Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Tình Đầu Nguyện Giấu Vào Tim

Tình Đầu Nguyện Giấu Vào Tim

admin

Thánh Ngự Hư Không
Đại Thần
Tham gia
11/6/23
Bài viết
919,310
VNĐ
900,499
[Diendantruyen.Com] Tình Đầu Nguyện Giấu Vào Tim

Tình Đầu Nguyện Giấu Vào Tim
Tác giả: Mã Tự Tinh – Hồng Mông
Tình trạng: Đã hoàn thành




Gia chủ đem ta tặng cho Tiết Thị lang làm thiếp.

Hắn cùng chính thê ân ái mặn nồng, chỉ sắp xếp cho ta ở dưới quyền của lão phu nhân.

Hắn bị giáng chức, đêm trước khi rời kinh thành, hắn uống say rồi bất ngờ đẩy cửa bước vào phòng ta.

Nào ngờ, hắn chỉ khẽ chỉnh lại góc chăn, đưa cho ta một phong thư:

“Đây là khế ước bán thân của ngươi, giữ lấy cho kỹ. Từ nay, ngươi đã được tự do.”
 
Chương 1


Ta sinh ra trong viện tạp dịch của Chiêu Vũ Hiệu úy và cũng lớn lên tại nơi tối tăm, quanh năm chẳng thể nhìn thấy ánh mặt trời này. Thuở nhỏ, trong viện có một cây mơ già, phụ thân làm nghề thợ mộc nên đã tự tay dựng cho ta một chiếc xích đu nhỏ dưới gốc cây.

Năm ta tám tuổi, một ngày nọ, Trần di nương đi ngang qua, bảo rằng cây mơ này thu hút sâu bọ, liền ra lệnh cho người đào đi. Khi ấy, ta còn ngây dại, ôm chặt lấy thân cây, khóc lóc kêu lên: “Đây là của ta! Không cho các người đào đi!”

Lưu quản sự đánh nhẹ lên trán ta, lạnh lùng châm biếm: “Cái gì là của ngươi?”

“Cây này là của lão gia, xích đu này cũng là của lão gia, ngay cả phụ thân, mẫu thân ngươi và cả ngươi, đứa nha đầu thấp hèn, đều là của lão gia!”

Thực ra, đại thiếu gia thấy ta ngoan ngoãn, nên đã bàn với mẫu thân ta, hắn bỏ ra hai đồng bạc để mua ta.

Một tờ khế ước bán thân, từ đó ta không còn là người có thể tự quyết định số phận của mình nữa.

Đại thiếu gia Vương Văn Phụ là đích trưởng tử của lão gia, tướng mạo giống hệt tổ phụ hắn, từ nhỏ đã được cả phủ cưng chiều hết mực. Trong viện của hắn, tỳ thiếp và nha hoàn luôn đông đúc, không bao giờ vắng bóng.

Một buổi chiều cuối xuân, mưa rơi lất phất, mẫu thân ta dẫn ta đi bái kiến chủ nhân. Khắp phòng là những cô nương trẻ đẹp như bầy oanh yến, quây quanh Phụ thiếu gia, cảnh sắc rực rỡ chẳng khác nào mùa xuân thịnh vượng.

Hắn chừng chưa tới ba mươi, nhưng bụng đã tròn phệ, dung nhan có phần già dặn. Đôi mắt xét nét của hắn nhìn ta từ đầu đến chân, khiến ta cảm thấy như ruồi nhặng bâu lấy, không kiềm được mà rùng mình.

Phụ thiếu gia vừa nhấm nháp chùm nho, vừa dùng mũi giày khẽ chạm vào đầu gối của tiểu nha hoàn dâng nho, nói: “Tố Thủy, ngươi xem tiểu nha hoàn mới đến này, có giống ngươi được năm phần không?”

Tố Thủy quay đầu lại, trên vùng trán trắng mịn phủ một lớp mồ hôi li ti.

Những nha hoàn có dung mạo xuất sắc, đứng làm giá đỡ, nâng đĩa thức ăn và hoa quả để chủ nhân thưởng thức. Mỹ thực có thể làm say lòng người, mà dùng nhan sắc nâng mỹ thực cũng có thể làm say lòng người. Những nha hoàn này được gọi là “Ngọc Thai Bàn.”

Đây là trò tiêu khiển mới mà các công tử chốn kinh thành gần đây vô cùng ưa chuộng, và người đầu tiên khởi xướng lại chính là Phụ thiếu gia. Hắn luôn lấy đó làm tự hào. Nếu thấy có vị công tử nào không hưởng ứng, hắn liền dọa cắt đứt quan hệ, như thể không làm nhục đám người chúng ta thì danh dự của họ sẽ bị tổn hại vậy.

Ta đành cúi đầu, ngoan ngoãn bước đến bên Tố Thủy, quỳ xuống bên cạnh nàng. Học theo nàng, ta đưa tay nâng đỡ chiếc đĩa ngọc nặng trĩu.

Phụ thiếu gia thấy thế, nở nụ cười mãn nguyện: “Ngươi tên là Phúc gì ấy nhỉ? Cũng là nha hoàn khôn khéo đấy.”

“Phúc Nguyên.” Ta cúi đầu thấp, quỳ ngay ngắn.

Từ sau lần bị phạt mười gậy vì dám ngăn cản họ chặt cây mơ, ta đã học được cách ngoan ngoãn. Nghe lời và biết cúi đầu sẽ tránh được đòn roi, thậm chí tránh được cái chec. Những người yếu thế như chúng ta, còn gì có thể không làm theo?

Tố Thủy nhìn ta bằng ánh mắt cảm kích, rồi ngỏ lời: “Nếu đại gia đã thấy nha đầu này giống ta, vậy để nàng ở lại bên cạnh ta, ta sẽ chăm chút cho nàng.”

Phụ thiếu gia đưa tay véo má Tố Thủy, cười mà cả khuôn mặt béo núc rung động: “Cái gì cần dạy thì dạy cả đi, đừng tiếc chi bí quyết của ngươi đấy, Tố Thủy.”

Tố Thủy mặt thoắt đỏ thoắt trắng, ấp úng đáp lời. Đêm ấy, nàng an bài cho ta ở trong phòng của nàng.

Là đại nha hoàn hạng nhất, nàng được ở trong một gian phòng nhỏ riêng biệt. Vừa giúp ta trải chăn, nàng vừa nói: “Theo quy củ, ngươi phải ra ngoài ngủ chung với đám nhỏ, nhưng ta thấy ngươi lại nhớ đến tiểu muội của ta, nên muốn giữ ngươi ở lại đây.”

Nàng xoay người lại, mắt như hoa đào, má như trái mơ. Cả đêm chỉ có nụ cười thoáng qua ấy, sau đó nàng trang điểm chỉnh tề rồi đi ra ngoài. Trước khi hạ màn che cửa, nàng quay đầu nhìn ta thật sâu.

Ta hỏi: “Tố Thủy tỷ tỷ, còn điều gì muốn dặn dò ta chăng?”

Nàng nhẹ nhàng lắc đầu, nở một nụ cười mà ta không hiểu.

“Đêm lạnh, nhớ đắp chăn. Phúc Nguyên, không cần đợi ta.”

Lớn thêm một chút, ta mới hiểu. Những đêm dài không thấy trở về ấy là vì nàng bị gọi vào phòng của Phụ thiếu gia. Trên người nàng luôn có những vết thương cũ, mới chồng chất, như khí độc trùng trùng bao phủ. Phụ thiếu gia thích uống rượu, mỗi khi say lại thích đánh người, chỉ nhắm vào làn da trắng nõn mà đánh.

Chỉ khi thấy vết bầm đủ rõ ràng, hắn mới mãn nguyện. 
 
Chương 2


Ta theo Tố Thủy, nàng dạy ta những việc trong hậu viện. Chẳng hạn như may vá, pha trà, sắc thuốc và phơi sách. Một hôm giữa trời nắng đẹp của mùa hạ, bỗng dưng mưa xối xả đổ xuống. Chúng ta phơi sách khắp sân, mưa xuống khiến mọi người vội vàng thu dọn sách, ai ai cũng ướt như chuột lột.

Tố Thủy chẳng màng tới bản thân mình, liền đến giúp ta lau tóc trước. Đỗ Nhược lanh lợi bẹo má ta: “Tố Thủy nhỏ mọn thế mà nuôi được ngươi mập mạp tròn trịa thế này. Mau nói đi, Phúc Nguyên, ngươi đã bỏ bùa gì nàng ấy?”

Tố Thủy đẩy tay Đỗ Nhược ra, bĩu môi: “Ngươi có thể xem ai cũng là tri kỷ, còn ta không thể có một người bạn tâm giao sao?”

Ta từng hỏi, vì sao Tố Thủy lại đối xử với ta đặc biệt đến vậy. Những đêm đông giá lạnh, tay nàng vẫn thường lộ ra ngoài chăn, chỉ để có thể đắp lại chăn cho ta bất cứ lúc nào.

Trong viện của Phụ thiếu gia có một gian bếp nhỏ, mỗi lần được cho thức ăn ngon, nếu có hai phần, chắc chắn một phần là của ta; nếu chỉ có một phần, thì phần đó cũng để lại cho ta. Ta cầm miếng bánh mật ong trong tay, nhìn ánh mắt đầy mong đợi của nàng mà mũi cay cay. Nàng đối xử tốt với ta còn hơn cả mẹ ruột.

“Tố Thủy tỷ tỷ, tỷ đối với ta tốt như vậy, chẳng lẽ chỉ vì ta giống tiểu muội của tỷ vài phần thôi sao?”

Tố Thủy sững lại, như cánh hoa lê rụng trắng xoá cả mặt đất. “Ta cũng chẳng rõ…,” nàng bối rối vuốt lại lọn tóc bên tai, cười gượng mà đôi mắt đã hoe đỏ.

“Phúc Nguyên, mỗi lần nhìn muội, ta như thấy chính mình khi xưa, lúc vừa bị phụ thân bán vào đây.”

Khi ấy, nàng trong sáng thuần khiết như cánh hoa lê trắng muốt, không vướng chút bụi trần. Trước đây, nỗi khổ lớn nhất của nàng chỉ là không đủ ăn, không đủ mặc. Còn giờ đây, nàng chỉ còn lại những thứ như cơm ăn áo mặc. Những trận đòn roi, những lần nhục mạ đã trải qua, trong mắt chủ nhân đều có thể bù đắp bằng một bát canh hay một miếng bánh.

Nhưng với Tố Thủy thì sao? Con người đâu phải cây cỏ, sao có thể vô tri vô giác.

Hoa lê rơi rụng, vùi dập trong bùn lầy, chẳng còn chút tự do nào. Tố Thủy muốn bảo vệ ta, như muốn bảo vệ chính bản thân nàng thời chưa biết buồn lo. Vì vậy nàng cố ý không để ta xuất hiện quá nhiều trước mặt Phụ thiếu gia.

Ta ôm lấy nàng, nghe nàng hỏi: “Phúc Nguyên, bánh mật ong ngọt chứ?”

“Dạ, ngọt lắm, ngọt lắm tỷ ơi.”

Nhưng nào ngờ, lần sau khi ta gặp lại bánh mật ong, chính là khi ta bị triệu đến làm “Ngọc Thai Bàn” cho Phụ thiếu gia.

Đó là lần đầu ta nếm trải cảm giác này – hai đầu gối quỳ sát đất, hai tay nâng cao chiếc đĩa. Chiếc đĩa sứ tinh xảo được ta nâng niu trong lòng bàn tay, bên cạnh có bà quản sự canh chừng, nếu hơi chao động hay làm phật ý quyền quý, chắc chắn sẽ phải chịu đòn roi. Thì ra, quỳ gối để sinh tồn là cảm giác như vậy.

Tố Thủy từng nói, nàng đã quỳ từ năm mười bốn tuổi, quỳ để giúp chủ nhân mang giày, quỳ để sưởi ấm chân cho chủ nhân, quỳ để dâng trà rót nước. Nay nàng đã mười tám, quỳ đến mềm đầu gối, quỳ đến cong cả lưng.

Còn ta, chưa kịp quỳ lâu, đã có một bàn tay rắn rỏi, ngón tay rõ nét, nắm lấy tay áo ta. “Hà tất phải làm nhục nha hoàn thế này.”

Nghe giọng thanh thoát êm dịu ấy, ta mường tượng ra vị công tử trẻ tuổi, hẳn sở hữu đôi mắt và chân mày hiền hòa ôn nhu.

“Thị lang đại nhân quả thật biết thương hoa tiếc ngọc!” Phụ thiếu gia hào hứng tán thưởng. Thoáng trong tầm mắt, ta thấy hắn ra hiệu cho ta đứng lên. Nhưng lần đầu quỳ gối bưng đĩa, chân ta đã tê rần, lỡ đạp vào tà váy, không đứng vững, cả đĩa bánh đổ ập xuống áo vị đại nhân.

Trong khoảnh khắc ấy, m.á.u trong người ta như đông cứng lại, ta kinh hãi quỳ xuống, hai tay không ngừng run rẩy. Khi chạm vào ánh mắt của Tiết Khắc Kỷ, ta như thấy rõ con đường xuống hoàng tuyền trước mắt.

Đêm thu lành lạnh, ánh trăng tròn treo ngoài cửa sổ phía sau lưng hắn. Hắn không giận, chỉ nhè nhẹ phủi tàn vụn trên áo choàng, vẻ thản nhiên.

Phụ thiếu gia lập tức lao đến, giơ tay định đánh ta: “Con tiểu nha đầu đáng chec! Dám…”

“Không sao đâu.” Tiết Khắc Kỷ đứng dậy, vạt áo xanh biếc lướt qua mặt ta dịu dàng như gió xuân.

Như tùng như trúc, như trăng sáng suối trong.

Hắn bảo vệ ta, nhẹ nhàng ngăn bàn tay của Phụ thiếu gia. “Chúng ta là nam nhân, sao lại so đo với một tiểu nha hoàn chứ?”

Phụ thiếu gia miệng nói hài lòng, nhưng vẫn nắm lấy ta, kéo đứng dậy một cách thô bạo. Ta vóc người nhỏ bé, đứng bên cạnh vị Thị lang đại nhân này, đầu chỉ tới ngang cằm ngài. Ngửi thấy mùi rượu nồng nặc trên người Phụ thiếu gia, ta mới thấm thía nỗi khiếp sợ sâu xa của Tố Thủy.

Tiết Khắc Kỷ lại lên tiếng: “Mong Vương công tử nể mặt mà buông tay.” 
 
Chương 3


Chưa kịp vùng vẫy, Phụ thiếu gia đã buông tay, đẩy ta vào lòng Tiết Khắc Kỷ.

Đôi bàn tay mạnh mẽ đỡ lấy vai ta. Qua lớp áo mỏng, hơi ấm từ lòng bàn tay hắn thấm vào tận tim ta.

“Nếu Thị lang đại nhân ưng ý tiểu nha hoàn này, ta sẵn sàng thuận nước đẩy thuyền, tặng nàng cho ngài làm thiếp.”

Tiết Khắc Kỷ định từ chối, khi thấy hắn định giơ tay chối từ, ta vội xoay người, dựa vào n.g.ự.c hắn. Ta nhón chân, đôi mắt ngấn lệ, nhìn chằm chằm vào mắt hắn.

Khuôn mặt thanh tú ấy, đôi mắt sáng ngời như sao.

Ta run rẩy khẽ nói: “Đại nhân, xin người… ta không muốn bị đánh chec…”

Tố Thủy bảo rằng ta có đôi mắt tròn như mắt cừu non, chỉ cần ngước lên trông sẽ rất đáng thương, chắc chắc khiến cho người khác mềm lòng.

Ta đang đánh cược sinh mạng của mình vào một chút mềm lòng của Tiết Khắc Kỷ.

Tiết Khắc Kỷ khẽ nhíu mày, rồi buông ta ra, đẩy ta ra phía sau lưng hắn. Tấm lưng rộng lớn ấy che chắn ngọn gió lạnh từ ngoài cửa thổi vào. Ta, trong bộ dạng lấm lem không khác gì đống mảnh vụn vương vãi khắp sàn, tim đập thình thịch muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

“Họ Tiết ta xin cảm tạ Vương công tử đã rộng lòng ban tặng.” Chỉ một câu nói của Tiết Khắc Kỷ đã thay đổi vận mệnh của ta. Đêm đó về phòng, ta vui mừng ôm chầm lấy Tố Thủy, quay mấy vòng tại chỗ.

“Tỷ ơi! Tỷ ơi! Đợi ta ở Tiết phủ gây dựng chút danh phận, tích cóp được tiền, nhất định sẽ quay lại chuộc tỷ, chúng ta sẽ mãi mãi ở bên nhau!”

Nhưng nào ngờ, khi ta vừa rời khỏi cùng Tiết Khắc Kỷ, thì Tố Thủy đã bị Vương Văn Phụ triệu vào ngay sau đó. Sau này mẫu thân ta kể lại rằng, Phụ thiếu gia ngoài mặt hào phóng tặng ta cho người khác, nhưng trong lòng lại đầy bất mãn.

Âm thanh từ bên kia tường vọng lại, đêm đó có không ít người nghe thấy tiếng mắng mỏ của hắn giữa tiếng khóc thảm thiết của Tố Thủy: “Lão tử nuôi nha đầu này bao năm, chưa kịp nếm trải, lại để hắn lấy mất!”

Trong mắt hắn, ta chẳng khác gì một miếng bánh mật ong, là món đồ để quyền quý hưởng thụ đến không còn chút gì sót lại.

Hôm sau, người ta phát hiện Tố Thủy đã gieo mình xuống giếng. Thi thể nàng bị chôn vội vàng ở ngọn núi hoang. Sau này ta đi tìm, mất nửa ngày mới tìm thấy mộ phần của nàng.

“Tỷ ơi, tỷ tuyệt đối không phải tự mình nhảy xuống giếng…” Ta khóc đến đứt hơi trước mộ nàng. Nếu thật sự là tự sát, sao Vương Văn Phụ lại phải lén lút xử lý vội vàng đến vậy. Hẳn là hắn đã đánh chec Tố Thủy…

Ta trở về Tiết phủ trong nước mắt, hương khói còn vấn vít quanh người, đôi mắt sưng đỏ. Đúng lúc ấy, ta gặp phải Từ Đại Yên. Nàng gọi ta lại: “Phúc Nguyên, cẩn thận dưới chân.”

Lúc ấy ngoài vườn đang sửa hành lang, có một thanh gỗ nhỏ chắn ngang dưới chân, ta mãi lau mắt nên suýt nữa đạp phải. Ta hoàn hồn, ngước nhìn khuôn mặt thanh tú của Từ Đại Yên. Nàng ra hiệu bảo ta đến gần – nàng là chủ mẫu của nơi này và cũng là thê tử duy nhất của Tiết Khắc Kỷ.

Đứng dưới mái hiên trong cơn mưa nhẹ, nàng đang quan sát tiểu nha hoàn gấp khăn tay. Khi ta bước tới, nàng bảo người mang đến một chậu nước nóng. Đôi tay mềm mại của nàng lấy ra một chiếc khăn, nhúng vào nước nóng rồi gấp lại thành dải dài. Đưa chiếc khăn nóng hổi cho ta, nàng mỉm cười dịu dàng: “Ngươi cứ ngồi yên, dùng chiếc khăn này chườm mắt đi.”

Ta ngoan ngoãn nghe lời, tựa vào cột trụ đỏ, tay nâng khăn lên chườm đôi mắt nhức mỏi. Bên tai là giọng nói nhẹ nhàng của Từ Đại Yên: “Ngày ngươi được đưa vào phủ, đại nhân đã nói rõ với ta, nếu có gì khó khăn, cứ nói với chúng ta.”

“Sao lại phải âm thầm chịu đựng, đến mức tủi thân mà khóc đến hỏng người?”

Đêm ta vào phủ cũng là lúc đêm đã khuya. Tiết Khắc Kỷ thoang thoảng mùi rượu, ta đã được gia chủ chọn làm thiếp, tất nhiên liền bày ra tư thái chuẩn mực, xuống xe trước rồi quay lại dìu hắn. Khi tay ta vừa chạm vào cổ tay hắn, hắn đã như bị điện giật, vội vã rụt lại. Dù có chút hơi men, hắn vẫn tỉnh táo gọi quản gia đến đỡ mình: “Đỡ ta xuống xe. Phu nhân đã nghỉ chưa?”

Quản gia đáp: “Phu nhân lại lên cơn ho, Tuyết Xuân vừa bưng thuốc vào, giờ có lẽ vẫn còn thức.”

Tiết Khắc Kỷ ban đầu còn để quản gia dìu, nhưng nghe vậy, hắn liền vung tay áo thoát khỏi quản gia, vội sải bước vào trong phủ. Ta lẽo đẽo theo sau, chỉ cần nhìn dáng đi tất tả ấy cũng đủ hiểu hắn quan tâm phu nhân của mình đến nhường nào.

Quản gia bảo ta theo cùng, đêm đó ta ở bên giường bệnh của Từ Đại Yên, lo liệu việc dâng thuốc và rót nước. Nàng tựa vào lòng Tiết Khắc Kỷ, mãi sau mới để ý đến ta. Tiết Khắc Kỷ giải thích mọi chuyện cho nàng nghe, nhấn mạnh nhiều lần: “Nàng ấy vào phủ chỉ để hầu hạ mẫu thân ta, không khác gì nha hoàn Tuyết Xuân bên cạnh nàng.”

Hắn nhẹ nhàng hôn lên tóc nàng: “Yên nhi, ta tuyệt đối không có ý nạp thiếp.” 
 
Chương 4


Đêm ấy, thần sắc của Từ Đại Yên vẫn điềm tĩnh như không. Khi đó ta còn chưa quen biết họ, chỉ nghĩ rằng họ cũng như những cặp phu thê quyền quý khác, luôn giữ sự khách khí bề ngoài. Nàng xuất thân khuê các, thấy phu quân nạp một nha hoàn làm thiếp, có lẽ cũng chẳng tiện nổi giận giữa đêm, nên mới ôn hòa như vậy: “Ngươi là Phúc Nguyên phải không? Vương công tử vốn nổi tiếng hung tàn với kẻ dưới, nay ngươi được đại nhân nhà ta cứu giúp, ta tất nhiên cũng sẽ đối xử tốt với ngươi.”

Ta quỳ xuống dập đầu tạ lễ, ra dáng một kẻ trung thành: “Đại nhân và phu nhân đã cứu mạng Phúc Nguyên, ta nguyện làm trâu làm ngựa để báo đáp.”

Ta không ngờ Từ Đại Yên lại đưa tay ra từ trong chăn ấm, nhẹ nhàng nắm lấy khuỷu tay ta trong đêm thu lành lạnh, định đỡ ta đứng dậy.

“Phúc Nguyên, ngươi là con người, sao lại phải ví mình như trâu ngựa?”

Ta kinh ngạc ngước lên nhìn, lần đầu ngắm kỹ dung nhan của Từ Đại Yên. Đuôi mắt nàng có một nốt ruồi nhỏ, dù lúc ấy chẳng tô vẽ gì mà vẫn xinh đẹp lay động lòng người.

Chưa từng có ai nói với ta những lời như vậy, huống hồ nàng lại là chủ nhân. Những người trước kia chỉ dạy ta nên làm thế nào để trở thành một người hầu tốt. Đang bệnh, tay nàng rất nhanh trở lạnh, ta liền nắm lấy tay nàng để sưởi ấm.

Trên mặt Từ Đại Yên thoáng hiện nét vui vẻ. “Nha đầu, tay ngươi thật ấm, như một lò sưởi nhỏ vậy.”

Những lời thân thiết ấy khiến ta cũng thả lỏng phần nào. Khi đó ta chưa nhận ra, suốt dọc đường ta cứ dõi mắt theo Tiết Khắc Kỷ, nhưng trong lúc trò chuyện với Từ Đại Yên, ánh mắt ta lại chỉ lưu lại trên khuôn mặt thanh tú của nàng.

Nàng bảo: “Quy củ ở nhà họ Vương trước đó, ngươi nên quên hết đi. Phúc Nguyên, sau này ở phủ này, chỉ cần làm việc của một nha đầu. Ăn no mặc ấm, không cần lo trước sợ sau, nếu có gì khó khăn thì cứ đến tìm ta hoặc đại nhân.”

Nghe xong câu ấy, tất nhiên ta không dám hoàn toàn tin tưởng. Lòng người khó lường, hơn nữa khế ước bán thân của ta đã chuyển vào tay họ, ta sao dám tự coi mình cao quý. Vương Văn Phụ từng có một thiếp thất được yêu chiều vô cùng, chỉ vì kiêu ngạo mà lỡ lời đùa cợt rằng trông hắn say như khỉ trong rừng, hắn liền đuổi nàng ta ra khỏi phủ, bán vào chốn phong trần.

Thiếp thất ấy vốn là con gái của một nông dân lương thiện, chẳng phải giàu có gì nhưng ít ra cũng đoan chính. Chỉ vì Vương Văn Phụ ham mê sắc đẹp của nàng mà ép phụ thân nàng bán nàng vào phủ, mới dẫn đến cảnh ngộ bi thảm sau này.

Ta chưa bao giờ thấy nàng ta có lỗi, nhưng nếu không muốn rơi vào kết cục thê thảm ấy, ta chỉ còn cách cẩn thận mà rút kinh nghiệm. Dưới quyền uy, con người tự chia thành kẻ cao người thấp, kẻ thấp hèn đành phải nhẫn nhịn.

Hôm sau, ta bị sai đến viện của mẫu thân Tiết Khắc Kỷ. Đó là một lão phu nhân ăn chay niệm Phật, gương mặt hiền từ phúc hậu như Tiết Khắc Kỷ. Nhưng bà đối với ta luôn có phần đề phòng. Phàm việc gì liên quan đến Tiết Khắc Kỷ, từ việc đưa đồ đến truyền lời, bà đều không để ta làm. Nếu Tiết Khắc Kỷ đến hỏi thăm, bà cũng sai ta lui xuống viện sau làm việc.

Bà cố ý không để ta xuất hiện trước mặt hắn. Ta hiểu rõ bà đang đề phòng điều gì. Khi trò chuyện với các nha hoàn trong phủ, ta biết được Từ Đại Yên xuất thân từ phủ Lễ Bộ Thượng thư, từng làm đồng học của Công chúa Húc Hoa. Khi nàng gả cho Tiết Khắc Kỷ, hắn còn chưa là Binh bộ Thị lang, cuộc hôn nhân này đối với nàng mà nói là một sự “hạ mình” mà gả cho hắn.

Lúc ấy ta lập tức hiểu ra. Tiết Khắc Kỷ không nạp thiếp, chỉ có một thê tử, hết mực nhường nhịn, vốn là vì cân nhắc đến thân thế của Từ Đại Yên. Hẳn hắn còn phải nhờ nàng hỗ trợ trong sự nghiệp, nên lão phu nhân cũng thận trọng theo, sợ rằng có điều gì gây mâu thuẫn giữa hai người. Chẳng hạn như ta, một nha hoàn có ý nghĩ sâu xa.

Vốn dĩ, ta cũng chưa bao giờ muốn tiến thân. Huống hồ, từ thân phận nha hoàn thành thiếp, nào có phải là tiến thân gì. Ta vẫn bị giam trong viện này, vẫn phải đặt lợi ích của đại nhân và phu nhân lên trên hết. Ta vẫn là “Ngọc Thai Bàn,” chỉ có điều không phải quỳ như trước nữa.

Cho đến khi ta xin phép Từ Đại Yên cho mình trở về viện tạp dịch của Chiêu Vũ Hiệu úy để thăm phụ mẫu, rồi biết được cái chec thảm thương của Tố Thủy. Thi thể nàng dễ nhận biết vô cùng, lớp đất nông che đậy đã bị gió mưa cuốn đi, dù m.á.u thịt bầm dập nhưng ta vẫn nhận ra chiếc áo lụa xanh nàng mặc.

Ta báo quan, nha sai hỏi sao ta chắc chắn đó là Tố Thủy. Ta đương nhiên nhận ra nàng, bởi chiếc áo đó là chính tay ta may cho nàng. Họa tiết hoa lê trên áo cũng là chính tay ta thêu lên. 
 
Chương 5


Việc ăn mặc và chỗ ở của ta đều do Tiết phủ chu cấp, còn mọi thứ khác đều dùng lại đồ đạc mang từ Vương phủ đến. Ngoài khoản tiền mua quan tài cho Tố Thủy, ta chưa từng tiêu một đồng nào, chỉ để sớm tích góp đủ tiền chuộc thân cho nàng, số tiền đó là để đón nàng về sống những ngày tốt đẹp bên nhau. Đó là mong mỏi lớn nhất của đời ta, còn vượt xa những ước nguyện về hôn nhân, về con cái mà người đời vẫn đặt lên vai nữ nhi.

Ta có thể chấp nhận lấy một kẻ tồi tệ, cũng có thể không sinh con cái. Nhưng điều ta thật lòng muốn chính là kéo Tố Thủy ra khỏi vũng bùn. Dù chính ta vẫn như bước trên băng mỏng, ta vẫn muốn bảo vệ một người.

Chiếc khăn nóng phủ lên mắt, trong bóng tối, ta như thấy bóng dáng gầy gò của Tố Thủy. Nghe giọng Từ Đại Yên bên tai: “Cớ gì phải khóc đến hỏng người, chịu đựng nuốt nước mắt vào lòng như thế?”

Mắt ta lại ngấn lệ. Một khi đã khóc, tay ta không khỏi run rẩy: “Nhưng, thưa phu nhân, hoa còn có ngày nở lại, người chec rồi thì không thể sống lại được…”

Tiếng bước chân khẽ đến gần, có lẽ nàng muốn ôm ta vào lòng. Nghĩ đến quyết định tàn nhẫn của mình, ta không dám nhìn vào ánh mắt thương cảm của Từ Đại Yên.

Ta quyết định tự tiến cử bản thân, không cầu danh phận, dùng chút giá trị cuối cùng để đổi lấy sự giúp đỡ của Tiết Khắc Kỷ trong vụ án của Tố Thủy. Ta muốn báo thù cho nàng.

Ta vội đứng dậy, lùi lại hai bước, hành lễ rồi trở về viện của lão phu nhân.

Đêm ấy, khi trời đã về khuya, ta men theo lối nhỏ bên cửa, lặng lẽ đến trước phòng của Tiết Khắc Kỷ. Dạo này hắn bận công việc, thường ở lại thư phòng. Qua tấm giấy dán cửa sổ màu trắng, ánh nến lấp lánh trên bàn sách của hắn. Ta đứng yên dưới hiên, lắng nghe tiếng hắn lật sách, lặng lẽ cùng hắn trải qua đêm khuya.

Có nhiều khoảnh khắc, mỗi khi nghĩ đến gương mặt của Tố Thủy hay Từ Đại Yên, ta lại muốn quay đầu về. Cả hai người họ đều không mong ta làm việc thấp hèn này, dẫu lý do có khác nhau.

Khi ta còn đang băn khoăn, ta nghe thấy trong phòng có tiếng động nhỏ, Tiết Khắc Kỷ đang dọn dẹp sách, có lẽ công việc đã xong. Ta cắn răng, lấy hết can đảm đẩy cửa bước vào, tiến thẳng đến bên đèn cạnh giường: “Đại nhân, ta đến để hầu ngài nghỉ ngơi.”

Ta không dám nhìn biểu cảm của hắn, chỉ thấy trong tầm mắt, bàn tay hắn ngừng lại giữa không trung. Ta biết, hắn thấy ta mặc áo mỏng, tóc không cài trâm, buông xõa trên vai.

Tố Thủy từng bảo, khi đủ mộc mạc, vẫn có thể làm say lòng người.

Ta thổi tắt vài ngọn nến, rồi mới dám bước về phía Tiết Khắc Kỷ. Trong màn rèm xanh, ta không dám ngẩng đầu nhìn hắn. Học theo đám oanh yến bên Vương Văn Phụ, ta vụng về dùng ngón tay ngoắc lấy đai áo của Tiết Khắc Kỷ.

Nhưng hắn nắm lấy cổ tay ta, ép ta xuống giường.

“Phúc Nguyên.” Giọng hắn nhẹ nhàng, không rõ buồn vui. Hắn dùng một tay nâng mặt ta lên, cổ tay hơi đẩy cằm ta, buộc ta phải nhìn thẳng vào mắt hắn.

Đôi mắt ấy, vẫn trong veo như hồ xuân thuở trước.

“Ta biết ngươi không phải là loại người này.”

Chỉ một câu nói, ta hoàn toàn sụp đổ.

Ta không phải loại người nào đây? Trong tình cảnh này, ta có thể là người như thế nào đây…

Nước mắt ta trào ra, chưa kịp cất lời, cổ họng đã nghẹn ngào.

“Đại nhân, ta cầu xin ngài một chuyện…”

Tiết Khắc Kỷ đứng dậy, giữ khoảng cách thích hợp, ngồi lại bên bàn, nghiêm túc lắng nghe ta nói.

Ta cũng đứng dậy, lần này quỳ xuống, không chút uất ức nhục nhã: “Đại nhân, khi còn ở phủ Chiêu Vũ Hiệu úy, ta có quen một nha hoàn tên là Tố Thủy. Nàng bị Vương Văn Phụ đánh đến chec, vứt xác ở nơi hoang vu. Ta đã báo quan, nhưng thân phận thấp kém, có lẽ Vương Văn Phụ đã dùng tiền bịt miệng quan phủ, nên mãi chẳng thấy động tĩnh gì.”

Mỗi lần ta quỳ, hắn và Từ Đại Yên đều lập tức đỡ ta đứng dậy. Nhưng lần này, hắn chỉ im lặng một lát, rồi cúi người, chậm rãi hỏi: “Phúc Nguyên, ngươi nghĩ xem, có công lý nào nằm dưới đáy chén rượu của kẻ quyền quý hay ẩn trong tà áo của nữ nhân không?”

“Nếu hôm nay ta chấp nhận ngươi, mập mờ mà chiếm lấy ngươi, liệu ngươi có thật sự tin rằng ta sẽ hoàn thành chuyện này cho ngươi không?”

Như sét đánh ngang tai.

Ta sững sờ hồi lâu, không kìm được mà ngước lên nhìn Tiết Khắc Kỷ. Hai câu hỏi ấy khiến ta không biết đáp thế nào. Đang giữa mùa đông lạnh giá, khi đứng ngoài cửa lòng đầy toan tính, ta chẳng cảm thấy lạnh. Nhưng giờ đây, giọng nói ôn hòa của Tiết Khắc Kỷ lại khiến ta lạnh thấu tâm can.

Khi còn ở phủ Chiêu Vũ Hiệu úy, những người như chúng ta muốn đạt được điều gì, chỉ có thể dựa vào việc bán rẻ sắc đẹp. Tố Thủy đã bảo vệ ta rất kỹ, khiến ta chẳng vì một chút lợi nhỏ hay ơn huệ mà phải làm những điều thấp kém. Nhưng đứng trước ranh giới sống chec, trước chuyện mạng người, ta mới nhận ra bản thân đã bị những suy nghĩ độc ác của quá khứ đầu độc sâu đến nhường nào. 
 
Chương 6


Ta tự cho mình là tỉnh táo, nhưng vẫn không thể chống lại cơn lũ của thế gian, khi không thể giữ vững bản thân, ta lại hoảng loạn tìm vào lối mòn.

Khi ta còn đang ngẫm nghĩ, Tiết Khắc Kỷ khoác lên người ta một chiếc áo choàng lớn. Hắn thản nhiên vòng ra phía sau ta, nằm xuống với y phục còn nguyên.

Giọng nói thanh thoát quen thuộc vọng lại bên tai: “Phúc Nguyên, nghĩ thông rồi thì về phòng nghỉ đi. Sáng mai ta còn phải vào triều sớm, không thể thức lâu hơn nữa.”

Giọng hắn lúc kết thúc câu còn mang theo chút mệt mỏi, lại pha nét cười.

Dù đã bị làm phiền đến thế, hắn vẫn để ý cảm xúc của ta, muốn ta bớt buồn đi. Ta không khỏi mỉm cười trong nước mắt, yên lặng đứng dậy, cúi chào hắn rồi ra về. Đến cửa, chợt nghĩ ra điều gì, ta quay lại, để chiếc áo choàng lại trong phòng.

Vốn là ta tự mình gây chuyện, ít nhất cũng không nên để lại dấu tích gì, tránh gây thêm phiền phức cho phu nhân và lão phu nhân.

Ngay khi ta vừa bước ra, Tiết Khắc Kỷ quay lưng lại và nói: “Nếu đây là một mạng người mà lẽ ra ta nên cứu ngay từ đầu, thì ta sẽ đòi lại công bằng cho cô nương ấy.”

Hắn chưa từng gặp Tố Thủy, cái tên ấy cũng chỉ vừa nghe lần đầu trong tối nay. Nhưng hắn vẫn xem đây là trách nhiệm của mình.

Đêm đông gió lạnh buốt da, ta trở về phòng, trong lòng như có gió bão ào ạt, chẳng cảm thấy lạnh, chỉ thấy ấm áp vô cùng.

Như cái ấm áp của ngày đầu gặp gỡ, khi bàn tay hắn đặt lên vai ta.

Nhiều năm sau, khi mọi thứ đã đổi thay, ta mới hiểu rằng, đêm đông ấy không phải là gió bão, mà là lòng ta rung động. Khi đó, ta chẳng dám nghĩ đến chuyện tình cảm nam nữ. Sống sót thôi đã đủ khó khăn, nào có tâm trí để mà mơ tưởng.

Huống chi, Tiết Khắc Kỷ đâu phải người ta có thể mơ đến. Giữa chúng ta là sự cách biệt của rào cản thân phận, là thế giới xa vời của kẻ quyền quý và người hầu kẻ hạ.

Và còn có người thê tử mà hắn luôn dành trọn tâm can, không dung nổi một hạt cát nào trong mắt.

Tiết Khắc Kỷ quả nhiên đã để tâm đến cái chec của Tố Thủy. Nhờ hắn can thiệp, vụ án vốn bị quy là tự sát đã được mở lại điều tra.

Trong bữa cơm, ta đứng hầu sau lưng lão phu nhân. Hắn quay đầu nhìn ta, nói: “Hôm nay khám nghiệm lại lần nữa, phát hiện vết thương chí mạng trên người cô nương ấy là do bị đánh đập.”

Ta sững người, định lên tiếng thì bị lão phu nhân quát: “Ăn không nói, ngủ không nói. Nha đầu ngươi sao lại không biết lễ nghi chứ?”

Từ Đại Yên liền lên tiếng bênh vực ta: “Mẫu thân không biết đấy thôi, vụ án này là của người tỷ tỷ bạc mệnh của Phúc Nguyên.”

Nàng nhìn ta, ánh nến soi vào đôi mắt long lanh như sao của nàng, trong ánh nhìn ấy tràn đầy thương xót: “Cô nương ấy còn chưa đến hai mươi tuổi…”

Nghe vậy, lão phu nhân buông bát đũa, vội xoay chuỗi hạt trong tay, lẩm nhẩm niệm kinh. Ta vốn chẳng hiểu lời niệm Phật, chỉ nghĩ rằng, nếu thật sự có gì đó có thể siêu độ cho Tố Thủy, giúp nàng được nhắm mắt xuôi tay, thì đó nhất định là sự thật phơi bày, là kẻ ác phải trả giá, là ác nhân phải đền tội.

Ta chăm chú nhìn vào tấm lưng thẳng của Tiết Khắc Kỷ: “Đại nhân tài giỏi vô song, ta tin rằng ngài nhất định sẽ đòi lại công bằng cho tỷ tỷ của ta.”

Ta và Từ Đại Yên đều thấy Tiết Khắc Kỷ chậm rãi đặt đũa xuống bên cạnh bát. Nhưng ta không hiểu hắn bằng nàng, nàng tựa vào tay hắn, quan tâm hỏi: “Phải chăng vẫn còn vướng mắc với Tề Tể tướng? Hắn vừa bực bội vì không giành được chức vụ béo bở này, giờ lại thêm việc chàng tranh chấp chuyện binh quyền với hắn, chắc chắn hắn sẽ không để yên.”

Đó là chuyện triều đình, là thứ ta chưa từng nghe qua. Từ Đại Yên xuất thân danh môn, từ nhỏ đã học lễ nghĩa, lại từng làm đồng học của Công chúa, nên cũng có sự hiểu biết sâu sắc về chính sự. Hắn có thể chia sẻ với nàng những điều này là lẽ đương nhiên.

Ta không hề biết rằng những kẻ quyền quý cũng có những nỗi lo toan. Vì thế ta luôn kính trọng, ngưỡng mộ Tiết Khắc Kỷ, nhưng chưa từng lo lắng điều gì cho hắn. Còn trong lòng Từ Đại Yên, hắn không phải là người không gì là không thể. Nàng lo hắn đi nhầm đường, lo hắn gây thù chuốc oán.

Thấy trong phòng đông người, Tiết Khắc Kỷ khẽ giơ tay, Từ Đại Yên liền hiểu ý, ngừng câu chuyện. Nàng gắp thức ăn cho hắn, còn ta cũng theo đó, phục vụ lão phu nhân tiếp tục bữa cơm.

Sau bữa tối, ta được lão phu nhân cho phép, liền đi tìm Tiết Khắc Kỷ ở thư phòng. Ta hỏi ngắn gọn về vụ án của Tố Thủy, hắn không tỏ chút phiền hà nào, kể rõ cho ta nghe từng chi tiết. Ta vẫn còn lo lắng, nhíu chặt mày, lẩm bẩm: “Vương Văn Phụ là đích trưởng tử của Chiêu Vũ Hiệu úy, liệu hắn có thực sự đền mạng không?” 
 
Chương 7


Nghe vậy, Tiết Khắc Kỷ đáp rằng chỉ giec một nha hoàn, quả thật chưa đủ để bị xử tử. Nhưng nhờ hắn đứng ra, mấy gia đình của những nô bộc từng bị Vương Văn Phụ hành hạ đến chec cũng dám đứng ra làm chứng.

Không phải người nghèo nào cũng vô tri, nhận tiền rồi cam chịu để kẻ quyền quý muốn lấy mạng con cái mình lúc nào cũng được. Chúng ta chỉ thiếu một cơ hội được đối xử công bằng, thiếu một nơi an toàn để nói ra sự thật mà thôi.

Qua lớp sách chất đầy, Tiết Khắc Kỷ ngẩng lên: “Phúc Nguyên cứ yên tâm.”

Chỉ một ánh mắt của hắn cũng đủ khiến lòng ta an ổn.

Những ngày lao lực khiến đôi mắt hắn đỏ ngầu. Ta chợt nhớ đến chuyện triều đình mà Từ Đại Yên nhắc đến, nhưng chẳng hiểu chút nào, chỉ biết vụng về nói: “Đại nhân, Tố Thủy tỷ tỷ từng đọc cho ta nghe một bài thơ:

“Xuân có hoa trăm sắc, thu có trăng, hạ có gió mát, đông có tuyết trắng. Nếu không vướng bận muộn phiền, ấy chính là mùa đẹp nhất nhân gian.”

Ta nghe có lý lắm. Đời người ngắn ngủi mấy chục năm, sống phải biết buông bỏ, mới có thể cười tươi vui vẻ.”

Tiết Khắc Kỷ khẽ nhẩm lại bài thơ, đôi mày dãn ra, nở nụ cười rạng rỡ với ta: “Phúc Nguyên, ta đã hiểu lòng ngươi, cảm ơn ngươi.”

Ngài hiểu lòng ta sao?

Ánh trăng lưỡi liềm lấp ló trên cành liễu khô, lòng ta yên tĩnh như màn tuyết đêm ngoài cửa sổ.

Đại nhân, ngài không hiểu lòng ta đâu.

Lòng ta đã sinh ra một mối tình sai trái.



Tin tức Vương Văn Phụ bị xử trảm đến ngay trước thềm năm mới. Tiết Khắc Kỷ ngồi cạnh lò sưởi uống trà, còn Từ Đại Yên đập bàn mạnh mẽ: “Phải như vậy mới đúng! Hắn đã cướp đi sinh mạng của bao cô gái không được nhìn thấy năm mới, vậy nên hắn cũng không xứng đáng được đón xuân.”

Tiết Khắc Kỷ đặt chén trà xuống, nhẹ nhàng nắm lấy tay nàng, vuốt ve: “Đập mạnh thế, phu nhân chẳng thấy đau sao?”

Hai người họ đã chẳng còn là đôi phu thê ngượng ngập từ ngày đầu ta gặp, mà luôn tâm đầu ý hợp, mắt họ nhìn nhau chẳng chứa ai khác. Là ta đã thay đổi. Vì tình cảm khó nói này mà lòng ta thấy chua xót. Nhưng ta giấu kín tất cả, ngoài chuyện của Tố Thủy, ta không hề trò chuyện gì thêm với Tiết Khắc Kỷ. Gặp gỡ ngẫu nhiên, ta cũng chỉ cúi đầu thật thấp, tránh cả tà áo của hắn.

Có tình mà giữ lễ, đó là cách duy nhất. Cũng vì thế mà dần dần lão phu nhân không còn đề phòng ta như trước. Từ Đại Yên thấy ta làm việc cẩn thận, tính tình ngoan ngoãn nên thường gọi ta đến phụ Tuyết Xuân.

Đến ngày Vương Văn Phụ bị hành hình, ta quyết tâm đến xem. Từ Đại Yên lo lắng, sai hai tiểu tư đi theo ta. Trước khi ra cửa, nàng đích thân khoác áo choàng lông tuyết lên người ta, ánh mắt đầy lo âu: “Nếu thấy sợ thì cứ quay về, Vương Văn Phụ đã là kẻ bị xử tội chec, ngươi có xem hay không cũng chẳng sao.”

Nàng lo ta sợ đến phát bệnh. Nhưng ta kiên quyết, nhất định phải tận mắt thấy kẻ ác đền tội.

“Ta không sợ, thưa phu nhân. Ta chỉ sợ hắn lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.”

Từ Đại Yên hiểu sự quyết tâm của ta, đành thở dài, nhẹ giọng bảo: “Ít nhất nhớ về sớm, ta còn chờ ngươi làm xong chiếc túi thơm thêu hoa lê cho ta nữa.”

Ta từng kể với nàng, Tố Thủy thích nhất là hoa lê. Những đêm lạnh buốt xương trong viện Chiêu Vũ Hiệu úy, ta ôm Tố Thủy đầy những vết bầm trên người, nghe nàng nói nàng thích loài hoa tinh khôi ấy biết bao. Mỗi đồ vật ta làm cho Tố Thủy đều thêu họa tiết hoa lê.

Đêm đêm, Vương Văn Phụ vui chơi hưởng lạc, mời nhạc công vào phủ, tiếng sáo tiếng đàn thoảng qua tường cao. Khi ấy, Tố Thủy khẽ vuốt ve những cánh hoa thêu, cười nói với ta: “Giờ thì ta cũng có người nhớ thương rồi.”

Ta và Tố Thủy đều sống dựa vào những yêu thương nhỏ bé ấy.

“Phúc Nguyên, nhất định phải sống cho ra con người.”

Những lời ấy như tiếng sáo lạnh vang trong đêm vắng. Nghe chuyện về Tố Thủy, không hiểu vì sao Từ Đại Yên cũng muốn ta thêu cho nàng một món đồ có họa tiết hoa lê.

Ban đầu, ta muốn từ chối: “Phu nhân, chữ ‘lê’ đồng âm với ‘ly’ trong ‘ly biệt’, không được may mắn cho lắm, hay là ta thêu cho người hình khác?”

Nàng lắc đầu, dường như đã hiểu nỗi đau trong lòng ta. Ta từng không thể đưa Tố Thủy thoát khỏi nơi đầy hiểm nguy, nên luôn tự trách cái chec của nàng là do ta. Vì vậy, ta đã bất chấp muốn dâng mình, chỉ mong Tiết Khắc Kỷ đòi lại công bằng cho nàng. Cũng vì thế mà ta liên tưởng hoa lê với chuyện này, tự trách bản thân vì đã phạm phải điều không may.

Từ Đại Yên nắm lấy tay ta, ánh mắt ấm áp như ánh nhìn của Tố Thủy thuở trước: “Ta không tin vào những điều không may mắn ấy, chỉ cần lòng không thẹn là đủ.”

Một câu nói ấy đã phá tan mọi phòng tuyến của ta.

Đó là lần cuối cùng ta quỳ lạy trước Từ Đại Yên. Ta thú nhận chuyện ta từng có ý đồ với Tiết Khắc Kỷ đêm đó.

Nàng nghe xong liền sững sờ, rồi ngồi xuống, dịu dàng xoa mặt ta.

“Phúc Nguyên, giờ ngươi đã nghĩ thông suốt rồi chứ?” 
 
Chương 8


Nàng không hề để tâm chuyện ta đã làm, thậm chí chẳng cần xác nhận xem ta và Tiết Khắc Kỷ có thực sự trong sạch như lời ta nói. Nàng tin ta, cũng tin phu quân của mình.

Sao ta lại không cảm động cho được.

Từ Đại Yên đỡ ta dậy, lau đi những giọt nước mắt trên mặt ta.

Ta gật đầu thật mạnh: “Phu nhân, ta hiểu rồi… công lý không thể tìm thấy dưới đáy chén rượu của nam nhân hay trong tà áo của nữ nhân, ta cần phải tự trọng và yêu lấy bản thân mình.”

Từ Đại Yên mỉm cười hài lòng, dang tay như muốn hỏi ý ta xem liệu nàng có thể ôm ta không.

Ta từng trốn tránh vòng tay thiện ý ấy. Nhưng giờ đây, mọi lớp phòng bị đã sụp đổ, ta gục vào lòng nàng, hai người ôm chặt lấy nhau.

Nếu trên đời này thật sự có thần linh, chắc hẳn sẽ như Từ Đại Yên – dám xua đuổi tà khí, dùng đôi tay thanh sạch để gột rửa những tối tăm.

Cũng chính khoảnh khắc ấy, ta mới hiểu rằng Tiết Khắc Kỷ không nạp thiếp, chỉ có một mình Từ Đại Yên, dung túng nàng hết mực, hoàn toàn không phải vì kiêng dè xuất thân của nàng. Trên triều đình, hắn đối đầu trực diện với cả Tể tướng, sao lại phải e ngại thân phận con gái Thượng thư của nàng.

Hắn chỉ đơn giản là yêu nàng, như cách ta ngưỡng mộ, kính yêu hắn.

Giữa bão tuyết, ta đến pháp trường. Đứng ở vị trí mà Vương Văn Phụ có thể nhìn thấy ta, hắn vừa liếc qua đã trợn mắt căm giận, hận không thể xông lên mà xé xác ta.

Ta giơ cao chiếc ngọc bội Tố Thủy từng đeo, lắc lư trước mặt hắn. Ta mở miệng, để hắn thấy rõ từng lời: “Giec người, phải đền mạng.”

Ngay khi lời ta vừa dứt, tên đao phủ đã vung đao c.h.é.m xuống.

Mãi đến khi đầu của Vương Văn Phụ lăn xuống đất, được phụ mẫu của hắn đến nhận xác, ta mới chớp mắt.

Mắt cay xè, nhưng lần này, ta không muốn khóc nữa.

Tỷ tỷ, tỷ có thấy không?

Kẻ ác như vậy, cuối cùng cũng đã không còn hại người đời nữa.

Mạng của chúng ta cũng là mạng, cũng đáng để lũ quyền quý này phải nể sợ.

Trên con đường trở về phủ, tuyết phủ trắng xóa những cành khô. Mảnh tuyết vỡ tan, tựa như cây lê mà ta và Tố Thủy từng cùng nhau chăm sóc.

Một màu trắng tinh khôi và sự thật cuối cùng cũng đã được phơi bày.

Nếu ngày tháng cứ thế trôi qua từng ngày, cũng chẳng có gì là không tốt. Ta dần dần từ bỏ những suy nghĩ dành cho Tiết Khắc Kỷ, dù biết rằng khó có thể yêu ai khác. Nhưng ta có thể an phận ở lại chăm sóc lão phu nhân, đến khi đưa tiễn bà về nơi an nghỉ, rồi trở thành người quản lý trong phủ cho đôi phu thê họ, một đời cũng đủ trọn vẹn. Nghĩ như vậy, không lấy chồng sinh con cũng chẳng phải điều to tát.

Nào ngờ, ta mới ở Tiết phủ ba năm thì Tiết Khắc Kỷ vì đắc tội với Tề Tể tướng mà bị giáng chức, phải đi đến Tây Nam xa xôi, rời khỏi kinh thành. Tin tức vừa truyền đến, lão phu nhân vì quá hoảng sợ mà nằm liệt giường, ta túc trực bên bà không rời nửa bước. Chặng đường đi lưu đày dài ngàn dặm, nếu không dưỡng sức trước khi khởi hành, trên đường chịu cảnh gió sương, lão phu nhân chắc chắn sẽ không thể khỏi bệnh.

Tiết Khắc Kỷ và Từ Đại Yên là những người nhân hậu, lấy hết khế ước bán thân của đám người hầu trong phủ ra, nói rằng ai muốn đi thì có thể cầm tiền và khế ước rồi rời khỏi phủ.

Ta làm ngơ, vẫn ngày ngày sắc thuốc, đút cơm, tận tình chăm sóc lão phu nhân.

Từ Đại Yên tìm gặp riêng ta, phân tích thiệt hơn: “Sau vụ án của Vương Văn Phụ, ta đã chuộc phụ mẫu ngươi, để họ làm quản gia ở trang trại bên nhà ngoại của ta. Ngươi cứ ở lại kinh thành chăm sóc phụ mẫu, sau này tìm một lang quân tốt mà yên bề gia thất, chẳng phải sẽ ổn hơn sao?”

Ta đang cầm bát thuốc chưa rửa, khó mà tránh được, bèn cúi đầu nói: “Phu nhân nhân hậu, không muốn mang theo đám nha hoàn quê mùa chúng ta rời kinh, đã sắp xếp cho mỗi người một nơi an ổn.”

Ta ngẩng đầu, chân thành nói với nàng từng lời: “Phu nhân và đại nhân làm việc thiện mà không mong đáp đền, nhưng ta cũng là người hiểu rõ ơn nghĩa. Về lý, ta nên theo hai người, còn về tình, lòng ta thực sự cũng muốn được đi cùng hai người.”

Đặt bát thuốc xuống, ta tiến lên nắm lấy cổ tay Từ Đại Yên: “Phu nhân, đừng nói đến lưu đày, dù người có phải làm ăn mày, ta cũng sẽ đi theo. Ta biết thêu thùa, trồng hoa chăm cây, biết chải tóc búi đầu cho các tiểu thư, có thể kiếm ra tiền. Nửa đời còn lại để ta nuôi người, ta cũng chẳng hối hận.”

Từ Đại Yên sững sờ, trong mắt ánh lên nỗi xúc động và sự bất ngờ khó giấu.

Nàng nắm c.h.ặ.t t.a.y ta: “Một câu ‘không hối hận,’ cũng không phụ lòng chúng ta đã chân thành đối đãi ngươi.” 
 
Chương 9: Hết


Nào ngờ, khi ta vừa thuyết phục được Từ Đại Yên, Tiết Khắc Kỷ lại đến khuyên ta. Đêm trước khi rời kinh, ánh trăng sáng rọi trên cành lê. Hắn dường như đã uống rượu, đẩy cửa phòng ta bước vào.

Dưới bóng trăng in trên cửa sổ nhỏ, ta giả vờ ngủ, không rõ hắn định làm gì.

Ai ngờ, hắn chỉ mò mẫm tới, đặt một phong thư lên ghế gần giường ta.

“Đây là khế ước bán thân của ngươi, giữ lấy. Từ giờ ngươi đã được tự do.”

Giọng hắn có vẻ say, nhưng trong cách cư xử, hắn vẫn giữ nét điềm đạm vốn có. Bóng dáng cao gầy ấy nhanh chóng rời đi, cửa mở rồi đóng lại nhẹ nhàng.

Khoảnh khắc cánh cửa vừa khép, ánh trăng sáng chiếu lên khắp không gian, núi non tựa ngọc, mà ngọc ấy như hình bóng của hắn.

Tiết đại nhân, người và phu nhân tốt như vậy, làm sao ta nỡ rời xa.

Vậy nên, dù cầm trong tay khế ước bán thân, ta vẫn cố chấp đi theo họ.

Tại bến đò, ta chuẩn bị lên thuyền thì Tiết Khắc Kỷ, người hiếm khi nhíu mày, hơi trách móc ta: “Phúc Nguyên, ngươi muốn làm nô tỳ cả đời sao? Ngươi chưa chịu đủ cảnh làm trâu làm ngựa à?”

Ta đâu có muốn tiếp tục làm trâu làm ngựa nữa.

Nhưng Tiết đại nhân, người đã trả lại khế ước bán thân cho ta, từ giờ ta đã là người tự do.

Ta sẽ không còn làm trâu làm ngựa cho ai nữa.

Từ Đại Yên kéo tay áo hắn: “Chàng nói như vậy nặng lời quá. Chàng chẳng qua chỉ không muốn Phúc Nguyên phải theo chúng ta chịu cảnh gian khổ nơi xa, sao không nói lời nhẹ nhàng hơn?”

Lúc ta mới đến phủ Tiết Thị lang, người hầu đông đúc, khắp nơi rộn rã. Giờ đây khi họ ra đi, chỉ có vài người không chốn dung thân mới ở lại cùng chăm sóc. Đến cả nha hoàn hồi môn của Từ Đại Yên, Tuyết Xuân, nàng cũng gửi trả về phủ Thượng thư.

Ta nhìn Tiết Khắc Kỷ rồi lại nhìn Từ Đại Yên. Một vị quan thanh liêm và nhân từ, một nàng tiểu thư thông minh và rộng lượng. Tố Thủy đã cho ta tiếp tục sống, còn họ đã thay đổi cuộc đời ta.

Ta tiến lên, nắm tay Từ Đại Yên, hỏi lại: “Phu nhân, chẳng lẽ người đã quên lời ta từng nói với người rồi sao?”

Nàng chớp mắt đầy khó xử, rồi dịu dàng nói với ta: “Phúc Nguyên, ngươi biết lòng ta mà. Ta tất nhiên rất muốn có ngươi ở bên…”

Nhận được sự đồng ý của nàng, ta thẳng thắn bước lên thuyền. Ta lấy khế ước bán thân từ trong túi, giơ trước mặt Tiết Khắc Kỷ.

“Tiết đại nhân, giờ ta đã là người tự do, ngài không thể ngăn ta xuống phía Nam.”

Sắc mặt hắn lập tức trở nên khó coi. Bận rộn công vụ ngày đêm cũng không khiến hắn phiền lòng, bị quyền thần chèn ép cũng không làm hắn d.a.o động. Không ngờ lại có ngày, một tiểu nha hoàn không biết chữ lại làm hắn cứng họng.

Trên đường đi, Tiết Khắc Kỷ chẳng thể quản ta. Ta vẫn tiếp tục chăm sóc lão phu nhân và giúp đỡ Từ Đại Yên.

Lão phu nhân vỗ mu bàn tay ta, thở dài: “Phúc Nguyên, khi ngươi mới đến phủ, ta nghĩ ngươi sẽ không ở lại lâu. Ai ngờ ngươi lại là người thủy chung như vậy.”

Ta nửa quỳ bên cạnh, kéo lại cổ áo cho bà. Càng đi về Tây Nam, cây cối càng rậm rạp, nước sông càng xanh biếc: “Lão phu nhân, chờ đến khi ổn định rồi, người dạy con học chữ nhé. Sau này con sẽ giúp người chép kinh.”

Tiết Khắc Kỷ vẫn giận ta, đến nơi ở mới, hắn nhất quyết không cho ta bước vào nhà hắn. Ta dùng số tiền tích góp thuê một căn nhà nhỏ gần đó, vừa làm việc thêu thùa, chải đầu cho khách để kiếm tiền, vừa nghe ngóng tình hình trong nhà hắn.

Khi nghe tin hắn muốn tuyển quản gia, ta liền thu dọn đồ đạc và đến xin việc. Từ Đại Yên ngẩng lên thấy ta, lập tức cười tươi.

Ma ma già từ kinh thành theo nàng đến đây lên tiếng trêu đùa: “Ta thấy cũng chẳng cần ai xếp hàng phía sau nữa, có cô nương đây rồi, ai còn đọ nổi chứ.”

Ta cúi người hành lễ, cười nói với Từ Đại Yên: “Phu nhân, chẳng hay Tiết đại nhân không có nhà, liệu người có thể tự mình quyết định?”

Từ Đại Yên đứng dậy, nụ cười rạng rỡ như hoa: “Phúc Nguyên tốt bụng của ta, ta không cần ngươi bán thân cho nhà chúng ta, chỉ ký hợp đồng làm việc thôi. Đoán là chàng biết rồi cũng không trách ta được.”

Nàng bước lên, khẽ chạm vào giữa chân mày ta: “Ngươi ranh mãnh thật, chẳng phải đã tính cả rồi sao?”

Ta ngoan ngoãn khoác tay nàng: “Phu nhân tốt của ta, không lanh lợi một chút thì làm sao có thể làm bạn với người được chứ?”

Lần này, ta bước vào nhà của Tiết Khắc Kỷ với thân phận là một người tự do, cam tâm tình nguyện.

Đúng vào mùa hoa lê nở trắng xóa, trong ánh trăng, từng cánh hoa rơi như tuyết, báo hiệu một năm mới thịnh vượng. Ta cầm một chiếc áo định mang cho lão phu nhân, rẽ qua hành lang thì tình cờ gặp Tiết Khắc Kỷ.

Hắn cầm trong tay vài cuốn sách, dù đã bị giáng chức nhưng vẫn không quên bổn phận với triều chính.

Lần này, lòng ta thanh thản, tiến tới hành lễ với hắn, vui vẻ nói: “Đại nhân quả là nhanh chóng thích nghi, chỉ mới vài ngày đã vào lại nề nếp rồi.”

Tiết Khắc Kỷ khẽ mỉm cười, giọng nói vẫn ấm áp như thuở nào: “Dù ở kinh thành hay Tây Nam, việc ta làm cũng đều vì dân, tất nhiên phải nhất quán.”

Hắn lại hỏi ta về Tố Thủy.

Ta chỉ vào cây lê giữa sân: “Đại nhân, trước khi rời đi, ta đã sửa sang lại mộ của Tố Thủy tỷ tỷ, bên cạnh bia mộ trồng một cây lê. Khi còn sống, tỷ ấy thích nhất là ngắm hoa lê trắng.”

Tiết Khắc Kỷ gật đầu, rồi đi lướt qua ta. Hắn vẫn mặc chiếc áo dài xanh nhạt như ngày đầu gặp gỡ.

Như tùng như trúc, như trăng sáng suối trong.

Ta cảm thấy may mắn, rằng lần rung động duy nhất trong đời ta là dành cho một người cao quý như hắn. Mỗi bước đến gần hắn, ta đều bị ảnh hưởng ngược lại, để trở thành một người tốt hơn.

Sau này, như ta đã dự tính, trước tiên ta phụng dưỡng lão phu nhân, rồi làm quản gia cho Tiết Khắc Kỷ và Từ Đại Yên. Ta không lấy chồng, xem con cháu của họ như con cháu ruột thịt.

Từ Đại Yên thường dạy dỗ lũ trẻ rằng không được khinh thường người hầu, đặc biệt là ta.

Nàng nói, ta ở lại để báo ân, đã dốc lòng tận tụy bấy lâu, chẳng còn nợ họ gì nữa.

Ta dỗ cô cháu nhỏ của nàng ngủ, chỉ cười nhẹ. Nếu là người tốt như hai người, ta nguyện trung thành mãi mãi.

Hoa lê trong vườn lại nở rộ, còn mái tóc ta cũng đã pha màu của thời gian.

Nhìn lại cuộc đời, ta đã không còn nhớ rõ những ngày ở viện tạp dịch của Chiêu Vũ Hiệu úy nữa. Chỉ nhớ một cô gái thanh tao thuần khiết đã đưa tay kéo ta ra khỏi đó.

Nàng đã bảo ta phải sống thật tốt, phải sống một cuộc đời ra trò.

Tỷ tỷ, tỷ xem, ta có khiến tỷ thất vọng không?

Hết. 
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top