Chương 17 : Truyện Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không
Chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích (nay ở núi Sài Sơn, xã Phúc Sài, huyện An Sơn). Đạo Hạnh Thuyền sư họ Từ tên là Lộ; ông thân tên là Vinh, làm chức Tăng quan Đô án triều Lý, thường đến chơi làng An Lãng, sau lấy người con gái họ Tăng. Từ Lộ là con nàng Tăng thị, lúc trẻ ham chơi bời nhưng khẳng khái có chí lớn, thường cùng với một nho giả tên là Phí Sinh, một đạo sinh tên là Lê Toàn Nghĩa, một linh nhân tên là Phạm Ất kết làm bạn thân, đêm thời khắc khổ đọc sách, ngày thời thổi sáo, đá cầu, đánh bạc làm vui; cha thường trách là hoang đãng.
Một buổi chiều kia, ông cụ lẻn vào chỗ Lộ nằm dòm thử xem chàng làm gì thì thấy ngọn đèn cháy tàn, sách vở chất đống, Lộ đang dựa án mà ngủ, tay chưa rời quyển sách, từ đấy, ông cụ không lo nữa; sau Lộ ứng thí tăng đồ, đậu khoa Bạch Liên.
Chưa bao lâu, cụ Vinh dùng tà thuật chống lại Diên Thành Hầu, Hầu nhờ Thuyền Sư Đại Điên dùng phép đuổi đánh chết, quăng thây xuống sông Tô Lịch, thây trôi đến cầu Quyết Kiều chỗ nhà Hầu ở, bỗng đứng dậy không đi nữa; Hầu sợ, chạy cáo với Đại Điên; Điên đến đọc kệ rằng:
- Tăng giận chưa thỏa mãn hay sao?
Thây liền ứng thanh trôi đi.
Từ Lộ lo phục thù cho cha, nghĩ chưa ra kế gì, một hôm lén dòm Điên đi ra liền đón đường mà đánh, bỗng nghe giữa không trung có tiếng bảo đừng. Lộ sợ quăng gậy mà đi, muốn qua nước Phương Độ cầu linh thuật để chống Điên; đường phải đi ngang qua làng mọi răng vàng, hiểm trở nên Lộ bỏ về, mới ẩn lại trong hang núi Phật Tích, thường chuyên trì tụng Đại Từ Tâm Kinh, chú Đà La Ni, hết mười tám vạn tám ngàn lần.
Một hôm thấy một thần nhân đến thưa rằng:
- Đệ tử tức là Trấn Thiên Vương, cảm công đức trì kinh của Sư nên đến đây hầu hạ xem Sư có sai khiến gì chăng?
Từ Lộ biết rằng đạo của mình đã viên thành, thù cha có thể phục được, mới thân đến đầu cầu Quyết Kiều, thử ném cái gậy cầm trong tay xuống giữa dòng nước chảy thì cái gậy trôi ngược lên như con rùa bơi, đến cầu Tây Dương Kiều mới dừng lại.
Lộ nói:
- Phép của ta đã hơn Điên rồi.
Bèn đi thẳng đến nhà Điên; Điên thấy Lộ bảo rằng:
- Mày không nhớ cái việc ngày trước hay sao?
Lộ ngẩng mặt lên trời, thấy vắng vẻ không có gì mới đuổi Điên mà giết. Điên phát bệnh rồi chết.
Từ đấy thù xưa rửa sạch, tục lự tiêu tan, Lộ mới du lịch tùng lâm, khảo sát ấn chú, nghe sư Kiều Trí Huyền ở chùa Thái Bình, thân đến bái yết và hỏi đạo chân tâm, nhân đó đọc bài kệ:
Lặn lội phong trần vắng tiếng tăm. Chẳng hay đâu tá ấy chân tâm? Nguyền mong chỉ dẫn đường phương tiện; Muôn dặm nay không nhọc sức tầm.
Sư Trí Huyền cũng đáp lại bằng một bài kệ:
Ngọc phiêu bí quyết diễn thành âm, Trong ấy trăng tròn thấy thuyền tâm. Hà sa đấy phải Bồ Đề đạo; Nghĩ đến Bồ Đề cách vạn tầm.
Lộ mù mịt không hiểu làm sao mới bỏ mà đi; đi qua chùa Pháp Vân, hỏi sư Sùng Phạm rằng:
- Thế nào gọi là chân tâm?
Phạm bảo rằng:
- Cái gì cũng có chân tâm hết.
Lộ rõ ràng tỉnh ngộ lại hỏi rằng:
- Thế nào gọi là phép Bảo trụ?
Phạm bảo:
- Đói ăn, khát uống.
Lộ bái tạ mà lui.
Từ đấy pháp lực tăng gia, thuyền duyên thuần thục, rắn núi thú hoang đều hiền lành đến từng bầy, đốt ngón tay để cầu mưa, niệm chú vào nước để trị bệnh, không bao giờ là không hiệu nghiệm. Có một nhà sư hỏi rằng:
- Tại sao khi thì thầy làm, khi thì thầy nghỉ, lúc thì thầy ngồi, lúc thì thầy nằm mà đều là chân tâm cả?
Lộ cho xem một bài kệ:
Có thì cát bụi có. Không thì một tướng không. Có, không, trăng dưới nước. Không sắc ắt không không. [1]
Lại nói rằng:
Nhật, nguyệt lên đồi núi. Người người mất hỏa châu. Giàu, có lừa để cưỡi, Đi bộ chẳng cỡi câu.
Triều Lý, vua Nhân Tông chưa có hoàng tự, gặp năm Tường Phù Đại Khánh thứ ba, tháng ba, phủ Thanh Hoa có dâng sớ tâu rằng:
"Ở mé biển Nhữ Châu có một tiểu đồng linh dị, ba tuổi biết nói, tự xưng là Dị tử, hiệu là Giác Hoàng, Bệ hạ làm việc gì nó cũng biết".
Vua sai Trung sứ qua xem, quả như lời nói, mới rước tiểu đồng về Kinh sư ở chùa Báo Thiên. Giác Hoàng là Đại Điên hóa sinh vậy. Vua Nhân Tông thấy Giác Hoàng thông minh anh dị, rất yêu, muốn lập lên làm Hoàng thái tử; quần thần đều can cho là không nên; lại nói rằng nếu nó linh dị thực thì đáng lẽ nên thác sinh vào nơi cung cấm nhiên hậu mới có thể được. Vua nghe theo mới mở đại hội bảy ngày đêm để làm phép thác thai.
Từ Lộ nói riêng với bà chị rằng:
- Đứa trẻ kia là yêu quái, mê hoặc rất nhiều người, nếu ta ngồi xem không lo cứu vãn để cho nó huyễn hoặc nhân tâm, cổ loạn chính pháp hay sao?
Nhân đó khiến bà chị làm người giả đi xem hội, bí mật cầm vài cái ấn của Lộ đã kết sẵn giắt lên ở trên rèm. Hội đến ngày thứ ba, Giác Hoàng thụ bệnh, bảo với người ta rằng:
- Khắp cả bốn phía vườn, lưới sắt đều giăng kín mít, không có đường nào mà vào thác sinh được.
Vua nghi cho Lộ làm phép giải chú mới bắt đến tra hỏi, quả nhiên như vậy; vua bảo giam Lộ ở lầu Hưng Thánh, hội quần thần để nghị tội. Sùng Hầu đi ngang qua, Lộ van cầu rằng:
- Xin Hầu hết sức cho bần tăng khỏi tội, bần tăng nguyện thác thai trong cung để báo ân Hầu.
Hầu gật đầu.
Kịp đến khi hội nghị, quần thần đều nói rằng:
- Bệ hạ vì không có con nên mới cầu kẻ kia thác sinh mà Lộ dám cả gan làm phép chú giải, thật đáng bị tội đại lục để tạ thiên hạ.
Một mình Sùng Hâu tâu rằng:
- Giác Hoàng nếu có thần thuật, dầu cho Lộ có làm phép chú giải cũng có hại gì đâu, nay trở lại như thế thì Lộ xuất sắc hơn Giác Hoàng rất xa. Ngu thần trộm nghĩ ví bằng bắt tội Lộ, bất nhược tha cho nó để nó thác sinh thì hơn.
Vua tha cho Lộ.
Lộ đi lén đến nhà Sùng Hầu tạ ơn, lập tức đi thẳng đến cho phu nhân Đỗ thị tắm mà dòm vào. Phu nhân giận, cáo với Hầu; Hầu đã biết ý, không quở trách. Lộ dặn rằng:
- Lúc nào phu nhân đến kỳ sinh đẻ phải nói cho tôi biết.
Năm ấy, phu nhân quả có thai, mãn kỳ, sinh rất khó; Hầu nhớ đến lời Lộ dặn ngày trước, sai người đến bảo Lộ; Lộ nghe tin báo bèn tắm rửa, thay đồ mặc, bảo với các tăng rằng:
- Túc nhân của ta chưa hết lại phải ra thác sinh ở thế gian, tạm làm Quốc vương, đến lúc thọ chung lại phải làm vua hai mươi ba năm, nếu thấy chân thân của ta tổn diệt thời là ta vào Niết bàn chứ không phải sinh diệt đâu.
Tăng đồ nghe nói, hết thảy đều cảm động mà khóc. Lộ thuyết kệ rằng:
Thu sang chẳng báo nhạn về đây. Cười bấy nhân gian nước mắt đầy. Nhắn với môn nhân đừng luyến tiếc. Thầy xưa mấy độ, đến thầy nay.
Nói đoạn, vào trong hang núi, cỡi thây mà đi.
Khi ấy phu nhân sinh hạ được một con trai, đặt tên là Dương Hoán, mới ba tuổi đã được Nhân Tông nuôi ở trong cung, lập làm Hoàng thái tử.
Nhân Tông băng hà, Thái tử tức vị, đó là Thần Tông, tức là Từ Lộ hóa sinh vậy.
Người làng lấy làm linh dị, bỏ thây vào trong lồng mà phụng sự; chỗ Lộ thoát hình bây giờ ở tại hang núi Phật Tích, chùa Thiên Phúc, huyện An Sơn.
Xưa kia ở Tràng An có người làng Đại Hoàng Đàm xá tên là Nguyễn Chí Thành ở chùa Quốc Tự, hiệu là Minh Không thuyền sư, lúc trẻ đi du học gặp Đạo Hạnh theo học đạo giáo trải bốn mươi thu; Đạo Hạnh khen là người có chí nên truyền tâm ấn cho, lại đặt tên cho nữa. Kịp đến lúc Đạo Hạnh tạ thế, bảo Minh Không rằng:
- Ngày xưa, đức Thế Tôn ta đạo quả viên thành, còn có báo ân cho Kim Sáng, huống chi pháp thuật của ta chưa tinh, khởi đầu ta hẵng tự bảo vệ. Nay ta thác sinh nhân thế, địa vị nhân chủ, bệnh trái ở lai sinh đã định nên khó tránh, có dịp con nên cứu giúp ta.
Khi Đạo Hạnh thác hóa rồi, Minh Không trở về chùa cũ ở mười năm không cầu có tiếng tăm gì. Lúc bấy giờ, Lý Thần Tông bỗng bị một bệnh lạ, tiếng rên la như cọp rống rất sợ. Lương y trong thiên hạ ứng chiếu mà đến kể có hàng nghìn người đều chịu bó tay không làm gì được.
Hồi ấy có bọn tiểu đồng hát rằng:
Muốn lành bệnh Thiên tử, Phải được Nguyễn Minh Không.
Triều đình sai sứ đi tìm, quả tìm được Minh Không. Minh Không đã đến, các thầy thuốc danh tiếng đều ở trên điện làm phép, thấy Minh Không phác ngu, miệt thị không gia lễ. Minh Không thân cầm một chiếc đinh lớn dài năm tấc đóng vào cột điện, nói lớn lên rằng:
- Ai nhổ được chiếc đinh này ra mới chữa được bệnh.
Nói thế hai ba lần, không một ai trả lời. Minh Không lại lấy hai ngón tay trái mà nhổ đinh, đinh theo ngón tay ra ngay, mọi người đều kính phục.
Đến lúc Minh Không vào thăm bệnh cho vua, thấy vua thì lập tức la lên một cách dữ tợn:
- Đại trượng phu quý là làm Thiên tử, giàu có bốn phương sao lại sinh ra lồng lộn lên như thế?
Vua sợ quá run lên.
Minh Không bảo lấy một cái chảo lớn, đổ nước đun sôi lên, nước đã sôi một trăm lần, Minh Không lấy tay khuấy nước vài cái rồi rảy vào mình vua, bệnh lập tức khỏi ngay. Vua phong cho Minh Không làm chức Quốc sư, cho ăn lộc vài trăm nóc nhà để thưởng công cho ông.
Niên hiệu Đại Định năm thứ hai là năm Tân Sửu, Minh Không tạ thế, thọ bảy mươi sáu tuổi.
Sau đây là một truyện khác về Minh Không.
Làng Giao Thủy có chùa Không Lộ, xưa có một nhà sư tên là Trị Bình Gian, xuất gia trụ trì ở chùa ấy, được tiếng khen là người có đức hạnh. Một hôm, Minh Không từ ngoài đi vào, có một nhà sư cùng phòng (tức là Đạo Hạnh) ẩn ở trong cửa, nhảy ra làm như tiếng hổ để dọa Minh Không, Minh Không cười bảo:
- Ngươi đã tu hành còn muốn làm hổ à? Ta sẽ cứu ngươi.
Sau vài năm nhà sư mất, hóa làm Quốc vương, chưa bao lâu bỗng hóa ra có lông rồi nhảy nhót, gầm thét, mặt như hình mặt hổ; triều đình đi cầu khắp các y vu tăng đạo, chẳng một ai chữa được, nghe Minh Không có pháp thuật mới sai người đem thuyền đến rước Minh Không. Minh KKông lấy một chiếc nồi nhỏ nấu cơm cho bọn thủy thủ ăn. Sứ giả cười rằng:
- Thủy thủ đông như thế, e không đủ.
Minh Không nói:
- Không, để họ ăn mỗi người một ít, xem chút hậu tình của ta.
Tất cả thủy thủ bốn năm mươi người ăn mãi không hết, mọi người đều lấy làm lạ.
Đến lúc trời chiều, xuống thuyền, Minh Không lại bảo thủy thủ cùng Sứ giả rằng:
- Các ngươi hãy ngủ đi, sáng ngày mặt trời mọc, bần tăng thức dậy hãy chèo thuyền, nếu không thế thì ta không đi đâu.
Sử giả khẩn cầu không được, phải nằm xuống giả đò ngủ thì nghe dưới thuyền có tiếng gió thổi vèo vèo, qua một thời gian thì mặt trời mọc, Minh Không kêu dậy thì thấy thuyền đã đậu ở bến Kinh đô rồi. Minh Không bay lên trời vào cung, nấu nước sôi tắm cho vua, tắm vào mình thì lông rụng hết, thân thể bình phục như xưa, Vương hỏi cớ làm sao. Minh Không thưa:
- Người tu hành nếu có niệm mê thì chỉ sám hối mà thôi không khó gì cả.
Vương lại hỏi:
- Làm sao mà sư được thần thông như thế?
Minh Không thưa:
- Đó không phải là thuật, thần sẵn có phong tật, phát ra không thấy, quả tượng không hay, cái gì là không thì cứ để mặc mà đi chứ không phải thần thông vậy.
Minh Không lại trở về tay không, vua ban thưởng gì cũng không lấy. Vua mới cho hiệu là Thần tăng để thưởng công.
__
1.Bản dịch của Phan Kế Bính (trong Nam Hải Dị Nhân liệt truyện, trang 126). Có thì có tự mảy may, Không thì cả thế gian này cũng không? Thử xem bóng nguyệt dòng sông, Ai hay không có có không là gì?