Chương 5: Mở đầu
Khởi đầu là Chúa Lời, và Chúa Lời ở bên Chúa, và Chúa Lời là Chúa. Đó là khởi đầu với Chúa, và nhiệm vụ của mọi tu sĩ kính đạo là ngày ngày, với sự khiêm cung, ngân nga điều vĩnh cửu duy nhất mà sự thật hiển nhiên của nó có thể khẳng định được. Nhưng ngày nay, chúng ta nhìn qua một lăng kính tăm tối, và sự thật, trước khi được phơi bày ra với mọi người, chỉ hiện lên qua những mảnh vụn của thế gian lầm lạc này, do đó ta phải xướng lên những dấu hiệu trung thực của nó, thậm chí khi chúng đối với ta có vẻ còn mờ nhạt, và như thể đã trộn lẫn với một tâm địa hoàn toàn độc ác.
Sau khi đi đến cuối đường đời tội lỗi của mình, tóc đã bạc, tôi hóa già đi cùng với thế gian ngày mỗi già nua này, đợi đến ngày sẽ mất hút vào vực sâu thăm thẳm của cõi thiêng liêng yên vắng và cùng dự vào ánh sáng thánh thiện của trí tuệ. Giờ đây, với tấm thân nặng nề, bệnh hoạn, quanh quẩn trong căn phòng nhỏ nơi tu viện Melk thân yêu này, tôi chuẩn bị để lại trên bản da này lời chứng của tôi về những sự kiện kỳ diệu và kinh khủng tôi đã chứng kiến trong thời trai trẻ, ghi lại đúng từng chữ một tất cả những gì tôi đã tai nghe mắt thấy, không theo một bản mẫu nào cả, mong truyền lại cho hậu thế các dấu hiệu và biểu tượng, để những người đi sau sẽ xin nguyện cầu giải mã tìm ra ý nghĩa của chúng.
Xin Chúa ban ân cho các lời chứng trong sáng của con về những sự việc đã xảy ra trong tu viện, mà vì đạo đức và tôn kính, con nghĩ chẳng nên nói tên ra. Lúc đó, vào khoảng cuối năm 1327, năm Hoàng đế Louis hạ giáng xuống nước Ý để khôi phục lại chức vụ của Thánh Đế La Mã, tuân theo ý Chúa và trước sự hoang mang của tên soán ngôi tàn ác, tên buôn thần bán thánh, tên lãnh tụ dị giáo, kẻ đã làm ô danh các tông đồ của Chúa ở Avignon. Tôi muốn nói đến linh hồn tội lỗi của Jacques, kẻ được những tên vô đạo kính cẩn gọi là John XXII.
Có lẽ để giúp các bạn hiểu rõ những biến cố mà tôi đã tham dự vào, tôi cần kể lại những gì đã xảy ra trong những năm hồi cuối thế kỷ trước, theo như cách tôi hiểu qua thực tế bản thân hồi bấy giờ, và theo như cách tôi nhớ lại bây giờ, bổ sung thêm những câu chuyện khác tôi được biết sau đó – nếu như trí nhớ tôi vẫn còn khả năng đan nổi cơ man các sự kiện rối bung lại với nhau.
Hồi đầu thế kỷ trước, Giáo hoàng Clementé V đã dời Giáo triều về Avignon, để mặc La mã trở thành miếng mồi ngon cho các lãnh chúa tham lam ở địa phương, rồi dần dần thành phố thánh của Kitô giáo đã bị biến thành một gánh xiếc, hay thành một nhà chứa, bị các thủ lĩnh của thành phố tranh giành xâu xé lẫn nhau. Nó chẳng phải là một nước Cộng hòa dù người ta vẫn gọi như vậy, và thường bị các nhóm vũ trang tấn công nhằm gây bạo động hay cướp bóc. Các tu sĩ trốn tránh luật đời đã cầm đầu những bọn bất lương xách gươm đi cướp của, và lộng hành thực hiện các vụ phạm giới. Làm thế nào ngăn thành phố lãnh đạo thế giới khỏi trở thành mục tiêu của kẻ muốn chiếm lấy ngai vàng của Thánh đế La Mã, và khôi phục chức vị của lãnh địa đó, trước đây vốn thuộc về Caesars?
Do đó, năm 1314, năm vị Hoàng tử Đức ở Francfurt đã bầu Louis lên ngôi trị vì tối cao của Đế chế. Nhưng cũng cùng ngày đó, bên kia bờ sông Main, bá tước Palantine và Tổng Giám mục xứ Cologne đã bầu Frederick nước Áo lên cùng ngôi vị đó. Hai Hoàng đế cho một ngai vàng và một Đức Giáo hoàng cho hai Hoàng Đế; quả là một tình thế khiến phát sinh cảnh đại hỗn loạn.
Hai năm sau tại Avignon, một Giáo hoàng mới được cử lên. Ông là Jacques, một ông già 72 tuổi, kẻ, như tôi đã nói, lấy tên là John XXII. Và Chúa đã phán rằng, không một Giáo hoàng nào lại được lấy cái tên như thế nữa, cái tên mà những người chính trực ngày nay vô cùng ghê tởm. Là một người Pháp tận tụy với vua Pháp, ông đã ủng hộ tên Philip đẹp trai chống lại các Hiệp sĩ Templar (1), những người đã bị nhà vua buộc oan uổng vào những tội ác ghê tởm nhất, để ông có thể chiếm đoạt tài sản của họ, nhờ sự đồng lõa của tên giáo sĩ phản đạo đó.
Năm 1322, vua Louis đánh bại kình địch của mình là Frederick. John sợ hãi Hoàng đế duy nhất, thậm chí còn hơn cả khi lão sợ hai Hoàng đế. Ông bèn rút phép thông công của người chiến thắng; vua Louis đổi lại, bèn tố cáo Giáo hoàng là kẻ lạc đạo. Tôi cũng cần kể lại, trong chính năm đó, Đại hội của Dòng Francisco ở Perugia đã diễn ra như thế nào, và Tổng Giám mục Michael, theo lời khẩn cầu của các tu sĩ dòng Thánh thần, đã tuyên bố về sự nghèo khó của Chúa Kitô như một vấn đề về đức tin và giáo lý ra sao. Ông phán, nếu Chúa Kitô cùng với tông đồ có sở hữu một vật gì đó, Ngài chỉ sở hữu nó như một vật hữu ích. Một nghị quyết cao quý nhằm bảo vệ phẩm hạnh và đạo đức của dòng tu như thế khiến Giáo hoàng vô cùng khó chịu. Có lẽ lão nhận thấy rõ nghị quyết đó chứa đựng một nguyên lý có thể đe dọa những yêu sách lão đã đưa ra, với cương vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội, như khước từ việc triều đình được quyền bổ nhiệm Giám mục, ngược lại, khăng khăng cho rằng Giáo hoàng có quyền trao quyền cho Hoàng đế. Bị khích động bởi nhiều nguyên do này nọ, năm 1323, John ban sắc lệnh tố cáo các đề nghị của dòng Francisco.
Theo tôi, chính vào thời điểm đó, vua Louis mới xem các tu sĩ dòng Francisco, nay là kẻ thù của Giáo hoàng, như những người bạn đồng minh tiềm tàng của người. Bằng việc khẳng định sự nghèo khó của Chúa Kitô, mặt này hay mặt khác, họ đang củng cố tư tưởng các nhà Thần học ở triều đình, như Marsilius và John xứ Jandun. Và cuối cùng, trước khi xảy ra các biến cố tôi đang thuật lại chừng vài tháng, vua Louis dàn xếp với vị vua chiến bại Frederick, rồi hạ giáng xuống Ý và lên ngôi vua ở Milan.
Đó là tình hình khi tôi – một tu sinh trẻ ở tu viện dòng Benedict xứ Melk – bị cha ép rời khỏi cảnh êm ấm ở nhà thờ để chen lấn đi trong đoàn tùy tùng của vua Louis, như một tên tiểu tốt hèn mọn. Cha tôi nghĩ nên dắt tôi theo để tôi được xem các danh lam thắng cảnh ở Ý và dự buổi đăng quang của Hoàng đế tại La Mã. Nhưng rồi cuộc bao vây thành Pisa khiến ông phải dồn tâm sức vào việc binh bị. Còn lại một mình, tôi đi lang thang trong các thành phố của xứ Tuscany, một phần vì nhàn rỗi, một phần vì muốn học hỏi. Nhưng cha mẹ tôi e ngại sự tự do phóng túng này không thích hợp với một thiếu niên đã hiến đời mình cho việc tu hành. Theo lời khuyên của Marsilius, một người rất yêu mến tôi, cha mẹ tôi quyết định đặt tôi dưới quyền giám hộ của một học giả dòng Francisco, Sư Huynh William xứ Baskerville, hiện sắp nhận lãnh một sứ mệnh sẽ đưa ông đến các thành phố nổi tiếng và tu viện cổ xưa. Thế là tôi trở thành môn đệ, đồng thời là người ghi chép của Thày William, và tôi chẳng bao giờ ân hận về việc này, vì cùng với ông, tôi đã được chứng kiến những biến cố đáng thuật lại, như tôi hiện đang ghi để truyền cho hậu thế.
Lúc bấy giờ tôi chẳng biết thầy William đang tìm kiếm điều gì, và tình thực mà nói, đến ngày nay tôi vẫn chưa biết. Tôi cho rằng bản thân ông cũng không biết, mặc dù chỉ có hai điều luôn ám ảnh ông, đó là lòng khát khao tìm chân lý và sự hoài nghi rằng chân lý không phải lúc nào cũng hiện ra trước mắt. Có lẽ trong những năm đó, nhiệm vụ thế tục đã khiến ông xao nhãng các công việc nghiên cứu thân thương của mình. Trong suốt hành trình, tôi vẫn chẳng biết tí gì về sứ mệnh đã trao cho thầy William, hay có lẽ ông chẳng bao giờ nói với tôi về việc đó. Chính nhờ nghe lỏm các mẩu đối thoại với các Cha bề trên của các tu viện nơi chúng tôi dừng chân, tôi mới hình dung được vài nét về bản chất của sứ mệnh này. Nhưng chỉ khi đến đích, tôi mới hoàn toàn hiểu rõ nó, như tôi sắp kể ra liền đây. Đích của chúng tôi ở phương Bắc, tuy vậy hành trình của chúng tôi không theo một đường thẳng và chúng tôi đã nghỉ ở nhiều tu viện khác nhau. Thế cho nên, chúng tôi đang rẽ về hướng Tây trong khi mục tiêu cuối cùng lại nằm ở hướng Đông. Chúng tôi hầu như men theo đường núi chạy từ Pisa theo hướng đường hành hương đến Santiego, rồi dừng chân tại một nơi mà những biến cố kinh khủng xảy ra ở đó đã khiến tôi chẳng muốn miêu tả rõ vị trí làm gì. Các Lãnh chúa ở đó đều là chư hầu của triều đình, và các Cha bề trên trong dòng tu của chúng tôi đều nhất trí chống lại đức Giáo hoàng suy đồi và lạc đạo. Hành trình của chúng tôi kéo dài hai tuần, trải qua nhiều nỗi thăng trầm, và trong thời gian đó, tôi có dịp biết rõ ông thầy mới của tôi.
Trong những trang sắp tới, tôi sẽ không sa vào việc miêu tả nhân vật – trừ khi một biểu hiện trên gương mặt, hay một cử chỉ hiện ra như dấu hiệu của một ngôn ngữ không lời hùng hồn – vì, như Boethius nói – không có gì phù du hơn hình thể bên ngoài, vốn sẽ tàn úa, biến đổi đi như hoa trên đồng khi mùa thu đến. Giờ đây, nếu ta miêu tả Cha bề trên Abo có đôi mắt nghiêm khắc, gò má nhợt nhạt thì có ích chi đâu, khi thi thể ông và những người chung quanh ông giờ đã thành tro bụi, và chỉ có linh hồn Chúa ban cho họ là vẫn còn tỏa rạng một ánh sáng không hề tắt? Thế nhưng tôi muốn miêu tả thầy William ít nhất một lần, vì những đường nét độc đáo của ông đã gây ấn tượng mạnh lên tâm trí tôi. Đặc điểm của một người trẻ là thường gắn bó với một người lớn tuổi và khôn ngoan hơn mình, không chỉ do hấp lực toát ra từ lời nói và trí tuệ sắc sảo của người ấy, mà còn do vẻ ngoài của người ấy nữa. Thân thể ấy trở nên rất thân thiết với ta như bóng người cha ruột, người cha ta nhớ rõ từng cử chỉ, quan sát từng nụ cười, từng cái chau mày, nhưng không hề mảy may thèm muốn làm ô uế thân thể đó bằng tình yêu nhục dục.
Ngày xưa, con người cao lớn và đẹp đẽ (ngày nay, họ là lũ trẻ con, lũ lùn), nhưng đó chỉ là một trong nhiều sự kiện nhấn mạnh thảm họa của một thế giới ngày càng già cỗi. Tuổi trẻ chẳng còn muốn nghiên cứu gì nữa, việc học hành đang xuống dốc, toàn thế giới đang đi bằng đầu, những kẻ mù dắt những kẻ cũng mù không kém và khiến họ ngã nhào xuống vực thẳm, chim rời khỏi tổ trước khi bay, lừa đực chơi đàn “lia”, và lũ trâu bò nhảy múa… Tất cả mọi thứ đã đi sai đường. Trong những ngày đó, thầy tôi đã truyền cho tôi sự khao khát học hỏi và khả năng phán đoán đường ngay lẽ phải, dù lối đi có khúc khuỷu quanh co.
Người có óc quan sát tệ nhất cũng phải chú ý ngay đến thể chất Sư huynh William lúc bấy giờ. Ông cao hơn hẳn người thường và rất gầy, nên trông càng cao hơn. Mắt ông sắc, nhìn thấu suốt tâm can; chiếc mũi nhỏ và hơn khoằm khiến gương mặt ông giống một người luôn đặt mình trong tình trạng báo động, trừ những lúc ông lừ đừ mà tôi sẽ nói sau. Cằm ông cũng biểu lộ nét cương nghị, dù gương mặt dài đầy tàn nhang – như tôi vẫn thường thấy ở những người sinh quán tại vùng giữa Hibernia và Northhumbria – đôi lúc lại lộ vẻ lưỡng lự, hoang mang. Về sau tôi mới hiểu vẻ tưởng chừng như hoang mang ấy chính là sự hiếu kỳ, nhưng thoạt đầu tôi ít hiểu về hạnh này nên thường cho rằng đó chỉ là sự đam mê mang tính tò mò, hiếu kỳ. Tôi cứ mãi tin rằng, một người biết suy xét không nên dung dưỡng một sự đam mê như thế, mà chỉ nên theo đuổi chân lý mà ta biết được tự thuở khởi nguyên.
Vào độ trai trẻ ấy, mấy chùm lông màu vàng hoe mọc từ trong tai ông và đôi mày rậm màu vàng đập vào óc tôi những ấn tượng đầu tiên và sâu sắc nhất. Có lẽ ông đã trải qua 50 mùa xuân đời, và do đó đã già lắm rồi, thế nhưng cơ thể khang kiện của ông di chuyển linh hoạt mà ngay bản thân tôi cũng chẳng so kịp. Khi phải đối đầu với một sự kiện đột biến nào, sinh lực trong ông dường như vô tận. Tuy nhiên, tính năng động của ông đôi khi chùn lại và ông uể oải rút về. Tôi đã thấy ông nằm hàng mấy giờ liền trên ổ nệm rơm trong phòng tôi, nhát gừng phát ra vài tiếng mà không hề động đậy một sớ thịt nào trên khuôn mặt. Vào những lúc đó, mắt ông nhìn trống vắng xa xôi, và nếu tôi không biết rõ lối sống thanh bạch, chính trực của ông, hẳn tôi sẽ ngờ ông đang chịu tác dụng của một loại dược thảo gây ảo giác nào đó. Tuy nhiên, tôi công nhận rằng trên đường đi, ông thỉnh thoảng lại dừng chân bên một cánh đồng hay một cánh rừng để lượm hái một loại lá nào đó, rồi nhai nhai chúng với một vẻ rất chăm chú. Ông mang theo một ít bên mình và ăn thứ lá đó vào những lúc thần kinh căng thẳng nhất. Có một lần tôi hỏi ông đó là loại lá gì, ông cười bảo rằng một tín đồ Công giáo tốt đôi khi có thể học tập ở các người vô thần, và khi tôi xin ông được nếm qua thứ lá đó thì ông đáp lại: những loại dược thảo tốt cho một tu sĩ già dòng Francisco lại không tốt cho một tu sinh trẻ dòng Benedict.
Trong thời gian ở bên nhau, thầy trò tôi không có điều kiện sinh hoạt đều đặn lắm: ngay khi ở tu viện, chúng tôi thường thức đêm và ngủ vật vờ vào ban ngày, thường không dự các thánh lễ. Tuy nhiên, trên đường đi, ông hiếm khi thức đêm sau kinh Cuối, và sống rất thanh đạm. Lúc ở tu viện, có khi ông tản bộ suốt ngày trong vườn sau, nghiên cứu các loại cây như thể chúng là trân châu bảo ngọc; tôi cũng thấy ông dạo quanh kho tàng của tu viện, nhìn cái rương nạm ngọc như thể nó chỉ là một bụi táo dại. Có khi ông ở cả ngày trong thư viện, lật các bản thảo như thể chẳng tìm kiếm chi cả mà chỉ muốn ngó qua cho vui, trong khi đó quanh chúng tôi, xác của các tu sĩ bị thảm sát cứ tăng lên mãi. Một ngày nọ, tôi bắt gặp ông đang rảo bước trong vườn hoa, chẳng có chủ đích gì rõ rệt, như thể ông chẳng cần giải thích với Chúa công việc của mình. Ở dòng tu của tôi, người ta dạy tôi cách sử dụng thời gian hoàn toàn khác, và tôi đem kể với ông như vậy. Ông đáp rằng vẻ đẹp của vũ trụ không chỉ xuất phát từ sự tổng hòa nhiều bản thể đa dạng, mà còn từ sự đa dạng của các bản thể trong khối tổng hòa…
Trong thời gian thầy trò tôi ở tu viện, tay ông lúc nào cũng bám đầy bụi sách, bụi nhũ, từ những minh họa còn mới, hay chất bột vàng vàng ông xem thử trong bệnh xá của Severinus. Dường như ông cần có đôi tay để suy nghĩ, một đặc tính tôi cho rằng hợp với thợ sửa chữa hơn. Nhưng khi ông chạm vào những vật mỏng manh nhất, chẳng hạn những quyển sách chép tay mới được minh họa, hay những trang giấy cũ mèm, giòn như bánh không men, tôi cảm thấy trong đôi tay ông một vẻ dịu dàng khác thường, vẻ dịu dàng ta vẫn nhận biết khi ông nâng niu các máy móc của mình. Tôi xin kể cụ thể, làm cách nào con người lạ lùng ấy đã mang theo trong chiếc xắc bên mình những vật dụng tôi chưa hề thấy mà ông vẫn gọi là các bộ máy kỳ diệu. Ông nói máy móc là kết quả nghệ thuật của con người, và cái chúng tái sản xuất ra không phải là các hình thái, mà là sự vận hành của chính chúng. Ông giảng cho tôi nghe những điều kỳ diệu trong chiếc đồng hồ, máy đo độ cao thiên thể và nam châm. Thoạt đầu, tôi sợ đó là phép phù thủy, nên bèn giả vờ ngủ say trong những đêm ông ngắm nhìn tinh tú, tay cầm một vật hình tam giác lạ lùng. Những tu sĩ dòng Francisco ở Ý và quê tôi là những người rất chất phác, thường là thất học, và tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đối với tài học của ông. Nhưng ông mỉm cười bảo các tu sĩ dòng Francisco ở đảo ông được đúc trong một khuôn khác: “Roger Bacon, người ta kính như thầy, đã dạy rằng Luật tạo hóa một ngày kia sẽ bao gồm khoa học về máy móc, một phép lạ tự nhiên và lành mạnh. Trong tương lai, bằng cách khai thác sức mạnh thiên nhiên, con người sẽ có thể tạo ra những công cụ hàng hải cho phép chỉ cần một người điều khiển tầu thuyền tiến lên, và tầu chạy nhanh hơn nhiều so với các tầu thuyền chạy bằng buồm hay chèo tay. Rồi sẽ có những xe tải tự hành và những phương tiện bay, được cấu tạo sao cho con người ngồi bên trong chỉ cần xoay một bộ phận nào đó là có thể đập đôi cánh nhân tạo theo cách chim bay. Rồi những công cụ nhỏ tí xíu sẽ nhấc được những trọng lượng nặng và con người sẽ có các phương tiện du lịch dưới đáy biển”.
Khi tôi hỏi hỏi thầy những máy móc trên ở đâu ra, ông bảo chúng đã được chế tạo từ thuở xa xưa, và thậm chí có vài loại được chế trong thời đại chúng ta: “Trừ máy bay, ta chưa hề thấy hay biết ai đã nhìn thấy nó, nhưng ta biết một nhà thông thái đã hình thành nó trong óc. Cầu có thể bắc qua sông không cần cột kèo chống đỡ gì cả, và các loại máy chưa nghe nói đến đều có thể là hiện thực. Nhưng con đừng bận tâm nếu chúng chưa xuất hiện, vì như thế không có nghĩa là chúng sẽ không xuất hiện sau này. Và ta bảo con hay rằng, Thượng đế ước mong có những máy đó và chúng hẳn đã hiện hữu trong trí Ngài, dù bạn ta ở Occam có phủ nhận các tư tưởng đã tồn tại như vậy chăng nữa; ta nói điều này không vì chúng ta có thể quyết định thiên nhiên cao quý mà chính vì chúng ta không thể giới hạn gì ở thiên nhiên cả”. Đó không phải là điều mâu thuẫn duy nhất mà tôi được nghe ông phát biểu, nhưng ngay lúc này đây, khi tôi già hơn, khôn hơn thuở xưa, tôi vẫn chưa hiểu hết làm thế nào mà thầy tôi lại tin tưởng vào người bạn của thầy ở Occam như thế, đồng thời lại lấy lời Bacon ra thề, như ông vẫn thường làm. Cũng đúng là vào những thời kỳ đen tối thuở ấy, một người khôn ngoan phải tin vào những điều mâu thuẫn như vậy.
Đó, có lẽ là tôi đã nói năng lảm nhảm về thầy William, như thể thâu lượm những ấn tượng riêng lẻ của tôi thời bấy giờ vào phần Mở đầu này. Ông là ai, và ông đang làm gì, thưa bạn đọc thân mến, có lẽ các bạn sẽ suy ra từ những hành động của ông trong thời gian chúng tôi ở tu viện. Tôi cũng không hứa hẹn sẽ cống hiên cho các bạn một cấu trúc hoàn thiện mà chỉ là một loạt chuyện kể kỳ diệu và kinh khủng.
Và như vậy, sau khi tôi đã lần hồi hiểu rõ thầy tôi và cùng thầy tôi hàn huyên rất lâu trong suốt cuộc hành trình, chúng tôi đến chân đồi, nơi tu viện tọa lạc. Đã đến lúc câu chuyện của tôi bắt đầu, và xin tay tôi đừng run rẩy để tôi chuẩn bị kể lại những việc đã xảy ra.
Chú thích:
[1] Thành viên của Thập Tự Quân, đầu thế kỷ XII, bảo vệ những người hành hương đến Thành địa Palestine.
NGÀY THỨ NHẤT
Tác giả: Umberto Eco
Đến chân Tu viện.
William trổ tài phán đoán
nhanh nhậy và độc đáo.
Một buổi sáng đẹp trời cuối tháng Mười một. Đêm qua có mưa tuyết nhỏ, và mặt nước được phủ một lớp tuyết man mác dày không quá ba ngón tay. Trong màn đêm, ngay sau khi Kinh Ngợi Khen vừa dứt, chúng tôi nghe tiếng kinh cầu vang lên từ ngôi làng trong thung lũng. Khi vầng dương vừa ló dạng, chúng tôi khởi hành đi về hướng núi.
Tôi trông thấy tu viện, khi đang vất vả leo ngược con đường mòn dốc đứng chạy vòng theo ngọn núi. Tôi rất kinh ngạc, không phải vì những bức tường bao quanh tứ phía, hình dạng tương tự như các bức tường ta vẫn thấy trong mọi xứ đạo, mà vì tòa nhà đồ sộ, về sau tôi được biết là Đại Dinh. Đó là một khối bát giác, nhìn từ xa trông giống như một khối tứ giác, một hình khối hoàn thiện, thể hiện tính kiên cố của đất Thánh - các mặt phía nam nằm trên bình địa của tu viện, trong khi các mặt phía Bắc dường như dựng lên từ vách núi thẳng đứng. Tôi có thể nói rằng vách núi với cùng một mầu và chất đá dường như vươn thẳng lên lên trời từ những điểm cố định ở bên dưới, và ở một khoảng nào đó, trở nên một tháp thành sừng sững như công trình của những vị thần khổng lồ thân quen với cả trời và đất. Ba dãy cửa sổ thể hiện rõ nhịp hướng thượng theo thế ba ngôi của dinh thự này, do đó khối thực thể hình vuông dưới đất là cái tinh thần hình tam giác trên trời. Khi chúng tôi đến gần, chúng tôi nhận ra rằng mỗi góc của khối tứ giác này còn bao gồm một ngọn tháp bẩy cạnh, trong đó năm cạnh lộ rõ ra ngoài; như thế, bốn cạnh của khối bát giác lớn tạo nên bốn thất giác đài nhỏ hơn, mà bên ngoài trông như các ngũ giác đài. Do đó, ai cũng có thể nhận thấy sự hòa hợp tuyệt diệu của rất nhiều thánh số, mỗi số thể hiện một ý nghĩa tinh thần cao cả. Tám, con số hoàn thiện cho mọi khối tứ giác; bốn, con số của Phúc âm; năm, con số của ngũ châu trên thế giới; bẩy, con số của quà tặng từ Thánh Linh. Về mặt kiến trúc và qui mô, Đại Dinh trông tương tự như thành Ursine hay thành Monte về sau tôi gặp ở miền Nam bán đảo Ý, nhưng vị trí hẻo lánh xa vời vợi của nó khiến nó trở nên hùng vĩ hơn những Thành kia, và có khả năng khơi dậy nỗi sợ hãi trong lòng người khách đang dần tiến đến gần. Cũng may, chúng tôi đến vào một sáng mùa đông rất quang đãng, nên lần đầu tiên này không phải nhìn thấy tòa Đại Dinh ấy như lúc nó hiện lên trong những ngày giông bão.
Tuy nhiên, tôi không nói nó khiến chúng tôi phấn khởi. Tôi thấy sợ hãi, và mơ hồ cảm thấy bất an. Có Chúa biết linh cảm này không phải là những bóng ma trong linh hồn non dại của tôi, và tôi đang giảng đúng những điềm báo in sờ sờ trong đá vào thời các vị thần khổng lồ khởi công xây dựng, trước khi các tu sĩ tà tâm đem tế tòa Đại Dinh này cho việc giữ gìn lời Thánh.
Khi mấy con la nhỏ của thầy trò tôi vượt lên được khúc rẽ cuối trên núi, nơi đường mòn chính phân làm ba nhánh và tạo nên hai con đường mòn phụ, thầy tôi dừng lại một lát để ngắm con đường, hai bên đường và phía trên con đường, nơi một rặng thông vạn niên thanh dài trên một đoạn ngắn hợp thành một mái nhà thiên nhiên phủ đầy tuyết trắng xóa.
Ông nói:
- Đây là một tu viện giàu có. Tu viện trưởng thích phô trương của cải trong các dịp công lễ.
Tôi đã quen nghe thầy tôi tuyên bố những điều hết sức lạ thường nên chẳng hỏi vặn thầy làm gì. Vừa đi thêm được một đoạn, chúng tôi nghe có tiếng ồn ào và khi đến lối rẽ kế thì một nhóm tu sĩ cùng với tôi tớ, mặt lộ vẻ lo lắng, hiện ra. Một người trong nhóm, khi thấy chúng tôi, bèn tiến đến và chào hỏi rất thân thiện:
- Xin chào Sư huynh, xin Sư huynh chớ ngạc nhiên, chúng tôi đã được thông báo về chuyến đến thăm của Sư huynh. Tôi là Remigio, quản hầm của tu viện. Và nếu như đây chính là Sư huynh William xứ Baskerville thì tôi phải thông báo cho Cha bề trên ngay - Hắn ra lệnh cho một người trong nhóm - Anh chạy lên báo là khách của chúng ta sắp vào nội thành.
- Xin cám ơn Sư huynh Quản hầm - thầy tôi lịch sự đáp lại - Tôi vô cùng trân trọng lòng mến khách của Sư huynh, vì để đón tiếp chúng tôi, Huynh đã phải gián đoạn việc tìm kiếm của mình. Nhưng chớ lo lắng. Chú ngựa đi lối này, theo đường mòn bên tay phải. Nó sẽ đi không xa đâu, vì phải dừng lại khi đến ụ phân. Nó đủ thông minh để khỏi lao đầu xuống cái dốc đứng đó...
- Huynh thấy nó lúc nào ? - Viên quản hầm hỏi.
Thầy William quay nhìn tôi với vẻ thích thú - Chúng ta nào có thấy nó, Adso nhỉ? Nhưng nếu Huynh đang đi lùng Brunellus, chú ngựa chỉ có thể ở nơi tôi vừa nói.
Viên Quản hầm lưỡng lự, nhìn thầy William của tôi, rồi lại nhìn con đường, và cuối cùng hỏi: - Brunellus? Làm sao huynh biết?
- Đi đi, đi đi - thầy William nói - Rõ ràng Huynh đang đi lùng Brunellus, chú ngựa yêu của Cha bề trên, chiến mã trong bầy ngựa, cao mười lăm gang, da sậm, đuôi dầy, vó tròn nhỏ nhưng bước rất vững đều, đầu nhỏ, tai thính, mắt to. Nó rẽ phải, như tôi đã nói, nhưng dẫu sao chăng nữa thì Huynh cũng nên khẩn trương đi thôi.
Viên Quản hầm ngần ngừ thêm một lát nữa, đoạn ra hiệu cho mọi người trong nhóm cùng hối hả chạy theo đường mòn bên tay phải, trong khi la của chúng tôi lại tiếp tục leo dốc. Quá đỗi tò mò, tôi định cất tiếng hỏi thầy William thì ông ra hiệu cho tôi hãy đợi: quả thật chỉ vài phút sau, chúng tôi nghe tiếng reo hò tở mở, và khi đến chỗ ngoặt, chúng tôi gặp lại nhóm tu sĩ cùng với tôi tớ đang nắm dây dắt ngựa đi. Khi họ đi ngang qua, tất cả đều kinh ngạc liếc nhìn chúng tôi đoạn họ vượt lên phía trước, đi về hướng tu viện. Tôi tin thầy William cũng chậm bước lại để họ có đủ thời giờ thuật lại những việc đã xẩy ra. Tôi cho rằng khi cần bộc lộ óc phán đoán nhạy bén của mình thì thầy tôi, một người đức hạnh mẫu mực về mọi mặt, đã vướng phải thói kiêu căng. Nhưng sau khi đánh giá được tài ngoại giao tinh tế của thầy, tôi hiểu ông muốn để cho danh tiếng của một trí giả mở đường trước khi ông đến nơi. Cuối cùng, tôi không kiềm chế nổi nữa, bèn hỏi:
- Giờ xin thầy kể cho con nghe, làm sao thầy biết được điều đó?
- Adso này, suốt cuộc hành trình, ta đã dạy con biết nhận ra những dấu hiệu, qua đó sự việc thế gian mở ra cho ta xem như một quyển sách lớn. Alanus de Insulis đã nói:
Mọi tạo vật trần gian
Như tranh, như sách
Mở ra cho ta chiêm ngưỡng.
Ông đã nghĩ đến những dãy biểu tượng vô hạn mà Chúa, qua các sinh linh, đã sử dụng để phán cho chúng ta về cuộc sống bất tử. Nhưng vũ trụ thậm chí còn giàu sức biểu đạt hơn Alanus nghĩ, và nó không chỉ nói đến những điều tối cao vốn luôn được đề cập bằng những cách mơ hồ, mà còn nói đến những sự vật gần gũi hơn, và khi ấy nó thể hiện rất rõ. Ta hơi ngượng phải nhắc lại cho con những điều con đáng lẽ phải biết. Tại ngã ba, trên mặt tuyết còn mới nguyên, những dấu chân ngựa đi về phía đường mòn bên tay trái của chúng ta hiện lên rất rõ. Với khoảng cách phân bố đẹp, những dấu chân này cho thấy vó ngựa tròn và nhỏ, ngựa đang phi nước kiệu đều đặn - Từ đó ta suy đoán được bản chất của con ngựa, và biết rằng nó không phóng cuồng loạn như một con thú điên. Tại nơi rặng thông tạo thành một mái nhà thiên nhiên, vài nhánh cây ở độ cao năm phít (1) vừa mới bị chạm gẫy. Trên một bụi trong một rặng gai mâm xôi mọc trên ngã rẽ vẫn còn vương lại vài sợi lông ngực mầu đen, dài khi chú ngựa phóng qua đó để quẹo sang đường mòn bên phải, vừa chạy vừa tự hào phất chiếc đuôi đẹp của mình... Cuối cùng, con sẽ không thể nói mình không biết con đường đó dẫn đến ụ phân, vì khi chúng ta đi qua chỗ rẽ ở dưới kia, chúng ta đã thấy một đống phân làm vấy bẩn mặt tuyết trắng ở chân vách đá dốc bên dưới ngọn tháp lớn ở phía Nam. Và theo vị trí của ngã ba, đường mòn đó chỉ có thể dẫn đến hướng đấy.
- Vâng, nhưng còn về cái đầu nhỏ, đôi tai thính, đôi mắt to thì làm thế nào.....?
- Ta không nắm rõ chú ngựa này có những đặc điểm đó nhưng rõ ràng các tu sĩ tin chắc như vậy. Isidore đã nói: một con ngựa đẹp phải có "đầu nhỏ, tai ngắn và nhọn, mắt to, cánh mũi nở rộng, cổ thẳng, đuôi và bờm dầy, vó tròn và cứng". Nếu chú ngựa ta đoán đã đi qua đây không phải là tuấn mã đẹp nhất trong đàn thì chỉ có mấy tôi tớ chăn ngựa chạy đi lùng kiếm nó mà thôi. Thế nhưng, chính quản hầm đã đích thân đôn đốc việc săn lùng lần này. Và đối với một tu sĩ quý ngựa, dù cái mã của ngựa có ra sao đi nữa, người ấy sẽ chỉ nhận thấy nó y hệt như cách miêu tả của các bậc trưởng thượng, đặc biệt nếu - đến đây, thầy nhìn tôi cười ranh mãnh - người ấy là một học giả dòng Benedict.
- Tuyệt, nhưng sao thầy biết tên nó là Brunellus?
- Xin Thánh linh mài giũa óc cho con, con ạ! - Thầy tôi la lên - Chứ nó có thể mang tên nào khác được? Ngay cả Burian Vĩ đại, người sắp trở thành Mục sư ở Anh, khi muốn nhắc đến ngựa trong một suy dẫn của mình, đều gọi tên nó là Brunellus.
Thầy tôi là như thế đó. Ông không chỉ biết cách đọc quyển sách bao la của thiên nhiên, mà còn biết cách các tu sĩ đọc thánh kinh và suy nghĩ qua thánh kinh như thế nào. Chúng ta sẽ thấy biệt tài này sẽ rất hữu ích cho thầy tôi trong những ngày sắp tới. Hơn thế nữa, lời thầy tôi giảng giài lúc ấy thật rõ ràng, đến nỗi tôi thấy hổ thẹn vì đã không tự mình phát hiện ra điều đó. Tuy nhiên, niềm tự hào được làm người tham dự vào việc phát hiện đó đã làm dịu đi nỗi hổ thẹn, và tôi hân hoan vì giờ đây đã tỏ tường sự việc. Sức mạnh của sự thật quả mãnh liệt, đến nỗi giống như điều thiện, nó cũng là người truyền bá cho chính mình và xin Thiên Chúa vinh danh cho điều khám phá tuyệt vời đã ban xuống cho con này.
Nhưng ơ kìa, câu chuyện của ta, hãy tiếp tục đi chứ, kẻ tu hành già nua này đang nấn ná quá lâu với những phụ chú bên lề. Nên kể xem chúng tôi đã đến cổng chính của tu viện như thế nào, và đứng trên thềm là Tu viện trưởng, cạnh người có hai tu sinh cùng đỡ một chậu bằng vàng đựng đầy nước. Sau khi chúng tôi xuống la, Cha rửa tay cho thầy William, ôm hôn ông lên môi và chào đón ông theo nghi thức đạo. Thầy William nói:
- Tạ ơn Cha bề trên. Con vô vàn hân hoan được đạt chân lên tu viện của Cha, danh tiếng của nó đã vượt xa khỏi những ngọn núi này. Con nhân danh Chúa đến đây như một kẻ hành hương, và Cha đã trọng đãi con cũng với tư cách đó. Nhưng con cũng nhân danh Chúa trên thế gian đến đây, như lá thơ con xin trao Cha sẽ nói rõ, và con cũng xin nhân danh người cảm ơn sự đón tiếp của Cha.
Tu viện trưởng đón lá thơ có đóng triện triều đình, và đáp rằng các Tu sĩ của Cha đã viết thơ báo trước việc thầy William đến đây. Đoạn Cha bảo quản hầm đưa chúng tôi về phòng nghỉ trong khi các người giữ ngựa dắt la của chúng tôi về tàu. Cha mong sẽ được viếng thăm sau khi chúng tôi nghỉ ngơi tỉnh táo. Và thế là chúng tôi bước vào khuôn viên rộng mênh mông của tu viện, các tòa nhà trải ra khắp bình nguyên hiền hòa thoai thoải trong vùng trũng hình cái bát mềm mại của đỉnh núi.
Tôi sẽ có nhiều dịp bàn kỹ hơn về địa thế của tu viện. Qua khỏi cổng (lối ra duy nhất ở vòng tường ngoài) là một đường lớn viền hai hàng cây dẫn đến giáo đường. Trải dài về phía trái con đường là một khu trồng rau rộng bao la và một mảnh vườn về sau tôi biết được là vườn sinh học, bao quanh hai dãy nhà tắm, bệnh xá, và vườn dược thảo đàng sau nếp tường uốn lượn. Phía sau vườn, nằm phía trái giáo đường nổi lên tòa Đại Dinh, được ngăn cách với Giáo đường bởi một vuông đất rải rác các ngôi mộ. Cửa Bắc của giáo đường đối mặt với ngọn tháp phía Nam của Đại Dinh, nếu khách đi vào từ hướng chính diện sẽ là ngọn tháp phía Tây. Về phía trái, tòa Đại Dinh tiếp nối với bức tường thành và từ các ngọn tháp nhìn xuống, nó dường như đang lao xuống vực thẳm nằm chênh chếch dười chân ngọn tháp phía Bắc. Phía phải giáo đường là vài tòa nhà nằm theo hướng gió, và một số khác bao quanh nhà tu kín: nhà nghỉ, nhà của Cha bề trên và nhà khách - nơi chúng tôi đang trực chỉ. Chúng tôi đến nhà khách sau khi băng qua một vườn hoa tuyệt đẹp. Một dãy các khu nhà ở của nông dân, chuồng ngựa, cối xay gió, xưởng ép dầu, kho thóc, hầm rượu, và một khu tôi nghĩ là dành cho các tu sinh, nằm phía tay phải bên kia bãi cỏ rộng, dọc theo phía tường Nam và lan tiếp về hướng Đông. Với mặt đất bằng phẳng, hơi nhấp nhô uốn lượn, các kiến trúc sư xa xưa của Thánh địa này đã có thể ứng dụng nguyên tắc Định hướng Nhà thờ tốt hơn Honorius Augustoduniensis hay Guillaume Durant. Xét theo vị trí của mặt trời vào lúc đó, tôi nhận thấy rằng cửa chính của giáo đường quay về hướng Tây, do đó ca đoàn và bàn thờ chính quay mặt về hướng Đông, và ánh dương rực rỡ lúc rạng đông có thể trực tiếp đánh thức các tu sĩ trong nhà nghỉ và các súc vật trong chuồng dậy. Tôi chưa hề trông thấy một tu viện nào đẹp hơn, kiến trúc khoa học hơn tu viện này. Các tu viên tôi gặp sau này như St.Gall, Cluny, Fontenay và nhiều tu viện khác nữa có lẽ lớn hơn nhưng định hướng không hợp lý bằng. Khác với những tu viện kia, tu viện này độc đáo nhờ tòa Đại Dinh với diện tích đồ sộ khác thường. Tôi không có kinh nghiệm của một kiến trúc sư bậc thầy, nhưng tôi nhận thức ngay rằng tòa Đại Dinh đã được xây cất từ rất lâu trước các tòa nhà lân cận bao quanh. Có lẽ nó đã định hướng nhằm phục vụ các mục đính khác và khối tu viện sau đó mới được sắp xếp chung quanh nó, theo một cách sao cho cấu trúc của tòa Đại Dinh cao lớn hòa hợp với cấu trúc của giáo đường, ngược lại cấu trúc của giáo đường cũng phải phù hợp với cấu trúc của Đại Dinh.
Chú thích:
[1] 1 Phút (foot) = 30,5cm. 5 phit (feet) = 150cm, cũng bằng với 5 gang (1 gang = 4 inch = 10cm), chiều cao của con ngựa mà William đã suy đoán ban nẫy.