Cập nhật mới

Dịch Full Không Có Ngày Mai

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
[Diendantruyen.Com] Không Có Ngày Mai

Không Có Ngày Mai
Tác giả: Lee Child
Tình trạng: Đã hoàn thành




Thể loại: Trinh thám
Dịch giả: Trần Quý Dương 
Công ty phát hành: Nhã Nam  
Nhà xuất bản: NXB Thời Đại  
Trọng lượng vận chuyển (gram): 450 
Kích thước: 16 x 24 cm  
Số trang: 463  
Ngày xuất bản: 12-2011 

Jack Reacher là một cựu quân nhân mỹ. Tính cách ngang tàng nhưng lại vô cùng nhân hậu, luôn làm việc tốt. Jack Reacher cứ ngỡ bản thân đã bắt được kẻ có âm mưu đánh bom liều chết trên tàu điện ngầm New York lúc đêm khuya, nhưng vì sợ Reacher lật mặt hắn đã tự sát.

Cảnh sát đã nhanh chóng khép lại hồ sơ vụ án nhưng đối với Reacher thì không. Anh luôn day dứt về điều này, anh cảm thấy rằng đằng sau nó là một âm mưu đen tối hơn nữa.

Anh quyết tâm đi tìm sự thật đó, và cuộc truy tìm gian nan của anh rồi sẽ dẫn anh đến một bí mật khủng khiếp, điều bí mật mà, để ngăn không cho nó lộ ra ánh sáng, có kẻ sẵn sàng giết người, không chỉ một người...

“Vô cùng mạnh mẽ, thật không sao dứt ra nổi... Cuộc đời và hành trạng đầy bạo liệt của Jack Reacher được tái hiện tuyệt vời trong giọng văn lạnh và tiết chế của Child.” - Irish, Independent

Mời các bạn đón đọc!
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 1


NHỮNG KẺ ĐÁNH BOM TỰ SÁT dễ bị phát hiện. Chúng bộc lộ mọi dấu hiệu rõ ràng. Chủ yếu vì chúng lo lắng. Theo định nghĩa thì tất cả chúng đều lần đầu làm việc đó.

Phản gián Israel đã viết cẩm nang về phòng vệ. Họ cho ta biết về những điểm cần phát hiện. Họ vận dụng quan sát thực tế và kiến thức tâm lý học để lập ra một danh sách các dấu hiệu hành vi. Tôi học được danh sách này từ một đại úy quân đội Israel cách đây hai mươi năm. Ông ta cực kỳ tin tưởng nó. Vì vậy tôi cũng tin, bởi khi ấy tôi đang thực hiện một nhiệm vụ độc lập trong ba tuần hầu như chỉ cách ông ta một bước chân ở chính đất Israel, ngay Jerusalem, ở Bờ Tây, tại Lebanon, đôi khi ở Syria, có lúc là Jordan, trên xe buýt, trong trung tâm mua sắm, trên vỉa hè ken đặc người. Mắt tôi liên tục đảo quét, óc lướt qua tất tật các gạch đầu dòng.

Hai chục năm sau tôi vẫn nhớ danh sách đó. Và hai mắt tôi vẫn đảo quét. Thuần túy thói quen. Từ một số người nữa, tôi đã học được một câu thần chú khác: Hãy quan sát, đừng chỉ nhìn, hãy lắng nghe, đừng chỉ nghe thấy. Càng tập trung bao nhiêu, ta càng sống sót lâu bấy nhiêu.

Nếu ta quan sát một kẻ tình nghi là nam, danh sách sẽ gồm hai mươi điểm. Nếu là phụ nữ thì có mười một điểm. Sự khác biệt là lớp râu mới cạo. Những kẻ đánh bom là nam giới thường cạo bỏ bộ râu quai nón. Việc này giúp chúng lẫn vào đám đông. Làm cho chúng ít khả nghi hơn. Kết quả là phần da nửa dưới mặt nhợt hơn. Thời gian gần đấy không tiếp xúc với ánh nắng.

Nhưng tôi không quan tâm đến chuyện cạo râu.

Tôi đang nghĩ về danh sách mười một điểm.

Tôi đang quan sát một phụ nữ.

Tôi đang đi tàu điện ngầm, ở thành phố New York. Tuyến số 6, từ đại lộ Lexington, chạy về trung tâm thành phố, lúc 2 giờ sáng. Tôi đã lên tàu ở phố Bleecker, từ góc Nam của nhà ga vào một toa trống chỉ có năm hành khách. Khi đầy thì các toa tàu điện ngầm có cảm giác nhỏ và thân mật. Khi trống thì chúng có vẻ bao la hang hốc và trơ trọi. Ban đêm các bóng đèn trong toa có vẻ nóng và sáng hơn, mặc dù chúng cũng chính là bóng đèn được sử dụng vào ban ngày. Chúng là tất cả các bóng có ở đó. Tôi ngồi ườn trên băng ghế dành cho hai người ở phía Bắc cửa ra vào cuối cùng bên phía đường ray. Năm hành khách còn lại đều ở phía Nam so với tôi, trên các ghế dài, nhìn nghiêng, tạo thành hàng thẳng, cách xa nhau, chăm chăm vô hồn nhìn về phía đối diện, ba người phía bên trái và hai người bên phải.

Số toa xe là 7622. Một lần tôi đã ngồi chuyến tàu tuyến 6 chạy hết cả tám chặng cạnh một tay điên cứ nói về toa xe chúng tôi đang ngồi với sự hào hứng chẳng khác gì sự hào hứng mà hầu hết cánh đàn ông chỉ dành riêng cho đàn bà hay thể thao. Vì thế tôi biết rằng toa số 7622 là toa mẫu R142A, loại mới nhất trong hệ thống tàu điện ngầm New York, được đóng ở Kawasaki, Kobe, Nhật Bản, được chuyển đến bằng đường thủy, rồi thì xe tải chở tới sân ga ở phố 207, cẩu lên đường ray, đẩy tới phố 180 chạy thử. Tôi biết là nó có thể chạy hai trăm ngàn dặm[1] mà không cần phải chăm chút gì nhiều. Tôi biết hệ thống thông báo tự động của nó đưa ra hướng dẫn bằng giọng nam và cung cấp thông tin bằng giọng nữ, việc này họ nói là ngẫu nhiên thôi nhưng thực ra là bởi lãnh đạo ngành vận tải cho rằng phân công lao động như vậy về khía cạnh tâm lý là đáng thuyết phục. Tôi biết rằng các giọng này xuất phát từ kênh truyền hình Bloomberg, nhưng trước khi Mike[2] trở thành thị trưởng nhiều năm. Tôi biết rằng có sáu toa kiểu R142A đang hoạt động và mỗi toa chỉ chớm dài hơn mười sáu mét và rộng hơn hai mét rưỡi chút xíu. Tôi biết rằng toa thông thường chúng tôi ngồi khi ấy và toa tôi ngồi lúc này được thiết kế để có thể chở tối đa bốn mươi người ngồi và tối đa một trăm bốn tám người đứng. Tay điên rồ kia biết rõ tất cả những thông tin ấy. Tôi có thể tự thấy rằng ghế ngồi làm bằng nhựa xanh nước biển, cùng gam màu bầu trời cuối hè hay màu đồng phục Không quân Anh. Tôi có thể thấy rằng các tấm ốp tường được đúc từ sợi thủy tinh chống viết vẽ bậy. Tôi có thể thấy hai dải quảng cáo song song từ nơi các tấm ốp giao với trần toa chạy ra xa. Tôi có thể thấy những tấm poster vui nhộn chào hàng cho các chương trình truyền hình, dạy ngôn ngữ, các cơ hội kiếm bộn tiền hay lấy bằng đại học dễ dàng.

Tôi có thể thấy một bảng thông tin của cảnh sát đưa ra lời khuyên: Nếu bạn thấy gì đó, hãy nói gì đó.

Hành khách gần tôi nhất là một phụ nữ gốc Tây Ban Nha. Cô ta ngồi ở đầu kia toa tàu, bên trái tôi, chếch về phía hàng cửa đầu tiên, một mình trên hàng ghế dành cho tám người, xa hẳn phần giữa toa. Cô ta nhỏ bé, tầm ba mươi tới năm mươi tuổi, trông có vẻ rất nóng nực và rất mệt mỏi. Cô quấn một chiếc túi siêu thị cũ rích quanh cổ tay, nhìn trân trân vào khoảng trống đối diện bằng hai mắt quá mỏi mệt đến mức chẳng nhìn thấy gì mấy.

Tiếp theo là một người đàn ông ở phía còn lại của toa, cách hơn một mét. Ông ta hoàn toàn cô độc trên băng ghế dành cho tám người. Có thể người này xuất thân từ vùng Balkan hoặc Biển Đen. Tóc sẫm màu, da nhăn. Ông ta gân guốc, héo mòn vì công việc và thời tiết. Hai bàn chân ông như cắm rễ xuống sàn, người ngả về phía trước, hai cùi chỏ tì lên đầu gối. Không ngủ nhưng gần như vậy. Như thể đang hành động dang dở thì ngừng lại, ngưng đọng cùng thời gian, lắc lư cùng chuyển động của con tàu. Ông ta chừng năm mươi tuổi, mặc quần áo quá trẻ so với tuổi. Quần jean thùng thình chỉ chạm tới bắp chân, một chiếc áo sơ mi NBA[3] quá khổ in tên một tuyển thủ mà tôi không nhận ra.

Thứ ba là một phụ nữ có thể gốc Tây Phi. Cô ta ngồi bên trái, phía Nam cửa giữa toa. Mệt mỏi, chậm chạp, nước da đen của cô ta bị cái mệt và ánh đèn làm cho xám nhợt và bụi mốc. Cô mặc một chiếc váy đầy màu sắc bằng vải nhuộm tay, tóc quấn một mảnh khăn vuông hợp tông màu với váy. Hai mắt cô nhắm lại. Tôi biết khá rõ New York. Tôi tự gọi mình là công dân thế giới và New York là thủ đô của thế giới, thế nên tôi có thể hiểu về thành phố này như một người Anh biết về London hay một người Pháp biết về Paris. Tôi quen nhưng không thân với những thói quen của nó. Nhưng có thể dễ dàng đoán là bất kỳ ba người nào như thế mà ngồi trên chuyến tàu khuya tuyến 6 từ Nam Bleecker chạy về phía Bắc này thì đều là người lau dọn văn phòng trở về nhà sau khi kết thúc ca tối ở khu vực quanh Tòa Thị chính, hoặc là nhân viên nhà hàng làm ở khu Tàu hay Little Italy. Có thể họ hướng về Hunts Point ở quận Bronx, hoặc có thể ngược lên Pelham Bay, sửa soạn cho những giấc ngủ ngắn chập chờn trước khi bắt đầu thêm những ngày dài khác.

Hành khách thứ tư và thứ năm thì khác.

Người thứ năm là nam. Có lẽ ông ta trạc tuổi tôi, ngồi chéo bốn mươi lăm độ trên chiếc ghế dài dành cho hai người nằm chênh chếch đối diện tôi, tận đầu kia toa. Ông ta mặc loại quần áo bình thường nhưng không rẻ tiền. Quần cô tông chéo, áo sơ mi đánh gôn. Người này tỉnh rụi. Hai mắt ông ta gắn chặt vào điểm nào đó trước mặt. Hai mắt thay đổi điểm tập trung và nhíu lại liên tục, như thể ông ta đang cảnh giác và tính toán gì đó. Chúng khiến tôi nhớ tới mắt những người chơi bóng. Chúng chứa đựng sự khôn ngoan thận trọng có tính toán.

Nhưng hành khách số 4 mới là người tôi đang nhìn.

Nếu bạn thấy gì đó, hãy nói gì đó.

Người này ngồi ở phía bên phải toa tàu, hoàn toàn một mình trên băng ghế dành cho tám người, ở phía bên kia và tầm khoảng giữa người phụ nữ Tây Phi kiệt sức và người đàn ông có đôi mắt người chơi bóng. Cô ta là người da trắng, chừng bốn mươi tuổi. Cô ta không có gì nổi trội. Cô có mái tóc đen, cắt gọn gàng nhưng không sành điệu mà lại đen tuyền từ đầu tới ngọn đến mức không tự nhiên. Cô mặc toàn đồ đen. Tôi có thể trông thấy cô khá rõ. Người đàn ông gần tôi nhất về phía bên phải vẫn đang ngồi ngả về phía trước, khoảng trống hình chữ V giữa tấm lưng cong của ông và vách toa xe giúp cho góc nhìn của tôi không bị gì cản trở trừ một rừng tay nắm bằng thép không gỉ.

Không phải góc nhìn hoàn hảo, song đủ để gợi lại tất cả những gì quen thuộc từ danh sách mười một điểm. Các gạch đầu dòng sáng lên giống như những quả anh đào trên chiếc máy đánh bạc.

Xét theo quan điểm của phản gián Israel tôi đang nhìn vào một kẻ đánh bom cảm tử.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 2


TÔI BÁC BỎ Ý NGHĨ ĐÓ NGAY LẬP TỨC. Không phải do chủng tộc. Phụ nữ da trắng cũng có khả năng điên rồ như bất kỳ kẻ nào khác. Tôi bỏ ý nghĩ đó vì tính bất hợp lý về mặt chiến thuật. Xác định thời gian không phù hợp. Tàu điện ngầm New York là mục tiêu tốt cho đánh bom cảm tử. Tuyến số 6 cũng sẽ là mục tiêu tốt như bất kỳ chuyến tàu nào khác, gần như là tốt nhất. Nó dừng ở ga Trung tâm. Tám chuyến buổi sáng, sáu chuyến đêm, một toa xe kín người, bốn mươi người ngồi, một trăm bốn tám người đứng, đợi cho tới khi các cánh cửa mở ra các sân ga chật cứng là liền bấm nút. Một trăm người chết, vài trăm bị thương nặng, tình trạng hoảng loạn, hạ tầng hư hại, có thể xảy ra hỏa hoạn, một nút giao thông quan trọng ngừng hoạt động vài ngày hoặc vài tuần và có thể không bao giờ được thực sự tin tưởng một lần nữa. Một thành tích đáng kể, cho những kẻ có đầu óc hoạt động theo những cơ chế mà chúng ta không thể nào hiểu nổi.

Nhưng không phải lúc hai giờ sáng.

Không phải với một toa xe chỉ chở sáu người. Không phải khi các sân của ga Trung tâm chỉ toàn rác rưởi vật vờ vất vưởng và những chiếc cốc không cùng dăm người vô gia cư già nua trên các băng ghế dài.

Tàu dừng ở Astor Place. Những cánh cửa rít lên dịch mở. Không ai lên. Chẳng ai xuống. Những cánh cửa lại đóng sập cùng động cơ rên lên và con tàu chuyển mình.

Những gạch đầu dòng vẫn sáng.

Đầu tiên là một điều chẳng cần động não nhiều: quần áo không thích hợp. Đến nay thì đai quấn thuốc nổ được chế tạo không khác gì găng chơi bóng chày. Lấy một miếng vải bố dày kích thước 60 x 90 xăng ti mét, gập một lượt theo chiều dọc, là ta đã có một cái túi rỗng từ đầu đến đuôi dài hơn ba chục xăng ti mét. Quấn cái túi đó quanh kẻ đánh bom, khâu lại phía sau lưng. Dùng khóa kéo hay khóa bấm thì nhỡ đâu kẻ đánh bom lại thay đổi ý định. Cho nhiều thanh thuốc nổ dynamite vào cả túi, đấu dây, nhồi đinh hay bi kim loại vào các khoảng còn trống, khâu chặt phần trên cùng, cho thêm dây thô đeo quàng qua vai để đỡ trọng lượng túi. Thành phẩm sẽ hiệu quả, nhưng cũng sẽ cồng kềnh. Cách che giấu thực tế duy nhất là mặc quần áo rộng thùng thình như áo parka độn bông. Không bao giờ thích hợp ở vùng Trung Đông, còn ở New York thì khả dĩ sử dụng chỉ trong vòng ba trên mười hai tháng.

Nhưng bây giờ là tháng Chín, trời nóng như hè, dưới mặt đất còn cao hơn mười độ nữa. Tôi đang mặc áo phông. Hành khách số 4 đang mặc một chiếc áo khoác độn hiệu North Face, đen, phồng, bóng, hơi chút quá khổ và khóa kéo đến tận cằm.

Nếu bạn thấy gì đó, hãy nói gì đó.

Tôi bỏ qua nội dung thứ hai trong tổng số mười một điểm. Không thể áp dụng ngay lúc này. Nội dung thứ hai là: đi như robot. Có ý nghĩa quan trọng ở một điểm kiểm soát, nơi mua bán đông đúc hoặc ngoài nhà thờ hay giáo đường, song không áp dụng được với một kẻ tình nghi đang ngồi trên phương tiện giao thông công cộng. Những kẻ mang bom đi như robot không phải vì chúng tràn ngập phấn khích khi nghĩ đến hành vi tử đạo cao cả, mà vì chúng đang phải mang thêm trọng lượng gần hai chục ký thít vào vai chúng bằng các đai thô đeo qua vai, và vì chúng dùng ma túy. Sức hấp dẫn của sự tử đạo chỉ đi xa tới mức đó. Hầu hết kẻ mang bom là loại ngu đần bị khống chế, với một viên ma túy nhét vào giữa lợi và má. Chúng tôi biết điều này bởi các đai dynamite phát nổ với sóng xung kích đặc trưng hình chiếc bánh rán dội ngược lên bụng trong một phần tỷ giây và bứt lìa đầu gọn ghẽ khỏi hai vai. Đầu con người đâu được bắt vít giữ chắc. Nó chỉ nằm ở đó nhờ trọng lực, một phần được giữ bởi da, cơ, gân và dây chằng, nhưng những mối níu sinh học mong manh đó không cản được bao nhiêu sức nổ mạnh xuất phát từ chất hóa học. Ông thầy người Israel bảo tôi rằng cách dễ nhất để xác định một vụ tấn công ngoài trời do một kẻ đánh bom tự sát thực hiện chứ không phải xe hơi hay túi chứa bom gây ra là rà soát trong bán kính hai mươi lăm đến hai mươi tám mét tìm một cái đầu người bị cắt lìa, hầu như là nguyên xi đến lạ lùng không sứt mẻ gì, kể cả viên ma túy trong má.

Tàu dừng ở quảng trường Union. Không ai lên. Chẳng ai xuống. Khí nóng từ sân ga bò vào đối đầu với không khí từ máy điều hòa trong toa. Thế rồi những cánh cửa lại đóng lại và tàu tiếp tục chạy.

Các điểm từ 3 đến 6 là những biến đổi tùy từng đối tượng được quan sát: sự khó chịu, đổ mồ hôi, tật giật cơ, và hành vi lo lắng. Dù theo quan điểm của tôi thì việc đổ mồ hôi có khả năng do trời nóng quá mức cũng bằng như do thần kinh căng thẳng. Quần áo không thích hợp, thuốc nổ dynamite. Dynamite là bột gỗ nhúng nitroglycerine rồi đóng thành thanh có kích thước tương đương chiếc dùi cui. Bột gỗ là thứ cách nhiệt tốt. Vậy nên đổ mồ hôi là chuyện không tránh khỏi. Nhưng khó chịu, tật giật cơ và hành vi lo lắng là những biểu hiện đáng giá. Những kẻ đánh bom tự sát đang trải qua những khoảnh khắc kỳ quặc cuối cùng trong đời, lo lắng, sợ đau đớn, say vì ma túy. Theo định nghĩa thì chúng không tỉnh táo. Tin hoặc nửa tin hoặc không thực sự tin vào thiên đường, những dòng sông sữa và mật ngọt, những cánh đồng tươi tốt và các nàng trinh nữ, bị điều khiển bởi áp lực tư tưởng hay kỳ vọng của bè bạn hay gia đình chúng, đột ngột lún quá sâu và không thể rút chân ra. Phát biểu hùng hồn trong các cuộc họp kín là một chuyện. Hành động là chuyện khác. Vì thế mới dẫn tới cơn hoảng loạn bị kìm nén, với tất cả những dấu hiệu có thể nhìn thấy rõ.

Hành khách số 4 đang biểu hiện tất cả những dấu hiệu ấy. Cô ta trông hoàn toàn giống một phụ nữ đang hướng đến đoạn cuối của cuộc đời, cũng chắc chắn và không thể khác như con tàu đang hướng đến cuối tuyến.

Vậy nên dẫn tới điểm thứ bảy: kiểu thở.

Cô ta đang thở mạnh, chậm và có kiểm soát. Hít vào, thở ra, hít vào, thở ra. Như kỹ thuật chế ngự cơn đau khi sinh nở, hoặc giống như kết quả của một cú sốc khủng khiếp, hoặc giống như rào cản tuyệt vọng cuối cùng ngăn lại tiếng thét chất chứa sự khiếp đảm, hoảng sợ và kinh hoàng.

Hít vào, thở ra, hít vào, thở ra.

Điểm thứ tám: những kẻ đánh bom tự sát chuẩn bị hành động hay nhìn chằm chằm về phía trước. Không ai biết vì sao, song bằng chứng do camera ghi lại và các nhân chứng sống sót đều có những tường thuật giống nhau. Những kẻ đánh bom nhìn chằm chằm về trước. Có lẽ chúng đã đẩy cam kết của mình gần đến đường cùng và chúng sợ sự can thiệp. Có khi, giống như trẻ em và chó, chúng cảm thấy rằng nếu chúng không nhìn ai thì sẽ không ai thấy chúng. Có lẽ chút lương tâm cuối cùng đồng nghĩa với việc chúng không thể nhìn những người chúng sắp hủy diệt. Không ai biết vì sao, nhưng tất cả chúng đều làm thế.

Hành khách số 4 đang làm như vậy. Đó là điều chắc chắn. Cô ta đang trừng trừng nhìn ô cửa sổ trống phía đối diện đến mức gần như khoan thủng một lỗ trên lớp kính.

Các điểm từ 1 đến 8, có đủ. Tôi chuyển mình ngả người về phía trước trên ghế.

Rồi tôi ngừng lại. Xét về chiến thuật ý nghĩ này thật lố bịch. Thời điểm không thích hợp.

Rồi tôi nhìn lại lần nữa. Và dịch chuyển lần nữa. Vì các điểm 9, 10, 11 đều xuất hiện và cũng đúng nữa, và chúng là những điểm quan trọng nhất.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 3


ĐIỂM 9: LẦM RẦM CẦU KINH. Cho tới nay tất cả các vụ tấn công được biết tới đều được khơi nguồn, hay thúc đẩy, hay thông qua, hay khuyến dụ bởi tôn giáo, phần lớn đạo Hồi, và người theo đạo Hồi quen với việc cầu nguyện nơi công cộng. Các nhân chứng sống sót tường thuật lại các câu chú như công thức dài ngoằng được đọc từ đầu chí cuối và lặp đi lặp lại không ngớt, có hoặc không thành tiếng, nhưng có thể thấy môi mấp máy. Hành khách số 4 đang làm việc ấy thực sự. Dưới cái nhìn trừng trừng cố định, đôi môi cô ta mấp máy như đọc tràng thần chú dài, hổn hển, có vẻ cứ khoảng hai mươi giây lại lặp lại một lần. Có lẽ cô ta đã đang tự giới thiệu mình với vị thánh thần nào đó mà cô ta mong được gặp phía bên kia ranh giới. Có khi cô ta đang cố tự thuyết phục mình rằng thực sự là có thánh thần, và ranh giới.

Tàu dừng ở phố 23. Cửa mở. Không ai xuống. Chẳng ai lên. Tôi trông thấy những tấm bảng chỉ lối ra màu đỏ phía trên sân ga: phố 22 và đại lộ Park, góc Đông Bắc, phố 23 và đại lộ Park, góc Đông Nam. Những dải vỉa hè khu Manhattan chẳng có gì nổi bật nhưng đột nhiên lại hấp dẫn.

Tôi ngồi yên trên ghế. Cửa khép lại. Con tàu tiếp tục chạy.

Điểm 10: một chiếc túi lớn.

Dynamite là chất nổ ổn định, miễn là thuốc mới chế. Nó không vô tình phát nổ. Nó cần được kích bằng kíp nổ. Các kíp nổ được quấn cùng dây kích nổ nối với nguồn điện và công tắc. Thiết bị kích nổ kiểu pít tông trong các phim cao bồi thời xưa gồm cả hai thứ này. Khi tay quay di chuyển, trước tiên máy phát điện sẽ quay tương tự đĩa quay số của điện thoại kiểu cũ, rồi một công tắc sẽ nhả ra. Không phù hợp cho sử dụng cơ động. Để sử dụng cơ động, bạn cần có một cục pin, và để kích nổ một đai thuốc nổ dài xấp xỉ một mét, bạn cần có dòng điện tương đối. Pin AA nhỏ xíu chỉ phát ra dòng điện 1.5 vôn. Theo nguyên tắc phổ biến thì chừng đó không đủ. Pin mang điện thế 9 vôn thì tốt hơn, và để có hiệu quả kha khá thì bạn cần một cục pin cỡ lon xúp đóng hộp vuông vẫn dùng cho đèn pin loại mạnh. Cho vào túi quần túi áo thì quá to quá nặng, vì thế mới cần đến túi xách. Pin nằm dưới đáy túi, dây bò từ đó tới công tắc rồi chui qua một vết rạch kín đáo ở phía sau túi, và luồn dưới đường viền của thứ áo không phù hợp ấy.

Hành khách số 4 đang mang một chiếc túi đeo vai bằng vải bạt đen kiểu thành thị, dây đeo vắt từ một bên vai ra sau vai còn lại, rồi được kéo vào lòng cô ta. Nhìn kiểu vải cứng phùng ra và võng xuống là biết trong túi không có gì ngoài một vật nặng duy nhất.

Tàu dừng ở phố 28. Những cánh cửa xịch mở. Không ai lên. Chẳng ai xuống. Những cánh cửa đóng lại và con tàu chuyển mình.

Điểm 11: hai tay đút trong túi.

Hai mươi năm trước, điểm 11 là nội dung mới bổ sung. Trước đó danh sách dừng ở điểm thứ mười. Nhưng mọi thứ đều tiến hóa. Hành động, rồi tới đối phó. Lực lượng an ninh Israel và một số công dân dũng cảm đã áp dụng một chiến thuật mới. Nếu sự nghi ngờ trong ta trỗi dậy, ta không bỏ chạy. Thực sự là chẳng ích gì. Ta không thể chạy nhanh hơn miểng bom. Điều ta làm thay cho chạy là liều mạng ôm cứng kẻ tình nghi. Ta ép hai tay kẻ đó dọc theo người chúng. Ta ngăn không cho chúng chạm vào nút bấm. Nhiều vụ tấn công đã được ngăn chặn bằng cách ấy. Nhiều sinh mạng được cứu thoát. Nhưng kẻ đánh bom cũng đã rút ra bài học. Bây giờ chúng được dạy luôn đặt ngón tay cái trên nút bấm, để vô hiệu hóa biện pháp ôm cứng. Nút bấm nằm trong túi, gần quả pin. Vì vậy, tay luôn để trong chiếc túi.

Hành khách số 4 thò cả hai tay vào trong túi. Nắp túi bị dồn lại và nhăn nhúm giữa hai cổ tay cô ta.

Tàu dừng ở phố 33. Những cánh cửa mở ra. Không ai xuống. Một hành khách cô độc trên sân ga ngần ngừ rồi bước sang phải và lên toa kế bên. Tôi quay người nhìn qua ô cửa sổ nhỏ phía sau đầu tôi và thấy cô ta chọn một ghế gần mình. Hai vách ngăn bằng thép không gỉ và khoảng nối giữa hai toa. Tôi muốn xua tay ra hiệu cho cô ta tránh đi. Có thể cô ta sẽ sống sót ở cuối đầu kia toa của mình. Nhưng tôi không làm thế. Hai mắt chúng tôi không gặp nhau, và dù thế nào cô ta cũng sẽ lờ tôi đi. Tôi biết New York. Những cử chỉ điên rồ trên một chuyến tàu khuya chẳng có chút gì đáng tin.

Những cánh cửa mở ra lâu hơn bình thường một chút. Trong một giây điên rồ, tôi nghĩ tới việc cố lùa mọi người ra ngoài. Nhưng tôi không làm thế. Hẳn sẽ là trò hề. Ngạc nhiên, không hiểu nổi, có lẽ cả rào cản ngôn ngữ. Tôi không chắc là mình biết từ bom trong tiếng Tây Ban Nha là gì. Bomba, chắc vậy chăng. Hay từ đó nghĩa là bóng đèn? Một gã điên bô lô ba la về bóng đèn sẽ chẳng giúp được ai.

Không, bóng đèn là bombilla, tôi nghĩ.

Có lẽ thế.

Có thể thế.

Nhưng chắc chắn rằng tôi chẳng biết thứ ngôn ngữ vùng Balkan nào. Và tôi không biết thổ ngữ Tây Phi. Dù có thể người phụ nữ mặc váy nói tiếng Pháp. Một số nước Tây Phi thuộc khối Pháp ngữ. Mà tôi nói được tiếng Pháp. Une bombe. La femme là-bas a une bombe sous son manteau. Người phụ nữ đằng kia có một quả bom giấu dưới áo khoác. Người phụ nữ mặc váy có thể hiểu. Hoặc có thể cô ta hiểu được thông điệp ấy theo cách khác và cứ thế theo chúng tôi ra ngoài.

Nếu như cô ta tỉnh dậy đúng lúc. Nếu như cô ta mở hai mắt ra.

Cuối cùng tôi vẫn ngồi yên trên ghế.

Những cánh cửa đóng lại.

Tàu tiếp tục chạy.

Tôi chằm chặp nhìn hành khách số 4. Hình dung ra ngón tay cái xanh xao thanh mảnh của cô ta trên chiếc nút bấm bị che kín. Có lẽ nút bấm mua từ cửa hàng Radio Shack[4]. Một thiết bị điện vô tội, phục vụ một sở thích nào đó. Có lẽ tốn khoảng một đô rưỡi. Tôi hình dung một mớ dây lùng nhùng, màu đỏ và đen, quấn băng keo, uốn quăn và được kẹp lại. Một dây kích nổ dày, chạy ra khỏi túi, nhét dưới áo khoác cô ta, nối mười hai hoặc hai mươi kíp tạo thành hình một chiếc thang song song dài nguy hiểm chết người. Dòng điện di chuyển với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng. Dynamite thì mạnh đến không tin nổi. Trong môi trường kín như toa xe điện ngầm, riêng sóng xung kích cũng đủ nghiền tất cả chúng tôi thành cám. Những chiếc đinh và các viên bi sẽ hoàn toàn phí phạm. Như đạn bắn vào kem. Sẽ có rất ít người trong số chúng tôi sống sót. Có lẽ thành những mảnh xương, to cỡ hạt nho. Có lẽ xương bàn đạp và xương đe ở tai trong không suy suyển gì. Chúng là những xương nhỏ nhất trong cơ thể con người, vì vậy theo xác suất khả năng chúng bị đám mây vỏ bom bỏ qua là cao nhất.

Tôi chằm chằm nhìn người phụ nữ. Không có cách nào tiếp cận cô ta. Tôi cách xa chín mét. Ngón cái cô ta đã đặt trên nút bấm. Những lá tiếp xúc bằng đồng dạt có lẽ cách nhau một phần tám inch[5], có lẽ khoảng trống nhỏ xíu ấy hơi dãn rộng ra rồi hẹp lại nhịp nhàng theo nhịp tim đập và bàn tay run run của cô ta.

Cô ta thuận tiện hành động, tôi thì không.

Con tàu dồn về phía trước, với bản hợp âm đặc trưng của nó. Tiếng rít của không khí trong đường hầm, tiếng va đập của các khớp nối bù dưới các rìa sắt, tiếng cọ giữa bộ gom dòng với đường ray, tiếng rên xiết của động cơ, tiếng ken két tuần tự khi các toa xe tròng trành bám theo nhau qua các khúc cua và vành bánh xe bám xuống đường ray.

Cô ta đang đi đâu? Tàu tuyến 6 chạy dưới những khu vực nào? Bom mang trong người có thể đánh sập một tòa nhà không? Tôi nghĩ là không. Vậy những đám đông nào vẫn tụ tập sau hai giờ sáng? Không nhiều. Có lẽ là các hộp đêm, nhưng chúng tôi đã bỏ hầu hết chúng lại phía sau lưng rồi, và kiểu gì cô ta cũng không thể bước chân qua thanh chắn cửa hộp đêm được.

Tôi chằm chằm nhìn cô ta.

Quá xoáy.

Người phụ nữ cảm nhận thấy cái nhìn ấy.

Cô ta xoay đầu, chầm chậm, nhẹ nhàng, như hành động được lập trình sẵn.

Cô ta chằm chặp nhìn lại tôi.

Mắt chúng tôi gặp nhau.

Mặt cô ta biến sắc.

Cô ta biết rằng tôi đã biết.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 4


CHÚNG TÔI NHÌN THẲNG VÀO MẮT NHAU liên tục chừng mười giây. Đoạn tôi đứng dậy, gượng cưỡng lại sự di chuyển của con tàu rồi tiến một bước. Tôi có thể chết khi còn cách chín mét, chẳng cần phải bàn. Có tiến gần hơn tôi cũng chẳng thể chết hơn được. Tôi đi qua người phụ nữ gốc Tây Ban Nha phía bên trái. Tiến qua người đàn ông mặc sơ mi NBA phía bên phải. Qua người phụ nữ Tây Phi bên trái. Hai mắt cô ta vẫn nhắm. Tôi chuyển từ thanh nắm này tới thanh nắm kế tiếp, trái rồi phải, người lắc lư. Hành khách số 4 chằm chặp nhìn tôi suốt quãng đường ấy, sợ hãi, hổn hển, lầm bầm. Hai tay cô ta vẫn để trong chiếc túi.

Tôi dừng lại cách cô ta non hai mét.

Tôi nói, “Tôi thực sự muốn là mình nhầm về chuyện này.”

Cô ta không trả lời. Hai môi cô ta mấp máy. Đôi tay cô ta dịch chuyển dưới lớp vải bạt đen dày. Vật to lớn trong chiếc túi của cô ta dịch chuyển một chút.

Tôi nói, “Tôi cần trông thấy hai bàn tay cô.”

Cô ta không nói gì.

“Tôi là cảnh sát,” tôi nói dối. “Tôi có thể giúp cô.”

Cô ta không nói gì.

Tôi nói, “Chúng ta có thể nói chuyện.”

Cô ta không nói gì.

Tôi buông những thanh nắm và thả hai tay dọc theo thân người. Việc đó khiến tôi trông nhỏ bé hơn. Ít vẻ đe dọa hơn. Chỉ là một gã đàn ông. Tôi đứng yên trong mức con tàu cho phép. Tôi không làm gì. Tôi chẳng có lựa chọn nào. Cô ta chỉ cần một phần nhỏ giây. Tôi thì cần nhiều hơn thế. Trừ một điều là hoàn toàn không có gì tôi có thể làm. Lẽ ra tôi có thể túm lấy cái túi và cố giằng nó khỏi tay người phụ nữ. Nhưng nó quấn quanh người cô ta và cái quai là loại vải cô tông to bản dệt chắc. Cùng loại dệt như vòi cứu hỏa. Nó được giặt trước, làm cho cũ đi trước và làm cho nhàu sẵn, giống như người ta vẫn làm với các loại vải mới bây giờ, nhưng nó vẫn còn rất chắc. Hẳn rốt cuộc là tôi sẽ giật cô ta khỏi ghế mà quẳng xuống sàn toa.

Trừ một điều là tôi sẽ không thể đến được chỗ nào gần cô ta. Cô ta sẽ ấn cái nút trước khi tay tôi đi được nửa quãng đường tới đó.

Lẽ ra tôi có thể cố giật cái túi lên trên và dùng tay còn lại vơ vào phía sau nó để giật dây kích nổ khỏi các điểm tiếp xúc. Trừ một điều là, để cô ta di chuyển dễ dàng, dây kích nổ sẽ dài hơn mức cần thiết, khiến tôi phải kéo cho đủ một vòng cung rộng tới sáu mươi phân trước khi gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào. Đến khi ấy thì cô ta đã bấm nút xong, trừ phi bị sốc bất ngờ.

Lẽ ra tôi có thể túm áo khoác cô ta và cố giật vài sợi dây khác ra. Nhưng giữa tôi và lớp dây có những túi dày nhồi lông ngỗng. Và lớp ngoài áo bằng nylon trơn tuột. Không chạm được, không nắm được.

Không hy vọng gì.

Lẽ ra tôi có thể cố gắng khống chế đối tượng. Đánh mạnh vào đầu cô ta, hạ gục cô ta, một cú đấm, chớp nhoáng. Nhưng dù có nhanh nhẹn như tôi bây giờ, một động tác di chuyển mau lẹ từ phạm vi dưới hai mét sẽ phải mất tới nửa giây. Còn cô ta phải di chuyển đầu ngón tay cái đi ba mi li mét.

Cô ta sẽ tới đích trước.

Tôi hỏi, “Tôi có thể ngồi xuống không? Cạnh cô ấy?”

Cô ta đáp, “Không, tránh xa tôi ra.”

Một chất giọng chung chung, không ngữ điệu. Không có âm sắc rõ ràng. Giọng Mỹ, nhưng cô ta có thể là người từ bất kỳ đâu. Nhìn gần thì cô ta không có vẻ thực sự hoang dại hay loạn trí, chỉ là cam chịu, u ám, sợ hãi, mệt mỏi. Cô ta nhìn lên tôi, cũng chằm chặp như nãy giờ nhìn ô cửa sổ trống phía đối diện. Cô ta trông hoàn toàn cảnh giác và tỉnh táo. Tôi cảm thấy mình bị soi tận chân tơ kẽ tóc. Tôi chẳng thể nhúc nhích. Tôi không thể làm gì cả.

“Muộn rồi,” tôi lên tiếng. “Cô nên đợi tới giờ cao điểm.”

Cô ta không nói gì.

“Sáu tiếng nữa,” tôi tiếp. “Khi ấy sẽ tốt hơn nhiều.”

Hai bàn tay cô ta nhúc nhích, bên trong chiếc túi.

Tôi nói, “Không phải lúc này.”

Cô ta không nói gì.

“Chỉ một thôi,” tôi nói. “Cho tôi nhìn thấy một bàn tay. Cô không cần đặt cả hai tay trong đó.”

Tàu đột ngột giảm tốc độ. Tôi loạng choạng lùi rồi lại tiến lên một bước, với tay tới thanh nắm gần trần toa. Hai bàn tay tôi ẩm ướt. Thép có cảm giác nóng. Ga Trung tâm, tôi nghĩ. Nhưng không phải. Tôi liếc ra ngoài cửa sổ hy vọng trông thấy những bóng đèn và lớp gạch lát màu trắng nhưng chỉ thấy ánh sáng của một ngọn đèn xanh mờ. Chúng tôi đang dừng trong đường hầm. Để bảo trì, hoặc đánh tín hiệu xin đường.

Tôi quay lại.

“Cho tôi trông thấy một bàn tay,” tôi nói lần nữa.

Người phụ nữ không trả lời. Cô ta đang chằm chặp nhìn vào eo tôi. Khi hai tay giơ cao, áo phông của tôi bị kéo lên lộ rõ vết sẹo sâu ở bụng phía trên lưng quần. Lớp da trắng nổi lên, cứng và sần sùi. Những đường khâu lớn thô vụng, giống như một bức biếm họa. Sản phẩm của mảnh bom từ một vụ đánh bom bằng xe hơi ở Beirut cách đây đã lâu. Khi ấy tôi cách nơi xảy ra vụ nổ một trăm mét.

Giờ thì tôi cách người phụ nữ trên băng ghế gần hơn chín mươi tám mét so với hồi đó.

Cô ta vẫn chằm chằm nhìn. Hầu hết mọi người hỏi tôi đã dính vết sẹo đó như thế nào. Tôi không muốn cô ta hỏi. Tôi không muốn nói chuyện về bom. Không muốn nói với cô ta.

Tôi nói, “Cho tôi trông thấy một bàn tay.”

Cô ta hỏi, “Tại sao?”

“Cô không cần bỏ cả hai tay trong đó.”

“Vậy thì liên quan gì tới ông?”

“Tôi không biết,” tôi nói.

Tôi thực sự không biết mình đang làm gì. Tôi không phải một tay đàm phán giải cứu con tin. Tôi nói chỉ để nói. Đó không phải đặc điểm của tôi. Thường tôi là người rất ít lời.

Nếu tính xác suất thì rất ít khả năng tôi chết khi đang nói dở câu.

Có lẽ đó là lý do vì sao tôi đang nói.

Người phụ nữ cử động hai bàn tay. Tôi thấy cô ta siết chặt bàn tay phải vẫn để trong túi và từ từ rút tay trái ra. Bàn tay nhỏ, tái xanh, lờ mờ đường gân và mạch máu. Làn da của người trung tuổi. Những móng tay trơn, cắt ngắn. Không có chiếc nhẫn nào. Không chồng, không đính hôn để tiến tới lấy chồng. Cô ta lật bàn tay cho tôi xem phía bên kia. Lòng bàn tay trống trơn đỏ lên vì cô ta nóng.

“Cảm ơn,” tôi nói.

Người phụ nữ đặt úp bàn tay xuống ghế bên cạnh và cứ để ở đó, như thể nó chẳng liên quan gì tới những phần còn lại của cơ thể cô ta. Mà không liên quan thật, ngay tại thời điểm đó. Tàu dừng lại trong bóng tối. Tôi hạ hai bàn tay xuống. Gấu áo sơ mi của tôi tụt xuống vị trí cũ.

Tôi nói, “Giờ hãy cho tôi xem thứ trong túi.”

“Tại sao?”

“Tôi chỉ muốn trông thấy nó. Dù nó là gì.”

Cô ta không đáp lại.

Cô ta không cử động.

Tôi bảo, “Tôi sẽ không cố giành nó từ cô. Tôi hứa. Tôi chỉ muốn trông thấy nó. Tôi chắc là cô hiểu.”

Tàu lại tiếp tục chạy. Tăng tốc từ từ, không giật, tốc độ thấp. Chạy nhẹ nhàng vào ga. Lướt từ từ. Tôi nghĩ, có lẽ còn hai trăm mét.

Tôi nói, “Tôi nghĩ tôi có quyền ít ra là trông thấy nó. Cô không nhất trí à?”

Người phụ nữ nhăn mặt, như thể cô ta không hiểu.

Cô ta nói, “Tôi chẳng hiểu sao ông lại có quyền thấy nó.”

“Cô không hiểu à?”

“Không.”

“Vì ở đây tôi là người có liên quan. Và có lẽ tôi có thể kiểm tra xem nó được lắp đặt đúng cách hay chưa. Cho sau này thôi. Bởi cô cần thực hiện việc này sau. Chứ không phải lúc này.”

“Ông nói ông là cảnh sát.”

“Chúng ta có thể giải quyết vụ này,” tôi bảo. “Tôi có thể giúp cô.”

Tôi liếc qua vai mình. Con tàu đang bò đi. Ánh đèn sáng trắng phía trước. Tôi quay lại. Tay phải của người phụ nữ đang cử động. Cô ta xốc xốc, nắm lại chặt hơn và chầm chậm run rẩy rút ra khỏi túi, thật bất ngờ.

Tôi chú ý quan sát. Túi vướng vào cổ tay, cô ta dùng tay trái gỡ nó ra. Bàn tay phải cô ta thoát ra.

Không phải pin. Không phải dây nhợ. Không công tắc, không nút bấm, không pít tông.

Một thứ hoàn toàn khác.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 5


NGƯỜI PHỤ NỮ CẦM TRONG TAY một khẩu súng. Cô ta chĩa thẳng nó vào người tôi. Chĩa thấp xuống, thẳng ngay tử huyệt, trên đường thẳng nối giữa hạ bộ và rốn tôi. Tất cả những bộ phận cần thiết đều ở khu vực đó. Nội tạng, xương sống, ruột, vô số động và tĩnh mạch. Khẩu súng là loại Ruger Speed-Six. Một khẩu súng lục ổ quay Magnum 357 ly cũ to lớn, nòng ngắn khoảng mười phân, có khả năng đục một lỗ trên cơ thể tôi đủ lớn để thấy ánh sáng xuyên qua.

Nhưng chung quy thì tôi vui hơn nhiều so với một giây trước đó. Vì nhiều lý do. Bom giết chết nhiều người một lúc, súng giết từng người một. Bom không cần ngắm lấy đích, súng thì cần. Khẩu Speed-Six nặng đúng 0,9 kí lô khi nạp đầy đạn. Rất nặng so với khả năng kiểm soát của một cổ tay mỏng manh. Và những phát bắn của súng Magnum sinh ra lửa đầu nòng nóng bỏng và sức giật rất mạnh. Nếu đã từng sử dụng súng, người phụ nữ sẽ biết điều ấy. Cô ta sẽ gặp điều mà các tay súng gọi là phản xạ Magnum. Khoảng một phần nhỏ giây trước khi siết cò cánh tay cô ta sẽ siết chặt, hai mắt nhắm lại và đầu cô ta sẽ xoay đi hướng khác. Cô ta có khả năng bắn trượt tương đối cao, thậm chí khi chỉ cách chưa đầy hai mét. Hầu hết các khẩu súng ngắn đều trượt. Có lẽ không trượt ở trường bắn, khi có bộ chụp tai, bảo vệ mắt, có thời gian, có sự bình tĩnh và không có gì bị phương hại. Nhưng trong thế giới thực, với tình trạng hoảng loạn và căng thẳng, sự run rẩy và nhịp tim dồn dập, bắn súng ngắn là chuyện may rủi, may hoặc rủi. Của tôi và của cô ta.

Nếu bắn trượt, cô ta sẽ không thực hiện được đến phát thứ hai.

Tôi nói, “Bình tĩnh đi.” Chỉ để phát ra âm thanh. Ngón tay của cô ta đã tì đến trắng ộ cả xương trên cò súng, nhưng cô ta vẫn chưa siết nó. Speed-Six là loại súng ổ quay hãm phát một, nghĩa là nửa đầu động tác bóp cò sẽ kéo búa về phía sau làm xoay ổ đạn. Nửa sau thả búa ra làm súng nổ. Những hoạt động cơ khí phức tạp, làm mất thời gian. Không nhiều, nhưng cũng mất một chút. Tôi chằm chằm nhìn ngón tay người phụ nữ. Cảm nhận được người đàn ông có đôi mắt cầu thủ đang quan sát. Tôi đoán là lưng tôi đang che mất góc nhìn từ đầu kia toa.

Tôi lên tiếng, “Cô không có gì mắc mớ với tôi, thưa cô. Cô thậm chí còn chẳng biết tôi. Hãy bỏ súng xuống mà nói chuyện nào.”

Cô ta không trả lời. Có lẽ cảm xúc gì đó vừa lướt qua gương mặt cô ta, song tôi đâu có đang nhìn mặt cô ta. Tôi đang quan sát ngón tay cô ta kia. Đó là bộ phận duy nhất trên cơ thể cô ta mà tôi chú ý. Và tôi đang tập trung vào những xung động truyền lên qua sàn toa. Đợi tàu dừng lại. Tay hành khách điên rồ từng đi cùng chuyến đã bảo tôi rằng mỗi toa kiểu R142A nặng ba mươi lăm tấn. Chúng có thể chạy với tốc độ sáu mươi hai dặm một giờ. Vì vậy phanh của chúng rất mạnh, quá mạnh nên không thể dừng cho êm ở tốc độ thấp. Không cách nào dừng cho êm. Chúng dồn lại, giật ngược và nghiến ken két. Ở mét cuối cùng, những con tàu thường trượt đi với các bánh bị khóa cứng. Vì vậy mới có tiếng rít đặc trưng khi chúng dừng lại.

Tôi nghĩ điều đó cũng sẽ xảy ra ngay cả sau khi tàu chúng tôi bò chậm chạp. Nói thật là có khi còn hơn thế. Về bản chất khẩu súng là vật nặng ở đầu con lắc. Một cánh tay dài mảnh, gần một cân thép. Khi phanh ép vào, quán tính sẽ khiến mũi súng vểnh lên. Hướng lên trên. Định luật Newton về chuyển động. Tôi đã sẵn sàng cưỡng lại đà của bản thân, đẩy các thanh nắm theo hướng ngược lại và nhảy về phía dưới. Nếu khẩu súng chỉ cần giật lên trên mười ba phân còn tôi giật lùi xuống mười ba phân thì tôi sẽ an toàn.

Có lẽ mười phân cũng được.

Hoặc mười một phân rưỡi, nói thế cho chắc chắn.

Người phụ nữ hỏi, “Ông dính vết sẹo ở đâu?”

Tôi không trả lời.

“Ông bị bắn vào bụng à?”

“Bom,” tôi nói.

Cô ta di chuyển đầu nòng súng, về phía trái cô ta và bên phải tôi. Cô ta nhắm vào chỗ vết sẹo bị viền áo che khuất.

Con tàu vẫn chạy. Vào ga. Cực kỳ chậm. Gần ngang với đi bộ. Sân ga của Ga Trung tâm thật dài. Toa đầu tàu đang hướng tới tận cuối sân. Tôi đợi các phanh nghiến lại. Tôi nghĩ sẽ xuất hiện chút lắc lư có ích.

Chúng tôi không bao giờ đi tới điểm đó.

Nòng súng hướng trở lại vào chính giữa cơ thể tôi. Rồi nó di chuyển thẳng lên trên. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi tôi nghĩ người phụ nữ sắp đầu hàng. Nhưng nòng súng vẫn di chuyển tiếp. Người phụ nữ nâng cằm mình lên, như một cử chỉ đầy tự hào và bướng bỉnh. Cô ta kề đầu nòng súng vào phần thịt mềm phía dưới đó. Siết nửa vòng cò. Ổ đạn xoay và búa giật về phía sau qua lớp nylon trên áo khoác của cô ta.

Rồi người phụ nữ siết nốt nửa vòng cò còn lại và bắn vào đầu mình.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 6


TRONG MỘT LÚC LÂU CỬA KHÔNG MỞ RA. Có lẽ ai đó đã dùng hệ thống đàm thoại nội bộ khẩn cấp hoặc trưởng tàu đã nghe thấy tiếng súng. Nhưng dù gì thì gì, hệ thống đã chuyển sang chế độ phong tỏa hoàn toàn. Chắc chắn người ta từng tập dượt về chuyện này rồi. Và quy trình đó rất hợp lý. Tốt nhất là nhốt tay súng điên cuồng trong một toa riêng lẻ, còn hơn để hắn chạy lung tung khắp thành phố.

Nhưng sự chờ đợi chẳng dễ chịu chút nào. Loại đạn Magnum 357 ly được phát minh năm 1935. Theo tiếng Latin, Magnum nghĩa là to lớn. Đạn nặng hơn, chứa nhiều thuốc phóng hơn. Về mặt kỹ thuật thì thuốc phóng không phát nổ. Nó chỉ bùng cháy, một quá trình phản ứng hóa học nằm giữa cháy và nổ. Ý tưởng là tạo ra một bong bóng khí nóng khổng lồ đẩy viên đạn dọc theo nòng súng, giống như chiếc lò xo bị nén. Thường thì khí theo viên đạn ra khỏi đầu nòng và đốt cháy oxy trong không khí gần đó. Vì vậy mới có ánh lửa đầu nòng. Nhưng với một phát bắn sát đầu như hành khách số 4 đã chọn, viên đạn tạo ra một lỗ trên da và khí nóng đẩy vào ngay sau đó. Khí nóng nổ rất mạnh ra dưới da và hoặc là tự mở cho mình một lối thoát qua miệng vết thương có hình ngôi sao, hoặc là thổi tung toàn bộ thịt da khỏi xương và lột hết ra khỏi hộp sọ, như thể lột ngược một quả chuối vậy.

Đó là điều xảy ra trong trường hợp này. Khuôn mặt của người phụ nữ bị xé thành những miếng thịt rách đầy máu lủng lẳng bám vào những mảnh xương giập nát. Viên đạn đi theo chiều thẳng đứng qua miệng cô ta và dồn toàn bộ động năng vô cùng lớn của nó vào sọ, áp suất tăng đột ngột tìm cách thoát ra và tìm được điểm đó, nơi hộp sọ của cô ta khép kín vào từ thời còn nhỏ. Chúng một lần nữa bung ra và áp suất dán chặt ba hay bốn mảnh xương lớn lên khắp phần toa ở phía trên và sau người phụ nữ. Theo cách này hay cách khác, cơ bản đầu của người phụ nữ không còn tồn tại. Nhưng lớp sợi thủy tinh chống viết bẩn đang thực hiện công việc của nó. Xương trắng, máu đỏ sẫm và các mô màu xám đang chảy dọc theo lớp bề mặt bóng, không bám dính, để lại đằng sau những vệt nhỏ như vết sên bò. Cơ thể người phụ nữ đã đổ xuống thành một đống trên băng ghế. Ngón trỏ tay phải vẫn móc trong vòng cò. Khẩu súng đã dội ngược ra khỏi đùi cô ta, rơi xuống nằm trên chiếc ghế bên cạnh.

Tiếng nổ của phát bắn vẫn dội trong hai tai tôi. Tôi có thể nghe thấy những tiếng động bị át đi từ phía sau. Tôi có thể ngửi thấy mùi máu của người phụ nữ. Tôi chúi người về trước kiểm tra cái túi của cô ta. Rỗng không. Tôi kéo khóa áo khoác cô ta, mở ra. Chẳng có gì hết. Chỉ có một chiếc áo cánh trắng bằng vải cô tông cùng mùi bài tiết hôi thối từ ruột và bọng đái.

Tôi tìm bảng liên lạc khẩn cấp liền tự gọi thẳng tới trưởng tàu. Tôi nói, “Tự sát bằng súng. Chỉ một toa duy nhất. Giờ thì mọi chuyện đã xong. Chúng tôi an toàn. Không có thêm mối đe dọa nào.” Tôi không muốn đợi tới khi NYPD[6] huy động các đội SWAT[7] và áo giáp chống đạn cùng súng trường xuất hiện hoàn toàn bí mật. Việc ấy có thể cần nhiều thời gian.

Tôi không nhận được câu trả lời từ trưởng tàu. Nhưng một phút sau giọng ông ta vang lên qua hệ thống phóng thanh của tàu. Ông ta nói: “Xin thông báo với hành khách rằng cửa sẽ tiếp tục đóng vài phút do có sự cố xảy ra.” Ông ta nói chậm rãi. Nghe như ông ta đang đọc chữ in ở một tấm bảng. Giọng ông ta run rẩy. Không hề giống chất giọng mượt mà của phát thanh viên hãng Bloomberg.

Tôi nhìn khắp toa xe lần cuối cùng và ngồi xuống cách cái xác không đầu chừng non mét, chờ đợi.

Chờ cho cảnh sát trong đời thực có mặt thì có khi đã đủ thời gian chiếu xong hết toàn bộ các tập phim truyền hình nói về cảnh sát rồi. Đã đủ thời gian lấy mẫu và phân tích xong ADN, tìm ra chứng cứ khớp, truy đuổi thủ phạm, bắt giữ, xét xử và tuyên án y rồi. Nhưng cuối cùng thì cũng có sáu sĩ quan từ cầu thang đi xuống. Họ đều đội mũ lưỡi trai, mặc vest và đều đã rút vũ khí. Các cảnh sát NYPD tuần tra ca đêm, có thể từ Đồn cảnh sát khu vực 14 trên phố 35 Tây, vùng Midtown South nổi tiếng. Họ chạy dọc theo sân ga và bắt đầu kiểm tra từ phía đầu đoàn tàu. Tôi đứng dậy lần nữa và theo dõi qua các ô cửa sổ bên trên các điểm nối toa, dọc theo toàn bộ chiều dài đoàn tàu, giống như nhòm vào một đường hầm dài bằng thép không gỉ được chiếu sáng. Càng xa càng khó nhìn, do bụi và những cặn xanh trong các lớp kính. Nhưng tôi có thể trông thấy các viên cảnh sát mở cửa lần lượt từng toa, kiểm tra, đảm bảo an toàn, đưa hành khách ra ngoài và vội vàng đẩy họ lên phố. Đây là chuyến tàu đêm ít người đi nên chẳng mấy chốc họ đến chỗ chúng tôi. Họ quan sát qua cửa sổ, trông thấy cái xác và khẩu súng nên làm động tác sẵn sàng. Cửa xịch mở và họ tràn vào toa, mỗi cửa hai người. Tất cả chúng tôi đều giơ cả hai tay lên, như phản xạ vậy.

Mỗi cảnh sát chặn một lối ra còn ba người còn lại tiến thẳng về phía xác người phụ nữ. Họ dừng lại đứng cách chừng non hai mét. Không kiểm tra mạch hay bất kỳ dấu hiệu sự sống nào. Không đặt một miếng gương phía dưới mũi người phụ nữ xem cô ta còn thở không. Một phần vì rõ ràng là cô ta không thở, phần vì cô ta không còn mũi. Phần sụn đã bị thổi bay, để lại những miếng xương nhỏ lởm chởm giữa nơi mà lúc nãy áp suất bên trong đã đẩy hai nhãn cầu cô ta phọt ra.

Một viên cảnh sát to lớn đeo cầu vai trung úy quay lại. Ông ta tái mặt một chút nhưng mặt khác vẫn thể hiện cung cách khá đĩnh đạc đường hoàng, như là chỉ thực hiện một công việc bình thường khác trong ca đêm. Ông ta hỏi, “Ai trông thấy sự việc xảy ra ở đây?”

Phía đầu toa im lặng. Người phụ nữ gốc Tây Ban Nha, người đàn ông mặc chiếc áo NBA, người phụ nữ châu Phi. Tất cả ngồi im thin thít không nói năng gì. Điểm thứ tám: nhìn chăm chăm về phía trước.

Tất cả đều đang thể hiện điều đó. Nếu tôi không thể thấy anh, anh không thể thấy tôi. Người đàn ông mặc áo sơ mi đánh gôn không nói gì. Thế nên tôi nói, “Cô ta lấy khẩu súng khỏi chiếc túi và tự bắn mình.”

“Chỉ thế thôi à?”

“Đại khái là vậy.”

“Tại sao?”

“Làm sao tôi biết được chứ?”

“Ở đâu và khi nào?”

“Trong lúc tàu chạy vào ga. Bất kỳ thời điểm nào trong khoảng ấy.”

Tay cảnh sát xử lý thông tin. Tự sát bằng súng. Tàu điện ngầm thuộc trách nhiệm của NYPD. Vùng giảm tốc độ nằm giữa phố 41 và phố 42 thuộc khu vực Đồn 14. Vụ này của ông ta. Không cần hỏi cũng biết. Ông ta gật đầu. Ông ta nói: “Được rồi, xin tất cả các vị ra khỏi toa và đợi trên sân ga. Chúng tôi sẽ cần lấy tên, địa chỉ và lời khai của các vị.”

Rồi ông ta bấm vào chiếc mic nhỏ gắn trên cổ áo và một âm thanh rẹt rẹt lớn đáp lại. Đến lượt ông ta trả lời bằng một chuỗi mã và số dài. Tôi đoán ông ta đang gọi nhân viên y tế và xe cứu thương. Sau đó sẽ là trách nhiệm người của ngành vận tải: tháo toa xe khỏi đoàn tàu, vệ sinh sạch sẽ và lên lịch cho nó trở lại đường ray. Không khó, tôi nghĩ. Còn rất nhiều thời gian trước khi tới giờ cao điểm buổi sáng.

Chúng tôi ra khỏi toa nhập vào một đám đông đang tụ trên sân ga. Cảnh sát giao thông, rồi thêm nhiều cảnh sát thường có mặt, nhân viên tàu điện ngầm tụ tập xung quanh, người của Ga Trung tâm xuất hiện. Năm phút sau, một nhóm nhân viên y tế của Sở cứu hỏa New York cùng một chiếc cáng hối hả chạy từ cầu thang xuống. Họ vượt qua rào chắn, bước lên tàu và toán cảnh sát đến tác nghiệp đầu tiên bước xuống. Tôi không thấy những gì diễn ra sau đó bởi các cảnh sát bắt đầu di chuyển trong đám đông, ngó quanh, sẵn sàng tìm từng hành khách một và đưa họ đi chỗ khác để thẩm vấn thêm. Viên trung úy to lớn tiến đến tôi. Tôi đã trả lời các câu hỏi của ông ta trên tàu. Vì vậy ông ta chọn tôi làm nhân vật đầu tiên. Viên cảnh sát đưa tôi vào sâu trong ga, cho tôi vào một căn phòng nóng nực lát gạch trắng nhờ nhờ có thể là nơi làm việc của cảnh sát giao thông. Ông ta bảo tôi ngồi xuống một mình trên chiếc ghế gỗ và hỏi tên tôi.

“Jack Reacher,” tôi đáp.

Ông ta ghi lại và không nói tiếp. Chỉ lượn lờ ở cửa mà quan sát tôi. Và chờ đợi. Đợi một thám tử xuất hiện, tôi đoán thế.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 7


VIÊN THÁM TỬ XUẤT HIỆN LÀ NỮ, tới một mình. Cô mặc quần và áo sơ mi ngắn tay màu xám. Có thể bằng lụa, có thể là chất liệu nhân tạo. Nhưng dù là chất liệu nào thì cũng là chất vải bóng. Áo không bỏ trong quần, tôi đoán là đuôi áo đang che súng, còng số tám và bất cứ thứ gì khác cô mang theo. Sau lớp áo, cô nhỏ bé và mảnh mai. Phía trên áo sơ mi là mái tóc sẫm màu buộc túm về phía sau và khuôn mặt trái xoan nhỏ nhắn. Không mang đồ trang sức. Thậm chí không nhẫn cưới. Tuổi cô chừng gần bốn mươi. Có lẽ là bốn mươi. Một phụ nữ hấp dẫn. Tôi thấy thích cô ngay lập tức. Nữ thám tử trông thoải mái và thân thiện. Cô trưng phù hiệu thanh tra ra và đưa danh thiếp cho tôi. Trên đó ghi số điện thoại văn phòng và điện thoại di động của cô. Cả một địa chỉ thư điện tử do NYPD quản lý. Cô đọc to tên trên danh thiếp cho tôi nghe. Tên là Theresa Lee, chữ T và h phát âm một lượt, như theme hay therapy. Theresa. Cô không phải người châu Á. Có lẽ Lee là kết quả của một cuộc hôn nhân trước đây hoặc là phiên bản vùng đảo Ellis của tên Leigh, hoặc một cái tên khác dài hơn và phức tạp hơn. Hay có lẽ cô là hậu duệ của Robert E[8].

Cô lên tiếng, “Ông có thể cho tôi biết chính xác điều gì đã xảy ra chứ?”

Cô nói nhẹ nhàng, đôi lông mày nhướn cùng giọng nói nghe rõ cả tiếng thở chứa đầy sự quan tâm chú ý, như thể mối lo chính của cô là sự căng thẳng hậu chấn động của chính tôi. Ông có thể nói cho tôi không? Ông có thể không? Như là, ông có thể chịu nổi việc tái hiện nó không? Tôi mỉm cười, thoáng thôi. Mỗi năm số vụ án mạng ở Midtown South sụt xuống chỉ nằm ở mức một chữ số, và giả sử cô đã thụ lý toàn bộ số vụ đó kể từ ngày bắt đầu làm việc đi nữa thì tôi vẫn từng thấy nhiều xác chết hơn cô đã thấy. Gấp rất nhiều lần. Người phụ nữ trên tàu vừa rồi không phải trường hợp dễ nhìn nhất trong số đó, song còn khá hơn rất nhiều so với trường hợp khủng khiếp nhất.

Thế nên tôi nói cho cô nghe chính xác những gì đã diễn ra, toàn bộ từ phố Bleecker, hết toàn bộ bản danh sách mười một điểm, phương pháp thăm dò của tôi, đoạn hội thoại đứt quãng, khẩu súng, hành động tự sát.

Theresa Lee muốn nói về bản danh sách.

“Chúng tôi có một bản sao,” cô nói. “Đáng ra nó phải là tài liệu mật.”

“Nó đã tồn tại trên thế giới này hai mươi năm,” tôi nói. “Mọi người đều có một bản sao. Khó mà còn là bí mật nữa.”

“Ông đã xem nó ở đâu?”

“Ở Israel,” tôi nói. “Ngay sau khi nó được viết ra.”

“Xem như thế nào?”

Thế nên tôi điểm qua sơ yếu lý lịch của mình cho cô. Bản tóm lược. Bộ binh Hoa Kỳ, mười ba năm làm quân cảnh, đơn vị điều tra tinh nhuệ 110, hoạt động trên khắp thế giới, cộng thêm các nhiệm vụ riêng lẻ nơi này nơi kia, theo lệnh và khi có lệnh. Rồi đến sự sụp đổ của Liên Xô, phần cổ tức trả bằng hòa bình, ngân sách quốc phòng giảm đi, đột ngột bị cho giải ngũ.

“Sĩ quan hay lính nghĩa vụ?”

“Cấp bậc cuối cùng là thiếu tá,” tôi nói.

“Còn bây giờ?”

“Tôi đã nghỉ hưu.”

“Ông còn trẻ so với tuổi nghỉ hưu.”

“Tôi nghĩ là tôi nên tận hưởng sự về hưu khi còn có thể.”

“Và ông đang tận hưởng chứ?”

“Chưa bao giờ tuyệt hơn.”

“Lúc đêm nay ông đang làm gì? Khi ở dưới khu Village ấy?”

“Âm nhạc,” tôi nói. “Các câu lạc bộ nhạc blues ở Bleecker.”

“Và ông lên chuyến tàu tuyến 6 đi đâu?”

“Tôi đang kiếm một phòng ở đâu đó hoặc đến Port Authority để bắt xe buýt.”

“Đến đâu?”

“Bất kỳ đâu.”

“Một chuyến đi ngắn à?”

“Loại phù hợp nhất.”

“Ông sống ở đâu?”

“Chẳng đâu cả. Năm tháng của tôi là một chuyến đi ngắn tiếp sau một chuyến khác.”

“Hành lý của ông đâu?”

“Tôi không có hành lý.”

Hầu hết thám tử đều đặt thêm câu hỏi làm rõ vấn đề, nhưng Theresa Lee thì không. Thay vào đó hai mắt cô một lần nữa thay đổi điểm chú ý và cô lên tiếng: “Tôi không vui vì bản danh sách đã sai. Tôi nghĩ rằng nó phải có tính chuẩn mực kia.” Cô nói gọn lỏn, giữa hai cảnh sát với nhau, như thể nghề cũ của tôi tạo sự khác biệt gì đó với cô vậy.

“Nó chỉ sai một nửa,” tôi nói. “Phần về tự sát vẫn đúng.”

“Tôi cho là thế,” nữ thám tử nói. “Những dấu hiệu sẽ như nhau, tôi cho là thế. Nhưng nó vẫn là sự khẳng định không chuẩn.”

“Vẫn tốt hơn phủ định không chuẩn.”

“Tôi cho là thế,” cô lại nói.

Tôi hỏi, “Chúng ta có biết cô ta là ai không?”

“Vẫn chưa. Nhưng chúng tôi sẽ tìm ra. Họ nói với tôi rằng tại hiện trường họ tìm thấy một số chìa khóa và một chiếc ví. Có thể chúng sẽ giúp xác định được. Nhưng có chuyện gì với cái áo khoác đông thế?”

Tôi nói: “Tôi không biết.”

Nữ thám tử im bặt, như thể cô hết sức thất vọng. Tôi nói, “Những chuyện này luôn là thứ liên tục phát triển, luôn luôn cần bổ sung cập nhật. Cá nhân tôi cho rằng chúng ta cũng nên bổ sung điểm thứ mười hai vào bản danh sách đối với nữ. Nếu một phụ nữ mang bom bỏ khăn choàng đầu thì sẽ có dấu hiệu là nước da rám nắng, giống như ở nam giới.”

“Ý kiến hay đấy,” nữ thám tử nói.

“Mà tôi có đọc một cuốn sách cho rằng phần về các trinh nữ là phần bị dịch sai. Từ không rõ nghĩa[9]. Nó xuất hiện trong một đoạn đầy những hình tượng thức ăn. Sữa và mật. Có lẽ nghĩa là nho khô. Căng mọng, có thể được tẩm mật hay đường.”

“Họ tự sát vì nho khô sao?”

“Tôi rất muốn trông thấy cái mặt họ.”

“Ông là nhà ngôn ngữ học à?”

“Tôi nói tiếng Anh,” tôi đáp. “Và tiếng Pháp. Và tại sao một phụ nữ đánh bom lại muốn giết các trinh nữ chứ? Có rất nhiều đoạn văn bản thánh tích bị dịch sai. Đặc biệt những chỗ nói tới các trinh nữ. Thậm chí ngay cả Kinh Tân ước, có lẽ thế. Một số người nói rằng Đức mẹ Mary là người sinh con lần đầu, thế thôi. Theo như tiếng Hebrew[10]. Không phải trinh nữ. Các tác giả ban đầu chắc sẽ bật cười khi thấy chúng ta diễn giải từ đó thành những gì.”

Theresa Lee không bình luận gì về chuyện đó. Thay vào đó cô hỏi, “Ông có ổn không?”

Tôi hiểu câu đó là có ý tìm hiểu xem tôi có bị sốc không. Để xem liệu có nên cho tôi đến chỗ tư vấn tâm lý không. Có thể nữ thám tử nghĩ tôi là một người lầm lì lại đang nói quá nhiều. Nhưng tôi lầm. Tôi nói. “Tôi ổn,” khiến cô trông hơi ngạc nhiên mà bảo, “Bản thân tôi sẽ thấy tiếc về phương pháp tiếp cận. Ở trên tàu ấy. Tôi nghĩ ông đã đẩy cô ta qua miệng vực. Qua thêm vài chặng dừng nữa thì có thể cô ta đã vượt qua được bất kì điều gì lúc ấy đang khiến cô ta đau khổ rồi.”

Sau đó chúng tôi ngồi im lặng chừng một phút rồi viên trung úy to lớn thò đầu vào gật đầu làm hiệu cho Lee ra hành lang. Tôi nghe tiếng nói chuyện ngắn thầm thì rồi Lee trở vào bảo tôi đi lên phố 35 Tây với cô. Vào đồn cảnh sát khu vực.

Tôi hỏi, “Vì sao?”

Lee ngần ngừ.

“Quy định thủ tục thôi,” cô nói. “Để đánh máy lời khai của ông, để khép hồ sơ lại.”

“Tôi có quyền lựa chọn trong chuyện này không?”

“Đừng đòi hỏi tới mức ấy,” nữ thám tử nói. “Bản danh sách của Israel có liên quan đấy. Chúng tôi có thể gọi toàn bộ chuyện này là một vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Ông là nhân chứng quan trọng, chúng tôi có thể quản thúc ông cho tới khi ông già và chết. Tốt hơn là nên thực hiện vai trò của một công dân tốt đi.”

Vậy nên tôi nhún vai và theo cô ra khỏi mê cung của Ga Trung tâm tới đại lộ Vanderbilt nơi cô đỗ xe. Đó là một chiếc Crown Victoria của Ford không sơn phù hiệu cảnh sát, méo mó bám đầy bụi nhưng vẫn chạy tốt. Xe đưa chúng tôi tới phố 35 Tây ngon ơ. Chúng tôi đi vào qua cánh cổng cũ to đùng rồi cô dẫn tôi lên gác vào một phòng thẩm vấn. Cô lùi lại đợi ở hành lang và để cho tôi vào trước. Rồi cô vẫn ở ngoài hành lang, khép cửa lại sau lưng tôi và khóa cửa từ bên ngoài.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 8


HAI MƯƠI PHÚT SAU THERESA LEE trở lại bắt đầu một hồ sơ chính thức cùng một tay khác. Cô đặt tập hồ sơ lên bàn và giới thiệu người còn lại là cộng sự của cô. Cô nói tên anh ta là Docherty. Cô bảo rằng anh ta đã nghĩ ra một số câu hỏi lẽ ra phải được hỏi và trả lời ngay từ đầu. “Câu hỏi nào?” tôi hỏi.

Trước hết cô mời tôi dùng cà phê và hỏi tôi muốn đi vệ sinh không. Tôi nhận lời cả hai thứ. Docherty kèm tôi đi dọc theo hành lang và khi chúng tôi trở lại thì đã có ba chiếc cốc xốp trên bàn, cạnh tập hồ sơ. Hai cà phê, một trà. Tôi cầm cốc cà phê uống thử. Cũng được. Lee dùng trà. Docherty cầm lấy cốc cà phê thứ hai và nói, “Hãy thuật lại toàn bộ thêm lần nữa.”

Thế là tôi thuật lại, súc tích, chỉ nội dung chính, và Docherty hỏi hơi kỹ việc bản danh sách của Israel đã dẫn tới một khẳng định không chính xác như thế nào, đúng như cách Lee đã hỏi. Tôi trả lời anh ta đúng như đã trả lời Lee, rằng một khẳng định không chính xác vẫn hơn phủ định không chính xác, rằng nhìn nhận nó từ góc độ của người phụ nữ đã chết, cho dù khi ấy cô ta đang mải tìm lối thoát cho một mình mình hay đang dự định kéo một đám đông theo mình thì cũng không làm thay đổi những dấu hiệu bản thân mà cô ta biểu hiện. Trong năm phút chúng tôi có bầu không khí học tập, ba người biết điều bàn về một hiện tượng thú vị.

Rồi tình hình thay đổi.

Docherty hỏi, “Ông cảm thấy thế nào?”

Tôi hỏi, “Về chuyện gì?”

“Lúc cô ta tự sát ấy.”

“Thấy mừng vì cô ta không giết tôi.”

Docherty nói, “Chúng tôi là thám tử điều tra án mạng. Chúng tôi phải quan tâm tới mọi cái chết có tính bạo lực. Ông hiểu điều đó, phải không? Tôi hỏi chỉ để đề phòng thôi.”

Tôi hỏi, “Đề phòng gì?”

“Đề phòng có nhiều hơn những gì chỉ nhìn thấy từ bề ngoài.”

“Chẳng có gì hơn cả. Cô ta tự bắn mình.”

“Đấy là ông nói.”

“Không ai có thể nói khác đi. Bởi đó là điều đã xảy ra.”

Docherty nói, “Luôn có những tình huống giả định khác.”

“Ông nghĩ thế sao?”

“Có thể ông đã bắn cô ta.”

Theresa Lee dành cho tôi cái nhìn thông cảm.

Tôi bảo, “Tôi không bắn.”

Docherty lại nói, “Có thể đó là súng của ông.”

Tôi nói, “Không phải. Đó là khẩu súng nặng hai pound. Tôi không có túi.”

“Ông là người to lớn. Quần rộng. Các túi rộng.”

Theresa Lee lại dành cho tôi thêm một cái nhìn thông cảm nữa. Như thể cô đang nói, Tôi xin lỗi.

Tôi nói, “Thế này là thế nào? Trò cảnh sát hiền, cảnh sát đần độn à?”

Docherty nói, “Ông nghĩ tôi là cảnh sát đần độn à?”

“Chính ông vừa chứng minh đó thôi. Nếu tôi bắn cô ta bằng khẩu Magnum 357 ly thì tôi sẽ còn vương lại vết thuốc súng lên tới tận khuỷu tay. Nhưng ông vừa đứng ngoài phòng vệ sinh nam trong lúc tôi rửa tay. Ông là đồ ba que xỏ lá. Ông đã không lấy dấu vân tay của tôi và cũng không thông báo cho tôi về quyền Miranda[11]. Ông đang tung hỏa mù.”

“Chúng tôi buộc phải chắc chắn.”

“Vậy chuyên gia giám định y khoa nói gì?”

“Chúng tôi vẫn chưa biết.”

“Có các nhân chứng.”

Lee lắc đầu. “Không ích gì. Họ không trông thấy gì cả.”

“Họ phải nhìn thấy mới đúng.”

“Tầm nhìn của họ bị lưng ông chắn mất. Thêm vào đó là khi ấy họ không nhìn, rồi họ đang nửa tỉnh nửa mê, rồi họ không nói tiếng Anh mấy. Họ chẳng có gì để cung cấp. Cơ bản tôi nghĩ rằng họ muốn đi khỏi trước khi chúng tôi bắt đầu kiểm tra thẻ xanh[12].”

“Thế còn tay kia? Ông ta ở phía trước tôi. Tay ấy tỉnh như sáo. Ông ta trông giống công dân Mỹ và là người nói tiếng Anh.”

“Tay kia nào?”

“Hành khách thứ năm. Quần cô tông chéo và áo sơ mi đánh gôn.”

Lee mở tập hồ sơ. Rồi lắc đầu. “Chỉ có bốn hành khách, cộng thêm người phụ nữ.”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 9


LEE LẤY MỘT TỜ GIẤY khỏi tập hồ sơ, lật lại và đẩy ra giữa bàn. Trên đó là bản viết tay danh sách các nhân chứng. Bốn cái tên. Tên tôi, một người tên Rodriguez, một Frlujlov, một Mbele.

“Bốn hành khách,” cô nhắc lại.

Tôi nói, “Tôi là người ở trên tàu. Tôi có thể đếm. Tôi biết khi ấy có mấy hành khách.” Rồi tôi hình dung lại hiện trường trong đầu mình. Bước xuống tàu, chờ đợi trong đám đông nhỏ đi thơ thẩn xung quanh. Sự xuất hiện của nhóm nhân viên y tế. Các viên cảnh sát lần lượt bước xuống tàu, di chuyển trong đám đông, nắm lấy khuỷu tay từng người, đưa các nhân chứng tới các phòng riêng rẽ. Tôi bị viên trung úy to lớn túm trước tiên. Không thể nói được là có bốn, hay chỉ có ba viên cảnh sát, đã theo sau chúng tôi.

Tôi nói, “Chắc chắn tay đó đã lỉnh mất.”

Docherty hỏi, “Ông ta là ai?”

“Chỉ là một gã đàn ông. Tỉnh táo, nhưng không có gì đặc biệt về ông ta. Tầm tuổi tôi, không phải loại nhà nghèo.”

“Ông ta và người phụ nữ có giao tiếp với nhau bằng bất kỳ hình thức nào không?”

“Tôi không trông thấy việc ấy.”

“Ông ta có bắn cô ta không?”

“Cô ta tự bắn mình.”

Docherty nhún vai. “Vậy thì ông ta chỉ là một nhân chứng bất đắc dĩ. Không muốn hồ sơ cho thấy rằng ông ta đang lượn lờ loanh quanh vào lúc hai giờ sáng. Có lẽ đang dối vợ. Chuyện ấy lúc nào cũng có.”

“Ông ta chạy trốn. Nhưng ông lại bỏ qua ông ta và thay vào đó lại điều tra tôi hả?”

“Ông vừa mới khai rằng ông ta không liên quan đó thôi.”

“Tôi cũng không dính dáng gì hết.”

“Đấy là ông nói.”

“Ông tin điều tôi nói về tay kia chứ không tin điều tôi nói về chính tôi à?”

“Tại sao ông lại nói dối về tay đó được chứ?”

Tôi nói, “Thế này quả là phí thời gian.” Và sự thật là thế. Đó là sự lãng phí thời gian vụng về, ghê gớm đến mức tôi đột nhiên nhận ra rằng chuyện này không thật. Đó là sự dàn dựng. Tôi nhận ra rằng thực tế là Lee và Docherty đang ban một ân huệ nho nhỏ cho tôi, theo cái lối kỳ quặc của riêng họ.

Nhiều hơn những gì chỉ nhìn thấy từ bên ngoài.

Tôi nói, “Cô ta là ai?”

Docherty hỏi, “Tại sao cô ta cần là ai đó chứ?”

“Vì các ông kiểm tra nhân thân và máy tính sáng lên như thắp đèn vậy. Ai đó đã gọi cho các ông bảo ông giữ tôi cho tới khi họ tới đây. Các ông không muốn trong hồ sơ của tôi có lệnh bắt giữ nên các ông đang cầm chân tôi bằng tất cả những thứ vớ vẩn này.”

“Chúng tôi không quan tâm cụ thể tới hồ sơ của ông. Chúng tôi chỉ không muốn làm công việc liên quan tới giấy tờ.”

“Thế cô ta là ai?”

“Rõ ràng cô ta làm việc cho chính phủ. Một cơ quan liên bang đang trên đường tới thẩm vấn ông. Chúng tôi không được phép nói đó là cơ quan nào.”

Họ khóa cửa giam tôi trong phòng. Không gian nơi đó chấp nhận được. Bụi, nóng, méo mó, không cửa sổ, những tấm cáo thị phòng ngừa tội phạm đã lạc hậu với thời gian treo trên các bức tường cùng mùi của mồ hôi, của lo lắng và cà phê cháy trong không khí. Cái bàn, ba chiếc ghế. Hai dành cho các thám tử, một dành cho nghi phạm. Ngày trước có thể nghi phạm bị tát lật cả mặt và bị đạp đổ khỏi ghế. Có khi bây giờ vẫn thế. Thật khó mà nói chính xác điều gì xảy ra, trong một căn phòng không có cửa sổ.

Tôi thầm ước lượng khoảng thời gian bị trì hoãn. Đã khoảng một giờ trôi qua, kể từ cuộc nói chuyện thầm thì của Theresa Lee trong hành lang Ga Trung tâm. Nên tôi biết không phải là đám FBI[13] đến tìm tôi. Văn phòng trực chiến ở New York của họ là văn phòng lớn nhất nước Mỹ, đặt tại Tòa nhà Liên bang, gần Tòa Thị chính thành phố. Mười phút để phản ứng, mười phút để huy động một đội, mười phút để chạy lên mạn trên thành phố với xe lắp còi hụ và đèn nháy. Nếu là FBI thì đã có mặt từ lâu rồi. Nhưng nếu thế thì còn lại một loạt cơ quan liên bang khác viết tắt bằng ba chữ cái. Tôi dám cá với bản thân rằng dù ai đang chạy đến tìm tôi thì đều cũng có hai chữ cái cuối cùng là IA trên phù hiệu của họ. CIA[14]. DIA[15]. Cục Tình báo Trung ương, Cục Tình báo Quân đội. Có thể các cơ quan khác mới thành lập gần đây và giờ vẫn giữ bí mật. Những cơn hoảng loạn lúc nửa đêm rất đặc trưng cho phong cách của họ.

Sau khi giờ thứ hai trôi qua, tôi nhận định rằng chắc hẳn họ đang trên đường từ DC[16] tới, thế nghĩa là một cơ quan đặc biệt cỡ nhỏ. Chứ bất kỳ cơ quan nào khác thì đều có văn phòng địa bàn tiện điều động hơn. Tôi ngừng phỏng đoán, đẩy ghế lại phía sau và gác hai chân lên bàn làm một giấc.

Tôi không biết chính xác họ là ai. Lúc ấy thì không. Họ sẽ không nói cho tôi biết. Lúc năm giờ sáng ba người đàn ông mặc com lê bước vào đánh thức tôi. Họ lịch sự và chuyên nghiệp. Quần áo của họ thuộc mức giá trung bình, sạch sẽ phẳng phiu. Giày đánh bóng loáng. Mắt họ sáng. Tóc họ ngắn, mới cắt tỉa. Gương mặt cả ba đều hồng hào tươi tỉnh. Cơ thể họ đậm nhưng cơ bắp. Trông có vẻ những người này có thể chạy bán marathon[17] mà chẳng hề hấn gì, nhưng cũng không vui vẻ gì. Ấn tượng đầu tiên của tôi là họ rời quân ngũ chưa lâu. Những nhân viên sĩ quan hiếu chiến, được săn đón và tuyển vào một tòa nhà xây bằng đá nào đó bên trong Beltway. Những người có niềm tin thực sự, thực hiện công việc quan trọng. Tôi yêu cầu cho xem thẻ, phù hiệu và giấy tờ ủy nhiệm, nhưng họ trích dẫn Luật Yêu nước[18] với tôi và nói rằng họ không bị buộc phải tiết lộ danh phận. Có lẽ đúng, và chắc chắn họ rất thích nói như thế. Tôi tính chuyện không chịu nói gì để trả đũa, song họ đã thấy tôi tính toán, nên bèn trích dẫn thêm vài điều của luật trên với tôi, làm cho tôi biết chắc rằng sẽ có một núi rắc rối chờ phía trước nếu tôi chọn cách ấy. Tôi chẳng sợ những rắc rối ấy là mấy, nhưng việc dây dưa với các cơ quan an ninh ngày nay là nên tránh triệt để. Chắc Franz Kafka và George Orwell hẳn sẽ cho tôi cùng một lời khuyên. Thế nên tôi nhún vai bảo họ cứ tiếp tục công việc, cứ đặt câu hỏi ra đi.

Những người này bắt đầu bằng việc nói rằng họ biết tôi từng phục vụ trong quân ngũ và rất tôn trọng điều ấy, nghĩa là một lời sáo rỗng hết sức vớ vẩn, hoặc những tay này muốn nói rằng bản thân họ mới được tuyển từ lực lượng quân cảnh ra. Chẳng ai tôn trọng một quân cảnh trừ một quân cảnh khác. Rồi họ nói họ sẽ theo dõi tôi rất sát và sẽ biết tôi nói thật hay nói dối. Đó là điều hoàn toàn nhảm nhí, bởi chỉ những người giỏi nhất trong số chúng tôi mới có thể làm việc ấy, mà những tay này chẳng phải hàng giỏi nhất trong chúng tôi, bằng không họ đã giữ các vị trí rất quan trọng, nghĩa là ngay lúc này lẽ ra họ đang nằm nhà ngủ ngon lành ở một khu ngoại ô Virginia, chứ chẳng phải chạy tới chạy lui trên cao tốc I-95 giữa lúc đêm hôm.

Nhưng tôi chẳng có gì để che giấu, thế nên một lần nữa tôi bảo họ cứ tiếp tục.

Họ có ba vấn đề quan tâm. Một: Tôi có biết người phụ nữ tự sát trên tàu không? Trước đây tôi từng trông thấy cô ta hay không?

Tôi nói, “Không.” Ngắn gọn, mềm mỏng, nhẹ nhàng, nhưng quả quyết.

Họ không hỏi thêm gì nữa. Điều đó cho tôi biết sơ bộ những người này là ai và biết chính xác việc họ đang làm. Họ là đội hạng B của kẻ nào đó, được điều lên phía Bắc để bịt lại một cuộc điều tra mở. Họ đang xây tường quây kín, chôn vùi nó, dựng lên ranh giới cho một chuyện mà người ta mới chỉ hơi nghi ngờ không biết có nên bắt tay xem xét hay không. Họ muốn có câu trả lời phủ định đối với mọi câu hỏi đặt ra, để có thể khép hồ sơ và để vấn đề được yên ngủ. Họ muốn tuyệt đối không được có đầu mối sơ hở nào, và họ không muốn gây sự chú ý đối với vấn đề này bằng cách biến nó thành một trò ì xèo to tát. Họ muốn ra về với toàn bộ câu chuyện được lãng quên.

Câu hỏi thứ hai là: Tôi có biết một phụ nữ tên Lila Hoth không?

Tôi trả lời “Không,” bởi tôi không biết. Lúc ấy thì không biết.

Câu hỏi thứ ba là một cuộc nói chuyện kéo dài hơn. Tay chỉ huy khai mào. Tay đóng vai trò chính. Ông ta già hơn một chút và nhỏ người hơn một chút so với hai tay còn lại. Có thể cũng khôn ngoan hơn một chút. Ông ta cất tiếng, “Ông đã tiếp cận người phụ nữ trên tàu.”

Tôi không đáp. Tôi có mặt ở đây để trả lời các câu hỏi, chứ không phải bình luận về các nhận định.

Tay này hỏi, “Ông đã đến gần chừng nào?”

“Non hai mét,” tôi nói. “Cỡ đó.”

“Có đủ gần để chạm vào cô ta không?”

“Không.”

“Giả sử ông vươn tay ra và cô ta cũng chìa tay ra thì hai người có thể chạm tay nhau chứ?”

“Có lẽ có,” tôi đáp.

“Đó là câu trả lời có hay không?”

“Đó là có lẽ. Tôi biết tay mình dài bao nhiêu. Tôi không biết tay cô ta dài chừng nào.”

“Cô ta có chuyển thứ gì cho ông không?”

“Không.”

“Ông có nhận gì từ cô ta không?”

“Không.”

“Ông có lấy gì từ cô ta sau khi cô ta chết không?”

“Không.”

“Có ai khác lấy không?”

“Tôi không trông thấy.”

“Ông có trông thấy gì rơi từ tay, túi hay quần áo của cô ta ra không?”

“Không.”

“Cô ta bảo gì ông không?”

“Không gì cụ thể.”

“Cô ta có nói với ai khác không?”

“Không.”

Tay này lại hỏi, “Phiền ông lộn các túi ra được không?”

Tôi nhún vai. Tôi chẳng có gì để giấu. Tôi lần lượt lộn từng túi và dồn các thứ lên chiếc bàn méo mó. Một xấp tiền gập vào cùng vài đồng xu. Hộ chiếu cũ của tôi. Thẻ ATM. Bàn chải đánh răng kiểu gập. Thẻ đi tàu điện ngầm đã đưa tôi lên tàu ngay từ đầu ấy. Và tấm danh thiếp của Theresa Lee.

Tay cầm đầu dùng một ngón tay duy nhất đảo hết những thứ của tôi lên và gật đầu làm hiệu cho một trong hai tay chân của mình, tay này lại gần vỗ khắp người tôi để kiểm tra. Anh ta thực hiện công việc một cách bán chuyên nghiệp, không tìm được gì thêm và lắc đầu.

Tay chỉ huy nói, “Xin cảm ơn, ông Reacher.”

Rồi họ rời khỏi đó, cả ba, nhanh như khi vào. Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng cũng thấy mừng. Tôi cho các thứ đồ của mình vào túi như cũ và đợi họ rời hẳn khỏi hành lang rồi mới bước ra. Nơi này yên ắng. Tôi trông thấy Theresa Lee ngồi ở bàn chẳng làm gì còn tay cộng sự Docherty của cô đang đưa một người đàn ông ngang qua phòng họp tới một ngăn làm việc tách biệt ở phía sau. Người này tầm bốn mươi tuổi, cỡ người trung bình và hết sức mệt mỏi. Ông ta mặc chiếc áo phông xám nhăn nhúm và chiếc quần thể thao dày màu đỏ. Ông ta đã ra khỏi nhà mà không chải tóc. Đó là điều rõ ràng. Tóc màu xám và lỉa chỉa tứ tung. Theresa Lee thấy tôi nhìn liền nói, “Người nhà nạn nhân.”

“Của người phụ nữ à?”

Lee gật đầu. “Trong ví cô ấy có địa chỉ liên hệ. Đó là em cô ấy. Ông ấy cũng là cảnh sát. Một thành phố nhỏ ở New Jersey. Ông ấy đã chạy xe thẳng tới đây.”

“Tội nghiệp ông ta.”

“Tôi biết. Chúng tôi không yêu cầu ông ấy xác minh nhân dạng theo đúng quy định. Cô ấy nát bét mất rồi. Chúng tôi bảo ông ấy rằng phương án xử lý là một quan tài đóng kín. Ông ấy hiểu được thông điệp ấy.”

“Vậy cô chắc chắn đó là cô ta chứ?”

Lee gật đầu thêm lần nữa. “Dấu vân tay.”

“Cô ta là ai?”

“Tôi không được phép nói.”

“Tôi đã xong việc ở đây chưa?”

“Các nhân viên điều tra liên bang đã xong việc với ông chưa?”

“Chắc là rồi.”

“Thế thì chuồn đi. Ông xong việc rồi.”

Tôi đi lên hết cầu thang thì Lee gọi với sau lưng. Cô nói, “Tôi không có ý gì khi nói đến việc đẩy cô ấy qua miệng vực đâu.”

“Có, cô đã có ý đó,” tôi nói. “Và có lẽ cô nói đúng.”

Tôi bước vào bầu không khí mát mẻ của buổi bình minh, rẽ trái sang phố 35 và hướng về phía Đông. Ông xong việc rồi. Nhưng không phải. Ngay góc phố đằng kia là bốn gã khác đang đợi nói chuyện với tôi. Cũng giống kiểu mấy tay lúc nãy, nhưng không phải người của liên bang. Những bộ com lê của họ quá đắt tiền.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 10


THẾ GIỚI Ở ĐÂU CŨNG LÀ CẢ MỘT KHU RỪNG NHIỆT ĐỚI, nhưng New York là nơi tụ hội những điểm đặc trưng nhất của nó. Thứ gì có ích ở nơi khác thì có tầm quan trọng sống còn ở một thành phố lớn. Ta trông thấy bốn gã đàn ông tập trung ở một góc phố đợi mình, hoặc ta chẳng hề do dự chạy như ma đuổi theo hướng ngược lại, hoặc ta tiếp tục bước đi mà chẳng hề tăng hay giảm tốc hay thay đổi sải chân. Ta nhìn về phía trước với vẻ bình thản được tính toán kỹ, ta dò xét nét mặt của họ, ta nhìn đi nơi khác, cứ như thể ta đang nói các anh chỉ có thế này thôi hả?

Sự thật thì, chạy là lựa chọn khôn ngoan hơn. Trận đánh thắng lợi nhất là trận ta không phải tham gia. Nhưng tôi chưa bao giờ tự coi mình là kẻ khôn ngoan. Chỉ cứng đầu, và đôi khi nóng nảy. Một số kẻ đá chó đuổi mèo. Tôi thì tiếp tục bước.

Các bộ com lê đều có màu tím than và trông có vẻ xuất phát từ một loại cửa hiệu gắn biển mang một cái tên nước ngoài. Đám đàn ông trong những bộ trang phục này trông có vẻ giỏi giang. Như các NCO[19]. Am tường mọi đường đi nước bước trên thế giới, tự hào về khả năng hoàn thành công việc. Chắc chắn đám này từng là người của quân đội, hoặc từng là nhân viên thi hành pháp luật, hoặc cả hai. Đây là loại người đã tiến thêm một bước trên bảng lương và bước xa một bước khỏi mọi quy định và luật lệ, và coi rằng cả hai bước đó đều hữu ích như nhau.

Chúng tách thành hai cặp khi tôi vẫn còn cách bốn sải chân. Chừa đủ chỗ cho tôi bước qua nếu tôi muốn, nhưng gã bên trái nâng cả hai bàn tay lên một chút mà vỗ vào không khí, động tác biểu thị cả hai ý Xin hãy dừng lại và Chúng tôi không có gì nguy hiểm. Bước chân tiếp theo, tôi dành để quyết định. Ta không thể để mình lọt vào giữa bốn gã. Hoặc ta dừng lại sớm hoặc ta phóng qua. Vào thời điểm đó các lựa chọn của tôi vẫn để ngỏ. Dừng lại cũng dễ, mà đi tiếp cũng dễ. Nếu chúng khép lại khi tôi vẫn đang di chuyển thì chúng sẽ đổ gục như những quả ki bowling. Tôi nặng trên trăm mốt cân và di chuyển với tốc độ trên sáu kilômet một giờ. Chúng không nặng bằng, cũng không di chuyển nhanh bằng.

Còn hai bước nữa, gã cầm đầu lên tiếng, “Chúng ta nói chuyện được chứ?”

Tôi dừng bước. Hỏi, “Về chuyện gì?”

“Ông là nhân chứng, phải không?”

“Nhưng các ông là ai?”

Tay này trả lời bằng cách lật vạt trước áo ngoài, từ từ và không có chút gì đe dọa, cho tôi thấy chẳng có gì ngoài lớp lót xa tanh đỏ và một chiếc sơ mi. Không súng, không bao súng, không thắt lưng. Gã thò tay phải vào túi trong bên trái lấy ra một tấm danh thiếp. Rồi cúi người về trước đưa cho tôi. Đó là một thứ rẻ tiền. Dòng đầu ghi: Công ty Sure & Certain[20]. Dòng thứ hai ghi: Bảo vệ, Điều tra, Can thiệp. Dòng thứ ba ghi một số điện thoại, mã khu vực 212. Mã vùng Manhattan.

“Kinko’s[21] là nơi tuyệt vời,” tôi nói. “Phải không? Có khi tôi sẽ nhận được cả chín danh thiếp ghi John Smith, Vua thế giới.”

“Danh thiếp này là đồ thật đấy,” gã chỉ huy nói. “Và chúng tôi cũng là hợp pháp.”

“Các ông làm việc cho ai?”

“Chúng tôi không nói được.”

“Thế thì tôi không thể giúp các ông rồi.”

“Ông nói chuyện với chúng tôi vẫn tốt hơn nói với ông chủ chúng tôi. Chúng tôi có thể đảm bảo hành xử văn minh.”

“Giờ thì tôi thực sự sợ đấy.”

“Chỉ vài câu hỏi thôi. Chỉ có thế. Giúp cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ là những người làm công, cố gắng được trả thù lao. Giống như ông.”

“Tôi không phải người làm công. Tôi là một quý ông nhàn nhã.”

“Thế thì cứ ngồi cành cao của ông và khinh thường chúng tôi để rồi hối hận nhé.”

“Những câu hỏi là gì?”

“Cô ta có trao gì cho ông không?”

“Ai?”

“Ông biết là ai. Ông có nhận gì từ cô ta không?”

“Và gì nữa? Câu hỏi tiếp theo là gì?”

“Cô ta có nói gì không?”

“Cô ta nói nhiều. Cô ta nói suốt chặng đường từ Bleecker đến ga Trung tâm.”

“Nói gì?”

“Tôi không nghe được nhiều.”

“Thông tin hả?”

“Tôi không nghe thấy.”

“Cô ta có nhắc tới những cái tên không?”

“Có thể đã nhắc.”

“Cô ta có nói đến cái tên Lila Hoth không?”

“Tôi không nghe thấy thứ đó.”

“Cô ta có nói John Sansom không?”

Tôi không đáp. Tay kia hỏi, “Thế nào?”

Tôi nói, “Tôi đã nghe cái tên này ở đâu đó.”

“Từ cô ta hả?”

“Không.”

“Cô ta có trao cho ông thứ gì không?”

“Thứ đó kiểu gì?”

“Bất kỳ thứ gì.”

“Cho tôi biết điều đó có gì khác nào.”

“Ông chủ chúng tôi muốn biết.”

“Bảo ông ta tự đến mà hỏi tôi.”

“Tốt hơn nên nói với chúng tôi.”

Tôi mỉm cười và tiếp tục bước, qua khoảng trống chúng đã tạo ra. Nhưng một trong những gã đứng bên phải bước sang một bên và gắng đẩy tôi trở lại. Tôi túm lấy cả vai và ngực rồi đẩy gã bắn ra. Gã lại tấn công tôi lần nữa, tôi dừng bước, dứ trái dứ phải rồi chuồi về phía sau gã và đẩy mạnh vào lưng gã khiến gã đâm bổ về phía trước tôi. Áo khoác của gã có một đường xẻ tà duy nhất ở giữa. May kiểu Pháp. Com lê kiểu Anh chuộng hai đường xẻ ở hai bên còn kiểu Ý thì không xẻ đường nào. Tôi chúi xuống mỗi tay túm một đuôi áo và giật mạnh khiến đường may rách toạc dọc theo cả phần lưng. Rồi tôi xô mạnh gã này lần nữa. Gã nhào về phía trước và bổ sang phải. Chiếc áo ngoài chỉ còn bám vào gã bằng phần cổ áo. Phía trước không có khuy, phía sau mở toang, trông hệt như chiếc áo của bệnh nhân.

Rồi tôi chạy ba bước, dừng và ngoái lại. Cứ tiếp tục bước chầm chậm sẽ oai hơn nhiều nhưng cũng ngu ngốc hơn nhiều. Khỏi phải bận tâm suy nghĩ là tốt rồi, nhưng sẵn sàng còn tốt hơn. Bốn tên bọn chúng đang rơi vào khoảnh khắc không biết quyết định ra sao. Chúng muốn túm tôi. Điều đó thì chắc rồi. Nhưng chúng đang ở trên phố 35 Tây vào lúc bình minh. Vào giờ này, gần như toàn bộ xe chạy trên đường là xe cảnh sát. Thế nên rốt cuộc chúng chỉ trừng trừng nhìn tôi và bỏ đi. Bốn tên băng qua phố 35 theo một hàng và đến góc phố thì đi về phía Nam.

Ông xong việc rồi.

Nhưng chưa. Tôi xoay người bỏ đi thì một người đàn ông bước ra khỏi đồn cảnh sát khu vực và đuổi theo tôi. Chiếc áo phông xám nhăn nhúm, chiếc quần thể thao dày màu đỏ, tóc màu xám lỉa chỉa tứ tung. Người nhà nạn nhân. Người em trai. Viên cảnh sát từ một thành phố nhỏ ở New Jersey. Anh ta bắt kịp tôi, túm chặt lấy khuỷu tay tôi như dính keo và nói với tôi rằng anh ta đã trông thấy tôi lúc còn trong kia và đoán tôi là nhân chứng. Rồi anh ta bảo tôi rằng chị gái mình không tự sát.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 11


TÔI ĐƯA NGƯỜI ĐÀN ÔNG TỚI một quán cà phê trên đại lộ Tám. Cách đây đã lâu tôi được cử tới tham dự một hội thảo của lực lượng quân cảnh tổ chức ở Fort Rucker[22], để học về sự nhạy cảm đối với những người mới bị mất người thân. Đôi khi quân cảnh phải chuyển tin dữ đến người thân. Chúng tôi gọi đó là các thông điệp chết chóc. Hồi ấy kỹ năng của tôi bị coi là chưa đủ. Tôi thường chỉ bước vào nhà và báo tin cho họ. Tôi nghĩ đó là bản chất của một thông điệp. Nhưng rõ ràng tôi đã sai. Thế nên tôi được cử tới Rucker. Tôi đã học được những điều hữu ích ở đó. Tôi học cách coi trọng cảm xúc. Trên hết tôi học được rằng các tiệm ăn, nhà hàng và quán cà phê là môi trường thích hợp để chuyển các tin xấu. Không khí chốn công cộng có thể hạn chế khả năng suy sụp, quá trình gọi đồ, chờ đợi và nhấm nháp sẽ ngắt dòng thông tin theo lối khiến cho việc tiếp nhận nó được dễ dàng hơn.

Chúng tôi chọn một ô cạnh một tấm gương. Điều đó cũng có tác dụng trợ giúp. Anh có thể nhìn nhau qua gương. Mặt đối mặt, song không thực sự như vậy. Quán đầy chừng một nửa. Cảnh sát từ đồn khu vực tới, cánh lái xe taxi trên đường tới các ga ra khu West Side. Chúng tôi gọi cà phê. Tôi cũng muốn gọi cả đồ ăn, nhưng tôi sẽ không ăn nếu anh ta không ăn. Như thế là thiếu tôn trọng. Anh ta bảo mình không đói. Tôi ngồi im lặng, chờ đợi. Để cho họ nói trước, các chuyên gia tâm lý ở Rucker đã bảo thế.

Người đàn ông nói với tôi anh ta là Jacob Mark. Nguyên thủy là Markakis thời ông nội anh ta, cái thời một cái tên Hy Lạp chẳng có ích cho ai, trừ phi người đó làm trong ngành ăn uống, mà ông của anh ta lại không làm nghề đó. Ông anh ta làm trong ngành xây dựng. Vì thế mới đổi tên. Anh ta bảo tôi có thể gọi anh là Jake. Tôi bảo anh có thể gọi tôi là Reacher. Anh bảo tôi anh là cảnh sát. Tôi bảo rằng một thời tôi cũng đã là cảnh sát, trong quân đội. Anh nói rằng anh không có gia đình, sống một mình. Tôi bảo tôi cũng thế. Hãy thiết lập những điểm chung, các thầy ở Rucker đã dạy mà. Quan sát gần và bỏ qua sự lôi thôi bên ngoài của anh ta, Mark là người chỉn chu. Anh có lớp vỏ hào nhoáng nhuốm sự mệt mỏi của cảnh sát, nhưng đằng sau đó là một người đàn ông bình thường sống ở ngoại ô. Nếu gặp một nhà hướng nghiệp khác thì có lẽ anh ta đã trở thành giáo viên dạy khoa học hay nha sĩ hay quản lý bán phụ tùng ô tô. Anh ngoài bốn mươi tuổi, tóc đã ngả gần hết sang màu xám, song gương mặt trông còn trẻ, không có nếp nhăn. Hai mắt anh màu sẫm, mở to và nhìn chằm chằm, nhưng đấy chỉ là tạm thời. Vài giờ trước, lúc đi ngủ, chắc chắn anh còn là một người đàn ông điển trai. Tôi thấy quý anh khi nhìn anh, và thương cho hoàn cảnh của anh.

Jake hít một hơi và bảo tôi rằng chị gái anh tên Susan Mark. Một thời tên Susan Molina, song đã ly dị nhiều năm và lấy lại tên thời con gái. Hiện sống một mình. Anh nói về chị gái bằng động từ thời hiện tại. Còn lâu anh ta mới chấp nhận nổi thực tế.

Anh nói: “Không thể có chuyện chị ấy tự sát. Chỉ là không thể nào.”

Tôi nói: “Jake này, tôi đã ở đó.”

Nữ phục vụ mang cà phê tới và chúng tôi ngồi yên lặng một lúc nhâm nhi cà phê. Cho thời gian qua đi, để một chút sự thật nữa ngấm vào. Các chuyên gia tâm lý ở Rucker đã nói rõ: những người mới mất người thân có chỉ số IQ của chó săn Labrador. Thiếu tế nhị, bởi họ là người quân đội, nhưng lại chính xác, bởi họ là chuyên gia tâm lý.

Jake nói, “Vậy hãy nói cho tôi nghe chuyện đã xảy ra.”

Tôi hỏi, “Anh quê ở đâu?”

Anh nói tên một thành phố nhỏ ở Bắc New Jersey, nằm sâu trong phạm vi mạng lưới tàu điện ngầm của bang New York, đầy những người dùng phương tiện giao thông công cộng đi về làm việc trong ngày và các bà mẹ suốt ngày đưa đón con cái, giàu có, an toàn, thỏa mãn. Anh cho biết cơ quan cảnh sát được cấp ngân sách dư dả, trang bị tốt, nhìn chung là không thiếu nhân sự. Tôi hỏi anh xem cơ quan anh có một bản sao của bản danh sách Israel hay không. Anh ta bảo rằng sau vụ Tháp Đôi, mọi cơ quan cảnh sát ở đất nước này đều chìm ngập trong giấy tờ, mọi cảnh sát đều được yêu cầu học từng điểm một của mọi danh sách.

Tôi nói, “Chị gái anh hành động lạ lắm, Jake. Cô ấy thể hiện mọi dấu hiệu. Cô ấy trông giống như một kẻ đánh bom tự sát.”

“Vớ vẩn,” anh nói, đúng như một người em trai tốt cần nói.

“Rõ ràng là cô ấy không phải thế rồi,” tôi nói. “Nhưng nếu là tôi thì anh cũng sẽ nghĩ như vậy. Khi đã được đào tạo, anh sẽ phải nghĩ như thế.”

“Vậy thì bản danh sách nói nhiều về tự sát hơn là đánh bom.”

“Rõ ràng rồi.”

“Chị ấy không phải người không hạnh phúc.”

“Chắc chắn là có đấy.”

Anh ta không trả lời. Chúng tôi nhấp thêm chút cà phê nữa. Người ta đến và đi. Hóa đơn được thanh toán, tiền boa được để lại. Xe cộ đông dần trên đại lộ Tám.

Tôi nói, “Nói cho tôi nghe về cô ấy đi.”

Jake hỏi, “Chị ấy dùng súng kiểu gì?”

“Một khẩu Ruger Speed-Six cũ.”

“Súng của bố tôi. Chị ấy thừa kế khẩu đó.”

“Cô ấy sống ở đâu? Ở đây, trong thành phố à?”

Anh ta lắc đầu. “Annandale, Virginia.”

“Anh có biết là cô ấy lên trên này không?” Anh ta lại lắc đầu.

“Vì sao cô ấy tới đây?”

“Tôi không biết.”

“Sao cô ấy lại mặc một chiếc áo khoác mùa đông?”

“Tôi không biết.”

Tôi nói, “Một số nhân viên điều tra liên bang đã tới đặt câu hỏi với tôi. Rồi một số tay làm thuê gặp tôi, ngay trước khi anh gặp. Tất cả đều nói về một phụ nữ tên Lila Hoth. Anh đã bao giờ nghe thấy cái tên đó từ chị mình chưa?”

“Chưa.”

“Thế còn John Sansom?”

“Ông ta là một nghị sĩ bang North Carolina. Muốn trở thành thượng nghị sĩ. Một tay rất cứng rắn.”

Tôi gật đầu. Tôi lờ mờ nhớ. Mùa bầu cử đang tăng nhiệt. Tôi đã thấy những bài viết trên báo và phóng sự trên truyền hình. Sansom là một tay bước vào chính trường muộn, hiện là một ngôi sao đang lên. Ông ta được nhìn nhận là người cứng rắn, không khoan nhượng. Và đầy tham vọng. Ông ta đã kinh doanh thành công một thời gian và trước đó đã thành công trong quân đội. Ông ta ngầm nói tới sự nghiệp vinh quang trong Lực lượng Đặc biệt mà không cung cấp thông tin chi tiết. Sự nghiệp trong Lực lượng Đặc biệt là hữu ích cho mấy chuyện đó. Hầu hết những việc họ làm đều bí mật, hoặc có thể được gọi là bí mật.

Tôi hỏi, “Chị anh có bao giờ nhắc tới Sansom không?”

Anh đáp, “Tôi không nghĩ là từng nhắc.”

“Cô ấy có biết ông ta không?”

“Tôi không thể thấy làm thế nào chị ấy quen ông ta được.”

Tôi hỏi, “Cô ấy kiếm sống bằng nghề gì?”

Anh ta không nói cho tôi biết.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 12


ANH TA KHÔNG CẦN PHẢI BẢO TÔI. Tôi đã biết nhiều thông tin đủ để đoán ra gần đúng. Những dấu vân tay của cô trong hồ sơ và ba nhân viên là cựu sĩ quan với gương mặt hồng hào kia hộc tốc chạy hết cả đường cao tốc tới gặp tôi nhưng lại ra đi chỉ sau vài phút. Thế tức là Susan Mark hẳn thuộc một đơn vị nào đó trong quân đội, nhưng không có vị trí cao. Và cô ta sống ở Annandale, Virginia. Theo như tôi nhớ thì nằm ở Tây Nam Arlington. Có khi đã thay đổi kể từ lần gần nhất tôi có mặt ở đó. Nhưng có lẽ vẫn là một nơi tốt để sống, và vẫn là tuyến đường tàu điện thuận lợi tới tòa nhà văn phòng lớn nhất thế giới. Đường 244, từ đầu nọ tới đầu kia.

“Cô ấy làm ở Lầu Năm góc,” tôi nói.

Jake bảo, “Chị ấy không được phép nói chuyện về công việc của mình.”

Tôi lắc đầu. “Nếu đó thực sự là bí mật, cô ấy đã nói với anh rằng cô ấy làm việc cho một cửa hàng Wal-Mart.”

Anh ta không trả lời.

Tôi nói: “Một thời tôi đã có phòng làm việc trong Lầu Năm góc. Tôi quen nơi đó. Không tin cứ thử kiểm tra.”

Jake ngừng một chút rồi nhún vai nói, “Susan là nhân viên dân sự. Nhưng chị ấy làm cho công việc nghe có vẻ thú vị. Chị tôi làm việc cho một cơ quan tên là CGUSAHRC. Chị ấy không bao giờ nói cho tôi nghe nhiều về cơ quan này. Chị ấy làm như nơi đó cứ hễ nhắc đến là phải thầm thì bí mật ấy. Giờ đây người ta không thể nói nhiều, sau vụ Tháp Đôi.”

“Đó không phải một cơ quan,” tôi nói. “Đó là một người. CGUSAHRC nghĩa là Commanding General, United States Army, Human Resources Command[23]. Và nó chẳng thú vị lắm đâu. Đó là một cơ quan về nhân sự. Công việc liên quan tới hồ sơ, giấy tờ.”

Jake không nói gì. Tôi nghĩ tôi đã làm anh phật ý, khi làm giảm tầm quan trọng công việc của chị gái anh. Có khi cuộc hội thảo ở Rucker chưa dạy đủ cho tôi. Có lẽ tôi đã phải chú ý nhiều hơn mới đúng. Im lặng kéo dài quá mức một chút và trở nên khó xử. Tôi hỏi, “Cô ấy có nói cho anh biết chút gì về nó không?”

“Không hẳn. Có lẽ chẳng có gì nhiều để kể.” Anh nói câu này với giọng lộ chút cay đắng, như thể chị gái mình bị bắt quả tang nói dối vậy.

Tôi nói: “Người ta tô vẽ mọi thứ, Jake. Đó là bản chất con người. Và thường thì việc đó không có gì hại cả. Có khi cô ấy chỉ muốn cạnh tranh, bởi anh là cảnh sát.”

“Chúng tôi không gần gũi với nhau.”

“Anh với cô ấy vẫn là người nhà mà.”

“Tôi đoán là thế.”

“Cô ấy có thích công việc không?”

“Có vẻ thích. Chắc chắn việc đó hợp với chị ấy. Chị tôi có những kỹ năng hợp với một cơ quan làm về hồ sơ. Trí nhớ tuyệt vời, tỉ mỉ, rất có tính tổ chức. Chị ấy giỏi sử dụng máy tính.”

Sự yên lặng trở lại. Tôi lại bắt đầu nghĩ về Annadale. Một cộng đồng dễ chịu nhưng không có gì nổi bật. Cơ bản là một khu chung cư. Trong điều kiện hiện tại thì nơi đó chỉ có một đặc điểm lớn.

Nó cách rất xa thành phố New York.

Chị ấy không phải người không hạnh phúc.

Jake lên tiếng, “Gì vậy?”

Tôi đáp, “Không có gì. Không liên quan đến chuyện của tôi.”

“Nhưng cái gì chứ?”

“Chỉ suy nghĩ thôi.”

“Về chuyện gì?”

Nhiều hơn những gì chỉ nhìn thấy từ bên ngoài.

Tôi hỏi. “Anh làm cảnh sát được bao lâu rồi?”

“Mười tám năm.”

“Ở yên một nơi cả à?”

“Tôi huấn luyện trong với cảnh sát địa phương. Sau đó tôi chuyển. Như một hệ thống nông trang vậy.”

“Anh từng thấy nhiều vụ tự sát ở Jersey chưa?”

“Một đến hai vụ mỗi năm, có lẽ thế.”

“Có ai thấy những vụ ấy chuẩn bị diễn ra không?”

“Không hẳn. Thường những vụ đó diễn ra rất bất ngờ.”

“Như vụ này.”

“Đúng thế.”

“Nhưng sau mỗi vụ hẳn phải có lý do nào đó.”

“Luôn thế. Tài chính, tình dục, một việc khốn nạn nào đấy chuẩn bị vỡ lở.”

“Thế là chắc chắn chị anh đã phải có một lý do.”

“Tôi không biết là gì.”

Tôi một lần nữa im lặng. Jake nói, “Nói ra đi. Cho tôi biết.”

“Không phải trách nhiệm của tôi.”

“Anh từng là cảnh sát,” anh nói. “Anh đang thấy điều gì đó.”

Tôi gật đầu và nói, “Tôi đoán là trong số những vụ tự sát anh từng biết, có lẽ bảy trong số mười vụ diễn ra ở nhà, ba vụ còn lại thì họ đánh xe tới một đoạn đường nội hạt địa phương và giật van xả khí là xong.”

“Ít nhiều như thế.”

“Nhưng luôn ở một nơi nào đó quen thuộc. Nơi nào đó cô độc và yên tĩnh. Luôn là một dạng đích đến. Anh đến đó, anh trấn tĩnh bản thân, anh hành động.”

“Anh đang nói gì thế?”

“Tôi đang nói rằng tôi chưa bao giờ nghe nói về một vụ tự sát mà người ta di chuyển khỏi nhà vài trăm dặm và tự sát khi chuyến đi vẫn đang diễn ra.”

“Tôi đã nói với anh rồi đó.”

“Anh nói với tôi rằng cô ấy không tự sát. Nhưng cô ấy đã làm thế. Tôi đã trông thấy cô ấy làm việc đó. Nhưng tôi đang nói rằng cô ấy làm việc đó một cách hết sức không bình thường. Thực tế là tôi không nghĩ trước đây từng nghe về vụ tự sát nào diễn ra trong một toa xe điện ngầm. Có thể là bên dưới, chứ không phải trong toa. Anh đã bao giờ nghe về vụ tự sát nào diễn ra trên phương tiện giao thông công cộng, trong lúc nó đang chạy chưa?”

“Thế thì sao chứ?”

“Chẳng sao cả. Tôi chỉ hỏi, có vậy thôi.”

“Tại sao thế?”

“Bởi vì là thế. Hãy nghĩ như một cảnh sát đi, Jake. Không phải với tư cách một người em. Anh làm gì khi mọi chuyện quá bất thường?”

“Ta đào sâu hơn.”

“Thế thì làm đi.”

“Việc đó sẽ không thể đưa chị tôi trở lại.”

“Nhưng hiểu được một việc sẽ rất có ích.” Đó cũng là một khái niệm người ta dạy ở Fort Rucker. Nhưng không phải dạy trong lớp học tâm lý.

Tôi dùng thêm một lượt cà phê còn Jacob Mark cầm một gói đường lên lật đi lật lại giữa các ngón tay, để đường bột chảy từ đầu này sang đầu kia của túi giấy hình chữ nhật, rơi qua rơi lại, như một chiếc đồng hồ cát. Tôi có thể thấy rằng đầu anh ta đang hoạt động như một cảnh sát còn trái tim anh làm việc với chức năng một người em. Tất cả đều thể hiện qua nét mặt anh. Đào sâu hơn. Việc đó sẽ không thể đưa chị tôi trở lại.

Anh hỏi, “Còn gì khác không?”

“Có một hành khách bỏ đi trước khi NYPD kịp tiếp cận.”

“Ai?”

“Chỉ là một người đàn ông. Cảnh sát cho rằng tay đó không muốn lưu tên trên hệ thống. Họ nhận định rằng có lẽ tay đó đang dối vợ.”

“Có thể.”

“Đúng,” tôi nói. “Có thể.”

“Và gì?”

“Cả nhân viên điều tra liên bang lẫn mấy tay làm thuê đều hỏi tôi là chị gái anh có đưa cho tôi thứ gì không.”

“Thứ kiểu gì?”

“Họ không nói cụ thể. Tôi đoán là thứ gì đó nho nhỏ.”

“Bọn người liên bang là ai?”

“Họ không nói.”

“Còn những kẻ làm thuê là ai?”

Tôi nhấc người lên khỏi ghế, lấy tấm danh thiếp từ túi hậu ra. Loại rẻ tiền, đã bị nhăn, bị nhuốm xanh một chút từ chiếc quần bò của tôi. Quần mới, chất nhuộm mới. Tôi đặt tấm danh thiếp lên bàn, quay ngược lại, đẩy sang phía kia bàn. Jake đọc chậm rãi, có lẽ đọc hai lần. Công ty Sure & Certain. Bảo vệ, Điều tra, Can thiệp. Số điện thoại. Anh ta lấy máy di động bấm số. Tôi nghe thấy khoảng ngắt và tiếng chuông vui nhộn nho nhỏ ba tiếng một, rồi một tin nhắn được ghi âm sẵn. Jake gập máy di động và bảo, “Không hoạt động. Số ma.”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 13


TÔI GỌI THÊM MỘT LƯỢT CÀ PHÊ NỮA. Jake chỉ chằm chằm nhìn nữ nhân viên phục vụ như thể chưa bao giờ nghe nói tới nghề của cô ta. Rốt cuộc cô ta phát chán bỏ đi. Jake đẩy trả tấm danh thiếp cho tôi. Tôi nhặt nó lên đút túi còn anh thì nói, “Tôi không thích chuyện này.”

Tôi nói, “Tôi cũng không thích.”

“Chúng ta nên trở lại nói chuyện với NYPD.”

“Cô ấy đã tự sát, Jake. Đó là điểm mấu chốt. Đó là tất cả những gì họ muốn biết. Họ không quan tâm việc đó diễn ra thế nào hoặc ở đâu hay tại sao.”

“Họ nên quan tâm.”

“Có lẽ thế. Nhưng họ không quan tâm. Anh có quan tâm không?”

“Có lẽ không,” anh ta đáp. Tôi nhìn thấy hai mắt Jake vô hồn. Có lẽ anh đang điểm lại những vụ cũ của mình trong đầu. Những ngôi nhà rộng lớn, những con đường đầy lá, những luật sư sống xa hoa bằng tiền dành dụm của khách hàng, không thể làm được gì tốt, rút chạy trước khi bị mang tiếng, dính bê bối hay bị khai trừ khỏi đoàn luật sư. Hoặc các giáo viên, với các học sinh dính bầu. Hoặc những người đàn ông trong gia đình, với người tình đồng tính ở Chelsea hay West Village. Các cảnh sát địa phương, đầy sự khéo léo và cảm thông, vóc dáng to lớn, thâm nhập vào các khu dân cư yên tĩnh, gọn gàng, kiểm tra hiện trường, xác định các bằng chứng, đánh máy báo cáo, khép hồ sơ, quên, chuyển sang vụ việc tiếp theo, không quan tâm thế nào, ở đâu hay tại sao.

Jake nói, “Anh có một giả thuyết à?”

Tôi nói, “Còn quá sớm để hình thành một giả thuyết. Tất cả những gì chúng ta đạt được cho đến giờ là các thực tế.”

“Những thực tế nào?”

“Lầu Năm Góc không hoàn toàn tin tưởng chị anh.”

“Nói vậy nghe đau.”

“Cô ấy nằm trong danh sách bị theo dõi, Jake. Chắc chắn là thế. Ngay khi tên cô ấy được nhập vào hệ thống, những tay nhân viên điều tra liên bang kia lên đường ngay. Ba gã cả thảy. Đó là một quy trình.”

“Họ đã không ở lâu.”

Tôi gật đầu. “Thế nghĩa là họ không nghi ngờ nhiều lắm. Họ thận trọng, chỉ có thế thôi. Có khi trong đầu họ nghĩ đến chuyện lặt vặt gì đó, nhưng họ không thực sự tin. Họ đến đây để loại trừ khả năng nó tồn tại.”

“Loại chuyện gì?”

“Thông tin,” tôi nói. “Đó là tất cả những gì Bộ Tư lệnh Nhân lực có.”

“Họ nghĩ là chị tôi đang chuyển giao thông tin à?”

“Họ muốn loại trừ khả năng đó.”

“Nghĩa là ở thời điểm nào đó họ cho rằng có việc đó.”

Tôi gật đầu lần nữa. “Có lẽ người ta đã trông thấy cô ấy ở trong một văn phòng không nên vào, mở một tủ hồ sơ không nên mở. Có lẽ họ cho rằng có một lời giải thích không liên quan, nhưng họ muốn chắc chắn. Hoặc có lẽ một thứ gì đó bị mất, họ không biết theo dõi ai nên theo dõi toàn bộ.”

“Loại thông tin nào?”

“Tôi không biết.”

“Kiểu như một hồ sơ bị sao chụp hả?”

“Nhỏ hơn thế,” tôi nói. “Một mẩu giấy gập vào, một thẻ nhớ máy tính. Thứ gì đó có thể trao tay trên một toa xe điện ngầm.”

“Chị ấy là người yêu nước. Chị ấy yêu đất nước mình. Chị ấy sẽ không làm việc đó.”

“Và cô ấy đã không làm việc đó. Cô ấy không đưa thứ gì cho ai cả.”

“Vậy là chúng ta không có gì hết.”

“Chúng ta có việc chị anh ở cách nhà vài trăm dặm với một khẩu súng đã nạp đạn.”

“Và lo sợ,” Jake nói.

“Mặc áo khoác mùa đông khi thời tiết nóng trên ba mươi độ.”

“Với hai cái tên nhảy nhót trong đầu,” anh nói. “John Sansom và Lila Hoth, dù cô ta là kẻ quái quỷ nào. Mà Hoth nghe có vẻ là tên nước ngoài.”

“Có một thời Markakis cũng thế.”

Anh ta một lần nữa im lặng và tôi nhấp cà phê. Trên đại lộ Tám dòng xe cộ chạy chậm hơn. Giờ cao điểm buổi sáng đang hình thành. Mặt trời đã lên, hơi chếch về phía Đông Nam. Những tia nắng không thẳng hàng với những đường kẻ trên phố. Chúng tạo thành một góc thấp và đổ bóng chéo, dài.

Jake lên tiếng, “Hãy cho tôi điểm để bắt đầu.”

Tôi bảo, “Chúng ta không biết đủ.”

“Suy đoán đi.”

“Tôi không thể. Tôi có thể nghĩ ra một câu chuyện, nhưng nó sẽ đầy các lỗ hổng. Mà trên hết nó có thể là một câu chuyện hoàn toàn sai.”

“Cứ thử xem. Cho tôi điều gì đó. Như là động não ấy.”

Tôi nhún vai. “Anh đã bao giờ gặp tay nào từng nằm trong Lực lượng Đặc biệt chưa?”

“Hai hay ba gì đó. Có khi bốn hoặc năm, nếu tính cả những cảnh sát tuần tra xa lộ mà tôi biết.”

“Có lẽ anh chưa gặp đâu. Hầu hết những sự nghiệp trong Lực lượng Đặc biệt chưa bao giờ thực sự xảy ra. Kiểu như những người tuyên bố đã từng ở Woodstock[24] ấy. Cứ tin tất cả họ đi, cái đám đông hồi đấy phải đến cả mười triệu người. Hay như những người dân New York đã nhìn thấy hai chiếc máy bay đâm vào hai tòa tháp. Tất cả đã trông thấy, cứ nghe họ thì như thế. Khi ấy chẳng có ai nhìn đi chỗ khác cả. Những kẻ nói mình nằm trong Lực lượng Đặc biệt thường là ba hoa thôi. Hầu hết chẳng bao giờ thoát ra khỏi bộ binh. Một số còn chưa bao giờ qua quân đội nữa kia. Người ta hay tô vẽ mọi thứ.”

“Như chị tôi.”

“Đó là bản chất con người.”

“Ý anh là gì?”

“Tôi đang suy nghĩ về những gì chúng ta có. Chúng ta có hai cái tên xuất hiện ngẫu nhiên, rồi mùa bầu cử đang bắt đầu, còn chị anh thì làm trong Phòng Nhân lực.”

“Anh nghĩ là John Sansom đang nói dối về quá khứ của mình sao?”

“Có lẽ không,” tôi nói. “Nhưng đó là mảng thường được cường điệu. Mà chính trị là việc bẩn thỉu. Anh có thể cá rằng ngay lúc này đang có kẻ nào đó kiểm tra người đã giặt ủi đồ cho Sansom hai mươi năm trước, xem hồi đó hắn ta có thẻ xanh hay không. Chẳng cần nghĩ cũng biết là người ta đang xác minh tiểu sử thực sự của ông ta. Là môn thể thao tầm quốc gia đấy.”

“Thế thì có thể Lila Hoth là nhà báo. Hoặc nhà nghiên cứu. Kênh tin tức trên truyền hình cáp, hoặc là gì đó. Hoặc chương trình đối thoại trên đài phát thanh.”

“Có thể cô ta là đối thủ của Sansom.”

“Không phải người có tên như thế đâu. Không phải ở North Carolina.”

“Được rồi, vậy ta hãy cho cô ta là nhà báo hoặc nhà nghiên cứu. Có thể cô ta đang gây sức ép với một nhân viên Phòng Nhân lực để lấy hồ sơ về thời quân ngũ của Sansom. Có thể cô ta đã chọn chị anh.”

“Công cụ của cô ta là gì?”

Tôi nói, “Đó là lỗ hổng lớn đầu tiên trong câu chuyện.” Mà thực tế là vậy. Susan Mark đã tuyệt vọng và sợ hãi. Thật khó tưởng tượng nổi một nhà báo có được công cụ mạnh như thế. Cánh nhà báo có thể khéo lèo lái và đầy sức thuyết phục, song chẳng ai đặc biệt sợ họ.

“Susan theo đảng phái chính trị nào không?” tôi hỏi.

“Tại sao ông hỏi thế?”

“Có thể cô ấy không thích Sansom. Không thích những gì ông ta đại diện. Có thể cô ấy đang hợp tác. Hoặc tình nguyện.”

“Vậy tại sao chị ấy sợ hãi đến như thế?”

“Vì cô ấy đang vi phạm pháp luật,” tôi nói. “Cô ấy hẳn đã sợ xanh đít nhái rồi.”

“Còn tại sao chị ấy lại mang súng?”

“Thông thường cô ấy có mang theo súng không?”

“Không bao giờ. Đó là đồ thừa kế. Chị ấy cất nó trong ngăn kéo quần áo, như người ta vẫn làm.”

Tôi nhún vai. Khẩu súng là lỗ hổng lớn thứ hai trong câu chuyện. Người ta lấy súng khỏi ngăn kéo vì vô vàn lý do. Phòng vệ, tấn công. Nhưng không đời nào lấy chỉ để phòng khi bản thân họ đột nhiên muốn tự sát ở một nơi cách xa nhà.

Jake nói, “Susan không nặng quan điểm chính trị lắm.”

“Được rồi.”

“Vì thế không thể có mối liên hệ với Sansom.”

“Thế tại sao tên ông ta xuất hiện?”

“Tôi không biết.”

Tôi nói, “Hẳn là Susan đã lái xe đi. Không thể mang súng lên máy bay. Có khi bây giờ xe cô ấy đang bị kéo đi. Chắc chắn cô ấy đã đi qua đường hầm Holland và đậu xe ở mãi trong trung tâm thành phố.”

Jake không trả lời. Cà phê của tôi đã lạnh. Nữ nhân viên phục vụ đã ngừng rót thêm. Bàn chúng tôi chẳng sinh lãi mấy. Những bàn khác đã đổi đến hai lượt khách rồi. Những người đang làm việc, đi lại nhanh, nạp năng lượng, chuẩn bị sẵn sàng cho một ngày bận rộn. Tôi hình dung Susan Mark mười hai giờ trước, đang sẵn sàng cho một đêm bận rộn. Mặc đồ. Tìm khẩu súng của cha cô, nạp đạn, nhét nó vào chiếc túi đen. Leo lên xe, chạy theo đường 236 tới Beltway, xuôi chiều kim đồng hồ, có thể đổ xăng, đi vào đường 95, hướng lên phía Bắc, hai mắt mở to tuyệt vọng, xuyên thủng màn đêm phía trước.

Suy đoán đi, Jake đã nói. Nhưng đột nhiên tôi không muốn đoán. Bởi đầu tôi có thể nghe tiếng nói của Theresa Lee. Nữ thám tử. Ông đã đẩy cô ấy qua miệng vực. Jake thấy tôi nghĩ ngợi gì đó liền hỏi, “Gì thế?”

“Chúng ta hãy giả định về công cụ tác động,” tôi nói. “Ta hãy cho rằng nó cực kỳ mạnh. Thế nên ta hãy cho rằng Susan đang trên đường đi chuyển thông tin mà cô ấy đã được yêu cầu thu thập, bất kể là thông tin gì. Và ta hãy coi bọn đó là người xấu. Cô ấy đã không tin là bọn người ấy sẽ nhả bất cứ thứ gì mà chúng dùng để chế ngự cô ấy. Có lẽ cô ấy nghĩ rằng chúng sẽ cứ viện vào đấy mà đòi hỏi thêm. Cô ấy đã vào và không thấy đường ra. Trên hết, cô ấy rất sợ bọn chúng. Thế nên cô ấy tuyệt vọng. Nên cô ấy lấy khẩu súng. Có thể cô ấy nghĩ mình có thể chiến đấu thoát ra, nhưng lại không lạc quan về cơ hội của bản thân. Tóm lại là cô ấy không nghĩ rằng mọi chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp.”

“Thế thì sao?”

“Cô ấy có những việc cần làm. Cô ấy đã gần đạt được việc đó. Chẳng bao giờ cô ấy định tự sát.”

“Nhưng còn bản danh sách thì sao? Các hành vi ấy?”

“Cũng là sự khác biệt như thế thôi,” tôi nói. “Chị anh đang trên đường tới nơi cô ấy nghĩ rằng sẽ có kẻ kết liễu đời mình, có lẽ theo một cách khác, theo nghĩa bóng hoặc nghĩa đen.”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 14


JACOB MARK nói, “Việc ấy không lý giải được về chiếc áo khoác.” Nhưng tôi nghĩ anh đã sai. Tôi cho là nó lý giải rất đúng về chiếc áo khoác. Và nó lý giải cho thực tế rằng cô đã đậu xe ở trung tâm thành phố rồi đi lên bằng tàu điện ngầm. Tôi nghĩ là cô đang tìm cách đối đầu với kẻ cô sẽ gặp từ một góc bất ngờ, chui lên từ một cái hố trên nền đất, trong tay có vũ khí, mặc toàn đồ đen, sẵn sàng đối phó với cuộc đụng độ trong bóng đêm. Có lẽ chiếc áo parka mùa đông là chiếc áo khoác đen duy nhất cô có.

Và nó cũng lý giải cho mọi thứ khác. Sự sợ hãi, cảm giác u ám. Có lẽ lầm bầm là kiểu cô luyện những lời khẩn cầu, bào chữa, tranh cãi hoặc thậm chí những lời đe dọa. Có thể việc lặp đi lặp lại những điều ấy đã khiến chúng trở nên có sức thuyết phục hơn với cô. Đáng tin hơn. Vững dạ hơn.

Jake nói, “Không thể có chuyện chị ấy đang trên đường chuyển thứ gì đó, bởi chị ấy không mang gì theo mình.”

“Có thể cô ấy đã mang gì đó,” tôi nói. “Trong đầu cô ấy. Anh đã bảo tôi rằng cô ấy có trí nhớ tuyệt vời mà. Các đơn vị, ngày tháng, biểu đồ thời gian, bất kỳ thứ gì chúng cần.”

Anh ta ngừng lại, cố tìm một lý do phản bác.

Nhưng không được.

“Thông tin mật,” Jake nói. “Bí mật quân sự. Chúa ơi, tôi không thể tin nổi.”

“Cô ấy bị sức ép, Jake.”

“Những loại bí mật nào mà một cơ quan nhân sự lại giữ cơ chứ, lại có giá trị đủ khiến người ta phải mất mạng chứ?”

Tôi không trả lời. Bởi tôi không biết. Hồi tôi còn làm việc, HRC được gọi là PERSCOM. Phòng Nhân sự, không phải Phòng Nhân lực. Tôi phục vụ suốt mười ba năm mà không khi nào nghĩ tới nó. Không một lần nào. Công việc liên quan tới giấy tờ và hồ sơ. Tất cả những thông tin đáng quan tâm nằm ở một nơi khác.

Jake ngọ nguậy trên ghế. Anh sục các ngón tay vào mái tóc chưa gội, ốp hai lòng bàn tay vào hai tai mà xoay đầu theo đúng một vòng hình ô van, như thể anh đang làm cho cổ bớt cứng, hay bộc lộ cơn khủng hoảng nào đó bên trong đang đưa anh đi đúng một vòng, trở lại câu hỏi lớn nhất.

Anh cất tiếng, “Vậy tại sao? Sao chị tôi chỉ chạy lên đấy và tự sát trước khi tới nơi chị ấy đang đến?”

Tôi ngừng một chút. Những tiếng ồn ào trong quán phát ra xung quanh chúng tôi. Tiếng giày miết kin kít trên lớp trải sàn, tiếng va chạm, cọ xát của đồ sứ, âm thanh tin tức phát ra từ các màn hình gắn cao trên tường, tiếng leng keng của chuông gọi nhân viên phục vụ.

“Cô ấy đang vi phạm pháp luật,” tôi nói. “Cô ấy phá vỡ mọi hình thức tin tưởng và những nghĩa vụ nghề nghiệp. Và chắc hẳn cô ấy đã nhìn ra một hình thức do thám nào đó. Có thể thậm chí cô ấy đã được cảnh báo. Thế nên chị anh căng thẳng, ngay từ khi cô ấy bước vào xe. Suốt chặng đường lên đây cô ấy quan sát gương chiếu hậu để theo dõi những ánh đèn đỏ. Mọi cảnh sát ở mọi điểm thu phí đều là một mối đe dọa tiềm tàng. Mỗi một tay nào mặc đồ vest mà cô ấy nhìn thấy đều có thể là nhân viên liên bang. Và trên tàu, bất kỳ kẻ nào trong chúng tôi đều có thể là những kẻ sẵn sàng tấn công cô ấy.”

Jake không nói gì.

Tôi nói, “Và rồi tôi tiếp cận cô ấy.”

“Và gì nữa?”

“Cô ấy nổi giận. Susan nghĩ tôi sắp bắt giữ cô ấy. Ngay khi ấy và ngay tại đó, cuộc chơi kết thúc. Cô ấy đã ở cuối con đường. Cô ấy hành động cũng chết, không hành động cũng chết. Cô ấy không thể tiến lên, không thể lùi lại. Cô ấy đã bị cài bẫy. Bất kỳ đe dọa nào bọn chúng sử dụng nhắm vào cô ấy đều sẽ qua đi, còn cô ấy sẽ vào tù.”

“Vì sao chị tôi nghĩ anh sẽ bắt giữ chị ấy?”

“Hẳn cô ấy nghĩ tôi là cảnh sát.”

Tôi là cảnh sát, tôi đã nói thế. Tôi có thể giúp cô. Chúng ta có thể nói chuyện.

“Cô ấy hoang tưởng,” tôi nói. “Đó là điều có thể hiểu.”

“Anh không trông giống cảnh sát. Anh trông giống như thằng cầu bơ cầu bất. Khả năng cao hơn là Susan nghĩ anh tấn công chị ấy để cướp tiền lẻ.”

“Có khi cô ấy nghĩ tôi là cảnh sát chìm.”

“Anh bảo rằng chị tôi là nhân viên làm về hồ sơ. Chị ấy phải biết các cảnh sát chìm trông ra sao.”

“Jake, tôi xin lỗi, nhưng tôi đã bảo cô ấy rằng tôi là cảnh sát.”

“Sao lại thế?”

“Tôi nghĩ cô ấy là kẻ mang bom. Tôi chỉ đang cố gắng vượt qua ba giây tiếp theo mà cô ấy không phải bấm nút. Tôi sẵn sàng nói bất kỳ điều gì.”

Anh ta hỏi, “Chính xác thì anh đã nói gì?” Thế nên tôi thuật cho anh ta biết, rồi thì anh nói: “Chúa ơi, nghe như chuyện tào lao vớ vẩn về đặc vụ nội gián ấy.”

Tôi nghĩ ông đã đẩy cô ấy qua miệng vực.

“Tôi xin lỗi,” tôi nói một lần nữa.

Vài phút sau đó tôi phải hứng đòn từ mọi phía. Jacob Mark trừng trừng nhìn tôi bởi tôi đã giết chị gái anh. Nữ phục vụ cáu kỉnh bởi trong thời gian chúng tôi dây dưa bằng hai ly cà phê, lẽ ra cô ta đã có thể bán được tám suất ăn sáng. Tôi lấy ra một tờ hai mươi đô nhét xuống dưới đĩa mình. Cô ta trông thấy tôi làm việc ấy. Khoản tiền giá trị bằng tiền boa từ tám suất ăn sáng nằm ngay đó. Việc ấy giải quyết được vấn đề cô phục vụ. Vấn đề Jacob Mark hóc búa hơn. Anh ta vẫn ngồi yên, im lặng, giận dữ. Hai lần tôi thấy anh liếc đi chỗ khác. Sửa soạn để chấm dứt câu chuyện. Cuối cùng anh nói: “Tôi phải đi. Tôi có việc cần làm. Tôi đã tìm ra một cách thông báo cho gia đình chị ấy.”

Tôi nói, “Gia đình à?”

“Molina, chồng cũ. Và họ có một đứa con trai, Peter. Cháu tôi.”

“Susan có con trai à?”

“Việc ấy liên quan gì đến anh?”

Chỉ số IQ của chó săn Labrador.

Tôi nói, “Jake này, chúng ta đã ngồi suốt đây nói về vũ khí, mà anh vẫn không nghĩ tới chuyện nhắc tới chuyện Susan có một đứa con trai à?”

Anh ta ngẩn ra một lúc. Rồi cất tiếng, “Nó không phải trẻ con. Cháu tôi đã hai mươi hai tuổi rồi. Giờ nó là sinh viên năm cuối ở Đại học Nam Carolina. Thằng này chơi bóng bầu dục. Nó còn to lớn hơn anh. Thằng bé không gần gũi với mẹ nó. Sau khi bố mẹ ly hôn, nó sống với bố.”

Tôi bảo, “Hãy gọi cho nó.”

“Lúc này ở California là 4 giờ sáng đấy.”

“Gọi bây giờ đi.”

“Tôi sẽ làm nó thức giấc.”

“Tôi rất hy vọng là sẽ như thế.”

“Nó cần được chuẩn bị tinh thần cho việc này.”

“Nhưng trước tiên nó phải nghe điện thoại gọi đến cái đã.”

Thế nên Jake lại lôi điện thoại di động ra, lục tìm danh bạ trong máy, tới một cái tên nằm ở khoảng cuối danh bạ thì bấm nút gọi. Theo thứ tự bảng chữ cái, tôi đoán thế. Peter ở vần P. Jake áp điện thoại vào tai và trong suốt năm hồi chuông đầu tiên trông lo lắng theo một kiểu, rồi sau hồi thứ sáu thì lại một kiểu lo lắng khác. Anh giữ máy lâu hơn một lúc nữa rồi chầm chậm hạ xuống và bảo: “Thư thoại.”
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 15


TÔI NÓI, “BẮT TAY VÀO VIỆC THÔI. Gọi cho LAPD[25] hoặc cảnh sát của Đại học Nam Carolina nhờ giúp đỡ, giữa cảnh sát với nhau. Bảo ai đó tới thẳng chỗ thằng bé ở xem nó có nhà không.”

“Họ sẽ cười vào mũi tôi. Nó chỉ là một vận động viên nhà trường không nghe điện thoại lúc bốn giờ sáng thôi.”

Tôi bảo, “Cứ làm đi.”

Jake nói, “Hãy đi với tôi.”

Tôi lắc đầu. “Tôi sẽ ở đây. Tôi muốn nói chuyện lần nữa với mấy tay làm thuê.”

“Anh sẽ chẳng bao giờ tìm được chúng đâu.”

“Chúng sẽ tìm tôi. Tôi chưa khi nào trả lời các câu hỏi của chúng, về việc Susan có đưa thứ gì cho tôi không. Tôi nghĩ chúng muốn hỏi câu đó lần nữa.”

Chúng tôi hẹn gặp nhau sau năm tiếng, cũng ở quán cà phê này.

Tôi dõi theo anh trở vào xe rồi mới chầm chậm bước theo đại lộ Tám về phía Nam, như thể tôi không có địa điểm nào cụ thể để tới, mà đúng thế thật. Tôi mệt mỏi vì thiếu ngủ song lại tỉnh vì cà phê, nên tựu trung tôi coi đó như một lần nạp lại năng lượng và sự tỉnh táo. Và tôi cho rằng những tay làm thuê cũng như vậy. Chúng tôi đều đã thức suốt đêm. Việc đó khiến tôi nghĩ tới chuyện thời gian. Tỉ như hai giờ sáng là thời điểm không thích hợp cho đánh bom tự sát, cũng là khoảng thời gian không bình thường cho Susan Mark đến một điểm hẹn đặng chuyển giao thông tin. Thế nên tôi dừng một chút trước sạp báo phía trước một cửa hàng thực phẩm mà lật qua các đầu báo. Tôi tìm thấy điều mình nửa trông chờ nằm sâu trong tờ Tin tức hằng ngày. Tối qua xa lộ thu phí New Jersey đã bị đóng suốt bốn tiếng đồng hồ ở hướng đi lên phía Bắc. Một vụ đổ xe bồn chở dầu, do sương mù. Một vụ tràn axít. Nhiều thương vong.

Tôi hình dung Susan Mark bị kẹt trên tuyến đường giữa các đường nhánh. Tắc đường kéo dài bốn giờ. Chậm trễ mất bốn giờ. Không tin tưởng. Căng thẳng leo thang. Không có đường tiến, chẳng có đường lùi. Nan giải. Thời gian cứ dần trôi đi. Hạn chót, xích lại gần. Hạn chót, hụt. Những lời đe dọa, các biện pháp và hình thức trừng phạt, lúc này trở nên hiện hữu, sẵn sàng. Chuyến tàu tuyến 6 đã có vẻ nhanh đối với tôi. Với cô ta thì chắc chắn phải chậm kinh khủng. Ông đã đẩy cô ấy qua miệng vực. Có lẽ thế, nhưng cô ta cũng chẳng cần được đẩy nhiều cho lắm.

Tôi vuốt vuốt cho các tờ báo trở về tình trạng vẫn bán được rồi tiếp tục bước đi. Tôi đoán là gã bị xé áo đã về nhà thay áo mới, nhưng ba tên còn lại vẫn ở gần đây. Hẳn chúng đã theo dõi tôi vào quán cà phê, và đã thấy tôi khi tôi đi ra. Tôi không thể trông thấy chúng trên phố, nhưng bây giờ tôi đâu thực sự tìm chúng. Chẳng ích gì chuyện tìm kiếm một thứ mà ta biết chắc chắn rằng đang có đó.

Ngày trước đại lộ Tám là một nơi nguy hiểm. Đèn đường gãy vỡ, đất trống rao bán, các cửa hiệu cửa sắt cuốn, ma túy, đĩ điếm, cướp giật. Tôi đã thấy đủ thứ chuyện ở đó. Bản thân tôi chưa bao giờ bị tấn công. Như thế chẳng có gì ngạc nhiên. Để biến tôi thành một nạn nhân tiềm tàng, dân số thế giới phải giảm xuống còn hai. Chỉ tôi đối mặt với một tên cướp, người chiến thắng sẽ là tôi. Giờ thì đại lộ Tám cũng an toàn như bất kỳ nơi nào khác. Buôn bán náo nhiệt, chỗ nào cũng đầy người. Thế nên tôi chẳng quan tâm xem ba gã tiếp cận tôi chính xác từ điểm nào. Tôi chẳng cố gắng dụ chúng tới nơi tôi chọn. Tôi chỉ bước. Tùy chúng chọn. Ngày đang chuyển từ ấm sang nóng và các mùi của vỉa hè bốc lên quanh tôi, như theo lịch cứng nhắc: rác bốc mùi vào mùa hè và không bốc mùi vào mùa đông.

Chúng áp sát tôi khi còn cách phía Nam Công viên quảng trường Madison và tòa bưu điện cổ to lớn một khối nhà. Công trình xây dựng trên một lô đất ở góc phố buộc khách bộ hành phải đi dọc theo một lối đi nhỏ có rào chắn nằm trên hệ thống cống thoát nước. Tôi vừa bước một bước vào đó thì một tên xuất hiện phía trước, một tên áp sát phía sau còn tên cầm đầu áp vào bên cạnh. Hành động nhanh gọn. Tên cầm đầu nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng quên đi chuyện cái áo.”

“Thế thì tốt,” tôi nói. “Bởi tôi đã quên rồi.”

“Nhưng chúng tôi muốn biết liệu ông có giữ thứ gì thuộc về chúng tôi không.”

“Thuộc về các ông sao?”

“Thuộc về ông chủ chúng tôi.”

“Các ông là ai?”

“Tôi đã đưa danh thiếp cho ông rồi mà.”

“Và ban đầu tôi thấy rất ấn tượng với nó. Xét về mặt số học thì nó trông như một tác phẩm nghệ thuật. Có hơn ba triệu khả năng kết hợp các con số để có một số điện thoại gồm bảy chữ số. Nhưng các ông lại không chọn ngẫu nhiên. Các ông đã chọn số mà các ông biết là không còn được dùng nữa. Tôi cho rằng làm việc đó thật khó. Thế nên tôi thấy ấn tượng. Nhưng rồi tôi nghĩ ra, thực tế là không thể làm được chuyện này, căn cứ vào dân số của Manhattan. Ai đó chết hoặc chuyển đi, số của họ được tái sử dụng rất nhanh. Thế nên tôi đoán rằng các ông đã thâm nhập được vào một danh sách các số điện thoại không bao giờ hoạt động. Các công ty điện thoại giữ một vài bản như thế, để phục vụ cho một số điện thoại xuất hiện trên phim hoặc truyền hình. Không thể sử dụng số có thật cho việc ấy, bởi các khách hàng sẽ bị quấy rầy. Thế nên tôi đoán rằng các ông quen biết người làm trong giới điện ảnh hoặc truyền hình. Có lẽ bởi vì gần như cả tuần các ông được thuê đảm bảo an ninh vỉa hè khi có một buổi trình diễn trong thành phố. Vì vậy hành động mạnh nhất các ông phải thực hiện là ngăn cản các tay săn ảnh. Đó chắc chắn là sự thất vọng đối với những người như các ông. Tôi nghĩ là khi khởi nghiệp các ông đã có trong đầu những ý nghĩ hay ho hơn thế. Mà tệ hơn, điều này ngụ ý một sự xói mòn năng lực do thiếu thực hành. Thế nên lúc này tôi lo ngại về các ông thậm chí còn ít hơn lúc nãy. Thế nên tóm lại tôi sẽ nói rằng tấm danh thiếp là một sai lầm, xét về mặt quản lý hình ảnh.”

Tay cầm đầu nói: “Chúng tôi mời ông một tách cà phê được chứ?”

Tôi không bao giờ từ chối lời mời uống cà phê, nhưng đã ngấy tận cổ việc ngồi xuống một chỗ, nên tôi chỉ đồng ý loại cà phê mua mang đi. Chúng tôi có thể vừa nhấm nháp vừa nói chuyện vừa đi. Chúng tôi dừng ngay cửa hiệu Starbucks vừa trông thấy, cũng như ở hầu hết các thành phố khác nó chỉ cách khoảng một nửa khối nhà. Tôi bỏ qua hầu hết những loại được pha chế hay ho mà chọn một cốc cao được xay pha tại chỗ, đen, không kem. Đó là loại tôi thường gọi, ở hiệu Starbucks. Theo tôi đây là loại ngon. Đó không phải là điều tôi thực sự quan tâm. Với tôi thì tất cả là chất cafêin, chứ không phải hương vị.

Chúng tôi ra khỏi cửa hiệu và tiếp tục đi dọc đại lộ Tám. Nhưng bốn người vừa đi vừa nói chuyện thì sẽ tạo thành một nhóm trông kỳ quặc, xe cộ lại ồn ào, nên rốt cuộc chúng tôi dừng cách ngõ ra một ngã tư chừng chục bước, bất động, tôi trong bóng râm, dựa vào một bờ rào, còn ba gã kia ở ngoài nắng đối diện tôi và chúi người ra trước về phía tôi như thể chúng có những điều cần trình bày. Dưới chân chúng tôi, một túi rác bị bung để lộ ra những phần vui vẻ của một tờ báo ra ngày Chủ nhật nằm trên vỉa hè. Tay đảm nhận việc nói chuyện từ trước tới giờ lên tiếng, “Ông đã đánh giá thấp chúng tôi một cách nghiêm trọng, không phải chúng tôi muốn tham gia trò thi thố vớ vẩn đâu.”

“Được rồi,” tôi nói.

“Ông là cựu quân nhân, phải không?”

“Lục quân,” tôi đáp.

“Ông trông còn ra vẻ lắm.”

“Các ông cũng thế. Lực lượng Đặc biệt à?”

“Không. Chúng tôi không tiến được xa đến mức ấy.”

Tôi mỉm cười. Một tay thật thà.

Tay này nói: “Chúng tôi được thuê làm đầu bên này cho một chiến dịch tạm thời. Người phụ nữ đã chết đang mang một thứ có giá trị. Chúng tôi có nhiệm vụ lấy lại nó.”

“Thứ gì? Giá trị nào?”

“Thông tin.”

Tôi nói, “Tôi không thể giúp các ông.”

“Ông chủ chúng tôi đang mong dữ liệu dạng số, trên một con chip máy tính, như một thẻ nhớ dạng USB. Chúng tôi phản đối, lấy thứ đó ra khỏi Lầu Năm Góc quá khó. Chúng tôi nói rằng thông tin sẽ ở dạng truyền miệng. Kiểu như đọc và ghi nhớ.”

Tôi không nói gì. Nghĩ lại lúc Susan Mark trên tàu. Hành động lầm bầm. Có lẽ khi ấy cô ta không phải đang luyện những lời cầu xin hay thanh minh hay đe dọa hoặc cự cãi. Có khi cô đang đọc lại toàn bộ những chi tiết người ta cần cô chuyển giao, lặp đi lặp lại, để không thể quên chúng hoặc làm chúng lẫn lộn khi mình căng thẳng hay hoảng loạn. Học thuộc lòng như vẹt. Và tự nói với chính mình, Mình đang tuân lệnh, mình đang tuân lệnh, mình đang tuân lệnh. Tự trấn an bản thân. Hy vọng rằng tất cả mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp.

Tôi hỏi, “Ông chủ của các ông là ai?”

“Chúng tôi không nói được.”

“Ảnh hưởng khống chế của ông ta là gì?”

“Chúng tôi không biết. Chúng tôi không muốn biết.”

Tôi nhấp một ngụm cà phê. Và không nói gì.

Tay kia nói, “Người phụ nữ đã nói chuyện với ông lúc trên tàu.”

“Đúng,” tôi nói. “Cô ta đã nói chuyện.”

“Thế nên nhận định có sức thuyết phục bây giờ là bất kỳ điều gì cô ta biết, ông cũng biết.”

“Có thể,” tôi nói.

“Ông chủ của chúng tôi tin điều ấy. Như thế là phiền toái cho ông. Dữ liệu trên con chip máy tính, chẳng có gì to tát. Chúng tôi có thể nện vào đầu ông rồi lộn hết túi ông ra. Nhưng điều gì đó trong đầu ông thì cần được lấy ra bằng cách khác.”

Tôi chẳng nói gì.

Gã đàn ông lại nói, “Thế nên ông thực sự cần nói cho chúng tôi điều ông biết.”

“Như thế các ông sẽ có vẻ là người có năng lực à?”

Tay kia lắc đầu. “Như thế để ông còn được toàn vẹn.”

Tôi nhấp một ngụm cà phê nữa và hắn nói, “Tôi kêu gọi ông, giữa hai người đàn ông. Giữa người lính với người lính. Đây không phải chuyện về chúng tôi. Nếu trở về tay trắng, chắc chắn chúng tôi bị sa thải. Nhưng đến sáng thứ Hai, chúng tôi sẽ lại làm việc, cho một người khác. Tuy nhiên khi chúng tôi rời vụ này, ông sẽ bị lộ. Ông chủ chúng tôi sẽ điều cả một đội. Bây giờ đội ấy đang bị kiềm tỏa, bởi họ không hợp cho thời điểm này. Nhưng nếu chúng tôi ra đi, họ sẽ được tháo xích. Không có phương án khác. Và ông sẽ không muốn nói chuyện với họ một chút nào đâu.”

“Tôi không muốn bất kỳ ai nói chuyện với mình. Không phải họ, không phải các ông. Tôi không thích nói chuyện.”

“Đây không phải trò đùa đâu!”

“Ông nói đúng đấy. Một phụ nữ đã mất mạng kia mà.”

“Tự sát không phải phạm tội.”

“Nhưng bất kỳ điều gì thúc đẩy cô ấy làm việc đó có thể là phạm tội. Cô ấy làm ở Lầu Năm Góc. Đó là chuyện an ninh quốc gia, rõ là thế. Các ông cần tránh khỏi vấn đề này ngay. Các ông nên nói chuyện với NYPD.”

Tay kia lắc đầu. “Tôi thà đi tù còn hơn gặp bọn này. Ông nghe những gì tôi nói đấy chứ?”

“Tôi nghe,” tôi nói. “Các ông đã thấy thoải mái với những tay săn chữ ký rồi.”

“Chúng tôi là những người nhẹ nhàng. Ông nên tận dụng lợi thế đi.”

“Các ông chẳng phải người nhẹ nhàng chút nào hết.”

“Hồi còn ở quân đội ông làm gì?”

“Quân cảnh,” tôi nói.

“Thế thì coi như ông chết rồi. Ông chưa bao giờ chứng kiến vụ nào thế này.”

“Ông ta là ai?”

Gã kia chỉ lắc đầu.

“Có bao nhiêu người?”

Gã kia chỉ một lần nữa lắc đầu.

“Hãy nói cho tôi điều gì đó.”

“Ông không lắng nghe rồi. Nếu tôi sẽ không nói chuyện với bọn NYPD, sao tôi lại phải nói chuyện với ông chứ?”

Tôi nhún vai, uống sạch cốc cà phê của mình rồi đẩy người khỏi bờ rào. Bước ba bước rồi lẳng chiếc cốc vào thùng rác. Tôi nói, “Hãy gọi cho ông chủ ông, bảo ông ta rằng ông ta đúng còn các ông sai. Bảo ông ta rằng tất cả thông tin của người phụ nữ nằm trong thẻ nhớ, lúc này nằm ngay trong túi tôi đây này. Rồi hãy xin nghỉ việc qua điện thoại, về nhà và đừng có ngáng đường tôi.”

Tôi băng ngang đường giữa hai chiếc xe đang chạy và hướng về đại lộ Tám. Gã cầm đầu gọi với theo tôi, rất to. Hắn gọi tên tôi. Tôi ngoái lại thấy hắn đang cầm điện thoại di động đưa ra xa người. Chiếc điện thoại đang chĩa vào tôi còn hắn thì đang chằm chằm nhìn màn hình. Rồi hắn hạ điện thoại xuống và cả ba tên lỉnh đi, một chiếc xe tải màu trắng chạy qua giữa chúng tôi rồi chúng biến mất trước khi tôi nhận ra rằng mình đã bị chụp ảnh.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 16


MỨC ĐỘ PHỔ BIẾN CỦA RADIO SHACK chỉ bằng chừng một phần mười Starbucks nhưng bù lại chẳng bao giờ chúng cách xa quá vài khối nhà. Và lại mở cửa sớm. Tôi dừng ở cửa hàng gần nhất mình thấy, một anh chàng người vùng Nam Á bước tới phục vụ tôi. Anh ta trông có vẻ nhiệt tình. Có lẽ tôi là khách hàng đầu tiên trong ngày. Tôi hỏi anh ta về điện thoại di động chụp được ảnh. Anh ta bảo rằng trên thực tế tất cả chúng đều chụp được ảnh. Một số loại thậm chí còn quay phim được. Tôi bảo người bán hàng rằng tôi muốn biết các bức ảnh tĩnh chụp ra có chất lượng thế nào. Anh ta lấy một chiếc điện thoại bất kỳ, tôi đứng ở phía cuối cửa hiệu rồi cho anh ta chụp từ quầy. Ảnh chụp ra nhỏ và không nét. Những đường nét của tôi không được sắc. Nhưng tầm vóc, dáng người của tôi được chụp lại khá rõ. Dù sao thì cũng khá rõ đến nỗi có thể mang lại phiền hà... Sự thật là gương mặt tôi bình thường, chẳng có gì ấn tượng. Rất dễ quên. Tôi đoán là hầu hết người ta nhận ra tôi qua bóng tôi, điều này chẳng hề bình thường.

Tôi bảo người bán hàng rằng tôi không muốn mua điện thoại. Anh ta cố gắng bán cho tôi một chiếc máy ảnh kỹ thuật số thay cho điện thoại. Máy này có độ phân giải cao. Nó sẽ chụp ảnh đẹp hơn. Tôi nói tôi cũng không muốn mua máy ảnh. Nhưng tôi sẽ mua một thẻ nhớ cho anh ta. Một chiếc USB, để lưu dữ liệu máy tính. Loại dung lượng thấp nhất anh ta có, giá rẻ nhất. Đó chỉ là thứ đồ làm mồi nhử, tôi chẳng muốn mất một đống tiền làm gì. Nó là một vật bé xíu, đựng trong hộp nhựa cứng to đùng. Tôi bảo tay bán hàng lấy kéo cắt ra. Anh có thể làm hỏng cả răng nếu cắn những thứ như thế. Thẻ nhớ được tặng kèm hai vỏ bọc cao su màu xanh hoặc hồng, tùy chọn một trong hai màu. Tôi chọn màu hồng. Susan Mark trông không có vẻ là kiểu phụ nữ thích màu hồng lắm, nhưng người ta thấy điều họ muốn thấy. Lớp bọc màu hồng tương xứng với món đồ của một phụ nữ. Tôi bỏ chiếc USB vào túi bên cạnh chiếc bàn chải đánh răng, cảm ơn anh chàng bán hàng đã giúp đỡ rồi nhường cho anh ta việc vứt rác.

Tôi đi bộ hai khối rưỡi nhà về phía Đông theo phố 28. Suốt chặng đường đó lúc nào cũng có rất nhiều người phía sau lưng tôi, nhưng tôi chẳng biết ai trong số họ, và không ai trong số họ có vẻ biết tôi. Tôi xuống ga tàu điện ngầm ở Broadway và quẹt thẻ của mình. Rồi tôi bỏ qua chín chuyến tàu kế tiếp chạy về trung tâm thành phố. Tôi chỉ ngồi trong cái nóng trên một băng ghế gỗ, để cho tất cả các chuyến tàu ấy chạy qua. Một phần để nghỉ ngơi, phần để giết thời gian cho tới khi các văn phòng kinh doanh còn lại của thành phố mở cửa hết, một phần để kiểm tra xem tôi có bị bám đuôi không. Chín lượt khách đến và đi, chín lần tôi chỉ còn một mình trên sân ga trong vòng một hai giây. Chẳng ai mảy may quan tâm đến tôi. Khi đã chán quan sát người tôi lại đi quan sát lũ chuột. Tôi thích chuột. Có rất nhiều chuyện thần thoại về chúng. Cơ hội trông thấy loài này ít hơn người ta nghĩ. Chuột vốn nhát gan. Những con chuột người ta trông thấy thường là chuột non hoặc ốm hoặc đói sắp chết. Chúng không cắn mặt trẻ con đang ngủ chỉ cho vui. Chúng bị hấp dẫn bởi những vết thức ăn, chỉ có thế. Hãy rửa miệng cho con bạn trước khi đi ngủ, thế là sẽ ổn. Và chẳng có con chuột khổng lồ nào to như mèo. Tất cả chuột đều cùng kích thước.

Tôi chẳng trông thấy con chuột nào, và cuối cùng tôi thấy bồn chồn. Tôi đứng dậy quay lưng lại đường ray nhìn lên các bích chương trên tường. Một trong số đó là bản đồ toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm. Hai tấm là quảng cáo cho các vở diễn của nhà hát kịch Broadway. Một tấm là thông báo chính thức cấm hành động gì đó được gọi là “lướt tàu điện ngầm”. Có một bức minh họa đen trắng vẽ một gã bị kẹp phía ngoài cửa tàu như một con sao biển. Rõ ràng các toa kiểu cũ của hệ thống tàu điện ngầm New York có tấm ván đỡ chân phía dưới cửa lên xuống, được thiết kế để khắc phục một phần khoảng trống giữa toa xe và sân ga, còn phía trên cửa có các rãnh thoát nước mưa, để ngăn nước đọng phía trên nóc lọt vào trong toa. Tôi biết rằng các toa mới kiểu R142A không có cả hai đặc điểm trên. Tay đồng hành điên rồ đã bảo tôi vậy. Song, với các toa kiểu cũ, ta có thể đợi trên sân ga cho tới khi cửa đóng lại rồi mới lách các ngón chân vào ván đỡ chân, móc mười đầu ngón tay vào các rãnh thoát nước mưa, ôm chặt lấy toa và được đưa đi hết các đường hầm trong khi người vẫn ở bên ngoài toa. Lướt tàu điện ngầm. Có lẽ với một số người thì đây là trò rất thú, nhưng bây giờ bị coi là phạm pháp.

Tôi quay lại phía đường ray, lên chuyến tàu thứ mười vào ga. Đó là chuyến số hiệu R. Nó có ván đỡ chân và rãnh thoát nước mưa. Nhưng tôi vào hẳn trong toa, qua hai chặng thì tới ga lớn ở Quảng trường Union.

Tôi lên mặt đường ở góc Tây Bắc Quảng trường Union và hướng về một hiệu sách khổng lồ tôi nhớ nằm ở phố 17. Các chính trị gia đang vận động tranh cử thường xuất bản tiểu sử của mình trước mùa bầu cử, còn tạp chí tin tức thì luôn đầy các bài viết về họ. Thực ra tôi đã có thể chọn nơi khác là các quán cà phê Internet, nhưng tôi không giỏi về công nghệ mới, vả lại dù sao các quán cà phê Internet hiếm hơn ngày trước nhiều. Giờ thì mọi người mang những thiết bị điện tử nhỏ mang tên các loại quả hay cây. Quán cà phê Internet đang đi cùng một lối như buồng điện thoại công cộng, bị công nghệ không dây giết chết.

Hiệu sách đặt nhiều bàn ở mặt trước tầng trệt. Các bàn xếp đầy những đầu sách mới. Tôi tìm ra nơi bày các tác phẩm về người thật việc thật song chẳng thấy gì. Lịch sử, tiểu sử, kinh tế, nhưng không có chính trị. Tôi tìm tiếp tìm thấy thứ mình muốn ở phần sau chiếc bàn thứ hai. Bình luận và quan điểm của cánh tả và cánh hữu, cộng thêm tiểu sử “ma” của ứng cử viên với những chiếc áo sáng đẹp và những tấm ảnh bóng bẩy đã được xử lý. Cuốn của John Sansom dày chừng hơn một xăng ti mét, mang tên Luôn thực hiện nhiệm vụ. Tôi cầm nó theo và lên thang cuốn lên tầng ba, nơi bảng chỉ dẫn của hiệu sách cho biết khu tạp chí nằm ở đâu. Tôi lựa ra tất cả các tạp chí tin tức hằng tuần, cầm chúng cùng cuốn sách tới giá sách lịch sử quân sự. Tôi mất chút thời gian ở đó với vài ấn phẩm về người thật việc thật và rồi khẳng định được điều mình đã nghi ngờ, rằng Phòng Nhân lực không làm bất cứ việc gì mà Phòng Nhân sự trước đây đã không làm. Chỉ là đổi tên. Thay đổi thương hiệu. Không chức năng mới. Công việc hồ sơ và giấy tờ, như hồi nào tới giờ.

Rồi tôi ghé lên một bậu cửa sổ, ổn định chỗ ngồi để đọc những thứ mình đã lấy. Lưng tôi nóng vì nắng rọi qua lớp kính, còn phần trước lại lạnh vì không khí từ một họng điều hòa không khí ngay phía trên người. Tôi từng thấy khó chịu với việc đọc trong cửa hàng mà không có ý định mua. Nhưng có vẻ chính các cửa hàng cũng thấy vui về việc ấy. Họ thậm chí còn khuyến khích. Một số còn kê ghế bành để phục vụ việc này. Rõ là một mô hình kinh doanh mới. Và mọi người đều làm như thế. Hiệu sách chỉ vừa mới mở cửa, nhưng cả nơi này đã trông như một trung tâm tị nạn rồi. Mọi nơi đều có người, ngồi hoặc bò ra sàn, bao quanh là những chồng sách báo lớn gấp nhiều lần sách báo của tôi.

Tất cả tạp chí tin tức hằng tuần đều có bài viết về chiến dịch tranh cử, bị kẹp giữa quảng cáo và bài viết về những đột phá trong y học và thông tin cập nhật về công nghệ. Hầu hết các bài viết quảng bá được chú ý hàng đầu, song những cuộc đấu giành ghế ở Hạ viện và Thượng viện cũng được dành cho vài dòng. Bầu cử sơ bộ còn cách bốn tháng và tổng tuyển cử còn cách mười bốn tháng, một số ứng cử viên đã trở thành cựu quan chức nhưng Sansom vẫn vững vàng trong cuộc đua. Ông ta đang đạt tỷ lệ ủng hộ cao qua các cuộc thăm dò dư luận trong toàn bang mình, ông ta đang gây được quỹ lớn, lối làm việc thẳng thừng của ông ta được coi là mới mẻ, và lai lịch phục vụ trong quân ngũ của ông ta được dùng để chứng tỏ năng lực của ông ta trong mọi công việc. Dù theo quan điểm của tôi như thế cũng giống như nói rằng một công nhân vệ sinh có thể làm được thị trưởng. Có thể có, có thể không. Không có logic trong giả định ấy. Nhưng rõ ràng hầu hết cánh nhà báo thích tay này. Và rõ ràng họ đã lưu ý ông ta với những vị trí cao hơn. Ông ta được coi là một ứng cử viên tổng thống tiềm tàng trong bốn hoặc tám năm tới. Thậm chí một cây viết còn ám chỉ rằng có thể nhấc Sansom khỏi cuộc đua vào Thượng viện để trở thành ứng cử viên phó tổng thống cho đảng của mình ngay trong lần này. Sansom đã trở thành một kiểu người nổi tiếng.

Bìa cuốn sách về ông ta thật kiểu cách. Bìa được dựng từ tên ông ta, nhan đề sách và hai tấm ảnh. Tấm ảnh lớn hơn là ảnh đã mờ phủ lấm chấm, được phóng to đủ để tạo thành nền cho cả bìa. Ảnh chụp một thanh niên mặc chiếc áo dã chiến cũ sờn không đóng cúc, cả khuôn mặt sơn ngụy trang phía dưới vành mũ trùm. Chồng lên đó là một tấm ảnh mới chụp chân dung trong studio của cùng người đó, sau nhiều năm, mặc bộ com lê của doanh nhân. Rõ ràng là Sansom, khi ấy và bây giờ. Toàn bộ nội dung chào hàng của ông ta, trong một ấn phẩm đơn nhất.

Bức ảnh chụp gần đây được chiếu sáng tốt, lấy nét một cách hoàn hảo, tạo dáng đầy chất nghệ thuật, cho thấy Sansom là một người dáng nhỏ gọn gàng, cao chừng mét bảy lăm, nặng khoảng sáu bảy cân. Một con chó săn mảnh mai hơn là một con bò mộng, đầy khả năng chịu đựng và sức bền bỉ dẻo dai, như các lính tinh nhuệ nhất của Lực lượng Đặc biệt. Mặc dù có lẽ bức ảnh cũ hơn xuất phát từ thời còn trong đơn vị chính quy thông thường. Có lẽ là lực lượng đặc nhiệm Rangers. Theo kinh nghiệm của tôi, các tay trong lực lượng Delta cùng thời Sansom thích để râu quai nón, đeo kính râm và quàng khăn trùm đầu của người Arập kéo xuống tận cổ. Một phần vì nơi họ có khả năng phải hoạt động, phần vì họ thích tỏ ra đang ngụy trang và bí mật về bản thân, bản thân yếu tố này một phần là điều cần thiết còn một phần là hình ảnh được thêu dệt ra cho có phần kịch tính. Nhưng có thể tay quản lý chiến dịch tranh cử của Sansom đã tự chọn bức ảnh này, chấp nhận cương vị lính đơn vị nhỏ để đổi lấy một hình ảnh người ta có thể nhận ra, qua đó nhận ra tinh thần người Mỹ. Có lẽ những kẻ trông giống mấy tay hippie Palestine kỳ dị sẽ không được ủng hộ nhiều lắm ở Bắc Carolina.

Những dòng phía trong trang bìa ghi tên đầy đủ và cấp bậc trong quân đội của Sansom, viết một cách trang trọng: Thiếu tá John T. Sansom, Quân đội Hoa Kỳ, đã nghỉ hưu. Rồi dòng chữ cho biết ông ta là người được tặng thưởng Huy chương Chữ thập vì thành tích đặc biệt, Huy chương Thành tích Đặc biệt, hai Huy chương Sao Bạc. Rồi lại thêm rằng ông ta từng là giám đốc điều hành thành đạt, của một doanh nghiệp nào đó mang tên Hãng Tư vấn Sansom. Một lần nữa là toàn bộ nội dung đánh bóng tên tuổi cho Sansom, ngay đó. Tôi thầm hỏi liệu đó có phải là nội dung toàn bộ phần còn lại của cuốn sách hay không.

Tôi lướt qua và thấy cuốn sách chia làm năm phần: thời trai trẻ của Sansom, quãng đời trong quân ngũ, cuộc hôn nhân và cuộc sống gia đình sau đó, quá trình kinh doanh, quan điểm chính trị về tương lai. Phần đầu thuộc dạng kinh điển cho loại sách này. Thời thơ ấu đầy khó khăn, không tiền bạc, quần áo thiếu thốn, mẹ ông ta là chỗ dựa, bố phải làm hai việc để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Gần như chắc chắn là được tô vẽ. Nếu lấy các ứng cử viên chính trị là mẫu dân số thì Mỹ sẽ trở thành một nước thuộc Thế giới thứ ba. Mọi người đều lớn lên trong cảnh nghèo khó, nước máy đã là một thứ xa xỉ, giày dép hiếm hoi, một bữa ăn đạm bạc là nguyên nhân cho một sự kiện đáng nhớ.

Tôi lướt sang phần tiếp theo tới phần Sansom gặp vợ ông ta và thấy thêm những dòng cùng kiểu ấy. Cô ta thì tuyệt vời, những đứa con khỏi chê. Hết chuyện. Tôi không hiểu nhiều về phần nói đến kinh doanh. Hãng Tư vấn Sansom từng là một nhóm chuyên gia tư vấn, nghe thì có lý, nhưng tôi không thể biết chính xác họ đã làm những gì. Cơ bản là họ đưa ra những gợi ý, đề xuất, mua cổ phần của các công ty mà họ tư vấn, rồi bán cổ phần đi và trở nên giàu có. Sansom đã xây dựng được cái mà ông ta mô tả là một gia tài. Tôi không chắc ý ông ta nói nó trị giá bao nhiêu. Tôi cảm thấy hoàn toàn vững dạ khi trong túi có vài trăm đô la. Tôi ngờ là Sansom ra đường với số tiền nhiều hơn thế, nhưng ông ta không nói cụ thể là nhiều hơn bao nhiêu. Thêm bốn số không? Hay năm? Hay sáu?

Tôi nhìn phần đề cập quan điểm chính trị về tương lai thì không thấy gì nhiều về những nội dung mà tôi đã không thu lượm được từ các tạp chí tin tức. Ý đồ cốt lõi của quan điểm chính trị là trao cho cử tri mọi thứ họ muốn. Muốn thuế thấp à, có ngay. Muốn dịch vụ công cộng, sẵn sàng. Chẳng ý nghĩa gì với tôi. Nhưng chung quy lại thì Sansom xuất hiện như một người khiêm nhường. Tôi cảm thấy ông ta sẽ cố gắng làm điều đúng đắn, cố gắng hết mực như bất kỳ ai trong đám bọn họ có thể. Tôi cảm thấy rằng ông ta toàn tâm cho việc này vì tất cả những lý do hợp lý.

Giữa sách có ảnh. Trừ một bức, tất cả là ảnh chụp nhanh ghi lại cuộc đời của Sansom từ thời ba tháng tuổi cho đến hiện tại. Đấy là những loại mà tôi nghĩ là hầu như ai cũng có thể lôi ra từ một chiếc hộp giày ở đáy tủ quần áo. Cha mẹ, thời thơ ấu, thời học sinh, những năm tháng trong quân đội, cô dâu sắp cưới, con cái, những chân dung trên cương vị doanh nhân. Hình ảnh bình thường, hẳn là có thể thay đổi qua lại được với ảnh trong tiểu sử của tất cả các ứng viên khác.

Nhưng tấm ảnh không giống những tấm còn lại thì thật lạ lùng...
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 17


TẤM ẢNH KHÁC BIỆT NÀY LÀ MỘT TẤM ẢNH báo chí trước đây tôi từng thấy. Nó là ảnh chụp một chính trị gia người Mỹ tên Donald Rumsfeld, ở Baghdad, đang bắt tay với Saddam Hussein, nhà độc tài Iraq, mãi từ năm 1983. Donald Rumsfeld từng hai lần làm Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng hồi chụp bức ảnh này thì đang là đặc phái viên của Ronald Reagan. Ông ta đến Baghdad để liếm đít Saddam, ca ngợi và trao cho tay độc tài này một cặp đinh thúc ngựa bằng vàng làm quà đồng thời là biểu tượng của lòng biết ơn đời đời của nước Mỹ. Tám năm sau chúng ta lại đá đít chứ không phải liếm đít Saddam nữa. Mười lăm năm sau đó, chúng ta giết hắn. Sansom đặt tên cho tấm ảnh này là Đôi khi bạn bè của chúng ta trở thành kẻ thù, và đôi khi kẻ thù trở thành bạn bè của chúng ta. Bình luận mang tính chính trị; tôi cho là thế. Hoặc lời thuyết giáo về kinh doanh, dù tôi không thể thấy dòng chữ trên nhắc gì tới khoảng thời gian thực sự.

Tôi trở lại với quãng đường binh nghiệp của Sansom và chuẩn bị đọc một cách cẩn thận. Rốt cuộc thì đó là lĩnh vực tôi có chuyên môn sâu. Sansom vào quân đội năm 1975 và xuất ngũ năm 1992. Khoảng thời gian mười bảy năm, dài hơn tôi bốn năm, cụ thể là nhập ngũ sớm hơn chín năm và xuất ngũ sớm hơn năm năm. Về cơ bản đấy là một thời kỳ tốt, nếu so sánh với hầu hết các giai đoạn khác. Cơn đau mang tên Việt Nam đã qua, quân đội mới, chuyên nghiệp, hoàn toàn tự nguyện đã rất ổn định và vẫn được rót nhiều ngân sách.

Có vẻ như Sansom đã rất hài lòng trong khoảng thời gian đó. Giọng kể của ông ta mạch lạc, chặt chẽ. Ông mô tả chính xác về huấn luyện cơ bản; mô tả Trường Dự bị Sĩ quan khá tốt, kể rất khôi hài về thời gian đầu trong lực lượng bộ binh. Ông ta cởi mở về việc là người tham vọng. Sansom đạt hết các bằng cấp được đề ra cho mình và chuyển sang lực lượng Rangers và rồi tới lực lượng Delta còn non trẻ. Như thường lệ, ông ta cường điệu hóa về quá trình tuyển chọn của Delta, những tuần lễ chẳng khác nào địa ngục, sự tiêu hao sức lực, sự chịu đựng, sự kiệt sức. Như thường lệ, ông ta không chỉ trích tính thiếu hoàn thiện của quy trình ấy. Lực lượng Delta đầy những tay có thể thức trắng một tuần, đi bộ cả trăm dặm và bắn bay hòn dái một con muỗi, nhưng lại khá thiếu những kẻ có thể làm tất cả những việc đó cùng lúc có thể chỉ ra sự khác biệt giữa Shitte - một người Shiai - và shit - cục phân.

Song nhìn chung tôi thấy Sansom khá trung thực. Sự thật là, hầu hết các phi vụ của lực lượng Delta đều bị hủy bỏ thậm chí trước khi chúng bắt đầu, và hầu hết các vụ được bắt đầu đều thất bại. Một số tay còn chưa bao giờ chứng kiến hành động. Sansom không thêu dệt chuyện đó. Ông ta thẳng thắn về sự phấn khích chắp vá tạm thời, và thẳng thừng về những thất bại. Trên hết, ông ta không nhắc tới những người chăn dê, thậm chí một lần cũng không. Hầu hết các báo cáo hậu hành động của Lực lượng Đặc biệt đều đổ lỗi thất bại cho những người chăn dê thả rong. Các tay của lực lượng này thâm nhập vào khu vực mà họ cho là khắc nghiệt hầu như không người ở, và ngay lập tức bị nông dân địa phương cùng những đàn dê lớn phát hiện. Theo thống kê thì khả năng này khó xảy ra. Về mặt dinh dưỡng cũng khó xảy ra, nếu xét tới địa hình cằn cỗi như vậy. Dê phải có gì đó để ăn chứ. Có lẽ tình huống trên một lần là có thực, nhưng từ đó nó đã trở thành bài tủ. Nói Chúng tôi ép sát người xuống đất và một tay chăn dê giẫm ngay lên người chúng tôi vẫn dễ chịu hơn nhiều so với nói Chúng tôi làm hỏng rồi. Nhưng Sansom không khi nào nhắc tới những động vật nhai lại hay các nông dân trông coi chúng, đây là một yếu tố quan trọng giúp ông ta ghi điểm.

Thực ra, ông ta không đề cập nhiều tới vấn đề nào. Chắc chắn không có nhiều thành công. Có những việc hẳn phải là những việc diễn ra khá thường xuyên ở khu vực Tây Phi, rồi Panama, cộng thêm việc săn tên lửa SCUD ở Iraq trong Chiến tranh Vùng Vịnh thứ nhất năm 1991. Ngoài những việc đó ra, chẳng có gì hết. Chỉ có huấn luyện rất nhiều và sẵn sàng chiến đấu, mà theo sau đó luôn là rút quân và huấn luyện bổ sung. Hồi ức của Sansom có lẽ là cuốn hồi ký đầu tiên của Lực lượng Đặc biệt không bị thổi phồng mà tôi từng đọc. Thậm chí còn hơn thế. Không chỉ là không bị phóng đại. Nó còn bị nói giảm đi. Làm cho nhỏ lại và tránh nhấn mạnh. Nói giảm, chứ không nói quá.

Đó là một điều thú vị.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 18


TÔI RẤT THẬN TRỌNG KHI TRỞ LẠI quán cà phê trên đại lộ Tám. Ông chủ chúng tôi sẽ điều cả một đội. Và đến lúc này tất thảy bọn chúng đều biết hình dạng tôi ra sao. Anh chàng bán hàng ở cửa hiệu Radio Shack đã bảo tôi cách gửi ảnh và hình quay qua điện thoại từ người này tới người khác, về phần tôi thì tôi không biết đối thủ trông ra sao, song nếu như ông chủ của chúng đã buộc phải thuê các gã mặc những bộ đồ sang trọng để ngụy trang thành dân ở nơi này, thì có lẽ đội của riêng hắn phải trông khác một chút. Nếu không thì chẳng ý nghĩa gì. Tôi đã thấy rất nhiều người trông khác với bình thường. Có lẽ là vài trăm ngàn người. Ta luôn thấy như vậy, khi ở thành phố New York. Nhưng chẳng ai trong số họ mảy may quan tâm tới tôi. Chẳng ai trong số họ bám theo tôi. Không phải là tôi làm cho việc theo đuôi tôi thành ra dễ dàng. Tôi lên chuyến tàu tuyến 4 tới Ga Trung tâm, đi bộ hết hai đường vòng xuyên qua đám đông, lên xe buýt nội thành tới quảng trường Thời đại, đi bộ một vòng dài và không hợp lý từ đó tới đại lộ Chín, và lên quán từ phía Tây, ngay đối diện Đồn Cảnh sát Khu vực 14.

Jacob Mark đã ở sẵn trong quán.

Anh ta ngồi trong một ô ở phía cuối quán, đã tắm rửa sạch sẽ, tóc chải gọn gàng, mặc quần màu sẫm, sơ mi trắng và một chiếc áo gió hải quân. Anh ta còn có thể xăm thêm dòng chữ cảnh sát hết ca ngang trán mình nữa. Jake trông không được vui nhưng cũng không sợ hãi. Tôi lách vào ghế đối diện với anh, ngồi ở bên mé để có thể quan sát đường phố qua các cửa sổ.

“Anh đã nói chuyện với Peter chứ?” Tôi hỏi.

Jake lắc đầu.

“Nhưng sao?”

“Tôi nghĩ là nó ổn.”

“Anh nghĩ hay anh biết?”

Anh không trả lời vì nhân viên phục vụ tới. Cũng đúng cô nhân viên hồi sáng. Tôi đói quá nên chẳng còn nhạy cảm với chuyện Jake sẽ ăn hay không. Tôi gọi một đĩa lớn xa lát cá ngừ kèm trứng và một loạt thứ khác. Cộng thêm đồ uống là cà phê. Jake làm theo tôi, gọi một chiếc xăng uých phó mát nướng và nước lọc.

Tôi lên tiếng, “Hãy cho tôi biết những chuyện đã xảy ra.”

Anh đáp, “Cảnh sát của trường đã giúp tôi. Họ vui khi làm việc ấy. Peter là ngôi sao bóng bầu dục. Nó không ở nhà. Thế nên họ dựng hết đám bạn của nó dậy và biết được thông tin. Thì ra Peter đang ở đâu đó với một phụ nữ.”

“Ở đâu?”

“Chúng tôi không biết,”

“Người phụ nữ nào?”

“Một cô gái gặp ở quán bar. Peter và đám bạn đi chơi cách đây bốn đêm. Con bé ở đó. Peter đã rời quán cùng nó.”

Tôi chẳng nói gì.

Jake hỏi, “Gì vậy?”

Tôi hỏi, “Ai đón ai?”

Anh ta gật đầu. “Đây là điều khiến tôi cảm thấy yên tâm. Thằng bé làm tất cả mọi việc. Đám bạn nó bảo rằng đó là một kế hoạch hoàn thành trong vòng bốn giờ. Nó phải dồn mọi thứ vào đó. Kiểu như một trận chung kết, bọn bạn bảo thế. Thế nên đó không phải Mata Hari[26] hay gì đó.”

“Mô tả người ra sao?”

“Một con bé hoàn toàn ngon lành. Mà bọn dân thể thao này nói là chuẩn đấy. Con bé lớn tuổi hơn chút nhưng không đáng kể. Có lẽ hăm lăm hoặc hăm sáu. Nếu anh là sinh viên đại học năm cuối, thì đó là một thách thức không cưỡng nổi, thế đấy.”

“Tên gì?”

Jake lắc đầu. “Những đứa khác giữ cự ly. Đó là quy ước rồi.”

“Bọn chúng thường gặp gỡ ở đâu?”

“Ở đường chạy vòng quanh trường chúng.”

“Gái làm tiền? Mồi nhử?”

“Không đâu. Đám nhóc này chơi bời vòng vòng rồi. Bọn nó không ngu đâu. Bọn chúng có thể nhìn ra ngay. Vả lại dù sao thì Peter chủ động làm tất cả mọi chuyện. Bốn tiếng, tất cả những gì nó đã từng học được.”

“Nếu con bé kia muốn thì bốn phút cũng xong hết.”

Jake gật đầu lần nữa. “Tin tôi đi, tôi đã trải qua việc ấy cả trăm lần rồi. Bất kỳ trò vui vẻ nào, một giờ là đủ để khiến nó có vẻ ngon lành. Hai giờ là tối đa. Chẳng ai kéo dài tới bốn giờ đâu. Thế nên ổn thôi. Theo quan điểm của Peter thì hơn cả ổn ấy. Bốn ngày với một cô em hoàn toàn ngon lành à? Hồi hăm hai tuổi thì anh đang làm gì?”

“Tôi hiểu ý ông,” tôi nói. Hồi hăm hai tôi cũng có những ưu tiên như vậy. Dù một mối quan hệ bốn ngày với tôi sẽ có vẻ dài. Thực tế là giống như đính hôn hay kết hôn vậy.

Jake nói, “Nhưng sao?”

“Susan bị chậm mất bốn tiếng trên đường cao tốc. Tôi đang băn khoăn không biết kiểu hạn chót nào đã có thể trôi qua khi ấy, khiến một bà mẹ cảm thấy muốn tự kết liễu đời mình.”

“Peter ổn. Đừng lo về chuyện đó. Nó sẽ sớm về nhà, đầu gối hơi run chút nhưng vui vẻ.”

Tôi không nói gì thêm. Cô nhân viên phục vụ cùng đồ ăn xuất hiện. Trông rất ngon, lại rất nhiều. Jake hỏi, “Mấy tay đánh thuê có tìm được ông không?”

Tôi gật đầu và vừa ngốn những nĩa đầy cá ngừ vừa kể cho anh nghe.

Anh nói, “Chúng biết tên anh à? Thế thì không ổn rồi.”

“Không được lý tưởng, đúng là không. Và chúng biết tôi đã nói chuyện với Susan lúc trên tàu.”

“Làm thế nào biết được?”

“Bọn chúng từng là cảnh sát. Chúng vẫn còn bạn bè đang làm việc. Không có cách lý giải nào khác.”

“Lee và Docherty hả?”

“Có thể. Hoặc có thể một gã nào đó làm ca ngày vào sở đọc hồ sơ.”

“Mà chúng chụp ảnh anh nữa hả? Thế cũng không ổn.”

“Không được lý tưởng,” tôi lại nói.

“Có bất kỳ dấu hiệu gì về nhóm còn lại mà bọn này nói tới không?” Jake hỏi.

Tôi kiểm tra qua cửa sổ rồi đáp, “Cho tới giờ thì chưa có gì.”

“Còn gì khác nữa?”

“John Sansom không thổi phồng về sự nghiệp của ông ta. Dường như ông ta đã không làm gì đặc biệt. Và kiểu tuyên bố như vậy không thực sự đáng phải bác bỏ.”

“Thế thì không còn manh mối gì.”

“Có thể không thế,” tôi nói. “Ông ta mang hàm thiếu tá. Như thế nghĩa là lên một bậc theo niên hạn và hai bậc do công trạng. Chắc chắn ông ta đã làm việc gì đó mà chúng thích. Tôi cũng mang hàm thiếu tá. Tôi biết cơ chế thế nào mà.”

“Anh đã làm việc gì mà họ thích?”

“Có lẽ là việc gì đó mà sau này họ thấy ân hận.”

“Thời gian phục vụ,” Jake nói. “Anh cứ quanh quẩn đó thì anh sẽ được thăng chức.”

Tôi lắc đầu. “Cơ chế không như thế. Cộng thêm chuyện tay này giành được ba trong số bốn huy chương hạng cao nhất mà cấp của ông ta có thể đạt được, trong đó một loại được tặng thưởng tới hai lần. Thế nên hẳn là ông ta đã làm việc gì đó đặc biệt. Thực ra là bốn việc.”

“Mọi người đều được nhận huy chương.”

“Không phải những huy chương đó đâu. Chính tôi đây được thưởng một huy chương Sao Bạc, nhưng so với tay này chỉ là hạng bét thôi, mà tôi biết một thực tế là huy chương cỡ ấy không có được dễ dàng đâu. Và tôi cũng có được một huy chương Trái Tim Tía mà rõ ràng Sansom không có. Ông ta không nhắc tới nó trong cuốn sách của mình. Và không có chính trị gia nào chịu quên một vết thương khi thi hành nhiệm vụ đâu. Cả triệu năm cũng chẳng quên. Nhưng giành được một huy chương anh dũng mà không bị thương thì hơi bất thường. Thường thì hai thứ đó đi đôi với nhau.”

“Như vậy có thể ông ta bốc phét về mấy cái huy chương.”

Một lần nữa tôi lắc đầu. “Không thể làm thế được. Với một vết thương cỏn con trên huân chương trong chiến tranh Việt Nam thì còn có thể, thứ nào đó đại loại như vậy, nhưng đây là phần thưởng cho những nhiệm vụ rất nặng nề. Tay này giành được tất cả các loại trừ Huy chương Danh dự.”

“Thế thì sao?”

“Thế nên tôi nghĩ là ông ta đang nói sai sự thật về sự nghiệp của mình, nhưng theo hướng ngược lại. Ông ta giấu bớt chứ không thêm vào.”

“Sao ông ta làm thế?”

“Vì ông ta đã tham gia ít nhất bốn nhiệm vụ bí mật, và bây giờ ông ta vẫn không thể nói chuyện về các vụ đó. Điều đó cho thấy chúng thực sự rất bí mật, bởi tay này đang trong chiến dịch vận động tranh cử, và sự thôi thúc nói ra rất lớn.”

“Loại nhiệm vụ bí mật nào?”

“Có thể là bất cứ gì. Chiến dịch mờ ám, hành động được che giấu, chống lại bất kỳ ai.”

“Vậy là có thể Susan đã được hỏi về các chi tiết.”

“Không thể,” tôi nói. “Các mệnh lệnh, nhật ký tác chiến và các báo cáo hậu hành động của Delta không nằm ở nơi nào gần HRC cả. Chúng hoặc đã bị hủy hoặc bị niêm phong trong vòng sáu mươi năm ở Fort Bragg[27]. Không có ý coi thường nhé, nhưng các hồ sơ đó chị của anh có muốn lại gần còn cách cả triệu dặm cũng chả được đâu.”

“Vậy điều này giúp chúng ta thế nào mới được chứ?”

“Nó loại trừ binh nghiệp của Sansom, là vậy đấy. Nếu ông ta có liên quan gì thì cũng là với tư cách khác.”

“Ông ta có liên quan không?”

“Bằng không thì sao tên ông ta lại được nhắc đến chứ?”

“Với tư cách gì?”

Tôi bỏ nĩa xuống, uống hết cốc cà phê rồi nói, “Tôi không muốn ở lại đây. Đây là điểm khởi đầu cho nhóm còn lại. Nơi này sẽ là điểm đầu tiên chúng kiểm tra.”

Tôi bỏ lại tiền boa trên bàn rồi ra quầy thanh toán. Lần này thì cô phục vụ hài lòng. Chúng tôi ra và vào quán với thời gian ngắn kỷ lục.

Manhattan vừa là nơi tốt nhất vừa là nơi tệ nhất, dành cho những kẻ bị săn đuổi. Tốt nhất, bởi nó ken đặc người, mỗi mét vuông đều có tới vài trăm nhân chứng xung quanh. Tệ nhất, bởi nó ken đặc người, và ta phải kiểm tra từng người trong tất cả số đó, chỉ để phòng bất trắc, và việc này thật chán chường, khó chịu, và mệt mỏi, rốt cuộc khiến ta nổi điên, hoặc khiến ta lười biếng. Vậy nên, để cho tiện, chúng tôi trở lại phố 35 Tây, đi bộ dọc theo phía vỉa hè có bóng râm, đi lên đi xuống phía đối diện các hàng xe cảnh sát đang đỗ, nơi dường như là những vỉa hè an toàn nhất thành phố.

“Với tư cách nào?” Jake hỏi lần nữa.

“Anh đã bảo tôi đâu là lý do đằng sau các vụ tự sát mà anh thấy ở Jersey ấy nhỉ?”

“Liên quan đến tài chính hoặc tình dục.”

“Và Sansom không kiếm được nhiều tiền khi còn trong quân đội.”

“Anh nghĩ rằng ông ta có quan hệ tình cảm ngoài luồng với Susan à?”

“Có thể,” tôi đáp. “Có thể ông ta đã gặp cô ấy khi làm việc. Ông ta thuộc dạng ra vào liên tục nơi làm việc. Những cơ hội để được chụp ảnh đăng báo, đại loại thế.”

“Ông ta đã có gia đình.”

“Chính xác. Và bây giờ là mùa bầu cử.”

“Tôi không nghĩ có khả năng đó. Susan không phải người như thế. Vậy nên hãy giả định là ông ta không có quan hệ tình cảm với chị ấy.”

“Vậy thì có thể ông ta quan hệ với một nhân viên HRC khác, và Susan là người chứng kiến.”

“Tôi vẫn không tin vào khả năng đó.”

“Tôi cũng không,” tôi nói. “Bởi tôi không hiểu làm thế nào lại có liên quan tới thông tin thông tiếc gì ở đây. Thông tin là chuyện lớn. Còn một mối quan hệ chỉ là câu trả lời có-không.”

“Có thể Susan đã hợp tác với Sansom. Không phải chống lại ông ta. Có thể Sansom muốn cho ai đó khác dính bê bối.”

“Vậy tại sao Susan đến New York thay vì tới Washington hay North Carolina?”

Jake nói, “Tôi không biết.”

“Và dù sao đi nữa, tại sao Sansom lại đòi hỏi gì đó từ Susan? Ông ta có cả trăm nguồn tốt hơn một nhân viên HRC mà ông ta không biết.”

“Vậy mối liên hệ nằm ở đâu?”

“Có thể Sansom có quan hệ tình cảm từ lâu rồi, với một người khác, khi ông ta vẫn còn trong quân đội.”

“Khi ấy ông ta chưa lập gia đình.”

“Nhưng có các nguyên tắc. Có thể ông ta chơi một nhân viên thuộc quyền. Bây giờ chuyện đó to tát lắm, trong chính trị ấy.”

“Chuyện đó đã từng xảy ra chưa?”

“Lúc nào cũng có,” tôi nói.

“Với anh à?”

“Thường xuyên hết mức. Theo cả hai chiều. Đôi khi tôi là nhân viên thuộc quyền.”

“Anh có bị rắc rối nào không?”

“Khi ấy thì không. Nhưng bây giờ nếu tôi ra tranh cử thì sẽ bị chất vấn.”

“Vậy là anh nghĩ rằng có những tin đồn về Sansom, và người ta đã hỏi Susan để khẳng định chúng?”

“Cô ấy không thể khẳng định được hành vi. Loại hành vi ấy nằm trong một tập hồ sơ khác. Nhưng có lẽ cô ấy có thể khẳng định rằng nhân vật A và nhân vật B làm việc ở một nơi trong cùng một thời gian. Đó chính là điều HRC làm giỏi.”

“Như vậy có thể Lila Hoth đã ở trong quân đội cùng với ông ta. Có thể kẻ nào đó đang cố gắng liên kết hai cái tên, nhằm tạo một vụ bê bối lớn.”

“Tôi không biết,” tôi nói. “Điều đó nghe có vẻ hoàn toàn hợp lý. Nhưng tôi có một gã người địa phương rất cứng rắn nhưng sợ đến mức không dám nói chuyện với NYPD, tôi đã nhận tất cả những hình thức đe dọa ghê gớm, và tôi lại có một câu chuyện về một nhóm đồ tể đang sẵn sàng tuột ra khỏi xích. Chính trị là công việc bẩn thỉu, nhưng có tệ đến thế không?”

Jake không trả lời.

Tôi nói, “Và chúng ta không biết Peter đang ở đâu.”

“Đừng lo về Peter. Nó là người lớn rồi. Cháu tôi là một tay hậu vệ đấy. Nó sẽ tham gia giải bóng bầu dục quốc gia. Thằng bé là khối cơ bắp nặng tới trăm ba lăm ký. Nó có thể tự lo cho bản thân. Hãy nhớ cái tên cháu tôi. Peter Molina. Ngày nào đó anh sẽ đọc thấy tên nó trên báo.”

“Nhưng không quá sớm, tôi hy vọng thế.”

“Thoải mái đi.”

Tôi nói, “Vậy bây giờ anh muốn làm gì?”

Jake nhún vai và nặng nề bước tới bước lui trên hè phố, một người đàn ông không biết ăn nói giờ lại càng bị sự phức tạp của những cảm xúc của mình làm cho khó xử hơn. Anh dừng lại, tựa vào một bức tường, đối diện trực tiếp với cửa Đồn Cảnh sát Khu vực 14 ở bên kia phố. Anh nhìn tất cả những chiếc xe đang đỗ, từ trái sang phải, những chiếc Impala và Crown Vic, những chiếc sơn và không sơn phù hiệu, và cả những chiếc xe đẩy chở đồ nho nhỏ ngồ ngộ.

“Chị ấy chết rồi,” anh nói. “Chẳng có gì sẽ mang được chị ấy trở lại.”

Tôi không nói gì.

“Thế nên tôi sẽ gọi cho dịch vụ tang lễ,” anh ta nói.

“Và sau đó?”

“Chẳng gì cả. Chị ấy đã tự bắn mình. Biết được lý do cũng chẳng giúp ích gì. Dù sao thì trong hầu hết trường hợp anh chẳng bao giờ thực sự biết lý do. Ngay cả khi anh nghĩ rằng mình có biết.”

Tôi nói, “Tôi muốn biết lý do.”

“Tại sao? Susan là chị tôi, không phải chị anh.”

“Anh đã không chứng kiến chuyện ấy xảy ra.”

Jake chẳng nói gì. Chỉ chăm chăm nhìn những chiếc xe đỗ ở phía đối diện. Tôi trông thấy chiếc xe mà Theresa Lee đã sử dụng. Nó là chiếc thứ tư tính từ bên trái. Một trong những chiếc Crown Vic không sơn phù hiệu nằm ở gần cuối đầu kia dãy xe trông còn mới hơn những chiếc khác. Bóng hơn. Nó lấp lánh dưới ánh nắng. Chiếc xe màu đen, với hai cần ăng ten ngắn mảnh trên nắp thùng xe trông như những cây kim. Xe liên bang, tôi nghĩ. Một cơ quan lắm ngân sách cứ hễ chọn phương tiện đi lại là nhặt toàn đồ rác rưởi. Thiết bị liên lạc cũng vậy.

Jake nói, “Tôi sẽ nói với gia đình Susan, chúng tôi sẽ chôn cất chị ấy, và chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc sống. Cuộc sống là khốn nạn và rồi ta sẽ chết. Có lẽ có một lý do tại sao chúng ta không quan tâm nó diễn ra thế nào hay ở đâu hay tại sao. Tốt hơn không nên biết. Biết chẳng có gì tốt. Chỉ thêm đau. Chỉ là thứ gì đó tệ hại sắp sửa xảy ra.”

“Đó là lựa chọn của anh,” tôi nói.

Anh gật đầu và không nói gì nữa. Chỉ bắt tay tôi rồi quay đi. Tôi trông thấy anh bước vào một ga ra ở một khối nhà nằm ở phía Tây phố 9, và bốn phút sau tôi thấy một chiếc xe thể thao đa dụng nhỏ màu xanh lá cây hiệu Toyota chạy ra. Nó hòa vào dòng xe chạy về hướng Tây. Tôi đoán anh ta đang hướng về đường hầm Lincoln về nhà. Tôi tự hỏi khi nào mình sẽ gặp lại anh một lần nữa. Tôi nghĩ là trong vòng ba ngày tới một tuần.

Tôi đã sai.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
599,143
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 19


TÔI VẪN CÒN ĐANG Ở PHÍA BÊN KIA phố đối diện cửa của Đồn Cảnh sát Khu vực 14 thì Theresa Lee bước ra cùng hai người mặc com lê xanh và sơ mi trắng bẻ cổ. Cô trông có vẻ mệt mỏi. Cô đã nhận cuộc gọi lúc hai giờ sáng, việc này có nghĩa cô trực ca đêm, như vậy cô sẽ hết ca lúc khoảng bảy giờ và tám giờ thì đã ngủ ở nhà. Lee đã làm ngoài giờ sáu tiếng. Tốt cho tài khoản ngân hàng của cô, không tốt lắm cho bất kỳ thứ nào khác. Nữ thám tử đứng trong ánh nắng, hấp háy mắt, duỗi người và rồi trông thấy tôi trên vỉa hè phía xa, liền tỏ thái độ vờ ngạc nhiên kinh điển. Cô vỗ vào khuỷu tay người đứng cạnh mình mà nói gì đó rồi trỏ thẳng vào tôi. Tôi ở quá xa nên chẳng nghe được những lời Theresa nói, song ngôn ngữ cơ thể của cô hét lên rằng Này, ông ta ở kia kìa, với một dấu chấm than lớn qua vẻ quyết liệt trong điệu bộ của cô.

Theo phản xạ, hai tay mặc com lê ngó về bên trái nhìn dòng xe cộ, điều đó cho tôi biết rằng trụ sở của họ nằm trong thành phố. Các phố đánh số lẻ chạy theo hướng Đông sang Tây, các phố đánh số chẵn chạy từ Tây sang Đông. Họ biết điều này, từ trong máu. Vì vậy, họ là người địa phương. Nhưng hai tay này quen lái xe hơn cuốc bộ, bởi họ không để ý xem liệu có những người truyền tin đi xe đạp chạy trái đường không. Họ chỉ vội vã băng ngang phố, tránh những chiếc xe hơi, tách ra và đồng thời tiếp cận tôi từ bên trái và bên phải, cho tôi thấy rằng họ đã được huấn luyện thực tế ở mức độ nào đó, và đang vội vàng. Tôi đoán chiếc Crown Vic có những cần ăng ten mảnh như cây kim là xe của họ. Tôi đứng trong bóng râm chờ đợi. Hai người đàn ông đều đi giày đen, đeo cà vạt xanh, áo lót lộ ra ở cổ, áo trắng mặc bên trong áo trắng. Phía trái của áo khoác ngoài cộm lên hơn phía phải. Các nhân viên thuận tay phải mang bao súng đeo qua vai. Tuổi họ chừng trên dưới bốn mươi. Trong thời kỳ trưởng thành tối đa. Không phải lính mới, chưa đến mức cho về hưu non.

Họ thấy rằng tôi sẽ chẳng đi đâu nên giảm tốc độ một chút và tiến về phía tôi bằng những sải chân dài. FBI, tôi nghĩ, gần với cảnh sát hơn lực lượng bán quân đội. Họ không trưng phù hiệu cho tôi xem. Họ chỉ cho rằng tôi đã biết họ là ai.

“Chúng tôi cần nói chuyện với ông,” tay bên trái tôi cất tiếng.

“Tôi biết,” tôi nói.

“Làm thế nào mà biết?”

“Vì các ông vừa chạy cắt ngang dòng xe cộ để tới đây.”

“Ông biết vì sao không?”

“Không. Trừ phi nguyên nhân là mời tôi tư vấn tâm lý do bị tổn thương.”

Miệng tay này dúm lại vẻ thiếu kiên nhẫn, như thể anh ta sẵn sàng chửi tôi vì đã mai mỉa. Rồi thái độ anh ta thay đổi một chút trở thành nụ cười nhạo, anh ta nói, “Được rồi, đây là nội dung tư vấn của tôi. Hãy trả lời vài câu hỏi rồi quên đi chuyện ông đã từng ở trên chuyến tàu đó.”

“Chuyến tàu nào?”

Tay này bắt đầu mở miệng trả lời nhưng rồi dừng lại, không kịp phát hiện thấy rằng tôi đang bỡn cợt hắn, và bối rối vì đã tỏ ra không bén.

Tôi hỏi, “Những câu hỏi nào?”

Anh ta hỏi, “Số điện thoại của ông là gì?”

Tôi nói, “Tôi không có số điện thoại.”

“Thậm chí điện thoại di động cũng không à?”

“Đặc biệt là thậm chí như thế cũng không,” tôi đáp.

“Thật vậy sao?”

“Tôi là tên đó đó,” tôi nói. “Xin chúc mừng. Các ông đã tìm thấy tôi.”

“Tên nào?”

“Tên duy nhất trên thế giới không có điện thoại di động.”

“Ông là người Canada à?”

“Tại sao tôi lại là người Canada?”

“Viên thám tử bảo chúng tôi rằng ông nói tiếng Pháp.”

“Rất nhiều người nói tiếng Pháp. Có cả một nước ở châu Âu đấy.”

“Ông là người Pháp hả?”

“Mẹ tôi.”

“Lần gần đây nhất ông ở Canada là khi nào?”

“Tôi không nhớ. Có lẽ cách đây nhiều năm rồi.”

“Ông chắc chắn không?”

“Rất chắc.”

“Ông có bạn bè hay đồng sự người Canada nào không?”

“Không.”

Tay này im lặng. Theresa Lee vẫn đứng trên vỉa hè bên ngoài cửa Đồn Cảnh sát Khu vực 14. Cô đang đứng trong nắng quan sát chúng tôi từ bên kia phố. Tay còn lại nói, “Đó chỉ là một vụ tự sát trên tàu. Chẳng vui gì, nhưng không quan trọng. Chuyện tệ hại xảy ra. Chúng ta rõ rồi chứ?”

Tôi nói, “Chúng ta xong rồi chứ?”

“Cô ta có trao gì cho ông không?”

“Không.”

“Ông chắc chứ?”

“Hoàn toàn chắc chắn. Chúng ta xong chưa?”

Tay này hỏi, “Ông có kế hoạch gì à?”

“Tôi sẽ rời thành phố.”

“Đi đâu?”

“Một nơi khác.”

Anh ta gật đầu. “Được rồi, chúng ta đã xong. Giờ thì lượn thôi.”

Tôi đứng yên tại chỗ. Tôi để cho cả hai bước đi, trở lại xe họ. Họ vào xe, đợi có một khoảng trống trong dòng xe cộ rồi đánh xe ra lái đi. Tôi đoán là họ sẽ đi theo hết xa lộ West Side về trung tâm thành phố, trở về bàn làm việc của mình.

Theresa Lee vẫn đứng trên vỉa hè.

Tôi băng ngang phố, lách qua giữa hai chiếc xe tuần tra màu xanh trắng đang đỗ rồi bước lên rìa vỉa hè, đứng gần cô, đủ xa để thể hiện sự tôn trọng, đủ gần để cho cô nghe thấy tiếng, mặt quay về phía tòa nhà để mắt tôi không bị chói nắng. Tôi hỏi, “Tất cả chuyện đó là sao thế?”

Cô đáp, “Người ta đã tìm thấy xe của Susan Mark. Nó đỗ ở tận dưới khu SoHo. Sáng nay xe được kéo đi rồi.”

“Và gì nữa?”

“Họ đã lục soát xe, điều đó thì rõ rồi.”

“Tại sao lại rõ? Họ đã rất quan tâm đến chuyện gì đó mà chính họ tuyên bố là không quan trọng?”

“Họ không giải thích suy nghĩ của họ. Nói kiểu gì thì nói, họ không giải thích với chúng tôi.”

“Họ đã tìm thấy gì?”

“Một mẩu giấy, trên đó có thứ mà họ nghĩ là một số điện thoại. Kiểu như mẩu thư ngắn viết vội vàng. Vò nát, như rác ấy.”

“Số thế nào?”

“Nó có mã vùng 600, họ bảo đó là mã của một dịch vụ điện thoại di động Canada. Một mạng đặc biệt. Rồi một con số, rồi chữ D, như chữ cái đầu của từ nào đó.”

“Chẳng có ý nghĩa gì với tôi,” tôi nói.

“Tôi cũng thế. Trừ việc tôi không tin đó là số điện thoại một tí nào. Không có mã tổng đài[28] và lại có quá nhiều con số.”

“Nếu đó là mạng đặc biệt thì có lẽ nó không cần mã tổng đài.”

“Có vẻ không hợp lý.”

“Vậy nó là gì?”

Theresa Lee đáp lời bằng cách vòng tay ra sau người rút từ túi sau ra một cuốn sổ ghi nhỏ. Không phải loại sổ được cấp của cảnh sát. Nó có bìa cứng màu đen và một đai đàn hồi giữ bìa gập vào. Cả cuốn sổ hơi quăn lại, như thể nó đã nằm trong túi cô rất lâu. Cô nới đai, mở sổ ra chìa cho tôi thấy một trang màu nâu vàng có ghi 600-82219-D bằng nét chữ gọn gàng. Chữ viết tay của cô, tôi nghĩ thế. Chỉ là thông tin, không phải một bức fax. Không phải sao chụp lại chính xác một mẩu thư ngắn viết vội vàng.

600-82219-D.

“Có thấy gì không?” Lee hỏi.

Tôi đáp. “Hình như các số điện thoại di động ở Canada có nhiều con số hơn.” Tôi biết rằng các công ty điện thoại trên khắp thế giới đều sợ cháy kho số. Thêm một con số thì sẽ tăng kho số của một mã khu vực lên mười lần. Ba mươi triệu, không phải ba triệu. Dù dân số Canada nhỏ. Đất đai rộng lớn, nhưng hầu hết diện tích không có người. Chừng ba mươi ba triệu người, tôi nghĩ. Ít hơn bang California. Thế nhưng California cũng chỉ cần đầu số điện thoại thông thường là đủ.

Lee nói, “Đó không phải số điện thoại. Là một thứ gì khác. Kiểu như mật mã hay số xê ri. Hoặc là số hồ sơ. Đám ấy đang phí thời gian.”

“Có thể nó không có liên quan. Rác trong xe có thể là bất cứ thứ gì.”

“Không phải vấn đề tôi quan tâm.”

Tôi hỏi, “Có hành lý trong xe không?”

“Không. Chẳng có gì ngoài thứ rác rưởi thường thấy tích lại trong xe.”

“Thế thì đó chắc là chuyến đi ngắn. Đi rồi về.”

Lee không đáp. Cô ngáp và chẳng nói gì. Cô đang mệt.

Tôi hỏi, “Những tay ấy có nói chuyện với em trai Susan không?”

“Tôi không biết.”

“Có vẻ ông ta muốn cho qua và quên hết đi.”

“Dễ hiểu thôi,” cô nói. “Luôn có một lý do, và lý do đó không bao giờ hay ho cho lắm. Dù sao đó cũng là kinh nghiệm của tôi.”

“Cô sẽ khép hồ sơ à?”

“Nó đã được đóng lại rồi.”

“Cô hài lòng với chuyện đó sao?”

“Sao tôi lại không thế được chứ?”

“Các con số thống kê,” tôi đáp. “Tám mươi phần trăm số người tự tử là nam giới. Tự tử ở khu Đông ít hơn rất nhiều so với khu Tây. Và nơi cô ta thực hiện việc ấy thật kỳ lạ.”

“Nhưng cô ấy đã thực hiện. Ông đã trông thấy cô ấy làm việc đó. Chẳng có gì nghi ngờ về chuyện đó. Không có mâu thuẫn gì. Đó không phải một vụ án mạng được che đậy tinh vi.”

“Có thể cô ta đã bị đẩy tới nước đó. Có thể đó là án mạng gián tiếp.”

“Thế thì tất cả các vụ tự sát đều thế.”

Lee liếc xuôi liếc ngược theo phố, muốn ra đi, nhưng quá lịch sự nên không thể nói ra. Tôi nói, “Rồi, rất vui vì được gặp cô.”

“Ông sẽ rời thành phố à?”

Tôi gật đầu. “Tôi sẽ đi đến thủ đô Washington.”
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại https://truyen.diendantruyen.com
Top Bottom