Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full [Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959) - 越甸幽靈集

Dịch Full [Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959) - 越甸幽靈集

admin

Thánh Ngự Hư Không
Đại Thần
Tham gia
11/6/23
Bài viết
915,377
VNĐ
900,499
[Diendantruyen.Com] [Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959)  - 越甸幽靈集

[Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959) - 越甸幽靈集
Tác giả: Lý Tế Xuyên
Tình trạng: Đã hoàn thành




Sách Việt điện u linh gồm 27 truyện kể về các vị thần linh được thờ ở Việt Nam, gồm các vua chúa (nhân quân), bề tôi trung liệt (nhân thần), thần sông, thần núi (hạo khí anh linh). Theo bài Tựa đề năm Khai Hựu nguyên niên (1329, đời Trần Hiến Tông) của Lý Tế Xuyên thì ông đã chọn kể theo phương châm: "những bậc sáng suốt, ngay thẳng mới gọi là thần; không phải những loại dâm tà, yêu quái, ma quỷ cũng gọi là thần đâu!...".

P/s: Bản dịch này là bản của dịch giả Lê Hữu Mục, xuất bản lần đầu năm 1959. Bản hiện hành là của dịch giả Trịnh Đình Rư và Đinh Gia Khánh.
 
Sửa lần cuối:
Chương 0 : Dẫn nhập


Từ khi được hoàn thành đến nay, Việt Điện U Linh Tập đã gây một tiếng vang không nhỏ trong giới văn học Việt Nam, mặc dầu chưa được khắc in một cách chính thức, tác phẩm đã được sao đi chép lại nhiều lần, đã được các học giả tiếm bình, tăng bổ, tùng biên, trùng bổ, đã trở thành những bản thần tích của nhiều thần từ miền trung châu và nhất là đã cung cấp nhiều tài liệu cho lịch sử. Một tác phẩm như vậy là một tác phẩm đã có nhiều người đọc, có ảnh hưởng lớn và cần phải được chúng ta chú trọng đến hơn. Phần dẫn nhập này sẽ đề cập đến soạn niên của tác phẩm, tác giả và những bản chép tay, nội dung, giá trị và ảnh hưởng của Việt Điện U Linh Tập.
 
Chương 0 : Soạn niên của tác phẩm


I. Soạn niên của tác phẩm

Soạn niên của tác phẩm đã được ghi rõ ở cuối bài Tựa của Lý Tế Xuyên. Đó là năm Kỷ Tị, Khai Hựu nguyên niên, tức là năm 1329. Nhưng có nhiều học giả hoài nghi sự xác thực của soạn niên này cũng như họ đã không đồng ý mà cho rằng Lý Tế Xuyên là một nhân vật đời Trần. Ý kiến của các học giả ấy không phải là không có căn cứ lịch sử và bởi vậy chúng tội sẽ trình bày dưới đây hai quan niệm khác nhau về soạn niên của tác phẩm.

A. Tác phẩm và tác giả thuộc vào đời Lý

Hai học giả đã chủ trương Việt Điện U Linh Tập và Lý Tế Xuyên không thuộc vào đời Trần là Chư Cát Thị và Hoàng Xuân Hãn.

Trong bài tựa đề năm Giáp Ngọ (1774) khi kiểm lại Việt Điện U Linh Tập, Chư Cát Thị, người Hồng Đô (Hải Dương), Biên Tu bộ Lễ đời của Lê Văn Hưu và cho rằng Lý Tế Xuyên chỉ chép phần tiếp theo mà thôi [1]. Như vậy, theo Chư Cát Thị thì Việt Điện U Linh Tập là một tác phẩm được viết vào đời Lý nhưng Lý Tế Xuyên là một văn sỹ đời Trần. Lý Tế Xuyên không phải là một tác giả đầu tiên và duy nhất của Việt Điện U Linh Tập. Ông chỉ là một trong những người đã tăng bổ tác phẩm. Lý do của Chư Cát Thị đã căn cứ trên nhiều văn liệu có thể tin cậy được, đó là những tác phẩm mà chính Lý Tế Xuyên đã nhiều lần dẫn chứng, tỉ dụ Giao Châu Ký của Triệu Xương, Giao Chỉ Ký của Tăng Cổn, Sử Ký hoặc còn gọi là Đại Việt Sử Ký và Ngoại Sử Ký của Đỗ Thiện v.v… Chuyện Sỹ Nhiếp là chuyện đầu tiên của Việt Điện U Linh Tập gần như là một bản sao lại chuyện Sỹ Nhiếp của Tam Quốc Chí [2]; ngoài ra, Lý Tế Xuyên còn nghiên cứu dã sử, tục truyền, nhất là những thần tích của các làng v.v… và như vậy, nói rằng sách của ông đã có từ đời Lý cũng không phải là vô lý hẳn. Tuy nhiên, nếu đứng trong quan điểm tôn trọng tiền nhân của các nhà văn xưa, ta có thể một phần nào hiểu được rằng sự sử dụng tài liệu, và làm ngược lại sẽ là đi ngược với tinh thần ấy, đi ngược lại tập quán và phong trào. Như chính Lý Tế Xuyên đã tuyên bố trong bài Tựa, ông có thể là một người đầu tiên đã chép lại sự thực “tuỳ thiển kiến ti văn chép thành bộ U Linh này”. Những tài liệu đã dẫn chứng một cách minh bạch dĩ nhiên xác nhận sự hiện diện của những tác phẩm đã có trước nhưng không phải vì thế mà phủ nhận phần sáng tác của Lý Tế Xuyên. Những tác phẩm đã dẫn chứng ở đầu các chuyện, theo Lê Quý Đôn [3] đến nay đều thất truyền, do đấy, ta không có đủ bằng chứng để biện biệt chỗ nào là của Lý Tế Xuyên, phần nào là của những sách đã dẫn, nhưng ít nhất phần sắp đặt các tình tiết trong chuyện, cách bố cục tác phẩm, sự duy nhất trong lời văn cũng như tính cách nhất trí của câu khẳng định một phần sáng tạo mà người đọc kỹ có thể nhận ra ngay. Việc xét sách này sách kia không làm giảm bớt phần độc sáng của Lý Tế Xuyên mà chỉ biểu lộ sự khiêm tốn, tinh thần trung thực có thể nói được là khoa học [4] của ông mà thôi.

Trong cuốn Lý Thường Kiệt xuất bản tại Hà Nội năm 1949, trong lời chú số 1 trang 20, sau khi cho rằng những tài liệu mà Lý Tế Xuyên dùng có thể có từ đời Lý, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã viết: “Tựa sách Việt Điện U Linh có niên hiệu “Hoàng Triều Khai Hữu nguyên niên” tức là đời Trần Hiến Tông (1329). Nhưng họ tác giả là họ Lý. Biết rằng tất cả họ Lý bấy giờ đã phải đổi ra Nguyễn, ta có thể nghĩ rằng Lý Tế Xuyên ở đời Lý. Chức của Lý Tế Xuyên (giữ kinh Đại Tạng, thư hỏa chính chưởng, trung phẩm phụng ngự, chuyển vận sứ ở An Tiêm lộ) rất có thể là chức đời Lý. Nếu thật như vậy thì đến đời Trần có kẻ sao lại, thêm và chữa sách Việt Điện U Linh”. Theo như trên, giáo sư Hoàng Xuân Hãn còn đi xa hơn Chư Cát Thị nữa và phỏng đoán Lý Tế Xuyên là một nhân vật đời Lý; nhận xét của giáo sư căn cứ trên sự kiêng huý của đời Trần.

Trong An Nam Chí Lược [5], Lê Trắc viết: “Họ Trần thay lập tất cả tông tộc nhà Lý và dân chúng có họ Lý đều bắt đổi ra họ Nguyễn để dứt lòng mong mỏi của dân”. Trong Việt Sử Lược và Thiền Uyển Tập Anh, tất cả họ Lý đều viết thành họ Nguyễn; phần 2 của Việt Sử Lược đáng lẽ đề là nhà Lý, đã đề là nhà Nguyễn [6], Lý Đạo Kỷ viết là Nguyễn Đạo Kỷ, Lý Triệt viết là Nguyễn Triệt v.v…[7] Lý Tế Xuyên không thể nào dám đề rõ ràng tên họ của ông trên đầu tác phẩm nếu tác phẩm được làm vào đời Trần và nếu Lý Tế Xuyên là người đời Trần, như vậy Lý Tế Xuyên sống vào đời Lý và Việt Điện U Linh Tập trong tình trạng hiện nay là tình trạng của một tác phẩm đời Lý đựơc tăng bổ và hiệu đính dưới đời Trần. Nhưng theo chỗ nghiên cứu của chúng tôi, lý luận của giáo sư Hoàng Xuân Hãn có thể bổ sung được. Trước hết, sự kiêng huý tuy có thực nhưng không phải lúc nào cũng tuyệt đối. Trong cuốn Lý Thường Kiệt trang 451, giáo sư cho biết “tên Lý Đạo Thành trong Việt Sử Lược (1073) đã đổi ra Nguyễn Nhật Thành”, họ Nguyễn huý tên Trần Lý, ông tổ của nhà Trần, chữ đệm bị đổi thành Nhật để tránh tên huý của Trần Hưng Đạo. Xem Việt Sử Lược, quyển II, tờ 15a, ta thấy rõ điều ấy, nhưng cũng chính trong Việt Sử Lược, quyển II, tờ 10a, tên của Lý Đạo Thành chỉ phải việt là Nguyễn đạo Thành. Lại nữa, nếu Lý Tế Xuyên là một nhân vật đời Trần thì tên họ của ông cũng đã phải đổi ra họ Nguyễn rồi, không cần phải là một nhân vật đời Lý mới phải đổi tên. Vả lại, trường hợp của Việt Điện U Linh Tập có lẽ không thể so sánh với một cuốn như Việt Sử Lược được. Nhờ một sự tình cờ của lịch sử, cuốn Việt Sử đã bị thất truyền ở Việt Nam nhưng đến thế kỷ thứ 18, đời Càn Long nhà Thanh đã được ấn hành và được Tiền Hi Tộ, tự là Tích Chi, người Kim Sơn (Giang Tô), hiệu đính. Như vậy, Việt Sử Lược không bị cái nạn tam sao thất bản làm cho sai lạc đi; ngược lại, Việt Điện U Linh Tập vì một sự rủi ro, đã bị sửa chữa rất nhiều; ngay ở thế kỷ XV, Nguyễn Văn Chất đã viết Việt Điện U Linh Tập Bổ Tục, rồi đến thế kỷ thứ XVIII, Độn Phủ Lê Hữu Hỉ, năm 1712, trong bài Bạt Việt Điện U Linh Tập [8] đã phải than phiền rằng “đời truyền Việt Điện U Linh đã lâu, nhưng đều lầm lẫn khó đọc”. So sánh những bản chép tay hiện còn giữ được như bản A47, A75, A1919, A1879, ta đủ thấy sự sai biệt trầm trọng như thế nào [9]. Do đấy, trong những thời kỳ mà sự sửa chữa là cái quyền riêng của người sao, khi mà sự kiêng huý không còn lý do tồn tại nữa thì cái tên Nguyễn Tế Xuyên được đổi ra là Lý Tế Xuyên không có khó khăn gì. Sau cùng, giáo sư Hoàng Xuân Hãn còn cho biết chức vụ của Lý Tế Xuyên là một chức vụ đời Lý. Đã đành, kinh Đại Tạng [10] đã được Minh Sưởng và chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã mang từ Trung Hoa về từ mùa xuân năm Đinh Mùi (1007). Nhà Lý càng trân trọng hơn đối với kinh điển của nhà Phật nhưng trong Toàn Thư cũng như trong Cương Mục, ta không thấy một đoạn nào nhắc nhở đến chức vụ của Lý Tế Xuyên; ngược lại [11], Toàn Thư đã hai lần nói tới; một lần vào đời Trần Nhân Tông [12] và một lần vào đời Trần Minh Tông [13]; như vậy Thư Hỏa Chính Chưởng là một chức vụ đời Trần, có lẽ không phải là một chức vụ đời Lý; lại nữa, Lý Tế Xuyên còn kiêm chức Chuyển Vận Sứ An Tiêm Lộ. Theo Aurousseau, An Tiêm Lộ dưới đời Trần thuộc vào tỉnh Nam Định hiện nay [14]. Từ năm 1916, Maspéro đã căn cứ vào chuyện Lý Phục Man trong Việt Điện U Linh Tập để quả quyết có một Đỗ Thiện [15] là tác giả một cuốn Sử Ký viết vào khoảng 1287-1329; Gaspardone [16] trong Bibliographie Annamite ấn hành năm 1934, đã công nhận chức vụ của Lý Tế Xuyên là những chức vụ đời Trần. Đó cũng là ý kiến của Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục [17] viết năm 1777.

B. Tác giả và tác phẩm thuộc vào đời Trần

Trừ Chư Cát Thị và Hoàng Xuân Hãn, tất cả những nhà học giả đã nghiên cứu về Việt Điện U Linh Tập đều khẳng định tác phẩm này là một sáng tác đời Trần. Chúng tôi đã trình bày những ý kiến của Lê Quý Đôn, Maspéro, Gaspardone, Durand trong đó lập luận của hai giáo sư Gaspardone và Durand tỏ ra vô cùng vững vàng. Đối với một tác phẩm vừa có tính cách sử học vừa có tính cách văn học như Việt Điện U Linh Tập, sự khảo sát về soạn niên cần phải được đặt trên những căn bản khác; căn bản ấy có thể là kinh tế, phong tục, xã hội, luân lý, nhưng trước hết và quan trọng hơn tất cả là vấn đề quan điểm, vấn đề ý thức hệ. Định đoạt được vấn đề này tức là một phần nào giải quyết được vấn đề soạn niên. Vậy ý thức hệ được trình bày trong tác phẩm là ý thức hệ gì? Nói một cách, cái tư tưởng nào đã điều động tinh thần của các nhân vật trong tác phẩm? Họ đã nghĩ những gì? Đã hành động ra làm sao? Đời sống của họ có được đặt theo một tiêu chuẩn nào không?

Trước hết Lý Tế Xuyên đã tuyên bố ngay trong bài Tựa năm 1329: “Thông minh chính trực đủ để xưng thần, trừ dâm thần, tà quái, yêu ma, vọng quỷ thời không được lạm xưng như thế”. Thông minh chính trực, theo tác giả, là những “vị biểu dương được vĩ tích, âm phù được sinh linh”, là những người “đương thời thì khí thế lừng lẫy, lai diệp thì anh linh chói lọi”. Thần của tác giả không có gì là mê tín, dị đoan. Trong truyện Lý Thường Kiệt, tác giả viết: “Người dân nào ham chuộng ma quỷ, đồng bóng huyễn hoặc dân chúng thì bị ông (Lý Thường Kiệt) trừng phạt sa thải để khử trừ ô phong, cho nên lúc bấy giờ có cái dâm từ nào thì đều biến ra làm hương hỏa của các vị phúc thần cả”. Như vậy, thần của Lý Tế Xuyên chỉ là một người, nhưng người ấy đã sống với tất cả sức mạnh của một con người, và bởi đó đã trở thành như một nhân vật linh thiêng và vẫn có liên lạc mật thiết với loài người một khi đã quá cố. Thần ở đây rõ ràng là những người đã “tận kỳ tính”, những con người đã “thành”, nghĩa là những con người hoàn toàn theo kiểu mẫu của nho phong. Cái tính cách nho phong hiển hiện trong từng cử chỉ của nhân vật, trong từng ngôn ngữ của họ. Lòng trung quân của Lê Phụng Hiểu, sĩ khí của Lý Thường Kiệt, tinh thần khảng khái của Trương Hống và Trương Hát, sự trinh liệt của Mỵ Ê, tinh thần tề gia lấy sự hiếu đễ làm trọng của Tô Lịch, đó là tất cả cái hình nhi hạ của nhà nho, ăn khớp với cái nhân sinh quan rất cao của họ về con người. Lòng sùng thượng nho học rõ rệt trong việc sắp đặt Sĩ Nhiếp làm đề tài đầu tiên của tác phẩm trong bố cục của tác phẩm được chia ra làm lịch đại đế vương, lịch đại phụ thần, hạo khí anh linh. Như vậy, ý thức hệ điều động tác phẩm của Lý Tế Xuyên là ý thức hệ nho giáo. Thời đại của tác giả là một thời đại bắt đầu ghi những năm thinh vượng đầu tiên của nho giáo, khác hẳn cái không khí êm đềm, thanh tịnh nhưng cũng đầy rẫy những chuyện mê tín dị đoan của nhà Lý. Cái tinh thần nho học mạnh mẽ sáng sủa của nhà Trần không phải một phút một chốc mà được hình thành; nó đã du nhập đầu tiên vào Việt Nam cùng với Phật giáo, nó đã được triều đình nhà Lý ủng hộ chính thức năm 1070 khi Lý Thánh Tông trùng tu Văn miếu ở Thăng Long; năm 1195 nó đã được coi là bình đẳng với Phật giáo; có những vị thiền sư như Quảng Nghiêm (1122-1190), sư Tĩnh Giới (?-1354) Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) Chu An (?-1370), Phạm Sư Mạnh, Lê Quát v.v… lãnh đạo. Năm 1329, Lý Tế Xuyên đang sống giữa cái xôn xao ấy của thời đại ông; ông đã mạnh bạo đứng trong hàng ngũ của “phái mới” tức là phái Nho học; tác phẩm của ông là một nhân chứng của một thời đại đang nỗ lực thanh toán với những cái “cũ” để hoàn toàn theo mới không một chút do dự. Đã đành, còn một đôi bóng dáng của cái tinh thần thần thoại đời Lý, tỉ dụ sự biến hiện của một nhân vật và dù sao đi nữa, năm 1329 vẫn chưa là năm thắng lợi hoàn toàn của Nho họ, chứng cớ là trong Việt Sử Lược hoàn thành năm 1377, sau Việt Điện U Linh Tập gần nửa thế kỷ, tính chất hoang đường quái đản đời Lý vẫn còn bộc lộ rõ ràng. Như vậy, theo tinh thần tổng quát của tác phẩm ta có thể tin rằng năm 1329 là soạn niên của Việt Điện U Linh Tập và Lý Tế Xuyên là một văn sĩ đời nhà Trần, mặc dầu các chứng cứ chưa được minh bạch như ta mong muốn.

__

1. Xem Bibliographie Annamite của E.Gaspardone

2. Xem M.Durand trong Dân Việt Nam, số 3 trang 11

3. Xem Kiến Văn Tiểu Lục, quyển 4. Thiên chương, tờ 42

4. Xem Durand, Sđd, trang 6: Respecteux des Anciens et d’une modestie conforme aux règles morales du sage, il aime une information sincère, je n’oserais dire scientifique.

5. Q.12 “Thế gia họ Lý”

6. Xem Việt Sử Lược, II, 1a

7. Xem dưới

8. Xem M.Durand trong Dân Việt Nam, số 3 trang 39‐44

9. Xem Cương Mục, chính biên, I,43a

10. Xem M.Durand trong Dân Việt Nam, số 3 trang 6

11. Xem Toàn Thư, V, 35b

12. Xem Toàn Thư, VI, 43b

13. Xem Exposé de Géographie historique du pays d’Annam traduit du Cương Mục (B.E.F.E.O XXII, 1922)

14. II (ouvrage Đỗ Thiện) remonte certainement aux première années du 14e siècle (Maspéro, trong Etudes d’Histoire d’Annam, B.E.F.E.O, XVI, 1916)

15. B.E.F.E.O, XXXIV,1934

16. IV, 4a

17. Xem Durand, Sđd, trang 6. Chúng tôi đã kiểm điểm lại nhận xét của Durand, căn cứ trên những bản đã chụp lại những bản chép tay của trường Viễn Đông Bác Cổ.
 
Chương 0 : Tác giả


Tất cả những bản Việt Điện U Linh Tập chép tay nếu có tên tác giả thì đều đề là Lý Tế Xuyên. Ngay những học giả không cho tác phẩm vào đời Trần cũng không phủ nhận quyền tác giả của Lý Tế Xuyên, nhưng về thân thế và sự nghiệp của ông, hiện nay ta chưa có tài liệu gì rõ rệt. Lịch sử cũng như những văn bản chính thức như Đăng Khoa Lục không thấy nhắc nhở đến tên ông. Phan Huy Chú trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Lê Quý Đôn trong Nghệ Văn Chí chỉ nói đến ông một cách sơ sài. Ta chỉ có thể căn cứ trên chức vụ và trên tác phẩm để tìm kiếm một đôi nét về thân thế và sự nghiệp của Lý Tế Xuyên.

Về chức vụ, mỗi bản chép tay đều chép mỗi khác. Theo 4 bản chép tay của trường Viễn Đông Bác Cổ hiện còn giữ được [18], chức vụ của Lý Tế Xuyên đã được đề như sau:

Bản A.2879 ghi: Thủ Đại-Tạng Kinh Trung Phẩm Phụng Ngự

Bản A.751 ghi: Thủ Đại Tạng Kinh Thư Hỏa Chính Chưởng Trung Phẩm Phụng Ngự An Tiêm Lộ Chuyển Vận Sứ.

Bản A.1919 ghi: Thủ Đại Tạng Thư Văn Chính Chưởng Trung Phẩm Phụng Ngự An Tiêm Lộ Chuyển Vận Sứ.

Bản A.47 ghi: Thủ Đại Tạng Thư Văn Chính Chưởng Trung Phẩm Phụng Ngự An Tiêm Lộ Chuyển Vận Sứ.

Trong cuốn Lý Thường Kiệt, khi nói về chức vụ của Lý Tế Xuyên giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã viết là “giữ kinh Đại Tạng, thư hỏa chính chưởng, trung phẩm phụng ngự, chuyển vận sứ An Tiêm lộ”, như thế giáo sư đã nói đến chức vụ của Lý Tế Xuyên ghi trong bản chép tay A.751; bản A.751 là một trong bốn bản đã ghi chữ hỏa thay vào chữ văn trong hai bản A.47 và bản A.1919, lại là một bản mới chép gần đây [19], do đấy, Durand kết luận rằng người phụng sao sau này đã lầm chữ hỏa với chữ văn và như vậy, giáo sư Durand xác nhận chức Thư Văn Chính Chưởng đúng hơn nếu đề là Thư Hỏa Chính Chưởng và công nhận bản A.47 là hợp lý nhất. Nhưng nếu đã kết luận như vậy thì chúng tôi thiết tưởng những nỗ lực của giáo sư Durand để xác định chức Thư Hỏa Chính Chưởng vào đời Trần không còn lý do tồn tại nữa, do đấy, ta có thể nói rằng viết như bản A.751 là phù hợp với sự thực lịch sử đời Trần; chức Thư Hỏa Chính Chưởng rõ rệt là một chức phụng vụ vừa giữ sách vừa giữ lửa ở nơi đã để kinh Đại Tạng; nếu đề là Thư Văn thì chức vụ tỏ ra tầm thường, không có gì đặc biệt đối với một người đã viết một cuốn sách về thần thánh như Việt Điện U Linh Tập. Có thể nói rằng chính cái ngọn lửa leo lét ở nơi để kinh Đại Tạng kia, dù ở nghĩa đen hay nghĩa bóng, đã gây cảm hứng cho nhà văn Lý Tế Xuyên, cho nên không trong một chuyện nào là tác giả không nhắc đến từ ngữ “hương hỏa bất tuyệt”. Cái ánh sáng trong tác phẩm là ánh sáng mà bình minh của nho học đang bành trướng không làm cho phai mờ. Giá trị của tác phẩm là ở trong sự thực hiện được cái mâu thuẫn biểu kiến ấy. Những lý luận trên nhằm vào mục đích tìm hiểu chức vụ của Lý Tế Xuyên, để từ đấy tìm hiểu thân thế của nhà văn. Qua chức vụ ấy, Lý Tế Xuyên xuất hiện như một nhà tu hành, âm thầm sống ở một nơi bảo tồn kinh Phật, mà nhiệm vụ là giữ sách như một người quản thủ thư viện ngày nay. Trong thời gian ấy, xa sự náo nhiệt của đô thành, trong một nơi có cây già bóng cả, giữa một không khí yên lặng trang nghiêm, Lý Tế Xuyên có đầy đủ thì giờ để đọc sách, viết văn, sưu tầm tài liệu, nhất là suy nghĩ về người xưa. Ông luôn luôn đi về cái thế giới cổ sơ ấy; ông sống với những nhân vật của ông, thấm nhuần cái không khí bao quanh họ, thấu triệt tinh thần họ. Khoa cử của triều đình đã không cám dỗ được nhà văn. Tên tuổi của ông không được ghi trên bằng cấp nhưng những ngày âm thầm tự học cũng như những sáng tác kia đã làm cho tên tuổi của ông lừng lẫy. Ngoài ra, xét theo nội dung tư tưởng của tác phẩm, Lý Tế Xuyên còn tỏ ra là một nhà văn chẳng những thấu hiểu sâu xa Phật giáo mà còn là một nhà nho say mê. Ngay trong bài Tựa, ông đã trình bày phương pháp của ông khi viết sách, cái phương châm mà ông đã theo. Thận trọng, khiêm tốn, biết phân biệt kỹ càng, có óc thẩm mỹ, vừa thích cái tinh thần tích cực của nhà nho vừa ưa cái vẻ huyền bí thiêng liêng của quá khứ, Lý Tế Xuyên bất cứ ở chỗ nào đã biểu lộ được sự chừng mực, sự giản dị, sự sáng sủa và cân đối. Một con người như vậy phải được sự hâm mộ của đương thời và của hậu lai.

__

18. Theo Duran, Sđd, trang 6

19. Kiến Văn Tiểu Lục, q.IV, thiên Chương, tờ 4a.
 
Chương 0 : Nội dung tác phẩm


III. Nội dung tác phẩm

Năm 1777, Lê Quý Đôn đã đếm được hơn hai mươi chuyện trong Việt Điện U Linh Tâp. Ông viết: “Đầu niên hiệu Khai Hựu nhà Trần, Lý Tế Xuyên phụng ngự chỉ soạn quyển Việt Điện U Linh Tập, chép các việc thần dị, đền miếu, lịch đại đế vương 8 truyện, nhân thần 12 truyện, hạo khí, linh tích” [20]. Như vậy, ngoài 20 truyện về đế vương và nhân thần còn có những truyện về hạo khí anh linh mà Lê Quý Đôn không nói rõ là bao nhiêu. Phan Huy Chú cho là tác phẩm có 28 truyện. Vào đời Lê, tác phẩm được Nguyễn Văn Chất [21] bổ tục thêm 3 hay 4 chuyện thần thoại tuỳ theo các bản chép tay. Đó là những truyện:

1. Sóc Thiên Vương 2. Tam Đảo Thần 3. Nam Tống Công Chúa ở đền Kiền Hải 4. Trịnh Gia và các em.

Ngoài ra theo Gaspardone, còn có nhiều bản phụ lục có tiểu sử của Tứ Vị Thánh Lang đền Kiền Hải do Lê Tự Chi viết và đề Hồng Đức năm thứ 5 (1513); bản Trùng Bổ và 1 bản Dẫn đề ngày 7-7 năm Kỷ Vị và ký là Tam Thanh Quán đạo nhân… Những bản khác (A.2879, A.1919 có chỉ một vị An Lục tên là Kim Miễn Muội và gồm có những lời chú bình, tiếm bình của Cao Huy Diệu khi còn làm Giám Tu [22]; một bài tựa của Lê Độn Phủ, tức là Lê Hữu Hỉ [23]. Bản A.335 chép lại năm 1774 gọi là bản Tân Đính, Hiệu Bình có bổ sung đến 41 truyện, đồng thời, vẫn theo Gaspardone, những truyện chính như Sĩ Vương, Hai Bà Trưng vì đã chuyển sang Lĩnh Nam Chích Quái nên đã bị bỏ đi, do đấy, ở trạng thái cuối cùng này, hai tác phẩm có nhiều điểm giống nhau [24]. Các tước hiệu sau khi chết được kể đến năm 1821, năm Minh Mạng thứ 2 (xem chuyện Triệu Xương và phu nhân ở cuối sách).

Như vậy, theo bản A.751 mà chúng tôi đã dịch đây, phần Tục Bổ của Nguyễn Văn Hiền (tức Nguyễn Văn Chất theo Gaspardone [25]), phần Trùng Bổ và Phụ Lục của đạo nhân quán Tam Thanh đều không được kể vào phần nội dung Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên. Phầm tiếm bình của Cao Huy Diệu, phần phụ lục sự tích đền thờ thần xã An Sở cũng thế; nội dung của Việt Điện U Linh chỉ gồm 27 chuyện chia ra 3 phần như sau:

A. Lịch Đại Đế Vương (6 chuyện)

1. Sĩ Nhiếp 2. Phùng Hưng 3. Triệu Việt Vương, Lý Nam Đế 4. Thần xã tắc 5. Hai Bà Trưng 6. Mỵ Ê

B. Lịch Đại Phụ Thần (11 chuyện) Lý Hoảng Lý Ông Trọng Lý Thường Kiệt Tô Lịch Phạm Cự Lượng Lê Phụng Hiểu Mục Thận Trương Hống và Trương Hát Lý Phục Man Lý Đô Uý Cao Lỗ

C. Hạo Khí Anh Linh (10 chuyện) Hậu Thổ Phu nhân Thần Đồng Cổ Thần Long Độ Thần Khai Nguyên Thần Phù Đổng Sơn Tinh Và Thuỷ Tinh Thần Đằng Châu Thần Bạch Hạc Thần Hải Thanh Nam Hải Long Vương Quân

Theo bố cục trên, nội dung của tác phẩm rất rõ rệt. Trước hết, tác giả biểu dương vĩ tích của những bậc đế vương đã thấu triệt nhiệm vụ của mình và đã hy sinh thân thế để mang lại hạnh phúc cho dân Việt. Danh từ dân Việt ở đây được hiểu theo nghĩa rộng rãi bởi vì chữ … bao hàm tất cả những dân tộc phía Nam Ngũ Lĩnh; Sĩ Vương cũng là một người Việt theo nghĩa này và chính vì thế tác giả đã kể lại chuyện của Sĩ Nhiếp đầu tiên như là một ông vua tinh thần của người Việt Nam. Việc đặt Sĩ Nhiếp lên đầu chuyện chứng tỏ mục đích của Lý Tế Xuyên khi sáng tác không có tính cách chính trị mà chỉ muốn soi văn hóa như một món ăn tinh thần bổ ích. Trong viễn tượng ấy, Sĩ Nhiếp là một bậc đế vương trên cả Bố Cái Đại Vương, trên cả Triệu Việt Vương và Lý Nam Đế. Nhưng Phùng Hưng cũng đã là một bậc đế vương có một giá trị cao. Nếu Sĩ Nhiếp tượng trưng cho lực lượng văn hóa phương Nam thì Phùng Hưng cũng đã từng là một bậc cha mẹ dân tượng trưng cho tinh thần bất khuất của người Việt. Triệu Việt Vương và Lý Nam Đế cũng thế, mặc dầu chính trị đối lập nhau, vẫn tỏ ra xứng đáng là những vị lãnh đạo thời ly loạn. Người đến thứ tư là thần xã tắc, người mang lại sự no ấm cho nhân dân, người đảm bảo cho đời sống của nhân dân về phương diện vật chất. Sự hiện diện của thần xã tắc chứng tỏ rằng cùng với văn hóa, cùng với chính trị và quân sự, một đời sống ấm no là một điều kiện tất yếu mà các bậc đế vương phải chú ý. Với tinh thần ấy, dù là một nhi nữ như Nhị Trưng cũng có thể liên kết được hào kiệt bốn phương, đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi, mang lại độc lập và hòa bình cho nước nhà. Nhị Trưng đã thất bại về quân sự nhưng Nhị Trưng đã thắng lợi về phương diện nâng cao tinh thần quốc gia; việc Nhị Trưng được Thượng đế sai xuống trần làm mưa chứng tỏ Nhị Trưng vẫn tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với dân với nước. Cái chết của Mỵ Ê là một cái chết vẻ vang của một liệt nữ. Giữa lúc mất nước nhà tan, giữa lúc phải làm tù binh nhà Lý, Mỵ Ê đã cho đoàn người chiến thắng một bài học sâu xa. Nàng chết đi mà bảo vệ được sự trinh liệt, còn hơn vua tôi nhà Lý sống mà bị hối hận giày vò. Cách kể lại câu chuyện của tác giả chứng tỏ rằng lòng trung quân ái quốc của ông không làm sai lạc óc phê phán. Đối với tác giả, chỉ có đạo đức là có một giá trị trên hết mọi giá trị.

Sau 6 chuyện nói về đề vương là 11 chuyện kể lại hoạt động của những lịch đại phụ thần. Tất cả là những bậc anh hùng tuấn kiệt của Việt Nam. Các vị ấy đã có đại công bảo vệ triều đình, bảo vệ quyền lợi của vua chúa như Lê Phụng Hiểu, nhưng đa số các vị là những người đã hết lòng vì nứơc vì dân, hoặc lo cho dân chúng được có ruộng cày như Lý Hoàng, hết lòng bảo vệ quyền lợi cho dân như Tô Lịch khi chết đã hiện về nói với quan Đô Hộ Lý Nguyên Hỷ: “Nếu sứ quân có giáo hóa cư dân trong thành cho hết lòng hết sức thì mới song được nhiệm vụ của một quan thú mục, mới xứng với trách nhiệm của bậc tùân lương”; Lý Thường Kiệt đã từng làm rung động triều đình nhà Tống; Lý Ông Trọng đã trở thành một vị anh hùng bảo vệ cho nhà Tống chống Hung Nô. Lý Ông Trọng khi còn thanh niên đã nói một câu bất hủ: “Tráng chí của đời người nên như chim Loan chim Phụng, nhất cử vạn lý, đâu lại để cho người thóa mạ, làm nô lệ cho người?” Trương Hống Trương Hát là bộ tướng của Triệu Việt Vương, đã vì Triệu Việt Vương mà thà chết không thà cộng tác với Lý Nam Đế; Lý Phục Man là thuộc tướng của Lý Nam Đế, chết đi vẫn tiếp tục ủng hộ Lý Thái Tổ, phù trợ cho dân gian. Việc sắp đặt các vị anh hùng này bên cạnh nhau biểu lộ lập trường của Lý Tế Xuyên. Ông muốn ở trên mọi đảng phái, ở ngoài mọi triều đại; ông chỉ muốn nhắm đến một điểm là sự phú cường của quốc gia, tinh thần mạnh mẽ của dân tộc. Dù tướng của Triệu Việt Vương có đối lập với tướng của Lý Nam Đế về chính trị chăng nữa, sau khi chết đi là họ chỉ nghĩ đến làm thế nào ích lợi cho nhân dân. Mục Thận sau khi thành thần, mỗi lần sóc vọng có kỳ tế lễ là hiện thành một con rắn nằm tròn ở cột đền, người nào uế tạp thì lập tức bị cắn chết. Chuyện Cao Lỗ cũng rất cảm động. Lòng trung trinh của Cao Lỗ đối với An Dương Vương rất hiếm có.

Sau cùng là những bậc hạo khí anh linh. Đây là 10 chuyện thần có nguồn gốc thần thoại như Hậu Thổ phu nhân, thần Đồng Cổ, thần Long Độ, thần Khai Nguyên, thần Phù Đổng, Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, v.v… Các thần đều một lòng sốt sắng cứu khổ phò nguy, thường sẵn sàng hiển linh báo mộng cho vua chúa biết đường lành phải theo, điềm dữ phải tránh; các thần lúc nào cũng tìm cơ hội để tham dự vào việc của triều đình, giúp cho nhà vua tránh được những bước khó khăn, cho dân chúng được ấm no sung sướng.

Nói tóm lại, nội dung của tác phẩm rất rõ ràng; nội dung ấy đã được tóm lược ngay trong bài Tựa của tác giả. Nội dung ấy có một giá trị mà ta phải cân nhắc và bình luận.

__

20. Trong Hiến Chương, q.45

21. Nguyễn Văn Chất người làng Vũ Di, huyện Bạch Hạc (Vĩnh Yên), tiến sĩ năm 1448, hồi 27 tuổi, Tư Nghiệp Quốc Tử Giám năm 1466, Đô Sát Viện, đi sứ Tàu năm 1480 (Toàn Thư XIII, tờ 29), tác giả Tục Việt Điện U Linh Tập (Đăng Khoa Lục I, 7) (Nhận xét của Gaspardone, trong Bibliographie Annamite).

22. Theo Gaspardone dẫn trong Bibliographie Annamite, Cao Huy Diệu trước là Cao Dương Diệu làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Bắc Ninh, Tiến Sĩ năm 1715, hồi 35 tuổi, Thượng thư bộ Lại năm 1739 (xem Đăng Khoa Lục, III, 44; Bị Khảo, phần Kinh Bắc, Gia Lâm).

23. Lê Hữu Hỉ, tên hiệu là Độn Phủ, tiến sĩ năm 1700 (xem Đăng Khoa Lục, III, 38b)

24. xem Bibliographie Annamite.

25. Chữ “Hiền” dễ bị lầm với chữ “Chất”.
 
Chương 0 : Giá trị của tác phẩm


IV. Giá trị của tác phẩm

Việt Điện U Linh Tập có một giá trị rõ rệt về nội dung và hình thức.

A. Giá trị nội dung. 1. Giá trị tôn giáo

Trước hết, tác phẩm có một giá trị tôn giáo không thể phủ nhận được. Tin tưởng vào sự bất diệt của linh hồn, tin tưởng vào sự tương quan giữa đời sống bên này và đời sống bên kia, tác giả phô diễn một nếp sống hoàn toàn kiểu mẫu. Theo tác giả thì thần thánh có ai là xa lạ đâu? Đó là những người trần mắt thịt như chúng ta, chỉ khác một điều là các người ấy đã sống một đời sống siêu phàm, trong sự cần lao kham khổ, trong sự phục vụ tích cực, trong nỗ lực chống lại sự quyến dũ của vật chất; thần thánh là những người đã sống hết tất cả kích thước của người, tận cùng biên giới nhân loại. Đến trình độ ấy, giá trị của con người tự nhiên được gia tăng; con người có thể tham dự vào đời sống linh thiêng để tiếp tục quảng bá ơn cương thường như trước; đến giai đoạn này, các vị anh hùng xứng đáng được lòng ngưỡng mộ sùng kính của nhân dân. Việc có đền miếu phụng tự trở thành như một điều kiện phải có. Ta không lạ gì khi thấy có nhiều vị thần hiển linh như muốn được hưởng tế tự lâu dài.

Tính cách tôn giáo còn được thể hiện trong tinh thần sùng bái anh hùng liệt nữ. Từ vua chúa đến nhân dân, mọi người đều kính cẩn sự thần, suy tôn các vị thần, công nhận sự tối linh của thần như một nguyên lý. Thần thánh là kiểu mẫu lý tưởng của nhân dân; họ cần được sự phụ trợ của thần, nhưng hơn hết cả, họ mong muốn được nên giống như thần thánh, có can đảm chống lại dục vọng của họ để đi lên cao hơn.

Ta có thể nói dân tộc Việt Nam trong căn bản là một dân tộc tôn giáo. Quan niệm người hùng rực rõ trong sử sách chứng tỏ sự thiết tha của người Việt Nam được sống như một siêu nhân, tuấn kiệt và uy dũng. Phản hồi được bầu không khí tôn giáo này, tác phẩm của Lý Tế Xuyên có một giá trị rất đặc sắc.

2. Giá trị luân lý

Từ một lòng tin vào một quan niệm luân lý phổ biến, Lý Tế Xuyên trình bày nhiều mẫu người với quan niệm sống rất mãnh liệt. Mỗi người có một cách sống riêng tuỳ theo hoàn cảnh của họ nhưng lúc nào cũng đặt giá trị của tinh thần lên trên hết. Đầu tiên, Sỹ Nhiếp mở đầu cho quyển truyện là một người khoan hậu, khiêm hư đãi kẻ sĩ, hiếu khách và ưu bác về học vấn. Nền chính trị của ông ở Giao Châu rất khôn khéo mềm dẻo; chú trọng về văn hóa và giáo dục, đặt vấn đề trách nhiệm cá nhân lên rất cao, Sĩ Nhiếp không bao giờ xử sự như một người tự bạo tự khí. Nhân cách của ông nổi bật bên cạnh những con người tầm thường đồng thời với ông như Lưu Biểu. Giữ vững được nhân cách của mình, mặc dầu qua những cơn thử thách nghiêng ngửa, đó là biểu hiện của một tâm hồn vững vàng, ý chí mạnh mẽ, ưa tự do một cách say mê. Nhị Trưng phẫn nộ trước những hành động sắp bị xâm phạm. Chưa bao giờ giá trị cá nhân được đề cao như bao giờ. Con người cảm thấy được tôn trọng, được kính nể, đựơc công nhận như một giá trị bất khả xâm. Nhưng được tôn trọng không phải chỉ biết có mình là được tôn trọng; giá trị ấy là một giá trị phổ quát và cá nhân tranh đấu cho giá trị phổ quát ấy tức là tranh đấu cho mình và cho nhân loại. Đến đây, ta thấy sự tương quan chặt chẽ giữa cá nhân và gia đình, giữa cá nhân và xã hội, quốc gia. Từ ngàn xưa, Lý Tế Xuyên đã quan niệm sống là sống với người khác, sống cho người khác, sống vì người khác. Không bao giờ ta thấy nhân vật của ông cô độc; họ luôn luôn hy sinh tận tuỵ vì hạnh phúc của tha nhân; họ lo cái lo của mọi người, đau khổ cái đau khổ của mọi người, lúc nào cũng vượt khỏi cái phạm vi nhỏ bé của bản thân để sống cho người khác. Đối với Lý Tế Xuyên, không bao giờ người khác là hỏa ngục, ngược lại, người khác là một dịp quý báu để cho con người gần người hơn, người khác là một giá trị làm cho giá trị nhân loại được tăng cường. Đẹp biết bao cái vẻ hào hùng của Lý Thường Kiệt, mà cuộc đời là đấu tranh để đề cao lòng tự hào của dân tộc. Cao quý thay cái tinh thần bất khuất của Trương Hống và Trương Hát mà danh vọng cũng không làm cho ngả nghiêng, mà phú quý cũng không làm cho thay đổi, mà uy vũ cũng không làm cho sợ hãi. Luôn luôn trong Việt Điện U Linh Tập, ta bắt gặp những tâm hồn cao quý ấy, ngay thẳng, vững vàng, trong sạch, mạnh mẽ, nghĩa là tất cả những sắc thái của một nền luân lý cao siêu bắt nguồn từ một nhận định cụ thể về giá trị con người.

3. Giá trị lịch sử

Mặc dầu Maspéro không công nhận cho Việt Điện U Linh Tập có một giá trị lịch sử [26] nhưng chính Maspéro đã sử dụng tác phẩm của Lý Tế Xuyên để bổ sung những khuyết điểm của lịch sử Trung Hoa về Việt Nam, có lẽ phải nói như Lê Quý Đôn đã nói trong Kiến Văn Tiểu Lục: Lương sử tài dã, tức là khen Lý Tế Xuyên là một sử gia có thực tài. Ta thử xem phương pháp sáng tác của Lý Tế Xuyên, cách sử dụng tài liệu lịch sử của tác giả, sự góp phần của cuốn sách vào sự hiểu biết xã hội đời Lý Trần.

Phuơng pháp của tác giả đã được tuyên bộ trong bài Tựa. Tác giả bắt đầu bằng một đinh nghĩa về thần, sau đấy phân biệt ba loại thần và liệt kê những thuộc tính của các vị thần ấy, sau cùng tác giả tuyên bố chép lại sự thực để “phân biệt màu đỏ với màu tía”. Trong các tác phẩm Việt Nam, ít khi ta thấy tác giả trình bày quan điểm của mình một cách minh bạch như Lý Tế Xuyên; ta cũng ít gặp những tác phẩm biết dung hòa tinh thần tôn trọng cổ nhân với tinh thần sáng tác một cách chừng mực vừa phải như Lý Tế Xuyên đã làm. Trong 27 chuyện được coi là của ông, 8 chuyện đã không ghi xuất xứ, và ta có thể chắc rằng 8 chuyện ấy là do sự tìm kiếm riêng của tác giả; 19 chuyện còn lại đã được ghi xuất xứ rõ ràng như sau:

a) Theo tục truyền: chuyện 20 và 27 b) Theo Tam Quốc Chí: chuyện 1 c) Theo Giao Châu Ký của Triệu Xương: chuyện 2, 10, 25. d) Giao Châu Ký của Tăng Cổn: chuyện 23 đ) Sử Ký: chuyện 5, 10, 11, 13 e) Sử Ký của Đỗ Thiện: chuyện 14, 15, 17, 24 g) Báo Cực Truyện: chuyện 1, 10, 18, 19, 22 h) Giao Chỉ Ký: chuyện 17 (dẫn trong Sử Ký của Đỗ Thiện)

Để có một ý niệm rõ ràng về cách dùng tài liệu của Lý Tế Xuyên ta thử duyệt qua những tác phẩm lịch sử mà tác giả đã dẫn chứng. Cuốn Tam Quốc Chí đã được dùng để viết chuyện Sĩ Nhiếp; cuốn này được viết vào khoảng thế kỷ thứ III sau Thiên chúa giáng sinh và được ấn hành năm 1002; Lý Tế Xuyên đã gần như trích hẳn đoạn nói về Sĩ Nhiếp [27]; đoạn nói về sự hiển linh của Sĩ Nhiếp lại được lấy trong Báo Cực Truyện; như vậy, Lý Tế Xuyên cho ta biết rõ ràng rằng chuyện Sĩ Nhiếp của ông là do hai nguồn tài liệu tạo nên; sự thẳng thắn ấy làm cho chúng ta không hoài nghi sự trung thực của ông, bởi vậy, gán cho tác giả là “đạo văn” thì thực là hơi quá đáng [28].

Chính giáo sư Durand rất khe khắt với Lý Tế Xuyên cũng đã công nhận bản văn của tác giả là bản Ngô Chí được sao lại và biến chế thay đổi đi [29]; như thế, ta có thể thẳng thắn công nhận rằng Lý Tế Xuyên đã sáng tác trong khuôn khổ của bản Ngô Chí, đã triệt để tôn trọng tài liệu và chỉ thêm bớt khi nào cảm thấy cần thiết; cách sử dụng tài liệu theo lối này nằm trong tập quán chung của các nhà văn xưa; năm 1333, Lê Trắc viết về Sĩ Nhiếp trong An Nam Chí Lược (q.VII tờ 4) năm 1377, một tác giả vô danh cũng viết về Sĩ Nhiếp trong Việt Sử Lược (q.I, 4b-5a) ngay cả đến những tác giả của Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục khi viết về Sĩ Nhiếp (Tiền Biên, II, 29, 30, 31, III, 1, 2, 3) cũng không có những sáng kiến gì khác Lý Tế Xuyên; sự chỉ định xuất xứ ở đầu chuyện (phần này không có trong bản A.47) và những phần sáng tác của Lý Tế Xuyên chứng tỏ sự dè dặt của ông khi viết văn, sự tôn trọng những tài liệu của cổ nhân vốn là một đặc tính cổ điển, cái thiện chí của ông sử dụng lịch sử để ghi lại cho hậu thế một bài học kinh nghiệm.

Sau Tam Quốc Chí, Lý Tế Xuyên còn dùng tài liệu của Báo Cực Truyện. Theo Gaspardone, sách này còn được gọi là Báo Đức Truyện; ngay năm 1777, Lê Quý Đôn cho biết Báo Cực Truyện đã thất truyền. Trong Cương Mục sự hiển linh của Sĩ Nhiếp sau khi chết là do tục truyền kể lại chứ không phải Báo Cực Truyện [30]. Trong Việt Điện U Linh Tập, xuất xứ của truyện Tô Lịch và Lý Nguyên Hỉ, truyện Phù Đổng là ở trong Báo Cực Truyện; trong Cương Mục xuất xứ của truyện Tô Lịch lấy ở An Nam Kỷ Yếu [31], như vậy, Báo Cực Truyện đã dẫn trong Việt Điện U Linh Tập cũng như trong Lĩnh Nam Chích Quái, Đạo Giáo Nguyên Lưu, Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hành Ngữ là một tác phẩm ghi chép những truyền thuyết trong dân gian, những thành tích của các làng, những dã sử mà dân chúng truyền tụng. Việc trích dẫn tên sách trong những chuyện Sĩ Nhiếp, thần Tô Lịch, chuyện Hậu Thổ phu nhân, chuyện thần Đồng Cổ tiết lộ căn bản của Báo Cực Truyện là một cuốn sao lục thần tích. So sánh cách bố cục của những chuyện này trong Việt Điện U Linh Tập và trong Cương Mục, ta nhận thấy cách viết của Lý Tế Xuyên vẫn là triệt để căn cứ trên tài liệu để sắp đặt câu chuyện theo kỹ thuật riêng của ông. Loại tài liệu thứ ba là cuốn Giao Châu Ký của Triệu Xương và Tăng Cổn.

Theo An Nam Kỷ Yếu, dẫn trong Cương Mục [32], tháng 7 mùa thu năm Tân Mùi (791) Triệu Xương sang Giao Châu làm đô hộ, dụ Phùng An mang quân ra hàng, rồi đi du lịch, xem xét các đền đài miếu vũ chép làm sách Phủ Chí, sau 10 năm hoạt động, vì đau chân nên được đổi về Bắc làm tế tửu; Bùi Thái sang thay Triệu Xương nhưng vì chính trị thấp kém nên bị bộ tướng Giao Châu đánh đuổi; Triệu Xương lại sang Giao Châu lần thứ 2, khoảng tháng 12 năm Quý Mùi (803); quân làm phản liền yên ngay. Như thế, Triệu Xương là một ông quan tốt lại thành thạo về chính trị; có thể nói ông là một chuyên viên về các vấn đề Giao Châu; nhưng cuốn Phủ Chí còn gọi là Giao Châu Ký thường truyền là của ông không thấy được nói tới trong Cựu Đường Thư [33], như vậy Giao Châu Ký (hay Giao Châu Chí) chưa chắc là một tác phẩm đã được ấn hành, có lẽ đấy chỉ là một vài nhận xét rời rạc mà Triệu Xương đã ghi chú một cách vội vàng khi còn ở Giao Châu. Lý Tế Xuyên đã dẫn chứng Triệu Xương để nói về Phùng Hưng và Phùng An bởi vì không có một người nào hiểu hết chuyện này hơn Triệu Xương; Lý Tế Xuyên đã tỏ ra rất hợp lý khi sử dụng những kinh nghiệm bản thân của một chuyên viên duy nhất về vấn đề chính trị Giao Châu năm 791. Sự dẫn chứng Triệu Xương làm cho sự xác thực của câu truyện được hoàn toàn bảo đảm.

Sau cùng, ta nhắc đến tài liệu lịch sử cuối cùng của Việt Điện U Linh Tập, đó là cuốn Sử Ký và nhất là Sử Ký của Đỗ Thiện. Hiểu được phương pháp của Lý Tế Xuyên đã sắp đặt tài liệu của Đỗ Thiện như thế nào tức là định đoạt được giá trị lịch sử của tác phẩm. Trước hết, theo Maspéro [34] khi Lý Tế Xuyên dẫn Sử Ký, hay Sử Ký của Đỗ Thiện tức là ta phải hiểu đó là một cuốn Sử: cuốn sử ký của Đỗ Thiện. Như thế, Đỗ Thiện đã được nhắc đến tất cả 8 lần trong những chuyện Hai Bà Trưng, thần Tô Lịch, Phạm Cự Lượng, Mục Thận, Trương Hống và Trương Hát, Lý Phục Man, Cao Lỗ, thần Đằng Châu. Riêng chuyện Lý Phục Man đã làm cho Maspéro chú ý. Đầu tiên, chuyện căn cứ vào Sử Ký của Đỗ Thiện kể lại việc tuần phương của Lý Thái Tổ, sự hiển linh của Lý Phục Man trước kia là thuộc tướng của Lý Nam Đế, sau đấy là việc lập đền theo lời đề nghị của Ngự sử Đại Phu Lương Văn Nhậm. Đến đây câu chuyện được chuyển từ đời Lý đến đời Nguyên Phong nhà Trần (1251-1258) nhắc đến việc thần hiển linh phù trợ cho vua tôi nhà Trần chống Thát Đát. Theo sử, Maspéro chỉ có biết một Đỗ Thiện, Đỗ Thiện mà vào khoảng tháng 2- 1127 trước ngày Lý Nhân Tông băng hà đã đến nhà Sùng Hiền Hầu để báo cho Hầu biết con của Hầu lên ngôi vua. Maspéro nhận thấy năm 1127 cách năm 1257 quá xa, do đó giả định có một Đỗ Thiện khác sống vào đầu thế kỉ XIV. Giả định của Maspéro đã bị Gaspardone bắt bẻ năm 1934, trong Bibliographie Annamite. Gaspardone viết: “Phải nhận rằng giai thoại về việc Thát Đát nhập khấu dẫn ra ở đó cũng như ở truyện tiếp theo sau là ở ngoài truyện Lý Phục Man”. Như thế nghĩa là một đàng không thể có một Đỗ Thiện khác ngoài Đỗ Thiện đời Lý, một đàng phải nhận rằng khi Lý Tế Xuyên dẫn chứng một tác giả ở đầu chuyện là không bắt buộc phải hiểu rằng cả chuyện ấy thuộc về tác giả hay tác phẩm đã dẫn. Mỗi khi Lý Tế Xuyên nhắc đến tên một tác phẩm, bao giờ ông cũng dùng chữ An nghĩa là xét, và như vậy, án không nghĩa là trích, là lấy cả đoạn văn của tác phẩm dẫn chứng làm của mình. Phương pháp của Lý Tế Xuyên là một phương pháp cổ truyền, dẫn một tác giả để tăng thêm uy lực của bằng chứng mà thôi, chẳng khác gì như La Bruyère khi viết cuốn Les Caractère đã phải nhân đề tác phẩm là: “Les Caractères de Théopraste trraduits du grec v.v…” [35]. Nếu không hiểu như thế, làm thế nào ta có thể giải thích được ý định của Lý Tế Xuyên khi ông dẫn 2 hay 3 tác phẩm cùng một lúc ở đầu chuyện, tỉ dụ trong chuyện Tô Lịch, tác giả đã xét Sử, Giao Châu Ký và Báo Cực Truyện. Có lẽ lại phải tạo ra một Đỗ Thiện nữa cũng không biết chừng!

Như vậy, phương pháp sử dụng tài liệu lịch sử của Lý Tế Xuyên rất đúng quy tắc, nhờ đấy giá trị lịch sử của tác phẩm rất cao. Giá trị lịch sử của Việt Điện U Linh Tập không phải chỉ cốt yếu trong tính cách ấy mà thôi. Đọc Lý Tế Xuyên, ta đã hiểu cái tôn giáo của người Việt xưa như thế nào, cái luân lý nào đã điều động tinh thần của người Việt Nam; ta còn thấy trong tác phẩm ấy phong tục của người xưa, những nét tâm lý của một hạng người, những màu sắc của một chế độ. Ta thấy trong truyện Bố Cái Đại Vương và trong truyện Lê Phụng Hiểu sự kính phục của nhân dân đối với những bậc nam tử có sức mạnh hơn người, sự cạnh tranh về ảnh hưởng rõ rệt trong truyện Triệu Việt Vương, Lý Nam Đế, sự bạc tình tàn nhẫn của Nhã Lang trở thành độc địa trước sự ngây thơ tin chồng của Cảo Nương rồi tục gửi rể cũng trong truyện này, nỗi lo âu của một người cha khi chỉ có một con gái mà có những hai chàng trai tài như nhau đến xin cưới (chuyện Sơn Tinh và Thuỷ Tinh), rồi tục ăn hỏi, sự đau đớn khi người yêu của mình bị rơi vào tay người khác, đó là những sắc thái của một thời đại lịch sử đã rất xa nhưng vẫn còn nhiều điểm tương đồng với xã hội ta bây giờ.

__

26. Xem bài “Le protectorat général d’Annam vers la T’ang “ (BEFEO X, tr.539)

27. Tam Quốc Chí, Q.III

28. Xem Durand, Dân Việt Nam, số 3, trang 12

29. … La biographie dite de Che Sie était tout simplement une copie, modifiée et altérée du texte de l’Histoire de Wou (Sđd, tr.11).

30. Tiền Biên, III, 2 (lời bàn của Ngô Sĩ Liên)

31. Tiền Biên, IV, 31

32. Tiền Biên, IV, 27, 28

33. Tiểu sử 161, tờ 5‐6

34. Xem Maspéro, Etudes d’Histoire d’Annam 1) La dynastie des Lý Antérieurs (543‐601) trong BEFEO, XVI, 1916.

35. Théophraste là một triết gia Hy Lạp thế kỷ thứ IV trước công nguyên. Phần dịch của La Bruyère là phần phụ thuộc như để cầu sự che chở của nhà văn xưa.
 
Chương 0 : Kỹ thuật của tác giả


IV. Kỹ thuật của tác giả

1. Kỹ thuật hành văn

Tác giả đã viết văn phẩm của mình bằng chữ Hán, đó là một khuyết điểm, nhưng ta cũng không trách được ông, bởi vì đến năm 1329, chữ nôm mới được hình thành từ năm 1282 có lẽ chưa đủ từ ngữ để diễn đạt những tình tiết của một câu chuyện. Lại nữa, cách viết của Lý Tế Xuyên rất đơn giản, không có những câu dài với những vế đối nhau, không có những điển tích xa xôi phải giải thích; tác giả toàn dùng những từ ngữ hiện nay đã trở thành phổ thông; có nhiều câu chỉ cần phiên âm ra quốc ngữ là đã trở thành một câu văn Việt. Bản dịch của chúng tôi theo sát nguyên văn có thể gợi cho độc giả một ý niệm đúng về cách hành văn của Lý Tế Xuyên.

2. Kỹ thuật mô tả và tự sự

Đáng chú ý hơn hết là kỹ thuật mô tả và tự sự của tác giả. Một phong cảnh đẹp, một ngôi đền ẩn trong đám lá xanh, một dòng sông quanh co hay bóng dáng e ấp của một thiếu nữ, vẻ bệ vệ của một tiên ông, cách đi đứng hùng hổ của một võ tướng, lý Tế Xuyên đều ghi chú trong một vài nét tinh tế.

a) Tả cảnh

Cảnh thường có công dụng làm khung cho câu chuyện được xảy ra một cách tự nhiên. Lý Tế Xuyên có một kỹ thuật tả cảnh rất nhịp nhàng. Đây là cảnh Dâm Đàm (Hồ Tây), nơi đã xảy ra câu chuyện Lê Văn Thịnh hóa cọp định hãm hại Lý Nhân Tông: “Một hôm vua Nhân Tông ngự ra Tây Hồ xem cá; thuyền bồng thung dung, mái chèo khoan nhặt lượn chơi trên hồ rất vui vẻ; hốt nhiên thấy mây mù kéo đến trên mặt hồ mù mịt, đối diện không trông thấy nhau, vẳng nghe tiếng cọc chèo vùn vụt lướt mù tiến đến, thấp thoáng có một con hổ lớn đang hé mồm nhe răng như muốn cắn” (Chuyện Mục Thận). Đây là ngôi dã thự của Lý Thường Minh, tọa lạc giữa cảnh trời cao sông rộng: “Lý Thường Minh qua làm Đô Đốc Giao Châu thấy đất đai bằng phẳng nghìn dặm, núi sông bao bọc đến ngã ba sông Bạch Đằng, liên tiếp đến ngã ba sông Bạch Hạc, mới dựng quán Thông Linh, đặt tượng Tam Thanh, mở riêng ở trước một ngôi nhà gọi là tiền mạc” (Chuyện thần Bạch Hạc). Cảnh hoang phế đã được Lý Tế Xuyên mô tả với một niềm ngậm ngùi làm cho người đọc phải bâng khuâng. Đây là ngôi nhà đổ nát của Lý Ông Trọng: “Nhân đó Triệu Xương mới hỏi thăm nhà cũ của Vương hồi xưa, chỉ thấy mù khói ngang trời; sông nước mênh mông, rêu phong đường đá, xanh rơi cụm hoang, một mảnh nhàn vân phất phơ trên đám cỏ thôn hoa rụng” (Chuyện Lý Ông Trọng). Cảnh gió bão nổi lên làm cho Cao Biền cũng phải kinh hoảng. “Hốt nhiên gió mưa ào đến làm cho bay cát đổ cây, sập nhà lở đất, lôi cả đồng sắt lên mà nghiền tan như tro bụi” (Chuyện thần Long Độ). Những cảnh tráng lệ của đền đài miếu vũ cũng đã được mô tả một cách sắc bén; đây là thành Đại La do Lý Nguyên Hỷ xây: “Cửa kép tường đòi, bốn hướng vây tròn, nhà cửa san sát” (Chuyện Tô Lịch).

b) Tả người

Giữa những khung cảnh ấy, ta thấy nhiều bóng người linh động với những bộ điệu, những ngôn ngữ riêng. Đây là vẻ tiên cốt của thần Tô Lịch: “Đêm ấy, Nguyên Hỉ đang yên lặng nằm bên cửa sổ, hốt nhiên một trận thanh phong ào ào thổi đến, bụi cuốn cát bay, rèm lay án động, có một người cỡi một con hươu trắng từ trên không chạy xuống, mày râu bạc phơ, áo xiêm sặc sỡ…” (Chuyện Tô Lịch) Y phục của thần bao giờ cũng giàu màu sắc: “Một người tác chừng 60, đội mão giải trại, bận áo tử hà, thắt lưng, tay cầm đao Thăng Long Yển Nguyệt đến trước mặt vài chào” (Chuyện Lý Hoằng). Những thần kỳ dị được phô diễn một cách hết sức tả chân; đây là thần Cao Lỗ: “Một dị nhân thân dài chín thước, y quan chỉnh túc, ngôn mạo lăng tằng, lấy dùi búi tóc, gài dao làm trâm, lưng giắt gậy đỏ, bạch vua…” (Chuyện Cao Lỗ). Đây là Đồng Cổ, dáng dấp cổ lỗ không kém gì Cao Lỗ: “Một người kì dị, thân dài tám thước, tu mi như kích, y quan nghiêm nhã, mình mặc nhung phục, tay cầm binh khí, cúi đầu…” (Chuyện thần Đồng Cổ). Những lúc nói đến thanh niên, ngòi bút của Lý Tế Xuyên sắc sảo vô cùng. Đây là hình ảnh oai hùng của Phùng Hưng và Phùng Hãi: “Vương gia tư hào hữu, sức lực dũng mãnh, đánh được hổ, vật được trâu; người em tên là Hãi cũng có sức mạnh kỳ dị, vác được tảng đá nặng mười nghìn cân hay một chiếc thuyền con chở nhìn hộc mà đi hơn mười dặm” (Chuyện Bố Cái Đại Vương). Đây là Lê Phụng Hiểu: “Vương thân hình cao đại kỳ dị, mày râu dài và rậm, sức mạnh hơn người… Vương lấy tay nhổ cả khóm trúc mà đánh, không một người nào dám chống cự” (Chuyện Lê Phụng Hiểu). Bên cạnh những chàng trai uy dũng kia, nổi bật xiêm áo của những thiếu nữ sắc đẹp mê hồn. Đây là Hậu Thổ Phu nhân: “Giữa lúc đang bàng hoàng, vua thấy một người con gái ước độ hai mươi tuổi, mặt tựa hoa đào, mày đậm màu dương liễu, mắt sáng như sao, miệng cười như hoa nở; nàng mặc áo trắng, quần lục, lưng mang đai, dịu dàng bước đến” (Chuyện Hậu Thổ Phu nhân). Cách ăn mặc của hai chị em bà Trưng lại khác hẳn mặc dầu vẻ mặt cũng gần tương tự. “Vua mừng liền qua xem, hốt nhiên ngủ mộng thấy hai thiếu nữ mặt hoa mày liễu, áo lục quần hồng, mão đỏ, thắt lưng cỡi ngựa sắt mà đi qua” (Nhị Trưng Phu nhân). Nhiều khi tác giả không cần mô tả nữa; ông chỉ gợi lên cho ta một hình ảnh bằng cách mô tả phản ừng của những người chung quanh, tỉ dụ trong chuyện Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, Mỵ Nương không cần xuất hiện mà qua sự tha thiết của hai chàng thanh niên, ta có thể biết được rằng nàng đẹp lắm.

c) Tả tình

Nghệ thuật tả tình của Lý Tế Xuyên có nhiều điểm đặc sắc. tác giả chú trọng đến sự tương quan giữa thể chất và tâm hồn, sự thuần nhất của tình cảm trong thời gian, sự biểu hiệu của tình cảm qua cử chỉ và ngôn ngữ. Cảnh tả tình của ông liên hệ chặt chẽ với cách tả người. ta còn thấy Lý Tế Xuyên chú trọng đến việc sắp đặt tình tiết của câu chuyện cho phù hợp với sự phát lộ của tình cảm; tỉ dụ trong chuyện Triệu Việt Vương và Lý Nam Đế, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai vương hữu giữa lúc đang kịch liệt tự nhiên đi đến một sự thỉnh hòa. Cảo Nương đang bơi lội trong hạnh phúc không thấy sự giả tạo của mối tình hờ, thêm vào đấy vẻ đẹp trai của Nhã Lang, ngôn ngữ dịu dàng của chàng làm cho Cảo Nương càng sung sướng hơn nữa trong duyên mới. Thế rồi cái phải xảy ra đã xảy ra. Cảo Nương ngay khi chết vẫn không nghi ngờ dã tâm của chồng. Sự yên lặng của nàng trước sau khi chết mang rất nhiều ý nghĩa. Lý Tế Xuyên đã chuẩn bị mọi chi tiết để cho tình cảm được phát biểu một cách tuần tự, hồn nhiên, sâu sắc và cảm động. Nghệ thuật tả tình còn già giặn hơn nữa trong chuyện Sơn Tinh và Thuỷ Tinh. Tác giả cho biết hai chàng là một đôi bạn thân; đó là một điểm quan trọng để cho ta thấy tất cả những ngang trái, những đau khổ trong sự thù hằn mà nhan sắc của một thiếu nữ đã mang đến để chia rẽ hai người bạn. Thêm vào đấy sự nhu nhược của nhà vua, sự khéo léo của Lạc hầu, bằng ấy tình tiết để làm cho câu chuyện rắc rối hơn, cho sự căm thù giữa hai người bạn thêm kịch liệt tàn nhẫn. Mỗi lần mùa thu đến, cùng với gió lạnh trở về khơi nhớ nhung, Thuỷ Tinh lại dâng nước lên như muốn làm cho Sơn Tinh chết đuối trong cơn phẫn nộ của chàng.

3. Kỹ thuật đối thoại

Phần đối thoại là một trong những phần quan trọng trong kỹ thuật sáng tác. Lý Tế Xuyên đã biết sử dụng đối thoại để làm cho nhân vật linh động, suy nghĩ và nói năng hoạt bát. Ta thử theo dõi cuộc nói chuyện giữa Nhã Lang và Cảo Nương mà xem; lời nói của Nhã Lang dịu dàng, êm ái, đầy yêu đương; chàng cố ý hạ thấp giọng xuống để cho lời nói trầm trầm; chàng dùng những câu dài, những từ ngữ rất kêu như “thiên duyên tác hợp, tao ngộ kỳ duyên… chẳng lẽ cứu lưu luyến tình chiếu chăn riêng tư mà bỏ khuyết việc thần hôn phụng dưỡng… Nhưng mà đường sá xa xôi, đi về cách trở, không dễ một hồm một mai mà trở lại được, sum họp ít mà chia phôi nhiều, anh thật ân hận quá v.v…” Cảo Nương im lặng ngồi nghe; có lẽ nàng cảm động lắm khi nghe lời nói như ru của Nhã Lang; nàng có biết đâu chính những lời ngon ngọt ấy sẽ làm cho nàng phải chết.

Cuộc đàm thoại giữa Lê Ngọa Triều khi còn là Khai Minh Vương với thôn dân Đằng Châu cũng rất tự nhiên và phù hợp với tính tình của nhân vật. Tính độc ác, hung hãn và tự phụ, Lê Ngọa Triều có một giọng nói gắt gỏng, xẵng, ngược lại, người trong thôn hiền lành thì giọng nói dài hơn, lễ phép hơn. “Thấy trên bờ cao có đền thờ mới hỏi người trong thôn rằng: - Đền ấy thờ thần gì? Thôn dân thưa: - Ấy là đền cổ thờ thần Thổ địa của Đằng Châu. Vua hỏi: - Có linh không? Thôn dân thưa: - Dân trong châu này nương nhờ vị thần ấy, cầu mưa đảo tạnh lập tức thấy linh ứng. Vua mới lớn tiếng gọi rằng…” (Chuyện thần Đằng Châu)

Nhưng linh động và hồn nhiên nhất là cuộc đàm thoại giữa Hùng Vương và Lạc Hầu trong chuyện Sơn Tinh và Thuỷ Tinh. Hùng Vương trong chuyện này là một ông vua nhu nhược, ba phải, không có phán đoán; Lạc Hầu ngược lại là một ông vua thông minh, có mưu kế, nói lời nào là nhà vua “cho là phải” ngay; bởi vậy, tác giả không để cho nhà vua nói nhiều; những câu vắn tắt “vua muốn gả, vua sợ, vua bảo, Hùng Vương cả mừng, Hùng Vương cho là phải, Hùng Vương mừng lắm v.v…” giữa những lời nói khôn ngoan của Lạc Hầu làm nổi bật hai cá tính khác hẳn nhau. Tài viết chuyện của Lý Tế Xuyên là ở đấy. Ông làm cho độc giả say mê theo dõi câu chuyện trong từng chi tiết nhỏ nhặt. Độc giả sung sướng đọc từ chuyện này sang chuyện kia, mỗi chuyện có một kỹ thuật riêng, càng đọc càng thấy thích thú.
 
Chương 0 : Kết luận


V. Kết luận

Nói tóm lại, Lý Tế Xuyên là một bản chất phong phú, đặc sắc. Đó là một con người hiếu kỳ lúc nào cũng hoạt động, cái gì cũng mới đối với ông. Lý Tế Xuyên đã nhìn tất cả, ngạc nhiên với tất cả và đã nói được hết cả. Hình như quá khứ chỉ được gây dựng cho một mình ông, hình như đó là cái nhìn đầu tiên của người Việt trên thế giới hình thức đầy sắc màu và vận động. Lý Tế Xuyên có một năng khiếu tưởng tượng rất mãnh liệt và những giác quan luôn luôn tỉnh táo. Những gì ông đã đọc được khi làm Thủ Đại Tạng Kinh Thư Hỏa Chính Chưởng, ông trông thấy và làm cho người khác trông thấy. Ông là người có mắt, tất cả những gì đã qua mắt ông đều để lại một hình ảnh xác định không bao giờ phai. Chính nhờ ở sự tưởng tượng tự nhiên mãnh liệt mà Lý Tế Xuyên có một lối kể chuyện duyên dáng với một kỹ thuật sắc sảo không bao giờ tầm thường. Lý Tế Xuyên còn có sự thiện cảm làm cho ông cảm thấy như khi ông trông thấy, những hình ảnh chồng chất trong kỷ niệm sống dậy cùng với những âm thanh làm rộn rã tâm hồn ông. Bao nhiêu thế kỷ đã qua, từ Sĩ Nhiếp đến Trần Thái Tông, từ Trưng Vương đến Mỵ Ê, ông vẫn tìm thấy những tình cảm phức tạp của một ngày loạn ly, sự hoan hỉ khi có tin đại tiệp, sự lo âu khi ngoại địch nhập khấu, rồi sự tiếc thương, lòng hối hận tất cả những gì người ta biết mà người ta phải bỏ, người ta không biết mà phải đi tới, tất cả có thể thấy lại và pha trộn với những sự xao động tinh thần cùng những ấn tượng sinh lý của tai và của mắt. Suốt trong tác phẩm của Lý Tế Xuyên, không đâu có những tình cảm suy nhược, mơ hồ, buồn bã bâng khuâng; một niềm bao quát tất cả là sự hãnh diện quốc gia, một sự lạc quan, một tinh thần lành mạnh, một tâm hồn trong sạch mà một văn tài như Lý Tế Xuyên dễ dàng cảm thấy và mô tả được.

Đọc xong Việt Điện U Linh Tập, ta xôn xao vì bóng dáng hùng vĩ của những vị anh hùng liệt nữ ngày hôm qua, ngày hôm nay còn đủ uy lực để làm phấn khởi cả một đoàn người hăm hở vì lý tưởng quốc gia đang rực rỡ trong đầu óc. Ta nhận thấy phải làm một cái gì như người xưa; dòng máu anh hùng bừng bừng sôi trong huyết quản. Ta không thể không thấy lòng mình dũng liệt hơn, hăng hái hơn trên đường phụng sự quốc gia dân tộc, thông dự vào một đời sống cụ thể để thực hiện cái bản chất đầy tiềm lực của con người.

__

Huế, ngày 24-11-1959 LÊ HỮU MỤC
 
Chương 1 : Gia Ứng Thiện Cảm Linh Vũ Đại Vương (Chuyện Sĩ Nhiếp)


Xét Tam Quốc Chí thì Vương họ Sĩ tên Nhiếp, người làng Quảng Tín [36],quận Thương Ngô. Tiên tổ người làng Vấn Dương nước Lỗ, chạy loạn sang ở đấy, sáu đời thì đến Vương.

Thân phụ của Vương tên là Tứ, thời vua Hoàn Đế nhà Hán, làm Thái thú[37] quận Nhật Nam. Thiếu thời, Vương du học Kinh Sư (Kinh Sư có tên là Hán Kinh, tức nay là thành Long Biên)[38] chuyên khảo Tả Thị Xuân Thu[39], được cử là Hiếu Liêm[40], được bổ Thượng Thư Lang, vì lỗi về công sự, bị miễn quan.

Sau khi mãn tang thân phụ, ông được cử là Mậu tài, được bổ Vu Dương Lệnh, thời vua Hiến Đế [41] nhà Hán, đổi làm Thái Thú Giao Châu ta[42], thời Trương Tân đang làm Thứ sử.

Thời Hán mạt, tam hùng chia nước Tàu thành thế chân vạc, Vương được cai trị hai thành Luy Lâu và Quảng Tín. Sau khi Tân bị tướng giặc là Khu Cảnh sát hại, Lưu Biểu ở Kinh Châu[43] khiến quan lệnh Linh Lăng là Lại Cung quyền nhiếp Thứ sử Giao Châu ta. Vua Hiến Đế nghe tin mới ban cho Vương một bức tỉn thư rằng:

“Giao Châu ở về tuyệt thực, nhã hóa thấm xa, sơn hà từ sao Dực sao Chẩn, thiên thư đã định phần, sơn xuyên nhiều thắng cảnh, Nam Bắc cách trở xa xôi, ơn trên không được tuyên dương, nghĩa dưới nhiều bề ủng tắc, ngu xuẩn thay tướng giặc[44] dám lộng binh uy hy vọng mưu đồ chuyện kiểu hãnh, gia dĩ nghịch tặc Lưu Biểu dám khiến Lại Cung dòm ngó đất Nam, thật là một người tự bạo tự khí, chỉ muốn lạm dụng chức vụ để một mình ra oai, tội trạng như thế giấy chẳng chép xiết. Nay đặc ủy cho khanh làm chức Tuy Nam Trung Lang Tướng[45], đổng đốc binh mã bảy quận, lĩnh chức Thái Thú Giao Châu, nhất thiết được tiện nghi hành sự, vụ được thanh bình, đuổi trộm cướp, tụ dân lành, chỉnh đốn biên trần cho thanh lặng, ban bố ơn khương thường cho rộng rãi, sự vụ trong ngoài, nhất thiết ủy cho khanh; khanh nên hết bổn phận mình, chớ bỏ lệnh Trẫm”.

Vương mới sai Trương Mân[46] phụng cống đến Hán kinh. Bấy giờ đương lúc binh cách, thiên hạ tang loạn, đạo đồ du viễn, vãng phẫn gian lao, thế mà Vương không phế bỏ chức cống, kính giữ đạo tôi. Vua Hán lại hạ chiếu gia tưởng. Lời chiếu rằng:

“Giao Châu là đất văn hiến, núi sông vun đúc, trân bảo rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất, mấy năm nhân họa chiến tranh, mục thú ít người xứng chức, nên chi phương xa không thấm nhuần được nhã hóa, nay đặc ủy cho Khanh được trọng nhậm, Khanh nên theo phong tục của học Triệu, họ Đỗ, lấy nhân ân mà mục dân, đừng phụ cái tài lương đống. Nay lại cho Khanh làm An Viễn Tướng Quân, phong Long Độ Đình Hầu”.

Sau này Thái thú Thương Ngô tên là Ngô Cự cùng với Lại Cung có hiềm khích. Cự cử binh đến đánh đuổi. Cung bại, chạy về Linh Lăng. Lúc bấy giờ Ngô Tôn Quyền sai Bộ Chất làm Thứ sử Giao Châu ta. Chất đến, Vương đốc suất anh em phụng thừa Tiết Độ. Vua Ngô phong cho Vương chức Tả tuớng quân. Ba con đương làm Trung Lang tướng, Vương khiến vào làm con tin ở nước Ngô, lại dụ dỗ kẻ thổ hào Ích Châu là Ung Khải đem dân trong quận phụ thuộc nhà Ngô; Ngô càng khen Vương, thăng Vệ Tướng quân, phong Long Biên Hầu Đệ Nhất Thiên Tướng Quân. Vương sai sứ đến nước Ngô đem cống các thứ tạp hương, vải tế cát, ngọc châu, đồi mồi, lưu ly, lông phi thúy, sừng tê giác, ngà voi, hoa quý, cỏ lạ, chuối, dừa, nhãn, năm nào cũng sang cống, mỗi lần đi cống thì chở ngựa vài trăm thớt. Ngô Vương muốn đáp lại lòng chân thành mới phong cho ba người em: Nhất làm Thái thú Hiệp Phố (nay là huyện Từ Liêm); Vỹ làm Thái thú quận Cửu Chân (nay là Thanh Hóa); Vũ lãnh Thái thú Nam Hải (nay là Quảng Châu).

Vương thể khí khoan hậu, khiêm hư đãi kẻ sĩ, bởi vậy, các nhà Nho đời Hán, tị loạn, chạy sang với Vương rất nhiều; người trong châu đều gọi là Vương. Lúc ấy Trần Quốc Huy[47] đưa thư cho Thượng thư Lệnh Tuân Úc, đại khái nói rằng:

“Sĩ Phu Quân ở Giao Châu, học vấn ưu bác, lại thạo về chính trị, xử trong lúc đại loạn mà bảo toàn được một phương, hơn hai mươi năm cương trường vô sự, dân không mất mùa, những người ky lữ đều nhờ được ân huệ, tuy Đậu Dung[48] giữ Hà Tây cũng không hơn được; các em Vương đều hùng cứ mỗi người mỗi châu, ở ngoài vạn dặm, một châu yên lành, uy tôn của Vương không ai hơn được, mỗi khi ra vào, chuông khánh đều đánh, đủ cả uy nghi, kèn sáo, trống phách, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi bên xe đốt hương; thường có hàng chục thê thiếp ngồi trong xe biền tri, theo sau là đòan kỵbinh của đệ tử; đương thời quý trọng, uy chấn vạn lý, Triệu Đà cũng chẳng hơn được vậy”.

Vương mất, thọ chín mươi tuổi, ở châu[48] năm. Xét truyện Báo Cực chép rằng Vương khéo sự nhiếp dưỡng[49], chết đã chôn dưới đất rồi, đến cuối đời Tấn50 là hơn một trăm sáu mươi năm, nước Lâm Ấp (ChiêmThành)[51] vào đánh cướp, đào mộ Vương lên thì thấy thi thể y nguyên, diện mạo như khi sống, chúng cả sợ liền chôn lấp lại. Thổ nhân truyền lấy làm thần, lập miếu phụng tự, hiệu là Sĩ Vương Tiên.

Giữa niên hiệu Hàm Thông nhà Đường, Cao Biền phá Nam Chiếu, đi đến cõi ấy thì gặp một dị nhân diện mạo hòa nhã, bận nghê thường vũ y, đón đường cùng đi đến; Cao Biền mời vào trong màn nói chuyện thì nói toàn chuyện thời sự đời Tam Quốc. Sau khi từ biệt, Cao Biền đưa ra đến cửa hốt nhiên không thấy đâu. Cao Biền lấy làm lạ, hỏi người trong thôn. Thôn nhân chỉ mộ Sĩ Vương mà thưa. Biền than tiếc không kịp biết, rồi ngâm rằng:

Sau thưở Hoàng Sơ Ngụy Cách đây năm trăm niên Đường, Hàm Thông thứ tám, Nay gặp Sĩ Vương tiên.[52]

Thôn dân mỗi khi có việc gì, cầu đảo đều có linh ứng đến nay vẫn là phúc thần.

Hoàng Triều niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Gia Ứng Đại Vương. Năm thứ tư, gia thêm hai chữ Thiện Cảm. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Linh Vũ; nhờ công âm phù mặc tướng của thần, thôn dân hưởng được nhiều hạnh phúc vậy.

__

36. QuảngTín là một trong mười huyện của quận Thương Ngô, và Thương Ngô trong thời Sĩ Nhiếp là một trong số 9 quận của Giao Chỉ. Trong số 9 quận ấy, có 6 quận thuộc vào địa phận của Trung Hoa (Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Châu Nhai, Đạm Nhĩ) và 3 quận chính thức của Giao Chỉ (Giao Chỉ tức Bắc Việt, Cửu Chân tức Thanh Hóa, Nhật Nam tức Quảng Bình QuảngTrị). Có lẽ thấy Sĩ Nhiếp ở quận Thương Ngô thuộc vào Giao Chỉ mà có người đã gọi ông là “nhân vật An Nam”.

37. Thái Thú điều khiển một quận, chia quyền với một Thứ Sử. Đời Đường, Thứ Sử là Thái Thú.

38. Kinh Sư đây không phải là thành Long Biên như đã ghi chú trong bản chép tay A.751. Lời chú sai lầm ấy không biết của ai, nhưng chắc chắn không phải của Lý Tế Xuyên vì bản A.47 mà Maurice Durand đã dịch ra Pháp văn và đã đăng trong báo Le Peuple Vietnamien, trang 14, không thấy có lời chú ấy. Kinh Sư đây là Hán Kinh, tức Lạc Dương.

39. Sĩ Nhiếp nguyên quán ở nước Lỗ, cùng quê với KhổngTử. Ông chuyên môn nghiên cứu Kinh Xuân Thu, bản của Tả Khâu Minh là một bản đúng nhất trong ba bản chép Kinh Xuân Thu.

40. Hiếu Liêm: theo lệnh của Hán Vũ Đế (năm 134 trước Thiên Chúa, mùa đông, tháng 11), mỗi quận được cử một hiếu liêm, nghĩa là một người được tiếng là đã chu toàn bổn phận của một người con thảo trong gia đình, được tiếng là một người trong sạch, làm việc quan sẽ không ăn hối lộ. Mậu tài tức là tú tài, vì kiêng tên vua Hán Quang Vũ (25‐58 sau Thiên Chúa) tên là Tú nên phải đổi tú ra mậu. Tú tài là người được châu cử ra, chức lớn hơn Hiếu liêm.

41. Hán Hiến Đế (190‐221 sau Thiên Chúa)

42. Thái Thú Giao Châu, hiểu theo Ngô Chí là Thái Thú Giao Chỉ, nghĩa là chỉ điều khiển một quân Giao Chỉ trong số 7 quận khác. Vì Giao Chỉ vừa là tên quận vừa là tên châu nên khó phân biệt. Trương Tân được gửi sang làm Thứ Sử Giao Châu năm 201, khi ấy Giao Chỉ gồm 7 quận đã đổi tên là Giao Châu. Quận Giao Chỉ của Sĩ Nhiếp như thế thuộc quyền kiểm soát của Trương Tân. Sau khi Trương Tân bị Khu Cảnh ám sát, Sĩ Nhiếp được kiêm nhiệm chức Thứ Sử Giao Châu, nghĩa là vừa cai trị 7 quận kia, vừa trực tiếp điều khiển quận Giao Chỉ.

43. Kinh Châu: khoảng Hồ Nam, Hồ Bắc, và lân cận.

44. Tướng giặc: chỉ Lưu Biểu, dám vượt quyền vua Hán mà cử Lại Cung sang làm Thứ Sử Giao Châu. Chính vì thế mà Hán Hiến Đế phải vội vàng sắc phong cho Sĩ Nhiếp làm Thứ Sử.

45. Tuy Nam Trung Lang Tướng: một sĩ quan cao cấp mang lại hòa bình cho phương Nam.

46. Trương Mân theo bản của tôi... (thiếu mất đoạn sau)

47. Trần Quốc Huy lúc ấy đang du lịch ở Giao Chỉ. Thời đó là cuối đời Hán. Tuân Úc có chỗ gọi là Tuân Quắc.

48. Đậu Dung: một điển hình về trung thần đời Hán, giữ Hà Tây từ năm 23, mất năm 62

49. Nhiếp dưỡng là một phương pháp của Lão giáo để nhiếp sinh và dưỡng sinh nghĩa là để bảo tồn và nuôi nấng sự sống. Giỏi về nhiếp dưỡng nghĩa là biết cách để giữ cho thân thể không bị rữa ra sau khi chết.

50. Đời Tấn kể từ 65 đến 419 sauThiên Chúa.

51. Lâm Ấp, tên cũcủa Chiêm Thành, thời ấy là Thuận hóa bây giờ. Tên Chiêm Thành xuất hiện từ đời Ngũ Đại, thế kỷ thứ 10.

52. Bài thơ của Cao Biền đã được Trần Hàm Tấn diễn quốc ngữ như sau:

Từ thưở Hoàng sơ nước Nguỵ xưa. Năm trăm năm đúng đến nay vừa Hàm Thông thứ tám nhà Đường phỏng? Gặp Sĩ Vương Tiên may mắn chưa.

Nordemann trong cuốn Chrestomathie Annamite cũng đã phiên dịch bài ấy ra quốc ngữ nhưng không được hay lắm (theo Durand, trong Le Peuple Vienamien, số 3)
 
Chương 1 : Tiếm bình


Tiếm bình

Nước ta xưa có nước Việt Thường, nói thì uốn lưỡi, thân hình vẽ rồng, phong túc phác lậu, đại khái như thổ dân các châu động ngày nay.

Từ khi Triệu Đà cai trị bảy quận, đem Thi, Thư giáo huấn quốc tục, Nhâm Diên làmThái thú Cửu Chân lại đem lễ nghĩa dạy dỗ quốc dân, bởi vậy, nước ta mới dần dần hiểu biết văn tự có ích cho người, lễ nghĩa quan hệ đến phong tục, cái đà văn minh cũng do đấy dần dần tiến triển. Kịp đến lúc Sĩ Phủ Quân đem sóng dư của sông Thù sông Tứ tràn dần qua Nam Hải, bàn việc trở đầu trong hội can qua, gảy đờn ca ở làng hầu hến, người nghe điếc tai vì tiếng chuông, thanh giáo phổ cập đến đâulà đấy hấpthụ được hoa phong. Sau này, triều Lý, triều Trần, triều Lê thay đổi nhau dựng trường học, đặt khoa thi, văntrị bột phát trên dưới vài nghìn nămtrămnăm, nhân tài bối xuất, bèn xưng là nước văn hiến, hoán tỉnh lòng người, huy đẳng thượng quốc. Sử gọi văn phong Lĩnh Nam, bắt đầu từ Sĩ Vương thì công ấy há chẳng tốt đẹp lắm ru?

Đang lúc ấy, tam quốc chia thành thế chân vạc, trung nguyên như nồi canh sôi, duy nước ta một phương được nhờ yên ổn, những kẻ danh hiền, đạt nhân nghe tiếng mà đến, làm thành một nơi văn vật đô hội lừng lẫy. Vương, phương Bắc thờ nhà Đại Hán, phương Đông đẹp lòng Cường Ngô, anh em đều làm chủ các quận, vinh diệu một thời, hàn mặc lừng lẫy. Vương hiệu là do cửa miệng của người trong châu xưng hô, chứ Vương không hề ngang nhiên dám tự tôn đại, như Nam Hải Úy Đà cỡi xe hoàn gốc, cắm cờ tả đạo. Sách rằng: “Sợ mệnh trời, giữ được nước” Vương thực là đúng, còn như chuông trống, xe cộ, nghi vệ ra vào ấy chẳng có gì là lạm. Bôn mươi tám nămở quận, hưởng thọ hơn chín mươi năm, sống có vinh danh, chết được hiển hiện, oanh oanh liệt liệt một trường giữ tròn chung thủy, ít thấy ai được như vậy.

Tập U Linh có chép vài việc, người đời sau hiếu ký thêm vào, tương truyền rằng: Vương sinh tiền dạy học trò đến vài nghìn người, sau khi mất, có di chúc chôn sấp chứ đừng chôn ngửa thì tiếng giảng sách mới không có, nhưng sau học trò không nỡ làmnhư thế, cứ chiếu lệ thường mà khăn liệm. Mỗi khi đêm lặng trăng sáng thường nghe tiếng Vương giảng sách ở dưới mồ như lúc bình sinh dạy học. Người Tàu thấy Vương linh dị, sợ hãi mới đào mộ Vương lên chôn sấp lại, từ đấy không nghe tiếng giảng sách nữa. Thuyết ấy quá ư quái đản, không chắc đã đúng.

Nay miếu tại sông Thanh Tương, huyện Siếu Loại, mấy triều đều có phong tặng, còn mộ ở làng Tam Á huyện Gia Định, gò đóng bao bọc, cây cỏ um tùm, dân chúng ở quanh vùng có việc đến cầu đảo đều có linh ứng. Ngoài đường thiên lý có đình thờ vọng, giữa treo bức biến đề bốn chữ “Nam Giao Học Tổ”, đúc ngựa đồng để thờ, người đi đường đều phải xuống ngựa cúi đầu. Bạch Phương Am tiên sinh, có đặt cho làng đómột câu đối thờ ở đình rằng:

Việt điện văn tông sau Thù, Tứ. Nam giao học tổ trước Lạc, Mân.

Cũng là tuyên dương công nghiệp Vương đã đem văn hóa dạy cho dân vậy.

Xét người đời xưa hay cữ tên chứ không cữ họ, nay hai huyện Siêu Loại và Gia Định ở gần đều có chữ Sĩ, rồi tên cũng có luôn, thành ra mất cả họ tên, như thế thực là quê lậu, cũng như người huyện Đông An có tên Chử Đồng Tử, lại lấy chữ Tử là húy mà cứ thì cũng giống như đây.
 
Chương 1 : Phụ lục


Phủ Thuận An, huyện Gia Định, xã Tam Á, đồng xã quan viên, chức sắc, kỳ lão, văn thuộc: Thường nghe nấu đồng đúc ngựa là muốn để cho được bền lâu, chọn đá khắc bia là muốn khiến cho khỏi mục nát, bởi vậy đời xưa có đặt đồng đá, có bia rùa đá, chứ không phải đời nay mới có, cũng để tỏ ra sự tôn kính vậy. Huống nay đúc ngựa chạm bia thì không phải là để cho vui lòng đẹp mắt mà thôi. Ôi! vần của sẵn có ở núi Trang sơn, tìm thợ khéo để đúc, khiêng tảng đá chưa đẽo ở núi Nam sơn, tìm thợ chạm để trổ, có phải là hư phí đâu! Chính vì chỗ phụng thờ mà có. Nhân đúc ngựa mà có bia, bia không khắc đá thì không thể được lâu dài, ngựa không đúc bằng đồng thì không lấy gì bền chắc, nếukhông ngựa không bia, lấy gì tôn nghiêm chỗ đền miếu, người trông vào kính sợ, xa gần nô nức, tỏ tấm lòng thành phụng sự, và hiển dương công đức của Thần linh?

Kính nghĩ: Tôn vương là vị Thượng đẳng thần linh, Tông chủ Nam văn, Tiên tổ xuất từ làng Vấn Dương nước Đông Lỗ là một nước lớn, nhân tránh Mãng triều, qua ở làng Quảng Tín, quận Thượng Ngô ta, dần dà, sáu đời, mới đến Tôn Vương, đang lúc vua Hoàng Đế trị ngôi ở Trung Hoa, thân phụ Vương làm quan Thái thú Nhật Nam, khai công ở trước, dần thịnh về sau. Vương hun đúc khí tốt, nối chí tiền nhân, du học Hán kinh và Dĩnh Châu, được nhờ thầy nhờ bạn lúc tuổi trẻ, chuyên học sách Xuân Thu Tả thị, giải chú thành một nhà, nghĩa sách Thượng thư thêm rõ, câu nghi trong giản tịch đều được tất cứu, tập theo cái thói phong lưu của nước Lỗ, như thế cũng đáng gọi là một nhà học vấn ưu bác. Thế rồi đậu khoa Hiếu Liêm, được bổ Thượng thư Lang, đậu khoa Mậu tài được thăng Chánh Dương Lệnh (thực ra là Vũ Dương Lệnh), sự nghiệp khoa cử cũng đáng nên kể, thế cũng thạo về chính trị. Kịp đến cuối đời vua Linh Đế dời sang chức Thái thú Giao Châu. Nhậm chức Thái thú rồi, rộng rãi biết thương dân, khiêm nhường đãi kẻ sĩ, giữ tòan bờ cõi, chính lệnh mỗi ngày một mới, người làm ruộng, kẻ đi buôn được yên ổn làm ăn, xóm làng cửa ngoài không đóng, trộm cắp đều không, người tha hương lỡ làng đều được thỏa nguyện. Người trong nước thân mến đều gọi bằng Vương; nhà nho học lánh nạn nhờ Vương đãi đằng, tuy Đậu Dung giữ Hà Tây cũng không hơn Vương được. Anh em đều là Thái thú châu quận, con cháu lãnh chức Trung Lang tướng, Vương ra vào có chiêng trống, đờn ca, uy lừng muôn dặm, danh trọng đương thời,trăm mọi kính phục, tuy vua Võ Đế sáng lập Đế cơ, cũng không hơn vậy.

Năm Đinh Hợi, vua Hán Đế nhân sự thất bại của Trương Tân mới cho Vương bức tỉ thư, giao ủy đổng đốc binh mã bảy quận.

Năm Canh Dần, vua Ngô Tôn Quyền sai Bộ Chất làm Tiết Độ Sứ, Vương lại dựa thế nhà Đông Ngô. Năm nay Tào Tháo phong Long độ hầu, sang nămTôn Quyền phong Long biên hầu. Vương chẳng lấy đồi mồi minh châu làm quý, long nhãn, tiên gia làm ngon, chỉ lo bờ cõi vững vàng, nhân dân yên ổn, đang lúc tam quốc chí chiến tranh mà thành quách nhân dân toàn Việt được hưởng nan ninh, nếu người không trí thì không thế được.

Vương khi nào việc quan nhàn hạ, thường dạo chơi sơn thủy làm vui, hoặc xem xét đồ thư, thăm dò ý tứ của thánh hiền, phát mình phần tiển; dạy dỗ cho người: mỗi khi Vương giảng sách, những khách tấn thân kéo đến quanh Vương mà nghe; lấy lễ nghĩa mà đào tạo lòng người, lấy thi thư mà khai hóa quốc tục, khi ấy Long Biên mới nghe có tiếng đàn, tiếng học áo mão chẳng khác gì Lỗ Trân Luy Lâu hóa thành Thù Tứ, nhiều kẻ sĩ bơi lội ở trong. Nước An Nam được xưng là Văn hiến chi bang, cả đến đạo lý cương thường cũng đều tự Vương sáng thủy, công ơn ấy không những chỉ nhất thời, có lẽ lưu truyền đến hậu thế, thật là vẻ vang thay! Xem bức thư của Viên Huy đưa cho Tuân Úc thì biết người Hán cũng còn kính nể, há chi người Hồ đi bên xe đốt trầm mà thôi đâu.

Đọc bài chế vua Tống Thái Tông phong Đại Hành, thời Bốc sử cũng lưu tiếng thơm, không chỉ Nam sử chép để sự nghiệp công đức mà thôi vậy.

Sau khi Vương mất, anh linh không tán, Lâm Ấp sợ mà phải lui binh, thịnh đức chưa đền, Giao Châu cảm mà lo lập miếu. Long Biên nhân đấy cũng dựng đền phụng sự; Trần triều nhân đấy mà truy phong tự điển, hương hỏa đời đời, tất cả anh tài hiền phụ đều phải vòng tay cúi đầu trước anh danh vỹ liệt, suốt nghìn xưa mà càng tôn.

Ngày nay Quốc triều, Hoàng đồ bền vững, văn trị tiến phát, văn tinh chói lọi, xuân khắp non sông, bờ cõi vững như âu vàng, xã tắc yên như bàn đá, truy cái công khai vật thành vụ thì phải nhớ đến gốc đến nguồn, biên đậuchưng bày, heo xôi tinh khiết, báo đáp ơn trên, tỏ lòng kẻ dưới; nếu không có kẻ tiên giác, lấy ai khai hóa hậu nhân? chín lớp cung tường, thấy điều lễ thì biết việc chính, nghe đến nhạc thì biết đến đức, nghìn thu danh giáo, kính người hiền mà thân kẻ thân, vui đều vui mà lợi đều lợi.

Nay đền thờ tại Gia Định ở làng Tam Á, tại Siêu Loại ở làng Lũng Triền, chỗ nào có đền thờ thì dân làm chủ hộ, quan đặt Giám thủ, đến nay cũng đã lâu năm.

Bây giờ dân chúng xã Tam Á trộm nghĩ: Miếu vũ xây cất ngày xưa, trang nghiêm, hùng vĩ, duy chỉ ngựa gỗ lâu năm sứt mòn nhiều chỗ, kém về uy nghi, luôn tiện chúng tôi sơn thếp lại Loan giá, nghĩ rằng gỗ có ngày hư, chứ đồng thời bền bỉ, mới hội đồng dư nghị, lo việc khởi công, tìm mua đồng nguyên, đúc thành ngựa mới, một con màu hồng, một con màu trắng, thợ đúc công thoan, để nghìn vạn đại, miếu điện thêm phần long trọng, xuân thu cúng tế uy nghiêm, dân được nhờ ơn của thần, nước được vững bền thịnh trị, âm phù mặc tướng cho dân, linh thanh ngày thêm lừng lẫy. Nhân khắc vào đá, lưu truyền đời sau:

Khắc thời Hoàng triều niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ hai (1706), sau rằm tháng Mạnh Thu năm Giáp Tý, ngày tốt.

Tân Vị Khoa (1691). Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Kinh Bắc Đẳng Xứ, Hiến Sát Sứ Ty, Hiến Sát Sứ quận Hải Nam, làng Chí Kiệt, Nguyễn Hậu phụng soạn.

(Phủ Thuận An, huyện Gia Định, xã Tam Á có đền thờ Sĩ Vương).

Vương ban đầu làm Thái thú nước Việt ta, đóng đô ở thành Long Biên, sau này lăng cũng xây ở đấy, đền thờ cũng dựng ở đấy. Ta nhậm chức Án Sát bản quận, trên đường ngang qua đền, nhân vào đền làm lễ bái yết, vừa gặp đang khi làng ấy khởi công tu bổ đền, các bậc quan viên, phụ lão đến trước ta, thỉnh ta soạn bài văn bia, ta bằng lòng. Văn rằng:

“Sỹ Vương dòng dõi làng Vấn Dương nước Lỗ, vừa là ông Tổ văn hiến nước Việt ta. Phổ hệ trước sau, lý lịch gốc ngọn, học vấn sâu rộng, cùng với công to giáo hóa, chính trị rõ rệt, trí lược phục kẻ xa, thỏa người gần, sách sử đã chép rõ, không cần phải kể lại ở bia làm gì, mà bia cũng không thể hình dung hết được.

Các ông làng đều bảo: Hoàng triều niên hiệu Vĩnh Trị năm đầu, có ban Lệnh chỉ cho làng ấy làm dân Tao lệ, thì đã có ông Kỷ hợi khoa đệ nhất giáp Tiến sĩ đệ tam danh Quang Tiến Thận Lộc đại phu Lại Bộ Hữu Thị Lang, Kinh Thuận Gia Tướng Công Nguyễn Phủ đã soạn rồi. Đến năm Vĩnh Thịnh thứ hai, làng ấy đúc hai con ngựa bằng đồng, một con màu hồng một con màu trắng, cũng đã có bia, văn bia do quan Kinh bắc xứ Hiến Sát sứ Chí Lĩnh Kiệt Trì Tôn Tướng Công soạn. Ngựa đồng ấy bị giặc cướp toan muốn khiêng đi, may nhờ uy linh của Vương, lập tức thâu hồi được từ đó ngựa đồng đem đặt qua sở Tế điền.

Bây giờ nhân dân trong xã hưng công tu bổ đền thờ, hội nghị lạc quyên đồng tốt theo y thức dạng ngày trước, đúc lại ngựa đồng để thờ phụng. Ta đây cũng là Kinh Bắc Hiến Sát sứ, nhân làng xin văn, ta cũng có nhớ rằng: theo quốc sử, Vương nhậm chức ở châu hơn bốn mươi năm, thọ hơn chín mươi tuổi, đương thời uy danh không hai, kính phục trăm mọi, nghi vệ khua chuông gióng trống, Hồ nhân bên xe đốt trầm, y nhiên như còn, chỉ vì năm lâu vật cũ, chưa có đủ tế nghi để cho tôn thêm miếu mạo. Duy dương thưở ấy, ngọc sắc như sống, cướp được phách nước Lâm hồ cuối đời Tấn, Thần uy xa cảm, khiến nhà Trần ngọc tỷ bao phong, anh khí không tán. Sở dĩ làm thần, linh sản ở trên trời, trải nghìn xưa như một ngày. Vậy nên ở trong toàn cõi, một dạ tôn sùng, đã đúc ngựa đồng cho rạng văn vẻ, lại khắc bia đá lưu truyền đời sau, thực là nên lắm. Ta kính rửa tay cầm bút, chép làm bài Ký này.

Hoàng triều niên hiểu Cảnh hưng năm thứ bốn mươi (1779) tháng Mạnh Thu, năm Kỷ hợi ngày tốt.

Kỷ sửu khoa (1769), đồng Tiến sĩ xuất thân, Kinh bắc đẳng xứ thự Hiến sát sứ, Hình Khoa Đô cấp sự trung, huyện Thanh Hà, làng Hoàng Vĩnh, Nguyễn Đình Giản hiệu Dị Hiên bái thủ phụng soạn.
 
Chương 2 : Bố Cái Đại Vương


Xét Giao Châu Ký[53] của Triệu Vương chép rằng: Vương họ Phùng tên Hưng[54], thế tập Biên Khố Di Tù Trưởng châu Đường Lâm[55], hiệu là Quan Lang (man tục nay còn). Vương gia tư hào hữu, sức lực dũng mãnh, đánh được hổ, vật được trâu; người em tên là Hải cũng có sức mạnh kỳ dị, vác được một tảng đá nặng mười nghìn cân, hay một chiếc thuyền con chở nghìn hộc mà đi hơn mười dặm56; mọi người thấy vậy đều kinh hãi.

Giữa niên hiệu Đại Lịch[57] nhà Đường, nhân nước An Nam ta có quân loạn, anh em đem nhau đi tuần các ấp lân cận đều hạ được cả, đi đến đâu thì chỗ ấy tan tác.

Đắc chí rồi, Hưng cải danh là Cự Lão, Hải cũng đổi tên là Cự Lực; Vương hiệu là Đô Quán, Hải hiệu là Đô Bảo, dùng kế hoạch của người Đường Lâm là Đỗ Anh Hậu đem binh tuần hành mấy châu Đường Lâm, Trường Phong, thảy đều quy thuận cả; uy danh chấn động, dương ngôn muốn đánh lấy Đô Hộ Phủ.

Lúc bấy giờ quan Đô Hộ là Cao Chính Bình đem binh dưới trướng ra đánh không hơn được, ưu phẫn phát bệnh vàng da mà chết. Vương vào Đô Phủ thị sự bảy năm[58] rồi mất; dân chúng muốn lập em là Hải lên nối ngôi. Có kẻ phụ tá đầu mục là Bồ Phá Lặc[59], sức có thể bài sơn cử đỉnh, dũng lực tuyệt luân, có ý không theo mới lập con Vương là An, rồi đem quân chống Hải; Hải tránh Bồ Phá Lặc, dời qua ở động Chu Nham, sau đấy không biết ra sao nữa.

An tôn Hưng là Bố Cái Đại Vương, bởi quốc tục xưng cha là “Bố”, mẹ là “Cái” nên mới gọi như vậy.

An lên kế vị được hai năm, vua Đức Tông phong Triệu Xương sang làm An Nam đô hộ; Xương sang đến nơi, trước hết sai Sứ đem nghi vật dụ An; An sửa sang nghi vệ, đem quân nghênh hàng Triệu Xương, các thân thuộc họ Phùng giải tán hết.

Vương vừa mới mất đã hiển linh, thường ở trong thôn dân hiện hình thành thiên xa vạn mã phi đằng trên gia ốc, trên cổ thụ; chúng nhân trông lên thực như đám mây ngũ sắc, lại nghe thấy ti trúc, quản huyền giao hưởng trên không trung, tiếng hô hoán, tiếng cờ trống võng kiệu vọng lên nghe thấy phân minh giữa ban ngày. Phàm trong ấp có tai nạn hoặc việc vui mừng thì Ấp trưởng trong đêm đã thấy có dị nhân báo cáo trước; chúng phục là thần, lập đền phía tây Đô phủ mà phụng sự, phàm có việc trộm cướp, việc hồ nghi thì đại thể tề tựu trước đền mà bái yết thần, vào trong đền mà minh thệ, lập tức thấy họa phúc. Nhà thương mại đem lễ đến đền cầu lợi hậu đều có linh ứng; thôn dân gặp phải mưa dầm hay đại hạn; cầu đảo liền được như ý. Mỗi năm xã đến ngày tạ lễ, người đến đông như rừng như biển, bánh xe dấu ngựa đầy đường; miếu mạo nguy nga, hương đèn chẳng dứt.

Thời Ngô Tiên chúa kiến quốc, Bắc binh nhập khấu, Tiên chúa đã lo, nửa đêm hốt nhiên mộng thấy một ông già đầu bạc, y quan nghiêm nhã, tay cầm quạt lông, chống gậy trúc, tự xưng tính danh rằng:

- Ta lãnh thần binh vạn đội, sẵn sàng mai phục các chỗ yếu hại, chúa công tức tốc tiến binh chống cự, đã có âm trợ, chớ lo phiền chi cả.

Đến khi tiến binh trên Bạch Đằng, quả thấy trên không có tiếng xe ngựa, trận ấy quả được đại tiệp; tiên chúa lấy làm lạ, chiếu kiến lập miếu điện, trang nghiêm có từng hơn xưa, lại sắm thêm quạt lông, cờ hòang đạo, chiên đồng, trống đại, rồi làm lễ thái lao, con hát đến làm lễ tạ; lịch triều theo đó dần dần thành ra cổ lễ.

Hoàng triều niên hiệu Trùng hưng năm đầu, sắc phong Phu Hựu Đại Vương. Năm thứ bốn mươi, gia thêm hai chữ Chương Tín, Năm Hưng Long thứ hai mươi, gia phong hai chữ Sùng Nghĩa, đến bây giờ anh uy càng thịnh, hương lửa không ngớt vậy.

__

53. Giao Châu Ký: đó là tác phẩm của Triệu Xương, mà bản chép tay A.47 chép là Triệu Công (ông họ Triệu) và bản A.751 của chúng tôi chép là Triệu Vương (vua họ Triệu). Triệu Xương đã cai trị hai lần ở Giao Châu và đã trở thành như một nhà chuyên môn về các vấn đề Giao Châu, bởi vậy, khó lòng có thể có một người nào hiểu biết về Bố Cái Đại Vương hơn ông.

54. Theo thần tích của những làng thờ Bố Cái Đại Vương làm thần hoàng như làng Triều Khúc chẳng hạn thì Phùng Hưng có lẽ sinh vào ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (760), lên ngôi ngày 10 tháng 1 năm Tân Vị (791), mất ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (802).

55. Đường Lâm là một trong ba huyện khác thuộc châu Phúc Lộc tỉnh Sơn Tây, nay là Phú Thọ (Cương Mục, Tiền Biên IV, 26) xã Cam Lâm.

56. Một cân là 604g, nghìn cân là 604 ký. Hộc là 16 mét khối, dặm hay lý là 720mét, 10 dặm là hơn 7 cây số.

57. Thời Đại Lịch kể từ 766‐799 sau Thiên Chúa.

58. Vương thị sự bảy năm: sử sách đều ghi chép một vài tháng mà thôi (Toàn thư, V 6ab, Cương Mục IV, 26).

59. Bản A.47 của Durand dịch là Bồ Phi Cần, bản A.751 của tôi dịch là Bồ Phá Lặc. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ngoại kỷ quyển 6, tờ 7b cũng viết đúng như bản A.751 mà chúng tôi dùng đây.
 
Chương 2 : Tiếm bình


Phùng Đô Quân là một người phi thường, tất nhiên có sự gặp gỡ phi thường: sự gặp gỡ phi thường chính là để đãi người có tài phi thường, xem việc sức bắt được hổ, khi muốn nuốt sao Ngâu, khiến cho người trong châu đều úy phục, nếu không có tài lược hơn người thời đâu được như thế?

Chính Bình chết rồi, Vương thung dung vào đô thành cắm bảy mươi ngọn cờ, hùng oai muôn dặm, độc quyền một phương, họa phúc do tay, nghiễm nhiên như một họ Triệu, họ Lý vậy, há phải như Mai Hắc Đế chỉ chiếm một châu mà ví được đâu? Tuy vận còn nội thuộc, chẳng bao lâu bị mất vào tay Triệu Xương, nhưng kẻ đại trượng phu xuất sắc không chịu để cho bọn hồ lại ràng buộc, Ngọ Phong cho là tay cự phách trong hạng Thổ hào, vận tuy bĩ cực, nhưng gặp gỡ đều hạnh thông, rõ thực bậc anh hùng hảo hán, phương chi chốn Đại nội hiển linh, sông Bạch Đằng giúp trận, Phu Hựu, Chương Nghĩa, chói lọi ở Loan thư, sống được vinh danh, chết lưu hiển hiệu, người như Phùng Bố Cái chưa dễ có nhiều được.

Kẻ thân hạ thì có Bồ Phá Lặc, tận trung thờ chúa, con thì có Phùng An, biết sợ mệnh trời, một cõi Đường Lâm dần dần thành ra một làng danh thắng.

Ngày nay anh tài nảy nở, vị tất đã không do Phùng Công đã cắm lá cờ đỏ đầu tiên, thực là bất hủ.

Có người bảo: Đường Lâm nay là Phúc Lộc thì phải, Phùng Sứ Quân nay làm Phúc thần xã Mông Phụ, chưa biết có phải không.
 
Chương 3 : Triệu Việt Vương; Lý Nam Đế


Việt Vương họ Triệu, tên là Quang Phục. Nam Đế họ Lý, tên là Phật Tử. Hai ông này đều là Bộ tướng của Nam Đế nhà tiền Lý tên là Lý Bôn[60].

Thời Vũ Đế nhà Lương, ở huyện Thái Bình Giao Châu ta, có Lý Bôn gia tư hào hữu, lại có kỳ tài xuất chúng, thường có khí độ giống như Tiêu Hà, Tào Tham, lại có Tinh Thiều[61] giàu về từ chương, ưu về văn học, cùng nhau qua nước Lương cầu xin làm quan. Thượng thư Bộ Lại nhà Lương tên là Thái Tôn (xem) Tinh Thiều phong độ khả quan mới bổ làm môn lang Quảng Dương[62]. Thiều xấu hổ, cùng với Lý Bôn trở về cố quận. Nhân Thứ sử Vũ Lâm Hầu là Tiêu Tư, hành chính khắc bạo rất thất nhân tâm nên dân chúng âm thầm mưu phản, Lý Bôn lúc ấy đang làm Giám sát Cửu Đức[63] liền liên kết hào kiệt chín huyện; với khí giới tinh nhuệ, họ toàn là Việt binh đến đánh đuổi Thứ sử Tiêu Tư chạy về Quảng Châu[64]. Bôn vào chiếm cứ châu thành, vừa gặp Lâm Ấp đến cướp Nhật Nam[65]; Bôn sai tướng Phạm Tu đem binh đến đánh ở Cửu Đức được đại thắng, quân giặc tan tành. Lý Bôn bèn tự xưng là Việt Vương, đặt ra bách quan, đổi niên hiệu là Thiên Đức, quốc hiệu là Vạn Xuân[66].

Lương Đế nghe được tin, phong quan Thứ sử Quảng Châu Trần Bá Tiên sang làm Thứ sử ở Giao Châu[67]. Bá Tiên nghe Lý Bôn xưng Vương thì đem binh đến đánh, đánh nhau bảy năm, đến năm Đại Tống thứ hai, Lý Bôn mất, cộng được tám năm[68].

Triệu Quang Phục[69] vốn là người Chu Diên, làm Tả tướng quân của Lý Bôn. Quận Chu Diên[70] ở phía Bắc có một chiếc đầm lớn[71], sâu rộng không biết ước độ bao nhiêu dặm.

Lý Bôn mất rồi, Quang Phục thâu thập tán tốt được hai vạn người, giữ hiệu lệnh chỉ huy tiềm ẩn trong đầm, đêm thời ra cướp doanh trại, ngày thời tiềm phục trong đầm; Bá Tiên sai người do thám biết là Quang Phục, đem quan đến đánh nhưng cũng không được. Chúng đều suy tôn Quang Phục làm Dạ Trạch Vương. Quang Phục ở trong đầm được một năm, một đêm kia thấy một con rồng vàng[72] cởi móng đem cho mà bảo rằng:

- Lấy cái móng này cắm vào trên đâu mâu, hễ giặc thấy là tự nhiên uý phục.

Gặp lúc Kiến Khương có việc triệu Bá Tiên về Bắc[73], Tiên lưu tướng là Dương Sằn ở lại giữ trấn, đại diện cho ông mà hành sự.

Quang Phục sau khi đã được móng thần thì mưu lược kỳ dị, đánh đâu thắng đấy, lại nhân Bá Tiên về Bắc mới đem quân ra đánh Sằn; Sằn cự chiến, vừa trông thấy đâu mâu một cái đã thua rồi chết. Quang Phục vào chiếm thành Long Biên quản trị cả hai xứ Lộc Loa và Vũ Ninh[74], tự hiệu là Nam Việt Quốc Vương[75]. Triệu Quang Phục xưng Vương ngày 24 ‐ 4 ‐ 548. Như thế, nhà Tiền Lý khởi từ năm Giáp Tý (544) mất năm Mậu Thìn (548) công được 5 năm (Cương Mục, tiền biên, IV,7), không phải 8 năm.

* * *

Phật Tử[76] là em họ của Lý Bôn; Bôn mất thì theo anh Lý Bôn là Thiên Bảo, đem ba vạn quân chạy trốn vào mọi Lào, Bá Tiên tìm kiếm không được, Thiên Bảo đi đến đầu nguồn sông Đà Giang[77], động Dã Năng[78], thấy chỗ ấy danh thắng, thổ vật phì nhiêu, đất sản xuất nhiều lại rộng rãi, bèn đắp thành ở đó. Đời sống càng ngày càng phồn thịnh, trí thức càng ngày càng quảng bá lập thành nước Dã Năng; dân chúng suy tôn Thiên Bảo làm Đào Lang Vương. Chưa được bao lâu, Thiên Bảo hoăng[79], vô tư; dân chúng hội nghị suy tôn Phật Tử làm Vương. Gặp lúc Bá Tiên về Bắc, Phật Tử bèn dẫn binh xuống miền Đông; tả hữu khuyên Phật Tử xưng Đế; Phật Tử nghe theo rồi lấy hiệu là Nam Đế.

Nam Đế cùng với Việt Vương giao chiến ở Thái Bình đã năm trận, gươmg giáo qua lại, tên đạn như bay mà thắng phụ chưa quyết. Quân Nam Đế có hơi núng thế, cho là Việt Vương có dị thuật mới thỉnh hòa. Việt Vương cũng nghĩ Nam Đế là tộc thuộc của Lý Bôn bèn chia nước ra mà cùng trị, vạch bãi Quân Thần[80] làm địa giới.

Nam Đế ở thành Ô Diên[81] cho con tên là Nhã Lang đến Việt Vương cầu hôn; Việt Vương cho con gái là Cảo Nương về với Nhã Lang[82], thật là hảo tình mật thiết, cầm sắt giao hài. Một hôm Nhã Lang hỏi nhỏ Cảo Nương rằng:

- Hai nước ngày xưa là cừu thù, ngày nay lại là thông hôn, thật là thiên duyên tác hợp, tao ngộ kỳ duyên. Trước kia hai nước giao tranh, binh cơ của phụ vương em thần diệu xuất sắc hơn phụ vương anh nhiều; không hiểu có cái diệu thuật gì mà nhiều kỳ mưu như vậy?

Cảo Nương là bậc nữ lưu trâm tuyến, có biết đâu thế thái ba đào, mới mật lấy cái đâu mâu móng rồng đem cho xem, kể sự đầu xuôi, và nói:

- Xưa nay phụ vương thiếp hơn giặc là nhờ cái này.

Nhã Lang xem xong, thầm mưu đổi cái móng rồng đi, bèn nói với Cảo Nương rằng:

- Anh làm phò mã ở đây đã lâu, nay nhớ đến song thân, chẳng lẽ cứ lưu luyến tình chiếu chăn riêng tư mà bỏ khuyết việc thần hôn phụng dưỡng, ý anh muốn tạm về vấn an mới thỏa lòng. Nhưng mà đường sá xa xôi, đi về cách trở, không dễ một hôm một mai mà trở lại được, sum họp ít mà chia phôi nhiều, anh thật ân hận quá. Sau khi anh về nước, nếu mà có biến cố bất ngờ xảy ra, chắc là em phải theo vương giá mà đi, đi về phương nào em nên rải lông ngỗng để cho anh tiện việc kiếm tìm.

Nhã Lang về nước, đem việc bạch ở Phụ vương; Nam Đế cả mừng, lập tức dẫn binh trực nhập Việt cảnh như vào một chỗ không người, Việt vương không hề hay biết. Đến khi Việt vương được tin báo, vội vàng xách đâu mâu ra cự chiến để đợi Nam Đế nhưng thần cơ đã bị đoạt rồi, tinh thần binh sĩ không phấn chấn nữa. Việt vương tự biết không thể địch nổi Nam Đế mới dắt con gái chạy về phương Nam để tìm chỗ yếu hiểm tránh thân. Binh giặc vẫn đuổi theo sau; đến châu phủ thì Vương tạm nghỉ ngơi, tả hữu báo binh Nam Đế đã đến Vương sợ hãi hô to lên rằng:

- Hoàng Long thần vương sao không giúp ta?

Thoắt thấy Hoàng Long chỉ tay cáo với Vương rằng:

- Không phải ai đâu, chính là Cảo Nương con gái Vương rải lông ngỗng dẫn đường cho giặc đó, giặc ở bên lưng không giết đi còn đợi gì nữa.

Vương ngảnh lại lấy gươm chém đầu Cảo Nương rơi xuống nước rồi bỏ đi. Vương giục ngựa chạy đến cửa biển Tiểu Nha, cùng đường, lại phải chạy lui về hướng Đông đến cửa biển Đại Nha, than rằng: “Ta cùng rồi!” Hốt nhiên, Hoàng long rẽ nước thành đường dẫn Vương vào, nước lại như cũ. Nam Đế tiến binh đến đó, vắng vẻ không biết đi về hướng nào bèn dẫn binh về.

Việt vương dựng nước được mười chín năm, dấy từ năm Tân Tỵ niên hiệu Đại Bảo thứ hai nhà Lương đến năm Ất Sửu niên hiệu Đại Kiến năm đầu nhà Trần thì mất nước. Người trong nước cho là linh dị, lập đền thờ ở cửa biển Đại Nha.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sách phong Minh Đạo Hoàng Đế. Năm thứ tư, gia thêm hai chữ Khai Cơ, niên hiệu Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong bốn chữ Thánh Liệt Thần Vũ.

* * *

Nam Đế đã chiếm được nước của Triệu Việt Vương rồi, thiên đô qua xứ Lộc Loa và Vũ Ninh, phong cho người anh là Xương Ngập làm Thái bình hầu, giữ Long Biên, phong Đại tướng quân là Lý Tấn Đỉnh làm An ninh hầu giữ thành Ô Diên, ở ngôi được ba mươi năm, khởi từ năm Tân mão niên hiệu Đại Kiến thứ ba nhà Trần đến năm Nhân tuất niên hiệu Nhân Thọ thứ hai vua Văn Đế nhà Tuỳ thì mất; con là Sư Lợi lên nối ngôi, được vài năm thì bị tướng nhà Tuỳ là Lưu Phương đánh chiếm mất nước.

Sau khi Nam Đế đã hoăng, người trong nước chỗ nào cũng có lập đền thờ, có miếu ở tại cửa biển Tiểu Nha, phường An Khương, rất linh dị.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sách phong Anh Liệt Trọng Uy Hoàng Đế. Năm thứ bốn mươi, gia thêm hai chữ Nhân Hiếu. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia tặng bốn chữ Khâm Minh Thánh Vũ.

Cả hai miếu đến nay hương lửa chẳng dứt, có nhiều linh ứng vậy.

__

60. Lý Bôn ở Thái Bình, thuộc Phong Châu ngày trước, tức Sơn Tây ngày nay (theo Khâm Định Việt Sử). Huyện Thái Bình ở giữa sông Cà Lồ và sông Hồng Hà. Năm 1006 đổi là Thái Bình phủ sau 1015 không thấy nói đến nữa.

61. Tinh Thiều: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng năm Tân Dậu (541), Tinh Thiều giàu có và giỏi văn chương xin đi làm quan và chỉ được Thượng thư Bộ Lại của nước Lương tên Thái Tỗn bổ làm Quảng Dương Môn Lang. Thiều xấu hổ trở về sinh quán và trở thành môn khách của Lý Bí. Theo cương mục thì Lý Bôn là một công chức nhà Lương, coi đạo quân Cửu Đức rồi bất đắc chí trở về Thái Bình khởi binh (Cương Mục, tiền biên IV,1).

62. Thái Tỗn mất năm 423 và thôi làm Thượng thư Bộ Lại lâu năm trước khi từ chức (xem Lương Thứ, quyển 21, trang 7b). Như vậy, câu chuyện của Tỉnh Thiều phải xảy ra trước năm 541. Nhận xét này là của H.Maspéro, trong bài báo đã dẫn.

63. Cửu Đức: theo Cương Mục, châu Cửu Đức có từ đời Ngô (222‐280 trước Thiên Chúa) và là Hà Tĩnh ngày nay. Cửu Đức là phần cực nam của Cửu Chân, giáp giới Lâm Ap, Cửu Chân được lập dưới thời Hán, người ta thường cho Cửu Chân ở vào khoảng Thanh Hóa Nghệ An.

64. Tiêu Tư chạy được về Quảng Châu là vì đã dâng lễ vật và thành Long Biên cho Lý Bôn (Cương Mục, tiền biên, IV,1)

65. Quân Lâm Ấp khởi chiến tháng tư, mùa hạ năm Quý Hơi (543)

66. Lý Bôn xưng Vương tháng giêng, mùa xuân năm Giáp Tý (544). Thành Vạn Xuân còn dấu vết ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì.

67. Thực ra, Trần Bá Tiên không làm Thứ sử Giao Châu, ông được cử làm Tư Mã, còn người được bổ làm Thứ sử Giao Châu là Dương Phiếu (theo Cương Mục, tiền biên, IV,4) 68. Theo Toàn Thư, Nam Việt Đế băng hà vào mùa xuân tháng 3, ngày Tân Hợi, năm Mậu Thìn (548). Nhà vua mất vì bệnh sốt rét rừng tại động Khuất Liệu. Maspéro không đồng ý như thế và theo sử Tàu, ông cho rằng nhà vua bị dân Khuất Liệu giết vào mùa hạ năm Bính Dần (546) để lấy đầu dâng Trần Bá Tiên xin hòa. Madrolle cũng chủ trương như thế. Nhưng các Sử Việt đều nói năm 546 nhà vua trao quyền lại cho Triệu Quang Phục và hai năm sau mới mất

69. Triệu Quang Phục là con Triệu Túc, thái phó của Nam Việt Đế từ năm Giáp Tý (544). Cha làm thái phó, con là Tả tướng quân, gia đình họ Triệu cộng tác hết sức chặt chẽ với Lý Bôn vậy. Có lẽ vì thế mà Lý Bôn đã giao quyền lại cho Triệu Quang Phục, chứ không nói gì đến Lý Phật Tử là em họ, do đấy có sự hiềm khích giữa Phật Tử và Quang Phục. Phật Tử đã thân mang quân sĩ đến đất của Quang Phục ở Thái Bình để trả thù, mặc dù lực lượng của ông không hùng hậu hơn lực lượng của Quang Phục. Maspéro không cho Triệu Việt Vương, tức Triệu Quang Phục là một nhân vật lịch sử, nhưng xem sự ưu đãi của Lý Bôn đối với Triệu Túc và sự ganh ghét của Lý Phật Tử đối với Triệu Quang Phục, ta khó lòng phủ nhận Triệu Quang Phục là một nhân vật lịch sử thật sự.

70. Chu Diên (Châu Diên): nay là phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Trong những văn kiện trước 1891, ta đọc thấy phủ Vĩnh Tường thuộc về tỉnh Sơn Tây từ 1882 đến 1891. Năm 1891, Vĩnh Tường thuộc về đạo Vĩnh Yên và đạo Vĩnh Yên năm 1899 trở thành tỉnh Vĩnh Yên (xem Địa Dư các tỉnh Bắc Kỳ, Lê Văn Tân 1930, Hà Nội, tr.112). Châu Diên không thể ở Hải Dương như Maspéro quyết đoán. Cứ xem cuộc rút lui của Lý Bôn thì biết.

71. Đầm Dạ Trạch ở về phía Bắc Châu Diên, tức là ở về phía Bắc Vĩnh Yên. Nhưng theo Cương Mục (tiền biên, IV, tờ 6b) thì ở Đông Kết, phủ Kiến Xương, ngày nay là phủ Khoái Châu, huyện Đông Yên, tỉnh Hưng Yên. Không biết trước khi Triệu Quang Phục đến ở đầm này đã có tên gì chưa, trong Việt Điện U Linh Tập như chúng ta đã đọc cũng chỉ nói là có một chiếc đầm ở phía Bắc Châu Diên. Bản A.47 mà ông M.Durand đã khảo sát trong Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême‐Orient, quyển XLIV, năm 1954, nói rõ là “sơ bảo Dạ Trạch” thì có lẽ tên Dạ Trạch đã có từ trước. Có lẽ người ta đã lầm đầm Dạ Trạch và đầm Nhất Dạ ở đảo Tự Nhiên, Hà Đông, trong chuyện Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung; có lẽ cũng vì thế mà nhiều người cho rằng cái móng rồng đã giúp cho Triệu Việt Vương thắng Lý Phật Tử là do Chử Đồng Tử cho, trong khi Việt Điện U Linh Tập không nói là của ai. Vậy đầm Dạ Trạch không phải là đầm Nhất Dạ, và theo Cương Mục, tên đầm Dạ Trạch có thể là do biệt hiệu Dạ Trạch Vương mà dân chúng hay quân Tàu đã đặt cho Triệu Quang Phục khi thấy ông chỉ ra khỏi đầu về ban đêm (xem Cương Mục, tiền biên, IV, 6b).

72. Thấy một con rồng Việt Điện U Linh Tập chỉ nói trống không như thế chứ không nói rõ đó là Chử Đồng Tử.

73. Bá Tiên về Tàu để dẹp giặc Hầu Cảnh để Dương Sằn ở lại. Đây là một cơ hội may mắn cho Triệu Quang Phục quật khởi vì Dương Sằn không phải là một tay dũng tướng như Trần Bá Tiên.

74. Lộc Loa và Vũ Ninh nay ở vào khoảng các huyện Quế Dương và Vũ Giang (Bắc Ninh)

75. Triệu Quang Phục xưng Vương tháng 4 âm lịch, tức ngày 24‐4‐548, Việt Điện U Linh Tập nói năm 551 chắc sai.

76. Lý Phật Tử có nghĩa là một đồ đệ của đức Phật họ Lý, tên của vị anh hùng này chứng tỏ sức bành trướng của Phật giáo vào khoảng thế kỷ thứ 6 thứ 7. Phật Tử ở chỗ mà năm 580, Vinitaruci (Tỳ Ni Đa Lưu Chi) sang truyền bá Phật giáo (nhận xét của Durand)

77. Sông Đà Giang: có thể là sông Mã ở Thanh Hóa. Dã Năng được thiết lập ở đầu sông Mã, vùng rừng núi của Thanh Hóa. Từ đấy, Lý Phật tử kéo quân xuống phía Đông để gặp quân của Triệu Quang Phục ở Thái Bình, tức Sơn Tây ngày nay; như thế, vị trí của hai nơi đối chiếu với nhau rất hợp lý (nhận xét của Durand).

78. Động Dã Năng: Chữ Động ở đây không có nghĩa là cái hang mà là một vùng đất thường là miền núi khô khan có người dân sơn cước ở. Động có thể hiểu như là một xóm, một làng. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí (A.69 tờ 142), năm 1838, Minh Mệnh đổi động thành xã. Có nhiều động rất lớn. Động Dã Năng là một miền đất cao về phía sông Mã, Thanh Hóa.

79. Thiên Bão mất năm 555. Hoăng: chết (nói về một người có tước vương, cũng như dùng chữ băng để chỉ vua chết).

80. Bãi Quân thần: làng Thượng Cát, Hạ Cát, Hà Đông.

81. Ô Diên: theo Địa Dư Chí của Nguyễn Trãi (Ưc Trai Tập, quyển 6, tờ 6a) O Diên ở trong huyện Từ Liêm. Hoàng Việt Địa Dư Chí (quyển 1, tờ 432) và cương mục cho O Diên là Hạ Mỗ ngày nay, nơi có đền thờ Nhã Lang, trên đường Hà Nội, Sơn Tây. Ô Diên nay thuộc tỉnh Phúc Yên.

82. Nhã Lang: theo thần tích làng Hạ Mỗ là con thứ hai của Lý Phật Tử. Đệ bát lang hoàng tử mà chính Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” (quyển 6, tờ 1b) cũng lầm là Nhã Lang thực ra là một con người khác của Phật Tử, người em cách Nhã Lang sáu người. Nhã Lang khéo léo được Triệu Việt Vương yêu mến như con, bắt ở gửi rể. Có lẽ đó là kế hoạch đã dự mưu. Cứ nghe những lời tha thiết của chàng nói với Cảo Nương thì rõ. Các tác giả Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca đã viết khi Lý Phật Tử ngỏ ý muốn thông gia thì hai tướng của Triệu Việt Vương đã can gián nhà vua và dẫn chứng chuyện Trọng Thuỷ và Mỵ Nương để chứng tỏ manh tâm của cha con họ Lý. Triệu Việt Vương không nghe.
 
Chương 3 : Tiếm bình


Vua tiền Lý Nam Đế mang cái tư cách hơn đời, rửa được cái nhục bị khuất ở người, như chim cắt giăng thanh thế ở Cửu Đức, như chớp nhoáng ở Việt Nam, xưng đế đặt quan, đổi niên hiệu, dựng quốc hiệu, như thế cũng đáng gọi là kẻ hào kiệt ở Nhật Nam, Bá Tiên sáng Nam, động Khuất Liệu lui giữ, khiến cho người đời có ý bất mãn.

Phật Tử, Quang Phục đều là bộ tướng của nước Vạn Xuân, một bên thì ở đất Châu Diên, chờ cơ mà giết Dương Sằn, một bên thu thập dân chúng ở động Dã Năng, thừa thời mà dòm lãnh biểu, đều Đế đều Vương, đủ thư chí tráng. Nhưng mà một vực không dễ ở được hai con giao, một cây không dễ đậu được hai con trống, biên giới tuy cắt chứ hùng tâm không cắt, cưới nàng Cảo Nương, đổi móng rồng đâu mâu, bức cửa biển Đại Nha, chiếm cứ thành Đại Loa, hiểm thay sự dụng tâm của vua Lý Nam Đế. Triều nhà Trần sách phong cả hai, không chia Giáp-At nhưng rộng xét như tập U Linh đã chép thì Việt Vương có phần chính hơn. Cái chuyện Long quân vạch nước đưa Vương xuống sông, hoặc giả dấu việc tử trận để mà hồi hộ cho Vương chăng!

Móng rùa của nhà Thục bị đổi trong tay Trọng Thuỷ; móng rồng của nhà Triệu bị đổi trong tay Nhã Lang, trước sau ảnh hưởng giống nhau, cũng bởi hai nàng đắm đuối vì tình mà không hiểu đến cơ quan của lang quân thâm độc. Còn như nàng Mỵ Châu dấu sáng ở giếng ngọc, nàng Cảo Nương ngậm giận ở cửa Tiểu Nha, trong chỗ u minh, hoặc có hoặc không, hoặc may hoặc rủi, việc ấy có chăng? “Đức Khổng Thánh không nói chuyện quái”.
 
Chương 4 : Thiên Tổ Địa Chủ Xã Tắc đế quân


Đế Quân Để Hậu Tắc, dạy dân trồng các giống lúa, từ đời nhà Chu về sau được thờ làm xã thần. Nước ta đặt đền thờ ở bên cửa Quốc Bình phía Nam La Thành. Miếu điện tôn nghiêm, tục gọi là Xã Đàn, uy linh của Thần lúc nào cũng hiển hách. Trải qua mấy triều, lúc nào lễ Giao cũng phối Thần với Trời; năm nào có đại hạn hay sâu keo, cúng cầu có linh ứng.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, truy phong tước Hậu Tắc Ty Đế Quân; đến năm thứ tư cải phong Thiên Tổ Xã Tắc Đế Quân. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong Thiên Tổ Địa Chủ Xã Tắc Đế Quân.
 
Chương 4 : Tiếm bình


Chép rằng có công đức với dân thời nên thờ, thần Hậu Tắc cho dân ta có cơm ăn, công đức có gì lớn lao bằng, nước có đền thờ kể đã lâu lắm. Nước ta gây dựng cơ đồ ở Nhật Nam, xưng là dòng dõi nhà An, nhang trầm cúng vái, thầm có ý bổ sự an ninh lâu dài nghìn trăm năm về sau. Nhưng mà Đế Quân chẳng phải hiệu, Thiên Tổ chẳng phải tên, tự điển nên xưng là thần Hậu Tắc ngõ hầu mới được rõ ràng dễ hiểu. Xét bậc Tiên nông chỗ nào cũng có thờ, duy nước ta mới được xưng là Xã Tắc. Triều nhà Lê, từ khi chia giới hạn ở sông Linh Giang, lấy Cầu Dinh làm trọng trần, trần có nền Xã Tắc, không chép vào kinh điển.

Nhà Nguỵ Tây ở Phú Xuân mà trấn Nghệ An còn để đàn hiệu, gần đây có một tên học trò, ưa khôi hài, khéo đó họa; quan Thự Trần nhà Nguỵ tế Xã Tắc, lễ xong, bèn khiến tên học trò vẽ một bức đồ, đàn cuộc giống như lễ tế, ở dưới vẽ một con chó ăn những cái xương dư sau khi tế xong, và để sáu chữ rằng: “cẩu hữu lợi ư xã tắc”, nghĩa là chó có có lợi cho xã tắc, ý là để chê khéo vậy. Ôi! Thần là bậc thông minh chính trực, tế mà phi lễ thì thần có chịu hưởng không, hay là nhổ nước miếng mà bỏ đi?

Vả lại, trong nước khi cấy lúa,khi gặt lúa, cho đến việc cầu trừ đại hạn sâu keo đều cúng ông Thần Nông, mà lễ thường tân (cơm mới) chỉ dùng ở các đình chùa nhà miếu mà thôi, thật là trái gốc.

Trộm nghĩ trong một năm, đến lễ Thường Tân, nên làm lễ Cầu Phúc lớn, heo xôi cỗ bàn cho tinh khiết để đền ơn Thần, năm nào được mùa thì hát xướng để cho Thần vui, chẳng những hợp với lễ văn hữu báo, mà năm đã được mùa thì trăm vùng không thiếu, công tư đều tiện. Điều ấy nên chép làm lệ thường, cứ theo đó mà thi hành, chớ nên câu nệ thì mới được vậy.
 
Chương 5 : Nhị Trưng phu nhân


Sử chép: Bà chị tên là Trắc, bà em tên là Nhị, vốn họ Lạc[83], con gái Lạc tướng ở Giao Châu ta, người huyện Mê Linh, châu Phong. Bà chị được gả cho Thi Sách, người huyện Chu Diên. Thi Sách là người có dũng lực, trọng hào khí, tiếng đồn như gió, bị Thứ sử Tô Định thiết kế hãm hại. Bà chị phẫn nộ mới cùng với em cử binh trục xuất Tô Định, công hãm Giao Châu ta.

Do đấy, Nhật Nam, Hợp Phố, Cửu Chân đều trống gió mà hưởng ứng, lược định hơn sáu mươi thành ở Lĩnh Ngoại, tự lập lên làm vua nước Việt, đóng ở Chu Diên[84] mới xưng là họ Trưng[85].

Lúc bấy giờ Tô Định chạy qua Nam Hải, Quang Vũ nhà Hán nghe tin, giận mà biếm Định qua quận Thiểm Nhĩ, sai bọn Mã Viện Lưu Long đem đại quân sang đánh đến Lãng Bạc[86], Phu Nhân cự chiến, nhưng quả bất địch chúng, phải lui về bảo về Cấm Khê[87]; quân lính ngày một ly tán, Phu Nhân bị thế cô phải tử trận. Thổ nhân thương cảm, lập đền thờ phụng, thường có linh ứng, bây giờ đền thờ ở huyện An Hát.

Vua Anh Tông nhà Lý, nhân trời đại hạn, khiến thiền sư Tịnh Giới đến đền cầu mưa, quả được mưa, khí mát buốt người. Vua mừng liền qua xem, hốt nhiên ngủ mộng thấy hai thiếu nữ mặt hoa mày liễu, áo lục quần hồng, mão đỏ, thắt lưng, cỡi ngựa sắt theo mưa mà chạy ngang. Vua lấy làm lạ mới hỏi. Đáp rằng:

- Thiếp là chị em Nhị Trưng đây, vâng mệnh Thượng đế xuống làm mưa.

Vua tỉnh dậy mà cảm, sắc phong trùng tu từ vũ, rồi sắm lễ vật đến tế, sai sứ rước về phía Bắc Đại nội, dựng đền Vũ Sư mà thờ phụng. Sau lại thác mộng cho vua xin lập đền thờ ở làng Cổ Lai, vua nghe theo, sắc phong Trinh Linh Phu Nhân.

Năm Trùng Hưng thứ tư, phong bà chị là Chế Thắng phu nhân, năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia thêm hai chữ Thuần Trinh. Lại gia phong thêm cả bà chị và bà em hai chữ Bảo Thuận, thường thường vẫn có linh ứng.

__

83. Theo Lĩnh Nam Chích Quái, tên họ của hai bà là Lạc. Chữ này rất giống với chữ Lạc nên ta có thể nghi ngờ mà cho rằng có lẽ tác giả Lĩnh Nam Chích Quái là Trần Thế Pháp đã đồng ý với Lý Tế Xuyên mà công nhận họ của hai bà Trưng là Lạc. Theo Cương Mục thì Trưng Vương vốn họ Lạc, lại có họ khác nữa là Trưng (Cương Mục, quyển II, tờ 9b). Chồng bà Trưng Trắc tên là Thi chứ không phải là Thi Sách (theo Thuỷ Kinh Chú, q.37, tờ 62).

84. Theo Lĩnh Nam Chích Quái, Trưng Vương đóng đô ở Ô Diên, theo Cương Mục và phần đông sử sách thì là bà đóng đô ở Mê Linh là huyện nhà, ở châu Phong nay làng Hạ Lôi tỉnh Phúc Yên.

85. Lĩnh Nam Chích Quái cũng nói rõ là khi xưng vương bà Trưng mới xưng là họ Trưng. Cương Mục chỉ nói “Lược định được 65 thành ở Lĩnh Nam, ngài tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh (hay Mi Linh).

86. Hồ Lãng Bạc: tức Hồ Tây ngày nay, theo Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, nhưng theo Maspéro Lãng Bạc ở vào vùng Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Cương Mục cũng cho Lãng Bạc là Dân Đàm, tức Hồ Tây.

87. Cấm Khê nay ở Vĩnh Yên, phủ Vĩnh Tường. Cứ xem cách giàn trận của Mã Viện thì Lãng Bạc có thể ở Tiên Du. Tại sao ở miền núi lại không thể có hồ và sóng bạc? (xem lời chú tỉ mỉ về Cấm Khê trong Cương Mục, tiền biên, q.II, 11b.)
 
Chương 5 : Tiếm bình


Trung triều xa cách, quan Thú Lệnh tham tàn, lúc bấy giờ trăm trai nước Việt đều là vợ hầu của Tô Sứ Quân cả.

Phu Nhân lấy tư chất là một người vợ hiền, mang mối thù bất công đái thiên. Quần thoa xướng nghĩa, quê thác liền thề đuổi quan Thứ sử, chiếm lại đô thành, bờ cõi Cửu Chân, Hiệp Phố lại thấy rõ ánh sáng mặt trời, há chẳng phải là oanh oanh liệt liệt một kẻ trượng phu hay sao?

Từ xưa cho đàn bà là âm nhu, ở về hào lục ngũ, như bà Lữ Trì nhà Hán, bà Võ Anh nhà Đường vẫn thường hiệu lệnh thiên hạ, hét nạt gió sấm, nhưng đều nhờ nghiệp cả của Tiên Đế, khinh bỉ Tự quân là trẻ con, dùng oai lực ngự hạn kẻ dưới, rốt cuộc cũng chỉ là kẻ có tội muôn đời. Trái lại hai Phu Nhân đây, đem một lữ đoàn binh sĩ, một mai mà hạ năm mươi sáu thành, dũ xiêm Bách Việt, trở mặt phương nam mà xưng Cô, cùng với Triệu Vũ Đế, Lý Nam Đế không hơn không kém, khiến cho đời sau đều tôn xưng là Vương. Tuy chẳng chịu theo kế hoạch của người mới có trận thua ở Cấm Khê, mà cái khí tượng chính đại quang minh đã bao trùm cả khoảng trời đất, khiến cho người đời thán mộ và hăng hái thêm thì con gà mái gáy buổi mai của nhà Hán, nhà đường có đáng làm đứa thị tỳ đội dung quan, mặc lục y đẩy xe cho hai bà hay không?

Bây giờ miếu ở cửa An Hát huyện Phúc Lộc, đền đài nghiêm chỉnh, người vào chiêm bái đều phải khởi kính; người trong ấp mỗi khi có lễ rước thì làm ra voi ngựa hệt như khi hai bà ra trận, khí tượng thật là oai hùng. Ở An Lãng, Hạ Lôi đều có tự nghi trương khí, miếu mạo tráng lệ, hành khách đi ngang qua miếu đều phải lưu luyến thưởng ngoạn, đến cả mặc khách tao nhân cũng qua lại ngâm đề như dệt, thực Phu Nhân là bất tử vậy.

Gần đây, có bà liệt phụ ở Trảo Nha, bà trinh phi ở Tỳ Bà, thung dung tựu nghĩa, toàn quốc ai cũng tấm tắc khen ngợi. Khí khái của hai bà này phỏng khiến gặp địa vị như Trưng Vương biết đâu chẳng khôi phục đất Mê Linh mà cướp cả Chu Diên, tiếng vang Nhật Nam mà sóng êm hồ Lãng Bạc, làm những sự long trời động đất vậy.
 
Chương 6 : Hiệp Chính Hưu Thiện Trinh Liệt Chân Mãnh phu nhân


Phu Nhân không rõ họ gì, người nước Chiêm Thành[88], tên là Mỵ Ê, vợ vua Chiêm Thành tên là Sạ Đẩu.

Triều vua Thái Tông nhà Lý, Sạ Đẩu không tu chức cống, thất lễ phiên thần, vua Thái Tông thân hành đem quân nam chinh[89], Sạ Đẩu bày tượng trận ở sông Bố Chính, dần dần bị vương sư đánh phá; Sạ Đẩu tử trận, các cung phi thê thiếp của Sạ Đẩu đều bị bắt sống đem về. Thuyền về đến sông Lý Nhân[90], vua nghe Phu Nhân có sắc đẹp mới mật sai quan Trung sứ vời Phu Nhân đến chầu Ngự thuyền.

Phu Nhân không giấu được sự phẫn uất, chối từ rằng:

- Vợ hầu mường mọi, y phục xấu xí, ngôn ngữ quê mùa, không giống các bậc phi tần Trung Hoa, nay quốc phá phu vong, chỉ nguyện có chết là thỏa lòng, nếu áp bức hợp loan sợ ô uế long thể.

Rồi Phu Nhân mật lấy tấm chăn quấn kín mình lại (vải tốt của Chiêm Thành), nguyện phó tính mạng cho dòng sông. Một tiếng đánh ầm, hình bóng mỹ nhân đã cuốn theo dòng nước mất tích.

Thái Tông kinh dị, tự hối và cho người cấp cứu nhưng không kịp nữa. Chỗ ấy về sau, mỗi khi đêm vắng sông êm, trăng thanh sao sáng, thường nghe có tiếng đàn bà khóc than, dân trong thôn lấy làm lạ mới làm đơn xin lập đền thờ tự; từ đấy không nghe có tiếng than khóc nữa.

Sau vua Thái Tông ngự đến sông Lý Nhân, thuyền chèo giữa dòng thì trông thấy trên bờ có đền thờ. Vua lấy làm lạ mới hỏi tả hữu; tả hữu đem chuyện Phu nhân tâu cho vua nghe. Vua ngồi lặng thinh hồi lâu mới bảo rằng:

- Không ngờ man nữ lại có bậc u trinh như thế, quả là một hạng gái phi thường, thế nào nó cũng báo Trẫm.

Đêm ấy đã canh ba, trời gần sáng, hốt nhiên nghe một trận gió thơm, khí lạnh buốt người, thấy một người đàn bà vừa lạy vừa khóc rằng:

- Thiếp nghe đạo làm đàn bà là tòng nhất nhi chung, Tiên quốc vương của thiếp tuy chẳng dám cùng Bệ hạ tranh xung nhưng cũng là một bậc nam tử, một phương kỳ tài, thiếp được lam dự khăn lược, ân ái thao vinh: bất hạnh quốc phá phu vong, thiếp đêm ngày thê lương chỉ lo đồ báo, nhưng quần thoa yếu ớt biết tính làm sao? May nhờ hồng ân Bệ hạ sai sứ đưa thiếp xuống tuyền đài cùng chồng hội diện, sở nguyện của thiếp được thỏa mãn rồi còn có linh gì mà dám đến đây đường đột?

Nói đoạn biến mất. Vua thất kinh tỉnh vậy, thời là một giấc chiêm bao. Vua truyền đem lễ vật và rượu đến đền cúng tạ, phong Hiệp Chính Vương. Về sau xa gần cầu đảo, đều có linh ứng.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Hiệp Chánh Hựu Thiện Phu Nhân, năm thứ tư thêm hai chữ Trinh Liệt. Năm Hưng Long hai mươi mốt gia phong hai chữ Chân Mãnh, đến nay vẫn còn phụng sự, càng thấy linh ứng vậy.

__

88. Chiêm Thành tức là Lâm Ấp ngày trước. Tên Chiêm Thành có từ đầu đời Lý và trải rộng từ Hoành Sơn đến Bình Thuận ngày nay, nghĩa là đến Phan Thiết.

89. Lý Thái Tông(1028‐1054), nam chinh Chiêm Thành năm Giáp Thân (1044) vì đã 16 năm, Chiêm Thành không tuế cống lại xâm phạm miền duyên hải Việt Nam năm 1043.

90. Sông Lý Nhân ở Phủ Lý.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top