Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện!

Diễn Đàn Truyện là diễn đàn chuyên về truyện, văn, thơ và giải trí. Để có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn vui lòng bạn đăng ký thành viên, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và dễ dàng!

Đăng ký!
Chương 40


Pella, cuối năm 66

- Cha ạ, con đã nghĩ sẽ không bao giờ có thể đến được đây!

Hai người đàn ông ôm hôn nhau tràn đầy âu yếm. Những nét mệt mỏi của Iokhanân cho thấy anh đã kiệt sức.

- Quân đoàn số XII của La Mã đã dìm vùng bờ biển trong lửa và máu. Chúng vừa rút lui trước Jerusalem, với những thiệt hại đáng kể. Người ta nói rằng hoàng đế Néron sẽ đưa tướng Vespasien từ Syria về để củng cố lực lượng cùng với quân đoàn V và X – quân đoàn Fretensis đáng gờm. Hàng nghìn binh lính tinh nhuệ đang đổ về phía Palestine: đó là màn bắt đầu của hồi kết!

- Thế còn Jerusalem?

- Tạm thời được cứu thoát. Ở đó, Jacques đã chiến đấu hết sức mình chống lại việc thần thánh hóa anh trai mình, nhưng rồi cuối cùng đã công khai thừa nhận chuyện đó. Đối với chính quyền Do Thái, đó là một sự báng bổ. Shanhédrin [[25]] đã xử ông ấy bị ném đá đến chết. Những người Cơ Đốc đang lo lắng.

“Jacques! Cùng với ông ta, phanh hãm cuối cùng đối với tham vọng của các Giáo hội cũng đã mất.”

- Có tin tức về Peter không?

- Ông ta vẫn ở Roma, từ đó lan ra tin đồn về những vụ thanh trừng. Néron căm thù cả người Do Thái lẫn người Cơ Đốc. Cả Giáo hội của Peter cũng bị đe dọa. Có thể ở đó mọi chuyện cũng đang đi đến hồi kết.

Anh chỉ vào chiếc túi đeo có đựng vài mảnh giấy da

- Jacques, Peter … Họ thuộc về quá khứ rồi, abbou. Từ nay trở đi sẽ có nhiều kinh Phúc âm được truyền bá, cùng với những bức thư khác của Paul…

- Cha đã nhận được tất cả những thứ đó, nhờ những người lánh nạn – ông đưa tay chỉ về phía chiếc bàn trong hàng cột, nơi ngổn ngang tài liệu. Matthieu đã viết lại văn bản của ông ta. Cha thấy ông ta phỏng theo Marc, người đầu tiên sáng tác theo một kiểu chuyện kể về Jesus, từ khi gặp Người ở bờ sông Jordan cho đến nấm mộ rỗng. Thật ra, không phải Matthieu viết ra, bởi vì – con thấy đấy – đây là tiếng Hy Lạp. Hẳn là ông ta đã soạn thảo bằng tiếng Aramaic [[26]] rồi cho dịch lại.

- Chính xác. Một bản kinh Phúc âm thứ ba đang được lưu hành, cũng bằng tiếng Hy Lạp. Các bản sao đến từ Antioche, nơi con đã gặp tác giả của nó. Đó là Luc, một người họ hàng của Paul.

- Cha đã đọc ba bản kinh Phúc âm này. Càng ngày họ càng cho Jesus nói những điều Người chưa bao giờ nói: rằng Người tự coi mình là Đấng Cứu thế, thậm chí là Chúa trời. Đó là điều không thể tránh khỏi, Iokhanân ạ. Thế… thế còn câu chuyện của cha?

Cuối cùng ông đã đồng ý viết ra không phải bản kinh Phúc âm vẽ ra như Marc và những người khác, mà là một câu chuyện kể - Iokhanân đã cho chép lại rồi truyền bá. Trong câu chuyện trước tiên ông kể lại những kỷ niệm của chính mình: lần gặp gỡ bên bờ sông Jodan, lòng thán phục của ông trong những ngày đầu. Nhưng ông đã không rời khỏi vùng Judee, trong khi đó Jesus trở về sống và giảng đạo ở phía Bắc, vùng Galilee. Những chuyện xảy ra ở đó, ông hầu như không nói gì đến. Câu chuyện của ông tiếp tục từ khi Mười hai tông đồ và Thầy của họ quay trở lại Jerusalem, vài tuần trước khi Jesus bị đóng đinh câu rút. Cho đến tận nấm mồ rỗng.

Đương nhiên, không có chi tiết nào về chuyện xảy ra sau đó, tức là chuyện thi thể Người được Adôn và Osias, hai con trai của Elíezer Ben-Akkai mang đi. Vai trò của những người Esseni trong việc thi thể của người bị hành hình biến mất phải là một bí mật tuyệt đối.

Cũng như vị trí ngôi mộ của Jesus.

Giữa hai giai đoạn đầu và cuối, ông đã thêm vào những kỷ niệm của bạn bè mình ở Jerusalem: Nicodème, Lazare, Simon người bị hủi. Một câu chuyện được viết trực tiếp bằng tiếng Hy Lạp, mô tả Jesus mà ông đã biết: trước tiên là một người Do Thái, nhưng sáng lòa khi được là hóa thân của Cha Người, vị Chúa mà Người gọi là abba. Chưa bao giờ có một người Do Thái dám dùng ngôn từ thân mật này để chỉ Thần Moise. Ông nhắc lại:

- Thế còn câu chuyện của cha, Iokhanân?

Gương mặt người đàn ông trẻ tuổi tối sầm lại.

- Nó đươc lưu truyền. Giữa các môn đồ của cha, họ thuộc lòng câu chuyện này, nhưng cả trong các Giáo hội của Paul nữa, hình như đến tận Bithynie [[27]].

- Và ở đó, nó không được tiếp nhận theo cùng một cách đúng không?

- Vâng, ở Judee, người Do Thái chỉ trích cha mô tả Jesus như một nhà tiên tri cao hơn cả Moise. Còn người Hy Lạp thì thấy Jesus của cha quá con người. Không ai dám hủy bỏ lời chứng của môn đồ cưng, nhưng trước khi đọc nó cho công chúng, họ sửa lại câu chuyện, họ “bổ sung”, theo như cách nói của họ, và ngày càng nhiều.

- Họ không thể mổ bụng ta như mổ bụng Judas, thế nên họ loại bỏ ta bằng ngòi bút. Câu chuyện của ta sẽ trở thành một bản kinh Phúc âm thứ tư, theo đúng tham vọng của họ.

Giống như trước đây, Iokhanân quỳ xuống trước mặt abbou của mình, và nắm lấy tay ông.

- Vậy thì, thưa cha, cha hãy viết một bức thư cho chúng con, các môn đồ của cha. Con sẽ mang nó để ở một nơi an toàn, chừng nào việc đó còn có thể: những người Do Thái cuồng tín ở Jerusalem sẽ không chống cự được lâu nữa. Cha hãy viết sự thật về Jesus, và để không ai có thể xuyên tạc được, cha hãy nói điều cha biết về nấm mộ của Người. Không phải nấm mộ ở Jerusalem, nó trống không; nấm mộ thật sự, nấm mộ trong sa mạc, nơi di hài của Người đang yên nghỉ.

Giờ đây, những người lánh nạn từ khắp nơi đổ về Pella. Ngồi trên mép bờ tường thành, ông già lặng ngắm thung lũng. Từ bờ bên kia sông Jordan, đã thấy mọc lên những cuộn khói bốc ra từ những trang trại bị cháy.

Bọn kẻ cướp, những kẻ luôn đồng hành với tất cả các đội quân xâm lược. Đã đến hồi kết rồi. Ông cần phải truyền lại cho các thế hệ tương lai.

Ông cả quyết ngồi vào bàn, lấy một mảnh giấy da và bắt đầu viết: “Ta, môn đồ cưng của Jesus, tông đồ thứ mười ba, gửi đến tất cả các Giáo hội…”

Ngày hôm sau, ông đến bên Iokhanân lúc đó đang thắng yên cho con la:

- Nếu con qua được, hãy cố gắng trao bức thư này cho những người Nazareth ở Jerusalem và Syria.

- Thế còn cha?

- Cha sẽ ở lại Pella cho đến giờ phút cuối cùng. Khi nào quân La Mã đến gần, cha sẽ dẫn những người Nazareth của chúng ta đi về phía Nam. Ngay khi trở về, con hãy đi thẳng đến Qumran, họ sẽ nói cho con biết phải tìm cha ở đâu. Con trai, con hãy cẩn thận nhé.

Cổ họng nghẹn lại, ông lặng lẽ đưa cho Iokhanân một ống sậy rỗng, chàng trai nhét nó vào thắt lưng. Bên trong là một mảnh giấy da đơn giản, cuộn tròn, được buộc lại bằng một sợi dây lanh.

Bức thư của tông đồ thứ mười ba gửi cho hậu thế.
 
Chương 41


Men theo trang viên Doria Pamphili, cha Nil đi dọc theo đường Salaria Antica nằm lọt giữa những bức tường. Ông thích dẫm chân lên bề mặt gồ ghề của những con đường cũ kỹ trong hòang cung, nơi cách lát đá của đế chế La Mã vẫn còn hiện hữu. Trong những năm là sinh viên, ông đã say mê thám hiểm thành phố này, Mater Praecipuce – mẹ của tất cả các dân tộc. Ông quay lại con đường Aurelia, con đường dẫn ra phía sau Thành Vatican, và không ngần ngại tiến về phía tòa nhà của Cơ quan truyền bá đức tin.

Văn phòng Quan hệ với người Do Thái nằm trong khu phụ của tòa nhà, về phía nhà thờ Thánh Peter. Ông phải trèo lên tầng ba, để đến được một hành lang có những căn phòng như những cái hốc nằm ngay dưới mái nhà: văn phòng của các thư lại.

Đ.ông Rembert Leeland, O.S.B. Ông khẽ gõ cửa.

- Nil! God bless, so good to see you! [[28]]

Văn phòng của bạn ông nhỏ xíu, ngăn cách với các phòng khác bằng một vách ngăn đơn giản. Ông chỉ có đủ một chỗ để lách vào ngồi trên chiếc ghế tựa duy nhất đặt trước một chiếc bàn trống trơn đến lạ lùng. Thấy vẻ ngạc nhiên của ông, Leeland ngượng nghịu mỉm cười.

- Tớ chỉ là một thư lại nhỏ bé trong một văn phòng không có gì là quan trọng… Thật ra, tớ chủ yếu làm việc ở nhà, ở đây tớ không có đủ không khí để thở.

- Điều này hẳn khiến cậu phải đánh đổi những bình nguyên ở Kentucky!

Mặt người đàn ông Mỹ sa sầm.

- Tớ bị đày đi, Nil ạ, vì đã nói to lên điều mà nhiều người nghĩ…

Cha Nil nhìn ông trìu mến.

- Cậu chẳng thay đổi gì, Remby ạ.

Là sinh viên ở Roma trong những năm ngay sau hội nghị Giám mục, họ đã chia sẻ với nhau những hy vọng của cả một thời tuổi trẻ tin tưởng vào sự đổi mới của Giáo hội và xã hội: những ảo tưởng đã bị gió cuốn đi, nhưng vẫn để lại dấu ấn trong họ.

- Tỉnh ngộ đi, Nil, tớ đã thay đổi nhiều, nhiều hơn tớ có thể nói: tớ không còn như trước nữa. Nhưng còn cậu? Tháng trước, chúng tớ được biết về cái chết đột ngột của một trong các tu sĩ ở tu viện của cậu, trên chuyến tàu Roma Express. Tớ nghe nói đó là một vụ tự sát, thế rồi tớ lại thấy cậu đến đây mặc dù tớ không hề yêu cầu. Có chuyện gì xảy ra thế, friend [[29]]?

- Tớ biết rõ cha Andrei. Ông ấy không phải típ người có thể tự sát, ngược lại ông ấy đang say sưa với việc nghiên cứu chúng tớ tiến hành từ nhiều năm nay, không phải cùng nhau mà là song song. Ông ấy đã phát hiện ra những điều mà ông ấy không muốn- hoặc không thể- nói rõ ràng với tớ, nhưng tớ có cảm giác ông ấy thúc đẩy để tớ tự mình tìm ra. Tớ là người chính thức nhận diện xác chết, tớ đã phát hiện trong bàn tay ông ấy một mảnh giấy nhỏ ông ấy viết ngay trước khi chết. Cha Andrei đã ghi lại bốn điều ông ấy muốn nói với tớ ngay khi về đến tu viện. Đó không phải là bức thư của một người sẽ tự sát, mà là bằng chứng cho thấy ông ấy có những dự định cho tương lại, và muốn tớ tham gia. Mảnh giấy ấy tớ không hề cho ai biết, nhưng nó đã bị lấy cắp trong phòng riêng của tớ, và tớ cũng không biết ai lấy.

- Lấy cắp?

- Đúng, mà còn chưa hết đâu, họ còn lấy cắp một số tờ ghi chép của tớ.

- Thế còn vụ điều tra về cái chết của cha Andrei?

- Trên báo địa phương, có một mục nhỏ đăng tin về cái chết đột ngột của ông ấy, còn trên báo La Croix chỉ có một mẩu tin báo tử đơn giản. Chúng tớ không nhận được bất kỳ một loại báo nào khác, không nghe đài mà cũng không xem ti vi; các tu sĩ chỉ biết điều mà Cha tu viện trưởng muốn nói với họ trong cuộc họp. Viên cảnh sát phát hiện thi thể của ông ấy nói rằng đó là một vụ giết người, nhưng anh ta đã bị loại khỏi vụ điều tra.

- Một vụ giết người!

- Đúng, Remby ạ. Cả tớ cũng không thể nào tin nổi. Tớ muốn biết chuyện gì đã xảy ra, tại sao ông bạn của tớ lại chết. Ý nghĩ cuối cùng của ông ấy là dành cho tớ, tớ có cảm giác ông ấy gửi gắm lại cho tớ. Những ước nguyện cuối cùng của một người đã chết là thiêng liêng, nhất là khi đó lại là một người ở tầm như cha Andrei.

Với một chút ngập ngừng ban đầu, cha Nil kể cho bạn mình nghe những nghiên cứu của ông về kinh Phúc âm theo Thánh Jean, việc ông phát hiện ra môn đồ cưng. Rồi ông kể về những cuộc trò chuyện thường xuyên giữa ông và cha Andrei, nỗi lo lắng của ông ấy ở Germigny, mảnh bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ giấy trong bìa tác phẩm cuối cùng của ông ấy.

Leeland nghe ông nói, không hề cắt ngang.

- Nil, tớ lúc nào cũng chỉ biết đến có một thứ, đó là âm nhạc. Và tin học, để xử lý những bản thảo mà tớ nghiên cứu. Nhưng tớ không hiểu tại sao một nghiên cứu mang tính học thuật lại có thể gây ra những sự kiện bi thảm đến thế, và còn khiến cậu lo sợ như vậy.

Vì cẩn trọng, ông không nói gì với bạn mình về yêu cầu cảu Hồng y đứng đầu Cơ quan truyền bá đức tin.

- Cha Andrei đã không ngừng nói với tớ bằng những câu đầy ẩn ý rằng những nghiên cứu của chúng tớ đụng chạm đến điều gì đó quan trọng hơn nhiều, tớ không hiểu được điều đó. Cứ như là tớ đang phải đối mặt với một bó sợ của một tấm thảm, mà không biết mẫu phác thảo ban đầu. Nhưng bây giờ, Rembert ạ, tớ đã quyết định đi đến cùng; tớ muốn biết tại sao cha Andrei lại chết, tớ muốn biết điều gì ẩn sau bí mật mà tớ tìm kiếm từ bao năm nay.

Leeland nhìn ông, ngạc nhiên trước quyết tâm hoang dại ông đọc được trên một khuôn mặt mà ông vốn thấy điềm tĩnh và bình thản. Ông thức dậy, đi vòng qua chiếc ghế tựa và mở cửa.

- Tớ sẽ dành cho cậu toàn bộ thời gian ở đây để tiếp tục việc nghiên cứu. Nhưng trước mắt, chúng ta phải đến kho sách của Vatican đã. Tớ phải cho cậu thấy công trường nơi tớ đang làm việc, cũng là để mọi người nhìn thấy cậu ở đó; đừng quên lý do cậu có mặt ở Roma là những bản thảo Thánh ca Grégoire của tớ.

Leeland nhớ đến việc ông bị gọi đến văn phòng của Catzinger. Phải chăng cũng còn có một lý do khác nữa? Hai người im lặng đi trên những hành lang và cầu thang quanh co dẫn đến lối ra quảng trường Saint Peter.

Trong văn phòng bên cạnh văn phòng của Leeland, một người đàn ông nhấc ra khỏi đầu đôi tai nghe nối với một chiếc hộp gắn trên vách phòng bằng một giác mút. Anh ta có dáng dấp thanh lịch trong chiếc áo tu sĩ hoàn hảo, và vẫn để tai nghe treo quanh cổ trong khi nhanh nhẹn sắp xếp những tờ giấy ghi đầy những chữ tốc ký nhỏ. Đôi mắt đen đến lạ lùng của anh ta ánh lên vì thỏa mãn. Chất lượng cuộc nghe vô cùng tốt vì vách ngăn không dày lắm. Không mất một từ nào trong cuộc đối thoại giữa Đức ông người Mỹ và vị tu sĩ người Pháp. Hẳn là chỉ cần để hai người với nhau, họ sẽ thao thao bất tuyệt.

Hội trưởng Hội Thánh Pie V hẳn sẽ hài lòng: nhiệm vụ đã bắt đầu một cách tốt đẹp.
 
Chương 42


- Kho sách nằm dưới tầng hầm của Vatican, tớ đã phải đề nghị cấp giấy phép cho cậu, vì việc tiếp cận phần này của tòa nhà được kiểm soát chặt chẽ- khi vào đến nơi cậu sẽ hiểu tại sao.

Họ đi dọc theo bức tường cao của Thành Vatican và vào bên trong qua cửa trên đường Porta Angelica nơi đặt trạm gác chính. Hai người Thụy Sĩ mặc đồng phục xanh để họ đi qua mà không ngăn lại, và họ bước qua một loạt sân trong, cho đến tận sân Belvedere. Được những bức tường thành bao bao quanh, sân này bao bọc Phòng trưng bày đá của các bảo tàng và Thư viện Vatican. Mặc dù mới sáng sớm nhưng đã thấp thoáng những bóng người di chuyển phía sau cửa kính.

Leeland ra hiệu cho cha Nil đi theo mình và tiến về góc đối diện. Dưới chân bức tường đồ sộ của Vatican, một cánh cửa nhỏ bằng kim loại có gắn một chiếc hộp. Tu sĩ người Mỹ bấm mật mã và chờ đợi.

- Một số người được chọn kỹ càng có giấy phép thường xuyên, giống như tớ. Nhưng cậu thì sẽ phải nói đúng mật khẩu để vào.

Một viên cảnh sát thuộc Tòa Thánh mặc thường phục mở cửa, và nhìn chằm chằm vào mặt hai vị khách với vẻ nghi ngờ. Khi nhận ra Leeland, anh ta nở nụ cười.

- Buongiorno, monsignore [[30]]. Tu sĩ này đi cùng ông à? Tôi có thể xem giấy tờ và giấy phép của ông ấy không?

Cha Nil đã mặc lại trang phục tu sĩ của mình; ở đây điều này sẽ làm cho mọi sự dễ dàng hơn, Leeland đã giải thích với ông như vậy. Họ bước vào một phòng kiểu như phòng thông áp, và cha Nil chìa ra một mảnh giấy cho người bảo vệ của Vatican. Viên cảnh sát cầm mảnh giấy, không nói một lời, rồi biến mất.

- Việc kiểm tra rất chặt chẽ, người bạn Mỹ của ông thì thầm. Thư viện Vatican mở cửa cho công chúng, nhưng kho sách ở tầng hầm lưu giữ những bản thảo cổ mà chỉ một vài nhà nghiên cứu hiếm hoi mới được quyền tiếp cận. Cậu sẽ gặp cha Breczinsky, người trông coi chỗ này. Do giá trị không thể ước lượng được của kho báu ở đây, Giáo hoàng đã chỉ định một người Ba Lan đảm nhận chức vụ này, một người nhút nhát và mờ nhạt, nhưng toàn tâm toàn ý tận tụy với Đức Thánh Cha.

Viên cảnh sát quay lại, trả giấy phép cho cha Nil kèm theo một cái gật đầu.

- Cần trình giấy này mỗi lần ông đến đây. Ông không được phép vào một mình, mà chỉ khi đi cùng Đức ông Leeland, người có giấy phép thường xuyên. Hãy theo tôi.

Một hành lang dài, dốc thoai thoải chạy xiên xuống phía dưới tòa nhà và dẫn đến một cánh cửa bọc sắt. Cha Nil có cảm giác bước vào một thành trì sẵn sàng cho một cuộc vây hãm. “Nơi này ẩn kín dưới trọng lượng hàng nghìn tấn của nhà thờ Saint Peter. Lăng mộ của Thánh tông đồ cách đây không xa.” Viên cảnh sát đưa vào một tấm thẻ từ và gõ mã số: cánh cửa mở ra với một tiếng rít.

- Đức ông, ông đã biết chỗ rồi. Cha Breczinsky đang đợi các ông.

Người đàn ông đứng sau cánh cửa bọc sắt thứ hai có gương mặt xanh xao, càng nhợt nhạt hơn bên trên chiếc áo dòng màu đen vừa khít. Một cặp kính tròn trên đôi mắt cận.

- Xin chào Đức ông, và đây là ông người Pháp mà tôi đã nhận được một giấy ủy nhiệm của Cơ quan truyền bá đức tin?

- Chính là ông ấy, cha thân mến. Ông ấy đến giúp tôi; cha Nil là tu sĩ ở tu viện Saint-Martin.

Breczinsky giật mình.

- Cha có tình cờ là đạo hữu của cha Andrei không ?

- Chúng tôi đã là đạo hữu trong vòng ba mươi năm.

Breczinsky mở miệng như để hỏi cha Nil một câu, nhưng lại thôi và giấu vẻ bối rối của mình bằng một cái gật đầu nhẹ. Ông quay sang Leeland.

- Đức ông, phòng làm việc đã sẵn sàng. Mời các ông theo tôi…

Họ im lặng đi theo ông qua một dãy những căn phòng có mái vòm, thông với nhau bằng một cửa vào rất rộng cũng hình vòm. Các bức tường phủ đầy những kệ sách có lắp kính, ánh sáng tỏa ra đều khắp, và âm thành vo vo báo hiệu sự có mặt của thiết bị đo độ ẩm là thứ cần thiết cho việc bảo quản những bản thảo cổ. Cha Nil lướt ánh mắt nhìn những giá sách mà họ đi qua: Cổ đại, Trung cổ, Phục hưng, Risorgimento… Những cái nhãn cho phép đoán ra đây là những bằng chứng quý giá nhất của Lịch sử phương Tây, mà ông có cảm giác vừa trải qua toàn bộ chỉ trong vài chục mét.

Vui thích trước vẻ ngạc nhiên của ông, Leeland thì thầm:

- Trong khu âm nhạc, nơi duy nhất tớ có quyền sử dụng, tớ sẽ chỉ cho cậu những bản thảo dàn bè tự viết của Vivaldi, những trang Messie của Haendel, và tám khuôn nhịp đầu tiên trong bản Lacrymosa của Mozart: những nốt nhạc cuối cùng do chính tay ông viết khi đang hấp hối. Chúng ở đây….

Khu âm nhạc nằm ở phòng cuối cùng. Ở giữa, dưới hệ thống chiếu sáng có thể điều chỉnh được, là một chiếc bàn trống trơn mặt kính, trên đó kiếm không ra một hạt bụi.

- Ông đã biết chỗ rồi, Đức ông. Tôi sẽ để các ông ở đây. Ờ…- dường như ông đang phải gắng sức – cha Nil, ông có thể qua văn phòng tôi không? Tôi phải tìm cho ômg một đôi găng đúng cỡ tay ông, ông cần đến nó để lật giở bản thảo.

Leeland có vẻ ngạc nhiên, nhưng vẫn để cha Nil đi theo viên thủ thư vào một văn phòng trông thẳng ra phòng họ. Breczinsky cẩn thận đóng cửa sau lưng họ, lấy một cái hộp trên giá rồi quay sang cha Nil, vẻ bối rối.

- Cha ạ… tôi có thể hỏi ông thực chất mối quan hệ giữa ông và cha Andrei là thế nào không?

- Chúng tôi rất thân thiết, nhưng tại sao ?

- Thì là tôi… tôi có trao đổi thư từ với ông ấy, thỉnh thoảng ông ấy hỏi ý kiến tôi về những bản khắc thời Trung cổ mà ông ấy đang nghiên cứu.

- Vậy là…Là ông à ?

Cha Nil nhớ lại: “Tôi đã gửi ảnh chụp phiến đá Germigny cho một người làm việc ở Vatican. Ông ấy trả lời là đã nhận được, không bình luận gì thêm.”

- Cha Andrei đã nói với tôi về người trao đổi thư từ với ông ấy ở Thư viện Vatican, tôi không biết đó là ông và không nghĩ là có dịp được gặp ông!

Breczinsky cúi đầu mân mê những chiếc găng tay đựng trong hộp theo phản xạ.

- Ông ấy thường nhờ tôi giải thích kỹ hơn về chuyên môn, giống như những nhà nghiên cứu khác, dù cách xa nhau nhưng chúng tôi đã thiết lập được một mối quan hệ tin cậy. Rồi một hôm, khi đang sắp xếp kho bản thảo tiếng Ai Cập cổ, tôi thấy một mảnh bản thảo rất nhỏ, nhìn như đến từ Nag Hamadi, chưa được dịch. Tôi đã gửi cho ông ấy, hình như ông ấy rất bối rối vì mảnh bản thảo này, và gửi trả lại tôi mà không dịch. Tôi đã viết thư cho ông ấy về vấn đề này, thế là ông ấy fax cho tôi bức ảnh chụp một bản khắc từ thời Carolingien, được tìm thấy ở Germigny và hỏi tôi nghĩ gì về nó.

- Tôi biết, chúng tôi đã cùng chụp bức ảnh đó. Cha Andrei có cho tôi biết về công việc của ông ấy. Hầu như toàn bộ.

- Hầu như ?

- Vâng, ông ấy không nói hết với tôi, và không che giấu điều đó, điều này luôn khiến tôi ngạc nhiên.

- Sau đó, ông ấy đã đến đây. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, một cuộc gặp… rất ấn tượng. Rồi ông ấy biến mất, tôi không bao giờ gặp lại ông ấy nữa. Tiếp đó tôi được biết về cái chết của ông ấy đăng trên tờ La Croix, một vụ tai nạn, hay là một vụ tự sát…

Breczinsky có vẻ rất lúng túng, mắt ông lẩn trốn ánh mắt cha Nil. Cuối cùng ông cũng đưa cho cha Nil một đôi găng tay.

- Ông không thể ở cùng tôi quá lâu, ông phải quay về phòng. Tôi… chúng ta sẽ nói chuyện với nhau sau, cha Nil ạ. Sau này, tôi sẽ tìm ra cách. Ông hãy đề phòng mọi thứ ở đây, kể cả Đức ông Leeland.

Cha Nil mở to mắt kinh ngạc.

- Ông muốn nói gì? Chắc là ở Roma, tôi sẽ không gặp gỡ ai khác ngoài ông ấy, và tôi hoàn toàn tin tưởng. Chúng tôi đã cùng học đại học với nhau, tôi biết ông ấy từ lâu rồi.

- Nhưng ông ấy đã sống ở Vatican một thời gian. Nơi này biến đổi tất cả những người đến gần nó, họ không bao giờ còn là mình nữa… Thôi nào, quên điều tôi vừa nói với ông đi, nhưng ông hãy cẩn thận nhé!

Trên bàn, Leeland đã trải một bản thảo ra.

- Ông ta tìm cho cậu một đôi găng tay mới lâu làm sao! Trong khi có một ngăn tủ đầy ở phòng bên cạnh, tất cả các cỡ…

Cha Nil không đáp lại ánh mắt lo lắng của bạn mình, và lại gần chiếc kính lúp to tướng hình chữ nhật nhô ra bên trên bản thảo. Ông liếc mắt nhìn vào.

- Không có phần chữ trang trí, chắc là trước thế kỷ X rồi. Làm việc thôi, Remby!

Buổi trưa, họ ăn một chiếc sandwich Breczinsky mang cho. Bỗng nhiên, với vẻ rất niềm nở, người Ba Lan này đề nghị cha Nil giải thích công việc của ông.

- Trước hết là đọc hiểu văn bản bằng tiếng Latin của các bản thảo chép Thánh ca Grégoire. Sau đó dịch văn bản bằng tiếng Hê brơ của các bài hát Do Thái cổ có giai điệu gần giống, rồi so sánh… Tất nhiên, tôi chỉ phụ trách phần văn bản, Đức ông Leeland chịu trách nhiệm phần còn lại.

- Đối với tôi, tiếng Hê brơ cổ thật khó hiểu, cũng như những chữ viết thời Trung cổ, người bạn Mỹ của ông vừa cười vừa giải thích.

Khi họ ra đến bên ngoài, mặt trời đã ở thấp dưới chân trời.

- Tớ quay về San Girolamo luôn đây, cha Nil cáo lỗi, không khí điều hòa khiến tớ đau đầu.

Leeland chặn ông lại: họ đang ở giữa quảng trường Saint Peter.

- Tớ có cảm giác cậu đã gây ấn tượng mạnh cho Breczinsky. Bình thường, ông ta không nói quá ba câu liên tục. Thế nên, ông bạn ạ, tớ phải nhắc cậu: hãy đề phòng ông ta.

“Lại đề phòng! Chúa ơi, con rơi vào nơi nào thế này?”

Vẻ mặt nghiêm trọng, Leeland nhấn mạnh:

- Cậu hãy cẩn thận để không sơ suất gì. Nếu ông ta nói chuyện với cậu, thì là để thăm dò cậu thôi. Ở đây, không có gì, không có ai là vô hại cả. Cậu không biết Vatican nguy hiểm đến mức nào đâu, phải đề phòng tất cả mọi người và đề phòng bất cứ ai.
 
Chương 43


Biết bao suy nghĩ vẫn quay cuồng trong đầu cha Nil khi ông bước vào phòng mình ở San Girolamo. Đầu tiên, ông kiểm tra để chắc chắn rằng không có gì biến mất khỏi chiếc tủ mà ông thấy vẫn khóa, rồi đến bên cửa sổ: gió sirocco, thứ gió Nam khủng khiếp phủ lên thành phố một lớp cát mỏng từ sa mạc Sahara, vừa nổi lên. Thành phố Roma bình thường rực rỡ là thế đang tắm mình trong thứ ánh sáng xanh lục và vàng nhạt.

Ông đóng cửa sổ để tránh bụi. Nhưng việc này không giúp ông tránh khỏi tình trạng giảm áp suất khí quyển đột ngột luôn kèm với gió sirocco, và gây cho người dân những cơn đau đầu mà tòa án Roma coi như một tình tiết giảm nhẹ, trong trường hợp phạm tội dưới ảnh hưởng của thứ gió xấu này.

Ông bước về phía giá sách để lấy một viên aspirin dự phòng, và dừng lại trước những đồ vật cha Andrei bỏ quên. Bị gia đình từ bỏ khi vào tu viện, bị tổn thương do cái chết của bạn mình, cha Nil rất dễ xúc động: mắt ông nhòa nước. Ông thu nhặt những thứ giờ đây là đồ kỷ niệm quý giá đối với ông, và vùi xuống đáy va li: chúng sẽ có chỗ trong phòng ông ở tu viện Saint-Martin.

Ông lơ đễnh mở cuốn sổ ghi chép và lật vài trang. Lịch làm việc của một tu sĩ cũng trơn nhẵn như cuộc sống của ông ta: những trang giấy còn trắng tinh cho đến đầu tháng Mười một. Ở đó, cha Andrei đã ghi ngày và giờ khởi hành đến Roma, rồi các cuộc gặp tại Cơ quan truyền bá đức tin. Cha Nil lật trang giấy: có vài dòng chữ được ghi vội trên đó.

Tim đập thình thịch, ông ghé người ngồi xuống bên bàn và bật đèn.

Trên đầu trang bên trái, cha Andrei viết bằng chữ hoa: BỨC THƯ CỦA TÔNG ĐỒ. Tiếp theo, thấp hơn một chút là hai cái tên: “Origène, Eusèbe de Caesarea”, rồi đến ba chữ cái và sáu chữ số.

Hai Giáo phụ thuộc Giáo hội Hy Lạp.

Ở trang bên cạnh, ông viết nguệch ngoạc: “S.C.V.Hiệp sĩ dòng Đền”. Và bên cạnh dòng chữ đó lại là ba chữ cái, nhưng tiếp theo chỉ có bốn chữ số.

Các hiệp sĩ dòng Đền làm gì giữa các Giáo phụ?

Liệu có phải là do tác động của gió sirocco không? Đầu ông hơi quay cuồng.

Bức thư của tông đồ: trong những cuộc chuyện trò của họ, cha Andrei đã nói với ông một cách rất mơ hồ về một thứ gì đó thuộc loại này. Và đó là một trong bốn hướng tìm kiếm được đưa ra trong mảnh giấy ông ấy viết trên chuyến tàu Roma Express.

Cha Nil thường tự hỏi làm thế nào để khai thác ghi chú bí ẩn này. Và thế là bạn ông, hẳn ông ấy sẽ làm vậy nếu vẫn đang ở cạnh ông, đã nhắc lại với ông về bức thư này. Dường như cha Andrei nói với ông rằng ông sẽ biết được điều gì đó về chủ đề này trong các tác phẩm của hai Giáo phụ, và những gì ông ấy ghi lại đây giống như tài liệu tham khảo.

Ông cần phải tìm lại những văn bản này. Nhưng ở đâu?

Cha Nil đi đến vòi nước lấy một cốc nước rồi bỏ viên aspirin vào đó. Vừa nhìn cột bọt khí sủi lên, ông vừa suy nghĩ rất lung. Ba chữ cái và sau đó là những con số: đó là mã số trong Hệ thống phân loại Dewey, để chỉ vị trí của những cuốn sách xếp trong một thư viện. Nhưng thư viện nào? Ưu điểm của hệ thống Dewey là có thể mở rộng đến vô cùng: mỗi thủ thư có thể ứng dụng nó theo nhu cầu của mình mà không sợ bị cạn kiệt. Nếu may mắn, hai con số cuối cùng có thể cho phép xác định một thư viện trong số hàng trăm thư viện khác.

Bằng cách hỏi từng thủ thư một. Trên toàn thế giới.

Cha Nil uống cốc thuốc.

Tìm một cuốn sách chỉ từ mã số Dewey cũng giống như tìm một chiếc xe trong một bãi đậu xe bốn nghìn chỗ, mà không biết vị trí cũng như nhãn hiệu xe. Không cả tên nhân viên phụ trách cửa vào. Thậm chí không biết đó là bãi đỗ xe nào nữa…

Ông đưa tay xoa thái dương: cơn đau đi nhanh hơn là thuốc aspirin.

Tiếp theo ba chữ cái đứng sau Origène và Eusèbe là sáu chữ số: như vậy, đó là một mã số đầy đủ, là vị trí chính xác của một tác phẩm trên một giá sách. Nhưng đằng sau ba chữ cái đi kèm “S.C.V.Hiệp sĩ dòng Đền” lại chỉ có bốn chữ số: thể hiện một kệ sách, hoặc có thể là một khu vực trong một thư viện nào đó, không nêu chính xác vị trí cuốn sách.

S.C.V. có phải là tên viết tắt của một thư viện? Ở nơi nào trên thế giới?

Giờ đây, đầu cha Nil đang bị một chiếc mỏ cặp siết lại đau đớn, ngăn không cho ông suy nghĩ. Trong nhiền năm, cha Andrei đã có liên hệ với các thủ thư ở khắp châu Âu, thường qua Internet. Nếu một trong các mã số này là một thư viện tại Viên, ông thấy khó có thể đề nghị Cha tu viện trưởng thuận chi cho mình một vé máy bay khứ hồi đến Áo.

Ông uống viên aspirin thứ hai, rồi leo lên sân thượng trông ra toàn bộ khu vực. Phía xa, thấp thoáng đỉnh vòm của đại giáo đường Saint Peter. Ngôi mộ của Thánh tông đồ được đào sâu vào bên trong đồi Vatican, nghĩa là ở bên ngoài Roma, trên đó Néron đã cho xây một cung điện hoàng gia và một đấu trường. Chính ở đây, hàng nghìn người Cơ Đốc và người Do Thái, phải gánh chịu chung một lòng căm thù, đã bị đóng đinh câu rút vào năm 67.

Các nhà nghiên cứu đã cho ông thấy một bộ mặt không ngờ tới của Peter, là nơi trú ngụ của những dục vọng giết người. Các Bức thư của Tông đồ khẳng định rằng hai giáo dân Cơ Đốc ở Jerusalem, Ananie và Saphire, đã chết do tay ông ta. Việc ám sát Judas chỉ là một giả thiết, nhưng dựa trên nhiều dấu hiệu rất rõ ràng. Tuy nhiên, ở Roma, cái chết của ông ta là một hành động tuẫn đạo: “Tôi tin vào những người chết do đức tin của mình”, Pascal từng nói vậy. Peter bẩm sinh đã rất tham vọng, bạo lực, tính toán. Có lẽ, trong những thời khắc cuối cùng của cuộc đời mình, ông ta rốt cục đã trở thành một môn đồ thực thụ của Jesus? Lịch sử không thể định đoạt được điều đó nữa, nhưng vẫn phải để ông ta được hưởng mối ngờ vực này.

“Peter hẳn cũng giống như bất kỳ ai trong chúng ta: một con người hai mặt, có thể làm điều tốt đẹp nhất sau điều tồi tệ nhất…”

Người ta vừa nói với cha Nil rằng phải đề phòng mọi thứ, và đề phòng mọi người. Ý nghĩ này khiến ông không thể chịu đựng nổi: nếu nghĩ đến nó nhiều quá, có lẽ ông sẽ nhảy lên chuyến tàu đầu tiên, giống như cha Andrei đã làm. Để không bị lạc lối, ông phải tập trung vào việc nghiên cứu của mình. Sống ở Roma cũng như sống ở tu viện, trong cùng cảnh cô độc ấy.

“Mình sẽ tìm kiếm. Và mình sẽ thấy.”
 
Chương 44


Đồi Vatican, năm 67

- Peter… Nếu Người không ăn gì, thì ít nhất cũng uống một chút đi!

Ông già gạt hũ nước mà người đồng hành của ông, người đang mặc một chiếc áo cánh ngắn của nô lệ, đưa cho. Ông nghiêng người, vơ một ít rơm, nhét vào khoảng giữa lưng và bức tường xây theo kiểu opus reticulatum [[31]]. Ông rùng mình: vài giờ nữa, có thể ông sẽ bị đóng đinh câu rút, sau đó thân thể ông sẽ bị phủ nhựa. Đêm xuống, đao phủ sẽ châm lửa vào những ngọn đuốc sống là người bị đóng đinh câu rút, để chiếu sáng cảnh tượng mà hoàng đế muốn tặng cho nhân dân thành Roma.

Từ nhiều ngày nay, người bị kết án tử hình đã bị nhốt vào những đường hầm dài hình vòm dẫn trực tiếp ra đường đua trong đấu trường. Qua tấm lưới ngăn lối vào, người ta thấy thấp thoáng hai cột mốc– các meta– đánh dấu hai đầu mút của đường đua. Chính tại đó, xung quanh đài tháp lớn ở trung tâm trường đấu, là nơi mỗi tối người ta đóng đinh câu rút những “người Do Thái” được cho là phải chịu trách nhiệm về vụ hỏa hoạn lớn đã phá hủy thành phố vài năm trước, không phân biệt đàn ông, đàn bà hay trẻ em.

- Ăn hay uống thì cũng để làm gì, hả Lin? Con biết là tối nay mà: chúng luôn bắt đầu từ những người già nhất. Con sẽ còn sống thêm vài ngày nữa, rồi Anaclet sẽ chứng kiến con ra đi, trước khi đến lượt nó đến gặp chúng ta cùng với những người cuối cùng.

Ông xoa đầu một đứa trẻ ngồi cạnh ông trên đống rơm. Nó nhìn ông với vẻ sùng kính, đôi mắt to lại càng to hơn bởi những quầng thâm.

Ngay từ khi đến Roma, Peter đã thâu tóm cộng đồng người Cơ Đốc. Đa số những người cải đạo là nô lệ, giống như Lin và cậu bé Anaclet. Tất cả họ đều đã từng theo các tôn giáo bí ẩn đến từ phương Đông, vốn có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với người dân. Những tôn giáo này mang lại cho họ viễn cảnh về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia, và những nghi lễ cúng bái ly kỳ vấy máu. Tôn giáo khắc khổ và đúng đắn của những người Do Thái cải đạo theo Đấng Christ, vừa là Chúa trời lại vừa là con người, đã đạt được thành công vang dội.

Peter cuối cùng đã chấp nhận rằng việc thánh hóa hoàn toàn Jesus là một điều kiện không thể thiếu cho công việc truyền bá tôn giáo mới. Ông quên đi những ngại ngùng ràng buộc ông vào thời gian đầu khi còn đang ở giữa những người cải đạo tại Jerusalem: “Jesus đã chết. Christ – Chúa trời vẫn sống. Chỉ một người còn sống mới có thể giúp những cộng đồng này đến được với một cuộc sống mới.”

Người ngư phủ thành Galilee đã trở thành người đứng đầu không thể tranh cãi của cộng đồng ở Roma: không ai còn nghe nói đến tông đồ thứ mười ba nữa.

Ông nhắm mắt lại. Khi đến đây, ông đã kể cho những người bị giam giữ nghe việc bọn lính đã bắt ông trên đường Appia, trong lúc ông đang trốn chạy cùng làn sóng người muốn thoát khỏi sự truy bắt của Néron. Đầy hận thù đối với điều mà họ coi là hèn nhát, nhiều người Cơ Đốc bị bắt vì lòng dũng cảm trong nhà tù này đã lánh xa ông.

Sự sống đang rời bỏ ông: liệu ông có trụ được đến tối không? Ông phải trụ được. Ông muốn được chịu đựng cái chết gớm ghiếc này, sau khi bị chính những người của ông xa lánh, để chuộc tội và xứng đáng với sự tha thứ của Chúa.

Ông ra hiệu cho Lin, anh ta đang ngồi cạnh Anaclet, trên nền đá lát mốc meo. Từ trưa đến giờ, người ta không còn nghe thấy tiếng gầm của những con mãnh thú nữa: sáng nay, tất cả bọn chúng đã bị các đấu sĩ tàn sát trong một trận đánh lớn. Mùi của bầy thú trộn lẫn với thứ mùi phát lộn mửa của máu và phân. Ông phải cố gắng mới nói được.

- Có thể các con sẽ sống, con và đứa trẻ này. Cách đây ba năm, sau vụ cháy, những người trẻ nhất bị kết án đã được thả, khi dân chúng đã mệt mỏi vì chừng ấy kinh hoàng gieo rắc trên nền cát của đấu trường. Con sẽ sống, Lin ạ, phải như thế.

Người nô lệ đăm đăm nhìn ông, mắt nhòa lệ.

- Nhưng nếu cha không còn, Peter, ai sẽ dẫn dắt cộng đồng chúng con? Ai sẽ dạy dỗ chúng con?

- Con. Cha biết con từ khi con bị bán ở chợ gần Quảng trường, cũng như cha đã nhìn đứa trẻ này lớn lên. Con và nó, hai con sẽ sống. Các con là tương lai của Giáo hội. Cha chỉ còn là một cái cây già, đã mục rỗng tàn lụi ở bên trong…

- Sao cha lại có thể nói thế được? Cha là người đã biết Chúa Cứu thế của chúng ta, cha là người đã đi theo Người và phục vụ Người không chút lầm lỗi!

Peter cúi đầu. Việc phản bội Jesus, những vụ ám sát liên miên, cuộc chiến khốc liệt chống lại các đối thủ của ông ở Jerusalem, biết bao đau khổ do ông gây ra…

- Hãy nghe cha nói đây, Lin: mặt trời đã xuống thấp rồi, chỉ còn ít thời gian nữa thôi. Con phải biết điều này, cha đã lầm lỗi. Không chỉ do ngẫu nhiên, như vẫn thường xảy đến với mỗi người chúng ta, mà trong thời gian dài, và lặp đi lặp lại. Hãy nói điều đó với Giáo hội, khi tất cả những chuyện này kết thúc. Nhưng con cũng hãy nói với Giáo hội rằng cha chết trong yên bình vì cha đã nhận ra những lỗi lầm của mình, vô số lỗi lầm. Vì cha đã xin chính Jesus, và chúa của Người, tha thứ cho ta. Và vì không bao giờ - không bao giờ - một người Cơ Đốc lại được nghi ngờ lòng khoan dung của Chúa. Đó chính là phần cốt yếu trong lời dạy của Jesus.

Lin đặt tay mình lên tay Peter: chúng lạnh băng. Phải chăng sự sống đang rời khỏi ông? Nhiều người đã chết trong đường hầm này, thậm chí trước khi đến nơi chịu nhục hình.

Ông già ngẩng đầu lên.

- Lin, hãy nhớ- và con, chú bé, hãy nghe: vào buổi tối diễn ra bữa ăn cuối cùng mà chúng ta ăn cùng với Thầy, ngay trước khi Người bị bắt, chúng ta có mười hai người ngồi xung quanh Người. Chỉ có mười hai tông đồ ngồi xung quanh Jesus. Cha đã ở đó, cha làm chứng cho điều này trước Chúa trước khi chết. Có thể một ngày nào đó các con sẽ nghe nói về một tông đồ thứ mười ba: cả con, cả Anaclet, cả những người sẽ tiếp nối các con, đều không được dung thứ dù chỉ là một lời chú đơn giản, một lời nhắc đến một tông đồ khác ngoài Mười hai người. Điều đó liên quan đến sự tồn tại của chính Giáo hội. Các con có thể trang trọng thề trước cha và Chúa không?

Chàng trai trẻ và chú bé gật mạnh đầu.

- Nếu thoát được ra khỏi vùng bóng tối, tông đồ thứ mười ba này có thể sẽ phá hủy hết tất cả những gì chúng ta tin tưởng. Tất cả những gì sẽ cho phép – ông chỉ vào những cái bóng mờ nhạt đang lả đi trên nền đất – những người đàn ông, đàn bà này đều chết trong yên bình tối nay, thậm chí có thể họ còn mỉm cười. Bây giờ, hãy để mặc cha. Cha có nhiều điều cần nói với Chúa Cứu thế của cha.

Peter bị đóng đinh câu rút vào lúc hoàng hôn, giữa hai meta của đấu trường Vatican. Khi chúng châm lửa vào xác ông, ngọn lửa chiếu sáng một lát cho đài tháp cách giá chữ thập của ông vài mét.

Hai ngày sau, Néron tuyên bố trò chơi kết thúc: tất cả những người bị kết án tử hình đều được thả tự do, sau khi phải chịu phạt ba mươi chín roi.

Lin kế tục sự nghiệp của Tông đồ, anh chôn xác ông trên đỉnh đồi Vatican, cách lối vào đấu trường một quãng.

Anaclet kế tục Lin, trở thành người thứ ba trong danh sách các Giáo hoàng được tôn xưng vào mỗi lễ mixa ở các nhà thờ Công giáo trên toàn thế giới. Chính ông là người đã cho xây nhà thờ đầu tiên trên mộ Peter. Nhà thờ này sau đó đã được thay bằng nhà thờ lớn mà hoàng đế Constantin muốn phải thật uy nghiêm.

Lời thề trang trọng của hai Giáo hoàng kế vị Peter được truyền lại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.

Và đài tháp nơi sáng đó cha Nil dừng bước một lát- khi gió sirocco đã ngừng thổi, Roma lại rực rỡ trong ánh hào quang- chính là đài tháp nơi mà dưới chân nó mười chín thế kỷ trước, một môn đồ của Jesus, được giải hòa với Chúa của mình nhờ ăn năn và tha thứ, đã tự nguyện đối mặt với một nhục hình khủng khiếp.

Vì Peter đã che giấu sự thật trước các tín đồ Cơ Đốc: chỉ mình ông biết rằng ông không xứng đáng với lòng sùng kính của họ, ông muốn được chết trong sỉ nhục và khinh bỉ. Nhưng ông đã không trốn chạy khi bị truy bắt.

Ngược lại, ông đã tự đến nộp mình cho quân của Néron, để chuộc lại tội lỗi của mình. Và để có thể khiến Lin phải thề rằng sẽ truyền lại điều bí mật.

Từ đó, điều bí mật chưa bao giờ rời khỏi đồi Vatican.

Tông đồ thứ mười ba đã không nói.
 
Chương 45


Cha Nil thích đi lang thang và mơ mộng trên quảng trường Saint Peter vào sáng sớm, khi khách du lịch còn chưa có mặt. Ông ra khỏi bóng của đài tháp để tận hưởng ánh mặt trời đã trở nên ấm áp. “Người ta nói chính đài tháp này tô điểm cho trung tâm đấu trường của Néron. Ở Roma, thời gian không tồn tại.”

Bàn tay trái của ông không rời khỏi chiếc túi đeo, khi rời khỏi San Girolamo, trong đó ông bỏ vào những ghi chép quý giá nhất tách từ những giấy tờ đã xếp trên giá. Ở đây người ta có thể lục lọi phòng ông cũng dễ dàng như ở tu viện, hơn nữa giờ đây ông biết rằng phải đề phòng tất cả mọi người. “Nhưng không phải là Remby, không bao giờ!” Khi đi, ông đã nhét xuống tận đáy túi cuộn phim âm bản chụp ở Germigny. Một trong bốn hướng nghiên cứu cha Andrei để lại mà ông vẫn chưa biết phải khai thác thế nào.

Trong khi cha Nil vẫn đang mơ màng dưới chân đài tháp dựng trên những đế chế ngày càng được củng cố thêm bởi thời gian, thì vừa đến văn phòng, Leeland đã thấy có lời nhắn ông ngay lập tức đến gặp một thư lại của Cơ quan truyền bá đức tin. Một Đức ông Calfo nào đó mà đôi lúc ông có giáp mặt trong một lối đi dù không biết rõ vị trí của ông ta trong cơ cấu tổ chức của Vatican.

Đi xuống hai tầng nhà và vô số những hành lang quanh co, ông ngạc nhiên thấy vị giáo sĩ cấp cao an tọa trong một văn phòng gần như xa hoa, chỉ có một cửa sổ duy nhất nhìn thẳng ra quảng trường Saint Peter. Một người đàn ông nhỏ bé, đẫy đà, có dáng vẻ vừa tự tin vừa giả dối. “Một cư dân trong thiên hà Vatican,” tu sĩ người Mỹ nghĩ.

Calfo không mời ông ngồi.

- Đức ông, Hồng y đã yêu cầu tôi báo cáo với ngài các cuộc chuyện trò giữa ông và cha Nil, người vừa đến giúp việc cho ông. Đức Hồng y quan tâm sát sao- mà nếu không thế mới đáng ngạc nhiên- đến công việc nghiên cứu của các chuyên gia.

Trên bàn của ông ta, đập ngay vào mắt là tờ ghi chép mà hôm qua Leeland đã gửi cho Catzinger, trong đó có tóm tắt cuộc nói chuyện đầu tiên của ông với cha Nil, nhưng hoàn toàn không đả động gì đến tâm sự thầm kín của bạn ông liên quan đến những nghiên cứu về kinh Phúc âm theo Thánh Jean.

- Đức Hồng y đã gửi cho tôi báo cáo đầu tiên của ông, nó chứng tỏ rằng giữa ông và người Pháp này có một mối quan hệ bạn bè tâm giao. Nhưng thế là không đầy đủ, Đức ông ạ, hoàn toàn không đầy đủ! Tôi không thể tin được rằng ông ấy không nói gì thêm với ông về bản chất công việc mà ông ấy tiến hành một cách tài năng, và từ lâu rồi!

- Tôi không nghĩ những chi tiết của một cuộc nói chuyện không ra đầu ra đũa lại có thể khiến Hồng y quan tâm đến thế.

- Tất cả các chi tiết, thưa Đức ông. Ông phải cụ thể hơn, và bớt e dè hơn trong các báo cáo của mình. Điều này sẽ đỡ cho Hồng y một khoảng thời gian quý báu, vì ngài muốn theo sát từng bước tiến khoa học- đó chính là nghĩa vụ của ông ấy với tư cách là người đứng đầu Cơ quan truyền bá đức tin. Chúng tôi chờ đợi sự hợp tác của ông, Đức ông ạ, và ông biết tại sao… đúng không?

Một cảm giác mà Leeland không thể chế ngự, một cơn căm thù ngấm ngầm xâm chiếm ông. Ông mím môi, không trả lời.

- Ông có thấy chiếc nhẫn Giám mục này không? - Calfo chìa tay ra. - Một tuyệt tác, được chế tác vào thời kỳ người ta còn hiểu được ngôn ngữ của đá. Thạch anh tím, thứ đá được đa số các giáo sĩ Công giáo cao cấp lựa chọn, là tấm gương cho sự nhún mình và nhắc nhở chúng ta về sự chất phác của Thánh Matthieu. Nhưng đây là một viên ngọc thạch anh, là sự phản chiếu của đức tin, được gắn với Thánh Peter. Nó luôn đặt tôi đối diện với cuộc chiến của đời mình: đức tin Công giáo. Chính đức tin này, Đức ông ạ, đang bị liên lụy bởi các nghiên cứu của cha Nil. Ông không nên che giấu bất kỳ điều gì trong những điều ông ấy nói với ông, như ông đã làm.

Calfo im lặng đuổi ông ra, rồi ngồi lại vào bàn. Mở ngăn kéo, lấy ra một xấp giấy xé ra từ một cuốn sổ: bản tốc ký ghi lại cuộc nói chuyện hôm trước. “ Ta vẫn là người duy nhất biết rằng Leeland không tham gia cuộc chơi. Antonio đã làm tốt công việc.”

Về đến văn phòng của mình sau khi đi qua các hành lang, Leeland cố nén cơn giận dữ. Viên thư lại này biết ông đã giấu cả một phần cuộc nói chuyện giữa ông và cha Nil. Làm sao ông lại biết?

“Chúng ta đã bị nghe trộm! Mình bị đặt máy nghe trộm, ở đây, ở Vatican này.”

Một lần nữa, lòng căm thù lại trỗi dậy trong ông. Họ đã khiến ông phải chịu đựng quá nhiều, họ đã phá hủy cuộc đời ông.

Vừa bước vào căn phòng bé xíu của Leeland, cha Nil vừa xin lỗi vì đến muộn:

- Xin lỗi cậu, tớ vừa lang thang trên quảng trường…

Ông ngồi xuống, đặt chiếc túi cạnh chân ghế và mỉm cười.

- Tớ đã tập hợp trong này tất cả những ghi chép quý giá nhất. Tớ phải nói cho cậu nghe những kết luận của tớ - mới là tạm thời thôi, nhưng cậu sẽ bắt đầu hiểu…

Phác một cử chỉ cắt lời ông, Leeland viết nguệch ngoạc mấy chữ lên một mẩu giấy, rồi đưa cho cha Nil, đồng thời đặt ngón trỏ lên môi. Ngạc nhiên, tu sĩ người Pháp đón lấy mẩu giấy và đưa mắt đọc: “Chúng ta bị nghe trộm. Đừng nói gì cả, tớ sẽ giải thích sau. Không phải ở đây.”

Ông ngước đôi mắt ngạc nhiên nhìn Leeland. Bằng giọng liến thắng, ông này tiếp luôn:

- Thế nào, cậu ở San Girolamo tốt chứ? Hôm qua đã có một trận gió sirocco, cậu không bị ảnh hưởng nhiều chứ?

- Ờ… có, tớ đau đầu suốt cả tối. Có chuyện gì…

- Hôm nay chúng ta có quay lại kho sách của Vatican cũng vô ích thôi, tớ muốn cho cậu xem tớ có gì trong máy tính, cậu sẽ thấy phần việc đã hoàn thành. Mọi thứ đó đều ở nhà tớ. Cậu có muốn đi cùng tớ bây giờ không? Cách đây khoảng mười phút, đường Aurelia.

Ông gật đầu khẩn thiết ra hiệu với cha Nil đang sửng sốt, và đứng dậy không chờ ông này trả lời.

Khi họ rời khỏi hành lang để đến cầu thang, Leeland để cha Nil đi trước và quay lại. Ông nhìn thấy một thư lại mà ông không quen đi ra từ văn phòng bên cạnh phòng ông, đang bình thản khóa cửa và tiến về phía họ. Anh ta mặc một chiếc áo tu sĩ thanh lịch, và trong bóng tối của hành lang, Leeland chỉ thoáng thấy ánh mắt đen của anh ta, vừa buồn rầu vừa lo lắng.

Ông nhanh nhẹn đến bên cha Nil đang đợi mình trên những bậc thang đầu tiên, vẫn với vẻ ngạc nhiên lúc trước.

- Xuống thôi. Nhanh lên.
 
Chương 46


Họ đi qua hàng cột Bernin. Leeland đưa mắt nhìn quanh, rồi thân mật nắm lấy cánh tay cha Nil.

- Ông bạn ơi, sáng nay tớ đã có bằng chứng rằng cuộc trò chuyện của chúng ta hôm qua bị nghe trộm.

- Giống như trong một đại sứ quán, ở thời kỳ Liên bang Xô Viết à!

- Đế chế Xô Viết không còn tồn tại, nhưng tại đây, cậu đang ở trung tâm thần kinh của một đế chế khác. Tớ chắc chắn về điều tớ đã nói ra, đừng hỏi thêm nữa. My poor friend [[32]], cậu đã bị tống vào tổ ong vò vẽ nào thế?

Họ im lặng bước đi. Đường Aurelia vô cùng đông đúc, nên không thể nói chuyện được. Leeland dừng lại trước một tòa nhà hiện đại nằm ở góc giao với con phố bên cạnh.

- Đây, đến nơi rồi, tớ có một phòng ở tầng bốn. Vatican trả tiền thuê nhà, lương thư lại của tớ chắc là không đủ.

Vừa bước qua của phòng Leeland, cha Nil khẽ huýt sáo:

- Monsignore, thật là tuyệt!

Một phòng khách rộng được ngăn làm hai. Ở nửa thứ nhất có kê một cây đàn piano cánh, xung quanh rải rác các thiết bị điện thanh. Một giá sách có chấn song thưa chất đầy sách phân định ranh giới cho nửa thứ hai của căn phòng: hai máy tính nối với các thiết bị phụ trợ hiện đại nhất- máy in, máy scan và những chiếc hộp mà cha Nil không thể xác định nổi là gì. Leeland mời cha Nil tự nhiên và khẽ cười ngượng ngùng.

- Tu viện của tớ ở Mỹ đã tặng tớ tất cả những thứ này, cả một gia tài! Họ phát điên lên vì cách người ta hạ bệ tớ khỏi chức vụ tu viện trưởng mà tớ chính thức được bầu lên, vì những lý do chính trị của giáo hội. Vatican yêu cầu tớ phải đến cho có mặt ở văn phòng thư lại của tớ buổi sáng và buổi tối. Sau đó tớ đến kho sách làm việc hoặc quay trở lại đây. Breczinsky cho phép tớ chụp một số bản thảo, tớ đã scan lại trong máy tính.

- Tại sao cậu lại bảo tớ là phải đề phòng ông ấy?

Leeland có vẻ ngần ngại khi trả lời:

- Trong những năm chúng ta học cùng nhau, cậu nhìn Vatican từ đồi Aventin, cách đây một kilomet: như thế là xa, Nil ạ, rất xa. Cậu bị vở ba lê của các giáo sĩ cấp cao xung quanh Giáo hoàng quyến rũ, cậu đánh giá với tư cách là một khán giả, và tự hào mình thuộc vào bộ máy sở hữu một bề ngoài tuyệt vời đến thế. Giờ đây cậu không còn là khán giả nữa; cậu là một con côn trùng bị mắc vào lưới nhện, bị phết nhựa lên người như một con ruồi không thể tự vệ.

Cha Nil im lặng nghe ông nói. Từ khi cha Andrei chết, ông cảm thấy cuộc sống của mình bị đảo lộn, ông đã bước vào một thế giới mà ông không biết gì về nó. Leeland tiếp tục:

- Josef Breczinsky là người Ba Lan, một trong những người được gọi là “người của Giáo hoàng”. Toàn tâm tận tụy với Đức Thánh Cha, và do đó, bị giằng co giữa các trào lưu hiện tại ở Vatican, và chính vì chúng là những trào lưu ngầm lên lại càng mạnh mẽ. Từ bốn năm nay tớ làm việc chỉ cách văn phòng ông ta mười mét, nhưng vẫn không biết gì về ông ta: trừ việc ông ta đang phải chịu gánh nặng của một nỗi đau khổ vô bờ bến, nó lộ ra trên mặt ông ta. Ông ta có vẻ thích cậu đấy: phải rất chú ý đến những gì cậu nói với ông ta.

Cha Nil kìm lại mong muốn được nắm cánh tay Leeland.

- Thế còn cậu, Remby? Có phải cậu cũng là một… con côn trùng bị dính trên mạng nhện không?

Đôi mắt tu sĩ người Mỹ nhòa lệ.

- Tớ… cuộc đời tớ đã chấm hết rồi, Nil ạ. Họ đã phá hủy tớ, vì tớ tin vào tình yêu. Cũng giống như họ có thể phá hủy cậu, vì cậu tin vào sự thật.

Cha Nil hiểu rằng ông không nên nài thêm. “Không phải hôm nay. Ánh mắt cậu ấy trông tuyệt vọng quá!”

Tu sĩ người Mỹ tiếp tục.

- Tớ không đủ khả năng hợp tác với cậu trong việc nghiên cứu học thuật này, nhưng tớ sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp cậu; người Công giáo luôn muốn lờ đi việc Jesus là một người Do Thái! Hãy tận dụng khoảng thời gian cậu bất ngờ được ở Roma này, các bản thảo Grégoire sẽ để lại sau nếu cần.

- Hàng ngày chúng ta vẫn đến làm việc ở kho sách, để không bị nghi ngờ. Nhưng tớ đã quyết định sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu của cha Andrei. Mảnh giấy của ông ấy nói đến bốn hướng nghiên cứu cần khám phá. Một trong các hướng đó liên quan đến một phiến đá mới được phát hiện ở nhà thờ Germigny, trên đó là một bản khắc có niên đại từ thời vua Charlemagne. Chúng tớ đã nhanh chóng chụp được một bức ảnh bề mặt, bản khắc đã khiến cha Andrei rất ngạc nhiên. Tớ có phim ở đây: với thiết bị tin học của cậu, cậu có nghĩ rằng sẽ tìm ra điều gì không?

Leeland có vẻ được an ủi, nói về kỹ thuật cho phép ông thoát khỏi những bóng ma mà ông vừa gợi lên.

- Cậu không tưởng tượng được một chiếc máy tính có thể làm những gì đâu! Nếu đó là những ký tự của một ngôn ngữ mà nó có trong bộ nhớ, nó sẽ biết tái tạo lại những từ hoặc những chữ trong một văn bản đã bị thời gian hủy hoại. Đưa phim của cậu cho tớ.

Cha Nil lấy chiếc túi đeo và đưa cuộn phim cho bạn. Họ cùng đi sang phía bên kia căn phòng, Leeland bật những chiếc hộp và chúng bắt đầu nhấp nháy. Ông mở một trong số các hộp ra.

- Máy scan laze, thế hệ mới nhất.

Mười lăm giây sau, phiến đá hiện ra trên màn hình. Leeland điều khiển chuột, gõ lên bàn phím, và bề mặt của hình ảnh bắt đầu được quét rất đều đặn bằng một chiếc cọ ánh sáng.

- Phải mất hai mươi phút. Trong khi nó làm việc, sang bên có đàn piano đi, tớ sẽ chơi cho cậu nghe bản Children’s Corner.

Trong khi Leeland, hai mắt nhắm lại, tái hiện dưới ngón tay mình giai điệu du dương của Debussy, chiếc cọ của máy tính vẫn quét không ngừng nghỉ trên ảnh chụp một bản khắc bí ẩn dưới triều đại Carolingien.

Và được một tu sĩ chụp lại vào cuối thế kỷ XX, người ấy đã phải chết cũng chính vì bức ảnh này.

Cùng lúc đó, Đức ông Calfo cầm lấy điện thoại di động:

- Họ đã rời văn phòng ở Cơ quan và đi ngay đến căn hộ của tay người Mỹ à? Được, hãy ở gần họ và kín đáo giám sát các động tĩnh của họ, rồi tối nay gửi báo cáo của anh cho tôi.

Theo thói quen ông ta đưa tay sờ nắn hình thoi thuôn dài của viên ngọc màu xanh.
 
Chương 47


Giờ đây, trên màn hình máy tính, bản khắc trên phiến đá Germigny hiện ra với độ nét cao.

- Nhìn này, Nil: hoàn toàn có thể đọc được. Đây là những ký tự Latin, máy tính đã khôi phục lại chúng. Mà này, ở đầu và cuối văn bản, lại có hai ký tự hy Lạp- alpha và omega- máy tính đã xác định thì không thể lầm được.

- Cậu có thể in cho tớ một bản được không?

Cha Nil ngắm nghía bản khắc in ra trên giấy. Leeland chờ ông cất lời.

- Đây đúng là văn bản của Tín điều Nicée, Tín điều Credo. Nhưng nó được bố trí theo cách hoàn toàn không thể hiểu được…

Họ kéo ghế lại gần nhau. “Như ngày xưa, khi mình đến phòng cậu ấy để học chung, hai người ngồi bên nhau dưới cùng một ngọn đèn.”

- Tại sao người ta lại thêm ký tự alpha vào trước từ đầu tiên của văn bản, và ký tự omega vào sau từ cuối cùng? Tại sao hai ký tự này, ký tự đầu tiên và ký tự cuối cùng trong bản chữ cái Hy Lạp được cố tình ghép vào một văn bản viết bằng tiếng Latin và vốn được coi là không thể xâm phạm đến? Tại sao người ta lại cắt nhỏ các từ mà không quan tâm đến ý nghĩa của chúng? Tớ thấy chỉ có thể giải thích bằng một cách: không cần phải quan tâm đến ý nghĩa, vì ở đây không có ý nghĩa, mà phải quan tâm đến cách thức văn bản này được trình bày. Cha Andrei đã nói với tớ rằng ông ấy chưa bao giờ thấy điều này: hẳn là ông ấy đã ngờ việc chia cắt này có một ý nghĩa đặc biệt, và phải tới khi ông ấy đến Roma thì mới nhận thấy rằng Tín điều Credo bị sửa đổi như vậy có điều gì đó liên quan tới ba chỉ dẫn khác ghi trên mảnh giấy. Lúc này, tớ chỉ đọc được một thứ, đó là bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ.

- Cậu còn chưa nói với tớ…

- Vì tớ chỉ phát hiện ra điều các từ ngữ muốn nói, chứ không phải ý nghĩa của cả thông điệp. Và có lẽ ý nghĩa này nằm trong cách thức không thể hiểu nổi mà theo đó văn bản này được khắc lên đá vào thế kỷ VIII.

Cha Nil ngẫm nghĩ, rồi nói tiếp:

- Cậu biết rằng đối với người Hy Lạp, alpha và omega chỉ sự bắt đầu và kết thúc của thời gian…

- Giống như trong kinh Khải Huyền của Thánh Jean à?

- Chính xác. Khi tác giả kinh Khải Huyền viết “Ta nhìn thấy một bầu trời mới và một mặt đất mới”, ông đã để Christ, người hiện ra trong hào quang, nói:

Ta là alpha và omega

là Đầu tiên và Cuối cùng

sự bắt đầu và sự kết thúc.

Ký tự alpha có nghĩa là một thế giới bắt đầu, còn ký tự omega có nghĩa là thế giới đó tồn tại vĩnh viễn. Như vậy, đóng khung trong hai ký tự này, việc chia cắt văn bản một cách kỳ lạ khiến người ta hình dung đến một trật tự thế giới mới, trật tự này không thể bị thay đổi trong bất kỳ hoàn cảnh nào: “một bầu trời mới và một mặt đất mới”, thứ gì đó phải tồn tại đến tận cùng của thời gian.

- Apha và omega có phải là những biểu tượng hay gặp trong Kinh Thánh không?

- Hoàn toàn không. Chỉ bắt gặp chúng duy nhất trong kinh Khải Huyền, mà truyền thuyết vẫn khẳng định tác giả là Jean. Như vậy, có thể cho rằng nếu văn bản này được đóng khung giữa alpha và omega, thì việc xếp đặt nó có điều gì đó liên quan đến kinh Phúc âm theo Thánh Jean.

Cha Nil đứng dậy và đến đứng trước cửa sổ đóng kín.

- Một cách sắp xếp văn bản độc lập với ý nghĩa của các từ, có quan hệ với kinh Phúc âm được cho là của Thánh Jean. Tớ chẳng thể nói gì thêm, chừng nào tớ chưa ngồi vào bàn để xoay bản khắc này theo đủ các hướng, giống như cha Andrei hẳn đã làm. Dù sao, mọi chuyện đều xoay quanh kinh Phúc âm thứ tư, và chính vì vậy, các nghiên cứu của tớ mới khiến ông bạn tớ quan tâm đến thế.

Cha Nil ra hiệu cho Leeland đến gần ông bên cửa sổ.

- Ngày mai cậu sẽ không gặp tớ. Tớ sẽ giam mình trong phòng ở San Girolamo, và chỉ ra khỏi phòng khi nào tìm ra ý nghĩa của bản khắc này. Ngày kia chúng ta gặp nhau, tớ hy vọng sẽ nhìn mọi việc được rõ ràng hơn. Sau đó cậu phải để tớ dùng Internet, tớ cần tiến hành một tìm kiếm trong các thư viện lớn trên toàn thế giới.

Ông hất cằm về phía đỉnh mái vòm nhà thờ Saint Peter nhô lên bên trên các mái nhà.

- Có lẽ cha Andrei mất mạng vì đã liên quan đến một thứ gì đấy đe dọa cái đó ...

Nếu thay vì nhìn mái vòm của Vatican, họ liếc mắt xuống đường phố thì hẳn đã có thể thấy một thanh niên đang lơ đãng hút thuốc, đứng lùi vào trong một cổng xe để tránh cái lạnh tháng Mười hai. Giống như bất cứ kẻ thích lang thang nào, anh ta mặc một cái quần sáng màu cùng một áo vest dày.

Đôi mắt đen của anh ta không hề rời khỏi tầng bốn tòa nhà nằm trên đường Aurelia.
 
Chương 48


Tối muộn hôm đó, văn phòng Catzinger là nơi duy nhất còn sáng đèn trong tòa nhà của Cơ quan truyền bá đức tin. Ông gọi Calfo vào và nói với ông ta bằng giọng chỉ huy.

- Đức ông – Hồng y cầm trong tay một tờ giấy đơn – cuối chiều nay tôi đã nhận được báo cáo thứ hai của Leeland. Ông ta đang chế giễu chúng ta. Theo ông ta, ngày hôm nay họ chỉ nói về Thánh ca Grégoire. Thế mà ông nói rằng họ đã giam mình trong căn hộ ở đường Aurelia suốt cả buổi sáng phải không?

- Đến tận hai giờ chiều, thưa Đức Hồng y, khi đó tu sĩ người Pháp mới rời khỏi tòa nhà để quay về San Girolamo và giam mình trong phòng. Thông tin của tôi tuyệt đối chắc chắn.

- Tôi không muốn biết nguồn gốc thông tin. Ông hãy xoay sở để biết họ nói gì với nhau trong căn hộ của Leeland, chúng ta phải được thông tin về điều đang ở trong đầu người Pháp đó. Tôi nói đã rõ ràng chưa?

Đầu giờ sáng hôm sau, một khách du lịch có vẻ rất quan tâm đến những chóp cột của nhà hát Marcello, là công trình ấn định ranh giới nơi đặt chợ bò của thành phố Roma cổ, chợ Fobo Boario. Cách đó không xa, đền thờ Sức mạnh đàn ông với những cây cột cứng cáp, trên đầu có quả tua kiểu Corinthe, nhắc người khách sành sỏi nhớ đến lễ cung hiến của mình. Ngay bên cạnh, một ngôi đền nhỏ hình tròn dành cho phụ nữ trinh tiết, những người dâng hiến đức hạnh trọn đời của mình cho các vị thần trong thành phố và giữ gìn ngọn lửa thiêng cho đền thờ. Khi đi qua hai công trình nằm cạnh nhau này, du khách mỉm cười hài lòng: “Sức mạnh đàn ông và đức hạnh trọn đời. Thần Eros thánh hóa bên cạnh sự thuần khiết thánh thần; từ thời La Mã, người ta đã hiểu điều đó. Thuật thần bí của chúng ta chỉ phát triển thêm lên thôi.”

Chiếc quần dạo phố không che dấu được phần mông đồ sộ của ông ta, và nếu ông ta luôn thọc sâu bàn tay phải vào túi áo vest bằng da đanh thì chính là để che đi viên ngọc thạch anh rất đẹp đính trên chiếc nhẫn – không bao giờ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông ta lại rời xa viên ngọc giá trị này.

Một người đàn ông lăm lăm trên tay quyển hướng dẫn du lịch Roma to tướng đến bên ông ta.

- Salam aleikoum, thưa Đức ông!

- We aleikoun salam, Moktar. Anh đã thực hiện đúng thỏa thuận trong việc vận chuyển phiến đá Germigny. Làm tốt lắm.

Một chiếc phong bì thò ra ngoài túi áo ông ta và được trao tay. Moktar Al-Quraysh nhanh chóng sờ nắn phong bì mà không mở ra, rồi đổi lại một nụ cười cho người đối thoại với mình.

- Tôi đã đến xem xét tòa nhà trên đường Aurelia: không còn căn hộ cho thuê nào. Tuy nhiên, họ bán một phòng ở tầng ba, ngay dưới phòng của tên người Mỹ.

- Bao nhiêu?

Khi con số được xướng lên, Calfo nhăn mặt: có lẽ sắp đến lúc Hội Thánh Pie V không còn phải tính toán nữa. Ông mở áo vest rồi lấy từ túi trong ra một phong bì khác, to và dày hơn.

- Anh đến xem phòng đó ngay, lập tức ký hợp đồng và lấy chìa khóa. Leeland sẽ bị giữ lại ở Cơ quan chiều nay, anh có ba giờ đồng hồ để làm mọi việc cần thiết.

- Đức ông! Trong vòng một giờ, các micro sẽ được gắn xong.

- Kẻ thù ưa thích của anh đã trở về Israel chưa?

- Ngay sau chuyến đi ngắn của chúng tôi. Anh ta đang chuẩn bị một chuyến lưu diễn quốc tế và sẽ bắt đầu bằng một loạt buổi hòa nhạc ở Roma này vào dịp Noel.

- Hoàn hảo, thật là một vỏ bọc tuyệt vời, có thể anh sẽ có việc phải gọi đến anh ta.

Moktar ném sang ông một cái nhìn chớt nhả.

- Còn Sonia, ông có hài lòng về cô ta không?

Calfo kìm chế cơn giận. Ông trả lời khô khan :

- Tôi rất hài lòng, cảm ơn. Đừng mất thời gian nữa, mah salam.

Hai người chia tay bằng một cái gật đầu. Moktar qua cầu Isola bắc ngang sông Tiber, còn Calfo đi cắt ngang quảng trường Navona.

“Đạo Cơ Đốc chỉ có thể ra đời ở Roma, ông nghĩ khi vừa đi vừa chiêm ngưỡng những công trình điêu khắc của Bernin và Brunelleschi, đối lập nhau trong thế đối mặt đầy kịch tính. Sa mạc dẫn đến điều không thể biểu đạt được nhưng để hóa thân trong hình người, Chúa cần đến những run rẩy của xác thịt.”
 
Chương 49


Qumran, năm 68

Những đám mây lớn đen sẫm dồn tụ phía trên biển Chết. Trong vùng đất trũng này, mây không bao giờ mang mưa đến, mà chỉ báo trước một thảm họa.

Iokhanân ra hiệu cho người đồng hành tiếp tục tiến lên. Họ lặng lẽ áp sát bức tường bao. Một giọng gầm gừ khiến họ chôn chân tại chỗ

- Ai đi đó?

- Béné Israel! Người Do Thái.

Người vừa quát dừng lại nhìn họ với vẻ nghi ngờ.

- Các anh làm thế nào mà đến được tận đây?

- Chúng tôi vượt qua núi, rồi luồn lách qua các đồn điền ở Ein Feshka. Đó là con đường duy nhất có thể đi được, lính La Mã đang bao vậy Qumran.

Người đàn ông nhổ xuống đất.

- Những đứa con của bóng tối! Các anh đến đây làm gì, tìm cái chết à?

- Tôi từ Jerusalem đến, chúng tôi phải gặp Shimon Ben-Yair. Ông ấy biết tôi, hãy dẫn đường cho chúng tôi.

Họ trèo lên một bức tường bao rồi dừng lại, sững sờ. Nơi trước đây là một địa điểm cầu nguyện và nghiên cứu yên bình bây giờ chỉ còn là một vùng tứ chiếng rộng lớn. Những người đàn ông đang đánh bóng mấy thứ vũ khí vớ vẩn, đám trẻ con vừa chạy vừa la hét, những người bị thương nằm rên rỉ ngay trên mặt đất. Ngày xưa Iokhanân đã từng đến đây, đi cùng với cha nuôi của anh, ông thích gặp lại bạn bè người Esseni của mình. Trong cảnh tranh tối tranh sáng đang dần bao trùm mọi thứ, anh dừng lại, do dự trước một nhóm người già đang ngồi tựa vào bức tường phòng viết trong thư viện, nơi xưa kia anh thường ở hàng giờ để nhìn lại các thư viết những ký tự Hê brơ lên giấy da.

Người lính gác lại gần và rỉ thầm vào tai một trong những ông già. Ông này nhanh nhẹn đứng dậy dang rộng cánh tay.

- Iokhanân! Cháu không nhận ra ta sao? Đúng rồi, ta đã già đi cả thế kỉ chỉ trong vòng một tháng. Ai đi cùng cháu thế? Mắt ta đã bị nhiễm trùng, ta đã mù dở rồi.

- Có chứ, cháu có nhận ra ông, ông Shimon! Đây là Adôn, con trai Eliézer Ben-Akkai.

- Adôn! Lại đây, để ta hôn cháu nào … Thế Osias đâu?

Người đồng hành của Iokhanân cúi đầu.

- Anh cháu chết ở bình nguyên Ashkelon vì bị trúng tên của người La Mã. Chính cháu cũng thoát khỏi tay quân đoàn số V của La Mã một cách kỳ lạ: quân lính của họ là vô địch.

- Chúng sẽ bị đánh bại, Adôn ạ, đó là những đứa con của bóng tối. Nhưng chúng ta sẽ chết trước chúng, Qumran đã chín, đến lúc hái rồi. Vespasien đã nắm lại quyền chỉ huy quân đoàn số X Fretensis đang bao vây chúng ta, hắn muốn tấn công Jerusalem từ phía Nam. Cả ngày nay, chúng ta đã theo dõi công việc chuẩn bị của chúng. Chúng ta không có cung thủ, nên chúng cứ tiến lên trước mắt chúng ta. Chỉ đêm nay thôi.

Iokhanân lặng lẽ ngắm nhìn cảnh tượng đau lòng, những người này đang bị Lịch sử tóm bắt mà không thể thoát được. Anh nói:

- Ông Shimon, ông có gặp abbou của cháu không? Cháu đã mất hơn ba tháng để đi khắp đất nước. Không có tin tức gì về ông ấy, cũng chẳng có tin gì về các môn đồ của ông, cháu thấy Pella hoàn toàn bị bỏ trống.

Shimon quan sát bầu trời bằng đôi mắt mưng mủ: mặt trời hoàng hôn đang chiếu sáng mặt dưới những đám mây: “Cảnh tượng đẹp nhất trên thế giới, giống như buổi sáng khai sinh! Nhưng tối nay là kết thúc thế giới của chúng ta.”

- Trên đường chạy trốn, ông ấy có qua đây. Đi cùng ông ấy có khoảng năm trăm người Nazareth, cả đàn ông, đàn bà và trẻ em. Ông ấy muốn bảo họ đến Ả Rập, tới tận bờ biển Nội địa. Ông ấy đã đúng: nếu có thoát khỏi tay người La Mã, họ cũng sẽ bị người Cơ Đốc vốn sẵn căm thù họ truy hại. Người của chúng ta đã đi cùng họ đến tận giáp sa mạc Édom.

- Cha cháu có đi theo họ không?

- Không, ông ấy chia tay họ ở Beersheba và để họ tiếp tục đi về phía Nam. Chúng ta có một cộng đồng nhỏ người Esseni trong sa mạc Idumea: ông ấy chờ cháu ở đó. Nhưng liệu cháu có đến được đó không? Cháu vừa sa vào một tấm lưới, các mắt lưới đang thít chặt những đứa con của ánh sáng. Cháu có muốn trải qua Ngày cuối cùng đó với chúng ta, và bước vào vầng sáng ngay đêm nay không?

Iokhanân tách ra và trao đổi vài câu với Adôn.

- Ông Shimon, cháu phải đến gặp cha cháu, chúng cháu sẽ cố gắng để thoát thân. Trước tiên, cháu có một thứ thiêng liêng cần cất vào nơi an toàn. Xin ông hãy giúp cháu.

Anh đến gần ông già và nói vào tai ông. Shimon chăm chú lắng nghe, rồi gật đầu.

- Tất cả những cuộn giấy thiêng liêng của chúng ta đều được đặt trong những hang đá mà người nào không biết rõ ngọn núi không thể vào được. Một trong những người của ta sẽ dẫn cháu đến đó, nhưng anh ta sẽ không thể trèo lên cùng cháu: nghe này …

Từ phía doanh trại quân La Mã vang lên những hồi kèn xung trận. “Chúng đang phát hiệu lệnh tấn công!”

Shimon ra lệnh ngắn gọn cho lính gác. Không nói một lời, anh ta ra hiệu cho Iokhanân và Adôn đi theo mình, trong khi làn mưa tên đầu tiên bay về phía những người Esseni, trong tiếng kêu kinh hoàng của trẻ con và phụ nữ. Họ chạy ngược dòng người xanh xao hốc hác đang lao về phía bức tường phía Đông và vượt qua cánh cửa quay về phía núi.

Thời điểm kết thúc của Qumran vừa bắt đầu.

Theo phản xạ, Iokhanân thọc tay vào thắt lưng: ống sậy mà cha anh đưa cho tại Pella vẫn còn ở đó.

Khirbet Qumran dựa lưng vào một vách đá cao, những công trình ở đây được xây dựng trên một mỏm núi nhô ra bên trên biển Chết. Một hệ thống ống dẫn lộ thiên phức tạp dẫn nước đến tận bể trung tâm, nơi người Esseni thực thi các nghi lễ đặt tên của họ.

Theo sát người dẫn đường, lúc đầu Iokhanân và Adôn men theo các đường ống dẫn. Người gập làm đôi, họ chạy luồn từ cây này sang cây khác. m thanh náo động từ trận chiến dữ dội vang đến tai họ ngay từ phía sau.

Mệt đứt hơi, Iokhanân ra hiệu dừng lại nghỉ. Anh không còn trẻ nữa … Anh ngước mắt lên. Phía trước họ, vách đá dựng lên có vẻ trần trụi, dốc thẳng xuống đầy ấn tượng. Nhưng khi nhìn kỹ, anh thấy nó được tạo nên từ những mảng đá lớn, vẽ thành một mạng lưới phức tạp những lối mòn và khe nước treo phía trên khoảng không.

Đây đó thấp thoáng những đốm đen: các hang đá. Đó chính là nơi người Esseni cất trữ toàn bộ thư viện của họ. Họ làm thế nào nhỉ? Có vẻ như không thể đến được đó.

Trên đỉnh vách núi, họ nhận ra những cánh tay cử động của máy bắn đá của người La Mã. Chúng đang bắt đầu cử động chết chóc của chúng hướng về phía chiến trường. Một hàng cung thủ kéo dài khoảng một trăm mét, phóng ra những mũi tên với một nhịp điệu kinh hoàng. Tim thắt lại, anh không quay đầu nhìn ra phía sau.

Người dẫn đường chỉ cho họ con đường dẫn đến một trong các hang.

- Những cuộn giấy da quan trọng của chúng tôi để ở đó. Chính tôi đã để Sách của Tông đồ của cộng đồng chúng tôi vào đó. Dọc theo tường bên trái, cái vò thứ ba kể từ cửa vào. Nó rất to: anh có thể bỏ cuộn giấy da của anh vào đấy. Cầu Chúa phù hộ cho các anh! Chỗ của tôi là ở bên dưới. Shalom!

Người vẫn gập làm đôi, anh ta chạy ngược về phía sau. Anh ta muốn sống Ngày cuối cùng bên anh em mình.

Họ tiếp tục đi. Hết khoảng tám trăm mét nữa, họ ở trước một khoảng trống: vẫn bám theo hàng cây chạy dọc các đường ống dẫn, họ nhảy từ gốc cây này sang gốc cây khác. Túi đeo đi đường đập vào hông khiến họ vướng víu khi chuyển động.

Đột nhiên, một loạt mũi tên bay đến cắm quanh họ.

- Adôn, ở trên đó chúng đã nhìn thấy chúng ta. Chạy đến chân vách đá đi!

Nhưng hai bóng người không vũ khí và chạy theo hướng ngược lại hướng chiến trường nhanh chóng khiến các cung thủ La Mã hết hứng thú. Cuối cùng, hết hơi, họ cũng đến được nơi tương đối an toàn dưới chân vách đá. Giờ thì phải trèo lên.

Giữa các đống đá, họ phát hiện ra những lối mòn in đầy dấu chân dê. Khi họ đến được hang thì bóng tối đã buông xuống.

- Nhanh lên, Adôn: trời chỉ còn sáng vài phút nữa thôi.

Lối vào hang hẹp đến nỗi họ buộc phải luồn chân vào trước. Kỳ lạ là bên trong có vẻ sáng hơn bên ngoài. Không nói một lời, hai người sờ soạng vách hang phía bên trái: có nhiều khối hình nón nhô lên trên mặt cát. Những cái vại bằng đất nung, một nửa chôn ngập dưới đất, được đậy bằng một kiểu nắp như hình cái bát.

Được Adôn giúp đỡ, Iokhanân cẩn thận mở nắp chiếc vại thứ ba từ cửa vào. Bên trong, một cuộn giấy da bọc giẻ phủ hắc ín chiếm một nửa khoảng trống. Anh kính cẩn mở ống sậy vừa rút từ thắt lưng ra và lấy một tờ giấy da giản dị được buộc bằng một sợi dây lanh. Anh bỏ tờ giấy vào vại, cẩn thận để nó không dính vào lớp hắc ín trên cuộn giấy. Rồi anh đậy nắp lại và phủ cát lên đến tận cổ vại.

“Xong rồi, Abbou ơi, chúng con có thể chết, nhưng ở đây, bức thư của cha sẽ an toàn hơn ở bất cứ nơi nào khác. Nếu người Cơ Đốc có thể làm biến mất tất cả những bản sao con đã gửi thì bản gốc vẫn còn ở đây.”

Từ cửa hang, họ thấp thoáng nhìn thấy Qumran, nơi lửa từ những tòa nhà bị cháy khiến họ có thể đoán được cảnh tượng kinh hoàng đang diễn ra. Các trận thế hình vuông của quân La Mã tiến một cách có phương pháp về phía bức tường bao, vượt qua nó và càn quét bên trong. Chỉ để lại phía sau chúng xác đàn ông, đàn bà và trẻ em bị cắt cổ. Người Esseni không tự vệ nữa. Quanh bể nước trung tâm, hai người nhìn thấy một đám người hỗn độn đang quỳ. Ở giữa, một người mặc đồ trắng đang giơ tay lên trời. “Shimon! Ông ấy đang xin Thượng đế đón nhận những đứa con của ánh sáng đúng vào lúc này!”

Anh quay sang Adôn.

- Anh trai cậu và cậu đã chuyển thi thể Jesus đến tận nơi yên nghỉ của Người. Osias đã chết: từ nay trở đi, cùng với abbou của tôi, cậu là người duy nhất biết nấm mộ nằm ở đâu. Bức thư của ông đang được an toàn ở đây: nếu Chúa yêu cầu mạng sống của chúng ta, thì chúng ta cũng đã làm xong điều phải làm.

Bóng tối bao trùm thung lũng biển Chết. Cả vùng quanh Qumran đều bị canh gác. Chỉ còn một lối thoát duy nhất: ốc đảo gần Ein Feshka, nơi họ đã đi qua để đến đây. Khi đến nơi, họ nhận thấy một nhóm người cầm đuốc đang tiến về phía mình. Những người này hét lên với họ bằng một thứ tiếng Hê brơ tồi :

- Dừng lại! Các ngươi là ai?

Họ bắt đầu chạy và một loạt tên đuổi theo. Đang gắng hết sức chạy để núp mình sau những cây ô liu đầu tiên, chiếc túi đeo đập vào bên sườn, Iokhanân nghe thấy một tiếng kêu trầm đục ngay phía sau.

- Adôn! Cậu bị thương à?

Anh quay lại, cúi xuống người đồng hành: một mũi tên của quân La Mã cắm giữa hai xương bả vai bạn anh. Adôn chỉ còn đủ sức thều thào:

- Đi đi, người anh em! Đi đi, và cầu cho Jesus ở cùng anh!

Núp trong một lùm cây ô liu, từ xa, Iokhanân nhìn thấy bọn lính La Mã kết liễu người con trai thứ hai của Eliézer Ben-Akkai bằng những nhát kiếm.

Từ nay trở đi, chỉ còn duy nhất một người biết nấm mộ của Jesus nằm ở đâu.
 
Chương 50


Cha Nil bước đi nhẹ nhàng: mặt trời rực rỡ luồn vào giữa những bức tường cao chạy dọc hai bên đường Salaria. Cả ngày hôm qua ông giam mình trong phòng và ăn cơm cùng các tu sĩ khác nhưng không tham dự những giờ lễ nhật tụng hiếm hoi mà họ tiến hành một cách chóng vánh. Ông chỉ phải chịu đựng những câu chuyện tào lao không ngừng nghỉ của cha Jean trong lúc uống cà phê ở hành lang.

- Tất cả chúng tôi ở đây đều đã chứng kiến những giờ phút huy hoàng của San Girolamo, khi chúng tôi hy vọng mang đến cho thế giới một phiên bản Kinh Thánh mới bằng tiếng Latin. Từ khi bị thế giới hiện đại phê phán, chúng tôi làm việc một cách vô ích, và thư viện thì bị bỏ rơi.

“Không chỉ sự hiện đại, mà có lẽ cả sự thật cũng phê phán các vị”, cha Nil vừa nghĩ vừa uống thứ chất lỏng phải được coi là nỗi sỉ nhục đối với Roma, thành phố nơi người ta thưởng thức thứ cà phê ngon nhất thế giới.

Nhưng sáng nay ông cảm thấy nhẹ nhõm và hầu như quên mất bầu không khí ngột ngạt bao quanh mình từ khi đến đây, mối nghi ngờ của mọi người đối với tất cả mọi người, và tâm sự của Leeland: “Cuộc đời tớ đã chấm hết rồi, họ đã phá hủy cuộc đời tớ.” Anh chàng sinh viên cao lớn vừa nghiêm nghị vừa trẻ con, người luôn nhìn mỗi sự vật, mỗi sinh vật bằng cái nhìn lạc quan bất di bất dịch và bền vững như đức tin của mình vào châu Mỹ, giờ đây đã trở thành người thế nào?

Ông đã đánh vật với bản khắc trên phiến đá, đã xoay nó theo đủ mọi hướng. Đúng lúc sắp từ bỏ, ông bỗng nảy ra ý nghĩ so sánh văn bản bí ẩn đó với bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ: ý tưởng đó lóe lên như một tia sáng. Một trong hai câu đã cho phép ông đi đến thành công vào lúc đầu đêm.

Cha Andrei đã nhận định đúng: phải liên hệ mọi thứ với nhau. Tập hợp lại các yếu tố tản mát, được viết ở các giai đoạn khác nhau – kinh Phúc âm ở thế kỷ I, bản thảo tiếng Ai Cập cổ ở thế kỷ III, bản khắc Germigny ở thế kỷ VIII. Ông bắt đầu thấy thấp thoáng sợi dây dẫn đường.

Không được để tuột mất sợi dây này. “Sự thật, cha Nil ạ: chính vì sự thật mà cha vào tu viện này.” Sự thật sẽ báo thù cho cha Andrei.

Khi ông bước vào căn phòng trên đường Aurelia, tất cả các ngọn đèn đều bật sáng, Leeland đang chơi bài Étude của Chopin và đón ông với một nụ cười. Cha Nil bỗng thấy nghi ngờ rằng cũng chính người đàn ông này, hai ngày trước, đã khiến ông thoáng thấy một vực thẳm tuyệt vọng.

- Trong những năm ở Jerusalem, tớ đã có rất nhiều thời gian ở cùng với Arthur Rubinstein, ông ấy trải qua những ngày cuối cùng ở đó. Chúng tớ có khoảng một chục sinh viên, cả người Israel lẫn người nước ngoài, thường tụ tập ở nhà ông ấy. Tớ đã có cái đặc ân được thấy ông ấy hướng dẫn chơi bài Étude này. Thế nào, cậu có giải được câu đố ấy không?

Cha Nil ra hiệu cho Leeland đến ngồi bên ông.

- Tất cả đã sáng tỏ khi tớ nảy ra ý tưởng đánh số thứ tự từng dòng trên bản khắc. Kết quả là thế này:

1 αcredo in deum patrem om

2 nipotentem creatorem cel

3 i et terrae et in iesum c

4 ristum filium ejus unicu

5 m dominum nostrum qui co

6 nceptus est de spiritu s

7 ancto natus ex maria vir

8 gine passus sub pontio p

9 ilato crucifixus mortuus

10 et sepultus descendit a

11 d inferos tertia die res

12 urrexit a mortuis ascend

13 it in coelos sedet ad dex

14 teram dei patris omnipot

15 entis inde venturus est

16 iudicare vivos et mortuo

17 s credo in spiritum sanc

18 tum sanctam ecclesiam ca

19 tholicam sanctorum commu

20 nionem remissionem pecca

21 torum carnis resurrectio

22 nem vitam eternam amen.w

- Hai mươi hai dòng … Leeland thầm thì.

- Chính xác là hai mươi hai dòng. Thế là tớ đặt lại câu hỏi đầu tiên: tại sao người ta lại thêm một ký tự alpha và một lý tự omega vào đầu và cuối văn bản?

- Cậu đã nói điều đó với tớ rồi: khắc lên đá một trật tự thế giới mới, bất biến, vĩnh viễn.

- Đúng, nhưng tớ đã đi được xa hơn. Mỗi dòng đều không có nghĩa gì, nhưng khi đếm số ký tự - nghĩa là các chữ cái và các khoảng trống – tớ nhận thấy rằng các dòng đều có độ dài bằng nhau, chính xác là hai mươi bốn ký tự. Kết luận đầu tiên: đây là một mật mã số hóa, nghĩa là được dựa trên hệ thống biểu tượng của các con số - một phương pháp rất phổ biến ở thời Cổ đại và đầu thời Trung cổ.

- Mật mã số hóa? Đó là cái gì?

- Cậu có biết là 12 cộng 12 bằng 24 không?

Leeland huýt sáo:

- Tớ xin nghiêng mình trước tài năng của cậu: cả một ngày để đi đến kết quả này!

- Đừng có chế giễu tớ, chú ý đi. Cơ sở số hóa của mật mã này là con số 12, trong Kinh Thánh con số này tượng trưng cho sự hoàn hảo của dân tộc được lựa chọn: mười hai con trai của Abraham, mười hai bộ lạc của Israel, mười hai tông đồ. Nếu con số mười hai thể hiện sự hoàn hảo, thì hai lần mười hai chỉ mức độ tuyệt đối của sự hoàn hảo. Ví dụ, trong kinh Khải Huyền, Chúa trời hiện ra được hai mươi bốn ông già vây quanh, nghĩa là hai lần mười hai. Mỗi dòng chữ trong bản khắc có hai lần mười hai ký tự: như vậy mỗi dòng là một sự hoàn hảo tuyệt đối. Nhưng còn thiếu hai chữ cái nữa để đạt được các dòng có đều đặn hai mươi bốn ký tự: để đạt được kết quả này, người ta đã thêm vào đầu văn bản ký tự alpha và cuối văn bản ký tự omega. Như vậy là một mũi tên trúng hai đích, vì qua đó, cũng có sự ám chỉ rõ ràng đến kinh Khải Huyền của Thánh Jean: “Ta là alpha và omega, là sự bắt đầu và sự kết thúc.” Bằng mật mã này, văn bản tạo nên một thế giới mới không thể thay đổi. Cậu có theo kịp không?

- Cho đến giờ thì có.

- Nếu hai lần mười hai thể hiện sự hoàn hảo tuyệt đối, thì bình phương của sự hoàn hảo này, nghĩa là 24 lần 24 là sự hoàn hảo vĩnh cửu: trong kinh Khải Huyền, tường thành của Jerusalem thần thánh – thành phố vĩnh cửu – dài một trăm bốn mươi tư khuỷu tay, nghĩa là bình phương của mười hai. Để thể hiện được sự hoàn hảo vĩnh cửu theo mật mã đặc biệt này, lẽ ra tín điều Credo phải bao gồm hai mươi bốn dòng, mỗi dòng có hai mươi bốn ký tự: một hình vuông hoàn hảo. Đồng ý không?

- Nhưng chỉ có hai mươi hai dòng!

- Đúng thế, còn thiếu hai dòng nữa mới tạo thành hình vuông hoàn hảo. Vậy mà văn bản được thông qua tại hội nghị Giám mục ở Nicée lại bao gồm mười hai tín điều. Một truyền thuyết rất cổ xưa kể lại rằng vào buổi tối diễn ra bữa ăn cuối cùng trong căn phòng lớn, hình như mỗi người trong số mười hai tông đồ đã tự tay ghi ra một tín điều. Điều này là để đảm bảo nguồn gốc tông truyền của Tín điều Credo theo cách ngây thơ. Mười hai tông đồ, mười hai tín điều, mười hai câu, mỗi câu được chia thành hai dòng hai mươi bốn ký tự: trong ngôn ngữ chặt chẽ của một mật mã số hóa, lẽ ra phải đạt được một hình vuông hoàn hảo, hai mươi bốn dòng mỗi dòng hai mươi bốn ký tự. Và như cậu thấy đấy, chỉ có hai mươi hai dòng: hình vuông không hoàn hảo, còn thiếu một tông đồ.

- Cậu muốn suy ra điều gì?

- Khi đến căn phòng lớn vào buổi tối diễn ra bữa ăn cuối cùng, họ có mười hai người cộng thêm Jesus – cộng thêm người chủ nhà bí ẩn, môn đồ cưng của Jesus: có mười ba người có thể làm chứng. Giữa bữa ăn, Judas rời bàn đi chuẩn bị việc bắt giữ Thầy: còn mười hai người ngồi lại. Nhưng một trong số mười hai người này sau đó đã bị loại bỏ một cách kịch liệt ra khỏi tất cả các văn tự cũng như ký ức. Người này không thể được tính đến trong số các tông đồ, những người sau này đặt nền móng cho Giáo hội từ những gì họ đã chứng kiến. Cần gạt bỏ người đó bằng mọi giá, sao cho ông ta không bao giờ được coi là một trong số Mười hai tông đồ. Phân bổ văn bản này trên hai mươi bốn dòng là chấp nhận rằng tối đó nhân vật này cũng đã viết ra một trong mười hai câu trong Tín điều Credo. Như thế có nghĩa là chính thức hóa lời chứng của ông ta, coi nó ngang bằng với lời chứng của các tông đồ khác. Hai dòng còn thiếu, Rembert ạ, chính là chỗ khuyết thiếu của người đã nằm bên Thầy vào tối thứ Năm ngày mồng 6 tháng Tư năm 30, nhưng đã bị loại bỏ khỏi nhóm Mười hai tông đồ khi họ đặt nền móng cho Giáo hội. Đó là lời thú nhận ngầm rằng đúng là bên cạnh Jesus đã có một tông đồ thứ mười ba!

Cha Nil mở tài liệu, lấy ra bản sao của bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ và đưa cho Leeland.

- Đây là câu đầu tiên tớ đã dịch ra, Nguyên tắc đức tin của mười hai tông đồ chứa đựng mầm mống phá hủy nó. Nghĩa là nếu người môn đồ cưng góp thêm lời chứng của mình vào lời chứng của mười một tông đồ - nếu có hai mươi bốn dòng thay vì hai mươi hai – Tín điều Credo có lẽ đã bị phá hủy, và Giáo hội được dựng lên trên nó cũng sẽ bị tiêu diệt. Vào thế kỷ VIII, văn bản này được khắc lên đá để nói về việc loại bỏ một người: tông đồ thứ mười ba. Trong nhiều thế kỷ, rất nhiều người khác đã chống lại việc thánh hóa Jesus, nhưng không ai bị căm thù lâu như vậy. Nghĩa là ở ông ta có điều gì đó đặc biệt nguy hiểm, và tớ tự hỏi phải chăng cha Andrei chết vì ông ấy đã phát hiện ra điều này.

Leeland đứng dậy và nhấn vài hợp âm trên đàn piano.

- Cậu có nghĩ văn bản Tín điều Credo đã bị mã hóa ngay từ đầu không?

- Đương nhiên là không. Hội nghị Giám mục ở Nicée diễn ra năm 325, dưới sự giám sát của hoàng đế Constantin, người đã đòi hỏi rằng thiên chất của Jesus phải được thực sự áp đặt cho toàn bộ Giáo hội. Phải chiến thắng thuyết chống tam vị nhất thể, thuyết không thừa nhận việc thánh hóa này và đặt sự thống nhất của Đế chế vào vòng nguy hiểm. Chúng ta có nhiều báo cáo về các tranh luận này: không có điều gì chỉ ra rằng việc soạn thảo Tín điều Nicée, vốn là lặp lại một văn tự cổ hơn, đã phải cân nhắc đến nhiều khía cạnh khác ngoài chính trị đơn thuần. Không, muộn hơn rất nhiều, vào đầu thời Trung cổ khi say đắm với chủ nghĩa bí truyền, người ta mới có nhu cầu mã hóa văn tự này, rồi khắc nó lên một phiến đá đặt công khai trong một nhà thờ hoàng gia. Vì dù đã rất lâu nhưng người ta muốn khẳng định lại một lần nữa việc loại bỏ một lời chứng được cho là vô cùng nguy hiểm.

- Và cậu thực sự tin rằng những nông dân vô học ở vùng Val-de-Loire, khi bước vào nhà thờ Germigny, có thể hiểu được ý nghĩa của bản khắc mà họ nhìn thấy?

- Chắc chắn là không, mật mã số hóa luôn rất phức tạp và chỉ một số rất hiếm hoi những người am tường nó – cũng phải là những người đã nắm được nội dung của mật mã – mới có thể hiểu được. Cũng giống như chóp cột trong các nhà thờ ở Roma, chúng được làm ra không phải để giảng dạy dân chúng, mà dành cho một số ít người yêu thích tìm hiểu. Không, phiến đá này được triều đình cho khắc để nhắc nhở một bộ phận ưu tú có tham gia phần nào vào việc nắm quyền lực – đặc biệt là các Giám mục – nhớ đến sứ mệnh của họ: duy trì mãi mãi, alpha và omega, niềm tin vào thiên chất của Jesus đã được khẳng định trong Tín điều Credo, tín điều ấy là nền móng của Giáo hội, là bức tường thành chính của quyền lực hoàng gia.

- Thật kinh ngạc!

- Điều kinh ngạc là bắt đầu từ cuối thế kỷ I, dường như đã có một âm mưu lớn được hình thành nhằm che giấu một bí mật gắn với tông đồ thứ mười ba. m mưu này xuất hiện lại một cách định kỳ. Chúng ta có một bằng chứng về điều đó vào thế kỷ III trong bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ, bằng chứng thứ hai vào thế kỷ VIII trong bản khắc ở Germigny và còn có thể có các bằng chứng khác nữa: tớ vẫn chưa kết thúc công việc. Một bí mật được các tầng lớp tôn giáo cầm quyền che giấu, suốt chiều dài lịch sử phương Tây, và tiếp theo cha Andrei tớ đang đặt tay lên nó. Tớ chỉ biết một điều, đó là bí mật này có thể gây nguy hiểm cho nền tảng của đức tin mà toàn bộ cơ cấu của Giáo hội đang bảo vệ.

Leeland đột nhiên im bặt, như một con vật vừa chui vào hang. Cuộc sống của chính ông đã bị cơ cấu này phá hủy. Ông đứng dậy và xỏ tay vào áo măng tô.

- Đến Vatican nào, chúng ta muộn rồi … Cậu định làm gì?

- Ngay từ ngày mai, tớ sẽ ngồi trước máy tính của cậu và lang thang trên mạng Internet. Tớ đang tìm hai tác phẩm liên quan đến các Giáo phụ, chỉ được xác định bằng mã số Dewey và đang nằm tận đáy một thư viện ở đâu đó trên thế giới.

Ở tầng ba, Moktar đã nghe được toàn bộ cuộc trò chuyện. Tấm biển “Cần bán” đã được dỡ bỏ khỏi cánh cửa phòng, và hôm qua, hắn đã có thời gian để dọn đến. Trên một chiếc bàn gỗ màu trắng, thiết bị điện tử đã được lắp đặt, dây nhợ giăng mắc hầu như khắp nơi. Một trong số những sợi dây này xuyên qua trần phòng và gắn đúng vào bên dưới một chân của cây đàn piano. Một chiếc micro to bằng hạt đậu giấu trong bản lề. Để nhìn thấy nó thì chắc phải tháo tung đàn ra.

Những chiếc máy ghi âm nối với sợi dây này đã quay từ khi cha Nil đến căn phòng ở tầng trên.

Đeo tai nghe, hắn không bỏ sót từ nào trong câu chuyện, nhưng không hiểu nhiều lắm. Dù sao cũng chẳng có gì liên quan đến nhiệm vụ thực sự của hắn. Hắn lấy cuốn băng ra khỏi chiếc máy ghi âm thứ hai: cuốn này sẽ đến Vatican và hắn sẽ bắt Calfo trả tiền. Còn cuốn đầu tiên là dành cho trường đại học Al-Azhar ở Cairo.
 
Chương 51


- Các anh em …

Đây là cuộc họp đầu tiên của Hội Thánh Pie V kể từ khi kết nạp đạo hữu mới. Antonio khiêm tốn ngồi vào vị trí của tông đồ thứ mười hai ở đầu bàn.

- Các anh em, tôi có thể tiết lộ với các vị một trong các bằng chứng về bí mật mà chúng ta có sứ mệnh bảo vệ: bằng chứng này mới được phát hiện và gần đây đã thuộc sở hữu của chúng ta. Tôi muốn nói đến bản khắc do hoàng đế Charlemagne đặt ở nhà thờ Germigny, và chỉ vài học giả hiếm hoi mới có thể hiểu ý nghĩa được che giấu của nó. Hôm nay, tôi vui mừng được giới thiệu nó với các vị. Tôi xin mời tông đồ thứ hai và tông đồ thứ ba …

Hai đạo hữu đứng dậy đi đến trước thánh giá, ở bên phải và bên trái hội trường. Người này nắm tay vào chiếc đinh đóng xuyên qua chân Thầy. Hai người hầu lễ cũng làm vậy đối với chiếc đinh đóng trên bàn tay phải và trái của Người. Sau một cái gật đầu, mỗi người xoay chiếc đinh của mình theo một con số.

Một tiếng cạch vang lên: tấm bảng bằng gỗ gụ trượt sang một bên.

Để lộ ra một khoảng lõm, trong đó có đặt ba tầng giá. Trên tầng giá dưới cùng nằm sát đất có một phiến đá dựng nghiêng.

- Các anh em, các vị có thể lại gần đây để tỏ lòng sùng kính.

Các tông đồ đứng dậy, rồi từng người lần lượt đến quỳ trước phiến đá. Lớp vữa đã được lau sạch: văn bản bằng tiếng Latin của Tín điều Nicée hiện ra vô cùng rõ ràng, được chia làm hai mươi hai dòng có chiều dài bằng nhau và được đóng khung trong hai ký tự Hy Lạp. Từng đạo hữu cúi gập người, nhấc khăn che mặt và áp môi lên ký tự alpha và omega. Rồi đứng dậy và hôn chiếc nhẫn Giám mục mà hội trưởng, người vẫn đứng dưới chân thánh giá, chìa ra trước họ.

Antonio rất xúc động khi đến lượt mình. Đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy chiếc tủ đó mở ra: ở bên trong còn có hai bằng chứng hữu hình của điều bí mật, việc bảo vệ chúng là lý do duy nhất cho sự tồn tại của Hội Mười hai. Bên trên phiến đá, ở giá giữa, một chiếc hộp bằng gỗ quý ánh phớt lên. Kho báu của các Hiệp sĩ dòng Đền! Nó sẽ được mở ra để các đạo hữu tỏ lòng sùng kính vào thứ Sáu ngày 13 sắp tới.

Giá trên cùng vẫn còn trống.

Khi đứng dậy, anh cũng áp môi lên chiếc nhẫn của hội trưởng. Điểm xuyết những vết màu đỏ sậm, viên ngọc thạch anh màu xanh đậm được chuốt thành hình thoi thuôn dài và lồng trong một khung bằng bạc chạm khắc khiến nó có hình dạng của một chiếc quan tài nhỏ xíu. Nhẫn của Giáo hoàng Ghislieri! Tim đập thình thịch anh về lại chỗ của mình ở chiếc ghế thứ mười hai trong khi hội trưởng đẩy tấm bảng bằng gỗ gụ, nó tự động đóng lại với một tiếng cạch.

- Các anh em, một ngày nào đó, giá trên cùng của chiếc tủ này phải che chở kho báu quý giá nhất trong tất cả các kho báu, so với nó những thứ chúng ta có ở đây chỉ là cái bóng hoặc hình phản chiếu. Kho báu này chúng ta đã nghi ngờ sự tồn tại của nó nhưng chưa biết nó đang ở đâu: sứ mệnh hiện nay có thể sẽ cho phép chúng ta lấy lại nó, để rồi đặt nó an toàn dưới sự canh gác của chúng ta. Khi đó, chúng ta sẽ thực sự có được những phương tiện để hoàn thành điều mà vì nó chúng ta dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa: bảo vệ nhân thân của Chúa phục sinh.

- Amen!

Niềm vui ánh lên trong mắt Mười một tông đồ, trong khi hội trưởng của họ ngồi vào chỗ của mình ở bên phải chiếc ngai trung tâm có phủ nhung đỏ.

- Tôi đã giảm bớt cho tông đồ thứ mười hai nghĩa vụ nghe những cuộc nói chuyện của hai tu sĩ: việc giám sát ấy đòi hỏi ở đạo hữu này những khoảng thời gian bất động vô ích. Điệp viên người Palestine của tôi phụ trách việc đó và tôi sắp có thể thông báo cho các vị nội dung của những cuốn băng đầu tiên, tôi đang phân tích chúng. Tông đồ thứ mười hai sẽ kín đáo giám sát kho sách Vatican. Cha Breczinsky còn chưa biết anh, điều này sẽ thuận lợi cho công việc. Lúc này, tôi toàn quyền kiểm soát các thông tin chuyển đến cho Hồng y. Còn về Đức Thánh Cha, chúng ta tiếp tục tránh cho ngài khỏi toàn bộ mối lo lắng đối với ngài là quá nặng nề này.

Mười một đạo hữu gật đầu đồng thuận. Nhiệm vụ này phải được tiến hành hết sức chuẩn xác: hội trưởng biết thể hiện sự hiệu quả của mình.
 
Chương 52


Sa mạc Idumea, năm 70

- Cha đã ngủ chưa, abbou?

- Từ khi đến sa mạc này, ta vừa chờ con quay lại vừa canh chừng sự sống đang run rẩy trong ta. Giờ đây đã gặp lại con rồi, ta có thể đi đến một giấc ngủ khác… Còn con?

Cánh tay trái của Iokhanân thõng xuống bất động và những vết sẹo sâu rạch khắp phần thân trên để trần của anh. Anh lo lắng nhìn ông già, gương mặt ông hõm sâu vì bệnh tật. Anh không trả lời mà ngồi xuống bên cạnh ông một cách khó khăn.

- Sau khi kết liễu Adôn, bọn lính bắt được con ở ốc đảo Ein Feshka và bỏ mặc con ở đó cho chết. Những người Esseni chạy thoát được vụ tàn sát và vòng vây ở Qumran sau đó đã vác con lên vai: con bị bất tỉnh nhưng vẫn còn sống. Suốt nhiều tháng trời, họ chăm sóc con trong cộng đồng của họ ở sa mạc Judee nơi họ ẩn nấp. Ngay khi có thể đi lại được, con đã xin họ đi cùng con đến đây để tìm cha: cha không thể tưởng tượng được quãng đường mà con đã trải qua trên sa mạc này đâu.

Tông đồ thứ mười ba nằm dài trên một manh chiếu đơn sơ, trước cửa một cái hang. Ông đưa mắt nhìn hẻm vực sâu mở ra phía trước họ, do nước xói vào vách đá màu đỏ và đất son tạo thành. Rất xa, thấp thoáng dãy núi chạy dài đến tận Hobreb, nơi trước đây Chúa trao Luật của mình cho Moise.

Những người Esseni…Không có họ, hẳn là Jesus đã không sống được bốn mươi ngày cô độc trong sa mạc, những ngày đã biến đổi Người. Không có họ, hẳn là cha đã không gặp Người cùng Jean – Baptiste, và Người hẳn đã không quen biết Nicodème, Lazare, các bạn bè của ta ở Jerusalem. Con đã để lá thư của chúng ta ở ngay trong một cái vại ở hang của họ, tại Qumran…chúng ta chịu ơn họ nhiều biết bao!

Còn hơn là cha nghĩ. Trong sa mạc Judee, họ tiếp tục chép lại các bản thảo khác nhau. Trước khi chia tay, họ đã trao lại cho con cái này – anh đặt xuống mép chiếu một xấp giấy da. Đây là kinh Phúc âm của cha, cha ạ, theo đúng bản hiện lưu truyền khắp Đế chế La Mã. Và con mang về để cha đọc.

Ông già đưa một bàn tay lên: dường như ông đang kiệm đến từng động tác.

- Bây giờ đọc cũng khiến ta mệt. Con hãy đọc cho ta nghe!

- Văn tự của họ dài hơn nhiều so với bản viết của cha. Họ không chỉnh sửa nữa mà sáng tác thêm. Theo như cha đã kể với con, Jesus nói bằng tiếng Do Thái, cho người Do Thái nghe…

Má tông đồ thứ mười ba ửng lên chút sắc màu. Ông nhắm mắt như đang sống lại những cảnh tượng đã khắc sâu trong tâm trí.

- Nghe Jesus nói, chính là nghe tiếng gió thổi trên các ngọn đồi ở Galilee, là nhìn thấy những bông lúa trĩu hạt trước mùa gặt, những đám mây bay qua bầu trời phía trên Israel của chúng ta… Khi Jesus nói, Iokhanân ạ, đó chính là người thổi sáo trong phiên chợ, người tá điền thuê mướn nhân công, những khách mời bước vào tiệc cưới, cô dâu trang điểm để đón chú rể…Cả đất nước Israel ở trong da thịt Người, là niềm vui và nỗi đau của Người, màu vàng êm dịu của các buổi chiều tối bên bờ hồ. Đó là bản nhạc cất lên từ đất đai quê hương chúng ta, nâng chúng ta lên với Chúa của Người và Chúa của chúng ta. Nghe Jesus nói là tiếp nhận tình cảm trìu mến của các nhà tiên tri được bao bọc trong giai điệu thần kỳ của những bài Thánh vịnh, giống như một làn nước tinh khiết. Ồ đúng! Đúng là một người Do Thái nói với những người Do Thái!

- Jesus mà cha đã biết giờ đây đang bị họ gán cho những bài diễn văn dài dòng theo kiểu của các nhà triết học theo thuyết ngộ đạo. Và họ biến Người thành Đạo, thành Đức chúa con vĩnh hằng. Họ nói rằng “tất cả mọi thứ là do Người, và không có Người là không có gì.”

- Đừng nói nữa!

Từ đôi mắt nhắm nghiền của ông lăn ra hai giọt nước mắt, chầm chậm bò dọc đôi má hõm sâu lởm chởm râu.

- Đạo! Vị thánh vô danh của các nhà triết học chợ búa, những kẻ khoe khoang là đã đọc Platon và diễn thuyết hô hào trước đám đông nhàn rỗi để khiến họ rơi vào túi mình cùng với vài đồng bạc! Người Hy Lạp đã từng biến người thợ rèn Vulcain thành thần, biến kỹ nữ Venus thành nữ thần, cũng biến cả một người chồng ghen tuông và một người lái thuyền thành thần. Ồ, điều đó mới dễ dàng làm sao, một vị thần có khuôn mặt của một con người, và điều đó mới khiến dân chúng vui thích làm sao! Khi thánh hóa Jesus, chúng vứt chúng ta vào trong bóng tối của tà giáo, nơi Moise đã từng đưa chúng ta thoát ra.

Bây giờ thì ông khóc, rất lặng lẽ. Sau một lát im lặng, Iokhanân nói:

- Một vài môn đồ của cha đã tham gia Giáo hội mới, nhưng những người khác vẫn trung thành với Jesus xứ Nazareth. Người ta xua đuổi họ ra khỏi các cộng đồng người Cơ Đốc, hành hạ họ, thậm chí một số người còn bị giết.

- Jesus đã báo trước cho chúng ta: Người ta sẽ xua đuổi các người ra khỏi cộng đồng, người ta sẽ tra tấn các người và người ta sẽ giết các người…Con có tin tức gì về những người Nazareth mà ta đã phải bỏ lại để ẩn náu ở đây không?

- Con có thông tin do những người đi theo đoàn ngựa thồ cung cấp. Sau khi rời Pella cùng cha, họ tiếp tục di cư đến tận một ốc đảo thuộc bán đảo Ả Rập, có tên là Bakka, hình như thế, đó là một chặng trên tuyến đường thông thương của Yémen. Những người Ả Rập du cư sống ở đó rất tôn thờ những viên đá thiêng, nhưng họ cũng tự coi mình là con trai của Abraham như chúng ta. Vậy là bây giờ một hạt mầm của người Nazareth đã được gieo trên đất Ả Rập!

- Tốt rồi, họ sẽ được an toàn ở đó. Thế còn Jerusalem?

- Đang bị Titus, con trai của hoàng đế Vespasien bao vây. Thành phố vẫn chống cự, nhưng trong thời gian bao lâu thì…

- Chỗ của con là ở đó, con trai ạ: con đường của ta chấm dứt ở đây. Hãy quay về Jerusalem, bảo vệ căn nhà của chúng ta trong khu phía Tây. Con có một bản sao lá thư của ta, hãy truyền bá nó. Biết đâu họ lại nghe con? Dù thế nào, họ cũng không thể biến đổi nó như đã từng làm với kinh Phúc âm của ta được.

Hai ngày sau ông già chết. Lần cuối cùng, ông chờ đợi bình minh. Khi được những ánh mặt trời bao bọc, ông gọi tên Jesus rồi ngừng thở.

Tận sâu trong một thung lũng ở sa mạc Idumea, một cái quách xếp bằng đá đặt sơ sài trên cát từ nay trở đi là nấm mồ của người từng tự xưng là môn đồ cưng của Jesus xứ Nazareth, tông đồ thứ mười ba thân thiết và cũng là nhân chứng tốt nhất của Người. Cùng với ông, vĩnh viễn biến mất ký ức về một nấm mộ tương tự, đặt đâu đó trong sa mạc này. Nấm mộ cho đến ngày nay vẫn còn chứa đựng di hài của một Người chân chính nhưng đã bị đóng đinh câu rút một cách vô căn cứ bởi bởi tham vọng của con người.

Iokhanân ngồi cả đêm ở lối vào thung lũng. Khi trên nền trời trong mờ chỉ còn ngôi sao gác đêm tỏa sáng, anh đứng dậy và đi về phía bắc cùng với hai người Esseni.
 
Chương 53


- Đây là lần đầu tiên tớ xác định được rõ đến thế ảnh hưởng trực tiếp của một giai điệu Do Thái đến một bài hát thời Trung cổ!

Cúi mình đã từ nhiều giờ trên chiếc bàn kính trong kho sách, họ vừa so sánh từng từ trong một bản thảo thánh ca Gréroige với một bản thảo âm nhạc Do Thái, cả hai bản thảo đều có trước thế kỷ XI và được soạn ra từ cùng một văn tự Thánh kinh. Leeland quay sang cha Nil.

- Liệu có phải giai điệu của đạo Do Thái thực sự là nguồn gốc của âm nhạc Giáo hội hay không? Tớ sẽ đi tìm văn tự tiếp theo trong phòng bản thảo Do Thái. Trong khi chờ đợi, cậu nghỉ ngơi đi.

Sáng nay Breczinsky đón họ với vẻ kín đáo quen thuộc. Nhưng viên thủ thư tận dụng một lúc vắng mặt của Leeland đã rỉ tai cha Nil :

- Nếu có thể… tôi muốn nói chuyện với cha một lát hôm nay.

Cánh cửa phòng ông ấy cách có vài mét. Còn lại một mình trước bàn, cha Nil ngần ngừ một lát. Rồi tháo găng tay rồi bước về phía văn phòng của người Ba Lan.

- Mời cha ngồi.

Căn phòng mang hình ảnh người chủ của nó, khắc khổ và buồn rầu. Những cái giá chất đầy sách xếp thẳng hàng, và trên bàn làm việc là một màn hình máy tính.

- Tất cả các bản thảo quý giá của chúng tôi đều được xếp vào một danh mục được các nhà bác học trên toàn thế giới tra cứu. Tôi đang xây dựng một thư viện truyền hình cho phép tra cứu sách qua Internet: cha có thể thấy là giờ đây cũng đã có rất ít người đến đây. Di chuyển để nghiên cứu một văn bản càng ngày càng trở nên vô ích.

“Và ông sẽ ngày càng cô đơn,” cha Nil nghĩ. Một khoảng lặng bao trùm lên họ và dường như Breczinsky không thể phá tan. Cuối cùng, ông cũng nói bằng một giọng ngập ngừng:

- Liệu tôi có thể hỏi mối quan hệ giữa cha và cha Andrei là như thế nào không?

- Tôi đã nói với cha rồi, chúng tôi là những đạo hữu trong một thời gian rất dài.

- Vâng, nhưng… cha có biết về công việc của cha ấy không?

- Chỉ một phần thôi. Tuy nhiên chúng tôi rất thân thiết, hơn nhiều so với mức độ thông thường giữa các thành viên trong một cộng đồng tôn giáo.

- À, cha đã…thân thiết với cha ấy?

Cha Nil không hiểu ông muốn đi đến đâu.

- Đối với tôi, cha Andrei là một người bạn rất thân thiết, chúng tôi không chỉ là đạo hữu trong tôn giáo mà còn là đôi bạn thân. Trong đời, tôi chưa từng chia sẻ nhiều như thế với bất kỳ ai.

- Vâng, Breczinsky thầm thì, dường như với tôi cũng vậy. Ấy thế mà khi cha đến đây, tôi đã nghĩ rằng…rằng cha là một trong những người cộng tác với Hồng y Catzinger! Điều đó làm thay đổi tất cả.

- Điều đó làm thay đổi cái gì, thưa cha?

Người Ba Lan nhắm mắt như đang tìm kiếm tận đáy sâu của con người mình một nguồn sức mạnh bên trong.

- Khi cha Andrei đến Roma, ông ấy đã muốn gặp tôi: chúng tôi trao đổi thư từ với nhau đã lâu mà chưa bao giờ gặp mặt. Khi nghe giọng tôi, ông ấy liền chuyển sang nói tiếng Ba Lan, thứ tiếng ông ấy rất thạo.

- Cha Andrei là người Xlavơ và nói được mười thứ tiếng.

- Tôi đã ngạc nhiên khi biết rằng gia đình Nga của ông ấy quê gốc ở Brest – Litovsk, trong tỉnh thuộc Ba Lan bị sáp nhập vào Liên bang Xô Viết năm 1920 và nằm giáp ranh với các vùng lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Đức vào năm 1939. Vẫn luôn thuộc Ba Lan, mảnh đất tội nghiệp này không ngừng gợi lên lòng thèm muốn của người Nga và người Đức. Khi cha mẹ tôi cưới nhau, nó vẫn còn nằm dưới gót giày của người Xô Viết, họ bắt các kiều dân Nga đến sống ở đó.

- Cha sinh ra ở đâu?

- Trong một làng nhỏ gần Brest – Litovsk. Dân Ba Lan bản địa bị chính quyền Xô Viết đối xử rất hà khắc, họ khinh bỉ chúng tôi, một dân tộc bị chinh phục, hơn nữa lại còn theo Công giáo. Rồi bọn phát xít kéo đến, sau khi Hitler xâm chiếm Liên bang Xô Viết. Gia đình cha Andrei sống cạnh gia đình tôi, hai nhà chỉ cách nhau một hàng rào sơ sài. Họ đã bảo vệ cha mẹ tội nghiệp của tôi khỏi nỗi kinh hoàng hoành hành trong vùng biên giới này thời kỳ trước chiến tranh. Tóm lại, dưới chế độ phát xít, lúc đầu họ nuôi chúng tôi, sau đó che giấu chúng tôi. Không có họ, không có lòng hào hiệp được thể hiện hàng ngày và sự giúp đỡ quả cảm của họ, cha mẹ tôi hẳn đã không sống sót được và tôi có lẽ đã không ra đời. Trước khi mất, mẹ tôi đã bắt tôi thề không bao giờ được quên họ, con cháu họ và người thân của họ. Cha là bạn thân, là anh em của cha Andrei à? Những người anh em của cha ấy cũng là anh em của tôi, máu của tôi thuộc về họ. Tôi có thể giúp gì cho cha không ?

Cha Nil sững sờ và nhận ra rằng người Ba Lan đã dốc hết những tâm sự ông ấy có thể nói hôm nay. Trong hầm ngầm này ở thành phố Roma, những trận gió lớn của Lịch sử và của chiến tranh đã ngẫu nhiên đưa họ lại với nhau.

- Trước khi chết, cha Andrei đã viết lại trên một mảnh giấy nhỏ những điều ông ấy nuốn nói với tôi khi trở về. Tôi đã cố hiểu thông điệp của ông ấy và đang tiếp tục đi trên con đường của ông ấy đã mở ra trước tôi. Tôi khó có thể tự thuyết phục mình rằng cái chết của ông ấy không phải là ngẫu nhiên. Tôi chưa thể biết có phải người ta đã giết ông ấy thật không, nhưng tôi có cảm giác sau khi chết, ông ấy đã ủy nhiệm lại cho tôi cuộc tìm kiếm của mình, giống như mệnh lệnh về một nhiệm vụ mà người đã khuất để lại. Cha có hiểu điều đó không ?

- Tôi càng hiểu hơn vì ông ấy đã từng tâm sự với tôi những điều mà ông ấy có lẽ đã không nói với ai khác, kể cả cha. Chúng tôi đã phát hiện ra có chung một quá khứ, một tình cảm gần gũi phát sinh trong những hoàn cảnh đặc biệt đau buồn. Trong văn phòng này, bóng ma những con người vô cùng thân thiết của chúng tôi đã thức dậy, khắp người đầy máu và bùn. Một cú sốc đối với ông ấy cũng như với tôi. Chính điều này đã thúc đẩy tôi, hai ngày sau đó, làm giúp cha Andrei điều mà… mà lẽ ra tôi không bao giờ nên làm. Không bao giờ.

“Nil, cậu bé của tôi, nhẹ nhàng thôi, thật nhẹ nhàng với ông ấy. Hãy xua đuổi những bóng ma”.

- Ngay lúc này, tôi có một vấn đề cần giải quyết: tìm lại hai tài liệu tham khảo mà cha Andrei đã để lại, hai mã số Dewey ít nhiều đầy đủ về Giáo phụ. Nếu không tìm được trên Internet, tôi sẽ nhờ cha giúp đỡ. Cho đến giờ, tôi chưa dám nhờ đến ai: càng tiến xa thêm thì điều tôi phát hiện ra càng có vẻ nguy hiểm.

- Còn hơn là cha nghĩ nữa kia – Breczinsky đứng dậy, có ý kết thúc cuộc nói chuyện. Tôi nhắc lại với cha: bạn thân, anh em của cha Andrei là anh em của tôi. Nhưng cha phải hết sức cẩn thận: những điều đã nói ra giữa những bức tường này phải tuyệt đối chỉ riêng chúng ta biết với nhau thôi.

Cha Nil gật đầu và quay lại phòng làm việc. Leeland đã trở lại bàn, và bắt đầu trải một bản thảo dưới ngọn đèn. Ông liếc mắt nhìn bạn mình rồi cúi xuống, không nói một lời, tiếp tục chỉnh bản thảo, mặt tối sầm.
 
Chương 54


Jerusalem, ngày 10 tháng Chín năm 70

Iokhanân bước qua cánh cửa phía Nam vẫn còn nguyên vẹn, rồi dừng lại, nghẹn thở: Jerusalem chỉ còn là một vùng đổ nát

Quân của Titus đã đổ bộ vào thành phố từ đầu tháng Tám, và trong một tháng, ở đây đã diễn ra một cuộc chiến tàn khốc, giành giật nhau từng đường phố, từng ngôi nhà. Trở nên điên khùng, quân lính thuộc quân đoàn X Fretensis phá hủy triệt để từng mảng tường còn sót lại. Thành phố phải bị san bằng, Titus ra lệnh, nhưng Đền thờ thì được chừa ra. Hắn muốn biết hình ảnh của một đức Chúa có thể gây ra chừng ấy sự cuồng tín, và có thể dẫn cả một dân tộc đến bước hy sinh, giống với cái gì.

Cuối cùng, ngày 28 tháng Tám hắn cũng vào được sân trước nhà thờ dẫn đến nơi thờ đức Thánh của các vị Thánh. Người ta nói rằng ở đó có sự hiện thân của Yahweh, Chúa của người Do Thái. Sự hiện diện của ngài, tức là tượng của ngài, hay một thứ gì đó tương đương.

Bằng một nhát kiếm, hắn chém rách bức màn che treo ở chính điện. Bước lên trước vài bước và dừng lại, sững sờ.

Không có gì hết.

Hay đúng hơn là trên một chiếc bàn bằng vàng nguyên chất, hai con vật có cánh, các kéroubim giống như hắn đã từng nhìn thấy ở rất nhiều ở miền Lưỡng Hà. Nhưng giữa những đôi cánh rộng mở của chúng, không có gì. Trống không.

Vậy là Chúa của Moise, Chúa của tất cả những kẻ cuồng nhiệt kia, không tồn tại. Bởi vì trong Đền không có dấu ấn nào thể hiện sự hiện diện của Người. Titus cất lên một tràng cười, rồi vẫn với vẻ hớn hở ra khỏi Đền. “Trò lừa đảo lớn nhất thế giới! Làm gì có thánh thần ở Israel! Tất cả máu đã đổ đều vô ích.” Nhìn thấy tướng của mình cười cợt, một tên lính vứt luôn bó đuốc đang cháy vào bên trong đền Thánh của các vị Thánh.

Hai ngày sau, đền Jerusalem dần cháy hết. Trên công trình huy hoàng mà Hérode sắp hoàn thành gần như không còn sót lại gì.

Ngày 8 tháng Chín năm 70, Titus rời khỏi Jerusalem hoang tàn để quay về Caesarea.

Iokhanân chờ tên lính cuối cùng rời khỏi thành phố mới mạo hiểm quay về: khu phía Tây không còn nữa. Khó nhọc bước giữa những đám đổ nát, anh nhận ra cung điện nguy nga của Caiphe nhờ bức tường bao quanh. Căn nhà của môn đồ cưng, nơi anh đã có một tuổi thơ hạnh phúc, cách đó hai trăm mét. Anh định hướng và đi tiếp.

Thậm chí còn không nhìn thấy bồn phun nước bên dưới mái che. Tất cả đã bị đốt cháy, và mái nhà bị đổ sập. Chính ở đó, dưới đống ngói cháy đen, còn sót lại những tàn tích của căn phòng lớn. Căn phòng nơi Jesus đã ăn bữa cuối cùng cách đây bốn mươi năm, xung quanh Người lúc đầu có mười ba người, sau đó là mười hai.

Anh đứng rất lâu trước đống đổ nát. Cuối cùng, một trong hai người Esseni đi cùng chạm vào tay anh.

- Đi khỏi chỗ này thôi, Iokhanân. Ký ức không nằm trong đống đá này. Ký ức ở trong anh. Chúng ta đi đâu bây giờ ?

“Ký ức về Jesus xứ Nazareth. Kho báu mong manh mà tất cả mọi người đều thèm muốn.”

- Anh nói đúng. Chúng ta đi về phía Bắc, về Galilee: tiếng vọng những lời nói của Jesus vẫn còn âm vang giữa những ngọn đồi ở đó. Tôi đang mang một kho báu cần phải truyền lại.

Anh rút từ túi đeo ra một mảnh giấy da, và đưa lên môi. “Bản sao bức thư của abbou tôi, tông đồ thứ mười ba.”

Ba thế kỷ sau, một phụ nữ Tây Ban Nha giàu có tên là Éthérie, người trả tiền tham gia chuyến hành hương đầu tiên được tổ chức để đến dự Tuần lễ Thánh ở Jerusalem, khi đi dọc bờ sông Jordan đã nhìn thấy một tấm bia khắc bị đổ nghiêng một cách thảm hại. Tò mò, bà liền dừng kiệu: phải chăng lại là một ký ức về thời kỳ của Christ ?

Bản khắc dễ đọc. Nó kể rằng vào thời Đền thờ bị phá, một người Nazareth có tên là Iokhanân đã bị giết chết ngay tại đây khi ông muốn trốn khỏi Jerusalem đổ nát. Hẳn là lính của Titus đã đuổi kịp ông, Éthérie nghĩ, cắt cổ rồi vứt ông xuống dòng sông ngay gần đó. Bà thốt lên:

- Một người Nazareth! Đã lâu lắm rồi không còn người nào trong số họ. Con người tội nghiệp này hẳn là người cuối cùng, và chắc là chính vì thế mà người ta đã dựng tấm bia này ở chỗ ông ta bị giết chết.

Điều mà người phụ nữ Cơ Đốc sùng đạo này không biết, là Iokhanân không phải là người Nazareth cuối cùng.

Từ ngày đó, chỉ còn lại hai bản bức thư của tông đồ thứ mười ba của Jesus. Một bản được giấu tận đáy một chiếc vại nằm cách biệt trong một cái hang cheo leo giữa một vách đá dựng đứng trên đống đổ nát của Qumran về hướng biển Chết.

Và bản còn lại nằm trong tay những người Nazareth chạy thoát khỏi Pella. Những người đã tìm được chỗ trú thân trong một ốc đảo thuộc sa mạc Ả Rập, có tên là Bakka.
 
Chương 55


Đức ông Calfo khoác lên người chiếc áo dài có viền tím. Để tiếp Antonio, ông cần mang đủ những thứ thể hiện phẩm tước giáo sĩ cấp cao của mình. Những thành viên mới gia nhập không bao giờ được quên mình đang làm việc với ai.

Một khi những cuộc trò chuyện ban đầu đã kết thúc, ông hiếm khi tiếp đón các thành viên của Hội ở nhà mình. Tất cả họ đều biết địa chỉ nhà ông,nhưng các đòi hỏi về bảo mật được tuân thủ tuyệt đối tại một trong những hội kín ở Roma. Và đôi khi mùi nước hoa của Sonia vẫn còn phảng phất trong phòng rất lâu sau khi cô đã đi.

Ông hài lòng mở cửa phòng cho tông đồ thứ mười hai.

- Bây giờ, sứ mệnh của anh là theo dõi chặt chẽ cha Breczinsky. Đó là một looser, một kẻ thua cuộc. Nhưng loại người này luôn không thể dự báo được, ông ta có thể có những hành động bột phát.

- Tôi phải đạt được điều gì từ ông ta ?

- Trước hết, ông ta phải cho ông biết những điều mà hai tu sĩ kia có thể nói với nhau những khi họ làm việc trong kho sách của Vatican. Sau đó nhắc nhở ông ta nhớ mình từ đâu đến, mình là ai và ai là Hồng y. Chỉ cần nhắc như vậy là có thể giữ ông ta trung thành với nhiệm vụ của mình. Bây giờ, anh là một trong số ít những người biết ông ta đang giữ gìn những tài liệu tuyệt mật nào. Đừng quên rằng trong ký ức của ông ta có một vết thương khủng khiếp: chỉ cần ấn lên đó để đạt được từ ông ta điều chúng ta muốn. Đừng ngại ngần gì hết: chỉ có kết quả của sứ mệnh đang được tiến hành là quan trọng.

Sau khi tiếp thu các chỉ dẫn, Antonio rời tòa nhà và công khai rẽ sang bên phải, hướng sông Tiber, ra vẻ như anh sắp quay về thành phố. Không ngẩng đầu lên, anh có thể cảm thấy cái nhìn của hội trưởng từ cửa sổ căn hộ của ông ta chiếu vào gáy mình. Nhưng khi đến góc Lâu đài San Angelo, anh lại rẽ phải lần nữa, và sau một chỗ ngoặt, đi về hướng ngược với thành phố, hướng quảng trường Saint Peter.

Roma giữ lại tia sáng ánh lên từ những bức tường đỏ son dưới ánh mặt trời nhợt nhạt tháng Mười hai. Từ nhiều thế kỷ nay, thành phố đã chứng kiến vũ điệu không ngừng của những mánh khóe và âm mưu của các giáo sĩ Công giáo cao cấp. Lim dim, hiền từ và lắng dịu với vẻ huy hoàng của mình trong suốt mùa đông dài. Nó không còn quan tâm đến các trò chơi quyền lực và danh vọng diễn ra quanh nấm mồ của Tông đồ.

- Vào đi, bạn thân mến, Catzinger thốt lên và mỉm cười, ta đang đợi con.

Chàng trai trẻ cúi mình để hôn chiếc nhẫn của Hồng y. “Một kẻ trốn thoát sau hai cuộc thanh trừng liên tục, đầu tiên là của Gestapo, rồi đến quân Giải phóng. Vinh dự và tôn trọng dành cho những người đấu tranh vì phương Tây.”

Anh ngồi vào trước bàn và chăm chú nhìn vào Đức Hồng y bằng ánh mắt đen kỳ lạ của mình.
 
Chương 56


Cha Nil đã yêu cầu Leeland đến kho sách Vatican một mình.

- Tớ muốn tìm hiểu một câu đã phát hiện ra trong cuốn sổ ghi chép mà cha Andrei để lại ở San Girolamo. Tớ phải dùng Internet, có thể là trong nhiều giờ. Nếu cha Breczinsky hỏi thì cậu tìm cớ gì đó cho việc tớ vắng mặt nhé.

Ngồi lại một mình trước máy vi tính, ông cảm thấy nản lòng, mất phương hướng giữa một mạng lưới lối đi tỏa ra các ngả. Những văn bản do Thư viện Huntington sao chụp lại chỉ khẳng định thêm điều ông đã cảm thấy từ khi nghiên cứu các bản thảo vùng biển Chết. Còn bản thảo tiếng Ai Cập cổ? Câu đầu tiên trong bản thảo đã cho phép ông hiểu được mật mã dùng trong Tín điều Nicée. Vẫn còn câu thứ hai và bức thư bí ẩn của tông đồ. Ông đã quyết định tiếp tục tấn công vào chỉ dẫn cuối cùng này, chỉ dẫn mà ông vừa tìm lại được dấu vết trong cuốn sổ ghi chép của cha Andrei. Tất cả hướng đi này phải giao nhau tại đâu đó. Đó là thông điệp cuối cùng của bạn ông: liên hệ chúng lại với nhau.

Rembert Leenland...chàng sinh viên thân thiện và cả tin, chàng thanh niên tươi cười sung sướng coi cuộc sống như âm nhạc giờ đây đã trở thành người như thế nào rồi? Tại sao lại có thời khắc tuyệt vọng đó? Cha Nil đã nhận thấy trong ông ấy một vết rạn rất sâu, mà ông ấy không thể tâm sự với một người bạn cũ.

Còn về Breczinsky, ông ấy có vẻ hoàn toàn cô độc trong hầm ngầm lạnh giá và hoang vắng của Thư viện Vatican. Tại sao ông ấy lại tâm sự với ông những điều đó, có chuyện gì đã xảy ra giữa ông ấy và cha Andrei ?

Ông quyết định tập trung vào bức thư của tông đồ. Ông phải tìm lại cuốn sách đang ở đâu đó trên thế giới, bắt đầu từ mã số Dewey của nó.

Ông kết nối Internet, mở giao diện Google và đánh cụm từ các thư viện trên thế giới/ thuộc giáo hội.

Một trang có mười một địa chỉ Web hiện ra. Phía dưới màn hình, Google cho ông biết còn mười hai trang tương tự đã được lựa chọn. Khoảng một trăm ba mươi trang Web để tra cứu.

Ông thở dài và nhấp chuột vào địa chỉ web đầu tiên.

Trở về sau mười hai giờ trưa một chút, Leeland phật ý khi chỉ thấy một mảnh giấy ngắn ngủi đặt trước màn hình: cha Nil phải quay về San Girolamo gấp. Ông ấy sẽ quay lại đường Aurelia vào buổi tối.

Ông ấy đã tìm được gì chăng? Tu sĩ người Mỹ chưa bao giờ là một học giả nghiên cứu Kinh Thánh. Nhưng công việc của cha Nil bắt đầu khiến ông hết sức quan tâm. Bằng cách tìm tòi để phát hiện điều đã gây nên cái chết của cha Andrei, bạn ông muốn trả thù cho ký ức về ông ấy; còn ông, giờ đây ông mong ước trả thù cho chính cuộc đời đã bị phá hủy của mình.

Vì ông cảm thấy những người đã phá hủy cuộc sống của ông cũng chính là những người đã gây ra tai nạn giết chết thủ thư của tu viện Saint – Martin.

Mặt trời buổi hoàng hôn nhuộm màu đỏ đậm lên những đám mây ô nhiễm phủ trên thành Roma. Leeland đã quay lại Vatican . Trong căn phòng bên dưới, người Palestine đột nhiên nghe thấy có ai đó trong phòng, rồi ngồi xuống trước máy vi tính: chắc là cha Nil. Các cuộn băng từ chỉ ghi lại được âm thanh của bàn phím.

Đột nhiên, âm thanh sôi nổi hẳn lên: đến lượt Leeland quay về.

Họ sắp nói chuyện với nhau.
 
Chương 57


Ai Cập, từ thế kỷ II đến thế kỷ VII

Bị chiến tranh bức bách phải rời bỏ Pella, những người Nazareth được người Ả Rập trong ốc đảo Bakka, nơi họ gây dựng lại cuộc sống, tiếp đón nhiệt tình. Nhưng thế hệ thứ hai không chịu đựng được sự khắc nghiệt trong sa mạc Ả Rập: một số người tiếp tục đi đến Ai Cập. Họ định cư ở phía Bắc Louxor, trong một làng thuộc vùng núi El-Tarif có tên gọi là Nag Hamadi. Ở đó, họ tạo thành một cộng đồng gắn kết với nhau bằng kỷ niệm về tông đồ thứ mười ba và những lời giảng dạy của ông. Và bằng bức thư của ông, mà mỗi gia đình sở hữu một bản sao.

Họ nhanh chóng va chạm với các giáo sĩ Cơ Đốc đến từ Alexandria, nơi Giáo hội đang bành trướng mạnh mẽ. Đạo Cơ Đốc lan truyền trong Đế chế dữ dội như lửa lan trong rừng: người Nazareth, những người không thừa nhận thiên chất của chúa Jesus, phải phục tùng – hoặc biến mất.

Biến Jesus thành Chúa Christ ? Phản bội lại bức thư? Không bao giờ. Họ bị người Cơ Đốc truy hại. Từ Alexandria, những mệnh lệnh viết bằng tiếng Ai Cập cổ được ban ra: phải hủy bức thư này, tại Ai Cập cũng như ở khắp nơi trong Đế chế. Mỗi khi có một gia đình người Nazareth bị xua đuổi vào sa mạc, nơi cái chết chờ đợi họ, nhà của họ liền bị lục soát, và bức thư của tông đồ thứ mười ba bị đốt. Bức thư nói về một nấm mộ có chứa hài cốt của Jesus, ở đâu đó trong sa mạc Idumea: nấm mồ của Jesus phải trống rỗng, để Christ sống mãi.

Tuy nhiên có một bản sao bức thư thoát khỏi tay những kẻ săn đuổi và đến tận thư viện ở Alexandria, nơi nó bị lẫn vào năm trăm nghìn tác phẩm có trong kỳ quan thứ tám này của thế giới.

Một thời gian sau năm 200, một thanh niên vùng Alexandria có tên là Origène bắt đầu thường xuyên lui tới thư viện. Là người nghiên cứu không mệt mỏi, anh đam mê với con người Jesus. Ký ức về Người thật kỳ diệu.

Trở thành nhà giáo, Origène bị Gám mục của mình tên là Demetrius lên án. Đó là kết quả của lòng ghen ghét, vì sức hấp dẫn của anh thu hút toàn bộ giới ưu tú ở Alexandria. Nhưng cũng là do đề phòng, vì Origène không ngần ngại sử dụng những văn tự bị Giáo hội cấm trong bài giảng của mình. Cuối cùng, Demetrius đuổi anh khỏi Ai Cập và Origène trốn sang Caesarea thuộc Palestine, nhưng mang theo kí ức của mình. Còn về bức thư của tông đồ thứ mười ba, nó vẫn nằm lẫn trong thư viện rộng lớn, không được ai biết đến: hiếm nhà nghiên cứu nào có được tài năng của Origène.

Vào năm 691, khi Alexandria rơi vào tay người Hồi giáo, tướng Al-As Amrou ra lệnh đốt tất cả các cuốn sách: “Nếu chúng giống với kinh Koran, ông ta tuyên bố, thì chúng vô ích. Còn nếu chúng không giống thì chúng nguy hiểm.” Trong vòng sáu tháng, toàn bộ ký ức về thời kỳ Cổ đại đã làm mồi cho các nhà tắm nóng công cộng.

Khi đốt thư viện Alexandria, người Hồi giáo đã hoàn thành công việc mà người Cơ Đốc không thể làm được: từ đó trở đi, không còn bản sao nào của bức thư ở bất kỳ đâu.

Trừ bản gốc, vẫn giấu trong một chiếc vại được cát che phủ, ở bên trái lối vào một trong những hang đá phía trên đống đổ nát của Qumran.
 
Chương 58


- Thế nào, cậu có tìm thấy gì không?

Nét mặt căng thẳng, Leeland vừa về đến phòng. Bên cạnh máy vi tính, giấy tờ vương vãi. Cha Nil có vẻ mệt mỏi: ông không trả lời mà đi đến cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Rồi trở lại chỗ ngồi, ông quyết định không quan tâm đến lời nhắc nhở của Breczinsky và nói hết với bạn mình.

- Sau khi cậu đi, tớ đã bắt đầu tra cứu các thư viện lớn nhất trên thế giới. Khoảng cuối buổi sáng, tớ gặp một thủ thư ở Heidelberg, người đã từng sống ở Roma. Chúng tớ đã trao đổi với nhau, và ông ấy nói với tớ rằng mã số Dewey hẳn là đến từ…đoán xem?

- Thư viện San Girolamo, và chính vì thế mà cậu đã gấp gáp quay lại đó!

- Lẽ ra tớ phải nghĩ đến điều đó, vì đó là thư viện cuối cùng cha Andrei lui tới trước khi chết: ông ấy đã bắt gặp một cuốn sách và nhanh chóng ghi lại chỉ dẫn về nó vào cái mà ông đang có trong tay là một cuốn sổ ghi chép của mình – chắc là với ý định sẽ tra cứu cuốn sách này một lần nữa. Và rồi ông ấy đã vội vã rời khỏi Roma, bỏ lại cuốn sách khi đó đã trở lên vô ích.

Leeland ngồi xuống bên cạnh cha Nil, mắt sáng lên.

- Và cậu tìm lại được cuốn sách chứ ?

- Thư viện San Girolamo được tạo lập một cách chắp vá, các đời thủ thư kế tiếp nhau nhanh chóng, và ở đó có thể tìm thấy mọi thứ. Nhưng hầu hết sách ở đó đều được sắp xếp, và thực tế là tớ đã tìm ra cuốn sách khiến cha Andrei chú ý, một cantena của Eusèbe de Caesarea: một bản in hiếm có vào thế kỷ XVII, tớ chưa từng nghe nói đến.

Leeland hỏi với vẻ ngượng nghịu:

- Xin lỗi cậu, Nil ạ, nhưng tớ quên hết những thứ không phải là âm nhạc rồi. Catena là gì?

- Vào thế kỷ III đã xảy ra một cuộc chiến khốc liệt xung quanh thiên chất của Jesus, điều mà Giáo hội tìm cách áp đặt: khắp nơi người ta hủy các văn tự không phù hợp với giáo lý đang khai sinh. Sau khi kết tội Origène, Giáo hội đã cho đốt tất cả các bản viết của ông. Eusèbe de Caesarea rất ngưỡng mộ người dân thành Alexandria này, người đã chết trong thành phố của mình. Ông đã muốn cứu vớt những tác phẩm có thể cứu được của Origène, nhưng để bản thân không bị kết tội, ông đã truyền bá những đoạn trích được lựa chọn, đoạn nọ gắn với đoạn kia như những mắt xích trong một xâu chuỗi: một catena. Sau đó, người ta đã lặp lại ý tưởng của ông ấy, và ngày nay chúng ta chỉ có thể tiếp cận được nhiều tác phẩm cổ đã biến mất qua các trích đoạn này. Cha Andrei đoán rằng trong catena mà ông ấy chưa bao giờ nhìn thấy có thể chứa đựng những đoạn văn của Origène rất ít được biết đến. Ông ấy lục tìm và đã thấy.

- Thấy cái gì?

- Một câu của Eusèbe, cho đến nay vẫn không ai chú ý đến. Ở một trong số các tác phẩm của mình ngày nay đã bị mất, Origène có nói rằng đã từng thấy trong Thư viện Alexandria một epistola abscondita apostoli tredicesimi bí ẩn: bức thư bí mật – hoặc được che giấu – của một tông đồ thứ mười ba, trong đó có thể có bằng chứng rằng Jesus không có bản chất thánh thần. Hẳn là cha Andrei đã nghi ngờ sự tồn tại của bức thư này, ông ấy đã từng bóng gió nói với tớ về nó: tớ thấy ông ấy đang trong quá trình tìm kiếm, vì đã cẩn thận ghi lại tài liệu tham khảo bất ngờ này.

- Liệu có thể tin được vào một câu văn lẻ loi trong một văn tự nhỏ bé đã bị rơi vào quên lãng không ?

Cha Nil xoa cằm.

- Cậu nói đúng, chỉ mình nó thì một mắt xích đơn giản này trong một catena là không đủ. Nhưng nhớ lại đi: trong mảnh giấy để lại trước khi chết, cha Andrei đã gợi ý là phải liên hệ bốn hướng nghiên cứu mà ông ấy đã ghi lại với nhau. Đã nhiều tuần nay tớ lật đi lật lại trong đầu câu thứ hai trong bản thảo tiếng Ai Cập cổ mà tớ tìm thấy ở thư viện: “Bức thư phải bị hủy bỏ ở khắp nơi, để nơi ở còn ở lại.” Nhờ vào Origène, tớ tin rằng cuối cùng tớ cũng đã hiểu ra.

- Một mật mã mới à ?

- Hoàn toàn không. Vào đầu thế kỷ III, Giáo hội đang xây dựng giáo lý Chúa hiện sinh sẽ được tuyên bố trong hội nghị Giám mục Nicée, đồng thời tìm cách loại bỏ tất cả những gì chống lại giáo lý đó. Mảnh bản thảo tiếng Ai Cập cổ này - chính là thứ đã khiến cha Andrei chú ý - hẳn là phần còn sót lại trong một chỉ thị của Alexandria, ra lệnh hủy bỏ bức thư này ở khắp nơi. Tiếp theo, người ta đã chơi chữ khi dùng một từ Ai Cập cổ mà tớ đã dịch sai thành “nơi ở”, nhưng thực ra còn có nghĩa là “hội”. Trong tiếng Hy Lạp, là ngôn ngữ chính thức của Alexandria, “hội” được gọi là ekklesia - Giáo hội. Vậy là ý nghĩa của câu này trở nên rõ ràng: phải hủy bỏ bức thư này ở khắp nơi, để Giáo hội còn mãi - để nó không bị biến mất vào hư vô! Chỉ được lựa chọn một trong hai thứ: bức thư của tông đồ thứ mười ba hay sự sống còn của Giáo hội.

Leeland khẽ huýt sáo :

- I see [[33]]….

- Cuối cùng, các hướng nghiên cứu cũng bắt đầu gặp nhau: bản khắc ở Germigny khẳng định rằng vào thế kỷ VIII, một tông đồ thứ mười ba bị coi là rất nguy hiểm, đến nỗi người ta phải gạt bỏ ông ta vĩnh viễn, alpha và omega – và chúng ta biết rằng ông ta không phải là ai khác mà chính là môn đồ cưng trong kinh Phúc âm thứ tư. Origène cho chúng ta biết rằng ông ấy đã nhìn thấy ở Alexandria một bức thư do người này viết, và bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ khẳng định rằng có một hoặc nhiều bản sao của bức thư này ở Nag Hamadi, bởi vì nó ra lệnh hủy bỏ các bản sao đó.

- Nhưng làm sao mà bức thư này lại có thể đến tận Nag Hamadi được?

- Chúng ta biết rằng người Nazareth đã trốn chạy đến Pella, vùng hiện nay thuộc Jordan, có thể họ cùng đi với tông đồ thứ mười ba. Sau đó, người ta mất dấu họ. Nhưng cha Andrei đã yêu cầu tớ đọc kỹ kinh Coran, bộ kinh mà ông ấy hiểu rõ. Và tớ đã làm thế, bằng cách so sánh nhiều bản dịch khoa học có được ở tu viện. Tớ ngạc nhiên khi thấy tác giả rất hay nhắc đến những naçâra – từ Ả Rập để chỉ “người Nazareth” – họ chính là nguồn thông tin chủ yếu về Jesus. Sau Pella, các học trò của tông đồ thứ mười ba đã phải trốn chạy đến Ả Rập, nơi có lẽ Muhammad quen biết họ. Thế thì có lý gì mà họ không tiếp tục đến tận Hy Lạp? Đến tận Nag Hamadi, và mang theo các bản sao của bức thư nổi tiếng này?

- Kinh Coran… Cậu thực sự tin rằng những người Nazareth chạy trốn có ảnh hưởng đến tác giả của kinh này à?

- Đương nhiên, có rất nhiều điều trong văn tự này thể hiện điều đó. Tớ không muốn nói thêm về chuyện này với cậu bây giờ: tớ còn phải khám phá thêm hướng đi cuối cùng, một hoặc một loạt tác phẩm liên quan đến các Hiệp sĩ dòng Đền, với một mã số không đầy đủ. Lần khác chúng ta sẽ nói về kinh Coran, đã muộn rồi, tớ phải về San Girolamo.

Cha Nil đứng dậy, và lại nhìn ra thành phố chìm trong bóng tối. Ông nói thêm như tự nhủ:

- Vậy là tông đồ thứ mười ba đã viết một bức thư, nó bị hủy bỏ ở khắp nơi, và bị lòng căm thù của Giáo hội truy đuổi. Liệu có thể có điều gì nguy hiểm đến thế trong bức thư này nhỉ?

Ở tầng dưới, Moktar nghe rất chăm chú. Khi cha Nil nhắc đến kinh Coran, Muhammad và những người Nazareth, hắn buộc miệng chửi rủa:

- Đồ con chó!
 
Chương 59


Sa mạc Ả Rập, tháng Chín năm 622

Người đàn ông cho lạc đà phi nước đại trong đêm đen. Anh đang chạy trốn về phía Medina, lạc đà chạy hết sức đến sùi bọt mép, và đêm nay sẽ được gọi là Hégire [[34]], đánh dấu thời điểm bắt đầu lịch của người Hồi giáo.

Anh trốn khỏi ốc đảo Bakka, nơi anh sinh ra trong bộ tộc danh giá của người Quraysh. Anh trốn chạy vì người Quraysh tự xưng là con của Abraham, nhưng lại tôn thờ những viên đá thiêng.

Tại nơi dừng chân ở giữa sa mạc này, từ thời xa xưa đã có một cộng đồng người Do Thái sinh sống. Đứng đầu cộng đồng đó là một giáo trưởng uyên bác, nhiệt thành, mơ ước dẫn dắt toàn bộ Ả Rập đến với đạo Do Thái thông qua truyền thống giáo trưởng của mình. Chàng thanh niên Ả Rập đã bị con người cuồng nhiệt này quyến rũ: anh trở thành học trò của ông và lặng lẽ cải đạo.

Nhưng giáo trưởng của anh đòi hỏi nhiều hơn thế. Những người Quraysh kiêu ngạo bác bỏ lời thuyết giáo của một người Do Thái: biết đâu họ sẽ nghe theo anh, một người Ả Rập cùng bộ tộc với họ? Chẳng phải là anh vẫn không mang dòng máu Do Thái đó sao? Điều ông dạy anh mỗi ngày, ông muốn anh nhắc lại ở các nơi trong ốc đảo. “Hãy nói với họ,” ông không ngừng nhắc lại với anh… Để không bỏ sót bất kì điều gì đã nghe được, Muhammad ghi chép lại, và các ghi chép ngày càng nhiều lên. Bằng tiếng Ả Rập, vì giáo trưởng hiểu rằng phải nói chuyện với những người này bằng ngôn ngữ của họ, chứ không phải bằng tiếng Hê brơ.

Đối với những người Quraysh, thế là quá lắm: một người của họ, Muhammad, lại đang tìm cách phá bỏ nghi lễ thờ đá thiêng, nguồn gốc sự giàu có của họ! Cùng lắm thì họ chỉ có thể dung thứ nếu anh trở thành người Nazareth: những người ly khai khỏi đạo Cơ Đốc này đã đến đây từ nhiều thế kỷ nay, và nhà truyền giáo Jesus của họ không nguy hiểm. Cùng với những lời giảng dạy của giáo trưởng, chàng trai Ả Rập sẵn lòng nghe lời giảng dậy của họ: bị Jesus lôi cuốn, có lẽ Muhammad sẽ muốn sáp lại gần họ. Nhưng những người Quraysh không để anh có thời gian, và họ xua đuổi anh.

Giờ đây, anh trốn chạy về phía Medina: toàn bộ hành lý của anh chỉ bao gồm những ghi chép quý báu. Những điều mà anh ghi lại ngày này qua ngày khác, theo lời giáo trưởng của anh: hãy nói với họ…

Ở Medina, anh trở thành một dũng tướng. Thành công tích tụ, anh mở rộng quyền lực của mình ra cả một vùng và trở thành thủ lĩnh chính trị được tôn trọng. Phải có những điều luật để tổ chức những người đi theo anh: anh ban bố luật, sau đó viết chúng ra, và những văn tự này dần cộng thêm vào các ghi chép trước kia của anh. Đôi khi anh cũng ghi lại những việc linh tinh, một vài câu chuyện kể về các trận đánh của mình. Những ghi chép của anh tạo thành một cuốn sổ đi đường lớn.

Khi anh muốn tập hợp những người Do Thái dưới trướng của mình, họ từ chối thẳng thừng: anh tức giận xua đuổi họ ra khỏi thành phố và quay về với những người Cơ Đốc ở phương Bắc. Được, những người này sẽ sẵn sàng giúp anh trong các cuộc chinh phục, tuy nhiên với một điều kiện: anh phải trở thành người Cơ Đốc, và thừa nhận thiên chất của Jesus. Muhammad nguyền rủa họ, và căm thù họ khôn nguôi như đối với những người Do Thái.

Chỉ có những người Nazareth là được ưu ái trong mắt anh. Và trong sổ của mình, anh viết những lời ca ngợi họ và nhà truyền giáo Jesus của họ.

Khi trở về Bakka với tư cách người chiến thắng, Muhammad dùng kiếm quét sạch những viên đá thiêng của những người tôn sùng chúng. Nhưng ông dừng lại trước hình Jesus và mẹ Người, vốn được người Nazareth sùng kính từ lâu. Ông tra kiếm vào vỏ và cúi người thật thấp.

Sau đó, cái tên Bakka có thay đổi chút ít, như đã diễn ra, và ốc đảo này được biết đến ở mọi nơi dưới tên gọi Mekka.

Mecca.

Hai thế hệ sau, vua Thổ Nhĩ Kỳ là Othman sưu tập lại cuốn sổ đi đường của Muhammad, và gọi nó là Coran, tuyên bố rằng nó được Muhammad viết ra theo lời đọc trực tiếp của Chúa. Từ đó trở đi, không ai được nghi ngờ về bản chất thần thánh của kinh Coran, nếu còn muốn sống.

Đạo Hồi chưa bao giờ có tông đồ thứ mười ba.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại https://truyen.diendantruyen.com
Back
Top Bottom