Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full Việc Máu

Dịch Full Việc Máu
Chương 40


Khi được thẩm vấn vào đêm James Cordell bị ám sát, James Noone đã cung cấp cho cảnh sát một địa chỉ duy nhất cho cả nhà riêng lẫn nơi làm việc của y. Đến khi McCaleb tới đó, cái địa chỉ trên Đại lộ Atoll ở Bắc Hollywood hóa ra chẳng thể nào xác định là một căn hộ hay một văn phòng. Khu vực đó của Thung lũng là một mớ hổ lốn gồm cả khu dân cư, khu thương mại và thậm chí cả khu công nghiệp.

Ông chầm chậm lái xe về phía Bắc theo đường 101, lại băng qua Đèo Cahuenga, cuối cùng tăng tốc một chút khi chuyển sang đường 134 Bắc. Ông rẽ ở đoạn Victory và lái về phía Đông cho đến khi gặp Đại lộ Atoll. Khu vực ông vừa mới rẽ vào dứt khoát là khu công nghiệp. Ông ngửi thấy mùi một hiệu bánh, rồi băng qua một khoảnh sân quây rào trong đó có những phiến đá granit lởm chởm chất đống chĩa lên trời. Có những nhà kho chẳng có bảng tên. Có một nhà chuyên bán sỉ hóa chất dùng cho hồ bơi và một trung tâm tái chế rác thải công nghiệp. Ngay nơi Đại lộ Atoll biến thành đường cụt với một nhánh đường sắt cũ rẽ ngang, cỏ dại thòi ra giữa các thanh ray, McCaleb rẽ chiếc Taurus vào một đường ô tô nội bộ hai bên là hai dãy nhà kho nhỏ chỉ có chỗ đỗ cho một xe duy nhất. Mỗi đơn nguyên là một doanh nghiệp nhỏ hoặc kho hàng riêng biệt. Vài cái có mang tên của doanh nghiệp sơn trên cửa cuốn bằng nhôm, vài cái chẳng có dấu hiệu nào để định danh, hoặc không có ai thuê hoặc được ai đó giấu tên dùng làm chỗ cất hàng. McCaleb dừng xe phía trước cánh cửa gỉ sét ghi địa chỉ mà James Noone đã cho cảnh sát ba tháng trước. Không có dấu hiệu nhận dạng nào khác trên cánh của ngoài địa chỉ. Ông tắt máy rồi ra khỏi xe.

Đêm tối như mực. Không trăng, không sao. Dãy nhà kho tối om ngoại trừ một ánh đèn pha duy nhất nơi lối vào. McCaleb nhìn quanh. Ông nghe tiếng nhạc the thé - Jimi Hendrix hát “Let me stand next to your fire” - từ đâu đó dường như rất xa. Và mãi đầu kia đường nội bộ, cách sáu căn nhà kho, cửa mở vào một trong các nhà kho được kéo xuống không đều cho đến khi bị hóc, kẹt cứng, hé ra một khoảng hở chừng một mét cho thấy khoảng bên trong nhà kho, nom như một nụ cười xảo trá đen hơn cả bầu trời.

Ông kiểm tra đơn nguyên của Noone, khom xuống xem xét đường thẳng nơi cửa ga ra tiếp giáp với vỉa hè xi măng. Ông không chắc lắm nhưng dường như có một ánh sáng lờ mờ từ bên trong nhà kho hắt ra. Ông lại gần hơn thì nhìn thấy rõ một ổ khóa nối cái vòng thép trên cánh cửa cuốn với cái vòng tương ứng chôn vào nền xi măng.

Ông đứng dậy, xòe lòng bàn tay ra đập mạnh vào cánh cửa. Tiếng động vang lên thật to, ông nghe thấy nó vang vọng bên trong. Ông lùi lại nhìn quanh lần nữa. Ngoài tiếng nhạc, chỉ có im lặng. Không khí lặng như tờ. Gió đêm không tìm được lối để lùa vào khoảng không gian giữa hai dãy nhà kho.

McCaleb vào lại xe, khởi động rồi lùi lại một góc sao cho đèn trước rọi sáng được ít nhất một phần ga ra của Noone. Đoạn ông tắt động cơ nhưng đèn vẫn để sáng, rồi ra khỏi xe đi lại chỗ cốp xe phía sau. Nhấc thảm lót cốp xe lên, ông thấy bộ kích vẫn còn nguyên vẹn. Ông tháo tay cầm cái kích ra, đi vòng qua xe đến chỗ cửa ga ra. Ông nhìn trước nhìn sau con đường nội bộ một lần nữa rồi cúi người xuống cái ổ khóa.

Hồi còn làm đặc vụ của Cục, McCaleb chưa bao giờ dính vào một vụ đột nhập bất hợp pháp, vẫn biết đó chẳng qua chỉ là chuyện thủ tục, nhưng bằng cách nào đấy bản thân ông thường tránh được tình trạng khó xử về đạo đức ấy. Nhưng lúc này ông chẳng cảm thấy chút áy náy khó xử nào khi xỏ thanh sắt kia vào bản lề ổ khóa. Ông không mang huy hiệu của Cục và, còn hơn thế, vụ này là chuyện cá nhân. Noone là kẻ giết người và, còn tệ hơn thế, hắn tìm cách đổ tội lỗi của mình lên McCaleb. McCaleb chẳng buồn suy đi tính lại về chuyện Noone có quyền đòi luật pháp bảo vệ khi hắn bị lục soát và bắt giữ một cách không hợp pháp.

Cầm tay nắm cây kích ở đầu mút để làm đòn bẩy, ông bắt đầu chậm rãi kéo thanh thép theo chiều kim đồng hồ. Bản lề ổ khóa khá chắc, nhưng vòng thép bắt vào cánh cửa thì rên siết dưới sức ép và rồi bật hẳn ra, các mối hàn của nó không chịu nổi.

McCaleb thẳng người lên nhìn quanh, nghe ngóng. Chẳng có gì. Chỉ mỗi Hendrix hát bài “All Along the Watchtower” của Bob Dylan. Ông tất tả quay lại xe cất tay cầm kích vào túi dụng cụ thay lốp, kéo thảm thùng xe lại che lên rồi đậy nắp cốp xe.

Vòng quanh xe rồi, ông cúi xuống cạnh lốp xe trước, miết hai ngón tay dọc vành bánh, vét lên được kha khá bụi than đen nhẻm từ các má phanh đóng két vào. Ông đi lại cửa ga ra, ngồi xổm xuống cạnh ổ khóa, bôi đầy chỗ than đó lên những mối hàn bị gãy để trông như thể vòng khóa đã bị bẻ gãy khỏi cửa trước đây ít lâu và các mối hàn gãy đã bị phơi sương gió một thời gian. Đoạn ông chùi chỗ bụi bẩn còn lại trên ngón tay vào một trong hai chiếc tất đen đang mang.

Khi đã sẵn sàng, ông cầm tay nắm dùng để kéo cửa bằng tay phải.

Còn tay trái ông vòng ra sau lưng, lần xuống dưới áo khoác ngoài. Khi rút tay trở lại, ông nắm chắc khẩu súng, giữ ngang tầm vai, chĩa lên trời. Chỉ bằng một động tác ông đứng dậy đồng thời giật cánh cửa lên cùng với mình, dùng đà của chính nó để giữ cho nó trượt lên trên cho đến khi nó ở cao hơn đầu ông.

Mắt ông nhanh chóng quét qua các đường biên mờ mờ của ga ra, lúc này mắt ông chuyển đến đâu là súng chĩa theo đến đó. Đèn pha trước của xe soi sáng chừng một phần ba căn phòng. Ông thấy một cái giường gấp hãy còn chưa dọn, và một chồng hộp các tông dựa vào tường bên trái. Quét sang phải, ông thấy đường viền một cái bàn giấy và cái tủ hồ sơ. Trên bàn có một máy vi tính, màn hình nom như đang bật xoay về phía bức vách phía sau, ném lên tường một ánh sáng tím. McCaleb nhận thấy có một bóng đèn dài hơn mét tám treo trên trần. Trong ánh sáng nhá nhem mắt ông dò thấy đường cáp bằng nhôm xuất phát từ hộp nối mạch điện, men theo trần nhà rồi chạy dọc tường xuống một công tắc gần cái giường gấp. Ông bước ngang qua, với tay tìm cái công tắc mà không nhìn.

Một bóng đèn huỳnh quang nhấp nháy một cái, kêu vo vo rồi rọi sáng ga ra bằng ánh sáng gay gắt. Giờ McCaleb thấy rõ rằng trong phòng không có ai, cũng chẳng có cái buồng nhỏ nào để kiểm tra. Chỉ có một không gian sáu mét nhân ba mét rưỡi bừa bộn một đóng tạp nham bàn ghế và thiết bị văn phòng cùng những vật dụng thiết yếu cho một căn nhà - cái giường, tủ com mốt, một lò sưởi điện, một bếp lò hai cuộn dây, một tủ lạnh bằng nửa cỡ thường. Không bồn rửa bát, không buồng tắm.

McCaleb bước lùi lại, đi vòng quanh xe. Ông luồn tay vào trong xe qua cửa sổ để ngỏ mà tắt đèn pha. Đoạn ông nhét súng vào lại thắt lưng, lần này ở phía trước để dễ lấy hơn. Cuối cùng, ông vào lại trong ga ra.

Nếu bên ngoài vẫn có không khí thì ở trong này không khí dường như tù hãm. McCaleb chậm rãi vòng quanh cái bàn cũ bằng thép rồi nhìn vào máy vi tính. Màn hình đang mở, trên đó là một màn hình chờ đang tỏa sáng. Những con số ngẫu nhiên có kích cỡ và màu sắc khác nhau trôi trên một biển màu nhung tía. McCaleb nhìn màn hình một lát rồi thì cảm thấy có gì đó giật mạnh bên trong mình, hầu như là một cơ nào đó ở rất sâu cuộn thắt lại. Trong tâm trí ông hình ảnh một quả táo độc nhất màu đỏ ối nảy tưng tưng trên một sàn nhựa nhớp nhúa hiện lên rồi biến mất. Một cơn run lan dọc sống lưng ông.

“Mẹ kiếp,” ông nói thầm.

McCaleb rời mắt khỏi máy tính, nhận thấy trên bàn còn có một bộ sách kẹp giữa hai cái chặn sách bằng đồng. Hầu hết là sách tham khảo để truy cập và sử dụng internet. Có hai tập địa chỉ các trang Web và hai cuốn tiểu sử những tay hacker máy tính khét tiếng. Còn có ba cuốn sách về điều tra hiện trường tội ác, một cuốn cẩm nang về điều tra án giết người, một cuốn sách về cuộc điều tra của FBI đối với một tên giết người hàng loạt được biết tới dưới cái tên Nhà thơ, và, cuối cùng, hai cuốn sách về thuật thôi miên, cuốn thứ hai là về một người tên là Horace Gomble. Gã Gomble này thì McCaleb biết. Hắn từng là nghi phạm trong không chỉ một cuộc điều tra do ban tội phạm hàng loạt của Cục tiến hành. Gomble nguyên là một tay làm trò mua vui ở Las Vegas, thường dùng kỹ năng thôi miên của mình, cùng với thuốc kích thích, để gạ gẫm một loạt thiếu nữ ở các hội chợ hạt trên khắp bang Florida. Theo như McCaleb biết thì gã giờ vẫn đang nằm khám.

Giờ thì McCaleb chậm rãi men theo phía sau bàn rồi ngồi xuống cái ghế mòn vẹt đối diện với máy tính. Dùng một chiếc bút lấy trong túi áo ra, ông mở ngăn khóa giữa của cái bàn. Trong ngăn kéo chẳng có gì nhiều ngoài dăm cây bút và một hộp nhựa đựng đĩa CD. Ông dùng bút để bật nắp hộp ra thì thấy đĩa bên trong dán nhãn đề Quét não. Ông đọc nhãn ngoài hộp thì thấy CD này cung cấp cho người dùng một vòng tham quan bộ não người cùng với những hình vẽ chi tiết và phân tích cơ chế hoạt động của nó.

Ông đóng ngăn kéo rồi lại dùng cây bút để mở một trong hai ngăn kéo hai bên. Ngăn đầu tiên trống rỗng ngoại trừ một hộp Crackerjack chưa mở. Ông liền đóng lại, bên dưới đó là một ngăn đựng hồ sơ. Trong ngăn này có mấy tập hồ sơ đựng trong những cái kẹp màu xanh lục móc vào hai thanh trượt. Cúi xuống để nhìn rõ hơn, McCaleb đọc cái tên trên nhãn của tập đầu tiên.

GLORIA TORRES

Ông đánh rơi bút xuống sàn và cũng trong khoảnh khắc đó quyết định rằng sẽ không nhặt nó lên và rằng ông không còn bận tâm đến chuyện để lại dấu tay hay có thể làm xáo trộn hiện trường tội ác. Ông lôi tập hồ sơ ra đặt lên bàn, mở ra. Trong đó có ảnh chụp Gloria Torres mặc những bộ quần áo khác nhau vào lúc này lúc nọ trong ngày. Trên hai bức trong số đó cô chụp cùng với Raymond. Ở một bức thì cô chụp chung với Graciela.

Trong tập hồ sơ có những nhật ký đánh bằng máy chữ. Nhật ký giám sát. Mô tả chi tiết Gloria đi đâu, làm gì hàng ngày. Ông nhanh chóng đọc lướt qua thì tất thảy có những ghi nhận lặp đi lặp lại rằng về đêm cô thường tạt vào Siêu thị Sherman trên đường về nhà.

Ông xếp tập hồ sơ lại, để đó trên bàn rồi lấy tập kế tiếp trong ngăn kéo. Chưa nhìn thấy nhưng ông đã đoán được nhãn trên bìa hồ sơ ghi cái tên nào.

JAMES CORDELL

Ông chẳng buồn mở ra làm gì. Ông biết nó cũng sẽ bao gồm mấy bức ảnh và nhật ký theo dõi giống như tập đầu mà thôi. Ông lại thò tay xuống dưới và nhìn tập hồ sơ kế tiếp. Đúng như ông chờ đợi:

DONALD KENYON

Cả tập hồ sơ này ông cũng chẳng rút ra nốt. Ông dùng ngón tay lật ngửa các thẻ đính trên mấy tập còn lại để xem ấy là những hồ sơ nào. Trong khi ông làm vậy, trái tim ông chao đảo trong lồng ngực, như thể vì sao đó nó đã bị lỏng ra ở bên trong. Cả những cái tên trên các thẻ hồ sơ đó ông cũng đều biết cả. Biết từng tên một.

“Chính là mày,” ông thì thầm.

Và ông nhìn thấy trong tâm trí những quả táo đổ thông thốc xuống sàn rồi mỗi quả lăn một ngả.

Ông đóng sập ngăn kéo lại, tiếng đóng sầm ầm ĩ dội lại từ sàn bê tông và mấy bức tường thép, khiến ông giật nẩy mình như một phát súng. Ông nhìn ra màn đêm qua cánh cửa mở mà nghe ngóng. Ông chẳng nghe thấy gì, cả tiếng nhạc cũng không còn nghe nữa. Chỉ im lặng.

Mắt ông chuyển sang màn hình vi tính và ông nhìn các con số đang lười nhác di chuyển tới lui trên màn hình. Ông biết cái máy vi tính vốn được bật là có lý do. Chẳng phải vì Noone sẽ quay trở lại; McCaleb biết hắn đã đi từ lâu rồi. Không, cái máy vẫn được bật là để cho ông. Người ta đã chờ McCaleb đến chỗ này. Giờ thì ông biết, biết trong tâm khảm rằng Noone đã dàn dựng từng bước một.

McCaleb gõ nhẹ lên thanh space bar và màn hình chờ biến mất. Thay vào đó là một hộp thoại yêu cầu gõ mật khẩu. McCaleb không do dự. Ông có cảm giác như mình đang chơi đàn piano. Ông gõ vào các con số theo một thứ tự mà ông thuộc nằm lòng.

903472568

Ông nhấn phím Enter và màn hình đi vào hoạt động. Sau một chốc mật khẩu được chấp nhận và màn hình nhoáng cái chuyển sang khung giao diện quản lý chương trình, một màn hình trắng có mấy biểu tượng khác nhau rải từ bên này sang bên nọ. McCaleb xem xét nhanh các biểu tượng đó. Hầu hết là để truy cập các trò chơi. Cũng có những biểu tượng để truy cập American Online và Word for Windows. Biểu tượng cuối cùng mà ông nhìn là một tủ hồ sơ nhỏ xíu, ông đoán đó là biểu tượng cho tính năng quản lý hồ sơ của máy tính này. Ông tìm thấy chuột điện tử bên cạnh máy tính, liền dùng nó để dời mũi tên trên máy tính vào cái tủ hồ sơ. Ông nhấp đúp thì màn hình nhoáng cái chuyển sang trình quản lý hồ sơ. Chỉ là thao tác căn bản để tìm thông tin trong máy tính. Trong trình quản lý hồ sơ, danh sách các thư mục chạy thành một cột chỉn chu về bên trái màn hình. Khi ta chọn một trong các thư mục rồi nhấp mũi tên vào, tên các tài liệu nằm trong thư mục đó sẽ hiển thị thành một cột về bên phải màn hình.

Dùng chuột, McCaleb di mũi tên theo cột thư mục từ trên xuống dưới, săm soi kỹ từng cái một. Hầu hết là các thư mục chứa phần mềm điều hành một số chương trình có biểu tượng ngoài Desktop như American Online, trò Las Vegas Casino và những thứ khác. Nhưng cuối cùng ông gặp một thư mục mang tên MÃ. Ông nhấp chuột thì một số tên tài liệu liền xuất hiện phía bên phải màn hình. Ông đọc lướt qua thì nhận ra là chúng tương ứng với những cái tên ghi trên các thẻ hồ sơ nằm trong ngăn kéo bàn giấy.

Tất cả đều vậy trừ một tài liệu. McCaleb nhìn nó chòng chọc một hồi lâu, ngón tay đã nhấc lên sững lại trên phím chuột.

McCaleb.doc

Ông nhấp chuột thì tài liệu đó liền nhanh chóng tràn ra kín màn hình. McCaleb bắt đầu đọc nó như một người đọc bản cáo phó của chính mình. Câu chữ khiến lòng ông tràn ngập kinh hãi, vì ông biết chúng đã làm thay đổi cuộc đời ông một cách vô phương cứu vãn. Chúng tước linh hồn ông ra khỏi ông, cướp sạch mọi ý nghĩa khỏi những chiến tích của ông rồi thì nhạo báng chúng một cách kinh tởm.

Chào đặc vụ McCaleb,

Là mày đấy, tao hy vọng thế.

Ấy là tao đồ chừng thế. Tao sẽ giả định rằng mày đã tỏ ra xứng đáng với cái tiếng tăm kỳ tuyệt mày đã mang một cách đường hoàng đến thế kia.

Tao tự hỏi, phải chăng mày đang có một mình? Phải chăng giờ mày đang chạy trốn tụi kia như một thằng bị truy nã? Nhưng, dĩ nhiên, bây giờ mày có cái mày cần để tự cứu mình khỏi tay tụi kia. Nhưng tao hỏi là về trước lúc này kia, làm một thằng bị truy nã thì mày cảm thấy thế nào? Tao muốn mày biết cái cảm giác ấy. Cảm giác của tao... sống mà cứ nơm nớp sợ thì kinh khủng lắm, hả?

Nỗi sợ, nó có bao giờ ngủ.

Trên hết thảy, tao muốn là muốn một chỗ trong tim mày, Đặc vụ McCaleb ạ. Tao muốn luôn luôn ở bên mày. Cain và Abel, Kennedy và Oswald, bóng tối và ánh sáng. Hai đối thủ xứng tầm nhau, bị xiềng vào nhau xuyên suốt thời gian...

Lẽ ra tao đã giết mày được rồi. Tao đã có cái quyền năng và cơ hội ấy. Nhưng nếu thế thì dễ quá, mày không nghĩ vậy sao? Gã đàn ông trên bến thuyền hỏi mày đường đi. Hôm mày đi dạo buổi sáng, cái gã cầm cần câu ngồi trên đê chắn sóng. Mày có nhớ tao không?

Giờ mày nhớ rồi. Là tao đây. Nhưng nếu thế thì dễ quá, mày không đồng ý sao? Dễ quá.

Mày thấy đó, tao cần cái gì đấy nhiều hơn chứ không phải chỉ rửa hận hay là quy phục một kẻ thù. Chỉ những thằng xuẩn mới nhắm vào mấy cái đích ấy thôi. Tao muốn - không, tao cần và khao khát - cái gì khác kia. Muốn thử thách mày trước hết bằng cách biến mày thành tao. Thành kẻ ác. Kẻ bị săn lùng.

Thế rồi, khi mày chui ra khỏi ngọn lửa đó, da cháy sém nhưng mình mẩy nguyên lành, tao sẽ xuất đầu lộ diện như là kẻ gia ân cho mày nhiệt thành hơn hết. Phải, là tao đó. Tao đã theo dõi cô ả. Tao điều nghiên cô ả. Tao chọn cô ả cho mày. Cô ả là quà Valentine tao tặng mày.

Mày vĩnh viễn là của tao, Đặc vụ McCaleb ơi. Mỗi hơi mày thở đều thuộc về tao. Mỗi nhịp đập của trái tim bị cướp kia là tiếng vang của giọng tao trong đầu mày. Luôn luôn. Ngày ngày.

Nhớ lấy.

Từng hơi thở...

McCaleb khoanh tay trước ngực, ôm chặt lấy chính mình như thể mình vừa bị ai đó dùng mũi dao lột da. Một cơn run bần bật lan khắp người ông và một tiếng rên bật ra khỏi họng ông. Ông đẩy ghế ra xa khỏi bàn, xa khỏi cái thông điệp ghê rợn vẫn đang nằm trên màn hình, rồi gục người về phía trước, rơi vào tư thế ngã quỵ. Máy bay của ông đang lao xuống đất.
 
Chương 41


Ý nghĩ của ông vừa đỏ như máu vừa đen kịt. Ông cảm thấy như mình đang ở trong một khoảng hư vô thường hằng nào đó, vây quanh là một bức màn không gian đen ngòm mịn như nhung, hai bàn tay ông tìm hoài tìm mài cái đường chỉ nối để may ra qua đó thoát thân nhưng chẳng bao giờ tìm được. Ông thấy gương mặt của Graciela Rivers và Raymond như những hình ảnh xa xăm cứ lùi dần lùi dần vào bóng tối.

Đột ngột, ông cảm thấy một bàn tay lạnh ngắt trên cổ mình, liền nhảy dựng lên, một tiếng thét bật khỏi họng ông giống như người tù nhảy phắt qua tường. Ông ngồi dậy. Đó là Winston. Phản ứng của ông khiến chị kinh hoảng chẳng khác gì chị đã làm ông kinh hoảng. “Terry? Anh có ổn không?”

“Có. Ý tôi là, không. Chính hắn. Noone là Sát thủ Mật mã. Hắn đã giết tất cả họ. Ba người cuối là cho tôi. Hắn giết cho đến khi làm cho bằng được. Hắn giết Gloria Torres để lấy tim cô ấy. Lấy cho tôi. Để tôi vẫn sống mà làm chứng cho vinh quang của hắn.”

Sự trùng hợp giữa cái tên với mục đích của Noone bất thần khiến McCaleb choáng váng.

“Đợi đã,” Winston nói, “Chầm chậm thôi. Anh đang nói cái gì thế?”

“Chính hắn. Tất cả nằm đây. Kiểm tra hồ sơ, máy tính đi. Những người khác toàn hắn giết tất. Rồi thì hắn quyết định cứu tôi. Giết người vì tôi.”

Ông chỉ màn hình máy tính, nơi thông điệp gửi cho McCaleb vẫn còn hiển thị. Ông đợi cho chị đọc hết thông điệp đó nhưng rốt cuộc ông không kìm nổi mình nữa.

“Tất cả các mảnh, chúng nằm ngay đó. Trước giờ vẫn nằm ngay đó.”

“Mảnh nào kia?”

“Mật mã. Giản dị quá chừng. Hắn dùng tất cả các chữ số ngoại trừ số một. No one - không có số một, mà cũng chẳng là ai cả. Hiểu không? Tôi chẳng là ai cả. Hắn nói là nói vậy đấy.”

“Terry, chuyện này ta sẽ nói sau. Cho tôi biết làm sao anh đến đây được? Làm sao anh biết là Noone?”

“Cuốn băng. Buổi chúng ta đã làm với hắn.”

“Buổi thôi miên á? Thì sao?”

“Chị có nhớ tôi đã bảo chị đừng nói gì để đương sự không bị rối trí không?”

“Đúng. Anh có nói chỉ nên một mình anh hỏi Noone thôi. Giữa chúng ta thì muốn nói gì cũng chỉ nên ra dấu hay viết ra giấy.”

“Nhưng đến khúc cuối, khi tôi biết tất cả đều xôi hỏng bỏng không rồi, tôi thất vọng quá. Tôi hỏi chị, ‘Còn gì nữa không?’ và chị lắc đầu ý bảo không. Tôi hỏi ‘Chị có chắc không?’ thì chị lại lắc đầu nữa. Tôi đã vi phạm quy tắc của chính tôi khi nói chuyện với chị. Vấn đề là mấy câu đó tôi hỏi chị thành tiếng. Cho nên lẽ ra Noone phải trả lời tôi. Nếu thực sự đang trong trạng thái thôi miên thì hắn đã phải trả lời, vì hắn không thể biết mấy câu hỏi đó là dành cho chị. Nhưng hắn không trả lời. Điều đó cho thấy hắn nhận thức được hoàn cảnh. Hắn biết, do nhận thấy tôi nói sang hướng khác hoặc là qua cách tôi nhấn giọng, rằng tôi đang nói với chị chứ không phải với hắn. Lẽ ra chuyện đó hắn không biết mới phải. Gì chứ nếu đang thực sự bị thôi miên thì không. Lẽ ra hắn phải trả lời bất cứ câu hỏi nào được hỏi trong phòng đó trừ phi người ta nói cụ thể là câu đó hỏi ai. Mà tôi thì đâu có khi nào gọi tên chị đâu.”

“Hắn giả vờ.”

“Đúng. Mà nếu hắn giả vờ giả vịt thì các câu trả lời của hắn toàn bịa tuốt. Thế nghĩa là James Noone chỉ là một phần của trò sắp đặt. Tôi đã nhờ người so sánh mấy cuốn băng video trước khi đến đây. Tôi có ảnh in ra, để trong xe ấy. James Noone và Người Tốt bụng là cùng một gã. Là hung thủ.”

Winston lắc đầu như thể ra hiệu là đầu óc bị quá tải.

Mắt chị lướt khắp phòng tìm một chỗ để ngồi. Chỉ có cái giường xếp mà thôi.

“Chị cần ngồi xuống đây,” McCaleb vừa nói vừa đứng dậy.

“Tôi cần ngồi nhưng không phải ở đây. Chúng ta phải rút khỏi đây, Terry. Tôi cần gọi cho Đội trưởng Hitchens rồi thì những người khác, cảnh sát Los Angeles và Cục nữa. Với lại tốt nhất là tôi xin lệnh bắt Noone.”

McCaleb sửng sốt thấy chị vẫn chưa ghép được tất cả các mảnh của câu chuyện vào thành một.

“Chị không nghe tôi nói à? Chẳng có Noone nào hết. Làm gì có hắn.”

“Anh nói thế là thế nào?”

“Tên. Cái tên Noone ấy, nó khớp với mọi cái khác. Thử chiết tự ra xem, chị sẽ có no one - chẳng ai. Tôi chẳng là ai cả. Các mảnh từ đầu đến giờ đã có đó rồi...”

Ông lắc đầu rồi ngã phịch trở lại vào ghế. Ông úp mặt vào hai bàn tay.

“Làm sao tôi... Tôi không sống nổi với chuyện này.” Một lần nữa Winston đặt tay lên cổ ông nhưng lần này ông không giật thót.

“Thôi nào, Terry, ta đừng nghĩ tới chuyện này nữa. Ta ra ngoài xe đợi đi. Tôi phải gọi một đội hiện trường tội ác đến đây, may ra tìm được vài dấu tay để có thể nhận diện thằng này.”

McCaleb đứng dậy đi vòng quanh bàn rồi tiến về phía cửa. Ông nói mà không ngoái lại nhìn chị.

“Xưa nay hắn chưa bao giờ để ảnh lại ở bất cứ đâu. Đến giờ chắc cũng vẫn thế thôi.”

Hai giờ sau sau McCaleb ngồi trong chiếc Taurus, đỗ ngoài đường trên Đại lộ Atoll, phía sau dải băng màu vàng mà cảnh sát đã chăng ra giữa hai hàng ga ra. Cách khoảng trăm mét ở đầu kia đường nội bộ, ông thấy đám người nhộn nhịp ra vào ga ra của Noone lúc này đèn đã bật sáng trưng. Có mấy thám tử - vài người trong số đó McCaleb nhận ra là thuộc đội đặc nhiệm trong vụ Sát thủ Mật mã, kỹ thuật viên, nhân viên quay phim của ít nhất hai Cục điều tra có liên quan, và đứng cạnh họ còn có nửa tá sĩ quan mặc sắc phục nữa.

Lửa đâu bướm đêm chầu đấy, ông nghĩ.

Ông quan sát toàn bộ cảnh đó với sự thờ ơ kỳ lạ. Ý nghĩ của ông nằm ở chuyện khác. Graciela và Raymond. Rồi thì Noone. Ông không thể thôi nghĩ về kẻ tự gọi mình là Noone. Hắn đã ở trong cùng một căn phòng với ông. Hắn đã từng ở gần đến thế.

Ông cần được uống, muốn cái vị cay xé của whiskey trong cổ họng, nhưng ông biết nếm cái vị đó cũng bằng như cho viên đạn vào đầu mình. Ông biết rằng mặc cho cái đau đang cứa ngang ông, ông sẽ không cho Noone - hay là ai cũng vậy - được hưởng niềm thỏa mãn đó. Ông quyết định trong bóng tối của chiếc xe rằng ông sẽ sống. Mặc tất cả chuyện này, ông sẽ sống.

Ông không nhận thấy những người đàn ông đang đi dọc đường nội bộ tiến về phía ông, cho mãi đến khi họ đã gần như đến sát gần chiếc Taurus. Ông bật đèn pha thì nhận ra đó là Nevins, Uhlig và Arrango. Ông tắt đèn rồi đợi. Họ mở cửa xe chui vào, Nevins ngồi đằng trước, hai người kia đằng sau, Arrango ngay sau lưng McCaleb.

“Trong này có máy sưởi không?” Nevins hỏi. “Càng lúc càng lạnh đấy.”

McCaleb khởi động xe nhưng đợi khi nào động cơ ấm lên mới bật máy sưởi. Ông nhìn Arrango trong kính chiếu hậu. Tối quá nên không thấy được gã có ngậm tăm trong mồm hay không.

“Walters đâu?”

“Bận.”

“OK,” Nevins nói. “Ờ, tụi tôi tới đây để nói với anh rằng xem ra tụi tôi đã nghĩ sai về anh, McCaleb. Tôi xin lỗi. Tụi tôi xin lỗi. Xem ra Noone mới là thằng ấy. Anh làm tốt lắm.”

McCaleb chỉ gật. Đó là một lời xin lỗi nửa vời nhưng ông chẳng buồn bận tâm. Điều ông đã khám phá ra để có thể gột sạch thanh danh mình sẽ khiến ông khó sống hơn so với nếu ông bị công khai buộc tội là thủ phạm các vụ giết người này. Những lời xin lỗi chẳng có ý nghĩa gì với ông hết.

“Tụi tôi biết đêm nay với anh hẳn là dài lắm nên tụi tôi muốn giúp anh. Tôi đang nghĩ tụi tôi có thể bảo anh thuật tóm tắt xem toàn bộ chuyện này diễn ra thế nào rồi thì có thể mai anh đến trình diện và tường trình chính thức. Anh nghĩ sao?”

“Được. Riêng tường trình chính thức thì tôi sẽ nộp cho Winston. Không phải các anh.”

“Đúng thôi. Cái đó tôi hiểu. Nhưng hiện thời, sao anh không kể cho tụi tôi nghe xem, theo như anh hiểu thì toàn bộ chuyện này diễn ra thế nào. Anh kể được không?”

McCaleb cúi về phía trước bật máy sưởi. Ông sắp xếp đâu vào đó những ý nghĩ của mình mất một hồi rồi mới bắt đầu.

“Tôi gọi hắn là Noone bởi vì chúng ta chỉ có mỗi chừng đó và có thể cả sau này cũng chỉ có mỗi chừng đó. Chuyện khởi đầu với Sát thủ Mật mã. Đó là Noone. Hồi đó tôi là đặc vụ chính của Cục tham gia lực lượng đặc nhiệm. Theo thỏa thuận với cảnh sát Los Angeles, tôi trở thành người phát ngôn trước báo chí về vụ này. Tôi dẫn dắt các cuộc họp cung cấp thông tin cho báo giới, có ai yêu cầu phỏng vấn là họ chuyển hết cho tôi. Trong vòng mười tháng, gương mặt tôi trở thành đồng nghĩa với Sát thủ Mật mã trên truyền hình. Thế là Noone gắn bó với tôi. Chúng tôi càng đến gần hắn hơn thì hắn càng gắn bó với tôi. Hắn gửi thư cho tôi. Trong óc hắn, tôi là thần báo oán. Tôi là hiện thân của cái lực lượng đặc nhiệm đang săn lùng hắn.”

“Chả phải là anh đang giành quá nhiều công trạng về mình đấy sao?” Arrango hỏi. “Ý tôi là anh chả phải người duy nhất.”

“Câm mồm mà nghe, Arrango. Cậu có thể học được vài thứ đấy.”

McCaleb nhìn chằm chằm vào Arrango trong kính chiếu hậu và gã nhìn chằm chằm lại. Ông thấy Nevins giơ một tay lên hướng về Arrango ra hiệu hãy bình tĩnh.

“Hắn mới là kẻ cho tôi công trạng đó,” McCaleb nói. “Tôi không nhận. Cuối cùng, khi hắn biết là rủi ro quá lớn, hắn bỏ cuộc. Các vụ giết người ngừng lại. Sát thủ Mật mã biến mất. Cũng khoảng thời gian đó tôi suy sụp vì... vì những vấn đề của riêng tôi. Tôi cần ghép tạng và rồi chuyện đó cũng lên báo chí vì tôi đâm ra nhẵn mặt trên báo chí rồi. Noone đọc được bài báo đó. Hắn có thể dễ dàng biết điều này. Và rồi hắn thai nghén cái mà hắn cho là mưu đồ vĩ đại nhất của hắn.”

“Hắn quyết định rằng thay vì giết anh, hắn sẽ cứu anh,” Uhlig nói.

McCaleb gật đầu.

“Chuyện đó sẽ mang lại cho hắn chiến thắng tối hậu bởi nó kéo dài mãi mãi. Nếu chỉ đơn thuần trừ khử tôi, giết tôi, hắn sẽ chỉ có được một cảm giác thỏa mãn trong thoáng chốc. Nhưng nếu cứu tôi... thì sẽ có một cái gì chưa từng có xưa nay, cái gì đó sẽ đưa hắn lên đỉnh vinh quang. Và rồi hắn sẽ luôn luôn có tôi theo cùng hắn để nhắc cho hắn nhớ hắn thông minh và mạnh mẽ đến thế nào. Các anh hiểu không?”

“Tôi hiểu,” Nevins nói. “Nhưng đó là khía cạnh tâm lý. Cái tôi muốn biết là hắn làm bằng cách nào? Làm sao hắn có mấy cái tên được? Làm sao hắn biết về Kenyon và Cordell rồi sau đó là Torres?”

“Máy tính của hắn. Kỹ thuật viên của các anh rồi sẽ phải tháo tung nó ra.”

“Chúng tôi gọi Bob Clearmountain tới rồi,” Nevins nói. “Anh nhớ cậu ta chứ?”

McCaleb gật. Clearmountain là chuyên viên máy tính thường trú ở văn phòng tác chiến của cảnh sát Los Angeles. Một tay hacker cừ khôi đúng nghĩa.

“Tốt. Vậy thì anh ta sẽ trả lời được câu hỏi đó tốt hơn tôi. Rốt cuộc thì cũng được. Tôi thì tôi đoán là các anh sẽ tìm ra một chương trình hacker trong cái máy tính đó. Noone đã chui vào được hệ thống của CMN và lấy được danh sách họ tên từ đó ra. Hắn chọn con mồi dựa trên tuổi tác, thể chất phù hợp và khoảng cách ở gần. Rồi hắn hành sự. Với Kenyon và Cordell thì việc hỏng bét. Rồi với Torres thì êm xuôi. Ấy là theo cách nhìn của Noone.”

“Và trước sau hắn chỉ mưu toan đổ hết lên đầu anh?”

“Tôi chỉ nghĩ rằng hắn muốn tôi lần theo dấu vết, rồi thì tự mình khám phá ra hắn đã làm gì. Hắn biết rồi sẽ ra như thế nếu tôi trở thành nghi phạm. Bởi vì chừng đó tôi sẽ phải tự mình điều tra vụ việc. Nhưng rồi chuyện ấy không xảy ra trước hết là vì những người điều tra vụ này đã nhầm manh mối.”

Trong khi nói vậy, ông nhìn Arrango qua kính chiếu hậu. Ông thấy cặp mắt gã thám tử tối sầm lại vì giận dữ. Gã sắp nổ bùng ra tới nơi.

“Arrango, sự thực là các anh đã coi đây chỉ như một vụ đột nhập và cướp của thường tình, có chăng là thêm vài phát súng nổ, không hơn không kém. Các anh đã bỏ qua nó. Thành thử Noone mới tự mình khởi động toàn câu chuyện.”

“Bằng cách nào?” Uhlig và Nevins đồng thanh hỏi.

“Tôi dính vào vụ này là bởi một bài báo đăng trên Thời báo. Bài ấy được viết theo gợi ý từ một thư bạn đọc. Dù bức thư đó ký tên ai đi nữa, tôi đánh cuộc đó chính là Noone.”

Ông ngừng nói, đợi người ta phản đối. Chẳng ai phản đối.

“Bức thư gợi ý cho bài báo ra đời. Bài báo gợi ý cho Graciela Rivers. Graciela Rivers gợi ý cho tôi. Như chuỗi quân bài domino vậy.”

Một ý nghĩ bất thần lóe lên trong ông. Ông nhớ lại người đàn ông ngồi trong chiếc xe ngoại quốc cũ đỗ bên kia đường khi ông đến Siêu thị Sherman lần đầu tiên. Ông nhận ra rằng chiếc xe đó khớp với chiếc xe ông đã thấy lao thẳng ra khỏi bãi đỗ xe của vũng neo thuyền vào cái đêm ông đuổi theo kẻ đột nhập.

“Tôi nghĩ thời gian qua Noone theo dõi tôi suốt,” ông nói. “Theo dõi kế hoạch của hắn được triển khai. Hắn biết khi nào thì đến lúc đột nhập vào thuyền tôi để cài bằng chứng vào đó. Hắn biết khi nào thì gọi điện cho các anh.”

Ông nhìn Nevins, tay này rời mắt đi chỗ khác, cũng không nhìn vào kính chiếu hậu.

“Anh nhận một cuộc gọi nặc danh phải không? Nó nói gì?”

“Thật ra là tin nhắn nặc danh. Do nhân viên trực qua đêm ghi lại. Chỉ nói: ‘Hãy kiểm tra nhóm máu. McCaleb có nhóm máu như họ.’ Thế thôi.”

“Khớp lắm. Chính là hắn. Chỉ là thêm một nước đi trong cuộc chơi.”

Họ im lặng một hồi. Cửa sổ xe bắt đầu đọng hơi nước vì cái nóng và hơi thở của họ.

“Dù sao thì, tôi chẳng biết chúng ta rồi sẽ xác minh được bao nhiêu phần trong chuyện này,” Nevins nói. “Nhất định sẽ có nhiều thứ có thể thế này mà cũng có thể thế kia.”

McCaleb gật. Ông ngờ rằng không một cái nào trong tất cả chuyện này rồi sẽ được xác minh bởi ông ngờ rằng Noone rồi sẽ chẳng bao giờ bị người ta nhận diện hay tìm thấy.

“Thôi được rồi.” Nevins tiếp. “Chắc chúng ta sẽ còn liên lạc.”

Anh ta mở cửa bên phía mình và những người khác ra theo. Trước khi chui ra, Uhlig với tay qua lưng ghế, tay cầm một chiếc harmonica vỗ vỗ lên vai McCaleb.

“Nó nằm trên sàn xe dưới này,” anh ta nói.

Khi Arrango đã bước xuống mặt đường nhựa, McCaleb hạ kính xe xuống nhìn lên gã.

“Anh biết không, lẽ ra anh có thể đột kích vào chỗ ấy. Mọi thứ nằm cả trong sổ sách rồi. Chỉ còn đợi anh đến thôi.”

“Mẹ cha mày, McCaleb.”

Gã bỏ đi, theo sau hai đặc vụ kia trở lại chỗ ga ra của Noone. McCaleb khẽ mỉm cười. Ông buộc phải thừa nhận rằng dù thế nào đi nữa, ông vẫn chưa vượt lên trên được cái niềm vui thú tội lỗi là châm chọc Arrango.

McCaleb ngồi trong xe thêm vài phút nữa rồi mới đi. Đã khuya, quá mười giờ đêm, nên ông tự hỏi mình đi đâu bây giờ. Ông chưa nói gì với Graciela và chờ đợi cái lúc phải làm nhiệm vụ đó với cảm giác lẫn lộn giữa kinh sợ và nhẹ nhõm, riêng nhẹ nhõm thì là bởi ông biết rằng, bằng cách này hay cách khác, mối quan hệ giữa hai người sắp được xác định rõ ràng tới nơi rồi. Mắc mứu là ở chỗ ông không chắc liệu mình có muốn cho nàng biết tin giữa lúc đêm khuya thế này không. Tin tức của ông hình như nếu được đưa ra giữa thanh thiên bạch nhật thì sẽ tốt hơn.

Ông đặt tay lên bộ phận đánh lửa, nhìn thêm lần cuối đường nội bộ dẫn đến chỗ ga ra sáng đèn nơi cuộc đời ông đã bị thay đổi một cách phũ phàng đến thế. Ông thấy ánh đèn từ trong ga ra hắt ra và phía bên kia lối đi đang di chuyển. Ông đoán rằng đèn pha trước bị nhiễu vì sao đó nên đang đung đưa từ bên này sang bên nọ. Ông chợt nảy ra điều gì đó, liền nhấc tay khỏi bộ phận đánh lửa.

McCaleb bước ra khỏi chiếc Taurus rồi chẳng chút phân vân chui xuống dưới dải băng vàng. Viên sĩ quan vận đồng phục đứng gác ở lối vào hiện trường tội ác chẳng nói gì. Hẳn là anh ta suy luận - nhầm - rằng McCaleb là một thám tử, vì đã thấy ba điều tra viên chính đi lại chỗ ông rồi vào ngồi trong xe với ông.

Ông đi lại chỗ vùng biên của ánh sáng đó rồi đợi đến khi bắt được ánh mắt Jaye Winston. Chị đang đứng cầm kẹp hồ sơ ghi lại những mô tả về các vật có trong căn nhà kho. Mọi vật tại chỗ đều đang được người ta dán nhãn mang đi.

Khi Winston bước sang bên tránh đường cho một kỹ thuật viên, chị liếc ra ngoài bóng tối và McCaleb chỉ cần vẫy tay là khiến chị chú ý. Chị đi ra khỏi ga ra tiến về phía ông. Trên mặt chị có một nụ cười dè dặt.

“Tôi cứ nghĩ anh biến rồi. Sao anh chưa đi?”

“Tôi sắp đi. Chỉ là muốn cảm ơn chị về mọi chuyện thôi. Chị có tìm được gì ở đó không?”

Chị cau mày lắc đầu.

“Anh nói đúng. Chỗ này sạch bong. Nhân viên tìm vân tay thậm chí chẳng tìm ra lấy một vết ố. Có mấy dấu tay trên máy vi tính nhưng tôi đồ là của anh. Tôi không biết chúng tôi sẽ làm thế nào truy ra dấu vết thằng này. Cứ như hắn chưa từng ở đây bao giờ cả.”

Ông ra hiệu bảo chị lại gần khi nhận thấy Arrango bước ra khỏi ga ra rồi cho một điếu thuốc lên mồm.

“Tôi nghĩ hắn đã phạm một sai lầm,” ông nhẹ nhàng nói. “Hãy cử chuyên viên dấu tay giỏi nhất của chị đến Trung tâm Sao. Bảo anh ta chụp bằng laser mấy cái bóng đèn trên trần phòng thẩm vấn. Khi bố trí địa điểm cho buổi thôi miên, tôi đã gỡ vài bóng đèn rồi chuyền xuống cho Noone. Hắn phải nhận lấy mấy cái bóng đèn từ tay tôi nếu không thì có thể bị lộ tẩy. Có thể có dấu tay ở đấy.”

Mặt chị bừng sáng và chị mỉm cười.

“Có trên cuốn băng quay buổi thôi miên đấy,” ông nói. “Chị có thể bảo họ ấy là chị phát hiện ra.”

“Cám ơn, Terry.”

Chị nhẹ nhàng vỗ lên vai ông. Ông gật đầu rồi cất bước về lại xe. Chị gọi với sau lưng ông và ông ngoái lại.

“Anh ổn chứ?”

Ông gật.

“Tôi không biết anh sẽ đi đâu. Nhưng chúc may mắn.”

Ông vẫy tay rồi lại quay về hướng mình đang đi.
 
Chương 42


Dường như mọi ngọn đèn đều sáng ở nhà Graciela và lần này McCaleb không ngồi lần khân trong xe nữa. Ông biết chẳng còn thời gian đâu để nghiền ngẫm chọn cách này hay cách nọ. Ông phải đối mặt nàng và kể cho nàng nghe sự thật - kể với nàng tất cả và chấp nhận hậu quả.

Một lần nữa ông chưa kịp chạm tay vào cửa thì nàng đã mở. Người phụ nữ này quan tâm lo lắng đến nỗi ngồi ngóng đợi mình, ông vừa bước lại gần cửa vừa nghĩ. Thế mà giờ mình phải giày xéo trái tim cô ấy.

“Terry, anh đi đâu vậy? Em lo quá.”

Nàng rời ngưỡng cửa lao tới ôm lấy ông. Ông cảm thấy ý chí mình yếu đi nhưng không suy sụp. Ông kéo nàng sang cạnh mình rồi đưa nàng vào lại nhà, một tay choàng qua vai nàng, ôm chặt nàng có thể là lần cuối.

“Mình vào trong đi,” ông nói. “Anh có nhiều chuyện cần nói với em.”

“Anh có ổn không?”

“Tạm thời thì có.”

Họ vào phòng khách và ông ngồi cạnh nàng trên sofa. Ông nắm cả hai tay nàng trong tay mình.

“Raymond ngủ à?”

“Vâng. Chuyện gì vậy, Terry? Có gì không ổn à?”

“Xong rồi. Người ta chưa tóm được hắn nhưng họ biết hắn là ai. Hy vọng họ sẽ sớm tóm được hắn. Anh được minh oan rồi.”

“Kể em nghe nào.”

Ông siết tay nàng. Ông nhận ra tay mình đang vã mồ hôi nên bèn buông tay nàng ra. Cảm giác như thể ông đang buông lơi một con chim bị rơi xuống đất mà ông đã nuôi nấng cho khỏe lại. Ông cảm thấy mình sẽ không bao giờ nắm tay nàng nữa.

“Em có nhớ cái đêm mình nói chuyện về niềm tin, về chuyện phải khó khăn thế nào anh mới có được đức tin không?”

Nàng gật.

“Trước khi anh kể với em mọi chuyện, anh muốn em biết rằng trong mấy ngày gần đây - thật ra là trong suốt quãng thời gian anh biết em - anh cảm thấy cái gì đó bên trong anh đang trở lại. Đó là một niềm tin thế nào đó. Có thể là tin vào một cái gì đấy. Anh không biết. Nhưng anh biết chắc đó từng là một khởi đầu, điểm bắt đầu của một điều tốt đẹp...”

“Từng là?”

Ông ngoảnh mặt khỏi nàng trong một thoáng để cố sắp đặt lời lẽ. Thật khó. Ông biết mình chỉ có một cơ hội độc nhất này thôi.

Ông nhìn lại nàng.

“Nhưng sự thay đổi này nó mới mẻ và mong manh quá. Và anh không biết liệu nó có trụ nổi với những gì anh phải nói cho em nghe không. Nhưng anh muốn em quyết định. Đã lâu rồi anh không cầu nguyện cho bất cứ cái gì. Nhưng anh sẽ cầu nguyện để lại được thấy em - và Raymond - lên lại bến thuyền của anh lần nữa. Hoặc nếu anh cầm điện thoại thì sẽ nghe được giọng em. Anh sẽ để tùy em quyết định.”

Ông cúi lại gần nàng và khẽ hôn má nàng. Nàng không cưỡng lại.

“Nói em nghe đi,” nàng khẽ nói.

“Graciela ạ, em gái em chết là vì anh. Vì một việc anh đã làm cách đây lâu rồi. Bởi vì anh đã vượt qua giới hạn ở đâu đó và cho phép cái tôi của mình thách thức một kẻ điên, nên Gloria đã chết.”

Mắt ông cụp xuống tránh nhìn mắt nàng. Nỗi đau ông vừa mới đặt vào đôi mắt đó quá lớn khiến ông không đủ sức chứng kiến.

“Kể em nghe đi,” nàng lại nói, lần này còn khẽ hơn.

Thế là ông kể. Ông kể cho nàng về gã đàn ông mà hiện người ta chỉ biết là James Noone. Ông kể với nàng về dấu vết ông đã lần theo để đến chỗ nhà kho. Ông kể với nàng ông tìm thấy gì ở đó và cái gì đang đợi ông trên máy tính.

Trong khi ông kể thì nàng bắt đầu khóc, những giọt nước mắt lặng lẽ lăn dọc má nàng, rơi xuống chiếc blouse vải bò nàng mặc. Ông muốn vươn tay về phía nàng, du nàng lại gần mình, ôm chặt lấy nàng mà hôn những giọt lệ trên má nàng. Nhưng ông không thể. Ông biết rằng vào lúc đó ông ra khỏi thế giới của nàng rồi. Ông không thể tự ý mình vào đó được. Nàng sẽ phải mời ông vào lại đó.

Khi ông kể xong, họ ngồi lặng thinh một lát. Cuối cùng Graciela giơ tay ra, xòe rộng lòng bàn tay chùi nước mắt trên má.

“Chắc trông em kinh lắm.”

“Không, không đâu.”

Nàng nhìn xuống thảm trải sàn qua mặt bàn cà phê bằng kính và một hồi im lặng dài trôi qua.

“Giờ anh sẽ làm gì?” rốt cuộc nàng hỏi.

“Anh không biết nữa, nhưng anh có vài ý tưởng. Anh sẽ tìm ra hắn, Graciela ạ.”

“Anh không để mặc được sao? Cứ để cảnh sát tìm ra hắn?”

McCaleb lắc đầu.

“E rằng anh không để mặc được. Bây giờ thì không. Nếu anh không tìm ra hắn và đối mặt hắn, anh sẽ không bao giờ biết liệu mình có qua được vụ này không. Anh chẳng biết liệu làm thế có ý nghĩa gì hay không nữa.”

Nàng gật đầu, vẫn nhìn xuống sàn, và thêm một hồi im lặng trôi qua. Cuối cùng nàng ngước lên nhìn ông.

“Giờ em muốn anh đi, Terry ạ. Em cần ở một mình.”

McCaleb gật đầu rồi chầm chậm đứng dậy.

“Được rồi.”

Một lần nữa ông cưỡng lại nỗi thôi thúc hầu như không cưỡng nổi muốn chạm vào nàng. Chỉ chạm thôi. Ông chỉ muốn lại cảm nhận hơi ấm của nàng thêm lần nữa. Giống như ngày đầu tiên khi nàng chạm vào ông.

“Tạm biệt, Graciela.”

“Tạm biệt, Terry.”

Ông đi ngang qua phòng, tiến về phía cửa. Giữa chừng ông liếc cái tủ đựng đồ sứ nơi phòng khách thì thấy bức ảnh lồng khung của Gloria Torres. Cô đang mỉm cười với ống kính vào cái ngày hạnh phúc đã quá xa vời ấy. Đó là một nụ cười mà ông biết sẽ luôn luôn ám ảnh ông.
 
Chương 43


Sau một đêm ngủ chập chờn cứ mơ đi mơ lại thấy mình bị kéo lê qua vùng nước sâu hút đen ngòm, McCaleb thức dậy lúc bình minh. Ông tắm táp rồi làm cho mình một bữa điểm tâm thịnh soạn - trứng ốp lết phi hành và tra tiêu xanh, xúc xích bỏ lò vi ba, hơn nửa lít nước cam. Ăn xong, ông vẫn thấy đói mà chẳng hiểu tại sao. Rồi ông đi tới mũi thuyền, lại đo nhiệt độ, nhịp tim và các chỉ số quan trọng khác. Mọi thứ đều ổn. Đến bảy giờ năm phút ông quay số gọi văn phòng Jaye Winston. Chị đang ở đó, chỉ cần nghe giọng chị là ông đã biết chị đã làm việc trắng đêm.

“Có hai chuyện,” McCaleb nói. “Khi nào chị muốn tôi đến tường trình chính thức và khi nào tôi lấy xe lại được?”

“Ờ, chiếc Cherokee thì anh lấy khi nào cũng được. Tôi chỉ cần gọi điện bảo người ta cho lấy là xong.”

“Nó đâu?”

“Ngay đây. Trong bãi giam xe.”

“Chắc là tôi phải đến đó lấy.”

“Ồ, đằng nào thì anh cũng sẽ tới đây làm tường trình cho tôi mà. Sao anh không làm hai việc một lần luôn thể?”

“Được thôi, khi nào? Tôi muốn làm cho xong chuyện này đi. Tôi muốn thoát khỏi đây, đi nghỉ.”

“Anh định đi đâu?”

“Tôi chả biết nữa. Chỉ là tôi phải đi khỏi đây, cố sao rũ sạch được hết mớ thuốc độc này. Chắc là đi Vegas.”

“Chỗ ấy mà để hồi phục tâm thần thì quá tuyệt còn gì.”

McCaleb lờ đi ý mỉa mai của chị.

“Tôi biết. Vậy ta gặp nhau ở đâu được?”

“Tôi phải ráp vụ này lại càng nhanh càng tốt thành thử tôi cần bản tường trình của anh. Cho nên sáng nay lúc nào cũng được hết. Tôi sẽ thu xếp thời gian tiếp anh.”

“Vậy tôi đi ngay đây.”

Buddy Lockridge đang ngủ trên ghế dài trong buồng lái.

McCaleb khều anh ta và anh ta giật thót mình tỉnh dậy.

“Cái gì - ơ này, Terror, anh bạn về rồi đấy à.”

“Ừ, tôi về rồi đây.”

“Xe tôi sao rồi bạn?”

“Vẫn chạy. Nghe này, dậy đi, tôi phải đi thêm một chuyến nữa rồi thì tôi cần anh thả tôi lại đó.”

Lockridge chầm chậm cất mình lên trong tư thế ngồi.

Anh ta đang nằm dưới một cái túi ngủ. Anh vơ cái túi choàng quanh mình rồi dụi mắt.

“Mấy giờ rồi?”

“Bảy rưỡi.”

“Mẹ khỉ, anh bạn.”

“Tôi biết, nhưng đây sẽ là lần cuối.”

“Mọi chuyện ổn chứ?”

“Ừ, ổn cả. Tôi chỉ cần anh thả tôi xuống văn phòng cảnh sát trưởng để tôi lấy xe của tôi. Trên đường tôi cần ghé qua một ngân hàng.”

“Còn sớm thế này ngân hàng họ đâu đã mở cửa.”

“Đến khi mình đi tới Whittier thì họ sẽ mở thôi.”

“Vậy nếu tôi lái xe đưa anh đến đó lấy xe của anh thì sẽ ai lái nó từ đó về đây?”

“Tôi. Đi nào.”

“Nhưng anh nói anh chưa được lái xe mà, bạn. Nhất là xe có túi khí.”

“Đừng lo chuyện đó, Buddy.”

Nửa giờ sau họ đã trên đường đi. McCaleb mang theo một túi xách to đựng quần áo để thay và mọi thứ cần thiết cho chuyến hành trình. Ông cũng mang theo một bình thủy đựng cà phê và hai cái tách. Dọc đường ông rót cà phê rồi tóm tắt cho Buddy về vụ án và tất cả những gì đã xảy ra. Buddy vừa lái xe vừa đặt câu hỏi suốt.

“Chắc là mai tôi sẽ phải mua báo đây,” anh nói.

“Vụ này có lẽ còn được phát trên tivi nữa.”

“Này, liệu có được viết thành sách không? Có tôi trong ấy không?”

“Tôi không biết. Chắc là hôm nay báo chí biết chuyện cả rồi. Tôi nghĩ người ta quyết định mua một cuốn sách hay không là còn tùy chuyện hấp dẫn đến đâu.”

“Người ta có trả tiền cho anh để được dùng tên anh như thế không? Ý tôi là trong một cuốn sách ấy. Hay là như trong phim?”

“Tôi không biết. Tôi đoán có lẽ anh cũng có thể đòi hỏi chút gì đó. Anh góp một phần quan trọng mà. Anh đã phát hiện ra bức ảnh bị thiếu trong xe của Cordell.”

“‘Đúng thế, là tôi phát hiện mà.”

Lockridge xem ra tự hào về vai trò của mình và cái triển vọng kiếm được ít tiền nhờ đấy.

“Còn khẩu súng nữa chứ. Tôi đã tìm thấy khẩu súng mà thằng chó ấy giấu dưới thuyền.”

McCaleb cau mày.

“Anh biết không, Buddy? Nếu như có cuốn sách nào hoặc bất cứ nhà báo hay tay cớm nào lai vãng tới thì tôi sẽ thích hơn nhiều nếu anh đừng bao giờ nhắc tới khẩu súng ấy. Làm thế là anh giúp tôi nhiều lắm đấy.”

Lockridge liếc sang ông rồi lại nhìn ra đường.

“Chẳng sao cả. Tôi sẽ im như thóc.”

“Tốt. Cứ thế chừng nào tôi chưa bảo anh làm khác. Rồi thì nếu có ai tới gặp tôi để viết sách, nhất định tôi sẽ bảo họ đến gặp anh.”

“Cám ơn anh bạn.”

Đến khi họ đánh vật xong với dòng xe cộ mà tới được Whittier thì đã hơn chín giờ. McCaleb bảo Lockridge dừng lại cạnh chi nhánh Ngân hàng Mỹ quốc trong khi ông vào ghi một phiếu rút tiền trị giá 1.000 đô, lấy tiền mặt mệnh giá hai mươi và mười đô.

Vài phút sau chiếc Taurus tấp vào bãi đỗ xe của Trung tâm Sao. McCaleb đếm riêng ra 250 đô đưa cho Lockridge.

“Chỗ này là gì đây?”

“Trả cho anh đã cho tôi mượn xe và lái xe chở tôi hôm nay. Còn nữa, tôi sẽ đi vắng ít ngày, anh để mắt trông thuyền hộ tôi nhé?”

“Tôi sẽ để mắt, anh bạn. Anh đi đâu?”

“Chưa biết nữa. Mà tôi cũng không biết khi nào về.”

“Được thôi. Hai trăm rưỡi thì được khá lâu đấy.”

“Còn nhớ cái bà đến thăm tôi chứ? Bà xinh xinh ấy?”

“Nhớ chứ.”

“Tôi hy vọng bà ta sẽ ghé chỗ thuyền tìm tôi. Trông chừng bà ta nhé.”

“OK. Nếu bà ta tới thì tôi làm gì?”

McCaleb nghĩ một thoáng.

“Chỉ cần bảo bà ta là tôi vẫn đang đi vắng nhưng tôi mong bà ta sẽ ghé.”

McCaleb mở cửa xe. Trước khi chui ra, ông bắt tay Lockridge và nói với anh ta lần nữa rằng anh ta đã giúp ông rất nhiều.

“OK. Tôi thoát khỏi đây rồi.”

“Nhất định rồi, anh bạn, chúc may mắn nhá.”

“À này, có chuyện này. Chắc là tôi sẽ lái xe nhiều đấy. Anh cho tôi mượn một trong mấy cây harmonica của anh có được không?”

“Thích cái nào cứ lấy.”

Anh ta lục lọi trong túi để đồ nơi cửa xe, lôi ra ba cây harmonica. McCaleb chọn cây mà ông đã thổi trong lúc lái xe dọc xa lộ ven bờ biển đêm hôm nọ.

“Cây đó được đấy. Mình chơi bắt đầu từ khóa C đấy nhé.”

“Cám ơn. Buddy.”

“Anh xài giờ dây thun quá đó,” Winston nói khi McCaleb đi lại bàn làm việc của chị. “Tôi đang tự hỏi chả biết anh biến vào cái xó nào rồi.”

“Tôi đi vòng vòng trong sân giam xe nãy giờ cả tiếng rồi,” McCaleb đáp. “Tôi không tin người của chị được. Các người lấy xe tôi đi bằng một cái trát trời đánh thế mà chính tôi phải trả phí lai dắt với phí lưu bãi. Một trăm tám mươi đô. Chả hề có công lý trên thế giới này, Jaye ạ.”

“Thôi nào, người ta chưa làm mất và khi anh nhận lại nó vẫn còn nguyên vẹn thì cũng còn may chán đấy. Ngồi đi. Tôi chưa sẵn sàng đâu.”

“Thế thì chị ca cẩm chuyện tôi tới muộn để làm gì chứ?”

Chị không đáp. McCaleb ngồi vào cái ghế bên hông bàn làm việc của chị rồi quan sát trong khi chị đọc một báo cáo đánh máy, hình như là đọc để sửa, sau đó thì ký nháy vào cuối mỗi trang.

“Được rồi,” chị nói “Tôi sắp dùng một trong mấy phòng thẩm vấn. Băng đã lắp sẵn rồi. Ta đi chứ?”

“Đợi tí đã. Từ đêm qua tới giờ chuyện gì xảy ra vậy?”

“Ồ, phải. Anh đâu có mặt đâu.”

“Chị đã lấy được dấu tay nào từ mấy cái bóng đèn chưa?”

Chị vừa mỉm cười rạng rỡ vừa gật đầu.

“Sao chị không bảo tôi?” McCaleb phản đối. “Bọn chị tìm được gì?”

“Tất tật. Hai lòng bàn tay, cả hai ngón cái, bốn ngón tay. Chúng tôi cho vào máy và tìm ra một quả bất ngờ. Thằng đó là dân vùng này. Tên là Daniel Crimmins, ba mươi hai tuổi. Anh còn nhớ cái chân dung anh lập ra cho lực lượng đặc nhiệm trong vụ Sát thủ Mật mã chứ? Anh quả là đoán như thần, McCaleb. Không sai chạy mảy may.”

McCaleb cảm thấy sinh lực dâng tràn trề bên trong mình, mặc dù bề ngoài ông cố giữ bình thản. Những mảnh ghép nối cùng của câu đố đang rơi vào đúng vị trí. Ông cố nhớ lại tên của nghi phạm từ các hồ sơ vụ án nhưng chịu không nhớ được.

“Kể tôi nghe đi.”

“Hắn từng học ở Học viện cảnh sát Los Angeles nhưng bị loại. Đó là chuyện năm năm trước. Theo chỗ chúng tôi biết thì từ đó tới giờ hắn làm một số việc liên quan đến dịch vụ an ninh tư. Không phải nghề thám tử tư đâu. Là nghề vi tính ấy. Hắn quảng cáo trên Internet, có một trang web, hắn gửi thư đến các doanh nghiệp, về cơ bản hắn bán giải pháp an ninh máy tính. Chúng tôi nghe nói đôi khi hắn kiếm được việc làm bằng cách đột nhập vào máy tính của một công ty rồi thì gửi email cho chủ tịch công ty đó, cho ông ta biết làm việc đó dễ đến cỡ nào và tại sao họ nên thuê hắn để hắn làm cho hệ thống của họ an toàn không ai đột nhập được.”

“Hệ của CMN?”

“Anh đoán đúng đấy. Hiện giờ chúng tôi đang có một đội ở đó nhưng họ vừa mới gọi về mới ban nãy thôi. Có một vị lãnh đạo nhớ là đã nhận được email của Crimmins hồi năm ngoái. Nhưng ông ta chả thèm để ý, coi là thư rác. Ông ta xóa béng đi và chả bao giờ nhận thêm cái nào nữa. Nhưng nó cho thấy Crimmins từng chui vào trong hệ thống CMN.”

McCaleb gật đầu.

“Đã có ai lấy hồ sơ của hắn ở chỗ cảnh sát Los Angeles chưa?”

“Rồi, Arrango. Hồi học ở đó hắn là kẻ chả ai ưa, hắn có quan hệ với ai cũng chỉ vì cần thiết mà thôi. Nhưng về cơ bản thằng cha trụ được ở đó năm tháng. Lý do khiến người ta cho hắn thôi là - theo lời họ - hắn không phát triển được trong bầu không khí trường lớp của học viện. Nói thế là ta hiểu rằng: gã này là một tay hướng nội chẳng đời nào trụ lâu được trong một tổ tuần tra cơ động. Sẽ chẳng một cộng sự nào chịu được hắn. Thành thử họ mới cho hắn ra rìa. Gay cho hắn ở chỗ hắn là thế hệ thứ hai làm cảnh sát. Ông già hắn nghỉ hưu, chuyển về Blue Heaven cách đây mười năm. Uhlig đã cho người ở văn phòng tác chiến Idaho đi tìm ông bố rồi. Ông ta nói là theo chỗ ông ta biết, con trai ông hiện đang làm việc ở Sở cảnh sát Los Angeles. Ông ta không biết thằng nhóc cưng của mình đã bị đá đít vì thằng nhóc có kể cho ông ta đâu. Ông ta nói đã năm sáu năm rồi ông ta không gặp thằng con nhưng mỗi khi nói chuyện qua điện thoại thì thằng con luôn luôn kể những câu chuyện chiến đấu ly kỳ.”

“Ừ, toàn bịa tuốt.”

McCaleb thấy tất cả đều khớp. Phức cảm quyền lực. Sau khi bị cho ra rìa, Crimmins chuyển cái phức cảm đó từ người cha sang Sở Cảnh sát Los Angeles. Việc hắn bị loại khỏi học viện có thể đã gây ra đổ vỡ tâm lý, nó có tác dụng biến một cuồng tưởng hư cấu vô hại thành trò giải trí chết người. Các vụ án mạng đều xảy ra trên địa phận của cảnh sát Los Angeles. Hắn làm thế để buộc cái cơ quan từng cho hắn là kẻ không xứng đáng phải thấy rằng hắn thông minh, sáng láng và xứng đáng đến thế nào.

McCaleb chợt nảy ra ý nghĩ rằng lúc lập chân dung của Sát thủ Mật mã cách đây ba năm, ông đã gợi ý rằng nên ưu tiên thẩm vấn các sĩ quan cảnh sát bị sa thải và học viên cảnh sát bị loại. Theo chỗ ông biết thì điều đó người ta đã làm.

“Đợi đã. Cái thằng này lẽ ra phải bị thẩm vấn từ hồi đó rồi chứ. Trong chân dung có ghi là sự nghiệp cảnh sát dở dang kia mà.”

“Hắn có bị thẩm vấn. Thành thử Arrango mới đang lục hồ sơ ra. Bằng cách nào đó, Crimmins qua được bài sát hạch. Hắn bị một nhóm của lực lượng đặc nhiệm thẩm vấn, nhưng hắn chẳng nhướng một cái lông mày hoặc cho người ta có cơ sở gì để nghi ngờ. Nhưng dù gì thì chắc chuyện đó làm hắn hoảng. Hắn bị thẩm vấn chỉ bốn tuần sau vụ giết người cuối cùng mang tên Sát thủ Mật mã. Có lẽ đó là lý do khiến hắn thôi.”

“Có thể. Dẫu sao, nếu như người ngoài họ biết được mình đã thẩm vấn thằng này rồi lại để vuột mất thì chẳng hay ho lắm.”

“Tệ quá là tệ ấy chứ. Thôi thì chuyện tới đâu hay tới đó. Chúng tôi đã bố trí họp báo lúc ba giờ chiều rồi.”

McCaleb cân nhắc điều Winston vừa nói, rằng các vụ giết người đã ngưng lại sau khi Crimmins bị thẩm vấn. Ông cảm thấy khoan khoái hài lòng bởi cũng có thể chính chỉ thị của ông về việc cần thẩm vấn các học viên cảnh sát bị loại đã khiến các vụ giết người ngưng lại. Trong khi ông khoan khoái với ý nghĩ đó, Winston mở một tập hồ sơ, lấy ra một tấm ảnh màu từ một xấp giấy tờ trong đó. Chị trao ảnh cho McCaleb. Trong ảnh là Crimmins mặc đồng phục học viện cảnh sát. Áo quần chỉn chu, mày râu nhẵn nhụi, khuôn mặt hẹp và cặp mắt đầy hy vọng dường như để lộ ra sự tự tin của hắn. Như thể ngay lúc người ta chụp bức ảnh hắn đã biết mình sẽ không đi tới cùng, rằng sẽ chẳng có bức ảnh lễ tốt nghiệp nào hết.

“Vậy là trông cũng như lúc hắn mạo danh Noone, chẳng cải dạng gì nhiều,” ông nói. “Chỉ cần cặp kính cộng với cái gì đó nhét trong cặp má hắn để cho mặt hắn trông đầy hơn.”

“Đúng. Có lẽ vì hắn biết hắn sẽ tiếp xúc trực tiếp với cảnh sát thành thử nếu cải dạng nhiều quá thì sẽ lộ.”

“Tôi giữ tấm này được không?”

“Được chứ, hôm nay chúng tôi sẽ phân phát ảnh này mà.”

“Còn gì nữa? Chị có tìm ra địa chỉ không?”

“Chẳng có gì hay cả. Hiện giờ vẫn chỉ có cái nhà kho anh phát hiện mà thôi. Nhưng ắt phải có chỗ khác nữa. Trang web của hắn vẫn hoạt động cả sau khi chúng tôi cắt điện cái nhà kho nghĩa là hắn phải có máy tính khác ở đâu đó. Đang hoạt động ngay lúc ta đang trò chuyện đây.”

“Họ không thể lần theo đường dây điện thoại sao?”

“Hắn có một nhà cung cấp nặc danh.”

“Nghĩa là sao?”

“Bất cứ cái gì đi vào trang web này hoặc từ đó đi ra đều phải qua nhà cung cấp quyền truy cập Internet ẩn danh này. Chúng tôi không thể truy ra mà cũng không thể đột nhập vào hệ thống của nhà cung cấp do có cái Tu chính án số Một chết giẫm. Vả lại, chuyên gia của chúng tôi ở đằng Cục là Bob Clearmountain có bảo tôi những người như hắn bây giờ dùng sóng vi ba chứ không dùng đường điện thoại thường. Khiến truy cho ra và định vị được lại càng khó.”

Các chi tiết về công nghệ nằm ngoài sức hiểu của McCaleb. Ông đổi đề tài.

“Lúc họp báo chị sẽ nêu rõ danh tính hắn chứ?”

“Chắc vậy. Chúng tôi sẽ trưng ảnh ra, cho người ta xem cuốn băng quay buổi thôi miên, để xem phản ứng của họ thế nào. À này, Keisha Russell ở tờ Thời báo ấy. Anh có hứa sẽ cho cô ta biết trước à?”

“Tôi nợ cô ấy một cuộc gọi. Cô ấy đã giúp tôi ngay từ đầu vụ này. Sáng nay tôi đã cho cô ấy một tin nhắn thoại. Chắc tôi sẽ cho cô ấy lợi thế biết đầu tiên. Xin lỗi.”

“Không sao, thế cũng được. Tôi thích cô ta. Dù sao tôi cũng cần nói chuyện với cô ta. Nevins có kể với tôi điều anh nói đêm qua, rằng có thể chính thằng cha này đã gửi thư tới tòa soạn gợi ý họ viết bài về anh trên tờ Thời báo.”

“Phải. Cô ấy có giữ lá thư không?”

“Không. Cô ấy chỉ nhớ thư ký tên là Bob gì đấy. Ắt là hắn rồi. Hắn dàn dựng vụ này kỹ thế kia mà.”

McCaleb chợt nghĩ đến một điều. Graciela có kể với ông rằng mãi đến khi có người tự xưng từng làm việc chung với Glory gọi điện báo cho nàng về bài báo trên tờ Thời báo viết về ông thì nàng mới biết. Chừng đó nàng mới đến thư viện đọc bài báo. McCaleb nhận ra rằng kẻ gọi điện đó cũng có thể là chính Crimmins đang khởi động kế hoạch của hắn.

“Gì vậy?” Winston hỏi.

“Không có gì. Chỉ là tôi đang nghĩ thôi.”

Ông quyết định chưa nói cho Winston biết về linh cảm của mình. Ông sẽ tự mình kiểm chứng. Làm vậy thì ông sẽ có lý do để phá vỡ lời hứa không gọi điện cho Graciela. Ông có thể biến nó thành một cuộc gọi vì công việc.

“Vậy thì,” Winston hỏi, “theo anh hắn đang ở đâu?”

“Crimmins á?” Ông do dự. “Trong gió, chắc vậy.”

Winston dò xét gương mặt ông trong một thoáng. “Tôi nghĩ chắc anh đang có ý tưởng gì đây.”

Ông ngoảnh đi không nhìn chị nữa mà nhìn xuống mặt bàn.

“Ừ thì, gió không thể thổi mãi mãi được,” chị nói, cho qua chuyện ấy. “Hắn rồi sẽ phải xuống đất ở đâu đó.”

“Hy vọng vậy.”

Đoạn họ im lặng, đã nói hết với nhau những gì cần nói ngoại trừ cái thủ tục hình thức là bản tường trình mà ông sẽ phải thu băng.

“Có thể là chẳng liên quan gì tới tôi,” Winston nói, “nhưng anh sẽ xử trí thế nào với chuyện này đây?”

“Tôi đang nghĩ đây.”

“Này, nếu anh cần ai đó để bàn bạc...”

Ông gật đầu tỏ ý cảm ơn.

“OK, vậy chúng ta sẽ cùng nhau kết thúc vụ này nhé?”

Một giờ sau McCaleb ngồi một mình trong phòng thẩm vấn. Ông đã thuật lại chuyện của mình cho Winston và chị đã rời phòng mang cuốn băng đi cho người ta ghi lại thành văn bản. Chị cho phép ông dùng cái điện thoại trên bàn và bảo nếu cần ông có thể dùng căn phòng bao lâu cũng được.

Ông sắp xếp các ý nghĩ của mình trong một lát rồi mới bấm số điện thoại trực y tá ở khoa cấp cứu bệnh viện Holy Cross. Ông xin gặp Graciela, nhưng người phụ nữ nghe máy nói rằng Graciela không có ở đó.

“Có phải cô ấy nghỉ giải lao không?”

“Không, hôm nay cô ấy không đến đây.”

“OK, cám ơn chị.”

Ông gác máy. Ông đoán rằng nàng có gọi điện báo ốm. Ông không trách nàng được. Với những tin tức ông đã kể cho nàng đêm trước thì ông không thể trách nàng, ông tìm số ở nhà nàng. Nhưng sau năm hồi chuông chỉ có máy trả lời tự động lên tiếng. Sau tiếng bíp ông cứ lúng ta lúng túng không biết để lại tin nhắn gì.

“Ừm... Graciela ơi, là anh, Terry đây, em có đó không?”

Ông đợi một hồi lâu rồi nói tiếp.

“Ừm, anh chỉ muốn... họ nói em không đi làm nên anh, ờ, anh muốn chào em, với lại có đôi câu hỏi anh cần hỏi em về vài chuyện. Chủ yếu là vài mắc mứu chưa giải được... nhưng sẽ tốt nếu như… dù sao thì, anh sắp phải đi, chắc anh sẽ thử gọi lại em sau. Ừm, chắc anh sẽ đi trên đường thành thử em không phải lo gọi lại cho anh đâu.”

Ông ước gì có thể xóa tin nhắn đó đi rồi bắt đầu lại. Ông tự rủa mình và gác máy, rồi thì tự hỏi không biết lời rủa có bị ghi lại không. Ông lắc đầu, đứng dậy rời khỏi phòng.
 
Chương 44


Phải mất hai ngày McCaleb mới tìm được bức tranh mà Daniel Crimmins dưới lốt James Noone đã vẽ trong buổi thôi miên. Ông khởi hành ở Rosarita Beach, đi dần về phía Nam. Ông tìm thấy nó giữa La Fonda và Ensenada trên một dải bờ biển heo hút. Playa Grande là một làng nhỏ nằm trên một ghềnh đá hai tầng trông ra biển. Làng chủ yếu bao gồm một khách sạn có sáu căn nhà gỗ nhỏ một tầng nằm biệt lập, một cửa hàng đồ gốm, một nhà hàng nhỏ, một cái chợ và một trạm Pemex. Còn có một cái chuồng nhỏ cho thuê ngựa để cưỡi xuống bãi biển. Khu trung tâm thương mại này, nếu nó đủ lớn để có thể gọi vậy, nằm nơi mép một vách đá nhìn xuống bãi biển. Nơi triền đá bên trên nó là những căn nhà nhỏ và nhà lưu động nằm rải rác thành một vùng khá rộng.

Cái làm cho McCaleb dừng lại là chuồng ngựa. Ông nhớ Crimmins đã mô tả những con ngựa trên bờ biển. Ông chui ra khỏi chiếc Cherokee, đi xuống con đường mòn dốc cắt qua những mỏm đá dẫn ra bờ biển. Bờ biển rộng rãi, trắng phau là một khu đất tư nhân dài khoảng hơn cây số rưỡi, hai đầu bị án ngữ bởi những triền đá khổng lồ lởm chởm nhô ra biển. Gần đầu cuối về phía Nam, McCaleb thấy mỏm đá chìa ra mà Crimmins đã mô tả trong buổi thôi miên. McCaleb biết, cách tốt nhất và có sức thuyết phục nhất để nói dối là nói sự thật càng nhiều càng tốt. Thế nên ông coi những lời nghi phạm mô tả cái nơi khiến hắn nhẹ nhõm thư thái nhất trên thế giới chính là để mô tả một nơi có thực mà hắn biết, Giờ thì McCaleb đã tìm ra nơi ấy.

Ông tìm ra được Playa Grande này chỉ nhờ cách diễn dịch và điều tra thực địa. Khung cảnh mà Crimmins mô tả tại buổi thôi miên rõ ràng là bờ Thái Bình Dương. Hắn nói hắn thích đi xuống chỗ này, và bởi McCaleb biết, chẳng có bờ biển nào ở California về phía Nam Los Angeles mà lại xa như hắn tả hoặc trên đó có mấy con ngựa, nên hiển nhiên nơi đó chỉ có thể là Mexico. Và bởi Crimmins nói hắn lái xe tới đó cho nên gần như có thể loại trừ khả năng ấy là Cabo hay những điểm khác xa hơn về phía Nam dọc theo bán đảo Baja. Phải mất hai ngày để đi khảo sát suốt vùng bờ biển còn lại. McCaleb dừng chân ở bất cứ làng nào và bất cứ lúc nào nhìn thấy có lối rẽ ngang từ xa lộ dẫn ra bờ biển.

Crimmins nói đúng. Chỗ này quả thật đẹp và yên bình. Cát mịn như đường và hàng triệu năm sóng đập đã đào một vết lõm sâu vào mặt đá, tạo thành mỏm đá nhô ra chẳng giống gì hơn một làn sóng bằng đá cuộn lên và sắp sửa đập vào vỡ tan trên bờ biển.

McCaleb cũng là người duy nhất trên bờ biển dù nhìn từ hướng nào. Hôm nay ngày thường nên ông đoán rằng từ giờ tới cuối tuần dải cát này chủ yếu là vắng bóng người. Chính vì vậy Crimmins mới ưa nó.

Trên bờ biển có ba con ngựa. Chúng đi loanh quanh một cái máng ăn trống rỗng trong khi chờ khách. Chẳng cần buộc chúng làm gì. Bãi biển hoàn toàn bị nước và đá vây bọc bốn bề. Lối duy nhất để ra khỏi đó là lối mòn dốc dẫn ngược lên chuồng ngựa.

McCaleb đội mũ chơi bóng chày và đeo kính râm để tránh cái nắng gay gắt giữa trưa. Ông vẫn đang còn mặc quần dài và áo gió. Nhưng, bị vẻ đẹp của chốn này mê hoặc, ông nán lại trên bờ biển hồi lâu sau khi đã xác định rằng Daniel Crimmins chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Sau một lát, một cậu thiếu niên mặc quần ngắn, áo phông cộc tay đi dọc theo lối mòn xuống bãi biển và lại gần.

“Ông có muốn cưỡi ngựa không ạ?”

“Không, gracias[2].”

[2] Tiếng Tây Ban Nha, nghĩa là “cám ơn”. (Chú thích của dịch giả).

McCaleb rút trong túi áo khoác ra các bức ảnh gấp lại mà Tony Banks in ra từ mấy cuốn băng. Ông chìa ảnh cho cậu bé xem.

“Cháu đã gặp chưa? Người này... Tôi muốn tìm.”

Cậu bé nhìn mấy bức ảnh nhưng không tỏ vẻ gì là hiểu. Cuối cùng cậu chỉ lắc đầu.

“Không, không thấy.”

Cậu quay người đi trở lại về phía lối mòn. McCaleb đút ảnh vào lại túi áo rồi vài phút sau chính mình cũng đi về phía lối đi dốc đứng kia. Trên đường leo lên ông dừng lại nghỉ hai lần, thế nhưng vẫn mệt đứt hơi.

McCaleb ăn trưa bằng bánh enchidala nhồi tôm hùm ở nhà hàng. Bữa ăn tốn của ông số tiền tương đương 5 đô la Mỹ. Ông chìa mấy tấm ảnh ra thêm vài lần nữa nhưng không ai nhận ra người trong ảnh. Ăn trưa xong ông lại chỗ trạm Pemex, dùng điện thoại trả tiền trước ở đó để kiểm tra xem có tin nhắn nào nơi điện thoại ở thuyền không. Chẳng có tin nào. Đoạn ông gọi số Graciela đến lần thứ tư kể từ khi mới lên đường đến giờ, và một lần nữa chỉ nghe máy trả lời tự động. Lần này ông không để lại tin nhắn. Nếu nàng lờ đi các cuộc gọi của ông, có thể ấy là vì chẳng qua nàng không còn muốn nói chuyện với ông nữa.

McCaleb đăng ký nhận phòng ở khách sạn Playa Grande, trả tiền mặt và dùng tên giả. Nghĩ một chút, ông đưa mấy bức ảnh cho người đàn ông ngồi sau quầy trong văn phòng nhỏ của khách sạn và lại được câu trả lời “không biết”.

Căn nhà gỗ nhỏ ông thuê nhìn được một phần bãi biển bên dưới, và trông thẳng ra Thái Bình Dương. Ông kiểm tra xem từ đây có thể nhìn thấy gì trên bãi biển, dưới đó vẫn vắng ngắt trừ mấy con ngựa. Ông cởi áo gió rồi quyết định ngủ một chút. Ông mệt nhoài vì đã hai ngày nay toàn lái xe trên những con đường xấu, cuốc bộ trên cát và trèo dốc.

Trước khi nằm, ông mở cái túi đang để trên giường ra, đem bàn chải răng và ống kem đánh răng vào buồng tắm rồi bày mấy lọ thuốc cùng hộp đựng nhiệt kế dùng một lần lên bàn ngủ. Ông cũng lấy khẩu Sig-Sauer ra khỏi túi đặt lên bàn. Xưa nay mang vũ khí qua biên giới luôn luôn là việc hơi liều. Tuy nhiên ở chỗ cửa khẩu, đúng như McCaleb chờ đợi, các tay hải quan Mexico chán ngán chỉ vẫy tay cho ông qua.

Trong khi chìm vào giấc ngủ, đầu vùi giữa hai cái gối mốc meo, ông quyết định sẽ thử ra bãi biển một lần nữa lúc mặt trời lặn. Trong buổi thôi miên Crimmins có mô tả khi mặt trời lặn. Có lẽ lúc đó hắn sẽ ra bãi biển. Nếu không, McCaleb quyết định sẽ tìm Crimmins ở khu nhà rải rác phía trên ngôi làng. McCaleb tin chắc mình sẽ tìm ra hắn. Ông chẳng nghi ngờ gì rằng đã tìm được nơi mà Crimmins mô tả.

Lần đầu tiên trong nhiều tháng qua ông nằm mơ có màu sắc, mắt ông chuyển động lia lịa dưới hai mí khép chặt. Ông ngồi trên lưng một con ngựa đang chạy trốn, một con Appaloosa đồ sộ màu giống hệt như cát ướt, nó phi nước đại xuống bờ biển. Ông bị truy đuổi nhưng vì ngồi trên lưng ngựa không vững nên ông không thể quay lại xem ai đang đuổi theo mình. Ông chỉ biết rằng mình phải chạy, rằng nếu dừng lại là xong đời.

Móng con ngựa phi nước đại làm cát ướt bắn thành từng cục lên không.

Tiết tấu đều đều của vó ngựa bị thay bằng tiếng đập thình thình của tim ông. McCaleb sực tỉnh và cố trấn an cơ thể mình. Sau một lát ông quyết định nên kiểm tra nhiệt độ.

Khi ngồi dậy thả hai chân xuống thảm, mắt ông nhìn để kiểm tra bàn ngủ theo thói quen. Ông tìm cái đồng hồ vẫn thường để trên bàn ngủ cạnh giường ở trên thuyền. Nhưng ở đây không có đồng hồ. Ông ngoảnh đi nhưng rồi mắt lại đảo ngay về phía bàn ngủ khi ông nhận ra rằng khẩu súng đã biến mất.

McCaleb nhanh chóng đứng dậy nhìn quanh phòng, cảm giác kỳ lạ rằng có gì đó không ổn choáng ngợp ông. Ông biết mình đã để khẩu súng trên bàn trước khi ngủ. Có ai đó đã vào phòng trong khi ông ngủ. Crimmins. Ông không nghi ngờ gì. Crimmins đã vào phòng.

Ông hối hả kiểm tra áo gió và túi xách thì thấy không thiếu gì khác. Ông nhìn khắp phòng lần nữa, thế rồi mắt ông bắt gặp một chiếc cần câu dựng trong góc phòng cạnh cửa. Ông lại chỗ góc phòng chộp lấy chiếc cần câu. Nó cùng loại với bộ cần và ống dây câu mà ông đã mua cho Raymond. Khi xoay xoay cần câu trên tay mà nhìn kỹ, ông phát hiện thấy hai chữ viết tắt RT khắc vào chỗ tay cầm làm bằng bần. Raymond đã khắc hai chữ đó để làm dấu là cần của mình. Hoặc ai đó đã làm dấu cho chú bé. Nhưng dù gì thì gì, thông điệp quá rõ. Crimmins đang nắm Raymond trong tay hắn.

Giờ thì McCaleb tỉnh như sáo, nỗi kinh sợ làm đau thắt toàn bộ ngực ông. Ông luồn hai bàn tay nắm lại thành quả đấm vào hai tay áo khoác, tròng áo vào rồi ra khỏi căn nhà gỗ sau khi xem xét kỹ cửa ra vào và thấy không có dấu hiệu gì là khóa bị cạy. Ông tất tả đi lại chỗ văn phòng khách sạn, chuông treo trên đầu kêu inh ỏi khi ông mở toang cửa ra. Người đã nhận tiền của ông ban nãy đứng dậy khỏi ghế phía sau quầy, một nụ cười ngượng nghịu trên mặt. Anh ta sắp sửa nói gì đó thì McCaleb, bằng một động tác dứt khoát, đã tiến lại quầy, vươn tay qua quầy túm ngực áo anh ta. Ông kéo thốc anh ta về phía trước cho đến khi toàn thân anh ta nằm sấp trên quầy, mép bàn formica ấn sâu vào vùng ruột chính của anh ta. McCaleb cúi xuống cho đến khi ghé sát vào mặt người đàn ông.

“Hắn đâu?”

“Qué[3]?”

[3] “Cái gì?” (tiếng Tây Ban Nha) (DG).

“Gã đó, người mà anh đưa cho chìa khóa phòng tôi ấy. Hắn đâu?”

“Không hablar...[4]”

[4] “Không nói được [tiếng Anh]...” (pha tiếng Tây Ban Nha) (DG).

McCaleb kéo áo gã đàn ông mạnh hơn nữa đồng thời chẹn cánh tay trước lên gáy anh ta. Ông cảm thấy sức lực của chính mình đang suy giảm, nhưng vẫn đè xuống mạnh hơn.

“Nói lăng nhăng, anh mà không biết à. Hắn đâu?”

Người đàn ông lắp bắp rên rỉ.

“Tôi không biết,” rốt cuộc anh ta nói. “Xin ông. Tôi không biết hắn ở đâu mà.”

“Hắn đến đây một mình à?”

“Vâng, một mình.”

“Hắn sống ở đâu?”

“Cái ấy tôi không biết. Xin ông. Hắn nói hắn là em trai ông và có món bất ngờ cho ông. Tôi đưa chìa khóa cho hắn để hắn làm ông bất ngờ.”

McCaleb buông tay và đẩy ngược gã đàn ông về lại sau quầy mạnh đến nỗi anh ta rơi phịch thẳng xuống ghế. Anh ta giơ cả hai tay lên với vẻ cầu khẩn, và McCaleb nhận ra chắc hẳn mình đã làm anh ta sợ vãi linh hồn.

“Xin ông.”

“Xin cái gì?”

“Xin ông. Tôi không muốn có chuyện rắc rối.”

“Muộn quá rồi. Làm sao hắn biết tôi ở đây?”

“Tôi gọi hắn. Hắn trả tiền tôi. Hắn đến đây hôm qua nói là ông có thể đến. Hắn cho tôi số điện thoại. Hắn trả tiền tôi.”

“Nhưng làm sao anh biết là tôi?”

“Hắn đưa ảnh cho tôi.”

“Được rồi, đưa cho tôi. Số điện thoại và bức ảnh.”

Chẳng chút chần chừ gã đàn ông với tay về phía một ngăn kéo trước mặt. McCaleb lẹ làng rướn tới chộp cổ tay anh ta mà giằng mạnh khỏi chiếc ngăn kéo. Ông tự mình mở ngăn kéo và rồi mắt ông dừng lại trên một tấm ảnh nằm trên cùng một mớ giấy tờ. Nó là ảnh chụp McCaleb đi dọc đê chắn sóng bằng đá gần vũng neo thuyền cùng với Graciela và Raymond. McCaleb có thể cảm thấy mặt mình đỏ ké khi cơn giận làm máu dồn lên hai quai hàm rắn đanh lại. Ông cầm bức ảnh lên rồi lật mặt sau xem. Trên mặt sau ảnh có ghi một số điện thoại.

“Xin ông,” nhân viên khách sạn nói. “Ông cầm tiền đi. Một trăm đô Mỹ. Tôi không muốn có chuyện phiền phức cho ông.”

Anh ta dợm thò tay vào túi áo sơ mi.

“Không,” McCaleb nói. “Anh giữ lấy. Anh kiếm được mà.”

Đoạn ông giật tung cửa, va vào cái chuông trên đầu mạnh đến nỗi dây treo chuông đứt phựt và quả chuông rơi sầm xuống góc văn phòng.

Ông đi qua bãi đỗ xe rải sỏi, tiến về phía máy điện thoại ở trạm Pemex. Ông quay số điện thoại ghi phía sau bức ảnh rồi lắng nghe chuỗi tiếng lách cách trên đường dây trong khi cuộc gọi đi qua ít nhất hai mạch chuyển tiếp. McCaleb tự rủa thầm. Ông sẽ không thể dựa vào số điện thoại mà truy ra địa chỉ, thậm chí dù ông có nhờ được ai đó ở chính quyền địa phương làm việc đó giúp ông đi nữa.

Cuối cùng cuộc gọi đến được mạch cuối cùng và bắt đầu reo. McCaleb nín thở đợi nhưng chẳng ai nhấc ống nghe, máy trả lời tự động cũng không. Sau mười hai tiếng chuông ông dập mạnh ống nghe xuống giá đỡ nhưng cái ống nghe liền bật trở ra, rơi xuống, đong đưa toòng teng bên dưới cái điện thoại. McCaleb đứng như trời trồng vì giận dữ và bởi nỗi bất lực của tình thế mình, trong khi tiếng điện thoại vẫn tiếp tục reo nho nhỏ từ bên dưới.

Sau một hồi lâu ông nhận ra mình đang nhìn đăm đăm ra bãi đỗ xe của khách sạn qua vách kính buồng điệu thoại. Chiếc Cherokee của ông nằm đó và rồi một chiếc nữa. Một chiếc Caprice trắng lấm bụi, phía sau có biển đăng ký bang California.

Nhanh chóng, ông rời buồng điện thoại, băng qua bãi đỗ xe để ra phía đường mòn dần xuống bờ biển. Đường mòn cắt ngang nhiều triền đá và che khuất cảnh quan bên dưới. Cho mãi đến khi xuống dưới đáy và rẽ trái lần cuối, McCaleb mới nhìn thấy bãi biển.

Bãi biển chẳng có ai. Ông vừa đi thẳng ra mép nước vừa nhìn cả trước lẫn sau nhưng bờ cát cả đằng này lẫn đằng kia đều vắng ngắt. Kể cả ngựa cũng đã được đưa về chuồng nghỉ trưa. Cuối cùng mắt ông hướng về phía những hõm bóng râm bên dưới vòm đá nhô ra. Ông tiến về phía đó.

Bên dưới vòm đá nhô ra, tiếng sóng vỗ được khuếch đại đến mức nghe như tiếng reo hò trong sân vận động. Do vừa từ ngoài ánh sáng chói chang nơi bãi biển trống lộng bước vào chỗ bóng râm thụt sâu dưới mỏm đá, McCaleb bị lóa mắt một chút. Ông đứng lại, nhắm chặt mắt rồi lại mở ra. Khi nhìn rõ trở lại, ông thấy đường viền của tảng đá lởm chởm bao quanh mình. Thế rồi từ trong hốc sâu nhất của khoảnh đất bị đá quây kín bốn bề ấy, Crimmins bước ra. Hắn cầm khẩu Sig-Sauer trong tay phải, họng súng chĩa vào McCaleb.

“Tao không muốn làm hại mày,” hắn nói. “Nhưng mày biết nếu phải làm thế thì tao sẽ làm.”

Hắn nói to để giọng hắn át được tiếng ầm ì và vọng âm của sóng biển.

“Nó đâu, Crimmins? Raymond đâu?”

“Mày không định nói ‘Hai dì cháu đâu?’ hay sao?”

McCaleb cũng đã đồ chừng như thế, nhưng khi đã nghe được gã kia xác nhận rằng Graciela và Raymond đang nằm trong tay hắn, nghĩ đến nỗi kinh hoàng của hai người lúc này - nếu họ vẫn còn sống - McCaleb choáng váng. Ông tiến một bước về phía Crimmins nhưng rồi khựng lại khi Crimmins nâng mũi súng chĩa vào ngực ông.

“Thoải mái đi nào. Bình tĩnh đi. Cả hai đang bình yên vô sự, đặc vụ McCaleb ạ. Chớ phải lo chuyện ấy. Thật ra họ an toàn hay không là nằm trong tay mày. Không phải tay tao.”

McCaleb dò xét nhanh Crimmins. Giờ thì hắn để tóc đen nhánh và ria mép. Hắn đang nuôi râu hàm hoặc đang cần cạo râu. Hắn mang bốt có các ngón tõe ra, mặc quần jeans đen và áo cao bồi bằng vải jean có túi kép, một đường khâu kiểu cọ vắt ngang qua ngực, vẻ ngoài của hắn bây giờ vừa giống Người Tốt bụng lại vừa giống James Noone.

“Mày muốn gì?” McCaleb hỏi.

Crimmins làm như không nghe thấy câu hỏi. Hắn nói bằng giọng bình thản. Hắn tự tin mình đang ở trên cơ.

“Tao biết nếu có ai đó đến thì đấy là mày. Tao phải cẩn thận chứ.”

“Tao hỏi, mày muốn gì? Mày muốn tao, có phải không?”

Crimmins nhìn ra phía sau McCaleb với vẻ đăm chiêu, lắc đầu. McCaleb nhìn kỹ khẩu súng. Ông có thể thấy chốt an toàn đã được mở. Nhưng cò súng lại không được bật ra sau. Chẳng thể nào biết được Crimmins đã lên đạn hay chưa.

“Hoàng hôn cuối cùng của tao ở đây,” Crimmins nói. “Bây giờ tao phải rời chốn này.”

Hắn nhìn lại McCaleb, mỉm cười như thể mời McCaleb thừa nhận mình thua.

“Mày hành sự tốt hơn tao tưởng nhiều đó.”

“Không phải tao. Mà là mày, Crimmins. Mày làm hư hết cả. Mày để dấu tay lại cho họ. Mày nói cho tao biết chỗ này.”

Crimmins cau mày gật đầu, thừa nhận sai lầm của mình. Một hồi im lặng dài trôi qua.

“Tao biết vì sao mày đến đây,” cuối cùng hắn nói.

McCaleb không đáp.

“Mày muốn lấy khỏi tao món quà tao đã cho mày.”

McCaleb nghe nỗi căm thù đắng nghét trào lên thiêu đốt cổ họng mình. Ông im lặng.

“Cái thằng chỉ chăm chăm báo thù,” Crimmins nói. “Tao cứ nghĩ tao đã nói với mày rằng thực thi báo thù là việc phù du đến mức nào rồi chứ.”

“Có phải đó là thứ mày học được sau khi giết tất cả những người đó không? Tao cá rằng khi mày nhắm mắt lại về đêm, ông già vẫn cứ ở đó, cho dù mày giết bao nhiêu người đi nữa. Ông ta sẽ chẳng đi đâu cả, đúng không nào? Ông ta đã làm gì mày hả Crimmins, để đến nỗi mày điên lên như thế?”

Crimmins siết chặt khẩu súng hơn và McCaleb có thể thấy quai hàm hắn nổi rõ hơn.

“Đây không phải chuyện đó,” hắn giận dữ đáp. “Mà là chuyện mày. Tao muốn mày sống. Tao muốn sống. Nếu mày không sống thì chuyện này chẳng đáng một tẹo nào. Mày không thấy à? Mày không cảm thấy mối liên hệ giữa mày với tao hay sao? Hai ta bây giờ cột chặt vào nhau rồi. Như anh em ruột ấy.”

“Mày điên rồi, Crimmins.”

“Tao có là gì thì cũng không phải tại tao.”

“Tao không có thì giờ nghe những thanh minh của mày. Mày muốn gì?”

“Tao muốn mày cảm ơn tao vì mày được sống. Tao muốn được yên thân. Tao muốn có thời gian. Tao cần thời gian để di chuyển đồ đạc và tìm chỗ mới. Mày sẽ phải cho tao cái đó ngay bây giờ.”

“Làm sao tao biết chắc mày đang giữ họ? Mày có cái cần câu. Đó chả là gì sất.”

“Bởi vì mày biết tao. Mày biết là tao đang giữ họ.”

Hắn đợi nhưng McCaleb không nói gì.

“Tao có mặt ở đó hồi nãy lúc mày gọi điện và quỳ mọp trước điện thoại của cô nàng, lúc mày van xin cô nàng nhấc máy y như chú nhóc học trò lâm ly sướt mướt.”

McCaleb cảm thấy cơn giận của ông đâm ra bị nỗi bối rối che lấp mất.

“Họ đâu?” ông hét.

“Gần thôi.”

“Chó đẻ. Sao mày lại dám đưa họ qua biên giới cơ chứ?”

Crimmins mỉm cười rồi ra hiệu bằng khẩu súng.

“Thì cũng giống như mày đến tận đây thôi. Đi về phía Nam thì chả ai hỏi han gì. Tao có cho Graciela lựa chọn. Cô ả với thằng nhóc có thể ngồi phía trước và được đối xử rất chi là tử tế, còn nếu không thì ngồi trong thùng xe. Cô nàng biết cư xử phù hợp đấy.”

“Tốt nhất là mày đừng đụng tới họ.”

McCaleb nhận ra giọng mình nghe mới tuyệt vọng làm sao và ước gì mình đã không nói thế.

“Tao đụng tới họ hay không là tùy ở mày.”

“Làm sao?”

“Tao đi bây giờ đây. Mày chớ theo tao. Mày đừng cố gắng công bám dấu tao. Mày chui vào xe mà về lại thuyền mày đi. Mày ngồi bên điện thoại, chốc chốc tao sẽ gọi điện để bảo đảm là mày ở đó chứ không bám theo tao. Chừng nào tao biết tao đã an toàn xa khỏi mày rồi thì tao sẽ cho con đàn bà với thằng nhóc đi.”

McCaleb lắc đầu. Ông biết là hắn nói dối. Giết Graciela và Raymond sẽ là nỗi đau đớn cuối cùng mà Crimmins ban cho ông một cách vui vẻ và không mảy may thấy mình có tội. Thắng lợi tối hậu. Ông biết dù sau đây xảy ra chuyện gì đi nữa, ông không thể để Crimmins còn sống mà ta khỏi bãi biển này. Ông đã đến Mexico vì một lý do. Lúc này ông phải hành động vì lý do đó.

Crimmins dường như biết ông đang nghĩ gì, hắn cười.

“Chẳng có cách nào khác đâu. Đặc vụ McCaleb. Hoặc tao đi khỏi đây hoặc là hai chúng nó chết trong một cái lỗ đen ngòm. Mày giết tao thì sẽ chả ai tìm thấy hai chúng nó. Còn lâu mới tìm được. Đói khát này, tăm tối này... kinh khủng lắm, còn không à. Với lại, có chuyện này mày quên.”

Hắn lại nâng súng lên và chờ một nhịp để nghe McCaleb đáp lời, nhưng chẳng có gì.

“Tao hy vọng mày thường xuyên nghĩ tới tao,” Crimmins nói. “Như tao sẽ nghĩ tới mày.”

Hắn dợm bước về phía ánh sáng.

“Này Crimmins,” McCaleb nói. “Mày chả có gì hết.”

Crimmins quay lại và mắt hắn hạ xuống khẩu súng hiện nằm trong tay McCaleb. McCaleb tiến hai bước về phía hắn rồi nâng họng khẩu P7 lên ngực hắn.

“Lẽ ra mày phải kiểm tra cái túi xách.”

Crimmins phản công bằng cách chĩa khẩu Sig-Sauer vào ngực McCaleb.

“Súng mày rỗng, Crimmins ạ.”

McCaleb thấy một chút nghi ngờ thoáng qua mắt gã kia. Thoáng qua thôi nhưng ông bắt kịp. Ông biết ngay là Crimmins đã không kiểm tra súng. Hắn không biết rằng súng có đầy một băng đạn nhưng chưa viên đạn nào được lên nòng cả.

“Nhưng khẩu này thì không.”

Họ đứng đó, mỗi người chĩa họng súng của mình vào tim người kia chỉ cách ba mươi phân. Crimmins nhìn xuống khẩu P7, rồi nhìn lên mắt McCaleb. Hắn nhìn chăm chú, như cố đọc ra một điều gì. Ngay khoảnh khắc đó McCaleb nghĩ đến bức ảnh trong bài báo. Cặp mắt có cái nhìn sắc nhọn không một chút khoan dung. Ông biết rằng lúc này ông đang có chính cặp mắt đó.

Crimmins bóp cò khẩu Sig-Sauer. Cò súng bập vào ổ đạn rỗng. McCaleb bóp cò khẩu P7 rồi quan sát trong khi Crimmins bật ra phía sau và ngã bổ ngửa lên nền cát, hai tay dang thẳng chín mươi độ, mồm há hốc vì kinh ngạc.

McCaleb tiến lại gần hắn, giằng lấy khẩu Sig-Sauer. Đoạn ông lấy áo mình lau sạch khẩu P7 rồi thả xuống cát, ngay ngoài tầm với của kẻ đang hấp hối.

McCaleb quỳ xuống, cúi mình trên Crimmins, cẩn thận không để mình vấy máu.

“Này Crimmins, tao không biết liệu tao có tin Thượng đế không, nhưng tao sẽ nghe mày xưng tội. Nói tao nghe họ ở đâu. Giúp tao cứu họ đi. Chấm dứt chuyện này bằng một nghĩa cử tốt đi.”

“*** má mày,” Crimmins nói mạnh mẽ, mồm nhoe nhoét máu. “Hai đứa nó chết là vì mày.”

Hắn nhấc tay lên chỉ một ngón vào McCaleb. Đoạn hắn buông thõng tay xuống cát và xem ra kiệt sức vì hành động bùng phát đó. Hắn nhúc nhích môi thêm lần nữa nhưng McCaleb không nghe được hắn nói gì. Ông cúi xuống gần hơn.

“Mày nói gì vậy?”

“Tao đã cứu mày. Tao cho mày sự sống.”

Chừng đó McCaleb đứng dậy, vừa phủi cát khỏi quần vừa nhìn xuống Crimmins. Mắt hắn đang ứa lệ và miệng hắn động đậy trong khi hắn nhọc nhằn thở mấy hơi cuối cùng. Mắt hai người gặp nhau và dừng lại.

“Mày lầm rồi,” McCaleb nói. “Tao đổi mày để lấy tao. Tao cứu chính tao.”
 
Chương 45


McCaleb vừa lái xe dọc những con đường rải sỏi trên triền đá phía trên làng Playa Grande vừa săm soi từng căn nhà cố định, mỗi căn nhà lưu động mà mình đi qua, tìm dấu hiệu không thể nhầm lẫn của mạng điện thoại hay đĩa vi ba gắn trên mái. Ông mở hết cửa sổ xe và mỗi lần gặp một cơ ngơi khớp với mô tả, ông lại tấp xe lại gần, tắt máy, lắng nghe.

Không có nhiều cơ ngơi tại đây được nối kết với thế giới bên ngoài bằng điện thoại hay sóng radio. McCaleb cho rằng hầu hết dân sống ở những nơi xa xôi hẻo lánh thế này chủ ý chọn vậy là vì họ không cần sự nối kết đó. Họ là người nước ngoài và dân sống ẩn dật, những người muốn tách lìa khỏi phần còn lại của thế giới. Lại một lý do khác để Crimmins chọn nơi này.

Có hai lần người ta ra khỏi nhà hỏi McCaleb xem ông muốn gì. Ông đưa mấy tấm ảnh cho họ xem nhưng họ đều nói không biết. Ông xin lỗi đã làm phiền họ rồi đi tiếp.

Cho đến khi mặt trời đã xuống mấp mé chân trời, ông bắt đầu đâm ra tuyệt vọng. Không có ánh sáng ban ngày thì ông biết mình sẽ không thể tìm kiếm được nữa. Ông sẽ phải dừng lại từng nhà một, nếu không thì đợi sáng mai. Nếu đợi thì ông sẽ để mặc Graciela và Raymond một mình đâu đó suốt đêm, không có đồ ăn thức uống và ánh sáng, có khi còn không có gì sưởi ấm, khiếp sợ, bị trói hoặc bị giam bằng cách nào đó.

Ông tăng tốc rồi nhanh chóng đi qua một công viên gồm toàn nhà lưu động, chỉ dừng lại một lần để đưa mấy tấm ảnh cho một bà già ngồi nơi hiên trước một căn nhà lưu động cũ nát xem. Bà ta lắc đầu trước mấy tấm ảnh, thế là ông đi tiếp.

Cuối cùng, khi mặt trời đã lặn và bầu trời còn lưu giữ chút ánh sáng ban ngày còn lại, ông đi ngang qua một con đường nhỏ dành cho ô tô lát vỏ sò đập vụn dẫn lên một cái gò nhỏ rồi khuất khỏi tầm mắt. Một cái cổng chắn ngang con đường đó, trên có đề Không được qua bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. McCaleb xem xét cánh cổng một hồi thì thấy nó được cột lại chỉ bằng một đoạn dây kim loại ngắn tròng qua bản lề. Ông ra khỏi xe, kéo đoạn dây ra rồi mở cổng.

Khi đã lên tới cái gò đầu tiên, McCaleb thấy con đường nhỏ dẫn đến một căn nhà lưu động nằm trên gò bên cạnh. Linh cảm đau đáu bắt đầu rộn lên trong ngực ông khi ông nhìn thấy cái đĩa nhỏ lắp trên mái nhà phẳng. Khi lại gần, ông thấy không có chiếc xe nào đỗ dưới nhà để xe bằng nhôm. Ông cũng nhận thấy cái nhà kho nhỏ kiểu Quonset phía sau nhà, gần một hàng rào cũ. Trên một số cọc rào có úp những chai lọ, như để làm đích tập bắn.

Tiếng lốp xe chiếc Cherokee siết lên những vỏ sò đập vụn làm tiêu tan mọi khả năng lại gần một cách êm thắm. Nó cũng tước luôn khỏi McCaleb cơ hội lắng nghe chừng nào ông chưa dừng xe.

Ông tấp xe vào nhà để xe rồi dừng lại. Ông tắt khóa xe rồi ngồi bất động lắng nghe. Chỉ im lặng trong hai giây, rồi thì ông nghe thấy. Âm thanh đó bị lớp ván nhôm của căn nhà lưu động làm nghẹt lại, nhưng ông có nghe thấy. Tiếng điện thoại reo bên trong căn nhà. McCaleb nín thở lắng nghe điện thoại reo mãi, reo mãi cho đến khi ông biết chắc. Ông thở hắt ra và cảm thấy tim mình như nhảy thốc lên. Ông biết mình đã tìm ra hai dì cháu.

Ông ra khỏi xe, lại gần cửa căn nhà lưu động. Điện thoại vẫn reo, cho đến khi ông dừng xe đến giờ ít nhất cũng mười lần rồi. Ông biết nó sẽ kêu mãi chừng nào ông chưa vào trong nhà đặng trả lời hoặc chưa có ai liều vào trong buồng điện thoại ở trạm Pemex mà gác ống nói.

Ông thử mở cửa thì thấy cửa khóa. Dùng xâu chìa khóa lấy trong túi quần Crimmins, ông thử mấy lần cho đến khi mở được cửa. Ông bước vào trong căn nhà lưu động im ắng và ấm áp, nhìn quanh cái nơi dường như là một phòng khách nhỏ. Mành cửa kéo kín mít nên căn phòng tối om ngoại trừ ánh sáng hắt ra từ một màn hình vi tính đặt trên cái bàn kê sát vách bên phải. McCaleb quờ tay lên vách bên trái cửa thì tìm thấy công tắc đèn. Ông bật công tắc và căn phòng sáng rõ lên.

Nó rất giống cái nhà kho ông phát hiện được ở Los Angeles, chật ních những máy vi tính và đồ nghề thiết bị. Có một khoảnh nhỏ để ngồi, hẳn được dành riêng để nghỉ ngơi thư giãn. Chẳng có cái gì trong đó khiến McCaleb bận tâm. Ông không thèm để ý nữa. Ông đến chỉ vì hai lý do duy nhất.

Ông bước hẳn vào căn nhà rồi gọi to.

“Graciela ơi! Raymond ơi!”

Chẳng có tiếng trả lời. Ông nghĩ đến điều Crimmins nói, rằng họ đang ở trong một cái hố đen. Ông quay lại nhìn ra khỏi cửa, dõi mắt nhìn khắp quang cảnh hoang vắng. Ông thấy cái nhà kho kiểu Quonset, liền cất bước về phía đó.

Ông dùng phần dưới lòng bàn tay đập mạnh vào cánh cửa bị khóa bằng khóa móc, tiếng động rầm rầm vang vọng bên trong nhưng không có tiếng trả lời. Ông lóng ngóng rút xâu chìa khóa ra lần nữa, hối hả thọc chiếc chìa khóa nhỏ trên có khắc logo Master Lock vào ổ khóa. Cuối cùng, ông mở toang cánh cửa và bước vào trong bóng tới. Nhà kho trống rỗng và McCaleb cảm thấy bên trong mình như bị xé.

Ông xoay người và cố xốc lại tinh thần nơi ngưỡng cửa, mắt ông cúi gằm trong khi tâm trí ông tràn ngập hình ảnh Graciela và Raymond, hai dì cháu choàng tay ôm chặt nhau, trong bóng tối như mực ở nơi nào đó.

Chính khi ấy ông nhìn thấy nó. Trên con đường rải vỏ sò đập vụn dành cho ô tô trước mặt ông có một khoảnh trũng xuống cắt ngang hai vệt bánh xe. Có một lối mòn cắt qua con đường, dẫn về phía triền đồi thoai thoải.

Nom như thể phía ấy chẳng có gì, thế nhưng có ai đó đã đi về phía ấy nhiều lần đủ để tạo thành lối mòn cắt ngang con đường.

Ông tiến theo lối mòn ấy, ban đầu xoạc cẳng bước, rồi nhanh dần lên thành chạy hết tốc lực. Ông lên đến triền đồi, và nơi dốc thẳng đứng bên dưới ông thấy cái nền phẳng bằng bê tông của một cấu trúc chưa bao giờ được dựng lên. Càng đến gần ông càng chậm bước cho đến khi trở lại thành đi bộ, bụng tự hỏi mình đã tìm thấy cái gì. Những thanh dầm sắt gỉ sét và ống nước từ trong bê tông thòi ra. Nằm lăn lóc trên nền xi măng là một cây cuốc chim cũ và một cái xẻng. Có bậc tam cấp để bước lên phiến bê tông, nơi đó rõ là phải lắp một cánh cửa nhưng chưa bao giờ có cửa nào được lắp. McCaleb bước lên, nhìn quanh. Chẳng có cánh cửa nào dẫn xuống tầng hầm bên dưới, chẳng có gì ông nhìn thấy khả dĩ khớp với những gì Crimmins nói.

Ông đá vào một trong mấy ống nước bằng đồng rồi nhìn xuống cái ống chính đường kính khoảng mươi phân, trên cái ống này lẽ ra người ta phải lắp một cái toa lét. Chính lúc đó ông hiểu ra hai dì cháu đang ở đâu.

Ông xoay tới xoay lui, mắt nhìn khắp mặt đất xung quanh cái nền bê tông. Nhận thấy rằng bậc tam cấp hẳn nằm ở mặt trước cấu trúc này, ông tập trung chú ý vào mặt đất ở phía sau, tìm cái nơi mà hệ thống ống nước sẽ dẫn tới, một hố rác tự hoại. Mắt ông lập tức bắt gặp một khoảnh đất tơi và đá mà ông biết ngay là mới được đào lên. Ông chộp lấy xẻng rồi cắm đầu chạy.

Phải mất năm phút ông mới dọn sạch được chỗ đất tơi và đá ra khỏi nắp hố. Ông biết hai dì cháu có không khí để thở; các ống nước dẫn lên nền nhà bê tông sẽ cung cấp không khí. Nhưng ông hì hục dọn như thể họ đang chết ngạt dưới chân ông. Khi rốt cuộc ông cũng mở được cái nắp hố cỡ vừa một người chui, ánh mặt trời đang tắt luồn vào và ông thấy gương mặt họ. Hai dì cháu sợ hết hồn nhưng vẫn sống. McCaleb cảm thấy một khối nặng trịch vừa được cất khỏi mình khi ông chìa tay xuống đỡ họ.

Ông giúp họ ra khỏi bóng tối, mắt hai người nhíu lại ngay cả trước ánh sáng nhá nhem khi trời sẩm tối. Rồi ông ôm hai người vào lòng chặt đến nỗi ông cứ nghĩ mình có thể làm họ đau. Graciela tấm tức khóc, thân hình nàng rung rung ép sát vào người ông.

“Ổn cả rồi,” ông nói. “Xong rồi.”

Nàng ngả đầu ra sau mà nhìn vào mắt ông.

“Giờ thì xong rồi,” ông nhắc lại. “Hắn sẽ không bao giờ còn làm hại ai nữa.”
 
Chương 46


Đáy tàu là một không gian chật hẹp bí rì sặc sụa mùi hơi xăng đến váng cả đầu. McCaleb quấn một cái áo phông cũ quanh mặt trông như tên cướp nhưng hơi xăng vẫn xộc vào đầy phổi ông. Ông đang thay dở các bù loong cố định bộ lọc nhiên liệu, cần thay chín cái thì ông đã lắp xong ba cái và siết chặt. Ông đang đánh vật với cái thứ tư, nghếch mặt về phía trước cố ngăn không cho mồ hôi chảy vào mắt mà không được, thì nghe thấy giọng chị ta từ trên gọi xuống.

“Xin chào. Có ai ở nhà không?”

McCaleb bỏ dở việc đang làm, giật cái áo đang buộc quanh mặt ra. Ông bò về phía cửa hầm để mở, chui lên. Jaye Winston đang đứng trên bến đợi ông.

“Jaye. Chào, có gì không? Lên thuyền đi.”

“Thôi, tôi đang vội. Tôi chỉ muốn ghé qua cho anh hay là người ta tìm ra hắn rồi. Tôi đang trên đường xuống Mexico đây.”

McCaleb nhướn mày.

“Hắn không còn sống nữa. Hắn tự sát rồi.”

“Thật sao?”

“Chúng tôi đang làm việc với Cảnh sát Pháp lý Baja nên tạm thời chưa có gì chắc chắn, tôi phải xuống tận đó xem sao đã, nhưng người ta tìm thấy hắn bị sóng đánh dạt lên bãi biển ở một chỗ gọi là Playa Grande. Xuôi theo bờ biển ấy. Hắn tự bắn vào tim. Một thằng bé chăn ngựa trên bãi biển phát hiện ra hắn. Ấy là hai hôm trước. Bọn tôi vừa mới hay tin thôi.”

McCaleb nhìn quanh. Ông thấy một người mặc sơ mi trắng thắt cà vạt đang lảng vảng gần cổng dẫn vào cầu tàu. Cộng sự của chị ta, ông đồ là vậy.

“Họ có chắc là hắn không?”

“Họ bảo là chắc. Mô tả giống. Với lại họ lần theo được dấu vết của hắn dẫn đến một căn nhà lưu động cách xa bãi biển. Họ tìm thấy nhiều máy vi tính, ảnh chụp, đủ thứ đồ đạc. Giống thằng cha nhà mình lắm. Với lại hắn có để lại thư tuyệt mệnh trên màn hình máy tính.”

“Hắn nói gì?”

“Ừ thì, đây chỉ là thuật lại thôi, nhưng cơ bản là hắn nhận trách nhiệm về những gì hắn làm và bảo hắn đáng chết vì các nạn nhân của hắn. Ngắn gọn, nhẹ nhàng.”

“Họ có tìm thấy vũ khí không?”

“Chưa, nhưng hôm nay họ đang rà soát bãi biển bằng máy dò kim loại. Nếu tìm ra thì chắc đó là khẩu HK P7 của nhà mình. Viên đạn người ta lấy được khi khám nghiệm pháp y là một viên có đầu bọc kim loại, hãng Federal. Chúng tôi sẽ xem liệu có thể mượn để đối chiếu với các vụ của chúng tôi ở đây không.”

McCaleb gật đầu.

“Thế họ luận vụ này ra sao?”

“Khá đơn giản. Tên này biết tụi tôi sắp tóm được hắn rồi, hắn cảm thấy ăn năn hối hận, liền viết thư tuyệt mệnh rồi đi xuống bãi biển, cho một viên vào tim. Thủy triều lôi hắn ra ngoài ghềnh đá ngoài kia và cái xác mắc lại đó. Vì vậy nó mới không trôi luôn ra biển. Chúng tôi đang đi xuống đó xem mọi chuyện thế nào đây. Và để lấy dấu tay. Chắc sẽ không tìm được dấu vết còn lại của phát súng vì cái xác bị ngâm trong nước. Nhưng có một điều chắc chắn là chúng ta sẽ không dứt điểm được vụ này chừng nào chưa biết tuyệt đối chắc chắn đó là Crimmins.”

“Ừ, ý hay đấy.”

“Tôi chỉ muốn biết chắc bởi vì xem ra chẳng có vẻ gì là hắn đang lao tới chỗ tự sát, anh hiểu ý tôi chứ?”

Chị nhìn ông chăm chú.

“Ừ thì... chẳng bao giờ mình biết được.”

Chị gật đầu và lần đầu tiên chị ngoảnh mắt đi khỏi ông. Chị kiểm tra người cộng sự, anh này đang quan sát họ từ một quãng đủ xa để không nghe được họ nói gì.

“Vụ Vegas thế nào, Terry?”

Ông ngồi lên mép thuyền, đặt cái cờ lê đang dùng dở xuống bên cạnh.

“Ừm, thật ra tôi chẳng định đi đâu hết. Tôi đã quyết rằng nếu không làm cho cái thuyền này chạy được thì chuyện đó chả bao giờ xảy ra sất. Tôi đã cắt điện thoại và làm việc suốt trên thuyền. Tôi nghĩ chắc là rốt cuộc nó cũng sẽ sẵn sàng khởi hành thôi.”

“Tốt. Hy vọng là anh tóm được nhiều cá.”

“Tóm được quá đi chứ. Hôm nào chị đến đi, tôi dẫn chị đi câu cá mác-lin.”

“Gì chứ vụ ấy thì tôi chịu đấy.”

Chị gật đầu rồi lại nhìn quanh bến neo thuyền. “Thôi, chắc tôi nên đi thôi. Xuống tới đó còn xa lắm, thế mà chúng tôi khởi hành muộn mất rồi.”

“Chúc đi săn vui vẻ.”

“Cám ơn.”

Chị dợm đi nhưng lại ngần ngừ, rồi ngoái lại.

“Tôi thấy chiếc Cherokee của anh ở ngoài bãi. Anh phải đem đi rửa đi, Terry. Bụi ơi là bụi, kinh quá.”

Họ nhìn đăm đăm vào mắt nhau hồi lâu, điều họ thầm lặng truyền đạt cho nhau thật rõ ràng.

“Tôi sẽ đem rửa,” cuối cùng McCaleb nói. “Cám ơn.”
 
Chương 47


Chiếc Biển Theo Ta rẽ những đợt sóng dồi, tiến về phía Nam bằng tốc độ giăng câu nhấp, trực chỉ đảo Catalina. Trên đài chỉ huy, McCaleb đứng nắm chặt bánh lái. Ông đã hạ màn chắn gió ở đằng trước xuống và làn không khí mát lạnh từ mặt nước phả lên tấp vào cả người ông, làm cho da ông đanh lại dưới lớp áo quần. Trước mặt, trong làn sương, hòn đảo trồi lên như một thánh đường đồ sộ bằng đá nơi chân trời. Những căn nhà ngoài và một số con thuyền có mạn cao hơn ở Avalon bắt đầu xuất hiện trong tầm mắt. Giờ thì ông thấy rõ cái mái tròn bằng đất nung của sòng bạc, công trình đặc trưng của thị trấn này.

Ông xoay người trông lại đằng sau. Đất liền đã khuất khỏi tầm nhìn, chỉ còn phân biệt được nhờ làn sương mỏng mảnh giăng bên trên giống như tấm biển báo Đừng đến đây! Ông lấy làm vui mình đã thoát khỏi nó.

Ông nghĩ đến Crimmins trong một thoáng. Ông chẳng hối tiếc gì về chuyện đã để lại mọi thứ ở Mexico bằng cách đó. Giờ thì sẽ chẳng ai cật vấn gì về các động cơ và lựa chọn của ông nữa. Nhưng nào phải ông chỉ bảo vệ bản thân mình. Graciela và Raymond đã phải sống ba mươi sáu giờ cùng với Crimmins. Mặc dù hắn không đụng đến họ về mặt thân thể, nhưng hai dì cháu vẫn cần có thời gian riêng tư để hồi phục, để quên đi cái tai họa này. McCaleb không cách nào thấy được nếu lôi thêm cảnh sát với thẩm vấn này nọ vào cuộc đời họ thì sẽ có ích gì cho điều đó. Graciela đồng ý với ông.

Từ trên đài chỉ huy ông nhìn xuống buồng lái, kín đáo quan sát hai dì cháu. Raymond ngồi trên ghế trực chiến, hai bàn tay bé nhỏ nắm chặt bộ đồ nghề câu nhấp. Graciela đứng cạnh chú, giữ chặt ghế để hỗ trợ. Giá như có thể, McCaleb hẳn đã ước gì có một con cá mác-lin to đùng đen trũi mắc vào dây câu cho chú bé. Nhưng ông chẳng lo. Còn khối thì giờ để câu được cá.

Graciela xem chừng cảm nhận được cái nhìn của ông, nàng nhìn lên ông. Họ trao nhau nụ cười thân ái. McCaleb cảm thấy tim mình thắt lại khi nàng cười với ông như thế. Nó làm ông vui đến nỗi tim nhói đau.

Chuyến đi này là một cuộc thử nghiệm. Không chỉ cho con thuyền mà còn cho cả hai người. Nàng đã gọi nó như thế. Một cuộc thử nghiệm để xem liệu họ có vượt qua được chuyện giữa hai người không, cái nhận thức đau đớn về những gì đã xảy ra, về những gì ông đã làm, chuyện vì sao ông có mặt ở đây còn những người khác thì không. Đặc biệt là Gloria. Họ sẽ xem liệu họ có thể bỏ lại ngay cả chuyện đó ở phía sau không, hay ít nhất là bỏ qua một bên, chỉ khi nào cần thiết mới lấy ra xem xét.

McCaleb chỉ dám mong chừng đó. Ông chỉ cần mỗi chừng đó, khi nào có cơ hội. Việc điều đó giờ đây nằm trong tầm tay ông khiến niềm tin của ông đặt vào nàng cảm thấy đã được đền đáp, đã thành trọn vẹn. Suốt một thời gian dài cho mãi đến giờ, lần đầu tiên ông cảm thấy dường như có một mục đích nào đấy.

Ông lại nhìn ra phía trước kiểm tra hướng đi của thuyền. Ông có thể thấy tháp chuông trên đồi, cạnh đó là mái của căn nhà nơi nhà văn và nhà thể thao Zane Grey từng sống. Thị trấn thật đẹp, ông nóng lòng muốn quay lại và chỉ cho hai dì cháu thấy nơi này quá.

Ông lại nhìn trộm xuống đuôi thuyền lần nữa. Tóc Graciela buộc về phía sau ngược chiều gió và ông nhìn kỹ những đường nét đáng yêu của phần gáy nàng. Gần đây ông cảm thấy một cái gì đó hầu như là đức tin và bối rối không biết nó sẽ dẫn ông đến đâu bây giờ. Bối rối nhưng không lo lắng. Ông biết đó không phải là chuyện thật sự quan trọng. Đức tin của ông giờ đây nằm ở Graciela Rivers. Trong khi nhìn xuống ngắm nàng, ông không nghi ngờ gì rằng ông đang nhìn tảng đá nơi sẽ là bến đỗ của ông.

Lời cảm tạ

Việc máu là một tác phẩm hư cấu, song được gợi cảm hứng từ những cuộc trò chuyện với bạn tôi là Terry Hansen, anh ấy được thay tim vào đúng ngày Valentine năm 1993. Tôi hàm ơn anh vì anh đã cởi mở bàn luận về những chuyển biến về cảm xúc và thể chất mà một sự kiện như vậy đã mang tới cho cuộc sống của anh.

Tôi cũng muốn ngỏ lời cám ơn tất cả những ai đã cho tôi những lời khuyên và sự hỗ trợ quý báu về chuyên môn trong quá trình viết cuốn tiểu thuyết này. Mọi sai sót trong những trang sách này đều là sai sót của cá nhân tôi. Đặc biệt, tôi muốn cảm ơn Linda và Callie vì đã chịu đựng tôi, William Gaida, cảnh sát viên Los Angeles đã nghỉ hưu, vì ông đã dạy cho tôi về nghệ thuật thẩm vấn bằng thôi miên, và Jim Carter vì đã cho tôi xem thuyền bè và Vũng Cabrillo. Tôi cũng xin cám ơn Gene Riehl, đặc vụ FBI đã nghỉ hưu, Scott Anderson, chuyên gia vi tính, Larry Sulkis, xạ thủ số một, và Scott Eyman, vị đại sư về nghề viết, người đã khuyên nhủ tôi đừng nhảy lầu tự tử sau khi tôi đã đem 240 trang ra xiên que nhọn - có mục đích hẳn hoi! - và phải bắt đầu lại từ đầu.

Cuốn sách này cùng với tác giả đã nhận được sự góp ý vô cùng quý báu của những người đọc bản thảo trong quá trình viết. Họ gồm có: Mary Connelly Lavelle, Susan Connelly và Jane Connelly Davis, Joel Gotler, Brian Lipson, Philip Spitzer, Ed Thomas, Bill Gerber, Melissa Rooker và Clint Eastwood. (Đặc biệt xin cảm ơn Joel vì những bản ứng tấu harmonica của anh). Biên tập viên của tôi, Michael Pietsch, đã làm tròn công việc xuất sắc thường lệ của mình là nhận một bản thảo khổng lồ rồi từ đó gọt thành một câu chuyện đọc trơn tru.

Cuối cùng, một lần nữa xin cám ơn các nhà sách đã giúp tôi kể chuyện.

Michael Connelly

Los Angeles
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top