nào trong hộp thư thoại, chỉ có một tiếng bíp. “Là tôi. Gặp phải vấn đề với trường hợp của Settle. Tôi cần cô tìm ra xem con bé học ở trường nào hoặc nó sống ở đâu. Nó là một học sinh trung học ở Harlem. Đó là tất cả những gì tôi biết. Tôi đã gửi một bức ảnh con bé tới tài khoản mail của cô... À, còn một điều nữa - nếu như cô có cơ hội tự mình xử lý con bé, sẽ có một khoản năm mươi ngàn cho cô. Gọi điện cho tôi khi nhận được tin nhắn này. Chúng ta sẽ bàn bạc.” Thompson đọc số của chiếc điện thoại mà hắn vừa sử dụng để gọi rồi dập máy. Hắn quay trở lại, khoanh tay trước ngực và chờ đợi, huýt sáo nhè nhẹ. Hắn mới chỉ tới nhịp thứ ba một bài hát của Stevie Wonder Em là ánh sáng của đời anh trước khi chuông điện thoại reo.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 7


Nhà tội phạm học nhìn Sellito: “Roland đâu rồi?”.

“Bell? Cậu ấy đưa một người vào chương trình bảo vệ nhân chứng ở khu phía bắc của bang nhưng cậu ấy hẳn phải quay lại lúc này. Có nghĩ rằng chúng ta nên gọi cho cậu ấy không?”

“Ừ.” Rhyme nói.

Sellito gọi tới số điện thoại của viên cảnh sát và qua cuộc hội thoại, Rhyme suy ra rằng Bell sẽ rời Sở chỉ huy Cảnh sát New York ngay lập tức và sẽ hướng về phía khu bắc thành phố.

Rhyme để ý thấy cái cau mày của Geneva. “Thanh tra Bell sẽ bảo vệ cháu. Giống như một vệ sĩ. Cho đến khi chúng ta giải quyết được tất cả mọi việc... Giờ thì, cháu có biết Charles bị buộc tội ăn trộm cái gì không?”

“Bài báo đó nói là vàng hoặc tiền hoặc gì đó.”

“Vàng bị mất. À, thú vị đấy. Lòng tham - một trong những động lực của chúng ta.”

“Liệu bác của cháu có biết gì về việc này không?”, Sachs hỏi.

“ cháu á? Ồ, không, bác ấy là anh trai của mẹ cháu. Cụ tổ Charles là bên bố cháu. Và bố chỉ biết một chút thôi. Bà cô - em của ông bà nội cháu đưa cho cháu xem một vài bức thư của cụ tổ Charles. Nhưng bà ấy cũng chẳng biết gì nhiều hơn về cụ tổ.”

“Chúng ở đâu? Những bức thư ấy?”, Rhyme hỏi.

“Cháu có một tờ đây.” Cô thò tay vào trong túi và lôi nó ra. “Còn những lá thư khác thì ở nhà. Bà cô của cháu nghĩ rằng có thể bà ấy có một vài hộp gì đó đựng đồ của cụ tổ Charles nhưng bà ấy không chắc chắn nó ở đâu nữa.” Geneva im lặng khi đôi lông mày trên khuôn mặt tròn của cô bé nhíu lại và cô nói với Sachs: “Có một điều? Nếu như nó có thể có ích?”.

“Nói đi.” Sachs trả lời.

“Cháu nhớ từ một trong các bức thư. Cụ tổ có nói về bí mật mà ông ấy biết.”

“Bí mật?”, Sachs hỏi.

“Vâng. Ông ấy nói mình cảm thấy dằn vặt về việc không nói ra sự thật. Nhưng có thể sẽ có một thảm họa, một bi kịch, nếu như ông nói ra. Một điều gì đó kiểu như thế.”

“Có thể đó là vụ trộm mà ông ấy đang nói đến.” Rhyme nói.

Geneva khẳng định rõ ràng. “Cháu không nghĩ ông ấy làm việc đó. Cháu nghĩ rằng ông ấy bị mưu hại.”

“Tại sao?”, Rhyme hỏi.

Một cái nhún vai. “Hãy đọc bức thư.” Cô bé đưa nó cho Rhyme rồi giật mình vì nhớ ra anh bị liệt và quay sang đưa cho Mel Cooper, không biện giải cho câu nói hớ của mình.

Người chuyên viên đặt nó trên một chiếc đầu đọc quang học và một lát sau những dòng chữ viết tay đẹp như in từ thế kỷ XIX chạy dọc qua màn hình phẳng của chiếc máy tính thế kỷ XXI.

Bà Violet Singleton

Đang trú tại địa chỉ của ông bà William Dodd

Đường Essex Farm,

Harrisburg, Pennsylvania

Ngày 14 tháng 7 năm 1863

Violet thương yêu của anh,

Có lẽ là em đã nhận được tin dữ về sự việc khủng khiếp ở New York vừa qua. Giờ đây anh có thể thông bá việc đã yên ổn, nhưng cái giá phải trả thật quá lớn.

Khí hậu nơi này đang trở nên nóng bỏng, với hàng trăm ngàn những người dân kém may mắn vẫn đang quay cuồng bời cơn khủng hoảng kinh tế vài năm trước - Ngài Greeley’s Tribune cho biết rằng việc đầu cơ tích trữ thị trường chứng khoán quá đáng và những vụ cho vay không thận trọng dẫn đến nợ xấu đã tạo nên “những bong bóng nổ" trong thị trường chứng khoán thế giới.

Trong cái không khí ấy, chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng đủ để làm bùng lên cuộc nổi loạn gần đây: Chế độ quân dịch ép buộc những người đàn ông vào Quân đội Liên bang, điều được rất nhiều người coi là cần thiết trong cuộc chiến đấu chống lại Quân phiến loạn, do sức mạnh và sự bền bỉ đáng kinh ngạc của kẻ địch. Tuy vậy, sự chống đối với chế độ quân dịch vẫn trở nên quyết liệt và đầy chết chóc hơn, hơn bất cứ thứ gì được dự báo. Và chúng ta, những người da màu, những người theo chủ nghĩa bãi nô và những người ủng hộ Đảng cộng hòa, trở thành mục tiêu thù địch của họ, cũng giống như người đứng đầu chế độ quân dịch và những người lính của ông ta, nếu không muốn nói là hơn.

Quân nổi loạn, phần lớn là người Ireland, càn quét khắp thành phố, tấn công bất cứ người da màu nào mà chúng thấy, cướp phá những ngôi nhà và công xưởng. Anh đã vô tình ở trong một công ty của hai giáo viên và giám đốc của một Trại mồ côi dành cho trẻ em da màu khi một nhóm du thủ du thực tấn công tòa nhà và nhấn chìm nó trong biển lửa! Tại sao, có hơn hai trăm đứa trẻ ở bên trong đó! Nhờ ơn của Chúa, bọn anh mới có thể đưa những đứa trẻ nhỏ bé tới một sở cảnh sát gần đó an toàn, nhưng quân nổi loạn đáng lẽ đã giết tất cả bọn anh nếu như chúng muốn làm.

Cuộc chiến đấu tiếp tục kéo dài cả ngày. Chiều tối hôm đó, buổi hành hình những người da đen bắt đầu. Sau khi một người đàn ông da đen bị treo cổ, xác của ông ấy bị ném vào một ngọn lửa, còn những kẻ nổi loạn nhảy múa xung quanh trong một buổi liên hoan chè chén say sưa. Anh đã vô cùng kinh hãi!

Anh chạy trốn về trang trại của chúng ta ở trên phía bắc và từ nạy về sau tập trung hoàn toàn vào nhiệm vụ giáo dục lũ trẻ trong ngôi trường của bọn anh, chăm sóc những vườn cây và hơn nữa, đẩy mạnh sự nghiệp giải phóng người của chúng ta.

Vợ thương yêu nhất của anh, hậu quả của tất cả những sự kiện khủng khiếp này là cuộc sống với anh dường như trở nên mong manh và phù du, nếu em sẵn sàng với cuộc hành trình này, khao khát của anh là sẽ có sự đồng hành của em và con trai chúng ta. Anh gửi kèm ở đây vé cho cả hai và mười đô la để trang trải dọc đường. Anh sẽ gặp hai mẹ con trên tàu ở New Jersey và chúng ta sẽ lên một chiếc thuyền đi tới trang trại của mình. Em có thể giúp đỡ anh trong việc dỗ, còn Joshua có thể tiếp tục được học hành đồng thời giúp đỡ chúng ta và James ở xưởng cũng như cửa hàng rượu táo. Nếu như có một ai đó hỏi em về công việc và nơi em định đến, hãy trả lời như anh nói: Chỉ nói rằng chúng ta là những người chăm sóc và trông coi trang trại cho ông chủ Trilling đang vắng nhà. Nhìn vào sự thù hận trong đôi mắt của những kẻ nổi loạn, anh thấy một sự thật là không có nơi đâu an toàn, ngay cả tại nơi mà chúng ta ở; sự đốt phá, trộm cắp và cướp bóc vẫn có khả năng xảy ra, liệu nó có cần phải biết rằng chủ nhân của trang trại đó là những người da đen.

Anh đã trở về từ nơi bị giam cầm, nơi anh được coi như chỉ có ba phần năm của một con người. Anh đã hy vọng rằng di chuyển lên phía bắc có thể thay đổi điều này. Nhưng, than ôi, điều đó không đúng như vậy. Các thảm kịch trong những ngày qua nói với anh rằng em, anh và những người như chúng ta chưa được đối xử như là những người đàn ông và những người phụ nữ thực sự, do đó cuộc chiến của chúng ta để giành lấy sự trọn vẹn trong đôi mắt của những người khác cần phải được tiếp tục với lòng quyết tâm không hề mệt mỏi.

Gửi lời hỏi thăm thân ái tới chị gái của em và William, tất nhiên cả các cháu nhà anh chị ấy. Nói với Joshua rằng anh tự hào với những thành tích của con về môn Địa lý.

Anh cầu nguyện cho cái ngày đó đến sớm, ngày anh được gặp em và con trai của chúng ta một lần nữa.

Yêu em,

Charles

Geneva lấy bức thư khỏi chiếc đầu đọc quang học. Cô bé nhìn lên và nói: “Những cuộc nổi loạn chống quân dịch trong thời kỳ Nội chiến năm 1863. Sự hỗn loạn tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

“Ông ấy chẳng nói gì đến bí mật của mình cả.” Rhyme chỉ ra.

“Nó nằm trong số những bức thư cháu có ở nhà. Cháu đưa cho mọi người xem cái này để mọi người biết rằng ông ấy không phải là một tên trộm.”

Rhyme cau mày. “Nhưng vụ trộm là sự việc xảy ra năm năm sau khi ông ấy viết bức thư này? Tại sao cháu lại nghĩ rằng nó có nghĩa là ông ấy không hề phạm tội?”

“Quan điểm của cháu”, Geneva nói: “là ông ấy không có vẻ gì giống với một tên trộm, đúng không ạ? Người có ý định trộm cắp không phải là người được tin tưởng giáo dục cho những cựu nô lệ”.

Rhyme nói một cách đơn giản: “Đó không phải là minh

“Cháu nghĩ rằng có.” Cô bé nhìn qua bức thư một lần nữa, rồi vuốt nó phẳng phiu.

“Cái ‘ba phần năm một con người’ là gì?”, Sellito hỏi.

Rhyme nhớ lại một vài điều từ trong lịch sử nước Mỹ. Nhưng ngoại trừ những thông tin có liên quan đến công việc của một nhà tội phạm học, anh bỏ qua nó như một sự lộn xộn vô nghĩa. Anh lắc lắc đầu.

Geneva giải thích: “Trước Nội Chiến, vì mục đích giành ghế đại biểu Quốc hội, nô lệ chỉ được tính như là ba phần năm của một con người. Đó không phải là âm mưu của Liên bang xấu xa như ta nghĩ; miền Bắc đã đưa ra quy tắc đó. Họ không hề muốn nô lệ được coi trọng chút nào, bởi điều đó có thể mang lại cho miền Nam nhiều đại biểu hơn trong Quốc hội và Đại cử tri đoàn Hoa Kỳ. Miền Nam muốn họ được coi trọng như một con người đầy đủ. Quy ước ba phần năm là một thỏa hiệp”.

“Họ được phép làm đại biểu,” Thom chỉ ra: “nhưng vẫn không thể bầu cử”.

“Ồ, tất nhiên là không rồi”, Geneva nói.

“Cũng kiểu như phụ nữ thôi”, Sachs đế thêm vào.

Lịch sử xã hội của nước Mỹ không hề thú vị với Rhyme lúc này. “Tôi muốn xem những lá thư khác. Và muốn tìm một bản khác của cái tạp chí đó, Tuần báo Minh họa dành cho người da màu, ấn bản nào?”

“Ngày 23 tháng 7 năm 1868”, Geneva nói. “Nhưng cháu đã rất khó khăn mới tìm ra nó.”

“Tôi sẽ làm hết sức”, Mel Cooper nói. Rhyme nghe thấy tiếng lách cách của những ngón tay anh gõ trên bàn phím.

Geneva đang nhìn vào chiếc đồng hồ chạy pin hiệu Swatch của mình. “Cháu thực sự...”

“Hey, chào mọi người”, tiếng một người đàn ông từ phía cửa vào. Với một chiếc áo khoác thể thao màu nâu bằng vải tuýt, áo sơ mi và quần bò xanh, thanh tra Roland Bell bước vào phòng thí nghiệm, vốn là một sĩ quan cảnh sát ở quê hương Bắc Carolina, Bell đã chuyển tới New York một vài năm trước vì những lý do cá nhân. Anh có mái tóc màu nâu, đôi mắt dịu dàng và vô tư lự đến nỗi đôi khi những bạn đồng nghiệp thành thị của anh cảm thấy mất kiên nhẫn khi làm việc với anh, mặc dù Rhyme ngờ vực cái lý do mà đôi khi anh di chuyển chậm chạp không phải do kế thừa nét đặc trưng của người miền Nam mà là bản chất tỉ mỉ của anh, có lẽ được tôi luyện bởi tầm quan trọng của công việc ở trong NYPD. Công việc của Bell là bảo vệ những nhân chứng và những người có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân. Đội của anh không phải là một đơn vị chính thứcNYPD nhưng nó vẫn có một cái tên: ‘SWAT’ Mặc dù đây không phải là từ viết tắt của những vũ khí truyền thống hay một đơn vị đặc nhiệm; nó là rút gọn của “Đội bảo vệ nhân chứng”[1]

[1] Saving Witness’s Ass Team.

“Roland, đây là Geneva Settle.”

“Xin chào, cô bé”, anh dài giọng và bắt tay cô bé. “Cháu không cần người bảo vệ”, cô nói một cách cương quyết.

“Cháu đừng lo - Chú sẽ không can dự vào công việc của cháu đâu”, Bell nói. “Cháu có lời hứa danh dự của chú về điều đó. Chú sẽ không để cháu nhìn thấy giống như là một dấu chữ V trong một bãi cỏ cao”. Anh liếc nhìn Sellito. “Nào, giờ thì chúng ta đang phải đối mặt với thứ gì nào?”

Viên thanh tra với thân hình chắc khỏe điểm qua những chi tiết quan trọng của vụ án và những gì họ biết cho đến lúc này. Bell không hề cau mày hay lắc đầu nhưng Rhyme có thể thấy được đôi mắt của anh nín lặng, bộc lộ mối quan ngại. Nhưng khi Sellito xong việc, Bell lại diện khuôn mặt đặc trưng bình dị của miền Nam và hỏi Geneva một đống câu hỏi về cô bé và gia đình để có được biện pháp tạo dựng sự bảo vệ. Cô bé trả lời một cách ngập ngừng, như thể bị ép buộc như vậy.

Cuối cùng thì Bell cũng đã xong việc và Geneva nói một cách thiếu kiên nhẫn: “Thực sự cháu cần phải đi rồi. Ai đó có thể làm ơn đưa cháu về nhà không ạ? Cháu sẽ lấy những bức thư của cụ tổ cho mọi người. Nhưng sau đó cháu phải đến trường ạ”.

“Thanh tra Bell sẽ đưa cháu về nhà”, Rhyme nói rồi kèm theo đó một nụ cười: “nhưng còn ở trường, chú nghĩ chúng ta đã nhất trí rằng cháu sẽ có một ngày nghỉ. Hãy đồng ý với sự sắp xếp này”.

“Không”, cô bé nói một cách cương quyết. “Cháu không hề đồng ý với điều đó. Chú nói rằng ‘Hãy dẹp những câu hỏi sang một bên và sau đó chúng ta sẽ xem xét.’”

Không có nhiều người trích nguyên những lời nói của Lincoln Rhyme lại với anh. Anh cằn nhằn: “Dù có nói gì đi nữa, chú nghĩ rằng cháu sẽ phải ở nhà, bởi chúng ta biết hung thủ có thể vẫn còn đang săn đuổi cháu. Nó không an toàn”.

“Thưa ông Rhyme, cháu cần phải làm những bài kiểm tra đó. Các bài kiểm tra lại ở trường cháu, chúng đôi khi không được lên kế hoạch, sổ kiểm tra thì thất lạc, cháu sẽ không được ghi điểm.” Geneva giận dữ nắm chặt con đỉa trống rỗng trên chiếc quần bò của mình. Cô bé thật gầy gò. Anh tự hỏi liệu có phải bố mẹ cô bé quá khắt khe về chuyện ăn uống, ép cô ăn kiêng chỉ với món yến mạch và đậu phụ. Có vẻ như là có nhiều vị giáo sư nghiêng theo xu hướng này.

“Tôi sẽ gọi đến trường ngay bây giờ”, Sachs nói. “Chúng tôi sẽ nói với họ rằng có một vấn đề xảy ra và...”

“Cháu nghĩ mình thực sự muốn đi học”, Geneva sụt sịt nói, đôi mắt nhìn Rhyme một cách kiên quyết. “Bây giờ.”

“Hãy ở nhà nghỉ một hoặc hai ngày cho đến khi chúng ta tìm ra được nhiều thông tin hơn. Hoặc”, Rhyme chêm vào một nụ cười: “cho đến khi chúng ta gông cổ được hắn”.

Nụ cười và câu nói ấy không hề có ý nhấn mạnh, để thuyết phục cô bé bằng cách nói của giới trẻ. Nhưng anh ngay lập tức hối tiếc vì những lời đã nói. Anh đã không hề nói thật với cô bé – chỉ hoàn toàn vì cô gái còn quá trẻ. Nó giống như những người đến gặp anh làm ầm ĩ lên một cách thái quá và bỡn cợt bởi anh là một người tàn tật. Họ làm anh phải tức điên lên.

Giống như cô bé đang bực mình với anh lúc này.

Cô nói: “Nếu chú không phiền, cháu sẽ rất biết ơn nếu ai đó cho cháu đi nhờ xe. Hoặc là cháu sẽ đi tàu điện. Nhưng cháu phải đi bây giờ, nếu như chú muốn những lá thư đó”.

Bực mình vì bị lôi vào cuộc chiến này với cô bé, Rhyme nói với sự quả quyết: “Chú sẽ phải nói là không”.

“Cháu có thể mượn điện thoại của chú được không?”

“Sao lại thế?”, anh hỏi.

“Có một người cháu muốn gọi.”

“Một người?”

“Đó là người luật sư mà cháu đã nói đến. Wesley Goades. Ông ta đã từng làm việc cho công ty bảo hiểm lớn nhất nước, và hiện tại ông ấy đang điều hành một văn phòng luật ở Harlem.”

“Và cháu muốn gọi cho ông ấy?”, Sellito hỏi. “Tại sao?”

“Bởi vì cháu muốn hỏi xem liệu các chú có thể không cho cháu đến trường không?”

Rhyme chế giễu. “Điều đó là tốt cho chính bản thân cháu.”

“Nó là quyền do cháu quyết định nữa, đúng không?”

“Bố mẹ cháu, hoặc bác cháu.”

“Họ không phải là người sẽ phải thi tốt nghiệp hết lớp mười một khi mùa xuân tới.”

Sachs cười khoái trí. Rhyme bắn một tia nhìnẽo về phía cô.

“Chỉ trong một hoặc hai ngày thôi cô bé.” Bell nói.

Geneva lờ anh ta và tiếp tục: “Ông Goades đã giúp John David Colson được trả tự do từ Sing Sing[2] sau khi ông ấy nằm trong tù mười năm vì một vụ án mạng mà ông ấy không hề thực hiện. Và ông ta kiện New York, ý cháu là, tiểu bang ý, hai hay ba lần rồi. ông ấy thắng mọi vụ kiện. Và ông ấy cũng vừa thực hiện một vụ kiện ở Tòa án Tối cao. về quyền lợi của những người vô gia cư”.

[2] Nhà tù của tiểu bang New York được xây dựng năm 1925 bởi chính những tù nhân, đây là nơi có luật lệ rất cứng rắn và chuyên giam giữ những kẻ tội phạm đặc biệt nguy hiểm.

“Ông ấy cũng thắng nốt vụ ấy chứ?”, Rhyme hỏi một cách nhăn nhó.

“Ông ấy thường thắng. Thực ra, cháu không nghĩ rằng ông ấy đã từng thua.”

“Thật là điên rồ”, Sellito lẩm bẩm, đưa tay chùi một cách vô thức một chấm máu trên chiếc áo khoác của mình. Anh càu nhàu: “Cháu là một đứa trẻ...”

Một điều không nên nói.

Geneva nhìn anh chằm chằm và ngắt lời: “Các chú sẽ không cho cháu gọi điện đúng không? Có phải tù nhân thì phải thế không ạ?”.

Viên cảnh sát to lớn thở hắt ra. Anh ra hiệu chỉ về chiếc điện thoại.

Cô bé đi về phía nó, nhìn vào sổ địa chỉ của mình và nhấn một dòng số.

“Wesley Goades”, Rhyme nói.

Geneva cốc đầu mình khi cuộc gọi được kết nối. Cô bé nói với Rhyme: “Ông ấy đã đi Havard rồi. Ôi, và ông ấy kiện cả quân đội nữa. Quyền lợi của gay, cháu nghĩ vậy”.

Cô nói vào điện thoại, “Ông Goades, làm ơn... Cô có thể báo với ông ấy là Geneva Settle gọi không? Cháu là nhân chứng một vụ án, và hiện đang bị giữ bởi cảnh sát.” Cô đưa địa chỉ của Rhyme rồi thêm vào: “Nó trái với mong muốn của cháu và...”.

Rhyme nhìn Sellito, anh đang tròn xoe mắt và nói: “Được rồi”.

“Khoan đã”, Geneva nói vào trong điện thoại. Rồi quay sang viên cảnh sát to béo, to cao hơn cô rất nhiều. “Cháu có thể đến trường chứ?”

“Để kiểm tra. Chỉ có thế thôi.”

“Có hai bài.”

“Được rồi. Cả hai cái bài kiểm tra quỷ quái của cháu”, Sellito lẩm bẩm. Anh nói với Bell: “Ở bên cạnh cô bé”.

“Giống như một chú chó Flat-coated Retriever, được rồi.”

Geneva nói vào điện thoại: “Nói với ông Goades không phải bận tâm nữa. Chúng cháu đã giải quyết vấn đề này rồi”. Cô bé dập máy.

Rhyme nói: “Nhưng trước tiên chú muốn những bức thư đó đã”.

“Nhất trí.” Cô bé quăng chiếc túi sách qua vai mình.

“Cậu”, Sellito quát lớn với Pulaski: “Đi với họ”.

“Vâng, thưa ngài.”

Sau khi Bell, Geneva và chàng cảnh sát trẻ đi khỏi, Sachs nhìn về phía cánh cửa và cười. “Quả là một cô gái nóng nảy.”

“Wesley Goades.” Rhyme mỉm cười. “Anh nghĩ rằng cô bé đã bịa ra người đó. Hẳn là nó đã gọi cho số của tổng đài để hỏi giờ và nhiệt độ.”

Anh hất đầu về phía tấm bảng bằng chứng. “Hãy tiếp tục với những thứ này. Mel, anh sẽ kiểm tra lại chi tiết về các hội chợ đường phố. Và tôi muốn các số liệu và tổng hợp dữ liệu về những gì chúng ta đã gửi tới VICAP và NCIC cho đến lúc này. Tôi muốn tất cả các thư viện và trường học trong thành phố được điều tra để xem liệu cái gã nói chuyện với Barry này có gọi cho họ và cũng hỏi thông tin về Singleton hoặc cái tạp chí Tuần báo Minh họa dành cho người da màu đó. À, và tìm ra ai làm ra những chiếc túi có hình mặt cười.”

“Mệnh lệnh tối cao”, Cooper nói.

“Này, đoán được không? Cuộc đời đôi khi là một mệnh lệnh tối cao đấy. Vậy hãy gửi một mẫu máu trên chiếc dây thừng tới CODIS.”

“Tôi tưởng rằng anh không cho nó là một vụ hiếp dâm.” CODIS là một cơ sở dữ liệu chứa đựng mẫu DNA của những kẻ tấn công tình dục đã được lưu hồ sơ.

“Những từ có nghĩa nhất là ‘Tôi tưởng’, Mel. Chứ không phải là ‘Tôi biết với sự chắc chắn’.”

“Quá nhiều đối với tâm trạng của ngài”, Thom nói.

“Một điều khác nữa...” Anh lái chiếc xe lăn lại gần và kiểm tra những bức ảnh chụp xác của thủ thư và sơ đồ của hiện trường vụ bắn súng Sachs đã vẽ ra. “Người phụ nữ đứng cách nạn nhân bao xa?”, Rhyme hỏi Sellito.

“ cơ? Người đứng gần ư? Tôi ước chừng khoảng năm mét.”

“Ai trúng đạn trước?”

“Người phụ nữ.”

“Và những vết bắn tập trung khá gần nhau? Loạt đạn trúng người thủ thư ấy?”

“Rất sát. Chỉ cách nhau vài centimet. Hắn biết bắn súng đúng cách.”

Rhyme lẩm bẩm: “Đó không phải là bắn trượt, người phụ nữ. Hắn chủ ý bắn vào cô ấy”.

“Gì cơ?”

Nhà tội phạm học hỏi tay súng tốt nhất trong phòng: “Sachs, khi em bắn một loạt nhanh gọn, phát nào là phát chắc chắn sẽ chính xác nhất?”.

“Phát đầu tiên. Khi đó ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc súng giật từ viên đạn trước.”

Rhyme nói: “Hắn có chủ ý làm bị thương cô ấy - nhắm vào một mạch máu chính - để thu hút càng nhiều cảnh sát càng tốt và tạo ra cơ hội cho hắn trốn thoát”.

Cooper lầm bầm: “Chúa ơi”.

“Nói với Bell. Cả Bo Haumann và người của anh ta tại đội Phản ứng nhanh. Hãy nói cho họ biết về kẻ tội phạm mà ta đang theo đuổi - kẻ mà còn khoái trá hơn khi nhắm vào những người vô tội.”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 8


Người đàn ông to lớn bước xuống vỉa hè ở Harlem, nghĩ tới cuộc nói chuyện trên điện thoại cách đây một tiếng đồng hồ. Nó đã làm hắn vui, làm hắn lo sợ, và khiến hắn thận trọng hơn. Nhưng hắn hầu như chỉ đang nghĩ rằng: Cuối cùng thì, mọi việc đang khả quan hơn.

À, hắn xứng đáng có một sự khích lệ, chỉ cần một thứ gì đó để giúp hắn vượt qua tất cả.

Jax đã không may mắn lắm trong thời gian qua.

Chắc chắn là vậy rồi, hắn đã rất vui sướng khi thoát ra khỏi trại giam. Nhưng hai tháng từ khi được phóng thích khỏi nhà tù thực sự là quãng thời gian hết sức khó khăn: cô độc và không có nổi dù chỉ một chút xíu vận may rơi vào vạt áo. Nhưng ngày hôm nay thì khác. Cú điện thoại về Geneva có thể thay đổi cuộc đời mãi mãi.

Hắn đang đi bộ dọc khu phía trên của Đại lộ 5, nhằm thẳng hướng Công viên St. Ambrose, với điếu thuốc trên mép, tận hưởng cái không khí mát lạnh của mùa thu, tận hưởng ánh mặt trời. Tận hưởng sự thật rằng mọi người xung quanh đây đều đang giữ khoảng cách với hắn. Một vài là do vẻ mặt lạnh tanh không cười của hắn. Một vài là vì những hình xăm tù. Và cả dáng đi khập khiễng của hắn nữa. (Mặc dù sự thật là cái chân khập khiễng chẳng có vẻ gì là của một tay chơi cứng đầu, cũng chẳng phải của một tay gangster kiểu biết-nể- tao-chưa, đó lại là cái dáng đi khập khiễng kiểu “Chết cha, tao bị bắn trúng rồi”. Nhưng chẳng ai ở đây biết điều đó cả.)

Jax mặc kiểu quần áo hắn vẫn thường mặc: quần bò và chiếc áo khoác dã chiến tả tơi và đôi giày da nặng trịch gần như đã cũ mòn cả đế. Trong túi áo hắn đựng một cục tiền khá dày, hầu hết là tờ hai mươi đô, trong đó có cả một con dao găm, một bao thuốc lá và gắn với cái móc treo là chiếc chìa khóa căn hộ nhỏ của hắn ở trên phố 136. Đó là căn hộ hai phòng với một chiếc giường, một cái bàn, và hai cái ghế, một máy vi tính đã qua sử dụng và bộ xoong chảo mua hai tặng một từ một cửa hàng tạp hóa. Nó chỉ đơn giản là chỗ chui ra chui vào hơn là chỗ ở hiện tại của hắn ở Sở quản giáo tiểu bang New York.

Hắn khựng lại và nhìn quanh.

Kẻ đó kia rồi, gã đàn ông gầy giơ xương với làn da nâu bụi - tầm từ ba mươi lăm đến sáu mươi tuổi. Gã dựa vào một hàng rào lung lay được nối với nhau bằng một sợi xích quanh công viên nằm ở trung tâm Harlem. Ánh mặt trời phản chiếu lóe lên từ miệng chai ẩm ướt chứa mạch nha hoặc rượu chìm một nửa bên dưới lùm cỏ úa vàng phía sau gã.

“Gì vậy?”, Jax hỏi, rồi châm một điếu thuốc khác khi sải bước rồi dừng lại.

Một cái chớp mắt từ gã đàn ông gầy gò. Gã nhìn vào gói thuốc mà Jax đưa ra mời. Gã không dám chắc đây là vì cái gì nhưng vẫn rút một điếu thuốc. Và nhét nó vào túi áo.

Jax tiếp tục: “Ralph phải không?”.

“Anh là ai?”

“Bạn của DeLisle Marshall. Cùng nhà S với hắn.”

“Lisle?” Gã gầy gò thoải mái hơn. Một chút. Hắn nhìn ra chỗ khác khỏi gã đàn ông to lớn có thể bẻ hắn làm đôi và nhìn ngó xung quanh từ cái chỗ ngồi ngất ngưởng trên hàng rào. “Lisle ra rồi?”

Jax cười. “Lisle đã nhồi bốn viên đạn vào đầu một thằng khốn nạn nào đó. Đợi đến khi có một người da đen ở Nhà Trắng thì hắn sẽ được ra ngoài.

“Họ có luật cam kết thả sớm.” Ralph nói, sự phẫn nộ không thể che giấu việc hắn đang thử Jax. “Vậy Lisle nói gì?”

“Chuyển lời của hắn ta. Bảo tôi kiếm anh. Hắn ta sẽ nói giúp cho tôi.”

“Nói giúp cho anh, nói giúp cho anh. Được rồi, nói tôi biết, hình xăm của hắn nhìn thế nào?” Ralph gầy guộc nhỏ thó với chòm râu dê mảnh đã lấy lại được cái vẻ khệnh khạng nửa mùa của mình. Lại thử Jax.

“Cái nào?” Jax đáp lại. “Bông hồng hay lưỡi dao? Và tôi đoán biết là anh ta có một cái khác ở gần cái của quý. Nhưng tôi chả bao giờ ở gần đến mức có thể thấy rõ nó cả.”

Ralph gật đầu, không cười. “Tên anh là gì?”

“Jackson. Alonzo Jackson. Nhưng hãy gọi tôi là Jax.” Biệt danh thường có một tiếng tăm nhất định đi cùng nó. Hắn tự hỏi liệu Ralph đã từng nghe tới tên của hắn chưa. Nhưng rõ ràng là chưa - chính xác là đôi lông mày không hề nhướn lên. Điều này khiến Jax như bị chọc giận. “Anh muốn dùng DeLisle kiểm tra tôi, cứ làm đi, chỉ đừng nhắc đến tên tôi qua điện thoại, anh hiểu tôi đang nói gì chứ? Hãy chỉ nói với anh ta rằng vua Graffiti tạt qua và tán phét với anh thế thôi.”

“Vua Graffiti.” Ralph lặp lại, rõ ràng đang băn khoăn nó ám chỉ điều gì. Liệu đó có phải là Jax phết máu của những thằng khốn nạn ra xung quanh như xịt sơn? “Được rồi, có thể tôi sẽ kiểm tra. Còn tùy. Vậy anh đã ra tù?”

“Tôi ra rồi.”

“Vậy anh vào vì lý do gì?”

“Cướp tài sản và có vũ khí.” Rồi hắn nhấn mạnh với một giọng trầm hơn: “Họ đã muốn gán cho tôi bản án hai mươi lăm năm. Nó đã được rút xuống còn là tội hành hung mà thôi”. Bản án hai mươi lăm năm ám chi đến một điều khoản trong Bộ luật hình sự về tội giết người, phần 125.25.

“Và giờ anh lại có tự do. Thật tuyệt.”

Jax đã nghĩ rằng điều này thật buồn cười - Ralph đáng thương e sợ khi Jax tới cùng với một điếu thuốc và hỏi “gì vậy”. Nhưng rồi lại bắt đầu thấy thoải mái khi hắn biết rằng Jax đã ngồi tù vì cướp có vũ trang, tàng trữ vũ khí bất hợp pháp và có hành vi giết người, cùng với xịt máu như sơn.

Harlem. Bạn không chỉ yêu nó thôi sao?

Ở trong tù, chỉ ngay trước khi được thả, hắn đã nhờ đến sự giúp đỡ của DeLisle Marshall và người anh em đó đã nói với hắn là hãy gặp và làm việc với Ralph. Lisle đã gi thích tại sao cái gã ăn bám loắt choắt này là một kẻ cần phải biết. “Hắn lang thang khắp nơi. Như kiểu hắn sở hữu những con phố. Biết mọi thứ. Hoặc có thể tìm ra bất cứ gì.”

Giờ, Vua Graffiti rít thật sâu điếu thuốc và đi thẳng vào vấn đề. “Tôi cần anh giúp đỡ.” Jax nhẹ giọng nói.

“Thật sao? Anh cần gì nào?”

Ý rằng anh cần gì và tôi sẽ kiếm được gì từ việc đó?

Tốt bụng vừa đủ.

Khẽ liếc quanh. Không có ai khác ngoài họ trừ những con chim bồ câu và hai cô gái Dominica thấp, ưa nhìn sải bước qua. Ngược lại với cái không khí giá rét, họ mặc những chiếc áo thiếu vải và những chiếc quần soóc bó sát trên cơ thể tròn trĩnh và khêu gợi kiểu hãy- lôi-em-xuống. “Này, cưng”, một cô nói với Jax kèm một nụ cười và tiếp tục bước đi. Hai cô gái bước sang đường và rồi rẽ hướng đông vào khu vực của họ. Đại lộ 5 là ranh giới giữa khu Harlem dành cho người da đen và khu dành cho những người nói tiếng Tây Ban Nha trong nhiều năm rồi. Một khi bạn bước vào phía đông của Đại lộ 5, đó là phía Bên kia rồi. Có thể vẫn ổn, nhưng đó không phải là cùng một Harlem.

Jax nhìn họ biến mất. “Mẹ kiếp.” Hắn đã ở trong trại một thời gian dài.

“Đồng ý”, Ralph nói. Gã chỉnh lại dáng đứng dựa vào hàng rào và khoanh tay trước ngực giống như những Hoàng tử Ai cập.

Jax đợi một phút rồi cúi xuống, thì thầm vào tai của vị Pharaoh: “Tôi cần một khẩu súng”.

“Anh đang có hồ sơ sạch”, Ralph trả lời sau giây lát. “Anh sẽ lại bị bắt với một khẩu súng, nó sẽ khiến hồ sơ của anh đen tối trở lại trong một phút. Và anh sẽ lại bóc lịch hằng năm ở Rikers vì khẩu súng. Tại sao anh lại tìm đến một cơ hội kiểu như thế?”

Jax hỏi một cách kiên nhẫn: “Anh có thể làm được hay không?”.

Người đàn ông gầy gò điều chỉnh góc dựa của mình và ngẩng lên nhìn Jax. “Tôi nghĩ là chúng ta đều hiểu rồi. Nhưng tôi không chắc chắn rằng mình biết ở đâu có cái thứ gì đó cho anh. Ý tôi là, khẩu súng.”

“Vậy tôi không chắc là mình sẽ phải đưa cái này cho ai cả.” Hẳn lôi cuộn tiền ra, rút vài tờ hai mươi đô la, giơ về phía Ralph. Tất nhiên, phải thật sự cẩn thận. Một người da đen đưa tiền cho một người khác trên những con phố ở Harlem có thể khiến một viên cảnh sát phải nhíu mày, ngay cả khi anh ta mới chỉ là đang nộp tiền thuế ủng hộ cho mục sư ở một nhà thờ của giáo phái Tin lành Baptist.

Nhưng đôi lông mày duy nhất nhướn lên lúc này là của Ralph khi hắn ta nhét những đồng tiền vào trong túi áo và nhìn vào phần còn lại của cọc giấy. “Hắn có nhiều tiền ở đó nhỉ.”

“Chính xác. Và giờ thì anh có cho mình một ít rồi. Sẽ còn cơ hội để có nhiều hơn nữa. Một ngày vui vẻ.” Anh cất tập tiền đi.

Ralph càu nhàu. “Kiểu súng như thế nào?”

“Nhỏ. Làm sao mà tôi có thể giấu nó một cách dễ dàng, hiểu những gì tôi nói chứ?”

“Năm trăm nhé.”

“Hai trăm thôi, tôi cố được.”

“Thế thôi?”, Ralph hỏi.

Như thể Jax sẽ muốn một khẩu súng với số đăng kiểm vẫn còn trên khung. “Anh nghĩ sao?”

“Quên cái giá hai trăm đi”, người Ai Cập nhỏ bé nói. Hắn ta đã chịu mạo hiểm hơn; bởi hắn biết ta sẽ

không giết người mà có thể đưa cho ta thứ ta cần.

“Ba”, Jax đề nghị.

“Ba trăm năm mươi.”

Jax suy nghĩ một lúc. Hắn nắm tay lại và chạm vào nắm tay của Ralph. Một cái nhìn quanh nữa.

“Giờ, tôi cần một thứ khác. Anh có thông tin nào về các trường học chứ?”

“Một vài. Anh đang nói về cái trường nào? Tôi không biết gì ở Queens hay Brooklyn hay là Bronx. Chỉ trong lãnh thổ của tôi ở đây thôi.”

Jax cảm thấy giễu cợt trong lòng, nghĩ: “Lãnh thổ của tôi ở đây”, mẹ kiếp. Hắn đã lớn lên ở Harlem và chưa bao giờ sống ở bất cứ đâu khác trừ những trại lính và nhà tù. Bạn có thể gọi một nơi là “khu vực”, nếu bạn phải gọi, nhưng nó không phải là “lãnh thổ”. Ờ L.A., ở Newark, họ có phân chia lãnh thổ. Một vài khu vực của BK nữa. Nhưng Harlem lại là một thế giới khác, và Jax nổi cáu với Ralph vì đã dùng từ đó, mặc dù hắn cho rằng Ralph không phải không tôn trọng nơi này; gã này chắc hẳn đã xem quá nhiều chương trình ti vi không ra gì.

Jax nói: “Chỉ ở đây thôi”.

“Tôi có thể dò hỏi quanh đây.” Ralph nói với một chút không thoải mái - không có gì đáng ngạc nhiên lắm, nên nhớ là gã đang nói chuyện với một người từng là phạm nhân mới ra tù với lệnh bắt giữ 25-25 đang có hứng thú với một khẩu súng và một trường trung học. Jax nhanh cho gã bốn mươi đô nữa. Nó dường như khiến cho lương tâm của gã đàn ông nhỏ thó giãn ra một cách đáng kể.

“Được rồi, nói xem tôi phải tìm kiếm cái gì nào?” Jax lôi một tờ giấy ra khỏi túi của chiếc áo khoác dã chiến. Đó là bài báo mà hắn tải trên trang web của tờ New York Times. Hắn đưa bài báo, nằm trong mục Tin nổi bật cập nhật, về phía Ralph.

Jax nhấn vào tờ báo với một ngón tay dày mập. “Tôi cần tìm con bé. Mà họ nói đến trong này.”

Ralph đọc bài báo bên dưới tiêu đề, CÁN BỘ BẢO TÀNG BỊ BẮN CHẾT TRONG THÀNH PHỐ. Hắn ngẩng lên nhìn. “Nó chẳng nói gì về con bé cả, nơi sống, trường học, chả có gì cả. Thậm chí còn chẳng cho biết tên nó là gì.”

“Tên con bé là Geneva Settle. Còn với tất cả những thông tin khác” - Jax hất đầu về phía túi áo của gã đàn ông nhỏ thó chỗ những đồng tiền biến mất. - “là lý do mà tôi trả công cho anh để tìm kiếm.”

“Tại sao anh muốn con bé này?”, Ralph hỏi, nhìn chằm chằm vào bài báo.

Jax dừng lại một phút rồi nghiêng xuống gần cái tai bụi bặm của gã. “Đôi khi người ta hỏi, nhìn xung quanh, và thấy có nhiều phiền phức rắc rối hơn những gì họ chỉ cần biết.”

Ralph mở miệng định hỏi một điều gì đó nhưng rồi hắn hiểu ra rằng, mặc dù Jax có thể đang nói về điều gì đó mà con bé đã làm, ông Vua Graffiti máu me này cũng có thể đang ám chỉ rằng gã đã quá tọc mạch. “Cho tôi một hoặc hai tiếng.” Hắn đưa cho Jax số điện thoại của mình. Vị pharaoh nhỏ bé đẩy người ra khỏi sợi xích, nhặt lên chai rượu mạch nha từ bãi cỏ và bắt đầu xuôi xuống phố.

Roland Bell thận trọng lái chiếc Crown Vic mới cáu cạnh xuyên qua trung tâm Harlem, xen lẫn những tòa nhà chung cư và trung tâm thương mại. Những quần thể trung tâm mua sắm - Pathmark, Duane Reade, Popeyes, McDonald’s - nằm san sát với những cửa hàng kinh doanh cá thể, nơi mà ta có thể đổi tiền, thanh toán các hóa đơn và mua những bộ tóc giả được làm từ tóc thật hay những tác phẩm nghệ thuật châu Phi, từ rượu cho đến đồ nội thất. Rất nhiều những tòa nhà cũ kỹ hơn đã không còn được sử dụng và một số bị đóng ván kín mít hoặc bị đóng chặt bởi những tấm kim loại được vẽ đầy những hình graffiti. Bên dưới những con phố đông đúc hơn, vài thiết bị hư hỏng vỡ nát chờ đợi những người thu gom phế thải, rác chất đống bên những tòa nhà và rãnh thoát nước, cả cỏ dại và những mảnh vườn mọc hoang lấp đầy mảng đất trống. Những tấm bảng quảng cáo được vẽ theo kiểu graffiti cho những diễn viên của vũ đoàn Apollo và các sân khấu lớn khác ở khu trên thành phố, trong khi hàng trăm tờ rơi quảng cáo dán kín trên những bức tường và tấm gỗ dán, tuyên truyền về những M, DJ và những diễn viên hài kịch có một chút tiếng tăm. Những cậu trai trẻ túm tụm thành các nhóm, một vài trong số đó nhìn chiếc xe cảnh sát phía sau Bell với sự cảnh giác và khinh khỉnh xen lẫn một chút thách thức.

Nhưng khi Bell, Geneva và Pulaski tiếp tục đi về hướng tây, không khí thay đổi. Những tòa nhà bị bỏ hoang đang được phá sập hoặc nâng cấp lại; những tấm biển quảng cáo ở phía trước những công trường cho thấy hình ảnh những ngôi nhà mới bình dị sẽ sớm thay thế những ngôi nhà cũ kỹ già nua. Khu nhà của Geneva khá đẹp, không quá xa Đại học Colombia và công viên Momingside đầy sỏi đá, với vỉa hè sạch sẽ và có hàng cây thẳng tắp. Những dãy nhà cũ kỹ đã được tu sửa khá tốt. Những chiếc xe có thể được gắn mác Clubs trên bánh lái nhưng cũng có những chiếc có các thanh sắt bảo vệ bao gồm cả Lexus và Beemers.

Geneva chỉ về phía tòa nhà bốn tầng sạch sẽ bằng đá nâu, được trang trí với bề ngoài được chạm khắc, những phần bằng sắt ánh lên màu đen bóng dưới mặt trời cuối buổi sáng. “Đó là tòa nhà của cháu.”

Bell vượt lên quá hai ngôi nhà và dừng xe, đỗ ngay bên cạnh một chiếc xe khác.

“Ừm, Thanh tra”, Ron Pulaski nói: “Tôi nghĩ rằng cô bé muốn nói tới căn nhà phía sau kia”.

“Tôi biết”, anh nói. “Một điều tôi luôn làm là không lộ liễu vạch ra cho người khác biết địa chỉ của những người chúng ta đang phải bảo vệ.”

Viên cảnh sát trẻ gật gật đầu, như để ghi nhớ điều này. Quá trẻ, Bell nghĩ. Còn phải học quá nhiều.

“Chúng tôi sẽ vào trong một vài phút. Hãy canh chừng bên ngoài.”

“Vâng, thưa ngài. Chính xác là canh chừng cái gì ạ?”

Viên Thanh tra thực sự không có thời gian để giáo dục anh chàng về những điểm cần thiết trong nhiệm vụ cảnh giới; sự có mặt của anh ta thôi đã đủ để làm một chướng ngại cho cái công việc nhỏ nhặt này. “Kẻ xấu”, anh nói.

Chiếc xe cảnh sát đi cùng đến đây với họ dừng lại ở chỗ Bell chỉ, phía trước chiếc Crown Vic. Viên cảnh sát bên trong có thể đi nhanh trở về chỗ Rhyme với những bức thư mà anh cần. Một chiếc xe khác đến ngay sau đó một lúc, một chiếc Chevy cáu cạnh. Nó chở tới hai sĩ quan từ đội bảo vệ nhân chứng SWAT của Bell, những người này có thể ở lại bên trong và xung quanh ngôi nhà. Sau khi rút kinh nghiệm rằng hung thủ có thể nhắm vào những người đứng xung quanh đơn giản chỉ để đánh lạc hướng, Bell đã ra lệnh củng cố thêm lực lượng. Đội bảo vệ anh chọn cho nhiệm vụ lần này là Luis Martinez, một điều tra viên trầm lặng và rắn rỏi, và Barbe Lynch, một sĩ quan trẻ, sắc sảo mặc thường phục, là người mới vào nghề nhưng lại được ban tặng một trực giác nhạy bén để nhận biết những mối đe dọa.

Viên thanh tra người Caroline nhấc thân thể chắc nịch ra khỏi chiếc xe và nhìn quanh, cài lại chiếc áo khoác thể thao anh đang mặc để giấu hai khẩu súng ngắn đeo ở bên hông. Bell từng là một cảnh sát tốt ở một thị trấn nhỏ và là một điều tra viên có năng lực ở thành phố lớn nhưng anh thực sự phát huy sở trường của mình khi đến với công việc bảo vệ nhân chứng. Đó thực sự là một tài năng, giống như cách anh đánh hơi thấy con mồi khi đi săn và trưởng thành trên những cánh đồng. Bản năng. Những gì mà anh có thể cảm giác thấy còn hơn cả những thứ đã rõ rành rành - giống như phát hiện ra ánh đèn flash nằm ngoài tầm nhìn của một chiếc kính thiên văn hoặc nghe thấy tiếng “cách” lên đạn của khẩu súng ngắn hay phát hiện ra một ai đó đang dõi theo nhân chứng trong ánh phản chiếu từ một cánh cửa sổ ở tiền sảnh của một cửa hàng. Bằng tất cả các lập luận của mình, anh có thể nói khi nào thì một người đàn ông đang bước đi với một mục đích nào đó hay khi nào thì chẳng có mục tiêu nào cả. Hoặc là khi một người hoàn toàn vô ý đậu chiếc xe ở vị trí hoàn hảo để tạo điều kiện cho kẻ giết người dễ dàng chạy thoát mà không hề phải lùi hay tiến. Anh có thể nhìn vào tổng thể của tòa nhà, con phố và cửa sổ rồi nghĩ: Giờ thì, đó là nơi mà một kẻ nào đó có thể ẩn mình để làm một điều mờ ám.

Nhưng hiện tại anh thấy không có một mối đe dọa nào và thúc Geneva Settle ra khỏi xe rồi đi vào bên trong ngôi nhà, ra hiệu cho Martinez và Lynch đi theo. Anh giới thiệu Geneva với họ, rồi hai viên sĩ quan quay ra bên ngoài để kiểm tra khu vực xung quanh. Cô bé mở khóa cánh cửa an toàn bên trong và họ đi vào, bước lên tầng hai, theo sau là những viên cảnh sát mặc sắc phục.

“Bác Bill”, cô gọi, đập tay lên cánh cửa. “Là cháu đây.”

Người đàn ông to lớn khoảng năm mươi tuổi với một vệt những cái bớt nhỏ trên má ra mở cửa. Ông mỉm cười và gật đầu với Bell. “Rất vui được gặp anh. Tôi là William.”

Viên thanh tra giới thiệu mình và bắt tay.

“Cháu yêu, cháu ổn chứ? Những gì xảy ra với cháu thật là khủng khiếp.”

“Cháu không sao. Ở bên ngoài lúc này chỉ có những cảnh sát đang đi vòng quanh mà thôi. Họ nghĩ rằng kẻ tấn công cháu có thể sẽ thử làm điều đó lần nữa.”

Khuôn mặt tròn của người đàn ông nhăn lên vì lo lắng. “Chết tiệt.” Rồi ông vẫy tay chỉ về phía chiếc ti vi. “Bản tin về cháu ở trên đó.”

“Họ đã nhắc đến tên cô bé rồi à?” Bell hỏi, cau mày, khó chịu với bản tin.

“Không. Bởi vì tuổi của con bé. Và cũng không có bức ảnh nào hết.”

“À, đó là một điều gì đó...” Sự tự do của báo chí cũng tốt nhưng có những lần Roland Bell không ngần ngại kiểm duyệt sát sao - khi nó có khả năng hé lộ danh tính và địa chỉ của những nhân chứng. “Nào, tất cả mọi người ra đợi ở sảnh. Tôi muốn kiểm tra bên trong.”

“Vâng, thưa ngài.”

Bell bước vào bên trong và xem xét căn hộ. Cửa trước được bảo đảm an toàn bằng hai thanh chốt cố định và một thanh chốt an toàn bằng sắt. Cửa sổ phía trước nhìn thẳng qua bên kia đường là những ngôi nhà thành thị. Anh kéo các tấm rèm xuống. Những cửa sổ bên hông ngôi nhà mở ra phía một con hẻm và nhìn ra tòa nhà ở phía bên kia đường. Mặc dù bức tường đối diện là những viên gạch đặc và không có cửa sổ để có thể tạo ra một vị trí đứng lý tưởng cho một tay bắn tỉa, anh vẫn đóng và khóa những cửa sổ lại, rồi hạ những tấm màn che xuống.

Căn hộ khá rộng - có hai cửa trên lối ra sảnh, một ở phía trước, trong phòng khách và cái thứ hai ở phía sau, phía phòng giặt đồ. Anh kiểm tra chắc chắn rằng những chiếc khóa đã được chốt và quay trở lại sảnh. “Được rồi”, anh nói. Geneva và bác của cô bé bước vào. “Nhìn nó khá ổn. Chỉ cần giữ khóa cửa chắc chắn và những chiếc rèm che được kéo xuống.”

“Vâng, thưa ngài”, người đàn ông nói. “Chắc chắn tôi sẽ làm thế.”

“Cháu sẽ đi lấy những bức thư”, Geneva nói. Cô bé biến mất vào trong những phòng ngủ.

Bởi đã kiểm tra sự an toàn của căn nhà, Bell nhìn quanh căn phòng ở. Nó mang lại cho anh cảm giác lạnh lẽo. Những đồ nội thất màu trắng không một chấm màu, bằng da và vải lanh, tất cả đều được che phủ bằng những lớp nylon bảo vệ. Có rất nhiều sách, những bức tượng và tranh vẽ châu Phi và Caribe, một chiếc tủ kiểu Trung Quốc chất đầy những thứ giống như những chiếc đĩa và ly rượu đắt tiền. Những chiếc mặt nạ châu Phi. Có rất ít đồ cá nhân hay tình cảm. Khó mà thấy một bức ảnh gia đình nào.

Ngôi nhà của Bell thì treo đầy những bức ảnh của gia đình - đặc biệt là hai cậu con trai của anh, cũng như tất cả những anh chị em họ của chúng trong gia đình ở phía bắc Carolina. Và cả một số bức ảnh của người vợ đã mất, nhưng vì sự tôn trọng dành cho người phụ nữ mới của anh - Lucy Kerr, là một cảnh sát trưởng ở tiểu bang Tarheel - không có bức ảnh nào của anh và vợ cũ, chỉ có ảnh của người mẹ cùng với những cậu bé. (Lucy, có được vị trí quan trọng trên những bức tường của anh, đã từng nhìn thấy những bức ảnh của người vợ quá cố cùng với các con và thẳng thắn nói rằng cô tônh vì đã giữ lại những bức ảnh đó trên tường. Và một điều về Lucy: Luôn nói thẳng những gì muốn nói.)

Bell hỏi bác của Geneva xem liệu ông ấy có nhìn thấy ai đó lạ mặt xung quanh ngôi nhà thời gian gần đây không.

“Không thưa ngài. Chẳng có một ma nào.”

“Khi nào thì bố mẹ cô bé trở về?”

“Không thể nói trước được, thưa ngài. Geneva đã nói với họ chưa”.

Năm phút sau cô bé quay lại. Cô đưa cho Bell một chiếc phong bì có đựng hai mẩu giấy đã úa vàng, khô cứng. “Đây thưa chú.” Cô bé do dự. “Hãy cẩn thận với chúng. Cháu không có bản sao nào hết.”

“Ồ, cháu không biết chú Rhyme rồi. Chú ấy gìn giữ những vật chứng như thể đó là chén Thánh vậy.”

“Cháu sẽ quay lại trường.” Geneva nói với bác mình. Rồi nói với Bell: “Cháu sẵn sàng đi rồi”.

“Nghe này, cô bé”, người đàn ông nói. “Bác muốn cháu phải thể hiện sự lịch sự, theo cách ta nói với cháu. Cháu hãy nói ‘vâng, thưa ngài’ khi nói chuyện với các sĩ quan cảnh sát.”

Cô bé nhìn bác mình rồi nói một cách thẳng thắn: “Bác không nhớ cha cháu đã nói những gì à? Rằng mọi người cần phải đấu tranh để giành quyền được gọi là ‘ngài’? Đó là những gì cháu tin tưởng”.

Người bác cười. “Quả là cháu gái của ta. Có cách nghĩ của riêng mình. Đó là lý do chúng ta rất yêu cháu. Ôm ta một cái thật chặt nào, cô bé.”

Ngượng ngùng, giống như những cậu bé của Bell khi anh vòng tay quanh chúng ở những nơi đông người, cô bé đón nhận cái ôm một cách ngúng nguẩy.

Ở trên lối ra sảnh, Bell đưa cho viên cảnh sát mặc sắc phục những lá thư. “Đưa những cái này tới chỗ Lincoln càng nhanh càng tốt.”

“Vâng, thưa ngài.”

Sau khi anh ta đi khỏi, Bell gọi Martinez và Lynch trên chiếc điện đàm. Họ báo cáo rằng con phố an toàn. Anh giục cô bé đi xuống và bước vào trong chiếc Crown Vic. Pulaski chạy tới và nhảy vào ngồi trong ghế sau.

Khi khởi động chiếc xe, Bell nhìn cô bé. “À, cần phải nói, Geneva này, nếu cháu có được một phút, cháu có thể nhìn vào trong cái ba lô đó của mình và nhấc một quyển sách cháu không cần cho ngày hôm nay cho ta mượn không.”

“Sách?”

“ một quyển sách học của cháu ở trường ý.”

Cô bé lấy ra một quyển. “Nghiên cứu xã hội? Hơi chán.”

“Ồ, nó không phải để đọc. Chỉ là để đóng giả một giáo viên thay thế thôi.”

Cô bé gật đầu. “Giả vờ chú là một giáo viên. Hay đấy.”

“Ta cũng nghĩ thế. Giờ thì cháu kéo cái dây an toàn vào đi. Tốt nhất là phải như vậy. Cả anh nữa, chàng lính trẻ.”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 9


Đối tượng 109 có thể hoặc không phải là một kẻ tấn công tình dục nhưng không hề có mẫu DNA của hắn trong dữ liệu của CODIS.

Kết quả âm tính làm nổi bật sự thiếu sót của những manh mối trong vụ án, Rhyme trầm ngâm với sự bế tắc. Họ đã nhận được những mảnh vỡ còn lại của viên đạn, được lấy ra từ thân thể tiến sĩ Barry bởi những chuyên gia y tế, nhưng nó thậm chí còn nát vụn và tồi tệ hơn viên đạn được lấy ra từ người phụ nữ đứng gần đó, cũng chẳng có tác dụng gì hơn những mảnh trước đó cho công việc điều tra bằng IBIS hay DRUGFIRE.

Họ cũng đã nghe thông tin từ một vài người ở bảo tàng Mỹ - Phi. Tiến sĩ Barry chẳng hề đề cập với ai trong số các nhân viên về một vị khách quan tâm tới cái Tuần báo Minh họa dành cho người da màu năm 1868 ấy cả. Và cả nhật ký điện thoại của bảo tàng cũng chẳng hé lộ ra một manh mối nào hết; tất cả các cuộc gọi đều tới tổng đài trung tâm và rồi được kết nối tới các số máy lẻ, không một chi tiết nào được giữ lại. Các cuộc gọi đến và đi trên điện thoại của ông cũng không đưa ra một đầu mối nào cả.

Cooper nói với họ rằng mình đã tìm hiểu thông tin từ chủ sở hữu của hiệu Trenton Plastics, một trong những nhà sàn xuất túi nylon đựng đồ mua sắm lớn nhất nước. Người chuyên viên nhắc đến lịch sử của cái icon hình mặt cười, như người chủ công ty đã nói với anh. “Họ nghĩ rằng cái mặt cười nguyên bản được in trên hình một cái nút áo bởi một chi nhánh của công ty bảo hiểm State Mutual Insurance những năm 60 để thúc đẩy danh tiếng của công ty và như một mánh lới quảng cáo. Trong những năm 70, có hai anh em đã vẽ một khuôn mặt cười như vậy với khẩu hiệu: “Hãy vui vẻ". Một dạng hình ảnh thay thế cho biểu tượng hòa bình. Từ đó được in trên năm mươi triệu sản phẩm mỗi ngày bởi hàng chục công ty.

“Vậy thì mấu chốt của bài học này là gì?”, Rhyme lầm bầm

“Rằng ngay cả khi nó được đăng ký bản quyền, mà không ai có vẻ là biết điều đó, có đến hàng tá công ty vẫn làm ra những chiếc túi có mặt cười. Và điều đó có nghĩa là không thể nào lần ra được dấu vết.”

Ngõ cụt...

Trong hàng tá bảo tàng và thư viện mà Cooper,

Sachs và Sellito đã hỏi, chỉ có hai báo lại rằng có một người đàn ông đã gọi tới trong một vài tuần trước hỏi về một ấn bản của Tuần báo Minh họa dành cho người da màu từ tháng 7 năm 1868. Điều này khá khích lệ bởi nó ủng hộ giả thuyết của Rhyme về việc chính cái tạp chí này là lý do mà Geneva bị tấn công. Nhưng cả hai cơ quan đều không có ấn bản đó và chẳng ai có thể nhớ tên của người đã gọi điện - nếu như hắn thậm chí đã cho họ biết tên mình. Chẳng có ai có vẻ là có bản sao của tạp chí ấy để cho họ nhìn xem nó thế nào. Bảo tàng Báo chí Mỹ - Phi ở New Haven đã báo rằng họ có đủ bộ trên vi phim nhưng nó đã biến mất.

Rhyme tỏ vẻ cau có với tin này khi chiếc máy tính đổ chuông báo và Cooper thông báo: “Chúng ta có hồi âm từ VICAP”.

Anh nhấn vào thanh công cụ và gửi email tới tất cả những máy tính trong phòng thí nghiệm của Rhyme. Sellito và Sachs chụm lại quanh một chiếc, Rhyme nhìn vào tấm màn hình phẳng của mình. Đó là một email được bảo đảm an toàn từ một thanh tra ở phòng thí nghiệm nghiên cứu hiện trường tại Queens.

Thanh tra Cooper:

Theo yêu cầu của ngài, chúng tôi đã xử lý dữ liệu mà ngài cung cấp qua cả VICAP và HITS, đã tìm ra hai thông tin phù hợp như sau:

Sự việc thứ nhất: Vụ giết người ở Amarillo, Texas. Vụ số 3451-01 (Đội biệt động Texas): năm năm trước, Charles T. Tucker 67 tuổi, một nhân viên nhà nước đã nghỉ hưu, được tìm thấy chết sau một khu mua sắm gần nhà. Ông ta bị đánh vào gáy bằng một vật cứng, được cho là nhằm đánh gục người đàn ông, rồi hành hình. Bằng một chiếc dây thừng làm từ sợi bông với một nút thắt trượt buộc quanh cổ ông ta và hung thủ ném nó lên một cành cây rồi kéo căng. Những vết cào ở cổ cho thấy nạn nhân tỉnh lại trước khi chết một vài phút.

Những yếu tố giống với Vụ 109:

+ Nạn nhân bị đánh gục với một cú đánh vào sau gáy.

+ Kẻ tình nghi mang một đôi giày cỡ 11, có vẻ là của hãng Bass. Những vết mòn không đều ở chiếc b phải, cho thấy bàn chân có xu hướng chĩa ra ngoài.

+ Chiếc dây thừng vải bông với những vệt máu là hung khí; sợi vải giống với những gì tìm thấy ở hiện trường hiện tại.

+ Động cơ gây án được ngụy tạo. Tên giết người là một kẻ theo chủ nghĩa hình thức. Những cây nến được đặt trên mặt đất bên dưới chân và hình một ngôi sao năm cánh được vẽ trên đất. Nhưng những điểu tra về cuộc đời nạn nhân và việc ghi chép lại hồ sơ kẻ tấn công đã đưa những nhà điều tra tới kết luận rằng bằng chứng này được sắp đặt để đánh lạc hướng cảnh sát. Không một động cơ nào khác được đưa ra.

+ Không một dấu vân tay nào được tìm thấy; hung thủ đeo găng tay cao su.

Trạng thái của vụ án: vẫn còn trong thời gian điều tra.

“Vụ tiếp theo là gì?”, Rhyme hỏi.

Cooper kéo màn hình xuống.

Sự việc thứ hai: Vụ giết người ở Cleveland, Ohio. Vụ số 2002-34554F (Cảnh sát bang Ohio): ba năm trước, một doanh nhân bốn mươi lăm tuổi, Gregory Tallis, được tìm thấy đã chết trong căn hộ của mình, bị bắn đến chết.

Những yếu tố giống với vụ 109:

+ Nạn nhân bị đánh gục với một cú đánh vào sau gáy bằng một vật cứng.

+ Dấu giày của kẻ tình nghi trùng khớp với đôi giày hiệu Bass, với bàn chân phải có xu hướng chĩa ra ngoài.

+ Nguyên nhân chết là ba phát súng vào tim. Khẩu caliber, cỡ 22 hoặc 25 ly, giống với vụ án hiện tại

+ Không dấu tay có liên quan nào được tìm ra; hung thủ đeo găng tay cao su.

+ Quần của nạn nhân bị cởi bỏ và một cái chai được đưa vào trong trực tràng (phần nối với hậu môn), với một ý đồ rõ ràng là gợi ý rằng anh ta là nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp đồng giới. Sở cảnh sát bang Ohio đã kết luận rằng hiện trường vụ án bị làm giả. Nạn nhân đã được lên kế hoạch để ra làm chứng trong một phiên tòa chống lại tội phạm có tổ chức sắp tới. Các ghi chép của ngân hàng cho thấy bên bị cáo đã rút năm mươi ngàn đô tiền mặt một tuần trước vụ án mạng. Tuy nhiên, không thể lần theo dấu vết số tiền. Các nhà chức trách cho rằng đó là tiền để thuê hung thủ giết Tallis.

Tình trạng: vẫn chưa có kết quả nhưng không còn được điều tra do bằng chứng bị thất lạc.

Bằng chứng thất lạc, Rhyme nghĩ... Lạy Chúa. Anh nhìn vào màn hình. “Những bằng chứng được dựng lên để tạo động cơ gây án không có thật - và một vụ tấn công mang hình thức nghi lễ tôn giáo giả khác.” Anh nhìn về phía quân bài tarot Người treo ngược. “Đánh ngất nạn nhân với một chiếc gậy, rồi thắt cổ hay bắn, những chiếc găng tay cao su, đôi giày Bass, bàn chân phải... Chắc chắn rằng, đó chính là đối tượng của chúng ta. Và có vẻ như hắn là một tay giết mướn. Nếu như vậy, hẳn là chúng ta sẽ có hai hung thủ: hắn và kẻ thuê hắn. Được rồi, tôi muốn tất cả những gì mà Texas và Ohio có về cả hai vụ án này.”

Cooper thực hiện vài cuộc gọi. Anh biết được rằng những nhà chức trách của Texas sẽ kiểm tra hồ sơ và trở lại với họ sớm nhất có thể. Ở Ohio, mặc dù, viên thanh tra đã xác nhận rằng hồ sơ nằm trong hàng tá những vụ án chưa được giải quyết đã bị thất lạc trong một lần chuyển sang cơ sở mới hai năm về trước. Họ sẽ tìm lại nó. “Nhưng”, người đàn ông thêm vào: “cũng không nên hy vọng quá”. Rhyme nhăn mặt và nói Cooper giục họ tìm ra nó bằng tất cả những gì có thể.

Một lát sau, điện thoại của Cooper đổ chuông và anh nghe máy. “Xin chào?... Vâng anh cứ nói đi.” Anh viết lại một vài ghi chú, cảm ơn người gọi điện và dập máy. “Đó là Sở Giao thông. Cuối cùng họ đã lần ra những giấy phép đặc biệt cho những lễ hội đường phố hoặc các hội chợ đủ lớn để phải chặn những con phố trong một vài ngày gần đây. Hai ở Queens - một là Hội láng giềng và một là Hội kín Hy Lạp. Một lễ hội Colombus ở Brooklyn và một cái khác ở Little Italy. Đó là một lễ hội lớn. Phố Mulberry.”

“Chúng ta cần cử một vài nhóm ra ngoài và xem xét cả bốn khu này.” Rhyme nói. “Kiểm tra kỹ những cửa hàng bán nhiều hàng giảm giá và những hàng thuốc sử dụng túi có mặt cười có bán bao cao su, băng dính, dao rọc giấy và sử dụng những máy tính tiền điện tử rẻ tiền hoặc những chiếc máy tính cổ lỗ sĩ. Đưa cho các đội bản miêu tả về hung thủ và xem liệu có nhân viên nào nhớ hắn không.”

Rhyme thấy Sellito cứ chằm chằm vào cái chấm nhỏ màu tối trên tay chiếc áo vest ngoài của anh ta. Anh cho rằng đó là một vệt máu khác từ vụ nổ súng buổi sáng hôm nay. Viên cảnh sát to lớn không động đậy. Bởi vì anh ta là sĩ quan chỉ huy ở đây, anh là người gọi cho ESU và đơn vị Tuần tra cũng như sắp xếp các đội tìm kiếm. Dù sao thì có vẻ như là anh ta đã không hề nghe thấy nhà tội phạm học.

Rhyme nhìn Sachs, cô gật đầu và gọi điện cho khu trung tâm thành phố để sắp xếp cho những sĩ quan cảnh sát thành lập các đội. Khi dập máy, cô nhận thấy Rhyme đang nhìn chằm chằm vào tấm bảng. “Có gì không ổn à?”

Anh không trả lời ngay, nghiền ngẫm, suy nghĩ chính xác xem cái gì không ổn ở đây. Rồi anh nhận ra. Cá không có nước...

“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần được giúp đỡ.”

Một trong những vấn đề khó khăn nhất mà những chuyên gia tội phạm đối mặt không phải là biết được khu vực sống của họ. Một nhà phân tích hiện trường chỉ giỏi khi anh ta nắm chắc về khu vực sinh sống của đối tượng tình nghi - địa lý, xã hội, lịch sử, văn hóa, công việc... mọi thứ.

Lincoln Rhyme đang nghĩ rằng anh biết quá ít về cái thế giới mà Geneva sống trong đó: Harlem. Ồ, tất nhiên là anh đã từng đọc các số liệu thống kê: Phần đông dân số được pha trộn đồng đều giữa những người da đen đến từ châu Phi (cả từ xa xưa lẫn mới nhập cư sang) và cả những người da đen lẫn da trắng đến từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha (phần lớn là Puerto Rica, Dominica, Salvador và Mexico) tiếp theo đó là những người da trắng và một số ít người châu Á. Đói nghèo, các băng đảng, ma túy và bạo lực - được tập trung phần lớn xung quanh các dự án - nhưng hầu hết khu vực xung quanh thì nói chung là an toàn, hơn hẳn so với những phần thuộc Brooklyn, Bronx hay là Newark. Harlem có nhiều nhà thờ và có cả điện thờ Hồi giáo, các tổ chức cộng đồng và hội những phụ huynh lo lắng cho con cái mình hơn bất cứ một khu vực nào quanh thành phố. Nơi này từng trở thành tâm điểm của quyền dân sự dành cho người da đen, cả văn hóa, nghệ thuật của người da đen và người gốc Tây Ban Nha. Giờ đây, nó còn là trung tâm của một phong trào mới: vì bình đẳng về tài chính. Có hàng tá những dự án tái phát triển kinh tế hiện tại đang được thi công cũng như các nhà đầu tư thuộc mọi chủng tộc và quốc tịch đang ganh đua để đầu tư tiền vào Harlem, giành lấy những lợi thế đặc quyền của thị trường bất động sản nóng bỏng này.

Nhưng đó là những số liệu của tờ New York Times, và của Sở cảnh sát New York. Nó không hề giúp Rhyme có chút manh mối nào để hiểu được tại sao một sát thủ chuyên nghiệp lại muốn giết một cô bé học sinh ở khu vực này. Không nắm rõ được động cơ khiến việc tìm kiếm Đối tượng 109 này bị hạn chế rất lớn. Anh yêu cầu thực hiện một cuộc gọi qua điện thoại, và cái phần mềm ngoan ngoãn kết nối anh tới một số điện thoại tại văn phòng FBI trong thành phố.

“Dellray nghe.”

“Fred, Lincoln đây. Tôi cần thêm giúp đỡ.”

“Anh chàng của tôi ở dưới đó có giúp được gì cho anh không?”

“Có chứ, chắc chắn là thế rồi. Cả ở Maryland nữa.”

“Thật vui khi biết điều đó. Đợi một út. Để tôi xem còn ai khác ngoài đó không.”

Rhyme đã từng đến văn phòng của Dellray một vài lần. Văn phòng của viên đặc vụ da đen cao lênh khênh trong tòa nhà liên bang chất đầy sách văn học và khoa học bí mật, cũng như những cái giá treo áo đầy những bộ quần áo đủ mọi kiểu mà anh ta có thể mặc để cải trang, mặc dù không còn làm nhiều công việc nghiên cứu ở thực địa nữa.

Nực cười là, trên những giá treo quần áo đó, bạn có thể tìm thấy bộ vest anh em nhà Brooks FBI và những chiếc áo sơ mi trắng với cà vạt kẻ sọc. Trang phục thường thấy ở Dellray là - nói một cách tế nhị - khá kỳ cục. Những bộ trang phục thể thao đi bộ và áo nỉ cùng với những chiếc áo khoác thể thao, với tông ưa thích là màu xanh lá cây, xanh da trời và vàng. ít nhất thì anh tránh đội mũ, bởi nó có thể khiến anh giống như một tên ma cô bước ra từ bộ phim khai thác về chủ đề người da đen trong những năm 70.

Khi viên đặc vụ quay trở lại với chiếc điện thoại, Rhyme hỏi: “Vụ đánh bom thế nào rồi?”.

“Thêm một cuộc gọi nặc danh sáng nay nữa, về Tòa lãnh sự Israel. Giống như tuần trước. Chỉ duy nhất tai mắt của tôi - thậm chí cả những cậu bé vàng - là chẳng thể nói chắc chắn với tôi được dù chỉ một điều nho nhỏ. Nó khiến tôi tức điên lên được. Dù sao thì, anh đang có vấn đề gì?”

“Vụ án đưa chúng tôi tới Harlem. Anh có làm việc ở đó nhiều không?”

“Tôi có dạo qua đó đôi lần. Nhưng tôi không phải là một từ điển bách khoa toàn thư. Sinh ra và lớn lên ở BK.”

“BK?”

“Brooklyn, tên ban đầu của làng Breuckelen, mang lại cho chúng ta sự ưu đãi của công ty Dutch West India trong những năm 1640. Thành phố chính thức đầu tiên của tiểu bang New York, nếu anh muốn biết nó là gì. Quê hương của Walt Whitman. Nhưng anh sẽ không mất cả chục phút đồng hồ chỉ để nói chuyện phiếm nhỉ.”

“Anh có thể đi ra ngoài và tìm hiểu chút gì đó được không?”

“Tôi sẽ cải trang và ra xem. Nhưng tôi không thể hứa được rằng mình sẽ giúp được nhiều đâu đấy.”

“Ừm, Fred, anh có một lợi thế hơn tôi, tới mức hòa nhập với khu ngoại ô thành phố.”

“Rồi, rồi, rồi - cái mông tôi không ngồi trên cái xe lăn màu đỏ chóe nào cả.”

“Hãy coi như đó là hai lợi thế của anh”, Rhyme đáp lời, và mặt anh đang tái đi như mái tóc vàng của chàng lính trẻ Pulaski.

Những bức thư khác của Charles Singleton được gửi đến từ Geneva.

Chúng không được cất giữ tốt lắm theo năm tháng và đã mờ nhạt và dễ vụn. Mel Cooper cẩn thận đặt những lá thư vào giữa hai tấm nhựa mỏng trong suốt, sau khi xử lý hóa học những nếp gấp để bảo đảm rằng tờ giấy sẽ không bị rách vụn.

Sellito bước về phía Cooper: “Chúng ta có gì nào?”.

Nhà khoa học hình sự tập trung chiếc máy quét quang học vào bức thư đầu tiên và nhấn vào nút công cụ trên máy tính. Hình ảnh hiện ra trên một vài chiếc máy tính trong căn phòng.

Violet thương yêu nhất của anh,

Anh có mấy phút để viết cho em vài lời trong cái nóng nực và sự yên ả của buổi sáng sớm Chủ nhật này. Đơn vị của bọn anh, Trung đoàn New York thứ Ba mươi mốt, đã đến sau một quãng đường thật dài từ khi những chàng lính trẻ non nớt kinh nghiệm tụi anh tập hợp trên đảo Hart. Quả thật, giờ đây bọn anh đang tham gia vào một nhiệm vụ trọng yếu là truy đuổi Tướng Robert E. Lee[1], đội quân của ông ta đã rút lui sau khi bị đánh bại tại Petersburg, Virginia, ngày mùng hai tháng Tư.

[1] Đại tướng thống lĩnh Quân đội Liên minh miền Nam trong Nội chiến ở Hoa Kỳ.

Ông ta giờ đây lại nổi lên với đội quân ba mươi ngàn người, ở trung tâm Liên Bang, và quân của ông ta đã thất bại trước trung đoàn của bọn anh, cùng với những đơn vị khác, để giữ chặt phòng tuyến phía tây, khi ông ta cố gắng trốn chạy, mà chắc chắn là ông ta phải trốn chạy, bởi cả tướng Grant và tướng Sherman đang đè bẹp ông ta bởi quân số lớn hơn rất nhiều.

Khoảnh khắc lúc này đây là sự yên ắng trước cơn bão và bọn anh đang tập hợp ở một trang trại lớn. Những người nô lệ với đôi chân trần đứng xung quanh, nhìn bọn anh và đang mặc những bộ quần áo sợi bông của người da đen. Một vài trong số họ chẳng nói gì hết, nhưng tỏ vẻ kính trọng một cách tuyệt đối. Những người khác thì vô cùng hân hoan.

Cách đây không lâu, chỉ huy của bọn anh đã đến đây, bước xuống ngựa và nói về kế hoạch trận đánh ngày hôm ấy. Rồi ông ấy nói, từ trong trí nhớ, những lời từ ngài Frederick Douglass mà anh nhớ như thế này: “Một khi để cho một người nô lệ da đen đặt lên mình chữ ‘U.S.’, con đại bàng trên những chiếc cúc áo, súng trên vai và đạn trong túi, sẽ chẳng một ai trên trái đất này có thể phủ nhận việc anh ta đã giành được quyền làm một công dân ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ."

Rồi ông ấy chào bọn anh một cách nghiêm trang và nói rằng đó là niềm vinh dự của ông ấy khi được cống hiến cho đất nước cùng với bọn anh trong chiến dịch đã có sự ủng hộ của Chúa này để thống nhất lại dân tộc mình.

Tiếng hô vang dậy khắp trung đoàn số Ba mươi mốt, những âm thanh mà trước đây anh chưa từng nghe thấy.

Và giờ đây, em yêu ạ, anh nghe thấy tiếng trống xa xa và tiếng những quả đạn pháo hai kilogram và bốn kilogram, báo hiệu trận đánh bắt đầu. Liệu đây có phải là những lời cuối cùng anh được nói với em từ phía bên này của dòng sông Jordan, hãy biết rằng anh yêu em và con trai của chúng ta hơn tất cả những từ ngữ có thể diễn đạt điều đó. Hãy giữ vững và bám chặt vào trang trại, hãy giấu bí mật về việc chúng ta nói dối rằng mình là những người chăm sóc khu đất, chứ không phải chủ, và từ chối mọi lời đề nghị mua lại mảnh đất. Anh hy vọng mảnh đất sẽ được nguyên vẹn đến tay con trai mình và con cái của nó; công việc thì lúc thăng lúc trầm, thị trường tài chính thì bất ổn, nhưng đất đai là sự vĩnh hằng của Chúa - và trang trại sẽ mang lại sự kính trọng trong con mắt của những người mà lúc nầy đây không hề tôn trọng điều đó đối với chúng ta. Đó chính là sự cứu rỗi cho con cháu chúng ta, và cho các thế hệ sau đó. Giờ đây, em yêu dấu, anh lại phải một lần nữa cầm khẩu súng lên và làm như những gì mà Chúa đã đánh cược, để bảo đảm cho sự tự do của chúng ta và duy trì đất nước thiêng liêng của mình.

Tình yêu vĩnh hằng của em,

Charles 9 tháng Tư, 1865, Appromattox, Virginia

Sachs nhìn lên. “Phù. Đúng là một câu chuyện mà ta vẫn chẳng đi đến đâu.”

“Không hẳn là thế.” Thom nói.

“Ý anh là sao?”

“À, chúng ta biết họ đã giữ vững được chiến tuyến của mình.”

“Như thế nào?”

“Bởi ngày mùng 9 tháng 4 là ngày quân miền Nam đầu hàng.”

“Tôi không thực sự quan tâm lắm đến cuốn Lịch sử 101[2] ấy.” Rhyme nói. “Tôi chỉ muốn biết về cái bí mật này thôi.”

[2] History 101 là một tiểu thuyết của BBC Books được viết bởi Mags L Halliday dựa trên series chương trình ti vi khoa học viễn tưởng của Anh Doctor Who.

“Điều đó nằm trong lá thư này”, Cooper nói, quét lá thư thứ hai. Anh đặt nó lên trên chiếc máy quét.

Violet thương yêu nhất của anh,

Anh nhớ em, em yêu ạ, cả Joshua bé nhỏ của chúng ta nữa. Anh như được tiếp thêm sinh lực khi biết rằng chị gái của em đã vượt qua được trận ốm sau khi sinh cháu và rất biết ơn Chúa bởi em đã có mặt bên chị ấy suốt thời gian khó khăn này. Tuy nhiên, anh nghĩ rằng tốt nhất em nên ở lại Harrisburg một thời gian. Đây là khoảng thời gian then chốt và nguy hiểm, anh cảm nhận được, còn hơn cả những gì đã diễn ra trong suốt chiến tranh ly khai.

Đã quá nhiều chuyện xảy ra trong tháng em đi vắng. Cuộc đời anh đã thay đổi biết bao nhiêu, từ một người nông dân bình dị và một thầy giáo làng tới anh hiện tại! Anh đã tham gia vào những vấn đề mà thực sự là khó khăn, nguy hiểm và, anh phải nói là, sống còn cho quyền lợi của những người như chúng ta.

Đêm nay, anh và đồng đội sẽ lại gặp nhau ở Galloxvs Heights, cuộc gặp diễn ra ở bên cạnh một tòa lâu đài đang bị vây hãm. Những ngày dài vô tận, và hành trình thì đầy mệt mỏi. Cuộc đời của anh bao gồm cả những thời khắc gay go gian khổ, đến rồi đi dưới sự che chở của màn đêm, và tránh cả những kẻ có thể làm hại mình, có quá nhiều người như vậy - và không chỉ những người nổi loạn cũ; cũng có rất nhiều người ở phương bắc có thái độ thù địch với sự nghiệp của chúng ta. Anh vẫn nhận được sự đe dọa thường xuyên, có những kẻ thì giấu mặt, kẻ thì trắng trợn.

Một cơn ác mộng khác đã dựng anh thức dậy sáng sớm hôm nay. Anh không nhớ nổi những hình ảnh quấy rầy giấc ngủ của mình, nhưng sau khi tỉnh lại, anh không thể nào quay trở lại giấc ngủ một cách thoải mái, ngon lành. Anh cứ nằm thao thức cho đến bình minh, suy nghĩ về những khó khăn biết bao nhiêu khi giữ bí mật này trong lòng mình. Bởi vậy anh khao khát được nói nó ra với thế giới, nhưng anh biết mình không thể. Anh không có một chút nghi ngờ về hậu quả là một tấn bi kịch khi chuyện này được tiết lộ.

Hãy thông cảm cho giọng điệu u sầu của anh. Anh nhớ em và con, và anh đang mệt mỏi khủng khiếp lắm rồi. Ngày mai có thể thấy sự tái sinh của hy vọng. Anh cầu nguyện cho điều đó xảy ra.

Yêu em Charles

Mùng 3 tháng 5 năm 1867

“Ừm”, Rhyme trầm ngâm, “ông ấy nói về bí mật. Nhưng nó là cái gì? Nhất định phải có liên quan đến những cuộc họp ấy ở trên Gallows Heights. ‘Quyền lợi của những người như chúng ta.’ Quyền dân sự hay là. Ông ấy cũng nhắc đến nó ở trong lá thư thứ nhất nữa... Gallows Heights là cái khỉ gió gì vậy?”.

Đôi mắt của anh liếc sang quân bài tarot Người treo ngược, treo lơ lửng trên cái giá treo cổ bằng bàn chân.

“Tôi sẽ tìm kiếm nó”, Cooper nói và lên mạng. Một lát sau anh nói: “Đó là một vùng lân cận Manhattan thế kỷ XIX, ở mạn phía tây, tập trung quanh đường Bloomingdale và phố 18. Bloomingdale đã thành Boulevard và rồi Broadway. Anh ngước mắt lên nhìn với đôi lông mày nhướn cao. Không quá xa chỗ này lắm”.

“Gallows với một dấu móc lửng à?”

“Không dấu móc lửng nào hết. Ít nhất trong tiêu đề tôi tìm thấy.”

“Còn gì nữa về nó không?”

Cooper nhìn một lượt, xem xét trang web lịch sử xã hội. “Một vài điều. Bản đồ của năm 1872”. Anh quay màn hình về phía Rhyme, Rhyme đang nhìn nó, nhận thấy rằng vùng lân cận ấy bao trùm cả một diện tích lớn. Có một vài khu bất động sản được sở hữu bởi những gia đình tài phiệt lâu đời ở New York cũng như hàng trăm những căn nhà và căn hộ nhỏ khác.

“Này, nhìn này, Lincoln”, Cooper nói, chỉ vào một phần bản đồ gần khu Central Park. “Đó là khu vực của anh. Chính là chỗ chúng ta hiện tại. Là một cái đầm lầy từ hồi ấy.”

“Thú vị đây”, Rhyme lẩm bẩm một cách châm chọc.

“Nguồn thông tin tham khảo duy nhất khác là câu chuyện trên tạp chí Times tháng trước về việc hiến tặng một kho lưu trữ ở tổ chức Sanford - đó là một căn biệt thự lớn và cổ kính trên phố 81

Rhyme nhớ lại về một toà nhà lớn có kiến trúc thời Victoria nằm bên cạnh khách sạn Sanford - theo phong cách Gothic, cổ kính như bị ma ám và gợi nhớ lại căn biệt thự Dakota, nơi mà John Lenon bị giết.

Cooper tiếp tục: “Người đứng đầu của tổ chức này, William Ashberry, đã có một bài phát biểu trong buổi lễ. Anh ta đã nhắc đến việc khu vực Upper West Side thay đổi như thế nào trong những năm qua từ khi nó được biết đến như là Gallows Heights. Nhưng đó là tất cả. Không có gì đặc biệt”.

Có quá nhiều điểm không liên quan đến nhau, Rhyme ngẫm nghĩ về điều đó. Rồi máy tính của Cooper lại kêu lên một lần nữa, báo hiệu một email mới. Ạnh ta đọc nó rồi nhìn về phía đội phá án. “Nghe này. Nó là thông tin về Tuần báo Minh họa dành cho người da màu. Người phụ trách thư viện của Đại học Booker T. Washington ở Philly mới gửi cho tôi. Thư viện từng có một bộ đầy đủ của tờ tạp chí trong cả nước.

“Đã từng là sao?” Rhyme cáu kỉnh cắt ngang. “Thế quái nào là ‘đã từng’?”

“Tuần trước, một vụ hỏa hoạn đã phá hủy căn phòng chứa những tài liệu này.”

“Báo cáo về vụ phóng hỏa này nói gì?”, Sachs hỏi. “Không được coi là một vụ cố ý gây hỏa hoạn. Nó có vẻ như là do bóng đèn nổ, và bắt lửa vào vài tờ báo. Không có ai bị thương cả.”

“Chết tiệt, nếu đây không phải một vụ cố ý gây hỏa hoạn. Có ai đó làm điều này. Vậy thì người phụ trách này có gợi ý nào về nơi chúng ta có thể tìm...”

“Tôi đang định tiếp tục.”

“À, tiếp tục đi.”

“Ngôi trường có chính sách là quét chụp tất cả những gì họ có trong kho lưu trữ và lưu lại trên file PDF.”

“Có phải chúng ta đang đến gần tới một thông tin tốt không nhỉ, Mel? Hay là anh chỉ đùa cợt thôi đấy?” Cooper nhấn vào những chiếc nút khác. Anh ra hiệu về phía màn hình. “Nó đây - ngày 23 tháng 7 năm 1868, Tuần báo Minh họa dành cho người da màu.”

“Anh không nói. Nào, đọc cho mọi người nghe,

Mel. Đầu tiên là: ông Singleton đó chết đuối trên sông Hudson đúng hay không?”

Cooper gõ phím và một khắc sau anh đẩy cặp kính lên sống mũi mình, nghiêng về phía trước và nói: “Đây rồi. Tiêu đề là: ‘Một nỗi nhục, ghi chép về tội lỗi của một kẻ đã từng là nô lệ - Charles Singleton, cựu binh Nội chiến, phản bội lại sự nghiệp của những người da đen chúng ta bằng một sự vụ đầy tai tiếng’”.

Tiếp tục với những dòng chữ, anh đọc:

Vào thứ Ba, ngày 14 tháng 7, lệnh bắt giữ Charles Singleton, một người từng là nô lệ, cựu binh của Chiến tranh Ly khai, được thông qua bởi tòa án New York, với lời buộc tội ông ta đã lấy trộm một lượng lớn vàng và tiền từ Quỹ giáo dục Quốc gia hỗ trợ những nô lệ tự do nằm trên phố 23 ở Manhattan, New York.

Ông Singleton đã trốn tránh mạng lưới truy bắt của cảnh sát trên khắp thành phố, và được cho là đã trốn thoát, có khả năng là về Pennsylvama, nơi chị gái vợ và gia đình bà ta sống.

Tuy nhiên, vào buổi sáng sớm thứ Năm ngày Mười sáu, ông ta đã bị phát hiện bởi một viên cảnh sát khi đang tìm đường chạy đến cầu tàu trên dòng sông Hudson.

cảnh sát đã phát báo động và ông Singleton bỏ chạy. Cảnh sát đó đã đuổi theo.

Cuộc truy bắt nhanh chóng kéo theo hàng tá cảnh sát và những người công nhân, người nhặt rác Ireland đang thực hiện trách nhiệm công dân của mình là tóm lấy kẻ ăn trộm (với lời xúi giục bởi năm đồng vàng để ngăn kẻ xấu này lại). Hướng trốn chạy của ông ấy là xuyên qua những con hẻm tối tăm ngang dọc của khu ổ chuột bên sông.

Ở chỗ những bức tranh trên phố 23, ông Singleton trượt chân ngã. Một cảnh sát cưỡi ngựa ập đến và có vẻ như ông ta sẽ bị tóm lại. Ông đã lấy lại được thăng bằng và thay vì thú nhận tội lỗi của mình, như một người đàn ông dũng cảm sẽ làm, ông tiếp tục cuộc trốn chạy hèn nhát của mình.

Trong một thời gian ngắn, ông đã tránh được những kẻ truy bắt. Nhưng khoảnh khắc đó không kéo dài lâu. Một người giao hàng da đen trên mái hiên đã nhìn thấy người cựu nô lệ và cầu xin ông hãy dừng lại, nhân danh công lý, quả quyết rằng ông ta đã nghe tới hành động ngu ngốc của Singleton và quở trách ông vì đã gây ra nỗi ô nhục cho những người da màu trên khắp đất nước. Ngay sau đó một người dân, Walker Loakes, đã ném một hòn gạch về phía Singleton nhằm đánh ngã ông. Tuy nhiên, ông Singleton đã tránh được cú ném và hét lên khẳng định sự vô tội của mình, tiếp tục trốn chạy.

Người cựu nô lệ với thân thể cường tráng nhờ công việc lao động trong một vườn táo chạy nhanh như gió. Nhưng người đàn ông tên Loakes kia đã báo với một cảnh sát cưỡi ngựa về việc trông thấy người cựu nô lệ và, ở cầu tàu gần phố 88, gần trụ sở thuyền kéo, con đường trốn chạy của ông ẩy bị chặn lại bởi một đội cảnh sát cần mẫn. Ông ấy dừng lại ở đó, kiệt sức, dựa vào tấm bảng hiệu của công ty Vận chuyển Swiftsure. Ông ấy bị thúc giục yêu cầu đầu hàng bởi người chỉ huy cuộc rượt đuổi trong suốt hai ngày qua, Thám tử William P. Simms, người chĩa khẩu súng ngắn về phía tên trộm.

Tuy nhiên, vừa tìm kiếm một lối thoát liều mạng, vừa cố thuyết phục rằng những tội ác của mình là do bị vu oan và mong muốn kết thúc cuộc đời, ông Singleton, lưỡng lự một chút rồi nhảy xuống dòng sông, nói những lời mà không ai có thể nghe thấy được.

Rhyme ngắt lời: “Đó là đoạn mà Geneva đã đọc tới trước khi cô bé bị tấn công. Quên cuộc Nội chiến đi, Sachs. Đây mới là những gì chúng ta vẫn chưa rõ. Tiếp tục đi”.

Ông ấy biến mất dưới những con sóng và các nhân chứng thì chắc chắn rằng ông ấy đã bỏ mạng. Ba cảnh sát điều khiển một chiếc thuyền nhỏ từ một cầu tàu gần đó và chèo dọc theo những cầu tàu để xác định số phận của người đàn ông da đen.

Cuối cùng họ đã tìm thấy ông ấy, choáng váng sau cú nhảy, ôm chặt một mảnh gỗ trên sông và, với sự cảm động mà nhiều người cho rằng được sắp xếp, gọi tên vợ và con trai.

“Ít nhất thì ông ấy vẫn sống”, Sachs nói. “Geneva hẳn sẽ rất vui vì điều này.”

Ông ấy được một bác sĩ chăm sóc, bị mang đi và đưa ra phiên xét xử, được tổ chức vào một ngày thứ Ba. Ở tòa, ông ấy đã bị chứng thực là ăn trộm một số lượng lớn không thể tưởng tượng nổi gồm tiền và những đồng vàng trị giá tới ba mươi ngàn đô.

“Đó là điều mà tôi đang nghĩ’, Rhyme nói. “Rằng động cơ ở đây là số của cải bị mất. Trị giá hiện tại là bao nhiêu?”

Cooper đóng cửa sổ có bài báo về Charles Singleton trên máy tính và mở cửa sổ tìm kiếm trên mạng, nhấn những con số vào. Anh nhìn lên từ những tính toán của mình, “Hiện tại, nó sẽ trị giá khoảng tám trăm ngàn”.

Rhyme lẩm bẩm: “Không thể tưởng tượng được. Được rồi. Tiếp tục nào”.

Cooper tiếp tục:

Một người gác cổng ở bên kia phố trụ sở của Quỹ nô lệ tự do đã nhìn thấy ông Singleton tìm đường vào văn phòng bằng cửa sau và rời đi hai mươi phút sau đó, mang theo hai chiếc túi lớn. Khi người quản lý của Quỹ đến cơ quan sau đó, theo lệnh triệu tập của cảnh sát, thì được cho biết chiếc két Exeter Strongbow đã bị phá vỡ bởi một chiếc búa và một thanh xà beng, thứ được nhận dạng là thuộc sở hữu của bị cáo, được tìm thấy ở gần tòa nhà sau đó.

Hơn nữa, bằng chứng cho thấy rằng, ông Singleton đã lấy lòng tin của mọi người, tại những buổi họp ở khu vực Gallows Heights, với những nhân vật có tiếng tăm như Charles Sumner, Thaddeus Stevens cùng với Frederick Douglass và con trai Lewis Douglass. Charles giả vờ góp sức cùng những người cao quý này trong việc xúc tiến đưa ra các quyền của những người da đen trước Quốc hội.

“À, những buổi họp mà Charles nhắc đến trong bức thư của ông ấy. Đó là về các quyền dân sự. Và đó hẳn phải là những đồng đội mà ông ấy nhắc đến. Nghe có vẻ là những nhân vật khá lớn nhỉ. Gì nữa?”

Tuy nhiên, động cơ của ông trong việc giúp đỡ những nhân vật quan trọng này, theo vị công tố viên có thẩm quyển, không phải là để cống hiến cho sự nghiệp của những người da đen, mà để tìm hiểu về Quỹ và những nơi cất giấu mà ông ta có thể ăn trộm được.

“Đó có phải là bí mật không?”, Sachs hỏi.

Tại phiên xét xử của mình, ông Singleton vẫn giim lặng trước những cáo buộc này, trừ việc đưa ra một vài lời chối tội chung chung và nói rằng ông ấy rất yêu vợ và con trai.

Đại úy Simms đã tìm ra phần lớn của cải bị lấy trộm. Người ta cho rằng Singleton đã bí mật cất giấu chỗ còn lại trị giá vài nghìn đô ở một nơi kín đáo và từ chối tiết lộ vị trí đó. Không có chút nào trong số tài sản còn sót này được tìm ra, trừ vài trăm đồng tiền vàng được phát hiện có trên người ông Singleton khi bị bắt.

“Vậy là có một giả thuyết về kho báu bị chôn giấu”, Rhyme lẩm bẩm. “Quá tệ. Tôi thích rồi đấy.”

Lời buộc tội được đưa ra nhanh chóng. Theo phán quyết, thẩm phán yêu cầu người cựu nô lệ trả lại phần còn lại của số tiền đã đánh cắp, tuy nhiên ông ấy vẫn từ chối không nói ra địa điểm của nó, vẫn khăng khăng khẳng định sự vô tội của mình và quả quyết rằng những đồng vàng được tìm thấy trên người là do đã được đặt vào đồ đạc sau khi ông bị bắt. Theo đó, vị thẩm phán với trí thông minh của mình đã ra lệnh rằng những gì thuộc về phạm nhân sẽ bị tịch thu và bán để bồi thường cho chỗ bị mất, và án phạt dành cho phạm nhân là phải ngồi tù năm năm.

Cooper ngẩng lên. “Đó là toàn bộ bài báo.”

“Tại sao một kẻ nào đó lại phải giết người chỉ để chôn giấu câu chuyện này?”, Sachs hỏi.

“Đúng, quả là một câu hỏi lớn...” Rhyme nhìn lên trần nhà. “Vậy chúng ta biết gì về Charles? Ông ấy là một thầy giáo và là một cựu binh Nội chiến, sở hữu và làm việc trên một trang trại ở khu phía bắc của bang, bị bắt và bị buộc tội ăn trộm, có một bí mật mà có thể dẫn tới những hậu quả bi thảm nếu như nó được biết đến, đi tới những buổi họp bí mật ở Gallows Heights, tham gia vào cuộc vận động dân quyền cũng như thân thiết với một vài chính trị gia lớn và những người hoạt động cho dân quyền lúc bấy giờ.”

Rhyme lăn chiếc xe tới gần màn hình máy tính, xem xét bài báo. Anh không thấy một sự liên quan nào giữa những sự kiện và Nghi phạm 109.

Điện thoại của Sellito kêu. Anh ta nghe một lúc. Lông mày nhướn lên. “Được rồi. Cảm ơn.” Anh ta ngắt máy và nhìn Rhyme. “Đây rồi!”

“‘Đây rồi’ là sao chứ?”, Rhyme hỏi.

Sellito nói: “Đội dò hỏi thông tin ở Little Italy - nửa dãy phố từ lễ hội Columbus Day - mới tìm ra một cửa hàng bán giảm giá trên phố Mulberry. Nhân viên bán hàng có nhớ ra một người đàn ông da trắng, tầm bốn mươi tuổi có mua tất cả những thứ được tìm thấy trong chiếc túi của hung thủ một vài ngày trước. Cô ấy nhớ ra hắn ta bởi chiếc mũ

“Hắn đội mũ?”

“Không, hắn mua một cái mũ. Một chiếc mũ trùm. Lý do cô ấy nhớ bởi vì hắn đã đội thử chiếc mũ và kéo nó trùm qua mặt. Cô ấy nhìn thấy điều đó qua gương an ninh và nghĩ rằng hắn chuẩn bị cướp cửa hàng. Nhưng rồi hắn tháo chiếc mũ ra, nhét nó vào giỏ với những thứ khác và trả tiền rồi đi.”

Hẳn đó chính là vật có giá 5,95 đô la bị thiếu mất trên tờ hóa đơn. Đeo thử chiếc mũ trùm để bảo đảm rằng nó có thể làm một chiếc mặt nạ. “Đó cũng có khả năng là vật hắn dùng để lau sạch các dấu tay của mình. Cô ấy có biết tên hắn không?”

“Không. Nhưng cô ấy có thể miêu tả hắn khá rõ.” Sachs nói: “Chúng ta sẽ thực hiện một bức tranh vi tính tái dựng chân dung và đưa nó cho mọi người”. Chộp lấy chiếc túi của mình, cô nhận ra viên thanh tra to lớn không đi cùng mình khi cô dừng lại ở cửa. Cô dừng lại. Nhìn ra sau. “Lon, anh có đi cùng không?” Sellito có vẻ như không nghe thấy. Cô nhắc lại câu hỏi và viên thanh tra chợp chợp mắt. Anh ta bỏ tay xuống khỏi chiếc má đã bị chà đỏ ửng. Và nhe răng cười. “Xin lỗi. Tất nhiên rồi. Đi tóm cổ thằng khốn này thôi.”

Bảng bằng chứng, hồ sơ vụ 109:

Hiện trường Bảo tàng Mỹ - Phi

Gói đồ hiếp dâm:

- Lá bài tarot, số mười hai trong bộ bài, Người treo ngược, có nghĩa là sự tìm kiếm tâm linh.

- Chiếc túi có hình mặt cười.

- Quá chung chung để lần tìm.

- Dao rọc giấy.

- Bao cao su Trojan.

- Băng dính.

- Dầu thơm mùi hoa nhài.

- Vật không xác định, giá 5,95 đô. Có khả năng là chiếc mũ trùm.

- Hóa đơn, cho thấy cửa hàng nằm ở thành phố New York, cửa hàng tạp hóa giảm giá hoặc một hàng dược phẩm.

- Nhiều khả năng được mua từ một cửa hàng trên phố Mulberry, Little Italy. Hung thủ được nhận dạng bởi nhân viên bán hàng.

Dấu tay

- Nghi phạm đeo găng tay cao su.

- Dấu tay trên gói đồ thuộc về một người có bàn tay nhỏ, không có dữ liệu trong hệ thống IAFIS. Nhiều khả năng là của nhân viên bán hàng.

+ Dấu vết:

- Sợi thừng vải bông, một vài sợi có vết máu người. Từ dây để thắt cổ?

- Không có nhà sản xuất.

- Gửi tới CODIS.

- Không tìm thấy DNA trùng khớp ở CODIS.

+ Bỏng ngô và kẹo bông với những dấu vết nước đái chó.

- Liên hệ tới các hội chợ hay lễ hội trên phố? Kiểm tra cùng với Bộ phận Giao thông về các giấy phép gần đây. Các cảnh sát đi nắm bắt thông tin từ các hội chợ trên phố; theo từng thông tin mà bên Giao thông cung cấp.

- Xác nhận đó là lễ hội ở Little Italy.

Vũ khí:

- Dùi cui hoặc một chiếc côn.

- Khẩu súng có ổ thuốc lớn, hạt kích nổ vành, kiểu súng ngắn 22 ly, thuộc Quân đội Bắc Mỹ - loại - Black Widow hoặc Minimaster.

- Những viên đạn tự chế, đầu đạn chứa những chiếc kim. Không thấy dữ liệu trong IBIS hay DRUGFIRE.

+ Động cơ:

- Chưa chắc chắn. Hiếp dâm chỉ là động cơ giả.

- Động cơ thật sự có thể là để lấy đi tấm vi phim của bài báo trên tờ Tuần báo Minh họa dành cho người da màu ngày 23 tháng 7 năm 1868, và giết Geneva Settle vì cô quan tâm tới bài báo này bởi một lý do chưa biết. Bài báo viết về một người tổ tiên của Geneva tên là Charles Singleton (xem thông tin bên biểu đồ bên cạnh).

- Người thủ thư - nạn nhân bị giết báo rằng có một ai đó muốn được xem bài báo.

* Yêu cầu có được nhật ký cuộc gọi của người thủ thư để kiểm tra điều này.

* Không có manh mối nào

+ Yêu cầu cần có thông tin từ những nhân viên thư viện hoặc với những người mong muốn được thấy câu chuyện.

+ Không có manh mối nào.

- Tìm kiếm bản copy của bài báo.

* Một vài nguồn báo cáo về một người đàn ông yêu cầu cùng một bài báo. Không manh mối nào được xác nhận. Phần lớn các ấn bản đều đã mất hoặc bị phá hủy. Xác định được vị trí một ấn bản. (Xem biểu đồ bên cạnh).

* Kết luận: Geneva Settle vẫn còn trong tình trạng nguy hiểm.

- Hồ sơ các vụ việc gửi tới VICAP và NCIC.

* Vụ giết người ở Amarillo, Texas, năm năm trước. Cũng có hiện trường được làm giả (làm như vụ giết người là nghi lễ tôn giáo, nhưng động cơ thật sự vẫn chưa được tìm ra).

* Vụ giết người ở Ohio, ba năm về trước. Cũng có hiện trường được làm giả (làm như đó là một vụ tấn công tình dục đồng giới, nhưng động cơ thật sự có lẽ là được thuê giết). Hồ sơ bị thất lạc.

Hồ sơ về Nghi phạm 109

+ Nam da trắng.

+ 1m8, gần 90kg.

+ Giọng trung.

+ Sử dụng điện thoại để tiếp cận nạn nhân.

+ Mang một chiếc giày Bass cỡ 11 màu nâu sáng, khoảng ba năm hoặc hơn. Bàn chân phải hơi hướng ra ngoài.

+ Mùi hoa nhài.

+ Quần tối màu.

+ Đeo mũ trùm, màu tối.

+ Sẽ nhắm vào những người vô tội để tạo cơ hội hạ gục nạn nhân và trốn thoát.

+ Nhiều khả năng là một kẻ giết thuê.

Hồ sơ về kẻ thuê Nghi phạm 109

+ Chưa có thông tin gì

Hồ sơ về Charles Singleton

+ Cựu nô lệ, tổ tiên của Geneva Settle. Có gia đình, một con trai. Được ông chủ cho một vườn cây ở tiểu bang New York. Làm việc với vai trò một thầy giáo. Tham gia vào cuộc vận động vì dân quyền từ rất sớm.

+ Charles bị cho là đã thực hiện một vụ ăn trộm năm 1868, chủ đề của bài báo trong tấm vi phim bị lấy trộm.

+ Một cách gián tiếp có một bí mật chưa được hé lộ. Lo lắng rằng sẽ gây ra thảm kịch nếu bí mật bị hé lộ.

+ Tham gia vào các buổi họp bí mật ở Gallows Heights gần New York.

+ Dính líu tới những hoạt động mạo hiểm?

+ Vụ án, theo tờ Tuần báo Minh họa dành cho người da màu:

- Charles bị bắt bởi Thám tử William Simms vì ăn trộm một lượng lớn từ Quỹ Nô lệ tự do ở New York. Đột nhập vào két, nhân chứng nhìn thấy ông ta rời khỏi đó nhanh chóng. Dụng cụ dùng để gây án được tìm thấy ở gần đó. Phần lớn tiền đã không được tìm lại. Bị tuyên án năm năm tù. Không có thông tin gì về ông ấy sau khi bị tuyên án. Bị cho là tận dụng quan hệ với những nhà lãnh đạo trong cuộc vận động dân quyền thời gian đầu để tiếp cận Quỹ.

Thư của Charles:

- Bức thư thứ nhất, gửi tới vợ: về cuộc nổi dậy năm 1863, nhắc đến sự chống lại người da đen ở khắp tiểu bang New York, hành hình, đốt phá. Nguy cơ ảnh hưởng tới tài sản mà người da đen sở hữu.

- Bức thư thứ hai, tới vợ: Charles trong trận chiến ở Appromattox vào giai đoạn cuối cuộc Nội chiến.

- Bức thư thứ ba, tới vợ: Tham gia vào cuộc vận động quyền dân sự. Bị đe dọa vì công việc của mình. Đau khổ với bí mật.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 10


Trong những năm 1920, Phong trào Người da đen mới, sau đó được gọi là Phục hưng Harlem, bùng nổ ở thành phố New York.

Nó bao gồm một nhóm các nhà lý luận, nghệ sĩ, nhạc sĩ và - hầu hết - là các nhà văn, những người tiếp cận của mình bằng việc nhìn nhận vào cuộc sống của những người da đen không phải bằng ánh mắt của những người Mỹ da t

rắng mà là từ chính cách nhìn của họ. Phong trào chấn động này bao gồm cả đàn ông và phụ nữ như các nhà trí thức Marcus Garvey và W.E.B DuBois, nhà văn như Zora Neale Hurston, Claude McKay và Countee Culle, các họa sĩ như William H. Johnson và John T. Biggers, và, tất nhiên, có cả những nghệ sĩ, người mang đến những bản nhạc bất tận, như Duke Ellington, Josephine Baker, W.C. Handy, Eubie Blake.

Trong những tượng đài xuất chúng ấy, thật khó cho bất kỳ một nghệ sĩ nào có thể nổi bật hơn hẳn, nhưng nếu như có một ai làm được điều đó, có lẽ sẽ là nhà thơ, nhà văn Langston Hughes, bởi chính thông điệp toát lên từ những từ ngữ thật giản đơn làm nổi bật ông giữa mọi người:

Điều gì xảy ra với giấc mơ bị trì hoãn?

Nó có bị khô héo như quả nho dưới ánh mặt trời?...

Hay là sẽ bùng lên?

Có rất nhiều khu lưu niệm về Hughes trên khắp đất nước, nhưng chắc chắn một trong những khu lưu niệm lớn nhất và sinh động nhất, và có lẽ là nơi mà hẳn ông sẽ tự hào nhất, là một tòa nhà cổ bốn tầng, xây bằng gạch đỏ ở Harlem, nằm gần Lennox Terrace trên phố 135.

Giống như tất cả các trường học trong phố, trường trung học Langston Hughes có những vấn đề riêng của mình. Ngôi trường vẫn luôn quá tải và không được đầu tư, lại phải đấu tranh trong vô vọng để có và giữ lại những giáo viên tốt - và để giữ các học viên trong lớp nữa. Tỷ lệ tốt nghiệp thấp, bạo lực trong các giảng đường, ma túy, các băng đảng, học sinh trốn học và có thai sớm. Tuy vậy, ngôi trường vẫn sản sinh ra những lứa học sinh, mà họ đã trở thành những luật sư, những doanh nhân thành đạt, bác sĩ, nhà khoa học, nhà văn, vũ công và nhạc sĩ, chính trị gia, giáo sư. Trong đó cũng có những đội tuyển giành chiến thắng trong các cuộc thi, hàng tá những hội sinh viên và các câu lạc bộ nghệ thuật.

Nhưng đối với Geneva Settle, trường trung học Langston Hughes còn hơn cả những thống kê này. Đó là trung tâm cho sự cứu rỗi, một hòn đảo bình yên thoải mái. Như lúc này, khi cô bé nhìn thấy những bức tường gạch bẳn thỉu hiện ra, nỗi sợ hãi và lo lắng ập tới, vây quanh bởi sự việc khủng khiếp ở bảo tàng buổi sáng đã tiêu tan một cách đáng kể.

Thanh tra Bell đỗ xe và sau khi nhìn xung quanh dò xét các mối đe dọa, họ bước ra ngoài. Anh gật đầu về phía một góc phố và nói với viên sĩ quan trẻ, Pulaski: “Cậu đợi ở ngoài này”.

“Vâng, thưa ngài.”

Geneva thêm vào với viên thanh tra: “Chú cũng có thể đợi ở đây, nếu chú muốn”.

Anh cười khúc khích. “Chú chỉ đi loanh quanh với cháu một lúc thôi, cháu đừng quan tâm. Được rồi, chú có thể thấy cháu không thích điều đó. Nhưng dù thế nào đi nữa, chú nghĩ rằng mình vẫn sẽ đi theo.” Anh cài khuy chiếc áo khoác lại để che những khẩu súng. “Sẽ không ai để tâm đến chú đâu.” Anh giơ quyển sách nghiên cứu xã hội lên.

Không trả lời, Geneva nhăn mặt và họ tiến về phía ngôi trường, ở chỗ máy dò kim loại an ninh, cô bé giơ ID của mình ra và thanh tra Bell khéo léo giơ ví của mình lên và được đưa đi vòng sang bên cạnh của thiết bị. Mới chỉ là trước tiết thứ tư, bắt đầu lúc 11 giờ 37 phút, các giảng đường đã đông nghẹt, những đứa nhóc chạy vòng quanh thành từng đám, hướng về phía căng tin hoặc đi ra sân trường hay lên phố để tìm cửa hàng thức ăn nhanh. Chúng chơi đùa, chửi nhau, tán tỉnh, hôn nhau. Một hay hai vụ cãi cọ, đánh nhau. Sự lộn xộn đang thống trị nơi này.

“Bây giờ đang là giờ ăn trưa của cháu”, cô bé nói lớn trong cái không gian ầm ĩ ấy. “Cháu sẽ xuống căng tin và học. Lối này.”

Ba người bạn của cô bé đến rất nhanh, Ramona, Challette, Janet. Họ nhảy vào bậc thang bên cạnh cô bé. Đó là những cô gái thông minh, láu lỉnh như Geneva vậy. Vui vẻ, không hề gây ra bất kỳ rắc rối nào, trên con đường học tập. Nhưng - hoặc có thể vì điều này – chúng không thật sự đặc biệt khăng khít; không ai trong số chúng có vẻ như muốn lượn lờ bên ngoài cùng nhau. Họ sẽ về nhà sau giờ học, luyện tập vĩ cầm hay dương cầm do Suzuki biên soạn, làm tình nguyện viên cho các nhóm yêu thích văn học hoặc là làm việc với cuộc thi đánh vần “The Spelling Bee”[3]hay là cuộc thi đấu khoa học Westinghouse, và, tất nhiên, cả học bài. Việc cắm đầu vào học tập thường khiến người ta cô độc. (Thực ra, Geneva cũng có chút ghen tị với các nữ sinh khác ở trường, những đứa có phong cách nổi loạn, những đứa trong nhóm blingstas[4], những đứa ưa thể thao và hội chị em ủng hộ Angela Davis[5]). Nhưng giờ đây thì cả ba cô bạn này đang lượn lòng vòng quanh cô như những “đồng đội” thân thiết nhất, hỏi dồn dập những câu hỏi. Hắn đã chạm vào cậu chưa? Cậu nhìn thấy của quý của hắn chưa? Hắn có thô bạo hay không? Cậu có nhìn thấy cái ông bị bắn không? Cậu đứng gần tới mức nào?

[3] Spelling bee là một cuộc thi trong đó các thí sinh, thông thường là thiếu niên, được yêu cầu đánh vần đúng các từ tiếng Anh đưa ra.

[4] Blingstas: những người thích đeo đồ trang sức lỉnh kỉnh, khuyên, vòng, nhẫn đầy người.

[5] Một nhà vận động chính trị, một học giả, một tác giả người Mỹ.

Tẩt cả họ đã nghe nói - từ những đứa nhóc đến muộn, hoặc những đứa cúp học và đã xem ti vi. Mặc dù những câu chuyện không nhắc đến tên của Geneva, nhưng mọi người đều đã biết cô là trung tâm của sự việc, hẳn là phải cảm ơn Keesh rồi.

Marella - một ngôi sao điền kinh cùng khóa - vừa bước tới vừa nói: “Có chuyện gì vậy các nàng? Cậu ổn chứ?”.

“Ừ, tớ ổn.”

Người bạn cùng lớp cao ráo ngước về thanh tra Bell và hỏi cô bé. “Tại sao một cảnh sát lại cầm sách của cậu vậy Geneva?”

“Hỏi chú ấy.”

Viên cảnh sát cười ngượng nghịu.

Giả vờ như chú là một giáo viên. Này, thế hay đấy...

Keesha Scott, đang tụ tập với nhóm chị em của mình và một vài người bạn trong nhóm blingstas, bỗng nhiên tỏ vẻ quan tâm tới Geneva với điệu bộ khác hẳn mọi khi. “Nhóc, đồ quỷ”, cô la lớn. “Một ai đó đã cho cậu qua, cậu qua rồi đấy. Nghỉ ngơi và nằm nhà mà xem ti vi, hưởng thụ đi.” Cô cười toe toét và hất hàm về phía nhà ăn. “Gặp sau nhé.”

Một vài học viên không thực sự tốt bụng như vậy. Nửa đường tới nhà ăn, cô nghe thấy tiếng một cậu bạn: “Ồ, đây là con điếm của hãng thông tấn Fox News, với một tên cracker[6] đó hả. Nó vẫn còn sống sao?”.

[6] Craker: Chỉ những kẻ da trắng cầm roi da giám sát những nô lệ da đen làm việc, ở đây là ám chỉ thanh tra Bell.

“Cứ tưởng có kẻ nào đã đập chết con điếm này rồi chứ.”

“Mẹ kiếp, cái con quỷ này quá gầy để có thể dùng thứ gì đó để đập, ngoại trừ một cú đánh.”

Những tiếng cười khoái chí nổ ra.

Thanh tra Bell lao nhanh ra nhưng mấy cậu choai choai phát ra những lời ấy đã biến mất vào biển người trong những chiếc áo thể thao và áo len, những chiếc quần hộp và quần rằn ri, đầu trần -thể loại mũ bị cấm sử dụng trong các giảng đường ở Langston Hughes.

“Không sao mà”, Geneva nói, hàm nghiến chặt, cúi gằm xuống. “Một vài người không thích những người quá nghiêm túc với việc học hành. Làm gia tăng khoảng cách, tỷ lệ giữa học sinh giỏi và dốt”. Cô đã từng là sinh viên của tháng rất nhiều lần và có phần thưởng vì sự tham gia tuyệt đối trong tất cả các lớp học trong hai năm học đầu tiên ở đây. Cô thường xuyên có mặt trong danh sách sinh viên danh dự của hiệu trưởng, với điểm trung bình 98%, và đã được cử đi tham dự lễ vinh danh sinh viên xuất sắc Hiệp hội danh dự quốc gia tại một buổi lễ trang trọng mùa xuân vừa qua. “Chẳng làm sao cả.”

Ngay cả với những lời xúc phạm hằn học như “blondie” hay là “debbie”- ám chỉ ao ước của một người da đen muốn trở thành da trắng - không bao giờ chạm được đến cô. Bởi trên một vài phương diện nào đó, thì nó đúng.

Ở cửa phòng ăn, một người phụ nữ da đen to lớn, xinh đẹp và hấp dẫn trong bộ váy màu tím, với một tấm thẻ Ban giám hiệu quấn quanh cổ mình, bước tới phía Bell. Cô tự giới thiệu mình là Barton, một giáo viên cố vấn. Cô đã nghe nói về sự việc xảy ra và muốn biết Geneva có ổn hay không và cô bé có muốn nói chuyện với một ai đó trong văn phòng về chuyện này không.

Ôi trời, một giáo viên cố vấn, Geneva nghĩ, tâm trạng của cô bỗng tụt xuống. Không cần cái sự rắc rối này. “Không sao”, cô nói: “em ổn”.

“Em chắc chứ? Chúng ta có thể có một buổi gặp chiều nay.”

“Thật mà. Em ổn.”

“Tôi nên gọi cho bố mẹ em.”

“Họ không ở đây.”

“Em không ở một mình chứ?”, người phụ nữ cau mày.

“Em đang ở với bác của mình.”

“Và chúng tôi đang bảo vệ cô bé”, viên thanh tra lên tiếng. Geneva để ý thấy người phụ nữ thậm chí còn không hỏi xem ID của chú ấy, thật rõ ràng việc chú ấy là một cảnh sát.

“Khi nào thì họ sẽ về? Bố mẹ của em.”

“Họ đang trở về. Họ đang ở nước ngoài.”

“Em thực sự không cần phải đến lớp ngày hôm nay.”

“Em có hai bài kiểm tra. Và em không muốn lỡ b này.”

Người phụ nữ cười nhạt và nói với thanh tra Bell: “Tôi chưa bao giờ quá nghiêm túc với việc đến lớp như thế này. Đáng ra là đã cần phải thế”. Rồi nhìn về phía cô bé. “Em có chắc là mình không muốn về nhà chứ?”

“Em đã mất bao nhiêu công học hành để chuẩn bị cho hai bài kiểm tra này.” Cô lầm bầm. “Em thực sự muốn làm chúng.”

“Được rồi. Nhưng sau đó, tôi cho rằng em nên về nhà và nghỉ một vài ngày. Chúng ta sẽ lấy bài tập cho em.” Cô Barton nhanh chóng đi tới thật nhanh để ngăn cuộc ẩu đả giữa hai cậu nhóc.

Khi cô đã đi khỏi, viên thanh tra hỏi: “Cháu có vấn đề với cô ấy à?”.

“Chỉ là, những cố vấn... Họ luôn luôn nhúng mũi vào công việc của chúng ta, chú hiểu chứ?”

Nhìn anh có vẻ như là thế, không, anh không hiểu, nhưng tại sao anh cần phải hiểu? Đây không phải thế giới của anh.

Họ bắt đầu tiến về phía căng tin. Khi họ đặt chân vào cái nơi ầm ĩ này, cô bé hất đầu về một góc rẽ dẫn tới khu nhà vệ sinh nữ. “Cháu vào đó có ổn không?”

“Chắc chắn rồi. Nhưng gượm đã.”

Anh tiến về phía một nữ giáo viên và thì thầm gì đó với cô ấy, giải thích tình huống, Geneva cho là vậy.

Người phụ nữ gật đầu rồi bước vào nhà vệ sinh. Lát sau bước ra. “Không có gì cả.”

Thanh tra Bell chặn bên ngoài cánh cửa. “Tôi sẽ bảo đảm rằng chỉ có học sinh mới được vào.”

Geneva bước vào trong, biết ơn cái khoảnh khắc bình yên này, thoát khỏi những cặp mắt chằm chằm nhìn vào mình. Thoát khỏi nỗi lo sợ bởi biết được rằng có một ai đó đang muốn làm hại mình. Trước đó, cô đã rất giận dữ. Trước đó cô đã rất bướng bỉnh. Nhưng giờ đây, sự thật đang bắt đầu lượn qua lượn lại trong lòng và bỏ mặc cô sợ hãi và bối rối.

Cô bước ra ngoài căn buồng vệ sinh rồi rửa tay và mặt. Một cô gái khác đã đi vào và đang trang điểm. Một học sinh năm cuối, cô chắc chắn là vậy. Cao, ưa nhìn, với đôi lông mày được vẽ, tỉa và mái tóc bằng duỗi thẳng hoàn hảo. Cô gái nhìn cô từ đầu xuống chân - mặc dù không phải bởi vì câu chuyện sáng nay. Cô ta đang nhìn và đánh giá những gì Geneva mặc. Ta có thể thấy chuyện này ở đây mỗi lần, từng phút trong một ngày, nhìn và đánh giá lẫn nhau: cô ta đang mặc cái gì, có bao nhiêu khuyên xỏ, là vàng thật hay chỉ là mạ, quá lấp lánh, những bím tóc còn đẹp hay là đã lỏng ra rồi, cô ta đeo một chuỗi khuyên tai hay là chỉ một hoặc hai cái đơn giản mà thôi, những lọn tóc kẹp kia là tóc giả hay là tóc thật? Liệu có phải cô ta đang che giấu cái bụng bầu không nhỉ?

Geneva, sử dụng tất cả các khoản tiền của mình vào sách vở, không phải cho mỹ phẩm hay quần áo, luôn luôn đứng thấp trong bảng xếp hạng đánh giá này.

Không phải lúc nào thứ mà Chúa đã tạo ra cũng có ích. Cô đã phải hít một hơi thật sâu để làm căng cái áo lót, mà bình thường thì cô vẫn chẳng quan tâm tới việc mặc nó vào. Cô là “con quỷ cái ngực lép” trong mắt những cô gái của Dự án Delano, và từng bị gọi là “thằng” hay “cu” hàng chục lần trong năm ngoái. (Điều đau khổ nhất là khi một ai đó thực sự nhầm lẫn cô là một cậu bé, chứ không phải là khi họ giễu cợt.) Rồi sau đó là tóc của cô: Dày và xoăn tít như những sợi len làm bằng sắt. Cô không có thời gian để làm những lọn tóc xoăn hay tết thành hàng. Các bím tóc hay các phụ kiện rất mất thời gian và mặc dù Keesh có thể làm miễn phí cho cô, chúng thực sự làm cho cô nhìn trẻ hơn, giống như cô là một đứa bé được mẹ diện cho quần áo.

Bên này, nó chạy bên này, cái con bé nhìn như con trai... đập nó xuống.

Cô gái năm cuối đứng cạnh cô ở chỗ những cái bồn rửa mặt quay lại về phía chiếc gương. Cô ta khá xinh và to lớn, quai áo lót sexy của cô ta và cái đai quần lót hở lộ liễu, tóc duỗi thẳng suôn dài, đôi má bóng mượt có màu hồng nhạt. Đôi giày đỏ như kẹo táo. Cô ta có tất cả những thứ mà Geneva không hề có.

Lúc đó, cánh cửa mở ra và tim Geneva đông cứng lại.

Jonette Monroe, một học sinh năm cuối khác bước vào. Không cao hơn Geneva lắm, mặc dù to lớn hơn, ngực to hơn, với đôi vai rắn chắc và những cơ bắp rõ ràng cuồn cuộn. Những hình xăm trên cả hai cánh tay. Một khuôn mặt dài, đen như cà phê mocha. Và đôi mắt lạnh như đá - nheo lại khi nhận ra Geneva, và cô bé ngay lập tức liếc nhìn sang chỗ khác.

Jonette là một rắc rối. Một cô gái du côn. Những lời đồn đại là cô ta đang buôn bán ma túy - có thể cho bạn bất cứ thứ gì bạn muốn, meth[7], crack[8], smack[9]. Và nếu như bạn tìm đến cô ta mà không có tiền, cô ta có thể hạ gục bạn bằng sức của mình - hoặc là cả bạn thân của bạn hay thậm chí mẹ bạn nữa - cho đến khi bạn trả được món nợ. Đã hai lần trong năm nay, cô ta đã bị cảnh sát lôi đi, thậm chí còn đá vào “bi” của một viên

[7] Meth: một loại ma túy tổng hợp, gọi là “đá”.

[8] Crack: một loại côcain có thể hít được.

[9] Smack: heroin.

Geneva lúc này cúi gằm mặt xuống dưới, và nghĩ: Thanh tra Bell không thể biết được Jonette nguy hiểm tới mức nào khi để cho cô ta đi vào đây. Đôi tay và mặt vẫn còn ướt, Geneva bắt đầu bước về phía cửa.

“Này, này, con kia”, Jonette nói với cô, nhìn cô từ trên xuống dưới với ánh mắt lạnh lùng. “À, đúng mày, Martha stewart[10]. Mày có đi đâu không thế.”

[10] Martha Stewart: một doanh nhân tiêu biểu của Mỹ, thành công rồi bỗng nhiên phạm tội và gây dựng lại tất cả sau khi ra tù.

“Em...”

“Im mồm.” Cô ta liếc về phía cô gái có gò má hồng nhạt. “Còn mày, cút ra ngoài.”

Cô ta nặng hơn Jonette đến gần hai lăm kilogram và cao hơn đến tám centimet nhưng vẫn dừng cái việc tô trát lại và chậm rãi thu nhặt những mỹ phẩm. Cô ta cố gắng giữ lại chút vẻ khinh khinh, nói: “Đừng có tỏ thái độ với tôi”.

Jonette không nói gì hết. Cô ta bước tới một bước; cô gái chộp lấy chiếc túi của mình và lướt sang qua cửa.

Chiếc bút kẻ môi rơi xuống sàn. Jonette nhặt nó lên và quẳng cái tuýp vào trong túi mình. Geneva tiếp tục tìm cách chuồn một lần nữa nhưng Jonette đã túm cô lại và lôi tới phía trong của nhà vệ sinh. Khi Geneva đứng đó, căng cứng lên, Jonette chộp lấy cánh tay cô và đẩy mạnh những cánh cửa buồng khác để chắc chắn là không có ai khác.

“Chị muốn gì?”, Geneva thì thào, nửa kháng cự, nửa sợ hãi.

Jonette ngắt lời: “Ngậm mồm lại”.

chết, cô nghĩ, đầy tức giận. Thanh tra Rhyme đã đúng! Cái gã khốn nạn ở thư viện vẫn đang săn đuổi cô. Hắn bằng một cách nào đó đã tìm ra trường của cô và thuê Jonette làm nốt phần việc còn lại. Thế quái nào cô lại muốn đến trường hôm nay chứ? Hét lên, Geneva nói với chính mình.

Và cô làm.

Hoặc đang định làm.

Jonette có thể thấy cô bé định làm điều đó và chợp mắt đã vòng ra sau Geneva, chụm miệng cô bé, ngăn tiếng thét lại. “Im lặng!” Bàn tay còn lại của cô ta thì ghì vòng quanh eo cô bé và lôi cô tới góc xa hơn của căn phòng. Geneva chộp lấy bàn tay và cánh tay của cô ta rồi giật thật mạnh, nhưng cô không phải là đối thủ của Jonette. Cô bé nhìn chằm chằm vào hình xăm chữ thập rỉ máu trên cẳng tay ả và thút thít: “Xin chị đấy...”.

Jonette lục kiếm cái gì đó trong túi và trong cặp của mình. Cái gì? Geneva tự hỏi trong nỗi kinh hãi. Có ánh lóe sáng của kim loại. Một con dao hay khẩu súng? Họ có cái máy dò kim loại để làm gì khi mà có thể dễ dàng mang vũ khí vào trong trường học như thế này chứ?”

Geneva kêu lên the thé, vùng vẫy lăn lộn một cách mạnh mẽ.

Rồi bàn tay của cô gái du côn vung ra phía trước.

Không, không...

Và rồi Geneva phát hiện ra mình đang nhìn vào một cái huy hiệu sở cảnh sát bằng bạc.

“Cô sẽ im lặng chứ?”, Jonette hỏi, giọng bực tức.

“Em...”

“Im lặng?”

Gật đầu.

Jonette nói: “Tôi không muốn bất cứ ai ở bên ngoài nghe thấy một âm thanh gì... Được chứ?”.

Geneva gật đầu một lần nữa và Jonette thả cô ra.

“Chị là...”

“Cớm... ừ.”

Geneva quờ quạng lung tung và áp lưng dựa vào tường, thở thật sâu, khi Jonette đi tới cánh cửa, mở he hé ra một chút. Cô thì thầm điều gì đó và thanh tra Bell bước vào trong, khóa cánh cửa lại.

“Vậy, hai người đã gặp nhau rồi?” anh nói.

“Kiểu như thế”, Geneva nói. “Chị ấy là cớm thật à?”

Viên thanh tra giải thích: “Tất cả các trường học đều có cảnh sát chìm. Họ thường là phụ nữ, đóng vai một sinh viên năm thứ ba hoặc năm thứ tư. Hay cháu đã nói gì nhỉ? ’Giả vờ’”.

“Tại sao chú không nói cho cháu biết.” Geneva thốt lên.

Jonette liếc về phía những buồng vệ sinh. “Tôi không biết là không có ai khác ngoài chúng ta. Xin lỗi vì đã thô lỗ. Nhưng tôi không thể nói bất cứ điều gì có thể thổi bay vỏ bọc của mình.” Nữ cảnh sát nhìn Geneva, lắc đầu. “Đáng xấu hổ là điều này lại xảy ra với em. Em là một trong những sinh viên tốt. Tôi chưa bao giờ phải e ngại gì về em cả.”

“Một tay cớm chìm”, Geneva thầm thì nghi ngờ.

Jonette cười bằng một giọng cao, đầy nữ tính. “Tôi là một người đàn ông. Đúng thế.”

“Chị thật tuyệt”, Geneva nói. “Em không thể nào đoán được.”

Bell nói: “Cháu có nhớ vụ những sinh viên năm cuối mang lậu súng vào trường bị bắt một vài tuần trước không?”.

Geneva gật đầu. “Có cả một quả bom ống nữa[11] hay một cái gì đại loại như thế.”

[11] Bom ống: một thiết bị nổ tự tạo, bằng các ống bên trong nhồi chất nổ.

“Nơi đây đã có thể sẽ giống như vụ thảm sát ở

trường trung học Columbine[12]”, người đàn ông nói với giọng chậm rãi: “Jonette chính là người đã nghe thông tin về việc đó và ngăn chặn tất cả mọi việc”.

[12] Vụ thảm sát trường Trung học Columbine xảy ra ngày 20/04/1999 ở quận Jefferson, tiểu bang Colorado; thủ phạm là hai học sinh, giết 1 giáo viên, 12 học sinh, và làm bị thương 24 người khác và sau đó tự sát.

“Tôi cần phải giữ lại vỏ bọc của mình, bởi vậy tôi đã không thể tự mình tóm cổ chúng.” Cô nói như thể hối tiếc vì đã không có khả năng tự tay làm điều đó. “Bây giờ, miễn là em còn ở trong trường, mà tôi cho là không được hay cho lắm, nhưng đó là một câu chuyện khác, chừng nào em còn ở trong trường, tôi sẽ để mắt đến em. Nếu thấy bất cứ điều gì khiến em cảm thấy không thoải mái, hãy ra hiệu cho tôi biết.”

“Ra ký hiệu kiểu băng đảng?”

Jonette cười. “Em có thể đóng vai một thành viên trong bất cứ băng đảng nào, Gen, không có gì quá riêng biệt. Em đi và vẫy tay về phía tôi, thì bất cứ ai cũng sẽ biết là có gì đó sắp xảy ra. Tốt hơn hết là em chỉ cần gãi tai mình. Như thế này thì sao?”

“Chắc chắn rồi.”

“Rồi sau đó tôi sẽ tiến đến và gây lộn với em một chút. Làm em phải bối rối. Lôi em ra khỏi cái chỗ mà em đang đứng. Như thế em thoải mái chứ? Tôi sẽ không làm em đau đâu. Có thể chỉ xô đẩy em lòng vòng một chút thôi.”

“Được rồi, hay lắm... Nghe này, em cảm ơn vì tất cả những điều đó. Và em sẽ không hé nửa lời về chị.”

“Tôi biết như vậy trước khi cho em biết mọi việc.” Jonette nói. Rồi cô nhìn về phía viên cảnh sát. “Anh muốn làm luôn bây giờ không?”

“Hẳn rồi.”

Nói rồi viên cảnh sát hòa nhã vui vẻ với giọng nói xuồng xã, nhìn với ánh mắt hằm hằm và hét lên: “Mày đang làm cái quái gì ở đây vậy?”.

Rồi một tiếng thét: “Bỏ bàn tay bẳn thỉu ra khỏi người tôi, đồ khốn kiếp”. Jonette đã lại hóa thân vào vai diễn của mình.

Viên thanh tra tóm lấy cánh tay cô ấy và đẩy ra khỏi cánh cửa. Cô ấy trượt chân lao vào bức tường.

“Đồ khốn! Mẹ kiếp, tao sẽ kiện mày vì tội lạm dụng.” Cô gái phủi cánh tay mình. “Mày không được chạm vào tao. Như thế là phạm pháp, đồ chó chết!” Nói rồi cô cuốn đi nhanh như một cơn lốc xuống giảng đường. Một lát sau thanh tra Bell và Geneva bước vào căng tin một cách đường hoàng.

“Quả là một diễn viên tài ba”, Geneva thầm thì.

“Một trong những người giỏi nhất.” Viên cảnh sát nói.

“Cô ấy là người thuộc dạng sẽ thổi bay vỏ bọc của ta ra.”

Anh trả cuốn sách nghiên cứu xã hội, cười toe toét. “Không thực sự có tác dụng lắm.”

Geneva ngồi xuống một cái bàn trong góc và lôi quyển sách nghệ thuật ngôn ngữ ra khỏi ba lô.

Thanh tra Bell hỏi: “Cháu không ăn à?”.

“Không.”

“Bác của cháu đã cho cháu tiền ăn trưa chưa vậy?”

“Cháu thực sự không thấy đói lắm.”

“Bác cháu quên mất rồi phải không? Với tất cả tôn trọng, ta dám chắc ông ấy chưa từng làm một người cha. Ta có thể nói điều đó. Ta sẽ chuẩn bị cho cháu một ít vậy.”

“Không, thực sự...”

“Sự thực là ta đói hơn cả một người nông dân lúc mặt trời lặn. Và đã hằng năm rồi ta chưa được ăn một đĩa tetrazzini[13] gà tây trong trường trung học. Ta định đi lấy một ít món đó. Và sẽ chẳng vấn đề gì khi muốn lấy một đĩa thứ hai. Cháu thích sữa chứ?”

[13] Món ăn được chế biến bằng mì sợi, nấm, quả hạnh và nước xốt kem với pho mát Pác ma.

Cô bé cãi. “Chắc chắn rồi. Cháu sẽ gửi trả lại cho chú.”

“Chúng ta sẽ để việc đó sau.”

Anh bước vào hàng. Geneva vừa mới quay lại với quyển vở thì thấy một anh chàng nhìn về phía mình và vẫy vẫy tay. Cô quay lại nhìn phía sau xem cậu ta đang ra hiệu với ai. Chẳng có ai cả. Cô khẽ há hốc miệng, nhận ra rằng cậu ta đang ám chỉ mình.

Kevin Cheany đứng dậy khỏi cái bàn mà cậu và lũ bạn ngồi rồi bắt đầu nhảy tung tăng về phía cô. Ôi Chúa ơi! Liệu có đúng là cậu ta đang đi về phía này không?... Kevin trông giống hệt Will Smith. Hình dáng, cặp môi hoàn hảo. Cậu ta, người có thể lướt nhẹ trong sân bóng rổ, có thể di chuyển như một vũ công breakdance trong một trận đấu của giải B-Boy. Kevin là một viên than [14] nổi tiếng tại mọi giải đấu.

[14] Nguyên văn: coal institution. Ám chỉ cậu bé da đen này nổi tiếng ở mọi giải đấu breakdance.

Đang đứng trong hàng, thanh tra Bell gồng lên và bắt đầu bước tới trước nhưng Geneva lắc đầu ra hiệu mọi việc vẫn ổn.

Đúng là vẫn ổn. Thậm chí còn hơn cả thế. Hoàn toàn tuyệt ý chứ. Kevin đã được sắp xếp đến Connecticut hoặc Duke để học theo diện học bổng. Có thể là một vận động viên - cậu ấy đã từng là đội trưởng của đội đã giành giải vô địch cuộc thi bóng rổ PSAL năm ngoái. Nhưng cậu ấy cũng làm được điều đó cả với những điểm số học tập. Có thể cậu ấy không có chung tình yêu dành cho sách vở và trường lớp như Geneva, nhưng cậu ấy vẫn luôn trong top 5% của cả lớp. Họ biết nhau một cách rất ngẫu nhiên - cùng lớp toán học kỳ này và cũng tình cờ gặp nhau trong sành hay ở sân trường lần này sang lần khác - một sự trùng hợp, Geneva tự nói với mình. Nhưng, được rồi, sự thật là cô luôn bị hút về phía cậu ấy đang đứng hay ngồi.

Hầu hết những đứa nhóc lờ đi hoặc khinh thường cô; dù vậy, Kevin luôn nói “chào” hết lần này đến lần khác. Cậu ấy có thể hỏi cô một câu hỏi về bài tập toán hay sử, hoặc chỉ dừng lại và tán gẫu một vài phút.

Tất nhiên, cậu ta không hề rủ cô đi chơi - điều đó chưa bao giờ xảy ra - nhưng cậu ấy đối xử với cô như với một con người.

Cậu ấy thậm chí còn đi bộ về nhà cùng cô từ Langston Hughes vào một ngày mùa xuân năm ngoái.

Một ngày đẹp trời, cô vẫn còn nhớ rõ như thể mình có chiếc đĩa DVD ghi lại ngày hôm ấy.

Ngày 21 tháng 4.

Thường thì Kevin sẽ lang thang với một vài cô người mẫu mảnh mai đang cố đánh bóng tên tuổi - hoặc với những cô gái ngổ ngáo - những cô gái blingstas. (Cậu ấy thậm chí còn tán tỉnh Lakeesha vài lần, và điều đó làm Geneva cực kỳ tức giận, trong khi phải chịu đựng cơn ghen tức với một nụ cười rắn rỏi vô tư lự.)

Vậy cậu ấy định làm gì lúc này?

“Ồ, nhóc, cậu ổn chứ?” Cậu ta hỏi, cau mày và nhảy vào chiếc ghế mạ chrom cũ kỹ méo mó bên cạnh cô, trải đôi chân dài thượt ra.

“Ừ.” Cô nuốt ực một cái, lưỡi như bị xoắn lại. Tâm trí hoàn toàn trống rỗng.

Cậu ta nói: “Tớ đã nghe về chuyện xảy ra. Quả thật, đó là một chuyện kỳ lạ, ai đó lại cố đánh và bóp nghẹt cậu chứ. Tớ đã rất lo lắng”.

“Thật

“Thật.”

“Chỉ là kỳ lạ mà thôi.”

“Miễn là cậu ổn, thế là tốt rồi.”

Cô cảm thấy mặt mình nóng ran lên. Kevin thực sự đang nói điều này với cô sao?

“Tại sao cậu không về nhà?”, cậu ta hỏi. “Cậu đang làm gì ở đây vậy?”

“Bài kiểm tra nghệ thuật ngôn ngữ. Rồi bài kiểm tra toán của chúng ta nữa.”

Cậu ta cười. “Chết tiệt. Cậu vẫn đến trường học tiếp, sau tất cả những chuyện như vậy sao?”

“Ừ. Không thể bỏ những bài kiểm tra đó được.”

“Và cậu giỏi toán hả?”

Đó chỉ đơn giản là cộng cộng trừ trừ. Không có gì lớn lắm. “Ừ, tớ đã học hết rồi. Không có gì quá khó.”

“Nói thẳng. Dù gì thì. Tớ chỉ muốn nói rằng, đầy người quanh đây chẳng ưa gì cậu, tớ biết điều đó. Và cậu chỉ im lặng. Nhưng họ sẽ không đi và đến đây ngày hôm nay, như cách cậu làm. Cậu có sức mạnh thật phi thường, nhóc.”

Ngừng thở bởi những lời khen ngợi, Geneva chỉ cúi nhìn xuống và nhún vai.

“Giờ, tớ thực sự nhận ra cậu như thế nào, cậu và tớ, nhóc à, chúng mình nên đi chơi với nhau nhiều hơn. Nhưng cậu chẳng bao giờ có thời gian đi chơi cả.”

“Chỉ là, cậu biết đấy, trường lớp và những việc vớ vẩn.” Cẩn thận, cô tự cảnh báo mình. Mày không cần phải nói theo cách của cậu ta.

Kevin đùa: “Nhóc, không phải là như thế. Tớ biết đâu là sự thật. Cậu bán ma túy ở BK chứ gì”.

“Tớ…” gần như là chữ “không”. Cô không cho phép nó bật ra. Geneva cười một cách tự tin, cúi xuống nhìn cái sàn nhà mòn vẹt. “Tớ không bán ở Brooklyn. Chỉ ở Queens mà thôi, ở đó họ có nhiều tiền hơn.” Xấu hổ, xấu hổ, xấu hổ quá. Ôi, mày thật là đáng thương. Lòng bàn tay cô nhễ nhại mồ hôi.

Nhưng Kevin cười lớn. Rồi lắc lắc đầu. “Giờ thì tớ biết tại sao tớ lại lẫn lộn rồi. Đáng lẽ phải là mẹ cậu buôn ma túy ở Brooklyn mới đúng.”

Nghe có vẻ như một lời xúc phạm, nhưng nó thực ra lại là một lời mời. Kevin đang rủ cô chơi trò đối đáp[15]. Đó là cách mà những người già vẫn gọi. Giờ thì ta gọi đó là “snapping”, đối đáp nhau bằng những lời xúc phạm. Một phần trong truyền thống lâu đời các cuộc thi đấu thơ ca và kể chuyện của người da đen, snapping là một cuộc tấu hài, một cuộc chiến bằng lời nói, ném về phía nhau những lời nhạo báng, chế nhạo. Những snapper có thể biểu diễn trên sân khấu, mặc dù hầu hết các cuộc đấu khẩu diễn ra trong phòng khách, sân trường, các quầy pizza, quán bar, các hộp đêm hay trên các bậc thềm và thường là về những chuyện buồn như kiểu mà Kevin mới nói trong loạt tấn công trước của mình, kiểu như “mẹ mày thật ngốc, đi hỏi hóa đơn ở cửa hàng giá một đô”; “Chị gái mày thật xấu xỉ, chẳng có ai thèm làm tình với cô ta nếu cô ta là một viên gạch”.

[15] Nguyên văn: play the dozens.

Nhưng ngày hôm nay, ở đây, vấn đề chẳng có gì liên quan đến việc cần phải hài hước, dí dỏm, thông minh. Bởi vì chơi trò đối đáp truyền thống là giữa những chàng trai hoặc giữa những cô gái với nhau. Khi một cậu trai gạ một cô gái chơi trò này, nó chỉ có duy nhất một ý nghĩa: tán tỉnh.

Geneva suy nghĩ, điều này kỳ cục tới mức nào? Nó khiến cô cảm thấy việc bị tấn công làm cho mọi người tôn trọng mình. Cha cô thường nói rằng điều tốt nhất có thể đến từ điều tồi tệ nhất.

Chà, tiến lên, nhóc; đáp trả đi. Cái trò này ngốc nghếch và trẻ con một cách lố bịch, nhưng cô biết đáp trả thế nào; cô cùng với Keesh và chị gái của Keesh có thể đối đáp nhau cả tiếng đồng hồ liên tục. Mẹ mày thật béo đến mức nhóm máu là RAGU. Con xe Chevy của mày cũ rách tới mức bọn trộm lẩy đi chiếc CLUB và vứt con xe lại... Nhưng, trái tim cô đang đập một cách mạnh mẽ và dữ dội, Geneva giờ chỉ đơn giản cười trừ và toát mồ hôi trộm. Cô cố gắng một cách liều lĩnh để nghĩ ra cái gì đó để nói.

Nhưng đó chỉ là một mình Kevin Cheany mà thôi. Ngay cả nếu có thể kích thích lòng dũng cảm để phản pháo lại những lời châm chích về mẹ cậu ấy nhưng tâm trí cô hoàn toàn bị đóng băng.

Cô nhìn vào chiếc đồng hồ của mình, rồi lại liếc xuống cuốn sách nghệ thuật ngôn ngữ. Lạy Chúa, đồ chán chết, cô nổi giận với chính mình. Nói điều gì đi nào!

Nhưng chẳng có đến một âm tiết lọt ra khỏi miệng. Cô biết Kevin định nhìn cô theo cái cách mà cô biết rất rõ, kiểu tôi chẳng rảnh rỗi để nhìn cái kẻ nhạt nhẽo như cô, và bước đi. Nhưng, không, có vẻ như cậu ấy cho rằng cô chỉ đơn giản không có tâm trạng để chơi lắm, hẳn là do vẫn sợ hãi bởi sự việc lúc sáng, và như vậy sẽ không có vấn đề gì với cậu ta. Cậu ấy chỉ nói: “Mình nghiêm túc đấy, Gen, cậu còn hơn cả những cô gái suốt ngày bình luận về nhạc nhẽo, rồi tóc tai, và đồ trang sức vớ vẩn. Đó là gì, cậu thông minh. Thật tuyệt khi được nói chuyện với một ai đó thông minh. Những anh bạn của tớ”, cậu hất đầu về phía chiếc bàn mà nhóm của mình đang ngồi “họ không hoàn toàn là những nhà khoa học về tên lửa, cậu hiểu ý tớ nói chứ?”.

Một tia chớp lóe lên trong đầu. Tiến lên, nhóc. “Ừ”, cô nói: “Một vài người trong số họ thật là ngu ngốc, nếu để họ bộc lộ suy nghĩ của mình, họ sẽ chẳng có gì để nói cả”.

“Chuẩn, nhóc! Chính là thế.” Cười thật to, cậu giơ tay chạm nắm đấm của mình vào cô, và có một luồng điện chạy qua người cô gái. Cô cố gắng để không cười; sẽ không hay nếu như ta cười vào chính câu bỡn cợt của mình.

Rồi, trong suốt khoảnh khắc vui vẻ ấy, cô nghĩ xem cậu ta đúng bao nhiêu, và nó hiếm khi xảy ra tới mức nào, việc nói chuyện với ai đó thông minh dí dỏm, ai đó biết lắng nghe, ai đó quan tâm tới những gì bạn nói.

Kevin nhướn lông mày nhìn về phía thanh tra Bell, khi ông đang trả tiền thức ăn, và nói: “Tớ biết cái ông đang đóng giả giáo viên kia là cớm”.

Cô thì thầm: “Có vẻ như là ông ấy có chữ ‘cớm’ viết trên trán mình”.

“Chắc chắn rồi”, Kevin nói, cười lớn. “Tớ biết ông ấy đang bước về phía cậu và thế là ổn rồi. Nhưng tớ cũng muốn nói là tớ cũng sẽ để mắt đến cậu nữa. Và cả những người bạn của tớ. Nếu thấy bất cứ điều gì kỳ lạ, chúng tớ sẽ báo cho ông ấy biết.”

Cô thực sự đã xúc động vì câu nói đó.

Nhưng rồi rắc rối. Sẽ ra sao nếu Kevin hoặc một trong những người bạn của cậu ấy bị thương bởi cái gã nguy hiểm ở thư viện ấy? Cô vẫn còn cảm thấy đau xót với việc tiến sĩ Barry đã bị giết vì mình, cả người phụ nữ đứng trên vỉa hè bị thương nữa. Cô có một linh cảm khủng khiếp rằng: Kevin nằm trong một phòng của nhà tang lễ Williams, giống như rất nhiều cậu nhóc khác ở Harlem, bị bắn chết trên phố.

“Cậu không cần phải làm thế”, cô nói, không cười.

“Tớ biết mình không cần”, cậu nói. “Tớ muốn làm. Sẽ không có ai làm hại cậu hết. Tớ hứa. Được rồi. Tớ phải ra với mấy đây. Gặp cậu sau? Trước giờ vào lớp toán?”

Tim đập thình thịch, cô lắp bắp nói: “Chắc chắn rồi”.

Họ lại chạm nắm đấm vào nhau một lần nữa và cậu ấy bước đi. Nhìn Kevin rời đi, cô cảm thấy bồn chồn, bắt tay tạm biệt. Cô nghĩ, xin đừng để bất cứ điều gì xảy ra vói cậu ấy...

“Geneva?”

Cô ngước lên, chớp mắt.

Thanh tra Bell đang đặt khay đồ ăn xuống. Nó toát ra mùi thật tuyệt... Cô thậm chí còn đói hơn cả mình đã nghĩ nên nhìn chằm chằm vào chiếc đĩa đang bốc khói nghi ngút.

“Cháu biết cậu ấy à?”, viên cảnh sát hỏi.

“Vâng. Cậu ấy rất thú vị. Chúng cháu học cùng một lớp mà. Cháu biết cậu ấy mấy năm rồi.”

“À, ta không biết điều đó.”

“Nhưng chuyện ấy không liên quan gì tới những việc xảy ra ở bảo tàng chứ?”, anh hỏi với một nụ cười.

Cô quay sang hướng khác, cảm giác mặt mình nóng bừng lên.

“Giờ thì..viên thanh tra nói, đặt chiếc đĩa đang bốc khói xuống trước mặt cô: “Ăn đi. Không có gì bằng một đĩa tetrazzini gà tây để xoa dịu một tâm hồn đang có nhiều chuyện phải suy nghĩ. Cháu biết đấy, ta đáng ra chỉ cần hỏi họ về cách làm”.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 11


Những thứ này sẽ làm tốt thôi.

Thompson Boyd nhìn xuống những thứ hắn mua trong giỏ, rồi bắt đầu bước về phía quầy tính tiền. Hắn chỉ thích những cửa hàng bán đồ dụng cụ. Hắn tự hỏi tại sao lại như vậy. Có lẽ bởi vì cha của hắn thường đưa hắn tới cửa hàng đồ dùng gia đình Ace vào các thứ Bảy ở ngoài Amarillo để thu thập những gì một người đàn ông cần cho công xưởng của mình trong cái nhà kho bên ngoài chiếc xe moóc của gia đình.

Hoặc có thể là vì trong hầu hết các cửa hàng đồ gia dụng, như ở đây, tất cả dụng cụ đều sạch sẽ và ngăn nắp, các lọ sơn, keo dán và băng dính được sắp xếp một cách logic và dễ dàng tìm ra.

Tất cả đều được sắp xếp theo quyển sách.

Thompson thích cả mùi vị của chúng nữa, một kiểu mùi hăng hăng của các chất dung môi, dầu, phân bón, khó có thể diễn tả được, nhưng đó là cái mùi mà bất cứ ai từng ở trong một cửa hàng đồ gia dụng cũ kỹ có thể nhận ra ngay tức khắc.

Tên sát nhân khá khéo tay. Có lẽ đó là ưu điểm hắn thừa hưởng từ cha mình, người mặc dù dành cả ngày với các dụng cụ, làm việc với các ống dẫn dầu, giàn khoan và những chiếc máy bơm đầu khủng long nhấp nhô lên xuống, vẫn có thể bỏ ra nhiều thời gian kiên nhẫn chỉ bảo con trai mình cách để làm việc với - và tôn trọng - các dụng cụ; cách đo, cách vẽ những sơ đồ. Thompson sử dụng hàng tiếng đồng hồ để học cách sửa những thứ bị hỏng và biến gỗ, kim loại hay nhựa thành những thứ chưa từng tồn tại. Hắn và cha mình làm việc cùng nhau trên chiếc xe tải hay xe kéo, sửa hàng rào, làm ra những đồ nội thất, tạo ra những món quà cho mẹ và dì - một cái lăn bột hay hộp thuốc lá hoặc một cái bàn thớt. Cha hắn dạy: “Dù lớn hay nhỏ, con đều phải sử dụng những kỹ năng như nhau vào những gì con làm. Không việc nào tốt hơn hay nặng nề hơn những việc khác. Nó chỉ duy nhất là câu hỏi con đặt dấu thập phân ở đâu mà thôi.”

Cha của hắn quả là một người thầy giỏi và ông tự hào với những gì mà con trai mình làm. Khi Hart Boyd qua đời, ông đã mang theo bộ hộp đánh giày mà con trai làm ra, và một cái móc đeo chìa khóa bằng gỗ có hình một cái đầu tù trưởng người da đỏ với chiếc mũ trên đầu khắc chữ “Cha” bằng vết lửa cháy trên miếng gỗ.

Đó là phúc phận của hắn, và hóa ra Thompson học tất cả những kỹ năng này để đáp ứng đòi hỏi về một công việc của tử thần. Cơ khí và hóa chất. Chẳng có gì khác biệt với nghề mộc, sơn hay là sửa xe.

Vị trí con đặt dấu thập phân.

Đứng ở quầy tính tiền, hắn thanh toán - tất nhiên bằng tiền mặt - và cảm ơn người thu ngân. Hắn lấy túi đồ mua được bằng bàn tay đã đeo găng. Bắt đầu đi ra ngoài cửa, dừng lại một chút và nhìn vào một chiếc máy cắt cỏ nhỏ, màu xanh và vàng. Nó sạch sẽ, sáng bóng một cách hoàn hảo, một thiết bị xứng đáng là viên ngọc lục bảo. Nó kích thích sự tò mò trong hắn. Tại sao? Hắn tự hỏi. Ừm, từ khi hắn nghĩ về cha mình, chiếc máy đã gợi lại những khi hắn dùng máy cắt cỏ trên khoảng sân chật chội bé xíu đằng sau chiếc xe kéo của bố mẹ, vào buổi sáng Chủ nhật, rồi sau đó đi vào và xem trận đấu bóng với cha trong khi mẹ nướng bánh.

Hắn nhớ hương ngọt ngào của ống xả xăng pha chì, nhớ đến âm thanh khô khốc như tiếng súng nổ khi lưỡi dao đập vào viên đá và nảy lên không trung, và đôi tay hắn tê đi vì chấn động.

Tê liệt, đó là cảm giác mà bạn sẽ cảm thấy khi nằm chết cứng bởi một vết cắn của con rắn đuôi chuông, hắn giả dụ.

Hắn chợt nhận ra là người thu ngân đang nói chuyện với mình.

“Gì cơ?”, Thompson hỏi.

“Để cho anh với giá tốt đấy”, người bán hàng nói, hất đầu về phía chiếc máy cắt cỏ.

“Không, cảm ơn.”

Bước chân ra ngoài, hắn tự hỏi tại sao mình lại lơ đãng thế - điều gì khiến hắn thích thú đến thế về chiếc máy cắt cỏ, tại sao hắn lại rất muốn nó. Rồi sau đó hắn lại có một ý tưởng rằng đó không phải là một ký ức gia đình. Có lẽ bởi vì chiếc máy thực sự là một chiếc máy chém nhỏ, một cách giết người thực sự hiệu quả.

Có lẽ đó là lý do.

Hắn không thích suy nghĩ đó một chút nào. Nhưng chính là nó.

Vô cảm...

Huýt sáo khe khẽ trong miệng, một bài hát từ khi hắn còn trẻ, Thompson đi lên phố, mang theo túi đồ vừa mua trên một tay và trong tay còn lại, là chiếc va li của hắn, có chứa khẩu súng và chiếc dùi cui cùng một vài dụng cụ khác nữa.

Hắn tiếp tục bước đi lên phố, vào khu Little Italy, nơi có từng toán người đang phải lau dọn sau hội chợ ngày hôm qua. Hắn trở nên cảnh giác, quan sát một vài chiếc xe cảnh sát. Hai viên sĩ quan đang nói chuyện với một người bán hoa quả Hàn Quốc và vợ anh ta. Hắn tự hỏi không biết họ đang nói chuyện gì. Rồi hắn tiếp tục bước tới một chiếc tủ điện thoại và kiểm tra lại hộp thư thoại của mình một lần nữa, nhưng chẳng có tin nhắn nào về nơi ở của Geneva. Đó không phải là một mối bận tâm. Đầu mối của hắn biết rõ về Harlem, và đó chỉ là vấn đề về thời gian cho tới khi Thompson tìm ra trường học và nơi cô bé sống. Bên cạnh đó, hắn có thể có thời gian rảnh rỗi. Hắn có một công việc khác, công việc mà hắn đã lên kế hoạch thực hiện thậm chí còn lâu hơn thời gian để giết chết Geneva, và đó là nhiệm vụ quan trọng như công việc đó của hắn vậy.

Thực ra là, quan trọng

Và thật hài hước là giờ đây hắn nghĩ đến điều đó - công việc này cũng liên quan tới lũ nhóc.

“Vâng”, Jax nói qua điện thoại di động.

“Ralph đây.”

“Gì thế thằng quỷ?” Jax tự hỏi liệu có phải vị Pharaoh gầy guộc đang dựa vào cái gì đó lúc này. “Cậu đã có được thông tin từ bạn của chúng ta?” Ám chỉ nhân vật liên quan DeLisle Marshall.

“Đúng vậy.”

“Và cả vua Graffiti nữa?”, Jax hỏi.

“Đúng thế.”

“Được rồi. Vậy chúng ta đang ở đâu trong tất cả những việc này?”

“Được rồi, tôi đã tìm ra thứ anh muốn. Đó là...”

“Đừng nói bất cứ điều gì.” Điện thoại di động sẽ là phát minh của quỷ dữ khi nó frở thành một bằng chứng. Anh ta cho Ralph địa chỉ một ngã tư nằm trên phố 116. “Mười phút.”

Jax tắt máy và bắt đầu bước trên phố, khi hai người phụ nữ trong bộ áo choàng dài, đeo những chiếc mũ rộng vành của nhà thờ và giữ chặt những quyển kinh thánh sờn rách, đi lấn sang đường của anh ta. Anh ta lờ đi cách ăn mặc kỳ quặc của họ.

Vừa đi bộ một cách chậm rãi vừa hút thuốc với cái chân cà nhắc bị bẳn chứ không phải kiểu gangster, Jax hít sâu, phấn khởi khi được về nhà. Harlem... nhìn quanh những cửa hiệu, nhà hàng và các quầy buôn bán trên phố. Ta có thể mua bất cứ thứ gì ở đây: Những mảnh vải được dệt từ Tây Phi – vải dệt bằng tay của dân tộc thiểu số Malinke và cả những chiếc chìa khóa của sự sống theo văn hóa Ai Cập, những chiếc rổ Bolga được đan bằng tay rực rỡ màu sắc, những chiếc mặt nạ, những tấm biểu ngữ và các bức tranh đã được đóng khung về những người đàn ông và đàn bà Đại hội Dân tộc châu Phi với lá cờ ba màu đen, xanh và vàng. Và cả các tấm quảng cáo nữa: Malcolm X, Martin Luther King Jr., Tina, Tupac, Beyoncé, Chris Rock, Shaq... Và hàng tá những bức tranh về Jam Master Jay, một rapper DJ thiên tài, nổi tiếng với nhóm Run - D.M.C, đã bị bắn chết bởi những kẻ khốn nạn trong phòng thu ở Queens một vài năm trước.

Những ký ức ở xung quanh Jax. Gã nhìn chằm chằm vào một góc khác. Chà, hãy nhìn vào nó. Giờ là khu bán đồ ăn nhanh, đó chính là nơi gã thực hiện hành vi phạm pháp lần đầu tiên, khi mới mười lăm tuổi - cái tội đã mở ra con đường đưa gã đến với tiếng tăm xấu xa. Bởi thứ mà gã lấy trộm không phải là rượu, ma túy hay súng hoặc là tiền, mà là một hộp sơn Krylon từ một cửa hàng đồ gia dụng. Thứ được Jax sử dụng trong hai mươi tư tiếng đồng hồ sau đó, kết hợp với tội trộm cắp và xâm nhập bất hợp pháp cộng với phá hủy tài sản bằng việc phun sơn xịt các hình bong bóng với những chữ Jax 157 suốt từ Manhattan cho đến khu Bronx.

Trong suốt vài năm tiếp theo, Jax vẽ ký hiệu đó trên hàng ngàn bề mặt: các cầu vượt, cầu qua sông, các bức tường, bảng thông báo, cửa hàng, xe buýt trong thành phố, xe buýt tư nhân, các tòa nhà văn phòng - hắn vẽ lên cả tòa nhà Trung tâm Rockefeller, ngay bên cạnh bức tượng đài vàng ấy, trước khi bị tóm cổ bởi hai nhân viên an ninh cơ bắp cuồn cuộn, lao vào một cách đầy phẫn nộ với bình xịt hơi cay hiệu Mace và những chiếc dùi cui.

Nếu Alonzo Jackson trẻ tuổi có được năm phút không có ai xung quanh và với một bề mặt phẳng, thì cái hình Jax 157 ấy lại xuất hiện.

Chật vật chiến đấu để qua trung học, cậu con trai có cha mẹ đã ly dị, phát ngán với những công việc bình thường, thường xuyên gặp vấn đề, Jax tìm thấy sự thoải mái với công việc của một tác giả (những tay du kích graffiti được gọi là những “tác giả”, không phải là những “nghệ sĩ”- theo cách mà Keith Haring, phòng trưng bày Soho và các đại lý quảng cáo nói với mọi người). Gã từng qua lại với một nhóm băng đảng trong khu một thời gian, nhưng rồi một ngày lại thay đổi suy nghĩ khi đang lang thang với băng của mình trên phố 140, nhóm Trey-Sevens lái xe qua, và rồi, pốp, pốp, pốp, Jimmy Stone, đang đứng sát ngay bên cạnh, ngã xuống với hai lỗ bên thái dương, chết ngay trước khi chạm đất. Tất cả chỉ vì một tép cocain, hoặc chẳng vì một lý do nào hết.

Khốn kiếp. Jax đi con đường của riêng mình. Ít tiền hơn. Nhưng vô cùng an toàn (mặc dù vẽ những ký hiệu của mình lên cầu Verrazano và một chiếc xe điện tuyến A đang chạy - là một câu chuyện kỳ thú mà ngay cả những tay giang hồ trong tù cũng từng nghe tới).

Alonzo Jackson, không chính thức nhưng đã hoàn toàn đổi tên thành Jax, chìm đắm với nghệ thuật của mình. Gã bắt đầu đơn giản là tung những ký hiệu của mình ra trên khắp thành phố. Nhưng, Jax cũng học được rất sớm rằng nếu đó là tất cả những gì ta làm, ngay cả khi rải nó lên khắp các khu trong thành phố, ta vẫn chả là gì ngoài một thứ trò chơi chán ngắt, và các vị vua Graffiti sẽ chẳng thèm để mắt tới ta.

Vậy nên, gã bỏ học, làm việc trong những nhà hàng bán đồ ăn nhanh trong ngày để có tiền m sơn, hay thó bất cứ thứ gì có thể lấy được, Jax đã được nâng cấp lên một mức mới - những bức hình graffiti được viết nhanh nhưng lớn hơn cả những hình vẽ kiểu rải bom. Gã ta trở thành một chuyên gia với những hình vẽ từ trên xuống dưới: vẽ trên cả chiều thẳng đứng của một toa tàu điện ngầm. Tuyến tàu A, được cho là tuyến dài nhất trong thành phố, là sở thích của gã. Hàng ngàn du khách có thể đi từ sân bay Kenedy vào thành phố trên chuyến tàu mà không có dòng chữ: Chào mừng đến với “Quả táo

lớn”[16] mà là cái thông điệp bí ẩn: Jax 157.

[16] Quả táo lớn - Big Apple là nickname của thành phố New York.

Cho đến năm Jax hai mươi mốt tuổi, gã đã thực hiện xong hai mặt từ-đầu-này-sang-đầu-kia – phủ toàn bộ một mặt toa tàu điện ngầm với hình vẽ graffiti của mình - và đã tiến đến rất gần với việc thực hiện trên toàn bộ con tàu, giấc mơ của mọi tay đam mê vẽ graffiti. Gã cũng theo đuổi tuyệt tác. Jax đã cố gắng để lột tả một tuyệt tác graffiti là gì. Nhưng tất cả những gì mà gã có thể nghĩ tới một tuyệt tác là một thứ gì đó còn hơn thế nữa. Một cái gì đó khiến cho người khác phải nín lặng. Một tuyệt phẩm mà ngay cả một tên nghiện ma túy cặn bã cho đến một thương nhân ở phố Wall tại trạm New Jersey đều phải ngước lên nhìn và nghĩ, trời ơi, nó thật tuyệt.

Những ngày đó, Jax suy tư. Gã ta là vua Graffity, ở giữa giai đoạn của một cuộc vận động mạnh mẽ nhất về văn hóa của người da đen kể từ sau Thời kỳ Phục hưng Harlem: hip hop.

Chắc chắn rồi, thời Phục hưng hẳn phải là tuyệt lắm. Nhưng đối với Jax, nó là thứ của một người thông minh, xuất phát từ trong đầu. Hip hop bùng nổ từ trong tâm hồn và từ trong trái tim. Nó không hề được sinh ra trong các trường đại học, cao đẳng và trong phòng của những nhà văn, nó đến từ chính đường phố, từ những đứa trẻ đầy giận dữ đang vật lộn, tuyệt vọng với cuộc sống khó khăn cùng cực và những gia đình tan vỡ, chúng bước đi trên những vỉa hè vứt bừa bãi bơm kim tiêm của những con nghiện vẫn còn vết máu khô màu nâu. Đó là tiếng kêu hoang dại từ những kiếp người phải hét lên để được nghe thấy... Bốn nhánh của hip hop gồm: nhạc của DJ, chất thơ trong các bài rap, bước nhảy của những người chơi breakdance và nghệ thuật trong những cống hiến của Jax, graffiti.

Thực tế, ở đây, trên phố 116 này, gã dừng lại và nhìn vào nơi mà cửa hàng bán đồ giảm giá Woolworth từng ở đó. Cửa hàng không vượt qua nổi cơn khủng hoảng từ sau sự việc mất điện toàn thành phố năm 1977 nhưng thứ đã mọc lên ở đó là một phép màu thực sự, câu lạc bộ hip hop số một trong nước, Harlem World. Ba tầng của mọi thể loại nhạc mà bạn có thể tưởng tượng được, radical[17], addictive[18], electrifying[19]. Những chàng trai nhảy breakdance xoay tít, quằn lên như những cơn sóng trong bão. Những tay DJ thì xoay đĩa trong những sàn nhảy, các MC thì mơn trớn, vuốt ve những chiếc micro của mình và lấp đầy căn phòng với những bài thơ hoang dại kiểu đừng-đùa-với-tôi, hòa chung nhịp đập với một trái tim thực sự. Harlem World là nơi mà những cuộc tranh cãi bắt đầu, những trận chiến giữa các rapper. Jax đã đủ may mắn để nhìn thấy trận chiến nổi tiếng nhất mọi thời đại: nhóm Anh em Cold Crush và nhóm Fantastic Five...

[17] Radical: dòng nhạc cấp tiến.

[18] Addictive: một loại nhạc ghép từ nhiều dòng khác nhau khiến người nghe thích thú say mê.

[19] Electrifying: dòng nhạc kích thích người nghe với những cảm xúc mạnh.

Tất nhiên, Harlem World đã là quá khứ xa xôi. Và đồng thời biến mất - bị chùi sạch, mờ đi, hay bị sơn đè lên - là hàng ngàn những hình vẽ của Jax, những tuyệt tác, cùng với đó là những hình vẽ của các huyền thoại graffiti của thuở khai sinh ra thời kỳ hoàng kim của hip hop, Julio và Kool và Taki. Những vị vua graffiti.

À, có những người đã nuối tiếc cho thời kỳ biến đổi của hip hop, nay trở thành BET[20], những tay rapper triệu phú trên những chiếc Humvee vàng chóe, Bad Boys II[21] những công việc hái ra tiền, những đứa trẻ da trắng sống ở ngoại ô, nhạc tải về iPods, MP3 và đài radio vệ tinh. Nó... ừm, hãy lấy một ví dụ như thế này: Jax đang nhìn vào một chiếc xe buýt du lịch hai tầng chậm rãi đi tới cái vỉa hè gần đó. Ở sườn của chiếc xe là dòng chữ Rap/Hip hop Tours. Hãy xem một Harlem thực sự. Hành khách thì lẫn lộn những người da trắng, da đen và cả những người đến từ châu Á. Gã nghe thấy loáng thoáng những đoạn trong bài giới thiệu của người lái xe và lời hứa hẹn rằng họ sẽ sớm nghỉ ăn trưa tại một nhà hàng ‘có thức ăn ngon tuyệt và đúng vị New York’.

[20] Kênh truyền hình giải trí dành cho người da đen. Black entertainment television.

[21] Một bộ phim hành động hài.

Nhưng Jax không hề đồng ý với những người khăng khăng cãi rằng những ngày xa xưa ấy đã biến mất. Trung tâm của khu thị trấn ngoại ô vẫn còn giữ nguyên sự thuần khiết của nó. Không một thứ gì có thể chạm vào. Hãy lấy quán Cotton Club, Jax suy tưởng, một tổ chức của nhạc jazz, swing (một dạng nhạc ở Mỹ có nhịp điệu mạnh với trống) và stride piano (một dạng nhạc Jazz với đàn piano) những năm 20. Mọi người đều nghĩ rằng đó mới là Harlem thực sự, đúng không? Liệu có bao nhiêu người biết được rằng, nó chỉ dành cho những thính giả da trắng mà thôi (thậm chí một công dân da đen nổi tiếng ở Harlem, W.C. Handy, một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất nước Mỹ mọi thời đại, đã bị yêu cầu bước ra khỏi cửa trong khi chính nhạc của ông đang được chơi ở bên trong).

Ừm, đoán xem? Quán Cotton Club đã biến mất mãi mãi. Nhưng Harlem thì không. Và sẽ không bao giờ. Thời Phục hưng đã hết và hip hop đã thay đổi. Nhưng nó đã thấm vào mọi con phố xung quanh gã với những trào lưu hoàn toàn mới. Jax tự hỏi liệu thực sự chính xác thì đó là cái gì. Và nếu như có thể, thậm chí gã sẽ đi quanh để nhìn nó - nếu gã không giải quyết vấn đề này với Geneva Settle một cách hợp lý thì gã sẽ chết hoặc quay trở lại xà lim chỉ trong vòng hai mươi tư giờ đồng hồ.

Hãy tận hưởng bữa ăn ngon lành của mình, gã nghĩ tới những người khách du lịch khi chiếc xe buýt bắt đầu lăn bánh trên đường.

Tiếp tục một vài tòa nhà nữa, Jax cuối cùng đã tìm ra Ralph, người mà – đủ chắc chắn để nhận ra - đang đứng dựa vào một tòa nhà bị bịt kín bởi những tấm bảng gỗ.

“Con chó”, Jax nói.

“Gì thế?”

Jax tiếp tục bước đi.

“Ta đi đâu đây?”, Ralph hỏi, bước nhanh chân để bắt kịp gã đàn ông to lớn.

“Một ngày đẹp trời để đi bộ.”

“Khá là lạnh.”

“Đi bộ sẽ làm mày ấm lên

Họ tiếp tục đi một lúc nữa, Jax lờ đi bất cứ điều gì mà Ralph rên rỉ. Gã dừng lại ở hàng Papaya King và mua bốn chiếc xúc xích và hai đồ uống hoa quả, chả thèm hỏi xem Ralph có đói hay không. Hoặc có phải một người ăn kiêng không hay là sẽ nôn mửa khi hắn uống một ly sinh tố xoài. Gã trả tiền và bước ra phố, đưa cho gã đàn ông nhỏ thó bữa trưa. “Đừng có ăn ở đây. Đi nào.” Jax nhìn lên rồi bước xuống con phố. Không có ai đang theo dõi họ. Gã bắt đầu bước đi, thật nhanh. Ralph lẽo đẽo theo sau. “Chúng ta phải đi bộ thế này vì anh không tin tôi à?”

“Đúng thế.”

“Tại sao tự nhiên anh lại không tin tôi chút nào thế?”

“Bởi vì mày đã có thời gian chơi tao từ lần tao nhìn thấy mày. Chính xác thì cái gì kỳ lạ ở đây?”

“Một ngày đẹp trời để đi bộ”, Ralph trả lời, lén lút cắn một miếng xúc xích.

Họ tiếp tục bước tới một con phố có vẻ đã bị bỏ hoang và chuyển hướng về phía nam. Jax dừng lại.

Ralph làm theo và dựa người vào cái hàng rào sắt được uốn khá đẹp ở trước một căn nhà đá nâu. Jax ăn những cái xúc xích và hớp ly sinh tố xoài.

Ralph nhai ngấu nghiến bữa trưa của mình.

Ăn, uống, chỉ có hai công nhân với bữa ăn của mình từ một công trường, hay là người lau cửa sổ. Chẳng có gì đáng ngờ với hình ảnh đó.

“Cái chỗ ấy, chết tiệt, làm xúc xích ngon thật.” Ralph nói.

Jax ăn xong bữa của mình, lau tay vào áo và vỗ xuống chiếc áo phông và quần bò của Ralph. Không có dây rợ gì hết. “Vào vấn đề luôn. Mày có thể tìm thấy gì?”

“Con bé nhà Settle? Nó đang đi tới Langston Hughes. Anh biết chứ? Cái trường trung học ấy.”

“Chắc chắn rồi, tao biết cái trường ấy. Nó đang ở đấy hả?”

“Tôi không biết. Anh hỏi ở đâu, chứ không phải khi nào. Chỉ là tôi không nghe được thông tin gì khác từ chiến hữu của mình trong lãnh thổ thôi.”

Lãnh thổ..

“Chúng nói rằng có ai đó đưa con bé về. Bám chặt lấy nó.”

“Ai?” Jax hỏi. “Cớm à?” Tự hỏi tại sao hắn phải băn khoăn. Tất nhiên đó phải là lũ cớm.

“Có lẽ là thế.”

Jax uống hết chỗ sinh tố. “Việc kia thì sao?”

Ralph nhướn mày.

“Cái mà tao hỏi ý.”

“À.” Tay Pharaoh nhìn quanh. Rồi lôi một chiếc túi giấy từ trong tài áo ra và nhét nó vào trong tay Jax. Gã có thể cảm thấy được đó là một khẩu súng tự động và khá nhỏ. Tốt. Đúng như yêu cầu. Những viên đạn va lách cách trong đáy túi.

“Vậy”, Ralph nói một cách thận trọng.

“Vậy.” Jax rút vài tờ đô la ra khỏi ví, đưa cho Ralph rồi dựa gần hơn vào gã đàn ông. Miệng thở ra mùi mạch nha, hành và xoài. “Giờ, nghe cho kỹ. Công việc giữa chúng ta đã xong. Nếu tao mà nghe thấy mày nói với bất cứ một ai về việc này, hay chỉ đơn giản là nhắc đến tên tao, tao sẽ tìm ra mày và cho mày một trận. Mày có thể hỏi DeLisle và nó sẽ nói cho mày biết tao là một kẻ rất khó qua mặt. Mày hiểu tao nói gì chứ?”

“Vâng, được rồi.” Ralph như đang thì thầm với ly sinh tố xoài của mình.

“Giờ thì biến đi. Không, đi phía kia. Và đừng có nhìn lại.”

Rồi Jax bước về hướng ngược lại, trở về phố 116, hòa lẫn mình vào dòng người đi mua sắm. Cắm đầu xuống, đi nhanh, mặc kệ cái chân khập khiễng, nhưng cũng đủ chậm để không thu hút sự chú ý của những người khác.

Ở trên phố, một chiếc xe buýt du lịch khác rít lên khi tới điểm dừng ở phía trước khu Harlem World đã chết từ lâu, vài tiếng rap lẹt rẹt phát ra từ một cái loa bên trong chiếc xe lòe loẹt ấy. Nhưng khoảnh khắc ấy, vị vua Graffiti vẽ bằng máu này không hồi tưởng về Harlem, hip hop hay là quá khứ tội phạm của mình. Gã có khẩu súng. Gã biết cô gái ở đâu. Điều duy nhất mà gã đang nghĩ tới là sẽ mất bao lâu để tới được trường trung học Langston Hughes.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 12


Người phụ nữ gốc châu Á với dáng người nhỏ nhắn nhìn Sachs một cách thận trọng.

Chẳng có gì phải nghi ngờ về sự không thoải mái này, nữ thanh tra nghĩ vậy, nên nhớ là cô ấy đang bị vây quanh bởi nửa tá cảnh sát to gấp đôi mình - và nửa tá còn lại thì đang đứng đợi bên ngoài cửa hàng.

“Chào buổi sáng”, Sachs nói. “Chúng tôi đang tìm kiếm người đàn ông này. Việc tìm ra hắn có ý nghĩa rất quan trọng. Hắn có thể

ã thực hiện vài tội ác nghiêm trọng.” Cô nói với tốc độ hơi chậm một chút so với tốc độ mà cô cho là đúng mực trong giao tiếp xã giao.

Và điều đó, hóa ra lại là một sai lầm rõ ràng.

“Tôi hiểu điều đó”, người phụ nữ nói bằng thứ tiếng Anh hoàn hảo, với một chút giọng Pháp, thực sự đáng ngạc nhiên. “Tôi đã nói với những cảnh sát khác bất cứ điều gì tôi nhớ ra. Tôi khá sợ hãi khi hắn ta đeo thử cái mũ trùm lên, kéo nó xuống như một cái mặt nạ. Thật đáng sợ.”

“Chắc chắn rồi”, Sachs nói, và nâng tốc độ phát âm lên một chút. “Chị có cảm thấy phiền nếu chúng tôi muốn lấy dấu vân tay của chị không?”

Việc này là để xác minh xem có đúng là dấu vân tay của cô ấy ở trên tấm hóa đơn và những đồ vật tìm thấy tại hiện trường hay không. Người phụ nữ đồng ý, và một thiết bị phân tích dấu vân tay cầm tay đã xác nhận đó là dấu tay của cô ấy.

Sachs hỏi: “Chị có chắc chắn là không biết chút gì về hắn và nơi hắn sống chứ?”.

“Không. Anh ta mới chỉ đến đây một hay hai lần gì đó. Có thể nhiều hơn, nhưng anh ta thuộc dạng người chẳng bao giờ khiến ta chú ý. Bình thường. Không cười, không nhăn nhó, không nói một từ. Hoàn toàn bình thường.”

Không hề có một vẻ ngoài xấu xa của một tên giết người, Sachs nghĩ. “Thế còn những nhân viên khác của chị thì sao?”

“Tôi đã hỏi tất cả mọi người. Chẳng ai trong số họ nhớ gì về hắn cả.”

Sachs mở chiếc va li, thay chiếc máy phân tích vân tay và lôi chiếc máy tính Toshiba ra. Trong vòng một phút, cô đã khởi động xong và chạy phần mềm Kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt điện tử EFIT. Đây là phiên bản được tối ưu hóa dành cho máy tính của Identikit, được sử dụng để tái t hình ảnh khuôn mặt các nghi can. Hệ thống điều khiển bằng tay này sử dụng các tấm thẻ về đặc điểm con người và tóc, từ đó các viên cảnh sát điều tra sẽ ghép lại và đưa cho nhân chứng xem để tạo ra vẻ ngoài tương tự của nghi phạm. EFIT sử dụng phần mềm để tạo ra một bức ảnh gần giống như ảnh chụp.

Trong vòng năm phút, Sachs đã có được bức ảnh ghép của một người đàn ông da trắng với khuôn mặt được cạo râu nhẵn nhụi và mái tóc nâu sáng được chải chuốt gọn ghẽ, khoảng bốn mươi tuổi. Hắn ta nhìn giống với bất kỳ một người nào trong số hàng triệu doanh nhân, những chủ thầu hay những người bán hàng trung niên mà ta có thể tìm thấy ở khu tàu điện ngầm.

Trung bình...

“Chị có nhớ hắn ta mặc cái gì không?”

Có một chương trình chạy kết hợp với EFIT, nó sẽ “mặc” cho hình ảnh của nghi phạm mọi thể loại trang phục khác nhau - như bộ quần áo ghép lên trên những con búp bê giấy. Nhưng người phụ nữ không thể nào nhớ ra bất cứ thứ gì ngoài chiếc áo mưa tối màu.

Người nữ bán hàng bổ sung: “À, một điều nữa. Tôi nghĩ rằng hắn có giọng miền Nam”.

Sachs gật đầu và ghi lại điều đó vào cuốn sổ tay. Rồi kết nối với một chiếc máy in laze nhỏ và ngay lập tức đã có cả tá ảnh cỡ 14x20 của Đối tượng 109, với một bản miêu tả ngắn gọn về chiều cao, cân nặng cùng với thông tin rằng hắn có thể đang mặc một chiếc áo mưa và có giọng địa phương. Cô thêm vào dòng cảnh báo rằng hắn nhắm vào mục tiêu người vô tội, đưa những thứ đó cho Bo Haumann, cựu sĩ quan huấn luyện với mái tóc hoa râm húi cua, giờ đang là chỉ huy đơn vị Phản ứng nhanh (ESU), đội đặc nhiệm New York. Đến lượt ông ấy phân phát những bức ảnh cho các sĩ quan của mình và những viên sĩ quan tuần tra mặc thường phục có mặt với đội ở đó. Haumann phân chia các viên cảnh sát - kết hợp cả cảnh sát tuần tra với ESU, trang bị hỏa lực mạnh hơn - và ra lệnh cho họ bắt đầu đi thăm dò khu vực xung quanh.

Cả tá sĩ quan phân tán hết.

NYPD - Sở cảnh sát của một thành phố xinh đẹp, nhét đội đặc nhiệm của mình không phải vào trong các xe chuyên chở được vũ trang theo kiểu quân đội mà là vào trong các xe tuần tra cành sát luôn sẵn sàng nổ máy và các xe bán tải nhỏ, với các trang thiết bị được chuyên chở trong một chiếc xe buýt của ESU - một chiếc xe màu xanh trắng không có gì đặc biệt. Một trong số đó giờ đang đậu ở gần cửa hàng như một chiếc xe cảnh sát đánh lạc hướng.

Sachs và Sellito mặc áo chống đạn với tấm chống sốc che ở trước ngực trái và hướng về phía Little Italy. Khu vực xung quanh đã thay đổi một cách ngoạn mục trong suốt mười lăm năm qua. Một thời, đây từng là khu vực lớn của những người lao động nhập cư đến từ Ý, và giờ co lại gần như chẳng còn gì nhiều lắm, nhờ vào sự lan rộng của khu phố người Hoa từ phía nam, những người trẻ từ phía bắc và phía tây đến đây sống. Trên phố Mulberry, hai viên thanh tra đi qua một biểu tượng rõ rệt của sự thay đổi này: tòa nhà trước đây từng là Ravenite Social Club, hang ổ của gia đình tội phạm Gambino, do John Gotti - đã chết hoặc biến mất từ lâu rồi - cầm đầu. Câu lạc bộ này đã bị thu hồi bởi chính phủ - dẫn đến một biệt danh không thể tránh được là “Club Fed” - và giờ nơi đây chỉ là một tòa nhà thương mại đang chờ người thuê.

Hai viên thanh tra chọn một tòa nhà và bắt đầu cuộc tìm kiếm manh mối hung thủ, giơ phù hiệu và bức ảnh của nghi phạm cho những người bán hàng trên phố và những nhân viên trong các cửa hiệu, mấy cô cậu học sinh đang trốn học và nhấp những ly cà phê từ quán Starbucks, vài người nghỉ hưu nằm trên chiếc ghế dài hay trên các bậc thềm. Họ thỉnh thoảng vẫn nghe tin báo từ những cảnh sát khác.

Không có gì hết... Bình thường ờ Grand, Hết...

Nghe rõ... Bình thường ở Hester, Hết... Chúng tôi đang chuyển sang hướng đông...

Sellito và Sachs tiếp tục trên tuyến đường của mình và chẳng may mắn hơn những người khác là mấy.

Một tiếng nổ lớn ở phía sau lưng họ.

Sachs thở mạnh - không phải vì tiếng nổ, cô ngay lập tức nhận ra đó là tiếng máy nổ của một chiếc xe tải - mà là vì phản ứng của Sellito. Anh ta nhảy sang một bên, nhanh chóng nấp sau một buồng điện thoại, bàn tay đặt sẵn trên báng khẩu côn của mình.

Anh ta chợp chợp mắt, nuốt ực một cái, cười nhạt. “Cái xe tải khốn kiếp”, anh ta lẩm bẩm.

“Ừ, Sachs nói.

Anh ta đưa tay lau mặt và họ lại tiếp tục.

Ngồi trong ngôi nhà an toàn[22], ngửi mùi tỏi từ một trong những nhà hàng gần đó ở khu Little Italy, Thompson Boyd cắm cúi vào một quyển sách, đọc những dòng hướng dẫn trong đó rồi kiểm tra những gì hắn mua từ cửa hàng đồ gia dụng một tiếng

[22] Nơi những tên tội phạm chuyên nghiệp dùng để ở tạm hoặc để tạm lánh sự truy lùng của cảnh sát.

Hắn đánh dấu những trang nhất định bằng tờ giấy nhớ màu vàng và viết một vài ghi chú ở bên lề. Những bước sử dụng đòi hỏi một chút mưu mẹo và sự khéo léo nhưng hắn biết mình có thể làm được. Chẳng có gì không thể làm được nếu ta đầu tư thời gian để thực hiện nó. Cha của hắn đã dạy hắn điều đó. Dù việc khó hay việc dễ.

Nó chỉ đơn giản là câu hỏi vị trí mà con đặt dấu thập phân...

Hắn nhỏm dậy khỏi chiếc bàn, bên cạnh là một chiếc ghế tựa, đèn bàn và chiếc giường đơn, đó là đồ nội thất duy nhất trong căn phòng. Một chiếc ti vi, một chiếc tủ lạnh nhỏ và một cái sọt rác. Hắn cũng giữ một ở đây một vài thứ phù hợp cho công việc của mình.

Thompson kéo chiếc găng tay cao su ra khỏi cổ tay phải và thổi vào đó để làm mát làn da. Rồi làm tương tự với tay bên trái. (Chúng ta cần biết rằng một căn nhà an toàn cũng có thể bị lần ra ở một thời điểm nào đó nên phải đề phòng để không lưu lại một bằng chứng nào có thể buộc tội mình, cho dù đó là đeo găng tay hay sử dụng một cái bẫy.) Mắt hắn không tốt lắm ngày hôm nay. Hắn liếc mắt, nhỏ vài giọt, và cái cảm giác đau nhói giảm dần. Hắn khép mi lại.

Miệng thổi sáo khe khẽ bài hát đầy ám ảnh từ bộ phim Cold Mountain.

Những chiến binh nhắm bắn vào những chiến binh, cái tiếng nổ lớn ấy, những lưỡi lê. Những hình ảnh trong bộ phim chạy qua đầu hắn.

Wssst...

Bài hát biến mất, cùng với những hình ảnh, và một giọng cổ điển nổi lên. “Bolero”.

Hắn không nói được những giai điệu đến từ đâu. Giống như ở bên trong đầu hắn có một đầu đọc đĩa CD được lên chương trình sẵn. Nhưng với “Bolero” thì hắn biết nguồn gốc xuất xứ. Cha của hắn có một phần cỉa album này. Người đàn ông to lớn với mái tóc húi cua đã chơi đi chơi lại album đó trên chiếc máy Sears nhựa màu xanh trong xưởng của mình.

“Hãy nghe đoạn này, con trai. Nó thay đổi nốt. Đợi... đợi... Đấy! Con nghe thấy chứ?”

Thằng bé tin rằng nó đã ng thấy thế.

Thompson mở mắt ra và quay lại với quyển sách.

Năm phút sau: Wssst... “Bolero” kết thúc và một giai điệu khác lại thoát ra từ đôi môi đang chúm lại của hắn: “Time After Time”. Cyndi Lauper đã trở nên nổi tiếng cùng bài hát đó trong những năm 80.

Thompson là một người yêu thích âm nhạc và ngay từ khi còn ít tuổi, hắn đã muốn chơi một nhạc cụ. Mẹ của hắn đã đưa hắn tới lớp học đàn guitar và sáo trong vài năm. Sau vụ tai nạn của bà ấy, cha hắn đưa hắn tới lớp một mình, ngay cả khi ông ấy bị muộn giờ làm.

Nhưng đã có những vấn đề đối với sự tiến bộ của Thompson: những ngón tay của hắn quá to và mập so với cần và những phím đàn guitar và cả những lỗ sáo và đàn piano, và hắn không hề có tí chất giọng nào. Dù cho đó có là dàn hợp xướng nhà thờ hay là Willie, Waylon hoặc Asleep at the Wheel, không, giọng của hắn chẳng thể nào hơn tiếng ồm ộp rền rĩ phát ra từ một cái thanh quản già nua cũ kỹ. Bởi vậy, sau một hoặc hai năm gì đó, hắn đã bỏ âm nhạc và lấp đầy thời gian của mình bằng những việc mà các cậu nhóc thường làm ở những nơi như Amarillo, Texas: dành thời gian cho gia đình, đóng đinh rồi bào gỗ, trộn cát trong cái xưởng của cha

mình, chơi trò chạm và chặn bóng[23], săn tìm và hò hẹn với những cô gái còn e ấp ngượng ngùng, đi dạo trong hoang mạc.

[23] Có thể hiểu là chơi trò chơi bóng ma.

Hắn nhét cái tình yêu âm nhạc của mình ở nơi mà mơ ước ngày ấy biến mất.

Và nơi ấy không quá sâu. Sớm hay muộn thì cũng có những lúc nó lại lộ ra mà thôi.

Trong trường hợp của hắn thì chuyện này xảy ra trong nhà giam một vài năm trước. Một bảo vệ trong khu nhà an ninh tối đa tiến tới và hỏi Thompson: “Đó là cái khỉ gì thế?”.

“Ý ông là thế nào?”, Joe Trung bình một thời từng điềm tĩnh hỏi.

“Bài hát đó. Anh vừa huýt sáo.”

“Tôi đã huýt sáo sao?”

“Mẹ kiếp, đúng thế. Anh không biết à?”

Hắn nói với người bảo vệ: “Chỉ là một điều tôi làm thôi mà. Chẳng nghĩ gì cả”.

“Mẹ kiếp, nghe hay phết đấy.” Người bảo vệ đi khỏi, bỏ lại Thompson cười một mình. Như thế thì sao? Hắn có một nhạc cụ, thứ được sinh ra cùng hắn, thứ hắn luôn mang theo mình. Thompson đi tới thư viện của nhà tù và nhìn vào đó. Hắn nhận ra rằng mọi người có thể gọi hắn là một người chơi “sáo miệng”, khác với một người chơi sáo thiếc, giống như ở trong các ban nhạc Ireland. Những người chơi “sáo miệng” rất hiếm - hầu hết mọi người đều có quãng (cao độ) hơi rất hạn chế - và có thể kiếm sống tốt như một nhạc công chuyên nghiệp trong các buổi hòa nhạc, quảng cáo, ti vi và phim ảnh (tất nhiên, ai cũng biết bối cành bộ phim Chiếc cầu trên sông Kxvai; ta thậm chí không thể nghĩ về nó mà không huýt lên vài nốt nhạc, ít nhất là trong đầu). Thậm chí còn có cả các cuộc thi đấu “huýt sáo miệng”, nổi tiếng nhất là giải International Grand Championship, nơi có hàng tá những người trình diễn nổi tiếng - rất nhiều trong số họ xuất hiện thường xuyên với các dàn nhạc trên khắp thế giới và có các diễn viên múa phụ họa riêng.

Wssst...

Một giai điệu khác lại hiện lên trong đầu hắn. Thompson Boyd nhả ra những nốt nhạc một cách nhẹ nhàng, tạo ra một tiếng láy nhẹ. Hắn nhận ra mình đã để khẩu súng 22 ly ngoài tầm với. Hắn không làm mọi việc theo quyển sách... Hắn kéo khẩu súng ngắn gần hơn rồi quay trở lại với quyển sách hướng dẫn một lần nữa, dán nhiều tấm ghi chú hơn vào các trang giấy, liếc về phía túi đồ để bảo đàm rằng có đủ thứ mình cần. Hắn nghĩ mình có kỹ năng. Nhưng, như mọi khi, khi tiếp cận một thứ gì đó mới, hắn sẽ học tất cả mọi thứ lý thuyết khô khốc trước khi thực hiện công việc.

“Không có gì, Rhyme”, Sachs nói qua chiếc điện thoại đang đung đưa gần đôi môi rộng của mình.

Tâm trạng hứng khởi lúc trước của anh rõ ràng đã tan biến như hơi nước khi ngắt lời cô: “Không có gì?”.

“Chẳng có ai nhìn thấy hắn cả.”

“Em đang ở đâu?”

“Cơ bản tụi em đã bao quát hết toàn bộ khu vực Little Italy rồi. Lon và em đang ở phía Nam. Phố Canal.”

“Chết tiệt”, Rhyme lẩm bẩm.

“Chúng ta có thể...” Sachs dừng lại. “Đó là cái gì thế?”

“Gì

“Đợi chút.” Cô nói với Sellito: “Đi nào”.

Giơ chiếc phù hiệu ra, cô giành đường đi xuyên qua bốn làn xe cộ dày đặc, nhìn quanh rồi tiến lên phía nam trên phố Elizabeth, một “thung lũng” tối giữa những tòa nhà chung cư, các cửa hàng bán lẻ và nhà kho. Cô dừng lại một lần nữa. “Ngửi thấy không?”

Rhyme hỏi một cách châm chọc: “Ngửi sao?”.

“Em đang nói với Lon.”

“Ừ, viên cảnh sát to lớn nói. “Nó là cái gì nhi? Một cái gì đó ngọt.”

Sachs chỉ về phía một công ty bán buôn hương liệu, xà phòng và các sản phẩm thảo dược, hai cánh cửa nằm ở phía nam phố Canal, trên phố Elizabeth. Mùi hương hoa lôi cuốn phảng phất từ những cánh cửa đang mở là mùi hoa nhài - đó là mùi họ đã phát hiện trên chiếc túi, cũng là mùi mà Geneva đã ngửi thấy ở bảo tàng.

“Chúng ta có vẻ có manh mối rồi, Rhyme. Em sẽ gọi lại.”

“Vâng, vâng”, người đàn ông Trung Hoa mảnh khảnh trong cửa hàng bán buôn thảo dược nói, nhìn chằm chằm vào bức ảnh ghép từ EFIT của Nghi phạm 109. “Tôi có nhìn thấy anh ta đôi lần. Ở trên lầu. Anh ta không ở đây nhiều lắm. Anh ta đã làm gì?”

“Anh ta có ở trên đó lúc này không?”

“Tôi không biết. Không biết. Tôi nghĩ là mình có thấy anh ta hôm nay. Anh ta làm gì?”

“Căn hộ nào?”

Người đàn ông nhún vai.

Công ty nhập khẩu thảo dược chiếm hết tầng một, nhưng ở phía cuối của con đường mờ tối, qua chiếc cửa an ninh, là cầu thang bộ dẫn lên bóng tối. Sellito rút điện đàm ra và gọi điện theo tần số hoạt động.

“Chúng tôi đã lần ra hắn.”

“Ai vậy?”, Haumann ngắt lời.

“Ồ, xin lỗi. Selltio đây. Chúng tôi nằm cách hai tòa nhà ở phía nam phố Canal, trên phố Elizabeth. Chúng ta có được danh tính chính xác của người thuê nhà. Có thể hắn đang ở trong tòa nhà lúc này.”span>“Đội Phản ứng nhanh (ESU), tất cả các đơn vị. Nghe rõ. Hết?”

Những phản hồi xác nhận lệnh lan qua sóng điện đàm.

Sachs thông báo tên và truyền tin: “Di chuyển lặng lẽ và tránh đường Elizabeth. Hắn có thể quan sát con phố từ cửa sổ trước”.

“Nhất trí, 5885. Địa chỉ là gì? Tôi gọi để lấy lệnh khám xét, hết.”

Sachs đọc cho anh ta địa chỉ. “Hết.”

Không quá mười lăm phút sau, các đội đã có mặt tại địa điểm và các cảnh sát đội Tìm kiếm và Giám sát “S and S” đang kiểm tra phía trước và phía sau tòa nhà bằng ống nhòm, thiết bị cảm biến hồng ngoại và âm thanh. Người đứng đầu đội Tìm kiếm và Giám sát nói: “Tòa nhà có bốn tầng. Kho nhập hàng nằm ở tầng trệt. Chúng tôi có thể quan sát tầng hai và tầng bốn. Hai tầng này đã có người ở - các gia đình người châu Á. Một cặp vợ chồng già ở tầng hai và trên tầng bốn là một phụ nữ với khoảng bốn hoặc năm đứa trẻ.”

Haumann nói: “Thế còn tầng ba?”.

“Cửa sổ đã được kéo rèm, nhưng máy dò hồng ngoại cho thấy có phản ứng nhiệt. Có thể là cái ti vi hoặc là một cái lò sưởi. Nhưng cũng có thể là người. Và chúng ta có một vài âm thanh. Tiếng nhạc. Và tiếng sàn nhà cọt kẹt, giống thế.”

Sachs nhìn vào sơ đồ hướng dẫn của tòa nhà. Và cái hộp phía trên cái nút liên lạc nội bộ cho tầng ba không có gì cả.

Một viên cảnh sát đến và đưa cho Haumaiui một mẩu giấy. Đó là lệnh khám xét được ký bởi tòa án bang và được gửi qua máy fax tới xe của đội ESU. Haumaiui xem xét tờ giấy, bảo đàm rằng địa chỉ chính xác - một lệnh khám xét bất ngờ có thể khiến họ phải chịu trách nhiệm pháp lý và phá hỏng vụ án chống lại nghi phạm. Nhưng tờ giấy đầy đủ thông tin chính xác. Haumarm nói: “Hai đội đi vào, mỗi đội bốn người, ở cầu thang trước và lối thoát hiểm sau. Một người giữ thanh dầm[24] ở phía trước”. Anh lấy ra tám người và chia họ thành hai nhóm. Một trong hai nhóm - nhóm A - đi ra phía trước. Nhóm B ở lối thoát hiểm. Anh nói với nhóm thứ hai: “Các cậu phá cửa sổ khi đếm đến ba, và tấn công nghi phạm bằng lựu đạn sáng, hai giây trễ”.

[24] Battering ram: thanh gỗ/hoặc sắt dùng để phá cửa.

“Nhất trí.”

“Đếm đến không, phá cửa trước”, anh nói với trường nhóm A rồi phân công nhiệm vụ cho các sĩ quan khác bảo vệ cửa phòng các thường dân và để yểm trợ. “Giờ thì triển khai. Nhanh, nhanh, nhanh!”

Những sĩ quan – chủ yếu là nam, hai nữ - di chuyển nhanh chóng theo mệnh lệnh của Haumann. Nhóm B đi vòng ra phía sau tòa nhà, trong khi Sachs và Haumatm nhập vào với nhóm A, cùng một nữ cảnh sát giữ thanh dầm.

Với những tình huống bình thường thì một cảnh sát điều tra hiện trường sẽ không được tham gia vào đội xâm nhập. Nhưng Haumaim đã từng thấy Sachs nằm dưới làn đạn và biết rằng cô có thể nhanh chóng rút súng ra đáp trả. Và, quan trọng hơn là các thành viên trong đội Phản ứng nhanh rất chào đón cô tham gia. Họ không bao giờ thừa nhận việc đó, ít nhất không phải với Sachs, nhưng họ thực sự coi cô là một thành viên và vui mừng khi có cô chiến đấu cùng. Tất nhiên, đó không phải do sự tự ái bởi cô là một trong những tay bắn súng hàng đầu của lực lượng.

Còn đối với Sachs, cô chỉ đơn giản là thích tham gia vào nhiệm vụ đột nhập.

Sellito tình nguyện ở dưới và quan sát con phố.

Đầu gối đau nhức vì bệnh viêm khớp, Sachs leo lên tầng ba cùng với các sĩ quan khác. Cô bước tới gần cửa, lẳng nghe rồi gật đầu với Haumann. “Tôi có thể nghe thấy tiếng gì đó”, cô thì thầm.

Haumann nói vào điện đàm: “Đội B, báo cáo”.

“Chúng tôi đã vào vị trí”, Sachs nghe qua tai nghe. “Không thể nhìn vào bên trong. Nhưng tất cả đã sẵn sàng.”

Người chỉ huy nhìn một lượt quanh đội. Viên cảnh sát to lớn với thanh dầm - một ống nước nặng, dài khoảng một mét - gật đầu. Một cảnh sát khác áp sát phía sau anh ta và khẽ xoay tay đấm cửa để kiểm tra xem nó có khóa không.

Haumaiui thì thầm qua chiếc micro: “Năm... bốn... ba...”.

Im lặng. Đây đáng lẽ là khoảnh khắc họ phải nghe thấy tiếng kính vỡ và tiếng lựu đạn quang nổ.

Không có gì cả.

Có điều gì đó không ổn ở đây. Viên cảnh sát nắm núm cửa đang rung lên một cách dữ dội, gào thét.

Lạy Chúa, Sachs nghĩ, nhìn anh ta chằm chằm. Anh ta đang lên cơn giật hoặc gì đó. Một sĩ quan cảnh sát đặc nhiệm bị bệnh động kinh? Tại sao trong hồ sơ y bạ của anh ta không có thông tin quái này chứ?

“Có chuyện gì vậy?”, Haumaim thì thầm.

Anh ta không trả lời. Cơn co giật càng tồi tệ hơn. Mắt anh ta mở to và chỉ có lòng trắng.

“Nhóm B, báo cáo”, viên chi huy gọi vào điện đàm: “Chuyện gì đang xảy ra vậy, hết”.

“Nghe rõ, cửa sổ đã bị chặn bằng tấm ván gỗ”, người phụ trách nhóm B trả lời. “Gỗ ép. Chúng tôi không thể ném lựu đạn vào trong. Tình trạng Alpha, hết?”

Người cảnh sát ở cánh cửa đã khuỵu xuống, bàn tay anh ta đông cứng ở núm cửa, vẫn rung bần bật. Haumarm thì thầm với một giọng khàn khàn: “Chúng ta đang phí thời gian rồi! Lôi anh ta ra và phá cái cửa ngay lập tức!” Một cảnh sát khác tóm lấy anh ta.

Và người thứ hai bắt đầu rung lên theo.

Các cảnh sát khác bước lùi ra sau. Một người lầm bầm: “Cái khỉ gì thế...”

Rồi tóc của người cảnh sát đầu tiên bắt đầu bốc cháy.

“Hẳn đã cài điện vào cánh cửa.” Haumarui chi vào cái đĩa kim loại trên sàn. Chúng ta thường thấy những cái này trong các tòa nhà cũ kỹ - chúng được sử dụng như những miếng vá trên sàn gỗ cứng. Còn cái này lại được Nghi phạm 109 sử dụng làm một cái bẫy điện; điện cao thế truyền qua cả hai viên cảnh sát.

Lửa bốc lên từ đầu, lông mày, mu bàn tay rồi cổ áo của viên cảnh sát đầu tiên. Người còn lại đang dần mất nhận thức, nhưng vẫn rung lên bần bật.

“Chúa ơi”, một cảnh sát thầm thì bằng tiếng Tây Ban Nha.

Haumann quăng khẩu súng máy H&K của mình sang một cảnh sát đứng cạnh, lấy thanh dầm và vung nó thật mạnh vào cổ tay viên cảnh sát giữ núm cửa. Chắc chắn là xương sẽ rạn nứt rồi, nhưng nó đã làm những ngón tay anh ta phải buông ra. Mạch điện bị cắt đứt, hai người ngã xuống. Sachs dập lửa, ngọn lửa đã khiến hành lang ngập đầy mùi khen khét của tóc và da thịt cháy.

Hai trong số các sĩ quan yểm trợ bắt đầu thực hiện kỹ thuật cấp cứu CPR[25] cho hai đồng nghiệp đang bất tỉnh, trong khi một người nhóm A tóm lấy thanh dầm và vung nó vào cánh cửa. Cả đội ập vào, giương súng. Sachs ập vào theo.

[25] CPR (Cardiopulmonary resuscitation): kỹ thuật hồi sức tim - phổi.

Chỉ mất năm giây để họ nhận ra rằng căn hộ hoàn toàn trống không.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 13


Bo Haumann gọi vào điện đàm: “Nhóm B, chúng tôi đã ở trong. Không có dấu hiệu nào của nghi can. Đi xuống tầng, kiểm tra kỹ hành lang. Nhưng nhớ là - ở hiện trường lần trước, hắn vẫn ở lại rình rập. Hắn tấn công những người vô tội và cả cảnh sát”.

Một chiếc đèn bàn vẫn sáng và khi chạm vào chiếc ghế, Sachs nhận thấy nó vẫn còn ấm. Một hệ thống camera an ninh nhỏ với màn hình trên bàn, màn hình mờ nhạt cho thấy hình ảnh của hành lang trước cửa. Hắn phải cài camera ẩn đâu đó bên ngoài và thấy họ tiếp cận. Kẻ giết người mới chỉ chuồn đi vài giây mà thôi. Nhưng ở đâu? Mọi người nhìn quanh để tìm lối trốn chạy. Cửa sổ bên cạnh

lối thoát hiểm được che phủ bởi gỗ dán. Chiếc cửa sổ còn lại thì không được che chắn nhưng lại nằm ở trên cao chín mét so với con hẻm. “Hắn vừa ở đây. Hắn biến đi thế quái nào được nhỉ?”

Chỉ một lát sau họ đã có câu trả lời.

“Nhìn chỗ này xem”, một sĩ quan nói. Anh ta đã tìm ở dưới gầm giường, và sau khi kéo chiếc giường ra khỏi bức tường, để lộ ra một cái lỗ chỉ vừa đủ lớn cho một người bò qua. Có vẻ như nghi phạm đã đục vữa và bỏ những viên gạch ở bức tường nằm giữa tòa nhà này và tòa bên cạnh. Khi thấy họ ở màn hình giám sát, hắn chỉ đơn giản là đạp đổ lớp vữa ở bên kia của bức tường và trườn sang tòa nhà sát nách.

Haumann cử nhiều sĩ quan hơn để kiểm tra mái nhà và các con phố xung quanh, những người khác thì tìm và bao quát các lối vào của tòa nhà bên cạnh.

“Một người chui qua cái lỗ đi”, người chỉ huy đội ESU ra lệnh.

“Tôi sẽ đi, thưa sếp”, viên sĩ quan thấp bé nói.

Nhưng với chiếc áo chống đạn cồng kềnh, ngay cả anh ta cũng không chui vừa qua khoảng trống.

“Tôi sẽ đi”, Sachs nói, cô là người nhỏ nhắn nhất trong số tất cả các sĩ quan có mặt. “Nhưng tôi cần căn phòng này được giữ sạch sẽ, để bảo vệ các bằng chứng.”

“Nghe rõ. Chúng tôi sẽ đưa cô vào rồi kéo lại.” Haumann ra lệnh kéo chiếc giường sang một bên. Sachs quỳ gối rồi chiếu đèn xuống cái lỗ, ở bên kia là một lối đi hẹp trong một kho hàng hoặc một nhà máy. Để sang được bên đấy, cô phải bò bằng hai tay hai chân qua cái không gian chật hẹp này.

“Mẹ kiếp”, Amelia Sachs lẩm bẩm, một cô gái có thể lái xe với vận tốc hơn 300 km/h và bắn trả trực tiếp với một tội phạm nấp sau góc nhưng lại gần như tê liệt với nỗi sợ không gian hẹp.

Đầu xuống trước hay là chân?

Cô thở dài.

Đầu xuống trước có vẻ đáng sợ hơn nhưng lại an toàn hơn; ít nhất cô có được vài giây để phát hiện ra hướng bắn của hung thủ trước khi hắn có thể nhắm mục tiêu. Cô nhìn vào không gian chật hẹp, tối tăm. Lấy một hơi thật sâu. Nắm chặt khẩu súng ngắn trong tay, cô tiến lên phía trước.

Có vấn đề quái gì với mình thế nhỉ? Lon Sellito nghĩ, anh đang đứng ở phía trước cái kho hàng ở bên cạnh cửa hàng nhập khẩu thảo dược và giám sát cửa trước của tòa nhà này. Anh nhìn chằm chằm vào ô cửa và các cửa sổ, tìm kiếm nghi phạm trốn thoát, cầu cho hung thủ xuất hiện để có thể tóm cổ hắn lại.

Cầu cho hắn đừng.

Cái vấn đề quái gì ở đây chứ?

Trong những năm làm việc cho lực lượng, Sellito đã tham gia hàng tá trận đấu súng, tước vũ khí khỏi những kẻ điên cuồng, thậm chí từng đánh vật với một người tự tử đòi nhảy xuống từ nóc tòa Flatiron, trong tay không có gì khác ngoài khoảng hoa văn trang trí gần một mét tám ngăn giữa anh và thiên đàng. Hẳn nhiên, đã có đôi lần anh từng run sợ. Nhưng Sellito vẫn luôn luôn lấy lại được tinh thần ngay lập tức. Chưa có điều gì ảnh hưởng tới anh như cái chết của ông Barry buổi sáng ngày hôm nay. Không cần phải phủ nhận rằng đứng dưới đường đạn đã làm anh sợ hãi. Nhưng đây là một điều khác. Một cảm xúc không thể gọi tên khi ở thật gần một người vào khoảnh khắc đó..hoảnh khắc của cái chết. Anh không thể gạt tiếng nói của người thủ thư ra khỏi đầu mình, những lời cuối cùng của một người còn sống.

Tôi không thực sự nhìn thấy...

Không thể quên được tiếng ba viên đạn cắm vào ngực ông ta.

Phụp... phụp... phụp...

Đó là những tiếng rất nhẹ, mờ nhạt, chỉ vừa đủ nghe thấy. Anh chưa từng nghe những âm thanh như vậy. Lon Sellito lúc này run run và cảm thấy buồn nôn.

Đôi mắt màu nâu của ông ấy... nhìn thẳng vào Sellito khi những viên đạn bắn trúng. Trong một phần nhỏ của khoảnh khắc ngắn ngủi ấy là sự kinh ngạc, đau đớn, rồi... không gì cả. Đó là điều kỳ lạ nhất Sellito từng nhìn thấy. Không giống như lả đi rồi chìm vào giấc ngủ rất nhanh, không bị xao nhãng. Chỉ có một cách duy nhất để miêu tả nó: trong khoảnh khắc có một điều gì đó phức tạp và chân thực hiện ra ngay phía sau ánh mắt ấy, rồi chỉ một khoảnh khắc sau, thậm chí trước khi ông ta đổ sụp xuống vỉa hè, không còn gì nữa cả.

Viên thanh tra vẫn còn căng cứng, nhìn chằm chằm vào cái xác vô hồn đang nằm trước mặt mình - dù sự thật là anh biết mình cần phải cố gắng hành động để hạ hung thủ. Những nhân viên y tế đã phải đẩy anh tránh sang một bên để đến gần ông Barry; Sellito đã không thể nhúc nhích.

Phụp... phụp... phụp...

Rồi, đến lúc phải gọi điện cho gia đình của người thủ thư già, Sellito đã lưỡng lự một lần nữa. Anh đã nhiều lần phải gọi những cuộc điện thoại khó khăn như vậy trong suốt những năm qua. Hẳn nhiên là, chẳng cuộc gọi nào dễ dàng cả. Nhưng ngày hôm nay, đơn giản là anh không thể đối diện với nó được. Anh đã phải viện cớ để người khác làm điều đó. Anh sợ rằng giọng nói của mình có thể sẽ vỡ ra, sợ rằng mình sẽ khóc, điều chưa bao giờ xảy ra trong hàng thập kỷ phục vụ trong ngành.

Giờ đây, anh nghe báo cáo trên điện đàm về cuộc truy bắt hung thủ.

Nghe tiếng,phụp... phụp... phụp...

Mẹ kiếp, tôi chỉ muốn về nhà.

Anh muốn ở cùng Rachel, uống bia với cô ở mái vòm tại Brooklyn. Chà, còn quá sớm để ngồi uống bia. Một ly cà phê. Hoặc có thể không phải quá sớm cho một ly bia. Hay là một ly rượu scotch. Anh muốn đó, ngắm nhìn những cái cây và sân cỏ. Nói chuyện. Hoặc là chẳng nói gì cả. Chỉ cần ở bên cô ẩy. Bỗng nhiên suy nghĩ của viên thanh tra chuyển sang cậu con trai tuổi mới lớn, đang sống với người vợ cũ. Anh đã không gọi cho nó ba hoặc bốn ngày nay rồi. Cần phải làm thế.

Anh...

Chết tiệt. Sellito nhận ra rằng mình đang đứng ở giữa phố Elizabeth, dựa lưng vào tòa nhà cần phải để mắt canh gác, và lại suy nghĩ miên man. Lạy Chúa! Mình đang làm gì vậy? Tên hung thủ đang nhởn nhơ loanh quanh đâu đây và mình thì đang mơ ngủ giữa ban ngày? Hắn có thể đang đứng rình rập ở cái hành lang kia, hay bất cứ nơi nào, như đã làm sáng hôm nay.

Cúi thấp mình, Sellito quay trở lại, kiểm tra những cửa sổ tối, mờ hay bị che. Hung thủ có thể đứng sau bất cứ chỗ nào, ngắm vào anh lúc này với khẩu súng nhỏ bé của hắn. Phụp... phụp... Những mũi kim bên trong viên đạn xé nát thịt thành những mảnh vụn nhỏ khi chúng bắn ra tứ tung. Sellito rùng mình và lùi lại, nấp giữa hai chiếc xe tải chở hàng đang đậu, tránh khỏi tầm nhìn từ những chiếc cửa sổ. Kiểm tra thật kỹ xung quanh bên của một chiếc xe tải, quan sát những ô cửa sổ tối tăm, và cửa ra vào.

Nhưng đó không phải là những gì anh nhìn thấy. Không, anh đang thấy đôi mắt màu nâu của người thủ thư đứng ngay trước mặt, một vài mét thôi.

Tôi không...

Phụp, phụp, ...

Sự sống biến mất.

Đôi mắt đó...

Anh lau bàn tay cầm súng vào chiếc quần, tự nói rằng mình toát mồ hôi chỉ đơn giản vì chiếc áo chống đạn. Mà thời tiết sao thế nhỉ? Quá nóng so với thời tiết tháng Mười. Ai mà không toát mồ hôi chứ?

“Tôi không thấy hắn, hết.” Sachs nói thì thầm qua điện đàm.

“Nhắc lại?”, tiếng Haumann trả lời.

“Không có dấu hiệu của hung thủ, hết.”

Căn nhà kho mà Nghi phạm 109 đã trốn thoát thực sự là một không gian rộng lớn được chia cắt bởi những lối đi hẹp chồng chéo đan xen. Trên sàn là những tấm ván gỗ chất đống những chai dầu oliu và các can xốt cà chua, được gói kín bởi các tấm nilon. Lối đi cô đang đứng cao hơn chín mét, trong khoảng chu vi căn hộ của hắn ở tòa nhà bên cạnh. Đó là một nhà kho đang được sử dụng, dù hầu như chỉ thỉnh thoảng mới hoạt động; không hề có dấu hiệu nào cho thấy nhân công hiện diện trong thời gian gần đây. Điện đã mất nhưng vẫn có đủ ánh sáng lọt qua những cửa sổ trên mái nhà để cô có thể quan sát xung quanh.

Sàn nhà được quét sạch sẽ và cô không tìm ra dấu chân để biết hướng đi của nghi phạm. Ngoài cửa trước và cửa cuốn ở phía sau, có hai cửa khác ở tầng hầm, đi sang bên. Một được đóng biển chữ Phòng vệ sinh, cửa còn lại không có tên.

Di chuyển thật chậm, vung khẩu súng ra phía trước, ánh sáng đèn pin dò tìm mục tiêu, Amelia Sachs nhanh chóng di chuyển qua hết các lối đi và khu vực thoáng của nhà kho. Cô báo điều này lại với Haumann. Các sĩ quan ESU nhanh chóng phá cửa cuốn phía sau và đi vào, tản ra khắp nơi.

Bớt căng thẳng vì được tăng cường lực lượng, cô giơ tay ra hiệu để chỉ vào hai cửa bên. Các cảnh sát nhanh chóng tập trung quanh chúng.

Haumann nói qua điện đàm: “Chúng tôi đã tra hỏi thông tin nhưng không ai thấy nghi phạm ra ngoài. Hắn có thể vẫn ở bên trong, hết”.

Sachs âm thầm tiếp nhận thông tin. Cô đi xuống dưới tầng chính, nhập vào với các cảnh sát khác.

Cô chỉ vào nhà vệ sinh. “Đếm đến ba”, cô thì thầm.

Họ gật đầu. Một người chỉ vào mình nhưng cô lắc đầu, ám chỉ rằng cô sẽ là người vào trước. Sachs đã rất giận dữ - vì hung thủ đã chạy thoát, rằng hắn để những đồ thực hiện hành vi phạm pháp trong một cái túi với hình mặt cười, rằng hắn đã bắn một người vô tội đơn giản để đánh lạc hướng. Cô muốn hắn bị tóm cổ và muốn bảo đảm rằng chính mình cũng tham gia tóm gọn hắn.

Tất nhiên, cô đang mặc áo chống đạn, nhưng không thể tưởng tượng ra rằng điều gì sẽ xảy ra nếu như một trong những viên đạn đầy kim ấy bắn vào mặt hay cánh tay của mình.

Hay là cổ họng.

Cô giơ một ngón tay lên. Một...

Đi vào nhanh, cúi thật thấp, với áp lực đè nặng lên cò súng.

Mày chắc chắn mình đang làm gì chứ?

Hình ảnh Lincoln Rhyme hiện lên trong đầu cô.

Hai...

Rồi ký ức về người cha cảnh sát nói với cô triết lý về cuộc sống trước giờ phút cuối cùng của ông: “Hãy nhớ kỹ, Amie, khi con di chuyển không ai có thể tóm được con cả”.

Vậy thì, di chuyển!

Ba.

Cô gật đầu. Một cảnh sát đá bung cánh cửa ra - không một ai đến gần bất kỳ núm cửa kim loại nào - và Sachs nhào về phía trước, lộn xoay một vòng và quét ánh đèn xung quanh căn phòng tắm nhỏ bé, không có cửa sổ.

Trống không.

Cô trở ra ngoài và chuyển sang cánh cửa khác, vẫn làm như ở phòng kia.

Đếm đến ba, một cú đá đầy mạnh mẽ khác. Cánh cửa đổ vào trong.

Súng và ánh đèn quét lên. Sachs nghĩ, Người anh em, không hề dễ dàng, phải không? Cô đang nhìn vào một cái cầu thang dài lê thê dẫn tới một màn đen thăm thẳm và phát hiện ra không có chỗ để nấp ở trong cầu thang, hung thủ có thể đứng ở phía sau và bắn vào cổ chân, bắp hay lưng khi họ đi xuống.

“Tắt đèn”, cô thì thầm.

Các cảnh sát tắt hết đèn, nâng lên sát với nòng súng của mình. Sachs đi trước, đầu gối đau nhức. Đã hai lần cô gần như khuỵu xuống những bậc thang nhấp nhô. Bốn cảnh sát ESU đi sau.

“Đội hình chéo góc”, cô thì thầm, hiểu rằng về mặt kỹ thuật cô không nắm quyền chỉ huy, nhưng không thể ngăn mình lại vào lúc này. Những cảnh sát không thắc mắc. Chạm vai nhau để chỉ hướng, họ tạo thành một đội hình hình vuông, mỗi người nhìn ra xung quanh mình và bao quát, chịu trách nhiệm một phần tư căn hầm.

“Đèn!”

Ánh sáng mạnh mẽ của những chiếc đèn halogen bất ngờ ngập đầy không gian nhỏ bé khi những khẩu súng đang truy tìm mục tiêu.

Cô không thấy một mối đe dọa nào, không nghe thấy một âm thanh nào. Trừ tiếng tim đập thật mạnh, cô

Nhưng đó là của cô.

Tầng hầm có một cái lò nung, các đường ống, thùng dầu, khoảng một ngàn chai bia rỗng. Hàng đống rác. Và cả đống chuột cáu kỉnh.

Hai cảnh sát kiểm tra các túi rác bần thỉu, nhưng hung thủ rõ ràng không ở đây.

Sachs điện cho Haumann báo cáo những gì họ tìm thấy. Chẳng có một ai thấy bóng của hung thủ. Tất cả các cảnh sát đang tập trung về chiếc xe tải chỉ huy để tiếp tục rà soát khu vực xung quanh, trong khi Sachs nghiên cứu hiện trường để tìm các bằng chứng - mọi người vẫn ghi nhớ, như ở bảo tàng sáng nay, tên giết người có thể vẫn lảng vảng quanh đây.

... hãy cẩn thận phía sau.

Thở thật sâu, cô đặt lại khẩu súng và quay về phía cầu thang. Rồi dừng lại. Nếu bước lên cầu thang quay trở lại tầng nhà chính - quả thực sẽ là một cơn ác mộng với hai cái đầu gối Sachs - cô sẽ vẫn phải tiếp tục bước xuống các cầu thang để hướng ra phố. Một lựa chọn khác dễ dàng hơn là đi trực tiếp từ một cầu thang ngắn hơn để đi lên vỉa hè bên trên.

Cô suy ngẫm, trong lúc quay bước về phía cái cầu thang đó, đôi khi ta cần phải thỏa mãn bản thân.

Lon Sellito đã bị ám ảnh bởi một khung cửa sổ.

Anh đã nghe tiếng truyền qua điện đàm rằng nhà kho không có hung thủ, nhưng rồi tự hỏi liệu đội ESU đã thực sự lục tung mọi ngóc ngách chưa. Sau tất cả, mọi người đã để mất dấu hung thủ sáng nay ở bảo tàng. Hắn đã dễ dàng tiếp cận chỉ trong tầm bắn của một khẩu súng ngắn.

Phụp... phụp... phụp.

Cái cửa sổ, nằm ở tận cùng bên phải, tầng hai... Dường như Sellito đã thấy nó động đậy một hay hai lần.

Có thể chỉ là cơn gió. Nhưng có thể là chuyển động từ một kẻ nào đó cố gắng để mở nó.

Hoặc ngắm bắn qua nó.

Phụp.

Anh rùng mình và bước lù

“Này”, anh gọi một cảnh sát ESU, người vừa mới đi ra khỏi cửa hàng nhập khẩu thảo dược. “Hãy nhìn xem - anh thấy gì ở cái cửa sổ đó chứ?”

“Đâu?”

“Cái kia kìa.” Sellito nghiêng ra một chút khỏi chỗ nấp và chỉ vào ô cửa vuông với kính đen.

“Không. Nhưng tòa nhà đã được kiểm tra kỹ. Anh không nghe thấy à?”

Sellito nghiêng ra khỏi chỗ nấp xa hơn một chút, nghe thấy phụp, phụp, phụp, nhìn thấy đôi mắt màu nâu đang dần trở nên vô hồn. Anh liếc mắt, rùng mình và nhìn chiếc cửa sổ một cách cẩn thận. Rồi trong tầm mắt của mình, anh bất chợt nhìn thấy một chuyển động ở bên trái và nghe thấy tiếng ken két của cánh cửa mở. Một tia sáng lóe lên như ánh mặt trời lạnh phản chiếu qua một vật kim loại.

Là hắn!

“Lạy Chúa!”, Sellito thì thầm. Anh rút súng, cúi đầu và xoay về phía ánh sáng lóe lên ấy. Nhưng thay vì tuân thủ các bước an toàn khi rút một khẩu súng bằng tốc độ nhanh và giữ ngón tay trỏ bên ngoài vòng bảo vệ cò súng, anh rút khẩu côn ra khỏi bao trong nỗi kinh hoàng.

Và khẩu súng nhả đạn ngay sau đó, đưa viên đạn bay về phía mà Amelia Sachs chui lên từ cửa tầng hầm lên nhà kho.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 14


Đứng ở góc giữa phố Canal và phố 6, cách nơi ẩn náu cả chục dãy nhà, Thompson Boyd đang chờ đèn xanh. Hắn lấy lại hơi và lau khuôn mặt ướt mồ hôi.

Hắn không run, không hề sợ hãi - hắn thở hổn hển và toát mồ hôi là vì những bước chạy tới nơi an toàn - nhưng hắn tò mò rằng làm thế nào mà họ tìm ra mình. Hắn đã luôn luôn cẩn thận với các mối liên lạc và điện thoại sử dụng, luôn luôn kiểm tra xem mình có đang bị theo dõi hay không và hắn đoán rằng đó phải là nhờ các dấu vết từ những vật mà hắn để lại. Điều đó nghe hợp lý - bởi hắn khá chắc chắn rằng người phụ nữ trong bộ đồ màu trắng, đi đi lại lại trong hiện trường thư viện của bảo tàng như

một con rắn đuôi chuông, đã xuất hiện ở hành lang căn hộ của hắn trên phố Elizabeth. Hắn đã để lại gì ở bảo tàng? Thứ gì đó trong cái túi đồ hiếp dâm chăng? Hay là một í dấu vết từ đôi giày hoặc quần áo?

Họ là những nhà điều tra giỏi nhất mà hắn từng đối mặt. Hắn cần phải ghi nhớ điều này thật kỹ.

Nhìn chằm chằm vào dòng xe cộ, hắn suy tư về cuộc trốn chạy. Khi thấy cảnh sát bước lên cầu thang, hắn đã nhanh chóng đặt quyển sách và những thứ mua được từ cửa hàng đồ gia dụng vào trong túi, chộp lấy bao và súng, rồi bật công tắc dẫn điện tới chiếc núm cửa. Hắn đã đạp xuyên qua bức tường và tháo chạy vào cái nhà kho bên cạnh, trèo lên trên mái và hướng về phía nam tới góc cuối cùng của dãy nhà. Trèo xuống cầu thang thoát hiểm, chuyển sang hướng tây và bắt đầu chạy, theo hành trình mà hắn đã vạch ra và tập đi tập lại hàng chục lần.

Giờ, ở phố Canal và phố 6, hắn đã biến mất vào dòng người đứng chờ đèn xanh, nghe tiếng còi xe cảnh sát hú vang nhập vào cuộc truy lùng hắn. Khuôn mặt chẳng biểu lộ chút cảm xúc nào, tay cũng không hề run, không lo lắng, không sợ hãi. Đó là cách hắn phải như vậy. Hắn đã nhìn thấy rất nhiều lần điều này - hàng tá kẻ giết người chuyên nghiệp hắn từng biết đã bị bắt vì họ sợ hãi, để mất sự lạnh lùng trước cảnh sát và sụp đổ trước những cuộc thẩm vấn. Họ đã quá luống cuống khi thực hiện công việc, bỏ lại dấu vết hoặc những nhân chứng sống. Cảm xúc - yêu, giận dữ, sợ hãi - khiến ta trở nên thật ùy mị và yếu đuối. Ta cần phải bình tĩnh và lạnh lùng.

Vô cảm...

Thompson nắm chặt khẩu súng, giấu nó trong túi chiếc áo mưa, khi hắn nhìn thấy một vài chiếc xe cảnh sát đang tăng tốc về phía Đại lộ 6. Những chiếc xe phanh và cua gấp ở góc phố rồi chuyển sang hướng đông ở phố Canal. Họ đang làm tất cả những gì có thể để truy tìm hắn. Không hề ngạc nhiên, Thompson biết thế. Cảnh sát New York sẽ cau mày với một nghi phạm đã giật điện một người trong số họ (dù trong quan điểm của Thompson, đó là sai lầm của người cảnh sát ấy vì anh ta đã không cẩn thận).

Rồi một âm thanh lờ mờ báo hiệu mối lo ngại hiện ra trong đầu khi hắn nhìn theo một chiếc xe cảnh sát khác cua gấp vào một điểm dừng nằm cách ba dãy nhà.

Rồi một chiếc xe khác lăn bánh tới một điểm dừng chỉ cách chỗ hắn đứng gần sáu mươi mét. Và họ đang đi về phía này. Xe của hắn đỗ gần Hudson, cách đây khoảng năm phút. Hắn phải đi tới đó ngay. Nhưng ánh đèn vẫn đỏ.

Tiếng còi xe cảnh sát hú nhiều hơn.

Điều này đang trở thành một vấn đề.

Thompson nhìn vào đám đông xung quanh mình, hầu hết bọn họ đều đang hướng về phía đông, chăm chú nhìn những chiếc xe cảnh sát và các sĩ quan. Hắn cần một sự gây mất tập trung, một cái vỏ bọc nào đó để qua đường. Chỉ cần một cái gì đó... không cần phải quá ầm ĩ, phô trương. Chỉ cần đủ để đánh lạc hướng sự chú ý của mọi người một lúc. Một ngọn lửa trong thùng rác, một tiếng báo động của ô tô, tiếng một cái cốc vỡ...

Còn ý tưởng nào khác nữa không nhỉ? Nhìn sang phía nam, ở bên trái hắn, Thompson nhận ra một chiếc xe buýt lớn đang tiến về Đại lộ 6. Nó đang lại gần ngã tư nơi đám đông người đi bộ đang đứng. Đánh lửa ở thùng rác, hay cái này? Thompson Boyd quyết định. Hắn len thật khẽ tới sát lề đường, phía sau một cô gái châu Á, nhỏ nhắn, khoảng hai mươi tuổi. Tất cả những gì hắn cần làm là một cú đẩy nhẹ vào lưng dưới cô gái để cô ngã vào đường đi của chiếc xe buýt. Xoay mình trong kinh hoàng, thở hổn hển, cô trượt chân khỏi lề đường.

“Cô ấy bị ngã!”, Thompson hét lên, giọng gấp gáp. “Kéo cô ấy lại.”

Tiếng kêu của cô gái bị cắt ngang khi chiếc gương chiếu hậu bên phải của chiếc xe đập mạnh vào vai và đầu, quăng thân thể cô ngã nhào, nằm dọc vỉa hè. Máu bắn vung vãi cửa sổ và những người đứng gần. Tiếng phanh rít lên. Vài người phụ nữ trong đám đông cũng hét lên kinh hoàng.

Chiếc xe buýt phanh gấp ở điểm dừng nằm giữa đường Canal, ngăn cản giao thông, nơi mà nó phải giữ nguyên vị trí cho tới cuộc điều tra tai nạn. Một ngọn lửa trong thùng rác, một cái chai vỡ, một tiếng báo động của ô tô - chúng có thể có hiệu quả. Nhưng hắn đã quyết định rằng giết cô gái sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Dòng xe cộ ngay lập tức bị đông cứng, bao gồm cả hai chiếc xe cảnh sát đang đến gần ở phố 6.

Hắn bước qua đường một cách chậm rãi, bỏ lại đám đông túm tụm những người qua đường đang kinh hãi, đang khóc, la hét, hoặc chỉ nhìn chằm chằm trong ánh mắt kinh ngạc trước thân thể mềm nhũn, đầy máu, ngã gục trên cái hàng rào sắt. Đôi mắt mở to trống rỗng vô hồn nhìn chằm chằm lên trời. Rõ ràng không một ai nghĩ rằng bi kịch này là một cái gì đó ngoài một tai nạn khủng khiếp.

Mọi người chạy về phía cô gái, gọi 911... khung cảnh hỗn loạn. Thompson bình thản bước qua đường, len qua dòng xe cộ đang dừng lại. Hắn đã quên mất cô gái châu Á và đang bận tâm tới những vấn đề quan trọng hơn: Hắn đã mất một nơi ẩn náu. Nhưng ít nhất hắn đã trốn thoát với khẩu súng, những thứ mua từ cửa hàng đồ gia dụng và quyển sách hướng dẫn. Không có bằng chứng nào ở căn hộ để lùng ra hắn hoặc người đàn ông đã thuê hắn; thậm chí ngay cả người phụ nữ trong bộ đồ màu trắng cũng không thể tìm ra bất kỳ liên quan nào. Không, đây không phải là một vấn đề nghiêm trọng.

Hắn dừng lại ở một bốt điện thoại công cộng, gọi vào hộp thư thoại và nhận được vài tin tốt. Hắn đã biết rằng, Geneva Settle đang ở trường trung học Langston Hughes tại Harlem. Hắn tìm ra rằng, cô bé cũng được bảo vệ bởi cảnh sát, tất nhiên điều này không có gì ngạc nhiên cả. Thompson có thể sớm tìm ra nhiều thông tin - có thể đoán chừng nơi cô bé sống hay thậm chí, với một chút may mắn, sự thật là một cơ hội từng xuất hiện, và cô bé đáng lẽ đã bị bắn chết, nhiệm vụ hoàn thành.

Thompson Boyd tiếp tục bước về phía chiếc xe của mình - một chiếc Buick ba năm tuổi, với màu xanh da trời nhàm chán, một chiếc xe vừa vừa, một chiếc xe trung bình, cho Joe Trung bình. Hắn hòa vào dòng xe cộ và lái xa chỗ ùn tắc do vụ tai nạn, hướng về phía cầu trên phố 59, trong đầu bây giờ là hình ảnh những gì học được trong quyển sách một giờ trước, quyên sách dán đầy những tờ ghi chú, và nghĩ xem cần sử dụng kỹ năng mới như thế nào.

“Tôi không... Tôi không biết phải nói gì cả.”

Một cách khổ sở, Lon Sellito nhìn lên người chỉ huy đến trực tiếp từ Sở chỉ huy cảnh sát New York ngay sau khi ông ta biểt về vụ nổ súng. Sellito ngồi trên vỉa hè, mái tóc nghiêng sang một bên xõa xượi, bụng vượt qua thắt lưng, tàng thịt béo hồng hiện ra giữa những nút áo. Đôi giày mòn hướng ra ngoài. Lúc này, trông anh ta hoàn toàn luộm thuộm.

“Chuyện gì đã xảy ra?” Viên chỉ huy to lớn, hói đầu người Mỹ - Phi lấy khẩu súng khỏi Sellito và giữ nó bên cạnh, không có đạn, ổ đạn mở ra, theo đúng các nguyên tắc sau khi một sĩ quan cảnh sát nổ súng.

Sellito nhìn vào đôi mắt của người đàn ông cao lớn và nói: “Tôi đã luống cuống với khẩu súng của mình”.

Viên chỉ huy gật đầu chậm rãi và quay sang Amelia Sachs. “Cô ổn chứ?”

Cô nhún vai. “Không có gì cả. Viên đạn bắn vào đâu đó không gần chỗ tôi.”

Sellito có thể thấy viên chỉ huy biết rằng cô ấy không quan tâm tới sự việc, làm ra vẻ như nó không quan trọng lắm. Việc cô bảo vệ anh viên cảnh sát to béo thậm chí càng cảm thấy khổ sở hơn.

“Dù sao thì cô cũng gặp nguy hiểm”, viên chỉ huy nói.

“Nó không hề...”

“Cô có thấy nguy hiểm không?”

“Vâng, thưa ngài.” Sachs nói.

Viên đạn 38 ly đã bay cách cô chỉ gần một mét. Sellito biết điều đó. Cô biết điều đó.

Không gần chỗ tôi...

Viên chỉ huy xem xét căn nhà kho. “Điều này không xảy ra, hung thủ vẫn trốn thoát?”

“Vâng”, Bo Haumann nói.

“Anh có chắc là nó không liên quan tới việc hung thủ trốn thoát chứ? Sẽ có người điều tra về vấn đề này.”

Người chỉ huy đội ESU gật đầu. “Có vẻ như hung thù đã trèo lên mái nhà kho và chạy theo hướng bắc hoặc nam - nhiều khả năng là nam. Phát đạn” - anh hất đầu về phía khẩu súng của Sellito, - “xảy ra ngay sau khi chúng tôi đã bảo đảm các tòa nhà kế cận an toàn.”

Sellito nghĩ một lần nữa, Chuyện gì đang xảy ra với mình vậy?

Phụp, phụp, phụp...

Viên chỉ huy hỏi: “Tại sao cậu lại rút súng ra?”.

“Tôi không nghĩ rằng sẽ có người đi lên qua cửa tầng hầm.”

“Cậu không nghe thấy tin truyền qua điện đàm về việc tòa nhà đã được kiểm tra kỹ à?”

Một chút lưỡng lự. “Tôi không nghe thấy.” Lần gần nhất mà Lon Sellito nói dối một chỉ huy là để bảo vệ một tay lính mới đã không làm theo những bước như quy định khi anh ta cố cứu một nạn nhân bị bắt cóc, và anh đã chủ ý làm như vậy. Đó là một lời nói dối vô hại. Còn đây là lời nói dối để bao biện cho mình và khi thốt ra điều đó, anh đau đớn như bị gãy một chiếc xương.

Viên chỉ huy nhìn quanh hiện trường. Một vài sĩ quan ESU đi loanh quanh. Không ai nhìn Sellito. Họ có vẻ cảm thấy xấu hổ thay cho anh. Viên chỉ huy cuối cùng nói: “Không có thương tích, không có thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Tôi sẽ làm một bản báo cáo, nhưng có thể sẽ có hoặc không có một ban thẩm tra về vụ nổ súng. Tôi sẽ không đề cập đến nó.”

Sellito thở phào như vừa nhấc được hòn đá ra khỏi ngực mình. Một ban thẩm tra về vụ nổ súng chỉ cách một bước ngắn tới cuộc điều tra của bộ Nội vụ và điều đó sẽ ảnh hưởng tới thanh danh sau này. Ngay cả khi bạn trong sạch, những vết nhọ lưu lại trong hồ sơ một thời gian dài, rất dài. Đôi khi là mãi mãi.

“Anh muốn có chút thời gian để nghỉ ngơi chứ?”, viên chỉ huy hỏi.

“Không, thưa ngài.” Sellitto trả lời một cách quả quyết.

Điều tồi tệ nhất trong thế giới của anh - hay bất cứ một cảnh sát nào - là phải nghỉ việc một thời gian sau sự vụ như thế này. Anh sẽ suy nghĩ một thời gian dài, sẽ nhồi nhét mình ngập trong đống đồ ăn vặt, sẽ rơi vào tâm trạng cáu kỉnh đáng ghét với bất cứ ai xung quanh. Và anh thậm chí còn hoảng sợ hơn cả lúc này. (Anh vẫn còn nhớ sự xấu hổ khi nhảy như một cô bé học sinh vì tiếng nổ máy của xe tải lúc trước đó.)

“Tôi không biết.” Viên chỉ huy có quyền đưa ra yêu cầu tạm nghỉ việc bắt buộc, ông muốn hỏi ý kiến của Sachs nhưng điều đó có lẽ là không đúng. Cô ấy là một thanh tra trẻ, cấp thấp. Sự do dự của viên chỉ huy trong việc đưa ra quyết định vẫn là nhằm tạo cơ hội cho Sachs xen vào. Để nói, có thể là, Này, Lon, đẩy là một ý tốt đấy. Hoặc: Được rồi. Chúng tôi sẽ giải quyết công việc mà không cần cậu.

Thay vào đó, cô chẳng nói gì hết. Mà họ đều ngầm hiểu rằng đó là một phiếu ủng hộ cho sự giúp đỡ của ông. Viên chỉ huy hỏi: “Tôi hiểu một vài nhân chứng bị giết ngay trước mặt cậu ngày hôm nay, đúng không? Điều đó chắc có ảnh hưởng tới cậu chứ?”.

Có, không...

“Thật khó để nói được.”

Lại là một cuộc tranh cãi dài khác. Nhưng dù nói bất cứ điều gì về một vị lãnh đạo, phải nhớ rằng họ không phải được thăng cấp trong Sở cảnh sát New York mà không hề biết chút gì về cuộc sống trên đường phố và ảnh hưởng của nó tới một cảnh sát. “Được rồi, tôi sẽ vẫn cho cậu tiếp tục làm việc. Nhưng cậu nên đến gặp một chuyên gia tâm lý.”

Mặt anh nóng ran. Rùng mình. Nhưng anh nói: “Chắc chắn rồi. Tôi sẽ lên lịch hẹn ng, thưa ngài”.

“Tốt lắm. Và hãy thường xuyên báo cáo tình hình cho tôi.”

“Vâng, thưa ngài.”

Viên chỉ huy trả lại khẩu súng cho Sellito và đi bộ về Sở chỉ huy cùng với Bo Haumann. Sellito và Sachs đi về phía xe phản ứng nhanh của đơn vị Khám nghiệm hiện trường vừa mới đến.

“Amelia...”

“Quên nó đi, Lon. Sự việc đã xảy ra và cũng kết thúc rồi. Những phát đạn từ đồng đội là điều có thể xảy ra thường xuyên.” Theo thống kê, các cảnh sát có nhiều nguy cơ bị bắn bởi chính những viên đạn của đồng đội hơn là bởi tội phạm.

Viên cảnh sát to lớn nặng nề lắc đầu. “Tôi chỉ…” Sellito không biết phải nói gì nữa.

Một khoảng im lặng kéo dài khi họ đi về phía chiếc xe buýt. Cuối cùng Sachs nói: “Một điều, Lon. Thế giới quay vòng quanh. Anh biết nó như thế nào. Nhưng không một ai ở ngoài biết về câu chuyện này. Và nếu có thì không phải từ tôi”. Không giữ điện đàm - một dạng mạng lưới truyền tin đồn của cảnh sát - Lincoln Rhyme chỉ biết về sự việc từ một trong những cảnh sát.

“Tôi không thắc mắc về điều đó.”

“Tôi biết”, cô nói. “Chỉ nói với anh rằng tôi sẽ xử lý sự việc như thế nào.” Cô bắt đầu tháo dỡ trang thiết bị nghiên cứu hiện trường.

“Cảm ơn”, anh nói với một giọng trầm đặc. Và nhận ra những ngón tay trên bàn tay trái của mình lại thò lên vị trí của vết máu vô hình trên má.

Phụp, phụp, phụp...

“Không có nhiều thông tin lắm, Rhyme.”

“Cứ nói đi”, anh nói qua tai nghe.

Trong bộ quần áo Tyvek màu trắng, cô đang khám nghiệm hiện trường theo phương pháp kẻ ô vuông tại căn hộ nhỏ - hay nói đúng hơn là nơi ẩn náu tạm thời của nghi phạm, họ biết điều đó bởi sự sơ sài của nó.

Hầu hết những tên giết người chuyên nghiệp đều có một nơi như vậy. Chúng cất giấu vũ khí và các nhu yếu phẩm ở đó, tận dụng nó như là một trạm nghỉ, một chỗ trú để tránh những ộc tấn công đồng thời là một chỗ ẩn mình nếu như công việc có chuyển biến xấu.

“Có những gì bên trong?”, anh hỏi.

“Một chiếc giường nhỏ, một cái bàn và một cái ghế. Đèn bàn. Một chiếc ti vi nối với camera an ninh treo ở hành lang bên ngoài. Đó là một hệ thống Kỹ thuật thu phát nhưng hắn đã xóa miếng dán ghi số seri nên chúng ta không thể biết nó được mua từ khi nào và ở đâu. Em tìm thấy những sợi dây điện và các đầu chuyển cho nguồn điện hắn gắn vào cánh cửa. Những bức ảnh tĩnh điện cho thấy dấu giày khớp với dấu giày Bass chúng ta đã có. Em đã quét sạch mọi ngóc ngách và không tìm thấy một dấu tay nào. Đeo găng tay chính ngay trong chỗ ẩn náu - hắn đang làm cái gì nhỉ?”

Rhyme suy đoán: “Ngoài sự thật là hắn quá thông minh? Nhiều khả năng hắn không bảo vệ căn hộ thực sự cẩn thận và biết trước rằng nó sẽ bị phát hiện một lúc nào đó. Anh chi cần một dấu tay mà thôi. Chắc chắn hắn nằm trong danh sách đen ở đâu đó rồi. Có thể là rất nhiều nơi”.

“Em tìm thấy phần còn lại của bộ bài tarot, nhưng không có nhãn cửa hàng. Và lá bài thiếu duy nhất là lá bài số mười hai, lá bài hắn để lại hiện trường. Được rồi, em sẽ tìm kiếm tiếp.”

Cô tiếp tục khám xét bằng cách đi ô vuông một cách cần thận - dù cho căn hộ nhỏ và ta có thể quan sát hầu hết căn phòng chỉ đơn giản bằng cách đứng ở giữa và xoay ba trăm sáu mươi độ. Sachs tìm thấy một phần bằng chứng được cất giấu: Khi đi qua chiếc giường, cô phát hiện một mẩu nhỏ thò ra bên dưới chiếc gối và rút nó ra, mở miếng giấy gấp một cách cẩn thận.

“Có một vật gì đó ở đây, Rhyme. Tấm bản đồ con phố có bảo tàng Mỹ - Phi. Có rất nhiều chi tiết ghi chép về các hành lang, con hẻm và lối vào, lối thoát của tất cả các tòa nhà xung quanh, nhà kho, bãi đậu xe, đường dẫn nước, lỗ cống, bốt điện thoại trà trước. Hắn là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo.”

Không có nhiều sát thủ dính vào quá nhiều rắc rối thế này với một công việc được thuê. “Có vài vết gì đó trên nó nữa. Và một vài mẩu vụn. Màu nâu.” Sachs hít thử. “Tỏi. Mẩu vụn như kiểu thức ăn.” Cô thả tấm bản đồ vào trong một chiếc phong bì nhựa và tiếp tục tìm kiếm.

“Em có thêm ít sợi vải nữa, giống với những thứ trước - sợi thừng cotton, em đoán vậy. Một ít bụi bẩn. Vậy đấy.”

“Ước gì anh có thể thấy hiện trường.” Giọng của Lincoln dần dần chuyển sang im lặng.

“Rhyme?”

“Anh đang tưởng tượng trong đầu”, anh thì thầm. Im lặng một chút nữa. Rồi tiếp: “Có gì trên mặt bàn không?”.

“Không có gì cả. Em đã nói...”

“Anh không ám chỉ cái gì trên mặt bàn. Ý anh là, nó có vết gì không? Mực? Hình vẽ? Vết dao? Hay là vết đáy cốc cà phê?” Anh nói tiếp bằng một giọng gay gắt: “Khi một hung thủ bất lịch sự đến mức không để lại hóa đơn tiền điện nằm đâu đó, ta phải lấy những gì ta có thể”.

À, vậy là cái tâm trạng tốt lành đã chính thức tan biến.

Cô kiểm tra kỹ cái mặt bàn bằng gỗ. “Nó có vệt, đúng vậy. Vết xước và vết hằn.”

“Bằng gỗ à?”

“Đúng.”

“Lấy một ít mẫu về đây. Dùng một con dao và cạo bề mặt.”

Sachs tìm thấy một con dao mổ trong túi đựng dụng cụ khám nghiệm. Giống với những con dao được dùng trong phòng phẫu thuật, nó được tiệt trùng và đóng gói trong tờ giấy và túi nhựa. Cô cạo cẩn thận một ít gỗ ở bề mặt và đặt chúng vào những chiếc túi nhựa nhỏ.

Khi cúi xuống, cô phát hiện ra một tia sáng lóe ra từ mép bàn. Sachs nhìn kỹ hơn.

“Rhyme, tìm thấy một vài giọt chất lỏng. Nó trong suốt.”

“Trước khi em lấy một ít mẫu về, thử cho vào một giọt với một ít Mirage xem. Đi cùng với Exspray số Hai. Gã này rất thích kiểu đồ chơi chết người.”

Công nghệ Mirage tạo ra một hệ thống phát hiện chất gây nổ một cách nhanh chóng và hiệu quả. Expray số Hai có thể phát hiện những chất nổ nhóm B, gồm có những chất nitroglycerin trong suốt và tính không ổn định cao, chỉ cần một giọt cũng có thể thổi bay bàn tay.

Sachs kiểm tra một giọt. Nếu như đó là chất nổ, thì nó sẽ chuyển sang màu hồng. Không có gì thay đổi. Cô tiếp tục thử cũng giọt đó bằng Spray số Ba, chỉ để bảo đảm rằng - nó sẽ chỉ ra sự có mặt của bất cứ nitrat nào, nhân tố chủ chốt trong hầu hết các chất nổ, không chỉ nitroglycerin.

“m tính, Rhyme.” Cô lấy giọt thứ hai của chất lỏng ấy và đưa vào một ống thủy tinh, đậy kín nó lại.

“Thế là xong rồi, Rhyme.”

“Mang tất cả về đây, Sachs. Chúng ta cần nhanh chân hơn gã này. Nếu hắn có thể trốn thoát đội ESU dễ dàng như vậy, điều đó có nghĩa là hắn cũng có thể tiếp cận Geneva nhanh tương tự.”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 15


Cô đã vượt qua một cách xuất sắc.

Tuyệt.

Hai mươi tư câu hỏi trong bài chọn đáp án đúng - tất cả đều đúng, Geneva Settle biết thế. Và cô đã viết bảy trang giấy cho câu hỏi ở bài luận mà chỉ yêu cầu bốn tờ.

Quá tuyệt...

Cô đang nói với thanh tra Bell về việc mình đã làm tốt như thế nào và anh ta gật đầu - điều đó nói với cô bé rằng anh ta không lắng nghe, chỉ đang kiểm tra các giảng đường - nhưng ít nhất vẫn giữ một nụ cười trên mặt và cô

bé đã vờ như là anh vẫn nghe mình nói. Và thật là kỳ cục vì cô cảm thấy tốt hơn khi nói huyên thuyên như thế này. Chỉ nói với anh ta về những câu hỏi mẹo mà giáo viên đã đưa ra trong bài luận, cái cách mà Lynette Tompkins thì thầm: “Chúa ơi, cứu con với”, khi cô bạn này nhận ra rằng mình đã học sai chủ đề. Không một ai ngoại trừ Keesh hứng thú với việc nghe cô kể đi kể lại như thế.

Giờ, cô có bài kiểm tra toán. Geneva không thích tính toán lắm nhưng cô biết tài liệu cần thiết nên đã học và thuộc nằm lòng nó rồi.

“Này cậu!” Lakeesha chạy xuống bậc thang bên cạnh. “Cậu vẫn ở đây à?” Đôi mắt mở to. “Cậu gần như bị giết sáng nay mà chả lo lắng sợ hãi gì cả. Thật là điên rồ.”

“Chà. Nghe như là cậu đang ép tớ vậy.”

Keesh vẫn chơi cái trò ‘snapping’, mà Geneva biết sẽ như vậy...

“Cậu đã đạt điểm A rồi. Sao cậu vẫn đến làm bài kiểm tra làm gì?”

“Nếu tớ không đếnhi, thì tớ sẽ không đạt được điểm A.”

Cô gái to lớn liếc nhìn thanh tra Bell với một cái cau mày. “Ông nói xem, đáng ra ông phải đang ở ngoài truy lùng cái kẻ khốn nạn tấn công bạn gái thân thiết của tôi ở đây.”

“Chúng tôi có hàng chục người đang làm điều đó.”

“Bao nhiêu? Và họ đang ở đâu?”

“Keesh!” Geneva thì thầm.

Nhưng thanh tra Bell cười nhạt. “Hàng chục người.”

Nhanh lên, nhanh lên.

Geneva hỏi bạn: “Vậy, bài kiểm tra Văn minh thế giới của cậu thế nào?”.

“Thế giới không văn minh. Nó chán chết.”

“Nhưng cậu không bỏ nó?”

“Nói với cậu là tớ có làm. Khá tốt, nhóc. Tớ làm hết sức mình rồi. Khá chắc chắn là sẽ được điểm C. Ít nhất là thế. Có thể thậm chí điểm B.”

“Hài thật.”

Họ đi đến ngã tư hành lang và Lakeesha rẽ sang trái. “Gặp sau nhé. Gọi tớ vào buổi chiều.”

“Nhất trí.”

Geneva tự cười với mình khi nhìn cô bạn gái bốc hơi qua những hành lang. Keesh trông giống với bất cứ cô gái xinh xắn, quyến rũ, với bộ quần áo bó sát sặc sỡ, những móng tay nhìn thật đáng sợ, tóc búi căng và những đồ trang sức rẻ tiền. Nhảy nhót thật sexy với các bài nhạc của L.L. Cool J, Twista và Beyoncé. Sẵn sàng nhảy vào những cuộc chiến - thậm chí nhảy ra trước mặt mấy cô gái giang hồ (đôi khi cô vẫn mang theo một con dao rọc giấy hoặc dao bấm). Keesh đôi khi có dịp được làm DJ và tự gọi mình là Def Mistress K khi đứng trên bàn DJ tại những cuộc nhảy ở trường - và ở các hộp đêm nữa, những nơi mà bảo vệ thường cho cô ấy đi qua dù chưa đủ hai mươi mốt tuổi.

Nhưng thực ra, một người quậy phá như cô ấy vẫn giả vờ như vậy. Cô ấy có thể mang trên mình những chiếc móng tay giả kinh dị hay những lọn tóc ba đô la rẻ tiền. Đối với Geneva, điều đó rất rõ ràng: nếu nghe kỹ, ta có thể nói rằng tiếng Anh chuẩn là ngôn ngữ mẹ đẻ của cô ấy. Nghe cách nói của cô ấy có vẻ giống với những nhân vật hoạt hình da đen chợ búa nhưng thực ra họ đều nói không đúng. Cô ấy có thể nói: “Tớ ở nhà Sammy đêm hôm qua[26]”. Nhưng một người nói ngôn ngữ Ebonics[27] thực sự - cụm từ đúng về mặt chính trị là tiếng Anh của người Mỹ gốc Phi (AAVE) - sẽ không nói như vậy; họ sẽ nói: “Tôi đã ở nhà Sammy[28]”. Động từ “be” chỉ được dùng cho hành động đang xảy ra hoặc xảy ra trong tương lai, giống như: “Tớ đang làm việc ở Blockbuster các cuối tuần[29]” Hoặc là “Tớ sẽ đi Houston với cô tháng sau[30]”

[26] Nguyên văn: I be at Sammy’s last night.

[27] Ngôn ngữ của cộng đồng người có nguồn gốc từ các nô lệ da đen châu Phi.

[28] Nguyên văn: I was at Sammy’s last night.

[29] Nguyên văn: I be working at Blockbuster every weekend.

[30] Nguyên văn: I be going to Houston with my aunt next month.

Hoặc Keesh sẽ nói: “Tớ sẽ là người đầu tiên đăng ký[31]” Nhưng đó không phải là AAVE, bởi AAVE không bao giờ bỏ động từ “to be” với ngôi thứ nhất, chỉ ở ngôi thứ hai và thứ ba: “Anh ta sẽ là người đầu tiên đăng ký[32]” là đúng. Nhưng với những người bình thường, nghe như cô ấy lớn lên ở một khu ổ chuột vậy.

[31] Nguyên vãn: I the first one to sign up.

[32] Nguyên văn: He the first one to sign up.

Những điều khác nữa: rất nhiều các cô gái khoe khoang về việc thó đồ từ các cửa hiệu. Nhưng Keesh không bao giờ lấy gì nhiều hơn một cái lọ nước lau móng tay hoặc các lọn tóc giả. Cô ấy thậm chí còn không mua đồ trang sức bán rong trên phố từ bất cứ một ai thó nó từ một khách du lịch, và cô gái to lớn cũng nhanh chóng rút điện thoại ra và gọi cho 911 về những đứa nhóc đáng ngờ lởn vởn quanh hành lang của các tòa nhà vào “mùa săn” - thời gian trong tháng khi mà các cơ quan phúc lợi, và tiền trợ cấp xã hội bắt đầu ngập đầy các hòm thư.

Keesh kiếm tiền chi trả bằng cách của mình. Cô ấy làm hai việc một lúc - làm tóc và làm nhân viên thu ngân trong một nhà hàng bốn ngày một tuần (nó nằm ở Manhattan nhưng cách Harlem về phía nam hàng dặm, để bảo đảm rằng không gặp phải người quen, mà có thể làm lộ ra vỏ bọc là một DJ trên phố 124). Cô ấy tiêu xài một cách cẩn thận và dành dụm các khoản thu của mình để giúp đỡ gia đình.

Tuy nhiên, vẫn còn một mặt của Keesh khiến cô ẩy khác biệt với rất nhiều cô gái khác ở Harlem. Cô ấy và Geneva đều thuộc dạng đôi khi được gọi là “Hội chị em của chẳng nhóm nào”. Ý là, không tình dục. (Chà, trêu đùa, bỡn cợt thôi thì không thành vấn đề gì cả, nhưng, như một người bạn của Geneva nói: “Nghĩa là chẳng có gã trai nào nhét cái ấy vào trong mình cả”, và đúng là thế thật.) Cả hai cô bé đều giữ hiệp ước về trinh tiết khi còn học ở trường trung học. Điều này khiến họ trở thành số ít. Phần lớn các nữ sinh ở Langston Hughes đã ngủ với bạn trai vài năm rồi.

Các nữ sinh tuổi thành niên ở Harlem rơi vào hai nhóm và sự khác biệt được định rõ bởi một hình ảnh: mang thai. Có những cô bé vác bụng đi trên phố và có những cô thì không. Và chẳng có gì quan trọng việc bạn đọc Ntozake Shange hay Sylvia Path hoặc là không biết chữ, không cần biết bạn mặc áo ba lỗ màu cam hay những búi tóc mua từ cửa hàng hay áo blouse trắng và những chiếc váy xếp li... nếu bạn kết thúc với kết quả thuộc nhóm có bầu, thì cuộc đời của bạn sẽ chuyển sang một hướng hoàn toàn khác với những cô gái ở nhóm kia. Một đứa trẻ trong bụng không có nghĩa là kết thúc việc học hành và sự nghiệp nhưng nó lại thường là như vậy. Ngay cả khi nếu không phải thế, một nữ sinh mang bầu có thể sẽ phải chịu đựng một khoảng thời gian khó khăn đau khổ.

Mục tiêu kiên định của Geneva là biến khỏi Harlem ngay khi có cơ hội đầu tiên, đến với Boston hay New Haven để lấy một hoặc hai bằng đại học rồi sẽ tiến tới Anh, Pháp hay Ý. Ngay cả một nguy cơ nhẹ nhàng nhất như mang bầu với khả năng làm hỏng kế hoạch cũng là không thể chấp nhận được. Lakeesha thì không chú trọng đến việc học cao hơn nhưng cô ấy cũng có những tham vọng của mình. Keesha đã đi xem một vài trường cao đẳng thời gian học bốn năm và như một nữ doanh nhân da đen thông minh giàu có, rất thành công ở Harlem. Cô sẽ trở thành một Frederick Douglass hay là Malcolm X của khu thương mại vùng ngoại ô.

Chính những suy nghĩ chung này đã khiến những cô gái trong nhóm khác không ưa hai cô bé. Và giống với hầu hết những mối quan hệ sâu sắc, sự liên kết giữa họ thường trái ngược với định nghĩa về tình bạn thân.

Keesh cho thấy điều này rõ ràng nhất một lần khi giơ cánh tay đầy vòng của mình lên vẫy vẫy, với những ngón tay có móng giả sơn chấm bi, và nói bằng một thứ tiếng Anh đúng với quy tắc không cần thỏa thuận ở ngôi thứ ba số ít của AAVE: “Gì đi nữa, nhóc. Nó có tác dụng, nhỉ[33]?”

[font color="#0070C0">33] Nguyên văn: “Whatever, girlfriend. It work, don’t it?”.

Và, tất nhiên, nó vẫn đúng.

Geneva và thanh tra Bell lúc này đã đến lớp học toán. Anh chọn một vị trí bên ngoài cửa. “Chú sẽ ở đây. Sau bài kiểm tra, đợi chú bên trong. Chú sẽ cho ô tô đến khu vực trước cửa.”

Cô bé gật đầu rồi quay vào trong lợp rồi lại lưỡng lự, nhìn về sau. “Cháu muốn nói một điều, thưa chú.”

“Gì vậy?”

“Cháu biết là đôi khi mình không hợp tác. Bướng bỉnh, cứng đầu, như mọi người vẫn nói. Chà, phần lớn thì họ đều bảo cháu là cái nhọt ở mông. Nhưng, cảm ơn vì những gì chú đang làm cho cháu.”

“Chỉ là công việc của chú thôi. Hơn nữa, một nửa số nhân chứng và những người chú bảo vệ không bằng cả cái mặt đường bê tông mà họ đang bước đi trên đó. Chú thấy vui khi được để mắt tới ai đó tốt bụng. Nào, giờ thì sẵn sàng hoàn thành tiếp hai mươi tư câu chọn đáp án đúng nào.”

Cô nháy mắt. “Chú đã lắng nghe cháu? Cháu cứ nghĩ là chú không để ý những gì cháu nói.”

“Chú có nghe chứ. Và quan sát xung quanh cho cháu. Dù chú sẽ thừa nhận là, làm hai việc cùng một lúc hơi quá khả năng của mình. Không thể mong gì hơn thế nữa. Được rồi, giờ... Chú sẽ ở đây đến khi cháu đi ra.”

“Và cháu sẽ trả lại chú tiền bữa trưa.”

“Chú đã nói với cháu là nhà nước sẽ lo việc này mà.”

“Chỉ là, chú trả tiền cho bữa trưa bằng tiền túi của mình - và chú không lấy hóa đơn.”

“Nào, nhìn xem. Cháu cũng để ý những chuyện vặt vãnh nhỉ.”

Ở trong lớp, Geneva nhìn thấy Kevin Cheaney đang đứng ở cuối phòng, nói chuyện với vài cậu bạn trong nhóm. Cậu ấy hất đầu, nở một nụ cười, bước về phía cô. Gần như mọi đứa con gái trong phòng học - dù là xinh xắn hay bình thường - dõi theo bước đi của cậu ấy. Ngạc nhiên - rồi sốc - lóe lên trong mắt khi họ nhìn thấy cậu ta đang đi về phía ai.

Này, cô nghĩ một cách đắc chí, hãy đóng lại nghĩ trong đầu các cô đi.

Tôi đang ở trên thiên đường. Geneva Settle cúi xuống, mặt nóng ran.

“Này, nhóc”, cậu ta nói, bước tới gần hơn. Cô ngửi thấy mùi nước làm mềm da sau khi cạo râu của cậu ta. Tự hỏi nó là loại gì nhỉ. Có thể cô sẽ tìm hiểu ngày sinh nhật cậu ta và mua tặng một vài lọ.

“Chào”, cô nói, giọng run run, hắng giọng. “Chào.”

Được rồi, cô đã có khoảnh khắc vinh quang trước cả lớp - mà có thể sẽ là mãi mãi. Nhưng giờ đây, một lần nữa, tất cả những gì cô có thể nghĩ tới là giữ một khoảng cách với cậu ta, bảo đảm chắc chắn rằng cậu ta không vì cô mà bị liên lụy. Geneva sẽ nói cho cậu ta biết ở gần cô sẽ nguy hiểm tới mức nào. Quên cái trò chửi nhau, quên những chuyện đùa cợt về mẹ của cậu đi. Phải nghiêm túc. Nói với cậu ta điều mình thực sự cảm thấy: Rằng mình lo lắng cho cậu.

Nhưng trước khi có thể nói bất cứ điều gì, cậu ta ra hiệu cho cô đi về phía cuối lớp. “Đi lại đây. Có thứ cho cậu này.”

Cho mình á? Cô nghĩ. Hít một hơi thật sâu và đi theo cậu ta tới góc lớp.

“Này. Một món quà cho cậu.” Cậu ta giúi một thứ gì đó vào tay cô. Bằng nhựa màu đen. Cái gì thế nhỉ? Một chiếc điện thoại? Máy nhắn tin? Chúng ta không được phép mang những thứ này vào trường. Tim Geneva vẫn đập mạnh, thắc mắc không hiểu mục đích của món quà. Có phải là để gọi cho cậu ấy khi cô gặp nguy hiểm? Hay là để có thể giữ liên lạc vói cô bất cứ khi nào cậu ấy muốn?

“Cái này thật tuyệt”, cô nói, xem xét nó. Cô nhận ra rằng nó không phải là một cái điện thoại hay máy nhắn tin, nhưng là một dạng kiểu như thế. Giống một cái Palm Pilot.

“Có trò chơi, truy cập mạng, thư điện tử. Tất cả đều dùng mạng không dây. Chả hiểu nó làm thế nào.”

“Cảm ơn. Chỉ là... ừm, nó có vẻ đắt tiền, Kevin. Mình không biết sử dụng..

“À, không có gì, nhóc. Cậu có nó bằng công sức của mình đấy chứ..

Cô nhìn lên vào cậu ta: “Tớ kiếm nó bằng sức mình?”.

“Nghe này. Không vấn đề gì cả. Tớ và mấy thằng bạn đã thử rồi. Nó được kết nối với cái của tớ.” Cậu ta vỗ vỗ vào túi áo sơ mi“Những gì cậu cần làm là, điều đầu tiên cần phải ghi nhớ, giữ chặt nó ở giữa hai chân cậu. Sẽ tốt hơn nếu cậu mặc váy. Giáo viên sẽ không kiểm tra ở đấy đâu, không thì họ sẽ gặp rắc rối với pháp luật, hiểu chứ? Giờ, câu hỏi đầu tiên trong bài kiểm tra, cậu nhấn vào cái nút này ở đây. Thấy chứ? Rồi sau đó nhấn cái nút cách này và rồi điền câu trả lời vào. Cậu hiểu ỷ mình chứ?”

“Câu trả lời?”

“Này, nghe này, quan trọng lắm. Cậu sẽ phải nhấn nút này để gửi nó cho mình. Cái nút nho nhỏ với một cái ăng ten. Nếu cậu không nhấn thì nó sẽ không gửi đâu. Câu hỏi thứ hai, nhấn hai. Rồi nhấn câu trả lời.”

“Mình không hiểu.”

Cậu ta cười, tự hỏi sao cô lại không hiểu ý mình. “Cậu nghĩ sao? Chúng ta thỏa thuận nhé, nhóc. Tớ sẽ bảo vệ cậu trên phố. Cậu sẽ ‘bảo kê’ cho tớ trong lớp học.”

Geneva như bị một cú tát vào mặt khi nhận ra ý đồ của Kevin, ngước lên nhìn, vẻ chán nản. “Ý cậu là gian lận.”

Cậu ta cau mày. “Đừng có nói to.” Nhìn xung quanh.

“Cậu đùa à. Đây là trò đùa.”

“Trò đùa? Không, nhóc. Cậu đang giúp tớ.”

Không phải một câu hỏi. Một mệnh lệnh.

Cô cảm thấy như mình sắp nôn ọe. Cô thở dốc. “Tớ sẽ không làm việc này.” Cô đưa chiếc máy ra. Cậu ta không cầm lấy nó.

“Vấn đề của cậu là gì? Có rất nhiều đứa con gái giúp tớ.”

“Alicia”, Geneva thì thầm đầy giận dữ, gật gật đầu và nhớ lại về cô bạn từng học cùng lớp với họ cho đến gần đây, Alicia Goodwin, một cô gái thông minh, một thiên tài toán học. Cô ấy vừa rời trường vì gia đình chuyển tới Jersey. Cô ấy và Kevin rất gần gũi với nhau. Vậy thì tất cả là thế: Khi cậu ta mất đi cạ bao che, Kevin đã tìm một người mới và chọn Geneva, một học sinh tốt hơn so với người ‘tiền nhiệm’ nhưng không được xinh đẹp bằng. Geneva tự hỏi liệu cô nằm ở số bao nhiêu trong danh sách ấy. Nỗi tức giận và đau đớn gào thét trong Geneva như ngọn lửa trong cái đầu máy xe lửa.

Nó thậm chí còn tồi tệ hơn cả những gì xảy ra ở thư viện buổi sáng ngày hôm nay. Ít nhất thì cái gã đeo mũ trùm cũng không hề vờ là bạn cô.

Lạy thánh Judas...

Geneva rít lên. “Cậu đã có cả tá cô gái cho cậu những câu trả lời... Điểm trung bình của cậu sẽ là bao nhiêu nếu không có họ?”

“Tớ không ngốc nghếch thế đâu”, cậu ta thì thầm đầy tức giận. “Chỉ là, tớ chẳng cần phải học những cái vớ vẩn này. Tớ sẽ chỉ chơi bóng và sẽ có hàng đống séc để ký cho đến cuối đời. Sẽ tốt hơn cho mọi người khi để tớ luyện tập, thay vì học hành.”

“Cho mọi người.” Cô cười một cách chua chát.

“Vậy thì đó là nơi điểm số của cậu có được: Cậu ăn cắp nó. Cũng giống như chôm chỉa sợi dây vàng của một ai đó ở quảng trường Thời đại mà thôi.”

“Này, nhóc, tớ nói cho cậu biết, cẩn thận cái mồm cậu đấy.” Cậu ta thầm thì đe dọa.

“Tớ sẽ không giúp cậu.” Cô lẩm bẩm.

Thế là cậu ta cười, nhìn cô chằm chằm bằng đôi mắt nheo lại. “Tớ sẽ cho cậu thấy việc cậu làm có giá trị. Cậu có thể đến nhà tớ bất cứ lúc nào cậu muốn. Tớ sẽ làm cho cậu sung sướng. Tớ thậm chí sẽ hôn chỗ ấy của cậu. Tớ biết khả năng của mình trong lĩnh vực đó.”

“Chết đi cho khuất mắt”, cô gào lên. Đầu quay đi.

“Nghe này”, cậu ta gằn giọng, túm chặt lấy cánh tay cô. Đau. “Mông của mày lép xẹp như đứa nhóc mười tuổi và mày đi luẩn quẩn như một ả tóc vàng đến từ Long Island, cho rằng mình hơn tất cả những người khác. Một con điếm với cái đầu bù xù như mày đừng có mà kén cá chọn canh, mày hiểu tao đang nói gì không? Mày kiếm được ở đâu ai tốt hơn tao chứ?”

Geneva thở mạnh trước sự xỉ nhục. “Mày thật là ghê tởm.”

“Được rồi. Tốt thôi. Mày không có hứng thú, hay đấy. Tao trả công cho mày để mày giúp tao. Mày muốn bao nhiêu nào? Một tờ một trăm đô? Hai? Tao có tiền. Nào, nói giá mày muốn đi. Tao phải qua bài thi này.”

“Vậy thì học đi”, cô chửi rủa và ném cái máy vào cậu ta.

Cậu ta bắt nó với một tay và giật mạnh cô về phía mình bằng tay còn lại.

“Kevin”, giọng một người đàn ông nghiêm khắc cất lên.

“Mẹ kiếp”, cậu trai thì thào trong nỗi tức giận, nhắm chặt mắt lại một giây, thả tay cô bé ra.

Ông Abrams, thầy giáo môn toán, bước tới và lấy chiếc máy đi. ông nhìn nó. “Đây là cái gì?”

“Bạn ấy muốn em giúp bạn ấy gian lận trong bài kiểm tra”, Geneva nói.

“Con chó này thật là... Đấy là của nó và nó…”

“Thôi nào, chúng ta sẽ về văn phòng tôi”, ông nói với Kevin.

Cậu ta nhìn Geneva chằm chằm với đôi mắt lạnh lùng. Cô cũng quắc mắt lại.

Thầy giáo hỏi: “Em ổn chứ, Geneva?”.

Cô đang xoa xoa cánh tay mình chỗ Kevin tóm. Cô hạ thấp tay xuống và gật đầu. “Em muốn vào nhà vệ sinh một vài phút.”

“Đi đi.” Ông nói với cả lớp, tất cả nhìn chằm chằm, đều im lặng. “Chúng ta sẽ có mười phút tự học trước khi bước vào bài kiểm tra.” Rồi ông dẫn Kevin ra khỏi cửa sau lớp học. Cả lớp nhanh chóng rộ lên những tin đồn nhàm, như thể có một ai đó đã tắt cái nút “im lặng” trên ti vi đi. Geneva đợi một chút rồi đi theo.

Nhìn ra phía hành lang, cô thấy thanh tra Bell, đang đứng ở gần cửa trước với cánh tay đan chéo trước ngực. Chú ấy không thấy cô. Cô bước vào hành lang và hòa vào đám đông học sinh đang bước tới lớp học của mình.

Tuy nhiên, Geneva Settle không đi vào nhà vệ sinh nữ. Cô đến tận cuối đường và đi qua cánh cửa vào sân trường vắng lặng, nghĩ: Sẽ không ai được thấy mình khóc.

Kia! Không quá ba mươi mét từ chỗ hắn đứng.

Tim của Jax đập thật nhanh khi gã thấy Geneva Settle đứng gần đó, ở trong sân trường.

Vua Graffiti đang đứng ở đầu con hẻm bên kia phố, hắn đã ở đó gần một tiếng đồng hồ, đợi hình bóng của Geneva xuất hiện. Nhưng thậm chí nó còn tốt hơn cả hắn hy vọng. Cô bé đang ở một mình. Jax xem xét dãy nhà. Có một chiếc xe cảnh sát không sơn phù hiệu, cảnh sát bên trong, ở phía trước cổng trường, nhưng nó khá xa cô bé và viên cảnh sát đang không nhìn vào sân trường; gã không thể nhìn thấy cô bé ngay cả khi quay đầu lại. Như thế này còn dễ dàng hơn cả Jax đã nghĩ trước đây.

Vậy thì bỏ cái việc đứng luẩn quẩn ở đây đi, hắn tự nhủ. Đi nhanh lên nào.

Jax lôi một chiếc khăn trùm đầu màu đen ra khỏi túi, trùm cả mái tóc xoăn dày. Len lỏi về phía trước, dừng lại bên cạnh một chiếc xe tải cũ kỹ móp méo, tên cựu phạm nhân dò kỹ khu vực sân trường (mà gợi cho hắn nhớ lại rất nhiều về cái sân ở trong tù, điện, tất nhiên, hàng rào kẽm gai và những tháp súng). Jax quyết định có thể chạy băng qua phố ở đây và tận dụng một chiếc xe chở hàng của hãng Food Emporium đang đậu dọc vỉa hè, động cơ vẫn còn đang hoạt động. Hắn có thể tiến tới trong khoảng hơn bảy mét mà không bị Geneva và viên cảnh sát trong ô tô phát hiện. Như thế là quá gần rồi.

Miễn là cô bé còn đang nhìn chằm chằm xuống đất, Jax có thể trượt qua hàng rào mà không bị phát hiện. Cô bé có thể sẽ sợ hãi sau tất cả những gì đã xảy ra với mình, và nếu phát hiện ra Jax đang tiếp cận, hẳn là cô bé sẽ quay đầu chạy, gào thét kêu cứu.

Đi thật chậm, thật cẩn thận.

Nhưng phải di chuyển ngay lúc này. Mày không có cơ hội như thế này một lần nữa đâu.

Jax bắt đầu tiến về phía cô bé, nhấc chân thật cẩn thận để tránh cái chân cà nhắc của mình kéo lê những chiếc lá và có thể làm hắn bại lộ danh tính.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 16


Liệu đó có phải là cách mà mọi việc vẫn luôn như thế?

Có phải là bọn con trai luôn luôn muốn một thứ gì đó từ ta?

Trong trường hợp của Kevin, cậu ta muốn kiến thức của cô. Chà, nhưng liệu cô có buồn và thất vọng như thế không nếu cô có tính cách giống Lakeesha và cậu ta tấn công chỉ đơn giản vì thân xác của cô không?

Không, cô nghĩ một cách đầy giận dữ. Việc đó hoàn toàn khác. Đó là một việc bình thường. Các giáo viên cố vấn nói rất nhiều về tội hiếp dâm, về việc nói không, về việc cần phải làm gì nếu một cậu bạn trai bỗng trở nên quá đ hỏi. Cần phải làm gì sau đó, n

u nó xảy ra.

Nhưng họ chẳng bao giờ nói một từ về việc cần phải làm gì nếu như một ai đó muốn chiếm đoạt kiến thức của ta.

Chết tiệt, chết tiệt, chết tiệt!

Cô nghiến răng và lau những giọt nước mắt, ném chúng khỏi những đầu ngón tay. Quên cậu ta đi! Cậu ta là một tên khốn không ra gì. Bài kiểm tra toán - đó là tất cả những gì quan trọng nhất mình cần chú tâm.

d trên dx nhân với x mũ n bằng...

Có chuyển động ở bên trái. Geneva nhìn về hướng đó và nheo mắt vì mặt trời, thấy một bóng người đang qua đường, trong bóng của tòa nhà, người đàn ông với một chiếc mũ trùm đen trên đầu và mặc một chiếc áo khoác màu xanh tối. Hắn đang bước hướng về phía sân trường nhưng sau đó biến mất đằng sau một chiếc xe tải lớn gần đó. Suy nghĩ đáng sợ đầu tiên trong đầu cô là: cái gã ở thư viện đang đến đây tìm cô. Nhưng, không, người đàn ông này da đen. Thoải mái hơn, cô nhìn vào chiếc đồng hồ Swatch của mình. Quay trở lại vào trong.

Chỉ...

Thất vọng, cô nghĩ về những ánh mắt mà mình sẽ nhận được. Những đứa bạn của Kevin, sẽ nhìn cô bằng ánh mắt tăm tối. Những cô nàng đeo đồ lấp lánh, sẽ nhìn cô chằm chằm và cười to.

Oánh nó một trận, oánh con chó cái...

Quên hết tất cả đi. cần quái gì phải quan tâm xem chúng nó nghĩ gì? Bài kiểm tra là vấn đề quan trọng

nhất.

d trên dx nhân với x mũ n bằng n nhân x mũ n trừ một...

Khi bắt đầu quay trở lại cánh cửa ngách, cô tự hỏi liệu Kevin có bị đình chỉ không. Hay là có thể bị đuổi học. Cô hy vọng là thế.

d trên dx nhân với...

Đó là lúc cô nghe thấy tiếng bước chân kéo lê từ trên phố. Geneva dừng lại và quay đầu. Cô không nhìn rõ một ai cả, bởi ánh mặt trời chói lóa. Liệu đó có phải là gã da đen trong chiếc áo khoác màu xanh tối đang bám theo cô không?

Tiếng chân dừng lạiay đi, hướng về phía trường, đẩy đi hết mọi suy nghĩ ngoài những quy tắc đầy sức mạnh của toán học.

... bằng với n nhân x mũ n trừ một...

Đó là lúc cô lại nghe thấy tiếng bước chân, di chuyển nhanh. Có một ai đó đang dồn bước về phía trước, nhắm thẳng vào cô. Cô không thể nhìn thấy. Đó là ai? Cô giơ tay lên để che bớt cái ánh nắng gay gắt.

Và rồi nghe thấy tiếng của thanh tra Bell gọi: “Geneva! Đứng yên”.

Anh đang chạy về phía trước, với một ai đó - sĩ quan Pulaski - ở bên cạnh. “Chuyện gì xảy ra vậy? Tại sao cháu lại ra ngoài?”

“Cháu chỉ...”

Ba chiếc xe cảnh sát rít lên gần đó. Thanh tra Bell nhìn lên, hướng về phía chiếc xe tải lớn, nheo mắt trong ánh mặt trời. “Pulaski! Hắn kia kìa. Đi, nhanh lên!”

Họ đang nhìn vào cái bóng đang dần biến mất của người đàn ông cô vừa mới nhìn thấy trước đó, gã mặc chiếc áo khoác màu xanh. Hắn đang bước thật nhanh, với một chân khập khiễng, chìm vào trong con hẻm.

“Đang đuổi theo hắn đây.” Người cảnh sát lao nhanh theo hướng nghi phạm. Anh ta len qua chiếc cổng và biến mất vào con hẻm. Rồi nửa tá cảnh sát xuất hiện trong sân trường. Họ tản ra vây xung quanh Geneva và viên thanh tra.

“Chuyện gì đang xảy ra vậy?”, cô bé hỏi.

Nhanh chóng kéo cô bé về phía những chiếc xe cảnh sát, thanh tra Bell giải thích rằng họ mới nhận được tin từ một nhân viên FBI, một ai đó tên là Dellray, làm việc với Rhyme. Một trong số những người săn tin cho anh ta đã biết được việc có một người đàn ông ở Harlem hỏi về Geneva sáng hôm nay, cố tìm nơi cô học và sống. Đó là một người Mỹ gốc Phi và mặc một chiếc áo khoác kiểu quân đội màu xanh tối. Hắn từng bị bắt vì liên quan đến một vụ giết người một vài năm trước và hiện tại hắn có vũ khí. Bởi vì kẻ tấn công buổi sáng hôm nay ở bảo tàng là một gã da trắng và có thể không biết rõ về Harlem, Rhyme kết luận, hắn quyết định sử dụng một kẻ đồng phạm biết rõ khu vực xung quanh này.

Sau khi biết được điều này, thanh tra Bell đã đi vào trong lớp và phát hiện ra cô đã chuồn ra ngoài qua cửa sau. Nhưng Jonette Monroe, nữ cảnh sát chìm, đã dõi theo Geneva và theo sát cô bé. Cô đã báo cho cảnh sát biết vị trí của

Giờ, viên thanh tra nói, họ cần phải đưa cô quay trở lại chỗ Rhyme ngay lập tức.

“Nhưng bài kiểm tra, cháu…”

“Không kiểm tra, không trường lớp cho đến khi ta tóm được gã này đã”, Bell nói với một giọng cương quyết. “Giờ, đi thôi, thưa quý cô.”

Tức giận trước sự trở mặt của Kevin, tức giận vì bị kéo vào giữa đống lộn xộn này, cô khoanh tay trước ngực. “Cháu phải làm xong bài kiểm tra này.”

“Geneva, cháu không biết ta có thể cục cằn thế nào đâu. Mục đích của ta là bảo vệ mạng sống của cháu và nếu điều đó có nghĩa là ta phải nhấc cháu lên và vác cháu tới xe của ta để bảo đảm chắc chắn thì ta sẽ làm điều đó.” Đôi mắt tối sầm, mà trước đó có vẻ là thoải mái dễ gần, thì giờ nghiêm khắc cứng rắn như những hòn đá.

“Được rồi”, cô lẩm bẩm.

Họ tiếp tục bước về phía những chiếc xe, viên thanh tra dò xét xung quanh, kiểm tra các góc tối. Cô để ý thấy bàn tay anh ta để sát bên sườn. Gần với khẩu súng. Một lúc sau, viên cảnh sát tóc vàng chạy tới chỗ họ. “Để mất hắn rổi”, anh thở dốc, cố lấy lại hơi thở. “Xin lỗi.” Bell thở dài. “Có thấy vẻ ngoài của hắn ko?”

“Da đen, cao khoảng mét tám, thân hình rắn chắc. Một chân cà nhắc. Đeo khăn trùm đầu màu đen. Không có râu. Khoảng ba mươi bảy, ba mươi tám đến tầm bốn mươi tuổi.”

“Cháu có để ý thấy gì khác không, Geneva?”

Cô lắc đầu một cách ủ rũ.

Bell nói: “Được rồi. Đi khỏi đây thôi”.

Cô trèo lên ghế sau chiếc Ford của viên thanh tra, với viên cảnh sát tóc vàng bên cạnh. Bell sang bên ghế vô lăng. Người giáo viên cố vẩn họ gặp trước đó, cô Barton, vội vàng bước tới, hơi cau mày. “Thanh tra, có chuyện gì vậy?”

“Chúng tôi cần phải đưa Geneva rời khỏi đây. Có vẻ một trong những kẻ muốn làm hại cô bé đang ở gần. vẫn là có thể, đó là tất cả những gì chúng tôi biết.”

Người phụ nữ to lớn nhìn quanh, cau mày: “Ở đây á?

“Chúng tôi không chắc chắn lắm. Một khả năng là tất cả những gì chúng tôi đang nói đến. Tốt nhất là nên bảo đảm an toàn.” Viên thanh tra thêm vào: “Chúng tôi cho rằng hắn đã ở quanh đây năm phút trước. Một người đàn ông người Mỹ gốc Phi, vóc dáng tầm trung. Mặc một chiếc áo khoác kiểu quân đội màu xanh tối và đeo khăn trùm đầu. Không để râu. Đi khập khiễng. Hắn đã xuất hiện ở góc bên kia sân trường, phía chiếc xe tải lớn kia. Cô có thể làm ơn hỏi xem các học sinh và giáo viên có ai nhận ra hắn không hoặc nhìn thấy gì khác không?”.

“Dĩ nhiên rồi.”

Anh cũng hỏi cô liệu có thấy một tấm băng ghi hình từ máy camera an ninh nào của trường có thể đã ghi được hình hắn. Họ trao đổi số điện thoại, rồi viên thanh tra vào vị trí sau vô lăng, khởi động máy. “Thắt dây an toàn vào mọi người. Tôi không bảo đảm rằng chúng ta sẽ có một chuyến đi yên ả đâu.”

Ngay sau khi Geneva cài dây an toàn vào, viên thanh tra nhấn chân ga và chiếc xe đảo bánh nhanh ra khỏi vỉa hè và bắt đầu chuyến đi như trên những chiếc tàu trượt trong công viên xuyên qua những con phố gồ ghề của Harlem, khi Langston Hughes - pháo đài cuối cùng của cô về sự lành mạnh và thoải mái - biến mất khỏi tầm nhìn.

Khi Amelia Sachs và Lon Sellito tổng hợp lại các bằng chứng đã thu thập được tại căn hộ của nghi phạm trên phố Elizabeth, Rhyme đang nghĩ về đồng phạm của hắn - cái gã đã tiếp cận rất gần Geneva ở trường.

Có một khả năng là hung thủ tận dụng gã này chỉ đơn giản để quan sát, trừ việc với hồ sơ phạm tội và việc có vũ khí, hắn cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng để sẵn sàng giết Geneva. Rhyme đã hy vọng rằng hắn sẽ bỏ lại một ít dấu vết ở gần sân trường, nhưng không - đội khám nghiệm hiện trường đã kiểm tra kỹ khu vực đó thật cẩn thận nhưng không thể tìm được gì hết. Đội điều tra cũng không tìm được một nhân chứng nào trên phố đã nhìn thấy hắn hay hắn biến đi như thế nào. Có thể...

“Chào, Lincoln”, giọng một người đàn ông vang lên.

Giật mình, Rhyme ngước lên nhìn và thấy một người đàn ông đứng gần đó. Khoảng bốn mươi tuổi, đôi vai rộng, mái tóc bạc được cắt ngắn, mái cắt bằng, ông mặc một bộ vét màu xám đậm, đắt tiền.

“Bác sĩ. Tôi không nghe thấy tiếng chuông.”

“Thom ở ngoài. Cậu ấy cho tôi vào

Robert Sherman, bác sĩ giám sát thực hiện phương pháp chữa bệnh vật lý trị liệu của Rhyme, có một phòng khám chuyên biệt với các bệnh nhân chấn thương tủy sống. Chính ông là người đã phát triển chế độ điều trị cho Rhyme, chiếc xe đạp và chiếc máy huấn luyện vận động guồng quay, cũng như phương pháp vận động dưới nước và cả các bài tập cải thiện phạm vi vận động truyền thống mà Thom thực hiện với Rhyme.

Bác sĩ và Sachs chào nhau, rồi ông nhìn vào căn phòng thí nghiệm, nhận thấy sự bận rộn. Trên quan điểm chữa bệnh, ông vui khi thấy Rhyme đang làm việc.

Tham gia vào một công việc, ông vẫn thường nói là, cải thiện một cách đáng kể ý chí của một người và sẽ dẫn đến những thay đổi tích cực (dù ông vẫn nhấn mạnh Rhyme tránh những tình huống có thể bị nguy hiểm đến tính mạng, bởi nó gần như đã xảy ra trong một vụ án mới đây).

Ông bác sĩ thực sự có tài, tốt bụng và cực kỳ thông minh. Nhưng Rhyme chẳng có thời gian để tiếp ông ấy lúc này, bởi anh biết rằng đang có hai kẻ có vũ khí săn đuổi Geneva. Anh chào đón vị bác sĩ với một tâm trạng lơ đễnh.

“Lễ tân của tôi nói rằng cậu hủy buổi hẹn ngày hôm nay. Tôi băn khoăn không biết cậu có ổn không.”

Sự quan tâm này có thể dễ dàng được truyền đạt qua điện thoại, Rhyme nghĩ.

Nhưng bằng cách đó ông bác sĩ không thể ép Rhyme kiểm tra sóc khỏe.

Và quả thật Sherman đang áp đặt anh. Ông muốn biết rằng các bài tập có hiệu quả tốt. Không chỉ vì lợi ích của bệnh nhân mà cũng là để cho ông bác sĩ có thể hợp nhất các thông tin vào trong nghiên cứu đang thực hiện.

“Không sao, mọi thứ đều ổn cả”, Rhyme trả lời. “Chúng tôi đang xử lý một vụ án.” Anh ra hiệu về phía tấm bảng tổng hợp dữ liệu bằng chứng. Sherman nhìn nó.

Thom dừng chân ở cửa. “Bác sĩ, ông có muốn một ít cà phê hay soda không?”

“À, chúng ta không muốn lấy mất thời gian quý báu của bác sĩ.” Rhyme nói nhanh. “Bởi ông ấy biết là không có vấn đề gì cả. Tôi chắc chắn là ông ấy muốn…”

“Một vụ án?” Sherman hỏi, vẫn đang nghiên cứu tấm bảng.

Khựng lại một chút, Rhyme nói với một gễ nổi cáu: “Một vụ thực sự khó nhằn. Có một gã cực kỳ xấu xa. Chúng tôi đang cố để tóm cổ gã này khi ông ghé vào”. Rhyme không hề tỏ ra muốn nhượng bộ với bác sĩ và không hề xin lỗi cho thái độ bất lịch sự của anh. Nhưng những bác sĩ hoặc các nhà trị liệu làm việc với bệnh nhân chấn thương tủy sống (SCI) đều biết rằng họ sẽ nhận được một vài “món quà đi kèm” như: tức giận, thái độ không hay và những lời đay nghiến. Sherman hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cách cư xử của Rhyme. Ông vẫn tiếp tục kiểm tra Rhyme khi trả lời Thom: “Không, tôi không cần gì, Thom. Cảm ơn cậu. Tôi không thể ở lại lâu”.

“Ông chắc chứ?” Anh hất đầu về phía Rhyme. “Đừng để ý đến cậu ấy.”

“Không có gì.”

Nhưng dù không muốn một đồ uống, dù không thể ở lại lâu, ông vẫn ở đây, không hề có vẻ đi luôn. Thực tế, ông đang kéo một cái ghế ra và ngồi xuống.

Sachs nhìn về phía Rhyme. Anh nhìn cô một cách vô hồn và quay sang vị bác sĩ, người đang rê cái ghế đến gần hơn. Rồi ông nghiêng về trước và thì thầm: “Lincoln, cậu đã phản đối cuộc kiểm tra hằng tháng rồi”.

“Có cả một đống việc. Chúng tôi đã phải xử lý bốn vụ án. Và bây giờ là năm. Rất tốn thời gian, như ông có thể tưởng tượng... Và nhân tiện, rất thú vị. Những vấn đề độc nhất vô nhị.” Anh hy vọng ông bác sĩ sẽ hỏi một chút chi tiết, mà sẽ ít nhất làm chuyển hướng cuộc hội thoại.

Nhưng ông bác sĩ không hỏi, tất nhiên là thế. Các bác sĩ điều trị bệnh nhân chấn thương tủy sống không bao giờ mắc bẫy. Họ có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Sherman nói: “Để tôi nói với cậu một điều”.

Tôi làm thế quái nào để ngăn ông bây giờ nhỉ? Rhyme nghĩ.

“Cậu đã thực hiện các bài tập của tôi tốt hơn tất cả những bệnh nhân khác. Tôi biết cậu chống lại cuộc kiểm tra bởi cậu sợ rằng nó không có hiệu quả. Tôi nói đúng chứ?”

“Không hẳn thế, bác sĩ. Tôi chỉ là bận quá.”

Làm như thể không hề nghe thấy, Sherman nói: “Tôi biết rằng cậu đang tìm kiếm những thay đổi đáng kể trong tình trạng của mình”.

Nói chuyện với bác sĩ cũng khó chịu như nói chuyện với cảnh sát vậy, Rhyme nghĩ. Anh trả lời: “Tôi cũng hy vọng thế. Nhưng nếu không, tin tôi đi, chuyện đó không là vấn đề gì cả. Tôi đã những tiến triển về cơ bắp, cải thiện về độ loãng xương... Tim và phổi hoạt động tốt hơn. Đó là những gì tôi đạt được. Không phải là chuyển động của động cơ”.

Sherman quan sát anh từ trên xuống dưới. “Cậu thực sự cảm thấy như vậy?”

“Tất nhiên. Tuyệt đối như vậy.” Nhìn quanh, anh hạ thấp giọng và nói: “Những bài tập này không thể làm cho tôi đi lại được”.

“Không, điều đó sẽ không xảy ra.”

“Vậy thì tại sao tôi phải mong chờ một chút thay đổi nhỏ ở ngón chân út bàn chân trái của mình nhỉ? Thật vô nghĩa. Tôi sẽ thực hiện các bài tập, giữ cơ thể luôn ở trạng thái tốt nhất có thể và trong vòng năm đến mười năm, khi những người như ông mang đến với một phương pháp ghép thần kỳ hoặc nhân bản vô tính hay gì đi nữa, tôi sẽ sẵn sàng để tiếp tục bước đi một lần nữa.” Ông bác sĩ mỉm cười và vỗ vỗ tay vào chân của Rhyme, một cử động mà anh không cảm nhận được. Sherman gật đầu. “Tôi rất vui khi nghe cậu nói như vậy, Lincoln. Vấn đề lớn nhất mà tôi gặp phải là các bệnh nhân từ bỏ bởi họ nhận ra rằng tất cả các bài tập và những việc nặng nhọc không thực sự thay đổi cuộc sống của họ nhiều. Họ muốn giành được những chiến thắng to lớn hơn và những cách chữa trị. Họ không nhận ra rằng những chiến thắng nhỏ sẽ làm nên chiến thắng cuối cùng của cuộc chiến kiểu này.”

“Tôi nghĩ rằng mình đã chiến thắng rồi.”

Vị bác sĩ đứng dậy. “Tôi vẫn cần thực hiện bài kiểm tra với cậu. Chúng tôi cần dữ liệu.”

“Ngay khi mà... Này, Lon, cậu có đang nghe không đấy? Một câu thành ngữ này. Ngay khi mà những tấm bảng này được lau sạch sẽ[34]”

[34] Ý Rhyme ở đây ám chì những tấm bảng bằng chứng, có nghĩa là “Khi nào xong việc thì thôi”.

Sellito, chẳng hiểu nổi Rhyme đang nói cái gì, hoặc là không cần quan tâm, nhìn lại một cách vô hồn.

“Được rồi”, Sherman nói và bước về cánh cửa. “Chúc may mắn với vụ án.”

“Chúng tôi mong muốn những điều tốt nhất”, Rhyme nói một cách hoan hỉ.

Người đàn ông của những chiến thắng nhỏ bé rời khỏi căn nhà và Rhyme ngay tức khắc quay lại với những tấm bảng ghi chứng cứ.

Sachs nhấc điện thoại, nghe một lúc và dập máy. “Đó là Bo Haumaim. Những người trong đội tiếp cận lối vào? Những người bị điện giật? Người đầu tiên bị vài vết bỏng nặng, nhưng anh ấy vẫn sống. Người thứ hai đã được trả về.”

“Cảm ơn Chúa.” Sellito nói, có vẻ như vừa được giải tòa áp lực lớn. “Đó là điều tất yếu. Cả dòng điện chạy qua cậu ta.” Anh nhắm chặt mắt một lát. “Những vết bỏng. Và cái mùi. Lạy Chúa. Tóc của cậu ta bị cháy... Tôi sẽ gửi cho cậu ta một thứ gì đó. Không, tự tôi sẽ mang đến tặng cậu ta. Có thể là những bông hoa. Anh có cho rằng cậu ta thích hoa không?”

Cái phản ứng này, giống như cách cư xử của anh ta trước đó, không phải là kiểu của Sellito. Cảnh sát có thể bị thương, và có thể bị giết, nhưng tất cả mọi người trong lực lượng đều chấp nhận sự thật đó theo cách của riêng mình. Có hàng tá cảnh sát sẽ nói: “Cảm ơn Chúa, anh ấy sống rồi”. Họ cầu nguyện và sẽ chạy đến nhà thờ gần nhất để thì thầm những lời cảm ơn. Nhưng cách của Sellito là gật đầu và tiếp tục với công việc. Không phải là hành động như thế.

“Chẳng biết được”, Rhyme nói.

Hoa?

Mel Cooper gọi: “Lincoln, ta có Đại úy Ned Seely đang chờ điện thoại”. Nhà khoa học hình sự pháp y đã nói với đội Thực thi luật pháp Texas về vụ giết người ở Amarillo mà VICAP báo là giống với sự việc xảy ra ở bảo tàng.

“Bật loa lên.”

Anh ta làm theo và Rhyme hỏi: “Xin chào, Đại úy?”.

“Vâng.” Một giọng nói rề rà đáp lời. “ông Rhyme?”

“Vâng, là tôi.”

“Chúng tôi đã nhận được yêu cầu từ người của ông về thông tin vụ Charlie Tucker. Tôi đã tìm xem có những gì nhưng không nhiều lắm. Ông cho rằng đó là cùng một hung thủ gây ra những vụ này?”

“Phương thức thực hiện giống với vụ việc mà chúng tôi có ở đây sáng hôm nay. Đôi giày của hắn cùng một hãng - và cả dấu giày nữa. Và hắn cũng để lại vài bằng chứng để đánh lạc hướng chúng tôi, cùng một cách bỏ lại những cái nến và những vật kỳ bí tại vụ án mạng Tucker. À, và hung thủ của chúng ta có giọng vùng phía nam. Cũng có một vụ án tương tự ở Ohio vài năm trước. Đó là một vụ giết mướn.”

“Vậy ông cho rằng có một ai đó thuê gã này để giết Tucker?”

“Có thể. Ông ta là ai?”

“Tucker? Một người bình thường. Chỉ vừa mới nghỉ hưu từ Bộ Luật pháp và Tòa án - đó là một nhân viên quản lý trại giam. Có cuộc sống gia đình hạnh phúc, đã có cháu. Không bao giờ vướng vào rắc rối. Đi đến nhà thờ đều đặn.”

Rhyme cau mày. “Ông ấy làm gì ở nhà tù?”

“Bảo vệ. Tại một trung tâm an ninh tối đa ở Amarillo... Hừm, ông nghĩ là có thể một phạm nhân đã thuê ai đó để trả thù một việc gì đó xảy ra bên trong? Lạm dụng phạm nhân, hay là gì đó như thế?”

“Có thể là vậy”, Rhyme nói. “Tucker đã từng vi phạm gì có lưu lại trong hồ sơ chưa?”

“Trong hồ sơ ở đây không có gì hết. ông có lẽ sẽ cần kiểm tra với nhà tù.”

Rhyme lấy tên của người quản lý trại giam mà Tucker từng làm việc rồi nói: “Cảm ơn Đại úy”.

“Không vẩn đề gì. Chúc mọi người một ngày tốt lành.”

Vài phút sau, Rhyme đã kết nối vói quản lý trại giam J.T. Beauchamp của Nhà tù an ninh tối đa Northern Texas ở Amarillo. Rhyme tự giới thiệu và nói rõ mình đang làm việc với Sở cảnh sát New York. “Giờ thì, Quản lý...”

“J.T. Nếu ông có thể.”

“Được rồi, J.T.” Rhyme nói rõ tình hình cho anh ta.

“Charlie Tucker? Chính là người bảo vệ bị giết. Giống kiểu hành hình Linsơ[35], hay gì gì đó. Tôi vẫn chưa làm việc ở đây lúc đó. Tucker nghỉ hưu chỉ ngay trước khi tôi chuyển về từ Houston. Tôi sẽ tìm lại hồ sơ của ông ấy. Ông giữ máy một chút nhé.” Một lát sau, viên quản lý trở lại. “Tôi đã có ở đây rồi. Không có kiến nghị nào về ông ấy, trừ một phạm nhân. Anh ta nói rằng Charlie đã quay anh ta phát điên. Khi Charlie không chịu thôi, họ có một chút ẩu đả.”

35] Kiểu hành hình của những kẻ phân biệt chủng tộc với người da đen.

“Đó có thể là kẻ chúng ta cần tìm.” Rhyme nhận định.

“Ngoại trừ việc gã phạm nhân bị xử một tuần sau đó. Và Charlie không bị giết vào năm sau đó.”

“Nhưng có thể Tucker gây rắc rối với một phạm nhân khác. Và anh ta đã thuê một kẻ khác để trả đũa.”

“Có khả năng. Nhưng thuê một kẻ chuyên nghiệp cho việc này? Hơi phức tạp cho công việc của chúng ta ở đây.”

Rhyme có vẻ đồng tình. “Chà, có thể chính hung thủ là gã tù nhân đó. Hắn muốn săn lùng Tucker ngay khi được trả tự do, rồi dựng vụ giết người như một vụ giết hại theo nghi lễ tôn giáo. Anh có thể hỏi một vài người cai ngục hoặc các nhân viên khác không? Chúng tôi đang truy tìm một người đàn ông da trắng, khoảng bốn mươi, tầm vóc trung bình, tóc nâu sáng. Nhiều khả năng đã từng bóc lịch vì phạm tội ác dã man. Và có lẽ đã được thả hoặc trốn thoát...”

“Không có vụ vượt ngục nào ở đây hết”, người cai ngục nhấn mạnh.

“Được rồi, vậy là được thả ra không lâu trước khi Tucker bị giết. Đó là tất cả những gì chúng tôi biết. À, hắn hiểu biết về súng và là một tay súng cừ.”

“Điều đó không có nghĩa lý gì. Đây là Texas.” Anh ta cười tủm tỉm.

Rhyme tiếp tục: “Chúng tôi có một bản phác thảo vi tính về dung mạo nghi phạm. Chúng tôi sẽ gửi một bản copy cho anh. Anh có thể cử một người so sánh với ảnh các phạm nhân được phóng thích trong khoảng thời gian đó không?”.

“Được, thưa ngài. Tôi sẽ cho người làm việc đó. Cô ấy có đôi mắt khá tinh. Nhưng chúng tôi cần thời gian. Chúng tôi có cả đống phạm nhân vào đây.” Anh ta đưa địa chỉ email và tắt máy.

Vừa khi cuộc gọi kết thúc, Geneva, Bell và Pulaski đến.

Bell giãi thích về cuộc chạy trốn của tên đồng phạm ở trường học. Anh thêm vài thông tin về hắn, cho họ biết rằng sẽ có người đi thu thập thông tin từ các học sinh và giáo viên rồi sẽ kiểm tra băng ghi hình an ninh nếu có.

“Cháu đã không được làm bài kiểm tra sau cùng”, Geneva nói một cách đầy tức giận, như thể đó là lỗi của Rhyme. Cô bé này rõ ràng có thể khiêu khích làm ta phải tức giận. Anh vẫn nói một cách kiên nhẫn: “Chú có một vài tin cháu có thể quan tâm. Người tổ tiên của cháu vẫn sống sau khi nhảy xuống dòng sông Hudson”.

“Ông ấy đã làm được?” Khuôn mặt bừng sáng lên và cô hồ hởi đọc bản in của bài báo năm 1868. Rồi cô cau mày. “Họ khiến cho ông ấy nghe có vẻ là một kẻ xấu. Như thể ông đã lên kế hoạch cho tất cả mọi chuyện. Ông ấy không như vậy. Cháu biết điều đó.” Cô ngước lên nhìn. “Và chúng ta vẫn chưa biết điều gì xảy ra nếu như ông ấy đã từng được thả ra.”

“Chúng ta vẫn đang tìm kiếm thông tin. Chú hy vọng là chúng ta có thể tìm được thêm.”

Chiếc máy tính kêu một hồi chuông và Rhyme nhìn nó. “Có thể có gì đó ở đây. Email từ một giáo sư ở Amherst - người điều hành một trang web về lịch sử Mỹ - Phi. Bà ấy là một trong những người tôi đã gửi email về Charles Singleton.”

“Đọc lên xem.”

“Nó là từ trong nhật ký của Frederick Douglass.”

“Một lần nữa, ông ta là ai vậy nhỉ?”, Pulaski hỏi. “Xin lỗi, tôi hẳn là nên biết. Có một con đường mang tên ông ta.”

Geneva nói: “Cựu nô lệ. Người ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình và lãnh đạo quyền dân sự thế kỷ XIX. Là một nhà văn, giảng viên đại học”.

Chàng lính trẻ đỏ mặt thẹn thùng. “Như tôi đã nói, đáng nhẽ tôi phải biết.”

Cooper nghiêng về phía trước và đọc to các dòng chữ trên màn hình:

Mùng 3 tháng 5 năm 1866. Một buổi tối khác ở Gallows Height...

“À”, Rhyme cắt ngang. “Địa điểm huyền bí của chúng ta.” Từ “Giá treo cổ” một lần nữa nhắc lại cho

anh về hình ảnh lá bài Người treo ngược, nét bình thản với cái chân móc ngược trên giá. Anh nhìn chằm chằm vào quân bài, rồi quay trở lại với Cooper.

... bàn bạc về nỗ lực sổng còn của chúng tôi, Tu chính án số 14. Một vài thành viên của Cộng người da màu ở New York, và cả tôi, đã gặp vị Thống đốc Fenton và các thành viên của ủy ban hợp nhất về Tái xây dựng, bao gồm các Thượng nghị sĩ Harris, Grimes và Fessenden, và các Nghị sĩ Stevens, Washburne và thành viên Đảng Dân chủ, Andrexv T. Rogers, người đã cho thấy không đến mức bè phái như chúng ta vẫn sợ.

Thống đốc Fenton bắt đầu với một lời khẩn cầu thiết tha, và từ đó chúng tôi bắt đầu trình bày với các thành viên của Ủy ban ý kiến của mình về các phiên

bản dự thảo khác nhau của Bản sửa đổi chúng tôi đã làm vất vả sau một khoảng thời gian dài. (Ông Charles Singleton cũng trình bày một cách rõ ràng quan điểm của mình về việc Bản sửa đổi nên đưa vào một yêu cầu về sự tán thành chung của mọi công dân, người da đen và người có nguồn gốc châu Âu, đàn bà cũng như đàn ông, và các thành viên của ủy ban sẽ cân nhắc kỹ lời góp ý này.) Những cuộc tranh cãi đã diễn ra suốt cả đêm.

Geneva nghiêng qua vai Rhyme và đọc. “Trình bày một cách rõ ràng”, cô thì thầm thành tiếng. “Và ông ấy muốn ủng hộ cho phụ nữ.”

“Đây là một bài viết khác.” Cooper nói.

Ngày 25 tháng 6 năm 1867. Tôi thấy không hài lòng với tiến trình chậm chạp. Bản sửa đồi số 14 đã được trình các bang để được phê chuẩn một năm trước, với tính thiết thực hai mươi hai bang đã ủng hộ giải pháp. Chỉ còn thiếu sáu bang nữa, nhưng chúng ta đang phải đối mặt với một sự phản đối mạnh mẽ và cương quyết.

Williard Fish, Charles Singleton và Elijah Walker đang đi tới các bang chưa ký kết và làm tất cả những gì có thể để cầu xin những nhà lập pháp ở đó bỏ phiếu ủng hộ Bản sửa đổi. Nhưng ở mỗi bước đi, họ vấp phải sự thờ ơ trong việc đón nhận sự thông thái của bộ luật này - và thái độ khinh thị đe dọa và bực dọc đầy tính cá nhân. Đã phải hy sinh quá nhiều, và vẫn chưa đạt được mục tiêu... Liệu sự áp đảo của chúng ta trong cuộc chiến sẽ trở thành vô nghĩa, gần như là một chiến thắng Pyrrhic[36]? Tôi cầu cho sự nghiệp của nhân dân sẽ không tàn úa trong nỗ lực quan trọng nhất này của chúng ta.

[36] Pyrrhic victory: là một thành ngữ để chỉ một chiến thắng mà bên thắng đã phải tổn thất rất lớn, đến mức gần như hủy diệt.

Cooper nhìn lên màn hình. “H

Geneva nói: “Vậy là ông Charles đã cùng với Douglass và những người khác đóng góp cho Tu chính án số 14. Nghe có vẻ như họ là đồng đội”.

Hay họ đã từng? Rhyme thắc mắc. Liệu bài báo có đúng không? Liệu có đúng là ông ấy đã dùng cách của mình để hòa chung với họ để tìm hiểu về Quỹ Nô lệ tự do và cướp nó?

Dù sao, đối với Lincoln Rhyme thì sự thật là mục tiêu duy nhất trong bất cứ cuộc điều tra hình sự pháp y nào, anh vẫn nuôi một hy vọng đầy cảm tính hiếm hoi về việc Charles Singleton không thực hiện tội lỗi đó.

Anh nhìn chằm chằm vào bảng bằng chứng, thấy nhiều dấu hỏi hơn là những câu trả lời.

“Geneva, cháu có thể gọi cho bà cô của mình không? Để xem bà ấy có tìm thấy lá thư nào khác hay bất cứ thứ gì của ông Charles không?”

Cô bé gọi điện cho người phụ nữ mà bà Lilly đang sống cùng. Không có ai nhấc máy nhưng cô đã để lại tin nhắn để họ gọi lại theo số của Rhyme. Rồi cô gọi một cú điện thoại khác. Đôi mắt sáng lên. “Mẹ! Bố mẹ về nhà chưa?”

“Cảm ơn Chúa”, Rhyme nghĩ. Cuối cùng bố mẹ cô bé đã trở về.

Nhưng một cái cau mày hiện lên trên khuôn mặt cô bé chỉ một giây sau đó. “Không... Đã có chuyện gì vậy?... Khi nào ạ?”

Một sự chậm trễ của việc nào đó, Rhyme suy luận.

Geneva thông báo cho mẹ tình hình, bảo đảm với họ rằng cô bé an toàn và đang được bảo vệ bởi cảnh sát. Cô đưa điện thoại cho thanh tra Bell, anh nói chuyện với mẹ cô khá lâu về tình hình hiện tại rồi chuyển lại điện thoại và cô tạm biệt mẹ mình. Cô dập máy một cách miễn cưỡng.

Bell nói: “Họ đang kẹt ở London. Chuyến bay bị hủy và họ không thể đi bằng phương tiện khác trong ngày hôm nay. Họ sẽ có mặt trong chuyến bay sớm nhất ngày mai - nó sẽ tới Boston và họ sẽ bắt chuyến bay tiếp theo ở đó”.

Geneva nhún vai, nhưng Rhyme có thể nhìn thấy nỗi thất vọng trong mắt cô bé. Cô nói: “Tốt hơn là cháu nên về nhà. Cháu có một vài nghiên cứu ở trường”.

Bell kiểm tra cùng với các sĩ quan đội bảo vệ nhân chứng và bác của Geneva. Mọi thứ có vẻ an toàn, anh báo cáo.

“Cháu sẽ không đến trường ngày mai chứ?”

Cô do dự một lúc. Nhăn mặt. Liệu sẽ là một trận chiến nữa chăng?

Chợt một tiếng nói cất lên. Đó là Pulaski, chàng cảnh sát trẻ. “Một điều là, Geneva, nó không còn là sự an toàn của riêng em nữa. Nếu ngày hôm nay gã ấy, tên mặc chiếc áo khoác quân sự, có thể tiếp cận đủ gần và bắt đầu nã súng, có lẽ đã có thêm những học sinh khác bị thương hoặc thậm chí bị giết. Hắn có thể cố gắng thực hiện một lần nữa khi em đứng với những người khác ở ngoài trường hay là trên phố.”

Rhyme có thể thấy trên khuôn mặt cô bé sự tác động của những lời nói ấy. Có lẽ cô đang nghĩ tới cái chết của tiến sĩ Barry.

Nên ông ấy chết vì mình...

“Đúng thế rồi”, cô nói với một giọng yếu ớt. “Cháu sẽ ở nhà.”

Bell gật đầu vói cô. “Cảm ơn cháu.” Và biểu lộ cái nhìn đầy cảm kích với chàng sĩ quan trẻ.

Viên thanh tra cùng Pulaski dẫn cô bé đi ra ngoài cánh cửa và những người khác quay trở lại với tấm bảng bằng chứng từ căn hộ của hung thủ.

Rhyme đã thất vọng khi thấy không có gì nhiều lắm. Bản đồ của con phố phía trước bảo tàng Mỹ - Phi mà Sachs tìm ra được giấu trên giường của hắn, chẳng để lại dấu vân tay nào hết. Tấm bản đồ được bày bán đại trà, như ở Staples và Office Depot. Mực thì là loại rẻ tiền và không có nguồn gốc hay dấu vết nào để lần theo.

Tấm bản đồ được vẽ với những chi tiết kỹ càng hơn rất nhiều về các con hẻm và các tòa nhà trên con phố hơn là viện bảo tàng - cái bản đồ dành cho đường tháo chạy của hung thủ. Rhyme suy luận. Nhưng Sachs đã truy tìm những địa điểm này một cách cẩn thận, các thám tử đã điều tra những nhân chứng trong cửa hàng đồ trang sức và các tòa nhà có trong tấm bản đồ.

Có nhiều sợi hơn từ cái dây thừng của hắn - dây thắt cổ, họ suy đoán.

Cooper quét một phần tấm bản đồ qua máy GC/MS, và dấu vết duy nhất được tìm thấy trên tờ giấy là carbon tinh khiết. “Than đá từ những người bán hàng hội chợ trên phố chăng?” Anh thắc mắc.

“Có thể”, Rhyme nói. “Hoặc có thể h vật chứng. Đưa việc này vào tấm biểu đồ. Có thể chúng ta sẽ tìm ra mối liên quan sau này.”

Một dấu vết khác trên bản đồ - các vết bẩn và những mẩu vụn - phần lớn là thức ăn: sữa chua và những hạt đậu xanh, tỏi và dầu ngô.

“Món falafel”, Thom, một đầu bếp sành ăn, đưa ra lời đoán. “Đến từ Trung Đông. Và thường được phục vụ với sữa chua. Hơn nữa, món này rất tuyệt vời.”

“Và cực kỳ phổ biến”, Rhyme nói một cách chua chát. “Chúng ta có thể thu hẹp nguồn gốc tới khoảng hai ngàn cửa hàng chỉ trong khu vực Manhattan, các cậu có nghĩ thế không? Chúng ta có cái khỉ gì nữa đây?”

Trên đường trở về đây, Sachs và Sellito đã dừng lại ở một công ty bất động sản quản lý khu phố Elizabeth và đã lấy được thông tin về người thuê căn hộ. Người phụ nữ quản lý văn phòng nói người khách đã trả ba tháng tiền nhà bằng tiền mặt và bảo bà cứ giữ lấy thêm hai tháng tiền đặt cọc. (Số tiền, thật không may là, đã được tiêu hết; chẳng còn lại tờ nào để truy ra dấu vân tay cả.) Hắn đã sử dụng cái tên Billy Todd Hamil để thuê, địa chỉ cũ ở Florida. Bức ảnh ghép vi tính mà Sachs thực hiện hoàn toàn giống với người đàn ông đã ký vào hợp đồng thuê nhà, dù hắn đã đội mũ lưỡi trai và đeo kính. Người phụ nữ cũng xác nhận rằng hắn có giọng miền Nam.

Tìm kiếm trên cơ sở dữ liệu nhận dạng cá nhân cho kết quả 173 người trùng tên Billy Todd Hammils trên khắp đất nước trong suốt năm năm qua. Trong số những người da trắng và khoảng giữa ba lăm và năm mươi tuổi, không một ai sống trong khu vực New York. Những người ở Florida đều là người già hoặc khoảng hai mươi tuổi. Bốn Billy Todd có hồ sơ vi phạm pháp luật, và trong số này thì có ba người vẫn đang thụ án trong nhà giam và một người đã chết sáu năm trước.

“Hắn chọn đại một cái tên”, Rhyme lầm bầm. Anh nhìn lên bức ảnh đối tượng từ máy tính.

Mày là ai, Đối tượng 109? Anh tự hỏi.

Và mày ở đâu?

“Mel, gửi email bức ảnh này cho J.T.”

“Gửi tới ai?”

“Người quản lý trại giam ở Amarillo.” Rồi hất đầu về phía bức ảnh. “Tôi vẫn nghiêng về giả thuyết hắn là một phạm nhân có xích mích với người bảo vệ bị hành hình.”

“Đã hiểu”, Cooper nói. Sau khi làm xong, anh lấy mẫu chất lỏng mà Sachs tìm thấy ở căn hộ của hung thủ, cẩn thận mở nó ra và chuẩn bị sẵn sàng để đưa vào máy GC/MS.

Một thời gian ngắn sau kết quả hiện lên trên màn hình.

“Đây là một mẫu chất mới. Gồm có polyvinyl alcohol, povidone, belzalkonium chloride; dexstrose (đường D-glucosơ); kali clorua (potassium chloride), nước; natri bicarbonat, natri clorua...”

“Nhiều muối hơn”, Rhyme nói thêm vào. “Nhưng lần này không còn là bỏng ngô nữa.”

“Sodium citrate và sodium phosphate. Một vài thứ nữa.”

“Cái tiếng Hy Lạp vớ vẩn.” Sellito nhún vai và đi ra sảnh, hướng về phía phòng vệ sinh.

Cooper gật gù nhìn vào danh sách thành phần chất lỏng thu được. “Có thông tin nào cho biết nó là gì không?”

Rhyme lắc đầu. “Dữ liệu của chúng ta?”

“Không thấy gì hết.”

“Gửi nó xuống Washington.”

“Sẽ gửi.” Nhà khoa học hình sự gửi thông tin tới phòng thí nghiệm của FBI và quay trở lại với vật chứng cuối cùng mà Sachs tìm ra: những mẩu gỗ vụn được cạo ra từ các vệt trên mặt bàn ở căn hộ của hung thủ.

Cooper lấy một ít để làm mẫu đưa vào máy GC/MS.

Trong khi chờ đợi kết quả, Rhyme nhìn lướt qua biểu đồ tư liệu. Anh đang nhìn vào những ghi chép thì thấy có chuyển động nhanh ở phía đuôi mắt. Giật mình, anh quay về hướng đó. Nhưng không có ai ở góc đấy của căn phòng. Anh đã nhìn thấy cái gì vậy?

Rồi anh lại nhìn thấy chuyển động và nhận ra rằng mình đang nhìn vào cái gì: hình ảnh phản chiếu trong chiếc cốc trên mặt tủ. Đó là Lon Sellito, đứng một mình ở hành lang, rõ ràng tin rằng không ai nhìn thấy mình. Những chuyển động nhanh là do viên thanh tra to lớn đang tập đi tập lại động tác rút súng nhanh. Rhyme không thể nhìn rõ khuôn mặt của anh ta nhưng vẻ biểu lộ của anh ta rõ ràng là lo lắng.

Đó là điều gì vậy?

Anh bắt gặp của Sachs và gật đầu về phía cửa. Cô tiến tới gần cánh cửa và liếc ra ngoài, nhìn viên thanh tra rút khẩu súng ra một vài lần nữa rồi lắc lắc đầu, nhăn mặt. Sachs nhún vai. Sau khoảng ba đến bốn phút luyện tập, anh ta cất khẩu súng đi, bước vào phòng vệ sinh mà chẳng cần đóng cửa, dội nước bồn cầu và bước ra ngoài một giây sau đó.

Anh ta quay trờ lại phòng thí nghiệm. “Lạy Chúa, Linc, khi nào thì anh sẽ đưa một cái nhà vệ sinh hiện đại tử tế hơn vào chỗ này đây? Chẳng phải cái màu vàng và đen ấy cũng đã lỗi thời từ hồi những năm 70 rồi sao?”

“Anh biết đấy, tôi chỉ không hay tổ chức các buổi họp trong nhà vệ sinh lắm.”

Người đàn ông to lớn cười, nhưng quá to. Tiếng cười giống như bị kích thích bởi câu nói đùa, nhưng nghe không tự nhiên.

Nhưng dù điều gì đang gây rắc rối cho anh ta ngay lập tức biến mất khỏi đầu Rhyme khi kết quả từ chiếc máy phân tích bằng phương pháp GC/MS hiện lên trên màn hình máy tính - những mẩu gỗ được lấy ra từ trên mặt bàn làm việc của hung thủ. Rhyme cau mày. Bản phân tích đưa ra báo cáo rằng cái chất ăn hằn vào gỗ là acid sulfuric tinh chất, một tin mà Rhyme thấy rằng không hề hay chút nào. Bởi một điều, dựa trên chứng cứ xác thực, nó luôn luôn có sẵn và do đó thực sự chẳng thể nào tìm ra dù chỉ là một manh mối.

Nhưng còn đáng ngại hơn, có lẽ nó là acid mạnh nhất - và nguy hiểm nhất - mà ta có thể mua được; như một vũ khí, ngay cả với một số lượng cực nhỏ cũng có thể, chỉ trong vài giây, giết hoặc phá hoại thể xác vĩnh viễn.

Bảng bằng chứng:

Ngôi nhà an toàn trên phố Elizabeth của hung thủ:

+ Sử dụng bẫy điện.

+ Dấu tay: không. Chỉ có dấu găng tay.

+ Camera và màn hình an ninh; không có manh mối.

+ Bộ bài tarot, thiếu lá số mười hai; không có manh mối.

+ Bản đồ chi tiết bảo tàng nơi Geneva bị tấn công và các tòa nhà bên kia con phố. Dấu vết:

- Falafel và sữa chua

- Các mẩu gỗ lấy ra từ mặt bàn làm việc với vệt acid sulfuric tinh chất.

- Chất lỏng trong suốt, không phải chất nổ. Gửi tới phòng thí nghiệm của FBI.

- Nhiều sợi vải từ dây thừng hơn. Thừng thắt cổ?

- Carbon nguyên chất tìm thấy trên tấm bản đồ.

+ Ngôi nhà được thuê bằng tiền mặt, với cái tên Billy Todd Hammil. Khớp với miêu tả của Nghi phạm 109, nhưng không có manh mối nào liên quan tới cái tên Hammil thực tế.

Hiện trường Bảo tàng Mỹ - Phi

+ Gói đồ hiếp dâm:

- Lá bài tarot, số mười hai trong bộ bài, Người treo ngược, có nghĩa là sự tìm kiếm tâm linh.

- Chiếc túi có hình mặt cười. + Quá chung chung để lần tìm.

- Dao rọc giấy.

- Bao cao su Trojan.

- Băng dính.

- Dầu thơm mùi hoa nhài.

- Vật không rõ giá 5,95 đô. Có khả năng là chiếc mũ trùm.

- Hóa đơn, cho thấy cửa hàng nằm ở thành phố New York, cửa hàng tạp hóa giảm giá hoặc một hàng dược phẩm.

- Nhiều khả năng được mua từ một cửa hàng trên phố Mulberry, Little Italy. Hung thủ được nhận dạng bởi nhân viên bán hàng.

+ Dấu tay:

- Nghi phạm đeo găng tay cao su. - Dấu tay trên gói đồ thuộc về một người có bàn tay nhỏ, không có dữ liệu trong hệ thống IAFIS. Nhiều khả năng là của nhân viên bán hàng.

+ Dấu vết:

- Sợi thừng vải bông, một vài có vết máu người. Dây để thắt cổ?

- Gửi tói CODIS.

* Không tìm thấy DNA trùng khớp ở CODIS.

* Bỏng ngô và kẹo bông với những dấu vết nước đái chó.

+ Vũ khí:

- Dùi cui hoặc một chiếc côn.

- Khẩu súng có ổ thuốc lớn, hạt kích nổ vành, kiểu súng ngắn Quân đội Bắc Mỹ 22 ly - loại Black Widow hoặc Minimaster.

- Những viên đạn tự chế, đầu đạn chứa những chiếc kim. Không thấy dữ liệu trong IBIS hay DRUGFIRE.

+ Động cơ:

- Chưa chắc chắn. Hiếp dâm chỉ là động cơ giả.

- Động cơ thật sự có thể là để lấy đi tấm vi phim của bài báo trên tờ Tuần báo Minh họa dành cho người da màu ngày 23 tháng 7 năm 1868, và giết Geneva Settle vì việc cô quan tâm tới bài báo này bởi một lý do chưa biết. Bài báo viết về một ông tổ của Geneva tên là Charles Singleton. (Xem thông tin bên biểu đồ bên cạnh.)

- Người thủ thư - nạn nhân bị giết báo rằng có ai đó muốn được xem bài báo.

- Yêu cầu có được nhật ký cuộc gọi của người thủ thư để kiểm tra điều này.

* Không có manh mối nào.

* Yêu cầu cần có thông tin từ những nhân viên thư viện hoặc với những người mong muốn được thấy câu chuyện.

* Không có manh mối nào.

- Tìm kiếm bản copy của bài báo.

- Một vài nguồn báo cáo về một người đàn ông yêu cầu cùng một bài báo. Không manh mối nào được xác nhận. Phần lớn các ấn bản đều đã mất hoặc bị phá hủy. Xác định được vị trí một ấn bản. (Xem biểu đồ bên cạnh).

- Kết luận: Geneva Settle vẫn còn trong tình trạng nguy hiểm.

+ Hồ sơ các vụ việc gửi tới VICAP và NCIC.

- Vụ giết người ở Amarillo, Texas, năm năm trước. Cũng có hiện trường được làm giả (làm như vụ giết người là nghi lễ tôn giáo, nhưng động cơ thật sự vẫn chưa được tìm ra).

- Nạn nhân là một nhân viên gác ngục về hưu.

- Bức ảnh từ máy tính được gửi tới nhà tù Texas.

- Vụ giết người ở Ohio, ba năm về trước. Cũng có hiện trường được làm giả (làm như đó là một vụ tấn công tình dục đồng giới, nhưng động cơ thật sự là được thuê giết). Hồ sơ bị thất lạc.

Hồ sơ về Nghi phạm 109

+ Nam da trắng.

+ lm8, gần 90kg.

+ Giọng trung.

+ Sử dụng điện thoại để tiếp cận nạn nhân.

+ Mang một chiếc giày Bass cỡ 11 màu nâu sáng, khoảng ba năm hoặc hơn. Bàn chân phải hơi hướng ra ngoài.

+ Mùi hoa nhài.

+ Quần tối màu.

+ Đeo mũ trùm, màu tối.

+ Sẽ nhắm vào những người vô tội để tạo cơ hội hạ gục nạn nhân và trốn thoát.

+ Nhiều khả năng là một kẻ giết thuê.

+ Nhiều khả năng là một cựu phạm nhân ở Amarillo, TX.

+ Có giọng miền Nam.

+ Mái tóc màu nâu sáng, được chải chuốt chỉnh tề, râu cạo sạch sẽ.

+ Không đặc biệt, nổi bật.

+ Được thấy mặc một chiếc áo mưa tối màu.

Hồ sơ về kẻ thuê Nghi phạm 109

+ Chưa có thông tin gì lúc này.

Hồ sơ về đồng phạm Nghi phạm 109

+ Nam, da đen.

+ Cuối ba mươi, đầu bốn mươi.

+ Cao khoảng lm8.

+ Thân thể khỏe mạnh cường tráng.

+ Mặc chiếc áo dã chiến màu xanh.

+ Từng là phạm nhân.

+ Chân khập khiễng.

+ Được báo cáo có mang súng.

+ Râu được cạo sạch sẽ.

+ Đeo chiếc khăn trùm đầu màu đen.

+ Đang đợi thêm các nhân chứng và băng ghi hình an ninh.

Hồ sơ về Charles Singleton

+ Cựu nô lệ, tổ tiên của Geneva Settle. Có gia đình, một con trai. Được ông chủ cho một vườn cây ở tiểu bang New York. Làm việc với vai trò một thầy giáo. Tham gia vào cuộc vận động vì dân quyền từ rất sớm.

+ Charles bị cho là đã thực hiện một vụ trộm năm 1868, chủ đề của bài báo trong tấm vi phim bị lấy trộm.

+ Có một bí mật chưa được hé lộ. Lo lắng rằng sẽ gây ra thảm kịch nếu bí mật bị hé lộ.

+ Tham gia vào các buổi họp bí mật ở Gallows Heights gần New York.

+ Dính líu tới những hoạt động mạo hiểm?

- Làm việc với Frederick Douglass và những người khác liên quan tới Tu chính án số 14 trình Thượng viện để được phê chuẩn.

- Vụ án, theo tờ Tuần báo Minh họa dành cho người da màu:

- Charles bị bắt bởi Thám tử William Simms vì ăn trộm một lượng lớn từ Quỹ Nô lệ tự do ở New York. Đột nhập vào két, nhân chứng nhìn thấy ông ta rời khỏi đó nhanh chóng. Dụng cụ dùng để gây án được tìm thấy ở gần đó. Phần lớn tiền đã được tìm lại. Bị tuyên án năm năm tù. Không có thông tin gì sau khi bị tuyên án. Bị cho là tận dụng quan hệ với những nhà lãnh đạo trong cuộc vận động dân quyền thời gian đầu để tiếp cận Quỹ.

+ Thư của Charles:

- Bức thư thứ nhất, gửi tới vợ: về cuộc khởi nghĩa gọi quân năm 1863, sự chống lại người da đen ở khắp tiểu bang New York, hành hình, đốt phá. Nguy cơ ảnh hưởng tới tài sản mà người da đen sở hữu.

- Bức thư thứ hai, tới vợ: Charles trong trận chiến ở Appromattox vào giai đoạn cuối cuộc Nội chiến.

- Bức thư thứ ba, tới vợ: Tham gia vào cuộc vận động quyền dân sự. Bị đe dọa vì công việc của mình. Đau khổ với bí mật.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 17


Đi bộ trên một con phố ở khu Queens, tay cầm túi đồ và chiếc va li, Thompson Boyd đột nhiên khựng lại. Hắn giả vờ nhìn vào tờ báo từ một chiếc máy bán báo tự động và gõ vào đầu mình ra vẻ quan tâm tới tình hình thế giói, rồi nhìn về phía sau.

Không có ai đang đi theo, không có ai quan tâm tới Joe Trung bình cả.

Hắn không thực sự nghĩ rằng sẽ có một cái đuôi bám theo. Nhưng Thompson luôn luôn giảm thiểu tối đa mọi nguy cơ. Ta sẽ không thể nào bất cẩn khi công việc của mình là công việc của tử thần và hắn càng trở nên đặc biệt cảnh giác sau cuộc chạm trán ở căn hộ trên phố Elizabeth với người phụ nữ mặc bộ đồ màu trắng.

Chúng sẽ giết con chỉ bằng một nụ hôn...

Giờ hắn quay lưng trở lại con phố. Không nhìn thấy ai đang nép vội vào các

tòa nhà hay chuyển hướng một cách nhanh chóng.

Thỏa mãn, Thompson tiếp tục bước về phía mục tiêu ban đầu.

Hắn nhìn vào đồng hồ. Đã đến giờ hẹn. Hắn bước tới một buồng điện thoại và gọi đến một số điện thoại ở trung tâm Manhattan. Sau một tiếng chuông hắn nghe tiếng: “Xin chào?”.

“Là tôi.” Thompson và người ở đầu dây bên kia bắt đầu lặp lại một vài lời nói - kiểu để xác nhận an toàn, giống như những điệp viên - để bảo đảm chắc chắn rằng mỗi người đều biết chắc ai đang ở đầu dây bên kia. Thompson hạn chế tối thiểu giọng nói lè nhè của mình, cũng như khách hàng của hắn đang cẩn thận với giọng nói của chính mình. Tất nhiên là không qua mắt được máy phân tích giọng nói. Nhưng ta vẫn làm những gì có thể.

Người đàn ông biết lần thực hiện đầu tiên đã thất bại từ khi báo địa phương đưa tin. Khách hàng của hắn hỏi: “Tình hình đến mức nào? Chúng ta có vấn đề gì à?”.

Kẻ giết người nghiêng đầu về sau và nhỏ vài giọt Murine vào mắt. Chợp chợp mắt khi cơn đau tan dần, Thompson trả lời với một giọng lạnh như trái tim hắn: “Chà, giờ thì ông đã hiểu rõ chúng ta đang làm gì rồi. Nó giống như bất cứ một điều gì đó trong cuộc đời này. Chẳng có cái gì suôn sẻ một trăm phần trăm hết. Chẳng có cái gì sẽ xảy ra chỉ theo cách mà chúng ta muốn. Con bé đó láu cá hơn cả tôi”.

“Một đứa con gái trung học?”

“Đơn giản nó là một đứa lc lõi. Phản ứng nhanh. Nó sống trong rừng.” Thompson cảm thấy nhói lên khi nói nhận xét này, nghĩ rằng người đàn ông ở đầu dây bên kia có thể đang nghĩ tới một cô gái da đen, một kiểu phân biệt chủng tộc, dù hắn thực sự chỉ ám chỉ rằng cô sống ở một nơi mà môi trường khó khăn và phải lọc lõi. Thompson Boyd là người ít có thành kiến nhất trên trái đất này. Cha mẹ hắn đã dạy điều đó. Bản thân Thompson quen biết nhiều người thuộc mọi chủng tộc cũng như hoàn cảnh xuất thân khác nhau và hắn đáp trả họ chỉ đơn giản dựa trên cách cư xử và thái độ của họ, không phải vì màu da. Hắn đã làm việc cho cả những người da trắng, những người da đen, Ả Rập, châu Á, Latin, và hắn cũng đã giết người của chính những sắc tộc này. Hắn không thấy sự khác nhau giữa họ. Tất cả những người từng thuê hắn đều tránh ánh mắt của hắn cũng như hành động một cách kỳ cục và thận trọng. Những người đã chết dưới tay hắn có đủ mọi bằng cấp, thứ bậc khác nhau về lòng tự trọng và nỗi sợ hãi, đồng thời chẳng liên quan gì đến màu da hay quốc tịch.

Hắn tiếp tục: “Không phải những gì ông mong muốn. Không phải tôi muốn thế, tôi cá đến đồng đô la cuối cùng của ông cho mà xem. Nhưng những gì xảy ra là một khả năng hợp lý. Con bé có những kẻ khá lợi hại bảo vệ. Giờ chúng ta đã biết. Chúng ta chỉ cần dựng lại và tiếp tục thực hiện. Chúng ta không thể để cảm xúc xen lấn quá nhiều về việc này được. Lần tới ta sẽ tóm được con bé. Tôi đã đưa vào một người biết rõ về Harlem. Chúng tôi cũng đã tìm ra trường học của nó và đang tìm xem nó ở đâu. Tin tôi đi, chúng ta làm chủ được mọi vấn đề”.

“Tôi sẽ kiểm tra tin nhắn sau”, người đàn ông ở đầu dây bên kia nói, rồi dập máy một cách thô lỗ. Họ đã nói chuyện không quá ba phút, giới hạn Thompson Boyd đề ra.

Theo quyển sách...

Thompson dập máy - không cần thiết phải xóa dấu vân tay; hắn đang đi găng tay da rồi. Hắn tiếp tục bước xuống phố. Dãy phố là một dải nhà gỗ một tầng thanh lịch nằm ở phía đông và các tòa nhà chung cư thì ở phía tây, một khu vực khá cũ kỹ. Có vài đứa trẻ ở gần đó, mới về nhà từ lớp học. Trong những ngôi nhà ở đây, Thompson có thể nghe thấy loáng thoáng tiếng chương trình kịch ngắn trên đài hay những chương trình đàm thoại với người nổi tiếng buổi chiều, khi những người phụ nữ đang là quần áo hay nấu cơm. Dù cuộc sống có là như thế nào ở phần còn lại của thành phố, phần lớn khu vực quanh đây chưa bao giờ thoát khỏi những năm 50. Nó gợi cho hắn nhớ lại về căn nhà di động bằng chiếc xe rơ moóc và ngôi nhà gỗ trong tuổi thơ của mình. Một cuộc sống êm đềm, khá thoải mái.

Cuộc đời của hắn trước khi vào tù, trước khi hắn trở nên vô cảm như một cánh tay cụt hay một cái chân bị rắn cắn.

Ở dãy nhà phía trước, Thompson nhìn thấy một cô bé tóc vàng mặc đồng phục đang bước vào một ngôi nhà gỗ sơn màu be. Trái tim hắn đập nhanh hơn một chút - chỉ một hay hai nhịp - nhìn theo cô bé bước lên một vài bậc thang bê tông, lấy chìa khóa từ trong cặp sách, mở cửa và bước vào trong.

Hắn tiếp tục tiến bước về phía ngôi nhà đó, nó ngăn nắp như những ngôi nhà khác, có vẻ hơn một chút và được trang trí một bức tượng người cưỡi ngựa nho nhỏ, với những khoảng có tông màu tối thì được sơn một cách cẩn thận với màu đen xạm, một loạt những chú hươu bằng gốm nho nhỏ đang gặm cỏ trên bãi cỏ nhỏ xíu, đang ngả vàng. Hắn bước thật chậm qua ngôi nhà, nhìn vào những chiếc cửa sổ, rồi tiếp tục bước qua dãy phố. Một cơn gió mạnh thổi qua làm chiếc túi hắn cầm xoay một vòng và những chiếc lon va vào nhau lạch cạch. Chà, cẩn thận chứ, hắn tự nói với chính mình. Và giữ chặt chiếc túi.

Ở cuối dãy phố, hắn đổi hướng rồi nhìn ra sau. Một người đàn ông đang đi bộ, một người phụ nữ đang cố lái chiếc xe vào chỗ đậu ở giữa hai xe khác ven đường, một chú bé đang dắt quả bóng rổ trên con đường đầy lá rụng. Chẳng một ai quan tâm đến hắn cả.

Thompson Boyd bắt đầu bước ngược lại về phía ngôi nhà.

Trong ngôi nhà ở quận Queens, Jeanne Starke nói với con gái mình: “Không để cặp sách ở hành lang, Brit. Để ở trong phòng học đi con”.

“Mẹ”, cô bé mười tuổi thở dài, cố gắng kéo dài hơi. Cô hất mái tóc màu vàng, treo chiếc áo khoác đồng phục lên móc và nhấc chiếc ba lô nặng trịch lên, lầm bầm với nỗi bực dọc.

“Bài tập về nhà đâu?”, bà mẹ xinh đẹp, khoảng tầm ba mươi đến bốn mươi tuổi. Cô có mái tóc xoăn đen dày, được buộc chặt ở phía sau với chiếc buộc tóc hình bông hồng đỗ.

“Chẳng có bài tập nào cả”, Britney nói.

“Không có?”

“Không.”

“Lần trước con nói không có bài tập về nhà, nhưng không phải vậy.” Bà mẹ châm chọc.

“Đấy không hẳn là bài tập. Đấy là một bài báo. Chỉ là cắt một bài nào đó ra khỏi tờ báo thôi mà.”

“Con có bài tập ở trường phải làm ở nhà. Bài tập về nhà.”

“Thật mà, không có bài tập nào ngày hôm nay cả.”

Jeanne có thể nói là có nhiều hơn thế. Cô nhướn mày.

“Chỉ là bọn con cần phải mang đến lớp một thứ gì đó từ Italy. Để học giờ thuyết trình. Mẹ biết mà, đấy là dành cho ngày Colombus. Mẹ có biết ông ấy là người Ý không? Con cứ tưởng ông ẩy là người Tây Ban Nha cơ.”

Người mẹ của hai đứa trẻ đã biết điều này. Cô đã tốt nghiệp trung học và có một bằng dự bị đại học điều dưỡng. Cô đã có thể đi làm, nếu muốn, nhưng bạn trai của cô kiếm được nhiều tiền vì là một thương nhân và cảm thấy hài lòng khi để cô chăm sóc cho ngôi nhà, đi mua sắm với những người bạn gái và chăm sóc lũ trẻ.

Một phần của điều đó chỉ là để bào đảm rằng lũ trẻ làm bài tập về nhà, bất kể hình thức là như thế nào, bao gồm cả thuyết trình.

“Thế thôi hả? Chà chà, nói sự thật đi xem nào?”

“Meeeeeeeeeeeeeẹ..

“Sự thật?”

“Đúng...”

“‘Vâng’. Không phải ‘đúng’. Con sẽ mang cái gì đi nào?”

“Con không biết. Có thể là một cái gì đó từ cửa hàng Barrini. Mẹ có biết là Colombus đã sai không? Ông ấy nghĩ rằng mình đã tìm ra châu Á, chứ không phải là châu Mỹ. Ông ấy còn quay lại đây ba lần nữa và không bao giờ biết được sự thật.”

“Thật á?”

“Đúng... Vâng.” Britney nói lướt.

Jeanne quay trở vào bếp, nghĩ về sự thật là ông ấy đã không hề biết điều đó. Colombus thực sự nghĩ rằng mình đã tìm ra Nhật Bản hoặc Trung Quốc? Cô rắc bột lên thịt gà, rồi trứng, các mẩu vụn bánh mỳ, và bắt đầu thả hồn mơ tưởng về một chuyến du lịch gia đình tới châu Á - nhờ những hình ảnh trên truyền hình cáp. Hai đứa nhóc sẽ thích lắm. Có thể... Đó là lúc cô tình cờ nhìn ra ngoài và, xuyên qua tấm rèm lờ mờ, cô thấy bóng một người đàn ông đang chầm chậm tiến đến gần ngôi nhà.

Cô cảm thấy bất an. Bạn trai của Jeanne, có sản xuất linh kiện máy tính cho những nhà thầu của chính phủ, đã tạo ra một nỗi sợ hãi trong cô. Luôn luôn cẩn trọng với người lạ, anh nói thế. Nếu như thấy một ai đó đi chậm lại khi họ đi ngang qua nhà, ai đó có vẻ như thấy thú vị với lũ nhóc một cách không bình thường... cần phải báo ngay cho anh biết. Một lần cách đây không lâu lắm, họ đang ở trong công viên với lũ trẻ, hai đứa đang chơi ở rìa, một chiếc ô tô đi chậm lại và người lái xe, đeo kính đen, nhìn chằm chằm lũ trẻ. Bạn trai cô đã làm cô và lũ nhóc hoảng sợ và bắt họ trở về nhà.

Anh đã giải thích: “Gián điệp”.

“Gì cơ?”

“Không, không giống như những điệp viên CIA. Đó là những gián điệp kinh tế - từ những đối thủ cạnh tranh của công ty anh. Công ty của anh kiếm được sáu tỷ đô năm ngoái và anh chịu trách nhiệm một phần khá lớn trong số đó. Người ta sẽ muốn tìm ra những gì mà anh biết về thị trường.”

“Các công ty khác thực sự làm điều đó?” Jeanne đã hỏi như vậy.

“Em không bao giờ thực sự hiểu về lòng người.” Đó là câu trả lời của anh ấy.

Và Jeanne Starke, với vết sẹo in hằn trên cánh tay - chỗ một vỏ chai whisky cắt một vài năm trước, đã nghĩ: Thật sự mình chưa bao giờ hiểu. Cô lau tay mình lên tấm tạp dề, bước về tấm rèm cửa và nhìn ra bên ngoài.

Người đàn ông đã biến mất.

Được rồi. Đừng có tự hù dọa mình nữa. Chỉ là...

Nhưng khoan... Cô nhìn thấy chuyển động ở bậc thang trước cửa. Và tin rằng mình đã nhìn thấy góc của một chiếc túi - một chiếc túi đựng đồ mua sắm - nằm trên hành lang. Người đàn ông đó đang ở đây!

Chuyện gì xảy ra vậy?

Cô có nên gọi ngay cho bạn trai không?

Hay là nên gọi cảnh sát?

Nhưng họ phải mất mười phút để có thể tới đây.

“Có ai đó ở ngoài cửa, mẹ ơi.” Britney gọi.

Jeanne bước nhanh về phía trước. “Brit, con ở yên trong phòng đi. Mẹ sẽ ra xem

Nhưng cô bé đang mở cánh cửa mất rồi.

“Không!” Jeanne hét lên.

Và nghe thấy: “Cảm ơn, con yêu”. Thompson Boyd nói với giọng lè nhè thân thiện khi bước vào trong ngôi nhà, tay cầm chiếc túi mà cô đã nhìn thấy.

“Anh làm em sợ”, Jeanne nói. Cô ôm chầm lấy hắn và rồi hắn hôn cô.

“Anh không tìm thấy chìa khóa.”

“Anh về nhà sớm.”

Hắn nhăn mặt. “Một vài vấn đề với cuộc thảo luận sáng hôm nay. Họ hoãn đến ngày mai. Anh đã nghĩ rằng mình cần về nhà và làm chút việc.”

Đứa con gái khác của Jeaime, Lucy, tám tuổi, chạy vào hành lang. “Bố! Chúng con có thể xem Thẩm phán Judy không?”

“Không phải hôm nay!”

“Ứ ừ, đi mà. Cái gì trong túi vậy ạ?”

“Đó là công việc bố cần phải làm. Và bố cần các con giúp.” Hắn đặt chiếc túi lên sàn nhà ở hành lang, nhìn hai cô bé một cách trịnh trọng và nói: “Các con sẵn sàng chưa?”

“Rồi ạ!” Lucy nói.

Brit, đứa lớn hơn, không nói gì, nhưng đó là vì sẽ chẳng hay nếu cũng đồng ý với em gái mình; cô bé hoàn toàn sẵn sàng giúp đỡ.

“Sau khi chúng ta hoãn cuộc gặp lại, anh đi ra ngoài và mua những thứ này. Anh đã đọc kỹ hướng dẫn suốt cả buổi sáng hôm nay.” Thompson đưa tay vào trong tài và lấy ra vài hộp sơn, bọt biển, con lăn và bàn chải. Rồi hắn giơ quyển sách đầy những tấm dấu trang màu vàng: Trang trí nhà một cách dễ dàng. Tập 3: Trang trí phòng lũ trẻ.

“Bố!” Britney nói. “Cho phòng chúng con ạ?”

“Ừ”, hắn lè nhè. “Mẹ các con và ta chắc chắn không muốn Dumbo trên những bức tường.”

“Bố định sơn Dumbo?” Lucy cau mày. “Con không muốn hình Dumbo.”

Britney cũng vậy.

“Bố sẽ vẽ bất cứ ai các con muốn.”

“Để con xem trước!” Lucy lấy quyển sách từ tay hắn.

“Không, con!”

“Chúng ta sẽ xem cùng nhau”, Thompson nói. “Để bố treo áo khoác lên đã và cất va li đi nào.” Hắn bước về phòng làm việc của mình, ở phía trước của ngôi nhà.

Quay trở lại căn bếp, Jeanne Starke nghĩ rằng mặc dù những chuyến đi dài liên miên, nỗi ám ảnh về công việc, có một sự thật là trái tim anh ấy không hề hòa chung với cả niềm vui hay nỗi buồn của anh ấy, sự thật là anh ấy không phải một người bạn trai lý tưởng, chà, cô biết rằng mình có thể làm rất nhiều những việc tồi tệ hơn trong căn hộ của người bạn trai.

Chạy thoát khỏi cảnh sát từ căn hẻm ở gần sân trường Langston Hughes, Jax nhảy lên một chiếc taxi và nói với người lái xe hướng về phía nam, thật nhanh, thêm mười đô để vượt đèn đỏ. Rồi năm phút sau hắn lại bảo người lái xe vòng lại, thả hắn xuống không xa ngôi trường.

Hắn đã may mắn trốn thoát. Cảnh sát rõ ràng là đang làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn những người khác tiếp cận cô bé. Jax cảm thấy không thoải mái, họ gần như đã biết về hắn. Liệu có phải thằng khốn nạn Ralph đã chơi xỏ hắn không?

Chà, Jax cần phải khôn ngoan hơn một chút. Đó là điều mà hắn cần phải cố gắng làm lúc này. Giống như lúc ở trong tù - không bao giờ manh động cho tới khi kiểm tra hết mọi thứ.

Và Jax biết cần phải tìm hỗ trợ ở đâu.

Những gã đàn ông sống ở thành phố luôn luôn tập trung lại với nhau, dù trẻ hay già, đen hay trắng hoặc nói tiếng Tây Ban Nha, sống ở phía đông New York, Bay Ridge hay Astoria. Ở Harlem, họ sẽ tụ tập ở các nhà thờ, quán bar, các câu lạc bộ Rap hoặc Jazz và các quán cà phê, trong các phòng khách, trên ghế công viên và những bậc thềm. Họ sẽ ở trên những bậc thềm trước cửa và lối thoát hiểm vào mùa hè, quây quần xung quanh những thùng rác cháy vào mùa đông. Các tiệm cắt tóc nữa - giống như bộ phim một vài năm trước. (Tên thật của Jax, Alonzo, thực ra bắt nguồn từ Alonzo Henderson, cựu nô lệ ở bang Georgia đã trở thành triệu phú bằng việc gây dựng một chuỗi tiệm cắt tóc nổi tiếng - bố của Jax đã hy vọng động lực và tài năng của mình sẽ có ở đứa con trai, và đó hóa ra chỉ là một hy vọng hão huyền mà thôi).

Nhưng địa điểm phổ biến nhất cho những người đàn ông tụ tập ở Harlem là sân bóng rổ.

Họ đến đó để chơi bóng. Nhưng cũng đến chỉ để làm những việc linh tinh, giải quyết những vấn đề của thế giới, nói về điểm tốt và xấu của phụ nữ, tranh luận về thể thao, chửi nhau và chém gió - một phiên bản hiện đại và có tính chất kế thừa: Nghĩa là văn hóa truyền thống của người da đen, kể về những câu chuyện của các nhân vật huyền thoại giống như tên tội phạm Stackolee hay câu chuyện về người đốt lò trên tàu Titanic đã sống sót sau thảm họa đâm vào núi băng bằng cách bơi đến nơi an toàn.

Jax đã tìm thấy công viên gần Langston Hughes nhất có một sân bóng rổ. Mặc dù không khí lạnh lẽo của mùa thu và mặt trời thấp lờ mờ, sân bóng rổ vẫn đầy người. Hắn trườn đến cái sân gần nhất và cởi chiếc áo khoác dã chiến ra, bọn cớm chắc hẳn là đã chú ý đến, xoay mặt trong ra ngoài và choàng nó qua cánh tay. Hắn dựa vào hàng rào sắt, hút thuốc và nhìn như một phiên bản lớn của Pharaoh Ralph. Hắn kéo cái khăn trùm xuống và chải chải cái đầu xù bằng những ngón tay.

Khi quay đầu ra nhìn, hắn thấy một chiếc xe cảnh sát đi qua, chậm rãi, dọc con phố bên kia đường với sân chơi. Jax đứng yên chỗ cũ. Không có gì thu hút sự chú ý của lũ cớm nhanh hơn việc quay lưng bỏ đi khi thấy chúng (hắn đã bị chặn lại hàng chục lần vì vi phạm cái tội đi bộ và là người da đen). Ở sân bóng phía trước, một nhóm những cậu nhóc học sinh trung học đang chuyển động một cách khéo léo qua nửa sân trải nhựa màu xám, trong khi nhóm khác đang đứng nhìn. Jax nhìn quả bóng rổ màu nâu bụi bẩn đập xuống nền, rồi nghe thấy âm thanh nó chạm đất. Hắn nhìn những bàn tay tóm chặt, những thân thể lao vào nhau, nhìn quả bóng hướng về phía rổ.

Chiếc xe cảnh sát biến mất, Jax nhổm ra khỏi hàng rào và tiến đến gần chỗ những cậu trai đứng ở rìa sân. Tên cựu phạm nhân nhìn lũ trẻ. Không có một tay anh chị nào, không một gã gangster với khẩu Glock. Chỉ là một túm học sinh trung học - một vài đứa có hình xăm, một vài đứa không, vài đứa thì đeo những sợi xích, vài đứa chỉ đeo đơn giản một cây thánh giá, vài đứa có ý đồ xấu, vài đứa thì tốt. Nhìn và trêu chọc những đứa con gái, bắt nạt và làm đại ca những đứa nhóc nhỏ hơn. Nói chuyện, tán gẫu, hút thuốc. Tận hưởng tuổi trẻ.

Quan sát chúng, Jax lại chìm vào một giai điệu. Hắn đã từng mong muốn có một gia đình thật lớn, giống như rất nhiều những thứ khác, nhưng giấc mơ đó không bao giờ thành hiện thực. Hắn đã từng mất một đứa con vào trung tâm giáo dưỡng và một đứa trong chuyến đi định mệnh của bạn gái tới một phòng khá trên phố 125. Đó là tháng Một của một năm rất lâu rồi, với niềm hân hoan của Jax, cô ấy thông báo rằng mình đã có bầu. Đến tháng Ba, cô ấy cảm thấy đau và họ đã tới một phòng khám miễn phí, đó là lựa chọn duy nhất cho dịch vụ y tế của họ. Họ đã mất hàng tiếng đồng hồ trong căn phòng chờ bẩn thỉu, đông đúc và chật chội. Cho đến khi gặp được bác sĩ thì cô ấy đã bị sảy thai.

Jax đã túm lấy và gần như đánh ông ấy một cách dã man. “Đó không phải lỗi của tôi”, người đàn ông Ấn Độ nhò bé nói, co rúm bên cạnh cái xe đẩy bệnh nhân. “Họ cắt bớt ngân sách của chúng tôi. Chính quyền thành phố đã làm điều đó. Nghe tôi nói đã.” Jax bị nhấn chìm trong giận dữ và tuyệt vọng. Hắn cần phải trả thù một kẻ nào đó, để bào đảm rằng điều này sẽ không xảy ra một lần nữa - với cô ấy và với bất cứ ai khác. Chẳng có sự an ủi nào khi ông bác sĩ giải thích rằng ít nhất họ đã giữ được mạng sống của cô bạn gái - một điều mà có thể không thể xảy ra nếu như kế hoạch về cắt giảm ngân sách cho việc chăm sóc sức khỏe dành cho người nghèo được thông qua.

Chính quyền kiểu gì mà lại làm điều đó với nhân dân? Chẳng phải nhiệm vụ của Tòa thị chính thành phố và chính quyền bang là vì lợi ích của công dân đó sao? Làm thế nào mà họ có thể để một đứa bé chết như vậy chứ?

Cả bác sĩ, lẫn cảnh sát dẫn hắn ra khỏi cái bệnh viện đêm hôm đó trong chiếc còng tay, đều không trả lời được cho những câu hỏi ấy.

Nỗi đau và sự tức giận tột cùng của ký ức ấy càng khiến hắn quyết tâm hơn để vượt qua cái hắn đang làm lúc này.

Khuôn mặt nghiêm trọng, Jax quan sát lũ trẻ trên sân bóng và hất đầu về phía cậu trai mà hắn cho là thủ lĩnh hoặc cầm đầu. Mặc chiếc quần hộp lửng nhiều túi, đôi giày ống cao và áo thun thể thao. Tóc để kiểu gumby - mỏng ở một bên, rồi chải phồng cao lên ở bên kia. Cậu nhóc nhìn hắn. “Gì thế lão già?”

Tiếng cười ha hả từ những đứa khác.

Lão già.

Ở Harlem trước đây - chà, có lẽ là người già ở bất cứ đâu - là một người trưởng thành cần có được sự tôn trọng. Giờ thì nó khiến ta cảm thấy khó chịu. Một dân chơi có thể đã rút súng ra khỏi tất và làm cho thằng nhóc kia nhảy dựng lên. Nhưng Jax đã được dùi mài qua nhiều năm sống đường phố, hằng năm trời ngồi bóc lịch và biết rằng đó không phải là cách để giải quyết, không phải ở đây. Hắn cười. Rồi thì thầm: “Có thích vài trăm đô không?”.

“Ông muốn à?”

“Ta muốn đưa cho cậu vài tờ. Nếu cậu muốn, đồ khỉ.” Jax vỗ vỗ túi áo, chỗ tập tiền đang phồng lên.

“Tôi chẳng buôn bán cái gì cả.”

“Tôi chẳng mua cái mà cậu nghĩ đâu. Nào. Lại đây xem nào.”

Cậu nhóc gật đầu và họ đi khỏi sân bóng. Khi bước đi, Jax cảm thấy cậu ta đang quan sát hắn, để ý thấy cái chân khập khiễng. Chà, đó là cái chân tôi bị bắn nhưng cũng có thể là một cái chân của một tay anh chị thứ thiệt. Rồi cậu ta nhìn vào đôi mắt của Jax, lạnh lùng như bụi bần, rồi cơ bắp và những hình xăm tù. Có thể đang nghĩ: Với tầm tuổi của Jax có thể đã khiến hắn trờ thành một thủ lĩnh cao trong các băng đảng - người mà ta dây dưa thì chỉ đem lại hiểm họa và phiền toái.

Những thủ lĩnh trong các băng đảng có vũ khí AK và Uzis cộng với Hummers cũng như cả tá côn đồ vây xung quanh. Họ sử dụng những đứa nhóc mười hai tuổi để bắn các nhân chứng và các tay buôn ma túy kình địch bởi pháp luật không thể giam giữ chúng suốt đời, trừ khi chúng mười bảy hay mười tám tuổi.

Một dân anh chị thứ thiệt có thể đập bạn một trận bầm giập nếu bạn gọi ông ta là “lão già”.

Thằng nhóc bắt đầu nhìn có vẻ e dè. “Chà, vậy chính xác thì ông muốn gì? Chúng ta đi đâu đây?”

“Chỉ đến kia thôi. Tao không muốn nói chuyện trước cả lũ nhóc.” Jax dừng lại sau vài bụi cây. Đôi mắt

thằng bé liếc quanh. Jax cười to. “Tao không làm gì mày đâu, nhóc.”

Thằng bé cười theo. Nhưng dè dặt. “Được rồi.”

“Tao cần phải tìm địa chỉ một đứa. Một đứa học ở Langston Hughes. Mày học ở đấy hả?”

“Vâng, phần lớn chúng tôi.” Thằng nhóc hất đầu về phía sân bóng.

“Tao đang tìm con bé trên bản tin thời sự sáng nay.”

“Con bé ấy á? Geneva? Nó nhìn thấy ai đó bị bắn hay gì đó? Con đĩ toàn điểm A đấy á?”

“Tao không biết. Nó toàn được điểm A?”

“Đúng. Nó thông minh.”

“Nó sống ở đâu?”

Thằng bé im lặng, dò xét thận trọng. Tranh đấu. Liệu nó có bị đập một trận nếu hỏi thứ mà nó muốn không nhỉ? Nó quyết định, chắc là không, “Ông vừa nói về tiền?”

Jax đưa cho nó vài tờ đô la.

“Tôi không biết con điếm ấy. Nhưng tôi có thể liên lạc với một người anh em biết rõ điều đó. Tên người anh em của tôi là Kevin. Muốn tôi gọi cho nó chứ?”

“Được.”

Một chiếc điện thoại bé xíu được lôi ra từ tủi quần của thằng nhóc. “Này, tao, Willy đây... Sân bóng rổ... Ừ, nghe này, có một ông già ở đây với một đống tiền, đang tìm con điếm của mày đấy... Geneva. Con chó nhà Settle... Này, đùa thôi mà, mày biết tao đang nói gì chứ?... Được rổi. Giờ thì ông này muốn...”

Jax giật lấy cái điện thoại từ tay thằng nhóc và nói: “Hai trăm đô, đưa địa chỉ con bé đây cho tao”.

Do dự một chút.

“Tiền mặt?”, Kevin hỏi.

“Không”, Jax đùa cợt: “Chuyển phát chậm America. Ừ, tiền mặt”.

“Tôi sẽ đi tới sân bóng, ông có tiền sẵn đấy rồi chứ?”

“Ừ. Nó đang nằm ngay cạnh khẩu côn của tao, nếu mày thích. Và khi nói ‘côn’,tao không ám chỉ cái chai bia bốn mươi độ[37] đâu.”

[37] Nguyên văn: “malt in a forty” - một loại bia malt liquor có tên là Colt 45; giống với cách gọi khẩu súng côn.

“Được rồi. Chỉ hỏi vậy thôi. Tôi không phải một mình đi vòng quanh để kiếm người đâu.”

“Tao sẽ đi với đội của mình”, Jax nói, cười nhăn nhở với Willy đang lóng cóng. Hắn tắt điện thoại và quăng nó cho thằng nhóc rồi đi về phía hàng rào và dựa vào nó, nhìn trận bóng.

Mười phút sau Kevin đến - khác với Willy, nó là một tay chơi thực sự, cao, đẹp trai, hiên ngang. Nhìn giống như một diễn viên nào đó mà Jax không nhớ ra tên. Để biểu diễn với bạn bè, cho thấy nó chả háo hức gì lắm với việc kiếm vài tờ một trăm đô - và tất nhiên, cũng để gây ấn tượng với một vài đứa con gái - Kevin rất chậm rãi. Dừng lại, chạm những nắm đấm vào nhau, ôm lấy một hay hai thằng nhóc.

Thốt lên cái câu “Chà chà, người anh em” một vài lần, rồi bước vào sân, lấy trái bóng và thực hiện một vài cú úp rổ khá ấn tượng.

Hắn cũng có thể thực hiện cú nhảy úp bóng vào rổ, chẳng có gì thắc mắc hết.

Cuối cùng Kevin nhảy về phía Jax và quan sát hắn, bởi đó là điều mà ta làm khi một kẻ lạ mặt bước vào giữa một đám đông - dù cho đó là trên một sân bóng rổ hay là trong một quán bar hoặc thậm chí là một tiệm cắt tóc của Alonzo Henderson thời Victoria, Jax đoán vậy. Kevin đang cố gắng tìm xem Jax giấu khẩu súng ở đâu, liệu Jax có được bao nhiêu tiền và hắn định làm gì. Jax hỏi: “Nói tao biết xem mày định dò xét tao bao lâu nữa nào? Nó làm tao phát ngán rồi đấy”.

Kevin không cười. “Tiền đâu?”

Jax đưa nó tiền.

“Con nhãi đó ở đâu?”

“Đợi nào. Tôi sẽ chỉ cho ông.”

“Chỉ cần đọc địa chỉ đây.”

“Ông sợ tôi à?”

“Chỉ cần đưa địa chỉ đây.” Đôi mắt nhìn không hề nao núng.

Kevin cười nhe răng. “Tôi không biết số nhà. Tôi biết ngôi nhà nào thôi. Tôi đã đưa con bé về nhà mùa xuân vừa rồi. Tôi sẽ chỉ nó cho ông.”

Jax gật đầu.

Họ bắt đầu bước về phía tây rồi hướng xuống phía nam, khiến Jax rất ngạc nhiên; hắn cứ nghĩ rằng cô phải sống ở một trong những khu ổ chuột khó khăn - xa hơn về phía bắc theo dòng Harlem, hoặc phía đông. Những con phố ở đây không rực rỡ nhưng rất sạch sẽ và có vẻ như rất nhiều căn nhà ở đây mới được xây dựng lại. Và cũng có rất nhiều công trình mới đang được thực hiện.

Jax cau mày, nhìn quanh khu phố xinh đẹp. “Mày có chắc là ta đang nói về

“Đó là con nhãi mà ông hỏi. Đó là ngôi nhà mà tôi muốn chỉ cho ông thấy... Chà, ông có muốn mua một ít cỏ, hay là đá không?

“Không.”

“Ông chắc chứ? Tôi có vài cái tốt lắm.”

“Thật đáng xấu hổ, mày sẽ sớm điếc và mất hết khi chưa già con ạ.”

Kevin nhún vai.

Họ bước tới một dãy phố gần công viên Momingside. Trên đỉnh một con dốc lát đá là khuôn viên trường Đại học Columbia, một địa điểm thường xuyên bị hắn đánh bom với dòng chữ Jax 157 nhiều năm về trước.

Họ bắt đầu rẽ về góc đường nhưng cả hai dừng lại nhanh.

“Này, nhìn đi”, Kevin thì thầm. Có một chiếc Crown Vic - rõ ràng là một xe cảnh sát ngầm - đỗ song song với một hàng xe khác phía trước một tòa nhà cũ kỹ.

“Đó là nhà nó hả? Chỗ cái xe đậu phía trước kia?”

“Không. Nhà của nó cách đấy hai căn về phía chúng ta. Kia kìa.” Cậu nhóc chỉ.

Đó là một ngôi nhà cũ nhưng vẫn còn khá đẹp và chắc chắn. Những bông hoa trrên các cửa sổ, mọi thứ đều sạch sẽ. Rèm cửa xinh xắn. Nước sơn nhìn có vẻ mới.

Kevin hỏi: “Ông sẽ cho nó một trận hả?”, rồi nhìn Jax dò xét từ đầu đến chân.

“Định làm gì là việc của tao.”

“Việc của ông... Hẳn nhiên là thế rồi.” Kevin nói với một giọng nhỏ nhẹ. “Chỉ là... Lý do tôi hỏi là, bởi vì nếu như nó sắp gặp rắc rối với ông - mà tôi thì chả vấn đề gì với việc đó cả, ý tôi đang nói là - nếu có chuyện gì xảy ra với nó, chà, nghĩ thử xem: Tôi sẽ biết đó là ông. Và có thể sẽ có ai đó đến và nói chuyện với tôi về điều này. Nên, tôi đang nghĩ, với cả đống tiền ông nhét trong túi áo mình kia, có lẽ nên san sẻ cho tôi một ít nữa, tôi thậm chí có thể sẽ quên là đã từng gặp ông luôn. Mặt khác, cũng có khả năng là tôi sẽ nhớ rất nhiều về ông cũng như việc ông hỏi về con đĩ con này.”

Jax là một tay giang hồ từng trải. Từng là vua Graffiti, từng là một người lính trong ến dịch Bão Cát Sa Mạc, biết những tay anh chị trong tù và bên ngoài, đã từng bị bắn vào... Nếu như có một luật lệ trong cái thế giới điên khùng này thì chính là dù ta cho rằng mọi người ngu ngốc đến thế nào đi nữa, thậm chí họ vẫn luôn vui vẻ nếu là những kẻ ngốc.

Trong một phần triệu giây, Jax chộp lấy cổ áo thằng bé với bàn tay trái và vung nắm đấm thật mạnh vào bụng nó, ba lần, bốn, năm...

“Mẹ kiếp…” Đó là tất cả những gì thằng nhóc kịp thốt ra.

Cách ta chiến đấu trong tù. Đừng bao giờ cho chúng nó cơ hội để lấy lại thế.

Một lần nữa, một lần nữa, một lần nữa...

Jax thả nó ra và thằng nhóc chuồn thật nhanh vào con hẻm, rên rỉ đau đớn. Thận trọng và chậm rãi như một vận động viên bóng chày nhấc cây gậy lên, Jax cúi thật thấp và lôi khẩu súng ra khỏi tất. Trong khi Kevin nhìn theo một cách bất lực, tên cựu phạm nhân nhét một viên đạn vào trong khẩu súng rồi quấn chiếc khăn trùm của hắn quanh súng nhiều vòng. Jax đã học điều này từ DeLisle Marshall ở nhà S, là một trong những cách tốt nhất và tiết kiệm nhất để bịt tiếng súng nổ.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 18


Buổi tối hôm đó, lúc 7 giờ 30 phút, Thompson Boyd vừa hoàn thành việc sơn hình chú gấu hoạt hình lên bức tường trong phòng Lucy. Hắn bước lùi lại và nhìn vào tác phẩm của mình. Hắn đã làm những gì mà quyển sách yêu cầu và khá chắc chắn rằng nó giống một con gấu. Đó là bức tranh đầu tiên hắn vẽ trong đời, ở bên ngoài trường học - đó là lý do tại sao hắn đã vất vả nghiên cứu và tìm tòi trong quyển sách ở căn hộ hắn thuê buổi sớm ngày hôm nay.

Những cô bé có vẻ rất thích nó. Hắn đã nghĩ rằng bản thân mình hẳn phải rất vui với bức tranh. Nhưng hắn không chắc chắn lắm. Hắn nhìn bức vẽ chằm chằm một lúc lâu, đợi chờ cảm giác tự hào. Nhưng hắn không thấy. Chà. Hắn bước vào hành lang, nhìn vào điện thoại của mình. “Có tin nhắn”, hắn nói một cách lơ đãng rồi quay số. “Xin chào, đây là Thompson. Anh thế nào rồi? Thấy cuộc gọi nhỡ của anh.”

Jeanne nhìn hắn rồi quay lại lau khô những chiếc đĩa.

“Đừng đùa chứ?” Thompson cười khúc khích. Với một người đàn ông không cười, hắn nghĩ rằng tiếng cười của mình có vẻ thật. Tất nhiên, hắn đã làm điều đó sáng hôm nay, trong thư viện, cười để khiến cho đứa con gái nhà Settle cảm thấy thoải mái và điều đó lại không thực sự hiệu quả lắm. Hắn tự nhắc nhở mình không được diễn một cách thái quá. “Anh bạn ạ, đó quả là một kẻ lười biếng ăn không ngồi rồi”, hắn nói vào chiếc điện thoại mà không hề thực hiện cuộc gọi nào. “Chắc chắn rồi. Sẽ không mất nhiều thời gian phải không? Sẽ tranh luận ngày mai vậy, ừ, cuộc họp mà chúng ta đã hoãn ấy... Hẹn gặp lúc mười giờ.”

Hắn gập điện thoại và nói với Jeanne. “Vern đang ở chỗ Joey. Cậu ấy đã có một căn hộ.”

Vemon Harber đã từng tồn tại nhưng bây giờ thì không. Thompson đã giết anh ta vài năm trước. Nhưng bởi hắn biết Vem trước khi anh ta chết, Thompson đã biến anh ta thành một người hàng xóm tưởng tượng mà hắn thi thoảng nhìn thấy, một người bạn. Giống như Vem thật sự đã chết, một nhân vật hư cấu có thật lái chiếc Supra, có một người bạn gái tên là Renee và kể vô số những câu chuyện cười về cuộc sống trên những bến tàu, trong cửa hàng bán thịt lợn và ở khu vực quanh nhà anh ta. Thompson biết rất nhiều về Vem và hắn ghi nhớ mọi chỉ tiết trong đầu. (Hắn biết, khi ta nói dối, hãy nói dối thật rõ ràng, hồ hởi và cụ thể.)

“Anh ta lái chiếc Supra của mình lên một cái vỏ chai bia.”

“Anh ấy không sao chứ?”, Jeanne hỏi.

“Anh ta chỉ đang cố đậu xe thôi. Cái gã lơ đễnh không thể tháo được những con ốc ra một mình ý chứ.”

Sống và chết, Vem Harber là một kẻ lười biếng chẳng biết làm gì.

Thompson lấy chiếc bàn chải sơn và chiếc giỏ đựng bìa các tông vào phòng giặt và đặt chúng dưới bồn rửa mặt, vặn nước để nhúng cái bàn chải. Hắn khoác chiếc áo ngoài vào.

Jeanne hỏi: “À, anh có thể mua một ít sữa giảm béo 2% trên đường về không?”.

“Một phần tư gallon hả?”

“Thế là đù rồi.”

“Và kẹo roll-ups nữa!” Lucy gọi với theo.

“Vị gì đây?”

“Nho.”

“Được rồi. Brit?”

“Sơ ri!”, cô bé nói rồi nhớ ra là phải thêm vào: “Đi mà!”.

“Nho, sơ ri và sữa.” Hắn chỉ vào từng người, theo yêu cầu của họ.

Thompson ra ngoài, bắt đầu bước đi trên con đường quanh co xuôi xuống những con phố ở Queens, thi thoảng quay lại nhìn để bảo đàm rằng không có ai theo dõi. Hít bầu không khí lành lạnh vào phổi, nhả ra luồng không khí ấm hơn và với những nốt nhạc nhẹ nhàng: bài hát của Celine Dion trong phim Titanic.

Gã sát thủ đã để mắt tới Jeaime khi nói vói cô rằng mình sẽ đi ra ngoài. Hắn đã nhận thấy sự quan tâm của cô với Vern có vẻ là thật và rằng cô ấy không phải là người ít đa nghi nhất, dù sự thật là hắn đang đi gặp một người đàn ông mà cô ấy chưa bao giờ gặp. Nhưng đó là một điều riêng biệt. Đêm nay, hắn đang giúp đỡ một người bạn. Đôi khi hắn nói mình muốn đặt cược một ván ngoài trường đua ngựa. Hoặc là tới gặp vài người bạn ở chỗ của Joey và làm gì đó. Những lời nói dối của hắn thay đổi liên tục.

Người phụ nữ da ngăm đen với mái tóc xoăn không bao giờ hỏi nhiều về việc hắn đi đâu, hay về công việc của một thương nhân giả mạo buôn bán linh kiện máy tính mà hắn vẫn nói rằng mình đang làm, công việc đòi hỏi phải vắng nhà thường xuyên. Không bao giờ hỏi kỹ về việc tại sao công việc của hắn lại bí mật đến mức phải luôn khóa cửa trụ sở văn phòng. Cô khôn khéo và rất thông minh, hai điều rất khác nhau, và hầu hết những người phụ nữ như vậy đều khăng khăng đòi can dự nhiều hơn vào cuộc sống của người đàn ông của mình. Nhưng Jeanne Starkle thì hoàn toàn khác.

Hắn đã gặp cô ở một quầy bán đồ ăn trưa ở Astoria một vài năm trước sau khi hắn lẩn tránh vụ giết một tay buôn bán thuốc phiện ở Newark mà hắn được thuê giết. Ngồi bên cạnh Jeanne ở quầy bán đồ ăn Hy Lạp, hắn đã hỏi cô lọ xốt cà chua và rồi xin lỗi, nhận ra rằng cô đang có một cánh tay bị gãy và không với được nó. Hắn hỏi xem cô có ổn không và điều gì đã xảy ra? Cô đã đánh lạc hướng câu hỏi, dù những giọt nước mắt đang đong đầy trong đôi mắt. Họ đã tiếp tục chuyện trò.

Họ nhanh chóng hẹn hò. Sự thật về cánh tay bị gãy cuối cùng cũng hé lộ và một ngày cuối tuần Thompson đến gặp gã chồng cũ của cô. Sau đó, Jeanne nói với hắn rằng một phép màu đã xảy ra: chồng cô ta đã rời khỏi thị trấn và thậm chí không gọi lũ trẻ một lần nào nữa, chuyện gã đã từng làm một tuần một lần, trong tình trạng say khướt rồi nổi xung với lũ trẻ vì mẹ của chúng.

Một tháng sau, Thompson chuyển đến sống với cô và l trẻ.

Có vẻ như, đó là một sự sắp đặt tốt cho Jeanne và những đứa con gái của cô. Một người đàn ông không la hét hay sử dụng thắt lưng để đánh đập ai, trả tiền thuê nhà và có mặt mỗi khi anh ta nói có thể - tại sao, họ cảm thấy anh là một tài sản tuyệt vời nhất trên thế gian. (Những năm tháng trong tù đã dạy Thompson một bài học tuyệt vời về việc đặt những chuẩn mực thấp hơn).

Một sự sắp đặt tốt cho họ, và tốt cho cả một sát thủ chuyên nghiệp nữa: Bất cứ ai trong công việc của hắn mà có vợ hay bạn gái và lũ trẻ sẽ ít bị nghi ngờ hơn so với một kẻ sống một mình.

Nhưng có một lý do khác mà hắn ở với cô, quan trọng hơn cà một hậu phương và sự thuận lợi.

Thompson Boyd đang chờ đợi. Có một điều gì đó đã lạc mất khỏi cuộc sống của hắn một thời gian dài và hắn đang chờ đợi sự trở lại của nó. Hắn tin rằng một ai đó giống như Jeanne Starkle, một người phụ nữ với những đòi hỏi không quá lớn lao và với những mong ước bình dị, có thể giúp hắn tìm ra điều đó.

Và cái điều lạc mất đó là gì? Đơn giản: Thompson Boyd đang chờ đợi sự vô cảm biến mất và những cảm giác trong tâm hồn hắn quay trở lại, theo cái cách mà bàn chân của ta quay lại với cuộc sống sau khi mệt mỏi.

Thompson có rất nhiều hồi tưởng về tuổi thơ của mình ở Texas, hình ảnh cha mẹ và người dì Sandra, anh chị em họ, bạn bè ở trường. Xem những trận đấu A&M Texas trên ti vi, ngồi quanh chiếc đàn organ điện của Sears, Thompson nhấn phím trong khi dì hoặc cha hắn chơi những bản nhạc với tất cả khả năng của mình với những ngón tay mập mạp ngắn ngủn (đó quà thực là gen của nhà hắn). Hát vang bài Onward Christian Soldiers, Tie a yellow ribbon và nhạc nền bộ phim The Green Berets. Chơi trò Hearts frên máy tính. Học cách sử dụng những dụng cụ với người cha trong nhà kho ngăn nắp một cách hoàn hảo. Bước đi bên cạnh người đàn ông to lớn trên sa mạc, kinh ngạc trước hoàng hôn, những thảm dung nham, những con chó sói, những con rắn đuôi chuông trườn như những nốt nhạc nhưng có thể cắn ta chết chì trong tíc tắc.

Hắn nhớ về người mẹ mộ đạo của mình, gói ghém những chiếc bánh sandwich, tắm nắng, quét đi lớp bụi của Texas khòi cửa chiếc xe moóc và ngồi trong những chiếc ghế nhôm với những người bạn của bà. Hắn nhớ về người cha mộ đạo của mình, sưu tập những chiếc đĩa than, dành những ngày thứ Bảy với con trai và những ngày trong tuần với công việc liều lĩnh trên những chiếc cần cẩu. Hắn nhớ về những buổi tối thứ Sáu tuyệt vời, đi tới tiệm cà phê Goldenlight trên đường 66 để ăn bánh kẹp Harleoai tây chiên, thưởng thức nhạc xuynh[38] Texas xập xình qua những chiếc loa.

[38] Một loại nhạc jazz êm dịu nhún nhẩy vào những năm 30.

Thompson Boyd vẫn chưa hề vô cảm.

Ngay cả khi trải qua quãng thời gian khó khăn sau khi một cơn bão tháng Sáu cuốn đi chiếc xe - nhà của họ - và lấy mất cánh tay phải của mẹ hắn, đồng thời cũng gần như cà cuộc sống của bà, thậm chí cả khi cha hắn mất việc trong thời kỳ giảm biên chế, nó quét sạch cả một phần phía trên của Texas như một trận bão cát Oklahoma, Thompson không hề vô cảm.

Hắn chắc chắn không hề vô cảm khi nhìn mẹ mình thở dốc và kiềm chế những giọt nước mắt trên những con phố của Amarillo sau khi một đứa nhóc gọi mẹ hắn là “đồ cụt tay” và Thompson đã đi theo, đồng thời bảo đảm rằng thằng nhóc sẽ không bao giờ trêu chọc một ai nữa.

Nhưng rồi sau đó là những năm tháng tù tội. Và đâu đó trong những căn phòng đầy mùi nước rửa Lysol, sự vô cảm đã bò lên trên cảm xúc và khiến nó ngủ yên. Những cảm xúc ngủ say đến nỗi hắn thậm chí không cảm thấy một tiếng bíp khi biết tin rằng một tài xế trên cabin của chiếc Peterbilt ngủ gật đã giết chết cha mẹ và dì của hắn cùng lúc, thứ duy nhất còn lại là bộ hộp đánh giày hắn làm cho cha mình trong sinh nhật lần thứ bốn mươi của ông. Những cảm xúc ngủ sâu đến nỗi sau khi hắn được thả ra và truy lùng người bảo vệ Charlie Tucker, Thompson Boyd chẳng cảm thấy gì khi hắn nhìn người đàn ông chết một cách từ từ, khuôn mặt tím tái từ sợi thòng lọng, chiến đấu một cách tuyệt vọng để tóm lấy sợi dây và nhấc chính mình lên để ngăn cơn nghẹt thở. Mà ta không thể làm được điều đó, dù cho có mạnh mẽ đến đâu.

Vô cảm, khi hắn nhìn xác của người bảo vệ đu đưa, quằn quại một cách từ từ đến chết. Vô cảm, khi hắn đặt những ngọn nến trên mặt đất dưới chân Tucker để khiến cho vụ giết người trông giống như kiểu tâm linh, ma quỷ và ngước nhìn vào đôi mắt vô hồn của người đàn ông.

Vô cảm...

Nhưng Thompson tin rằng hắn có thể sửa chữa chính mình, cũng giống như sửa chiếc cửa buồng tắm và cái tay vịn cầu thang lỏng lẻo ở ngôi nhà gỗ. (Cả hai đều là công việc, điểm khác biệt duy nhất là nơi ta đặt dấu thập phân hay ta có biểt làm hay không mà thôi.) Jeanne và lũ trẻ có thể sẽ mang những cảm xúc quay trở lại. Tất cả những gì hắn phải làm là thực hiện theo mà thôi. Làm những gì mà người khác làngười bình thường, những người không hề lạnh lùng vô cảm: Sơn phòng của lũ trẻ, xem Quan tòa Judy với chúng, đi picnic ở công viên. Mang cho chúng những gì chúng muốn. Nho, sơ ri, sữa. Nho, sơ ri, sữa. Thử thốt ra những câu chửi thề, mẹ kiếp, khốn kiếp... Bởi đó là những gì mà người ta nói khi họ tức giận. Và những người tức giận thì có cảm xúc.

Đó cũng là lý do vì sao hắn hay huýt sáo - hắn tin rằng âm nhạc có thể đưa hắn trở lại những ngày xa xưa ấy, trước khi hắn vào tù. Những người yêu thích âm nhạc thì không hề vô cảm. Những người hay huýt sáo có cảm xúc, họ có gia đình, có thể làm những người lạ phải ngoái đầu với một nốt nhạc luyến hay. Họ là những người mà ta có thể dừng lại trên một góc phố và nói chuyện, những người mà ta có thể mời một miếng khoai tây chiên, ngay trên đĩa bánh kẹp Harley, với những tiếng nhạc xập xình từ căn phòng bên cạnh, chẳng phải họ cũng là nhạc sĩ sao? Như thế thì thế nào?

Làm theo quyển sách và sự vô cảm sẽ biến mất. Cảm xúc sẽ quay trở về.

Hắn tự hỏi, liệu nó có hiệu quả không, chế độ mà hắn sắp đặt cho mình để lấy lại cảm xúc trong tâm hồn? Tiếng sáo, gợi lên trong ký ức những điều mà hắn cảm thấy rằng mình nên nhớ lại, nho và sơ ri, câu chửi thề, cười? Có thể là một ít, hắn tin thế. Hắn nhớ lại khi nhìn người đàn bà trong bộ đồ màu trắng sáng ngày hôm đó, đi đi lại lại, đi đi lại lại... Hắn có thể thành thật nói rằng hắn đã thích thú được nhìn cô ta làm việc. Một niềm vui nho nhỏ, nhưng đó là một cảm xúc. Khá tốt.

Đợi đã: “Chết tiệt, khá là tốt”, hắn thì thầm.

Đó, một câu chửi thề.

Có thể hắn sẽ thử với tình dục thêm xem sao (thường là một lần một tháng, vào buổi sáng, hắn có thể sắp xếp, nhưng sự thật là hắn không muốn - nếu như cảm xúc không có, thì ngay cả Viagra cũng không thực sự hiệu quả). Giờ hắn đang bị giằng xé. Ừ, đó là những gì hắn đã làm - dành ra một vài ngày và làm chuyện đó với Jeanne. Suy nghĩ này khiến hắn cảm thấy không thoải mái. Nhưng có thể hắn sẽ nỗ lực, tập trung vào việc đó. Đó có thể là một bài kiểm tra tốt. Chà, hắn nên thử và xem liệu mình đã cài thiện được chút nào.

Nho, sơ ri, sữa...

Thompson dừng lại bên một buồng điện thoại công cộng ở trước một quán ăn Hy Lạp. Hắn quay số hộp thư thoại một lần nữa và nhấn mật mã. Lắng nghe một tin nhắn mới báo rằng gần như đã có cơ hội để giết Geneva Settle ở trường nhưng quá nhiều cảnh sát dõi theo bảo vệ cô bé. Tin nhắn tiếp tục, cho hắn địa chỉ, nằm trên phố 118 và báo rằng có ít nhất một xe cảnh sát và một xe tuần tra đậu gần đó, thi thoảng thay đổi vị trí. Số lượng cảnh sát bảo vệ cô bé khoảng một đến ba người.

Thompson ghi nhớ địa chỉ và xóa tin nhắn rồi tiếp tục hành trình phức tạp của mình tới tòa nhà sáu tầng còn xơ xác hơn nhiều căn nhà của Jeanne. Hắn đi vòng ra đằng sau và mở cánh cửa sau đó mới bước lên những bậc thang tới căn phòng là nơi ẩn náu chính. Hắn bước vào trong, khóa cửa rồi tắt hệ thống an ninh ngăn những kẻ xâm nhập mà hắn đã thiết lập.

Nơi này đẹp hơn một chút so với căn hộ trên phố Elizabeth. Nó được che phủ, bảo vệ bởi một tấm biển quảng cáo màu vàng được gắn chặt bằng đinh và được tô điểm bởi một tấm thảm sợi dày màu nâu và có mùi của một tấm thảm sợi dày màu nâu tỏa ra. Có nửa tá những đồ đạc nội thất. Nơi này gợi lại trong ký ức Thompson về căn phòng giải trí mà hắn và cha dùng nhiều ngày cuối tuần để xây dựng căn nhà gỗ ở Amarillo, thay thế cho cái xe moóc đã bị cơn bão cuốn mất.

Từ một cái ngăn kéo đựng đồ lớn, hắn cẩn thận rút ra một vài cái lọ và mang chúng lên bàn làm việc, miệng huýt sáo bài hát nhạc nền trong bộ phim Pocohantas. Lũ trẻ rất thích bộ phim này. Hắn mở hộp dụng cụ, đeo đôi găng tay cao su dày, mặt nạ, đôi kính bảo vệ mắt và lắp ráp thiết bị sẽ giết Geneva Settle ngày mai - và bất cứ ai gần cô nữa.

Wssst...

Giai điệu trở thành tiếng gì đó: Không còn là bài hát của Disney. Bài Forever Young của Bob Dylan.

Khi đã hoàn thiện thiết bị, hắn kiểm tra nó thật kỹ càng và cảm thấy khá hài lòng. Hắn cất mọi thứ đi rồi bước vào phòng tắm, tháo găng và rửa tay ba lần. Tiếng sáo lặng dần khi hắn bắt đầu nhớ lại trong đầu câu thần chú của ngày hôm nay.

Nho, sơ ri và sữa... Nho, sơ ri và sữa.

Hắn chưa bao giờ ngừng sẵn sàng cho cái ngày sự vô cảm sẽ biến mất.

“Cháu thế nào rồi?”

“Ổn mà, chú thanh tra.”

Thanh tra Bell đứng trên thềm cửa phòng cô bé và nhìn vào giường, nơi ngập đầy sách vở và giấy.

“Cháu cần phải nói là chú đã làm việc thật vất vả.” Geneva nhún vai.

“Chú sẽ về nhà gặp các con trai của mình bây giờ.”

“Chú có con trai?”

“Ừ. Có hai cậu con trai. Có thể cháu sẽ gặp chúng một ngày nào đó. Nếu cháu muốn.”

“Chắc chắn rồi”, cô nói nhưng lại nghĩ: Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. “Các bạn ấy ở nhà với vợ chú à?” “Chúng đang ở nhà ông bà lúc này. Chú đã từng kết hôn nhưng cô ấy đã mất rồi.”

Những lời này chạm vào trái tim của Geneva. Cô có thể cảm thấy một nỗi đau ẩn sau chúng - theo cách thật kỳ lạ rằng, thái độ của chú ấy không hề thay đổi khi thốt ra. Giống như đã tập để nói với mọi người điều đó mà không bật khóc. “Cháu rất tiếc.”

“À, đó là chuyện vài năm trước rồi.”

Cô bé gật đầu. “Chú Pulaski đâu rồi ạ?”

“Cậu ẩy về nhà rồi. Cậu ẩy có một đứa con gái. Và vợ cậu ấy đang mang bầu một em bé nữa.”

“Bé trai hay bé gái ạ?”, Geneva hỏi.

“Thật lòng chú không thể nói với cháu được. Cậu ấy sẽ quay lại sớm vào ngày mai. Chúng ta có thể hỏi cậu ấy sau. Bác của cháu đang ở phòng bên cạnh và cô Lynch sẽ ở đây đêm nay.”

“Barbe?”

“Đúng vậy.”

“Cô ấy rất tốt bụng. Cô ấy kể cho chú nghe về những con chó mà cô ấy nuôi. Và về một vài chương trình ti vi mới nữa.” Geneva hất đầu về phía những quyển sách của mình. “Cháu không có nhiều thời gian để xem ti vi.”

Thanh tra Bell cười. “Các cậu con trai của chú có thể lây một chút ảnh hưởng từ cháu. Chú nghĩ mấy đứa hẳn sẽ rất hợp nhau đấy. Giờ thì cháu thử gọi Barbe xem, viện bất cứ lý do nào cháu muốn.” Anh ngập ngừng. “Ngay cả khi cháu có một giấc mơ tồi tệ. Chú biết đôi khi nó rất khó khăn, bố mẹ cháu không ở nhà.”

“Cháu vẫn ổn lúc một mình mà”, cô nói.

“Chú không nghi ngờ điều đó. Chỉ là, kêu lên nếu. Đó là lý do chúng ta ở đây.” Anh bước về phía cửa sổ, hé nhìn qua tấm rèm cửa, bảo đảm rằng cửa sổ đã được khóa và thả những thanh rèm xuống. “Chúc ngủ ngon. Cháu đừng lo lắng. Tự tay chúng ta sẽ bắt hắn. Chỉ là vấn đề thời gian thôi. Không có ai giỏi hơn Rhyme và những người đang làm việc với chú ấy đâu.”

“Chúc ngủ ngon.” Cô bé vui mừng vì anh đã đi khỏi. Có thể ý của anh là tốt nhưng Geneva ghét bị coi như là trẻ con cũng như khi bị nhắc đến tình hình tồi tệ này. Cô dọn dẹp đống sách vở khỏi giường và chồng chúng lên một cách ngăn nắp cạnh cửa để nếu như phải rời đi thật nhanh thì cô có thể tìm trong bóng tối và mang chúng theo. Cô vẫn làm thế hằng đêm.

Cô mò trong túi mình và tìm thấy bông hoa vilolet khô mà nhà ảo thuật gia, Kara, đã đưa. Cô nhìn nó một lúc lâu rồi cất nó cẩn thận vào quyển sách đầu tiên trên chồng và gấp bìa lại.

Nhanh chóng đi vào phòng tắm, Geneva lau sạch cái bồn rửa mặt màu ngọc trai sau khi rửa ráy và đánh răng. Cô tự cười chính mình, nghĩ tới đống lộn xộn khủng khiếp trong nhà vệ sinh của Keesh. ở hành lang, Barbe Lynch chúc cô ngủ ngon. Quay trở vào phòng ngủ, Geneva khóa cửa, do dự rồi cảm thấy ngớ ngẩn, đặt cái ghế nghiêng dựa vào núm cửa. Cô cởi quần áo, mặc quần đùi và một chiếc áo phông đã phai màu rồi trở vào giường. Tắt đèn đi và nằm ngửa, lo lắng và điên cuồng, trong hai mươi phút đồng hồ, nghĩ về mẹ, rồi bố và, Keesh.

Hình ảnh của Kevin Cheany xen vào; cô đẩy nó biến mất một cách đầy giận dữ.

Rồi dòng suy tư của cô dừng lại ở ông tổ Charles Singleton.

Chạy, chạy, chạy...

Nhảy xuống dòng sông Hudson.

Nghĩ về bí mật của ông ấy. Điều gì mà quan trọng đến mức ông đánh liều tất cả mọi thứ để bảo vệ nó?

Nghĩ về tình yêu ông dành cho vợ và con trai.

Nhưng cả cái gã khủng khiếp ở thư viện sáng nay cũng chen vào trong tâm trí của cô. À, cô nói lớn trước mặt cảnh sát. Nhưng tất nhiên là cô đã rất sợ hãi. Cái mũ trùm trượt tuyết, tiếng động khi cây gập đập trúng ma nơ canh, tiếng chân hắn dồn đuổi phía sau. Và giờ thì là một gã khác nữa, gã da đen ở sân trường với khẩu súng.

Những ký ức này nhanh chóng giết chết cơn buồn ngủ.

Cô mở mắt và nằm yên thao thức, cảm thấy mỏi mệt, nghĩ về một đêm không ngủ khác cách đây nhiều năm rồi: Khi đó Geneva mới bảy tuổi, bò ra khỏi giường và lang thang vào phòng khách trong căn nhà. Cô bé bật ti vi và xem vài chương trình hài kịch tình huống ngu ngốc khoảng mười phút trước khi cha cô bước vào phòng.

“Con đang làm gì ở đây vậy, xem cái đó à?” ông chớp chớp mắt dưới ánh sáng.

“Con không ngủ được.”

“Hãy đọc một quyển sách. Như vậy tốt hơn cho con.”

“Con không cảm thấy thích đọc sách lắm.”

“Được rồi. Vậy thì cha sẽ đọc.” ông bước tới kệ sách. “Con sẽ thích cuốn này. Một trong những quyển sách hay nhất từng có.”

Khi ngồi xuống chiếc ghế, nó kêu cót két và rít lên dưới sức nặng của ông, cô nhìn vào quyển sách nhưng không thể thấy được bìa.

“Con cảm thấy thoải mái chứ?”, ông hỏi.

“Vâng!” Cô đang nằm duỗi ra trên chiếc ghế dài.

“Hãy nhắm mắt lại.”

“Con không buồn ngủ.”

“Nhắm mắt và hãy tưởng tượng những gì ta đang đọc.”

“Được rồi. Đó là...”

“Im lặng nào.”

“Được rồi.”

Ông bắt đầu với quyển Giết con chim nhại. Trong tuần tiếp theo, việc ông đọc sách cho cô bé trước khi đi ngủ đã trở thành một thói quen.

Geneva Settle quyết định rằng đó là một trong những quyển sách hay nhất mình từng có - và thậm chí ở cái tuổi ấy, cô đã đọc, hoặc đứng hơn là đã nghe, rất nhiều sách. Cô yêu thích các nhân vật chính - một người đàn ông góa vợ bình thản, mạnh mẽ; người anh trai và người em gái (Geneva luôn khao khát có được một người anh chị em). Và bản thân câu chuyện, lòng dũng cảm được che đậy bằng lòng thù hận và sự ngu ngốc, làm ta phải mê muội.

Ký ức về cuốn sách của Harper Lee vẫn ở lại với cô. Và buồn cười là, khi quay lại và đọc nó lúc mười một tuổi, cô còn học được nhiều hơn lúc đó. Rồi khi mười bốn tuổi, cô thậm chí còn hiểu ra nhiều điều hơn nữa. Cô mới đọc lại năm ngoái và viết một bài luận về nó cho môn tiếng Anh. Và cô được điểm A+.

Giết con chim nhại là một trong những cuốn sách đang nằm trong cái chồng đặt cạnh cửa phòng ngủ lúc này, cái chồng “chộp lấy mang theo trong trường hợp khẩn cấp”. Đó là một quyên sách mà cô luôn muôn được mang theo trong túi xách của mình, ngay cả khi không đọc nó. Đó cũng chính là quyển sách mà cô đã nhét đóa hoa may mắn của Kara vào trong.

Dù vậy, đêm hôm nay, cô chọn một quyển sách khác từ trong đống sách. Một cuốn của Charles Dicken. Oliver Twist. Cô nằm ngửa, đặt quyển sách lên ngực mình và mở nó ra tới cái trang được đánh dấu bằng cái ống hút dẹp lép (cô không bao giờ gập một trang sách nào lại trong bất cứ quyển sách nào, ngay cả khi đó là một trang bìa mềm). Geneva bắt đầu đọc. Lúc đầu, tiếng cọt kẹt của ngôi nhà khiến cô sợ hãi và hình ảnh của gã đàn ông với chiếc mũ trùm trở lại, nhưng cô nhanh chóng chìm đắm vào câu chuyện. Và không lâu sau đó, khoảng một tiếng đồng hồ, đôi mắt của Geneva Settle trở nên nặng trĩu và cô cuối cùng đã hoàn toàn chìm vào giấc ngủ - không phải bằng một nụ hôn chúc ngủ ngon của mẹ, hay tiếng cha thâm trầm đọc lời cầu nguyện, mà bằng những lời văn đẹp đẽ của một người lạ.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
617,604
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 19


“Đến giờ đi ngủ rồi.”

“Gì cơ?”, Rhyme hỏi, ngước lên nhìn từ màn hình máy tính.

“Giờ đi ngủ”, Thom nhắc lại. Hơi dè chừng một chút. Đôi khi để lôi Rhyme rời khỏi bàn làm việc thực sự sẽ là một cuộc chiến.

Nhưng chuyên gia về tội phạm nói: “Ừ, đi ngủ thôi”. Thực tế là, anh đã rất mệt mỏi - và chán nản nữa. Anh đang đọc dở email từ người quản lý trại giam J.T. Beauchamp ở Amarillo báo lại rằng không có ai trong nhà tù nhận ra bức ảnh ghép từ máy tính của Nghi phạm 109.

Anh nhanh chóng đọc ra một bức thư cảm ơn ngắn gọn và tắt máy. Rồi nói với Thom: “Chỉ một cuộc gọi, rồi tôi sẽ đi ngủ ngay thôi”.

“Tôi sẽ dọn dẹp vài thứ”, viên phụ tá nói. “Gặp anh ở trên lầu.”

Amelia Sachs đã về nhà ngù, và để gặp mẹ của cô nữa, bà sốngà đang bị ốm mấy

hôm nay - một vài vấn đề về tim mạch. Sachs thường xuyên dành thời gian ở lại với Rhyme, nhưng cô vẫn giữ lại căn hộ của mình ở Brooklyn, ở đó cô có các thành viên gia đình và bạn bè khác. (Jenifer Robinson - nữ cảnh sát tuần tra, người đã đưa Geneva và Keesh đến chỗ Rhyme buổi sáng ngày hôm nay - sống ngay trên con phố đó). Bên cạnh đó, Sachs, cũng như Rhyme, đôi khi cần những khoảng không gian riêng và sự sắp xếp này phù hợp với cả hai người họ.

Rhyme gọi điện và nói chuyện vắn tắt với mẹ của cô, mong bà mau khỏe. Sachs cầm máy và anh nói với cô về những tình tiết mới nhất - dù chỉ có một chút.

“Anh vẫn ổn chứ?”, Sachs hỏi anh. “Nghe giọng anh có vẻ còn băn khoăn?”

“Mệt mỏi.”

“À.” Cô không tin điều anh nói. “Đi ngủ đi.”

“Em cũng thế. Ngủ ngon nhé!”

“Yêu anh, Rhyme.”

“Yêu em.”

Sau khi tắt máy, anh lái chiếc xe lăn về phía tấm bảng bằng chứng.

Tuy nhiên, anh không hề nhìn vào những đoạn viết tỉ mỉ của Thom về vụ án. Anh đang nhìn vào bản in của lá bài tarot, được dán lên bàng, lá bài thứ mười hai, Người treo ngược, đọc lại bài viết về ý nghĩa của quân bài này, nhìn chằm chằm nghiên cứu cái mặt treo ngược bình thản của người trong lá bài. Rồi anh quay ra và tiến đến chiếc thang máy nhỏ nối phòng thí nghiệm ở tầng một với phòng ngủ ở tầng hai, ra lệnh cho chiếc thang máy đi lên rồi lái xe lăn ra ngoài.

Rhyme ngẫm nghĩ về lá bài tarot. Cũng như Kara, người bạn ảo thuật của họ, anh không hề tin vào thuyết duy linh hay những người có năng lực siêu nhiên. (Cả hai người, trong lĩnh vực của mình, đều là những nhà khoa học. Nhưng anh vẫn không thể tìm ra và mắc kẹt bởi sự thật là lá bài với chiếc giá treo cổ chỉ ngẫu nhiên là một phần của bằng chứng trong vụ án mà trong đó từ “Giá treo cổ” được nhắc đến. Từ “treo” nữa cũng là một sự trùng hợp chưa lý giải được. Tất nhiên, các nhà tội phạm học cần phải biết mọi nguyên nhân dẫn đến cái chết, và Rhyme hiểu rõ việc treo cổ sẽ giết nạn nhân như thế nào. Nó sẽ thắt chặt cổ nạn nhân thật cao, chi ngay dưới cái xương nền sọ. (Nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của những vụ treo cổ kiểu hành hình là nạn nhân bị nghẹt thở, không phải là từ việc siết cổ họng đóng chặt lại, mà là việc cắt đứt các nơ-ron thần kinh mang tín hiệu của não bộ đến phổi). Điều này gần như đã xảy ra với Rhyme ở hiện trường vụ án dưới đường tàu điện ngầm một vài năm trước.

Gallows Heights... Người treo ngược...

Dù vậy, ý nghĩa của lá bài tarot lại là phần đáng chú ý nhất của sự ngẫu nhiên này: Sự hiện diện của nó ám chỉ rằng sự tìm kiếm về mặt tâm linh đưa tới một quyết định, một sự chuyển đổi, một sự thay đổi về phương hướng. Lá bài thường dự báo một sự khuất phục trước những kinh nghiệm, kết thúc một sự tranh đấu, và chấp nhận nó. Khi lá bài này xuất hiện với bạn, bạn phải lắng nghe chính nội tâm mình, dù cho cái thông điệp ấy có vẻ như trái ngược với logic.

Anh cảm thấy vui vì đã thực hiện hàng tá cuộc tìm kiếm từ trước đến nay - trước cả vụ án của Nghi phạm 109 với sự xuất hiện của lá bài báo trước tương lai này. Lincoln Rhyme cần phải đưa ra một quyết định.

Một thay đổi về phương hướng...

Giờ thì Rhyme không ở trong phòng ngủ nữa mà đi tới căn phòng là tâm điểm của cuộc tranh cãi dữ dội này: Phòng trị liệu, nơi mà anh đã dành hàng trăm giờ đồng hồ tập luyện một cách chăm chỉ các bài tập trong chế độ của bác sĩ Sherman.

Dừng xe lăn ở cửa vào, anh xem xét những thiết bị phục hồi chức năng trong căn phòng mờ ảo - chiếc cơ công kế, máy huấn luyện vận động guồng quay rồi nhìn chằm chằm xuống tay phải của mình đang được buộc chặt ở vị trí cổ tay vào bàn điều khiển của chiếc xe lăn Storm Arrow màu đỏ.

Quyết định...

Cố lên nào, anh nói với chính mình.

Thử xem. Bây giờ. Nhúc nhích bàn tay đi.

Thở thật nặng nhọc. Mắt hút về phía bàn tay phải.

Không...

Đôi vai đổ sụp xuống, chùng hết mức có thể, anh nhìn vào trong căn phòng. Nghĩ tới tất cả những bài tập gian khổ. hắc chắn rồi, những nỗ lực đã cải thiện độ loãng xương cũng như các khối cơ và tuần hoàn, giảm bớt lây nhiễm và khả năng các bệnh lý mạch máu thần kinh.

Nhưng câu hỏi thực sự quanh bài tập luyện đó có thể được vắn tắt bằng một cụm từ bởi các chuyên gia y học: Lợi ích về mặt chức năng. Cách hiểu và diễn giải của Rhyme thì rõ ràng và ít mập mờ hơn là: cảm giác và vận động.

Đó chính là những mặt của sự hồi phục mà anh đã gạt bỏ đi khi tranh cãi với Sherman ngày hôm nay.

Nói đúng hơn là, anh đã nói dối bác sĩ. Trong trái tim mình, không cần phải thú nhận với bất cứ một ai hết, là một khao khát bùng cháy để biết một điều: Liệu những giờ tập luyện đổ mồ hôi sôi nước mắt đầy gian khổ có giúp anh lấy lại được cảm giác và mang lại cho anh khả năng cử động những cơ bắp đã nằm im hằng năm trời không? Liệu anh có thể nào vặn được núm trên chiếc kính hiển vi Baush & Lomb để kiểm tra một sợi vải hay sợi tóc? Liệu anh có thể cảm nhận được bàn tay Sachs trong bàn tay anh?

Đối với những cảm giác, có lẽ đã có những chuyển biến nhẹ. Nhưng một người liệt với thương tích cấp độ C4 trôi lênh đênh trên biển của những cơn đau và ảo giác, tất cả khiến não bộ kích động và hoang mang cực độ. Ta cảm thấy những con ruồi bò lổm nhổm trên da mà thực tế chẳng có con nào cả. Ta không hề cảm nhận thấy gì hết, cả khi cúi xuống nhìn và nhận ra rằng một dòng cà phê bỏng rẫy đang đốt cháy các lớp da thịt mình. Dù vậy, Rhyme vẫn tin rằng, anh đã có một chút cải thiện về cảm giác.

À, nhưng về sự cải thiện lớn nhất - cử động - thì sao? Đó thực sự là viên kim cương lớn trong công cuộc phục hồi chấn thương tủy sống.

Nhìn xuống bàn tay phải một lần nữa, anh đã không thể nhúc nhích từ sau vụ tai nạn.

Câu hỏi này có thể được trả lời một cách đơn giản và rõ ràng. Không có các vấn đề về những cơn đau ảo giác, không có những phản ứng theo kiểu “tôi nghĩ là mình cảm thấy gì đó”. Nó có thể được trả lời ngay lúc này đây. Có hay không. Anh không cần kiểm tra qua máy chụp cộng hưởng từ hoặc máy đo điện trở động hay bất cứ cái máy kỳ cục nào mà các bác sĩ thường có trong những chiếc túi đen nho nhỏ của họ. Ngay lúc này đây, anh có thể đơn giản truyền những kích thích nho nhỏ tới những cơ bắp theo con đường của các nơ-ron thần kinh và rồi chờ đợi xem điều ì xảy ra.

Liệu những mệnh lệnh có đến nơi và khiến ngón tay co lên - để có thể được so sánh tương đương với một kỳ lục nhảy xa thế giới? Hay là nó sẽ đâm vào một điểm dừng trên tuyến đường thần kinh đã chết?

Rhyme tin rằng mình là một người đàn ông dũng cảm, cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong những ngày trước khi xảy ra vụ tai nạn, không có gì mà anh không thể làm để hoàn thành công việc. Một lần bảo vệ hiện trường vụ án, anh và một người khác đã ngăn một đám điên cuồng khoảng bốn mươi người cố ăn trộm đồ trong một cửa hàng đã xảy ra một vụ nổ súng, trong khi cảnh sát đã có thể dễ dàng ngăn lại an toàn. Một lần khác, anh đã chạy tới một hiện trường chỉ cách hung thủ được che chắn và xả súng điên cuồng vào anh cách đó gần mười bảy mét, chỉ để tìm ra bằng chứng có thể dẫn điến địa điểm của cô bé bị bắt cóc. Rồi có lần anh đã đặt cả sự nghiệp của mình trước miệng vực vì bắt giữ một sĩ quan cảnh sát cấp cao do làm hỏng hiện trường đơn giản để giúp cánh báo chí có chỗ đứng chụp ảnh.

Nhưng giờ đây lòng dũng cảm đã từ chối anh.

Đôi mắt buồn bã nhìn chằm chằm vào bàn tay phải.

Có, không...

Nếu như anh cố gắng cử động ngón tay và không thể làm được điều đó, nếu như anh không thể khẳng định một trong những chiến thắng nhỏ của bác sĩ Sherman nói trong các trận chiến đầy gian nan vất vả mà anh đang phải đối mặt, thì nó có thể là sự kết thúc.

Những suy nghĩ đen tối sẽ quay trở lại, giống như cơn thủy triều cuốn cao dần, cao dần trên bãi biển, và cuối cùng anh đã gọi cho bác sĩ một lần nữa - nhưng không phải Sherman. Một bác sĩ hoàn toàn khác. Người đàn ông đến từ Lethe Society, một nhóm những người ủng hộ trợ tử[39]. Một vài năm trước, anh đã cố gắng kết thúc cuộc đời mình, đó là khi không thể độc lập như bây giờ. Chỉ một vài chiếc máy tính, không có hệ thống ECU và điện thoại kích hoạt bằng âm thanh. Đáng nực cười là, giờ đây cuộc sống đã tốt hơn nhiều, và anh cũng thừa khả năng tự giết mình hơn trước. Vị bác sĩ có thể giúp anh bằng cách trang bị một số thiết bị vào ECU, và để lại những viên thuốc hoặc một vũ khí gì đó gần đấy.

[39] Hình thức giúp một người chết một cách nhẹ nhàng khỏi đau đớn do bệnh tật.

Tất nhiên, anh có những người bạn, người thân trong cuộc sống lúc này, khác với một vài năm trước. Việc anh tự tử có thể sẽ là một cú sốc mạnh đối với Sachs, nhưng cái chết luôn là một phần trong tình yêu của họ. Với dòng máu cảnh sát chảy trong huyết mạch, cô vẫn luôn là người đầuông qua cửa trong bất cứ một pha hạ gục nghi phạm bất ngờ nào, dù cho không cần phải làm như vậy. Ngoài việc đã được trao tặng huy chương cho lòng dũng cảm trong những trận đấu súng, cô còn lái xe như một tia chớp - một số người thậm chí có thể nói rằng cô có thiên hướng tự sát bên trong mình.

Trong trường hợp của Rhyme, khi họ mới gặp - trong một vụ án vô cùng khó nhằn, một thử thách khắc nghiệt của bạo lực và chết chóc một vài năm trước - anh đã rất gần đến việc tự giết chính mình. Sachs hiểu điều này.

Thom cũng chấp nhận điều đó. (Rhyme đã nói với người phụ tá của mình trong buổi phỏng vấn đầu tiên: “Tôi có thể sẽ không sống lâu đâu. Nhớ rằng luôn rút tiền trong thẻ lương của mình ngay khi cậu nhận được nó”.)

Anh cũng ghét suy nghĩ về hậu quả cái chết của mình sẽ mang lại cho họ, và cả những người quen biết khác. Chưa nói đến sự thật là nhiều vụ án sẽ trôi vào quên lãng mà không được giải quyết, những nạn nhân sẽ chết, nếu như anh không còn hiện diện trên mặt đất này để thực hiện cái công việc đã là một phần quan trọng trong tâm hồn mình.

Đó chính là lý do tại sao anh cứ trì hoãn buổi kiểm tra. Nếu như tình trạng không có chút khả quan nào thì điều đó đủ để đẩy anh rơi xuống vực.

Đúng...

Lá bài thường tiên đoán một sự đầu hàng trước những kinh nghiệm, kết thúc một sự tranh đấu, và chấp nhận nó...

... Hay không?

Khi lá bài này xuất hiện trong lượt bói của bạn, bạn phải lắng nghe nội tâm mình.

Và đó là khoảnh khắc mà Lincoln Rhyme đưa ra quyết định của mình: Anh sẽ từ bỏ. Anh sẽ dừng những bài tập lại, sẽ thôi không còn bận tâm đến ca phẫu thuật tủy sống.

Sau tất cả, nếu ta không có hy vọng, thì hy vọng sẽ không thể bị phá hủy. Anh đã xây dựng một cuộc sống tốt đẹp cho mình. Sự tồn tại của anh không hoàn hảo nhưng nó vừa phải và chấp nhận được.

Lincoln Rhyme sẽ chấp nhận con đường của mình, và sẽ bằng lòng với những gì mà Charles Singleton đã từ chối: Một phần người, ba phần năm của một con người.

Bằng lòng, nhiều hơn hay ít hơn.

Sử dụng ngón đeo nhẫn ở bàn tay trái, Rhyme chuyển hướng chiếc xe lăn và quay về phía phòng ngủ vừa đúng lúc Thom đang đứng trên thềm cửa.

“Anh sẵn sàng đi ngủ rồi chứ?”, người phụ

“Dĩ nhiên rồi”, Rhyme nói đầy hoan hỉ. “Tôi đã sẵn sàng.

III. GALLOWS HEIGHTS

Thứ Tư, ngày mùng 10 tháng 10.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại https://truyen.diendantruyen.com
Top Bottom