Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full Chuỗi Án Mạng A.B.C

Dịch Full Chuỗi Án Mạng A.B.C

admin

Thánh Ngự Hư Không
Đại Thần
Tham gia
11/6/23
Bài viết
915,403
VNĐ
900,499
[Diendantruyen.Com] Chuỗi Án Mạng A.B.C

Chuỗi Án Mạng A.B.C
Tác giả: Agatha Christie
Tình trạng: Đã hoàn thành

--- oOo ---


Nhà văn Agatha Christie được mệnh danh là "Nữ hoàng truyện trinh thám" với số lượng tác phẩm được xuất bản nhiều, chỉ xếp sau Kinh Thánh và Shakespeare. Tại Việt Nam, nhiều thế hệ độc giả đã đọc và say mê sách của bà. Sách của Agatha có mặt trong nhiều tủ sách gia đình, được thế hệ này truyền sang thế hệ khác.

Chuỗi án mạng A.B.C là câu chuyện về một hung thủ gây án theo bảng chữ cái, khiến cả nước Anh kinh hoàng.

Khi một sát nhân giết người hàng loạt bí danh ABC chế nhạo Poirot bằng những lá thư úp mở và giết người theo thứ tự chữ cái, Poirot tiến hành một phương pháp điều tra bất thường để truy tìm ABC. Chữ A là bà Ascher ờ Andover, B là Betty Barnard ở Bexhill, C là ngài Carmichael Clarke ở Churston. Qua từng vụ án, kẻ giết người càng tự tin hơn - nhưng để lại một vệt manh mối rõ ràng để chế nhạo Hercule Poirot tài ba có thể lại sai lầm đầu tiên và chí tử.

Trong một câu chuyện có vẻ như không can hệ gì, một người bán rong tên Alexander Bonaparte Cust đã có mặt ở tất cả những địa điểm xảy ra án mạng và ngày tội ác đó diễn ra. Cust bị trúng đạn vào đầu lúc đi lính. Hậu quả là, ông bị mất trí nhớ, đau đầu và bị động kinh. Liệu một người ngờ nghệch như thế có thể là kẻ giết người mệnh danh ABC không?

"Agatha Christie đã tạo nên một câu chuyện, giải trí và giải thoát những nỗi lo lắng và khủng hoảng con người trong chiến tranh và hòa bình cho hàng triệu độc giả trên khắp thế giới."

(P.D. James, tác giả sách bán chạy theo bình chọn của New York Times)
 
Sửa lần cuối:
Chương 1: Bức thư


Của đại úy Arthur Hastings

Sĩ quan Hoàng gia Anh

Trong truyện này, tôi không chỉ kể lại những sự việc và nơi chốn tôi có liên quan và có mặt, do đó một số chương truyện được viết theo ngôi thứ ba.

Tôi xin cam đoan với độc giả rằng tôi có thể đảm bảo tính xác thực của các sự kiện trong các chương này. Nếu tôi có hơi lãng mạn trong việc miêu tả suy nghĩ và tình cảm của nhiều người khác nhau thì đó là vì tôi nghĩ tôi đã kể về họ một cách chính xác nhất. Ngoài ra, tôi cũng muốn nói thêm rằng những chương đó đều được ông bạn Hercule Poirot của tôi “duyệt” qua rồi.

Tóm lại, tôi muốn nói là nếu tôi có miêu tả dài dòng các mối quan hệ riêng tư không quan trọng lắm nhưng xuất hiện trong loạt vụ án kỳ lạ này thì đó là vì yếu tố con người và cá nhân không thể bỏ qua được. Có lần Hercule Poirot đã bảo tôi các vụ án hay làm nảy sinh ra những mối tình lắm.

Còn về việc phá vụ án A.B.C. bí ẩn này, tôi chỉ có thể nói rằng theo ý tôi Poirot đã chứng tỏ tài năng thật sự của ông trong việc xử lý một vấn đề hoàn toàn khác với những vụ ông đã phá trước đó.

Tháng 6 năm 1935 tôi về thăm nhà sau chừng sáu tháng trời ở trang trại của mình bên Nam Mỹ. Thời gian đó thật là khó khăn. Cũng như mọi người, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi suy thoái toàn cầu. Có nhiều việc ở Anh mà tôi cảm thấy phải đích thân xử lý thì mới ổn thỏa. Vợ tôi ở lại bên ấy quản lý trang trại.

Đương nhiên, một trong những việc đầu tiên tôi làm khi về tới Anh là thăm ông bạn già Hercule Poirot của tôi.

Tôi thấy Poirot sống trong một căn hộ cho thuê loại mới nhất ở Luân Đôn. Tôi chê (mà Poirot cũng đồng ý) rằng ông chọn sống trong tòa nhà này hoàn toàn là vì dáng vẻ vuông vức cũng như tầm cỡ của nó.

“Đúng thế ông bạn à, những đường nét đối xứng nhìn dễ chịu, ông không thấy vậy sao?”

Tôi nói tòa nhà quá nhiều góc vuông và lấy một chuyện đùa cũ để trêu ông rằng trong ngôi nhà siêu hiện đại này chắc người ta làm cho gà đẻ ra trứng vuông.

Poirot phá lên cười sảng khoái.

“Á, ông vẫn còn nhớ chuyện đó? Than ơi - khoa học chưa thể làm cho gà mái tuân theo thị hiếu mới, chúng vẫn đẻ trứng với đủ kích cỡ và màu sắc khác nhau thôi!” Tôi trìu mến ngắm nhìn ông bạn già. Poirot vẫn còn mạnh khỏe lắm và dường như chẳng già thêm chút nào kể từ lần gặp trước.

“Trông ông vẫn còn tinh anh lắm, ông Poirot ạ”, tôi nói. “Ông chẳng già thêm chút nào. Thiệt tình thì không thể tin được, nhưng có vẻ như ông ít tóc bạc hơn lần trước tôi gặp ông thì phải”.

Poirot nhìn tôi mỉm cười.

“Sao lại không tin cơ chứ? Đúng vậy mà”.

“Ý ông là tóc ông chuyển từ bạc sang đen chớ không phải ngược lại sao?”

“Đúng thế”.

“Nhưng mà phản khoa học quá!”

“Không hề”.

“Nhưng vậy thì rất kỳ. Có vẻ trái tự nhiên”.

“Hastings à, đầu óc ông lúc nào cũng suy nghĩ tốt đẹp và không bao giờ hoài nghi. Thời gian chẳng làm thay đổi cái tính đó của ông! Ông vừa thu nạp dữ kiện vừa đưa ra kết luận cùng lúc mà không hề hay biết mình đang làm như thế!”

Tôi nhìn ông trân trối vẻ khó hiểu.

Không nói thêm lời nào, ông bạn tôi đi vào phòng ngủ rồi trở ra với một cái chai trên tay và đưa cho tôi.

Tôi cầm lấy mà vẫn chưa hiểu gì.

Trên chai ghi:

Revivit. - Mang lại màu sắc tự nhiên cho tóc của bạn. Revivit không phải là thuốc nhuộm. Có năm màu: màu tro, màu hạt dẻ, màu hung, màu nâu và màu đen.

Tôi la lên: “Poirot, té ra là ông nhuộm tóc!”

“À, cuối cùng ông cũng đã hiểu!”

“Thế đó là lý do vì sao tóc ông lại đen hơn hồi tôi về gặp ông lần trước”.

“Đúng vậy”.

Vừa hết kinh ngạc, tôi nói: “Trời ạ, chắc lần tới tôi về không chừng lại thấy ông đeo ria giả - hay là ông cũng đang đeo ria giả đấy?”

Poirot cau mày. Bộ ria luôn là điểm nhạy cảm của ông. Ông tự hào về chúng một cách cực kỳ thái quá. Câu nói của tôi khiến ông cáu.

“Làm gì có, mon ami [1]. Tôi thề với ông cái ngày ấy vẫn còn xa lắm. Ria giả ư! Quel horreur [2]!”

Ông kéo mạnh ria mép của mình để chứng minh với tôi. “À ừ, nó vẫn còn rậm rạp lắm”, tôi khen.

“N’est ce pas? [3] Khắp Luân Đôn này chưa thấy bộ ria nào có thể so sánh với bộ ria của tôi đâu đấy”.

Sự nghiệp của ông cũng thế mà, tôi thầm nghĩ. Nhưng tôi không dám nói ra, sợ lại làm ông bạn Poirot phật lòng.

Thay vào đó tôi hỏi xem thỉnh thoảng ông có còn hành nghề không.

“Tôi biết ông nghỉ hưu nhiều năm rồi...”

“C’est vrai. [4] Để trồng bí ngòi! Và rồi đột nhiên có một vụ án mạng xảy ra thế là đi tong cái vụ trồng bí ngòi. Và kể từ đó - tôi biết ông sẽ nói - tôi giống như kép chính đóng vở diễn cuối cùng! Cái vở diễn cuối cùng đó, cứ lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần rồi!”

Tôi cười xòa.

“Đúng như vậy đấy ông bạn ạ. Mỗi lần tôi nói: lần này là kết thúc rồi; thì không, lại một vụ khác xảy ra! Và phải thừa nhận tôi muốn nghỉ hưu cũng không được. Nếu mấy cái tế bào chất xám nhỏ bé không được luyện tập, nó sẽ hoen gỉ mất”.

Tôi đáp: “Hiểu rồi. Thế nên ông chỉ luyện tập chúng ở mức vừa phải thôi chứ gì”.

“Chính xác. Tôi chọn lựa rất kỹ. Bởi giờ đây Hercule Poirot chỉ tham gia những vụ án hóc búa thôi”.

“Có nhiều vụ như thế không?”

“Pas mal. [5] Cách đây không lâu tôi thoát chết trong gang tấc”.

Chẳng phải thế sao? Đúng thế.

Không nhiều lắm.

“Vì thất bại à?”

Poirot có vẻ sửng sốt. “Không, không phải. Nhưng tôi, Hercule Poirot, suýt mất mạng”.

Tôi rên lên một tiếng.

“Một tên giết người táo bạo!”

Poirot trả lời: “Táo bạo thì ít mà bất cẩn thì nhiều. Chính xác là rất bất cẩn. Nhưng thôi, đừng nói chuyện này nữa. Hastings biết không, xét trên nhiều phương diện tôi xem ông như bùa hộ mệnh của mình”.

Tôi hỏi lại: “Thật ư? Như thế nào kia?”

Poirot không trả lời thẳng, ông bảo:

“Ngay khi biết ông đến tôi tự nhủ: sẽ có chuyện cho mà xem. Như thuở trước, hai đứa mình đi săn cùng nhau, chỉ hai đứa mình thôi. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì hẳn không phải là chuyện thường. Phải có điều gì đó” - Ông hào hứng vẫy tay - “Điều gì đó tao nhã - thanh lịch - tinh tế...” Ông bỏ lửng từ cuối cùng không thể diễn tả nổi ấy.

“Mèn ơi, Poirot. Người ta sẽ tưởng ông đang gọi món ăn ở nhà hàng Ritz mất”, tối nói.

“Sao người ta không thể chọn vụ án nhỉ? Đúng thật”. Ông thở dài. “Nhưng nếu được, tôi tin vào sự may mắn, vào số phận. Số phận của ông là sát cánh bên tôi và ngăn tôi mắc những lỗi lầm không thể tha thứ”.

“Những lỗi không thể tha thứ như lỗi gì?”

“Bỏ qua những chi tiết quá rõ ràng”.

Tôi ngẫm nghĩ nhưng vẫn chưa hiểu lắm.

Sau đó tôi cười nói: “Vậy siêu tội phạm này đã xuất hiện chưa?”

“Pas encore. [6] Ít ra là tôi nghĩ thế...”

Poirot ngừng nói. Ông nhăn trán vẻ khó hiểu. Tay ông bất giác xếp lại mấy vật mà tôi vô tình đẩy sai chỗ.

“Tôi cũng không chắc lắm”, ông chậm rãi trả lời.

Có cái gì kỳ lạ trong giọng nói của Poirot đến nỗi tôi phải nhìn ông ngạc nhiên.

Poirot vẫn nhăn trán nghĩ ngợi.

Đột nhiên ông gật đầu dứt khoát rồi bước tới bàn làm việc gần cửa sổ. Không cần phải nói, mọi thứ trên bàn đều được dán nhãn và xếp theo từng ngăn để ông có thể lấy những giấy tờ ông muốn bất kỳ lúc nào.

Ông chậm rãi quay lại chỗ tôi và cầm theo một bức thư đã mở. Ông đọc thầm một lượt rồi đưa cho tôi.

“Nói cho tôi biết ông sẽ làm gì với cái này, mon ami?” Poirot lên tiếng.

Tôi nhận bức thư từ tay ông, lòng gợn chút tò mò.

Thư được đánh máy trên loại giấy trắng khá dày.

Ngài Hercule Poirot, ngài tự huyễn hoặc chính mình rằng ngài có thể giải quyết những vụ án hóc búa mà bọn cảnh sát Anh đần độn tội nghiệp không làm được chăng? Hãy đợi xem ngài thông minh đến mức nào, ngài Poirot Thông Minh. Có thể ngài sẽ thấy vụ này khó nhằn đấy. Lo mà canh chừng Andover vào ngày 21 tháng này.

Kính thư, A B C

Tôi liếc qua bì thư. Địa chỉ trên đó cũng được đánh máy. Khi tôi để ý đến dấu bưu điện, Poirot nói: “Dấu bưu điện ghi WC1. Vậy, ông nghĩ sao?”

Tôi nhún vai trả lại bức thư cho ông.

“Tôi đoán là thằng điên điên khùng khùng nào đó gửi thôi”.

“Ý ông sự việc chỉ đơn giản vậy thôi à?”

“Chứ ông không thấy có vẻ điên sao?”

“À, có chứ, ông bạn”.

Giọng ông chùng xuống. Tôi tò mò nhìn ông.

“Ông hơi nghiêm trọng hóa vấn đề rồi, Poirot à”.

“Ông bạn ơi, một kẻ điên thì càng cần phải được xem xét nghiêm túc. Người điên rất nguy hiểm”.

“Ừ, đương nhiên. Đúng thế... Tôi đã không nghĩ đến điều đó. Nhưng ý tôi là chuyện này có vẻ như trò đùa ngu ngốc. Có lẽ là một kẻ thích chè chén chân tám chân chín nào đó”.

“Comment? [7] Chín à? Chín gì?”

“Không có gì. Thành ngữ ấy mà. Ý tôi là thằng cha đó bị xỉn. Mà không, trời ạ, ý tôi là một gã say rượu ấy”.

“Merci, [8] Hastings. Tôi biết từ “xỉn” rồi. Như ông nói đấy, chắc không có vấn đề gì nghiêm trọng thật...”

Ngạc nhiên trước giọng điệu chưa thỏa mãn của Poirot, tôi gặng hỏi: “Chứ ông nghĩ là có à?”

Poirot lắc đầu vẻ hoài nghi nhưng không nói gì thêm.

Tôi lại chất vấn: “Thế ông đã làm gì với lá thư đó?”

“Còn làm gì nữa chứ? Tôi đưa cho Japp. Ông ấy cũng nghĩ như ông - một trò chơi khăm ngu ngốc - Japp bảo thế. Ở Scotland Yard, ngày nào họ cũng nhận được những thứ tương tự. Tôi cũng từng thế...”

“Nhưng ông xem bức thư này là chuyện nghiêm túc?”

Poirot chậm rãi trả lời.

“Có điều gì đó ở bức thư này mà tôi không thích, Hastings ạ...”

Dù không muốn nhưng giọng điệu của ông càng thúc giục tôi.

“Vậy ư? Điều gì?”

Poirot lắc đầu, nhặt lá thư lên rồi cất lại vào hộc bàn.

Tôi hỏi: “Nếu ông coi là chuyện nghiêm túc, sao ông không làm gì cả?”

“Tôi lúc nào cũng là người ưa hành động! Nhưng tôi có thể làm gì cơ chứ? Cảnh sát quận đã xem bức thư và họ cũng không coi là chuyện nghiêm túc. Không có dấu vân tay trên đó. Không có một manh mối nào để đoán ra kẻ viết thư”.

“Vậy thực ra chỉ là bản năng của ông mách bảo thôi sao?”

“Không phải bản năng, Hastings à. Bản năng là một từ dở. Mà là kiến thức và kinh nghiệm của tôi chỉ ra rằng có gì đó bất ổn ở lá thư này...”

Poirot hoa tay múa chân khi không diễn đạt được bằng lời, rồi lại lắc đầu.

“Có thể là tôi chuyện bé xé ra to. Dù sao cũng không làm gì được ngoài chờ đợi”.

“Ừ, ngày 21 là thứ Sáu đấy. Biết đâu có một vụ cướp lớn xảy ra gần Andover...”

“À, nếu được thế thì dễ chịu biết nhường nào...!”

“Dễ chịu ư?” Tôi trợn mắt. Dùng từ đó trong hoàn cảnh này thì lạ quá.

“Một vụ cướp có thể ly kỳ chứ sao mà dễ chịu được!” Tôi phản đối.

Poirot lắc đầu quầy quậy.

“Hiểu lầm rồi, bạn tôi ơi. Ông không hiểu ý tôi. Nếu là một vụ cướp thì đỡ quá vì nó loại bỏ được nỗi ám ảnh khác trong tôi”.

“Ám ảnh về cái gì kia?”

“Giết người”, Hercule Poirot đáp.

Chú thích:

[1] Ông bạn.

[2] Thật là khủng khiếp!

[3] Chẳng phải thế sao?

[4] Đúng thế.

[5] Không nhiều lắm.

[6] Chưa.

[7] Gì cơ?

[8] Cám ơn.
 
Chương 2: (Không phải lời kể của Đại úy Hastings)


Ông Alexander Bonaparte Cust đứng dậy và nhìn chằm chằm xung quanh căn phòng ngủ tồi tàn. Ngồi gò bó hồi lâu khiến lưng ông cứng đờ và khi ông đứng dậy vươn mình hết cỡ hóa ra ông khá cao. Cái dáng khòm khòm và cái kiểu nhìn như bị cận thị làm người khác hiểu nhầm.

Ông bước về phía chiếc áo khoác đã cũ sờn treo đằng sau cánh cửa, lấy trong túi áo ra một gói thuốc lá rẻ tiền và vài que diêm, ông đốt một điếu rồi quay lại chiếc bàn ông ngồi nãy giờ. Ông cầm quyển thông tin đường sắt lên đọc rồi xem lại danh sách tên được đánh máy. Ông lấy bút đánh dấu một trong những cái tên đầu tiên trong danh sách đó.

Hôm ấy là thứ năm, ngày 20 tháng 6.
 
Chương 3: Andover


Tôi đã rất ấn tượng lúc nghe phán đoán của Poirot về lá thư nặc danh ông nhận được, nhưng phải thú thật là tôi quên béng mất chuyện đó cho đến ngày 21 khi Chánh thanh tra Japp của Scotland Yard ghé thăm ông bạn tôi. Ông thanh tra Cục Điều tra Hình sự Anh (CID) này quen biết chúng tôi nhiều năm rồi và ông chào tôi rất niềm nở.

Ông reo lên: “Chà, không thể tin được. Chẳng phải là Đại úy Hastings trở về từ miền hoang dã đây sao! Gặp ông với ông Poirot ở đây khiến tôi nhớ đến những ngày xưa. Trông ông cũng khỏe đấy. Chỉ khác là tóc ông có vẻ thưa đi một chút hả? ừ, chúng ta ai rồi cũng thế. Tôi cũng vậy mà”.

Tôi hơi cau mày. Tôi tưởng đã chải tóc hất lên đỉnh đầu kỹ thế thì cái chỗ tóc thưa mà Japp nói đến khó thấy được. Song, Japp vốn là người cư xử không mấy tế nhị nên tôi giả vờ như không và đồng tình rằng chúng tôi không còn trẻ nữa.

Japp nói: “Trừ ngài Poirot ra. Ông ấy có thể quảng cáo cho thuốc dưỡng râu tóc được đấy. Râu ông mọc tốt hơn bao giờ hết. Dù ở cái độ tuổi xế chiều rồi ông vẫn còn được công chúng chú ý. Ông can dự vào tất cả vụ án nổi tiếng của thời đại. Vụ án trên tàu, trên không, những cái chết của giới thượng lưu, ôi, ông thật là xuất quỷ nhập thần. Ông càng nổi tiếng hơn từ khi nghỉ hưu ấy chứ”.

Poirot vừa nói vừa cười: “Tôi cũng mới nói với Hastings rằng tôi giống như kép chính sắp giải nghệ mà lúc nào cũng phải quay trở lại sân khấu”.

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu rốt cuộc ông lại là người điều tra cái chết của chính mình”, Japp vừa nói vừa cười sảng khoái. “Ý tưởng này hay đó chứ. Phải viết thành sách mới được”.

Poirot nháy tôi và nói: “Đến lúc ấy thì Hastings phải làm việc đó cho tôi thôi”.

Japp cười lớn: “Ha ha! Tôi đùa thôi mà”.

Tôi chẳng thấy ý tưởng đó có gì thú vị đến thế và câu nói đùa đó thật là thô thiển. Poirot tội nghiệp phải ngậm bồ hòn làm ngọt rồi. Những câu đùa về chết chóc đối với ông bạn tôi không dễ chịu chút nào.

Có lẽ bộ dạng nói lên cảm nhận của tôi nên Japp thay đổi chủ đề.

“Ông nghe chuyện lá thư nặc danh của ông Poirot chưa?”

Ông bạn tôi trả lời giúp: “Tôi đã đưa Hastings xem hôm trước rồi”.

Tôi à lên: “Ừ nhỉ. Tôi quên mất chuyện đó. Để tôi nhớ xem, trong thư nói đến ngày nào ấy nhỉ?”

Japp trả lời: “Ngày 21. Đó là lý do vì sao tôi ghé đây. Hôm qua là ngày 21 và vì tò mò nên tối qua tôi gọi điện đến Andover. Đúng là trò đùa mà. Không có gì xảy ra cả. Chỉ có một cửa hàng bị con nít ném đá với một vài kẻ say xỉn và bọn quấy rối thôi. Thế nên lần này ông bạn người Bỉ của chúng ta đã đoán sai rồi nhé”.

Poirot đáp: “Phải thừa nhận là tôi thấy nhẹ nhõm lắm”.

Japp nói vẻ nhiệt tình: “Ông đã lo lắng về vụ đó chứ gì. Tội nghiệp ông, bọn tôi nhận hàng tá thư như thế mỗi ngày! Do những kẻ rỗi hơi và kém não viết. Chúng chẳng hại gì! Chỉ phấn khích chút thôi”.

Poirot đáp: “Tôi đúng là khờ khi quan trọng hóa vụ đó. Chõ mũi vào chuyện không đâu”.

“Ông cứ chuyện nọ xọ chuyện kia thôi hà”.

“Pardon?” [1]

“Mấy cái câu thành ngữ ấy mà. Thôi, tôi phải đi đây. Có công việc ở đường kế bên phải giải quyết - vụ chứa chấp nữ trang bị đánh cắp ấy mà. Nhân tiện trên đường tới đó tôi ghé qua báo để ông yên lòng. Đáng tiếc là mấy cái tế bào chất xám của ông phải tốn công vô ích”.

Nói và cười sảng khoái xong, Japp đi.

Poirot hỏi: “Lão Japp ấy chẳng thay đổi gì nhỉ?”

“Lão ta già đi trông thấy đấy chứ”, tôi đáp. Rồi nói thêm như để trả đũa: “Tóc bạc gần hết”.

Poirot đằng hắng một tiếng rồi nói: “Hastings này, có một dụng cụ nhỏ mà theo thợ làm tóc của tôi - một người cực kỳ giỏi, bảo rằng mình có thể gắn nó vào da đầu rồi chải tóc che lên. Không phải là tóc giả, ông biết đấy, nhưng...”

Tôi gào lên: “Poirot, tóm lại là tôi không bao giờ dùng mấy cái phát minh kỳ quái của cái thằng cha làm tóc ấy đâu. Đầu tóc tôi có sao đâu cơ chứ?”

“Không, không sao cả”.

“Làm như thể đầu tôi sắp hói không bằng”.

“Không! Đương nhiên là không rồi!”

“Thời tiết nóng nực của Nam Mỹ đương nhiên làm tóc tôi rụng chút xíu. Tôi sẽ mang về bên ấy một loại dưỡng tóc cực tốt”.

“Précisément”. [2]

“Nhưng mà việc đó thì có liên can gì tới lão Japp cơ chứ? Lão ấy đúng là ác mồm ác miệng. Không hề có óc hài hước. Cái loại người cười nhạo khi thấy ai đó bị kéo mất ghế lúc định ngồi xuống”.

“Nhiều người cũng sẽ cười mà”.

“Thật là vô duyên hết biết”.

“Đứng về phương diện của người chuẩn bị ngồi xuống cái ghế đó thì vô duyên thật, tất nhiên rồi”.

Khi cơn bực mình đã hạ nhiệt (phải thú thật là tôi hơi nhạy cảm với cái đầu tóc lưa thưa của mình), tôi nói: “À, rất tiếc là vụ bức thư nặc danh đó chẳng đi đến đâu”.

“Thật sự tôi đã phán đoán sai vụ này. về lá thư đó, tôi nghĩ nó có mùi tanh. Rốt cuộc chỉ là một trò đùa ngu ngốc. Trời ơi, tôi đã già và đa nghi như con chó săn bị mù hay sủa ma”.

Tôi vừa cười vừa trêu: “Nếu tôi hợp tác với ông thì chúng ta phải tìm một vụ khác thật ‘hoành tráng’.”

“Ông có nhớ nhận xét của ông hôm rồi không? Nếu có thể chọn vụ án như chọn món ăn thì ông sẽ chọn cái gì?” Tôi thích cách đùa hóm hỉnh của Poirot.

“Để tôi nghĩ xem nào. Hãy xem thực đơn đã. Cướp bóc? Lừa đảo? Không, tôi không nghĩ thế đâu. Mấy ‘món’ này hơi chay tịnh quá. Phải là một vụ giết người - một vụ đẫm máu - có đủ món ăn kèm nữa”.

“Hiển nhiên rồi. Phải có món khai vị”.

“Nạn nhân là đàn ông hay đàn bà đây? Tôi nghĩ nên là đàn ông. Một nhân vật tầm cỡ nào đó. Tỉ phú Mỹ. Thủ tướng. Chủ báo. Hiện trường vụ án, xem nào, ở một thư viện lâu đời thì sao nhỉ? Không gian của chỗ đó thì không có nơi nào bằng. Còn về vũ khí thì sẽ là dao găm lưỡi xoắn kỳ lạ hoặc một dụng cụ hơi cùn như là cái tượng khắc bằng đá...”

Poirot thở dài.

Tôi tiếp: “Hoặc là có thuốc độc nhưng như thế thì phức tạp quá. Hoặc là một tiếng súng nổ trong đêm. Rồi thì có thêm vài cô gái đẹp...”

Ông bạn tôi lẩm bẩm: “Có mái tóc vàng nâu chứ gì”.

“Ông cứ hay đùa. Một trong mấy cô rất xinh đó phải bị nghi oan, hẳn rồi, và có chuyện hiểu lầm xảy ra giữa nàng và chàng trai trẻ. Rồi thì có thêm những nghi phạm khác như một bà già bí ẩn và nguy hiểm, một vài người bạn hay địch thủ của người đàn ông bị giết, và một thư ký kiệm lời nhưng có khả năng tiềm ẩn và một người đàn ông nồng hậu và chất phác, và một vài người giúp việc hoặc người giữ rừng bị sa thải hoặc đại loại thế, và một thằng cha thám tử ngu ngốc kiểu như Japp - vậy là đủ rồi đấy”.

“Ý tưởng của ông về một vụ án hoành tráng là vậy đó hả?”

“Ông không đồng ý sao?”

Poirot buồn bã nhìn tôi.

“Ông liệt kê ra hầu hết những câu chuyện trinh thám mà người ta đã viết rồi”.

Tôi hỏi lại: “Chứ ông chọn thế nào?”

Poirot nhắm mắt lại tựa vào lưng ghế. Giọng ông thều thào.

“Một vụ án rất đơn giản. Một vụ án không có những chi tiết phức tạp. Một vụ án về cuộc sống thường nhật... rất lạnh lùng và rất riêng tư”.

“Vụ án thì làm sao riêng tư được?”

Poirot lầm bầm: “Giả sử bốn người ngồi chơi bài và một người không chơi, ngồi trên ghế bên lò sưởi. Cuối buổi chiều tối ấy người đàn ông ngồi bên lò sưởi bị chết. Một trong bốn người kia hạ bài và bước đến giết ông ta và vờ đang chơi để ra tay khiến ba người còn lại không để ý. Vụ án như thế đấy. Ai trong bốn người đó là ké giết người?”

Tôi nói: “Chà, tôi không thấy có gì gay cấn cả!”

Poirot nhìn tôi vẻ trách móc.

“Không gay cấn vì không có dao găm lưỡi xoắn kỳ lạ, không tống tiền, không có viên ngọc lục bảo mà kỳ thực là con mắt của một vị thần bị đánh cắp, không có loại thuốc độc khó phát hiện của phương Đông chứ gì. Ông thật là người ưa kịch tính quá mức, Hastings à. Ông không chỉ muốn có một vụ giết người đơn thuần mà là một vụ giết người hàng loạt”.

Tôi đáp: “Phải thừa nhận là vụ án thứ hai xuất hiện trong một quyển sách thường kích thích hứng thú. Nếu vụ giết người bắt đầu ở chương một thì độc giả phải theo dõi hết các chứng cứ ngoại phạm của tất cả các nhân vật cho tới trang cuối cùng, mà như thế thì hơi tẻ nhạt”.

Chuông điện thoại reo và Poirot đi nghe máy.

Ông nói: “Alô, Alô. Vâng, tôi Hercule Poirot đây”.

Ông lắng nghe một vài phút rồi tôi thấy sắc mặt ông thay đổi. Ông trả lời vắn tắt và rời rạc.

“Mais oui...” [3]

“Vâng, đương nhiên rồi...”

“Vâng, chúng tôi sẽ đến...”

“Tất nhiên...”

“Có thể đúng như lời ông nói...”

“Vâng, tôi sẽ mang nó theo. Vậy thì a tout à l’heur [4]”.

Ông gác điện thoại và đi về phía tôi.

“Là Japp gọi đó, ông Hastings”.

“Thế a?”

“Ông ấy mới quay về Sở Cảnh sát. Có tin từ Andover...”

“Andover ư?” Tôi la lên phấn khích.

Poirot chậm rãi trả lời: “Một bà cụ già chủ một quầy báo và thuốc lá có họ là Ascher mới bị giết”.

Tôi thấy hơi thất vọng. Cảm giác tò mò khi nghe cái tên Andover bùng lên nhanh bao nhiêu thì bây giờ xẹp xuống bấy nhiêu. Tôi mong có cái gì đó thật kỳ quái, khác thường! Vụ giết một bà già bán thuốc lá nghe có vẻ hèn hạ và chẳng thú vị gì cả.

Poirot kể tiếp với một giọng điệu chậm rãi và nghiêm nghị:

“Cảnh sát ở Andover tin họ có thể bắt được kẻ đã gây ra vụ đó...”

Tôi thất vọng lần nữa.

“Hình như bà cụ có chuyện xích mích với ông chồng. Ông ấy hay uống rượu và là một lão dữ dằn. Ông ta từng dọa giết bà cụ vài lần rồi”.

Poirot kể tiếp: “Dù sao thì theo sự việc xảy ra, cảnh sát ở đó muốn xem lại bức thư nặc danh mà tôi nhận được. Tôi nói với họ là ông và tôi sẽ xuống Andover ngay”.

Tôi hưng phấn lên đôi chút. Nói cho cùng, vụ án này có hèn hạ mấy thì cũng là một vụ án, và đã lâu lắm rồi tôi không can dự vào vụ án hay tên tội phạm nào cả.

Tôi chẳng để ý những gì Poirot nói tiếp. Mà về sau nhớ lại hóa ra là rất quan trọng.

Hercule Poirot nói: “Đây mới chỉ là bắt đầu”.

Chú thích:

[1] Sao cơ?

[2] Đúng rồi.

[3] Đúng rồi.

[4] Ngay bây giờ.
 
Chương 4: Bà ascher


Thanh tra Glen, một người đàn ông cao lớn, tóc vàng và nụ cười dễ mến, đón chúng tôi ở Andover.

Để ngắn gọn có lẽ tôi xin giới thiệu qua những thông tin cơ bản của vụ án.

Vụ án do cảnh sát Dover phát hiện vào lúc 1 giờ sáng ngày 22. Khi đi tuần, anh kiểm tra khóa của cửa hàng và thấy nó không đóng, anh bước vào. Thoạt đầu anh tưởng cửa hàng không có người; tuy nhiên, khi rọi đèn pin lên quầy, anh thấy xác bà cụ già nằm co ro. Khi bác sĩ pháp y đến hiện trường thì phát hiện ra cụ bà bị đánh mạnh vào sau đầu, có lẽ lúc bà đang với tay lấy gói thuốc lá trên kệ hàng đằng sau quầy. Án mạng hẳn đã xảy ra khoảng bảy đến chín tiếng đồng hồ trước.

Viên thanh tra giải thích: “Nhưng chúng tôi đã biết thêm nhiều thông tin hơn thế. Chúng tôi tìm được một người đàn ông vào cửa hàng mua thuốc lá lúc 5 giờ 30. Và người đàn ông thứ hai vào mua lúc khoảng 6 giờ 5 và thấy cửa hàng không có ai. Như vậy khoảng thời gian là từ 5 giờ 30 đến 6 giờ 5. Cho tới bây giờ tôi chưa tìm ra được ai đã nhìn thấy ông Ascher quanh quẩn gần đó nhưng, tất nhiên, bây giờ vẫn còn sớm mà. Lúc 9 giờ tối hôm đó ông ấy ở quán Three Crowns nhậu khá lâu rồi. Khi chúng ta tóm được ông ấy thì sẽ bắt giữ để điều tra ngay”.

Poirot hỏi: “Ông ấy không phải là một nhân vật dễ chịu đúng không, thanh tra?”

“Hơi khó ưa”.

“Ông ấy không sống chung với vợ à?”

“Không, họ đã ly thân mấy năm rồi. Ascher là người Đức. Ông ta từng làm bồi bàn nhưng sa đà vào rượu chè nên dần dần bị mất việc. Vợ ông làm nghề giúp việc được một thời gian. Công việc cuối cùng bà làm là nấu bếp và trông nom nhà cửa cho một cụ bà tên là Rose. Bà cho chồng tiêu vào cả khoản tiền bà kiếm được nhưng ông luôn say xỉn, đi loanh quanh rồi gây chuyện ở những nơi bà làm việc. Thế nên bà xin làm cho cụ Rose ở Grange. Nơi đó cách Andover chừng ba dặm, vùng thôn quê hẻo lánh. Ông ta không dễ tới kiếm bà ở đó. Khi cụ Rose qua đời, cụ để lại cho bà Ascher một ít của cải nên bà đã mở cửa hàng bán báo và thuốc lá này. Cửa hàng khá nhỏ và chỉ bán vài loại thuốc lá rẻ tiền, dăm ba tờ báo và một số đồ lặt vặt khác. Bà kiếm chỉ đủ sống thôi. Ông Ascher hay tới gây gỗ với bà nên bà phải cho ông ta một ít tiền để đuổi ông đi. Thường thì mỗi tuần bà cho ông chừng 15 đồng shilling”.

“Thế họ có con cái gì không?” Poirot hỏi.

“Không. Chỉ có một cô cháu gái. Cô ấy làm việc gần Overton. Cô gái này rất tốt tính và đứng đắn”.

“Và anh nói ông Ascher này hay dọa bà vợ lắm đúng không?”

“Đúng thế. Ông ấy rất đáng sợ khi có chút rượu vào. Ông chửi rủa và dọa đánh vỡ đầu bà nữa. Bà Ascher thật khốn khổ”.

“Bà ấy bao nhiêu tuổi rồi?”

“Gần 60. Bà làm việc chăm chỉ và được người ta kính trọng”.

Poirot nghiêm nghị nói: “Theo anh, có khả năng ông Ascher là kẻ gây ra án mạng không, thanh tra?”

Viên thanh tra đằng hắng vẻ thận trọng.

“Vẫn còn quá sớm không thể kết luận được, ông Poirot ạ, nhưng tôi muốn nghe ông Franz Ascher tường thuật tối qua ông ấy đã làm gì. Nếu ông ta có thể giải thích hợp lý thì không sao, còn nếu không thì...”

Viên thanh tra bỏ lửng câu nói đầy ẩn ý.

“Cửa hàng không mất gì chứ?”

“Không. Tiền trong hộc vẫn còn nguyên. Không có dấu hiệu của một vụ cướp”.

“Anh nghi ngờ ông Ascher đến cửa hàng lúc đang say rồi chửi rủa bà vợ và đánh chết bà?”

“Nhiều khả năng đó lắm. Nhưng nói thật tôi muốn xem lại lá thư kỳ quặc mà ông nhận được, thưa ông. Tôi đồ rằng có thể lá thư này do ông Ascher gửi”.

Poirot trao lá thư, thanh tra Glen đọc và nhíu mày. Cuối cùng Glen nói: “Giọng văn nghe không giống ông Ascher. Tôi không tin ông Ascher dùng cụm từ cảnh sát Anh ‘của chúng ta’ trừ phi ông ta muốn tỏ ra xảo quyệt và tôi không tin ông ấy có khả năng đó. Ngoài ra, ông ta chỉ là gã thân tàn ma dại. Tay ông ta run rẩy thế thì làm sao đánh ra được những dòng chữ rõ ràng như vầy. Giấy và mực đều là loại tốt nửa. Điều kỳ quặc là lá thư nhắc đến ngày 21. Có thể đây là một sự trùng hợp”.

“Ừ, có thể lắm chứ”.

“Nhưng tôi không thích sự trùng hợp này, ông Poirot ạ. Nó xảy ra đúng lúc quá”.

Thanh tra Glen im lặng một vài phút, nếp nhăn hiện rõ trên trán.

“A B C. Ai có thể là tên A B C khốn kiếp đó chứ? Chúng ta phải đợi xem Mary Drower (cô cháu gái) có thể giúp được gì không. Vụ án kỳ quặc thật. Nhưng đối với bức thư này tôi đặt cược vào Franz Ascher cho chắc”.

“Anh có biết gì về quá khứ của bà Ascher không?”

“Bà ấy là người Hampshire. Hồi còn con gái bà làm việc ở Luân Đôn rồi gặp và cưới ông Ascher ở đó. Thời chiến tranh cuộc sống của họ chắc cũng gặp nhiều khó khăn. Thật ra, bà bỏ ông ta năm 1922 để được yên thân. Lúc đó họ vẫn ở Luân Đôn. Bà về đây sống để tránh mặt ông nhưng ông ta lần ra được chỗ bà ở và theo xuống tận đây để quấy rầy và đòi tiền bà...”

Một viên cảnh sát bước vào.

“Gì vậy Briggs?”

“Ông Ascher, thưa sếp. Chúng tôi vừa mới đưa ông ta đến”.

“Tốt. Đưa ông ta vào đây. Ông ta đã ở đâu?”

“Ông ta núp trong một toa trên đường ray tránh tàu”.

“Thế à? Đưa ông ấy vào đây”.

Franz Ascher đúng là lão già nhìn có vẻ khắc khổ và khó ưa. Ông ta khóc lóc, khúm núm rồi quát tháo ầm ĩ. Đôi mắt lờ đờ của ông ta hết liếc người này đến người khác.

“Các ông cần gì ở tôi? Tôi chẳng làm gì cả. Còn gì nhục nhã và xấu hổ bằng việc các ông bắt tôi đến đây! Mấy ông là đồ tồi! Sao các ông dám làm thế?” Rồi thái độ của ông ta đột ngột thay đổi. “Không, không, ý tôi không phải vậy. Các ông sẽ không hại một ông già đáng thương, không ác với ông ta chứ. Ai cũng đối xử tệ bạc với Franz già đáng thương này. Tội nghiệp già Franz này quá”.

Ông Ascher bật khóc.

Thanh tra Glen nói: “Đủ rồi đấy, ông Ascher. Bình tĩnh nào. Tôi đã buộc tội ông gì đâu. Và ông cũng không bị ép khai gì cả nếu ông không muốn. Mặt khác, nếu ông không dính dáng gì đến vụ giết vợ ông...”

Ascher gào lên cắt ngang câu nói của viên thanh tra. “Tôi không giết bà ấy! Tôi không giết bà ấy! Tất cả đều là dối trá. Bọn người Anh các người là đồ tồi, ai cũng muốn hại tôi. Tôi không bao giờ giết bà ấy. Không bao giờ”.

“Ông hay dọa bà ấy cơ mà, ông Ascher”.

“Đâu có, đâu có đâu. Ông không hiểu thôi. Đó chỉ là những lời nói đùa giữa tôi và Alice. Bà ấy biết thế mà”.

“Nói đùa hay quá nhỉ! Thế thì tối qua ông ở đâu, hả ông Ascher?”

“Vâng, vâng, để tôi kể hết với các ông. Tôi không hề đến gần Alice. Tôi đi gặp mấy người bạn thân. Chúng tôi ở quán Seven Stars rồi chúng tôi qua quán Red Dog...”

Ascher hấp tấp nói, từ ngữ lộn tùng phèo cả lên.

“Dick Willows đã ở với tôi, cả Curdie, Geogre, Platt và nhiều ông bạn khác nữa. Tôi nhắc lại tôi không hề đến gần Alice. Chúa ơi, thật đấy”.

Ông ta lên giọng thành như hét. Viên thanh tra gật đầu ra hiệu cho cấp dưới.

“Cho ông ta lui. Nhưng giữ lại để điều tra nhé”.

Khi lão già run rẩy và khó ưa với kiểu ăn nói ác ý đó bị đưa đi, viên thanh tra nói: “Tôi không biết phải nghĩ sao nữa. Nếu không có lá thư đó thì tôi đã khép ông ta vào tội giết người”.

“Những người đàn ông mà ông ta nhắc đến thì sao?”

“Một đám vớ vẩn, không ai trong bọn họ dám khai man. Tôi tin ông già đã ở với họ suốt buổi tối hôm đó. Còn phụ thuộc rất nhiều vào việc có ai nhìn thấy ông ta đến gần cửa hàng từ 5 giờ 30 đến 6 giờ không”.

Poirot lắc đầu vẻ nghĩ ngợi.

“Anh chắc là cửa hàng không bị mất gì chứ?”

Viên thanh tra nhún vai.

“Không chắc lắm. Có thể bị mất một vài gói thuốc lá - nhưng người ta đâu thể giết người chỉ vì nhiêu đó”.

“Ý tôi là, không có cái gì để lại trong cửa hàng? Không có điều gì kỳ lạ hay bất thường ở đó sao?”

“Có một quyển thông tin đường sắt”, viên thanh tra đáp.

“Quyển thông tin đường sắt à?”

“Đúng thế. Nó được mở ra và đặt úp mặt xuống quầy. Có thể ai đó đã xem các chuyến tàu rời ga từ Andover. Có thể là bà cụ hoặc cũng có thể một người khách nào đó”.

“Bà cụ có bán những thứ như thế ở cửa hàng không?”

Viên thanh tra lắc đầu.

“Bà cụ bán bảng giờ tàu loại nhỏ còn cái này là loại lớn - loại mà cửa hàng Smith hoặc tiệm sách lớn hay bán ấy”.

Mắt Poirot bỗng sáng lên. Ông chồm người về phía trước.

Mắt của viên thanh tra cũng sáng lên.

“Anh nói một quyển thông tin đường sắt à. Loại Bradshaw hay loại A B C?”

Thanh tra Glen la lên: “Trời ơi, là loại A B C”.
 
Chương 5: Mary drawer


Tôi bắt đầu quan tâm đến vụ án từ ngày quyển thông tin đường sắt A B C được nhắc đến. Trước đó tôi chẳng có hứng thú gì. Một vụ giết người hèn hạ mà nạn nhân là bà cụ chủ cửa hàng trên một con hẻm có vẻ như những vụ án mà người ta hay đăng trên báo chẳng gây ấn tượng gì. Tôi đã nghĩ lá thư nặc danh nhắc đến ngày 21 chỉ là sự trùng hợp. Tôi đã chắc như đinh đóng cột rằng bà Ascher là nạn nhân của gã chồng ác ôn say xỉn. Nhưng giờ đây sự xuất hiện của quyển thông tin đường sắt (mà người ta quen gọi tắt là A B C vì nó liệt kê tên các ga theo thứ tự bảng chữ cái) khiến tôi run lên vì phấn khích. Hẳn đây không phải là sự trùng hợp thứ hai chứ?

Vụ án hèn hạ này mở ra một hướng mới.

Kẻ bí mật nào đã giết bà Ascher và để lại quyển thông tin đường sắt A B C nhỉ?

Sau khi rời đồn cảnh sát, nơi đầu tiên chúng tôi ghé là nhà xác để xem thi thể nạn nhân. Một cảm giác lạ lùng bao trùm lấy tôi khi quan sát khuôn mặt già nua nhăn nheo và mái tóc muối tiêu lưa thưa được vén kỹ càng hai bên thái dương. Khuôn mặt bà thật bình yên, thật khó tin lại liên quan đến vụ bạo lực.

Viên hạ sĩ cảnh sát nhận xét: “Không biết ai hay vật gì đã đánh gục bà cụ. Bác sĩ Kerr bảo thế. Thà vậy còn hơn, tội nghiệp bà cụ. Bà là một người tử tế”.

“Hồi xưa chắc bà đẹp lắm”, Poirot nói.

Tôi lầm bầm vẻ không tin: “Vậy à?”

“Ừ, nhìn đường nét chiếc cằm, thân hình và đầu bà ấy thì biết”.

Ông thở dài đắp tấm che thi thể lại rồi chúng tôi rời nhà xác.

Bước tiếp theo, chúng tôi phỏng vấn nhanh bác sĩ pháp y.

Bác sĩ Kerr là một người đàn ông trung niên và giỏi tay nghề. Ông ăn nói mạnh mẽ và quả quyết.

“Không tìm thấy vũ khí”, ông cho biết. “Cũng khó đoán được đó là vật gì. Một cái gậy nặng, một cái dùi cui, vật gì đó hình bao cát - cái nào cũng có vẻ trùng khớp với vụ án”.

“Để đánh một cú như thế có cần nhiều sức không ông?” Ông bác sĩ nhìn Poirot thích thú.

“Tôi đoán ý ông là liệu một ông già 70 có thể thực hiện cú đánh đó không chứ gì? Vâng, có thể lắm vì nếu đầu vũ khí đủ nặng thì một người yếu ớt cũng có để làm được”.

“Thế thì kẻ sát nhân cũng có thể là đàn ông hay đàn bà đúng không?”

Lời nhận xét đó khiến ông bác sĩ hơi bất ngờ.

“Đàn bà ư? À, nói thật là tôi chưa từng nghĩ một người phụ nữ có thể dính líu đến loại tội ác này. Nhưng đương nhiên có thể lắm chứ. Chỉ là xét theo phương diện tâm lý thì tôi nghĩ đây không phải vụ án do phụ nữ gây ra”.

Poirot gật đầu tán thành.

“Có lý, rất có lý. Nhìn bề ngoài thì khó có thể là phụ nữ gây ra nhưng chúng ta cũng phải xem xét mọi khả năng. Tư thế thi thể nằm như thế nào?”

Ông bác sĩ miêu tả cẩn thận tư thế của nạn nhân. Theo ông, bà Ascher đang đứng quay lưng về phía quầy (và tức là cũng quay lưng lại với kẻ tấn công) thì bị đánh. Bà ngã sụp xuống đằng sau quầy nên người vào cửa hàng không nhìn thấy.

Khi chúng tôi cảm ơn bác sĩ Kerr và ra về, Poirot nói: “Ông thấy đấy, Hastings, chúng ta có thêm bằng chứng có lợi cho ông Ascher. Nếu ông ấy quấy rầy và dọa nạt bà vợ thì đáng lẽ bà ấy phải đứng quay mặt về phía ông ta đang đứng trước quầy. Đằng này bà lại quay lưng về phía kẻ tấn công chứng tỏ lúc ấy bà đang cúi xuống lấy thuốc lá hay thuốc điếu cho một người khách”.

Tôi hơi rùng mình.

“Thật là ác độc”.

Poirot lắc đầu vẻ nghiêm trọng.

“Pauvre femme”, [1] ông lẩm bẩm.

Rồi ông liếc nhìn đồng hồ đeo tay.

“Tôi nghĩ Overton ở cách đây vài dặm thôi. Hãy chạy đến đó phỏng vấn cô cháu gái của bà đi”.

“Ông không tới cửa hàng nơi án mạng xảy ra trước sao?”

“Tôi muốn đến đó sau. Tôi có lý do”.

Poirot không giải thích gì thêm và vài phút sau chúng tôi lái xe trên đường từ Luân Đôn đi Overton.

Địa chỉ thanh tra Glen cho chúng tôi là một ngôi nhà bề thế nằm cách làng chừng một dặm về phía Luân Đôn.

Ra mở cửa khi chúng tôi nhấn chuông là một cô gái xinh xắn tóc đen, đôi mắt đỏ hoe như vừa mới khóc.

Poirot nhẹ nhàng nói: “A, tôi đoán cháu là Mary Drower - người giúp việc ở đây đúng không?”

“Vâng, thưa bác, đúng thế ạ. Cháu là Mary”.

“Nếu bà chủ của cháu cho phép thì tôi xin được nói chuyện với cháu vài phút. Chuyện về dì Ascher của cháu ấy mà”.

“Bà chủ đi vắng bác ạ. Nhưng cháu tin bà sẽ không phản đối nếu bác vào trong nhà”.

Cô gái mở cửa một căn phòng nhỏ. Chúng tôi bước vào, Poirot ngồi xuống ghế cạnh cửa sổ và nhìn kỹ khuôn mặt cô gái.

“Cháu đã nghe về cái chết của dì cháu rồi, đúng không?”

Cô gái gật đầu, mắt cô lại ngân ngấn nước.

“Sáng nay ạ. Cảnh sát đến báo cho cháu. Ôi, thật là khủng khiếp! Tội nghiệp dì quá! Dì sống quá khổ rồi giờ lại thế này nữa. Quá kinh hoàng”.

“Cảnh sát không bảo cháu về Andover à?”

“Họ bảo cháu phải đến để họ thẩm tra vào ngày thứ hai ạ. Nhưng đến đó thì cháu không biết ở đâu - cháu không dám tới cửa hàng - lúc này - và bà chủ có lẽ sẽ rất giận nếu người phục vụ vắng nhà”.

Poirot nhẹ nhàng hỏi: “Cháu có yêu quý dì của cháu không, Mary?”

“Có chứ ạ. Dì lúc nào cũng rất tốt với cháu. Cháu đến sống với dì ở Luân Đôn khi mẹ cháu qua đời lúc cháu mới 11 tuổi. Cháu bắt đầu đi làm khi cháu 16 tuổi, nhưng cháu thường tới nhà dì chơi khi được nghỉ phép. Dì cháu rất khổ sở với cái ông người Đức đó. Dì thường gọi ông ta là ‘lão già khốn kiếp’. Ông ta chẳng bao giờ để dì cháu yên thân. Đúng là thằng già ăn bám và nát rượu”.

Cô gái nói giọng giận dữ.

“Dì cháu không bao giờ nhờ luật pháp giải thoát cho bà khỏi sự hành hạ đó sao?”

“Dạ, bác biết đấy, ông ta là chồng của dì nên đâu làm gì khác được”.

Cô gái trả lời gọn gàng nhưng dứt khoát.

“Mary này, nói cho bác biết có phải ông ta có dọa dẫm dì cháu, đúng không?”

“Vâng ạ, ông ta hay nói những lời rất khủng khiếp. Ví dụ như ổng sẽ cắt cổ dì cháu, ông ta vừa chửi vừa dọa bằng cả tiếng Đức và tiếng Anh. Vậy mà dì cháu vẫn khoe hồi họ cưới nhau ông ấy là một anh chàng tốt bụng và đẹp trai. Thật đáng sợ khi thấy con người ta thay đổi nhiều đến thế bác ạ”.

“Ừ, đúng vậy. Mary này, cháu nghe ông ấy hay dọa dẫm dì cháu nên cháu không ngạc nhiên khi sự việc xảy ra đúng không?”

“Không, cháu ngạc nhiên lắm chứ. Bác biết không, cháu không hề nghĩ ông ấy nói là làm. Cháu chỉ nghĩ đó là những lời khó nghe, vậy thôi. Và dì cháu không có vẻ gì sợ ông ấy. Vì cháu thấy ổng lẩn đi như chó cụp đuôi khi dì chống cự. Có vẻ ông ta sợ dì cháu”.

“Vậy mà bà vẫn cho ông tiền sao?”

“Dạ, ông biết đấy, dù sao ổng cũng là chồng của dì mà”.

“Ừ, cháu có nói rồi”.

Poirot ngừng nói vài phút. Rồi ông tiếp: “Vậy thì tóm lại là ông ấy không giết dì cháu”.

“Không giết dì cháu à?”

Cô gái nhìn trân trối.

“Đấy là bác nói thế. Giả sử người khác giết bà ấy... Cháu có đoán được đó là ai không?”

Cô gái càng kinh ngạc, tròn xoe mắt nhìn Poirot. “Cháu không biết đâu ạ. Cháu không chắc lắm”.

“Dì cháu có sợ ai không?”

Mary lắc đầu.

“Dì cháu chẳng sợ ai cả. Dì cháu rất sắc sảo và có thể đối đầu bất kỳ ai”.

“Thế cháu không bao giờ nghe dì kể chuyện ai đó thù oán với dì cháu à?”

“Không hề có đâu bác”.

“Thế bà ấy có bao giờ nhận được thư nặc danh không?”

“Bác bảo thư gì ạ?”

“Loại thư không có ký tên hay chỉ ký cái gì đó đại loại như là A B C”. Poirot chăm chú quan sát cô gái nhưng rõ ràng trông cô rất bối rối. Cô lắc đầu vẻ kinh ngạc.

“Ngoài cháu ra, dì cháu có bà con nào khác không?”

“Giờ thì không bác ạ. Dì là một trong mười người con của ông bà ngoại cháu nhưng lớn lên chỉ còn ba người. Cậu Tom mất ở chiến trường, cậu Harry đi Nam Mỹ rồi mất tăm mất tích từ đó, còn mẹ cháu thì đã chết, nên đương nhiên cháu là người thân duy nhất của dì”.

“Dì cháu có khoản tiền tiết kiệm nào không? Dì có dành dụm được đồng nào không cháu?”

“Dì có một ít tiền tiết kiệm đủ để lo hậu sự đàng hoàng, dì hay bảo thế bác ạ. Còn thì dì chỉ kiếm đủ sống qua ngày và chu cấp cho ông chồng trời đánh của dì”.

Poirot gật đầu vẻ nghĩ ngợi. Ông nói - mà có lẽ nói với chính mình hơn là nói với tôi:

“Hiện tại, người ta đang ở trong tối, chúng ta chưa có hướng đi nào cả, nếu mọi sự sáng tỏ hơn...” ông đứng dậy. “Nếu bác muốn liên lạc với cháu, bác sẽ viết thư đến địa chỉ này cho cháu nhé, Mary”.

“Thật ra, cháu chuẩn bị nộp đơn xin nghỉ việc bác ạ. Cháu không thích nông thôn. Cháu ở đây vì nghĩ dì cháu sẽ vui vì có cháu ở bên. Nhưng bây giờ,” nước mắt lại trào lên trong mắt cô gái, “không còn lý do gì giữ cháu lại nơi này nữa và vì thế cháu sẽ đi Luân Đôn. Đối với bọn con gái như cháu thì ở đó vui hơn bác ạ”.

“Bác rất mong cháu sẽ cho bác địa chỉ của nơi cháu đến. Đây là danh thiếp của bác”.

Ông trao danh thiếp cho cô gái. Cô nhìn nó rồi nhăn trán vẻ thắc mắc.

“Vậy ra bác không liên quan gì đến cảnh sát sao?”

“Bác là thám tử tư”.

Cô đứng đó nhìn ông một hồi trong im lặng. Cuối cùng, cô lên tiếng:

“Có gì đó bất thường phải không bác?”

“Đúng thế cháu à. Có điều gì đó bất thường đang diễn ra. Sau này có thể cháu sẽ phải giúp bác đấy”.

“Cháu sẽ làm bất kỳ điều gì. Thật - thật là ác, dì cháu bị giết rồi”.

Cách diễn đạt của cô gái hơi lạ nhưng rất cảm động. Vài giây sau chúng tôi lái xe về Andover.

Chú thích:

[1] Tội nghiệp bà cụ.
 
Chương 6: Hiện trường vụ án


Nơi thảm kịch xảy ra là một con hẻm nhỏ. Cửa hàng của bà Ascher nằm đoạn giữa con hẻm bên lề phải.

Khi chúng tôi rẽ vào con hẻm, Poirot liếc nhìn đồng hồ đeo tay thì tôi hiểu ra lý do ông hoãn việc đi xem hiện trường vụ án đến bây giờ. Lúc này là 5 giờ 30 phút, ông ấy muốn tái hiện khung cảnh của ngày hôm qua càng giống càng tốt.

Nhưng nếu đó là mục đích của Poirot thì ông đã thất bại. Hiển nhiên vào lúc này con hẻm rất khác so với chiều hôm trước. Có một số cửa hàng nhỏ nằm rải rác giữa những ngôi nhà riêng của dân nghèo. Tôi đoán bình thường sẽ có khá nhiều người chủ yếu là người nghèo qua lại con hẻm này và một vài đứa bé chơi đùa trên vệ đường hay trên lòng đường.

Giờ thì có rất nhiều người đứng nhìn chằm chằm vào một ngôi nhà hay cửa hàng và rất khó đoán đó là ngôi nhà nào.

Chúng tôi chỉ thấy một đám dân thường đang vô cùng tò mò nhìn vào chỗ có một con người đã bị sát hại.

Khi chúng tôi đến gần hơn thì đúng là như vậy. Trước cửa hàng trông bẩn thỉu có mấy ô cửa chớp đóng im ỉm ấy, một anh cảnh sát trẻ vẻ mặt căng thẳng đang uể oải yêu cầu đám đông “giải tán khỏi chỗ đó”. Nhờ một đồng nghiệp cảnh sát nữa giúp đỡ, đám đông mới giải tán. Vài người thở dài vẻ miễn cưỡng và quay lại với công việc của họ thì ngay lập tức một đám khác đến thế chỗ và nhìn chăm chăm vào nơi vụ giết người đã xảy ra.

Poirot dừng lại cách đám người đông đúc đó một quãng. Từ nơi chúng tôi đứng mấy dòng chữ sơn trên cửa hiện lên rõ mồn một. Poirot lặp đi lặp lại thật khẽ.

“A. Ascher. Qui, c’est peut-être là...” [1]

Rồi ông bỏ lửng.

“Nào, chúng ta hãy vào bên trong đi, Hastings”.

Tôi đã sẵn sàng.

Lách người qua đám đông, chúng tôi đến gần viên cảnh sát trẻ hỏi chuyện. Poirot trình giấy ủy nhiệm mà thanh tra Glen đã cho ông. Viên cảnh sát gật đầu mở cửa cho chúng tôi. Chúng tôi bước vào trong sự tò mò quá đỗi của những người đứng xem ngoài kia.

Cửa chớp bị đóng nên bên trong rất tối. Viên cảnh sát tìm công tắc và bật đèn lên. Bóng đèn loại công suất thấp nên trong nhà chỉ sáng lờ mờ.

Tôi nhìn xung quanh.

Một nơi chật hẹp và nhớp nhúa. Vài quyển tạp chí rẻ tiền nằm rải rác và cả mấy tờ báo ra ngày hôm qua - tất cả đều phủ một lớp bụi mờ. Sau quầy là một hàng kệ cao tới gần chạm nóc nhà chất đầy thuốc sợi và gói thuốc điếu.

Ngoài ra còn có vài lọ kẹo bạc hà cứng và kẹo mạch nha. Chỉ là một cửa hàng nhỏ bình thường như hàng ngàn cửa hàng khác.

Viên cảnh sát nói giọng vùng Hampshire chậm rãi giải thích bối cảnh hiện trường với chúng tôi.

“Bà cụ ngã sụp xuống phía sau quầy. Bác sĩ pháp y chưa biết vật gì đã đánh gục bà cụ. Có lẽ lúc đó bà đang với lấy hàng trên kệ”.

“Trong tay bà không cầm vật gì à?”

“Không, thưa ông, nhưng có một gói Player nằm bên cạnh bà”.

Poirot gật đầu. Ông đưa mắt quan sát quanh cửa hàng chật hẹp rồi ghi chú.

“Còn quyển thông tin đường sắt nằm ở đâu?”

“Đây thưa ông”. Viên cảnh sát chỉ về phía quầy. “Nó được giở đúng trang có Andover và đặt úp xuống mặt quầy. Có vẻ như tên đó đã tra cứu giờ tàu đi Luân Đôn. Nếu vậy, chắc hắn không phải là người ở Andover. Song, tất nhiên, quyển thông tin đường sắt có thể là của người khác không liên quan gì đến kẻ giết người hết, chỉ là bỏ quên ở đây”.

Tôi hỏi: “Có dấu vân tay không?”

Viên cảnh sát lắc đầu.

“Chúng tôi đã cho kiểm tra toàn bộ nơi này, thưa ông. Không có dấu vân tay nào lạ”.

“Trên quầy cũng không có à?” Poirot hỏi.

“Có quá nhiều, thưa ông! Chúng lộn xộn như một mớ bòng bong ấy”.

“Có dấu tay của Ascher trong số đó không?”

“Vẫn chưa biết, thưa ông”.

Poirot gật đầu, rồi hỏi có phải bà cụ quá cố sống ở tầng trên của cửa hàng không.

“Vâng thưa ông, ông đi bằng lối cửa sau đó ạ. Ông đi một mình nhé, tôi xin phép ở lại đây...”

Poirot băng qua lối cửa đó và tôi đi theo ông. Đằng sau cửa hàng có một gian vừa là phòng khách vừa là bếp rất hẹp. Căn phòng gọn gàng, sạch sẽ nhưng trông buồn tẻ và ít đồ đạc. Trên bệ lò sưởi có một vài tấm ảnh. Tôi bước đến xem và Poirot cũng làm theo tôi.

Có ba tấm ảnh. Một ảnh chân dung loại rẻ tiền của cô gái mà chúng tôi gặp chiều nay - Mary Drower. Hẳn là cô đang mặc bộ cánh đẹp nhất của mình. Nụ cười trên khuôn mặt cô ngượng ngập và gượng gạo không giống với thường ngày, kiểu mà ta hay thấy trong các bức ảnh chụp có sắp đặt nhưng người ta lại thích thế.

Bức ảnh thứ hai có vẻ đắt tiền hơn và mờ ảo một cách nghệ thuật - ảnh của một bà cụ tóc trắng, cổ áo lông cao ôm ấy cổ bà.

Tôi đoán đây có thể là bà Rose, người đã để lại cho bà Ascher một ít của cải giúp bà ấy buôn bán làm ăn.

Tấm ảnh thứ ba là tấm ảnh rất cũ, đã bạc màu và ố vàng. Trong ảnh là một đôi trai gái ăn mặc khá lỗi thời đang đứng khoác tay nhau. Người con trai có hoa cài trên áo và không khí hội hè mới xong bao trùm trong bức ảnh.

Poirot lên tiếng: “Có lẽ ảnh cưới. Hastings này, tôi đã nói với ông là bà ấy hồi trẻ rất đẹp đúng không?”

Poirot nói đúng. Dù cô gái trong ảnh có kiểu tóc lỗi thời và ăn mặc kỳ quặc thì cũng không giấu nổi vẻ đẹp của khuôn mặt rõ nét và dáng vẻ năng động. Tôi nhìn kỹ hơn người thứ hai trong ảnh. Khó mà nhận ra dáng vẻ tiều tụy của ông Ascher trong người con trai có phong thái chỉnh tề này.

Nhớ lại ông già say xỉn đôi mắt láo liên, và khuôn mặt bơ phờ của bà lão quá cố, tôi khẽ rùng mình sợ hãi trước sự tàn nhẫn của thời gian...

Từ phòng khách có một cầu thang dẫn lên hai căn phòng phía trên. Một phòng trống không có đồ đạc gì, phòng còn lại ắt hẳn là phòng của bà lão quá cố. Sau khi cảnh sát lục soát căn phòng, nó được trả về trạng thái ban đầu. Có vài cái chăn cũ đã sờn trên giường, một đống quần lót vá chằng vá đụp nằm trong một ngăn kéo, còn ngăn khác chứa vài công thức nấu ăn. Ngoài ra còn có một quyển tiểu thuyết loại bìa mềm tựa đề Ốc đảo xanh tươi, một đôi tất dài mới bóng lộn rẻ tiền nhìn thật thảm hại, một ít đồ trang trí bằng sứ, tượng anh chàng chăn cừu Dresden bị vỡ và một con chó có đốm xanh và vàng, một cái áo mưa đen và áo len mắc trên móc. Đó là tất cả tài sản của bà Alice Ascher quá cố.

Nếu có loại giấy tờ cá nhân nào thì cảnh sát đã lấy đi rồi.

“Pauvre femme”, Poirot lẩm bẩm. “Đi thôi Hastings, chúng ta không kiếm thêm được manh mối nào ở đây nữa đâu”.

Khi chúng tôi ra tới ngoài phố, ông chần chờ vài phút rồi băng qua đường.

Cửa hàng rau quả nằm gần như đối diện với nhà bà Ascher, tất cả hàng hóa trong cửa hàng dường như được bày bán bên ngoài nhiều hơn là ở trong nhà.

Poirot hạ giọng hướng dẫn tôi vài điều rồi bước vào cửa hàng. Vài phút sau tôi cũng bước vào theo. Lúc đó ông đang trả giá mớ rau xà lách. Tôi thì mua mấy lạng dâu tây.

Poirot sôi nổi nói chuyện với bà bán hàng mập mạp.

“Vụ giết người xảy ra ở đối diện phải không nhỉ? Đúng là một vụ động trời. Hẳn nó làm bà khiếp vía!”

Rõ ràng bà bán hàng mập mạp đã chán nói về vụ giết người rồi. Bà đã mệt mỏi vì nó. Bà nhận xét:

“Tốt hơn hết cái đám đông đang đứng há hốc mồm đó giải tán hết đi. Có gì hay mà nhìn cơ chứ?”

“Khung cảnh tối qua chắc rất khác”, Poirot nói. “Thậm chí không chừng bà đã thấy kẻ giết người đi vào cửa hàng ấy chứ. Hắn cao, trắng trẻo và có râu đúng không? Tôi nghe nói hắn là người Nga”.

“Gì cơ?” Bà bán hàng ngẩng phắt lên. “Ông nói là một người Nga gây án sao?”

“Nghe nói cảnh sát bắt được hắn rồi”.

“Thật thế ư?” Bà ta trở nên phấn khích, liến thoắng. “Một người nước ngoài”.

“Mais oui. [2] Tôi nghi không chừng bà đã trông thấy hắn ta tối qua?”

“Thật ra tôi không có cơ hội thấy hắn. Buổi chiều là lúc bán buôn đắt hàng nhất và khi đó cũng có nhiều người đi làm về ngang qua đây. Một người đàn ông cao, trắng trẻo và có râu, không, tôi không nghĩ đã thấy ai có hình dáng như thế quanh đây”.

Đúng lúc đó, tôi chen vào.

“Xin lỗi thưa ông”, tôi nói với Poirot. “Có thể ông được báo thông tin sai rồi. Tôi nghe nói đó là một người đàn ông thấp và da đen”.

Cuộc tranh luận xảy ra giữa bà bán hàng mập mạp, ông chồng gầy gò của bà và thằng bé bán hàng có giọng khàn khàn. Họ thấy không dưới bốn người đàn ông thấp và da đen còn thằng bé giọng khàn thì thấy một người cao và trắng trẻo, thằng bé nói thêm vẻ luyến tiếc, “nhưng mà ông đó không có râu”.

Cuối cùng chúng tôi cũng mua xong và rời cửa hàng mà không buồn đính chính câu chuyện bịa đặt vừa rồi.

Tôi hỏi vẻ trách móc: “Vì sao chúng ta phải làm thế hả Poirot?”

“Ừ, tôi muốn thử xem liệu có khả năng người ta trông thấy ai lạ mặt bước vào cửa hàng đối diện không”.

“Sao ông không hỏi thẳng để khỏi phải nói dối?”

“Không đâu, ông bạn à. Nếu ‘hỏi thẳng’ như ông bảo thì tôi không bao giờ nhận được câu trả lời nào. Ông là người Anh thế mà không biết người Anh phản ứng ra sao với câu hỏi trực tiếp. Người ta luôn nghi ngờvà kết quả tất yếu là họ sẽ trở nên dè dặt. Nếu tôi hỏi thẳng mấy người kia, họ sẽ câm như hến. Nhưng khi tôi kể chuyện (hơi sai lệch và phi lý) và ông lại thêm vào ý trái ngược thì người ta buộc phải lên tiếng ngay. Chúng ta còn biết lúc đó là giờ cao điểm, mọi người ai lo việc nấy và có nhiều người qua lại trên vỉa hè. Tên giết người đã chọn thời điểm quá thích hợp, Hastings à”.

Ông ngưng nói rồi lên tiếng trách móc:

“Kiến thức phổ thông của ông bỏ đi đâu hết vậy, Hastings? Tôi bảo ông mua gì cũng được và thế là ông chọn ngay dâu tây! Chúng bắt đầu thấm qua bao và chuẩn bị vấy sang bộ com-plê của ông rồi đó”.

Tôi lo lắng khi nhận ra sự thật phũ phàng.

Tôi vội vàng đưa số dâu mới mua cho một đứa bé trai khiến nó rất ngạc nhiên và hơi nghi ngờ.

Poirot lại đưa thêm cả xà lách khiến đứa bé càng hoang mang.

Ông tiếp tục giảng giải.

“Ở mấy cửa hàng rau quả rẻ tiền, đừng bao giờ mua dâu tây. Dâu tây nếu không phải mới hái thì hay bị chảy nước lắm. Chuối, táo hay bắp cải thì được chứ đừng mua dâu tây”.

Tôi giải thích kiểu bào chữa: “Nó là thứ đầu tiên tôi nghĩ đến”.

Poirot lạnh lùng trả lời: “Trí tưởng tượng của ông phải hơn thế chứ”.

Ông dừng lại trên vỉa hè.

Nhà và cửa hàng phía bên phải nhà bà Ascher đều bỏ trống. Tấm biển “Cho thuê” treo trên cửa sổ. Bên phía còn lại là một ngôi nhà có rèm cửa may bằng vải mút-xơ-lin phủ đầy bụi bẩn.

Poirot chú ý đến ngôi nhà này. Nhà không có chuông nên phải gõ cửa nhiều lần.

Hồi lâu, một thằng bé dơ dáy mũi chảy lòng thòng ra mở cửa.

Poirot nói: “Chào cháu. Mẹ cháu có nhà không?”

Thằng bé hỏi lại: “Dạ?”

Nó nhìn chúng tôi không mấy thiện cảm và có vẻ rất nghi ngờ.

Poirot lặp lại: “Mẹ cháu ấy”.

Phải mất vài chục giây sau thằng bé mới quay về phía cầu thang và hét lớn: “Mẹ ơi, có khách” rồi nhanh chóng trốn biệt vào trong căn nhà lờ mờ tối.

Người phụ nữ vẻ mặt sắc sảo nhìn qua lan can cầu thang rồi mới đi xuống.

“Ông chỉ tốn công vô ích thôi...” bà ta bắt đầu nói thì Poirot ngắt lời.

Ông ngả mũ và cúi đầu chào rất điệu nghệ.

“Chào bà. Tôi là nhân viên báo Evening Flicker. Tôi rất mong bà nhận 5 bảng Anh và cung cấp cho chúng tôi thông tin để viết về người hàng xóm quá cố của bà, bà Ascher”.

Những lời giận dử chững lại trên môi bà nọ rồi bà ta đi xuống cầu thang, tay thì vuốt tóc, tay thì kéo váy áo.

“Mời ông vào, phía bên trái ấy. Mời ông ngồi”.

Bộ bàn ghế sa-lông làm cho căn phòng chật hẹp càng bề bộn hơn nhưng chúng tôi cũng cố gắng lách mình qua để ngồi lên chiếc ghế sofa cứng ngắc.

Người đàn bà nói: “Ông thứ lỗi cho. Tôi rất xin lỗi vì đã nói với ông bằng giọng điệu gay gắt lúc nãy, nhưng ông khó mà tin được tôi phải chịu đựng đến mức nào đâu. Nào là mấy gã đến chào bán cái này cái kia, nào là máy hút bụi, tất, túi thơm và những thứ vớ vẩn khác. Tất cả đều là bọn dẻo miệng và ăn nói lịch sự. Họ nhớ cả tên của khách hàng nữa. Nào là bà Fowler này bà Fowler nọ”.

Poirot khéo léo nắm ngay tên bà, ông nói:

“Bà Fowler này, hy vọng bà sẽ làm theo yêu cầu của tôi”.

“Chắc là tôi không biết gì đâu”. Năm bảng Anh treo lơ lửng mời gọi trước mắt bà Fowler. “Đương nhiên tôi biết bà Ascher nhưng để viết về bà ấy thì chưa chắc”.

Poirot vội vàng trấn an. Bà không phải làm gì nhiều. Ông sẽ khai thác thông tin từ bà và sẽ viết thành một bài phỏng vấn.

Vì được khuyến khích, bà Fowler vui vẻ hồ hởi kể lại rồi đưa ra phán đoán và thêm thắt vào cả tin đồn nữa.

Bà Ascher sống rất khép kín. Bà không hẳn quá thân thiện nhưng ở đây ai cũng biết bà gặp nhiều phiền toái, tội nghiệp bà cụ. Và đúng ra Franz Ascher phải bị bỏ tù lâu rồi. Không phải bà Ascher sợ ông ta vì bà có thể nổi cơn tam bành khi bị chọc giận. Bà ấy lúc nào cũng ăn miếng trả miếng. Nhưng cái gì cũng có giới hạn, người ta nói già néo đứt dây. Nhiều lần bà Fowler nói với bà Ascher: “Rồi có ngày ông ấy hại bà cho mà xem. Nhớ lời tôi đó”. Và ông ta đã làm thế phải không nào? Bà Fowler ở sát bên mà không nghe thấy bất kỳ tiếng động nào.

Khi bà ta ngừng kể, Poirot cố chèn vào một câu hỏi.

Bà Ascher có nhận được lá thư nào đặc biệt không, loại thư không có chữ ký đàng hoàng hoặc chỉ ký là A B C?.

Đáng tiếc bà Fowler trả lời là không có.

“Tôi biết điều ông đang muốn nói tới, loại thư nặc danh có những ngôn từ mà khi đọc lên người ta thấy ngượng cả mồm chứ gì. Ừm, chắc chắn tôi không biết liệu Franz Ascher có thể viết những thứ như thế không. Mà nếu ông ta có viết thì bà Ascher cũng không tiết lộ với tôi đâu. Gì cơ? Quyển thông tin đường sắt A B C à? Không, tôi chưa bao giờ thấy nhưng chắc chắn nếu bà Ascher được gửi thì tôi đã biết rồi. Tôi quá đỗi ngạc nhiên khi nghe về chuyện đó. Con gái Edie của tôi kể với tôi rằng: ‘Mẹ ơi, bên nhà hàng xóm có nhiều cảnh sát quá’. Tôi giật mình. Khi nghe về vụ án tôi nói: ‘Chà, đáng lẽ bà không nên ở một mình, đáng lẽ đứa cháu gái đó phải ở với bà’. Tôi nói: ‘Đàn ông say rượu giống như con sói đói mồi. Còn lão chồng khốn kiếp của bà thì như thú dữ. Tôi cảnh báo bà ấy thế nhiều lần rồi và giờ đây những lời tôi nói đã thành sự thật, ông ta sẽ làm thế với bà’. Và ông ta đã làm thế thật! Không ai có thể đoán được kẻ say rượu sẽ làm gì và vụ giết người này là một minh chứng”.

Nói rồi bà ta thở hổn hển.

Poirot hỏi: “Tôi đoán không ai thấy ông Ascher vào cửa hàng đúng không?”

Bà Fowler khịt mũi vẻ khinh bỉ.

“Đương nhiên là ông ấy không để ai thấy rồi”, bà nói.

Còn làm thế nào ông Ascher đi vào đó mà không ai biết thì bà không hề giải thích.

Bà thừa nhận nhà đó không có cửa sau và ở khu phố này ai cũng biết mặt ông Ascher rất rõ.

“Nhưng chắc chắn ông ấy không để lộ rồi, ông ấy núp rất kỹ”.

Poirot kéo cuộc nói chuyện lâu thêm chút nữa nhưng dường như bà Fowler đã kể hết những gì bà ấy biết không chỉ một lần mà rất nhiều lần nên ông kết thúc buổi phỏng vấn sau khi trả số tiền như đã hứa.

Khi chúng tôi đã ra ngoài đường tôi mạnh dạn nhận xét: “Cũng đáng 5 bảng Anh, Poirot nhỉ”.

“Ừ, cho đến bây giờ thì đúng thế”.

“Ông có nghĩ bà ấy biết nhiều hơn những điều bà ấy mới kể không?”

“Ông bạn thân mến, chúng ta đang ở trong tình thế không biết phải hỏi gì. Chúng ta như lũ trẻ con chơi trốn tìm trong bóng tối. Chúng ta đưa tay ra mò mẫm. Bà Fowler kể cho chúng ta tất cả những điều mà bà ta nghĩ là mình biết, rồi còn đưa ra phỏng đoán này nọ nữa! Dù vậy, sau này những chứng cứ của bà sẽ có ích cho chúng ta. Vì lợi ích sau này mà tôi phải đầu tư 5 bảng Anh đấy”.

Tôi chưa hiểu hết ý ông, nhưng đúng lúc ấy chúng tôi tình cờ gặp thanh tra Glen.

Chú thích:

[1] Ừ, có lẽ ở đây...

[2] Đúng thế.
 
Chương 7: Ông Partridge và ông Riddell


Thanh tra Glen có vẻ buồn bã. Tôi đoán ông dành cả buổi chiều để thu thập một danh sách đầy đủ tên những người đã vào cửa hàng thuốc lá.

Poirot hỏi: “Người ta không thấy ai sao?”

“Ồ, có chứ. Ba người đàn ông cao lớn vẻ mặt lén lút, bốn người đàn ông thấp có ria mép đen, hai người có râu, ba người đàn ông mập béo, tất cả đều là người lạ. Và nếu tôi tin lời của những nhân chứng này thì tất cả những người đó đều có vẻ mặt đầy sát khí! Sao người ta không nhìn thấy một băng đeo mặt nạ và mang súng lục lúc ra tay luôn đi!”

Poirot cười vẻ thông cảm.

“Có ai khai đã thấy ông Ascher không?”

“Không, ông à. Vậy là ông ta lại có thêm bằng chứng có lợi. Tôi vừa nói với cảnh sát trưởng rằng tôi nghĩ đây là việc của Scotland Yard. Tôi không tin đây là một vụ án địa phương”.

Poirot nghiêm nghị nói: “Tôi đồng ý với anh”.

Viên thanh tra nói:

“Ông Poirot biết đấy, đây là một vụ độc ác - một vụ độc ác... Tôi không thích vụ này...”

Chúng tôi có thêm hai cuộc phỏng vấn trước khi quay lại Luân Đôn.

Đầu tiên là với ông James Partridge. Người ta cho rằng Partridge là người cuối cùng thấy bà Ascher trước khi bà bị giết. Ông đã mua hàng ở chỗ bà lúc 5 giờ 30.

Patridge là một người nhỏ thó, nhân viên ngân hàng. Ông mang kính không gọng, dáng người gầy gò, khô khan, và ông ăn nói cực kỳ chuẩn, ông sống trong một căn nhà nhỏ cũng gọn gàng và ngăn nắp như con người ông.

“Ông, ờ, Poirot”, ông vừa nói vừa nhìn danh thiếp bạn tôi mới đưa. “Ông ở chỗ thanh tra Glen đúng không? Tôi có thể giúp gì cho ông, thưa ông Poirot?”

“Ông Patridge này, tôi nghe nói ông là người cuối cùng nhìn thấy bà Ascher trước khi bà bị giết”.

Ông Partridge đặt mấy đầu ngón tay chạm vào nhau và nhìn Poirot như thể ông ấy là một tấm séc đáng ngờ.

Ông nói: “Chưa chắc đâu, ông Poirot ạ. Có thể nhiều người cũng đến mua đồ ở cửa hàng bà Ascher sau tôi”.

“Nếu thế thì chắc họ chưa đến trình báo rồi”.

Ông Partridge đằng hắng giọng.

“Ông Poirot à, có nhiều người không có ý thức nghĩa vụ công dân”.

Ông nhìn chúng tôi qua cặp kính, vẻ nghiêm nghị.

Poirot lẩm bẩm: “Đúng thế thật. Tôi nghe nói ông tự đi trình báo cảnh sát?”

“Đương nhiên. Ngay khi tôi nghe có vụ án kinh hoàng ấy tôi nghĩ những lời khai của mình có thể giúp ích ít nhiều nên tôi đã làm thế”.

Poirot nói vẻ trang trọng: “Ông làm vậy là đúng đấy. Ông vui lòng thuật lại câu chuyện cho tôi nhé”.

“Đương nhiên rồi. Tôi đang trên đường về nhà và lúc đó là 5 giờ 30 đúng...”

“Xin lỗi, nhưng làm sao ông biết chính xác đến thế?”

Ông Partridge có vẻ bực mình vì bị chen ngang. “Đồng hồ nhà thờ gõ mấy tiếng báo giờ mà. Tôi nhìn đồng hồ và biết mình đến trễ một phút. Đó là ngay trước lúc tôi bước vào cửa hàng của bà Ascher”.

“Ông có hay mua hàng ở đó không?”

“Cũng khá thường xuyên. Cửa hàng nằm ngay trên đường tôi đi làm về mà. Khoảng một hay hai lần một tuần tôi lại có thói quen ghé lại mua vài lạng thuốc John Cotton loại nhẹ”.

“Ông có biết gì về bà Ascher không? Ví dụ như về hoàn cảnh hay quá khứ của bà ấy chẳng hạn?”

“Tôi không hề biết gì về bà ấy. Tôi chỉ mua hàng và thỉnh thoảng nói vài ba câu về thời tiết chứ chưa thật sự trò chuyện với bà ấy”.

“Ông có biết bà ấy có ông chồng nát rượu và hay dọa giết bà không?”

“Không, tôi không hề biết gì về bà ấy cả”.

“Tuy vậy, ông biết mặt bà. Thế thì ông có thấy bà có biểu hiện gì lạ vào chiều tối hôm qua không? Bà ấy có vẻ bồn chồn hay bực bội không?”

Patridge ngẫm nghĩ.

“Theo như tôi để ý thì bà ấy vẫn như mọi ngày”, ông nói.

Poirot đứng dậy.

“Cảm ơn ông đã trả lời câu hỏi của tôi, ông Patridge. Nhân tiện, trong nhà ông có quyển thông tin đường sắt loại A B C nào không? Tôi muốn tìm chuyến tàu để về Luân Đôn”.

Ông Partridge trả lời: “Nó nằm trên kệ ngay sau lưng ông đấy”.

Trên kệ có một quyển thông tin đường sắt loại A B C, một quyển loại Bradshaw, một quyển niên giám chứng khoán, một danh bạ điện thoại Kelly, một quyển danh nhân, và một quyển danh bạ địa phương.

Poirot lấy quyển thông tin đường sắt A B C, giả vờ tìm chuyến tàu rồi cảm ơn ông Partridge và ra về.

Cuộc phỏng vấn tiếp theo là với ông Albert Riddell - một người có tính cách khác hẳn. Ông Albert Riddell là thợ sửa chữa đường ray và cuộc nói chuyện của chúng tôi diễn ra trong tiếng loảng xoảng bát đĩa của bà vợ đang lo âu của ông Riddell, tiếng gầm gừ của con chó nhà ông Riddell và cả thái độ hung hăng của chính ông Riddell.

Riddell có dáng người cao lớn, thô kệch với khuôn mặt to và đôi mắt nhỏ đáng ngờ. Ông đang ăn bánh nhân thịt và uống trà đen đậm đặc. Từ vành tách trà ngẩng lên, đôi mắt ông nhìn chúng tôi chằm chằm vẻ giận dữ.

Ông càu nhàu: “Tôi đã nói những gì cần nói một lần rồi mà. Việc đó có liên quan gì đến tôi cơ chứ? Tôi đã khai với bọn cảnh sát trời đánh rồi và giờ tôi phải kể lại cho mấy người nước ngoài khốn kiếp này nữa”.

Poirot liền đưa mắt về phía tôi vẻ thích thú rồi nói:

“Thật ra tôi rất thông cảm với ông, nhưng ông có thể làm gì khác cơ chứ? Vấn đề là vụ giết người phải không nào? Người ta phải hết sức cẩn trọng”.

Người vợ nói vẻ căng thẳng: “Tốt nhất là kể cho quý ông đây nghe những gì mà ông ấy yêu cầu đi, Bert”.

Gã khổng lồ đó gầm lên: “Bà câm mồm đi”.

Poirot nhã nhặn đưa ra nhận xét: “Theo tôi biết thì ông đã không đi trình báo cảnh sát”.

“Sao tôi phải làm thế chứ? Có mắc mớ gì đến tôi đâu”.

Poirot hờ hững nói: “Vấn đề là có một vụ giết người và cảnh sát muốn biết ai đã vào cửa hàng. Tôi trộm nghĩ, sao nhỉ, nếu ông đến trình báo thì thuận theo lẽ tự nhiên hơn”.

“Tôi bận việc lắm. Đừng bảo là tôi phải đi trình báo trong giờ làm việc của tôi...”

“Sự thật thì cảnh sát đã có được tên người ghé cửa hàng của bà Ascher và họ đã đến tìm gặp ông. Họ có thỏa mãn với những lời khai của ông không?”

“Tại sao không chứ?” Bert hùng hổ vặn lại.

Poirot chỉ nhún vai.

“Ý ông là sao? Không ai có điều gì chống lại tôi đúng không? Ai cũng biết ai ra tay với mụ già ấy, thằng chồng khốn kiếp của mụ chứ ai nữa”.

“Nhưng buổi chiều xảy ra chuyện ông ta không ở đó mà ông thì có”.

“Ông đang cố gắng gán tội cho tôi à? Hừm, thế thì ông không làm được đâu. Mắc gì tôi phải làm vậy? Hay ông nghĩ tôi làm thế vì muốn ăn trộm thuốc lá của bà ta? Hay tôi là kẻ điên cuồng ưa giết người như người ta vẫn nói? Hay là...?”

Ông đứng dậy vẻ đe dọa. Bà vợ ré lên:

“Bert, Bert, đừng nói thế. Bert, họ sẽ nghĩ là...”

Poirot nói: “Bình tĩnh nào, ông bạn. Tôi chỉ muốn lấy lời khai việc ông ghé cửa hàng thôi mà. Ông cứ khăng khăng từ chối khiến tôi, nói sao nhỉ, thấy hơi kỳ lạ?”

“Ai nói tôi từ chối chứ?” Riddell ngồi lại xuống ghế. “Tôi không ngại kể đâu”.

“Khi ông vào cửa hàng là 6 giờ đúng không?”

“Đúng thế, thật ra là quá một vài phút. Tôi muốn mua một gói Gold Fake. Tôi đẩy cửa vào thì...”

“Lúc đó cửa đóng à?”

“Đúng thế. Tôi tưởng cửa hàng đã đóng cửa. Nhưng không phải thế. Tôi bước vào nhưng không có ai ở đó cả. Tôi gõ gõ lên quầy và đợi một lát. Không có ai ra nên tôi bỏ về. Hết rồi, có chừng đó thôi”.

“Ông không thấy có người bị ngã sau quầy sao?”

“Không, không thấy - nếu không tìm kiếm thì chắc là không thấy được”.

“Có quyển thông tin đường sắt nào nằm quanh đó không?”

“Có. Nó nằm úp xuống. Lúc đó tôi thoáng nghĩ có thể bà cụ phải vội vã lên tàu nên quên đóng cửa hàng”.

“Ông có cầm quyển thông tin đường sắt lên hay kéo nó trên quầy không?”

“Tôi không hề đụng vào nó. Tôi đã kể hết những gì tôi làm rồi”.

“Thế ông không thấy ai rời cửa hàng trước khi ông bước vào sao?”

“Không có. Tôi khai hết rồi, sao cứ quy cho tôi thế?”

Poirot đứng dậy.

“Chưa ai quy kết gì ông cả. Tạm biệt ông”.

Poirot bỏ đi trong khi gã kia há hốc mồm, tôi cũng theo chân ông.

Ra tới ngoài đường ông xem đồng hồ.

“Này ông bạn, nếu chúng ta đi nhanh hết cỡ thì có thể bắt kịp chuyến tàu 7 giờ 2 phút. Chúng ta phải đi nhanh lên
 
Chương 8: Bức thư thứ hai


Gì vậy?” tôi hăm hở hỏi.

Chỉ có hai chúng tôi trong khoang hạng nhất. Tàu tốc hành vừa mới rời Andover.

Poirot trả lời: “Vụ án do một người đàn ông cao trung bình, tóc đỏ và mắt trái hơi bị lác gây ra. Chân phải hơi khập khiễng và có một nốt ruồi ngay dưới bả vai”.

Tôi reo lên: “Thật không Poirot?”

Tôi hoàn toàn bị lừa mất một lúc. Rồi ánh nhìn của ông bạn khiến tôi tỉnh ra.

“Cái ông Poirot này!” Tôi lại kêu lên, nhưng lần này giọng trách móc.

“Mon ami, thế mà cũng tin à? Ông nhìn tôi vẻ tận tụy trung thành và đòi tôi phán như thể Sherlock Holmes! Bây giờ nói thật nhé - Tôi không hề biết kẻ giết người trông ra sao, hay hắn ta sống ở đâu hay làm cách nào đế tóm hắn”.

“Giá mà hắn để lại manh mối nào đó”, tôi lẩm bẩm.

“Ừ, manh mối. Ông lúc nào cũng chỉ quan tâm mỗi chứng cứ thôi. Trời ạ, hắn ta không hút thuốc và để lại tàn thuốc, và rồi giẫm lên tàn thuốc để lại dấu giày đinh kỳ lạ đâu. Không, hắn không dễ thế. Nhưng ông bạn à, ít nhất chúng ta có quyển thông tin đường sắt. Cái quyển A B C đó chính là manh mối dành cho ông đấy!”

“Vậy ông có nghĩ hắn vô tình để lại nó không?”

“Đương nhiên là không. Hắn cố tình để lại. Dấu vân tay cho chúng ta biết thế”.

“Nhưng trên đó đâu có dấu vân tay nào”.

“Chính là điều tôi muốn nói. Tối hôm qua thời tiết thế nào nhỉ? Một đêm tháng 6 ấm áp. Người ta có đi dạo vào một tối như thế mà mang găng tay không? Một người đàn ông như thế chắc chấn sẽ gây chú ý. Thế nên, không có dấu vân tay trên quyển A B C đó thì có nghĩa là nó đã được cẩn thận chùi đi. Một người vô tội sẽ để lại dấu vân tay còn người gây tội thì không. Vì thế tên giết người đã cố tình để lại quyển thông tin đường sắt nhưng ít ra cũng là một manh mối. Có người đã mua và mang đến quyển A B C đó, có thể như thế lắm chứ”.

“Ông nghĩ chúng ta có thể biết điều gì nếu điều tra theo hướng ấy?”

“Hastings à, nói thẳng nhé, tôi chẳng hy vọng lắm. Người đàn ông này, mình tạm gọi là ông X, hẳn sẽ rất hãnh diện về những biệt tài của hắn. Hắn không để lại dấu vết để chúng ta có thể lần theo ngay được đâu”.

“Vậy thì cái quyển A B C đó không giúp ích được gì rồi”.

“Không phải theo cách ông hiểu đâu”.

“Vậy thì theo cách nào?”

Poirot không trả lời liền. Một lúc sau ông chậm rãi nói:

“Câu trả lời là đúng. Chúng ta đang đối đầu với một nhân vật ẩn. Hắn ở trong tối và tìm mọi cách để ở trong tối. Nhưng bản chất vấn đề là hắn cứ bị lộ dần ra ánh sáng. Một mặt, chúng ta không biết gì về hắn, mặt khác chúng ta đã biết quá nhiều. Tôi lờ mờ nhìn ra hình dạng của hắn. Đó là một người đàn ông đánh máy rất giỏi và rõ ràng, là người mua thứ giấy tốt, là người khao khát được thể hiện cá tính của mình. Tôi thấy hắn trong hình ảnh một đứa bé bị bỏ rơi và thiếu quan tâm, tôi thấy hắn lớn lên với mặc cảm thua kém, đấu tranh với cảm giác bất công... Tôi nhận thấy thôi thúc khẳng định mình bên trong con người hắn, tập trung vào bản thân hắn mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhưng những sự việc và hoàn cảnh xung quanh - làm nó đổ vỡ - chất thành đống, có lẽ, khiến hắn còn nhục nhã hơn. Và sâu thẳm bên trong que diêm đã sẵn sàng châm vào ngòi thuốc nổ...”

“Tất cả chỉ là phỏng đoán mà thôi”, tôi phản đối. “Chẳng giúp ích thiết thực cho ông đâu”.

“Ông thì thích mấy cái chứng cứ như mẩu que diêm, tàn thuốc, và giày đinh! Ông lúc nào cũng thế. Nhưng ít ra chúng ta có thể tự hỏi mình những câu hỏi thiết thực. Tại sao lại là quyển A B C? Tại sao chọn bà Ascher? Tại sao ở Andover?”

Tôi suy ngẫm: “Cuộc sống trước đây của bà ấy khá đơn giản. Phỏng vấn hai người đàn ông đó chẳng được gì. Họ không cung cấp thêm thông tin nào khác ngoài những thông tin mà chúng ta đã biết”.

“Nói thật tôi không trông đợi gì từ mạch điều tra ấy. Nhưng chúng ta không thể bỏ qua hai kẻ tình nghi này”.

“Chắc ông không nghĩ...”

“Có khả năng kẻ giết người sống tại Andover hay gần đó. Đó có thể là câu trả lời cho câu hỏi: ‘Sao lại là Andover?’ Ừm, có hai người đàn ông ghé cửa hàng vào đúng thời gian mình cần. Một trong hai người có thể là kẻ giết người. Và cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy một trong hai người họ không phải là kẻ giết người”.

“Chắc cái gã thô lỗ cục mịch Riddell chứ ai vào đây nữa”.

“Ồ, tôi thì gạch Riddell ra khỏi danh sách những kẻ tình nghi. Gã đó có vẻ căng thẳng, ưa dọa nạt, hay bực bội...”

“Nhưng như thế càng chứng tỏ...”

“Tính cách đó hoàn toàn trái ngược với tính cách của người viết bức thư A B C. Tự tin và kiêu ngạo là tính cách của người chúng ta cần tìm”.

“Người ra vẻ ta đây à?”

“Đại loại thế. Nhưng cũng có những người bề ngoài có vẻ lo lắng và khiêm tốn mà bên trong chứa đầy kiêu ngạo và tự mãn”.

“Tôi không nghĩ ông Partridge nhỏ thó đó...”

“Ông này có vẻ giống hơn. Chúng ta chỉ có thể đoán được chừng đó thôi. Ông ta xử sự giống tác giả bức thư - đi trình báo cảnh sát ngay, đẩy mình ra phía trước và thích thú với vị trí đó”.

“Ông nghĩ là...?”

“Không, Hastings ạ. Theo tôi thì kẻ sát nhân từ nơi khác đến Andover, nhưng chúng ta không được bỏ qua những nơi cần tìm. Và mặc dù tôi cứ luôn miệng gọi là ‘ông ta’, chúng ta cũng không được loại trừ khả năng đó là một phụ nữ”.

“Đương nhiên là không rồi!”

“Tôi đồng ý cách tấn công đó là của đàn ông. Nhưng bức thư nặc danh lại do đàn bà chứ không phải đàn ông viết. Chúng ta phải lưu ý điều đó”.

Tôi im lặng vài phút rồi nói: “Giờ chúng ta làm gì tiếp đây?”

Poirot nhìn tôi cười: “Cái ông Hastings hăng hái này”.

“Nhưng chúng ta phải làm gì đi chứ?”

“Chẳng làm gì cả”.

“Không ư?” Tôi thất vọng ra mặt.

“Tôi có phải là ảo thuật gia không? Hay là thầy phù thủy? Ông muốn tôi làm gì cơ chứ?”

Tôi suy nghĩ lung lắm nhưng vẫn không tìm ra được câu trả lời. Dù sao tôi cũng tin là phải làm gì đó và không nên trì hoãn nữa.

“Chúng ta có quyển A B C, thư và bì thư...” tôi nói. “Hiển nhiên mọi thứ đang diễn biến theo chiều hướng đó. Cảnh sát có tất cả những bằng chứng họ cần cho cuộc điều tra này. Nếu tìm kiếm theo hướng đó thì sợ gì họ tìm không ra”.

Bấy nhiêu khiến tôi phải hài lòng.

Những ngày sau đó, tôi băn khoăn không hiểu sao Poirot không muốn nhắc đến vụ án nữa. Khi tôi cố gắng lái đến chủ đề này thì ông gạt phăng đi.

Trong thâm tâm tôi hiểu động cơ của Poirot, về vụ án bà Ascher, Poirot vẫn đang là người thua cuộc. A B C đã thách thức ông và A B C đã thắng. Ông bạn tôi đã quen với những thành công liên tiếp và rất nhạy cảm với thất bại đến độ không chịu đựng nổi khi nhắc đến đề tài đó. Có thể đây là biểu hiện của tính hẹp hòi ở một vĩ nhân, nhưng ngay cả người tỉnh táo nhất rất có thể cũng bị thành công làm cho kiêu ngạo. Trong trường hợp của Poirot thì quá trình đó diễn ra đã nhiều năm rồi. Không biết cuối cùng tác động của nó có lộ rõ ra không nữa.

Biết vậy nên tôi tôn trọng điểm yếu của bạn mình và không nhắc gì đến vụ án nữa. Tôi đọc trên báo lời khai từ cuộc thẩm tra. Rất vắn tắt và không nhắc gì đến bức thư A B C và người gây án thì chưa rõ tung tích. Vụ án ít được báo chí chú ý. Không có bài báo lớn hay đặc biệt nào viết về nó. Chẳng bao lâu vụ bà cụ trong hẻm bị giết bị báo chí lãng quên nhường chỗ cho mấy cái đề tài gay cấn hơn.

Thật tình mà nói tôi quên dần vụ đó một phần vì ghét phải nghĩ đến chuyện Poirot chịu thất bại. Vậy mà đến ngày 25 tháng 7, vụ án đột nhiên được khơi lên.

Tôi không gặp Poirot đã mấy hôm rồi vì bận đi Yorkshire vào cuối tuần. Tôi trờ về chiều thứ hai và thư đến lúc 6 giờ đúng. Tôi còn nhớ Poirot đột ngột hít sâu khi ông rọc bì thư.

Ông nói: “Nó đến rồi”.

Tôi nhìn ông chằm chằm, không hiểu gì.

“Cái gì đến?”

“Chương hai của vụ A B C”.

Tôi nhìn ông không hiểu gì mất một lúc. Thật sự tôi đã quên bẵng vụ đó.

“Ông đọc đi”, Poirot nói và đưa cho tôi bức thư.

Cũng như lần trước, lá thư được đánh máy trên loại giấy tốt.

Ông Poirot kính mến,

Ừm, thế nào hả ông? Tôi nghĩ tôi thắng một ván rồi nhé. Vụ Andover thành công trót lọt, đúng không nào?

Nhưng mà trò vui mới chỉ bắt đầu. Ông hãy để ý Bexhill-on-Sea. Ngày 23 tháng này nhé.

Chúng ta sẽ có một dịp vui đây!

Kính thư,

A B C

Tôi kêu lên: “Trời ơi, Poirot. Có nghĩa là thằng cha này sẽ gây thêm một vụ án mạng nữa sao?”

“Đương nhiên rồi, Hastings. Không phải vậy thì thế nào chứ? Bộ ông nghĩ vụ Andover chỉ là một vụ án riêng lẻ thôi sao? Ông có nhớ tôi đã từng nói: ‘Đây chỉ mới là bắt đầu’ không?”

“Nhưng thế thì khủng khiếp quá!”

“Ừ, khủng khiếp thật”.

“Chúng ta đang đương đầu với một kẻ cuồng sát”.

“Đúng thế”.

Sự im lặng của Poirot còn ấn tượng hơn bất kỳ một bản hùng ca nào. Tôi trả lại bức thư cho ông và thấy rùng mình.

Sáng hôm sau chúng tôi tham dự một cuộc họp cấp cao. Cảnh sát trưởng hạt Sussex, phó đội trưởng điều tra hình sự, Thanh tra Glen từ Andover, phó cảnh ty Carter của Sở Cảnh sát hạt Sussex, Japp và một thanh tra trẻ tên Crome, và bác sĩ Thompson - bác sĩ tâm lý nổi tiếng - đều có mặt đông đủ. Dấu bưu điện trên bức thư là của quận Hampstead nhưng theo Poirot chi tiết này không có gì quan trọng lắm.

Vụ án được thảo luận đầy đủ. Bác sĩ Thompson là một người đàn ông trung niên tính tình vui vẻ. Là trí thức nhưng ông không thích ăn nói kiểu cách hay dùng thuật ngữ chuyên môn.

Phó cảnh ty phát biểu: “Không còn nghi ngờ gì nữa, hai bức thư đó đều từ một người. Cả hai đều do một người viết”.

“Và chúng ta có thể cho rằng người đó gây ra vụ giết người ở Andover”.

“Đúng vậy. Giờ đây chúng ta nhận được cảnh báo dứt khoát về một vụ án thứ nhì sắp xảy ra ở Bexhill vào ngày 25 - tức là ngày mốt. Chúng ta phải tiến hành các biện pháp nào đây?”

Cảnh sát trưởng hạt Sussex nhìn ông phó cảnh ty.

“Ừm, Carter, ông có ý kiến gì không?”

Ông phó cảnh ty nghiêm nghị lắc đầu.

“Khó quá, thưa ông. Chúng ta không có manh mối nào để lần ra ai sẽ là nạn nhân tiếp theo. Nói thẳng là chúng ta có thể tiến hành biện pháp gì cơ chứ?”

“Tôi có đề xuất này”, Poirot lẩm bẩm.

Ai nấy đều quay sang nhìn ông.

“Tôi nghĩ có khả năng họ của nạn nhân tiếp theo sẽ bắt đầu bằng chữ B”.

“Cũng có thể lắm chứ”, ông phó cảnh ty nói vẻ hoài nghi.

“Ám ảnh bảng chữ cái”, bác sĩ Thompson trầm ngâm.

“Đó có thể là một khả năng. Tôi nghĩ ra điều này khi thấy cái tên Ascher viết rõ ràng trên cửa ra vào ở cửa hàng của bà lão xấu số bị giết tháng trước. Khi nhận được bức thư nhắc đến Bexhill tôi chợt nghĩ khả năng nạn nhân và địa điểm có thể chọn theo bảng chữ cái”.

Vị bác sĩ đồng tình: “Có thể lắm. Nhưng cũng có thể cái tên Ascher chỉ là một sự trùng hợp. Lần này dù nạn nhân tên gì đi nữa thì vẫn sẽ là một bà già bán ở cửa hàng. Nên nhớ chúng ta đang đối phó với một tên điên. Cho đến giờ hắn vẫn chưa để lộ manh mối cũng như động cơ”.

Ông phó cảnh ty hỏi vẻ ngờ vực: “Người điên mà cũng có động cơ sao, thưa ông?”

“Có chứ. Lập luận giết người là một trong những đặc tính của chứng rối loại tâm thần cấp tính. Một người đàn ông có thể ảo tưởng rằng hắn ta được Thượng đế phái xuống để giết tu sĩ hay bác sĩ hay bà già bán ở tiệm thuốc lá và lúc nào cũng có lý do. Chúng ta không được cuốn theo cái giả thiết về bảng chữ cái đó. Bexhill nối tiếp Andover có thể chỉ là một sự trùng hợp”.

“Carter ạ, ít ra chúng ta cũng có thể đề phòng và đặc biệt lưu ý đến chữ cái B, đặc biệt là những người buôn bán ở cửa hàng nhỏ, canh chừng tất cả những cửa hàng bán thuốc lá và quầy bán báo nhỏ của những người sống một mình. Tôi nghĩ chúng ta không thể làm gì hơn thế nữa. Đương nhiên, cũng cần theo dõi tất cả những kẻ lạ mặt”.

Ông phó cảnh ty bật ra một tiếng than.

“Với tình hình các trường học đóng cửa nghỉ lễ sao? Tuần này người ta sẽ đổ về nơi đó cho mà xem”.

Cảnh sát trưởng gay gắt: “Chúng ta phải làm hết mình”.

Đến lượt thanh tra Glen, ông nói:

“Tôi sẽ theo dõi những ai liên quan đến vụ bà Ascher. Hai nhân chứng là ông Partridge và ông Riddell, và dĩ nhiên cả ông Ascher nữa. Nếu họ có ý rời Andover, họ sẽ bị bám đuôi ngay”.

Sau khi nhóm đưa ra thêm một số ý kiến linh tinh và trao đổi nhỏ, cuộc họp giải tán.

“Poirot à”, tôi nói lúc cả hai đi dọc bờ sông. “Chắc chắn tội ác này có thể ngăn chặn được sao?”

Ông hướng gương mặt phờ phạc sang phía tôi.

“Sự tỉnh táo của cả một thành phố đông đúc đối đầu với sự mất trí của một gã đàn ông? Tôi thật sự rất lo ngại, Hastings à. Nhớ cái chuỗi thành công liên tiếp của Jack, biệt danh Thợ đào mỏ đấy”.

“Đáng sợ thật”, tôi thốt lên.

“Hastings ạ, sự điên loạn là một điều rất khủng khiếp... Tôi lo lắng... lo lắng lắm...”
 
Chương 9: Vụ giết người ở Bexhill-on-Sea


ôi vẫn còn nhớ lúc mình thức dậy buổi sáng ngày 25 tháng 7. Chắc khoảng 7 giờ 30 phút.

Poirot đứng bên giường lắc nhẹ vai tôi. Chỉ ánh nhìn của ông thôi cũng khiến tôi đang mơ mơ màng màng bỗng dưng tỉnh cả người.

Tôi choàng dậy hỏi: “Chuyện gì thế?”

Câu trả lời của Poirot rất giản đơn nhưng có tầng tầng lớp lớp cảm xúc ẩn bên dưới ba từ mà ông thốt ra.

“Xảy ra rồi”.

“Gì cơ?” Tôi kêu lên. “Ý ông là... Nhưng hôm nay mới ngày 25 chứ mấy”.

“Xảy ra tối qua, mà đúng hơn là sáng sớm nay”.

Khi tôi nhảy ra khỏi giường và vội vàng làm vệ sinh cá nhân thì Poirot điểm lại những gì ông được thông báo qua điện thoại.

“Xác của cô gái được phát hiện trên bãi biển ở Bexhill. Cô gái tên là Elizabeth Barnard làm phục vụ cho một trong những quán nhỏ ở đó. Cô sống với bố mẹ trong một ngôi nhà gỗ nhỏ mới được xây gần đây. Bằng chứng pháp y cho biết cô gái chết trong khoảng thời gian từ 11 giờ 30 tối đến 1 giờ sáng”.

“Họ chắc chắn đây là một vụ giết người?” tôi vừa hỏi vừa bôi kem cạo râu lên mặt.

“Quyển A B C đang mở ở trang có thông tin về các chuyến tàu đi Bexhill được tìm thấy dưới xác nạn nhân”.

Tôi rùng mình.

“Khủng khiếp quá!”

“Faites attention, [1] Hastings. Tôi không muốn lại có một thảm kịch nữa xảy ra trong nhà tôi đâu!”

Tôi lau vết máu trên cằm vẻ thảm thương.

“Kế hoạch hành động của chúng ta là gì đây?” tôi hỏi.

“Một chốc nữa, xe sẽ đến đón chúng ta. Tôi sẽ mang đến cho ông một tách cà phê để chúng ta không bị chậm trễ”.

Hai mươi phút sau chúng tôi đã ngồi trong xe tốc hành của cảnh sát băng qua con sông Thames để rời Luân Đôn.

Cùng đi với chúng tôi là thanh tra Crome, đã tham gia buổi họp hôm trước và là người chính thức đảm nhận vụ án này.

Crome có phong cách rất khác với Japp. Anh ta trẻ hơn nhiều, khá trầm lặng và giỏi giang hơn. Ăn học đến nơi đến chốn và đọc nhiều nhưng tôi cảm thấy anh ta hơi tự phụ. Gần đây, anh ta được ca ngợi vì phá thành công một loạt vụ giết trẻ em. Anh ta kiên nhẫn tóm gọn kẻ sát nhân mà bây giờ đang ở trong bệnh viện tâm thần Broadmoor.

Rõ ràng Crome là người thích hợp đảm nhận vụ án hiện nay nhưng tôi thấy anh ta hơi quá để ý đến việc đó. Crome có vẻ trịch thượng với Poirot. Anh ta cư xử với ông kiểu người trẻ đối với người già một cách khá cao ngạo và “trẻ con”.

“Tôi vừa mới có một cuộc nói chuyện khá dài và thú vị với bác sĩ Thompson”, Crome nói. “Ông ta rất quan tâm đến những vụ án ‘hàng loạt’ hay ‘xâu chuỗi’ như thế này. Nó là ảnh hưởng của một loại bệnh tâm thần. Dĩ nhiên, xét dưới góc độ y học, nếu không là người có chuyên môn thì sẽ không thấy được tầm quan trọng của những chi tiết đắt giá đó”. Anh ta đằng hắng. “Thật ra, vụ án vừa rồi của tôi - không biết ông có đọc về nó chưa - vụ Mabel Homer, nữ sinh trường Muswell Hill - thì gã Capper thật là phi thường. Rất khó khép tội hắn - đó cũng là vụ thứ ba hắn ra tay! Hắn trông có vẻ bình thường như ông và tôi thôi. Nhưng chúng tôi thực hiện nhiều cuộc kiểm tra - gài bẫy lời nói, ông biết đấy - đương nhiên là khá hiện đại, chắc thời của ông không có những phương pháp kiểu như thế. Một khi ông có thể làm cho hắn ta để lộ bí mật về hắn thì ông tóm được hắn! Hắn mà biết ông đã biết thì sẽ mất bình tĩnh ngay. Hắn bắt đầu lộ tẩy thôi”.

“Ngay cả vào thời của tôi, chuyện đó đôi lúc cũng xảy ra”, Poirot trả lời.

Thanh tra Crome nhìn ông và lí nhí xã giao:

“Ồ, vậy à?”

Đôi lúc chúng tôi ngồi im không nói gì. Khi chúng tôi đi qua ga New Cross, Crome bảo:

“Nếu ông có gì muốn hỏi tôi về vụ án thì xin cứ hỏi nhé”.

“Tôi nghĩ anh chưa miêu tả cho tôi biết về cô gái bị giết”.

“Cô gái đó 23 tuổi, phục vụ ở quán Ginger Cat...”

“Không phải thế. Tôi tự hỏi không biết cô ấy có xinh không?”

Thanh tra Crome trả lời vẻ ngần ngại: “Về chuyện đó thì tôi không có thông tin gì, thưa ông”. Nhưng thái độ của anh ta thì như muốn nói: “Thiệt tình mấy cái ông ngoại quốc này! Người nào cũng như người nấy!”

Vẻ thú vị ánh lên trong mắt Poirot.

“Hình như điều đó không quan trọng với anh thì phải? Tuy nhiên, với một người phụ nữ, đó là điều quan trọng nhất. Thường quyết định cả số phận của cô gái lận đấy!”

Chúng tôi lại rơi vào im lặng.

Khi đến gần Sevenoaks Poirot mới bắt chuyện lại.

“Người ta có cho anh biết cô gái đó đã bị siết cổ như thế nào không?”

Thanh tra Crome trả lời qua loa.

“Cô ta bị siết cổ bằng dây thắt lưng hàng dệt dày của chính mình”.

Mắt Poirot mớ to.

Ông nói: “A ha, cuối cùng thì chúng ta cũng có một ít thông tin rất rõ ràng. Cho ta biết chuyện gì đấy, phải vậy không?”

“Tôi chưa thấy gì cả”, Crome lạnh lùng đáp.

Tôi hết chịu nổi sự thận trọng và thiếu trí tưởng tượng của anh chàng này.

“Nó cho chúng ta một dấu hiệu của kẻ sát nhân”, tôi lên tiếng. “Chiếc thắt lưng của cô gái. Nó cho chúng ta biết đầu óc dâm ô của hắn!”

Poirot liếc tôi một cái khó mà hiểu nổi. Bề ngoài cái liếc đó hóm hỉnh chuyển tải vẻ khó chịu. Tôi nghĩ có lẽ ông muốn cảnh báo đừng nói năng quá thẳng thắn trước anh chàng thanh tra này.

Tôi im lặng trở lại.

Ở Bexhill, chúng tôi được Phó cảnh ty Carter đón tiếp. Đi cùng ông là một thanh tra trẻ gương mặt dễ chịu, trông có vẻ thông minh tên Kelsey. Anh được cử đến phối hợp với Crome trong vụ án này.

Viên phó cảnh ty nói: “Anh Crome, có lẽ anh muốn tự mình thẩm vấn nên tôi sẽ cung cấp cho anh một số manh mối chính của vụ án rồi anh có thể bắt tay vào việc ngay”.

“Cảm ơn ông”, Crome đáp.

“Chúng tôi đã báo tin cho bố mẹ nạn nhân”, viên phó cảnh ty nói. “Đương nhiên họ rất bàng hoàng. Tôi để họ trấn tĩnh một chút trước khi thẩm vấn nên ông có thể bắt đầu hỏi từ đầu”.

Poirot hỏi: “Nạn nhân còn có những người thân khác nữa trong gia đình, đúng không?”

“Có một cô chị làm nghề đánh máy ở Luân Đôn. Chúng tôi đã liên lạc với cô ấy. Ngoài ra còn có một thanh niên - thật ra thì có lẽ nạn nhận đã hẹn hò với anh chàng đó tối qua”.

“Có manh mối nào từ quyển thông tin A B C không?” Crome hỏi.

“Nó ở đằng kia”, viên phó cảnh ty gật đầu chỉ về hướng chiếc bàn. “Không có dấu vân tay. Sách được mở ở trang về Bexhill. Tôi nghĩ là sách còn mới vì có vẻ không được mở nhiều. Không phải mua ở gần đây. Tôi đã thử hỏi tất cả những người bán văn phòng phẩm”.

“Ai đã phát hiện xác nạn nhân thưa ông?”

“Một ông đại tá thích sáng sớm và không khí trong lành. Đại tá Jerome, ông đi dạo với chó vào khoảng 6 giờ. Ông đi dọc con đường dẫn về phía Cooden, và đi xuống bãi biển. Con chó bỏ chạy và đến ngửi vào vật gì đấy. Colonel gọi nó. Con chó không quay lại. Ông đại tá nhìn về phía ấy và cảm thấy có gì đó là lạ. Ông bước đến xem. Ông xử trí tình huống rất hợp lý. Ông không hề chạm vào tử thi mà gọi cho chúng tôi ngay”.

“Thời gian tử vong là vào khoảng nửa đêm hôm qua?”

“Chắc chắn trong khoảng từ nửa đêm tới 1 giờ sáng. Tên giết người rất giữ lời hứa. Nếu hắn nói ngày 25 thì sẽ ra tay ngày 25 dù có thể chênh một vài phút”.

Crome gật đầu.

“Vâng, tâm lý của hắn rất ổn. Còn gì nữa không ạ? Có ai thấy điều gì có ích cho việc điều tra không, thưa ông?”

“Theo chúng tôi thì chưa. Nhưng hẵng còn sớm mà. Bất kỳ ai thấy một cô gái mặc đồ trắng đi dạo với một người đàn ông tối qua sẽ báo chúng tôi ngay thôi. Và tôi đồ rằng nếu có chừng bốn đến năm trăm cô gái mặc đồ trắng đi với một chàng trai tối qua thì thật là một vụ quá hay”.

Crome nói: “Được rồi, thưa ông, tốt nhất tôi nên bắt tay vào việc. Có hai nơi là quán nước và nhà cô gái. Tôi nên đến cả hai. Kelsey có thể đi cùng tôi”.

“Thế còn ông Poirot?” viên phó cảnh ty hỏi.

“Tôi sẽ đi với anh”, Poirot nghiêng đầu nói với Crome.

Tôi nghĩ Crome có vẻ hơi bực mình. Kelsey chưa từng gặp Poirot, anh chàng nhe răng cười.

Khổ cái khi người ta gặp ông bạn tôi lần đầu tiên họ luôn cho rằng ông là nhân vật quan trọng nhất.

Crome hỏi: “Thế còn cái thắt lưng dùng để siết cổ cô ấy thì sao ạ? Ông Poirot có ý cho rằng nó là manh mối đáng giá. Tôi nghĩ ông ấy muốn xem”.

Poirot nói nhanh: “Thật ra anh hiểu sai ý tôi rồi”.

“Ông sẽ không thu thập được gì từ nó đâu”, Carter đáp. “Không phải thắt lưng bằng da nên có thể sẽ không lưu lại dấu vân tay. Nó chỉ là loại thắt lưng bằng lụa được dệt khá dày - rất tiện cho mục đích đó”.

Tôi rùng mình.

“Vậy thì chúng ta đi thôi”, Crome nói.

Chúng tôi lên đường ngay lập tức.

Nơi đầu tiên chúng tôi đến là quán Ginger Cat. Nằm hướng ra biển, quán nhỏ này là kiểu quán khá phổ biến. Quán có mấy cái bàn nhỏ trải khăn carô màu cam và ghế mây có gối tựa màu cam trông rất khó coi. Đây là loại quán chuyên phục vụ cà phê sáng, năm loại trà khác nhau (trà Devonshire, trà Farmhouse, trà Carlton, trà trái cây và trà bình thường), và một số món ăn trưa đơn giản dành cho các bà các cô như là trứng ốp lết, tôm và món mì ống đút lò.

Cà phê sáng đang được chuẩn bị. Bà chủ vội vàng đưa chúng tôi vào phòng làm việc riêng khá bề bộn ở đằng sau.

Crome hỏi: “Cô... à... cô Merrion phải không ạ?”

Cô Merrion than phiền, giọng cô cao, buồn thảm và nhẹ nhàng nữ tính:

“Đúng rồi ạ. Đây là chuyện đau buồn nhất. Đau buồn nhất. Tôi thật sự không tướng tượng được nó sẽ ảnh hường đến việc kinh doanh của chúng tôi nhường nào!”

Cô Merrion trạc 40 tuổi, người rất gầy và mái tóc màu hoe lưa thưa (thật bất ngờ là trông cô giống như một con mèo lông vàng hoe). Cô ta vân vê mấy cái nơ và viền xếp trên bộ đồ đồng phục của mình với vẻ căng thẳng.

Thanh tra Kelsey động viên: “Rồi cô sẽ đắt khách thôi. Rồi cô xem! Cô sẽ không đủ sức mà phục vụ trà ấy chứ!”

Cô Merrion đáp: “Kinh tởm, kinh tởm thật. Khiến người ta hết hy vọng vào bản chất con người”.

Dù vậy mắt cô ta sáng lên.

“Cô có biết gì về cô gái bị giết không, cô Merrion?”

Cô Marrion nói quả quyết: “Không, không có gì để kể cả!”

“Cô ấy làm việc ở đây bao lâu rồi?”

“Đây là mùa hè thứ hai”.

“Cô có hài lòng với cô ấy không?”

“Em ấy là một nhân viên tốt - nhanh nhẹn và biết nghe lời”.

Poirot hỏi: “Cô ấy xinh xắn, đúng không?”

Đến lượt Merrion nhìn ông như muốn nói: “Ôi, mấy ông người nước ngoài này”.

Crome hỏi: “Tối qua mấy giờ cô ấy xong việc?”

“8 giờ. Chúng tôi đóng cửa lúc 8 giờ. Chúng tôi không phục vụ ăn tối. Người ta không có nhu cầu ăn tối ở đây. Trứng ốp lết và trà (Poirot rùng mình), người ta chỉ ở lại tới 7 giờ tối hoặc đôi lúc trễ hơn một chút nhưng chừng 6 giờ 30 là khách vãn dần”.

“Cô ấy có nói với bà là sẽ làm gì vào tối đó không?”

“Đương nhiên không rồi”, cô Merrion nhấn mạnh. “Chúng tôi không thân nhau đến thế”.

“Không ai đến tìm cô ấy à? Hay đại loại như thế?”

“Không có”.

“Cô ta trông có vẻ vẫn bình thường chứ? Không lo lắng hay buồn rầu gì?”

“Tôi không rõ lắm”, cô Merrion trả lời vẻ thờ ơ.

“Cô có bao nhiêu nhân viên phục vụ?”

“Thường thì có hai và thêm hai người nữa từ ngày 10 tháng 7 đến hết tháng 8”.

“Nhưng Elizabeth Barnard không phải là một trong hai người mới đó chứ?”

“Barnard là một trong hai nhân viên chính”.

“Thế còn cô kia thì sao?”

“Higley à? Em ấy là một cô gái rất tốt”.

“Cô ấy và cô Barnard có phải là bạn bè không?”

“Tôi không rõ lắm”.

“Có lẽ tốt hơn hết chúng tôi xin được nói chuyện với cô ấy”.

“Bây giờ ạ?”

“Nếu được thì tốt quá”.

“Tôi sẽ gọi em ấy cho ông”, cô Merrion nói rồi đứng dậy. “Mong ông nói chuyện với em ấy càng nhanh càng tốt. Lúc này đang là giờ đông khách đến uống cà phê sáng”.

Cô Merrion tóc vàng hoe có dáng đi như mèo rời khỏi phòng.

“Rất tao nhã”, thanh tra Kelsey khen rồi anh giả giọng uốn éo của phụ nữ: “Tôi không rõ lắm”.

Một cô gái đầy đặn tóc đen, má hồng và đôi mắt sẫm mở to vì hồi hộp, cô thở hổn hển chạy vào phòng.

“Cô Merrion bảo tôi đến”, cô nói không ra hơi.

“Cô Higley phải không?”

“Vâng, tôi đây ạ”.

“Cô biết Elizabeth Barnard chứ?”

“Ô, vâng, tôi biết Betty. Kinh khủng quá phải không ạ? Quá kinh khủng. Tôi không thể tin đó lại là sự thật. Cả sáng nay tôi nói với các cô bạn đồng nghiệp là tôi không thể tin được! Tôi nói: ‘Các bạn à, hình như đây không phải là sự thật. Betty! Betty Barnard, bạn đồng nghiệp của chúng ta bấy lâu, đã bị giết! Mình không thể tin được’. Tôi nói thế đấy. Tôi véo mình năm sáu lần để xem đây có phải là mơ. Betty bị giết... Thật là, à, ông biết đấy, dường như không phải là sự thật”.

Crome hỏi: “Cô có biết rõ nạn nhân không?”

“À, cô ấy làm việc ở đây lâu hơn tôi. Tôi chỉ mới làm việc ở đây từ tháng 3. Còn cô ấy làm việc từ năm ngoái, ông biết đấy, cô ấy khá trầm tính. Cô ấy không phải là người hay trêu đùa hoặc cười nhiều. Ý tôi không phải là cô ấy ít nói hoàn toàn, cô cũng vui tính lắm nhưng cô ấy không, à, ông biết đấy, cô ấy lúc thì lặng lẽ lúc thì không”.

Tôi có thể nói thay cho thanh tra Crome là anh ta cực kỳ kiên nhẫn. Cô Higley đẫy đà này đúng là một nhân chứng dễ làm cho người ta phát cáu. Cô ta cứ lặp đi lặp lại lời khai đến sáu bảy lần mà kết quả cuối cùng thì chẳng có gì đáng kể.

Cô ta chẳng thân thiết gì với nạn nhân cả. Có thể đoán Elizabeth Barnard tự cho mình hơn hẳn cô Higley. Cô ta có vẻ thân thiện trong giờ làm việc nhưng đồng nghiệp không biết gì về đời tư của cô hết. Elizabeth Barnard có một “người bạn” làm việc cho công ty bất động sản gần ga xe lửa. Công ty Court & Brunskill. Không, anh ấy không phải tên là Court cũng không phải là Brunskill. Anh ấy là nhân viên ở đó. Cô không biết tên anh ta nhưng cô có gặp rồi. Bảnh trai, ôi, bảnh trai lắm và luôn luôn ăn mặc rất đẹp. Rõ ràng là trong lòng cô Higley có chút ghen tị.

Cuối cùng, có thể tóm tắt lại như sau: Elizabeth Barnard không tâm sự với ai trong quán về việc cô làm gì vào tối đó cả nhưng theo ý của Higley cô ấy đi gặp một “người bạn”. Cô ấy mặc áo đầm trắng và “trông dễ thương hơn khi mặc kiểu cổ áo mới”.

Chúng tôi nói chuyện với hai cô nhân viên kia nhưng kết quả cũng không khả quan hơn mấy. Betty Barnard không nói gì về việc cô đi đâu, làm gì và không ai thấy cô ở Bexhill suốt chiều tối hôm đó.

Chú thích:

[1] Cẩn thận nào.
 
Chương 10: Gia đình Barnard


Bố mẹ của Elizabeth Barnard sống trong ngôi nhà gỗ nhỏ, một trong khoảng 50 ngôi nhà do một chủ thầu đầu cơ mới xây lên gần đây ở những vùng giáp ranh thành phố. Vùng này tên là Llandudno. Ông Barnard là người đàn ông to khỏe, tuổi chừng 55 và trông ông có vẻ hoang mang. Ông đã thấy chúng tôi đến và đang đợi ở bậu cửa.

“Mời các ông vào nhà”, ông nói.

Thanh tra Kelsey mở đầu trước.

“Đây là thanh tra Crome từ Scotland Yard, thưa ông. Ông ấy đến đây để giúp chúng tôi giải quyết vụ này”.

“Sở Cảnh sát à?” ông Barnard nói vẻ hy vọng. “Tốt quá. Tên giết người phải bị tống giam vào ngục. Con gái bé bỏng tội nghiệp của tôi...” Mặt ông méo mó đi vì đau khổ.

“Và đây là ông Hercule Poirot, cũng từ Luân Đôn, và à...”

Poirot đỡ lời: “Đại úy Hastings”.

Ông Barnard nói một cách máy móc: “Rất hân hạnh được gặp các ông. Mời các ông vào phòng khách. Tôi không biết liệu bà xã tội nghiệp của tôi có thể dậy gặp các ông không nữa. Bà ấy hoàn toàn suy sụp”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đã ngồi trong phòng khách của căn nhà gỗ thì bà Barnard xuất hiện. Rõ ràng bà đã khóc rất nhiều, mắt bà đỏ ngầu và dáng đi không vững như người mới trải qua một cú sốc lớn.

Ông Barnard an ủi: “Mẹ nó ơi, không sao đâu. Em không sao chứ?”

Ông vỗ vỗ vào vai bà rồi dìu bà ngồi xuống ghế.

“Ông phó cảnh ty rất tốt bụng”, ông Barnard nói. “Sau khi báo tin cho chúng tôi, ông bảo sẽ hỏi chuyện chúng tôi khi nào chúng tôi đã qua cơn sốc ban đầu”.

Bà Barnard vừa nói vừa khóc: “Thật là tàn bạo! Ôi, tàn bạo quá! Đây là điều tàn bạo nhất mà tôi từng biết”.

Giọng bà ngâm nga như hát khiến tôi cứ nghĩ đó là tiếng nước ngoài cho đến khi nhớ tới cái tên được viết ngoài cổng và nhận ra cách nói của bà chứng tỏ bà là người gốc xứ Wales.

“Tôi biết bà đang rất đau khổ”, thanh tra Crome nói. “Và chúng tôi rất thông cảm, nhưng chúng tôi muốn biết tất cả các chứng cứ để có thể bắt tay vào việc điều tra càng sớm càng tốt”.

Ông Barnard gật đầu đồng tình: “Đúng đấy”.

“Theo tôi biết, con gái ông 23 tuổi. Cô ấy sống cùng ông bà tại đây và làm việc ở quán Ginger Cat đúng không ạ?”

“Đúng thế”.

“Đây là chỗ ở mới phải không? Trước đó ông sống ở đâu?”

“Tôi làm trong ngành đồ sắt ở Kennington nhưng đã nghỉ hưu hai năm rồi. Tôi luôn ao ước sống gần biển”.

“Ông có hai cô con gái đúng không ạ?”

“Vâng. Con gái lớn của tôi làm việc văn phòng ở Luân Đôn”.

“Tối qua con gái ông bà không về nhà mà ông bà không lo lắng à?”

Bà Barnard vừa nói vừa khóc: “Vợ chồng tôi không biết cháu nó không về nhà. Bố nó và tôi hay đi ngủ sớm. Khoảng chừng 9 giờ tối. Chúng tôi không biết Betty không về nhà cho tới khi cảnh sát đến và báo... và báo...”

Bà ấy gục xuống.

“Con gái ông bà có hay... ờ... về nhà muộn không?”

Ông Barnard đáp: “Ông biết con gái thời nay rồi đó, ông thanh tra. Bọn chúng rất độc lập. Vào những tối mùa hè như thế này bọn chúng ít chịu về nhà sớm lắm. Tối nào cũng thế, Betty thường về nhà vào khoảng 11 giờ đêm”.

“Làm sao cô ấy vào nhà? Cửa mở ạ?”

“Chúng tôi luôn giấu chìa khóa dưới tấm thảm chùi chân”.

“Tôi nghe người ta đồn con gái ông bà đã đính hôn và sắp cưới đúng không ạ?”

Ông Barnard trả lời: “Thời nay, bọn trẻ không nói về chuyện đó trang trọng đến thế”.

“Tên cậu con trai đó là Donald Fraser và tôi thích cậu ta lắm”, bà Barnard nói. “Tôi rất thích cậu ta. Tội nghiệp thằng nhỏ, tin này sẽ khiến nó đau khổ lắm. Tôi không biết nó đã biết chưa nữa?”

“Theo tôi biết thì cậu ấy làm việc ở Court & Brunskill đúng không ạ?”

“Vâng, đó là công ty môi giới bất động sản”.

“Cậu ấy có hay gặp con gái ông bà vào mỗi chiều tối sau giờ làm việc không ạ?”

“Con bé không kể với chúng tôi. Betty hiếm khi nói nó làm gì hay ở đâu lắm. Nhưng Betty là một đứa ngoan, ôi, tôi không thể tin được...”

Bà Barnard lại nức nở khóc.

Ông chồng khuyên can: “Bình tĩnh nào, bà ơi. Cố gắng can đảm lên, mẹ nó. Chúng ta phải tìm ra sự thật của vụ này”.

Bà Barnard khóc lớn: “Tôi chắc chắn Donald không bao giờ... không bao giờ...”

Ông Barbard lặp lại: “Can đảm lên nào em”.

“Tôi ước giá tôi có thể giúp các ông nhưng sự thật là tôi chẳng biết chút gì, chẳng có chút manh mối nào để giúp các ông tìm ra tên côn đồ đê tiện đã gây ra việc này. Betty là con bé vui vẻ, hạnh phúc khi ở bên cạnh chàng trai tử tế đó. Ừm, chúng tôi hay nói hai đứa nó nhắc chúng tôi nhớ đến những ngày xưa của vợ chồng tôi. Tôi không tài nào hiểu nổi vì sao người ta lại muốn giết hại con bé”.

“Ông gần tìm ra sự thật rồi, ông Barnard à”, Crome nói. “Tôi muốn xem qua phòng của cô Barnard. Có thể sẽ có thư từ hay nhật ký”.

“Xin cứ tự nhiên xem xét”, ông Barnard nói và đứng dậy.

Ông dẫn đường. Crome theo sau rồi đến Poirot và Kelsey, còn tôi đi chót cùng.

Tôi dừng một chốc để cột lại dây giày và đúng lúc đó thì có chiếc taxi đỗ trước nhà rồi một cô gái nhảy ra khỏi xe. Cô trả tiền và vội vàng đi vào nhà xách theo chiếc va li nhỏ. Khi cô bước qua ngưỡng cửa, thấy tôi, cô đứng như trời trồng.

Cái kiểu cô đột ngột dừng lại khiến tôi tò mò.

Cô hỏi: “Ông là ai?”

Tôi bước xuống vài bước. Tôi ngượng ngùng không biết phải trả lời thế nào. Tôi có nên giới thiệu tên mình? Hay nói là tôi đến đây với cảnh sát? Tuy nhiên, cô gái không đợi câu trả lời.

Cô nói: “Ôi chào, tôi có thể đoán được”.

Cô giở cái mũ len nhỏ màu trắng đang đội trên đầu và ném nó xuống sàn nhà. Giờ thì tôi thấy cô rõ hơn khi cô xoay người một chút về hướng có ánh sáng.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là cô giống mấy con búp bê Hà Lan mà các chị em gái của tôi hay chơi thời thơ ấu. Tóc cô màu đen, ngắn quá vai và cô để tóc mái. Cô có đôi gò má cao và thân hình có nét xương xương kỳ lạ và không mấy gợi cảm. Cô không đẹp, bình thường là đằng khác, nhưng cô có cái gì đó mạnh mẽ - một sức mạnh khiến người ta không thể không chú ý.

“Cô là cô Barnard à?” tôi hỏi.

“Tôi là Megan Barnard. Tôi đoán ông ở chỗ cảnh sát tới?”

Tôi đáp: “Ừm, không hẳn thế...”

Cô cắt ngang lời tôi.

“Tôi nghĩ tôi không có gì để nói với ông cả. Em gái tôi là một đứa thông minh, hiền lành và chưa có bạn trai. Chào ông”.

Cô ta vừa nói vừa cười và nhìn tôi thách thức.

“Tôi nghĩ cụm từ đó đúng phải không ạ?” Cô tiếp tục.

“Tôi không phải là phóng viên nếu đó là điều cô muốn biết”.

“Vậy ông là ai?” Cô ta nhìn quanh. “Bố mẹ tôi đâu rồi?”

“Bố cô đang chỉ cho cảnh sát phòng ngủ của em gái cô. Mẹ cô cũng ở đó. Bà ấy rất đau khổ”.

Cô gái quyết định.

“Mời ông vào đây”.

Cô ta kéo cửa và đi qua. Tôi theo cô vào một căn bếp nhỏ, gọn gàng.

Tôi định đóng cửa thì thấy cửa bị níu lại. Poirot lặng lẽ đi vào bếp và đóng cửa.

Ông nhanh nhẹn cúi chào: “Cô Barnard phải không ạ?”

“Đây là ông Hercule Poirot” tôi nói.

Megan Barnard liếc ông thật nhanh dò xét.

“Tôi có nghe về ông”, cô nói. “Ông là thám tử tư ăn mặc rất thời trang đúng không ạ?”

“Cô miêu tả tôi không hay ho lắm nhưng đầy đủ thông tin rồi đó”, Poirot trả lời.

Cô gái ngồi lên mép bàn ăn. Cô mò trong túi xách của mình để tìm thuốc lá. Cô ngậm điếu thuốc trên môi, đốt thuốc và vừa phì phèo vừa nói:

“Không hiểu sao tôi chẳng thấy có gì mà ông Hercule Poirot phải bận tâm với vụ án vặt vãnh này”.

“Thưa cô”, Poirot đáp. “Những gì cô không thấy và những gì tôi không thấy có lẽ sẽ bổ sung cho nhau. Nhưng tất cả những điều đó đều không quan trọng. Điều quan trọng là điều không dễ tìm ra”.

“Điều gì vậy ạ?”

“Thưa cô, đáng tiếc là cái chết gây ra thành kiến. Thành kiến có lợi cho người đã chết. Tôi đã nghe những gì cô vừa nói với ông bạn Hastings của tôi. ‘Một cô gái thông minh, hiền lành và chưa có bạn trai’. Cô nói vậy để nhại báo chí. Và điều đó hoàn toàn đúng, khi một cô gái trẻ chết, người ta hay nói như thế. Cô ấy thông minh. Cô ấy hạnh phúc. Cô ấy rất đáng yêu. Cô sống trong một thế giới vô lo. Cô không có mối quan hệ nào phiền phức. Người ta thường tỏ ra độ lượng với người đã khuất. Cô có biết bây giờ tôi thích gì không? Đáng lẽ tôi phải tìm ai đó quen Elizabeth Barnard nhưng không biết cô ấy đã chết! Vậy tôi mới có thể nghe được điều ích lợi - là sự thật!”

Megan Barnard vừa hút thuốc vừa nhìn ông một vài phút trong yên lặng. Cuối cùng cô nói. Những lời cô thốt ra khiến tôi giật mình.

“Betty là một con ngốc!”
 
Chương 11: Megan barnard


Như tôi kể, những lời của Megan Barnard với giọng điệu gọn gàng, dứt khoát khiến tôi giật mình.

Tuy nhiên, Poirot chỉ lặng lẽ gật đầu.

“A la bonne heure. [1] Cô rất thông minh”.

Megan Barnard nói vẫn với giọng điệu khách quan:

“Tôi cực kỳ thích Betty. Nhưng thích em đến mấy thì tôi vẫn nhìn ra em là một con bé đại ngốc và tôi đã nói thẳng với em vài lần! Chị em là vậy”.

“Thế cô ấy có nghe lời khuyên của cô không?”

“Chắc là không”, Megan trả lời vẻ hoài nghi.

“Cô có thể nói rõ hơn được không?”

Cô gái ngập ngừng vài phút. Poirot mỉm cười nói:

“Tôi sẽ gợi ý cho cô. Tôi nghe cô nói chuyện với Hastings. Rằng em gái cô thông minh, vui vẻ và không có bạn trai. Có vẻ như hơi trái với thực tế, đúng không nào?”

Megan chậm rãi trả lời:

“Betty không làm gì xấu cả. Tôi muốn ông hiểu thế. Con bé lúc nào cũng thẳng thắn. Em không phải loại con gái thích tiệc tùng cuối tuần. Không phải kiểu ấy. Nhưng em thích được đưa đi chơi và khiêu vũ và thích được tán tỉnh, tâng bốc, đại loại thế”.

“Cô ấy xinh xắn lắm - đúng không?”

Câu hỏi này tôi đã nghe đến lần thứ ba mới nhận được câu trả lời thích đáng.

Megan tuột xuống khỏi bàn bước đến cái va-li, mở va-li ra và lấy gì đó đưa cho Poirot.

Trong khung ảnh bằng da là hình bán thân của một cô gái tóc vàng đang mỉm cười. Rõ ràng cô ấy mới uốn tóc và đầu tóc vẫn còn xoăn tít. Nụ cười lém lỉnh và hơi gượng gạo. Dĩ nhiên đó không phải là khuôn mặt mà người ta cho là đẹp nhưng rõ ràng có nét xinh xắn dễ nhìn.

Poirot trả lại khung ảnh và nói:

“Cô và em gái cô không hề giống nhau”.

“Ôi, trong gia đình, tôi chỉ là con bé bình thường thôi. Tôi vẫn biết thế mà”. Cô gạt đi như chẳng có gì quan trọng.

“Cô có thể nói rõ hơn những hành vi nào của em ấy mà cô cho là khờ dại không? Chắc ý cô là trong mối quan hệ với anh Donald Fraser?”

“Chính xác. Don là người ít nói nhưng anh ta... ừm, hay bực bội và rồi...”

“Và rồi sao nữa?”

Ông điềm tĩnh nhìn cô gái.

Có thể tôi tướng tượng ra nhưng tôi thấy cô có vẻ do dự vài giây trước khi trả lời.

“Tôi sợ anh ta sẽ... bỏ em ấy. Mà như vậy thì thật là đáng tiếc. Anh ấy rất đứng đắn và chăm làm và sẽ là một người chồng tốt của em gái tôi”.

Poirot vẫn nhìn cô gái chằm chằm. Cô gái không đỏ mặt trước cái nhìn của ông mà cũng bình thản nhìn lại ông và ánh nhìn của cô có pha chút gì đó khác nữa - nhắc tôi nhớ đến thái độ thách thức và khinh khỉnh của cô lúc đầu.

Cuối cùng Poirot nói: “Vậy là chúng ta lại không nói thật với nhau rồi”.

Cô nhún vai rồi quay về phía cửa ra vào.

“Tôi đã giúp ông hết mình rồi”, cô nói.

Poirot gọi giữ cô lại.

“Gượm đã nào, cô gái. Tôi có điều cần nói với cô. Quay lại đây”.

Tôi thấy cô miễn cưỡng làm theo.

Tôi hơi ngạc nhiên là Poirot kể ngay toàn bộ vụ lá thư A B C, vụ án ở Andover và quyển thông tin đường sắt được tìm thấy cạnh thi thể nạn nhân.

Cô gái rất quan tâm đến chuyện ông kể. Miệng cô mở tròn, mắt cô sáng lên và cô nuốt từng lời ông nói.

“Tất cả chuyện đó là thật sao, ông Poirot?”

“Vâng, đó là sự thật”.

“Ý ông là em gái tôi bị một kẻ cuồng sát giết sao?”

“Đúng thế”.

Cô hít một hơi thật sâu.

“Ôi! Betty... Betty ơi... Rùng rợn... quá!”

“Cô biết rồi đấy, thông tin mà tôi yêu cầu cô cung cấp sẽ chẳng làm tổn thương ai đâu”.

“Vâng, giờ thì tôi hiểu rồi”.

“Vậy chúng ta nói tiếp nhé. Tôi hình dung ra anh chàng Donald Fraser này có lẽ là người dữ dằn và hay ghen, đúng không nào?”

Megan Barnard bình thản nói:

“Giờ thì tôi tin ông rồi, ông Poirot ạ. Tôi sẽ cung cấp cho ông toàn bộ sự thật. Như tôi đã kể, Don là người rất ít nói và hay kìm nén cảm xúc, ông hiểu ý tôi không. Không phải lúc nào anh ta cũng diễn đạt được cảm xúc của mình thành lời. Nhưng sâu thẳm bên trong anh ta là người hay để bụng. Và anh có thói hay ghen. Anh ta lúc nào cũng ghen Betty. Don rất chung thủy với em ấy và dĩ nhiên em ấy cũng rất thích anh ta nhưng tính Betty thì không có chuyện chỉ thích một người và không để ý đến ai khác. Tính em ấy không phải thế. Em ấy, ờ, hay để ý mấy anh chàng điển trai mà em gặp hằng ngày. Và đương nhiên, vì làm ở Ginger Cat nên em luôn chạm mặt bọn đàn ông, đặc biệt vào những kỳ nghỉ hè. Em ấy rất nhanh mồm nhanh miệng nên nếu họ trêu em thì em cũng trêu lại ngay. Và rồi có thể em hẹn họ đi xem phim hay đại loại thế. Không có gì nghiêm trọng cả - không có chuyện gì hết - nhưng em ấy chỉ thích được vui vẻ vậy thôi. Em hay nói nếu sau này lập gia đình với Don thì giờ em phải vui chơi cho thỏa sức khi vẫn còn chơi được”.

Megan ngừng nói và Poirot đáp: “Tôi hiểu rồi. Cô cứ tiếp tục kể đi”.

“Chỉ có điều Don không tài nào hiểu được cách nghĩ của em ấy. Nếu em ấy thích anh ta thật thì anh ta không hiểu được tại sao em vẫn muốn đi chơi với người khác. Có đôi lần họ cãi nhau rất to”.

“Vậy là anh Don không còn ít nói nữa à?”

“Giống như những người ít nói khác, một khi đã giận lên thì họ giận ghê gớm. Don hung dữ đến độ Betty phát khiếp”.

“Việc này xảy ra lúc nào?”

“Họ cãi nhau một lần cách đây một năm và một lần khác cãi to hơn chỉ cách đây hơn một tháng. Tôi về nhà dịp cuối tuần và hòa giải cho hai người và lúc đó tôi cố gắng khuyên giải thiệt hơn cho Betty. Tôi mắng em là đồ ngốc. Em chỉ trả lời vỏn vẹn rằng em chẳng hại đến ai cả. Ừm, đúng thế, nhưng lúc nào em ấy cũng toàn chuốc vạ vào thân, ông biết không, sau vụ cãi vã năm ngoái, em bắt đầu quen thói nói dối với kiểu biện hộ nếu không biết thì sẽ không buồn. Lần xung đột cuối cùng đó xảy ra vì em nói với Don là em đi Hastings gặp bạn gái nhưng rồi anh ta phát hiện em đi Eastbourne với một gã nào đó. Té ra gã đó đã có vợ nên gã hẹn hò rất bí mật - thế mới càng khiến sự việc trở nên trầm trọng. Họ cãi nhau dữ dội và Betty nói em ấy chưa cưới anh ta thì em có quyền đi chơi với ai mà em thích, thế là Don giận run lên và nói một ngày nào đó... một ngày nào đó...”

“Sao cơ?”

Megan hạ giọng: “Anh ấy sẽ giết...”

Cô bỏ lửng câu và nhìn Poirot chằm chằm.

Ông gật đầu lia lịa vẻ trầm trọng.

“Và dĩ nhiên cô sợ rằng...”

“Tôi nghĩ chắc anh ấy không làm thế... không bao giờ nghĩ thế! Nhưng tôi sợ biết đâu lại làm dấy lên - một cuộc tranh cãi và những gì anh ấy nói - nhiều người cũng biết”.

Poirot lại gật gù.

“Ra vậy. Và tôi có thể nói là dù tên giết người có cao ngạo ích kỷ đến mấy thì chuyện đó cũng đã xảy ra. Nếu Donald Fraser không bị nghi ngờ, chính là nhờ vào tính ưa khoe khoang lộ liễu của cái gã điên cuồng A B C”.

Ông im lặng vài phút rồi nói tiếp:

“Gần đây em gái cô có gặp người đàn ông có vợ đó hay anh chàng nào khác không?”

Megan lắc đầu.

“Tôi không biết. Tôi đi vắng mà”.

“Nhưng cô nghĩ sao?”

“Có thể em ấy không gặp lại người đàn ông đó. Có thể hắn ta tránh đi vì thấy chỉ là chuyện qua đường, nhưng tôi không ngạc nhiên nếu Betty lại... ờ... nói dối Don. Ông biết đấy, con bé rất thích khiêu vũ và xem phim và đương nhiên không phải lúc nào Don cũng đưa em ấy đi được”.

“Nếu thế, chắc cô ấy sẽ tâm sự với ai đó chứ? Ví dụ, cô gái ở quán trà chẳng hạn?”

“Tôi không nghĩ thế. Betty không thích Higley lắm đâu. Em ấy nghĩ cô kia tầm thường. Còn mấy cô khác thì mới vào làm. Với lại, Betty không phải loại người ưa tâm sự với người khác”.

Chiếc chuông điện phía trên đầu cô gái reo lên.

Cô đi đến cửa sổ và nhoài người ra ngoài. Rồi cô rụt đầu lại tức thì.

“Don đến...”

Poirot nói nhanh: “Mời anh ta vào đây. Tôi muốn nói với anh ấy vài lời trước khi ông thanh tra giỏi giang của chúng ta tóm được anh ấy”.

Nhanh như chớp, Megan Barnard biến khỏi căn bếp, và vài giây sau cô quay lại kéo tay Donald Fraser vào theo.

Chú thích:

[1] Đúng lúc lắm.
 
Chương 12: Donald fraser


Tôi thấy tội nghiệp cho chàng trai trẻ. Khuôn mặt trắng bệch phờ phạc và đôi mắt hoang mang chứng tỏ anh ta bị sốc ghê gớm.

Anh ta là một chàng trai cân đối và khỏe mạnh, cao chừng 1 mét 8, không điển trai nhưng khuôn mặt đầy tàn nhang của anh trông dễ mến, gò má cao còn đầu tóc thì đỏ chói.

“Sao thế Megan?” Anh ta hỏi. “Sao lại vào trong này? Trời ơi, nói cho anh biết đi... anh mới được nghe... Betty...”

Giọng anh ta lạc đi.

Poirot kéo cho anh một cái ghế và anh ngồi xuống. Ông bạn của tôi lấy từ trong túi ra một chai nhỏ, rót đại vào một cái cốc đang treo trên chạn bát đĩa và nói:

“Uống một chút đi, anh Fraser. Anh sẽ thấy đỡ hơn”.

Chàng trai vâng lời. Rượu mạnh khiến mặt anh đỡ nhợt nhạt. Anh ngồi thẳng dậy và quay sang cô gái. Thái độ của anh trở nên khá trầm lặng và bình tĩnh.

“Đó là sự thật sao?” Anh hỏi. “Betty... chết rồi... bị giết ư?”

“Đúng thế, Don à”.

Anh hỏi một cách máy móc:

“Em mới từ Luân Đôn về?”

“Vâng, bố gọi cho em”.

“Lúc 9 giờ 30 à?” Donald Fraser hỏi.

Trí óc anh, chùn lại trước hiện thực, vin vào những chi tiết không quan trọng để ẩn nấp.

“Vâng”.

Im lặng một chốc rồi Fraser nói: “Cảnh sát thì sao? Họ có làm gì không?”

“Họ đang ở trên lầu. Chắc đang lục soát đồ đạc của Betty”.

“Họ không biết ai...? Họ không biết...?”

Anh ngừng nói.

Cũng như những người nhạy cảm và rụt rè khác, anh ghét phải diễn đạt sự việc bạo lực thành lời.

Poirot hơi nghiêng người về phía trước và bắt đầu hỏi. Ông nói gọn gàng và thản nhiên như thể những điều ông hỏi chẳng quan trọng gì.

“Cô Barnard có nói với anh cô ấy đi đâu tối qua không?”

Fraser trả lời có vẻ máy móc:

“Cô ấy bảo tôi là cô đi St. Leonards với bạn gái”.

“Anh có tin lời cô ta không?”

“Tôi...” Đột nhiên anh chàng người máy thức tỉnh. “Ý ông là sao chứ?”

Lúc ấy khuôn mặt anh ta nhăn nhúm rồi co giật vì con giận thình lình bùng lên khiến tôi hiểu ra rằng bất kỳ cô gái nào cũng sẽ sợ làm anh ta giận.

Poirot quả quyết:

“Betty Barnard bị một kẻ cuồng sát giết. Chỉ có nói với anh hết sự thật thì anh mới giúp được chúng tôi lần ra hắn”.

Anh ta quay sang nhìn Megan một chốc.

“Đúng thế, Don à”, cô nói. “Đây không phải là lúc cân nhắc tình cảm của ai cả. Anh phải khai rõ ràng”.

Donald Fraser nhìn Poirot vẻ nghi ngờ; “Ông là ai? Ông không phải là cảnh sát sao?”

“Tôi còn giỏi hơn cảnh sát nữa”, Poirot nói. Ông nói mà không hề có ý kiêu ngạo. Đối với ông, đơn giản đó là sự thật hiển nhiên.

“Kể cho ông ấy đi anh”, Megan nói.

Donald Fraser chịu thua.

“Tôi... không chắc lắm”, anh nói. “Cô ấy bảo sao tôi tin vậy. Tôi không biết phải làm gì. Sau này, có lẽ thái độ của cô ấy hơi lạ. Tôi, tôi, ờ, tôi bắt đầu nghi ngờ”.

Poirot hỏi: “Thế ư?”

Ông đến ngồi đối mặt Donald Fraser. Ông nhìn chằm chằm vào mắt anh ta như thể đang thôi miên.

“Tôi thấy xấu hổ vì đa nghi quá. Nhưng... nhưng tôi rất nghi ngờ... Tôi định tới trước quán và theo dõi cô ấy khi cô rời quán. Thật sự tôi đã đến đó. Rồi tôi thấy mình không nên làm thế. Betty có thể thấy tôi và cô ấy sẽ nổi giận. Cô sẽ biết ngay là tôi đang theo dõi cô ấy”.

“Anh đã làm gì?”

“Tôi đi St. Leonards. Đến đó khoảng 8 giờ. Rồi tôi theo dõi mấy chiếc xe buýt... để xem cô ấy có đi trên đó không... Nhưng tôi không hề nhìn thấy bóng dáng của cô ấy...”

“Rồi sau đó thì sao?”

“Tôi... tôi nổi giận. Tôi đồ rằng cô ấy đang đi với trai. Tôi nghĩ có thể hắn ta đã đưa cô đi Hastings bằng xe hơi. Tôi đến đó... tìm kiếm ở mấy khách sạn, nhà hàng và lảng vảng ở các rạp chiếu phim... tôi đến cả cầu cảng. Làm tất cả những chuyện ngu ngốc. Cho dù cô ấy có ở đó thì tôi cũng khó mà tìm ra và ngoài Hastings còn có rất nhiều nơi khác mà hắn ta có thể đưa cô ta đến”.

Anh ta ngừng nói. Đúng như giọng điệu của anh, trong lúc anh kể tôi cảm nhận được sâu thẳm trong lòng anh chất chứa nỗi đau khổ và giận dữ đầy hoang mang và mù quáng.

“Cuối cùng tôi bỏ cuộc... quay về”.

“Lúc đó là mấy giờ?”

“Tôi không biết. Tôi đi bộ. Tôi về đến nhà chắc là nửa đêm hay trễ hơn một chút”.

“Sau đó...”

Cửa nhà bếp mờ.

Thanh tra Kelsey nói: “Ôi, anh đây rồi”.

Thanh tra Crome chen qua trước Kelsey, anh ta nhìn Poirot rồi nhìn hai người lạ mặt.

Poirot giới thiệu hai người: “Cô Megan Barnard và anh Donald Fraser”.

“Đây là thanh tra Crome ở Luân Đôn”, ông giải thích.

Quay sang viên thanh tra, ông nói:

“Trong lúc anh điều tra trên gác thì tôi đã nói chuyện với cô Barnard và ông Fraser. Tôi cố gắng tìm xem có cái gì làm sáng tỏ thêm vấn đề không”.

“Ôi, vậy à?” thanh tra Crome nói, chẳng phải với Poirot mà với hai người mới gặp.

Poirot quay lại phòng khách. Thanh tra Kelsey thân thiện hỏi khi ông đi ngang qua:

“Có được gì không ạ?”

Nhưng rồi anh ta bị cuốn theo đồng nghiệp của mình nên không đợi nghe câu trả lời.

Tôi theo Poirot ra phòng khách.

“Có điều gì gây ấn tượng cho ông không, Poirot?” tôi hỏi.

“Chỉ có sự độ lượng kỳ lạ của kẻ sát nhân thôi, Hastings à”.

Tôi không dám nói là mình không hiểu ý ông muốn nói gì.
 
Chương 13: Một cuộc họp


Những cuộc họp!

Hầu hết ký ức của tôi về vụ A B C đều liên quan đến họp hành.

Họp ở Scotland Yard. Ở nhà của Poirot. Họp chính thức. Họp không chính thức.

Còn cuộc họp này là để quyết định liệu nên hay không nên công bố trên báo chí những bằng chứng liên quan đến hai lá thư nặc danh.

Vụ giết người ở Bexhill gây chú ý hơn vụ ở Andover.

Đương nhiên có nhiều yếu tố khiến nó nổi tiếng hơn. Trước hết vì nạn nhân là một cô gái trẻ đẹp. Ngoài ra, vụ này diễn ra ở một khu nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng.

Tất cả chi tiết của vụ án được đưa tin đầy đủ và được xào đi xào lại lại hàng ngày mà không thêm bớt gì mấy. Quyển thông tin đường sắt A B C cũng được chú ý không kém. Giả thiết được đưa ra nhiều là quyển đó được tên sát nhân mua ở địa phương và là một manh mối giá trị để tìm ra nhận dạng của hắn. Quyển sách cũng có thể chứng minh rằng hắn ta đến nơi gây án bằng tàu và có ý định rời nơi đó để đi Luân Đôn.

Quyển thông tin đường sắt không hề được nhắc đến trong các bản báo cáo sơ sài của vụ Andover thế nên hiện tại trong mắt công chúng dường như không hề có mối liên kết giữa hai vụ án.

Phó đội trưởng điều tra hình sự nói: “Chúng ta phải đưa ra một cách giải quyết. Chỉ có điều là cách nào sẽ mang lại kết quả tốt nhất? Chúng ta có nên công bố bằng chứng cho công chúng biết nhằm tranh thủ sự cộng tác của họ vì dù sao đó sẽ là sự cộng tác của vài triệu người để tìm ra kẻ điên cuồng...”

Bác sĩ Thompson xen vào: “Hắn sẽ không giống một thằng điên đâu”.

“... tìm những nơi bán quyển A B C và đại loại vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình sẽ có lợi thế nếu làm việc trong bóng tối - nghĩa là không để cho hắn biết chúng ta đang làm gì, nhưng thực tế hắn biết rất rõ những thứ chúng ta biết. Hắn cố tình để chúng ta chú ý đến hắn thông qua các bức thư đó. Ờ, Crome, ý anh thì sao?”

“Tôi nghĩ thế này, thưa ông. Nếu mình công bố thì có nghĩa là mình tham gia trò chơi của A B C. Đó là điều hắn muốn - công khai - tiếng tăm. Đó là điều hắn đang theo đuổi. Tôi nói vậy có đúng không bác sĩ? Hắn muốn gây sự chú ý”.

Thompson gật đầu.

Phó đội trưởng điều tra hình sự thận trọng nói:

“Thế là ông đồng ý với ý kiến ngăn cản hắn. Không cho hắn công khai như hắn thèm muốn. Còn ông thì sao, ông Poirot?”

Poirot im lặng một lát. Khi nói ông lựa từng từ rất kỹ càng.

“Thật khó cho tôi quá, ông Lionel à. Như ông biết đấy, tôi là người mà hắn quan tâm. Hắn gửi cho tôi thư thách đố. Nếu tôi nói: ‘Ém nhẹm chứng cứ - không công khai nó’, người ta có không nghĩ rằng tôi tự cao tự đại mà nói vậy đâu? Mà họ nghĩ rằng tôi sợ ảnh hưởng đến tiếng tăm của mình? Khó thật! Nói thẳng - kể hết - cũng có cái lợi của nó. Ít ra, cũng là một lời cảnh báo... Mặt khác, tôi cũng nghĩ như thanh tra Crome rằng đó là điều tên sát nhân muốn chúng ta làm”.

“Hừm!” Phó đội trưởng điều tra hình sự vừa nói vừa xoa cằm. Ông nhìn qua bác sĩ Thompson. “Giả sử chúng ta không để tên điên đó thỏa mãn mong muốn được công chúng biết đến. Hắn sẽ làm gì?”

Bác sĩ lập tức trả lời: “Gây thêm một án mạng nữa. Buộc chúng ta phải ra tay”.

“Còn nếu chúng ta tung tin trên các báo thì hắn sẽ phản ứng thế nào?”

“Câu trả lời vẫn thế. Một cách thì anh làm cho hắn càng hoang tưởng hơn còn một cách thì anh ngăn cản nó. Kết quả vẫn thế. Hắn vẫn lại gây án thôi”.

“Ông nghĩ sao, ông Poirot?”

“Tôi đồng ý với bác sĩ Thompson”.

“Tình thế tiến thoái lưỡng nan nhỉ? Ông nghĩ thằng điên này định gây ra bao nhiêu vụ án mạng?”

Bác sĩ Thompson nhìn về phía Poirot.

Ông hào hứng nói: “Có vẻ như là từ A tới Z”.

Rồi ông tiếp: “Đương nhiên hắn sẽ không làm được thế. Không đời nào. Chúng ta sẽ tóm hắn sớm thôi. Rất muốn biết hắn sẽ làm thế nào với chữ cái X đây”. Ông nói với vẻ có lỗi vì đã suy đoán một cách vui vẻ vô tư thế. “Nhưng chúng ta sẽ tóm được hắn sớm thôi. G hoặc H gì đó”.

Phó đội trưởng đấm tay xuống bàn.

“Trời ơi, ý ông là chúng ta sẽ có thêm nhiều vụ giết người nữa sao?”

Thanh tra Crome lên tiếng: “Không nhiều thế đâu, thưa sếp. Tin tôi đi”.

Anh ta nói một cách tự tin.

Poirot hỏi: “Thế anh đoán là chữ cái nào, anh thanh tra?”

Giọng ông có vẻ mỉa mai. Tôi cảm thấy Crome nhìn ông vừa ghen ghét vừa kẻ cả như thường lệ.

“Có thể tóm hắn vụ sau thôi, thưa ông Poirot. Bằng mọi giá, tôi đảm bảo sẽ bắt hắn trước khi hắn tới được chữ F”.

Anh ta quay sang phó đội trưởng điều tra hình sự.

“Tôi nghĩ tôi nắm được tâm lý vụ án khá rõ ràng. Bác sĩ Thompson vui lòng chỉnh tôi nếu có gì sai. Tôi cho rằng cứ sau mỗi vụ A B C gây ra thì sự tự tin của hắn lại tăng lên 100%. Mỗi lần hắn cảm thấy ‘Ta thông minh - họ không bắt được ta đâu!’ hắn càng trở nên tự cao tự đại hơn dẫn đến việc hắn trở nên bất cẩn. Hắn cường điệu sự thông minh của hắn và càng thấy kẻ khác thật ngu ngốc. Chẳng mấy chốc mà hắn không thèm đề phòng nữa. Đúng thế không, bác sĩ?”

Thompson gật đầu.

“Thường là thế. Theo cách nói bình dân thì vậy là quá chuẩn. Ông biết rõ những chuyện như thế đó rồi, ông Poirot ạ. Đúng không nào?”

Tôi nghĩ Crome không thích khi Thompson kéo cả Poirot vào. Anh ta cho rằng anh ta và chỉ mình anh ta thôi là chuyên gia trong vấn đề này.

“Đúng như thanh tra Crome nói”, Poirot đồng tình. “Bệnh hoang tưởng”, ông bác sĩ lẩm bẩm.

Poirot quay sang Crome.

“Có vật chứng nào đáng chú ý ở vụ Bexhill không?”

“Không có gì rõ ràng cả. Một phục vụ bàn ở Splendiđe, Eastbourne, nhận ra tấm ảnh của nạn nhân và cho hay cô gái này đã ăn tối với một người đàn ông trung niên có đeo kính vào chiều tối ngày 24. Bức ảnh cũng được người ở nhà nghỉ Scarlet Runner nằm ở đoạn giữa Bexhill và Luân Đôn nhận ra. Họ nói cô gái ở đó vào khoảng 9 giờ tối ngày 24 với một người đàn ông trông như sĩ quan hải quân. Có thể không phải cả hai đều đúng nhưng có lẽ một trong hai người đúng. Đương nhiên có nhiều người khai báo nhận dạng của nạn nhân nữa nhưng hầu hết không giúp ích được mấy. Chúng ta vẫn chưa tìm ra dấu vết của A B C”.

Phó đội trưởng điều tra hình sự nói: “Ừm, có vẻ anh đã làm mọi cách rồi Crome ạ. Ông nghĩ sao, ông Poirot? Việc điều tra có giúp ông tìm ra manh mối nào không?”

Poirot chậm rãi đáp:

“Tôi thấy là có một manh mối rất quan trọng - đó là tìm ra được động cơ”.

“Chẳng phải việc đó rõ ràng rồi ư? Hội chứng bảng chữ cái. Có phải ông dùng thuật ngữ đó không, bác sĩ?”

“Ça, oui”, [1] Poirot nói. “Đó là hội chứng bảng chữ cái. Nhưng sao lại là hội chứng bảng chữ cái? Một tên điên nói riêng luôn có một lý do phạm tội rất lớn”.

“Nào, nào, ông Poirot”, Crome nói. “Lấy vụ Stoneman năm 1929 làm ví dụ nhé. Hắn ta kết thúc bằng cách giết bất kỳ ai khiến hắn khó chịu dù là ở mức độ nhỏ nhất”.

Poirot quay sang anh ta.

“Đúng thế. Nhưng nếu ông là nhân vật có tầm cỡ hay quan trọng, nhất thiết ông không nên bực mình chút nào. Nếu có con ruồi cứ liên tục đậu trên trán ông, khiến ông bực mình vì nó làm ông nhột - ông sẽ làm gì? Ông sẽ cố gắng giết con ruồi đó. Ông không chút mảy may băn khoăn về nó. Ông là người quan trọng - con ruồi chẳng là gì. Ông giết con ruồi và ông hết bị quấy rầy. Đối với ông, hành động đó là đúng đắn và chính đáng. Một lý do khác khiến ông giết con ruồi là nếu ông quá sạch sẽ. Con ruồi đó là nguồn nguy hiểm tiềm ẩn đối với cộng đồng - con ruồi phải bị loại bỏ. Đó là cách nghĩ của tên tội phạm bị rối loạn tâm thần. Nhưng bây giờ hãy xem xét vụ án này - nếu nạn nhân được chọn theo bảng chữ cái thì không phải họ bị giết vì là nguồn gây khó chịu cho bản thân tên giết người. Có quá nhiều sự trùng hợp nên không thể kết hợp hai làm một được”.

Bác sĩ Thompson phát biểu: “Nói thế cũng có lý. Tôi nhớ có một vụ ông chồng của một người phụ nữ bị kết án tử hình. Thế là bà ta bắt đầu giết từng thành viên trong hội đồng xét xử đó. Cũng mất khá nhiều thời gian người ta mới xâu chuỗi được vụ án. Mấy vụ đó rối rắm lắm. Nhưng như ông Poirot nói, vụ này thì khác vì tên sát nhân gây án ngẫu nhiên. Không phải hắn giết người đang cản trở hắn (mặc dù không quan trọng lắm) hay giết người theo lý lẽ của hắn. Hắn giết tu sĩ, hay cảnh sát hay gái điếm bởi vì hắn tin rằng họ đáng bị trừ khử. Theo tôi thì hai lý do trên đều không thể áp dụng vào vụ án này. Không thể liên kết vụ bà Ascher và Betty Barnard vì họ có cùng giai cấp. Đương nhiên, có khả năng đây là một vụ liên quan đến hội chứng giới tính. Cả hai nạn nhân đều là nữ. Đương nhiên, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn hơn sau vụ tiếp theo...”

“Trời ơi, cái ông Thompson này, đừng có luôn mồm nói đến vụ tiếp theo thế”, Lionel bực mình nói. “Chúng ta sẽ làm hết mình để ngăn cản vụ tiếp theo”.

Bác sĩ Thompson im lặng và hỉ mũi thật mạnh.

Tiếng hỉ mũi như muốn nói: “Cứ làm theo cách của ông đi. Nếu ông không đối mặt với sự thật...”

Phó đội trưởng điều tra hình sự quay sang Poirot.

“Tôi hiểu ý ông, nhưng tôi cũng chưa hoàn toàn rõ hết”.

“Tôi tự hỏi tên giết người đang suy tính gì?” Poirot đáp. “Theo như trong thư của hắn, hắn giết vì mục đích tiêu khiển - để cho vui. Có đúng vậy không? Và dù đúng là vây thì hắn dựa trên nguyên tắc nào để chọn nạn nhân ngoài việc dùng bảng chữ cái? Nếu hắn giết để giải trí thôi thì hắn sẽ không công khai sự việc vì nếu hắn không công khai thì hắn có thể giết mà không bị trừng trị. Nhưng không phải thế, như chúng ta đều đồng tình, hắn muốn gây sự chú ý với công chúng để khẳng định cá tính của hắn. Cá tính của hắn bị dồn nén như thế nào mà người ta có thể thấy được mối liên hệ của hai nạn nhân bấy nay hắn chọn? Ý cuối cùng: Động cơ của hắn có phải nhắm đến sự thù ghét cá nhân tôi, Hercule Poirot? Có phải hắn thách thức tôi trước công chúng vì có lần nào đó trong sự nghiệp tôi đã đánh bại hắn (mà chính tôi cũng không hay biết gì) chăng? Hay sự thù oán của hắn không liên quan đến riêng ai - mà nhắm vào một người nước ngoài nào đó? Và nếu như thế thì điều gì đã khiến hắn làm thế? Hắn đã bị người nước ngoài gây tổn thương gì?”

“Tất cả các câu hỏi trên đều đáng suy nghĩ”, bác sĩ Thompson nói.

Thanh tra Crome đằng hắng.

“Ồ, thế à? Tại thời điểm này thì có lẽ hơi khó trả lời”.

“Dù sao, anh bạn à,” Poirot nói và nhìn thẳng Crome, “cách giải quyết nằm trong những câu hỏi đó. Nếu chúng ta biết chính xác lý do - đối với chúng ta có lẽ kỳ quái - nhưng hợp lý đối với hắn - tại sao tên điên ấy gây ra những vụ án này, có lẽ chúng ta sẽ biết nạn nhân tiếp theo có thể là ai”.

Crome lắc đầu.

“Theo tôi nghĩ thì hắn tình cờ chọn họ thôi”.

“Một tên sát nhân hào hiệp”, Poirot nói.

“Ông bảo sao cơ?”

“Tôi nói - một tên sát nhân hào hiệp! Franz Ascher đáng lẽ đã bị bắt vì giết vợ - Donald Fraser đáng lẽ đã bị bắt vì giết Betty Barnard - nếu không nhờ có lá thư cảnh báo A B C. Vậy thì, hắn có nhân từ đến độ không muốn để cho kẻ khác phải chịu khổ vì những thứ họ không làm?”

“Tôi còn biết những vụ lạ lùng hơn thế”, bác sĩ Thompson nói. “Tôi từng chứng kiến những gã giết sáu bảy nạn nhân nát bét hết vì trước đó một trong những nạn nhân không chết ngay nên phải chịu đau đớn. Dù sao đi nữa, tôi nghĩ đó không phải là lý do của gã này. Hắn muốn người ta công nhận những vụ án này do hắn gây ra vì thanh danh và vinh quang của hắn. Chỉ có giải thích như thế mới hợp lý thôi”.

“Vậy là chúng ta vẫn chưa quyết định được có nên đưa sự việc ra công chúng không”, phó đội trưởng nói.

“Thưa ông, tôi muốn đề xuất”, Crome lên tiếng. “Tại sao chúng ta không đợi đến khi nhận được lá thư tiếp theo? Lúc đó công bố nó trên các số báo đặc biệt, ví dụ thế. Nó sẽ gây hoang mang ở thành phố được nêu tên, nhưng sẽ giúp những ai có tên bắt đầu với chữ cái C cẩn thận hơn và thử thách nhuệ khí của A B C. Hắn sẽ quyết chí thành công. Và đó là lúc chúng ta tóm hắn”.

Chúng tôi chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra cả.
 
Chương 14: Bức thư thứ ba


Tôi nhớ rất rõ bức thư thứ ba của A B C đến như thế nào. Phải nói rằng mọi đề phòng đều được thực hiện để khi A B C tiếp tục chiến dịch của hắn thì chúng tôi không bỏ phí một phút giây nào. Một trung sĩ trẻ của Scotland Yard túc trực ở nhà Poirot phòng khi Poirot và tôi có đi ra ngoài thì anh chàng đó có nhiệm vụ mở bất kỳ thư tín nào gửi đến để kịp thời báo cáo với sở chỉ huy.

Ngày qua ngày chúng tôi càng lo lắng như đang ngồi trên lửa. Thanh tra Crome vốn cách biệt và trịch thượng ngày càng cách biệt và trịch thượng hơn khi những manh mối có ích của anh ta ngày càng cạn dần. Những miêu tả mơ hồ về những gã đàn ông được cho là đi cùng Betty Barnard trở nên vô ích. Nhiều loại xe hơi đã bị nhận diện có mặt ở vùng Bexhill và Cooden thì hoặc là có bằng chứng ngoại phạm hoặc là không thể tìm ra tung tích. Điều tra về việc mua quyển thông tin đường sắt A B C gây bất tiện và phiền hà cho rất nhiều người vô tội.

Còn về phần chúng tôi, mỗi lần tiếng gõ cộc cộc quen thuộc của người đưa thư vang lên ở cửa là tim chúng tôi đập thình thịch vì lo sợ. Ít nhất đó là cảm giác của tôi mà chắc Poirot cũng có cảm giác đó.

Tôi biết ông rất buồn vì vụ án này. Ông không muốn đi đâu khỏi Luân Đôn, chỉ muốn ở đó phòng có việc khẩn cấp. Trong những ngày dầu sôi lửa bỏng ấy ngay cả bộ ria mép của ông cũng rũ xuống - lần đầu tiên chúng bị ông chủ bỏ quên.

Rồi một chiều thứ sáu bức thư thứ ba của A B C đến. Bưu điện giao thư lúc khoảng 10 giờ đêm.

Khi chúng tôi nghe bước chân quen thuộc và tiếng cộc cộc gấp gáp, tôi đứng dậy đi về phía hộp thư. Có chừng bốn hay năm thư gì đó. Bức thư cuối cùng tôi để ý thấy địa chỉ được đánh máy.

“Poirot”, tôi la lên... Giọng tôi tắt lịm.

“Nó đến rồi à? Mở đi, Hastings. Nhanh lên. Mỗi một phút đều quý giá đấy. Chúng ta còn phải lên kế hoạch nữa”.

Tôi xé toạc bì thư (lần đầu tiên Poirot không quở trách tôi vì cái tính luộm thuộm) và lấy ra bức thư được đánh máy.

“Đọc đi”, Poirot giục.

Tôi đọc lớn:

Ông Poirot tội nghiệp,

Ông không giỏi điều tra mấy vụ án vặt vãnh như ông nghĩ đúng không nào? Có lẽ thời huy hoàng của ông đã lụi tàn chăng? Hãy chờ xem liệu lần này ông có làm tốt hơn không. Lần này là một vụ rất dễ. Ở Churston vào ngày 30. Hãy thử sức và làm gì đi chứ! Ông biết đấy, thật là chán khi phải một mình tự tung tự tác!

Chúc ông săn tốt.

Kính thư,

A B C

“Churston”, tôi nói rồi chộp lấy quyển A B C của chúng tôi. “Hãy xem nó ở đâu”.

“Hastings”, Poirot gắt giọng ngắt lời tôi. “Lá thư được viết khi nào thế? Nó có đề ngày không?”

Tôi liếc lá thư trên tay mình.

“Viết vào ngày 27”, tôi loan báo.

“Tôi có nghe nhầm không, Hastings? Có phải hắn nói ngày vụ án xảy ra là ngày 30?”

“Đúng thế. Để tôi xem nào, đó là...”

“Trời ơi, Hastings - ông không biết sao? Hôm nay là ngày 30”.

Ông hùng hồn chỉ tay về phía tờ lịch treo tường. Tôi chộp lấy tờ báo ngày để khẳng định lại cho chắc.

“Nhưng tại sao... thế nào...” tôi lắp bắp.

Poirot nhặt bì thư đã bị xé dưới sàn nhà lên. Có điều gì bất thường về địa chỉ mơ hồ lướt qua đầu tôi, nhưng vì quá lo lắng nội dung bức thư nên tôi không để ý nhiều đến nó.

Thời gian đó, Poirot đang sống ở khu Whitehaven Mansions. Thế mà địa chĩ được ghi là: Ông Hercule Poirot, Whitehorse Mansions, còn ở góc bì thư thì có dòng chữ nguệch ngoạc: “Nếu không phải ở khu Whitehorse Mansions, EC1 hay Whitehorse Court, xin thử gửi đến khu Whitehaven Mansions”.

“Mon Dieu!” [1] Poirot lầm bầm. “Thằng điên này đúng là hết thuốc chữa rồi sao? Vite... vite... [2] chúng ta phải báo Scotland Yard ngay”.

Mấy phút sau chúng tôi nói chuyện với Crome qua điện thoại. Lần đầu tiên viên thanh tra hay tỏ ra bình tĩnh này không trả lời “Ồ, thế à?” mà thay vào đó anh ta bật ra một tiếng chửi thề. Nghe chúng tôi trình bày xong, anh ta dập máy để nối điện thoại đến Churston càng nhanh càng tốt.

“C’est trop tard”, [3] Poirot càm ràm.

“Sao ông chắc chắn thế chứ”, tôi cãi lại, dù không hy vọng lắm.

Ông liếc nhìn đồng hồ.

“10 giờ 20 rồi sao? Chúng ta còn 1 tiếng 45 phút nữa. Có chắc tên A B C đó đợi thêm chút nữa không?”

Tôi mở quyển thông tin đường sắt mà lúc nãy đã lấy từ kệ xuống.

“Churston, Devon”, tôi đọc, “cách Paddington 204 3/4 dặm (chừng 328km). Dân số 656. Nơi này khá nhỏ. Chắc chắn hắn sẽ bị chú ý ở đó”.

“Dù vậy, lại một sinh mạng nữa sẽ bị cướp đi”, Poirot than. “Có những chuyến tàu nào thế? Tôi nghĩ tàu sẽ nhanh hơn xe hơi”.

“Có một chuyến tàu nửa đêm - toa giường nằm đi Newton Abbot - đến đó lúc 6 giờ 8 phút sáng, và đến Churston lúc 7 giờ 15”.

“Xuất bến từ Paddington?”

“Ừ, Paddington”.

“Chúng ta sẽ đi chuyến đó, Hastings”.

“Ông sẽ không có thời gian nhận tin tức trước khi chúng ta đi”.

“Nếu chúng ta nhận tin xấu thì tối nay hay ngày mai có khác gì nhau đâu?”

“Cũng có chứ”.

Tôi sắp đồ vào va-li trong khi Poirot gọi cho Scotland Yard một lần nữa.

Vài phút sau, ông vào phòng ngủ và hỏi:

“Mais qu’est ce que vous faites là?” [4]

“Tôi đóng hành lý giúp ông. Để tiết kiệm thời gian ấy mà”.

“Vous eprouuez trop d’emotion, Hastings. [5] Ảnh hưởng đến cả tay chân và đầu óc ông. Xếp áo choàng vậy đấy à? Và xem ông đã làm gì mấy bộ pyjama của tôi kìa. Nếu chai dầu gội đầu đó mà vỡ thì chuyện gì sẽ xảy ra với chúng?”

“Trời ơi, cái ông Poirot này”, tôi kêu lên, “đây là chuyện sống còn đấy. Áo quần của chúng ta thế nào thì có gì quan trọng chứ?”

“Ông không biết ước lượng gì cả, Hastings. Chúng ta không thể bắt tàu sớm hơn giờ quy định, và làm hư áo quần cũng không ngăn được vụ giết người đâu”.

Poirot cương quyết lấy cái vali từ tay tôi và tự mình sắp xếp hành lý.

Ông nói chúng tôi sẽ mang lá thư đến Paddington. Người của Scotland Yard sẽ gặp chúng tôi ở đó.

Khi chúng tôi đến sân ga, người đầu tiên chúng tôi gặp là thanh tra Crome.

Anh ta trả lời ánh nhìn dò hỏi của Poirot ngay.

“Chưa có tin gì hết. Cảnh sát ở đó vẫn đang canh chừng. Tất cả những ai có tên bắt đầu bằng chữ c đều được cảnh báo qua điện thoại khi có thể. Chúng ta chỉ còn cách đó thôi. Lá thư đâu ạ?”

Poirot đưa nó cho anh ta.

Crome xem xét và khẽ chửi thề.

“Khốn nạn thật. Hắn có cả thiên thời địa lợi”.

“Anh có nghĩ”, tôi gợi, “chuyện này là có chủ đích không?” Crome lắc đầu.

“Không, hắn ta đưa ra luật riêng - luật rất điên - và làm theo chúng. Báo trước. Hắn rất có lý khi làm thế. Để khoe khoang. Tôi tự hỏi - Tôi dám cá hắn uống rượu White Horse”.

“Ah, c’est ingénieux, ça” [6] Poirot buột miệng khen. “Hắn ta đánh máy lá thư và chai rượu trước mặt hắn”.

“Đúng thế”, Crome đáp. “Chúng ta hầu như ai cũng có lúc làm thế, vô tình viết lại thứ nằm ngay trước mắt mình. Hắn ta đánh chữ White rồi đánh tiếp chữ horse thay vì chữ haven...”

Chúng tôi biết ra thanh tra Crome cũng đi tàu hỏa.

“Dù cho có may mắn khó tin là chẳng chuyện gì xảy ra, Churston vẫn là nơi hắn chọn. Tên sát nhân đang ở đó hay đã ở đó hôm nay. Một cấp dưới của tôi ở đây canh điện thoại cho đến phút cuối cùng phòng trường hợp có chuyện gì xảy ra”.

Khi tàu sắp khởi hành, chúng tôi thấy một người chạy vào sân ga. Ông ta tiếp cận ô cửa nơi viên thanh tra ngồi và gọi với lên.

Khi tàu rời ga, Poirot và tôi vội vàng đi dọc hành lang tìm đến gõ cửa buồng tàu của thanh tra Crome.

“Anh có tin gì đúng không?” Poirot hỏi.

Crome lặng lẽ trả lời:

“Có tin xấu. Người ta tìm thấy ông Carmichael Clarke đã bị đập vỡ đầu”.

Mặc dù cái tên Carmichael Clarke không được đại chúng biết đến nhiều nhưng ông là một người có địa vị. Ông từng là chuyên gia về cổ họng rất nổi tiếng. Nghỉ hưu khá sung túc, ông có thể dồn hết tâm trí vào đam mê lớn nhất đời ông - bộ sưu tập đồ gốm sứ Trung Quốc. Một vài năm sau, được thừa kế khối tài sản kếch xù của người bác thế là ông chìm đắm trong đam mê của mình và hiện nay ông là người sở hữu một trong những bộ sưu tập nghệ thuật Trung Hoa nổi tiếng nhất, ông kết hôn nhưng không có con cái gì và sống trong ngôi nhà ông tự xây ở ven bờ biển Devon. Ông chỉ đến Luân Đôn vào những dịp hiếm hoi như khi có một cuốc mua bán quan trọng ở đó.

Không cần suy nghĩ nhiều cũng biết cái chết của ông ngay sau vụ án cô gái trẻ đẹp Betty Barnard sẽ khuấy động báo chí cho đến nhiều năm sau. Thời điểm đó là tháng 8 và việc báo chí đang cạn kiệt chủ đề sẽ làm cho tình hình càng xấu hơn.

“Eh bien” [7] Poirot lên tiếng. “Có thể báo chí sẽ làm được điều mà một vài cá nhân không làm được. Giờ đây cả nước đang tìm kiếm tên A B C đó”.

“Đáng tiếc”, tôi đáp, “đó chính là điều mà hắn muốn”.

“Đúng thế. Nhưng dù sao đi nữa có thể đó sẽ là điều làm hại hắn. Một khi đã hài lòng với thành công của mình, hắn sẽ trở nên bất cẩn... Tôi hy vọng thế - rằng hắn sẽ chìm đắm trong sự thông minh của hắn”.

“Vậy thì kỳ quá, Poirot ạ”, tôi la lên, ngạc nhiên trước cái ý tưởng đó. “Ông có biết đây là vụ án đầu tiên loại này ông và tôi thực hiện cùng nhau không? Tất cả các vụ trước - ờ, đều là những vụ giết người riêng lẻ”.

“Ông nói đúng, ông bạn ạ. Từ trước đến nay luôn luôn thế, quá khứ của nạn nhân luôn quan trọng. Những điểm quan trọng là: ‘Ai được lợi từ cái chết đó? Những ai xung quanh người bị chết có cơ hội gây án?’ Lâu nay luôn là ‘vụ án giữa những người thân nhau’. Còn đây là lần đầu tiên có một vụ án vô cảm và máu lạnh. Vụ giết người được thực hiện từ bên ngoài”.

Tôi rùng mình.

“Kinh khủng thật...”

“Đúng vậy. Tôi đã thấy thế ngay từ đầu, lúc tôi đọc lá thư đầu tiên, tôi thấy có cái gì đó bất ổn - kỳ dị...”

Điệu bộ Poirot có vẻ nôn nóng.

“Chúng ta phải bình tĩnh... Vụ này không phải là một vụ án bình thường...”

“Đúng thế... đúng thế...”

“Giết người lạ có lẽ đáng sợ hơn giết người thân cận với mình - người tin tưởng mình, đúng không?”

“Đáng sợ hơn bởi vì điên rồ quá...”

“Không đâu, Hastings. Không đáng sợ hơn đâu. Chỉ khó hơn thôi”.

“Không, không, tôi không đồng ý với ông. Quả là đáng sợ hơn”.

Hercule Poirot trầm tư đáp:

“Dễ phá án hơn vì nó điên rồ quá. Một vụ án mà kẻ thực hiện là người gian xảo và tỉnh táo thì phức tạp hơn nhiều. Ở vụ này, nếu người ta biết được ý tưởng... Vụ bảng chữ cái này, có nhiều ý kiến trái chiều. Giá tôi có thể một lần nhận ra ý tưởng đó thì mọi thứ sẽ rõ ràng và đơn giản...”

Ông thở dài và lắc đầu.

“Những vụ thế này không được tiếp diễn nữa. Chẳng bao lâu, chẳng bao lâu, tôi sẽ tìm ra được sự thật... Thôi nào, Hastings. Đi ngủ thôi. Ngày mai có nhiều việc phải làm lắm”.

Chú thích

[1] Trời ơi!

[2] Nhanh lên... nhanh lên nào...

[3] Muộn quá rồi.

[4] Ông đang làm gì thế kia?

[5] Ông xúc động quá rồi, Hastings.

[6] A, thông minh ghê!

[7] Ừm.
 
Chương 15: Ngài carmichael clarke


Churston nằm ở chặng giữa đoạn cong của vịnh Torbay với Brixham một bên và Paignton và Torquay một bên. Mới mười năm trước, nơi này vẫn chỉ là một sân golf và bên dưới sân golf là khung cảnh miền quê xanh mướt uốn lượn ra đến tận biển, chỉ điểm xuyết một vài trang trại có người ở. Nhưng vài năm sau đó, có nhiều dự án xây dựng lớn mọc lên ở đoạn giữa Churston và Paignton và dải bờ biển này giờ đây rải rác nhiều nhà ngôi nhà nhỏ, con đường mới, vân vân.

Ngài Carmichael Clarke mua một khu đất rộng hai mẫu nhìn thẳng ra biển. Ngôi nhà ông xây có kiến trúc hiện đại - nhà hình khối chữ nhật màu trắng nhưng khá bắt mắt. Ngoài hai phòng trưng bày lớn dành cho bộ sưu tập của ông, ngôi nhà thật ra không lớn lắm.

Chúng tôi đến đấy lúc 8 giờ sáng. Một cảnh sát địa phương đón chúng tôi ở ga và báo cáo tình hình vụ án.

Theo lời kể thì ngài Carmichael Clarke có thói quen đi dạo sau bữa ăn tối mỗi ngày. Khi cảnh sát gọi điện đến nhà - khoảng sau 11 giờ - lúc ấy ông chưa về. Vì ông hay đi dạo ở những nơi quen thuộc nên chẳng bao lâu đội tìm kiếm đã tìm thấy thi thể của ông. Nguyên nhân tử vong là do nạn nhân bị đánh vào sau đầu bằng một vật nặng. Quyển A B C đang mở nằm úp trên thi thể nạn nhân.

Chúng tôi đến Combeside (tên ngôi nhà) vào khoảng 8 giờ sáng. Một người quản gia già ra mở cửa, nhìn đôi tay run rẩy và khuôn mặt lo lắng cũng đoán được thảm kịch đó khiến ông ta bị chấn động đến mức nào.

“Xin chào ông Deveril”, viên cảnh sát lên tiếng.

“Xin chào, ông Wells”.

“Các vị đây từ Luân Đôn đến, ông Deveril ạ”.

“Đi lối này, thưa các ông”. Ông dẫn chúng tôi vào một phòng ăn dài và trên bàn đã bày bữa sáng. “Tôi sẽ đi mời ông Franklin”.

Vài phút sau, một người đàn ông tóc vàng cao to với khuôn mặt rám nắng bước vào phòng.

Đó là Franklin Clarke, em trai duy nhất của người đàn ông quá cố.

Anh ta là con người kiên định và đã quá quen đương đầu với những việc khẩn cấp.

“Xin chào các ông”.

Thanh tra Wells giới thiệu từng người.

“Đây là thanh tra Crome từ Cục Điều tra Hình sự, ông Hercule Poirot và Đại úy Hayter”.

“Hastings”, tôi lạnh lùng sửa lại.

Franklin Clarke lần lượt bắt tay từng người và cái bắt tay nào cũng kèm theo một cái nhìn sắc lẹm.

“Mời các ông dùng chút điểm tàm”, anh ta nói. “Chúng ta sẽ vừa ăn vừa bàn chuyện”.

Không ai phản đối nên chẳng bao lâu sau chúng tôi ngồi vào bàn thưởng thức bữa ăn sáng ngon lành gồm có trứng, thịt lợn muối xông khói và cà phê.

“Nói về vụ án”, Franklin Clarke mở lời. “Tối qua, thanh tra Wells đã cho tôi biết sơ qua tình hình - dù vậy tôi thấy đây là câu chuyện tàn bạo nhất mà tôi từng được nghe. Thanh tra Crome, có đúng người anh tội nghiệp của tôi là nạn nhân của một kẻ cuồng sát và đây là vụ án thứ ba hắn thực hiện và ở mỗi vụ án quyển thông tin đường sắt A B C lại được đặt bên cạnh thi thể nạn nhân?”

“Đúng như thế đấy, ông Clarke ạ”.

“Nhưng tại sao? Dù là trong ý nghĩ bệnh hoạn nhất, gây tội ác như thế thì được lợi ích gì...?”

Poirot gật đầu đồng tình: “Ông đánh trúng vào trọng tâm vấn đề rồi đấy, ông Franklin”.

“Hiện tại chúng tôi chưa tìm ra động cơ nào chính đáng cả”, thanh tra Crome trả lời. “Đây là vấn đề của các nhà tâm thần học - dù thế có thể nói tôi đã có chút kinh nghiệm với loại tâm lý tội phạm này và động cơ thường rất ít. Có sự khao khát muốn khẳng định cá tính hắn, để lôi cuốn sự chú ý của công chúng - trong trường hợp này là để được trở thành một ai đó thay vì là một kẻ vô danh tiểu tốt”.

“Có đúng vậy không, ông Poirot?”

Clarke có vẻ ngờ vực. Sự quan tâm của anh ta dành cho người lớn tuổi hơn khiến thanh tra Crome cau mày lộ vẻ không vui.

“Đúng đấy”, ông bạn tôi đáp.

“Sớm muộn gì tên đó cũng bị bắt thôi”, Clarke nói vẻ nghĩ ngợi.

“Vous croyez? [1] A, nhưng chúng rất xảo quyệt - những kẻ đó là thế mà! Và anh phải biết là những kẻ như thế thường không quan trọng gì - hắn thuộc loại người bị bỏ rơi, không ai để ý hoặc thậm chí bị chế nhạo!”

“Ông vui lòng cho chúng tôi một ít thông tin được không, ông Clarke”, Crome nói, cắt ngang câu chuyện.

“Được chứ”.

“Tôi đoán hôm qua sức khỏe và tinh thần của anh trai ông vẫn bình thường, đúng không ạ? Ông ấy không nhận được lá thư nào bất ngờ chứ? Không có gì khiến ông ấy phiền lòng chú?”

“Không. Tôi thấy anh ấy vẫn thế”.

“Không cáu bẳn hay lo lắng gì chứ”.

“Xin lỗi, ông thanh tra. Tôi không nói vậy. Đối với anh trai tôi thì cáu bẳn và lo lắng là tình trạng bình thường của anh ấy”.

“Sao lại thế ạ?”

“Chắc ông chưa biết nhưng chị dâu tôi, phu nhân Clarke, lâm bệnh nặng. Giữa chúng ta với nhau, tôi xin nói thẳng là chị dâu tôi bị bệnh ung thư nan y và không sống được bao lâu nữa. Bệnh tình của chị ám ảnh tâm trí anh trai tôi ghê gớm. Tôi cũng chỉ mới từ miền Đông về không lâu và tôi thật sự bị sốc khi thấy anh tôi thay đổi quá nhiều”.

Poirot hỏi chen vào.

“Anh Clarke này, giả sử nếu người ta tìm thấy anh trai anh bị bắn ở chân vách núi hay bị bắn bằng súng lục tìm thấy bên cạnh thi thể của anh ấy thì ý nghĩ đầu tiên hiện ra trong đầu anh là gì?”

“Nói thật tôi sẽ kết luận ngay đó là một vụ tự sát”, Clarke đáp.

“Encore!” [2] Poirot nói.

“Gì vậy ạ?”

“Một sự kiện lặp đi lặp lại. Không đáng chú ý đâu”.

“Dù sao, đây cũng không phải là một vụ tự sát”, Crome nói cộc lốc. “Thưa ông Clarke, có phải anh trai ông có thói quen đi dạo vào mỗi chiều tối không?”

“Đúng. Anh ấy luôn làm thế”.

“Đêm nào cũng thế?”

“Ờ, đương nhiên nếu mưa to quá thì thôi”.

“Và mọi người trong nhà ai cũng biết thói quen này của ông ấy?”

“Đúng thế”.

“Còn người ngoài thì sao ạ?”

“Tôi không hiểu ý ông nói người ngoài là sao. Tôi không rõ người làm vườn có để ý đến việc đó không”.

“Thế người trong làng thì sao?”

“Nói thật nơi này chưa hẳn là một ngôi làng. Ở Churston Ferrers chỉ có một bưu điện và một vài túp nhà thôi chứ không có làng hay cửa hàng gì cả”.

“Tôi đoán nếu một người lạ quanh quẩn ở đây thì sẽ dễ bị phát hiện đúng không ạ?”

“Ngược lại là đằng khác. Vào tháng 8, vùng này có nhiều người lạ đến lắm. Mỗi ngày đều có người từ Brixham, Torquay và Paignton đi xe riêng, đi xe buýt, hay đi bộ đến đây. Broadsands ở dưới kia (anh ta chỉ tay theo hướng đó) là một bãi biển rất nổi tiếng và Elbury Cove cũng thế - là thắng cảnh lừng danh nên người ta đến để picnic. Tôi ước giá mà họ đừng đến! Ông không tưởng tượng nổi nơi này đẹp và yên bình thế nào vào tháng 6 và đầu tháng 7 đâu”.

“Thế ý ông là người lạ khó mà bị chú ý?”

“Không, trừ khi hắn bị... ờ.... điên”.

“Tên này không giống kẻ điên đâu ạ”, Crome nói chắc nịch. “Thưa ông Clarke, ý tôi là, tên này hẳn đã dòm ngó ở đây trước và hắn phát hiện ra anh trai ông có thói quen đi dạo vào buổi tối. Nhân tiện, tôi đoán chắc hôm qua không có ai đến nhà và xin gặp ngài Carmichael đúng không?”

“Tôi không rõ lắm, nhưng để tôi hỏi Deveril xem”.

Anh ta rung chuông và đặt câu hỏi cho người quản gia.

“Không có thưa ông, không ai đến gặp ngài Carmichael cả ạ. Và tôi cũng không thấy ai lảng vảng bên ngoài nhà ạ. Tôi đã hỏi người hầu trong nhà và họ cũng không thấy ai lạ hết”.

Người quản gia đợi một chốc rồi hỏi: “Vậy thôi phải không, thưa ông?”

“Ừ, ông có thể lui ra, Deveril”.

Người quản gia lui ra, đi bằng lối cửa sau và nhường đường cho một cô gái trẻ bước qua.

Franklin Clarke đứng dậy khi cô gái tiến vào.

“Thưa các ông, đây là cô Grey. Thư ký của anh trai tôi”.

Làn da trắng khác thường của cô gái kiến tôi chú ý ngay lập tức. Cô có mái tóc màu xám bạc gần như không màu, đôi mắt nâu nhạt, và nước da trắng muốt như da của người Na Uy và Thụy Điển. Cô trông chừng 27 tuổi và có vẻ vừa giỏi giang vừa xinh đẹp.

Cô ngồi xuống ghế rồi hỏi: “Tôi có thể giúp gì được cho các ông không ạ?”

Clarke bung cho cô một tách cà phê, cô từ chối không ăn.

Crome hỏi: “Cô phụ trách thư từ của ngài Carmichael đúng không?”

“Vâng ạ, tất cả các loại thư từ”.

“Tôi đoán ông ấy không bao giờ nhận được lá thư nào ký tên là A B C đúng không?”

“A B C à?” Cô lắc đầu. “Không, tôi chắc chắn ông ấy không hề nhận được thư nào như thế”.

“Ông ấy không kể là thời gian gần đây có thấy ai đó lảng vảng xung quanh trong lúc ông ấy đi dạo vào buổi tối à?”

“Không, không có”.

“Cô cũng không thấy ai lạ sao?”

“Không hẳn là lảng vảng quanh đây. Đương nhiên có nhiều người quanh quẩn trong vùng vào khoảng thời gian này trong năm. Người ta thường thấy có người đi dạo loanh quanh trên sân golf hoặc đi xuống mấy con đường dẫn ra biển. Thực ra bất kỳ ai mà người ta gặp vào khoảng thời gian này đều là người lạ”.

Poirot gật đầu vẻ nghĩ ngợi.

Thanh tra Crome yêu cầu được đưa đến nơi mà ngài Carmichael hay đi dạo vào buổi tối. Franklin Clarke dẫn mọi người qua lối cửa kiểu Pháp, cô Grey cũng đi với chúng tôi.

Cô và tôi đi sau cùng.

Tôi mở lời: “Tất cả sự việc này đều gây sốc cho cả nhà nhỉ”.

“Đúng là khó mà tin được ạ. Tối qua tôi đi ngủ rồi thì cảnh sát gọi điện. Tôi nghe tiếng người dưới nhà và khi tôi đi xuống hỏi có chuyện gì xảy ra thì Deveril và ông Clarke vừa chuẩn bị đi ra tay cầm đèn”.

“Ngày Carmichael thường đi bộ về lúc mấy giờ?”

“Khoảng 10 giờ kém 15 ạ. Ông thường vào nhà bằng cửa bên và đôi khi ông đi ngủ luôn nhưng cũng có lúc ống đến phòng trung bày bộ sưu tập của ông. Đó là lý do vì sao nếu cảnh sát không gọi điện thì có lẽ không ai để ý cho đến khi họ đến tìm ông vào sáng nay”.

“Chắc bà vợ ông bị sốc dữ lắm nhỉ?”

“Phu nhân Clarke phải dùng moọc-phin nhiều lắm. Tôi nghĩ bà ấy không tỉnh táo nên không biết chuyện gì đang xảy ra xung quanh”.

Chúng tôi đi đến sân golf bằng lối cổng phụ trong vườn. Sau khi băng qua một góc sân golf, chúng tôi bước qua hàng rào thấp rồi xuống con đường dốc ngoằn ngoèo.

“Con đường này dẫn đến Elbury Cove”. Franklin Clarke giải thích. “Nhưng hai năm trước họ làm một con đường mới dẫn từ đường cái đến Broadsands và đến tận Elbury nên con đường này hầu như bị bỏ hoang”.

Chúng tôi đi dọc con đường đó. Cuối con đường, có một lối rẽ giữa những bụi mâm xôi và dương xỉ dẫn xuống biển. Đột nhiên chúng tôi ra tới mép bờ đất cỏ xanh rì nhìn ra biển và một bãi cát đầy những viên sỏi trắng óng ánh. Cây cối có tán tròn xanh đậm mọc tràn xuống tận biển. Đúng là một thắng cảnh quyến rũ lòng người với màu trắng, xanh lục đậm và màu ngọc bích.

Tôi ồ lên: “Đẹp quá!”

Clarke vui vẻ nhìn tôi.

“Chẳng phải thế sao? Sao người ta phải ra nước ngoài để đến tận Riviera trong khi chúng ta có cảnh đẹp thế này! Tôi đã lang thang khắp nơi trên thế giới bấy lâu và nói thật thì tôi chưa thấy nơi nào đẹp bằng nơi này”.

Rồi như xấu hổ vì vẻ hồ hởi của mình, anh ta nói với giọng hợp hoàn cảnh hơn:

“Đây là nơi anh trai tôi hay đi dạo vào buổi tối. Anh đi tới tận đây rồi quay lại con đường đó, và thay vì rẽ trái anh rẽ phải, đi ngang qua nông trại, sau đó băng qua mấy cánh đồng để trở về nhà”.

Chứng tôi tiếp tục đi cho tới khi đến nơi tử thi được phát hiện nằm gần hàng rào, đoạn giữa cánh đồng.

Crome gật đầu.

“Dễ thật. Tên đó đứng đợi trong bóng tối. Anh trai của ông không thấy gì cho tới khi bị đánh gục”.

Cô gái đứng cạnh tôi chợt rùng mình.

Fraklin Clarke nói:

“Vững vàng lên nào Thora. Đúng là rất dã man nhưng tránh né sự thật cũng chẳng ích gì đâu”.

Thora Grey - cái tên rất hợp với cô gái.

Chúng tôi quay lại ngôi nhà lúc thi thể đã được đưa về sau khi người ta chụp ảnh xong.

Khi chúng tôi bước lên cầu thang rộng, vị bác sĩ bước ra khỏi phòng, tay cầm một cái túi đen.

Clarke hỏi: “Có điều gì ông cần báo cho chúng tôi không, bác sĩ?”

Vị bác sĩ lắc đầu.

“Một vụ án quá đơn giản. Tôi sẽ giữ lại các chi tiết chuyên môn để điều tra. Dù sao thì ông ấy không phải chịu đựng đau đớn. Cái chết đến tức khắc”.

Ông bỏ đi.

“Tôi đi khám bệnh cho phu nhân Clarke đâ nhé”.

Một cô y tá bệnh viện bước ra từ căn phòng nằm phía cuối dãy hành lang và ông bác sĩ đến gặp cô ấy.

Chúng tôi đi vào căn phòng lúc nãy bác sĩ mới bước ra.

Tôi quay ra liền. Thora Grey vẫn đang đứng ở bậc trên cùng của cầu thang.

Trên khuôn mặt cô xuất hiện một nỗi sợ hãi kỳ lạ.

“Cô Grey này”, tôi dừng lại. “Sao thế cô?”

Cô ta nhìn tôi.

“Tôi đang nghĩ về chữ D”, cô nói.

“Về chữ D ư?” Tôi nhìn chằm chằm vào cô, mặt thộn ra.

“Vâng. Vụ giết người tiếp theo. Phải làm gì đó thôi. Phải ngăn chặn chứ”.

Clarke bước ra khỏi phòng và đứng sau lưng tôi. Anh nói:

“Cái gì cần phải bị ngăn chặn thế, Thora?”

“Những vụ giết người ghê rợn này ạ”.

“Ừ”. Môi anh ta trề ra vẻ hằn học, rồi đột nhiên nói: “Tôi muốn nói chuyện với ông Poirot một lúc... Thanh tra Crome có giỏi không?”

Tôi trả lời rằng anh ta có vẻ là một thanh tra rất thông minh.

Đáng lẽ giọng tôi phải hào hứng hơn.

“Thái độ của anh ta hung hãng quá”, Clarke nói. “Anh ta làm như thể cái gì anh ta cũng biết - nhưng anh ta biết gì cơ chứ? Tôi thấy là anh ta chẳng biết gì cả”.

Anh im lặng vài phút rồi nói tiếp:

“Ông Poirot đúng là người đáng đồng tiền tôi bỏ ra. Tôi có kế hoạch này nhưng chúng ta sẽ bàn sau”.

Anh ta đi dọc hành lang và gõ vào cánh cửa mà vị bác sĩ lúc nãy đã đi vào.

Tôi chần chừ vài giây. Cô gái thì đứng nhìn về phía trước mặt.

“Cô đang nghĩ gì thế, cô Grey?”

Cô gái đưa mắt nhìn tôi.

“Tôi băn khoăn không biết hắn ta bây giờ đang ở đâu... ý tôi là tên giết người ấy. Vụ án xảy ra chưa đầy 12 tiếng... Ôi! Sao không có nhà tiên tri tài ba nào có thể thấy được bây giờ hắn ở đâu và đang làm gì...”

Tôi đáp: “Cảnh sát đang truy tìm....”

Những lời cũ rích của tôi hóa ra lại hiệu nghiệm. Thora Grey bình tĩnh trở lại.

“Vâng. Tất nhiên rồi”, cô nói.

Xong cô bước xuống cầu thang. Tôi nán lại đó một chốc nữa để nghiền ngẫm những lời nói của cô trong đầu.

A B C....

Giờ này hắn ta đang ở đâu...?

Chú thích:

[1] Anh nghĩ thế sao?

[2] Lại nữa rồi!
 
Chương 16: (Không phải lời kể của Đại úy Hastings)


Ông Alexander Bonaparte Cust cùng các khán giả khác rời khỏi rạp Torquay Palladium, nơi ông vừa mới xem bộ phim khá ướt át mang tựa đề Not a Sparrow (Không phải chim sẻ)...

Ông hơi chớp mắt khi bước ra khỏi đó trong ánh nắng chiều và nhìn quanh như con chó bị lạc, vốn là kiểu của ông.

Ông lẩm bẩm: “Đó là một ý tưởng...”

Mấy thằng bé bán báo đi qua và rao lớn:

“Tin mới đây... Kẻ cuồng sát ở Churston...”

Chúng cầm những tấm bảng có ghi:

VỤ GIẾT NGƯỜI Ở CHURSTON. TIN MỚI NHẤT.

Ông Cust lục lọi trong túi được một đồng xu rồi mua tờ báo. Ông không mớ ra liền.

Bước vào công viên Princess Gardens, ông chậm rãi tìm đến một mái che hướng mặt ra cảng Torquay. Ông ngồi xuống và mở báo ra xem.

Có mấy tựa đề lớn như:

NGÀI CARMICHAEL CLARKE BỊ SÁT HẠI. THẢM KỊCH KINH HOÀNG Ở CHURSTON. HÀNH ĐỘNG CỦA KẺ CUỒNG SÁT.

Và bên dưới chúng là:

Chỉ một tháng trước, cả nước Anh bàng hoàng và hoang mang khi nghe vụ giết cô gái Elizabeth Barnard ở Bexhill. Chắc mọi người đều nhớ quyển thông tin đường sắt A B C có mặt trong vụ đó. Một quyển A B C khác cũng được tìm thấy bên cạnh thi thể của ngài Carmichael Clarke, và cảnh sát tin chắc hai vụ đều do cùng một người gây ra. Liệu có khả năng tên cuồng sát đó sẽ lảng vảng ở các khu nghỉ dưỡng ven biển của chúng ta không?...

Một chàng trai mặc quần chất liệu flanel và áo Aertex màu xanh da trời ngồi bên cạnh ông Cust lên tiếng:

“Vụ này ghê quá, ông nhỉ?”

Ông Cust giật bấn mình.

“Ối, rất... rất ghê...”

Chàng trai trẻ để ý thấy bàn tay ông run rẩy đến độ gần như không cầm nổi tờ báo.

Chàng trai huyên thuyên: “Mấy kẻ điên đó thì khó mà nói được. Ông biết đấy, thường thì họ không có vẻ gì là gàn dở cả. Họ trông cũng giống ông và cháu vậy thôi...”

“Tôi cũng nghĩ vậy”, ông Cust đáp.

“Thật đó. Đôi lúc chiến tranh làm cho họ mất thăng bằng và không trở lại bình thường được”.

“Tôi... tôi nghĩ anh nói đúng đấy”.

“Cháu không ủng hộ chiến tranh”, chàng trai trẻ nói.

Bạn đồng hành của anh ta phản đối ngay.

“Tôi thì không chấp nhận dịch bệnh, chứng rối loạn giấc ngủ, đói nghèo và ung thư... nhưng chúng vẫn diễn ra đấy thôi!”

“Chiến tranh có thể tránh được”, chàng trai trả lời chắc nịch.

Ông Cust phá lên cười, ông cười khá lâu.

Chàng trai chợt cảnh giác.

“Ông này hơi khùng khùng”, anh ta nghĩ.

Nhưng anh ta nói:

“Xin lỗi ông, cháu đoán ông đã từng đi lính”.

“Đúng thế”, ông Cust đáp. “Chiến tranh làm tôi mất thăng bằng. Kể từ đó, đầu óc tôi không bình thường lắm. Đầu tôi đau lắm anh ạ. Đau khủng khiếp”.

“Ôi! Tội nghiệp ông quá”, chàng trai trả lời vụng về.

“Đôi lúc tôi không biết mình đang làm gì nữa....”

“Thế ạ? À ờ, cháu phải đi đây”, chàng trai nói rồi vội vàng bỏ đi. Anh biết khi người ta bắt đầu nói về bệnh tật thì họ sẽ như thế nào.

Ông Cust ở lại với tờ báo. Ông đọc đi đọc lại...

Người ta đi qua đi lại trước mặt ông.

Hầu như ai cũng đang bàn về vụ giết người...

“Kinh khủng thật... anh có nghĩ vụ này liên quan đến người Trung Quốc không? Không phải cô phục vụ đó làm ở quán ăn Trung Hoa à...”

“Thật ra là trên đường dẫn đến sân golf...”

“Tôi thì nghe đồn là trên bãi biển...”

“... nhưng mà em ơi, chúng ta mang trà đến Elbury mới hôm qua chứ mấy...”

“... chắc chắn cảnh sát sẽ tóm được hắn...”

“... chắc hắn sẽ sớm bị bắt thôi...”

“... chắc hắn đang ở Torquay... cô gái bị giết bởi, anh gọi là gì nhỉ...”

Ông Cust xếp tờ báo thật gọn gàng rồi đặt nó lên chỗ ngồi. Rồi ông đứng dậy và bước chậm rãi về phía thị trấn.

Các cô gái đi ngang qua ông, họ mặc nào là váy, pyjama và quần ngắn màu trắng, hồng và xanh da trời. Họ cười ha hả và cười rúc rích. Mắt họ dò xét những người đàn ông mà họ đi ngang qua.

Vậy mà họ chẳng thèm nhìn ông Cust lấy một cái... Ông ngồi xuống bên một chiếc bàn nhỏ, gọi trà và kem Devonshire...
 
Chương 17: Thời điểm nước sôi lửa bỏng


Thêm án mạng của ngài Carmichael Clarke nữa khiến vụ án bí ẩn A B C bỗng nhiên nổi như cồn.

Tất cả các báo đều chỉ nói về vụ này. Báo chí đăng là đã tìm thấy nhiều loại “chứng cứ” khác nhau. Người ta công bố các vụ bắt bớ sắp xảy ra. Ảnh của những người và địa điểm có mối quan hệ xa lắc xa lơ cũng được đăng. Còn có cả các bài phỏng vấn bất kỳ ai mà nhà báo phỏng vấn được. Rồi cả những câu hỏi đặt ra trong quốc hội.

Vụ giết người Andover giờ đây cũng được xếp chung với hai vụ kia.

Scotland Yard tin rằng đưa hết lên báo là cơ hội tốt nhất để tóm gọn tên sát nhân. Toàn bộ người dân Vương quốc Anh biến mình thành một đội quân thám tử nghiệp dư.

Báo Daily Flicker khiến người ta cực kỳ phấn khích khi đăng cái tít:

HẮN CÓ THỂ ĐANG Ở TRONG THỊ TRẤN CỦA BẠN!

Đương nhiên Poirot dấn sâu vào vụ này. Những bức thư gửi đến cho ông được đăng báo và gửi qua fax. Ông bị lăng mạ thê thảm vì không ngăn chặn được những vụ án đó rồi lại được bào chữa với lý do là ông chuẩn bị nêu tên kẻ sát nhân.

Phóng viên thì liên tục làm phiền ông để được phỏng vấn.

Những gì thám tử Poirot nói hôm nay.

Kèm theo cái tựa trên thường là nửa trang báo viết toàn chuyện ngu ngốc.

Thám tử Poirot cho rằng tình hình rất nghiêm trọng. Thám tử Poirot gần chạm đến thành công.

Đại úy Hastings, người bạn thân nhất của thám tử Poirot trao đổi với đại diện đặc biệt của chúng tôi...

“Poirot”, tôi nói lớn. “Tin tôi đi. Không đời nào tôi nói thế”.

Ông bạn tôi trả lời vẻ độ lượng:

“Tôi biết mà, Hastings - tôi biết chứ. Những lời nói ra và những bài viết khác nhau một trời một vực ấy. Người ta vặn vẹo thế nào mà câu chữ trái ngược hoàn toàn với ý gốc ông ạ”.

“Tôi không muốn ông nghĩ là tôi đã nói...”

“Đừng lo ông bạn. Tất cả những điều này chẳng quan trọng gì hết. Thậm chí những lời ngu ngốc đó có thể còn giúp ích cho chúng ta ấy chứ”.

“Giúp thế nào?”

“Eh bien”, Poirot nói dứt khoát. “Nếu thằng điên đó đọc được những gì hắn cho là tôi đã nói với báo Daily Blague hôm nay, hắn sẽ coi thường một đối thủ như tôi!”

Tôi có cảm tưởng người ta chẳng làm gì thiết thực để điều tra cả. Nhưng thực ra, Scotland Yard và cảnh sát địa phương ở các hạt ngày đêm theo dõi các manh mối dù là nhỏ nhất.

Khách sạn, những người cho thuê trọ, nhà trọ trong bán kính rộng của các hiện trường vụ án đều bị chất vấn cặn kẽ.

Hàng trăm câu chuyện của những người giàu trí tưởng tượng đã khai đại loại như họ “thấy một người đàn ông trông rất khả nghi và mắt thì láo liên”, hay “để ý thấy một gã mặt đầy sát khí lượn lờ quanh đày”, đều được sàng lọc cho đến chi tiết cuối cùng. Không một thông tin hay thậm chí là chi tiết mơ hồ nhất nào bị bỏ qua. Tàu lửa, xe buýt, xe điện, nhân viên đường sắt, nhân viên soát vé trên xe buýt, quầy sách, hay quầy văn phòng phẩm đều bị chất vấn và thẩm tra.

Ít ra có rất nhiều người bị bắt và bị hỏi cung cho tới khi họ có thể trình bày thỏa đáng với cảnh sát họ đã làm gì vào đêm xảy ra án mạng.

Kết quả nói chung không phải là không được gì. Một vài lời khai được lưu ý và ghi chép lại vì có thể có giá trị, dù vậy không có thêm chứng cứ nào khiến vụ án đi vào ngõ cụt.

Nếu như Crome và đồng sự của anh ta điều tra không biết mệt mỏi thì lạ thay Poirot lại nằm ngửa chẳng làm gì. Chúng tôi đôi khi còn cãi nhau.

“Nhưng ông bắt tôi phải làm gì bây giờ, ông bạn? Việc thẩm vấn hàng ngày thì cảnh sát làm còn tốt hơn tôi ấy chứ. Lúc nào cũng thế - lúc nào ông cũng muốn tôi chạy loanh quanh như con chó”.

“Còn hơn ông ngồi nhà như là - như là...”

“Như là một người biết điều! Ông Hastings ơi, sức mạnh của tôi là ở bộ óc, có phải ở đôi chân đâu! Những lúc ông thấy tôi chẳng làm gì là lúc tôi đang suy ngẫm”.

“Suy ngẫm ư?” tôi gào lên. “Đây là lúc để suy ngẫm sao?”

“Đúng thế. Ngàn lần đúng”.

“Nhưng ông có thể tìm ra được gì nếu chỉ ngồi đó suy ngẫm? Ông đã thuộc lòng hết tình tiết của ba vụ án rồi mà”.

“Tôi không suy nghĩ về các tình tiết mà về tâm trí của kẻ giết người”.

“Tâm trí của kẻ giết người ư!”

“Đúng thế. Và vì thế không có câu trả lời ngay lập tức. Khi tôi biết được tên sát nhân trông như thế nào, tôi sẽ tìm ra hắn. Và càng ngày tôi càng biết nhiều hơn. Sau vụ Andover, chúng ta biết gì về tên sát nhân nào? Hầu như không biết gì hết. Sau vụ Bexhill? Biết thêm một chút. Sau vụ Churston? Biết thêm chút nữa. Tôi bắt đầu thấy- không phải thứ ông muốn thấy như đường nét khuôn mặt và hình dáng mà là phác thảo tâm trí hắn. Tâm trí đó di chuyển và hoạt động theo một hướng cụ thể nào đó. Sau vụ tiếp theo...”

“Poirot!”

Ông bạn nhìn tôi thản nhiên.

“Nhưng, đúng thế mà, Hastings. Tôi nghĩ gần như chắc chắn là sẽ có thêm một vụ nữa. Cũng còn phụ thuộc nhiều vào cơ may. Cho tới bây giờ tên bí ẩn đó đã gặp may. Nhưng bất luận thế nào, sau vụ tiếp theo chắc chắn chúng ta sẽ biết nhiều hơn. Tội ác tiết lộ rất nhiều điều. Dù anh có thử áp dụng và thay đổi phương pháp của anh bao nhiêu đi nữa, sở thích của anh, thói quen của anh, tâm lý của anh, và tâm hồn anh sẽ bộc lộ qua hành động của anh. Đôi khi sự biểu lộ có chút khó hiểu như thể hai bộ óc đang hoạt động cùng lúc nhưng chẳng bao lâu cái đường nét đó sẽ rõ ra, rồi tôi sẽ biết”.

“Đó là ai?”

“Không đâu Hastings, tôi sẽ không biết tên và địa chỉ của hắn ta! Mà tôi sẽ biết hắn thuộc loại người nào...”

“Rồi sau đó...?”

“Et alors, je vais à la pêche”. [1]

Trong lúc tôi còn hoang mang thì Poirot nói tiếp:

“Ông biết đấy Hastings, một người câu cá chuyên nghiệp sẽ biết loại mồi nào nên thả cho loại cá nào. Tôi sẽ nhử đúng loại mồi cho mà xem”.

“Rồi sau đó thì sao?”

“Và rồi? Và rồi sau đó thì sao? Ông cũng như cái gã Crome tự phụ lúc nào cũng nói đi nói lại câu ‘Ô, thế à?’ Ờ, rồi sau đó hắn ta sẽ cắn mồi và cả móc câu nữa và chúng ta chỉ việc kéo cần câu thôi...”

“Trong lúc đó thì người ta đã chết la liệt”.

“Ba người rồi. Và có chừng 120 người chết vì tai nạn giao thông mỗi tuần, đúng không?”

“Chuyện đó hoàn toàn khác”.

“Có thể đối với những người chết thì như nhau cả thôi. Còn đối với những người khác, bà con, bạn bè - thì ừ, có khác, nhưng ít ra trong vụ án này có một điều khiến tôi vui”.

“Hãy làm mọi cách để chúng tôi được nghe bất kỳ cái gì thật sự vui vẻ đi nào”.

“Đừng chế nhạo thế. Điều khiến tôi vui là không có cái bóng đen tội lỗi nào làm khổ những người vô tội”.

“Chết chóc chưa đủ tệ hay sao?”

“Không, ngàn lần không! Không có gì đáng sợ hơn là sống trong cảm giác nghi ngờ- khi nhận ra những cặp mắt đang dòm ngó mình và bao nhiêu yêu thương trong ánh mắt đó đã biến thành sợ hãi - không có gì ghê gớm bằng việc nghi ngờ những người thân yêu của mình - Điều đó thật hiểm độc - một luồng khí độc. Không, ít ra đầu độc cuộc sống của người vô tội là điều mà A B C không làm”.

“Chẳng sớm thì muộn ông lại bào chữa cho thằng cha đó mất thôi!” tôi chua chát.

“Sao lại không chứ? Có thể hắn tin rằng hắn đúng. Biết đâu cuối cùng chúng ta lại thông cảm với quan điểm của hắn”.

“Thiệt tình cái ông Poirot này!”

“Trời ơi! Tôi đã làm ông sốc rồi. Lúc nãy là do sự trì trệ - và bây giờ là do quan điểm của tôi”.

Tôi lắc đầu không trả lời.

Sau vài phút Poirot nói: “Cũng giống nhau cả thôi. Tôi có việc này sẽ khiến ông vui đây - vì việc này khiến ông phải hoạt động chứ không ngồi một chỗ. Ngoài ra, đòi hỏi phải nói chuyện nhiều và không cần phải suy nghĩ”.

Tôi không thích giọng điệu của ông chút nào.

“Việc gì thế?” tôi thận trọng hỏi.

“Lấy tất cả các thông tin mà bạn bè, bà con và người giúp việc của các nạn nhân biết được”.

“Ông nghi ngờ họ vẫn chưa khai hết với chúng ta à?”

“Ừ, nhưng họ không cố ý đâu. Nhưng kể tất cả những gì ông biết luôn luôn ẩn chứa sự chọn lọc. Giả sử tôi bảo ông kể lại chi tiết những gì ông làm ngày hôm qua cho tôi, có thể ông sẽ trả lời: ‘Tôi thức dậy vào lúc 9 giờ sáng, tôi ăn sáng lúc 9 giờ 30, tôi ăn trứng, thịt lợn muối xông khói và cà phê, rồi tôi đến câu lạc bộ của tôi, v.v...’ ông sẽ không kể vào các chi tiết như: ‘Tôi làm xước móng tay và phải cắt nó. Tôi gọi nước cạo râu. Tôi làm đổ một ít cà phê lên khăn trải bàn. Tôi chùi cái mũ rồi mới đội lên đầu’. Người ta không thể kể mọi thứ được. Thế nên người ta phải chọn lọc. Khi án mạng xảy ra, người ta chọn những gì người ta cho là quan trọng để kể. Nhưng thường là họ nghĩ sai!”

“Vậy thì làm sao người ta có thể kể đúng?”

“Như tôi vừa mới nói, đơn giản là bằng đối thoại. Bằng cách nói chuyện! Bằng cách bàn về một sự việc hay một người nào đó hay một ngày nào đó, cứ lặp đi lặp lại thế, những chi tiết thêm vào sẽ xuất hiện”.

“Những chi tiết nào cơ?”

“Đương nhiên là tôi chưa biết, nếu biết tôi đã không tìm kiếm làm gì. Nhưng giờ thì hơi trễ rồi nên khó lấy lại những chi tiết tưởng như bình thường đó. Trái ngược với tất cả những quy tắc toán học là trong ba vụ giết người không có một thông tin hay câu nào liên quan đến vụ án. Chỉ có mấy sự việc và nhận xét vặt vãnh, phải có điểm nào đó đáng chú ý chứ! Chuyện này như thể mò kim đáy biển nhưng tôi nghĩ trong lòng biển ít ra có một cây kim - tôi tin chắc thế!”

Tôi thấy cực kỳ mơ hồ và mù mịt.

“Ông không hiểu sao? Đầu óc ông không sắc bén bằng một cô phục vụ tầm thường nữa”.

Ông thảy cho tôi một bức thư. Chữ viết rõ ràng nhưng hơi lên dốc xuống đèo.

“Kính thưa bác,

Cháu hy vọng bác bỏ quá cho cháu vì đã tự ý viết thư cho bác. Kể từ sau hai vụ án khủng khiếp như vụ án của dì cháu, cháu suy nghĩ nhiều lắm. Có vẻ như chúng ta dang cùng cảnh ngộ. Cháu thấy ảnh của cô gái trên báo, ý cháu là, cô chị của cô gái trẻ bị giết ở Bexhill ấy ạ. Cháu đã lấy hết can đảm viết thư cho cô ấy và báo là cháu sẽ đến Luân Đôn để tìm chỗ ở và hỏi xem liệu cháu có thể đến gặp cô ấy hay mẹ của cô ấy vì dù sao hai người suy nghĩ thì vẫn hơn một người, cháu không cần tiền lương nhiều, cháu chỉ muốn tìm ra kẻ tàn ác đó là ai và có lẽ chúng ta sẽ tìm ra sự thật nhanh hơn nếu chúng ta đều kể ra những gì mình biết, biết đâu sẽ tìm ra được cái gì đó. Cô gái ấy hồi âm lại cho cháu rất tử tế và cô ấy kể là cô làm việc ở một văn phòng và sống trong một nhà trọ nhưng cô ấy đề nghị cháu viết thư cho bác và viết rằng cô ấy cũng đang suy nghĩ giống cháu. Và cô bảo là chúng cháu gặp hoạn nạn giống nhau thế nên chúng cháu phải sát cánh bên nhau. Vì vậy, cháu viết thư cho bác để báo cho bác biết cháu sẽ đến Luân Đôn và đây là địa chỉ của cháu.

Hy vọng cháu không làm phiền bác.

Kính thư.

Marry Drower”

Poirot nói: “Mary Drower là một cô gái rất thông minh”.

Ông cầm lá thư khác lên.

“Đọc thư này đi”.

Đó là thư của Franklin Clarke viết rằng anh ta sắp đến Luân Đôn và nếu được phép anh ta sẽ đến gặp Poirot.

Poirot nói: “Đừng tuyệt vọng ông bạn. Hành động sắp sửa bắt đầu”.

Chú thích:

[1] Tôi chỉ việc câu thôi.

Dịch giả:Võ thị Hương Lan
 
Chương 18: Poirot phát biểu


Hôm sau Franklin Clarke đến lúc 3 giờ chiều và chẳng thèm vòng vo, anh ta đi thẳng vào vấn đề luôn.

“Ông Poirot này, tôi không thỏa mãn chút nào”, anh ta nói.

“Không ư, anh Clarke?”

“Tôi biết Crome là một thanh tra rất có năng lực nhưng nói thật anh ta làm tôi khó chịu. Cái kiểu biết tuốt của anh ta ấy! Tôi đã bật mí một chút dự định của tôi với ông bạn của ông khi ở Churston, nhưng tôi phải lo hậu sự cho anh trai nên giờ mới có thời gian, ông Poirot ạ, ý tưởng của tôi là chúng ta không nên giậm chân tại chỗ nữa...”

“Hastings cũng luôn bảo tôi thế đấy!”

“...mà phải tiếp tục tiến lên. Chúng ta phải chuẩn bị cho vụ án tiếp theo”.

“Vậy anh cũng nghĩ sẽ có vụ án tiếp theo ư?”

“Ông không nghĩ thế sao ạ?”

“Có chứ”.

“Thế thì tốt quá. Tôi muốn chúng ta phải chuẩn bị chu đáo”.

“Anh nói kỹ hơn ý tưởng của anh được không?”

“Ông Poirot ạ, tôi đề xuất là chúng ta nên có một đội đặc nhiệm - hoạt động dưới sự chỉ đạo của ông - bao gồm bạn bè và người thân của những người bị giết”.

“Une bonne idée”. [1]

“Tôi rất vui là ông cũng đồng tình. Nếu chúng ta hợp sức lại thì có thể tìm ra được điều gì đó. Ngoài ra, khi bức thư cảnh báo tiếp theo đến, nếu chúng ta có mặt ở hiện trường, một người trong chúng ta - tôi không nói là chắc chắn - nhưng chúng ta có thể nhận ra ai đó có mặt gần hiện trường vụ án trước”.

“Tôi hiểu ý anh và tôi đồng ý, nhưng anh Clarke này, anh phải nhớ rằng những người thân và bạn bè của các nạn nhân khác không cùng đẳng cấp của anh. Họ là những người làm công ăn lương và mặc dù họ xin nghỉ phép ngắn hạn thì...”

Franklin Clarke cắt lời.

“Đúng thế. Tôi sẽ đứng ra trang trải mọi chi phí. Thật ra tôi không giàu có gì nhưng anh trai quá cố của tôi rất giàu nên rốt cuộc tài sản của anh cũng sẽ là của tôi. Như tôi đã nói, tôi đề nghị lập đội đặc nhiệm này nên đương nhiên các thành viên ưong đội sẽ được trả lương đúng với số tiền mà họ thường kiếm được”.

“Anh nghĩ chúng ta nên mời ai vào đội này?”

“Tôi đã tính rồi. Tôi đã viết thư cho cô Megan Barnard - thật ra, cô ấy có góp phần vào việc đưa ra ý kiến này. Tôi đề nghị đội gồm có tôi, cô Barnard và anh Donald Fraser - vị hôn phu của cô gái đã qua đời. Tiếp theo là cháu gái của cụ bà ở Andover - cô Barnard biết địa chỉ của cô ấy. Tôi nghĩ ông chồng của bà cụ chẳng giúp được tích sự gì đâu - tôi nghe nói ông ta say xin suốt ngày. Tôi nghĩ ông bà Barnards - bố me của cô gái hơi già nên không hợp với chiến dịch đòi hỏi tính năng động như vầy”.

“Còn ai nữa không?”

“À, ờ, thêm cô Grey nữa”.

Anh ta hơi đỏ mặt khi nhắc đến cái tên ấy.

“Ồ, cô Grey ư?”

Trên đời này không ai có thể dặm chút sắc thái mỉa mai vào trong vài từ giỏi hơn Poirot. 35 năm qua dường như biến khỏi Franklin Clarke. Anh bỗng dưng trở lại là một cậu học trò bẽn lẽn.

“Vâng, ông biết đấy, cô Grey đã ở bên cạnh anh trai tôi hơn hai năm. Cò biết rõ vùng ấy, những người sống ở đó và nhiều thứ khác nữa Tôi thì xa nhà một năm rưỡi nay rồi”.

Poirot thấy tội nghiệp anh ta nên đổi đề tài.

“Anh đã từng ở phương Đông à? Ở Trung Quốc đúng không?”

“Vâng. Tôi có nhiệm vụ đi khắp nơi để mua hàng cho anh tôi”.

“Chắc là thú vị lắm. Ờ, tốt rồi, anh Clarke, tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của anh. Mới hôm qua tôi nói với Hastings rằng kết nối những người có liên quan lại là việc rất cần thiết. Chúng ta cần nhớ lại và góp nhặt những sự kiện đã xảy ra, so sánh những ghi chép của nhau - cuối cùng là bàn lui bàn tới vấn đề đó. Biết đâu từ những cụm từ vu vơ chúng ta lại tìm ra được câu trả lời”.

Vài ngày sau, “Đội Đặc nhiệm” họp tại nhà Poirot.

Trong khi họ ngoan ngoãn ngồi quanh bàn nhìn về phía Poirot ở đầu bàn, trông ông như một vị giám đốc điều hành cuộc họp công ty, tôi nhìn họ một lượt như để khẳng định lại hay ôn lại ấn tượng đầu tiên của tôi về họ.

Ba cô gái, cô nào cũng cũng nổi bật - Thora Grey xinh đẹp thì trắng một cách lạ kỳ, Megan Barnard có làn da đậm màu và khuôn mặt cô bất động lạ thường như thổ dân da đỏ, còn Mary Drower mặc một cái áo khoác và váy đen gọn gàng, khuôn mặt xinh xắn của cô ánh lên vẻ thông minh.

Trong hai người đàn ông, Franklin Clarke cao to, da rám nắng và thích nói chuyện còn Donald Fraser thì kín đáo và ít nói. Hai người họ tạo nên sự tuơng phản vô cùng thú vị.

Dĩ nhiên, Poirot không bỏ qua cơ hội trình bày một bài phát biểu nho nhỏ.

“Thưa các cô và các anh, chắc mọi người đã biết lý do chúng ta có mặt ở đây hôm nay. Cảnh sát đang dốc sức tìm kiếm tên tội phạm đó. Tôi cũng tìm nhưng theo cách riêng của mình. Nhưng theo tôi, tập hợp những ai quan tâm đến vụ án cũng như biết rõ nạn nhân sẽ đem đến những kết quả mà những cuộc điều tra bên ngoài khó đạt được.

Giờ đây chúng ta có ba vụ giết người - một bà cụ, một cô gái trẻ và một ông lớn tuổi. Thứ duy nhất gắn kết ba con người này với nhau - họ đều bị cùng một người giết. Có nghĩa là người đó có mặt ở ba địa điểm khác nhau và có nhiều người đã thấy hắn. Việc hắn là tên điên ở giai đoạn trầm trọng là điều không cần bàn cãi nữa. Còn chuyện dáng hình và hành vi của hắn không biểu lộ bệnh tình của hắn cũng quá rõ rồi. Người này - mặc dù tôi gọi là hắn nhưng nên nhớ đó có thể là đàn ông hay đàn bà - dù điên nhưng rất xảo quyệt và nham hiểm. Cho đến bây giờ hắn vẫn giấu kín được tung tích của mình. Cảnh sát biết một vài manh mối mơ hồ nhưng không thể làm được gì với chừng đó manh mối.

Dù vậy, hẳn phải có dấu hiệu gì đó chắc chắn chứ không mơ hồ. Lấy một vụ giết người làm ví dụ, hắn ta không đến Bexhill nửa đêm và dễ dàng tìm thấy trên bãi biển một cô gái có tên bắt đầu với chữ B...”

“Chúng ta có cần bới lại chuyện này không ạ?”

Câu đó là của Donald Fraser, lời nói của anh ta dường như rung lên từ sâu thẳm bên trong nỗi đau của mình.

Poirot quay về phía anh ta, ông đáp:

“Cần phải nói lại chi tiết anh ạ. Anh đến đây không phải để che giấu cảm xúc của mình bằng cách từ chối nghĩ đến chi tiết vụ án, trái lại, nếu cần chúng ta phải đào bới chúng bằng cách đi sâu vào cốt lõi vấn đề. Như tôi đã từng nói, không phải ngẫu nhiên mà A B C chọn Betty Barnard làm nạn nhân. Hẳn là hắn ta đă cố tình lựa chọn và lên kế hoạch trước. Nói cách khác, hắn đã do thám trước hiện trường. Hắn đã nắm rõ các thông tin như thời điểm tốt nhất để ra tay vụ Andover, hiện trường vụ Bexhill và thói quen của ngài Carmichael Clarke ở Churston. Theo tôi, tôi không tin là không có dấu hiệu hay dấu vết nào dù lờ mờ nhất có thể giúp định hình được nhận dạng của hắn.

Tôi cho rằng một trong số các anh chị hoặc có thể là tất cả các anh chị biết điều gì đó mà anh chị không biết là mình biết.

Chẳng sớm thì muộn, nhờ việc hợp sức lại với nhau này mà các anh chị sẽ tìm ra được điều gì đó, sẽ đảm nhận một trọng trách mà mình chưa từng mơ tưởng đến thì sao. Giống trò chơi ghép hình - mỗi người trong các anh chị là một miếng ghép chẳng có ý nghĩa gì nhưng khi ghép lại với nhau thì có thể tạo nên một mảng nhất định nào đó trong tổng thể bức tranh”.

“Nói suông thôi!” Megan Barnard lên tiếng.

“Hả?” Poirot nhìn cô ta đầy thắc mắc.

“Những điều ông nói đấy. Chỉ là nói suông. Chẳng có nghĩa gì cả”.

Cô ta nói với một vẻ rất dữ dội khiến tôi bắt đầu liên tưởng đến tính cách của cô.

“Cô à, lời nói chỉ là vỏ bọc bề ngoài của ý tưởng thôi”.

“Ờ, em thì nghĩ có ý nghĩa đó chị ạ”, Mary Drower nói. “Em thật tình nghĩ như thế. Thường thì khi chị nói đi nói lại một vấn đề gì chị càng sáng tỏ hơn. Đôi lúc trí óc mình tự tưởng tượng ra mà mình không hề hay biết. Thế nào đó việc nói chuyện cũng dẫn đến nhiều thứ lắm chị”.

“Nếu như người ta nói ‘ít nói thì mau quên’ thì chúng ta muốn điều ngược lại”, Franklin Clarke nói.

“Ý anh thế nào, anh Fraser?”

“Tôi thấy những điều ông nói không có tính khả thi lắm, ông Poirot ạ”.

“Cồ nghĩ sao, Thora?” Clarke hỏi.

“Tôi nghĩ ý tường kể lại chuyện đã xảy ra có vẻ hợp lý đấy”.

Poirot gợi ý: “Các anh chị thử lục lại trí nhớ của mình về thời điểm xảy ra vụ án xem sao. Có lẽ mời anh Clarke bắt đầu trước nhé”.

“Để xem nào, vào buổi sáng ngày Car bị giết thì tôi dong thuyền đi chơi. Tôi bắt được tám con cá thu. Hôm đó trên vịnh trời rất đẹp. Tôi ăn trưa ở nhà. Tôi nhớ mình ăn món hầm Ireland. Tôi ngủ trưa trên võng, uống trà. Rồi viết vài lá thư, hụt giờ lấy thư nên phải lái xe đến tận Paignton để gửi thư. Rồi ăn tối và - tôi không ngại khi kể rằng - tôi đọc lại quyển sách của E. Nesbit mà tôi rất thích từ hồi còn nhỏ. Rồi thì chuông điện thoại reo...”

“Chừng đó đã nào. Bây giờ anh nhớ lại xem anh có gặp ai trên đường xuống biển vào buổi sáng không anh Clarke?”

“Gặp nhiều người lắm”.

“Anh có nhớ điều gì về họ không?”

“Giờ thì tôi chả nhớ gì cả”.

“Anh chắc chứ?”

“Ờ, để tôi xem nào, tôi nhớ ra một người đàn bà rất mập mạp - bà ấy mặc cái áo đầm lụa có kẻ sọc và tôi tự hỏi tại sao bà đi cùng với một đám con nít, hai người đàn ông đi cùng con chó giống Anh trên bãi biển ném đá để nó chạy đi lượm... Ồ, có một cô gái tóc vàng vừa tắm vừa la the thé... Buồn cười thật, những sự việc đó cứ ùa về rõ mồn một như ta đang rửa một tấm ảnh”.

“Tốt lắm. Vậy thì đến chiều - khu vườn - đi bưu điện...”

“Người làm vườn đang tưới nước... Đi bưu điện à? Tôi suýt tông vào một người đang đi xe đạp - cô gái ngốc nghếch ấy lảo đảo và la lớn gọi bạn. Tôi e là chỉ có chừng đó thôi”.

Poirot quay sang Thora Grey. “Còn cô Grey thì sao?”

Thora Grey trả lời bằng một giọng rõ ràng và chắc chắn:

“Vào buổi sáng tôi xử lý thư từ với ngài Carmichael rồi tôi làm việc với bác quản gia. Tôi nhớ là tôi viết thư và khâu vá vào buổi chiều. Khó nhớ quá ông ạ. Hôm đó chỉ là một ngày bình thường. Tôi đi ngủ sớm”.

Tôi ngạc nhiên là Poirrot không hỏi gì thêm.

“Cô Barnard, cô kể lại chuyện lần cuối cô gặp em gái nhé”.

“Lần đó cách ngày em gái tôi mất chừng hai tuần. Tôi về nhà vào dịp thứ bảy và chủ nhật. Trời hôm ấy đẹp lắm. Chúng tôi đi tới hồ bơi ở Hastings”.

“Hai cô chủ yếu nói chuyện gì?”

“Tôi cho em một vài lời khuyên thôi”, Megan đáp.

“Còn gì nữa không? Cô ấy nói về việc gì?”

Cô gái nhăn trán cố nhớ lại.

“Em than phiền bị cháy túi vì vừa mua mũ và váy ao mùa hè. Và kể một chút về Don... Em cũng có kể là em ghét Milly Higley - cô gái bán ở quán trà - và chúng tôi cười nhạo Merrion chủ tiệm trà... Tôi không nhớ gì khác nữa...”

“Cô ấy không nhắc tới người đàn ông nào - thứ lỗi cho tôi nhé anh Fraser - mà cô ta sẽ gặp sao?”

“Em chẳng nói với tôi đâu”. Megan đáp cộc lốc.

Poirot quay sang chàng trai tóc đỏ có khuôn mặt vuông vức, ông nói: “Anh Fraser này, tôi muốn anh cố gắng nhớ lại. Anh nói là anh đã đến quán trà vào buổi chiều định mệnh đó. Ý định ban đầu của anh là dpi cho đến khi Betty Barnard đi ra. Trong khi đợi ở đó anh có nhớ là thấy người nào mà anh để ý không?”

“Có rất nhiều người qua lại ở phía trước. Tôi không nhớ ai trong số đó cả”.

“Xin lỗi, nhưng anh hãy cố nhớ thêm chút nữa đi. Dù tâm trí có bận rộn suy nghĩ đến mấy thì mắt anh vẫn để ý được những thứ xung quanh một cách máy móc, không nhanh nhạy nhưng rất chính xác...”

Chàng trai kiên trì lặp lại:

“Tôi không nhớ ai cả”.

Poirot thở dài và quay sang Mary Drower. “Bác đoán cháu hay nhận thư của dì cháu đúng không?”

“Ồ, vâng, thưa bác”.

“Lần cuối cùng là lúc nào thế?”

Mary suy nghĩ một chút.

“Hai ngày trưóc khi vụ giết người xảy ra, thưa bác”.

“Thư viết gì vậy?”

“Dì kể lão chồng già cứ lởn vởn ở đó và dì phải đuổi hắn đi như đuổi tà - xin lỗi vì cháu dùng từ hơi thô lỗ; dì nói dì mong cháu đến chơi vào ngày thứ tư - đó là ngày cháu được nghỉ làm bác ạ; dì nói dì và cháu sẽ đi xem phim cùng nhau vì sắp đến sinh nhật của cháu, thưa bác”.

Dường như ý nghĩ về chuyến đi chơi đó khiến Mary rưng rưng muốn khóc. Cô gái cố nuốt nước mắt rồi xin lỗi vì phút yếu lòng.

“Cháu xin lỗi bác. Cháu không muốn tỏ ra yếu đuối thế đâu. Khóc cũng chẳng có ích gì. Chỉ là cái ý nghĩ cháu và dì được vui chơi cùng nhau khiến cháu bỗng nhiên thấy nhói đau ạ”.

“Tôi hiểu cảm giác của cô”, Franklin Clarke lên tiếng. “Những điều tưởng như nhỏ nhặt lại khiến ta xúc động, đặc biệt những thứ như một cuộc đi chơi hay quà cáp hay cái gì đó vui vẻ và tự nhiên. Tôi nhớ có lần thấy một người phụ nữ bị xe tông. Cô ấy vừa mua đôi giày mới. Tôi thấy cô ta nằm đó và chiếc hộp bị rách toạc khiến đôi giày cao gót nhỏ trông kỳ cục lòi ra ngoài. Cảnh đó khiến tôi sợ hãi - đôi giày trông thảm hại quá”.

Megan bỗng dưng hào hứng nói:

“Đúng thế - quá đúng luôn. Điều đó cũng xảy ra với chúng tôi khi Betty...chết. Mẹ tôi mua cho em một vài đôi tất làm quà và mua vào đúng ngày vụ giết người xảy ra. Tội nghiệp mẹ tôi, bà đau đớn tột cùng. Tôi thấy mẹ tôi ôm mấy đôi tất đó và khóc. Mẹ cứ lặp đi lặp lại: ‘Mẹ mua chúng cho Betty... mẹ mua chúng cho Betty... thế mà con bé không bao giờ được thấy’.”

Giọng của cô gái run run. Cô rướn người về phía trước vào nhìn thẳng vào Franklin Clarke. Bỗng dưng giữa họ trào lên một sự đồng cảm - tình anh chị em bị chia cắt.

Donald Fraser bứt rứt cựa mình, anh nói: “Tôi biết, tôi biết lắm chứ. Nhớ lại những thứ đó thật là đau khổ”.

Thora Grey đổi chủ đề.

“Chúng ta không lập kế hoạch tương lai sao?” cô hỏi.

“Có chứ”. Franklin Clarke lấy lại vẻ bình thường. “Tôi nghĩ khi thời cơ đến - ý tôi là khi bức thư thứ tư đến - chúng ta phải hợp sức lại. Còn giờ thì có lẽ chúng ta mỗi người phải tự mình tìm kiếm câu trả lời thôi. Tôi không biết liệu thám tử Poirot có điều gì có thể hỗ trợ điều tra không?”

“Tôi có một số gợi ý này”, Poirot đáp.

“Tốt quá. Tôi sẽ viết lại”. Anh lấy ra một quyển vở. “Ông nói tiếp đi ông Poirot. A-?”

“Tôi cho rằng có thể cô phục vụ Milly Higley biết điều gì đó có ích”.

“A - Milly Higley”, Franklin Clarke viết xuống.

“Tôi đề nghị hai phương pháp tiếp cận. Cô Barnard sẽ thử phương pháp công kích”.

Megan nói cộc lốc: “Ý ông là việc đó hợp với tính cách của tôi chứ gì?”

“Gây gỗ với cô gái đó - bảo là cô biết cô ta chưa bao giờ thích em gái cô - và em gái cô kể cho cô biết mọi chuyện về cô ấy. Nếu tôi không nhầm thì việc đó sẽ dẫn tới một vụ tố cáo lẫn nhau. Cô ta sẽ nói cho cô biết cô ta thật sự nghĩ gì về em gái cô! Lúc đó ta có thể lượm lặt được một số thông tin hữu ích”.

“Còn phương pháp thứ hai?”

“Tôi đề nghị anh Fraser nên giả vờ thích cô gái đó nhé”.

“Có cần phải thế không?”

“Không, không cần thiết lắm. Chỉ là một cách để khai thác thông tin thôi”.

“Tôi thử được không?” Franklin hỏi. “Tôi... ờ... có kha khá kinh nghiệm, ông Poirot à. Để xem tôi có thể làm gì được với cô gái đó không”.

“Anh có khối việc phải lo mà”, Thora Grey nói khá gay gắt.

Mặt Franklin hơi xụ xuống.

“Ừ, đúng thế”. Anh ta đáp.

“Tout de même, [2] tôi nghĩ hiện tại dưới đó không có nhiều việc đâu”, Poirot nói. “Cô Grey đây thích hợp hơn...”

Thora Grey ngắt lời ông.

“Nhưng ông thấy đấy ông Poirot, tôi đã rời Devon để được yên thân rồi”.

“Hả? Tôi chưa hiểu ý cô”.

“Cô Grey có ý tốt muốn ở lại để giúp tôi lo liệu mọi việc”, Franklin nói. “Nhưng rõ ràng cô ấy thích làm việc ở Luân Đôn hơn”.

Poirot đưa cái nhìn sắc lẹm từ người này sang người kia rồi ông hỏi: “Phu nhân Clarke bệnh tình sao rồi?”

Tôi mải mê ngắm đôi má trắng ngần của Thora Grey nên suýt bỏ lỡ câu trả lời của Clarke.

“Không được tốt lắm. Ông Poirot này, ông có thể sắp xếp thời gian để xuống Devon thăm chị ấy được không? Trước khi tôi đến đây chị ấy có ý muốn gặp ông. Đương nhiên, thỉnh thoảng chị ấy không thể gặp ai cả mấy ngày, nhưng nếu ông muốn thử thì tôi sẽ lo chi phí đi lại cho ông”.

“Được chứ, anh Clarke. Ngày kia có được không?”

“Được chứ ạ. Tôi sẽ báo y tá biết để cô ấy lo liệu chuyện thuốc than liên quan cho chị ấy”.

“Còn cháu, cháu gái này”, Poirot quay sang Mary và nói, “bác nghĩ có lẽ cháu sẽ làm tốt phần việc ở Andover. Cháu thử hỏi mấy đứa nhỏ ở đó xem”.

“Mấy đứa con nít sao ạ?”

“Ừ. Con nít thường không dễ dàng nói chuyện với người ngoài. Nhưng những người ở con phố nhà dì cháu thì biết cháu rồi. Có nhiều con nít chơi ở khu vực đó. Biết đâu chúng có thấy ai vào ra cửa hàng của dì cháu”.

“Thế cố Grey và tôi thì sao?” Clarke hỏi. “Ý tôi là nếu tôi không đi Bexhill”.

“Ông Poirot à”, Thora Grey nói, “dấu bưu điện trên bức thư thứ ba là ở đâu ạ?”

“Ở Putney, thưa cô”.

Cô nói vẻ nghĩ ngợi: “SW15, Putney có phải không ạ?”

“Ngạc nhiên là báo chí in đúng đấy”.

“Điều đó chứng tỏ A B C là người Luân Đôn”.

“Có vẻ thế”.

“Ai đó phải nhử hắn ta”, Clarke nói. “Ông Poirot này, hay tôi đăng quảng cáo với dòng thông báo sau: A B C. Tin khẩn, H.P gần tìm ra ông rồi. Một trăm bảng để đổi lấy sự im lặng của tôi. X.Y.Z. Không có gì lộ liễu hơn thế nhưng đó cũng là một ý kiến mà. Nó có thể gây sự chú ý của hắn”.

“Ừ, cũng là một cách”.

“Vậy có thể xui hắn để ý đến tôi”.

Thora nói gay gắt: “Tôi nghĩ việc đó rất nguy hiểm và ngu ngốc”.

“Ông Poirot nghĩ sao ạ?”

“Thử thì cũng chẳng có hại gì. Tôi nghĩ A B C xảo quyệt lắm, hắn chả dại mà trả lời đâu”. Poirot hơi mỉm cười. “Anh Clarke ạ, tôi thấy - tôi không có ý làm anh phật lòng - nhưng anh vẫn còn non nớt lắm”.

Franklin Clarke có vẻ bối rối.

Anh ta nhìn quyển sổ ghi chép rồi nói: “Ờ, chúng ta bắt đầu đi.

A - Cô Barnard và Milly Higley.

B - Anh Fraser và cô Higley.

C - Con nít ở Andover.

D - Quảng cáo”.

“Tôi không thấy ý nào hay cả nhưng dù sao chúng ta cũng có cái gì đó để làm trong khi chờ đợi”.

Anh ta đứng dậy và vài phút sau cuộc họp giải tán.

Chú thích:

[1] Ý kiến hay.

[2] Cũng giống nhau thôi.
 
Chương 19: Từ thụy điển


Poirot quay lại chỗ ngồi và ngâm nga giai điệu gì đấy một mình.

“Đáng tiếc là cô ta thông minh quá”, ông lẩm bẩm.

“Ai cơ?”

“Megan Barnard. Cô Megan. Cô ta nói ngay: ‘Những lời sáo rỗng’. Cô ta nhận ra ngay tức khắc những lời tôi nói chẳng có ý nghĩa gì cả. Còn những người khác thì tin sái cổ”.

“Tôi thấy nó hợp lý đấy chứ”.

“Ừ, thì hợp lý thật. Chỉ là cô ta nhận ra được”.

“Thế thì ông đã nghĩ một đàng rồi nói một nẻo à?”

“Những gì tôi nói thật ra chỉ tóm lại bằng một câu ngắn gọn thôi. Thay vào đó tôi cứ lặp đi lặp lại tùy hứng mà không ai để ý ngoại trừ cô Megan”.

“Nhưng tại sao?”

“Eh bien - để có cái gì đó mà nói chứ! Để làm cho mọi người có cảm tưởng là có việc phải làm! Ý tôi là để bắt đầu những cuộc đối thoại!”

“Thế ông không nghĩ những cuộc đối thoại này sẽ đưa tới ích lợi gì sao?”

“Ồ, có thể có chứ”.

Ông lặng lẽ cười.

“Trong cái mớ thương đau đó chúng ta lại diễn hài kịch. Chẳng phải thế sao?”

“Ý ông là sao?”

“Vở kịch nhân sinh đó, Hastings à! Nghĩ một chút nhé. Có ba cặp con người ngồi lại với nhau vì chịu chung một bi kịch. Ngay tức khắc, vở kịch thứ hai xảy ra - tout à fait à part [1]. Ông có nhớ vụ án đầu tiên của tôi ở Anh không? Ôi, lâu lắm rồi ấy. Tôi đưa hai người yêu nhau lại với nhau - chỉ bằng cách đơn giản là bắt một trong hai người vì tội giết người! Không cần làm gì hơn! Giữa hoang tàn chết chóc chúng ta mới thật sự sống, Hastings à... Tôi hay để ý thấy, án mạng là một bà mối cực giỏi”.

Tôi nghe chướng tai nên la lên: “Cái ông Poirot này, tôi dám chắc không ai trong số họ nghĩ đến chuyện đó nhưng...”

“Ôi, ông bạn yêu quý của tôi. Thế còn ông thì sao?”

“Tôi ư?”

“Mais oui, chẳng phải khi họ đi rồi ông vừa quay vào vừa ngâm nga đó sao?”

“Người ta vẫn làm thế nhưng không phải họ là người tàn nhẫn”.

“Đương nhiên rồi, nhưng giai điệu đó cho tôi biết ông đang nghĩ gì”.

“Thật à?”

“Ừ. Ngâm nga một giai điệu nào đó là cực kỳ nguy hiểm. Nó để lộ tiềm thức của ông. Giai điệu mà ông ngâm nga đó có từ thời chiến tranh. Comme ça [2]”, Poirot hát bằng cái giọng nam cao dở ẹc:

Lúc thì anh yêu cô có nước da ngăm,

Khi thì anh yêu cô có mái tóc vàng

(Cô đến từ vườn địa đàng Thụy Điển).

“Còn gì rõ ràng hơn thế? Mais je crois que la blonde l’emporte sur la brunette! [3]”

Tôi đỏ mặt la: “Cái ông Poirot này”.

“C’est tout naturel. [4] Ông có để ý Franklin đột nhiên đồng tình và đồng cảm với cô Megan không? Cái cách anh ta rướn người về phía trước và nhìn thẳng vào cô ấy? Và anh có để ý cô Thora Grey tỏ ra rất bực mình trước chuyện đó? Và anh chàng Donald Fraser, anh ta...”

“Poirot ơi”, tôi nói. “Trí óc ông lúc nào cũng đa cảm”.

“Không hề nhé. Ông mới chính là người đa cảm đó, Hastings à”.

Tôi định gân cổ lên cãi nhưng lúc đó bỗng dưng cửa mở.

Tôi ngạc nhiên thấy Thora Grey bước vào.

Cô ta điềm tĩnh nói: “Thứ lỗi cho tôi, tôi phải quay lại vì có chuyện cần nói với ông, ông Poirot”.

“Không sao đâu, thưa cô. Mời cô ngồi”.

Cô ta ngồi xuống, do dự một hồi như thể đang đắn đo từng lời.

“Chuyện là thế này, ông Poirot ạ. Ông Clark rất hào hiệp khi lúc nãy kể với ông là tôi tự quyết định rời Combeside. Ông ấy là người rất tử tế và trung thành. Nhưng sự thật không phải như thế. Tôi cũng có ý định ở lại đó vì có nhiều việc liên quan tới mấy bộ sưu tập mà tôi cần giải quyết. Chính phu nhân Clarke là người muốn tôi đi! Tôi biết có vài lý do. Bà ấy ốm rất nặng và đầu óc bà ấy hơi không được minh mẫn vì người ta kê cho bà nhiều thứ thuốc quá. Thuốc khiến bà trở nên đa nghi và mộng mị. Bà ghét tôi vô cớ và khăng khăng đuổi tôi ra khỏi nhà”.

Tôi ngưỡng mộ lòng can đảm của cô gái vô cùng. Không như người khác, cô ta không hề cố che đậy sự thật mà thẳng thắn đối mặt với nó. Tôi thật sự rất ngưỡng mộ và thông cảm với cô.

Tôi nói: “Tốt quá, cô dám đến kể cho chúng tôi chuyện này”.

“Tốt hơn hết là nói sự thật”, cô gái mỉm cười đáp. “Tôi không muốn núp sau cái bóng hào hiệp của ông Clarke. Ông ấy là người rất hào hiệp”.

Lời nói của cô thật nồng hậu. Hẳn cô vô cùng ngưỡng mộ Franklin Clarke.

“Cô quả là thành thật, cô gái à”, Poirot nói.

“Đối với tôi, đó thật sự là một đòn mạnh”. Thora rầu rĩ kể. “Tôi không biết phu nhân Clarke ghét tôi đến thế. Vậy mà lâu nay tôi cứ nghĩ bà ấy yêu quý tôi”. Cô gái nhăn mặt. “Thức khuya mới biết đêm dài”.

Cô ta đứng dậy.

“Đó là tất cả những gì tôi quay lại để nói. Tạm biệt hai ông”.

Tôi tiễn cô xuống tận cầu thang.

Khi quay lại phòng tôi nói: “Cô ấy rất thẳng thắn. Quả là một cô gái can đảm”.

“Và tính toán”.

“Tính toán ư? Ý ông là sao?”

“Ý tôi là cô ấy có khả năng nhìn xa trông rộng”.

Tôi nhìn ông ngờ vực.

“Cô ấy dễ thương đấy chứ”, tôi nói.

“Và ăn mặc cũng rất đẹp. Cái áo lụa Marốc có cổ lông chồn đó - demier cri [5]”.

“Ông nói như là chuyên gia thời trang phụ nữ ấy, Poirot à. Tôi không bao giờ để ý người ta mặc cái gì”.

“Ông nên tham gia vào nhóm khỏa thân đi là vừa”.

Tôi chưa kịp trả đũa thì Poirot đổi chủ đề ngay, ông nói:

“Ông biết không Hastings, tôi không thể xóa được cảm tưởng rằng trong những câu chuyện chúng ta nói chiều nay có cái gì đó quan trọng. Kỳ lạ là tôi chưa xác định được đó là điều gì.. Chỉ là một cảm giác thoáng qua trong đầu... Nó nhắc tôi nhớ đến cái gì đó tôi đã nghe hoặc thấy hoặc đã để ý...”

“Điều gì đó ở Churston à?”

“Không, không phải ở Churston... Trước đó nữa... Không sao, chẳng mấy chốc tôi sẽ nhớ ra thôi...”

Ông nhìn tôi (có lẽ lúc ấy tôi không chú tâm lắm), cười rồi lại bắt đầu ngâm nga.

“Cô ấy đúng là thiên thần phải không nào? Bước ra từ vườn địa đàng Thụy Điển...”

Tôi nạt: “Quỷ tha ma bắt ông đi, Poirot!”

Chú thích:

[1] Hoàn toàn tách biệt.

[2] Như thế này này.

[3] Nhưng tôi yêu cô tóc vàng hơn cô có nước da ngăm!

[4] Chuyện tự nhiên thôi mà.

[5] Thật là thời thượng.

Chuỗi án mạng A.B.C

Agatha Christie

Dịch giả:Võ thị Hương Lan
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top