Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full [Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959) - 越甸幽靈集

Dịch Full [Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959) - 越甸幽靈集
Chương 9 : Thiện Hộ Linh Ứng Chương Vũ quốc công (Thần Hải Thanh)


Xét bản truyện: Ông vốn là Phúc Thần quán Thủ Quốc. Xưa nước Việt ta nội thuộc nhà Đường, Nam Chiếu nhập khấu, hãm quận ấp, đuổi quan Đô hộ nhà Đường, chia binh đồn mà giữ.

Người trong nước cáo cấp với nhà Đường, vua Ý Tông nhà Đường sai Trương Điệp làm tướng, lãnh năm vạn quân qua thảo phạt. Trương Điệp biết nam binh đông đảo, chần chừ không dám tiến. Vua Ý Tông nổi giận, khiến Cao Biền đến thay. Biền biết hải đạo Bạch Hạc có man binh đóng giữ mới đóng một nghìn chiếc thuyền nhẹ như bao nổi, vượt biển vào Thanh Hải và hai cửa bể Đại Nha, Tiểu Nha, rồi đánh lấy lại Giao Châu, đặt Trấn ở chỗ ấy, Biền ưa đạo thuật, đã đắp xong Trần rồi, liền thiết bàn thờ Địa Ký, tế rượu để cầu âm phù. Canh ba đêm ấy, nghe thần nói ở không trung rằng:

Nếu muốn xong việc quan, Nên tìm nguồn đạo đức, Xử cho chính trực luôn, Nghịch đảng sẽ về phục.

Biền cả mừng, bèn xây dựng Đạo Cung, đặt tên là Đô hộ cung, bên tả dựng đền thờ thần Thổ Địa để làm thủ hộ cho đẹp mắt. Người đời sau thờ làm Phúc Thần.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Thiện Hộ Quốc Công. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Linh Ứng. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Chương Vũ.
 
Chương 9 : Tiếm bình


Thần là xem mà chẳng thấy, nghe như không nghe, mà đây là giấc mộng trong đêm, tiếng nói giữa không trung, thì là hiện hay là ẩn vậy? Bảo rằng: Biến hóa không dò được gọi là Thần, không nên lấy trí thuật mà dòm ngó, lấy hình tích mà câu nệ.

Binh gia hay mượn quỷ thần để huyễn hoặc dân. Cao Đô Hộ dùng binh, đại khái bắt chước trí cũ của Điền Đan ngày xưa.

Đền quán tôn nghiêm, hương hỏa cung phụng, năm tháng chày lâu mới có linh ứng, thành kính cho nhiều thần mới cảm cách, mới y cho chớ phải dễ đâu. Trải xét xưa nay, đền thờ đều giống như thế cả.
 
Chương 10 : Lợi Tế Linh Thông Huệ Tín vương (Nam Hải Long Vương Quân)


Tục truyền:Vương là Hỏa Long Tinh Quân. Ngày xưa ở làng Kiều Hãn, châu Hồng, có hai anh em người họ Đặng, anh tên là Quyết Minh, em tên là Thiện Xạ, sinh sống bằng nghề đánh cá, ngày ngày thường xuống biển đánh cá; một hôm gặp một vật lạ, hình dạng giống như phiến gỗ, bề dài ba thước, sắc như trứng chim, theo con nước trôi lên. Hai người vớt lấy đem về. Đêm lại, trong phiến gỗ phảng phất có tiếng như thổi sáo, và tiếng người muốn nói rồi lại không nói nữa. Hai người kinh hãi, đem quăng trả lại dòng sông, tìm qua thuyền khác xin tá túc.

Đêm khuya đang ngủ ngon thì mộng thấy một người đàn bà bảo rằng:

- Ta là vợ Nam Hải Long Vương, lỡ cùng Hỏa Long giao cấu, sinh ra đứa con ấy, sợ Nam Hải Quân biết được nên báo mộng với hai người; đứa con là phiến gỗ ấy đã đến bên thuyền đây.

Hai ngừơi lấy làm lạ bèn chở đem về; đến làng An Ký, phiến gỗ hốt nhiên từ thuyển nhảy lên trên bờ, hai người ý muốn để đó mới xin một keo, quả nhiên được, bèn dựng từ vũ ở đấy, bảo thợ mộc khắc phiến gỗ tạc tượng, phụng sự như thần, hiệu là Long Quân.

Ngày sau, triều đình sai Thị thần mộ người xuống biển tìm ngọc châu, chỉ duy con cháu nhà họ Đặng tìm được rất nhiều. Thị thần hỏi tại sao, con cháu họ Đặng đem việc ấy trình lại cho quan Thị thần nghe. Thị thần về tâu với vua. Vua sai đem nghi vệ âm nhạc đến rước về. Khi ấy được ngọc châu rất nhiều, vua mới cho hiệu là Thần Châu Long Vương.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Lợi Tế Long Vương. Năm thứ tư gia phong hai chữ Linh Thông. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Huệ Tín, có nhiều linh ứng vậy.
 
Chương 10 : Tiếm bình


Ở trong bách thần, duy có Thuỷ thần rất là linh dị, làm mây làm mưa, xoi bờ vỡ đập, hoặc vào núi rừng đẵn gỗ, vần đá, kết bè mà đi giống như người thực, như thế để làm gì vậy? Vì rằng âm chủ tịnh; núi mà cao quá thì mây mù đọng lại, sông mà sâu quá thì giao long sinh ra, nước là khí dương trong khí âm, ngoài tối mà trong sáng, thấy đó mà không thể dò được, bởi vậy thần lặng mà linh, xem việc Hỏa Long rất là quái đản. Song việc Thuỷ thần đại khái đều như thế cả, nên chép lại để người đời xem cho đủ.
 
Chương 1 : Bài ký sự tích Sóc Thiên Vương


Xét sách Thuyền Uyển Tập Anh, đời Lê Đại Hành Hoàng đế, Đại Sư Khuông Việt họ Ngô thường đi chơi núi Vệ Linh ở quận Bình Lỗ, ngắm xem phong thuỷ, thấy cảnh trí rất đẹp nên muốn dựng từ am ở đó. Đêm mộng thấy một vị thần mình mặc áo giáp vàng, tay bên tả cầm giáp vàng, tay bên hữu xách cái bảo tháp, theo sau hơn mười người, trạng mạo cổ quái đáng sợ, đến trước bảo rằng:

- Ta là Tỳ Sa Môn Đại Vương, kẻ tuỳ tùng đều là quỷ Dạ Soa cả, Thiên đế có sắc bảo qua ở nước này để phù hộ cho hạ dân, với người có duyên nên mới đến đây nói chuyện.

Sư giật mình tỉnh dậy kinh hãi, nghe trong núi có tiếng hò hét, lòng rất lấy làm ghét. Sáng ngày, Sư vào núi thấy một cây rất to, cành lá rườm rà, lại có mây sắc trùm trên ngọn cây, mới bảo thợ rừng đốn xuống, quả y như trong mộng, liền khắc tượng lập đền.

Năm Thiên Phúc nguyên niên, quân Tống vào cướp, vua nghe đền nay linh ứng, bảo Sư đến đền cầu đảo.

Lúc bấy giờ quân nhà Tống đóng trong làng Tây Kết, hai bên chưa đánh nhau, quân Tống tự nhiên kinh hãi, kéo lui đóng ở sông Chi Giang, lại gặp sóng cả gió to, giao xà nổi dậy, quân đều kinh sợ mà bỏ chạy; Tướng nhà Tống là Quách Quỳ kéo quân trở về Tàu.

Vua lập thêm đền thờ và phụng tự.

Hoặc có kẻ nói các cố lão tương truyền rằng không nhớ về đời nào, Thiên vương sinh ở một làng kia, lúc còn nằm nôi, trong nước có giặc, vua sai sứ giả đi mộ khắp dân gian xem có ai phá được giặc thì ban cho tước lộc.

Thiên vương dậy hỏi mẹ, mẹ mới bảo rõ ràng như vậy, Thiên vương nói:

- Thế thì mẹ đem nhiều cơm đến đây cho con ăn.

Chốc lát ăn hết vài đấu cơm. Vài tháng sau, cao lớn hơn mười trượng, tự ra ứng mộ, Sứ giả đưa đến Kinh sư, vua trông thấy cả mừng hỏi rằng:

- Bây giờ ngươi muốn xin gì?

Tâu:

- Xin cho một thanh gươm dài, và một con ngựa sắt.

Vua ban cho, rồi Vương cầm gươm nhảy lên ngựa, hét lên một tiếng, xông vào trong trận, chém quân giặc chết ngổn ngang. Giặc tan rồi, bờ cõi được yên lặng. Thiên vương phi ngựa về núi Vệ Linh, trèo lên cây đa mà bay lên trời, để áo và dấu tích lại, đến nay vẫn còn, nguời trong thôn gọi cây ấy là cây Dịch Phục. Người trong nước lấy làm lạ, lập đền thờ tế, dùng trà bánh đồ chay mà cúng, nếu có cầu khấn việc gì đều được linh ứng.

Triều nhà Lý cũng đến cầu đảo, dựng đền thờ ở làng Cảo Hương bên hồ Tây mà thờ tự. Bây giờ làm vị Phúc thần chép tại Tự Điển.
 
Chương 1 : Tiếm bình


Núi Vệ Linh là nơi Đổng Thiên Vương lên trời. Hà Học sĩ vịnh thơ tức là ở đấy. Truyện này chép lại khác xa với Việt Sử. Sử chép rõ đời Hùng Vương thứ sáu mà sao đây lại nói không nhớ là đời nào? Sử chép rõ là làng Phù Đổng mà sao đây lại nói không biết người thôn nào? Nhà chép việc thường nhiều sơ suất như thế. Lĩnh Nam Chích Quái chép việc này so với đây còn rõ hơn. Tay tả cầm giáo, tay hữu xách tháp, tự hiệu là Tỳ Sa, thì khác với bản sắc Xung Thiên. Duy giáng thế mà đuổi được giặc An, hiển thánh mà lui được binh Tống, có công đức với dân, không gì lớn hơn nữa; sở dĩ được hưởng nghìn trăm năm trai nghi cúng vái, hơn cả các vị thần khác mà được liệt vào hàng bất tử, có phải tình cờ mà được vậy đâu?

Đền miếu Phù Đổng đứng vào bậc nhất, bốn tổng lớn như Thắng, Đồng, Minh, Viên tuế tiết phụng tự rất là thành kính, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng tư có hội, làm hội lớn của Bắc Giang. Các tổng miền thượng du ở sát núi Vệ Linh là chín tổng, mỗi khi đến lệ đại hội thì lấy đồ lỗ bộ bằng đồng thực mà nhóm lại đánh nhau để diễn lại vũ công của Thiên vương.

Đền thờ ở làng Cảo Hương làm cảnh đẹp cho Kinh đô, đến đầu năm làm lễ tế đầu Xuân thì thực là nơi đô hội của cả một phương. Am linh chói lọi, chín tầng trời hâm mộ đoái hoài, làm lặng bụi dơ mà phục hồi bờ cõi, suối trong nước lặng, nước Việt ta yên ổn vững vàng như bàn thạch Thái Sơn, thực là nhờ sức hiển tướng của Thiên vương vậy.
 
Chương 2 : Thanh Sơn Đại vương


Núi Tam Đảo là ngọn núi có tiếng của nước Việt ta. Quanh co suốt phương bắc, núi dài đến nghìn dặm. Thời triều Lý, triều Trần vốn có chép trong Tự điển, nhưng danh hiệu vị thần không được rõ rệt, gặp lúc binh lửa nên bỏ thất lạc mất.

Triều nhà Lê, vua Nhân Tông Hoàng đế, khoảng năm Kỷ Tỵ, Canh Ngọ, gặp trời đại hạn, đảo khắp bách thần không thấy mưa, triều đình mới bàn rằng: “Núi Tam Đảo là danh sơn, mà việc phụng tự thì thiếu ở trong Tự điển bây giờ nên đem lễ đến tế để cầu thần giúp”.

Vua mới khiến Văn thần thảo sắc, phong làm Thanh Sơn Đại Vương, đem lễ đến tế cầu mưa, ngày ấy ùn ùn mây kéo, bốn bể tối đen, sáng ngày mưa to như xối, năm lại được mùa.

Từ đấy về sau, hễ gặp đại hạn hay mưa dầm, đến cầu đảo đều có linh ứng, làm vị Phúc thần một phương, có chép ở Tự điển.
 
Chương 2 : Tiếm bình


Núi Tam Đảo đứng về phương hướng Càn Hội của chi giữa mạch đất trời Nam ta. Ba ngọn núi nhóm lại cao tới mây xanh cho nên đặt tên là Tam Đảo, thần núi danh hiệu chưa rõ, chỉ duy ở trong lùm núi xưa có đền thờ Quốc Mẫu là một vị Am thần.

Truyện ông Trần Nguyên Hãn chép rằng: Ông là con cháu Hưng Đạo Đại Vương, nhà ở phương đông trên núi đá, lúc hàn vi lấy nghề bán dầu làm sinh nhai, đi về đã ba hôm, bữa ấy đi đến đền thì trời đã tối đen, sơ không dám đi mới ngủ nhờ ở đền một đêm.

Đêm khuya chưa ngủ, nghe ngoài đền có tiếng gọi mà bảo rằng.

- Nay thiên đình có chỉ triệu các thần, Phu Nhân ra đi lên chầu.

Nghe trong đền trả lời rằng:

- Có khách ngủ lại, đi xa không tiện, thôi các thần hãy đi đi, có việc gì thì nói lại cho biết.

Ông lấy làm lạ, cứ trằn trọc canh chầy không hề ngủ được, chừng đến canh tư thì nghe có tiếng gọi lại, hỏi rằng:

- Phu nhân đã dậy chưa?

Thấy trong đền có người đi ra nói rằng:

- Bữa nay thiên đình họp có hai việc: “Việc thứ nhất là bầu cử Lê Lợi ở động Lam Sơn lên làm An Nam Quốc Vương, Nguyễn Trãi ở Nhị Khê làm phụ tá. Việc thứ hai là dưới đường Sơn Nam có một làng giết trâu tế thần để cầu mưa, cái dao của tên đồ tể bị phân trâu lấp mất, tìm mãi không có nó mới nói ngạo rằng: không có lẽ thần linh nào lại đến đây ăn cắp dao của ta sao! Bây giờ định phạt làng ấy ba năm Đại hạn cho biết.

Nói đoạn rồi từ biệt.

Ông nghe rõ đầu đuôi câu chuyện như vậy, sáng ngày hối hả xuống dưới đường Sơn Nam, tìm đến làng ấy, đến đống phân chỗ giết trâu bới lấy được con dao, thấy đồng ruộng của làng ấy khô cằn nứt nẻ cả. Ông mới xách con dao trình với Ấp trưởng và nói rõ tự sự đầu đuôi như vậy. Dân ấp cả sợ, biện lễ đến đền tạ tội, rồi dần dần cũng được mưa.

Ông thấy việc ấy đã có linh nghiệm, tất nhiên việc khác cũng sẽ phải đúng mới tìm qua núi Lam Sơn, vào sơn động gặp Lê Lợi nguyện theo làm tôi; đến khi Lê Lợi làm vua, ông có công lớn phong Khai quốc công thần. Sau ông chết, được làm Phúc thần ở Sơn Động.

Từ đấy đền Quốc Mẫu được xưng là linh dị, hương hỏa đời đời bất tuyệt, đền miếu trang nghiêm.

Đây chẳng biết có vị Sơn thần danh hiệu khác nữa không? Hay chỉ là Quốc Mẫu âm thần mà thôi, nên chép lại để đời sau khảo cứu.
 
Chương 3 : Kiền Hải Môn từ


(Ở phủ Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu làng Hương Cần)

Phu nhân họ Triệu, công chúa nhà Nam Tống, mẹ con ba người, Phu nhân là con gái út.

Niên hiệu Thiệu Bửu năm đầu đời Trần Nhân Tông, tướng Trương Hoằng Phạm đánh úp quân nhà Tống ở núi Giai Sơn; quân Tống đại bại, quan Tả thừa tướng Lục Tú Phu ôm vua Đế Binh nhảy xuống biển, quan quân nhảy xuống chết theo hai mươi vạn người; Phu nhân mẹ con ba người vịn mạn thuyền trôi đến chùa Hải Giai, nhà sư thương, đem về nuôi nấng; sau vài tháng, Phu nhân da thịt hoàn nguyên, diện mạo đẹp đẽ, nhà sư muốn tư thông, Phu nhân nhất thiết cự tuyệt. Nhà sư xấu hổ nhảy xuống biển tự tử.

Ba mẹ con cùng khóc, bảo rằng: “Mẹ con ta nhờ sư mà sống. Sư vì mẹ con ta mà chết, lòng ta sao an”, rồi cũng đều nhảy xuống biển chết cả.

Thi thể Phu nhân trôi đến cửa biển Kiền Hải phủ Diễn Châu nước ta, tuy chết đã lâu mà ngọc diện vẫn như sống, người bản xứ lấy làm lạ, vớt lên chôn cất hẳn hoi, sau thấy có nhiều linh dị, mới lập đền thờ phụng. Hễ thuyền biển gặp cơn gió to sóng lớn, nguy cấp lắm, van vái với Phu nhân thì đều được bình an vô sự. Các cửa biển đều có đền thờ, cũng đều linh ứng.
 
Chương 3 : Tiếm bình


Đương sau khi sáu quân tan rã, sơn hà như bọt nước mong manh, thân thể cánh bèo theo gió, gởi mình ở cảnh tịnh độ muối dưa, sống ta thấy ơn nhà sư, ghẹo ta ấy tội nhà sư, nhờ người mà sống, không nỡ thấy người chết một mình, cái chí của Phu nhân cũng đáng thương lắm thay! Tấm lòng u phẫn, reo gió mưa mà khóc được sóng gợn, cái tiết tháo trinh liệt, suốt vàng đá mà ngang dọc đất trời; cứu thuyền bè nguy ngập, thỏa lòng người chiêm ngưỡng, hiển linh trong âm, cầu đảo lập ứng, đền thiêng cửa biển, tiếng nổi vang dội.

Những ngoa truyền ở dã sử tục ký, đâu đủ làm tỳ vết cho hòn ngọc bích trắng tinh của Phu nhân vậy.
 
Chương 1 : Anh Liệt Chính Khí Đoàn tướng quân


Tướng quân tên là Thượng, người làng Hồng thị huyện Trường Tân, con của bà vú vua Lý Huệ Tông, theo lệnh vua sai kéo vào Hồng Châu bắt cướp.

Nhà Lý mất, Tướng quân vạch giới hạn của châu mà chiếm giữ, quan Thái sư nhà Trần là Trần Thủ Độ giả bộ làm hòa với Tướng quân nhưng thầm khiến Hiếu Võ Vương là Nguyễn Nộn đem trọng binh đánh úp.

Trận đánh đang say, quân Trần từ Văn Giang kéo đến đón ngả trước, Tướng quân bỏ Nộn chạy về hướng tây, bị gươm chép đứt đầu, chỉ còn dính một mảnh da, ông cỡi đai buộc lại, khí giận sôi lên, giục ngựa chạy về hướng đông.

Đến làng An Nhân, thấy một ông già khăn đen áo dài, đứng vòng tay một bên đường mà thưa rằng:

- Tướng quân trung liệt nghĩa khí, Thượng đế đã chọn rồi.

Chỉ sang ấp bên kia và nói:

- Chỗ ấy là chỗ huyết thực của Tướng quân, xin Tướng quân đừng quên.

Tướng quân vâng, rồi thẳng ngựa qua bên ấy, xuống ngựa gối giáo mà nằm, tự nhiên kiến mối đùn đất lên, chôn mất cả thi thể thành một cái mộ.

Dân thôn tạc tượng mà thờ. Sông Nhị Hà lở, miếu đổ xuống nước, tượng trôi đến làng An Nhân, làng An Nhân làm miếu mới mà thờ. Miếu trở mặt ra đường cái ngả Đông Bắc, uy linh hiển hách, khách đi đường, người buôn bán qua lại trước đền, hễ không cất nón cúi đầu lập tức thấy sự tổn hại.

Ngày kia, tên miếu thừa tự nhiên té xuống đất, chốc lát lại vùng dậy, nhảy lên ngồi trên cao, họp các bậc phụ lão lại mà bảo rằng:

- Sáng ngày phải quét dọn sạch sẽ, có giá ngự đến, bận áo đen đi bộ là Ngài đó, phải chực sẵn ở đây để đón tiếp.

Chúng đều dạ dạ.

Sáng ngày lo dọn dẹp, khăn áo đến chực sẵn, đợi đến ngày gần tối không thấy gì, ai nấy đều mệt mỏi muốn ra về. Hốt nhiên có một nhà sư bận bát y dài chấm đất, theo sau một chú tiểu, qua cầu đứng trước đền rồi đi thẳng vào trong. Các bậc phụ lão đốt trầm sụp xuống lạy. Nhà sư lấy làm lạ mới hỏi. Người trong ấp tâu như thế.

Thời ấy vua Nhân Tông truyền ngôi cho con, xưng là Điều Ngự Đại Vương, xuất gia ở núi, thường ngày một bình một bát qua lại hương thôn, ít ai biết đến, nhân ngày ấy đi đến làng An Nhân thì gặp chuyện như vậy.

Vua khen, ở lại đền một đêm, đem sự Nhân Quả thuyết pháp cho thần và mọi người nghe, và khuyên thần nên thể đức hiếu sinh, sáng sớm vua trở về Kinh Sư.

Ngày mai sấm mưa cả dậy, thần tọa xây về hướng đông, những người qua lại trên đường từ đấy được an toàn vô sự. Có sắc chỉ phong thượng đẳng thần, luỹ Trường Tân cũ đến nay vẫn còn.
 
Chương 1 : Tiếm bình


Tướng quân là kẻ thân của nước cũ, phục nhà Lý mà thù nhà Trần, có lẽ không đội chung trời đất, ở nhà Chu làm ngoan dân, ở nhà Thương làm trung thần. Cái chết nghĩa khí tuy chết cũng như còn, coi việc cởi đai buộc đầu thì biết. Ông già chỉ chỗ, khiến mối đắp mồ, ý giả người trong ấp có thần chỉ bảo chăng? Tượng thấy ở An Nhân, nhập mộng cho kỳ lão, biết Điều Ngự sắp đến chơi, xây thần tọa qua hướng đông, từ đó trăm năm hương lửa, hảo kết nhân duyên, Đông Bắc Mã Đầu, miếu đền lộng lẫy, khách qua đường phải xuống ngựa, con hát phải kiêng tên, trời đãi người trung nghĩa, hậu đến đường nào vậy!
 
Chương 2 : Linh thần miếu Thanh Cẩm


Huyện Thọ Xương, phường Đông Các, miếu Thanh Cẩm thờ vị thần Cố Mạc Liệt Sĩ Mỗ Công. Ông tên họ không rõ, đậu tiến sĩ nhà Mạc, làm quan đến Đài Sảnh.

Lúc bấy giờ Triết vương nhà Trịnh đem quân xuống phương Đông, vua nhà Mạc bỏ thành chạy về hướng Bắc, Triết vương vẫy quân đuổi theo, sự thế quá khẩn bức. Ông bèn bận bào gấm, đai vàng, do bên hồ Thái cực ra đường Đông Các, đón ngựa Triết vương lại. Vương ra lệnh tạm đình, họp các tướng lại nghị trảm. Xong lại gióng trống đuổi theo thì Mạc chúa đã qua bên kia sông rồi.

Nghĩa quân Triết vương kéo về Tây, Mạc lại trở về chiếm cứ Đông Kinh, đến chỗ ông bị chém, dựng miếu thẳng theo đường cái, hương hỏa không ngớt.

Vua Nhân vương khiến phá miếu ấy đi, dưới miếu có ngôi mộ chôn một cái đầu lâu, cả một cơ binh xúm lại kéo nhưng vẫn trơ trơ không chuyển động, rồi thôi, miếu không bị phá nữa.
 
Chương 2 : Tiếm bình


Binh Trịnh thừa thắng, chúa Mạc chạy đêm, một gã thư sinh, thong dong áo quần đai vàng, cả gan xông đến chỗ tên đạn để làm kế hoãn binh, thật đáng thương thay! Tấm lòng này không khác chi tấm lòng của Kê Thị Trung và Lý Thị Lang vậy.

Miếu mộ như cũ mà tên họ thất truyền, cái lỗi của nhà chép sử thật nhiều lắm thay!
 
Chương 1 : Trần triều Hưng Đạo Đại vương


Vương họ Trần tên Quốc Tuấn, con An Sinh Vương Liễu, phong tước là Hưng Đạo Đại Vương. An Sinh Vương cùng vua Thái Tông có hiềm khích; lúc ông sắp chết, cầm tay Vương trối rằng:

- Mày hãy vì ta lấy cho được thiên hạ, nếu không thì ta chết chẳng nhắm mắt. Vương tuy vâng dạ nhưng trong lòng không lấy làm phải, mỗi khi làm gì thì hết sức cẩn thận. Khoảng năm Trùng Hưng, Vương hai lần đánh lui quân Nguyên, làm võ công bậc nhất lúc ấy.

Đến khi Vương mất, vua lập đền thờ, mỗi khi có giặc đến cướp phá thì lấy gươm thời trong đền ra đánh đều được đại thắng.

Vương trị bệnh tà Phạm Nhan rất linh nghiệm.

Phạm Nhan miếu tại huyện Đông Hồ làng An Bài, sông Lương Giang. Tục truyền rằng: Phạm Nhạn họ Nguyễn tên Bá Linh, cha là khách buôn tỉnh Quảng Đông, mẹ là người làng An Bài nước ta, đậu tiến sĩ nhà Nguyên, giỏi thuật phù thuỷ, thường lén vào hậu cung làm sự bất chính, bị bắt được, sắp đem đi chém nhưng vừa gặp lúc nhà Nguyên qua đánh ta nên Bá Linh tình nguyện xin làm hướng đạo để chuộc tội. Nhà Nguyên thuận cho. Trận đánh sông Bạch Đằng, Bá Linh bị Vương bắt sống, đem chém ở làng mẹ, quăng đầu xuống sông; có hai người kẻ chài cứ chài được đầu lâu mãi, mới van vái rằng:

- Nếu như có linh thì giúp bọn chúng tôi chài cá cho thật nhiều, chúng tôi sẽ chôn cất hẳn hoi.

Quả nhiên ngày ấy họ chài được rất nhiều cá, nhiều gấp mấy ngày trước, mới đem đầu lâu lên bờ chôn cất. Hai người kẻ chái thường van vái mời Bá Linh đi theo thuyền chài chơi, lâu thành ra quen. Bá Linh thường chỉ đàn bà bảo hai người ấy ghẹo chơi thì đều được cả. hai người mới lập đền thờ phụng.

Trước kia, Bá Linh sắp bị chém có hỏi Vương rằng:

- Bây giờ Vương cho tôi ăn gì? Vương giận bảo rằng:

- Cho mày ăn sản huyết của đàn bà.

Sau khi chết, Bá Linh đi khắp trong nước, hễ gặp chỗ nào có sản phụ là theo ngay và tức thì người đàn bà ấy mê man bất tỉnh, thuốc men không thể chữa được. Nhà bệnh đến đền Vương cầu đảo, lấy chiếu cũ ở trong đền thình lình đắp lên người bệnh hay trải cho người bệnh nằm, và lấy tàn nhang nước thải cho uống thì lập tức lành ngay, có người mới đem chiếu về đến nhà là đã lành rồi, anh linh kỳ nghiệm như thế cả.
 
Chương 1 : Tiếm bình


Vương là dòng dõi họ Đông A, chịu lời trối của cha là An Sinh Vương nhưng không chịu theo loạn mệnh, thế thì ở nhà là hiếu tử. Gặp biến loạn ở Trùng Chưng mà lập công lớn thì ở nứơc là trung thần, duy trung duy hiếu, mới che nổi cái lỗi của Tiền nhân. Công trùm thiên hạ, ngôi tột nhân thần, tiếng vang hoa di, sau khi chết lại được muôn đời huyết thực.

Triều nhà Trần, tướng võ tướng văn nhiều kẻ làm danh thần, như Quốc Điền ở Chí Linh, Khắc Chung ở Lập Thạch, Quốc Điện ở Tiên Phong nhưng cuối cùng không lừng lẫy bằng Vương, đó là trung hiếu báo đền vậy chăng?

Nước Mông Cổ quật khởi ở phương Bắc, nuốt nước Linh Hạ, uy hiếp Cường Kim, đánh úp nhà Cự Tống, mang cung tên đến đâu thì các nước ngoài núi biển đều trông gió mà tan vỡ, đem quân sang Nam ào ào như núi lở sông băng, gió rung mây cuốn; Vương chỉ một nhóm tàn quân dám ra chống cự, khác nào như núi Thái Sơn đè trứng, thế mà một hồi trông sông Bạch Đằng, quân Mông Cổ phơi thây nghìn dặm, há chẳng phải là việc hiếm có ở trời đất sao? Không những có công lớn với nhà Trần mà cũng có công lớn với thiên hạ đời sau nữa, nếu không có Hưng Đạo Đại Vương thì nước Nam Giao đã phải để tóc đuôisam rồi vậy.

Bây giờ miếu của Vương ở giáp giới Phụng Nhãn và Chí Linh; làng Vạn Kiếp, làng Lạn Sơn hai làng phụng sự, đất ấy gần Cổ Phao, đồ sộ thiên nhan vạn hác; miếu ở lưng chừng núi, tả hữu có núi Nam Tào, Bắc Đẩu, mặt ngó xuống sông Hựu Giang, cây cỏ um tùm, đứng xa mà trông rõ ràng như một thắng cảnh ở Bồng Lai, xa gần đến cầu đảo, trên đường đong như dệt. Miếu chúc có hai người, một người ở làng Vạn Kiếp, xưng là Bắc Chúc, hễ có ai từ đường phương Bắc đến hành hương thì người này làm chủ. Một người ở làng Lạn Sơn, xưng là Đông chúc, hễ có ai từ đường phương Đông đến hành hương thì người này làm chủ. Mỗi năm tiền bổng của khách đi lễ Đông và Bắc đều cân nhau, linh dị đại khái như thế.

Phụ xét các tạp thư Thái Bình, Quảng Ký có nói Trung Quốc có loài yêu hồ ly hay dâm hãm đàn bà. Nước ta không có giống quái ấy, duy có tà Phạm Nhan, ai mắc phải đến cầu tại đền Vương là lành, việc có khác nhau, chớ nên lấy hình tích mà câu nệ.
 
Chương 2 : Chép rõ sự tích Từ Đạo Hạnh đại thánh


Xưa Đạo Hạnh họ Từ, tên huý là Lộ, ông thân tên là Vinh lấy đạo Thích làm Giáo tông, làm quan triều Lý đến chức Tăng Quan Đô Sát, thường qua chơi làng An Lãng, cưới con gái họ Tăng tên là Loan, làm nhà ở xóm Lang Nam làng An Lãng, được chỗ ở đúng chỗ quý địa, bẩm sinh ra Đạo Hạnh, có tiên phong đạo cốt.

Đạo Hạnh lúc nhỏ du đãng nhưng có chí lớn; khi ở nhà cũng như khi ra ngoài, người đời không thể dò biết được, thường cùng với nhà nho Phí Sinh, nhà Đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa, kép hát Phan At kết làm bạn thân; đêm thời chăm chú đọc sách, ngày thời đá cầu, thổi sáo, đánh bạc làm vui. Cha thường chửi mắng là phóng đãng, nhưng một hôm, ông lên nhòm vào phòng Vạn Hạnh thấy ngọn đèn leo lét như hạt đậu, sách vở bừa bãi; Đạo Hạnh tựa án ngủ mà tay còn cầm quyển sách, từ đó mới không la rầy con nữa; về sau, Đạo Hạnh đi thi khoa Bạch Liên tông giáo được đậu đầu nhưng ông không muốn làm quan, đêm ngày chỉ lo trả thù cho cha.

Nguyên ông cha ngày trước lấy diệu thuật phạm đến Diên thành hầu, nhà Diên thành hầu có thầy pháp Đại Điên dùng phù yểm giết chết đi, quăng thây xuống sông Tô Lịch, trôi đến cầu Tây Dương, chỗ nhà Diên thành hầu ở, thây dừng ở đó, cách ngày không chịu trôi đi. Diên thành hầu sợ, đi báo thầy Đại Điên; Đại Điên đến, niệm kệ rằng:

- Tăng còn giận chưa mãn túc hay sao? Sống là một cảnh hí trường, chết mới thành Bồ Đề.

Dứt lời, thây liền trôi đi, đến sông Hàm Rồng làng Nhân Mục Cựu thì dừng lại. Người ta thấy có linh dị, làng ấy chôn cất rồi dựng miếu, tạc tượng mà phụng thờ, mỗi năm ngày mồng mừơi tháng giêng là ngày kỵ.

Bà mẹ chôn ở chùa Ba Lăng làng Thượng An, tức nay là chùa Hoa Lăng, chùa ấy thờ hai vị thánh phụ và thánh mẫu.

Đạo Hạnh chăm lo trả thù, nghĩ chưa ra kế gì, một bữa dòm thấy Đại Điên ra đi sắp làm pháp thuật đâu đó; Đạo Hạnh lấy gậy đánh Đại Điên, bỗng nghe trên không có tiếng mắng bảo thôi.

Đạo Hạnh quăng gậy về nhà, thương cảm và oán hận muốn qua Tây Thiên An Độ học thêm dị thuật để về chống trả Đại Điên, mới cùng đi với hai người bạn là Minh Không và Giác Hải.

Đến xứ Xỉ Man, đường sá hiểm trở, đi rất khó khăn đang muốn trở về thì thấy một ông già chèo một chiếc thuyền con đang dạo chơi trên sông; ba ngừơi cùng đến hỏi rằng:

- Thưa ông, đường đây đến qua Tây Thiên còn bao xa nữa. Ông già trả lời:

- Đường núi hiểm trở, đi chân không đi được đâu. Lão này có chiếc thuyền con xin chở giúp các người, và có cái gậy con, nhắm thẳng nước Tây Quốc mà đến chẳng xa là bao nhiêu, để lão chở giúp.

Rồi lão đọc một bài kệ rằng:

Đạo lý đương nhiên giúp các anh, Khen ai viễn học chí thành danh. Mênh mông muôn ngả qua nào khó, Chỉ một Hoàng Giang thấy thánh sinh.

Đọc xong bài kệ, ngửa mặt trông chừng giây lát đã đến bờ Tây Thiên, có nhiều thần thông linh pháp.

Đạo Hạnh ở lại giữ thuyền, Giác Hải, Minh Không lên bờ trước, học được linh pháp rồi bỏ đi về trước; Đạo Hạnh giữ thuyền đã ba ngày, không thấy hai người trở về, tự nhiên gặp một bà lão bên sông liền đến vái chào mà hỏi rằng:

- Bà lão có thấy hai người cầu đạo đã trở về chưa? Bà lão đáp:

- Hai người ấy, ta đã dạy cho linh pháp đắc đạo trở về rồi.

Đạo Hạnh vừa lạy vừa nói duyên cớ ba người cùng đi với nhau như thế nào, nay lại bỏ nhau, rất là ân hận. Bà lão nghe nói, bảo Đạo Hạnh:

- Hãy gánh đôi thùng nước về nhà, ta sẽ dạy linh pháp cho ngươi, cho thêm thuật thu đất và bài chú Đà La Ni nữa.

Đạo Hạnh học được tất cả, nghĩ giận hai bạn thất ước mới niệm chú; Minh Không, Giác Hải đi được nửa đường, bị chú, đau bụng như cắt, Đạo Hạnh dùng thuật thu đất lại, băng bộ về trước, rồi hóa ra hổ mà núp ở trong bụi rậm làng Ngải Cầu huyện Từ Liêm, gầm thét vài tiếng, lân cận đều kinh hãi.

Minh Không, Giác Hải đi ngang qua đấy, nhìn nhau ngạc nhiên, bề ngoài tuy hơi sợ nhưng trong bụng nghĩ có linh thuật lại sẵn có thông minh, biện biệt hư thực biết quả là Đạo Hạnh hóa tướng, mới ngó lui bảo rằng:

- Mày muốn biết hậu thân của thân mày, đến đây ta bảo cho. Bảo Đạo Hạnh rằng:

- Bọn ta cùng được Thế Tôn dạy dỗ, đạo quả đã tròn, hậu thân mày phải ra lại thế gian làm vua, nhưng bệnh trái khó bề tránh được. Bọn ta với mày có duyên, phải đến cứu giúp nhau.

Đạo Hạnh khi ấy bỏ hết giận cũ, cùng nhau truyền đổi phép tiên, đi trên mặt nước, bay ở không trung, rồng phải xuống chầu, hổ phải nép, bay lên trời thu đất lại, muôn quái nghìn kỳ, vào thần ra quỷ, chẳng ai dò được huyền diệu. Khi ấy mới nhường Đạo Hạnh làm anh cả, Minh Không làm anh thứ, Giác Hải làm em út, chỗ ấy nay gọi là Bán Kiều.

Minh Không, Giác Hải từ về chùa Giao Thuỷ, Đạo Hạnh tu luyện ở chùa Thiên Phúc, núi Thạch Thất; trước chùa có hai cây cổ tùng, người đời gọi là long thụ. Đạo Hạnh ngày thường chuyên đọc bài chú Đại Bi Tâm Đà La Ni, cứ đủ ức vạn nghìn lần thì cây tùng rụng xuống một nhánh. Đọc chú xong, hai cây tùng đều trụi hết. Đạo Hạnh tưởng được Quan Thế Am đã đến ứng hộ, cái sức phù chú của mình đã thấu đến Thiên Đường.

Một hôm thấy có một vị thần đến, chân trước đi không bén đất, Đạo Hạnh hỏi:

- Ngươi là thần gì?

Thần trả lời:

- Đệ tử là thần Tứ Trấn Thiên Vương, cảm vì cái công đức của Sư đã tụng kinh nên đến đây hầu Sư để Sư sai khiến.

Đạo Hạnh tự biết lục trí của mình đã viên mãn, có thể trả được thù cha rồi mới trở về ở lại làng cũ là An Lãng, thân đến cầu An Quyết sông Tô Lịch, phóng cái gậy xuống dưới nước, hốt nhiên cái gậy dựng thẳng trên mặt nước rồi đi ngược dòng như bay đến cầu Tây Dương thì dừng lại.

Đạo Hạnh cả mừng mà rằng:

- Phép của ta hơn Đại Điên rồi đây.

Rồi đi thẳng đến chổ Đại Điên ở. Đại Điên trông thấy bảo rằng:

- Mày không nhớ việc ngày trước hay sao?

Đạo Hạnh ngó lên trên không thì vắng vẻ không thấy gì, liền lấy gậy đánh chết Đại Điên, lại đem thây quăng ra sông Tô Lịch để trả thù xưa.

Trả được thù cha, lòng trần khoan khoái mới đi chơi khắp các rừng núi, tìm hỏi cao tăng, nghe cao tăng Trí Huyền ở Thái Bình tu hành đắc đạo mới tìm đến yết kiến, tỏ hết chân tâm, có bài kệ rằng:

Lâu đọa phàm trần chửa biết kim. Chẳng hay đâu đó thật chân tâm. Xin nhờ chỉ dạy đường phương tiện, Khỏi đến Bồ Đề ngặt khó tìm.

Trí Huyền cũng đáp lại bài kệ rằng:

Bí quyết chân truyền giá vạn câm. Ở trong đầy mắt thảy thuyền tâm. Hà sa thế giới nên đừng nói. Bất tất Bồ Đề cách vạn tầm.

Từ Đạo Hạnh mờ mịt không hiểu ra làm sao, bỏ đi qua chùa Pháp Vân hỏi sư Sùng Phạm Hội rằng:

- Thế nào gọi là chân tâm?

Phạm Hội bảo cho, Đạo Hạnh quát nhiên tự ngộ bèn trở về chùa Thiên Phúc núi Thạch Thất, tu đạo luyện pháp như xưa.

Từ đó pháp lực càng tăng gia, lòng thuyền thêm chín chắn, hay khiến chim núi, thú rừng, từng đoàn đến chùa đi quanh quẩn, hiền lành tử tế. Hễ phương dân ai có đau ốm đến cầu khẩn thì phi phù niệm chú linh nghiệm tức thì, dùng đạo giúp người, ai nấy đều đội ơn cả.

Lúc bấy giờ Lý Nhân Tông không có con, cầu đảo đều không linh nghiệm. Hoàng đệ Sùng Hiền Hầu mời Đạo Hạnh đến nhà cùng nói chuyện về việc cầu tự. Đạo Hạnh nguyện thác thai để đền ơn Sùng hiền hầu ngày trước. Lúc ấy Phu nhân đang tắm gội ở hậu đường, hốt nhiên thấy Đạo Hạnh hiện vào trong thùng nước. Phu nhân sợ, nói với Sùng hiền hầu. Hầu vẫn biết ý, mật bảo Phu nhân rằng:

- Trong thùng nước thấy hiện hình tức là chân nhân đã vào thai cung rồi. Phu nhân đừng kinh hãi. Phu nhân ý cảm như đã có thai. Đạo Hạnh từ tạ mà về, dặn rằng:

- Hễ khi nào lâm bồn phải đến nói cho tôi biết.

Đến ngày thai đủ tháng, Phu nhân thấy trong mình khó chịu, chuyển bụng muốn đẻ nhưng đẻ không được. Sùng Hiên hầu bảo:

- Thế thì phải gấp đến báo với cao tăng.

Từ Đạo Hạnh nghe tin báo, bảo với đệ tự rằng:

- Ta nghiệp trần chưa dứt, phải tạm ra làm vua ở nhân gian, khi hết thọ lại làm chủ ba mươi ba trời; nếu thấy chân hình của ta bị nát hết, đó là ta vào Nê Viên chớ không có sinh diệt gì đâu.

Đệ tử nghe xong, ai nấy đều cảm kích mà khóc, Đạo Hạnh thuyết bài kệ rằng:

Cuối thu chẳng báo nhạn về đây. Dễ khiến nhân gian động nhớ thầy. Tỏ dấu người đời không ý tiếc, Sư xưa mấy độ lại sư nay.

Đọc xong, đi lên tiên động, va đầu vào vách đá, giẫm chân lên bàn đá, nghiễm nhiên thây rã ra rồi hóa, nay dấu in vẫn còn. Năm ấy là năm Bính Thân, niên hiệu Hội Tường Đại thánh thứ ba, ngày mồng bảy tháng ba mùa xuân.

Từ khi Niết Bàn xuất thế, Đạo Hạnh làm con Sùng hiền hầu, không phiền dưỡng dục mà mau lớn, không cần huấn giáo mà thông minh, diện mạo khôi ngô, tài biện bạt chúng, vua chiếu đòi vào cung giáo dưỡng, sắc phong làm hoàng tử.

Vua Nhân Tông băng, hoàng tử lên ngôi tức là vua Thần Tông.

Đến năm Bính thìn, thời kỳ hai mươi mốt tuổi xuân, tự nhiên vua thấy thân mình hóa lông mọc vuốt, dần dần biến thành hổ; danh sư bốn phương chữa không thấy khỏi; Minh Không, Giác Hải nghe vua bị tật lạ, quả nghiệm lời nói trước mới làm ra một bài ca dao mà dạy cho trẻ hát rằng:

Muốn lành bệnh Thiên tử, Phải tìm sư Minh Không.

Khi ấy trẻ con hát rầm, triều đình sai Sứ đến chùa Giao Thuỷ yết sư Minh Không rằng:

- Nay Thiên tử bị kỳ tật, triều đình sai Sứ qua rước Sư để chữa bệnh cho Thiên tử.

Minh Không, Giác Hải lấy cái nồi nhỏ nấu cơm rồi mời Sứ giả và quân lính tuỳ tùng rằng:

- Bần đạo có nấu ít cơm, xin mời chư quân tạm dùng bữa.

Quan quân ăn đều no nê, nhưng niêm cơm nhỏ vẫn còn. Hai Sư cùng với Sứ giả xuống thuyền. Minh Không bảo quân lính rằng:

- Các ngươi hãy tạm nghỉ ngơi, đợi con nước lên rồi đi đến Kinh Sư.

Khi ấy quan quân trong thuyền đều ngủ ngon cả. Hai Sư làm phép cho thuyền không cần chèo mà tự nhiên đi bay như tên bắn, nói cười khoảnh khắc đã đến trên bờ Đông Tân. Hai Sư vội gọi quan quân dậy thì đã thấy tháp Báo Thiên rồi; quan quân rất đỗi kính phục. Khi ấy rước hai sư vào thẳng trong đền vua; các thầy thiên hạ trông thấy hai Sư hình dung cổ quái, ăn mặc quê mù thì miệt thị chẳng lấy làm kính nể, cứ ngồi yên một chỗ chẳng thèm đứng dậy chào hỏi.

Hai Sư mới thò tay vào trong túi lấy ra một cái đinh sắt dài chừng năm tấc găm vào cột điện, lấy tay vỗ thì cái đinh lút mất vào cột điện. Bảo rằng:

- Ai nhổ được cái đinh này ra thì chữa được bệnh Thiên tử.

Nói đi nói lại hai ba lần mà không nghe ai trả lời gì cả. Minh Không lấy hai ngón tay trái nhổ đinh, đinh ở trong cột theo hai ngón tay ra ngay. Mọi người trông thấy đều phục diệu pháp.

Minh Không bảo lấy ra một cái đỉnh lớn với mười hai thùng dầu, đinh sắt một trăm cái, một nhánh cây hòe, khiến đỡ Ngự giá đến hỏa đàn.

Minh Không nhường cho Giác Hải châm lửa nấu dầu, lửa cháy bừng bừng, dầu sôi sùng sục. Giác Hải lấy tay rờ vào trong đỉnh, lấy ra đủ một trăm cái đinh rồi Giác Hải nhường lại cho Minh Không làm phép, Minh Không lấy nhánh hoè tẩm vào dầu, rẩy khắp mình vua, đọc chú rằng:

- Quý là làm Thiên tử, lại còn đau gì!

Tự nhiên lông vuốt rụng hết, lành lặn như xưa rồi lại làm vua như thường.

Sau khi vua thăng hà, chùa Thiên Phúc có linh khí khác thường, người trông thấy đều kinh hãi, đem việc ấy tâu lên Tự Quân; Tự Quân sai quan đến tế, tôn phong chùa ấy là Thượng Đẳng Tối Linh Tự.

Còn chỗ thây cởi bỏ ở trong động, người làng cho là linh dị đem thây bỏ vào trong lồng phụng sự. Đến niên hiệu Vĩnh Tạc nhà Minh, sứ Minh qua nứơc ta, đi ngang qua đấy nghe mùi thơm nông nực như trầm hương liền đi tìm, trông thấy thây nằm trong lồng, diện mạo như ngừơi sống, cho là ngừơi tiên ảo thoát bèn rứơc về chùa Hương Sơn làm phép hỏa táng, nhưng lửa cháy không được, trải qua bảy ngày đêm mà vẫn y nguyên không biến; người Minh không biết làm sao, toan muốn đình bãi.

Đêm mộng thấy một ngừơi bảo rằng:

- Ta trải nhà Lý, nhà Trần đến nay, chân thân không nát kỳ linh diệu pháp có phải ngẫu nhiên mà được thế đâu. Lòng này như muốn xin linh ứng thì phải lấy cây ở mộ ta mới chôn mà đốt mới được.

Người Minh làm y như lời trong mộng, quả thấy hiệu nghiệm, bèn lấy củi đốt còn lại mà tạc tượng, để vào trong lòng mà thờ bên tả chùa Thiên Phúc.

Đến đời vua Lê Thánh Tông, bà Quang Thục Hoàng Thái Hậu khiến quan Thái Uý Trinh Quốc đem lễ vật đến trước cầu đảo, bài sớ văn rằng:

“Trẫm nghe Phật vốn từ bi, cũng là chỉ ư chí thiện, ra dạy thánh cho rộng thêm. Phúc khắp quần sinh, ơn thì bốn biển. Trẫm thọ mệnh Hoàng thiên giữ lấy nghiệp cả, chỉ lo gánh nặng không kham, sợ nỗi tai ương xảy đến. Vì vậy, một lòng run sợ chỉ lo cho nước thọ dân an. Nên chỉ thốn niệm kinh thành, cầu trời sức mạnh. Kính nghe chùa Tiên Tích sẵn có linh ứng người đều thấy nghe, đặc sai quan Võ vệ, trai thanh đến trước Phạm cung cầu xin thổ khảo, phỏng chẳng được như Thái Mậu nhà Thương sống hơn trăm tuổi, thời cũng được như vua Cao Tông nhà Thanh tám mươi chín năm, lại cầu cho Từ Vy thánh thọ vô cương, dân làng yên ổn làm ăn, thật nhờ ân tứ của Phật khôn xiết kể”.

Dâng lễ và đọc văn xong, thoắt có điểm phi thạch; Thái Hậu trong lòng có cảm, kết thành thai nghén sinh ra Hiến Tông Hoàng Đế.

Từ đó nước đảo, dân cầu đều có linh dị phi thường, nghìn thu hương hỏa, đền chùa trang nghiêm vậy.
 
Chương 3 : Linh Chương Linh Ứng Đại vương, Tự Nhiên Phương Dung công chúa


(Chuyện Triệu Xương và phu nhân)

Thần này họ Triệu tên Xương, thời nhà Đường, sang làm Đô hộ nước An Nam, xe ngựa thường đi tuần chơi trong hạt. Đến làng Minh Luân huyện Đường An (Cẩn án: Phủ Bình Giang ở đời nhà Lý nhà Trần làm phủ Hồng Lộ, triều Lê chia ra đổi làm Thượng Hồng, Đường An xưa với Đường Hào làm một, trung gian chia làm Nam Bắc, Đường An thời như cũ. Đơn Loan xưa là Đơn Luân, đầu niên hiệu Gia Long đổi tên Đơn Loan) Triệu Xương mến cảnh núi lạ sông trong, người đông đất rộng, có chỗ hứng mát, có đình nghỉ chân, cảnh trí thiên nhiên thưởng ngoạn không chán, nhân lập trường học ở phía đông ấp ấy, gọi là “Đông Giao Hương hiệu”.

Từ đó dân ở miền Đông, những trang anh tuấn mạo sĩ đều đến học tập, dân được nhờ có biết nhiều lễ nghĩa. Những người ở xa nghe tiếng cũng giày dép đến học. Học trò đông như mây nhóm, thành nơi đô hội, ban đầu còn xưng là Độc thôn, sau biệt ra làm xã Đơn Luân, học trò trường này đến sau có rất nhiều người thành đạt, làm quan vinh hiển.

Sau khi ông mất, sĩ dân thương tiếc nhớ ơn, bèn nhân nơi nền cũ trường học mà lập đền thờ Vương, cùng với bà vợ đều xưng thần cả, hễ có cầu đảo đều được linh ứng. Trải qua các triều gia phong: Bảo Hựu Phò Vận Dực Thánh Khuông Tế Chánh Thuận Dương Vũ Uy Dũng Hậu Đức Chí Nhân Đại Vương. Phu Nhân: Gia Hạnh Trinh Thục Từ Huệ Công Chúa.

(Cẩn án: niên hiệu Quang Thiệu nhà tiền Lê về sau, niên hiệu Hoàng Định nhà Hậu Lê về trước, đông thổ bị binh hỏa luôn luôn, hiện thần tuy còn mà đời này hưng, đời khác phế, tản mát đi chẳng biết đâu mà xét cho đúng……)

Hoàng triều Minh Mạng năm thứ hai, ngày hai mươi tháng bảy năm Tân tỵ, phụng vua Thế tổ Cao Hoàng Đế, cả chấn anh oai, khai bờ mở đất, nên nay nối theo mạng lớn, sáng nối hồng đồ, gia tặng Hưng Đạo Phụ Chính Trung Đẳng Thần. Đến nay đền miếu chỉnh đốn, đền thờ trang nghiêm, linh dị càng rõ rệt hơn lúc xưa vậy.
 
Chương 4 : Bài bạt tùng bổ tập Việt điện u linh toàn biên


Nước Việt ta lập quốc, sơn kỳ thuỷ tú, địa linh nhân kiệt, liệt vào hàng với các nước trên toàn cầu, những kẻ tài năng lỗi lạc vốn chẳng kém người. Duy khí thiêng un đúc lại, sinh ra có nhiều bậc kỳ tài, sống làm danh tướng, chết làm danh thần, đàn bà thì kẻ tiết nghĩa, người trinh liệt, chính khí ấy thường chu lưu bàng bạc ở khoảng trời đất, hoặc tan ra làm Đạo cốt, làm Tiên phong, còn mãi trên đời không tiêu diệt.

Xem như các sách: Công Dư Tiệp Ký, Truyền Kỳ Mạn Lục, Lĩnh Nam Chích Quái, Tang Thương Ngẫu Lục thì thấy rõ vậy. Nay tập lục của Lý Tế Xuyên, theo trong Tự Điển đời Trần mà chép ra, còn nhiều điều chưa chép nên còn thiếu sót.

Ta nay quên mình là bỉ lậu, cố gắng tùng bổ, đúng như lời Lý Tế Xuyên đã bảo “Đồng hiếu sự” ấy vậy. Hoặc có kẻ bảo: những chuyện người thêm đó, anh liệt chính khí vẫn có; đến như truyện thần thông chân khí của Đạo Hạnh, Minh Không e không khỏi quá hoang đường.

Vâng! Có hoang đường thực, nhưng vì lời truyền lại như vậy. Ta cũng bảo rằng: đó là chép lại những việc đã nghe mà thôi. Còn như lấy lý mà suy xét, bỏ điều quái mà giữ lại điều thường thì tại nơi người xem chứ người chép có can dự gì?

Vậy nên có vài lời làm bài Bạt ghi ở sau toàn biên.

Đêm Tuất tịch năm Kỷ Tỵ,

Tam Thanh Quán Đạo Nhân đề.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top