Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full Người Đưa Tin

  • Tác giả Tác giả admin
  • Ngày gửi Ngày gửi
Dịch Full Người Đưa Tin

admin

Thánh Ngự Hư Không
Đại Thần
Tham gia
11/6/23
Bài viết
916,528
VNĐ
900,499
[Diendantruyen.Com] Người Đưa Tin

Người Đưa Tin
Tác giả: Daniel Silva
Tình trạng: Đã hoàn thành




Thể loại: Trinh thám
Công ty phát hành: IPM  
Nhà xuất bản: NXB Thời Đại  
Trọng lượng vận chuyển: (gram) 500 
Kích thước: 13.5x20.5 cm  
Dịch Giả: Khang Vinh  
Số trang: 512  
Ngày xuất bản: 06-2009  

Gabriel Allon vừa là nhà phục chế tranh đồng thời là điệp viên, anh sắp phải đối mặt với một thách thức lớn trong cuộc đời của mình. Một kẻ thuộc tổ chức al-Qaeda bị giết ở London, trong máy tính của ông đã có nhiều bức ảnh khiến cho tình báo Israel nghi ngờ rằng tổ chức al-Qaeda sắp có một cuộc bạo động nhằm vào trung tâm Vatican.

Không mất quá nhiều thời gian khiến Allon và đồng nghiệp của mình nhận ra rằng họ đang phải đối mặt với một kẻ nguy hiểm  nhất thế giới. Một cuộc săn đuổi chưa từng có đã diễn ra kéo dài từ Châu Âu tới Caribe.Nhưng đối với họ, có lẽ không có yếu tố gì là đầy đủ: thời gian, dữ kiện, cả may mắn nữa. Tất cả những gì Allon có thể làm là giăng bẫy – và hi vọng anh không bị mắc vào chiếc bẫy này.

Nhận xét

- “Câu chuyện người đưa tin như đã thật sự diễn ra, đầy máu me, khiến nó trở thành một chuyến đi thú vị, nhưng chính những thông điệp về trào lưu chính thống, trả thù, sự lệ thuộc vào đầu, và những khác biệt về văn hóa là những thứ khiến bạn thức nguyên đêm” – USA Today

- “Silva, người thợ thủ công bậc thầy, đưa ra sự kết hợp của tất cả những gì quan trọng nhất trong viết tiểu thuyết – chủ đề gợi nhiều chú ý, nhân vật lôi kéo và có thể tin được, bối cảnh chính xác, và cốt truyện tốn nhiều công sức – tình tiết trong những đoạn văn được viết một cách dễ hiểu, liền mạch” – Library Journal

- “Mỗi đoạn lắt léo trong cốt truyện được đánh dấu bằng sự căng thẳng đến mức không thể chịu nổi… Những đoạn văn không hài hước của Silva thúc giục bạn đọc tiếp giống như một khẩu súng giảm âm đang thúc vào lưng bạn” – Entertainment Weekly.

Đôi nét về tác giả

Daniel Silva, sinh năm 1960, là một trong những tiểu thuyết gia trinh thám ăn khách nhất tại Mỹ. Ngay từ cuốn sách đầu tiên The Unlikely Spy (1996), Silva ngay lập tức được độc giả toàn cầu đón nhận. Hơn 14 cuốn tiểu thuyết với đề tài về điệp viên, trinh thám của ông liên tục lọt vào top “sách bán chạy nhất” của tạp chí New York Times. Thông tin thêm Năm 2006, cuốn Người đưa tin (Portrait of the spy) đã được trao giải The Barry cho sách giật gân, ly kỳ nhất và cũng lọt vào top sách bán chạy nhất của New York Times.
 
Chương 1: Luân đôn


PHẦN 1: CÁNH CỬA TỬ THẦN

Người Arập Xêút hoạt động rất tích cực trong mọi cấp độ của dây xích khủng bố, từ lập kế hoạch cho đến tài trợ tài chính, từ lính mới cho đến bộ binh, từ nhà lý luận cho đến người cổ vũ.

Laurent Murawiec, Tập đoàn RAND

Tư tưởng thù hằn đã dẫn đến sự kiện 11-9. Một khi chưa hoá giải triệt để tư tưởng ấy thì cuộc chiến chống khủng bố sẽ không bao giờ giành được thắng lợi, và sự tái xuất hiện của Osama Bin Laden chỉ còn là vấn đề thời gian.

Dore Gold, Vương quốc hận thù

Chúng ta sẽ kiểm soát đất đai Vatican. Chúng ta sẽ kiểm soát Rome và đưa Hồi giáo vào nơi này.

Sheikh Muhammad Bin Abdal-Rahman Al-Arifi

Ali Massoudi thật không khôn ngoan khi lôi Gabriel Allon ra khỏi kỳ nghỉ ngắn ngủi nhưng lại đầy rắc rối của anh. Massoudi là một nhà trí thức lớn người Anh ủng hộ liên kết với EU và là người có thói quen suy nghĩ độc lập. Trong giờ phút sợ hãi điên cuồng, ông đã quên bẵng rằng người Anh luôn lái xe bên tay trái.

Bối cảnh cho cái chết của ông là một buổi tối tháng 10 mưa ròng rã ở Bloomsbury. Đây cũng chính là thời điểm diễn ra phiên họp cuối cùng của Diễn đàn chính sách cho hòa bình và an ninh ở Palestine, Irắc và các nước khác được tổ chức hàng năm lần đầu tiên. Cuộc hội thảo diễn ra sáng sớm hôm đó được kỳ vọng rất nhiều và được tổ chức một cách phô trương để tạo tiếng vang, nhưng đến cuối ngày nó lại mang phẩm chất của một vở kịch xoàng được đưa đi lưu diễn. Thậm chí những người thuyết trình đến với hi vọng sẽ trở nên nổi bật trong đám đông dường như cũng nhận ra họ đang mệt mỏi đọc cùng một kịch bản của lần trước. Vào lúc 10 giờ hình nộm Tổng thống Mỹ bị đốt. Lúc 11 giờ Thủ tướng Israel bị đưa ra ngọn lửa để tẩy uế. Vào giờ ăn trưa, cơn mưa lớn trong chốc lát đã biến quảng trường Russell thành vũng nước, có kẻ ngu ngốc nào đó đang diễn giải về quyền phụ nữ ở Arập Xêút. Vào 8 giờ 30, khi chiếc búa gõ trên tấm bảng cuối cùng, hai tá người khắc kỷ đã ở lại đến cuối xếp hàng một cách vô cảm đi về phía cửa ra vào. Ban tổ chức hội thảo nhận thấy trước rằng sẽ có rất nhiều người không hứng thú quay lại để tham dự vào mùa thu tới.

Người trang trí sân khấu vươn người về phía trước dỡ tấm áp phích khỏi cái móc. Trên đó có ghi dòng chữ: GAZA ĐƯỢC GIẢI PHÓNG - THẾ THÌ SAO? Chuyên gia đầu tiên đứng dậy là Sayyid thuộc trường Kinh tế Luân Đôn, người bảo vệ những kẻ đánh bom cảm tử, biện hộ cho al-Qaeda. Tiếp sau ông là Thị trưởng Cambridge, người nói về Palestine và người Do Thái tựa như họ vẫn còn là nhóm người mặc áo xám từ phòng Ngoại vụ. Trong suốt buổi thảo luận, viên Thị trưởng lớn tuổi đóng vai trò trung gian giữa Sayyid chuyên gây bất hòa và một linh hồn tội nghiệp đến từ Đại sứ quán Israel tên Rachel. Cô ta bị la ó huýt sáo phản đối mỗi khi mở miệng nói. Viên Thị trưởng đang cố gắng đóng vai trò hoà giải khi Sayyid theo Rachel đến tận cửa để châm chọc rằng những ngày làm thực dân của cô ta đang đến lúc chấm dứt.

Ali Massoudi, Giáo sư giảng dạy sau đại học chuyên về môn điều hành toàn cầu và lý thuyết xã hội tại trường Đại học Bremen là người cuối cùng đứng dậy. Điều này không đáng ngạc nhiên, đồng nghiệp hay ghen tị của ông sẽ nói thế, vì giữa thế giới tạp nham các ngành học Trung Đông, Massoudi có tiếng là người không bao giờ tự nguyện rời bỏ sân khấu. Sinh ra ở Palestine, có hộ chiếu của Gioócđan, và được giáo dục ở châu Âu, Giáo sư Massoudi thường xuất hiện trước công chúng với vẻ ôn hòa. Mọi người gọi ông là tương lai xán lạn của thế giới Arập, là đại diện của sự tiến bộ. Ông không tin tôn giáo nói chung, đặc biệt là Hồi giáo cực đoan. Trên các bài xã luận, trong các giảng đường và trên truyền hình, ông luôn lên án sự bất bình thường của thế giới Arập. Ông lên án chính sự thất bại của thế giới này đã khiến họ không giáo dục được con người tử tế. Ông lên án khuynh hướng đổ lỗi cho người Mỹ và những người Do Thái theo chủ nghĩa phục quốc. Quyển sách cuối cùng của ông đã trở thành lời kêu gọi tha thiết phải cải tổ Hồi giáo. Do vậy những kẻ cuồng tín Hồi giáo tuyên bố ông là kẻ dị giáo. Còn những người ôn hoà nói rằng ông có lòng dũng cảm của Martin Luther King. Buổi trưa hôm đó, ông đã tranh cãi trước sự thất vọng của Sayyid, rằng thời cơ đang nằm trong tay Palestine. Nếu người Palestine không từ bỏ văn hóa khủng bố, người Israel sẽ không bao giờ nhường dù chỉ một phần của Bờ Tây. Mà thật ra thì họ cũng không nên nhường. Đồ báng bổ tôn giáo, Sayyid hét lên. Đồ bội giáo.

Giáo sư Massoudi cao khoảng 1,8m và rất điển trai. Điều này có vẻ nguy hiểm đối với những phụ nữ trẻ dễ xúc động phải làm việc cùng ông. Tóc ông xoăn đen, xương gò má rộng và khỏe mạnh, và cằm vuông chẻ sâu ở ngay chính giữa. Mắt ông màu nâu và sâu làm nổi bật lên khuôn mặt thông minh đáng tin cậy. Chiếc áo khoác thể thao bằng len casơmia khoác ngoài áo len cổ tròn màu kem khiến ông giống như một hình mẫu trí thức châu Âu vậy. Đây chính là hình ảnh mà ông đã dày công tạo dựng. Ông thong thả thu dọn giấy bút một cách gọn gàng và bỏ vào chiếc cặp táp thường mang theo. Rồi ông bước xuống các bậc sân khấu và đi ra ngoài.

Vài khán giả đang nán lại trong sảnh. Đứng bên góc phòng, như một hòn đảo bão tố trên mặt biển tĩnh lặng là một cô gái. Cô ta mặc quần jeans bạc màu và áo khoác da, cổ choàng khăn sọc vuông. Mái tóc cô ta đen nhánh, sáng bóng đầy huyền bí. Mắt cô ta cũng đen sẫm. Tên cô ta là Hamida al-Tatari. Dân tị nạn, cô ta tự nhận như vậy. Sinh ra ở Amman, lớn lên ở Hamburg, bây giờ là công dân Canada sống ở Bắc Luân Đôn. Massoudi đã gặp cô ta buổi trưa hôm đó tại tiệc chiêu đãi của hội sinh viên. Khi uống cà phê, cô ta buộc tội ông đã không công kích hết những tội ác của người Mỹ và người Do Thái. Massoudi lập tức thích cô gái này. Họ dự định tối đó sẽ gặp nhau tại quầy rượu kế bên rạp hát ở quảng trường Sloane. Tuy nhiên, những dự định của ông không xuất phát từ sự lãng mạn. Ông không ham muốn thân xác Hamida. Cái hấp dẫn ông chính là nhiệt huyết và khuôn mặt sạch sẽ của Hamida. Cộng với đó là vốn tiếng Anh hoàn hảo và hộ chiếu Canada của cô gái này.

Cô ta lén nhìn theo Massoudi khi ông đi ngang qua sảnh, nhưng cô ta không tỏ vẻ muốn đến gần nói chuyện. Phải giữ khoảng cách sau khi kết thúc hội thảo, ông đã dặn cô trước đó. Một ở người địa vị của tôi phải lưu ý đến việc mình bị thấy đi với ai. Khi ra đến ngoài, ông đứng một lúc dưới cổng ngắm xe cộ chậm chạp di chuyển trên đường phố ẩm ướt. Ông cảm thấy ai đó cọ nhẹ vào khuỷu tay. Đó là Hamida. Cô ta không nói một lời nào mà chỉ lẳng lặng băng vào màn mưa. Ông chờ đến khi cô đi khuất mới quàng cặp táp lên vai và đi theo hướng ngược lại về khách sạn ở quảng trường Russell.

Bỗng nhiên Massoudi cảm nhận thấy một điều gì đó. Nó giống như sự thay đổi luôn xuất hiện mỗi khi ông chuyển từ cuộc sống này sang cuộc sống khác. Mạch đập nhanh, các giác quan trở nên nhạy bén, Massoudi lén dõi mắt quan sát những chi tiết nhỏ nhất xung quanh mình. Một cậu thanh niên đầu sắp hói đang bước về phía ông. Tay anh ta cầm ô và cái nhìn dừng lại hơi lâu trên khuôn mặt của Massoudi. Một người bán báo nhìn trơ tráo vào mắt Massoudi khi ông mua tờ Evening Standard. Hay người tài xế tắc xi dõi theo ông khi ông quăng tờ báo vừa mua vào sọt rác ở khu Thượng Woburn. Một chiếc xe buýt vượt qua ông. Khi nó chầm chậm đi qua, Massoudi liếc nhìn những cửa sổ xe đọng đầy sương. Ông thấy một tá khuôn mặt mệt mỏi, phần lớn là da đen hay da nâu. Những người Luân Đôn mới, ông thầm nghĩ, và trong chốc lát vị Giáo sư về điều hành toàn cầu và lý thuyết xã hội đánh vật với những suy nghĩ này. Bao nhiêu người âm thầm đồng cảm với sự nghiệp của ông? Bao nhiêu người sẽ kí ủng hộ nếu ông đặt trước mặt họ bản hợp đồng chết chóc.

Theo đuôi chiếc xe buýt, ở vệ đường bên kia là một khách bộ hành đơn độc: áo mưa, tóc đuôi ngựa dày, lông mày là hai đường thẳng. Massoudi nhận ra anh ta ngay lập tức. Gã thanh niên này đã tham dự hội thảo, anh ta ngồi cùng hàng với Hamida nhưng ở phía đối diện của phòng. Sáng hôm đo,á hắn ta cũng ngồi tại chỗ ấy lắng nghe Massoudi lên giọng phản đối khi thảo luận trước Hội đồng về việc cấm các học giả người Israel ra khỏi lãnh thổ châu Âu.

Massoudi hạ mắt xuống tiếp tục bước đi, tay trái ông sờ vào miếng độn vai trên dây đeo cặp táp. Ông đang bị theo dõi chăng? Nếu đúng thì do ai? MI5 có lẽ là lời giải thích hợp lí nhất. Hợp lí nhất, ông tự nhắc nhở, chứ không phải là duy nhất. Có lẽ cơ quan Tình báo Đức đã theo ông từ Bremen đến Luân Đôn. Hay có lẽ ông đang bị CIA theo dõi.

Nhưng khả năng thứ tư làm tim Massoudi bỗng nhiên đập nhói vào thành ngực. Giả sử gã thanh niên đang theo dõi ông không phải người Anh, Đức, hay Mỹ thì sao? Giả sử hắn ta làm việc cho cơ quan tình báo nào đó không e ngại việc thanh toán kẻ thù, thậm chí ngay trên đường phố nước khác. Một tổ chức tình báo có lịch sử sử dụng phụ nữ làm mồi nhử. Ông nhớ lại những lời Hamida nói trưa hôm đó.

“Em hầu như lớn lên ở Toronto”.

“Thế còn trước đó?”

“Ở Amman khi em còn rất nhỏ. Sau đó sống một năm ở Hamburg. Em là người Palestine, thưa Giáo sư. Tổ ấm của em là chiếc vali”.

Massoudi bất ngờ quẹo ra khỏi khu Woburn vào khu đường phụ Pancras. Sau vài bước, ông đi chậm lại nhìn liếc qua vai. Gã thanh niên mặc áo mưa đã băng qua đường đi theo ông.

Ông rảo bước nhanh hơn, quẹo trái quẹo phải nhiều lần. Băng qua những dãy nhà thấp, qua các khu chung cư, qua những quảng trường vắng người rải rác lá khô. Massoudi hầu như bị lạc đường. Ông đang cố định hướng, ông biết những đường chính ở Luân Đôn khá rõ, nhưng các con phố hẹp là điều bí ẩn đối với ông. Ông bỏ mặc những thủ thuật quan sát kín đáo của nghề tình báo và liên tục quay lại nhìn. Mỗi lần như vậy, ông dường như thấy khoảng cách với gã đó bị thu hẹp thêm một hai bước.

Ông đến ngã tư, bên trái là đường Euston với dòng xe cộ đang nhộn nhịp chuyển động, phía đối diện chính là nhà ga King’s Cross và đường Pancras. Ông quẹo sang hướng Euston, một vài giây sau ông lại nhìn nghiêng qua vai. Gã thanh niên đã bước qua khúc quanh và đang tiến gần đến ông.

Ông bắt đầu chạy. Ông chưa bao giờ là một vận động viên thể thao, thêm nữa những năm theo đuổi học thuật đã cướp đi chút sức lực còn lại khỏi cơ thể ông. Sức nặng của chiếc máy tính trì lại như mỏ neo. Chiếc cặp thúc mạnh vào hông của ông theo mỗi bước chạy. Ông dùng một cùi chỏ giữ cho chắc, tay kia cầm dây đeo, nhưng tư thế này khiến các sải bước không đều và làm tốc độ của ông bị chậm hơn. Massoudi thoáng nghĩ đến việc quăng chiếc máy cho nhẹ, nhưng thay vì thế ông lại giữ chặt nó hơn. Lọt vào tay kẻ xấu, chiếc máy tính xách tay này có thể là kho báu thông tin. Ảnh cá nhân, ảnh theo dõi, đường liên kết liên lạc, tài khoản ngân hàng…

Ông bị vấp chân và dừng lại tại đường Euston. Nhìn qua vai, ông thấy kẻ theo mình vẫn ở ngay đằng sau, tay để trong túi, mắt nhìn xuống. Ông nhìn sang bên trái, ông bước đến khúc cua.

Tiếng còi xe tải là âm thanh cuối cùng Ali Massoudi nghe được. Do va chạm, chiếc cặp táp văng ra khỏi ông. Nó bay trên không trung, đập xuống đất lộn vài vòng rồi rơi thịch xuống. Gã thanh niên mặc áo mưa hầu như không chậm bước khi hắn cúi xuống nhặt lấy chiếc cặp. Hắn đeo gọn gàng lên vai, băng qua đường Euston, rồi hoà vào dòng người tan tầm và mất hút trong nhà ga King’s Cross.
 
Chương 2: Jerusalem


Chiếc cặp táp đến Paris lúc bình minh, và lúc 11 giờ, nó được mang vào một văn phòng không có gì nổi bật trên đại lộ King Saul ở Tel Aviv. Ở đây, đồ đạc cá nhân của Giáo sư bị kiểm tra tỉ mỉ trong khi ổ cứng máy tính bị tấn công bởi một nhóm chuyên viên kỹ thuật. Ba giờ chiều cùng ngày…, gói thông tin đầu tiên đã được chuyển tới văn phòng Thủ tướng ở Jerusalem, và đến năm giờ tập hồ sơ chứa tài liệu đáng báo động nhất đã nằm trên ghế sau một chiếc limousine bọc thép đi về phía đường Narkiss, một con đường yên ắng nhiều lá rụng, cách trung tâm mua sắm Ben Yehuda không xa.

Chiếc xe hơi dừng trước căn hộ chung cư nhỏ số 16. Ari Shamron, người từng hai lần làm Giám đốc bộ phận an ninh Israel, bây giờ làm cố vấn đặc biệt cho Thủ tướng trong tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh và tình báo, bước ra khỏi xe từ ghế sau. Rami, đội trưởng đội bảo vệ có cặp mắt đen nhẹ nhàng nối gót ông. Shamron có vô số kẻ thù trong suốt sự nghiệp dài đầy biến động của mình. Do sự phức tạp về thành phần dân cư của Israel, nên kẻ thù có nhiều cơ hội để áp sát mục tiêu của chúng. Vì vậy, cho dù đang ở trong biệt thự như pháo đài kiên cố, Shamron cũng luôn được các nhân viên bảo vệ vây quanh.

Ông dừng một chút trên lối nhỏ trong vườn và nhìn lên. Đây là một toà nhà ba tầng tồi tàn xây bằng đá vôi Jerusalem, cây khuynh diệp lớn trước nhà đổ bóng râm mát mẻ lên ban công. Cành cây đang đung đưa trong cơn gió lạnh đầu tiên của mùa thu, và từ cánh cửa sổ mở ở lầu ba bốc ra mùi gay gắt của chất sơn pha loãng.

Khi bước vào sảnh, Shamron đưa mắt nhìn hộp thư cho căn hộ số ba và thấy không có bảng tên. Ông nặng nề leo cầu thang. Dáng người ông đậm, và như thường lệ, ông mặc quần kaki và áo khoác da cũ kỹ bị rách bên ngực phải. Mặt ông nứt nẻ và chi chít vết chân chim, chút viền tóc bạc còn sót lại bị cắt ngắn đến mức gần như biến mất. Tay ông như da thuộc, lấm tấm đồi mồi, và dường như được mượn từ một bàn tay nào đó to gấp hai lần ông. Bàn tay kia của ông cầm một tập hồ sơ.

Cửa đang khép hờ khi ông lên đến chiếu nghỉ cầu thang lầu ba. Ông đặt tay lên cửa, nhẹ nhàng đẩy vào trong. Căn hộ này từng được trang trí tỉ mỉ bởi một phụ nữ Do Thái gốc Ý có khiếu thẩm mỹ tuyệt vời. Bây giờ đồ đạc trong nhà, cũng giống người phụ nữ, không còn nữa, và căn hộ được biến thành một xưởng vẽ. Tuy nhiên, đó không phải là xưởng vẽ của một họa sỹ, Shamron tự nhắc nhở. Gabriel Allon là một nhà phục chế - một trong ba hay bốn nhà phục chế tài năng nhất trên thế giới. Bây giờ anh đang đứng trước tấm vải lớn vẽ cảnh một người đàn ông bị bao vây bởi những con mèo ăn thịt. Shamron yên lặng ngồi trên chiếc ghế đẩu dính sơn nhìn Gabriel làm việc. Ông luôn cảm thấy kỳ lạ về tài bắt chước nét vẽ các bậc thầy thời xưa của anh. Đối với Shamron, đó là một trò ảo thuật, là một một tài năng trời phú khác của Gabriel bên cạnh khiếu ngôn ngữ của anh hay khả năng rút súng Beretta khỏi hông ngắm bắn chỉ trong khoảng thời gian một cái vỗ tay.

“Chắc chắn bức vẽ trông đẹp hơn lúc nó mới được đưa tới”, Shamron nhận xét, “nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao nhiều người muốn treo những bức tranh như thế trong nhà mình”.

“Bức tranh này sẽ không được treo trong nhà”, Gabriel nói, tay đưa chiếc cọ lên bức vẽ. “Đây là một tác phẩm của bảo tàng”.

“Ai vẽ nó?”. Shamron hỏi đột ngột, như đang tra vấn thủ phạm đặt bom.

“Nhà đấu giá Bohnams ở Luân Đôn nghĩ đây là tác phẩm của Eramus Quellinus”, Gabriel trả lời. “Có lẽ Quellinus đặt nền tảng cho bức vẽ thật, nhưng tôi thấy rõ là Rubens đã hoàn tất bức tranh này cho ông ta”. Anh đưa tay chạm suốt bức vẽ lớn. “Nét cọ của ông ta ở khắp mọi nơi”.

“Nếu vậy thì khác gì?”

“Khoảng 10 triệu bảng”, Gabriel đáp. “Julian sẽ giàu to với bức tranh này”.

Julian Isherwood là người bán tranh ở Luân Đôn, và cũng là nhân viên thời vụ của Tình báo Israel. Cục Tình báo có tên rất dài nhưng chẳng ăn nhập gì đến bản chất công việc của nó. Những người như Shamron và Gabriel chỉ đơn giản gọi nó là Văn phòng.

“Tôi hi vọng Julian trả công xứng đáng cho cậu”.

“Phí phục chế cho tôi, thêm một ít hoa hồng nếu bán được”.

“Tổng cộng bao nhiêu?”

Gabriel gõ cọ lên bảng màu rồi tiếp tục công việc.

“Chúng ta cần nói chuyện”, Shamron tiếp tục.

“Thế thì ông nói đi”.

“Tôi sẽ không nói khi cậu đang làm việc”.

Gabriel quay người ngó Shamron qua tròng kính phóng đại. “Và tôi cũng không nói chuyện với cậu chừng nào cậu còn mặc bộ đồ này. Trông cậu giống như cơn ác mộng của tôi vậy”.

Gabriel ngần ngừ đặt bảng màu lên bàn làm việc. Anh gỡ kính phóng đại, để lộ đôi mắt màu ngọc lục bảo xanh đến mức gây sửng sốt. Chiều cao của anh dưới mức trung bình nhưng anh có vóc dáng vuông vức của một vận động viên đua xe đạp. Vầng trán anh rộng, nhưng lại hẹp ở cằm, còn chiếc mũi dài xương xẩu tựa như được tạc từ gỗ. Tóc anh cắt ngắn và lốm đốm bạc hai bên thái dương. Chính vì Shamron mà Gabriel đã trở thành nhà phục chế tranh chứ không phải trở thành một trong những họa sỹ thành danh nhất trong thế hệ anh. Chính Shamron cũng là nguyên do tại sao ở hai bên thái dương của anh lại trở nên muối tiêu chỉ trong một đêm mặc dù khi đó anh mới chỉ hơn hai mươi tuổi. Shamron là nhân viên tình báo được Golda Meir chọn để săn tìm và ám sát những kẻ thực hiện cuộc thảm sát Munich 1972. Cậu sinh viên mỹ thuật trẻ đầy hứa hẹn tên Gabriel Allon là tay súng chủ lực của ông.

Gabriel rửa bảng màu và cọ vẽ, sau đó anh đi vào nhà bếp. Shamron ngồi xuống chiếc bàn nhỏ đợi Gabriel quay lưng lại rồi mới vội vã châm một điếu thuốc Thổ Nhĩ Kỳ nặng mùi. Gabriel, khi nghe tiếng tách tách quen thuộc của chiếc bật lửa Zippo cũ của Shamron, giận dữ chỉ tay về phía các bức họa của Rubens, anh sợ khói thuốc làm hỏng chúng, nhưng Shamron làm cử chỉ mặc kệ rồi ngang ngạnh đưa thuốc lên môi. Không khí im lặng dễ chịu len vào giữa hai người khi Gabriel đổ nước trong chai vào ấm trà và múc cà phê bỏ vào máy pha cà phê. Shamron thư thái lắng nghe tiếng gió thổi qua những cây khuynh diệp ngoài vườn. Là người tin vào lý lẽ và công bằng,ông đánh dấu thời gian không phải bằng các lễ hội Do Thái mà bằng nhịp điệu của đất trời - ngày mưa đến, ngày hoa dại nở ở Galilee, ngày những cơn gió mát trở lại. Gabriel có thể đọc thấy những suy nghĩ của ông. Thêm một mùa thu nhưng chúng ta vẫn còn ở đây. Hiệp ước vẫn chưa được hủy bỏ.

“Thủ tướng muốn có câu trả lời”. Ánh mắt của Shamron vẫn chăm chú nhìn khu vườn nhỏ lộn xộn. “Ông ấy là người kiên nhẫn, nhưng ông sẽ không ngồi để chờ mãi đâu”.

“Tôi đã bảo ông rằng tôi sẽ cho ông ấy câu trả lời sau khi đã phục chế xong bức họa”.

Shamron nhìn Gabriel. “Chẳng lẽ tính kiêu ngạo của cậu không có điểm dừng sao? Thủ tướng nước Israel muốn cậu làm người đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm, còn cậu thì trì hoãn câu trả lời chỉ vì một bức vẽ 500 năm tuổi”.

“Bốn trăm năm”.

Gabriel mang cà phê đến bàn rót hai tách. Shamron múc đường đổ vào tách mình và khuấy mạnh một lần duy nhất.

“Cậu bảo công việc của cậu gần xong, vậy câu trả lời của cậu là gì?”

“Tôi chưa quyết định”.

“Cho phép tôi cho cậu lời khuyên nhé?”

“Nếu tôi không thích nghe lời khuyên của ông thì sao?”

“Dù muốn hay không thì tôi vẫn khuyên cậu”. Shamron dập tắt mẩu thuốc lá. “Cậu nên nhận lời đề nghị của Thủ tướng trước khi ông giao nó cho người khác”.

“Không chuyện gì có thể làm tôi vui sướng hơn nếu Thủ tướng làm như vậy”.

“Thật vậy sao? Nếu thế thì cậu sẽ làm gì với chính mình?”. Được khuyến khích bởi sự im lặng của Gabriel, Shamron thúc ép thêm. “Cho phép tôi vẽ một bức tranh cho cậu, Gabriel. Tôi sẽ làm điều tốt nhất có thể. Tôi không có tài như cậu. Tôi không sinh ra trong gia đình Do Thái gốc Đức trí thức. Tôi chỉ là một người Do Thái gốc Ba Lan nghèo kiết xác có người cha kéo xe đi bán chậu lọ”.

Giọng Ba Lan đầy sát khí của Shamron trở nên nặng hơn. Gabriel không nén nổi nụ cười. Anh biết rằng bất cứ khi nào Shamron giở giọng một người Do Thái bị chà đạp đến từ Lvov thì chắc chắn sẽ có một vở kịch hay sắp sửa diễn ra.

“Cậu không còn nơi nào để đi, Gabriel. Cậu tự nói thế lần đầu khi chúng tôi đề nghị công việc cho cậu. Cậu sẽ làm gì khi đã xong bức họa của Rubens này? Cậu còn tác phẩm nào đang xếp hàng chờ à?”. Đoạn dừng lại của Shamron đầy kịch tính vì ông biết câu trả lời là không. “Cậu không thể quay trở lại châu Âu trừ phi cậu chính thức được tuyên bố không dính líu đến vụ đặt bom ở ga Lyon. Jullian có thể gửi cho cậu bức tranh khác, nhưng cuối cùng việc đó cũng chấm dứt vì giá đóng hàng và chuyên chở sẽ lạåm vào phần hạch toán vốn đã ít ỏi của ông ấy. Cậu đã rõ quan điểm của tôi chưa, Gabriel?”

“Tôi hiểu rất rõ những gì ông muốn nói. Ông đang cố gắng sử dụng tình thế khó khăn của tôi làm phương tiện hăm dọa ép tôi về làm cho Lực lượng”.

“Hăm dọa ư? Không, Gabriel. Tôi biết nghĩa của từ hăm dọa, và Chúa biết tôi nổi tiếng sử dụng việc này để phục vụ nhu cầu của mình. Nhưng đây không phải là hăm dọa. Tôi đang cố giúp cậu”.

“Giúp đỡ à?”

“Cho tôi biết một việc, Gabriel. Cậu dự định làm gì để kiếm tiền?”

“Tôi có tiền”.

“Đủ để sống như một ẩn sỹ, nhưng không đủ sống”. Shamron rơi vào im lặng tạm thời để lắng nghe tiếng gió. “Lúc này thật yên ắng, đúng không? Gần như là tĩnh lặng. Thật cám dỗ khi nghĩ mọi việc có thể như thế này mãi mãi. Nhưng chuyện này là không thể. Chúng ta đã trao cho họ Dải Gaza mà không đòi hỏi bất cứ điều gì, còn họ thì trả ơn chúng ta bằng cách bầu tổ chức Hamas làm lãnh đạo. Tiếp theo họ sẽ đòi Bờ Tây, nếu chúng ta không trao cho họ trong thời gian ngắn, máu sẽ lại rơi, còn khủng khiếp hơn cuộc nổi dậy lần thứ hai. Tin tôi đi, Gabriel, một ngày gần đây mọi chuyện sẽ lại bắt đầu. Không chỉ ở đây. Ở mọi nơi. Cậu nghĩ rằng họ đang ngồi lên tay mình rồi không làm gì ư? Dĩ nhiên là không. Họ đang hoạch định chiến dịch kế tiếp. Họ cũng đang nói chuyện với Osama và bè lũ của hắn. Bây giờ chúng ta đã biết sự thực là chính phủ Palestine hoàn toàn đã bị al-Qaeda và các tổ chức có liên quan thâm nhập. Chúng ta cũng biết họ dự định những cuộc tấn công chủ lực vào Israel và những mục tiêu người Israel ở nước ngoài trong tương lai gần. Văn phòng cũng tin rằng Thủ tướng đang là mục tiêu ám toán, bao gồm cả những cố vấn cao cấp”.

“Cả ông nữa à?”

“Dĩ nhiên”, Shamron nói. “Dù sao đi nữa tôi cũng là cố vấn đặc biệt của Thủ tướng về những vấn đề có liên quan đến an ninh và khủng bố. Cái chết của tôi sẽ là một chiến thắng rực rỡ của họ”.

Ông lại nhìn ra ngoài ngắm những cái cây đang bị gió lay. “Thật mỉa mai, đúng không? Nơi này đáng lẽ phải là chỗ trú ẩn của chúng ta. Bây giờ thật kỳ lạ là nó khiến chúng ta dễ bị thương vong hơn bao giờ hết. Gần nửa số người Do Thái trên thế giới sống trong dải đất chật hẹp này. Chỉ một thiết bị hạt nhân nhỏ thôi, đó là tất cả những gì cần thiết. Người Mỹ có thể sống sót sau một đợt nổ bom. Người Nga thậm chí không thèm chú ý. Nhưng chúng ta thì sao? Một đợt ném bom ở Tel Aviv có thể giết chết một phần tư dân số đất nước - có thể còn nhiều hơn”.

“Ông cần tôi ngăn chặn thảm họa này à? Tôi nghĩ hiện nay Văn phòng đang được quản lý bởi những người thật sự có tài”.

“Mọi chuyện rõ ràng đã tốt đẹp hơn sau khi Lev bị buộc thôi việc. Amos là một nhà lãnh đạo và điều hành xuất chúng, nhưng đôi khi tôi nghĩ ông ấy còn quá nhiều phẩm chất một người lính”.

“Ông ta là lãnh đạo của cả Lực lượng Đặc nhiệm Sayeret Matkal và Aman. Ông mong chờ điều gì?”

“Chúng tôi biết chúng tôi sẽ được gì với Amos, nhưng bây giờ Thủ tướng và tôi lo rằng ông ta đang cố biến đại lộ King Saul thành tiền đồn của IDF 1. Chúng tôi muốn Văn phòng trở về với đặc tính ban đầu của nó”.

“Điên rồ à?”

“Táo bạo”, Shamron phản bác lại. “Liều lĩnh. Tôi chỉ ước rằng Amos suy nghĩ ít giống một vị chỉ huy quân đội một chút và giống một…”. Giọng ông nhỏ dần khi đang cố tìm từ thích hợp. Khi đã tìm ra, ông xoa hai ngón tay vào ngón tay cái và nói. “Giống một họa sỹ hơn. Tôi cần một người bên ông ấy suy nghĩ giống Caravaggio”.

“Caravaggio là một kẻ điên”.

“Chính xác”.

Shamron bắt đầu châm một điều thuốc khác, nhưng lần này Gabriel thành công trong việc giữ tay ông lại trước khi ông kịp với tới chiếc bật lửa. Shamron nhìn anh, ánh mắt bỗng trở nên nghiêm túc.

“Chúng tôi cần cậu bây giờ, Gabriel ạ. Cách đây hai tiếng, thủ lĩnh Lực lượng Đặc nhiệm đã nộp đơn từ chức cho Amos”.

“Tại sao?”

“Luân Đôn”. Shamron nhìn xuống bàn tay đang bị giữ lại. “Cho phép tôi rút tay về chứ?”

Gabriel thả cổ tay dầy thịt của Shamron ra. Shamron lăn điếu thuốc chưa châm giữa ngón cái và ngón trỏ.

“Chuyện gì đã xảy ra ở Luân Đôn?” Gabriel hỏi.

“Tôi e rằng chúng ta có tai nạn ở đó tối hôm qua”.

“Tai nạn à? Khi Văn phòng có tai nạn, thường sẽ có ai đó có kết cục xấu”.

Shamron gật đầu xác nhận.

“Cái tên Ali Massoudi có ý nghĩa gì với cậu không?”

“Ông ta là Giáo sư có tiếng tại trường đại học ở Đức”, Gabriel đáp lại. “Thích đóng vai đả phá những tín ngưỡng lâu đời và vai người cải cách. Tôi đã gặp ông ta một lần”.

Cặp lông mày Shamron nhướng lên ngạc nhiên. “Vậy à? Ở đâu?”

“Cách đây vài năm ông ta đến Ý tham gia hội nghị lớn về Trung Đông. Trong khoản tiền được cấp khi tham dự hội nghị có chi phí tham quan một vòng thành phố. Một trong những điểm dừng chân là nhà thờ Thánh Zaccaria nơi tôi đang phục chế bức trang trí sau bàn thờ của Bellini”.

Gabriel đã sống và làm việc vài năm ở Venice dưới tên Mario Delveccio. Sáu tháng trước anh bắt buộc phải rời bỏ thành phố sau khi bị một trùm khủng bố người Palestine tên Khaled al-Khalifa khám phá ra thân phận thật của mình. Vụ này đã chấm dứt tại ga Lyon, và hậu quả sau đó là tên và quá khứ bí mật của Gabriel xuất hiện trên khắp báo chí Pháp và châu Âu, trong đó có bài viết nói anh là “Thiên Thần Chết Chóc của Israel”. Anh vẫn đang bị cảnh sát Paris truy nã để hỏi cung, và nhóm quyền dân sự người Palestine đã nộp hồ sơ kiện anh ở Luân Đôn cáo buộc tội ác chiến tranh.

“Cậu thực sự đã gặp Massoudi à?”. Shamron hỏi với vẻ không tin. “Cậu đã bắt tay hắn à?”

“Dĩ nhiên là dưới lốt Mario Delveccio”.

“Tôi cho rằng cậu không biết mình đang bắt tay một tên khủng bố”.

Shamron đưa thuốc lên môi và bật hộp quẹt. Lần này Gabriel không ngăn cản.

“Cách đây ba tháng chúng tôi nhận được lời khuyên từ một người bạn tại tổ chức GID 1của Gioócđan, là Giáo sư Ali Massoudi, nhân vật ôn hòa và cải cách vĩ đại đó, thực chất là trinh sát tài ba của al-Qaeda. Theo người Gioócđan, hắn ta đang tuyển mộ người tấn công các mục tiêu Israel và Do Thái ở châu Âu. Các cuộc hội thảo về hòa bình và các cuộc biểu tình chống Israel là địa bàn săn mồi ưa thích nhất của hắn. Chúng tôi cũng không ngạc nhiên về điều này. Chúng tôi đã biết các cuộc hội thảo về hoà bình là nơi gặp gỡ của các gián điệp al-Qaeda và những kẻ quá khích châu Âu của cả cánh tả và cánh hữu. Chúng tôi quyết định hành động khôn ngoan là nên theo dõi Giáo sư Massoudi. Chúng tôi nghe trộm điện thoại trong căn hộ tại Bremen của ông ta, nhưng kết quả thu được rất đáng thất vọng. Ông ta rất cẩn thận khi nói chuyện điện thoại. Khoảng một tháng sau, trạm Luân Đôn đã cung cấp một thông tin rất kịp thời. Dường như bộ phận Văn hóa của Đại sứ quán ở Luân Đôn được yêu cầu cử một người quan trọng đi dự diễn đàn Chính sách về Hoà bình và An ninh ở Palestine, Irắc và những nước khác. Khi bộ phận yêu cầu cung cấp danh sách những người tham dự, cậu đoán tên ai xuất hiện trên danh sách?”

“Giáo sư Ali Massoudi”.

“Bộ phận Văn hóa đồng ý cử đại diện tham dự hội thảo, còn Lực lượng Đặc nhiệm đưa Massoudi vào tầm ngắm”.

“Lực lượng Đặc nhiệm dự định làm gì?”

“Đơn giản thôi”, Shamron nói. “Bắt quả tang ông ta. Thỏa hiệp với ông ta. Đe dọa ông ta. Thuyết phục ông ta hợp tác. Cậu hình dung được không? Với một nhân viên như Massoudi được cài trong bộ phận nhân sự al-Qaeda. Với sự giúp đỡ của Massoudi, chúng ta có thể lật tung mạng lưới ở châu Âu của chúng lên”.

“Thế chuyện gì đã xảy ra?”

“Chúng ta đã dùng mĩ nhân kế đối với Massoudi. Cô ta tự xưng là Hamida al-Tatari. Nhưng tên thật cô ta là Avita, đến từ Ramat Gan, tuy nhiên chuyện này không liên quan đến việc đã xảy ra với Massoudi. Cô ta gặp Massoudi tại tiệc chiêu đãi. Massoudi bị thu hút và đồng ý sẽ gặp cô ta tối hôm đó để thảo luận thêm về tình trạng hiện tại của thế giới. Chúng ta đã cho người theo dõi Massoudi sau phiên cuối của cuộc hội thảo, nhưng dường như Massoudi phát hiện ra có người theo đuôi mình nên bắt đầu chạy. Ông ta nhìn sai hướng khi băng qua đường Euston và bước ra ngay trước đầu xe tải chở hàng”.

Gabriel nhăn mặt.

“May mắn là chúng ta không ra về tay trắng”, Shamron nói. “Người theo dõi lấy được cặp của Massoudi, trong đó có máy tính xách tay. Dường như Giáo sư Ali Massoudi còn hơn là một người phát hiện mục tiêu tài năng”.

Shamron đặt hồ sơ trước mặt Gabriel, và gật đầu ra hiệu cho Gabriel mở ra xem. Bên trong anh nhìn thấy nhiều xấp ảnh: quảng trường Thánh Peter từ một tá góc nhìn khác nhau; mặt ngoài và bên trong đại thánh đường; đội cận vệ Thụy Sĩ đang đứng gác tại Vòm Chuông (the Arch of Bells). Rõ ràng những bức ảnh này không do một du khách bình thường chụp, bởi vì người chụp ảnh không chú ý nhiều đến vẻ đẹp tòa thánh Vatican mà chú ý nhiều hơn đến những biện pháp an ninh xung quanh nơi này. Có một số tấm chụp những chướng ngại vật dọc theo rìa tây quảng trường và những chiếc máy dò kim loại dọc theo những hàng cột của Bernini - và thêm vài tấm chụp đội canh gác và cảnh sát đi tuần dọc theo quảng trường khi có tụ tập nhiều người, cả những hình chụp cận cảnh vũ khí đeo bên người. Ba tấm hình cuối chụp Giáo hoàng Paul VII đang chào đám đông ở quảng trường Thánh Peter trong chiếc xe bọc kính. Ống kính không được chĩa vào Đức Cha thiêng liêng mà hướng vào những cận vệ Thụy Sĩ mặc thường phục đi bên cạnh xe ông.

Gabriel nhìn lại những tấm ảnh. Dựa vào chất lượng ánh sáng và quần áo những người hành hương mặc, có thể thấy những bức ảnh được chụp trong ba dịp. Anh biết, cách giám sát bằng ảnh nhiều lần với cùng một mục tiêu cho thấy đây là hoạt động nghiêm túc của al-Qaeda. Anh đóng tập hồ sơ và đưa trả Shamron, nhưng Shamron không đưa tay nhận, Gabriel nghiên cứu khuôn mặt của ông với vẻ tập trung như đã nhìn những bức ảnh. Anh có thể thấy vẫn còn tin xấu sắp được tiết lộ.

“Bộ phận kỹ thuật còn tìm thấy thứ khác trên máy tính xách tay của Massoudi”, Shamron nói. “Những hướng dẫn vào tài khoản ngân hàng đánh số ở Zurich - tài khoản chúng ta đã chú ý một thời gian vì nhận được tiền chuyển thường xuyên từ một tổ chức được gọi là Ủy ban Giải phóng al-Quds”1.

“Ai đứng tên tài khoản này?”. Gabriel hỏi.

“Arập Xêút”, Shamron nói. “Cụ thể hơn, Bộ trưởng Nội vụ Arập Xêút, Hoàng tử Nabil”.

Trong Văn phòng, Hoàng tử Nabil thường được nhắc tới bằng biệt hiệu Hoàng tử Bóng đêm vì sự căm ghét của ông ta đối với Israel và Mỹ cũng như sự ủng hộ đối với những người Hồi giáo hiếu chiến.

“Nabil thành lập ủy ban lúc cao trào cuộc nổi dậy lần hai”, Shamron tiếp tục. “Ông ta tự mình gây quỹ và đích thân giám sát việc đóng góp. Chúng tôi tin rằng ông ta hiện có một trăm triệu đô-la tự do sử dụng, và đang tài trợ cho một vài nhóm khủng bố bạo lực nhất trên thế giới, trong đó có các phần tử al-Qaeda”.

“Ai cho Nabil tiền?”

“Không giống như những tổ chức từ thiện khác của Arập Xêút, Ủy ban Giải phóng as-Quds có khá ít nhà tài trợ. Chúng tôi nghĩ Nabil quyên tiền từ một vài triệu phú người Arập Xêút”.

Shamron nhìn chăm chú tách cà phê của mình một lúc. “Từ thiện”, ông nói, giọng khinh miệt. “Tên gọi mỹ miều nhỉ? Nhưng từ thiện ở Arập Xêút luôn là con dao hai lưỡi. Liên đoàn Thế giới Hồi giáo, tổ chức Cứu trợ Hồi giáo Quốc tế, tổ chức Hồi giáo al-Haramayn, tổ chức Từ thiện Quốc tế - chúng có vai trò với Arập Xêút giống như Quốc tế Cộng sản III đối với Xô Viết cũ. Thật ra chúng đều là những phương tiện tuyên truyền Hồi giáo. Nhưng chúng lại không tuyên truyền tất cả các loại Hồi giáo mà chỉ chú ý đến nhánh Hồi giáo Hồi giáo Thanh Giáo của Arập Xêút và chủ nghĩa Wahhabi. Các tổ chức từ thiện xây nhà thờ và trung tâm Hồi giáo trên khắp thế giới, và những học viện Hồi giáo huấn luyện những chiến binh Wahhabi tương lai. Những tổ chức này cũng đưa tiền trực tiếp cho bọn khủng bố, trong đó có những người bạn Hamas của chúng ta. Các cỗ máy của Hoa Kỳ chạy nhờ dầu của Arập Xêút, còn mạng lưới khủng bố Hồi giáo toàn cầu hoạt động phần lớn nhờ tiền của Arập Xêút”.

“Từ thiện là lời răn thứ ba của Hồi giáo”, Gabriel nói. “Zakat”.

“Đó là phẩm chất cao quý”, Shamron nói, “nếu không bị rơi vào tay những tên sát nhân”.

“Ông có nghĩ mối ràng buộc giữa Massoudi và những người Arập Xêút còn mật thiết hơn mức tiền bạc không?”

“Chúng ta sẽ không bao giờ biết được vì vị Giáo sư vĩ đại đã không còn tồn tại trên thế giới này nữa. Nhưng rõ ràng người mà ông ta làm việc cho đang nhắm tới Vatican - và một ai đó cần cảnh báo với tòa thánh”.

“Tôi ngờ rằng ông đã hình dung ra người thích hợp cho công việc này”.

“Cậu hãy xem đây là nhiệm vụ đầu tiên của đội trưởng Lực lượng Đặc nhiệm”, Shamron nói. “Thủ tướng muốn cậu nhận nhiệm vụ. Ngay lập tức”.

“Còn Amos thì sao?”

“Amos định giao nhiệm vụ này cho người khác, nhưng Thủ tướng và tôi đã lật bài ngửa với ông ta rằng chúng tôi muốn cậu làm công việc này”.

“Hồ sơ cá nhân tôi đã dính quá nhiều xì căng đan. Và thật không may là cả thế giới giờ đây đều đã biết chuyện này”.

“Vụ ga tàu Lyon à?”. Shamron nhún vai. “Cậu đã bị một đối thủ khôn khéo lừa vào vụ đó. Hơn nữa tôi luôn quan niệm rằng một sự nghiệp không có xì-căng-đan thì đó không phải là một sự nghiệp lớn. Thủ tướng cũng có cùng quan điểm này với tôi”.

“Có lẽ do bản thân ông ta cũng dính vào vài vụ rắc rối”. Gabriel thở ra nặng nề rồi nhìn những bức hình lần nữa. “Có nhiều rủi ro khi gửi tôi đến Rome. Nếu người Pháp biết được tôi đang ở trên đất Ý…“

“Cậu không cần phải đến Rome”, Shamron cắt ngang. “Rome sẽ tìm cậu”.

“Donati à?”

Shamron gật đầu.

“Ông đã kể với ông ta những gì?”

“Đủ khiến ông ta phải hỏi Alitalia để mượn máy bay trong vài tiếng”, Shamron trả lời. “Ông ấy sẽ có mặt ở đây vào sáng sớm mai. Hãy cho ông ấy xem những bức hình. Hãy nói với ông ta những gì cần thiết để ông ấy biết rằng chúng ta nghĩ mối đe dọa là có thật”.

“Nếu ông ta yêu cầu giúp đỡ thì sao?”

Shamron nhún vai. “Hãy cho ông ấy những gì ông ấy cần”.

Chú thích

1. Lực lượng phòng thủ Israel.

2. Cục tình báo Giáo hoàng
 
Chương 3: Jerusalem


Đức ông Louigi Donati, thư ký riêng của Đức Giáo hoàng Paul VII đang chờ Gabriel trong sảnh khách sạn King David lúc mười một giờ sáng ngày hôm sau. Ông cao và gầy, đẹp trai như minh tinh màn bạc Italia. Bộ y phục áo choàng La Mã, đồng hồ Thụy Sĩ đắt tiền trên cổ tay, cộng với chiếc bút mực bằng vàng đính ở túi áo ngực cho thấy Đức ông, mặc dù có vẻ giản dị, nhưng thật ra lại là một người khá tinh tế. Đôi mắt đen toát lên sự thông minh xuất chúng và cương quyết, đường nét ngang ngạnh của cằm cho thấy ông không bao giờ chùn bước kể cả khi gặp nguy hiểm. Báo chí Vatican mô tả ông như một Rasputin về mặt giấy tờ, một quyền lực đằng sau ngai vàng Giáo hoàng. Kẻ thù của Donati trong Hội đồng Hồng y thường nhắc đến ông bằng hỗn danh “Giáo hoàng Đen”, một cách gọi khơi gợi trung thực, xuất thân thầy tu Dòng tên của ông.

Họ băng qua thung lũng Hinnom và trèo lên sườn đồi tới bức tường phía đông Thành Cổ. Con đường mòn dọc chân tường đang nằm trong bóng râm. Họ đi trên con đường đó về hướng nam, sau đó vòng qua góc và đi qua cổng Zion. Trên phố Do Thái, Donati lấy một mẩu giấy từ túi áo. “Đức Thánh Cha muốn tôi đặt miếng giấy này ở tường phía Tây”.

Họ theo một nhóm người haredim (những người theo đạo Do Thái chính thống) xuống Tif’eret Yisra’el. Donati trong bộ đồ đen trông như cùng một nhóm với họ. Tới cuối đường, họ bước xuống những bậc thang rộng bằng đá dẫn tới quảng trường trước bức tường. Một hàng người dài xếp hàng từ quầy an ninh. Gabriel, sau khi nói nhỏ câu gì đó với người nữ cảnh sát biên giới, dẫn Donati đi vòng qua máy dò kim loại vào quảng trường.

“Sao anh không làm giống những người bình thường?”

“Cha vào đi”, Gabriel nói. “Tôi sẽ chờ ở đây”.

Donati quay người và vô tình đi về phía tường dành cho phụ nữ. Gabriel kín đáo chắt lưỡi và hướng dẫn ông đi về phía tường dành cho nam giới. Donati chọn một chiếc kippah (mũ trùm đầu của người Do Thái) từ chiếc giỏ công cộng và đội một cách cẩu thả trên đầu. Ông đứng trước bức tường một lúc và yên lặng cầu nguyện, sau đó ông nhét cuộn giấy nhỏ vào chỗ nứt trên viên đá Herodian màu nâu.

“Tờ giấy đó viết gì?”. Gabriel hỏi khi Donati quay trở lại.

“Trên đó ghi lời cầu xin hòa bình”.

“Cha nên để tờ giấy ở trên đó”, Gabriel nói, chỉ về hướng nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa.

“Anh thay đổi rồi”, Donati nói. “Người tôi gặp cách đây ba năm không bao giờ nói câu này”.

“Tất cả chúng ta đều thay đổi, Luigi. Không còn phe hòa bình ở đất nước này nữa, chỉ còn phe an ninh. A’one không tính đến việc này khi ông ta dùng những kẻ đánh bom tự sát”.

“A’one đâu còn nữa”.

“Đúng vậy, nhưng những tổn thất ông ta để lại phải mất cả thế hệ mới có thể phục hồi“. Anh nhún vai. “Ai biết được? Có lẽ những vết thương của cuộc nổi dậy lần hai sẽ không bao giờ lành”.

“Chẳng lẽ việc giết người cứ tiếp diễn mãi? Chắc chắn các anh không mong chờ một việc như thế”.

“Dĩ nhiên chúng tôi phải sẵn sàng, Luigi. Đó chính là thực trạng của nơi này”.

Họ rời phố Do Thái và đi bộ tới nhà thờ Thánh Sepulcher. Gabriel chờ trong sân trong khi Donati, sau khi từ chối lời mời mọc của những hướng dẫn viên du lịch tự do, bước vào trong nhà thờ. Ông quay trở ra mười phút sau. “Bên trong tối tăm quá”, ông nói. “Nói thật với anh tôi thấy hơi thất vọng”.

“Tôi e rằng tất cả mọi người đều nhận xét giống Cha”.

Họ rời sân nhà thờ và đến Via Dolorosa. Một nhóm hành hương người Mỹ, do vị linh mục mặc áo dài màu nâu tay cầm bong bóng khí helium màu đỏ dẫn đầu, đi ngược về phía họ. Donati nhìn cảnh tượng đó với niềm vui hiện rõ trên gương mặt.

“Cha còn niềm tin không?”. Gabriel đột nhiên hỏi.

Donati suy nghĩ rồi mới trả lời. “Tôi chắc anh đoán được rằng niềm tin cá nhân tôi là một thứ rất phức tạp. Nhưng tôi tin vào sức mạnh của nhà thờ Thiên Chúa La Mã. Tôi tin nó sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho thế giới đầy tội lỗi này. Và tôi tin vào Giáo hoàng”.

“Vậy có thể Cha là người không có đức tin nếu so với những người có niềm tin lớn lao”.

“Nói rất hay”, Donati đáp. “Vậy còn anh? Anh vẫn còn tin chứ? Hay anh đã từng bao giờ có niềm tin chưa?”

Gariel dừng bước. “Người Canaanites, người Hittites, Amalekites, người Moabites - họ không còn nữa. Nhưng vì một lí do nào đấy chúng ta vẫn còn ở đây. Có lẽ bởi vì cách đây 4000 năm Chúa trời đã kí giao kèo với Abraham. Ai biết được?”

“Ta sẽ thi án giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển”. Donati trích dẫn

“Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch”, Gabriel hoàn tất phần còn lại trong đoạn cho Donati. “Bây giờ kẻ thù của tôi muốn đòi lại thành trì của mình. Hắn sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả hi sinh con trai mình để đạt được điều này”.

Donati mỉm cười trước sự diễn giải thông minh lời trong Kinh thánh của Gabriel. “Chúng ta không khác nhau mấy, anh và tôi. Chúng ta đều hiến dâng mạng sống mình cho những thế lực cao cả hơn. Đối với tôi là cho nhà thờ, còn anh là cho nhân dân”. Ông dừng lại và nói thêm. “Cho đất nước”.

Họ đi dọc Via Dolorosa vào phố Hồi giáo. Khi đường phố được bóng râm phủ mát, Gariel đẩy kính râm lên trán. Những người bán hàng người Palestine nhìn anh tò mò từ quầy hàng đông đúc của họ.

“Anh ở đây có sao không?”

“Chúng ta sẽ ổn thôi”.

“Tôi đồ rằng anh có mang theo vũ khí”.

Gabriel trả lời bằng sự im lặng. Khi họ tiếp tục rảo bước, ánh mắt Donati chăm chú nhìn vào những cục sỏi trên đường, cặp lông mày đen rậm nhíu lại suy nghĩ.

“Nếu tôi biết Ali Massoudi đã chết, như vậy rất có khả năng đồng đảng của hắn cũng biết điều này?”

“Dĩ nhiên”.

“Chúng cũng biết rằng máy tính của hắn có những tấm hình? Và máy tính thì đã rơi vào tay anh?”

“Có thể”.

“Có thể điều này khiến chúng thúc đẩy kế hoạch nhanh hơn không?”

“Hoặc có thể chúng sẽ trì hoãn kế hoạch cho đến khi ông và người Ý lơi lỏng sự canh phòng”.

Họ đi qua cổng Damascus. Gabriel hạ kính râm xuống khi họ bước vào khu chợ đông đúc ồn ào phía sau những bức tường.

“Có một điều anh cần biết về những tấm ảnh này”, Donati nói. “Chúng được chụp trong buổi nói chuyện trước công chúng của Đức Thánh Cha khi ông chào đón người hành hương trên khắp thế giới tại quảng trường Thánh Peter”.

Gabriel dừng bước nhìn vòm đá màu vàng ở trên những bức tường đá. “Buổi nói chuyện đại chúng thường được tổ chức vào thứ tư hàng tuần đúng không?”

“Đúng vậy”.

Gabriel nhìn Donati nói. “Hôm nay là thứ ba”.

Donati xem đồng hồ đeo tay. “Anh cho tôi đi nhờ đến sân bay nhé? Nếu đi nhanh chúng ta có thể kịp đến Rome ăn khuya”.

“Chúng ta?”

“Trên đường ra ngoại ô, chúng ta sẽ ghé qua căn hộ của anh để anh có thể gói ghém đồ đạc”, Donati nói. “Rome mấy bữa nay nhiều bão. Anh nhớ mang theo áo mưa”.

Mình sẽ phải mang nhiều thứ chứ không phải chỉ áo mưa, Gabriel thầm nghĩ khi dẫn Donati băng qua chợ. Anh cũng sẽ cần đến hộ chiếu giả.
 
Chương 4: Thành phố vatican


Đó là một văn phòng khá bình dị đối với một người đầy quyền lực. Tấm thảm phương Đông phai màu do thời gian, còn rèm cửa trông nặng nề và buồn tẻ. Khi Gabriel và Donati bước vào phòng, một người nhỏ thó mặc đồ trắng ngồi đằng sau chiếc bàn lớn thô sơ đang chăm chú nhìn màn hình truyền hình. Trên đó đang chiếu cảnh bạo lực: khói lửa, những người sống sót bê bết máu đang bứt tóc khóc thương những thân thể không lành lặn của người đã chết. Giáo hoàng Paul VII, Giám mục thành Rome, Đại giáo chủ nhấn nút Dừng trên chiếc điều khiển từ xa, và hình ảnh chuyển sang màu đen. “Gabriel”, ông nói. “Rất vui được gặp lại cậu”.

Giáo hoàng chậm rãi đứng lên chìa bàn tay nhỏ - không phải là đưa mặt chiếc nhẫn lên như đối với nhiều người, mà ông lật nghiêng lòng bàn tay. Cái bắt tay vẫn chặt, và đôi mắt nhìn Gariel trìu mến vẫn trong sáng và đầy khí lực. Gariel đã quên mất Pietro Lucchesi vốn có dáng dấp nhỏ bé như thế nào. Anh nhớ lại buổi chiều hôm Lucchesi xuất hiện sau buổi họp kín bầu Giáo hoàng. Khi đó ông di chuyển trong chiếc áo lễ rộng thùng thình được chuẩn bị vội vã và hầu như không ai có thể nhìn thấy được ông từ những hàng cột bên ngoài Đại thánh đường. Một nhà bình luận trên truyền hình Ý đã gọi ông là Pietro Bất khả tư nghị. Hồng y Marco Brindini, Ngoại trưởng bảo thủ cực đoan, kẻ luôn cho rằng mình sẽ là người bước ra khỏi cuộc họp kín với bộ bạch y, đã cay đắng gọi Lucchesi là “Giáo hoàng Bất Ngờ I”.

Tuy nhiên Gabriel luôn nghĩ về hình ảnh khác của Pietro Lucchesi, hình ảnh ông đứng trên bục đại giáo đường Do Thái ở Rome phát biểu những điều mà chưa vị Giáo hoàng nào từng nói. “Chúng tôi xin thú tội và xin các bạn tha thứ cho những tội ác này cũng như những tội ác sắp bị vạch trần. Không lời nào diễn tả nổi nỗi buồn sâu sắc của chúng tôi. Trong giờ phút các bạn cần giúp đỡ nhất, khi lực lượng Đức quốc xã kéo các bạn ra khỏi nhà và lôi đi trên những đường phố xung quanh giáo đường này, các bạn đã cầu xin giúp đỡ, nhưng lời cầu xin đó bị đáp lại bởi sự thinh lặng. Vì thế ngày hôm nay, khi tôi cầu xin sự tha thứ, tôi sẽ làm theo cách này. Trong thinh lặng…”

Giáo hoàng ngồi xuống nhìn màn hình màu đen không tín hiệu tựa như nó vẫn truyền tới mắt ông những hình ảnh, những thương vong ở nơi xa xôi. “Ta đã cảnh báo ông ta không được làm điều này, nhưng ông ta không nghe. Bây giờ ông ta dự định đến châu Âu hòa giải với những đồng minh cũ. Ta cầu chúc cho ông ta, nhưng ta nghĩ cơ hội thành công rất mong manh”.

Gabriel nhìn Donati mong lời giải thích.

“Nhà Trắng thông báo cho chúng tôi tối hôm qua là Tổng thống sẽ đến đây vào đầu năm sau nhân chuyến công du tại các thủ đô châu Âu. Tổng thống đang hi vọng tạo dựng được một hình ảnh thân thiện và bớt hiếu chiến hơn nhằm sửa chữa một số tổn thất do quyết định gây chiến với Irắc”.

“Cuộc chiến ta luôn phản đối”, Giáo hoàng lên tiếng.

“Ông ấy có ghé thăm Vatican không?”. Gabriel hỏi.

“Ông ta sẽ đến Rome – đó là tất cả những gì chúng tôi biết. Nhà Trắng vẫn chưa thông báo rằng liệu Tổng thống có muốn hội kiến với Đức Thánh Cha không. Chúng tôi hi vọng lời yêu cầu sẽ được đưa ra trong khoảng thời gian ngắn nữa”.

“Ông ta sẽ không bao giờ đến Rome mà không ghé thăm Vatican”, Giáo hoàng nói. “Tín đồ Công giáo bảo thủ là một bộ phận cử tri quan trọng. Ông ta sẽ muốn một vài bức ảnh đẹp và vài lời phát biểu thiện chí từ ta. Ông ta sẽ có ảnh chụp. Còn về phần những lời nói thiện chí…”. Giọng Giáo hoàng nhỏ dần. “Ta e rằng ông ta sẽ phải tìm điều này ở nơi khác”.

Donati ra dấu cho Gabriel ngồi xuống. “Tổng thống là người thích nói chuyện thẳng thắn, theo như những người bạn Mỹ của chúng ta cho biết. Ông ta sẽ lắng nghe những gì Ngài nói, thưa Đức Thánh Cha”.

“Đáng lẽ ông ta phải lắng nghe ngay từ đầu. Ngay từ khi ông ta đến Vatican trước cuộc chiến, ta đã cảnh báo rằng ông ta đang đi trên con đường tai họa. Ta bảo rằng cuộc chiến không có lí do chính đáng vì không có mối đe doạ thực sự nào với nước Mỹ và đồng minh, rằng ông ta chưa lật tung mọi con đường tìm cách đảo ngược mâu thuẫn, rằng Liên Hợp Quốc chứ không phải Mỹ mới có đủ thẩm quyền thích hợp giải quyết việc này. Nhưng ta đã dành phần lớn vào việc giận dữ cho đoạn tranh luận lúc cuối chống lại cuộc chiến. Ta nhận định Tổng thống Mỹ sẽ mau chóng giành được thắng lợi trên chiến trường. ‘Các ngài rất mạnh,’ ta nói, ‘còn địch thủ của các ngài rất yếu’. Nhưng ta cũng tiên đoán những năm sau cuộc chiến, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với các cuộc nổi dậy bạo loạn. Ta cũng cảnh báo ông ta nếu dùng vũ lực giải quyết khủng hoảng, ông ta sẽ chỉ tạo ra sự khủng hoảng nặng nề hơn. Thế giới Hồi giáo sẽ nghĩ đó là cuộc Thập tự chinh mới của những người Thiên Chúa giáo da trắng. Khủng bố không thể bị đánh bại bởi khủng bố, mà phải do công bằng về kinh tế và xã hội đem lại”.

Giáo hoàng, sau khi kết thúc bài thuyết pháp, nhìn hai thính giả để xem phản ứng. Mắt ông đảo qua đảo lại vài lần trước khi lưu lại lên khuôn mặt Gabriel. “Hình như cậu muốn phản biện lại những gì ta vừa nói”.

“Ngài là người có tài hùng biện tuyệt vời, thưa Đức Thánh Cha”.

“Cậu là người trong gia đình, Gabriel. Cứ nói những gì mình nghĩ”.

“Lực lượng Hồi giáo cấp tiến đã tuyên bố chiến tranh với chúng ta - Mỹ, phương Tây, Thiên Chúa giáo, Israel. Theo luật của Chúa và luật của loài người, chúng ta có quyền, thật ra là có nghĩa vụ phải kháng cự”.

“Kháng cự lại những tên khủng bố bằng sự mềm mỏng và nhân đạo thì tốt hơn là bằng bạo lực và đổ máu. Khi các chính trị gia dùng đến bạo lực, bao giờ dân chúng cũng là người gánh chịu trước tiên”.

“Dường như Đức Thánh Cha tin rằng vấn đề về khủng bố và Hồi giáo cấp tiến có thể được giải quyết nếu như làm cho họ giống chúng ta hơn - rằng nếu nghèo đói, thất học, và chuyên chế không phổ biến nhiều như thế ở thế giới Hồi giáo, thì sẽ không có những thanh niên sẵn sàng hi sinh cuộc sống của mình để gây thương tật hay giết hại người khác. Họ đã nhìn thấy lối sống của chúng ta nhưng họ không muốn sống như vậy. Họ đã nhìn thấy chế độ dân chủ mà chúng ta có, nhưng lại chối bỏ. Họ xem dân chủ như một tôn giáo chống lại những điều răn của Hồi giáo, vì thế họ sẽ chống cự lại bằng cơn thịnh nộ mà họ cho là thiêng liêng. Làm sao chúng ta có thể mang đến công bằng và thịnh vượng cho những người Hồi giáo chỉ tin vào cái chết?”

“Điều này chắc chắn không thể áp đặt lên họ bằng nòng súng người da trắng”.

“Con đồng ý, thưa Đức Thánh Cha. Chỉ khi Hồi giáo tự thay đổi thì mới có công bằng xã hội và thịnh vượng đích thực trong thế giới Arập Xêút. Nhưng trong thời gian đo,á chúng ta không thể chỉ ngồi nhìn những phần tử Hồi giáo cực đoan tìm cách hủy diệt chúng ta. Điều đó, thưa Đức Thánh Cha, cũng là phi luân lý”.

Giáo hoàng nhỏm người dậy khỏi bàn mở cửa sổ lớn nhìn ra quảng trường Thánh Peter. Màn đêm buông xuống. Rome đang chuyển mình dưới chân ông.

“Ta đã đúng về chiến tranh, Gabriel, và ta cũng đúng về tương lai đang chờ tất cả chúng ta - Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, và Do Thái giáo - nếu chúng ta không chọn con đường khác. Nhưng ai sẽ lắng nghe ta? Ta chỉ là ông già trong bộ đồ tu hành sống trong lồng dát vàng. Ở châu Âu chúng ta sống như thể Chúa không tồn tại. Chống thân Mỹ là tôn giáo duy nhất của chúng ta bây giờ”. Ông quay người lại nhìn Gabriel. “Và chống người Do Thái”.

Gabriel im lặng. Giáo hoàng nói, “Luigi báo với ta rằng bên cậu vừa khám phá ta âm mưu ám sát ta. Lại một âm mưu khác”, ông nói thêm với nụ cười buồn bã.

“Con e là như thế, thưa Đức Thánh Cha”.

“Chuyện này khôi hài nhỉ? Ta là người cố gắng ngăn chặn cuộc chiến ở Irắc. Ta là người cố bắc cầu giữa Hồi giáo và Do Thái giáo. Vậy mà ta lại là người chúng muốn giết”. Giáo hoàng nhìn ra ngoài cửa sổ. “Có lẽ ta đã sai lầm. Có lẽ rốt cuộc họ không muốn có một cầu nối là ta”.

Hầu hết các buổi tối Giáo hoàng Paul VII và Đức ông Donati thường dùng bữa cùng nhau trong khu riêng dành cho Giáo hoàng với một hay hai khách mời. Donati thường cố gắng tạo không khí nhẹ nhàng, thư giãn, và thỉnh thoảng có nhắc đến công việc thì cũng chỉ giới hạn trong phạm vi những chuyện gẫu về Hội đồng Hồng y một cách kín đáo. Tuy nhiên, tối hôm đó không khí trong phòng ăn của Giáo hoàng khác hẳn. Danh sách khách mời được triệu tập một cách vội vã, không chỉ bao gồm những người bạn cũ mà còn những người chịu trách nhiệm bảo vệ Giáo hoàng: Đại uý Karl Brunner, chỉ huy Đội cận vệ Thụy Sĩ chuyên bảo vệ Giáo hoàng, Tướng Carlo Marchese bên Lực lượng cảnh sát vũ trang Carabinieri, và Martino Berlano, Phó cục an ninh Ý.

Gabriel chuyền những bức ảnh và tóm tắt thông tin cho họ bằng tiếng Ý theo giọng Áo. Bài thuyết trình của anh súc tích hơn những gì anh đã nói với Donati ở Jerusalem sáng hôm đó, và anh không nhắc đến tên Ali Massoudi. Tuy vậy, giọng điệu của anh đã khẳng định việc Tình báo Israel xem mối đe dọa là có thực và cần phải thực hiện những biện pháp bảo vệ Giáo hoàng và Toà thánh. Khi anh dứt lời, khuôn mặt những người của Lực lượng an ninh tỏ vẻ nghiêm túc, nhưng không hoảng loạn. Họ đã trải qua những chuyện như thế này nhiều lần, vì vậy, họ đã có kinh nghiệm trong việc lập nên những quy trình cần thiết để tăng cường an ninh xung quanh Đức Thánh Cha và Toà thánh Vatican khi cần thiết. Gabriel lắng nghe họ điểm lại những quy trình này. Khi họ tạm ngừng trao đổi, anh hắng giọng.

“Anh muốn đề nghị điều gì à?”. Donati hỏi.

“Có lẽ chúng ta nên dời buổi lễ ngày mai vào trong nhà - vào khán phòng Giáo hoàng”.

“Ngày mai Đức Thánh Cha sẽ tuyên phúc cho một nữ tu sỹ người Bồ Đào Nha”, Donati nói. “Chúng tôi nghĩ có thể có tới vài ngàn người hành hương Bồ Đào Nha, cộng thêm một đám đông khổng lồ như mọi buổi lễ khác. Nếu chúng ta dời buổi lễ vào phòng, nhiều người sẽ không được tham dự”.

“Thà để một vài người hành hương ở ngoài còn hơn để Đức Thánh Cha bị nguy hiểm một cách không cần thiết”.

Giáo hoàng nhìn Gabriel. “Cậu có bằng chứng cụ thể nào chứng tỏ bọn khủng bố sẽ tấn côngngày mai không?”

“Dạ không, thưa Đức Giáo hoàng. Tin tức tình báo kiểu như vậy rất khó xác minh”.

“Nếu chúng ta dời những người đi lễ vào khán phòng, và không cho những người xứng đáng tham dự buổi lễ, như vậy cũng đồng nghĩa với việc bọn khủng bố đã chiến thắng, đúng không?”

“Đôi khi nên để cho bọn khủng bố giành được chiến thắng nho nhỏ còn hơn là chúng ta phải chịu những thất bại nặng nề”.

“Dân tộc cậu vốn nổi tiếng về việc sống đối mặt với những đe dọa khủng bố mà”.

“Chúng tôi vẫn đang có những biện pháp đề phòng”, Gabriel nói. “Ví dụ không ai có thể đến nơi công cộng mà không bị lục soát”.

“Thế thì hãy lục soát những người hành hương và tiến hành những biện pháp phòng ngừa cần thiết”, Giáo hoàng đáp lại. “Nhưng ta sẽ có mặt tại quảng trường Thánh Peter chiều mai, nơi ta thực thi bổn phận của mình. Trách nhiệm của các anh là phải đảm bảo không có chuyện gì xảy ra”.

Đồng hồ mới hơn mười giờ khi Donati đưa Gabriel xuống các bậc thang dẫn từ Cung điện Tòa thánh đến Via Belverdere. Màn sương nhẹ đang buông xuống; Gabriel kéo khóa áo khoác và vắt chiếc túi du lịch lên vai. Donati không mặc áo khoác, dường như ông không cảm thấy lạnh. Mắt ông nhìn xuống đá lát đường khi họ đi ngang qua bưu điện trung tâm Vatican về phía cổng Thánh Anne.

“Anh có chắc không cần ta cho đi nhờ xe không?”

“Cho đến sáng nay tôi vẫn nghĩ mình không bao giờ được đặt chân đến nơi này một lần nữa. Tôi muốn dùng cơ hội này để đi dạo”.

“Nếu cảnh sát Ý bắt anh trước khi về tới căn hộ, hãy nói họ gọi cho tôi. Đức Thánh Cha sẽ đảm bảo cho sự an toàn của anh”. Họ rảo bước trong yên lặng một lát. “Tại sao anh không quay lại đây luôn?”

“Quay lại Ý? Tôi e rằng Shamron có những kế hoạch khác cho tôi”.

“Chúng tôi nhớ anh”, Donati nói. “Tiepolo cũng vậy”.

Francesco Tiepolo, một người bạn của Giáo hoàng và Donati, là chủ công ty phục chế tranh thành công nhất ở Veneto. Gabriel từng phục chế hai bức họa sau bàn thờ nổi tiếng nhất của Bellini cho ông. Gần hai bức thôi, anh nghĩ. Tiepolo phải tự hoàn tất bức San Giovanni Crisostomo sau khi Gabriel phải rời bỏ Venice.

“Tôi biết Tiepolo sẽ sống mà không cần tôi”.

“Thế còn Chiara thì sao?”

Gabriel, bằng sự im lặng đầy tâm trạng của mình, thầm ngụ ý rằng không muốn thảo luận với thư ký riêng của Giáo hoàng về chuyện tình cảm phức tạp của mình. Donati khôn khéo chuyển đề tài.

“Ta rất tiếc nếu anh cảm thấy Giáo hoàng gây khó xử cho anh. Ta e rằng ông không còn nhiều kiên nhẫn như ngày xưa nữa. Tất cả các Giáo hoàng đều như thế sau vài năm nắm quyền. Khi một người được bầu làm Giáo hoàng, thật khó mà không trở nên nóng nảy”.

“Đức Thánh Cha vẫn là người có tâm hồn dịu dàng như tôi gặp cách đây ba năm, Luigi. Chỉ già hơn một chút”.

“Khi được bầu ông không còn là một thanh niên nữa. Các Hồng y muốn bầu một Giáo hoàng cai quản Vatican, một ai đó giữ ấm ngai vàng của Thánh Peter trong khi những người đổi mới và phe bảo thủ cực đoan giải quyết những bất đồng. Giáo hoàng chưa bao giờ có ý định chỉ làm người cai quản, anh cũng biết rồi đấy. Ông còn nhiều việc phải làm trước khi nhắm mắt - những điều có thể không làm cho phe bảo thủ hài lòng. Rõ ràng ta không muốn nhiệm kỳ của Giáo hoàng sớm kết thúc”.

“Tôi cũng vậy”.

“Đó chính là lí do tại sao ta muốn anh là người đứng bên cạnh ông trong buổi lễ ngày mai”.

“Đội cận vệ Thụy Sĩ và Lực lượng Carabinieri có khả năng bảo vệ Giáo hoàng tốt hơn”.

“Có thể, nhưng họ chưa bao giờ trải qua một cuộc tấn công khủng bố thực sự”.

Gabriel nói. “Thường là không ai còn sống để kể lại cuộc tấn công đã xảy ra như thế nào”.

Donati nhìn Gabriel. “Anh đã từng trải qua”, ông nói. “Anh đã ở sát bên bọn khủng bố. Anh cũng nhìn thấy ánh mắt kẻ lúc chuẩn bị bấm nút kích nổ”.

Họ dừng lại khi cách cổng Thánh Anne vài thước. Bên trái là nhà thờ Thánh Anne tròn màu bơ, nhà thờ giáo xứ của thành phố Vatican; ở bên phải họ là lối vào doanh trại Đội cận vệ Thụy Sĩ. Một người lính cận vệ đứng gác ngay bên trong cổng, mặc bộ quân phục ban đêm màu xanh giản dị.

“Cha muốn tôi làm gì, Luigi?”

“Ta gửi gắm mọi việc vào đôi tay tài năng của anh. Hãy tự tìm ra vấn đề. Khi thấy điều gì không ổn, hãy tự giải quyết”.

“Dựa vào quyền gì?”

“Quyền của ta”, Donati nói quả quyết. Ông thò tay vào túi lấy một tấm thẻ mỏng ra trao cho Gabriel. Đây là thẻ căn cước trong Vatican có đóng dấu của văn phòng an ninh. “Tấm thẻ này sẽ cho phép anh vào bất cứ nơi đâu trong Vatican - dĩ nhiên ngoại trừ phòng Tàng thư. Ta e rằng không thể cho phép anh lục lọi ở trong đó”.

“Tôi đã làm thế rồi”, Gabriel nói, sau đó thả tấm thẻ vào túi áo khoác và bước ra phố. Donati chờ tại cổng Thánh Anne cho đến khi Gabriel khuất bóng trong màn đêm mới quay người lại trở về Toà thánh. Ông tự cảm thấy ngạc nhiên khi thấy mình vừa đi vừa lẩm nhẩm lời bài Hail Mary.

Gabriel băng qua sông Tiber trên cầu Umberto. Sang bờ bên kia anh quẹo trái đi về phía quảng trường Piaaza de Spagna. Quảng trường lúc đó vắng vẻ, và những bậc thang Tây Ban Nha sáng lên dưới ánh đèn trông như gỗ bóng loáng. Trên bậc thứ hai mươi tám có một cô gái đang ngồi. Tóc cô giống tóc của Chiara, và trong một thoáng Gabriel nghĩ đó thực sự là cô. Nhưng khi trèo lên cao hơn anh nhận ra đó chỉ là Nurit, người đưa thư cáu kỉnh thuộc trạm Rome. Cô ta đưa anh chìa khóa của căn hộ an toàn, và bằng tiếng Do Thái cổ, bảo rằng đằng sau những hộp thiếc trong chạn anh sẽ thấy khẩu Beretta đã lên đạn và một băng đạn dự trữ.

Anh đi nốt những bậc thang còn lại lên nhà thờ Trinità dei Monti. Căn hộ cách nhà thờ khoảng 50 thước, trên Via Gregoriana. Căn hộ có hai phòng ngủ và một sân thượng nhỏ. Gabriel lấy khẩu súng khỏi hông và vào phòng ngủ lớn hơn. Điện thoại, giống như điện thoại trong những căn hộ an toàn khác, không có chuông mà chỉ có đèn đỏ nhấp nháy cho biết đang có cuộc gọi đến. Gabriel nằm trên giường trong bộ đồ mặc đi gặp Thủ tướng, nhấc tai nghe lên bấm một số điện thoại ở Venice. Giọng phụ nữ trả lời. “Có chuyện gì?”, cô ta hỏi bằng tiếng Ý. Sau đó, khi không ai trả lời, cô ta chửi thề và dập điện thoại xuống - mạnh đến nỗi khiến Gabriel giật ống nghe khỏi tai trước khi nhẹ nhàng đặt lại xuống máy.

Anh cởi đồ và để gối dưới đầu. Khi đang thiu thiu ngủ căn phòng bỗng nhiên sáng lên bởi tia chớp. Theo bản năng anh đếm để tính toán thời gian giữa mỗi lần chớp. Anh nhìn thấy một cậu bé gầy gò có đôi mắt xanh như ngọc lục bảo đuổi theo chớp trên đồi ở Nazareth. Sấm nổ trước khi đếm đến lần thứ tư, làm rung chuyển cả tòa nhà.

Thêm nhiều tia chớp nhanh chóng theo sau, và mưa đập vào cửa phòng ngủ. Gabriel cố gắng chợp mắt nhưng vô ích. Anh bật đèn bên giường ngủ lên, mở tập hồ sơ có những tấm ảnh lấy từ máy tính của Massoudi, chầm chậm giở từ tấm này sang tấm khác, ghi nhớ chúng. Một tiếng sau anh tắt đèn và hình dung lại những bức ảnh. Chớp nhá trên đỉnh tháp chuông nhà thờ. Gabriel nhắm mắt lại nhẩm đếm.
 
Chương 5: Thành phố vatican


Khi mặt trời lên, mưa đã tạnh. Gabriel rời căn hộ an toàn lúc sáng sớm đi dọc những con phố vắng tanh tiến về hướng Vatican. Khi anh băng qua cầu, ánh sáng màu hồng mờ mờ chiếu trên ngọn tùng lọng mọc trên đỉnh đồi Janiculum, nhưng quảng trường Thánh Peter vẫn chìm trong bóng tối và đèn vẫn sáng trong khu Hàng Cột. Một quán cà phê mở cửa cách lối vào văn phòng báo chí Vatican không xa lắm. Gabriel uống hai tách cà phê cappuccino tại bàn cạnh lối đi và đọc báo buổi sáng. Không có tờ nhật báo chính ở Rome nào biết thư ký riêng của Giáo hoàng có chuyến viếng thăm chớp nhoáng đến Jerusalem ngày hôm qua - hay tối hôm qua trưởng các đội an ninh đã họp tại phòng ăn của Giáo hoàng để bàn cách đối phó với mối hiểm họa khủng bố đe dọa tính mạng Đức Thánh Cha.

Đến tám giờ, tại quảng trường Thánh Peter, người ta đã rục rịch chuẩn bị cho buổi nói chuyện trước công chúng. Lực lượng nhân công Vatican đang xếp ghế gấp và dựng những tấm ngăn bằng kim loại tạm thời trên khoảng đất trống trước Đại thánh đường, còn bộ phận an ninh đang gắn từ kế dọc hàng cột. Gabriel rời quán cà phê và đến đứng cạnh hàng rào bằng thép phân chia lãnh địa Tòa thánh với đất Ý. Anh tạo cho mình bộ dạng căng thẳng vụng về, nhìn đồng hồ vài lần, và chú ý đặc biệt đến vận hành của những chiếc từ kế. Nói tóm lại, anh có tất cả những biểu hiện và hành vi mà Lực lượng Carabinieri và Vigilanza, cảnh sát Vatican, nên canh chừng. Mười phút sau một viên cảnh sát Carabiniere mặc đồng phục mới đến bên anh hỏi giấy tờ tùy thân. Gabriel, bằng tiếng Ý hoàn hảo, thông báo với viên cảnh sát là anh đang làm việc cho phòng an ninh Vatican.

“Tôi xin lỗi”, viên cảnh sát nói và rời đi.

“Chờ đã”, Gabriel gọi với theo.

Viên cảnh sát dừng lại và quay người.

“Cậu không yêu cầu xem giấy tờ tùy thân của tôi à?”

Viên cảnh sát chìa tay ra. Anh ta thờ ơ nhìn thẻ chứng minh, sau đó trao nó lại.

“Đừng tin ai”, Gabriel dặn. “Hãy xét giấy tờ tùy thân. Nếu mọi chuyện có vẻ đáng nghi, hãy gọi cấp trên”.

Gabriel quay người bước tới cổng Thánh Anne. Nơi đây một nhóm nữ tu trong trang phục màu xám đang được cho vào chỉ bằng cách đơn giản nói “Annora”, tên của siêu thị tại Vatican. Anh thử nói “Annora”, và giống như các nữ tu sỹ, anh cũng được cho phép vào lãnh địa của Vatican. Vừa vào đến cổng, anh chìa thẻ chứng minh của Vatican và la mắng anh chàng cận vệ Thụy Sĩ bằng tiếng Đức vùng Berlin anh học được từ mẹ. Sau đó anh trở ra phố. Lát sau một cha xứ lớn tuổi tóc bạc trắng thông báo với người lính cận vệ rằng ông muốn vào khoa bào chế của Vatican. Người lính cận vệ giữ người đàn ông tại cổng cho đến khi ông ta trình thẻ nhận dạng từ túi áo.

Gabriel quyết định kiểm tra an ninh tại Vòm Chuông ở một lối khác dẫn vào Vatican. Anh đến đó năm phút sau, vừa kịp lúc nhìn thấy một Hồng y trong Hội đồng và hai phụ tá đi qua vòm mà thậm chí người lính cận vệ đứng nghiêm gần chỗ trú mưa của mình không buồn liếc mắt. Gabriel giơ thẻ trước mặt người lính.

“Tại sao cậu không hỏi vị Hồng y đó giấy tờ?”

“Chiếc mũ đỏ và cây thánh giá đeo ở ngực là giấy tờ tùy thân của ông ấy”.

“Không phải hôm nay”, Gabriel nói. “Hãy kiểm tra giấy tờ tùy thân của tất cả mọi người”.

Anh quay người bước dọc rìa ngoài của Hàng Cột, suy nghĩ về những cảnh tượng mình vừa nhìn thấy. Quảng trường Thánh Peter mặc dù rất rộng song là nơi an toàn. Nhưng nếu có kẽ hở trong lớp áo bảo vệ Vatican thì đó chính là lượng lớn người được tự do di chuyển đằng sau quảng trường. Anh nhớ lại những bức ảnh trên máy tính Ali Massoudi và tự hỏi không biết những tên khủng bố đã khám phá ra điều này chưa.

Anh băng qua quảng trường đến Cửa Đồng (Bronze Doors). Anh dễ dàng vào được cửa trước Tòa thánh. Thẻ của Gabriel được một người lính cận vệ mặc đồng phục khám xét bên ngoài, và sau đó bị khám lại lần nữa trong sảnh bởi một người lính mặc thường phục. Thẻ của phòng an ninh cho phép anh vào Toà thánh mà không cần kí tên tại bàn tiếp nhận, nhưng anh bị yêu cầu tháo vũ khí. Anh làm điều này một cách ngần ngừ.

Cầu thang Hoàng gia với những bậc bằng cẩm thạch đã ở ngay trước mặt anh, chúng sáng mờ mờ nhờ những chiếc đèn bằng sắt lớn. Gabriel lên cầu thang băng qua sân trong sang phía bên kia, nơi thang máy đang chờ sẵn đưa anh lên lầu ba. Anh dừng một chút ở hành lang ngoài ngắm tranh vẽ trên tường của Rafael, sau đó đi nhanh dọc hành lang rộng đến dãy phòng của Giáo hoàng. Donati mặc hồng y ngồi đằng sau bàn làm việc trong văn phòng nhỏ kế bên phòng của Giáo hoàng. Gabriel bước vào và đóng cửa.

“Bao nhiên người làm việc trong Vatican?”. Donati lặp lại câu hỏi của Gabriel. “Khoảng một nửa”.

Gabriel nhíu mày.

“Thứ lỗi cho tôi”, Donati nói. “Đây là câu đùa hồi xưa ở Vatican. Câu trả lời là 1200, trong đó có cả những cha xứ và Giám mục làm trong Quốc vụ khanh cùng rất nhiều giáo xứ và hội đồng cùng đội ngũ nhân viên hỗ trợ công việc của họ. Có cả những người không thuộc giáo hội nhưng giúp nơi này hoạt động: hướng dẫn viên du lịch, người quét rác, bảo trì, làm vườn, nhân viên trong những nơi như bưu điện, tiệm thuốc và siêu thị. Dĩ nhiên cũng phải kể đến Lực lượng an ninh”.

Gabriel giơ thẻ nhận dạng của Vatican lên. “Tất cả bọn họ đều có cái này chứ?”

“Không phải ai cũng được phép đặt chân vào Toà thánh, nhưng đúng là họ có quyền vào những nơi công cộng trong Vatican”.

“Ý Cha muốn nói là quảng trường và Đại thánh đường?”

“Đúng vậy”.

“Cha đã cho kiểm tra về nhân thân những người này chưa?”

“Chắc không phải anh đang ám chỉ Hồng y, Giám mục, Đức ông, và cha xứ đấy chứ?”.

“Chúng ta tạm thời để họ sang một bên”. Gabriel cau mày.

“Việc làm tại Vatican rất được trọng vọng. Lương không phải cao, nhưng tất cả các nhân viên đều có đặc quyền khi mua sắm tại tiệm thuốc và siêu thị. Giá được trợ cấp thấp hơn nhiều so với ở chợ Ý. Giá ở trạm đổ xăng cũng vậy. Ngoài việc này ra, giờ làm việc hợp lí, nghỉ lễ dài, những phúc lợi khác khá tốt”.

“Thế có kiểm tra nhân thân của những người làm việc ở đây không?”

“Công việc này rất có giá - và nó cũng không có nhiều - vì thế họ luôn tìm người trong gia đình. Việc kiểm tra nhân thân cũng khá nhanh”.

“Tôi lo ngại về việc này”, Gabriel nói. “Vậy những người như tôi thì sao? Những người có quyền tạm thời?”

“Ý anh hỏi là bao nhiêu người phải không?”. Donati nhún vai. “Vào bất cứ lúc nào cũng có khoảng vài trăm người được quyền tạm thời vào Vatican”.

“Hệ thống này làm việc như thế nào?”

“Thường các ủy ban hay hội đồng của Giáo hoàng được phép nhận người tư vấn chuyên môn hay nhân viên để hỗ trợ. Trưởng ban hay Phó ban bảo đảm nhân cách của cá nhân đó, sau đó phòng an ninh Vatican sẽ cấp thẻ”.

“Phòng an ninh có giữ các giấy tờ không?”

“Dĩ nhiên là có”.

Gabriel nhấc ống nghe lên đưa cho Donati.

Hai mươi phút sau điện thoại của Donati mới đổ chuông. Ông im lặng lắng nghe, sau đó dập máy nhìn Gabriel, lúc này đang đứng bên cửa sổ ngó ra đám đông đang bắt đầu đổ vào quảng trường.

“Họ đang bắt đầu tập hợp giấy tờ”.

“Đang bắt đầu sao?”

“Cần phải có sự đồng ý của Trưởng phòng. Ông ấy đang họp. Họ sẽ gửi cho anh trong 15 phút nữa”.

Gabriel nhìn đồng hồ đeo tay. Gần mười giờ rưỡi.

“Dời buổi lễ vào trong nhà đi”.

“Đức Thánh Cha không đồng ý”. Donati đến bên cửa sổ cạnh Gabriel. “Thêm nữa, cũng không kịp. Khách khứa bắt đầu đến rồi”.

Họ sắp xếp cho anh làm việc trong căn phòng nhỏ có cửa sổ đầy bồ hóng nhìn ra sân trong Belvedere, và cho một cựu cảnh sát Carabiniere mặt búng sữa tên Luca Angelli đến giúp anh tìm hồ sơ. Anh giới hạn việc tìm kiếm của mình ở những nhân công trong Vatican. Thậm chí Gabriel, một người vốn có tính nghi ngờ, cũng không tưởng tượng đến kịch bản trong đó cha xứ Thiên Chúa giáo, vô tình hay hữu ý, bị tuyển mộ vì sự nghiệp của al-Qaeda. Anh cũng không tìm kiếm hồ sơ của đội cận vệ Thụy Sĩ và Vigilanza. Những vị trí trong Vigilanza thường được trao cho những cựu quân nhân của Lực lượng Carabinieri hay cảnh sát Chính phủ. Còn về cận vệ Thụy Sĩ, họ chỉ được tuyển từ những gia đình mộ đạo ở Thụy Sĩ. Hầu hết trong số họ đến từ những bang nói tiếng Pháp hay tiếng Đức trong vùng rừng núi ở Thụy Sĩ, nơi khó có thể là thành lũy của Hồi giáo cực đoan.

Anh bắt đầu kiểm tra hồ sơ của những nhân viên làm việc trong Vatican. Để giới hạn cuộc tìm kiếm, anh chỉ xem hồ sơ những người được thuê trong vòng năm năm. Chỉ riêng việc này khiến anh mất ba mươi phút. Khi hoàn tất, anh để sang bên hồ sơ nửa tá nhân viên cần đánh giá cẩn thận hơn - một nhân viên trong tiệm thuốc Vatican, một người làm vườn, hai cậu bé làm việc trong nhà kho ở Annona, người canh gác trong bảo tàng Vatican, và một người phụ nữ làm việc trong cửa hàng bán đồ lưu niệm Vatican - rồi trao những hồ sơ còn lại cho Angelli.

Những hồ sơ sắp chuyển tới là của những nhân viên làm việc cho các giáo đoàn của Hội đồng Hồng y. Các giáo đoàn tương đương với các bộ của chính phủ, giải quyết những lĩnh vực trọng tâm đối với việc cai quản của nhà thờ như học thuyết, niềm tin, giáo sỹ, các vị thánh, và giáo dục giáo lý. Mỗi giáo đoàn do một Hồng y đứng đầu, mỗi Hồng y có một vài Giám mục và Đức ông giúp việc. Gabriel xem xét hồ sơ các giáo sỹ và nhân viên của chính giáo đoàn nhưng không tìm thấy điều anh quan tâm. Anh trao hồ sơ lại cho Angelli.

“Còn gì nữa?”

“Các ủy ban và hội đồng của Giáo hoàng”, Angelli trả lời. “Và những phòng khác”.

“Những phòng khác?”

“Phòng Quản lý tài sản Tòa thánh, phòng Kinh tế Tòa thánh…“

“Tôi hiểu rồi”, Gabriel cắt ngang. “Còn bao nhiêu hồ sơ?”

Angelli giơ tay cho biết đống hồ sơ cao hơn một bộ. Gabriel nhìn đồng hồ: 11 giờ 20 phút…

“Mang hồ sơ đến đây”.

Angelli bắt đầu bằng các ủy ban của Giáo hoàng. Gabriel lấy ra hai tập hồ sơ để xem xét thêm, một là cố vấn của Ủy ban Khảo cổ Thánh, và người còn lại là học giả người Argentina thuộc Ủy ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh. Anh đưa phần hồ sơ còn lại cho Angelli và nhìn đồng hồ: 11 giờ 45 phút… Anh đã hứa với Donati sẽ đứng canh gác bên cạnh Giáo hoàng trong buổi diễn thuyết trước công chúng vào giữa trưa. Anh chỉ còn thời gian xem xét thêm vài bộ hồ sơ.

“Bỏ qua phòng Kinh tế”, Gabriel ra lệnh. “Mang cho tôi hồ sơ của các hội đồng của Giáo hoàng”.

Một lúc sau Angelli quay trở mang theo chồng hồ sơ dày sáu bộ. Gabriel xem xét chúng theo thứ tự Angelli trao cho anh. Hội đồng Giáo hoàng về những người thế tục… Hội đồng Giáo hoàng về đoàn kết Thiên Chúa giáo… Hội đồng Giáo hoàng về gia đình… Hội đồng Giáo hoàng về công lý và hòa bình… Hội đồng Giáo hoàng về sự chăm sóc Mục sư đối với người di cư hay người làm việc lưu động… Hội đồng Giáo hoàng về văn bản pháp lý…

Hội đồng Giáo hoàng về đối thoại liên tôn giáo…

Gabriel giơ tay lên. Anh đã tìm thấy cái mình muốn.

Anh đọc một lúc, sau đó ngẩng phắt đầu lên. “Người đàn ông này thực sự có quyền ra vào Vatican không?”

Angelli cúi người xuống nhìn qua vai Gabriel. “Giáo sư Ibrahim el-Banna? Ông ấy đã ở đây hơn một năm”.

“Làm gì?”

“Ông ấy là thành viên ủy ban đặc biệt nghiên cứu cách cải thiện mối quan hệ giữa thế giới Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Tổng cộng có 12 thành viên lập thành một đội quốc tế với sáu học giả đạo Thiên Chúa và sáu người bên Hồi giáo đại diện cho nhiều nhánh Hồi giáo và trường về luật Hồi giáo. Ibrahim el-Banna là Giáo sư khoa luật Hồi giáo tại trường Đại học Al-Azhar ở Cairo. Ông cũng là một trong những học giả được kính trọng nhất thế giới trong trường luật Hồi giáo Hanafi. Hanafi nổi bật trong…”

“Hồi giáo Sunni”, Gabriel nói nốt câu cho Angelli nhằm nhấn mạnh. “Cậu không biết Al-Azhar là hang ổ của hoạt động quân sự Hồi giáo à? Nó bị điều khiển hoàn toàn bởi các lực lượng al-Qaeda và hội Huynh đệ Hồi giáo”.

“Nó cũng là một trong những trường lâu đời và có uy tín nhất về luật và thần học Hồi giáo trên thế giới. Giáo sư el-Banna được chọn vào vị trí này vì có quan điểm ôn hòa. Ông đã gặp Đức Thánh Cha vài lần. Có hai lần họ ở một mình với nhau”.

“Ủy ban làm việc ở đâu?”

“Giáo sư el-Banna có văn phòng gần quảng trường Piazza Santa Marta, cách Mái Vòm không xa”.

Gabriel nhìn đồng hồ: 11 giờ 55 phút… Không có cách nào để nói chuyện này với Donati nữa. Có lẽ bây giờ ông đã ở dưới lầu cùng Đức Thánh Cha, chuẩn bị bước vào quảng trường. Anh nhớ lại lời của Donati tối hôm trước tại Via Belvedere. Hãy tìm ra vấn đề. Nếu thấy điều gì không ổn, hãy tự giải quyết. Anh đứng dậy nhìn Angelli.

“Tôi muốn nói vài lời với Giáo sư”.

Angelli do dự. “Hoạt động này rất quan trọng với Đức Thánh Cha. Nếu ngài buộc tội Giáo sư mà không có lí do chính đáng, ông ấy sẽ bị xúc phạm và công việc của Ủy ban sẽ bị ảnh hưởng xấu”.

“Thà làm lãnh tụ Hồi giáo giận dữ hơn là tính mạng của Giáo hoàng bị cướp đi. Con đường nào nhanh nhất tới quảng trường Piazza Santa Marta?”

“Chúng ta sẽ đi đường tắt”, Angelli đáp. “Đi ngang qua đại thánh đường”.

Họ chạy vội xuống cầu thang Hoàng gia (Scala Regia) vào nhà nguyện làm lễ ban phuớc, sau đó lao chéo xuyên qua gian giữa rộng lớn của giáo đường. Phía dưới đài tưởng niệm Alexander VII là con đường dẫn đến quảng trường Piazza Santa Marta. Khi bước ra ngoài trong ánh nắng chói chang, họ nghe tràng vỗ tay vang dội vọng tới từ quảng trường Thánh Peter. Giáo hoàng đã đến buổi diễn thuyết công chúng. Angelli dẫn Gabriel băng qua quảng trường nhỏ tới khu văn phòng kiểu Baroque u ám. Trong hành lang, một nữ tu sỹ ngồi yên đằng sau bàn tiếp tân. Bà ta nhìn Gabriel và Angelli với vẻ không hài lòng khi họ lao vào trong.

“Ibrahim el-Banna”, Luca Angelli nói ngắn gọn.

Nữ tu sỹ chớp mắt nhanh hai lần. “Phòng 412”.

Họ trèo lên cầu thang, Angelli dẫn đường, Gabriel theo sát gót. Khi nghe tràng pháo tay khác vọng lại từ quảng trường, Gabriel thúc vào người Angelli. Người nhân viên an ninh này bắt đầu leo hai bậc một. Khi vào phòng 412, họ phát hiện cửa phòng bị đóng. Gabriel để tay lên then cài nhưng Angelli giữ tay anh lại rồi gõ cửa mạnh nhưng lịch sự.

“Giáo sư el-Banna? Giáo sư el-Banna? Ông có ở trong phòng không?”

Khi không có tiếng đáp trả, Gabriel đẩy Angelli sang bên và xem xét ổ khóa cổ. Bằng que kim loại mảnh trong ví, anh có thể dễ dàng mở cửa trong thời gian ngắn, nhưng tràng pháo tay khác từ quảng trường nhắc anh nhớ không còn thời gian. Anh nắm then cửa bằng hai tay và ghé vai đầy cửa. Cửa không suy suyển. Anh tông cửa lần thứ hai, sau đó là lần thứ ba. Ở lần thứ tư Angelli cũng tham gia. Cánh cửa gỗ nứt ra và đổ xuống, họ té nhủi vào bên trong.

Căn phòng trống rỗng. Không chỉ trống rỗng, Gabriel nghĩ. Bị dọn sạch. Không có sách, hồ sơ, bút viết hay giấy tờ. Chỉ có một chiếc bì thư nằm chính giữa bàn. Angelli với tay bật công tắc điện, nhưng Gabriel hét ngăn anh ta lại, sau đó đẩy anh chàng người Ý ra ngoài hành lang. Anh lấy cây bút trong túi dùng làm que chọc xem độ dày nội dung phong bì. Khi chắc chắn bên trong không có gì ngoài giấy, anh cầm lá thư lên cẩn thận mở ra. Bên trong là một tờ giấy gấp làm ba. Viết tay, chữ Arập:

Chúng ta tuyên bố chiến tranh với các người, hỡi những tên lính Thập tự chinh, bằng việc hủy diệt ngôi đền thờ nhiều thần không theo Hồi giáo và cái chết của Giáo hoàng tối cao, người mặc bạch y mà các người xem như thánh thần. Đây chính là sự trừng phạt đối với những tội ác ở Irắc, Abu Ghraib, và vịnh Guantánamo. Những cuộc tấn công sẽ còn tiếp diễn cho đến khi Irắc không còn bị Mỹ chiếm đóng và người Palestine thoát khỏi nanh vuốt Do Thái. Chúng ta là Hội huynh đệ của Allah. Không có Chúa trời mà chỉ có Allah, và tất cả những lời dâng tặng đều p hải dành cho Allah.

Gabriel lao như bay xuống cầu thang, Angelli theo sát đằng sau.
 
Chương 6: Thành phố vatican


In Nomine Patris Et Filii et Spiritus Sanctus”. Nhân danh Đức Chúa Cha, con và thánh thần.

Giọng của Giáo hoàng, được khuếch đại bởi hệ thống âm thanh Vatican, vang vọng khắp quảng trường Thánh Peter dọc theo chiều dài Via della Conciliazione.

Hai mươi ngàn giọng nói đồng thanh. “Amen”.

Gabriel và Luca Angelli chạy nước rút băng qua quảng trường Piazza Santa Marta, sau đó chạy dọc theo tường ngoài Đại thánh đường. Trước khi đến Vòm Chuông, Angelli quẹo phải vào phòng Tiếp nhận, điểm kiểm tra an ninh hầu hết những người vào Vatican. Nếu Ibrahim el-Banna dẫn ai vào Vatican, giấy tờ sẽ cho thấy điều đó. Gabriel vẫn chạy về hướng Vòm Chuông. Người lính cận vệ Thụy Sĩ đang đứng gác ở đó giật thót khi thấy một người đàn ông lao về phía mình, anh ta hạ kích phòng thủ khi Gabriel tiến lại gần. Khi thấy Gabriel vẫy vẫy thẻ nhân viên phòng an ninh, anh ta mới đưa mũi kích lên bình thường.

“Đưa tôi súng của anh”, Gabriel ra lệnh.

“Thưa ngài?”

“Đưa tôi súng của anh!”. Gabriel hét lên bằng tiếng Đức. Người lính đưa tay vào trong chiếc áo chẽn đồng phục nhiều màu thời Phục Hưng lấy ra khẩu SIG-Sauer 9mm hiện đại. Ngay lúc đó Luca Angelli xuất hiện dưới cổng vòm.

“El-Banna dẫn theo phái đoàn ba cha xứ người Đức vào Vatican lúc 11h30”.

“Chúng không phải cha xứ, Luca. Chúng là những shaheed - người tử vì đạo”. Gabriel nhìn đám đông tụ tập trước quảng trường. “Tôi không nghĩ chúng còn ở trong Vatican. Có lẽ bây giờ chúng đang ở ngoài đó, và chỉ Chúa mới biết còn điều gì khác nữa”.

“Tại sao họ lại vào Vatican qua Vòm Chuông?”

“Để lấy bom, dĩ nhiên rồi”. Đây chính là kẽ hở trong lớp bảo vệ an ninh của Vatican. Những tên khủng bố đã phát hiện ra điều này sau nhiều lần nghiên cứu kỹ, và đã lợi dụng phong trào hòa bình của Đức Thánh Cha để khai thác kẽ hở này. “El-Banna có lẽ đã lén mang bom vào phòng mình nhiều lần. Bọn tử vì đạo đi lấy bom sau khi được khám xét tại phòng Tiếp nhận, sau đó vào quảng trường qua lối không có máy dò kim loại”.

“Đại thánh đường”, Angelli nói. “Chúng có thể đã vào Đại thánh đường bằng đường hông và ra ngoài bằng cửa trước. Có lẽ chúng ta đã đi ngang qua chúng cách đây vài phút mà không biết”.

Gabriel và Angelli nhảy qua hàng rào gỗ ngăn cách khu vực vào Vòm Chuông với quảng trường và tiến về phía bục. Sự xuất hiện đột ngột của họ khiến khán giả xôn xao. Donati đang đứng phía sau Giáo hoàng. Gabriel bước nhẹ tới bên ông và đưa ông lá thư tìm thấy tại bàn el-Banna.

“Chúng đang ở đây”.

Donati nhìn xuống thấy những dòng chữ bằng tiếng Arập. Ông ngước lên nhìn Gabriel.

“Chúng tôi tìm thấy mẩu giấy này tại bàn Ibrahim el-Banna. Lá thư nói bọn chúng sẽ làm nổ tung đại thánh đường, và giết chết Đức Thánh Cha. Chúng ta phải đưa ông rời bục. Ngay bây giờ, Luigi”.

Donati nhìn đám đông trong quảng trường: những người hành hương Thiên Chúa giáo và các chức sắc từ khắp nơi trên thế giới, những học sinh mặc đồng phục trắng, những nhóm người già ốm yếu đến để nhận sự ban phước từ Giáo hoàng. Giáo hoàng đang ngồi trên chiếc ngai màu đỏ tươi. Theo truyền thống của các bậc tiền nhiệm, ông chào đón những người hành hương bằng ngôn ngữ của họ. Ông nhanh chóng chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

“Thế còn những người hành hương thì sao?”. Donati hỏi. “Làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ họ?”

“Có lẽ không còn đủ thời gian. Ít nhất là đối với một số người. Nếu chúng ta cố gắng cảnh báo cho họ thì sẽ xảy ra hoảng loạn. Hãy đưa Đức Thánh Cha ra khỏi quảng trường một cách nhanh chóng và êm thấm nhất. Sau đó chúng ta sẽ bắt đầu đưa những người hành hương ra”.

Đại tá Brunner, chỉ huy đội lính cận vệ Thụy Sĩ, nhập vào với họ trên bục. Giống như những người bảo vệ an ninh khác cho Giáo hoàng, anh mặc áo com lê đen đeo tai nghe. Khi Donati giải thích tình huống, mặt Brunner tái nhợt đi.

“Chúng ta sẽ đưa Đức Thánh Cha ra qua đại thánh đường”.

“Nếu chúng đặt bom trong đó thì sao?”. Gabriel hỏi.

Brunner mở miệng trả lời, nhưng những gì anh ta nói bị cuốn đi bởi một vụ nổ kinh hoàng. Âm thanh theo sau một phần nghìn giây sau đó, tiếng sấm đinh tai nhức óc được khuếch đại bởi âm vang của quảng trường Thánh Peter. Gabriel bị văng khỏi bục - như một tờ giấy trước cơn gió lốc. Thân thể anh tiếp đất nảy lên một vòng. Sau đó anh rớt mạnh xuống bậc thềm của Đại thánh đường và bất tỉnh.

Khi mở mắt, anh thấy những tông đồ của Chúa Jesu đang nhìn xuống mình từ trên cao. Anh không biết mình đã bất tỉnh bao lâu. Anh ngồi dậy, tai ong ong, và nhìn quanh. Có lẽ vài giây, nhưng không lâu hơn. Ở bên phải anh là những Giám mục trong hội đồng đã ở trên bục cùng Giáo hoàng. Họ có vẻ sốc và tóc tai bù xù nhưng phần lớn không bị thương. Ở bên trái anh là Donati và kế bên Donati là Karl Brunner. Mắt người chỉ huy nhắm nghiền, và máu đang tuôn xối xả từ vết thương sau đầu.

Gabriel đứng dậy nhìn quanh.

Giáo hoàng đâu rồi?

Ibrahim el-Banna đã đưa ba cha xứ vào Vatican.

Gabriel nghi ngờ còn hai vụ nổ nữa sẽ xảy ra.

Anh tìm khẩu SIG-Sauer vừa trưng dụng từ người lính cận vệ và hét bảo các Giám mục nằm xuống. Sau đó, khi anh trèo lên bục tìm Lucchesi, quả bom thứ hai phát nổ.

Lại một đợt nóng rát da và lực đẩy mạnh khác.

Lại một tiếng sấm nổ.

Gabriel bị đẩy văng ra phía sau. Lần này anh rớt lên người Donati.

Anh lại đứng lên. Anh chưa kịp đến được bục thì quả bom thứ ba phát nổ.

Khi tiếng sấm rền cuối cùng cũng tắt dần, anh trèo lên bục xem xét tổn thất. Bọn tử vì đạo đã chia nhau đứng cách đều khu vực gần bục: một tên gần Cửa Đồng, tên thứ hai ở trung tâm quảng trường, còn tên cuối đứng gần Vòm Chuông. Những gì còn sót lại của bọn chúng là ba đám khói đen bốc lên bầu trời xanh nhạt không mây. Ở các vị trí mà bọn khủng bố đã đứng, đá lát đen sạm lại vì lửa, ướt sũng máu, vương vãi thịt da của những người xấu số. Cách những điểm nổ bom một chút là những tử thi rách nát trước đó không lâu vẫn còn mang hình dạng người. Những chiếc ghế xếp được đặt trong quảng trường lúc sáng sớm đổ ngã như những quân bài. Giày dép tung tóe khắp nơi. Bao nhiêu người chết? Hàng trăm, anh nghĩ. Nhưng lúc này lo lắng của anh không dành cho những người đã chết mà cho Đức Thánh Cha.

Chúng ta tuyên bố chiến tranh với các người, hỡi những tên lính Thập tự chinh, bằng việc hủy diệt ngôi đền thờ nhiều thần không theo Hồi giáo…

Vụ tấn công, Gabriel biết, vẫn chưa kết thúc.

Khi đó, qua màn khói đen, anh trông thấy giai đoạn thứ hai bắt đầu. Một chiếc xe tải giao hàng dừng lại ngay sau hàng rào ở cuối quảng trường. Cánh cửa hậu mở ra và ba người đàn ông nhảy xuống. Mỗi tên vác trên vai một máy phóng tên lửa.

Chính lúc đó Gabriel nhìn thấy chiếc ngai mà Giáo hoàng đã ngồi. Nó bị thổi bay sang bên do lực đẩy của vụ nổ lần đầu và rơi lộn ngược xuống các bậc thềm của đại thánh đường. Chìa ra bên dưới là một bàn tay nhỏ đeo nhẫn vàng… và chiếc bạch y lấm tấm máu.

Gabriel nhìn xuống Donati. “Chúng có tên lửa, Luigi! Hãy đưa mọi người rời khỏi đại thánh đường!”

Gabriel nhảy lên bục nhấc chiếc ngai lên. Mắt Giáo hoàng nhắm nghiền, và Ngài đang chảy máu do những vết thương nhỏ. Khi Gabriel cúi xuống bế Giáo hoàng lên tay, anh nghe thấy một âm thanh không lẫn vào đâu được, tên lửa RPG-7 đang đến gần. Anh quay đầu, đủ lâu để nhìn thấy quả tên lửa đang xé gió bay ngang qua quảng trường về phía Đại thánh đường. Một giây sau nó đụng mái vòm Michelangelo nổ tung thành cơn mưa lửa, kính và đá vụn văng tung tóe.

Gabriel che chắn Giáo hoàng khỏi những mảnh vụn đang rớt xuống, rồi bế ông lên chạy về phía Cổng Đồng. Trước khi họ đến được Hàng Cột để ẩn nấp, quả tên lửa thứ hai được phóng ngang qua quảng trường. Nó đụng vào mặt ngoài Đại thánh đường, ngay bên dưới hàng lan can của hành lang Ban Phước.

Gabriel mất thăng bằng ngã xuống sàn lát đá. Anh ngẩng đầu lên và thấy tên lửa thứ ba đang trên đường bay. Tên lửa này nhắm thấp hơn hai cái trước, trực tiếp bay về phía bục. Trong giây phút nó đụng vào bục, Gabriel thoáng thấy một hình ảnh ác mộng: Luigi đang cố gắng trong tuyệt vọng di chuyển các Hồng y và Giám mục đến chỗ an toàn. Gabriel nằm trên mặt đất dùng thân mình che chắn cho Giáo hoàng khi một cơn mưa những mảnh vỡ khác rớt lên người họ.

“Phải cậu không, Gabriel?”. Giáo hoàng hỏi, mắt vẫn nhắm.

“Vâng, thưa Đức Thánh Cha”.

“Mọi chuyện qua chưa?”

Ba quả bom, ba tên lửa - tượng trưng cho ba ngôi Thánh, Gabriel nghĩ. Một sự sỉ nhục có tính toán đối với những người theo đạo Thiên Chúa.

“Vâng, thưa Đức Thánh Cha. Con nghĩ mọi chuyện đã kết thúc”.

“Luigi đâu?”

Gabriel nhìn đống đổ nát còn sót lại ở chỗ bục và thấy Donati đi loạng choạng ra khỏi đám khói, ẵm theo xác một Hồng y.

“Cha ấy vẫn còn sống, thưa Đức Thánh Cha”.

Giáo hoàng nhắm mắt thì thầm. “Cám ơn Chúa”.

Gabriel cảm thấy một bàn tay nắm vai mình. Anh quay lại thấy bốn người mặc đồng phục màu xanh, tay cầm súng. “Hãy thả Đức Giáo hoàng ra”, một người la lên. “Chúng tôi sẽ bảo vệ Đức Giáo hoàng từ lúc này”.

Gabriel nhìn người đàn ông một lát rồi lắc đầu. “Tôi sẽ bảo vệ ông ấy”, anh nói. Sau đó anh đứng dậy đỡ Giáo hoàng vào dinh Tông Đồ, trong vòng vây của những người lính cận vệ Thụy Sĩ.

Căn hộ chung cư nằm trong một con hẻm rải sỏi gần nhà thờ Santa Maria ở Trastevere. Cao bốn tầng, tường ngoài màu nâu phai màu treo đầy dây điện và điện thoại. Một số chỗ trên tường chỉ còn trơ gạch. Ở tầng trệt là một cửa hàng sửa xe máy nhỏ lấn ra phố. Bên phải cửa hàng là lối dẫn vào những căn hộ bên trên. Ibrahim el-Banna có chìa khóa trong túi.

Vụ tấn công diễn ra năm phút sau khi Banna rời khỏi Vatican. Ở khu Borgo Santo Spirito, lợi dụng lúc mọi người đang hoảng loạn, hắn cẩn thận cởi kufi ra (mũ đội đầu của người theo Hồi giáo) và đeo sợi dây thánh giá lớn bằng gỗ vào cổ. Từ chỗ đó, hắn đi bộ tới công viên Janiculum, rồi từ công viên đi xuống đồi tới Trastevere. Ở Via della Paglia một người phụ nữ trong cơn đau buồn đã nhờ el-Banna ban phước. Hắn ban phước cho bà bằng những cử chỉ và lời nói bắt chước được ở Vatican. Ngay sau đó hắn lại xin Allah tha thứ cho tội báng bổ này.

Giờ đây, khi đã an toàn về đến căn hộ chung cư, hắn gỡ sợi thánh giá sỉ nhục ra khỏi cổ và đi lên cầu thang sáng mờ mờ. Hắn đến đây theo lệnh của một tay người Arập Xêút, kẻ đã thai nghén và lập kế hoạch cho vụ tấn công. Tay Arập Xêút ấy tên là Khatt. Đó là tất cả những gì hắn biết. Đây sẽ là chặng dừng đầu tiên trong chuyến đi rời bỏ châu Âu về lại thế giới Hồi giáo. Hắn những mong được trở về quê hương Ai Cập, nhưng Khalil đã thuyết phục rằng hắn sẽ không bao giờ an toàn ở đó. Chính phủ Mabarak là tay sai cho Mỹ và chúng sẽ giao ông cho những người không theo Hồi giáo trong nháy mắt, Khalil nói. Chỉ có một nơi trên thế giới nơi bọn không theo Hồi giáo không bắt được ông.

Nơi đó là Arập Xêút, vùng đất của Nhà tiên tri, nơi khai sinh Hồi giáo Wahhabi. Ibrahim el-Banna được hứa cho một cuộc sống mới, một vị trí giảng dạy tại trường Đại học Medina danh tiếng, và một tài khoản ngân hàng trị giá nửa triệu đô-la. Chỗ trú ẩn là phần thưởng của Hoàng tử Nabil, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Arập Xêút. Tiền là món quà của một nhà tỷ phú người Arập Xêút đã tài trợ cho vụ tấn công.

Vì thế vị giáo sỹ trèo lên những bậc thang của khu chung cư với cảm giác hoàn toàn hài lòng. Hắn ta vừa góp phần tiến hành một trong những hoạt động cảm tử quan trọng và vinh quang nhất trong lịch sử Hồi giáo lâu đời. Còn bây giờ hắn đang chuẩn bị có một cuộc sống mới ở Arập Xêút, nơi những lời giảng dạy và niềm tin của hắn có thể giúp truyền lửa cho thế hệ những chiến binh Hồi giáo tiếp theo. Chỉ thiên đường mới có thể ngọt ngào hơn.

Hắn lên đến đầu cầu thang lầu ba và bước về phía cánh cửa căn hộ 3A. Khi nhét chìa khóa vào ổ, hắn cảm thấy đầu ngón tay hơi bị điện giật. Chìa khóa vặn mở, và cánh cửa nổ tung. Sau đó hắn chẳng cảm thấy gì nữa.

Cùng thời điểm, trong một khu được gọi là Foggy Bottom (đáy sương mù) ở Washington, một người phụ nữ vừa choàng tỉnh khỏi cơn ác mộng. Cơn ác mộng toàn những hình ảnh giống nhau cô nhìn thấy mỗi buổi sáng vào khoảng tầm này. Một nữ tiếp viên bị cắt cổ. Một hành khách trẻ gọi cuộc điện thoại cuối cùng. Cảnh tượng thật rùng rợn. Cô lăn người qua nhìn đồng hồ trên bàn ngủ. Sáu giờ rưỡi. Cô cầm điều khiển từ xa chĩa vào truyền hình nhấn nút Bật. Ôi Chúa ơi, không,cô thầm nghĩ khi nhìn thấy Đại thánh đường đang bốc cháy. Không phải nó lại xảy ra một lần nữa chứ.
 
Chương 7: Rome


Trong tuần tiếp theo, Gabriel vẫn ở lại căn hộ an toàn gần nhà thờ Trinità dei Monti. Có những lúc, anh tưởng chừng như chưa có vụ khủng bố nào diễn ra cả. Nhưng khi anh ra ban công, nhìn mái vòm Đại thánh đường nằm trên nóc thành phố bị tàn phá và ám đen vì khói lửa, tựa như Chúa trời, trong giây phút bất cẩn hay không đồng ý, đã đưa tay phá hủy tác phẩm của con mình. Gabriel, người chuyên phục chế, ước rằng đây chỉ là một bức tranh - một bức vẽ lâu ngày anh có thể khôi phục bằng một chai dầu hạt lanh và một ít màu.

Tổn thất về người tăng lên mỗi ngày. Đến cuối ngày thứ tư - Thứ Tư Đen Tối, như những tờ báo của Rome gọi - số lượng người chết lên đến 600. Đến thứ năm, con số này là sáu trăm năm mươi, và đến cuối tuần con số đã vượt quá 700 người thiệt mạng. Đại tá Karl Brunner - Chỉ huy trưởng đội cận vệ Thụy Sĩ của Giáo hoàng nằm trong số những người thiệt mạng. Luca Agelli cũng không qua khỏi, sau khi cố giành giật cuộc sống ba ngày trong trạm xá Gemelli trước khi bị ngưng máy hỗ trợ. Đích thân Giáo hoàng làm lễ rửa tội và ở bên Angelli cho đến khi anh mất. Hội đồng Hồng y chịu mất mát to lớn. Bốn Hồng y nằm trong số người thiệt mạng, cùng tám Giám mục trong Hội đồng, và ba Đức ông. Tang lễ của họ được cử hành trong Đại thánh đường của Thánh John Lateran, bởi vì hai ngày sau vụ tấn công, đội kỹ sư kết cấu quốc tế kết luận Đại thánh đường không an toàn. Tờ báo lớn nhất nước Ý, La Republica, đưa tin này bằng cách đăng một tấm hình mái vòm bị hư hại khổ một trang báo, đề tựa bằng một chữ duy nhất: HỎNG.

Chính phủ Israel không có nhân viên tham gia vào vụ điều tra, nhưng Gabriel, nhờ mối quan hệ gần gũi với Giáo hoàng và Donati, nhanh chóng biết nhiều thông tin về vụ tấn công như bất cứ nhân viên tình báo nào trên thế giới. Anh thu thập phần lớn thông tin tại bàn ăn tối của Giáo hoàng, nơi anh ngồi mỗi tối cùng những người lãnh đạo cuộc điều tra: Tướng Marchese của Lực lượng Carabinieri và Martino Bellano thuộc bộ phận an ninh Ý. Đa phần họ trò chuyện thoải mái trước mặt Gabriel, còn những gì họ giấu giếm thì Donati nói lại cho anh nghe. Sau đó, Gabriel chuyển tiếp các thông tin tới đại lộ King Saul. Đó chính là lí do tại sao Shamron không vội vã giục anh rời Rome.

Trong vòng 48 tiếng sau cuộc tấn công, người Ý đã nhận diện được tất cả những người tham gia. Vụ bắn tên lửa được thực hiện bởi một đội gồm bốn tên. Tên tài xế xe tải có gốc Tunisia. Ba người phóng tên lửa RPG-7 có quốc tịch Gioócđan, và là cựu chiến binh trong cuộc nổi loạn ở Irắc. Tất cả bốn tên đều bị giết trong trận đọ súng với Lực lượng Carabinieri vài giây sau khi phóng tên lửa. Còn về ba tên đóng giả làm linh mục người Đức, chỉ một tên thực sự là người Đức, là sinh viên kỹ thuật ở Hamburg, tên là Manfred Zeigler. Tên thứ hai là người Hà Lan đến từ Rotterdam, còn tên thứ ba là người Bỉ nói tiếng Flemish đến từ Antwerp. Cả ba tên đều là người cải đạo sang Hồi giáo, và đều đã tham gia những cuộc biểu tình chống Mỹ và chống Israel. Gabriel, mặc dù không có chứng cứ, nghi ngờ bọn chúng đều do Giáo sư Ali Massoudi tuyển mộ.

Sử dụng video giám sát mạch đóng và những lời khai các nhân chứng, những người có thẩm quyền ở Ý và Vatican có thể tái hiện lại những phút cuối cùng của bọn nổ bom. Sau khi được phép bước vào trong phòng Tiếp nhận, cả ba tên đã đi về phòng Ibrahim el-Banna gần quảng trường Piazza Santa Maria. Khi rời phòng, mỗi tên mang theo một chiếc cặp táp lớn. Như Angelli nghi ngờ, cả ba tên đi qua Đại thánh đường bằng lối vào phụ. Chúng xâm nhập quảng trường Thánh Peter bằng cách lọt qua cửa Tử Thần. Cánh cửa này, không giống như bốn cánh cửa khác dẫn từ Đại thánh đường vào quảng trường, đáng lẽ phải được khóa lại. Mãi đến cuối tuần cảnh sát Vatican vẫn chưa biết ai đã mở nó ra.

Ba ngày sau vụ khủng bố, xác của Ibrahim el-Banna được kéo ra khỏi đống đổ nát của căn hộ chung cư trong Trastevere và được nhận diện. Tổ chức đằng sau hắn ta vẫn là một tần số. Ai là hội Huynh đệ Allah? Một nhánh của al-Qadea hay chỉ là tên gọi khác của tổ chức này? Ai đã lập kế hoạch và tài trợ một hoạt động chi tiết như thế? Một điều có thể thấy rõ ngay lập tức. Cuộc tấn công vào vương quốc Thiên Chúa giáo đã nhóm lại ngọn lửa phong trào tử vì đạo khắp toàn cầu. Nhiều lễ ăn mừng đường phố cuồng nhiệt bùng nổ ở Tehran, Cairo, Beirut, và các lãnh thổ thuộc Palestine. Những nhà phân tích tình báo từ Washington đến Luân Đôn và Tel Aviv ngay lập tức nhận thấy hoạt động chiêu mộ đột ngột gia tăng.

Thứ tư tuần kế tiếp, một tuần sau vụ tấn công, Shamron quyết định đã đến lúc Gabriel phải về nước. Khi anh đang thu dọn hành lý trong căn hộ an toàn, đèn đỏ điện thoại nhấp nháy cho biết có cuộc gọi. Anh nhấc ống nghe lên và nghe giọng của Donati.

“Đức Thánh Cha muốn nói riêng vài lời với anh”.

“Khi nào?”

“Trưa nay trước khi anh ra sân bay”.

“Nói về việc gì?”

“Anh là thành viên của một câu lạc bộ rất nhỏ, Gabriel Allon”.

“Câu lạc bộ nào?”

“Dành cho những người dám đặt những câu hỏi như thế”.

“Ở đâu và khi nào?” Giọng Gabriel mềm mỏng hơn.

Donati cung cấp thông tin cho anh. Gabriel cúp điện thoại và gói ghém hành lí.

Gabriel vượt qua một điểm canh gác của Lực lượng Carabinieri rồi băng qua quảng trường Thánh Peter trong ánh chiều tà đang lụi tắt. Quảng trường vẫn đóng cửa đối với công chúng. Đội ngũ giám định y khoa đã hoàn tất công việc kinh khủng của họ, nhưng hàng rào mờ đục dựng quanh ba địa điểm nổ bom vẫn còn đó. Một tấm vải dầu trắng lớn phủ bên ngoài Đại thánh đường, che giấu hư hại bên dưới hành lang Ban Phước. Trên tấm vải có hình chim bồ câu và một từ duy nhất: HÒA BÌNH.

Gabriel đi qua Vòm Chuông và bước dọc theo cánh trái của Đại thánh đường. Các lối vào bên hông bị khép kín và dựng chướng ngại vật, cảnh sát Vatican đứng gác ở mỗi cổng. Vatican có thể hình dung ra chuyện gì đã xảy ra chưa - có thể, Gabriel nghĩ, cho đến khi họ nhìn thấy vòm nhà bị phá hủy, bây giờ đang được chiếu sáng bởi hoàng hôn có mặt trời màu đỏ thẫm. Giáo hoàng đang ngồi chờ tại ngôi nhà Người Làm Vườn. Ông nồng nhiệt chào đón Gabriel và họ cùng nhau đi về góc xa của Vatican. Một tá cận vệ Thụy Sĩ mặc thường phục đi cạnh họ giữa những cây thông, những chiếc bóng của họ đổ dài trên cỏ.

“Luigi và ta vừa yêu cầu đội cận vệ Thụy Sĩ giảm bớt số người theo bảo vệ ta”, Giáo hoàng nói. “Hiện tại vấn đề này là không thể thương lượng. Họ hơi căng thẳng - vì những lí do có thể hiểu được. Kể từ vụ tấn công Rome, bây giờ mới lại có đội trưởng chết vì bảo vệ Giáo hoàng khỏi những cuộc tấn công của kẻ thù”.

Họ bước đi trong yên lặng giây lát. “Chẳng lẽ đây là số phận của ta ư, Gabriel? Luôn luôn bị những người mang bộ đàm và súng vây quanh? Làm sao ta có thể tiếp xúc với con chiên của mình? Làm sao ta có thể an ủi người ốm và những người khốn khổ nếu bị tách biệt khỏi họ bởi một đội quân bảo vệ?”

Gabriel không biết phải đáp lại như thế nào.

“Mọi việc sẽ không bao giờ như cũ, đúng không?”

“Không, thưa Đức Thánh Cha. Con e rằng không”.

“Họ có thực sự muốn giết ta không?”

“Không nghi ngờ gì nữa”.

“Họ sẽ làm lại lần nữa chứ?”

“Một khi bọn chúng nhắm được mục tiêu, thường bọn chúng sẽ không dừng lại cho đến khi thành công. Nhưng trong trường hợp này, bọn chúng đã giết được bảy trăm người hành hương, vài Hồng y và Giám mục - chưa kể chỉ huy đội cận vệ Thụy Sĩ. Chúng cũng thành công trong việc phá hỏng Đại thánh đường. Theo ý con, chúng sẽ xem như mình vừa viết nên một trang sử”.

“Chúng có thể không thành công trong việc giết ta, nhưng đã thành công trong việc biến ta thành tù nhân Vatican”. Giáo hoàng dừng bước nhìn mái vòm bị tàn phá. “Chiếc lồng của ta không còn vàng son nữa. Phải mất cả thế kỷ để xây dựng nhưng phá hủy chúng chỉ mất vài giây”.

“Nó chưa bị phá hủy, thưa Đức Thánh Cha. Mái vòm có thể khôi phục lại”.

“Điều này vẫn cần nghiên cứu thêm”, Giáo hoàng nói với vẻ buồn bã khác với tính cách thường ngày. “Chưa chắc các kỹ sư và kiến trúc sư đã làm được việc này. Có thể phải kéo sập xuống xây dựng lại từ đầu. Những bức bích hoạ bị hư hại nghiêm trọng dưới sức nặng của đống đổ nát. Không dễ mà thay thế được, về việc này thì cậu rõ hơn ai hết“.

Gabriel liếc nhanh đồng hồ đeo tay. Anh sẽ phải ra phi trường trong ít phút nữa, nếu không sẽ lỡ chuyến bay. Anh tự hỏi sao Giáo hoàng lại mời mình đến đây. Chắc chắn không phải để bàn cách xây dựng lại Đại thánh đường. Họ đang đi về hướng tháp thánh John, ở góc tây nam Vatican.

“Chỉ có một lí do duy nhất tại sao ta chưa chết”, Giáo hoàng nói. “Đó là nhờ cậu, Gabriel. Do đau buồn và rối ren trong tuần qua, ta chưa có cơ hội cảm ơn cậu thích đáng. Bây giờ ta đang làm điều này. Ta chỉ ước mình có thể cảm ơn cậu một cách công khai”.

Vai trò của Gabriel trong vụ việc này được che chắn rất kỹ khỏi giới truyền thông. Cho đến giờ này, mặc dù rất khó khăn, sự tham gia của Gabriel vẫn còn là một bí mật.

“Con chỉ ước giá mình có thể khám phá ra Ibrahim el-Banna sớm hơn”, Gabriel nói. “Lẽ ra đã cứu được hàng trăm người”.

“Cậu đã làm mọi thứ nên làm”.

“Có lẽ thế, thưa Đức Thánh Cha, nhưng chưa đủ”.

Họ đến bức tường Vatican. Giáo hoàng đi lên các bậc của cầu thang bằng đá, và Gabriel yên lặng theo sau ông. Họ đứng ở góc lan can nhìn bao quát Rome. Thành phố đang lên đèn. Gabriel nhìn qua vai thấy đội cận vệ Thụy Sĩ đang đứng lo lắng dưới chân họ. Anh đưa tay làm cử chỉ trấn an rồi nhìn Giáo hoàng, người đang ngắm những chiếc xe hơi chạy dọc Viale Vaticano.

“Luigi bảo ta cậu sẽ được thăng chức khi về Tel Aviv”. Đức Thánh Cha phải lên giọng để át tiếng xe cộ. “Cậu tự kiếm được việc thăng chức này, hay đây là tác phẩm của Shamron?”

“Một vài người bị bắt phải nhận những điều lớn lao, thưa Đức Thánh Cha”.

Giáo hoàng mỉm cười, nụ cười đầu tiên Gabriel thấy trên gương mặt ông kể từ khi anh đến Rome. “Cho phép ta đưa cậu lời khuyên nhỏ nhé?”

Gabriel gật đầu.

“Hãy sử dụng quyền lực của mình thật khôn ngoan. Mặc dù cậu sẽ thấy mình trong tình huống buộc phải trừng phạt kẻ thù, hãy sử dụng quyền lực để theo đuổi hòa bình bất cứ khi nào. Hãy tìm kiếm công lý, đừng tìm kiếm sự trả thù”.

Gabriel muốn nhắc Giáo hoàng rằng anh chỉ là người phụng sự bí mật cho tổ quốc, còn quyền quyết định về chiến tranh hay hòa bình nằm trong tay những người nhiều quyền lực hơn anh. Nhưng thay vì thế, anh đảm bảo với Giáo hoàng rằng mình sẽ khắc vào tim lời khuyên của ông.

“Đây không phải cuộc chiến của chúng tôi - bây giờ thì chưa”.

“Có điều gì đó mách bảo với ta rằng chẳng bao lâu nữa đây sẽ là cuộc chiến của các anh”.

Giáo hoàng nhìn xe cộ bên dưới với vẻ thích thú đầy trẻ con.

“Chính ta có ý tưởng đưa hình chim bồ câu trắng lên bức vải che mặt ngoài Đại thánh đường. Ta chắc cậu sẽ nghĩ việc làm này thật ngây thơ và không có tác dụng. Có lẽ cậu cũng cho rằng ta là người ngây thơ”.

“Con sẽ chẳng muốn sống trong thế giới mà không có những người như Đức Thánh Cha”.

Lúc này Gabriel cố tình giơ tay xem đồng hồ.

“Máy bay đang đợi cậu à?”. Giáo hoàng hỏi.

“Vâng, thưa Đức Thánh Cha”.

“Đi thôi”, ông nói. “Ta sẽ tiễn cậu”.

Gabriel bắt đầu bước xuống cầu thang, nhưng Giáo hoàng vẫn đứng ở góc lan can. “Francesco Tiepolo gọi ta sáng nay từ Venice. Ông gửi lời chào cậu”. Giáo hoàng quay người nhìn Gabriel. “Chiara cũng cậy”.

Gabriel im lặng.

“Cô ấy nói muốn gặp cậu trước khi cậu về Israel. Cô ấy không biết cậu có thể ghé qua Venice trên chuyến bay về nước hay không”. Giáo hoàng nắm khuỷu tay Gabriel, mỉm cười dắt anh xuống các bậc thang. “Ta nhận ra mình rất ít kinh nghiệm khi đề cập đến những vấn đề của con tim, nhưng không biết cậu có cho phép ông già này đưa cậu thêm một lời khuyên nữa?”
 
Chương 8: Venice


Đó là một nhà thờ nhỏ bằng đất nung, được xây cho một giáo xứ nghèo ở một quận của Cannaregio. Còn quá ít đất để xây dựng một quảng trường đàng hoàng cho nhà thờ, vì thế lối vào chính dẫn ngay ra con đường San Giovanni Crisosmoto nhộn nhịp. Một thời Gabriel từng có chìa khóa vào nhà thờ. Giờ đây, anh vào đây như một du khách bình thường, và dừng lại một lát tại cổng nhà thờ để đợi cho mắt mình điều chỉnh với ánh sáng yếu ớt bên trong. Một làn gió mát mang theo mùi nến thơm mơn man trên má anh. Anh nhớ lại lần cuối cùng đặt chân lên nhà thờ. Đó chính là đêm Shamron đến báo anh đã bị kẻ thù phát hiện, và đã đến lúc phải về nhà. Sẽ không còn dấu vết của cậu ở đây,Shamron đã nói. Mọi việc sẽ giống như cậu chưa bao giờ tồn tại.

Anh băng qua gian giữa ấm cúng tới nhà nguyện Thánh Jerome ở cánh bên phải của nhà thờ. Bức họa trang trí sau bàn thờ khuất trong bóng râm. Gabriel thảy một đồng xu vào máy cảm ứng ánh sáng, và các bóng đèn được bật lên, chiếu sáng kiệt tác cuối cùng của Giovanni Bellini. Anh đứng một lát, tay đỡ cằm, đầu hơn nghiêng sang một bên, ngắm bức tranh trong ánh sáng đầy đủ. Francesco Tiepolo đã làm rất tốt khi hoàn tất tác phẩm cho anh. Thật ra Gabriel không thể phân biệt chỗ nào là nét vẽ của anh ngưng lại và được bắt đầu bởi Tiepolo. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên, anh nghĩ. Họ đều học việc với nhà phục chế tranh vĩ đại người Venice Umberto Conti.

Máy cảm ứng ánh sáng hết thời gian, những bóng đèn tự động tắt, đẩy bức vẽ lui vào màn đêm. Gabriel quay trở lại phố đi về hướng tây băng qua Cannaregio cho đến khi anh đến một cây cầu sắt, cây cầu duy nhất ở Venice. Vào thời Trung Cổ đã từng có một cánh cổng giữa cầu. Ban đêm một người lính canh theo đạo Thiên Chúa sẽ đứng gác để những người bị giam cầm đầu bên kia không thể chạy thoát. Anh băng qua cầu đi vào đoạn đường nằm dưới toà nhà. Một quảng trường lớn mở ra cuối đường, quảng trường Campo Del Ghetto Nuovo, trung tâm khu nhà cổ xưa của người Do Thái ở Venice. Hơn năm ngàn người Do Thái đã từng sống ở đây. Bây giờ nơi này chỉ có nhà của bốn trăm dân Do Thái trong thành phố, hầu hết là những người lớn tuổi sống trong khu Cộng đồng người Do Thái ở Venice.

Anh băng qua khu nhà và dừng lại trước số nhà 2899. Một tấm bảng bằng đồng có ghi dòng chữ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI DO THÁI Ở VENICE. Anh nhấn chuông và nhanh chóng quay lưng lại với chiếc camera ở lối vào. Sau một lúc yên lặng một giọng phụ nữ quen thuộc, phát ra trên bộ đàm. “Quay người lại”, nàng nói. “Cho tôi thấy mặt anh”.

Anh ngồi chờ tại chỗ nàng chỉ, trên băng ghế gỗ trong góc khu phố tràn ngập ánh mặt trời, gần đài tưởng niệm những người Do Thái ở Venice bị tập trung tháng 12/1943 và bị giết chết ở Auschwitz. Mười phút trôi qua, sau đó thêm mười phút nữa. Cuối cùng nàng bước ra khỏi văn phòng, thong thả băng qua quảng trường. Đến cách anh mấy bước chân, nàng dừng lại tựa như không dám bước đến gần hơn. Gabriel, vẫn đang ngồi, đẩy kính râm lên trán ngắm nàng trong ánh nắng dịu dàng của mùa thu. Nàng mặc quần jeans bạc màu, bó sát cặp đùi thon thả và loe ra ở ống. Chiếc áo trắng được cắt may ôm vào cơ thể, lộ rõ những đường cong. Mái tóc nâu vàng bất trị được giữ lại bằng sợi dây sa-tanh màu chocolate. Làn da ô liu bóng mượt mà. Gabriel nghĩ nàng mới trở về từ vùng có nhiều ánh nắng. Mắt nàng to giống mắt của những người phương Đông, và có màu kẹo caramel nâu nhạt điểm vàng. Màu mắt ấy luôn thay đổi theo tâm trạng. Lần cuối Gabriel nhìn vào mắt nàng là lúc chúng đang đen sẫm lại vì giận dữ và rợp bóng nhờ mascara. Nàng khoanh tay trước ngực đầy vẻ phòng thủ và hỏi rằng anh đang làm cái quái gì ở Venice.

“Chào Chiara. Trông em thật dễ thương”.

Làn gió nhẹ thổi vài sợi tóc vương vào mặt nàng. Nàng lấy tay trái gạt ra. Bàn tay không còn chiếc nhẫn đính hôn Gabriel trao cho nữa. Trên những ngón tay giờ đây là những chiếc nhẫn khác, còn trên cổ tay nàng là một chiếc đồng hồ vàng. Gabriel tự hỏi phải chăng chúng là quà của một người nào đó.

“Em không nghe tin tức gì của anh kể từ khi em rời Jerusalem”, Chiara nói bằng giọng đều đều mà nàng luôn cố ý sử dụng mỗi khi muốn chế ngự cảm xúc. “Đã nhiều tháng rồi. Bây giờ anh xuất hiện ở đây mà không hề báo trước, và anh mong chờ em dang rộng hai tay và mỉm cười đón anh sao?”

“Không báo trước? Anh đến đây vì em yêu cầu anh đến”.

“Em? Anh đang nói cái quái gì thế?”

Gabriel nhìn sâu vào mắt nàng. Anh có thể thấy nàng không nói dối. “Tha lỗi cho anh”, anh nói. “Hình như anh bị đưa đến đây do vài người cố tình sắp xếp”.

Nàng lấy tay nghịch đầu khăn choàng cổ, rõ ràng rất thích thú khi thấy anh không thoải mái. “Vài người vào?”

Donati và Tiepolio, Gabriel thầm nghĩ. Có thể cả Giáo hoàng nữa. Anh đột ngột đứng dậy. “Chuyện ấy không quan trọng”, anh nói. “Anh xin lỗi, Chiara. Rất vui được gặp lại em”.

Anh quay người dợm chân bước đi, nhưng nàng giữ cánh tay anh lại.

“Chờ đã”, nàng nói. “Anh ở lại vài hôm đi”.

“Em sẽ cư xử lịch sự chứ?”

“Phép lịch sự là dành cho những cặp ly dị nhưng đã có con với nhau”.

Gabriel ngồi xuống lại, nhưng Chiara vẫn đứng. Một người đàn ông đeo kính đen da rám nắng vừa ra khỏi đoạn đường dưới tòa nhà. Anh ta nhìn Chiara đầy ngưỡng mộ, sau đó băng qua khu nhà rồi biến mất sau chiếc cầu dẫn tới giáo đường cổ của dân Do Thái ở châu Âu ở cuối phía khu nam Do Thái. Chiara dõi theo người đàn ông, sau đó nghiêng đầu ngắm kỹ vẻ bề ngoài của Gabriel.

“Có ai nói với anh là trông anh giống người đã cứu mạng Đức Giáo hoàng chưa?”

“Anh ta là người Ý”, Gabriel đáp. “Em không đọc tin về anh ta trên báo à?”

Nàng phớt lờ. “Khi xem đoạn quay phim trên truyền hình, em nghĩ mình đang gặp ảo giác. Em biết người đó là anh. Đêm hôm ấy, sau khi mọi chuyện lắng xuống, em kiểm tra với Rome. Shimon bảo anh đã đến Vatican”.

Một chuyển động đột ngột trong khu nhà khiến nàng quay đầu. Nàng nhìn người đàn ông có bộ râu điểm bạc đội mũ phớt đi nhanh về phía lối vào trung tâm cộng đồng. Đó chính là cha nàng, giáo sỹ Do Thái chính ở Venice. Nàng nhấc mũi ủng phải lên chuyển trọng tâm về gót. Gabriel biết tư thế này rất rõ. Điều này nghĩa là sắp có sự khiêu khích.

“Tại sao anh đến đây, Gabriel Allon?”

“Có người bảo em muốn gặp anh”.

“Thế nên anh tới. Chỉ thế thôi sao?”

“Chỉ như thế”.

Khóe môi nàng nhếch lên nở thành nụ cười.

“Chuyện gì khiến em vui thế?”. Anh hỏi.

“Tội nghiệp Gabriel. Anh vẫn còn yêu em, đúng không?”

“Hồi trước anh từng như thế”.

“Nhưng không yêu đủ để cưới em?”

“Chúng ta có thể tranh cãi chuyện này ở chỗ riêng tư hơn không?”

“Bây giờ chưa được. Em cần phải trông coi văn

phòng. Công việc kia là của em”, nàng nhại lại giọng Gabriel ngày trước.

“Cho anh gửi lời chào Giáo sỹ Zolli”.

“Em không nghĩ đây là ý kiến hay đâu. Giáo sỹ Zolli vẫn còn đang rất giận dữ với anh”.

Nàng móc chìa khóa trong túi áo ra thảy cho Gabriel. Anh nhìn chiếc chìa khóa một lúc. Thậm chí sau nhiều tháng chia tay, Gabriel vẫn không hình dung được Chiara sống một mình như thế nào.

“Nói luôn để anh khỏi thắc mắc, em sống ở đó một mình. Thực ra anh cũng không có quyền được biết, nhưng sự thật là thế. Anh cứ nghỉ ngơi thoải mái. Trông anh phờ phạc quá”.

“Ngày hôm nay chúng ta toàn dành cho nhau những lời khen”. Anh nhét chìa khóa vào túi. “Địa chỉ là gì?”

“Anh biết không, so với một gián điệp, anh nói dối rất dở”.

“Em đang nói về chuyện gì thế?”

“Anh biết địa chỉ của em, Gabriel. Anh có địa chỉ từ tổ chức, nơi mà anh lấy số điện thoại của em”.

Nàng cúi người đặt một nụ hôn lên má anh. Khi tóc nàng xòa xuống mặt Gabriel, anh nhắm mắt lại hít sâu mùi hương vani ngọt ngào.

Toà nhà của nàng nằm ở bên kia đại kênh đào ở Santa Croce trong một khu đất nhỏ được bao kín và chỉ duy nhất một con đường để ra vào. Gabriel có cảm giác được quay trở lại quá khứ khi bước vào căn hộ của Chiara. Phòng khách như thể chỉ được trang hoàng bằng vô số các bức ảnh. Tạp chí và các tờ báo cũ cũng được sắp xếp một cách gọn gàng đầy tính nghệ thuật. Anh bước đến bàn phòng khách nhìn những bức ảnh đóng khung: Chiara chụp với cha mẹ; Chiara chụp cùng anh trai đang sống ở Padua; Chiara chụp cùng người bạn trên bãi biển Galilee. Chính trong chuyến đi này, khi mới hai mươi lăm tuổi nàng lọt vào tầm ngắm của một người chiêu mộ nhân tài của Văn phòng. Sáu tháng trôi qua, sau khi được huấn luyện và đánh giá, người ta gửi trả nàng về châu Âu làm bat leyha, nữ nhân viên tháp tùng. Không có bức ảnh nào Chiara chụp cùng Gabriel, vì họ chưa bao giờ chụp ảnh với nhau.

Gabriel đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Bên dưới ba mươi bộ, dòng Rio del Megio với làn nước xanh ngắt lấp lánh lười biếng chảy qua. Dây phơi đồ căng ngang sang dãy nhà đối diện. Quần áo phơi xiên xẹo trên dây, và ở đầu bên kia một phụ nữ lớn tuổi ngồi bên cửa sổ mở tay đặt lên khung. Bà có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy Gabriel. Anh giơ chìa khóa lên bảo mình là bạn Chiara, vừa từ Milan đến.

Anh hạ màn cửa và đi vào bếp. Trong bồn rửa là lưng chén sữa và vụn bánh mì nướng. Chiara vốn gọn gàng trong mọi việc, nhưng nàng lại luôn để chén bát ăn sáng trong bồn cho đến cuối ngày. Gabriel rất bực mình về chuyện này, anh cứ để nguyên chén dĩa không rửa và đi vào phòng ngủ của nàng.

Anh quăng túi lên chiếc giường chưa trải, và vào phòng tắm bật vòi hoa sen, sau khi cưỡng lại mong muốn lục lọi tủ quần áo và ngăn kéo. Anh mở tủ thuốc tìm lưỡi lam, nước hoa, hay bất cứ bằng chứng nào khác về sự hiện diện của đàn ông. Có hai thứ anh chưa bao giờ thấy: Thuốc ngủ và thuốc an thần. Anh trả chúng về đúng vị trí cũ. Chiara cũng giống như Gabriel đã được huấn luyện để biết cách lưu ý đến những thay đổi nhỏ nhặt nhất.

Anh cởi đồ quăng vương vãi trên đường đi, sau đó đứng tắm rất lâu dưới vòi hoa sen. Tắm xong, anh quấn khăn quanh eo đi vào phòng ngủ. Chiếc chăn lông vịt còn vương mùi cơ thể Chiara. Khi ngả đầu lên gối của Chiara, chuông Santa Croce điểm báo giữa trưa. Anh nhắm mắt đi vào giấc ngủ sâu không mộng mị.

Gabriel thức dậy buổi chiều tà vì nghe tiếng chìa khóa tra vào ổ, theo sau là tiếng giầy của Chiara trên lối vào. Nàng không cần thông báo mình đã về. Nàng biết anh luôn tỉnh dậy khi nghe tiếng động hay tiếng di chuyển nhẹ nhất. Khi vào phòng ngủ, nàng hát khe khẽ, một bài nhạc pop Ý ngớ ngẩn mà nàng biết anh rất ghét.

Chiara ngồi ghé vào mép giường, đủ gần để cạ eo vào đùi Gabriel. Anh mở mắt nhìn nàng cởi giầy và quần jeans. Nàng ấn lòng bàn tay vào ngực anh. Khi anh gỡ dải ruy băng ra khỏi tóc, những lọn tóc nâu vàng xòa xuống mặt và vai nàng. Chiara lặp lại câu hỏi đã đặt cho anh khi ở khu nhà của người Do Thái: Tại sao anh đến đây, Gabriel Allon?

“Anh tự hỏi không biết chúng ta có thể thử lại lần nữa hay không”, Gabriel đáp.

“Em không cần thử. Em đã thử một lần, và rất thích”.

Anh tháo chiếc khăn choàng khỏi cổ nàng và chầm chậm cởi từng nút áo. Chiara cúi xuống hôn anh. Giống như nụ hôn của Đức mẹ Alba trong tranh Raphaet.

“Nếu anh làm tổn thương em một lần nữa, em sẽ ghét anh mãi mãi”.

“Anh sẽ không làm em tổn thương”.

“Em cứ mơ thấy anh mãi”.

“Giấc mơ đẹp à?”

“Không”, nàng đáp. “Em toàn mơ thấy cái chết của anh”.

Dấu vết duy nhất chứng tỏ sự hiện diện của Gabriel trong căn nhà là tập vẽ phác họa. Anh lật sang trang mới và ngắm Chiara bằng con mắt chuyên nghiệp. Nàng đang ngồi cuối ghế sô pha, đôi chân dài gấp lại bên dưới người và cơ thể choàng trong miếng trải giường bằng lụa. Khuôn mặt nàng hướng về phía cửa sổ và sáng lên bởi ánh chiều tà. Gabriel nhẹ nhõm khi thấy những nếp nhăn đầu tiên xung quanh mắt Chiara. Anh luôn sợ nàng quá trẻ so với anh và một ngày nào đó, khi anh già, nàng sẽ bỏ anh theo người khác. Anh chỉnh tấm vải giường để lộ bộ ngực của nàng. Nàng nhìn anh giây lát, sau đó nhắm mắt lại.

“Anh gặp may khi em vẫn còn ở đây đấy”, nàng nói. “Nhỡ đâu em đã đi làm nhiệm vụ ở nơi khác rồi thì sao”.

Nàng là một người hay nói. Từ lâu Gabriel đã biếtâ không thể yêu cầu nàng im lặng khi ngồi làm mẫu cho anh vẽ.

“Sau phi vụ ở Thụy Sĩ, em đã ngừng làm việc rồi”.

“Sao anh biết về vụ đó?”

Gabriel nhìn nàng bí hiểm qua tập vẽ phác thảo và yêu cầu nàng không được cử động.

“Thông tin như vậy là trên mức cần thiết. Xem chừng anh có thể bước vào Tổ chức bất cứ lúc nào anh thích và tìm hiểu xem em đang làm gì”. Nàng dợm quay đầu, Gabriel liền ngăn lại bằng tiếng suỵt suỵt. “Nhưng em cũng không ngạc nhiên. Họ đã giao cho anh chức Giám đốc chưa?’

“Chức Giám đốc nào?” Gabriel cố tình không hiểu.

“Lực lượng Đặc nhiệm”.

Gabriel thú thật rằng vị trí đó đã được đề nghị và chấp nhận.

“Như vậy bây giờ anh là sếp của em”, nàng trỏ tay ra cửa. “Em cho rằng chúng ta vừa vi phạm nửa tá sắc lệnh của Văn phòng về mối quan hệ giữa cán bộ cao cấp và nhân viên”.

“Có lẽ”, Gabriel đồng ý. “Nhưng anh vẫn chưa chính thức nhậm chức”.

“Ồ, cám ơn Chúa. Em không muốn Giám đốc Gabriel gặp nhiều rắc rối vì đời sống tình dục của mình. Chúng ta còn được hưởng thụ cơ thể của nhau bao lâu nữa trước khi gặp rắc rối với phòng Nhân sự?”

“Bao lâu tùy thích. Miễn là chúng ta phải báo cáo với họ vào một lúc nào đó”.

"Thế còn Chúa thì sao, Gabriel? Lần này anh sẽ thông báo với Chúa như thế nào?”. Căn phòng bỗng rơi tõm vào thinh lặng, chỉ còn tiếng bút vẽ soạt soạt trên giấy. Nàng đổi chủ đề. “Anh biết bao nhiêu thông tin về vụ em làm ở Thụy Sĩ?”

“Anh biết em đi Zermatt để quyến rũ một tay buôn bán vũ khí người Thụy Sĩ sắp sửa ký hợp đồng với một đối tượng gây bất lợi cho chúng ta. Văn phòng đại lộ King Saul muốn biết khi nào chuyển hàng và chuyển đi đâu”.

Sau một hồi im lặng, anh hỏi nàng đã ngủ với gã người Thụy Sĩ chưa.

“Sự việc không phải như anh nghĩ đâu. Em thực hiện nhiệm vụ cùng một nhân viên khác. Em chỉ làm nhiệm vụ cầm chân tên bán vũ khí lại quán bar trong khi tay nhân viên ấy đột nhập phòng hắn lục lọi máy tính. Thêm nữa, anh cũng biết bat leveyha không phải là quan hệ tình dục. Chúng ta thuê những người chuyên nghiệp làm việc này”.

“Không phải lúc nào cũng vậy”.

“Em không bao giờ đối xử với thân thể mình như thế được. Em là cô gái ngoan đạo”. Chiara cười tinh nghịch. “Vụ đó bọn em đã thành công. Chiếc thuyền bị đắm một cách bí ẩn gần bãi biển Crete. Vũ khí bây giờ đang nằm dưới đáy đại dương”.

“Anh biết”, Gabriel đáp. “Em nhắm mắt lại đi”.

“Anh thử bắt em xem”, nàng nói rồi làm theo điều Gabriel yêu cầu. “Anh không hỏi xem em có ở cùng với ai khác sau khi chúng ta chia tay không à?”

“Điều ấy chả liên quan gì đến anh”.

“Nhưng chắc anh sẽ tò mò muốn biết. Em có thể hình dung anh làm gì với căn hộ của em sau khi bước chân qua cửa”.

“Nếu ý em muốn nói là anh lục lọi đồ đạc của em, thì xin thưa, anh không làm”.

“Ồ, thôi nào”.

“Tại sao em mất ngủ?”

“Anh thật sự muốn em trả lời câu hỏi này ư?”

Anh không đáp lại.

“Chẳng ai khác cả, Gabriel, nhưng anh biết điều ấy, đúng không? Bất khả thi?”. Nàng nhìn anh, cười cay đắng. “Họ không mảy may đề cập khi gọi chúng ta tham gia câu lạc bộ đặc biệt này. Họ không hề nhắc đến khả năng phải dối trá mãi mãi, hay sự cảnh giác với những người không phải là thành viên. Phải chăng đó là lí do duy nhất khiến anh yêu em, Gabriel? Bởi vì em cùng thuộc Văn phòng?”

“Anh thích món fetuccini và nấm của em. Em nấu fetuccini và nấm ngon nhất Venice”.

“Thế còn anh thì sao? Anh có chung đụng với người phụ nữ nào khác khi vắng mặt em không?”

“Anh dành hết thời gian cho một bức vẽ rất lớn”.

“À, phải, em quên mất nỗi đau buồn của anh. Anh không thể làm tình với một phụ nữ khi cô ta không biết anh giết người vì đất nước. Em chắc anh có thể tìm người phù hợp nếu anh thật sự muốn. Mọi phụ nữ trong Văn phòng đều thèm muốn anh”.

“Em nói nhiều quá. Anh sẽ không thể vẽ xong nếu em cứ nói luôn như thế”.

“Em đói. Anh không nên nhắc đến thức ăn. Nhân tiện, Leah thế nào rồi?”

Gabriel dừng bút vẽ trừng mắt nhìn Chiara qua bản phác thảo, tựa như muốn bảo nàng anh không thích nói về hai chủ đề liền nhau không mấy dễ chịu là thức ăn và vợ anh.

“Em xin lỗi”, Chiara nói. “Chị ấy như thế nào rồi?”

Gabriel nói Leah vẫn khỏe, và kể rằng một tuần anh lái xe đến bệnh viện tâm thần trên núi Herzl hai hoặc ba lần thăm cô. Nhưng khi kể những điều này, trí óc anh lại quay về nơi khác: trên một con đường nhỏ ở Viên cách Judenplatz không xa; một vụ nổ bom xe hơi đã giết con trai anh và lực đẩy đã tàn phá cơ thể cũng như cướp đi trí nhớ của Leah. Suốt mười ba năm cô yên lặng. Gần đây, tại khu vườn bệnh viện, cô đã hỏi anh cùng câu hỏi giống Chiara. “Anh có người phụ nữ nào khác khi em mất trí nhớ không”. Anh đã trả lời cô thật lòng.

“Anh có yêu cô gái này không, Gabriel?”

“Anh yêu cô ấy, nhưng anh đã bỏ cô ấy vì em”.

“Tại sao anh phải làm điều đó, anh yêu? Nhìn em này. Em không còn gì cả. Không còn gì ngoài kỷ niệm”.

Chiara chìm vào im lặng. Ánh sáng trên khuôn mặt nàng đang nhạt dần, chuyển từ màu đỏ san hô sang xám. Người phụ nữ to béo lại xuất hiện bên cửa sổ đối diện bắt đầu kéo quần áo phơi ở ngoài vào. Chiara kéo miếng vải lên cổ.

“Em làm gì vậy?”

“Em không muốn bà Lorenzetto thấy em khỏa thân”.

Gabriel để lại một nét vẽ trên ngực nàng khi đến kéo tấm vải xuống vị trí cũ.

“Em nghĩ mình phải quay trở lại Jerusalem, trừ phi anh nói với Shamron anh không thể đảm đương Lực lượng Đặc nhiệm, vì anh phải quay trở lại Venice”.

“Việc này có vẻ thú vị đấy”.

“Thú vị, nhưng không thể. Anh là một người lính trung thành, Gabriel. Anh luôn làm điều được ra lệnh. Trước đây luôn là thế”. Nàng lau vệt đen của cây cọ vẽ trên ngực. “Ít nhất em không phải trang trí lại căn hộ”.

Mắt Gabriel vẫn nhìn xuống bản vẽ. Chiara quan sát biểu hiện của anh, sau đó cất tiếng hỏi. “Gabriel, anh đã làm gì căn hộ của chúng ta?”

“Anh cũng cần một nơi làm việc chứ”.

“Vậy anh chỉ di chuyển vài thứ thôi à?”

“Em biết không, anh đang đói ngấu”.

“Gabriel Allon, còn gì trong căn hộ không?”

“Tối nay trời ấm áp”, anh nói. “Chúng ta đón thuyền đến Murano ăn món cá đi”.
 
Chương 9: Jerusalem


Gabriel trở lại phố Narkiss vào lúc tám giờ tối ngày hôm sau. Xe hơi của Shamron đậu ở khúc quanh và Rami, vệ sỹ của ông, đang đứng gác trên vỉa hè bên ngoài toà nhà số 16. Khi lên lầu, Gabriel thấy tất cả các đèn đều bật còn Shamron đang uống cà phê tại bàn bếp.

“Sao ông lại vào trong nhà được?”

“Nếu như cậu đã quên thì tới xin nhắc, nơi này từng là căn hộ an toàn của Văn phòng. Tôi có chìa khóa tại bộ phận Quản lý nhà ở”.

“Đúng vậy, nhưng mùa hè vừa rồi tôi đã thay khóa”.

“Thế à?”

“Tôi nghĩ mình sẽ phải thay khóa một lần nữa”.

“Điều đó là vô ích”.

Gabriel đẩy cửa sổ mở để khói thuốc trong phòng thoát ra. Sáu đầu mẩu thuốc lá giống như sáu viên đạn đã bắn nằm lung tung trên một trong những chiếc dĩa để tách. Điều này chứng tỏ Shamron đã ở đây được một lúc.

“Venice thế nào?”. Shamron hỏi.

“Venice rất xinh đẹp, nhưng lần sau nếu có đột nhập vào căn hộ của tôi, làm ơn đừng hút thuốc”. Gabriel cầm chiếc đĩa lên và đổ mẩu thuốc vào sọt rác. “Chuyện gì nghiêm trọng đến mức không chờ được tới sáng mai vậy?”

“Thêm một đường dẫn đến vụ tấn công Vatican”.

Gabriel ngước lên nhìn Shamron. “Đường nào?”

“Ibrahim el-Banna”.

“Tên giáo sỹ người Ai Cập? Tôi không ngạc nhiên về điều này”.

Gabriel ngồi xuống bàn.

“Hai đêm trước, trưởng trạm Cairo của chúng ta đã bí mật gặp một trong những nguồn tin hàng đầu trong chính phủ Mubarat của Ai Cập. Dường như Giáo sư Ibrahim el-Banna từng có thành tích và có mối quan hệ khá bền chặt trong quân đội trước khi hắn đến Vatican. Anh trai hắn là thành viên hội Huynh đệ Hồi giáo và là người thân với Ayman al-Zawahiri, nhân vật quan trọng thứ hai trong al-Qaeda. Hắn có người cháu đến Irắc chiến đấu chống Mỹ và bị giết trong vụ phòng thủ thành Fallujah. Hiện tại băng giảng đạo của hắn đang được những tên Hồi giáo hiếu chiến Ai Cập háo hức đón nghe”.

“Tiếc là người bạn ở Mubarat không nói cho Vatican sự thật về el-Banna. Bảy trăm người đáng lẽ đã được cứu sống, và Đại thánh đường đã không bị lủng một lỗ”.

“Người Ai Cập biết điều khác về Giáo sư el-Banna”, Shamron nói tiếp. “Trong những năm 80 và 90 khi vấn đề trào lưu chính thống Hồi giáo đang bùng nổ ở Ai Cập, Giáo sư el-Banna nhận tiền mặt và sự chỉ đạo thường xuyên từ một người Arập Xêút dưới lốt nhân viên tổ chức Cứu trợ Hồi giáo, một trong những tổ chức từ thiện chính ở Arập Xêút. Gã này tự xưng là Khalil, nhưng tình báo Ai Cập biết tên thật của hắn là: Ahmed bin Shafiq. Điều lí thú hơn chính là thông tin về nghề nghiệp của Shafiq vào lúc đó”.

“Hắn ta làm cho GID”, Gabriel nói.

“Chính xác”.

GID, hay Tổng cục Tình báo, là tên của cơ quan tình báo Arập Xêút.

“Chúng ta biết gì về hắn?”

“Cho đến cách đây bốn năm, bin Shafiq là trưởng nhóm tình báo GID có bí danh 205, chịu trách nhiệm thiết lập và duy trì liên kết giữa Arập Xêút và nhóm chiến binh Hồi giáo quanh Trung Đông. Ai Cập là ưu tiên hàng đầu của nhóm 205, cùng với Afghanistan”.

“Ý nghĩa của con số là gì?”

“Đó là số máy phụ văn phòng của bin Shafiq tại Tổng hành dinh GID”.

“Chuyện gì xảy ra bốn năm trước?”

“Bin Shafiq và tay chân chuyên cung cấp vật chất và tiền bạc cho bọn khủng bố Hamas và Hồi giáo Jihad (Cảm tử quân). Một tay cung cấp tin người Palestine cho chúng ta biết về hoạt động này, và đã cảnh báo người Mỹ. Tổng thống Mỹ đưa bằng chứng của chúng ta cho nhà vua đồng thời gây sức ép bắt ông ta ngừng hoạt động của nhóm 205. Chuyện này xảy ra sáu tháng sau vụ 11/9, và nhà vua không còn cách nào khác ngoài việc nhân nhượng Tổng thống. Điều này làm bin Shafiq và những kẻ khác thất vọng. Nhóm 205 bị xoá sổ, còn bin Shafiq bị đuổi cổ ra khỏi GID”.

“Thế hắn ta có chạy sang phía bên kia đường không?”

“Ý cậu muốn hỏi là hắn ta có trở thành khủng bố không? Câu trả lời là, chúng ta không biết. Điều chúng ta biết là sự hiếu chiến của Hồi giáo hiếu chiến nằm trong máu hắn. Cha hắn là chỉ huy của Ikhwan, một phong trào Hồi giáo do Ibn Saud dựng nên vào đâu thế kỷ 19 ở Najd”.

Gabriel biết rõ về Ikhwan. Xét về nhiều mặt, đó chính là hình mẫu và tiền thân của các nhóm quân sự Hồi giáo ngày nay.

“Bin Shafiq còn hoạt động ở đâu nữa khi hắn lãnh đạo nhóm 205?”

“Afghanistan, Pakistan, Gioócđan, Libăng, Algeria. Chúng ta còn nghi ngờ chúng có mặt ở cả Bờ Tây”.

‘Như vậy có thể chúng ta đang đối mặt với người có mối liên hệ từ al-Qaeda cho đến Hamas và hội Huynh đệ Hồi giáo của Ai Cập. Bin Shafiq là một bậc thầy khủng bố, nên nếu hắn chuyển qua phía bên kia, hắn sẽ tạo ra một viễn cảnh đầy ác mộng”.

“Chúng ta cũng tìm thấy một mẩu thông tin lý thú trong hồ sơ”, Shamron nói. “Khoảng hai năm trước chúng ta nhận được báo cáo về một người Arập Xêút thường lùng sục tất cả các doanh trại ở Libăng để tìm những chiến binh dạn dày kinh nghiệm. Theo như các bản báo cáo, gã người Arập Xêút này tự xưng là Khalil”.

“Cùng tên bin Shafiq dùng ở Cairo”.

“Không may là chúng ta không theo đuổi vụ này. Nói thật ra, nếu chúng ta truy lùng từng tên Arập Xêút được cấp tiền để tạo đội quân nhằm tiến hành nổ bom cảm tử, chúng ta sẽ không thu được nhiều kết quả. Ai gặp thất bại cũng phải biết rút kinh nghiệm chứ”.

“Chúng ta có thêm bao nhiêu thông tin về bin Shafiq?”

“Một ít thông tin hiếm hoi, tôi e là như vậy”.

“Còn ảnh thì sao?”

Shamron lắc đầu. “Như cậu biết, hắn ta hơi mất tự nhiên khi đứng trước ống kính, nên hắn ta chẳng bao giờ chụp ảnh cả”.

“Chúng ta cần chia sẻ thông tin, Ari. Người Ý cần phải biết rằng Arập Xêút có thể dính líu đến các vụ việc. Người Mỹ cũng vậy”.

“Tôi hiểu”, giọng Shamron nghe ảm đạm. Ý nghĩ phải chia sẻ mẩu thông tin tình báo khó kiếm là điều rất khó chịu đối với ông, đặc biệt khi không thu được lợi. “Phải có qua có lại”, ông nói. “Đó mới chính là phuơng châm, là tín điều của chúng ta. Chúng ta tự mình làm mọi việc, không nhờ người khác giúp đỡ, cũng không giúp đỡ người khác giải quyết những chuyệnì do họ tự tạo ra”.

“Thế giới đã thay đổi, Ari”.

“Có lẽ đây không phải là thế giới dành cho tôi. Khi chúng ta đang đánh nhau với PLO hay tổ chức Tháng Chín Đen, lúc đó chỉ mới đơn thuần là hoạt động vật lý học theo định luật Niu-tơn. Đánh ở đây, dồn ở kia, theo dõi, lắng nghe, nhận dạng các thành viên, tiêu diệt lãnh đạo của bọn chúng. Bây giờ chúng ta đang đánh nhau với một phong trào - căn bệnh ung thư đã di căn đến tất cả những cơ quan tối quan trọng trong cơ thể. Việc này giống như dã tràng xe cát vậy. Những luật lệ cũ không phù hợp nữa. Đổi chác thì không. Mặc dù vậy, tôi có thể nói với cậu một điều. Việc này sẽ không suôn sẻ ở Washington. Người Arập Xêút có nhiều bạn bè ở đó”.

“Tiền sẽ giải quyết mọi sự”, Gabriel trả lời. “Nhưng người Mỹ cần biết sự thật về đồng minh tốt nhất của họ trong thế giới Arập”.

“Họ biết sự thật. Họ chỉ không muốn đối diện với sự thật đó. Mỹ biết rằng Arập Xêút là nguồn nước, là nơi ươm mầm cho khủng bố Hồi giáo, rằng người Arập Xêút gieo hạt giống, tưới bằng tiền bán dầu, và bỏ phân bón bằng cách tuyên tuyền sự căm ghét của chủ nghĩa Wahhabi. Người Mỹ dường như bằng lòng với việc này, tựa hồ hoạt động khủng bố do người Arập Xêút tổ chức chỉ là phần phụ thu nhỏ trên mỗi thùng dầu. Điều họ không hiểu là chủ nghĩa khủng bố sẽ không bao giờ bị đánh bại nếu không truy tận gốc: Riyadh và nhà al-Saud”.

“Vì vậy chúng ta càng có thêm lí do để chia sẻ tin tình báo liên kết GID và nhà al-Saud với vụ tấn công Vatican”.

“Tôi rất vui khi cậu nghĩ như thế, vì cậu đã được cử đến Washington cho họ biết những thông tin chúng ta thu thập được”.

“Khi nào tôi lên đường?”

“Sáng mai”.

Shamron nhìn đồng hồ và hỏi lần thứ hai về chuyến đi của Gabriel đến Venice.

“Tôi bị gạt đến đó”, Gabriel nói. “Nhưng tôi rất vui vì mình đã đi”.

“Ai gạt cậu?”

Gabriel nói với ông. Nụ cười trên gương mặt Shamron làm anh thắc mắc không biết ông có dính líu vào chuyện này không.

“Cô ấy sẽ đến đây chứ?”

“Chúng tôi mới ở bên nhau một ngày”, Gabriel nói. “Chúng tôi đâu thể có kế hoạch gì được”.

“Tôi không chắc mình tin những điều cậu nói”, Shamron nói một cách thận trọng. “Dĩ nhiên cậu không thể nghĩ đến chuyện quay lại Venice. Cậu đã quên mình có trách nhiệm với Lực lượng Đặc nhiệm sao?”

“Không, tôi không quên”.

“Nhân tiện, cậu sẽ được bổ nhiệm chính thức sau khi trở về từ Washington”.

“Tôi đang đếm từng giờ”.

Shamron nhìn quanh căn hộ. “Cậu có thú nhận với Chiara là cậu đã đưa hết đồ đạc của cô ấy cho người khác chưa?”

“Cô ấy biết tôi đã thay đổi một vài chỗ cho phù hợp với phòng vẽ”.

“Cô ấy không vui đâu”, Shamron nói. “Tôi sẽ trả bất cứ giá nào để được nhìn thấy gương mặt của cô ấy khi bước vào đây và nhận ra sự thay đổi của căn phòng”.

Shamron ở lại thêm một tiếng để hỏi Gabriel chi tiết vụ tấn công ở Vatican. Vào lúc 9 giờ 15 phút, Gabriel đưa ông ra xe hơi và đứng ngoài phố một lúc nhìn đèn đuôi xe biến mất sau khúc quanh. Anh quay lên lầu, dọn dẹp nhà bếp rồi vào phòng ngủ. Ngay lúc đó, căn hộ rung chuyển vì một vụ nổ lớn. Giống như mọi người dân Israel, anh rất thạo việc đoán số người thương vong trong các vụ đánh bom tự sát bằng cách đếm tiếng còi xe cấp cứu. Càng nhiều xe cấp cứu, càng nhiều người chết và bị thương. Anh nghe một tiếng xe duy nhất, sau đó tiếng thứ hai, rồi tiếng thứ ba. Không lớn lắm, anh nghĩ. Anh bật truyền hình lên chờ đợi bản tin thông báo đầu tiên, nhưng sau vụ nổ bom 15 phút vẫn không có bản tin nào được phát đi. Bực mình, anh nhấc điện thoại quay số xe hơi Shamron. Không có tín hiệu trả lời.
 
Chương 10: Ein kerem, jerusalem


PHẦN 2: CON GÁI BÁC SĨ GACHET

Cuộc đời Gilah Shamron là một chuỗi những ngày cầu nguyện trong căng thẳng. Bà đã chịu đựng từ những nhiệm vụ bí mật, những vùng đất nguy hiểm, chiến tranh và khủng bố cho đến các cuộc khủng hoảng và những cuộc họp Nội các hầu như không bao giờ kết thúc trước nửa đêm. Bà luôn sợ kẻ thù cũ của Shamron đột ngột nhảy ra trả thù. Bà luôn biết một ngày nào đó mình sẽ nhận được tin chồng bị thương nặng, thậm chí là chết vì sự trả thù này.

Gabriel thấy bà ngồi bình tĩnh trong phòng chờ riêng ở khu chăm sóc đặc biệt của trung tâm Y tế Hadassah. Chiếc áo khoác chống bom đặc biệt của Shamron nằm trên lòng bà, và bà đang thẫn thờ cầm chỗ rách tại ngực phải mà Shamron chưa bao giờ thấy cần phải sửa lại. Gabriel luôn thấy nét của Golda Meir trong ánh nhìn buồn bã và mái tóc xám hoang dại của Gilah. Anh---- ------ ------ ----- không thể nhìn Gilah mà không nhớ lại ngày Golda gắn huy chương vào ngực áo bí mật của anh, nước mắt lưng tròng, và cám ơn anh đã trả thù cho mười một người Israel bị giết ở Munich.

“Chuyện gì xảy ra vậy, Gabriel? Làm sao chúng tìm được Ari ngay giữa Jerusalem?”

“Có lẽ ông ấy đã bị theo dõi trong một khoảng thời gian khá dài. Khi rời căn hộ của tôi tối hôm đó, ông bảo rằng sẽ quay lại văn phòng Thủ tướng để làm chút việc”. Gabriel ngồi xuống cầm tay Gilah. “Chúng nổ bom tại chỗ đèn giao thông trên phố King George”.

“Đánh bom tự sát à?”

“Chúng tôi nghĩ có hai tên. Chúng ngồi trong xe tải hóa trang thành người Do Thái chính thống. Quả bom rất lớn”.

Bà ngước nhìn chiếc truyền hình treo cao trên tường. “Tôi có thể thấy trong tivi. Thật thần kỳ nếu có ai đó còn sống sót”.

“Một nhân chứng thấy xe Ari tăng tốc trước khi bom nổ. Ắt hẳn Ari đã nhìn thấy điều gì đó không ổn. Lớp bọc sắt của xe hơi chịu được áp lực của vụ nổ, nhưng chiếc xe bị hất tung trong không khí. Có vẻ như nó đã lộn hai vòng”.

“Ai làm việc này? Hamas? Hay cảm tử quân Hồi giáo? Hay bọn al-Aqsa?”

“Hội Huynh đệ Allah đã lên tiếng”.

“Có phải chính tổ chức đã tấn công Vatican?”

“Đúng vậy, Gilah”.

“Anh có tin là chúng không?”

“Còn qua sớm để khẳng định bất kỳ điều gìá”, Gabriel trả lời. “Bác sỹ nói sao?”

“Ông ấy còn phải chịu phẫu thuật ít nhất ba tiếng nữa. Họ bảo chúng ta sẽ có thể gặp ông ấy khi ông được đẩy ra, nhưng chỉ một hai phút thôi. Họ đã cảnh báo với tôi ông ấy trông tệ lắm”.

Gabriel chăm chú nhìn bà một lúc, sau đó nhìn lên ti vi. “Bà lo ông ấy không qua khỏi, đúng không Gilah?”

“Đúng vậy”.

“Đừng lo”, Gabriel an ủi. “Shamron là người không thể bị hủy diệt. Ông ấy bất tử”.

“Họ nói gì với bà về những vết thương?”. Gabriel hỏi tiếp.

Gilah điềm tĩnh kể lại. Những liệt kê về các bộ phận bị hư hại, chấn thương đầu, và xương gẫy khiến Gabriel hiểu rõ Shamron thật sự đang ở trong tình trạng thập tử nhất sinh.

“Ari khá nhất trong ba người”, Gilah nói. “Dường như Rami và tài xế bị thương trầm trọng hơn nhiều. Tội nghiệp Rami. Anh ấy đã bảo vệ cho Ari nhiều năm. Bây giờ lại gặp chuyện này”.

“Yonatan đâu?’

“Nó đang đi công tác ở miền bắc. Nó đang trên đường trở về”.

Con trai duy nhất của Shamron là Đại tá trong Lực lượng Bảo vệ Israel. Ronit, cô con gái bướng bỉnh của ông, đã chuyển đến sống ở New Zealand để tránh người cha thích áp đặt. Cô và Shamron không nói chuyện với nhau đã nhiều năm.

“Ronit cũng đang tới”, Gilah nói. “Ai biết được? Có lẽ trong cái xui cũng có cái may. Sự vắng mặt của Ronit khiến ông rất đau khổ. Ông tự trách mình, nhưng ông đáng phải như vậy. Ari rất nghiêm khắc với các con. Nhưng anh biết tính ông ấy mà, phải không Gabriel?”

Gilah nhìn thẳng vào mắt Gabriel một lúc, sau đó đột ngột quay đi. Trong nhiều năm bà nghĩ anh là người ngồi bàn giấy biết nhiều về nghệ thuật và sống nhiều năm ở châu Âu. Giống như những người dân khác, bà chỉ biết bản chất thật sự công việc của anh qua báo chí. Cách xử sự của bà đã thay đổi từ khi anh bị lật mặt nạ. Bà ít nói hơn khi ở gần anh, bà chú ý không làm anh phật ý, và không thể nhìn lâu vào mắt anh. Trước đây Gabriel đã nhìn thấy cách xử sự này ở tất cả mọi người khi bước vào nhà mình. Thần Chết đã để lại dấu vết lên khuôn mặt Gabriel, giống như Birkenau đã làm hỏng khuôn mặt mẹ anh. Gilah không thể nhìn lâu vào mắt Gabriel vì bà sợ những gì mình có thể thấy trong đó.

“Trước vụ này ông ấy cũng không được khỏe. Dĩ nhiên, ông đã giấu nhẹm, thậm chí Thủ tướng cũng không biết”.

Gabriel không ngạc nhiên. Anh biết Shamron đã âm thầm chống đỡ bệnh tật từ nhiều năm nay. Sức khỏe, giống mọi thứ khác trong cuộc sống của ông, được xem là một điều tuyệt mật.

“Có phải là thận không?”

Gilah lắc đầu. “Căn bệnh ung thư đã quay trở lại”.

“Tôi tưởng là chúng đã được lấy ra hết”.

“Ari cũng nghĩ thế”, bà nói. “Nhưng chưa hết. Phổi ông ấy là một mớ hỗn độn do thuốc lá. Hãy khuyên ông ấy đừng hút thuốc nhiều nữa”.

“Ông ấy không bao giờ chịu nghe lời tôi”.

“Cậu là người duy nhất ông ấy chịu nghe. Ông ấy yêu cậu như con trai, Gabriel. Đôi khi tôi nghĩ ông ấy yêu cậu hơn Yonatan”.

“Đừng nghĩ thế, bà Gilah”.

“Ông ấy có những phút giây hạnh phúc nhất là khi ngồi với cậu trên sân thượng ở Tiberias”.

“Chúng tôi thường tranh cãi”.

“Ông ấy thích tranh cãi với cậu, Gabriel”.

“Tôi cũng thấy thế”.

Trên tivi, các Bộ trưởng Nội các và những người đứng đầu cơ quan an ninh đang đến văn phòng Thủ tướng họp khẩn cấp. Bình thường Shamron cũng có mặt ở đó cùng họ. Gabriel nhìn Gilah. Bà đang nắm chặt chỗ da bị sờn rách của chiếc áo khoác. “Chính Ari phải không?”. Bà hỏi. “Chính Ari là người đã lôi cậu vào cuộc sống này… sau vụ Munich”.

Gabriel nhìn đèn phòng cấp cứu nhấp nháy và lơ đãng gật đầu.

“Cậu ở trong quân đội à?”

“Không, lúc đó tôi đã ra khỏi quân đội. Tôi đang học tại Học viện Mỹ thuật Bezalel. Ari đến gặp tôi sau khi những con tin bị giết chết. Khi đó không ai biết chuyện này, nhưng Golda đã ra lệnh giết tất cả những ai có dính líu”.

“Tại sao ông ấy chọn anh?”

“Tôi nói nhiều thứ tiếng, và khi xem báo cáo về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của tôi, ông ấy nhận ra tôi có những đức tính cần thiết cho loại công việc mà ông đang dự tính”.

“Giết người ở khoảng cách gần, mặt đối mặt. Anh đã làm thế, đúng không?”

“Đúng vậy, Gilah”.

“Bao nhiêu?”

“Gilah”.

“Bao nhiêu, Gabriel?”

“Sáu”, anh trả lời. “Tôi giết sáu tên”.

Bà chạm đám tóc muối tiêu ở hai bên thái dương của anh. “Nhưng lúc đó anh mới là một thanh niên”.

“Chuyện này dễ làm hơn khi người ta còn trẻ. Càng lớn làm việc này càng trở nên khó khăn”.

“Nhưng dù sao thì anh cũng hoàn thành nhiệm vụ. Anh là người đi giết Abu Jihad, đúng không? Anh vào nhà hắn ở Tunis và giết chết hắn trước mặt vợ con. Rồi bọn chúng trả thù, chúng không trút lên quốc gia mà trút lên anh. Chúng đặt bom dưới xe anh ở Viên”.

Bà siết chặt vết rách trên áo Shamron. Gabriel nắm tay bà. “Không sao, Gilah. Chuyện đó xảy ra từ lâu rồi”.

“Tôi nhớ lúc điện thoại reo. Ari bảo với tôi bom đã nổ dưới xe hơi một nhân viên ngoại giao ở Viên. Tôi nhớ lúc đó mình vào bếp pha cho ông một tách cà phê. Khi quay trở ra tôi thấy ông đang ngồi khóc. Ông nói. ‘Lỗi của tôi, Gilah. Tôi đã giết vợ con anh ta’. Đó là lần duy nhất tôi thấy ông ấy khóc. Tôi không gặp ông ấy suốt một tuần. Cuối cùng, khi ông về nhà, tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra. Dĩ nhiên ông không trả lời. Lúc đó ông đã điềm tĩnh trở lại. Nhưng tôi biết ông đã luôn day dứt về chuyện này bao nhiêu năm qua. Ông tự trách mình vì chuyện xảy ra”.

“Ông ấy chẳng nên tự trách mình làm gì”, Gabriel nói.

“Anh không được phép đau buồn như bao người bình thường khác, đúng không? Chính phủ thông báo với thế giới rằng vợ và con của nhà ngoại giao đều đã chết. Anh chôn con mình ở đỉnh Olive - chỉ anh, Ari, và một vị giáo sỹ - và anh giấu vợ mình ở một nơi nào đó dưới tên giả. Nhưng Khaled đã tìm thấy cô ấy, và dùng cô ấy để nhử anh đến ga Lyon”. Một giọt nước mắt lăn trên gò má Gilah. Gabriel lấy tay lau nó đi, và cảm nhận được làn da nhăn nheo của bà vẫn mềm như nhung. “Tất cả những chuyện này xảy ra vì chồng tôi đã tìm gặp anh một buổi trưa tháng Chín cách đây lâu lắm rồi. Đáng lẽ anh có thể có một cuộc đời khác. Thay vì thế chúng tôi đã biến anh thành một tên sát nhân. Tại sao anh không trở nên cay độc, Gabriel? Tại sao anh không ghét ông ấy như các con của chúng tôi ghét bố chúng nó?”

“Hướng đi của đời tôi đã được vạch sẵn vào ngày người Đức chọn tên hạ sỹ người Áo nhỏ bé làm quốc trưởng cho chúng. Ari chỉ là người đưa đường dẫn lối mà thôi”.

“Cậu tin vào định mệnh đến thế sao?”

“Hãy tin tôi, Gilah, có một thời kỳ tôi cũng không thể chịu nổi khi nhìn mặt Ari. Nhưng tôi nhận ra mình giống ông hơn là tôi nghĩ”.

“Có lẽ đó chính là điều ông thấy trong bản báo cáo về khả năng của cậu”.

Gabriel cười mỉm. “Có lẽ đúng vậy”.

Gilah sờ vết rách trên áo Shamron. “Cậu có biết vì sao việc ấy lại xảy ra không?”

“Đó là một trong những bí ẩn lớn nhất của Văn phòng”, Gabriel đáp. “Có đủ loại giả thuyết điên rồ để phỏng đoán nguyên nhân và diễn biến, nhưng ông ấy không chịu nói sự thật”.

“Đó là đêm xảy ra vụ đánh bom ở Viên. Ari vội vàng đến đại lộ King Saul. Khi trèo lên xe, chiếc áo khoác bị mắc lại ở cửa, thế là ông kéo rách”. Bà đưa ngón tay mân mê chỗ rách. “Tôi nhiều lần muốn vá, nhưng ông ấy không chịu để tôi làm. Cứ để thế để tưởng nhớ Leah và Dani, ông nói. Ông ấy đã mặc chiếc áo rách nhiều năm nay vì những gì xảy ra với vợ con anh”.

Điện thoại reo. Gabriel nhấc ống nghe áp vào tai và lắng nghe một lúc trong yên lặng. “Tôi sẽ có mặt ngay, thưa ngài”, anh nói rồi cúp máy và quay sang Gilah.

“Điện thoại của Thủ tướng. Ông ấy muốn gặp tôi ngay lập tức. Tôi sẽ quay trở lại sau buổi họp”.

“Đừng lo, Gabriel. Yonatan sẽ đến đây ngay”.

“Tôi sẽ quay trở lại, Gilah”.

Giọng anh cương quyết. Anh hôn má bà, cảm thấy mình có lỗi, rồi đứng dậy bước đi. Gilah nắm tay Gabriel khi anh đi về phía cửa. “Mang theo cái này”, bà nói. “Ông ấy sẽ muốn anh giữ nó”.

“Đừng nói như thể Ari sẽ không qua khỏi”.

“Mặc áo vào và đi đi”. Bà mỉm cười cay đắng. “Anh không được để Thủ tướng chờ”.

Gabriel bước ra hành lang và đi vội đến thang máy. Anh không được để Thủ tướng chờ. Đó là những lời Gilah luôn nói với Shamron mỗi khi ông rời xa bà đi làm nhiệm vụ.

Xe hơi và đội cận vệ đang chờ anh ở bên ngoài. Họ chỉ mất năm phút để tới văn phòng Thủ tướng ở số 3 đường Kaplan. Những người cận vệ đưa Gabriel vào tòa nhà qua lối ngầm và dắt anh lên cầu thang vào một văn phòng lớn đơn giản đến bất ngờ trên lầu cao nhất. Căn phòng tranh tối tranh sáng. Thủ tướng đang ngồi tại bàn làm việc trong một chùm ánh sáng chiếu vào. Trông ông nhỏ bé hẳn đi trong tương quan với bức vẽ chân dung cao lớn của nhà lãnh đạo Do Thái Theodore Herzl đang treo trên tường. Đã hơn một năm Gabriel mới được diện kiến ông. Trong khoảng thời gian này, tóc ông đã chuyển từ màu bạc sang trắng, và đôi mắt màu nâu đã có ánh nhìn mệt mỏi của người già. Cuộc họp với Bộ An ninh vừa kết thúc, và Thủ tướng đang ở một mình cùng Amos Sharret, tân Giám đốc của Văn phòng. Ông ta đang nhấp nha nhấp nhổm đầy căng thẳng trong chiếc ghế bằng đồng, Gabriel bắt tay ông lần đầu tiên. “Rất hân hạnh, cuối cùng cũng được gặp anh”, Amos nói. “Tôi ước rằng chúng ta gặp nhau trong hoàn cảnh khác”.

Gabriel ngồi xuống.

“Cậu đang mặc áo của Shamron”, Thủ tướng nhận xét.

“Gilah muốn tôi mặc chiếc áo này”.

“Chiếc áo hợp với cậu đấy”. Ông mỉm cười xa vắng. “Cậu biết không, cậu đang bắt đầu trở nên giống ông ấy”.

“Đây có phải là lời khen không?”

“Ông ấy rất đẹp trai khi còn trẻ”.

“Ông ấy chưa bao giờ trẻ, thưa Thủ tướng”.

“Chúng ta cũng vậy thôi, chúng ta già trước tuổi, và hi sinh tuổi thanh xuân để xây dựng đất nước này. Shamron chưa có lấy một ngày nghỉ phép kể từ năm 1947. Chẳng lẽ mọi chuyện lại kết thúc như thế này sao?” Thủ tướng lắc đầu. “Không, ông ấy sẽ sống. Tin tôi đi, Gabriel, tôi biết ông ấy còn lâu hơn cậu”.

“Shamron là người bất tử. Gilah nói thế”.

“Có lẽ không phải là bất tử, nhưng ông ấy sẽ không thể bị một nhóm khủng bố cướp đi mạng sống”.

Thủ tướng cau mày nhìn đồng hồ.

“Thủ tướng có chuyện muốn bàn với tôi?”

“Về việc bổ nhiệm cậu làm đội trưởng Lực lượng Đặc nhiệm”.

“Tôi đã đồng ý nhận nhiệm vụ này, thưa Thủ tướng”.

“Tôi biết, nhưng có lẽ bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để cậu nhậm chức”.

“Tôi có thể hỏi lí do tại sao không?”

“Bởi vì cậu cần tập trung sức lực lần theo dấu vết và trừng phạt những kẻ đã làm điều này với Shamron”.

Thủ tướng đột ngột im lặng, tựa như muốn cho Gabriel cơ hội thoái thác. Gabriel ngồi im, mắt nhìn xuống đôi bàn tay của mình.

“Cậu làm tôi ngạc nhiên”, Thủ tướng lên tiếng.

“Về việc gì?”

“Tôi cứ sợ cậu sẽ bảo tôi tìm một người khác”.

“Không ai được phép từ chối Thủ tướng”.

“Nhưng chắc chắn không chỉ vì lý do này”.

“Tôi có mặt ở Rome khi bọn khủng bố tấn công Vatican, và tôi cũng tiễn Shamron ra xe tối nay. Tôi nghe tiếng bom nổ”. Anh ngừng lại. “Mạng lưới này cần phải bị tiêu diệt, cho dù chúng là ai hay mục đích của chúng là gì - và phải tiêu diệt càng nhanh càng tốt”.

“Cậu nói như thể muốn trả thù”.

Gabriel nhìn lên. “Tôi muốn làm điều đó, thưa Thủ tướng. Có lẽ trong hoàn cảnh như thế này, tôi không phải là người thích hợp cho công việc”.

“Thực ra trong hoàn cảnh này, anh là người hoàn toàn thích hợp”.

Chính Amos là người thốt lên câu ấy. Lần đầu tiên, Gabriel quay lại nhìn kỹ ông. Người ông nhỏ nhưng khỏe khoắn, người như hình vuông. Tóc ông màu đen với đường viền như giáo sỹ, đôi lông mày ông rậm rạp. Ông vẫn là tướng trong IDF 1nhưng bây giờ ông không mặc quân phục mà mặc bộ đồ vest màu xám nhạt. Sự thẳng thắn của ông đã đem lại những thay đổi mới cho văn phòng. Lev giống que chọc của nha sỹ, lúc nào cũng tìm ra yếu điểm và những chỗ hư thối. Amos giống búa đóng đinh hơn. Gabriel sẽ phải rất cẩn thận khi làm việc cùng ông, phòng ngừa trường hợp búa rơi lên đầu mình.

“Chỉ cần cẩn thận không để sự giận dữ làm mờ đi sự sáng suốt của mình”, Amos nói thêm.

“Chưa bao giờ có chuyện ấy”, Gabriel trả lời, ánh mắt anh đáp trả cái nhìn cú vọ của Amos.

Amos cười nhạt, tựa như muốn nói. Sẽ không có vụ nổ bom ở ga Lyon nếu trong ca trực của tôi, chắc chắn là như thế. Thủ tướng tì lên hai khuỷu tay và ngả người tới trước.

“Cậu có nghĩ người Arập Xêút đứng sau vụ này?”

“Chúng ta có bằng chứng cho thấy mối liên hệ của Arập Xêút với hội Huynh đệ Allah”. Gabriel thận trọng nói, “nhưng chúng ta cần thêm thông tin mới có thể bắt đầu tìm kiếm một nhân vật cụ thể”.

“Ví dụ như Ahmed bin Shafiq”.

“Vâng, thưa Thủ tướng”.

“Nếu đúng là hắn thì sao?”

“Theo ý kiến của tôi, chúng ta đang đối mặt với một tổ chức, không phải là đang đối mặt với một phong trào. Đó là một tổ chức được chi trả bằng tiền của

Arập Xêút. Nếu chúng ta tiêu diệt tên thủ lĩnh, tổ chức này sẽ chết. Nhưng việc này không dễ, thưa Thủ tướng. Chúng ta biết rất ít về hắn, thậm chí còn không biết hình dáng hắn như thế nào. Việc này cũng sẽ rắc rối về mặt chính trị, vì có liên quan đến người Mỹ”.

“Chẳng có gì phức tạp. Ahmed bin Shafiq cố giết cố vấn thân cận nhất của ta. Vì thế hắn phải chết”.

“Nếu hắn hành động theo mệnh lệnh của Hoàng tử Nabil hay của một ai đó trong hoàng tộc - gia đình có mối quan hệ về kinh tế và lịch sử chặt chẽ với đồng minh quan trọng nhất của Israel?”

“Chúng ta sẽ sớm biết việc này”.

Thủ tướng nhìn sang Amos.

“Adrian Carter bên CIA muốn nói chuyện với cậu”, Amos thông báo.

“Ngày mai tôi sẽ đi Washington để tóm tắt cho anh ta những gì chúng ta biết về vụ tấn công Vatican”.

“Carter đã yêu cầu đổi địa điểm gặp mặt”.

“Ông ta muốn gặp ở đâu?”

“Luân Đôn”.

“Tại sao lại là Luân Đôn?”

“Do Carter đề nghị”, Amos trả lời. “Ông ta muốn gặp tại một địa điểm trung lập tiện lợi cho cả hai bên”.

“Căn nhà an toàn của CIA ở Luân Đôn trở thành đất trung lập từ khi nào vậy?”. Gabriel nhìn Thủ tướng, sau đó nhìn Amos. “Tôi không muốn rời Jerusalem - cho đến khi biết chắc liệu Shamron có qua khỏi không”.

“Carter bảo việc này khẩn cấp”, Amos nói. “Ông ta muốn gặp cậu tối mai”.

“Vậy thì cử người khác đi gặp ông ta”.

“Chúng tôi không thể”, Thủ tướng nói. “Cậu là người duy nhất được mời”.

Chú thích

1. Lực lượng phòng thủ Israel.
 
Chương 11: Luân đôn


Ông già thế nào rồi?”. Adrian Carter hỏi. Họ đang sóng vai bước trong khu Eatoo, cùng tránh cơn mưa rào ban đêm dưới cái ô của Carter. Họ gặp nhau năm phút trước, như thể tình cờ, ở quảng trường Belgrave. Carter mặc áo mưa bằng vải cao su và cầm tờ báo The Independent. Ông luôn chọn cách đó khi có những cuộc gặp trong nghề như thế này. Theo như chuyện cười trong Văn phòng, Adrian Carter còn lấy viên phấn đánh dấu lên thành giường khi muốn làm tình với vợ.

“Vẫn bất tỉnh”, Gabriel đáp, “nhưng ông vượt qua được đêm vừa rồi, và không còn mất máu nữa”.

“Ông ấy có nhiều khả năng sống không?”

“Đêm qua tôi sẽ nói là không”.

“Còn bây giờ?”

“Tôi lo không biết ông ấy sẽ còn lại được gì. Nếu não bị tổn thương, hay ông bị liệt ở một bộ phận nào đó…”. Giọng Gabriel nhỏ dần. “Shamron chỉ có duy nhất một thú vui trong cuộc sống, đó là công việc. Nếu không được làm việc, ông ấy sẽ đau khổ - những người xung quanh ông cũng sẽ như vậy”.

“Thế còn tin gì khác không?”. Carter liếc nhìn lối vào căn nhà kiểu Georgian tại số 24. “Căn hộ ở trong đó. Chúng ta hãy đi vòng dãy 1. Tôi thích thực hiện nghiệp vụ theo đúng quy tắc”.

“Anh không nghe tin gì sao, Adrian? Liên bang Xô Viết đã sụp đổ vài năm rồi. KGB 1không còn hoạt động. Bây giờ các anh và người Nga là bạn”.

“Cẩn thận bao nhiêu cũng không đủ đâu Gabriel”.

“Chẳng lẽ các nhân viên an ninh không đi trước để kiểm tra sao?”

“Không có nhân viên nào cả, Gabriel”.

“Đó có phải căn hộ an toàn của tổ chức không?”

“Cũng không hẳn”, Carter đáp. “Căn hộ này là của một người bạn”.

“Bạn của tổ chức à?”

“Thực ra là bạn của Tổng thống”.

Carter kéo nhẹ tay áo khoác của Gabriel và dẫn anh đi trên con đường tối như mực. Họ dạo một vòng quanh quảng trường Eaton yên ắng ngoại trừ tiếng xe cộ trên đường King vọng lại. Carter đi chậm chạp, y như thể đang đến một cuộc họp ngoài ý muốn. Gabriel thì đánh vật với mối băn khoăn: Tại sao Phó giám đốc Cục Tình báo Hoa Kỳ lại muốn trao đổi ở một nơi chính phủ ông ta không nghe được cuộc nói chuyện?

Họ quay lại khu Eaton. Lần này Carter đưa Gabriel xuống những bậc thang dẫn đến lối vào một tầng hầm. Khi Carter tra chìa vào ổ khóa, Gabriel nhẹ nhàng nhấc nắp thùng rác lên và thấy bên trong không có gì. Carter mở cửa dẫn anh vào căn bếp mà các quảng cáo bất động sản sẽ sẵn sàng mô tả là “đúng mốt”. Quầy bếp lát đá granite, được chiếu sáng nhờ đèn halogen giấu dưới dãy tủ. Sàn nhà lát bằng đá vôi Jerusalem. Đây là loại đá được những người Anh và người Mỹ sành điệu ưa thích vì có gắn kết với cội rễ Địa Trung Hải của mình. Carter bước về phía bếp đun bằng thép không gỉ, đổ nước vào ấm điện. Ông ta không hỏi Gabriel có muốn uống chút gì có cồn hay không. Ông biết Gabriel chỉ thỉnh thoảng làm vài ly rượu vang và không bao giờ uống rượu trong lúc làm việc ngoại trừ lí do phải ngụy trang.

“Ngôi nhà này có hai tầng”, Carter nói. “Phòng khách ở trên lầu. Cậu lên đó cho thoải mái”.

“Ông cho phép tôi nhìn quanh nhà à, Adrian?”

Carter đang đóng mở cánh cửa tủ bếp với vẻ mặt bối rối như muốn tìm thứ gì đó. Gabriel bước đến bên chạn thức ăn, tìm hộp trà Earl Grey rồi quăng cho Carter trước khi lên lầu. Phòng khách rất thích hợp để làm trạm tạm dừng, nó được trang bị đầy đủ nhưng không tiết lộ nhiều về chủ nhân. Gabriel không tìm thấy bóng dáng của tình yêu, sự xích mích hay nỗi buồn ở đây. Anh cầm khung ảnh từ chiếc bàn con lên ngắm, và thấy một người Mỹ thành đạt, ăn vận giản dị chụp cùng ba đứa con mũm mĩm và bà vợ phẫu thuật thẩm mỹ quá nhiều. Ngoài ra còn có hai bức hình chụp ông ta đứng cứng đơ bên cạnh Tổng thống. Cả hai tấm đều có ký tên và ghi dòng chữ:Tặng Bill với lòng biết ơn.

Một lát sau Carter lên lầu, tay bưng khay trà. Ông ta có mái tóc mỏng xoăn, và để kiểu ria mép đặc trưng của các giáo sư đại học Mỹ. Nếu chỉ căn cứ vào cung cách của Carter, người ta khó mà đoán được rằng ông ta là một trong những người quyền lực nhất tổ chức tình báo rộng khắp của Washington, và rằng trước khi lên được vị trí trên lầu bảy của Langley, ông ta đã từng là một điệp viên cực kỳ danh tiếng. Khuynh hướng thích nghe hơn thích nói khiến hầu hết mọi người nghĩ rằng ông ta là một bác sỹ tâm lý. Khi nghĩ về Carter, người ta dễ liên tưởng ông với một người phạm tội lăng nhăng, có những việc làm không đàng hoàng, hay một nhân vật trong tiểu thuyết của Dicken đang ngồi gù lưng nghiên cứu những quyển sách dày cộp toàn tiếng Latinh. Người ta có khuynh hướng đánh giá thấp Carter. Đây là một trong những vũ khí lợi hại nhất của ông ta.

“Ai đứng đằng sau chuyện này, Adrian?”. Gabriel hỏi.

“Cậu nói tôi nghe, Gabriel”. Carter đặt khay trà lên giữa bàn và cởi áo mưa tựa như mệt mỏi vì đi lại quá nhiều. “Đó là hàng xóm của các cậu”.

“Hàng xóm của chúng tôi nhưng có điều gì mách bảo tôi rằng đây lại là vấn đề của các ông. Nếu không ông chẳng có mặt ở Luân Đôn làm gì”. Gabriel nhìn quanh “trong một căn hộ đi mượn, không có microphone và không được trạm Luân Đôn yểm trợ”.

“Cậu không bỏ sót điều gì, đúng không? Làm tôi vui đi, Gabriel. Nói tôi nghe tên của hắn ta”.

“Hắn là nhân viên cũ của GID, tên là Ahmed bin Shafiq”.

“Hoan hô, Gabriel. Xuất sắc”. Carter quăng áo khoác lên lưng ghế. “Thật sự rất ấn tượng”.

Carter mở nắp ấm trà, ngửi mùi thơm, rồi quyết định cần phải để thêm một lát nữa cho trà ngấm.

“Làm sao phía cậu biết được điều này?”

“Chúng tôi không biết”, Gabriel trả lời. “Đây là một suy đoán có căn cứ, dựa trên một vài bằng chứng”.

“Bằng chứng gì?”

Gabriel kể cho Carter tất cả những gì anh biết. Phi vụ bám đuôi Giáo sư Massoudi không thành. Những tấm ảnh theo dõi và thông tin tài khoản ngân hàng tìm thấy trên máy tính của ông ta. Mối liên hệ giữa Ibrahim el-Banna và điệp viên người Arập Xêút tự xưng là Khalil. Báo cáo về một người Arập Xêút cùng tên đi tuyển nhân sự tại các lều tị nạn ở Nam Libăng. Anh kể lại tất cả mọi thứ trong khi Carter bận rộn với ấm trà. Ông ta rót chén đầu tiên đưa Gabriel. Chén của ông ta cần nhiều thứ phức tạp hơn: phải tính toán cẩn thận lượng sữa và trà, cuối cùng bỏ vào một viên đường. Các điều tra viên gọi đây là hành động thay thế. Carter ưa hút tẩu. Gabriel lo rằng lát nữa ông ta sẽ lại hút thuốc.

“Còn bên anh thì sao?”. Gabriel hỏi. “Các anh biết đó là bin Shafiq tự khi nào?”

Carter dùng kẹp gắp cục đường thứ hai, nhưng đấu tranh một thoáng xem có nên bỏ vào tách trà hay không. Cuối cùng ông ta thả cục đường lại, nó lăn long lóc xuống bát. “Có lẽ tôi đã biết từ ngày chúng tôi yêu cầu nhà vua đóng cửa nhóm 205”, ông ta đáp. “Hay có lẽ từ ngày bin Shafiq dường như biến mất khỏi mặt đất. Cậu thấy đấy, Gabriel, nếu tôi có học được gì trong ngành này, thì đó chính là bất cứ hành động nào của chúng ta cũng sẽ có một phản ứng tiêu cực chống lại. Chúng tôi đã đuổi con gấu Nga ra khỏi Afghanistan nhưng trong lúc đó lại tạo ra một con rắn nhiều đầu. Chúng tôi đã đập tan trụ sở chính của bọn al-Qaeda, để giờ đây những văn phòng chi nhánh lại tự hoạt động. Chúng tôi đã đóng cửa phòng của bin Shafiq ở GID, thế là hắn rút vào hoạt động bí mật”.

“Tại sao?”

“Ý cậu muốn hỏi chuyện gì đã dồn hắn sang chiến tuyến bên kia?”. Carter nhún vai khuấy trà một cách buồn bã. “Chẳng cần phải nghĩ nhiều mới có câu trả lời. Ahmed bin Shafiq là người thật sự tin vào Wahhabi”.

“Cháu trai của chiến binh Ikhwan”, Gabriel tiếp lời, và nhận được cái gật đầu đầy ngưỡng mộ của Carter.

“Người ta có thể tranh cãi tại sao người Arập Xêút lại tài trợ khủng bố”, Carter nói. “Người ta có thể tranh cãi liệu họ có thực sự ủng hộ những mục tiêu của bọn sát nhân mà họ có trang bị vũ khí và cung cấp tài chính hay không, hoặc là liệu có phải họ đang thực hiện chính sách khôn khéo nhưng yếm thế để kiểm soát môi trường xung quanh mình, qua đó đảm bảo sự tồn tại của họ hay không? Người ta có thể chưa có một cuộc tranh cãi như vậy về người mà GID chọn để thực hiện chính sách đó. Ahmed bin Shafiq có đức tin. Hắn ghét nước Mỹ, phương Tây, và ghét con chiên của đạo Thiên Chúa. Hắn sẽ hạnh phúc nếu đất nước các anh không tồn tại. Đó chính là lí do tại sao chúng tôi yêu cầu nhà vua đóng cửa văn phòng khủng bố của hắn”.

“Vì thế khi bên ông yêu cầu nhà vua đóng cửa nhóm 205, bin Shafiq giận dữ? Hắn quyết định sử dụng tất cả những mối liên hệ đã tạo dựng trong bao nhiêu năm qua để tự mình tạo nên làn sóng khủng bố? Chắc chắn còn lí do nào hơn thế nữa, Adrian ạ”.

“Tôi e là chúng tôi đã đẩy hắn vào con đường này”, Carter nói. “Chúng tôi đã tấn công Irắc ngược lại với mong muốn của Vương quốc và người dân. Chúng tôi đã bắt các thành viên al-Qaeda, nhốt chúng vào trong tù nơi chúng đáng phải ở. Chuyện này làm thế giới Hồi giáo bất mãn, và châm thêm dầu vào lửa của cuộc thánh chiến. Các anh cũng góp tay vào việc này. Người Arập Xêút coi Hàng rào ngăn cách là đường biên giới cuối cùng của một phía. Họ không hài lòng về chuyện này”.

“Chuyện này có thể làm ông bị sốc, Adrian, nhưng chúng tôi không quan tâm người Arập Xêút nghĩ gì về hàng rào biên giới. Nếu bọn họ không đổ hàng triệu đô la vào kho bạc của Hamas và cuộc Thánh chiến Hồi giáo, chúng tôi không cần xây hàng rào”.

“Quay trở lại điểm ban đầu của tôi”, Carter ngừng lại để uống một ngụm trà. “Thế giới Hồi giáo đang sục sôi vì giận dữ, và Ahmed bin Shafiq, vốn tin vào Wahhabi, đã bước ra phía trước lãnh sứ mệnh giương ngọn cờ thánh chiến chống lại những kẻ không theo đạo. Hắn đã tận dụng những mối liên lạc từ hồi còn làm thủ lĩnh nhóm 205 để xây dựng một hệ thống mới. Hắn đang thực hiện điều mà Bin Laden không thể làm, đó là lập kế hoạch và tiến hành những cuộc tấn công khủng bố ngoạn mục trên diện rộng vào những nơi như Vatican. Mạng lưới của hắn nhỏ nhưng cực kỳ chuyên nghiệp, và hắn đã chứng minh điều đó một cách thuyết phục, và đầy chết chóc”.

“Mạng lưới được mua và chi trả bằng tiền của Arập Xêút”.

“Đúng vậy”, Carter khẳng định.

“Việc này đạt tới cấp nào, Adrian?”

“Rất cao”, Carter đáp. “Gần cấp cao nhất”.

“Hắn đang hoạt động ở đâu? Ai đang trả tiền cho các hóa đơn? Tiền từ đâu mà ra?”

“Công ty Cổ phần AAB của Riyadh, Geneva, và những nơi trung gian”, Carter trả lời lập lờ. “Ahmed bin Shafiq là một trong những vụ đầu tư thành công nhất của AAB. Tôi rót trà thêm cho cậu nhé?”

Cuộc hội đàm lại gián đoạn, lần này là do Carter tìm cách bật hệ thống sưởi bằng ga. Ông ta đứng trước lò sưởi một lúc, sau đó liếc về phía Gabriel nhờ giúp đỡå. Gabriel tìm thấy chìa khóa trên mặt lò sưởi, anh sử dụng chìa khóa để mở ga, sau đó dùng diêm đốt lò.

“Cậu cho bọn chúng bao nhiêu năm, Gabriel? Còn bao lâu nữa Hoàng tộc Arập Xêút mới sụp đổ và nước Cộng hòa Arập Hồi giáo được thành lập? Năm năm? Mười năm? Hay hai mươi năm? Chúng tôi không bao giờ giỏi dự đoán những việc như thế này. Chúng tôi đã nghĩ đế chế Xô Viết sẽ tồn tại mãi mãi”.

“Còn chúng tôi thì nghĩ Hamas không bao giờ thắng trong cuộc bầu cử”.

Carter tặc lưỡi buồn bã. “Những bộ óc xuất sắc nhất của chúng tôi dự đoán lâu nhất là trong vòng bảy năm nữa. Nhà vua chuẩn bị dùng bảy năm này chơi trò chơi theo luật lệ cũ: cung cấp dầu giá rẻ và tình bằng hữu giả tạo với chúng tôi, trong khi đó ông ta khua môi múa mép với các lực lượng Hồi giáo và hối lộ để bọn chúng không tấn công ông ta. Khi mọi chuyện kết thúc, ông ta sẽ chạy sang dải cung điện dọc theo Riveria sống những ngày còn lại trong sự xa hoa vượt sức tưởng tượng, hi vọng là lúc đó đầu ông ta vẫn còn nằm trên cổ”.

Carter đưa lòng bàn tay về phía ngọn lửa. “Lửa không nóng”, ông ta nói.

“Bếp lò được làm từ gốm. Ông đợi một chút nó mới nóng lên”.

Carter lộ vẻ không tin. Gabriel đến bên cửa sổ nhìn xuống đường đúng lúc một chiếc xe hơi chầm chậm chạy qua rồi biến mất ở khúc quanh gần đó. Carter không nhìn ngọn lửa nữa và quay về chỗ ngồi.

“Có nhiều nguời trong Hoàng tộc sẵn sàng chơi trò chơi theo quy tắc khác. Chúng tôi gọi họ là Những người có xác tín. Họ nghĩ rằng cách duy nhất dòng họ al-Saud có thể tồn tại là kí kết lại bản thỏa ước đã kí với Muhammad Abdul Wahhad cách đây hai thế kỷ ở Najd. Nhưng bản hợp đồng này phải xem xét đến những thực tế mới. Con quái vật dòng họ al-Saud tạo ra hai thế kỷ trước bây giờ đang nắm quân bài, và Những người có xác tín sẵn sàng cho con quái vật điều nó muốn, đó là máu người không theo đạo. Thánh chiến sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Một vài người có xác tín muốn đi xa hơn. Trục xuất tất cả những người không theo đạo ra bán đảo. Đình chỉ bán dầu cho nước Mỹ hay bất cứ những nước nào buôn bán với nước các anh. Họ nghĩ rằng không được tiếp tục xem dầu như nguồn tiền vô tận chảy từ các giếng dầu ở Ras Tanura vào các tài khoản ngân hàng của dòng họ al-Saud. Họ muốn sử dụng chúng như là vũ khí - vũ khí có thể làm què quặt nền kinh tế Hoa Kỳ và khiến các Wahhabi trở thành chủ của hành tinh, như Allah đã muốn khi đặt dầu dưới cát vùng al-Hassa. Một vài kẻ trong hội Những người có xác tín này, như chủ tịch và CEO của Riyadh, Geneva, và trung gian, thực sự muốn tự tay chích huyết của những kẻ ngoại đạo”.

“Ý ông muốn nói đến Abdul Aziz al-Bakari?”

“Đúng vậy”, Carter xác nhận. “Cậu có biết nhiều về ông ta không?”

“Theo lần công bố gần đây nhất, ông ta là người giàu thứ 15 thế giới, có tài sản cá nhân vào khoảng 10 tỷ đô la”.

“Sai số khoảng một hai tỷ”.

“Ông ta là Chủ tịch, là hoàng đế của Tập đoàn AAB - A là viết tắt của Abdul, A của Aziz, và B của al-Bakari. AAB sở hữu ngân hàng và các công ty đầu tư. AAB làm vận chuyển và thép. AAB đang chặt rừng Amazon, khai thác mỏ ở dãy Andes ở Peru và Bolivia. AAB có công ty hóa chất ở Bỉ, công ty dược ở Hà Lan. Bộ phận phát triển địa ốc của AAB là một trong những công ty lớn nhất thế giới. Abdul Aziz al-Bakari sở hữu nhiều khách sạn hơn bất cứ ai trên đời”.

Carter nói tiếp khi Gabriel ngừng lại. “Ông ta có cung điện ở Riyadh nhưng rất hiếm khi ghé qua, hai bà vợ trước đang sống ở đó nhưng ông ta không bao giờ thăm hỏi. Ông ta có một dinh thự ở Ile de la Cité, ở Paris, một khu đất ở vùng quê nước Anh, căn nhà phố ở Mayfair, các villa nhìn ra biển ở Saint-Tropez, Marbella, và Maui, biệt thự nhỏ tại các khu trượt tuyết ở Zermatt và Aspen, và một căn hộ trên đại lộ Park gần đây được đánh giá khoảng 40 triệu đô la, một toà nhà nhìn ra sông Potomac tôi đi qua mỗi ngày trên đường đi làm”.

Carter dường như thấy dinh thự nhìn ra sông Potomac là tội lớn nhất trong số các tội ác của al-Bakari. Cha của Carter là một mục sư Tân giáo đến từ New Hampshire, và dưới lớp vỏ bề ngoài điềm tĩnh của ông ta là trái tim rạo rực của một người theo Thanh giáo.

“Al-Bakari và phụ tá của ông ta đi vòng quanh thế giới trên chiếc 747 dát vàng”, ông ta nói tiếp. “Hai lần một năm, một lần vào tháng hai và một lần vào tháng tám, ban điều hành AAB đi nghỉ ở biển. Al-Bakari và đội phụ tá của hắn nghỉ ngơi trên chiếc Alexandra, chiếc du thuyền dài ba trăm bộ. Tôi có quên điều gì không nhỉ?”

“Bạn bè gọi ông ta là Zizi”, Gabriel trả lời. “Ông ta có một trong những bộ sưu tập tranh cá nhân theo trường phái ấn tượng Pháp lớn nhất thế giới. Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã thông báo với các ông rằng hắn chuyên tài trợ cho hoạt động khủng bố, đặc biệt là chống lại chúng tôi”.

“Tôi không biết việc này”.

“Biết việc gì?”

“Zizi là nhà sưu tập tranh”.

“Thật ra hắn là một nhà sưu tập đầy đam mê”.

“Cậu bao giờ có hân hạnh gặp ông ta chưa?”

“Tôi e là Zizi và tôi ở hai thế giới khác nhau trong ngành này”. Gabriel nhíu mày. “Mối liên hệ giữa Zizi al-Bakari và Ahmed bin Shafiq là gì?”

“Al-Bakari là một người rất thú vị. Cậu có biết rằng cha của hắn là chủ nhà băng riêng của Ibn Saud không? Chắc cậu cũng đoán ra, cha của al-Bakari làm ăn phát đạt - đủ để cho cậu con trai 10 triệu đô la để lập công ty riêng. Số tiền này không thấm tháp gì so với số tiền vốn ông ta nhận được từ dòng họ al-Saud khi mọi việc bắt đầu khấm khá. Theo tin đồn là 100 triệu đô la. AAB vẫn là nơi đổ tiền ưa thích của Hoàng tộc Arập Xêút. Đây cũng là lí do tại sao Zizi muốn đảm bảo sự tồn tại của Hoàng tộc al-Saud”.

Gabriel hơi khó chịu khi Carter với tay lấy tẩu thuốc.

“Ông ta là một trong những người giàu nhất”, Carter nói. “Và cũng là một trong những nhà từ thiện lớn nhất thế giới. Ông ta xây dựng nhà thờ và trung tâm Hồi giáo trên khắp châu Âu. Ông ta tài trợ cho những dự án phát triển ở châu thổ sông Nile và cứu tế nạn đói ở Su-đăng. Ông ta đã cung cấp hàng triệu đô cho dân tị nạn Palestine, và thêm hàng triệu cho những dự án phát triển ở Bờ Tây và dải Gaza”.

“Còn thêm hơn 30 triệu đô cho chương trình truyền hình từ thiện ở Arập Xêút nhằm quyên tiền cho những kẻ đánh bom liều chết”, Gabriel nói thêm. “Zizi là nhà tài trợ cá nhân lớn nhất. Bây giờ, hãy trả lời câu hỏi của tôi, Adrian”.

“Câu hỏi nào?”

“Mối liên hệ giữa Zizi và bin Shafiq là gì?”

“Cậu vốn giỏi liên kết các hiện tượng lại với nhau mà, Gabriel. Cậu hãy nói tôi nghe”.

“Rõ ràng là Zizi tài trợ cho các hoạt động của hệ thống của bin Shafiq”.

“Hiển nhiên”, Carter đồng ý.

“Nhưng bin Shafiq là người Arập Xêút. Hắn ta có thể lấy tiền ở bất cứ người nào. Zizi có điều quý hơn tiền. Zizi có cơ sở hạ tầng toàn cầu nhờ vào đó bin Shafiq có thể vận chuyển nhân công và vật liệu. Zizi còn có nơi trú ẩn tuyệt vời cho một người như bin Shafiq lẩn trốn”.

“Tập đoàn AAB ở Riyadh, Geneva và trung gian”.

Sự yên lặng bao trùm lên họ như một bức màn khi Carter uể oải chuẩn bị tẩu thuốc. Gabriel vẫn đứng tại cửa sổ nhìn xuống đường. Anh muốn đứng ở đó, vì tẩu thuốc của Carter sau khi châm lửa sẽ có hỗn hợp mùi của cỏ khô đang cháy và chó bị ướt. Tuy nhiên anh biết rằng cuộc nói chuyện giữa họ đã bắt đầu đi vào những nội dung không thể tiết lộ bên một cửa sổ thiếu an toàn như thế này. Ngần ngừ một lúc, anh ngồi xuống chiếc ghế đối diện Carter. Họ nhìn nhau trong yên lặng, Carter trầm ngâm rít thuốc, còn Gabriel mệt mỏi xua khói thuốc khỏi mắt.

“Ông chắc chắn tới mức nào?”

“Rất chắc”.

“Làm sao ông biết?”

“Nhờ nguồn tin và phương pháp”, Carter nói lại một cách máy móc. “Nguồn tin và phương pháp”.

“Làm sao ông biết, Adrian?”

“Bởi vì chúng tôi nghe lén ông ta”, Carter nói. “Cơ quan An ninh Quốc gia là nơi tuyệt vời. Chúng tôi cũng có nội gián trong Hoàng tộc và GID sẵn sàng tiết lộ thông tin. Ahmed bin Shafiq sống chủ yếu ở phương Tây dưới nhân dạng giả. Hắn ta đang được giấu ở đâu đó trong đế chế đồ sộ của Zizi, và bọn họ gặp nhau khá thường xuyên. Chúng tôi chắc chắn về điều này”.

Có bộ hồ sơ đặt trên bàn trung tâm, kế bên khay trà của Carter. Carter lấy bức hình duy nhất kẹp trong đó trao cho Gabriel. Bức hình chụp một người đàn ông mặc áo khoác dài bằng len và đội mũ nỉ đang đứng ngoài cánh cửa sắt. Khuôn mặt chụp từ góc trái nên nét mặt khá mờ. Theo độ nén của bức ảnh, có thể thấy nó được chụp từ xa.

“Đây là hắn ta à?”

“Chúng tôi nghĩ vậy”, Carter đáp.

“Bức ảnh được chụp khi nào?”

“Bên ngoài căn nhà của Zizi ở Ile de la Cité, Paris. Người chụp ảnh ở bên kia sông Seine, trong Quai de l’Hôtel de Ville. Đó chính là lí do tại sao bức ảnh không được rõ nét”.

“Cách đây bao lâu?”

“Sáu tháng”.

Carter từ từ đứng dậy đi về phía lò sưởi. Ông sắp trút tàn thuốc trong tẩu vào lò sưởi thì Gabriel nhắc nhở rằng lò sưởi được làm bằng gốm. Carter ngồi trở lại và đổ tàn thuốc vào gạt tàn lớn bằng thủy tinh.

“Bao nhiêu người Mỹ bị giết trong vụ Vatican?” Gabriel hỏi.

“Hai mươi tám, bao gồm một Giám mục trong Hội đồng”.

“Trong những năm qua Zizi al-Bakari đã cung cấp bao nhiêu tiền cho bọn khủng bố?”

“Hàng trăm triệu đô la”.

“Hãy săn lùng ông ta”, Gabriel nói. “Lập hồ sơ đưa ông ta ra toà”.

“Kiện Zizi al-Bakari?”

“Mục U.S.C. 2338B - ông đã bao giờ nghe điều luật này chưa, Adrian?”

“Bây giờ cậu lại còn trích dẫn luật nước Mỹ ra với tôi sao?”

“Tài trợ tiền cho những nhóm khủng bố đã xác định là vi phạm luật pháp Mỹ, bất kể đến việc liệu tiền đó có được dùng trong những vụ khủng bố cụ thể hay không. Các ông có thể kiện hàng tá những người Arập Xêút giàu có vì đã giúp đỡ về mặt vật chất cho kẻ thù, bao gồm cả Zizi Bakari”.

“Cậu làm tôi thất vọng, Gabriel. Tôi luôn nghĩ cậu là người biết lý lẽ - đôi khi hơi quan tâm quá mức về chuyện đúng hay sai, nhưng là người biết lý lẽ. Chúng tôi không thể kiện Zizi al-Bakari được”.

“Vì sao?”

“Tiền”, Carter nói, sau đó thêm vào. “Và dĩ nhiên là dầu nữa”.

“Dĩ nhiên”.

Carter nghịch chiếc bật lửa. “Hoàng gia Arập Xêút có nhiều bạn bè ở Washington - loại bạn chỉ cần có tiền là mua được. Zizi cũng có bạn. Ông ta tài trợ cho các khoa rồi đưa những người quen và ủng hộ vào. Ông ta bỏ tiền vào việc thành lập các khoa Arập học ở một nửa tá trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Hầu như một mình ông ta cung cấp tài chính cho việc tân trang Trung tâm Kennedy. Ông ta đóng góp cho những hoạt động từ thiện của các thượng nghị sỹ có quyền lực, và đầu tư vào công việc làm ăn của bạn bè và người thân họ. Ông ta có cổ phần tại một trong những ngân hàng uy tín nhất của chúng tôi. Ông ta cũng là người trung gian trong các vụ làm ăn giữa Arập Xêút và Mỹ. Bức tranh về ông ta đã trở nên rõ ràng với cậu chưa?”

Gabriel đã hiểu rõ, nhưng anh vẫn muốn nghe thêm.

“Hễ quân đoàn luật sư của Zizi ở New York đánh hơi thấy ông ta đang là mục tiêu của một vụ điều tra hình sự, Zizi sẽ gọi cho nhà vua, nhà vua sẽ gọi cho Đại sứ Bashir, rồi đại sứ Bashir sẽ ghé qua Nhà Trắng tán gẫu với Tổng thống. Ông ta sẽ nhắc Tổng thống rằng chỉ cần vặn vòi dầu một hay hai lần, giá dầu sẽ tăng thêm năm đô la một thùng. Ông ta cũng chỉ ra rằng việc tăng vọt giá sẽ ảnh hưởng đến những người ở trung tâm thường xuyên phải lái xe đường dài, những người rất có thể sẽ bầu cho đảng của Tổng thống”.

“Thế là Zizi thoát khỏi tội sát nhân - nói theo nghĩa đen”.

“Tôi e rằng như vậy”.

“Đừng hỏi về những thứ sẽ gây rắc rối cho mình nếu biết rõ”.

“Anh thuộc kinh Koran đấy”, Carter nói.

“Một trong những lí do ông không thể chống lại Zizi hay khởi tố ông ta vì ông sợ những gì mình sẽ tìm ra: quan hệ làm ăn với những người Mỹ danh tiếng, phi vụ mờ ám với những nhân vật trong chính quyền Washington. Thử tưởng tượng phản ứng của dân Mỹ nếu họ biết một tỷ phú Arập Xêút có quan hệ làm ăn với những gương mặt nổi bật ở Washington lại đang tài trợ cho hoạt động của kẻ thù. Mối quan hệ khó lòng tồn tại nổi sau vụ 11/9 đầu tiên, và tôi cũng nghi ngờ việc nó có thể tồn tại sau vụ thứ hai”.

“Không, không thể - ít nhất không dưới hình thức như hiện tại. Đã có phong trào trong Toà nhà Quốc hội Mỹ đề xuất cách ly Arập Xêút do sự ủng hộ của nó đối với Hồi giáo cực đoan. Một vụ xì căng đan có liên quan đến Zizi al-Bakari chỉ tổ thêm dầu vào lửa. Nhóm xây dựng chính sách đối ngoại trong Quốc hội đang xem xét pháp chế qua đó gây sức ép cho Arập Xêút. Họ có quyền xa hoa. Họ không chịu trách nhiệm nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng do giá dầu tăng. Tổng thống mới là người chịu”.

“Vậy thì ông muốn gì ở chúng tôi, Adrian? Ông muốn nói gì với tôi, trong căn phòng không bị nghe trộm này?”

“Tổng thống Mỹ muốn xin một ân huệ”, Carter nói, mắt nhìn ngọn lửa. “Loại ân huệ mà may sao phía các anh lại rất giỏi thực hiện. Ông muốn các anh cài một người vào gia tộc của Zizi. Ông muốn các anh nắm được ai đang ra vào. Và nếu Ahmed bin Shakiq tình cờ ghé qua, ông muốn các anh tặng hắn một phát đạn. Đây là nhiệm vụ của các anh, nhưng chúng tôi sẽ hỗ trợ bất cứ điều gì các anh cần. Chúng tôi sẽ đứng ở đường chân trời - đủ xa để có thể chối bỏ trách nhiệm một cách hợp lí khi ở Riyadh”.

“Ông làm tôi thất vọng, Adrian. Tôi luôn nghĩ ông là người biết lí lẽ”.

“Tôi đã làm gì nào?”

“Tôi cứ nghĩ ông sẽ yêu cầu tôi giết Zizi và chấm dứt mọi chuyện”.

“Giết Zizi?” Carter lắc đầu. “Zizi không thể bị xâm phạm. Ông ta được miễn truy cứu”.

Gabriel trở về vị trí bên cửa sổ ngắm nhìn đường phố và thấy một cặp tình nhân đi vội trên vỉa hè trong cơn mưa giông. “Chúng tôi không phải là sát thủ theo hợp đồng”, anh trả lời. “Chúng tôi không làm những công việc dơ bẩn mà các ông không thể tự thực hiện. Bên ông muốn bin Shafiq chết, nhưng lại không muốn gặp rủi ro về kinh tế. Các ông dựng chúng tôi lên để nhận rủi ro thay cho các ông”.

“Tôi có thể nhắc cậu nhớ một vài sự kiện nổi bật”, Carter nói. “Hãy nhớ là Tổng thống đã kiên định ở bên các cậu khi cả thế giới xem các cậu như người Do Thái gây hiềm khích giữa các quốc gia. Tôi có thể nhắc các cậu nhớ rằng Tổng thống cho phép bên cậu xây Hàng rào ngăn cách trong khi cả thế giới buộc tội nước cậu hành động như những người Nam Phi. Ông cũng cho phép bên cậu nhốt cách ly A’one ở Mukata trong khi cả thế giới buộc tội bên cậu là lính Đức Quốc xã. Rất nhiều lần khác Tổng thống đã bênh vực cho bên cậu, nhưng tôi sẽ không nhắc lại, vì điều này không khôn ngoan. Nếu cậu đồng ý nhiệm vụ này, nó cũng giống như sợ có qua có lại, nhưng thực ra không phải thế”.

“Thế thì là gì?”

“Một sự nhận thức”, Carter đáp. “Nhận thức rằng người Mỹ chúng tôi không đủ can đảm làm những điều chúng tôi phải làm để chiến thắng trong cuộc chiến này. Ngón tay chúng tôi đã bị bỏng. Hình ảnh của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi nhìn vào gương và không thích những gì mình nhìn thấy. Các chính trị gia muốn chúng tôi đón những chuyến bay đầu tiên rời khỏi Irắc để họ có thể dùng tiền vào những thứ có thể giành được phiếu bầu. Người dân muốn quay trở lại với cuộc sống vinh thân phì gia. Họ muốn vùi đầu vào cát giả vờ không có bất cứ một lực lượng hay tổ chức nào đang lên kế hoạch và âm mưu phá hủy cuộc sống của họ. Chúng tôi đã trả giá đắt để trèo vào máng nước cùng với bọn khủng bố, và đấu tranh với chúng ở mức độ của chúng, nhưng tôi biết cậu rõ về việc này như thế nào. Không ai trả giá đắt hơn cậu”.

“Vì thế ông muốn tôi làm việc này cho ông. Tôi nghĩ người ta gọi việc này là tìm nguồn giá rẻ nơi khác. Ông đúng là người Mỹ, Adrian”.

“Trong hoàn cảnh này, nước Mỹ không thể biến một cựu nhân viên tình báo cấp cao của Arập Xêút thành mục tiêu ám sát, vì làm như vậy sẽ gây đổ vỡ mối quan hệ của chúng tôi với Riyadh. Chúng tôi cũng không thể bắt giam hay khởi tố Zizi a-Bakari vì những lí do tôi đã nói với cậu”.

“Vì thế ông muốn giải quyết vấn đề này mà không bị ảnh hưởng?”

“Chính xác”.

“Ông muốn quét vào dưới thảm? Hay hoãn lại việc này cho đến một ngày nào đó thuận lợi hơn?”

“Có nhiều cách khác nhau để làm việc này mà”.

“Ông nghĩ đây là cách đánh bại rắn nhiều đầu à? Cắt một đầu đi và hi vọng điều tốt nhất? Ông phải diệt tận gốc, giống như cách Hercules đã làm. Ông phải tấn công con quái vật bằng mũi tên tẩm độc”.

“Cậu muốn lật đổ Hoàng tộc Arập Xêút?”

“Không chỉ Hoàng tộc”, Gabriel đáp. “Mà cả những tên điên cuồng theo Wahhabi đã kí hiệp ước bằng máu cách đây hai trăm năm trên cao nguyên Najd cằn cỗi. Chúng là kẻ thù thật sự của ông, Adrian. Chúng là những tên đã tạo ra rắn nhiều đầu”.

“Một Hoàng tử thông thái đã chọn đúng thời gian và địa điểm cho cuộc chiến. Đây không phải là lúc tiêu diệt Hoàng tộc Arập Xêút”.

Gabriel chìm vào sự im lặng đầy tâm trạng. Carter đang nhìn đầu tẩu để chỉnh sửa vị trí mẩu thuốc, giống như một quí ngài đang chờ câu trả lời từ cậu học trò chậm hiểu.

“Tôi có cần nhắc cậu nhớ chúng đã chọn Shamron làm mục tiêu không?”

Gabriel nhìn Carter giận dữ ý muốn nói ông ta không cần nhắc lại điều này.

“Vậy tại sao cậu lại do dự? Tôi nghĩ cậu chắc đang nóng lòng muốn trả thù bin Shafiq sau những gì hắn làm với ông già”.

“Tôi muốn tóm hắn hơn ai hết, Adrian, nhưng tôi không như con chó đang chồm căng sợi dây buộc cổ. Đây là phi vụ nguy hiểm - quá nguy hiểm cho người thậm chí chỉ muốn thử. Nếu có sai lầm gì, hay nếu chúng ta bị bắt quả tang, mọi việc sẽ kết thúc rất tệ - cho cả ba chúng ta”.

“Ba người?”

“Ông, tôi, và Tổng thống”.

“Hãy làm theo Lời răn thứ mười một của Shamron thì cậu sẽ không sao. Cậu sẽ không bị bắt”.

“Bin Shafiq là bóng ma. Chúng ta thậm chí còn không có hình hắn”.

“Việc này cũng không hoàn toàn đúng”. Carter thò tay vào tập hồ sơ một lần nữa và lấy ra một tấm hình khác đặt lên bàn cho Gabriel nhìn. Trong bức hình là một người đàn ông mắt đen nhỏ, khuôn mặt bị che một phần bởi khăn trùm đầu. “Đó chính là bin Shafiq cách đây hai mươi năm ở Afghanistan. Khi đó hắn là bạn của chúng tôi. Chúng tôi cùng một chiến tuyến. Chúng tôi cung cấp vũ khí. Bin Shafiq và chủ hắn ở Riyadh cung cấp tiền”.

“Và hệ tư tưởng Wahhabi khai sinh ra Talibăng”, Gabriel nói.

‘Đúng là gieo nhân nào gặp quả nấy. “Nhưng may thay chúng tôi có thứ quý giá hơn tấm ảnh chụp 20 năm. Chúng tôi có giọng nói của hắn”.

Carter cầm chiếc điều khiển từ xa chĩa vào chiếc rađio Bose Wave và nhấn nút bật. Một lát sau, hai người đàn ông bắt đầu trao đổi với nhau bằng tiếng Anh: một người nói bằng giọng Mỹ, người kia nói bằng giọng Arập.

“Tôi đoán người Arập Xêút là bin Shafiq?”

Carter gật đầu.

“Đoạn băng được thu âm khi nào?”

“Vào năm 1988”, Carter nói. “Trong tòa nhà an toàn ở Peshawar”.

“Ai là người Mỹ?”. Gabriel hỏi, mặc dù anh đã biết câu trả lời. Carter nhấn nút dừng rồi nhìn ánh lửa. “Tôi”, giọng ông ta xa vắng. “Người Mỹ tại căn nhà an toàn của CIA tại Peshawa là tôi”.

“Ông có nhận ra bin Shafiq nếu gặp lại hắn không?”

“Có lẽ, nhưng nguồn tin của chúng tôi báo lại rằng hắn đã thực hiện vài lần phẫu thuật thẩm mỹ trước khi bắt đầu hoạt động. Tuy vậy, tôi có thể nhận ra vết sẹo trên bắp tay phải của hắn. Hắn ta bị một miếng bom nổ văng vào người trong chuyến công tác ở Afganistan năm 1985. Vết sẹo chạy từ trên cổ tay cho đến dưới khuỷu tay. Không nhà phẫu thuật nào có thể là phẳng vết sẹo đó”.

“Bên trong bắp tay hay bên ngoài?”

“Bên trong”, Carter nói. “Vết thương khiến tay bin Shafiq hơi bị teo. Hắn đã trải qua vài cuộc phẫu thuật cố gắng chữa cánh tay nhưng không có tác dụng. Hắn thường để tay trong túi quần. Hắn không thích bắt tay. Hắn ta là người Arập du cư kiêu hãnh. Hắn khinh bỉ những yếu đuối về mặt thể chất”.

“Tôi đoán nguồn tin của ông ở Riyadh không biết được liệu bin Shafig đang trốn ở đâu trong đế chế của Zizi?”

“Không may là đúng thế. Nhưng chúng tôi biết chắc hắn đang ở đó. Hãy cài điệp viên vào gia tộc của Zizi. Cuối cùng bin Shafiq sẽ bước vào nhà qua cửa sau”.

“Cài một điệp viên thân cận với Zizi al-Bakari? Chúng tôi làm điều đó bằng cách nào, Adrian? Zizi được bảo vệ chặt chẽ hơn cả các nguyên thủ quốc gia đấy”.

“Tôi không muốn can thiệp vào vấn đề nghiệp vụ”, Carter nói. “Nhưng cứ an tâm là chúng tôi sẵn lòng chờ đợi, và sẽ đi theo vụ này đến cùng”.

“Tính kiên nhẫn và theo đuổi đến cùng không phải là những đức tính đặc trưng của người Mỹ. Người Mỹ thích gây ra lộn xộn rồi chuyển sang vấn đề tiếp theo”.

Thời gian yên lặng kéo dài, lần này bị phá vỡ bởi tiếng tẩu Carter gõ vào thành gạt tàn.

“Cậu muốn gì, Gabriel?”

“Sự đảm bảo”.

“Không có đảm bảo trong ngành của chúng ta. Cậu biết điều này”.

“Tôi cần mọi thông tin các ông có về bin Shafiq và al-Bakari”.

“Trong chừng mực thôi”, Carter nói. “Tôi sẽ không cung cấp những thông tin gây bất lợi cho những nhân vật danh giá ở Washington”.

“Tôi cần sự bảo vệ”, Gabriel nói. “Khi việc này hạ màn, chúng tôi sẽ là đối tượng bị nghi ngờ đầu tiên. Chúng tôi luôn phải chịu đựng điều đó, thậm chí ngay khi chúng tôi không chịu trách nhiệm. Và chúng tôi sẽ cần sự giúp đỡ của các ông để chống chọi cơn bão”.

“Tôi chỉ có thể đại diện cho cấp cao”, Carter nói. “Tôi có thể đảm bảo với anh chúng tôi sẽ có mặt khi anh cần”.

“Chúng tôi sẽ bắt bin Shafiq tại thời gian và địa điểm tự chọn, không có sự can thiệp của Langley”.

“Tổng thống rất biết ơn nếu anh tránh không làm việc này trên đất Mỹ”.

“Không có sự đảm bảo nào trong nghề của chúng ta, Adrian ạ”.

“Anh dùng lời nói của tôi để chống lại tôi đấy à?”.

“Chắc ông không tin, nhưng tôi không thể tự quyết định. Tôi cần thảo luận với Amos và Thủ tướng”.

“Amos và Thủ tướng sẽ làm những gì anh bảo”.

“Trong chừng mực thôi”.

“Vậy anh sẽ nói với họ những gì?”

“Tôi sẽ bảo rằng Tổng thống Hoa Kỳ cần giúp đỡ”, Gabrie nói. “Và tôi muốn giúp ông ta”.

Chú thích

1. Ủy ban An ninh Quốc gia Nga.
 
Chương 12: Đồi megiddo, israel


Thủ tướng cho Gabriel mượn xe chuyên dụng của ông vào lúc 2h30 trưa hôm sau. Gabriel đi về phía Armageddon. Anh nghĩ đây là một nơi rất hay để bắt đầu chuyến du ngoạn.

Thời tiết tuyệt đẹp có vẻ như không phù hợp với một dịp thế này: nhiệt độ mát mẻ, bầu trời xanh nhạt, gió nhẹ mơn man thổi ngược cánh tay áo sơ mi khi anh tăng tốc trên đường Jaffa. Anh mở đài. Khúc nhạc buồn bã vẫn phát đi sau vụ ám sát Shamron đột ngột lịm tắt, thay vào đó là bản tin. Thủ tướng hứa làm mọi việc trong khả năng của ông để lần theo dấu vết và trừng phạt những kẻ đòi lấy mạng Shamron. Ông không đề cập sự thực mình đã biết ai chịu trách nhiệm, và không đề cập đến việc đã trao quyền cho Gabriel giết kẻ đó.

Gabriel lái về phía biển, theo hướng Bab al-Wad, anh lượn lách một cách thiếu kiên nhẫn qua dòng xe cộ chậm chạp rồi chạy đua cùng mặt trời đang lặn về phía bắc dọc theo đồng bằng duyên hải. Có báo động an ninh gần Hareda - theo như rađio, một kẻ bị tình nghi là quân đánh bom liều chết đã vượt qua Hàng rào ngăn cách gần Tulkarm - nên Gabriel bắt buộc phải đợi bên lề đường hai mươi phút trước khi tiếp tục lái xe đến thung lũng Jezreel. Cách Afula năm dặm, một ngọn đồi nhỏ tròn xuất hiện bên tay trái. Người ta gọi nó là Tel Megiggo, hay đồi Megiddo, theo tiếng Do Thái. Phần còn lại của thế giới gọi nó là Armageddon, nơi đối đầu cuối cùng trên trần thế của cái thiện và ác theo ước đoán của Sách tiên tri. Trận chiến chưa bắt đầu, bãi giữ xe vắng hoe ngoại trừ ba chiếc xe tải, dấu hiệu cho biết đội khảo cổ học vẫn đang làm việc.

Gabriel xuống xe, tiến lên đỉnh theo con đường dốc đứng. Đồi Megiddo được khai quật khảo cổ định kỳ hơn một thế kỷ qua, nên đỉnh đồi bị rạch nát bởi những đường rãnh ngang dọc. Người ta đã khám phá ra dấu tích của hơn hai mươi thành phố dưới lớp đất đồi, trong đó có cả một thành phố tương thuyền là do vua Solomon xây dựng.

Anh dừng lại trên một cái rãnh và nhìn xuống. Một dáng người nhỏ mặc áo khoác nâu đang bò trong rãnh, bới đất bằng chiếc xẻng tay. Gabriel nhớ lại lần trước khi đứng quan sát công việc của một người trong hố khai quật anh cứ cảm thấy ớn lạnh sau gáy. Nhà khảo cổ học ngước lên nhìn anh trong giây lát bằng cặp mắt nâu thông minh, sau đó cúi xuống tiếp tục công việc. “Tôi chờ cậu nãy giờ”, Eli Lacon cất tiếng. “Sao cậu đến muộn vậy?”

Gabriel ngồi xuống đống cát bên rìa hố nhìn Lavon làm việc. Họ biết nhau từ vụ Tháng Chín Đen. Eli Lavon là một ayin, người lần dấu vết. Công việc của anh là theo dõi những tên khủng bố và tìm hiểu thói quen của chúng. Xét trên một vài khía cạnh, công việc của anh còn nguy hiểm hơn của Gabriel, vì thỉnh thoảng Lavon phải tiếp xúc với những tên khủng bố nhiều ngày hay nhiều tuần liền mà không có sự hỗ trợ. Sau khi đơn vị giải tán, anh định cư ở Viên, mở một cơ quan điều tra nhỏ tên là Yêu cầu và Đền bù chiến tranh. Hoạt động với số tiền nhỏ, anh đã lần theo dấu vết những tài sản trị giá hàng triệu đô la đã bị cướp khỏi tay những người Do Thái và đóng vai trò quan trọng trong việc tịch thu khu đất trị giá hàng tỷ đô la từ các ngân hàng Thụy Sĩ. Những ngày này, Lavon đang làm việc tại hố đào ở Megiddo và dạy khảo cổ học bán thời gian tại trường Đại học Do Thái.

“Anh kiếm được gì ở đó, Eli?”

“Tôi nghĩ đó là mẫu gốm“. Cơn gió mạnh thổi mái tóc xoăn bù xù xoà trước trán. “Còn cậu thì sao?’

“Một tỉ phú Arập Xêút đang cố gắng phá hủy thế giới văn minh”.

“Không phải chúng đã làm rồi sao?”

Gabriel mỉm cười. “Tôi cần anh, Eli. Anh biết cách đọc báo cáo tài chính. Anh biết cách theo dõi đường đi nước bước của tiền mà không ai khác biết”.

“Người Arập Xêút gồm những ai?”

“Chủ tịch và CEO của Tập đoàn Thánh chiến”.

“Vị Chủ tịch này có tên không?”

“Abdul Aziz al-Bakari”.

“Zizi al-Bakari?”

“Cùng một người”.

“Tôi đoán việc này có liên quan đến Shamron?”

“Và Vatican”.

“Zizi có liên quan gì?”

Gabriel kể cho anh nghe

“Tôi nghĩ mình không cần hỏi anh dự định làm gì với bin Shafiq”, Lavon nói. “Đế chế kinh doanh của Zizi rất đồ sộ. Bin Shafiq có thể đang hoạt động từ bất cứ nơi đâu trên thế giới. Làm sao chúng ta lần ra hắn được?”

“Chúng ta sẽ cài một nhân viên vào giới thân thuộc của Zizi và chờ bin Shafiq bước vào”.

“Một điệp viên trong sào huyệt của Zizi?”. Lavon lắc đầu. “Không thể nào”.

“Có thể”.

“Bằng cách nào?”

“Tôi sẽ tìm ra cái Zizi muốn”, Gabriel nói. “Rồi tôi sẽ cho ông ta cái đó”.

“Tôi đang chăm chú lắng nghe đây”.

Gabriel ngồi xuống mép rãnh khai quật, chân thòng xuống dưới, giải thích cách anh dự định thâm nhập vào Tập đoàn Thánh chiến. Từ đáy rãnh vọng lên âm thanh làm việc của Lavon - đục, đục, quét, quét, thổi…

“Ai làm điệp viên?”, anh hỏi khi Gabriel trình bày xong kế hoạch.

“Tôi vẫn chưa tìm được”.

Lavon im lặng một lát - đục, đục, quét, quét, thổi…

“Anh muốn gì từ tôi?”

“Hãy lục tung về Zizi al-Bakari và Tập đoàn AAB. Tôi muốn thông tin về từng công ty hắn sở hữu hay điều khiển. Thông tin về ban điều hành và các thành viên trong đoàn phụ tá. Tôi muốn biết mỗi người có được vị trí này bằng cách nào và làm sao để trụ lại được. Tôi muốn biết về Zizi còn nhiều hơn là ông ta biết về bản thân mình”.

“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đi làm nhiệm vụ?”

“Anh cũng sẽ đi”.

“Tôi quá già và mệt mỏi, không kham nổi những vụ khó khăn nữa đâu”.

“Anh là nghệ nhân theo dõi vĩ đại nhất trong lịch sử Văn phòng, Eli. Tôi không thể làm vụ này mà không có anh”.

Lavon ngồi dậy phủi tay vào quần. “Cài điệp viên vào giới thân cận của Zizi al-Bakari? Điên khùng. Xuống đây giúp tôi đi. Chúng ta đang dần hết ánh sáng”.

Gabriel trèo xuống hố quỳ cạnh người bạn cũ. Cùng nhau, họ đào bới tại vùng đất cổ xưa cho đến khi bóng đêm buông xuống như một tấm màn đen che phủ thung lũng.

Khi họ về đến đại lộ King Saul, đồng hồ điểm chín giờ. Lavon nghỉ hưu đã lâu, nhưng vẫn thỉnh thoảng giảng bài tại học viện và có quyền bước vào tòa nhà khi ông muốn. Gabriel dẫn anh vào phòng hồ sơ của bộ phận nghiên cứu, sau đó đi xuống hành lang ảm đạm dưới mặt đất hai tầng. Cuối hành lang là phòng 456C. Gắn trên cửa là tấm bảng giấy do chính Gabriel viết tay bằng chữ Do Thái có nội dung: ỦY BAN LÂM THỜIÌ NGHIÊN CỨU ĐE DOẠ KHỦNG BỐ TÂY ÂU. Anh quyết định hiện tại vẫn giữ nguyên như vậy.

Anh mở ổ khóa mật mã, bật đèn và bước vào trong. Căn phòng dường như bị đóng băng theo thời gian. Họ từng đặt vài cái tên cho nó: Cái Kén, Sân Trong, Cái Thùng. Yaakov, người đến từ Sở Các vấn đề Arập của Shabak, đã gọi nó là Lỗ Địa Ngục. Yossi bên bộ phận nghiên cứu gọi nó là Ngôi làng bị nguyền rủa. Đó là vì Yossi đã đọc các tác phẩm kinh điển ở Oxford nên luôn đưa không khí uyên bác vào công việc của mình, cho dù đôi khi không cần thiết phải như vậy.

Gabriel dừng lại bên chiếc bàn chung của Dina và Rimona. Những vụ đấu khẩu triền miên về việc xác định ranh giới bàn ghế của họ đã từng khiến Gabriel phát điên. Đường phân chia anh gạch chính giữa bàn vẫn còn đó, cùng với lời cảnh cáo Rimona đã ghi ở phía bên lằn ranh của cô: Lấn qua sẽ gặp nguy hiểm. Rimona là Đại úy trong IDF và làm việc cho Aman, tình báo quân đội. Cô cũng là cháu gái của Gilah Shamron. Cô tin vào việc bảo vệ ranh giới, và đáp trả bằng việc tấn công trả đũa mỗi khi Dina vượt quá lằn ranh. Ở chỗ ngồi của Dina bây giờ là một tờ giấy nhỏ trên đó có ghi dòng chữ: Cầu cho chúng ta không bao giờ phải trở lại nơi này. Thật ngây thơ, Gabriel nghĩ. Đáng lẽ Dina phải biết rõ đáp án hơn ai hết.

Anh tiếp tục đi tham quan lại căn phòng. Trong góc vẫn là những thiết bị vi tính lỗi thời không ai thèm di chuyển. Trước khi trở thành đại bản doanh của nhóm Khaled, phòng 456C chỉ là nơi chứa đồ cũ và những thiết bị điện tử lỗi thời, thường được các nhân viên trực đêm biến thành chốn hẹn hò lãng mạn. Những dòng chữ bằng phấn trên bảng do Gabriel viết vẫn còn đó. Anh hầu như không đọc được mình đã viết những gì. Anh nhìn lên bức tường dán đầy ảnh của những thanh niên Palestine. Một bức trong đó thu hút sự chú ý của Gabriel, một cậu bé đầu đội nón bê rê còn vai quàng khăn đang ngồi trên lòng A’one: Khaled al-Khalifa tại đám tang cha mình. Gabriel đã giết Sabri, và cũng đã giết Khaled.

Anh dỡ hết các bức ảnh cũ xuống và thay vào chỗ đó là hai bức ảnh mới. Một bức là hình của một người đàn ông ở vùng rừng núi Afghanistan. Bức thứ hai là ảnh của cùng người đàn ông đó mặc áo khoác bằng catsơmia và đội nón nỉ đứng trước nhà một tỷ phú ở Paris.

Nhóm Khaled bây giờ đã trở thành nhóm bin Shafiq.

Trong bốn mươi tám tiếng đầu, Gabriel và Lavon làm việc một mình. Vào ngày thứ ba họ có thêm thành viên mới là Yossi, một người đàn ông cao hói có dáng dấp của một nhà trí thức người Anh. Rimona và Yaakov đến vào ngày thứ tư. Yaakov mang theo sang từ Tổng hành dinh Shabak một hộp đầy tài liệu về những tên khủng bố đã tấn công xe của Shamron. Dina là người đến cuối cùng. Vóc dáng nhỏ nhắn, tóc đen, cô đã đứng trên đường Dizengoff ở Tel Aviv vào ngày 19/10/1994 khi một kẻ đánh bom liều chết Hamas đã biến chiếc xe buýt số 5 thành cỗ quan tài cho hai mươi mốt người. Mẹ và hai chị em gái của cô nằm trong số những người bị giết; Dina bị thương rất nặng, và bây giờ bước đi của cô vẫn còn hơi khập khiễng. Cô đã đương đầu với mất mát bằng cách trở thành một chuyên gia về khủng bố. Dina có thể kể lại thời gian, địa điểm, danh sách người chết trong bất cứ hoạt động khủng bố nào đã từng xảy ra với Israel. Có lần cô đã nói với Gabriel rằng cô biết rõ bọn khủng bố còn hơn bọn chúng biết về chính mình. Gabriel tin lời cô.

Họ bắt đầu phân công nhiệm vụ. Ahmed bin Shafiq và hội Huynh đệ Allah là địa bàn của Dina, Yaakov, và Rimona, trong khi đó Yossi tham gia cùng Lavon tìm kiếm về Tập đoàn AAB. Gabriel làm việc một mình, ít nhất là trong hiện tại, vì anh đã tự giao cho mình nhiệm vụ mà không ai ganh tị, là tìm ra bất cứ bức tranh nào đã từng được Zizi al-Bakari bán hay mua.

Ngày này qua ngày khác, những bức tường của phòng 456C bắt đầu phản ánh những kết quả thu được. Trên một bức tường, dần dần hiện ra những phác thảo đầu tiên về một mạng lưới khủng bố chết người được dẫn dắt bởi một bóng ma. Bằng tất cả khả năng của mình, họ lần theo dấu vết cuộc hành trình dài của bin Shafiq qua những lần đổ máu của bọn Hồi giáo cực đoan. Bất cứ nơi nào có vấn đề, dường như ở đó có mặt bin Shafiq để phân phát tiền bán dầu của Arập Xêút và quảng bá Wahhabi ở nhiều nước: Afghanistan, Libăng, Ai Cập, Algeria, Gioócđan, Pakistan, Chechnya, Bosnia, và dĩ nhiên, chính quyền Palestine. Tuy nhiên, họ không phải là không có những đầu mối quan trọng, vì khi thực hiện hai cuộc tấn công, bin Shafiq và hội Huynh đệ đã để lộ ra hơn một tá danh tính có thể điều tra để tìm mối liên hệ và dò ra những người quen. Dĩ nhiên có cả Ibrahim el-Banna, thầy tế Ai Cập đã chết, và Giáo sư Ali Massoudi, người chuyên tuyển mộ và phát hiện nhân tài.

Trên bức tường đối diện là mạng lưới khác của Tập đoàn AAB. Trong khi sử dụng những nguồn tư liệu công khai và bí mật như vậy, Lavon tốn khá nhiều công sức để tìm hiểu các lát cắt trong đế chế tài chính của Zizi và tập hợp những miếng ghép khác nhau giống như tập hợp các mảnh rời rạc của một cổ vật. Ở trên đỉnh mạng lưới là AAB, bên dưới là mạng lưới tài chính phức tạp gồm những công ty con và các vỏ bọc mà Zizi sử dụng để mở rộng ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách trên địa cầu trong những điều kiện bí mật gần như hoàn hảo của Tập đoàn. Với phần lớn công ty đăng ký ở Thụy Sĩ và quần đảo Cayman, Lavon ví Zizi là chiến binh tài chính bí mật, có khả năng tấn công bất cứ lúc nào nhưng lại tránh được rađa dò tìm của kẻ thù. Bất chấp sự lớn mạnh của đế chế của Zizi, Lavon vẫn kết luận những khoản tiền này có nguồn gốc không rõ ràng. “Không thể giải thích những khoản tiền kếch xù Zizi có được sau này là thu nhập từ những đầu tư ban đầu của ông ta”, ông giải thích. “AAB là bình phong của Hoàng tộc Arập Xêút ”. Còn về việc gắng tìm Ahmed bin Shafiq trong hệ thống tài chính như những chiếc vòi bạch tuộc của Zizi, Lavon ví việc này với việc tìm một cây kim trong sa mạc của Arập. “Không phải là không thể”, anh nói. “Nhưng người ta có thể chết vì khát trong khi đang cố gắng”.

Yossi phụ trách điều tra về mặt nhân sự của Zizi. Anh tập trung vào một nhóm khá nhỏ làm việc trong tổng hành dinh Geneva của Zizi ở Thụy Sĩ, cùng với nó là những công ty toàn vốn hay được AAB kiểm soát hoàn toàn. Mặc dù vậy, anh dành phần lớn thời gian để tìm hiểu về đoàn phụ tá đông đảo của Zizi. Những bức ảnh của họ chẳng bao lâu đã được dán chi chít trên bức tường ở chỗ làm việc của Yossi, đối diện với mạng lưới khủng bố của bin Shafiq. Những bức ảnh mới được gửi đến mỗi ngày vì Yossi giám sát di chuyển của Zizi trên khắp thế giới. Zizi đến tham dự cuộc họp ở Luân Đôn. Zizi nói chuyện với những nhà sản xuất xe hơi ở Stuttgart. Zizi ngắm cảnh Biển Đỏ từ khách sạn mới thành lập tại Sharm el Sheik. Zizi khánh thành nhà máy khử muối ở Yeman. Zizi được nhận giải thưởng nhân quyền từ một nhóm Hồi giáo ở Montreal có website đăng lời kêu gọi công khai hủy diệt nước Israel.

Góc phòng của Gabriel là nơi trú ẩn hoàn toàn tách khỏi lĩnh vực khủng bố và tài chính. Bức tường chỗ anh ngồi không dán hình khuôn mặt những tên khủng bố hay lãnh đạo các công ty mà dán hàng tá hình chụp tranh theo trường phái Ấn tượng Pháp. Trong khi Lavon và Yossi mất cả ngày lục lọi hồ sơ và những bản in từ máy vi tính, Gabriel lại lật từng tờ trong các quyển catalog cũ, các tài liệu chuyên khảo về trường phái Ấn tượng, và những mẩu tin cắt từ báo mô tả thành tích của Zizi trong thế giới nghệ thuật.

Đến cuối ngày thứ mười, Gabriel đã quyết định anh sẽ cài nhân viên vào Tập đoàn Thánh chiến như thế nào. Anh đến bên những bức hình được cắt dán trên tường của Yossi và nhìn một tấm ảnh đơn. Trong tấm ảnh là một người Anh gầy hốc hác, tóc muối tiêu ngồi kế Zizi sáu tháng trước tại buổi đấu giá nghệ thuật Đương đại và Ấn tượng tại nhà đấu giá Christie. Gabriel dỡ tấm ảnh giơ lên cho mọi người cùng thấy. “Người đàn ông này phải ra đi”. Sau đó anh gọi cho Adrian Carter trình bày kế hoạch dự định thâm nhập vào gia tộc Zizi như thế nào. “Bây giờ tất cả những gì cậu cần là một bức họa và một cô gái”, Carter kết luận. “Cậu tìm bức hoạ. Tôi sẽ mang cô gái đến cho cậu”.

Gabriel rời khỏi đại lộ King Saul sớm hơn thường lệ một chút và lái xe đến Ein Kerem. Có nhiều vệ sỹ im lìm canh gác bên ngoài khu chăm sóc đặc biệt của trung tâm Y tế Hadassah, Shamron đang ở một mình khi Gabriel bước vào. “Đứa con trai đi hoang cuối cùng cũng chịu đến thăm tôi”, giọng ông cay đắng. “Thật may chúng ta là những người thuộc sa mạc. Nếu không chắc cậu đã đặt tôi lên tảng băng trôi rồi đẩy tôi ra biển”.

Gabriel ngồi xuống kế bên giường. “Tôi đã đến đây ít nhất nửa tá lần”.

“Khi nào?”

“Đêm khuya, khi ông đã ngủ say”.

“Cậu đứng nhìn tôi? Giống Gilah và các bác sỹ? Tại sao cậu không đến thăm ban ngày giống những người bình thường khác”.

“Dạo này tôi rất bận”.

“Thủ tướng còn không quá bận đến mức không thể đến thăm tôi trong giờ hợp lí”. Shamron, vì cổ không thể di chuyển do bó bột, liếc xéo Gabriel đầy giận dữ. “Ông ấy bảo với tôi rằng ông đã cho phép Amos tìm người đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm để cậu có thời gian chạy việc vặt cho Adrian Carter và nước Mỹ”.

“Tôi thấy là ông không đồng ý với chuyện này”.

“Hoàn toàn không đồng ý”. Shamron nhắm mắt lại một lúc lâu - lâu đến mức Gabriel phải lo lắng liếc nhìn máy móc kế bên giường ông. “Thân ai nấy lo”, cuối cùng ông cất tiếng. “Chúng ta tự làm việc của mình. Chúng ta không nhờ ai giúp, và cũng không giúp ai giải quyết những vấn đề do chính họ gây nên. Chắc chắn chúng ta không làm người giúp việc cho Adrian Carter”.

“Ông đang trên giường bệnh thay vì tại bàn làm việc trong văn phòng Chính phủ. Chính điều này khiến Ahmed bin Shafiq cũng trở thành vấn đề của tôi. Hơn nữa thế giới đã thay đổi, Ari. Chúng ta cần hợp tác để tồn tại. Những quy tắc cũ không còn đứng vững nữa”. Shamron nhấc cánh tay đầy ống và dây nhợ chỉ về phía ly nước bằng nhựa trên bàn để cạnh tủ. Gabriel đưa ly lên môi cho Shamron uống nước bằng ống hút.

“Cậu làm vụ này vì yêu cầu của ai?”. Shamron hỏi. “Của Adrian hay cấp nào đó cao hơn?”. Khi Gabriel im lặng không trả lời, Shamron giận dữ đẩy cốc nước ra. “Cậu dự định đối xử với tôi như kẻ tàn phế à? Tôi vẫn là cố vấn đặc biệt của Thủ tướng về những vấn đề có liên quan đến an ninh và tình báo. Tôi vẫn là…”. Giọng ông nhỏ dần trong mệt mỏi.

“Ông vẫn là memuneh”, Gabriel nói hết câu giúp ông. Trong tiếng Do Thái, memuneh có nghĩa là người chịu trách nhiệm cao nhất. Trong nhiều năm danh hiệu này dành cho Shamron.

“Kẻ cậu đang săn đuổi không phải là một thằng bé nào đó ở Nabuls nữa, Gabriel. Cậu đang nhắm đến Ahmed bin Shafiq và Zizi al-Bakari. Nếu có chuyện không ổn, cả thế giới sẽ đổ ập xuống cậu, từ những. Lúc đó Adrian Carter bạn cậu sẽ không có mặt để vực cậu dậy đâu. Lẽ ra cậu nên hỏi ý kiến của tôi. Tôi đã làm công việc này vài lần rồi”.

Gabriel thò đầu ra hành lang yêu cầu các nhân viên bảo vệ tắt các hệ thống giám sát hình và âm thanh. Sau đó anh ngồi xuống ghế kế bên giường ghé miệng vào tai Shamron kể ông nghe mọi chuyện. Ánh nhìn của Shamron lúc này trở nên chú ý hơn. Khi ông đặt câu hỏi đầu tiên, Gabriel nhớ lại hình ảnh người đàn ông sắt đá bước vào cuộc sống của anh tháng 9 năm 1972.

“Cậu đã quyết định chọn một người phụ nữ?”

Gabriel gật đầu.

“Cậu sẽ phải cần một người có câu chuyện đáng tin mới có thể chống lại sự soi mói của những nhân viên an ninh được trả lương cao của Zizi. Cậu không thể dùng người của chúng ta, cũng không thể dùng một cô gái Do Thái không phải là người Israel. Nếu Zizi ngờ rằng hắn đang nhìn thấy một cô gái theo Do Thái giáo, hắn sẽ tránh xa cô ta. Cậu cần một người không theo đạo”.

“Điều tôi cần”, Gabriel nói, “là một cô gái Mỹ”.

“Cậu dự định kiếm cô gái đó ở đâu?”

Gabriel trả lời bằng một từ ngắn gọn khiến Shamron cau mày. “Tôi không thích cái ý nghĩ rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm về điệp viên của họ. Nếu có chuyện gì không ổn thì sao?”

“Chuyện gì không ổn?”

“Mọi thứ”, Shamron trả lời. “Cậu biết điều này rõ hơn ai hết”.

Trông Shamron có vẻ mệt mỏi. Gabriel vặn nhỏ đèn ngủ.

“Cậu định làm gì?” Shamron hỏi. “Đọc truyện đêm khuya cho tôi nghe à?”

‘Tôi định ngồi với ông cho đến khi ông ngủ”.

“Gilah sẽ làm việc ấy. Về nhà nghỉ ngơi đi. Cậu cần nghỉ ngơi”.

“Tôi sẽ ngồi thêm một lúc”.

“Về nhà đi”, Shamron nói lại. “Có người đang chờ ở nhà rất mong gặp cậu”.

Hai mươi phút sau, khi Gabriel quẹo vào đường Narkiss, anh thấy đèn đang bật trong căn hộ của mình. Anh đậu chiếc Skoda tại khúc quanh và bước nhẹ lên lối đi dẫn vào toà nhà. Khi anh rón rén đặt chân vào căn hộ, không khí trong nhà tràn ngập mùi vani. Chiara đang ngồi bắt chéo chân trên bàn trong ánh đèn làm việc sáng lóa của anh. Nàng quan sát kỹ Gabriel khi anh bước vào, sau đó nhìn một vòng quanh căn phòng trước kia từng là phòng khách được trang trí rất đẹp.

“Em thích những gì anh đã làm với nơi này, Gabriel ạ. Xin đừng nói với em là anh đã quăng luôn chiếc giường ngủ”.

Gabriel lắc đầu rồi hôn nàng.

“Anh ở thành phố bao lâu?”, nàng hỏi.

“Sáng mai anh đi rồi”.

“Cũng như thường lệ, em chọn thời điểm thật hoàn hảo. Anh sẽ đi bao lâu?”

“Khó nói lắm”.

“Anh đưa em đi cùng được không?”

“Lần này không được”.

“Anh sẽ đi đâu?”

Gabriel bế Chiara lên và tắt đèn.
 
Chương 13: Luân đôn


Tôi cần một bức Van Gogh, Julian”.

“Ai mà không cần, bạn thân mến”.

Isherwood kéo cổ tay áo lên nhìn đồng hồ. Bây giờ là mười giờ sáng. Giờ này mọi ngày anh đang có mặt tại phòng triển lãm tranh, chứ không phải đi dạo dọc theo công viên Thánh James. Anh dừng bước một lát ngắm đàn vịt bơi trên mặt nước tĩnh lặng về phía đảo. Gabriel dùng cơ hội này đảo mắt quanh công viên xem họ có bị theo dõi không. Sau đó anh nắm khuỷu tay Isherwood kéo về phía đường Kỵ Binh.

Họ là một cặp không tương xứng, giống như những nhân vật đến từ những bức họa khác nhau. Gabriel mặc quần jeans đen và đi giày êm không gây ra tiếng động khi di chuyển. Tay anh thọc vào túi áo khoác ngoài bằng da, vai nghiêng về phía trước, còn đôi mắt xanh đảo khắp công viên. Isherwood, lớn hơn Gabriel mười lăm tuổi và cao hơn anh vài cen-ti-mét, mặc bộ vest sọc trắng và áo khoác ngoài bằng len. Những lọn tóc muối tiêu xòa ra bên ngoài cổ áo khoác, nó nâng lên rồi hạ xuống theo mỗi nhịp sải bước dài nhưng không chắc chắn. Có điều gì đó chênh vênh trong dáng đi của Julian Isherwood. Như mọi khi, Gabriel luôn phải cưỡng lại mong muốn thò tay ra giữ anh ta lại cho chắc.

Họ đã biết nhau 30 năm. Cái họ đầy chất Anh-Isherwood và dáng người cao lêu nghêu đặc trưng của dân Anh đã giúp anh ta che giấu sự thực trái ngược. Julian có quốc tịch và hộ chiếu là ở Anh, nhưng sinh ở Đức, được nuôi dưỡng ở Pháp và theo đạo Do Thái. Chỉ một vài người bạn tin cẩn biết rằng hồi nhỏ Isherwood được hai người chăn cừu xứ Basque đưa qua núi Pyrenees đầy tuyết phủ sang nước Anh tị nạn. Rằng cha anh, một người bán tranh nổi tiếng ở Paris tên Samuel Isakiwitz, đã bị giết tại trại tử thần Sobibor cùng mẹ. Có một việc khác Isherwood cũng giấu những người cạnh tranh trong thế giới nghệ thuật Luân Đôn - và hầu hết những người khác. Trong thuật ngữ của Văn phòng, Julian Isherwood là sayan, một người ủng hộ tự nguyện theo đạo Do Thái. Anh được Shamron tuyển mộ với lí do duy nhất: giúp xây dựng và duy trì vỏ bọc của một điệp viên duy nhất rất đặc biệt.

“Người bạn Mario Delveccio của tôi sao rồi?” Isherwood hỏi.

“Biến mất không còn dấu vết”, Gabriel nói. “Tôi hi vọng vụ bại lộ của tôi không gây cho anh khó khăn nào”.

“Cho đến giờ vẫn chưa có gì”.

“Không có lời đồn đại nào trên đường? Không có câu hỏi khó xử nào trong các cuộc đấu giá? Không nhân viên MI5 nào ghé thăm?”

“Ý cậu muốn hỏi những người ở Luân Đôn có xem tôi như là điệp viên đắc lực của Israel không à?”

“Đúng vậy”.

“Ở mặt trận này mọi thứ rất yên ắng. Nhưng thật ra lúc đó chúng ta cũng không phô trương mối quan hệ với nhau nhiều. Đó không phải là phong cách của cậu. Cậu không phô trương về bất cứ điều gì. Cậu là một trong vài nhà phục chế tranh giỏi nhất thế giới, vậy mà không ai biết điều này. Thật tiếc”.

Họ đến góc đường Great George. Gabriel chuyển hướng sang bên phải vào Lối đi lồng chim.

“Ai biết về chúng ta ở Luân Đôn, Julian? Ai biết anh có mối quan hệ chuyên môn với Mario?”

Isherwood nhìn hàng cây rũ xuống dọc vệ đường. “Thật ra là rất ít người. Có Jeremy Crabbe tại Bonhams. Anh ta vẫn rất giận dữ với cậu vì cậu đã lấy bức họa Rubens trước mũi anh ta”. Isherwoob đặt bàn tay dài xương xẩu lên vai Gabriel. “Có người đã đặt mua bức tranh này. Tất cả những gì tôi cần là vẽ”.

“Tôi đã quét vécni lên bức tranh hôm qua trước khi rời Jerusalem”, Gabriel nói. “Tôi sẽ dùng một trong những công ty chuyển phát hàng đầu để nhận được nó càng nhanh càng tốt. Anh sẽ có bức tranh vào cuối tuần. Tiện thể, anh nợ tôi 150 ngàn bảng”.

“Hóa đơn gửi trong thư, bạn thân mến”.

“Còn ai nữa không?”. Gabriel hỏi. “Còn ai khác biết về chúng ta?”

Isherwood suy nghĩ một lát. “Gã Oliver Dimbleby xấu xa”, anh nói. “Cậu nhớ Oliver không? Tôi giới thiệu cậu với hắn tại nhà hàng Green khi chúng ta đang dùng bữa trưa. Một nhà bán tranh nhỏ không mấy danh tiếng ở đường King. Hắn đã từng có lần nài tôi bán lại cho hắn phòng triển lãm tranh”.

Gabriel vẫn còn giữ tấm danh thiếp dát vàng hợm hĩnh mà Oliver đã nhét vào tay anh. Khi đó Oliver hầu như không nhìn về phía anh. Oliver là như thế.

“Tôi đã giúp Crabbe nhiều trong những năm qua”, Isherwood nói. “Những kiểu giúp đỡ mà chúng tôi không thích nói đến trong ngành. Còn đối với Oliver Dimbleby, tôi đã giúp hắn dọn dẹp sạch sẽ đống bầy hầy hắn tạo ra với một cô bé làm trong phòng tranh mình. Tôi nhận cô bé tội nghiệp vào. Cho cô bé một công việc. Cô ta bỏ tôi qua nhà bán tranh khác. Những cô gái của tôi cô nào cũng thế. Tôi có gì khiến phụ nữ bỏ đi nhỉ. Tôi là mục tiêu dễ chinh phục, chắc vậy. Hẳn phụ nữ sẽ nhận thấy điều này. Chỗ của cậu cũng thấy thế. Và Herr Heller chắc chắn cũng không là ngoại lệ”.

Herr Rudolf Heller, một người đầu tư rủi ro đến từ Zurich, là một trong những bí danh ưa thích nhất của Shamron. Đó chính là tên ông dùng khi tuyển mộ Isherwood.

“Nhân tiện, ông sao rồi?”

“Ông gửi đến anh lời chào”.

Gabriel hạ mắt xuống nhìn vỉa hè ẩm ướt. Một cơn gió lạnh từ công viên thổi lá rụng cuốn lên từ dưới chân họ.

“Tôi cần một bức Van Gogh”, Gabriel nhắc lại.

“Được rồi, tôi đã nghe cậu nói về điều này rồi. Vấn đề là tôi không có bức Van Gogh nào. Nếu cậu quên thì tôi nhắc lại cho cậu nhớ, phòng tranh Isherwood chỉ chuyên về các bậc thầy thời xưa. Nếu cậu muốn một bức theo trường phái Ấn tượng, cậu phải đi chỗ khác”.

“Vậy báo cho tôi biết tôi có thể tìm bức đó ở đâu”.

“Trừ phi cậu dự định ăn trộm, hiện tại trên thị trường không có bức nào - ít nhất theo tôi biết là vậy”.

“Nhưng không đúng thế, đúng không, Julian? Anh có biết về một bức Van Gogh. Cách đây cả thế kỷ anh có kể cho tôi nghe một lần - câu chuyện về bức tranh trước đây chưa ai biết mà cha anh đã thấy ở Paris giữa hai cuộc chiến”.

“Không chỉ mình cha tôi”, Isherwood nói. “Tôi cũng đã thấy bức tranh. Vincent vẽ bức này ở Auvers trong những ngày cuối cùng của đời ông. Có lời đồn bức tranh này có thể làm hư hại thanh danh ông. Vấn đề là bức tranh không để bán, và có lẽ chẳng bao giờ được bán. Gia đình đó đã nói với tôi rất rõ họ không dự định chia tay với bức tranh. Họ rất kiên quyết và muốn giữ bí mật về sự tồn tại của bức tranh”.

“Kể tôi nghe lại câu chuyện đi”.

“Bây giờ tôi không có thời gian, Gabriel. Tôi có cuộc hẹn lúc 10 giờ 30 phút tại phòng tranh”.

“Hủy cuộc hẹn đi, Isherwood. Kể tôi nghe về bức tranh đó”.

Isherwood băng qua cầu thang bộ bắc ngang qua hồ vào phòng trưng bày tranh của anh trong công viên St. James. Gabriel thọc tay sâu hơn vào túi áo khoác bước theo anh.

“Cậu đã phục chế tranh ông ấy bao giờ chưa?”. Isherwood hỏi.

“Vincent à? Chưa bao giờ”.

“Cậu biết bao nhiêu về những ngày cuối đời của ông?”

“Cũng như mọi người”.

“Vớ vẩn, Gabriel. Đừng đóng vai kẻ ngốc với tôi. Bộ óc cậu giống Từ điển Grove về Nghệ thuật”.

“Lúc đó là mùa hè năm 1890 phải không?”

Isherwood gật đầu với vẻ đồng ý của một chuyên gia. “Cậu tiếp tục đi”.

“Sau khi Vincent rời bệnh viện tâm thần ở Saint-Rémy, ông đến Paris để thăm Theo và Johanna. Ông thăm một vài phòng tranh và trưng bày, và dừng lại tại cửa hàng bán dụng cụ vẽ Père Tanguy để kiểm tra một vài bức vải vẽ ông cất ở đó. Ba ngày sau ông bắt đầu cảm thấy chán nơi này, vì thế ông lên tàu đi Auvers-sur-Oise, một nơi cách Paris hai mươi dặm. Ông nghĩ Auvers là nơi lí tưởng, rằng cảnh đồng quê yên tĩnh sẽ rất thích hợp với công việc sáng tác, và nó vẫn gần Theo, nguồn mạch kinh tế và tình cảm của ông. Ông thuê phòng ở nhà trọ Café Ravoux và nhờ bác sỹ Paul Gachet theo dõi sức khỏe”.

Gabriel nắm tay Isherwood và cùng nhau họ lao qua làn xe cộ trên đường Mall tiến vào đường Marlborough.

“Ông bắt đầu vẽ ngay lập tức. Phong cách cũng như tâm trạng ông trở nên bình tĩnh và dịu dàng hơn. Sự buồn bực và bạo lực đặc trưng trong hầu hết các tác phẩm của ông ở Saint-Rémy và Arles không còn nữa. Sức sáng tạo của ông mạnh mẽ đến mức khó tin. Trong vòng hai tháng ở Auvers, ông đã vẽ hơn tám mươi tác phẩm. Mỗi ngày một bức. Có vài ngày đến hai bức”.

Họ quẹo vào đường King. Gabriel đột nhiên đứng sững lại. Ngay trước mặt họ, đi dọc trên vỉa hè về phía lối vào nhà đấu giá Christie là Olver Dimbleby. Isherwood quẹo gấp vào đường Bury và tiếp tục từ chỗ Gabriel dừng lại.

“Khi Vincent không cầm cọ vẽ, người ta thường thấy ông tha thẩn trong phòng riêng ở trên nhà trọ Café Ravoux hay ngồi chơi tại nhà Gachet. Gachet là người góa vợ hai con, cậu con trai 15 tuổi và cô con gái vừa bước qua tuổi 21 khi Vincent đến Auvers ở”.

“Marguerite”.

Isherwood gật đầu. “Cô là một cô gái xinh đẹp, và rất say mê Vincent. Cô đồng ý ngồi làm mẫu cho ông - không may là không có sự đồng ý của cha mình. Ông vẽ cô trong vườn của gia đình, mặc đầm trắng”.

“Bức Marguerite Gachet trong vườn”, Gabriel nói.

“Khi cha cô phát hiện ra, ông nổi cơn lôi đình”.

“Nhưng cô vẫn làm mẫu cho ông”.

“Đúng vậy”, Isherwood tán thành. “Bức vẽ thứ hai là Marguerite chơi đàn piano. Cô ấy cũng xuất hiện trong bức Trong rừng có hai bóng người, một tác phẩm mang tính tượng trưng sâu sắc được một vài sử gia nghệ thuật cho là lời tiên đoán cái chết của chính ông. Nhưng tôi tin đó chính là Vincent và Marguerite sánh bước dọc theo lối đi trong nhà thờ – đó là linh cảm của Vincent về đám cưới”.

“Có bức vẽ thứ tư về Marguerite à?”

“Marguerite Gachet tại bàn trang điểm”, Isherwood đáp. “Bức đẹp nhất trong số này. Chỉ vài người biết đến sự tồn tại của nó hoặc đã từng được nhìn thấy nó. Vincent vẽ bức này vài ngày trước khi chết. Sau đó nó biến mất”.

Họ bước tới đường Duke và đi qua lối hẹp vào sân lát gạch có tên gọi là Mason’s Yard. Phòng tranh của Isherwood chiếm một gian nhỏ theo kiểu Victoria ở góc xa, nằm kẹp giữa công ty vận chuyển nhỏ của Hy Lạp và quán rượu toàn những cô gái xinh đẹp lái xe tay ga. Isherwood chuẩn bị băng qua sân vào phòng tranh thì Gabriel nắm ve áo anh kéo đi theo hướng ngược lại. Khi họ đi quanh sân băng qua những chỗ râm lạnh lẽo, Isherwood nói về cái chết của Vincent.

“Vào tối 27/7, Vincent trở lại nhà trọ Café Ravoux và loạng choạng lên lầu để về phòng. Bà Ravoux đi theo ông và phát hiện ông đã bị bắn. Bác sỹ dĩ nhiên là Gachet. Ông quyết định để viên đạn trong bụng Vincent và cho gọi Theo tới Auvers. Khi Theo tới buổi sáng hôm sau, ông thấy Vincent đang nằm trên giường hút thuốc. Ông chết trong ngày hôm đó”.

Họ bước ra khoảnh sân có ánh nắng mặt trời chói chang. Isherwood che mắt bằng bàn tay dài.

“Rất nhiều câu hỏi không lời giải đáp được đặt ra về vụ tự tử của Vincent. Người ta không rõ ông lấy súng ở đâu, hay địa điểm chính xác ông tự bắn mình. Cũng có những câu hỏi về động lực thúc đẩy ông làm việc này. Có phải vụ tự tử là để chấm dứt thời gian dài chiến đấu chống lại bệnh điên? Hay ông cùng quẫn vì nhận được thư của Theo báo rằng anh không thể vừa chu cấp cho ông cùng lúc với vợ con của anh ta? Hay Vincent quyết định dùng mạng mình để khiến các tác phẩm của ông nổi tiếng và bán chạy? Tôi chưa bao giờ hài lòng vì những giả thuyết này. Tôi nghĩ chuyện này phải có liên quan đến Gachet. Hay đúng hơn là với con gái của Gachet”.

Họ lại bước vào khoảng sân bị bóng râm che phủ. Isherwood hạ tay xuống.

“Trước ngày Vincent tự bắn mình, ông đã đến nhà Gachet. Hai người cãi lộn dữ dội, và Vincent dùng súng đe dọa Gachet. Đâu là nguyên nhân vụ tranh cãi? Sau đó Gachet nói rằng nó có liên quan đến một bức vẽ. Tôi nghĩ nguyên nhân là về Marguerite. Có lẽ có liên quan đến bứcMarguerite Gachet bên bàn trang điểm. Đây là một tuyệt phẩm, một trong những bức chân dung đẹp nhất của Vincent. Dáng ngồi và bối cảnh rõ ràng tượng trưng cho một cô dâu trong đêm tân hôn. Một người như Paul Gachet không thể nào bỏ qua ý nghĩa hiển nhiên của bức tranh. Nếu ông đã thấy bức tranh - không có lí do ông chưa thấy - ắt hẳn ông đã vô cùng giận dữ. Có lẽ Gachet bảo với Vincent rằng chuyện có một đám cưới với con gái mình là không thể. Có lẽ ông cấm không cho Vincent được vẽ con gái mình. Có lẽ ông cấm Vincent gặp lại Marguerite. Chúng ta biết là Marguerite không có mặt tại đám tang của Vincent, mặc dù ngày hôm sau người ta thấy cô đầy nước mắt đặt hoa hướng dương lên mộ ông. Cô không bao giờ kết hôn, và sống như một ẩn sỹ tại Auvers cho đến cuối đời vào năm 1949”.

Họ băng qua lối vào phòng tranh của Isherwood và tiếp tục đi.

“Sau cái chết của Vincent, những bức vẽ của ông trở thành tài sản của Theo. Ông chuyển những tác phẩm Vincent đã vẽ tại Auvers về lưu giữ ở Père Tanguy thuộc Paris. Chẳng bao lâu sau cái chết của Vincent, Theo cũng qua đời, và những bức họa trở thành tài sản của Johanna. Không người bà con nào của Vincent muốn lấy tác phẩm của ông. Anh trai của Johanna nghĩ chúng không đáng giá và đề nghị đốt những bức họa này”. Isherwood nói. “Cậu có tưởng tượng được không?”. Anh lại đẩy mình về phía trước bằng sải chân dài. “Johanna lập danh sách những tác phẩm và làm việc không mệt mỏi để xây dựng danh tiếng của Vincent. Chính nhờ Johanna mà Vincent được coi là hoạ sĩ vĩ đại. Nhưng có một sự bỏ sót quan trọng trong danh sách những tác phẩm được biết đến của Vincent”.

“Marguerite Gachet bên bàn trang điểm”.

“Chính xác”, Isherwood đồng ý. “Đây là tai nạn hay sự cố tình? Dĩ nhiên chúng ta sẽ không bao giờ được biết, nhưng tôi có một giả thuyết. Tôi nghĩ rằng Johanna biết bức vẽ đã góp phần gây nên cái chết của Vincent. Dù gì đi nữa, nó được bán với giá rẻ mạt trong vòng một năm sau cái chết của Vincent và không có ai còn được nhìn thấy nó nữa. Đây cũng là lúc cha tôi bước vào câu chuyện”.

Họ hoàn tất vòng đi dạo đầu tiên vòng quanh sân và bắt đầu vòng đi thứ hai. Bước đi của Isherwood chậm lại khi anh kể về cha mình.

“Trong tim mình bao giờ ông cũng là người Berlin. Ông muốn ở đó mãi mãi. Dĩ nhiên chuyện này là không thể. Cha tôi nhìn thấy dông bão nổi lên nên mau chóng rời bỏ thành phố. Cuối năm 1936, chúng tôi đã rời Berlin và chuyển đến Paris”. Anh nhìn Gabriel. “Thật không may ông cậu không làm như vậy. Ông là một họa sỹ vĩ đại. Cậu xuất thân từ một gia đình danh giá, cậu bé của tôi ạ”.

Gabriel nhanh chóng thay đổi chủ đề. “Phòng tranh của cha anh nằm trên rue de la Boétie đúng không?”

“Đúng vậy”. Isherwood đáp. “Rue de la Boétie là trung tâm thế giới nghệ thuật thời đó. Paul Rosenberg có phòng tranh tại số 21. Picasso và Olga sống bên kia sân tại số 23. Georges Wildenstein, Paul Guillaume, Josse Hessel, Étienne Bignou - tất cả mọi người đều ở đó. Phòng tranh của Isakowitz nằm kế bên phòng tranh của Paul Rosenberg. Picasso là ‘Chú Pablo” của tôi. Ông ấy thường cho tôi xem ông ấy vẽ, còn Olga hay cho tôi sôcôla đến khi tôi phát ngấy”.

Isherwood cho phép mình mỉm cười trong chốc lát, nhưng nụ cười ấy nhanh chóng nhạt đi khi anh tiếp tục câu chuyện về cha mình ở Paris.

“Người Đức đến vào tháng năm 1940 bắt đầu cướp bóc. Cha tôi thuê lâu đài ở Bordeaux bên địa phận thuộc phe Vichy và chuyển phần lớn các bức tranh của ông về nơi này. Chúng tôi nhanh chóng theo ông. Người Đức vượt qua khu vực không chiếm đóng năm 1942, và những vụ bắt bớ trục xuất bắt đầu. Chúng tôi bị kẹt. Cha tôi trả tiền cho hai người chăn cừu xứ Basque đưa tôi vượt núi tới Tây Ban Nha. Ông đưa tôi một vài tài liệu để mang theo, danh mục các tác phẩm và hai quyển nhật ký. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông”.

Có tiếng còi xe lớn trên đường Duke; những con chim bồ câu bay tán loạn trên khoảnh sân có bóng râm.

“Mãi nhiều năm sau tôi mới đọc những quyển nhật ký. Trong một quyển cha tôi đã kể về một bức tranh ông trông thấy ở Paris tại nhà một người tên là Isaac Weinberg”.

“Marguerite Gachet bên bàn trang điểm”.

“Wienberg bảo với cha tôi rằng ông ta mua bức tranh từ Johanna không lâu sau khi Vincent chết và đã tặng vợ làm quà sinh nhật. Cha tôi hỏi Isaac liệu ông có muốn bán không, và Isaac trả lời là không. Ông dặn cha tôi không được nhắc về bức tranh cho bất kì ai. Cha tôi đã làm theo lời ông ấy”.

Điện thoại di động của Isherwood reo, nhưng anh phớt lờ.

“Vào đầu những năm 1970, ngay trước khi tôi gặp anh, tôi đang đi công tác tại Paris. Tôi có vài giờ rảnh rang giữa các cuộc hẹn, nên quyết định đến tìm Isaac Weinberg. Tôi đến địa chỉ ở quận Marais được ghi trong quyển sổ tay của cha tôi, nhưng Weinberg không ở đó. Ông đã mất mạng trong chiến loạn. Nhưng tôi gặp con trai ông, Marc, và kể với anh ta về đoạn trong quyển nhật ký của cha tôi. Ban đầu anh ta phủ nhận cậu chuyện, nhưng cuối cùng cũng nhượng bộ cho tôi xem bức tranh sau khi bắt tôi thề phải giữ bí mật mãi mãi. Tôi hỏi liệu anh ta có muốn bán nó không. Anh ta từ chối”.

“Anh chắc chắn đây là tác phẩm của Vincent?”

“Không mảy may nghi ngờ”.

“Kể từ hồi ấy đến giờ anh không quay lại đó?”

“Ngài Weinberg đã nói rất rõ sẽ không bao giờ bán bức tranh. Tôi thấy không cần thiết”. Isherwood dừng lại quay sang đối diện với Gabriel. “Được rồi, bạn thân mến. Tôi đã kể anh nghe mọi chuyện. Bây giờ anh kể tôi nghe chuyện này là như thế nào”.

“Tôi cần bức hoạ đó của Van Gogh, Julian”.

“Để làm gì?”

Gabriel nắm tay áo của Isherwood dẫn anh ta về phía cửa phòng tranh.

Có tấm bảng gắn bộ đàm kế bên cánh cửa kiếng có bốn cái nút và bốn bảng tên tương ứng. Một tấm bảng ghi: PHÒNG TRANH ISHERWOOD: CHỈ TIẾP KHÁCH CÓ HẸN. Isherwood mở cửa bằng chìa khóa và dẫn Gabriel lên cầu thang trải thảm xơ xác. Trên đầu cầu thang là hai cánh cửa nữa. Ở bên trái là một đại lý du lịch làm ăn không mấy phát đạt. Người chủ, một cô gái già tên là Archer, đang ngồi tại bàn dưới tấm áp phích có hình một cặp nam nữ đang vui vẻ nô đùa trong làn nước xanh ngắt. Cô thư ký mới nhất của anh, một cô gái đáng thương tên Tanya, nhìn họ chăm chú khi Isherwood và Gabriel bước vào. “Đây là ông Klein”, Isherwood giới thiệu. “Ông muốn xem vài bức tranh trên lầu. Không ai được phép quấy rầy chúng tôi. Như vậy mới là cô gái ngoan, Tanya yêu mến ạ”.

Họ bước vào cầu thang máy có kích cỡ một trạm điện thoại, và bấm nút đi lên. Họ đứng sát nhau đến nỗi Gabriel có thể ngửi thấy mùi rượu vang đỏ tối hôm qua trong hơi thở của Isherwood. Một vài giây sau, thang máy rung rung dừng lại và cánh cửa mở ra kêu kẽo kẹt. Phòng trưng bày của Isherwood nửa sáng nửa tối, chỉ được chiếu sáng bởi ánh mặt trời rọi vào qua khung cửa sổ trên mái nhà. Isherwood ngồi xuống chiếc đi văng bọc nhung ở giữa phòng trong khi Gabriel đi chầm chậm quanh phòng ngắm các bức tranh. Những bức tranh gần như vô hình trong bóng tối nhưng anh biết chúng rất rõ: bức Venus của Luini, Lễ Thánh đản của Perino del Vaga, Lễ rửa tội Chúa Jesu của Bordone, một bức tranh phong cảnh rực rỡ của Claude.

Isherwood mở miệng định cất tiếng nói nhưng Gabriel đưa tay lên môi và móc ra từ túi áo khoác một đồ vật nhìn có vẻ giống một chiếc điện thoại Nokia thông thường. Nó thật sự là một chiếc điện thoại Nokia nhưng có thêm một vài chức năng không dành cho những người bình thường, như thiết bị dò tín hiệu GPS và thiết bị có thể phát hiện sự hiện diện của máy phát tín hiệu. Gabriel đi vòng quanh phòng lần nữa, lần này mắt anh nhìn vào điện thoại. Sau đó anh ngồi xuống kế bên Isherwood, bằng giọng nhỏ nhất có thể, Gabriel nói cho anh ta biết lí do tại sao mình cần bức Van Gogh.

“Zizi al-Bakari?”. Isherwood hỏi với vẻ không tin. “Một tên khủng bố khát máu? Cậu chắc không?”

“Ông ta không gài bom, Julian. Ông ta cũng không chế bạo bom. Nhưng ông ta trả tiền hoá đơn, và dùng đế chế kinh doanh của mình để giúp cho hoạt động của những tên khủng bố và vận chuyển trang thiết bị đi toàn cầu. Trong thế giới ngày nay việc này cũng xấu xa như trực tiếp thực hiện hành động khủng bố. Thậm chí còn tệ hơn”.

“Tôi gặp ông ta một lần, nhưng chắc ông ta không nhớ. Tôi đã đến dự bữa tiệc tại dinh cơ của ông ta ở Gloucestershire. Bữa tiệc thật vĩ đại. Cả biển người. Chẳng thấy Zizi ở đâu. Ông ta chỉ xuất hiện vào phút cuối giống Gatsby chết tiệt. Được vây quanh bởi các vệ sỹ, thậm chí là ở ngay trong nhà mình. Một gã kì lạ. Mặc dù vậy ông ta là người sưu tập rất đam mê, đúng không? Nghệ thuật. Phụ nữ. Bất cứ cái gì tiền có thể mua được. Kẻ săn mồi, tôi nghe người ta nói về ông ta như vậy. Tôi chưa bao giờ từng làm ăn với ông ta. Sở thích của Zizi không phải ở tranh của những bậc thầy. Zizi thích trường phái Ấn tượng và những tác phẩm hiện đại. Tất cả những người Arập Xêút đều như vậy. Họ không thích hình tượng Thiên Chúa giáo trong tranh của các bậc thầy thời xưa”.

Gabriel ngồi xuống kế bên Isherwood. “Ông ta không có bức Van Gogh nào, Julian. Ông ta có hé lộ rằng mình đang tìm kiếm, nhưng không phải bất cứ bức tranh Van Gogh nào ông ta cũng thích. Ông ta muốn một bức thật đặc biệt”.

“Theo tôi biết, ông ta mua tranh rất kỹ tính. Ông ta có thể chi hàng đống tiền, nhưng luôn chi một cách khôn ngoan. Ông ta có bộ sưu tập sánh ngang với một bảo tàng, nhưng bây giờ tôi mới được biết là ông ta không có tác phẩm nào của Van Gogh”.

“Cố vấn nghệ thuật của ông ta là một người Anh tên Andrew Malone. Anh biết ông ta không?”

“Thật không may, Andrew và tôi biết nhau rất rõ. Ông ta đào bới rất sâu vào túi tiền của Zizi. Đi nghỉ trên du thuyền của Zizi. Chiếc du thuyền ấy to như chiếc Titanic chết tiệt. Andrew rất lươn lẹo và có tính cách dơ bẩn”.

“Như thế nào?”

“Ông ta ăn hai bên, bạn thân mến ạ”.

“Ý anh là sao, Julian?”

“Andrew có bản hợp đồng độc quyền với Zizi, có nghĩa là ông ta không được nhận tiền từ bất cứ người bán hay sưu tập tranh nào. Đó là cách những đại gia như Zizi chắc chắn rằng lời tư vấn họ nhận được không bị ảnh hưởng bởi những mâu thuẫn về quyền lợi”.

“Malone đã làm gì?”

“Tống tiền, ăn hoa hồng nước đôi”.

“Anh chắc chứ?”

“Chắc chắn, bạn thân mến ạ. Mọi người ở đây biiết rằng nếu muốn làm ăn với Zizi, phải trả tiền phí qua cửa cho Andrew Malone”.

Isherwood bỗng nhiên đứng dậy đi dọc phòng.

“Vậy kế hoạch của cậu là gì? Nhử hắn ra khỏi ổ bằng bức tranh của Van Gogh à? Nhử bức tranh trước mặt ông ta và hi vọng ông ta cắn câu? Nhưng sẽ có điều gì khác ở cuối cần câu, đúng không? Một trong những điệp viên của cậu?”

“Một thứ gần giống vậy”.

“Cậu dự định tiến hành công việc ngông cuồng này ở đâu? Theo tôi đoán là ở đây à?”

Gabriel nhìn quanh căn phòng một cách hài lòng. “Đúng vậy”, anh nói. “Tôi sẽ làm công việc này êm thấm thôi”.

“Tôi sợ điều này lắm”.

“Tôi cần một nguời môi giới”, Gabriel nói. “Một người có danh tiếng trong ngành. Một người tôi có thể tin tưởng”.

“Tôi làm trong lĩnh vực tranh của các bậc thầy, không phải các họa sỹ theo trường phái Ấn tượng”.

“Điều này không ảnh hưởng đến một thương vụ kín tiếng như vụ này”.

Isherwood không tranh cãi. Anh biết Gabriel nói đúng. “Cậu đã tính đến hậu quả dành cho tôi nếu vụ làm ăn của cậu thành công chưa? Tôi sẽ là người bị đánh dấu. Tôi có thể xử những vụ như Oliver Dimbleby, nhưng bọn al-Qaeda khát máu lại là một chuyện khác”.

“Dĩ nhiên chúng tôi phải lo sự an toàn cho anh sau khi thành công”.

“Tôi rất thích cách nói giảm của cậu, Gabriel. Cậu và Shamron luôn tìm cách nói giảm để mọi việc nhẹ nhàng hơn khi sự thật trở nên quá khủng khiếp. Họ sẽ treo giá lên đầu tôi. Tôi phải đóng cửa tiệm. Phải chạy trốn”.

Gabriel không bị lay động bởi những lời phản đối của Julian. “Anh không còn trẻ nữa, Julian. Anh gần kết thúc con đường của mình rồi. Anh không có con cái. Không người thừa tự. Ai sẽ thừa kế phòng tranh. Thêm nữa, anh nên suy nghĩ một chút về mức hoa hồng anh nhận được trong vụ bán riêng một tác phẩm trước đây chưa từng được biết đến của Van Gogh. Thêm vào đó là việc bán những tác phẩm anh hiện có. Mọi việc còn có thể tệ hơn nhiều, Julian”.

“Tôi đang hình dung ra một biệt thự xinh đẹp ở miền nam nước Pháp. Một cái tên mới. Và một đội an ninh của Văn phòng chăm sóc tôi trong lúc về già”.

“Nhớ để dành phòng cho tôi”.

Isherwood ngồi xuống lại. “Kế hoạch của cậu có một lỗ hổng lớn. Cậu sẽ dễ lừa lão khủng bố đó hơn là mua bức Van Gogh. Giả sử bức tranh đó vẫn còn là tài sản của nhà Weinberg, điều gì làm cậu nghĩ họ sẽ chịu bán nó?”

“Ai nói gì về việc bán những bức tranh nhỉ?”

Isherwood mỉm cười. “Tôi sẽ lấy địa chỉ cho cậu”.
 
Chương 14: Quận marais, paris


Anh nên ăn cái gì đó”, Uzi Navot nói.

Gabriel lắc đầu. Anh đã ăn trưa trên tàu từ Luân Đôn.

“Ăn súp củ cải đỏ đi”, Navot đề nghị. “Anh không thể đến Jo Goldenberg mà không ăn súp củ cải đỏ”.

“Tôi không muốn ăn”, Gabriel đáp. “Màu đỏ sẫm làm tôi lo lắng”.

Navot bảo bồi bàn cho một tô ngoại hạng xúp củ cải đỏ và một ly rượu vang đỏ. Gabriel nhíu mày nhìn ra ngoài cửa sổ. Cơn mưa lớn đang xối xả rơi xuống nền đá lát rue de Rossiers, trời nhanh chóng chuyển tối. Anh đã muốn gặp Navot ở một nơi khác hơn là nhà hàng nổi tiếng nhất trong quận người Do Thái đông đúc nhất ở Paris, nhưng Navot nhất định gặp ở Jo Goldenberg, dựa trên niềm tin rằng nơi tốt nhất để giấu cây thông chính là trong rừng.

“Nơi này làm tôi lo lắng”, Gabriel nói nhỏ. “Chúng ta đi dạo đi”.

“Trong thời tiết này? Anh quên đi. Với lại không ai nhận ra anh trong bộ dạng này. Thậm chí cả tôi cũng gần như không nhận ra khi anh bước qua cửa”.

Gabriel nhìn khuôn mặt mờ mờ phản chiếu qua gương. Anh đội chiếc mũ bê rê bằng vải nhung sọc, đeo kính sát tròng khiến mắt anh chuyển sang màu nâu, và bộ râu dê giả làm tăng thêm nét gầy gò của gương mặt. Anh đã đến Paris bằng hộ chiếu Đức giả dưới tên Heinrich Kiever. Sau khi đến ga Nord, anh dành hai tiếng đi dạo dọc bờ sông Seine để kiểm tra xem mình có bị bám đuôi không? Trong chiếc túi đeo trên vai là một quyển Voltaire sờn rách anh mua tại một bouquet tại Quai Montebello.

Anh quay người nhìn Navot. Anh ta có bờ vai rộng, trẻ hơn Gabriel vài tuổi, tóc màu vàng dâu và mắt xanh nhạt. Theo thuật ngữ của Văn phòng, anh ta là katsa, điệp viên tác nghiệp có vỏ bọc và là sỹ quan tình báo. Biết nhiều ngôn ngữ, có vẻ bề ngoài quyến rũ, cộng với vẻ ngạo mạn bẩm sinh, Navot đã thâm nhập được vào các nhóm khủng bố người Palestine và tuyển mộ nhân viên trong các đại sứ quán Arập ở Tây Âu. Anh có nguồn tin ở hầu hết các Cục Tình báo và An ninh châu Âu, và quản lý một mạng lưới sayanim rộng khắp. Anh luôn được dành bàn tốt nhất tại phòng trong khách sạn Ritz ở Paris vì người quản lý khách sạn và bồi bàn trưởng là những người cung cấp tin được trả tiền. Bây giờ Navot đang mặc áo khoác ngoài bằng vải lanh màu xám và áo len cổ tròn màu đen, vì danh tính của anh ở Paris là Vincent Laffont, một người chuyên viết về du lịch tự do, quê quán ở Breton và hay đi đó đây. Ở Luân Đôn anh được biết đến như là Clyde Bridges, một Giám đốc tiếp thị người châu Âu của một công ty Canada kinh doanh phần mềm không mấy tiếng tăm. Ở Madrid, anh là người Đức giàu có hay la cà ở những quán cà phê và quán bar, và thường đi du lịch để giải tỏa những gánh nặng của một tâm hồn phức tạp không yên ổn.

Navot thò tay vào cặp lấy ra một bìa hồ sơ đặt lên bàn trước mặt Gabriel. “Trong này có thông tin về người sở hữu bức tranh Van Gogh của anh”, anh ta nói. “Anh xem đi”.

Gabriel cẩn thận mở bìa ra. Bức ảnh cho thấy một phụ nữ trung niên hấp dẫn có mái tóc đen gợn sóng, làn da ngăm ngăm, và mũi khoằm dài. Cô ta cầm chiếc ô che đầu và đang bước xuống những bậc thang bằng đá ở Montmatre.

“Hannah Weinberg”, Navot nói. “Bốn mươi bốn tuổi, không kết hôn, không con cái. Người Do Thái điển hình. Con một và không người thân thích. Với tốc độ này, chúng ta sẽ không cần đến diện tích một tiểu bang thì cũng đủ chỗ cho toàn bộ dân Do Thái”. Navot nhìn xuống buồn bã, anh tiếp tục ăn đến món gà và rau. Anh có xu hướng chán nản mỗi khi nhắc đến tương lai người Do Thái. “Cô ta sở hữu một cửa hàng thời trang ở Monmatre tại rue Lepic. Tên cửa hàng là Lepic. Tôi chụp bức hình khi cô ta đang đi ăn trưa. Tôi có cảm giác cửa hàng được mở ra vì sở thích của cô ta hơn là vì nghề nghiệp. Tôi đã kiểm tra tài khoản ngân hàng của cô ta. Marc Weinberg để lại cho con gái rất nhiều tiền”.

Bồi bàn mang tô canh cải đỏ đến đặt trước mặt Gabreil. Ngay lập tức anh đẩy nó ra giữa bàn. Anh chưa bao giờ ưa mùi cải đỏ. Navot bỏ một miếng bánh mì vào nước canh và nhấn xuống bằng thìa.

“Weinber là một người rất thú vị. Ông ta là luật sư rất giỏi ở Paris. Ông cũng luôn đấu tranh cho những việc đã xảy ra. Ông gây nhiều sức ép lên chính phủ về việc thú nhận vai trò của người Pháp trong Vụ thảm sát. Kết quả là một số giới ở Paris không ưa thích ông cho lắm”.

“Còn cô con gái thì sao? Quan điểm chính trị của cô là gì?”

“Cô ta là một nhà xã hội châu Âu ôn hòa, nhưng đây không phải là tội ác ở Pháp. Cô cũng thừa hưởng chút ít tính chiến đấu của người cha. Cô tham gia vào nhóm chiến đấu với chủ nghĩa bài Do Thái ở đây. Cô đã gặp Tổng thống Pháp một lần. Hãy nhìn bên dưới tấm hình đó”.

Gabreil nhìn thấy một bài cắt ra từ tạp chí Pháp về làn sóng chống chủ nghĩa bài xích dân Do Thái ở Pháp. Bức ảnh kèm theo cho thấy những người phản đối dân Do Thái đang đi diễu hành qua một trong những cây cầu của sông Seine. Đứng đầu hàng, mang theo biển hiệu có ghi dòng chữ HÃY CHẤM DỨT NGAY SỰ CĂM GHÉT, là Hannah Weinberg.

“Cô ta đã trở về Israel lần nào chưa?”

“Ít nhất là bốn lần. Shabak đang điều tra ở đầu bên kia để chắc chắn rằng cô ta không ngồi ở Ramallah vạch ra âm mưu cùng bọn khủng bố. Tôi dám cá họ sẽ không tìm được gì ở cô ta. Cô ta là vàng, Gabriel. Cô ta là món quà từ các vị thần tình báo”.

“Sở thích tình dục thì sao?”

“Đàn ông, theo như chúng tôi biết. Cô ta đang có quan hệ với một viên chức”.

“Người Do Thái?”

“Cám ơn Chúa”.

“Cậu đã vào căn hộ của cô ta chưa?”

“Tôi vào đó cùng một đội neviot”.

Đội neviot chuyên môn thu thập thông tin từ những mục tiêu cứng như căn hộ, văn phòng, và phòng khách sạn. Đơn vị này thuê một vài nghệ nhân đột nhập và trộm tốt nhất trên thế giới. Gabriel có những kế hoạch khác cho họ trong vụ này - dĩ nhiên là với điều kiện Hannah Weinberg chịu xa bức họa Van Gogh của cô ta.

“Cậu đã thấy bức họa chưa?”

Navot gật đầu. “Cô ta giữ nó trong phòng ngủ thời thơ ấu”.

“Bức họa trông thế nào?”

“Anh muốn tôi đánh giá về một bức tranh của Van Gogh?”. Navot nhún đôi vai rộng. “Đó là bức vẽ rất đẹp về một cô gái đang ngồi bên bàn trang điểm. Tôi không có khiếu thẩm mỹ như anh. Tôi thích ăn thịt gà và thích xem phim tình cảm tại rạp chiếu phim. Anh không ăn súp kìa”.

“Tôi không thích món súp này, Uzi. Tôi đã bảo với cậu là tôi không thích”.

Navot dùng thìa của Gabriel khuấy để làm nhạt màu món canh đỏ tía.

“Chúng tôi đã nhìn sơ qua giấy tờ của cô ta”, Navot nói. “Chúng tôi lục lọi tủ đồ và ngăn kéo. Chúng tôi cũng gài máy ghi âm vào điện thoại và máy tính. Không có gì là quá cẩn thận trong trường hợp như thế này”.

“Theo dõi?”

Navot trông có vẻ bị chạm tự ái vì câu hỏi. “Dĩ nhiên”, cậu ta đáp.

“Vậy trạm nghe ở chỗ nào?”

“Hiện tại đang là xe tải. Nếu cô ta đồng ý giúp chúng ta sẽ cần thứ cố định hơn. Một trong số những cậu bé thuộc đội neviot đang đi tìm quanh khu này xem có căn hộ nào thích hợp không”.

Navot đẩy phần thừa của tô gà sang một bên và bắt đầu tấn công sang tô súp của Gabriel. Mặc dù có những nét tinh tế của người châu Âu, về bản chất cậu vẫn là nông dân xuất thân từ một trang trại.

“Tôi có thể thấy chuyện này đang dẫn đến đâu”, cậu nói giữa các lần húp canh. “Anh sẽ lần theo dấu vết của kẻ xấu, còn tôi phải mất cả năm theo dõi cô gái. Nhưng mọi chuyện luôn như vậy giữa hai chúng ta, đúng không? Anh giành được mọi vinh quang trong khi những người lâm trận trực tiếp như chúng tôi phải làm công việc xúc xẻng. Chúa ơi, anh đã cứu được Giáo hoàng. Làm sao một kẻ phàm phu tục tử như tôi dám ganh tị với điều này?”

“Ngậm miệng lại ăn súp đi, Uzi”.

Là người được Shamron lựa chọn không phải là không có giá của nó. Gabriel đã quen với sự ganh tị trong công việc của các đồng nghiệp.

“Mai tôi phải rời Paris”, Navot nói. “Tôi chỉ đi một ngày”.

“Cậu đi đâu?”

“Amos muốn trao đổi với tôi”. Navot dừng lại, sau đó nói thêm. “Tôi nghĩ là về Lực lượng Đặc nhiệm. Công việc mà anh đã từ chối”.

Một sự lựa chọn đúng đắn, Gabriel nghĩ. Navot là một điệp viên thực địa tài năng đã tham gia vào nhiều phi vụ lớn, trong đó có một vài vụ cộng tác với Gabriel.

“Đó có phải là điều cậu muốn không, Uzi? Một công việc tại Đại lộ King Saul?”

Navot nhún vai. “Tôi đã bôn ba trận mạc lâu rồi. Bella muốn kết hôn. Rất khó có cuộc sống ổn định khi anh sống như thế này. Nhiều sáng thức dậy tôi không biết cuối ngày mình sẽ ở đâu. Tôi có thể điểm tâm ở Berlin, ăn trưa ở Amsterdam, và ngồi tại đại lộ King Saul vào nửa đêm để báo cáo với Giám đốc”. Navot mỉm cười đồng lõa với Gabriel. “Đây là điều người Mỹ không bao giờ hiểu được về chúng ta. Họ đặt sỹ quan tình báo vào những cái hộp nhỏ và vả vào cổ tay họ khi những người này bước qua vạch. Văn phòng không bao giờ như vậy. Chưa bao giờ như vậy. Điều này khiến đây là công việc vĩ đại nhất trên thế giới - và lí do tại sao Cục của chúng ta làm việc tốt hơn họ nhiều. Họ sẽ không biết cách làm gì với một người như anh”.

Navot đã chán món súp. Anh ta đẩy tô súp qua bên kia bàn, để trông có vẻ như Gabriel đã ăn tô canh này. Gabriel giơ tay định lấy ly rượu, nhưng anh lại thôi. Anh vẫn còn bị nhức đầu do đi xe lửa và thời tiết ẩm ướt ở Paris, thêm vào đó, rượu kosher có mùi như nước sơn pha loãng.

“Nhưng công việc này để lại hậu quả đối với hôn nhân và các mối quan hệ của chúng ta, đúng không Gabriel? Bao nhiêu người trong số chúng ta ly dị? Bao nhiêu người cặp bồ khi đi làm việc? Ít nhất nếu tôi làm việc ở Tel Aviv, tôi sẽ ở gần nhà hơn. Vẫn có nhiều chuyến đi do công việc nhưng ít hơn lúc này. Bella có một nơi gần bãi biển ở Caesarea. Cuộc sống sẽ rất thú vị”. Navot lại nhún vai. “Hãy nghe tôi. Tôi đang cư xử như thể Amos đã đề nghị tôi làm công việc đó. Nhưng thực ra Amos chưa nói gì. Tất cả theo như tôi biết là ông ta triệu tôi về đại lộ King Saul để sa thải tôi”.

“Đừng ngớ ngẩn thế. Cậu là người có khả năng nhất cho công việc này. Cậu sẽ là sếp tôi, Uzi”.

“Sếp anh? Cho tôi xin. Không ai là sếp của anh cả, Gabriel. Chỉ có ông già”. Vẻ mặt của Navot đột nhiên trở nên nghiêm túc. “Ông ấy như thế nào rồi? Tôi nghe nói là không được tốt lắm.

“Ông ấy sẽ ổn thôi”, Gabriel trấn an.

Họ im lặng khi người bồi đến dọn bàn. Đợi anh ta đã rời đi, Gabriel đưa tập hồ sơ cho Navot. Anh ta bỏ nó lại vào trong cặp.

“Anh dự định làm gì với Hannah Weinberg?”

“Tôi dự định yêu cầu cô ta nhả bức hoạ trị giá tám mươi triệu đô ra. Tôi phải nói với cô ta sự thật - hay ít nhất một phần sự thật. Sau đó chúng ta sẽ phải giải quyết những hậu quả về an ninh”.

“Cách tiếp cận như thế nào? Anh dự định sẽ nhảy múa một chút hay đi thẳng vào vấn đề?”

“Tôi không khiêu vũ, Uzi. Tôi chưa bao giờ có thời gian để khiêu vũ”.

“Ít nhất anh cũng không phải thuyết phục cô ta tin anh là ai. Nhờ vào cục An ninh Pháp, mọi người dân ở Paris đều biết tên và khuôn mặt của anh. Anh muốn bắt đầu khi nào?”

“Tối nay”.

“Nếu vậy thì anh may mắn đấy”.

Navot nhìn ra ngoài cửa sổ. Gabriel nhìn theo ánh mắt anh ta và thấy một người phụ nữ tóc đen đang đi trên rue des Rosiers dưới chiếc ô. Anh đứng dậy, lao ra phía cửa mà không nói một lời. “Đừng lo, Gabriel”. Navot tự nói với mình. “Tôi sẽ lo thanh toán hóa đơn”.

Đến cuối đường, Hannah Weinberg quẹo trái rồi biến mất. Gabriel dừng lại ở góc phố nhìn những người đàn ông Chính Thống giáo mặc áo khoác đen xếp hàng vào giáo đường lớn cầu kinh buổi tối. Sau đó anh nhìn xuống rue Pavée và thấy bóng Hannah Weinberg dần đi khuất vào những chỗ tối. Cô dừng lại trước lối vào một căn hộ chung cư và tìm chìa khóa trong chiếc túi xách tay. Gabriel đi về hướng căn hộ và dừng lại cách cô vài bước, ngay khi tay cô đưa ra chuẩn bị tra chìa vào ổ.

“Thưa cô Weinberg?”

Cô quay lại điềm tĩnh nhìn anh. Trong bóng tối, mắt cô ánh lên sự bình thản và thông minh. Chẳng biết cô có giật mình vì sự tiếp cận của anh hay không, bởi cô không để lộ điều này.

“Cô là Hannah Weinberg, đúng không?”

“Tôi có thể làm gì cho ông, thưa ông?”

“Tôi cần sự giúp đỡ của cô”, Gabriel đáp. “Tôi tự hỏi không biết liệu chúng ta có thể nói với nhau vài lời ở chỗ riêng tư được không?”

“Chúng ta có quen nhau không, thưa ông?”

“Không”, Gabriel đáp.

“Nếu vậy thì làm sao tôi có thể giúp ông được?”

“Sẽ tiện hơn nếu chúng ta bàn chuyện này ở chỗ riêng tư, thưa cô”.

“Tôi không có thói quen vào chỗ riêng tư với đàn ông lạ, thưa ông. Bây giờ xin phép ông”.

Cô quay người đi và đưa chìa vào ổ khóa lần nữa.

“Chuyện này là về bức hoạ của cô, thưa cô Weinberg. Tôi cần nói chuyện với cô về bức họa Van Gogh”.

Cô cứng người lại và nhìn anh một lần nữa. Ánh mắt của cô vẫn điềm tĩnh.

“Tôi rất tiếc phải làm ông thất vọng, thưa ông, nhưng tôi không có bức tranh nào của Van Gogh. Nếu ông muốn ngắm vài tác phẩm của Vincent, mời ông đến bảo tàng d’Orsay”.

Cô lại nhìn đi chỗ khác.

“Marguerite Gachet bên bàn trang điểm”, Gabriel điềm tĩnh nói. “Bức hoạ được ông cô mua từ Johanna, người vợ góa của Van Gogh, và ông cô đã tặng cho bà cô làm quà sinh nhật. Bà cô có nét giống với cô Gachet. Khi cô còn bé, bức vẽ treo trong phòng ngủ của cô. Tôi cần tiếp tục kể không?”

Vẻ điềm tĩnh của cô biến mất. Khi cất tiếng lại sau một khoảng thời gian yên lặng vì sững sờ, giọng cô có vẻ bất ngờ. “Làm sao ông biết về bức vẽ?”

“Tôi không được phép tiết lộ”.

“Dĩ nhiên là không”. Cô nói câu này với mục đích lăng mạ. “Cha tôi luôn cảnh báo với tôi rằng một ngày nào đó sẽ có một gã buôn tranh người Pháp tham lam cố gắng cướp bức tranh khỏi tôi. Bức tranh này không để bán, và nếu nó bị mất, tôi chắc chắn sẽ mô tả về ông với cảnh sát”.

“Tôi không phải là người buôn tranh - và cũng không phải là người Pháp”.

“Vậy thì ông là ai?”, cô hỏi. “Ông muốn làm gì với bức tranh của tôi?”
 
Chương 15: Quận marais, paris


Sân trong tối và vắng người, nó chỉ được chiếu sáng bằng ánh đèn của những căn hộ bên trên. Họ băng qua sân trong yên lặng và tiến vào sảnh, nơi có thang máy theo kiểu cũ đang chờ sẵn. Cô không dùng thang máy mà đi thang bộ lên lầu bốn. Trên đầu cầu thang là hai cánh cửa to sừng sững bằng gỗ gụ. Cánh cửa bên tay phải không có bảng tên. Cô mở cửa dẫn anh vào nhà. Gabriel chú ý đến chi tiết cô bấm mật mã vào bàn phím trước khi bật đèn lên. Anh công nhận rằng Hannah Weinberg rất giỏi giữ bí mật.

Đây là một căn hộ lớn, có tiền sảnh trang trọng và thư viện nối với phòng khách. Đồ đạc cổ xưa nằm yên lặng trong lớp vải bọc bằng kim tuyến phai màu, rèm cửa bằng vải nhung dày treo trên các cửa sổ, và một chiếc đồng hồ bằng đồng giả vàng sai giờ đang chạy tích tắc trên mặt lò sưởi. Con mắt chuyên môn của Gabriel thâu tóm ngay lập tức sáu bức tranh bằng dầu rất đẹp treo trên tường. Nó tạo nên ấn tượng rằng cả một kỷ nguyên đã trôi qua. Thật ra Gabriel cũng không ngạc nhiên lắm nếu như anh có trông thấy Paul Gachet đang ngồi đọc báo bên ánh đèn khí.

Hannah Weiberg cởi áo khoác, sau đó đi vào nhà bếp. Gabriel tận dụng cơ hội này quan sát thư viện. Những quyển sách luật bọc da xếp trong những tủ sách bằng gỗ trang trọng có cửa kính. Trong đây có thêm nhiều bức tranh - phong cảnh bình thường, người đàn ông cưỡi ngựa, trận chiến trên biển - nhưng không có gì chứng tỏ khả năng người chủ đang sở hữu một bức tranh thất lạc của Van Gogh.

Anh quay vào phòng khách khi Hannah Weinberg trở lại từ nhà bếp cùng chai Sancerre và hai cái ly. Cô đưa Gabriel cái chai cùng đồ mở nắp rồi chăm chú nhìn đôi bàn tay anh khi anh mở nút chai. Trông cô không hấp dẫn như ở trong bức hình của Uzi. Có lẽ đây là trò hoá trang ánh sáng của Paris, cũng có thể người phụ nữ nào trông cũng sẽ hấp dẫn khi đang bước xuống bậc thang ở Monmatre. Váy len xếp nếp và áo len dày che giấu một thân hình mà Gabriel nghĩ là mập mạp. Lông mày của cô rất rậm khiến khuôn mặt cô nhuốm nét trang nghiêm. Khi cô ngồi như thế này trong căn phòng được trang trí theo kiểu xưa, trông cô già hơn tuổi bốn mươi bốn rất nhiều.

“Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông ở Paris, ông Allon. Lần cuối tôi đọc tên ông trên báo, ông vẫn đang bị cảnh sát Pháp truy nã để thẩm tra”.

“Tôi e rằng bây giờ họ vẫn còn đang truy nã”.

“Nhưng ông vẫn đến đây chỉ để gặp tôi? Việc này ắt hẳn rất quan trọng”.

“Đúng vậy, thưa cô Weinberg”.

Gabriel rót đầy hai ly rượu, đưa cô một ly, và nâng ly của mình lên chúc trong im lặng. Cô cũng làm giống anh, sau đó đưa rượu lên môi.

“Ông có biết sau vụ đánh bom, mọi chuyện ở Marais diễn ra như thế nào không?”. Cô tự trả lời câu hỏi của mình. “Tình hình rất căng thẳng. Người ta đồn thổi rằng việc này là do người Israel làm. Ai cũng tin vào lời đồn ấy. Không may là chính phủ Pháp rất chậm chạp trong việc giải quyết tình trạng trên, ngay cả khi đã biết đây chỉ là lời nói dối. Con cháu của chúng tôi bị đánh đập trên phố. Cửa nhà và cửa tiệm của chúng tôi bị ném đá. Người ta xịt lên các bức tường Marais cũng như các khu khác những lời lẽ kinh khủng. Chúng tôi phải chịu đựng tất cả chỉ vì những điều đã xảy ra tại nhà ga xe lửa đó”. Cô nhìn anh soi mói, tựa như muốn xem anh có phải đúng là người trên báo và truyền hình không. Nhưng ông cũng phải chịu đựng, đúng không? Vì chính vợ ông cũng bị kéo vào vụ này?”

Sự thẳng thắn trong câu hỏi của Hannah Weinberg làm Gabriel ngạc nhiên. Bản năng đầu tiên của anh là nói dối, là che giấu sự thật, lái cuộc trò chuyện trở lại chủ đề mà anh lựa chọn. Nhưng đây là một vụ tuyển mộ - một vụ tuyển mộ hoàn hảo, Shamron luôn nói, về bản chất là một sự quyến rũ hoàn hảo. Khi một người đang quyến rũ người khác, Gabriel nhắc chính mình, anh ta phải tiết lộ một chút gì đó về bản thân.

“Chúng dụ tôi vào ga Lyon bằng cách bắt cóc vợ tôi”, anh kể. “Mục đích của chúng là giết chết cả hai chúng tôi, bôi nhọ nước Israel và làm cho mọi chuyện trở nên tồi tệ đối với người Do Thái ở Pháp”.

“Chúng đã thành công… trong một khoảng thời gian ngắn, ít nhất là như vậy. Đừng hiểu lầm tôi, ông Allon, mọi việc vẫn còn tồi tệ đối với chúng tôi ở đây. Chỉ là không tệ như những ngày sau vụ nổ bom”. Hannah Weinberg nhấp thêm một chút rượu vang, sau đó bắt chéo chân và chỉnh lại cho thẳng những nếp gấp trên váy. “Câu hỏi này có vẻ là một câu ngớ ngẩn, vì tôi đã biết ông làm cho ai, nhưng sao ông biết về bức tranh Van Gogh của tôi?”

Gabriel im lặng một lúc, sau đó anh trả lời cô chân thật. Hannah nhoẻn miệng cười khi nhớ lại chuyến viếng thăm của Isherwood đến căn hộ này ba mươi năm về trước.

“Tôi nghĩ tôi nhớ anh ta”, cô nói. “Một người rất cao, đẹp trai, đầy quyến rũ và duyên dáng nhưng lại cũng khá dễ tổn thương”. Cô dừng lại, sau đó nói thêm, “Giống như ông”.

“Quyến rũ và duyên dáng không phải là những từ dành cho tôi”.

“”Còn dễ bị tổn thương thì sao?”. Cô hơi mỉm cười với anh. Nụ cười làm dịu bớt những nét nghiêm khắc trên khuôn mặt cô. “Tất cả chúng ta ai cũng dễ bị tổn thương ở một mức nào đó, đúng không. Thậm chí một người như anh cũng vậy. Những tên khủng bố tìm ra chỗ dễ bị tổn thương, và đã khai thác điều này. Đó là điều chúng thành thạo nhất. Chúng khai thác tính đứng đắn, sự tôn trọng cuộc sống của mỗi người. Chúng săn tìm những thứ chúng ta yêu quý”.

Navot nói đúng, Gabriel nghĩ. Cô ta là món quà từ các vị thần tình báo. Anh đặt ly lên bàn. Hannah dõi mắt theo từng cử động của anh.

“Chuyện gì xảy ra với người đàn ông tên Samuel Isakowitz?”. Cô hỏi. “Ông ta sống sót chứ?”

Gabriel lắc đầu. “Ông ấy và vợ bị bắt giữ ở Bordeaux khi người Đức hành quân lên phía nam”.

“Chúng giải họ đến đâu?”

“Sobibor”.

Cô hiểu ý nghĩa của từ đó. Gabriel không cần phải nói thêm điều gì.

“Còn ông cô thì sao?”, anh hỏi.

Cô nhìn vào ly Sancerre một lúc trước khi trả lời. “Jeudi Noir”, cô nói. “Ông có biết từ này không?”

Gabriel gật đầu trang nghiêm. Jeudi Noir. Thứ Năm đen tối.

“Sáng ngày 16 tháng 7 năm 1942, bốn ngàn cảnh sát Pháp ập vào Marais và những quận khác của người Do Thái ở Paris với lệnh bắt hai mươi bảy ngàn người Do Thái nhập cư từ Đức, Áo, Ba Lan, Liên bang Xô Viết, và Cộng hoà Séc và Slovakia. Cha và ông bà tôi có trong danh sách. Ông biết đấy, ông bà tôi có nguồn gốc từ quận Lublin ở Ba Lan. Hai người cảnh sát gõ lên cánh cửa của chính căn hộ này cảm thấy thương hại cha tôi và bảo ông chạy đi. Một gia đình Thiên Chúa giáo ở lầu bên dưới nhận cấp dưỡng ông, và ông ở đó cho đến ngày giải phóng. Ông bà tôi không may mắn như vậy. Họ bị gửi đến trại tạm giam ở Drancy. Năm ngày sau đó, một chiếc xe bịt kín đưa họ đến Auschwitz. Dĩ nhiên đây là dấu chấm hết đối với họ”.

“Còn bức Van Gogh?”

“Không có thời gian để thu xếp cho bức tranh, và ông tôi không cảm thấy tin tưởng bất cứ ai ở Paris. Chiến tranh mà, ông biết đấy. Người ta lừa gạt lẫn nhau chỉ vì một đôi tất hoặc những điếu thuốc lá. Khi ông tới nghe tin những người bắt bớ sắp đến, ông lấy bức tranh khỏi giá đỡ và giấu dưới tấm ván trong thư viện. Sau chiến tranh, cha tôi phải mất nhiều năm mới lấy lại được căn hộ. Một gia đình người Pháp đã chuyển đến ở sau khi ông bà tôi bị bắt, và họ rất ngần ngừ không muốn trả lại một căn hộ xinh xắn ở rue Pavée. Ai có thể trách họ được?”

“Cha cô lấy lại quyền sở hữu căn hộ vào năm nào?”

“Năm 1952”.

“Mười năm”, Gabriel nói. “Vậy mà bức Van Gogh vẫn còn ở đó?”

“Ở ngay chỗ ông tôi đã cất giấu, phía dưới những tấm ván trong thư viện”.

“Thật đáng kinh ngạc”.

“Đúng vậy”, cô đáp. “Bức tranh đã ở lại trong gia đình Weinberg hơn một thế kỷ, vượt qua chiến tranh và cuộc thảm sát. Bây giờ ông lại yêu cầu tôi từ bỏ nó”.

“Không phải là từ bỏ”, Gabriel đáp.

“Thế thì là thế nào?”

“Tôi chỉ cần…“. Anh dừng lại, tìm từ thích hợp. “Tôi cần thuê nó”.

“Thuê bức tranh? Bao lâu?”

“Tôi không thể nói trước. Có lẽ một tháng. Có lẽ sáu tháng. Hay một năm hoặc lâu hơn”.

“Vì mục đích gì?”

Gabriel không sẵn sàng trả lời câu hỏi của cô. Anh nhặt nắp chai rượu lên và dùng móng tay cào lớp bọc đã rách.

“Ông có biết bức tranh đó trị giá bao nhiêu không?”, cô hỏi. “Nếu ông yêu cầu tôi đưa nó cho ông, thậm chí trong một thời gian ngắn, tôi tin rằng mình có quyền biết lí do tại sao”.

“Cô có quyền”, Gabriel nói, “nhưng cô nên hiểu rằng nếu tôi nói cho cô biết sự thật, cuộc sống của cô sẽ không bao giờ như cũ”.

Cô đổ thêm rượu vào ly và áp ly rượu vào người mà không uống. “Cách đây hai năm, có một vụ tấn công đặc biệt nghiêm trọng tại Marais. Một cậu bé theo Chính Thống giáo bị một nhóm thanh niên Nam Phi tấn công khi đang đi từ trường về nhà. Chúng đốt tóc cậu và khắc chữ thập ngoặc lên trán cậu. Bây giờ cậu vẫn còn vết thẹo. Chúng tôi tổ chức một cuộc biểu tình để gây sức ép lên chính phủ Pháp buộc họ phải làm một điều gì đó giải quyết tình trạng bài xích người Do Thái. Khi chúng tôi đang diễu hành trong de la République, có một cuộc biểu tình chống lại người Israel để phản pháo. Ông có biết chúng thét điều gì vào mặt chúng tôi không?”

“Cái chết sẽ đến với người Do Thái”.

“Ông có biết chính phủ Pháp nói gì không?’

“Không có việc bài xích người Do Thái ở Pháp”.

“Kể từ ngày đó, cuộc sống của tôi chưa bao giờ trở lại như trước kia. Thêm nữa, như ông cũng thấy đấy, tôi rất giỏi giữ bí mật. Hãy nói cho tôi biết tại sao ông muốn bức Van Gogh của tôi, ông Allon. Và chúng ta có thể đi đến một thỏa thuận nào đó”.

Đội theo dõi neviot đỗ xe ngoài rìa Parc Royal. Uzi Navot gõ tay hai lần lên cửa kính và được đón vào ngay lập tức. Một neviot đang ngồi đằng sau tay lái. Một người khác ngồi phía sau, chồm người lên bàn điều khiển điện tử với tai nghe đeo trên đầu.

“Chuyện gì đang diễn ra?”. Navot hỏi.

“Gabriel đã đưa cô ấy vào tầm ngắm”, người trong đội neviot nói. “Bây giờ anh ấy chuẩn bị ra tay”.

Navot đeo cặp tai nghe vào và bắt nhịp câu chuyện từ đoạn Gabriel kể với Hannah Weinberg về cách thức anh sẽ dùng bức tranh của cô để lần theo dấu vết người đàn ông nguy hiểm nhất trên thế giới.

Chìa khoá được giấu trong ngăn kéo đầu tiên của chiếc bàn viết trong thư viện. Cô dùng chìa khóa mở căn phòng phía cuối trong hành lang tối om. Căn phòng đằng sau phòng này là phòng trẻ con. Phòng của Hannah, lạnh lẽo do lâu không có người ở. Giường bốn cọc với chiếc màn rũ. Các kệ chất đầy thú nhồi bông và đồ chơi. Bức áp phích có hình một nam diễn viên người Mỹ làm thổn thức bao trái tim. Và treo trên bàn trang điểm, nằm khuất trong bóng tối, là bức vẽ bị lạc của Vincent Van Gogh.

Gabriel di chuyển chầm chậm lên phía trước và đứng yên trước bức tranh, tay phải để dưới cằm, đầu hơi nghiêng về một phía. Sau đó anh đưa tay ra nhẹ nhàng lần theo nét vẽ phóng khoáng. Đây là nét cọ của Vincent - Gabriel chắc chắn về điều này. Vincent đang bị lửa thiêu cháy. Vincent đang yêu. Nhà phục chế tranh bình tĩnh đánh giá mục tiêu của mình. Bức vẽ trông có vẻ như chưa bao giờ được lau chùi. Nó bị lớp bụi bẩn bám, và có những vết nứt ngang - theo như Gabriel đoán thì đây là kết quả của việc bị cuộn lại quá chặt bởi Isaac Weinberg đêm trước Jeudi Noir.

“Tôi nghĩ chúng ta nên bàn bạc về chuyện tiền nong”, Hannah nói. “Julian nghĩ bức tranh này sẽ mang về bao nhiêu?”

“Vào khoảng tám mươi triệu. Tôi đã đồng ý để anh ta giữ mười phần trăm hoa hồng như là tiền đền bù vì đã tham gia vụ này. Phần còn lại của số tiền sẽ được gửi cho cô ngay lập tức”.

“Bảy mươi hai triệu đô la?”

“Nhiều hoặc ít hơn vài triệu, dĩ nhiên”.

“Khi công việc của các ông kết thúc thì sao?”

“Tôi sẽ lấy lại bức tranh cho cô”.

“Ông dự định làm việc này như thế nào?”

“Cô cứ để việc này cho tôi, cô Weinberg”.

“Khi ông trả bức tranh lại cho tôi, chuyện gì sẽ xảy ra với số tiền bảy mươi hai triệu đô la? Mà quên, nhiều hoặc ít hơn vài triệu đô chứ, dĩ nhiên rồi”.

“Cô có thể giữ tiền lãi. Thêm nữa, tôi sẽ trả cô tiền thuê. Năm triệu đô được không?”

Cô mỉm cười. “Nghe có vẻ được đấy, nhưng tôi không có ý định giữ số tiền đó cho mình. Tôi không muốn tiền của bọn chúng”.

“Vậy cô dự định làm gì với số tiền này?”

Cô nói với Gabriel ý định của mình.

“Tôi thích chuyện này đấy”, anh đáp. “Như vậy là chúng ta thỏa thuận chứ, cô Weinberg?”

“Vâng”, cô trả lời. “Tôi nghĩ là chúng ta đã thỏa thuận với nhau”.

Sau khi rời căn hộ của Hannah Weinberg, Gabriel đến căn hộ an toàn của Văn phòng gần Bois de Boulogne. Họ theo dõi cô ba ngày. Gabriel chỉ nhìn thấy hình chụp theo dõi cô, và nghe giọng cô trong máy thu. Mỗi buổi tối, anh cố gắng tìm trong các cuốn băng dấu hiệu của sự phản bội hay bất cẩn, nhưng anh chỉ thấy sự trung thực nơi cô. Vào đêm trước khi cô chuẩn bị giao bức tranh, anh nghe cô khóc thầm và nhận ra rằng cô đang nói lời chia tay với Marguerite.

Navot mang bức tranh về buổi sáng hôm sau, bọc trong cái chăn cũ cậu ta mượn ở căn hộ của Hannah. Gabriel tính gửi bức tranh về Tel Aviv bằng đường bưu điện, nhưng cuối cùng lại quyết định tự mình mang nó ra khỏi nước Pháp. Anh lấy bức tranh ra khỏi khung, sau đó lấy khung căng miếng vải vẽ ra. Khi cuộn bức tranh lại cẩn thận, anh nghĩ về Isaac Weinberg đêm trước Jeudi Noir. Lần này, thay vì được giấu dưới tấm ván, nó sẽ được cất an toàn trong ngăn bí mật của vali của Gabriel. Navot chở anh đến ga Nord.

“Một điệp viên tại trạm Luân Đôn sẽ đợi anh ở Waterloo”, Navot nói. “Anh ta sẽ đưa anh tới Heathrow. Ở đó El Al đang đợi anh. Họ sẽ đảm bảo anh không gặp rắc rối với hành lí của mình”.

“Cám ơn, Uzi. Anh sẽ không còn phải thu xếp mọi chuyện cho tôi nữa”.

“Tôi cũng không chắc về chuyện này lắm”.

“Mọi việc không êm xuôi chỗ Amos à?”

“Rất khó biết ông ta đang nghĩ gì”.

“Ông ta nói gì?”

“Ông ta bảo ông ta cần vài ngày để suy nghĩ cho kỹ”.

“Cậu không nghĩ là ông ta sẽ trao cho cậu công việc đó ngay chứ?”

“Tôi cũng không biết mình nghĩ gì nữa”.

“Đừng lo, Uzi. Cậu sẽ nhận được việc này thôi”.

Navot ngừng xe lại tấp vào lề đường cách ga một dãy nhà.

“Anh sẽ nói tốt cho tôi tại đại lộ King Saul chứ, Gabriel? Amos thích anh”.

“Sao cậu có suy nghĩ này?”

“Tôi có thể thấy được điều đó”, cậu ta nói. “Mọi người ai cũng thích anh”.

Gabriel ra khỏi xe, lấy vali khỏi ghế sau và mất hút trong nhà ga. Navot chờ tại khúc cua năm phút sau giờ khởi hành theo lịch trình, sau đó lái xe hoà mình vào dòng xe cộ.

Căn hộ chìm trong bóng tối khi Gabriel về. Anh bật đèn halogen lên và cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy phòng vẽ của mình vẫn chưa bị đụng đến. Chiara đang ngồi trên giường khi anh bước vào phòng của họ. Tóc nàng mới gội và vén ra đằng sau bởi dây buộc bằng nhung. Gabriel tháo dây buộc ra và cởi nút áo ngủ của nàng. Bức tranh nằm kế bên họ khi họ làm tình với nhau. “Anh biết đấy”, nàng nói, “hầu hết đàn ông trở về nhà từ Paris đều mang về khăn choàng cổ Hermès và nước hoa”.

Chuông điện thoại reo lúc nửa đêm. Gabriel trả lời trước khi chuông kịp đổ hồi thứ hai. “Tôi sẽ có mặt ở đó ngày mai”, anh nói sau một lát và cúp máy.

“Ai vậy?”. Chiara hỏi.

“Adrian Carter”.

“Ông ta muốn gì?”

“Ông ta muốn anh đến Washington ngay lập tức”.

“Có chuyện gì ở Washington vậy?”

“Một cô gái”, Gabriel đáp. “Carter đã tìm được cô gái”.
 
Chương 16: Mclean, virginia


Chuyến bay thế nào?”

“Dài bất tận”.

“Đó là vì các luồng gió xoáy mùa thu”, Carter nói ra vẻ hiểu biết. “Chúng làm các chuyến bay từ châu Âu kéo dài thêm ít nhất hai tiếng đồng hồ so với bình thường”.

“Israel không nằm ở châu Âu, Adrian. Israel ở Trung Đông”.

“Thật vậy sao?”

“Ông có thể hỏi Giám đốc của mình. Ông ấy sẽ giải đáp thắc mắc cho ông”.

Carter ném cho Gabriel cái nhìn khinh khỉnh, sau đó đưa mắt trở lại con đường trước mặt. Họ đang lái xe về phía Washington dọc theo đường vào Dulles trên chiếc Volvo cũ nát của Carter. Carter mặc áo khoác thể thao bằng nhung kẻ sọc có những miếng vá trên khuỷu tay. Cách mặc đồ củng cố thêm dáng vẻ giáo sư của ông ta. Chỉ còn thiếu mỗi túi xách bằng vải và một cốc cà phê. Ông đang lái xe dưới tốc độ giới hạn và nhìn liên tục vào kính chiếu hậu.

“Chúng ta bị theo đuôi à?”. Gabriel hỏi.

“Cảnh sát giao thông”, Carter đáp. “Họ rất nghiêm ngặt trên đoạn đường này. Cậu có gặp rắc rối gì ở chỗ kiểm tra hộ chiếu không?”

“Không”, Gabriel nói. “Thật ra họ có vẻ vui khi thấy tôi”.

Đã quá quen với thái độ khó chịu của những người Israel có nhiệm vụ đóng dấu lên hộ chiếu tại sân bay Ben - Gurion, Gabriel đâm ngạc nhiên với lối cư xử hiếu khách của các nhân viên hải quan Mỹ. Và đó vẫn là điều làm anh khó hiểu về đất nước này, cho đến tận bây giờ.

Anh nhìn ra cửa sổ. Họ đã rời đường phố vào khu Dulles và bây giờ đang lái xe qua McLean. Trước đây anh mới đến Virginia một lần, một chuyến đi ngắn đến căn nhà an toàn của CIA nằm sâu trong miền đất của ngựa gần Middleburg. Anh thấy McLean là khu ngoại ô kiểu mẫu của Mỹ, gọn gàng giàu có nhưng dường như không có sức sống. Họ băng qua khu thương mại trung tâm quận, sau đó đến khu nhà dân có nhiều vườn. Những khu nhà này có tên là Merrywood và Colonial Estates. Một bảng hiệu đường hiện rõ dần trước mặt họ: TRUNG TÂM TÌNH BÁO GEORGE BUSH.

“Ông thực sự muốn đưa tôi đến Tổng hành dinh đấy à?”

“Dĩ nhiên là không”, Carter đáp. “Chúng ta sẽ đi vào quận”.

Gabriel hiểu quận là cách những người Washington gọi ngôi làng nhỏ của họ ở Potomac. Họ băng qua đường cao tốc và đi vào vùng đồi núi gập ghềnh cùng là rừng rậm. Qua hàng cây, Gabriel trông thấy những căn nhà lớn nhìn ra công viên.

“Tên cô ta là gì?”

“Sarah Bancroft”, Carter trả lời. “Cha cô ta là điều hành cấp cao của bộ phận quốc tế của Citibank. Sarah được nuôi nấng chủ yếu ở châu Âu. Cô ấy cảm thấy thoải mái khi ở nước ngoài chứ không giống như phần lớn dân Mỹ. Cô ấy nói nhiều ngôn ngữ, và biết khi nào phải sử dụng cái nĩa nào”.

“Học vấn?”

“Cô ta quay lại đây học đại học. Đã lấy bằng cử nhân ngành lịch sử nghệ thuật ở Dartmouth, sau đó học thêm tại viện Mỹ thuật Courtauld ở Luân Đôn. Tôi nghĩ cậu biết viện Courtauld chứ?”

Gabriel gật đầu. Đây là một trong những ngôi trường uy tín nhất trên thế giới về nghệ thuật. Trong những người tốt nghiệp ở trường này có một nhà buôn tranh ở khu phố James, tên là Julian Isherwood.

“Sau khi học tại trường Courtauld, cô ấy lấy bằng tiến sỹ tại Harvard”, Carter nói tiếp. “Bây giờ cô ấy là quản lý tại bảo tàng Phillips ở Washington. Nó là một bảo tàng nhỏ gần…“

“Tôi biết bảo tàng Phillips, Adrian”.

“Xin lỗi”, Carter nói thật lòng.

Một con hươu lớn đuôi trắng phóng ra từ các hàng cây trước mũi xe của họ. Carter nhấc chân khỏi bàn đạp ga và nhìn con vật nhẹ nhàng chạy xuyên qua khu rừng đang trở tối.

“Điều gì khiến ông chú ý đến cô ta?”

Gabriel hỏi nhưng Carter không trả lời. Ông đang chồm lên tay lái quét mắt qua những hàng cây dọc vệ đường tìm thêm hươu. “Nơi nào có một con, thường có thêm những con khác”.

“Giống như bọn khủng bố”, Gabriel nhận xét. Anh lặp lại câu hỏi một lần nữa.

“Sarah Bancrof nộp đơn xin gia nhập tổ chức chúng tôi sau ngày 11/9”, Carter nói. “Cô ta vừa hoàn tất học vị tiến sỹ, lại có bằng cấp và lý lịch xuất sắc, vì thế chúng tôi đưa cô ấy vào gặp những nhà tâm thần học trong phòng Nhân sự. Họ cho cô làm một vài kiểm tra, nhưng họ không thích kết quả thu được. Cô ta quá độc lập về mặt tư duy, họ kết luận. Có lẽ hơi quá thông minh là điều không tốt cho cô ấy lắm. Khi bị chúng tôi từ chối, cô ta bèn vào bảo tàng Phillips làm việc”.

“Vậy là ông đề nghị với tôi một trong những người ông từng từ chối à?”

“Từ này không thể áp dụng cho Sarah Bancroft”. Carter đưa tay vào túi áo khoác nhung màu sặc sỡ lấy ra một tấm ảnh đưa cho Gabriel. Sarah Bancroft là một phụ nữ đẹp rực rỡ, tóc vàng ngang vai, gò má rộng, mắt to màu bầu trời mùa hè không gợn mây.

“Bao nhiêu tuổi?”

“Ba mươi mốt”.

“Tại sao cô ta chưa lập gia đình?”

Carter do dự một chút.

“Tại sao cô ta chưa lập gia đình, Adrian?”

“Cô ta có bạn trai khi ở Havard, một luật sư trẻ tên Ben Callahan. Mọi chuyện kết thúc không được tốt đẹp lắm”.

“Chuyện gì xảy ra với Ben?”

“Anh ta lên chuyến bay tới Los Angeles tại sân bay Logan vào sáng ngày 11/9/2001”.

Gabriel trả bức ảnh lại cho Carter. “Zizi sẽ không thích thuê người bị ảnh hưởng bởi vụ 11/9. Ông mang tôi đến đây chẳng ích gì cả, Adrian”.

Carter để tay lên tay lái. “Ben Callahan là bạn trai hồi đại học, không phải là chồng. Thêm nữa, Sarah chưa bao giờ kể về anh ta cho ai nghe. Chúng tôi đã mất nhiều công sức mới moi được chuyện này. Cô sợ rằng cái chết của Ben sẽ theo cô suốt cuộc đời, rằng người ta sẽ coi cô là một bà góa ở tuổi 26. Cô luôn giữ kín chuyện này. Chúng tôi đã đánh hơi cả tuần nay về độ lan toả của tin tức. Không ai biết”.

“Những tên chó săn của Zizi còn làm nhiều chuyện hơn là chỉ đánh hơi, Adriana ạ. Nếu chúng phát hiện chút xíu mùi 11/9 thôi, ông ta sẽ ba chân bốn cẳng chạy khỏi cô ta”.

“Nhân tiện nhắc đến Zizi, nhà ông ta ở ngay trước mặt”.

Carter giảm tốc độ để quẹo một khúc cua. Một cánh cửa an ninh bằng gạch và sắt lớn xuất hiện ngay trước mặt họ. Đằng sau cánh cửa là con đường lát dài dẫn tới một dinh thự nguy nga như một tòa lâu đài, mặt quay ra sông. Gabriel quay mặt đi khi họ lái xe qua ngôi nhà.

“Zizi sẽ không bao giờ biết về Ben”, Carter nói.

“Ông có sẵn sàng đặt cược mạng sống của Sarah vào chuyện này không?”

“Hãy gặp cô ấy, Gabriel, để có nhiều căn cứ đánh giá hơn”.

“Tôi đã có đánh giá của riêng mình. Cô ấy hoàn hảo”.

“Thế thì vấn đề là gì?”

“Nếu chúng ta phạm một sai lầm thôi, Zizi sẽ ném cô ta xuống một cái hố rất sâu. Đó chính là vấn đề, Adrian”.

Việc đột ngột vào đến trung tâm Washington làm Gabriel ngạc nhiên. Mới ít phút trước họ còn đang lái xe trên con đường nông thôn hai làn, chỉ một lát sau họ đã bò ì ạch trên đường Q băng qua Georgetown trong giờ cao điểm buổi tối. Carter, trong vai trò hướng dẫn viên, chỉ cho Gabriel nhà của những công dân nổi tiếng nhất khu vực, Gabriel tựa trán vào kính cửa sổ, không thể có đủ hứng thú thậm chí chỉ để giả vờ thích thú. Họ băng qua một cây cầu ngắn, canh gác hai bên đầu cầu là một cặp trâu lớn nhưng xỉn màu, sau đó họ đi vào khu phố ngoại giao của thành phố. Ngay khi vừa qua đại lộ Massachusetts, Carter chỉ một toà nhà tháp chuông bằng gạch đỏ bên trái đường. “Đó chính là bảo tàng Phillips”, ông nói. Gabriel nhìn sang bên phải thấy bức tượng bằng đồng của Mohandas Gandhi đang băng qua một công viên hình tam giác nhỏ. Tại sao là Gandhi? Anh tự hỏi. Lý tưởng của Gandhi có liên quan gì với mảng quyền lực toàn cầu của nước Mỹ này?

Carter lái xe qua một dãy nhà khác và đậu lại trong khu vực đỗ xe ngoại giao có giới hạn bên ngoài một tòa Đại sứ Mỹ Latinh nhìn có vẻ trầm lặng. Ông ta vẫn để máy nổ và không có cử động nào cho thấy ý định muốn ra khỏi xe. “Khu vực này trong thành phố được gọi là bùng binh Dupont”, ông giới thiệu. “Đây là nơi đại diện cho những gì tiên phong ở Washington”.

Một sỹ quan thuộc đội Hoạt động Tình báo gõ ngón tay vào cửa sổ xe của Carter yêu cầu ông lái xe đi. Carter, mắt nhìn thẳng phía trước, giơ thẻ căn cước lên, và viên sỹ quan quay trở lại chỗ của mình. Một chút sau, có cái gì đó trong gương chiếu hậu thu hút sự chú ý của Carter. ”Cô ấy tới rồi”, ông thông báo.

Gabriel nhìn ra ngoài cửa xe hơi khi Sarah Bancroft lướt qua. Cô ta đang mặc chiếc áo khoác ngoài màu đen để lộ vòng eo thon thả. Một tay cô xách cặp, còn tay kia cầm điện thoại di động. Gabriel thoáng nghe giọng cô khi cô đi ngang qua. Giọng trầm, tinh tế, có chút âm sắc của người Anh - chắc chắn là do một chút còn sót lại trong thời gian cô học tại Courtauld và thời thơ ấu học ở những trường quốc tế ở nước ngoài.

“Anh nghĩ sao?”. Carter hỏi.

“Tôi sẽ cho ông biết sau một lát nữa”.

Cô đến góc đường Q và đường 20. Ở góc đối diện là khu đất có nhiều người bán hàng rong trên vỉa hè và hai cầu thang cuốn dẫn tới trạm Metro ở bùng binh Dupont. Đèn giao thông ở trước mặt Sarah đang đỏ, nhưng cô không ngừng lại khi ra khỏi khúc cua mà tiếp tục bước đi. Khi tài xế tắc xi bấm còi xe hơi phản đối, cô bắn cho anh ta một cái nhìn có thể làm tan chảy nước đá rồi tiếp tục cuộc nói chuyện trên điện thoại. Sau đo,á cô chậm rãi băng qua ngã tư, bước vào cầu thang cuốn để đi xuống dưới. Gabriel dõi theo đầy nguỡng mộ cho đến khi cầu thang cuốn cô khuất khỏi tầm mắt.

“Ông còn hai người nữa giống y như cô ấy không?”

Carter móc điện thoại ra khỏi túi và bấm số. “Cô ấy đã được chấp thuận”, ông ta nói. Ngay sau đó một chiếc Suburban lớn màu đen vòng qua góc đỗ trái luật trên khúc đường Q chỗ thang cuốn. Năm phút sau, Gabriel nhìn thấy cô lần nữa, lần này đang đi lên từ trạm Metro phía dưới. Cô không còn nói chuyện điện thoại, và cũng không đi một mình. Hai nhân viên của Carter đi hai bên, phòng trường hợp cô thay đổi ý định. Cánh cửa sau của chiếc Suburban bật mở, và Sarah Bancroft biến vào trong. Carter khởi động xe quay trở lại Georgetown.
 
Chương 17: Georgetown


Chiếc Suburban màu đen dừng lại trước căn nhà lớn kiểu Liên bang trên đường N 15 phút sau. Khi Sarah đi lên những bậc thang bằng gạch đỏ hình vòng cung, cửa đột nhiên mở ra và một dáng người xuất hiện trên hành lang. Ông ta mặc quần kaki không nhăn và áo khoác ngoài thể thao bằng nhung có màu sặc sỡ với nhiều miếng ghép trên khuỷu tay. Tia nhìn của ông ta vừa lạnh lùng giống bác sỹ trong phòng khám, vừa có nét tò mò gợi Sarah nhớ lại bác sỹ tâm lý tư vấn nỗi buồn mà cô đã đi gặp sau cái chết của Ben. “Tôi là Carter”, ông ta nói tựa như vừa sực nhớ ra cần phải giới thiệu mình. Ông ta không nói đây là tên, hay họ, chỉ nói rằng đây là tên thật. “Tôi không cần dùng tên giả nữa”, ông nói. “Vì tôi đang có mặt trong Tổng hành dinh”.

Ông ta mỉm cười, nụ cười khách sáo, giống như cái bắt tay ngắn không chân thật. Ông mời cô bước vào, và một lần nữa lại khiến cô có cảm giác lời mời này xuất phát từ cảm hứng chợt đến. ”Còn cô là Sarah”, ông nói khi đưa cô đi xuống sảnh lớn ở trung tâm. “Sarah Bancroft, người quản lý tại bảo tàng Phillips danh tiếng. Sarah Bancroft, người đã dũng cảm nộp đơn xin làm việc chỗ chúng tôi nhưng đã bị từ chối với lý do cô không cần thiết. Cha của cô sao rồi?”

Cô ngạc nhiên vì sự thay đổi đề tài đột ngột. “Ông biết cha tôi à?”

“Thực ra tôi chưa bao giờ gặp ông ấy. Ông ấy làm việc cho Citicorp đúng không?”

“Ông biết chính xác cha tôi đang làm việc cho ai. Tại sao ông lại hỏi về cha tôi?”

“Dạo gần đây ông ấy ở đâu? Luân Đôn? Brussels? Hay Hồng Kông?”

“Paris”, cô trả lời. “Đây là chỗ làm việc cuối cùng của cha tôi. Năm tới ông sẽ nghỉ hưu”.

“Sau đó ông ấy sẽ về nhà chứ?”

Cô lắc đầu. “Ông ấy ở lại Paris. Cùng cô vợ mới. Cha mẹ tôi ly dị được hai năm rồi. Ông tái hôn ngay lập tức. Ông thuộc dạng người coi thời gian là tiền bạc”.

“Còn mẹ cô thì sao? Bà ấy ở đâu?”

“Manhattan”.

“Cô có hay gặp cha không?”

“Nghỉ lễ. Đám cưới. Thỉnh thoảng hai cha con có những buổi ăn trưa không thoải mái lắm khi ông về đây. Cha mẹ tôi vấp phải rất nhiều phản đối trước khi đi đến quyết định ly hôn. Tất cả mọi người đều theo phe phản đối, nhất là tôi. Tại sao ông lại hỏi tôi những câu hỏi này? Ông muốn gì từ…“

“Cô tin vào điều đó à?”, ông ta hỏi, cắt ngang lời cô.

“Tin vào điều gì?”

“Theo phe”.

“Cũng tùy trường hợp, tôi nghĩ vậy. Đây có phải là một phần bài kiểm tra không? Tôi nghĩ mình đã thi trượt”.

“Cô đậu rồi”, Carter trả lời. “Điểm xuất sắc”.

Họ vào phòng khách. Căn phòng không đề biển, được trang trí bằng những đồ đạc thanh lịch giống như trong các dãy phòng khách sạn dùng để bàn bạc công việc làm ăn. Carter giúp cô cởi áo khoác và mời cô ngồi.

“Tại sao tôi được nhận vào làm việc?”

“Thế giới này hay thay đổi, Sarah. Mọi thứ cũng thay đổi. Nói tôi nghe đi, trong trường hợp nào cô nghĩ theo phe là đúng?”

“Tôi vẫn chưa nghĩ nhiều về điều này”.

“Chắc chắn cô đã nghĩ rồi”, Carter nói. Sarah, lần thứ hai, lại như thấy lại bác sỹ tâm lý của mình ngồi trong chiếc ghế bành xòe ra như bông hoa với chiếc cốc bằng sứ để cân bằng trên đầu gối, đưa suy nghĩ của cô tới những nơi cô không muốn. “Nói đi, Sarah”, Carter đang thúc giục. “Cho tôi biết một ví dụ khi cô nghĩ theo phe là đúng”.

“Tôi tin vào đúng sai”, cô nói, cằm hơi hếch lên. “Điều này có thể giải thích lí do tại sao tôi trượt trong kì thi của các ông. Thế giới của các ông là những mảng màu xám, còn tôi thích trắng đen”.

“Đây có phải là những gì cha cô nói không?”

Không, cô nghĩ, chính Ben đã chỉ ra khuyết điểm này của cô.

“Chuyện này là thế nào?”, cô hỏi. “Tại sao tôi lại đến đây?”

Nhưng Carter vẫn đang suy nghĩ về những ẩn ý trong câu trả lời lúc nãy của cô. “Thế còn khủng bố thì sao?” ông ta hỏi, một lần nữa lại khiến Sarah có cảm nghĩ câu hỏi này vừa xuất hiện bất chợt trong đầu ông ta. “Đó chính là điều tôi tự hỏi. Bọn khủng bố nằm ở chỗ nào trong thế giới đúng sai của cô. Chúng có tội, hay sự nghiệp của chúng là đúng đắn? Chúng ta là những nạn nhân vô tội, hay chính chúng ta đã tự mình chuốc lấy thảm họa này? Chúng ta phải ngồi chờ thảm họa đến, hay chúng ta có quyền chống lại bọn chúng bằng tất cả sức mạnh và sự tức giận chúng ta có thể có?”

“Tôi là người quản lý bảo tàng Phillips”, cô nói. “Ông thực sự muốn tôi làm thơ trữ tình về những nguyên tắc đạo đức của chủ nghĩa chống khủng bố à?”

“Chúng ta hãy thu hẹp phạm vi câu hỏi. Tôi luôn thấy điều này có ích. Chúng ta hãy lấy ví dụ về người đàn ông lái chiếc máy bay của Ben đâm vào Trung tâm Thương mại thế giới”. Carter dừng lại. “Cô nhắc lại cho tôi Ben ở trên chiếc máy bay nào được không?”

“Ông biết anh ấy đi trên chiếc máy bay nào”, cô đáp. “Anh ấy đi trên chiếc chuyến bay Thống Nhất 175”.

“Được lái bởi…”

“Marwan al-Shehhi”.

“Chúng ta hãy tạm thời giả sử Marwan al-Shahhi tìm được cách sống sót. Tôi biết chuyện này là điên khùng, Sarah, nhưng cô hãy giả sử cùng tôi mà không tranh cãi. Giả sử anh ta quay trở lại Afghanistan hay Pakistan hay một nơi ẩn náu nào đó của bọn khủng bố. Giả sử như chúng ta biết anh ta ở đâu. Chúng ta nên gửi FBI đến cùng với lệnh bắt anh ta, hay liệu chúng ta nên giải quyết anh ta bằng cách hiệu quả hơn? Những người mặc đồ đen? Lực lượng Đặc nhiệm? Hay dùng tên lửa được phóng từ máy bay không có phi công?”

“Tôi nghĩ ông đã biết tôi sẽ làm gì với hắn ta”.

“Giả sử như tôi muốn nghe điều này từ chính miệng cô trước khi chúng ta tiến xa hơn”.

“Bọn khủng bố đã tuyên chiến với chúng ta”, cô nói. “Chúng đã tấn công thành phố, tàn sát dân cư, và cố gắng làm gián đoạn hoạt động của chính phủ”.

“Nếu vậy thì chúng ta nên làm gì với chúng?”

“Chúng phải bị nghiêm trị”.

“Điều này có nghĩa là gì?”

“Những người mặc đồ đen. Lực lượng Đặc nhiệm. Tên lửa phóng từ máy bay không người lái”.

“Còn gã đứng đằng sau cung cấp tiền cho bọn chúng thì sao? Hắn ta có tội không? Nếu vậy thì đến mức nào?”

“Tôi cho rằng điều này phụ thuộc vào việc liệu ông ta có biết tiền dùng vào mục đích gì”.

“Nếu hắn ta biết rất rõ tiền được dùng vào mục đích gì?”

“Nếu thế thì hắn ta cũng có tội như gã đã lái máy bay đâm vào toà nhà”.

“Cô có cảm thấy thoải mái - thật ra là cảm thấy mình đúng khi chống lại một kẻ như thế không?”

“Tôi đã đề nghị giúp đỡ cách đây năm năm”, cô giận dữ nói. “Các ông bảo tôi không đủ điều kiện. Các ông bảo tôi không phù hợp làm loại công việc này. Còn bây giờ các ông muốn tôi giúp đỡ ư?”

Carter không chút cảm xúc khi nghe lời phản đối của cô. Sarah cảm thấy tội nghiệp cho vợ ông ta.

“Cô đề nghị giúp đỡ chúng tôi, còn chúng tôi đối xử với cô chẳng ra gì. Tôi e rằng chỉ có điều đó là chúng tôi làm giỏi nhất. Có lẽ tôi nên nói tiếp về việc chúng tôi đã sai lầm, hay cố gắng xoa dịu cảm xúc của cô bằng một lời xin lỗi không chân thành. Nhưng nói thật, thưa cô Bancroft, chúng tôi không còn thời gian”. Giọng ông ta đượm vẻ căng thẳng mà trước đó không có. “Vì vậy tôi nghĩ điều tôi cần bây giờ là một câu trả lời thẳng thắn. Cô vẫn muốn giúp đỡ chúng tôi chứ? Cô muốn chống lại bọn khủng bố, hay cô thích tiếp tục với cuộc sống của mình hơn và hi vọng điều như thế sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa?”

“Chiến đấu?”, cô hỏi. “Tôi nghĩ ông có thể tìm người thích hợp với điều này hơn tôi”.

“Có nhiều cách chống lại bọn chúng, Sarah”.

Cô do dự. Carter lấp đầy khoảng trống im lặng bằng việc nhìn chăm chú bàn tay của mình. Ông không phải loại người lặp lại câu hỏi hai lần. Về điều này ông rất giống cha cô. “Vâng”, cuối cùng cô nói. “Tôi rất sẵn lòng”.

“Nếu công việc này liên quan đến cục tình báo khác không phải là Cục Tình báo Trung ương thì sao?”, ông ta hỏi, tựa như đang thảo luận về một giả thuyết xa xôi nào đó. “Một Cục Tình báo là đồng minh chặt chẽ của chúng ta trong trận chiến chống lại bọn khủng bố

Hồi giáo?”

“Vậy Cục Tình báo đó là của nước nào?”

Carter rất giỏi lảng tránh câu trả lời. Bây giờ một lần nữa ông ta lại chứng minh điều này.

“Tôi muốn cô gặp một người. Anh ta là người rất nghiêm túc. Có vẻ hơi căng thẳng. Anh ta sẽ hỏi cô một vài câu. Thật ra anh ta sẽ tìm hiểu kỹ về cô trong vài tiếng tới. Đôi lúc câu hỏi của anh ta động vào những việc riêng tư. Nếu anh ta đồng ý, anh ta sẽ yêu cầu cô giúp đỡ chúng tôi trong một công việc rất quan trọng. Công việc này có nhiều nguy hiểm, nhưng rất quan trọng đối với an ninh nước Mỹ, nên nhận được sự hỗ trợ hoàn toàn của Cục. Nếu cô cảm thấy quan tâm, hãy ngồi lại nơi này. Nếu không, hãy đi ra cửa. Chúng tôi sẽ giả vờ như cô tình cờ bước vào nhầm chỗ”.

Sarah không biết Carter xưng hô với anh ta thế nào, cô cũng không đoán được anh ta từ đâu đến. Người anh ta nhỏ và gầy, tóc cắt ngắn kiểu quân đội, nhưng lại bạc hai bên thái dương. Đôi mắt của anh ta xanh đến mức Sarah chưa từng thấy bao giờ. Anh ta có cách bắt tay nhanh giống Carter, nhưng nó có vẻ thăm dò giống cách bắt tay của bác sỹ. Anh ta nói tiếng Anh trôi chảy bằng một giọng rất nặng. Chắc chắn anh ta có tên, nhưng chưa tiết lộ.

Họ ngồi xuống chiếc bàn dài trong phòng khách trang trọng, Carter và người hợp tác vô danh ngồi một bên, còn Sarah ngồi bên kia giống như nghi phạm đang ngồi trong phòng thẩm vấn. Trong tay người hợp tác bây giờ là hồ sơ xin vào CIA của cô. Anh ta đang đọc chậm từng trang giống như mới thấy chúng lần đầu. Câu hỏi đầu tiên của anh giống như một lời buộc tội nhẹ.

“Cô viết luận văn tiến sỹ tại Harvard về đề tài Các họa sỹ Biểu hiện của Đức”.

Để bắt đầu câu chuyện thì đây là một cách khá lạ lùng. Cô muốn hỏi tại sao anh lại quan tâm đến đề tài luận văn của cô, nhưng thay vì thê cố chỉ đơn giản gật đầu trả lời. “Vâng, đúng vậy”.

“Trong khi nghiên cứu, cô đã bao giờ gặp cái tên Viktor Frankel chưa?”

“Ông ấy là môn đồ của Max Beckmann”, cô đáp. “Ngày nay người ta ít biết đến Frankel, nhưng trước đây ông ta gây ảnh hưởng khá lớn và được giới hội họa đương thời coi trọng. Năm 1936, Đức Quốc xã tuyên bố tranh của ông suy đồi, và ông bị cấm vẽ tranh. Không may, ông vẫn quyết định ở lại Đức. Đến khi ông muốn rời bỏ đất nước thì đã quá muộn. Frankel bị trục xuất đến Auschwitz năm 1942 cùng với vợ và con gái tuổi thiếu niên, Irene. Cuối cùng, chỉ mình Irene sống sót. Bà đến Israel sau chiến tranh và trở thành một trong những họa sỹ gây ảnh hưởng lớn nhất nước vào những năm 50 và 60. Hình như bà đã mất cách đây vài năm”.

“Đúng vậy”, người hợp tác với Carter nói, mắt anh ta vẫn chăm chú nhìn hồ sơ của Sarah.

“Tại sao ông lại hỏi tôi có biết về Viktor Frankel không?”

“Bởi vì ông ấy là ông ngoại tôi”.

“Ông là con trai của Irene?”

“Đúng vậy”, anh ta trả lời. “Irene là mẹ tôi”.

Cô nhìn sang Carter, ông này đang ngắm tay mình. “Tôi nghĩ mình biết ai đang thực hiện phi vụnày của ông”. Cô quay lại người đàn ông với tóc mái điểm bạc và đôi mắt xanh biếc. “Ông là người Israel”.

“Đúng vậy. Chúng ta tiếp chứ, Sarah, hay cô muốn tôi đi ra?”

Cô do dự một lúc, sau đó gật đầu. “Tôi được phép biết tên ông chứ, hay tên ông là điều cấm kỵ?”

Anh cho cô biết tên mình. Cái tên này có vẻ quen quen. Sau đó cô chợt nhớ ra mình đã thấy tên này ở đâu. Điệp viên người Israel có liên quan đến vụ nổ bom nhà ga Lyon ở Paris…

“Ông là người đã…”

“Đúng vậy”, Gabriel thừa nhận. “Tôi chính là người đó”.

Anh lại nhìn xuống hồ sơ đang mở và lật sang trang mới. “Chúng ta hãy quay trở lại với cô được không? Chúng ta có nhiều thứ cần phải biết nhưng lại rất ít thời gian”.

Gabriel bắt đầu chậm rãi, giống như một người đang đi xuống dốc đồi, để dành sức lực cho những nguy hiểm ở phía trước. Những câu hỏi của anh ngắn, hiệu quả, và được đặt ra một cách có hệ thống, giống như đang được đọc từ danh sách câu hỏi đã chuẩn bị sẵn, nhưng sự thực không có danh sách này. Anh dành giờ đầu tiên hỏi về gia đình cô. Cha cô, một người điều hành cấp cao ở Citicorp rất thiếu thốn thời gian dành cho con cái nhưng lại dư thừa cho những người phụ nữ khác. Mẹ cô, suy sụp sau vụ ly dị và bây giờ đang sống như một ẩn sĩ tại căn hộ chung cư ba phòng ngủ ở Manhattan trên đại lộ số 5. Chị gái của cô, người theo như Sarah mô tả, “giành hết thông minh và sắc đẹp trong nhà”. Em trai cô đã rút lui khỏi cuộc sống từ hồi còn trẻ, và khiến cha cô thất vọng vì đang hùng hục làm việc chỉ để kiếm những đồng xu lẻ trong một cửa hàng bán đồ trượt tuyết ở một nơi nào đó thuộc Colorado.

Sau chuyện gia đình, thêm một giờ nữa được dành để hỏi về chuyện học hành tốn kém tại châu Âu. Trường Mỹ ở khu John’s Wood, nơi cô học những năm tiểu học. Trường cấp hai quốc tế ở Pháp, nơi cô học cách nói tiếng Pháp và gặp rắc rối. Trường nội trú nữ ở ngoại ô Geneva, nơi cha đã tống cô vào đấy nhằm mục đích “trừng phạt”. Cô nói thêm rằng chính ở Thụy Sĩ cô đã khám phá ra là mình đam mê nghệ thuật. Những câu trả lời của cô được ghi sột soạt lên giấy. Anh viết bằng mực đỏ trên quyển sổ có màu hoa hướng dương. Ban đầu cô nghĩ anh đang viết tắt bằng một loại chữ tượng hình nào đó. Sau đó, cô phát hiện ra anh đang ghi chú bằng tiếng Do Thái. Anh ghi chú từ phải sang trái, và có thể viết bằng hai tay với tốc độ nhanh như nhau, khiến cô càng thêm chắc chắn về cảm giác ban đầu là mình đã gặp một nhân vật bí ẩn như bóng ma.

Thỉnh thoảng, dường như Gabriel có tất cả thời gian trên đời; những lúc khác anh lại cau mày nhìn đồng hồ đeo tay cau mày, tựa như tính toán xem họ còn gắng đi được bao lâu nữa trước khi hạ trại nghỉ đêm. Thỉnh thoảng anh nói bằng những ngôn ngữ khác. Tiếng Pháp của anh khá tốt. Tiếng Ý không chê vào đâu được nhưng vẫn có chút âm sắc cho thấy anh ta không phải là người bản xứ. Khi Gabriel nói với cô bằng tiếng Đức, một sự thay đổi phủ lên người anh ta. Lưng dựng thẳng. Khuôn mặt đanh lại đến mức khắc nghiệt. Cô luôn trả lời Gabriel bằng thứ ngôn ngữ mà anh hỏi, mặc dù những lời cô nói đều được ghi lại bằng tiếng Do Thái. Hầu như anh không làm khó cô, nhưng bất cứ sự không nhất quán nào trong câu trả lời, cho dù có thật hay do anh nghĩ là có, đều được anh chất vấn như công tố viên trước tòa.

“Niềm đam mê nghệ thuật này đến từ đâu?”, anh hỏi. “Tại sao lại là nghệ thuật? Tại sao không phải văn học hay âm nhạc? Tại sao không phải là phim hay kịch?”

“Hội họa trở thành nơi trốn lánh cho tôi. Một nơi trang nghiêm, bí ẩn”.

“Trốn khỏi cái gì?”

“Cuộc sống thực tại”.

“Cô là một cô gái giàu có đi học ở những trường danh tiếng nhất châu Âu. Cuộc đời cô có gì không ổn?”. Anh chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Đức với giọng buộc tội. “Cô chạy trốn khỏi điều gì?”

“Ông đang đánh giá tôi”, cô trả lời bằng cùng ngôn ngữ.

“Dĩ nhiên”.

“Chúng ta nói chuyện bằng tiếng Anh được không?”

“Nếu cô thấy thoải mái hơn”.

“Tranh vẽ mở ra những chân rời khác, những cuộc sống khác. Nó lưu giữ những khoảnh khắc chỉ tồn tại trong nó mà thôi”.

“Cô thích đến sống ở những chân trời ấy”.

Đây là một sự quan sát, không phải câu hỏi. Cô gật đầu thừa nhận.

“Cô muốn sống cuộc đời khác? Trở thành những người khác? Cô muốn đi dạo trên những cánh đồng lúa mạch của Vincent và những khu vườn hoa của Monet?”

“Cả những cơn ác mộng của Frankel”.

Lần đầu tiên anh ngừng bút trong cuộc phỏng vấn. “Đây có phải là lí do khiến cô nộp đơn gia nhập Tổ chức? Bởi vì cô muốn sống cuộc đời khác? Bởi vì cô muốn trở thành người khác?”

“Không, tôi xin gia nhập vì muốn phục vụ Tổ quốc”.

Anh cau mày nhìn cô không đồng tình, tựa như thấy câu trả lời của cô quá ngây thơ, sau đó, anh nhìn xuống đồng hồ. Thời gian là kẻ thù của anh.

“Trong những năm tháng sống ở châu Âu, cô đã bao giờ gặp người Arập chưa?”

“Dĩ nhiên”.

“Con trai hay con gái?”

“Cả hai”.

“Loại Arập nào?”

“Loại Arập đi trên hai chân. Loại Arập của nước Arập”.

“Cô quen nhiều hơn thế, Sarah”.

“Người Libăng, Palestine, Gioócđan, người Ai Cập”.

“Còn người Arập Xêút thì sao? Cô đã bao giờ học cùng trường với người Arập Xêút chưa?”

“Có một vài cô gái Arập Xêút học cùng tôi ở trường Thụy Sĩ”.

“Những cô gái Arập Xêút này đều giàu có chứ?”

“Chúng tôi ai cũng giàu”.

“Cô có kết bạn với họ không?”

“Họ rất khó gần và không thân thiện. Họ chỉ chơi với nhau”.

“Thế còn những chàng trai Arập?”

“Họ thì sao?”

“Cô đã bao giờ làm bạn với họ chưa?”

“Rồi”.

“Đã bao giờ hẹn hò chưa? Hay ngủ với họ?”

“Chưa”.

“Tại sao chưa?”

“Có thể do sở thích của tôi không phải là những người đàn ông Arập ”.

“Cô có bạn trai người Pháp chứ?”

“Vài người”.

“Bạn trai người Anh?”

“Chắc chắn rồi”.

“Nhưng không có người Arập?”

“Không”.

“Cô có thành kiến với người Arập?”

“Ông đừng ngớ ngẩn thế”.

“Vậy thì có thế kết luận cô đã có thể hẹn hò với người Arập. Cô chỉ không thích làm điều này”.

“Tôi hi vọng ông không yêu cầu tôi làm mồi nhử trong bẫy tình cảm bởi vì…“

“Cô đừng ngớ ngẩn thế”.

“Vậy tại sao ông lại hỏi tôi những câu hỏi này?”

“Bởi vì tôi muốn biết liệu cô có cảm thấy thoải mái trong hoàn cảnh làm việc và giao tiếp xã hội với đàn ông Arập không”.

“Câu trả lời là có”.

“Khi gặp một người Arập, liệu cô có bất giác nghĩ đến khủng bố không?”

“Không”.

“Cô có chắc về điều này không, Sarah?”

“Tôi nghĩ rằng điều này còn phụ thuộc vào việc ông đang muốn nói đến loại người Arập nào”.

Anh nhìn đồng hồ. “Trễ rồi”, anh không nói với ai cụ thể. “Tôi chắc rằng Sarah đáng thương đã đói bụng lắm rồi”. Anh gạch ngang một đường đỏ đậm trên sổ tay. “Chúng ta gọi thức ăn đi. Sarah sẽ cảm thấy đỡ hơn sau khi đã có thứ gì vào bụng”.

Họ gọi kebabs từ tiệm giao hàng tận nơi ở trung tâm Georgetown. Hai mươi phút sau thức ăn được chuyển đến trong cùng chiếc Suburban đưa Sarah đến ba giờ trước. Gabriel xem việc chiếc xe tái xuất hiện như là tín hiệu bắt đầu cuộc phỏng vấn ban đêm. Trong vòng hai mươi phút kế tiếp anh chú trọng vào việc học và kiến thức của cô về lịch sử nghệ thuật. Câu hỏi của anh đặt nhanh đến nỗi cô hầu như không có thời gian để ăn. Còn về phần mình, anh cũng không đụng đến phần kebab đặt kế bên quyển sổ tay màu vàng. Anh ta là người khổ hạnh, cô nghĩ. Anh ta không màng đến thức ăn. Anh ta sống trong một căn phòng không có đồ đạc và tồn tại nhờ bánh mì và nước lã. Gần nửa đêm anh ta mang đĩa thức ăn vào nhà bếp và đặt lên quầy. Khi trở lại phòng khách anh đứng sau ghế một lúc, tay đỡ cằm và đầu hơi nghiêng sang một bên. Ánh đèn chùm đã khiến mắt anh chuyển sang màu xanh ngọc lục bảo. Đôi mắt ấy liên tục dõi lên cô như đèn pha.Anh ta sắp sửa khiến mọi việc tiến đến cao trào, cô nghĩ. Anh ta đang chuẩn bị tấn công lần cuối.

“Hồ sơ cho biết cô chưa lập gia đình”.

“Đúng vậy”.

“Hiện tại cô có đang quen ai không?”

“Không”.

“Có đang ngủ cùng ai không?”

Cô nhìn Carter, và ông ta nhìn lại cô buồn bã, tựa như nói với cô rằng. Tôi đã bảo cô những câu hỏi có thể hơi riêng tư.

“Không, tôi không ngủ với ai”.

“Tại sao không?”

“Ông đã bao giờ mất người thân nào chưa?”

Ánh mắt tối sầm đột nhiên bao phủ khuôn mặt anh, cộng với việc Carter chuyển tư thế ngồi một cách không thoải mái, điều đó cảnh báo cô rằng cô đã lạc bước vào vùng cấm.

“Tôi xin lỗi”, cô nói. “Tôi không…“

“Ben phải không? Ben là lý do cô không quen ai?”

“Vâng, đúng là Ben. Dĩ nhiên chính vì Ben”.

“Hãy kể cho tôi nghe về anh ấy”.

Cô lắc đầu. “Không”, cô nói khẽ. “Ông không thể hỏi về Ben. Ben là của tôi. Ben không phải là công việc”.

“Hai người hẹn hò với nhau bao lâu?”

“Tôi đã bảo ông…“

“Cô hẹn hò với anh ta bao lâu, Sarah? Chuyện này rất quan trọng, nếu không tôi đã không hỏi”.

“Khoảng chín tháng”.

“Sau đó chấm dứt à?”

“Vâng, mọi chuyện đã chấm dứt”.

“Cô đã nói lời chia tay phải không?”

“Đúng vậy”.

“Ben yêu cô. Anh ta muốn cưới cô”.

“Đúng vậy”.

“Nhưng cô không chung cảm giác với anh ta. Cô không thích hôn nhân. Có lẽ cô không quan tâm đến Ben nhiều lắm”.

“Tôi rất lo cho anh ấy…”

“Nhưng?”

“Nhưng tôi không yêu anh ấy”.

“Hãy kể cho tôi nghe về cái chết của Ben”.

“Ông nói đùa à?”

“Tôi rất nghiêm túc”.

“Tôi không nói về cái chết của anh ấy. Tôi không bao giờ nói về cái chết của anh ấy. Vả chăng, các ông cũng đã biết anh ấy chết như thế nào. Anh ấy chết lúc chín giờ ba phút sáng, trực tiếp trên truyền hình. Mọi người trên thế giới đều chứng kiến anh ấy chết như thế nào. Ông có trong số đó không?”

“Một vài hành khách trên chuyến bay 175 có thể gọi điện thoại”.

“Đúng vậy”.

“Ben là một trong số đó?”

“Đúng”.

“Anh ấy gọi cho cha à?”

“Không”.

“Anh ấy gọi cho mẹ mình à?”

“Không”.

“Anh trai? Chị gái?”

“Không”.

“Anh ấy gọi cho ai, Sarah?”

Mắt cô đẫm lệ.

“Anh ấy gọi cho tôi, ông đúng là đồ chó hoang khi hỏi như vậy đấy”.

“Anh ấy nói gì với cô?”

“Anh ấy bảo máy bay đã bị không tặc tấn công. Anh ấy bảo bọn chúng đã giết hết tiếp viên. Anh ấy bảo máy bay đang di chuyển rất kì lạ. Anh ấy bảo yêu tôi và rất tiếc. Anh ấy sắp chết, nhưng lại bảo với tôi rằng mình rất tiếc. Sau đó chúng tôi mất liên lạc”.

“Cô đã làm gì?”

“Tôi bật tivi thấy khói bốc lên từ tòa tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại thế giới. Tôi bật lên chậm vài phút sau khi chuyến bay 11 đâm vào tòa tháp. Không ai biết chắc chuyện gì đã xảy ra. Tôi gọi FAA nói với họ về cuộc gọi của Ben. Tôi gọi FBI. Tôi gọi cảnh sát Boston. Tôi cảm thấy mình thật vô dụng”.

“Sau đó thì sao?”

“Tôi xem truyền hình. Tôi chờ chuông điện thoại reo lần nữa. Chuông điện thoại không reo. Vào chín giờ ba phút sáng giờ ban ngày miền đông, chiếc máy bay thứ hai tông vào Trung tâm Thương mại. Toà Tháp phía nam đang bốc cháy. Ben đang bốc cháy”.

Một giọt nước mắt lăn chầm chậm trên má cô. Cô chùi đi và nhìn anh giận dữ.

“Ông hài lòng chưa?”

Anh im lặng.

“Bây giờ đến lượt tôi đặt câu hỏi. Các ông nên trả lời đúng sự thật, nếu không tôi sẽ bước ra khỏi nơi này không bao giờ quay trở lại”.

“Cô hãy hỏi bất cứ điều gì mình đang thắc mắc, Sarah”.

“Anh muốn điều gì ở tôi?”

“Chúng tôi muốn cô bỏ việc chỗ bảo tàng Phillips và đến làm cho Tập đoàn Thánh chiến. Cô vẫn còn có hứng thú chứ?”

o O o

Carter là người đặt bản hợp đồng trước mặt Sarah cho cô ký. Carter có tính thẳng thắn của người theo Thanh Giáo. Hôm nay ông ta mặc chiếc áo thể thao bằng nhung sặc sỡ. Carter có cách cư xử giống như bác sỹ trị liệu và nói tiếng Anh theo giọng Mỹ. Gabriel lẻn ra ngoài giống như tên trộm đêm, đến bên chiếc xe Volvo cũ rích của Carter. Anh biết câu trả lời của Sarah là gì. Cô ấy đã trả lời rõ ràng. Tòa tháp phía Nam đang bốc cháy, cô ấy đã nói. Ben đang bốc cháy. Vì thế Gabriel không quan tâm đến khuôn mặt như ra pháp trường hai mươi phút sau khi cô bước ra khỏi tòa nhà một cách nặng nề, bước xuống cầu thang, chui vào chiếc xe Suburban màu đen đang chờ sẵn. Anh cũng không bị xáo động khi nhìn thấy Carter, năm phút sau đó, băng qua đường với khuôn mặt đầy suy tư và trang nghiêm như người đang mang bình tro hài cốt. Ông ngồi vào đằng sau tay lái mở máy xe. “Máy bay đang chờ tại phi trường Andrews để đưa anh về lại Israel”, ông nói. “Trên đường ra sân bay chúng ta phải ghé qua một nơi. Có người muốn nói chuyện với anh trước khi anh đi”.

o O o

Trời đã quá nửa đêm. Đường K bây giờ chỉ còn xe tải chở hàng và xe tắc xi chạy đêm. Carter lái xe nhanh hơn thường lệ và liên tục nhìn đồng hồ. “Cô ấy không làm việc này miễn phí, anh biết đấy. Sẽ có nhiều khoản chi trong việc dùng cô ấy. Cô ấy sẽ phải sống ở nơi khác khi chuyện này kết thúc và được bảo vệ trong một thời gian dài”.

“Nhưng ông thu xếp được chuyện này mà, đúng không Adrian? Các ông là những người có nhiều tiền. Ngân sách cho việc bảo vệ an ninh nước Mỹ không thôi cũng đã lớn hơn nhiều ngân sách của toàn bộ đất nước chúng tôi”.

“Anh quên rằng lần hành động này không tồn tại à? Thêm nữa, anh sẽ bước ra khỏi vụ này và lấy được nhiều tiền của Zizi”.

“Được rồi”, Gabriel nói. “Vậy ông đi mà nói với Sarah Bancroft cô ấy sẽ sống mười năm tiếp theo trong khu định cư Do Thái ở Galilee để trốn tránh sự truy sát của lực lượng Thánh chiến toàn cầu”.

“Được rồi, chúng tôi sẽ trả tiền cho việc ăn ở sau này của cô ấy”.

Carter quẹo vài lần. Trong một lúc Gabriel không kịp nhận ra họ đang ở trên đường nào. Họ đi qua mặt trước của một toà nhà tân cổ điển, sau đó quẹo vào một con đường nhỏ nhìn có vẻ trang trọng. Bên trái là trạm canh gác lắp kính chống đạn. Carter hạ cửa sổ xe đưa thẻ cho lính canh xem.

“Chúng tôi có hẹn trước”.

Người lính gác nhìn bảng, sau đó đưa thẻ lại cho Carter.

“Ông lái xe tiếp, sau đó dừng lại trước barie bên trái. Chó nghiệp vụ sẽ đánh hơi xe hơi, sau đó ông tiếp tục lái xe vào”.

Carter gật đầu và nâng kính xe lên. Gabriel hỏi, “Chúng ta đang ở đâu?”

Carter lái xe vòng qua những hàng rào cản và dừng lại nơi được dặn. “Cửa sau Nhà Trắng”, ông trả lời.

“Chúng ta sẽ gặp ai?”. Gabriel hỏi, nhưng Carter còn bận nói chuyện với một sỹ quan khác. Người này đang cố giữ con chó chăn cừu Đức cứ nhăm nhe căng dây muốn lao tới. Gabriel, người sợ chó đến mức đã thành truyền thuyết trong Văn phòng, ngồi yên không động đậy khi con chó đánh hơi quanh chiếc Volvo để tìm chất nổ được giấu kín. Một lát sau, họ băng qua một cổng gác an ninh khác. Carter dừng xe trước bãi đậu xe trống trải ở con đường nội bộ phía đông và tắt máy.

“Tôi chỉ đi đến đây”.

“Tôi sẽ gặp ai, Adrian?”

“Anh băng qua cánh cổng đằng kia và đi lên con đường dẫn đến toà nhà. Ông ấy sẽ ra gặp anh ngay lập tức”.

Anh gặp những con chó trước. Hai con chó lai lông đen tuyền lao ra từ lối vào ngoại giao giống như hai viên đạn bắn ra từ nòng súng rồi giành nhau ngửi khắp quần của Gabriel. Vài phút sau Tổng thống bước ra. Ông tiến về phía Gabriel, chìa một tay cho anh trong khi tay còn lại ra dấu cho lính gác dừng cuộc kiểm tra. Hai người nhanh chóng bắt tay, sau đó đi dọc theo lối đi bọc quanh bãi cỏ phía nam. Những con chó tấn công lần nữa vào mắt cá chân Gabriel. Carter thấy Gabriel quay người lại nói thầm câu gì đó bằng tiếng Do Thái khiến hai con chó cúp đuôi chạy về phía nhân viên Cục An ninh tìm sự che chở.

Cuộc nói chuyện của họ chỉ diễn ra trong vòng năm phút. Theo Carter thấy thì hình như Tổng thống là người nói trong phần lớn thời gian. Họ đi nhanh, chỉ dừng lại một lần dường như để giải quyết một bất đồng nhỏ. Gabriel lấy tay ra khỏi túi áo và dùng chúng để minh họa cho quan điểm của mình. Ban đầu Tổng thống có vẻ như không bị thuyết phục, nhưng sau đó ông gật đầu và vỗ mạnh vào vai Gabriel.

Họ đi dạo xong vòng đầu tiên và chia tay tại lối vào ngoại giao. Khi Gabriel đi về phía đường nội bộ phía đông, những con chó chạy nhanh theo anh, sau đó quay ngược lại, lao vào Nhà Trắng theo chân chủ nhân. Gabriel trườn người qua cánh cửa đang mở để vào xe Carter.

“Ông ấy thế nào?”. Carter hỏi khi quẹo sang đường 15.

“Rất kiên quyết”.

“Hình như hai người có tranh cãi một chút”.

“Tôi gọi đây là bất đồng trong lịch sự”.

“Về chuyện gì?”

“Cuộc nói chuyện của chúng tôi là riêng tư, Adrian, và sẽ là như thế”.

“Tốt đấy”, Carter đáp.
 
Chương 18: Luân đôn


Vào thứ tư đầu tiên của năm mới, người ta loan tin phòng tranh Isberwood đã bán bức Daniel trong chuồng sư tử của Peter Paul Rubens với giá mười triệu bảng. Đến thứ sáu, thông tin chấn động này đã bị lu mờ bởi lời đồn đại Isherwood đang chuẩn bị giới thiệu người hùn vốn.

Chính Oliver Dimbleby, khắc tinh của Isherwood ở đường King, là người biết tin này đầu tiên, mặc dù sau đó anh ta cũng không thể nào tìm ra nguồn gốc của tin đồn. Theo anh ta nhớ chính Penelope, bà chủ quán bar gợi cảm ở đường Jermyn nơi Isherwood hay ghé qua trong những buổi trưa nhàn rỗi là người đầu tiên gieo rắc mầm mống tin đồn. “Cô ta tóc vàng”, Penelope nói. “Vàng tự nhiên, Oliver. Không giống những cô gái của cậu. Xinh đẹp. Người Mỹ có một chút giọng Anh”. Ban đầu Penelope nghi ngờ Isherwood đang bị một người phụ nữ trẻ tuổi hơn dụ dỗ, nhưng chẳng bao lâu sao cô ta nhận ra rằng đó chỉ là một người đến dự phỏng vấn xin việc. “Không phải là bất cứ công việc nào đâu, Oliver. Hình như là vụ gì lớn lắm”.

Có lẽ Dimbleby đã không nghĩ nhiều về chuyện này nếu không được nghe kể về cuộc gặp mặt lần thứ hai, lần này là từ Percy, một người hóng chuyện nổi tiếng phục vụ bàn trong phòng ăn sáng của khách sạn Dochester. “Họ chắc chắn không phải là tình nhân”, anh ta bảo Dimbleby với vẻ tự tin của người biết mình đang nói gì. “Họ toàn bàn chuyện về lương và quyền lợi. Họ tranh cãi rất nhiều. Cô ấy đang ra yêu sách đấy”. Dimbleby giúi cho Percy 10 bảng hỏi anh ta có nghe được tên của người phụ nữ không. “Bancroft”, Percy trả lời. “Sarah Bancroft. Đã ở hai đêm. Hoá đơn thanh thoán được phòng tranh Isherwood, ở Mason’s Yard, khu đường James trả toàn bộ”.

Lần gặp nhau thứ ba, một bữa tối ấm cúng tại Mirabelle, khiến Dimbleby khẳng định chắc chắn có chuyện bất thường đang diễn ra. Buổi tối hôm sau anh ta tình cờ gặp Jeremy Crabbe, Giám đốc bộ phận Bậc thầy Thời xưa của Bonhams, tại một quán rượu ở nhà hàng Green. Crabbe đang uống một ly whiskey lớn và vẫn đang gặm nhấm nỗi đau mà vụ mua bán lịch sử của Isherwood gây ra. “Tôi đã có bức Rubens đó, Oliver, nhưng Julie chơi tay trên tôi. Bây giờ hắn giàu thêm mười triệu, còn tôi sắp phải đối mặt với đội bắn súng tử hình lúc bình minh. Hiện tại hắn đang mở rộng làm ăn kinh doanh, thậm chí còn tuyển thêm một nhân viên xinh đẹp, theo như những gì tôi nghe được. Nhưng đừng nói lại với ai những lời tôi nói, chỉ tổ gây hiềm khích mà thôi”. Khi Dimbleby hỏi có phải nhân viên mới xinh đẹp của Isherwood là một phụ nữ tên là Sarah Bancroft, Crabbe nhếch mép. “Chuyện gì cũng có thể xảy ra, tình yêu ạ. Nên nhớ rằng chúng ta đang nói về Julie Isherwood Số Đỏ”.

Trong vòng bốn mươi tám tiếng sau đo,á Oliver dành thời gian dư dả của mình để nghiên cứu lai lịch của cô Sarah Bancroft nọ. Bạn nhậu ở khoa Courtauld mô tả cô là “Sao băng”. Anh ta còn kể một người quen ở Harvard bảo rằng ai có thái độ nghiêm túc với đề tài hoạ sĩ biểu hiện Đức thì nên tìm đọc luận văn của cô. Sau đó, Dimbleby gọi điện cho người bạn cũ làm nghề phục chế các bức họa ở phòng triển lãm Nghệ thuật Quốc gia Washington, nhờ dò la tại bảo tàng Phillips về lí do Sarah Cooft nghỉ làm việc ở đấy. Anh bạn này bảo là do tranh cãi về tiền lương. Hai ngày sau anh ta gọi điện lại cho Dimbleby bảo là do có liên quan đến chuyện yêu đương không thành với người trong bảo tàng. Cú điện thoại thứ ba thông báo Sarah Bancroft rời bảo tàng Phillips trong vui vẻ, và động cơ cô rời chỗ làm là do mong muốn có được một cơ hội việc làm tốt hơn. Còn về cuộc sống cá nhân, ý muốn nói tình trạng hôn nhân, thì cô vẫn độc thân nhưng không quen ai.

Điều này khiến một thắc mắc mới nảy sinh: Tại sao Isherwood lại đột nhiên tìm người hùn vốn? Jeremy Crabbe bảo nghe đồn anh ta bị ốm. Roddy Hutchinson bảo nghe đồn anh ta có khối u to bằng trái dưa mật trong bụng. Penelope, bà chủ quán bar Isherwood hay ghé, bảo nghe đồn anh ta đang yêu một quý bà người Hy Lạp, đã ly dị và rất giàu có, và đang lên kế hoạch sống nốt quãng đời còn lại với người phụ nữ trời ban này tại một bãi biển ở Mykonos. Mặc dù những lời đồn đại này khá vui tai, nhưng Dimbleby nghi ngờ sự thật đơn giản hơn nhiều. Julian đang già đi. Julian đang mệt mỏi. Julian vừa mới làm xong một vụ ngon ăn. Tại sao không nhận người nào đó làm cùng với mình để giúp giảm nhẹ gánh nặng?

Ba ngày sau, những nghi ngờ của anh ta được củng cố khi một mẩu tin nhỏ cuối trang nghệ thuật của tờ Times thông báo rằng Sarah Bancroft, trước đây làm cho bảo tàng Phillips ở Washington, sẽ vào làm cho phòng tranh Isherwood với chức trợ lí Giám đốc đầu tiên của nơi này. “Tôi đã làm nghề tranh được 40 năm”, Isherwood trả lời tờ Times. “Tôi cần người chung lưng đấu cật, và các thiên thần gửi Sarah cho tôi”.

Ngày thứ hai tuần tiếp theo, Sarah Goft đến làm việc. Thật trùng hợp, Oliver Dimbleby đang đi trên đường Duke đúng lúc cô quẹo vào con đường dẫn đến Mason’s Yard. Hôm ấy cô bận áo khoác hiệu Burberry, mái tóc vàng óng ả mượt như sa tanh được cột lại sau lưng. Thoạt đầu Oliver không nhận ra cô là ai, nhưng sự nhạy cảm với nhan sắc không cho anh bỏ qua dễ dàng. Anh ta ngoảnh cổ ngoái nhìn theo cô. Trước sự ngạc nhiên của Oliver, cô đi về hướng phòng tranh Isherwood ở góc xa của khu đất. Ngày đầu tiên làm việc cô phải bấm chuông, và sau hai phút tưởng như vô tận mới thấy Tanya, cô thư ký thờ ơ của Isherwood ra mở cửa. Đây chính là lễ kết nạp của Tanya đối với người mới đến, Dimbleby thầm nghĩ. Anh ta cũng đoán là Tanya sẽ bị đuổi việc trước thứ sáu.

Sarah gây ảnh hưởng ngay lập tức. Sarah là cơn gió lốc. Sarah là luồng gió tươi mát rất cần thiết. Sarah là tất cả mọi thứ Isherwood không có: nhanh nhẹn, có tổ chức, có kỷ luật, và dĩ nhiên là rất Mỹ. Mỗi buổi sáng cô đến phòng tranh lúc 8 giờ. Isherwood, người thường bước vào nơi làm việc lúc 10 giờ theo phong cách Ý, cũng bắt đầu điều chỉnh giờ đi làm cho phù hợp. Cô sắp xếp những quyển sách vứt bừa bãi của anh cho ngăn nắp, và trang trí lại phòng làm việc chung của họ. Cô thay những chữ cái bị mất trên bộ đàm và cả tấm thảm đầy bụi trên cầu thang. Sau đó, cô bắt đầu thanh lý đống hàng tồn kho, và thương lượng êm thấm với cô Archer đang làm việc tại đại lí du lịch ế ẩm để mở rộng văn phòng liền kề. “Cô ta là người Mỹ”, Dimbleby nói. “Về bản chất cô ta là người thích mở rộng. Cô ta sẽ chiếm đất nước của người khác rồi nói rằng mình làm điều này vì lợi ích của người đó”.

Thực tế thì Tanya không thể trụ nổi đến thứ sáu. Cô ta rời khỏi phòng tranh lần cuối vào tối thứ tư. Đích thân Sarah xử lý việc ra đi của cô ta và khiến nó êm thấm một cách bất thường so với thông lệ xưa nay tại phòng tranh Isherwood. Sự đền bù cho nghỉ việc làm đã hài lòng cô gái. “Theo tôi biết thì Tanya được đền bù rất rộng rãi”, Dimbleby nói. “Số tiền đó đủ để cho phép cô ta đi nghỉ đông dài ngày ở Morocco”. Vào thứ hai tuần sau đã xuất hiện một cô gái mới ngồi làm việc tại phòng tiếp tân của Isherwood. Đó là một người phụ nữ cao ráo, da bánh mật, mái tóc đen bồng bềnh và đôi mắt màu caramel, tên là Elena Frames. Một cuộc thăm dò nhỏ do Roddy Hutchinson thực hiện cho thấy, theo ý kiến của những người đàn ông ở đường James, cô ấy còn xinh đẹp hơn Sarah vốn là người đang thu hút nhiều sự chú ý. Cái tên “phòng tranh Isherwood” bỗng có một ý nghĩa mới đối với những người sống trên đường Duke, và phòng tranh trở nên đông khách hơn, nhộn nhịp hơn. Thậm chí, ngay cả Jeremy Crabbe bên nhà đấu giá Bonhams cũng thực hiện những cuộc viếng thăm không báo trước để xem bộ sưu tập của Isherwood.

Sau khi củng cố lại phòng tranh của mình, Sarah bắt đầu làm quen với những người cùng nghề. Cô chính thức hẹn gặp những người có vai trò như ánh đèn dẫn đường tại các nhà đấu giá ở Luân Đôn. Cô ăn trưa với các nhà sưu tập những bữa trưa đắt tiền, sau đó lại nhâm nhi riêng với những người tư vấn và đủ loại bạn bè ăn theo của họ. Cô ghé thăm và chào hỏi các phòng tranh đối thủ của Isherwood. Cô cũng đến quầy bar nhà hàng Grenn một lần và bao mỗi người có mặt ở đó một cốc rượu. Oliver Dimbleby cuối cùng cũng lấy hết can đảm mời cô đi ăn trưa, nhưng cô đã khôn khéo chuyển thành bữa uống cà phê. Buổi trưa hôm sau họ cùng nhau thưởng thức cà phê sữa trong tách giấy tại một chuỗi cửa hàng của Mỹ ở Piccadilly. Oliver vuốt ve tay cô và mời ăn tối. “Tôi e rằng mình không thể nhận lời mời đi ăn tối”. Tại sao không? Oliver tự hỏi khi quay trở về phòng tranh của mình ở phố King. Thực sự thì tại sao không nhỉ?

Uzi Navot đã để mắt đến nó được một thời gian. Cậu ta luôn nghĩ đây là cảng trú hoàn hảo trong cơn bão. Nơi có thể an toàn trong những ngày chắc chắn mưa. Nơi này có vị trí cách đường vành đai M26 ở Surrey mười dặm - hay, theo như cậu ta giải thích với Gabriel, cách phòng tranh Isherwood một giờ đi tàu điện ngầm và xe hơi. Căn nhà xây theo kiểu Tudor thành một đống không có hình thù rõ ràng, có hàng cột cao và cửa sổ nhỏ bằng chì, có con đường cây sồi dẫn vào nhà do xe chạy nhiều mà thành. Ngôi nhà được bảo vệ bởi cánh cửa xây bằng sắt và gạch. Ở đây cũng có nhà kho xập xệ, hai nhà kính bị vỡ, có khu vườn cây cối um tùm để ngồi suy nghĩ, tám mẫu đất riêng để vật lộn với những con quỷ dữ trong bản thân mỗi người, và một cái ao không được đánh cá suốt 15 năm. Nhân viên đại lí cho thuê đã gọi nó là Thiên đường Winslow khi trao chìa khóa cho Navot. Đối với người như Navot, chốn này là cõi Niết bàn.

Dina, Rimona, và Yaakov làm việc trong thư viện bụi bặm; Lavon và Yossi thu xếp chỗ tác nghiệp trong một căn phòng ồn ào treo lủng lẳng đầu lâu của các con vật đã chết. Về phần Gabriel, anh dựng tạm xưởng vẽ trên căn phòng khách lầu hai, nơi có nhiều ánh sáng nhìn ra vườn. Bởi không thể xuất hiện trong thế giới nghệ thuật ở Luân Đôn, anh phái những người khác đi nhận nguồn hàng thay mình. Nhiệm vụ của họ cũng rất đặc biệt. Dina và Yossi thực hiện những chuyến đi riêng lẻ tới L. Cornelissen và Các con trai trên đường Russel, cẩn thận phân chia công việc giữa họ để những nữ nhân viên làm việc ở đó không nhận ra rằng họ đang làm theo lệnh của một nhà phục chế tranh chuyên nghiệp. Yaakow đến cửa hàng bán đèn ở Erla’s Court để mua đèn Halogens cho Gabriel, sau đó đến một người thợ mộc bậc thầy ở thị trấn Camden để lấy cọ vẽ đã đặt trước. Eli Lavon lo khung tranh. Là chuyên gia mới nghiên cứu về al-Bakari, anh ta tranh luận khi thấy Gabriel chọn đồ cổ của Ý. “Sở thích của Zizi là Pháp cao cấp”, anh ta nói. “Gu Ý choảng nhau chan chát với phong cách của Zizi”. Nhưng Gabriel nhận thấy loại khung được chạm trổ nổi bật của Ý rất phù hợp với lối vẽ đắp của Picasso, vì vậy Lavon đặt loại khung này tại cửa hàngArnold Wiggins và Con trai trên phố Bury. Sarah đến với họ đầu giờ tối mỗi ngày, mỗi lần đi bằng một đường khác nhau, và luôn được Lavon kiểm tra lại lần nữa xem cô có bị bám đuôi hay không. Cô học rất nhanh, và đúng như Gabriel nghĩ, cô có trí nhớ hoàn hảo. Mặc dù vậy, anh vẫn cẩn thận không để cô bị ngạt thở bởi những đống thông tin khổng lồ. Ho thườngå bắt đầu lúc bảy giờ trong phòng ăn chính, sau đó ngừng lại để ăn tối cùng những người khác, rồi lại tiếp tục đến 12 giờ đêm. Sau đó cô được Yossi hộ tống về căn hộ của mình ở Chelsea. Yossi sống trong một căn hộ khác bên kia đường.

Họ dành một tuần để nói về Zizi al-Bakari trước khi chuyển sang những người ông ta quen và những thành viên khác trong đoàn phụ tá và giới thân cận. Họ chú ý đặc biệt đến Wazir bin Talal, Trưởng bộ phận an ninh có mặt khắp nơi của AAB. Bin Talal thiết lập hệ thống tình báo trực tiếp của mình, gồm một nhân viên an ninh trong AAB và một mạng lưới thu mua tin tức trải rộng khắp thế giới, có nhiệm vụ cung cấp cho hắn thông tin về những nguy hiểm tiềm tàng đối với AAB và chính Zizi. “Nếu Zizi thích món hàng, thì chính bin Talal là người tiến hành những kiểm tra cần thiết”, Lavon giải thích. “Không ai tiếp cận được người đứng đầu mà không qua sự kiểm tra sơ bộ của bin Talal. Nếu ai đó bước ra khỏi vạch, chính bin Talal là người ra lệnh giải quyết”. Nghiên cứu của Yossi cho thấy ít nhất nửa tá người quen trước kia của al-Bakari đã chết một cách bí ẩn. Gabriel ra lệnh giấu kín việc này, không cho Sarah biết.

Trong những ngày tiếp theo, vài nhân vật được gọi là “chuyên gia có ích” của Văn phòng lần lượt ghé thăm ngôi nhà an toàn ở Surrey. Người đầu tiên là một phụ nữ từ Đại học Hebrew, bà đã dành hai đêm để giảng giải cho Sarah về những phong tục xã hội của người Arập Xêút. Tiếp đó, một nhà tâm lý học đã dành thêm hai đêm nữa khuyên cô những cách chiến đấu với sự sợ hãi và lo lắng khi làm nhiệm vụ tay trong. Một chuyên gia về giao tiếp dạy cô những hình thức cơ bản của loại chữ viết bí mật. Võ sư dạy cô về môn đấu tay đôi theo kiểu Israel. Gabriel chọn Lavon, người theo dõi giỏi nhất trong lịch sử của Văn phòng, để dạy cô khóa vỡ lòng về nghệ thuật theo dõi bằng điện tử và con người. “Cô sẽ phải bước vào nơi thù địch”, anh tổng kết. “Người ta sẽ theo dõi từng bước đi và lắng nghe từng lời cô nói. Nếu cô thực hiện được những điều này, sẽ không có gì bất ổn xảy ra”.

Trong phần lớn các buổi học, Gabriel chỉ đóng vai khán giả. Anh đón cô khi cô đến nhà mỗi tối, ăn tối cùng cả đội, sau đó tiễn cô lúc nửa đêm để cô quay lại Luân Đôn cùng Yossi. Ngày qua ngày, Gabriel bắt đầu tỏ ra bồn chồn. Lavon, người đã từng làm việc với anh nhiều hơn những người khác, phân tích tâm trạng của Gabriel là thiếu kiên nhẫn. “Anh ấy muốn cô bắt đầu tham gia trò chơi”, Lavon nói”, nhưng biết rằng cô chưa sẵn sàng”. Gabriel dành nhiều thời gian hơn mỗi lần đứng trước các bức vẽ, anh cẩn thận phục chế những hư tổn của bức Marguerite. Cường độ làm việc cao chỉ khiến anh thêm bất an. Lavon khuyên anh thỉnh thoảng nên nghỉ ngơi, và Gabriel ngập ngừng đồng ý. Anh tìm thấy một đôi ủng cao su trong phòng để đồ và bắt đầu thực hiện cuộc thám hiểm trên những con đường mòn quanh làng. Anh tìm đựơc cần câu trong nhà kho và dùng nó để câu một con cá hồi màu nâu rất to từ ao vườn. Dưới lớp vải dầu trong ga-ra, anh tìm thấy một chiếc xe. Chiếc MG cổ có vẻ như đã nằm im ở đó đến hơn hai mươi năm. Ba ngày sau, những người trong nhà nghe thấy tiếng xe rú lên từ phía kho, kế đó là tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả vùng đồng quê. Yaakov lao thốc ra khỏi nhà và nghĩ rằng Gabriel đã bị nổ tung thành những mảnh nhỏ, nhưng thay vì vậy, Yakoov lại thấy anh đứng trước nắp xe đang mở, tay ngập dầu đến tận khuỷu, và mỉm cười lần đầu tiên kể từ khi họ đến Surrey. “Xe vẫn hoạt động tốt”, anh hét lên giữa tiếng động cơ nổ xình xịch. “Cái đồ phải gió này vẫn chạy tốt”.

Tối hôm đó lần đầu tiên Gabriel tham gia vào buổi huấn luyện Sarah. Lavon và Yaakov không ngạc nhiên, vì chủ đề của buổi thảo luận là Ahmed bin Shafiq, kẻ đã trở thành kẻ thù truyền kiếp của Gabriel. Anh chọn Dina, với chất giọng nhẹ nhàng và vẻ bề ngoài giống một góa phụ từ lúc còn trẻ, để truyền đạt những thông tin ngắn gọn. Trong đêm đầu tiên, cô giảng về nhóm 205, đơn vị bí mật của bin Shafiq, và cho mọi người thấy rằng, sự kết hợp giữa học thuyết Wahhabi và tiền của Arập Xêút đã gây ra những nguy hiểm như thế nào ở Trung Đông và Nam Á. Vào đêm thứ hai, cô điểm lại con đường biến bin Shafiq từ một nhân viên trung thành của nước Arập Xêút trở thành bộ óc của hội Huynh đệ Allah. Sau đó, cô mô tả chi tiết vụ tấn công vào Vatican, mặc dù không hề nhắc đến việc Gabriel đã có mặt tại hiện trường vụ tấn công. Gabriel nhận thấy rằng hầu hết thông tin là dư thừa, nhưng anh muốn tư tưởng Sarah thêm dứt khoát về việc Ahmed bin Shafiq xứng đáng với số phận đang chực chờ hắn.

Vào đêm cuối, Sarah được xem những tấm hình tái tạo từ máy vi tính cho thấy các diện mạo hiện tại của bin Shafiq. Bin Shafiq có râu. Bin Shafiq hói đầu. Bin Shafiq đội tóc giả muối tiêu. Tóác giả màu đen. Tóc xoăn. Không tóc. Khuôn mặt với những nét dữ dằn của người Arập du cư đã được làm nhẹ bớt nhờ phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng chính cánh tay bị thương mới là đầu mối quí giá nhất để nhận dạng hắn, Gabriel lưu ý với cô. Vết sẹo trong bắp tay mà hắn không bao giờ cho ai thấy. Bàn tay mà hắn không bao giờ chìa ra và luôn đutá vào túi nhằm tránh xa cặp mắt của những người không theo đạo.

“Chúng tôi biết hắn ta được che giấu ở nơi nào đó trong đế chế của Zizi”, Gabriel nói. “Hắn ta có thể đội lốt một ông chủ ngân hàng đầu tư hay nhà quản lý hồ sơ. Hắn ta có thể là nhà buôn bán bất động sản hay quản lý dược. Có thể một tháng hắn mới đến. Có thể một năm. Có thể không bao giờ. Nhưng nếu hắn đến, cô có thể chắc rằng hắn sẽ cư xử rất lịch sự, bặt thiệp và không hề giống một tên khủng bố chuyên nghiệp. Đừng tìm một tên khủng bố hay một người nào đó có cách cư xử như một tên khủng bố. Cô nên tìm một người đàn ông lịch lãm”.

Anh thu dọn lại những tấm hình. “Chúng tôi muốn biết tất cả mọi người ra vào trong quỹ đạo của Zizi. Chúng tôi muốn cô thu thập càng nhiều tên tuổi càng tốt. Nhưng đây mới là người đàn ông chúng tôi tìm kiếm”. Gabriel đặt một tấm ảnh trước mặt cô. “Đây mới là người đàn ông chúng tôi muốn”. Một tấm hình khác. “Đây là người đàn ông chúng tôi đang săn đuổi”. Một tấm khác. “Hắn ta chính là lí do tại sao chúng ta có mặt tại đây thay vì ở nhà cùng gia đình và con cái”. Một tấm khác. “Hắn ta chính là lí do tại sao chúng tôi yêu cầu cô hi sinh mạng sống của mình và gia nhập cùng chúng tôi”. Một tấm khác. “Nếu cô thấy hắn ta, hãy lấy cho chúng tôi các tên hắn đang sử dụng và công ty hắn đang làm việc. Lấy cả quốc tịch hắn sử dụng trong hộ chiếu nếu cô có thể”. Một tấm hình khác. “Nếu cô không chắc đó chính là hắn, cũng không sao. Hãy nói với chúng tôi. Nếu cuối cùng không phải là hắn, cũng không sao. Hãy nói với chúng tôi. Không có chuyện gì xảy ra nếu chỉ dựa vào lời nói của cô. Không ai bị tổn hại chỉ vì cô, Sarah. Cô chỉ là người đưa tin”.

“Còn nếu tôi đưa cho anh một cái tên?”, cô hỏi. “Khi đó chuyện gì sẽ xảy ra?”

Gabriel nhìn đồng hồ. “Tôi nghĩ đã đến lúc Sarah và tôi nói chuyện riêng với nhau. Mọi người cho phép chúng tôi chứ?”

Anh đưa cô lên lầu đến phòng vẽ và bật đèn. Marguerite Gachet tỏa sáng một cách khêu gợi dưới ánh đèn sáng lóa. Sarah ngồi xuống chiếc ghế bọc cổ; Gabriel đeo kính phóng đại vào và chuẩn bị bảng màu.

“Còn bao lâu nữa?”, cô hỏi.

Đó cũng chính là câu hỏi Shamron đặt cho Gabriel vào buổi trưa lộng gió tháng Mười khi ông đến đường Narkiss để lôi anh ra khỏi chốn lưu đày. Một năm, đáng lẽ hôm ấy anh phải trả lời như thế. Nếu vậy thì anh đã không phải ở đây, vào giờ này, trong một căn nhà an toàn ở Surrey, chuẩn bị cài một cô gái người Mỹ xinh đẹp vào Tập đoàn Thánh chiến.

“Tôi đã chùi sạch lớp bụi bẩn và làm trơn láng các nếp nhăn bằng dao trộn bột vẽ ấm và ẩm”, Gabriel đáp. “Bây giờ tôi còn phải khôi phục cho xong những hình vẽ và quét một lớp vécni - chỉ vừa đủ để thấy được sự ấm áp của những màu sắc ban đầu mà Vincent đã chọn”.

“Tôi không nói về bức họa”.

Anh ngước lên từ bảng màu. “Tôi nghĩ chuyện này phụ thuộc hoàn toàn vào cô”.

“Tôi sẵn sàng khi anh yêu cầu”, cô đáp.

“Cũng không hẳn”.

“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Zizi không cắn câu? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ta không thích bức vẽ, hoặc không thích tôi?”

“Không nhà sưu tập nghiêm túc mà nhiều tiền nào kiểu như Zizi lại từ chối một bức Van Gogh mới được khám phá. Còn về phần cô, ông ta sẽ không có nhiều sự chọn lựa trong việc này. Chúng tôi sẽ biến cô thành một người không thể cưỡng lại”.

“Bằng cách nào?”

“Có một vài điều cô không biết thì hơn”.

“Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra với Ahmed bin Shafiq nếu tôi gặp hắn?”

Anh thêm chút màu vào một ô trong bảng màu rồi dùng cọ trộn lại. “Cô biết chuyện gì sẽ xảy ra với Ahmed bin Shafiq mà. Tôi đã nói rất rõ với cô trong cái đêm chúng ta gặp nhau lần đầu ở rồi”.

“Hãy nói cho tôi nghe mọi chuyện”, cô nói. “Tôi cần biết”.

Gabriel hạ kính xuống và đưa cọ lên bức vẽ. Khi cất tiếng, anh không nói chuyện với Sarah mà nói với Marguerite. “Chúng tôi sẽ theo dõi hắn. Chúng tôi sẽ nghe trộm hắn nếu có thể. Chúng tôi sẽ chụp hình hắn, thu âm giọng nói hắn lại vào băng rồi gửi cho các chuyên gia của chúng tôi phân tích”.

“Nếu các chuyên gia bên anh xác định đó là hắn?”

“Vào thời gian và địa điểm mà chúng tôi cảm thấy thích hợp, chúng tôi sẽ hạ hắn”.

“Hạ hắn?”

“Ám sát hắn. Giết hắn. Trừ khử hắn. Hãy chọn từ nào cô cảm thấy thích hợp, Sarah. Đến giờ này tôi vẫn chưa tìm ra từ đó”.

“Anh đã làm chuyện này bao nhiêu lần?”

Anh ghé sát mặt vào bức vẽ, thì thầm. “Nhiều lần rồi, Sarah”.

“Anh đã giết bao nhiêu người? Mười? Hai mươi? Việc giết chóc đã giải quyết được vấn đề khủng bố chưa hay chỉ làm việc này tồi tệ hơn? Nếu anh tìm thấy Ahmed bin Shafiq rồi giết hắn, chuyện này sẽ được gì? Sẽ kết thúc, hay liệu một tên nào khác sẽ bước ra nhận thay vị trí của hắn?”

“Cuối cùng thì một tên sát nhân khác sẽ nhận vị trí của hắn. Trong thời gian quá độ đó, nhiều mạng người sẽ được cứu sống. Và công lý sẽ được thực thi”.

“Đây có thật sự là công lý không? Chẳng lẽ công lý có thể thực sự được thực thi bằng một khẩu súng lục hay xe hơi gài thuốc nổ sao?”

Anh nhấc kính ra và quay người lại, đôi mắt xanh biếc ánh lên trong vùng đèn chói chang. “Cô thích tranh cãi về khía cạnh đạo đức của việc chống khủng bố à? Điều ấy khiến cô dễ chịu hơn phải không? Cô an tâm đi, Ahmed bin Shafiq không bao giờ phí thời gian vật lộn với những câu hỏi về đạo đức. Cô có thể chắc chắn rằng nếu hắn nắm được thiết bị hạt nhân, băn khoăn duy nhất của hắn sẽ chỉ là dùng thiết bị này để phá hủy New York hay Tel Aviv”.

“Đây là công lý hay chỉ là sự trả thù, Gabriel?”

Một lần nữa anh lại thấy như mình đang ở cùng Shamron. Lần này bối cảnh không còn ở nhà anh trên đường Narkiss mà là một buổi trưa ấm áp tháng chín năm 1972 - ngày đầu tiên Shamron đến tìm anh. Gabriel đã đặt câu hỏi giống như Sarah vậy.

“Mọi việc vẫn chưa quá trễ, Sarah. Cô có thể rút lui nếu cô muốn. Chúng tôi sẽ tìm người khác thay thế”.

“Không có ai khác giống tôi. Thêm nữa, tôi cũng không muốn rút lui”.

“Vậy cô muốn gì?”

“Yên ổn lương tâm để ngủ ngon mỗi tối”.

“Ngủ đi, Sarah. Hãy ngủ ngon”.

“Còn anh?”

“Tôi còn một bức vẽ phải làm nốt”.

Anh quay người lại và đeo kính vào. Sarah vẫn chưa chịu buông tha.

“Chuyện đó có đúng không?”, cô hỏi. “Tất cả những điều viết về anh trong các báo nhắc đến vụ tấn công ga Lyon?”

“Hầu hết”.

“Anh đã giết những người Palestine của nhóm Tháng Chín Đen, những người đã thực hiện vụ tàn sát hàng loạt ở Munich?”

“Một vài tên trong số đó”.

“Anh có làm chuyện ấy lần nữa không, sau khi biết mọi chuyện đã xảy ra như bây giờ?”

Anh do dự trong giây lát. “Có, Sarah. Tôi vẫn làm. Tôi sẽ nói cho cô biết tại sao. Đó không phải là trả thù. Tháng Chín Đen là nhóm khủng bố tàn ác nhất trên thế giới, bọn chúng cần phải bị tiêu diệt”.

“Nhưng anh hãy nhìn lại xem chuyện này đã khiến anh phải trả giá như thế nào. Anh đã mất gia đình”.

“Tất cả những ai tham gia vào cuộc chiến này đều phải mất mát một thứ gì đó. Đất nước của cô đã từng yên ổn trong hòa bình, từng là ngọn đèn soi sáng về tự do và tính đúng mực. Bây giờ đất nước cô tay đã vấy máu, nhiều người đang bị nhốt trong những nhà ngục bí mật. Chúng tôi không làm công việc này vì thích thú. Chúng tôi làm vì không còn sự chọn lựa nào khác. Cô nghĩ tôi có sự chọn lựa nào ư? Cô nghĩ Dina Sarid có quyền lựa chọn ư? Chúng tôi không có. Cô cũng không”. Anh nhìn cô trong giây lát. “Trừ phi cô muốn tôi tìm người khác thay cô trong vụ này”.

“Không người nào khác có thể thay tôi”, cô lặp lại. “Khi nào tôi phải sẵn sàng?”

Gabriel quay người lại đưa cọ lên bức vẽ. Sớm thôi, anh nghĩ. Thêm một hai ngày khôi phục lại những hình vẽ. Sau đó quét một lớp vécni. Lúc đó Sarah sẽ sẵn sàng lâm trận.

Những việc còn lại là huấn luyện thực địa cho Sarah. Lavon và Uzi Navot hướng dẫn trong chừng mực cô có thể tiếp thu. Suốt ba ngày đêm họ đưa Sarah đi khắp các đường phố và dạy cô những nguyên tắc căn bản trong nghề. Họ dạy cô làm cách nào để tiến hành một cuộc gặp bí mật, và làm sao biết được một địa điểm đã bị cài đặt. Họ dạy cô cách phát hiện mình đang bị theo dõi và làm sao để cắt đuôi. Họ dạy cô cách tạo hộp thư bí mật và trao tài liệu cho người chuyển tin. Họ dạy cô cách gọi số khẩn cấp của Văn phòng trên điện thoại trả tiền bình thường, và làm cách nào để giúp họ có thể nhận dạng cơ thể cô nếu xác cô bị nổ tung. Sau buổi đó, Lavon khen ngợi cô là nhân viên thực địa không chuyên có năng khiếu bẩm sinh nhất mà ông từng huấn luyện. Anh có thể hoàn tất khóa học trong hai ngày, nhưng Gabriel, có lẽ để yên tâm hơn, nhất mực đòi thêm ngày huấn luyện thứ ba. Khi Lavon, cuối cùng cũng trở về căn nhà an toàn ở Surrey, nhìn thấy Gabriel đang đứng suy tư bên ao cá, tay cầm cần câu còn mắt thì dõi theo mặt nước chăm chú tựa như đang dùng ý chí bắt cá phải xuất hiện. “Cô ấy sẵn sàng rồi”, Lavon thông báo. “Nhưng vấn đề bây giờ là anh đã sẵn sàng chưa?”. Gabriel chầm chậm thu dây câu và theo Lavon trở lại vào nhà.

Buổi tối hôm đó, khi ánh đèn vụt tắt trong đại lí du lịch nhỏ bé ở Mason’s Yard, cô Archer, tay ôm chồng hồ sơ cũ, ngừng chân một lát trên đầu cầu thang nhìn sang lối vào phòng tranh Isherwood thông qua lớp cửa kính lấp lánh. Ngồi đằng sau quầy tiếp tân là Elena, cô thư ký người Ý xinh đẹp của ông Isherwood. Cô ngước lên khỏi màn hình máy vi tính gửi cô Archer một nụ hôn gió tạm biệt, sau đó nhìn xuống tiếp tục làm việc.

Cô Archer mỉm cười buồn bã bước xuống cầu thang. Không có giọt nước mắt nào trong mắt cô. Cô đã khóc một mình ở nơi không ai nhìn thấy, đúng như việc cô luôn phải một mình làm hầu hết mọi việc. Cũng không có sự do dự trong bước chân cô. Suốt hai mươi bảy năm, cô đến văn phòng này năm buổi sáng một tuần. Cả buổi sáng thứ bảy nữa, nếu cần phải có người trực văn phòng. Cô đang mong chờ đến ngày nghỉ hưu, thậm chí đến sớm hơn dự định một chút cũng được. Có lẽ cô sẽ đi nghỉ dài ngày, hoặc mua một căn nhà nhỏ ở miền quê. Cô đã để mắt đến một căn nhà nho nhỏ ở Chilterns được một thời gian. Cô chắn chắn một điều: Cô không hề hối tiếc khi rời bỏ nơi này. Mason’s Yard sẽ không bao giờ còn giống như trước kia, nếu cô Bancroft chưng diện vẫn còn làm việc ở đây. Cũng không phải cô có Archer thành kiến với người Mỹ. Cô chỉ không hứng thú khi làm việc gần người Mỹ.

Khi cô bước gần tới cuối cầu thang, có tiếng rè rè vang lên và ổ khóa tự động ở cửa bên ngoài bật mở. Cám ơn, Elena, cô nghĩ khi bước chân ra ngoài trong không khi se lạnh của buổi tối. Cô không thèm nhấc cái mông đít tròn trĩnh của mình ra khỏi ghế để chào tạm biệt cho đàng hoàng, trong khi chính cô đã đẩy tôi ra khỏi cửa như thế này đây. Cô những muốn vi phạm quy định của ông Isherwood về việc chờ cửa tự động khóa lại, nhưng, chuyên nghiệp đến phút cuối, cô ở lại thêm mười giây nữa, cho đến khi nghe tiếng đóng cạch của chốt cửa rồi mới từ từ bước chân về phía lối ra.

Cô Archer không hề biết rằng có ba người thuộc nhóm neviot, ngồi trong một chiếc xe tải nhỏ đậu bên kia đường Duke, đang cẩn thận theo dõi nhất cử nhất động của mình. Cô đi rồi mà họ vẫn ở lại trong xe tải thêm một tiếng nữa, đề phòng trường hợp cô còn quên thứ gì. Sau đó, trước tám giờ một chút, họ nhẹ nhàng bước xuống lối đi, chầm chậm băng qua sân gạch cũ, tiến về phòng tranh. Đối với Julian Isherwood, người đang dõi theo những bước đi không lấy gì làm vội vã của họ từ cửa sổ phòng làm việc của mình, họ giống như những người đào huyệt có một đêm dài đang ở phía trước.
 
Chương 19: Luân đôn


Công việc thực sự bắt đầu cuối buổi sáng ngày hôm sau khi Julian Isherwood, một nhà buôn bán tranh danh tiếng ở Luân Đôn, nhấc máy điện thoại gọi tới khu chung cư Knightbridge tìm Andrew Malone, cố vấn nghệ thuật độc quyền của Zizi al-Bakari. Người trả lời điện thoại là một người phụ nữ, giọng còn ngái ngủ, thông báo rằng Malone đã ra nước ngoài.

“Trốn chạy pháp luật à?”. Julian hỏi, cố gắng hài hước để làm nhẹ bớt tình huống khó xử.

“Thử gọi di động cho ông ấy xem”, người phụ nữ nói rồi dập điện thoại xuống.

May mắn thay, Isherwood có điện thoại di động của Malone. Anh lập tức quay số, và theo lời hướng dẫn, để lại một mẩu tin nhắn ngắn gọn. Gần cuối ngày Malone mới hạ cố gọi lại cho anh.

“Tôi đang ở Rome”, hắn nói giọng nhỏ nhẹ. “Một vụ lớn. Rất lớn”.

“Cũng không ngạc nhiên lắm, Andrew. Anh toàn làm ăn lớn thôi mà”.

Malone dẹp câu nói cầu cạnh của Isherwood sang một bên. “Tôi chỉ có ít thời gian”, hắn nói. “Tôi giúp gì được đây, Julie?”

“Tôi nghĩ mình có một thứ cho anh. Thực ra là cho khách hàng của anh”.

“Khách hàng của tôi không sưu tập Bậc thầy Thời xưa”.

“Thứ tôi có cho khách hàng của anh không phải là Bậc thầy Thời xưa. Đây là một bức thuộc trường phái Ấn tượng. Nhưng không phải loại Ấn tượng nhan nhản khắp nơi. Anh hiểu ý tôi không? Bức họa rất đặc biệt, Andrew. Một thứ mà chỉ vài ba nhà sưu tập trên thế giới dám mơ đến việc sở hữu nó, và khách hàng của anh thuộc số này. Tôi hy vọng anh là người đầu tiên chiêm ngưỡng nó - ưu tiên đấy nhé. Anh có hứng thú với vụ này không, hay tôi nên tìm người khác?”

“Nói thêm đi, Julie”.

“Xin lỗi, ông bạn tốt, nhưng đây không phải là thứ có thể trao đổi trên điện thoại. Hẹn gặp ăn trưa ngày mai nhé? Tôi sẽ đãi”.

“Mai tôi đi Tokyo mất rồi. Một nhà sưu tập có bức Monet chủ tôi muốn mua”.

“Vậy ngày kia thì sao?”

“Đó là ngày tôi nghỉ ngơi sau chuyến bay. Chúng ta hẹn gặp thứ năm, được không?”

“Anh sẽ không hối hận về chuyện này đâu, Andrew”.

“Hối hận là những thứ cản bước chúng ta. Chào, Julie”.

Isherwood cúp máy nhìn người đàn ông vai rộng có mái tóc vàng dâu đang ngồi ở phía bên kia bàn. “Làm rất tốt”, Uzi Navot nói. “Nhưng lần tới hãy để Zizi đãi bữa trưa”.

Gabriel không ngạc nhiên khi nghe tin Andrew Malone đang ở Ý, anh đã cho người theo dõi hắn gần một tuần nay. Một bức điêu khắc Degas đã lọt mắt xanh Zizi và Malone phải đến thành phố Eternal để đàm phán mua lại nó. Nhưng đêm thứ hai hắn ta ra đi tay trắng và bay sang Tokyo. Nhà sưu tập vô danh sở hữu bức Monet mà Malone muốn mua không ai khác hơn chính là nhà công nghiệp nổi tiếng Monto Watanabe. Trông vẻ thất bại hiện trên khuôn mặt Malone khi rời căn hộ của Watanabe, Gabriel kết luận là vụ thương lượng đã không có kết quả tốt. Tối hôm đó Malone gọi cho Isherwood và thông báo mình sẽ ở lại Tokyo một ngày lâu hơn dự tính. “Tôi e rằng chúng ta phải hoãn cuộc hẹn lại”, hắn nói. “Tuần tới được không?”. Gabriel, người đang mong mọi việc trôi chảy, hướng dẫn cho Isherwood đẩy nhanh cuộc gặp, nên cuộc gặp chỉ bị hoãn lại thêm một ngày, từ thứ năm sang thứ sáu, mặc dù Isherwood cũng nhượng bộ bằng cách hẹn gặp vào cuối buổi trưa để Malone có thể chợp mắt vài tiếng. Quả thực Malone có ở lại Tokyo thêm một ngày, nhưng trạm theo dõi Tokyo không thấy hắn liên lạc gì thêm với Watanabe hay đại diện của Watanabe.

Mãi đến chiều tối thứ năm Andrew Malone mới quay trở lại Luân Đôn, dáng vẻ thất thần, theo lời Eli Lavon thì trông hắn giống hệt cái xác không hồn thanh lịch trong bộ quần áo trang nhã của nhà may Savile Row nổi tiếng. Khoảng 3 giờ rưỡi chiều hôm sau, xác chết ấy lướt vào cửa nhà hàng Green ở phố Duke, rồi yên vị tại góc bàn nơi Isherwood đang đợi. Nhận ly rượu vang trắng từ tay Isherwood, Malone cất tiếng:

“Này, chúng ta đi thẳng vào vấn đề nhé! Anh có món gì béo bở cho tôi à? Kẻ nào đem đến món hàng đó thế? Nâng ly thôi!”

Một tiếng rưỡi sau, khi Isherwood đến thì Chiara đang đứng đợi ở đầu cầu thang. Nhà buôn tranh khệnh khạng leo lên những bậc thang mới trải thảm, tay cầm hai chai vang trắng tuyệt hảo mua bằng tiền của Gabriel. Chiana bảo anh rẽ trái, nơi từng là khu văn phòng của công ty du lịch Archer. Ở đó, một nguời Israel phụ trách cho Gabriel đang đợi anh. Isherwood cởi áo khoác, mở nút áo sơ mi, để lộ một thiết bị ghi âm nhỏ gắn chặt vào ngực bằng dây thắt lưng co giãn.

“Tôi không thường hành động thế này trong buổi hẹn đầu tiên với khách hàng đâu”, Julian nói.

Anh chàng Israel vừa gỡ máy ghi âm ra vừa mỉm cười. “Thế còn món tôm hùm thì sao?”

“Hơi dai, nhưng cũng không đến nỗi tệ”

“Ông đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, thưa ngài Isherwood. Rất tốt”.

“Tôi nghĩ chắc đây là phi vụ cuối cùng. Còn bây giờ, hi vọng khi ra ngoài, tôi không bị bắn bể sọ”.

o O o

Đáng lý đoạn ghi âm phải được truyền đi một cách đảm bảo hơn, nhưng cũng giống như Adrian Carter, Gabriel vẫn có chút gì đó cổ hủ, lạc hậu, anh khăng khăng đòi tải thông tin vào một đĩa mềm và xách tay đến nhà an toàn Surrey. Hơn tám giờ tối, thứ mà mọi người nóng lòng chờ đợi mới được giao tận nơi. Gabriel bỏ đĩa vào ổ đĩa vi tính và nhấn nút Play. Dina nhảy chồm lên ghế sô-pha, Yaakov ngồi co chân trên ghế bành, tay chống cằm, háo hức lắng nghe. Đêm đó đến phiên Rimona phải nấu ăn. Vừa nghe giọng Andrew Malone là cô gọi với sang từ nhà bếp, bảo Gabriel vặn to tiếng lên để nghe cùng.

o O o

“Này Julian, anh tưởng tôi là thằng khờ à?”

“ Đó là món đồ có thật, Andrew ạ. Tôi tận mắt thấy rồi”.

“Anh có ảnh của nó không?”

“Tôi không được phép chụp ảnh nó”.

“Ai là chủ bức tranh đó?”

“Chủ nhân muốn giấu tên”.

“Dĩ nhiên rồi, nhưng là ai mới được chứ, anh bạn Julian của tôi?”

“Tôi không thể tiết lộ danh tính của chủ nhân. Xin được đặt dấu chấm hết ở đây. Cô ấy tin tưởng uỷ thác tôi làm đại diện cho việc giao dịch này”.

“Cô ấy? Vậy là phụ nữ à?”

“Bức tranh đã ở cùng với một gia đình trong ba thế hệ, và hiện tại do một phụ nữ nắm giữ”.

“Gia đình thế nào hả Julian, tiết lộ cho tôi chút thông tin đi”.

“Gia đình người Pháp. Và đấy cũng là tất cả những gì tôi có thể cho anh biết”.

“Tôi e rằng nếu chỉ có thế thì rất khó lòng thực hiện giao dịch được, anh bạn Julian ạ. Ít ra anh phải cho tôi biết cái gì đó cụ thể hơn. Tôi chẳng thể nào đi tay trắng về gặp ông chủ Zizi của tôi được. Ông ta sẽ nổi cáu ngay lập tức. Nếu muốn Zizi nhập cuộc chơi, thì phải chơi theo luật của ông ấy”.

“Tôi không lo ngại chuyện ấy, Andrew ạ. Tôi tìm đến anh đầu tiên vì tôi ưu ái anh nhất. Nói thật tôi chẳng để ý gì đến luật của Zizi. Tôi cũng chẳng cần ông ta. Nếu tôi loan tin ra thị trường rằng tôi đang giữ một bức tranh vẫn chưa trình làng của Van Gogh, thì bảo đảm tất cả dân sưu tập, viện bảo tàng trên trái đất này sẽ tự tìm đến tôi, dâng tiền cho tôi. Anh nên nhớ kỹ điều đó”.

“Thứ lỗi cho tôi, Julie. Tôi mệt mỏi vì cả tuần này bù đầu với công việc. Chúng ta bắt đầu lại câu chuyện nhé!”

“Sẵn lòng thôi”.

“Anh có thể trả lời vài câu hỏi của tôi chứ?”

“Còn phải xem anh hỏi gì nữa”.

“Tôi sẽ bắt đầu bằng câu đơn giản nhất. Cho tôi biết bây giờ bức tranh ấy đang ở đâu? Ở Pháp hay Anh?”

“Ở ngay tại Luân Đôn này”.

“Trong phòng tranh của anh à?”

“Không”.

“Bức tranh thể loại gì? Phong cảnh? Tranh tĩnh vật? Hay chân dung?”

“Chân dung”.

“Tự họa?”

“Không”.

“Nam hay nữ?”.

“Nữ”.

“Hay thật. Thế được họa lúc đầu khởi nghiệp hay sau này?”.

“Sau này”.

“Tại thị trấn Saint-Rémy hay là Auvers?”

“Tranh hoàn thành vào những ngày cuối đời của danh họa tại Auvers”.

“Không phải anh đang nói đến bức danh họa bí ẩn Marguerite Gachet đó chứ, Julian?”

“Đã đến lúc chúng ta phải gọi món ăn rồi”.

“Quỷ quái thật. Anh cho tôi câu trả lời được chứ? Có phải anh đang nói đến bức họa Marguerite Gachet không?”

“Nãy giờ tôi đã cố gắng trả lời đúng theo cam kết của chúng ta, và tôi không thể nói thêm điều gì được nữa. Nếu anh muốn biết bức tranh đó thế nào, mời anh đến xem tận mắt”.

“Anh mời tôi đến xem ư?”

“Không phải anh mà là ông chủ của anh”.

“Ông chủ tôi bận bịu suốt”.

“Tôi đã chủ định dành 72 giờ để anh và ông chủ anh suy nghĩ về đề nghị này. Sau đó, tôi sẽ chính thức loan tin rộng rãi”.

“Không hay tí nào. Ông chủ tôi không thích bị áp đặt tối hậu thư như vậy”.

“Đó không phải là tối hậu thư, chỉ đơn giản là việc làm ăn. Ông ấy hiểu điều đó hơn ai hết”.

“Tiền bạc ra sao?”

“Tám mươi lăm triệu”.

“Tám mươi lăm triệu à? Thế thì anh tìm Zizi là đúng người rồi. Thời buổi bây giờ tiền bạc hơi khó kiếm một chút. Tôi cũng chẳng nhớ lần cuối người ta trả đến tám mươi lăm triệu cho một món hàng là lúc nào nữa? Anh có nhớ không?”

“Chắc chắn bức tranh sẽ đáng giá với từng xu mà Zizi bỏ ra”.

“Nếu quả thật như những gì anh nói, và nếu bức tranh vẫn còn trong tình trạng tốt, tôi sẽ lập tức đưa tiền cho anh theo đúng những gì anh yêu cầu. Lâu nay ông chủ tôi vẫn tìm kiếm một bức tranh đúng với giá trị của nó. Tôi nghĩ anh biết phải không? Đó cũng là lý do anh tìm đến tôi trước tiên. Anh thừa hiểu chúng ta có thể hoàn tất việc giao dịch này trong một buổi chiều. Không phải đấu giá, không qua báo chí. Chẳng phải hỏi han gì về cô chủ nhân người Pháp nhỏ bé và mai danh ẩn tích của anh. Tôi chính là con gà đẻ trứng vàng mà anh đang tìm kiếm, và tôi nghĩ anh hiểu phải cho con gà này chút lợi nhuận chứ nhỉ?”

“Anh đang muốn nói gì hả Andrew?”

“Tôi không cần giải thích thêm”.

“Nhưng tôi quả thật không hiểu. Anh có thể nói rõ hơn chút không?”

“Tôi đang nói đến tiền, Julian ạ. Tôi đang nói đến một miếng bánh thật nhỏ cắt ra từ một ổ bánh thật to”.

“Anh muốn được chia phần à? Tham gia chia phần, theo cách người Mỹ thường nói”.

“Xin đừng đề cập đến người Mỹ ở đây. Hiện thời, ông chủ của tôi không thích nhắc đến kiểu cách của người Mỹ”.

“Vậy thì thế nào gọi là chia phần?”

“Như thế này, để tránh việc tranh cãi, tôi xin giải thích như sau: phần hoa hồng bán tranh của anh là 10 phần trăm, đồng nghĩa anh nhận được một khoản hời tám triệu rưỡi đô trong chỉ một buổi chiều. Còn về phần mình, tôi chỉ mong sẽ có 10 phần trăm trên 10 phần trăm của anh. Mà cũng chẳng phải tôi xin xỏ gì, tôi xứng đáng có phần đó. Anh phải trả cho tôi, nếu như anh tham gia cuộc chơi này”.

“Theo những gì tôi được biết, anh là cố vấn nghệ thuật duy nhất của Zizi. Và chắc hẳn Zizi phải trả lương cho anh hậu hĩnh lắm. Anh đang sống nhờ vào tiền của ông chủ Zizi, thoải mái thư giãn trên đất của Zizi. Ông ta trả công cho anh nhiều như thế vì không muốn anh kiếm chác thêm trên các khoản giao dịch khác. Nhưng rõ ràng là anh đang bắt cá hai tay, có phải không Andrew? Chuyện này đã bao lâu rồi? Anh đã ăn chia được bao nhiêu tiền của Zizi rồi hả?”

“Đó không phải là tiền của Zizi. Đó là tiền của tôi. Zizi không biết được, khuất mắt trông coi mà”.

“Lỡ ông ta biết thì sao? Ông ta sẽ đày anh đến thung lũng cát Empty Quarter rồi để mặc anh cho lũ kền kền phanh thây”.

“Chính xác, anh bạn của tôi. Và tôi hi vọng vì lẽ đó anh sẽ không tiết lộ một lời nào với ông ta. Tôi trao tặng anh 7 triệu rưỡi đô chỉ trong một buổi chiều. Không đến nỗi tệ nhỉ. Xem như chúng ta đã thỏa thuận xong. Và cùng làm giàu, anh nghĩ sao?”

“Thôi được Andrew. Anh sẽ có 10 phần trăm của anh. Nhưng tôi cần gặp mặt ông chủ Zizi quý phái của anh trong vòng 72 tiếng nữa, nếu không thì xem như chấm dứt giao dịch”.

Gabriel bấm dừng đoạn thu âm, và điều chỉnh nghe lại phần cuối.

“Nhưng rõ ràng là anh đang bắt cá hai tay, có phải không Andrew? Chuyện này đã bao lâu rồi? Anh đã ăn chia được bao nhiêu tiền của Zizi rồi hả?”

“Đó không phải là tiền của Zizi. Đó là tiền của tôi. Zizi không biết được, khuất mắt trông coi mà”.

“Lỡ ông ta biết thì sao? Ông ta sẽ đày anh đến thung lũng cát Empty Quarter rồi để mặc anh cho lũ kền kền phanh thây”.

“Chính xác, anh bạn của tôi. Và tôi hi vọng vì lẽ đó anh sẽ không tiết lộ một lời nào với ông ta”.

Gabriel tắt chương trình, lấy đĩa ra khỏi máy.

“Tên Malone này đểu kinh lên được”. Yaakov nhận xét.

“Đúng vậy”, Gabriel đồng tình, dù anh đã biết điều này từ lâu.

“Anh nghĩ có nên để ai đó báo cho Zizi biết không”, Dina hỏi. “Như vậy cũng hợp lý thôi”.

“Đúng vậy” Gabriel vừa nói vừa cất đĩa vào túi. “Sẽ có ai đó báo cho Zizi. Nhưng không phải là chúng ta”.

Đó là 72 giờ dài nhất mà họ từng trải qua. Toàn là những cảnh báo và hứa hẹn, có lúc tưởng như chắc chắn sẽ thực hiện nhưng rồi lại bị hủy bỏ chỉ trong chốc lát. Malone lúc là người dọa dẫm, lúc lại van xin. “Ông chủ Zizi rất bận rộn”, hắn thông báo vào chiều thứ bảy. “Bây giờ ông đang bận một vụ làm ăn lớn, chắc phải đi Delhi ngay hôm nay và bay thẳng đến Singapore ngày mai. Có khi giữa tuần sau ông ấy mới có mặt ở Luân Đôn”. Nhưng Isherwood vẫn cương quyết giữ ý định của mình, cánh cửa cơ hội duy nhất cho Zizi sẽ chính thức khép lại lúc 5 giờ chiều, và sau đó Zizi tự đi mà tìm kiếm ở mọi ngóc ngách.

Chiều muộn chủ nhật, Malone gọi điện thoại và thông báo tin buồn rằng Zizi đang lấy giấy thông hành. Gabriel không lo lắng vì điều này nhiều lắm, bởi vì cùng chiều hôm đó nhóm đặc vụ đóng tại văn phòng công ty du lịch Archer đã nhìn thấy một người đàn ông Arập sang trọng khoảng 30 tuổi, lảng vảng do thám xung quanh khu vực Mason’s Yard. Sau khi xem hình kẻ khả nghi, Lavon đã xác định được danh tánh của hắn là Jafar Shakuri, từng là lính cảnh vệ Arập Xêút, hiện là thành viên của nhóm cận vệ cấp cao cho Zizi. “Hắn đang đến”, Lavon nhận xét. “Zizi luôn thích chơi trò đánh đố”.

Cuộc điện thoại họ mong đợi cuối cùng cũng đến vào lúc 10 giờ 22 phút sáng hôm sau. Đầu dây bên kia là giọng Andrew Malone, và dù không nhìn thấy mặt, họ thừa biết ông ta rất vui vẻ. Zizi đang trên đường đến Luân Đôn, và có thể ghé ngang qua phòng tranh của Isherwood lúc 4 giờ 30 phút. “Zizi cũng có vài quy tắc”, Malone nói trước khi gác máy. “Không rượu bia, không thuốc lá. Hãy sắp xếp hai cô gái ăn mặc lịch sự, chỉnh tề để đón tiếp ông ấy. Zizi thích phụ nữ đẹp, nhưng phải là đẹp duyên dáng. Và ông chủ Zizi của chúng tôi là người của tín ngưỡng, ông ấy dễ phật lòng”.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top