Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full Mùi Hương

Dịch Full Mùi Hương

admin

Thánh Ngự Hư Không
Đại Thần
Tham gia
11/6/23
Bài viết
916,519
VNĐ
900,499
[Diendantruyen.Com] Mùi Hương

Mùi Hương
Tác giả: Patrick Suskind
Tình trạng: Đã hoàn thành




Thể loại: Lãng mạn
Dịch giả: Lê Chu Cầu

Một điều kì lạ là tất cả những ai đã ruồng bỏ Jean đều phải chết. Jean có hình dáng kỳ dị, và tâm hồn cũng bệnh hoạn. Mọi người ghẻ lạnh, khinh miệt Jean. Hắn đã từng phải sống trong cô độc và đói rét. Nhưng một biệt tài đã giúp cho hắn tìm một con đường sống. Hắn có khả năng khứu giác đặc biệt. Hắn có thể nhận biết, phân biệt và hơn thế, ghi nhớ các mùihương. Nhờ vào đó, hắn trở thành một thiên tài trong giới sản xuất nước hoa Pháp.Với một đầu óc dị hợm, hắn mơ ước sẽ tạo ra được một hươngthơm độc đáo cho riêng mình, một loại nước hoa gợi cảm vô song. Và để thoả mãn dục vọng đó, hắn đã săn đuổi mùi hương từ hai mươi lăm trinh nữ…

Mùi Hương là tiểu thuyết đầu tay của Patrick Suskind. Thế nhưng trong 9 năm liền, cuốn sách "kì dị" này đều nằm ở trong danh sách những sách bán chạy nhất không chỉ ở Đức và đã được dịch ra trên 46 thứ tiếng, ấn hành 15 triệu bản.

Được xuất bản tại Việt Nam vào năm 2007, "Mùi Hương" đã được tái bản nhiều lần và hiện nay tiếp tục nhanh chóng bán hết tại các hiệu sách ở cả 2 khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Cuốn sách đã được dựng thành phim điện ảnh "Perfume: The Story of a Murderer" ra mắt năm 2006.

Tác giả

Patrick Süskind sanh ngày 26 tháng 3 năm 1949 ở Ambach "Bavière" gần Munich

Ông đã từng học ở Munich ( Đức ) và Aix en Provence ( Pháp ) , ngành về văn chương và lịch sử thời Trung cổ và thời cận đại, ngoài ra ông còn tập sự và viết truyện phim cho đài vô tuyến truyền hình.

Le Parfum " Das Farfum " là cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông được xuất bản năm 1984 đã đưa tên tuổi ông nổi khắp Âu Châu.

Ông chuyên về phim , kịch hay làm dạo diễn cho những nghệ sĩ.

Nổi tiếng nhất là vỡ kịch " La Contrebasse " đã trình diễn tại Munich lần đầu tiên năm 1981, và đuợc quảng cáo và nổi tiếng năm 1984.

Vỡ kịch này đã được trình diễn nhiều lần được sản xuất ở Đức, và đưọc trình diễn tại Paris với nghệ sĩ Jacques Villeter trong một vai của những vỡ kịch của ông.

Le Fafum " Das Farfum "là một cuốn tiểu thuết đầu tiên của ông, được xuất bản năm 1985 dưới cái tựa " Das Farfum " Die Geschichte eines Mörders , được dịch ra tiếng Pháp bởi dịch giả F.B. Lortholary en 1986 sau đó được sửa lại bởi Fayard và sau đó được dựng lên thành phim với tựa bằng tiếng Pháp năm 2006 La parfum, histoire d un meutrier.
 
Sửa lần cuối:
Chương 1


Vào thế kỷ 18, ở nước Pháp có một gã thuộc loại thiên tài nhưng cũng đáng ghê tởm nhất của thời đại không hiếm những nhân vật thiên tài và đầy kinh tởm. Cuộc đời gã được thuật lại ở đây. Gã tên là Jean-Baptiste Grenouille, nếu mà tên tuổi của gã nay bị rơi vào lãng quên, chứ không như những tên tuổi thiên tài kinh tởm khác kiểu De Sade, Saint Just, Fouché, Bonapartre v…v…, thì nhất định không phải vì Grenouille kém những kẻ đồi bại nổi tiếng ở trên ở tính kiêu ngạo, coi rẻ con người, vô đạo đức, nói gọn là bất kể Thượng Đế, mà chỉ bởi thiên tài và khát vọng duy nhất của gã giới hạn trong một lãnh vực không để lại dấu vết nào trong lịch sử cả: đó là vương quốc phù du của hương thơm.

Vào cái thời mà chúng ta đang nói tới ấy thì các thành phố bị bao phủ bởi một thứ mùi hôi mà con người văn minh ngày nay không thể hình dung nổi. Đường xá hôi mùi phân, sân sau hôi mùi nước tiểu, cầu thang hôi mùi gỗ mủn và phân chuột, bếp hôi mùi bắp cải thối và mỡ cừu, những căn phòng đọng khí hôi mùi bụi lưu cữu, buồng ngủ hôi mùi khăn giường nhơn nhớt, mùi nệm nhồi lông ẩm ướt và mùi ngọt hăng của bô nước tiểu. Ống khói hôi mùi lưu huỳnh, lò thuộc da hôi mùi dung dịch kiềm, lò mổ hôi mùi máu đông. Người hôi mùi mồ hôi và áo quần lâu không giặt, miệng hôi mùi răng sâu, từ bao tử toả ra mùi hành và khi cơ thể không còn trẻ trung nữa thì hôi mùi pho mát oi, mùi sữa chua và mùi ung nhọt. Sông hôi, quảng trường hôi, nhà thờ hôi, gầm cầu hôi mà cung điện cũng hôi. Người nông dân cũng hôi như vị linh mục, gã học việc cũng hôi nhưy vợ người thợ cả, toàn giới quý tộc hôi, phải, ngay cả đức vua cũng hôi như một con thú dữ, còn hoàng hậu hôi như một con dê già, mùa hè cũng như mùa đông. Bởi vì vào thế kỷ 18 những hoạt động phân huỷ của vi khuẩn không gặp cản trở nào, cho nên không có hoạt động nào của con người, dù là xây dựng hay huỷ hoại, không biểu lộ nào của mầm sống hay sự tàn lụi lại không đi kèm với mùi hôi.

Tất nhiên Paris hôi nhất vì Paris là thành phố lớn nhất nước Pháp. Tại Paris lại có một nơi đặc biệt hôi khủng khiếp, nằm giữa Rue aux Fers và Rue de la Ferronnerie, đó là Cimetère des Innocents[1] Suốt tám trăm năm người ta mang đến đây những người chết từ nhà thương Hôtel Dieu [2] và từ các họ đạo chung quanh; suốt tám trăm năm, ngày ngày xác của hàng tá người được chở đến bằng xe kéo, đổ xuống những mương dài, suốt tám trăm năm xương chồng lên thành lớp trong những nhà mồ ấy.

Chỉ sau này, ngay trước Cách mạng Pháp, sau khi một vài cái mương ấy sụp và mùi hôi của cái nghĩa trang chật ních ấy buộc cư dân quanh vùng không chỉ phản đối suông mà còn thật sự nổi loạn thì nghĩa trang ấy mới bị đóng cửa và giải toả. Cả triệu xương và sọ được đào lên, đem về hầm mộ ở Montmartre. Trên bãi đất đó người ta xây lên một cái chợ bán thực phẩm.

Chính nơi đây, cái nơi hôi thối nhất toàn vương quốc, Jean Baptiste Grenouille đã ra đời ngày 17 tháng Tám năm 1738. Đó là một ngày nóng bức nhất trong năm. Hơi nóng trùm lên nghĩa trang như chì, dồn cái mùi của dưa tây thối lẫn mùi hôi như của sừng súc vật bị đốt sang các khu lân cận. Khi trở dạ, mẹ của Grenouille đang đánh vẩy cá tại sạp trên Rue aux Fers chỗ cá mà chị ta đã moi ruột. Những con cá chị ta khoe rằng vừa mới bắt được từ sông Seine hồi sáng đã hôi hơn cả mùi xác chết. Mẹ của Grenouille chẳng ngửi được mùi cá lẫn mùi xác chết vì mũi chị ta đã mất cảm giác với mùi hôi, hơn nữa bụng đang đau đến tê liệt cả mọi cảm giác. Chị ta chỉ muốn hết đau, muốn xong cho lẹ cái việc sinh nở gớm ghiếc.Đây là lần thứ năm chị ta sinh nở.Mấy lần trước cũng đều ở cái sạp cá này. Toàn là chết hoặc ngắc ngoải cả vì cái khối thịt nhớp nháp máu ấy không khác đống ruột cá nằm kia bao nhiêu và cũng chẳng sống thêm được mấy vì chiều đến tất cả sẽ bị hót đi, kéo sang nghĩa trang hoặc tống xuống sông. Hôm nay cũng sẽ thế thôi. Mẹ của Grenouille còn trẻ, mới chừng hai lăm, xinh xắn, còn khá nhiều răng trong miệng và tóc trên đầu, ngoài bệnh thống phong và giang mai, cũng như lao nhẹ chị ta không mắc bệnh nặng nào khác; chị ta còn hy vọng sống lâu thêm năm hoặc mười năm, và biết đâu chẳng lập gia đình thành bà vợ đàng hoàng của một thợ thủ công góa vợ hoặc đại loại như thế rồi có con theo đúng nghĩa…Mẹ của Grenouille ước chi mọi sự xong cho lẹ. Đến lúc phải rặn, chị ta ngôi xổm dưới bàn làm cá, đẻ ở đấy như bốn lần trước và cắt rốn cái sinh vật mới đẻ bằng con dao làm cá. Rồi thì vì cái nóng và vì mùi hôi, thật ra chị ta chẳng ngửi thấy gì cả mà chỉ cảm thấy cái gì đấy khó chịu, làm hôn mê như ở trên một cánh đồng hoa huệ tây hay ở trong một căn phòng hẹp có quá nhiều hoa thuỷ tiên, chị ta ngất đi, ngã vật sang một bên, tuột từ gầm bàn xuống đường, nằm lăn ra đó, tay còn nắm con dao.

Thiên hạ nhốn nháo, la hét, bu lại, người ngó lom lom, người đi gọi cảnh sát. Người đàn bà với con dao trên tay vẫn nằm trên đường nhưng đã tỉnh dần.

“Chuyện gì xảy đến với chị ta vậy?”

“Chẳng có gì cả”.

“Chị ta làm gì với con dao?”

“Chẳng thấy làm gì hết”.

“Máu trên váy chị ta ở đâu ra vậy?”

“Máu cá đấy mà”.

Chị ta đứng dậy, quẳng con dao rồi bỏ đi rửa ráy.

Thình lình, đứa trẻ sơ sinh dưới gầm bàn ré lên. Người ta tìm quanh và thấy đứa nhỏ đầy ruồi bu nằm lẫn trong đám lầy nhầy ruột và đầu cá, bèn lôi nó ra. Đứa bé được giao cho một người vú còn bà mẹ thì bị bắt giữ. Bởi vì chị ta thú nhận và khai là cũng sẽ để nó chết như bốn lần trước, chị ta bị kết án về tội nhiều lần giết trẻ sơ sinh và ít tuần sau bị chặt đầu tại Place de Grève.

Cho tới lúc này đứa trẻ đã đổi vú nuôi ba lần. Không bà nào chịu giữ quá vài ngày. Nó háu ăn quá, bú bằng hai trẻ thường, lấy hết phần sữa của trẻ khác làm bà vú mất phương tiện mưu sinh vì nếu chỉ nuôi có một đứa thì không đủ sống. Viên sĩ quan cảnh sát, một ông La Fosse nào đấy, nản quá nên định đem cho nó đến nơi tạm cư giữ trẻ mồ côi và vô thừa nhận ở tận Rue Saint-Antoine, từ đây ngày ngày chúng sẽ được chở đến trại mồ côi của nhà nước ở Rouen. Chúng được phu khuân vác thồ trong giỏ, để tiết kiệm, trong mỗi giỏ nhét tới bốn đứa, vì thế mà số bị chết trên đường đi hết sức cao, vì lý do đó, phu khuân vác buộc chỉ được chở những đứa bé đã được rửa tội và những đứa có phiếu chuyên chở hợp lệ, giấy này phải được đóng dấu nhận ở Rouen. Vì thằng nhỏ Grenouille chưa được rửa tội và cũng chưa có tên để ghi trong phiếu chuyên chở như quy định, hơn nữa vì cảnh sát không quen bỏ một đứa bé trước cổng nơi tạm cư một cách lén lút, dù đó là cách duy nhất gỡ được bao nhiêu thứ giấy tờ… do một loạt những trở ngại về thủ tục hẳn sẽ xảy ra khi tống nó đi, ngoài ra vì cấp bách, viên sĩ quan cảnh sát Le Fosse rút lại quyết định ban đầu và ra chỉ thị giao thằng nhỏ cho bất kỳ một tổ chức nào đó của nhà thờ, lấy giấy biên nhận, để người ta rửa tội cho nó và quyết định số phận của nó. Người ta trao nó cho tu viện Saint-Merri ở Rue Saint-Martin, Nó được rửa tội và đặt tên Jean-Baptiste. Và vì hôm ấy cha bề trên vui vẻ và trong quỹ còn khá tiền nên đứa nhỏ không bị gởi đi Rouen mà được tu viện đài thọ nuôi. Vì thế nó được giao cho chị vú Jeanne Bussie ở Rue Saint-Denis, tạm thời với ba quan tiền công mỗi tuần.

Chú thích :

[1] Nghĩa trang dành cho người nghèo
 
Chương 2


Ít tuần sau chị vú Jeanne Bussie, tay xách giỏ, đứng trước cổng tu viện và nói với cha Terrier ra mở cổng – cha đầu hói, chừng năm mươi tuổi và thoang thoảng mùi dấm – “Đây!” rồi đặt giỏ xuống ngưỡng cửa.

“Cái gì vậy?” cha Terrier hỏi và cúi xuống giỏ ngửi vì nghĩ trong ấy có gì ăn được.

“Thằng lộn giống của cái mụ giết con ở Rue aux Fers!”

Ông cha khều ngón tay trong giỏ và ló ra mặt đứa bé đang ngủ.

“Trông mạnh hè. Hồng hào và bụ bẫm ghê”.

“Vì nó bú hết sữa của tôi đấy. Bú kiệt đến tận xương. Dẹp. Bây gjờ các người tự nuôi nó với sữa dê, bột, nước củ cải. Cái gì nó cũng ngốn cả. Đồ lộn giống!”

Cha Terrier là một người vô tư. Ông phụ trách quỹ từ thiện của tu viện, phát chẩn cho người nghèo túng. Và ông chờ đợi người ta cám ơn chứ đừng quấy rầy tiếp. Ông không ưa những chi tiết vì chi tiết luôn luôn có nghĩa là rắc rối mà rắc rối có nghĩa là xáo trộn sự vô tư của ông và ông không chịu được. Ông bực mình vì đã ra mở cổng. Ông muốn cái con mụ này xách giỏ lên ,đi về nhà với ba cái chuyện bú mớm của mụ và để cho ông được yên. Ông từ từ đứng dậy, hít thật sâu mùi thơm của sữa và mùi len ngầy ngậy toả ra từ chị vú. Thật là một mùi dễ chịu.

“Tôi không hiểu chị muốn gì. Tôi thật sự không hiểu chị nói gì. Tôi chỉ có thể hình dung rằng sẽ không hại gì cho thằng bé nếu nó còn được chị ôm ấp ít lâu nữa”.

“Nó thì không”, chị vú gắt “nhưng mà tôi! Tôi đã sụt mất năm ký dù rằng đã ăn gấp ba. Để được gì cơ chứ? Được ba quan một tuần!”

“À, ra thế” cha Terrier nhẹ người đi một chút “Tôi hiểu rồi, lại vì tiền”.

“Không” chị vú đáp.

“Lại còn không nữa. Lúc nào cũng chỉ vì tiền mà thôi. Người ta gõ cổng nơi này chỉ vì tiền. Tôi mong có được một lần ra mở cổng gặp một người đến vì chuyện khác. Chẳng hạn một người mang đến một chút quan tâm dưới dạng trái cây hay vài trái hồ đào. Mùa thu thật có thể mang đến lắm chứ. Hoa chẳng hạn. Hoặc một người đến chỉ để vui vẻ nói “Lạy Chúa phù hộ, cha Terrier, chúc cha khoẻ!” Nhưng chắc chẳng bao giờ tôi được gặp thế. Không phải một gã ăn xin thì cũng một tay lái buôn, nếu không phải lái buôn thì là một tay thợ thủ công, nếu hắn không xin bố thí thì thế nào cũng xì ra giấy đòi tiền. Tôi thật không dám ra đường nữa. Tôi mà ra thì đi chưa được ba bước đã bị bọn người cần tiền bu quanh”.

“Tôi không đòi tiền” chị vú nói.

“Nhưng tôi nói cho chị biết, chị không phải là người vú duy nhất trong họ đạo. Có cả trăm bà vú hạng nhất sẵn sàng vì ba quan một tuần giành nhau cho thằng bé dễ thương này bú hoặc đổ bột, nước cốt hay thứ thực phẩm nào đó…”

“Thì cha cứ giao nó cho một người trong bọn họ”.

“…Mặt khác, đẩy một đứa bé cho một người khác là không nên. Ai mà biết nó có hợp với sữa người khác như với sữa chị hay không.

Chị phải hiểu rằng nó đã quen hơi với chị và nhịp tim của chị”.

Rồi một lần nữa ông hít thật sâu cái hơi ấm tuôn ra từ người chị vú và tiếp, sau khi nhận thấy những điều vừa nói không có tác dụng gì.

“Mang đứa bé về đi! Tôi sẽ thưa với cha bề trên. Tôi sẽ đề nghị với Bề trên rồi đây sẽ trả chị bốn quan một tuần”.

“Không!” chị vú khăng khăng.

“Thôi được: năm!”

“Không”.

“Thế chị muốn bao nhiêu?” cha Terrier quát “Năm quan là khối tiền cho cái việc vặt là nuôi một đứa nhỏ!”

“Tôi chẳng cần gì đến tiền” chị vú nói “Tôi chỉ muốn cái quân lộn giống này xéo khỏi nhà tôi”.

“Nhưng vì sao mới được chứ, cái nhà chị này?” Cha Terrier nói và chọc ngón tay vào cái giỏ “Nó thật là một đứa nhỏ hết sức dễ thương. Hồng hào, không khóc, ngủ ngon và đã được rửa tội.”

“Nó bị quỷ ám.”

Cha Terrier vội vàng rút tay ra khỏi giỏ.

“Vô lý! Tuyệt đối không thể có chuyện một đứa còn đang bú bị quỷ ám. Trẻ sơ sinh chưa phải là người, mới chỉ là dạng tiền con người và chưa có linh hồn trọn vẹn. Do đó quỷ đâu có thèm. Nó đã nói được chưa? Nó co giật chăng? Nó di chuyển đồ đạc trong phòng chăng? Hay là nó hôi kinh khiếp?”

“Nó chẳng có mùi gì cả” chị vú đáp.

“Thấy chưa, đó là dấu hiệu rõ ràng. Nếu bị quỷ ám thì nó phải bốc mùi hôi”.

Và để trấn an chị vú cũng như để tỏ lòng can đảm, cha Terrier nhấc cái giỏ lên sát mũi.

“Tôi chẳng ngửi thấy gì khác thường cả” ông nói sau khi đánh hơi một lúc “Đúng là chẳng có gì khác thường. Ấy, hình như có mùi từ tã.” Ông nói và chìa cái giỏ về phía chị vú để chờ xác nhận.

“Ý tôi không phải như thế.” Chị vú gắt, đẩy cái giỏ ra. “Tôi đâu có muốn nói về cái thứ trong tã. Tất nhiên là phân nó có mùi chứ. Chính nó, chính cái thằng lộn giống cơ, mới không có mùi.”

“Vì nó khoẻ mạnh,” cha Terrier to tiếng “chính vì nó khoẻ nên mới không có mùi. Chi lũ trẻ đau yếu mới có mùi. Điều này ai cũng biết. Ai cũng biết một đứa bị đậu mùa có mùi phân ngựa, đứa bị tinh hồng nhiệt có mùi táo thối, đứa bị lao có mùi hành. Đứa nhỏ này khoẻ mạnh, chỉ có thế. Chả lẽ nó phải hôi à? Thế lũ con của chị có hôi không?”

“Không.” Chị vú đáp “Lũ con tôi có mùi như những đứa con khác của người bình thường.”

Cha Terrier cẩn thận đặt cái giỏ xuống đất vì ông thấy cơn giận dữ của cái mụ ngoan cố này đang trào lên. Biết đâu ông lại chẳng phải dùng hai tay để làm điệu bộ khi tiếp tục cuộc tranh luận và đứa bé sẽ bị vạ lây. Nhưng tạm thời ông vắt tay ra sau lưng, hướng cái bụng lép kẹp về phía chị vú rồi hỏi gặng “Chị dám bảo rằng biết một đứa bé con của người, tôi nhắc lại, cũng đồng thời là con của Chúa một khi nó đã được rửa tội, có mùi như thế nào à?”

“Đúng thế” chị vú đáp.

“Chị còn khăng khăng rằng nếu đứa nhỏ không có mùi giống như chị nghĩ – chị, vú nuôi Jeanne Bussie ở Rue Saint-Denis! – thì nó là con nuôi của quỷ?”

Ông kéo tay trái ra khỏi lưng rồi giơ ngón tay trỏ khum khum như một dấu hỏi trước mặt chị vú, răn đe. Chị vú suy nghĩ. Thật là xui vì cuộc nói chuyện bỗng dưng biến thành buổi cật vấn về thần học, mà chị hẳn chỉ có thua thôi.

“Tôi đâu muốn nói vậy” chị tránh né. “Vụ này có dính đến quỷ hay không thì tự cha xét lấy, cha Terrier ạ, chứ tôi đâu có nhiệm vụ ấy. Tôi chỉ biết có một điều thôi, tôi rợn người trước thằng bé này vì nó không có mùi như những trẻ con khác.”

“À há” cha Terrier hài lòng và lại vắt tay ra sau lưng. “Cái vụ quỷ kia coi như đã xong. Thế là tốt. Nhưng mà chị vui lòng cho tôi biết, một đứa bé sơ sinh có mùi gì khi nó phải có cái mùi giống như chị nghĩ? Thế nào?”

“Nó thơm” chị vú đáp.

“Thế nào là thơm?” Cha Terrier to tiếng “Thiếu gì thứ thơm. Bó hoa oải hương thơm. Thịt để nấu súp thơm. Vườn Ả rập thơm. Còn đứa bé sơ sinh có mùi ra sao? Đó là điều tôi muốn biết?”

Chị vú ngần ngừ. Chị biết trẻ sơ sinh có mùi gì chứ. Chị biết quá đi chứ…chị đã từng nuôi cả tá đứa, săn sóc, đưa võng, hôn hít…ban đêm chị còn có thể tìm ra chúng bằng mùi nữa kìa, vì rằng ngay lúc này đây mùi trẻ sơ sinh thật rõ trong mũi chị. Nhưng mà chị chưa bao giờ diễn tả bằng lời.

“Sao?” cha Terrier quát và sốt ruột nhấm móng tay.

“Ỡ…” chị vú bắt đầu “Thật không dễ nói vì…vì không phải chỗ nào mùi chúng cũng giống nhau, dù rằng chỗ nào cũng thơm cả, cha hiểu không. Chân chẳng hạn có mùi của viên đá nhẵn ấm…không, giống mùi sữa đông hơn…hoặc như bơ, bơ tươi, đúng rồi, như mùi bơ tươi. Mình chúng như mùi…bánh kếp nhúng sữa. Và ở đầu, trên nữa, phía sau cơ, chỗ có cái xoáy ấy, đây này, cha thấy chưa, đấy, chồ mà cha chẳng còn tóc ấy…” Và chị gõ lên đầu cha Terrier đang á khẩu mất một lúc bởi cái tràng chi tiết vớ vẩn nọ và ngoan ngoãn cúi đầu, nơi bị sói “…đấy, ngay chỗ này, chúng thơm nhất. Chúng thơm mùi kẹo caramen, cái thứ kẹo có mùi ngọt, tuyệt lắm cha ạ, cha không hình dung được đâu! Khi được ngửi chỗ đó rồi thì sẽ yêu chúng, dù là con ruột hay con người dưng. Và trẻ nhỏ chỉ có thể có mùi như thế chứ không thể khác được. Và khi mà chúng không có mùi như thế, khi mà trên đầu chẳng có mùi gì, còn thua cả không khí lạnh như thằng đó, thằng lộn giống đó thì…Cha muốn giải thích như thể nào thì tuỳ cha chứ tôi…” và chị ta khoanh tay trước ngực với vẻ kiên quyết, ném một cái nhìn kinh tởm vào cái giỏ ở dưới chân như thể trong ấy toàn cóc nhái “tôi, Jeanne Bussie, sẽ không đem thứ đó về nhà nữa đâu.”

Cha Terrier từ từ ngẩng đầu lên và lấy ngón tay vuốt vào chỗ đầu sói đôi ba lần như thể cho tóc được ngay ngắn rồi làm như vô tình đặt ngón tay lên mũi, ngửi một cách đăm chiêu.

“Như kẹo caramen à…” Ông hỏi và cố lấy giọng nghiêm nghị “Caramen! Chị có biết cái gì về caramen? Chị đã từng ăn chưa?”

“Thật ra thì chưa” chị vú đáp “Nhưng có lần tôi tới một khách sạn ở Rue Saint-Honoré và được xem làm từ đường nấu chảy và kem như thế nào. Nó thơm đến nỗi tôi vẫn không quên”.

“Hừm, thôi đủ rồi” cha Terrier nói và kéo ngón tay ra khỏi mũi. “Giờ thì chị im đi cho. Tiếp tục trao đổi với chị ở mức độ này thì mệt quá sức. Tôi nhận thấy chị từ chối việc tiếp tục nuôi đứa trẻ sơ sinh Jean-Baptiste Grenouille vì bất cứ lý do nào đó và trao lại nó cho người bảo hộ tạm thời là tu viện Saint-Merri. Tôi hết sức tiếc nhưng không thể thay đổi được. Thôi được, chị về đi!”

Nói xong ông xách cái giỏ, hít thêm hơi cái làn sữa ấm thoang thoảng rồi đóng cổng, vào phòng làm việc của ông.
 
Chương 3


Cha Terrier là một người có học thức. Ông không chỉ nghiên cứu thần học mà còn thông hiểu các triết gia. Ngoài ra còn biết thực vật học lẫn thuật giả kim [1] Ông không coi thường khả năng phán đoán của mình. Tuy không đi quá xa như một số kẻ nghi ngờ phép lạ, lời tiên tri cũng như chân lý của Kinh thánh, dù nghiêm khắc mà nói thì những thứ kể trên không thể giải thích đơn thuần bằng lý trí, thậm chí còn thường mâu thuẫn nữa. Ông không thích đụng tới những vấn đề này, chúng chẳng thú vị gì mà chỉ tổ đẩy ông tới chỗ hoang mang và vô cùng bất an, khó chịu, trong khi sử dụng lý trí thì tâm hồn phải yên ổn và thanh thản. Cái mà ông kiên quyết chống là thói mê tín của quảng đại quần chúng, phù thuỷ, bói bài, đeo bùa, thôi miên, trò quỷ thuật đêm trăng và ai mà còn biết được còn những trò gì nữa, thật hết sức nản lòng khi thấy những tập tục ngoại đạo này vẫn chưa bị tận diệt sau hơn một ngàn năm kiến lập vững chắc Giáo hội Thiên chúa! Phần lớn những vụ gọi là quỷ ám hay liên minh với quỷ xét cho kỹ cũng chỉ là trò hề mê tín. Nói cho đúng, đi xa đến độ chối bỏ sự hiện hữu của quỷ xa tăng, nghi ngờ quyền lực của nó thì cha Terrier không dám, quyết định những vấn đề đụng chạm tới nền tảng của thần học như thế thuộc thẩm quyền những cơ quan nào khác hơn là một tu sĩ quèn. Mặt khác thì rành rành là khi một người nhẹ dạ như cái chị vú nọ cứ một mực rằng đã phát hiện ra quỷ hiện hình thì chẳng bao giờ có quỷ nhúng tay vào đó cả. Chính việc chị ta tin đã phát hiện ra nó là chứng cớ đanh thép rằng chẳng có tí gì của quỷ được phát hiện cả vì nó không ngu đến độ để cho chị vú Jeanne Bussie lột được mặt nạ. Mà lại bằng mũi nữa cơ chứ! Bằng cái khướu giác tầm thường, kém cỏi nhất trong các giác quan! Như thể địa ngục thì có mùi lưu huỳnh còn thiên đường thì có mùi trầm và mùi mật nhi lạp! Ôi, cái sự mê tín khốn khổ! Cứ như trong thời tiền sử đen tối còn tà giáo, khi con người còn sống như thú vật, mắt chưa đủ tinh, không phân biệt được màu sắc nhưng có thể ngửi được mùi máu và qua ngửi mà phân biệt được bạn với thù, tin rằng bị những tên khổng lồ ăn thịt người, những ma chó sói và nữ thần báo oán đánh hơi phát hiện nên cúng tế đủ loại thần gớm ghiếc của họ với đồ cúng tế nướng cháy hôi rình! Thật là khủng khiếp! Đứa ngu nhìn bằng mũi hơn bằng mắt và có lẽ ánh sáng của lý trí Chúa ban cần soi rọi thêm cả nghìn năm nữa mới mong quét sạch tàn dư cuối cùng của thứ tín ngưỡng sơ khai này.

“Chao, đứa nhỏ tội nghiệp! Cái sinh vật vô tội! Nằm tbiu thiu ngủ trong giỏ mà chẳng biết gì hết vễ những nghi ngờ gớm ghiếc gán cho nó. Mày không có mùi như con của người, cái ả vô liêm sỉ kia dám xưng xưng thế đấy. Nào, biết phải nói gì bây giờ? Tú ti, tú ti!”

Và ông nhẹ nhàng rung cái giỏ trên đầu gối, vuốt nhẹ đầu đứa bé và thỉnh thoảng lại nói “Tú ti, tú ti” mà ông cho rằng có tác dụng vuốt ve trẻ nhỏ.

“Mày phải có mùi caramen! Vớ vẩn. Tú ti, tú ti”.

Chặp sau ông rút ngón tay ra, đặt lên mũi rồi hít mạnh, chẳng ngửi thấy gì ngoài mùi cải chua mới ăn bữa trưa.

Ông do dự một lúc, nhìn quanh để được chắc chắn là không ai đang ngó, nhấc cái giỏ lên, gí cái mũi to tướng vào. Ông dí sát đến nỗi lớp tóc hoe mỏng của đứa bé cọ vào mũi, ông hít mạnh khắp đầu nó, hy vọng ngửi được một mùi. Ông không rõ đầu lũ sơ sinh phải có mùi gì. Chắc chắn không phải caramen, nhất định thế, vì caramen là đường nấu chảy được.Có thể nó có mùi sữa, sữa của người vú. Nhưng mà nó không có mùi sữa. Có thể nó có mùi tóc, mùi da, và một chút mùi mồ hôi của trẻ nhỏ. Và cha Terrier lại hít và nghĩ rằng sẽ ngửi thấy mùi da, tóc và một chút mồ hôi. Nhưng ông chẳng ngửi thấy cái gì cả. Thật sự không. Ông nghĩ trẻ sơ sinh không có mùi, hẳn là phải thế. Khi được giữ sạch sẽ, trẻ sơ sinh không có mùi, giống như không biết nói, biết chạy hay viết. Phải đợi đến khi lớn. Xét cho kỹ thì con người ta chỉ toả mùi khi dậy thì. Thế chứ không thể khác được. chẳng phải Horaz [2] đã từng viết “trai tơ nồng ấm mùi dê, gái tơ thơm ngát khác gì thuỷ tiên…” đó sao? Mà bọn La Mã rành mấy thứ này lắm nhé. Mùi thơm của con người bao giờ cũng là mùi thơm xác thịt, nghĩa là một mùi thơm tội lỗi. Thế thì làm thế nào mà trẻ sơ sinh ngay cả trongmơ cũng không biết đến tội lỗi xác thịt lại có mùi được? Làm thế nào nó có mùi được? Tú ti tú ti? Tất nhiên nhiên là không rồi!

Ông lại đặt cái giỏ lên đầu gối và lắc nhè nhẹ. Đứa bé vẫn ngủ say. Nắm tay phải thò ra khỏi chăn, bé bỏng và đỏ hồng, thỉnh thoảng khẽ cọ vào má. Cha Terrier mỉm cười và chợt cảm thấy rất thoải mái. Ông tự cho phép tưởng tượng là bố đứa nhỏ trong giây lát. Ông không là tu sĩ nữa mà là một công dân bình thường, có thể là một thợ thủ công ngay thẳng, lấy một người đàn bà thơm mùi sữa ấm, có với cô ta một đứa con trai và giờ đây đung đưa nó, đứa con ruột thịt của ông, trên đầu gối, tú ti, tú ti…Nghĩ thế ông thấy dễ chịu. Trong suy nghĩ ấy có cái gì đấy nghiêm chỉnh. Người cha đung đưa con trai mình trên đầu gối, tú ti tú ti, là một hình ảnh xưa như trái đất nhưng lại luôn luôn mới khi thế giới này còn, thật đấy! Cha Terrier thấy ấm đôi chút trong tim và mềm lòng đi.

Đứa bé thức dậy. Nó thức trước tiên bằng cái mũi. Cái mũi nhỏ xíu động đậy, hếch lên rồi hít. Nó hít không khí rồi thở ra từng đợt ngắn như thể hắt hơi chưa hết. Nó nhăn mũi rồi lại mở mắt. Màu mắt nó khó xác định, nửa xám màu vỏ con hàu, nửa trắng đục màu kem, còn bị phủ một lớp màng mỏng rõ là chưa thích ứng để nhìn. Cha Terrier có cảm giác là đôi mắt ấy không nhận ra có ông ở đấy. Cái mũi thì ngược lại. Trong khi đôi mắt đục của đứa bé liếc tận đâu đâu thì cái mũi lại có vẻ tập trung vào một mục tiêu nhất định và cha Terrier có cảm giác lạ lùng rằng chính ông, Terrier, là cái mục tiêu ấy. Hai cánh của hai lỗ mũi nhỏ xíu ngay giữa mặt đứa bé phập phồng như bông hoa đang nở. Giống nắp của thứ hoa nhỏ ăn thịt trồng trong vườn của Đức Vua thì đúng hơn. Mũi nó như thể có một sức hút kỳ quái giống loài hoa nọ. Như thể đứa bé đã nhìn thấy ông, Terrier, bằng lỗ mũi của nó, như thể nó nhìn ông chăm chắm, soi mói, thấu suốt hơn là người ta có thể nhìn bằng mắt, như thể nó nuốt chửng vào mũi nó cái gì đấy tiết ra từ người ông, Terrier, mà ông thì không thể giữ và che giấu cái ấy được…Cái đứa bé không mùi ấy đang ngửi ông hôi mùi mồ hôi và giấm, mùi cải muối chua và mùi quần áo không giặt. Ông có cảm giác như trần truồng và xấu xa, như bị một kẻ đang nấp kín soi mói nhìn. Như thể nó ngửi xuyên qua cả da ông, vào tận nội tạng. Những tình cảm dịu dàng nhất, những ý nghĩ bẩn thỉu nhất phơi trần trước cái mũi nhỏ đầy thèm khát này. Chưa thật sự là mũi nữa, mới chỉ là dấu vết của mũi, một bộ phận có lỗ nhỏ xíu không ngừng nhăn lại, phồng lên xẹp xuống. Cha Terrier rùng mình, tởm lợm. Ông quay mũi đi như thể gặp vật gì có mùi kinh tởm, không muốn đụng chạm tới. Hết rồi cái ý nghĩ thân thương rằng đấy là máu thịt của ông. Tan biến cái tình cảm thơ mộng cha con và người mẹ ngát thơm. Tấm màn tư tưởng mềm mại mà ông tưởng tượng trùm quanh đứa bé và ông, bị giật phăng đi, một sinh vật lạ hoắc, lạnh ngắt đang ở trên đầu gối ông, một con vật thù địch mà nếu như ông không phải là một người cẩn trọng, biết sợ Chúa, có suy nghĩ hẳn ông đã ghê tởm quẳng nó đi như một con nhện.

Cha Terrier đứng bật dậy, đặt cái giỏ lên bàn. Ông muốn tống khứ cái của nợ này càng nhanh càng tốt, ngay, ngay lập tức.

Đứa bé chợt khóc. Nó nhắm nghiền mắt lại, há hốc miệng, rít lên khủng khiếp khiến cha Terrier lạnh cả xương sống. Ông dang tay ra đung đưa cái giỏ, miệng kêu “tú ti tú ti” cho nó im nhưng nó còn gào to hơn, mặt nó tím lại như thể sắp vỡ ra vì gào.

Phải tống khứ ngay! Cha Terrier nghĩ thầm. Tống khứ tức khắc cái đồ…ông muốn nói “đồ quỷ” nhưng cố nén lại được…tống khứ ngay cái quái vật này, cái thằng lỏi không thể chịu đựng được này! Nhưng tống đi đâu? Ông biết cả tá bà vú và nhà mồ côi trong vùng nhưng mà họ gần quá, khác nào ngay bên cạnh sườn, cái vật này phải tống đi xa, rõ xa để không còn phải nghe nó, rõ xa để không thể cứ mỗi giờ người ta lại đem nó đến đặt ngay trước cửa, nếu được thì ở một họ đạo khác, bên kia sông càng tốt, tốt nhất là Extra Muros [3] ở Faubourg Saint-Antoine, phải đấy! Thằng nhóc hay gào này sẽ đến đấy, tuốt phía đông, bên kia cửa ngục Bastille, nơi tối tối người ta đóng cổng thành.

Ông khoác vội áo dòng, vớ cái giỏ đang gào chạy đi, chạy qua ngóc ngách bàn cờ tới Rue du Faubourg Saint-Antoine, ngược sông Seine về phía đông, ra khỏi thành phố, xa xa nữa tới Rue de Charonne, khoảng cuối đường này, gần tu viện Madeleine de Trenelle, ông biết địa chỉ một Madame Gaillard nào đó nhận nuôi mọi loại trẻ ở mọi lứa tuổi miễn là có người trả tiền, ông giao cái đứa bé vẫn còn khóc ở đó, trả trước hẳn một năm rồi chạy biến về lại thành phố, về tới tu viện, ông vất quần áo như thể bị dính dơ, tắm gội từ đầu đến chân rồi len lén vào phòng riêng lên giường, làm dấu thánh giá nhiều lần, đọc kinh thật lâu rồi cuối cùng thiếp đi nhẹ nhõm.

Chú thích:

[1] Nhà giả kim: nhà hóa học thời Trung cổ.

[2] Horaz: nhà thơ La Mã trước công nguyên.

[3] Ở ngoại thành (tiếng La tinh).
 
Chương 4


Madame Gaillard tuy chưa tới tuổi ba mươi mà như thể đã lìa đời. Bề ngoài bà có cái diện mạo của tuổi thật nhưng đồng thời già gấp hai, gấp ba, gấp trăm lần, giống như xác ướp của một cô gái, còn bên trong thì bà đã chết từ lâu. Lúc nhỏ bà bị ông bố nện que sắt cời lò sưởi vào trán, ngay phía trên sống mũi, từ đó bà mất khả năng ngửi cũng như mọi cảm giác về tình người nồng nàn hay lạnh lẽo và mọi xúc cảm. Do cái đánh đó mà sự dịu dàng cũng trở thành xa lạ giống như sự ghê tởm, niềm vui hay tuyệt vọng. Bà chẳng cảm thấy gì cả sau này, khi ăn nằm với một người đàn ông hay khi đẻ con. Đứa chết bà chẳng buồn mà đứa sống bà cũng chẳng hề vui. Bà không nhúc nhích khi bị chồng đánh mà cũng chẳng nhẹ nhõm khi ông ta chết vì bệnh tả ở Hotel Dieu. Bà chỉ biết có hai thứ cảm giác, đó là hơi ủ dột mỗi khi tháng tháng sắp đến kì bệnh đau nửa đầu làm tình làm tội và hơi thoải mái khi nó biến mất. Kỳ dư người phụ nữ chết mòn này không cảm thấy gì hết.

Mặt khác thì…hoặc giả có thể chính vì sự hoàn toàn không xúc động mà Madame Gaillard có một ý thức lạnh lùng về trật tự và công bằng. Bà không ưu ái riêng mà cũng không để thiệt đứa bé nào được gửi cho bà. Bà cho chúng ăn ngày ba bữa chứ không thêm một chút xíu nào. Bà thay tã cho chúng ba lần trong ngày và chỉ đến năm đầy hai tuổi thôi. Sau đó đứa nào còn bậy ra quần thì sẽ bị ăn bạt tai mà không hề được cảnh cáo trước và bị cắt một bữa ăn. Bà chỉ cho chúng đúng một nửa số lệ phí, giữ đúng nửa còn lại. Trong thời buổi rẻ rúng bà kgtìm cách giữ phần hơn, gặp lúc khó khăn cũng chẳng đòi thêm một xu nào dù lúc ấy là cả một vấn đề sinh tử. Nếu không thì việc bà làm chẳng đáng gì nữa cả. Bà cần tiền. Bà đã tính toán rất kỹ. Khi về già bà muốn mua hưu bổng, ngoài ra vẫn còn thừa tiền để bà đợi chết ở nhà chứ không chết khốn khổ ở Hotel Dieu như chồng bà. Bà chẳng đếm xỉa gì đến cái chết của chồng. Nhưng mà phải chết chung với hàng trăm người lạ làm bà rùng mình. Bà muốn được chết kín đáo vì thế bà cần trọn cái phần trong lệ phí. Đúng là có mùa đông chết tới ba hay bốn trong hai tá đứa ở trọ. Nhưng mà như thế là ít hơn hẳn so với phần lớn các bà vú khác, vượt xa những trại mồ côi lớn của nhà nước hay giáo hội mà tỉ lệ tử vong lên đến chín phần mười.

Không sợ thiếu trẻ thay thế. Mỗi năm Paris cho ra đời hơn chục nghìn trẻ vô thừa nhận, hoang và mồ côi. Thành ra hơi đâu mà bận tâm trước những mất mát như thế.

Đôi với thằng nhỏ Grenouille thì cơ sở của Madame Gaillard là một phúc lớn. Có lẽ nó không thể sống ở một nơi khác. Nhưng ở đây, nơi người đàn bà ít phần hồn này, nó mau lớn. Cơ thể nó dẻo dai. Ai sống sót khi sinh ra trong bãi rác như nó thì không dễ bị tống khỏi cái thế giới này. Nó có thể ăn chỉ có cháo loãng ngày này qua ngày khác, nó chịu nổi thứ sữa loãng nhất cũng như rau thối và thịt ôi. Thời thơ ấu của nó qua được cái bệnh sởi, bệnh lị, bệnh tả, ngã xuống giếng sâu sáu mét và ngực bị phỏng nước sôi mà không chết. Tuy phải mang thẹo, da bị lở và đóng vẩy, thêm một cái chân bị tật nhẹ khiến phải đi cà nhắc nhưng nó sống. Nó dai dẳng như một con vi khuẩn dã quá quen thuốc và không đòi hỏi gì nhiều như một con bọ chét lặng lẽ ẩn trên cây, sống chỉ với một chút xíu máu hút được từ nhiều năm trước. Nó chỉ cần một chút tối thiểu thức ăn và quần áo. Còng chẳng cần gì cho phần hồn cả. Sự che chở, môi quan tâm, sự dịu dàng, tình yêu, những tình cảm mà người ta gọi bằng đủ thứ tên và cho rằng một đứa bé nhất thiêt phải có, thì với thằng nhỏ Grenouille là hoàn toàn không cần thiết. Hay đúng hơn có vẻ như tự nó không cần những thứ ấy để mà có thể sống sót được ngay từ đầu. Tiếng khóc khi nó chào đời, tiếng khóc vang ra từ dưới gầm bàn để được chú ý đến và đã đưa mẹ nó đến nơi hành quyết, không phải là tiếng khóc bản năng đòi được được sự thương xót hay tình yêu. Đó là tiếng khóc đã được cân nhắc, có thể nói là đã được cân nhắc chín chắn, qua đó đứa trẻ sơ sinh đã quyết định chống lại tình yêu, vì cuộc sống. Trong hoàn cảnh lúc ấy chọn cái sau là phải bỏ cái trước chứ nếu đòi hỏi cả hai thì chắc chắn nó sẽ chết khốn khổ ngay. Tất nhiên lúc ấy nó vẫn có thể chọn cái khả năng thứ hai, tức là không khóc và đi thẳng từ cửa sinh sang cửa tử mà không cần phải đi vòng qua cuộc sống, như thế nó sẽ bớt cho thế giới và cho bản thân không ít phiền lụy. Để từ giã cõi đời khiêm nhường như thế cần phải có đôi chút tối thiểu lòng tốt bẩm sinh nhưng Grenouille lại không có. Ngay từ đầu nó đã là một đứa khả ố. Nó quyết định chọn cuộc sống chỉ vì ngang ngạnh và độc ác.

Tất nhiên là nó không quyết định giống như người lớn, ít nhiều dùng đến lý trí và kinh nghiệm để chọn lựa giữa các khả năng. Nó quyết định giống như cây cỏ, như một hạt đậu rơi vãi tự quyết định nảy mầm hay không.

Hay giống như con bọ chét nọ trên cây mà cuộc đời không mời chào gì hơn là giấc ngủ đông triền miên. Cái con bọ chét nhỏ bé ghê tởm ấy cuộn cái thân màu xám chì thành hình cầu để thu diện tích tiếp xúc với bên ngoài đến mức nhỏ nhất, nó làm cho da nhẵn và khô cứng để không toả gì ra cả, dù chỉ một chút mồ hôi. Nó hết sức thu nhỏ mình kín đáo để không ai thấy và xéo chết nó. Con bọ chét cô đơn thu mình nằm cuộn trên cây, mù, câm và điếc, chỉ lo đánh hơi, đánh hơi suốt năm, hàng dặm xa, mùi máu của những con vật mà nó không bao giờ tự sức bò tới nổi. Con bọ chét có thể để tự rơi mình xuống chứ. Nó có thể để rơi trên đất rừng, bò bằng sáu cái cẳng nhỏ xíu vài milimét tới chỗ này chỗ nọ rồi rúc xuống dưới lá nằm chờ chết chứ, và lạy Chúa, chẳng có gì đáng tiếc cả. Nhưng con bọ chét ngang ngạnh, ngoan cố và ghê tởm cứ co mình lại trên cây, sống và chờ đợi. Chờ cho đến khi mà hết sức ngẫu nhiên, máu, dưới dạng một con vật, tới ngay dưới gốc cây. Chỉ khi ấy nó mới không còn thận trọng, buông mình xuống, bấu, xoi và cắn vào thịt con vật lạ…

Thằng bé Grenouille là một con bọ chét như thế. Nó sống khép kín và chờ thời. Nó chẳng cho thế giới cái gì khác ngoài phân, không cười mỉm, không khóc, không ánh mắt và không cả mùi của chính nó. Gặp phải người phụ nữ khác thì cái đứa nhỏ quái dị này đã bị tống cổ đi rồi. Madame Gaillard không thế. Bà không ngửi ra được rằng nó không có mùi và cũng không hề chờ đợi một sự xúc động trong tâm hồn nó vì chính tâm hồn bà đã bị khoá chặt.

Lũ trẻ kia ngược lại, cảm thấy ngay Grenouille muốn gì. Ngay ngày đầu kẻ mới tới đã là mối đe doạ đối với chúng. Chúng né tránh cái thùng gỗ nó nằm, và nằm sát nhau hơn như thể căn phòng bị lạnh hơn vậy. Thỉnh thoảng những đứa nhỏ nhất khóc trong đêm, chúng thấy như có gió lùa qua phòng. Những đứa khác chiêm bao đã bị cái gì đấy lấy đi hơi thở. Có một lần mấy đứa lớn hùa nhau định làm nó chết nghẹt. Chúng phủ giẻ, chăn và rơm lên mặt nó rồi lấy gạch đè lên. Sáng hôm sau khi Madame Gaillard lôi nó ra khỏi thì nó nhầu nát, bầm dập, thâm tím nhưng không chết. Chúng thử thêm mấy lần nữa nhưng vô ích. Cách chắc chắn hơn là bóp cổ nó bằng tay, hoặc bịt mũi, bịt mồm nó thì chúng không dám. Chúng không muốn đụng chạm vào nó. Chúng ghê tởm nó như thể ghê tởm một con nhện to mà người ta không muốn tự tay bóp chết.

Khi nó lớn hơn thì chúng bỏ ý định giết nó. Hẳn chúng đã thấy rằng không thể diệt nó được. Thay vào đấy chúng né tránh, chạy xa nó, bằng mọi cách tránh chạm vào người nó. Chúng không ghét nó. Chúng cũng không ghen hay tranh ăn với nó. Trong nhà của Madame Gaillard không có cơ hội nhỏ nào cho những cảm nghĩ như thế. Chúng bị xáo trộn vì sự có mặt của nó, thế thôi. Chúng không ngửi thấy mùi nó. Nên chúng sợ nó.
 
Chương 5


Khách quan mà nói thì nó đâu có gì đáng sợ. Khi lớn thì nó chẳng to cao đặc biệt , không khoẻ, xấu đấy, nhưng đâu xấu ghê gớm đến nỗi người ta phải sợ nó. Nó không hung hăng, không nham hiểm, không lén lút, không khiêu khích. Nó còn thích sống tách biệt nữa kia. Còn trí thông minh của nó cũng chẳng có gì ghê gớm. Mãi năm lên ba nó mới biết đứng, nói chữ đầu tiên lúc lên bốn, đó là chữ “cá”, buột ra như thể một tiếng vọng trong một lúc kích thích bất chợt khi từ xa một người bán cá đi tới Rue de Charonne lớn tiếng rao hàng. Những tiếng kế tiếp nó thốt ra là “cây quỳ thiên trúc”, “chuồng dê”, “cái lá xoăn”, và “Jacqueslorreux”, cái chữ sau cùng là tên một người phụ việc vườn tược cho nữ tu viện Filles de la Croix ở gần đó, thỉnh thoảng vẫn làm cho Madame Gaillard những việc nặng và nổi tiếng vì trong đời chưa hề tắm lần nào. Nó ít khi dùng đến động từ, tính từ và từ chêm. Ngoài “có” và “không” – mà mãi sau này nó mới nói – nó chỉ dùng danh từ, đúng hơn là tên riêng của mỗi vật, cây cỏ, thú vật, người cụ thể và cũng chỉ khi nào mùi của những vật, cây cỏ, thú vật và người này đột nhiên chế ngự nó.

Một ngày tháng ba, ngồi phơi nắng trên một chồng gỗ sồi mới xẻ, gỗ bị nắng nứt kêu răng rắc, đó là lần đầu tiên nó thốt ra từ “gỗ”. Nó đã trông thấy gỗ cả trăm lần trước đó, cái từ đó cũng đã nghe cả trăm lần. Nó cũng hiểu vì mùa đông nó thường bị sai ra ngoài lấy gỗ. Nhưng cái gọi là gỗ chưa bao giờ làm cho nó quan tâm để phải nhọc công nói ra tên ấy. Điều này chỉ xảy ra vào cái ngày tháng ba ấy khi nó ngồi trên đống gỗ nọ. Đống gỗ được xếp chồng lên nhau như thể cái ghế dài dưới một cái mái ở mặt nam kho dụng cụ của Madame Gaillard. Những thớt gỗ trên cùng mùi ngọt hắc, từ phía dưới bốc lên mùi rêu và từ vách gỗ thông của nhà kho bay ra trong nắng ấm mùi thơm của nhựa.

Grenouille ngồi im trên đống gỗ, duỗi thẳng chân, lưng tựa vách nhà kho và nhắm mắt lại. Nó không trông thấy, không nghe và không cảm thấy gì cả. Nó chỉ ngửi mùi thơm của gỗ bốc lên quanh nó và bị giữ lại dưới cái mái như trong một cái nón. Nó uống mùi thơm ấy, nó chết đuối trong đó, tẩm vào người đến tận lỗ chân lông cuối cùng, hoá thành gỗ, rồi như thể một hình nhân bằng gỗ, nó nằm chết trên đống gỗ chẳng khác một Pinochio, cho đến một lúc lâu sau, hình như là mãi nửa tiếng sau, nó oẹ ra cái từ “gỗ”. Nó oẹ ra cái từ ấy như thể là nó được nhồi gỗ đến tận tai, như thể bụng nó, họng nó, mũi nó toàn là gỗ. Cái từ ấy làm cho nó tỉnh lại, cứu nó kịp trước khi nó bị sự có mặt áp đảo của gỗ, của mùi gỗ, làm cho chết nghẹt. Mãi mấy ngày sau nó vẫn còn choáng váng do đã nếm cái mùi quá mạnh ấy và khi quá nhớ thì không ngớt lẩm bẩm van nài “gỗ, gỗ”.

Nó học nói như thế đấy. Những từ chỉ đối tương không mùi, nghĩa là những khái niệm trừu tượng, đặc biệt là những thứ về đạo đức và luân lý là quá khó đối với nó. Nó không nhớ nổi, lẫn lộn hết trơn, ngay cả khi đã lớn nó cũng không thích dùng, và thường là dùng sai, tỉ như công lý, lương tâm, thượng đế, hân hoan, trách nhiệm, khiêm tốn, biết ơn, vân vân…những khái niệm này dùng để chỉ cái gì thì đối với nó mãi mãi là bí ẩn.

Mặt khác ngôn ngữ thông dụng nhanh chóng trở thành không đủ để chỉ tất cả những vật mà nó đã gom góp bằng khứu giác. Chẳng mấy chốc nó không chỉ ngửi gỗ nói chung, mà loại gỗ như gỗ thích, gỗ sồi, gỗ thông, gỗ cây du, gỗ cây lê, già, non, mục, mủn, có rêu thậm chí từng khúc gỗ một, dằm, mảnh gỗ và ngửi rành rẽ những vật thể khác nhau mà người khác không phân biệt nổi bằng mắt. Với những vật khác cũng vậy. Cái thứ nước màu trắng mà sáng sáng madame Gaillard cho lũ trẻ uống luôn được gọi là sữa thì theo cảm giác của Grenouille thì mỗi sáng có mùi và vị khác nhau tuỳ theo độ ấm, của con bò nào, và con bò này đã ăn gì, còn được bao nhiêu chất béo, v..v..Còn khói, một tổng hợp của hàng trăm mùi khác nhau, biến đổi thiên hình vạn trạng từng phút, thậm chí từng giây thành một thể thống nhất mới như khói của ngọn lửa, lại chỉ có cái tên “khói” này thôi…Rồi đất, phong cảnh, không khí mà trong từng bước đi, từng hơi thở đều được rót đầy mùi khác nhau và như thế được mang một đặc tính khác rồi sao vẫn chỉ được gọi bằng ba cái từ thô thiển ấy thôi].

Tất cả những khập khiễng lố bịch ấy giữa sự phong phú của cái thế giới nhận biết được qua mùi và sự nghèo nàn của ngôn ngữ khiến thằng nhỏ Grenouille hoàn toàn nghi ngờ về ý nghĩa của ngôn ngữ, nên nó có thói quen chỉ dùng đến ngôn ngữ khi sự giao tiếp với người khác nhất thiết đòi hỏi.

Năm lên sáu nó đã hoàn toàn nắm rõ môi trường chung quanh qua khứu giác. Trong nhà Madame Gaillard không vật gì, phía bắc Rue de Charonne không chỗ nào, không người nào, không hòn đá, bụi cây, ngọn cây hay hàng rào đóng cọc nào, không xó xỉnh nào dù nhỏ đến đâu mà nó không rõ mùi, không nhận ra được và không giữ chặt cái mùi riêng của từng thứ trong trí nhớ. Nó đã tích lũy cả vạn, trăm nghìn mùi riêng biệt, sẵn sàng khi cần đến, thật rõ ràng, đủ loại, để không những có thể nhớ lại khi ngửi chúng mà còn thật sự ngửi thấy chúng mỗi khi nhớ lại, hơn thế nữa, chỉ cần qua tưởng tượng thôi nó đã biết phối hợp chúng để tạo ra những mùi không hề có trong thế giới thực tế. Như thể nó làm chủ một vốn từ khổng lồ tự học về mùi khiến nó có đủ khả năng tạo ra cơ man mùi đủ loại ở một lứa tuổi mà những đứa trẻ khác còn lắp bắp đặt những câu đầu tiên đầy lỗi để mô tả thế giới với những từ được người ta ra sức nhồi nhét. Năng khiếu của nó có thể so sánh sát nhất với năng khiếu một thần đồng âm nhạc, nghe giai điệu và hoà âm mà tìm ra từng âm, như từng mẫu tự, và rồi tự sáng tác giai điệu và hoà âm mới hoàn chỉnh. Tất nhiên khác ở chỗ mẫu tự của mùi thì nhiều và tinh tế hơn là của âm. Thêm một điểm khác nữa là những hoạt động sáng tạo của thần đồng Grenouille chỉ diễn ra bên trong nó, ngoài nó ra không ai cảm nhận được.

Càng ngày nó càng sống khép kín hơn. Nó thích nhất đi lang thang một mình phía bắc Faubourg Saint-Aintoine, qua những vườn cau, những đồng nho, bãi cỏ. Có khi tối đến nó không về, biệt tăm mấy ngày liền. Nó chịu bị đòn bằng gậy mà chẳng hề tỏ ra đau đớn. Cấm không cho ra ngoài, bắt nhịn đói, phạt làm việc nặng cũng không thay đổi được cung cách của nó. Một năm rưỡi đi học thất thường ở trường đạo Notre Dame de Bon Secours cũng không có tác dụng trông thấy nào. Nó hoc đánh vần chút ít, học viết tên nó, thế thôi. Thầy giáo cho nó là đần độn.

Madame Gaillard, ngược lại, thấy là nó có một số khả năng và đặc tính rất khác thường nếu không nói là siêu tự nhiên, chẳng nó hoàn toàn không sợ đêm và bóng tối như trẻ con bình thường. Bất cứ lúc nào người ta cũng có thể sai nó xuống hầm lấy cái gì đó mà những đứa kia ngay cả có đèn cũng không dám làm, hay ra nhà kho lấy gỗ trong đêm tối như mực. Chẳng lần nào nó mang theo đèn mà vẫn tìm ra và tức khắc đem về cái được đòi hỏi mà không một động tác sai, không vấp ngã hay xô đổ một thứ gì. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là hình như nó có thể nhìn xuyên qua giấy, vải, gỗ và qua cả tường gạch hay cửa khóa nữa. Madame Gaillard tin rằng đã phát hiện ra như thế. Nó biết có bao nhiêu đứa trẻ và những đứa nào trong phòng ngủ dù không bước chân vào đấy. Nó biết trong bông súp lơ có một con sâu trước khi tách bông ra. Có một lần bà không tìm thấy tiền bởi cất quá kỹ (bà đổi chỗ cất luôn), nó không hề tìm lấy một giây mà chỉ ngay vào một chỗ sau xà ngang lò sưởi, y như rằng! Thậm chí nó có thể nhìn thấy cả tương lai, chẳng hạn nó báo có khách khi khách còn chưa đến hay báo trước không sai một trận bão dù trên bầu trời không một vẩn mây. Nó không nhìn những cái ấy bằng mắt mà đánh hơi bằngcái mũi ngày một thính và ngửi ngày một chính xác hơn, con sâu trong bông súp lơ, tiền sau cái xà ngang, người sau tường và còn ở xa tới mấy quãng đường, thế thì có nằm mơ Madame Gaillard cũng không thể đoán được, kể cả nếu cái đánh bằng que cời lò sưởi ọ không gây tổn hại cho khứu giác của bà. Đần với chả độn, bà tin chắc rằng thằng nhỏ phải có một bộ mặt thứ hai. Vì bà biết rằng kẻ hai mặt đem theo điều gở và cái chết nên nó làm bà ớn. Ớn hơn nữa, đến không thể chịu nổi là sự lo lắng phải ở chung nhà với một kẻ có biệt tài nhìn qua cả tường lẫn xà ngang thấy được tiền đã giấu kỹ. Một khi đã phát hiện cái khả năng đáng sợ của Grenouille bà liền tìm cách tống khứ nó. Khi ấy nó được tám tuổi.May sao cũng khoảng thời gian ấy tu viện Saint-Merri ngưng trả tiền hàng năm cho nó mà không nêu lý do. Bà không đòi. Giữ đúng phong cách, bà đợi thêm một tuần lễ nữa và khi tiền vẫn không tới, bà mới dắt nó vào phố.

Bà quen một người thợ thuộc da tên là Grimal ở gần sông, trên Rue de la Mortellerie, cần người phụ việc còn trẻ, không phải người học nghề thật sự hay thợ phụ mà là cu li rẻ tiền. Trong nghề này có những công việc nguy hiểm như cạo thịt từ da súc vật thối rữa, trộn các dung dịch độc hại để thuộc và nhuộm da, đun nước vỏ dà…mà một người thợ cả có ý thức trách nhiệm cố tránh không phung phí những thợ phụ có tay nghề, chỉ dùng bọn hạ lưu vô nghề nghiệp, bọn du thủ du thực và ngay cả trẻ vô thừa nhận để không ai truy cứu trong những trường hợp khả nghi. Tất nhiên là Madame Gaillard biết rằng Grenouille không có khả năng sống sót trong cái xưởng thuộc da của Grimal, theo xét đoán thông thường. Nhưng bà không phải thứ phụ nữ bận tâm về chuyện ấy. Bà đã làm xong bổn phận. việc coi sóc đã chấm dứt. Cái gì sẽ đến với đứa nhỏ không dính dáng tới bà.Nó sống được thì tốt, nó chết cũng không sao. Cái chính là phải đúng luật. Thế là bà đòi Monsieur Grimal xác nhận bằng giấy mực việc bà trao thằng nhỏ, còn bà ký nhận mười lăm quan tiền hoa hồng rồi trở về nhà ở Rue de Charonne. Bà chẳng cảm thấy lương tâm cắn rứt tí nào. Ngược lại, bà tin rằng không những chỉ làm đúng luật mà còn chính đáng nữa vì giữ lại một đứa nhỏ không ai trả tiền nhất thiết sẽ lạm vào tiền dành cho những đứa khác, thậm chí của chính bà, rồi biết đâu phương hại đến tương lai của trẻ khác và cả của bà; được chết một mình, kín đáo, không chung đụng, đó là giấc mơ duy nhất của cả đời bà.

Vì chúng ta chia tay với Madame Gaillard ở đoạn này của câu chuyện và sau đó không gặp bà nữa, chúng ta hãy dành it dòng viết về đoạn cuối của cuộc đời bà. Thật chẳng may cho bà, mặc dù đã chết từ bên trong từ thời con gái, Madame lại sống lâu, rất lâu. Năm 1782, khi đã ngót bảy mươi tuổi, bà không hành nghề nữa, mua hưu bổng như đã tính rồi ngồi ở nhà chờ chết. Nhưng cái chết không đến, mà thay vào đó là một thứ khác mà không ai trên thế giới lại có thể lường được và cũng chưa từng xảy ra trong nước, đó là Cách mạng, có nghĩa là thay đổi nhanh chóng toàn bộ những quan hệ xã hội, đạo đức và những giá trị siêu việt. Lúc đầu thì cuộc Cách mạng này không ảnh hưởng gì đến số phận của riêng Madame Gaillard gì cả. Nhưng khi bà ngót tám mươi, đột nhiên người quản lý hưu bổng của bà phải di cư sang nước ngoài, tài sản của ông ta bị tịch biên và bị bán đấu giá cho một người sản xuất quần. Trong một thời gian dài, xem ra sự thay đổi này cũng không gây ra một ảnh hưởng gì tai hại cho Madame Gaillard vì người sản xuất quần vẫn tiếp tục trả đúng hạn hưu bổng. Nhưng đến một ngày kia bà không còn được nhận tiền bằng kim loại nữa mà dưới dạng in trên giấy, đó là khởi đầu của sự suy sụp.

Sau hai năm thì hưu bổng không đủ để trả tiền củi. Madame buộc phải bán nhà với giá rẻ mạt vì bỗng nhiên không phải chỉ có mình bà mà hàng nghìn người khác cũng phải bán nhà. Bà lại chỉ nhận được tiền đối lưu những mảnh giấy vớ vẩn nọ chỉ để hai năm sau hầu như chẳng còn chút giá trị nào, và năm 1797, bà mất sạch cái tài sản ký cóp được trong ngót một trăm năm làm lụng cực nhọc, phải ở trọ trong một căn phòng nhỏ xíu có sẵn đồ đạc ở Rue des Coquilles, khi đó bà đã gần chín mươi. Mãi lúc này, muộn mất mười, hai mươi năm, cái chết mới đến do ung thư họng lâu năm, trước hết cướp đi của bà sự ngon miệng rồi đến tiếng nói, do đó bà không thốt lên được một lời nào phản đối khi bị chở đến Hotel Dieu. Ở đây, bà bị đưa vào chính cái căn phòng mà chồng bà đã nhắm mắt, cùng với hàng trăm người bệnh sắp chết khác, bị nhét vào trong một cái giường với năm bà già lạ hoắc khác, nằm như cá hộp suốt ba tuần để rồi chết trước mắt bao người. Bà đã được bỏ vào bao khâu lại, bị quẳng lên xe kéo lúc bốn giờ sáng cùng với năm mươi xác nữa rồi được chở trong tiếng chuông rung yếu ớt đến nghĩa trang mới hình thành ở Clamart, cách cổng thành một dặm, ở đây bà được đặt vào một ngôi mộ tập thể phủ một lớp vôi sống dầy, đó là nơi an nghỉ cuối cùng của bà.

Đó là năm 1799. Rất may là khi đi về nhà vào cái ngày nọ của năm 1747, rời bỏ thằng bé Grenouille và câu chuyện của chúng ta, Madam không mảy may linh cảm về số phận sẽ đến với bà. Nếu có biết đâu bà sẽ chẳng mất niềm tin vào sự công bằng và cùng với nó là cái ý nghĩa duy nhất mà bà hiểu về cuộc đời.
 
Chương 6


Thoạt nhìn Monsieur Grimal – không phải lần đầu tiên đánh hơi cái lớp mùi bao quanh Grimal – nó biết ngay ông này sẵn sàng đánh nó chết liền dù chỉ phạm một điều quấy nhỏ. Mạng sống của nó chỉ giá trị bằng cái công việc nó hoàn thành, do sự hữu dụng mà Grimal đánh giá. Vì vậy mà Grenouille theo răm rắp, không thử phản kháng dù chỉ một lần. Ngày qua ngày, nó nút chặt mọi năng lực tiềm tàng của sự thách thức và ương ngạnh vào trong người, chỉ dùng rất ít theo kiểu con bọ chét để sống qua cái giai đoạn giá băng sắp đến: dai, không đòi hỏi gì, kín đáo và giữ thật kỹ cái ngọn lửa chiếu tia sáng hy vọng chỉ dám để le lói. Lúc này nó là một mẫu mực về sự dễ bảo, thanh đạm và cần cù, tuyệt đối vâng lời, cho gì ăn nấy. Tối tối nó ngoan ngoãn chịu để bị nhốt trong cái kho cạnh xưởng, nơi cất những dụng cụ và treo da thô xát muối. Ở đây nó phải ngủ trên nền đất nện. Ngày ngày nó làm việc đến tối mịt, mùa đông tám tiếng, mùa hè mười bốn, mười lăm, mười sáu tiếng, nạo thịt những tấm da hôi kinh tởm, nhúng nước, cạo lông, rắc vôi, nhúng dung dịch kiềm, vò, đập, xát nước vỏ dà, bửa gỗ, lột vỏ gỗ phong và gỗ thuỷ tùng, leo xuống hố đun vỏ dà đầy hơi cay xé, theo lệnh bọn thợ phụ xếp da lên trên vỏ cây thành lớp, rải mụn cây đã đập nát lên trên, rồi phủ nhánh cây thủy tùng và đất lên cái giàn hoả thiêu kinh tởm này.

Mấy năm sau nó sẽ phải đào và lôi những xác da ướp, bấy giờ thành da thuộc ấy lên.

Nếu không chôn da xuống và đào da lên thì phải đi lấy nước. Xách nước từ sông, mỗi lần hai thùng, mỗi ngày cả trăm thùng, hàng tháng dài như thế là vì cái nghề này cần không biết bao nhiêu là nước để rửa, để làm mềm, để nấu dung dịch, để nhuộm. Hàng tháng trường người nó không chỗ nào khô vì phải xách nước, đêm đêm nước nhỏ ròng ròng từ quần áo nó, da nó lạnh ngắt, mềm đi và trương lên như thể miếng da dùng lau nước.

Sau một năm sống giống súc vật hơn là người, nó bị bệnh than, một chứng bệnh đáng sợ trong nghề thuộc da và thường chỉ có chết. Grimal cầm bằng như mất nó, tìm người thay, tuy không phải không tiếc vì ông ta chưa từng có một tay thợ cho gì nhận nấy và làm giỏi như Grenouille. Nhưng trái với mọi chờ đợi, Grenouille khỏi bệnh. Nó chỉ phải mang thẹo của những chùm nhọt to đen ở sau tai, ở cổ và trên má khiến nó bị biến dạng và trở nên xấu xí hơn dù vốn dĩ nó đã xấu rồi. Ngoài ra nó còn miễn dịch với bệnh than để từ nay có thể nạo các tấm da bẩn thỉu nhất với hai bàn tay trầy trụa và chảy máu mà không sợ bị nhiễm trùng lại, quả là lợi vô giá. Do đó nó khác hẳn không chỉ với đám học nghề và thợ phụ mà cả với đám có khả năng thay thế nó nữa. Và bởi vì bây giờ nó không dễ thay như trước kia nên giá trị của việc nó làm, nghĩa là giá trị mạng sống của nó, cũng tăng theo. Bỗng dưng nó không còn phải ngủ chỉ trên nền đất nữa mà đã được phép dựng trong kho một cái bục gỗ, được rơm để trải lên trên và được một cái chăn riêng. Khi ngủ nó không còn bị nhốt nữa, bữa ăn cũng đầy đủ hơn. Grimal không còn nuôi nó như bất kỳ con vật nào mà là một gia súc có ích.

Khi nó mười hai tuổi, Grimal cho nó nghỉ nửa ngày chủ nhật và vào tuổi mười ba nó còn được phép đi chơi một tiếng, làm những gì nó thích vào buổi tối sau khi xong việc. Nó đã thắng bởi vì nó sống và bây giờ nó có được một chút tự do đủ để nó tiếp tục sống. Giai đoạn ngủ đông đã qua. Con bọ chét Grenouille cựa quậy. Nó đánh hơi không khí ban mai. Nó khao khát săn mồi. Cái vùng chứa mùi lớn nhất thế giới mở ra trước nó: thành phố Paris.
 
Chương 7


Như thể vườn địa đàng vậy. Chỉ hai riêng vùng phụ cận Saint-Jacques-de-la-Boucherie và Saint-Eustache cũng đà là vườn địa đàng rồi. Trong những ngõ hai bên Rue Saint-Denis và Rue Saint-Martin, người ở chen chúc, nhà sát nhà, năm, sáu tầng khiến không thấy bầu trời và lớp không khí sát nền đất như bị ứ lại trong những đường ống ẩm thấp và đặc sệt mùi. Cái mùi của người trộn lẫn với súc vật, hơi của thức ăn và bệnh tật, của nước và đá cuội, của tro và da thuộc, của xà bông và bánh mì mới nướng, của trứng luộc trong giấm, của mì sợi và đồng thau đánh bóng, của lá xô thơm, của bia và nước mắt, của mỡ và rơm rạ khô lẫn ướt. Hàng nghìn và hàng nghìn thứ mùi hoà thành một thứ cháo đặc vô hình tràn ngập các ngõ hẻm, hoạ hoằn mới bay đi nếu ở trên tuốt các nóc nhà còn ở dưới đất thì không bao giờ. Người dân ở đó chẳng còn ngửi thấy trong cái thứ cháo này cái gì đặc biệt bởi vì nó từ họ mà ra và không ngớt thấm vào họ, nó chính là cái không khí họ thở và nhờ đó họ sống, nó giống như bộ quần áo ấm đã mặc lâu khiến cho người ta không còn ngửi thấy gì và không còn cảm thấy trên da thịt. Còn Grenouille ngửi thấy tất cả như mới lần đầu. Nó không chỉ ngửi cái toàn thể của hỗn hợp mùi kia mà chẻ nhỏ ra, phân tích thành những phần, những mảnh nhỏ khác biệt nhất. Cái mũi nhậy của nó gỡ cái mớ bòng bong gồm mùi thơm và mùi hôi nọ thành từng sợi riêng lẻ của những mùi cơ bản không thể nào tách thêm được nữa. Nó sung sướng khôn tả khi tách những sợi ấy ra, se chúng lại.

Nó thường đứng lại, tựa vào tường, hay nép mình trong một góc tối, mắt nhắm lại, miệng hé ra, cánh mũi phập phồng, bất động như một con cá rình mồi trong dòng nước lớn, đen sậm, chầm chậm trôi. Để rồi khi một làn gió mỏng manh đưa tới nó đầu một sợi hương thơm mềm mại, thì nó chụp ngay lấy, không nhả ra nữa và nó không ngửi thấy gì khác hơn cái mùi này, níu chặt, hút vào trong lòng và giữ lại mãi mãi. Cái mùi ấy có thể là nó biết rồi hay là một biến thể, nhưng cũng có khi hoàn toàn mới, chỉ giống tí xíu hay không giống gì hết với những mùi nó đã ngửi từ trước đến giờ, chưa nói tới đã thấy, chẳng hạn mùi lụa được ủi, mùi trà ướp bách lý hương, mùi tấm kim tuyến thêu chỉ bạc, mùi nút của một chai vang hiếm, mùi một cái lược đồi mồi. Nó chạy theo những mùi chưa biết này, nó săn đuổi chúng, và thu góp vào trong người với sự say mê và kiên nhẫn của một người câu cá.

Khi đã ngửi no nê cái cháo đặc ở các ngõ hẻm, nó đi tới những nơi thoáng khí, mùi ở đấy mỏng mảnh hơn, lẫn vào trong giỏ, toả ra, gần như là nước hoa. Ở chợ Les Halles chẳng hạn, tuy đã tối rồi nhưng ngày chưa thật hết mà vẫn tiếp tục tồn tại trong mùi, vô hình nhưng rất rõ, như thể ở đó những nhà buôn còn hối hả trong đám đông, như thể ở đó vẫn còn những sọt đầy rau và trứng, những thùng đầy rượu và giấm, những bao bố đầy đồ gia vị, khoai tây và bột, những két gỗ với đinh và ốc, những sạp thịt, những bàn đầy vải và xoong chảo, đế giầy và trăm thứ linh tinh khác bày bán ở đó vào ban ngày…toàn bộ sự tấp nập vẫn còn đó cho đến từng chi tiết nhỏ nhất trong cái không khí mà nó để lại. Grenouille nhìn toàn bộ cái chợ qua khứu giác, nếu như có thể nói như thế được. Và nó ngửi còn rõ hơn không ít người nhìn vì nó cảm nhận cái chợ sau buổi chợ, do đó ở một cấp cao hơn, đó là bản chất, là hồn của cái gì đó đã qua, tức là không bị làm xáo trộn bởi những đặc điểm thông thường của hiện tại như tiếng huyên náo, ánh sáng chói chang, sự va chạm gớm ghiếc của con người bằng xương bằng thịt…ở cái chợ này.

Hoặc nó đi tới chỗ mẹ nó bị chặt đầu; Place de Grève trông không khác một cái lưỡi khổng lồ thè ra liếm dòng sông. Ở đây tàu được kéo lên bờ hay buộc vào cọc, chúng có mùi than, mùi ngũ cốc, mùi cỏ khô và mùi dây thừng ướt.

Từ phía tây thổi lại qua cái hành lang duy nhất tạo bởi con sông cắt ngang thành phố này một luồng gió mênh mông mang đến mùi của đồng quê, của những đồng cỏ ở vùng Neuilly, của những cánh rừng nằm giữa Saint-Germain và Versailles, của những thành phố rất xa xôi như Rouen hay Caen và đôi khi cả của biển. Biển có mùi như một cánh buồm căng phồng hứng nước, muối và mặt trời lạnh. Mùi của biển thì mộc mạc nhưng đồng thời lại lớn lao và độc ác khiến cho Grenouille do dự, không tách nó ra thành mùi cá, mùi muối, mùi nước, mùi rong, mùi tươi mát, v.v….Nó thích để chung cái mùi của biển, giữ như một toàn thể trong trí nhớ và thưởng thức nó trọn vẹn. Nó thích đến nỗi ao ước một lần có được thật nhiều mùi biển tinh khiết, không pha trộn để có thể uống đến say mèm. Sau này, khi nghe kể biển mênh mông biết bao và người ta có thể đi tàu nhiều ngày trên ấy mà không thấy đất liền thì nó không thích gì hơn là hình dung được ngồi trong cái chòi cao tít trên cột buồm tuốt phía trước một cái tàu như thế, bay đi trong cái mùi vô tận của biển, đúng ra không phải là mùi mà là hơi thở, hơi thở ra, tột cùng của mọi mùi và vui sướng được tan biến trong hơi thở đó. Nhưng điều này không bao giờ đến vì Grenouille đang đứng ở bờ sông nơi Place de Grève và nhiều lần hít thở một mảnh nhỏ của gió biển bay qua mũi nó, không bao giờ thấy biển, cái biển thật sự, cái đại dương mênh mông ở phía tây và không bao giờ được tan vào cái mùi ấy.

Chẳng mấy chốc nó ngửi cái khu nằm giữa Saint Eustache và Hotel de Ville rõ đến nỗi ngay trong đêm tối đen nó cũng không lạc. Rồi nó mở rộng vùng đi săn, trước hết về phía tây Faubourg Saint-Honoré, rồi ngược Rue Saint-Antoine tới Bastille và cuối cùng qua bên kia sông, tới khu Sorbonne và Faubourg Saint-Germain, khu nhà giàu. Mùi da trong xe ngựa và mùi phấn trong tóc giả của đám thiếu niên quý tộc bay qua song sắt cổng thành, và từ trong vườn thoảng qua những bức tường thành cao mùi thơm kim tước chi, của hoa hồng và của cây thủy lạp vừa mới xén. Nơi đây, lần đầu tiên Grenouille ngửi mùi nước hoa theo đúng nghĩa của từ này, nước hoa giản dị mùi oải hương hay hoa hồng mà người ta vẫn trộn vào hồ phun nước ở trong vườn vào những dịp lễ, hay những mùi phức tạp, đắt tiền hơn như xạ hương pha với tinh dầu hoa cam, hoa huệ, hoa trường thọ, hoa nhài hay hoa quế, chiều chiều vẫn bềnh bồng sau những cỗ xe như một giải lụa nặng trĩu. Nó ghi nhận những mùi thơm này như mọi mùi bình thường khác, tò mò nhưng không hâm mộ đặc biệt. Dĩ nhiên nó ghi nhận rằng nước hoa có tác dụng làm say mê và lôi cuốn, nó cũng nhận ra cái hay của từng tinh chất một nhưng là một tống thể thì nó thấy thô thiển và chán ngắt, trộn ẩu hơn là sáng tạo và nó biết rằng nó có thể làm ra những mùi thơm khác hẳn nếu có được những nguyên vật liệu đó.

Một số lớn những nguyên vật liệu này nó đã biết ở các quầy hoa và gia vị ở chợ, những thứ khác đều mới và nó lọc ra từ cái hỗn hợp mùi để giữ lại trong trí nhớ mà không biết tên: long diên hương, xạ hương, hoắc hương, gỗ đàn hương, hương cam chanh, hương bài, độc hoạt điểu, an túc hương, hoa hublông, hương hải ly….

Nó không kén chọn. Nó không phân biệt những thứ mùi mà người ta cho rằng hay hoặc dở. Nó chỉ thèm khát. Mục đích chuyến săn tìm của nó chỉ để có được mọi thứ trên thế gian này, với một điều kiện duy nhất: mùi đó phải mới. Mùi mồ hôi ngựa cũng quý như hương xanh mềm mại phảng phất từ nụ hoa hồng chớm nở, mùi cay xè của con rệp không dở hơn mùi thịt bê quấn mỡ rán toả ra từ bếp nhà giàu.Nó uống tất, nó ngốn tất vào trong người. Và trong cái nhà bếp tưởng tượng để tổng hợp mùi vị của nó, nó thường xuyên tạo ra những hỗn hợp mùi mới, cũng chưa có một nguyên tắc thẩm mỹ nào. Toàn những thứ kỳ quái nó tạo ra rồi phá đi như một đứa trẻ chơi xây nhà, sáng tạo và phá hoại, không theo một nguyên tắc nào cả.
 
Chương 8


Vào ngày 1 tháng Chín 1783, thành phố Paris đốt pháo bông ở Pont Royal kỷ niệm ngày đăng quang của Đức Vua. Tuy không ngoạn mục bằng lần mừng hôn lễ của Ngài Ngự hay cái lần đốt pháo bông đẹp như truyện cổ tích mừng sinh hạ thái tử nhưng dẫu sao cũng gây ấn tượng mạnh. Người ta gắn lên cột buồm tàu bè những bánh xe vẽ hình mặt trời màu vàng. Từ trên cầu, những cái gọi là con bò lửa phun lửa như sao sa xuống dòng sông. Trong khi khắp nơi pháo đại nổ inh tai và pháo chuột đì đẹt trên đường đá thì pháo bông vọt lên trời, vạch những bông huệ trắng trên nền trời đen thẫm. Cả mấy ngàn người, vừa trên cầu vừa trên hai bờ sông, thích thú theo dõi cảnh ngoạn mục với những tiếng “Ồ” “Chà” “hoan hô” thậm chí cả “vạn tuế” nữa, dù Đức Vua ở ngôi đã ba mươi tám năm và đã từ lâu không còn được ưa thích như xưa. Pháo bông làm nổi cả những điều như thế đấy.

Grenouille đứng lặng im bên bờ phải, trong bóng tối của Pavillon de Flore, ngang với Pont Royal. Nó chẳng thèm vỗ tay, cũng chẳng thèm nhìn pháo bông vọt lên trời. Nó đến đây vì nghĩ rằng có thể đánh hơi được cái gì mới nhưng rồi thấy ngay là chuyện bắn pháo bông không đem lại mùi gì mới cả. Những thứ phung phí loé ra, phun lên, nổ và rít kia để lại một hỗn hợp mùi hết sức đơn điệu của lưu huỳnh, dầu và hoả tiêu.

Nó đã định bỏ cái buổi trình diễn tẻ nhạt này để đi dọc theo Gallerie de Louvre về nhà, chợt gió mang đến nó một cái gì đó, nhỏ xíu, rất khó nhận ra, một mẩu, một phân tử mùi thơm, không phải, ít hơn nữa, một dự cảm về mùi thơm chứ chưa phải là một mùi thơm thật sự, nhưng đồng thời lại là một dự cảm chắc chắn về cái mà nó chưa từng ngửi bao giờ. Nó tựa vào tường, nhắm mắt lại, hinh hỉnh mũi. Cái mùi mỏng mảnh và thanh khác thường khiến nó không giữ chặt nổi, cái mùi ấy không ngừng vuột khỏi mọi cảm nhận của nó, bị khói pháo đại phủ mất, bị ngăn chặn bởi mùi của cái khối người, bị băm ra và bị nghiền nát bởi cả nghìn thứ mùi khác của thành phố. Nhưng rồi đột nhiên lại hiện ra, một mẩu nhỏ thôi, một giây thôi như một báo hiệu tuyệt vời…rồi lại biến ngay. Grenouille quằn quại. Lần đầu tiên không phải chỉ cái tính tham lam của nó bị tổn thương mà thật sự tim nó đau đớn. Nó linh cảm kỳ lạ rằng mùi thơm này là chìa khoá để định đoạt mọi mùi thơm khác, sẽ không hiểu gì về mùi nếu không hiểu chính cái mùi này và nó, Grenouille, sẽ phí cuộc đời nếu không được cái mùi ấy. Nó phải có được mùi này, không phải chỉ để mà có mà còn vì sự thanh thản của trái tim.

Nó nôn nao phát sốt lên được. Nó còn chưa tìm ra được cái mùi thơm ấy đến từ hướng nào. Có khi mất đến mấy phút mới lại có một mẩu bay đến và mỗi lần như thế thì nó kinh hoàng, sợ rằng sẽ mất luôn. Cuối cùng thì nó tự trấn an trong niềm tin tuyệt vọng rằng mùi thơm đến từ bên kia sông, đâu đó từ hướng đông nam.

Nó rời khỏi tường của Pavillon de Flore, chui vào đám đông, chen lấy đường qua cầu. Cứ sau vài bước nó lại nhón chân để đánh hơi trên đầu đám đông, lúc đầu nó chẳng ngửi thấy gì cả vì quá nôn nao, rồi thấy chút ít, lần mò ra cái mùi thơm, mạnh hơn trước, vậy là đúng hướng rồi, nó lại ngụp vào đám đông, tiếp tục lấn qua đám hiếu kỳ và những người châm pháo cứ liên miên dí đuốc vào ngòi pháo bông, lại mất tông tích mùi thơm trong làn khói cay xè, nó hốt hoảng, tiếp tục đẩy, huých và lấn tới, sau không biết bao nhiêu là phút nó mới tới được bờ bên kia. Hotel de Mailly, Quai Malaquest, cửa ngõ của Rue de Seine…

Nó dừng lại đấy, lấy sức và đánh hơi. Nó gặp rồi. Nó giữ chặt lấy. Như một giải lụa, cái mùi ấy kéo xuống Rue de Seine, rõ rệt không nhầm được, tuy nhiên vẫn còn rất mỏng mảnh và thanh. Grenouille thấy tim nó rộn làm sao và biết không phải gắng sức chạy nên tim đập nhanh mà vì vừa hồi hộp vừa bối rối trước sự hiện hữu của mùi này. Nó thử moi trong trí nhớ cái từa tựa như thế nhưng phải vất bỏ mọi so sánh. Mùi này tươi mát nhưng không phải tươi mát của chanh, lá cam hay của lựu, không phải tươi mát của mật nhi lạp hay vỏ quế, bạc hà hay vỏ cây phong, long não hay lá thông, cũng không phải của mưa tháng Năm, hay gió bấc hay mưa nguồn…đồng thời lại ấm, nhưng không phải cam chanh, cây bách hay xạ hương, không như hoa nhài và thuỷ tiên, không như gỗ hồng, cũng không giống như cây khoa diên vỹ…Mùi này là hỗn hợp của hai thứ đó, của cái chóng phai và cái tồn tại, không phải hỗn hợp mà là một sự thống nhất, khiêm nhường và yếu đuối nhưng là một sự chắc chắn và bền bỉ như một dải lụa mỏng óng ánh…cũng không giống lụa mà giống sữa hoà thêm với bánh bích quy, ngọt như mật ong.

Sữa và lụa! Cố gắng đến đâu cũng không thể hợp hai thứ này với nhau được. Thật không hiểu được cái mùi này, không diễn tả được, không cách gì xếp loại nó được, không thể nào có cái mùi ấy được. Vậy mà rành rành đó như một hiển nhiên tuyệt diệu. Grenouille lần theo với trái tim thấp thỏm vì nó ngờ rằng không phải nó đi theo mùi thơm ấy mà mùi thơm bắt được nó và kéo nó tới gần, không cưỡng lại được.

Nó ngược lên Rue de Seine. Đường không bóng người, nhà cửa vắng hoe, im lìm. Thiên hạ xem bắn pháo bông phía dưới sông. Ở đây không mùi người hối hả làm bực mình, không mùi thuốc pháo cay sè. Đường toả mùi thông thường của nước, phân, chuột và rau bỏ đi. Bên trên cái mùi ấy lơ lửng cái giải mùi dẫn Grenouille mỏng mảnh như rõ rệt. Sau vài bước, bầu trời đêm mờ mờ bị những nhà cao tầng nuốt chửng và Grenouille tiếp tục đi trong bóng tối. Nó không cần nhìn. Đã có mùi dẫn nó đi. Chắc chắn.

Sau năm mươi mét nó rẽ phải sang Rue desMarais, hẹp chỉ vừa một sải tay và có vẻ tối hơn. Cái mùi không đậm hơn mấy thì lạ thật. Chỉ tinh khiết hơn. Và càng tinh khiết hơn thì sức hút càng mãnh liệt hơn. Grenouille bước đi không tự chủ. Đến một nơi, cái mùi giật nó sang bên phải, có vẻ như đâm thẳng vào tường của một ngôi nhà nào đó. Một lối đi thấp hơn, dẫn vào sân trong. Grenouille qua hết lối đi này, như một kẻ mộng du, đi hết sân, rồi lại rẽ một lần nữa sang cái sân thứ nhì, nhỏ hơn, ở đấy có ánh sáng, đó là một vuông đất chỉ độ vài bước chân. Một mái hiên gỗ nghiêng bên tường. Phía dưới là một cái bàn có để nến. Một cô gái đang ngồi đấy rửa mơ vàng. Cô nhặt những trái mơ từ cái giỏ bên trái, cắt cuống, tách hột rồi thả vào chậu. Cô bé cỡ mười ba, mười bốn tuổi. Grenouille đứng yên. Nó biết ngay cái nguồn của mùi thơm mà nó đã ngửi thấy suốt hơn nửa dặm đường, tận bờ sông bên kia, không phải cái sân bẩn thỉu này, không phải những trái mơ vàng. Cái nguồn là cô gái.

Trong một lúc hoang mang, nó đã thật sự nghĩ rằng nó chưa từng gặp trong đời cái gì đẹp như cô bé. Thật ra nó chỉ thấy bóng cô từ phía sau, ngược với ngọn nến nên dĩ nhiên là nó nghĩ rằng chưa từng ngửi thấy cái gì đẹp đến thế. Bởi vì nó đã từng biết mùi người, hàng ngàn ấy chứ, mùi đàn ông, đàn bà, trẻ con nên nó không chịu tin rằng một cái mùi tuyệt vời như thế lại có thể toả ra từ người. Vả chăng mùi người gớm chết và chả có gì đáng nói. Mùi trẻ con nhạt nhẽo, đàn ông khai khú như mồ hôi chua và phó mát, đàn bà có mùi mỡ ôi và cá ươn. Hoàn toàn chẳng hấp dẫn gì, ghê tởm nữa ..Và vì thế mà lần đầu tiên trong đời Grenouille không tin vào mũi mình, phải cần thêm mắt để trợ giúp tin vào cái nóđã ngửi. Tất nhiên sự xáo trộn giác quan không kéo dài lâu. Thật sự nó chỉ cần có một nháy mắt để được chắc chắn qua thị giác để rồi ngay sau đó miệt mài với những cảm nhận của khứu giác. Bây giờ thì nó ngửi ra cô gái là người, ngửi mồ hôi trong nách cô, chất nhờn của tóc, mùi của cả chỗ kín, ngửi với sự hả hê lớn nhất. Mồ hôi cô tươi mát như gió biển, dầu nhờn của tóc ngọt như dầu hồ đào, chỗ kín như một bó hoa súng, da như thể hoa mơ..những thành phần này kết hợp với nhau cho một thứ nước hoa thơm ngát, cân đối, thần diệu đến nỗi tất cả những thứ nước hoa Grenouille đã ngửi đến nay, tất cả những gì của cái toà nhà mùi mà nó đã tạo ra như đùa bên trong nó thoát chốc tàn lụi, chẳng còn chút ý nghĩa nào. Cả trăm nghìn mùi cũng không bằng một cái mùi này. Mùi này là nguyên lý để sắp xếp những mùi khác theo khuôn mẫu của nó. Nó là cái đẹp thuần tuý.

Grenouille chắc chắn rằng không có được mùi này thì đời nó không có nghĩa gì nữa. Nó phải biết đến tận chi tiết nhỏ nhất, biết đến chân tơ kẽ tóc mỏng mảnh cuối cùng, chỉ nhớ bao quát thôi thì không đủ. Nó muốn in, như thể với dấu ấn, cái nước hoa toàn mỹ này, vào cái mớ hổ lốn trong tâm hồn đen tối của nó, rồi nghiên cứu tường tận để từ đó chỉ còn có nghĩ, sống và ngửi theo những cấu trúc nội tại của cái công thức kỳ diệu này.

Nó chậm rãi tới gần cô bé, gần hơn nữa, đến sau lưng cô bé một bước thì dừng lại dưới mái hiên. Cô không nghe thấy nó.

Cô bé tóc đỏ, mặc quần áo hở tay màu xám. Tay cô trắng muốt và hai bàn tay cô vàng nước trái mơ. Grenouille cúi xuống, uống cái mùi lúc này không trộn lẫn toả lên từ gáy, từ tóc, từ cổ áo của cô, để cái mùi ấy trôi vào trong người như một làn gió nhẹ. Chưa bao giờ nó thoải mái như thế. Còn cô bé thấy lạnh.

Cô cứng đờ người vì sợ khi nhìn thấy nó, còn nó có thừa thì giờ để đặt hai tay quanh cổ cô. Cô không kêu, không nhúc nhích, không một động tác chống cự. Nó không nhìn khuôn mặt thanh tú đầy tàn nhang, cái miệng đỏ tươi, đôi mắt to xanh lóng lánh vì nó nhắm nghiền mắt khi bóp cổ cô bé. Nó chỉ lo lắng có một điều: để mất, dù chỉ chút xíu, mùi thơm của cô.

Khi cô bé đã chết, nó đặt cô trên nền đất giữa những hột trái mơ vàng, xé tung quần áo cô và cái dòng mùi thơm trở thành cơn lũ, tràn ngập nó. Nó úp mặt vào da cô, phồng to hai lỗ mũi, hít từ bụng đến ngực, lên cổ, tới mặt cô rồi lại từ tóc xuống bụng xuống chỗ kín, tới đùi rồi đôi chân trắng. Nó ngửi từ đầu tới ngón chân, nó thu nốt mùi thơm còn sót ở cằm, ở rốn và ở những nếp gấp của khuỷu tay.

Sau khi đã rút hết hơi hướng của cô bé, nó còn ngồi xổm cạnh cô một lúc để trấn tĩnh lại vì nó đầy ứ mùi cô. Nó không muốn để rơi chút nào. Nó phải đóng kín những vách ngăn trong người nó đã. Rồi nó đứng dậy, thổi tắt nến.

Giờ này những người trở về nhà đầu tiên đang lục tục ngược Rue de Seine, ca hát và “vạn tuế” om sòm. Trong bóng đêm Grenouille ngửi ra con hẻm rồi sang Rue des Petits Augustins dẫn xuống sông, song song với Rue de Seine. Chỉ lát sau người ta phát hiện xác chết. Tiếng kêu la nổi lên. Đuốc được đốt lên. Lính canh đến. Grenouille đã sang bờ bên kia từ lâu rồi.

Tối hôm ấy, nhà kho đôi với nó như thể cung điện và cái bệ gỗ chẳng khác giường có treo màn trướng. Nó chưa từng biết trong đời thế nào là hạnh phúc. Nhiều lắm thì nó cũng chỉ biết vài trạng thái rất hiếm hoi của sự vừa ý không thật rõ nét. Bây giờ nó run lên vì sung sướng và không ngủ được vì chứa chan hạnh phúc. Như thể nó được sinh ra lần thứ hai, không, không phải lần thứ hai, lần đầu mới đúng vì cho tới ngày nay nó chỉ hiện hữu như một con vật trong sự hiểu biết vốn hết sức mù mờ của nó. Cùng với ngày hôm nay, rút cục có vẻ nó biết nó thật sự là ai: không gì khác hơn là một thiên tài, cũng như đời nó có ý nghĩa, mục đích và sứ mạng cao cả hơn, cách mạng mùi thơm của thế giới, trên thế giới này chỉ riêng nó mới có đủ phương tiện: đó là cái mũi độc đáo, cái bộ nhớ phi thường của nó, và quan trọng hơn cả, cái mùi thơm mãi mãi không thể quên của cô gái ở Rue des Marais với cái công thức diệu kỳ chứa đựng tất cả những gì cần thiết để làm ra mùi thơm – nước hoa – tuyệt vời, đó là sự mỏng mảnh, sức mạnh, sự dẻo dai, đa dạng và vẻ đẹp kinh hoàng không cưỡng nổi. Nó đã tìm thấy kim chỉ nam cho cuộc sống tương lai. Giống như một thiên tài gớm ghiếc, như cái bọn người mà một sự cố nào đó ngoài đời có thể vạch một lối đi thẳng tắp trong cái đống hỗn độn xoắn xuýt của linh hồn họ. Grenouille không bao giờ đi chệch cái phương hướng mà nó tin rằng đã phát hiện ra cho số phận của nó. Bây giờ thì nó hiểu rõ tại sao nó bám cuộc đời bền bỉ và kiên quyết như thế, nó phải trở thành kẻ sáng tạo ra mùi. Không phải như bất kỳ ai. Phải là người chế nước hoa vĩ đại nhất từ cổ chí kim.

Ngay tối hôm ấy nó kiểm tra lại, mới đầu thức, sau trong mơ, cái bãi bộn bề mênh mông của ký ức. Nó xem lại triệu triệu những khối mùi và xếp chúng theo một trật tự có hệ thống: tốt đi với tốt, dở đi với dở, thanh theo thanh, thô theo thô, hôi với hôi, thơm với thơm. Trong tuần tới cái thứ tự này sẽ càng được chia nhỏ hơn, bảng liệt kê mùi sẽ càng phong phú và chi li hơn, thứ bậc ngày một rõ rệt hơn. Và nó sắp có thể bắt đầu dựng những công trình mùi đầu tiên được trù tính kỹ càng: nhà, tường, cầu thang, tháp, hầm, phòng ốc, phòng bí mật…một thứ pháo đài của những thành phần mùi tuyệt vời nhất ngày ngày được mở rộng thêm, làm đẹp thêm và xây dựng hoàn hảo thêm trong người nó.

Một vụ giết người mở đầu cho sự huy hoàng này đôi với nó là hoàn toàn không đáng bận tâm, ngay cả nếu nó có ý thức. Nó không còn có thể nhớ gì về hình ảnh như mặt, mũi, thân thể của cô gái ở Rue des Marais nữa cả. Nó đã giữ kỹ cái quý nhất của cô làm của riêng: cái nguyên lý mùi thơm của cô.
 
Chương 9


Thuở ấy ở Paris có khoảng một tá nhà làm nước hoa giỏi. Sáu người ở bờ phải sông, sáu người ở bờ trái, người còn lại ở ngay chính giữa, trên Pont au Change nối bờ phải với khu Ile de la Cité. Hai bên cầu san sát những nhà bốn tầng khiến ai có đi ngang sẽ chẳng thấy sông ở chỗ nào mà ngỡ rằng mình đang đi trên đường bình thường, nền móng vững chắc, ngoài ra còn hết sức thanh lịch. Quả thật, Pont au Change được coi là một trong những khu buôn bán đẹp nhất thành phố. Những cửa hàng có tiếng nhất nằm ở đây, những nhà kim hoàn, nhà làm đồ gỗ mỹ nghệ, làm tóc giả và túi xách tay giỏi nhất, may cắt quần áo lót và tất phụ nữ, làm khung ảnh, buôn giầy cưỡi ngựa, thêu ngù vai, đúc cúc áo bằng vàng và chủ ngân hàng. Cửa hàng đồng thời là nhà ở của nhà làm nước hoa và găng tay Giuseppe Baldini cũng ở đây. Phía trên tủ kính chưng bày hàng căng một tấm trướng lộng lẫy màu xanh lá cây, bên cạnh treo huy hiệu của Baldini cũng bằng vàng: một lọ con với một bó hoa vươn ra khỏi lọ, thảm đỏ trải trước cửa cũng mang huy hiệu của Baldini thêu bằng chỉ vàng. Khi mở cửa chùm chuông Ba tư vang lên và hai con cò bằng bạc nhả từ mỏ chúng nước hoa đồng thảo vào một cái đĩa mạ vàng làm theo hình cái lọ trong huy hiệu của Baldini.

Baldini tự đứng sau cái quầy bằng gỗ hoàng dương màu sáng, già và cứng đơ như một cái cột, đội tóc giả có rẩy bột bạc, áo khoác xanh da trời viền vàng.

Một đám mây của nước hoa đại mà sáng nào ông cũng vẩy lên người bao phủ ông thấy rõ như thể đẩy ông vào một nơi xa xôi mờ ảo. Do đứng bất động, ông chẳng khác một món đồ của cửa hàng. Hoạ hoằn khi tiếng chùm chuông vang lên và hai con cò nhả nước thì sự sống trong người ông mới trỗi dậy, ông sẽ gập người lại, nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn, khom mình chào nhiều lần, phóng ra từ sau quầy nhanh đến nỗi đám mây nước hoa đại không thể theo kịp. Ông sẽ mời khách ngồi để giới thiệu những nước hoa và mỹ phẩm chọn lọc.Baldini có cả ngàn thứ. Từ Essences absolutes, dầu hoa, tanh-tuya, nước cốt, xạ, dầu thuốc, nhưa và đủ loại dược phẩm: khô có, lỏng có mà như sáp cũng có. Rồi đủ thứ po mát, bột nhồi, bột, xà bông, kem, túi bột thơm, keo tóc, sáp chải tóc, sáp giữ râu, thuốc tẩy mụn cóc, đá kì cho đến dầu tắm, nước thơm, thuốc hồi sinh, giấm toa lét và vô số nước hoa thứ thật. Nhưng Baldini không chỉ thoả mãn với những sản phẩm này của cách săn sóc sắc đẹp cổ điển. Ông có tham vọng thu thập trong cửa hàng mình tất cả những gì thơm hay liên quan đến thơm. Cho nên ông còn có cả kẹo thơm, nến thơm, dây thơm và đủ thứ gia vị từ hạt giống hồi đến vỏ quế, xi rô, rượu trái cây, nước trái cây, rượu vang từ đảo Síp, Malaga và Korinth, mật ong và cà phê, trà, mứt, trái vả, kẹo sôcola, nụ bạch hoa, dưa leo và hành ngâm giấm cũng như cá thu muối. Rồi xi thơm, giấy viết thư tẩm nước hoa, mực để viết thư tình thơm mùi hoa hồng, cặp làm bằng da tốt, kẹp bút bằng gỗ đàn hương trắng, tráp và rương bằng gỗ tuyết tùng, bình và đĩa cho hoa ép khô, bình trầm bằng đồng thau, lọ con và hũ nhỏ với nắp mài từ đá hổ phách, găng tay và mùi xoa tẩm nước hoa, hộp kim khâu với hoa đậu khấu, giấy gián tường tẩm xạ hương giữ mùi lâu cả trăm năm.

Tất nhiên không có đủ chỗ cho tất cả những thứ này trong cái cửa hàng tráng lệ trông ra đường (hay ra cầu) và vì không có hầm cho nên không chỉ dành nhà kho mà còn tất cả tầng một, tầng hai và gần hết những phòng trông ra sông của tầng trệt làm kho. Hậu quả là trong nhà Baldini hỗn loạn mùi không sao tả được.Mỗi món hàng đều có chất lượng cao vì Baldini chỉ mua những thứ hạng nhất nhưng hỗn hợp mùi của chúng thì như thể một dàn nhạc cả nghìn người mà mỗi nhạc công chơi fortissimo (cực mạnh) một âm điệu khác nhau. Những người giúp việc và ngay cả Baldini đã mất hết cảm giác trước cái hỗn loạn ấy hệt như các nhạc trưởng có tuổi đều bị lãng tai vậy. Cho đến vợ ông, ở trên tầng ba và vẫn kiên quyết chống lại việc nới kho lên đó, cũng chẳng còn thấy những mùi nọ làm phiền. Khách hàng mới tới đây lần đầu thì khác hẳn. Họ bị cái mùi hỗn tạp ấy hắt vào mặt chẳng khác bị đấm rồi tùy thể chất mà lâng lâng hay choáng váng và chắc chắn họ hoang mang đến nỗi thường không nhớ đến đấy để làm gì. Thằng nhỏ quên cái việc chủ giao, ông khách vạm vỡ chợt thấy mình yếu xìu. Nhiều bà mệnh phụ bỗng chợt lên cơn nửa động kinh, nửa sợ buồng kín, ngất đi và chỉ tỉnh lại sau khi được cho ngửi thứ thuốc hồi sinh hăng nhất gồm dầu đinh hương, amoniac và long não.

Thành ra không gì ngạc nhiên khi cái cụm chuông Ba Tư treo nơi cửa ra vào tiệm ông Baldini ngày càng ít reo hơn và hai con cò bằng bạc cũng ngày càng ít nhả nước ra hơn
 
Chương 10


“Ông Chénier ơi”, Badini gọi từ sau quầy, nơi ông đã đứng thẳng như cột nhà và nhìn sững vào cửa ra vào hàng mấy tiếng đồng hồ “ông đội tóc giả vào đi!”. Ông Chénier, thợ phụ của ông Baldini, tuy trẻ hơn chủ một chút song cũng già rồi, từ đống thùng dầu ô liu và những tảng dăm bông Bayonne treo lủng lẳng chui ra cái nơi sang trọng hơn của cửa tiệm. Ông ta lôi tóc giả từ áo khoác và chụp lên đầu. “Ông đi ư, ông Baldini?”

“Không”, ông Baldini đáp “Tôi về phòng làm việc mấy tiếng và tuyệt đối không muốn bị quấy rầy”.

“Vâng, tôi hiểu. Ông thử một loại nước hoa mới”.

Baldini: đúng thế. Để tẩm vào tấm da quý cho bá tước Verhamont. Ông ta đòi một thứ hoàn toàn mới. Ông ta đòi một thứ như…như…tôi nghĩ là ông ta đòi Amor và Psyche (Tình yêu và tâm linh), nghe đâu của cái tay ẩu tả ở Rue Saint-André-des-Arts, cái tay..cái tay…

Chénier: Pélissier.

Baldini: Phải rồi. Pélissier. Đúng hắn. Cái tay làm ăn ẩu tả. Amor và Psyche của Pélissier. Ông có biết cái thứ ấy không?

Chénier: Dạ có. Có chứ. Chỗ nào cũng ngửi thấy nó cả. Ở mỗi góc đường. Nhưng nếu ông muốn hỏi thì…chẳng có gì đặc biệt! Chắc chắn không thể nào bì được với loại mà ông sẽ sáng chế, thưa ông Baldini.

Baldini: Tất nhiên rồi.

Chénier: Cái Amor và Psyche này hết sức bình thường.

Baldini: Tầm thường?

Chénier: Tầm thường như mọi thứ của Pélissier.

Tôi tin rằng trong đó có chanh lá cam.

Baldini: Thật ư? Còn những gì nữa?

Chénier: Có thể là tinh dầu hoa cam. Có khả năng là tinh dầu cây hương thảo. Nhưng tôi không dám nói chắc.

Baldini: Tôi chẳng quan tâm gì đến cái ấy.

Chénier: Dạ, tất nhiên rồi.

Baldini: Gã ẩu tả Pélissier trộn những gì trong nước hoa của gã thì mặc gã. Tôi chẳng cần phải ngửi qua một lần mới sáng tạo được.

Chénier: Dạ đúng thế.

Baldini: Ông biết đấy, tôi chẳng cần nhờ vào cảm hứng của ai. Ông biết đấy, tôi tự làm ra nước hoa của tôi.

Chénier: Thưa ông, tôi rõ.

Baldini: Tự tôi làm ra những thứ ấy.

Chénier: Dạ, tôi biết.

Baldini: Và tôi định sẽ chế cho bá tước Verhamont một thứ gây chấn động.

Chénier: Tôi hoàn toàn tin điều ông nói, thưa ông Baldini.

Baldini: Ông trông coi cửa tiệm nhé. Tôi cần được yên tĩnh. Ông Chénier, đừng để ai quấy rầy tôi nhé…

Thế rồi ông lê chân đi, lúc này không cứng đơ như pho tượng nữa mà còng xuống vì tuổi tác, như thể bị đánh, chậm chạp leo thang lên phòng làm việc ở tầng một.

Chénier lại đứng sau quầy, y hệt như chủ ông ta trước đó và nhìn sững cửa ra vào. Ông ta biết cái gì sắp đến trong những giờ phút sắp tới: trong tiệm chẳng có gì xảy ra còn trong phòng làm việc của Baldini trên kia sẽ là cái tai hoạ quen thuộc. Baldini sẽ cởi cái áo khoác xanh đẫm nước hoa đại ra, ngồi vào bàn viết chờ cảm hứng. Cảm hứng sẽ không đến. Ông ta sẽ chạy vội đến cái tủ chứa hàng trăm lọ con rồi trộn hú hoạ. Cái hỗn hợp này sẽ hỏng. Ông ta sẽ chửi rủa, mở toang cửa sổ và quăng nó xuống sông. Ông sẽ lại thử kiểu khác và cũng sẽ thất bại, sẽ la hét giận dữ và sẽ lên cơn nấc trong cái phòng sực những mùi ấy. Khoảng bảy giờ tối ông sẽ đi xuống, khốn khổ, run rẩy, khóc và rên rỉ “Ông Chénier ơi, mũi tôi thế là hỏng rồi, tôi không thể tạo ra nước hoa được nữa, tôi không thể giao tấm da cho bá tước được, hỏng hết rồi, tim gan tôi héo hắt hết rồi, tôi muốn chết, ông Chénier ơi, làm ơn giúp tôi chết phứt đi cho rồi!” Rồi ông Chénier sẽ đề nghị sai người đến nhà gã Pélissier mua một lọ Amor và Psyche và ông Baldini sẽ đồng ý với điều kiện không một ai được biết về nỗi nhục nhã này, ông Chénier sẽ thề và tối đến họ sẽ bí mật tẩm tấm da cho bá tước Verhamont với nước hoa của người khác. Nhất định sẽ như thế chứ không thể nào khác và Chénier ước chi vở hài kịch ấy qua cho rồi. Baldini không còn là nhà làm nước hoa giỏi nữa. Phải, xưa kia khi còn ở tuổi thanh niên ba bốn chục năm về trước, ông ta đã sáng tạo ra Bông hồng miền Nam và Bó hoa thanh nhã. Hai loại nước hoa của Baldini thực sự nổi tiếng. Ông giàu là nhờ thế. Nhưng bây giờ ông ta già rồi, suy nhược rồi, không nhận ra mốt của thời đại mới cũng như sở thích mới của con người và khi ông ta một lần nữa lại gắng gượng pha chế một loại nước hoa mới thì nó hoàn toàn lỗi thời, không bán được để rồi một năm sau sẽ đem hoà loãng thành mười lần, bán như phụ gia cho nước suối phun. Tội nghiệp ông ta, ông Chénier thầm nghĩ và kiểm lại trong gương mái tóc giả đủ ngay ngắn chưa, tội nghiệp ông già Baldini, thật tiếc cái cửa hàng đẹp đẽ vì ông ta sẽ đưa nó xuống dốc thôi, còn mình thật không may vì khi cửa hàng bị ông ta đưa xuống dốc rồi thì mình quá già, còn mua lại nó làm gì nữa.
 
Chương 11


Đúng là ông Baldini có cởi áo khoác tẩm nước hoa đại ra thật nhưng chỉ do thói quen. Đã từ lâu mùi nước hoa đại không cản trở gì ông trong việc ngửi vì đã cả chục năm nay áo ông tẩm mùi này nên ông chẳng còn cảm thấy nó nữa. Ông đã khóa cửa phòng làm việc và đã đòi được yên tĩnh nhưng không ngồi vào bàn viết để nghĩ ngợi và chờ cảm hứng vì ông biết rõ hơn Chénier rằng ông sẽ chẳng có cảm hứng nào cả, vì thật sự ông chưa từng có cảm hứng bao giờ. Đúng là ông đã già và suy nhược, đúng thế, và không còn là một nhà làm nước hoa có tài nữa nhưng ông biết rằng trong đời ông chưa bao giờ là một nhà làm nước hoa giỏi cả. Bông hồng phương Nam và Bó hoa thanh nhã của Baldini ông mua lại của một người bán gia vị xứ Genua trong một lần người ấy đi qua đây. Những nước hoa khác của ông là những hỗn hợp biết đã từ lâu. Chưa bao giờ ông sáng tạo một cái gì cả. Ông không phải là nhà sáng tạo. Ông là người hoàn thành cẩn trọng những mùi đã được ưa thích, như một đầu bếp lão luyện có được cách nấu ngon, mở một tiệm ăn lớn nhưng không bao giờ sáng tạo được một món riêng. Toàn bộ trò bịp nào phòng thí nghiệm, nào thí nghiệm, nào cảm hứng, nào ra vẻ bí mật mà ông làm chẳng qua vì chúng là một phần của cái hình ảnh chuẩn trong nghề của một Maitre Parfumer et Grantier. Một nhà làm nước hoa cũng gần như một nhà giả kim, tạo nên phép lạ, người ta muốn thế mà, được thôi! Chỉ riêng ông biết rằng nghệ thuật của ông cũng chỉ là một nghề thủ công như mọi nghề khác thôi, và đấy là niềm tự hào của ông. Ông không hề muốn là nhà sáng chế. Với ông thì sáng chế hết sức đáng nghi, vì nó luôn luôn có ý nghĩa là phá bỏ lề luật. Ông chẳng hơi đâu mà sáng chế một loại nước hoa mới cho bá tước Verhamont. Tất nhiên chiều nay ông cũng sẽ không để cho Chénier thuyếp phục mua Amor và Psyche của gã Pélissier. Ông có rồi. Nó nằm kia trong một lọ thuỷ tinh nhỏ có nắp được mài trên bàn viết gần cửa sổ. Ông đã mua nó mấy hôm trước, dĩ nhiên không phải đích thân ông . Làm sao mà ông có thể tự đến gã Pélissier mua nước hoa được. Phải qua một trung gian, người này lại qua một trung gian khác…Phải thận trọng chứ. Baldini đâu có định tẩm tấm da bằng nước hoa đó, chút xíu thế kia thì bõ bèn gì. Ông có ý khác xấu xa hơn: bắt chước!

Thật ra đâu ai cấm! Chỉ vô cùng không ổn thôi. Lén lút nhái nước hoa của đối thủ rồi bán dưới tên mình là hết sức không ổn. Nhưng sẽ lại càng không ổn hơn nếu để bị bắt gặp, chính vì thế mà Chénier không được biết tí gì cả vì ông ta không được kín miệng.

Ôi, thật khốn khổ khi một người ngay thẳng buộc phải làm cái việc lươn lẹo! Thảm biết bao nhiêu khi bôi nhọ cái quý giá nhất của mình là danh dự bằng cái cách đê tiện như thế! Nhưng ông phải làm gì? Dù sao bá tước Verhamont là một khách hàng mà ông không thể để mất được. Hầu như ông chẳng còn khách hàng nào cả. Ông vẫn phải chạy tìm khách hàng đấy chứ. Chẳng khác nào khi ông bắt đầu sự nghiệp hồi đầu những năm hai mươi bằng cách đi khắp đường phố với một thùng hàng trước bụng. Có Chúa biết là ông, Giuseppe Baldini, chủ cửa hàng nước hoa lớn nhất Paris, ở một địa điểm buôn bán tốt nhất, chỉ sống sót qua việc ông đến nhà khách hàng với một cái rương nhỏ trong tay. Ông chẳng thích thú tí nào với cái việc ấy vì ông sắp bảy mươi rồi và ghét phải đợi trong tiền sảnh lạnh ngắt để giới thiệu cho các hầu tước già nước hoa Nghìn hoa và giấm Bốn tên cướp hay thuyết phục họ mua thuốc xoa trị bệnh nhức nửa đầu. Ngoài ra trong những tiền sảnh này là cả một sự cạnh tranh kinh tởm. Như cái tay mới phất Brouet ở Rue Dauphine vỗ ngực tự xưng là có nhiều loại pomát nhất Châu Âu, hay tay Calteau ở Rue Mauconseil xoay sở được thành người cung cấp nước hoa cho gia đình nữ bá tước Artois, hay gã Antoine Pélissier ở Rue Saint-André-des-Arts hoàn toàn không thể lường trước được ấy, mùa nào gã cũng tung ra một loại nước hoa mới mà thiên hạ thích như điên.

Một thứ nước hoa như thế của Pélissier có thể làm đảo lộn thị trường. Có năm nước Hungari là mốt và Baldini đã phải trữ sẵn hoa oải hương, hoa cam chanh và hoa cây hương thảo để đáp ứng nhu cầu thì gã Pélissier tung ra Air de Musc (không khí xạ hương), một thứ nước hoa hết sức nồng mùi hương hươu xạ. Bỗng nhiên ai cũng phải có mùi như thú vật và Baldini buộc phải chế biến hoa hương thảo thành nước xoa dầu, còn hoa oải hương thì nhồi vào túi thơm. Rồi khi ông đã đặt mua đủ lượng hương hươu xạ, cầy hương và hương hải ly cho năm sau, thì Pélissier sáng chế một loại nước hoa tên là Hoa rừng và gã thành công ngay tức thì. Đến khi Baldini, sau nhiều đêm thử tới thử lui hay tốn bộn tiền cho hối lộ, cuối cùng tìm ra Hoa rừng gồm những chất gì thì Pélissier lại chiếm thượng phong với Đêm Thổ Nhĩ Kỳ hay Hương thơm Lissabon, hoặc Bouquet de la Cours, hoặc có quỷ mới biết được những gì nữa. Dù sao đi nữa thì với sự sáng tạo không kiềm chế được gã là một mối đe doạ cho toàn ngành. Ước gì những lề luật khắt khe xưa kia của phường hội lại được áp dụng. Ước gì có những biện pháp khắt khe đối với những kẻ phá rào để chống lại sự lạm phát nước hoa.

Rút lại giấy phép của gã, phạt nặng nếu tiếp tục hành nghề…và gã phải học một khoá trước đã! Cái tay Pélissier này không phải là nhà làm nước hoa và găng tay được đào tạo. Cha gã chỉ là một người làm giấm và gã cũng chỉ là một tay làm giấm, thế thôi. Và vì làm giấm cho nên được phép đụng chạm đến rượu cồn cho nên gã mới có thể xâm nhập vào lãnh vực dành riêng cho giới nước hoa và làm loạn cả lên như một thứ chồn hôi.

Mỗi mùa một thứ nước hoa mới để làm gì kia chứ? Có cần thiết không? Trước kia người ta hài lòng với nước hoa đồng thảo và những bó hoa giản dị , cả chục năm mới đổi chút ít. Suốt hàng nghìn năm con người ta vẫn hài lòng với trầm hương và mật nhi lạp, một vài loại nhựa thơm, dầu thơm rau thơm phơi khô. Ngay cả khi con người ta học được cách dùng bình cổ cong và nồi chưng cất để nhờ hơi nước mà tách mùi thơm dưới dạng dầu biến thành hơi khỏi cỏ, hoa và gỗ, hoặc ép nó ra từ hạt, nhân, hoặc vỏ trái cây với những dụng cụ để ép bằng gỗ sồi, hay chiết nó ra từ cánh hoa bằng mỡ đã được lọc cẩn thận thì số lượng nước hoa vẫn còn khiêm nhường. Thưở ấy thì một gã như Pélissier đừng hòng giở trò vì lúc bấy giờ chỉ để làm ra một thứ pomát đơn giản thôi đã cần phải có những khả năng mà cái gã làm giấm giả kia không dám mơ tới. Anh không chỉ biết có chưng cất mà còn phải là người làm thuốc mỡ, nhà bào chế, nhà giả kim, đồng thời là một nghệ nhân, nhà buôn, nhà nhân văn học và người làm vườn. Anh phải phân biệt được mỡ cừu với mỡ bê, cây đồng thảo Victoria với cây đồng thảo ở Parma. Anh còn phải biết tiếng La tinh. Anh phải biết khi nào thì gặt cây hướng nhật quy, khi nào cây quỳ thiên trúc nở hoa và khi nào hoa nhài mất thơm khi mặt trời mọc. Tất nhiên gã Pélissier chẳng biết tí gì về những cái ấy. Có lẽ gã chưa bao giờ ra khỏi Paris và chưa từng thấy hoa nhài nở trong đời gã. Nói chi tới biết phải làm cật lực khủng khiếp để vắt được từ trăm nghìn bông hoa nhài một cục nhỏ Concrète (cô đặc) hay vài giọt Essence absolute. Có lẽ gã chỉ biết cái chót, có nghĩa là biết hoa nhài như một chất lỏng đậm đặc nâu sậm trong cái lọ nhỏ để trong tủ sắt, cạnh nhiều lọ nhỏ khác mà gã vẫn dùng để pha những nước hoa thành mốt của gã. Không, một tay như gã sẽ chẳng làm được trò trống gì trong cái thời nghệ nhân ra nghệ nhân ngày trước. Bởi vì gã thiếu đủ thứ: cá tính, học vấn, sự tri túc và ý thức về sự khép mình trong phường hội. Sự thành công của gã về nước hoa hoàn toàn dựa vào một sáng kiến phát huy cách đây hai trăm năm của Mauritius Frangipani – một người Ý thiên tài – rằng hương liệu hoà tan trong rượu tinh cất. Trộn bột thơm với rượu tức là Frangipani đã chuyển mùi thơm sang chất lỏng dễ bay hơi, tách mùi thơm khỏi vật thể, siêu trần hoá mùi thơm, biến thành mùi thơm thuần tuý, nói gọn là ông ta đã tìm ra nước hoa. Thật là một kỳ công! Một thành tựu có tính thời đại! Đúng là chỉ có thể so sánh với những thành quả vĩ đại của loài người như sáng tạo ra chữ viết của người Assyria, hình học Euclide, tư tưởng Platon và sự biến thái của nho sang rượu vang của người Hy lạp! Một kỳ công thật vô tiền khoáng hậu!

Tuy nhiên cũng như mọi kỳ tích trí tuệ khác không chỉ rọi sáng mà còn phủ bóng tối, đem lại cho nhân loại lợi ích lẫn phiền muộn và khốn khổ thì phát kiến tuyệt vời của Frangipani tiếc thay cũng có hậu quả tai hại: bởi vì nay khi anh học được cách giữ cái tinh tuý của hoa, của cỏ, của gỗ cũng như của nhựa cây và của thú vật trong rượu tinh chất, và cách đóng vào chai thì nghệ thuật chế biến nước hoa cứ vuột dần khỏi tay một số người trong nghề có khả năng bao quát, để cho bọn khoác lác len lỏi vào, miễn là chúng có được cái mũi tạm gọi là nhậy, cái gã chồn hôi Pélissier này chẳng hạn. Chẳng bận tâm xem bằng cách nào có được cái chất tuyệt vời trong các lọ con, gã cứ một mực theo ý thích của khứu giác, trộn cái gã vừa nghĩ ra hoặc cái mà thiên hạ đang muốn.

Chắc chắn là gã chó đẻ Pélissier này tuy mới ba mươi lăm tuổi mà đã có một gia tài lớn hơn của ông, Baldini, tích luỹ được trong suốt ba đời không ngừng làm việc vất vả. Và mỗi ngày gã một thêm giàu còn ông thì cứ nghèo đi. Ngày trước làm gì có thể như thế được! Chỉ mới vài chục năm nay mới có chuyện một nghệ nhân tăm tiếng đồng thời là một commercant (nhà buôn) có uy tín phải đấu tranh vật lộn để tồn tại! Chỉ từ khi mà thói đam mê sự mới lạ một cách quá trớn bùng ra khắp nơi và trong mọi lãnh vực thì mới sinh ra cái trò tha hồ xông xáo, cái trò thí nghiệm điên cuồng, cái thói thèm khoe mẽ này trong buôn bán, giao thông và khoa học!

Hay là cái trò say mê vận tốc! Đường xá đào bới khắp nơi để làm gì, những cây cầu mới nữa, để làm gì?Lợi lộc gì nếu đi từ đây đến Lyon chỉ mất có một tuần. Ai thích mới được chứ? Cho ai? Hay là vượt Đại Tây Dương, phóng sang châu Mỹ trong một tháng, làm như thể nghìn năm qua người ta sống không nổi vì không có cái châu ấy. Con người văn minh đã đánh mất gì trong rừng già của người da đỏ hay nơi bọn da đen? Họ còn đi đến cả Lappland tuốt trên phía Bắc muôn đời băng giá, nơi bọn mọi rợ ăn thịt sống nhăn. Rồi họ còn muốn tìm một châu nữa nghe đâu ở nam Thái Bình Dương, nghĩa là ở tận đâu đâu. Cái trò điên khùng ấy để làm gì? vì rằng những bọn khác cũng làm như thế, bọn Tây Ban Nha, bọn Anh trời đánh, bọn Hà Lan vô liêm sỉ, rồi thì sẽ phải đánh nhau thôi, mà cái này thì không kham nổi. Một cái tàu chiến cũng phải đến 300000 livres, từ thuế anh đóng, chỉ cần trúng một quả đại bác là sẽ chìm ngay trong năm phút, chìm vĩnh viễn. Mới đây ngài bộ trưởng tài chính đòi thu thuế tới một phần mười thu nhập, có nghĩa là sẽ đưa anh đến phá sản, bấy nhiêu cũng đủ làm anh nản chí rồi, dù không trả đi chăng nữa.

Nỗi bất hạnh của con người xảy đến vì anh không chịu ở yên trong cái phòng của anh, Pascal nói thế. Mà Pascal là một vĩ nhân, một Frangipani của trí tuệ, xét cho cùng là một nghệ nhân thật sự, và một người như thế này ngày nay chẳng ai cần đến nữa. Bây giờ người ta đọc những sách gây bạo động của bọn Hugenot [1] hay bọn Anh. Hoặc là họ viết luận văn hay những cái gọi là tác phẩm khoa học vĩ đại đặt lại không chừa một vấn đề nào. Không còn gì là đúng nữa cả, mọi sự bỗng chốc khác đi. Mới đây họ lại bảo rằng có những vật vô cùng nhỏ, trước không hề thấy, bơi trong ly nước, rằng giang mai là một bệnh cũng bình thường chứ không phải là sự trừng phạt của Chúa nữa, cũng như không phải Chúa đã khai thiên lập địa trong bảy ngày mà suốt cả triệu năm và chắc gì đã là Chúa; rằng bọn mọi rợ cũng là người như chúng ta hay chúng ta không biết cách dạy dỗ con cái, và trái đất không còn tròn trịa cho tới nay mà dẹt ở trên và ở dưới như trái dưa, làm như khác biệt ghê gớm lắm! Trong mỗi một lãnh vực họ đều đặt vấn đề, đào sâu, nghiên cứu, soi mói và thử lung tung cả. Bây giờ chỉ nói cái ấy cái nọ là như thế này, như thế kia là không còn đủ nữa; mọi sự phải được chứng minh, tốt nhất là có người chứng vào số liệu cũng như vài thí nghiệm vớ vẩn nào đó. Những kẻ viết lách như Diderot, d’Alembert, Voltaire, Rousseau hay tên là gì cũng vậy thôi, trong đó có cả các ngài cố đạo và quý tộc nữa chứ, đã băn khoăn một cách xảo trá, đã thích thú hoàn toàn khi không chịu chấp nhận hay vừa lòng với mọi chuyện trên đời, nghĩa là đầu óc họ hỗn loạn không cùng. Thế mà họ đã đầu độcc được toàn xã hội những điều như thế đấy!

Nhìn đâu cũng thấy cuồng nhiệt. Người ta đọc sách, kể cả phụ nữ. Cố đạo la cà trong quán cà phê. Vậy mà khi cảnh sát ra tay, tống một trong những tên trùm vô lại nói trên vào ngục thì giới xuất bản gào toáng lên, đưa thư thỉnh nguyện và những ông những bà quyền qúy nhất sẽ dùng ảnh hưởng của họ để sau một vài tuần hắn được thả ra hay cho ra nước ngoài để rồi hắn chẳng ngại ngùng mà không tiếp tục viết những luận văn như thế. Trong các phòng khách người ta chỉ toàn tán gẫu về quỹ đạo của sao chổi và các chuyến thám hiểm, về đòn bẩy và Newton, về xây kênh đào, về sự tuần hoàn của máu, và về đường kính của quả đất.

Ngay đến Đức Vua cũng vừa ngự lãm một sự vớ vẩn vừa thành mốt, một thứ sấm sét nhân tạo gọi là điện: trước toàn thể triều đình, một gã cọ xát vào một cá chai, lửa toé ra và nghe đâu đã gây cho Hoàng thượng một ấn tượng sâu sắc. Không thể nào hình dung ra được rằng cụ cố của Ngài, Đức vua Louis thật sự lỗi lạc mà Baldini có diễm phúc được sống nhiều năm dưới sự trị vì đầy ân đức, lại cho phép giới thiệu cái trò lố bịch đó trước mắt Ngài! Nhưng mà thời đại mới thì quan tâm mới và rồi mọi sự sẽ kết thúc bất hạnh mà thôi!

Và khi người ta có thể không ngần ngại hồ nghi một cách láo xược nhất quyền uy của Giáo hội, khi mà người ta nói về nền quân chủ, cái này cũng là do ý Chúa mà ra, và về cá nhân Hoàng thượng thiêng liêng như thể chỉ là hai thứ có thể thay đổi trong cái danh mục các thể chế có thể chọn lựa tùy thích, khi mà người ta đã sa đoạ đến nỗi coi cả Chúa, coi chính đấng Toàn năng là không cần thiết và long trọng tuyên bố rằng không có Người thì kỷ cương, đạo đức và hạnh phúc trên trái đất vẫn hình thành được, hoàn toàn do nhân cách bẩm sinh và lý trí của chính con người…thì lạy Chúa, lạy Chúa, người ta đừng ngạc nhiên khi trên dưới lộn tùng phèo, đạo đức suy đồi, và sẽ hứng chịu sự trừng phạt của chính Ngài mà họ đã chối bỏ. Rồi sẽ kết thúc khốn khổ thôi! Cái sao chổi khổng lồ năm 1681, mà họ chế nhạo rằng chẳng phải gì khác ngoài một đống tinh vân, thật ra là một dấu hiệu cảnh tỉnh của Chúa vì nó đã báo trước một thế kỷ suy tàn, băng hoại, rằng loài người rồi sẽ tự chôn vùi trong vũng bùn tinh thần, chính trị và tôn giáo mà họ tự gây ra, và trong đống bùn đó chỉ còn những loại hoa hôi rình loè loẹt như gã Pélissier kia phát triển, quả y như rằng.

Đứng bên cửa sổ ông Baldini già nua cau có nhìn dòng sông, tránh tia nắng tà. Những tàu hàng đột ngột nhô lên dưới chân ông, chậm chạp đi về phía Tây, hướng Pont Neuf và bến cảng phía trước khu trưng bày tranh Louvre. Không tàu nào chống sào đi ngược dòng tại đây, họ chọn nhánh sông bên kia hòn đảo. Ở nhánh sông này chỉ có trôi đi tàu có hàng cũng như tàu không có hàng, xuồng chèo bằng mái và những thuyền đáy bằng của dân chài, nước nâu dơ bẩn cũng như xoáy nước màu vàng, tất cả trôi đi, chậm chạp, cùng khắp, không ngừng. Và khi Baldini nhìn chúc xuống dưới, sát với tường nhà thì thấy như thể dòng nước cuốn đi cái móng của cây cầu làm ông chóng mặt.

Mua cái nhà trên cầu này là một sai lầm, chọn cái nhà ở phía tây là một sai lầm gấp đôi. Giờ thì ông có trước mắt cái dòng sông không ngừng chảy đi và ông chợt nghĩ rằng chính ông, ngôi nhà của ông và sự giàu có ông kiếm được trong hàng chục năm cũng trôi đi như dòng sông mà ông thì quá già và quá yếu để cản cái sức chảy mãnh liệt kia. Thỉnh thoảng khi có việc bên bờ trái, quanh cái khu Sorbonne hay Saint-Sulpice, ông không đi ngang hòn đảo và Pont Saint-Michel mà chọn con đường vòng qua Pont Neuf vì trên cầu này không xây nhà, rồi ông tựa thành cầu phía đông nhìn về phía thượng lưu để được thấy ít nhất một lần mọi thứ trôi về phía ông, để được đắm mình giây lát trong sự tưởng tượng rằng chiều hướng của đời ông đã thay đổi và làm ăn phát đạt, gia đình thịnh vượng, phụ nữ chạy theo ông và sản nghiệp của ông, thay vì hao mòn dần, cứ lớn thêm mãi.

Nhưng rồi khi ngước lên chỉ một chút thôi, ông thấy cách đó vài trăm mét ngôi nhà của ông ọp ẹp và cao nghệu trên Pont au Change, thấy phòng làm việc của ông trên tầng một, thấy cả ông đứng đó nhìn xuống dòng sông, quan sát làn nước trôi đi như lúc này đây. Và thế là giấc mơ đẹp tan biến, chỉ còn Baldini đứng trên Pont Neuf, quay đi, nản lòng hơn trước, nản lòng như lúc này đây khi ông rời khỏi cửa sổ, ngồi vào bàn viết.

Chú thích:

[1] Tên gọi những người theo đạo Tin lành ở Pháp vào thế kỷ 16
 
Chương 12


Trước mặt ông là lọ nước hoa của Pélissier . Cái chất lỏng nâu vàng lấp lánh dưới ánh mặt trời, trong không gợn một tí vẩn đục nào. Trông vô tội vạ như nước trà nhạt vậy mà ngoài bốn phần năm cồn còn một phần năm cái hỗn hợp đầy bí mật có thể làm cả một thành phố náo động. Mặt khác cái hỗn hợp này có lẽ hình thành bởi ba hoặc ba mươi chất khác nhau, được pha trộn với một tỉ lệ nhất định trong không biết bao nhiêu khả năng. Đó là cái hồn của nước hoa, nếu như người ta có thể nói tới hồn ở nước hoa của cái tay lái buôn lạnh lùng Pélissier được; phải tìm cho ra thành phần của nó.

Baldini hỉ mũi thật kỹ rồi buông mành cửa sổ xuống vì ánh nắng mặt trời trực tiếp không tốt cho mọi hương liệu và làm giảm độ tinh khiết của mùi. Ông lấy từ trong ngăn kéo bàn viết một cái khăn sạch, màu trắng rồi giở ra. Đoạn nhẹ nhàng vặn nắp để mở cái lọ con. Trong lúc đó ông ngả hẳn đầu ra phía sau và bịt mũi lại, vì, lạy Chúa, ông không muốn có một ấn tượng vội vàng thẳng từ cái lọ. Phải ngửi nước hoa từ trạng thái hơi thăng hoa chứ không bao giờ đậm đặc. Ông vẩy vài giọt vào cái khăn, ve vẩy trong không khí để xua cồn đi rồi đặt vào mũi. Ông hít ba lần mạnh và ngắn cái mùi ấy vào trong người như hít bột, rồi thở phù ra ngay, quạt mấy cái, hít thở như thế lần nữa và cuối cùng hít một hơi thật dài và thở ra chầm chậm nhiều đợt như thể thả cho nó trượt trên một cầu thang thoai thoải. Ông ném cái khăn lên bàn rồi ngả người vào lưng ghế.

Cái nước hoa thơm một cách đáng ghét. Tay Pélissier khốn kiếp này chẳng may có bản lĩnh thật. Một bậc thầy, xin Chúa tha tội, cho dù gã vô học gấp nghìn lần đi nữa! Baldini ước chi cái Amor và Psyche này là của ông. Không một chút gì tầm thường. Hoàn toàn quen thuộc, trọn vẹn và hài hoà.

Tươi mát mà không mê hoặc. Là hoa nhưng lại không nhờn. Nó có chiều sâu, một chiều sâu nâu sậm, tuyệt diệu, dài lâu, thừa thãi nhưng không quá độ hay cường điệu.

Baldini đứng lên gần như kính cẩn, đặt khăn lên mũi lần nữa. “Tuyệt vời, tuyệt vời…”, ông lẩm bẩm và hít lấy hít để, “nó có cái gì vui tươi, dễ thương như thể một điệu nhạc, nó làm cho vui vẻ…Vớ vẩn, vui với vẻ!” Rồi ông tức giận ném khăn lên bàn, quay đi, tới cái góc xa nhất phòng, như thể xấu hổ về sự say mê của mình.

Để bị lôi cuốn vào những lời tán dương như vậy thì thật khôi hài! “Như một điệu nhạc. Vui tươi. Tuyệt vời. Vui vẻ” – Vớ vẩn! Rõ trẻ con! Lại vẫn ấn tượng nhất thời. Lại phạm sai lầm cũ. Hẳn là do tính khí. Chắc vì có mang dòng máu Italy trong người. Đừng phán đoán trong lúc đang ngửi. Đó là nguyên tắc thứ nhất. Baldini ạ, đồ con lừa già! Ngửi cho ra ngửi rồi phán đoán sau khi ngửi xong! Amor và Psyche không dở. Một sản phẩm thành công hoàn toàn. Một thứ khéo che đậy. Nếu không nói là đồ bịp. Không thể chờ đợi gì hơn ngoài sự bịp bợm ở một gã như Pélissier. Dĩ nhiên một gã như Pélissier đâu có sản xuất ra nước hoa rẻ tiền. Tên vô lại này bịp hết sức tinh vi bằng cách làm rối loạn khứu giác với một sự hài hoà tuyệt diệu; gã là một con sói đội lốt cừu trong nghệ thuật mùi thơm, nói tóm lại, một tên khả ố có tài. Và như thế còn tệ hơn cả một kẻ làm ăn cẩu thả nhưng thành thật.

Nhưng còn mi, mi sẽ không để bị lừa bịp. Mi chỉ bị cái ấn tượng đầu tiên về cái đồ giả đó làm cho ngạc nhiên mất một lúc thôi. Ai biết được một giờ nữa nó có mùi gì, khi mà những chất bay hơi biến hết cả, trơ ra cái khung? Hay là tối nay, khi chỉ còn những thành phần nặng, sẫm màu chứ bây giờ như thể trong lúc tranh tối tranh sáng, mùi chúng bị che bởi cái mùi dễ chịu của tấm màn dệt bằng hoa? Cứ chờ đi, Baldini ạ!

Nguyên tắc thứ hai dạy rằng nước hoa sống trong thời gian, nó có thời trẻ, thời trưởng thành và lúc già. Chỉ khi nào nó toả mùi dễ chịu như nhau trong cả ba giai đoạn sống của nó thì mới được gọi là đạt. Đã bao lần cái hỗn hợp ta trộn tươi mát tuyệt vời qua lần thử thứ nhất, sau ít lâu có mùi trái cây thối và sau chót chỉ có mùi kinh tởm của xạ cầy hương nguyên chất mà ta đã cho quá nhiều. Phải rất thận trọng với xạ cầy hương! Quá một giọt sẽ dẫn đến tai họa ngay. Thường hay sai lầm là vì thế. Có thể, phải , rất có thể Pélissier đã dùng quá nhiều xạ cầy hương? Đến tối nay biết đâu cái Amor và Psyche đầy tham vọng của gã chỉ còn là một chút nước đái mèo? Rồi ta sẽ thấy.

Ta sẽ ngửi nó. Như một lưỡi búa sắc chặt tảng gỗ thành từng mảnh nhỏ, mũi ta cũng phân nước hoa của gã thành từng phần riêng. Rồi sẽ thấy rằng cái có vẻ như mùi thơm thần diệu này chỉ được tạo ra bằng cách hết sức quen biết thông thường. Ta, Baldini, nhà làm nước hoa sẽ vạch thủ đoạn xảo trá của gã làm giấm Pélissier. Ta sẽ lột mặt nạ để lộ ra cái chân tướng xấu xa của gã, để chứng tỏ cho người mới vào nghề biết trường phái truyền thống có khả năng gì. Cái nước hoa đang là mốt của gã sẽ được trộn y hệt. Nó sẽ sinh ra từ tay ta, nhái hoàn hảo đến nỗi tên vô liêm sỉ kia không thể phân biệt nổi với thứ của gã. Không! Như thế chưa đủ! Ta sẽ làm tốt hơn! Ta sẽ chứng minh cho gã thấy chỗ dở, rồi loại đi, bằng cách đó bảo cho gã biết ngươi là một tay cẩu thả, Pélissier ạ! Ngươi là đồ hôi thối, một tên mới phất trong nghề làm nước hoa chứ chẳng là gì khác!

Bắt tay vào việc đi, Baldini! Giữ mũi cho nhậy và đừng để tình cảm chi phối khi đang ngửi! Hãy phân cái mùi ra theo nguyên tắc của nghệ thuật! Đến tối nay mi phải có được công thức.

Thế là ông ta đâm bổ lại bàn viết, lấy giấy mực và một khăn sạch ra, đặt ngay ngắn rồi bắt đầu cái công việc phân tích. Việc ấy như sau: ông sẽ kéo nhanh cái khăn thấm nước hoa ngang mũi, tránh không để bị cái hỗn hợp phức tạp nọ làm lạc hướng, tìm cách nắm bắt trong cái đám mây mùi thơm thoảng qua một thành tố nào đó, rồi duỗi thẳng tay giữ khăn thật xa, ghi lại thật nhanh tên cái thành tố vừa tìm thấy, rồi lại kéo nhanh khăn ngang mũi, chộp một thành tố nữa và cứ như thế…
 
Chương 13


Ông làm việc suốt hai giờ liền. Các động tác cứ hối hả hơn, chữ nguệch ngoạc trên giấy cứ cẩu thả hơn, lượng nước hoa vẩy trên khăn để đặt lên mũi cứ nhiều hơn.

Giờ thì ông không còn ngửi thấy gì nữa cả, những chất bay hơi ông hít vào đã làm mũi ông tê đi từ lâu rồi, đến nỗi không có thể nhận ra được những gì ông tin là đã được phân tích chính xác lúc đầu. Ông biết rằng ngửi tiếp là vô ích. Ông sẽ không bao giờ tìm ra cái nước hoa mốt mới này được cấu thành như thế nào, hôm nay chắc chắn không rồi, ngày mai cũng sẽ thế thôi cho dù cái mũi ông, nhờ ơn Chúa, bình thường lại. Ông chưa từng học cách phân tích bằng cách ngửi thế này. Phân một mùi thơm, một toàn thể, dù nó được trộn khéo hay không, ra thành từng mảng, đôi với ông là một việc chán ngắt. Ông không thích. Ông không muốn nữa.

Nhưng tay ông như cái máy, vẫn làm cái động tác mềm mại đã được tập cả nghìn lần: thấm nước hoa vào cái khăn, rũ, phe phẩy ngang mặt rồi, cũng như cái máy, cứ mỗi lần phe phẩy lại hít nhanh một chút không khí đẫm mùi thơm, nhả ra đúng cách…nghĩa là từ từ. Ngửi cho đến lúc cái mũi giải thoát ông khỏi cực hình bằng cách sưng tấy từ bên trong do dị ứng và nghẹt lại như thể bị nút lại bằng sáp. Giờ thì ông không ngửi gì được nữa cả, thở cũng không nổi. Cái mũi bị đóng chặt như bị cảm nặng và trong khoé mắt ông rơm rớm lệ. Lạy Chúa cả trên trời! Giờ thì ông có thể chấm dứt mà không áy náy. Ông đã làm tròn bổn phận mình, làm hết sức, theo đúng mọi nguyên tắc trong nghề và lại vẫn thất bại như mọi lần. Ultra posse nemo obligatur [1] . Sáng sớm mai ông sẽ cho người tới gã Pélissier mua một lọ nước hoa Amor và Psyche để tấm da quý cho bá tước Verhamont như đã được đặt làm. Rồi ông sẽ xách cái rương nhỏ đựng xà bông lỗi thời, túi xạ, pomát, và túi bột thơm tìm tới các bà hầu tước già. Rồi đến một ngày mà các bà hầu tước già cuối cùng nhắm mắt thì ông cũng mất người khách hàng cuối cùng. Lúc ấy ông cũng lọm khọm và sẽ phải bán nhà, cho Pélissier hay một tay lái buôn mới phất nào đấy, có thể được vài ngàn livre. Rồi sẽ thu xếp một hai cái rương, cùng với bà vợ già của ông về lại Italia, nếu lúc ấy bà còn sống.

Và nếu ông sống sót về được đến Italia sau chuyến đi, ông sẽ mua một căn nhà nhỏ ở vùng quê Messina cho rẻ. Rồi ông, Giuseppe Baldini – một thời là nhà làm nước hoa vĩ đại nhất Paris – sẽ qua đời ở đó, khi nào Chúa muốn, trong nghèo đói cùng cực. Thế cũng hay.

Ông nút lọ nước hoa lại, buông bút và lau trán lần cuối với cái khăn tẩm nước hoa.Ông chỉ còn cảm thấy cồn bốc hơi, thế thôi. Ngoài kia mặt trời đang lặn.

Baldini đứng dậy, kéo rèm cửa sổ và ông ngập tới gối trong nắng chiều, rực lên như thể một ngọn đuốc còn âm ỉ. Ông nhìn cái đường viền đỏ thẫm của mặt trời phía sau Louvre và cái ánh lửa nhạt trên những mái nhà lợp đá phiến. Phía dưới ông dòng sông ánh lên như vàng, tàu bè đã biến mất cả.Hình như có gió vì mặt nước gợn lên như vẩy cá, chỗ này chỗ nọ lấp lánh, mỗi lúc một nhiều hơn, như có một bàn tay khổng lồ rải hàng triệu đồng Louis vàng xuống nước và trong một khoảnh khắc dòng sông như thể đổi chiều, trôi về phía Baldini, cuồn cuộn vàng ròng.

Đôi mắt Baldini ướt và buồn. Ông đứng lặng một hồi lâu, ngắm bức tranh tuyệt diệu. Chợt ông giật mạnh cửa sổ, mở tung hai cánh và ném cái lọ nước hoa của Pélissier lên cao theo hình cánh cung ra ngoài. Ông thấy nó rơi tõm xuống nước và trong một thoáng xé toang cái tấm thảm óng ánh.

Khí mát lùa vào phòng. Baldini hớp lấy hơi và nhận ra mũi không còn bị tấy nữa. Đoạn ông khép cửa sổ. Đêm xuống gần như cùng lúc ấy và thật bất chợt. Cái bức tranh óng ánh vàng của thành phố và dòng sông đông cứng lại thành cái bóng xám tro. Căn phòng thoắt trở nên tối. Baldini lại đứng như lúc nãy, nhìn sững qua cửa sổ. “Sáng mai ta sẽ không sai ai đến Pélissier cả”, ông nói, hai bàn tay bám lưng ghế. “Ta sẽ không làm thế. Ta cũng sẽ không tìm đến các bà hầu tước già. Mà sáng mai ta sẽ đến công chứng viên để bán nhà và của tiệm. Ta sẽ làm như thế. E basta! [2] “

Ông có vẻ mặt thách thức như của một thằng bé và chợt thấy rất hả hê. Ông lại là Baldini xưa kia, một Baldini trẻ, gan góc và cương quyết như thưở nào, thách thức số phận, cho dù sự thách thức lần này chỉ là bỏ cuộc. Đã sao nào! Không làm gì khác được. Thời buổi túng cùng không cho phép chọn lựa. Chúa cho thời khấm khá lẫn thời khó khăn và Người không muốn ta kêu ca, than khóc lúc khó khan mà hiên ngang vượt qua. Và Người đã báo trước rồi. Cái ảo ảnh vàng, đỏ như máu của thành phố là một cảnh cáo đấy: hành động đi, Baldini, trước khi quá muộn! Nhà của mi còn vững, kho của mi còn đầy, mi còn có thể đạt được giá hời cho cái cửa tiệm xuống dốc. Mi còn tự định đọat được. Cứu cánh của đời mi không phải là dưỡng già, sống khiêm tốn ở Messina nhưng như thế vẫn danh dự hơn và hợp ý Chúa hơn là tàn lụi huy hoàng ở Paris. Cái lũ như Brouet, Calteau và Pélissier cứ việc reo hò chiến thắng. Giuseppe Baldini này nhường trận địa. Nhưng do ông tự nguyện chứ không vì khiếp nhược!

Ông khá tự hào với chính mình. Nhẹ nhõm biết mấy. Lần đầu tiên từ nhiều năm nay cái chứng cứng gân vẫn làm cho căng gáy và hai vai ngày một còng thêm chợt biến khỏi lưng ông, ông đứng thẳng người mà không phải gắng sức, hết đau, thoải mái và vui sướng. Ông hít nhẹ. Ông cảm nhận rất rõ mùi của Amor và Psyche đầy trong phòng, nhưng không để nó quấy rầy nữa. Baldini đã thay đổi đời ông và cảm thấy tuyệt vời. Ông sẽ lên gặp vợ ngay bây giờ, cho bà biết những quyết định của ông rồi sẽ hành hương sang Notre Dame để thắp một ngọn nến cám ơn Chúa đã chỉ đường và đã ban cho ông cái cá tính cương quyết không ngờ.

Với một sự sôi nổi gần như của một thanh niên, ông chụp bộ tóc giả lên cái đầu hói, khoác cái áo choàng xanh, cầm ngọn nến trên bàn, rời phòng làm việc. Ông vừa mới châm nến vào cái đèn đốt bằng mỡ ở cầu thang để soi lối lên lầu thì nghe tiếng chuông dưới tầng trệt. không phải tiếng ngân nga của chùm chuông Ba Tư treo ở cửa tiệm mà là tiếng lách cách ở cổng ra vào của người làm, một thứ tiếng khó chịu vẫn làm ông bực mình. Ông vẫn muốn gỡ nó đi, thay bằng một cái chuông khác cho dễ chịu song thấy tốn kém nên lại thôi; bây giờ thì mặc kệ, ông sẽ bán cái chuông phá rầy này cùng với cái nhà. Mặc cho người ở sau bực mình! Ông chợt nghĩ và cười khúc khích.

Cái chuông lại kêu lách cách. Ông lắng nghe phía dưới. Chắc là ông Chénier đã đi rồi. Cả cô người làm cũng chẳng thấy rục rịch. Thế là Baldini tự xuống mở cổng.

Ông kéo then, đẩy cánh cửa nặng trịch; chẳng thấy gì cả. Bóng tối nuốt chửng ánh nến. Mãi ông mới nhìn ra một hình dạng nhỏ thó, một đứa con nít hay một thằng nhỏ thấp bé, ôm gì đó ở trong tay.

“Mày muốn gì?”

“Maitre Grimal sai tôi đem tới bộ da lừa”, cái hình dạng nọ đáp, bước lại gần và chìa cho Baldini cái cánh tay co lại, trên có vắt mấy tấm da chồng lên nhau. Trong ánh nến Baldini nhận ra khuôn mặt một thằng nhỏ với đôi mắt sợ hãi, láo liên. Nó đứng lom khom như thể nép mình sau cánh tay, giống như một đứa đang chờ bị đánh. Nó chính là Grenouille.

Chú thích:

[1] Không ai bị bắt buộc làm quá khả năng (tiếng La tinh),

[2] Đủ rồi (tiếng La tinh),
 
Chương 14


Da lừa để tẩm nước hoa! Baldini sực nhớ. Mấy bữa trước ông đã đặt Grimal cung cấp loại da giặt được mềm nhất, mịn nhất để lót bàn viết cho bá tước Verhamont, mỗi miếng mười lăm quan. Nhưng bây giờ thì thật ra ông không cần đến nữa, ông có thể tiết kiệm được món tiền này. Mặt khác, nếu ông bảo thằng nhỏ quay về…? Biết đâu…có thể gây ấn tượng không tốt; người ta sẽ bàn tán rồi thì đồn đại rằng Baldini không được đặt hàng nữa rồi, Baldini không thể thanh toán nổi nữa…và như thế thì không tốt, không, không; như thế biết đâu chẳng làm giảm giá bán cửa tiệm. Tốt hơn là cứ nhận cái chỗ da lừa vô ích này. Chưa phải lúc để thiên hạ biết rằng Giuseppe Baldini này đã thay đổi đời hắn.

“Vào trong này!”

Ông để nó vào và cả hai đi sang cửa tiệm, Baldini cầm nến đi trước, Grenouille theo sau với đống da. Đây là lần đầu Grenouille bước vào một tiệm nước hoa, ở đây mùi không phải là thứ phụ thuộc mà ngang nhiên đứng ngay giữa trung tâm của sự chú ý. Dĩ nhiên nó biết mọi cửa tiệm nước hoa và thuốc trong thành phố, nó đã từng đứng hàng đêm trước các cửa kính, gí mũi vào khe cửa. Nó biết hết mọi thứ nước hoa bán ở đấy và thường tự nghĩ ra trong đầu nó những nước hoa tuyệt vời nhất. Nó không chờ đợi gì mới cả. Nhưng hệt như một đứa bé giàu năng khiếu âm nhạc, nôn nóng được thấy thật gần một dàn nhạc, hay được một lần leo lên chỗ ban đồng ca trong nhà thờ, tới chỗ giàn phím của đại phong cầm, Grenouille nôn nóng muốn được xxem một tiệm nước hoa từ bên trong, nên khi nghe nói có da phải mang lại cho Baldini thì nó tìm đủ cách để được giao việc ấy.

Và giờ đây nó đứng trong tiệm của Baldini, một nơi chứa nhiều hương liệu nhà nghề nhất của Paris trong một khoảng không gian hẹp nhất. Nó không thấy được nhiều trong cái ánh nến thoáng qua, chỉ thoáng thấy bóng của cái quầy có để cái cân, hai con cò trên cái chậu, một ghế bành cho khách, những tấm kệ sẫm trên tường, cái ánh lóe lên của dụng cụ bằng đồng thau, nhãn ghi màu trắng dán trên những lọ thuỷ tinh và hũ sành, và nó cũng không ngửi thấy gì hơn những gì đã ngửi thấy ngay từ ngoài đường. Nhưng nó cảm thấy ngay sự trang trọng trong các phòng, có thể nói được là một sự trang trọng thiêng liêng, nếu cái từ “thiêng liêng” đôi với Grenouille có được một ý nghĩa nào. Nó cảm thấy sự trang trọng lạnh lùng, tính thực tế của nghề thủ công và cái đầu óc kinh doanh khô khan bám chặt vào mỗi bàn ghế, mỗi dụng cụ, bám vào những bồn, những chai và những nồi nấu. Vì Baldini chẳng hơi đâu bận tâm soi đường cho nó, nên nó phải lẽo đẽo trong cái bóng của ông, đột nhiên nó tin rằng nó thuộc về đây chứ không đâu khác, rằng nó sẽ ở lại đây và từ đây nó sẽ làm rung chuyển thế giới.

Dĩ nhiên ý nghĩ rõ ràng không khiêm tốn và lố bịch. Không có gì, và thật sự chẳng có tí gì cho phép một thằng nhỏ phụ việc thuộc da lang thang, nguồn gốc mờ ám, không bà con hay người bảo trợ, chẳng có chút địa vị đáng kể nào lại có ly do chính đáng để hy vọng được làm việc vững vàng trong cái tiệm bán nước hoa nổi tiếng nhất Paris, huống chi việc giải thể của tiệm đã được quyết định rồi, như chúng ta đã biết. Nhưng ở trong cái ý nghĩ không khiêm tốn của Grenouille thì đó không phải là hy vọng mà là chắc chắn. Nó biết sẽ chỉ rời khỏi cái tiệm này để về chỗ Grimal lấy quần áo, rồi không bao giờ rời nữa. Con bọ chét đã ngửi thấy máu. Nó đã nằm im hàng năm rồi thu kín mình và chờ đợi. Bây giờ nó buông mình rơi xuống, không mảy may hy vọng, cùng lắm là chết. Không còn cách nào khác. Chính vì thế mà nó hết sức chắc chắn.

Cả hai đã đi sang cửa tiệm. Baldini mở cái phòng sau nằm phía sông được dùng vừa làm nhà kho vừa làm xưởng và phòng thí nghiệm, nơi nấu xà bông, khuấy pomát và trộn nước hoa trong những lọ cong/ “Đây!” ông nói và chỉ một cái bàn to trước cửa sổ, “Để xuống đấy!”

Grenouille bước ra khỏi bóng của Baldini, đặt đống da lên bàn rồi nhảy vội trở lại, đứng giữa Baldini và cái cửa. Baldini còn đứng thêm một lúc nữa. Ông đưa nến qua một bên để khỏi nhỏ xuống bàn rồi dùng sống ngón tay vuốt mặt láng miếng da. Rồi ông lật ngược tấm trên cùng và lướt nhẹ trên cái mặt như nhung, hơi nhám và mềm. Những miếng da này thật tốt. Đúng là để làm da quý. Khi khô nó không co lại, khi vuốt đúng cách sẽ lại mềm ngay, chỉ cần bóp miếng da giữa ngón trỏ và ngón cái là ông cảm thấy ngay, một lần tẩm có thể giữ được năm hay mười năm, thật là một loại da rất tốt, có thể ông sẽ dùng để làm găng tay, ông ba đôi và vợ ông ba đôi cho chuyến đi Messina.

Ông rụt tay lại. Cái bàn làm việc nhìn xúc động quá, mọi thứ nằm đó như sẵn sàng, chậu thuỷ tinh để tẩm nước hoa, tấm kính để phơi, cối giã để trộn chất làm màu, chày, bay, cọ, lưỡi xén và kéo. Như thể những vật ấy chỉ ngủ vì trời đã tối, sáng ra sẽ lại sống. Ông có nên mang theo cái bàn tới Messina không nhỉ? Và một phần dụng cụ, chỉ những thứ quan trọng nhất thôi? Ngồi làm việc ở cái bàn này rất tốt. Mặt bằng gỗ sồi, chân cũng vậy, lại thêm những thanh ngang thì không rung mà cũng chẳng long được, a xít cũng chẳng hề hấn gì, dầu và dao cắt cũng thế, nhưng chở nó đi Messina thì tốn kém quá, ngay cả đi bằng tàu thuỷ! Vì thế mà sẽ phải bán, sáng mai cái bàn sẽ phải bán cùng với tất cả mọi thứ bên trên, bên dưới, bên cạnh, bán tất! Bởi vì ông, Baldini này, có một trái tim đa cảm nhưng cũng cá tính mạnh, vì thế ông sẽ thực hiện quyết định của mình dù không muốn mấy đi nữa, ông sẽ ứa nước mắt mà bán hết nhưng ông vẫn làm vì ông biết thế là đúng, như điềm đã báo hồi chiều.

Ông quay người định đi. Cái thằng loắt choắt méo mó đứng ở cửa mà tí nữa ông quên. “Được rồi, “ Baldini nói. “Nói lại với chủ mày là da tốt lắm. Vài ngày nữa ta sẽ qua trả tiền.”

“Vâng”, Grenouille nói và đứng tại chỗ, chặn đường Baldini khi ông dợm bước ra khỏi xưởng. Baldini hơi khựng lại nhưng không thắc mắc gì và cũng không cho thái độ của thằng nhỏ là láo xược mà ngỡ là rụt rè.

“Gì nữa?” ông hỏi. “Mày còn được giao chuyện gì nữa không? Thế nào? Cứ nói đi!”

Grenouille đứng co người nhìn Baldini như thể sợ hãi nhưng thật ra là do căng thẳng rình rập như con thú rình mồi.

“Tôi muốn làm việc cho ông, Maitre Baldini ạ. Cho ông, trong cửa tiệm của ông.”

Nó không nói như xin xỏ mà như đòi hỏi, đúng ra không phải là nói mà là hắt ra, rít lên như rắn. Baldini lại cho sự tự tin ghê gớm của Grenouille là sự lúng túng của thằng con nít. Ông cười thân thiện “Mày là đứa học thuộc da, con ạ”, ông nói, “ta đâu dùng đứa học thuộc da vào việc gì được. Ta đã có sẵn một thợ phụ rồi, không cần thu thêm kẻ học nghề.”

“Ông muốn tẩm những tấm da lừa, phải không Maitre Baldini? Ông muốn tẩm những tấm da tôi mang đến chứ gì?” Grenouille rít như thể nó không để ý đến câu trả lời của Baldini.

“Đúng thế” Baldini đáp.

“Với Amor và Psyche của Pélissier?” Grenouille hỏi, co người thêm nữa.

Một nỗi kinh hoàng nhẹ lan trong cơ thể Baldini. Không phải vì ông tự hỏi do đâu mà thằng nhỏ này biết rõ đến thế mà chỉ vì cái tên của thứ nước hoa kinh tởm mà bữa nay ông đã thất bại không tìm ra giải đáp.

“Tại sao mày lại có cái ý nghĩ phi lý rằng ta định dùng nước hoa của kẻ khác để…”

“Vì người ông có mùi ấy”, Grenouille rít. “Ông mang mùi ấy trên trán, torng túi áo khoác bên phải của ông có cái khăn tẩm nó. Cái Amor và Psyche này đâu có hay, dở nữa, có quá nhiều cam chanh, hương thảo và quá ít dầu hoa hồng.”

“À há” Baldini nói, hết sức ngạc nhiên vì cuộc nói chuyện chung chung chuyển sang chính xác “Gì nữa?”

“Hoa cam, chanh lá cam, đinh hương, hương hươu xạ, hoa nhài, rượu tinh cất và một thứ mà tôi không biết tên, đây rồi, ông thấy không, đấy! Trong cái chai đó!” Và nó chỉ trỏ trong bóng tối. Baldini đưa nến về phía ấy, mắt theo ngón tay của nó, nhìn vào một chai trên kệ chứa một thứ nhựa thơm màu vàng xám.

“Tô hợp hương?” ông hỏi.

Grenouille gật đầu. “Phải. Có cả cái đó trong nước hoa. Tô hợp hương.” Rồi nó gập người lại như bị co rút, lẩm bẩm ít nhất cả chục lần “Tô hợp hương, tô hợp hương…”

Baldini cầm nến soi vào thằng nhãi ranh đang khò khè “tô hợp hương”, nghĩ thầm: hoặc là nó bị quỷ ám, hoặc là một tên bịp bợm hoặc là thiên tài. Vì trộn đúng những chất nọ có thể cho Amor và Psyche lắm, có thể lắm, thậm chí đúng nữa là đàng khác. Dầu hoa hồng này, đinh hương này, tô hợp hương này, chiều này ông cố tìm ba thứ này mà không ra; những thứ kia ông tin có tìm ra, hợp với chúng như thể những miếng của một cái bánh đẹp, tròn trịa. Vấn đề còn lại là phải trộn chúng theo tỷ lệ chính xác nào. Để tìm ra thì ông sẽ phải thử tới thử lui mấy ngày ròng, một công việc ớn hết sức, gần như còn mệt hơn cả tìm ra các thành tố, vì phải đo cân, ghi lại và phải cẩn thận từng ly từng tí, một lơ đễnh nhỏ như run tay khi cầm ống hút, đếm giọt sai có thể làm hư hết. Và mỗi lần thử sai là tốn hao vô cùng. Mỗi hỗn hợp là một gia tài nhỏ…Ông muốn thử thằng nhỏ, muốn hỏi nó cái công thức chính xác của Amor và Psyche. Nếu nó biết chính xác tới từng gam, từng giọt thì rõ ràng nó là thằng bịp, bằng cách nào đó thuổng được công thức của Pélissier để mong xin được làm ở tiệm của ông. Còn nếu nó đoán được gần đúng thì nó là thiên tài về mùi và như thế thì nó kích thích máu tò mò nghề nghiệp của ông. Không phải là Baldini xét lại cái quyết định sẽ bán lại cửa tiệm! Cũng chẳng phải vì cái nước hoa của Pélissier. Kể cả khi thằng nhóc làm được cho ông hàng lít đi nữa thì ngay trong mơ Baldini cũng không nghĩ tới sẽ dùng nó tẩm miếng da cho bá tước Verhamont, nhưng mà…Nhưng mà đâu phải cả đời là nhà chế nước hoa, cả đời bận bịu với sự phối hợp hương liệu để rồi bỗng chốc đánh mất sự đam mê nghề nghiệp được! Giờ thì ông muốn tìm ra công thức của cái thứ nước hoa khốn kiếp kia, hơn nữa muốn xét tài của cái thằng nhỏ lạ lùng này, cái thằng đã đọc nước hoa trên trán của ông. Ông muốn biết có gì bí ẩn đàng sau. Ông tò mò hết sức.

“Mày có vẻ như có một cái mũi nhậy đấy, chú bé ạ” ông nói sau khi Grenouille ngưng khò khè, rồi quay vào xưởng, đặt cẩn thận cây nến xuống bàn “đúng là một cái mũi nhậy, nhưng mà…”

“Tôi có cái mũi nhậy nhất Paris, Maitre Baldini ạ” Grenouille khò khè chen vào. “Tôi biết mọi mùi trên thế giới, mọi mùi ở Paris, tất cả, duy có điều một số cái tôi không biết tên, nhưng tôi có thể học, những mùi có tên không nhiều, vài nghìn thôi, tôi sẽ học hết, tôi sẽ không bao giờ quên tên của nhựa thơm nọ tô hợp hương, nhựa ấy tên là tô hợp hương…”

“Im!” Baldini gắt “không được ngắt lời khi ta nói, mày thật hỗn láo và ngông cuồng. Không ai biết tên của nghìn mùi. Ngay như ta cũng không biết đến nghìn tên, chỉ vài trăm thôi, vì trong ngành của bọn ta không có nhiều hơn vài trăm mùi, những thứ còn lại không phải là mùi mà là xú khí!”

Trong cái lúc phọt ra một thôi một hồi lời nói chen thì Grenouille gần như đứng thẳng người lại, thậm chí khi sôi nổi nó còn vung cả hai tay để diễn tả cái “tất cả, mọi thứ” mà nó biết, bỗng bị Baldini đập cho, tức thì co rúm lại như con cóc đen, đứng rình bất động ở ngưỡng cửa.

“Dĩ nhiên,” Baldini nói tiếp “ta biết từ lâu rằng Amor và Psyche gồm có tô hợp hương, dầu hoa hồng, đinh hương, cam chanh và tinh dầu hương thảo vân vân. Để tìm ra những thứ ấy chỉ cần đến một cái mũi nhậy, khá nhậy như đã nói, rất có thể Chúa đã cho mày cũng như nhiều người khác một cái mũi khá nhậy, đặc biệt ở vào tuổi mày. Song nhà chế nước hoa…” nói tới đây Baldini giơ ngón tay trỏ lên, ưỡn ngực “..song nhà chế nước hoa cần nhiều thứ hơn một cái mũi nhậy. Ông ta cần một khứu giác còn tốt, trung thực, được rèn luyện qua hàng chục năm, khiến ông ta có thể giải đoán ra loại và lượng của những mùi phức tạp nhất cũng như sáng tạo nên những hỗn hợp mùi mới chưa hề biết. Một cái mũi như thế…” ông gõ ngón tay lên mũi mình “người ta không có được chú bé ạ! Một cái mũi như thế chỉ đạt được qua sự bền bỉ và cần mẫn. Hay là mày có thể nói ngay cho ta biết công thức chính xác của Amor và Psyche? Hả? Mày làm được chứ?”

Grenouille không đáp.

“Mày có thể nói đại khái được chứ? “ Baldini hỏi rồi cúi tới trước để nhìn con cóc cho được rõ hơn. “Chỉ cần ước đoán thôi. Sao? Nói đi chứ, cái mũi nhạy nhất Paris?”

Nhưng Grenouille vẫn im lặng.

“Thấy chưa” Baldini đứng thẳng dậy, vừa hài lòng vừa thất vọng nói “mày không biết. Tất nhiên rồi. Làm sao mày biết được. Mày như một người ăn xúp biết được trong đó có thảo hoàng liên hay là ngò tây. Chậc, thế cũng là khá rồi. Nhưng đâu có nghĩa là mày biết nấu. Hãy ghi nhớ điều này trước khi mày ra về: trong mỗi một nghệ thuật cũng như mỗi nghề thủ công, năng khiếu gần như chẳng là gì cả, ngược lại, kinh nghiệm học hỏi được qua khiêm tốn và cần mẫn lại là tất cả.”

Khi ông cầm cây nến đang để trên bàn thì có tiếng Grenouille hắt ra, khò khè từ cửa “Tôi không biết công thức là cái gì, Maitre, cái đó tôi không biết, ngoài ra tôi biết tất!”

“Công thức là cái quan trọng nhất của mỗi loại nước hoa”, Baldini trả lời nghiêm khắc vì ông muốn chấm dứt ngay buổi nói chuyện. “Nó là sự hướng dẫn tỉ mỉ các thành tố phải trộn với tỉ lệ nào để có thứ nước hoa như ý muốn, không thể lẫn lộn, đấy là công thức. Nó là cái toa, nếu như mày hiểu rõ cái từ này hơn”.

“Công thức, công thức”, Grenouille, giờ thấy cao hơn một chút nơi cửa, vẫn khò khè “tôi không cần công thức. Tôi có cái toa trong mũi rồi. Cần tôi trộn nó cho ông không, Maitre, cần tôi trộn không, cần không?”

“Sao cơ?” Baldini hơi cao giọng và soi nến sát mặt thằng lùn. “Trộn là thế nào?”

Lần đầu tiên Grenouille không co người lại, “Mọi thứ cần đến đều nằm sẵn kia, những cái mùi ấy, tất cả ở trong phòng này”, nó nói rồi lại chỉ trỏ trong bóng tối. “Dầu hoa hồng kìa! Nhuỵ hoa cam kìa! Đinh hương kìa! Hương thảo kìa!...”

“Dĩ nhiên chúng nằm đó!” Baldini gầm lên. “Mọi thứ nằm đó! Nhưng ta đã bảo mày rằng không biết công thức thì chẳng ăn thua gì hết, đồ đầu bò!”

“…Hoa nhài kìa! Rượu cồn kìa! Cam chanh kìa! Tô hợp hương kìa!” Grenouille khò khè tiếp tục và cứ sau mỗi tên nó lại chỉ trỏ vào một điểm trogn căn phòng tối đến độ giỏi lắm người ta cũng chỉ có thể đoán mò bóng cái kệ với chai lọ.

“Mày nhìn được cả trong bống tối nữa cơ, hả?” Baldini cau có “Mày không chỉ có cái mũi nhạy nhất mà còn có cặp mắt tinh nhất Paris phải không? Nếu mày chỉ có cái tai khá thính thôi thì vểnh lên mà nghe ta nói này, mày là một thằng bịp nhóc con. Chắc mày nghe loáng thoáng gì đó chỗ gã Pélissier, rình mò gì đó đúng không? Rồi tin là qua mắt ta được à?”

Giờ thì Grenouille không còn co mình ở cửa nữa, mà đứng – tạm gọi là thế - nguyên chiều cao, chân hơi dạng, tay hơi khuỳnh ra khiến nó trông như con nhện đen đang bám chặt vào khung và bậu cửa. “Ông cho tôi mười phút”, nó nói khá trôi chảy, “tôi sẽ chế nước hoa Amor và Psyche cho ông. Ngay bây giờ và trong phòng này, Maitre, cho tôi năm phút!”

“ Mày tin rằng ta cho mày trộn ẩu trộn tả trong xưởng của ta ư? Với những tinh dầu trị giá cả một gia tài? Mày?”

“Phải” Grenouille đáp.

“Xì!” Baldini la lên và xì ra hết chỗ hơi ông có. Rồi ông hít một hơi dài, nhìn cái thằng Grenouille như con nhện ấy một lúc lâu, suy nghĩ. Dẫu sao thì cũng vậy, ông nghĩ, đằng nào thì sáng mai cũng chấm dứt cả. Ta biết chắc là nó không làm được điều nó quả quyết, không thể nào làm được. Nó hơn cả Frangipani vĩ đại chắc! Nhưng tại sao lại không để nó biểu diễn trước mắt ta cái điều biết chắc? Bằng không, biết đâu một ngày nào đó ở Messina, ta lại không tự trách rằng ta đã không nhận ra một thiên tài về ngửi, một người được thừa thãi ân sủng của Chúa, một thần đồng…Về già người ta đôi khi trở nên kỳ cục và cứ khăng khăng với những ý nghĩ điên khùng nhất. Chắc chắn là không thể nào được. Theo lý trí của ta thì không thể nào được…nhưng cũng có phép lạ, đó là điều chắc chắn. Chậc, sau này khi nằm chờ chết ở Messina, cái ý nghĩ ấy đến với ta: ngày trước ở Paris, vào buổi tối hôm đó mi có nhắm mắt trước một phép lạ hay không? Sẽ không thoải mái tí nào cả, Baldini ơi! Cứ để cho cái thằng điên này làm phí vài giọt dầu hoa hồng và xạ hương, giả tỉ mi vần còn quan tâm đến cái nước hoa của gã Pélissier chết tiệt kia thì chính mi cũng đã làm phí rồi. Cho dù đắt, hết sức đắt thì vài giọt nào có nghĩa gì khi sánh với sự biết chắc chắn và một tuổi già thanh thản?”

“Nghe đây”, ông nói với giọng làm ra vẻ nghiêm khắc “nghe đây, Ta…mày tên gì nào?”

“Grenouille”, Grenouille đáp. “Jean-Baptiste Grenouille.”

“Ờ”, Baldini nói “Chú ý này, Jean-Baptiste Grenouille! Ta đã cân nhắc. Mày cần có được cơ hội bây giờ, ngay tưc thì, để chứng minh sự khẳng định của mày. Đây đồng thời cũng là cơ hội để cho mày học lấy đức khiêm tốn qua sự thất bại thảm hại, ở tuổi mày, đức tính ấy chưa phát triển nên có thể tha thứ được, khiêm tốn là một điều kiện tiên quyết không thể thiếu được cho sự tiến thân sau này của mày với tư cách một thành viên của phường hội và đẳng cấp của mày, một người chồng, một thần dân, một con người và một tín đồ gương mẫu. Ta sẵn sàng dạy cho mày bài học ấy với sự tốn kém của ta bởi hôm nay ta thấy hào phóng vì những nguyên do nhất định và biết đâu có thể một ngày nào đó nhớ lại được cái màn này ta cảm thấy vui lòng. Nhưng đừng nghĩ rằng mày có thể bịp ta được. Mũi của Giuseppe Baldini này tuy già nhưng vẫn còn nhậy, còn đủ nhậy để xác định tức thì cả sự khác biệt nhỏ nhất giữa cái mày trộn và…” nói tới đây ông rút ra từ túi áo cái khăn thấm Amor và Psyche và phe phẩy trước mũi Grenouille “…cái sản phẩm này. Lại gần đây, cái mũi nhậy nhất Paris! Lại gần cái bàn này và chứng minh tài cán của mày! Nhưng cẩn thận, đừng làm đổ bể gì hết! Đừng đụng đến vội! Ta phải làm cho sáng hơn đã. Chúng ta muốn thật sáng mắt với cái thí nghiệm nhỏ này, đúng không?”

Thế là ông lấy hai cây nến nữa trên cạnh bàn gỗ sồi to tướng, thắp lên. Ông để ba cây nến sát nhau trên rìa sau, đẩy chỗ da sang một bên, dọn trống phần giữa bàn. Rồi nhanh mà chắc chắn, ông lấy ra từ cái giá nhỏ những dụng cụ cần thiết cho công việc: một cái bình cổ cong thật to để trộn, một cái phễu thuỷ tinh, một ống hút, hai cái ly để đong, một to, một nhỏ, đặt ngay ngắn trước mặt trên một phiến gỗ sồi.

Trong lúc đó thì Grenouille đã rời khỏi khung cửa. Ngay trong lúc Baldini còn thao thao bất tuyệt với những lời hoa mỹ thì nó đã mất đi cái dáng điệu cứng đơ co rúm của một con vật rình mồi. Nó chỉ nghe thấy sự cho phép, chỉ nghe thấy cái từ “Ừ” với sự reo hò trong lòng của một đứa bé quá cứng đầu đã đạt được nhượng bộ mà không thèm đếm xỉa đến những hạn chế, những điều kiện và những lời giáo huấn kèm theo. Nó đứng đó thoải mái, lần đầu tiên giống người hơn vật, mặc cho Baldini nói tiếp, nó biết rằng nó đã thắng ông rồi.

Trong lúc Baldini còn cắm nến lên bàn thì Grenouille đã tọt sang góc tối, nơi để kệ với những tinh dầu, dầu và tinh chất đắt tiền, theo sự đánh hơi chắc chắn của mũi mà chộp những chai lọ cần thiết. Nó lôi xuống chín thứ cả thảy: tinh dầu hoa cam, dầu cam chanh, dầu đinh hương, dầu hoa hồng, tinh chất của hoa nhài, của cam chanh, của đồng thảo, cồn xạ hương, nhựa tô hợp hương đặt ngay ngắn lên bàn. Sau cùng nó vần đến một hũ rượu tinh cất. Rồi nó lại sau lưng Baldini, run lên vì nôn nóng, chờ ông già tránh sang bên, nhường chỗ trong khi ông vẫn còn đang sắp xếp những bình để trộn với một vẻ tỉ mỉ một cách quá đáng, xích bình này một chút, xê lọ nọ tới chỗ kia, mọi thứ nằm đúng theo cái trật tự quen thuộc và được mấy cây nến rọi sáng nhất.

“Xong!” sau cùng Baldini nói và bước sang một bên. “Mọi thứ mày cần để thí nghiệm – cứ gọi thế cho oai – đã được sắp xếp ngay ngắn! Đừng làm bể! Đừng làm đổ! Và nhớ rằng những chất lỏng mà mày được đụng đến trong năm phút này rất đắt và rất hiếm, mày sẽ không còn có dịp nào nữa trong đời được cầm trong tay dưới cái dạng đậm đặc như thế đâu!”

“Maitre, tôi phải làm bao nhiêu cho ông?” Grenouille hỏi.

“Làm cái gì?” Balidini bị ngắt lời, hỏi lại.

“Bao nhiêu nước hoa? “ Grenouille khò khè “ông muốn có bao nhiêu? Tôi làm đầy ắp cái bình bự này nhé?” và nó chỉ vào cái bình để trộn, chắc phải đến ba lít.

“Không, không được!” Baldini rú lên kinh hoàng, tiếng rú tự phát đồng thời mang nỗi sợ thâm căn cố đế trước sự phí phạm của cải của ông. Chừng như xấu hổ vì cái tiếng rú phới bày sự thật, ông hét toáng lên ngay sau đó “Còn mày cũng không được ngắt lời ta!” rồi nói tiếp với một giọng bình thản gần như châm biếm “Cần gì tới ba lít cái thứ nước hoa mà cả mày lẫn ta đều coi thường ấy? Thật ra chỉ cần một nửa cái ly để đong cũng đủ. Nhưng ít quá như vậy khiến khó trộn được chính xác cho nên ta cho phép mày làm một phần ba cái bình để trộn ấy”.

“Được” Grenouille nói “Tôi sẽ đổ đầy một phần ba cái bình này với Amor và Psyche.Nhưng mà Maitre Baldini ạ, tôi sẽ làm theo cách của tôi. Tôi không rõ đó có phải là cách của phường hội hay không vì tôi không được biết cách đó, nhưng tôi sẽ làm theo cách của tôi”.

“Được thôi” Baldini nói nhưng biết rằng trong nghề này không có cách của tôi hay của anh mà chỉ có một thôi, một cách duy nhất đúng qua sự biết công thức và qua những tính toán thích hợp dựa trên lượng nước hoa muốn có mà tìm ra lượng những tinh dầu khác nhau đã được cô lại, rồi sẽ phải cân đo hết sức chính xác, rồi cuối cùng trộn với rượu cũng với một tỷ lệ chính xác, thường là giữa một phần mười hay một phần hai mươi, thành nước hoa. Ông biết rõ rằng không có cách nào khác. Chính vì thế mà lúc đầu ông còn lạnh nhạt cười nhạo những gì ông được thấy, rồi hoang mang và cuối cùng chỉ còn biết vô cùng sửng sốt theo dõi như thể toàn là phép lạ xuất hiện. Cảnh này ghi sâu trong trí ông khiến cho đến khi nhắm mắt ông cũng không thể nào quên.
 
Chương 15


Thoạt tiên thằng nhóc Grenouille mở nút hũ đựng rượu tinh cất. Nó bê cái hũ lên một cách khó khăn. Vì cái bình để trộn và cái hũ thuỷ tinh để cao quá nên nó phải nâng lên tới gần ngang đầu, nghiêng hũ để rót thẳng rượu sang bình trộn, không dùng đến ly đong. Baldini thấy rợn người vì cái tên quá sức vô tài bất tướng này, không những nó đã đảo lộn mọi quy tắc trong thuật chưng cất nước hoa vì đã sử dụng ngay dung môi dù chưa có tinh chất sẵn để hoà tan mà sức vóc như thế kia thì nó còn pha với chế gì cho nổi! Người nó run lẩy bẩy vì cố gắng quá mức, Baldini chỉ còn có nước chờ từng giây từng phút cái hũ nặng kia sẽ rơi xuống, làm bể tan tành mọi thứ trên bàn. Mấy cây nến, Chúa ơi, ông chợt nhớ ra mấy cây nến! Sẽ nổ mất! Nó đốt nhà tôi! Ông định nhảy tới để giằng cái hũ rượu ra khỏi tay thằng khùng đó thì Grenouille đã đặt hũ rượu xuống nền nhà không chút suy suyển rồi nút nó lại. Trong cái bình trộn sóng sánh cái chất lỏng nhẹ và trong, không giọt nào bắn ra ngoài. Grenouille thở lấy sức một chút, gương mặt đầy vẻ hài lòng như thể đã làm xong cái phần việc nặng nhất rồi. Đúng như thế, những việc tiếp theo xảy ra với một tốc độ mà Baldini nhìn theo cũng không kịp chứ chưa nói tới có thể nhận ra được thứ tự hay một tiến trình lớp lang nào.

Nhìn thì thấy Grenouille như thể chụp tuỳ tiện vào cái dãy chai lọ đựng tinh dầu, giật nút thuỷ tinh lọ này, đưa lên mũi một giây, rẩy vào phễu; nhỏ ít giọt từ lọ kia, rót một tí xíu từ lọ thứ ba và tiếp tục như thế. Ống hút, ly thử, ly đong, muỗng con, que khuấy, là những thứ mà nhà chế tạo nước hoa cần trong quá trình trộn phức tạp thì Grenouille không đụng đến lấy một lần. Nó làm như thể đó chỉ là một trò chơi, như thể nó đập và vọc nước, giống một đứa con nít bỏ cỏ, đất và nước vào nấu chung rồi nhất định bảo cái món gớm ghiếc này là canh. Phải, như một đứa con nít, Balidni nghĩ thầm, bỗng dưng trông nó như một đứa con nít thật dù hai bàn tay to xù, dù khuôn mặt chằng chịt những sẹo và cái mũi to như mũi ông già. Ta cứ nghĩ là nó lớn hơn đấy, giờ thì nó lại có vẻ nhỏ hơn, như chỉ ba hay bốn tuổi thôi, như những người vượn nhỏ thó, khó gần gũi, khó hiểu và ngang ngạnh, tưởng như ngây ngô, chỉ biết có mình trên cõi đời, họ muốn thống trị thế giới một cách bạo ngược và hẳn sẽ làm thế thật nếu được tự do thực hiện cuồng vọng của họ, mà không bị những biện pháp giáo dục chặt chẽ nhất khép dần vào kỷ luật để cuối cùng trở thành con người trưởng thành biết tự chủ lấy mình. Một đứa con nít ngông cuồng như thế tiềm ẩn trong thằng nhỏ này đây, nó đứng cạnh bàn, mắt ngời sáng, quên mọi thứ chung quanh, chừng như không biết rằng trong xưởng có gì khác ngoài nó và những chai lọ mà nó vụng về nhưng nhanh nhẹn nâng lên phễu để trộn cái nước hoa điên rồ của nó và rồi sẽ quả quyết rằng đó là nước hoa tuyệt diệu Amor và Psyche, và tự nó cũng tin như thế thật chứ! Baldini thấy rờn rợn khi ông quan sát cái con người đang làm cái việc ấy một cách hết sức ngược đời nhưng hết sức tự tin trong ánh nến lung linh. Ngày trước thì những hạng người như nó không thể nào có được, nó là một mẫu người mới, chỉ có thể sinh ra trong cái thời buổi suy đồi và băng hoại này thôi, ông thầm nghĩ và lại chợt buồn, thấy khốn khổ và tức giận như lúc xế chiều ông đứng nhìn cái thành phố đỏ rực trong ánh hoàng hôn…Nhưng nó cần phải nhận được một bài học, cái thằng oắt con mà cao ngạo này! Sau màn biểu diễn lố bịch này ông sẽ cạo cho cái đồ rác rưởi kia một trận để cho nó lủi thủi cuốn gói, lẻn đi với cái tướng nhẫn nhục của một tên vô danh tiểu tốt lúc nó mới đến.

Quân vô lại! Thời buổi này thật chẳng còn nên giao du với ai nữa vì nhan nhản toàn là phường vô lại nhố nhăng!

Baldini mải lo tức giận ngấm ngầm và kinh tởm thời đại nên khi Grenouille chợt nút lại tất cả các bình lọ, nhấc phễu ra khỏi bình trộn, bịt bằng tay trái rồi lắc lia lịa thì ông không hiểu thế nghĩa là gì. Chỉ sau khi cái bình xoay tít nhiều lần trong không khí, cái chất quý báu bên trong từ thân vọt lên cổ bình rồi lại chảy xuống thân như nước chanh, thì Baldini mới bật ra tiếng kêu giận dữ và kinh hoàng “Ngừng lại!” ông kêu thất thanh “Đủ lắm rồi! Ngừng lại! Basta! Đặt ngay cái bình xuống bàn và không được đụng tới nữa, hiểu chưa? Cấm! Ta đúng là điên nên mới đi nghe những lời bá láp vớ vẩn của mày. Cái cung cách mày sử dụng đồ vật, sự thô bạo của mày, sự ngu muội ấu trĩ của mày cho thấy mày là một thằng làm ăn ẩu tả mọi rợ, hơn thế nữa, một thằng nhãi bẩn thỉu hỗn hào khốn kiếp. Ngay cả pha nước chanh mày cũng không làm nổi, bán nước cam thảo mày cũng không làm nổi chứ đừng nói tới chuyện trở thành nhà chế tạo nước hoa! Mày nên mừng, nên biết ơn và hài lòng khi chủ mày tiếp tục cho phép mày nghịch nước nhuộm da! Đừng có mà liều lĩnh một lần nữa, nghe chưa, đừng có mà liều lĩnh một lần nữa bén mảng tới ngưỡng cửa của một nhà chế nước hoa!”

Baldini nói như thế đấy. Và trong lúc ông đang còn nói thì căn phòng quanh ông đã đẫm mùi Amor và Psyche. Nước hoa cớ sức thuyết phục hơn lời nói, ánh mắt, cảm tính và ý muốn. Sức thuyết phục của nước hoa thì không chống lại được, nó đi vào bên trong ta như hơi thở đi vào phổi, nó rót vào ta, nó tràn ngập ta, không có gì cưỡng lại được.

Grenouille đặt cái bình xuống, chùi bàn tay bịt cổ bình đẫm nước hoa vào gấu áo. Bị Baldini sỉ vả một thôi một hồi, nó lùi lại một hai bước, lóng ngóng gập người lại làm không khí lan ra như sóng, mang theo mùi nước hoa mới hoàn thành. Không cần đợi lâu hơn nữa. Tuy Baldini vẫn còn giận dữ, kêu trời và chửi mắng nhưng cái vẻ ngoài tức tối giảm đi, theo từng hơi thở. Ông đã cảm thấy mình thua rồi nên chỉ còn biết làm cho những lời cuối thêm phần lâm ly, rỗng tuếch. Rồi khi mà ông lặng thinh, lặng thinh một lúc lâu thì ông không cần phải đợi Grenouille nói “xong” nữa. Ông đã biết rồi.

Tuy vậy, tuy lúc này không khí nặng trĩu Amor và Psyche trùm lên ông từ mọi phía, ông vẫn bước lại cái bàn gỗ sồi cũ kỹ để kiểm chứng. Ông rút từ túi áo bên trái một cái khăn sạch và trắng như tuyết, giở ra, dùng ống hút vài giọt từ bình trộn chấm lên khăn. Ông duỗi tay, lắc khăn để bay bớt mùi cồn rồi bằng động tác mềm mại lão luyện kéo khăn mũi, hít mạnh hơi nước hoa. Ông ngồi xuống ghế đẩu trong lúc thở ra từng đợt ngắn. Mặt ông đang đỏ tía vì cơn thịnh nộ bỗng tái nhợt. “Không tin nổi”, ông khẽ lẩm bẩm, “Chúa ạ, không tin nổi!” rồi lại gí mũi vào khăn, ngửi, lắc đầu và lẩm bẩm “không tin được”, đúng là Amor và Psyche, không còn chút nghi ngờ nào nữa, đúng là Amor và Psyche, cái nước hoa tài tình mà đáng ghét, bắt chước y hệt, khiến ngay đến Pélissier hẳn cũng không thể phân biệt được với sản phẩm của gã.

Baldini vĩ đại mặt tái nhợt ngồi co ro trên ghế đẩu với cái khăn đưa lên mũi trông thật khôi hài, cứ như một cô gái bị sổ mũi. Ông như bị á khẩu, không còn lẩm bẩm “không tin được” nữa mà chỉ còn buột ra những tiếng đơn điệu “hừm..hừm..hừm…hừm” trong lúc liên tục gục gặc đầu, mắt nhìn trân trối cái bình trộn. Một lúc sau Grenouille lại gần, như một cái bóng bước không một tiếng động đến cạnh bàn.

“Đó không phải là thúc nước hoa tốt”, nó nói, “nó được trộn rất tồi”.

“Hừm, hừm, hừm” Baldini nói và Grenouille tiếp “Maitre, nếu ông cho phép, tôi sẽ làm cho tốt hơn. Cho tôi một phút, tôi sẽ biến nó thành nước hoa thích hợp cho ông”.

“Hừm, hừm, hừm, hừm” Baldini gật đầu. Chẳng phải vì đồng ý mà vì ông đang ở trong một trạng thái uể oải đến nỗi ông cũng sẽ “hừm hừm” và gật đầu với mọi người và mọi việc. Rồi ông tiếp tục gật và lẩm bẩm “hừm hừm” , cũng chẳng tỏ ra ngăn cản khi Grenouille bắt đầu trộn lần thứ nhì: rót thêm cồn tinh chất từ trong cái hũ vào chiếc bình trộn đựng nước hoa có sẵn, cũng vẫn lấy chai lọ thể như tuỳ tiện, rót đại vào phễu. Lần này khi gần cuối quy trình, Grenouille không lắc mạnh bình nữa mà xoay nhẹ như thể xoay một ly rượu cô nhắc, có thể vì tôn trọng sự nhạy cảm của Baldini, có thể đối với nó vì lần này nước hoa quý giá hơn – chỉ khi mà cái chất lỏng xoáy trong chai thì Baldini mới bừng tỉnh khỏi trạng thái hôn mê, đứng dậy, dĩ nhiên vẫn với cái khăn trước mũi, như thể ông vũ trang để chống lại một cuộc tấn công mới vào nội tạng của ông .

“Xong rồi, Maitre” Grenouille nói “Bây giờ là nước hoa tốt đấy”.

“Ừ, được rồi, được rồi” Baldini nói, phẩy cái tay không cầm khăn.

“Ông không muốn thử sao?” Grenouille tiếp tục khò khè. “Không ư, Maitre? Không thử sao?”

“Lát nữa, bây giờ ta chưa định thử…ta còn bận nghĩ đến chuyện khác. Mày về đi! Nhanh!”

Rồi ông cầm một cây nến đi ra cửa, sang chỗ bán hàng. Grenouille bước theo, đi qua cái hành lang hẹp dẫn ra cổng dành cho người làm. Ông già lê ra cửa, kéo then mở cổng. Ông né sang bên cho thằng nhỏ đi qua.

“Tôi được làm việc cho ông không? Được không ?” Grenouille hỏi, đứng nơi bậu cửa, lại co người, lại nhìn rình rập.

“Ta không biết” Baldini đáp “ta sẽ suy nghĩ. Thôi đi đi!”

Grenouille bị bóng đêm nuốt chửng. Baldini còn đứng đó, nhìn trân trối vào bóng đêm. Tay phải cầm nến, tay trái cầm khăn như một người bị chảy máu mũi nhưng thật ra ông sợ. Ông cài then vội vàng. Rồi nhét cái khăn đang che mặt vào túi, đi ngang chỗ bán hàng trở vào xưởng.

Mùi thơm thật tuyệt diệu khiến ông ứa nước mắt. Ông không cần thử, chỉ cần đứng ngay bàn, trước cái bình trộn mà ngửi. Cái nước hoa mới thơm làm sao. So sánh với Amor và Psyche như một bản giao hưởng so với tiếng cò cử lẻ loi của một cây vĩ cầm. Hơn nữa chứ. Baldini nhắm mắt và sống lại những kỷ niệm tuyệt vời nhất. Ông thấy mình là một thanh niên trẻ trung đi trong các công viên ở Napoli khi hoàng hôn xuống, thấy mình nằm trong vòng tay của một thiếu phụ tóc đen, nhìn bóng một bó hoa hồng trên thành cửa sổ khi làn gió đêm thoảng qua, nghe tiếng lũ chim ríu rít bay đi và tiếng nhạc vọng từ một quán nước trên bến cảng, ông nghe tiếng thì thầm sát bên tai, nghe thấy tiếng em yêu anh thấy tóc dựng lên vì sung sướng tuyệt đỉnh, bây giờ! Ngay lúc này đây! Ông mở cboàng mắt và rên lên sảng khoái. Nước hoa này không giống thứ đã biết. Đó không phải là thứ làm cho người ta thơm hơn, không phải bột thơm, không phải đồ trang điểm. Nó hoàn toàn mới, có thể tạo dựng cả một thế giới thần diệu, tráng lệ khiến người ta quên ngay những bực bội quanh mình và cảm thấy rất giàu có, rất thoải mái, rất tự do, rất cao thượng…

Những cái lông xù lên trên cánh tay của Baldini xẹp cả xuống và tâm hồn ông thanh thản tuyệt vời. Ông cầm tấm da lừa nằm cạnh bàn , lấy dao xén. Rồi ông để những miếng da vào trong cái bồn thuỷ tinh, rót nước hoa mới lên trên. Ông nhấn một tấm kính vào bồn rồi chắt nước hoa thừa vào hai cái lọ con, dán nhãn đề Nuit Napolitaire (Đêm Napoli) rồi ông tắt đèn, đi lên lầu.

Ông không nói gì với vợ trong bữa ăn. tất nhiên là không đả động gì đến cái quyết định long trọng mà ông toan tính hồi chiều. Vợ ông cũng không nói gì cả vì thấy ông vui vẻ là bà mãn nguyện lắm rồi. Ông cũng không đi sang Notre-Dame để cám ơn Chúa đã ban cho ông cá tính mạnh. Chẳng những thế, đêm ấy là lần đầu tiên ông quên cả đọc kinh.
 
Chương 16


Sáng hôm sau ông đi ngay tới tìm Grimal. Trước hết ông trả tiền tấm da lừa và trả đúng giá, không cằn nhằn cũng không mặc cả. Rồi ông mời Grimal đi uống một chai vang trắng ở quán Tour d’Argent để thương lượng mua lại gã học việc Grenouille. Tất nhiên ông không lộ ra tại sao lại cần nó và để làm gì. Ông bịa ra là được đặt một số lượng da tẩm nước hoa mà ông cần phải có một thợ phụ không rành nghề giúp mới làm xuể. Một gã cho gì chịu nấy, làm giúp ông những việc đơn giản nhất, cắt da vân vân. Ông gọi thêm một chai vang nữa và đề nghị trả Grimal hai mươi livre bồi thường do những phiền toái gây ra khi thiếu Grenouille. Hai mươi livre là một số tiền kếch sù cho nên Grimal đồng ý ngay.

Họ trở lại xưởng thuộc da và lạ lùng thay Grenouille đã đợi sẵn ở đó với gói hành lý đâu vào đấy. Baldini trả hai mươi livre, dẫn nó theo, chắc chắn là đã làm một vụ buôn bán tuyệt nhất trong đời.

Grimal, cũng tự cho là đã làm một vụ buôn bán tuyệt nhất trong đời, quay lại quán Tour d’Argent, uống thêm hai chai vang nữa rồi gần trưa lại sang quán Lion d’Or bên bờ bên kia, chẳng thèm giữ gìn, uống say mèm đến nỗi khuya hôm ấy khi định quay sang Tour d’Argent lần nữa, hắn lộn Rue Geoffoi l’Anier với Rue des Nonaindières cho nên thay vì gặp ngay Pont Marie như dự tính thì trớ trêu sao lại lac đến Quai des Ormes, để rồi ngã sóng soài đập mặt xuống nước như một cái giường mềm. Hắn chết ngay tức thì. Còn dòng sông thì cần phải có đủ thời gian để kéo hắn từ chỗ bờ cạn, lách qua những tàu thuyền đậu ở đó ra giữa dòng nước chảy siết hơn, và mãi hửng sáng tay thợ thuộc da Grimal, hay đúng hơn là cái xác ướt sũng của hắn, mới theo dòng trôi nhanh về hướng tây.

Trong khi hắn lặng lẽ trôi dưới Pont au Change và không va vào chân cầu thì phía trên hắn hai mươi mét, Grenouille cũng vừa đi ngủ. Nó leo lên cái phản được đặt một góc ở trong xưởng của ông Baldini trong khi chủ cũ của nó giang hết chân tay trôi theo dòng Seine lạnh lẽo. Nó thoải mái cuộn người lại như con bọ chét. Nó càng lúc càng chìm sâu vào hơn trong chính nó cùng với giấc ngủ, ca khúc khải hoàn tiến vào pháo đài bên trong nó, mơ một lễ mừng chiến thắng ngát hương, một buổi truy hoan nghi ngút khói trầm và hương mật nhi lạp để chào mừng chính nó.
 
Chương 17


Giuseppe Baldini trở nên nổi tiếng khắp cả nước, cả Châu Âu, sau khi mua được Grenouille. Tại cửa hàng trên Pont au Change, bộ chuông Ba Tư không ngớt rung và mấy con cò không ngừng nhả nước.

Ngay tối đầu tiên Grenouille đã phải làm một hũ to Nuit Napolitaire mà chỉ trong vài ngày đã bán được hơn tám mươi lọ con. Tiếng tăm của nước hoa này lan nhanh như sóng. Mắt Chénier đờ đẫn vì đếm tiền và lưng đau nhức vì phải gập người chào bởi vì khách hàng toàn là những ông to bà lớn, thậm chí cực lớn hay ít nhất cũng là gia nhân của các vị ấy. Có lần cửa bị đẩy tung đến nỗi bật tới bật lui, kêu lách cách, một tên hầu của bá tước d’Argenson bước vào hét rằng ngài muốn có năm chai nước hoa loại mới; chỉ có lũ hầu mới có thể hét to đến thế, mãi mười lăm phút sau Chénier vẫn còn run vì kinh sợ bởi bá tước d’Argenson là đổng lý văn phòng ngự tiền kiêm thượng thư bộ binh của Đức Hoàng thượng và là người quyền thế nhất Paris.

Trong khi Chénier phải một mình chèo chống với làn sóng của khách hàng thì Baldini rút vào xưởng với gã học việc mới. Ông biện minh tình trạng này với Chénier bằng một lý thuyết kỳ quái mà ông gọi là “phân công và hợp lý hoá”. Ông giải thích rằng suốt nhiều năm qua ông đã nhẫn nại chứng kiến Pélissier và những tay coi thường phường hội cùng một giuộc như gã lôi kéo khách hàng, làm cho cửa hàng lụn bại. Bây giờ sự nhẫn nại ấy chấm dứt. Bây giờ ông chấp nhận sự thách thức và trả đòn bọn mới phất theo đúng cách của chúng: mỗi mùa, mỗi tháng, nếu cần thì mỗi tuần ông sẽ tung ra nước hoa mới và nước hoa ra nước hoa nhé! Ông sẽ dựa trên sức sáng tạo tràn trề di truyền. Muốn thế, ông cần tập trung tất cả vào sản xuất nước hoa, chỉ với sự trợ giúp của một thợ phụ không rành nghề, còn Chénier thì phải chuyên tâm mua bán. Với phương pháp hiện đại này ta sẽ mở một chương mới trong lịch sử ngành nước hoa, quét sạch bọn cạnh tranh và sẽ giàu không thể tưởng tượng được, phải, ông cố ý nhấn mạnh từ “ta” vì ông có ý muốn cho người phụ việc lâu năm này được chia sẻ một phần nhất định của sự giàu sang không lường nổi ấy.

Nếu là mấy bữa trước hẳn Chénier cho những lời này của chủ là triệu chứng bắt đầu bệnh cuồng của tuổi già. “Ông ấy đến phải đi nằm Charité mất thôi”, hẳn ông ta sẽ nghĩ thế “chẳng còn bao lâu nữa ông ấy sẽ vĩnh viễn buông chày thôi”. Còn bây giờ thì ông ta chẳng nghĩ gì cả. Nhiều việc quá nên không còn nghĩ được nữa. Ông ta bận tối tăm mặt mũi đến nỗi đêm đêm kiệt sức không dọn nổi két tiền đầy khẳm và kín đáo thuổng cái phần của mình. Dù có nằm mơ ông ta cũng không thể nghi ngờ rằng mọi chuyện không tiến triển tốt khi mà gần như mỗi ngày đều thấy Baldini mang từ xưởng ra một loại nước hoa mới.

Và nước hoa như thế mới là nước hoa chứ! Không chỉ nước hoa thượng hảo hạng mà còn kem, bột, xà bông, thuốc gội đầu, thuốc lau mặt, dầu…tất cả những gì vốn thơm bây giờ thơm hoàn toàn mới, khác hẳn và tuyệt diệu hơn trước kia. Và cứ như bị bỏ bùa mê, người ta nhào vào mua mọi thứ bất kể giá cả, đúng là mọi thứ, ngay cả cái ruy băng kiểu mới tẩm nước hoa nảy sinh trong một lúc bốc đồng của Baldini.

Mọi thứ Baldini sản xuất đều thành công. Và thành công vượt mức đến nỗi Chénier chấp nhận như một hiện tượng tự nhiên và không còn tìm hiểu căn nguyên nữa. Nếu có ai nói với ông ta rằng biết đâu cái gã học việc mới, cái thằng lùn vụng về vẫn ở trong xưởng như một con chó và thỉnh thoảng khi ông chủ bước ra, người ta thấy nó đứng phía sau lau bình, chùi cối giã, biết đâu cái thằng chẳng bằng con số không ấy có liên quan đến sự phồn thịnh gần như hoang đường của cửa hiệu thì chẳng khi nào Chénier lại chịu tin.

Tất nhiên là thằng lùn ấy liên quan đến mọi thứ. Những thứ mà Baldini mang ra tiệm để Chénier bán chỉ là một phần vụn vặt những gì Grenouille đã trộn sau cánh cửa đóng kín. Baldini ngửi không kịp. Đôi khi ông như bị giày vò khi phải chọn trong những thứ tuyệt hảo Grenouille đã làm ra. Cái thằng phụ việc như có phép thần thông này có thể cung cấp cho mọi nhà chế nước hoa trên nước Pháp mà công thức không bao giờ trùng lập, không bao giờ cho ra một thứ phẩm chất kém hay trung bình. Thật ra thì nó không thể cung cấp cách thức, tức là công thúc cho họ được vì trước hết Grenouille sáng tác nước hoa của nó theo cái cách hỗn loạn và hoàn toàn không chuyên nghiệp như Baldini đã từng biết, nghĩa là nó trộn các thành tố tuỳ hứng và hết sức lộn xộn. Để nếu không kiểm soát được thì ít nhất cũng hiểu được công chuyện, một ngày nọ Baldini đòi Grenouille phải dùng cân, ly đong và ống hút khi trộn, cho dù nó thấy không cần thiết, ngoài ra nó còn phải tập thói quen không coi rượu tinh cất như hương liệu mà là dung môi, chỉ cho vào lúc cuối cùng, và sau hết, lạy Chúa, nó phải làm chầm chậm, từ từ, chậm rãi đúng kiểu nghệ nhân.

Grenouille vâng lời. Lần đầu tiên Baldini có thể theo dõi từng động tác của gã phù thuỷ và ghi chép lại. Ông ngồi cạnh Grenouille với giấy bút ghi chú, miệng không ngớt kêu chậm lại, bao nhiêu gam chất này, mấy vạch trên ly đong chất kia, Bao nhiêu giọt của chất thứ ba đã vào bình trộn. Bằng cái cách lạ lùng này, nghĩa là phân tích một quy trình sau khi đã kết thúc bằng chính những phương tiện cân đong, đo đếm mà lẽ ra bắt buộc phải dùng đến trước khi thực hiện quy trình, cuối cùng Baldini cũng có được một tập quy tắc tổng hợp. Bằng cách nào Grenouille vẫn trộn được nước hoa của nó mà chẳng cần đến những nguyên tắc kia thì đối với Baldini vẫn là một câu đố, một phép lạ mới đúng; ít ra ông cũng đã tóm được cái phép lạ ấy dưới dạng công thức và cái đầu óc thèm khát nguyên tắc của ông được thoả mãn đôi chút, đồng thời giữ được cái hình ảnh về thế giới nước hoa của ông khỏi sụp đổ hoàn toàn.

Dần dà ông moi được từ Grenouille cách thức của mọi thứ nước hoa nó đã tìm ra; ông còn cấm nó không được trộn nước hoa mới mà không có mặt của ông để ông quan sát căn kẽ và ghi lại xuống giấy từng bước của quy trình. Những ghi chú này chẳng mấy chốc đã thành vài chục công thức được ông ghi tỉ mỉ với nét chữ nắn nót trong hai quyển sổ nhỏ, một quyển cất trong cái tủ không cháy đựng tiền, quyển kia ông luôn mang trong người ngay cả khi đi ngủ. Ông thấy yên tâm, vì bây giờ, nếu muốn, ông có thể làm lại cái phép lạ mà Grenouille đã làm ông hết sức rung động khi chứng kiến lần đầu. Với bộ công thức này ông tin là có thể chấm dứt sự hỗn loạn khủng khiếp trong sáng tạo tuôn ra từ gan ruột của gã học việc. Ngay cái chuyện ông không còn chỉ biết thộn mặt ngạc nhiên mà đã tham gia những hoạt động sáng tạo bằng sự quan sát và ghi chép cũng làm yên tâm và củng cố lòng tin của Baldini. Ít lâu sau ông còn tin rằng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra những loại nước hoa tuyệt vời ấy. Và một khi đã ghi nó vào trong sổ rồi, cất kỹ trong tủ sắt cũng như mang nó sát trước ngực thì ông chẳng hề nghi ngờ gì nữa rằng, đó là công trình của ông và chỉ của ông mà thôi.

Nhưng Grenouille cũng có cái lợi qua cung cách kỷ luật mà Baldini ép buộc. Thực ra nó không cần phải thế. Dẫu mấy tuần hay mấy tháng sau nó chẳng phải tra công thức mới chế lại được một loại nước hoa vì nó không bao giờ quên mùi cả. Nhưng qua sự cưỡng bách sử dụng ly đong, cân mà nó học được tiếng nhà nghề của ngành nước hoa và qua bản năng nó nhận ra rằng biết cái ngôn ngữ ấy có thể có lợi. Sau vài tuần Grenouille không những biết tên mọi thứ hương liệu trong xưởng của Baldini mà nó còn tự viết ra được công thức nước hoa của nó và ngược lại, làm ra nước hoa và những sản phẩm thơm từ những công thức mới lạ. Hơn thế nữa, một khi nó đã học được cách phô diễn cái ý nghĩ về nước hoa của nó bằng gam và giọt thì nó không cần tới cái bước thí nghiệm trung gian nữa. Khi Baldini giao nó làm loại nước hoa mới cho khăn mùi soa, cho túi bột thơm hay cho phấn trang điểm thì Grenouille không đụng tới chai hay bột nữa mà ngồi ngay vào bàn, viết ra liền công thức. Nó đã học được cách thêm sự hình thành công thức vào con đường đi từ sự hình dung mùi thơm đến nước hoa hoàn chỉnh. Theo nó thì đó là con đường vòng. Trong con mắt thế gian, nghĩa là con mắt Baldini, thì đó gọi là bước tiến bộ. Muốn gọi là gì thì gọi, phép lạ của Grenouille vẫn là phép lạ. Nhưng mà việc nó thực hiện phép lạ theo công thức làm cho đôi mắt kia bớt sợ và vì thế chỉ có lợi thôi. Grenouille càng thành thạo các công cụ và mánh lới trong nghề, càng biết diễn đạt bình thường bằng ngôn ngữ của ngành nước hoa thì chủ của nó đỡ sợ và bớt nghi ngại. Chẳng bao lâu sau Baldini không còn coi nó như một Frangipani thứ hai, thậm chí một tay phù thuỷ đáng sợ nữa, tuy vẫn còn đánh giá nó là một con người có biệt tài về mùi, Grenouille thấy vậy càng hay. Với nó thì cái tập tục trong nghề thủ công là một cái vỏ ngụy trang tốt. Rõ ràng nó ru ngủ Baldini qua cái cung cách mẫu mực khi cân các chất phụ gia, khi lắc cái bình trộn, khi rẩy nước hoa lên cái khăn thử màu trắng. Nó vẩy khăn mềm mại, kéo ngang mũi điệu nghệ gần bằng ông chủ. Với những cách quãng có tính toán, nó thỉnh thoảng cố ý làm sai để cho Baldini phải trông thấy như quên không lọc, chỉnh cân sai, viết tỉ lệ cồn long diên hương cao một cách phi lý trong công thức…để được chỉ cho thấy sai lầm và sửa hết sức cẩn trọng. Qua đó nó thành công trong việc ru ngủ Baldini với cái ảo tưởng rằng rút cuộc mọi sự suôn sẻ cả. Nó thật không muốn lừa ông già. Nó thật muốn học ở ông. Không phải cách trộn nước hoa, không phải sự cấu tạo hợp lý của mùi thơm, tất nhiên rồi! Trong lãnh vực này trên thế giới không có ai dạy nó được chút gì và những chất có sẵn trong cửa hiệu của Baldini còn lâu mới đủ để thực hiện loại nước hoa tuyệt vời mà nó hình dung. Những gì thuộc về mùi mà nó làm ở tiệm của Baldini chỉ là trò trẻ con so với những mùi nó trữ trong người nó mà nó dự tính sẽ thực hiện một ngày nào đó. Nó biết rằng muốn thế phải hội đủ hai điều kiện: một là cái vỏ của đời sống trung lưu, ít nhất của một thợ lành nghề để nó có thể miệt mài với những say mê và theo đuổi thực sự dưới lớp vỏ kia mà không gặp trở ngại, hai là sự hiểu biết về những phương pháp thủ công để tạo ra, để cách ly, để cô đặc và bảo quản hương liệu vì chỉ như thế mới có thể có hương liệu sẵn sàng cho những sử dụng cao cấp hơn. Tuy Grenouille có cái mũi nhậy nhất thế giới cả về phân tích lẫn tưởng tượng thật nhưng nó chưa có khả năng làm chủ mùi thật sự.
 
Chương 18


Cho nên nó vui vẻ học nghệ thuật nấu xà bông từ mỡ heo, may găng tay từ loại da giặt được, trộn bột thơm từ bột mì, vỏ hạnh nhân xay nhỏ và rễ cây đồng thảo. Nó học lăn nến thơm từ than củi, hoả tiêu và mùn cưa gỗ đàn hương. Học ép kẹo thơm theo kiểu các nước phương Đông từ mật nhi lạp, an tức hương và bột hổ phách. Học nhồi trầm hương từ bột trầm hương, cánh kiến, cây hương bài và quế. Rây và quết Poudre Impériale từ lá hồng nghiền nhỏ, hoa oải hương, vỏ cây thiên thảo. Khuấy phấn thoa mặt màu trắng và xanh dịu, đổ khuôn thỏi son môi màu đỏ từ mỡ. Chắt lọc bột sơn móng tay loại thật mịn và phấn chà răng thơm mùi bạc hà. Trộn dung dịch làm quăn tóc giả, thuốc chữa chai chân, thuốc tẩy tàn nhang cho da, tinh cây cà độc dược để nhỏ mắt cho thêm quyến rũ, thuốc bôi kích dục làm từ ruồi Tây Ban Nha cho quý ông và giấm vệ sinh cho quý bà…Dĩ nhiên là chẳng thích thú gì cho lắm nhưng nó không kêu ca và học có kết quả chế tạo mọi thứ thuốc, bột, đồ vệ sinh và trang điểm thông thường thêm cả cách pha trộn trà và gia vị, rượu mùi lẫn nước sốt dùng ướp cá thịt và những thứ đại loại như thế, nói gọn là tất cả những gì Baldini dạy nó với cái vốn hiểu biết rộng rãi gia truyền.

Nhưng khi Baldini chỉ dẫn nó cách có được tanh-tuya, tinh chất và tinh dầu thì nó hăm hở lắm. Nó làm không biết mệt những việc như dùng máy ép hạnh nhân đắng hay giã hột có mùi xạ hương hay băm củ long diên hương mỡ màng màu xám bằng dao băm hay nạo rễ cây đồng thảo để sắc với loại rượu thượng hạng. Nó học cách dùng phễu tách để tách tinh dầu khỏi cặn khi ép vỏ chanh. Nó học sấy dược thảo và hoa trên vỉ đặt nơi ấm trong bóng râm, cách giữ lá khô trong bình hay tráp có trét sáp. Nó học nghệ thuật tẩy pomát, các cách sắc, lọc, cô, làm trong và tinh luyện nước sắc.

Dĩ nhiên là xưởng của Baldini không thích hợp cho việc sản xuất khối lượng lớn. dầu lấy từ hoa hay dược thảo. Ở Paris cũng không thể có nổi số lượng cây cỏ cần thiết. Nhưng thỉnh thoảng khi mua được rẻ hương thảo tươi, cây xô thơm, bạc hà, hạt giống hồi ở chợ hoặc gặp khi tới một chuyến hàng lớn củ hoa diên vĩ hay rễ cây nữ lang, hạt phòng phong, hạt đậu khấu hay hoa đinh hương khô thì cái máu nhà giả kim trong Baldini chạy rần rần và ông lôi ra một nồi chưng cất to tướng, đó là một bình bằng đồng với một bộ phận ngưng hơi đặc biệt đặt bên trên mà ông tự hào gọi là bình chưng cất có đầu Maure[1] ông đã dùng cách đây bốn mươi năm ngoài đồng trống trên vùng cao Leberon ở sườn núi phía Nam miền Ligurien[2] để chưng cất cây đồng thảo.

Trong lúc Grenouille lo xắr nhỏ những thứ để chưng cất thì Baldini hối hả đốt nóng cái lò gạch vì việc chưng cất này đòi hỏi phải làm thật nhanh, rồi đổ nước ngập đáy vào cái nồi đồng và đặt lên trên. Ông bỏ các cây cỏ đã được xắt nhỏ vào đấy, đậy lại bằng cái đầu Maure rồi gắn hai ống cao su nhỏ cho nước chảy vào và chảy ra. Ông giải thích cái cách làm lạnh bằng nước thần tình này là do ông gắn thêm vào sau này, chứ thời đó, ở ngoài đồng trống, dĩ nhiên người ta chỉ biết quạt cho nguội. Rồi ông quạt lửa lên.

Dần dà nước reo trong nồi. Một lúc sau tinh chất bắt đầu nhỏ giọt rồi thành dòng mảnh như sợi chỉ chảy từ cái vòi thứ ba của đầu Maure vào một cái bình Florentine mà Baldini đã để sẵn. Thoạt tiên cái chất này trông hơi dơ như thể xúp lỏng, đục. Nhưng dần dần chất lỏng tách ra làm hai: dưới là nước của hoa hay cỏ, còn bên trên lềnh bềnh một lớp dầu dầy, nhất là khi cái bình đã đầy được để qua một bên, thay bình mới thì ở cái bình đầy sự tách kia lại càng rõ. Sau khi cẩn thận rót ra cái nước chỉ thơm thoang thoảng qua vòi dưới thì sẽ chỉ còn lại dầu nguyên chất tinh dầu, cái nguồn gốc thơm lừng của cỏ hoa.

Grenouille bị cái quá trình ấy quyến rũ. Nếu trong cuộc sống có gì khêu gợi sự đam mê kín đáo như sự đam mê đốt bằng ngọn lửa lạnh trong người nó thì chính là cái quy trình này, rút hồn thơm của vật bằng lửa, nước hơi và một thiết bị tinh xảo. Cái hồn thơm này, cái tinh dầu, cái quý nhất của cái vật ấy là cái duy nhất làm nó quan tâm. Nó chẳng thèm để ý đến những thứ vớ vẩn còn lại: hoa, lá, vỏ, trái, màu, vẻ đẹp, sức sống và những thứ không cần thiết khác. Đó là vỏ ngoàii vô giá trị, đáng vất đi.

Thỉnh thoảng khi tinh chất đã trong như nước thì họ lấy nồi cất ra khỏi lò, mở và đổ bã đi. Bã trông nhũn và xám ngắt, như rơm sũng nước, như xương con chim nhỏ bị tẩy trắng, như rau bị nấu quá lâu, nhạt nhẽo, xơ ra, sền sệt, không thể nhận ra được nữa, chẳng khác xác chết ghê tởm và hầu như đã bị lấy hết mùi đi rồi. Họ ném qua cửa sổ, xuống sông. Rồi lại xếp lớp cây mới vào nồi, cho nước và đặt lên lò trở lại. Rồi nồi lại bắt đầu reo, cái nguồn sống của cỏ cây lại chảy vào bình Florentine. Hầu như suốt đêm như thế, Baldini lo trông chừng lửa, còn Grenouille ngó chừng các bình, chẳng có gì làm nữa trong lúc chờ thay bình.

Họ ngồi trên ghế đẩu quanh bếp lửa như bị cuốn hút bởi cái nồi thô kệch, mỗi người bởi nguyên nhân khác nhau. Baldini thưởng thức sự chói lọi của lửa, cái màu đỏ lung linh của ngọn lửa và đồng, tiếng reo trong nồi cất như thể xưa kia vậy. Thế này thì mê ly quá. Ông lấy trong cửa hàng một chai vang vì cái nóng làm ông khát và uống vang thì cũng giống ngày xưa ấy. Rồi ông bắt đầu kể chuyện ngày xưa, không dứt. Về cuộc chiến tranh dành ngai vàng mà ông dự phần không nhỏ chống lại quân Áo, về những người Canmisard[3] đã cùng ông khuấy rối vùng núi Cévennes, về con gái của một người Huguenot ở vùng Esterel say mùi oải hương đã trao thân cho ông, về việc tí nữa thì ông gây ra một đám cháy rừng, chắc chắn sẽ thiêu rụi vùng Provence, như hai với hai là bốn vì lúc ấy gió bấc rất mạnh, còn về sự chưng cất thì ông luôn luôn kể về những đêm trên đồng vắng, dưới ánh trăng, bên chai rượu vang và tiếng ve sầu, về một thứ dầu hoa oải hương ông tạo ra, rất thanh mà đậm đà, người mua phải trả bằng bạc; về thời gian ông học nghề ở Genua, về những năm ông đi nơi này nơi nọ, và về thành phố Grasse, ở đó người làm nước hoa đông như ở nơi khác làm bánh mì, trong đó có những người giàu đến nỗi họ sống như các bậc công hầu, ở trong những ngôi nhà nguy nga có vườn cây bóng mát, với sân thượng và ăn trong phòng ăn có tường ốp gỗ, dùng toàn dĩa sứ và dao nĩa bằng vàng, vân vân.

Ông già Baldini vừa uống vang vừa kể những chuyện như thế, vang cùng với lửa nóng và sự thích thú về câu chuyện của mình làm mặt ông cũng đỏ như lửa. Grenouille ngồi khuất trong bóng tối chẳng thèm nghe gì cả. Nó chẳng ham gì chuyện cũ, nó chỉ thích cái quy trình mới. Nó nhìn không ngớt vào cái vòi nhỏ trên đầu nồi chưng, từ đó một tia nhỏ tinh chất rỉ ra. Trong lúc dán mắt vào đấy, nó tưởng tượng ra chính nó là cái nồi chưng cất, cũng sôi reo như thế này, và từ nó cũng rỉ ra tinh chất như thế kia, có điều tốt hơn, mới hơn, lạ lùng hơn vì được chưng cất bằng những kỳ hoa dị thảo nó trồng trong người, nở hoa trong đó, ngoài nó ra không ai ngửi thấy, mùi thơm có một không hai của chúng có thể biến thế giới thành vườn địa đàng thơm lừng, theo nó thì chỉ ở đấy sự hiện hữu- dưới góc độ khứu giác – mới tạm gọi là chấp nhận được. Được là một nồi chưng cất khổng lồ làm tràn ngập thế giới với những tinh chất tự chế, là giấc mơ tuyệt đích mà nó tâm niệm.

Trong khi Baldini rạo rực vì vang, không ngớt thổi phồng những câu chuyện ngày xưa, trầm trồ chẳng cần giữ ý thì Grenouille chấm dứt sự tưởng tượng kỳ quái của nó. Tạm thời nó xua khỏi đầu óc hình ảnh một cái nồi chưng cất khổng lồ, thay vào đó cân nhắc dùng những kiến thức mới học được vào những mục tiêu gần sao cho có lợi.

Chú thích.

[1] Một sắc dân ở bắc Châu Phi.

[2] Ligurien: một vùng phía bắc nước Ý.

[3] Những người Pháp theo đạo Tin lành ở vùng núi Cévennes đã nổi loạn chống vua Louis XIV vào nửa đầu thế kỷ 17.
 
Chương 19


Chẳng bao lâu nó trở thành chuyên gia trong lãnh vực chưng cất. Nó nghiệm ra rằng độ nóng của lửa có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng của thành phẩm, trong việc này cái mũi của nó được việc hơn tất cả những quy tắc của Baldini. Mỗi cây cỏ, mỗi loại hoa, mỗi thứ gỗ, mỗi loại trái đòi hỏi một quy trình đặc biệt. Khi thì phải sôi sùng sục, khi thì sôi vừa phải và có loại hoa chỉ cho tinh dầu khi để lửa liu riu.

Sự chuẩn bị cũng quan trọng tương tự. Bạc hà và oải hương có thể để cả bó vào chưng cất. Những loại khác phải chọn kỹ, ngắt, bằm nhỏ, nạo, giã, hay thậm chí phải làm thành bột hồ trước khi cho vào nồi. Có loại không chưng cất được làm Grenouille bực tức nhất.

Khi Baldini thấy Grenouille đã thành thạo khí cụ này thì ông để nó tự do với nồi cất và Grenouille đã tận dụng sự tự do này. Ban ngày nó trộn nước hoa và hoàn thành những sản phẩm mùi thơm hay gia vị khác, còn ban đêm nó bận rộn với cái nghệ thuật chưng cất đầy bí ẩn.

Ý định của nó là sản xuất những hương liệu hoàn toàn mới để có thể chế ra được vài thứ nước hoa mà nó sẵn có trong đầu. Mới đầu nó cũng thành công nho nhỏ. Nó tạo được dầu của hoa tầm ma và hạt cải xoong, nước của vỏ cây hương mộc còn tươi và của cành cây thuỷ tùng. Mùi của tinh chất chẳng giống tí nào với nguyên liệu nhưng cũng hay hay, dùng để chế biến tiếp được. Tất nhiên cũng có những chất mà quy trình hoàn toàn vô dụng. Chẳng hạn Grenouille thử chưng cất mùi của thuỷ tinh, mùi đất sét lạnh của thuỷ tinh láng mà người bình thường không cảm nhận được. Nó tìm kính cửa sổ và chai thuỷ tinh rồi thử dưới dạng miếng to, mảnh nhỏ, mảnh vụn, bột, nhưng đều không thành công. Nó chưng cất đồng thau, sứ, da thuộc, ngũ cốc và sỏi. Nó chưng cất cả đất nữa. Rồi cả máu, gỗ và cá tươi. Cả tóc nó. Cuối cùng nó chưng cất cả nước, nước sông Seine, mà cái mùi độc đáo nó thấy cần phải giữ. Nó tin rằng có thể lấy được với cái nồi cất mùi thơm đặc thù từ những chất ấy như đã làm được với bách lý hương, oải hương và phòng phong. Nó không hề biết rằng chưng cất chỉ là một quy trình dùng để tách một hợp chất ra phần dễ bay hơi và phần khó bay hơi, và quy trình này chỉ có lợi cho việc chế nước hoa khi tách nổi tinh dầu dễ bay hơi của cây cỏ nào đó với phần không thơm hoặc ít thơm còn lại. Ở những vật chất không có tinh dầu thì phương pháp chưng cất hoàn toàn vô dụng. Chúng ta được học vật lý nên thấy hết sức rõ ràng, còn đối với Grenouille để hiểu được điều này là kết quả của một chuỗi dài mệt nhọc những thử nghiệm thất bại. Hàng tháng dài, đêm nào nó cũng ngồi bên nồi cất, thử đủ mọi cách để sản xuất những mùi thơm hoàn toàn mới, chưa từng có trên trái đất dưới dạng đậm đặc. Nhưng ngoài một vài tinh dầu vớ vẩn của cây cỏ ra chẳng được gì thêm. Nó không khai thác nổi từ trong cái giếng tưởng tượng phong phú thăm thẳm của nó một giọt tinh dầu cụ thể nào. Nó không làm ra được một nguyên tử tinh dầu nào từ những mùi nó nghĩ ra.

Khi đã rõ thất bại thì nó không thử tiếp nữa và lăn ra ốm tưởng chết.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top