Cập nhật mới

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
619,357
Điểm cảm xúc
35
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 44: C44: Chương 35


#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_biên_soạn

ĐÊM THỨ BA MƯƠI BA: "CỐ CUNG" HAY "TỬ CẤM THÀNH"?

Bắc Kinh là thủ đô của ba triều đại lớn: Nguyên, Minh, Thanh. Vào thời Nguyên, Bắc Kinh trong tiếng Mông Cổ xưa là Khanbaliq - hay còn gọi là Đại Đô (tức "Thành phố lớn"), tới thời Minh mới đổi sang là Tử Cấm Thành, mà ba chữ "Tử Cấm Thành" này tự thân nó cũng mang nhiều tầng nghĩa phức tạp.


Sau khi Minh Thành Tổ Chu Đệ dời đô đến Bắc Kinh, bắt đầu từ năm Vĩnh Nhạc thứ tư (1406) bắt đầu tu kiến Tử Cấm Thành, đến năm Vĩnh Lạc thứ mười tám (1420) thì xong. Trải qua hai đời Minh - Thanh với sự chấp chính của 24 thế hệ hoàng đế. Tử Cấm Thành trở thành cung điện của hoàng thất với kiến trúc và quy mô lớn, tường đỏ ngói vàng, rực rỡ tráng lệ. Song nếu đã vậy thì tại sao cổ nhân lại không đặt tên cho tòa cung điện này là "Hoàng Cấm Thành" mà là "Tử Cấm Thành"? Có ba giả thuyết lý giải được điều này.

Giả thuyết thứ nhất cho rằng có liên quan đến điển cố "Tử khí đông lai". Tương truyền lúc Lão Tử rời khỏi ải Hàm Cốc thì có mây tía kéo đến từ phía đông, sau đó Lão Tử cưỡi trâu xanh bước ra. Doãn Hỉ - quan viên giữ ải - trông thấy tất thảy, cho rằng Lão Tử là thánh nhân, bèn ngăn lại cầu học, thỉnh Lão Tử truyền chữ cho. Năm trăm nghìn chữ đó của Lão Tử về sau trở thành cốt lõi của Đạo Đức Kinh vang danh thiên hạ. Bởi thế nên tử khí (mây tía) được xem như điềm lành, biểu thị cho sự xuất hiện của bảo vật và thánh hiền. Trong "Thu hưng", Đỗ Phủ có viết: "Tây vọng dao trì hàng Vương Mẫu, đông lai tử khí mãn Hàm quan", từ đó trở về sau, cổ nhân bèn gọi mây lành là "tử vân", chỗ ở của tiên nhân là "tử hải" (hải: biển) hoặc "tử tuyền" (tuyền: suối) và những con đường nhỏ ngoài ngoại thành là "tử mạch". "Tử khí đông lai" tượng trưng cho cát tường, lấy chữ "Tử" đó để đặt cho Tử Cấm Thành để thể hiện sự sâm nghiêm và may mắn.

Giả thuyết thứ hai có liên quan đến... mê tín. Thời nào cũng vậy, hoàng đế đều tự xưng là "chân mệnh thiên tử", muốn sánh ngang với Ngọc Đế trên trời, thiên cung là nơi ở của Thiên Đế nên tất nhiên cũng là nơi trú ngụ của bậc Thiên Tử. Trong sách "Quảng Nhã - Thích Thiên" có viết: "Thiên cung vị chi Tử Cung", vậy nên trong tên của hoàng cung cũng phải có một chữ "Tử".

Giả thuyết thứ ba có liên quan đến thiên văn học. Thời cổ, các ngôi sao trên trời được các nhà thiên văn học Trung Quốc chia làm "tam viên", hai mươi tám "tinh tú" và những "tinh tọa" khác. Tam viên gồm Thái Vi Viên, Thiên Nhị Viên và Tử Vi Viên. Theo như ý kiến của các nhà thiên văn học Trung Quốc cổ đại và theo cả sự quan sát trường thiên về vũ trụ, họ cho rằng Tử Vi Viên nằm ở giữa trời, đó là vị trí vĩnh hằng bất biến, mãi mãi không thay đổi. Thiên nhân đối ứng, cổ nhân lấy Tử Vi Viên ra so với Thiên Tử, vậy nên Tử Vi Viên cũng trở thành nơi tôn kính, bèn lấy chữ "Tử" đó mang đặt cho hoàng cung. Các hoàng đế ở đây đều mong muốn trong khoảng thời gian trị vì có thể ban ân cho dân, gầy dựng giang sơn vững bền và bảo vệ được mục đích thống trị trường kỳ của dòng tộc.


Xuất phát từ sự lo lắng giữ gìn quyền uy và tôn nghiêm, hoàng cung đã được xây dựng với sự tráng lệ ở bên trong và vững chắc ở bên ngoài. Tòa cung điện này không chỉ có mỗi cung điện, lầu các mà còn có cả những bức tường cao đến 10 mét và hệ thống sông đào sâu 52 mét, đồng thời bố trí dày đặc các trạm gác, nâng cao cảnh giới. Đừng nói là lê dân bách tính bình thường mà ngay cả các quan viên đại thần cũng chỉ có thể bước vào trong những trường hợp cho phép, thế nên bình thường nơi đây chẳng ai dám lai vãng, bởi vậy tòa cung điện này mang hai tầng nghĩa: một là Tử Cung - nơi ở của Thiên Tử, hai là cấm địa. Ba chữ "Tử Cấm Thành" cứ thế ra đời.

Tử Cấm Thành là tinh hoa kiến trúc cung đình cổ, cũng là kết tinh của trí tuệ cổ nhân, được ngợi khen đứng đầu ngũ đại cung trên thế giới. Ngũ đại cung gồm Tử Cấm Thành, cung điện Versailles của Pháp, cung điện Buckingham của Anh, Nhà Trắng (tòa Bạch Ốc) của Mỹ và cung điện Kremlin của Nga.

Chỉ tiếc, đến năm 1924, Phùng Ngọc Tường phát động "chính biến Bắc Kinh", thành công đuổi được hoàng đế cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Quốc là Phổ Nghi ra khỏi Tử Cấm Thành, đồng thời tuyên bố triều Thanh đã hoàn toàn diệt vong, trong Tử Cấm Thành không còn tồn tại hoàng đế! Từ đó, ba chữ Tử Cấm Thành biến mất, ngày 10 tháng 10 năm 1925, chính thức đổi tên thành Cố Cung. "Cố" tức là "đã qua", hai chữ Cố Cung khoác lên mình sự tang thương, ý chỉ giờ đây, Tử Cấm Thành lừng lẫy đã trở thành tòa cung điện của những ngày xưa cũ.


Vật bất thị, nhân bất phi. Cảnh không còn, người cũng chẳng còn, họa chăng chỉ còn lại chút tan hoang...

Bên dưới là Thục phi Văn Tú. Tại sao lại lấy tấm ảnh này để thay cho lời kết của đêm hôm nay? Bởi vào những tháng năm loạn lạc ấy, dẫu thương hải tang điền, biến cố ập đến ra sao, là Tử Cấm Thành hay Cố Cung, thì tất cả đều chỉ là áng phù vân trôi qua cuộc đời của Văn Tú. Có lẽ bà là người lạc quan nhất Tử Cấm Thành, mọi yêu hận thương ghét đều không liên quan gì đến bà. Bà vẫn sống thoải mái vô tư, luôn tự tạo được niềm vui giữa tòa thành sâm nghiêm lạnh lẽo. Tòa thành này, đến tột cùng vẫn chẳng thể khuất phục được Văn Tú. Các bạn có thể vào album tìm đọc để hiểu rõ hơn về cuộc đời và con người bà.

-------------------------------
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
619,357
Điểm cảm xúc
35
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 45: C45: Phong Tục Tết Nguyên Đán Ở Hậu Cung Thời Thanh


Vào Tết Âm lịch xưa tại Trung Quốc, nếu như các gia đình dân thường ăn mừng theo kiểu truyền thống giản dị thì trong cung đình, hoàng thân lại có những phong tục riêng biệt để thể hiện địa vị cao sang của mình.

1. Về trang phục và ngự thiện

Cũng giống như phong tục truyền thống trong dân gian, các vị hoàng đế thời nhà Thanh cũng diện những bộ trang phục mới lộng lẫy và tổ chức bữa tiệc tất niên cùng với các vị hoàng thân trong cung đình.

Vào đêm Giao thừa, tức là đêm 30 tháng Chạp, hoàng đế sẽ mặc chiếc long bào khảm vàng rực rỡ, bên trên thêu hoa văn rồng tượng trưng cho sự uy quyền của hoàng gia. Ngài cũng sẽ khoác một bộ áo choàng dài làm từ lông thú quý giá, trên đầu đội mũ miện đính ngọc và đeo vòng trân châu xa hoa.

Bữa tiệc tất niên vào thời nhà Thanh (1644-1911) gồm vô số món sơn hào hải vị, nhưng vẫn giữ lại món bánh bao truyền thống giống như các gia đình thường dân.


Trong những năm đầu triều đại, hoàng đế sẽ dùng bữa tại Cảnh Nhân cung sau khi làm lễ cúng tổ tiên. Đến cuối nhà Thanh, hoàng đế Quang Tự đã thay đổi địa điểm dùng ngự thiện sang Dưỡng Tâm điện. Các món há cảo, bánh bao cũng dần trở nên đa dạng với nhiều loại nhân thịt khác nhau.

Ngoài ra, các yến tiệc trong hoàng thất cũng là một phần không thể thiếu trong ngày Tết ở hoàng cung. Hoàng đế và hoàng hậu là người chủ trì bữa tiệc, các phi tần và hoàng tử, công chúa ngồi hai bên tham dự.

Các bữa tiệc đều phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt về số lượng món ăn, màu sắc và hương vị; cũng như thứ tự ghế ngồi trong yến tiệc. Mặc dù đây gọi là một bữa ăn gia đình, nhưng những quy tắc và chuẩn mực vẫn được coi trọng hơn.

2.Các nghi lễ trong Tết Âm lịch ở Hoàng cung

Vào thời khắc Giao thừa, cũng là lúc bước sang ngày đầu tiên của năm mới, các hoàng đế nhà Thanh sẽ đi dọc sảnh đường trong Dưỡng Tâm điện, thắp nến ngọc và đổ rượu vào chén vàng, sau đó sẽ chắp bút viết những lời chúc tốt lành cho năm mới như ‘Thái bình thịnh trị’ hay ‘Mưa thuận gió hòa’.


Hoàng thượng sẽ uống cạn rượu Tusu, một thức uống đặc biệt chỉ có trong ngày Tết Âm lịch ở Trung Quốc thời xưa, với mong muốn sẽ xóa tan đi hết bệnh tật, an khang thịnh vượng trong năm mới.

Ngày mùng 2 Tết sẽ là khởi đầu cho lễ hội Tết Âm lịch kéo dài 10 ngày trên khắp kinh thành. Những lễ hội vịnh thơ, thưởng hoa, vọng nguyệt... cũng sẽ được tổ chức trong nửa đầu tháng Giêng.

Cũng trong dịp lễ Tết, các đoàn hí kịch nổi tiếng kinh thành sẽ được mời đến hoàng cung để biểu diễn cho hoàng thất và triều thần thưởng thức.

3.Treo câu đối, tranh Tết

Treo câu đối đỏ và cặp tranh Tết trước cửa vốn là truyền thống dân gian lâu đời trong ngày Tết Nguyên đán tại Trung Quốc. Tuy nhiên, việc làm này trong Tử Cấm Thành đòi hỏi số lượng lớn nhân lực bởi quy mô đồ sộ của các cung điện.

Thời nhà Thanh, những câu đối hay tranh Tết thường được viết bởi các thành viên trong học viện Hoàng gia. Đó đều là những học giả uyên thâm, có tài nghệ trong thư pháp, được hoàng đế trọng dụng.

Tuy nhiên, không giống như những gia đình dân thường treo câu đối đỏ, cặp câu đối hay tranh Tết trong cung điện thời nhà Thanh sẽ được viết hoặc vẽ bằng mực tàu trên dải lụa trắng, sau đó được đóng khung và treo lên cột đình màu đỏ tươi.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
619,357
Điểm cảm xúc
35
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 46: C46: Chương 36


#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_soạn

ĐÊM THỨ BA MƯƠI BỐN: TỤC ĐÓN TẾT CỦA CUNG ĐÌNH MÃN THANH

Tết âm lịch là dịp lễ truyền thống quan trọng của cả Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, hôm nay chúng ta chỉ nhắc về tục đón tết ở Trung Quốc mà cụ thể là hoàng gia triều Thanh thời phong kiến.

Đối với cung đình Đại Thanh, các hoạt động khánh điển có liên quan đến việc tống cựu nghênh tân kéo dài đến hơn 50 ngày, tức từ mùng một tháng Chạp năm trước đến hai mươi tháng Giêng năm sau. Tuy 50 ngày này không phải là ngày nghỉ, nhưng từ triều đình, nha môn tới các quan viên đều làm việc bình thường, song trọng tâm sinh hoạt dần chuyển dời sang năm mới và bách tính cũng tận hưởng không khí hân hoan khi tết đến xuân về.

1. Hoàng thượng phát "tiền lì xì" (hồng bao) vào mùng Một tết:


Tế lễ là hoạt động quan trọng vào dịp tết truyền thống, hoàng đế thân là thiên tử, đại biểu cho thần dân trong thiên hạ nên nhiệm vụ tế lễ cũng nặng hơn người thường rất nhiều. Bình thường cứ đến tết, hoàng đế phải thức dậy vào lúc 2 giờ sáng, sau đó đi thắp hương hành lễ hết 30 điện đường, rồi nhận đủ kiểu triều bái (tức lạy), tới bốn giờ chiều mới cùng hoàng hậu và chúng phi tần cử hành gia yến và hưởng thụ được chút "không gian cá nhân".

Các hoàng đế đời Thanh thường tự tay viết chữ Phúc vào mùng Một và lấy đó làm "hồng bao" mang phân phát cho các tướng lĩnh. Thói quen "khai bút chúc phúc" bắt nguồn từ hoàng đế Khang Hy, sau được Ung Chính noi theo và bắt đầu thành lệ dưới thời Càn Long.

Theo như ghi chép trong "Quốc triều cung sử tục biên", vào mùng Một tháng Giêng hằng năm, hoàng đế Càn Long phải đến Bắc Hải tế tự rồi lên Đại Phật Lâu thắp hương cầu phúc, sau đó trở về cung Trọng Hoa - nơi ngài từng ở trước khi đăng cơ- dùng bút lông cán đen có khắc bốn chữ "Tứ phúc thương sinh" thấm mực chu sa viết chữ Phúc.

Chữ Phúc đầu tiên mỗi năm đều được trịnh trọng cất giữ, mãi mãi không mở ra, ngụ ý lưu lại phúc khí. Tiếp theo mới viết chữ Phúc ban cho các vương công đại thần.

2. Tuy là dịp Tết nhưng vẫn phải... tăng ca:

Suốt dịp Tết, trừ việc phải tế tự thì việc nước mà bậc thiên tử phải giải quyết cũng chẳng giảm bớt được bao nhiêu. Vào ngày hai sáu tháng Chạp, hoàng đế đều "phong bút" và "phong tỷ" (phong: cấm, tỷ: ngọc tỷ), đến đại điển vào ngày hai mươi tháng Giêng sẽ "khai bút" và "khai tỷ". Tuy đã "phong bút", nhưng muốn trở thành một quân chủ anh minh thì dù đang độ lễ tết cũng không được thả lỏng chỉ đôi chút.

Từ năm 14 tuổi, hoàng đế Khang Hy đã tự mình chấp chính, từ lúc đăng cơ đến lúc tạ thế, ngoại trừ bệnh tật, ba đại tiết lớn và các biến cố trọng đại bất chợt xảy đến, thì gần như không ngày nào ngài không thiết triều. Dù vào năm Khang Hy thứ 18, ở Bắc Kinh xảy ra động đất lớn nhưng hoàng đế Khang Hy vẫn lâm triều như thường.

Sau khi hoàng đế Ung Chính lên ngôi, nửa đêm, hoàng đế ở tại điện Dưỡng Tâm, ngài bắt đầu khai bút thấm mực đen, trước tiên dùng bút đỏ sau lại dùng bút đen, viết xuống những dòng chữ mang nghĩa cát tường, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Trong suốt 12 năm chấp chính, ngài gần như không có ngày "nghỉ đông", hằng ngày ngài đều phải phê duyệt một lượng tấu chương rất lớn. Đôi khi, vào dịp tết âm, quan lại địa phương dâng tấu ít, ngài còn lệnh tất cả các quan mỗi người trình lên một bản tấu chương.

3. Bữa cơm tất niên của hoàng gia:


Vào dịp tết đến xuân về, thứ quan trọng nhất vẫn là mâm cơm tất niên, các hoàng đế triều Thanh cũng không ngoại lệ. Gia đình đế vương bình thường khó thể có dịp dùng cơm chung với nhau, chỉ có ngày tết mới đặc biệt cho phép các hậu phi bồi yến. Sáng sớm hôm giao thừa, hoàng đế cùng hoàng hậu và các chúng phi tần cùng dùng bữa sáng tại cung Trọng Hoa, còn tiệc tối thì được thiết ở điện Bảo Hòa hoặc cung Càn Thanh, một mình hoàng đế một bàn, bàn ấy gọi là "kim long đại yến trác". Giữa đại yến trác và bảo tọa của hoàng đế có đặt một chiếc trường kỷ, thức ăn được đặt trên bàn, lúc hoàng đế ăn tay sẽ đặt trên trường kỷ.

Trong buổi tiệc, ngoại trừ "ngự trác" do phủ nội vụ chuẩn bị thì những yến trác ( tức bàn tiệc) khác đều do các vương công đại thần tiến cống. Theo quy định, các thân vương mỗi vị tiến tám bàn, ba con dê, ba bình rượu (mỗi bình 10 cân); các quận vương mỗi vị tiến 5 bàn, rượu, dê bằng số lượng với các thân vương; các vị bối lặc mỗi vị tiến ba bàn, dê 2 con, rượu 2 bình; các bối tử mỗi người tiến 2 bàn, lượng dê và rượu bằng với các bối lặc. Còn các bàn tiệc còn lại do Quang Lộc Tự bổ sung. Cách "quyên góp" này giúp giảm thiểu được một phần gánh nặng cực lớn cho quốc khố.

4."Cơm thừa" là "quà tân niên" ban cho thần tử:

Đằng sau lớp vỏ huy hoàng hào nhoáng, có một số hoàng đế đời Thanh khá chú ý đến việc tiết kiệm ngân sách. Với những món ăn còn dư sau tiệc, hoàng đế sẽ ban cho các thần tử gọi là "quà chúc năm mới". Cả đời hoàng đế Khang Hy cần kiệm, khi nghe tin con cháu bát kỳ tiêu pha hoang phí, ngài từng tự tay viết một câu đối ngay hôm giao thừa: "Nhất chúc nhất phạn đương tư đắc lai bất dịch; bán ti bán lũ tất niệm chế tác duy gian" (đại ý: hãy nhớ một cháo một cơm không dễ có, hãy nhớ nửa sợi nửa cọng khó tạo thành) rồi gửi câu đối này cho rất nhiều con cháu bát kỳ. Dưới sự ảnh hưởng của ngài, các hoàng đế sau này cũng tận lực thực hiện tiết kiệm nghiêm khắc.

5. Bách quan chúc tết hoàng thượng:

Theo như ghi chép trong "Thanh sử cảo lễ chí", sáng mùng Một tháng Giêng, các quan tập trung ở sân điện Thái Hòa để chúc tết hoàng thượng. Trên sân sắp hàng loạt các loan giá và nghhi trượng, dưới hiên đại điện sẽ bố trí dàn nhạc hoàng gia, chuông vàng và các loại nhạc khí như ngọc khánh.

Đến giờ Thìn (7 giờ), giám quan của Khâm Thiên giám sẽ thông báo đã đến giờ lành, trên Ngọ Môn sẽ đánh trống, dàn nhạc sẽ tấu nhạc, hoàng đế bước lên bảo tọa của điện Thái Hòa, quan loan nghi vệ (chịu trách nhiệm nghi lễ) sẽ vẩy roi, quan xướng lễ sẽ nói to hai chữ "bài ban" (tức vào vị trí). Các quan sẽ quỳ xuống thành hàng đã được sắp xếp dựa theo phẩm cấp. Lúc này có hai đại học sĩ quỳ gối đọc tuyên biểu quan. Đọc xong các quan sẽ hành đại lễ ba quỳ chín lạy. Lễ thành, hoàng đế sẽ ban ngồi và ban trà, bách quan lại tiếp tục dập đầu tạ ơn. Trà xong lại tiếp tục vẩy roi, nhạc tiếp tục tấu, hoàng đế hạ điện, bách quan bãi triều, đại điển chúc tết đến đây là hoàn thành.


Lúc này hoàng đế sẽ mang túi thơm có thêu hai chữ "như ý" đã được chuẩn bị sẵn để tặng cho các con cháu hậu duệ bát kỳ, cung nữ và thái giám. Trong túi thơm thường có vàng, bạc, ngọc, tiền, vân vân.

6. Áp trục hí:

Ngày "diên cửu" tức ngày mười chín tháng Giêng là ngày tổ chức hoạt động mừng xuân "áp trục hí" của cung đình triều Thanh. Vào tối hôm đó, hoàng đế sẽ mời các vương công đại thần cùng các phiên vương và sứ thần ngoại quốc, sau đó ban thưởng trà bánh. Sau đó tổ chức các "tiết mục mừng xuân", các tiết mục gồm: đu dây kiểu Tây, còn có các ca khúc đến từ các dân tộc Mãn, Mông, Triều Tiên, đồng thời cũng có cả các tiết mục tạp kỹ khác, cuối cùng là đốt pháo hoa. Sau ngày "diên cửu", các vương công Mông Cổ, sứ thần,... sẽ lần lượt rời khỏi kinh thành.

Ảnh bên dưới là Tử Cấm Thành khi tết đến xuân về do viện bảo tàng Cố Cung chụp lại.

Chúc mọi người năm mới bình an, viên mãn
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
619,357
Điểm cảm xúc
35
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 47: C47: Chương 37


#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_soạn

ĐÊM THỨ BA MƯƠI LĂM

1. Tại sao Tử Cấm Thành không trồng cây?


Có lẽ mọi người đều khá tò mò, tại sao nơi ở của hoàng đế và cũng là nơi tượng trưng cho bộ mặt hoàng gia lại chẳng có lấy một gốc cây to nào? Thực ra không trồng cây là vì muốn hiển lộ khí thế rộng lớn của Tử Cấm Thành, không có cây sẽ tỏa ra được sự uy nghiêm lẫm liệt.

Bên cạnh đó, vào thời cổ đại, sự an toàn của hoàng đế được đặt lên trên hết, nếu trồng quá nhiều cây cối sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, giả sử thích khách chui lẫn vào các tàng cây thì rất khó để phát hiện. Bởi xã hội bây giờ trị an khá tốt nên chúng ta sẽ không nghĩ tới điểm này, song ngày xưa thì không được thế. Nếu hoàng đế muốn ngắm hoa ngắm cảnh thì có thể đến Di Hòa Viên vân vân, còn trong nội cung thì không được trồng cây. Chưa hết, nhiều cây dễ xảy ra hỏa họa, nhất là vào lúc hanh khô, mà một khi nổi cháy sẽ rất khó dập tắt. Ví như có người muốn mưu hại hoàng thượng, chỉ cần phóng một cây đuốc vào lùm cây là hoàng cung sẽ bị cháy ngay. Vậy nên nội cung tuy rộng lớn nhưng vẫn không có bất kỳ cây cối nào, cổ nhân quả rất biết cách nhìn xa trông rộng.

2. Mùa đông không lạnh:

Kiến trúc của Tử Cấm Thành quả nhiên vi diệu, ngay cả vấn đề ấm lạnh cũng được giải quyết nhẹ nhàng dù rằng thời xưa vẫn chưa có sự góp mặt của khoa học kỹ thuật. Bởi dưới lòng đất có một hệ thống thoát nước, song đây cũng chính là hệ thống cấp ấm. Vào mùa đông, các thái giám sẽ dẫn nước nóng đi qua hệ thống này, như thế, hoàng đế ở bên trong sẽ không lạnh nữa.

3. Điện Giao Thái:


Theo như các nhà thiên văn học cổ đại thì bầu trời có tam viên gồm Thái Vi Viên, Tử Vi Viên và Thiên Vi Viên. Tử Cấm Thành được chia thành tiền triều và hậu triều, tam đại điện ở tiền triều đối ứng với Thái Vi Viên, còn hậu triều đối ứng với Tử Vi Viên. Tạm không nhắc tới tiền triều, chỉ đề cập tới hậu triều. Hậu triều cũng có tam đại điện gồm cung Càn Thanh, điện Giao Thái và cung Khôn Ninh. Trong đó điện Giao Thái về sau mới được thêm vào, thực ra cũng có lý do riêng.

Bởi Tử Vi Viên gồm mười lăm vì sao, nhưng tổng số cung của cung Càn Thanh, cung Khôn Ninh và các Đông - Tây lục cung hợp lại cũng chỉ có mười bốn cung mà thôi, tựu chung không giống với trời vậy nên mới chêm thêm một điện nữa là điện Giao Thái cho đủ "sĩ số". Bởi sau này mới được thêm vào nên điện Giao Thái rất nhỏ, nhưng vì ở giữa cung Càn Thanh (tượng trưng cho Dương) và cung Khôn Ninh (tượng trưng cho Âm) nên nó cũng tượng trưng cho "âm dương giao hợp".

4. Nghe nói đến thăm Cố Cung thì khi trở về không nên về theo lối ban đầu?


Có một "quy luật" có thể nói là bất thành văn song ai cũng biết khi đến Cố Cung: lúc về không được về bằng đường cũ. "Quy luật" này quả khiến người khác tò mò, sao lại có "luật" thế nhỉ? Ắt hẳn rất nhiều người sẽ "phát huy trí tưởng tượng" ví như đi về bằng lối cũ sẽ gặp phải những thứ gì đó không sạch sẽ chẳng hạn, vân vân. Song nguyên nhân thật sự không phức tạp tới thế.

Như chúng ta đã biết, diện tích của Cố Cung rất lớn, bởi nơi đây có quá nhiều người ở nào hoàng đế, phi tần, hoàng tử, hoàng nữ, thị vệ, cung nữ, thái giám, thậm chí cả thái y, đầu bếp, vân vân... Kiến trúc ở đây cũng rất lạ, gần như nơi nào cũng giống nhau. Tôi biết hẳn có rất nhiều bạn khi đến đây, lúc nhìn thấy phong thái của tòa thành uy nghiêm này, nhìn dòng người tham quan như nước, sẽ bất chợt chẳng biết nên bắt đầu thăm thú từ đâu, gần như mỗi một gian phòng đều mang trong mình một đặc điểm, một câu chuyện riêng, song có một điểm chung là chả phòng nào khác phòng nào. Vậy nên đối với những ai không quen thuộc đường đi lối lại thì nơi đây sẽ trở thành mê cung vây khốn người trong đó.

Vậy nên các hướng dẫn viên du lịch sẽ dặn các bạn rằng không nên về bằng lối cũ, cứ đi thẳng và rẽ, cứ vậy bạn sẽ không lạc đường mà còn không bỏ lỡ những địa điểm đẹp. Tóm lại, đây chẳng qua chỉ là một cách du lịch do du khách đúc kết ra mà thôi, chứ vốn dĩ không chứa đựng nguyên do kỳ bí nào cả.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
619,357
Điểm cảm xúc
35
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 48: C48: Bảo Vật Bắc Tống


Bảo vật làm từ ngọc trai và gỗ thời Bắc Tống
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
619,357
Điểm cảm xúc
35
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 49: C49: Chương 38


#Xin_chào_Cố_Cung #Kỷ_niệm_600_năm_Cố_Cung
#An_dịch_và_viết

TRIỀU THANH TRONG LỊCH SỬ KHÁC PHIM ẢNH RA SAO?

Chân Hoàn, Như Ý, Tiểu Yến Tử,...

Hoàng đế, hậu cung, ngự hoa viên,...

Tất thảy đều nói lên một điều, Tử Cấm Thành cất giấu quá nhiều câu chuyện.

Liệu đêm khuya thanh vắng, Phó Hằng và Ngụy Anh Lạc có thể lén tư tình?

Hở tí là lôi ra Ngọ Môn xử trảm, Ngọ Môn này có phải là ác mộng của chúng quan?

Các bộ phim cung đấu mang đến cho chúng ta rất nhiều niềm vui song cũng lừa gạt chúng ta không ít, rốt cuộc thì chân tướng của lịch sử có hình dáng như nào?


Hôm nay, tôi sẽ kể cho các bạn nghe những câu chuyện có liên quan đến Cố Cung mà bạn không biết, khác xa hoàn toàn với hình ảnh Cố Cung mà bạn nhìn thấy qua màn ảnh.

Thứ nhất, trong Hoàn Châu Cách Cách, Tiểu Yến Tử ở Thấu Phương Trai?

Hoàn Châu Cách Cách quả là bộ phim hot vào thời đại của chúng ta, cùng hot với phim không những là dàn diễn viên mà còn có một địa điểm tên là "Thấu Phương Trai".

Suốt tuổi thơ, phân cảnh "Tiểu Yến Tử đại náo Thấu Phương Trai" là ký ức không thể nào nhạt phai, vậy nên sau này chỉ cần nhắc tới Thấu Phương Trai là chúng ta lại nhớ đến Tiểu Yến Tử. Song kỳ thực, Thấu Phương Trai kia lại chẳng liên quan gì đến Tiểu Yến Tử cả. Thậm chí từ thời Càn Long đến cuối đời Thanh, chẳng có một "cách cách" nào của vua trú ngụ hay nghỉ ngơi ở đó cả.

Hình ảnh một sân khấu kịch ở Thấu Phương Trai


Nói tới đây xin phép phổ cập chút kiến thức có liên quan đến Cố Cung. Nơi dùng để tổ chức lễ nghi gọi là "điện", ví như điện Thái Hòa, điện Bảo Hoa là nơi tổ chức các buổi lễ mang tính quốc gia. Nơi mà hoàng đế và gia quyến ở gọi là "cung", ví như cung Khôn Ninh, cung Trữ Tú, cung Trường Xuân, vân vân. Còn "Hiên", "Trai", "Các" đều là nơi dùng để uống trà, hàn huyên, chơi cờ, xem kịch, tổ chức các hoạt động văn nghệ. Vậy nên Thấu Phương Trai không phải là nơi cho cách cách ở.

Trong lịch sử, Thấu Phương Trai vốn là thư phòng lúc Càn Long làm Thái tử, sau khi Càn Long đăng cơ thì Thấu Phương Trai trở thành nơi xem kịch và thưởng trà. Trong Cố Cung có bốn sân khấu kịch, trong đó có hai cái nằm tại Thấu Phương Trai. Càn Long rất thích đến Thấu Phương Trai, hàng năm vào lễ Tết, dẫu bận bịu đến đâu cũng dành ra một ngày dẫn mẹ là Hiếu Thánh Hoàng thái hậu đến Thấu Phương Trai xem kịch. Cho nên Thấu Phương Trai không phải là tẩm cung của Tiểu Yến Tử mà là một "rạp chiếu phim" thực thụ!


Vũ Hoa Các, Trọng Hoa Cung, Thấu Phương Trai hồi chưa sửa sang lại.


Thứ hai, tại sao tẩm cung của Hoàng hậu trong Hoàn Châu Cách Cách và Diên Hy Công Lược lại khác nhau?

Trong Hoàn Châu Cách Cách, ngoại trừ tẩm thất của Tiểu Yến Tử thì tẩm cung của hoàng hậu và thái hậu cũng khiến chúng ta có ấn tượng sâu sắc. Khi nhắc đến Hoàng hậu, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến cung Khôn Ninh, còn nhắc tới "Lão Phật gia" thì sẽ nhớ ngay tới cung Từ Ninh. Song trên thực tế, hoàng hậu triều Thanh vốn không ở tại cung Khôn Ninh, mà kể từ thời Hiếu Trang Hoàng thái hậu trở về sau cũng không có thái hậu nào trú lại đó nữa.

Tấm biển đề chữ Thấu Phương Trai bằng chữ Hán và chữ Mãn


Ta khái quát sơ lược chút về cung Khôn Ninh. Vào thời Minh, cung Khôn Ninh quả đúng là tẩm cung của hoàng hậu. Nhưng tới thời Thanh đã tiến hành thay đổi, dựa theo phong tục của tộc Mãn vùng Đông Bắc, cung Khôn Ninh trở thành nơi tế tự. Đông Noãn Các ở cung Khôn Ninh còn có một tác dụng, ấy là nơi động phòng của hoàng đế và hoàng hậu. Vào ngày đại hôn của hoàng đế, Đế Hậu sẽ ở lại đây ba ngày, hết ba ngày rồi hoàng hậu sẽ trở về tẩm cung được phong. Đồng thời, tân phòng chuẩn bị cho đại hôn phải có chút bụi, ý chỉ huy hoàng của những tháng ngày xưa cũ.

Trong Diên Hy Công Lược, nơi mà hoàng hậu ở là cung Trường Xuân, hồi Chân Hoàn Truyện thì hoàng hậu lại ở cung Cảnh Nhân, song đó mới phù hợp với miêu tả trong lịch sử. Ngoại trừ điều đó thì cung Từ Ninh cũng rất hiếm có thái hậu vào ở, kể từ khi Hiếu Trang Hoàng thái hậu qua đời thì không có thái hậu nào lấy cung Từ Ninh này làm tẩm cung. Song tại sao một cung điện lớn như này lại không có thái hậu nào muốn ở? Đây không thể không đề cập đến chủ nhân của nơi này - Hiếu Trang Thái hậu. Cả đời Hiếu Trang Thái hậu phò tá ba đời vua gồm Hoàng Thái Cực, Thuận Trị, Khang Hy, giữ vai trò trọng yếu trong sự hình thành nên triều Thanh và thống nhất đại nghiệp, địa vị tôn quý, danh vọng cực cao. Vậy nên các thái hậu và thái phi sau này không dám vào ở, một mặt là kính nể người phụ nữ vĩ đại này, mặt khác cũng sợ thân phận của mình không "đè" nổi tòa cung này, vậy nên mới thà tới trú ngụ ở cung khác. Từ đó về sau, cung Từ Ninh trở thành nơi thiết yến, tổ chức các điển lễ quan trọng như thụ sách, thụ bảo,...

Bên trong Thấu Phương Trai



Thứ ba, "lôi ra Ngọ Môn xử trảm"!

Chỉ cần xem qua phim cổ trang thì hẳn ai cũng sẽ có ấn tượng với câu "Lôi ra Ngọ Môn xử trảm". Trong "Kỷ Hiểu Lam" có một phân cảnh Càn Long bảo Kỷ Hiểu Lam đi kiếm Mạc Sầu nhưng Kỷ Hiểu Lam không đi, Càn Long tức giận quát lớn: "Lôi Kỷ Hiểu Lam ra Ngọ Môn xử trảm!". Vậy nên Ngọ Môn trở thành pháp trường chém đầu thị chúng. Thực ra nơi chém đầu phạm nhân thời Minh Thanh phải là chợ củi hoặc chợ bán thức ăn. Nhưng tình tiết chém đầu tại Ngọ Môn này cũng không phải là không có, quả thực có liên quan đến bối cảnh lịch sử. Vào thời Minh có một hình phạt vô cùng tàn khốc gọi là "đình trượng" (ý chỉ dùng gậy đánh). Quan viên hai triều Minh Thanh rất thảm, nếu vào triều mà khiến hoàng đế không vui cũng bị kéo ra ngoài "đình trượng", nơi thụ hình là Ngọ Môn. Bởi từng có quan viên bị đánh đến chết nên Ngọ Môn cũng phủ thêm một lớp máu.

Ngoại từ những điều đó thì Ngọ Môn có hai nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm vụ thứ nhất là "hiến phu", tức nếu đánh thắng trận thì phải mang những tù binh quan trọng áp giải đến kinh thành và buộc phải đi qua Ngọ Môn. Nhiệm vụ thứ hai là tiếp kiến sứ thần, vào các dịp đại điển, hoàng thượng sẽ lên thành lâu của Ngọ Môn để tiếp kiến các sứ thần ngoại quốc.

Thứ tư, trong Diên Hy Công Lược, vào tối muộn, Phú Sát thị vệ đi qua đi lại trong hoàng cung, không những thế còn tìm Ngụy Anh Lạc để tán tỉnh?

Thời gian trước, cặp đôi Ngụy Anh Lạc và Phó Hằng trong bộ webdrama siêu hot là Diên Hy Công Lược rải không ít đường cho khán giả. Dường như Phó Hằng rất thích tới tối lại đi tìm Ngụy Anh Lạc. Lúc Ngụy Anh Lạc bị bệnh, cảnh tượng chàng đêm khuya ghé thăm quả rất ngọt ngào. Chỉ có điều đó là kịch bản mà thôi, thị vệ nào lại dám bay nhảy tùy thích trong hoàng cung Đại Thanh chứ!

Theo như ghi chép lại, buổi tối trong Tử Cấm Thành chỉ có 8 người đàn ông gồm 1 hoàng đế, 4 thị vệ, 1 quan tấu sự (tức thông tri) và 2 thái y. Theo như ghi chép của thái giám triều Thanh thì khi mặt trời lặn ở Đại Nội thì thái giám của 5 điện và 13 ty sẽ đóng hết các cửa lại, 4 thị vệ thân cận sẽ bảo vệ hoàng thượng, không một ai được tùy ý đi lại. Dưới cung quy nghiêm khắc như vậy, Phó Hằng nào thể gặp gỡ Ngụy Anh Lạc cơ chứ?

Thứ năm, trong Công Chúa Hoài Ngọc, công chúa có thể lẻn ra khỏi cung, lẽ nào xuất cung dễ như ra ngoài mua rau thế sao?

Hiếu Trang thái hậu trong Công Chúa Hoài Ngọc là một người hoa gặp hoa nở, người gặp người thích. Lần nọ, Thái hoàng thái hậu muốn ra khỏi cung nên bảo Đồ Đức Hải thay y phục, qua mặt thị vệ, thuận lợi trốn khỏi cung. Đoạn này quả khiến chúng ta phải cảm khái, Thái hậu à, người ghê thật đấy! Nhưng nếu quay ngược lại thời Thanh thì chuyện này không thể xảy ra. Một mình Thái Hậu ra khỏi cung? Đoán chừng thủ vệ, thái giám vả cả Đồ Đức Hải sẽ bị trảm cả 9 đời.

Ai từng đọc Hồng Lâu Mộng hẳn nhớ cảnh Nguyên Xuân về thăm nhà, trong sách có viết: "Chuẩn tấu ngày mười lăm tháng Giêng năm sau, ân chuẩn cho Giả phi về thăm nhà." Hai chữ "ân chuẩn" này ý chỉ không thể dễ dàng về nhà thăm nom. Nguyên Xuân về nhà cũng chỉ ngắn ngủi năm tiếng đồng hồ, nhưng trước sau lại khóc tận sáu lần. Hồi còn non trẻ bị đưa vào cung, xa cách gia đình, máu mủ chia lìa, lòng đau đáu nỗi nhớ nhà, nhưng Tào Tuyết Cần cũng chỉ có thể cho Nguyên Xuân một cơ hội thăm nhà. Còn phi tần đời Thanh không ai được phép về nhà, trong hồ sơ triều Thanh không có bất kỳ ghi chép nào về việc hậu phi về nhà cả. Chỉ khi hoàng đế đi tuần thì mới có cơ hội xuất cung.


Thứ sáu, trong Chân Hoàn Truyện, nhiều chuyện xảy ra trong ngự hoa viên, dù tranh sủng hay thất sủng cũng hát.

Ngự hoa viên chưa bao giờ thiếu chuyện: khi ngắm hoa bị gián đoạn thì nổi lên tranh chấp, dâng trà sai cũng bị phạt quỳ,... Trong Chân Hoàn Truyện, Chân Hoàn sau khi khỏi bệnh thì dạo ngự hoa viên giải sầu, nàng ở đó ngồi xích đu, thổi tiêu, thành công thu hút hoàng thượng, lập tức thượng vị trở thành phi tử được sủng ái. Vậy nên chúng ta mới đơn thuần cho rằng, thu hút hoàng đế là chuyện dễ, tú nữ tiến cung chỉ cần vô tình gặp hoàng đế ở ngự hoa viên là có thể được sủng hạnh, còn phi tần thất sủng chỉ cần cất tiếng hát ở đây là sẽ khiến hoàng đế kính trọng thêm mấy phần. Đó là do mọi người nghĩ nhiều thôi!

Chúng ta trước tiên phân tích khả năng gặp được hoàng đế tại ngự hoa viên. Trong phim truyền hình, ngự hoa viên rất rộng, các phi tử có thể sóng vai tản bộ ở đây, thi thoảng còn mở cả tiệc trà, nhưng ngự hoa viên hàng thật giá thật tuy đẹp nhưng lại hơi nhỏ. Vậy nên chuyện hoàng đế đến ngự hoa viên ngắm hoa nghe nhạc không nhiều, nếu muốn giải sầu sẽ đến Viên Minh Viên hoặc Di Hòa Viên, những nơi có cảnh sắc đẹp hơn và rộng hơn. Chỉ vào tết Đoan Ngọ tháng Năm, tết Trung Thu tháng Tám và tết Trùng Cửu tháng Chín thì hoàng đế mới dẫn hậu phi lên nơi cao nhất của ngự hoa viên để cầu phúc và trừ tà tránh uế.

Tiếp đó ta lại phân tích tiếp tần suất hậu phi đến ngự hoa viên. Nơi thâm cung sâm nghiêm này, ngự hoa viên không phải là nơi phi tử muốn là có thể đi. Ai có thể nghênh ngang đến ngự hoa viên thưởng cảnh đều phụ thuộc vào địa vị cao thấp mà hoàng đế ban cho. Người được sủng ái thì cười như gió xuân, kẻ bị thất sủng thì sầu muộn, đó cũng là nỗi bi ai của nữ nhân nơi hậu cung.

Cố Cung là trung tâm chính trị của Đại Thanh và tượng trưng cho hoàng quyền chí cao vô thượng. Kể từ khi Minh Thành Tổ Chu Đệ hạ lệnh xây dựng từ năm 1406 đến nay đã trải qua xấp xỉ 600 năm lịch sử. Hơn 600 năm qua, tại tòa Tử Cấm Thành bị vây khốn bởi lớp lớp tường cao này, có biết bao hoàng đế, hậu phi, đại thần, cung nữ cười vui buồn tủi, kinh qua thăng trầm. Phim ảnh chẳng qua chỉ là người nay diễn kịch, lịch sử chân chính đặc sắc hơn phim ảnh nhiều lắm, cũng đau lòng hơn phim ảnh rất nhiều.

Cố Cung từng đi qua bao tháng năm huy hoàng, cũng từng hứng chịu bao mưa bom bão đạn, mất đi sự tôn nghiêm oai hùng của dĩ vàng. Cố Cung cách chúng ta xa lắm ư? Thoạt trông là vậy, bởi nó chứa đựng quá nhiều lịch sử và mai táng quá nhiều chuyện xưa. Song nó cũng cách chúng ta rất gần, bởi nó cũng từng là một ngôi nhà. Một ngôi nhà cần tình yêu và sự ấm áp, nhưng khi mất đi sự kính nể và bảo vệ thì cũng chỉ đành bất đắc dĩ già đi và biến thành đoạn thời gian xưa thất lạc.

Ấy cũng giống như Dư Thu Vũ từng nói trong "Hành giả vô cương": "Lịch sử là sự xa xỉ bí ẩn, song cũng là phế tích trên vách đá".

-------------------------

Như đã giới thiệu với các bạn từ trước, chuỗi series "Xin chào Cố Cung" kỷ niệm 600 năm Cố Cung sẽ được bắt đầu từ giờ phút này. Và tất nhiên, các bạn có thể tìm kiếm "Tử Cấm Thành nghìn lẻ một đêm" để có cái nhìn sơ bộ về Tử Cấm Thành trước khi bắt đầu đọc series mới này của An nhé
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
619,357
Điểm cảm xúc
35
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 50: C50: Chương 39


PHẦN THƯ KHANH NHO

Tần Thủy Hoàng là vị đế vương vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa. Bất kể là các mạch sóng ngầm đấu đá mãnh liệt hay thiên hạ rối ren phức tạp, ngài đều có thể biến nặng thành nhẹ xem đó là chuyện thường tình, bởi vậy nên ta mới có được một Tần Thủy Hoàng thành công bước qua mọi nguy hiểm khó khăn và vượt qua được những hiểm trở tưởng chừng như không thể, cuối cùng giúp Tần quốc thống nhất thiên hạ, trở thành cường quốc vững mạnh trên thế giới. Hành động thống nhất sáu nước của Tần Thủy Hoàng đã góp phần đặt dấu chấm hết cho cục diện chiến loạn diễn ra mấy trăm năm dài đằng đẵng, xóa bỏ sự ngăn cách trước đó giữa sáu nước, xúc tiến phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và đặt nền móng cho nhiều công trình đồ sộ,... mà tới tận mấy ngàn năm sau vẫn có ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống nhân dân Trung Quốc và lịch sử Trung Quốc nói chung.

Song tuy Tần Thủy Hoàng đã thành lập được một Tần triều độc nhất vô nhị, nhưng sự thật cho hay, đây cũng là một vương triều đoản mệnh. Năm 221 TCN khai quốc, nhưng đến năm 207 TCN bèn sụp đổ, chỉ kéo dài được hai đời. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong của triều đại này, một lời khó nói hết, một trong số đó là từ việc... "đốt sách" mà trong lịch sử người ta gọi đó là sự kiện "đốt sách chôn nho" (phần thư khanh nho).


Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc thì bèn đưa ra quyết định sẽ cải cách lại các phương diện gồm hành chính, kinh tế, văn hóa,... đồng thời thống nhất tiền tệ, thống nhất các đơn vị đo lường, vân vân... là hành động mang chiều hướng tiến bộ và tích cực, phù hợp với dòng chảy của lịch sử. Nhưng Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ bằng vũ lực, tiêu diệt sáu nước, ấy là một "tác phẩm" xưa nay hiếm mà Nho gia nhất mực bài trừ. Nho gia "khép tội" cho Tần Thủy Hoàng rằng đây là hành động "bá đạo" chứ không phải "vương đạo", đi ngược lại với quy chuẩn đạo đức xã hội. Hầu hết các nho sinh thời đó đều không thể hiểu nổi và sinh lời dị nghị. Mặt khác, sau khi lục quốc bị diệ, các thế lực tàn đư rất bất mãn với Tần Thủy Hoàng, thế nên cũng ngầm mượn các hình thức văn học để ngầm biểu đạt sự cừu hận ấy. Những điều đó khiến Tần Thủy Hoàng rất căm tức, ngài dùng cách cực kỳ cực đoan để xử lý chuyện này: tịch thu toàn bộ điển tịch, mang hết sách vở kinh điển trong dân gian từ thời Chu Tử Bách Gia mang đi đốt, đồng thời những nho sinh dám đứng lên bêu rếu ngài đều bị bắt giết, chôn sống tổng cộng 460 người ngoài thành Hàm Dương - kinh đô thời Tần. Ngài muốn dùng máu tanh để thực hiện việc đe dọa của mình.

Song, Tần Thủy Hoàng cũng không phải là người hoàn toàn mất hết lý trí như thiên hạ đồn thổi trước giờ. Theo như ghi chép trong "Sử Ký", Tần Thủy Hoàng có hạ lệnh không tiêu hủy ba nhóm sách gồm y dược, bói toán và trồng trọt". Các loại thư tịch liên quan đến y dược giúp cải thiện và phát triển sức khỏe con người, giúp nhân dân chiến thắng các loại ôn dịch đáng sợ và bảo vệ tính mệnh con người, loại sách này vô hại với sự thống trị của Tần Thủy Hoàng nên không đốt. Các sách liên quan đến trồng trọt có thể dạy nhân dân cách trồng và chăm sóc cây, đồng thời cung cấp cho Tần Quốc vật liệu để xây dựng công trình và gỗ để chế tạo binh khí, đây là tài nguyên chiến lược của Tần quốc thế nên cũng không thể đốt. Hai loại sách này đều góp công giúp Tần triều dân giàu nước mạnh, ấy là chỗ thông thái của Tần Thủy Hoàng.

Một loại sách khác cũng được bảo vệ, đó là sách bói toán - những cuốn sách ghi lại thuật "dự đoán tương lai". Hiện tại bói toán được xem là tàn dư của mê tín và không được hoan nghênh, nhưng trong thời cổ đại, cổ nhân lại tin răm rắp vào những thứ này, ngay cả người được xưng là "thiên cổ nhất đế" như Tần Thủy Hoàng cũng không ngoại lệ. Kết quả, những cuốn sách bói toán không đáng tin và đáng bị thiêu hủy nhất thì lại được bảo lưu, góp "một tay" vào sự diệt vong của triều Tần.

"Sử Ký" ghi lại rằng, càng luống tuổi Tần Thủy Hoàng càng mê tín và vọng tưởng rằng có thể trường sinh bất tử. Ngài phái một nhóm lớn các sứ giả và phương sĩ (ý chỉ những người cầu tiên học đạo) đi khắp các chân trời góc bể để tìm kiếm bí quyết trường sinh: "Sử Hàn Chung, Hầu Công, Thạch Sinh cầu tiên nhân thuốc bất tử". Kết quả đám phương sĩ chỉ mới đi được có vài năm nhưng đã tiêu tốn không ít tiền bạc của cả, còn thần tiên và tiên dược lại "thượng cùng bích lạc hạ hoàng tuyền", đi khắp nơi song chẳng thấy đâu. Mắt thấy gần đến ngày về, Lô Sinh bèn gấp đến mức rối rắm, về sau hắn ta đã nghĩ ra một ý tưởng.

Chẳng biết từ đâu mà Lô Sinh đào ra được một cuốn sách bói toán, bên trên là những hàng chữ chẳng biết đâu thật đâu giả và những "tiên đoán" chẳng rõ chẳng ràng. Lô Sinh dâng cuốn sách này lên cho Tần THủy Hoàng, bảo rằng đây là do thần tiên truyền lại, bên trong có cơ hội thay đổi đất trời và bí mật của tạo hóa, nếu Tần Thủy Hoàng có thể hiểu được thì sẽ đắc đạo thành tiên. Tần Thủy Hoàng cầm cuốn sách trên tay mà cảm thấy như nhặt được vật chí bảo, ngày đêm khổ đọc, trong đó có một câu thu hút sự chú ý của ngài: "Vong tần giả hồ dã".


Tần Thủy Hoàng vừa nhìn thấy hàng chữ này bèn nghĩ rằng thứ có thể khiến triều Tần diệt vong chính là "Hồ", nhưng "Hồ" đó có nghĩa là gì? Sau khi suy ngẫm, ngài cho rằng "Hồ" đó chắc chắn là người Hồ của dân tộc Hung Nô. Ngài quyết định tiên hạ thủ vi cường, tiêu diệt cho kỳ hết người Hồ. Sau đó liên tiếp phái các đại tướng xuất binh viễn chinh sang vùng tái ngoại. Đồng thời huy động hơn mười vạn dân phu xây dựng Vạn Lý Trường Thành phòng chiến loạn.

Bất kể triều Tần tấn công người Hồ và xây dựng Trường Thành là đúng hay sai thì hành động lần này của Tần Thủy Hoàng đối với bách tích triều Tần lúc bấy giờ mà nói quả là đại nạn chẳng thể tránh. Lê dân bách tính vừa mới trải qua nạn mấy chục năm chiến hỏa, nay lại tiếp tục rơi vào biển khổ. Vô số binh sĩ và dân phu bị ép rời quê hương, nếu không thì cũng bì đày ra biên ải. Cuộc sống thời ấy chỉ có hai lựa chọn, hoặc là an giấc nghìn thu nơi đất khách quê người, hoặc là chết trong sự kiệt sức giữa quá trình xây dựng Trường Thành. Ngàn vạn gia đình ly tán, tiếng kêu than vang dậy đất trời. Dân chúng dần dấy lên sự bất mãn và cừu hận với Tần Thủy Hoàng, cuối cùng làm nổi lên những cuộc khởi nghĩa nông dân.

"Khanh hôi vị lãnh Sơn Đông loạn, Lưu Hạng nguyên lai bất độc thư", Trần Thắng, Ngô Quảng, Lưu Bang, Hạng Vũ,... thừa thế xông lên, triều Tần - triều đại khiến lòng dân nguội lạnh - chẳng mấy chốc diệt vong.


Hiện tại, hố đốt sách còn di tích ở phía đông nam chân núi Ly Sơn, thuộc huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

Ảnh dưới là ảnh chụp một bức tượng trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.
--------------------------------------------
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại https://truyen.diendantruyen.com
Top Bottom