Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full Tên Của Đóa Hồng

  • Tác giả Tác giả admin
  • Ngày gửi Ngày gửi
Dịch Full Tên Của Đóa Hồng
Chương 60


KINH CHIỀU

Tác giả: Umberto Eco

Ubertino bôn tẩu,

Benno tuân hành luật,

và William nghĩ ngợi

về nhiều loại dục vọng khác nhau

được chứng kiến trong ngày đó .

Khi các tu sĩ chậm chạp ra khỏi nhà nguyện, Cha Michael đến chỗ thầy William, rồi cha Ubertino cũng đến nhập bọn. Tất cả chúng tôi đi ra ngoài, và vào bàn bạc trong nhà dòng, dưới lớp sương mù bao phủ mà chẳng có dấu hiệu gì tan đi cả. Thực ra, bóng tối khiến trời càng mù hơn. Thầy William nói:

- Con nghĩ không cần bàn bạc về những gì đã xảy ra nữa. Bernard đã đánh bại chúng ta. Đừng hỏi con tên tu sĩ dòng Dolcino khờ dại đó có thực sự gây ra những vụ án đó không. Theo con biết, hắn hoàn toàn vô tội. Thực tế là chúng ta bị lùi về khởi điểm. Cha Michael, John muốn Cha một mình đến Avignon, và cuộc họp này đã không cho chúng ta những sự bảo đảm hằng mong chờ. Ngược lại, nó đã cho Cha thấy mỗi lời nói của Cha ở đó có thể bị bóp méo như thế nào. Do đó theo con nghĩ, chúng ta phải suy luận là Cha chớ nên đi.

Cha Michael lắc đầu:

- Ngược lại, Cha sẽ đi. Cha không muốn thúc đẩy sự ly giáo. Sư Huynh William, hôm nay Huynh đã nói rất rõ điều mình muốn. Thế nhưng, đó không phải là điều Cha muốn, và Cha nhận thức được các quyết nghị của Đại hội Perugia đã bị các nhà thần học triều đình sử dụng ngoài ý muốn. Cha muốn Giáo hoàng chấp nhận dòng Francisco với lý tưởng cơ nghèo của nó. Và Giáo hoàng phải hiểu rằng, nếu dòng không khẳng định lý tưởng này, thì nó sẽ không thể chấn chỉnh được những mầm nhánh dị giáo. Cha sẽ đi Avignon, và nếu cần thiết sẽ nhân nhượng John. Cha sẽ chịu hòa hoãn mọi điều, trừ nguyên lý về sự cơ nghèo.

Cha Ubertino cất tiếng: - Cha có biết mình đang liều mạng không?

Cha Michael đáp: - Đành thế. Còn tốt hơn liều mất linh hồn.

Cha Michael đã quyết và chẳng có cách nào khiến Cha đổi ý. Nhưng lại nổi lên một vấn đề khác, và thầy William nói ngay chẳng cần úp mở. Chính Cha Ubertino cũng chẳng còn an toàn nữa. Những lời Bernard đã ám chỉ đến Cha và sự căm ghét của Giáo hoàng; trong khi Cha Michael vẫn còn một uy lực để thương thuyết, thì lúc này đây, Cha Ubertino đã đứng riêng thành một phe…

- John muốn Cha Michael đến triều, và Cha Ubertino xuống địa ngục. Nếu con hiểu đúng con người Bernard, thì từ đây đến mai, với sự đồng lõa của trời mù sương như thế này, Cha Ubertino sẽ bị giết. Và nếu có ai thắc mắc hỏi, thì tu viện sẽ dễ dàng chịu thêm một tội nữa, và họ sẽ nói án mạng gây ra bởi lũ quỉ được Remigio và bầy mèo đen của hắn triệu về, hay bởi một tên tu sĩ dòng Dolcino nào đó còn sống sót, đang rình rập trong những bức tường này…

Ubertino lo lắng hỏi: - Thế thì…?

Thầy William đáp: - Thế thì Cha hãy thưa chuyện với Tu viện trưởng đi. Xin Cha bề trên cấp cho một con ngựa, ít lương thực, và một thơ giới thiệu đến một tu viện thật xa, bên kia núi Alps. Hãy lợi dụng sương mù khi đêm xuống mà ra đi ngay.

- Nhưng bọn lính vẫn đang gác cổng mà?

- Tu viện có những lối ra khác mà Tu viện trưởng biết, chỉ cần một tôi tớ dắt ngựa xuống đợi Cha ở một khúc rẽ phía dưới, sau khi lách qua vài lối đi trong tường, Cha chỉ việc băng qua một khoảng rừng. Cha phải hành động ngay, trước khi Bernard bừng tỉnh cơn say chiến thắng. Con còn phải bận tâm đến một điều khác. Con có hai nhiệm vụ: một đã thất bại, thì ít ra nhiệm vụ thứ hai phải thành công. Con muốn đặt tay lên một quyển sách, và một người. Nếu mọi chuyện êm đẹp, Cha sẽ thoát khỏi đây trước khi con đi tìm Cha lần nữa. Thôi xin tạm biệt.

Thầy William giang tay ra. Ubertino xúc động ôm ghì lấy thầy: - Tạm biệt William. Huynh là một người Anh kiêu hãnh và điên rồ, nhưng Huynh có một tâm hồn vĩ đại. Chúng ta sẽ gặp lại nhau chứ?

Thầy William động viên: - Chúng ta sẽ gặp lại. Chúa mong như vậy.

Tuy nhiên, Chúa lại không mong như vậy. Như tôi đã nói, Ubertino bị giết một cách bí ẩn hai năm sau đó. Một đời gian nan phiêu bạt, ông lão đã sống thật dũng cảm và nhiệt thành. Có lẽ Cha không phải là Thánh, nhưng tôi hy vọng Chúa sẽ phong Thánh để tưởng thưởng cho đức tin sắt đá của Cha. Càng già, càng hiến mình cho Chúa, tôi lại càng xem thường cái chí muốn biết và cái chí muốn làm. Phương tiện cứu rỗi duy nhất mà tôi nhận ra chính là đức tin, có thể nhẫn nại chờ mà không thắc mắc hỏi han. Chắc chắn Cha Ubertino có một đức tin vĩ đại đối với nỗi đau và máu đã đổ của Chúa trên thập giá.

Có lẽ ngay lúc đó tôi cũng suy nghĩ như vậy, và nhân vật già nua huyền hoặc này đã nhận ra, hay đoán được một ngày nào đó tôi sẽ nghĩ thế. Cha ngọt ngào cười với tôi và ôm tôi vào lòng, không xiết tôi như mấy ngày trước. Cha ôm tôi như ông ôm cháu, và tôi cũng âu yếm ôm Cha như vậy. Rồi Cha cùng Cha Michael đi tìm Tu viện trưởng. Tôi hỏi thầy Willam:

- Còn bây giờ?

- Bây giờ, hãy quay lại các vụ án của chúng ta.

- Thưa thầy, hôm nay đã xảy ra nhiều việc nghiêm trọng cho Thiên chúa giáo, và sứ mệnh của chúng ta đã thất bại. Thế nhưng dường như thầy chú ý đến việc tìm ra điều bí ẩn hơn là mâu thuẫn giữa Giáo hoàng và Nhà vua.

- Adso, trẻ con và thằng điên luôn luôn nói sự thật. Trên cương vị cố vấn triều đình thì có lẽ bạn thầy là Marsilius giỏi hơn, nhưng trong vai trò phán quan thì thầy giỏi hơn. Và xin Chúa tha thứ, thầy còn giỏi hơn cả Bernard Gui nữa, vì Bernard không chú ý tìm ra kẻ thực có tội, mà chỉ lăm lăm muốn hoả thiêu kẻ bị buộc có tội. Ngược lại, thầy vô cùng thích thú khi gỡ được một nút thắt phức tạp bí hiểm. Có lẽ cũng vì trong thời kỳ thầy còn là triết gia, thầy đã hoài nghi không biết trần thế có trật tự hay không, nên nay thầy ưng bụng khi phát hiện được trong những sự việc trần gian, nếu không có một trật tự, thì ít ra cũng có một loạt các liên hệ trong những phạm trù nhỏ. Cuối cùng, có lẽ còn một lý do khác nữa: trong câu chuyện này, những điều còn vĩ đại và quan trọng hơn trận chiến giữa Giáo hoàng John và Vua Louis có thể đang bị đe doạ…

Tôi hoài nghi thốt lên: - Nhưng nó chỉ là một vụ ăn cắp và trả thù giữa các tu sĩ kém đạo đức thôi mà.

- Chính vì một quyển sách cấm, Adso ạ. Một quyển sách cấm!

o0o

Bây giờ các tu sĩ đang đi ăn tối. Chúng tôi ăn được nửa bữa thì Cha Michael đến, ngồi xuống bên cạnh và báo tin Ubertino đã ra đi. Thầy William thở phào nhẹ nhõm.

Xong bữa, chúng tôi tránh mặt Tu viện trưởng, lúc ấy đang nói chuyện với Bernard, và lưu ý đi theo Benno. Huynh cười nửa miệng và cố lẩn ra cửa trước. Thầy William vượt tới trước và buộc Benno đi theo chúng tôi đến một góc nhà bếp. Thầy William hỏi:

- Benno, quyển sách đâu?

- Quyển sách nào?

- Benno, chúng ta không ai ngốc cả. Tôi đang nói đến quyển sách mà hôm nay chúng tôi đã lùng kiếm trong phòng thí nghiệm của Severinus nhưng không nhận ra. Huynh đã nhận ra nó và trở lại lấy…

- Sao Huynh biết tôi trở lại lấy?

- Tôi nghĩ thế, và Huynh cũng nghĩ thế. Nó đâu?

- Tôi không thể nói được.

- Benno, nếu Huynh không chịu nói, tôi sẽ thưa với Tu viện trưởng.

Benno nói, giọng đạo đức:

- Tu viện trưởng có ra lệnh tôi cũng không thể nói. Hôm nay, sau khi chúng ta gặp nhau, đã xảy ra một việc mà Huynh cần biết. Khi Berengar chết đi thì chẳng có phụ tá quản thư viện nào cả. Trưa nay, Malachi đã đề nghị tôi giữ chức đó. Mới cách đây một giờ đồng hồ, Tu viện Trưởng đã đồng ý. Và sáng ngày mai, tôi hy vọng sẽ có điều kiện biết được các bí mật của thư viện. - Phải, sáng hôm nay tôi đã lấy quyển sách, và giấu nó dưới nệm rơm trong phòng của tôi. Cuối cùng, Malachi đưa ra đề nghị tôi vừa nói với Huynh, và tôi đã hành động như một phụ tá quản thư viện phải làm: trao quyển sách lại cho Huynh ấy.

Tôi không ngăn được bèn buột miệng giận dữ nói:

- Benno, hôm qua, hôm kia, chính Huynh… chính Huynh bảo lòng Huynh thôi thúc, cháy bỏng muốn biết, Huynh nói Huynh không muốn Thư viện che giấu các bí ẩn của nó nữa. Huynh nói rằng một học giả phải biết…

Benno im lặng, đỏ mặt, nhưng thầy William ngăn tôi lại. – Adso này, cách đây vài giờ đồng hồ, Benno ở phía bên kia. Bây giờ Huynh ấy là người canh giữ những bí mật mà Huynh ấy muốn biết, và trong thời gian canh giữ đó, Huynh ấy sẽ có thời giờ thong thả học chúng.

- Nhưng còn những người khác nữa? Trước đây, Benno cũng nhân danh tất cả các người có học thức để nói kia mà.

- Trước kia thôi. - Thầy nói, đoạn kéo tôi đi, bỏ mặc Benno hoang mang đứng đó.

Sau đó thầy nói với tôi: - Benno là nạn nhân của một dục vọng lớn, không giống dục vọng của Berengar hay của quản hầm. Cũng như nhiều học giả khác, Huynh ấy mang dục vọng thèm khát kiến thức. Kiến thức vì kiến thức thôi. Trước đây, bị cách ngăn không được tiếp cận với kiến thức, Huynh ấy khao khát muốn chiếm đoạt nó. Bây giờ, Huynh đã có nó rồi. Malachi biết người: Huynh ấy đã dùng phương tiện tốt nhất để thu lại quyển sách và khoá miệng Benno. Con sẽ hỏi thầy rằng quản lý một kho tri thức như thế thì có ích gì, nếu người ta đã thoả thuận không để mọi người khác tự do sử dụng nó. Nhưng chính vì thế mà thầy nói đến dục vọng. Sự khao khát của Roger Bacon muốn thu thập kiến thức không phải là dục vọng. Người muốn ứng dụng tài học của mình để làm thần dân của Chúa hạnh phúc hơn, nên không tìm kiếm kiến thức chỉ vì kiến thức. Dục vọng của Benno thuần tuý chỉ là lòng hiếu kỳ không thoả mãn được, niềm kiêu hãnh của kẻ trí thức, một phương cách khác để một tu sĩ chuyển hoá và làm dịu đi những đòi hỏi của xác thịt, dịu đi sự cuồng nhiệt có thể biến kẻ khác thành một chiến binh vì đức tin hoặc vì dị giáo. Không chỉ có dục vọng vì xác thịt. Bernard cũng đầy dục vọng, dục vọng của hắn là một dục vọng vì công lý đã bị bóp méo, và đồng dạng với dục vọng vì quyền lực. Giáo hoàng La Mã của chúng ta thì thèm khát của cải. Quản hầm thời trai trẻ mang dục vọng chứng thực, cải hoá và ăn năn, và dục vọng được chết. Còn dục vọng của Benno là vì sách. Cũng như mọi dục vọng khác, kể cả dục vọng của Onan - người đổ tràn hạt giống trên mặt đất, nó cằn cỗi và không giống như tình yêu, khác cả tình yêu xác thịt…

- Con biết… - tôi nói một cách vô thức. Thầy William giả vờ không nghe. Tiếp tục các nhận định của mình, thầy nói: - Tình yêu chân chính muốn đối tượng mình yêu hưởng điều tốt đẹp.

- Có thể Benno muốn các quyển sách của Huynh được tốt đẹp, và nghĩ rằng điều tốt đẹp của chúng là nhờ được cất giữ xa những bàn tay tham lam chăng?

- Cuốn sách tốt đẹp là nhờ nó được đọc. Một quyển sách được tạo ra từ những dấu hiệu, nói lên các dấu hiệu khác, và các dấu hiệu này, đến lượt chúng sẽ nói lên sự vật. Không có ai đọc một quyển sách chỉ còn chứa đựng những dấu hiệu chẳng sản sinh được một khái niệm nào, đó là quyển sách câm. Thư viện này có lẽ được sinh ra để cứu những quyển sách nó cất giữ, nhưng bây giờ nó sống để chôn vùi chúng. Do đó, nó trở thành tội lỗi. Quản hầm nói: hắn đã phản bội. Benno cũng vậy. Huynh ấy đã phản bội. Ôi quả là một ngày đáng ghét, Adso ơi! Đầy những máu và sự hủy diệt. Thầy mệt rồi. Chúng ta hãy dự Kinh Chiều, rồi về nghỉ nhé!

Ra khỏi nhà bếp, chúng tôi chạm mặt Aymaro. Huynh hỏi, không biết tin đồn Malachi đã đề nghị Benno làm phụ tá cho mình có đúng không. Chúng tôi đành phải xác nhận, Aymaro vẫn nói giọng khinh khỉnh, chế giễu, như mọi lần:

- Hôm nay, Malachi của chúng ta đã làm nhiều màn thật đẹp. Nếu công lý tồn tại, thì chính đêm nay, Quỉ sẽ đến rước hắn đi.
 
Chương 61


KINH TỐI

Tác giả: Umberto Eco

Nghe một bài giảng

về sự xuất hiện của tên Phản Chúa, và Adso khám phá

sức mạnh của các tên riêng.

Trong khi tiến hành cuộc hỏi cung Quản hầm thì Kinh chiều diễn ra rất lộn xộn, các tu sinh tò mò không có thầy giám sát bèn lẻn đi, ghé mắt nhìn qua cửa sổ và các khe hở, để xem diễn tiến phiên toà trong nhà nguyện. Bây giờ cả cộng đồng mới tụ lại để cầu nguyện cho linh hồn tốt lành của Severinus. Mọi người đợi Tu viện trưởng lên tiếng và tự hỏi không biết Cha sẽ nói gì. Tuy nhiên, sau bài thuyết pháp theo nghi thức của Thánh Gregory, bài ca đôi, và ba khúc ca vịnh thường lệ, Tu viện trưởng quả có bước lên bục thật, nhưng chỉ để tuyên bố tối nay Cha sẽ yên lặng. Cha bảo đã có quá nhiều tai hoạ giáng xuống Tu viện, nên ngay cả một vị Cha tinh thần cũng không được phép lên nói với giọng trách móc, răn đe nữa. Bây giờ, mọi người, không trừ một ai, phải tự chất vấn lương tâm mình. Nhưng vì cần có người lên tiếng, nên Tu viện trưởng đề nghị người ban giáo huấn sẽ là vị tu sĩ cao niên nhất, gần kề nước Chúa nhất, người ít dính líu nhất vào các đam mê trần tục vốn đã sản sinh quá nhiều tội lỗi. Tính theo niên kỷ thì đáng lẽ già Alinardo phải lên tiếng, nhưng mọi người đều biết rõ tình trạng sức khoẻ suy yếu của tu sĩ đáng kính này. Kém tuổi sát sau Alinardo là Jorge. Thế nên Tu viện trưởng xin mời Huynh.

Chúng tôi nghe từ hướng Aymaro và các tu sĩ khác ngồi vẳng lại tiếng thì thầm. Tôi ngờ rằng Tu viện trưởng đã uỷ thác bài giảng cho Jorge mà không bàn bạc với Alinardo. Thầy William thầm thì giải thích rằng Tu viện trưởng quyết định không lên tiếng là rất khôn ngoan, vì bất kỳ lời nói nào của Cha sẽ bị Bernard và các tu sĩ khác từ Avignon đánh giá. Ngược lại già Jorge sẽ giới hạn bài giảng của mình trong các lời tiên tri huyền bí của Huynh như lệ thường, và họ sẽ không chú trọng chúng lắm. Thầy William tiếp:

- Nhưng thầy sẽ rất chú ý, vì thầy không tin Jorge chịu lên tiếng mà không có một mục đích đã xác định chắc chắn.

Jorge được đỡ lên bục. Gương mặt Huynh rạng rỡ nhờ ngọn đèn ba chân soi sáng cả nhà thờ. Ánh lửa tô đậm bóng đen trùm đôi mắt Huynh, trông như hố sâu. Huynh cất tiếng:

- Thưa các Huynh thân yêu, và tất cả các vị khách thương mến. Nếu quí vị chịu nghe lời nói của già này… Như quí vị biết đấy, bốn cái chết đã giáng xuống tu viện chúng ta – không kể những tội lỗi xa xưa cũng như mới đây của sinh vật hèn kém nhất trong sinh linh – nhưng chúng không phải do thiên nhiên khắc nghiệt với nhịp điệu tàn nhẫn của nó đã an bài cuộc đời phàm tục của chúng ta từ thuở trong nôi đến ngày về với cát bụi. Mặc dù quí vị tràn ngập đau buồn, nhưng hẳn hết thảy đều tin rằng các biến cố tang tóc này, không liên quan gì đến linh hồn quí vị, vì ngoại trừ một người, tất cả quí vị đều vô tội. Và khi người này bị trừng trị, thì quí vị sẽ tiếp tục thương tiếc những người đã mất đi, và chắc chắn sẽ chẳng phải tống khứ lời buộc tội nào trước phiên toà của Chúa. Quí vị tin thế mà. Đồ điên! – Jorge thét lên rất khủng khiếp – Quí vị là những người điên, những thằng ngốc kênh kiệu! Kẻ giết người sẽ chịu tội trước Chúa, nhưng chỉ vì hắn đã nhận làm phương tiện chuyên chở các sắc lệnh của Chúa. Cũng như cần có kẻ phản bội Chúa để hoàn thành sự cứu rỗi huyền bí, thế nhưng Chúa lại cho phép nguyền rủa và thoá mạ kẻ đã phản bội Ngài. Như thế, trong những ngày này, có kẻ đã phạm tội, đã mang đến chết chóc và sự huỷ diệt, nhưng tôi nói cho quí vị biết, sự huỷ diệt này nếu Chúa không mong, thì ít ra cũng cho phép, để làm nhục lòng kiêu hãnh của chúng ta!

Jorge yên lặng, đưa đôi mắt trống hốc nhìn đám người dự lễ tựa như Huynh có thể nhìn thấy xúc cảm của họ, tựa như Huynh đã dùng tai nghe được sự thinh lặng và khiếp hãi khắp cùng. Huynh tiếp:

- Trong cộng đồng này, đã có lúc con rắn kiêu hãnh nằm cuộn mình. Nhưng kiêu hãnh gì? Kiêu hãnh vì quyền lực ư, trong một tu viện tách biệt hẳn khỏi thế giới như thế này? Không, chắc chắn không. Kiêu hãnh vì giàu có ư? Thưa quí vị, trước khi thế giới vang lên những cuộc tranh luận về giàu, nghèo, từ cái thời của các bậc tiền bối chúng ta, chúng ta chưa bao giờ có gì cả, sự giàu có chân thực duy nhất của chúng ta là tuân theo Giáo luật, cầu nguyện và làm việc. Nhưng công việc của dòng chúng ta, đặc biệt là công việc trong tu viện này, cốt yếu là nghiên cứu học tập, và gìn giữ kiến thức. Tôi nói, gìn giữ chứ không tìm kiếm, vì đặc tính của kiến thức – như một điều thiêng liêng – là toàn vẹn, và nó đã được định nghĩa ngay từ đầu, bằng sự hoàn thiện của Chúa Lời mà tự nó diễn tả cho chính nó. Chúng ta chỉ việc tiếp tục trầm tư mặc tưởng, làm nó sáng đẹp và gìn giữ nó. Đó đã là và phải là nhiệm vụ của tu viện và Thư viện đẹp đẽ của chúng ta – không có nhiệm vụ nào khác. Người ta kể rằng, ngày nọ có một vua Hồi Phương Đông nổi lửa đốt Thư viện của một thành phố nổi tiếng, vinh quang và kiêu hãnh. Khi hàng ngàn quyển sách cháy rụi, Vua nói chúng nên biến mất đi; hoặc là chúng vô ích vì lặp lại những điều kinh Koran đã viết, hoặc là chúng độc hại vì phủ nhận quyển kinh mà bọn vô thần xem là thiêng liêng. Các học giả của giáo hội, cả chúng ta nữa, không suy luận theo lối đó. Tất cả những sách liên quan đến việc minh chứng và bình giảng Thánh kinh phải được gìn giữ, nhưng những sách phủ nhận Thánh kinh cũng không được tiêu huỷ. Như thế nhiệm vụ của dòng tu chúng ta qua bao thế kỷ và trọng trách của tu viện ta ngày nay là: tự hào về những chân lý chúng ta đã tuyên bố, cẩn trọng và khiêm tốn gìn giữ những lời thù nghịch với sự thật mà không được phép để chúng làm ô uế. Thưa quí vị, thế cái tội kiêu hãnh có thể cám dỗ một tu sĩ - học giả là gì? Đó là cái tội nghĩ rằng công việc của mình không phải là gìn giữ mà là tìm kiếm những kiến thức Chúa ban cho nhân loại. Đó là sự kiêu hãnh đã và đang rình rập nấp trong những bức tường này, và tôi muốn nói với kẻ đã và đang cố phá cái khằng niêm những quyển sách mà hắn không được phép đọc là, Chúa đã và sẽ tiếp tục trừng phạt sự kiêu hãnh đó, nếu nó không chịu hạ mình tuân phục, vì Chúa luôn luôn có ngay công cụ để trả thù.

Thầy William thầm thì: - Nghe không Adso? Già này biết nhiều hơn lão nói. Dù lão có nhúng tay vào việc này hay chăng, lão cũng biết và đang cảnh báo rằng, nếu một tu sĩ hiếu kỳ nào đó xâm phạm Thư viện, thì tu viện sẽ chẳng thể an lành.

Jorge, sau khi ngưng một lúc lâu, lại tiếp tục nói:

- Nhưng chung qui, ai chính là biểu tượng của lòng kiêu hãnh này, trong đó những kẻ cao ngạo là hình ảnh minh hoạ, là sứ giả, là tòng phạm và là người cầm cờ của nó? Sự thật, ai đã và có lẽ đang hành động trong những bức tường này để cảnh cáo chúng ta thời điểm đã kề, và cũng để an ủi chúng ta, vì nếu thời điểm đã kề thì nỗi đớn đau hẳn sẽ không chịu đựng nổi, nhưng nó không phải là khôn cùng, vì chu kỳ vĩ đại của vũ trụ này sắp được hoàn tất? Ôi quí vị thừa biết rồi, nhưng sợ chẳng dám thốt nên lời, vì nó cũng chính là quí vị và quí vị e dè nó, nhưng dù quí vị có sợ thì tôi chẳng sợ gì cả, và tôi sẽ gọi lớn tên này ra để ruột gan quí vị kinh hoàng, quặn thắt lại, răng đánh lập cập và lưỡi đứt lìa, máu sẽ lạnh giá phủ chụp lên đôi mắt một mạng đen… Hắn chính là con thú hôi tanh, hắn chính là tên Phản Chúa!

Jorge ngừng một lúc lâu. Người nghe như chết lặng. Trong toàn giáo đường, vật duy nhất còn sống là ngọn lửa trên cái giá ba chân, nhưng ngay cả cái bóng của nó dường như cũng cóng lại. Tiếng động yếu ớt duy nhất nghe được là tiếng Jorge thở hổn hển khi già vuốt mồ hôi đọng trên trán. Rồi Huynh tiếp:

- Có lẽ quí vị sẽ muốn nói với tôi: Không, hắn chưa đến đâu, dấu hiệu nào chỉ rằng hắn đang đến? Kẻ nào nói thế là thằng ngốc! Ồ, những dấu hiệu đó hiện trước mắt chúng ta ngày này qua ngày khác, trong đại giảng đường của thế giới và trong hình ảnh thu nhỏ hơn của tu viện, các thảm hoạ đã được báo trước. Tôi biết rõ quí vị nghe tôi nói đang tính toán xem người tôi nói đó có giống Giáo hoàng hay Vua Ý, Vua Pháp hay bất kỳ ai mà quí vị muốn, để quí vị có thể tuyên bố rằng hắn là kẻ thù của ta và ta thuộc về chính nghĩa. Nhưng tôi không ngây thơ thế đâu, tôi sẽ không chỉ ra cho quí vị một cá nhân nào cả. Khi tên Phản Chúa đến, hắn đến với mọi nơi, mọi người, và ai nấy đều là một bộ phận của hắn. Hắn sẽ có mặt trong những băng thảo khấu cướp phá nông thôn, thành thị. Người ta đã nói rằng, những người vợ trẻ mới cưới sẽ đẻ ra những đứa trẻ đã biết nói thành thạo, chúng sẽ bảo rằng thời điểm đã kề và xin hãy giết chúng đi. Nhưng chớ nên lùng kiếm trong những làng mạc bên dưới kia làm gì, những đứa-trẻ-quá-khôn-ngoan đã bị giết trong chính những bức tường này rồi! Và giống như những hài đồng tiên tri, chúng trông giống như những ông lão, có bốn chân, chúng là những hồn ma, và là những thai nhi còn trong bụng mẹ đã tiên tri và ban phép lạ. Tất cả đã được viết sẵn, quí vị có biết không? Người ta đã biết rằng trong số những người có chức quyền, trong nhân dân và giáo hội, sẽ xảy ra nhiều biến động, những tên chăn chiên xấu xa sẽ trỗi dậy, trở nên sa đoạ, đáng tởm, tham lam, ham vui, tham lợi, khoái nói nhảm, khoe khoang, kiêu hãnh, kiêu ngạo, lao vào hố dục vọng, tìm hư danh, chúng là kẻ thù của Phúc âm, sẵn sàng từ bỏ con đường chính trực và khinh bỉ những lời thành thật, thù ghét mọi lời thành kính, không bao giờ ăn năn hối lỗi, do đó, chúng sẽ gieo rắc trong mọi người sự ngờ vực, huynh đệ tương tàn, sự tàn ác, tàn nhẫn, đố kỵ, lạnh nhạt, cướp bóc, chè chén, vô độ, đê hèn, nhục dục, lang chạ, và tất cả các thói hư tật xấu khác. Sự trìu mến, khiêm tốn, yêu chuộng hoà bình, cơ nghèo, tính thương cảm, dễ mủi lòng sẽ biến đi… Đấy, tất cả những người đang hiện diện, các tu sĩ trong tu viện này và những vị khách uy quyền từ bên ngoài đến, quí vị không nhận ra chính mình ư?

Khi Jorge ngưng nói thì người ta nghe có tiếng sột soạt. Đó là tiếng Hồng Y Bertrand trở mình trên ghế. Tôi nghĩ, dẫu sao Jorge cũng tỏ ra là một nhà thuyết giảng đại tài, khi lão đập những người anh em thì cũng chẳng tha gì mấy vị khách. Ước gì tôi biết trong đầu Bernard hay những tên phì nộn từ Avignon đang nghĩ gì lúc ấy.

Jorge hét ầm ầm lên:

- Đến lúc đó, khắp nơi sẽ hiện ra cảnh xấu xa và tuyệt vọng. Tên Phản Chúa sẽ hạ phương Tây và tiêu diệt những đường mua bán. Tay nó cầm gươm và ngọn lửa tàn phá, ngọn lửa này sẽ bùng lên giận dữ: sức mạnh của hắn là sự báng bổ, tay hắn là sự lừa lọc, bàn tay mặt sẽ tàn phá, bàn tay trái mang bóng đen. Người ta nhận ra hắn nhờ những nét sau đây: đầu hắn bốc lửa, con mắt đỏ như máu, mắt trái có hai con ngươi xanh như mắt thú, đôi mày trắng bạc, môi dưới sưng phù, mắt cá lỏng lẻo, đôi chân to, ngón cái nát nhừ và kéo dài ra!

- Dường như là chân dung của chính lão ấy… - Thầy William vừa cười gằn vừa thì thầm. Đó là một lời nhận xét độc, nhưng tôi thầm cảm ơn thầy đã lên tiếng, vì tóc tai tôi bắt đầu dựng đứng. Tôi không nhịn cười được, má căng ra và đôi môi mím chặt bật ra một tiếng. Trong sự yên lặng tiếp theo lời nói của lão, tiếng ấy nghe rất rõ, nhưng may thay mọi người tưởng ai đó đang ho, khóc, hay rùng mình, và mọi người đều nghĩ đúng cả. Jorge tiếp:

- Đến lúc đó trần gian sẽ biến thành khối hỗn mang, con cái sẽ nổi lên chống lại cha mẹ, vợ mưu hại chồng, chồng kiện cáo vợ, chủ bất nhân với tớ, tớ bất tuân lệnh thày, chẳng ai kính trọng người già, bọn trẻ đòi cai trị, lao động là việc vô bổ cho mọi người, khắp nơi người ta ca ngợi sự xấu xa đồi truỵ, tự do hành động. Và sau đó cưỡng dâm, ngoại tình, chứng gian, tội lỗi trái luân thường đạo lý sẽ tiếp nối dâng lên, rồi bệnh tật, nịnh hót, bùa chú, xác bay sẽ hiện trên bầu trời, trong đám những con chiên ngoan đạo sẽ nổi lên những tiên tri giả hiệu, Tông đồ giả danh, kẻ phóng đãng, lừa đảo, xảo quyệt, tà dâm, bọn lợi dụng, nói láo, giả mạo. Những tên chăn chiên sẽ thành chó sói, linh mục nói láo, tu sĩ khoái trần tục, bần nông không cần địa chủ, kẻ có quyền thì không có lòng khoan dung, kẻ chính trực sẽ làm chứng cho bất công. Động đất sẽ làm rung chuyển mọi đô thị, bệnh dịch hoành hành khắp nơi, giông bão sẽ nhổ bật mặt đất, đồng ruộng sẽ bị ô nhiễm, biển tiết ra dung dịch đen, những kỳ quan mới lạ sẽ hiện ra trên mặt trăng, tinh tú bỏ quĩ đạo, các tinh tú vô danh khác sẽ mọc tua tủa trên bầu trời, tuyết sẽ rơi vào mùa hè, và mùa đông trời sẽ oi nồng. Và tận thế sẽ đến, tận thế sẽ đến… Vào giờ thứ ba của ngày thứ nhất, trên bầu trời vang lên một giọng nói mãnh liệt và vĩ đại, một đám mây tím từ phương bắc bay đến, theo sau là sấm chớp, trên mặt đất mưa máu sẽ rơi. Ngày thứ hai quả đất sẽ bị giật phăng ra khỏi vị trí của nó, khói của một ngọn lửa vĩ đại sẽ dâng lên qua khỏi cổng thiên đàng. Ngày thứ ba, những hố thẳm của đất sẽ rung động khắp bốn phương trời, đỉnh vòm trời sẽ mở rộng, không trung dày đặc cột khói, và mùi hôi tanh của lưu huỳnh bốc lên đến giờ thứ mười. Sáng sớm ngày thứ tư, hố thẳm sẽ hoá lỏng và nổ bùng, nhà cửa sẽ sụp đổ. Vào giờ thứ sáu của ngày thứ năm, ánh sáng và mặt trời sẽ bị tiêu diệt, khắp mặt đất sẽ tối đen cho đến chiều, và trăng sao thôi ló dạng. Vào giờ thứ tư của ngày thứ sáu, vòm trời sẽ nứt ra từ đông sang tây, và các thiên thần từ trên trời có thể nhìn xuyên qua kẽ nứt xuống đất, và người trên mặt đất có thể nhìn thấy thiên thần trên trời nhòm xuống. Rồi mọi người sẽ ẩn nấp vào núi non để tránh cái nhìn của những thiên thần chính trực. Vào ngày thứ bảy, Chúa sẽ đến bằng ánh sáng của Cha Ngài, và lúc ấy sẽ có sự phán xét cho những người chính trực và hậu duệ của họ, họ được ban ơn phước vĩnh cửu cho cả xác lẫn hồn. Nhưng đây không phải là điều chúng ta suy ngẫm chiều nay, hỡi các Sư Huynh kiêu hãnh! Những kẻ phạm tội sẽ không nhìn thấy ánh bình minh của ngày thứ tám, khi giọng nói dịu dàng và ngọt ngào vang lên từ Phương Đông, chính giữa thiên đàng, và người ta thấy vị thiên thần chỉ huy tất cả các thiên thần khác cùng tiến đến với Ngài, ngồi trên cỗ xe bằng mây trời, lòng tràn đầy niềm vui, bay qua không gian để giải phóng những người được ân phước có đức tin, và mọi người sẽ hoan hỉ vì sự huỷ diệt thế giới này sẽ được thực hiện! Nhưng tối nay, điều này không làm chúng ta thích thú một cách kiêu hãnh. Ngược lại, chúng ta sẽ suy ngẫm về lời mà Chúa sẽ phán để xua đuổi những kẻ không được ơn cứu rỗi. Ngươi, kẻ có tội, hãy tránh xa ta để đi vào ngọn lửa vĩnh cửu đã được Quỉ sứ và bầy tôi của nó chuẩn bị cho ngươi. Chính người đã tạo ra nó thì bây giờ hãy hưởng nó đi. Tránh xa ta ra, đi vào bóng đêm vĩnh cửu, và vào ngọn lửa không bao giờ tắt! Ta tạo ra ngươi, nhưng ngươi lại hoá thành đồ đệ của kẻ khác! Ngươi thành tôi tớ của một Chúa khác, cút đi và ở với nó trong bóng tối, hắn là con rắn luôn ngọ nguậy, miệng lúc nào cũng rít lên. Ta đã ban cho ngươi đôi tai để nghe Thánh thư, nhưng ngươi lại lắng nghe lời lẽ của bọn đa thần, ta cho ngươi cái miệng để vinh danh Thượng đế, nhưng ngươi lại sử dụng nó để nói những lời láo toét của thi sĩ và hỏi những câu đố của những thằng hề! Ta ban cho ngươi đôi mắt để nhìn ánh sáng, nhưng ngươi lại nhìn trộm vào bóng đêm. Ta là một người phán xét nhân ái, nhưng chính trực. Ai xứng đáng thì ta sẽ ban ân, ta có thể khoan hồng cho ngươi, nhưng ta thấy trong lọ của ngươi không có một giọt dầu. Ta có thể bị buộc phải động lòng từ tâm, nhưng đèn của ngươi không sạch. Tránh xa ta ra… Chúa đã nói như thế đấy. Và họ… và có thể là chúng ta đây… sẽ đắm chìm vào sự dày vò vĩnh cửu. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh thần.

- Amen, - mọi người đồng thanh đáp.

o0o

Không một tiếng rầm rì, các tu sĩ nối theo nhau về phòng của mình. Chẳng còn muốn nói chuyện với nhau nữa. Các tu sĩ dòng Khất thực và sứ giả của Giáo hoàng biến đi tìm chỗ yên tịnh nghỉ ngơi. Lòng tôi nặng nề.

Thầy William vừa leo cầu thang khu hành hương, vừa nói: - Adso, đi ngủ đi. Đêm nay không đi thăm thú được đâu. Bernard Gui có thể muốn báo hiệu tận thế bằng xác của chúng ta đấy. Sáng mai chúng ta phải cố dự Kinh Sớm, vì ngay sau đó Cha Michael và các tu sĩ dòng Khất thực sẽ ra đi.

Tôi yếu ớt hỏi: - Còn Bernard và các tù nhân cũng ra đi luôn chứ?

- Hắn chắc chẳng còn việc gì để làm ở đây đâu. Hắn mong sẽ đến Avignon trước Cha Michael, làm thế nào để sự xuất hiện của Cha trùng với phiên toà xử quản hầm, một tu sĩ Khất thực dị giáo và sát nhân. Giàn hoả thiêu quản hầm sẽ soi sáng buổi gặp gỡ đầu tiên của Cha Michael với Giáo Hoàng như một ngọn đuốc làm lành.

- Còn Salvatore và… cô gái sẽ ra sao?

- Salvatore sẽ đi với quản hầm, vì gã sẽ phải làm chứng tại toà. Có lẽ Bernard sẽ tha mạng gã để trả công. Có thể hắn sẽ để gã trốn thoát, rồi ra lệnh giết sau, hoặc cũng có thể hắn sẽ tha cho gã đi thực vì Bernard đâu có chú ý gì đến một con người như Salvatore. Ai mà biết được? Có lẽ rồi Salvatore sẽ trở thành một tên cướp khát máu trong một cánh rừng ở Languedoc…

- Còn cô gái?

- Thầy đã bảo rồi: Cô ta sẽ bị thiêu sống. Nhưng cô ta sẽ bị thiêu trước, hay dọc trên đường đi, để khai sáng cho một ngôi làng nào đó bên bờ biển. Thầy nghe nói rằng Bernard sẽ gặp bạn đồng nghiệp của hắn là Jacques Fournier, và việc ném một ả phù thuỷ xinh đẹp lên giàn hoả sẽ tăng uy tín và danh tiếng của cả hai lên…

Tôi thốt lên: - Thế không làm gì được để cứu họ à? Tu viện trưởng không can thiệp được hay sao?

- Can thiệp cho ai? Cho quản hầm, kẻ đã nhận tội à? Cho tên khốn kiếp Salvatore? Hay con đang nghĩ đến cô gái?

Tôi mạnh dạn nói: - Nếu con nghĩ thế thì đã sao? Dẫu sao, trong ba người, chỉ mình cô ấy là thực sự vô tội, thầy biết cô ấy không phải là phù thuỷ…

- Con nghĩ rằng Tu viện trưởng sẽ đánh đổi chút ít uy tín còn lại để can thiệp cho một con phù thuỷ, sau những biến cố đã xảy ra như vừa rồi sao?

- Nhưng Cha nhận trách nhiệm về việc Ubertino trốn thoát mà!

- Ubertino là một trong các tu sĩ của Cha và không bị tố vì tội gì cả. Hơn nữa con nói cái gì bá láp vậy? Ubertino là một người quan trọng, Bernard chỉ có thể đâm sau lưng Cha ấy mà thôi.

- Thế thì quản hầm có lý. Những người phàm tục luôn luôn phải trả giá cho tất cả mọi người, thậm chí cho cả những người lên tiếng bênh vực họ, như Ubertino và Michael, những người đã dùng những lời kêu gọi sám hối để xúi họ nổi dậy!

Tôi tuyệt vọng đến nỗi nghĩ rằng chính cô gái cũng thuộc dòng Anh em nghèo khó, bị hấp dẫn bởi hình ảnh huyền diệu của Ubertino mà quên rằng cô chỉ là một gái quê, trả giá cho một thứ chẳng liên quan gì đến mình.

Thầy William buồn bã đáp:

- Như thế đấy. Còn nếu con thực sự muốn đi tìm một tia sáng công lý thì thầy bảo cho con biết: một ngày kia, những con chó lớn là Giáo hoàng và Nhà vua, để giải hoà với nhau, sẽ bước qua xác của những con chó nhỏ cứ mãi cắn xé nhau khi thừa hành nhiệm vụ. Và Michael và Ubertino sẽ bị đối xử như cách cô gái của con hôm nay vậy.

Bây giờ tôi biết ngày đó thầy William đang tiên tri, hay đúng hơn, đang suy diễn theo tam đoạn luận, trên cơ sở nguyên lý của triết học tự nhiên. Nhưng lúc đó, lời tiên tri và lối suy luận của thầy chẳng an ủi tôi được chút nào. Điều chắc chắn là cô gái sẽ bị thiêu sống. Tôi thấy mình có trách nhiệm, vì dường như cô gái cũng sẽ lên giàn hoả để chuộc cái tội mà tôi đã phạm với nàng.

Tôi xấu hổ khóc oà và chạy về phòng, suốt đêm tôi nhai rơm và nức nở mãi, vì tôi chẳng được phép thương tiếc và gọi tên người yêu của mình như trong những tiểu thuyết lãng mạn hào hoa mà tôi và các bạn đồng môn đã đọc ở Melk.

Đó là tình yêu trần gian duy nhất trong đời tôi, mà lúc đó và mãi mãi về sau tôi chẳng thể gọi tên được.
 
Chương 62


NGÀY THỨ SÁU

Tác giả: Umberto Eco

Các hoàng tử thống trị,

và Malachi sụp xuống đất.

Chúng tôi đi xuống dự Kinh Sớm. Phần cuối đêm, và thực ra là đầu một ngày mới, vẫn còn mù sương. Khi băng qua nhà dòng, hơi lạnh thấm buốt thấu xương tôi, vốn vẫn còn đau nhức sau một đêm trằn trọc. Mặc dù trong giáo đường rất lạnh, tôi khoan khoái được quì dưới vòm mái ngăn cách với thiên nhiên bên ngoài, lòng thấy khuây khoả nhờ hơi ấm toả ra từ những thân người, và nhờ Kinh cầu.

Khúc ca vịnh vừa cất lên thì thầy William chỉ vào chỗ ngồi đối diện chúng tôi: chiếc ghế giữa Jorge và Pacificus bỏ trống. Đó là chỗ của Malachi, người luôn luôn ngồi bên lão già mù. Chúng tôi không phải là những người duy nhất để ý đến sự vắng mặt đó. Phía bên này, tôi thấy Tu viện trưởng lo lắng liếc mắt nhìn, mà ai cũng thừa biết rằng những sự vắng mặt luôn luôn báo hiệu một tin dữ. Phía bên kia, tôi thấy già Jorge lộ vẻ bồn chồn khác thường. Gương mặt vốn vẫn vô cùng bí hiểm vì đôi mắt trắng dã, bây giờ hầu như tối sầm lại, nhưng đôi tay lão thì cứ cuống quýt bất an. Quả thật, lão cứ đưa tay sờ soạng chiếc ghế bên cạnh xem có ai ngồi không. Chốc chốc lão lại quờ tay sang, tựa như người vắng mặt sẽ hiện ra bất kỳ lúc nào nhưng lão sợ sẽ không thấy.

Tôi thầm thì hỏi thầy William:

- Quản thư viện đâu rồi?

- Malachi bây giờ là người duy nhất sở hữu quyển sách. Nếu Huynh ấy không gây ra các án mạng, thì có lẽ Huynh ấy không biết những nguy hiểm chứa đựng trong quyển sách…

Chẳng còn gì để bàn thêm. Chúng tôi đành phải đợi: Thày trò tôi, Tu viện trưởng, - người cứ nhìn trân trân vào chiếc ghế trống, - và Jorge, người mãi sờ soạng đôi tay hỏi vào bóng đêm

Khi gần đến cuối Kinh sớm, Tu viện trưởng nhắc nhở các tu sĩ và tu sinh cần phải chuẩn bị cho ngày lễ trọng Giáng sinh. Do đó, theo thông lệ, khoảng thời gian trước Kinh Ngợi khen sẽ được dùng để toàn cộng đồng tập hoà âm các khúc thánh ca đã được qui định hát trong dịp này. Tập thể những người con kính đạo này đã được luyện thành một nhất thể, một giọng hoà hợp, trải qua quá trình dài nhiều năm, họ đã công nhận khi cất tiếng hát, linh hồn của họ thảy đều hoá làm một.

Tu viện trưởng mời mọi người ca bài “Sederunt”

Sederunt principes

et adversus me

lo quebantur, iniqui

persecuti sunt me.

Adiuva me, Domine

Deus meus, salvum me

fac propter magnam misericordiam tuam (1)

Tôi tự hỏi không biết Tu viện trưởng có cố tình chọn hát bài này trong đêm nay không, tiếng kêu than của những kẻ bị bách hại cầu khẩn Chúa cứu vớt khỏi tay những ông hoàng bất nhân. Đằng kia, các sứ giả của ông Hoàng vẫn đang ngồi dự kinh lễ, nghe nhắc lại làm thế nào mà hàng bao thế kỷ nay dòng tu của chúng tôi đã nhanh chóng chống lại sự bách hại của những kẻ quyền thế, nhờ sợi dây liên hệ đặc biệt với “Thượng Đế”. Quả thật, đoạn đầu của khúc ca đã tạo nên một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ.

Khi từ “Sederunt ” vừa mới trĩu nặng thoát ra, thì từ “Principes ” đã bay bổng lên không trung bằng một giọng thanh tao hùng tráng và thiên thần. Tôi chẳng còn thắc mắc ai là kẻ có quyền thế đang lên tiếng chống lại mình nữa, cái bóng của con ma đe doạ đang ngồi đó đã tan đi, biến mất.

Tôi tin rằng lúc đó các bóng ma khác cũng đã tan biến, vì sau khi tâm trí bị khúc ca cuốn hút, tôi nhìn lại chỗ ngồi của Malachi thì thấy hình dáng quản thư viện trong số những người khác đang cầu kinh, như thể trước đây Huynh ấy vẫn có mặt. Tôi nhìn thầy William và thấy mắt thầy lộ vẻ an tâm, vẻ an tâm mà từ đằng xa tôi cũng thấy đang hiện lên trong đôi mắt Tu viện trưởng. Còn Jorge, lão một lần nữa lại quơ tay sang bên cạnh, và khi đụng phải thân hình người ngồi kế bên giật tay về ngay. Tôi không biết lòng lão dấy lên cảm xúc gì.

Bây giờ ca đoàn đang hoan hỉ cất lên khúc “Adiuva me ” trong đó âm “a ” trong sáng hồ hởi vang lên khắp nhà thờ, và âm “u ” không nghe âm u như trong từ “Seredunt ”, mà đầy khí thế thiêng liêng. Nguyên tắc buộc tu sĩ và tu sinh khi hát phải ngồi ngay người, bạnh cổ, nhìn thẳng, quyển sách ca được đặt gần ngang tầm vai nên họ có thể đọc mà không cần cúi đầu, thế nên hơi thở từ lồng ngực thoát ra một cách thoải mái. Nhưng lúc ấy vẫn còn về đêm, nên dù các hồi kèn đang vang reo nhiều người hát vẫn còn ngái ngủ, họ chìm đắm trong những nốt ngân dài, dựa vào các âm ba của ca khúc để chốc chốc gục lên gục xuống. Ngay trong tình huống đó, những người đánh thức dùng đèn soi sáng từng bộ mặt để lay cả xác lẫn hồn tỉnh dậy.

o0o

Bằng cách đó, một trong những người đi đánh thức đã thoạt tiên nhận thấy Malachi đang lắc lư một cách lạ lùng, tựa như Huynh ấy đột nhiên chìm đắm vào làn sương Cimmerius (2) của giấc ngủ mà có lẽ đêm qua không hưởng được. Người đánh thức tiến về phía Malachi, đưa đèn lên soi khuôn mặt. Sự kiện này khiến tôi để ý. Quản thư viện ngồi bất động. Người ấy chạm vào mình y và Malachi nặng nề ngã chúi tới trước. Người đánh thức chỉ vừa kịp giữ Huynh ấy lại trước khi té xuống đất.

Khúc ca khựng lại, giọng hát tắt ngấm, có một thoáng bàng hoàng. William rời chỗ, phóng ngay đến nơi Pacificus và người đánh thức đang đặt Malachi xuống đất, bất tỉnh nhân sự.

Thầy trò tôi đến đó gần như cùng một lúc với Tu viện trưởng, và dưới ánh đèn, chúng tôi nhìn thấy gương mặt kẻ xấu số. Tôi đã miêu tả diện mạo Malachi, nhưng đêm nay, dưới ánh đèn, nó mới chính là hình ảnh của thần chết: cái mũi nhọn, đôi mắt sâu hoắm, thái dương trũng xuống, tai trắng bệch nhăn nhúm, trái tai quay ra ngoài, da mặt cứng đờ, căng và khô, gò má vàng khè đầy những đốm bầm. Mắt vẫn mở và hơi thở thoi thóp thoát ra từ đôi môi khô héo. Huynh ấy há hốc mồm, và khi thầy William cúi xuống, tôi từ đằng sau cũng khom người và trông thấy cái lưỡi đen sì ngọ nguậy giữa hai hàm răng. Thầy William quàng tay qua vai Malachi nâng Huynh ấy dậy, tay kia lau lớp mồ hôi nhễ nhại trên vầng trán. Malachi cảm thấy ai đó hiện diện chạm đến mình, Huynh nhìn trừng trừng trước mặt, nhưng chắc chắn không thấy gì, không nhận ra ai. Huynh giơ bàn tay run rẩy lên nắm lấy ngực thầy William, kéo mặt thầy xuống gần sát mặt mình, rồi bằng một giọng khàn khàn yếu ớt thốt lên vài lời:

- Huynh ấy bảo tôi… thật… Nó có sức mạnh của hàng ngàn con bọ cạp…

- Ai bảo Huynh? Ai?

Malachi lại cố gắng nói. Nhưng toàn thân run bần bật, đầu gục về phía sau. Mặt thất sắc, mất hết cả sức sống. Huynh ấy đã chết.

Thầy William đứng lên, trông thấy Tu viện trưởng bên cạnh, nhưng chẳng nói lời nào. Đoạn thầy trông thấy Bernard Gui sau lưng Tu viện trưởng, bèn hỏi:

- Thưa Ngài Bernard, ai đã giết người này, sau khi Ngài đã khôn khéo tìm ra và giam giữ những kẻ sát nhân?

- Đừng hỏi tôi. Tôi chưa bao giờ tuyên bố đã tống giam tất cả những tên tội phạm đang tung hoành trong tu viện này. Nếu có khả năng, tôi sẵn lòng làm điều đó. - Hắn nhìn thầy William – Nhưng bây giờ tôi sẽ giao những tên đó cho sự nghiêm khắc… hay sự khoan dung quá độ của Cha Tu viện trưởng

Tu viện trưởng tái mặt, im lặng. Sau đó Bernard bỏ đi.

Ngay lúc đó, chúng tôi nghe có tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào. Đó là Jorge, đang quì trên ghế. Một tu sĩ đang đỡ Huynh, ắt hẳn người ấy đã kể lại sự việc vừa xảy ra. Giọng Jorge đứt quãng:

- Sẽ không bao giờ chấm dứt… Chúa ơi… hãy tha thứ cho tất cả chúng con!

Thầy William cúi xuống nhìn xác chết thêm một lúc, cầm cổ tay và quay lòng bàn tay về phía ánh sáng. Đầu ba ngón tay đầu tiên của bàn tay mặt tím bầm.

Chú thích:

(1) Các ông Hoàng ngồi xuống

Và lên tiếng chống lại con

những kẻ bất nhân

bách hại con

Lạy chúa, Chúa của con

Xin giúp con

Xin Chúa mở lòng từ bi hải hà

cứu thoát con

(2) Một dân tộc huyền thoại sống trên một vùng đất được Homer miêu tả là vĩnh viễn bị sương mù và bóng tối bao phủ.
 
Chương 63


KINH NGỢI KHEN

Tác giả: Umberto Eco

Chọn một quản hầm mới,

nhưng chưa tìm ra quản thư mới.

Đã đến Kinh Ngợi Khen rồi ư? Nó đến sớm hay muộn hơn? Từ lúc đó, tôi mất hết ý niệm về thời gian. Có lẽ nhiều giờ đã trôi qua, hay có thể ít hơn, trong thời gian này xác Malachi được đặt trên một cái bục trong nhà thờ, các tu sĩ quây một vòng bán nguyệt xung quanh. Tu viện trưởng ra lệnh chôn cất ngay. Tôi nghe Cha gọi Benno và Nicholas đến. Cha nói trong chưa đầy một ngày mà tu viện đã mất một quản thư viện và một quản hầm. Cha bảo Nicholas:

- Con sẽ đảm trách nhiệm vụ của Remigio. Con biết công việc của nhiều người trong tu viện này. Chỉ định ai đó thay con phụ trách lò rèn, và cung cấp lương thực hôm nay ngay cho nhà bếp và nhà ăn. Con được phép khỏi dự kinh lễ. Đi đi.

Rồi Cha bảo Benno:

- Con vừa được bổ nhiệm làm phụ tá của Malachi hôm qua. Hãy mở cửa phòng thư tịch và nhớ đừng để ai lên thư viện một mình.

Benno thẹn thùng nêu lên rằng mình chưa được cho biết những bí mật của chốn đó. Tu viện trưởng trừng mắt nhìn Benno:

- Không ai bảo con sẽ được phép biết. Con phải lo cho công việc được tiến hành, và xem đó như một lời cầu nguyện cho các Sư huynh quá cố… và cho những ai sẽ phải chết. Mỗi một tu sĩ chỉ được làm việc trên những quyển sách đã trao cho mình. Ai cần sách thì cứ tra bản thư mục. Thế là đủ. Con được miễn dự Kinh Chiều, vì lúc ấy con phải khoá hết mọi cửa.

- Nhưng làm thế nào con ra được?

- Câu hỏi hay đấy. Cha sẽ khoá các cửa dưới sau bữa ăn tối. Thôi đi đi!

Benno bước ra nhưng tránh mặt thầy William đang muốn nói chuyện với Huynh. Trong khu hát kinh chỉ còn một nhóm nhỏ ở lại: Alinardo, Pacificus, Aymaro, và Peter. Aymaro khinh khỉnh nói:

- Chúng ta hãy tạ ơn Chúa! Tên người Đức chết rồi, có nguy cơ sẽ có một quản thư viện mới còn dã man hơn.

Thầy William hỏi:

- Huynh nghĩ ai sẽ được chỉ định giữ chức này.

Peter mỉm cười bí hiểm:

- Sau các diễn biến trong những ngày qua, vấn đề không còn là quản thư viện, mà là Tu viện trưởng…

- Suỵt. – Pacificus nói:

Alinardo, với vẻ trầm tư cố hữu nói: - Họ sẽ hành động bất công một lần nữa… như hồi thời của ta vậy. Phải chận đứng họ lại.

- Ai? - Thầy William hỏi. Pacificus thân mật nắm lấy tay thầy dắt về hướng cửa, xa khỏi cụ già.

- Alinardo… như Huynh biết… Chúng tôi thương lão Huynh ấy lắm. Đối với chúng tôi, già ấy tượng trưng cho truyền thống cũ và thời hoàng kim của tu viện. Nhưng đôi khi già phát biểu mà không hiểu điều mình nói. Chúng tôi đều lo lắng về một quản thư viện mới. Người ấy phải xứng đáng, chín chắn và khôn ngoan… Tất cả chỉ cần thế thôi.

- Người ấy có cần thiết biết tiếng Hy Lạp không?

- Và cả tiếng Ả Rập, theo truyền thống bắt buộc: chức vụ này đòi hỏi vậy. Nhưng trong số chúng tôi có rất nhiều người hội đủ khả năng này. Có thể nói là có tôi, Peter và Aymaro…

- Benno cũng biết tiếng Hy Lạp.

- Benno thì quá trẻ. Tôi không hiểu sao hôm qua Malachi lại chọn Huynh ấy làm phụ tá, nhưng…

- Thế Adelmo có biết tiếng Hy Lạp không?

- Tôi nghĩ là không. Không, chắc là không.

- Nhưng Venantius và Berengar biết tiếng Hy Lạp. Thôi được rồi, cảm ơn Huynh.

Chúng tôi bỏ xuống bếp tìm cái gì ăn. Tôi hỏi:

- Sao thầy lại muốn tìm hiểu ai biết tiếng Hy Lạp?

- Vì tất cả những ai chết có ngón tay bầm tím đều biết tiếng Hy Lạp. Do đó, có thể chắc rằng kẻ chết kế tiếp sẽ ở trong số những người biết tiếng Hy Lạp. Kể cả thầy nữa. Con được an toàn.

- Thế thầy nghĩ gì về những lời cuối cùng của Malachi?

- Con đã nghe mà…. Bọ cạp. Hồi kèn thứ năm, trong số nhiều điều khác, có báo hiệu một bầy cào cào sẽ đến dày xéo con người bằng những nọc độc như nọc bọ cạp. Và Malachi cho chúng ta hay rằng, ai đó đã cảnh báo trước cho Huynh ấy biết.

- Hồi kèn thứ sáu báo hiệu ngựa đầu sư tử, miệng phun khói lửa, lưu huỳnh, người cỡi mặc áo giáp màu đỏ rực, ngọc da cam và lưu huỳnh.

- Nhiều thứ quá. Nhưng án mạng kế tiếp có thể xảy ra cạnh chuồng ngựa. Chúng ta phải canh chừng nó. Và chúng ta phải chuẩn bị cho loạt kèn thứ bảy. Sẽ còn hai nạn nhân nữa. Ai có thể bị chọn lựa nhỉ? Nếu mục tiêu là bí mật của “Finis Africae” thì những kẻ biết bí mật sẽ bị chọn. Theo thầy nghĩ, chỉ có thể là Tu viện trưởng, trừ phi âm mưu nhằm một mục tiêu khác. Con vừa nghe họ lập mưu lật đổ Tu viện trưởng, nhưng Alinardo dùng chữ “họ”…

- - Phải báo cáo Tu viện trưởng.

- Báo cáo gì? Rằng họ sẽ giết Cha à? Thầy không có bằng chứng rõ ràng. Thầy tiến hành như thể cùng nghĩ như kẻ sát nhân. Nhưng nếu hắn theo đuổi một phương án khác thì sao? Và nhất là, nếu không phải chỉ có một kẻ sát nhân?

- Thầy muốn nói gì?

- Thầy không chắc. Nhưng như thầy đã bảo, chúng ta phải tưởng tượng mọi tình huống có thể xảy ra, và mọi điều xáo trộn.
 
Chương 64


KINH ĐẦU

Tác giả: Umberto Eco

Nicholas kể nhiều điều

khi thầy tôi đến thăm

hầm kho tàng

Nicholas nhận trách nhiệm mới là quản hầm, Huynh đang ban chỉ thị cho các đầu bếp và họ báo cáo cho Huynh nghe các hoạt động của nhà bếp. Thầy William muốn nói chuyện với Nicholas, nhưng Huynh bảo chúng tôi đợi một lát, cho đến khi Huynh xuống hầm kho tàng để trông coi việc đánh bóng các hộp kính, vì đó vẫn còn là nhiệm vụ của Huynh. Ở đấy, chúng tôi sẽ có nhiều thì giờ để nói chuyện hơn.

Quả nhiên, một lát sau, Nicholas bảo chúng tôi đi theo, Huynh đi vào nhà thờ, đi ra sau bàn thờ chính xuống một cầu thang nhỏ trong khi đó các tu sĩ đang dựng bục đặt quan tài trong gian giữa giáo đường để canh xác Malachi. Đến cuối thang, chúng tôi lọt vào một căn phòng có vòm trần rất thấp, chống đỡ bằng những cột to bằng đá thô. Chúng tôi đang ở trong nhà hầm, nơi cất giữ tài sản của tu viện, nơi Tu viện trưởng bo bo giữ gìn và chỉ cho phép mở cửa trong những dịp thật đặc biệt đón khách quý.

Khắp nơi là các hộp đủ cỡ, trong đó chứa những báu vật đẹp lộng lẫy rực sáng lên dưới ánh đuốc của hai người phụ tá tin cẩn của Nicholas, những bộ trang phục bằng vàng, vương miện vàng nạm ngọc, rương bằng nhiều kim loại khác nhau có chạm hình, những đồ bằng ngà và men huyền. Nicholas khoái trá đưa chúng tôi xem một quyển Phúc âm bìa làm bằng những miếng men cực đẹp, gồm những chương được sắp xếp theo thứ tự và sơn màu khác nhau, có viền vàng và chạm trổ lộng lẫy, đóng lại bằng đá núi hình như cái đinh. Huynh còn cho chúng tôi xem một bộ tranh ngà cẩn vàng gồm năm bức, vẽ năm cảnh của cuộc đời Chúa Ki-tô, ở chính giữa có một ngọn đèn thần, gồm những ngăn mạ bạc cẩn kính, một hình ảnh duy nhất đầy màu sắc trên nền màu bạch lạp.

Khi Nicholas khoe với chúng tôi những vật này, gương mặt và cử chỉ của Huynh rạng rỡ, đầy vẻ tự hào. Thầy William ca ngợi những vật vừa được xem, rồi hỏi Nicholas: Malachi là loại người thế nào.

Nicholas liếm một ngón tay và chà lên một mặt pha lê chưa được đánh bóng kỹ, rồi không nhìn thầy, gượng cười đáp:

- Nhiều người bảo Malachi là người sâu sắc, nhưng ngược lại, Huynh ấy rất nông cạn. Còn Alinardo cho Huynh ấy là một tên ngốc.

- Alinardo có oán thù gì với một kẻ nào đó thời xa xưa khi Huynh ấy bị từ chối không cho làm quản thư viện không?

- Tôi cũng nghe nói như vậy, nhưng đó là chuyện xưa, ít ra là năm mươi năm rồi. Khi tôi đến đây thì quản thư viện là Robert xứ Bobbio, và các tu sĩ có xầm xì về việc bất công đối với Alinardo. Robert có một phụ tá, sau này đã chết, và Malachi tuy còn rất trẻ lại được bổ nhiệm thay thế người ấy. Nhiều người cho rằng Malachi không xứng đáng, mặc dù Huynh ấy tuyên bố mình biết tiếng Hy Lạp và Ả Rập nhưng không đúng. Huynh ấy chỉ giỏi bắt chước và sao lại các bản viết bằng những ngôn ngữ ấy với tuồng chữ thật đẹp, mà chẳng biết mình đang chép gì. Alinardo nói bóng gió rằng Malachi được bổ nhiệm vào chức đó để ủng hộ mưu đồ của kẻ thù của Alinardo. Nhưng tôi không hiểu lão Huynh ấy định ám chỉ ai. Đó là toàn bộ câu chuyện. Lúc nào người ta cũng xầm xì rằng Malachi canh tu viện như một con chó giữ nhà mà không biết mình đang bảo vệ cái gì. Vì thế, người ta cũng thì thầm chống đối Berengar khi Malachi chọn Huynh ấy làm phụ tá. Người ta bảo chàng trai trẻ đó cũng chẳng khôn ngoan gì hơn ông thầy mình, y chỉ là một tên mưu sỉ. Họ cũng nói – chắc hẳn (đến?) nay Huynh cũng nghe đồn về việc này rồi – rằng có mối quan hệ lạ lùng giữa Berengar và Malachi… Chuyện đồn đãi xưa rồi. Và như Huynh biết đấy, họ lại bàn tán về Berengar và Adelmo, các thầy ký trẻ bảo Malachi âm thầm chịu đựng sự ghen tuông kinh khủng… Họ cũng lào xào về sự liên hệ giữa Malachi và Jorge. Không, không phải theo kiểu Huynh nghĩ đâu – chưa ai xì xào về đạo đức của Jorge cả! – nhưng Malachi, với chức vụ quản thư viện, theo truyền thống, đáng lẽ phải xưng tội với Tu viện trưởng, còn các tu sĩ khác sẽ đến xưng tội với Jorge hay với Alinardo, nhưng bây giờ lão huynh ấy đã gần như mất trí nhớ rồi… Thế nhưng, họ bảo trái lại, Malachi lại bàn bạc quá nhiều với Jorge, tựa như Tu viện trưởng nắm phần hồn của Malachi, còn Jorge lại giữ phần xác, phần hành động và công việc của Huynh ấy. Quả thực, như Huynh biết và thấy đấy, nếu ai đó muốn biết vị trí của một quyển sách xưa chẳng còn ai nhớ đến thì người ấy sẽ không hỏi Malachi mà hỏi Jorge. Malachi giữ thư mục và đi lên thư viện, nhưng Jorge mới là người biết mỗi tựa sách có ý nghĩa gì…

- Tại sao Jorge lại biết quá nhiều điều về Thư viện?

- Sau Alinardo, Huynh ấy là người cao niên nhất, và đã ở đây từ thời trẻ. Jorge phải trên tám mươi tuổi rồi, và họ bảo Huynh ấy đã mù gần bốn mươi năm, có lẽ lâu hơn nữa…

- Làm thế nào sau khi mù, Huynh ấy lại trở nên uyên bác như vậy?

- Ồ, có nhiều huyền thoại về Huynh ấy – Dường như ngay từ hồi còn bé, Huynh ấy đã được ban ân phước và đã đọc được sách của các học giả Hy Lạp và Ả Rập bằng tiếng Castile mẹ đẻ của mình. Từ sau khi bị mù đến nay, Huynh ấy ngày ngày ngồi nhiều giờ trong Thư viện và bảo người khác đọc thư mục và mang sách đến cho mình, rồi một tu sinh đọc to nó lên cho Huynh nghe suốt giờ này sang giờ kia.

- Bây giờ Malachi và Berengar đã chết, còn ai nắm được các bí mật của Thư viện?

- Tu viện trưởng, và Cha ấy sẽ phải truyền chúng lại cho Benno.. nếu Cha muốn…

- Sao Huynh lại bảo “nếu Cha muốn”?

- Vì Benno còn trẻ và được phong phụ tá khi Malachi vẫn còn sống, làm phụ tá quản thư khác với làm quản thư nhiều. Theo truyền thống, quản thư viện về sau sẽ trở thành Tu viện trưởng…

- À, ra thế… Thảo nào người ta ham muốn chức quản thư viện đến vậy. Thế Tu viện trưởng có dạo đã là quản thư viện à?

- Không, không phải Viện trưởng này. Cha Bề trên đã được chỉ định trước khi tôi đến đây. Tính đến nay đã ba mươi năm rồi. Trước lúc đó, Tu viện trưởng là Paul xứ Rimini, họ kể nhiều câu chuyện lạ lùng về con người kỳ dị này. Dường như đó là một kẻ ngốn sách kinh khủng nhất, ông ấy thuộc nằm lòng tất cả mọi cuốn sách trong thư viện, nhưng ông ấy mắc một chứng yếu đuối rất lạ: ông ấy không viết được. Họ gọi ông ấy là “Abbas agraphicus”[1]… Ông trở thành Tu viện trưởng lúc còn rất trẻ, người ta bảo ông được Algirdas xứ Cluny ủy hộ… Nhưng đó chỉ là chuyện phiếm của mấy tu sĩ già. Dầu sao, Paul lên làm Tu viện trưởng, và Robert xứ Bobbio thế chỗ của ông trong thư viện, nhưng người này mắc bệnh rồi yếu dần, họ biết Robert sẽ không đủ khả năng điều hành tu viện nữa. Rồi Paul xứ Rimini biến mất…

- Ông chết à?

- Không, ông ấy biến mất, tôi không biết tại sao. Một ngày nọ ông lên đường du hành và chẳng bao giờ trở lại nữa, có lẽ ông ta bị bọn cướp giết chết dọc đường đi… Dầu sao, khi Paul mất tích thì Robert không thể thế chỗ ông và những âm mưu mờ ám đã xảy ra. Người ta nói, Cha bề trên ngày nay là con hoang của một lãnh chúa vùng này. Cha lớn lên trong một tu viện ở Fossanova, người ta kể rằng khi còn trẻ, Cha đã chăm sóc Thánh Thomas khi Ngài mất tại đó, và được giao nhiệm vụ mang cái xác khổng lồ của Ngài xuống cầu thang của một ngọn tháp chật hẹp đến nỗi không đưa thi hài qua được… bọn ác ở đây xầm xì rằng đó là giây phút vinh quang của Cha… Sự thật là Cha được bầu làm Tu viện trưởng và mặc dầu chưa bao giờ làm quản thư viện, nhưng Cha đã được một người mà tôi nghĩ là Robert, chỉ giáo cho biết những bí ẩn trong thư viện. Bây giờ, Huynh hiểu tại sao tôi không biết Tu viện trưởng có muốn chỉ giáo cho Benno hay không: thế cũng giống như phong cho một tên trai trẻ vô tâm, một nhà ngữ pháp học bán khai từ phương Bắc đến làm người kế vị của mình. Benno biết gì về xứ này, về tu viện và các mối liên hệ của nó với các lãnh chúa trong vùng?

- Nhưng Malachi và Berengar cũng đâu phải người Ý, thế mà cả hai đều được bổ nhiệm vào Thư viện.

- Đó là một điều bí ẩn đối với Huynh. Các tu sĩ thắc mắc rằng trong hơn nửa thế kỷ qua, tu viện đã từ bỏ truyền thống cũ… Thế nên năm mươi năm qua, có lẽ còn lâu hơn nữa, Alinardo đã háo hức chức quản thư viện. Trước đây, quản thư viện luôn luôn là người Ý – trong xứ này đâu có thiếu đầu óc uyên bác. Vả lại, Huynh thấy…

Nói đến đây, Nicholas ngập ngừng, như không dám nói điều mình muốn:

- … Huynh thấy đó, Malachi và Berengar chết rồi, có lẽ để họ không thể trở thành Tu viện trưởng

Nicholas lúng túng xua tay trước mặt như để đuổi đi ý nghĩ không được thật thà lắm, rồi làm dấu thánh giá:

- Tôi nói gì thế nhỉ? Huynh thấy không, trong những năm qua, nước này đã xảy ra lắm điều nhục nhã, ngay cả trong các tu viện, trong triều đình Giáo hoàng, trong những nhà thờ… Đấu tranh để giành quyền lực, tố cáo dị giáo để đoạt đất đai có lộc thánh.. Xấu xa biết bao! Tôi mất niềm tin ở loài người, đâu đâu tôi cũng thấy mưu mô và thông đồng. Tu viện của chúng ta sẽ hóa thành một ổ rắn độc trỗi dậy nhờ phép mầu huyền bí ở nơi trước kia là thắng lợi của những con người thánh thiện. Hãy nhìn đây: quá khứ của tu viện này!

Huynh chỉ vào những báu vật nằm rải rác khắp nơi. Để lại các thập giá cùng các lọ thánh khác, Huynh dẫn chúng tôi đến xem những hộp đựng thánh tích tượng trưng cho vinh quang của nơi này.

- Hãy xem, đây là đầu chiếc thương đã đâm vào sườn của Chúa Cứu Chuộc! – Chúng tôi trông thấy một cái hộp vàng, nắp bằng pha lê, đựng một cái gói màu tím, trên đặt một mảnh sắt hình tam giác, trước đây bị gỉ sét, nhưng nay đã sáng bóng nhờ bôi nhiều dầu và sáp. Nhưng nó cũng chưa đáng kể. Trong một chiếc hộp bằng bạc nạm thạch anh tím khác, qua lớp vỏ ngoài trong suốt, tôi trông thấy một mảnh gỗ tôn kính của thập giá thiêng liêng do chính Hoàng hậu Helena, mẹ của Hoàng đế Constantine mang đến tu viện. Bà đã đi hành hương đến những thánh địa, khai quật đồi Golgotha và mộ Chúa, rồi xây một đại giáo đường trên đó.

Rồi Nicholas chỉ chúng tôi xem các vật khác nữa mà tôi không thể miêu tả tất cả số lượng và độ quý hiếm của chúng. Một chiếc hộp bằng ngọc xanh nước biển đựng một cái đinh của thánh giá. Trong một cái ống nằm trên cái gối bằng những bông hồng héo, có một đoạn vòng gai. Và trong một hộp khác, cũng trên lớp lót bằng những đóa hoa khô, là một mảnh vải màu vàng từ chiếc khăn bàn trong bữa tiệc cuối cùng. Rồi có những chiếc túi với các vòng xích bằng bạc của Thánh Matthew, và trong một cái ống cột bằng một giải lụa đã mục nát vì thời gian và niêm lại bằng vàng là mảnh xương tay của Thánh Anne.

Lại có những vật khác tuy không phải là thánh tích, nhưng vẫn mãi mãi chứng thực cho những kỳ tích và các điều lạ lùng từ phương xa, chúng được mang đến tu viện do các tu sĩ đã du hành đến những cực xa xôi nhất của thế giới. Còn có những thánh tích khác mà tôi không nhận ra, đựng trong những cái hộp cổ lỗ còn quý hơn chúng nữa, vài chiếc hộp rất cổ xưa. Tất cả những vật này, kể cả vật khiêm tốn nhất, đều đáng để Hoàng đế đánh đổi cả một lâu đài, chúng không chỉ tượng trưng cho danh giá bao la của tu viện mà còn là kho báu thực sự của nơi gìn giữ chúng.

Tôi cứ sững sờ dạo quanh ngắm nghía, vì Nicholas đã thôi không giải thích về các báu vật nữa, dẫu sao mỗi thứ đã có một bản miêu tả rồi. Tôi được tự do lang thang giữa đống của cải quý hiếm vô giá đó, lúc thì được ngắm chúng dưới ánh sáng rực rỡ, lúc thì chỉ nhìn được loáng thoáng dưới ánh sáng lờ mờ, vì các người phụ tá của Nicholas đã đem đuốc đến một nơi khác trong hầm. Tôi say mê ngắm nhìn những mẩu sụn đã ngả vàng, trông vừa huyền ảo vừa ghê sợ, vừa biểu hiện vừa bí ẩn; những mảnh áo từ một thời xa xăm ngàn xưa giờ đã sờn chỉ bạc phếch, đôi khi được cuộn lên đựng trong lọ như một bản giấy nhạt màu, những vật liệu nhăn nhúm lẫn với tấm vải giường. Phải chăng đó là cách thân thể của các vị thánh được chôn để chờ sự hồi sinh của xác thịt? Từ những mẫu rã rời đó, phải chăng sẽ tạo lại được các cơ thể mà dưới sự rực rỡ của hư ảnh tuyệt đẹp, sẽ hồi phục các cảm giác tinh nhạy tự nhiên, sẽ ngửi thấy – như Pipernus viết – các mùi vị khác nhau[2]?

Thầy William chạm vào vai tôi, kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ, và nói:

- Thầy lên phòng thư tịch đây. Thầy còn phải xem vài thứ…

- Nhưng không thể lấy được sách đâu. Benno được lệnh…

- Thầy chỉ phải xem lại các cuốn sách đang đọc hôm trước; tất cả vẫn còn ở trong phòng thư tịch, trên bàn Venantius. Nếu muốn, con cứ ở đây. Hầm này là một hình ảnh đẹp thu tóm những cuộc tranh luận về cơ nghèo mà con đã theo dõi mấy ngày nay. Bây giờ chắc con hiểu tại sao các sư huynh xâu xé lẫn nhau để giành chức Tu viện trưởng.

- Nhưng thầy có tin điều Nicholas ám chỉ không? Các án mạng có liên hệ với cuộc tranh đấu giành sự phong quyền không?

- Thầy đã bảo con rằng, lúc này thầy không muốn đưa ra các giả thuyết. Nicholas đã nói nhiều điều, có vài điều khiến ta quan tâm. Bây giờ thầy sẽ lần theo một dấu vết khác, hay có lẽ cũng là dấu vết đó, nhưng từ một hướng khác. Chớ để mấy cái hộp này hớp hồn con đấy. Thầy đã thấy nhiều thập giá trong những giáo đường khác. Nếu tất cả những cái đó đều thật cả thì Chúa của chúng ta không thể bị đọa đày trên hai tấm ván đóng đinh với nhau, mà là trên cả một khu rừng.

- Ôi thầy! – Tôi sững sờ nói.

- Đúng thế đấy, Adso ạ. Và thậm chí, còn có nhiều kho tàng phong phú hơn. Cách đây một thời gian, trong đại giáo đường xứ Cologne, thầy đã trông thấy cái sọ của John-Người rửa tội[3] lúc mười hai tuổi.

- Thực hả thầy? – Tôi kinh ngạc thốt lên, rồi ngờ vực hỏi thêm – Nhưng Người rửa tội bị xử tội vào tuổi già hơn kia mà.

- Cái sọ kia hẳn ở trong một kho tàng khác, - thầy William nghiêm nghị nói. Tôi thật chẳng hiểu lúc nào thầy đùa. Ở xứ tôi, khi đùa thì người ta cười vang, rồi mọi người cùng chung vui. Còn thầy Willam chỉ cười khi nói những điều nghiêm túc, và rất nghiêm nghị khi nói những điều đáng cười.

Chú thích:

[1] Cha Bề trên mắc bệnh mất khả năng viết.

[2] Differentias odorum.

[3] Người đã rửa tội cho Chúa Ki-tô, bị vua Herod giết.
 
Chương 65


KINH XẾ SÁNG

Tác giả: Umberto Eco

Adso lắng nghe khúc ca “Dies irae”[1]

rồi nằm mơ, hay thấy ảo giác,

tùy người ta định nghĩa như thế nào cũng được

Thầy William chia tay Nicholas và lên phòng thư viện. Bây giờ tôi đã nhìn kho tàng đã mắt và định vào nhà thờ để cầu nguyện cho linh hồn Malachi. Tôi chưa bao giờ thích con người dễ sợ này, và không chối cãi rằng lâu nay tôi đã tin Malachi là người gây ra tất cả các án mạng. Bây giờ tôi mới biết, có lẽ Huynh ấy là một kẻ khốn nạn đáng thương, ẩn ức vì không thỏa mãn được dục vọng, một cái bình đất giữa những cái bình sắt, gắt gỏng vì bối rối, im lặng và tránh né vì tự hiểu không biết nói gì. Tôi cảm thấy hơi cắn rứt, nghĩ rằng cầu nguyện cho số phận dị thường của Huynh ấy có thể làm vơi đi mặc cảm tội lỗi của tôi.

Bên trong giáo đường lúc này mờ mờ ảo ảo vì ánh sáng bị thi hài của người xấu số chế ngự. Vang lên tiếng các tu sĩ rầm rì đọc kinh cầu hồn.

Trong tu viện xứ Melk, tôi đã có lần chứng kiến cái chết của một sư huynh. Tôi không thể gọi đó là một dịp vui, nhưng tôi thấy nó thanh thản, nhẹ nhàng và trung thực. Các tu sĩ thay phiên nhau ở trong phòng người hấp hối, tìm lời tốt lành để an ủi người ấy, và ai cũng thực tâm xem người chết là may mắn, vì Huynh ấy sắp chấm dứt một cuộc đời đức hạnh để sớm nhập vào ca đoàn thiên thần ở chốn ơn phước vĩnh hằng. Một phần của sự thanh thản và mùi hương của sự mong muốn thiện ý đó được chuyển đến người hấp hối, và người ấy cuối cùng đã nhẹ nhõm ra đi. Những cái chết trong những ngày vừa qua thật khác lạ biết bao! Cuối cùng, tôi đã trông thấy nạn nhân của những con bọ cạp quỉ quái trong “finis Africae” chết như thế nào, và chắc hẳn Venantius và Berengar cũng chết như thế, dù đã nhờ nước làm dịu bớt cơn đau, mặt họ cũng bị tàn phá như mặt Malachi.

Tôi ngồi co ro ở cuối nhà thờ để chống rét. Khi thấy hơi ấm người, tôi mấp máy môi hòa theo điệp khúc với những sư huynh đang cầu nguyện. Tôi hát theo mà gần như không biết là mình hát gì, trong khi đầu gật gù, mắt muốn nhắm lại. Nhiều phút trôi qua, tôi biết mình đã ngủ gục và thức giấc, ít nhất là ba bốn lần: Rồi ca đoàn bắt đầu hát bài “Dies irae”.. .Khúc ca thấm vào tôi như ma túy. Tôi ngủ thiếp đi. Hay nói đúng hơn, tôi ngủ chập chờn, nửa say nửa tỉnh. Tôi gập người lại như một hài nhi trong bụng mẹ. Trong cái linh hồn mờ mờ sương khói đó, tôi thấy mình như lọt vào một nơi không thuộc trần gian này, tôi gặp một ảo giác, hay một giấc mơ, tùy người ta gọi sao cũng được.

Tôi bước xuống những bực thang hẹp vào một lối đi thấp, như thể đang vào hầm kho tàng, nhưng cứ tiếp tục xuống, tôi đến một hầm rộng hơn, đó là nhà bếp của Đại dinh. Nó chắc chắn là nhà bếp, nhưng không chỉ có tiếng rộn rịp của nồi niêu song chảo, mà còn có tiếng thổi bễ, búa đập ồn ào tựa như các thợ rèn của Nicholas cũng tụ họp ở đây. Lò và vạc đỏ rực chiếu sáng mọi vật, những nồi đun bốc khói sôi sùng sục. Đầu bếp trở xiên trong không trung, còn tất cả tu sinh hiện có mặt nhảy lên bắt lấy gà vịt và các gia cầm khác bị ghim trên những cây sắt nóng đỏ. Bên cạnh đó, mấy người thợ rèn đập búa rầm rầm điếc cả trời xanh, những chùm tia lửa từ chiếc đe tung tóe lên, quyện với những ngọn lửa từ lò túa ra.

Tôi không hiểu mình đang ở trong địa ngục hay trên cái thiên đàng nhỏ mật, lủng lẳng xúc xích mà Salvatore đã tưởng tượng. Nhưng tôi chưa kịp thắc mắc xem mình đang ở đâu thì một đám người lùn, đầu to như cái nồi chạy ào vào, đẩy tôi dạt đi, lôi tôi tới ngưỡng cửa của nhà ăn và tống vào trong.

Gian phòng được bày biện để dọn tiệc. Trên tường treo thảm và cờ xí, nhưng các hình ảnh trang trí trên đó không phải là loại thường trưng bày để khai trí người ngoan đạo hoặc tán dương sự vinh quang của vua chúa. Ngược lại, dường như chúng được gợi cảm hứng từ các minh họa bên lề của Adelmo, và tái tạo lại các hình ảnh kém khủng khiếp hơn nhưng lại hài hước hơn của Huynh ấy: thỏ nhảy múa quanh gốc cây xum xuê; sông đầy cá, cá tự ném mình vào chảo chiên trong tay các con khỉ mặc quần áo nửa đầu bếp, nửa giám mục; những con quái vật bụng phệ nhảy tưng tưng quanh những ấm nước bốc hơi.

Ngay giữa bàn là Tu viện trưởng trong trang phục đại tiệc, áo khoác lớn thêu chỉ tím, tay cầm chiếc nĩa như một quyền trượng. Bên cạnh Cha, Jorge đang uống một cốc rượu lớn, Remigio ăn mặc như Bernard Gui, tay cầm một quyển sách hình con bọ cạp, thành tâm đọc tiểu sử của các vị thánh và những đoạn trong Phúc Âm, nhưng đó là những chuyện về Chúa Ki-tô đang bông đùa với một Thánh Tông đồ, nhắc cho Thánh ấy rằng ông là một cục đá và ông phải xây một nhà thờ trên cục đá lì lợm đó, lăn trên cánh đồng đó, hay là chuyện Thánh Jerome bình giảng Thánh Kinh, bảo rằng Chúa muốn bỏ ngỏ phía sau thành phố Jerusalem. Cứ mỗi câu quản hầm đọc, Jorge lại phá lên cười, đập tay xuống bàn la lên: - Trời đất quỉ thần ơi, ngươi sẽ kế vị Tu viện trưởng – Chính lão ấy đã nói những lời như thế, xin Chúa tha thứ cho con.

Khi Tu viện trưởng vui vẻ ra hiệu thì một đoàn trinh nữ tiến vào. Đó là một dãy phụ nữ ăn mặc rực rỡ, lộng lẫy, trong đám đó tôi ngỡ đã nhận ra mẹ mình, nhưng rồi biết mình lầm, vì đó quả thực là cô gái khủng khiếp như thiên binh vạn mã. Khác chăng là nàng đang đội một vương miện ngọc trai trắng, hai bên khuôn mặt là hai bím tóc và hai suối ngọc tuôn xuống quyện với hai chuỗi ngọc khác đeo trên ngực, mỗi hạt ngọc lủng lẳng một viên kim cương to như quả mận. Thêm nữa, tai nàng còn đeo tòn ten hai chuỗi ngọc xanh, nối lại với nhau tạo thành một vòng quấn quanh chiếc cổ cao thẳng và trắng ngần như tháp Li-Băng. Áo của nàng màu ốc gai, tay nàng cầm một cái cốc vàng đính kim cương mà tôi biết, tôi chẳng hiểu tại sao mình lại biết, trong đó có chứa thuốc độc mà hôm nọ người nào đó đã trộm của Severinus. Theo sau nàng con gái xinh đẹp như bình minh này là các cô gái khác. Một cô khóac một chiếc áo trắng có thêu bên ngoài một chiếc áo màu đậm khác, cùng một khăn choàng vai hai lớp màu vàng có thêu hoa dại. Cô thứ hai khoác một chiếc áo dệt hoa vàng, trên chiếc áo dài màu hồng nhạt lốm đốm lá xanh có dệt hình hai hình vuông lớn, giống như một mê cung tối tăm. Cô thứ ba mặc một cái áo màu ngọc, dệt hình những con thú nhỏ màu đỏ, tay cầm một khăn choàng thêu màu trắng. Tôi không quan sát những cô còn lại ăn mặc ra sao, vì tôi cố tìm hiểu xem họ là ai mà đi theo người con gái bây giờ lại giống Đức Mẹ Đồng Trinh. Mỗi người cầm trên tay một bản hình cuộn, hay tựa như các bản hình cuộn là từ miệng các cô phun ra. Tôi nhận ra họ là Ruth, Sarah, Susanna và các người đàn bà khác trong Thánh Kinh.

Đến lúc này, Tu viện trưởng la lên:

“Vào đi mấy đứa con hoang!”. Rồi một loạt các thánh nhân mà tôi có thể nhận ra dễ dàng bước vào nhà ăn, trang phục long trọng và lộng lẫy. Chính giữa nhóm này là một người ngồi trên ngai, đó là Chúa Ki-tô, đồng thời cũng là Adam - trên vai khoác một chiếc áo màu tím có kết một vòng nguyệt quế lớn bằng ngọc trai và hồng ngọc, đầu đội vương miện giống như vương miện của người con gái ấy, tay cầm một cái cốc lớn hơn, ngập đầy huyết heo. Tất cả các vị thánh nhân quen thuộc khác mà tôi sẽ nói sau đều bao quanh Ngài, cùng với một đám lính của Vua Pháp mặc binh phục xanh hay đỏ, cầm khiên màu ngọc nhạt có khắc mẫu tự đầu tên của Chúa. Trưởng toán lính đến bái chào Tu viện trưởng và đưa cốc cho Cha. Sau đó, Tu viện trưởng nói: “Di chuyển cái thứ nhất và cái thứ bảy của cái thứ tư”[2], rồi mọi người đồng thanh cất tiếng ca: “Trong tận cùng Châu Phi, amen”[3]. Rồi mọi người “ngồi xuống”[4]

Khi hai chủ tiệc đã giải tán khách ra như thế, thì theo lệnh của Tu viện trưởng Solomon, người ta bắt đầu dọn bàn. Thánh James và Andrew mang đến một bó rơm, Adam ngồi ngay vào giữa, Eva nằm xuống trên một cái lá, Cain kéo vào một cái cày, Abel mang vào một cái xô để vắt sữa ngựa Brunellus, ông Noah đắc thắng chèo thuyền vào, Abraham ngồi dưới gốc cây, Isaac nằm trên bàn thờ bằng vàng trong giáo đường, Moses ngồi xổm trên một tảng đá, Thánh Daniel hiện ra trên bục mai táng trong vòng tay Malachi, Tobias nằm dài trên giường, Thánh Joseph ném mình vào đấu lúa, Benjamin ngả người tựa vào một cái bao, và còn nhiều người nữa, nhưng hình ảnh trở nên lộn xộn. Vua David đứng trên một mô đất, Thánh John trên nền nhà, Vua Pharoch trên đất, Lazarus trên bàn, Chúa Ki-tô trên miệng giếng, Zaccheus trong bụi cây, Thánh Matthew trên ghế đẩu, Raab trên bụi gai, bà Ruth trên đống rơm, Thecla trên bục cửa sổ (gương mặt xanh xao của Adelmo từ bên ngoài ló vào như để cảnh giác bà có thể ngã gục xuống vực đá), Susanna trong vườn, tên bán Chúa Judas giữa những nấm mồ, Thánh Peter trên ngai, Thánh James nằm võng, Thánh Elias cưỡi ngựa, bà Rachel ngồi trên một cái bọc, Thánh Tông đồ Paul đặt gươm xuống để nghe Esau phàn nàn, trong khi Job ngồi trên đống phân than vãn và bà Rebecca mang áo quần đến giúp đỡ, bà Judith thì giúp một cái chăn, bà Hagar giúp một tấm vải liệm, còn vài tu sinh thì khiêng vào một cái nồi lớn bốc hơi nghi ngút, từ trong đó nhảy ra Venantius mình mẩy đỏ lòm, rồi Huynh đi phân phát tiết canh heo.

Phòng ăn ngày càng đông, mọi người đều ăn ngấu nghiến. Tiên tri Jonas bỏ lên bàn vài quả bầu, tiên tri Isaiah đem lên ít rau, tiên tri Ezekich một ít dâu đen, Zaecheus hoa sung dâu, Adam chanh, Thánh Daniel đậu lu-pin, vua Pharaoh tiêu, Cain artichaud, Eva quả vả, Rachel táo, Ananias đem vài trái mận nhỏ như kim cương, Leah đem hành, Aaron ô-liu, Thánh Joseph một quả trứng, ông Noah nho, thánh Simeon đào, trong khi đó Chúa Ki-tô vừa hát bài “Dies irae”, vừa vui vẻ rót lên tất cả các dĩa một ít giấm mà Ngài đã vắt được từ miếng bọt bể, lấy từ cây thương của một tên lính thuộc vua Pháp.

Đến lúc này, Jorge, sau khi gỡ cặp kính nhiệm mầu ra, đốt một bụi cây do Sarah nhóm, Isaac khuân xuống và Joseph chẻ, trong khi Jacob đào giếng và Thánh Daniel ngồi xuống bờ hồ thì tôi tớ mang nước lên, Noah mang rượu, Hagar mang túi da đựng rượu, Abraham mang một con bê bị Raab trói vào cột, Chúa Ki-tô nắm thừng và Elijah cột chân. Rồi Absalom nắm lông nó treo lên, Peter rút kiếm ra, Cain giết nó, Vua Herod thọc huyết, Shem quăng bộ lòng và phân đi, Jacob bôi thêm dầu, Molessadon bỏ thêm muối, Antiochus đem lên lửa, Rebecca nấu, Eva nếm trước và ọc ra, nhưng Adam bảo không sao cả và vỗ vào lưng Severinus, khi Huynh đề nghị thêm rau thơm vào. Rồi chúa Ki-tô bẻ bánh mì và phân phát cá, Jacob hét lên vì Esau đã ăn hết súp, Isaac đang nhai ngấu nghiến một con dê non quay, Jonal ngốn một con cá voi luộc, còn Chúa Ki-tô thì nhịn đói bốn mươi ngày đêm.

Trong khi đó, mọi người ra vào mang theo những con vịt ngon nhất săn được đủ màu đủ cỡ, Benjamin luôn luôn giữ phần lớn nhất, bà Mary ăn miếng ngon nhất, còn Martha thì phàn nàn cứ phải rửa bát đĩa. Rồi họ xẻ thịt con bê, lúc ấy đã phồng lên thật lớn. Thánh John được chia cái đầu, Abessalom bộ óc, Aaron cái lưỡi, Sampson cái hàm, Thánh Peter cái tai, Holofernes cái đầu, Leah thịt mông, Saul cái cổ, Jonal cái bụng, Tobias lá lách, Eva cái sườn, bà Mary cái ức, Elijabeth hạ bộ, Moses cái đuôi, Lot được chân và tiên trị Ezekiel được xương. Trong khi đó, Chúa Ki-tô đang ngấu nghiến một con lừa, Thánh Francis một con sói, Abel một con cừu, Eva một con lươn, Người rửa tội con cào cào, vua Pharaoh một con bạch tuộc; vua David đang ăn một con cánh cam, nhào xuống một trinh nữ đen nhưng đẹp, trong khi Sampson thì cắn một miếng thịt mông sư tử còn Thecla thét lên bỏ chạy vì bị một con nhện đen lông lá đuổi theo.

Rõ ràng mọi người giờ đã say mèm, vài người trượt rượu té, vài người ngã vào vại, chân thọc ra ngoài như hai cái cọc. Tất cả các ngón tay của Chúa Ki-tô đều tím đen khi Ngài đưa ra những trang sách và phán: Cầm vật này ăn đi, đây là những câu đố của Symphosius, kể cả câu đố về con cá của Chúa trời và Đấng Cứu Chuộc của các ngươi.

Adam nằm dài nốc rượu và rượu từ be sườn nhỉ ra ngoài. Noah vừa ngủ vừa chuởi Ham, Holofernes ngáy chẳng nghi ngờ ai cả, Jonah ngủ ngon, Thánh Peter canh cho đến khi gà gáy. Chúa Ki-tô giật mình thức giấc khi nghe Bernard Gui và Bertrand del Poggetto âm mưu thiêu cô gái. Ngài hét lên: Cha ơi, nếu muốn thì hãy để ta chuyền cốc này! Rồi kẻ thì rót thật tệ còn kẻ thì uống thật giỏi, người thì chết vì cười còn người thì cười đến chết, người thì cầm bình còn người thì uống chung cốc với kẻ khác. Susanna la lên rằng nàng chẳng bao giờ trao thân thể ngà ngọc của mình cho quản hầm và Salvatore để đổi lấy một trái tim bò khốn khổ. Pilate lang thang khắp nhà ăn như một linh hồn lưu lạc đi xin nước để rửa tay, còn Fra Dolcino, đầu đội mũ gắn lông chim, mang nước đến, rồi khúc khích cởi áo ra và phơi bày hạ bộ máu đỏ lòm, trong khi đó Cain chưởi bới ông và ôm lấy người đẹp Margaret xứ Trent: Dolcino bật khóc và tựa đầu vào vai Bernard Gui, gọi hắn là Giáo hoàng thiên thần, Ubertino dùng cây của cuộc sống an ủi ông, Michael xứ Cesena dùng cái túi vàng, những cô Mary vẩy thuốc lên người ông, và Adam thuyết phục ông cắn vào một quả táo vừa mới hái.

Rồi vòm của Đại dinh mở ra và từ trời xanh Roger Bacon hạ giáng trên một máy bay “chỉ có một người điều khiển”[5], vua David bèn chơi đàn lia, Salome đeo bảy lớp mạng nhảy múa, mỗi lần một lớp mạng rơi xuống, nàng lại thổi một trong bảy hồi kèn và phô bày một trong bảy điềm báo trước, cho đến khi chỉ còn lại một cô gái duy nhất. Ai cũng bảo chưa hề có một Tu viện nào vui vẻ như thế này, đoạn Berengar kéo áo dòng của mọi người lên, đàn ông cũng như đàn bà, và hôn lên hậu môn của họ.

Rồi chính Tu viện trưởng nổi giận đùng đùng vì Cha bảo mình đã tổ chức một bữa tiệc vui vẻ như thế này mà chẳng ai cho Cha cái gì cả. Thế là mọi người tranh nhau đem tặng Cha quà cáp, báu vật, một bò đực, một cừu, một sư tử, một lạc đà, một nai đực, một bê, một ngựa cái, một cỗ xe ngựa mặt trời, cằm của Thánh Eubanus, đuôi của Thánh Ubertina, tử cung của Thánh Venantia, cổ của Thánh Burgosina, được chạm trổ như một cái cốc mười hai tuổi, và một bản sao quyển “Ngũ giác đài của vua Solomon ”[6]. Nhưng Tu viện trưởng hét lên rằng họ đang cố đánh lạc hướng để Cha khỏi chú ý đến hành động của họ, nhưng thực ra họ đang ăn cướp của quí trong hầm kho tàng, nơi chúng tôi đang tụ họp, và một quyển sách quý nhất nói về bọ cạp và bảy hồi kèn bị trộm mất. Cha bèn gọi lính của vua Pháp lục soát mọi kẻ tình nghi. Mọi người xấu hổ thấy bọn lính tìm được một mảnh vải nhiều màu trên người Hagar, một con dấu bằng vàng trong người Rachael, một gương bạc trong ngực Thecla, một cái vòi dưới cánh tay Benjamin, một khăn phủ giường trong đống quần áo của Judith, một cái thương trong tay Longinus và một bà vợ hàng xóm trong vòng tay Abimelech. Nhưng tồi tệ nhất là họ tìm thấy con gà trống đen trong cô gái đẹp và đen như một con mèo mun, rồi họ gọi nàng là phù thủy và Tông đồ giả danh. Thế là họ xông vào nàng để trừng trị. Người Rửa tội chém đầu nàng, Abel mổ bụng nàng, Adam lôi ruột ra, Nebuchadnezzaz dùng bàn tay bốc lửa vẽ các dấu hiệu hoàng đạo lên ngực nàng, Eijiah chở nàng đi trên cỗ xe nóng đỏ, Noah ném nàng xuống nước, Ananias nhét nàng vào lò, Sampson xiềng nàng lại, Paul quất roi vào người nàng, Peter đóng nàng vào thập giá, đầu dốc ngược xuống, Stephen ném đá vào nàng, Laurence thiêu nàng, Bartholomew lột da nàng, Judas tố cáo nàng, quản hầm đốt nàng, và Thánh Peter phủ nhận mọi điều. Rồi hết thảy lao lên cái xác đó, ném phân vào nàng, đánh rắm vào mặt nàng, tiểu lên đầu nàng, ói vào ngực nàng, dứt tóc, cầm đuốc đang cháy quất vào mông nàng. Thân thể cô gái xưa kia ngọt ngào đẹp đẽ bây giờ tan nát, bị xé thành từng mảnh vương vãi khắp các hộp kính, khắp những hộp vàng-và-pha-lê đựng thánh tích trong hầm. Nói đúng hơn, không phải xác cô gái đã làm đầy hầm này, mà chính các mảnh thịt trong nhà hầm quay vòng vòng đã dần dà tạo thành thân xác của cô gái, bây giờ chỉ còn là một chất đá khoáng, rồi nó sẽ bị tan rã vương vãi, bụi thiêng của những đoạn khúc do sự báng bổ điên cuồng tích tụ lại. Tựa như một thân thể bao la duy nhất, trong mười thế kỷ, đã rã thành từng phần, và những phần này đã được sắp xếp để làm đầy cả một hầm kho tàng này, tuy nó đẹp hơn lò thiêu xương của các tu sĩ quá cố, nhưng cũng giống vậy thôi. Tựa như chính xác thịt chắc nịch của thân thể con người, kiệt tác của tạo hóa, đã vỡ ra thành nhiều dạng riêng biệt, do đó nó trở thành hình ảnh của chính thực thể đối kháng của mình, một hình dạng không còn lý tưởng nữa mà rất trần tục, bằng cát bụi và những mảnh hôi tanh, chỉ có thể biểu trưng cho cái chết và sự hủy diệt…

Bây giờ tôi chẳng còn thấy những người dự tiệc hay quà tặng của họ đâu nữa, tựa như mọi khách khứa trong buổi dạ tiệc đều ở trong hầm, nhưng mỗi người đã khô đi thành bã, mỗi người là sự cải dung trong mờ của chính mình, Rachel là một khúc xương, Thánh Daniel là cái răng, Sampson là cái hàm, Chúa Ki-tô là một mảnh vải màu tím. Tựa như đến khi gần tàn, bữa tiệc đã hóa thành vụ xử giảo cô gái, và biến hành vụ xử giảo chung khắp, và tôi đang ở đây chứng kiến hậu quả sau cùng của nó, mọi thi thể chuyển hóa thành một thi thể duy nhất, bị tan nát và đày đọa như thân thể Dolcino sau khi chịu tra tấn, chuyển hóa thành một kho tàng ghê tởm, và lộng lẫy trải rộng hết mức như con vật bị lột da treo cổ, tuy nhiên vẫn còn giữ được những đường gân, lòng ruột, tất cả các bộ phận khác, ngay cả nét mặt nữa, dù chúng đã bị tê liệt rồi… Từ mọi xó xỉnh trong hầm kho tàng, các đại thi thể được chia ra nằm trong những hộp bằng kính và những hộp đựng thánh tích mà vẫn được tái tạo thành một khối mênh mông dị thường, đang chế giễu tôi, thầm thì với tôi và bảo tôi phải chết! Nó vẫn là cái thân thể tại bữa dạ tiệc đã ngồi ăn uống và nhào lộn một cách dung tục, nhưng ở đây, tôi thấy nó gắn chặt vào những mảnh vụn vô tri vô giác không nắm bắt được. Ubertino siết cánh tay tôi, bấu móng tay vào thịt tôi và thì thầm: “Con thấy không, cái mà ban đầu vênh váo tự đắc và hí hửng cười cợt, cũng chính là cái mà bây giờ tại đây đang bị trừng phạt và tưởng thưởng, nó được giải thoát khỏi sự cám dỗ của đam mê và khổ hạnh hóa vĩnh cửu. Nó bị giam giữ trong cơn băng giá triền miên để bảo vệ và tự thanh lọc, nhờ chiến thắng sa đọa để tự cứu khỏi sự tha hóa, vì không có một điều gì khác có thể biến cái đã là cát bụi có thể trở về với cát bụi. Cái chết là sự yên nghỉ của người lữ hành, là chấm dứt mọi công việc[7]”.

Đột nhiên Salvatore bước vào hầm kho tàng, sáng lên như một con quỉ và la lên: “Đồ ngốc! Ngươi không thấy đây là Lyotard vĩ đại à? Cậu bé ơi, ngươi sợ gì chứ? Phô-mai nhồi đây!” Rồi thình lình hầm kho tàng sáng lên những tia lửa đỏ rực và nó lại biến thành nhà bếp, nhưng nó giống phần trong của một cái tử cung máu mủ sền sệt hơn là một nhà bếp. Ở chính giữa là một con thú đen như quạ có hàng ngàn cánh tay, bị xiềng vào một cũi lớn, nhưng nó giang tay để vồ bât kỳ ai gần đó. Như một nông dân khát nước vắt chùm nho, con khổng thú dừng (dùng?) tay vắt nát những người nó tóm được, rồi nó ngấu nghiến chân của người này, đầu của người kia, ợ ra một ngọn lửa thối hơn lưu huỳnh. Nhưng kỳ lạ thay, cảnh tượng ấy không khiến tôi sợ, và tôi ngạc nhiên thấy mình có thể dễ dàng ngắm nghía con “thiện quỉ” đó, mà chung qui không ai khác hơn là Salvatore, vì giờ tôi đã biết tất cả về thân xác trần tục của con người, cùng sự đau khổ và sự tha hóa của nó, nên tôi không sợ gì nữa. Thực ra dưới ánh sáng của ngọn lửa ấy, nay như đã dìu dịu và vui tươi, tôi thấy lại tất cả những thực khách đã trở về nguyên trạng, họ đang ca hát, và nói mọi việc đang bắt đầu lại, trong số đó có người trinh nữ ấy, xinh đẹp và toàn vẹn, nàng nói với tôi: “Không sao cả, không sao cả, rồi anh sẽ thấy. Em sẽ còn đẹp hơn trước đây nữa, cho em đi một lát để thiêu trên giàn hỏa, rồi hai ta sẽ hội ngộ ở đây!” Lạy Chúa tha tội, rồi nàng phơi bày chỗ kín cho tôi tiến vào, tôi thấy mình lọt vào một hang động xinh đẹp như thung lũng hạnh phúc của thời vàng son, đẫm sương, sai quả và xum xuê những cây đầy phô-mai nhồi. Mọi người thảy đều cảm ơn Tu viện trưởng đã đãi một bữa tiệc vui vẻ, và họ tỏ thiện cảm bằng cách xô đẩy Cha, đá đít Cha, xé quần xé áo, đè xuống đất, quất roi vào hạ bộ, còn Cha thì cười và van xin họ đừng thọc lét Cha nữa. Rồi các thầy dòng Anh em Nghèo khó đi vào trên những con ngựa mũi phì khói lưu huỳnh, lưng họ giắt những bọc đầy vàng mà họ dùng để biến chó sói thành cừu non và ngược lại, họ phong chúng làm Hoàng đế với sự công nhận của đông đảo nhân dân đang ca ngợi sự toàn năng vô biên của Chúa. Chúa Ki-tô vung vòng gai của Ngài, hét lên: “Muốn khỏi cười phải bóp miệng lại!” Giáo hoàng John bước vào, nguyền rủa cảnh hỗn độn: “Đến độ này, ta không biết nó sẽ chấm dứt ở đâu!” Nhưng mọi người chế giễu John và theo Tu viện trưởng đi ra cùng với heo vào rừng hái nấm truýp. Tôi toan theo họ thì thấy thầy William từ trong góc bước ra khỏi Mê cung, tay cầm một cục nam châm đang kéo thầy thật nhanh về hướng Bắc. Tôi la lớn “Đừng bỏ con thầy ơi! Con cũng muốn xem trong “finis Africae” có gì!”

“Con đã thấy nó rồi!” – Thầy đáp, bấy giờ đã ở thật xa.

Khi tôi thức giấc thì những lời cuối cùng của bài ca tang lễ đang chấm dứt trong giáo đường:

Ngày ấy đầy nước mắt

Kẻ bất chính từ tro sống dậy

Xin Chúa hãy tha thứ cho hắn

Vì ơn đức Chúa Ki-tô

Xin Chúa hãy ban cho hắn

Sự an nghỉ vĩnh viễn [8]

Một dấu hiệu cho thấy ảo giác của tôi cũng nhanh như mọi ảo giác khác, nếu nó không bằng một khoảnh khắc của tiếng “amen” như tục ngữ nói, thì nó đã kéo dài gần hết bài kinh “Dies irae”

Chú thích:

[1] Bài ca bằng tiếng La Tinh về Ngày phán xét, bây giờ thường được hát như kinh cầu hồn.

[2] Age primum et septimum de quatuor

[3] In finibus Africae, amen

[4] Sederunt

[5] unico homine regente

[6] Pentagonum Salomonis

[7] Mors est quies viatoris, finis et omnis laboris

[8] Lacrimosa dies illa

Qua resurget ex favilla

iudicandus homo reus:

huic ergo parce, deus.

Pie Iesu domine

dona eis requiem
 
Chương 66


SAU KINH XẾ SÁNG

Tác giả: Umberto Eco

William giải thích giấc mơ của Adso

Tôi bàng hoàng đi qua cổng chính và thấy một đám đông ở đấy. Các Sư Huynh dòng Francisco sắp ra đi, và thầy William đã xuống chia tay họ.

Tôi cũng đến tạm biệt họ. Đoạn tôi hỏi thầy khi nào những người kia cùng với các phạm nhân sẽ lên đường. Thầy bảo họ đã đi cách đây nửa tiếng, khi chúng tôi đang ở trong hầm kho tàng, hay có lẽ khi tôi đang mơ.

Tôi hoảng hốt một lúc, rồi bình tâm lại. Thế tốt hơn. Tôi không chỉ chịu đựng nổi cảnh tượng những người phạm tội bị lôi đi xa và mãi mãi, tôi muốn nói đến tên quản hầm và Salvatore xấu xa… Và dĩ nhiên, tôi cũng muốn ám chỉ cô gái. Hơn nữa, giấc mơ đã làm tôi hoảng loạn nên cảm xúc như bị tê dại đi.

Khi đoàn lữ hành của các tu sĩ Khất thực đi ra cổng để rời tu viện, thầy trò tôi đứng trước cửa nhà thờ, lòng buồn rười rượi vì nhiều lý do khác nhau. Tôi quyết kể thầy nghe giấc mơ vừa qua. Mặc dù hư ảnh đó lộn xộn và nhiều màu nhiều vẻ, nhưng lạ lùng thay, tôi nhớ rất rõ từng hình ảnh, từng hành động, từng lời nói trong giấc mơ đó. Tôi kể hết không sót một chi tiết, vi tôi biết giấc mơ thường là những thông điệp huyền nhiệm, từ đó người ta có thể đọc được những lời tiên tri rõ ràng.

Thầy William lặng lẽ nghe tôi, rồi hỏi:

- Con có biết con đã mơ thấy gì không?

Tôi hoang mang đáp:

- Đúng như con đã kể…

- Đương nhiên, thầy hiểu. Nhưng con có biết phần lớn điều con kể đã được viết ra không? Con đã thêm những con người và sự kiện trong những ngày qua vào bức tranh quen thuộc với con, vì con đã đọc câu chuyện trong giấc mơ ở đâu đó, hay con được nghe kể trong trường, trong chủng viện khi còn nhỏ. Đó là “Bữa tiệc của Cyprian ”[1].

Tôi ngỡ ngàng trong giây lát rồi chợt nhớ ra. Thầy nói đúng! Có lẽ tôi đã quên tựa câu chuyện, nhưng có tu sĩ chững chạc hay tu sinh ngang ngạnh nào lại không cười vì những hư ảnh khác nhau trong câu chuyện bằng văn xuôi hay văn vần này. Mặc dù các thầy tu nghiêm khắc ghét cay ghét đắng và cấm đọc tác phẩm này, không có một chủng viện nào mà tu sĩ không thầm thì kể chuyện đó cho nhau nghe, nó đã được rút gọn và viết lại theo nhiều kiểu khác nhau, vài người còn thành kính sao chép lại, bảo rằng đằng sau tấm mạng khôi hài đó của câu chuyện có ẩn giấu những bài học luân lý bí mật, những người khác thì khuyến khích lưu hành nó vì cho rằng qua những hình ảnh giễu cợt trong đó, các tu sinh trẻ có thể dễ nhớ những đoạn thánh sử hơn. Một đoạn thơ đã được viết cho Giáo Hoàng John VIII, với lời đề tặng: “Tôi thích bông đùa, thưa Giáo hoàng John, hãy chấp nhận tôi trong lời bông đùa này. Và nếu Ngài muốn, Ngài cũng có thể cười”. Người ta còn nói Vua Charles Sói đầu [2] đã chuyển thể nó thành kịch dưới dạng một huyền thoại hài hước bằng văn vần để giải trí cho các vị chức sắc trong nhà thờ tới dự tiệc.

Các thầy tôi đã chửi mắng vô kể, khi tôi cùng các bạn đồng môn đọc các đoạn trong truyện đó! Tôi nhớ có một thầy tu già ở Melk thường bảo một người đạo đức như Thánh Cyprian không thể viết một câu chuyện thô tục, phạm thần phạm thánh, nhại lại Thánh kinh như thế, đó là chuyện của một tên vô thần hay một thằng hề chớ đâu phải chuyện của Thánh viết… Tôi đã quên mất những chuyện đùa trẻ thơ đó bao nhiêu năm nay rồi. Tại sao hôm nay “Bữa tiệc ” lại hiện lên trong giấc mơ của tôi rõ ràng đến thế? Trước đây tôi luôn luôn nghĩ rằng giấc mơ là những thông điệp thiêng liêng, hay tệ hơn nữa cũng là những điều vớ vẩn lặp lại từ tiềm thức, khi ta ngủ, về các sự kiện đã xảy ra trong ngày. Bây giờ tôi mới biết người ta cũng có thể mơ thấy sách vở, và do đó, mơ thấy những giấc mơ.

Thầy William bảo: - Giá thầy là Artemidorus để giảng giải thật đúng giấc mơ của con. Nhưng thầy nghĩ: dù không có tài học của Artemidorus đi nữa thì cũng rất dễ hiểu những điều đã xảy ra. Cậu nhỏ ạ, trong những ngày vừa qua, con đã chứng kiến một loạt biến cố, trong đó mọi quy luật chính trực dường như đã bị tiêu diệt. Sáng nay, khi con ngủ, trong tâm trí con đã tái hiện ký ức về một loại hài kịch, trong đó miêu tả một thế giới lộn ngược. Con đã ghép thêm vào đó các hồi ức, nỗi ưu phiền, sợ hãi gần đây nhất của con. Từ những hình vẽ minh họa bên lề của Adelmo, con cho sống lại một cuộc hội hè mà trong đó mọi thứ dường như đều quay ngược hướng, thế nhưng, như trong câu chuyện “Bữa tiệc ” mỗi người lại làm chính cái hành động của mình trong đời thực. Cuối cùng, trong giấc mơ con tự hỏi thế giới nào là giả, thế giới nào là thực, và đi cắm đầu xuống đất có nghĩa là gì. Giấc mơ của con không còn phân biệt được đâu là trời đâu là đất, đâu là sống, đâu là chết nữa. Giấc mơ của con gieo ngờ vực vào những lời giáo huấn đã ban cho con.

Tôi kính cẩn nói:

- Giấc mơ con, chớ không phải là con. Vậy thì giấc mơ không phải là thông điệp thiêng liêng, đó là sự mê sảng quỉ quái, và không chứa đựng một sự thật nào!

- Adso, thầy cũng chẳng biết. Chúng ta đã có quá nhiều sự thật, đến nỗi nếu một ngày nào đó có ai đòi rút tỉa ra một sự thật, ngay từ giấc mơ của chúng ta, thì đó sẽ là ngày tên phản Chúa đã thực sự sẵn sàng. Thế nhưng càng nghĩ đến giấc mơ của con, thầy lại càng thấy trong đó lộ ra nhiều điều hơn. Có lẽ không phải cho con mà cho thầy. Đừng phiền lòng nếu thầy dùng giấc mơ của con để lập nên những giả thuyết. Thầy biết đó là một hành động thấp hèn, không nên làm… Nhưng thầy tin linh hồn của con trong giấc ngủ hiểu nhiều điều hơn thầy trong sáu ngày tỉnh táo…

- Thật hả thầy?

- Thật. Và có thể không. Thầy thấy giấc mơ của con lộ ra điều trùng hợp với một trong các giả thuyết của thầy. Con đã giúp thầy nhiều lắm. Cảm ơn con.

- Nhưng có gì trong giấc mơ của con khiến thầy quan tâm đến thế. Nó cũng vô nghĩa như mọi giấc mơ khác!

- Như mọi giấc mơ và hư ảnh, nó có một ý nghĩa khác. Phải hiểu nó như một phép ẩn dụ, hay một phép loại suy…

- Như Thánh Kinh à?

- Giấc mơ là một đoạn trong thánh kinh, và nhiều đoạn kinh chẳng là gì cả mà chỉ là những giấc mơ.

Chú thích:

[1] Coena Cypriani.

Cyprian: Thánh tử đạo, giám mục thành Carthage (Hy lạp)

[2] Chỉ Vua Charles II (875-877 sau Công Nguyên) Vua của Thánh đế La Mã.
 
Chương 67


KINH TRƯA

Tác giả: Umberto Eco

Tái lập thứ tự kế vị

của các quản thư viện,

nắm thêm dữ kiện về

quyển sách bí ẩn

Thầy William quyết định lên lại phòng Thư tịch, nơi thầy vừa rời gót. Thầy xin phép Benno tra cứu thư mục, và giở xem thật nhanh. Thầy nói:

- Nó chắc đâu đây thôi. Thầy mới thấy nó cách đây một giờ.

Thầy dừng lại một trang và bảo: - Đây, hãy đọc đầu đề này.

Trong một đề mục, có một nhóm bốn tựa sách, cho thấy quyển sách chứa nhiều bản văn. Tôi đọc thấy:

I. ar. Về lời nói của một kẻ ngốc

II. syr. Quyển sách nhỏ về thuật giả kim Ai Cập

III. Cuộc triển lãm của thầy Alcofribae về bữa tiệc của Cyprian, giám mục thành Carthage.

IV. Quyển sách thiếu đoạn đầu nói về nỗi đọa đầy của các nàng trinh nữ và tình yêu của những cô gái điếm[1].

- Gì thế thầy?

Thầy thì thầm bảo:

- Sách chúng ta tìm đấy. Đó là lý do tại sao giấc mơ của con đã gợi cho thầy nhớ đến một điều gì. Bây giờ thầy đã biết điều đó.

Thầy liếc nhanh các trang trước và sau:

- Thật ra, đây là tất cả các sách thầy nghĩ đến. Nhưng đây không phải là điều thầy muốn kiểm tra lại. Xem này. Con có bảng viết không? Giỏi. Chúng ta phải tính toán và cố nhớ thật rõ điều Alinardo đã bảo chúng ta hôm trước, cũng như những gì ta biết được từ Nicholas sáng nay. Này nhé, Nicholas bảo Huynh ấy đến đây ba mươi năm trước, lúc ấy Cha bề trên đã được bổ nhiệm làm Tu viện trưởng. Tu viện trưởng trước Cha là Paul xứ Rimini. Đúng không? Cứ cho sự kế vị này xảy ra khoảng năm 1290, trước hay sau không thành vấn đề. Nicholas cũng bảo, khi Huynh đến thì Robert xứ Bobbio đã là quản thư viện. Đúng chưa? Rồi Robert chết, chức vụ này được trao cho Malachi, cứ cho là vào đầu thế kỷ này. Ghi vào. Tuy nhiên, trước khi Nicholas đến, có một giai đoạn Paul là quản thư viện. Người ấy giữ chức vụ đó trong bao lâu? Không ai nói. Chúng ta có thể xem sổ sách tu viện, thầy nghĩ rằng Tu viện trưởng hiện cất giữ chúng, nhưng lúc này thầy không muốn hỏi Cha các sổ đó. Giả sử Paul được bổ làm quản thư viện cách đây sáu mươi năm. Viết vào. Tại sao Alinardo lại than phiền rằng năm mươi năm trước đây, chức quản thư viện lẽ ra đã được trao cho Huynh ấy mà lại trao cho người khác? Phải chăng Huynh ám chỉ Paul xứ Rimini?

- Hay Robert xứ Bobbio!

- Có lẽ vậy. Nhưng hãy nhìn thư mục này. Như con biết, các đề mục được ghi theo thứ tự thời gian nhận sách vào. Và ai ghi tên tựa sách vào sổ? Quản thư viện. Do đó, dựa theo sự thay đổi tuồng chữ trong những trang này, chúng ta có thể xác lập được thứ tự kế vị của các quản thư viện. Bây giờ, chúng ta xem thư mục ngược từ dưới lên, tuồng chữ cuối cùng là của Malachi, con thấy đấy. Và chỉ chiếm có vài trang thôi. Rồi chúng ta giở ngược về sau thì thấy một loạt trang viết bằng một tuồng chữ run rẩy. Thầy có thể nhận rõ sự hiện diện của Robert bệnh hoạn. Có lẽ Robert không giữ chức quản thư viện lâu. Rồi chúng ta thấy gì nữa? Hết trang này sang trang khác, viết bằng một tuồng chữ thẳng và tự tin, toàn bộ số sách nhận được kể cả nhóm sách mà thầy vừa xem xét mới đây, quả thực đáng kể. Paul xứ Rimini hẳn đã làm việc tích cực lắm! Quá tích cực nữa, nếu con nhớ rằng người ấy trở thành Tu viện trưởng khi còn rất trẻ. Nhưng hãy cho rằng trong vài năm, độc giả mọt sách này đã làm giàu cho thư viện thêm vô số sách. Chẳng phải Nicholas kể rằng, người ấy được mệnh danh là “Abbas agraphicus” (2) vì cái tật, hay cơn bệnh lạ lùng đã làm người mất khả năng viết. Vậy thì ai đã viết những trang này? Có lẽ là phụ tá của ông. Nhưng nếu có cơ may người phụ tá này được bổ làm quản thư, ông ta sẽ tiếp tục viết và chúng ta hiểu được tại sao có nhiều trang cùng một tuồng chữ ở đây như vậy. Thế thì, giữa nhiệm kỳ của Paul và Robert có một quản thư viện khác, được chọn cách đây năm mươi năm, đó là đối thủ bí ẩn của Alinardo, lão Huynh ấy đã hy vọng được kế tục Paul vì lớn tuổi hơn. Rồi người ấy chết, và không biết thế nào đó mà Robert được bổ nhiệm thay người này, trái với kỳ vọng của Alinardo và những người khác.

- Nhưng sao thầy biết chắc khoảng thời gian đó là đúng? Ngay cả việc cho rằng tuồng chữ này là tuồng chữ của người quản thư vô danh, thì tại sao Paul lại không thể viết các đầu đề trong những trang trước nữa?

- Vì trong số những tựa nhận được, họ có ghi lại tất cả các nghị định và sắc chỉ, và các sắc nghị này đều có ghi ngày tháng chính xác. Nếu con tra thấy ở đây có “Sự cảnh giác nghiêm nhặt ” (3) của Giáo hoàng Boniface VII ban hành năm 1296, thì con biết rằng sắc chỉ này không đến Thư viện trước năm đó, và cũng không đến sau năm đó nhiều. Như thế là, ta đã có những cột mốc thời gian, do đó thầy cho rằng Paul xứ Rimini lên nhận chức quản thư viện năm 1265 và lên Tu viện trưởng năm 1275, và tuồng chữ của Paul, hay của một người khác không phải là Robert, kéo dài từ năm 1265 đến 1285, như vậy thầy phát hiện có một khoảng cách biệt là mười năm.

Thầy tôi quả thực sắc sảo. Tôi hỏi: - Thế thầy rút ra được từ khoảng cách biệt thời gian này những kết luận gì?

- Không có kết luận nào cả. Chỉ được vài tiền đề.

Rồi thầy đứng lên, đến nói chuyện với Benno. Huynh vẫn bám vị trí, nhưng lộ vẻ rất lúng túng. Huynh vẫn ngồi sau bàn của mình, chưa dám chuyển sang ngồi ở bàn của Malachi bên cạnh thư mục. Thầy William nói chuyện với Benno có vẻ hơi lạnh lùng. Chúng tôi chưa quên được buổi gặp gỡ khó chịu đêm hôm trước.

- Sư huynh quản thư viện, mặc dù Huynh vừa nhận một chức vụ quan trọng, tôi mong Huynh sẽ trả lời câu hỏi sau: Vào buổi sáng khi Adelmo và vài người khác tại đây bàn luận về các câu đố dí dỏm, rồi Berengar lần đầu tiên, nói đến “finis Africae”, có ai đề cập đến “Bữa tiệc của Cyprian ” không?

Benno đáp: - Có, tôi đã chẳng nói với Huynh rồi ư? Trước khi họ bàn về các câu đố của Symphosius, chính Venantius đã nhắc đến “Bữa tiệc ”, rồi Malachi nổi giận, bảo đó là một tác phẩm hạ cấp và Tu viện trưởng đã cấm không ai được đọc nó…

- Tu viện trưởng à? Hay lắm. Cảm ơn Benno.

- Khoan đã. Tôi muốn nói chuyện với Huynh. – Benno ra dấu bảo chúng tôi theo ra khỏi phòng thư tịch, đến cầu thang dẫn xuống nhà bếp, để không ai nghe thấy lời mình nói. Môi Benno run bần bật. Huynh nói:

- Sư huynh William, tôi sợ quá. Họ đã giết Malachi. Bây giờ tôi là người duy nhất biết quá nhiều. Hơn nữa, nhóm tu sĩ Ý ghét tôi lắm… Họ không muốn có thêm một quản thư viện nước ngoài nữa… Tôi tin những người kia bị giết cũng chính vì nguyên do này… Tôi chưa bao giờ kể Huynh nghe việc Alinardo ghét cay ghét đắng Malachi.

- Ai là người đã tước mất chức quản thư của lão huynh ấy nhiều năm trước đây?

- Tôi không biết: Huynh ấy nói về chuyện ấy rất lờ mờ, và dẫu sao chuyện đó cũng xa xưa quá. Họ chắc chết hết rồi. Nhưng nhóm tu sĩ Ý quanh Alinardo trước đây thường nói… Malachi là một hình nộm do một người khác đặt vào vị trí này, với sự đồng lõa của Tu viện trưởng… Không nhận thức được điều này, tôi… tôi vô tình đã can dự vào cuộc mâu thuẫn giữa hai phe thù nghịch… Sáng nay, tôi mới nhận ra điều này… Nước Ý là một nước đầy rẫy âm mưu: ở đây họ thuốc cả các Giáo hoàng, thế nên hãy tưởng tượng một thanh niên khốn khổ như tôi đây… Hôm qua tôi chưa hiểu, tôi nghĩ quyển sách đó là nguồn gốc của mọi việc, nhưng bây giờ tôi không dám chắc thế nữa. Đó chỉ là một cái cớ thôi: Huynh thấy đấy, quyển sách đã tìm lại được mà Malachi vẫn cứ chết… Tôi phải… Tôi muốn. Tôi muốn chạy trốn. Huynh khuyên tôi nên làm gì đây?

- Hãy bình tĩnh. Bây giờ Huynh cần lời khuyên phải không? Tối hôm qua, Huynh có vẻ như mình là chúa tể thế giới. Chàng trai ngu ngốc ạ, nếu hôm qua Huynh giúp tôi thì chúng ta đã ngăn được án mạng cuối cùng này. Chính Huynh là người đã đưa cho Malachi quyển sách, khiến Huynh ấy phải chết. Nhưng tối thiểu, hãy cho tôi biết một điều: Huynh có cầm quyển sách ấy trong tay không, Huynh có sờ vào nó, đọc nó không? Thế sao Huynh không chết?

- Tôi không biết. Tôi thề rằng tôi chưa chạm vào nó, hay nói cho đúng ra, tôi có sờ vào nó khi lấy nó ra từ phòng thí nghiệm, nhưng không mở nó ra. Tôi giấu nó dưới áo dòng, rồi đem bỏ nó dưới giường trong phòng tôi. Tôi biết Malachi đang theo dõi tôi nên lên phòng thư tịch ngay. Sau đó, khi Malachi đề nghị tôi làm phụ tá cho Huynh, tôi bèn giao quyển sách ấy lại. Toàn bộ câu chuyện là thế.

- Đừng có giấu tôi là Huynh có mở sách ra.

- Có, trước khi giấu, tôi có mở sách ra, để biết chắc đó là quyển sách Huynh đang tìm kiếm. Sách bắt đầu bằng một bản viết tiếng Ả Rập, rồi đến một bản – tôi nghĩ bằng tiếng Xy-ri cổ, rồi tới một bản tiếng La-tinh, và cuối cùng là một bản tiếng Hy Lạp…

Tôi nhớ lại những từ viết tắt chúng tôi đã thấy trong thư mục. Hai tựa đầu được ghi bằng “Ar.” và “Syr.”. Đúng là quyển sách ấy rồi! Thầy William vẫn ráo riết hỏi:

- Huynh chạm vào nó mà không chết. Thế có nghĩa là không phải chạm vào sách là chết người. Huynh có thể nói gì thêm về bản tiếng Hy Lạp không? Huynh có đọc qua không?

- Đọc sơ sài thôi. Chỉ đủ để biết nó không có tựa, nó bắt đầu như thể đã thiếu một phần…

- Liber acephalus. Quyển sách thiếu đoạn đầu… Thầy William lầm thầm.

- Tôi cố đọc trang đầu, nhưng sự thật thì vốn Hy Lạp của tôi rất nghèo. Nhưng tôi rất tò mò về một chi tiết khác, cũng liên quan đến những trang viết bằng tiếng Hy Lạp ấy. Tôi không thể giở xem tất cả các trang ấy được, vì chúng – biết giải thích sao nhỉ? – âm ẩm, dính chặt vào nhau. Rất khó tách một trang này ra khỏi trang kia. Vì loại giấy da đó rất kỳ… mềm hơn các loại giấy khác, trang đầu bị hư nhũn, gần như nhăn nhúm hết. Nó, nó… Lạ lùng lắm!

- “Lạ lùng”: chính là cái từ Severinus đã dùng, - thầy William nói.

- Loại giấy da đó không giống giấy da lắm… Nó như một loại hàng lụa, nhưng rất mịn – Benno tiếp

- Charta lintes, hay giấy lụa đấy. Huynh chưa bao giờ thấy nó à?

- Tôi có nghe nói đến, nhưng chưa bao giờ trông thấy cả. Người ta bảo nó rất đắt và mỏng manh lắm, thế nên rất hiếm khi được sử dụng. Người Ả-rập làm ra loại giấy ấy phải không?

- Họ là người đầu tiên sản xuất nó. Nhưng nó cũng được sản xuất ở Ý và Fabriano. Và cũng… Trời đất, đương nhiên rồi! – Mắt thầy William sáng lên. - Thật là một tiết lộ tuyệt hay, tuyệt đẹp! Tốt cho Huynh rồi, Benno! Cảm ơn Huynh! Phải, tôi nghĩ tại thư viện đây, loại giấy charta lintes phải hiếm hoi, vì không có một bản viết cận đại nào được nhập vào cả. Ngoài ra, nhiều người sợ loại giấy lụa này không chịu nổi qua nhiều thế kỷ như loại giấy da, và có lẽ đúng thế. Hãy tưởng tượng xem, nếu ở đây họ cần một loại gì đó không trường cửu như than… thì sẽ là giấy lụa chăng? Hay lắm. Tạm biệt. Và đừng lo sợ nữa. Huynh không bị nguy hiểm đâu.

Chúng tôi rời phòng thư tịch, Benno ở lại, tuy chưa hoàn toàn an tâm, nhưng đã bình tĩnh hơn.

Tu viện trưởng đang ở nhà ăn. Thầy William đến xin thưa chuyện với Cha. Không tìm cách trì hoãn được, Cha Bề trên đành đồng ý tiếp chúng tôi một lát, tại nhà của mình.

Chú thích:

[1] I. ar. de dictis cuiusdam stulti

II. syr. libellus alchemicus aegypt

III. Expositio Magistri Alcofribae de coena beati Cypriani Cartaginensis Episcopi

IV. Liber acephalus de stupris virginum et meretricum amoribus

[2] Tu viện trưởng mất khả năng viết

[3] Firma Cautela
 
Chương 68


KINH XẾ TRƯA

Tác giả: Umberto Eco

Tu viện trưởng không nghe William,

Cha thuyết giảng về ngôn ngữ của đá quí,

và tỏ ý không muốn tiếp tục

cuộc điều tra về các sự kiện đau buồn

vừa xảy ra thêm nữa.

Các gian nhà của Tu viện trưởng ở trên lầu nhà nguyện, và từ cửa sổ của một phòng khách xa họa rộng mênh mông, nơi Cha tiếp chúng tôi nhìn ra, người ta có thể nhìn thấy tòa Đại Dinh đồ sộ bên ngoài vòm mái của giáo đường, dưới bầu trời trong sáng và lộng gió.

Tu viện trưởng đang đứng bên cửa sổ quan sát nó và trịnh trọng chỉ cho chúng tôi xem. Cha bảo:

- Nó là một thành trì đáng khâm phục, cách kiến trúc cân đối của nó tổng hợp các qui tắc vàng chi phối cấu trúc của một cái hộp. Nó được chia làm ba tầng, vì số ba là số của Chúa Ba Ngôi, số ba là số các thiên thần đến thăm Abraham. Có ba đức tính thần học, ba ngôn ngữ thiêng liêng, ba phần hồn, ba loại âm thanh, ba thời đại trong lịch sử loài người: trước, trong và sau Mười điều răn.

Thầy Willam đồng ý:

- Đó là sự hòa hợp tuyệt diệu của các liên hệ huyền nhiệm.

Tu viện trưởng tiếp:

- Những hình vuông cũng chứa đựng các bài học tinh thần. Có bốn phương trời, bốn mùa, bốn hiện tượng khí tượng: nóng, lạnh, khô, ẩm; bốn giai đoạn đời người: sinh ra, lớn lên, trưởng thành và tuổi già; bốn loại sinh vật: thiên, địa, không, thủy, và bốn màu cầu vồng, và bốn năm cần để thành một năm nhuận.

Thầy William nói:

- Ồ, chắc thế rồi, và ba cộng bốn là bẩy, con số huyền nhiệm nhất; trong khi đó ba nhân bốn là mười hai, con số Thánh Tông đồ, và mười hai nhân mười hai là một trăm bốn mươi bốn, là số những người được Chúa chọn lên thiên đường.

Tu viện trưởng không nói thêm gì được nữa sau màn biểu diễn kiến thức về thế giới lý tưởng của các con số nữa. Thế là thầy William vào thẳng vấn đề. Thầy bảo:

- Chúng ta phải bàn về các biến cố vừa xảy ra mà con đã suy nghĩ kỹ.

Tu viện trưởng xoay lưng về hướng cửa sổ và nghiêm khắc nhìn ngay mặt thầy William.

- Có lẽ quá kỹ nữa. Sư huynh William, thú thật là Cha đã trông đợi ở con nhiều hơn thế. Con đến đây gần sáu ngày rồi, ngoài Adelmo, đã có thêm bốn tu sĩ bị chết, hai người bị Tòa án dị giáo bắt – hẳn nhiên là do công lý thôi, nhưng chúng ta có thể tránh được nỗi nhục này nếu phán quan chẳng buộc phải can thiệp vào các án mạng trước – và cuối cùng, cuộc họp mà Cha chủ trì đã kết thúc thảm thương… chính vì tất cả những điều ác độc đó.

Thầy William bối rối im lặng. Tu viện trưởng đúng mười mươi rồi. Thầy công nhận:

- Đúng thế. Thưa Đức Cha, con đã không đáp ứng được lòng trông đợi của Cha, nhưng con xin giải thích tại sao. Các án mạng này không bắt nguồn từ một vụ cãi vã hay một mối nợ máu giữa các tu sĩ, mà từ những hành động phát xuát từ lịch sử xa xưa của tu viện.

Tu viện trưởng khó chịu nhìn thầy: - Con muốn nói gì? Chính Cha đã nhận thấy chìa khóa của vấn đề không phải là sự việc tồi tệ của quản hầm, vốn đã giao cắt với một câu chuyện khác. Nhưng câu chuyện kia, một câu chuyện mà Cha có thể biết, nhưng không thể bàn bạc… Cha mong nó đã minh bạch và con sẽ kể cho Cha nghe về nó…

- Đức Cha đang nghĩ đến một hành động nào đó mà Cha đã biết được, nhờ xưng tội… - Tu viện trưởng lảng đi, và thầy William tiếp: - Nếu Đức Cha muốn biết xem con có nắm được, mà không cần Cha cho hay, rằng có những quan hệ bất hợp pháp giữa Berengar và Adelmo, giữa Berengar và Malachi, thì phải, ai trong tu viện cũng đều biết điều này…

Tu viện trưởng mặt đỏ gay.

- Cha nghĩ không nên nói những việc như thế trước mặt tu sinh này. Cha nghĩ bây giờ cuộc họp đã xong rồi, con không cần đến cậu ta làm thư ký ghi chép làm chi nữa. Đi đi, cậu bé – Viện trưởng ra lệnh. Tôi xấu hổ lui ra. Nhưng vì tò mò, tôi để hé cửa hành lang, và bò sát bên ngoài để nghe lỏm câu chuyện.

Thầy William lại tiếp:

- Tuy nhiên, các mối quan hệ bất hợp pháp này, cho dù chúng có xảy ra đi nữa, thì chỉ có ảnh hưởng rất ít đến các biến cố đau thương này. Then chốt của vấn đề nằm ở một nơi khác, con nghĩ rằng Cha đã hình dung được. Tất cả xoay quanh việc ăn cắp và sở hữu một quyển sách đã cất dấu trong “finis Africae”, và bây giờ nhờ sự can thiệp của Malachi, đã hoàn về vị trí cũ, mặc dù, như Cha đã thấy, chúng ta không nắm được sự nối tiếp của các án mạng.

Im lặng một hồi lâu, rồi Tu viện trưởng cất tiếng, giọng ngập ngừng, nghẹn ngào, như một người bị choáng váng bởi những tiết lộ bất ngờ.

- Điều này không thể xảy ra… con… Làm sao con biết về “finis Africae”? Con đã vi phạm luật cấm của ta và xâm nhập Thư viện à?

Đáng lẽ thầy William phải thưa thật, nhưng như thế Tu viện trưởng sẽ nổi giận không lường được. Thế nhưng thầy tôi rõ ràng cũng không muốn nói dối. Thầy chọn cách trả lời câu hỏi đó bằng cách đưa ra một câu hỏi khác: - Thoạt đầu tiên gặp gỡ, chẳng phải Đức Cha đã bảo con rằng, một người đã miêu tả chú ngựa Brunellus thật chính xác mà không hề nhìn thấy nó như con, sẽ dễ dàng hình dung những nơi chốn mà người ấy không được vào sao?

- Đúng vậy. Nhưng sao con lại nghĩ như ban nãy?

- Làm thế nào con đi đến kết luận của mình là một câu chuyện dài. Nhưng người ta đã gây ra một loạt án mạng để ngăn cản không cho nhiều người phát hiện một điều mà người ta không muốn họ phát hiện. Bây giờ, tất cả những ai biết chi đó về các bí mật của thư viện, bằng những cách chính đáng hay mưu mô đi nữa, đều đã chết! Chỉ còn mỗi một người: đó là Cha.

- Bộ con muốn ám chỉ… con muốn ám chỉ…

- Xin chớ hiểu lầm con, - thầy William nói, có lẽ thầy cũng thật định bụng bóng gió xa gần. – Con nói, chỉ còn một người biết và không muốn người nào khác biết. Vì Cha là người cuối cùng ấy, Cha có thể sẽ là nạn nhân kế tiếp. Trừ phi Cha kể cho con những điều Cha biết về quyển sách cấm đó, và nhất là, ai trong tu viện có thể biết điều Cha biết, và có lẽ còn hơn thế nữa, về Thư viện.

Tu viện trưởng nói:

- Trong này lạnh quá. Ta hãy ra ngoài đi.

Tôi chạy xa cửa thật nhanh và đợi cả hai ở đầu cầu thang. Tu viện trưởng trông thấy tôi, bèn mỉm cười.

- Tu sĩ trẻ này hẳn đã nghe bao nhiêu là chuyện buồn phiền mấy ngày vừa qua! Lại đây cậu bé, đừng có ưu phiền quá. Cha nghĩ, người ta đã tưởng tượng ra nhiều âm mưu không có thực…

Cha giơ một tay cho ánh sáng soi rạng chiếc nhẫn tuyệt đẹp đeo trên ngón áp út, dấu hiệu quyền lực của mình. Chiếc nhẫn bằng đá quí lấp lánh với tất cả vẻ rực rỡ của nó. Cha bảo tôi:

- Con có nhận thấy nó không? Đó là biểu tượng uy quyền nhưng cũng là gánh nặng của ta. Nó không phải là vật trang sức: nó là lời luận giải xinh đẹp về Phúc âm mà Cha là kẻ giữ gìn. – Ngón tay Cha chạm lên mặt nhẫn gồm nhiều viên đá quí điểm những đốm màu khác nhau, sắp xếp lại thành một kiệt tác tuyệt diệu của nghệ thuật tự nhiên và con người. Cha nói: - Đây là thạch anh tím, tấm gương của sự khiêm cung, nhắc chúng ta nhớ đến tính chân thật, ngọt ngào của Thánh Matthew. Đây là đá chalcedony, biểu tượng của sự từ thiện, lòng thành tâm của Joseph và Thánh James vĩ đại. Đây là ngọc thạch anh, nói lên đức tin và gắn liền với Thánh Peter, này là ngọc Sardonyx, dấu hiệu của sự tử vì đạo, nhắc ta nhớ đến Thánh Bartholomew. Đây là ngọc xafia, hy vọng và trầm tư, ngọc của Thánh Andrew và Thánh Paul, và đây là beryl, giáo điều đúng đắn, học thức và lòng bao dung, các đức tính của Thánh Thomas. – Giọng Cha lạc trong những hư ảnh huyền nhiệm: - Ôi, ngôn ngữ của những viên ngọc đá mới kỳ thú biết bao!

Cha xoay xoay chiếc nhẫn, tựa như muốn làm hoa mắt tôi với những tia lấp ánh rực rỡ của nó: - Thật là ngôn ngữ diệu kỳ phải không? Ngôn ngữ của đá ngọc rất đa dạng, mỗi loại biểu thị nhiều sự thật khác nhau, tùy theo ý nghĩa của lời giảng giải mà ta chọn, và tùy theo hoàn cảnh mà chúng xuất hiện. Và ai quyết định trình độ giảng giải và hoàn cảnh thích hợp? Cậu nhỏ, con biết vì họ đã dạy con rồi: đó chính là người cầm quyền, người bình luận tin cậy nhất, người đầy uy tín nhất, và do đó thiêng liêng nhất. – Cha chìa nhẫn ra cho tôi hôn, và tôi quì xuống. Cha vuốt đầu tôi: - Cậu bé, con phải quên đi những điều đã nghe được trong những ngày vừa qua, hẳn nhiên chúng đều sai lầm cả. Con đã bước vào một dòng tu vĩ đại nhất, cao quí nhất. Cha là Tu viện trưởng của dòng tu này, con nằm dưới quyền của Cha. Đây là lệnh của Cha: hãy quên đi, và mãi mãi khép miệng lại. Thề đi.

Quá xúc động và bị khuất phục, tôi đương nhiên phải thề. Và nếu vậy, bây giờ quí độc giả sẽ chẳng còn đọc được hồi ký trung thực của tôi đâu. Thầy William lúc đó bèn can thiệp, có lẽ không phải để ngăn tôi đừng thề, mà chỉ là một phản xạ trong cơn giận dữ, thầy muốn phá vỡ cái bùa chú mà Tu viện trưởng đang tung ra.

- Thằng bé này có liên quan gì đến việc đó? Con hỏi Cha một câu, con xin lưu ý cho Cha biết một mối nguy hiểm, con yêu cầu Cha nói lên một cái tên… Bây giờ Cha cũng muốn con hôn nhẫn này và thề sẽ quên những điều con biết hay nghi ngờ sao?

- À, con… - Tu viện trưởng buồn bã nói, - Cha không trông đợi một thầy dòng Khất thực hiểu được vẻ đẹp của truyền thống chúng tôi, hay phải tôn trọng sự kín đáo, các bí mật, những bí ẩn của lòng từ thiện, - phải, lòng từ thiện, và ý thức danh dự, và lời thề im lặng, những điều làm nền tảng cho sự vĩ đại của chúng tôi… Con đã kể cho Cha nghe một câu chuyện lạ lùng, một câu chuyện không thể tin được, về một quyển sách cấm đã gây ra một chuỗi vụ giết người, về một kẻ nào đó biết những việc chỉ mình Cha biết… Toàn là chuyện hoang đường, những lời buộc tội vu vơ. Con cứ nói lên chuyện đó đi, sẽ chẳng ai tin con đâu. Và thậm chí, nếu có vài yếu tố trong cách giải thích hoang tưởng là đúng đi nữa… thì, bây giờ, một lần nữa, tất cả lại nằm dưới sự kiểm soát và định đoạt của Cha. Cha sẽ xem xét việc này. Cha có quyền, có phương tiện. Ngay từ đầu, Cha đã sai lầm đi nhờ một người ngoài, dù người ấy có khôn ngoan và đáng tin cậy đến đâu chăng nữa, điều tra những việc mà chỉ mình Cha có trách nhiệm giải quyết. Nhưng con đã hiểu, như con đã kể Cha nghe. Thoạt đầu, Cha tưởng nó liên quan đến một sự vi phạm lời thề trinh tiết, và Cha muốn một người khác nói lên cái điều Cha đã biết qua xưng tội. Chà, bây giờ chính con đã nói lên điều đó. Cha rất biết ơn những việc con đã làm hay cố làm. Cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn đã kết thúc, sứ mệnh của con tại đây đã chấm dứt. Cha nghĩ triều đình đang nóng lòng đợi con, không ai muốn vắng mặt lâu một người như con. Cha cho phép con rời tu viện. Hôm nay, có lẽ muộn rồi: Cha không muốn con ra đi sau hoàng hôn, vì đường xá không được an ninh. Con sẽ lên đường tảng sáng ngày mai. Thôi, khỏi cảm ơn Cha, Cha rất vui khi con đến đây, rất quí được đón tiếp con như một người anh em đến với anh em. Bây giờ, con và tu sinh của con có thể lui về sửa soạn hành lý. Bình minh sáng mai, Cha sẽ chào tạm biệt con. Cha thực tâm cảm ơn con. Dĩ nhiên, con không cần tiếp tục cuộc điều tra thêm làm gì. Chớ quấy rầy các tu sĩ thêm nữa. Con được phép đi.

Đó không phải một cách cho lui, mà là một lời đuổi thẳng. Thầy William từ giã và chúng tôi xuống lầu.

- Thế nghĩa là thế nào? – Tôi hỏi, chẳng còn hiểu ất giáp gì nữa.

- Cố dựng lên một giả thuyết xem, con hẳn biết cách rồi.

- Quả thật, con biết mình phải đưa ra ít nhất hai giả thuyết đối nghịch nhau, và cả hai đều không thể tin được. Này nhé… - Tôi nuốt nước miếng, xúc động, hồi hộp. – Giả thuyết thứ nhất: Tu viện trưởng đã biết tất cả và tưởng thầy sẽ không phát hiện được điều gì. Giả thuyết thứ hai: Tu viện trưởng chẳng bao giờ nghi ngờ điều gì. Nhưng dẫu sao, Cha cứ nghĩ, tất cả là do cuộc cãi vã… giữa các tu sĩ đồng tính luyến ái… Tuy nhiên, bây giờ thầy đã mở mắt cho Cha thấy, nên Cha đột nhiên nhận thức được một việc rất kinh khủng, và đã nghĩ ra một cái tên và biết chắc chắn ai là kẻ có tội trong các án mạng. Nhưng lúc này, Cha muốn tự tay giải quyết vấn đề và tống khứ thầy đi để cứu vãn danh dự của tu viện.

- Giỏi. Con bắt đầu suy luận khá đấy. Nhưng, con đã thấy trong cả hai trường hợp, Tu viện trưởng đều lưu tâm đến thanh danh của tu viện mình. Dù Cha có là kẻ sát nhân hay nạn nhân kế tiếp đi nữa, Cha không muốn những tin tức ô nhục về cộng đồng thiêng liêng này lan ra khỏi những ngọn núi. Giết tu sĩ của Cha đi, nhưng chớ có chạm đến danh dự của tu viện. Cha chả… - Thầy William bắt đầu giận sôi lên. – Lão lãnh chúa lưu manh, con công đực nổi tiếng nhờ đào mồ chôn Aquinas [1], cái túi da đựng rượu căng phồng vênh váo, sống chỉ vì đeo một cái nhẫn to như đáy ly! Tất cả bọn Cluniac các người đều tự mãn, tự mãn, còn lối hơn cả các vương tôn công tử, còn bảo hoàng hơn cả vua!

- Thầy…- tôi đánh bạo trách móc, lòng thấy bị xúc phạm.

- Con im ngay, con cũng một phường với chúng. Lũ các người không phải là những người dân phàm tục, hay con cái của họ. Nếu một nông dân đi theo thì các người sẽ đón nhận, nhưng như ta thấy hôm qua đó, các người sẽ chẳng ngần ngại gì trao anh ta lại cho thế quyền. Nhưng nếu là một kẻ trong số các người thì không, không bao giờ, phải bao che cho người ấy. Tu viện trưởng có thể chỉ mặt tên khốn nạn đó, đập hắn chết trong hầm kho tàng rồi để hắn chết quéo trong mấy cái hộp đựng thánh tích, với điều kiện tu viện khỏi bị nhục… Còn để cho một tu sĩ Francisco, một tu sĩ Khất thực bình dân khám phá ra cái ổ chuột trong tòa nhà thiêng liêng này ư? À, không thể được, bằng mọi giá, Tu viện trưởng không thể để điều này xảy ra. Cảm ơn, Sư huynh William, Hoàng đế cần Huynh, Huynh thấy cái nhẫn tôi đeo đẹp biết bao, tạm biết Huynh. Nhưng bây giờ chuyện thách thức không chỉ giữa ta và Tu viện trưởng nữa, mà là giữa ta và toàn bộ sự việc: ta sẽ không rời nơi này cho đến khi tìm ra. Lão muốn ta ra đi sáng mai phải không? Được lắm, đây là nhà của lão mà, nhưng cho đến sáng mai ta phải biết, phải biết.

- Thầy phải biết? Giờ có ai ép buộc thầy đâu?

- Adso ạ, chẳng ai buộc chúng ta phải biết cả. Nhưng chúng ta phải biết thế thôi, dù là biết không trọn vẹn đi nữa.

Tôi vẫn còn hoang mang và thấy nhục về những lời thầy William xúc phạm đến dòng tu và các Tu viện trưởng của tôi. Tôi cố phân minh phần nào cho Cha Bề trên, bằng cách đưa ra giả thuyết thứ ba, sử dụng tài lý luận mà tôi nghĩ mình bắt đầu thành thạo.

- Thưa thầy, thầy chưa xét đến khả năng thứ ba. Những ngày vừa qua chúng ta đã nhận thấy một điều, và sáng hôm nay, sau những lời tâm sự tin cậy của Nicholas và những lời đồn đại chúng ta nghe được trong nhà thờ, điều ấy dường như quá rõ rằng có một nhóm tu sĩ Ý không chịu chấp nhận sự kế vị của các quản thư người nước ngoài, họ lên án Tu viện trưởng đã không tôn trọng truyền thống cũ, và theo như con hiểu, họ nấp sau lưng già Alinardo, đẩy già tới trước như một điển hình để đòi hỏi một chính quyền khác trong tu viện. Do đó, có lẽ Tu viện trưởng sợ tiết lộ của chúng ta sẽ trao vũ khí vào tay kẻ thù mình, và muốn giải quyết vấn đề một cách hết sức thận trọng.

- Có thể như vậy. Nhưng lão ấy vẫn là một cái túi da đựng rượu căng phồng vênh váo, và chính lão sẽ bị giết.

Chúng tôi đang ở trong nhà dòng. Gió càng lúc càng hung tợn hơn, ánh sáng mờ dần, dù mới chỉ qua kinh Xế Trưa. Sắp hoàng hôn rồi. Chúng tôi chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa. Thầy William nói:

- Muộn rồi, và khi có ít thời gian, người ta phải ráng giữ bình tĩnh. Chúng ta hành động như thể chúng ta đang có thời gian vĩnh cửu. Thầy phải giải quyết một vấn đề: làm cách nào xâm nhập “finis Africae” vì lời giải đáp cuối cùng phải nằm ở đó. Rồi chúng ta phải cứu một người, thầy chưa quyết được đó là ai. Cuối cùng, chúng ta nên xem xét có gì xảy ra ở hướng chuồng ngựa không, con sẽ để mắt đến nó… Hãy nhìn xem cái gì chộn rộn thế…

Quả thật khoảng giữa Đại dinh và nhà dòng chợt náo động khác thường. Mới cách đây một lát, một tu sinh từ nhà Tu viện trưởng chạy vụt về phía Đại Dinh. Bây giờ, Nicholas lại từ Đại Dinh chạy trực chỉ hướng nhà nghỉ. Ở một góc, nhóm tu sĩ ban sáng: Pacificus, Aymaro, và Peter, đang bàn cãi sôi nổi với Alinardo, tựa như muốn thuyết phục già một điều gì.

Rồi, dường như họ đi đến một quyết định. Aymaro đỡ lấy già Alinardo, lúc ấy vẫn lộ vẻ miễn cưỡng không sốt sắng lắm, và cùng đi vào nhà của Tu viện trưởng. Họ vừa mới bước vào thì Nicholas từ nhà nghỉ đi ra, dẫn theo Jorge, cả hai cùng đi về hướng đó. Trông thấy hai tu sĩ Ý bước vào, huynh rỉ tai Jorge điều gì đó, và lão già lắc đầu. Tuy nhiên, họ vẫn cất bước về phía nhà nguyện.

- Tu viện trưởng đang tự cáng đáng tình hình hiện nay…- Thầy William nói, giọng ngờ vực. Từ Đại Dinh lại hiện thêm nhiều tu sinh nữa trên phòng thư tịch xuống, theo bén gót họ là Benno, Huynh tiến đến phía chúng tôi, mặt lộ vẻ hết sức lo lắng. Huynh nói:

- Trong phòng thư tịch có điều bất an. Không ai chịu làm việc, mà cứ xì xầm nói chuyện với nhau… Việc gì xảy ra thế?

- Việc xảy ra là, những người cho đến sáng nay tưởng như là người tình nghi nhất thì đều đã chết. Hôm kia thì ai cũng dè chừng, cảnh giác với Berengar, ngu ngốc lường gạt và dâm dục, rồi họ nghi quản hầm, người tình nghi dị giáo, và cuối cùng là Malachi, người ai nấy đều không ưa… Bây giờ, họ chẳng biết nghi ai nữa, nên phải khẩn cấp tìm một kẻ thù hay một tên bung xung. Mỗi người nghi một người khác, vài người sợ hãi, như Huynh vậy, một số người khác lại quyết định phải hù những người khác sợ. Tất cả các Huynh đều lo cuống cuồng lên. Adso, thỉnh thoảng liếc chừng các chuồng ngựa nhé. Thầy về nghỉ một lát đây.

Tôi chưng hửng: về nghỉ trong khi chỉ còn lại vài giờ thật chẳng có vẻ khôn ngoan tí nào. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu thầy tôi. Thân thể thầy càng được nghỉ ngơi thì trí tuệ thầy lại càng sôi sục lên.

Chú thích:

[1] Chỉ Thánh Thomas (1225?-1274) triết gia, học giả Ý .
 
Chương 69


GIỮA KINH CHIỀU VÀ KINH TỐI

Tác giả: Umberto Eco

Kể tóm tắt những giờ dài hoang mang

Tôi thật khó tường thuật lại những gì đã xảy ra trong những giờ tiếp theo, giữa Kinh Chiều và Kinh tối.

Thầy William vắng mặt. Tôi lang thang quanh dãy chuồng ngựa, nhưng chẳng thấy có gì bất thường. Các người giữ ngựa dẫn thú về chuồng, trời gió làm chúng bồn chồn. Ngoài ra, tất cả đều tĩnh lặng.

Tôi bước vào nhà thờ. Mọi người đều đã vào chỗ, nhưng Tu viện trưởng để ý thấy Jorge vắng mặt. Cha khoát tay ra hiệu hoãn buổi lễ. Cha gọi Benno, phái Huynh đi tìm già Jorge, nhưng Benno không có mặt. Có người lên tiếng bảo: có lẽ Benno đang dọn dẹp phòng thư tịch để đóng cửa buổi tối. Tu viện trưởng giận dữ bảo Cha đã quyết định: Benno sẽ không đóng cửa nào cả, vì Huynh ấy không biết cách. Aymaro đứng dậy nói: - Nếu Đức Cha đồng ý, con sẽ đi gọi Huynh ấy…

- Không ai yêu cầu Huynh làm điều gì cả. – Tu viện trưởng cộc lốc gắt lên, Aymaro ngồi xuống chỗ của mình, không quên ném cho Pacificus một cái nhìn khó hiểu. Tu viện trưởng cho gọi Nicholas, lúc ấy không có mặt. Có người nhắc Cha rằng, Nicholas đang sửa soạn bữa tối, Cha lộ cử chỉ giận lắm, tựa như không thích để mọi người thấy Cha đang bồn chồn lo lắng. Cha hét:

- Ta muốn Jorge có mặt ở đây. Tìm Huynh ấy! Con đi ngay! – Cha ra lệnh cho thầy của các tu sinh.

Một người khác báo cáo Cha rằng Alinardo cũng vắng mặt. Cha bảo: - Cha biết, Huynh ấy không được khỏe.

Tôi ngồi gần Peter và nghe Huynh ấy nói với Gunzo xứ Nola ngồi bên cạnh, bằng một thứ thổ ngữ miền Trung Ý mà tôi hiểu được phần nào:

- Tôi cũng nghĩ vậy. Hôm nay, sau cuộc hội đàm, tu sĩ già đáng thương quẫn trí cả lên. Cha Bề trên cư xử như con điếm ở Avignon!

Các tu sinh đều hoang mang. Tâm hồn ngây thơ, nhạy cảm của họ cảm thấy một điều căng thẳng bao trùm khu hát kinh, như tôi đang cảm thấy vậy. Tiếp sau đó là im lặng và bối rối kéo dài. Tu viện trưởng ra lệnh đọc vài bài vịnh, và Cha chọn ba bài mà giáo luật không qui định cho đọc trong Kinh Chiều. Mọi người nhìn nhau, rồi bắt đầu cầu nguyện bằng giọng trầm trầm. Thầy của các tu sinh trở lại, theo sau là Benno. Huynh về chỗ, đầu cúi gầm, Jorge không có trong phòng thư tịch, cũng không ở phòng mình. Tu viện trưởng ra lệnh bắt đầu buổi lễ.

Khi tan lễ, trước khi mọi người đi dùng buổi tối, tôi chạy đến gọi thầy William. Thầy ăn mặc chỉnh tề, đang nằm dài bất động trên giường. Thầy bảo không ngờ đã tối như vậy. Tôi kể tóm tắt những gì đã xảy ra. Thầy lắc đầu.

Ở cửa nhà ăn, chúng tôi trông thấy Nicholas, người mấy giờ trước đây đã cùng đi với Jorge. Thầy William hỏi Huynh, già Jorge ban nãy có vào gặp Tu viện trưởng ngay không. Nicholas bảo Jorge phải đợi một lúc lâu ở ngoài cửa, vì Alinardo và Aymaro đang ở trong phòng. Sau khi Jorge được mời vào, già ở bên trong một lúc, trong khi Nicholas đợi bên ngoài. Rồi Jorge đi ra và bảo Nicholas đi theo đến nhà thờ, lúc ấy đã vắng ngắt, khoảng một giờ trước Kinh Chiều.

Tu viện trưởng thấy chúng tôi nói chuyện với quản hầm bèn khiển trách: - Sư huynh William, con vẫn còn điều tra à? – Cha bảo thầy William đến bàn cùng ăn như thường lệ. Đối với dòng Benedict, sự hiếu khách là điều thiêng liêng.

Bữa tối yên lặng hơn mọi ngày, và rất buồn. Tu viện trưởng ăn uống thờ ơ, đầu óc ám ảnh bởi những suy nghĩ nặng nề. Đến cuối bữa, Cha hối các tu sĩ đi dự Kinh Tối.

Alinardo và Jorge vẫn vắng mặt. Các tu sĩ chỉ vào chỗ trống của tu sĩ mù và xì xào với nhau. Khi tan lễ, Tu viện trưởng yêu cầu mọi người đọc một bài kinh đặc biệt vì sức khỏe của Jorge xứ Burgos. Không rõ Cha muốn nói sức khỏe thể chất hay sức khỏe vĩnh cửu. Mọi người đều hiểu một tai họa mới sắp đổ xuống đầu cộng đồng. Đoạn Tu viện trưởng lệnh cho mỗi tu sĩ phải về nhanh phòng mình sớm hơn lệ thường. Cha ra lệnh, không một ai, Cha nhấn mạnh những từ “không một ai”, được đi lại bên ngoài khu nhà nghỉ. Các tu sinh hoảng sợ là những người đầu tiên rời gót, họ sụp mũ xuống mặt, đầu cúi thấp, không dám nói chuyện trao đổi, huých hó, cười đùa, hay giỡn ngầm với nhau như thường bữa.

Khi các tu sĩ nối nhau đi ra, tôi nhẹ nhàng nhập vào hàng, đằng sau nhóm mà bây giờ tôi đặc tả là “nhóm tu sĩ Ý”. Pacificus thầm thì với Aymaro: - Huynh có tin thực là Cha Bề trên không biết Jorge ở đâu không? – Aymaro đáp: - Cha có thể biết, và hiểu rằng từ nơi lão Jorge đang có mặt hiện nay, lão sẽ chẳng bao giờ quay lại nữa. Có lẽ lão già đòi hỏi quá nhiều, và Cha Bề trên không cần lão nữa…

Khi thầy trò tôi giả vờ đi về khu hành hương, chúng tôi thoáng thấy Tu viện trưởng quay lại Đại Dinh, qua cánh cửa nhà ăn, lúc ấy còn đang mở ngỏ. Thầy William bảo nên đợi một lát, khi toàn khu vực đã vắng bóng người, thầy bảo tôi bám theo Cha. Chúng tôi vội băng qua khoảng trống và đi vào giáo đường.
 
Chương 70


SAU KINH TỐI

Tác giả: Umberto Eco

Gần như do tình cờ

William khám phá bí mật

để đột nhập “finis Africae”

Như hai tên ám sát, chúng tôi nấp gần cổng vào, sau một cái cột, từ đây, chúng tôi có thể quan sát nhà thờ và những cái sọ. Thầy William bảo:

- Cha Bề trên đã vào đóng cửa Đại Dinh. Khi Cha gài then từ bên trong, Cha chỉ có thể đi ra bằng lối lò thiêu xương.

- Thế rồi?

- Rồi ta sẽ thấy Cha làm gì.

Chúng tôi không khám phá được Cha đã làm gì. Một giờ trôi qua mà Cha vẫn chưa xuất hiện. Tôi nói, Cha đã vào “finis Africae”. Thầy đáp, có lẽ. Muốn đưa ra nhiều giả thuyết nữa, tôi tiếp: Có lẽ Cha đã băng qua nhà ăn để ra ngoài lại và đang đi tìm Jorge. Thầy đáp, cũng có thể lắm. Tôi tưởng tượng thêm, có lẽ Jorge đã chết. Có lẽ lão đang ở trong Đại Dinh và giết Tu viện trưởng. Có lẽ cả hai đang cùng ở một chỗ nào khác và ai đó đang rình rập họ. “Những tu sĩ Ý” muốn gì? Tại sao Benno sợ hãi thế? Hay Huynh ấy chỉ đeo mặt nạ để đánh lạc hướng chúng tôi? Tại sao Huynh ấy nán lại phòng thư tịch trong giờ Kinh Chiều, nếu Huynh ấy không biết cách đóng cửa phòng hay cách ra ngoài? Phải chăng, Huynh ấy muốn thăm dò lối đi trong Mê cung? Thầy William bảo:

- Tất cả đều có thể xảy ra. Nhưng chỉ có một điều đang, đã, và sắp xảy ra. Và cuối cùng, Ơn trên đã ban cho chúng ta một sự khẳng định ngời sáng.

- Điều gì thế? – Tôi hỏi, tràn trề hy vọng.

- Rằng sư huynh William xứ Baskerville, người giờ đây tin rằng đã hiểu hết mọi việc, lại không biết cách vào “finis Africae”. Đi xuống chuồng ngựa, Adso, đi xuống chuồng ngựa!

- Nhưng nếu Tu viện trưởng thấy chúng ta?

- Chúng ta sẽ giả thành hai bóng ma.

Tôi nghĩ, giải pháp này không thực tế lắm, nhưng làm thinh. Thầy William càng lúc càng bồn chồn. Chúng tôi ra khỏi cửa bắc và băng qua nghĩa trang, gió rít từng cơn, tôi cầu Chúa sao cho đừng gặp hai con ma, vì tu viện đêm đó không thiếu các linh hồn bị đọa đày. Chúng tôi đến dãy chuồng ngựa, chúng càng bồn chồn hơn bao giờ hết vì thời tiết khắc nghiệt. Cửa chính của chuồng ngựa có một lưới sắt rộng, cao ngang tầm ngực, qua đó có thể nhìn vào bên trong. Tôi thấy con Brunellus đứng đầu phía tay trái. Bên phải nó, con ngựa thứ ba trong hàng ngẩng đầu lên, cảm biết có người đến, nó hí lên. Tôi mỉm cười nói:

- Tertius equi, con ngựa thứ ba.

- Gì vậy? – Thầy William hỏi.

- Không có gì cả. Con nhớ đến Salvatore đáng thương. Gã muốn làm phép mầu quái quỉ với con ngựa đó, gọi nó bằng tiếng La tinh của gã là “Tertius equi ”, “i ” đáng lẽ là “u ” mới phải.

- “U ” à? – Thầy hỏi, nãy giờ thầy nghe tôi nói vu vơ mà không chú ý lắm.

- Vâng, vì “Tertius equi ” không có nghĩa là con ngựa thứ ba, mà là phần thứ ba của con ngựa, và mẫu tự thứ ba của từ “equus ” là “u ”. Nhưng chúng thảy đều vô nghĩa.

Thầy William nhìn tôi, và trong bóng đêm, dường như tôi thấy mặt thầy biến đổi. Thầy bảo:

- Chúa phù hộ cho con, Adso ạ! Chà, phải rồi, Suppositio materialis giả thuyết vật chất, bản viết được đoán theo de dicto [1] chớ không phải de re [2]… Sao ta ngu quá! – Thầy vỗ lên trán đánh “bộp” một cái. Tôi nghĩ chắc đau lắm. – Cậu bé của thầy, trong ngày hôm nay, đây là lần thứ hai sự thông thái đã từ miệng con thốt ra, lần đầu trong giấc mơ và bây giờ khi tỉnh! Chạy đi, chạy về phòng con và đem cây đèn, hay tốt hơn đem cả hai cây đèn chúng ta đã giấu. Đừng để ai thấy con, và đến với thầy trong nhà thờ ngay! Đừng hỏi gì nữa! Đi đi!

Tôi chẳng hỏi gì, đi ngay. Hai cây đèn giấu dưới giường, tôi đã cẩn thận châm đầy dầu đến miệng trước rồi. Tôi có đá lửa sẵn trong áo dòng. Ôm chặt hai dụng cụ quí báu vào ngực, tôi chạy vào nhà thờ.

Thầy William đứng dưới ngọn đèn ba chân, đang đọc lại bản ghi chú của Venantius. Thầy bảo:

- Adso, “primum et septimum de quatuor ” không có nghĩa là cái thứ nhất và thứ bảy của thứ tư, mà là của cái thứ tư, của từ “thứ tư”.

Tôi không hiểu gì trong một thoáng, nhưng rồi trí sáng lên:

- “Super thronos viginti quatuor ”. Câu viết! câu thơ. Những từ này được khắc trên tấm gương!

- Đi ngay, - thầy William bảo – có lẽ chúng ta còn kịp cứu một mạng người!

- Người nào? – tôi hỏi, khi thầy dùng tay mày mò mấy cái sọ người để mở cửa vào lò thiêu xương.

- Mạng của kẻ không đáng giữ nó, - thầy bảo. Chúng tôi đang ở trong lối đi dưới đất, đèn chiếu sáng, lần về phía cửa, dẫn vào nhà bếp.

Trước đây, tôi đã nói rằng đến đây người ta sẽ đẩy một cánh cửa gỗ và lọt vào nhà bếp, đằng sau lò sưởi, ở cuối cầu thang xoắn ốc dẫn lên phòng thư tịch. Ngay khi chúng tôi vừa đẩy cửa đó, chúng tôi nghe ở phía tay trái vài tiếng động nghèn nghẹt bên trong tường. Chúng phát ra từ bức tường bên cạnh cửa, cuối dãy các hốc chứa sọ và xương. Thay vào các hốc cuối cùng là một bức tường trống bằng những viên đá lớn hình vuông, chính giữa là một tấm bảng có khắc vài chữ viết lồng nhau đã mòn nhẵn. Dường như âm thanh phát xuất từ bên cạnh tấm bảng, hay trên tấm bảng gì đó, một phần bên kia bức tường, và một phần gần như trên đầu chúng tôi.

Nếu nghe được một âm thanh như thế vào đêm đầu tiên, có lẽ tôi đã nghĩ ngay đến mấy tu sĩ chết. Nhưng bây giờ tôi có khuynh hướng nghĩ đến những điều tệ hơn từ các tu sĩ sống. Tôi hỏi:

- Có thể là ai thế nhỉ?

Thầy William mở cửa và trồi ra bên cạnh lò sưởi. Cũng nghe có những tiếng đấm thùm thụp dọc theo bức tường hai bên cầu thang, tựa như có ai đang bị giam trong bức tường, hay trong cái khoảng không mênh mông dày đặc mà ta giả sử nằm giữa bức tường trong cửa nhà bếp và bức tường ngoài của ngọn tháp phía Nam.

Thầy William bảo: - Có người đang bị nhốt kín trong đó rồi. Từ đầu, thầy vẫn tự hỏi không hiểu có một lối khác lên “finis Africae” trong cái Đại Dinh đầy ngõ ngách này không. Rõ ràng là có. Từ lò xương, trước khi đến nhà bếp, một bức tường trống mở ra, và người ta leo lên cầu thang song song với cầu thang này, nó được giấu trong tường và dẫn thẳng lên căn phòng không có cửa sổ.

- Nhưng bây giờ ai đang ở đó?

- Người thứ hai. Một người ở trong “finis Africae”, một người khác cố đến chỗ đó, nhưng người trên kia hẳn đã chặn cái bộ máy điều khiển cửa ra vào. Thế là người dưới đây lọt bẫy. Và người ấy đang vùng vẫy dữ dội vì thầy nghĩ, trong khoảng tường chật hẹp này, chẳng có mấy không khí đâu.

- Ai vậy? Chúng ta phải cứu người ấy.

- Chúng ta sẽ biết người ấy là ai ngay thôi. Còn việc cứu người ấy thì chỉ có duy nhất một cách là thả cái bộ máy ở trên kia ra: chúng ta chưa nắm được bí mật ở đầu kia. Lên lầu nhanh thôi!

Thế là chúng tôi lên phòng thư tịch, từ đó đi vào Mê cung và sải nhanh đến ngọn tháp phía Nam. Hai lần tôi phải chậm bước lại, vì gió đêm nay tràn qua các khe hở tạo thành luồng luồn khắp các lối đi, nó rên rỉ trong mọi phòng, thổi xào xạc những tờ giấy nằm vương vãi trên bàn, do đó tôi phải lấy tay che đèn lại.

Chẳng bao lâu chúng tôi đã đến căn phòng có tấm gương, lần này đã chuẩn bị tinh thần để đối phó với trò chơi biến dạng đang đợi mình. Chúng tôi giơ cao ngọn đèn để soi sáng dòng thơ ở trên tận cùng khung cửa tấm gương. “Super thronos viginti quatuor ”… Bây giờ bí mật đã hoàn toàn rõ: từ “quatuor ” có bảy mẫu tự, chúng tôi sẽ phải nhấn vào mẫu tự “q ” và “r ”. Tôi náo nức nghĩ phải tự tay mình làm mới được. Tôi đặt vội cái đèn xuống chiếc bàn ở giữa phòng, nhưng nóng nảy quá khiến ngọn lửa liếm vào bìa một quyển sách cũng đang đặt trên bàn.

- Coi chừng, thằng ngốc! – Thầy William la lên, và thổi phụt một hơi tắt ngọn lửa. – Con muốn đốt thư viện hả?

Tôi xin lỗi, và toan châm đèn lại, nhưng thầy Willam ngăn:

- Không sao. Đèn của thầy cũng đủ rồi. Cầm đèn soi cho thầy, vì câu thơ quá cao, con không với tới đâu. Chúng ta phải nhanh lên.

- Nhưng nếu có kẻ đã vũ trang ở trong đó thì sao? - Tôi hỏi, khi thấy thầy William đang nhón gót cố chạm lên dòng thơ trong sách Mặc Khải, lần mò tìm hai mẫu tự tai ác.

- Đồ quỉ, soi đèn cho thầy, và đừng có sợ gì hết, Chúa ở cùng chúng ta! – Thầy đáp, tiếng hơi lùng bùng khó nghe. Ngón tay thầy đang chạm lên mẫu tự “q ” của từ “quatuor ”, đứng lui lại mấy bước, tôi thấy rõ công việc của thầy hơn. Tôi đã nói rằng các mẫu tự trong câu thơ dường như được khắc hay vạch vào tường: các mẫu tự của từ “quatuor ”, bề ngoài trông giống các đường viền kim loại, đằng sau chúng là một bộ máy kỳ diệu được đặt kín trong tường. Khi đẩy tới, chữ “q ” bật lên một tiếng “click” giòn, và khi thầy William ấn vào chữ “r ” thì một hiện tượng tương tự xảy ra. Toàn khung kính dường như rung chuyển, và mặt gương bật ngược lại. Tấm gương chính là một cái cửa gắn bản lề phía bên trái. Thầy William lách mình qua kẽ hở và tôi lủi theo, tay giơ đèn qua khỏi đầu.

Hai giờ sau Kinh Tối, cuối ngày thứ sáu, nửa đêm khuya thanh vắng rạng ngày thứ bảy, chúng tôi đã đột nhập vào “finis Africae”.

Chú thích:

[1] Cách nói

[2] Từ chữ “de règle” có nghĩa là theo qui luật hay dạng đúng qui tắc.
 
Chương 71


NGÀY THỨ BẢY

Tác giả: Umberto Eco

Nếu đề mục này phải tóm tắt

các tiết lộ phi thường của nội dung,

thì khác với thông lệ,

nó sẽ dài bằng chính chương này.

Chúng tôi đứng trên ngưỡng cửa của một phòng có hình thể tương tự như ba phòng bảy cạnh không cửa sổ kia, nồng nặc mùi mốc meo của sách ẩm ướt. Ngọn đèn dầu mà tôi giơ cao soi sáng vòm nhà trước tiên, và khi tôi đưa đèn từ phải sang trái thì ngọn lửa hắt ánh sáng mờ mờ lên các kệ sách đằng xa đặt dọc theo tường. Cuối cùng, ngay giữa phòng, chúng tôi thấy một cái bàn phủ đầy giấy tờ, đằng sau bàn có một người ngồi, nếu người ấy vẫn còn sống thì dường như đã ngồi bất động trong bóng tối, đợi chờ chúng tôi. Ngay trước khi ánh đèn soi sáng khuôn mặt người ấy, thầy William đã lên tiếng:

- Huynh Jorge kính mến, chúc Huynh một đêm vui. Huynh đang đợi chúng tôi à?

Khi chúng tôi tiến thêm vài bước thì ngọn đèn chiếu lên gương mặt lão già đang nhìn chúng tôi như thể thấy được. Lão hỏi:

- Sư Huynh William xứ Baskerville đấy hả? Tôi đã đợi Huynh từ trước lúc Kinh Chiều đến nay, từ lúc tôi vào giam mình ở đây. Tôi biết Huynh sẽ đến.

- Thế còn Tu viện trưởng? Có phải đó là người đập rầm rầm trong cầu thang bí mật không?

Jorge ngập ngừng một lát, đoạn hỏi: - Cha vẫn còn sống à? Tôi nghĩ Cha đã chết ngạt rồi.

- Trước khi chúng ta bắt đầu nói chuyện, tôi muốn cứu Cha. Huynh có thể mở từ máy trên này.

Jorge mệt mỏi nói:

- Không, không kịp nữa. Máy được điều khiển ở bên dưới, bằng cách nhấn vào tấm bảng; ở trên này, một đòn bẩy bật lên và mở cánh cửa sau cái kệ đằng kia. – Lão hất hàm về phía sau. – Kế bên cái kệ Huynh sẽ thấy một bánh xe với vài vật đối trọng để điều khiển bộ máy từ trên này. Nhưng khi tôi nghe tiếng bánh xe quay, dấu hiệu báo cho biết Cha Bề trên đã đến bên dưới, tôi giật mạnh sợi dây thừng giữa các vật đối trọng, và thừng đã đứt. Bây giờ hai đầu lối đi này đã bịt kín, Huynh sẽ chẳng bao giờ sửa được bộ máy cả. Tu viện trưởng đã chết.

- Tại sao Huynh lại giết Cha?

- Hôm nay, khi y gọi tôi đến, y bảo nhờ Huynh mà y khám phá mọi việc. Y vẫn chưa biết điều mà tôi hằng cố bảo vệ, y chẳng bao giờ hiểu chính xác những báu vật và cứu cánh của Thư viện. Y bảo tôi giải thích điều y chưa biết. Y muốn mở cửa “finis Africae”: Các tu sĩ Ý yêu cầu y chấm dứt cái mà họ gọi là sự bí ẩn do tôi và các bậc tiền bối của tôi nuôi sống. Lòng họ thôi thúc dục vọng muốn tìm biết những điều mới lạ…

- Huynh hẳn đã hứa với Cha sẽ đến đây và kết liễu mạng mình, như Huynh đã kết liễu mạng của những người kia một cách êm thấm để cứu vãn danh dự của tu viện và không ai biết điều gì cả. Rồi Huynh chỉ cho Cha cách đến đây và kiểm tra sau đó. Nhưng thay vì như vậy, Huynh đã đợi để giết Cha. Huynh không nghĩ Cha có thể vào bằng đường tấm gương à?

- Không, Tu viện trưởng trí quá hẹp. Y sẽ chẳng bao giờ tự mình giải được bí mật của câu thơ. Tôi bày cho y một lối đi khác mà chỉ mình tôi biết. Đó là lối đi tôi đã dùng hàng bao nhiêu năm nay, vì trong bóng tối nó dễ đi hơn. Tôi chỉ việc đến nhà thờ, rồi theo xương người chết đến cuối hành lang.

- Như thế Huynh đã dẫn dắt Cha đến đây, biết rằng mình sẽ giết Cha…

- Tôi không thể tin y nữa. Y đã hoảng loạn. Trước đây y nổi danh ở Fossanova vì đã xoay xở mang một cái xác xuống cầu thang trôn ốc. Một vinh quang không xứng đáng. Bây giờ y chết vì không lên nổi cầu thang của chính mình.

- Huynh đã dùng cầu thang đó bốn mươi năm nay rồi. Khi Huynh biết mình sẽ bị mù và không còn đủ khả năng điều khiển tu viện nữa, Huynh đã hành động rất khôn ngoan. Huynh dàn xếp để người ta bầu một người Huynh tin cẩn lên làm Tu viện trưởng. Thời còn là quản thư viện, Huynh đã đặt tên cho người ấy là Robert xứ Bobbio, người mà Huynh có thể điều khiển theo ý mình, rồi đến Malachi, người cần sự giúp đỡ của Huynh và chẳng bao giờ hành động mà không tham khảo ý kiến của Huynh. Bốn mươi năm nay Huynh là chủ của tu viện này. Nhóm tu sĩ Ý đã nhận thức được điều này, và Alinardo nhắc đi nhắc lại nó mãi, nhưng không ai chịu nghe già vì họ cho rằng bây giờ già đã điên rồi. Tôi nói đúng không? Nhưng Huynh vẫn đợi tôi và không thể bịt tấm cửa gương được vì máy mở đặt bên trong tường. Tại sao Huynh lại đợi tôi? Sao Huynh biết chắc tôi sẽ đến? – Thầy William hỏi, nhưng qua giọng nói, ta nhận rõ thầy đã đoán được câu trả lời, và mong nghe nó như phần thưởng cho tài suy đoán của mình.

- Ngay từ ngày đầu tiên, qua giọng nói của Huynh, qua cách Huynh lôi tôi vào việc tranh luận một đề tài mà tôi không muốn nhắc đến, tôi biết Huynh sẽ hiểu ra. Huynh giỏi hơn những người khác: bằng mọi cách Huynh sẽ tìm được giải đáp. Huynh biết chỉ cần suy nghĩ và hình dung lại suy nghĩ của người khác trong óc mình là đủ. Rồi tôi nghe Huynh đặt câu hỏi với các tu sĩ khác, tất cả câu Huynh hỏi đều đúng cả. Nhưng Huynh không bao giờ hỏi về thư viện, tựa như Huynh đã biết mọi bí mật của nó rồi vậy. Một đêm nọ, tôi đến gõ cửa phòng Huynh, nhưng Huynh không có bên trong. Huynh phải vào đây thôi. Tôi nghe một tôi tớ nói trong bếp mất hai cây đèn. Và cuối cùng hôm nọ, trong gian giữa nhà nguyện khi Severinus đến nói chuyện với Huynh về một quyển sách, tôi biết chắc Huynh đang bám theo dấu vết của tôi.

- Nhưng Huynh đã tìm cách tước quyển sách đó khỏi tay tôi. Huynh đến nói với Malachi, người chẳng hiểu gì về tình hình. Trong cơn ghen tức, tên ngốc ấy vẫn còn ám ảnh bởi ý nghĩ Adelmo đã cướp mất Berengar thân yêu của hắn vì Berengar khao khát xác thịt non trẻ hơn. Malachi không hiểu Severinus có liên quan gì đến việc này, và Huynh còn làm rối loạn suy nghĩ của hắn hơn nữa. Có lẽ Huynh bảo Malachi rằng Berengar đã thân mật với Severinus, và Berengar đã thưởng cho Severinus một quyển sách trong “finis Africae”. Tôi không biết chính xác Huynh đã nói với Malachi những gì. Điên lên vì ghen, Malachi đã giết Severinus, nhưng hắn không kịp săn tìm quyển sách Huynh đã miêu tả với hắn, vì quản hầm bước vào. Có phải mọi việc xảy ra như vậy không?

- Gần như vậy.

- Nhưng Huynh không muốn Malachi chết. Có lẽ hắn chưa bao giờ nhìn đến các quyển sách trong “finis Africae” vì hắn tin Huynh và tôn trọng lệnh cấm của Huynh. Hắn tự giới hạn trong nhiệm vụ mỗi đêm bỏ cây thuốc để đe dọa những kẻ lạ xâm nhập. Severinus cung cấp cho Malachi các loại cây thuốc này. Thế nên, hôm nọ Severinus mới để Malachi vào bệnh xá, đó là cuộc viếng thăm thường lệ của Malachi để thu các cây thuốc mới mà Severinus chuẩn bị hằng ngày theo lệnh của Tu viện trưởng. Tôi đoán đúng chăng?

- Huynh đã đoán đúng. Tôi không muốn Malachi chết. Tôi bảo hắn bằng mọi cách phải tìm lại quyển sách và mang nó đến đây, nhưng không được mở ra. Tôi bảo nó có sức mạnh bằng cả ngàn con bò cạp. Nhưng lần đầu tiên tên điên ấy làm theo ý mình. Tôi không muốn hắn chết vì hắn là kẻ trung thành. Nhưng chớ nhắc lại điều Huynh biết: tôi biết Huynh biết mà. Tôi không muốn Huynh thêm tự mãn, tự Huynh đã thế rồi. Sáng nay trong phòng thư tịch, tôi nghe Huynh hỏi Benno về “Bữa tiệc của Cyprian ”. Huynh đã đến gần sự thật lắm. Tôi không biết bằng cách nào Huynh khám phá được bí mật của tấm gương, nhưng khi Tu viện trưởng bảo Huynh đã đề cập đến “finis Africae”, thì tôi biết chắc chẳng bao lâu nữa Huynh sẽ đến đây. Do đó, tôi ngồi đây đợi. Bây giờ, Huynh muốn gì nào?

- Tôi muốn xem bản viết cuối cùng trong quyển sách bốn bản, gồm một bản tiếng Ả-rập, một bản tiếng Xy-ri cổ, và một bản bình giảng hay bản sao “Bữa tiệc Cyprian ”. Tôi muốn xem bản viết bằng tiếng Hy-lạp mà có lẽ do một người Ả-rập, hay một người Tây Ban Nha sao lại. Huynh đã tìm thấy bản này thời còn là phụ tá cho Paul xứ Rimini, Huynh đã dàn xếp để được phái về nước mình thu thập các bản hay nhất về sách Mặc Khải ở Léon và Castille. Số sách kiếm được này đã khiến Huynh nổi danh và cả tu viện kính trọng, giúp Huynh đoạt chức quản thư viện mà đáng lý thuộc về Alinardo, người lớn hơn Huynh mười tuổi. Tôi muốn xem bản sao bằng tiếng Hy-lạp viết trên giấy lụa, loại giấy thời đó rất hiếm, được sản xuất tại Silos, gần Burgos quê của Huynh. Tôi muốn xem quyển sách mà Huynh đã trộm ở đó. Sau khi đọc nó xong, để không ai được đọc nó nữa, Huynh đã giấu nó ở đây, bảo vệ nó rất khôn khéo mà không thủ tiêu nó, vì một người như Huynh không hủy sách mà chỉ canh giữ không để ai chạm vào nó. Tôi muốn xem tập hai tác phẩm “Thi ca ” của Aristotle, quyển sách mà mọi người vẫn tin đã bị thất lạc, hay chưa bao giờ được viết ra, quyển sách mà có lẽ Huynh đang giữ độc bản.

- William, Huynh có thể trở thành một quản thư viện tuyệt vời biết bao! – Jorge nói, giọng vừa thán phục vừa tiếc nuối. – Thế là Huynh đã biết tất cả. Đến đây, tôi nghĩ có một cái ghế ở cạnh bàn, phía bên Huynh đó. Ngồi đi, phần thưởng của Huynh đấy.

Thầy William ngồi và đặt chiếc đèn tôi đã đưa cho thầy xuống, nó soi sáng khuôn mặt của Jorge từ dưới lên. Lão già cầm lấy quyển sách nằm trước mặt, đưa cho thầy William. Tôi nhận ra cái bìa của nó chính là quyển sách tôi đã mở ra xem trong bệnh xá mà lại ngỡ là một bản tiếng Ả-rập. Jorge bảo:

- Này William, đọc đi, giở nó xem đi. Huynh thắng rồi.

Thầy William nhìn quyển sách, nhưng không chạm vào nó. Thầy lôi trong áo dòng ra một đôi găng tay, không phải là đôi găng hở ngón thường dùng, mà là đôi Severinus đang đeo khi chết. Thầy chậm rãi mở cái bìa cũ mòn mỏng manh ra. Tôi đến sát hơn, chồm qua vai thầy để xem. Đôi tai thính của Jorge bắt được tiếng động do tôi gây ra, bèn nói: - Cậu bé cũng ở đây hả? Tôi cũng sẽ cho cậu xem… sau.

Thầy William liếc nhanh qua những trang đầu: - Theo thư mục thì đây là bản Ả-rập nói về lời nói của một kẻ ngu ngốc nào đó. Nó là gì vậy?

- Ồ, những truyền thuyết ngớ ngẩn của bọn vô thần, cho rằng bọn ngốc phát ra những nhận xét khôn ngoan khiến ngay cả các linh mục của họ cũng phải kinh ngạc, các vua Hồi phải khoái chí…

- Bản thứ hai bằng tiếng Xy-ri cổ, nhưng theo thư mục thì nó là bản dịch của một quyển sách nhỏ tiếng Ai-cập về nghệ thuật giả kim, sao nó lại ở trong bộ này?

- Đó là một tác phẩm Ai-cập từ thế kỷ thứ ba, trong thời đại chúng ta. Nó liên hệ với các tác phẩm theo sau, nhưng ít nguy hiểm hơn, không ai để tai nghe những lời lảm nhảm của một tên giả kim Châu Phi. Hắn qui việc tạo ra thế gian này cho tiếng cười thiêng liêng… - Lão ngước mặt lên đọc, với trí nhớ phi thường của một độc giả mà bốn mươi năm nay vẫn tự nhắc mình những điều đã đọc được khi còn sáng mắt: - Khi Chúa cười thì bảy vị thần cai quản thế gian được sinh ra. Khi Ngài bật cười thì ánh sáng hiện ra, Ngài cười tiếng thứ hai thì nước tuôn, Ngài cười đến ngày thứ bảy thì linh hồn xuất hiện… Điên rồ. Tác phẩm theo sau cũng vậy, nó do một trong vô số gã ngốc đặt cho mình nhiệm vụ trau chuốt “Bữa tiệc ” viết… Nhưng chúng không phải là thứ Huynh chú ý đâu.
 
Chương 72


NGÀY THỨ BẢY (tt)

Tác giả: Umberto Eco

Thầy William thực ra đã giở nhanh các trang sách và lần đến bản tiếng Hy-Lạp. Tôi thấy ngay rằng các trang này làm bằng một loại giấy khác, mềm hơn, những trang đầu gần như cũ mèm, một phần lề đã bị hư hại, vấy những vết dơ mờ mà thời gian và ẩm mốc thường cũng gây cho các quyển sách khác. Thầy William đọc những dòng mở đầu, thoạt tiên bằng tiếng Hy-lạp, rồi thầy dịch ra tiếng La-tinh để tôi cũng có thể biết quyển sách tai hại ấy bắt đầu như thế nào.

Trong tập một, chúng tôi đã bàn về bi kịch và chứng minh bằng cách nào, nhờ khơi dậy sự thương hại và nỗi sợ hãi, nó phát sinh sự hồi hộp phấn chấn, sự thanh lọc các xúc cảm này. Như đã hứa, giờ đây chúng tôi sẽ bàn về hài kịch (cũng như về trào phúng và kịch câm), và chứng minh bằng cách nào, nhờ khơi dậy thú vui cười cợt, nó đạt đến được sự thanh lọc đam mê đó. Một đam mê như vậy đáng cho chúng ta quan tâm hàng đầu, chúng tôi đã nói như thế trong quyển sách về linh hồn, vì con người là sinh vật duy nhất có khả năng cười. Chúng tôi sẽ định nghĩa các loại hành động, trong đó hài kịch đóng vai trò ngụy trang, rồi chúng tôi sẽ xem xét các phương tiện mà hài kịch đã sử dụng để gây cười, và các phương tiện này là hành động và lời nói. Chúng tôi sẽ trình bày các hành động nực cười được phát sinh như thế nào từ việc so sánh cái tốt nhất với cái xấu nhất, hay ngược lại, từ việc gây ngạc nhiên như đánh lừa, từ điều không thể xảy ra, từ sự đảo lộn các qui luật tự nhiên, từ các lộn xộn, vẩn vơ, bất hợp lý, từ việc dung tục hóa các nhân vật, từ cách sử dụng các động tác câm hài hước và thô tục, từ sự bất hài hòa, từ việc chọn lựa những điều hèn kém nhất. Chúng tôi sẽ trình bày các lời nói nực cười được phát sinh như thế nào từ việc hiểu lầm các từ tương tự với các điều khác nhau, và các từ khác nhau với những điều tương tự, từ sự ba hoa và lập đi lập lại, từ cách chơi chữ, từ cách phát âm sai, và từ cách nói thô tục.

Thầy William dịch nó một cách khó khăn, vì phải chọn cho đúng chữ, và chốc chốc phải ngừng lại. Vừa dịch thầy vừa mỉm cười, tựa như tìm ra được điều mình mong đợi. Thầy đọc lớn trang đầu tiên, rồi ngưng lại, như thể không muốn biết thêm nữa, và lật nhanh qua các trang kế. Nhưng sau vài trang thầy khựng lại, vì có vài trang bị dính lại với nhau, ở rìa góc trên và phía đầu sách, như thường thấy khi các loại giấy ẩm mục hóa thành một thứ keo dinh dính. Jorge nghe tiếng giở sách rào rào đã ngưng lại, bèn giục thầy William:

- Tiếp chứ, đọc đi, giở sách đi. Sách của Huynh mà. Huynh đã đoạt được nó rồi.

Thầy William bật cười, nghe dường như thích thú – Huynh nghĩ tôi khôn ngoan là không đúng đâu, Jorge ạ! Huynh không thấy được tôi đang đeo găng. Với những ngón tay cục mịch vụng về như thế này, tôi không thể tách từng trang giấy ra được. Tôi phải để tay trần, thấm nước miếng, như tôi đã tình cờ làm sáng nay khi đọc sách trong phòng thư tịch, thế nên điều bí ẩn đó đột nhiên cũng trở nên dễ hiểu. Và tôi sẽ phải tiếp tục giở như thế cho đến khi một lượng lớn thuốc độc ngấm vào miệng. Tôi đang nói đến lượng thuốc độc mà một ngày xa xưa nọ, Huynh đã trộm trong phòng thí nghiệm của Severinus. Có lẽ lúc ấy Huynh đã thấy lo lắng, vì nghe ai đó trong phòng thư tịch tỏ ý tò mò, hoặc về “finis Africae”, hoặc về quyển sách thất lạc của Aristotle, hoặc là cả hai. Tôi tin Huynh đã cất ống thuốc độc đó một thời gian dài, định sử dụng nó vào lúc thấy nguy hiểm. Và Huynh đã thấy hiểm nguy đến vài ngày trước đây. Khi Venantius bàn quá gần đến đề tài của quyển sách, cùng lúc đó Berengar vô tâm, huênh hoang cố lòe Adelmo, tỏ ra không kín đáo như Huynh hằng hy vọng. Thế là Huynh đã giăng bẫy ra. Quả là kịp lúc, vì chỉ vài đêm sau đó, Venantius đã đột nhập vào trộm quyển sách, và gần như ngấu nghiến giở ra xem. Chẳng bao lâu sau, Huynh ấy thấy mệt bèn chạy xuống nhà bếp cầu cứu, và chết tại đó.Tôi có lầm không nhỉ?

- Không, tiếp đi.

- Phần còn lại rất đơn giản. Berengar tìm thấy xác của Venantius trong nhà bếp, sợ người ta sẽ điều tra lôi thôi, vì nói cho cùng, Venantius ban đêm đột nhập vào Đại Dinh là do nhờ Berengar trước đây đã tiết lộ bí mật cho Adelmo. Hắn không biết phải làm gì, bèn vác xác lên vai và ném nó vào vại máu, nghĩ rằng mọi người sẽ tin Venantius bị chết đuối.

- Thế Huynh làm cách nào biết được những sự việc xảy ra đó?

- Chính Huynh cũng biết rõ như tôi. Tôi nhận thấy phản ứng của Huynh, khi người ta tìm thấy mảnh vải vấy máu của Berengar. Tên ngốc đó đã dùng mảnh vải này để lau tay sau khi bỏ Venantius vào vại. Nhưng vì Berengar đã mất dạng, nên hắn chỉ có thể biến đi với quyển sách mà lúc đó đã khêu gợi óc tò mò của hắn. Huynh đợi người ta tìm ra xác Berengar ở đâu đó, không bị nhuốm máu mà là ngấm thuốc độc. Phần còn lại đã rõ ràng, vì Berengar đầu tiên đến bệnh xá để đọc sách, tránh xa các cặp mắt cú vọ. Malachi, bị Huynh xúi giục, vào giết Severinus, rồi quay lại đây và chết vì muốn khám phá điều cấm gì trong quyển sách đã khiến hắn thành một kẻ sát nhân. Như thế, chúng ta đã giải thích được tất cả mọi cái chết… Thật ngu quá…

- Ai ngu?

- Tôi. Vì nghe theo lời nhận xét của Alinardo nên tôi đã tin rằng loạt án mạng này là theo thứ tự của bảy hồi kèn trong sách Mặc Khải. Mưa đá cho Adelmo, và Huynh ấy đã tự tử chết. Máu cho Venantius, và do thế người ta đã có những ý tưởng kỳ quặc về cái chết của Berengar. Nước cho Berengar, thực ra đó chỉ là một hành động ngẫu nhiên. Phần thứ ba của trời xanh cho Severinus, và Malachi đã dùng lồng cầu để đập huynh ấy, vì đó là một vật duy nhất tiện tay Malachi lúc đó. Và cuối cùng là bọ cạp cho Malachi… tại sao Huynh lại bảo hắn là quyển sách có sức mạnh của ngàn con bọ cạp?

- Chính vì Huynh. Alinardo đã kể cho tôi ý tưởng về bảy hồi kèn, và tôi nghe ai đó bảo cả Huynh cũng thấy ý đó hữu lý… Tôi đâm tin rằng những cái chết này là do thiên định, và tôi không có trách nhiệm gì hết. Tôi đã bảo Malachi nếu hắn tò mò thì hắn sẽ bị tiêu diệt theo thiên mệnh, và hắn đã chết như thế.

- Như thế, thì… Tôi đã hình dung sai cách lý giải các bước hành động của tên tội phạm và hóa ra hắn đã làm trùng với cách đó. Cũng chính nhờ cách hình dung sai này mà tôi đã theo được dấu vết của Huynh. Thời nay ai cũng bị ám ảnh bởi quyển sách của Thánh John, nhưng dường như Huynh là người nghiên cứu nó kỹ nhất, nhưng điều đó không phải vì Huynh ngẫm nghĩ mãi về tên Phản Chúa, mà vì Huynh xuất xứ từ một đất nước sản sinh ra những quyển sách Mặc Khải đẹp nhất. Hôm nọ có người bảo tôi chính Huynh đã đem đến thư viện những bản viết tay sách Mặc khải đẹp nhất. Rồi một hôm khác, Alinardo nói lảm nhảm về một kẻ thù bí ẩn đã được phái đến Silos tìm sách, lòng hiếu kỳ của tôi nổi lên khi lão bảo kẻ thù này đã sớm quay về thế giới tối tăm: thoạt tiên có thể tưởng lão nói về một kẻ đã chết yểu, nhưng thực ra lão đang nói đến sự mù lòa của Huynh. Silos ở gần Burgos, và sáng hôm nay, tôi thấy trong thư mục một loạt các sách nhận được đều là sách Mặc khải Tây Ban Nha, trong thời gian Huynh đã hay sắp kế vị Paul xứ Rimini. Trong nhóm sách nhận được đó cũng có quyển sách này. Nhưng mãi đến khi tôi biết quyển sách này làm bằng giấy lụa thì tôi mới dám khẳng định lời giải thích của mình. Rồi tôi nhớ đến Silos, và biết chắc mình đúng. Dĩ nhiên, khi ý tưởng về quyển sách và độc chất giết người của nó dần dần hình thành thì cách suy diễn theo bảy hồi kèn Mặc khải bắt đầu sụp đổ, mặc dù tôi không hiểu tại sao cả hai đều hướng về Huynh. Nhưng tôi hiểu rõ câu chuyện về sách hơn, vì theo hướng của hồi kèn Mặc khải, tôi buộc phải nghĩ đến Huynh và cuộc tranh luận của Huynh về tiếng cười nhiều hơn. Do đó buổi tối nay, khi tôi không còn tin vào kèn Mặc khải nữa thì tôi vẫn quyết canh chừng chuồng ngựa, và trong chính nơi đó, hoàn toàn tình cờ, Adso đã trao cho tôi chìa khóa vào “finis Africae”.

Jorge bảo: - Tôi không hiểu được ý Huynh. Huynh hãnh diện trình bày cái cách Huynh đã suy luận để nắm được tôi, thế rồi Huynh lại bảo Huynh đến đây vì suy luận sai. Thế Huynh muốn nói gì với tôi?

- Không nói gì với Huynh cả. Tôi hơi bị hẫng, thế thôi. Nhưng điều đó chẳng quan trọng gì. Dẫu sao tôi đã đến đây.

- Chúa đang thổi bảy hồi kèn và Huynh, dù trong khi sai lầm, cũng đã nghe tiếng vọng rối loạn của âm ba đó.

- Huynh đã nói đến điều này trong bài giảng tối qua. Huynh cố thuyết phục mình rằng toàn bộ sự việc là do thiên định để che dấu sự kiện Huynh là kẻ sát nhân.

- Tôi chẳng giết ai cả. Mỗi người chết theo số phận tội lỗi của họ. Tôi chỉ là một công cụ.

- Hôm qua Huynh bảo Judas cũng là một công cụ. Điều đó không ngăn hắn khỏi bị đọa đày.

- Tôi chấp nhận nguy cơ bị đọa đày. Chúa sẽ giải tội cho tôi, vì Ngài biết tôi hành động vì danh Ngài. Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ Thư viện.

- Mới cách đây vài phút, Huynh đã sẵn sàng giết cả tôi và thằng bé này nữa….

- Huynh khôn ngoan hơn, nhưng chẳng giỏi hơn những kẻ khác đâu.

- Và bây giờ chuyện gì sẽ xảy ra, khi tôi tránh được cái bẫy đó?

- Chúng ta sẽ xem, - Jorge đáp, - Tôi không nhất thiết phải lấy mạng Huynh, có lẽ tôi sẽ thuyết phục được Huynh. Nhưng trước tiên, hãy nói cho tôi biết: làm cách nào Huynh đoán được đó là tập hai của quyển sách của Aristotle?

- Cách Huynh nguyền rủa tiếng cười chắc chắn không đủ cho tôi, và những gì tôi biết về cuộc tranh luận của Huynh với những người khác cũng quá ít ỏi. Thoạt tiên, tôi không hiểu ý nghĩa của chúng. Nhưng có những lời viết về một viên đá nhục nhã lăn trên bình nguyên, về những con ve sẽ từ lòng đất kêu vang lên, về những quả vả đáng kính. Tôi đã đọc một loại giông giống như vậy: mấy ngày vừa qua, tôi đã kiểm chứng lại. Đó là những thí dụ Aristotle đã sử dụng trong tập một của tác phẩm Thi ca , và tác phẩm Tu từ học . Rồi tôi nhớ Isidore xứ Seville đã định nghĩa hài kịch là một thứ nói về - biết diễn tả như thế nào nhỉ? – về một điều kém hơn những tình yêu đức hạnh. Dần dần tập hai của tác phẩm này hình thành trong óc tôi. Tôi có thể kể cho Huynh nghe gần như toàn bộ tập đó, mà không cần phải đọc những trang sách định dùng để thuốc tôi chết. Hài kịch phát sinh từ “Komai” – đó là những làng quê – như một cách liên hoan vui vẻ sau bữa ăn hay bữa tiệc. Hài kịch không nói về những kẻ quyền uy, danh giá, mà về những con người phàm tục buồn cười, nhưng không độc ác, nó không chấm dứt bằng cái chết của các nhân vật. Nó đạt được tác dụng gây cười nhờ vạch ra các thói hư tật xấu của người bình dân. Ở đây, Aristotle xem khuynh hướng gây cười như một lực lượng của điều thiện, trong đó cũng có giá trị giáo huấn: qua những câu đố hóm hỉnh và ẩn dụ bất ngờ, mặc dù chúng trình bày sự vật khác với bản chất của nó như thể nói dối vậy, khuynh hướng này thực sự buộc chúng ta phải xem xét sự vật kỹ lưỡng hơn, khiến chúng ta phải thốt lên: À, sự vật là thế này đây, mà trước kia ta chẳng biết. Chân lý được đạt đến nhờ miêu tả con người và thế giới tệ hơn bản chất của chúng, hay tệ hơn chúng ta vẫn nghĩ, dẫu sao thì cũng tệ hơn hình ảnh mà các trường ca, bi kịch và cuộc đời của các vị thánh vẫn đưa ra cho chúng ta thấy. Có phải thế không?

- Gần như thế. Huynh đã tái lập nó nhờ đọc các sách khác à?

- Nhiều điều trong đó Venantius đang nghiên cứu. Tôi nghĩ Venantius đã săn tìm quyển sách ấy khá lâu. Hẳn Huynh ấy đã đọc được trong thư mục các dấu hiệu cũng như tôi, và tin rằng đây là quyển sách Huynh ấy đang tìm kiếm. Nhưng Huynh ấy không biết cách đột nhập “finis Africae”. Khi nghe Berengar nói với Adelmo về nó, Huynh ấy liền lao ngay vào như chó săn thỏ.

- Đúng như thế. Tôi hiểu ngay. Tôi biết đã đến lúc mình phải hành động ác liệt để bảo vệ Thư viện…

- Và Huynh đã tẩm thuốc độc vào sách. Hẳn là một công việc khó khăn… trong bóng tối…

- Bây giờ tay tôi có thể nhìn rõ hơn mắt Huynh. Tôi đã lấy ở chỗ Severinus một cái bàn chải, và tôi cũng có đeo găng. Đó là một ý độc đáo phải không nào? Huynh phải mất một lúc lâu mới suy ra được…

- Phải. Tôi cứ nghĩ đến một vật phức tạp hơn, một cái kim tẩm thuốc độc hay một loại gì tương tự. Phải công nhận cách làm của Huynh thật là tiêu biểu: nạn nhân tự đầu độc khi có một mình, và chỉ trong mức độ người ấy muốn đọc…
 
Chương 73


NGÀY THỨ BẢY (tt)

Tác giả: Umberto Eco

Tôi rùng mình nhận ra rằng phút này đây, hai con người đối mặt trong một trận chiến sống còn đang thán phục lẫn nhau, tựa như người này hành động chỉ để người kia tán dương. Đầu óc tôi vụt lên ý nghĩ rằng các trò gian xảo mưu mẹo mà Berengar đã sử dụng để quyến rũ Adelmo, những hành vi chân thật và tự nhiên mà cô gái đã dùng để khêu gợi lòng đam mê và dục vọng của tôi, chúng thật vô nghĩa nếu so với sự khôn ngoan và tài năng điên cuồng mà người này đem ra để chinh phục người kia, và thật tầm thường nếu so với cảnh nhử nhau đang xảy ra ngay trước mắt tôi đây; bảy ngày qua họ triển khai chiến pháp của mình, họ như đã bí mật hẹn ngầm với nhau, mỗi người âm thầm mong đợi người kia tán đồng, người này vừa sợ vừa ghét người kia.

Thầy William nói: - Nhưng Huynh hãy nói cho tôi biết, cớ sao Huynh lại muốn che giấu quyển sách này hơn nhiều quyển sách khác? Tại sao Huynh lại ém đi các luận thuyết về phép phù thủy, những trang sách có thể báng bổ Chúa – mặc dù không phải trả giá bằng án mạng đi nữa - ; trong khi chỉ vì những tờ giấy này, Huynh lại đi hại những người anh em và hại cả chính mình? Có nhiều quyển sách khác nói về hài kịch, nhiều quyển khác ca ngợi tiếng cười. Tại sao Huynh lại sợ quyển này nhiều như vậy?

- Vì nó do Triết gia [1] viết. Mỗi quyển sách do Người viết đã tiêu diệt một phần nền học vấn mà Thiên Chúa giáo đã tích lũy hàng bao thế kỷ nay. Các Đức Cha đã nói mọi điều cần biết về sức mạnh của Phúc Âm, nhưng Boethius [2] chỉ cần trau chuốt lại lời của Triết gia là sự huyền nhiệm của Phúc Âm đã biến thành trò cười của những phạm trù và tam đoạn luận cho người đời. Sách “Sáng Thế Ký” [3] đã nói những điều phải biết về cấu trúc của vũ trụ, nhưng chỉ cần đọc quyển “Vật lý ” của Triết gia là đủ hình dung lại một thế giới bằng những vật chất trơn nhầy vô tri vô giác, và tên Ả Rập Averroes [4] đã gần thuyết phục được mọi người về sự vĩnh cửu của thế giới. Chúng ta đã biết mọi điều về các tên Thánh, thế mà tên Dominic mà Cha bề trên đã chôn xác – kẻ đã bị Triết gia quyến rũ – dám đặt tên các thánh lại, theo những cách suy luận tự nhiên đầy kiêu hãnh. Thế là cái vũ trụ mà Thẩm phán tòa Areopagus cho rằng tự mở ra cho ai biết cách chiêm ngưỡng dòng suối ngời sáng của cội nguồn đầu tiên đã hoá thành nơi giữ gìn các nguyên tố trần tục mà họ gọi là vật thể trừu tượng. Trước kia, chúng ta thường ngước lên trời, thỉnh thoảng mới hạ cố nhíu mày liếc xuống vũng bùn vật chất, bây giờ chúng ta nhìn mặt đất, và tin vào trời qua những lời thế tục. Mỗi lời nói của Triết gia, mà bây giờ ngay cả (các?) Thánh và các tiên tri cũng lấy đó ra thề, đã đảo ngược hình ảnh của thế giới. Nhưng Người chưa đảo ngược hình ảnh của Chúa. Nếu quyển sách này trở nên… hay đã trở nên, đối tượng để bình giảng công khai, thì chúng ta hẳn sẽ đạp qua lằn ranh cuối cùng.

- Nhưng Huynh sợ gì trong việc tranh luận về tiếng cười này? Huynh không thể loại trừ tiếng cười bằng cách loại trừ quyển sách đó được?

- Không, chắc chắn không. Nhưng tiếng cười là sự yếu đuối, sa đọa và xuẩn ngốc trong xác thịt ta. Nó là cách giải trí của nông dân, sự phóng túng của tên say rượu, ngay cả giáo hội cũng đã khôn ngoan cho phép trong dịp tiệc tùng, hội hè, chè chén được thỏa cái tật này một ngày đêm để khuây khỏa tâm trí và quên đi các đòi hỏi, dục vọng khác… Thế nhưng, tiếng cười vẫn là thứ thô tục, một vật bảo vệ cho giới bình dân, một điều bí ẩn nhất, một chất thiêng liêng cho những tên khất thực. Thánh tông đồ cũng đã nói thế này: thà kết hôn còn hơn đi thiêu, thà chống lại trật tự đã được thiết lập của Thượng đế còn hơn cười cợt, khoái trá đem trật tự đó ra làm trò cười gớm ghiếc cuối bữa ăn, lúc đã cạn chén say sưa; bầu lên vua ngốc, buông thả trong nghi lễ của bọn heo, lừa, chơi trò truy hoan chổng ngược đầu… Còn trong đây, trong đây này – Jorge đập tay lên bàn gần quyển sách thầy William đang mở ngỏ, - nhiệm vụ của tiếng cười đã được đảo ngược. Nó được nâng lên thành nghệ thuật, cánh cửa của giới học thức mở cửa đón nó, nó trở thành đối tượng nghiên cứu của triết học và nền thần học xảo trá. Hôm qua, Huynh đã thấy những kẻ phàm tục có thể dung dưỡng và thực hiện những hành động dị giáo khủng khiếp nhất như thế nào, chúng đã phản bội lời thề của Chúa và luật của tự nhiên. Nhưng giáo hội có thể dẹp yên được loạn dị giáo của bọn phàm tục, những kẻ tự tiêu diệt mình bằng sự ngu dốt của chính họ. Sự cuồng điên dốt nát của Dolcino và những loại như hắn sẽ chẳng bao giờ tạo nên cuộc khủng hoảng trong dòng đạo. Hắn quyết thuyết giảng bạo lực và sẽ chết vì bạo lực, sẽ chẳng để lại được dấu tích gì, sẽ tàn theo bữa tiệc, và nếu trong bữa tiệc đó một thế giới đảo ngược có được tạo ra trên mặt đất này một khoảnh khắc thì cũng chẳng sao. Với điều kiện hành dộng đó không được biến thành mưu định, với điều kiện giọng lưỡi thô tục đó không tìm được tiếng la tinh để chuyển dịch nó. Tiếng cười khiến bọn nông nô khỏi sợ Quỉ, vì trong bữa tiệc của lũ ngốc Quỉ cũng hiện ra với vẻ nghèo nàn ngốc nghếch, thế nên có thể điều khiển nó được. Nhưng quyển sách này có thể dạy rằng tự giải thoát khỏi nỗi sợ Quỉ là thông thái. Khi cất tiếng cười, với rượu ùng ục trong cổ họng, tên nông nô cảm thấy mình như một địa chủ, vì gã đã đảo ngược vị trí của mình với lãnh chúa, như quyển sách này có thể dạy và chỉ vẽ chi tiết cho những người học thức các mưu mẹo gian xảo để hợp pháp hóa sự đảo ngược đó. Khi ấy, cái mà may thay vẫn còn là hoạt động của dạ dày, sẽ được biến thành hoạt động của não. Tiếng cười thích hợp với con người là dấu hiệu cho thấy giới hạn của chúng ta, vì con người là những kẻ phạm tội. Nhưng từ quyển sách này, nhiều bộ óc sa đọa như Huynh sẽ suy ra một tam đoạn luận cực đoan, trong đó tiếng cười là cứu cánh của con người! Cười trong một lúc sẽ giúp tên dân quê xua đi nỗi sợ hãi. Nhưng luật pháp được áp đặt nhờ sự sợ hãi mà cái tên chân chính của nó chính là lòng sợ Chúa. Quyển sách này có thể nhen lên đốm lửa của quỉ Lucifer để bùng lên ngọn lửa mới thiêu đốt toàn thế giới, và tiếng cười sẽ được định nghĩa là một nghệ thuật mới để chấm dứt sợ hãi, nghệ thuật mà ngay cả Prometheus [5] cũng chẳng biết đến. Khi cười, cái chết đối với tên nông nô chẳng còn nghĩa lý gì nữa: thế nhưng theo thiên định, sau cơn phóng đãng thì nghi thức lại phải trùm lên gã nỗi sợ chết! Từ quyển sách này có thể sản sinh ra một mục tiêu hủy diệt mới, nhằm thủ tiêu cái chết bằng con đường rũ sạch sợ hãi. Và chúng ta, những sinh vật tội lỗi, sẽ ra sao đây nếu không biết sợ, nếu không giữ được cái mà có lẽ là khả năng nhìn xa trông rộng nhất, đáng yêu nhất trong các khả năng thiên bẩm? Bao thể kỷ nay các học giả và đức cha bằng suy nghĩ về những điều cao quí đã ban phát tinh hoa của nền học xứ đạo để cứu vớt sự khốn khổ và cám dỗ của cái thô tục. Còn quyển sách này - vì cho rằng hài kịch, với thể loại trào phúng và kịch câm của nó, là một loại thần dược sẽ thanh lọc mọi đam mê bằng cách đưa lên sân khấu các thói tật và yếu đuối nhẹ dạ - nó sẽ khiến các học giả giả hiệu nỗ lực cứu vớt những điều cao quí, bằng sự đảo ngược quỉ quái: chấp nhận cái thô tục. Quyển sách này có thể gieo cái ý tưởng là con người mong mặt đất sẽ có vô số miền đất Cockaigne [6]. Nhưng đó là thứ chúng ta không thể có và không được phép có. Hãy nhìn những tu sĩ trẻ đã nhục nhã đọc bản nhố nhăng nhái lại “Bữa tiệc của Cyprian ”. Thật là một quyển sách quỉ quái làm biến dạng Thánh Kinh! Tuy nhiên, khi họ đọc nó, họ biết nó là tội lỗi. Nhưng ngày nào lời của Triết gia minh chứng cho các hình giễu bên lề sách của một bộ óc tưởng tượng sa đọa, hay ngày nào cái nằm bên lề nhảy vào trung tâm, thì ngày đó mọi dấu vết của trung tâm sẽ biến mất. Dân Chúa sẽ hóa thành một lũ quái vật ợ ra từ vực thẳm của vùng đất chưa biết đến, và khi đó rìa của thế giới cũ sẽ trở nên tâm của xứ đạo, Arimapsi sẽ ngồi trên ngôi của Peter, bọn người lùn bụng phệ đầu to sẽ chiếm lấy Thư viện! Lũ tôi tớ sẽ đặt luật, và chúng tôi (lúc đó cả Huynh nữa) phải tuân theo, trong một tình trạng chẳng có luật lệ gì cả. Một triết gia Hy Lạp mà Aristotle của Huynh có dẫn ra ở đây, đã bảo phải dùng nụ cười để xua đi sự nghiêm trang của đối phương, và nụ cười mâu thuẫn với sự nghiêm trang. Các bậc cha ông thận trọng của chúng tôi đã chọn lựa thế này: nếu tiếng cười là niềm vui của giới bình dân, thì sự phóng túng của họ phải được kiềm chế, sỉ nhục, và đe dọa bằng sự khắc nghiệt. Và giới bình dân chẳng có vũ khí nào để trau chuốt tiếng cười của họ, cho đến khi họ biến nó thành một công cụ chống lại sự nghiêm trang của các bậc chăn chiên tinh thần, những người có sứ mệnh phải dẫn dắt họ đến đời vĩnh cửu, và cứu họ khỏi sa vào sự cám dỗ của tham, sân, si. Nhưng nếu một ngày kia có ai đó khua lên lời của Triết gia và cất tiếng như một triết gia, nâng tiếng cười lên thành một vũ khí tinh xảo, nếu nghệ thuật thuyết phục được thay bằng nghệ thuật giễu cợt – thì ôi thôi, ngày đó, ngay cả Huynh nữa William ạ, và tất cả tri thức của Huynh nữa, cũng sẽ bị cuốn sạch!

- Tại sao? Lúc ấy tôi sẽ đấu trí với những người khác. Thế giới ấy sẽ tốt hơn thế giới trong đó lửa và những thanh sắt nung đỏ của Bernard Gui làm nhục ngọn lửa và sắt nung của Dolcino.
 
Chương 74


NGÀY THỨ BẢY (tt và hết)

Tác giả: Umberto Eco

- Chính Huynh lúc đó cũng sẽ lọt vào âm mưu của Quỉ. Huynh sẽ chiến đấu ở phía bên kia trong trận thư hùng Armageddon, nơi diễn ra trận chiến đấu cuối cùng. Nhưng đến ngày đó thì giáo hội hẳn có đủ khả năng áp đặt một lần nữa giáo luật lên cuộc chiến. Chúng tôi không sợ những lời báng bổ, vì ngay cả trong những lời chưởi Chúa, chúng tôi cũng nhận ra được hình ảnh biến dạng của Jehovah nổi giận, người đã chưởi rủa bọn thiên thần nổi loạn. Chúng tôi không sợ bạo lực của những kẻ giết người chăn chiên, nhân danh cải cách hão huyền, vì đó cũng là bạo lực của các vua chúa cố tiêu diệt dân Israel. Chúng tôi không sợ sự khắc nghiệt của bọn Donatist [7], dục vọng của bọn Bogomil, sự điên cuồng tội lỗi của những sư huynh dòng Tinh thần tự do: Chúng tôi hiểu hết thảy họ và biết căn nguyên tội lỗi của họ, đó cũng là căn nguyên thánh thiện của chúng tôi. Chúng tôi không sợ, và trên hết, chúng ta biết cách tiêu diệt họ - hay tốt hơn nữa, biết cách để họ tự tiêu diệt mình. Thực ra, tôi phải nói là sự tồn tại của họ rất quí giá đối với chúng tôi, nó đã được ghi trong thiên định vì tội lỗi của họ nhắc chúng tôi đạo đức, lời nguyền rủa của họ cổ vũ cho những lời ngợi ca của chúng tôi, lối sống vô đạo của họ khiến sự thành kính của chúng tôi ngời sáng lên, cũng như cần có Sa tăng để Chúa vinh danh rạng rỡ hơn. Nhưng nếu một ngày kia – và không còn là một ngoại lệ trong giới bình dân, mà là điều phổ biến trong giới học thức đã tận tụy nghiên cứu những minh chứng không tiêu diệt được của Thánh kinh – nghệ thuật giễu cợt được chấp nhận, và trở nên cao quí, tự do, và không còn máy móc nữa; ngày kia có người nói (cho người khác nghe): “Tôi cười hiện thân của Chúa”, thì khi ấy chúng tôi sẽ không có vũ khí nào để chống lại lời báng bổ ấy cả, vì nó sẽ triệu về các thế lực đen tối trong thể xác vốn tụ lại trong phát rắm và hơi ợ chua và chúng sẽ đòi cái quyền mà chỉ duy nhất tinh thần mới có: quyền được xì ra nơi nào tùy thích!

- Lycurgus đã cho dựng một tượng ca ngợi cái cười.

- Huynh đọc điều đó trong quyển sách phỉ báng của Cloritian, người đã cố giải cho kịch câm khỏi tội vô đạo, ông kể chuyện một bệnh nhân được một bác sĩ chữa lành bệnh bằng cách giúp cho người ấy cười. Cần gì phải chữa cho hắn chứ, nếu Chúa đã định đời trần tục của hắn đã chấm dứt?

- Tôi không nghĩ bác sĩ ấy đã chữa lành cho bệnh nhân. Ông ta dạy bệnh nhân cách cười căn bệnh của mình.

- Bệnh không phải đuổi tà là hết. Nó phải được tiêu diệt.

- Cùng với cơ thể của người bệnh.

- Nếu cần thiết.

- Huynh chính là Quỉ - Thầy William bèn nói.

Jorge dường như không hiểu. Nếu lão sáng mắt, tôi dám chắc lão phải đờ mắt ra nhìn người vừa nói. Lão hỏi:

- Tôi ư?

- Phải. Họ đã nói dối Huynh. Quỉ không phải là Sa Tăng, Quỉ chính là tinh thần kiêu hãnh, là đức tin không biết mỉm cười, là sự thật chẳng hề hoài nghi. Quỉ ác vì nó biết mình đi đâu, và cũng như Quỉ, Huynh sống trong bóng tối. Nếu Huynh muốn thuyết phục tôi thì Huynh đã thất bại. Jorge, tôi căm ghét Huynh, và nếu có thể, tôi sẽ dẫn Huynh xuống lầu, băng qua sân, trần truồng, lỗ đít cắm lông gà, mặt vẽ hề, để cả tu viện cười nhạo Huynh và chẳng còn sợ Huynh nữa. Tôi muốn trét mật khắp người Huynh rồi lăn vào đám lông, và buộc dây dắt Huynh ra chợ phiên, nói với mọi người rằng: Hắn đã công bố sự thật với quí vị và bảo sự thật có vị chết chóc, và quí vị đã tin, không phải lời hắn, mà là tính tàn nhẫn của hắn. Bây giờ, tôi xin thưa với quí vị rằng, trong cơn xoáy vô biên của những điều khả thi, Chúa cũng cho phép quí vị tưởng tượng ra một thế giới trong đó người cho mình làm sáng tỏ sự thật chẳng là cái gì khác hơn là một con quạ đen vụng về, kẻ lặp lại những lời người ta đã biết tự lâu rồi.

- Huynh còn xấu hơn Quỉ nữa, tu sĩ Khất thực à – Jorge nói. – Huynh là một thằng hề, cũng như vị thánh đã khai sinh cho tất cả dòng Huynh vậy. Huynh giống như Thánh Francis của Huynh, người cất tiếng nói với tất các thân xác của mình [8], người giảng kinh mà trình diễn như một tên bán thuốc dạo, người làm bọn bần tiện kinh ngạc vì dúi vào tay chúng những đồng tiền vàng, khiến các nữ tu kính đạo xấu hổ vì không đọc kinh mà lại ngâm “Miserere. Xin thương xót chúng tôi”, người ăn xin bằng tiếng Pháp, người lấy một mẩu gỗ để bắt chước động tác của các nhạc công vĩ cầm, người giả dạng một tên lang thang để làm bẽ mặt các tu sĩ tham ăn tục uống, người ném mình trần truồng xuống tuyết, người nói chuyện với cỏ cây muông thú, biến cả huyền thoại của Chúa giáng sinh thành một cảnh làng, nhại tiếng cừu kêu be be để gọi con chiên xứ Bethlehem… Một trường phái hay đấy. Thầy dòng Diotisalvi xứ Florence ấy là tu sĩ Khất thực chứ?

- Phải – thầy William mỉm cười – Đó là người đã đến chủng viện của những người giảng đạo, và bảo sẽ không nhận thực phẩm nếu họ không đưa trước cho Người một mảnh áo của Sư huynh John để giữ làm thánh tích. Khi họ đưa mảnh áo ấy, Người bèn lấy nó chùi mông và ném vào đống phân, rồi lấy một cây gậy lăn nó quanh đống phân và la lên: “Than ôi, các sư huynh ơi, hãy giúp tôi, tôi lỡ đánh rơi thánh tích xuống nhà xí rồi!”

- Rõ ràng câu chuyện đó làm Huynh thích thú lắm! Có lẽ Huynh cũng kể tôi nghe câu chuyện về một tu sĩ Khất thực khác là Thày dòng Paul Millemosche. Một hôm thầy nằm sõng xoài trên mặt băng, khi đồng bào của thầy chế giễu thầy và một người hỏi thầy có thích nằm trên cái gì tốt hơn không, thầy bèn đáp: “Có, vợ của ngươi…”. Đó là cách Huynh và các người anh em của Huynh tìm kiếm sự thật đấy.

- Đó là cách Thánh Francis dạy con người nhìn sự vật từ một góc độ khác.

- Nhưng chúng tôi đã buộc họ vào kỷ cương. Hôm qua Huynh đã nhìn thấy các anh em của mình đấy. Họ đã gia nhập hàng ngũ của chúng tôi và không còn nói như những người phàm tục nữa. Những người phàm tục không được phép nói. Quyển sách này sẽ biện minh cho tư tưởng ngôn ngữ của người phàm tục là phương tiện của sự thông thái. Phải ngăn chặn điều này, và tôi đã làm. Huynh bảo tôi là Quỉ, nhưng không đúng thế. Tôi là cánh tay của Chúa.

- Tay của Chúa sáng tạo, chứ không che giấu.

- Có những giới hạn không được vượt qua. Chúa ban lệnh rằng một số giấy tờ nhất định phải mang dòng chữ “đây là sư tử”.

- Chúa cũng tạo ra quái vật. Và Huynh nữa. Và Ngài muốn mọi điều đều được nói đến.

Jorge giờ đôi tay run rẩy ra kéo quyển sách về phía mình, lão mở nó ra nhưng xoay lại, để thầy William vẫn có thể thấy nó thuận chiều. Lão bảo:

- Thế tại sao Ngài lại để bản viết này lạc mất hàng bao thế kỷ, chỉ còn sót lại một bản sao duy nhất, và bản sao của cái bản viết chỉ có Chúa biết đã trôi dạt đến đâu, lại bị chôn vùi hàng nhiều năm trong tay của một tên vô thần không biết tiếng Hy Lạp, rồi bị bỏ quên chẳng ai ngó ngàng đến trong một góc bí mật của một thư viện cũ kỹ, nơi chính tôi, chứ không phải Huynh, được Thượng đế gọi phải tìm nó và giấu nó đi thêm nhiều năm nữa? Tôi biết, tôi biết như thể đã đọc được nó ghi bằng những dòng chữ sắt đá, với đôi mắt có thể nhìn thấy được những điều Huynh không thấy. Tôi biết đây là ý Chúa, và tôi đã hành động để minh giảng nó. Nhân danh Cha, và Con và Thánh thần.

Chú thích:

[1] Chỉ Aristotle.

[2] Chính khách và triết gia La Mã (480?-524? sau Công Nguyên).

[3] Genesis. Quyển đầu của Kinh Cựu ước.

[4] Triết gia và nhà vật lý Hồi giáo, (1126-1198). Điểm chính trong triết lý của ông là linh hồn có thể bị tiêu diệt.

[5] Theo huyền thoại Hy Lạp, Prometheus đã trộm lửa trên trời đem xuống dạy cho con người cách sử dụng. Ông bị Zeus phạt xiềng vào một viên đá, mỗi ngày bị diều hâu đến ăn dần mòn lá gan, nhưng đến đêm nó lại hóa nguyên lành như cũ.

[6] Miền đất tưởng tượng có cuộc sống an nhàn, xa hoa.

[7] Một giáo phái thuộc đạo Thiên Chúa, được thành lập ở Bắc Phi thế kỷ IV sau Công nguyên.

[8] de toto corpore fecerat linguam

ĐÊM

Tác giả: Umberto Eco

Hỏa tai xảy ra,

vì đạo đức quá độ,

nên thế lực của địa ngục đã thắng thế

Lão già im lặng. Lão xòe cả hai tay đặt lên quyển sách, tựa như mơn trớn các trang giấy, vuốt chúng thẳng ra để đọc, hay như muốn bảo vệ nó khỏi móng vuốt của một loài chim ăn thịt.

Thầy William bảo Jorge:

- Dẫu sao, tất cả đều hoài công. Bây giờ mọi việc đã xong. Tôi đã tìm thấy Huynh, tìm thấy quyển sách, và những người kia đã chết vô ích.

- Không vô ích đâu. Có lẽ đã có quá nhiều người chết quá. Và nếu Huynh cần có bằng chứng rằng quyển sách này là bạc mệnh thì Huynh đã giữ nó rồi. Và để chắc rằng họ đã không chết vô ích, thì thêm một cái chết nữa cũng chẳng có nhiều nhặng gì.

Vừa nói, lão vừa đưa ngón tay xương xẩu trong mờ lên, chậm chạp xé những trang giấy mỏng manh của quyển sách thành từng mảnh nhỏ, tọng chúng vào miệng, và từ từ nuốt xuống, tựa như lão đang ăn bánh thánh và muốn biến nó thành xác thịt của mình.

Thầy William bàng hoàng nhìn lão, dường như chưa hiểu được điều đang xảy ra. Rồi thầy bình tâm lại và chúi về phía trước hét lên: - Huynh làm gì thế? – Jorge mỉm cười, giơ hai cái lợi trắng dã ra, một chất nhầy vàng vàng từ đôi môi tái nhợt của lão ứa ra, nhỏ giọt xuống mấy sợi râu trắng lưa thưa dưới cằm.

- Huynh đang đợi hồi kèn thứ bảy, phải không? Giờ hãy lắng nghe tiếng kèn lên tiếng đây: “Hãy niêm kín những điều bảy sấm truyền đã nói, và chớ viết nó ra, hãy nuốt nó đi, nó sẽ làm ruột ngươi đắng ngắt, nhưng trên môi ngươi nó sẽ ngọt như mật”. Huynh thấy chưa? Bây giờ tôi đã niêm kín điều không được nói, trong nấm mồ chôn tôi.

Lão cười, trời, lão Jorge cười. Lần đầu tiên tôi mới nghe lão cười... Lão cười từ trong cổ họng, mặc dù môi lão không tươi và trông lão dường như gần khóc.

- Huynh không ngờ được một chung cuộc như thế này, phải không William? Lão già này nhờ ơn huệ của Chúa, một lần nữa lại thắng phải không nào? – Khi thầy William định giật lấy quyển sách thì Jorge nghe tiếng gió đoán được bèn lùi lại, tay trái ôm chặt quyển sách vào ngực, còn tay phải tiếp tục xé các trang giấy và nhồi chúng vào miệng.

Lão ở phía bên kia bàn, thầy William không với tới được bèn cố đứng phắt dậy chạy quanh chướng ngại vật đó. Nhưng thầy làm đổ ghế và vướng áo vào đó, thế nên Jorge đã hiểu được mưu định. Lão già lại phá lên cười, lần này còn to hơn nữa, và thật nhanh không ngờ, lão vung tay phải ra quờ quạng tìm ngọn đèn. Theo sức nhiệt tỏa ra lão chộp lấy ngọn lửa và chẳng sợ đau, đè mạnh tay lên đó. Đèn tắt phụt. Căn phòng tối đen, và lần cuối cùng, chúng tôi nghe tiếng cười của Jorge, lão nói: - Giờ tìm ta đi! Bây giờ ta là người nhìn rõ nhất. – Rồi lão lặng thinh và không hề tạo ra một tiếng động nào khác, lão di chuyển với những bước chân lặng lẽ, vốn khiến lão luôn xuất hiện thật bất ngờ. Chúng tôi chỉ còn nghe được đâu đó trong căn phòng, chốc chốc lại phát ra tiếng xé sách.

- Adso, - thầy William la lên. – Chận ngay cửa. Đừng để lão lọt ra ngoài.

Nhưng thầy nói muộn quá, vì nãy giờ tôi chỉ muốn nhào vào chụp lấy lão già, nên khi phòng sụp tối, tôi đã lao tới, cố chạy vòng theo nửa vòng bàn ngược hướng với thầy. Tôi nhận ra quá muộn là tôi đã giúp Jorge chiếm được cửa, vì lão già có thể di chuyển trong bóng tối một cách tự tin lạ thường. Chúng tôi nghe sau lưng tiếng xé giấy – hơi lùng bùng, vì phát ra từ phòng bên cạnh, và cùng lúc đó, chúng tôi nghe một âm thanh khác, tiếng kèn kẹt khô khốc chạy tới, tiếng bản lề kêu ken két.

Thầy William la lên: - Tấm gương! Lão định nhốt chúng ta ở trong này! – Theo hướng tiếng động phát ra, cả hai thầy trò tôi đều lao về phía cửa. Tôi ngã nhào lên một cái ghế và bầm cả chân, nhưng chẳng thèm để ý, vì tôi vụt nhận ra rằng nếu Jorge nhốt chúng tôi trong này thì chúng tôi muôn đời chẳng ra được: trong bóng đêm, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ tìm được cách mở cửa, vì không biết cách và không biết điều khiển máy nào ở phía bên này.

Tôi tin thầy William cũng bổ tới thục mạng như tôi vậy, vì tôi cảm thấy thầy bên cạnh tôi khi cả hai thầy trò đến được ngưỡng cửa và ép sát mình vào lưng tấm kính đang khép lại về phía chúng tôi. Chúng tôi đến kịp lúc cánh cửa ngừng lại, rồi hé mở ra. Rõ ràng Jorge thấy trận chiến không cân sức nên bỏ đi. Chúng tôi ra khỏi căn phòng kinh khủng đó, nhưng giờ đây chẳng biết lão già đang đi đâu, và bóng tôi vẫn còn dày đặc.

Đột nhiên, tôi nhớ ra: - Thầy ơi! Con vẫn giữ cục đá lửa!

- Thế còn đợi cái gì nữa? – Thầy William la lên – Tìm cây đèn và châm lửa đi! – Tôi lao trở lại “finis Africae” tối tăm để tìm cây đèn. Nhờ phép lạ, tôi tìm thấy nó ngay bèn lần theo áo dòng lấy ra cục đá lửa. Tay tôi run lẩy bẩy, và đánh lửa hai ba lần chưa châm được đèn, còn thầy William thì đứng ở cửa gọi hổn hển. – Nhanh lên, nhanh lên! – Cuối cùng tôi đánh được lửa.

Thầy William lại giục: - Nhanh lên! Nếu không lão già sẽ ăn sạch Aristotle!

- Và chết! – Tôi đau đớn thốt lên, vượt lên trước thầy và cùng thầy tìm kiếm.

- Thầy không thèm biết lão chết hay sống, đồ quái vật đó! – Thầy William la lên, chạy lại chỗ này chỗ kia, chõ mắt nhìn khắp mọi nơi – Với số giấy nuốt được đó, mạng lão đã tuyệt rồi. Nhưng thầy muốn có quyển sách.

Đoạn thầy ngừng lại, bình tĩnh hơn, tiếp: - Khoan đã. Nếu tiếp tục thể này thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy lão. Im lặng, chúng ta sẽ đứng yên một lúc, - Chúng tôi gồng cứng mình, nín thinh, và trong yên lặng, chúng tôi nghe, cách không xa lắm, tiếng thân người đụng mạnh vào kệ sách, và tiếng vài quyển sách đổ ầm xuống đất – Hướng đó! – Cả hai chúng tôi đồng thanh hét lên.

Chúng tôi chạy về hướng phát ra tiếng động, nhưng chẳng bao lâu phải chậm bước lại. Thực ra, bên ngoài “finis Africae”, Thư viện đêm nay đầy những luồng khí rên rĩ rít lên, tương ứng với con gió mạnh ngoài trời. Tốc độ chạy của chúng tôi khiến luồng gió càng mạnh hơn, và đe dọa sẽ dập tắt ngọn đèn, mà châm lại rất vất vả. Vì chúng tôi không thể đi nhanh hơn, chúng tôi buộc phải làm Jorge đi chậm lại. Nhưng thầy William lại nảy lên một ý trái ngược, bèn hét lên:

- Chúng tôi bắt được Huynh rồi, lão già ạ, chúng tôi đã có đèn! – Thật là một quyết định khôn ngoan, vì lời tiết lộ ấy có lẽ đã khiến lão hoảng, lão bèn đi nhanh hơn, và tự làm tổn hại đến khả năng mẫn cảm nhiệm màu và tài nhìn trong bóng tối của mình. Ít lâu sau, chúng tôi nghe một tiếng động khác, theo hướng đó, chúng tôi bước vào phòng Y của YSPANIA, và thấy lão nằm trên mặt đất, tay vẫn giữ quyển sách, cố đứng dậy giữa đống sách ngổn ngang mà lão đã đụng vào bàn làm đổ nhào xuống. Lão đang gắng đứng dậy, nhưng vẫn tiếp tục xé sách, quyết nuốt hết con mồi càng nhanh càng tốt.

Khi chúng tôi chạy đến thì lão đã đứng thẳng, nghe biết chúng tôi đã tới, lão lùi lại, đối mặt với chúng tôi. Dưới ánh đèn sáng đỏ, gương mặt lão bây giờ trông thật khủng khiếp: các đường nét đã méo mó, một dòng mồ hôi thâm hiểm chảy ròng ròng xuống mày, xuống má lão, đôi mắt thường vẫn trắng dã chết chóc của lão giờ đỏ như máu, từ miệng lão rơi ra những mẩu giấy, lão trông hệt một con thú đen như quạ đã nhồi đầy bụng mình và không còn nuốt nổi thức ăn nữa. Người co rúm vì hoảng loạn, vì sự tàn phá của thuốc độc giờ đang chạy rần rần khắp thân thể, vì mưu đồ quái quỉ quyết thực hiện cho bằng được, thân hình quắc thước của lão già bây giờ trông ghê tởm và cục mịch. Vào lúc khác thì hình ảnh đó có thể làm người ta cười, nhưng chúng tôi giờ cũng mệt rã rượi như chó rình mồi.

Lẽ ra bình tĩnh bắt lão, chúng tôi lại nhào vào tấn công lão mãnh liệt. Lão quằn quại nhưng tay vẫn ôm ghì trước lồng ngực, quyết giữ quyển sách. Tay trái tôi nắm lấy lão còn tay phải thì cố giơ cao ngọn đèn, nhưng ngọn lửa táp vào mặt lão, lão nóng quá bèn nghẹn ngào la gần như rống lên, những mẩu giấy trong miệng văng ra, tay phải lão liền buông quyển sách, vồ lấy ngọn đèn, bất thần giật nó khỏi tay tôi và ném đi xa…

Ngọn đèn rơi ngay trên đống sách mở ngỏ bị hất nhào từ trên bàn xuống. Dầu đổ tung tóe, ngọn lửa liền táp lấy một trang giấy mỏng manh, và nó cháy bùng lên như một bó củi khô. Tất cả xảy ra trong khoảnh khắc, tựa như bao thế kỷ nay, những trang giấy cổ ấy đã trông chờ một cuộc hỏa hoạn, và giờ đang thích thú, đột nhiên được thỏa mãn khát vọng triền miên được bùng cháy. Thấy nguy hiểm thầy William buông lão già ra. Biết đã thoát, lão lùi lại vài bước, thầy William do dự một thoáng, mà có lẽ là quá lâu, phân vân không biết nên tóm lão Jorge lại, hay nên dập tắt ngay ngọn lửa nhỏ. Một quyển sách cũ nhất bốc cháy ngay, bùng lên một ngon lửa.

Những luồng gió nhẹ, có thể thổi tắt ánh đèn lung linh, thì lại giúp cho ngọn lửa lớn cháy rực hơn, chúng còn thổi tàn bay đi tung tóe.

Thầy William la: - Dập lửa ngay! Nhanh lên! Cháy hết bây giờ!

Tôi chạy về phía đống lửa, rồi ngừng lại vì không biết phải làm gì. Thầy William lại chạy đến giúp tôi. Chúng tôi đưa tay ra, mắt tìm kiếm vật gì đó để dập lửa. Óc tôi lóe lên một ý: tôi tuột áo qua khỏi đầu và cố ném nó vào giữa đống lửa. Nhưng bây giờ ngọn lửa đã quá cao, nó nuốt luôn áo của tôi và được nuôi lớn thêm. Giật đôi tay cháy sém của mình lại, tôi quay sang thầy William và trông thấy Jorge đang tiến đến ngay sau lưng thầy. Bây giờ hơi nóng tỏa ra rất mạnh nên lão có thể nhận ra rất dễ dàng, do đó lão biết chắc chắn ngọn lửa ở đâu. Lão bèn ném quyển sách của Aristotle vào lửa.

ĐÊM (tt)

Tác giả: Umberto Eco

Điên tiết lên, thầy William bèn đẩy lão một cái thật mạnh. Jorge ngã sầm vào một kệ sách, đầu đập mạnh vào một góc. Lão gục xuống đất… Nhưng thầy William, tôi nghĩ thầy đã bật ra một lời nguyền rủa đáng sợ, chẳng thèm ngó ngàng chi đến lão. Thầy quay sang mấy quyển sách. Muộn mất rồi. Tác phẩm của Aristotle, hay phần còn lại sau bữa ăn ngấu nghiến của lão già đã bị thiêu rụi.

Trong khi đó, vài tàn lửa đã bay về phía tường, và các quyển sách trong một kệ khác đang co rúm lại dưới ngọn lửa giận dữ. Bây giờ, trong phòng không phải có một mà đến hai đống lửa đang cháy.

Thầy William nhận thấy chúng tôi không thể dùng tay để dập lửa được, bèn quyết định lấy sách để cứu sách. Thầy nắm lấy một quyển mà thầy nghĩ chắc chắn và dày dặn hơn các quyển khác, cố dùng nó như một vũ khí để đàn áp kẻ thù hung hãn. Nhưng đập quyển sách bìa đóng nẹp đinh lên các quyển đang cháy chỉ khêu thêm nhiều đóm lửa khác. Thầy cố lấy chân rải chúng ra thì tác dụng lại ngược lại: những mẩu giấy cháy dở bay lên chấp chới như cánh dơi, thổi chúng đi nhóm thêm những ngọn lửa mới trên các trang giấy khác.

Rủi thay, đó là căn phòng bừa bãi nhất trong Mê Cung. Bản thảo cuộn tròn treo trên kệ, những quyển sách khác thì tả tơi, ruột long khỏi bìa, trông như những cái lưỡi bằng da bê khô héo vì thời gian lè ra khỏi cái miệng há hốc, trên bàn chất đầy những bản viết mà Malachi đã quên không cất đúng chỗ. Thế nên căn phòng, sau khi bị Jorge làm đổ nháo nhào, ngổn ngang những bản da chỉ chờ đợi biến ra tro.

Căn phòng phút chốc đã biến thành một lò than, một lùm cây bốc cháy. Cả những kệ sách cũng dự vào cuộc hiến tế này, chúng bắt đầu kêu răng rắc. Tôi nhận ra toàn Mê cung giờ chỉ là một giàn hỏa tế khổng lồ, hết thảy chuẩn bị đợi mồi lửa đầu tiên.

- Nước. Ta cần nước! – Thầy William nói, rồi tiếp. – Nhưng làm sao tìm được nước trong hỏa ngục này.

- Dưới bếp, xuống dưới bếp, - Tôi la lên.

Thầy William sững sờ nhìn tôi, mặt thầy đỏ gay trong ánh lửa bừng bừng. – Đúng, nhưng khi chúng ta xuống và lên trở lại thì… Bà hỏa đã ngốn hết! – Rồi thầy hét lên – Dẫu sao, căn phòng này đã tiêu rồi, và có lẽ phòng kế bên cũng thế. Chúng ta hãy xuống ngay, thầy tìm nước, còn con phóng ra ngoài báo động. Ta cần nhiều người!

Chúng tôi tìm đường đến cầu thang, ngọn lửa cũng bắt sang những phòng kế cận, nhưng càng xa càng mờ, thế nên chúng tôi gần như mò mẫm băng qua hai phòng cuối. Bên dưới, ánh trăng lờ mờ soi vào phòng thư tịch, và từ đây chúng tôi đi xuống nhà ăn. Thầy William phóng vào nhà bếp, tôi lao lên cửa nhà ăn, loay hoay mở nó từ phía trong mãi mới được, vì lo lắng làm chân tay tôi vụng về luống cuống. Tôi bước ra sân cỏ và chạy về hướng nhà nghỉ, rồi chợt nghĩ mình không thể đánh thức từng tu sĩ một được. Đầu tôi nảy lên một ý: tôi chạy đến nhà thờ, tìm cách leo lên tháp chuông. Khi leo đến nơi, tôi nắm tất cả dây giật chuông báo động. Tôi kéo thật mạnh, và sợi dây chuông chính, khi rút lên, kéo tôi theo lên luôn. Trong thư viện, mu bàn tay tôi đã cháy sém, còn lòng bàn tay vẫn còn nguyên lành. Nhưng bây giờ chúng cũng phồng giộp cả lên, tôi bám theo dây thừng tuột xuống cho đến khi tay đổ máu mới buông ra.

Tuy nhiên đến lúc ấy tiếng chuông tôi đã khua động lên rồi. Tôi chạy ra ngoài, vừa kịp thấy các tu sĩ đầu tiên từ trong nhà nghỉ ra, và nghe từ đằng xa tiếng tôi tớ lao nhao trước cửa nhà họ. Tôi không thể trình bày rõ ý mình vì chẳng còn sức để cất tiếng, và những từ đầu tiên thoát ra khỏi miệng bằng tiếng Đức mẹ đẻ. Tôi đưa bàn tay máu chảy ròng ròng chỉ lên cửa sổ ở cánh nam của Đại Dinh, bệ thạch cao tuyết hoa của chúng đang rực sáng lạ thường. Căn cứ theo cường độ sáng đó tôi biết trong khi tôi trở xuống rung chuông thì ngọn lửa đã lan sang các phòng khác. Tất cả cửa sổ của “Châu Phi” và toàn bộ tiền diện giữa nó và ngọn tháp phía đông, bây giờ bập bùng những ánh lửa bất thường.

- Nước! Mang nước! – Tôi hét lên.

Thoạt tiên chẳng ai hiểu gì hết. Các tu sĩ quá quen xem Thư viện là một nơi linh thiêng bất khả xâm phạm, nên họ không hiểu sao nó lại bị đe dọa bởi một tai ương tầm thường vốn có thể xảy đến cho một túp lều nhà nông. Những người đầu tiên nhìn lên cửa sổ làm dấu thánh giá và lầm thầm sợ hãi, tôi biết họ đang nghĩ lại thêm ma quỉ hiện hình đây. Tôi nắm áo họ cố nài nỉ cho họ hiểu, cho đến khi có người chuyển tiếng khóc của tôi thành lời.

Đó là Nicholas xứ Morimondo, Huynh nói: - Thư viện đang cháy!

- Vâng, đúng như vậy. – Tôi thều thào, ngã xuống đất, lả đi.

Nicolas xông xáo truyền lệnh cho các tôi tớ và chỉ cho các tu sĩ đứng xung quanh, bảo người này đi mở các cửa khác trong Đại dinh, bảo người kia kiếm nước và các loại xô chậu. Huynh chỉ cho những người có mặt ra các giếng và hồ nước trong thư viện. Huynh gọi những người chăn bò đem la và lừa đến chuyển bình nước… Nếu một người nắm quyền ban những lệnh này, thì chắc hẳn người ta sẽ tuân theo ngay. Nhưng tôi tớ thì vẫn quen theo lệnh Remigio, các người ghi chép thì theo Malachi, và tất cả thì theo Tu viện trưởng. Nhưng than ôi, cả ba người này chẳng còn ai hiện diện. Tu sĩ nhìn quanh tìm Tu viện trưởng để chờ nghe những lời chỉ thị trấn an, nhưng chẳng thấy Cha đâu. Chỉ mình tôi biết lúc đó Cha đã chết hay đang hấp hối trong một lối đi kín bưng ngột ngạt, bây giờ đang biến thành một lò thiêu.

Nicholas đẩy những người chăn bò đi hướng này, thì vài tu sĩ tốt bụng lại đẩy họ đi hướng khác. Vài sư huynh rõ ràng đã mất bình tĩnh, còn các huynh khác thì vẫn ngái ngủ. Vì giờ tôi đã tỉnh, nên tôi cố dùng lời lẽ để giải thích, nhưng nên nhớ rằng sau khi đã ném áo dòng vào ngọn lửa, tôi gần như trần truồng, và hình ảnh của một cậu bé mặt lọ lem, tay chảy máu, người kỳ cục không lông, tê cóng vì lạnh, chắc chắn không làm người ta tin lắm.

Cuối cùng Nicholas kéo được vài sư huynh và mấy người khác vào bếp, mà ai đó đã mở cửa. Một tu sĩ khác lanh trí cầm thêm vài cây đuốc. Chúng tôi thấy nhà bếp bừa bãi, hỗn độn, và tôi biết thầy William hẳn đã xáo tung nó lên để tìm nước và chậu xách.

Lúc ấy tôi thấy thầy William hiện ra ở cửa nhà ăn, mặt thầy cháy nám, áo bốc khói. Tay thầy cầm một cái bình lớn, đó là hình ảnh đau thương của sự bất lực, tôi tội nghiệp thầy quá. Tôi biết dẫu thầy có mang được một xô nước nguyên vẹn lên tầng hai, hay nhiều hơn nữa, thì cũng chẳng giúp được mấy. Tôi nhớ lại câu chuyện của Augustine khi Ngài trông thấy một thằng bé dùng muỗng múc nước biển: cậu bé là một thiên thần, cậu làm thế để trêu ông thánh, người muốn thông hiểu những lẽ nhiệm mầu của thiên nhiên. Và cũng như thiên thần đó, thầy William mệt lả, dựa vào rầm cửa, nói với tôi: - Tuyệt vọng rồi. Dù tất cả tu sĩ trong tu viện có hiệp lực lại thì cũng đành bó tay thôi. Thư viện tiêu tan rồi. – Nhưng khác thiên thần ấy, thầy William nức nở khóc.

Tôi ôm ghì lấy thầy, thầy giật tấm khăn bàn để quấn lấy người tôi. Chúng tôi sải tay đầu hàng, và quan sát diễn biến chung quanh.

Thật là một quang cảnh hỗn loạn. Người ta chạy tay không lên cầu thang trôn ốc, đụng đầu những người tay không khác đã lên lầu vì hiếu kỳ, bây giờ đang chạy xuống để kiếm chậu. Những người lanh trí khác thì lập tức đi lùng xô chậu, nhưng lại phát giác trong nhà bếp không có đủ nước. Đột nhiên những con la chở các vại nước to tràn vào gian phòng lớn, các người chăn chúng giở vại xuống và định xách nước lên. Nhưng họ không biết cách lên phòng thư tịch, phải mất một hồi lâu sau mấy người ghi chép mới chỉ cho họ, khi họ đi lên thì tông vào những người hoảng hốt đang chạy xuống. Vại vỡ, nước bắn tung tóe xuống đất, thế nhưng các vại kia vẫn được những người sốt sắng chuyển lên cầu thang. Tôi theo đám người ấy vào phòng thư tịch. Từ cửa Thư viện tuôn ra làn khói dày đặc. Những người cuối cùng cố lên tháp phía đông vừa đi xuống, họ ho sặc sụa, mắt đỏ ngầu, và cho biết không thể nào đi vào hỏa ngục đó nữa.

Rồi tôi gặp Benno, tay xách một xô nước khổng lồ từ dưới lên, mặt mày méo xẹo. Huynh nghe những người đi xuống nói như vậy bèn mắng: - Hỏa ngục sẽ nuốt hết các người, đồ hèn nhát! – Như muốn tìm người hỗ trợ, Huynh quay lại thì gặp tôi, và la lên, - Adso ơi, Thư viện… Thư viện… Thư viện… - Không đợi tôi trả lời, Huynh chạy đến chân cầu thang và liều lĩnh lao vào đám khói. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Benno.

Tôi nghe phía trên có tiếng răng rắc. Gạch đá, vôi vữa rớt từ trên phòng Thư tịch xuống. Viên đá ở đỉnh vòm, chạm hình một bông hoa, long ra và gần suýt rơi xuống đầu tôi. Nền của Mê cung đang sụp xuống.

Tôi lao xuống, chạy ra ngoài trời. Vài tôi tớ sốt sắng đem thang cố lao vào các tầng trên để đưa nước lên. Nhưng thang cao nhất chỉ vừa chạm đến cửa sổ phòng thư tịch, những người đã leo lên không thể từ ngoài mở cửa sổ được. Họ gọi với xuống, bảo người vào trong mở, nhưng đến lúc này thì chẳng ai dám lên đó nữa.

Tôi ngước nhìn các cửa sổ ở tầng thượng. Toàn thư viện bây giờ đã biến thành một hỏa lò ngút khói, lửa túa từ phòng này sang phòng khác, cháy tràn qua hàng ngàn quyển sách khô giòn. Mọi cửa sổ đều rực lửa, mái Đại Dinh bốc khói đen ngòm: lửa đã lan đến các sà nhà. Tòa Đại Dinh, bên ngoài trông hùng dũng, bên trong thì rạn nứt, mục rã, đá thì nát bấy để cho lửa táp vào bất cứ chỗ nào có gỗ.

ĐÊM (tt và hết)

Tác giả: Umberto Eco

Đột nhiên tựa như vì một lực bên trong ép xuống, vài cửa sổ vỡ nát, các tàn lửa bay lên không trung, điểm những đốm sáng chấp chới lên màn đêm. Cơn cuồng phong đã dịu hơn, đó là một điều bất hạnh, vì nếu mạnh, nó có thể dập tắt các đốm lửa, nhưng vì gió nhẹ nên nó thổi chúng bùng lên, rồi mang đi, cuốn theo các mảnh giấy da bay lên trời. Một tiếng nổ vang lên: sàn của Mê cung ở đâu đó sụp xuống nền nhà dưới. Bây giờ tôi trông thấy các ngọn lửa lóe lên từ phòng thư tịch, nơi cũng đầy ắp sách, kệ, giấy rời trên bàn giấy, những thứ sẵn sàng đón nhận tàn lửa. Tôi nghe những người ghi chép đau khổ kêu lên, họ bứt tóc bứt tai, còn toan đánh liều leo lên để cứu những bản da thân yêu. Vô ích! Nhà bếp và nhà ăn bây giờ đông nghẹt những kẻ mất hồn, họ chạy lung tung tứ tán, người này cản trở người kia, họ va vào nhau, té nhào, kẻ xách chậu thì làm đổ nước quí, la dẫn vào nhà bếp đánh hơi thấy lửa bèn nhảy dựng lên, lao ra cửa, đá văng người ta, và cả những người chăn dắt hoảng hốt của chúng nữa. Dẫu sao rõ ràng là đám ô hợp những tên nông nô và những người tuy thông thái ngoan đạo nhưng vụng về, không người điều khiển này đang ngăn cản mọi sự tiếp tay còn lại.

*

* *

Toàn thư viện lâm vào cơn dầu sôi lửa bỏng, nhưng đó mới là phần đầu của thảm kịch. Từ mái nhà và cửa sổ Đại dinh, đám tàn lửa đắc thắng được gió nuôi dưỡng đang từ muôn phía lao xuống mái giáo đường. Ai cũng biết các giáo đường đẹp nhất đều rất kỵ hỏa. Nhà của Chúa trông đẹp và kiên cố như chính đất thánh Jerusalem là nhờ mặt tiền bằng đá phô ra ngoài, còn trần và tường đều dựa theo một cấu trúc bằng gỗ nhẹ và đẹp, và nếu nhà thờ bằng đá với những cột vươn cao thẳng chắc như cây sồi gợi ta nghĩ đến những khu rừng đáng kính nhất, thì gần giáp vòm mái, các cột này thường độn ruột trong bằng gỗ sồi – nhiều đồ đạc trang trí nội thất trong nhà thờ cũng bằng gỗ: bàn thờ, khu hát kinh, ván sơn lát tường, bàn ghế, bục, chân đèn. Trong nhà thờ của Tu viện trưởng, nơi có cánh cửa đã quyến rũ tôi hôm đầu tiên, cũng vậy. Giáo đường phút chốc bén lửa ngay. Các tu sĩ và tất cả mọi người bây giờ đều hiểu sự sinh tồn của tu viện đang lâm nguy, nên hết thảy bèn thục mạng chạy tới, để chống đỡ một hiểm họa mới, cảnh càng hỗn loạn hơn nữa.

Đương nhiên, dễ lọt vào và bảo vệ giáo đường hơn thư viện. Thư viện đã tận số vì chính sự bất khả xâm phạm của nó, vì cái huyền thoại bao giữ nó và vì nó ít cửa vào quá. Giáo đường, nơi mở rộng cánh cửa nhân từ đón mọi người trong giờ hành lễ, giờ mở rộng cho tất cả vào chữa cháy. Nhưng nước đã hết, hay ít ra chẳng tìm được mấy nước trữ nữa, các giếng nước dâng lên theo mức độ chậm chạp tự nhiên không đáp ứng nổi nhu cầu khẩn cấp. Mọi tu sĩ lẽ ra có thể dập tắt được ngọn lửa trong giáo đường nhưng đến lúc này chẳng ai biết làm cách nào nữa. Ngoài ra, lửa lan từ phía trên, nên rất khó đội người lên để dùng bao hay cát dập lửa. Còn khi lửa lan xuống dưới thì có ném đất cát vào cũng vô ích, vì trần nhà sập xuống đè dập nhiều người cứu hỏa.

Thế là thêm vào những tiếng kêu than thương tiếc bao của cải bị thiêu rụi và tiếng kêu đau đớn vì mặt bị phỏng, chân tay dập nát, thân chôn vùi dưới đống gạch đá từ vòm mái cao đổ sập xuống.

Gió lại giận dữ nổi lên, và càng giận dữ thốc tới thổi lan ngọn lửa hơn. Kế tiếp ngay sau giáo đường là dãy nhà kho và chuồng ngựa bắt lửa. Ngựa hoảng hốt giật bứt dây cương, đá sập cửa và chạy toán loạn, vừa chạy vừa rống vừa hí rất khủng khiếp. Tàn lửa bắn lên nhiều bờm ngựa và những con ngựa cháy đỏ đó chạy như điên trong sân như những quái thú dưới địa ngục. Chúng phóng vô định không ngừng và đạp nát mọi vật trên đường đi. Tôi thấy già Alinardo đang lang thang, ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra, bị con ngựa tuyệt đẹp Brunellus lửa cháy quanh mình đá ngã xuống đất. Già bị ngựa kéo trên đất rồi bỏ mặc ở đó, thân tan nát thật tội nghiệp. Nhưng tôi chẳng có thời gian, cũng chẳng có cách nào để cứu hay khóc thương già cả, vì những cảnh tượng tương tự như vậy đang xảy ra khắp nơi.

Những con ngựa bốc cháy đã mang lửa đến những nơi gió chưa chuyển tới kịp: bây giờ các lò rèn và khu nhà tu sinh đang bốc cháy. Từng đoàn người chạy từ đầu này sang đầu kia, dáo dác chẳng biết làm gì. Tôi gặp Nicholas đầu bị thương, áo tả tơi, giờ kiệt sức bó tay, quì xuống đất nguyền rủa. Tôi thấy Pacificus, không còn nghĩ đến chuyện cứu chữa gì nữa, mà cố tóm lấy một con la điên cuồng đang chạy qua. Khi bắt được nó, Huynh hét lên bảo tôi hãy làm như vậy đi, bảo tôi hãy thoát chạy khỏi các cảnh ghê sợ của trận thư hùng Armageddon này đi.

Tôi không biết thầy William đâu rồi và sợ thầy đã mắc kẹt dưới đống tường sập. Tìm kiếm mãi, tôi mới gặp thầy gần nhà dòng. Tay thầy cầm bọc hành lý: khi lửa lan tới khu hành hương, thầy đã chạy về phòng mình để cứu được ít ra là các vật dụng quí giá nhất của mình. Thầy cũng đã thu nhặt bọc hành lý của tôi nên tôi bèn rút áo ra mặc. Chúng tôi ngừng lại, nín thở quan sát diễn biến chung quanh.

Đến bây giờ tu viện đã tiêu vong. Gần như toàn bộ tòa nhà ít nhiều đều bị thiêu cháy. Những tòa nhà chưa bén lửa sẽ không đứng vững được lâu, vì mọi thứ, từ yếu tố thiên nhiên đến công việc chữa cháy hỗn quân hỗn quan, đều góp phần giúp ngọn lửa lan xa. Chỉ có những khu vực không nhà cửa mới an lành: vườn rau, khu vườn ngoài nhà dòng… Không có thể làm gì để cứu tòa nhà được nữa. Bỏ ý nghĩ chữa cháy đi, chúng tôi đứng ngoài trời và có thể an toàn quan sát mọi việc.

Chúng tôi nhìn giáo đường đang rụi dần, những cấu trúc vĩ đại như thế này có đặc tính là phần bằng gỗ bùng cháy rất nhanh, sau đó nó sẽ âm ỉ trong nhiều giờ, đôi khi nhiều ngày. Ngọn lửa trong Đại dinh lại khác. Ở đây, các vật không bắt lửa nhiều hơn, và bà hỏa sau khi lan khắp phòng thư tịch đang tràn xuống bếp. Còn về tầng thượng nơi xưa kia và hàng bao thế kỷ nay là Mê cung, thì nay quả thực đã bị tiêu hủy.

- Đó là thư viện lớn nhất trong xứ đạo. – Thầy William nói, và tiếp. - Bây giờ, tên Phản chúa đã thực sự sẵn sàng vì không có nền học vấn nào ngăn cản hắn nữa. Bởi lẽ đó, đêm nay chúng ta đã nhìn thấy mặt hắn.

- Mặt ai kia? – Tôi sững sờ hỏi.

- Thầy muốn nói mặt Jorge. Trong gương mặt biến dạng vì sự căm ghét triết học, lần đầu tiên thầy thấy chân dung của tên Phản chúa, hắn không đến từ bộ lạc của Judas hay từ một đất nước xa xôi nào đó, như đã được báo hiệu. Tên Phản chúa có thể thoát thai từ chính lòng kính đạo, từ lòng yêu thương Chúa trời hay yêu thương chân lý quá độ, cũng như kẻ dị giáo thoát thai từ thánh nhân, và kẻ bị ám ảnh từ nhà tiên tri vậy. Adso ạ, hãy sợ những nhà tiên tri, và những kẻ sẵn sàng chết cho chân lý, vì nói chung chúng làm người khác chết theo, có khi chết trước chúng, có khi chết thế chúng. Jorge đã làm điều quái quỉ vì lão yêu chân lý của lão một cách quá đê hèn đến độ lão dám làm bất kỳ điều gì để tiêu diệt sự giả trá. Jorge sợ tập hai của Aristotle có lẽ vì nó thực sự dạy làm cách nào để bóp méo gương mặt của mọi sự thật, để chúng ta khỏi trở thành nô lệ cho linh hồn của chính mình nữa. Có lẽ sứ mệnh của những người yêu nhân loại là làm con người cười vào chân lý, là làm chân lý cười lên , vì chân lý duy nhất là học cách giải thoát chúng ta khỏi sự đam mê chân lý một cách điên cuồng.

Tôi buồn bã đánh bạo nói – Nhưng, thưa thầy, bây giờ thầy nói thế vì thầy đang bị tổn thương tận đáy lòng. Tuy nhiên, có một chân lý mà đêm nay thầy đã khám phá được, cái chân lý mà thầy đạt được nhờ giải thích các mấu chốt thầy đọc trong mấy ngày qua. Jorge thắng, nhưng thầy đã hạ lão vì thầy đã vạch trần âm mưu của lão.

- Chẳng có âm mưu nào cả, thầy ngẫu nhiên khám phá ra nó thôi.

Lời tuyên bố tự nó nghe mâu thuẫn, tôi không biết thầy William có thực muốn thế không, bèn nói: - Nhưng quả thực những dấu vết trên tuyết đã dẫn đến con ngựa Brunellus, quả thực Adelmo tự tử, Venantius đúng là chết đuối trong vại, Mê cung đúng là được xây cất theo cách thầy hình dung, người ta vào “finis Africae” nhờ chạm vào chữ “quatuor”, quả thực quyển sách bí mật là của Aristotle… Con có thể kể tiếp tất cả điều đúng mà thầy đã khám phá nhờ kiến thức…

- Thầy không bao giờ hoài nghi chân lý của các dấu hiệu, Adso ạ, đó là những sự vật duy nhất giúp con người tự định hướng trên đường đời. Điều thầy không hiểu là mối tương quan giữa các dấu hiệu. Thầy tìm ra Jorge nhờ cách suy luận theo sách Mặc Khải, mà ngỡ như nó làm cơ sở cho tất cả các án mạng, thế nhưng nó lại chỉ là ngẫu nhiên thôi. Thầy tìm ra Jorge trong khi truy lùng một thủ phạm gây ra mọi án mạng, nhưng lại khám phá rằng mỗi án mạng do một người khác gây ra, hoặc là không do ai gây ra cả. Thầy tìm ra Jorge trong khi đuổi theo kế hoạch của một đầu óc sa đọa nhưng duy lý, thế nhưng chẳng có một kế hoạch nào cả, hay đúng hơn, chính Jorge cũng không giữ được kế hoạch ban đầu, rồi từ đó bắt đầu một loạt các nguyên nhân và phản nguyên nhân, các nguyên nhân mâu thuẫn với nhau và tự chúng diễn tiến và tạo nên những mối tương quan không phát xuất từ một kế hoạch nào cả. Thế thì thầy có khôn ngoan gì đâu? Thầy ngoan cố theo đuổi một loại trật tự giống nhau, mà đáng lẽ thầy phải hiểu rằng trong vũ trụ này không có trật tự.

Lúc đó một góc mái nhà nghỉ đổ rầm xuống, tung lên trời một đám lửa. Vài con cừu, dê chạy thất thểu trước mặt chúng tôi kêu lên thảm thiết. Một nhóm tôi tớ chạy ngang qua, họ la hét, suýt hất chúng tôi ngã nhào.

Thầy William bảo: - Hỗn loạn quá.

Trang cuối cùng

Tác giả: Umberto Eco

Tu viện cháy trong ba ngày ba đêm, và các nỗ lực cứu chữa cuối cùng đều vô ích. Vào sáng ngày thứ bảy chúng tôi lưu lại đó, khi những người sống sót hiểu rõ rằng chẳng còn giữ nổi tòa nhà nào nữa, khi những kiến trúc đẹp nhất chỉ còn trơ lại bức tường ngoài, và giáo đường nuốt dần các ngọn tháp của nó như tự thu mình vào – ngay đến giây phút đó, ý chí chiến đấu của mọi người nhằm chống lại sự trừng phạt của Chúa đã thất bại. Nhà nguyện và các căn phòng tuyệt đẹp của Tu viện trưởng vẫn đang bốc cháy, mà việc chạy đi lấy những thùng nước cuối cùng đã chán nản rã rời. Lúc này ngọn lửa đã lan đến tận các xưởng làm việc, tôi tớ từ lâu đã cố chạy đồ đạc của họ và phóng ra làng quê để bắt lại vài súc vật đã trốn khỏi tu viện trong đêm hoảng loạn.

Tôi thấy vài tôi tớ liều lao vào phần còn lại của giáo đường, tôi chắc họ định xuống hầm kho tàng để chộp lấy vài món quí giá trước khi bỏ chạy. Tôi không biết họ có thành công không, hay hầm đã sụp xuống rồi, hay họ đã bị vùi vào lòng đất khi cố đến được kho tàng.

Trong khi đó, dân quê trong làng đã chạy đến cứu viện hay để hôi của. Các người chết phần lớn vẫn ở trong đống tàn tích còn nóng đỏ. Vào ngày thứ ba, sau khi băng bó cho các người bị thương và chôn cất những xác chết tìm thấy bên ngoài, các tu sĩ và mọi người khác thu nhặt đồ đạc của mình và rời bỏ tu viện còn ngút khói như một nơi bị nguyền rủa. Họ tản đi đến phương trời nào tôi chẳng biết.

Thầy trò tôi lên đường trên hai con ngựa chạy lạc trong rừng, trực chỉ hướng đông. Khi đến Bobbio, chúng tôi bắt đầu nghe những tin xấu về Hoàng đế. Khi đến Pomposa, chúng tôi nghe La Mã đã nổi dậy chống vua Louis khiến Ngài lui trở lại Pisa, trong khi đó các giáo sĩ đại diện John đắc thắng tiến vào thành phố Thánh.

Trong khi đó, Michael xứ Cesena biết rằng sự có mặt của mình tại Avignon sẽ chẳng mang lại kết quả nào – thực ra, Cha sợ mất mạng – nên đã bỏ trốn về Pisa với vua Louis.

Chẳng bao lâu sau, tiên đoán thời cuộc và biết Vua sẽ tiến về Munich, chúng tôi đổi hướng và quyết định sẽ đến đó trước, vì thầy William linh cảm thầy sẽ không an toàn ở Ý. Trong những năm tháng kế tiếp, các lãnh chúa Ghibelline thôi không ủng hộ vua Louis nữa.

Khi chúng tôi đến Munich, tôi nức nở tiễn biệt thầy William. Số mạng của thầy bấp bênh quá, nên gia đình muốn tôi phải quay về Melk. Sau cái đêm đau thương tại tu viện, chúng tôi như ngầm thỏa thuận với nhau không nhắc đến câu chuyện ấy nữa. Chúng tôi cũng chẳng đề cập gì đến nó khi buồn bã chia tay nhau.

Thầy ban cho tôi nhiều lời khuyên quí giá về đường học vấn tương lai, và tặng tôi cặp kính Nicholas đã làm, vì thầy đã lấy lại cặp kính cũ. Thầy bảo tôi còn trẻ, nhưng một ngày kia, nó sẽ trở nên hữu dụng (và quả thực khi viết những dòng này, tôi đang đeo kính). Rồi thầy âu yếm ôm tôi như một người cha thương yêu và bảo tôi lên đường.

Tôi chẳng bao giờ gặp lại thầy nữa. Rất lâu sau, tôi nghe nói thầy đã chết trong trận dịch lớn hoành hành khắp Âu Châu khoảng giữa thế kỷ này. Tôi luôn cầu nguyện Chúa sẽ đón nhận linh hồn thầy và tha thứ cho thầy nhiều hành động kiêu hãnh mà tính cao ngạo trí thức của thầy đã gây ra.

*

* *

Nhiều năm sau, khi đã trưởng thành, tôi có dịp được Tu viện trưởng của mình phái về Ý công cán. Tôi không cưỡng nổi cơ may này, và trên đường về tôi rẽ về thăm lại tàn tích của tu viện.

Hai ngôi làng trên sườn núi đã hoang vắng, đất bỏ hoang không ai cày cấy. Khi tôi leo lên đỉnh núi, cảnh hoang tàn chết chóc hiện ra khiến mắt tôi mờ lệ.

Những cấu trúc vĩ đại tráng lệ xưa kia mọc sừng sững nơi đây, giờ chỉ trơ lại những mảnh đổ nát, như trước đây đã xảy ra với các tượng đài của những người đa thần cổ đại ở La Mã. Dây leo quấn chằng chịt lên các mảng tường, cột còn nguyên. Cỏ dại mọc tràn lan muôn phía, chẳng còn biết vườn rau, vườn hoa xưa đâu nữa. Chỉ có nghĩa trang là còn nhận ra được, vì vài nấm mồ vẫn còn nhô cao khỏi mặt đất. Dấu hiệu duy nhất của sự sống là vài con chim ăn thịt đang săn thằn lằn và rắn, những con vật giống rắn thần đang trườn đi giữa những khe đá hay bò trên tường. Cánh cửa giáo đường chỉ còn lại vài mẩu mốc meo. Phân nửa vòm mạng trung tâm vẫn còn, và tôi liếc thấy trong đó con mắt trái của Chúa ngồi trên ngai và vài nét trên bộ mặt sư tử, chúng đã bị các yếu tố thiên nhiên làm giãn nở ra và bị địa y bao phủ.

Đại Dinh, trừ tường phía nam bị tàn phá, dường như vẫn đứng vững với thời gian. Hai ngọn tháp trên vực đá trông như không hề suy suyển, chỉ trừ các cửa sổ bây giờ là những hố mắt trống hốc đang chảy những hàng lệ là các dây leo mục rữa. Bên trong, công trình nghệ thuật bị tàn phá nhào trộn với công trình thiên nhiên, và qua khoảng diện tích bao la của nhà bếp, mắt tôi nhìn suốt lên tận trời xanh qua vùng trống của các tầng trên và mái nhà, đã sụp xuống như các thiên thần giáng thế. Những thứ chưa xanh rêu thì vẫn ám khói đen của nhiều thập niên về trước.

Lang thang trong đống gạch vụn, tôi thỉnh thoảng lại thấy những mảnh giấy da đã bay từ phòng thư tịch và thư viện xuống, và tồn tại như những châu ngọc chôn dưới đất. Tôi nhặt nhạnh chúng, tựa như sắp khâu lại các trang giấy bị bứt rời trong một quyển sách. Rồi tôi để ý thấy trong một ngọn tháp có một cầu thang trôn ốc dẫn lên phòng thư tịch, tuy rung rinh nhưng vẫn nguyên vẹn, từ đây, leo lên một núi đá vụn, tôi đến được tầng thư viện, thế nhưng nó chỉ còn một hành lang sát với tường ngoài, nhìn xuống cảnh tan hoang khắp phía.

Dọc theo một bức tường, tôi bắt gặp một kệ sách bị nước và mối ăn mòn mà không hiểu sao đã thắng được lửa để đứng thẳng thật diệu kỳ. Trong kệ vẫn còn vài trang sách. Các trang sống sót khác tôi nhặt được nhờ lục lọi khắp trong đống đổ nát bên dưới. Tôi đã bỏ cả ngày để gặt, tuy chẳng thu được bao nhiêu, tựa như từ những hạt ký ức về Thư viện sẽ nảy lên cho tôi một thông điệp nào đó. Vài mẩu giấy da đã phai mờ, vài mảnh khác cho ta cái bóng của một hình ảnh nào đó, hay tinh anh của một hai chữ. Đôi khi tôi nhặt được những trang giấy còn nguyên cả câu, còn thường thì nhặt được các bìa còn nguyên, xưa kia được bảo vệ nhờ các đinh kim loại đầu lớn… Những quyển sách ma, xác còn nhưng hồn đã tiêu tán, tuy nhiên thỉnh thoảng tôi lại vớt được nửa trang giấy, trong đó nhận ra được tựa sách, hay chữ đầu tựa.

Tôi thhu góp mọi thánh tích nhặt được, xếp chúng đầy hai bọc hành lý và vất bỏ các dụng cụ khác để cứu lấy kho tàng bất hạnh này.

Trên đường về, và sau này tại Melk, tôi bỏ ra nhiều giờ cố đọc những mẩu giấy sót lại này. Từ một chữ hay hình ảnh, tôi thường nhận ra được nó thuộc tác phẩm nào. Về sau, khi tôi tìm được các bản sao khác của những tác phẩm đó, tôi âu yếm nghiên cứu chúng, như thể số mệnh đã để lại cho tôi di sản này. Cuối thời gian tái tạo kiên nhẫn của tôi, tôi có trước mặt một thư viện nhỏ, biểu tượng của một thư viện lớn hơn đã tan biến, một thư viện bằng các mảnh giấy, trích dẫn, câu viết dang dở và các thân thể sách què cụt.

o0o

Tôi càng đọc đi đọc lại các danh mục này thì càng tin rằng nó chỉ là một kết quả ngẫu nhiên và chẳng chứa đựng một thông điệp nào cả. Nhưng những trang sách không toàn vẹn đó đã theo tôi suốt quãng đời còn lại. Tôi thường giở chúng ra xem như một lời sấm truyền, và gần như tin rằng những gì tôi viết trên những trang giấy này mà quí vị độc giả chưa quen nào đó đang đọc, chỉ là một bài thơ chắp vá, một bài thánh ca tưởng tượng, một bài acrostic [1] bao la, mà chẳng nói lên hay nhắc lại điều gì ngoài những ý các mẩu sách đó đã gợi cho tôi. Tôi cũng không biết mình đã nói về chúng hay chúng nói qua miệng mình bao xa. Nhưng dù bất kỳ một trong hai khả năng này đúng đi nữa, tôi càng nhủ lòng câu chuyện này phát sinh từ chúng bao nhiêu, thì tôi càng không hiểu phải chăng có một mưu định vượt ra ngoài diễn biến tự nhiên của các sự kiện và các thời gian đan nối chúng với nhau hay không. Một tu sĩ già, trên ngưỡng cửa của cái chết mà không biết dòng chữ mình viết có ẩn chứa một ý nghĩa, hay hơn, hay nhiều, hay chẳng có ý nghĩa nào hết, thì quả là một điều đau lòng.

Nhưng việc tôi không có khả năng để nhận biết này có lẽ là do tác dụng của cái bóng, mà màn đen vĩ đại khi đến gần, đang phủ lên thế gian già nua.

Vinh quang của Thành Babylon nay đâu rồi? Tuyết trắng năm xưa đâu? Thế giới đang quay cuồng điệu múa của Macabré, có lúc tôi nghĩ sông Danube đang đầy nghẹt tàu bè chở đầy những kẻ ngốc đi về một miền tối tăm.

Bây giờ tôi chỉ còn biết yên lặng. Thật lành mạnh biết bao, thật vui thú và ngọt ngào biết bao được ngồi trong cô tịch và nói chuyện cùng Thiên Chúa [2].

Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ quay về căn nguyên của mình, và tôi không còn tin đó là Chúa vinh quang mà các tu viện trường dòng tôi đã nói đến, hay là nơi hân hoan như dòng Khất thực ngày đó vẫn tin tưởng, mà có lẽ cũng chẳng phải nơi thành kính nữa… Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ đi vào sa mạc mênh mông, bằng phẳng và vô tận, nơi trái tim thành tâm kính đạo hưởng hạnh phúc. Tôi sẽ rơi vào bóng tối thánh thiện, vào cõi thinh lặng và hợp nhất khôn tả, khi rơi xuống mọi điều bình đẳng, bất công sẽ mất hết và trong vực sâu ấy linh hồn tôi sẽ tự biến đi chẳng còn biết điều bình đẳng, bất công hay thứ gì khác nữa, và sẽ lãng quên đi mọi sự phân biệt. Tôi sẽ ngự trong một miền đơn giản, trong một hoang mạc yên lặng, không tìm thấy sự phân biệt, trong cõi riêng tư nơi không ai tìm cho mình một chỗ biệt lập. Tôi sẽ về nước Chúa thanh tịnh, yên vắng, thư nhàn, và vô ảnh.

*

* *

Phòng thư tịch lạnh quá, ngón tay tôi nhức buốt. Tôi để lại bản viết này, chẳng biết cho ai. Tôi chẳng còn biết nó viết về điều gì nữa: stat rosa pristina nomina, nomina nuda tenemus, bông hồng xa xưa còn tồn tại nhờ cái tên, và chúng tôi chỉ giữ lại mỗi một cái tên thôi.

Chú thích :

[1] Một loại bài thơ nếu ghép các mẫu tự đầu hay cuối của các dòng thơ lại sẽ có một từ hay một danh ngôn.

[2] O quam salubre, quam iucundum et suave est sedere in solitudine et tacere et loqui cum Deo.

HẾT
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top