Chương 3 : Thái úy Trung Phụ Dũng Võ Uy Thắng công (Lý Thường Kiệt)
Ông họ Lý tên Thường Kiệt[102], người phường Thái Hòa[103] bên hữu kinh Thăng Long; thân phụ tên là An Ngữ, làm quan đến Sùng Ban Lang Tướng, đời này qua đời kia được tập ấm. Ông nhiều mưu lược, có tài tướng soái, lúc nhỏ phong tư tuấn nhã, có tiếng khen ra ngoài, được sung làm chức Hoàng Môn Ký Hầu[104]. Đời Lý Thái Tông hằng thiên lên chức Nội Thị Tỉnh Đô Tri. Thánh Tông bái chức Hiệu Uý Thái Bảo.
Ông làm quan kính cẩn, hành động đều tuân theo lễ pháp, không một mảy may lầm lỗi, mông ơn vua trao cho Tiết Việt, được đi kinh lý hai quận Thanh Hóa và Nghệ An, coi dân đến năm huyện, mọi lào ba nguồn, nếu có kẻ nghịch mệnh thì uỷ cho quan Trấn trừng trị; duy có nước Chiêm Thành nhác bỏ chức cống, vua phải thân hành chinh phạt[105]; ông phụng lãnh Tiết Việt Đại Tướng, sung chức Tiền phong, bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ[106], luận được thăng chức Phụ Quốc Thái Uý kiêm lãnh chức Chư Trấn Tiết Độ Đồng Trung Thư Môn Hạ, Thượng Trụ Quốc Thiên Tử Nghĩa Đệ[107] Quốc Phụ Quốc Đại Tướng Quân Khai Quốc Công.
Nhân Tông tức vị, thăng chức Phụ Quốc Thái Uý nhiệm Đại thần[108] thời Anh Võ Chiêu Thắng[109]. Trước kia ông có nghe người nhà Tống muốn đem binh mã qua nhòm biên cảnh nước ta rồi gây ra chiến tranh, ông lập tực tâu cùng vua rằng:
- Đợi cho giặc đến mà đánh, bất nhược mình đánh trước đi cho chúng nhụt mất nhuệt khí thì hay hơn.
Vua mới sai ông thống lãnh đại binh, đánh phá ba châu Ung, Khâm, Liêm[110] và bốn trại của Tàu, bắt sống người cùng của cải vô số.
Niên hiệu Long Phù[111] năm đầu, vua trao cho ông chức Nội Thị Phán Tỉnh Đô Ấp Nha Hành Điện Nôi Ngoại Đô Tri Sự[112]. Mùa đông năm ấy, đi đánh giặc Diễn Châu[113] là Lý Giác cũng phá tan được. Nhà Tống báo thù, hãm mấy châu Lục Lược. Ông ra sức đắp thành ở bến đò sông Như Nguyệt[114], đánh lấy nguồn Vũ Bình[115]. Đem quân trở về, vua rất khen thưởng; đến lúc ông mất[116], vua truy tặng chức Nhâp Nội Điện Đô Tri Hiệu Kiểm Thái Uý Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, tước Việt Quốc Công, cấp ăn lộc một vạn nóc nhà[117], cho em là Thường Hiếu kế phong tước Hầu.
Người dân nào ham chuộng ma quỷ, đồng bóng huyễn hoặc dân chúng thì bị ông trừng phạt sa thải để khử trừ ô phong, cho nên lúc bấy giờ có cái Dâm Từ nào thì đều biến ra làm hương hỏa của các vị Phúc thần cả; nhân dân chịu ơn sâu của ông rất nhiều, nên sau khi ông chết, tâu xin lập đền đền thờ để phụng sự ông; mỗi khi có việc cầu đảo thảy đều linh ứng.
Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Phụ Quốc Công, năm thứ tư gia phong thêm hai chữ Dũng Võ. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Oai Thắng, đền thờ sum nghiêm, linh ứng càng rõ rệt vậy.
__
102. Tên họ của Thường Kiệt được ghi một cách khác trong mộ chí của Đỗ Anh Vũ, làng Yên Lạc, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Theo Hoàng Xuân Hãn (trong Lý Thường Kiệt, quyển 2, trang 388‐390), những đoạn liên can đến Lý Thường Kiệt của một chí ấy cho biết “cha Thường Kiệt là một quan thái uý đời Thánh Tông, họ Quách, quán ở huyện Câu Lậu, thuộc Tế Giang… Nay xét các sách Toàn Thư và Việt Sử Lược, ta thấy ở đời Thái Tông có thái uý Quách Thịnh Dật là tướng mà Thái Tông sai cầm quân đánh Nùng Trí Cao năm 1048. Có thể đó là người sinh ra Thường Kiệt. Nếu quả như vậy thì tại sao Thường Kiết lại thành họ Lý? Mộ chí Đỗ Anh Vũ trả lời sẵn: ấy vì vua ban quốc tính cho ông. Tuy mộ chí không nói chuyện ấy xảy ra vào năm nào, nhưng có lẽ vào năm ông được ban hiệu Thiên Tử Nghĩa Nam. Vua nhận ông làm con nuôi, thì tự nhiên cho ông họ Lý” (Hoàng Xuân Hãn, Sđd, tr.389). Theo bia của Nhữ Bá Sĩ, Thường Kiệt là tên tự, tên huý là Tuấn (Sđd, tr.41).
103. Phường Thái Hòa ở vào phía Tây thành Thăng Long, phía Nam đê Bách Thảo, gần chỗ rẽ xuống trường đua ngựa.
104. Hoàng môn chi hầu là một chức hoạn quan. Bản A.751 của tôi không nói Lý Thường Kiệt tĩnh thân, nhưng chức Hoàng môn chỉ hầu cho biết rõ điều ấy. Bản của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đầy đủ hơn và chép: “vì ông có dáng mặt đẹp, nên mới tĩnh thân mà sung vào chức Hoàng môn chỉ hầu”. Cũng trong Việt Điện U Linh Tập bản của Hoàng Xuân Hãn: “vua thấy mặt mũi đẹp đẽ, cho ông tiền ba vạn, bảo tự yếm”.
105. Hạ chiếu nam chinh ngày 24‐2‐1069, xuất quân ngày 8‐3‐1069.
106. Chế Củ là Rudravarman III, sau đổi mạng bằng ba châu Bố Chánh Địa Lý, Ma Linh tức Quảng Bình và Bắc Quảng Trị ngày nay.
107. Bản của tôi chép Thiên Tử Nghĩa Đệ (em nuôi vua) có lẽ hợp lý hơn bản Hoàng Xuân Hãn chép “Thiên Tử Nghĩa Nam” (con nuôi vua) vì Lý Thường Kiệt lúc ấy đã 51 tuổi, trong khi Lý Thánh Tông mới 46 tuổi. Nhưng bản của Hoàng Xuân Hãn hợp với bia Nhữ Bá Sĩ và lịch sử. Lý Thường Kiệt có lẽ là nghĩa đệ của Lý Nhân Tông.
108. Nhân Tôn lên ngôi ngày 1‐2‐1072, lúc ấy mới 7 tuổi. Lý Thường Kiệt được thăng chức vì đã ủng hộ bà Ỷ Lan Thái Phi, mẹ vua Nhân Tôn, để khuynh đảo Hoàng thái hậu Thượng Dương họ Dương. 4 tháng sau ngày đăng quang của Nhân Tôn, Lý Đạo Thành phe Thượng Dương bị giáng làm binh bộ thị lang, năm sau Thái hậu bị ép phải chết theo Lý Thánh Tông.
109. Anh Vũ Chiêu Thăng là niên hiệu thứ hai của Lý Nhân Tôn. Làm vua từ 1072‐1127, Nhân Tôn có tất cả 8 niên hiệu: Thái Minh (4 năm đầu), Anh Vũ Chiêu Thắng (9 năm sau), rồi đến Quảng Hữu, Hội Phong, Long Phù, Hội Tường Đại Khánh, Thiên Phù Dực Võ, Thiên Phù Khánh Thọ.
110. Thứ tự Ung, Khâm, Liêm không được đúng, phải để là Khâm, Liêm, Ung. Cuộc bắc chinh khởi sự từ 15‐9‐1075.
111. Long Phù là niên hiệu thứ 5 của Nhân Tôn, bắt đầu từ 1101 đến 1109.
112. Từ 1082 đến 1101, Lý Nhân Tôn trưởng thành, Lý Thường Kiệt lui về trấn Thanh Hóa, dựng chùa Linh Xứng, Hương Nghiêm. Sau khi Lý Nhân Tôn đổi niên hiệu là Long Phù, Lý Thường Kiệt được mời về triều giữ chức tể tướng. Lúc ấy ông đã 83 tuổi. Chức mới của Lý Công là một chức cận thần, quản độc mọi việc trong và ngoài cung điện.
113. Diễn Châu ở về phía Bắc tỉnh Nghệ An và có lẽ gồm một ít đất Thanh Hóa, Việt Điện U Linh Tập không nói rõ về Lý Giác. Lý Giác học được phép phù thuỷ, dùng âm binh sai khiến quân lính giả (Cương Mục, chính biên, IV, 3b 42)
114. Bến đò Như Nguyệt: Như Nguyệt là khúc sông Cầu chảy qua làng Như Nguyệt, chỗ cửa sông Cà Lổ chảy vào sông Cầu, cách Thăng Long 20 cây số. Mặt trận này quyết định sự thắng bại của đôi bên. Phòng tuyến của quân Tống dài 30 cây số nhưng phòng tuyến của ta cũng rất vững chãi. Cuối cùng, ta đã thắng một cách vẻ vang nhờ tài điều khiển rất tinh vi của Lý Thường Kiệt và cũng nhờ ở tinh thần rất cao của quân sĩ (xem thêm chuyện Trương Hát, cũng trong tập này, tr.46).
115. Vũ Bình: tức Như Nguyệt, hay sông Cầu
116. Lý Thường Kiệt sinh năm 1019 mất vào tháng sáu năm At Dậu (1106) tại Thăng Long, thọ 86 tuổi (Cương Mục, chính biên, IV 5)
117. Chức tước của Lý Thường Kiệt (theo bia chùa Linh Xứng và lời giải thích của Hoàng Xuân Hãn (Sđd, tr.386): “Bia Linh Xứng, dựng sau khi Lý Thường Kiệt mất, kể đủ các chức tước của ông như sau: suy thành hiệp mưu, thủ chính, tá lý, dực đới công thần, thủ thượng thư lệnh, khai phủ nghị đồng tam ti, nhập nội nội tri tịnh đô đô tri, kiểm hiệu thái uý, kiêm ngự sử đại phu, dao thụ chư trấn tiết độ sứ, đồng trung thư môn hạ bình chương sự, thượng trụ quốc, thiên tử nghĩa đệ, phụ quốc thượng tướng quân, việt quốc công, thực ấp nhất vạn hộ, thực thật phong tứ thiên hộ. Nghĩa là: kẻ bầy tôi có công, trung thành, bày mưu, cầm tiết, giữ chính, giúp việc, phò tá; coi việc ti thượng thư, được quyền mở phủ, ngang với tam ti, được vào nội, coi tất cả các việc chầu trong cung, lĩnh chức thái uý đứng đầu các quân; kiêm chức ngự sử đại phu kiểm soát việc chính, ở Kinh coi việc quân tất cả các trấn, cùng coi việc bí thư, hằng ngày đến gần vua bàn việc; hàm thượng trụ quốc, đã có công bắt được tướng giặc; em nuôi vua; chức thượng tướng giúp nước, tước quốc công, hiệu Việt, được phong lộc hạng một vạn hộ, được thật phong lộc bốn nghìn hộ.