Chương 11
Thấy Bùi Tiểu Thập không đuổi theo, Vạn Hạ Trình đã bước một chân lên thềm, nhưng vẫn dừng lại, quay đầu nhìn cậu.
Phải thừa nhận mình sợ bóng tối ngại thật đấy, Bùi Tiểu Thập hỏi: "Có... có đèn không ạ?"
Trong bóng tối, Vạn Hạ Trình đưa tay sờ lên tường, thuần thục tới mức không cần nhìn. Chỉ một cái chạm nhẹ, hành lang lập tức sáng bừng. Dù bóng đèn cũ lúc tỏ lúc mờ, nhưng méo mó có hơn không.
Bùi Tiểu Thập thở phào nhẹ nhõm, nắm chặt quai túi đeo chéo trước ngực, rồi nở nụ cười ngọt ngào: "Cảm ơn anh nhé!"
Vạn Hạ Trình vốn đã định bật đèn từ trước, vì hắn không quen đi lên lầu trong bóng tối, nên không phản hồi lời cảm ơn của thiếu niên.
Khi đèn đã sáng, thử thách tiếp theo của Bùi Tiểu Thập là leo cầu thang. Cầu thang hình xoắn ốc, dựng đứng như thang trời, mỗi bậc đều nhỏ và hẹp. Thiếu niên chưa từng đi kiểu cầu thang này. Hai tay cậu vịn chặt lan can, bước từng bước cẩn thận, chỉ sợ trượt chân ngã.
Vạn Hạ Trình đi nhanh như bay, hai bước chập thành một, chẳng mấy chốc đã biến mất sau một khúc quanh. Bùi Tiểu Thập quýnh quáng đến vã mồ hôi, vội bám lan can gọi với theo: "Anh đừng đi nhanh thế, đợi em với!"
Vòng qua chỗ ngoặt, cậu thấy Vạn Hạ Trình đang đứng chờ ở tầng hai, thì ra nhà hắn ở đây.
Vạn Hạ Trình nói: "Người mù còn đi nhanh hơn cậu."
Bùi Tiểu Thập không phục: "Anh điêu thế, đường xoắn thế này sao người ta đi được?"
Sau đó, cậu mới biết trong nhà Vạn Hạ Trình có một người mù thật.
Mọi ngóc ngách ở khu này đều chật chội, từ cổng vòm thấp dưới tầng một đến khoảng cách giữa các tầng. Trần nhà cũng không quá cao, Bùi Tiểu Thập cảm giác chỉ cần Vạn Hạ Trình duỗi tay là chạm tới.
Khi vào trong, mọi thứ trông như đã lâu không được sửa sang. Tường vôi bong tróc, đồ đạc dưới ánh đèn vàng vọt từ những chiếc bóng đèn cổ lỗ sĩ trông như cổ vật trong ảnh cũ. Một bà cụ ngồi trên chiếc sa lông sờn rách, hòa vào khung cảnh bị thời gian ăn mòn của nơi này.
Ban đầu, Bùi Tiểu Thập không để ý đến bà, mãi đến khi Vạn Hạ Trình bật đèn phòng khách.
Người phụ nữ trông rất lớn tuổi, khoảng bảy, tám mươi tuổi. Làn da nhăn nheo lấm tấm đồi mồi.
Nhà không có máy sưởi, bà khoác một chiếc áo len sẫm màu, mặc quần ngủ lót nhung để giữ ấm. Cả người ngồi lặng lẽ trên sofa, không biết đã ngồi trong bóng tối bao lâu.
Khi đèn vừa bật lên, dù Vạn Hạ Trình đã báo trước trong nhà có người, Bùi Tiểu Thập vẫn không khỏi giật mình khi thấy bóng dáng bà cụ.
"Hạ Trình, nhà có khách à?" Bà quay mặt về phía cửa, cất giọng nói khàn khàn, đứt quãng.
Từ khoảng cách vài mét, Bùi Tiểu Thập nhận ra đôi mắt bà cụ trống rỗng, không có tiêu cự. Ngay cả hướng quay đầu cũng không chính xác, giọng nói không hướng thẳng về phía bọn họ.
"Cháu lượm được một thằng nhóc ven đường. Điện thoại của nó hết pin nên dẫn về đây sạc nhờ thôi." Vạn Hạ Trình vừa đóng cửa vừa giới thiệu với Bùi Tiểu Thập: "Đây là bà của tôi."
Bùi Tiểu Thập lễ phép, rụt rè gọi theo: "Bà ạ."
Dù không nhìn thấy, bà cụ vẫn mỉm cười, gật đầu về phía cậu.
Bùi Tiểu Thập chợt nhớ lại câu nói ban nãy của Vạn Hạ Trình.
"Người mù còn đi nhanh hơn cậu."
Hóa ra trong nhà anh trai thực sự có một người khiếm thị. Câu "không tiện lắm" ban đầu có lẽ là vì lý do này.
Khi ấy, Bùi Tiểu Thập chưa biết rằng Vạn Hạ Trình từ chối người khác vốn không cần lý do.
Về sau, khi cậu thấy bà cụ tự mình xuống cầu thang, cậu mới nhận ra bà còn thuần thục hơn cả mình.
Vạn Hạ Trình dẫn Bùi Tiểu Thập vào một căn phòng đơn giản hơn nhiều so với phòng khách. Nơi này chẳng có mấy đồ, chỉ gồm một chiếc giường gỗ, một cái bàn và một tủ quần áo cũ màu đồng cổ. Nền nhà không lát gạch nên chẳng cần cởi giày. Mấy thứ linh linh tinh nằm rải rác khắp sàn xi măng– một hộp dụng cụ mở sẵn đựng kìm, cờ lê, tua vít, và hằng hà sa số những thứ khác như bóng đèn còn mới, ổ cắm, công tắc cùng nhiều linh kiện ở góc tường.
Bùi Tiểu Thập ngồi xổm xuống trước thùng đồ: "Đây là hộp đồ nghề của anh à?"
"Ừ." Vạn Hạ Trình đáp.
"Vậy mấy thứ này cũng của anh sao? Định bán hả?" Bùi Tiểu Thập xích người lại gần đống linh kiện, hết sờ cái này lại tò mò nhìn cái kia. "Hồi nhỏ, cô hàng xóm nhà em cũng mở tiệm đồ gia dụng, em hay qua bên đó chơi lắm."
"Cứ coi vậy đi, mấy thứ này tôi lấy ở shop về."
Bùi Tiểu Thập tự cho là mình đã hiểu, gật đầu đáp: "Hóa ra anh cũng mở tiệm à?"
"Không, tôi chỉ làm thuê cho người ta." Vạn Hạ Trình tìm giúp cậu ổ điện cạnh đầu giường, cắm cục nguồn và dây sạc vào. "Đưa điện thoại đây."
Bùi Tiểu Thập cẩn thận dùng hai tay dâng lên chiếc điện thoại đã lạnh như đá của mình. Vừa định quay lại nghịch tiếp hộp dụng cụ, ánh mắt cậu dừng lại trên bàn của Vạn Hạ Trình. Bàn có bày vài cuốn sách, cậu không hiểu rõ tiêu đề lắm, chỉ nhớ mang máng mấy từ khóa như "Máy móc", "Cơ khí", "Chế tạo", "Tự động hóa".
Những thuật ngữ này thật xa lạ với sinh viên ngành nghệ thuật như Bùi Tiểu Thập. Hồi cấp ba, cậu chủ yếu theo học với giáo viên diễn xuất bên ngoài để luyện các kỹ năng như đài từ, ngôn ngữ hình thể, và biểu cảm. Tới khi lên đại học, cậu vẫn rất chăm chỉ học tập, đã đọc hết những cuốn sách kinh điển như An Actor Prepares của Constantin Stanislavski, The Art of Acting của Stella Adler, Sáu bài giảng về diễn xuất của Richard Boleslavsky, và gần đây là cuốn Story của Robert McKee, nhưng tất cả những thứ này chẳng liên quan gì đến khoa học kỹ thuật cả.
Ngoài sách chuyên ngành, trên bàn còn có một xấp bản vẽ. Những đường cong mềm mại hiện ra một cách uyển chuyển, phác họa nhiều hình dáng và cấu trúc khác nhau. Bùi Tiểu Thập không chạm vào, chỉ nghiêng người đổi góc nhìn để thấy rõ hơn. Từ các hình chiếu đan xen, cậu lờ mờ đoán rằng đây là bản vẽ mô phỏng của một số máy móc và linh kiện khác nhau.
Thiếu niên thầm nghĩ, hóa ra làm việc ở cửa hàng kim khí bây giờ cũng cần chuyên môn cỡ này.
Đồng thời, Bùi Tiểu Thập cũng biết tên của anh trai trông như thế nào. Ba chữ "Vạn Hạ Trình" được viết trên sách với nét bút sắc bén, mạnh mẽ và dứt khoát.
Cậu quay đầu nói: "Thì ra tên anh là ba chữ này..."
Nhưng vừa quay đầu lại, căn phòng trống trơn chỉ còn mình cậu, chẳng thấy bóng dáng Vạn Hạ Trình đâu.
Bùi Tiểu Thập bước ra ngoài, thấy Vạn Hạ Trình đang ngồi xổm trao đổi gì đó với bà cụ trong phòng khách. Có vẻ hai người đã nói xong nên Vạn Hạ Trình đứng dậy, dìu bà cụ về căn phòng nằm chéo đối diện với phòng của hắn, ngay sát nhà vệ sinh và bếp.
Lúc này, Bùi Tiểu Thập nhớ lại Vạn Hạ Trình từng kể về việc người nhà hắn bị một gã say rượu quấy rối. Chẳng lẽ người đó là bà cụ này?
Cậu cầm điện thoại, ngồi đợi đến nửa đêm vẫn không thấy ai khác về nhà, càng củng cố suy đoán của mình.
Đến 12 giờ, Vạn Hạ Trình dọn dẹp ngoài phòng khách xong thì đi tắm rồi mặc một chiếc áo thun ngắn tay bước vào phòng, hỏi cậu định khi nào thì về.
Lúc này đang là tháng 12, dù Thượng Hải không lạnh đến mức có tuyết nhưng nhiệt độ thường xuống dưới 0 độ. Phòng không có máy sưởi, nên bên trong lạnh chẳng khác gì bên ngoài. Nhìn cánh tay trần lộ ra dưới lớp áo ngắn tay của Vạn Hạ Trình, dù cơ thể hắn có rắn chắc đến đâu, Bùi Tiểu Thập không khỏi rùng mình thay cho hắn. Cậu vội kéo chặt chiếc áo lông trên người – cơ thể bé nhỏ của cậu làm sao chịu nổi cái lạnh này.
"Trong nhà chỉ có anh và bà thôi à?" Bùi Tiểu Thập hỏi.
"Ừ." Vạn Hạ Trình nhìn cậu, chờ đợi câu trả lời cho câu hỏi mà hắn đã đặt ra trước đó.
"Mắt bà bị sao vậy?" Bùi Tiểu Thập cẩn thận hỏi tiếp, "Có phải từng bị thương không?"
Trong khi Bùi Tiểu Thập cân nhắc từng từ một cách kỹ lưỡng, Vạn Hạ Trình lại không ngại nói thẳng: "Bà ấy bị mù."
Việc Hứa Thục Anh không nhìn được đã xảy ra từ nhiều năm trước. Khi đó, bà đang chở hàng bằng xe ba gác thì bị tai nạn giao thông tổn thương dây thần kinh thị lực, dẫn đến mù lòa. Năm ấy, Vạn Hạ Trình vừa hoàn thành kỳ thi cấp ba. Cũng chính vào khoảng thời gian đó, cậu bé vừa học xong lớp 9 này đã gánh vác gia đình thay Hứa Thục Anh.
Ngoài giờ học, Vạn Hạ Trình dùng tất cả thời gian còn lại để đi làm. Ông chủ Lưu của cửa hàng kim khí tuy nói là thuê hắn, nhưng thực chất là tìm cách giúp đỡ gia đình hai bà cháu. Suốt những năm tháng trung học phổ thông, hắn vừa trông tiệm, vừa tranh thủ đọc sách làm bài. Không phụ lòng chú Lưu, điểm thi đại học của Vạn Hạ Trình khiến nhiều trường top đầu phải tranh giành. Nhưng cuối cùng, hắn quyết định ở lại Thượng Hải để chăm sóc bà.
Hứa Thục Anh đã vất vả cả đời, trông bà già hơn nhiều so với những người cùng tuổi. Sau khi bị mù, sức khỏe bà yếu dần, tuổi cũng đã cao. Vạn Hạ Trình nợ bà một ân tình đáng giá cả cuộc đời, nên chẳng cần suy nghĩ nhiều khi chọn ở lại Thượng Hải.
Trường đại học không xa nhà lắm. Ngoài những tiết học cần thiết, hắn đều tranh thủ về chăm sóc bà bất cứ khi nào có thể.
Bùi Tiểu Thập ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi: "Vậy... người đàn ông làm phiền người nhà anh tối qua...?"
Vạn Hạ Trình thấy không cần phải giải thích quá nhiều về mối quan hệ giữa người đàn ông đó với Hứa Thục Anh, hay giữa hắn với bà.
"Chuyện thường xuyên rồi, tên đó uống say là đến đập cửa." Không để Bùi Tiểu Thập kịp bày tỏ đồng cảm, Vạn Hạ Trình giục cậu gọi điện cho quản gia.
Bùi Tiểu Thập còn định hỏi thêm, nhưng thấy Vạn Hạ Trình không muốn nói, cậu mới nhận ra mình đã lắm lời, đành im lặng.
Chỉ cần có chỗ sạc điện thoại là Bùi Tiểu Thập đã hài lòng lắm rồi. Nhìn tình cảnh gia đình của Vạn Hạ Trình, cậu thấy mọi thứ có vẻ phức tạp – nhà thì hoàn cảnh, lại còn có một người mù cần chăm sóc, mà xem chừng tất cả đều do một tay Vạn Hạ Trình lo liệu.
Không muốn phiền họ thêm, Bùi Tiểu Thập tự giác gọi cho quản gia. Dù đã khuya, ông ấy vẫn bắt máy ngay lập tức. Khoảng một giờ sau, tài xế đã đợi sẵn ngoài đầu phố ăn vặt. Bùi Tiểu Thập hơi ngại khi khiến hai người phải tăng ca đến giờ này, nhưng cũng may là nhà họ Bùi trả lương làm ngoài giờ rất cao.
Vạn Hạ Trình khoác áo, dẫn cậu ra ngoài. Khi Bùi Tiểu Thập lên xe, cậu còn định vẫy tay chào tạm biệt, nhưng vừa hạ cửa xe thì đã thấy Vạn Hạ Trình quay người bước đi, dáng vẻ dứt khoát, không chút do dự hay luyến lưu.
Trải nghiệm thất bại này khiến Bùi Tiểu Thập trở nên nghiêm túc hơn trong một thời gian dài. Cậu cho rằng có thể năng lực của mình chưa đủ giỏi, nên càng dồn hết tinh lực vào việc học. Mỗi buổi sáng, thiếu niên luôn là người đến lớp đầu tiên, ngoài chăm chỉ tập thoại còn đọc thêm sách và tham khảo nhiều bộ phim kịch hơn.
Sau đêm đó, vào một ngày cuối tuần, Bùi Tiểu Thập mang theo giỏ trái cây làm quà cảm ơn đến thăm Vạn Hạ Trình. Tuy nhiên, sau một hồi loanh quanh giữa những con ngõ chằng chịt, cậu vẫn không thể tìm được nhà của hắn.
Sao mà ngõ nào cũng giống ngõ nào thế nhỉ?
Bùi Tiểu Thập lượn từ đầu phố đến cuối phố, nhưng không tài nào nhớ nổi là con hẻm nào. Cậu thử đi thử lại nhiều lần, nhưng vẫn thất bại.
Nhớ lại Vạn Hạ Trình từng nói hắn làm việc ở một tiệm kim khí, Bùi Tiểu Thập quyết định đi tìm cửa hàng đó trên con phố ăn vặt. Khó khăn lắm mới tìm được một tiệm, nhưng lại không thấy người.
Thiếu niên ủ rũ rời khỏi con phố nhộn nhịp, trở lại đường lớn. Tài xế vẫn đang đợi ở đó, xe đậu ngay cạnh gốc cây bên đường, đúng vị trí hôm trước cậu đã đứng.
Bùi Tiểu Thập nhìn vật nhớ cảnh. Hôm đó trời tối om, cậu không nhìn rõ lắm. Nhưng giờ nhìn kỹ, hóa ra thân cây không to như cậu tưởng, chẳng trách bị Vạn Hạ Trình phát hiện nhanh thế.
Bùi Tiểu Thập xấu hổ chết đi được tự nhủ chắc lúc đó anh đẹp trai nghĩ mình ngốc lắm.
Ngoài ra, Bùi Tiểu Thập còn phát hiện chỗ mình ngồi nghịch điện thoại đêm ấy là trước cửa một tiệm, chính là cửa hàng kim khí Vạn Hạ Trình làm việc.
Qua lớp kính trong suốt, cậu thấy Vạn Hạ Trình đang tìm linh kiện cho khách, thân ảnh di chuyển giữa các kệ hàng.
Có lẽ từ khoảnh khắc này, trong lòng Bùi Tiểu Thập đã bắt đầu hình thành một tấm bản đồ kho báu, đánh dấu mọi vị trí liên quan đến Vạn Hạ Trình. Mà kho báu cuối cùng chính là Vạn Hạ Trình.
Vì vậy, Bùi Tiểu Thập ra hiệu cho tài xế về trước, không cần đợi mình nữa.
Trong tiệm, sau khi khách rời đi, Vạn Hạ Trình cuối cùng cũng nhận ra sự hiện diện Bùi Tiểu Thập, nhưng chỉ liếc cậu một cái qua lớp kính rồi lại quay đi.
Bùi Tiểu Thập tự hỏi: "Anh ấy không nhận ra mình à?"
Nên tự giới thiệu thế nào nhỉ? "Em là người hôm trước được anh giúp nè" hay "Em là Bùi Tiểu Thập đây" thì hợp lý hơn?
Cậu ôm tâm trạng "lòng dạ Tư Mã Chiêu*" đi qua đi lại trước tiệm, tay vẫn xách giỏ trái cây, chẳng mấy chốc đã thu hút được sự chú ý của Vạn Hạ Trình.
(Chú thích: "Lòng dạ Tư Mã Chiêu người người đều rõ" là thành ngữ ám chỉ dã tâm hoặc âm mưu lộ rõ, ai ai cũng biết.)
Vạn Hạ Trình ra ngoài hút thuốc. Thấy thế, Bùi Tiểu Thập lập tức tiến lại, nhưng vừa đến gần thì cậu bị ngại, bèn hỏi:
"Anh còn nhớ em không?"
"..." Vạn Hạ Trình đáp: "Sao thế?"
Bùi Tiểu Thập nâng giỏ trái cây lên bằng cả hai tay: "Tuần trước được anh giúp trong lúc cấp bách, nên hôm nay em đến cảm ơn."
"Được rồi." Vạn Hạ Trình châm thuốc, nhưng gió mạnh khiến hắn phải thử vài lần mới đốt được. Sau đó, hắn nhận giỏ trái cây từ tay Bùi Tiểu Thập. "Cảm ơn."
Vạn Hạ Trình gọi lớn vào tiệm: "Cẩu Tử!"
Bùi Tiểu Thập tưởng sẽ có một chú chó chạy ra, ai ngờ lại là một cậu bé khoảng 6-7 tuổi, ôm giỏ trái cây chạy ngược vào trong.
"Con trai ông chủ." Vạn Hạ Trình giải thích.
Bùi Tiểu Thập nhanh nhẹn tiếp lời: "À, cậu bé tên Cẩu Tử sao?"
"Không." Vạn Hạ Trình cười nhẹ, bắt chước cách nói của Bùi Tiểu Thập: "Tên là Lưu Tuyền. Chữ Lưu (刘) trong Văn Đao Lưu, còn chữ Tuyền (泉) là suối nước suối."
Bùi Tiểu Thập lập tức hiểu ra. "Suối" (泉), "chó" (犬)... Chả trách lại gọi là Cẩu Tử.
Cậu hỏi tiếp: "Ngày nào anh cũng đi làm à? Bà ở nhà một mình sao?"
"Bà đi lại không tiện, nhưng ở nhà một mình cũng ổn."
Lúc này, ông chủ Lưu về tới tiệm, đỗ xe tải nhỏ ngay trước cửa. Vạn Hạ Trình đi lên giúp dỡ hàng.
Bùi Tiểu Thập theo sau, dò hỏi: "Tối nay anh rảnh không? Em muốn mời anh bữa cơm."
Vạn Hạ Trình dụi tàn thuốc dưới chân, mở cốp xe rồi ra hiệu cho Bùi Tiểu Thập lùi lại: "Tôi đâu giúp gì nhiều. Trái cây cũng nhận rồi, ăn uống thì thôi."
Đúng lúc này, nhóc Lưu Tuyền không biết từ đâu nhảy ra, kéo áo Bùi Tiểu Thập: "Anh ơi, anh ấy không ăn thì để em ăn cho, anh dẫn em đi đi!"
Bùi Tiểu Thập nhanh trí đáp: "Được thôi, nhưng em phải hỏi xem anh Vạn có chịu dẫn em đi cùng không đã."
Cuối cùng, Vạn Hạ Trình đồng ý, còn dắt theo cái "tệp đính kèm" tí hon kia. Chú Lưu cũng không phản đối, ít nhất hắn sẽ trông giúp thằng nhóc.
Lúc 6 giờ tối, ba người đến một quán buffet nướng ngay sát phố ăn vặt. Vạn Hạ Trình và Lưu Tuyền ngồi một bên, còn Bùi Tiểu Thập ngồi đối diện.
Lưu Tuyền hào hứng ôm đĩa lấy đồ ăn liên tục. Vạn Hạ Trình phải đi theo vài lần rồi cuối cùng bắt thằng bé ngồi im, không cho chạy lung tung nữa.
Bùi Tiểu Thập cười nói: "Trẻ con thấy cái gì cũng mới lạ, cứ lấy về rồi để đấy."
Vạn Hạ Trình nhếch môi, thành thật đáp: "Không phải đâu, chủ yếu do tôi lười chạy theo nó thôi."
Suốt bữa ăn, phần lớn thời gian là Vạn Hạ Trình nướng thịt, còn Bùi Tiểu Thập và Lưu Tuyền chỉ việc ngồi ăn. Khi thịt chín, Vạn Hạ Trình sẽ bỏ vào bát cho Lưu Tuyền, thỉnh thoảng cũng gắp cho Bùi Tiểu Thập vài miếng, khiến cậu không khỏi "thụ sủng nhược kinh" (*).
(*Chú thích: Được yêu chiều mà vừa mừng vừa lo.)
Thấy mình nướng thịt không nhanh bằng Vạn Hạ Trình, Bùi Tiểu Thập chủ động đi lấy đồ uống và trái cây trên quầy buffet.
Vạn Hạ Trình khui một lon nước ngọt cho Lưu Tuyền, rồi quay sang hỏi Bùi Tiểu Thập: "Hồi trước cậu nói mình là sinh viên năm nhất, trường nào vậy?"
Được Vạn Hạ Trình chủ động hỏi thăm, lòng Bùi Tiểu Thập như mở cờ, nhanh chóng báo cáo tên trường và chuyên ngành của mình rồi hỏi lại:
"Vậy anh làm ở tiệm này suốt à? Anh có định học thêm bằng gì không? Hôm trước em thấy trên bàn anh có nhiều sách và bản vẽ, chắc lấy bằng cũng không khó đâu."
Thấy Bùi Tiểu Thập hiểu lầm, Vạn Hạ Trình không giải thích, cũng không trả lời thẳng, chỉ đơn giản đáp: "Cảm ơn, tôi sẽ cân nhắc."
Sau này, Bùi Tiểu Thập mới nhận ra lúc đó Vạn Hạ Trình không phải là không thành thật, chỉ là hắn thấy không cần thiết phải chia sẻ quá nhiều với người lạ. Suy cho cùng, nói thật hay nói dối với một người không chắc sẽ gặp lại cũng chẳng có gì khác biệt.
Ít nhất là trước khi gặp Bùi Tiểu Thập, Vạn Hạ Trình rất hiếm khi có những phán đoán sai lầm.
======
Tác giả có lời muốn nói: Quá khứ và hiện tại sẽ đan xen xuyên suốt câu chuyện.