Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full [Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959) - 越甸幽靈集

Dịch Full [Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959) - 越甸幽靈集
Chương 10 : Hồi Thiên Trung Liệt Uy Vũ Trợ Thuận vương (Lý Đô Úy)


Tục truyền Vương hiệu Lý Đô Uý, không biết ngừơi đời nào, cũng chẳng biết tên họ là gì, nhân qua sông gặp gió bão chìm thuyền mà chết, u vân chẳng tan, thường ở sông bến, gặp lúc gió mát trăng thanh, nghe tiếng nói cười ở trên không, lại có tiếng đàn ca nữa.

Một hôm trong thôn nghe chó sủa vang, hiện vào một người trai tráng, cáo với thôn dân rằng:

- Ta đội ơn Thượng đế sắc phong làm thần Cửa Sông.

Thôn dân rất kinh dị, lập đền phụng sự, mỗi tháng đến ngày rằm, có con rắn mão vàng từ dưới vực bò lên vào đền thờ khoanh tròn nằm ở đó; thôn dân tôn làm Minh Chủ Phúc Thần.

Khoảng năm Nguyên Phong, giặc Thát Đát nhập khấu hãm kinh sư; xa giá vua phải ngự ra ngoài, thuận theo dòng sông mà đi, đến chỗ sông ấy cấm thuyền mà ngủ. Đến đêm, thần cho vua chiêm bao rằng:

- Bệ hạ không nên ngự đi xa.

Vua tỉnh dậy, bảo quan Trung sứ lên tên đền để đốt hương vái thần xin đừng cho giặc đến. Quả nhiên giặc không đến.

Giặc đã yên rồi, bèn sắc phong Hồi Thiên Thần Vương.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, gia phong hai chữ Trung Liệt, năm thứ tư, gia phong bốn chữ Uy Vũ Trợ Thuận.
 
Chương 10 : Tiếm bình


Vị thần này không có làng mạc; tên họ cũng không, qua sông bị gió làm chìm thuyền, thác mộng cho dân thôn, mới có đền thờ, đền thờ lại có rắn, ý giả vị thuỷ thần ra đời, chưa hết nhân xưa mà thế chăng?

Một giấc mộng đời Nguyên Phong đường hoàng có Loan thư phong tặng, nhưng mà chữ thuỵ hiệu xưng là Hối Thiên Trung Liệt thời giống như các bậc danh thần như ông Nguỵ Văn Trinh, Khẩu Trung Mẫn thường xưng Thiên Mạc Giang Khẩu Hiển Linh Thần Vương, ngõ hầu mới xác thực.

Vả lại, Vệ Linh Sơn Thần mà xưng là Sóc Thiên Vương, Thiên Mục Giang Thần mà xưng là Lý Hiệu Uý, thì cái danh hiệu so với Phù Đổng Ứng Thiên Vương, Thuỵ Hương Uy Mãnh Vương cùng rõ ràng, người nghe phải nên cho rõ.
 
Chương 11 : Quả Nghị Cương Chính Uy Huệ vương (Cao Lỗ)


Xét sử Đỗ Thiện dẫn Giao Chỉ Ký thì Vương vốn tên là Cao Lỗ, một lương tá của An Dương Vương, tục hiệu là Đô Lỗ hoặc Thạch Thần. Ngày xưa, Cao Vương bình giặc Nam Chiếu, rồi đem binh đi tuần châu Vũ Ninh, đến địa đầu, mộng thấy một dị nhân, thân dài chín thước, y quan chỉnh túc, ngôn mạo lăng tằng, lấy dùi búi tóc, gài dao làm trâm, lưng dắt gậy đỏ, bạch vua rằng:

- Thần vốn tên là Cao Lỗ, ngày xưa giúp An Dương Vương làm Đại tướng quân, có đại công khước địch, sau vì có kẻ Đại thần là Lạc hầu gièm pha nên bị giết; Thượng đế thương người ngay thẳng, sắc cho quản lãnh một giải giang sơn, hiệu là Đô thống tướng quân, phàm những việc dẹp giặc hoặc gặt hái đều có chủ trương của thần như của vị Phúc thần một phương. Ngày nay Minh Công thảo bình nghịch lỗ, hoàn vũ thái hòa nên phục hoàn bản bộ, nhược không cáo tạ, ắt phi lễ vậy.

Cao Vương hỏi rằng:

- Lạc hầu việc gì đố kỵ mà sinh ra gièm pha? Vương nói:

- Việc ở u minh không muốn tiết lậu.

Cao Vương lại hỏi một lần nữa. Vương đáp rằng:

- An Dương Vương tức là tinh Kim Kê, Lạc hầu là tinh Bạch Viên, còn mỗ là tinh Giáp Mão Thạch Long, gà với vượn tương hợp còn với rồng thì tương khắc cho nên ra thế.

Nói đoạn biến mất. Cao Vương tỉnh dậy, đem câu chuyện nói với kẻ liêu tá, rồi hoan hỉ ngâm bài thơ rằng:

Đất Giao Châu tốt đẹp. Muôn thưở được lâu dài. Hiền xưa được tiếp kiến, Mới chẳng phụ Linh Đài.

Lại ngâm:

Bách Việt yên bờ cõi, Nhị Hán định núi sông, Thần linh đều giúp thuận. Lý Đường cảnh phúc chồng.

Có kẻ tuỳ thần vua Cao Vương tên là Tăng Cổn khen vua Cao Vương rằng:

Đất Việt núi non xưa Nhà Đường nhân vật mới. Người cao chí khí cao, Động, tĩnh Long Thần tới.

Lại nói rằng:

Nam quốc núi sông đẹp, Long Thần gặp đất linh. Giao Châu thôi chật vật, Ngày sau thấy thăng bình.

Tục truyền: Sông Đại Than là cung quật của Long Vương hay hưng phát vân vũ, cổ lộng ba đào, thuyền nào gặp phải thường bị trầm nịch. Nếu ai có biết thì đem lễ cáo yết trước, tuy ở giữa sông, gặp phong ba mà vẫn an nhiên vô sự.

Năm đầu Trùng Hưng, sắc phong Quả Nghị Vương, năm thứ tư gia phong hai chữ Cương Chính. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Uy Huệ.
 
Chương 11 : Tiếm bình


Hai con giao không thể ở trong một vực sâu; hai con chim trống không thể đậu trên một cành, thế lực ngang nhau thì dễ sinh hiềm khích, mưu lược như nhau thì dễ khởi họa, vì vậy cho nên Lạc hầu sở dĩ không dung được Thạch Thần là tại đó. Gà, vượn hợp nhau nên chi rồng tương khắc, lời nói thật không kê cứu. Từ chỗ cài dao, tóc dùi cho nằm thấy ở Võ Ninh mà đến ấy mới được nghiêm nhã tôn nghiêm, hương hỏa đời đời chẳng dứt.

Khoảng năm Định Vỵ, quân Tây Sơn tràn đến Kinh đô, ké thổ hào ở Đại Nam có Diêu Vũ người có sức mạnh suất gia đình chống đánh, ông Vũ thông hiểu binh pháp Tôn Ngô, hay lấy ít chế được đông, thần xuất quỷ một, không ai dò được binh cơ, quân Tây Sơn đánh mãi không hơn, trở lại bị ông Vũ đuổi đánh chém được rất nhiều, lấy được khí giới của cải kể không xiết được. Người Tây Sơn sợ như cọp, kịp lúc vua Chiêu Thống ở Tàu về, nhân ông Vũ có công đánh hãm được Bắc Trấn, trao chức Kinh Bắc Hành Trấn Thú, tước Định Lãnh Hầu. Sau khi loan giá vua Chiêu Thống trở lại Tàu, ông Vũ không chịu làm tôi Tây Sơn, vẫn đánh mà vẫn hơn luôn.

Người Tây Sơn dùng vàng lụa lễ vật, trăm cách dụ dỗ ông, nhưng cũng không được. Sau vì xuất kỳ bất ý bị Tây Sơn bắt được.

Có người cho rằng Vương là hậu thân của Thạch Thần, chưa dám lấy gì làm tin chắc lắm, song trong quần chúng mà có hạng người hào hiệp như thế, tưởng cũng là hậu khí tinh hoa un đúc mà thành vậy.
 
Chương 1 : Ứng Thiên Hóa Dục Nguyên Trung Hậu Thổ Địa Kỳ Nguyên Quân (Hậu Thổ Phu Nhân)


Truyện Báo Cực chép rằng: Nguyên Quân tức là Nam Quốc Chủ Đại Địa Thần.

Xưa kia, Lý Thánh Tông nam chinh Chiêm Thành, đến cửa biển Hoàn Hải thoắt bị gió to mưa lớn, sóng cuộn ầm ầm, long thuyền dao động cơ hồ muốn chuyển; nguy cấp không ngờ, vua rất lo sợ[139].

Giữa lúc đang bàng hoàng, vua bỗng thấy một người con gái ước độ hai mươi tuổi, mặt tựa hoa đào, mày đậm màu dương liễu, mắt sáng như sao, miệng cười như hoa nở; nàng mặc áo trắng, quần lục, lưng mang đai, dịu dàng bước đến bạch với vua rằng:

- Thiếp là tinh của đại địa Nam Quốc, thác cư ở làng Thuỷ Vân đã lâu lắm, xem thời mà ra nếu gặp được lúc tốt. Bây giờ gặp được Long nhan, chí nguyện sinh bình được thỏa, cúi xin Bệ hạ chuyến đi này nên hết sức mẫn cán, toàn thu hoạch thắng lợi. Thiếp tuy là bồ liễu mong manh cũng nguyền đem sức mọn mặc nhiên phù tá Bệ hạ; ngày khải hoàn, thiếp xin chực đây để bái yết. Nói đoạn biến mất.

Vua kinh hãi tỉnh giấc, nhưng lại hoan hỉ ngay mới triệu tả hữu đến, thuật chuyện trong mộng cho mọi người nghe; tăng thống Huệ Lâm Sinh tâu rằng:

- Thần có nói là thác sinh trên cây, ở làng Thuỷ Vân, bây giờ nên tìm ở cây hoặc giả có linh nghiệm gì chăng?

Vua cho là phải, mới bảo ngừơi tuỳ tùng đi tìm ở các bãi sông quả nhiên được một cái cây, đầu rất giống người, hình như có dấu sơn cũ giống như đã trông thấy trong mộng.

Vua mới lập hiệu là Hậu Thổ Phu Nhân, đặt hương án ở trong ngự thuyền, tự nhiên sóng gió êm lặng, cây cối hết lay chuyển.

Kịp lúc vua đến Chiêm Thành, trong khi giáp trận như có Thần giúp[140], quả được đại thắng. Ngày khải hoàn, ngự thuyền đậu lại chỗ cũ, sắc lệnh lập đền, gió mưa lại nổi lên như xưa. Sư Huệ Lâm tâu:

- Để xin một keo, về Kinh Sư sẽ lập đền.

Xin một keo liền được ngay; gió mưa lại êm lặng.

Về đến kinh đô, vua bảo thầy xem đất, xây đắp đền thờ ở làng An Lãng, rất có linh ứng, hễ có người nào phỉ báng nguyền rủa, lập tức mắc phải tai họa.

Thời vua Anh Tông, nhân trời đại hạn, quần thần xin đắp một cái đàn hình tròn ở Nam Giao để tế trời, thỉnh Nguyên Quân làm đàn chủ. Nguyên Quân cho vua nằm thấy rằng:

- Bản bộ có thần Câu Mang làm mưa rất giỏi.

Vua lấy làm mừng mới hội nghị quần thần lại, định rước thần Hậu Tắc phồn với trời, thần Hậu Thổ phối với đất, lập đàn ở Nam Giao mà đảo. Quả nhiên được mưa to xối xả. Vua cả mừng, sắc hạ rằng:

- Hậu Thổ Phu Nhân có Câu Mang Thần Quân là chủ về việc mùa xuân; từ nay về sau phàm đến lễ Lập Xuân có con trâu đất phải đem về nạp ở đền thờ.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Hậu Thổ Thần Địa Kỳ Nguyên Quân. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Nguyên Trung. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong bốn chữ Ứng Thiên Hóa Dục.

__

139. Bản dịch và lời bình của Hoàng Xuân Hãn (Sđd).

Trong lúc Lý Thánh Tông vượt bể, hình như có gặp sóng gió to. Sách Việt Điện U Linh còn chép chuyện thần Hậu thổ địa kỳ giúp vua qua bể.

Chuyện như sau: “khi Lý Thánh Tôn đến cửa bể Hoàn (?), thình lình bão to mưa lớn, sóng nổi ngùn ngụt. Thuyền vua không tiến được. Đêm đến, vua mộng thấy một đàn bà, áo trắng, quần lục, nói với vua: “Tôi là tinh đất nước Nam, giả làm một cây gỗ đã lâu năm để đợi thời. Nay thời đã đến. Giúp vua không chỉ đánh được giặc, mà nước nhà còn có chỗ nhờ”. Nói xong, biến mất. Tỉnh dậy, vua sợ. Đem việc hỏi chung quanh. Có sư Huệ Sinh nói nên tìm cây gỗ có thần ẩn. Quân lên núi, thấy một cây gỗ hình người. Đem xuống thuyền. Vua sai đem làm tượng, mặc áo quần như thấy trong mộng và ban hiệu Hậu thổ phu nhân, và đặt ở thuyền vua. Thuyền bèn êm không lắc nữa. Lúc được trận về đến chỗ cũ, vua sai lập đền thờ. Nhưng tối đến, mưa gió lại nổi lên. Sư Huệ Sinh xin đem tượng về kinh. Sóng gió bèn lặng. Về đến kinh vua sai lập đền thờ ở làng Yên Lãng”.

Chuyện trên này đời sau viết, cho nên có sự lầm. Ví như vị sư Huệ Sinh, thì các bản sao viết Huệ Lâm sinh hay là Huệ Lâm, sách TUTA/57b có chép chuyện tăng thống Huệ Sinh họ Lâm, chắc là vị ấy. Nhưng Huệ Sinh mất năm 1064, trước năm Thánh Tông đánh Chiêm Thành 5 năm.

140. Ngày xuất quân là mồng 8‐3‐1069. Trên đường đi hay đường về đều có rồng vàng hiện long thuyền, như ngày 15‐3, ngày 18‐3 đêm 31‐3. Khi vua đem quân về cũng thấy rồng xuất hiện, đêm 19‐6, ngày 25‐6. Đặc biệt là khi thuyền vào cửa Thi lị bì nại của Chiêm Thành, ngày 3‐4 có 2 con chim bay theo ngự thuyền như muốn dẫn đường (Việt Sử Lược II, 13b). Như vậy rồng vàng và chim là linh ứng của thần chăng?
 
Chương 1 : Tiếm bình


Trước khi vua nhập mộng thì mé biển một gốc cây khô. Một ngày tìm đến thuyền vua mà hiệu linh, thu góp gió mưa, đuổi êm sóng cả, giúp võ công ở Lâm Ap, khởi đền thờ ở Lãng Hương, làm Hoàn Khẩu đàn chủ, làm Hậu Thổ Phu Nhân, nhưng xét đến lai lịch, chỉ xưng là Đại Địa Chi Tinh, danh tịch mịt mờ, không được rõ ràng cho lắm, sự tích rất là khó hiểu. Mà sao anh linh rõ rệt, vang dội cõi trần, hễ có cầu tạnh, đảo mưa, lập tức hiệu nghiệm, thời được vua phong hưởng cũng là rất phải. Còn chiếu phụng bao phong các chữ đó thì kín đáo, duy có hai chữ “Nguyên Trung” không hiểu ra làm sao.
 
Chương 2 : Minh Chủ Linh Ứng Chiêu Cảm Bảo Hựu đại vương (Thần núi Đồng Cổ)


Truyện Báo Cực chép rằng: Vương vốn là thần núi Đồng Cổ (núi ấy ở tỉnh Thanh Hóa, tục danh là núi Khả Phong). Ngày xưa, thời Lý Thái Tông đang làm Thái tử, Thái Tổ sai đem quân đi đánh Chiêm Thành[141], quân kéo đến Tràng Châu, đêm đóng quân nghỉ lại. Chừng khoảng canh ba, giữa lúc mông lung bỗng thấy một người kỳ dị, thân dài tám thước, tu mi như kích, y quan nghiêm nhã, mình mặc nhung phục, tay cầm binh khí, cúi đầu khép nép tâu rằng:

- Thần là chủ núi Đồng Cổ, nghe Quân Thượng nam chinh chẳng nề nguy hiểm, xin theo trợ thuận vương sư, sau là có thể khiếp phục được hồ man, lập chút công mọn.

Thái Tông cả mừng, vỗ tay cho ngay, hốt nhiên thức dậy thì ra là một giấc mơ. Trận đánh ấy quả được đại tiệp. Thái Tông khải hoàn, đem lễ phẩm đến tạ ơn, nhân đó xin rước thần về Kinh Sư để bảo quốc hộ dân. Vua sai người đi xem chỗ để lập đền thì từ phía ngoài kinh kỳ chưa có chỗ nào quyết định là tốt. Đêm ấy, Vương thác mộng cho vua xin chỗ đất trong Đại nội, bên hữu chùa Thánh Thọ sau nói rằng:

- Chỗ ấy tinh khiết, trông vào lộng lẫy, xét cho tường tận hẳn là có túc nhân vậy.

Vua liền nghe theo, chọn ngày khởi công, chẳng bao lâu mà hoàn thành. Thái Tổ băng, Thái Tôn tức vị. Đêm đó, Vương lại thác mộng tâu Thái Tông rằng:

- Ba Vương lâu nay hoài bảo dị chí, muốn huy động binh giáp, xin vua sớm lo phòng bị hầu khỏi hậu hoạn.[142]

Vua tỉnh dậy cũng chưa lấy gì làm tin chắc. Đến lúc trời mờ sáng, quả nhiên đúng như lời nói trong mộng.

Thái Tông kinh dị, chiếu phong làm Thiên Hạ Minh Chủ Thần, thêm tước Đại Vương.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Linh Ứng Đại Vương. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Chiêu Cảm. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Bảo Hựu.

__

141. Khi Lý Thái Tông đang làm Thái tử, vua Thái Tổ sai đem quân đi đánh nước Chiêm Thành. Năm ấy là năm 1020 (Việt Sử Lược II, 3b).

142. Thần báo cho Thái tử biết có nội loạn do 3 vương đệ gây ra. Đó là đêm tháng 3, ngày Mậu Tuất, khi Lý Thái Tổ vừa băng hà (xem Cương Mục, chính biên, II 30). Tháng năm, thần nhân xuất hiện in vết ở chùa Vạn Tuế (Việt Sử Lược II, 5a). Không biết thần đây có phải là thần Đồng Cổ hay không.
 
Chương 2 : Tiếm bình


Đại Vương là vị danh thần núi non, bẩm thụ Sắc mệnh của Thượng đế, oai đức lừng lẫy đã lâu giữa trời đất, không đợi đến Thời quân Thế chủ bao phong mới rõ linh dị. Duy thương cõi đời chìm đắm, lòng trần tối tăm, nếu mà lặng lẽ không thèm chỉ vẽ đường mê thì Thế chủ trọn đời không tỉnh ngộ. Nên chi hằng thác mộng để cáo rõ, mở đường mới. Khi đó, Thế chủ mới tôn, mới kính, mới lập đền thờ phụng, rồi lại theo mà phong tặng nữa.

Nếu không phải thế thì các vị danh thần ở trong nhân hoàn, làng nào lại không thờ, người nào lại không lạy, cầu đảo đính lễ, mà sao cứ mịt mịt mù mù, luống hưởng hương hỏa của nhân gian mà họa phúc không nghe có báo ứng, chỉ chuyên trang sức bề ngoài, lâu đài cho tráng lệ, đồ thờ cho rực rỡ rồi nghiễm nhiên ngồi ngửa trong ấy thì ra làm cái trò gì vậy?
 
Chương 3 : Quảng Lợi Thánh Hựu Uy Tế Phu Ứng Đại Vương (Thần Long Độ)


Ngày xưa, Cao Vương đắp thành Đại La, một ngày đang trưa, vua đi bộ dạo chơi đến cửa Đông, bỗng chốc thấy mây mù nổi lên tứ phía; trong đám mù, có một chòm mây năm sắc từ mặt đất ùn lên, tia sáng bắn lên sao Đẩu chói lòa cả mắt, khí lạnh buốt người. Trong chòm mây ngũ sắc, có một người Tiên cỡi rồng vàng, đầu đội mão xích hoa, thân mặc áo tử hà, xiêm là, giày đỏ, bay lượn ở trong mây mù, hương lạ thơm lừng, đàn sáo hợp tấu, lững lờ uyển chuyển, lúc thấp lúc cao, lâu ước độ hai khắc rồi bỗng nhiên tan mất.

Cao Vương kinh dị, ngờ là quỷ mỵ hiện ra yêu linh để cầu nhân gian cầu đảo, chứ cũng chẳng biết gì. Vừa đến đêm ấy, vua đang ngồi chơi không làm gì rồi ngủ thì mộng thấy một người y như quang cảnh ban ngày đã thấy, đến trước cáo với vua rằng:

- Tôi là Long Độ Vương Khí Quân đây, nghe ông mới làm nhà cửa, xây đắp đô thành, thân đến tương kiến xin ông đừng nghi gì.

Cao Vương tỉnh dậy, hội nghị than thở giây lâu rồi nói rằng:

- Ta không biết làm chính trị nên quỷ thần vượt mặt ta, sự này là điềm lành hay điểm gở? Người ngoài có kẻ bàn nên lập đền, tạc tượng rồi lấy đồng, lấy sắt mà trấn yểm đi. Cao Vương nghe lời ban thì làm y như vậy, hốt nhiên gió mưa ào đến làm cho bay cát đổ cây, sập nhà lở đất, lôi cả đồng sắt lên mà nghiền tan ra như tro bụi; Cao Vương giận, nói rằng:

- Ta biết rồi, thế nào cũng phải về Bắc đây. Quả nhiên như vậy.

Lý Thái Tổ cũng lại đóng đô ở chỗ ấy; chợ Đông mở rộng thêm, buôn bán tấp nập, bức cận đền thần rất là huyên náo; vua muốn dời đền thần đến chỗ thanh tĩnh, nhưng rồi lại bảo:

- Xưa lập ở đây, nay không nên dời đi chỗ khác.

Bèn sửa lại rường cột dọc theo giãy phố, nhưng chừa ra một khoảng là chỗ đền thần.

Đến đêm, thần lập tức hiển linh, gió bấc nổi lên, cát bay đá chuyển, cây gẫy nhà sập, một dãy phố dài đều sụp đổ xuống đất, duy chỉ một tòa đền thần y nhiên đứng sững như cũ.

Thái Tông kinh dị, xét hỏi lai do, có người biết chuyện tâu rõ đầu đuôi. Vua mừng bảo rằng:

- Ấy là thần chủ sự đó.

Chiếu đem lễ vật đến điện tế, định tân niên mới làm lễ tế Đại Kỳ Phúc, từ đây giữ làm lệ thường, sắc phòng làm Quảng Lợi Vương.

Trước kia, chợ Đông ba lần bị thất hỏa, gió đưa ngọn lửa, phố xá nhà cửa đều cháy ra tro, duy một mình thần từ nghiễm nhiên không mảy may tổn hại.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong hai chữ Thánh Hựu. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Phu Ứng, tấn tước Đại Vương, phẩm trật Thượng Tướng Thái Sư.

Trần Quang Khải đề một bài thơ ở miếu rằng:

Xưa nghe người nói Đại Vương linh Nay mới biết rằng quỷ mỵ kinh Lửa cháy ba lần thiêu chẳng hết. Gió bay một trận thổi không chênh. Chỉ huy vọng quỷ ba nghìn chúng. Đàn áp yêu ma trăm vạn binh Xin cậy uy thừa trừ giặc Bắc, Khiến cho bờ cõi hưởng thăng bình.

Bây giờ từ vũ nguy nga và linh ứng.
 
Chương 3 : Tiếm bình


Đức Khổng nói: “Cái đức của quỷ thần rất là thịnh vậy”. Đương lúc mây mù ở cửa Đông, người tiên bận áo tử hà, cỡi rồng vàng đội mão xích hoa, có thể trông mà thấy rõ. Cao Vương cho là loài ma núi, quỷ biển.

Kịp đến lúc Thần nhập mộng cho Cao Vương mà đồng sắt cũng không thể yếm được sự linh thiêng, lên đền thờ họ Lý mà lửa hồng cũng không cháy nổi sự oanh liệt. Thần từ đồ sộ cùng với Hoàng đồ, điện Cự Lộc đều được tôn trọng như nhau. Than ôi! Thịnh lắm thay!

Gần đây quan Nguyễn Hiệu Thảo ở Phú Thị có đặt cho người ở phố đó một câu đối rằng:

Giập tắt Chúc Dung ba bận lửa Đập tan Đô Hộ vạn cân vàng.

Người ta đọc lấy làm hay tuyệt.
 
Chương 4 : Khai Nguyên Uy Hiển Long Trứ Trung Vũ Đại Vương


Giữa niên hiệu Khai Nguyên nhà Đường, Thứ sử Quảng Châu tên là Lô Ngư qua làm quan Đô hộ Giao Châu ta, đóng tại thôn An Viễn.

Thôn này tiếp giáp giữa khoảng hai huyện Long Độ và Từ Liêm; Lô Ngư thấy đất đai bằng phẳng rộng rãi, cây cối xanh tươi, phía sau lại gối sông Già La, thực là một nơi thắng cảnh, nhân mới xây đắp phủ ly, sáng lập đền miếu, trong miếu thiết thần vị Huyền Nguyên Đế Quân.

Lô Ngư đêm mộng thấy một ông đầu bạc đến nói rằng:

- Cái miếu nên đổi tên là quán Khai Nguyên mà thôn cũng nên đổi tên là Khai Nguyên. Quan Đô hộ nghe theo, lại lập bia chép sự tích để biểu dương công đức của vị Thiên tử Khai Nguyên. Thứ nữa lập đền, thiết tượng thần Thổ Địa mà thờ cho hiển thêm oai đức, đền thờ đặt tên là Quán Gia La, mỗi khi có cầu đảo đều có linh ứng, hương hỏa cứ còn mãi.

Đầu niên hiệu Thiệu Long nhà Trần (niên hiệu vua Thánh Tông) thầy chùa là Văn Thao tu bổ lại, đổi tên chùa là An Dưỡng; từ đó về sau, tăng thuyền như mưa nhóm, sĩ nữ như mây lại, xem cảnh, hóng mát, dấu xe vó ngựa đầy đường. Nhưng mà vật đổi sao dời, mây bay nước chảy, trải bao năm tháng nay đền lại dời về làng Bộ Đầu.

Niên hiệu Trung Hưng năm đầu, sắc phong Khai Nguyên Uy Hiển Đại Vương. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Long Trứ. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Trung Vũ.
 
Chương 4 : Tiếm bình


Lô Ngư là một quan Thái thú, qua làm Đô hộ nước Nam Giao ta, chính lệnh được dân tin mến, yêu như người nhà, thân như cha con. Lúc nhàn hạ lập đền thờ thần, phụng sự vị Huyền Nguyên Đế Quân. Đế Quân là vị thần trên trời, người phàm tục chưa dễ cảm thâu được. Chỉ nhờ một giấc mộng. Thổ thần đổi tên lập quán. Từ đó cầu đảo mới linh ứng, kẻ đến người lui, thành ra thắng hội một phương. Thế thì chính trị quan Đô hộ tuần lương đến đây mới được thấy. Lại còn bia đá chép công, nêu uy danh của Thiên tử, chọn đất yên thôn, định cư trú cho dân chúng, thân giang hồ mà lòng lang miêu, con người như thế cũng khó được lắm vậy.
 
Chương 5 : Xung Thiên Dũng Liệt Chiêu Ứng Uy Tín đại vương (Thần Phù Đổng)


Xét truyện Báo Cực chép rằng: Đời truyền Vương vốn là thần Thổ Địa chùa Kiến Sơ giáng sinh. Xưa kia Thuyền sư Chí Thành ở chùa Kiến Sơ tại làng Phù Đổng có lập đền thờ Thổ Địa ở bên hữu chùa để làm nơi tụng niệm cho thanh tĩnh. Năm tháng chầy lâu, mất cả sự tích, bọn thầy tang môn không rõ chứng cứ. Thổ dân bản xứ ưa việc ma quỷ thì đốt hương khấn vái, lạm xưng là Dâm Từ. Kịp đến lúc Thuyền sư Đa Bảo sửa lại chùa, cho đền thờ ấy là Dâm Từ muốn đập phá đi. Ngày kia ở gốc cây cổ thụ nơi Thần từ có đề bài kệ rằng:

Phép Phật ai gìn giữ? Đợi nghe lời Kỳ viên. Nếu không ta vun quén, Sớm theo chỗ khác thiên. Chớ chở Kim Cương bộ, Dầu mật chớ lan truyền. Đầy không, trần vài đứa. Tu Phật thành oan khiên.

Cách đó ít lâu, Thần lại ứng hiện tám câu kệ rằng:

Phép Phật từ bi lớn. Uy quang trùm mọi miền. Muôn thần đều thụ hóa, Ba giới thảy lan tràn. Sư ta hành hiệu lệnh. Tà quỷ ai dám trên? Nguyện thường theo thụ giới, Lớn nhỏ hộ Kỳ viên.

Sư lấy làm lạ, mới lại thiết đàn làm chay, cúng dùng toàn đồ chay cả.

Vua Thái Tổ đang lúc tiềm long, biết sư Đa Bảo là người có hạnh cao mới kết làm đàn việt. Sau khi đã chịu truyền ngôi, thân ngự đến chùa, nhà sư đón giá đi ngang qua bên chùa; Sư lớn tiếng hỏi rằng:

- Phật tử, ngươi hãy thung dung mừng Tân Thiên Tử chứ?

Nghe có tiếng: “Vâng!” Tức thì thấy da cây có đề bốn câu thơ rằng:

Để đức càn khôn lớn, Oai thanh lặng tám miền. Cõi âm nhờ ân huệ, Nhuần thấm đền Xung Thiên.

Thái Tổ xem thấy liền đọc biết được ý tứ, bèn ban hiệu là Xung Thiên Thần Vương; bài thơ tự nhiên biến mất.

Vua lấy làm lạ, mới bảo thợ tạc tượng thần, nghi dung hùng vĩ, và tám người đứng hầu. Sơn thếp xong rồi thì làm lễ cáo thành, lại thấy ở dưới cây Đại thụ có đề bốn câu thơ:

Một bát nước công đức, Theo duyên hóa thế gian. Sáng choang còn chiếu đuốc, Bóng tắt, nhật lên non.

Nhà Sư đem bài kệ ấy tâu lên vua, nhưng vua Thái Tổ không hiểu là nói gì. Sau triều Lý được tám đời, truyền ngôi cho nhà Trần. Chứ bát cùng chữ bát đồng âm, nhất bát như bát. Vua Huệ Tông tên là Sản trên chữ nhật, dưới chữ sơn, nên gọi là nhật đăng sơn, thì ra thần diệu như thế.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Dũng Liệt Đại Vương. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Chiêu Ứng. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Uy Tín.
 
Chương 5 : Tiếm bình


Chùa Kiến Sơ nay ở tại làng Phù Đổng, bên đền thờ Thiên Vương, thời Xung Thiên Thần Vương tức là huy hiệu Thiên Vương. Việt Sử chép vua Lý Thái Tổ truy phong Xung Thiên Thần Vương, dựng miếu bến chùa Kiến Sơ, thì rõ ràng là việc của Thiên Vương, mà sao đày lại chép là việc thần Thổ Địa, thì chẳng biết ra làm sao vậy.

Mấy bài kệ ở trong bản chép này, nếu chẳng là của người lão luyện bút nghiên thì cũng là của kẻ thâm thuý thuyền học, chứ không phải là của kẻ thắp nhang tầm thường mà có thể xê xích muôn một vậy. Hoặc là khí tốt Đức Giang, tinh anh đúc lại làm Thiên Vương mà thần là phụ thuộc vậy chăng? Ví bằng lấy Thổ Địa làm Thiên Vương, tớ này chẳng dám tin chắc vậy.

Hoặc giá lại bảo: Chí Thành Thuyền Sư, sau khi chết, anh khí không tan, thường giả hình ở thần Thổ Địa những thi đề đều do Chí Thành Thuyền Sư làm ra cả. Xem như Dâm Từ muốn phá rồi lại không phá, lai sửa sang mà cúng lễ nữa. Ngẫm nghĩ lời thơ thì là của Thuyền Sư làm ra cũng chưa biết chừng.

Tục truyền rằng: vua Lý Thái Tổ lúc còn bé nhỏ, ở với nhà sư Vạn Hạnh tại chùa ấy, mỗi khi đến rằm hoặc mồng một, nhà chùa cúng lễ, vua lấy oản xôi ăn trước. Một hôm thần cho Sư mộng rằng: mỗi khi có lễ cúng, Hoàng Đế cứ nếm trước mãi. Vạn Hạnh cho triệu tăng chúng đến trách mắng. Vua giận lấy bút viết sau lưng tượng Hộ Pháp ba chữ: “Lưu viễn Châu” (đầy châu xa). Sư đêm ấy lại mộng thấy thần đến tạ rằng:

- Nay vâng mệnh Hoàng đế đày đi, xin đến từ biệt.

Sư tỉnh dậy, đi xem khắp cả các tượng, thấy sau lưng tượng thần Hộ Pháp có ba chữ rõ ràng. Sư cũng biết nét chữ là do tay vua viết ra mới khiến lấy nước rửa đi. Rửa xong, pho tượng bỗng dưng ngã xuống, về sau chùa cũng chẳng làm lại tượng Hộ Pháp nữa.

Thuyết này tuy hoang đường nhưng Đế Vương làm chủ cảm trăm thần, hình hài đất gỗ đâu dám cùng mặt trời mặt trăng giành sáng, cũng có lẽ như thế.

Các bài kệ ở gốc cây, giông giống như phép bói đời xưa, bài văn trong cây nứt ra, cùng chiếu ứng với nhau.

Khoảng năm Bính Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng, làng An Hưng huyện An Quảng, lửa sét cháy núi, sáng ngày ông Tiều thấy gốc cây cháy tàn có viết một hàng: Cây sinh họ Lý, trời đất sắp đặt một người, trời, đất, người.

Ông Tiều đem chuyện trình với quan Trần cho người nghiệm xem thê nào, đến thì chữ vẫn y nguyên, duy có ba chữ Mộc sinh lý, đổi ra làm Mùi niên quý (cuối năm Mùi) quan Trần muốn đem việc ấy tâu lên vua nhưng gặp lúc nước đang loạn nên đình lại.

Đó là không biết chỉ vào việc gì, xin chép lại đây để lưu nghiệm về sau.
 
Chương 6 : Tản Viên Hựu Thánh Khuông Quốc Hiển Linh Ứng Đại vương (Sơn Tinh)


Xét Giao Châu Ký của Tăng Công chép rằng: Vương là Sơn Tinh cùng với Thuỷ Tinh làm bạn rất thân thiết, ở ẩn tại động Gia Ninh, châu Phong.

Hùng Vương có người con gái tên là Mỵ Nương, dung mạo tuyệt luân, nhan sắc khuynh thành. Thục Vương Phán sai sứ sang cầu hôn, vua muốn gả. Quan Đại thần là Lạc hầu cản rằng:

- Ông ấy muốn dòm dỏ nước ta đó.

Hùng Vương sợ sinh ra hiềm khích. Lạc hầu tâu:

- Đại Vương đất rộng dân đông, tìm kẻ nào có kỳ tài dị thuật mà gả cho làm rể rồi thiết lập kỵ binh cho sẵn thì có sợ gì?

Vua nghe phải mới tuyệt giao với Thục Vương rồi tìm khắp trong nước những người có dị thuật. Vương cùng với Thuỷ Tinh đều đến ứng tuyển. Hùng Vương bảo đem ra thi tài; Vương có thuật xem suốt ngọc đá; Thuỷ Tinh có thuật nhập vào nước lửa; người nào cũng có tài linh thông.

Hùng Vương cả mừng, bảo Lạc hầu rằng:

- Xem tài của hai chàng thì ta thầy đều nên gả con cho cả hai, duy ta chỉ có một người con gái mà đến hai người thì tính làm sao? Lạc hầu tâu:

- Vua nên hẹn với hai chàng hễ ai cưới trước thời được.

Hùng Vương cho là phải; vua bảo với hai chàng về chuẩn bị lễ vật. Vương về bản hộ, suốt đêm biện gấp thổ vật như là: vàng, bạc, ngọc báu, tê giác, ngà voi, với lại chim quý, thú lạ, mỗi thứ một trăm. Hôm sau, sáng tinh sương, Vương đệ đến dâng hiến Hùng Vương. Hùng Vương mừng lắm, gả Mỵ Nương cho Vương; Vương rước vợ về đem lên ở núi Lôi Sơn.

Đến chiều tối, Thuỷ Tinh cũng đem thuỷ vật đến, như là trân châu, đồi mồi, san hô, hổ phách, với lại cá kình, cá nghê, các thứ cá ngon mỗi thứ một trăm, đem đến bày ra để dâng vua, nhưng Mỵ Nương, Vương đã đem về mất rồi!

Thủy Tinh đại nộ đem quân đuổi theo, toan muốn nghiền nát núi Lôi Sơn. Vương dời lên ở trên chóp núi Tản Viên, đời đời cùng với Thuỷ Tinh là kẻ thù. Cứ mỗi năm đến mùa thu, Thuỷ Tinh dâng nước lên đánh núi Tản Viên, dân chúng đem nhau đắp đê để giúp Vương. Thuỷ Tinh không thể phạm đến được.

Linh tích của Vương rất nhiều, kể không xiết.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Hựu Thánh Vương. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Khuông Quốc, lại gia phong hai chữ Hiển Ứng.
 
Chương 6 : Tiếm bình


Bài ký này so với tập Chích Quái rõ hơn, nhưng ruộng, ao, lăng, miếu, các văn tự sách ước rất cổ. Xét địa mạch nước ta, từ núi Tiểu Côn Lôn mà đến, chia ra ba điều long. Chi giữa chia ra làm núi Tam Đảo. Chi tả chia ra làm núi Quỷ Môn. Núi Tản Viên tức là chi hữu vậy.

Đất này khởi tổ từ núi Tản, cao tột mây xanh, hình tròn như cái dù cái lọng, nhọn cao, xanh đẹp, làm hòn núi có danh tiếng thứ nhất của nước ta, quanh co bao lượn đến thành Thăng Long làm một đồng bằng lớn, quanh phía nam vào đến Ai Châu ngừng kết lại làm chỗ Đế Vương Đại Địa rồi băng mà qua biển Nam Hải, không biết đâu mà đo lường. Cao sáng dài lâu, rộng dài to lớn, cái khí anh sản đúc lại làm thần Quốc Chủ.

Cựu ký truyền lại, và bản thảo Phong Thuỷ của Cao Vương có nói: Cao Vương muốn dùng thuật để yếm núi Tản Viên, thấy Sơn Tinh cỡi: ngựa đến giữa trời, mắng nhiếc rồi đi. Thật là linh dị không thể nói được; duy có chuyện Sơn Tinh và Thuỷ Tinh thù nhau, thật la quái đản, đâu có trước nghìn vạn năm, lấy cớ nàng Mỵ Nương rồi cứ năm năm đến mùa thu dâng nước lên, đem loài thuỷ mộc như cá rồng, cùng với loài tên voi ở rừng đánh nhau, rồi dân cư ở núi lại đắp đê ngăn nước, nhiên hậu mới tránh được hại.

Bây giờ thử xem, giữa lúc mùa hạ sang mùa thu, mưa lụt xuống xối xả, ngập núi lấp động, thế muốn lút trời, rồi sơn dân ưa chuyện quỷ thần, lấy hư đồn hư, bèn tin làm sự thực. Tuy Thuỷ thần hoặc có khi cũng hiển dị, mà bảo thuỷ hoả đánh nhau, thì tớ này không dám tin chắc vậy.

Đền thờ đến triều Hoàng Lê, lễ tế rất long trọng, liệt vào hàng đệ nhất trong bốn vị thần bất tử. Các làng ở dựa theo triền núi, dân chúng đều được miễn thuế, cả thảy mười ba làng. Mấy huyện tiếp cận như huyện Minh Nghĩa, Bất Bạt, Tam Nông thay phiên nhau đến lúc tu bổ Thần cung.

Dẫu cho hổ, báo, tê ngu, voi kể hằng nghìn bầy, mà dân đinh lên làm việc, đi một mình, ngủ giữa trời, thế mà mảy may chẳng hề bị xâm phạm. Mây mù tan hợp, cây cối sầm uất, tiêu núi, đá trắng từng khóm, chỉ đứng trông thì được chớ lên đến thì không được. Than ôi! Núi này giống như núi Thái, núi Hoa của đô nhà Minh, mà là núi Văn bút của thịnh triều ta vậy.
 
Chương 7 : Khai Thiên Trấn Quốc Trung Phụ Tá Dực Đại vương (Thần Đằng Châu)


Xét sử Đỗ Thiện chép rằng: Vương vốn là thần Thổ Địa ở Đằng Châu[143].

Vua Lê Ngọa Triều đang lúc làm Khai Minh Vương, thực ấp ở Đằng Châu, thường đến làng đó; thuyền đang đi giữa sông, đang lúc vua du lãm, hốt nhiên ban ngày tối đen, mây kéo mù mịt, rồi gió mưa ào đến, vua bảo kiếm chỗ đậu tránh, thấy trên bờ cao có đền thờ mới hỏi người trong thôn rằng:

- Đền thờ ấy thờ thần gì?

Thôn dân thưa:

- Ấy là đền thờ thần Thổ Địa của Đằng Châu[144].

Vua hỏi:

- Có linh không?

Thôn dân thưa:

- Dân trong châu này nương nhờ vị thần ấy, cầu mưa, đảo tạnh lập tức thấy linh ứng.

Vua mới lớn tiếng bảo rằng:

- Thần như có linh thì làm thế nào cho lui được gió mưa khiến bên này tạnh, bên kia mưa thì ta mới tin là có linh nghiệm.

Nói đoạn quả nhiên nửa sông gió, nửa sông mưa, vua khỏi bị ướt áo xiêm. Vua rất lấy làm lạ, bảo trùng tu lại miếu vũ.

Người đương thời có bài ca rằng:

Tốt thay Đại vương oai thanh trọng, Đằng Châu thổ địa được an cư. Hay khiến gió mưa không xâm phạm, Nửa sông tạnh ráo, nửa sông mưa.

Vua nghe được, thầm tự phụ là phúc trời.

Vua cha băng, vua Trung Tông lên ngôi, em là Long Đĩnh (Ngọa Triều) mưu đại sự, đến đền cầu mộng. Mộng thấy một dị nhân ngâm rằng:

Muốn thắng tất thắng Muốn thành tất thành Phương dân đều thuận phục Nước nhà hưởng thái bình. Trong năm năm lạc nghiệp. Tự bảy miếu an linh. Thời ấy xem lẽ ấy. Giữa trời xem bằng trình.

Vua tỉnh dậy, không hiểu ý nghĩa làm sao, nhưng cũng quyết chí giết anh[145].

Đã được ngôi vua rồi, mới thăng Đằng Châu làm Thái Bình Phủ, phong thần Thổ Địa làm Khai Thiên Thành Hoàng Đại Vương.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Khai Thiên Trấn Quốc Thành Hoàng Đại Vương. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Trung Phụ. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Tá Dực.

Lê Lượng Thái làng Đằng Khê có bài thơ rằng:

Càn khôn gây dựng đại công thành, Phụ Dực Thần châu nổi tính danh. Đất đẻ lòng gan bền chính trực. Trời vun tai mắt rất thông minh. Kỳ thay công võ muôn thần phục, Sáng tựa hoa văn trăm quỷ kinh. Oai dậy lôi đình Công giữ ý, Phất phơ khí tốt tức uy thanh.

__

143. Đằng Châu (theo Cương Mục, tiền biên V, 31) là xã Đằng Châu, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên nhà Trần gọi là Khoái Lộ, nhà Lê gọi là Khoái Châu.

144. Khi nhà Ngô mất, Phạm Bạch Hổ giữ Đằng Châu, tự xưng là Phạm Phòng Ất (Cương Mục, tiền biên V 28). Hiện nay ở Đằng Châu vẫn còn đền thờ Phạm Sứ quân. Theo Thần tích xã Đằng Châu (Kim Động Hưng Yên) thì ở huyện Đông An (Khoái Châu) có nhà họ Phạm, làm nghề buôn bán. Một hôm mẹ Phòng At qua làng Đằng Châu giữa trưa gặp mưa gió lớn, vào miếu ẩn mưa thấy hào quang sáng rực có một vị Sơn tinh bạch hổ hiện ra. bà sợ khiếp đảm, tỉnh ra đã tạnh mưa. Sau về có mang, năm Canh Ngọ (922) ngày 10 tháng Giêng, sinh một con trai đặt tên là Bạch Hổ. Lớn lên theo Ngô Quyền đánh giết Công Tiễn và quân Nam Hán. Sau lại cùng quần thần mưu truất Dương Tam Kha, lập Xương Văn. Năm 951, Bạch Hổ xin về lập ấp ở Đằng Châu ngày rằm tháng 11 (không rõ năm) đất trời u ám, có đám mây vàng sa xuống dinh Bạch Hổ, Hổ theo mây vàng mà biến mất, cho nên gọi là vua Mây (xem Nguyễn Văn Tố, Đại Nam Dật Sử, trong Tri Tân số 159).

145. Chuyện này nói tới Lê Ngọa Triều, nhưng cứ như ý tứ của bài thơ thì Thần có vẻ như muốn ủng hộ Lê Ngọa Triều (tức Long Đĩnh) mà nếu như vậy thực thì thần không “thông minh, chính trực” như Lý Tế Xuyên đã định nghĩa trong bài Tựa. Do đấy, ta có thể ngờ là người đã được thần giúp không phải là Lê Ngọa Triều mà là Lý Công Uẩn, tướng của Lê Ngọa Triều, người cũng có thực ấp ở Đằng Châu (xem chuyện Thổ thần Đằng Châu trong Thiên Nam Vân Lực Liệt Truyện sách số A.1442, tr.47‐48).

Sách Hưng Yên Nhất Thống Chí (A.963, tờ 23) vừa kể việc cầu mưa của Ngọa Triều, vừa dẫn một thuyết khác cho là việc của Lý Công Uẩn nhưng chuyện Lê Ngọa Triều có thực ấp ở Đằng Châu là một việc có thực. Theo Cương Mục (chính biên, I 39) khi đi đánh Ngự Man Vương Long Đĩnh ở Phong Châu năm 1006 nhân dịp đem quân về đến Đằng Châu, Lê Ngọa Triều sai đặt Đằng Châu lên làm phủ Thái Bình.
 
Chương 7 : Tiếm bình


Đang lúc mưa gió tơi bời, thể khó êm lặng, mà hay khiến nửa sông mưa gió, nửa sông tạnh khô, như thế cũng rõ ràng linh dị. Nhưng vì Ngọa Triều là kẻ hung bội, hưởng ngôi không lâu mà còn theo trợ thuận giúp linh, ngâm thơ thác mộng, tuy câu “ngũ niên” có chủ ý lo xa, còn đến như câu “Chư phương thuận phục, Thất miếu an linh” thì là phô trương thái quá vậy.
 
Chương 8 : Trung Phục Vũ Phụ Uy Linh vương (Thần sông Bạch Hạc)


An đề Giao Châu ký của Triệu Công thì Vương vốn là Thổ Lệnh Trưởng. Giữa niên hiệu Vĩnh Huy nhà Đường, Lý Thường Minh qua làm Đô Đốc Giao Châu thấy đất đai bằng phẳng nghìn dặm, núi sông bao bọc đến ngã ba sông Bạch Đằng, liên tiếp đến ngã ba sông Bạch Hạc, mới dựng quán Thông Linh, đặt tượng Tam Thanh, mở riêng ở trước một nôi nhà gọi là tiền mạc. Ông khiến tạc pho tượng Hộ Quốc Thần. Tượng làm xong mới đem lễ, đốt trầm vái rằng:

- Trong này Thần Kỳ nếu có linh dị, sớm cho ta nhập mộng, hình trạng như pho tượng này mới thỏa lòng ta.

Đêm ấy, Lý Thường Minh mộng thấy hai dị nhân, mày râu như tượng, hình dung chải chuốt, kẻ tuỳ tùng đến vài mươi người, đều tay cầm cờ tiết, trống phách, đờn sáo, vừa đi vừa đánh vừa thổi, bước bước chậm rãi, giành nhau ở trước Tiền Mạc. Thường Minh hỏi đến tính danh; một người xưng là Thổ Lệnh, một người xưng là Thạch Khanh.

Thường Minh xin hai người thị pháp thuật, ai thắng thì ở trước. Thạch Khanh nghe nói, nhún mình nhảy một cái qua bên kia bờ sông đã thấy Thổ Lệnh Trưởng đứng trước đó rồi. Thạch Khanh lại nhảy lại một cái qua bên này bờ sông, cũng lại thấy Thổ Lệnh Trưởng đứng trước đó rồi. Như vậy, Thổ Lệnh Trưởng được ở trước.

Tục người Thổ chuộng ma quỷ, nay thấy tượng thần uy nghiêm, lòng đều kính sợ, hễ có sự gì lỗi lầm, lo ngại, đều đến đền cầu khấn, xin keo, đều thấy linh ứng, nghiễm nhiên làm vị Phúc Thần một phương, nhang đèn không dứt.

Trải mấy triều, các vị tướng soái mỗi khi có phụng mệnh đi đánh kẻ nghịch mệnh ở trên nguồn Tam Giang, thường biện lễ phẩm, mặc đồ binh phục đến đền bái yết, phần nhiều được Thần âm phủ, mặc tướng.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Trung Dực Vương. Năm thứ tư, gia phong Võ Phụ. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Uy Linh.

Phụ bài thơ quan Hàn lâm viện Thị Độc Học Sĩ Nguyễn Sĩ Hồi hầu giá vua đi đánh Ai Lao, đến bái yết đền Thần. Thơ rằng:

Phù rùa, ấn cả buộc lưng ngang, Lành tốt, mong cầu giúp Tướng quan. Hèn yếu Thư sinh không chỗ cậy, Chỉ xin dưới miếu báo bình an.

Quan Thị Độc Học sĩ tên là Vương Thành Vu hầu giá vua đi phương tây đánh mọi lào. Lúc khải hoàn, vua bảo làm bài thơ tạ Thần, thơ rằng:

Tỳ hưu mười vạn tỏ Vương linh. Đè bẹp Vân Nam ải ngoại thành. Giang tả mảy may nào đủ mến. Gió đưa tiếng hạc khiếp Tần binh.
 
Chương 8 : Tiếm bình


Ngã ba sông Bạch Hạc tức là chỗ giao hội của sông Thao, sông Lô, xanh đó hai dòng đều chảy vào sông Đại Hoàng. Núi sông xanh trong, phong cảnh như vẽ, trên bờ sông có đội tuần đống, làm một chỗ thuyền bè buôn bán đông đúc. Mỗi năm cuối mùa thu, đầu mùa đông, chim anh võ là thực phẩm rất quý giá, chỗ yếu hội như huyện Sơn Vỹ có làng Trình Xá, làng Phú An, huyện Thanh Ba có làng Vụ Cầu, làng Vũ Yến, ít nơi bì kịp.

Thổ Lệnh Trưởng nay làm Thần làng Bạch Hạc, Thạch Khanh nay làm Thần làng Chi Cát hằng được đội ơn phong tặng, hương lửa không ngớt. Các làng dựa theo bên sông cũng đều thờ cả, có lẽ sơn kỳ thuỷ tú un đúc lại làm danh thần, nghiễm nhiên làm hộ vệ cho thần Tam Thanh, hai bài thơ của hai ông Học Sĩ lưu lại đời không mất.

Khoảng năm Cảnh Thịnh, ông Tứ Thừa đến núi Tản Viên, đêm nằm mộng thấy Thần bảo:

- Sáng ngày có kẻ dị nhân đến yết ta, ngươi nên quét dọn sạch sẽ cho được quang khiết. Ông Từ tỉnh dậy, lo đi quét dọn trong ngoài sạch sẽ.

Đến đúng ngọ, có một toán vài mươi người đến, trong số ấy có một người lớn tuổi, tác độ bốn mươi, đem heo xôi đến tế thần, quỳ xuống khấn vái lầm rầm. Lễ xong, ông Từ Thừa mới đến chào hỏi và thuật lại điềm mộng ban đêm cho người ấy nghe rồi xin theo về nhà cho biết. Người ấy bằng lòng. Từ Thừa theo người ấy đi vào trong núi, đi đến đâu cũng thấy ruộng vườn nhà cửa san sát, đi đã hai ngày cũng đều như thế cả. Đến ngày thứ ba, người ấy nói với ông Từ rằng:

- Không phiền ông phải theo tôi đi xa làm gì, hãy về đi, nhưng xem ở ngã ba sông Bạch Hạc, lúc nào có thấy cắm cây cờ đen thì lập tức đến đó hội họp, tôi không quên ông đâu!

Ông Từ bái tạ trở về.

Khoảng năm Mậu Thìn Hoàng Triều Gia Long, có giống chim hình như chim sẻ, kể hàng nghìn, từ hạ lưu bay đến ngã ba sông Bạch Hạc, lủm chủm chúi đầu xuống nước, như thế có đến năm ba ngày, thấy chim chất đống trên mặt sông.

Trấn quan đem việc ấy tâu về triều, và dâng luôn cả thứ chim ấy nữa, nhưng rồi ai cũng chẳng biết giống chim ấy là chim gì.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top