Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full Việc Máu

Dịch Full Việc Máu
Chương 20


Lockridge và McCaleb đi theo một loạt đường cao tốc từ Whittier cho đến khi tới Xa lộ Thung lũng Linh dương, xa lộ này cuối cùng sẽ đưa họ đến góc Đông Bắc của hạt. Hầu như suốt dọc đường Lockridge toàn lái xe một tay, tay kia cầm harmonica đưa lên miệng. Điều đó khiến McCaleb chẳng thấy an toàn lắm, nhưng cũng nhờ vậy mà ông khỏi phải nghe những lời ba hoa vô nghĩa.

Khi họ đi qua Vasquez Rocks, McCaleb nhìn ngắm địa hình và định vị nơi người ta đã tìm ra cái xác rốt cuộc đã dẫn ông đến chỗ quen biết Jaye Winston. Địa hình nghiêng và lởm chởm do dịch chuyển kiến tạo của nơi này trông thật đẹp trong ánh nắng chiều. Mặt trời rọi lên mặt đá phía trước ở góc thấp, đẩy bật các kẽ nứt vào bóng tối sâu hoắm. Trông vừa đẹp lại vừa nguy hiểm. Ông tự hỏi phải chăng chính điều đó đã lôi kéo Luther Hatch đến nơi này.

“Anh tới đây bao giờ chưa, Vasquez Rocks này?” Buddy hỏi sau khi nhét cây harmonica vào giữa hai chân.

“Rồi.”

“Đẹp phải không. Đặt theo tên một anh chàng liều mạng người Mexico đã trốn chui trốn nhủi ở mấy khe đá này cách đây chừng trăm năm sau khi cướp nhà băng hay gì đó. Nơi này có quá nhiều chỗ để trốn tới nỗi người ta chả bao giờ tìm được anh chàng và thế là anh chàng trở thành truyền thuyết.”

McCaleb gật đầu. Ông thích câu chuyện đó. Ông ngẫm nghĩ về việc những câu chuyện ông từng biết về nơi này chốn nọ thì sao lại khác đến vậy. Những chuyện đó luôn luôn bao gồm những xác chết, những việc làm đẫm máu. Không truyền thuyết. Chẳng anh hùng.

Họ đến vừa kịp trước giờ cao điểm nên thoát được dòng người xe rời thành phố đi nghỉ cuối tuần; vừa qua năm giờ một chút là họ tới Lancaster. Họ giong xe chầm chậm qua một khu vực gọi là Địa ốc Hoa Sa mạc để tìm căn nhà nơi James Cordell cư ngụ khi còn sống. McCaleb nhận thấy sa mạc thì có lắm nhưng hoa với nhà thì chẳng nhiều nhặn gì cho khớp với nghĩa của cái tên. Khu này được xây trên vùng đất phẳng như cái chảo và hầu như ngày nào cũng nóng như chảo rang. Các căn nhà đều xây theo kiểu Tây Ban Nha, mái lợp ngói màu đỏ thùng rượu, cửa sổ uốn vòng cung, cửa cái ở đằng trước. Có hàng tá khu xây dựng tương tự thế này rải rác khắp Thung lũng Linh dương. Các căn nhà đều rộng rãi và khá thích mắt. Mua các căn nhà này để ở hầu hết là những gia đình muốn tránh tình trạng đắt đỏ, tội phạm và dân cư đông đúc của Los Angeles.

Địa ốc Hoa Sa mạc hình như mời chào khách mua nhà ba giải pháp thiết kế khác nhau. Do vậy mà trong khi ngồi xe đi qua khu này, McCaleb nhận thấy khoảng một phần ba các nhà là y hệt nhau, đôi khi thậm chí có những căn kề cận giống nhau như đúc cùng khuôn, khiến ông nhớ lại một vài khu xây dựng ngay sau Thế chiến thứ hai ở Thung lũng San Fernando.

Ý nghĩ sống ở một trong các căn nhà mình mới đi qua khiến lòng ông nặng trĩu. Đó không phải bởi vì bất cứ điều gì ông thấy. Mà là bởi khoảng cách giữa nơi này với đại dương, với cảm giác được biển làm cho tươi mới. Ông biết ông sẽ chẳng bao giờ sống nổi ở một khu như thế này. Ông sẽ khô héo dần mà lụi tắt như một trong mấy cây cỏ lăn mà họ đều đặn chạy ngang qua trên đường đi.

“Đây rồi,” Buddy nói.

Anh ta chỉ con số ghi trên một thùng thư và McCaleb gật đầu. Họ tạt xe vào. McCaleb để ý rằng chiếc Chevy Suburban mà ông đã thấy trên cuốn băng quay hiện trường vụ án đang đỗ ở lối xe vào, dưới một vòng bóng rổ. Có một ga ra lộ thiên, đầu này là chiếc xe tải nhỏ, đầu kia ken chặt những xe đạp và hộp này thùng nọ, một bàn thợ rồi lại thêm một đống bừa bộn nữa. Dựng vào vách trong ga ra là một tấm ván lướt sóng. Đó là một tấm ván dài đã cũ, khiến McCaleb nghĩ hẳn là James Cordell từng có lúc biết đôi điều về đại dương.

“Tôi không biết sẽ ở đây bao lâu,” ông nói.

“Ngoài này lát nữa nóng lắm. Có khi tôi vào trong với anh cũng được mà. Tôi sẽ im như thóc.”

“Trời đang mát dần đấy Buddy ạ. Nhưng nếu anh thấy nóng thì cứ mở điều hòa. Chạy loăng quăng chút đỉnh. Có khi quanh đây có mấy đứa nhóc bán nước chanh không chừng.”

Ông chui ra khỏi xe trước khi có cuộc tranh luận nào kịp bắt đầu. Ông sẽ không đưa Lockridge vào cuộc điều tra và biến nó thành một vụ dành cho dân tài tử. Trên đường đến chỗ lối xe vào ông dừng lại nhìn vào trong chiếc Suburban. Đằng sau xe chất đầy dụng cụ, ở các ghế trước cũng bừa bộn trăm thứ bà giằn. Ông cảm thấy phấn chấn. Có thể ông gặp may. Trông như chiếc xe nằm đó đã lâu không ai đụng tới.

Vợ góa của James Cordell tên là Amelia. McCaleb biết điều đó từ các báo cáo. Ông chưa kịp chạm tay vào cửa trước hình vòm cung thì một phụ nữ đã mở cửa ra. Ông đồ rằng đó là chị ta. Jaye Winston có nói chị sẽ gọi điện trước để cho khi ông đến thì mọi việc sẽ suôn sẻ.

“Bà Cordell?”

“Vâng, là tôi.”

“Tên tôi là Terry McCaleb. Thám tử Winston có gọi điện nói về tôi chưa?”

“Có, bà ấy có gọi.”

“Tôi đến có phải lúc không?”

“Khi nào là phải lúc khi nào không phải lúc?”

“Xin lỗi. Tôi nói không đúng lắm. Bà có thể nói chuyện với tôi một lát được không?”

Chị ta là một phụ nữ thấp bé, tóc nâu, đường nét nhỏ nhắn. Mũi chị ta đỏ au, McCaleb đoán rằng chị ta hoặc đang cảm lạnh hoặc vừa mới khóc. McCaleb tự hỏi liệu có phải cú gọi của Jaye Winston đã khiến chị ta lâm vào tâm trạng này không.

Chị ta gật đầu rồi mời ông vào, đi trước để dẫn ông vào một phòng khách chỉn chu ngăn nắp, chị ngồi xuống sofa còn ông ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Có một hộp giấy ăn trên cái bàn uống cà phê giữa hai người. Tiếng tivi từ một phòng khác vẳng tới. Nghe như đang chiếu phim hoạt hình.

“Có phải kia là cộng sự của ông đang chờ trong xe không?” chị ta hỏi.

“Ờ, là lái xe của tôi.”

“Anh ấy có muốn vào không? Ngoài ấy có khi nóng lắm đấy.”

“Không, anh ta không sao đâu.”

“Ông là điều tra viên tư à?”

“Về lý thì không. Tôi là bạn của gia đình người phụ nữ bị giết ở Công viên Canoga. Tôi không biết Thám tử Winston nói gì với bà, nhưng hồi trước tôi làm ở FBI và có chút ít kinh nghiệm trong mấy chuyện này. Sở Cảnh sát trưởng, chắc bà biết rồi, và Sở Cảnh sát Los Angeles đã, ờ, đã không thể làm cuộc điều tra vụ này tiến triển bao nhiêu trong mấy tuần trở lại đây.

Tôi đang cố làm những gì trong sức mình để giúp.”

Chị ta gật đầu.

“Trước hết, tôi rất tiếc về sự cố đã xảy ra với ông nhà và gia đình ta.”

Chị ta chau mày, gật đầu.

“Tôi biết một người xa lạ có nghĩ gì đi nữa thì cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với bà, nhưng bà có thể nhận lòng cảm thông của tôi. Đọc tập hồ sơ của cảnh sát trưởng, tôi biết James là người tốt.”

Chị ta mỉm cười nói: “Cám ơn. Chỉ là thật buồn cười khi nghe người ta gọi anh ấy là James. Hồi trước ai cũng gọi anh ấy là Jim hay Jimmy thôi. Và ông nói đúng, anh ấy là người tốt.”

McCaleb gật đầu.

“Tôi có thể trả lời những câu hỏi nào, ông McCaleb? Tình thực là nào tôi có biết gì về chuyện đã xảy ra đâu. Thành thử khi bà Jaye gọi tôi bối rối chẳng hiểu ra sao cả.”

“Là thế này, trước hết...” Ông thò tay vào túi xách, mở túi, lôi ra tấm ảnh Polaroid mà Graciela đã đưa ông vào hôm cô đến chỗ thuyền ông. Ông đưa ngang qua bàn cho Amelia Cordell. “Bà thử nhìn rồi bảo tôi xem liệu bà có nhận ra người phụ nữ trong ảnh không, hay liệu bà có cho rằng đó có thể là một người mà chồng bà có quen biết không.”

Chị ta cầm bức ảnh nhìn đăm đăm, vẻ mặt nghiêm trang, mắt chuyển qua chuyển lại với những cử động nhỏ trong khi dường như chị đang nghiên cứu kỹ mọi điều trên bức ảnh. Cuối cùng chị ta lắc đầu.

“Không, chắc là không. Có phải cô ta là người...”

“Phải, cô ta là nạn nhân trong vụ cướp thứ hai.”

“Đây là con cô ấy à?”

“Phải.”

“Tôi không hiểu. Làm sao mà chồng tôi biết cô này được - có phải ông gợi ý là họ có thể có...”

“Không, không, tôi chẳng gợi ý gì cả bà Cordell. Chỉ là tôi đang cố... Nào, nói rất thật tình thì, bà Cordell ạ, có đôi điều đã nảy sinh trong quá trình điều tra, nó có thể chỉ ra - và tôi phải nhấn mạnh từ có thể - rằng ở đây không phải chỉ có những gì mắt nhìn thấy mà là nhiều hơn thế.”

“Nghĩa là sao?”

“Nghĩa là có thể cướp không phải là động cơ ở đây. Hoặc không phải là động cơ duy nhất.”

Chị ta ngây ra nhìn ông trong một thoáng và McCaleb biết chị ta vẫn đang hiểu không đúng về mọi chuyện.

“Thưa bà Cordell, tôi hoàn toàn không muốn gợi ý rằng chồng bà và người phụ nữ này có quan hệ gì với nhau dù theo kiểu gì đi nữa. Tôi chỉ muốn nói rằng một nơi nào đó, một lúc nào đó, chồng bà với người phụ nữ đó đã bước ngang qua đường đi của hung thủ. Thế nên ta thấy quả thực là có mối quan hệ. Nhưng đó là mối quan hệ giữa các nạn nhân và hung thủ. Có thể chồng bà và các nạn nhân khác đã cắt ngang đường tiến của hung thủ ở những điểm khác nhau, nhưng tôi cần nắm rõ mọi chuyện, chính vì vậy tôi mới đưa bà xem tấm ảnh. Bà chắc là không nhận ra cô ta chứ?”

“Chắc.”

“Trong vài tuần trước vụ nã súng chồng bà có lý do gì để đến Công viên Canoga một thời gian ngắn không?”

“Theo tôi biết thì không.”

“Liệu ông ấy có quan hệ làm ăn gì với Thời báo Los Angeles không? Cụ thể hơn là liệu có lý do gì để ông ấy đến chỗ nhà máy thuộc tờ báo này ở Chatsworth không?”

Một lần nữa chị ta trả lời không.

“Liệu có vấn đề khó xử nào trong công việc không? Có gì đó khiến ông ấy có thể muốn kể cho một nhà báo biết không?”

“Như là gì?”

“Tôi không biết.”

“Cô ấy là nhà báo à?”

“Không, nhưng nơi cô ấy làm việc thì có các nhà báo. Có thể là đường đi của họ giao cắt với hung thủ ở đó.”

“Ừm, tôi không cho là vậy. Nếu có chuyện gì làm Jimmy bứt rứt thì hẳn anh ấy đã kể với tôi rồi. Anh ấy bao giờ cũng vậy mà.”

“OK. Tôi hiểu.”

Suốt mười lăm phút sau đó McCaleb hỏi bà Cordell nhiều câu về việc hàng ngày chồng chị thường làm gì, anh ta đã làm những gì trong mấy tuần trước vụ nã súng. Ông dùng hết ba trang giấy để ghi chép, nhưng ngay giữa lúc đương làm vậy, ông đã thấy các ghi chép này chẳng có vẻ gì là hữu ích. Jimmy Cordell có vẻ là một người hay lam hay làm, rảnh được lúc nào thì hầu hết ở bên vợ con. Trong mấy tuần trước khi chết anh chuyên tâm lo vụ các đoạn ống dẫn nước đi qua vùng trung tâm của bang, nên vợ anh tin rằng anh chẳng hề có lúc nào xuống vùng phía Nam cả. Chị cho rằng từ trước Giáng sinh cho tới khi chết anh chẳng hề xuống vùng Thung lũng hay những khu vực khác của thành phố.

McCaleb gập sổ lại.

“Tôi rất cám ơn bà đã dành thời gian, bà Cordell. Điều cuối tôi muốn hỏi là trong các vật sở hữu của chồng bà có món nào bị thất lạc không?”

“Vật sở hữu của anh ấy? Ông nói thế nghĩa là sao?”

Amelia Cordell dẫn McCaleb ra ngoài sân đến chỗ chiếc Chevy Suburban. Họ đã bàn với nhau xong về quần áo và các vật dụng kim hoàn của chồng chị. Chẳng có gì mất cả, chị cam đoan thế, cũng giống như băng video quay ở máy ATM dường như khẳng định. Vậy chỉ còn chiếc Suburban mà thôi.

“Chưa ai vào trong xe chứ?” ông hỏi trong khi chị mở khóa xe.

“Tôi lái thẳng từ văn phòng cảnh sát trưởng về đây. Thực tình đó là lần duy nhất tôi lái chiếc này. Jimmy mua nó chỉ để đi làm thôi. Anh ấy bảo nếu hai chúng tôi dùng nó để đi lại mà không phải để làm ăn thì anh ấy không làm sao xoay xở được cả. Hiện giờ tôi không đi chiếc này là bởi nó cao quá đối với tôi, cứ phải trèo vào rồi lại trèo ra suốt thì vất quá.”

McCaleb gật đầu rồi khom người vào trong xe qua cánh cửa để ngỏ bên phía người lái. Ghế sau được gấp lại và khoang chứa hàng đầy ắp các thiết bị giám sát, một cái bàn vẽ gấp lại và những dụng cụ khác. McCaleb nhanh chóng bỏ qua hết các thứ này. Đấy chỉ là thiết bị, chứ không phải một cái gì đó có tính cá nhân.

Ông tập trung chú ý vào phần trước chiếc xe. Một lớp bụi đường phủ kín mọi thứ. Cordell chắc hẳn toàn vặn kính cửa sổ xuống những khi lái xe trên sa mạc. Dùng một ngón tay, ông mở một cái túi nơi cửa xe thì thấy nó nhét đầy những biên lai đổ xăng và một cuốn sổ nhỏ có gáy xoắn ốc, trong sổ này Cordell ghi chép các chặng đường đi, ngày tháng và nơi đến. McCaleb lấy cuốn sổ ra lật lật các trang để xem có chuyến đi nào đến phía Tây Thung lũng không, nhất là Chatsworth hay Công viên Canoga. Không ghi gì như thế cả. Có vẻ Amelia đã nói đúng về chồng mình.

Ông lật tấm che nắng ở bên người lái xuống thì thấy có hai tấm bản đồ gấp lại. McCaleb cầm chúng đi vòng ra đầu xe, trải rộng ra trên mui xe. Một tấm là bản đồ các trạm xăng ở miền Trung California, còn tấm kia là bản đồ giám sát trên đó vẽ đường ống dẫn nước và các tuyến đường cho phép đi đến đó. McCaleb tìm xem có ghi chú khác thường nào của Cordell trên mấy tấm bản đồ không, nhưng chẳng thấy. Ông gấp lại rồi để vào chỗ cũ.

Giờ ông ngồi vào ghế người lái, nhìn quanh. Ông lưu ý tới kính ghế sau, liền hỏi Amelia Cordell liệu chồng chị có hay treo gì nơi kính ghế sau không, mấy món đồ nho nhỏ xinh xinh hay đại loại thế. Chị bảo chị không nhớ có gì như thế cả.

Ông kiểm tra ngăn đựng găng tay và bảng điều khiển trung tâm. Ở đó có thêm nhiều giấy tờ và vài băng nhạc nghe bằng máy stereo, nhiều cây bút mực và bút chì cơ khí, rồi thì một xấp thư từ đã mở. Cordell thích nhạc đồng quê. Xem chừng chẳng có gì bị mất cả. Chẳng có gì khiến ông phải nghĩ là đã mất.

“Bà có biết liệu ông ấy vốn thích một loại bút mực hay bút chì đặc biệt nào đó không? Kiểu như một cây bút đặc biệt ai đó tặng ông ấy làm quà chẳng hạn?”

“Chắc là không. Tôi chẳng nhớ gì như thế cả.”

McCaleb gỡ dải cao su bọc xấp thư ra, nhìn qua các phong bì. Có vẻ là thư từ của bộ phận chuyên trách, ghi chép các cuộc họp, báo cáo về các vấn đề của đường ống dẫn nước mà Cordell có nhiệm vụ kiểm tra. McCaleb ràng dải cao su trở lại quanh xấp thư rồi đặt vào hộp găng tay như cũ. Amelia Cordell lặng lẽ quan sát ông.

Trong một cái thùng để mở giữa hai hàng ghế có một máy nhắn tin và một cặp kính râm. Lúc dừng ở chỗ máy rút tiền, Cordell đang về nhà vào ban đêm. Điều đó giải thích tại sao anh ta không đeo kính, nhưng còn cái máy nhắn tin thì hơi khó hiểu.

“Bà Cordell này, bà có biết tại sao máy nhắn tin của ông ấy lại ở đây không? Tại sao ông ấy lại không mang theo mình?”

Chị ta nghĩ một chút rồi nói: “Anh ấy thường không giắt nó vào thắt lưng khi đi đường trường vì anh ấy bảo bất tiện quá. Anh ấy bảo nó cứ thúc vào chỗ thận anh ấy. Đôi lần anh ấy còn để quên. Để quên trong xe nên để nhỡ tin nhắn, ông hiểu đấy. Theo tôi nhớ thì tại như vậy thôi.”

McCaleb gật đầu. Giữa khi ông đang ngồi nghĩ xem kiểm tra gì nữa đây thì cửa dành cho khách đột nhiên bật mở và Buddy Lockridge dòm vào.

“Chuyện gì vậy?”

McCaleb phải nheo mắt để nhìn anh ta vì nắng rọi vào xe qua vai Buddy.

“Tôi gần xong rồi Buddy. Sao anh không đợi trong xe?”

“Mông tôi đau quá trời.” Anh ta nhìn qua vai McCaleb mà gật đầu với Amelia Cordell. “Xin lỗi, thưa bà.”

McCaleb bực mình vì sự kỳ đà cản mũi nhưng vẫn giới thiệu với Amelia Cordell rằng Lockridge là người cộng tác với mình.

“Vậy chúng ta đang tìm cái gì đây?” Buddy hỏi.

“Chúng ta á? Chỉ là tôi đang tìm xem có cái gì bị mất ở đây không. Sao anh không đợi trong xe?”

“Kiểu như cái gì đó mà người ta có thể lấy được. Tôi hiểu.”

Anh ta lật tấm che nắng phía hành khách xuống. McCaleb đã kiểm tra chỗ đó rồi, chẳng có gì.

“Tôi xem chỗ đó rồi Buddy à. Sao anh không...”

“Cái gì kia, một tấm ảnh à?”

Anh ta trỏ về phía bảng đồng hồ. McCaleb nhìn theo hướng ngón tay anh ta nhưng chẳng thấy gì.

“Anh nói gì thế?”

“Kia kìa. Thấy bụi không? Xem như là tấm ảnh hay gì đấy. Có thể anh ta dán ở đấy một cái thẻ đỗ xe phòng khi cần tới.”

McCaleb lại nhìn nhưng vẫn chưa thấy cái mà Lockridge đang chỉ trỏ và nói tới. Ông chuyển sang bên phải và cúi người về phía Buddy, rồi thì ngoái đầu lại để nhìn bảng đồng hồ.

Giờ thì ông thấy.

Một lớp bụi đường đã bám vào tấm chắn bằng nhựa sạch đậy lên mặt kính đồng hồ tốc độ và các máy đo khác. Một bên tấm nhựa đó là một ô chữ nhật ngay hàng sắc cạnh không hề bám tí bụi nào. Một cái gì đó đã được để dựng lên trên tấm chắn bằng nhựa này, mới gần đây thôi. McCaleb nhận ra mình may mắn đến nhường nào. Có khi ông đã chẳng bao giờ nhận ra nó, có thể vậy lắm chứ. Chỉ có thể thấy rõ nó nếu nhìn từ ghế dành cho khách và nếu mặt trời rọi vào ở góc thấp.

“Bà Cordell này,” McCaleb nói, “bà làm ơn đi qua đây nhìn ngang qua cửa kia xem sao?”

Ông đợi. Lockridge lùi lại để chị ta có thể nhìn vào. McCaleb trỏ cái đường viền trên tấm chắn bằng nhựa. Nó dài khoảng mười hai phân và rộng khoảng chín phân.

“Chồng bà có giữ một tấm ảnh của bà hay các cháu ở đây không?”

Chị ta chầm chậm lắc đầu.

“Ôi chao, thật tình tôi không biết. Ảnh thì anh ấy có nhưng tôi chả biết anh ấy để ở đâu nữa. Cũng có thể là để đây nhưng tôi không biết. Tôi có bao giờ lái xe này đâu. Đi đâu chúng tôi cũng lấy chiếc Caravan, cho dù chỉ có Jim với tôi cũng vậy. Như tôi đã nói, tôi không thích trèo lên đây mà.”

McCaleb gật đầu.

“Liệu có người nào mà ông ấy cùng làm việc có thể biết, có thể là họ ngồi cùng xe này với ông ấy để đi làm hoặc đi ăn trưa, có ai như vậy không?”

Trong khi lái xe từ Xa lộ Thung lũng Linh dương về lại thành phố, họ đi qua một dãy ô tô ken chặt kéo dài dường như vô tận ở các làn ngược chiều. Những người đi làm xa đang về nhà hoặc du khách rời thành phố đi nghỉ cuối tuần. McCaleb hầu như không nhận thấy. Ông đắm mình suy nghĩ. Ông hầu như không nghe thấy Lockridge nói gì, cho mãi đến khi anh ta phải lặp lại lần thứ hai.

“Tôi xin lỗi, gì vậy?”

“Tôi nói là hồi nãy hình như tôi đã giúp anh, nhìn ra cái ấy đấy mà.”

“Ừ thì đúng, Buddy. Tôi thì tôi chắc đã không nhìn ra. Nhưng tôi vẫn cứ muốn anh ngồi trong xe. Tôi trả tiền anh chỉ để làm thế này thôi mà, để lái thôi.”

McCaleb dùng cả hai tay ra hiệu ý nói cái xe.

“Ừ đó, nếu tôi ngồi trong xe thì giờ này chắc anh vẫn còn ở đó tìm tìm kiếm kiếm rồi.”

“Làm sao mà biết được.”

“Vậy anh không định cho tôi biết anh đã tìm ra gì à?”

“Chẳng gì hết Buddy ạ. Tôi chả tìm ra gì sất.”

Ông nói thế là nói dối. Amelia Cordell đã đưa ông vào lại trong nhà, cho ông dùng điện thoại nhà để gọi đến cơ quan chồng chị. Buddy thì ông mời về lại xe để đợi. Trong nhà, McCaleb nói chuyện với cấp trên trực tiếp của James Cordell, ông này cho biết tên và số điện thoại của một số giám sát viên chuyên trách bảo trì đường ống mà Cordell hẳn đã cùng làm việc hồi đầu tháng Giêng. Rồi McCaleb gọi cho trạm đường ống Lone Pine để nói chuyện với Maggie Mason, một trong các giám sát viên đó. Chị này cho biết có cùng đi ăn trưa với Cordell hai lần trong vòng một tuần trước vụ nã súng. Cả hai lần Cordell đều lái.

Tránh câu hỏi chủ chốt, McCaleb hỏi Mason xem chị ta có để ý thấy trên bảng đồng hồ chiếc Suburban có vật gì mang tính cá nhân không. Chẳng chút đắn đo, chị ta liền nói trên bảng đồng hồ có một bức ảnh chụp gia đình Cordell. Chị ta bảo thậm chí chị còn cúi về phía trước để xem. Chị ta nhớ đó là ảnh chụp vợ Cordell với hai đứa con gái nhỏ của hai vợ chồng ngồi trên lòng cô.

Trên đường về nhà, McCaleb cảm thấy một cảm giác lẫn lộn vừa kinh sợ vừa phấn chấn dâng lên trong lòng. Kẻ nào đó, ở nơi nào đó, đang giữ cái hoa tai của Gloria Torres và bức ảnh gia đình của James Cordell. Giờ thì ông biết cái ác của hai vụ giết người đó đúc kết lại dưới dạng một kẻ giết người không phải vì tiền, không phải vì sợ, cũng chẳng phải để trả thù các nạn nhân của hắn. Cái ác này đi xa hơn thế nhiều. Kẻ này giết là để vui thú và để hiện thực hóa một cuồng tưởng điên rồ cháy rực như con vi rút bên trong óc hắn.

Cái ác ở mọi nơi. McCaleb biết điều đó rõ hơn hầu hết người khác. Nhưng ông cũng biết rằng người ta không thể gặp nó dưới dạng trừu tượng. Nó cần được hiện thân thành xương thịt, thành hơi thở, thành một con người mà ta có thể truy lùng và tiêu diệt. Giờ thì McCaleb có kẻ đó rồi. Ông thấy tim ông bừng lên vì phẫn nộ, nhưng cũng vì một niềm vui khủng khiếp.
 
Chương 21


Sương mù sáng thứ Bảy kéo đến dày đặc nghe như một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên gáy McCaleb. Ông thức dậy lúc bảy giờ để có thể tới khu giặt quần áo nơi tòa nhà chung của vũng neo thuyền, dùng vài máy cùng một lúc để giặt toàn bộ ga trải giường. Rồi ông bắt tay lau chùi thuyền để chuẩn bị cho hai vị khách ở qua đêm. Nhưng trong khi làm việc, ông nhận thấy khó lòng tập trung vào những việc vặt vãnh ngay trước mắt mình.

Ngay khi từ sa mạc về đến thuyền vào tối hôm trước, ông đã nói chuyện với Jaye Winston. Khi ông kể với chị về bức ảnh bị thất lạc khỏi chiếc Suburban của Cordell, chị bất đắc dĩ thừa nhận rằng có thể McCaleb đã tìm ra một manh mối vững chắc mới. Một giờ sau chị gọi lại cho biết đã thu xếp một cuộc gặp ở Trung tâm Sao lúc 8 giờ sáng thứ Hai. Chị cùng với đội trưởng và vài thám tử của Cảnh sát trưởng sẽ có mặt ở đó. Arrango và Walters cũng vậy. Maggie Griffin của FBI cũng có mặt. Griffin là người đã thế chỗ McCaleb ở phân khu CBTB của phòng tác chiến Los Angeles. McCaleb chỉ biết cô ta qua tiếng tăm của cô ta, và đấy là tiếng tốt.

Cái khó chính là ở đó. Trước hết sáng thứ Hai này McCaleb sẽ phải ngồi lên ghế nóng, làm cái đích để người ta nhắm vào săm soi không khoan nhượng. Hầu hết, nếu không phải là tất cả những người có mặt ở cuộc họp tại Trung tâm Sao là những kẻ không tin. Nhưng thay vì chuẩn bị cho cuộc họp đó hay tiến hành điều tra thêm được chút nào hay chút nấy, McCaleb lại sắp đi câu trên đê chắn sóng với một người đàn bà và một chú bé. Làm thế nghe chừng không phải lắm nên ông cứ nghĩ đi nghĩ lại rằng mình nên hủy cuộc hẹn với Graciela và Raymond. Nhưng cuối cùng ông không hủy. Đúng là ông cần nói chuyện với Graciela thật, song còn hơn thế, ông cảm thấy chỉ là ông muốn ở cùng nàng. Và đó là điều khiến cho hai đường song song của các ý nghĩ bứt rứt không yên nơi ông gặp nhau ở một điểm giao: cảm thấy có lỗi vì đã dẹp cuộc điều tra sang một bên, và cảm thấy có lỗi vì đem lòng khao khát một người đàn bà đã đến để nhờ ông giúp đỡ.

Khi giặt giũ và lau chùi đại khái xong, ông đi bộ lên khu trung tâm vũng neo thuyền. Ở hàng thực phẩm ông mua các thứ chuẩn bị cho bữa tối. Ở hiệu bán mồi câu ông mua một xô mồi sống, chọn tôm và mực, cùng một bộ cần và ống dây câu nhỏ mà ông định sẽ tặng luôn cho Raymond. Về lại thuyền, ông gắn cần câu mới mua vào một trong mấy cái giá mắc cần nơi mép thuyền, còn mồi trong xô thì ông trút vào khoang cá trên thuyền. Đoạn ông cất các món vừa mua ở cửa hàng vào bếp.

Ông đã xong mọi thứ và con thuyền cũng đã sẵn sàng lúc mười giờ. Chẳng thấy bóng dáng xe của Graciela trong bãi đỗ xe, nên ông quyết định sang bên Buddy Lockridge hỏi xem liệu sáng thứ Hai tới anh ta có rảnh không. Trước tiên ông đến chỗ cổng vào kiểm tra xem nó đã mở chưa để Graciela và chú bé có thể vào trong vũng được, sau đó ông lại chỗ thuyền của Lockridge.

Theo đúng tập tục của vũng neo thuyền, McCaleb không bước lên chiếc Xuống Đáy Hai Lần, mà chỉ gọi tên Lockridge rồi đứng đợi trên bến. Cửa hầm chính của thuyền đang mở nên ông biết Lockridge đã dậy rồi, đang quanh quẩn đâu đây thôi. Sau nửa phút, cái đầu bù xù của Buddy, sau đó là khuôn mặt đầy nếp nhăn của anh ta thò lên qua cửa hầm. McCaleb đoán rằng gần như suốt đêm anh ta toàn nốc rượu.

“Chào, Terry.”

“Chào. Ổn chứ?”

“Lúc nào chả ổn. Có gì vậy, đi đâu à?”

“Không, hôm nay thì không. Nhưng sáng thứ Hai này tôi cần anh sớm. Anh đưa tôi đến Trung tâm Sao được không? Chắc ta phải đi từ bảy giờ.”

Buddy nghĩ một thoáng để xem nếu vậy thì có khớp với lịch trình bận rộn của mình không, rồi gật đầu.

“Được.”

“Tới khi đó anh vẫn ổn để lái đấy chứ?”

“Chắc rồi. Có chuyện gì ở Trung tâm Sao vậy?”

“Chỉ là họp thôi. Nhưng tôi phải tới đúng giờ.”

“Đừng lo gì hết. Ta sẽ đi từ bảy giờ. Tôi sẽ để chuông báo thức.”

“OK, à còn một chuyện nữa. Nhớ để mắt trông chừng quanh đây nhé.”

“Ý anh là e cái thằng ở nhà máy đồng hồ chứ gì?”

“Ừ. Tôi ngờ là hắn sẽ ló mặt nhưng mình chả bao giờ biết được đâu. Hắn có hình xăm khắp hai tay. Mà tay to ra trò đấy. Nếu gặp hắn thì anh nhìn là biết ngay.”

“Tôi sẽ trông cho. Xem chừng anh sắp có đôi ba vị khách thì phải.”

McCaleb thấy Lockridge đang nhìn qua vai ông. Ông ngoái lại nhìn chiếc Biển Theo Ta. Graciela đang đứng nơi đuôi tàu. Nàng đang bế Raymond đưa nó xuống thuyền.

“Tôi đi đây, Bud. Gặp anh thứ Hai nhé.”

Graciela mặc quần jeans xanh bạc màu và áo ngắn tay hiệu Dodgers, tóc bới cao dém vào dưới chiếc mũ bóng chày hợp với bộ đồ. Nàng khoác trên vai một túi xách bằng vải len thô, tay kia xách giỏ thức ăn mua ở hiệu. Raymond thì mặc quần jeans xanh và áo len chơi hockey hiệu Kings. Chú cũng đội mũ bóng chày, tay cầm một chiếc xe cứu hỏa đồ chơi và một con thú nhồi bông cũ, McCaleb thấy như là con cừu.

McCaleb ngập ngừng ôm Graciela rồi bắt tay Raymond sau khi chú dúi con thú nhồi bông vào nách bên kia.

“Rất vui gặp hai dì cháu,” ông nói.

“Sẵn sàng câu dăm con cá hôm nay chứ, Raymond?”

Chú bé dường như e thẹn quá không trả lời được. Graciela thúc nhẹ vào vai chú thế là chú gật đầu đồng tình.

McCaleb cầm mấy chiếc túi, đi trước đưa họ vào thuyền, dẫn họ đi xem một vòng con thuyền, lần trước họ chưa được tham quan như thế. Dọc đường, ông để túi thức ăn vào bếp còn chiếc túi bằng vải len thô thì đặt xuống giường trong phòng ngủ chính. Ông bảo Graciela đó là phòng nàng, ga trải giường mới giặt sạch tinh. Đoạn ông chỉ cho Raymond giường tầng trên trong phòng ngủ phía trước. McCaleb đã dẹp đi gần hết các hộp đựng hồ sơ dưới bàn làm việc nên căn phòng trông đủ ngăn nắp để làm chỗ ngủ cho chú bé. Trên chiếc giường có hàng rào bảo vệ để chú không bị lăn đùng ra khỏi giường. Khi McCaleb nói cái đó gọi là giường tầng, mặt cậu bé nhăn lại vẻ bối rối.

“Người ta gọi giường trên thuyền như vậy đấy, Raymond ạ,” ông nói. “Và người ta gọi phòng vệ sinh là phòng đầu.”

“Sao lại thế?”

“Chẳng biết nữa, chú chưa bao giờ hỏi.”

Sau đó ông dẫn hai dì cháu đến chỗ phòng đầu, chỉ cho họ biết là phải dùng bàn đạp chân để xả nước. Ông để ý thấy Graciela nhìn biểu đồ nhiệt độ treo trên móc, liền cho nàng biết nó dùng để làm gì. Nàng đặt ngón tay lên dòng ghi thứ Năm.

“Ông bị sốt à?”

“Sốt nhẹ. Qua ngay thôi mà.”

“Bác sĩ của ông nói sao?”

“Tôi chưa nói với bà ấy. Cũng qua rồi, giờ thì tôi khỏe.”

Nàng nhìn ông với một vẻ pha lẫn giữa quan tâm và theo ông nghĩ là buồn bực. Rồi ông nhận ra, có lẽ việc ông vẫn sống là quan trọng đến thế nào đối với nàng. Nàng không muốn món quà cuối cùng của em gái nàng hóa ra vô ích.

“Đừng lo,” ông nói. “Tôi khỏe. Chỉ là hôm đó tôi chạy loanh quanh hơi nhiều thôi. Tôi ngủ một giấc dài thì cơn sốt qua luôn. Từ đó tới giờ tôi khỏe.”

Ông trỏ vào mấy vạch chéo trên biểu đồ theo sau dòng có ghi chú sốt. Raymond giật gấu quần ông mà nói: “Chú ngủ ở đâu?”

McCaleb liếc nhanh sang Graciela rồi quay nhìn về phía cầu thang trước khi nàng kịp thấy mặt ông bắt đầu đổi sắc.

“Nào lên trên đi, để chú chỉ cho hai dì cháu.”

Khi họ lên lại phòng khách, McCaleb giải thích với Raymond rằng ông có thể chuyển bàn bếp thành một cái giường đơn bằng cách nào. Chú bé xem chừng thỏa mãn.

“Nào, ta xem hai dì cháu mua gì nào,” McCaleb nói.

Ông bắt đầu xem qua túi đồ ăn của Graciela rồi lôi các thứ ra. Họ đã thỏa thuận rằng nàng sẽ làm bữa trưa, ông thì làm bữa tối. Nàng đã ghé một cửa hàng deli nên xem chừng họ sẽ có món bánh xăng uých nhồi thịt và rau.

“Làm sao cô biết món này là món tôi ưa nhất?” ông hỏi.

“Tôi có biết đâu,” Graciela nói. “Nhưng cũng là món Raymond thích mà.”

McCaleb vươn tay ra rồi dùng một ngón tay miết dọc dẻ sườn Raymond khiến chú bé vừa rụt người lại vừa cười khúc khích.

“Nào, trong khi dì Graciela làm bánh xăng uých để chú cháu mình đem theo thì cháu ra ngoài kia giúp chú chuẩn bị dụng cụ nhá. Cá ngoài kia đang đợi mình đấy!”

“Vâng ạ!”

Trong khi giục chú bé ra ngoài đuôi thuyền, ông ngoái lại nháy mắt với Graciela. Lên trên boong rồi, ông đưa cho Raymond cần câu và ống dây mà ông đã mua cho chú. Khi chú bé biết mấy đồ nghề này là của chú, chú bèn chộp lấy cái cần câu như thể đó là sợi dây thừng do một đội cứu hộ ném cho. Điều đó khiến McCaleb thấy buồn hơn là dễ chịu. Ông tự hỏi chú bé đã bao giờ có một người đàn ông làm chỗ dựa trong đời hay chưa.

McCaleb nhìn lên thì thấy Graciela đang đứng nơi cửa phòng khách mở rộng. Nàng cũng có vẻ mặt buồn, mặc dù nàng đang mỉm cười với họ. McCaleb quyết rằng họ cần phải dứt khỏi những cảm xúc đó.

“OK,” ông nói. “Mồi. Chú cháu mình phải xúc đầy một xô, vì chú có cảm giác hôm nay thể nào tụi nó sẽ cắn câu nhiều đấy.”

Ông lấy cái xô nổi và lưới nhúng ra khỏi ngăn bên cạnh khoang cá rồi chỉ cho Raymond biết cách nhúng lưới vào khoang mà vớt mồi lên. Ông vớt hai lưới đầy tôm và mực vào xô rồi giao việc đó lại cho Raymond. Đoạn ông vào trong thuyền lấy hộp đựng đồ câu và thêm hai cần câu cho mình với Graciela.

Khi ông đã vào trong và đủ xa để chú bé không nghe thấy, Graciela lại gần ông mà ôm lấy ông.

“Ông thật tử tế quá,” nàng nói.

Ông nhìn đăm đắm vào mắt nàng giây lát rồi mới nói.

“Tôi nghĩ chuyện này có ích cho tôi nhiều hơn là cho cháu nó.”

“Cháu nó thích lắm,” nàng nói. “Em biết. Nó sốt ruột muốn câu được thứ gì lắm. Em hy vọng nó sẽ câu được.”

Họ đi dọc theo bến chính của vũng neo thuyền, ngang qua những cửa hiệu nhà hàng, rồi băng qua một bãi đỗ xe thì mới đến chỗ kênh chính dẫn vào các vũng neo thuyền của thành phố. Ở đây có một con đường rải sỏi vụn dẫn đến cửa kênh và đê chắn sóng xây bằng đá kéo dài khoảng trăm mét theo hình cánh cung nhô ra Thái Bình Dương. Họ cẩn thận bước trên các phiến đá to tướng bằng granit, từ phiến này sang phiến nọ, cho đến khi ra xa được chừng nửa đường.

“Này Raymond, chốt bí mật của chú đây rồi. Chắc chú cháu mình nên thử ngay đây thôi.”

Chú bé không phản đối. McCaleb đặt đồ lề xuống rồi bắt tay chuẩn bị câu. Những tảng đá vẫn còn ướt do triều dâng hồi đêm. McCaleb có mang theo khăn, ông đi tới đi lui tìm một chỗ đá phẳng để ngồi cho tiện. Ông trải mấy tấm khăn ra rồi bảo Graciela và Raymond ngồi xuống. Ông mở hộp dụng cụ, lấy ống kem chống nắng ra đưa cho Graciela. Đoạn ông bắt đầu móc mồi vào dây. Ông quyết định móc mực vào cần của Raymond vì ông nghĩ nó là mồi ngon nhất mà ông thì muốn chú bé câu được con cá đầu tiên.

Mười lăm phút sau họ đã có ba dây câu buông xuống nước. McCaleb đã dạy cho chú bé cách ném dây câu, buông ống ra và để cho con mực bơi cùng với dây câu trong dòng nước.

“Cháu sẽ câu được gì?” chú bé hỏi, mắt nhìn dây câu.

“Chú chả biết nữa Raymond. Ngoài kia nhiều cá lắm.”

McCaleb ngồi trên một tảng đá bên cạnh tảng của Graciela. Chú bé quá nôn nả nên không ngồi đợi được. Chú cứ ôm cần mà tung tăng từ tảng đá này sang tảng đá kia, sốt ruột đợi và hy vọng.

“Lẽ ra em nên mang máy ảnh,” Graciela thì thầm.

“Lần sau,” McCaleb nói. “Em thấy không?”

Ông chỉ ngang qua vùng nước về phía chân trời. Có thể thấy đường viền xanh xanh của một hòn đảo đang dâng lên trong sương mù phía xa.

“Đảo Catalina?”

“Ừ. Nó đấy.”

“Lạ thật. Em không sao quen được với ý nghĩ ông từng sống trên một hòn đảo.”

“Tôi từng sống thế thật mà.”

“Làm thế nào gia đình ông lại ra đấy ở?”

“Gia đình tôi gốc gác ở Chicago. Bố tôi là cầu thủ bóng chày. Mùa xuân một năm nọ - năm năm mươi - ông đi tập huấn với đội Cubs. Họ thường ra đảo Catalina tập luyện vào mùa xuân. Gia đình Wrigley làm chủ đội Cubs và hầu hết đảo. Thành thử họ đi ra đảo.”

“Bố mẹ tôi yêu nhau từ hồi còn trung học. Họ đã lấy nhau và ông nhân cơ hội này để đầu quân cho đội Cubs. Ông chơi ở vị trí shortstop và tay đập thứ hai. Dù thế nào thì ông ra đây nhưng không vào được đội. Tuy nhiên ông thích nơi này. Ông tìm được một việc làm cho nhà Wrigley. Và ông nhắn tin cho bà ra cùng.”

Ông đã định kể đến đấy là thôi, nhưng nàng khiến ông nói nhiều hơn.

“Rồi ông ra đời.”

“Ít lâu sau đó.”

“Nhưng cha mẹ ông không ở lại?”

“Mẹ tôi không ở lại. Bà không chịu được hòn đảo. Bà ở lại mười năm và thế là đủ. Với một số người thì hòn đảo có thể tù túng chật chội quá... Dù thế nào thì, hai ông bà chia tay. Bố tôi ở lại mà ông thì muốn có tôi cùng. Tôi ở lại. Mẹ tôi quay về Chicago.”

Nàng gật đầu.

“Bố ông làm gì cho gia đình Wrigley?”

“Nhiều việc. Ông làm việc trên trang trại của họ, rồi thì làm trong nhà họ. Họ có một chiếc Chris-Craft dài mười chín mét ở bến tàu. Ông kiếm được một chân thủy thủ trên boong, rồi cuối cùng ông chỉ huy luôn con tàu đó cho nhà họ. Cuối cùng ông tậu được thuyền của riêng mình và đem cho thuê. Ông còn là lính cứu hỏa tình nguyện nữa.”

Ông mỉm cười và nàng cười lại.

“Và Biển Theo Ta là thuyền của ông ấy?”

“Là thuyền của ông ấy, nhà ông ấy, công việc làm ăn, mọi thứ. Nhà Wrigley tài trợ cho ông. Ông sống trên thuyền suốt chừng mười hai năm. Cho tới khi ông ngã bệnh thì người ta - ý tôi là chính tôi, tôi là người duy nhất - đưa ông lên thành phố, đến bệnh viện. Ông mất ở đó. Tại Long Beach.”

“Tôi rất tiếc.”

“Chuyện lâu rồi mà.”

“Không phải tiếc cho ông.”

Ông nhìn nàng.

“Chỉ là rốt cuộc bao giờ cũng đến cái thời khắc mà ai cũng biết. Bố tôi biết không hề có cơ hội nào nữa, thế nhưng ông chỉ muốn quay trở về đó. Về lại chiếc thuyền của ông. Và hòn đảo. Tôi thì không thế. Tôi đã từng muốn thử mọi thứ, mọi thứ kỳ công chết tiệt về khoa học và y học. Và nữa, nếu như lúc ấy ông vẫn ở ngoài kia thì cứ mỗi lần muốn thăm ông là tôi lại phải ra, vất lắm. Tôi sẽ lại phải đi phà. Thế nên tôi bắt ông phải nằm lại bệnh viện ấy. Ông mất một mình trong phòng. Lúc ấy tôi đang bận một vụ ở San Diego.”

McCaleb nhìn ra phía bên kia mặt nước. Ông thấy một chiếc phà đang hướng về phía đảo.

“Tôi ước gì hồi ấy tôi đã lắng nghe bố.”

Nàng chìa tay ra đặt lên cánh tay ông.

“Cứ để cho những ý định tốt ám ảnh mình thì thật vô nghĩa.”

Ông liếc nhìn sang Raymond. Chú bé đã yên vị một chỗ và đang đứng im phăng phắc, nhìn xuống ống dây của mình trong khi sợi dây đang được đều đặn kéo ra xa. McCaleb biết rằng một con mực thì không thể có kiểu sức kéo như thế.

“Này, đợi tí, Raymond. Chắc là cháu câu được gì đó rồi đấy.”

Ông đặt cần của mình xuống mà đi lại chỗ chú bé. Ông tháo quai giữ dây ra và dây liền mắc vào quai. Hầu như ngay lập tức cần liền bị kéo trĩu xuống suýt tuột khỏi tay chú bé. McCaleb liền chộp lấy cần kéo lên.

“Cháu được một con rồi!”

“Ồ! Cháu được một con! Được một con!”

“Nhớ chú nói gì với cháu chứ Raymond. Kéo lại, thu dây vào. Kéo lại, thu dây vào. Chú sẽ giúp cháu giữ cần cho đến khi ta kéo được nhóc kia vào. Xem chừng là một nhóc bự đây. Cháu sẵn sàng chưa?”

“Rồi!”

Có McCaleb đảm nhiệm phần lớn việc thu dây, cả hai bắt đầu vật lộn với con cá. Đồng thời, McCaleb bảo Graciela quấn hai dây còn lại để tránh quấn vào sợi dây có cá mắc câu. McCaleb và chú bé chiến đấu với con cá trong khoảng mười phút. Suốt thời gian đó McCaleb cảm thấy qua sợi dây rằng cuộc giằng co cứ lơi dần bởi con cá thấm mệt. Cuối cùng, ông cũng có thể trao lại cần câu cho Raymond để cậu có thể tự mình kết thúc việc này.

McCaleb đeo đôi găng tay lấy trong hộp dụng cụ ra rồi tụt xuống các tảng đá để đến bên mép nước. Dưới mặt nước chỉ chừng mươi phân ông nhìn thấy con cá màu bạc đang yếu ớt chống cự lại sợi dây câu. McCaleb quỳ xuống tảng đá làm cho cả giày lẫn quần bị ướt, ông cúi về phía trước cho đến khi túm được sợi dây câu của Raymond.

Ông lôi con cá về phía trước làm cho mồm nó hướng lên trên, nhúng tay vào nước rồi luồn một tay đeo găng nắm quanh đuôi nó, ngay phía trước các vây lưng. Đoạn ông giật mạnh con cá ra khỏi nước và trèo lên lại các tảng đá về chỗ Raymond.

Con cá lóe sáng trong ánh nắng trông như kim loại đánh bóng.

“Cá nhồng Raymond à,” ông vừa nói vừa giơ con cá lên. “Nhìn răng mà xem.”
 
Chương 22


Hôm ấy là một ngày thắng lợi. Raymond câu được hai con nhồng và một con vược trắng. Con đầu tiên là con to nhất và trông hay nhất, mặc dù con thứ hai dính câu giữa lúc họ đang mải ăn trưa không ngó ngàng gì nên suýt nữa nó đã lôi tuốt cần câu xuống nước, xế chiều khi họ về tới thuyền, Graciela khăng khăng bắt Raymond phải nghỉ trước khi ăn tối và đưa chú xuống phòng ngủ ở đằng trước. McCaleb tận dụng lúc đó để xối cho sạch đồ nghề đi câu bằng vòi nước ở phía đuôi thuyền. Khi Graciela trở lại và chỉ còn hai người với nhau, ngồi ghế ở trên boong, ông cảm thấy cồn cào thèm một lon bia lạnh để ông có thể ngả lưng vào ghế mà thưởng thức.

“Thật là tuyệt,” Graciela nói về chuyến đi ra kè chắn sóng.

“Tôi vui lắm. Em ở lại ăn tối chứ?”

“Dĩ nhiên rồi. Cháu nó cũng muốn ở lại mà. Nó thích tàu thuyền. Với lại chắc nó còn muốn câu cả ngày mai nữa. Ông đã khai sinh ra một con quái vật rồi đấy.”

McCaleb vừa gật đầu vừa nghĩ đến cái đêm sắp tới.

Vài phút im lặng dễ chịu trôi qua trong khi họ dõi theo những hoạt động khác trong vũng neo thuyền. Thứ Bảy luôn luôn là ngày nhộn nhịp. Mắt McCaleb cứ chuyển động liên tục. Có khách đến nhà, ông đâm ra cảnh giác hơn về chuyện gã người Nga, mặc dù ông đã kết luận rằng khả năng Bolotov xuất hiện là rất thấp. Lúc ở văn phòng Toliver hắn đã nắm thế thượng phong. Nếu muốn hại McCaleb thì hắn đã có thể hại ngay khi đó rồi. Song ý nghĩ về Bolotov khiến cho vụ án lại xâm nhập vào khoảnh khắc yên bình. Ông nhớ lại một câu hỏi mà ông đã nghĩ tới, về Graciela.

“Cho tôi hỏi em điều này,” ông nói. “Em đến gặp tôi lần đầu là thứ Bảy tuần trước. Nhưng bài báo viết về tôi thì đăng trước đó cả một tuần. Sao em lại đợi một tuần mới tới?”

“Thực ra em có đợi đâu. Là em không được đọc bài báo ấy. Một người bạn của Glory chỗ tòa báo gọi điện nói là anh ta có đọc và tự hỏi rằng, ờ đấy, biết đâu anh là người được thay tim của con bé. Thế là em mới lên thư viện đọc bài báo. Ngày hôm sau em tới đây luôn.”

Ông gật đầu. Nàng quyết định rằng giờ tới lượt nàng hỏi một câu.

“Mấy cái hộp dưới kia.”

“Hộp nào?”

“Chất dưới bàn làm việc ấy. Là các vụ của anh à?”

“Hồ sơ cũ ấy mà.”

“Em nhận ra vài cái tên viết trên ấy. Bài báo có nhắc vài cái tên như thế. Luther Hatch, em nhớ có hắn. Rồi còn Sát thủ Mật mã nữa. Sao người ta gọi hắn như vậy?”

“Bởi vì hắn - nếu đúng là hắn - để lại hoặc gửi cho chúng tôi những thông điệp mà ở dưới cùng luôn luôn có một con số.”

“Thế nghĩa là gì?”

“Chúng tôi chẳng bao giờ tìm ra cả. Những người giỏi nhất ở Cục rồi thì ngay cả chuyên viên mật mã ở Cục An ninh Quốc gia cũng chịu không giải nổi. Riêng tôi thì tôi nghĩ nó chẳng có nghĩa gì ráo. Không phải mã miếc gì hết. Chỉ là thêm một cách để HTCB lừa chúng tôi, bắt chúng tôi cứ đuổi theo cái đuôi của chính mình thôi... chín-không-ba, bốn-không-hai, năm-sáu-tám.”

“Là mã đấy à?”

“Con số thế đấy. Như tôi nói, tôi nghĩ chả hề có mã miếc gì sất.”

“Ở Washington người ta có kết luận giống như vậy không?”

“Không. Họ chẳng bao giờ chịu thua cả. Họ tin chắc nó có nghĩa gì đấy. Họ cho rằng ấy là số bảo hiểm xã hội của tên đó. Là chuỗi số đó nhưng bị đảo tới đảo lui, kiểu như vậy. Họ dùng máy tính in ra mỗi một kết hợp có thể, rồi thì truy ra họ tên tương ứng từ bên Bảo hiểm Xã hội. Có tới hàng trăm ngàn tên. Họ rà tất tật từng ấy tên trên máy tính.”

“Tìm cái gì cơ?”

“Thì hồ sơ tội phạm này, có khớp về nhân thân không này… cả một trò bịt mắt bắt dê vĩ đại. Nhưng HTCB không có trong danh sách.”

“HTCB là gì?”

“Hung thủ chưa biết. Chúng tôi dùng chữ đó để gọi một hung thủ chừng nào chưa tóm được hắn. Chúng tôi chưa bao giờ tóm được Sát thủ Mật mã.”

McCaleb nghe thấy tiếng kèn harmonica văng vẳng, liền nhìn sang chiếc Xuống Đáy Hai Lần. Lockridge đang ngồi dưới đó mà tập bài Spoonful.

“Có phải hắn là vụ duy nhất trong số các vụ của anh rồi ra như vậy không?”

“Ý em là rồi ra hung thủ chẳng bao giờ bị bắt? Không. Thật không may, khá nhiều tên thoát được. Nhưng vụ Mật mã thì có tính cá nhân, hẳn vậy. Hắn gửi thư cho tôi. Hắn thù oán tôi vì lý do nào đó.”

“Hắn làm gì với những người mà hắn...”

“Tên Sát thủ Mật mã đấy không bình thường.

Hắn giết người bằng nhiều cách khác nhau và không theo một khuôn mẫu dễ nhận diện nào cả. Đàn ông, đàn bà, kể cả trẻ nhỏ. Hắn bắn, hắn đâm, hắn siết cổ. Chả có gì để mình bấu víu hết.”

“Thế mỗi lần như vậy làm sao các anh nhận ra hắn?”

“Hắn cho bọn tôi biết. Hắn viết thư, hắn để mật mã lại hiện trường vụ án. Em thấy đó, bản thân nạn nhân, họ là ai, điều đó hoàn toàn chả quan trọng tí nào. Họ chỉ là đối tượng hắn dùng để thi triển quyền lực rồi cắm nó vào giữa mặt chính quyền. Hắn là một kẻ giết người bị phức cảm ám ảnh quyền lực. Còn có một tên giết người nữa là Nhà thơ. Hắn là kẻ đi đây đi đó, gây án khắp cả nước cách đây vài năm.”

“Em nhớ. Hắn thoát được ở đây, Los Angeles, phải không?”

“Đúng. Hắn cũng là một tên giết người vì quyền lực. Em hiểu không, chỉ cần tước đi khỏi chúng những mộng tưởng ngông cuồng và các phương pháp của chúng thì sẽ thấy là nhiều kẻ như vậy rất giống nhau. Thằng Nhà thơ, cứ hễ trông thấy bọn tôi lồng lên chạy tới chạy lui là hắn khoái lắm. Thằng Sát thủ Mật mã cũng hệt vậy. Cứ hễ có dịp là hắn lại trêu tức cảnh sát cho bằng được.”

“Thế rồi tự dưng hắn thôi à?”

“Hoặc là hắn chết hoặc là hắn đi tù vì chuyện khác. Hoặc là hắn chuyển đi đâu đó mà bắt đầu một chuỗi hành tung mới. Nhưng gì thì gì, cái trò này mấy gã đó không thể thôi không làm đâu.”

“Còn vụ Luther Hatch thì anh đã làm gì?”

“Việc của tôi thì tôi làm thôi. Này, ta nên nói chuyện khác thì hơn, em không nghĩ vậy sao?”

“Em xin lỗi.”

“Không sao cả. Chỉ là tôi... tôi không biết, tất cả những chuyện cũ đó tôi không thích.”

Ông những muốn trò chuyện với nàng về em gái nàng và những tiến triển mới nhất, nhưng bây giờ thì xem ra không còn đúng lúc nữa. Ông để cơ hội trôi qua rồi.

Bữa tối, McCaleb làm món bánh hamburger rán và cá nhồng nướng. Raymond xem chừng rất hào hứng được ăn con cá do chính chú câu, nhưng rồi vị cá nhồng hăng quá chú lại không thích, Graciela cũng không, dù McCaleb thì lại thấy ngon.

Sau bữa ăn họ đi đến hàng kem, sau đó thả bộ dọc các cửa hàng trên Phố Cabrillo. Khi họ về lại thuyền thì trời đã tối. Vũng neo thuyền lại tĩnh mịch. Raymond nhận tin xấu từ Graciela.

“Này Raymond, hôm nay chơi nhiều rồi, dì muốn cháu đi ngủ,” nàng nhẹ nhàng nói. “Nếu cháu ngoan thì mai trước khi mình về cháu có thể câu thêm chút nữa.”

Chú bé nhìn McCaleb, hoặc chờ ông xác nhận hoặc có ý khẩn nài.

“Dì nói đúng đấy Raymond,” ông nói. “Sáng mai chú sẽ đưa cháu ra lại đó. Mình sẽ tóm thêm vài con cá nữa. OK?”

Bằng giọng cáu kỉnh chú bé đồng ý, thế là Graciela đưa chú về phòng. Lời yêu cầu lúc chia tay của chú là xin được mang theo cần câu của chú vào phòng chú. Không ai phản đối. McCaleb đã ghim chắc lưỡi câu vào một trong các lỗ trên cây cần rồi.

McCaleb có hai máy sưởi chân không trên thuyền, ông bật máy lên mỗi cái một phòng. Ông biết rằng về đêm trên thuyền có thể trở lạnh dù mình có đắp bao nhiêu chăn đi nữa.

“Còn anh thì dùng gì?” Graciela hỏi.

“Tôi không sao đâu. Tôi sẽ dùng túi ngủ. Có khi tôi còn ấm hơn cả hai dì cháu ấy chứ.”

“Anh chắc không?”

“Chắc.”

Ông để họ lại dưới đó rồi lên phía mũi thuyền chờ Graciela. Ông rót vào cốc nàng chỗ còn lại của chai Sanford nho Pinot đen mà ông đã mở hôm đầu tiên nàng đến chơi.

Ông cầm cốc rượu và một lon Coke ra chỗ đuôi thuyền. Mười phút sau nàng ra với ông.

“Ngoài này lạnh nhỉ,” nàng nói.

“Ừ. Theo em liệu có cái máy sưởi thì thằng bé có ổn không?”

“Có, nó ổn. Hầu như vừa đặt đầu xuống gối là nó thiếp đi ngay.”

Ông đưa nàng cốc rượu và nàng cụng cốc vào lon Coke của ông.

“Cám ơn anh,” nàng nói. “Hôm nay nó thích lắm.”

“Tôi rất vui.”

Ông lại cụng lon Coke của mình vào cốc của nàng. Ông biết, đến một lúc nào đó rốt cuộc ông sẽ cần phải nói với nàng về cuộc điều tra, nhưng ông không muốn làm hỏng thời khắc này. Một lần nữa ông gác chuyện đó lại.

“Cô gái trong bức ảnh nơi bàn làm việc của anh là ai vậy?”

“Cô nào?”

“Trông như là ảnh lấy trong kỷ yếu hay gì đấy. Gắn lên tường trên bàn làm việc trong phòng Raymond ấy mà.”

“Ồ... chỉ là... ai đó mà tôi luôn muốn nhớ thôi. Một người đã chết.”

“Ý anh là một vụ án hay một người anh quen biết à?”

“Một vụ án.”

“Do gã Sát thủ Mật mã?”

“Không, trước đó lâu.”

“Tên cô ấy là gì?”

“Aubrey-Lynn.”

“Chuyện xảy ra thế nào?”

“Một chuyện không nên xảy ra cho bất cứ ai. Mình đừng nói chuyện đó ngay lúc này nhé.”

“Vâng. Em xin lỗi.”

“Được rồi. Đáng lẽ tôi phải cất bức ảnh đi trước khi Raymond đến thì mới phải.”

McCaleb không chui vào trong túi ngủ. Ông chỉ đắp nó lên mình rồi nằm ngửa, hai tay bắt chéo dưới đầu làm gối. Ông biết đáng lẽ mình phải mệt nhưng ông không mệt. Nhiều ý nghĩ chạy rần rật qua tâm trí ông, từ ý nghĩ tầm phào đến ý nghĩ làm quặn thắt ruột gan. Ông nghĩ về cái máy sưởi trong giường thằng bé. Ông biết là nó an toàn nhưng dù sao ông vẫn cứ lo. Cuộc trò chuyện hồi sáng cũng trồi dậy trong một chuỗi suy tư về bố ông khi nằm trên giường bệnh viện. Một lần nữa ông ước gì mình đã đưa ông lão về nhà để chết. Ông nhớ lại rằng sau lễ tang trên Bãi Descanso ông đã giong thuyền ra khơi, vòng quanh đảo Catalina, tung tro hỏa thiêu mỗi lần một ít để tro vẫn còn cho đến khi ông đã đi trọn một vòng quanh đảo.

Song những hồi ức và lo toan đó chỉ là dăm ba chệch hướng khỏi những ý nghĩ về Graciela. Buổi tối đã chấm dứt không như ông muốn sau khi nàng nêu ra chuyện Aubrey-Lynn Showitz. Ký ức đã khiến ông khựng lại nửa chừng và thôi không trò chuyện nữa. Ông đã phải lòng nàng. Ông ao ước nàng và đã mong rằng đêm đến hai người sẽ ở bên nhau. Nhưng ông đã để cho những hồi ức u ám xộc vào làm hỏng thời khắc đó.

Ông cảm thấy thuyền dập dềnh nhè nhẹ khi triều lên. Ông thở thành tiếng, mong làm thế sẽ đuổi được ma quỷ. Ông sửa lại thế nằm trên tấm ga mỏng. Ở đoạn giữa cái giường gá tạm qua loa có một đường nối khiến ông không thấy thoải mái được. Ông nghĩ đến chuyện dậy lấy ít nước cam, nhưng lại e nếu mình uống một cốc thì đến sáng sẽ không còn đủ cho Raymond và Graciela.

Cuối cùng ông quyết định đi xuống dưới đo nhiệt độ và nhịp tim mạch. Cách dự phòng ông vẫn dùng xưa nay để giết thời gian. Nó cho ông việc gì đó để làm, có thể khiến ông mệt để rồi cuối cùng cũng ngủ được.

Ông đã đấu một ngọn đèn chong ban đêm vào mạch điện phía trên bồn rửa mặt phòng khi Raymond phải trở dậy đi toa lét. Ông quyết định không bật đèn trên đầu mà cứ đứng trong ánh sáng nhập nhoạng, nhiệt kế ngậm dưới lưỡi. Ông nhìn bóng phản chiếu lờ mờ trong gương thì thấy những quầng thâm dưới mắt mình đang nổi rõ hơn lên.

Ông phải cúi về phía trước trên bồn rửa mặt và dí nhiệt kế vào sát ngọn đèn chong đêm để đọc. Xem chừng ông hơi sốt. Ông lấy cái bảng treo trên móc xuống, viết ngày giờ và con số 99 thay vì một vạch chéo. Khi mắc lại bảng vào chỗ cũ, ông nghe tiếng cửa phòng ngủ chính phía bên kia hành lang mở ra.

Ông chưa bao giờ đóng cánh cửa dẫn lên phần trước thuyền. Ông nhìn qua hành lang tối thì thấy khuôn mặt Graciela ló ra bên mép cửa phòng nàng. Phần còn lại của thân thể nàng vẫn giấu sau cánh cửa. Họ nói chuyện thì thầm.

“Anh ổn chứ?”

“Ổn. Còn em?”

“Em khỏe. Anh làm gì thế?”

“Tôi không ngủ được. Là tôi đang đo nhiệt độ thôi mà.”

“Anh có bị sốt không?”

“Không... Tôi khỏe.”

Ông vừa nói vừa gật đầu. Ông bắt đầu nhận ra mình đang mặc mỗi quần soóc. Ông khoanh tay trước ngực rồi giơ một tay lên xoa cằm, nhưng kỳ thực là ông chỉ đang cố giấu vết sẹo xấu xí trên ngực mình.

Họ nhìn nhau lặng thinh trong một thoáng. McCaleb nhận ra mình đang để tay trên cằm quá lâu. Ông buông hai tay xuống hai bên sườn rồi quan sát nàng trong khi mắt nàng hướng xuống ngực ông.

“Graciela...”

Ông không nói hết. Nàng đã chầm chậm mở cửa và ông thấy nàng mặc áo ngủ bằng lụa màu hồng xẻ cao hai bên hông. Mặc thế trông nàng thật đẹp. Trong một khoảnh khắc họ chỉ đứng đó nhìn nhau. Graciela vẫn giữ cánh cửa, hồ như để đứng vững trước nhịp dập dềnh nhè nhẹ của thuyền. Sau một khoảnh khắc nữa nàng tiến một bước vào hành lang còn ông thì tiến lại một bước để gặp nàng. Ông chìa tay về phía trước và nhẹ nhàng lướt tay dọc hông nàng rồi thì vòng quanh lưng nàng. Tay kia ông vuốt ve chỗ họng nàng rồi chuyển về sau gáy nàng. Ông kéo nàng vào lòng.

“Anh làm thế này có được không?” nàng thì thầm, mặt nàng áp sát vào cổ ông.

“Không gì cản tôi được đâu,” ông thì thầm đáp.

Họ chuyển vào phòng khách rồi đóng cửa lại. Ông buông quần soóc dưới sàn rồi trèo lên giường với nàng trong khi nàng cởi cúc áo ngủ. Ga trải giường và chăn đã nhuốm mùi hương của nàng, mùi vani mà ông đã nhận thấy một lần trước đây. Ông trèo lên trên nàng và nàng dúi ông xuống vào một nụ hôn dài. Ông dúi mặt xuống ngực nàng và hôn vú nàng. Mũi ông tìm thấy điểm ngay dưới cổ nàng nơi nàng đã chấm nước hoa lên da. Mùi vani thơm như xạ hương thấm đẫm ông và ông đưa lưỡi lên tìm lưỡi nàng.

Graciela chuồi tay vào giữa thân thể hai người, áp lòng bàn tay ấm áp của nàng vào ngực ông. Ông cảm thấy thân thể nàng căng thẳng, liền mở mắt. Bằng giọng thì thầm nàng nói: “Đợi đã, Terry, khoan đã.”

Ông sững lại, chống một tay nhỏm dậy. “Có chuyện gì vậy?” ông thì thầm.

“Em e là... Em cảm thấy làm thế này không phải. Em xin lỗi.”

“Cái gì không phải?”

“Em không rõ nữa.”

Nàng xoay người bên dưới ông và ông không có cách nào khác ngoài nhấc mình khỏi nàng.

“Graciela này.”

“Không phải tại anh Terry ạ. Chỉ là em thôi... Em... Em không muốn vội vàng. Em muốn nghĩ về mọi chuyện.”

Nàng nằm nghiêng, quay mặt khỏi ông.

“Là bởi em gái em phải không? Vì tôi có trái...”

“Không, không phải chuyện ấy… Ờ thì có thể có một chút. Em chỉ nghĩ là chúng mình nên nghĩ đến chuyện ấy nhiều hơn.”

Nàng xoay người lại vuốt má ông.

“Em xin lỗi. Em biết đã mời anh vào rồi lại làm thế này là mình sai rồi.”

“Không sao. Tôi không muốn em làm điều gì mà về sau lại thấy không vui. Tôi lên lại trên kia đây.”

Ông toan dịch xuống dưới chân giường nhưng nàng đã nắm lấy tay ông.

“Không, đừng đi. Khoan hãy đi. Nằm đây với em. Em chưa muốn anh đi mà.”

Ông lại trèo lên giường, đặt đầu xuống chiếc gối bên cạnh gối nàng. Cảm giác thật kỳ lạ. Tuy rõ là bị nàng khước từ, nhưng ông không cảm thấy bứt rứt. Ông cảm thấy rồi sẽ đến thời điểm thích hợp cho hai người và ông có thể chờ. McCaleb bắt đầu tự hỏi có thể ở lại với nàng bao lâu trước khi phải quay về cái túi ngủ của mình.

“Kể cho em nghe về cô ấy đi,” nàng nói.

“Gì cơ?” ông đáp, bối rối.

“Cô gái trong bức ảnh kỷ yếu trên bàn anh ấy mà.”

“Chuyện chẳng hay gì đâu, Graciela. Tại sao em muốn biết chuyện ấy?”

“Bởi vì em muốn biết anh.”

Nàng chỉ nói có thế. Nhưng McCaleb hiểu. Ông biết rằng nếu họ rồi sẽ thành một cặp yêu nhau thì họ cần phải chia sẻ bí mật của mình cho nhau. Đó là một phần nghi thức. Ông nhớ lại rằng nhiều năm trước, vào cái đêm ông làm tình lần đầu tiên với người đàn bà về sau sẽ là vợ ông, cô đã kể cho ông biết cô từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Việc cô hé lộ cho ông một bí mật được giữ kín và che chắn cẩn thận đến thế khiến ông xúc động sâu xa hơn cả cái hành vi làm tình thực sự bằng thể xác giữa họ với nhau. Ông luôn nhớ cái thời khắc ấy, nâng niu nó, ngay cả sau khi cuộc hôn nhân đã chấm dứt.

“Toàn bộ vụ này được chắp vá lại từ lời các nhân chứng và bằng chứng vật thể... rồi thì cuốn băng video,” ông mào đầu.

“Băng video nào?”

“Anh sẽ kể sau. Vụ ấy ở Florida. Từ trước khi anh được cử đến đây. Cả một gia đình... bị bắt cóc. Mẹ, cha, hai đứa con gái. Gia đình Showitz. Aubrey-Lynn, cô bé trong ảnh, là cô em.”

“Bao nhiêu tuổi?”

“Kỳ nghỉ ấy cô bé vừa mới tròn mười lăm. Họ là dân vùng Trung Tây, một thị trấn nhỏ ở Ohio. Ấy là chuyến đi nghỉ đầu tiên của gia đình họ. Họ không có nhiều tiền. Người cha là chủ một ga ra ô tô nhỏ - khi người ta tìm ra xác ông ta, dưới các móng tay ông ta vẫn còn dính dầu nhờn.”

McCaleb thở hơi ra thành một tiếng cười cụt lủn - loại tiếng cười người ta thường bật ra khi có chuyện nào đó chẳng vui vẻ gì nhưng anh ta ước gì nó vui.

“Vậy là cả nhà đi nghỉ mát một chuyến hạ giá, họ đến Disney World các thứ rồi rốt cuộc họ đến Fort Lauderdale, trọ ở một phòng của cái khách sạn nhỏ bẩn thỉu ven xa lộ I-95. Họ đã đặt phòng sẵn từ khi còn ở Ohio và cứ đinh ninh vì chỗ đó tên là Gió Biển nên ắt là nó phải gần biển.”

Giọng ông ngắc ngứ bởi ông chưa bao giờ kể câu chuyện đó thành lời; mỗi một chi tiết của chuyện đều rất thương tâm và khiến ông đau đớn tận tâm can.

“Dù sao thì, khi tới nơi, họ quyết định ở lại. Chỉ hai ba hôm nữa là họ về lại thị trấn rồi, còn nếu bỏ chỗ này đặng tìm một khách sạn cạnh bờ biển thật thì họ sẽ mất tiền đặt cọc. Thế nên họ ở lại. Và ngay đêm đầu tiên một trong hai cô gái nhìn thấy chiếc xe tải nhỏ đậu trong bãi xe, nối với một toa moóc trên đó có chiếc thuyền hơi. Em biết thuyền hơi là gì chứ?”

“Kiểu như có cái chân vịt máy bay và thường chạy trên đầm lầy phải không?”

“Đúng rồi, ở vùng Everglades.”

“Em thấy trên CNN khi chiếc máy bay ấy đâm xuống đầm lầy rồi biến mất.”

“Ừ, cũng nó đấy. Nhưng cô bé này với cả gia đình cô chưa bao giờ thấy chiếc nào như thế ngoại trừ trên tivi hoặc trong báo nên họ liền kéo ra xem, thế rồi một người đàn ông - là chủ chiếc thuyền - chỉ là tình cờ lại gần họ. Anh ta là người dễ mến, anh ta bảo cả gia đình ấy là nếu họ muốn anh ta sẽ chở họ đi chơi trên một chiếc thuyền hơi Florida thứ thiệt hẳn hoi.”

Gradela dúi mặt vào chỗ hõm nơi cổ ông và áp một tay vào ngực ông. Nàng biết câu chuyện đang đi đến đâu.

“Thế là họ nói, tốt quá. Anh muốn nói, họ là dân một thị trấn nhỏ miệt Ohio, ở đó chỉ có độc một trường trung học.

Họ chẳng biết ất giáp gì về thế giới thực. Thế nên họ vui vẻ chấp nhận lời mời của người này - của kẻ lạ này.”

“Và hắn giết họ?”

“Giết hết,” McCaleb nói, gật đầu trong bóng tối. “Họ đi cùng hắn và không bao giờ trở về. Người cha được tìm thấy đầu tiên. Hai đêm sau một người săn ếch trong bãi cỏ nhìn thấy xác ông ta. Chỗ đó không xa một đoạn bờ dốc nơi người ta hạ thủy mấy chiếc thuyền kia. Ông ta bị bắn một phát vào sau đầu rồi ném ra khỏi thuyền.”

“Còn các cô gái thì sao?”

“Cảnh sát địa phương phải mất hai ba ngày mới nhận diện được người cha và truy tìm tung tích ông ta đến chỗ Gió Biển. Khi không thấy có dấu tích gì của người vợ và mấy đứa con, mà họ thì cũng chưa về Ohio, cảnh sát mới dùng trực thăng và thêm nhiều thuyền hơi nữa lại chỗ ‘Glades. Họ tìm thấy ba cái xác kia ở ngoài xa chừng mười cây số. Giữa chốn đồng không mông quạnh. Một chỗ mà dân lái thuyền hơi gọi là Nhà Tù Quỷ. Mấy cái xác nằm đó. Hắn đã làm đủ trò với cả ba người. Rồi hắn cột họ vào mấy tảng bê tông rồi ném khỏi thuyền. Trong khi họ vẫn còn sống. Họ chết đuối.”

“Ôi Chúa ơi...”

“Ngày hôm đó Chúa chẳng ở đâu hết. Cuối cùng khí sinh ra do phân hủy khiến mấy cái xác trồi lên mặt nước dù có mấy tảng bê tông buộc vào.”

Sau một hồi lâu im lặng, ông nói tiếp.

“Vào khoảng thời gian đó người ta gọi cho FBI thế là anh đi xuống đó cùng một đặc vụ khác tên Walling. Chẳng có gì nhiều nhặn để mà điều tra. Bọn anh soạn ra mô tả sơ lược hung thủ - chúng tôi biết đó là một kẻ rất thông thuộc vùng ‘Glades. Hầu hết chỗ đó sâu chừng một thước dù mình đứng lại ở đâu đi nữa. Song mấy người đàn bà thì bị vứt xuống một chỗ sâu. Hắn không muốn người ta tìm thấy họ. Hắn ắt phải biết rõ chỗ đó. Nhà Tù Quỷ. Nó như là một hố sụt hay một lỗ thủng do thiên thạch. Hắn ắt phải từng ra chỗ đó trước thì mới biết về nó được.”

McCaleb nhìn chăm chăm lên trần nhà xuyên qua bóng tối, nhưng cái ông đang thấy là cái phiên bản khủng khiếp của riêng ông về những sự kiện đã diễn ra ở Nhà Tù Quỷ. Đó là một ảnh tượng chưa bao giờ mờ phai trong ký ức, luôn luôn nằm ở những góc khuất tối tăm của tâm trí ông.

“Hắn đã lột sạch họ, lấy nữ trang của họ, bất cứ cái gì có thể giúp nhận diện họ. Nhưng riêng Aubrey-Lynn, khi người ta cạy tay cô ra thì thấy có một vòng cổ bằng bạc với cây thánh giá. Bằng cách nào đó cô đã giấu nó không cho hắn thấy và cứ nắm riết. Có lẽ là cô cứ cầu Chúa suốt cho tới khi chết.”

McCaleb nghĩ về câu chuyện đó, về chuyện nó ám ảnh ông đến thế nào. Âm vọng của nó cứ dội qua cuộc đời ông suốt nhiều năm sau, như thủy triều dâng nhẹ nhàng nâng thuyền lên gần như theo một tiết điệu nhip nhàng. Câu chuyện luôn luôn nằm đó. Ông biết ông không cần phải đặt bức ảnh phía trên bàn làm việc của mình như một tấm bùa thiêng. Ông sẽ chẳng bao giờ quên nổi gương mặt cô gái đó. Ông biết rằng trái tim ông đã bắt đầu lụi chết với khuôn mặt cô gái đó.

“Người ta có bắt được tên đó không?” Graciela hỏi.

Nàng mới nghe chuyện này lần đầu mà đã cần biết rằng môt kẻ nào đó phải trả giá cho tội ác ghê rợn. Nàng cần biết kết cục. Nàng không hiểu như McCaleb rằng điều đó chẳng quan trọng gì. Rằng với một câu chuyện như thế thì chẳng bao giờ có kết cục hết.

“Không. Người ta chẳng bao giờ bắt được hắn. Người ta rà soát toàn bộ sổ đăng ký khách ở Gió Biển và thẩm vấn từng người. Có một người họ chẳng bao giờ tìm được. Hắn đã đăng ký là Earl Hanford nhưng đó là tên giả. Dấu vết chấm dứt ở đó… cho đến khi hắn gửi cuốn băng.”

Một thoáng lặng trôi qua.

“Cuốn băng được gửi cho thám tử chính của sở cảnh sát trưởng. Gia đình ấy có máy quay video. Họ mang theo trong chuyến đi chơi bằng thuyền hơi. Băng bắt đầu bằng những cảnh vui vẻ, những nụ cười. Disney World này, bãi biển này, rồi thì vài cảnh của ‘Glades. Sau đó tên giết người bắt đầu quay... tất tật mọi thứ. Hắn trùm mặt bằng vải đen nên chúng tôi không nhận diện hắn được. Hắn cũng chả bao giờ lộ ra trên thuyền đủ để chúng tôi nhìn rõ. Hắn biết hắn đang làm gì.”

“Anh có xem?”

McCaleb gật. Ông rời Graciela ra mà ngồi bên mép giường, xoay lưng lại nàng.

“Hắn có súng trường. Họ làm những gì hắn muốn. Đủ thứ trò... hai chị em... cùng nhau. Rồi những trò khác nữa. Rồi thì đằng nào hắn cũng giết họ. Hắn... à, chó chết...”

Ông vừa lắc đầu vừa xát tay dữ dội lên mặt. Ông cảm thấy bàn tay ấm áp của nàng trên lưng ông.

“Mấy tảng bê tông hắn buộc vào họ không đủ để lôi họ xuống đáy ngay. Họ đã cố vùng vẫy để trụ lại trên mặt nước. Hắn quan sát và quay cảnh đó. Nó khiến hắn hưng phấn. Hắn thủ dâm trong khi quan sát họ chìm xuống.”

Ông nghe tiếng Graciela khóc lặng lẽ. Ông lại nằm xuống, choàng tay ôm nàng.

“Cuốn băng là thứ cuối cùng bọn anh có được từ hắn,” ông nói. “Hắn đang ở đâu đó ngoài kia. Một vụ khác.”

Ông nhìn nàng trong bóng tối, không chắc liệu nàng có thấy được ông không.

“Chuyện thế đấy.”

“Em rất tiếc rằng anh cứ phải mang chuyện đó trong lòng suốt.”

“Giờ thì em cũng đã mang rồi. Anh cũng tiếc.”

Nàng chùi nước mắt.

“Đó chính là lúc anh thôi không tin các thiên thần nữa phải không?”

Ông gật.

Khoảng một giờ trước rạng đông McCaleb trở dậy quay về cái giường bất tiện của mình nơi phòng khách. Cho đến lúc đó hai người đã thì thầm trò chuyện suốt đêm, ôm ấp hôn hít, nhưng không hề làm tình. Khi quay về túi ngủ rồi, giấc ngủ vẫn không đến với ông. Tâm trí McCaleb cứ trở đi trở lại với các chi tiết của mấy giờ ông vừa trải qua với Graciela, hai bàn tay ấm áp của nàng chạm đến da ông, bộ ngực mềm mại của nàng áp vào môi ông, vị của môi nàng. Và suốt trong những giây phút tâm trí ông vơ vẩn đi chệch khỏi những ký ức đầy nhục cảm đó, ông còn nghĩ đến câu chuyện vừa kể với nàng, và cách phản ứng của nàng.

Suốt buổi sáng họ không nói gì về những chuyện đã diễn ra trong phòng khách hay họ đã nói gì, kể cả khi Raymond đã đi xuống phía đuôi thuyền để xem khoang nuôi mồi sống, cách đủ xa để không nghe họ nói Graciela cư xử như thể đã không hề có cuộc hẹn hò nào, dù có thành hay không, và McCaleb cũng cư xử y thế. Điều đầu tiên ông nói trong khi đánh trứng cho cả ba người là về vụ án.

“Anh muốn em hôm nay khi về đến nhà hãy làm cho anh một việc,” ông vừa nói vừa ngoái nhìn qua vai để xem có chắc là Raymond vẫn đang ở ngoài kia hay không. “Anh muốn em nghĩ về em gái rồi hãy ghi ra giấy càng nhiều càng tốt những gì em nhớ được về thói quen hàng ngày của cô ấy. Ý anh là cô ấy hay đi đâu, gặp bạn bè nào. Bất cứ chuyện gì em nghĩ cô ấy có thể đã làm từ đầu năm nay cho đến cái đêm cô ấy bước vào cửa hiệu đó. Và nữa, anh muốn nói chuyện với bạn bè và sếp cô ấy ở tờ Thời báo. Vụ ấy nếu em thu xếp cho anh thì có lẽ tốt hơn.”

“Được thôi. Nhưng sao?”

“Bởi vì mọi chuyện ở vụ án này đang thay đổi. Em có nhớ anh đã hỏi em về cái hoa tai không?”

McCaleb cho nàng biết ông tin rằng chính hung thủ đã lấy cái hoa tai. Ông cũng nói với nàng rằng hôm thứ Sáu trước ông đã phát hiện ra có một vật mang tính riêng tư cũng đã bị lấy đi khỏi nạn nhân của vụ nã súng thứ nhất.

“Là gì vậy?”

“Một bức ảnh chụp vợ con anh ta.”

“Theo anh điều đó có nghĩa là gì?”

“Có thể đấy không phải là cướp. Có thể người đàn ông nơi máy ATM và rồi em gái em đã bị chọn vì lý do nào đó khác. Có khả năng cả hai người đã từng có một quan hệ tương tác nào đó với kẻ bắn họ. Kiểu như là họ đã chạm trán hắn giữa đường ở đâu đó. Thành thử anh mới nhờ em làm chuyện này. Vợ của nạn nhân thứ nhất cũng đang làm như thế về chồng bà ấy. Anh sẽ xem kỹ cả hai người với nhau để xem liệu có điểm nào chung không.”

Graciela khoanh tay trước ngực, tựa vào quầy bếp.

“Ý anh là họ đã làm điều gì đó với kẻ gây ra vụ này?”

“Không. Ý anh là họ chạm trán nhau và có gì đó ở họ thu hút hắn về phía họ. Chẳng có lý do nào hợp lẽ hết. Anh nghĩ đây là một kẻ bị bệnh tâm thần. Chẳng làm sao biết được cái gì thì mới làm hắn chú ý. Tại sao hắn chọn chính hai người đó trong số chín triệu người khác sống ở hạt này.”

Nàng lắc đầu lộ vẻ hoài nghi.

“Về chuyện này cảnh sát nói sao?”

“Anh cho là cảnh sát Los Angeles thậm chí còn chưa biết nữa kìa. Còn điều tra viên của cảnh sát trưởng thì không chắc liệu bà ta có thấy như anh thấy hay không. Tất cả họ với anh sẽ nói về chuyện đó sáng mai.”

“Còn người đàn ông thì sao?”

“Người nào?”

“Chủ hiệu. Có thể ông ta chính là người chạm trán. Có thể Glory chả liên quan gì tới chuyện đó.”

McCaleb lắc đầu nói: “Không. Nếu ông ta là mục tiêu thì hẳn là hung thủ cứ việc bước vào bắn giữa lúc trong hiệu không có ai khác. Chính là em gái em. Em của em và người đầu tiên ở Lancaster. Có mối liên hệ nào đó. Em phải tìm cho ra.”

McCaleb thò tay vào túi sau quần jeans rút ra một tấm ảnh mà Amelia Cordell đưa cho ông. Ảnh chụp cận cảnh James Cordell, một nụ cười rạng rỡ trên môi anh ta. Ông đưa tấm ảnh cho Graciela.

“Em có nhận ra người này không? Liệu anh ta có phải là một người mà em gái em quen biết không?”

Nàng lấy tấm ảnh từ tay ông mà xem xét, nhưng rồi lắc đầu.

“Người này thì em không biết. Có phải là... người ở Lancaster không?”

McCaleb gật rồi lấy lại bức ảnh. Ông đút ảnh vào túi, đoạn bảo Graciela ra ngoài đưa Raymond vào ăn sáng. Khi nàng vừa đi đến chỗ cửa trượt, ông ngăn nàng lại.

“Graciela này, em có tin anh không?”

Nàng ngoái lại nhìn ông.

“Dĩ nhiên.”

“Vậy hãy tin anh trong chuyện này. Dù cảnh sát Los Angeles hay cảnh sát trưởng có không tin anh đi nữa anh cũng chả cần, anh biết điều anh biết. Dù có họ hay không, anh sẽ dấn tới vụ này.”

Nàng gật rồi lại quay về phía cửa và chú bé ngoài chỗ đuôi tàu.
 
Chương 23


Khi McCaleb bước vào văn phòng thám tử của Trung tâm Sao thuộc Sở cảnh sát trưởng lúc tám giờ sáng thứ Hai, ông thấy ở đó đã đầy chật các thám tử. Tuy nhiên, cô tiếp tân mới ba hôm trước còn cho ông một mình đi vào chỗ ban chuyên án giết người thì nay lại bảo ông phải chờ đội trưởng tới. Điều này khiến McCaleb bối rối, nhưng ông chưa kịp hỏi gì thì cô tiếp tân đã bận gọi điện. Ngay khi cô ta gác máy, McCaleb thấy Đội trưởng Hitchens ra khỏi căn phòng họp nơi ông đã ngồi với Jaye Winston hôm thứ Sáu tuần trước. Anh ta đóng cửa lại sau lưng rồi tiến về phía McCaleb. Terry nhận thấy rèm cửa sổ kính của phòng họp được hạ xuống che kín mít. Hitchens ra hiệu bảo ông đi theo.

“Terry, đi theo tôi.”

McCaleb theo Hitchens vào phòng làm việc của anh ta, rồi thì anh ta bảo ông ngồi. McCaleb có cảm giác chẳng lành khi thấy mình được đối xử thân ái quá mức như thế. Hitchens ngồi sau bàn làm việc, khoanh tay trước ngực mà cúi về phía trước trên cái lịch bàn, với nụ cười trên mặt.

“Vậy là anh đã ở đâu?”

McCaleb nhìn đồng hồ.

“Ý anh muốn nói gì? Jaye Winston sắp xếp họp lúc tám giờ. Bây giờ là tám giờ hai phút.”

“Ý tôi là hôm Chủ nhật, thứ Bảy. Jaye vừa gọi xong.”

McCaleb hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra. Hôm thứ Bảy, lúc đang lau chùi thuyền, ông đã đem điện thoại cùng máy trả lời tự động cất vào một cái tủ bên cạnh bàn vẽ hải đồ. Thế rồi ông quên khuấy mất. Các cuộc gọi đến thuyền và tin nhắn để lại khi ông cùng với hai dì cháu đi câu ngoài đê chắn sóng suốt cả hai ngày đó hẳn đều bị nhỡ mà ông không biết. Điện thoại lẫn máy trả lời đều vẫn nằm trong tủ.

“Chết thật,” giờ ông nói với Hitchens. “Tôi quên không kiểm tra máy.”

“Ừ đấy, bọn tôi có gọi. Lẽ ra anh đã không phải cất công đi.”

“Cuộc họp bị hoãn à? Tôi cứ nghĩ Jaye muốn...”

“Cuộc họp không bị hoãn Terry à. Chỉ là có vài chuyện nảy sinh nên tụi tôi cảm thấy nếu tiến hành điều tra mà không có những yếu tố bên ngoài làm cho thêm phức tạp thì sẽ tốt hơn.”

McCaleb săm soi anh ta một hồi lâu.

“Phức tạp? Có phải vì chuyện thay tim không? Jaye cho anh biết à?”

“Cô ấy không cần phải bảo tôi. Mà là vì nhiều chuyện. Xem đó, anh đến rồi đảo tung mọi chuyện lên. Anh cho chúng tôi nhiều thứ - những manh mối vững chắc - để lần theo. Chúng tôi sẽ lần theo và sẽ rất là sốt sắng trong cuộc điều tra, nhưng tại thời điểm này tôi phải vạch ranh giới cho sự dính líu của anh. Tôi rất tiếc.”

Có cái gì đó chưa được nói ra, McCaleb nghĩ trong khi viên đội trưởng nói. Cái gì đó đang diễn ra mà ông không hiểu hay ít nhất là không biết. Manh mối vững chắc, Hitchens nói thế. Đột nhiên McCaleb hiểu. Nếu Winston đã không liên lạc được với ông suốt cuối tuần thì Vernon Carruthers ở Washington D.C. cũng không nốt.

“Bạn tôi ở SDH tìm được gì à?”

“SDH? Là cái quái gì vậy?”

“Đơn vị chuyên trách Súng và Dấu vết Hung khí. Anh ấy tìm được gì, Đội trưởng?”

Hitchens giơ hai lòng bàn tay lên.

“Chúng ta sẽ không nói chuyện đó. Tôi bảo anh rồi, chúng tôi rất cám ơn anh về chuyện anh đã thúc cho vụ án tiến lên. Nhưng từ giờ trở đi hãy để chúng tôi đảm đương. Có chuyện gì xảy ra chúng tôi sẽ cho anh biết, và nếu có gì tốt đẹp xảy ra, anh sẽ được ghi công đàng hoàng trong hồ sơ của chúng tôi và trên báo chí.”

“Tôi không cần được ghi công. Tôi chỉ cần tham gia vụ này.”

“Tôi rất tiếc. Nhưng từ giờ trở đi chúng tôi lo.”

“Jaye có đồng ý chuyện này không?”

“Cô ấy đồng ý hay không cũng vậy thôi. Lần cuối kiểm tra thì tôi vẫn đang điều hành văn phòng thám tử ở đây chứ không phải Jaye Winston.”

Trong giọng anh ta có đủ bực bội để McCaleb kết luận rằng Winston đã không nhất trí với Hitchens. Biết được thế cũng nhẹ lòng. Ông có thể cần chị. Nhìn chằm chằm vào Hitchens, McCaleb biết ông sẽ không bỏ cuộc mà lặng lẽ quay về thuyền. Không đời nào. Tay đội trưởng cần phải đủ khôn để cũng nhận ra điều đó.

“Tôi biết anh đang nghĩ gì. Tôi chỉ nói rằng anh đừng có tự dấn vào thế kẹt. Nếu chúng tôi chạm trán anh trên thực địa thì sẽ có rắc rối đấy.”

McCaleb gật.

“Rõ rồi.”

“Chúng tôi cảnh cáo rồi đấy nhé.”

McCaleb bảo Lockridge rê xe chầm chậm quanh bãi đỗ dành cho khách. Ông muốn tìm cho nhanh một điện thoại công cộng, nhưng trước hết ông muốn xem liệu có thể đoán ra được ai đã ở trong phòng họp mà Hitchens vừa bước ra không. Ông biết Jaye Winston rõ ràng có mặt ở đó, có khi cả Arrango và Walters nữa. Nhưng theo linh cảm của ông rằng Vernon Carruthers đã phát hiện ra đường đạn là khớp nhờ chương trình laser của bộ phận DRUGFIRE, ông cũng ngờ rằng có ai đó nữa thuộc ban thám tử, ngoài Maggie Griffin ra, cũng có mặt trong phòng họp.

Trong khi họ rê xe từ từ qua bãi đỗ xe, McCaleb kiểm tra cửa sổ ghế sau bên phía người lái của từng chiếc xe đỗ trong bãi mà họ đi qua. Cuối cùng, ở làn xe thứ ba, ông nhìn thấy cái mình tìm.

“Dừng đây, Bud,” ông nói.

Họ dừng lại sau một chiếc Ford LTD màu xanh kim loại. Trên cửa sổ băng sau bên phía người lái có cái băng dính dạng mã vạch làm lộ tẩy đó là ai. Ấy là xe của phòng thám tử. Một cái máy đọc bằng laser nơi cửa ga ra tòa nhà liên bang tại Westwood vẫn thường quét mã vạch rồi mới nhấc thanh rào chắn bằng sắt lên cho xe vào sau giờ làm việc.

McCaleb bước ra, lại chỗ chiếc xe. Không có dấu hiệu bên ngoài nào khác để giúp ông nhận diện tay đặc vụ lái xe này. Nhưng dù ai lái đi chăng nữa thì ông cũng dễ đoán thôi. Lái xe về phía Đông để dự họp thì sẽ phải đi ngược chiều mặt trời mọc, người lái sẽ phải hạ tấm che nắng xuống. Mọi đặc vụ FBI mà McCaleb từng biết đều ghim tấm thẻ mua xăng do chính phủ cấp cho xe mình vào tấm che nắng để dễ lấy. Người này cũng không phải ngoại lệ.

McCaleb nhìn thẻ đổ xăng và ghi số xê ri. Ông quay lại xe của Lockridge.

“Xe ấy có chuyện gì vậy?” Buddy hỏi.

“Chả có gì. Đi thôi.”

“Đi đâu?”

“Chỗ nào có điện thoại.”

“Biết ngay mà.”

Năm phút sau họ đến một trạm sửa xe có dãy điện thoại ở bức tường bên hông.

Lockridge tấp xe vào dãy điện thoại, hạ kính xe xuống để có thể tắt máy xe mà nghe lỏm được. Trước khi chui ra, McCaleb mở ví đưa cho anh ta tờ hai mươi lăm đô.

“Đi đổ xăng đi. Chắc là mình sẽ ra lại sa mạc.”

“Cứt.”

“Anh bảo anh rảnh suốt ngày cơ mà.”

“Rảnh thì có rảnh, nhưng ai lại thích ra ngoài sa mạc nào? Chẳng có manh mối nào chỉ ra ngoài biển hay sao chớ, trời ơi là trời?”

McCaleb chỉ bật cười với anh ta rồi ra khỏi xe mang theo sổ điện thoại.

Tại điện thoại, McCaleb gọi văn phòng tác chiến ở Westwood rồi đề nghị người ta chuyển tiếp đến ga ra. Sau mười hai hồi chuông thì có người nhấc máy.

“Ga ra đây.”

“Ừ, ai đấy?”

“Roofs.”

“Ồ, OK,” McCaleb nói, nhớ ra người này. “Rufus này, Convey trên số mười lăm đây. Tôi có một câu hỏi may ra anh có thể trả lời cho tôi.”

“Phun đi, anh bạn.”

Sự thân mật mà McCaleb đưa vào giọng của mình rõ là có tác dụng. Ông vẫn nhớ Rufus và chưa bao giờ có ấn tượng lắm về trí thông minh của ông ta. Điều này phản ánh ở việc đội xe của liên bang chưa bao giờ được bảo dưỡng ra hồn.

“Tôi tìm thấy một thẻ xăng rơi trên sàn đây, chắc là ở trong xe ai đó dưới chỗ anh. Thẻ số tám mốt là của ai nhỉ? Anh tìm hộ xem nhé?”

“Ừm... tám mốt hả?”

“Phải Roofs ạ, tám mốt.”

Yên lặng một thoáng trong khi người phụ trách ga ra xem sổ sách.

“Rồi, là ông Spencer. Ông ấy có số đó.”

McCaleb không đáp. Gilbert Spencer là đặc vụ có cấp bậc cao thứ nhì ở Los Angeles. Song dù chức gì đi nữa, McCaleb chưa bao giờ thực sự xem ông ta là một lãnh đạo nhóm điều tra thực thụ. Song việc ông ta đang gặp Jaye Winston cùng đội trưởng của chị ta và rồi trời biết còn những ai nữa ở Trung tâm Sao khiến ông choáng váng. Ông bắt đầu hiểu rõ hơn tại sao mình bị người ta đá đít khỏi vụ này.

“Ừ, Rufus, cám ơn nhiều nhá. Là thẻ tám mốt đúng không?”

“Ừ. Xe của Đặc vụ Spencer.”

“OK, tôi sẽ trả thẻ cho ông ấy.”

“Tôi chả biết đâu. Tôi thấy hiện giờ xe ông ấy không có đây.”

“OK, đừng lo. Cám ơn nhé, Roofs.”

McCaleb gác máy rồi lập tức lại nhấc lên. Dùng thẻ gọi của mình, ông gọi Vernon Carruthers ở Washington. Hiện đang khoảng giờ ăn trưa ở đó nên ông hy vọng gặp được anh ta.

“Vernon đây.”

McCaleb thở phào.

“Terry đây.”

“Trời đất ơi, cậu biến đi đâu thế hả? Hôm thứ Bảy tớ đã cố gửi tin cấp báo cho cậu thế mà đợi hai ngày mới gọi lại cho tớ.”

“Tớ biết, tớ biết. Tớ lôm côm quá. Nhưng tớ nghe nói cậu tìm ra gì đó rồi.”

“Chứ còn đếch gì nữa.”

“Là gì, Vernon, gì vậy?”

“Tớ cần phải cẩn thận. Tớ có cảm giác có một danh sách những-người-cần-được-biết mà tên cậu thì...”

“... không có trên danh sách ấy. Ừ, tớ biết. Cái ấy tớ vừa mới biết ra. Nhưng đây là xe của tớ, Vernon ạ, và sẽ chẳng ai lái được nó đi khỏi tớ đâu. Thành thử cậu cứ cho tớ biết đi, cậu đã phát hiện được gì khiến cho phó đặc vụ trưởng điều hành Phòng tác chiến Los Angeles phải rời cái văn phòng nho nhỏ của mình mà xuống tận địa phương, có khi là lần đầu tiên từ đầu năm tới giờ?”

“Dĩ nhiên là tớ sẽ cho cậu biết. Tớ sắp phải nộp thuế vì bán thông tin cho cậu đây. Người ta sẽ làm gì tớ nào? Đá đít tớ rồi thì sau này những vụ nào cần đến tớ làm thí nghiệm thì lại phải mời tớ và trả lệ phí nhân chứng cao gấp đôi chắc?”

“Vậy thì cho tớ biết đi.”

“Chà, lần này thì cậu cắm cọc trúng phăm phắp rồi nhá. Tớ soi laser viên đạn mụ Winston gửi tớ thì thấy khớp tám ba phần trăm với một mảnh đạn khá to họ moi ra từ trong đầu gã Donald Kenyon nào đó từ dạo tháng Mười một. Chính vì vậy cậu mới làm cho ban chỉ huy đằng ấy kêu la om sòm thế.”

McCaleb huýt sáo.

“Mẹ khỉ, huýt đâu chứ đừng huýt vào tai tớ nhá bồ,” Carruthers phản đối.

“Xin lỗi. Có phải là một viên có vỏ kim loại của hãng Federal không, viên lấy ra từ Kenyon ấy?”

“Không, thực ra là một viên có thể vỡ. Một viên Devastator, viên Hủy diệt. Cậu biết thế là sao chứ?”

“Ông Reagan bị bắn ở Hilton cũng là bằng một viên như thế đúng không?”

“Đúng. Mũi đạn gây tác hại ít thôi. Cái chính là đạn sẽ vỡ ra nhiều mảnh. Nhưng với ông Ronald nhà mình nó lại không nổ. Ổng gặp may. Kenyon thì không.”

McCaleb cố nghĩ xem điều đó có thể mang ý nghĩa gì. Cùng một khẩu súng ấy, HK P7, đã được dùng trong ba vụ án mạng, Kenyon, Cordell và Torres. Nhưng từ vụ Kenyon đến vụ Cordell, hung thủ đã thay đạn vỡ được thành đạn cứng. Tại sao?

“Này, nhớ lại đi,” Carruthers nói, “cái này đâu phải tớ bảo cho cậu biết.”

“Tớ biết. Nhưng nói tớ nghe xem. Sau khi tìm ra là khớp thì cậu làm gì, đến gặp Lewin hay là kiểm tra lại trước đã?”

Joel Lewin là sếp của Carruthers theo đúng phép.

“Thực ra là cậu muốn hỏi liệu tớ có gì để gửi cho cậu đúng không nào?”

“Đúng đấy. Tớ cần cái cậu có thể gửi cho tớ.”

“Gửi rồi. Tớ cho vào bưu phẩm ưu tiên từ hôm thứ Bảy trước khi mọi chuyện thành ra thối hoắc ở đây. Tớ in ra những gì có trong máy tính. Cậu sẽ nhận được hết thông tin nội bộ. Chắc nay mai tới thôi. Vì cái vụ này nhất định cậu sẽ phải đưa tớ đi câu cá một buổi ra trò đó bồ à, mẹ kiếp.”

“Nhất định rồi.”

“Và chả có gì trong cái mớ ấy là cậu nhận được từ tớ hết.”

“Cậu khá lắm Vernon. Cậu không phải nói thế đâu.”

“Tớ biết, nhưng nói thế tớ mới thoải mái hơn.”

“Cậu còn nói được gì với tớ nữa nào?”

“Thế thôi. Người ta tước khỏi tay tớ ráo trọi rồi. Lewin tước hết mọi thứ, từ đó trở đi chỉ còn là việc của các sếp. Tớ không nói với họ vì sao tớ làm gấp thế. Bởi vậy họ biết ấy là cậu đang muốn biết. Tớ không bảo họ tại sao.”

McCaleb im lặng trách mình đã nổi nóng và mất tự chủ với Arrango sau buổi thôi miên. Giá như ông đừng để lộ động cơ thực sự ẩn sau cuộc điều tra của mình thì lúc này ông vẫn còn được tham gia rồi. Carruthers không để lộ chuyện này nhưng Arrango thì nhất định là có.

“Còn đó chứ, Terry?”

“Ừ. Nghe này, nếu cậu tìm được gì khác ngoài chuyện này thì cấp tốc báo tớ nhé.”

“Được rồi, bồ. Nhưng nhớ trả lời đấy, mẹ nó. Liệu hồn đấy.”

“Mọi lúc.”

Gác máy xong McCaleb xoay người và suýt nữa đã đâm sầm vào Buddy Lockridge.

“Buddy, thôi nào, anh nên nhường chỗ cho tôi nhờ. Đi thôi.”

Họ bắt đầu đi về phía chiếc xe vẫn đang đỗ ở một trong các cột bơm xăng.

“Ra sa mạc?”

“Ừ. Ta quay lại, tôi sẽ gặp lại bà Cordell. Xem liệu bà ta có còn nói chuyện với tôi không.”

“Sao lại không - đừng lo, chớ trả lời thế. Tôi chỉ là tài xế thôi mà.”

“Giờ anh hiểu rồi đấy.”

Trên đường lên vùng sa mạc, Buddy líu lo thổi harmonica theo một điệu cung Si giáng trong khi McCaleb dùng vài thủ thuật tự thôi miên để thư giãn đầu óc nhằm hồi tưởng lại tốt hơn những gì mình biết về vụ Donald Kenyon. Đó là vụ gần nhất dường như đã gây nên một chuỗi dài những bối rối cho Cục trong mấy năm trở lại đây.

Kenyon lúc còn sống là chủ tịch của Washington Guaranty, một ngân hàng tiết kiệm và cho vay được Liên bang bảo trợ có chi nhánh ở các hạt Los Angeles, Orange và San Diego. Kenyon là một gã tóc vàng óng nói năng hùng biện quyết chí trèo cao, biết lấy lòng các nhà đầu tư lắm tiền nhiều của bằng những mách nước mua cổ phiếu nhờ vị thế tay trong, cho đến khi gã leo lên tới ghế chủ tịch ở lứa tuổi hai mươi chín khiến mọi người kinh ngạc. Gã được trang trọng giới thiệu và viết bài trên mọi tạp chí kinh doanh. Gã là người chiếm được từng ít một lòng tin cậy của cả các nhà đầu tư lẫn nhân viên và báo giới. Đến nỗi trong vòng ba năm làm chủ tịch, gã đã bòn được khoản tiền choáng người 35 triệu đô ra khỏi ngân hàng bằng cách cho các công ty ma vay những khoản vay ma mà chỉ cần nhướn lông mày là đủ. Cho mãi tới khi Washington Guaranty sụp đổ vì bị rút ruột sạch sành sanh và Kenyon biến mất thì tất cả mọi người, kể cả kiểm toán viên liên bang và kiểm soát viên, mới nhận thức nổi chuyện gì đã xảy ra.

McCaleb nhớ, câu chuyện được báo đài nhắc đi nhắc lại hàng mấy tháng trời nếu không phải mấy năm trời. Chuyện về những người nghỉ việc chẳng có một đồng một chữ, chuyện về hiệu ứng lan truyền của kinh doanh thua lỗ, chuyện nghe đâu có người nhìn thấy Kenyon ở Paris, Zurich, Tahiti và còn những đâu đâu nữa.

Sau năm năm lẩn trốn Kenyon bị đơn vị chuyên truy tìm tội phạm đào tẩu của Cục tìm thấy ở Costa Rica, ở đó gã đang sống ở một khu nhà sang trọng có hai hồ bơi, hai sân quần vợt, một huấn luyện viên riêng ở luôn trong nhà, rồi lại còn cơ sở nuôi và nhân giống ngựa. Tên trộm, nay ba mươi sáu tuổi, bị dẫn độ về Los Angeles để đối mặt với lời buộc tội ở tòa án liên bang.

Trong khi Kenyon ngồi ở trại tạm giam của liên bang chờ tòa xử, một đội giám định và tịch thu tài sản lần theo dấu vết của gã và làm việc sáu tháng ròng những mong truy ra được khoản tiền. Nhưng họ chỉ tìm thấy chưa đầy 2 triệu đô.

Bài toán khó là ở đó. Kenyon bào chữa là gã không mang tiền theo bởi vì gã không lấy, gã chỉ chuyển số tiền đó đi vì bị người ta dọa giết - giết gã và cả gia đình gã. Thông qua luật sư gã quả quyết mình bị người ta hăm dọa buộc phải lập ra các công ty, cho họ vay hàng triệu đô từ ngân hàng tiết kiệm và cho vay của mình rồi thì chuyển giao số tiền đó cho kẻ tống tiền. Nhưng mặc dù có nguy cơ phải ngồi tù nhiều năm trong nhà lao liên bang, Kenyon không chịu nói tên kẻ đã tống tiền và ẵm tiền đi.

Các điều tra viên và công tố viên liên bang chọn giải pháp không tin gã. Vin vào lối sống xa hoa của gã vào thời gã còn điều hành ngân hàng lẫn khi gã đang lẩn trốn, cũng như việc rõ là gã có giữ một phần số tiền đó - dù chỉ một phần nhỏ trong tổng số - ở Costa Rica, họ quyết định chỉ khởi tố một mình Kenyon.

Sau phiên tòa kéo dài bốn tháng ở một phòng xử liên bang ngày nào cũng chật ních cả một bầu đoàn các nạn nhân đã mất khoản tiền dành dụm cả đời vì vụ sụp đổ ngân hàng, Kenyon bị buộc tội lừa đảo số đông người và Thẩm phán liên bang Dorothy Windsor kết án gã bốn mươi tám năm tù.

Chuyện xảy ra sau đó sẽ dẫn đến thêm một đòn đau nữa giáng vào thanh danh của FBI.

Sau khi tuyên án, Windsor chấp thuận một thỉnh cầu của bên bị, cho phép Kenyon được ở nhà một thời gian cùng gia đình để chuẩn bị vào tù trong khi luật sư của gã chuẩn bị hồ sơ kháng cáo. Mặc cho công tố viên kịch liệt phản đối, Windsor cho Kenyon được sáu mươi ngày thu xếp chuyện gia đình. Hết hạn đó gã phải ra trình diện ở nhà giam cho dù hồ sơ kháng cáo đã xong hay chưa. Windsor còn lệnh cho Kenyon phải đeo vòng giám sát quanh cổ chân để bảo đảm rằng gã không mưu toan chạy trốn công lý một lần nữa.

Ra một mệnh lệnh như vậy sau khi tuyên án không phải là chuyện gì khác thường. Tuy nhiên, nó quả là khác thường nếu phạm nhân đã từng tỏ ra muốn chạy trốn chính quyền và đào tẩu ra nước ngoài.

Song người ta sẽ chẳng bao giờ biết được liệu có phải Kenyon đã bằng cách nào đó tác động đến một thẩm phán liên bang để nhận được phán quyết như vậy rồi thì nhân đó trốn lần nữa. Vào ngày thứ Ba sau Lễ Tạ ơn, giữa khi Kenyon đang hưởng ngày thứ hai mươi mốt trong thời gian hoãn thi hành án dài hai tháng, có ai đó bước vào ngôi nhà ở Beverly Hills nơi gã thuê tại Phố Maple. Kenyon lúc đó ở nhà một mình, vợ gã đã rời nhà đưa hai đứa nhỏ đi học. Kẻ đột nhập chạm trán Kenyon trong bếp và dùng súng buộc gã đi đến sảnh vào lát đá hoa của ngôi nhà. Đoạn hắn bắn chết Kenyon vừa đúng lúc xe của vợ gã vừa chạy vào lối đi dành cho xe uốn vòng cung phía trước nhà. Kẻ đột nhập thoát thân bằng cửa sau, qua cái ngõ men sau lưng dãy biệt thự trên Phố Maple.

Nếu không có cuộc điều tra và tầm nã kẻ giết người thì câu chuyện lẽ ra đã kết thúc ở đó hay ít nhất chỉ mang vẻ nhàm chán thường tình của một đề tài từng sốt dẻo nhưng giờ đã nhạt. Thế nhưng FBI đã quyết định theo dõi Kenyon - họ đặt gã dưới sự giám sát không hợp pháp bao gồm thiết bị nghe lén gắn trong nhà gã, ô tô và văn phòng luật sư của gã. Vào lúc gã bị bắn, có một chiếc xe tải nhỏ bên trong có bốn đặc vụ FBI đang đỗ cách đó hai khối nhà. Vụ ám sát đã được ghi lại.

Các đặc vụ, dù biết mình đang trong thế không được đường đường chính chính, vẫn hộc tốc chạy về phía ngôi nhà đặng tầm nã kẻ đột nhập. Song hung thủ đã cao chạy xa bay trong khi người ta cấp kỳ đưa Kenyon đến Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, nhưng khi đến nơi thì bác sĩ tuyên bố gã đã chết.

Hàng bao nhiêu triệu đô la mà Kenyon bị buộc tội đã bòn rút từ Washington Guaranty rốt cuộc cũng chẳng bao giờ thu hồi được. Song chi tiết đó bị lu mờ khi hành vi của FBI bị lộ ra ngoài. Cục không chỉ bị người ta dè bỉu vì đã tiến hành một chiến dịch bất hợp pháp như thế, mà còn bị chính thức khiển trách vì để cho một vụ giết người xảy ra ngay trước mũi mình, vì đã vụng về để mất thời cơ can thiệp và ngăn chặn vụ ám sát Kenyon, ấy là chưa nói tóm được hung thủ.

McCaleb quan sát tất cả chuyện đó từ xa. Lúc ấy ông đã rời khỏi Cục và khi vụ ám sát Kenyon xảy ra thì cũng là lúc bản thân ông đang chuẩn bị cho cái chết của mình. Nhưng ông nhớ đã đọc trên Thời báo, tờ báo đi đầu tường thuật vụ đó. Ông nhớ rằng tờ báo cho hay các đặc vụ dính líu vào vụ đó thảy đều bị giáng chức, rồi thì đám chính trị gia gọi điện thoại về Washington D.C. đòi Cục phải ra điều trần trước Quốc hội vì hành vi phạm pháp. Ông cũng nhớ rằng, FBI đã nhục càng thêm nhục vì nỗi cô vợ góa của Kenyon đâm đơn kiện cục này vi phạm quyền riêng tư, đòi bồi thường thiệt hại hàng triệu đô la.

Câu hỏi mà lúc này McCaleb phải trả lời là liệu kẻ xâm nhập vào nhà Kenyon hồi tháng Mười một và giết gã có phải cũng là người đã giết Cordell và Torres sau đó hai, ba tháng hay không. Và nếu trước sau là cùng một kẻ, thì giữa một vị chủ tịch ngân hàng tiết kiệm cho vay đã sa cơ lỡ vận với một kỹ sư chuyên về ống dẫn nước và một nhân viên phòng in của một tờ báo có thể có mối liên hệ nào?

Cuối cùng ông nhìn quanh và lưu ý cảnh quan. Họ đi qua khỏi Vasquez Rocks từ lâu rồi. Chỉ dăm phút nữa là họ sẽ đến nhà Amelia Cordell.
 
Chương 24


Như đã hứa, Amelia Cordell dành phần lớn hai ngày nghỉ cuối tuần để lục lại trong ký ức và rồi ghi kín bốn trang giấy khổ to những gì chị nhớ được về chuyện chồng mình đã đi những đâu trong hai tháng trước khi chết vào ngày hai mươi hai tháng Giêng. Khi McCaleb đến thì chị đã ngồi sẵn nơi bàn cà phê đợi ông.

“Tôi rất cảm kích thấy bà đã dành thời gian cho việc này,” ông nói với chị.

“May ra nó giúp gì được ông. Tôi hy vọng là giúp được.”

“Tôi cũng thế.”

Ông gật đầu rồi ngồi im lặng một thoáng.

“Ừm, nhân thể, gần đây Jaye Winston hay ai đó khác ở Sở Cảnh sát trưởng có gọi cho bà không?”

“Không, kể từ thứ Sáu tuần trước, khi Jaye gọi tôi bảo là có thể nói chuyện với ông thì không ai gọi cả.”

McCaleb gật đầu. Ông thấy phấn khởi vì Jaye đã không gọi lại cho Amelia bảo chị từ nay không được gặp ông. Một lần nữa điều đó khiến ông nghĩ rằng Jaye đã không đồng tình với quyết định của đội trưởng loại ông ra khỏi vụ này.

“Cũng không ai khác gọi à?”

“Không... tỉ như ai?”

“Tôi không biết. Chỉ là tôi tò mò muốn biết, ờ, liệu họ có theo sát thông tin mà tôi cung cấp cho họ không.”

McCaleb thấy tốt hơn là nên đổi chủ đề. “Bà Cordell này, chồng bà có phòng làm việc tại nhà không?”

“Có, anh ấy có một cái phòng nhỏ dùng làm việc, nhưng sao?”

“Bà cho tôi xem qua chỗ ấy được không?”

“Được chứ, nhưng tôi không chắc ông sẽ tìm thấy gì đâu. Anh ấy chỉ lưu hồ sơ công việc ở đó, cả hóa đơn biên lai của gia đình anh ấy cũng tính toán ở đó.”

“À, tỉ như, nếu bà có bản kê số dư thẻ tín dụng cho các kỳ tháng Giêng và tháng Mười hai thì tôi có thể nhìn vào đó mà xác định ông ấy đã ở đâu tại từng thời điểm khác nhau.”

“Tôi không thật chắc liệu tôi có muốn ông lấy các bản khai thẻ tín dụng của gia đình tôi đi không.”

“Tôi chỉ có thể cam đoan với bà rằng tôi chỉ bận tâm đến các địa điểm lập hóa đơn và có thể là những thứ gì đã được mua. Chứ không phải là số thẻ của ông bà.”

“Tôi biết, tôi xin lỗi. Tôi thật ngốc nghếch. Ông là người duy nhất dường như còn quan tâm thêm chút gì đến Jim. Sao tôi lại nghi ngờ ông cơ chứ?”

Chị ta nói thế khiến McCaleb thấy khó xử vì mình đã không hoàn toàn trung thực với chị, đã không cho chị biết ông không còn có thẩm quyền chính thức nữa. Ông đứng dậy để hai người có thể đi và cũng để ông đừng phải nghe về chuyện đó nữa.

Phòng làm việc khá nhỏ, chủ yếu dùng làm kho chứa dụng cụ trượt tuyết và thùng các tông. Nhưng chiếm phần lớn một đầu căn phòng là một cái bàn giấy có hai ngăn kéo cùng hai tủ hồ sơ gắn liền vào.

“Xin lỗi, bừa bộn quá. Tôi vẫn đang cố gắng quen với việc tính toán tất cả hóa đơn. Hồi trước toàn là Jim làm cả.”

“Đừng lo. Bà cho phép tôi ngồi xuống xem qua chút nhé?”

“Vâng, ông ngồi xem đi.”

“Ừm, bà có thể mang vào đây cho tôi một cốc nước được không?”

“Dĩ nhiên, để tôi đi lấy cho ông.”

Chị đã dợm đi nhưng rồi đứng lại.

“Thật ra không phải ông cần uống nước phải không? Chỉ là ông muốn ở một mình, đừng có tôi quanh quẩn ở đây.”

McCaleb khẽ mỉm cười nhìn xuống tấm thảm màu xanh lục mòn cũ.

“Đằng nào thì tôi vẫn đi lấy nước cho ông, nhưng rồi tôi sẽ để ông một mình.”

“Cám ơn nhé, bà Cordell.”

“Cứ gọi tôi là Amelia.”

“Amelia.”

Suốt nửa giờ sau đó McCaleb ngồi lục lọi các ngăn kéo và xem kỹ chỗ giấy tờ trên mặt bàn.

Ông làm nhanh, biết rằng bưu phẩm do Carruthers gửi chắc giờ này đang nằm đợi ông trong hòm thư lưu ký của văn phòng trưởng bến tàu.

Tại bàn giấy McCaleb ghi chú vài điều trên tờ giấy Amelia Cordell đã dùng để ghi chép trước đó, đồng thời xếp thành một chồng các giấy má và tờ khai thẻ tín dụng mà ông muốn mang về nghiên cứu sau. Ông lập danh mục các thứ muốn mang về để Amelia Cordell có thể theo dõi.

Ngăn kéo sau cùng mà ông kiểm tra là một trong các ngăn kéo của hai tủ hồ sơ. Ngăn kéo hầu như trống, được Cordell dùng làm chỗ đựng các tờ ghi chú công việc, hồ sơ bảo hiểm và hoạch định tài sản. Có một tập dày hồ sơ bảo hiểm y tế, với các hóa đơn ghi ngày sinh hai cô con gái anh và ngày chữa cái chân gãy của chính anh. Địa chỉ thanh toán hóa đơn là một trong các bác sĩ điều trị cho anh tại Vail, Colorado, khiến McCaleb đoán rằng cái chân bị gãy do một sự có trong khi James trượt tuyết.

Có một kẹp hồ sơ màu đen phủ dải băng bằng da đẹp đẽ. McCaleb mở ra thì thấy bên trong là những tài liệu liên quan đến di chúc của cả vợ lẫn chồng. McCaleb thấy chẳng có gì bất thường. Mỗi bên vợ hoặc chồng đều là người thụ hưởng tài sản của bên kia, con cái sẽ được thừa kế theo luật nếu cả hai bố mẹ đều mất. McCaleb không mất nhiều thời gian cho cái này.

Tập hồ sơ cuối cùng mà ông xem xét được dán nhãn đơn giản là CÔNG VIỆC, bao gồm nhiều giấy tờ khác nhau, trong đó mấy bản đánh giá chất lượng công việc và một số thư từ của công ty. McCaleb lướt qua mấy bản đánh giá thì thấy hình như Cordell được các ông chủ đánh giá khá cao. McCaleb ghi lại họ tên một số quản trị viên cấp trên đã ký các báo cáo này để ông có thể thẩm vấn họ về sau. Cuối cùng ông xem qua các thư từ khác, song chẳng có gì khiến ông chú ý. Có mấy bản ghi nhớ giữa các văn phòng cũng như vài bức thư tiến cử Cordell làm chủ tọa đợt vận động hiến máu hàng năm của công ty, rồi thì thư tình nguyện tham gia làm việc trong một chương trình phát không bữa ăn ngày lễ Tạ ơn cho những người cơ nhỡ. Còn có một bức thư từ cách đây hai năm của một người quản lý khen ngợi Cordell đã dừng xe mà giúp đỡ các nạn nhân một vụ tông xe trực diện ở Lone Pine. Trong thư không nói chi tiết Cordell đã làm gì. McCaleb cho mấy bức thư và bản đánh giá vào lại tập hồ sơ rồi cất vào ngăn kéo.

McCaleb đứng dậy nhìn quanh phòng. Không còn gì khác khêu gợi chú ý nữa. Thế rồi ông chú ý tới một bức ảnh lồng khung đặt trên bàn. Đó là ảnh gia đình Cordell. Ông cầm lên, vừa săm soi một lát vừa ngẫm nghĩ về chuyện viên đạn đã làm tan vỡ bao nhiêu thứ. Nó khiến ông nghĩ tới Raymond và Graciela. Ông hình dung một bức ảnh trong đó có hai dì cháu và rồi cả ông ở đấy, miệng mỉm cười.

Ông cầm cái cốc hết nước vào bếp đặt trên quầy. Đoạn ông đi vào phòng khách thì thấy Amelia Cordell trên chiếc ghế chị đã ngồi từ đầu. Chị chỉ ngồi đó. Tivi không bật, cũng không có cuốn sách hay tờ báo nào trong tay chị. Dường như chị chỉ đang nhìn đăm đăm mặt bàn cà phê phủ kính. McCaleb ngập ngừng nơi hành lang dẫn từ dưới bếp lên.

“Bà Cordell.”

Chị đưa mắt nhìn sang ông mà không xoay đầu.

“Vâng?”

“Tạm thời tôi xong rồi.”

Ông bước vào phòng, đặt tờ biên nhận lên bàn.

“Đây là mấy thứ tôi cầm mang về. Ít hôm nữa tôi sẽ trả lại bà. Tôi sẽ gửi bưu điện hoặc đích thân đem tới.”

Mắt chị lúc này dán vào bảng danh mục, cố đọc từ khoảng cách chừng một mét.

“Ông có tìm thấy cái mình cần không?”

“Tôi chưa biết. Mấy chuyện kiểu thế này thì mình chẳng bao giờ biết được nó có quan trọng hay không chừng nào nó chưa trở thành quan trọng, tôi nói thế chắc bà hiểu.”

“Không hiểu lắm.”

“Ý tôi muốn nói là các chi tiết. Tôi đang tìm cái chi tiết có khả năng tiết lộ. Có một trò tôi hay chơi khi còn bé. Tôi không nhớ trò ấy gọi là gì nhưng có khi bọn trẻ bây giờ cũng còn chơi. Mình lấy một cái ống nhựa sạch có thể đặt đứng được. Lấy một bó ống nhựa luồn qua những cái lỗ đục khắp đoạn giữa ống. Rồi thì mình nhét một nắm bi vào trong ống sao cho chúng bị những ống nhựa kia giữ lại. Mục đích trò chơi là làm sao rút được một ống nhựa ra mà không làm viên bi nào rơi. Và rồi dường như luôn luôn có một ống nhựa mà khi mình rút nó ra thì tất tật mọi thứ đều đổ nháo nhào như lở đất vậy. Tôi tìm là tìm cái đó. Tôi đã có nhiều chi tiết. Giờ thì tôi tìm chính cái chi tiết mà khi lôi ra thì sẽ gây lở đất. Cái khó là không cách nào biết được chi tiết nào mới đúng là chi tiết đó chừng nào mình chưa lôi ra.”

Chị nhìn ông trơ trơ, giống như khi chị nhìn mặt bàn cà phê.

“Nhưng thôi, tôi quấy rầy bà nhiều rồi. Chắc tôi phải đi thôi, và như tôi nói, tôi sẽ trả lại bà mấy thứ này. Với lại nếu có gì khác nảy sinh thì tôi sẽ gọi bà. Số của tôi có ghi trên bản danh mục ấy, trong trường hợp bà nghĩ ra được điều gì hoặc nếu có việc gì tôi có thể làm cho bà.”

Ông gật đầu và chị nói tạm biệt. Ông đã xoay người đi ra cửa nhưng nghĩ sao đó liền quay lại.

“Ồ, suýt nữa tôi quên. Trong một bộ hồ sơ có một bức thư khen ngợi chồng bà đã dừng xe lại khi một vụ tai nạn xảy ra gần Lone Pine. Bà nhớ chuyện ấy không?”

“Nhớ chứ. Là hồi năm kia, tháng Mười một.”

“Bà nhớ chuyện xảy ra thế nào không?”

“Chỉ là Jimmy đang lái xe về nhà ngang qua đoạn đó thì tình cờ thấy vụ tai nạn ấy. Vừa mới xảy ra thôi, xác người với xác xe văng tung tóe mỗi thứ một nơi. Anh ấy dùng điện thoại di động gọi cấp cứu rồi dừng lại để trấn an mọi người. Đêm hôm đó một bé trai chết ngay trong tay anh ấy. Anh ấy choáng váng vì chuyện đó mãi một dạo.”

McCaleb gật đầu.

“Anh ấy là loại người như vậy, ông McCaleb ạ.”

McCaleb chỉ có thể làm mỗi việc là gật đầu lần nữa.

McCaleb phải đợi ở lối xe vào ở phía trước nhà dễ đến mười phút thì Buddy Lockridge mới đánh xe tới. Anh ta đang mở ầm ĩ một băng Howlin’ Wolf bằng máy nghe nhạc trong xe. Chui vào xe xong McCaleb liền vặn nhỏ lại.

“Anh đi đâu vậy?”

“Lái lòng vòng. Đi đâu?”

“Tôi phải chờ đấy. Về lại vũng.”

Buddy đánh xe vòng chữ U rồi quay trở ra xa lộ.

“Này, anh bảo tôi không phải ngồi chết dí trong xe. Anh bảo tôi lái một vòng, ừ thì tôi lái. Làm sao tôi biết anh sẽ ở trong đó bao lâu nếu anh không cho tôi hay?”

Anh ta nói đúng nhưng McCaleb vẫn bực. Anh ta không thèm xin lỗi.

“Nếu chuyện này còn kéo dài nhiều thì tôi phải kiếm cho anh một cái di động để anh cầm.”

“Nếu chuyện này còn kéo dài nhiều thì tôi muốn tăng thù lao.”

McCaleb không đáp. Lockridge tua lại cuốn băng rồi rút một cây harmonica ra khỏi túi cửa xe. Anh ta bắt đầu thổi hòa theo điệu “Wang Dang Doodle”. McCaleb nhìn ra ngoài cửa sổ mà nghĩ đến Amelia Cordell, đến việc một viên đạn đã lấy đi hai cuộc sống.
 
Chương 25


Khi McCaleb về đến nơi thì bưu kiện do Carruthers gửi đến đang nằm trong hòm thư đợi ông. Nó dày như cuốn niên giám điện thoại. Ông mang về thuyền, mở ra rồi trải rộng mớ giấy tờ lên bàn trong phòng khách. Trông thấy bản tóm lược mới nhất cuộc điều tra về vụ Kenyon, ông liền bắt đầu đọc, quyết định rằng trước hết hãy xem những diễn biến mới nhất thế nào, sau đó mới trở lại đọc từ đầu.

Cuộc điều tra vụ ám sát Donald Kenyon là một chiến dịch phối hợp giữa FBI và cảnh sát Beverly Hills. Nhưng vụ này đã bị đóng băng. Các đặc vụ chủ chốt của FBI, một cặp thuộc đơn vị điều tra đặc nhiệm tại Los Angeles tên là Nevins và Uhlig, đã kết luận trong báo cáo mới nhất đệ trình hồi tháng Mười hai rằng chắc hẳn Kenyon đã bị một tên giết thuê hành quyết, về chuyện ai đã thuê kẻ giết người này thì có hai giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất là, một trong số hai ngàn nạn nhân vụ ngân hàng tiết kiệm và cho vay sụp đổ đã không thỏa mãn với phán quyết của tòa về vụ Kenyon hoặc có thể e rằng Kenyon sẽ thoát khỏi công lý thêm lần nữa, thế nên người này đã nhờ tay một kẻ giết người. Giả thuyết thứ hai là tên giết người này làm việc cho bên đối tác im lặng mà theo Kenyon khai trước tòa thì đã buộc gã phải bòn rút các khoản tiết kiệm và cho vay. Theo báo cáo cuối cùng này thì kẻ đối tác đó, mà Kenyon không chịu nói tên, cho đến giờ Cục vẫn chưa xác minh được là ai.

McCaleb thấy phác họa đại cương giả thuyết thứ hai trong bản báo cáo là khá thú vị; nó cho thấy chính phủ liên bang giờ đây hẳn đang tin vào tuyên bố của Kenyon rằng gã đã bị một bên thứ hai ép buộc bòn rút các quỹ tiết kiệm và cho vay của ngân hàng gã. Trong phiên tòa, tuyên bố này của Kenyon đã bị bên nguyên nhạo báng, họ đi đến chỗ gọi cái bên thứ hai mà Kenyon viện ra kia là bóng ma của gã. Thế mà đây, một hồ sơ của FBI gợi ý rằng cái bóng ma ấy có thể tồn tại thật.

Nevins và Uhlig kết thúc bản báo cáo tóm lược bằng một chân dung phác họa ngắn về nghi phạm chưa biết đã thuê tên giết người. Chân dung này khớp với cả giả thuyết một lẫn giả thuyết hai: là một kẻ giàu sang, có khả năng giấu hành tung và đến giờ vẫn vô danh, có dính líu hay thậm chí là một bộ phận của giới tội phạm có tổ chức theo lối truyền thống.

Ngoài bản báo cáo thổi hồn cho bóng ma của Kenyon kia, điều thứ hai khiến McCaleb quan tâm là lời gợi ý rằng kẻ thuê sát thủ - do vậy là kẻ thực sự giết người - có dây mơ rễ má với giới tội phạm có tổ chức theo lối truyền thống. Theo lối nói của FBI thì tội phạm có tổ chức theo lối truyền thống có nghĩa là Mafia. Vòi bạch tuộc của Mafia hầu như có ở khắp nơi, nhưng dù có vậy đi chăng nữa thì ở miền Nam California bọn ấy cũng không có ảnh hưởng gì lắm. Ở vùng này số lượng tội ác có tổ chức là rất lớn, chỉ có điều phần lớn kẻ thủ ác không phải là đám găng tơ thường thấy trên màn ảnh. Tại bất cứ thời điểm nào thì ở miền Nam California cũng có nhiều tội phạm người châu Á hoặc người Nga hơn là tội phạm gốc Ý.

McCaleb sắp xếp hồ sơ theo trình tự thời gian rồi trở lại từ đầu. Hầu hết là các báo cáo tóm tắt theo thủ tục và tin tức cập nhật về khía cạnh này nọ của cuộc điều tra, được chuyển tiếp đến các cấp quản lý ở Washington. Nhanh chóng đọc qua các hồ sơ, ông tìm thấy một báo cáo về hoạt động của nhóm giám sát vào buổi sáng xảy ra vụ nổ súng, liền đọc đầy hào hứng.

Có bốn đặc vụ trong nhóm giám sát ngồi trong chiếc xe thùng tại thời điểm vụ giết người. Đó là lúc thay ca, tám giờ sáng thứ Ba. Hai đặc vụ đến thay, hai đặc vụ về nhà. Đặc vụ đang theo dõi các máy nghe lén tháo tai nghe đưa cho người đến thay mình. Tuy nhiên, người đến thay là một tay có tính cách thuộc loại A, anh này tuyên bố mình từng bị lây rệp tai từ một đặc vụ khác trong khi bàn giao tai nghe kiểu này. Thế nên anh ta nhẩn nha đeo hai miếng lót bằng mút vào cái tai nghe, sau đó lại còn xịt thuốc khử trùng lên, vừa làm vừa đáp trả những lời châm chọc chua cay của ba đặc vụ kia. Sau khi rốt cuộc anh này cũng đeo tai nghe lên đầu, anh ta nghe thấy im lặng gần một phút, kế đó có tiếng người nói chuyện qua lại nhưng bị nghẹt đi, rồi cuối cùng là một tiếng súng nổ từ chỗ nhà Kenyon. Tiếng súng bị ỉm đi bởi người ta không gắn thiết bị nghe lén ở sảnh vào nhà, họ cho rằng nếu Kenyon có lên kế hoạch đào tẩu kiểu gì đi nữa thì cũng không phải bằng cửa trước. Họ đã gắn bọ nghe lén ở các khu vực thật sự dành cho sinh hoạt trong ngôi nhà.

Đội đã trực đêm vừa qua hãy còn chưa đi mà vẫn tiếp tục cười đùa bỡn cợt trong xe. Sau khi nghe tiếng súng, đặc vụ đang nghe máy liền quát bảo họ im.

Anh ta lắng nghe trong mấy giây trong khi một đặc vụ khác đeo vào một tai nghe khác. Cả hai đều nghe tiếng ai đó trong nhà Kenyon nói rành rọt một câu ở gần một trong các máy ghi âm: “Đừng quên bánh cannoli đấy.”

Hai đặc vụ đang nghe máy nhìn nhau và nhất trí rằng không phải Kenyon vừa nói câu đó. Các đặc vụ liền tuyên bố tình trạng khẩn cấp rồi vứt bỏ vỏ bọc mà tức tốc xông vào nhà, chỉ vài tích tắc sau khi Donna Kenyon về tới, mở cửa thì thấy chồng nằm trên sàn đá hoa cương, đầu tắm trong vũng máu. Gọi cho lực lượng dự phòng ở Cục, cảnh sát địa phương và cấp cứu y tế xong, các đặc vụ lục soát ngôi nhà và khu vực xung quanh. Hung thủ đã biến mất.

McCaleb chuyển sang đoạn chép lại giờ cuối cùng trên băng ghi âm tại nhà Kenyon. Cuốn băng đã được phòng lab của FBI xử lý nhưng vẫn không nắm bắt được mọi lời nói. Có tiếng hai đứa con gái ăn điểm tâm, rồi thì cuộc trò chuyện thông thường vào buổi sáng giữa Kenyon với vợ con gã. Thế rồi, lúc 7 giờ 40, ba mẹ con rời khỏi nhà.

Bản ghi lưu ý rằng có chín phút im lặng trước khi Kenyon gọi điện đến nhà luật sư của gã là Stanley LaGrossa.

LAGROSSA: Vâng?

KENYON: Donald đây.

LAGROSSA: Chào Donald.

KENYON: Ta vẫn tiếp tục chứ?

LAGROSSA: Vẫn, nếu anh vẫn còn nghiêm túc về chuyện đó.

KENYON: Tôi nghiêm túc. Vậy tôi đến gặp anh ở văn phòng nhé.

LAGROSSA: Anh biết là không nên mà. Tôi sẽ đến gặp anh.

Tám phút nữa trôi qua, rồi thì ta nghe thấy một giọng mới, không biết của ai trong ngôi nhà. Một phần cuộc trò chuyện cộc lốc bị mất vì Kenyon và kẻ lạ đi tới đi lui trong nhà, hết vào rồi lại ra khỏi tầm hoạt động của thiết bị nghe trộm. Cuộc trò chuyện rõ là diễn ra trong khi các đặc vụ đang nhẩn nha lần lữa việc bàn giao tai nghe trong chiếc xe tải nhỏ đầy máy móc.

KENYON: Cái gì...

KẺ LẠ: Câm mồm! Làm như tao nói thì cả nhà mày sống, hiểu chửa?

KENYON: Mày không thể cứ thế bước vào đây mà...

KẺ LẠ: Tao đã bảo câm! Đi thôi. Lối này.

KENYON: Đừng hại gia đình tôi. Xin làm ơn, tôi…

KẺ LẠ: (không nghe rõ)

KENYON: ... làm thế. Tôi không dám, mà ông ấy biết thế. Chuyện này tôi không hiểu. Ông ấy... Tôi không dám, ông ấy biết thế cơ mà. Tôi không hiểu gì cả. Ông ấy...

KẺ LẠ: Câm mồm. Tao đếch cần.

KENYON: (không nghe rõ)

KẺ LẠ: (không nghe rõ)

Báo cáo ghi nhận rằng có hai phút im lặng trôi qua, rồi thì mẩu trao đổi cuối cùng.

KẺ LẠ: Được, để rồi xem ai...

KENYON: Đừng... Cô ấy chả liên quan gì tới chuyện này. Cô ấy…

Thế rồi một phát súng vang lên. Và thoáng chốc sau micro số 4 giấu trong một căn phòng nhỏ phía hậu có cửa mở ra vườn sau ghi được lời cuối cùng của kẻ lạ.

KẺ LẠ: Đừng quên bánh cannoli đấy.

Cửa vào phòng hậu này để mở. Nó đã được dùng làm một phần lối thoát thân của hung thủ.

McCaleb đọc lại bản ghi một lần nữa, bị mê hoặc bởi ý nghĩ đây là những khoảnh khắc và lời nói cuối cùng của một con người. Ông ước gì mình có cuốn băng kia, để có thể cảm nhận được tốt hơn điều gì đã xảy ra.

Tài liệu kế tiếp mà ông đọc lý giải vì sao các điều tra viên tình nghi có sự tham gia của bọn tội phạm có tổ chức. Đó là báo cáo của nhóm mật mã. Cuốn băng thu âm ở nhà Kenyon đã được gửi đến phòng lab tội phạm để xử lý. Sau đó đoạn ghi lại được gửi đến bộ phận giải mã. Chuyên viên phân tích được giao nhiệm vụ tập trung vào câu cuối cùng của kẻ giết người, nói sau khi Kenyon gục xuống và dường như chẳng ăn nhập vào đâu. Câu “Đừng quên bánh cannoli đấy” được nạp vào máy tính giải mã để xem có khớp với một mã nào họ đã biết không, liệu có từng gặp trong các báo cáo trước đây của Cục hay là một câu trích từ văn chương phim ảnh không. Hóa ra có một câu khớp tắp lự.

Trong phim Bố già, bộ phim đã truyền cảm hứng cho lũ lĩ những tên côn đồ mafia có thật ngoài đời, một đầu lĩnh của gia đình Corleone là Peter Clemenza được giao nhiệm vụ dẫn một tên phản bội gia đình đến vùng đồng cỏ chăn thả ở New Jersey và giết gã này. Buổi sáng Clemenza rời nhà đi làm nhiệm vụ, vợ hắn bảo hắn ghé hiệu bánh để mua bánh. Khi gã Clemenza béo ục ịch ì ạch đi về phía chiếc xe đang đợi sẵn trên đó có kẻ mà hắn được giao nhiệm vụ giết, vợ hắn gọi với theo: “Đừng quên bánh cannoli đấy.”

McCaleb thích phim ấy và giờ ông nhớ câu nói đó. Nó nắm bắt quá rõ ràng bản chất của cuộc sống giới băng đảng trong phim ảnh - sự hung ác tàn bạo và vô cảm đi liền với giá trị gia đình và sự trung thành. Giờ thì ông hiểu tại sao Cục kết luận rằng vụ giết Kenyon có liên quan đến giới băng đảng theo cách này hay cách khác. Câu nói này mang sự càn rỡ và ngang tàng của giới xã hội đen. Ông có thể thấy một kẻ giết người sắt đá dùng nó làm con triện đóng lên tác phẩm của mình.

“Đừng quên bánh cannoli đấy,” McCaleb nói to lên.

Đột nhiên ông nghĩ gì đó và rồi một cơn sốc điện nhỏ lướt qua người ông.

“Đừng quên bánh cannoli đấy,” ông nhắc lại.

Ông đi nhanh đến chỗ cái túi da, lục lọi cùng khắp cho đến khi tìm thấy cuốn băng video quay vụ bắn James Cordell. Ông lại chỗ tivi, nhét cuốn băng vào rồi cho chiếu. Sau khi nắm được mình đang ở đoạn nào của cuốn băng, ông tua nhanh về sau cho đến khoảnh khắc xảy ra vụ nổ súng rồi lại nhấn Play. Mắt ông dán vào miệng kẻ đeo mặt nạ và trong khi gã đó bắt đầu nói trên cuốn băng câm, McCaleb nói to lên cùng với hắn.

“Đừng quên bánh cannoli đấy.”

Ông tua băng về trước rồi lại làm vậy nữa, lại nói thế nữa. Lời ông nói ra khớp với môi của hung thủ. Ông tin chắc là khớp. Ông cảm thấy nỗi phấn khích và adrenalin sôi trào lên trong ông lúc này. Đó là một cảm giác chỉ xuất hiện khi ta có xung năng, khi ta đang bứt phá chính mình. Khi ta đang tiến gần tới sự thật bị ẩn giấu.

Ông lấy cuốn băng quay vụ giết Gloria Torres ra, đút vào đầu video rồi lại lặp lại quy trình. Một lần nữa những từ đó lại khớp với môi của hung thủ. Không nghi ngờ gì nữa.

“Đừng quên bánh cannoli đấy,” ông nói to một lần nữa.

Ông đi lại chỗ tủ gần bàn vẽ hải đồ, lấy điện thoại ra. Ông vẫn còn chưa nghe lại các tin nhắn đã tích lại suốt kỳ nghỉ cuối tuần qua, nhưng lúc này ông đang quá kích động chẳng còn tâm trí đâu để làm vậy. Ông bấm số gọi Jaye Winston.

“Anh biến đi đâu vậy, có khi nào anh chịu kiểm tra máy chưa hả?” chị hỏi. “Tôi cày cục gọi anh suốt cả cuối tuần rồi lại suốt cả ngày đặng mà giải thích. Không phải tôi…”

“Tôi biết. Không phải chị. Mà là Hitchens. Nhưng tôi cũng đâu có gọi vì chuyện đó. Tôi biết Cục họ nói gì với chị rồi. Tôi biết các chị đã tìm được gì - có mối liên hệ với Donald Kenyon. Chị phải đưa tôi vào lại vụ này.”

“Không thể được. Hitchens đã nói thậm chí tôi còn không được nói chuyện với anh nữa kìa. Làm sao tôi có thể đưa...”

“Tôi có thể giúp chị.”

“Làm sao? Bằng cái gì?”

“Chỉ cần trả lời tôi điều này thôi, xem tôi nói đúng không. Sáng nay Gilbert Spencer và một cặp đặc vụ tác chiến - tôi đoán tên họ là Nevins và Uhlig - đã đến cho chị biết tin rằng viên đạn chị gửi đến Washington khớp với viên đạn bắn Kenyon. Đúng không?”

“Đến giờ thì đúng, nhưng đâu phải là...”

“Tôi chưa nói hết. Kế tiếp, ông ta bảo chị rằng Cục muốn xem xét vụ của chị và vụ của bên Los Angeles nhưng ban đầu dường như không có mối liên hệ nào khác ngoài hung khí gây án. Ông ta bảo rằng nói gì thì nói vụ Kenyon là do sát thủ chuyên nghiệp, còn hai vụ của bọn chị thì chỉ là cướp đường mà thôi. Không chỉ vậy, hung thủ giết Kenyon dùng đạn Devastator còn gã của bọn chị thì dùng thứ khác. Federal. Điều đó hỗ trợ cho giả thuyết của bên Cục rằng hung thủ chuyên nghiệp trong vụ Kenyon sau khi gây án thì liền vứt súng đâu đó, thế rồi hung thủ trong hai vụ của chị mới xuất hiện mà nhặt súng ấy. Hết liên hệ. Tới giờ thì tôi đúng sai thế nào?”

“Đúng phóc.”

“OK, thế rồi chị hỏi Spencer thông tin về vụ Kenyon, chỉ là để chị có thể tự kiểm tra chéo, nhưng rồi chuyện đó không suôn sẻ mấy.”

“Anh ta bảo vụ Kenyon đang ở thời điểm - trích nguyên văn - nhạy cảm và rằng anh ta muốn đám lính trơn bọn tôi chỉ được phép biết những gì cần biết mà thôi.”

“Và Hitchens đồng ý thế?”

“Anh ta gió chiều nào xuôi chiều nấy.”

“Thế có ai dọn bánh cannoli lên chưa?”

“Gì cơ?”

McCaleb dành năm phút sau đó để giải thích mối liên hệ về chuyện bánh cannoli, đọc cho chị bản ghi lại đoạn băng nghe lén trong nhà Kenyon và kết luận của báo cáo giải mã. Winston bảo tất cả những chuyện đó Gilbert Spencer chẳng hề nhắc tới trong cuộc họp hồi sáng. McCaleb biết anh sẽ không nhắc. McCaleb từng là người ở Cục. Ông biết cái kiểu Cục vẫn làm xưa nay. Hễ có cơ hội là người ta sẽ cho đám cảnh sát địa phương ra rìa và bảo từ phút này trở đi Cục sẽ lo mọi thứ.

“Vậy là mối liên hệ bánh cannoli khiến ta thấy rõ đó chẳng phải là một khẩu súng vứt đi rồi thằng cha của chúng ta tình cờ nhặt được,” McCaleb nói. “Trong cả ba vụ đều chỉ một hung thủ mà thôi. Kenyon, rồi Cordell, rồi thì Torres. Người ở Cục nhà chị có biết điều đó hay không khi đến họp, tôi không biết. Nhưng nếu chị sao cho họ hồ sơ cái vụ án cùng với mấy cuốn băng thì giờ họ biết, vấn đề là, làm thế nào ráp ba vụ giết người đó lại với nhau được.”

Winston im lặng một thoáng trước khi cuối cùng để lộ nỗi bối rối.

“Trời ạ, tôi không... thôi nào, có khi chẳng liên hệ gì với nhau hết. Xem đó, nếu đó là một kẻ giết thuê như bên Cục nói thì cũng có khi là ba vụ thuê riêng rẽ. Anh hiểu không? Có thể chẳng có mối liên hệ nào hết ngoại trừ chuyện cùng một kẻ sát nhân đó giết ba người theo ba vụ làm ăn khác nhau.”

McCaleb lắc đầu nói: “Cũng có thể, tôi đoán vậy, nhưng nếu thế thì chẳng hợp lý gì hết. Ý tôi là cô Gloria Torres thì đã làm gì nên nông nỗi trở thành đích ngắm của một sát thủ chuyên nghiệp? Cô ấy làm việc ở nhà in của tòa báo thôi mà.”

“Có thể là cô ấy đã thấy cái gì đó. Có nhớ hôm thứ Sáu anh đã nói gì về chuyện có mối liên hệ nào đó giữa hai người, Torres và Cordell không? Ừ thì có thể vẫn đúng là thế, chỉ có điều cái chung giữa hai người bây giờ là đã họ cùng thấy hoặc cùng biết một điều gì đó.”

McCaleb gật.

“Thế còn những biểu tượng, mấy thứ mà hắn lấy của Cordell và Torres thì sao?” ông hỏi, với chính mình hơn là với Winston.

“Tôi không biết,” chị nói. “Có thể ấy là một tên sát thủ thích lấy thứ này thứ nọ làm kỷ niệm. Có thể là hắn phải có gì đó trình cho kẻ thuê hắn để làm bằng là hắn đã giết đúng người. Có chỗ nào trong báo cáo nói là có một thứ gì đó của Kenyon bị lấy đi không?”

“Theo tôi thấy thì không.”

Tâm trí ông rối nùi biết bao nhiêu khả năng có thể xảy ra. Câu hỏi của Winston khiến ông nhận ra rằng trong lúc hưng phấn ông đã gọi chị quá sớm. Ông hãy còn một đống hồ sơ về vụ Kenyon chưa đọc. Mối liên hệ ông đang tìm kiếm có khi nằm ngay trong đó.

“Terry này?”

“Vâng, xin lỗi, chỉ là tôi đang suy nghĩ thôi. Này, tôi sẽ gọi lại chị sau. Tôi còn một số thứ phải xem cho kỹ và có thể...”

“Anh còn những gì nữa?”

“Tôi nghĩ tôi đã tìm được tất cả, hoặc hầu như tất cả những gì Spencer không nói cho chị biết.”

“Tôi dám nói rằng điều này sẽ khiến anh lại được đội trưởng chấm điểm cao đấy.”

“Ồ, đừng nói gì với ông ta vội. Cứ để tôi suy nghĩ cho thấu đáo thêm chút nữa rồi tôi sẽ gọi cho chị.”

“Anh hứa đấy chứ?”

“Ừ.”

“Thì nói rõ ra thế đi. Tôi không muốn anh lại làm tôi phải giơ đầu chịu báng lần nữa đâu.”

“Này, tôi về hưu rồi, nhớ không? Tôi hứa.”

Một tiếng rưỡi sau McCaleb nghiên cứu xong mớ hồ sơ của Cục. Lượng adrenaline đã khiến ông hừng hực ban nãy giờ đã tiêu biến. Ông đã biết thêm nhiều thông tin mới trong khi đọc mớ hồ sơ, nhưng chẳng có gì gợi ra rằng liệu giữa Kenyon với Cordell và Torres có mối liên hệ nào hay không.

Phần còn lại trong mớ hồ sơ của Cục bao gồm một bản in dài thườn thượt tên họ, địa chỉ và lịch sử đầu tư của hai ngàn nạn nhân vụ ngân hàng tiết kiệm và cho vay sụp đổ. Nhưng cả Cordell lẫn Torres đều không phải nhà đầu tư.

Cục đã phải xem mỗi một nạn nhân của vụ ngân hàng sập tiệm là một nghi phạm trong vụ bắn chết Kenyon. Mỗi cái tên trong danh sách nhà đầu tư đều được truy cứu tận nguồn, rà đi soát lại để xem có mối liên hệ nào với giới tội phạm không, có dấu hiệu nào khả dĩ khiến cái tên đó có thể bị nâng lên mức nghi phạm thực tế không. Chừng một tá nhà đầu tư đã bị nâng lên mức đó, nhưng rốt cuộc đều được loại ra sau khi người ta tiến hành điều tra thực địa đầy đủ.

Thế rồi họ chuyển hướng điều tra, tập trung vào giả thuyết thứ hai, rằng cái bóng ma của Kenyon là có thật và kẻ đó đã xuống lệnh hạ sát kẻ biển thủ hàng triệu đô cho hắn.

Giả thuyết này có thêm sức thuyết phục khi người ta biết được rằng Kenyon sắp sửa tiết lộ gã đã chuyển quỹ bòn rút từ ngân hàng ra cho ai. Theo một bản khai từ luật sư của Kenyon là Stanley LaGrossa, Kenyon đã quyết định hợp tác với nhà chức trách với hy vọng văn phòng luật sư Hoa Kỳ sẽ gửi đơn xin giảm án lên vị thẩm phán đã tuyên phạt gã. LaGrossa nói rằng đúng vào buổi sáng Kenyon bị ám sát, họ đã dự định gặp nhau để bàn xem LaGrossa sẽ thương thảo thế nào về việc Kenyon hợp tác với chính quyền.

McCaleb lật nhanh các báo cáo đã đọc rồi đọc lại bản tường thuật ngắn ghi lại cú gọi của Kenyon cho LaGrossa chỉ mười phút trước vụ ám sát. Cuộc trao đổi ngắn ngủi giữa luật sư và khách hàng xem ra hỗ trợ cho lời khai của LaGrossa rằng Kenyon đã sẵn sàng hợp tác.

Giả thuyết của cục được sơ phác trong một báo cáo bổ sung kèm theo tờ trình của LaGrossa như sau: đối tác im lặng của Kenyon hoặc vì muốn chắc ăn nên bèn khử Kenyon, hoặc là hắn khử Kenyon sau khi biết rõ rằng đối tác của hắn đang định hợp tác với điều tra viên của chính phủ. Báo cáo bổ sung này lưu ý rằng các đặc vụ và công tố viên liên bang vẫn chưa được bên phía Kenyon tiếp xúc với đề nghị hợp tác. Thế có nghĩa, nếu có chuyện rò rỉ thông tin cho đối tác im lặng của hắn biết thì ắt là rò rỉ từ người của Kenyon, có khi từ chính LaGrossa không chừng.

McCaleb đứng dậy rót một cốc nước cam, dốc sạch cả một hộp nửa gallon ông vừa mua sáng thứ Bảy rồi.

Ông vừa uống vừa nghĩ xem toàn bộ thông tin về vụ Kenyon có ý nghĩa gì đối với cuộc điều tra. Nhất định là nó chỉ khiến mọi chuyện thêm mờ mịt. Mặc cho cơn ngây ngất ban đầu nhờ adrenaline, lúc này ông nhận ra rằng về cơ bản mình đã quay lại mốc khởi đầu, chẳng biết hơn được bao lăm về chuyện ai giết Gloria Torres và tại sao lại giết so với khi mới mở bưu kiện do Carruthers gửi.

Trong khi súc cốc vừa uống, ông nhận thấy có hai người đàn ông đang bước xuống cầu tàu chính dẫn vào bến. Họ mặc com lê màu xanh dương hầu như giống hệt nhau. Bất cứ ai mặc com lê mà bước xuống bến tàu đều không thể lẫn vào đâu được - thường đấy là nhân viên ngân hàng cho vay đến siết nợ một thuyền nào đó. Nhưng lần này McCaleb biết không phải thế. Nhìn cái kiểu họ là ông nhận ra ngay. Họ đến để tìm ông. Ắt hẳn họ đã phát hiện ra Vernon Carruthers rồi.

Thật nhanh, McCaleb lại bàn nhặt nhạnh hết mớ hồ sơ của Cục. Đoạn ông tách riêng chồng giấy tờ liệt kê tên, địa chỉ và các thông tin khác về vụ sụp đổ ngân hàng tiết kiệm và cho vay. Ông cất chồng hồ sơ dày đó vào một trong các tủ kín cao hơn đầu ở trong bếp. Chỗ hồ sơ còn lại thì ông nhét vào túi da rồi luồn vào cái tủ dưới bàn vẽ hải đồ.

Ông đẩy cửa trượt phòng khách rồi bước ra mũi thuyền chào hai đặc vụ. Ông đóng cửa rồi khóa lại sau lưng mình.

“Ông McCaleb?” người trẻ hơn nói. Anh ta có ria mép, khá là cả gan so với chuẩn mực của Cục.

“Để tôi đoán nhé, các anh là Nevins và Uhlig.”

Họ trông chẳng vui vẻ gì khi bị nhận diện. “Chúng tôi lên thuyền được không?”

“Được chứ.”

Người trẻ hơn được giới thiệu là Nevins. Người lớn tuổi hơn Là Uhlig, hầu như chỉ mình anh ta nói.

“Nếu ông đã biết bọn tôi là ai thì ông cũng biết tại sao bọn tôi tới. Bọn tôi không biết cái vụ này đã hôi lại càng hôi. Nhất là nếu tính tới chuyện ông từng phục vụ ở Cục. Thành thử nếu ông đưa cho bọn tôi mớ hồ sơ bị đánh cắp thì chuyện có thể kết thúc ngay ở đây.”

“Ôi cha,” McCaleb nói, giơ hai tay lên trời. “Hồ sơ bị đánh cắp á?”

“Ông McCaleb này,” Uhlig nói. “Chúng tôi đã để mắt tới chuyện ông đang nắm giữ hồ sơ mật của FBI. Ông không còn là đặc vụ nữa. Ông không nên nắm giữ chỗ hồ sơ đó. Như tôi vừa nói, nếu ông muốn gặp phiền phức vì chuyện này thì bọn tôi có thể làm nó thành ra phiền phức cho ông. Nhưng thật tình bọn tôi muốn là muốn lấy chỗ hồ sơ đó lại.”

McCaleb bước tới ngồi lên mép thuyền. Ông đang cố nghĩ xem làm cách nào họ biết được, và rồi nghĩ ra chỉ có thể là từ Carruthers. Không còn cách nào khác. Vernon chắc hẳn đã bị người ta bắt nọn ở Washington nên đành phải khai ra McCaleb. Nhưng xem ra bạn cũ của ông khó lòng làm như vậy, dù có bị người ta gây sức ép thế nào đi nữa.

Ông quyết định tin vào trực giác của mình và lật bài ngửa. Nevins và Uhlig biết Carruthers đã tiến hành so sánh đạn đạo bằng laser theo yêu cầu của McCaleb. Chuyện đó chẳng có gì là bí mật cả. Nếu vậy thì ắt họ phải cho rằng Carruthers hẳn đã gửi cho ông bản sao các file trong máy tính.

“Quên đi, các cậu,” cuối cùng ông nói. “Tôi chả có hồ sơ gì ráo, ăn cắp hay gì cũng vậy thôi. Các cậu có thông tin sai rồi.”

“Vậy thì làm thế nào ông biết bọn tôi là ai?” Nevins hỏi.

“Dễ mà. Hôm nay tôi đã biết khi các cậu đến văn phòng cảnh sát trưởng đặng bảo họ cho tôi ra rìa trong vụ này.”

McCaleb khoanh tay trước ngực nhìn qua hai đặc vụ về phía thuyền của Buddy Lockridge. Buddy đang ngồi nơi mũi thuyền, vừa nhấp một lon bia vừa quan sát cảnh hai người vận com lê trên chiếc Biển Theo Ta.

“Thôi được, bọn tôi sẽ đi kiểm tra một vòng cho chắc,” Uhlig nói.

“Nếu không có lệnh khám xét thì không được, mà tôi ngờ lệnh thì các cậu không có.”

“Sau khi ông cho phép chúng tôi vào tìm thì chúng tôi không cần có lệnh khám.”

Nevins bước lại chỗ cửa trượt phòng khách, cố đẩy cửa mở rộng ra. Anh ta thấy cửa khóa. McCaleb mỉm cười.

“Cách duy nhất để các cậu vào được trong đó là phá cửa, Nevins ạ. Mà làm vậy thì trông chả giống được phép vào lắm đâu, nếu hỏi thì tôi nói thế. Ngoài ra, các cậu không nên làm vậy khi có một nhân chứng không dính líu gì đang quan sát.”

Cả hai đặc vụ bắt đầu nhìn quanh vũng neo thuyền. Cuối cùng, họ nhìn ra Lockridge, anh này liền giơ lon bia lên như để chào. McCaleb thấy cơn tức tối khiến cho hàm Uhlig cứng lại.

“Được rồi, McCaleb,” tay đặc vụ lớn tuổi hơn nói. “Cứ giữ hồ sơ đi. Nhưng tôi bảo anh ngay bây giờ, đồ khôn lỏi ạ, đừng có mà xen vào. Cục đang trong quá trình tiếp quản vụ này và bọn tôi hoàn toàn không muốn có gã người thiếc tay mơ nào đấy huy hiệu chả có đã đành mà ngay cả trái tim của chính mình cũng không có nốt lại đi xía vào xới tung mọi chuyện lên.”

McCaleb cảm thấy hàm của chính mình cứng lại.

“Cút khỏi thuyền tôi ngay.”

“Được rồi. Tụi này đi đây.”

Cả hai trèo lại lên bến thuyền. Trong khi tiến về phía cầu tàu, Nevins ngoái lại nói: “Hẹn gặp sau nhé, Người Thiếc.”

McCaleb nhìn theo cho đến khi họ đi qua cổng.

“Chuyện gì thế hả?” Lockridge hỏi với sang.

McCaleb xua tay trong khi vẫn quan sát hai tay đặc vụ.

“Mấy thằng bạn cũ đến thăm thôi mà.”

Lúc này đã gần 8 giờ tối ở miền Đông. McCaleb gọi điện về nhà Carruthers. Bạn ông nói anh ta vừa bị sếp nạo cho mẻ ra trò.

“Tớ bảo họ, tớ nói, ‘Ấy, có thông tin gì tớ chuyển hết cho Lewin rồi. Vâng, quả là tớ có hơi vội gửi bưu kiện đi theo yêu cầu của cựu đặc vụ McCaleb, nhưng tớ không cung cấp bản sao báo cáo đó hay bất cứ báo cáo nào khác cho ông ta hết.’ Này, họ không tin tớ thì họ cứ đi mà bới. Tớ là gã đường đường chính chính. Họ muốn tớ đi chỗ khác chơi thì tớ đi. Đã thế thì mỗi lần họ bắt tớ đến kiểm chứng một trong các vụ của tớ là họ phải trả tiền tớ. Mà tớ thì có ối vụ, nói thế cậu hiểu đấy.”

Anh ta nói như thể cho cả một người thứ ba đang nghe lén. Mà với FBI thì ta chẳng bao giờ chắc được liệu một kẻ như thế có hay không có. McCaleb hiểu ý.

“Ở đây cũng thế thôi. Họ tới, cố cư xử như thể tớ đang có mấy bản báo cáo mà kỳ thực tớ không có, tớ mới bảo họ cút khỏi thuyền tớ tức khắc.”

“Ừ, cậu cừ đấy.”

“Cậu cũng vậy Vernon. Tớ phải đi đây. Trông coi Biển Theo Ta, bồ ạ.”

“Là gì vậy?”

“Hãy coi chừng sau lưng mình.”

“Ừ, phải. Cậu cũng thế nhé.”

Winston nhấc máy chỉ sau nửa hồi chuông.

“Anh đi đâu suốt vậy?”

“Bận. Nevins với Uhlig mới ghé thăm tôi tí chút. Chị có copy cho họ tất cả những gì đã copy cho tôi tuần rồi không?”

“Hồ sơ, băng, Hitchens đưa tất cho họ mà.”

“Ừ, được rồi, ắt là họ đến về vụ mối liên hệ bánh cannoli. Họ đến là muốn giành vụ này, Jaye à. Chị sắp phải cố mà trụ đấy.”

“Anh nói gì thế? Cục đâu thể khơi khơi giành lấy một cuộc điều tra án mạng như vậy được.”

“Họ sẽ tìm ra cách. Giành thì họ không giành, nhưng họ sẽ đảm nhận hết. Tôi nghĩ họ biết rằng trong mấy vụ này không phải chỉ mỗi khẩu súng là yếu tố chung duy nhất. Họ là đồ chết giẫm nhưng là đồ chết giẫm khôn. Tôi nghĩ một khi đã xem mấy cuốn băng chị đưa cho thì họ cũng nghĩ được điều tôi nghĩ. Họ biết trước sau chỉ có một hung thủ và có cái gì đó kết nối ba vụ lại với nhau. Họ tới để đe tôi, buộc tôi phải rút lui. Kế tiếp là chị đấy.”

“Nếu họ nghĩ tôi sẽ cứ thế giao tất vụ này cho họ và...”

“Không phải chị đâu. Họ sẽ tới gặp Hitchens. Và nếu ông ta không đồng ý làm theo ý họ thì họ sẽ còn leo lên trên nữa. Tôi từng là người trong bọn họ, nhớ không? Tôi biết cách làm việc của Cục. Mình càng lên cao thì sức ép càng lớn.”

“Chó chết!”

“Chúc mừng chị gia nhập nhóm.”

“Anh định sẽ làm gì đây?”

“Tôi á? Mai tôi trở lại làm việc. Tôi không phải báo cáo với Cục hay Hitchens hay bất cứ ai. Chỉ mình tôi trong vụ này.”

“Ừ, anh hẳn là người duy nhất có cơ hội làm việc này. Chúc may mắn.”

“Cám ơn. Tôi có thể tận dụng cái cơ hội ấy.”
 
Chương 26


Mãi cuối ngày McCaleb mới sờ tới được các ghi chép và hồ sơ tài chính lấy từ nhà Amelia Cordell. Thấm mệt vì làm việc nơi bàn giấy, ông nhanh chóng lướt qua các ghi chú thì thấy chẳng có gì trong các hồi ức của cô vợ góa gợi lên được chút chú ý ở ông. Từ các bản kê tài khoản ngân hàng ông nhanh chóng xác định rằng Cordell được trả lương mỗi thứ Tư qua chuyển khoản trực tiếp. Trong vòng ba tháng mà McCaleb hiện có bản kê tài khoản, Cordell đều rút tiền bằng máy ATM vào đúng ngày trả lương tại đúng chi nhánh ngân hàng nơi rốt cuộc anh bị giết. Điều này quan trọng ở chỗ nó xác nhận rằng, cũng như Gloria Torres dừng chân nơi Siêu thị Sherman, Cordell đang theo đúng một thói quen lặp đi lặp lại dễ nhận ra vào thời điểm anh bị ám sát. Điều này khiến McCaleb vững tin hơn rằng hung thủ đã theo dõi các nạn nhân - trong trường hợp Cordell là trong ít nhất một tuần, nhưng có thể lâu hơn.

McCaleb đang liếc qua các bản kê chi tiết thẻ tín dụng thì cảm thấy thuyền hơi trĩu xuống, nhìn ra ngoài ông thấy Graciela đang bước xuống đuôi thuyền. Thật là ngạc nhiên thú vị.

“Graciela,” ông vừa bước ra đuôi thuyền vừa nói. “Em làm gì ở đây?”

“Anh không nhận tin nhắn của em à?”

“Không, anh... à, anh chưa kiểm tra tin nhắn.”

“Em có gọi điện nói là em đến đây mà. Em viết xong vài điều về Glory rồi đây. Như anh yêu cầu.”

McCaleb suýt nữa đã rền rĩ. Lại thêm việc giấy tờ nữa. Nhưng thay vì rền rĩ ông bảo nàng rằng ông rất cảm kích thấy nàng làm nhanh đến thế sau khi ông đề nghị.

Ông nhận thấy nàng đeo túi bằng vải len thô trên vai. Ông đỡ lấy túi từ nàng.

“Cái gì trong túi vậy? Em đâu có viết nhiều đến thế phải không?”

Nàng nhìn ông mỉm cười.

“Đồ đạc của em. Chắc em sẽ ở lại đây nữa đấy.”

McCaleb rùng mình nhè nhẹ ở bên trong, mặc dù ông biết nàng ở lại không nhất thiết có nghĩa là họ sẽ ngủ với nhau.

“Còn Raymond đâu?”

“Ở với bà Otero. Mai bà ấy cũng sẽ đưa nó đi học. Em xin nghỉ phép một ngày.”

“Thế nào cơ?”

“Để em có thể làm tài xế cho anh.”

“Anh có người khác lái xe rồi. Em không cần phải xin...”

“Em biết, nhưng là em muốn thế. Với lại, em có hẹn cho anh gặp sếp của Glory ở chỗ tờ Thời báo. Và em muốn đi cùng anh khi anh nói chuyện với ông ta.”

“OK, thì em lái vậy.”

Nàng mỉm cười, và ông đưa nàng vào phòng khách.

Sau khi mang túi xách của nàng xuống phòng ngủ và rót cho nàng một cốc từ một chai vang đỏ mới, McCaleb ngồi xuống với nàng nơi đuôi thuyền rồi bắt đầu thuật cho nàng về những tiến triển mới của vụ án. Trong khi ông kể về Kenyon, nàng mở to mắt mà cố sức chấp nhận ý nghĩ rằng có mối liên hệ đâu đó giữa em gái nàng với kẻ tội phạm bị ám sát kia.

“Không nảy ra được điều gì hiển nhiên cả, phải không?” ông hỏi.

“Không. Em hoàn toàn không hiểu nổi làm thế nào mà...”

Nàng không nói hết câu.

McCaleb lắc đầu rồi thõng hẳn người xuống trên ghế xếp. Nàng mở ví lấy cuốn sổ trong đó nàng đã ghi lại những việc em gái nàng thường làm. Họ đọc qua một lượt. Trong số những điều nàng ghi lại chẳng có gì McCaleb thấy có ý nghĩa cả. Nhưng ông bảo nàng thông tin này có thể hữu ích do vụ án sẽ còn tiến triển.

“Mọi việc thay đổi đến là lạ,” ông nói. “Mới tuần trước đây chỉ là vụ cướp bình thường. Giờ thì lại có khả năng động cơ giết người là do bệnh tâm thần hoặc thậm chí là một dạng giết thuê. Còn giờ khả năng thứ ba là do ngẫu nhiên tình cờ.”

Graciela nhấp rượu trước khi trả lời.

“Làm cho vụ án khó khăn hơn phải không?” nàng hỏi bằng giọng nhẹ nhàng.

“Không,” Ông nói. “Nó chỉ có nghĩa là ta gần tới nơi rồi. Mình chỉ cần phải nghĩ thoáng, không loại trừ một khả năng nào cả. Rồi thì sàng lọc dần… Tất cả chỉ có nghĩa là ta gần tới nơi rồi.”

Sau khi ngắm hoàng hôn, Graciela lái xe đưa cả hai người đến một nhà hàng Ý nhỏ ở khu Belmont Shores của Long Beach. McCaleb thích đồ ăn ở đó, rồi thì họ lại được ngồi riêng biệt ở một trong ba căn rạp tròn của nhà hàng. Suốt bữa ăn tối McCaleb cố đổi chủ đề vì thấy Graciela vẫn đang phiền muộn do những bước ngoặt mới của cuộc điều tra. Ông kể với nàng dăm chuyện cười không đâu vào đâu mà ông nhớ từ hồi còn ở Cục, nhưng cũng chỉ họa hoằn nàng mới nhếch miệng cười.

“Hồi anh còn làm việc này trọn thời gian thì chắc là vất vả lắm,” nàng vừa nói vừa đẩy đĩa mì gnocchi mới ăn chừng phân nửa sang bên. “Ý em là cứ phải suốt ngày đương đầu với mấy loại người đó. Ắt là phải...”

Nàng không nói hết. Ông chỉ gật. Ông nghĩ họ không nên nói chuyện đó thêm lần nữa.

“Anh có bao giờ nghĩ anh sẽ qua được không?”

“Gì cơ, việc này ấy à?”

“Không, là qua được những gì nó gây ra cho anh. Như chuyện anh kể em nghe ấy. Nhà Tù Quỷ. Tất cả những gì đã xảy ra với anh. Anh có qua được nó không?”

Ông nghĩ một thoáng. Ông cảm thấy câu trả lời của mình chất chứa quá nhiều điều.

Nàng đang hỏi về đức tin và đang quyết định điều đó về ông. Ông biết, điều quan trọng là câu trả lời của ông phải trung thực, nhưng đúng. Với ông, ông cần trả lời đúng.

“Graciela ạ, anh chỉ có thể nói với em rằng anh hy vọng mình sẽ vượt qua được. Anh muốn mình được khôi phục lại. Khôi phục thành gì, anh không chắc. Nhưng anh đã trống rỗng quá lâu nên anh muốn mình đầy trở lại. Trong thâm tâm, anh cảm thấy nói về chuyện đó thì thật kỳ cục, nhưng mà nó có đấy. Anh muốn em biết điều đó. Anh không biết nói vậy liệu có trả lời được cho điều em cần biết về anh không. Nhưng anh đang hy vọng và chờ đợi sẽ có được những gì anh nghĩ là em có.”

Ông không chắc mình nói thế có nghĩa gì không, ông đi vòng quanh căn rạp cho đến khi ở ngay bên phải nàng. Ông rướn người tới trước hôn má nàng, ở góc cao, được tấm vải bàn kẻ ca rô đỏ che khuất, ông đặt tay lên đầu gối nàng rồi nhè nhẹ lần tay lên phần trên đùi nàng. Đó là kiểu vuốt ve chỉ của một người tình. Nhưng ông tuyệt vọng muốn bám lấy nàng, cố không mất nàng, và ông đã mất tự tin vào lời nói. Ông phải chạm tới nàng bằng cách nào đó.

“Mình đi được không?” nàng hỏi.

Ông nhìn nàng một thoáng.

“Đi đâu?”

“Về thuyền.”

Ông gật đầu.

Trở về thuyền, Graciela dẫn ông vào phòng ngủ rồi làm tình với ông không chút ngại ngần. Trong khi họ di chuyển với nhịp điệu chậm. McCaleb cảm thấy tim mình đập trong ngực dữ dội và nặng nề đến mỗi nhịp tim hồ như vang vang trong hai thái dương ông, một cảm giác rần rật giục giã ông làm gấp gáp hơn. Ông tin chắc nàng cũng cảm thấy vậy, cảm thấy nó đập phừng phừng trong ngực nàng, nhịp điệu của sự sống.

Cuối cùng, một cơn rùng mình chạy suốt châu thân ông và ông áp sát mặt vào chỗ hõm nơi cổ nàng. Một tiếng cười ngắn, cụt lủn, nghe như hơi thở hắt, bất giác bật ra từ họng ông và ông hy vọng nàng sẽ cho ấy là ông ho hoặc là hớp để lấy hơi. Ông nhẹ nhàng tì thêm sức nặng của người mình lên nàng, vùi mặt vào vạt tóc mềm sau tai nàng. Nàng lướt tay xoa dọc lưng ông, rồi lại xoa ngược từ dưới lên, dừng lại nơi cổ ông, bàn tay mềm và ấm.

“Có gì buồn cười thế?” nàng thì thầm.

“Chả có gì... Anh hạnh phúc, vậy thôi.”

Ông áp mặt chặt hơn vào nàng mà thì thầm vào tai nàng, mũi ông đong đầy mùi hương của nàng, trái tim và tâm trí ông tràn đầy hy vọng.

“Em là người đưa anh trở lại,” ông nói. “Em là cơ hội của anh.”

Nàng vòng tay ôm quanh cổ ông, ghì chặt ông xuống nàng. Nàng không nói một lời.

Nửa đêm khuya khoắt McCaleb bừng tỉnh. Ông mơ thấy mình bơi dưới đáy nước mà không cần trồi lên trên mặt để thở.

Ông đang nằm ngửa, cánh tay vắt ngang tấm lưng trần của Graciela. Ông cảm thấy hơi ấm của cái đụng chạm này. Ông nghĩ đến việc nhổm dậy nhìn qua người nàng để xem đồng hồ nhưng lại không muốn phá vỡ mối dây nối liền hai thân thể họ với nhau. Khi nhắm mắt để quay về với giấc mơ, âm thanh không thể nhầm lẫn của cánh cửa phía trên chầm chậm trượt sang một bên khiến ông chợt thức dậy. Ông nhận ra rằng cái gì đó - một âm thanh - đã khiến ông tỉnh khỏi giấc mơ. Ông cảm thấy có một nhũ băng nhọn hoắt đâm xuyên qua ngực mình và trở nên tỉnh như sáo. Ai đó đang ở trên thuyền.

Tên người Nga, ông nghĩ. Bolotov đã tìm ra ông và đến để thực hiện lời đe dọa của hắn. Nhưng rồi ông nhanh chóng loại bỏ khả năng đó khi quay lại niềm tin có tính bản năng rằng gã người Nga hẳn không ngu xuẩn đến vậy.

Ông lăn ra mép giường với tay lấy cái điện thoại không dây nằm trên sàn. Ông bấm chuỗi số gọi nhanh sang thuyền Buddy Lockridge rồi đợi anh ta trả lời. Ông muốn Lockridge nhìn sang Biển Theo Ta rồi cho ông biết liệu anh ta có nhìn thấy ai hoặc cái gì xuất hiện không đúng lúc hay không. Ý nghĩ Donald Kenyon bị điệu ra cửa trước nhà mình rồi bắn chết bằng một viên đạn vỡ thành nhiều mảnh lóe qua tâm trí ông. Và ông nhận ra dù kẻ trên kia có là ai thì có lẽ hắn cũng không tính đến chuyện Graciela đang ở trên thuyền. Đột nhiên ông nhận ra rằng dù trong vài phút tới có chuyện gì xảy ra đi nữa, kẻ xâm nhập không được phép và sẽ không thể đụng tới nàng.

Sau bốn hồi chuông Lockridge không trả lời và McCaleb biết mình không thể phí thời gian thêm nữa. Ông nhanh chóng ra khỏi giường rồi tiến về phía cửa phòng ngủ đang đóng, kiểm tra mấy con số hiện sáng màu đỏ trên mặt đồng hồ thì thấy lúc này là ba giờ mười phút.

Trong khi mở nhanh cánh cửa, ông nghĩ đến khẩu súng của mình. Nó nằm trong ngăn kéo dưới cùng của bàn vẽ hải đồ. Kẻ đột nhập đang ở gần nó hơn là ông, có lẽ hắn đã tìm thấy nó rồi.

Ông yệt qua trong tâm trí khung cảnh tầng dưới thuyền, tìm thứ gì đấy làm vũ khí nhưng chẳng ra được gì. Suốt thời gian đó ông vẫn để cửa mở.

“Gì vậy?” Graciela thì thầm sau lưng ông.

Ông nhanh chóng và khẽ khàng quay lại đi về phía giường. Ông đặt tay lên miệng nàng thì thầm, “Có ai đó ở trên thuyền.”

Ông cảm thấy thân nàng cứng đờ dưới tay ông. “Chúng không biết có em trên thuyền. Anh muốn em tránh sang một bên, nằm xuống sàn cho đến khi nào anh đến với em.”

Nàng không cục cựa.

“Làm đi, Graciela.”

Nàng bắt đầu di chuyển nhưng rồi ông ngăn nàng lại.

“Em có cây gậy hay bất cứ thứ vũ khí nào đó trong túi xách không?”

Nàng lắc đầu ý bảo không. Ông gật đầu rồi đẩy nàng sang mép giường gần vách nhất. Ông trở lại phía cửa.

Trong khi McCaleb nhẹ nhàng bước lên các bậc thang, ông thấy cửa trượt mở một nửa. Trên phòng khách sáng đèn hơn ở dưới nên ông nhìn thấy rõ hơn. Bất ngờ bóng một người đàn ông nổi bật trên nền ánh sáng bên ngoài cửa. Ánh sáng cơ hồ như phản chiếu từ bóng người đó. McCaleb không rõ liệu kẻ xâm nhập đang nhìn chằm chằm vào ông hay đang quay mặt đi, nhìn ra ngoài vũng neo thuyền.

McCaleb biết cái khui chai ông đã dùng để mở chai rượu của Graciela hồi hôm đang nằm trên quầy bếp, ngay trên đầu thang. Ông có thể dễ dàng lấy được nó. Ông chỉ phải quyết xem liệu ông có phải dùng nó để chống lại một kẻ vũ trang thứ tốt hơn không.

Ông kết luận rằng không có cách nào khác. Khi lên đến tầng trên, ông rướn người với lấy cái khui chai. Sàn tầng kêu cót két và McCaleb thấy dáng người kia căng lên. Yếu tố bất ngờ không còn nữa.

“Đứng yên, đồ khốn!” ông vừa thét vừa chộp cái khui chai rồi tiến về phía bóng đen.

Kẻ đột nhập nhanh chóng tiến về phía cửa, nghiêng người lách qua rồi dùng một tay đóng sập lại sau lưng. Nhoài người tới túm lấy cửa giữ cho nó mở, McCaleb lỡ mất mấy giây nên ông chưa kịp ra khỏi thuyền thì kẻ đột nhập đã lên tới bến thuyền mà bỏ chạy.

Bằng trực giác ông biết mình sẽ không đuổi kịp kẻ đột nhập, nhưng ông vẫn nhảy phóc lên bến đuổi theo hết tốc lực, khí lạnh ban đêm làm da ông đanh lại, bề mặt ram ráp của mấy tấm lát bến tàu khiến hai bàn chân trần của ông đau điếng.

Trong khi đang chạy dọc theo cầu tàu chéo góc, ông nghe tiếng động cơ ô tô khởi động. Ông đẩy bật cổng rồi chạy ra bãi đỗ xe ngay khi một chiếc ô tô lao vút qua lối ra, lốp rít lên ken két do trượt trên nền nhựa đường lạnh ngắt. McCaleb nhìn chiếc xe đi khuất. Xa quá nên ông không thấy được biển số nữa.

“Chó chết!”

Ông nhắm mắt lại, đưa tay lên véo sống mũi mình. Đó là một kỹ thuật tự thôi miên. Ông cố ghi vào trí nhớ chủ động càng nhiều càng tốt những gì vừa thấy. Ô tô màu đỏ, nhỏ, của nước ngoài, bộ giảm xóc mòn vẹt... Ông chợt nghĩ chiếc xe này trông quen quen. Song từng gặp nó ở đâu thì ông chưa nhớ ra được.

McCaleb gập người về phía trước, chống hai tay lên đầu gối khi chợt cảm thấy buồn nôn còn tim ông dường như chuyển sang tốc độ khác hẳn, nhanh hơn gấp bội. Ông tập trung thở dài, sâu, cuối cùng cũng cảm thấy nhịp tim giảm xuống.

Ông cảm thấy có ánh sáng đập vào hai mí mắt đang nhắm của mình. Ông mở mắt ra nhìn vào vệt sáng chói đang tiến lại gần. Đó là tay bảo vệ của vũng neo thuyền đang lái chiếc xe loại dùng cho sân gôn tiến đến gần.

“Ông McCaleb?” giọng nói đằng sau ánh sáng đó hỏi. “Ông đấy à?”

Chỉ khi đó McCaleb rốt cuộc mới nhận ra mình đang trần như nhộng.

Chẳng có gì mất, chẳng có gì bị xáo trộn. Ít nhất là theo chỗ McCaleb thấy. Chẳng gì có vẻ không ổn. Những gì đựng trong cái túi da mà ông để nơi bàn bếp xem chừng vẫn y nguyên theo như ông nhớ. Ông tìm thấy đống hồ sơ dày ông đã nhét vào tủ nơi bàn bếp lúc ban sáng vẫn nằm yên vị. McCaleb kiểm tra cánh cửa trượt thì thấy có vài vết trầy do một cái tuốc nơ vít. Ông biết dùng một cái tuốc nơ vít để cạy cánh cửa trượt là dễ như bỡn. Ông cũng biết khi nạy như vậy thì ở ngoài sẽ nghe ồn hơn ở trong. Ông đã gặp may. Bằng cách nào đó tiếng nạy hay một cái gì khác đã đánh thức ông dậy.

Với người bảo vệ là Shel Newbie đứng quan sát, McCaleb kiểm tra từng ngăn kéo, từng cái tủ trong phòng khách thì thấy chẳng có gì mất cả.

“Còn bên dưới thì sao?” Newbie hỏi.

“Không đủ thì giờ,” McCaleb nói. “Ngay khi hắn mở cửa thì tôi đã nghe thấy rồi. Chắc là hắn tới định làm gì đó nhưng chưa kịp làm thì đã bị tôi dọa cho mất mật phải bỏ chạy.”

McCaleb ngừng bặt khi nghĩ đến khả năng kẻ đột nhập đến chẳng phải để đánh cắp thứ gì. Ông lại nghĩ đến Bolotov nhưng nhanh chóng gạt đi. Bóng người ông đã thấy lách qua cửa trượt nhỏ nhắn quá, không thể là gã người Nga được.

“Em lên được chứ? Để em pha ít cà phê.”

McCaleb quay lại phía cầu thang. Graciela đang đứng đó. Khi quay lại phòng ngủ để mặc quần áo, ông đã bảo nàng rằng nàng cứ ở dưới kia thì tốt hơn. Nhưng nàng đã lên đây, mặc bộ áo ngủ màu hồng phủ trên một cái quần xám nàng lấy từ tủ của ông ra, rộng thùng thình. Tóc nàng hơi bù xù và trông nàng quyến rũ khôn tả. Ông nín thinh nhìn nàng chăm chăm một thoáng rồi mới nói.

“Ồ thôi, bọn anh chắc cũng xử lý sắp xong rồi.”

“Tôi có nên gọi cho Phân khu Thái Bình Dương không?” Newbie hỏi.

McCaleb lắc đầu.

“Chắc chỉ là tên ma cà bông bến cảng nào đó muốn xoáy cái hệ định vị hay cái la bàn của tôi thôi,” ông nói, mặc dù chính ông chẳng tin là mấy. “Tôi không muốn lôi cảnh sát vào đây. Rồi sẽ thức suốt đêm không ngủ được cho mà xem.”

“Ông chắc chứ?”

“Ừ, cám ơn anh đã giúp nhé, Shel. Tôi biết ơn anh lắm.”

“Hễ giúp được là tôi vui vẻ giúp mà. Thôi vậy tôi đi đây. Tôi sẽ phải viết báo cáo tường trình sự cố. Đằng nào thì sáng mai người ta hẳn sẽ cần phải báo cáo cho bên cảnh sát LA.”

“Ừ, thế cũng được. Tôi không muốn phải ngồi đợi họ tới đây. Hồi nãy chạy như thế tôi mệt đứt hơi rồi. Mai thì tốt hơn.”

“Ừ, thế nhé.”

Newbie chào rồi đi. McCaleb đợi thêm một chút rồi nhìn Graciela, nàng vẫn đang đứng nơi chiếu nghỉ cầu thang.

“Anh khỏe chứ?”

“Ừ. Chỉ sợ thôi.”

“Sao anh không xuống dưới đi. Em xuống ngay đây.”

Nàng quay lại phòng ngủ. McCaleb đóng cánh cửa trượt rồi kiểm tra ổ khóa xem còn khóa được không, vẫn được. Ông với tay lên giá để cần câu ở trên đầu, lấy xuống chiếc cán lao bằng gỗ. Ông chèn nó vào rãnh trượt của cánh cửa, dùng như cái nêm giữ cho cửa đóng. Thế cũng ổn cho đêm nay. Nhưng ông biết mình sẽ phải xem xét lại về an ninh của chiếc thuyền.

Khi đã chèn xong cửa và thấy có cơ sở hợp lý để an tâm rằng mình sẽ an toàn, McCaleb nhìn xuống đôi chân trần của mình trên tấm thảm Berber trải sàn phòng khách. Lần đầu tiên ông nhận ra thảm bị ướt. Chừng đó ông mới nhớ lại ánh đèn của vũng neo thuyền đã chiếu sáng thân hình kẻ đột nhập như thế nào khi hắn đứng gần cửa.
 
Chương 27


Trên đường đến cơ sở của tờ Thời báo ở khu Thung lũng, McCaleb ngồi ghế dành cho khách trên chiếc Volkswagen của Graciela và hầu như chỉ im lặng. Tâm trí ông mãi xoay quanh những gì đã xảy ra đêm qua giống như cái mỏ neo kéo rê trên mặt cát, tìm mãi không ra một chỗ nào để tựa, chẳng có gì để bám vào.

Sau khi để ý thấy chỗ ướt trên thảm, ông bèn lần ngược trở lại quãng đường mình đuổi theo kẻ tội phạm ra tới bãi đỗ xe thì mới phát hiện rằng cả bến thuyền cũng ướt. Đêm qua mát trời, khô ráo, và cũng hãy còn quá sớm nên sương buổi sáng chưa thể đọng được. Kẻ đột nhập rõ ràng đã ướt ngay từ khi hắn phá cửa vào thuyền. Ánh đèn soi trên mình hắn chỉ ra rằng có lẽ khi đó hắn mặc đồ lặn. Câu hỏi mà lúc này McCaleb không trả lời được là tại sao?

Trước khi đi cùng Graciela, McCaleb đã sang bên thuyền Buddy Lockridge để xem ông bạn láng giềng có đó không. Ông thấy Buddy, vẫn bù xù nhếch nhác như mọi khi, ngồi trong buồng lái đọc một cuốn sách có nhan đề là Hocus. McCaleb hỏi đêm qua anh ta có ở trên thuyền không, anh ta đáp có. Khi được hỏi tại sao không trả lời máy, Buddy khăng khăng một mực là bởi điện thoại làm gì có reo. McCaleb cho qua, nghĩ rằng hoặc Lockridge say quắc cần câu nên không nghe cú gọi hoặc là bởi ông đã bấm nhầm phím gọi tắt.

Ông bảo Lockridge hôm nay ông không cần anh ta lái xe, nhưng ông muốn thuê anh ta làm thợ lặn.

“Anh muốn tôi cạo thân thuyền anh hả?”

“Không. Tôi muốn anh tìm khắp thân thuyền. Rồi thì dưới đáy. Và tất cả mấy cầu tàu quanh thuyền nữa.”

“Tìm? Tìm cái gì?”

“Tôi không biết. Khi nào gặp thì anh sẽ biết ngay là nó.”

“Anh nói gì tôi cũng vâng. Nhưng lần trước làm vụ Bertram đó tôi làm rách đồ lặn mất rồi. Khâu lại xong tôi sẽ kiểm tra lần nữa rồi lặn thử coi sao.”

“Cám ơn. Khoản đó tôi trả.”

“Được rồi. Này, có phải từ nay cô bạn anh sẽ lái cho anh không?”

Anh ta ngó qua vai McCaleb mà nhìn Graciela đang đứng nơi đuôi chiếc Biển Theo Ta. McCaleb nhìn nàng rồi nhìn lại Lockridge.

“Không, Buddy ạ. Chỉ hôm nay thôi. Cô ấy phải giới thiệu tôi với vài người. Thế được chứ?”

“Ừ, hẳn là được rồi.”

Trong xe McCaleb vừa nhấp cốc cà phê mua mang theo vừa nhìn ra ngoài cửa sổ, vẫn bực bội vì Lockridge đã không trả lời khi ông gọi điện cần giúp đỡ. Họ đang băng đèo Sepulveda, đi trên rặng núi Santa Monica. Hầu hết xe cộ lưu thông trên đường 405 đều đi phía ngược lại.

“Anh đang nghĩ gì thế?” Graciela hỏi.

“Chắc là nghĩ chuyện đêm qua,” ông nói. “Cố hình dung mọi chuyện cho rõ ràng. Hôm nay Buddy sẽ lặn xuống dưới thuyền, may ra phát hiện được thằng đó đang mưu toan làm gì.”

“Thế anh có chắc là hôm nay muốn gặp tay bên tờ Thời báokhông? Mình thu xếp khi khác cũng được mà.”

“Không, ta lên đường rồi còn gì. Nói chuyện với càng nhiều người càng tốt thì đâu có hại gì tới mình được. Mình vẫn chưa biết những điều gì xảy ra hôm qua có ý nghĩa gì. Chừng nào chưa biết thì mình vẫn cần phải làm cật lực.”

“Thế thì tốt. Anh ta bảo mình có thể nói chuyện với cả vài người bạn của con bé từng làm việc ở đó.”

McCaleb gật đầu rồi thò tay xuống túi da để dưới sàn xe. Túi căng phồng vì chứa toàn bộ các hồ sơ và băng video mà ông thu thập được. Ông đã quyết định sẽ không để lại trên thuyền bất cứ cái gì có liên quan đến vụ án, phòng khi lại có kẻ đột nhập lần nữa. Và làm cho túi nặng thêm còn là khẩu súng của ông, một khẩu Sig-Sauer P-228. Ngoài lần đi thẩm vấn Bolotov ra, ông chưa lần nào mang vũ khí theo kể từ khi rời khỏi Cục. Nhưng khi Graciela vào buồng tắm, ông lại lấy súng ra khỏi ngăn kéo rồi nhét kíp đạn vào. Ông không nạp một viên nào - theo đúng quy tắc an toàn mà ông luôn tuân thủ hồi còn ở Cục. Đoạn ông xếp chỗ cho khẩu súng trong túi xách bằng cách loại túi thuốc ra ngoài. Ông trù tính sẽ quay lại thuyền trước khi đến giờ phải uống thêm thuốc.

Ông lục lọi mấy chồng hồ sơ trong túi cho đến khi tìm thấy tập giấy ghi nhớ, liền mở ra, lật đến chỗ ông đã lập trình tự thời gian xảy ra từng tình tiết của vụ án theo các báo cáo trong hồ sơ án mạng của Cảnh sát Los Angeles. Ông đọc phần đầu là thấy ngay cái mình cần.

“Annette Stapleton,” ông nói.

“Cô ta thì sao?”

“Em biết cô ta à? Anh muốn nói chuyện với cô ta.”

“Cô ta là bạn của Glory. Có lần cô ta đến thăm Raymond. Rồi thì cô ta có dự đám tang. Làm sao anh biết về cô ta?”

“Tên cô ta có trong hồ sơ cảnh sát Los Angeles. Đêm hôm đó cô ta và em gái em có trò chuyện ở bãi xe. Anh muốn nói chuyện với cô ta về những đêm khác. Là để xem liệu em gái em có đang lo lắng chuyện gì không, em hiểu không. Cảnh sát Los Angeles chưa bao giờ dành nhiều thời gian cho Stapleton cả. Nên nhớ là ngay từ đầu họ toàn điều tra từ góc độ cướp có vũ khí và chỉ tình cờ mà giết.”

“Toàn đồ ngốc.”

“Anh không biết. Buộc tội họ cũng khó. Họ xử lý bao nhiêu là vụ, trong khi vụ này, hung thủ sắp đặt cho nó giống thế nào thì quả thật là nó cũng giống thế ấy mà.”

“Cũng chả phải là lý do.”

McCaleb cho qua, chẳng nói gì.

Dù sao thì ông cũng không thấy cần phải bênh Arrango và Walters cho lắm. Ông quay lại suy nghĩ về các việc xảy ra đêm qua và đi đến một kết luận tích cực: hình như ông đang gây ra đủ sóng gió để buộc ai đó phải đáp trả, mặc dù ông không biết chắc hành vi đáp trả đó là gì.

Họ đến nhà in của tờ Thời báo LA sớm hơn mười phút so với giờ hẹn gặp cấp trên trực tiếp của Glory, một người tên là Clint Neff. Nhà in của Thời báo là một cơ ngơi rộng lớn ở góc đường Winnetka và Prairie ở Chatsworth, mạn Tây Bắc Los Angeles. Đây là một khu gồm toàn cao ốc văn phòng bảnh chọe, nhà kho và khu dân cư trung thượng lưu. Tòa nhà nơi Thời báo dùng làm nhà in trông như làm toàn bằng kính mờ và nhựa trắng. Họ dừng xe nơi một trạm gác và phải đợi một người mặc đồng phục gọi điện vào trong để xác minh cuộc hẹn, sau đó mới nhấc thanh chắn cổng. Sau khi họ đỗ xe, McCaleb lấy tập giấy ghi nhớ ra khỏi túi mang theo. Bản thân cái túi thì quá cồng kềnh không thể tha hết chỗ này sang chỗ nọ được. Ông kiểm tra cho chắc là Graciela đã khóa xe, rồi thì họ mới đi.

Qua những cánh cửa trượt tự động họ bước vào một gian tiền sảnh hai tầng xây bằng đá hoa cương đen lát gạch nung. Bước chân của họ vang vang trên sàn. Ở đây lạnh lẽo, khắc khổ, chẳng giống như giọng điệu của tờ báo khi nói về cộng đồng, ai đó phê phán hẳn sẽ nói thế.

Một người tóc bạc, mặc đồng phục quần áo tuyền màu xanh dương từ một hành lang bước tới chào họ. Miếng đính hình ô van trên túi áo ông ta mặc cho biết tên ông ta là Clint trước khi ông ta kịp nói ra. Đeo quanh cổ ông ta là một đôi mút bảo vệ tai chuyên nghiệp giống như thành viên đội bay một phi cơ vẫn thường đeo. Graciela tự giới thiệu về mình, sau đó về McCaleb.

“Cô Rivers ạ, tôi chỉ có thể nói rằng tất cả chúng tôi đây đều rất lấy làm tiếc về chuyện đó,” Neff nói. “Em gái cô là người rất tốt. Vừa là nhân viên giỏi vừa là bạn tốt của chúng tôi.”

“Cám ơn ông. Trước đây nó vẫn thế.”

“Nếu quý vị muốn trở lại, chúng ta có thể ngồi xuống một chút, rồi thì giúp được gì quý vị tôi sẽ giúp.”

Ông ta dẫn họ đi dọc hành lang, vừa bước đằng trước họ vừa khẽ ngoái đầu qua vai mà nói chuyện với họ.

“Em gái cô chắc có kể cho cô nghe, nhưng đây là nơi chúng tôi in toàn bộ ấn bản cho khu vực Thung lũng, với lại hầu hết những bản đặc biệt mà chúng tôi chèn vào tất cả các bản thường. Tạp chí TV này, và những gỉ những gì nữa, cô biết đấy.”

“Vâng, tôi biết,” Graciela nói.

“Tôi cũng chẳng biết mình có thể có ích gì cho quý vị đây. Tôi cũng đã nói với vài nhân viên là quý vị có thể muốn nói chuyện cả với họ. Họ bảo được thôi.”

Họ đi đến chỗ một cầu thang và đi lên.

“Anne Stapleton có vẫn đang làm ca đêm không?” McCaleb hỏi.

“Ừm... thật ra là không,” Neff nói. Ông ta thở hào hển vì phải trèo thang. “Nettie... hơi bị hoảng loạn sau chuyện xảy ra với Glory mà tôi thì cũng chẳng trách cô ấy, chuyện như thế kia mà. Thành thử giờ cô ấy làm ca ngày.”

Neff đi dọc một hành lang khác dẫn tới một cửa đôi.

“Hôm nay cô ấy có đây chứ?”

“Hẳn rồi. Quý vị có thể nói chuyện với cô ấy nếu - điều duy nhất tôi yêu cầu là quý vị hãy nói chuyện với mấy người đó khi họ nghỉ giải lao. Như Nettie chẳng hạn. Cô ấy đến phòng giải lao lúc mười rưỡi, khi đó chắc phần tôi với quý vị cũng xong rồi nên quý vị có thể gặp cô ấy.”

“Không có vấn đề gì,” McCaleb nói.

Sau khi im lặng, bước vài bước, Neff ngoái lại nhìn McCaleb.

“Vậy ông hồi trước là người của FBI đúng không?”

“Đúng.”

“Chắc phải thú vị lắm nhỉ.”

“Đôi khi.”

“Sao ông lại nghỉ? Tôi trông ông còn trẻ lắm mà.”

“Chắc là tại nó hơi quá thú vị đấy thôi.”

McCaleb nhìn Graciela nháy mắt. Nàng mỉm cười. McCaleb được miễn không bị vặn hỏi thêm về chuyện đời tư là nhờ tiếng ồn của phòng in. Họ đi đến chỗ cánh cửa tuy là cửa đôi nhưng khó lòng ngăn được tiếng gầm rú của các máy in ở phía bên kia. Từ một thiết bị gắn trên tường cạnh cửa, Neff rút ra hai gói nhựa đựng những miếng mút để nút tai dùng một lần, đưa cho McCaleb và Graciela.

“Đi qua đó thì đeo mấy cái này tốt hơn. Hiện chúng tôi đang chạy toàn bộ dây chuyền. In Book Review. Một triệu hai bản. Mấy cái nút này sẽ làm giảm được chừng ba mươi đề xi ben tiếng ồn. Tuy nhiên quý vị vẫn không nghe được chính mình nghĩ gì đâu.”

Khi họ mở túi và gắn mút bảo vệ tai xong rồi. Neff mới trật mút bảo vệ tai của mình lên đúng chỗ. Ông ta mở một trong các cửa và họ bước vào, đi dọc dãy máy in. Tác động về cảm quan do chúng gây ra cũng rõ rệt chẳng khác tác động về âm thanh. Sàn rung bần bật như thể họ vừa mới bước vào lòng một cơn động đất nhỏ. Mấy miếng mút bảo vệ tai chẳng ngăn được bao nhiêu tiếng ken két chói tai của các máy in. Một âm thanh thình thình nặng trịch nghe như bè trầm đệm. Neff đưa họ về phía một cánh cửa, vào trong thì thấy rõ đây là phòng nghỉ giải lao. Có mấy cái bàn dài để ăn trưa và vài máy bán tự động đồ ăn thức uống. Khoảng trống trên các bức tường gắn đầy ván cách âm bằng giấy và bần, trên đó chi chít các thông báo của công ty và công đoàn cùng những cảnh báo liên quan đến an toàn lao động. Khi cửa đóng kín thì tiếng ồn giảm khá nhiều. Họ băng ngang căn phòng, qua một cửa khác để vào phòng làm việc nhỏ của Neff. Khi Neff rút mút bảo vệ tai ra và lại để nó đeo quanh cổ, McCaleb và Graciela cũng rút mút của mình ra.

“Tốt hơn là cứ đeo thế,” Neff nói. “Khi đi ra quý vị cũng đi cùng một lối đó thôi. Tùy theo lúc đó là mấy giờ mà có thể ở ngoài kia chúng tôi vẫn đang tiếp tục in.”

McCaleb rút bao nhựa ra khỏi túi, cho hai miếng mút vào. Neff kéo ghế ngồi sau bàn giấy rồi ra hiệu cho hai người ngồi phía trước bàn. Mặt đệm bằng nhựa vinyl của chiếc ghế McCaleb được bảo ngồi lấm đầy mực. Ông chần chừ một chút rồi mới ngồi.

“Đừng lo,” Neff nói. “Mực khô mà.”

Trong mười lăm phút sau đó họ nói chuyện với Neff về Gloria Torres song thu thập được rất ít thông tin hữu ích hoặc đáng chú ý. Rõ là Neff thích Glory nhưng cũng rõ là quan hệ của ông ta điển hình cho hầu hết quan hệ giữa người quản lý với người làm. Quan hệ ấy chủ yếu tập trung vào công việc, ít có trao đổi tin tức về đời tư giữa người này với người kia. Khi họ hỏi Neff liệu ông ta có biết có chuyện gì khiến Glory lo lắng hay không, ông ta lắc đầu bảo ước gì ông ta biết chút nào đó may ra giúp được. Có cãi vã gì với đồng nghiệp không? Cũng lại lắc đầu.

Đột nhiên McCaleb hỏi liệu ông ta có biết James Cordell không.

“Là ai thế?” Neff hỏi.

“Thế còn Donald Kenyon?”

“À, thằng cha ở ngân hàng tiết kiệm cho vay đấy á?” Neff cười. “Có, hồi trước tụi tôi là bạn mà. Ở câu lạc bộ đồng quê ấy. Milken với gã kia, Boesky, cũng la cà với bọn tôi.”

McCaleb vừa cười đáp lại vừa gật đầu. Rõ là Neff sẽ chẳng giúp được mấy. Tâm trí ông nhãng đi, trong khi Graciela hỏi Neff nhiều câu về chuyện bạn bè của Glory là những ai. McCaleb nghĩ về chiếc ghế vấy mực ông đang ngồi. Ông biết mực từ đâu ra. Có lẽ bất cứ ai từng ngồi trên ghế này trước ông đều đã được gọi vào trong khi đang đứng ở dây chuyền in. Chính vì vậy họ tất thảy đều mặc đồng phục xanh lính thủy. Để giấu vết mực.

Ông chợt nghĩ ra một điều. Khi bị giết, Glory đang trên đường từ chỗ làm việc về nhà. Nhưng lúc ấy cô không mặc đồng phục. Cô đã thay đồ. Ở đây. Nhưng báo cáo của cảnh sát Los Angeles chẳng nói gì đến chuyện thám tử có tìm thấy trang phục làm việc trên xe cô hoặc có kiểm tra các thứ đựng trong tủ đồ riêng có khóa.

“Xin lỗi,” McCaleb nói, cắt ngang lời Neff giữa khi ông ta đang kể cho Graciela nghe em gái nàng khéo léo thế nào khi lái chiếc xe nâng chất đầy những cuộn giấy in to đùng mà đưa vào phòng in. “Có phòng thay quần áo nào không? Glory có ngăn tủ riêng nào để đựng đồ không?”

“Có chứ, chúng tôi có phòng thay quần áo. Ai lại muốn chui vào ô tô của mình trong khi người dây đầy mực cơ chứ? Chúng tôi có…”

“Liệu người ta có đã bàn giao ngăn đồ của Glory chưa?”

Neff ngả người vào ghế mà nghĩ một thoáng.

“Quý vị hiểu cho, chúng tôi ở đây lại cũng bị cấm không được thuê thêm người. Chúng tôi chưa được phép tìm người thế chỗ Glory. Vì chưa có ai thế chỗ Glory nên chắc chúng tôi cũng chưa bàn giao ngăn đồ của cô ấy đâu.”

McCaleb thấy giật mình khe khẽ. Có lẽ đây là một đột phá.

“Vậy có chìa khóa không? Chúng tôi xem được không?”

“Vâng, được chứ, chắc là được. Để tôi đi lấy chìa khóa chủ nơi người quản lý bảo trì.”

Neff để họ ngồi lại phòng làm việc của ông ta để đi lấy chìa khóa chủ và tìm Nettie Stapleton. Bởi ngăn để đồ của Glory hiển nhiên là nằm ở phòng thay quần áo của nữ, nên trước khi đi Neff bảo Nettie sẽ đi cùng Graciela để kiểm tra các thứ đựng trong đó. McCaleb sẽ phải đợi cùng Neff ngoài hành lang. Điều này không hợp ý McCaleb lắm. Chẳng phải là ông cho rằng Graciela không có khả năng kiểm tra tới nơi tới chốn một ngăn để đồ. Chỉ là ông vẫn muốn xem xét, rà soát toàn bộ cái ngăn đó, không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào đúng theo cung cách ông vẫn thường rà soát hiện trường tội ác và săm soi các cuốn băng quay hiện trường tội ác.

Chẳng mấy chốc Neff quay lại cùng Stapleton và giới thiệu mọi người với nhau. Cô ta vẫn nhớ Graciela và nói mấy lời an ủi có vẻ chân thành. Đoạn Neff dẫn cả đoàn đi xuống thang ra hành lang dẫn tới các phòng thay quần áo. McCaleb đã toan đề nghị lần cuối rằng nếu phòng thay quần áo đang vắng người thì Neff cho phép ông vào. Nhưng khi đến gần cửa phòng thay quần áo dành cho nữ, ông nghe thấy tiếng vòi hoa sen đang chảy. Ông biết mình sẽ phải chờ ở ngoài.

McCaleb đã hết điều cần hỏi Neff còn chuyện phiếm thì cũng chẳng biết gì mà nói. Trong khi chờ, McCaleb thủng thỉnh đi ra xa khỏi ông ta để tránh không phải chuyện vãn vu vơ và không bị hỏi chuyện riêng tư. Có nhiều bảng thông báo dán trên vách tường giữa cửa ra vào của các phòng thay đồ, nên ông giả tảng như đang đọc một trong các thông báo dán lên ở đó.

Bốn phút lặng thinh trôi qua trên hành lang. McCaleb đã đi từ một đầu dãy thông báo dán liền kề nhau đến tận đầu kia. Khi Graciela và Nettie cuối cùng cũng bước ra, ông đang nhìn một bức vẽ bằng tay mô tả một giọt chất lỏng trên một áp phích dán cạnh bảng thông báo. Giọt chất lỏng nhuốm đỏ một nửa, cho thấy các nhân viên đang tiến được nửa đường đến mục đích của mình trong một cuộc vận động hiến máu sắp diễn ra. Graciela tiến lại chỗ ông.

“Chả có gì hết,” nàng nói. “Chỉ dăm quần áo, một chai nước hoa với cặp tai nghe của nó. Có bốn bức ảnh Raymond và một bức chụp em gắn vào cửa tủ.”

“Tai nghe á?”

“Ý em là mút bảo vệ tai ấy. Nhưng ngoài ra chả có gì nữa.”

“Loại quần áo nào?”

McCaleb vẫn đang nhìn chăm chăm vào tấm áp phích trong khi nói.

“Hai bộ đồng phục mới, một cái áo mặc từ nhà với một quần jeans.”

“Em kiểm tra hết các túi áo chưa?”

“Rồi. Chẳng có gì.”

Ngay khi đó điều ấy nhói lên trong ông, dữ dội như một viên đạn xuyên thủng cả áo giáp. Ông chúi người về phía trước, tì tay vào bảng thông báo làm chỗ tựa.

“Terry, sao vậy?” Graciela nói. “Anh có ổn không?”

Ông không đáp. Ý nghĩ ông tuôn chạy như điên. Graciela đặt tay lên trán ông xem có sốt không. Ông gạt tay nàng sang bên.

“Không, không phải ốm,” ông nói.

“Có chuyện gì à?” Neff xen vào.

“Không,” McCaleb nói, hơi quá to. “Chúng tôi phải đi. Tôi cần phải ra xe.”

“Mọi chuyện ổn chứ?”

“Có,” McCaleb nói, một lần nữa lại quá to. “Tôi xin lỗi, nhưng mọi chuyện ổn. Chỉ là chúng tôi phải đi.”

McCaleb gật đầu cảm ơn Annette Stapleton rồi đi dọc hành lang về phía chỗ ông cho là tiền sảnh. Graciela theo sau còn Neff gọi với theo, bảo họ rẽ trái ngay chỗ rẽ đầu tiên.
 
Chương 28


“Là chuyện gì vậy? Chuyện gì xảy ra vậy?”

McCaleb đang rảo bước ra xe. Ông cảm thấy việc duy trì tốc độ đi này bằng cách nào đấy sẽ ngăn không cho nỗi kinh sợ đang tăng lên trong ông choán lấy hoàn toàn suy nghĩ của ông. Graciela phải chạy mới theo kịp.

“Máu.”

“Máu?”

“Cả hai người đều hiến máu. Em gái em và Cordell. Nó ở ngay trước mắt anh, toàn bộ cái... Anh nhìn thấy tấm áp phích thì mới nhớ ra mình đã thấy một lá thư ở nhà Cordell, và thế là anh biết. Em lấy chìa khóa ra chưa?”

“Nghe này, gượm đã, Terry. Thong thả nào.”

Ông miễn cưỡng chậm bước và nàng vừa tiến lại cạnh ông vừa lục trong túi xách móc chìa khóa ra.

“Giờ thì nói em nghe anh đang nói chuyện gì vậy.”

“Mở cửa xe ra, rồi anh sẽ cho em xem.”

Họ đã đến chỗ xe. Nàng mở khóa xe rồi đi quành sang phía chỗ mình. Ông chui vào trước rồi nhoài người mở cửa cho nàng. Đoạn ông cúi xuống lục lọi trong cái túi đặt trên sàn xe. Túi ních căng những giấy tờ nên ông phải lôi khẩu súng ra đặt lên chiếu lót sàn mới có chỗ để tìm giữa đống hồ sơ. Graciela vào xe lặng lẽ nhìn.

“Em khởi động được rồi đấy,” ông nói, vẫn lục lọi mà không quay lại.

“Anh làm gì thế?”

Ông rút bản báo cáo khám nghiệm pháp y Cordell ra.

“Anh đang tìm... mẹ khỉ, đây chỉ là báo cáo sơ bộ thôi.”

Ông lật nhanh tờ biên bản cho chắc. Nó không hoàn chỉnh.

“Không có xét nghiệm độc tố và xét nghiệm máu.”

Ông nhét lại bản báo cáo pháp y vào túi, sau đó là khẩu súng. Ông vươn thẳng người lên.

“Mình phải tìm một cái điện thoại. Anh cần gọi cho vợ anh ta.”

Graciela khởi động xe.

“Được,” nàng nói. “Ta sẽ tìm được - sẽ về nhà em. Nhưng anh phải nói cho em nghe anh đang nghĩ gì, Terry à.”

“OK, nhưng trước hết cho anh một phút để nghĩ cái đã.”

Ông trì níu luồng suy nghĩ đang tuôn hỗn độn trong đầu để cố phân tích cú nhảy vọt mình vừa làm được.

“Anh đang nói đến chuyện khớp nhau,” ông nói. “Mối liên kết.”

“Liên kết nào?”

“Mình đang thiếu cái gì? Mình đang tìm kiếm cái gì? Mối liên kết giữa các vụ này. Đầu tiên các vụ này có liên hệ gì với nhau thì chẳng qua là hai tội ác ngẫu nhiên. Cảnh sát họ nghĩ thế. Mà cả anh, lúc mới bắt đầu xem xét vụ này anh cũng nghĩ thế. Ta có hai nạn nhân bị cướp và giết - chẳng có mối liên hệ nào khác ngoài chuyện cùng một hung thủ và chuyện những người bị giết này đã tình cờ chạm trán hắn trên đường đi của hắn. Đây là Los Angeles, những chuyện thế này bao giờ chả xảy ra. Đây là kinh đô của tội ác vô tội vạ, đúng không nào?”

Graciela quay xe về phía Phố Sherman. Họ chỉ còn vài phút nữa là tới nhà nàng.

“Đúng.”

“Không đúng. Bởi vì rồi sau đó ta ngộ được nhiều điều hơn. Ta phát hiện ra một kẻ sát nhân thích lấy món đồ riêng tư của nạn nhân làm kỷ niệm, điều này cho thấy có gì đó hơn thế chứ chẳng phải là sự chạm trán tình cờ giữa hung thủ với nạn nhân.

Điều này cho thấy có mối quan hệ sâu xa hơn - nhắm tìm, theo dõi, và rồi hạ thủ từng nạn nhân một.”

McCaleb ngừng lời. Họ đang băng qua Siêu thị Sherman và cả hai đều lặng thinh nhìn cửa hàng khi đi ngang qua đó. McCaleb đợi thêm một chút nữa rồi mới tiếp.

“Thế rồi đột nhiên ta tìm được một nếp gấp khác, một lớp vỏ khác của củ hành bị bóc ra. Ta có kết quả thí nghiệm đạn đạo, thế là lại ra một trò chơi khác hẳn. Giờ ta có thêm một vụ giết người nữa và lại có hơi hướng một kẻ giết người chuyên nghiệp xuyên suốt các vụ này. Một tên chuyên nghiệp. Vì sao? Cái gì có thể là mối liên kết giữa em gái em, James Cordell và Donald Kenyon?”

Graciela không đáp. Lúc này nàng đang sắp đến Alabama nên rẽ xe sang làn đường bên trái.

“Máu,” ông nói. “Mối liên kết đó ắt phải là máu.”

Nàng cho xe vào lối dẫn đến nhà nàng. Nàng tắt máy.

“Máu,” nàng nói.

McCaleb nhìn trân trân ra đằng trước nơi cửa ga ra đang đóng. Ông nói chậm rãi, rốt cuộc thì nỗi kinh sợ cũng choán được lấy ông.

“Từ trước đến giờ anh cứ nghĩ mãi. Cô ấy đã thấy gì, cô ấy biết gì? Cô ấy có thể đã đi con đường nào để rồi đến nỗi phải bị giết? Em thấy đó, anh đã xem xét toàn bộ cuộc đời cô ấy và rút ra phán đoán. Anh đã kết luận cô ấy không có bất cứ cái gì mà ai đó muốn lấy đi, nên nguyên nhân phải nằm ở chỗ khác. Nhưng anh đã bỏ sót nó. Bỏ sót hoàn toàn. Em gái em là một người mẹ tốt, người em tốt, nhân viên tốt, người bạn tốt. Nhưng có một điều khác khiến cô ấy hoàn toàn có một không hai, ấy là máu của cô ấy. Nó khiến cho cái cô ấy mang trong mình đâm ra cực kỳ quý giá... với một ai đó.”

Ông chờ một nhịp. Ông vẫn không nhìn nàng.

“Ai đó như anh.”

Ông nghe thấy hơi thở nàng rời khỏi thân nàng và cảm thấy như chính niềm hy vọng đang rời bỏ ông. Niềm hy vọng được cứu rỗi.

“Anh bảo là em em nó... bị người ta lấy mạng là để lấy nội tạng nó. Anh nhìn một tấm áp phích ở chỗ kia mà có thể nói thế à?”

Cuối cùng ông nhìn lên nàng.

“Anh biết ra là vậy. Chỉ có thế.”

Ông mở cửa xe.

“Mình gọi cho vợ Cordell. Chị ta sẽ cho mình biết nhóm máu của chồng chị ta. Sẽ là nhóm AB, chỉ số CMV âm. Khớp hoàn toàn. Rồi mình đi tìm nhóm máu của Kenyon. Cả nó cũng sẽ khớp. Anh cá đấy.”

Ông xoay người để ra khỏi xe.

“Chẳng ích gì,” nàng nói. “Bởi vì anh đã bảo em Cordell chết ngay ở đó. Chỗ ngân hàng. Tim anh ta có bị lấy đi đâu. Nội tạng anh ta. Đâu có giống. Kenyon cũng vậy. Kenyon chết là chết ở nhà mà.”

Ông ra khỏi xe rồi lại cúi xuống nhìn vào nàng trong xe. Nàng thì đang nhìn ra qua kính chắn gió.

“Vụ Cordell và Kenyon không thành,” ông nói. “Từ họ hung thủ rút ra được kinh nghiệm. Cuối cùng hắn đã làm được đâu ra đó với em gái em.”

McCaleb đóng cửa xe rồi đi về phía căn nhà. Phải mất một lát Graciela mới đuổi kịp ông.

Trong nhà, McCaleb ngồi xuống cái trường kỷ có chia ngăn trong phòng khách còn Graciela vào bếp mang điện thoại lên cho ông. Ông nhận ra mình đã để quên số điện thoại của Amelia Cordell trong cái túi ngoài xe. Ông cũng nhận ra rằng xe không khóa và súng của ông cũng nằm trong túi nốt.

Trong khi bước ra ngoài và lại gần xe, mắt ông vô tình lướt qua con phố. Ông đang tìm chiếc xe đêm qua ở vũng neo thuyền. Ông chẳng thấy chiếc nào dù chỉ hao hao giống, cũng chẳng chiếc nào khác đỗ dọc vỉa hè có người nào đó ngồi trong.

Vào lại trong nhà, ông ngồi xuống trường kỷ bấm số điện thoại của Amelia Cordell trong khi Graciela ngồi xuống ở góc cuối trường kỷ mà dõi sát theo ông bằng vẻ xa cách trên mặt. Điện thoại reo năm lần thì máy mới trả lời. McCaleb để lại tên, số điện thoại cùng tin nhắn rằng ông cần biết nhóm máu của James Cordell ngay khi chị ta liên lạc được với ông. Ông bấm nút tắt điện thoại rồi nhìn Graciela.

“Anh có biết liệu chị ta có đang đi làm không?” nàng hỏi.

“Không, cô ấy không đi làm. Cô ấy có thể ở bất cứ đâu.”

Ông lại bấm nút bật điện thoại rồi gọi số máy của chính mình để kiểm tra tin nhắn. Có chín tin tích lại trong máy mà ông chưa nghe từ thứ Bảy đến giờ. Ông lắng nghe bốn tin của Jaye Winston và hai của Vernon Carruthers giờ đã lạc hậu so với sự kiện. Còn có tin nhắn của Graciela rằng thứ Hai nàng sẽ đến chỗ thuyền ông. Trong hai tin còn lại, tin đầu là của Tony Banks, kỹ thuật viên video. Anh ta cho McCaleb biết đã làm xong việc với cuốn băng video mà ông gửi lại. Tin kia lại là của Jaye Winston. Sáng hôm đó chị đã gọi McCaleb cho biết tiên đoán của ông là đúng. Cục hiện đang tăng cường tham gia cuộc điều tra các vụ án mạng. Hitchens không chỉ hứa hợp tác toàn diện mà còn tước bỏ quyền chỉ huy khỏi tay chị, trao cho các đặc vụ Nevins và Uhlig. Chị thấy thất vọng. McCaleb nghe giọng chị là dễ dàng biết điều đó. Nhưng ông cũng thất vọng. Ông tắt máy rồi thở hắt ra.

“Giờ thì sao?” Graciela hỏi.

“Anh chả biết nữa. Anh cần xác nhận cái này... cái ý tưởng này rồi thì mới tiến hành bước tiếp được.”

“Thế còn thám tử của cảnh sát trưởng thì sao? Bà ta hẳn phải có báo cáo pháp y đầy đủ. Bà ta hẳn biết nhóm máu.”

“Không.”

Ông không nói gì thêm theo lối giải thích. Ông nhìn quanh để ngắm những gì có thể thấy được từ chỗ trường kỷ. Căn nhà nhỏ, bày biện ngăn nắp, được trông nom chu đáo. Có một bức ảnh Gloria Torres khổ lớn lồng khung đặt ở ngăn trên cùng một tủ đồ bằng sứ trong phòng ăn bên cạnh.

“Sao anh không muốn gọi cho chị ta?” Graciela hỏi.

“Anh không chắc. Chỉ là anh... Anh muốn hình dung mọi chuyện thêm một chút rồi mới nói chuyện với chị ta. Có lẽ anh nên đợi một chút để xem liệu có thể được tin gì từ vợ Cordell không.”

“Thế còn gọi thẳng đến phòng phụ trách pháp y thì sao?”

“Không, làm thế chắc cũng chẳng ăn thua gì.”

Điều ông bỏ lửng không nói là nếu ông xác minh được giả thuyết của mình thì có nghĩa là bất cứ ai hưởng lợi từ cái chết của Glory đều có thể bị coi là nghi phạm một cách hoàn toàn hợp lý. Trong đó có cả ông nữa. Vì vậy, ông không muốn hỏi han gì các cơ quan hữu trách, kẻo rồi họ lại giải quyết vấn đề theo hướng đó. Chỉ khi nào ông đã có sẵn thêm vài câu trả lời đặng bảo vệ chính mình mà thôi.

“Em biết rồi!” Graciela đột ngột nói. “Máy vi tính ở phòng xét nghiệm máu - có lẽ em sẽ xác minh được ở đấy. Trừ phi tên anh ta bị xóa đi rồi. Nhưng chắc chưa đâu. Em nhớ có lần tình cờ gặp tên một người hiến tạng chết đã bốn năm rồi nhưng tên vẫn còn nguyên đấy.”

Điều nàng nói chẳng có nghĩa gì mấy đối với McCaleb.

“Em đang nói cái gì thế?” ông hỏi.

Nàng nhìn đồng hồ rồi nhảy bật khỏi ghế.

“Để em thay đồ, rồi mình phải quàng lên. Dọc đường em sẽ giải thích mọi chuyện.”

Đoạn nàng khuất dạng nơi hành lang và McCaleb nghe cửa phòng ngủ đóng lại.
 
Chương 29


Họ đến bệnh viện Holy Cross ngay trước giờ trưa. Graciela đỗ xe ở bãi ngoài rồi họ đi vào bệnh viện qua cổng nhận bệnh thường. Nàng không muốn đi qua khu cấp cứu bởi đó là nơi nàng làm việc. Trên đường đi nàng giải thích rằng từ khi Gloria mất nàng đã xin nghỉ việc cá nhân quá nhiều mà báo trước quá muộn để chăm sóc Raymond. Nhưng sự kiên nhẫn của các sếp nàng đang cạn dần. Nàng cho rằng đã xin nghỉ phép một ngày có báo trước rồi lại khoe ra với mọi người điều đó bằng cách đi qua phòng cấp cứu thì thật chẳng khôn ngoan chút nào. Hơn nữa, việc hai người sắp làm có thể sẽ khiến nàng mất việc. Càng ít người thấy nàng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Khi vào trong bệnh viện rồi thì nhờ có Graciela, cùng bộ đồng phục y tá và gương mặt quen thuộc của nàng mà họ cần đi đâu cũng được. Nàng như một vị đại sứ muốn đến đâu là rào cản nhấc lên đến đó. Không ai ngăn họ lại. Chẳng ai hạch hỏi gì họ. Họ đi thang máy dành cho nhân viên lên tầng bốn, đến nơi lúc mười hai giờ quá vài phút.

Dọc đường đi Graciela đã kể cho McCaleb nghe kế hoạch của nàng. Nàng cho rằng họ có thể trông mong làm được những gì phải làm trong vòng mười lăm phút. Chừng đó là nhiều nhất, vừa vặn khoảng thời gian cần thiết để nhân viên phụ trách bộ phận cung ứng máu xuống căng tin bệnh viện mua đồ ăn trưa rồi trở lại phòng lab bệnh lý học. Thật ra nhân viên cung ứng máu cũng có giờ nghỉ giải lao để ăn trưa, song thường thì ai làm ở bộ phận này cũng đều ăn trưa ngay tại bàn làm việc bởi nếu đi ăn ngoài thì chẳng có ai thế chỗ. Nhân viên cung ứng máu là một vị trí kiểu như y tá, song bởi công việc này không bao gồm trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nên mỗi khi họ đi ăn trưa thì không có người thay.

Đúng như Graciela chờ đợi, họ đến chỗ phòng lab bệnh lý học lúc 12 giờ 5 phút và thấy bàn làm việc của nhân viên cung ứng máu trống chẳng có ai. McCaleb nghe tim mình đập nhanh hơn một chút khi nhìn những cái lò nướng bánh biết bay nối nhau trôi qua màn hình vi tính đặt trên bàn. Tuy nhiên, cái bàn ấy đặt trong một phòng lab rộng thênh thang. Cách bàn máy vi tính chừng ba mét là một bàn làm việc khác có một phụ nữ mặc đồng phục y tá đang ngồi. Thấy vậy Graciela tỏ ra vô cùng thoải mái.

“Chào, Patrice, có gì không?” nàng nói giọng vui vẻ.

Người phụ nữ đang cắm cúi làm việc với chồng giấy tờ trước mặt liền ngẩng lên mỉm cười. Chị ta liếc McCaleb nhưng rồi nhìn lại Graciela.

“Chào Graciela,” chị ta nói, kéo dài từng âm tiết và nhấn mạnh quá đáng cái đuôi iela theo kiểu Mỹ la tinh giống như một phát ngôn viên đọc tin trên truyền hình. “Chả có gì cả cưng ạ. Em thì sao?”

“Không có gì ạ. Ai đang trực cung ứng máu, giờ đi đâu rồi?”

“Là Patty Kirk, từ mấy hôm nay rồi. Nó mới xuống mua cái bánh xăng uých cách đây hai ba phút thôi.”

“Ừmmm,” Graciela nói như thể nàng vừa mới nghĩ ra. “Chị à, em đang định vào mạng, một tẹo thôi.”

Nàng đi vòng quanh quầy rồi lại chỗ máy vi tính.

“Dưới kia bọn em có một nhân viên công tác xã hội đang cần cấp cứu mà nhóm máu thì lại hiếm. Em cảm thấy anh chàng này rồi sẽ ngốn hết chỗ máu bọn em đang có thành thử em lên xem liệu trên này còn bao nhiêu máu dự trữ.”

“Em chỉ cần gọi lên cũng được mà. Để chị tìm cho.”

“Nhưng em muốn cho anh bạn Terry đây thấy mọi người ở đây thường làm việc ra sao. Terry này, đây là chị Patrice. Chị Patrice ạ, đây là Terry. Anh ấy là sinh viên dự bị y khoa, Đại học California. Em đang xem liệu em có thể thuyết phục anh ta thôi đừng học nữa hay không.”

Patrice nhìn McCaleb rồi lại mỉm cười, đoạn mắt chị ta săm soi ông theo kiểu đánh giá. Ông biết chị ta đang nghĩ gì.

“Tôi biết, tới tuổi này mới học thì hơi muộn,” ông nói. “Đây là kiểu như khủng hoảng tuổi trung niên hay gì đó.”

“Tôi cũng định nói thế. Chúc anh thực tập được nhiều may mắn. Tôi từng gặp những người mới hai lăm tuổi nhưng thực tập xong thì trông như đã năm mươi.”

“Tôi biết. Tôi sẽ sẵn sàng.”

Họ mỉm cười với nhau và cuối cùng cuộc trò chuyện cũng chấm dứt. Patrice trở lại với đống giấy tờ còn McCaleb nhìn Graciela đang ngồi trước máy tính. Mấy cái máy nướng bánh biết bay đã biến mất và màn hình đã hoạt động. Trên màn hình là một thứ gì đó kiểu như khung giao diện với những ô màu trắng.

“Anh có thể lại đây,” nàng nói. “Patrice không ăn thịt anh đâu mà lo.”

Patrice bật cười nhưng không nói gì. McCaleb lại gần đứng sau ghế nàng ngồi. Nàng nhìn lên ông nháy mắt, biết rằng ông đang đứng chắn không để Patrice thấy nàng đang làm gì. Ông vừa cười vừa nháy lại. Sự bình thản của nàng thật gây ấn tượng. Ông xem đồng hồ rồi hạ tay xuống để nàng thấy bây giờ là mười hai giờ bảy phút. Nàng chú ý trở lại vào máy tính.

“Giờ ta tìm loại máu AB nhé. Muốn vậy thì ta đăng nhập vào đây rồi kết nối với CMN. Đó là viết tắt của Cơ quan Cung ứng Máu và Nội tạng. Đó là ngân hàng máu lớn của vùng này, vẫn làm đối tác của bọn em. Hầu hết bệnh viện quanh đây đều làm ăn với họ cả.”

“Rồi.”

Nàng chìa tay ra trước, vạch ngón tay vào dưới một mẩu giấy nhỏ dán vào phía trên màn hình. Trên mẩu giấy có ghi một con số gồm sáu chữ số. McCaleb biết đó là mã truy cập. Trên đường đến đây Graciela đã giải thích rằng ở bệnh viện người ta rất chểnh mảng chuyện bảo mật hệ thống CMN. Mã truy nhập vào máy tính vẫn được thay hàng tháng. Nhưng người phụ trách bộ phận cung ứng máu ở Holy Cross không phải là một vị trí toàn thời gian, nghĩa là các y tá được phân công làm theo chế độ luân phiên.

Chế độ luân phiên này lại cũng thường xuyên bị phá vỡ bởi những y tá nào bị cảm sốt, nhiễm vi rút hay các bệnh khác tuy không nhất thiết phải nghỉ việc nhưng lại được yêu cầu không tiếp xúc với bệnh nhân thì thường được phân công phụ trách bàn cung ứng máu. Do số người thường xuyên thay nhau làm ở bộ phận này rất lớn nên người ta cứ thế dán mã truy cập CMN lên màn hình mỗi khi nó được thay hàng tháng. Trong tám năm hành nghề y tá, Graciela từng làm việc ở hai bệnh viện khác của Los Angeles. Nàng nói rằng ở cả hai bệnh viện kia cũng y vậy thôi. Hệ thống bảo mật thì CMN có thì có đấy, nhưng có lẽ ở bất kỳ bệnh viện nào mà CMN phục vụ thì hệ thống này đều bị người ta làm cho thành vô hiệu.

Graciela gõ mật mã vào, theo sau là chuỗi lệnh modem, và McCaleb nghe tiếng máy tính quay số rồi kết nối vào máy tính của CMN.

“Đang kết nối với máy mẹ,” Graciela nói.

McCaleb xem đồng hồ. Họ còn nhiều nhất là tám phút nữa. Lướt qua trên màn hình là vài khung giao diện chào mừng, sau đó mới dừng lại ở khung giao diện cho phép nhập thông tin cần truy xuất. Graciela nhanh chóng gõ thông tin cần thiết vào và tiếp tục diễn giải nàng đang làm gì.

“Giờ ta chuyển đến trang yêu cầu tiếp máu. Ta gõ vào cái mình cần tìm rồi thì, úm ba la, ta đợi.”

Nàng giơ hai bàn tay ra trước màn hình mà ngọ ngoạy các ngón tay.

“Graciela này, Raymond thế nào?” Patrice hỏi với từ sau lưng họ, McCaleb xoay người ngoái nhìn nhưng Patrice vẫn đang cắm cúi làm việc, xoay lưng lại hai người.

“Nó ổn,” Graciela đáp. “Em thì vẫn đau buồn vì chuyện ấy nhưng nó thì cừ lắm.”

“À, thế thì tốt. Em nên đưa nó tới đây chơi lần nữa.”

“Em sẽ làm thế chứ, nhưng nó đang bận học. Chắc để đến kỳ nghỉ xuân.”

Màn hình bắt đầu in ra danh mục máu loại AB hiện có trong kho và địa chỉ các bệnh viện hoặc ngân hàng máu nơi lưu từng panh một. Tuy bản thân CMN là một ngân hàng máu nhưng nó cũng lại làm cơ quan đại lý môi giới cho các ngân hàng và bệnh viện nhỏ hơn ở khắp miền Tây.

“Rồi,” Graciela nói. “Giờ ta thấy trong vùng này nguồn cung có khá nhiều. Bác sĩ muốn có ít nhất sáu đơn vị máu dự trữ phòng khi tay bệnh nhân ngốn máu kinh người kia cần phẫu thuật thêm. Vậy ta nhấp vào màn hình đặt hàng rồi chỉ định là giữ trước sáu đơn vị. Một chỗ giữ trước chỉ có giá trị trong hai tư giờ. Nếu đến giờ này ngày mai mà ta không cập nhật thì chỗ máu đó ai tới sớm nhất người ấy được.”

“OK,” McCaleb nói, cư xử đúng như anh sinh viên mà ông đang thủ vai.

“Em sẽ phải nhớ nhắc Patty cập nhật cái này ngày mai.”

“Thế nếu em gọi cái này lên mà không có máu thì sao?”

Trên đường đến đây nàng đã dặn ông là nếu khi họ đang kết nối với CMN mà có ai khác có mặt trong khu y tá thì ông phải hỏi câu này.

“Hỏi hay lắm,” nàng vừa nói vừa bắt đầu di chuột. “Ta làm thế này. Ta trỏ vào biểu tượng có hình giọt máu con con này. Ta nhấp vào đó thì sẽ vào được hồ sơ những người hiến máu. Ta lại đợi.”

Mấy giây trôi qua và màn hình bắt đầu hiển thị đầy dẫy họ tên, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin khác.

“Có tất cả những người hiến máu loại AB. Cho thấy họ ở đâu, liên lạc với họ bằng cách nào, còn thông tin này thì cho biết họ hiến lần gần đây nhất là khi nào. Ta không nên lần nào cũng đến gặp chỉ một người. Nên cố trải rộng ra, tìm ai đó hoặc ở gần ta để họ có thể tới thẳng đây, hoặc là gần một ngân hàng máu. Phải làm sao để thuận tiện cho họ.”

Nàng vừa nói vừa di ngón tay dọc danh sách họ tên. Có chừng hai mươi lăm cái tên từ khắp miền Tây. Nàng dừng lại chỗ tên em nàng rồi lấy móng tay gõ gõ lên màn hình. Đoạn nàng di tiếp. Ngón tay nàng xuống tới cuối màn hình nhưng không gặp tên James Cordell hay Donald Kenyon.

McCaleb thở ra thành tiếng tỏ vẻ thất vọng nhưng Graciela đã giơ một ngón tay lên ra hiệu đợi chút đã. Đoạn nàng nhấn nút up trên màn hình, thế là một màn hình họ tên mới liền hiện ra. Có thêm khoảng mười lăm tên nữa. Tên James Cordell nằm ngay trên đầu danh sách mới. Nàng lướt ngón tay từ trên xuống dưới màn hình thì gặp tên Donald Kenyon ở hàng thứ hai từ dưới lên.

Lần này thì McCaleb nghẹn thở nên ông chỉ gật đầu. Graciela nhìn lên ông, cái nhìn nghiêm trang của nàng xác nhận là đúng. McCaleb cúi lại gần màn hình đọc thông tin tiếp theo mấy cái tên. Cordell đã không hiến máu trong vòng chín tháng còn Kenyon thì đã hơn năm năm chẳng dín cho một giọt. McCaleb lưu ý thấy ký hiệu cuối cùng sau mỗi cái tên này đều là chữ cái H theo sau là dấu hoa thị. Các tên khác thì có hoặc H hoặc hoa thị, nhưng chỉ một số ít tên có cả hai. McCaleb đưa tay xuống gõ gõ vào màn hình bên dưới chữ H.

“Là gì vậy? Hoãn à?”

“Không,” Graciela khẽ nói. “H nghĩa là Hiến. Hiến tạng. Họ đã ký vào giấy tờ, ghi rõ trên bằng lái xe, kiểu vậy, rằng nếu lúc nào đó họ vào bệnh viện mà chết thì người ta có thể lấy nội tạng của họ.”

Trong khi nói vậy nàng nhìn ông suốt và McCaleb thấy khó lòng nhìn lại nàng được. Ông biết lời xác nhận đó nghĩa là gì.

“Còn hoa thị?”

“Em không chắc.”

Nàng cuộn màn hình cho đến khi trở lại phần diễn giải ở trên cùng. Nàng di ngón tay dọc các ký hiệu cho đến khi gặp dấu hoa thị.

“Hoa thị nghĩa là CMV âm tính,” nàng nói. “Hầu hết người ta ai cũng mang một vi rút không nguy hiểm trong máu gọi là CMV. Là viết tắt chữ gì đó dài lắm. Có khoảng một phần tư dân số không có vi rút này. Để máu người cho và máu người nhận hoàn toàn khớp nhau khi truyền máu thì người ta phải biết cả thông tin này nữa.”

Ông gật. Thông tin ấy thì ông biết.

“Bài học hôm nay đến đây là hết,” Graciela nói nhanh.

Nàng di chuột và McCaleb thấy mũi tên chuyển đến biểu tượng ngừng kết nối trên đỉnh màn hình. Ông rướn người nắm lấy tay nàng trước khi nàng kịp nhấp nút chuột để ra khỏi hệ thống CMN.

Graciela nhìn lên ông, mặt nàng tỏ ý hỏi. McCaleb nhìn lại Patrice. Ông không nói được. Ông nhìn quanh thì thấy trên quầy có một cái bìa kẹp hồ sơ trên đó có mấy tờ biểu mẫu cùng một cây bút chì buộc vào bằng dây. Ông lấy tay ra hiệu cho Graciela, chỉ về phía Patrice rồi lại chỉ nàng và dùng mấy ngón tay ra hiệu nói chuyện. Đoạn ông nắm lấy cái kẹp hồ sơ và bắt đầu viết.

“À này Patrice, Charlie khỏe không?” Graciela hỏi.

“Ồ, khỏe. Cứ quấy suốt thôi.”

“Trời ạ, hai anh chị hợp nhau quá trời quá đất đấy!”

“Ừ, tụi chị là cái nòi si tình thứ thiệt mà.”

McCaleb chìa tấm bìa kẹp hồ sơ lên trước mặt Graciela. Ông đã ghi ba câu hỏi.

1. Em in danh sách đó ra được không?

2. Em truy xuất hồ sơ em gái em được không?

3. Ai nhận nội tạng của cô ấy?

Graciela nhún vai rồi nhóp nhép không ra tiếng mấy chữ Em không biết với ông. Đoạn nàng quay lại máy vi tính tiếp tục làm việc. Đầu tiên nàng in ra danh sách những người hiến máu loại AB. Thật may, máy tính nối với một máy in laser, in ra gần như êm ru không một tiếng động nên Patrice không để ý. McCaleb nhanh chóng gấp bản danh sách theo chiều dọc rồi nhét vào túi trong áo khoác. Kế đó, Graciela quay lại màn hình chào mừng ban đầu rồi kéo xuống một cửa sổ nhập lệnh. Nàng kích chuột lên một biểu tượng hình trái tim màu đỏ. Một màn hình với thông báo DỊCH VỤ MUA NỘI TẠNG xuất hiện, sau đó là một màn hình khác yêu cầu gõ mã truy nhập. Graciela nhún vai, nhìn lên mã dán sẵn phía trên màn hình và lại gõ mã vào.

Chẳng có gì.

Mũi tên chuyển thành cái đồng hồ cát rồi thì chẳng có gì xảy ra. McCaleb xem đồng hồ. Đã 12 giờ 15, thời hạn khi cơ hội mà họ thỏa thuận tận dụng cho bằng được đã hết. Patty Kirk hẳn sẽ về bất cứ lúc nào và sẽ phát hiện ra họ. Khi dự trù tất cả việc này, Graciela chưa nói gì về chuyện nếu bị bắt gặp nửa chừng thì họ sẽ giải thích mình đang làm gì.

“Em e là màn hình bị treo rồi,” Graciela nói.

Vì thất vọng nàng xòe tay đập vào cạnh màn hình. McCaleb luôn lấy làm lạ sao lại có lắm người cho rằng làm thế thì có khi máy tính lại hết treo. Ông toan bảo nàng thôi không cần nữa thì đã nghe tiếng mấy bánh xe của ghế Patrice ngồi chuyển động. Ông quay lại thì thấy chị ta đứng lên. Có lẽ chị ta cũng sắp thử đập cái máy tính xem sao đây.

“Vậy đó,” Graciela nói.

McCaleb lấy thân mình chắn giữa tầm nhìn của Patrice với máy tính.

“Của quỷ,” Patrice nói. “Nó bao giờ cũng vậy. Tôi lên hiên trên tầng uống lon Coke với lại hút điếu thuốc đây. Gặp sau nhé, Graciela.”

Chị mỉm cười với McCaleb.

“Và rất vui được gặp anh,” chị thêm.

McCaleb mỉm cười.

“Rất vui được gặp chị,” ông nói.

“Gặp sau nhé, Patrice,” Graciela nói.

Patrice đi vòng quanh quầy rồi ra hành lang. Chị không hề nhìn màn hình máy tính khi đi ngang qua. Khi chị đi khỏi, McCaleb nhìn xuống màn hình. Có một thông điệp đang nhấp nháy trên đó.

CHỈ TRUY CẬP CẤP 1

THỬ LẠI

“Thế nghĩa là sao?”

“Nghĩa là em không có mã để truy cập hồ sơ đó. Mấy giờ rồi?”

“Đến giờ phải đi rồi. Rút thôi.”

Nàng kích vào nút ngưng kết nối và McCaleb nghe tiếngchích-chích khi đường truyền điện thoại bị ngắt.

“Anh đang làm gì vậy?” Graciela nói. “Anh muốn gì?”

“Anh sẽ nói sau. Cứ ra khỏi đây đã.”

Nàng đứng dậy, chuyển ghế mình vừa ngồi về chỗ cũ rồi họ tất tả vòng qua quầy. Ra ngoài hành lang họ rẽ phải ngay chỗ rẽ đầu tiên và tiến đến chỗ thang máy. Họ đi nhanh, cứ như kẻ trộm. Có một phụ nữ đi ngược về phía họ, tay cầm lon Coke và một hộp bánh xăng uých. Chị ta còn cách chừng hơn hai chục mét nhưng đã mỉm cười với Graciela.

“Ồ, chó thật,” McCaleb thì thầm. “Có phải...”

“Ừ. Mình cứ tỉnh mà đi.”

“Không, chặn cô ta lại.”

“Sao phải thế? Mình ổn mà.”

Ông giơ tay lên xát mũi đồng thời ngăn không cho người phụ nữ đang lại gần nghe được ông nói gì.

“Cái màn hình chờ. Thường thì sau khi mình thôi dùng máy, phải ít nhất một phút sau nó mới xuất hiện lại. Chị ta sẽ biết.”

“Không hề gì. Mình có trộm bí mật quốc gia đâu mà sợ.”

Nhưng hóa ra Graciela không phải ngăn Patty Kirk. Tự chị ngăn họ lại.

“Kìa Graciela, cậu làm gì ở đây?” chị nói trong khi họ lại gần nhau. “Mình mới gặp Jane Tompkins ở căng tin, nó đang chì chiết sao cậu không đến lại đấy.”

Họ đứng lại và Patty Kirk cũng đứng.

“Đừng cho nó biết mình ở đây nhé!”

“Chà, thế cậu đang làm gì kia?”

Chị giơ tay lên, ý trỏ bộ đồng phục của Graciela.

“Đây là bạn mình, Terry. Anh ấy đang học dự bị y khoa ở Đại học Los Angeles. Mình đã bảo anh ấy hôm nay mình sẽ cho anh ấy xem qua một vòng vì anh ấy có khi sẽ được phân công thực tập nội trú ở đây. Mình nghĩ mặc đồng phục thì đi đây đi đó dễ hơn nhiều. Terry này, đây là Patty Kirk.”

Họ bắt tay và mỉm cười. McCaleb hỏi chị khỏe không, chị bảo khỏe. Ông thì mường tượng trong đầu cảnh mấy cái lò nướng bánh biết bay rốt cuộc cũng đã trở lại trên màn hình máy tính của chị.

Patty Kirk nhìn lại Graciela mà lắc đầu.

“Janie mà biết được là nó giết cậu đấy. Nó sẽ nghĩ lại là chuyện Raymond đây mà. Chuyến này cậu nợ mình to đấy nhé, cô bé.”

“Mình biết, mình biết. Chỉ cần cậu đừng bảo gì nó hết, nhé? Dưới kia ai cũng nổi khùng với mình hết. Nó là đứa bạn duy nhất mình còn lại đấy.”

Họ chia tay, rồi thì McCaleb và Graciela đi lại chỗ thang máy. Khi Patty Kirk đi đủ xa không nghe thấy được, Graciela hỏi liệu họ dừng như thế có đủ lâu không.

“Còn tùy thông số cài đặt màn hình chờ. Nhưng chắc là không sao. Mình ra khỏi đây đi.”

Trở lại chiếc Rabbit, Graciela lái xe ra khỏi bãi đỗ của bệnh viện rồi hướng ra xa lộ 405 về phía Nam.

“Giờ đi đâu?” nàng hỏi.

“Anh không biết. Dù gì thì mình phải có cách nào đó vào được trong CMN. Mình cần danh sách những người nhận. Nhưng anh e mình không thể cứ thế tấp xe vào rồi họ cứ thế đưa cho mình ngay tắp lự. Nhưng mà CMN thì ở đâu?”

“Tây LA, gần sân bay. Nhưng anh nói đúng, mình không thể khơi khơi vào đó xin người ta bản danh sách được. Toàn bộ hệ thống dựa trên cơ sở bí mật. Em tìm thấy anh cũng chỉ nhờ có người cho em biết về bài báo đó thôi.”

“Đúng,” ông nói.

Điều đó ông đã nghĩ rồi. Ông đang suy nghĩ như điên và cuối cùng bập vào một ý nghĩ. Họ đang đến gần lối vào xa lộ.

“Mình lên đồi đi. Đến Cedars. Có lẽ anh biết ai sẽ giúp chúng mình được.”
 
Chương 30


Đầu tiên họ đến chỗ văn phòng của Bonnie Fox ở tháp Tây Cedars. Phòng đợi vắng tanh và nhân viên tiếp tân của Fox, một phụ nữ tên Gladys chẳng bao giờ nhếch mép cười, xác nhận rằng bác sĩ không có đó.

“Bà ấy lên phía Bắc, nội hôm nay chắc là không về,” Gladys nói, mày cứ cau cau. “Các vị đến lấy hồ sơ phải không?”

“Không, chưa.”

McCaleb cảm ơn bà ta rồi họ đi. Ông biết điều Gladys vừa cho họ biết có thể diễn giải ra là Fox đang đi thăm bệnh trên tầng sáu của tháp Bắc, ngay trong bệnh viện. Họ đi theo cầu nối ở tầng ba để sang tháp Bắc, sau đó đi thang máy lên khoa tim mạch và thay tạng ở tầng sáu. McCaleb càng lúc càng mệt vì cứ phải lặc lè tha cái túi da nặng trịch theo.

McCaleb đã nằm ở tầng sáu này đủ lâu để không thấy xa lạ. Graciela thì vẫn đang mặc đồng phục y tá nên trông càng hợp cảnh. McCaleb dẫn đường theo hành lang bên trái dãy buồng thang máy đến chỗ phòng đợi trước khi thay tạng và phòng hồi sức, cũng như phòng trực y tá khu thay tạng. Họ có nhiều cơ hội bắt gặp được Fox ở khu này.

Trong khi bước dọc hành lang dài, McCaleb nhìn qua những cánh cửa mở. Ông không nhìn thấy Fox nhưng lại thấy thân hình tiều tụy của những người hầu hết là trọng tuổi nằm trên giường. Có giường dành cho những người đợi thay tạng được nối với máy, thời gian của họ cứ vơi dần và cơ hội lu mờ dần cũng như tim họ đang lịm dần đi. Đi ngang qua một phòng, McCaleb trông thấy chú bé ông đã gặp lần trước. Chú đang ngồi trên giường xem tivi. Hình như chỉ có mình chú trong phòng. Nào dây nào cáp loằng ngoằng thòi ra khỏi tay áo bộ đồ bệnh viện chú mặc mà chạy về phía đống máy móc màn hình. Sau khi xác định rằng Fox không có trong phòng, McCaleb nhanh chóng quay đi. Những ai còn trẻ thì cũng là người khó hiểu được, thậm chí khó chấp nhận được điều này nhất. Nội tạng họ còn mới thế kia song vì lý do không giải thích nổi nào đấy đã không còn phục vụ họ được nữa, một bài học khủng khiếp và đôi khi chí tử về sự sống mà họ phải học mặc dù đã chẳng làm gì nên tội. Trong một thoáng, lóe lên trong tâm trí McCaleb hình ảnh vùng đầm lầy Everglades, đám điều tra viên quần tụ trên thuyền hơi ở chỗ Nhà Tù Quỷ, cái hố đen nơi đã tiêu biến sạch niềm tin của ông rằng bất cứ chuyện gì cũng đều có lý do chính đáng, hợp lẽ.

Họ gặp may. Khi rẽ sang khu y tá trực, McCaleb thấy Bonnie Fox đang nhoài người qua quầy rút một hồ sơ bệnh án ra khỏi một cái giá cao. Khi thẳng người lên, chị quay sang thì thấy họ.

“Kìa Terry.”

“Chào bác sĩ.”

“Có gì không ổn à? Anh có...”

“Không, không, ổn cả.” Ông giơ cả hai tay lên để trấn an.

“Vậy anh làm gì ở đây? Hồ sơ bệnh án của anh ở phòng tôi kia mà.”

Chừng đó chị ngó thấy Graciela và rõ là không nhận ra nàng. Điều đó khiến cho vẻ mặt chị đã ngỡ ngàng lại càng ngỡ ngàng thêm.

“Tôi đến không phải để xin bệnh án,” McCaleb nói. “Có phòng nào - phòng trống - cho chúng ta dùng trong vài phút không? Chúng tôi cần nói chuyện với chị.”

“Terry này, tôi đang thăm bệnh nửa chừng. Anh vào đây mà yêu cầu tôi thế này là không...”

“Chuyện quan trọng bác sĩ ạ. Rất quan trọng. Cho tôi năm phút thôi, tôi tin chắc rồi chị sẽ đồng ý là quan trọng thật. Bằng không, chúng tôi sẽ xéo ngay. Tôi sẽ đi lấy hồ sơ của mình rồi cuốn gói.”

Chị lắc đầu bực bội rồi quay lại nhìn một trong các y tá ngồi sau quầy.

“Anne này, ta có phòng nào trống?”

Một trong các y tá nghiêng người sang trái, lướt ngón tay dọc một cái bảng có tờ giấy kẹp vào.

“Mười, mười tám, ba sáu, tùy bác sĩ chọn.”

“Tôi sẽ ở phòng mười tám, vì gần chỗ ông Koslow. Nếu ông ấy gọi, bảo ông ấy tôi sẽ có mặt trong vòng năm phút nữa.”

Chị vừa nghiêm khắc nhìn McCaleb vừa nói mấy từ cuối.

Bước quày quả, Fox dẫn họ dọc theo hành lang vào phòng 618. McCaleb vào sau cùng rồi đóng cửa lại sau lưng họ. Ông đặt cái túi nặng trịch xuống sàn. Fox tì hông vào cái giường trống, đặt hồ sơ bệnh án xuống bên cạnh rồi khoanh tay trước ngực. McCaleb cảm thấy cơn giận đang toát ra từ chị mà hướng thẳng vào ông.

“Hai người có năm phút. Ai đây?”

“Đây là Graciela Rivers,” McCaleb nói. “Tôi có kể với chị về cô ấy.”

Fox nhìn Graciela riết róng.

“Cô là người đã lôi anh ấy vào vụ này,” chị nói. “Cô có hiểu không, tôi thì anh ấy không chịu nghe nhưng cô là y tá, lẽ ra cô phải biết hơn mới đúng chứ. Nhìn anh ấy kìa. Sắc mặt anh ấy, quầng mắt anh ấy. Mới tuần trước anh ấy còn khỏe. Anh ấy còn chả làm sao hết, mẹ khỉ! Tôi đã dẹp hồ sơ anh ấy khỏi bàn tôi mà cất. Tôi tin chắc về anh ấy đến thế đấy. Còn giờ thì...”

Chị ra hiệu về phía vẻ bề ngoài của McCaleb như làm minh chứng cho điều chị nói.

“Tôi chỉ làm điều tôi thấy phải làm,” Graciela nói. “Tôi phải nhờ...”

“Là tôi chọn,” McCaleb cắt ngang. “Mọi thứ. Là tôi chọn.”

Fox gạt bỏ lời giải thích của họ bằng một cái lắc đầu tức tối. Chị bước lùi khỏi giường rồi ra dấu bảo McCaleb ngồi xuống.

“Cởi áo ra rồi ngồi xuống. Nói gì thì nói đi. Anh còn khoảng bốn phút nữa.”

“Tôi không cởi áo đâu, bác sĩ. Tôi muốn chị nghe những gì tôi nói, chứ không phải nghe nhịp tim tôi bao nhiêu.”

“Được. Nói đi. Anh muốn giành tôi khỏi các bệnh nhân tôi cần thăm bệnh, được lắm. Nói đi.”

Chị gõ gõ khớp ngón tay lên hồ sơ bệnh án để trên giường.

“Ông Koslow đây, tình trạng cũng hệt như anh hai ba tháng trước. Tôi đang cố giữ ông ấy sống cho đến khi may ra có tim để thay. Rồi tôi lại còn một thằng bé mười ba tuổi...”

“Chị có để tôi nói cho chị biết vì sao chúng tôi đến đây không?”

“Tôi không thể chịu được. Tôi giận anh lắm.”

“Thôi nào, cứ nghe đi rồi thì có thể cảm xúc của chị sẽ khác đi.”

“Tôi e không có chuyện đó đâu.”

“Tôi có được nói hay không nào?”

Fox giơ hai tay lên tỏ ý đầu hàng, trề môi rồi cúi chào ông. Sau cùng, McCaleb bắt đầu kể. Ông mất tới mười phút để tóm tắt câu chuyện cuộc điều tra của ông, nhưng điều đó không sao. Cho đến khi mốc năm phút đã điểm, Fox bị thu hút đến nỗi quên mất không để ý thời gian. Chị để ông nói, không ngắt lời một lần nào.

“Vậy đó,” khi kể xong ông nói. “Vì vậy chúng tôi mới đến đây.”

Fox đưa mắt từ người này sang người kia mãi một hồi, vừa nhìn vừa cố lĩnh hội những gì McCaleb vừa kể cho chị nghe. Đoạn chị vừa bắt đầu đi tới đi lui trong không gian nhỏ hẹp của căn phòng vừa tua lại câu chuyện theo cách chị hiểu. Không phải là chị đang bước đi. Đúng hơn là như thể chị cần dọn chỗ cho câu chuyện ấy trong tâm trí mình và đang thể hiện cái nhu cầu đó bằng những chuyển động nhỏ tới lui, chúng mở rộng dần cái không gian cá nhân xung quanh chị.

“Anh nói rằng anh ngờ có một kẻ cần thay tạng - tim, phổi, gan, thận, gì gì đó. Nhưng cũng như anh, họ có nhóm máu hiếm là AB với CMV âm tính. Thế có nghĩa là sẽ phải đợi lâu, hết sức lâu, có khi đợi mãi hoài công bởi vì có khi hai trăm người mới có một người thuộc nhóm ấy, có nghĩa là, cũng vậy, cứ hai trăm lá gan, tạm cho là vậy, thì mới có một lá gan khớp với hắn.

Tôi hiểu vậy có đúng không? Anh bảo là kẻ này bèn quyết định cải thiện cơ may của mình bằng cách ra đường bắn chết những ai cùng nhóm máu với hắn bởi vì sau đó nội tạng của họ sẽ sẵn sàng để được thay cho hắn?”

Chị nói những điều ấy bằng một vẻ quá ư mỉa mai đến nỗi McCaleb thấy bực bội nhưng thay vì phản đối, ông chỉ gật đầu.

“Thế rồi hắn có được tên những người thuộc nhóm máu của mình từ danh sách những người hiến máu trong máy tính của CMN?”

“Đúng.”

“Nhưng anh không biết làm sao hắn lấy được.”

“Chúng tôi không chắc. Nhưng chúng tôi biết rằng hệ thống bảo mật của CMN rất dễ bị xâm nhập.”

McCaleb rút từ trong túi bản danh sách mà Graciela đã in ra ở bệnh viện Holy Cross. Ông mở tờ giấy ra đưa cho Fox.

“Hôm nay tôi lấy được cái này, mà tôi nào biết mô tê gì về ngón nghề tin tặc đâu.”

Fox nhận tờ giấy rồi cầm mà vẫy vẫy về phía Graciela.

“Nhưng anh nhờ cô ta giúp.”

“Chúng tôi không biết người này là ai hoặc họ đã nhờ ai giúp. Chúng ta phải giả định rằng người này có mối quen biết và có khả năng thuê kẻ giết mướn, rồi thì lão ta hoặc mụ ta xâm nhập được vào máy tính của CMN. Cái chính là chuyện ấy làm được.”

McCaleb chỉ bản danh sách.

“Những gì cần có thảy nằm đây cả. Tất cả những ai có trong danh sách đó đều thuộc nhóm ấy. Hắn sẽ chọn một trong những người hiến. Chắc hắn sẽ chọn ai đó trẻ, sẽ nghiên cứu sao đó. Kenyon còn trẻ, phù hợp. Chơi tennis này, cưỡi ngựa này. Cordell trẻ, khỏe. Bất cứ ai quan sát anh ta một thời gian đều sẽ biết anh ta phù hợp. Lướt ván, trượt tuyết, leo núi. Cả hai đều hoàn hảo.”

“Thế sao lại giết họ - để thực tập á?” Fox hỏi.

“Không, không phải thực tập. Giết là giết thật, nhưng lần nào cũng hư bột hư đường. Với Kenyon thì hung thủ dùng loại đạn vỡ được cho nên não anh ta nát như tương, người ta chưa kịp đưa vào bệnh viện thì anh ta chết mất rồi. Hung thủ liền cải tiến phương pháp. Hắn chuyển sang dùng đạn bọc kim loại, và bắn xuyên qua phần trước não. Thương tích chết người, đúng, nhưng không chết tức thì. Có một người lái xe ngang qua liền dùng di động gọi cấp cứu. Cordell còn sống. Nhưng địa chỉ lại bị nhầm loạn cả lên nên xe cấp cứu đến nhầm chỗ. Trong khi đó thì giờ cứ trôi, nạn nhân chết tại hiện trường.”

“Và một lần nữa nội tạng vẫn chưa hề được thu hoạch,” Fox nói, lần này tỏ vẻ thông hiểu.

“Tôi ghét chữ đó,” Graciela nói, nãy giờ đã lâu lắm giờ nàng mới mở miệng.

“Gì cơ?” Fox hỏi.

“Thu hoạch. Tôi ghét chữ đó. Các nội tạng đó chẳng ai thu ai hoạch gì hết. Chúng được hiến. Hiến bởi những người biết quan tâm đến người khác. Nội tạng không phải là vụ mùa nông trại.”

Fox gật đầu rồi im lặng nhìn Graciela, như thể đánh giá lại toàn bộ nàng từ đầu.

“Với Cordell cũng hỏng nhưng không phải hỏng vì bản thân phương pháp,” McCaleb tiếp. “Cho nên hung thủ chỉ cần quay lại danh sách những người hiến tiềm năng. Hắn...”

“Danh sách lấy từ máy tính của CMN.”

“Đúng. Hắn quay lại bản danh sách và chọn ra Gloria Torres. Quá trình lại bắt đầu. Hắn quan sát, tìm hiểu thói quen sinh hoạt của cô ấy, cũng biết cô ấy khỏe mạnh, sẽ hợp.”

Trong khi nói vậy McCaleb nhìn Graciela, e rằng sự tàn khốc của điều mình nói sẽ khiến nàng có phản ứng khác. Nàng vẫn điềm tĩnh. Fox nói.

“Và giờ hai người muốn lần theo dấu vết các cơ quan nội tạng được thu hoạch và hai người cho rằng tên giết người - hoặc kẻ thuê tên giết người - sẽ có một trong các cơ quan đó. Hai người có biết nói vậy thì nghe ra sao không?”

“Tôi biết,” McCaleb nói nhanh trước khi chị kịp xây dựng nên cơ sở cho mối hoài nghi của mình. “Nhưng không có cách giải thích nào khác. Chúng tôi cần chị giúp về việc CMN.”

“Tôi không biết.”

“Chị nghĩ mà xem. Có bao nhiêu phần trăm khả năng chỉ là chuyện ngẫu nhiên khi mà cùng một người - ắt hẳn là kẻ giết thuê - tình cờ bắn hạ ba người khác nhau nhưng lại có cùng một nhóm máu hiếm hai trăm người mới có một người? Chị không thể tưởng tượng ra những khả năng kiểu đó bằng máy vi tính được. Bởi đây không phải là tình cờ. Đây là chuyện nhóm máu. Nhóm máu chính là mối liên kết. Nhóm máu chính là động cơ.”

Fox rời khỏi họ, đi về phía cửa sổ. McCaleb theo sau, lại đứng gần chị. Căn phòng nhìn xuống Đại lộ Beverly. Ông thấy dãy công ty doanh nghiệp nối nhau suốt con đường, hiệu sách chuyên về truyện kỳ ảo hoang đường và nhà hàng đặc sản trên mái có biển đề Ăn Vào Khỏe Ngay! Ông nhìn Fox và thấy như thể chị đang nhìn chăm chăm hình phản chiếu của chính mình trên cửa sổ.

“Tôi có bệnh nhân đang đợi,” chị nói.

“Chúng tôi cần chị giúp.”

“Cụ thể thì tôi làm gì được đây?”

“Tôi không rõ. Nhưng tôi nghĩ chị có nhiều cơ hội lấy được thông tin từ CMN hơn chúng tôi.”

“Sao các người không tới cảnh sát? Họ mới có nhiều cơ hội nhất. Sao các người lại lôi tôi vào?”

“Tôi không tới cảnh sát được. Chưa được. Tôi mà tới gặp họ là bị cho ra rìa luôn. Cứ nghĩ lại những gì tôi vừa kể chị nghe đi. Tôi là một nghi can kia mà.”

“Nghĩ thế thì điên rồ quá.”

“Tôi biết. Nhưng họ thì sẽ không biết thế. Với lại, điều đó chẳng quan trọng. Đây là chuyện cá nhân. Tôi nợ Gloria Torres, nợ Graciela chuyện này. Tôi sẽ không khoanh tay ngồi ngoài trong vụ này đâu.”

Một thoáng lặng thinh trôi qua.

“Thưa Bác sĩ.”

Graciela đã đến sau lưng hai người. Họ quay lại nàng.

“Bác sĩ phải giúp. Nếu bác sĩ không giúp thì tất cả những việc này - tất cả những gì bác sĩ làm ở đây - chẳng có ý nghĩa gì. Nếu bác sĩ không bảo vệ nổi sự chính trực của hệ thống nơi mình đang làm việc thì bác sĩ cũng chẳng có hệ thống nào hết.”

Hai người phụ nữ nhìn nhau hồi lâu, thế rồi Fox vừa mỉm cười buồn bã vừa gật đầu.

“Vào phòng làm việc của tôi mà đợi tôi,” chị nói. “Tôi phải thăm bệnh ông Koslow và một bệnh nhân khác. Mất chừng nửa tiếng là nhiều nhất. Sau đó tôi sẽ về lại phòng để gọi điện.”
 
Chương 31


“Văn phòng điều phối nghe đây.”

“Tôi là Bonnie Fox gọi đây, làm ơn cho gặp Glenn Leopold.”

Họ đang ngồi trong phòng làm việc của Fox, cửa đóng. Fox bật loa điện thoại lên để McCaleb và Graciela cùng nghe được. Trước đó, họ chờ chị nửa tiếng đồng hồ thì chị quay về. Thái độ của chị đã đổi khác. Chị vẫn quyết định giúp nhưng McCaleb nhận thấy chị có vẻ bối rối hơn so với khi họ ngồi trong phòng bệnh trống ở tháp Bắc. Họ đã thống nhất một kế hoạch mà McCaleb lập ra trong khi chờ đợi, Fox đã ghi chép vài điểm để tham chiếu khi cần, rồi chị gọi điện.

“Bonnie à?”

“Chào Glenn, anh khỏe không?”

“Tôi khỏe. Tôi giúp gì được cho chị đây? Tôi có chừng mười phút thôi, sau đó thì phải đi họp.”

“Chuyện này không lâu đâu. Tôi có chút vấn đề Glenn ạ, và tôi nghĩ may ra anh giúp tôi được.”

“Nói tôi nghe nào.”

“Hôm mồng chín tháng Hai vừa rồi tôi có làm một ca thay tạng ở đây - mã số hồ sơ CMN là 98 36 - nhưng rồi xảy ra biến chứng. Giờ tôi muốn nói chuyện với các bác sĩ giải phẫu đã tiến hành thay tạng bằng những cơ quan nội tạng khác của người hiến này.”

Có một khoảng lặng ngắn, sau đó giọng Leopold mới vang lên trở lại trên loa.

“Ừm, để xem... Chuyện này hơi lạ. Biến chứng mà chị nói là thuộc loại gì vậy, Bonnie?”

“Ồ thôi, tôi biết anh sắp phải họp. Cố nói càng ngắn gọn càng tốt thì thế này, nhóm máu của người nhận là AB với CMV âm tính. Cơ quan mà chúng tôi nhận được từ CMN khớp với nhóm này, ấy là theo biên bản. Nhưng bây giờ - xem nào, chín tuần hay gì đó sau phẫu thuật - thì ở người nhận tạng lại thấy có vi rút CMV, và xét nghiệm sinh thiết mới nhất cho thấy nhóm máu của anh ta không chấp nhận cơ quan mới ghép. Tôi đang cố phân lập nguyên nhân tại sao lại thế.”

Lại im lặng.

“Tôi thì tôi nghĩ nếu vi rút phát sinh cùng với quả tim thì chuyện lẽ ra phải được phát hiện từ trước rồi.”

“Thì đúng thế, nhưng trước đây chúng tôi đâu có lường trước mà tìm. Chúng tôi cứ dựa trên biên bản mà đinh ninh là không có CMV. Đừng hiểu lầm tôi, Glenn, tôi không có ý bảo là vi rút phát sinh cùng với quả tim. Nhưng tôi cần phải truy cho được vi rút ở đâu ra nên tôi cần phải rà soát tất tật. Chỗ tốt nhất để bắt đầu là quả tim.”

“Có phải chị đang cố phân lập chuyện này, như chữ chị dùng ấy, theo yêu cầu của luật sư không? Bởi nếu đúng là thế thì có lẽ tôi cần phải được…”

“Không, không, Glenn, chỉ là tôi thôi. Tôi cần biết có phải là vi rút đến cùng với cơ quan nội tạng hay không hay là bởi đã có… đang có gì không ổn ở đây?”

“Thôi được, chị đã dùng máu gì?”

“Thì đấy, chúng tôi đã dùng máu của chính bệnh nhân. Tôi có hồ sơ ngay đây này. Anh ta đã trữ tám đơn vị máu từ lâu trước khi mổ. Chúng tôi dùng có sáu.”

“Chị có chắc là dùng sáu đơn vị của chính anh ta không?”

Giọng Leopold bây giờ tỏ ra có chút bồn chồn. Fox vừa trả lời vừa nhìn McCaleb nên ông nhận thấy chị đang áy náy thế nầo khi phải nói dối với nhân viên điều phối tạng của CMN.

“Tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi đã theo đúng thủ tục, tôi đã đích thân kiểm đi kiểm lại nhãn dán trên túi trước khi mổ. Đúng là nhãn của anh ta. Tôi phải tin ấy là máu của anh ta chứ.”

“Chị muốn gì ở chúng tôi nào, Bonnie?”

“Một danh sách. Cơ quan nào được ghép cho bệnh nhân nào, và bác sĩ phẫu thuật phụ trách từng ca, người nào tôi có thể gọi điện nói chuyện được.”

“Tôi không biết. E là tôi phải...”

“Glenn, nghe này, chuyện này chẳng có gì cá nhân hết, bệnh nhân của tôi đang gặp chuyện không hay này nên tôi mới phải đích thân kiểm tra cho ra lẽ. Bản thân tôi cần cảm thấy thỏa mãn. Chuyện này tôi sẽ giữ kín, nếu đây là điều khiến anh không yên tâm. Chẳng ai nói gì về luật sư hay về chuyện làm ăn không đúng quy định cả. Chúng ta chỉ cần truy cho được tại sao chuyện này lại xảy ra. Nếu chúng ta có biết gì chăng thì là, anh nói đúng… ấy là do nhầm nhóm máu. Nhưng tôi tin chắc anh sẽ đồng ý rằng nơi đầu tiên để chuyện này khởi phát chính là cái mô mới được đưa vào cơ thể bệnh nhân.”

McCaleb nín thở. Họ đã đến thời điểm then chốt. Fox cần phải tự mình có được những cái tên. Chị không thể để Leopold bảo tự anh ta sẽ kiểm tra rồi gọi lại cho chị biết.

“Tôi cho là...”

Giọng anh ta rời ra xa nên Fox cúi người tới trước, khoanh hai tay đặt lên bàn, gục đầu xuống. Trong im lặng, McCaleb nghe một âm thanh phát ra từ điện thoại, ông nhận ra đó là tiếng gõ phím máy tính. Ông khẽ rùng mình hồi hộp khi nhận ra rằng Leopold hẳn đang truy xuất hồ sơ đó trên máy tính.

McCaleb đứng dậy cúi người trên bàn, khẽ vỗ vỗ vào khuỷu tay Fox. Chị ngước nhìn ông và ông dùng tay phác một vòng tròn, ý bảo chị tiếp tục.

“Glenn này,” chị nói. “Anh nghĩ sao?”

“Tôi đang tìm đây... Nội tạng được thu hoạch ở Holy Cross... Trong hồ sơ người hiến ở đây chẳng có chỗ nào nhắc tới CMV cả. Chẳng có gì hết. Người này từng hiến máu từ lâu rồi. Tôi nghĩ chắc là nó đã phát sinh từ trước nếu cô ta...”

“Cũng có thể đúng vậy nhưng tôi cần kiểm tra cho chắc. Cho dù chỉ để bản thân tôi yên tâm mà thôi.”

“Tôi hiểu.”

Lại thêm tiếng gõ lách cách trên bàn phím.

“Xem nào, vận chuyển là do... MedicAir đảm nhiệm... Gan được ghép ngay tại đây, còn tim thì ở Cedars. Chị biết bác sĩ Spivak không? Daniel Spivak?”

“Không.”

McCaleb giật lấy một tờ giấy ghi nhớ trong túi xách rồi hí hoáy ghi.

“Là ông ấy mổ ca đó. Xem nhé, còn phổi...”

“Tôi sẽ gọi Spivak,” Fox cắt ngang. “Tên bệnh nhân là gì?”

“Ừm... Quả tình là tôi sẽ phải yêu cầu chị tuyệt đối giữ bí mật toàn bộ thông tin này, Bonnie ạ.”

“Nhất định rồi.”

“Là nam giới. J. B. Dickey.”

McCaleb ghi vào.

“Được rồi,” Fox nói. “Anh đang nói dở về phổi.”

“Ừ, phải, phổi. Chẳng người nhận nào không có tim cả. Bệnh nhân của chị nhận tim.”

“Đúng. Thế còn ghép tủy xương?”

“Chắc là chị muốn biết tất tật nhỉ. Tủy... ừm, tủy thì chúng tôi làm không được suôn sẻ lắm. Chúng tôi lỡ mất khoảng thời gian có thể ghép. Mô được chở bằng máy bay đến San Francisco nhưng khi MedicAir tới nơi thì chuyến bay lại bị hoãn vì thời tiết. Họ được chuyển tiếp sang San Jose nhưng vì hoãn chuyến rồi lại còn vì ùn tắc xe cộ trên mặt đất và đủ thứ chuyện khác nên phải mất quá lâu mới tới được bệnh viện St. Joseph. Chúng tôi lỡ mất cơ hội. Theo tôi hiểu thì sau đó bệnh nhân qua đời. Chị biết đó nhóm máu này hiếm lắm. Lần đó có lẽ là cơ hội duy nhất của chúng tôi đối với bệnh nhân kia.”

Điều anh ta nói lại khiến mọi người im lặng lần nữa, McCaleb nhìn Graciela. Mắt nàng cụp xuống nên ông không dò được nàng đang nghĩ gì. Lần đầu tiên ông tự hỏi nàng đang trải qua những cảm xúc nào. Họ đang nói đến em gái nàng và những người được cứu sống nhờ cô ấy. Nhưng tất cả được nói ra một cách lạnh lùng, sự vụ. Graciela là y tá nên đã quen với những thảo luận kiểu này về các bệnh nhân. Nhưng về em nàng thì không.

McCaleb ghi “tủy xương” lên trang giấy rồi gạch ngang một dòng đè lên. Đoạn ông lại dùng tay ra dấu với Fox rằng cứ tiếp tục.

“Còn thận thì sao?” chị hỏi.

“Thận... Thận thì bị tách đôi. Để xem thận thì ta có gì nhé...”

Trong vòng bốn phút sau đó Leopold đọc đến cuối danh sách các cơ quan nội tạng được lấy từ xác Gloria Torres rồi phân phối lại cho các bệnh nhân còn sống. McCaleb ghi lại tất cả, giờ đây ông dán mắt vào tờ giấy ghi nhớ chứ không muốn nhìn lại Graciela để xem nàng đang làm cách nào chịu đựng việc phải lắng nghe một bản liệt kê tàn nhẫn đến thế.

“Thế thôi,” cuối cùng Leopold nói.

McCaleb, phấn chấn nhờ có được những cái tên nhưng lại kiệt sức vì phải mất quá nhiều công sức mới có được chúng, thở hắt ra thật to. Quá to.

“Bonnie?” Leopold nhẹ nhàng. “Có phải chị đang một mình không? Chị không bảo tôi là chị đang cùng với...”

“Không, chỉ tôi thôi, Glenn. Tôi đang một mình.”

Im lặng. Fox ném cái nhìn tức giận sang McCaleb, đoạn nhắm chặt mắt lại đợi.

“Thôi được,” cuối cùng Leopold nói. “Tôi cứ đinh ninh nghe tiếng ai đó khác ở đằng đó, thế thôi, và tôi phải nhắc lại rằng về bản chất thông tin này là tuyệt...”

“Tôi biết mà, Glenn.”

“... tuyệt mật. Tôi cho chị biết thế này là tôi đang phá vỡ quy tắc của chính mình đấy.”

“Tôi hiểu,” Fox mở mắt ra. “Tôi sẽ thẩm tra một cách kín đáo, Glenn ạ, rồi thì... phát hiện được gì tôi sẽ cho anh biết.”

“Tốt lắm.”

Hai người trao đổi thêm vài chuyện phiếm, rồi cuộc gọi kết thúc. Fox bấm nút ngừng kết nối của điện thoại rồi lại gục đầu xuống hai cánh tay khoanh lại trên bàn.

“Lạy Chúa... Tôi không tin nổi mình vừa làm gì nữa. Tôi... vừa nói dối với người này. Nói dối với một đồng nghiệp. Khi anh ta phát hiện được, anh ta…”

Chị không nói hết câu. Chị chỉ lắc đầu giữa đôi tay.

“Bác sĩ,” McCaleb thử lên tiếng. “Chị đã làm điều phải. Chẳng có gì hại anh ta cả và hẳn anh ta cũng sẽ không bao giờ biết chúng ta đã làm gì với thông tin này. Mai chị có thể gọi anh ta, nói là đã phân lập được nguyên nhân tại sao có vi rút CMV, không phải là từ người hiến. Bảo anh ta rằng chị đã hủy toàn bộ ghi chép về các người nhận khác.”

Fox ngẩng đầu lên nhìn ông.

“Chuyện ấy chẳng can hệ gì. Tôi đã dối trá. Tôi ghét phải dối trá. Nếu phát hiện ra, anh ta sẽ chẳng bao giờ còn tin cậy tôi nữa.”

McCaleb nhìn chị. Ông không biết trả lời ra sao.

“Anh phải hứa với tôi một điều,” Fox nói. “Rằng nếu giả thuyết của anh được chứng minh, rằng nếu anh đúng, thì anh phải bắt cho bằng được kẻ nào gây ra chuyện này, dù đó là ai. Đó sẽ là cách duy nhất để tôi chấp nhận được điều này. Đó sẽ là cách duy nhất để tôi bào chữa.”

McCaleb gật. Ông đi vòng qua bàn, cúi xuống ôm lấy Fox.

“Cám ơn,” Graciela nhẹ nhàng nói. “Bác sĩ làm tốt lắm.”

Fox mỉm cười yếu ớt với nàng và mỉm cười.

“Còn một điều cuối,” McCaleb nói. “Chị có máy photocopy không?”
 
Chương 32


Thang máy đi xuống chật ních người và im phăng phắc ngoại trừ tiếng nhạc len lỏi vào, McCaleb nhận ra là một bản thu âm cũ, Louis Jordan chơi bài “Knock Me a Kiss”.

Khi bước ra, McCaleb trỏ cho Graciela hướng những cánh cửa mở về phía đường xe điện dẫn tới ga ra đỗ xe.

“Em đi đường đó.”

“Tại sao? Còn anh đi đâu?”

“Anh sẽ bắt taxi về lại thuyền.”

“Nào, anh định sẽ làm gì? Em muốn đi với anh.”

Ông kéo nàng sang một phía sảnh thang máy nhộn nhịp người.

“Em phải về nhà, về với Raymond và công việc của em. Raymond, nó là việc của em. Còn đây là việc của anh. Đây là việc em yêu cầu anh làm.”

“Em biết, nhưng em muốn giúp.”

“Em đã giúp rồi. Em vẫn đang giúp. Nhưng em phải về với Raymond. Anh sẽ đi ra qua phòng cấp cứu. Dưới đó bao giờ cũng có taxi.”

Nàng cau mày. Qua vẻ mặt nàng ông nhận thấy nàng đút tay vào túi, rút ra tờ photo bản danh sách mà ông ghi được ở phòng của Fox.

“Đây, cầm cái này. Nếu lỡ có chuyện gì với anh thì em có một bản. Đưa cho Jaye Winston ở văn phòng cảnh sát trưởng.”

“Nếu lỡ có chuyện gì, anh nói vậy là sao?”

Giọng nàng gần như la lên thất thanh và McCaleb lập tức hối tiếc vì đã chọn những từ đó. Ông kéo nàng vào một hốc thụt vào trong tường nơi có vài máy điện thoại trả tiền. Chẳng ai đang dùng điện thoại nên họ có được chút riêng tư. Ông đặt túi xách xuống sàn giữa hai chân rồi cúi tới trước để mắt mình sát vào mắt nàng.

“Đừng lo, sẽ chẳng có chuyện gì đâu,” ông nói. “Chỉ là tất cả những gì anh đã làm, từ khi em đến chỗ thuyền anh hôm nọ, tất cả đều dẫn đến cái này đây. Những cái tên trên tờ giấy này. Anh chỉ nghĩ nếu hai ta mỗi người giữ một bản thì tốt hơn, có thế thôi.”

“Anh có thật tình cho rằng tên của kẻ giết người có ở đó không?”

“Anh không biết. Đó là điều anh sẽ nghĩ và tìm cho ra khi anh về đến thuyền.”

“Em có thể giúp anh.”

“Anh biết là em giúp được, Graciela. Em đã giúp rồi. Nhưng ngay bây giờ em phải rút lui một chút mà về với Raymond. Em không phải lo. Anh sẽ gọi điện cho em biết nêu có bất cứ chuyện gì xảy ra. Nhớ, anh đang làm việc cho em đấy.”

Nàng cố cười gượng.

“Không, không phải. Em chỉ làm có mỗi một điều là nói cho anh biết về Glory, còn sau đó anh làm những gì trái tim anh bảo anh.”

“Có lẽ thế.”

“Hay là em đưa anh về rồi thả anh xuống chỗ thuyền?”

“Không đời nào. Đi vậy thì em sẽ gặp giờ cao điểm và sẽ phải lái xe suốt hai tiếng đồng hồ. Đi ngay giờ đi, chừng nào còn đi được. Đi, về với Raymond.”

Cuối cùng nàng gật đầu. Vẫn đang cúi xuống mặt nàng, McCaleb đặt tay lên vai nàng và nhẹ nhàng kéo nàng lại gần để hôn nàng.

“Graciela này.”

“Gì?”

“Còn một điều nữa.”

“Chuyện gì vậy?”

“Anh muốn em nghĩ về điều này, nghĩ xem liệu anh nói có đúng không. Anh phải nghĩ về điều này.”

“Anh nói thế là ý gì?”

“Nếu anh đúng, nếu ai đó giết Glory vì cái gì đó cô ấy mang bên trong mình, thì theo cách nào đó chúng giết cô ấy cũng là vì anh. Anh cũng nhận một phần của cô ấy. Nếu đúng vậy thì liệu chúng ta có thể...”

Ông không thốt hết câu hỏi đó và nàng không nói gì một hồi lâu. Mắt nàng hạ xuống tập trung vào ngực ông.

“Điều đó em biết,” cuối cùng nàng nói. “Nhưng anh đã chẳng làm gì cả. Anh không gây ra chuyện này.”

“Được rồi, anh muốn em nghĩ về chuyện đó và tin thật chắc.”

Nàng gật đầu.

“Làm nên điều thiện từ một điều ác đến thế kia là cung cách của Thượng đế.”

McCaleb áp trán mình vào trán nàng. Ông không nói gì.

“Em biết những gì anh kể cho em và em biết câu chuyện về Aubrey-Lynn. Lại càng thêm lý do để em tin. Em ước gì anh sẽ cố.”

Ông ôm lấy nàng và thì thầm vào tai nàng.

“Được rồi, anh sẽ cố.”

Một người xách cái cặp dày cộp bước vào chỗ hốc tường, đi lại chỗ một trong các điện thoại. Ông ta liếc họ rồi tỏ vẻ quá là kinh ngạc khi thấy bộ đồng phục y tá của Graciela. Rõ ràng ông ta đinh ninh ấy là một y tá của bệnh viện Cedars dính vào kiểu hành vi nào đó không xứng với nghề. Điều đó khiến khoảnh khắc này chấm dứt đối với McCaleb. Ông buông Graciela ra rồi nhìn vào mặt nàng.

“Em cẩn thận nhé, chuyển lời chào đến Raymond hộ anh. Bảo nó là anh muốn đi câu nữa.”

Nàng mỉm cười gật đầu.

“Anh cũng cẩn thận nhé. Và nhớ gọi em.”

“Anh sẽ gọi.”

Nàng cúi về phía trước hôn vội ông rồi quày quả đi về phía ga ra đỗ xe. McCaleb liếc người đàn ông đang gọi điện rồi bỏ đi theo hướng ngược lại.
 
Chương 33


Chẳng có chiếc taxi nào đợi nơi vỉa hè ngoài khu cấp cứu. McCaleb quyết định thay đổi kế hoạch. Ông chưa ăn gì từ lúc điểm tâm cho tới giờ nên đang đói lả người. Ông cảm thấy một cơn đau nửa đầu âm ỉ bắt đầu giần giật ở phía sau sọ và biết rằng nếu không nạp thêm năng lượng thì chẳng mấy chốc nó sẽ bò lên đỉnh đầu và choán trọn cả đầu ông. Ông quyết định gọi Buddy Lockridge đến đón ông, sau đó thì sang nhà hàng Jerry’s Deli ở bên kia đường để ăn gà tây và xăng uých xà lách trộn trong khi chờ đợi. Càng nghĩ đến mấy cái bánh xăng uých ngon lành người ta làm ở nhà hàng đó, ông lại càng đói tợn. Khi nào Buddy đến, họ sẽ có thể đến chỗ Video GraFX Consultants ở Hollywoods để lấy cuốn băng và bản in khung hình mà Tony Banks đã phóng to chỉnh rõ theo yêu cầu của ông.

Ông nhanh chóng quay vào lại tiền sảnh khu cấp cứu, đến chỗ hốc thụt vào tường nơi đặt các điện thoại trả tiền. Ở một trong các máy đó có một thiếu phụ vừa sụt sùi khóc vừa kể cho ai đó nghe về một người khác hình như đang được điều trị ở khu cấp cứu. McCaleb để ý thấy một bên lỗ mũi và môi dưới cô ta bị mấy cái vòng bạc đâm xuyên qua, các vòng này nối với nhau bằng một chuỗi kẹp cho chắc chắn.

“Hắn không biết em, hắn không biết Danny,” cô kể lể. “Hắn làm mọi chuyện hỏng bét hết, người ta còn đang gọi cả cớm nữa.”

Bị chia trí trong một thoáng bởi mấy cái kẹp và tự hỏi nếu thiếu phụ này ngáp thì chuyện gì sẽ xảy ra, McCaleb chọn cái điện thoại xa cô ta nhất rồi cố gắng không để ý tới cô ta nữa. Ông đã toan chịu thua, không còn hy vọng gì gặp Lockridge sau sáu hồi chuông - trên một con thuyền như Xuống Đáy Hai Lần thì không thể có chuyện chủ nhân ở xa đến nỗi quá bốn hồi chuông mà không đến trả lời - thì rốt cuộc Buddy lại nhấc máy.

“Này Buddy, sẵn sàng đi làm chứ hả?”

“Terry à?”

McCaleb chưa kịp đáp thì giọng Lockridge đã hạ xuống thành thì thầm. “Trời ạ, anh ở đâu thế?”

“Bệnh viện Cedars. Tôi cần anh đến đón. Có chuyện gì vậy?”

“Chà, đón thì tôi sẽ đón nhưng tôi không chắc anh muốn quay lại đây đâu.”

“Buddy, nghe này.

Đừng nói lăng nhăng nữa, nói rõ tôi nghe đang có chuyện gì.”

“Tôi không rõ anh bạn à, nhưng thuyền của anh đang đầy người đây này.”

“Người nào?”

“Chà, hai trong số đó là hai gã mặc com lê đến đây hôm qua.”

Nevins và Uhlig.

“Họ vào trong thuyền tôi à?”

“Ừ, vào trong. À. họ lại còn giật tấm bạt che chiếc Cherokee của anh ra, và lại có một chiếc xe tải kéo ngoài kia nữa. Tôi nghĩ chắc họ mang nó đi đấy. Tôi đã ra ngoài xem chuyện gì vậy, thế là suýt nữa họ đã cho tôi kềnh xuống boong. Cho tôi xem huy hiệu với lại lệnh khám xét rồi bảo tôi biến. Họ chả lịch sự tẹo nào hết. Họ đang khám thuyền đấy.”

“Mẹ khỉ!”

McCaleb nhìn sang thì thấy cơn nổi khùng của ông đã khiến thiếu phụ đang sụt sùi kia phải chú ý. Ông xoay lưng lại cô ta.

“Buddy này, anh đang ở đâu, trên hay dưới?”

“Dưới.”

“Ngay bây giờ anh có thấy được thuyền tôi không?”

“Thấy chứ. Tôi đang nhìn qua cửa sổ bếp.”

“Anh thấy bao nhiêu người?”

“Ừm, vài người đang ở trong. Nhưng tổng cộng chắc cũng bốn năm người bên ấy. Lại còn thêm hai người chỗ chiếc Cherokee nữa.”

“Có phụ nữ nào không?”

“Có.”

McCaleb cố mô tả Jaye Winston kỹ hết mức, và Lockridge xác nhận có một phụ nữ giống như thế đang ở trên thuyền.

“Giờ bà ta ở trong phòng khách. Trông cũng giống như hồi nãy khi tôi nhìn bà ta, bà ta kiểu như chỉ quan sát thôi.”

McCaleb gật. Đầu óc ông ra sức nghĩ xem những khả năng nào có thể dẫn đến chuyện đang xảy ra kia. Xét theo cách nào thì rốt cuộc cũng đều ra như thế. Việc Nevins và Uhlig biết ông có giữ hồ sơ FBI hẳn sẽ không làm nảy sinh một phản ứng như vậy - lệnh khám xét với cả một đội đặc vụ thế kia. Chỉ còn một khả năng duy nhất thôi. Ông đã trở thành một nghi phạm chính thức. Chấp nhận điều đó, ông nghĩ xem Nevins và Uhlig sẽ khám xét tìm bằng chứng như thế nào.

“Buddy này,” ông nói, “anh đã thấy họ mang cái gì ra khỏi thuyền chưa? Kiểu như đựng trong túi nhựa hoặc túi giấy màu nâu, giống như túi của hãng Lucky ấy.”

“Ừ, có vài cái túi. Họ để lên trên bến. Nhưng anh không phải lo Terry à.”

“Anh nói vậy là sao?”

“Tôi không cho rằng họ sẽ tìm ra cái họ đang thực sự tìm đâu.”

“Anh đang nói cái...”

“Không nói qua điện thoại, anh bạn. Anh muốn tôi đến đón anh bây giờ không?”

McCaleb ngừng lặng. Anh ta nói gì vậy? Chuyện gì đang xảy ra vậy?

“Giữ máy,” cuối cùng ông nói. “Tôi sẽ gọi lại anh ngay.”

McCaleb gác máy rồi lập tức thả vào khe một đồng hai lăm xu nữa. Ông gọi số điện thoại của chính mình. Không ai trả lời. Máy tự động liền trả lời và ông nghe giọng thu băng của chính mình bảo để lại tin nhắn. Sau tiếng bíp ông nói, “Jaye Winston, nếu chị có đó thì hãy nhấc máy.”

Ông đợi một nhịp rồi đã toan nhắc lại thì có người nhấc máy. Ông cảm thấy đôi chút nhẹ nhõm khi nhận ra giọng Winston.

“Tôi Winston đây.”

“Tôi McCaleb đây.”

Chỉ có thế. Ông hình dung mình sẽ thấy chị ta muốn chơi theo cách nào. Xét theo cách chị ta cư xử trong cuộc gọi này, ông sẽ phán đoán được tốt hơn tình thế của mình.

“Ơ kìa… Terry,” chị nói. “Làm sao anh... anh đang ở đâu?”

Chút nhẹ nhõm ông vừa cảm thấy phút trước giờ đã bắt đầu trôi tuột mất. Thay vào đó là khiếp sợ. Ông đã cho chị ta cơ hội nói với ông một cách kín đáo, có thể bằng mật khẩu, làm như thể chị đang nói chuyện với một cấp phó hay thậm chí với đội trưởng Hitchens. Nhưng chị đã gọi ông bằng tên.

“Tôi đang ở đâu không quan trọng,” ông nói. “Các người đang làm gì trên thuyền tôi?”

“Sao anh không đến đây rồi chúng ta sẽ nói về chuyện đó?”

“Không, tôi muốn nói ngay bây giờ. Tôi là nghi can à? Có phải chuyện là thế không?”

“Kìa, Terry, đừng làm cho chuyện phức tạp thêm nữa. Sao anh không...”

“Có lệnh bắt không? Trả lời tôi thế thôi.”

“Không, Terry, không có đâu.”

“Nhưng tôi là nghi can.”

“Terry, sao anh không cho tôi hay từ trước rằng anh có một chiếc Cherokee đen?”

McCaleb điếng người khi nhận ra mọi chuyện khớp nhau đến thế nào với ông là nhân vật chính ngay ở giữa.

“Chị có bao giờ hỏi đâu. Nghe mà xem chị đang nói gì, đang nghĩ gì kia. Tôi dính vào toàn bộ chuyện này, vào cuộc điều tra, lôi cả FBI vào nữa để làm gì nếu như tôi là hung thủ? Chị có nghiêm túc không đấy?”

“Anh tác động đến nhân chứng duy nhất của chúng tôi.”

“Cái gì?”

“Anh tác động đến Noone. Anh dấn vào cuộc điều tra rồi thì anh tác động đến nhân chứng duy nhất. Anh đã thôi miên anh ta, Terry. Giờ thì anh ta vô dụng đối với chúng tôi. Người duy nhất có khả năng nhận diện hung thủ, thế mà giờ chúng tôi mất anh ta rồi. Anh ta...”

Chị ngừng lời khi có một tiếng clíc bởi có người nhấc một điện thoại khác.

“McCaleb à? Nevins đây. Anh đang ở đâu?”

“Nevins, tôi không nói chuyện với anh. Anh thì biết cái đếch gì. Tôi chỉ...”

“Nghe này, tôi đang cố lịch sự đấy. Chúng tôi có thể làm chuyện này dễ dàng êm thấm mà cũng có thể làm to chuyện. Tùy anh quyết, anh bạn. Anh bạn phải về đây, ta sẽ nói chuyện rồi tới đâu thì tới.”

Đầu óc McCaleb nhanh chóng điểm qua các sự kiện Nevins và những người khác đã đi đến cùng một kết luận như ông. Họ đã tìm ra được mối liên quan về nhóm máu. Việc McCaleb là một người hưởng lợi trực tiếp từ vụ giết Torres khiến cho ông trở thành nghi can. Ông hình dung họ đã truy xuất tên ông trên máy tính rồi thì tìm ra số đăng ký chiếc Cherokee. Có lẽ đó chính là yếu tố nổi bật hơn cả khiến họ không chần chừ thêm. Họ xin lệnh khám xét rồi đến chỗ cái thuyền.

McCaleb cảm thấy bàn tay lạnh ngắt của nỗi sợ siết chặt lấy cổ mình. Kẻ đột nhập đêm hôm trước. Ông bắt đầu vỡ lẽ rằng vấn đề không phải ông muốn gì. Mà vấn đề là ông đã giấu cái gì. Ông nghĩ đến điều Buddy vừa nói trước đây một chút rằng các đặc vụ sẽ không tìm ra cái họ tìm đâu. Và bức tranh đang dần hình thành rõ nét.

“Này Nevins, tôi sẽ về. Nhưng trước hết anh cho tôi biết, các anh có được gì rồi? Các anh đã tìm được gì?”

“Không, Terry, tụi tôi không chơi kiểu đó. Anh về đây rồi chúng ta nói chuyện.”

“Tôi gác máy đây, Nevins. Cơ hội cuối.”

“Chớ có vào trạm bưu điện nào, McCaleb. Ảnh của anh sắp được dán đầy trên tường rồi. Ngay khi chúng tôi gom được đủ chứng cứ.”

McCaleb gác ống nghe, đặt tay lên trên điện thoại rồi tì trán lên. Ông không chắc chuyện gì đang diễn ra hay mình phải làm gì. Họ đã tìm được gì? Kẻ đột nhập kia đã giấu gì trên thuyền?

“Ông ổn chứ?”

Ông giật mình nhìn quanh thì thấy đó là cô gái có mũi và môi bị xiên vòng.

“Ổn. Còn cô?”

“Giờ thì ổn, tôi mới phải nói chuyện với một người.”

“Tôi biết cảm giác đó.”

Đến đây thì cô ta rời khỏi hốc tường và McCaleb lại nhấc ống nói rồi thả thêm một đồng hai lăm xu. Buddy nhấc máy sau nửa hồi chuông.

“Thế này nhé, nghe đây,” McCaleb nói. “Tôi cần anh đón tôi. Nhưng anh sẽ không thể cứ thế mà đi khỏi đó.”

“Sao lại thế? Người ta tự...”

“Bởi tôi vừa nói chuyện với họ nên họ biết có ai đó mách cho tôi rằng họ đang ở đó. Cho nên tôi muốn anh làm thế này. Cởi giày ra, nhét chìa khóa và ví vào trong giày. Lấy cái giỏ đựng đồ giặt, cho giày vào đó, rồi lấy quần áo bỏ lên trên để che. Rồi xách cái giỏ ra khỏi đó và...”

“Tôi chả có đồ giặt nào trong giỏ cả Terry à. Tôi mới giặt đồ sáng nay xong, trước khi mấy người kia ló mặt.”

“Không sao, Buddy. Lấy ít quần áo - quần áo sạch ấy - cho vào giỏ sao cho giống như anh có đồ bẩn cần đem đi giặt. Giấu giày vào trong đó. Làm bộ như anh chỉ đang đi giặt đồ thôi. Đừng đậy cửa sập trên thuyền anh, và nhớ cầm trên tay bốn đồng hai lăm xu. Họ sẽ ngăn anh lại nhưng nếu anh diễn tốt thì họ sẽ tin anh mà cho anh đi. Rồi thì chui vào xe đến đón tôi.”

“Họ có thể theo tôi.”

“Không. Có khi họ còn không buồn nhìn theo anh một khi đã cho anh đến chỗ nhà giặt ấy chứ. Có thể anh nên đến nhà giặt trước, sau đó mới tới xe mình.”

“OK. Tôi phải tìm anh ở đâu?”

McCaleb không đắn đo. Ông đã trở nên tin cậy Lockridge. Ngoài ra, ông biết mình có thể đề phòng về phần mình.

Gác máy xong, McCaleb gọi cho Tony Banks bảo anh ta rằng ông sẽ ghé qua. Banks nói anh ta sẽ có mặt ở đó.

McCaleb đi vào nhà hàng Jerry’s Famous Deli gọi một cái xăng uých gà tây kèm xà lách trộn và nước sốt kiểu Nga để mang đi. Ông cũng gọi dưa chua xắt lát và một lon Coke. Sau khi trả tiền xăng uých, ông cầm cái bánh băng qua đại lộ Beverly về lại bệnh viện Cedars. Ông đã sống ở trung tâm y tế này nhiều ngày nhiều đêm đến nỗi nhắm mắt cũng nhớ được sơ đồ. Ông vào thang máy lên khoa sản tầng ba, nơi ông biết có một phòng đợi trông ra Đại lộ Beverly và nhà hàng Jerry’s bên kia sân đáp máy bay lên thẳng. Chẳng hiếm khi có thể thấy trong phòng đợi một ông bố ngồi ngóng vợ sinh, ngấu nghiến bánh xăng uých deli. McCaleb biết ông có thể ngồi đó vừa ăn vừa đợi và trông chừng Buddy Lockridge tới.

Ăn hết cái xăng uých mất chưa đầy năm phút nhưng đợi Buddy Lockridge thì đã một giờ trôi qua mà chẳng thấy tăm hơi anh ta đâu. McCaleb quan sát thấy hai chiếc trực thăng hạ cánh mang đến các cơ quan nội tạng để ghép, đóng gói trong thùng lạnh màu đỏ.

Ông đã suýt gọi đến chỗ chiếc Xuống Đáy Hai Lần, để xem có phải các đặc vụ đã giữ Lockridge lại không thì rốt cuộc lại thấy chiếc Taurus quen thuộc của Buddy vào phía trước nhà hàng. McCaleb lại chỗ cửa sổ trông ra xa, nhìn trước nhìn sau đại lộ Beverly rồi lại ngẩng lên trời kiểm tra xem có cái gì trông như máy bay trực thăng của cảnh sát không. Ông rời cửa sổ, tiến lại thang máy.

Trên băng sau chiếc Taurus là một cái giỏ nhựa dùng đựng đồ giặt nhét đầy quần áo. McCaleb chui vào xe, nhìn cái giỏ rồi nhìn sang Lockridge, anh ta đang thổi điệu gì đó không nhận ra được bằng kèn harmonica.

“Cám ơn anh đã đến, Buddy. Có trục trặc gì không?”

Lockridge thả cây harmonica vào túi cửa xe.

“Không. Họ ngăn tôi lại như anh đã nói rồi thì hạch hỏi. Nhưng tôi giả ngốc; họ để tôi đi. Chắc là vì tôi chỉ cầm có bốn đồng hai lăm xu nên họ mới cho tôi đi. Chước ấy khôn đấy, Terry.”

“Để rồi xem. Ai là người ngăn anh lại? Hai tay mặc com lê?”

“Không, hai người khác, hội này thì là cớm chứ không phải đặc vụ. Ít nhất là họ nói thế, nhưng họ không cho tôi biết tên.”

“Có phải một người trong bọn là một tay to bè bè, dân gốc La tinh, có khi còn ngậm tăm trong mồm?”

“Anh đoán đúng rồi đó. Chính hắn.”

Arrango. McCaleb cảm thấy đôi chút thỏa mãn khi đã giúp được một người qua mặt được cái tên thùng rỗng kêu to ấy.

“Giờ đi đâu?” Buddy hỏi.

McCaleb đã nghĩ đến điều đó trong khi đợi. Và ông biết ông phải bắt tay nghiên cứu danh sách những người nhận ghép tạng. Ông phải bắt tay làm cho nhanh. Nhưng trước khi làm việc đó, ông phải bảo đảm đã sắp xếp xong mọi chuyện của mình đâu ra đấy. Ông đã đi đến chỗ xem những cuộc điều tra cũng như các bậc thang nối dài của xe cứu hỏa. Ta cứ vươn thang cứu nạn ra xa, xa mãi, càng ra xa thì đầu mút thang lại càng lắc lư chao đảo. Ta không thể sao nhãng cái gốc, khởi đầu của cuộc điều tra. Mọi chi tiết chưa rõ ràng mà ta có thể cố định lại thì đều phải được đặt vào đúng chỗ. Thế là, giờ đây ông cảm thấy mình phải hoàn tất lịch diễn biến các sự kiện. Ông phải giải đáp những câu trả lời chính mình đã nêu ra rồi mới có thể tiến tới đầu mút thang được. Cả triết lý của ông lẫn bản năng ông đều bảo ông làm điều này. Ông đang làm theo một linh cảm rằng chính trong lòng những mâu thuẫn ông sẽ tìm ra sự thật.

“Hollywood,” ông bảo Lockridge.

“Hiệu video mình tới lần trước phải không?”

“Đúng rồi đấy. Đầu tiên mình đến Hollywood, sau đó lên vùng Valley.”

Lockridge lái xe qua vài khối nhà cho đến Đại lộ Melrose rồi rẽ sang phía Đông để trực chỉ Hollywood.

“Được rồi, giờ ta nghe xem,” McCaleb nói. “Hồi nãy khi anh bảo trên điện thoại rằng họ sẽ không tìm ra cái họ đang tìm ấy, thế là thế nào?”

“Kiểm tra giỏ đồ giặt đi, anh bạn.”

“Sao?”

“Thì cứ nhìn xem.”

Anh ta ngoái đầu về phía McCaleb rồi hất cằm về phía băng sau. McCaleb tháo đai an toàn rồi xoay người để với sang băng sau. Trong khi làm vậy, ông kiểm tra các xe đằng sau họ. Xe cộ nườm nượp nhưng không có xe nào ra vẻ khả nghi.

Ông hạ mắt xuống cái giỏ. Nó đầy nhóc đồ lót và tất. Buddy nghĩ ra cách này rất giỏi. Nhờ nó mà ít có khả năng Nevins hay ai khác sẽ lục soát giỏ khi họ ngăn anh ta lại.

“Đồ này sạch phải không?”

“Dĩ nhiên rồi. Ở dưới đáy ấy.”

McCaleb quỳ lên ghế, cúi hẳn người sang. Ông trút hết mấy thứ đựng trong cái giỏ xuống băng ghế sau. Ông nghe thấy tiếng thịch đùng đục của vật gì đó nặng hơn quần áo chạm vào băng ghế. Ông dẹp sang bên một cái quần soóc đấm bốc thì thấy lộ ra một túi nhựa Ziploc trong đó có một khẩu súng lục.

Lặng thinh, McCaleb nhẹ nhàng ngả người lại vào lưng ghế, tay cầm túi đựng khẩu súng. Ông vuốt phẳng bề mặt nhựa đã ngả vàng từ bên trong do một lớp dầu súng, để nhìn kỹ hơn món vũ khí này. Ông nghe mồ hôi túa ra sau gáy. Khẩu súng trong túi là một khẩu HK P7. Và chẳng cần một báo cáo phân tích đạn đạo nào ông cũng biết đây chính là khẩu HK P7 đó, vũ khí đã giết Kenyon, sau đó Cordell, sau nữa là Torres. Ông cúi xuống nhìn kỹ khẩu súng thì thấy số xê ri đã bị đốt bỏ bằng a xít. Khẩu súng giờ đây không thể truy nguyên gốc được nữa.

Một cơn run chạy suốt hai bàn tay McCaleb trong khi ông cầm món vũ khí giết người. Người ông sụm vào cửa xe và cảm xúc của ông chao đảo giữa một đằng là đau đớn vì biết rõ lai lịch của vật mình đang cầm trong tay với một đằng là thất vọng khi nghĩ đến tình cảnh của mình. Có ai đó đang bày mưu hãm hại ông, và cái mưu đồ ấy hẳn đã hoàn hảo không gì phá được nếu như Buddy Lockridge không tìm thấy khẩu súng khi chui xuống lòng nước đen thẫm bên dưới chiếc Biển Theo Ta.

“Lạy Chúa,” McCaleb thì thầm nói.

“Xem chừng chơi bẩn quá, phải không?”

“Cụ thể nó nằm ở đâu?”

“Trong một cái túi lặn treo dưới đuôi thuyền anh chừng hơn mét tám. Buộc vào một trong mấy cái lỗ xâu ở dưới đáy. Nếu biết có nó ở đó thì anh có thể cầm cây lao mấu móc nó vào dây rồi kéo lên. Nhưng anh phải biết là có nó đó. Nếu không thì từ trên nhìn xuống chả thấy đâu.”

“Những người khám xét hôm nay, họ có chui xuống dưới nước không?”

“Có, có một thợ lặn. Hắn ta chui xuống, nhưng tới khi đó thì tôi đã kiểm tra một vòng theo anh yêu cầu rồi. Tôi đến trước hắn.”

McCaleb gật đầu rồi đặt khẩu súng xuống sàn giữa hai bàn chân. Nhìn chằm chằm xuống nó, ông khoanh hai tay trước ngực như để tự vệ trước một cơn rùng mình. Nó đã ở gần ông đến thế kia. Và mặc dù lúc này ông đang ngồi cạnh con người đã cứu mạng ông, song một cảm giác trơ trọi khôn cùng choán ngợp ông. Ông thấy mình hoàn toàn đơn độc. Và ông cảm thấy sự chớm hiện chập chờn của cái mà trước đây ông chỉ đọc trong sách vở - hội chứng chiến-đấu-hay-là-chạy-trốn. Ông cảm thấy một thôi thúc hầu như dữ dội hãy quên tất tật mọi thứ mà bỏ chạy. Cứ thế cắt phăng rồi chạy cho xa thoát khỏi chuyện này, càng xa càng tốt.

“Tôi đang gặp rắc rối to, Buddy ạ,” ông nói.

“Tôi chắc cũng hình dung được thế,” tài xế của ông đáp.
 
Chương 34


Đến khi họ tới chỗ Video GraFX Consultants thì McCaleb đã lấy lại bình tĩnh và kiên quyết. Trên đường đi ông đã suy xét kỹ khả năng bỏ trốn và nhanh chóng gạt bỏ nó. Chiến đấu là cách duy nhất. Ông biết mình đã bị trái tim mình trói cứng vào một chỗ - bỏ chạy tức là chết, bởi ông cần có chương trình trị liệu hậu phẫu đã được trù liệu từng li từng tí để ngăn không cho cơ thể ông đào thải trái tim mới. Bỏ chạy thì cũng có nghĩa là bỏ rơi Graciela và Raymond. Và ông đã chớm cảm thấy hình như nếu làm vậy thì trái tim ông sẽ tàn lụi đi cũng nhanh chóng y như thế.

Lockridge thả ông xuống trước cửa rồi đỗ xe đợi ở một khoảnh vốn dĩ là cấm đỗ. Cửa khóa, nhưng trước đây Tony Banks có bảo nếu đến sau giờ đóng cửa thì cứ bấm chuông dành cho người giao hàng. McCaleb bấm nút hai lần. Banks thân chinh ra mở cửa. Anh ta cầm một cái phong bì bằng giấy các tông dày, đưa cho McCaleb qua cánh cửa mở.

“Ngần này thôi à?”

“Cuốn băng với ảnh chụp. Mọi thứ đều khá rõ đấy.”

McCaleb cầm cái gói.

“Tôi phải trả gì cho anh, Tony?”

“Không gì cả. Rất vui được giúp.”

McCaleb gật đầu và đã toan quay lại xe nhưng lại dừng, ngoái lại Bank.

“Tôi phải nói với anh chuyện này. Tôi không còn làm ở Cục nữa Tony ạ. Tôi xin lỗi nếu đã lừa anh, nhưng…”

“Tôi biết ông không còn làm ở Cục nữa.”

“Anh biết?”

“Tôi có gọi đến phòng làm việc của ông trước đây khi ông không trả lời cuộc gọi của tôi hôm thứ Bảy. Số điện thoại nằm trên lá thư ông gửi, thư dán trên tường ấy. Tôi gọi thì người ta nói đâu như đã hai năm rồi ông không làm ở đó.”

McCaleb nhìn kỹ Banks, lần đầu tiên thực sự cố nhìn ra chân giá trị của anh ta, thế rồi ông giơ cái phong bì lên. “Vậy tại sao anh cho tôi cái này?”

“Vì ông đang săn lùng hắn, kẻ trong cuốn băng đó.”

McCaleb gật đầu.

“Chúc ông may mắn. Tôi hy vọng ông tóm được hắn.”

Đoạn Banks đóng và khóa cửa. McCaleb nói cảm ơn nhưng chừng đó thì cửa đã đóng rồi.

Siêu thị Sherman hầu như vắng khách trừ một cặp thiếu nữ đang suy lui tính tới xem nên mua gì nơi quầy kẹo và một thanh niên đứng sau quầy. McCaleb cứ mong gặp lại người đàn bà đứng tuổi ông đã gặp khi đến đây lần trước, vợ góa của Chan Ho Kang. Ông nói năng chậm rãi và rành rọt với chàng thanh niên, hy vọng anh ta hiểu tiếng Anh, tốt hơn người đàn bà nọ.

“Tôi muốn gặp cái bà làm việc ở đây vào ban ngày.”

Chàng thanh niên - thật ra anh chưa tới tuổi đôi mươi - nhìn McCaleb với vẻ ủ dột.

“Ông không cần phải nói với tôi làm như tôi là thứ thiểu năng trí tuệ nào,” anh nói. “Tôi biết nói tiếng Anh. Tôi sinh trưởng ở đây.”

“Ồ,” McCaleb nói, sững người vì đã lỡ luống cuống với người ta. “Cho tôi xin lỗi nhé. Chỉ là vì cái bà ở đây lần trước ấy, bà ấy khó khăn lắm mới hiểu tôi nói gì.”

“Mẹ tôi đấy. Bà sống ba mươi năm đầu đời ở Hàn Quốc và nói tiếng Hàn. Ông cứ thử nói xem. Sao ông không chuyển sang đó mà sống hai mươi năm rồi thử nói năng sao cho người ta hiểu đi.”

“Nào nào, tôi xin lỗi mà.” McCaleb xòe rộng hai bàn tay, lòng bàn tay xoay ra ngoài.

Cũng chẳng ăn thua gì. Ông thử lại lần nữa. “Cậu là con của Chan Ho Kang?”

Cậu trẻ gật.

“Ông là ai?”

“Tên tôi là Terry McCaleb. Tôi rất tiếc rằng cha cậu đã mất.”

“Ông muốn gì?”

“Tôi đang làm đôi việc cho gia đình của người đàn bà bị giết ở đây mà…”

“Việc gì.”

“Tôi đang cố tìm ra kẻ giết người.”

“Mẹ tôi chả biết gì hết. Để cho bà yên. Bà chịu thế đủ rồi.”

“Thật tình tôi chỉ cần mỗi một việc là nhìn xem đồng hồ của bà ấy. Hôm trước tôi có tới đây và để ý thấy bà đang đeo cái đồng hồ ba cậu đã đeo vào đêm đó.”

Cậu bé nhìn ông bằng cái nhìn trống rỗng, đoạn rời mắt khỏi ông mà liếc sang trông chừng hai cô gái nơi quầy kẹo.

“Nào các cô, nhanh lên nào. Chọn đi.”

McCaleb ngoái lại nhìn các cô gái. Họ trông chẳng vui và gì khi bị hối thúc phải quyết định nhanh một chuyện quan trọng đến thế.

“Cái đồng hồ thì sao?” McCaleb nhìn lại cậu.

“Ừ thì, cũng hơi phức tạp. Có những chuyện không được tính tới đầy đủ trong báo cáo của cảnh sát. Tôi đang cố dò xem tại sao. Muốn vậy, tôi cần biết đích xác thời điểm gã cầm súng kia bước vào đây.”

Ông chỉ vào chiếc camera trên tường phía sau, trên đầu người đứng quầy.

“Cảnh sát có cho tôi một bản sao cuốn băng ấy. Trên băng có thể thấy rõ đồng hồ của cha cậu. Tôi đã nhờ người phóng to và xử lý hình cho rõ. Nếu mẹ cậu chưa chỉnh từ khi bà bắt đầu đeo nó, thì có một cách để tôi biết được thời điểm chính xác tôi đang cần.”

“Ông không cần cái đồng hồ. Giờ nào phút nào đều có trên băng rồi. Ông bảo ông có cuốn băng mà.”

“Cảnh sát nói thời gian trên cuốn băng là sai. Thành thử tôi mới cố truy cho ra. Cậu gọi mẹ cậu cho tôi được không?”

Các cô gái lại gần quầy. Cậu thanh niên không trả lời McCaleb mà lặng thinh thu tiền và trả lại tiền lẻ. Cậu quan sát hai cô gái đi khỏi rồi mới ngoảnh lại nhìn McCaleb.

“Chuyện này tôi không hiểu. Tôi không hiểu nổi ông muốn gì.”

McCaleb thở hắt ra.

“Tôi đang cố giúp cậu. Cậu có muốn kẻ đã giết cha cậu bị bắt không?”

“Dĩ nhiên. Nhưng vụ đồng hồ này... nó có liên quan đến cái gì kia chứ?”

“Tôi có thể giải thích hết cho cậu nếu cậu có chừng nửa tiếng đồng hồ nhưng...”

“Tôi chả đi đâu hết.”

McCaleb nhìn cậu ta một thoáng rồi quyết định rằng chỉ có thể làm một cách này thôi. Ông gật đầu và bảo cậu ta đợi để ông ra xe lấy một bức ảnh.

Tên cậu thanh niên là Steve Kang. Ngồi nơi ghế hành khách ở băng trước, cậu chỉ đường cho Buddy Lockridge đi vào một khu chỉ cách nơi Graciela Rivers và Raymond Torres cư ngụ vài khối nhà.

McCaleb đã thuyết phục được cậu nhờ một phần trình bày dẳng dai. Sau đó cậu thanh niên đắn đo suy nghĩ về giả thuyết của McCaleb rồi thì quyết định gắn bảng Tiệm tạm nghỉ lên cửa vào khóa lại. Thường thì cậu vẫn đi bộ từ nhà đến cửa hiệu và ngược lại, nhưng nhờ có xe của Lockridge nên họ tiết kiệm được thời gian.

Khi họ về đến nhà Steve Kang, cậu dẫn McCaleb vào trong còn Lockridge đợi ngoài xe. Căn nhà hầu như giống hệt nhà của Graciela về kiểu dáng và có lẽ đã được xây hồi đầu thập niên 1950 bởi cùng một nhà thầu. Kang bảo McCaleb ngồi trong phòng khách, sau đó cậu khuất dạng vào một hành lang dẫn đến khu phòng ngủ. McCaleb nghe thấy tiếng thì thầm nói chuyện như bị nghẹt lại. Sau vài giây ông nhận ra người ta đang nói tiếng Hàn.

Trong khi đợi, ông nghĩ đến sự giống nhau của các căn nhà và hình dung thấy hai gia đình khác nhau đã cùng phải chịu đau thương vào đêm xảy ra vụ xả súng và cả nhiều ngày sau đó.

Khi đó Steve Kang quay lại. Cậu đưa cho McCaleb một cái điện thoại loại nối dài và chiếc đồng hồ cha cậu từng đeo.

“Mẹ tôi chẳng chỉnh gì cả,” cậu nói, “Đêm đó nó thế nào thì tới giờ vẫn thế.”

McCaleb gật đầu. Bằng khóe mắt ông đã lưu ý thấy có động tĩnh. Ông nhìn sang trái thì thấy mẹ của Steve Kang đang đứng nơi hành lang, chỉ quan sát ông. Ông gật đầu với bà nhưng bà không hề đáp lại.

McCaleb có mang theo bản in khung hình lấy từ cuốn video, đã được phóng to làm rõ, cùng với sổ tay và danh bạ điện thoại. Ông đã cho Steve Kang biết mình định sẽ làm gì nhưng vẫn cảm thấy không thoải mái khi làm vậy trước mặt cậu. Ông sẽ mạo nhận là một sĩ quan cảnh sát, làm như thế là phạm tội, cho dù viên cảnh sát đó là Eddie Arrango đi nữa.

Ông tra trong danh bạ điện thoại số của Trung tâm Truyền thông Trung ương ở khu buôn bán của Los Angeles. Ông có được số này từ hồi còn cộng tác với văn phòng tác chiến lớn Los Angeles, bởi dạo ấy thỉnh thoảng ông vẫn cần phối hợp hoạt động giữa các cơ quan với nhau. Đây là trung tâm điều phối vừa tối om vừa lắt léo như cái hang nằm bên dưới Tòa thị chính bốn tầng lầu, tất cả trao đổi bằng điện đàm của cảnh sát và lính cứu hỏa đều được chuyển tiếp từ đây. Đó cũng là nơi người ta chỉnh giờ cái đồng hồ từng ghi nhận thời điểm chính thức xảy ra các vụ ám sát Gloria Torres và Chan Ho Kang.

Trên đường từ Hollywood đến chợ McCaleb đã rút bộ hồ sơ Torres ra để lấy số hiệu thẻ đặc vụ của Arrango ghi trong báo cáo án mạng. Giờ thì ông đặt chiếc đồng hồ Steve Kang đưa cho lên tay vịn đi văng, rồi quay số của Trung tâm dành cho trường hợp không khẩn cấp. Một điện thoại viên trả lời sau bốn hồi chuông.

“Đây là Arrango, ban chuyên án giết người West Valley,” McCaleb nói. “Số xê ri một bốn một một. Hiện tôi không dùng điện đàm. Tôi chỉ cần biết lúc này chính xác là mấy giờ mấy phút để bắt đầu một cuộc giám sát. Mà này, chị cho tôi biết cả giây nữa nhé?”

“Cả giây à? Chà anh là người chính xác thật đấy, thám tử Arrango ạ.”

“Chính thế.”

“Giữ máy.”

McCaleb nhìn xuống đồng hồ, Trong khi điện thoại viên nói, ông lưu ý thấy đồng hồ đang chỉ 5:14:42 P.M.

“Mười bảy giờ mười bốn phút ba mươi tám giây.”

“Tốt,” ông nói. “Cám ơn.”

Ông gác máy rồi nhìn Steve Kang.

“Đồng hồ của cha cậu nhanh hơn đồng hồ của Trung tâm bốn giây.”

Kang nheo mắt rồi đi vòng quanh đi văng để nhìn qua vai McCaleb trong khi ông ghi mấy con số kia vào sổ, xem lại các giờ phút cụ thể liệt kê trong trình tự thời gian ông đã ghi vào trước đó, đoạn làm phép tính.

Cả hai đi đến kết luận như nhau cùng một lúc.

“Vậy nghĩa là...”

Steve Kang không nói hết câu. McCaleb để ý thấy cậu liếc nhìn mẹ nơi hành lang rồi nhìn lại con số ghi giờ phút mà McCaleb đã gạch dưới trong cuốn sổ.

“Thằng khốn nạn!” cậu nói thì thầm căm hận.

“Còn hơn thế nữa,” McCaleb nói.

Ngoài kia, Buddy Lockridge khỏi động chiếc Taurus ngay khi nhìn thấy McCaleb ra khỏi nhà. McCaleb nhảy vào.

“Đi thôi.”

“Ta chở thằng nhỏ về lại chứ?”

“Không, nó phải nói chuyện với mẹ nó. Đi thôi.”

“Được rồi, được rồi. Đi đâu?”

“Về thuyền.”

“Thuyền á? Anh không về đó được, Terry. Mấy người kia có thể vẫn còn ở đó. Hoặc họ có thể đang theo dõi.”

“Chẳng sao hết. Tôi không có cách nào khác.”
 
Chương 35


Lockridge thả McCaleb xuống vỉa hè Phố Cabrillo, cách vũng neo thuyền chừng non cây số. Quãng đường còn lại ông đi bộ, nép vào dưới bóng râm dãy cửa hàng nhỏ ven đại lộ. Kế hoạch của họ là Buddy sẽ để chìa khóa lại trong chiếc Taurus rồi đi về thuyền như thể mọi thứ trong cuộc sống anh ta vẫn đều đều như thường lệ. Nếu Lockridge thấy có gì bất thường, có ai đó lảng vảng quanh vũng neo thuyền mà anh ta không nhận ra là ai, anh ta sẽ phải nhấp nháy ngọn đèn trên cột buồm chiếc Xuống Đáy Hai Lần. McCaleb sẽ thấy được ánh đèn đó từ khá xa và tránh lại gần.

Khi bắt đầu thấy được vũng neo thuyền, McCaleb lia mắt nhìn chóp đỉnh hàng chục cột buồm. Trời đã tối song ông chẳng thấy ánh đèn nào. Mọi chuyện xem ra xuôi chèo mát mái. Ông liếc quanh thì thấy có một điện thoại công cộng bên ngoài một siêu thị mini, liền đi lại đó để gọi cho Lockridge, đằng nào thì cũng cần phải gọi. Làm thế ông cũng có cơ hội để đặt cái túi da nặng trịch xuống một chút. Buddy nhấc máy ngay lập tức.

“Có an toàn không?” McCaleb hỏi, nhớ lại một câu trong một bộ phim ông rất thích từ vài năm trước.

“Chắc là có,” Buddy nói. “Tôi chả thấy ai, cũng chẳng ma nào túm lấy tôi nơi lối vào. Cũng chả thấy cái gì kiểu như ô tô của cớm không mang huy hiệu đỗ trong bãi xe cả.”

“Thuyền của tôi trông ra sao?”

Có một chút im lặng trong khi Buddy nhìn quanh.

“Vẫn đó thôi. Coi bộ người ta đã chăng băng màu vàng giữa hai cầu tàu, kiểu như là anh sẽ không được vào trong đó hay sao ấy.”

“Được rồi, Bud, tôi vào đây. Tôi sẽ vào trong nhà giặt là trước rồi nhét túi xách của tôi vào một trong mấy cái máy sấy. Nếu tôi vào trong thuyền mà bị họ chộp bất ngờ thì anh tới lấy cái túi rồi ngồi canh cho đến khi tôi thoát được. Đồng ý chứ?”

“Chắc rồi.”

“OK, nghe này. Nếu mọi chuyện êm xuôi trên thuyền, tôi sẽ không ở lại lâu, nên tôi sẽ nói điều này ngay bây giờ, cám ơn anh vì tất cả, Buddy ạ, anh đã giúp tôi nhiều lắm.”

“Không hề gì đâu, bạn. Tôi cóc cần biết mấy thằng con hoang đó đang cố làm gì anh. Tôi biết anh cừ lắm.”

McCaleb cảm ơn anh ta lần nữa rồi gác máy, đoạn nhặt túi lên, cắp dưới nách mà đi về vũng neo thuyền. Đầu tiên ông lẻn vào nhà giặt và tìm thấy một máy sấy rỗng để giấu cái túi. Đoạn ông đi về thuyền của mình mà chẳng gặp rắc rối gì. Trước khi mở khóa cánh cửa trượt, ông nhìn quanh vũng một lần cuối thì chẳng thấy có gì không ổn, chẳng có gì xem ra cần cảnh giác. Ông nhận thấy dáng người đen thẫm của Buddy Lockridge ngồi nơi buồng lái chiếc Xuống Đáy Hai Lần. Ông nghe tiếng một điệu vê nốt wah-wah của kèn harmonica, liền gật đầu về phía cái bóng kia. Đoạn ông đẩy cửa mở ra.

Thuyền bốc mùi ngột ngại ôi oai nhưng vẫn có chút mùi nước hoa phảng phất còn sót lại. Ông đoán rằng Jaye Winston đã để lại mùi ấy. Ông không bật đèn mà thò tay tìm cây đèn pin chèn vào vào mặt dưới bàn vẽ hải đồ. Ông bật đèn lên rồi lia xuống bên cạnh mình và chĩa xuống sàn. Ông chui xuống dưới hầm, biết mình phải di chuyển cho nhanh. Ông chỉ muốn vơ vội ít quần áo, thuốc men và dự trữ y tế đủ dùng trong vài ngày. Ông hình dung rằng, dù thế nào đi chăng nữa, chừng đó là toàn bộ thời gian mình có được.

Ông mở một trong các cửa hầm dọc hành lang rồi lấy cái túi xách to ra. Đoạn ông vào phòng ngủ chính lấy số quần áo mình cần. Việc đó phải làm lén lút dưới ánh đèn pin cho nên chậm hẳn đi, nhưng cuối cùng ông cũng lấy được thứ mình cần.

Khi đã xong, ông xách túi đi qua hành lang về phía mũi thuyền để lấy thuốc men, dụng cụ y tế và cái kẹp hồ sơ. Ông đặt cái túi để mở xuống bồn rửa bát, và đã toan cho các hộp và lọ thuốc vào đó thì chợt nhận ra một điều gì. Khi băng qua hành lang, có một ngọn đèn ở phía trên. Đèn trong bếp. Hoặc có thể một trong các đèn trần ở phòng khách. Ông lập tức điếng người, liền cố lắng nghe xem có tiếng động nào từ trên kia không, đồng thời xét lại xem nãy giờ chính mình đã làm gì. Ông tin chắc rằng ban nãy khi bước vào mình đã không bật một ngọn đèn nào.

Ông lắng nghe đến gần nửa phút nhưng chẳng có gì. Ông nhanh chóng lùi lại vào hành lang rồi nhìn lên cầu thang. Ông đứng im thin thít, vừa lắng nghe lần nữa vừa cố cân nhắc xem mình có những lựa chọn nào. Lối duy nhất để thoát ra ngoài nếu không phải lên lại cầu thang là dùng cửa hầm dẫn lên boong nơi mái phòng ngủ đằng trước. Nhưng nếu cho rằng kẻ nào đó trên kia chưa phát hiện ra cái lối thoát đó thì thật ngu xuẩn.

“Buddy,” ông gọi. “Anh đấy à?”

Câu trả lời phải mãi một hồi lâu mới cất lên.

“Không, không phải Buddy, Terry ạ.”

Một giọng nữ. McCaleb nhận ra giọng đó.

“Jaye à?”

“Sao anh không lên đây?”

Ông nhìn lại chỗ đầu thuyền. Cây đèn pin đang nằm trong cái túi to, chẳng soi sáng gì mấy ngoài những thứ nằm trong túi. Còn thì ông hoàn toàn chìm trong bóng tối.

“Tôi lên đây.”

Chị ngồi trên chiếc ghế xoay có đệm gần cái bàn uống cà phê bằng gỗ tếch. Rõ là hồi nãy ông đã đi ngang qua chị trong bóng tối. Ông nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế cùng bộ ở phía đối diện.

“Chào Jaye.

Công việc thế nào?”

“Chưa có khi nào tệ hại như thế này.”

“Tôi cũng vậy. Sáng nay tôi đã định gọi cho chị.”

“Thì tôi ở đây rồi.”

“Còn bạn bè chị đâu?”

“Họ không phải bạn bè tôi. Và nhất định họ không phải là bạn bè anh, Terry.”

“Chẳng có vẻ gì là vậy. Thế chuyện gì đang xảy ra? Làm sao chị ở đây mà họ thì không?”

“Bởi vì thi thoảng một trong mấy thằng đần cảnh sát khu này hóa ra lại khôn hơn mấy tay ở Cục.”

McCaleb mỉm cười không chút vui vẻ.

“Chị biết trước là tôi phải về để lấy thuốc.”

Chị mỉm cười đáp lại rồi gật đầu.

“Họ đoán là anh đang trên đường tới Mexico nếu không phải là đã ở đó rồi. Nhưng tôi thấy trong tủ còn đầy thuốc nên biết là anh phải quay về. Nó như sợi dây buộc anh lại vậy.”

“Vậy giờ chị sẽ tóm tôi, sẽ bắt giữ tôi và được vinh quang.”

“Không nhất thiết.”

Thoạt tiên ông không trả lời. Ông ngẫm nghĩ những lời chị nói, tự hỏi chị đang chơi trò này theo cách nào.

“Chị nói gì vậy Jaye?”

“Tôi nói rằng trực giác bảo tôi một đằng, chứng cứ bảo tôi một nẻo. Tôi thường tin ở trực giác mình.”

“Tôi cũng thế. Chị nói tới bằng chứng nào vậy? Hôm nay người của chị tìm thấy gì ở đây?”

“Chả có gì nhiều, chỉ là một cái mũ bóng chày trên đó có logo CI. Chúng tôi đoán hai chữ ấy nghĩa là Catalina Island - Đảo Catalina, và nó khớp với mô tả của James Noone về cái mũ mà kẻ lái chiếc Cherokee đội. Rồi chẳng có gì khác nữa - cho đến khi chúng tôi mở ngăn kéo trên cùng của bàn vẽ hải đồ.”

McCaleb nhìn lên bàn về hải đồ. Ông nhớ mình đã mở ngăn kéo trên cùng để kiểm tra sau khi kẻ đột nhập bị ông dọa cho hết hồn đã bỏ chạy vào đêm đó. Trong đó nào có gì không ổn hoặc có khả năng gây hại cho ông đâu.

“Cái gì trong đó?”

“Trong á? Trong thì không. Ở bên dưới ấy. Dán vào bên dưới.”

McCaleb đứng dậy đi lại chỗ các ngăn kéo bàn vẽ hải đồ. Ông lôi hẳn ngăn kéo trên cùng ra mà lật úp xuống. Ông miết ngón tay lên chỗ dinh dính do những mẩu băng keo dày để lại. Ông mỉm cười lắc đầu. Ông nghĩ tên đột nhập kể cũng tài, chỉ trong phút chốc hắn đã kịp chui vào, lấy ra một cái gói đã đính băng keo sẵn mà dán đánh bộp vào mặt dưới ngăn kéo để mở này.

“Để tôi đoán nhé,” ông nói. “Nó là một cái túi...”

“Không. Đừng nói gì hết. Anh mà nói gì là nó có thể quay lại hại anh đấy. Tôi không muốn làm hại anh, Terry.”

“Tôi chả bận tâm gì chuyện đó. Không bận tâm nữa. Nên cứ để tôi đoán. Dưới ngăn kéo là một cái túi - túi nhựa kiểu Ziploc. Trong đó có cái hoa tai hình chữ thập lấy của Gloria Torres và một bức ảnh chụp gia đình James Cordell. Bức ảnh bị lấy khỏi xe anh ta ấy.”

Winston gật. McCaleb trở lại chỗ ngồi.

“Anh bỏ sót cái khuy măng sét của Donald Kenyon,” chị nói. “Bằng bạc thật, hình ký hiệu đồng đô la.”

“Cái đó tôi không biết. Tôi cá rằng Nevins và Uhlig cùng tay Arrango khốn nạn đó giống như là một bước lên trời khi họ phát hiện ra cái túi.”

“Bọn họ vênh váo còn phải nói,” chị nói, gật đầu. “Hể hả lắm.”

“Nhưng chị thì không.”

“Không. Thế thì dễ quá.”

Họ ngồi lặng thinh một hồi.

“Anh biết không, Terry, xem ra anh chẳng mấy bận tâm đến chuyện người ta tìm ra trên thuyền của anh bằng chứng cho thấy anh có liên quan đến ba vụ giết người. Ấy là chưa kể anh có động cơ rõ rệt để gây ra ba vụ đó.” Chị gật đầu về phía ngực McCaleb. “Thế mà bây giờ, anh xem ra chỉ hơi hơi khó chịu mà thôi. Anh có muốn cho tôi hay tại sao không?”

McCaleb cúi về phía trước, tì cùi chỏ lên đầu gối. Khi ngồi như vậy, mặt ông hiện rõ hơn dưới ánh đèn.

“Tất cả đều được sắp đặt hết, Jaye ạ. Cái mũ, cái hoa tai, mọi thứ. Đêm qua có kẻ đột nhập vào đây. Hắn chẳng lấy gì sất. Thành thử ắt là hắn phải để lại một cái gì. Tôi có nhân chứng. Tôi đang bị người ta sắp đặt để mưu hại. Tôi không biết tại sao, nhưng đây toàn là sắp đặt hết.”

“Chà, nếu anh nghĩ đó là Bolotov thì quên đi. Hắn đã vào nằm khám Van Nuys từ hôm bị tay sĩ quan chuyên giám sát hắn lâu nay tóm vào chiều Chủ nhật vừa rồi.”

“Không, tôi không nghĩ tới Bolotov. Hắn không nằm trong diện tình nghi.”

“Nói thế nghe hoàn toàn khác trước kia anh nói.”

“Các sự kiện đã loại bỏ khả năng hắn là nghi phạm. Chị nhớ chứ, tôi từng cho rằng hắn là thủ phạm vụ trộm gần nơi hắn làm việc, vụ khẩu HK P7 bị mất ấy. Nếu đúng vậy, hẳn là hắn sẽ cầm chính khẩu súng khiến hắn thành nghi phạm trong vụ Cordell và Torres. Nhưng vụ trộm đó xảy ra vào tháng Mười hai, gần lễ Giáng sinh. Giờ ta thêm vào đó vụ Kenyon. Anh ta bị giết bằng một khẩu P7 hồi tháng Mười một. Vậy thì không thể là cùng một khẩu đó; cho dù đúng là Bolotov gây ra vụ trộm ấy đi nữa. Thành thử hắn ngoài vòng khả nghi. Tuy nhiên tôi vẫn không biết vì sao hắn lại nổi cồ lên với tôi rồi bỏ chạy.”

“Thì như anh nói, rất có khả năng hắn là thủ phạm vụ trộm hồi Giáng sinh. Anh đến đấy hù dọa hắn, làm cứ như anh sắp buộc cho hắn hai ba vụ giết người. Hắn liền chạy trốn. Có thế thôi.”

McCaleb gật đầu.

“Chuyện gì sẽ xảy ra với hắn?”

“Chủ của hắn sắp đâm đơn kiện thay vì đòi bồi thường cửa sổ bị vỡ. Thế đấy. Người ta sẽ thả hắn ra sau phiên tòa hôm nay.”

McCaleb lại gật đầu, mắt nhìn xuống thảm.

“Thành thử quên hắn đi, Terry, anh còn gì nữa nào?”

Ông lại ngước mắt lên nhìn chị chăm chú.

“Tôi gần tới nơi rồi. Tôi chỉ còn một hai bước nữa là có thể ráp nối tất cả lại với nhau. Giờ tôi biết hung thủ là ai rồi. Và chỉ ít hôm nữa tôi sẽ biết ai đã thuê hắn. Tôi có họ tên rồi, một danh sách các nghi phạm. Tôi biết kẻ chúng ta tìm nằm trong danh sách đó. Hãy tin ở trực giác của chị trong chuyện này, Jaye ạ. Bây giờ chị có thể cứ cho rằng tôi dính vào vụ này rồi thì kéo tôi vào và bắt giữ tôi, nhưng làm thế là sai mà cũng chả khớp sự thật nữa. Cuối cùng tôi sẽ chứng minh được điều đó. Nhưng trong lúc đó chúng ta sẽ đánh mất cái cơ hội mình đang có ngay lúc này.”

“Ai là hung thủ?”

McCaleb đứng dậy.

“Tôi phải đi lấy cái túi. Tôi sẽ cho chị xem.”

“Túi của anh đâu?”

“Trong một cái máy sấy chỗ nhà giặt của vũng thuyền. Tôi nhét nó đó. Tôi không biết khi tôi đến đây thì chuyện gì sẽ xảy ra mà.”

Chị nghĩ một thoáng.

“Cho tôi đi lấy đi,” ông nói. “Chị vẫn còn cả đống thuốc men ở đây mà. Tôi sẽ chả đi đâu hết. Nếu chị không tin tôi thì đi với tôi.”

Chị xua tay.

“Thôi được rồi, đi đi. Lấy cái túi của anh về. Tôi đợi.”

Trên đường đến chỗ nhà giặt McCaleb gặp Buddy Lockridge, anh ta đang cầm cái túi da lấy từ chỗ máy sấy ra.

“Mọi chuyện ổn chứ? Anh đã bảo tôi đi lấy cái này nếu thấy có ai đó gạ anh tòm tem chút đỉnh.”

“Mọi chuyện ổn Buddy ạ. Chắc thế.”

“Tôi không biết chị chàng này nói gì với anh, nhưng chị chàng là một trong những người có mặt ở đây hồi sáng đấy.”

McCaleb nhận túi xách từ tay anh ta rồi trở lại thuyền. Vào trong, ông bật tivi lên, đút cuốn băng quay ở Siêu thị Sherman vào đầu video rồi cho chạy. Ông tua nhanh hình rồi quan sát các cử động giật cục của hung thủ khi hắn bước vào, bắn Gloria Torres và chủ hiệu rồi biến mất. Đoạn Người Tốt bụng bước vào và McCaleb cho băng trở về tốc độ bình thường. Ngay lúc Người Tốt bụng đang lúi húi làm gì đó trên thân hình sõng sượt của Gloria mà chợt ngẩng lên, McCaleb nhấn nút ngưng, khung hình liền sững lại.

Ông chỉ người đàn ông trên màn hình tivi mà ngoái lại Jaye Winston.

“Đó. Hung thủ của chị đó.”

Chị nhìn chằm chằm vào màn hình một lúc lâu, khuôn mặt không để lộ một ý nghĩ nào.

“Được rồi, nói tôi nghe làm thế nào đó là hung thủ của tôi được?”

“Là trình tự thời gian. Arrango và Walters đã chẳng thấy gì hơn ngoài một vụ cướp và giết thông thường. Trông thì có vẻ thế thật, nên ai mà bắt bẻ họ được chứ? Nhưng bọn họ làm ăn thế là lôm côm. Họ chẳng hề bận tâm hoàn tất cho xong hay là kiểm chứng trình tự các sự kiện. Họ thấy cái gì thì cứ cho đúng là như thế. Nhưng có một chỗ mắc mứu giữa thời điểm hung thủ bước vào được ghi nhận trong cuốn video quay tại cửa hàng với thời điểm trên đồng hồ của Trung tâm khi Người Tốt bụng gọi điện tới.”

“Phải. Chuyện ấy anh có bảo tôi. Chênh lệch bao nhiêu, nửa phút gì đấy phải không?”

“Ba mươi tư giây. Theo băng video của cửa hàng thì Người Tốt bụng gọi điện báo về vụ nã súng ba mươi tư giây trước khi vụ đó xảy ra.”

“Nhưng anh có nói Walters và Arrango bảo họ không thể kiểm chứng độ chính xác của đồng hồ trên cuốn băng. Họ chỉ cho rằng nó chênh là bởi ông già - ông Kang ấy - có lẽ đã tự chỉnh.”

“Phải, họ cho là thế. Tôi thì không.”

McCaleb tua ngược băng về chỗ có thể thấy rõ đồng hồ của Chan Ho Kang khi tay ông ta duỗi ngay đơ qua quầy. Ông cho đoạn đó quay chậm, tua tới tua lui cho tới khi dòng thời gian ở mép dưới màn hình chạy đến đúng thời điểm. Ông lại dừng hình. Đoạn ông lại chỗ túi xách, lấy ra bức ảnh đã được phóng to làm rõ từ khung hình đó.

“Đây, tôi đã phân tích kỹ để phân lập chính xác thời điểm điều này xảy ra. Chị thấy cái đồng hồ chứ?”

Chị gật đầu. Ông đưa cho chị bức ảnh.

“Tôi đã nhờ một người bạn vẫn hay làm việc này việc nọ cho Cục làm rõ khung hình này lên. Bản in ra đó. Như chị thấy, thời điểm trên đồng hồ và trên cuốn băng là khớp nhau. Đến từng giây. Ông Kang ắt hẳn đã chỉnh giờ trên camera cho khớp với giờ trên đồng hồ của mình. Chị theo sát tôi đấy chứ?”

“Tôi theo sát anh. Video và đồng hồ là khớp nhau. Thế nghĩa là gì?”

McCaleb giơ tay lên làm hiệu đợi chút rồi lấy sổ ra, lật đến chỗ các ghi chú về trình tự thời gian.

“Giờ ta biết rằng theo đồng hồ của Trung tâm Truyền thông Trung ương, Người Tốt bụng gọi điện báo về vụ nã súng vào lúc 10:41:03, nghĩa là ba mươi tư giây trước khi vụ nã súng xảy ra theo giờ trên cuốn băng. OK?”

“OK.”

Ông giải thích về việc lúc chiều ông đã ghé chỗ cửa hàng, rồi sau đó đến nhà Kang, ở đó ông đã được phép tiếp cận cái đồng hồ. Ông cho chị biết rằng kể từ khi vụ án mạng xảy ra cái đồng hồ chưa hề được chỉnh lại.

“Chừng đó tôi gọi đến Trung tâm yêu cầu họ cho biết thời gian chuẩn rồi so sánh với thời gian trên cái đồng hồ ấy. Đồng hồ ấy chạy sớm hơn đồng hồ của Trung tâm vỏn vẹn bốn giây mà thôi. Vậy có nghĩa là đồng hồ trên cuốn băng chỉ sớm hơn bốn giây so với giờ của Trung tâm tại thời điểm xảy ra các vụ giết người.”

Winston nheo mắt cúi về phía trước, cố theo sát lời giải thích của ông.

“Thế có nghĩa là...”

Chị không nói hết.

“Có nghĩa là hầu như đồng hồ trên cuốn băng với đồng hồ của Trung tâm chẳng chênh nhau một tí nào, có bốn giây thôi mà. Thành thử khi Người Tốt bụng gọi điện báo về vụ nã súng lúc mười giờ bốn mốt phút ba giây theo đồng hồ của Trung tâm thì lúc đó chính xác là mười giờ bốn mốt phút bảy giây theo giờ trên cuốn băng ở cửa hàng. Chênh nhau có bốn giây thôi.”

“Nhưng không thể có chuyện đó được,” Winston vừa nói vừa lắc đầu. “Lúc đó đã có vụ nã súng nào đâu. Còn sớm quá, trước những ba mươi giây. Lúc đó thậm chí Gloria còn chưa bước vào cửa hàng nữa là. Chắc cô ta chỉ đang tấp xe vào.”

McCaleb lặng thinh. Ông để mặc chị rút ra kết luận mà không cần ông nói hay mớm ý. Ông biết nếu tự chị đi đến cùng một điểm chốt cùng đó thì tác dụng sẽ mạnh hơn.

“Vậy là,” chị nói, “cái gã này, Người Tốt bụng này, ắt hẳn đã gọi điện báo về vụ nã súng trước khi nó xảy ra.”

McCaleb gật đầu. Ông lưu ý thấy sự chăm chú ngày càng tăng trong mắt chị.

“Tại sao hắn làm thế trừ phi... hắn biết. Trừ phi hắn biết vụ nã súng sắp sửa xảy ra? Hắn - mẹ kiếp! - hắn ắt phải là hung thủ!”

McCaleb gật đầu lần nữa, song lần này với một nụ cười hài lòng trên mặt. Ông biết giờ đây chị đã ngồi cùng xe với ông. Và họ sắp sửa nhấn ga tiến tới.
 
Chương 36


“Anh đã xem xét kỹ vụ này chưa, đã hình dung nó xảy ra thế nào chưa?”

“Chút chút.”

“Vậy nói tôi nghe.”

Lúc này McCaleb đang đứng nơi bếp rót cho mình một cốc nước cam ép. Winston đã uống một cốc rồi nhưng cũng đứng nơi bếp. Lượng adrenaline trong chị không cho phép chị ngồi. McCaleb biết cái cảm xúc đó.

“Đợi một tí,” ông nói.

Ông chỉ nghiêng cốc một lần là đã nốc cạn chỗ nước cam.

“Xin lỗi, hôm nay tôi đã làm đường trong máu tôi lộn tùng phèo lên cả. Ăn muộn quá.”

“Anh khỏe không?”

“Khỏe.”

Ông cho cốc vào chậu rửa, xoay người lại tựa lưng vào quầy.

“Được rồi, tôi nhìn chuyện đó thế này đây. Ta bắt đầu với Ông X, một ai đó ở nơi nào đó mà ta tạm giả định là đàn ông. Người này cần cái gì đó. Một cơ quan nội tạng mới. Thận, gan, có khi là tủy xương. Có thể là giác mạc nhưng nếu vậy thì hơi quá. Phải là cái gì đó đáng để giết người cơ. Cái gì đó mà nếu thiếu thì hắn sẽ chết. Hoặc nếu trong trường hợp giác mạc thì có thể hắn sẽ mù và không làm ăn gì được.”

“Còn tim thì sao?”

“Cái ấy cũng sẽ có trên danh sách, nhưng, xem đấy, tim thì tôi nhận rồi. Thành thử chị gạch mục tim ra đi, trừ phi chị là Nevins hay Uhlig hay Arrango và cả cái lũ cứ nhất quyết cho rằng tôi chính là Ông X, OK?”

“OK. Tiếp đi.”

“Cái thằng cha X này, hắn có tiền, có quan hệ. Đủ để có thể tiếp xúc và thuê một hung thủ.”

“Có quan hệ với mafia.”

“Có thể, nhưng không nhất thiết.”

“Thế còn câu ‘Đừng quên bánh cannoli đấy’ thì sao?”

“Tôi không biết, về điều đó tôi cứ nghĩ mãi. Nó hơi quá phô trương đối với một tội ác có tổ chức thứ thiệt, chị không nghĩ thế sao? Khiến tôi nghĩ nó chẳng qua là chiêu đánh lạc hướng, nhưng chỉ là tôi đoán thế thôi.”

“Thôi được, tạm thời quên nó đi. Nói tiếp về Ông X nào.”

“Rồi, ngoài chuyện thuê một tên giết mướn, kế đó hắn phải truy cập được vào máy tính của CMN. Hắn phải biết ai có bộ phận mà hắn cần. Chị biết CMN là gì chứ?”

“Tôi mới biết hôm nay. Và tôi cũng nói về anh y như thế với Nevins. ‘Làm thế nào Terry McCaleb thâm nhập vào CMN được?’ thì anh ta mới cho tôi biết hệ thống bảo mật của CMN là củ chuối đến cỡ nào. Giả thuyết của họ là anh đã lén đột nhập vào một hôm nào đó, lúc anh còn nằm ở Cedars. Anh kiếm được một danh sách những người hiến máu loại AB có CMV âm tính rồi khởi đi từ đó.”

“OK. Giờ ta hãy theo cũng giả thuyết đó nhưng thay vì tôi thì là Ông X, hắn có bản danh sách rồi thì đưa Người Tốt bụng vào cuộc.”

McCaleb chỉ ra ngoài phòng khách, nơi hình ảnh Người Tốt bụng vẫn đang ngưng sững trên màn hình tivi. Hai người cùng nhìn một lát rồi ông mới nói tiếp.

“Hung thủ lần theo danh sách, thì kìa, hắn thấy một cái tên quen thuộc. Donald Kenyon. Kenyon là người nổi tiếng, hầu hết là do những kẻ thù của anh ta. Anh ta trở thành lựa chọn hoàn hảo là vì thế. Cả cái đám kẻ thù đó - các nhà đầu tư và có thể cả vài tên đầu trộm đuôi cướp lẩn lút sau hậu trường - là cả một bức màn ngụy trang quá tốt.”

“Thế nên Người Tốt bụng chọn Kenyon.”

“Đúng. Hắn chọn anh ta rồi thì theo dõi, quan sát, cho đến khi nắm được thời gian biểu của anh ta. Mà thời gian biểu thì khá là đơn giản và Kenyon bị chính quyền liên bang quản thúc tại gia nên thường chẳng đi đâu khỏi nhà. Nhưng Người Tốt bụng không nản chí. Hắn ghi lại thời khóa biểu đó và biết rằng sáng nào cũng vậy Kenyon ở nhà một mình khoảng hai mươi phút trong khi vợ anh ta lái xe đưa tụi nhỏ đi học.”

Nãy giờ nói mãi khô cả họng, McCaleb lại lấy cốc ra khỏi chậu, rót thêm một cốc nước cam ép nữa.

“Thế là hắn hành sự đúng trong khoảng hai mươi phút ấy,” ông tiếp, sau khi nốc thêm nửa cốc nước cam. “Và khi khởi sự, hắn biết hắn phải hành động sao cho Kenyon còn sống khi đến được bệnh viện, nhưng sau đó thì không. Xem đấy, hắn phải giữ gìn các cơ quan nội tạng để còn cấy ghép chứ. Nhưng nếu hắn làm quá đà, Kenyon chết trên đường đi thì chẳng ích gì cho hắn. Thành thử hắn vào nhà, tóm lấy Kenyon rồi điệu anh ta đi ra cửa trước. Đoạn hắn giữ anh ta ở đó cho đến khi nghe tiếng chị vợ đưa con đi học quay về đến nhà. Hắn buộc Kenyon nhìn qua lỗ cửa xem có chắc là chị ta không. Rồi thì hắn bòm anh ta và đặt anh ta nằm xuống sàn, còn mới nguyên, nằm đó sẵn sàng, khi chị vợ mở cửa ra.”

“Nhưng anh ta đã không sống được đến khi tới bệnh viện.

“Không. Kế hoạch thì hay nhưng hắn làm hỏng bét. Hắn cho đạn Devastator vào trong khẩu P7. Để làm thứ phi vụ này thì dùng loại đạn đó là sai. Đạn ấy dễ vỡ, nó vỡ tung nên hầu như làm cho não Kenyon nát nhừ ra, hủy hoại toàn bộ cơ chế kiểm soát hệ thống hỗ trợ sự sống. Kenyon chết hầu như ngay tức khắc.”

Đến đó ông ngừng nói mà quan sát Winston trong khi chị cân nhắc về câu chuyện.

Đoạn ông giơ một ngón tay lên, ra dấu bảo chị khoan hãy bình luận. Ông lại chỗ túi xách trong phòng khách rút ra một xấp tài liệu, cẩn thận để người mình chắn giữa cái túi là Winston. Ông không muốn chị thoáng thấy khẩu P7, nó vẫn còn nằm trong đó.

Ở chỗ quầy bếp ông xem qua các tài liệu cho đến khi tìm thấy cái mình cần.

“Cái này thì đáng ra tôi thậm chí không có quyền được biết, nhưng chị xem đi. Đây là bản đánh máy lại cuốn băng mà Cục đã ghi âm lén ở nhà Kenyon. Đây là đoạn anh ta bị bắn. Họ không nghe được tất cả những gì hung thủ và Kenyon nói, song phần nghe được thì khớp với điều tôi vừa nói.”

Winston đứng cạnh ông mà đọc đoạn ông đã dùng bút khoanh tròn lại trong khi ngồi xe với Buddy Lockridge quay về vũng neo thuyền.

KẺ LẠ MẶT: OK, lại mà xem ai…

KENYON: Đừng... Cô ấy chả liên quan gì tới vụ này. Cô ấy...

Winston gật đầu.

“Có lẽ hắn đã bảo anh ta nhìn qua lỗ khóa,” chị nói. “Rõ ràng đó là vợ anh ta vì sau đó Kenyon cố bảo vệ chị ta.”

“Đúng, và hãy lưu ý rằng đoạn ghi lại cho biết có hai phút im lặng giữa mẩu trao đổi cuối cùng và phát súng. Hắn còn có thể làm gì khác ngoài đợi cho đến khi chị ta bước vào nhà để chị ta có thể đến với cái xác hầu như ngay khi vừa có phát súng?”

Chị lại gật.

“Quả là khớp,” chị nói. “Nhưng còn mấy người của Cục đang nghe lén thì sao? Anh cho rằng hung thủ không biết là có họ à?”

“Tôi không chắc. Xem ra thì không phải vậy. Tôi cho rằng chẳng qua hắn gặp may. Nhưng có lẽ hắn cho rằng không có nhiều khả năng ngôi nhà bị đặt máy nghe lén. Có lẽ chính vì vậy mới có cái câu bánh cannoli này nọ. Chỉ là đánh lạc hướng chút đỉnh, phòng xa vậy thôi.”

McCaleb uống nốt cốc nước cam rồi để cốc lại vào chậu rửa.

“OK, vậy là hắn làm hỏng bét,” Winston nói. “Và lại phải quay về bàn để lên kế hoạch. Hay đúng ra là quay lại bản danh sách của CMN. Rồi thì cái tên kế tiếp hắn chọn là anh chàng James Cordell của tôi.”

McCaleb gật và để chị tiếp tục. Ông biết, chị càng tự mình luận ra câu đố được bao nhiêu thì càng có khả năng chị sẽ tin vào toàn bộ câu chuyện bấy nhiêu.

“Hắn đổi loại đạn, thay đạn dễ vỡ bằng đạn rắn để có thể gây một vết thương xuyên từ bên này qua bên kia nhưng lại không làm tổn thương não ngay lập tức.”

“Hắn theo dõi Cordell cho đến khi biết rõ thói quen hàng ngày của anh ta, rồi thì hắn sắp đặt vụ nã súng theo cách tương tự như với Kenyon - phát súng xảy ra gần như cùng một lúc với khi có một bên thứ hai xuất hiện khả dĩ giúp nạn nhân được. Trong trường hợp Kenyon, đó là vợ anh ta. Còn với Cordell thì là James Noone. Hung thủ ắt hẳn đã theo sát Cordell cho đến khi thấy xe của Noone chuyển sang làn rẽ để ghé vào ngân hàng. Chừng đó hắn mới bắn.”

“Tôi nghĩ Noone chỉ là ngẫu nhiên xuất hiện thôi,” McCaleb nói. “Không thể có chuyện hung thủ sắp đặt sao cho có một nhân chứng xuất hiện. Có lẽ hắn định sẽ bắn Cordell rồi chính hắn sẽ gọi chín một một ở điện thoại công cộng trên vỉa hè - trên cuốn băng quay hiện trường chị có thể thấy cái điện thoại nằm ngay đó. Nhưng Noone lại đến, buộc hắn phải cuốn gói cho nhanh. Chắc là hắn nghĩ nhân chứng sẽ gọi điện nơi máy công cộng - một cú gọi cấp cứu đường đường chính chính. Nhưng xui cho hắn là Noone lại gọi bằng máy di động rồi thì địa chỉ lại lẫn lộn cả nên xe cấp cứu đến muộn, không cứu kịp Cordell.”

Winston gật đầu đồng ý.

“Cordell chết khi vừa đến bệnh viện,” chị nói. “Lại thêm một vụ xôi hỏng bỏng không. Hắn lại quay lại bản danh sách và lần này là Gloria Torres. Chỉ có điều lần này hắn quyết không để lỡ. Hắn gọi điện báo về vụ bắn người trước khi nó xảy ra.”

“Đúng, để xe cấp cứu khởi hành. Hắn biết đường đi nước bước của cô ấy. Chắc là hắn đã đứng đợi sẵn nơi điện thoại công cộng. Thấy cô ấy tấp xe vào là hắn gọi ngay cho chín một một.”

“Rồi hắn vào, làm cho xong việc rồi lỉnh. Ra ngoài rồi, hắn tháo mặt nạ với bộ áo liền quần và trở thành Người Tốt bụng nhà ta. Hắn vào, băng bó cho cô ấy rồi chuồn lẹ. Lần này thì êm xuôi. Hoàn hảo.”

“Đó là quá trình vừa làm vừa học. Hắn học hỏi từ sai lầm của hai vụ đầu tiên, và đạt mức hoàn thiện ở vụ thứ ba.”

McCaleb khoanh tay trước ngực chờ Winston làm cú nhảy kế tiếp.

“Vậy thì giờ ta phải lần theo vụ thu hoạch,” chị nói. “Một trong số những người đã nhận một trong các cơ quan nội tạng sẽ là Ông X. Ta phải tới CMN để lấy bản… mà khoan, anh bảo anh có bản danh sách tên tuổi rồi phải không?”

Ông gật đầu.

“Của CMN?”

“Của CMN.”

Ông trở lại chỗ cái túi, tìm bản danh sách Bonnie Fox đã cho ông. Ông quay lại thì suýt nữa đâm sầm vào Winston, chị cũng vừa đi từ chỗ bếp lại gần. Ông đưa tờ giấy cho chị.

“Danh sách đó.”

Chị đọc bản danh sách thật chăm chú, như thể chị mong đợi thấy một trong các cái tên trong đó sẽ thực sự là Ông X hoặc bằng cách này hay cách khác sẽ dễ dàng nhận diện ra là hắn.

“Làm sao anh có cái này?”

“Không nói được.”

Chị ngước lên nhìn ông.

“Tạm thời tôi phải bảo vệ nguồn cung cấp. Nhưng hoàn toàn hợp pháp. Những người này đã nhận nội tạng từ Gloria Torres.”

“Anh cho tôi cái này chứ?”

“Nếu chị sẽ làm điều gì đó với nó.”

“Tôi sẽ làm. Mai tôi sẽ bắt đầu.”

McCaleb biết rõ mình đang trao cho chị cái gì. Dĩ nhiên, nó có thể là chìa khóa để giải tội cho ông và bắt giữ tên giết người thuộc loại tồi tệ nhất. Nhưng đồng thời ông cũng đang trao cho chị một chuyến đi bằng vé tốc hành. Nếu chị phá thành công vụ án mà Cục Điều tra Liên bang và cảnh sát Los Angeles đang điều tra sai hướng thì sẽ chẳng còn ranh giới nào ngăn nổi tiền đồ thăng tiến chuyên môn của chị nữa.

“Chị sẽ truy ra nghi phạm bằng cách nào?” ông hỏi.

“Bất cứ cách nào có thể. Tôi sẽ xem từng người một có bao nhiêu tiền của, có tiền án hình sự không, bất cứ cái gì đáng chú ý. Như bình thường thôi, toàn bộ nhân thân họ, anh biết mà. Còn anh, anh sẽ làm gì?”

McCaleb liếc sang cái túi. Nó căng phồng nào tài liệu, nào băng, nào súng.

“Tôi chưa biết. Chị sẽ nói cho tôi nghe điều gì chứ? Làm sao tất cả chuyện này lại xoay sang tôi? Tại sao toàn bộ người của chị lại chĩa vào tôi?”

Winston cẩn thận xếp bản danh sách làm tư rồi nhét vào túi áo.

“Là do Cục. Nevins bảo tôi có người gọi điện mách họ. Anh ta không chịu nói từ đâu. Tuy nhiên nguồn này nêu rõ nghi phạm. Cái ấy thì Nevins có nói với tôi. Nguồn cho biết anh đã giết Gloria Torres để lấy tim cô ta. Họ bắt đầu lần theo manh mối đó. Họ kiểm tra biên bản pháp y của cả ba nạn nhân thì thấy nhóm máu như nhau. Từ chỗ đó mà đi thì dễ rồi, mọi thứ đâu vào đó. Tôi phải thừa nhận rằng họ đã khiến tôi xuôi theo. Lúc đó thì mọi chuyện xem ra đều khớp.”

“Khớp là khớp thế nào?” McCaleb hỏi giận dữ, cao giọng lên, “Nếu như chính tôi không bắt đầu để mắt tới vụ này thì thậm chí chả có chuyện nào xảy ra sất. So khớp về đạn đạo với vụ Kenyon là tôi làm chứ ai làm. Có thế thì Cục mới bị lôi vào. Chị nghĩ một kẻ có tội mà lại đi làm vậy à? Có mà điên.”

Ông giận dữ trỏ tay vào ngực mình.

“Tất cả mọi chuyện chúng tôi đều xét đến rồi. Sáng nay chúng tôi đã ngồi ra soát lại tất cả. Giả thuyết đưa ra là anh có người đàn bà - cô chị ấy mà - đến gặp anh và anh hình dung cô ta sẽ chẳng cho qua chuyện này đâu. Thế nên anh quyết định chính anh sẽ đảm nhận vụ này trước khi có ai khác nhận. Anh nhận làm vụ án và rồi khởi sự khuấy hôi. Anh bày trò đuổi ngỗng với thằng cha Bolotov. Anh thôi miên nhân chứng duy nhất đến nỗi giờ đây chúng tôi không thể cho anh ta ra làm chứng trước tòa nữa. Ừ thì so khớp về đạn đạo là do anh làm nhưng có thể chính anh cũng lấy làm lạ, có thể anh cứ đinh ninh là chẳng so được gì hết bởi lần đầu tiên anh dùng là dùng một viên đạn dễ vỡ, nó tan tành hết rồi còn đâu.”

McCaleb lắc đầu. Ông không sao buộc được mình nhìn vấn đề theo cách họ nhìn. Ông vẫn không tin nổi rằng họ đã chuyển sang chú ý vào ông.

“Nhưng rồi, đấy, chúng tôi cũng chưa phải đã đoán chắc trăm phần trăm,” Winston nói. “Chúng tôi cảm thấy thế là đủ lý do để xin lệnh khám xét - rồi thì chúng tôi khám xét. Chúng tôi cảm thấy vụ khám xét này một là ăn cả hai là ngả về không. Chúng tôi hoặc sẽ tìm được bằng chứng và điều tra tiếp, hoặc sẽ thôi không làm gì nữa. Nhưng rồi chúng tôi phát hiện ra anh có lái một chiếc Cherokee đen, rồi thì ngay dưới cái ngăn kéo kia là ba mẩu bằng chứng quá ư chết tiệt. Điều duy nhất lẽ ra sẽ làm cho anh còn khốn khổ khốn nạn hơn nữa là tìm ra khẩu súng.”

McCaleb nghĩ đến khẩu súng đang nằm trong túi xách của mình, cách họ chỉ chừng mét rưỡi. Một lần nữa ông biết mình đã may mắn đến thế nào.

“Nhưng như chị nói, thế thì dễ quá.”

“Với tôi thì vậy. Những người kia họ không thấy thế. Như tôi có nói ban nãy, họ bắt đầu vênh mặt lên. Họ đã thấy báo chạy tít lớn trên trang nhất rồi.”

McCaleb lắc đầu. Cuộc bàn luận đã rút cạn sức lực ông. Ông bước lại chỗ bàn bếp rồi chui vào trong góc quây kín.

“Có kẻ đang sắp đặt để mưu hại tôi,” ông nói.

Winston lại gần.

“Tôi tin anh,” chị nói. “Và dù hắn là ai, hắn đang làm chuyện đó rất cừ. Anh có đã khi nào nghĩ vì sao chính anh chứ không phải ai khác bị mưu hại chưa?”

McCaleb vừa gật đầu vừa vẽ hình bâng quơ giữa một bụm đường vừa đổ ra bàn.

“Khi nhìn mọi chuyện từ góc độ của hung thủ, tôi hiểu vì sao.”

Ông dùng lòng bàn tay gạt chỗ đường đó ra khỏi bàn.

“Sau khi vụ Kenyon bị hỏng ăn và hung thủ biết hắn phải quay lại bản danh sách, hắn cũng biết hắn đang làm cho nguy cơ bị bắt của mình tăng lên gấp đôi. Hắn biết, rất có khả năng người ta sẽ khám phá rằng các vụ án này có một điểm chung là nhóm máu của nạn nhân. Hắn biết hắn cần phải tạo ra cơ sở để đánh lạc hướng. Hắn chọn tôi. Nếu hắn đã vào máy tính của CMN thì hắn biết tôi nằm ngay bên dưới trong bản danh sách, sẽ được nhận tim cô ấy. Có lẽ hắn cũng đã tìm hiểu mọi điều về tôi như những người khác. Hắn biết tôi lái chiếc Cherokee nên chính hắn cũng dùng một chiếc Cherokee. Hắn lấy quà lưu niệm từ các nạn nhân để có thể cài vào đây nếu cần. Rồi có thể chính hắn đã gọi điện mách cho Nevins sau khi mọi thứ đã được sắp đặt đâu vào đó.”

McCaleb ngồi lặng thinh một hồi lâu, ngẫm ngợi về hoàn cảnh của mình. Đoạn ông chầm chậm dịch người ra khỏi góc quây kín.

“Tôi phải gói ghém đồ đạc cho xong.”

“Anh định đi đâu?”

“Tôi chưa biết.”

“Mai tôi cần nói chuyện với anh.”

“Tôi sẽ giữ liên lạc.”

Ông bắt đầu đi xuống thang, nắm chặt hàng tay vịn trên đầu bằng cả hai tay.

“Terry.”

Ông dừng bước ngoái lại nhìn chị.

“Tôi đang có một cơ hội lớn. Tôi sắp giơ cổ chịu đòn tới số với họ đây.”

“Điều đó tôi biết, Jaye. Cám ơn.”

Nói đoạn ông biến mất vào bóng tối ở bên dưới.
 
Chương 37


Chiếc Cherokee của McCaleb đã bị rào kín lại trong cuộc khám xét ngày hôm đó. Ông mượn chiếc Taurus của Lockridge rồi lái về phía Bắc theo đường 405. Khi đến Giao lộ 10, ông rẽ phía Tây về phía duyên hải Thái Bình Dương rồi lại đi tiếp về phía Bắc theo xa lộ ven biển. Ông không có gì phải vội mà cũng đã chán đi đường cao tốc. Ông quyết định cứ chạy dọc theo bờ biển rồi thì rẽ lên Valley thông qua Hẻm núi Topanga. Ông biết vùng Topanga đủ hoang vắng để có thể nhìn rõ liệu mình có bị người của Winston theo sát không. Hay bất cứ ai khác theo sát.

Lúc ông đến được bờ biển và đang lái vòng vèo dọc theo mép nước đen kịt thi thoảng xen kẽ màu bọt biển của những làn sóng xô bờ thì đã chín rưỡi tối. Sương đêm dâng nặng trĩu rồi giăng ngang qua xa lộ, đâm sầm vào những dốc núi thẳng đứng canh giữ cho vùng Vách Dựng (Palisades). Làn sương mang theo mùi và hơi biển mạnh gắt khiến McCaleb nhớ lại cái đêm câu cá cùng với cha hồi ông còn bé. Mỗi lần cha ông giảm ga rồi tắt hết động cơ để hai cha con cứ thế trôi bồng bềnh trong bóng tối là ông lại sợ muốn chết. Hơi thở ông tắc nghẹn vào lúc tàn đêm khi ông già xoay chìa khởi động lại thuyền. Ông thường gặp những cơn mơ dữ thấy mình là cậu bé một mình trôi dạt trong bóng tối trên một con thuyền chết. Ông chẳng bao giờ kể với cha về những giấc mơ đó. Ông chẳng bao giờ bảo cha rằng ông không thích đi câu đêm. Nỗi sợ đó ông luôn giữ kín trong lòng.

McCaleb nhìn sang trái cố tìm cho ra đường thẳng nơi đại dương gặp bầu trời song nhìn không ra. Hai sắc độ của bóng tối hòa vào nhau đâu đó ngoài kia, trăng ẩn trong màn mây. Nó dường như hợp với tâm trạng ông. Ông bật radio rồi vặn tới vặn lui tìm một vài điệu blues nhưng rồi chịu thua và lại tắt. Ông nhớ lại bộ sưu tập harmonica của Buddy, liền thò tay vào túi của tìm một cái. Ông bật đèn trên đầu để xem dòng chữ khắc a xít ở trên cái harmonica. Đó là một chiếc Tombo ở khóa C. Ông chùi cây harmonica vào áo rồi vừa lái xe vừa thổi, hầu hết chẳng ra xoang điệu gì khiến thỉnh thoảng ông phải bật cười sao mình lại thổi kinh thế. Nhưng chốc chốc ông cũng cho ra được đôi ba nốt. Buddy có lần đã cố dạy ông thổi và ông đã đi đến chỗ thổi được đoạn mở đầu bài “Midnight Rambler”. Giờ ông cố thổi đoạn đó nhưng không tìm được đúng hợp âm và cái ông làm bật ra nghe giống tiếng thở khò khè của một lão già hơn.

Khi rẽ vào Hẻm núi Topanga, ông đặt cây harmonica xuống. Con đường băng qua hẻm núi ngoằn ngoèo như rắn nên ông phải cầm lái bằng cả hai tay. Rũ bỏ mọi sao lãng, cuối cùng ông bắt đầu cân nhắc tình thế của mình. Đầu tiên ông ngẫm nghĩ về Winston, xem mình có thể cậy vào chị đến đâu. Ông biết chị là người có năng lực và tham vọng. Điều ông chưa biết là liệu chị có thể trụ nổi đến mức nào trước cái sức ép mà chắc chắn chị sẽ phải đương đầu nếu đi ngược lại Cục và cảnh sát Los Angeles. Ông kết luận rằng mình đã rất may khi có chị đứng về phía mình, nhưng ông vẫn không thể thoải mái ngồi chờ chị trình ra trước thiên hạ cái vụ án đã được gói ghém êm xuôi cho vào hộp. Ông chỉ có thể cậy vào chính mình mà thôi.

Ông hình dung rằng nếu Winston không thuyết phục được những người khác thì ông có nhiều lắm là hai ngày trước khi họ có được bản cáo trạng của một bồi thẩm đoàn và rồi sẽ đem phần thưởng của mình ra gặp báo chí. Sau đó thì cơ hội để ông làm cho ra lẽ vụ này sẽ giảm thiểu đi nhanh chóng. Ông sẽ là nhân vật chính trên các bản tin sáu giờ và mười một giờ. Ông sẽ chẳng còn cách nào khác ngoài từ bỏ cuộc điều tra, tìm luật sư rồi nộp mình cho cảnh sát. Chừng đó thì việc ưu tiên số một sẽ là trình bày rõ những gì mình đã làm trong phòng xử án, chứ đừng nói năng gì đến chuyện tóm được hung thủ thực sự và kẻ nào đã thuê hắn.

Có một lối rẽ trải sỏi trên đường đi và McCaleb đánh xe vào đó, dừng lại rồi nhìn ra con dốc thẳng đứng bên tay phải mình chìm trong bóng đen. Đằng xa ông thấy những ánh đèn ngay hàng thẳng lối của một ngôi nhà trong hẻm núi và ông tự nhủ ở trong ngôi nhà đó thì người ta cảm thấy thế nào. Ông quờ tay sang ghế bên cạnh tìm cây harmonica, nhưng nó không còn đó mà đã trượt sang một bên giữa một trong các lần ông rẽ quặt trên con đường ngoằn ngoèo như rắn.

Ba phút trôi qua mà chẳng chiếc xe nào chạy qua ông. Ông đưa xe vào lại làn đường rồi tiếp tục đi. Khi ông đã lên trên đỉnh núi, con đường vươn thẳng ra chút ít rồi đổ xuống Đồi Woodland. Ông tiếp tục đi trên Đại lộ Hẻm núi Topanga cho đến khi gặp Phố Sherman rồi thì rẽ sang phía Đông để vào Công viên Canoga. Năm phút sau ông dừng lại trước nhà Graciela và quan sát những ô cửa sổ trong vài phút. Ông nghĩ xem sẽ nói gì với nàng. Ông không chắc mình đã khởi đầu cái gì với nàng nhưng ông cảm thấy điều đó mạnh mẽ và chính đáng. Ngay cả khi chưa mở cửa xe, ông đã buồn rầu nghĩ đến khả năng điều đó giờ đây đã chấm dứt.

Ông chưa kịp mở cửa trước thì nàng đã mở, và ông tự hỏi phải chăng nàng đã quan sát ông từ lúc ông còn đang ngồi trong xe.

“Terry? Mọi chuyện ổn chứ? Sao anh lại lái xe?”

“Anh phải lái.”

“Vào đi, vào đi.”

Nàng lùi lại để ông vào. Họ đi đến phòng khách, ngồi trên chính cái sofa phân đoạn mà trước đây họ đã ngồi. Một cái tivi màu nhỏ đặt trên giá gỗ đang bật trong góc phòng, âm thanh vặn nhỏ. Bản tin mười giờ trên Kênh 5 vừa mới bắt đầu. Graciela dùng điều khiển tắt tivi. McCaleb đặt cái túi da nặng trịch xuống giữa hai chân. Ông đã bỏ lại cái túi xách to ngoài xe, không muốn đánh bạo cho rằng nàng sẽ đề nghị ông ở lại.

“Nói em nghe,” nàng nói. “Chuyện gì xảy ra vậy?”

“Họ nghĩ là chính anh, FBI, cảnh sát Los Angeles, tất cả đều nghĩ thế trừ một thám tử của cảnh sát trưởng. Họ cho là anh giết em em để lấy tim cô ấy.”

McCaleb nhìn mặt nàng rồi nhìn ra nơi khác như một kẻ có lỗi. Ông rùng mình khi nghĩ điều này ắt hẳn trông như thế nào đối với nàng, nhưng trong thâm tâm ông biết mình có lỗi. Ông là người hưởng lợi, cho dẫu ông chẳng có liên quan gì đến bản thân tội ác đó đi nữa. Ông giờ đây còn sống là vì Glory đã chết. Một câu hỏi vang vang trong tâm trí ông như tiếng đóng sầm của một chục cánh cửa dọc theo một hành lang tối mịt. Làm sao ta sống với điều này cho được?

“Thật vớ vẩn,” Graciela giận dữ nói. “Làm sao họ có thể nghĩ là anh...”

“Khoan đã,” ông nói, ngắt lời nàng. “Anh phải cho em biết đôi điều Graciela ạ. Rồi thì em sẽ quyết định phải tin gì và tin ai.”

“Em không cần phải nghe...”

Ông lại giơ tay lên ngắt lời nàng.

“Cứ nghe anh đã, OK? Raymond đâu?”

“Nó ngủ. Sáng mai nó đi học mà.”

Ông gật đầu rồi cúi về phía trước, tì cùi chỏ lên đầu gối, hai bàn tay chắp vào nhau.

“Họ lục soát thuyền của anh. Trong khi anh ở với em thì họ đang lục soát thuyền anh. Họ đã suy ra cũng những mối liên hệ mà chúng ta đã suy ra. Về nhóm máu. Nhưng họ lại quay ra nghi ngờ anh. Họ tìm thấy các thứ trên thuyền anh. Anh muốn cho em biết trước khi em nghe họ nói hoặc thấy trên tivi hoặc xem trên báo.”

“Thứ gì, Terry?”

“Giấu dưới một ngăn kéo. Họ tìm thấy cái hoa tai của em em, cái chữ thập mà hung thủ lấy đi ấy.”

Ông quan sát nàng một thoáng trước khi nói tiếp. Mắt nàng trượt từ ông xuống mặt bàn cà phê lắp kính trong khi nàng ngẫm nghĩ về những lời của ông.

“Họ cũng tìm thấy bức ảnh lấy từ xe của Cordell. Và họ tìm thấy cái khuy măng sét bị lấy khỏi xác Donald Kenyon.

Họ tìm thấy tất cả các biểu tượng mà tên giết người đã lấy, Graciela ạ. Nguồn của anh, thám tử của cảnh sát trưởng ấy, chị ấy cho anh hay họ sắp đến gặp bồi thẩm đoàn để buộc tội anh. Giờ thì anh không thể quay về thuyền được nữa.”

Nàng nhìn ông rồi quay đi. Nàng đứng dậy lại gần chỗ cửa sổ, mặc dù rèm đang che kín. Nàng lắc đầu.

“Em có muốn anh đi khỏi đây không?” ông nói sau lưng nàng.

“Không, em không muốn anh đi khỏi đây. Chuyện này chẳng ra làm sao cả. Làm thế nào mà họ... anh đã kể với bà thám tử kia về tên đột nhập chưa? Hắn là kẻ ắt đã làm chuyện này, đã đặt mấy thứ đó vào ngăn kéo. Hắn là kẻ giết người. Ôi Trời! Chúng ta đã tiến đến gần cái...”

Nàng không nói hết. McCaleb đứng dậy lại gần nàng, nỗi nhẹ nhõm chạy ran ran qua người ông. Nàng không tin chuyện ấy, Không tin một tí nào. Ông choàng tay ôm nàng sau lưng, ấp mặt vào tóc nàng.

“Thấy em tin anh là anh vui quá,” ông thì thầm.

Nàng xoay người lại trong vòng tay ông và họ hôn nhau một hồi lâu.

“Em có thể làm gì để giúp anh?” nàng thì thầm.

“Chỉ cần tiếp tục tin. Còn lại để anh lo. Anh ở lại đây được không? Chẳng ai biết chúng mình ở cùng nhau cả. Họ có thể tới đây, nhưng dẫu có đến thì chắc không phải tìm anh đâu. Có thể họ chỉ đến để nói với em họ nghĩ kẻ đó chính là anh.”

“Em muốn anh ở lại. Chừng nào anh còn cần hay còn muốn ở.”

“Anh chỉ cần một chỗ để làm việc. Chỗ nào đó để anh có thể rà soát mọi thứ một lần nữa. Anh có cảm giác mình đã bỏ sót cái gì đó. Như là nhóm máu ấy. Ắt là phải có câu trả lời nào đó trong đống giấy tờ kia.”

“Anh có thể làm việc ở đây. Mai em sẽ ở nhà để giúp anh…”

“Không. Em làm vậy không được. Em không được làm gì khác thường hết. Anh chỉ cần em sáng dậy đưa Raymond đi học rồi thì em đi làm. Chuyện này anh làm được. Đó là phần việc của anh.”

Ông nâng mặt nàng trong đôi tay mình. Sức nặng tội lỗi của ông vơi đi chỉ nhờ mỗi việc nàng có mặt cùng ông và cảm thấy bên trong mình ngả mở khó nhận thấy của một lối đi nào đó đã bao lâu nay đóng chặt. Ông không chắc nó sẽ dẫn đến đâu nhưng trong thâm tâm ông biết mình muốn đi tới đó, mình phải đi tới đó.

“Em đang sắp đi ngủ,” nàng nói.

Ông gật.

“Anh đi với em chứ?”

“Thế còn Raymond? Mình có nên...”

“Raymond nó ngủ rồi. Đừng lo cho nó. Lúc này đây hãy lo cho chúng mình thôi.”
 
Chương 38


Buổi sáng, khi Graciela và Raymond đã đi và ngôi nhà trở nên vắng lặng, McCaleb mở túi da, rải tất tật đống giấy tờ tích cóp được ra thành sáu chồng choán hết chiều dài mặt bàn uống cà phê. Trong khi ngắm toàn bộ đống ấy, ông uống một cốc nước cam và ăn hai cái bánh Pop Tarts nhân việt quất không nướng mà ông đoán là dành cho Raymond. Ăn uống xong, ông bắt tay làm việc, hy vọng rằng vì bận bịu với đống giấy tờ mà tâm trí ông sẽ không bị ám ảnh bởi những việc ngoài tầm kiểm soát của ông, chủ yếu là việc điều tra của Winston đối với những cái tên trong danh sách.

Dù đã có cách này để cho tâm trí bận bịu vào chuyện khác, nhưng McCaleb có thể thấy adrenaline lại bắt đầu dâng lên trong mình. Ông đang tìm cái manh mối tối hậu. Mẩu ghép vốn trước kia không khớp nhưng giờ đây sẽ có ý nghĩa, sẽ kể được cho ông toàn bộ câu chuyện. Hồi còn ở Cục ông sống sót được phần lớn nhờ làm theo trực giác. Lúc này đây ông cũng đang theo trực giác. Ông biết rằng hồ sơ vụ án càng dày - các sự kiện tích lũy được càng nhiều - thì càng dễ có khả năng cái manh mối tối hậu bị che đi mất. Giờ ông sẽ đi săn lùng nó, theo nghĩa nào đó là tìm quả táo đỏ hoàn hảo trên giá trong cửa hàng thực phẩm - quả táo sẽ khiến cho cả chồng táo đổ nhào mà nảy tưng tưng khắp sàn nhà.

Nhưng dù McCaleb phấn chấn cách mấy lúc tám rưỡi sáng thì đến xế chiều nhuệ khí của ông đã nhụt chẳng còn gì. Suốt tám tiếng đồng hồ liên tục chỉ dừng lại để ăn xăng uých kẹp xúc xích hun khói rồi thì gọi điện cho Winston mà chẳng ai thưa, ông đã rà đi soát lại từng trang một của từng tài liệu một mà ông đã tích cóp suốt mười ngày đảm nhận vụ này. Thế mà manh mối tối hậu - nếu quả thật có đó - vẫn cứ lẩn khuất đâu không thấy. Cảm giác vừa hoảng loạn vừa trơ trọi lại len lỏi vào lòng ông. Đến một lúc ông nhận ra mình đang mơ màng nghĩ tới cái nơi hẳn sẽ là nơi tốt nhất để chạy trốn, những ngọn núi Canada hay các bãi biển Mexico.

Lúc bốn giờ chiều ông gọi lại Trung tâm Sao thêm lần nữa thì được cho biết đến lần thứ năm là Winston không có đó. Tuy nhiên, lần này người thư ký nói thêm Winston ắt hẳn sẽ đi vắng suốt ngày. Những lần gọi trước thì thư ký, theo đúng phận sự, từ chối không cho biết Winston đang ở đâu hoặc cho ông biết số máy nhắn tin của chị. Muốn biết thì ông phải nói chuyện với đội trưởng, thế là McCaleb khước từ, ông biết nếu để lộ rằng chị không chỉ đang thông cảm với một nghi can mà trên thực tế còn đang giúp đỡ y thì ông sẽ khiến Winston lâm vào thế hiểm nghèo như thế nào.

Gác máy rồi, ông gọi số điện của mình ở trên thuyền rồi nghe lại hai tin nhắn đã đến trong một giờ qua. Tin đầu tiên là của Buddy Lockridge gọi vào, còn tin thứ hai là gọi nhầm số, một phụ nữ nói rằng chị ta không chắc mình có gọi đúng số không, chả là chị ta đang tìm một người tên là Luther Hatch. Chị ta để lại số điện thoại để ông gọi lại sau. McCaleb nhận ra cái tên Luther Hatch, nghi can trong vụ án mà qua đó ông quen Jaye Winston lần đầu tiên. Sau khi luận ra mối liên hệ đó, ông nhận ra giọng nói trên tin nhắn. Jaye đang bảo ông gọi điện cho chị.

Khi bấm số điện thoại Winston để lại, ông nhận ra số tổng đài - chính là số tổng đài các văn phòng của Cục tại WestWood nơi hồi trước ông làm việc. Cú gọi được trả lời ngay lập tức.

“Winston đây.”

“McCaleb đây.”

Im lặng.

“Này,” cuối cùng chị nói. “Tôi đang tự hỏi không biết anh có nhận được tin nhắn ấy không.”

“Có chuyện gì à? Chị nói được không?”

“Thực ra là không.”

“OK, vậy thì tôi nói. Họ có biết chị đang giúp tôi không?”

“Không, dĩ nhiên.”

“Nhưng chị ở đó là vì họ đã chuyển cuộc điều tra sang Cục, đúng không?”

“Ừ.”

“OK, chị đã có cơ hội kiểm tra mấy cái tên đó chưa.”

“Tôi ngồi ngâm cứu suốt ngày rồi.”

“Chị tìm được gì không? Có gì xem ra khả quan không.”

“Không, chả có gì ở đó cả.”

McCateb nhắm mắt rủa thầm. Ông đã làm sai ở chỗ nào? Làm thế nào đây lại là ngõ cụt được chứ? Ông bối rối, tâm trí ông đảo qua đảo lại các khả năng có thể xảy ra. Ông tự hỏi không biết Winston đã có đủ thời gian để rà soát bản danh sách cho thật thấu đáo chưa.

“Liệu có chỗ nào hoặc khi nào tôi có thể nói chuyện với chị về chuyện này không? Tôi cần hỏi chị vài câu.”

“Lát nữa thì chắc là được. Sao anh không cho tôi số điện thoại, tôi sẽ gọi lại cho anh?”

McCaleb im lặng suy nghĩ về điều này. Nhưng ông chẳng nghĩ lâu. Như Winston đã nói đêm qua, chị sắp phải giơ đầu chịu báng vì ông. Ông biết mình có thể tin ở chị. Ông cho chị số điện thoại của Graciela.

“Khi nào gọi được thì gọi ngay cho tôi nhé.”

“Tôi sẽ gọi.”

“Còn điều cuối nữa. Họ đi gặp đại bồi thẩm đoàn[1] chưa?”

[1] Theo hệ trống luật pháp Hoa Kỳ, đại bồi thẩm đoàn (grand jury) là cơ quan có chức năng phán định một vụ án nào đó đã đủ chứng cứ để đưa ra tòa hay không. Khác với tiểu bồi thẩm đoàn (petit jury) là bồi thẩm đoàn làm việc tại một phiên tòa.

“Chưa, hiện giờ thì chưa.”

“Bao lâu nữa họ mới đi?”

“Sáng mai tôi gặp anh nhé. Tạm biệt.”

Chị gác máy trước khi kịp nghe ông chửi thề thành tiếng. Sáng hôm sau người ta sẽ đi gặp đại bồi thẩm đoàn xin họ ra cáo trạng buộc tội ông chỉ là vấn đề thủ tục mà thôi. Các đại bồi thẩm đoàn bao giờ lại chẳng nghiêng về bên khởi tố. Trong trường hợp McCaleb, ông biết họ chỉ cần làm mỗi việc là cho đại bồi thẩm đoàn xem cuốn băng quay ở Siêu thị Sherman rồi thì trình ra cái hoa tai tìm thấy được khi khám xét thuyền của ông. Và rồi họ sẽ bày trò họp báo vào buổi chiều - thời điểm quá tốt để kịp cho bản tin lúc sáu giờ.

Trong khi ông đứng đó nghiền ngẫm cái tiền đồ ảm đạm của mình, điện thoại reo trong tay ông.

“Jaye đây.”

“Chị đang ở đâu.”

“Căng tin của Cục. Điện thoại công cộng.”

McCaleb lập tức hình dung nơi chị đang ở lúc này, một nơi kín đáo với những máy bán đồ ăn uống tự động nằm về một phía phòng ăn của căng tin. Cũng đủ để có chút riêng tư.

“Tình hình ra sao hở Jaye?”

“Không ổn. Họ đang thêm những chi tiết cuối cùng vào gói hồ sơ, tối nay họ sẽ mang đến phòng công tố quận. Sáng mai họ đem hồ sơ đến gặp đại bồi thẩm đoàn. Họ muốn xin một cáo trạng buộc tội giết Gloria Torres. Sau đó thì cứ tuần tự nhi tiến, họ sẽ thong thả bổ sung vào đó vụ Cordell rồi vụ Kenyon.”

“OK,” McCaleb nói, không biết phải phản ứng ra sao. Ông quyết định rằng cứ chửi thề thành tiếng mãi cũng chẳng ích gì.

“Tôi thì tôi khuyên anh ra trình diện, Terry. Anh hãy nói với họ những gì đã nói với tôi và thuyết phục họ. Tôi sẽ đứng về phía anh nhưng hiện giờ tôi bị trói tay rồi. Tôi có những thông tin đáng lẽ không nên có về Người Tốt bụng. Nếu tôi tiết lộ ra thì tôi cũng sẽ khốn khổ khốn nạn cùng anh thôi.”

“Còn danh sách thì sao? Hoàn toàn chả có gì à?”

“Này, riêng về chuyện ấy thì tôi có nói với họ. Là để tôi có thời gian nghiên cứu bản danh sách. Sáng nay tôi đến văn phòng bảo họ rằng để sẵn sàng phản pháo lại lời bào chữa của anh thì chúng ta cần điều tra cả những người khác nhận nội tạng thay thế từ Gloria Torres. Tôi bảo tôi có một nguồn sẽ cho ta danh sách những người đó mà ta không cần có lệnh khám xét, vân vân và vân vân, và họ nói thế thì hay quá. Họ cho tôi một ngày làm chuyện đó. Nhưng chả có gì sất, Terry à. Tôi rất tiếc nhưng tôi kiểm tra từng tên một rồi. Chả được gì sất.”

“Kể tôi nghe nào.”

“Chà, tôi không mang danh sách theo đây nhưng...”

“Giữ máy nhé.”

McCaleb đi vào phòng ngủ của Graciela, nơi ông đã thấy trên bàn giấy bản sao tờ danh sách ông đã đưa nàng hôm trước. Ông túm lấy rồi đọc cái tên đầu cho Winston.

“J. B. Dickey - ông này nhận gan.”

“Đúng, rồi, không phải ông này đâu. Ông ta được thay gan nhưng rồi có biến chứng, chỉ ba tuần sau khi mổ là ông ta tịch.”

“Nhưng thế không có nghĩa là không phải ông ta.”

“Tôi biết. Nhưng tôi có nói chuyện với bác sĩ phẫu thuật ở bệnh viện St. Joseph. Đây là một ca từ thiện. Ông này được MediCal đài thọ, phần còn lại bệnh viện lo. Đây không phải là kẻ có tiền hay có dây mơ rễ má với một gã giết thuê, Terry. Tiếp đi nào.”

“Rồi, tiếp. Tammy Domike, nhận một trong hai thận.”

“Đúng. Cô ta là giáo viên. Hai tám tuổi, lấy một thợ dệt thảm, có hai con. Cô này cũng không khớp. Chỉ là không...”

“William Farley, quả thận kia.”

“Chippie, về hưu, quê ở Bakersfield. Ông ta ngồi xe lăn suốt mười hai năm, từ khi lãnh một viên đạn vào xương sống trong khi bắt chiếc xe nào đó tấp vào lề đường để kiểm tra trên dốc Grapevine. Ông này cũng chưa bị cảnh sát bắt bao giờ cả.”

“Đội tuần tra xa lộ California,” McCaleb ngẫm nghĩ và nói ra thành tiếng. “Cũng có thể ông ta có những bạn bè đã làm vụ này cho ông ta.”

Winston im lặng hồi lâu rồi mới đáp.

“Khó có chuyện đó, Terry. Ý tôi là, cứ thử nghe anh vừa...”

“Tôi biết, tôi biết, không sao cả. Còn mắt thì sao? Christine Foye nhận giác mạc.”

“Đúng. Cô ta làm nghề bán sách để kiếm sống và mới ra trường. Cũng chẳng phải cô ta đâu. Xem đấy, Terry, ta cứ hy vọng một trong mấy người này sẽ là một triệu phú hay chính khách hay ai đó đủ oách để làm vụ này. Ai đó nhìn vào là thấy rõ mồn một. Nhưng nào có đâu. Tôi rất tiếc.”

“Vậy tôi vẫn là nghi can có khả năng nhất và duy nhất.”

“Chẳng may là đúng thế.”

“Cám ơn Jaye, chị giúp tôi nhiều lắm. Tôi phải đi đây.”

“Đợi đã! Đừng giận tôi nhé. Tôi là người duy nhất lắng nghe anh. Nhớ không?”

“Tôi biết, tôi xin lỗi.”

“Còn một chuyện nữa, tôi đang nghĩ. Tôi sẽ không nói với anh chừng nào tôi chưa có ít thời gian để kiểm tra. Mai tôi sẽ bắt tay làm chuyện đó. Hiện giờ tôi đang thảo lệnh thu thập thông tin đây.”

“Gì vậy? Nói tôi nghe đi. Tôi cần có cái gì đó ngay bây giờ.”

“Thôi được, anh chỉ đang nghĩ đến chuyện ai đã nhận các cơ quan nội tạng mà nhờ Gloria Torres chết mới thu về được, phải không?”

“Phải. Nội tạng của Cordell và Kenyon thì đâu có được thu hoạch.”

“Tôi biết. Tôi không nói chuyện đó. Nhưng luôn luôn có một danh sách chờ, đúng không?”

“Ừ, luôn luôn có. Tôi đã chờ tận hai năm mới có, là vì nhóm máu.”

“Ừ, có thể có ai đó chỉ là muốn đôn tên mình lên trong danh sách thôi.”

“Đôn lên?”

“Anh hiểu không, họ cũng như anh, đang phải chờ, mà họ biết chờ thì lâu lắm. Có khi chờ đến chết cũng chả có. Người ta chẳng đã bảo anh rằng với nhóm máu của anh thì chẳng cách nào biết được khi nào mới có tim đó sao?”

“Phải, họ bảo tôi đừng có hy vọng quá.”

“Rồi, vậy thì có lẽ thằng cha này vẫn đang đợi nhưng bằng cách lấy mạng Gloria Torres, hắn đã đôn được tên mình lên một nấc trong danh sách. Cải thiện cơ hội của mình.”

McCaleb ngẫm nghĩ về điều đó. Ông thấy cũng có khả năng ấy. Bỗng nhiên ông nhớ lại Bonnie Fox có lần bảo ông có một bệnh nhân khác trong khoa cũng đang trong tình trạng hệt như McCaleb trước kia. Giờ ông tự hỏi liệu có phải ấy là chị nói cũng một tình trạng ấy, chờ một trái tim thuộc nhóm AB với CMV âm tính hay không. Ông nghĩ đến cậu bé mình đã thấy trên giường bệnh viện. Liệu có thể đó là bệnh nhân mà Fox nói tới?

McCaleb nghĩ đến chuyện một bậc làm cha mẹ sẵn sàng làm những gì để cứu một đứa con. Chuyện đó liệu có thể xảy ra không?

“Có thể,” ông nói, adrenaline lại quay về trong người ông và sự đều đều trong giọng ông giờ biến mất. “Điều chị muốn nói là có thể hiện giờ kẻ nào đó vẫn đang đợi.”

“Đúng. Và tôi sẽ đến chỗ CMN mang theo lệnh thu thập thông tin để lấy toàn bộ danh sách chờ cùng hồ sơ những người hiến máu mà họ có. Xem họ phản ứng thế nào cũng thú vị đây.”

McCaleb gật đầu nhưng tâm trí ông lại vượt lên trước.

“Đợt chút đã, đợi chút đã,” ông nói. “Thế thì phức tạp quá.”

“Cái gì phức tạp?”

“Toàn bộ chuyện ấy. Nếu có ai đó muốn tên mình được đôn lên thì sao lại lấy mạng người hiến tạng? Chỉ loại bỏ các bệnh nhân trong danh sách chờ chẳng phải dễ hơn sao?”

“Bởi làm vậy có lẽ hơi lộ liễu quá. Nếu hai, ba người cần ghép tim hay gan bị giết cùng một loạt thì ắt hẳn người ta sẽ phải đặt câu hỏi đâu đó. Nhưng nếu giết những người hiến thì sẽ mù mờ hơn. Sẽ chẳng ai nhận ra chừng nào ta chưa tiến được lên.”

“Hẳn thế,” McCaleb đáp, vẫn không chắc liệu mình đã bị thuyết phục hay chưa. “Vậy nếu chị đúng thì thậm chí còn có nghĩa là hung thủ sẽ còn giết nữa. Chị phải cảnh báo cho họ biết, phải bảo vệ họ.”

Khả năng đó khiến nỗi phấn chấn trở lại. Nó kêu ran ran trong huyết quản ông.

“Tôi biết,” Winston nói. “Khi lấy lệnh, tôi sẽ nói với Nevins và Uhlig, với tất cả họ, rằng tôi đang làm gì. Vì vậy anh mới phải ra trình diện, Terry. Đó là cách duy nhất. Anh phải ra trình diện cùng với luật sư và trình bày tất cả chuyện này, rồi thì xem cơ hội của anh đến đâu. Nevins, Uhlig, bọn họ đều là người thông minh. Họ sẽ hiểu ra mình sai ở chỗ nào.”

McCaleb không đáp. Ông nhìn thấy những gì chị nói hợp lý, song ngần ngừ không đồng ý bởi làm vậy có nghĩa là đặt số phận mình vào tay những người khác. Ông muốn chỉ dựa vào chính mình hơn.

“Anh có luật sư không, Terry?”

“Không, tôi không có luật sư. Sao tôi lại phải có luật sư? Tôi chẳng làm gì sai trái cả.”

Ông rúm người lại. Ông từng nghe vô số những người có tội nói những câu y hệt thế. Winston chắc hẳn cũng vậy.

“Ý tôi là anh có luật sư nào có thể giúp anh không?” chị nói. “Nếu anh không có thì tôi có thể đề xuất vài người. Michael Haller Con chẳng hạn, là người giỏi, nên chọn.”

“Trong trường hợp cần thiết thì tôi cũng quen nhiều luật sư. Tôi phải nghĩ xem đã.”

“Được rồi, nhớ gọi cho tôi nhé. Tôi có thể đón anh vào, bảo đảm sao cho mọi chuyện được xử lý êm đẹp.”

Tâm trí McCaleb lại nghĩ vẩn vơ và ông thấy mình đang ở trong xà lim tạm giam của nhà tù hạt. Ông từng vào trong phòng tạm giam để thẩm vấn với tư cách đặc vụ của Cục. Ông biết phòng tạm giam hỗn tạp thế nào, nguy hiểm đến nhường nào. Ông biết rằng dù vô tội hay không, ông sẽ chẳng bao giờ tự nộp mình để phải vào trong đó.

“Terry, anh có đó chứ?”

“Có, xin lỗi. Chỉ là tôi đang nghĩ vài điều thôi. Tôi có thể gặp chị cách nào để thu xếp vụ này?”

“Tôi sẽ cho anh số máy nhắn tin và số ở nhà. Tôi sẽ ở đây có lẽ tới sáu giờ nhưng sau đó tôi về nhà. Gọi tôi bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.”

Chị cho McCaleb các số điện thoại, ông liền ghi vào sổ. Đoạn ông cất sổ và lắc đầu.

“Tôi không tin nổi chuyện này. Tôi ngồi đây mà nói chuyện phải trình diện vì một việc mà tôi không làm.”

“Tôi biết. Nhưng sự thực ấy mà, nó vốn mạnh lắm. Rồi nó sẽ tự lộ ra thôi. Chỉ cần bảo đảm là anh gọi cho tôi, Terry. Khi nào anh quyết định.”

“Tôi sẽ gọi chị.”

Ông gác máy.
 
Chương 39


Nhân viên tiếp tân của Bonnie Fox, chẳng bao giờ thôi cau mày, bảo McCaleb rằng bác sĩ đã ở trong phòng phẫu thuật ghép tạng suốt buổi chiều nên chắc hẳn phải hai ba tiếng nữa mới đến lại. McCaleb suýt nữa đã chửi thề thành tiếng nhưng rồi ông để lại số điện thoại của Graciela và bảo cái bà suốt ngày cau có rằng ông cần Fox gọi lại càng sớm càng tốt, lúc mấy giờ cũng được. Ông đã toan gác máy nhưng rồi lại ngẫm nghĩ gì đó.

“Này, ai nhận tim vậy?”

“Cái gì?”

“Chị nói suốt buổi chiều bác sĩ ở trong phòng mổ. Bệnh nhân nào vậy? Có phải cậu bé không?”

“Tôi rất tiếc. Tôi không có quyền bàn về các bệnh nhân khác với ông,” cái bà luôn cau có đáp.

“Được rồi,” ông nói. “Vậy chị chỉ cần bảo đảm là bà ấy sẽ gọi cho tôi.”

Suốt mười lăm phút sau McCaleb đi đi lại lại giữa phòng khách và nhà bếp, hy vọng viển vông rằng điện thoại sẽ reo và ở đầu dây bên kia sẽ là Fox.

Cuối cùng ông cũng tìm được cách dồn nỗi lo âu sang một ngăn phụ của bộ não để bắt đầu nghĩ về những vấn đề lớn hơn ở trong tầm tay. McCaleb biết ông sẽ phải bắt đầu quyết định nhiều điều, trong đó điều quan trọng nhất là có nên kiếm luật sư hay không. Ông biết Winston nói đúng; tìm người bảo vệ về mặt pháp lý là nước đi khôn ngoan. Nhưng McCaleb không thể tự buộc mình gọi cho Michael Haller Con hay ai khác, buộc mình từ bỏ những kỹ năng của chính mình để rồi trông cậy vào kỹ năng của người khác.

Trong phòng khách, chẳng còn hồ sơ nào trên bàn cà phê nữa. Sau khi đã soi xét xong mớ giấy tờ, ông đã nhét cả lại vào trong túi da cho đến khi trên bàn chỉ còn lại mỗi chồng băng video.

Tuyệt vọng muốn tìm cái gì đó để không phải nghĩ ngợi xem Fox đã nói với ông cụ thể những gì về bệnh nhân kia, ông nhặt cuốn băng nằm trên cùng rồi lại chỗ tivi. Ông nhét nó vào đầu video mà không xem là băng gì. Cũng chẳng quan trọng. Ông chỉ cần một cái gì đó khác để suy nghĩ trong chốc lát.

Nhưng khi đã ngả mình vào sofa, ông lập tức quên bẵng cuốn băng đang được chiếu. Michael Haller Con, ông nghĩ. Phải, anh ta sẽ là một luật sư giỏi. Không giỏi bằng ông bố, Mickey Haller huyền thoại. Nhưng huyền thoại thì chết lâu rồi và ông con đã giành lấy vị trí của ông bố như là một trong những luật sư bào chữa nổi bật và thành công nhất ở Los Angeles. Haller Con sẽ giúp ông qua được đận này, McCaleb biết. Nhưng, dĩ nhiên, chuyện ấy sẽ là sau khi báo chí đã làm cuộc công kích om sòm nhằm thủ tiêu thanh danh ông, sau khi người ta cướp sạch tiền tiết kiệm của ông và bán chiếc Biển Theo Ta. Rồi thì ngay cả khi chuyện đó đã chấm dứt và ông được chứng minh vô tội, ông vẫn sẽ cứ mang theo mình cái vết nhơ bị tình nghi và tội lỗi.

Mang theo mãi mãi.

McCaleb nheo mắt tự hỏi mình đang nhìn gì trên tivi vậy. Ống kính đang tập trung vào cặp chân người nào đó đứng trên một cái bàn. Rồi ông nhận ra đôi bốt đi bộ của chính mình và nhớ ra mình đang thấy cái gì. Buổi thôi miên. Máy vẫn đang quay trong khi McCaleb trèo lên một cái bàn để tháo một trong mấy bóng đèn trên trần. James Noone xuất hiện trong khung mình và với tay lên khi McCaleb chuyền một trong các bóng đèn huỳnh quang dài xuống cho anh ta giữ.

McCaleb túm cái điều khiển nằm trên chỗ gác tay của sofa, nhấn nút tua nhanh về phía trước. Cảm thấy thích thú vì mình đã quên không xem lại buổi thôi miên như đã hứa với đội trưởng Hitchens, McCaleb quyết định sẽ lướt nhanh qua phần chuẩn bị. Ông tua qua phần phỏng vấn sơ bộ và các bài tập thư giãn để chuyển tới phần thực sự thẩm vấn Noone trong trạng thái thôi miên. Ông muốn nghe James Noone kể lại các chi tiết của vụ nã súng và lúc kẻ giết người bỏ chạy.

McCaleb theo dõi với sự tập trung tuyệt đối và nhanh chóng thấy mình đang chịu cũng những tác động có tính thể chất của nỗi thất vọng giống như khi đang tiến hành buổi thôi miên. Noone là một đối tượng thôi miên hoàn hảo. Trước đây hiếm khi nào ông thôi miên một nhân chứng có khả năng nhớ lại một cách chi tiết đến vậy. Nỗi thất vọng nhói buốt kia chỉ là bởi anh ta đã không thể nhìn tay lái xe và biển số chiếc Cherokee đã bị bịt kín.

“Mẹ kiếp,” McCaleb chửi thề to tiếng khi buổi thôi miên được thu băng sắp sửa kết thúc.

Ông đã với tay cầm điều khiển, quyết định tua lại để lần nữa cuộc thẩm vấn, nhưng rồi ông bất thần khựng lại, ngón tay sững lặng trên nút điều khiển.

McCaleb vừa thấy cái gì đó không khớp, cái gì đó ông đã bỏ qua trong buổi thôi miên do ông bị Winston lúc đó đang ngồi cùng làm chia trí.

Ông tua lại cuốn băng nhưng chỉ một đoạn ngắn, rồi cho quay lại mấy câu hỏi cuối mà ông hỏi.

Trên băng, McCaleb đang tóm tắt câu chuyện, hỏi thêm dăm ba điều còn sót lại và vài câu cầu may hơn là thực tế. Ấy chỉ là những câu hú họa, đưa ra với Noone thuần chỉ vì thất vọng. Ông đã hỏi liệu có cái nhãn dính nào trên kính chắn gió của chiếc Cherokee không. Noone bảo không, thế là McCaleb bí chẳng còn gì hỏi nữa. Ông quay sang Winston hỏi, “Còn gì nữa không?”

Thậm chí dù McCaleb đã phá vỡ quy tắc của chính mình khi đặt câu hỏi cho một người ngoài cuộc, Winston vẫn theo quy tắc, không trả lời ra miệng. Chị chỉ lắc đầu ý bảo là không.

“Chị có chắc không?” McCaleb hỏi.

Chị lại lắc đầu bảo không. Thế là McCaleb đưa Noone ra khỏi trạng thái thôi miên.

Nhưng như thế là sai, song lúc đó McCaleb đã bỏ qua. Giờ thì ông đi vòng qua bàn cà phê, cái điều khiển trong tay, chồm lại gần màn hình. Ông tua lại băng một lần nữa để xem lại đoạn đó.

“Đồ chó đẻ,” ông thì thầm sau khi xem xong. “Lẽ ra mày phải trả lời tao, Noone. Mày phải trả lời mới đúng chứ!”

Ông bấm nút eject rồi chộp một cuốn băng khác. Ông gạt chồng băng ra đầy bàn rồi hối hả sục sạo giữa đống hộp nhựa cho đến khi tìm thấy cuốn băng dán nhãn đề Siêu thị Sherman. Ông cho cuốn băng vào đầu video, bắt đầu tua nhanh về phía trước rồi dừng hình lại khi Người Tốt bụng hiện ra trên màn hình.

Cái đầu video không giữ được hình đứng yên, nên McCaleb đồ rằng cái đầu này là loại rẻ tiền chỉ có hai đầu băng. Ông lấy băng ra rồi xem đồng hồ. Bốn giờ bốn mươi. Ông dập cái điều khiển lên nóc tivi rồi xuống bếp gọi điện thoại.

Tony Banks đồng ý thêm một lần nữa ở lại sau giờ làm việc tại Video GraFX Consultants cho đến khi McCaleb tới được đó. Băng qua đáy vùng Thung lũng trên đường 101, ban đầu ông tranh thủ được thời điểm thuận lợi. Hầu hết dòng xe cao điểm đều đi phía ngược lại, những người làm việc trong thành phố trở về nhà trong các cộng đồng dân cư ở vùng Thung Lũng. Nhưng khi ông xuôi xuống xa lộ theo phía Nam, đi qua Đèo Cahuenga để vào Hollywood thì đèn phanh nối nhau dài ngút mắt và ông bị kẹt cứng. Cuối cùng khi ông tấp được chiếc Taurus của Buddy Lockridge vào bãi đỗ xe nhỏ dành cho nhân viên của Video GraFX Consultants thì đã sáu giờ năm phút. Một lần nữa, Tony Banks đích thân ra mở cửa khi McCaleb nhấn chuông đêm.

“Cám ơn, Tony,” McCaleb nói sau lưng Tony Banks trong khi một lần nữa ông được dẫn dọc hành lang để đến một trong các phòng kỹ thuật. “Ở đây anh giúp tôi nhiều lắm.”

“Không có gì.”

Nhưng McCaleb lưu ý thấy trong câu “không có gì” lần này không có nhiều nhiệt tình như lần trước nữa. Họ vào cũng căn phòng đã ngồi lần trước. McCaleb đưa cho anh ta hai cuốn băng mang theo.

“Ở mỗi cuốn trong hai cuốn băng này có một người đàn ông,” ông nói. “Tôi muốn xem liệu có phải cùng một người không.”

“Ý ông là phần mình thì ông không biết.”

“Không chắc. Xem ra thì khác nhau. Nhưng tôi nghĩ có ngụy trang gì đây. Tôi nghĩ đó là cùng một người nhưng tôi muốn biết chắc.”

Banks cho cuốn băng thứ nhất vào đầu video bên trái bảng điều khiển, bật máy lên, thế là vụ cướp và bắn người ở Siêu thị Sherman bắt đầu được chiếu trên màn hình video tương ứng ở trên đầu.

“Người này à?” Banks nói.

“Phải. Đợi khi nào trông rõ nhất thì anh ngừng hình lại.”

Banks ngừng hình ngay lúc kẻ gọi là Người Tốt bụng nhìn trực diện vào camera.

“Thế là thế nào? Tôi cần nhìn nghiêng kia. Đối chiếu trực diện thế này thì khó.”

“Tùy ông thôi.”

Ông đưa cho Banks cuốn băng thứ hai, anh này cho nó vào đầu video bên phải, và chẳng mấy chốc buổi thôi miên được chiếu trên màn hình bên phải.

“Tua lại,” McCaleb nói. “Tôi nghĩ có một chỗ nhìn nghiêng khi hắn ta ngồi xuống.”

Banks tua ngược băng.

“Ông đang làm gì với anh ta trong cuốn này?”

“Thôi miên.”

“Thật á?”

“Lúc ấy thì tôi nghĩ vậy. Nhưng giờ thì tôi nghĩ suốt cả buổi đó hắn toàn chơi tôi mà thôi... ấy đấy.”

Banks ngừng hình lại. Noone đang nhìn sang phải, chắc hẳn là vào cửa phòng thẩm vấn. Banks làm gì đó với các phim và chuột máy tính, thế là hình được phóng to lên, sau đó được làm cho sắc nét hơn. Với ảnh bên tay trái anh ta cũng làm như vậy. Đoạn anh ta ngả người vào ghế, nhìn hai ảnh chụp nghiêng đặt cạnh nhau. Một thoáng sau anh vừa nói vừa mở một cái bút trỏ bằng hồng ngoại rút trong túi áo ra, bật lên.

“Ừm, nước da không khớp. Một gã trông như là dân Mễ.”

“Cái đó thì dễ. Chỉ cần đôi ba tiếng trong phòng tắm nắng là hắn ta có cái vẻ ấy ngay.”

Banks rê chấm đỏ của cây bút trỏ dọc theo sống mũi Người Tốt bụng.

“Nhìn cái triền mũi này,” anh ta nói. “Thấy cái bướu kép không?”

“Phải rồi.”

Chấm đỏ nhảy sang màn hình bên trái và cũng tìm thấy cái bướu kép y như vậy trên triền mũi James Noone.

“Phỏng đoán thì chẳng lấy gì làm khoa học nhưng xem ra cũng chẳng sai lắm đâu,” Banks nói.

“Tôi cũng nghĩ vậy.”

“Mắt thì màu khác nhau nhưng cái đó có thể làm được.”

“Kính sát tròng.”

“Đúng. Còn đây, đường viền hàm dưới của gã bên phải bành ra. Do một thứ gì đấy lắp vào răng, kiểu như miếng bảo vệ răng làm bằng cao su đeo khi ngủ, hay thậm chí nùi giấy ăn kiểu như Brando dùng trong phim Bố Già ấy, dùng mấy thứ đó cũng có thể làm cho hàm dưới trông ra thế.”

McCaleb gật đầu, im lặng lưu ý thêm một mối liên hệ khả dĩ với bộ phim găng tơ kia. Món bánh cannoli và bây giờ có thể là mấy nùi giấy ăn chèn vào trong má.

“Còn tóc thì bao giờ chả đổi được,” lúc đó Banks đang nói. “Thực ra, thằng cha này có vẻ như đội tóc giả.”

Banks rê chấm đỏ dọc theo đường viền tóc của Người Tốt bụng. McCaleb im lặng trách mình sao mãi giờ mới nhìn ra điều đó. Đường viền mái tóc quá hoàn hảo, dấu hiệu rành rành rằng đây là tóc giả.

“Xem ta được gì rồi nhé.”

Banks quay lại bảng điều khiển rồi trở lại khung hình. Đoạn anh ta dùng chuột đóng khung một vùng mới cần làm rõ hơn. Hai bàn tay của Người Tốt bụng.

“Cũng như đám con gái ấy,” Banks nói. “Chúng nó có thể tô son trát phấn, đeo tóc giả, thậm chí làm ngực giả. Nhưng hai bàn tay thì chúng chẳng làm gì được. Hai bàn tay - đôi khi cả hai bàn chân nữa - luôn luôn làm chúng lòi đuôi.”

Khi đã phóng to và đưa vào tâm điểm hai bàn tay của Người Tốt bụng, anh ta chuyển sang bàn điều khiển bên kia cho đến khi phóng to được bàn tay phải của Noone trên màn hình đối diện. Banks đứng thẳng lên để tầm mắt ngang với các màn hình rồi cúi lại gần sát từng màn hình một, chỉ còn cách mươi phân, để săm soi đối chiếu các bàn tay.

“OK, đây, nhìn này.”

McCaleb đứng dậy nhìn chăm chú vào các màn hình.

“Gì vậy?”

“Bàn tay đầu tiên có một vết sẹo nhỏ trên khớp ngón. Ông thấy không, chỗ da đổi màu ấy?”

McCaleb cúi lại gần hình bàn tay phải của Người Tốt bụng.

“Đợi tí,” Banks nói. Anh ta mở một ngăn kéo nơi bàn điều khiển, lấy ra một cái thị kính của dân nhiếp ảnh, loại dùng để nghiên cứu và phóng đại âm bản trên bàn rọi sáng. “Thử cái này xem.”

McCaleb giơ thị kính lên trên khớp đốt ngón tay mà Banks chỉ rồi nhìn xuyên qua thị kính. Ông thấy được một mô sẹo màu trắng hình xoắn trên khớp đốt đó. Mặc dù toàn bộ hình bị méo và mờ, nhưng ông xác định được vết sẹo đó hầu như có dạng dấu chấm hỏi.

“Được rồi,” ông nói. “Ta xem tay kia nào.”

Ông dịch một bước sang bên trái rồi dùng thị kính để định vị cũng khớp đốt ngón tay đó trên bàn tay phải James Noone. Bàn tay không để ở cùng tư thế hay cùng góc độ nhưng vết sẹo dày màu trắng hình xoắn cũng nằm đó. McCaleb giữ yên khung hình mà nghiên cứu thật kỹ cho đến khi tin chắc. Đoạn ông nhắm mắt lại một thoáng. Không nghi ngờ gì nữa. Kẻ trên cả hai màn hình là cùng một người.

“Nó có đấy không?” Banks hỏi.

McCaleb trao lại thị kính cho anh ta.

“Có. Liệu tôi có thể xin một bản của hai màn hình này in ra giấy không?”

Banks đang nhìn màn hình thứ hai qua thị kính.

“Nó cũng có đó,” anh ta nói. “Ừ có chứ, tôi có thể in ra. Để tôi lưu mấy ảnh này vào đĩa rồi đem tới chỗ máy in trong phòng lab. Mất vài phút thôi.”

“Cám ơn anh bạn.”

“Hy vọng là có ích.”

“Có ích hơn anh biết đấy.”

“Nhưng dù sao thì cái tay này hắn làm gì vậy? Hóa trang như một tay người Mễ rồi làm việc thiện?”

“Không hẳn là thiện đâu. Hôm nào đó tôi sẽ kể cho anh toàn bộ chuyện này.”

Banks cho qua rồi đi lại chỗ bàn điều khiển, lưu các ảnh trên màn hình vào một đĩa vi tính, Anh ta tua ngược lại hai cuốn băng và lưu vào đĩa vi tính cả các khung ảnh phần đầu của kẻ trên màn hình.

“Vài phút nữa tôi quay lại,” anh ta vừa nói vừa đứng lên. “E là tôi sẽ phải làm nóng máy cái đã.”

“Này, có cái điện thoại nào tôi dùng được trong khi anh đi không?”

“Trong ngăn kéo bên trái ấy. Bấm số chín trước.”

McCaleb gọi đến nhà Winston thì chỉ nghe máy trả lời. Trong khi nghe giọng ghi âm của chị, ông phân vân không biết có nên để lại tin nhắn không, sợ rằng làm vậy sẽ gậy hậu quả không hay cho Winston nếu người ta chứng minh được rằng chị cộng tác với nghi phạm trong một cuộc điều tra án mạng. Muốn vậy thì một đoạn băng thu lại giọng của ông là đủ. Nhưng ông quyết định rằng những gì ông vừa khám phá trong một giờ trở lại đây đáng để chấp nhận rủi ro này. Ông không muốn ghi vào máy nhắn tin của Winston vì không muốn cứ phải lóng ngóng chờ chị gọi lại. Ông phải hành động. Ông nghĩ ra một kế hoạch hành động nhanh và rồi để lại tin nhắn sau tiếng bíp.

“Jaye, tôi đây. Khi nào gặp chị tôi sẽ giải thích hết với chị nhưng tạm thời chị cứ hãy tin tôi. Tôi biết hung thủ là ai rồi. Là Noone, Jaye ạ, James Noone. Giờ tôi sắp đến địa chỉ hắn đây - địa chỉ trên biên bản nhân chứng ấy. Nếu được thì gặp tôi ở đó. Chừng đó tôi sẽ thuật lại hết cho chị nghe.”

Ông gác máy rồi gọi số máy nhắn tin của Winston. Đoạn ông bấm số máy nhà của chị và gác máy. Nếu may mắn thì Winston sẽ đọc tin nhắn và chẳng mấy chốc sẽ đến địa chỉ của Noone để hỗ trợ mình, McCaleb nghĩ.

McCaleb đặt túi da lên lòng mình, mở ngăn giữa khóa bằng khóa kéo. Hai khẩu súng nằm ở đó, khẩu Sig-Sauer P-228 của chính ông và khẩu HK P7 mà giờ ông biết James Noone đã cài vào dưới thuyền ông. McCaleb thò tay vào túi xách lấy khẩu của mình ra. Ông kiểm tra xem súng còn dùng được không rồi giắt vào thắt lưng quần jeans đang mặc, chỗ thắt lưng. Ông kéo áo vest xuống để che khẩu súng.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top