Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full Lời Nguyền Lâu Lan

Dịch Full Lời Nguyền Lâu Lan
Chương 39


Đêm khuya, cổng chính của Viện Nghiên cứu Khảo cổ trong đang chìm trong màn đêm sâu thẳm của mùa thu. Bỗng cửa được mở ra, một bóng người lặng lẽ đi vào, trong tay cầm một chiếc cặp da màu đen, trông rất nặng nề. Ánh sáng yếu ớt hắt lên khuôn mặt của người ấy, hoá ra là Lâm Tử Tố.



Mặt anh ta trông u ám dễ sợ, anh ta mặc một bộ quần áo đen dáng chừng như chuẩn bị đi đâu xa. Anh ta chậm chạp bước đi trên đường, như đang tính toán điều gì, mặt lộ vẻ do dự. Trên đường tịnh không một bóng người, chỉ thỉnh thoảng có chiếc ô tô phóng vụt qua.



Một chiếc taxi chạy đến, Lâm Tử Tố vẫy lại, anh ta bước lên xe, vội vã nói:



- Đến sân bay!




Chiếc xe phóng đi như bay.



Mấy phút sau, trên đường lại xuất hiện một chiếc xe nữa, chiếc xe này lặng lẽ bám theo chiếc taxi. Lâm Tử Tố ngồi ở ghế sau, tinh thần có vẻ lo lắng. Anh ta ôm chặt chiếc cặp da vào lòng, hình như bên trong có vật gì đó rất quý. Bỗng nhiên anh ta có biểu hiện kỳ lạ, trán vã mồ hôi, tay xoa lên ngực.



Lái xe nhìn thấy biểu hiện khác thường của anh ta, vội hỏi:



- Anh sao thế?



- Tôi, tôi không sao. - Giọng Lâm Tử Tố cũng không được bình thường.



- Hay là anh bị bệnh cấp tính? Tôi nhìn bộ dạng của anh thấy khó mà đi máy bay được, tôi đưa anh đến bệnh viện nhé?



- Không, không, tối nay tôi phải đi khỏi đây, mau đến sân bay.



Lâm Tử Tố bỗng cảm thấy có gì đó không ổn. Anh ta quay đầu nhìn con đường phía sau và phát hiện thấy có một chiếc ô tô đang bám sát sau xe taxi.



- Có người đang theo dõi mình. - Lâm Tử Tố lẩm bẩm.




Anh ta bỗng như bị điên, không giấu nổi sự thay đổi bất thường của mình, nói với lái xe:



- Bác tài, mau chạy nhanh lên, càng nhanh càng tốt, cắt đuôi chiếc xe đằng sau đi!



Lái xe lắc đầu nói:



- Anh điên à? Chạy nhanh lắm rồi, nhanh nữa để mà chết à!



Đầu Lâm Tử Tố hình như rất đau, trông rất khổ sở. Anh ta lại quay đầu nhìn chiếc xe đang bám theo phía sau, thần sắc càng khiếp sợ. Anh ta thò cánh tay run rẩy lấy ra một tờ ngân phiếu đưa cho lái xe:



- Bác tài, xin bác đấy!



- Anh định làm cái gì đấy?



Bỗng phía sau không thấy có động tĩnh gì. Người lái xe cảm thấy hơi lạ, ông ta quay đầu lại nhìn, đã thấy Lâm Tử Tố ngã gục xuống ghế. Ông ta vội vàng cho xe dừng lại, nhảy ra ngoài, mở cửa sau. Lâm Tử Tố đã nằm yên bất động.




Lúc đó chiếc xe bám phía sau cũng dừng lại. Từ trên xe, một thanh niên bước xuống, chính là Diệp Tiêu.



Diệp Tiêu xông đến cạnh chiếc xe, hỏi lái xe:



- Sao rồi?



Người lái xe sợ hãi trả lời:



- Không liên quan gì đến tôi, anh ta hình như bị bệnh cấp tính.



Diệp Tiêu thò đầu vào trong xe, sờ vào động mạch của Lâm Tử Tố. Sau đó nói nhỏ:



- Anh ta chết rồi!


 
Chương 40


Hành lang vang lên tiếng bước chân của Diệp Tiêu và Văn Hiếu Cổ. Văn Hiếu Cổ rảo bước bám theo Diệp Tiêu. Diệp Tiêu đang đi đằng trước bỗng nhiên dừng lại, anh quay lại nhìn Văn Hiếu Cổ, sau khi lặng đi một lúc, anh mở cánh cửa bên cạnh, hạ giọng nói:



- Mời vào!



Văn Hiếu Cổ theo chân Diệp Tiêu bước vào phòng, vừa bước qua cửa, ông đã cảm thấy một cảm giác lành lạnh, đặc biệt là phía dưới chân, một cơn lạnh thấu xương. Theo bản năng ông nhìn sang hai bên, thì thấy trên bốn bức tường đều xếp những chiếc tủ kim loại, hay có thể gọi là những chiếc ngăn kéo, cái nào cũng rất to, có khoá, hình như còn có cả niêm phong.



Diệp Tiêu mở một trong những chiếc tủ hay còn gọi là ngăn kéo, đúng là giống một chiếc ngăn kéo to. Anh rút chiếc ngăn kéo đó ra, bên trong có một thi thể bị khí lạnh trùm kín.



Văn Hiếu Cổ đã chuẩn bị sẵn tư tưởng, ông trấn tĩnh lại một lần nữa, nhìn vào xác chết trong tủ lạnh, vừa nhìn vào ông đã biết, ông cảm thấy trong tim hình như có cái gì tan vỡ, ông gật đầu, chậm chạp nói với Diệp Tiêu:



- Đó là Lâm Tử Tố!



Văn Hiếu Cổ không dám nhìn lâu, ông ngoảnh mặt đi. Diệp Tiêu nhìn ông gật đầu, đẩy xác Lâm Tử Tố vào chỗ cũ, đóng cửa nhà xác lại.




- Chúng ta ra khỏi đây thôi! - Diệp Tiêu dẫn Văn Hiếu Cổ ra khỏi kho lạnh của nhà xác.



Ra đến hành lang, Văn Hiếu Cổ thở mạnh mấy cái liền, có cảm giác như đi vào mộ cổ. Ông quay đầu nói với Diệp Tiêu:



- Cảm ơn các anh đã phát hiện ra xác của hắn ta, cuối cùng hắn cũng bị trừng phạt thích đáng!



- Ông nói trừng phạt cái gì cơ?



- Sáng sớm nay, tôi phát hiện Lâm Tử Tố không đi làm, đã cảm thấy có thể có vấn đề xảy ra. Tôi lập tức cho kiểm tra lại các di vật trong kho, thấy bị mất một số hiện vật quý. Gia đình hắn cũng không biết hắn đi đâu. Giải thích duy nhất là, hắn đã cuỗm những di vật quốc gia bỏ trốn rồi. Tôi đang định báo cáo cơ quan công an các anh thì nhận được thông báo của anh.



- Viện trưởng Văn, thật ra tôi mời ông tới không phải để nhận mặt người chết mà mời đến để nhận lại những di vật quốc gia đó. - Diệp Tiêu lạnh lùng nói - Mời đi theo tôi!



Diệp Tiêu và Văn Hiếu Cổ đi đến cầu thang của một căn nhà khác, vừa đi, Văn Hiếu Cổ vừa hỏi: - Anh Diệp, làm sao các anh lại phát hiện ra hắn?



- Tối hôm qua, Lâm Tử Tố đi taxi mang theo những di vật, chuẩn bị ra sân bay.



Văn Hiếu Cổ phẫn nộ nói:



- Hắn định mang di vật chạy trốn ra nước ngoài à?



- Đúng thế, về sau chúng tôi tìm được trên người hắn hộ chiếu xuất cảnh và vé máy bay quốc tế.



- Có lẽ hắn đã kịp liên hệ với bọn mua bán đồ cổ quốc tế.




- Viện trưởng Văn, ý ông là Lâm Tử Tố mang đồ cổ xuất cảnh là phạm tội có tổ chức à?



- Đó là tôi phán đoán thế thôi. Nhưng mấy năm gần đây, những vụ tương tự thế này rất nhiều, nhiều hiện vật đào được đã bị đưa ra nước ngoài bằng thủ đoạn này. Lâm Tử Tố mang những đồ cổ quý hiếm này ra nước ngoài, một khi đã thoát được, e rằng hắn ta có thể trở thành triệu phú, cho nên hắn mới liều mạng thế. Diệp Tiêu, Lâm Tử Tố chết như thế nào?



- Hắn chết đột ngột trên taxi. - Diệp Tiêu vừa trả lời vừa quan sát sự thay đổi trên mặt Văn Hiếu Cổ.



Văn Hiếu Cổ đột nhiên thận trọng hỏi Diệp Tiêu:



- Thế đã tìm ra nguyên nhân cái chết của Lâm Tử Tố chưa?



- Xin lỗi ông, việc này không thể nói được!



Vừa đi vừa nói, họ đã đi đến một căn phòng khác.



Diệp Tiêu mở tủ bảo hiểm, lấy ra một cái cặp màu đen:



- Viện trưởng Văn, mời ông biên nhận và kiểm kê lại, đây có phải những hiện vật mà quý Viện bị mất không?



Sau đó Diệp Tiêu mở chiếc cặp ra, Văn Hiếu Cổ đeo găng tay vào, kiểm kê các hiện vật trong cặp, vừa kiểm, toàn thân ông vừa run lẩy bẩy.



- Viện trưởng Văn, ông thấy trong người không được khoẻ à? - Diệp Tiêu đứng bên hỏi.



Văn Hiếu Cổ ngẩng đầu lên trả lời:



- Không, tôi hơi kích động, tôi đã nghĩ những hiện vật này nếu Lâm Tử Tố mang đi sẽ chắc chắn không thể quay trở lại được nữa, không ngờ vừa mất đã tìm lại được ngay.




Bỗng Diệp Tiêu nhìn thấy Văn Hiếu Cổ lấy từ trong cặp ra một chiếc mặt nạ màu vàng. Anh nghĩ ngay đến cái gì đó, hỏi:



- Viện trưởng Văn, mặt nạ màu vàng này dùng để làm gì vậy?



- Mặt nạ bằng vàng này được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ, khi phát hiện chiếc mặt nạ này đang úp trên mặt chủ nhân nó.



- Là úp trên mặt xác ướp? Giống như úp trên mặt các Pharaon Ai Cập cổ đại phải không?



Giọng Văn Hiếu Cổ có vẻ ngạc nhiên:



- Đúng thế, có lẽ cũng có cùng một tác dụng. Người chủ mộ hy vọng giữ được dung mạo sau khi chết, nên họ cho úp mặt nạ lên mặt mình. Diệp Tiêu, anh có vẻ cũng hứng thú với Ai Cập cổ đại nhỉ?



- Không, tiện thì hỏi thôi.



Văn Hiếu Cổ phải mất rất nhiều thời gian mới kiểm kê hết được số hiện vật, ông ta gật đầu nói:



- Những hiện vật bị mất đều ở đây cả rồi, rất cảm ơn Sở Công an các anh!”



Diệp Tiêu lạnh nhạt nói:



- Được rồi, Viện trưởng Văn, ông đã kiểm kê xong phần hiện vật, mau đem nó về, bảo quản cẩn thận, đừng để mất lần nữa. Bây giờ tôi sẽ đưa ông đi lập biên bản trao trả tang vật, sau đó sẽ lái xe đưa ông và số hiện vật về.


 
Chương 41


Diệp Tiêu lái xe đưa Văn Hiếu Cổ và số hiện vật về Viện Nghiên cứu khảo cổ. Trên đường đi, không ai nói với ai câu gì. Văn Hiếu Cổ đeo chiếc cặp đựng hiện vật, ngắm nhìn phong cảnh trời thu ngoài cửa xe, đang mơ mơ màng màng, ông như nhìn thấy khuôn mặt của Lâm Tử Tố hiện ra trước cửa xe.




Văn Hiếu Cổ thấy hoang mang, ông hạ kính xe xuống, khuôn mặt vừa nãy đã biến mất, hoá ra đó chỉ là ảo giác.



Diệp Tiêu chú ý đến thái độ khác thường của Văn Hiếu Cổ:




- Viện trưởng Văn, ông sao vậy?



- Không, không có gì, chỉ là hơi xúc động về việc hiện vật mất nay lại tìm thấy.




Cơn gió thu ùa vào cửa xe đang mở toang, ông bất lực cúi đầu, mặc cho xe chở ông lao nhanh về phía trước.


 
Chương 42


Diệp Tiêu đến rồi.



Bạch Bích hôm nay trang điểm nhẹ, mặc dù nhạt đến độ khó nhận ra, nhưng cô cũng tốn không ít thời gian. Cô đứng hồi lâu trước gương, ngắm màu môi. Từ sau khi Giang Hà qua đời, cô không chú ý lắm đến trang điểm, nhiều khi chỉ bôi quệt qua loa, thậm chí còn không soi gương. Cô ngờ rằng nếu mình có biến thành bà già, e cũng không phát hiện ra. Nhưng lúc này, cô nhận thấy mình trong gương vẫn trẻ như xưa, vóc dáng cũng rất đẹp, cô mới 23 tuổi, vì sao cứ phải đắn đo, e ngại nhiều thế?



Tám giờ, Diệp Tiêu gọi điện thoại đến, anh nói 10 giờ sẽ đến để nói chuyện với cô về sự tiến triển của vụ án. Trong chớp mắt, tay cầm điện thoại của Bạch Bích bỗng run lên, tiếng Diệp Tiêu trong điện thoại cũng có vẻ khác, cô nhớ đến khuôn mặt quen thuộc.



Khi tiếng chuông cửa Diệp Tiêu ấn vang lên, Bạch Bích thong thả rời khỏi gương, ra mở cửa cho anh. Bạch Bích bỗng cảm thấy khí sắc của Diệp Tiêu trước mặt cô bỗng biến thành giống như khí sắc của Giang Hà hôm anh vừa từ hồ La Bố trở về, cô nhẹ nhàng nói:



- Xin lỗi, tính ngang bướng của em nhất định làm cho anh mệt rồi!



- Được rồi, không nói đến nó nữa! - Giọng Diệp Tiêu cũng có phần thoải mái.



Bạch Bích vội rót cho anh một cốc nước ngọt. Diệp Tiêu nhìn cốc nước ngọt cô bưng đến, đột nhiên bỗng cảm thấy khát ghê gớm, thế là chẳng khách khí gì, uống luôn một ngụm to, sau đó nói:



- Cảm ơn em! Trước hết cho em biết một việc, Lâm Tử Tố chết rồi!



- Lộ rõ chân tướng rồi à? - Bạch Bích lập tức nghĩ đến điều gì đó.



Diệp Tiêu vẻ mặt trang trọng nói:



- Hoàn toàn ngược lại, càng rối rắm hơn. Lâm Tử Tố cuỗm rất nhiều di vật quan trọng bỏ trốn, cuối cùng bị chết bất ngờ trên đường đến sân bay, giống như bọn Giang Hà. Trong số những di vật hắn lấy đi có một chiếc mặt nạ màu vàng.



- Chính là cái mặt nạ em nhìn thấy à?



- Đúng thế, đúng là cái mặt nạ bằng vàng đó. Lần trước em nói đang đêm nhìn thấy trong Viện Nghiên cứu khảo cổ có người đeo chiếc mặt nạ này, chắc chắn đó là Lâm Tử Tố, không sai. Sáng sớm hai ngày sau đó, trên mảnh đất phía sau cửa sổ căn phòng Giang Hà bị chết, anh đã phát hiện có dấu chân người, sau khi cho lấy mẫu thạch cao đem so sánh với giày của Lâm Tử Tố, xác nhận đó chính là dấu chân của Lâm Tử Tố.




Bạch Bích than một câu:



- Em cứ tưởng Lâm Tử Tố mới là thủ phạm chính!



- Lâm Tử Tố không thể là thủ phạm chính. Hắn chỉ là một kẻ tiểu nhân vô liêm sỉ lợi dụng chức vụ để ăn cắp và mang những di vật ấy đi mà thôi. Em chẳng nên quan tâm đến việc này làm gì nữa, mình anh đã đủ mệt lắm rồi, không muốn nhìn thấy một vật hy sinh nữa.



Bạch Bích nghe những lời nói đó của Diệp Tiêu, nhìn khuôn mặt giống như khuôn mặt người mình yêu thương của anh, tim cô bỗng trào dâng nỗi xúc động, cô nhẹ nhàng nói:



- Nhưng, nếu như không biết được kết quả cuối cùng, cả đời em có lẽ sẽ phải sống trong sợ hãi.



- Em sợ cái gì nhỉ? Sợ Giang Hà à? Vì em đã nói chuyện với Giang Hà đã chết trên máy vi tính à?



Diệp Tiêu bỗng mỉm cười, nụ cười của Diệp Tiêu khiến Bạch Bích thấy hơi lạ, có gì đó khó hiểu. Diệp Tiêu tiếp tục nói:



- Nói cho em biết, nói chuyện với em trên máy vi tính không phải là Giang Hà đâu, mà là chương trình được cài sẵn đấy.



Bạch Bích lắc đầu.



Diệp Tiêu hỏi cô:



- Anh hỏi em, Giang Hà có phải là người rất giỏi về vi tính và phần mềm không?



- Đúng thế, anh ấy là người đa tài đa nghệ, thích nghiên cứu về những vấn đề đó. Anh ấy còn có giấy chứng nhận chuyên gia phần mềm, có công ty phần mềm thậm chí định trả lương cao để mời anh ấy về, nhưng anh ấy thích nghề khảo cổ, tiếp tục phục vụ cho sự nghiệp thanh bần của mình.



- Thế thì đúng rồi! Anh đã mang máy vi tính của Giang Hà về Sở, đã tìm hiểu rất kỹ ổ cứng của máy và đã phát hiện ra một phần mềm đối thoại. Không còn nghi ngờ gì nữa, phần mềm này chính là do Giang Hà thiết kế, anh phải thừa nhận, chỉ số thông minh của Giang Hà rất cao. Phần mềm anh ấy thiết kế không chê vào đâu được, làm cho em lầm tưởng cho rằng người trong máy vi tính nói chuyện với em chính là Giang Hà thật. Kỳ thực, bất kể là ai, chỉ cần mở thư mục “Bạch Bích vào đi” đều được máy nhận là em, đều có thể được nghe đoạn nói chuyện thứ nhất của Giang Hà. Những ngày này, anh đã thử rất nhiều lần, mỗi lần vào đoạn thứ nhất đều là những câu ấy. Về sau anh đã gõ vào máy những câu đứng từ góc độ của em và mang khẩu khí của em, ví dụ “Giang Hà, em rất nhớ anh”, “Vì sao anh lại bỏ em”, “Anh chết như thế nào”, thế là, trong máy tự động trả lời theo góc độ và khẩu khí của Giang Hà, thông thường câu trả lời sẽ là: “Bạch Bích em hãy quên anh đi!”, “Đây là một sai lầm, một sai lầm không thể tránh khỏi, kết cục của sai lầm là cái chết.”



- Đừng nói nữa! - Bạch Bích bỗng thấy xúc động, cô ngắt lời Diệp Tiêu, cúi đầu, vai rung lên.



- Anh nói không sai chứ? - Diệp Tiêu cảm thấy những hành động của mình hôm nay đối với Bạch Bích hơi tàn nhẫn, nhưng anh buộc phải nói cho cô biết sự thật.



- Bạch Bích, anh biết rằng anh nói như thế sẽ làm em rất đau khổ, nhưng anh không thể để em cứ sống mãi trong những ảo tưởng và hy vọng hão huyền, anh muốn giải cứu em.



Bạch Bích lắc đầu không nói gì.



Diệp Tiêu tiếp tục nói:



- Giang Hà thiết kế phần mềm ấy thực ra rất hoàn hảo, đã có trí tuệ nhân tạo, có đủ khả năng phân tích những câu em gõ vào máy, sau đó nhập vào hệ thống mô phỏng tư duy mà Giang Hà đã thiết lập, rồi tiến hành “suy ngẫm”, giống như hoạt động của bộ não con người. Sau đó căn cứ vào kết quả “suy ngẫm”, theo phương án trả lời đã được thiết kế sẵn, lấy những từ, những câu trong kho dữ liệu nội bộ của anh ấy ra và phản ánh lên màn hình, khi xem sẽ thấy giống như hỏi và đáp. Đây thật sự là một cuộc nói chuyện hoàn hảo giữa người và máy. Đúng vậy, anh cũng không mảy may nghi ngờ việc em hoàn toàn tin tưởng vào cuộc nói chuyện với Giang Hà, bởi vì hệ thống này được thiết kế rất khéo. Giang Hà tuy đã chết, nhưng tâm huyết của anh ấy có lẽ đã kết tụ trong hệ thống này rồi. Từ góc độ này mà nói, thông qua hệ thống này có thể thực hiện giao lưu giả định với Giang Hà. Đương nhiên, đối với em chỉ vẻn vẹn có thế thôi, còn đối với Giang Hà thì đã chết rồi làm sao còn nhìn thấy gì. Người thông minh chỉ có thể sử dụng trí tuệ của mình lúc còn sống, mới có thể làm cho mình sống mãi trong lòng người khác và anh ta vẫn có thể làm cho người khác nhớ đến mình, thậm chí yêu mình ngay cả khi đã chết. Điều này là đúng, vì sao bao nhiêu người tuy đã chết hàng trăm, hàng ngàn năm mà nhân loại vẫn nhớ đến họ. Từ ý nghĩa này mà nói, linh hồn của họ tất phải sống trong lòng người khác. Giang Hà không phải là một danh nhân, nhưng chí ít anh ấy có thể dùng trí tuệ để làm cho em không thể quên được anh ấy, anh ấy mãi mãi sống trong lòng em.



Diệp Tiêu nói thao thao bất tuyệt, thấy Bạch Bích có vẻ không chịu đựng thêm được nữa, nhưng anh vẫn phải nói ra những lời này, anh lại uống thêm một ngụm nước ngọt, đồng thời lặng lẽ quan sát Bạch Bích.



Bạch Bích cuối cùng cũng lên tiếng:



- Nhưng vì sao Giang Hà phải làm thế cơ chứ?



Diệp Tiêu nói tiếp:



- Có lẽ, anh ấy đã sớm thiết kế hệ thống phần mềm này, đến khi dự cảm được mình có thể chết, anh ấy đã đem tất cả những lời sẽ nói với em nhập vào hệ thống. Anh ấy đã chuẩn bị nó một cách thanh thản, chỉ tiếc là, trong khi đang chuẩn bị cho cái chết của mình, anh ấy đã cảm thấy đau khổ.




Nói đến đây, trước mắt Diệp Tiêu vụt hiện lên hình ảnh Giang Hà trên bàn phẫu thuật, khi ấy, anh cứ ngỡ nhìn thấy mình đang bị mổ bụng moi gan, cuối cùng thì đâu là mình, đâu là người chết.



- Đã đành anh ấy có nhiều điều phải nói, nhưng sao không trực tiếp nói với em? - Bạch Bích hỏi nhỏ.



- Điều này em phải rõ hơn anh, bởi vì Giang Hà không muốn em bị cuốn vào những việc anh ấy đã bị cuốn vào, muốn em rời xa nơi đó, không gặp phải nguy hiểm. Nhưng sự việc lại ngược lại với điều mong muốn, anh ấy làm như vậy chỉ càng khiến em liều mạng xông vào Viện Nghiên cứu khảo cổ. Đấy có lẽ là điều trước khi chết Giang Hà đã không nghĩ đến, nhưng chí ít anh ấy cũng đã đoán đúng, em dứt khoát sẽ đến tìm hiểu máy vi tính.



Bạch Bích không biết nên nói gì, cô nhớ đến cái đêm trong Viện Nghiên cứu khảo cổ, “Giang Hà” trong máy vi tính đã thừa nhận có quan hệ với Tiêu Sắt, hoá ra anh ấy đã lường hết tất cả, anh ấy đã chuẩn bị hết những điều cần nói, chỉ đợi Bạch Bích phát hiện ra là sẽ nói chuyện với cô.



Diệp Tiêu nói tiếp:



- Bạch Bích, anh vẫn còn một vấn đề cần biết, em có biết Dư Thuần Thuận không?



Bạch Bích bỗng cảm thấy tim mình như có luồng điện chạy qua, cô gật đầu:



- Vì sao anh lại hỏi đến ông ấy?



- Vì hai câu thơ. - Giọng nói của Diệp Tiêu bỗng trở lên cung kính, nghiêm túc.



- Hai câu thơ nào?



- “Trời cao chưa lưu dấu tích, chim nhỏ đã bay qua.” - Diệp Tiêu thong thả đọc hai câu thơ.



Hai vai Bạch Bích run lên, cô tránh cái nhìn của Diệp Tiêu. Trước mắt cô lại hiện lên hình ảnh cô bé 18 tuổi nhìn thấy người đàn ông để râu, còn cả việc cô che mặt đứng khóc giữa đường vào ngày hè oi ả.



Diệp Tiêu hỏi tiếp:



- Vừa mở đầu hệ thống phần mềm tự thiết kế của mình, Giang Hà đã sử dụng hai câu thơ này, đây là danh ngôn của nhà thám hiểm nổi tiếng Dư Thuần Thuận. Anh ấy dứt khoát biết Dư Thuần Thuận và rất thích hai câu thơ này, đúng không?



- Em không biết Giang Hà có biết Dư Thuần Thuận không, nhưng em đã từng gặp con người này.



- Thật à? - Diệp Tiêu cảm thấy bất ngờ.



Bạch Bích gật đầu, cô đã lấy lại được tinh thần, ngẩng đầu lên, ánh mặt trời lọt qua cửa kính rọi vào làn da gần như trong suốt của cô, làm chói cả mắt Diệp Tiêu. Trông giống như một bức ảnh nghệ thuật được chụp bằng phương pháp đặc biệt.



Cô bình tĩnh nói:



- Đó là vào năm 1996, một hôm, em đọc báo biết Dư Thuần Thuận trở về Thượng Hải và sẽ có cuộc nói chuyện với sinh viên một số trường đại học, thế là em lập tức đến nghe.



Trong lòng Diệp Tiêu bỗng cảm thấy xúc động, những ngày tháng cũ hiện lên trong đầu anh. Anh rất muốn kể cho Bạch Bích nghe về sự tôn sùng của anh đối với Dư Thuần Thuận và mơ ước trở thành nhà thám hiểm của mình, nhưng anh đã ghìm lại được, anh bình tĩnh trở lại nói với Bạch Bích:



- Em nói tiếp đi, anh đang nghe!



- Chẳng có gì đáng nói nữa, lúc ấy em mới 18 tuổi, chỉ suy nghĩ viển vông, đến bây giờ em vẫn không hiểu vì sao hồi đó em lại hăng hái đi nghe Dư Thuần Thuận nói chuyện đến thế, có lẽ bởi vì em cảm thấy cô đơn. Anh biết rồi đấy, bố em đã sớm ra đi, mẹ thì quanh năm suốt tháng ở bệnh viện Tâm thần, nên em mới nảy sinh hứng thú với những chuyến đi bộ dũng cảm khắp Trung quốc của Dư Thuần Thuận. Ông ta một mình đi bộ du lịch ở phía tây hoang lạnh, chắc là cô đơn lắm. Mà...



Bạch Bích hình như vẫn muốn nói gì nữa, nhưng lại thôi.



- Nói tiếp đi!



- Hết rồi, chỉ có thế thôi, chẳng qua là tiện thì nói!




- Không, em nói rất hay, có lúc anh cũng rất đồng cảm! - Diệp Tiêu nhìn Bạch Bích, biết cô đang có tâm sự, anh chỉ lạnh nhạt nói:



- Em biết không, Giang Hà và Dư Thuần Thuận có một điểm chung, họ đều đi qua hồ La Bố.



Bạch Bích gật đầu.



Diệp Tiêu nói:



- Điều không giống nhau của họ là, Giang Hà chết sau khi từ hồ La Bố trở về Thượng Hải, còn Dư Thuần Thuận đến hồ La Bố thì không trở lại nữa, ông ta đã chết trong vùng đất hoang của hồ La Bố.



- Em biết!



- Dư Thuần Thuận quyết tâm đánh bại tư tưởng cho rằng tháng 6 không thể đến hồ la Bố được. Khí hậu khắc nghiệt nhất ở hồ La Bố là vào tháng 6. Ông tiến vào hồ La bố vào lúc nóng nực nhất, sau đó rẽ ngang qua lòng hồ khô cạn. Đáng tiếc là ông đã đi nhầm đường và bị lạc trong đất hoang hồ La Bố, giống như lạc vào mê cung. Ông trở thành kẻ xa lạ cùng đường, cuối cùng đã bị chết vì thiếu nước và suy kiệt cơ thể. Khi người ta tìm thấy thi thể của ông, ông đang nằm trong một cái lều bạt, thân thể loã lồ, toàn thân đều bị trương phềnh và mọc đầy những bong bong nước, vô cùng thê thảm.



- Đừng nói nữa! - Bạch Bích càng lúc càng xúc động. Cô không thể chịu đựng nổi những điều Diệp Tiêu tả về cái chết của Dư Thuần Thuận, bởi vì trước mặt cô như đang hiện lên bóng hình một khuôn mặt nam tử hán râu dài.



Diệp Tiêu không hiểu cô, tiếp tục nói:



- Nhưng có một điều anh không hiểu nổi, Dư Thuần Thuận đã đi khắp đất nước trong những điều kiện hoàn cảnh khắc nghiệt, nguy hiểm khác nhau. Ngay cả những nơi như cao nguyên Thanh Tạng ông cũng chỉ dựa vào đôi chân trần của mình mà đi hết, thậm chí có lúc phải ăn gió nằm sương, nhưng ông đều vượt qua được. Cho đến Tân Cương, ông cũng đi qua nhiều lần, băng qua bao nhiêu là sa mạc và đất hoang, tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm. Nhưng vì sao lại chịu thất bại trên mảnh đất hồ La Bố ấy?



- Đấy là số mệnh!



- Không, anh không tin vào số mệnh! - Diệp Tiêu nói to, anh vươn cổ ra thở một hơi dài, sau đó giọng nói lại trở lại hiền hoà như thường:



- Bạch Bích, anh xin lỗi, anh hơi kích động. Anh chỉ thích nhất hai câu thơ ấy của Dư Thuần Thuận.



- “Trời xanh chưa để lại dấu tích, chim nhỏ đã bay qua”. - Bạch Bích lẩm bẩm đọc.



Diệp Tiêu nhìn cô, gật đầu hiểu ý, họ mỗi người đều hiểu ý nghĩa của lời thơ theo ý riêng của mình, sau đó anh đứng dậy nói:



- Bạch Bích, thật ra chúng ta đều là những con chim nhỏ bay qua bầu trời. Thôi, anh về đây!



Nhưng khi mới bước ra đến cửa, anh bỗng nghe thấy Bạch Bích hỏi từ phía sau: - Tối mai anh có rảnh không?



- Tối mai à? Tối mai vở kịch “Đoạn hồn Lâu Lan” do bạn anh đạo diễn sẽ công diễn, anh phải đến xem.



Bạch Bích bỗng mỉm cười:



- Hoá ra anh cũng đi, thế thì tối mai trước lúc mở màn, mình gặp nhau ở cửa rạp nhé.



Diệp Tiêu gật đầu, ra khỏi phòng. Vừa đi xuống cầu thang, vừa nghĩ đến những câu nói cuối cùng của Bạch Bích, trong lòng thoắt nóng, thoắt lạnh, đó là ám hiệu hay là điềm báo gì đây? Anh không dám nghĩ nhiều, chỉ lặng lẽ đọc thầm hai câu thơ của Dư Thuần Thuận, để mặc cho nó dần dần tràn ngập trái tim.


 
Chương 43


Trời đã tối, đèn hoa sáng rực, lác đác đã có người đến rạp. Bạch Bích vẫn mặc bộ quần áo màu đen cũ, nhìn về phía cổng rạp có treo bức tranh quảng cáo “Đoạn hồn Lâu Lan”. Đó là bức quảng cáo do cô vẽ. Cô cảm thấy lúc này màn đêm vừa mới buông xuống, đây chính là thời gian tốt nhất để xem bức tranh. Ánh đèn màu xanh ở cổng rạp chiếu thẳng vào bức tranh, ánh sáng vừa phải, nếu sáng quá sẽ làm mất đi bầu không khí.



Ánh mắt của cô gái trong tranh nhìn thẳng về phía trước, ánh mắt đó làm cho toàn bộ bức tranh có tính lập thể, trông giống như cô gái đang bê đầu người yêu từ trong tranh bước thẳng ra đường. Cái cảm giác đó bất giác làm cho Bạch Bích phải lùi lại mấy bước. Cho đến bây giờ, Bạch Bích mới bắt đầu cảm thấy kinh ngạc, cô không dám tin bức tranh này lại do chính tay cô vẽ, thậm chí cô còn hoài nghi bản thân không hiểu có vẽ nổi bức tranh như thế này không. Chí ít cô cũng thừa nhận, nếu như bây giờ bảo cô vẽ lại một bức tranh giống như thế này, chắc chắn cô không vẽ được. Đặc biệt là vẽ cái đầu người bê bết máu kia, nó hiện lên nổi bật trước cổng rạp, làm cho rất nhiều người bộ hành trên đường cũng phải bất giác nhìn lên mấy lần. Bạch Bích đứng ở cổng rạp chú ý đến những biểu hiện của mọi người sau khi xem bức tranh, hầu như những người đến đây đều dừng lại nhìn một lúc rồi mới bước vào rạp. Có lẽ ngoài cái đầu người ra, đôi mắt của cô gái cũng thu hút sự chú ý của mọi người.



Bạch Bích quay đầu nhìn sang bốn phía, đèn đường đã bắt đầu bật sáng, mọi người lũ lượt kéo nhau vào rạp, nhưng Diệp Tiêu vẫn chưa đến. Trong rạp đã sắp bắt đầu diễn rồi, Bạch Bích cứ đứng đợi ở cổng, cho đến khi nhìn thấy Diệp Tiêu đang vội vã băng qua con đường đối diện đi đến.




- Anh xin lỗi, đã đến chậm, hôm nay giao ban hơi muộn! - Diệp Tiêu thở gấp gáp.



- Anh thường xuyên bận như thế này à?



- Ừ, từ ngày nhận vụ án Giang Hà, anh luôn bận thế này, đi, chúng ta vào thôi!



Diệp Tiêu nói xong định đi vào trong, bỗng anh nhìn thấy bức tranh quảng cáo, anh dừng lại nhìn, lông mày nhướn lên.



Bạch Bích đi bên cạnh hỏi:



- Anh thấy bức tranh này thế nào?



- Trông giống như một cơn ác mộng!




- Anh nói gì cơ?



- Anh bảo, nhìn bức tranh này, anh thấy như gặp một cơn ác mộng. - sắc mặt Diệp Tiêu có vẻ lấp lửng.



- Vì sao?



- Không vì sao cả, bởi vì anh đã nằm mơ thấy nó. - Diệp Tiêu nhìn thẳng vào Bạch Bích, nhẹ nhàng nói:



- Anh cảm thấy cái đầu người cô gái trong tranh đang ôm kia... chính là anh.



Bạch Bích đứng chết lặng, không biết nên trả lời thế nào cho phải.




Diệp Tiêu nói tiếp:



- Có lẽ người vẽ bức tranh này là người thường mơ thấy ác mộng.



- Người đó chính là em! - Bạch Bích lạnh lùng nói:



- Bức tranh này là em vẽ đấy. Chúng ta vào thôi, không đứng ở đây nữa, trong kia bắt đầu rồi.



Diệp Tiêu giật mình, định giải thích mấy câu về sự thất ngôn vừa rồi của mình, nhưng thấy Bạch Bích đã đi vào rạp, anh đành bước theo sau.


 
Chương 44


Trong rạp tối thui, quả nhiên, trên sân khấu đã bắt đầu diễn. Bối cảnh sân khấu là một thung lũng hoang vắng và lạnh lẽo, mộ phần rải rác khắp nơi, không khí âm u đáng sợ. Bạch Bích đoán người phụ trách mỹ thuật và dàn dựng sân khấu của đoàn phải là người thích xem tiểu thuyết của Stephen King. Quốc vương trẻ Thành cổ Lâu Lan đang tự hỏi tự đáp theo kiểu gần như độc thoại. Bạch Bích chưa xem được phần biểu diễn trên sân khấu, cô đang tìm ghế ngồi trong bóng tối, chẳng bao lâu cô đã tìm thấy, đồng thời cô kéo luôn cả Diệp Tiêu ngồi xuống ghế bên cạnh. Mặc dù vé của họ không phải là một cặp, nhưng trong rạp còn nhiều ghế trống, cho nên hầu như khán giả không ai ngồi đúng chỗ của mình.



Diệp Tiêu ngẩng đầu lên nhìn một lượt những khán giả đang ngồi trong bóng tối. Tuy người đến xem không nhiều lắm, nhưng chí ít cũng vượt quá con số mà anh tưởng tượng. Anh luôn sợ rằng vở kịch của La Chu lần đầu công diễn, người diễn kịch nhiều hơn người xem kịch, nếu thế thì gay to, nhưng giờ được như thế này cũng khá ổn rồi. Đại để trong số năm, sáu trăm chỗ ngồi của rạp lấp đầy được khoảng một nửa, như thế là không tồi đâu. Có lẽ do công tác quảng cáo bỏ nhiều công phu, đã lôi cuốn được một số học sinh của Học viện Sân khấu, cũng có thể còn do bức áp phích của Bạch Bích vẽ nữa.



Rất nhanh, màn thứ hai bắt đầu, sự thay màn liên tiếp với khoảng cách ngắn như thế thường ít gặp. Đến nỗi những học sinh của Học viện Sân khấu ngồi bên dưới còn cho rằng đây là loại kịch tiên phong mang tính thực nghiệm. Trong màn thứ hai, Bạch Bích nhìn thấy Tiêu Sắt, nếu so với hai lần luyện tập trước mà Bạch Bích đã xem thì trạng thái của Tiêu Sắt hôm nay khá tốt. Cô diễn rất thật và đi vào lòng người, không giả tạo như những lần trước.



Bạch Bích bỗng nhiên nhớ tới cuộc nói chuyện với Tiêu Sắt ở quầy bar lần trước. Lúc này cô cảm thấy hối hận, cô hiểu rằng việc cô giận dữ bỏ đi là hơi nóng vội, điều đó đã làm tổn thương đến người bạn thân thiết nhất của cô. Cô không nên bỏ đi như thế. Tiêu Sắt cần cô, cô nên ở lại chăm sóc cho cô ấy, và không để cho Tiêu Sắt uống thêm bia nữa. Tiêu Sắt thực ra cũng rất đáng thương, cũng chìm đắm trong sợ hãi và đau khổ. Khi ấy, điều cần nhất là một trái tim ấm áp của bạn bè, có lẽ chính điều đó sẽ giúp chiến thắng được mọi nỗi sợ hãi. Cho dù mọi điều Tiêu Sắt nói đều là sự thật, thì sự việc cũng đã xảy ra. Mặc dù cô yêu người đàn ông ấy thì sự việc cũng đã kết thúc rồi. Giang Hà đã hoá thành đống tro tàn nằm dưới lòng đất. Giữa cô và Tiêu Sắt không còn trở ngại nào nữa, họ không cần phải làm tổn hại đến tình bạn của nhau vì một người đàn ông đã chết, cho dù cô yêu người đàn ông đó.



Nghĩ đến đây, thân thể Bạch Bích bỗng run lên. Cô lặng lẽ nhìn Diệp Tiêu ở bên cạnh. Trên những chiếc ghế tối đen, khuôn mặt của khán giả đều mờ mờ, chỉ nhìn rõ đường viền quanh mặt. Lúc đó, những đường nét của bộ mặt người đàn ông ngồi bên cạnh cô sao mà quen thuộc, sao mà thân thiết, đến nỗi cô bỗng cảm thấy người ngồi bên cạnh cô chính là Giang Hà. Cô tưởng tượng mình đang ngồi xem kịch với chồng chưa cưới, không, không phải chồng chưa cưới, mà là đức lang quân, bởi vì cô chợt nhớ ra, hôm nay chính là ngày cô và Giang Hà dự định tổ chức lễ cưới. Chính hôm nay, cô đáng lẽ được mặc váy cưới màu trắng, được cùng với Giang Hà uống ly rượu giao bôi trong tiếng chúc phúc của bạn bè. Cô đáng lẽ đã được hạnh phúc. Chính là ngày hôm nay, cô phải là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế giới, được mọi người ca ngợi, được mọi người chúc mừng, thậm chí còn bị ghen tị. Thế rồi đức lang quân của cô đưa cô vào phòng, sau đó đóng hết các cửa lại, trong thế giới riêng của hai người, họ sẽ làm tất cả những gì có thể làm. Thế là mặt cô đỏ bừng lên, thậm chí cô còn thấy phấn khích, phấn khích đến mức muốn đưa tay ra vuốt ve khuôn mặt quen thuộc của người đàn ông ngồi bên cạnh. Nhưng tất cả những cảm xúc đó chỉ thoáng qua chốc lát. Bạch Bích lập tức quay trở lại với thế giới thực tại, cô biết rằng đức lang quân của cô đã chết, đã biến thành một đống xương khô. Hôm nay chỉ là một ngày bình thường. Cô không phải là cô dâu, cũng không phải người phụ nữ hạnh phúc nhất thế giới. Ngồi cạnh cô, chẳng qua chỉ là một sĩ quan cảnh sát đang phụ trách điều tra vụ án về cái chết của chồng chưa cưới của cô. Vai Bạch Bích lại rung lên, nhưng Diệp Tiêu làm sao cảm nhận được những thay đổi của người con gái đang ngồi bên cạnh. Cô lắc đầu, cố gắng quên đi những tưởng tượng vừa đến trong đầu, định thần lại, tập trung nhìn lên sân khấu.



Lúc này trên sân khấu, Lam Nguyệt xuất hiện. Cô vẫn bịt mặt, để lộ đôi mắt to quyến rũ. Đôi mắt ấy như đang dõi về phía xa, lại như đang nhìn từng người trên sân khấu. Cái nhìn ấy không nghi ngờ gì nữa, đã làm cho tất cả những người có mặt trong rạp sững sờ. Bạch Bích chú ý đến khán giả xung quanh trước khi Lam Nguyệt xuất hiện, nhiều người đang thì thầm chuyện phiếm, những nữ sinh viên thì nhai quà vặt. Thế mà khi Lam Nguyệt xuất hiện, dưới sân khấu lập tức im bặt. Những cái miệng đang nhai quà vặt không ngừng nghỉ của đám nữ sinh cũng dừng cả lại. Tất cả đều tập trung nhìn lên sân khấu, lắng nghe tiếng nhạc và tiếng thoại, nhưng quan trọng nhất là tập trung vào đôi mắt của cô.



Cuối cùng, Lam Nguyệt đã thong thả nói ra câu thoại đầu tiên:



- Người mà Hoàng tử yêu là Công chúa, không phải ta!




Câu nói ấy có một sức mạnh thật sự, mặc dù chỉ là một câu nói ngắn, nhưng Bạch Bích cảm thấy nó vượt qua trăm nghìn câu nói khác. Sau đó, sân khấu chìm trong bóng tối, Lam Nguyệt biến mất, màn ngắn nhất trong cả vở kịch, cũng chính là kết thúc màn 2.



Tiếp sau đó, là những màn rất dài, màn 3, màn 4, màn 5. Bạch Bích cảm thấy những màn này tuy cấu tứ hay, nhưng tiết tấu tự thuật hơi chậm. Điều này không phù hợp với yêu cầu thưởng thức của những khán giả hiện đại, nhưng sự xuất hiện thường xuyên của bầu không khí sợ hãi đã lôi cuốn người xem. Đặc biệt là âm nhạc, dùng nhiều giai điệu và tiết tấu mang tính ám thị, có lúc dùng những diễn tấu nhạc cụ cổ. Trong âm hưởng chốc chốc lại hát đệm những tiếng độc thanh hay quần thanh. Đạo diễn chắc phải lao tâm khổ tứ nhiều lắm, nhưng hiệu quả thì lại hoá thành giống nhạc kịch. Có lẽ vở kịch này chuyển thành ca kịch có khi hay hơn.



Màn 6, Tiêu Sắt lại xuất hiện. Đây là đêm tân hôn của Công chúa Thành cổ Lâu Lan. Công chúa cuối cùng đã rõ, người Hoàng tử Vu Điền yêu không phải là mình, thế là Công chúa đau buồn khôn xiết. Tiêu Sắt diễn rất hay, Bạch Bích thậm chí còn cảm thấy khi Công chúa khóc không phải là biểu diễn hay diễn kịch mà là khóc thật. Bạch Bích và Tiêu Sắt chơi với nhau đã lâu nên cô biết Tiêu Sắt khóc thật là như thế nào, điều đó không ai có thể bắt chước được. Bạch Bích nhìn Tiêu Sắt trên sân khấu nước mắt đầm đìa cùng với dáng đau buồn của cô đã khiến mọi người đều đồng cảm. Bỗng cô cảm thấy Tiêu Sắt có biểu hiện không bình thường, nỗi đau thương của Công chúa đã vượt quá sự tưởng tượng của Bạch Bích. Có lẽ Tiêu Sắt nhập vai quá đạt, đến nỗi cho rằng mình chính là Công chúa Thành cổ Lâu Lan.



Màn 7, là cảnh Lam Nguyệt và Hoàng tử. Màn này vẫn đầy tính bi kịch. Màn 8 rõ ràng là giống “Romeo và Juliet” của Shakespeare, Hoàng tử ngộ nhận Lan Na đã chết nên đã tự vẫn ở Mộ phần cốc.



Màn 9, Lam Nguyệt và Tiêu Sắt cuối cùng đều cùng xuất hiện trên sân khấu. Bối cảnh của màn 9 trên sân khấu khiến Bạch Bích rợn tóc gáy. Trên phông vẽ những vị thần mặt mũi dữ tợn. Những vị thần này, có vị thì dẫm chân lên lưng người, có vị thì đang ăn thịt người, có vị thì xé người thành hai mảnh, hình như các vị thần này đều có quan hệ với các chư thần thuộc phái Ấn Độ giáo.Vừa mở màn, đã thấy Lam Nguyệt đang quỳ ở giữa sân khấu, mình mặc một bộ váy trắng rách nát, đầu tóc xoã xượi, trông giống như một nữ tù nhân. Tiêu Sắt trong vai công chúa đang nhìn cô bằng ánh mắt căm thù, Tiêu Sắt cất cao giọng hỏi Lam Nguyệt:



- Lan Na, mi chẳng qua chỉ là một con nô tỳ thấp hèn, có tư cách gì mà dám yêu Hoàng tử Vu Điền?



Lam Nguyệt vẫn rất tôn kính công chúa, cô cầu xin với giọng của kẻ dưới:



- Công chúa, xin người tha thứ cho những tội lỗi của thần!



- Không, ta hận ngươi, ta hận Hoàng tử! - Giọng Tiêu Sắt đầy vẻ căm thù.



- Công chúa tôn kính, Lan Na chỉ là một kẻ ti tiện thấp hèn, chưa bao giờ dám mơ tưởng xa xôi là có được Hoàng tử, chỉ mong công chúa có thể rộng lượng với chàng, đừng làm khó cho chàng, để chàng được hạnh phúc. - Lam Nguyệt dừng lại một lát, thể hiện đầy mâu thuẫn và đau khổ, sau đó cô cao giọng nói:



- Vì hạnh phúc của chàng, Lan Na nguyện suốt đời rời xa Hoàng tử.



Tiêu Sắt lắc đầu nói:



- Không, không, không, ngươi đã vĩnh viễn rời xa Hoàng tử rồi, ta muốn giết ngươi, dễ như trở bàn tay. Bây giờ ta muốn ngươi thề trước các vị thần linh Thành cổ Lâu Lan, mãi mãi không yêu Hoàng tử nữa.



Tiếp đó, trên sân khấu bỗng tối om, ánh sáng lập loè, lúc mờ lúc tỏ, như đang lạc vào một thế giới khác. Bỗng vang lên thứ âm thanh giống như tiếng tụng kinh, nhưng tốc độ rất nhanh, nhanh hơn nhiều so với với giọng đọc kinh trong chùa. Không ai hiểu được âm thanh ấy trong âm nhạc có ý nghĩa gì. Mấy diễn viên múa tiến vào sân khấu, dưới những chùm ánh sáng, Bạch Bích thấy họ đều mặc trang phục của người Tây Tạng cổ, trên đầu đội mũ da, có cắm lông vũ, tay lắc những dụng cụ rất lạ. Họ mềm mại chân tay, nhảy múa thoăn thoắt trong tiết tấu âm nhạc, vây tròn lấy Lam Nguyệt ở giữa sân khấu. Bạch Bích cảm thấy tiết mục đang biểu diễn trên sân khấu có tính tượng trưng, cô hiểu rằng những diễn viên múa là đại diện cho những ông đồng bà cốt. Điệu múa trên sân khấu có ý nghĩa là một buổi lễ cúng tế các thần linh. Theo sau điệu múa của các ông đồng bà cốt là những tiếng hô đồng thanh: Thề đi, thề đi!



Lam Nguyệt bỗng nhiên đứng lên, cô lựa theo nhịp của các ông đồng bà cốt cùng nhảy với họ. Động tác múa của cô rất đẹp, chân tay mềm mại, trông giống như một con hạc tiên. Bạch Bích rất ngạc nhiên tấm tắc trước điệu múa rất nghệ thuật của Lam Nguyệt, cô cho rằng Lam Nguyệt trước kia có lẽ đã học qua vũ đạo. Nhưng không phải là vũ đạo bình thường, mà là vũ đạo có tính trừu tượng và tính tượng trưng. Những ông đồng bà cốt ở xung quanh đã phối hợp rất ăn ý với cô ở trung tâm. Họ vừa nhảy vừa có sự giao lưu tương hỗ cho nhau. Bạch Bích nghĩ, đây có lẽ là mô phỏng theo cuộc đối thoại giữa người và thần linh chăng? Những ông đồng bà cốt đại diện cho thần linh, còn Lam Nguyệt đại diện cho con người. Người và thần linh giao lưu với nhau qua những ngôn ngữ của tay chân. Lam Nguyệt múa biểu hiện sự đau khổ ngày một tăng lên, những ông đồng bà cốt xung quanh hình như đang thúc giục cô, có lẽ lấy danh nghĩa thần linh bắt cô phải thề. Bỗng nhiên những ông đồng bà cốt xung quanh vây Lam Nguyệt ngày càng chặt, đến lúc nắm được tay chân cô, khiến cô toàn thân co quắp lại. Nhưng Lam Nguyệt bỗng đẩy mạnh những ông đồng bà cốt ra, lúc đó âm nhạc bỗng dưng ngừng bặt, những ông đồng bà cốt tới tấp lui ra khỏi sân khấu. Chỉ để lại hai người, cô và Tiêu Sắt.



Ánh sáng lại tập trung vào mặt Lam Nguyệt. Cô ngẩng đầu, sắc mặt nặng nề, nói:




- Hỡi vị thần trên ngôi cao chí tôn, người muốn con phải thề gì đây? Người muốn biết tấm lòng chân thật của con, hay muốn nghe những lời dối trá? Hãy tha thứ cho con, con không thể phản bội lời thề, bởi vì con biết, nếu con thề con không yêu Hoàng tử nữa, thì con sẽ từng giờ, tùng khắc, từng phút, từng giây phản bội lời thề của mình. Nó ở tận trong trái tim con. Con có thể phản bội lời thề của mình được không? Không, con không thể! Cho nên, con tự nguyện chết, nhưng con không thể không yêu Hoàng tử.



Ánh sáng lại chuyển sang tập trung vào mặt Tiêu Sắt, mặt công chúa từ thất vọng lại biến thành phẫn nộ. Cô làm một động tác phẩy tay. Một võ sĩ bước vào sân khấu, trong tay cầm một cái hộp, sau đó đặt cái hộp bên cạnh Lam Nguyệt, rồi đi ra khỏi sân khấu.



Công chúa lạnh nhạt nói:



- Nếu ngươi đã không thể không yêu chàng, thế thì hãy để cho các ngươi sẽ vĩnh viễn ở bên nhau.



Lam Nguyệt hơi nghi ngờ, cô mở cái hộp ra. Thoáng chốc, mặt cô biến sắc, như bị ai đánh thật mạnh, toàn thân cô run rẩy, sắc mặt trắng nhợt. Sau đó, cô nhìn Công chúa bằng cặp mắt đầy căm hận.



- Hoàng tử đã tự sát, ta chỉ sai người lấy đầu chàng mang tặng cho ngươi thôi. - Công chúa nói với tư thế của người chiến thắng.



Lam Nguyệt không trả lời, cô thò tay vào hộp, lấy từ trong hộp ra một cái đầu người.



Khán giả trong rạp lập tức ồn ào hẳn lên, tim Bạch Bích cũng thấy run rẩy, mặc dù cô biết cái đầu người ấy làm bằng nhựa. Nhưng phải nói cái đầu người này làm rất khéo, lại còn bôi màu đỏ, nhìn từ xa rất giống như đang nhỏ máu.



Lam Nguyệt ôm chiếc đầu người vào lòng, mắt nhìn thẳng về phía trước. Lúc này, trong mắt Bạch Bích, Lam Nguyệt trong bộ váy trắng trông giống hệt cô gái trong bức tranh quảng cáo; giống từ đôi mắt mơ màng, giống từ cánh tay để trần đầy dã tính; giống hơn nữa là đôi tay đang ôm đầu người. Đây không lẽ là một sự trùng hợp? Bạch Bích tự hỏi. Cô phảng phất thấy cô gái từ trong tranh bước ra, tay bê đầu người yêu, tiến vào cổng rạp, đi qua con đường tối, bước dọc theo hàng ghế khán giả, và bây giờ đang ở trung tâm sân khấu. Đúng vậy, cô ta có sinh mạng, nhân vật trong mỗi bức tranh đều có sinh mạng. Bạch Bích bắt đầu tin vào điều đó.



Lam Nguyệt giơ cao chiếc đầu người yêu, đưa gần lên môi hôn một cái, sau đó lại từ từ ôm vào lòng, môi cô đỏ au, giống như vừa uống máu, tất nhiên đó chỉ là thuốc đỏ quét trên cái đầu người giả dính lên môi cô.



Tiếp đó, Lam Nguyệt ngẩng đầu lên, không biết đang nhìn gì, thế rồi, cô bắt đầu nói:



- Hỡi MỘC Y ÁO, vị thần cai quản sự sống chết của con người và vạn vật trên đất Thành cổ Lâu Lan, người nhìn thấy chưa? Người nhìn thấy chưa? Con dân của người tàn nhẫn như thế này đây, thành phố mà người bảo hộ lạnh nhạt vô tình thế này đây. Người có còn tư cách gì để tồn tại trên thế giới này nữa không? Hỡi đấng toàn năng MỘC Y ÁO, người có nghe thấy tiếng kêu của con không? Con đã đánh thức người dậy trong giấc ngủ ngàn năm, hãy nghe lời nguyền rủa của con với Thành cổ Lâu Lan: Thành cổ Lâu Lan sẽ biến mất khỏi thế giới này. Hãy nhớ đây là lời nguyền vĩnh hằng, Thành cổ Lâu Lan mãi mãi biến mất trong lời nguyền của ta!



Tiếng Lam Nguyệt truyền đi khắp rạp, không biết ai đã điều tiết âm thanh lên đến mức to nhất. Tất cả những người có mặt đều bị lời nguyền inh tai nhức óc ấy làm cho kinh hãi. Mấy cô nữ sinh viên Học viện Sân khấu sợ đến phát khóc. Đến cả Bạch Bích cũng cảm thấy tai và tim mình cũng chịu không nổi tiếng nói ấy. Lời nguyền rủa đó cơ hồ vọng vào tận tim cô, mãi mãi không thể phai mờ.



Sau đó Lam Nguyệt mắt nhìn thẳng, tay chỉ vào mặt Công chúa, cất tiếng nói bằng cái miệng dính đầy máu người yêu:



- MỘC Y ÁO, MỘC Y ÁO, MỘC Y ÁO... con nhân danh Người nguyền rủa người đàn bà này. MỘC Y ÁO, MỘC Y ÁO, MỘC Y ÁO.



Tiếp đó, Lam Nguyệt cất tiếng cười lớn. Tiếng cười ấy một lần nữa vang lên, chấn động cả rạp hát, khiến những người có mặt sởn tóc gáy. Bạch Bích nghĩ có lẽ người phụ trách âm thanh của đoàn bị điên mất rồi, sao lại làm cho khán giả sợ chết khiếp đi thế?



Lam Nguyệt lấy trong người ra một con dao, cô vuốt ve đầu người yêu, sau đó, ung dung đâm lưỡi dao vào ngực mình. Một dòng máu tươi chảy ra từ ngực cô, nhuộm đỏ cả chiếc váy trắng. Cô mỉm cười nhìn thẳng về phía trước, người rung lên một hồi. Cô ngã xuống với một động tác rất đẹp.




Trong khi khán giả trong rạp thở dài trước cái chết của Lan Na, Công chúa cũng ngã xuống đất, nằm bất động. Khán giả đều cho rằng Công chúa vì sợ quá mà ngất đi. Sau khi hai người con gái ngã xuống, sân khấu trở lên yên lặng. Chỉ nhìn thấy hai xác người và một cái đầu trên mặt đất, cứ như thế, phải đến mấy phút trôi qua. Sân khấu bất thình lình trở nên im ắng khiến khán giả không hiểu ra làm sao. Mọi người cho rằng vở kịch đã đến đoạn cao trào, đang tập trung chờ xem kết cục cuối cùng, thế nhưng bỗng dừng cả lại. Chẳng lẽ vở kịch đã hết? Trong số khán giả đã thấy hiện tượng nhốn nháo, có người đã rục rịch rời khỏi ghế ngồi, có một số người bắt đầu tranh cãi ầm ĩ.



Bạch Bích cũng cảm thấy không yên tâm. Có cảm giác Tiêu Sắt trong vai công chúa đột nhiên ngã xuống là hơi bất thường. Cô cho rằng trong kịch bản không nên có tình tiết này. Cô đứng lên tỏ vẻ quan tâm nhìn về phía hai người con gái đang nằm im trên sân khấu.



Lúc đó trên sân khấu bỗng dưng xuất hiện một thanh niên mặc âu phục, hoá ra là đạo diễn La Chu. Dưới sân khấu mọi người cảm thấy hơi lạ, có người đã bắt đầu có lời trêu chọc. La Chu xông ra sân khấu, anh vấp phải Tiêu Sắt suýt nữa thì ngã, sau đó anh sờ lên mạch Tiêu Sắt, mấy giây sau, anh cũng sợ quá ngã lăn ra đất. Lúc đó Diệp Tiêu bỗng từ bên cạnh Bạch Bích đứng vụt lên, hô to:



- Nhất định là có chuyện rồi, tránh ra, mau tránh ra, tôi là cảnh sát đây!



Anh nhảy ra khỏi chỗ ngồi chạy thật nhanh lên sân khấu, lôi tay La Chu hỏi:



- Xảy ra chuyện gì rồi?



La Chu sợ quá, giương đôi mắt kinh hoàng nhìn Diệp Tiêu không biết trả lời thế nào. Anh ngơ ngác chỉ tay về phía Tiêu Sắt đang nằm, nói:



- Cô ấy... cô ấy... chết rồi!



Trong khi Diệp Tiêu đang bận xem mạch Tiêu Sắt, từ dưới sân khấu Bạch Bích nhìn thấy Lam Nguyệt bỗng nhiên đứng lên từ đằng sau Diệp Tiêu và Tiêu Sắt. Lam Nguyệt bỏ cái đầu người giả ra khỏi người, “máu” trên người cô đã chảy hết, toàn thân cô là một màu đỏ, ngay cả mặt cũng dính rất nhiều máu, như vừa giết người xong. Mặt cô trắng bệch. Cô đứng nhìn Diệp Tiêu và La Chu từ phía sau và cả Tiêu Sắt nằm trên sàn sân khấu. La Chu trong nỗi sợ hãi kinh hoàng và Diệp Tiêu đang bận nhìn Tiêu Sắt trên sàn đều không để ý đến Lam Nguyệt đã đứng dậy. Bạch Bích từ chỗ ngồi của mình nhìn lên Lam Nguyệt trên sân khấu, trong lòng bỗng trào dâng một nỗi sợ hãi lạ kỳ. Miệng Lam Nguyệt lộ ra một vẻ rất đặc biệt, cô ta quay người nhìn xuống dưới sân khấu. Bạch Bích cảm thấy hình như cô ta đang nhìn mình, đúng rồi, cô ta đang nhìn Bạch Bích. Ánh mắt của Lam Nguyệt vượt qua mười mấy hàng ghế hướng thẳng vào mắt Bạch Bích, sau đó cô ta thong thả rời khỏi sân khấu, đi ra phía sau, biến mất khỏi tầm mắt của mọi người.



Diệp Tiêu cảm thấy như có tiếng động phía sau, anh quay lại nhìn, Lam Nguyệt đang nằm trên sân khấu đã biến mất, còn Tiêu Sắt, người đang nằm cạnh anh, mặc bộ trang phục Công chúa Thành cổ Lâu Lan thì đã chết thật rồi.



Tiêu Sắt chết rồi.



Diệp Tiêu thấy cảm thấy ủ dột, anh lắc đầu đứng lên, cố gắng nhấc La Chu vẫn đang run rẩy nằm trên sân khấu dậy. Anh đưa mắt nhìn xuống Bạch Bích ở dưới sân khấu, ánh mắt nặng nề của anh đã thông báo cho Bạch Bích biết về cái chết của Tiêu Sắt.



Bạch Bích chìm đắm trên ghế, đầu cúi xuống, khóc một cách tuyệt vọng.



Trên sân khấu, cái đầu giả kia vẫn đang lăn lông lốc...


 
Chương 45


- Diệp Tiêu hãy cứu tớ! - La Chu vội vàng kêu lên.



Anh nhìn thẳng vào mắt Diệp Tiêu, như sợ Diệp Tiêu bỗng đột nhiên biến mất khỏi mắt anh không để lại chút vết tích nào. Trong phòng ngột ngạt khó thở, có mùi gì đó rất khó chịu, đã trọn một ngày anh không ra khỏi cửa, lại còn đóng chặt tất cả các cửa sổ. Từ sáng sớm tới giờ, cả ba bữa đều ăn đồ nguội. Bộ mặt của anh càng khó coi, tóc rối bù thành một mớ hôi rình, như lôi về từ đống rác.



- Đừng sợ! - Diệp Tiêu an ủi.



La Chu đứng lên, lo lắng nhìn quanh gian phòng, vừa nhìn vừa nói:



- Từ lúc sự việc xảy ra đến giờ đã hơn 20 tiếng đồng hồ rồi, vẫn chưa có chút tin tức gì về Lam Nguyệt, có trời mới biết cô ta đi đâu.



- Cô ta là do cậu tuyển về, thế mà cậu không có địa chỉ hoặc hồ sơ gì về cô ta à?



La Chu ân hận nói:



- Không có địa chỉ, cũng không có hồ sơ hay sơ yếu lý lịch gì hết, chỉ có số điện thoại di động của cô ấy thôi, mấy hôm trước còn gọi được, nhưng hôm qua sau khi sự việc xảy ra, máy của cô ấy tắt, không sao gọi được. Tớ thật là hồ đồ.



- Lúc đó mình chỉ chú ý đến Tiêu Sắt nằm trên sân khấu, cố gắng xem mạch cô ta, làm hô hấp nhân tạo, hy vọng cứu sống được cô ta, nên không chú ý đến Lam Nguyệt ở phía sau. Khi đó khán giả nhìn thấy Lam Nguyệt bình tĩnh đứng dậy coi bộ chẳng sợ sệt gì, lại còn ung dung đứng đằng sau nhìn chúng mình, sau đó lặng lẽ đi ra phía sau sân khấu. Có người còn nói bộ dạng của cô ta lúc đó rất lạ. Họ đoán Lam Nguyệt lúc đó vẫn đắm chìm trong vai diễn chưa dứt ra được, cho nên hình như không tỏ ra thương cảm hay quan tâm đến Tiêu Sắt đã chết trong trang phục Công chúa Thành cổ Lâu Lan.




- Lam Nguyệt vẫn nhập vai diễn à? Ai mà biết được chứ. Đoạn này chúng tớ tập rất nhiều lần rồi, trước khi công diễn mọi chuyện đều tốt, không thấy có chuyện gì bất thường. - La Chu vẫn tiếp tục đi vòng tròn quanh phòng.



Diệp Tiêu nhìn La Chu vòng đi vòng lại trong phòng trước mặt anh, thấy chóng cả mặt, anh nói với La Chu:



- Đừng quay nữa, ngồi xuống đi, La Chu! Cậu căng thẳng quá đấy, không cần thiết phải như vậy đâu. Chiều nay, đã có báo cáo khám nghiệm về cái chết của Tiêu Sắt rồi, nguyên nhân chết là do bị tắc nghẽn động mạch chủ dẫn đến tim ngừng đập.



- Nói như thế nghĩa là Tiêu Sắt chết bất ngờ ư?



Diệp Tiêu trầm xuống một lúc rồi nói:



- Đương nhiên là thế, có những vấn đề tớ chưa thể cho cậu biết được.



La Chu cuối cùng cũng ngồi xuống, anh nhấp nhổm không yên nói:



- Tớ lúc này rất sợ, sợ Lam Nguyệt bỗng dưng xuất hiện trước mặt, giống như lúc cô ấy đột ngột bỏ đi. Đêm qua có người ở sau sân khấu nói, nhìn thấy cô ấy từ sân khấu xuống, cho rằng vẫn biểu diễn bình thường, đã hạ màn, nên không chú ý đến cô ấy, để cô ấy đi vào phòng hoá trang. Đến khi chúng mình nhớ đến cô ấy thì phòng hoá trang đã chẳng còn một bóng người. Không ai nhìn thấy cô ấy đi đâu, có lẽ cô ấy không vào phòng hoá trang, mà đi luôn ra cửa sau của rạp.



- Thế nghĩa là cậu cho rằng cái chết của Tiêu Sắt và Lam Nguyệt có liên quan đến nhau à?



- Có quỷ biết được! - La Chu thở dài một tiếng:



- Xin lỗi, tớ không muốn nghĩ nhiều nữa. Theo kịch bản, Lam Nguyệt trên sân khấu diễn rất đúng, lại còn diễn rất xuất sắc nữa. Còn Tiêu Sắt diễn cũng rất hay, ít nhất cũng hay hơn nhiều so với sự tưởng tượng của tớ. Nhưng trong kịch bản, Công chúa không chết ngay tại chỗ, cô ta còn sống tiếp cho đến khi Thành cổ Lâu Lan bị hủy diệt vì thiếu nước, cô ấy buộc phải rời bỏ hoàng cung, khi đến Phần mộ cốc mới lộ chân tướng.



- Chân tướng gì?



- Công chúa và Lan Na là hai chị em sinh đôi.



- Thế thì phải tìm hai diễn viên giống nhau chứ?



- Không, trong kịch bản hai người không giống nhau, đó cũng là hiện thực cuộc sống. Hai người chung bào thai lớn lên không giống nhau rất nhiều. Cũng có những người rất giống nhau nhưng không có quan hệ huyết thống với nhau.



Diệp Tiêu sững người, anh nghĩ ngay đến mình và Giang Hà, chẳng phải là tình huống thứ hai mà La Chu vừa nói đến đó sao? Anh không muốn nghĩ ngợi thêm, lạnh lùng nói:



- Thực tế, lúc đó nhìn từ tình tiết cụ thể trên sân khấu thì Lan Na đã nguyền rủa Công chúa, còn Công chúa thì chết ngay tại chỗ bởi lời nguyền của Lan Na. Lan Na lúc đó gọi MỘC Y ÁO gì gì đó, là có nghĩa gì?




- Ồ, đó là vị tên vị thần trông coi sự sống chết của Thành cổ Lâu Lan, theo truyền thuyết, chỉ cần tên của thần MỘC Y ÁO vang lên, người bị nguyền rủa sẽ khó thoát được.



- Ai nói với cậu như vậy?



- Lam Nguyệt, cô ấy bảo cô ấy tìm thấy trong thư viện.



Diệp Tiêu thấy hơi lạ, hỏi:



- Cô ấy cũng tham gia viết kịch bản?



La Chu cúi đầu, hơi ngượng nói:



- Tớ chỉ còn cách nói thật. Cậu biết không, ý tưởng kịch bản này thực ra là của Lam Nguyệt, Lam Nguyệt đã đưa ra bố cục đại thể của toàn bộ câu chuyện, khiến tớ phải bỏ kịch bản cũ, sử dụng phương án của cô ấy. Cậu biết không? Cô ấy là một cô gái rất thông minh, cực kỳ thông minh, tớ thừa nhận chỉ số thông minh của cô ấy cao hơn của tớ nhiều.



- Cô ấy có nói gì về quá khứ của mình không?



- Chưa bao giờ, vả lại tớ không hứng thú với quá khứ và đời tư của người khác.



Diệp Tiêu thở dài một cái, lắc đầu, nói:



- Không biết quá khứ của cô ta, cũng không biết cô ta sẽ đi đâu, lẽ nào cô ta là hồn ma?



- Đừng, đừng nói thế, tớ không chịu được đâu! - Vẻ mặt của La Chu đặc biệt đau khổ.



Diệp Tiêu nhìn thần sắc kinh khủng của La Chu, nhưng anh buộc phải nói ra những điều canh cánh trong lòng:



- La Chu, lần trước tớ đến tìm cậu đã nhìn thấy Lam Nguyệt.



La Chu lắc đầu nói:



- Đủ rồi, cô ấy đã nói rồi tớ sẽ hối hận, bây giờ, tớ thật sự là hối hận. Diệp Tiêu cậu hãy tin tớ, tớ là kẻ bất hạnh, cậu đừng cho rằng tớ và cô ấy có quan hệ gì, mà nên cho rằng tớ và cô ấy chỉ là bạn bè. Thực ra, tớ và cô ấy chỉ có đêm đó thôi, vẻn vẹn có thế, không có quan hệ nhiều hơn đâu. Đây hoàn toàn chỉ là một lần ngoài ý muốn, hãy tin tớ!



- La Chu, trước tiên, tớ không nói Lam Nguyệt nhất định có liên quan đến cái chết của Tiêu Sắt, cho dù chúng ta đã nắm được chứng cứ, chứng minh trước khi chết Tiêu Sắt đã có mâu thuẫn với Lam Nguyệt về vai diễn, nhưng chưa dẫn đến cãi cọ nhau, Lam Nguyệt cũng luôn nhường Tiêu Sắt. Có nhiều khả năng sau khi nhìn thấy Tiêu Sắt chết, Lam Nguyệt sợ quá, không dám ở lại đoàn kịch nữa, nên đã bỏ đi. Mặt khác, cho dù Lam Nguyệt có liên quan đến cái chết của Tiêu Sắt, cũng không thể chứng minh cậu có liên quan đến việc này. Trước mắt duy nhất chỉ có một khả năng liên quan, đó là cậu là đạo diễn kiêm biên kịch của vở kịch, chỉ có như vậy thôi. Rõ chưa? Cậu đừng nên lo lắng nữa!



- Mong là như vậy!




Diệp Tiêu bỗng nghĩ ra điều gì:



- La Chu, lúc đang diễn hoặc trong quá trình tập có xảy ra chuyện gì đặc biệt không?



- Chuyện đặc biệt à? Hình như không có.



- Thế khi Lam Nguyệt nói câu cuối cùng, âm thanh trong rạp bỗng tăng vọt lên đến kinh người, làm cho những khán giả có mặt đều hoảng sợ, việc ấy là sao? Đấy có phải khi đạo diễn cậu cố ý sắp xếp như vậy không?



Bên tai Diệp Tiêu như vẫn vang lên tiếng nguyền rủa đinh tai nhức óc mà Lam Nguyệt phát ra, đặc biệt là ba tiếng: Mộc Y Áo.



- Không, không phải, âm lượng đúng ra phải bình thường. Về sau tớ có hỏi người phụ trách âm thanh, anh ta nói, khi đó bộ phận tăng âm bỗng nhiên bị trục trặc, không thể nào điều khiển được. Âm lượng tự nhiên tự động nhảy lên đến mức cao nhất, không có cách gì khống chế được. Nhưng cũng rất lạ là sau khi diễn xong, anh ta thử điều khiển lại thì mọi thứ lại bình thường, việc tăng âm bị trục trặc đến giờ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.



- Thật chẳng hiểu ra làm sao cả. - Diệp Tiêu lẩm bẩm.



- Diệp Tiêu, tớ tiêu rồi, tiêu thật rồi. Hôm nay nhà đầu tư cho đoàn kịch gọi điện thoại cho tớ, nói rằng đoàn kịch đã chính thức giải tán. Họ không thể tin tưởng tớ nữa, họ không phải không tin vào khả năng của tớ, trong điện thoại họ nói hiệu quả đêm diễn rất tốt, họ giải tán đoàn kịch vì sợ bị nhiễm cái xúi quẩy của bọn tớ. Nói thật, lần đầu tiên công diễn bị chết người ngay trước mặt bàn dân thiên hạ, làm sao có thể nói là thuận lợi được, ai chẳng sợ. Từ nay về sau, tớ chẳng còn được đứng trong cái ngành này nữa rồi, tớ coi như đã bị họ tuyên án tử hình. Số phận, số phận thật không công bằng! - La Chu thở dài não nề.



Diệp Tiêu ngồi nghe La Chu than thở, hôm nay anh đã nghe không biết bao nhiêu lần. Anh chỉ biết lắc đầu, nhìn đồng hồ, đêm đã khuya rồi, anh đứng lên, nói:



- La Chu, tớ không thể cứ chăm sóc cậu như thế này mãi được, tớ còn phải đi giải quyết vụ án của tớ, cậu hãy tự lo nhé. Hãy mở các cửa sổ ra, cho thoáng khí, đừng sợ, nếu không cậu sẽ bị mình làm cho chết ngạt đấy!



- Cảm ơn cậu, Diệp Tiêu! - La Chu cuối cùng cũng bình tĩnh lại đôi chút.



- Thôi được rồi, tớ đi đây, tạm biệt!



Diệp Tiêu ra về, một mình anh bước đi trong cầu thang giữa đêm tối.



Trong phòng chỉ còn lại một mình La Chu. Anh thong thả bước đến bên cửa sổ, nhìn ra trời đêm bên ngoài. Tay anh hơi run, anh đang đắn đo xem có nên mở cửa sổ không. Cuối cùng, anh mở toang cửa sổ, một cơn gió thu thổi ập vào, lạnh đến thấu xương.


 
Chương 46


Bạch Bích buồn bực đi đi lại lại, bỗng cô dừng bước, nhìn ra cảnh sắc ngoài cửa sổ.



Đã 11 giờ đêm rồi.



Trong mắt Bạch Bích lại hiện lên màn kịch tối hôm qua ở rạp hát. Ánh mắt của Lam Nguyệt khiến cô vô cùng sợ hãi. Cô cố gắng trấn tĩnh lại, bỗng cô nhớ ra điều gì đó. Cô lấy cái túi của mình mở ra, động tác rất vội vàng, tìm mãi mới thấy một mảnh giấy. Cô gọi một cuộc điện thoại theo số máy ghi trong mảnh giấy đó. Ngay lập tức điện thoại vang lên tiếng trả lời: “Xin lỗi quý khách, số điện thoại quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được.”



Lòng Bạch Bích trĩu nặng, cô gác máy. Mắt cô lại nhìn lên mảnh giấy, trên mảnh giấy viết những chữ sau: “Điện thoại di động của Lam Nguyệt: 1365374...”




Bạch Bích nhìn chằm chằm vào những chữ viết trên mảnh giấy, bỗng như nhớ ra cái gì, trong mắt cô lại hiện lên hình ảnh cuộc nói chuyện giữa cô và Lam Nguyệt ngay trước bức tranh quảng cáo ở rạp hát hôm ấy.



Trong cuộc nói chuyện lần ấy, họ nói về “Đất hoang”, Lam Nguyệt nói “Đất hoang” là bài thơ cô ta thích nhất.



Bạch Bích cố gắng nhớ lại từng câu Lam Nguyệt nói hôm đó. Cô lại một lần nữa cúi nhìn tờ giấy mà Lam Nguyệt viết cho cô, nhìn những dòng chữ viết rất đẹp đó, cô đã liên tưởng đến một điều, cô lấy từ trong ngăn kéo ra một cuốn sổ tay nhỏ bìa trắng. Đây chính là cuốn sổ tay cô mang về ở căn phòng Giang Hà bị chết, hôm đến đó để xem xét đồ đạc của Giang Hà.



Bạch Bích nhẹ nhàng mở cuốn sổ ra, trong đó có chép toàn bộ bài thơ “Đất hoang”.



Cuối bài thơ, bên dưới dòng chữ “T.S Eliot” - tên tác giả, còn viết: “Nhiếp Tiểu Thanh tặng Giang Hà.”



Bạch Bích cầm tờ giấy Nhiếp Tiểu Thanh viết cho cô lên đối chiếu với bút tích trong cuốn sổ nhỏ. Cô giật mình phát hiện, bút tích trên tờ giấy Lam Nguyệt viết và bút tích trong “Đất hoang” trong cuốn sổ nhỏ rất giống nhau, như cùng một người viết ra.



Bạch Bích thấy hoảng sợ vô cùng.



Bạch Bích lại tìm thấy đoạn đầu của bài thơ “Đất hoang” trong cuốn sổ nhỏ:



Tháng tư là tháng khắc nghiệt, gây ra



Màu tím tử đinh hương của đất, rồi hòa




Ký ức với ước mong, và gây xúc động



Nguồn cội mơ màng bằng mưa xuân trút xuống.



Bạch Bích lấy chữ “nguyệt” trong chữ Lam Nguyệt trên tờ giấy đối chiếu với chữ “Nguyệt” trong câu: “Tứ nguyệt thị tối tàn nhẫn đích nhất cá nguyệt...” (Tháng tư là tháng khắc nghiệt, gây ra...) bút tích của hai chữ “nguyệt” này hoàn toàn giống nhau, giống như copy từ bản chính.



Cuối cùng Bạch Bích đã rõ.



Cô lại lật phía sau cuốn sổ lên, cuối bìa viết hai chữ: “Lời nguyền”.



Bạch Bích đứng lên, đi đi lại lại mấy bước trong phòng, mắt cô bỗng bắt gặp bức ảnh cô và Giang Hà chụp chung, cô vội chạy đến trước bức ảnh, nói với Giang Hà trong ảnh:



- Giang Hà, cô ta là ai? Nói cho em biết đi, nói đi!



Bạch Bích thở dài, cô nhấc điện thoại lên, bấm một số máy, sau đó cô nói vào trong máy:



- A lô, có phải anh Diệp Tiêu đấy không? Em là Bạch Bích đây!



5



Diệp Tiêu đang ngủ trên giường, mắt nhắm mắt mở bật đèn ngủ, anh bật máy di động, nói:




- Bạch Bích, em đấy à, muộn thế này rồi còn có chuyện gì vậy?



Mấy giây sau.



- Cái gì? Có liên quan đến Lam Nguyệt?



Diệp Tiêu nghe Bạch Bích nói trong điện thoại, không nói gì, cuối cùng mới hỏi:



- Nhiếp Tiểu Thanh à?



Sau một lúc im lặng, anh nói:



- Anh rõ rồi, thì ra là như vậy, em đi ngủ đi!



Điện thoại tắt rồi. Mắt Diệp Tiêu mở thật to.


 
Chương 47


Diệp Tiêu lại đến Viện Nghiên cứu Khảo cổ, anh gõ cửa phòng làm việc của viện trưởng.



- Mời vào!



Diệp Tiêu bước vào phòng. Văn Hiếu Cổ đang ngồi trước bàn làm việc, vừa nhìn thấy Diệp Tiêu, ông ta giật bắn người, nhưng ngay sau đó đã lấy lại vẻ mặt bình thường, cười nói:



- Cảnh sát Diệp, anh đến có việc gì vậy? Lần trước nhờ anh giúp đỡ, chúng tôi đã tìm lại được số di vật bị mất, vẫn chưa kịp đến cảm ơn.



- Viện trưởng Văn, không cần phải cảm ơn đâu. Tôi đến là để điều tra về một người.




- Được rồi, trước hết hãy ngồi xuống đi đã.



Diệp Tiêu ngồi xuống ghế, tiếp tục nói:



- Viện trưởng Văn, Nhiếp Tiểu Thanh, ông có biết người này không?



- Nhiếp Tiểu Thanh à? - Văn Hiếu Cổ biến sắc.



Diệp Tiêu phát hiện thấy gì đó qua vẻ mặt ông ta:



- Có gì không đúng sao, Viện trưởng Văn?



- Không, không có gì! - Văn Hiếu Cổ lại nhìn anh cười cười, - Nhiếp Tiểu Thanh là một nghiên cứu sinh đến đây thực tập thạc sĩ, do giáo sư Lý của Viện Nghiên cứu Cổ sinh vật giới thiệu.



- Thế bây giờ cô ta đang ở đâu?



Văn Hiếu Cổ lắc đầu nói:



- Không biết, cô ta chỉ thực tập ở đây có hơn một tháng rồi đi.



- Cô ta đi khi nào?




- Khoảng trước khi Giang Hà chết mấy ngày.



- Viện trưởng Văn vì sao ngay từ lúc bắt đầu điều tra ông không cung cấp cho chúng tôi những tình tiết này?



- Tôi tưởng Nhiếp Tiểu Thanh không có liên quan gì đến cái chết của Giang Hà, cô ta chỉ là một thực tập sinh bình thường thôi mà.



Diệp Tiêu lạnh lùng buông một câu:



- Viện trưởng Văn, ông không có điều gì giấu tôi đấy chứ?



- Không, không bao giờ!



- Thôi được. Viện trưởng Văn, tôi còn một vấn đề nữa, gần đây ông cảm thấy sức khoẻ thế nào?



Văn Hiếu Cổ cảm thấy khó hiểu:



- Sức khoẻ của tôi à? Rất tốt.



- Tôi có một đề nghị, ông hãy đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ tổng thể, được không?




- Cảnh sát Diệp, tôi thấy hơi lạ, vì sao anh lại đưa ra đề nghị này?



Diệp Tiêu trả lời rành rọt từng chữ:



- Tôi nghe nói Viện Khảo cổ các ông trước khi Giang Hà chết một tháng có đi miền Tây tham gia một cuộc khảo cổ. Tổng cộng có năm người đi, Giang Hà, Hứa An Đa, Trương Khai, Lâm Tử Tố và cả ông nữa. Bây giờ, bốn người kia đều chết rồi, chỉ còn lại mình ông, ông không cảm thấy kỳ lạ sao?



Văn Hiếu Cổ biến sắc mặt:



- Anh đang nghi ngờ tôi sao?



- Không, tôi đang lo cho ông!



- Không cần đâu, tôi sẽ cẩn thận!



Sắc mặt Diệp Tiêu trầm xuống:



- Mong là như vậy, tôi về đây!


 
Chương 48


Giáo sư Lý của Viện Nghiên cứu Cổ sinh vật đang đi dưới một dãy giá sách cao. Ánh sáng trong thư viện rất kém, những tia sáng mờ mờ từ bên ngoài ô cửa sổ bé và hẹp hắt vào, làm cho bóng ông từ từ lay động, kéo thành một vệt đen dài trên mặt đất.



Bỗng nhiên, trước mặt giáo sư xuất hiện một thanh niên, anh ta nhếch mép cười, nói:



- Giáo sư Lý, chào ông, tôi là người của Sở Công an, có một số việc cần gặp ông tìm hiểu tình hình.



Nói xong, anh lấy giấy chứng nhận ra, trên giấy chứng nhận đề tên Diệp Tiêu.



Giáo sư Lý ngạc nhiên:



- Có chuyện gì thế?



Diệp Tiêu nghiêm sắc mặt nói:



- Giáo sư Lý, tôi muốn hỏi về một người, cô ta tên là Nhiếp Tiểu Thanh.



- Hỏi cô ta làm gì, cô ta là một sinh viên của tôi.




- Xin hỏi, cô ta bây giờ ở đâu?



- Không biết!



Diệp Tiêu cảm thấy tính cách ông già này có vẻ lạ lùng, anh không hiểu, hỏi: - Vì sao?



- Thời gian trước Nhiếp Tiểu Thanh được tôi điều sang thực tập ở Viện Nghiên cứu khảo cổ, nhưng sau khi thực tập xong, về viện được hai ngày thì không thấy tăm hơi đâu, tìm đâu cũng không thấy. Viện tôi đã báo cơ quan công an về vụ mất tích này rồi.



Diệp Tiêu không chịu buông tha, hỏi:



- Xin lỗi, tôi có thể xem tư liệu và ảnh của cô ấy được không?



Giáo sư Lý gật đầu, nói:



- Anh đi theo tôi!



Họ rời khỏi thư viện.



Trong hành lang, Giáo sư Lý vừa đi vừa hỏi:



- Nhiếp Tiểu Thanh phạm pháp à?



- Không, chúng tôi chỉ nghi ngờ cô ta có liên quan đến một vụ án.



- Có phải vụ án chết người liên tiếp ở Viện Nghiên cứu Khảo cổ không?



Diệp Tiêu nhíu lông mày:



- Giáo sư Lý, hoá ra ông cũng biết sự kiện này rồi.



- Đều do người ta đồn thôi, một cơn gió làm động một ngọn cỏ, người ta đã biết rồi. Nghe nói, những người này đều bị chết vì bệnh tim phải không?



- Đúng vậy!



- E rằng, không đơn giản như vậy!



Diệp Tiêu hỏi ngược lại:




- Giáo sư Lý, thế theo ông thì sao?



Giáo sư Lý chưa kịp trả lời, cả hai đã bước đến phòng Hồ sơ. Giáo sư Lý mở tủ, lấy ra một tập tài liệu đưa cho Diệp Tiêu, nói:



- Đây là tài liệu về Nhiếp Tiểu Thanh, anh tự xem lấy nhé!



Diệp Tiêu mở cặp tài liệu ra, trong đó có một sơ yếu lý lịch do Nhiếp Tiểu Thanh tự khai, ở góc trên bên phải có dán một tấm ảnh của cô ta. Diệp Tiêu sau khi xem bức ảnh, bỗng ngẩn người ra, ánh mắt anh giống như cái đinh, lập tức bị đóng chặt vào tấm ảnh. Đúng vậy, người con gái trong tấm ảnh chính là Lam Nguyệt.



Trong mắt Diệp Tiêu lúc này lại hiện lên cuộc gặp gỡ Lam Nguyệt ở dưới chung cư của La Chu hôm đó.



Diệp Tiêu lại quay trở lại hiện thực, anh mở to mắt nhìn bức ảnh Nhiếp Tiểu Thanh trước mặt. Anh nói nhỏ với mình:



- Hoá ra Lam Nguyệt chính là Nhiếp Tiểu Thanh, họ là một người.



Giáo sư Lý hình như không nghe rõ, hỏi:



- Anh nói gì cơ?



- Không, không có gì.



Diệp Tiêu tiếp tục xem đến lý lịch tự thuật của người có tên Nhiếp Tiểu Thanh. Bản lý lịch này do cô ta tự khai, ba chữ Nhiếp Tiểu Thanh viết ngay ngắn, nét chữ đẹp như rồng bay phượng múa.



Diệp Tiêu ghi lại địa chỉ nơi ở của gia đình Nhiếp Tiểu Thanh trong tập tài liệu, sau đó anh quay lại hỏi Giáo sư Lý:



- Xin lỗi giáo sư, ấn tượng của ông về Nhiếp Tiểu Thanh như thế nào?



Giáo sư Lý nghĩ một lúc rồi nói:



- Cô ấy rất thông minh, trong học tập và nghiên cứu cô đây thường suy luận ra được nhiều vấn đề từ một vấn đề, cô ấy hay đưa ra những quan điểm giàu sức tưởng tượng. Đặc biệt là học rất giỏi môn Vi sinh vật cổ đại.



Diệp Tiêu nghĩ ngay đến một điều, lập tức cắt ngang lời của Giáo sư Lý:



- Vi sinh vật cổ đại? Giáo sư Lý, ông có thể nói rõ thêm một chút được không?



- Đó là nghiên cứu về hình thái, quá trình biến hoá của vi sinh vật cổ đại, và ảnh hưởng của nó với xã hội loài người trong lịch sử.




- Giáo sư Lý, vi rút cũng thuộc về vi sinh vật à?



- Đúng thế, mấy tháng trước, Nhiếp Tiểu Thanh viết một luận văn có liên quan đến bệnh truyền nhiễm cổ đại. Cô ấy chủ yếu phân tích dưới góc độ vi sinh vật học, ví dụ như bệnh lý của Cái chết Đen[27] ở châu Âu thời kỳ Trung cổ, sự phát sinh và đặc tính lây truyền của vi rút dịch hạch lúc đó.



Diệp Tiêu không hiểu, hỏi:



- Vì sao giáo sư lại giới thiệu Nhiếp Tiểu Thanh đến thực tập ở Viện Nghiên cứu Khảo cổ?



- Là do Nhiếp Tiểu Thanh chủ động đề nghị được đến thực tập ở Viện Nghiên cứu Khảo cổ. Tôi cũng không hiểu vì sao cô ấy lại làm như vậy. Nhưng quan hệ cá nhân giữa tôi và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khảo cổ Văn Hiếu Cổ rất tốt. Tôi nghe nói họ mang về một cái xác cổ khô, rất hợp cho Nhiếp Tiểu Thanh làm tư liệu sống và dẫn chứng cho luận văn của cô ấy, cho nên, tôi đã đồng ý giới thiệu cô ấy với Văn Hiếu Cổ.



- Nói như vậy có nghĩa là Nhiếp Tiểu Thanh là chuyên gia trong lĩnh vực này. Giáo sư Lý, cô ta là người như thế nào?



- Cô gái này phẩm chất tốt, chưa thấy có hành vi xấu nào, chỉ hơi ít nói, tính cách thiên về nội tâm, à, cô ấy còn là người rất yêu thơ ca.



Diệp Tiêu gật đầu, nói:



- Được rồi, cảm ơn sự giúp đỡ của giáo sư, tôi xin phép về. Lần sau nếu có yêu cầu gì, chúng tôi vẫn rất cần đến sự giúp đỡ của giáo sư, tôi muốn nói là sự giúp đỡ về kỹ thuật.



- Sao lại về kỹ thuật?



- Đúng thế, chúng tôi đang nghi ngờ những cái chết ở Viện Nghiên cứu khảo cổ và Nhiếp Tiểu Thanh cùng với đề tài nghiên cứu của cô ta có liên quan đến nhau.



Giáo sư Lý giật mình nói:



- Nếu đúng là như thế thì rất nghiêm trọng.



Câu trả lời của Diệp Tiêu rất nặng nề:



- Điều tôi lo lắng chính là vấn đề này, Giáo sư Lý, ông là chuyên gia, tôi sẽ nhờ ông giúp đỡ khi cần, cảm phiền ông, tạm biệt!


 
Chương 49


Vườn hoa trong bệnh viện tâm thần vẫn yên tĩnh như mọi khi.



Mẹ Bạch Bích ngồi lặng lẽ một mình trước bồn hoa.



Bỗng bà nghe thấy sau lưng có tiếng bước chân, lúc đầu bà cho rằng đó là Bạch Bích, nhưng về sau bà đã nghe ra:




- Cô không phải Bạch Bích, cô là ai?



Người đó đi đến trước mặt mẹ Bạch Bích, mẹ Bạch Bích lúc này mới nhìn rõ cô ta. Cô ta chính là Lam Nguyệt.



Mẹ Bạch Bích ngắm cô ta rất kỹ, bà thấy khuôn mặt này có vẻ quen quen. Lam Nguyệt nhìn bà mỉm cười.



Mẹ Bạch Bích bình tĩnh hỏi:



- Cô là ai?



Lam Nguyệt tiến lại gần bà, nói với một giọng rất lạ:




- Nhìn mặt tôi đây, bà, bà quên tôi rồi sao?



Mặt mẹ Bạch Bích lập tức biến sắc, bà ngắm khuôn mặt và đôi mắt Lam Nguyệt, cố gắng lục tìm trong trí nhớ.



Mẹ Bạch Bích nhìn thẳng vào mắt Lam Nguyệt, mặt bà bỗng thay đổi một cách đáng sợ:



- Mã... Mã... Nhã. Cô là Mã Nhã? Không, không, không thể nào! - Bà lắc mạnh đầu, phủ định.



Lam Nguyệt vẫn nhìn thẳng vào mẹ Bạch Bích.



Mẹ Bạch Bích cuối cùng cũng hiểu ra:




- Trời ơi, tôi biết rồi, chẳng lẽ cô là...



Lam Nguyệt gật đầu, chớp chớp mắt ra chừng hiểu ý.



Mẹ Bạch Bích bỗng thở dài, nói:



- Cuối cùng cô cũng đã đến!



Lam Nguyệt cười bí ẩn, ánh mắt cô loé lên những tia sáng kỳ lạ.


 
Chương 50


Diệp Tiêu lần theo địa chỉ, tìm đến nhà Nhiếp Tiểu Thanh, đó là một chung cư bình dân. Anh dừng lại trước một cánh cửa, đúng đây rồi. Không có chuông, anh gõ cửa. Không có ai ra mở, anh gõ lại một lần nữa, vẫn không có ai.



Bỗng nhiên, cửa nhà bên cạnh bật mở, một ông già bước ra:



- Tìm ai đấy?



Diệp Tiêu cẩn thận hỏi:



- Xin hỏi đây có phải nhà cô Nhiếp không ạ?




- Đúng, nhưng nhà này mấy năm nay không có ai ở rồi. - Nói xong, ông già lại quay vào nhà, đóng cửa lại.



Diệp Tiêu đứng lại nghi hoặc.



Mười mấy phút sau, Diệp Tiêu đã có mặt ở trạm cảnh sát khu vực nhà Nhiếp Tiểu Thanh.



Trạm đã đóng cửa, nhưng anh vẫn tìm được anh công an hộ tịch, hỏi:



- Tôi muốn tìm hiểu về Nhiếp Tiểu Thanh nhà ở 404, chung cư 532 đường Dân Sinh.



Người cảnh sát hộ tịch lục tìm trong máy vi tính, đang tìm anh ta chợt nhớ ra, vỗ vào đầu, nói:



- Ồ, tôi nhớ ra rồi, Nhiếp Tiểu Thanh nhà 404, chung cư 532, đường Dân Sinh. Sáu năm trước ở đây xảy ra một vụ án.



Diệp Tiêu nghi ngờ hỏi:



- Án gì?




- Sáu năm về trước, ở khu vực chúng tôi xảy ra một vụ án hiếm thấy, bố nuôi hãm hiếp con gái nuôi, hồi đó vụ án này gây xôn xao dư luận.



Diệp Tiêu há hốc miệng kinh ngạc hỏi:



- Anh nói gì cơ?



- Đúng mà, vụ án này đến nay tôi còn nhớ như in, thật là ác độc! - Anh công an hộ tịch lắc đầu, thở dài:



- Một cô gái đẹp như hoa, lúc đó chỉ độ 17 tuổi, thế mà bị ông bố nuôi đầy thú tính... - Anh ta không nói tiếp mà cứ liên tục lắc đầu.



Diệp Tiêu như bị ai đánh mạnh, anh nắm chặt nắm đấm, sau đó lại cất tiếng thở dài. Anh nhẹ nhàng nói:



- Tôi hiểu rồi!



Tiếp đó anh lại hỏi:



- Anh vừa nói, Nhiếp Tiểu Thanh là con nuôi phải không?




- Đúng vậy! Nhiếp Tiểu Thanh được bố nuôi đón từ Trại trẻ mồ côi về nuôi. Thực ra, lúc nhỏ bố mẹ nuôi đối xử với Nhiếp Tiểu Thanh rất tốt, coi cô như con đẻ, cuộc sống của ba người trong nhà trôi qua một cách êm đẹp. Nhưng về sau, khi Nhiếp Tiểu Thanh học phổ thông trung học, mẹ nuôi cô lâm bệnh qua đời, chỉ còn hai bố con nương tựa vào nhau. Dần dần, bố nuôi cô mắc chứng nghiện rượu, say xỉn từ sáng đến tối. Một đêm, thằng cha này nốc say, đã mượn rượu hãm hiếp cô ấy.



Diệp Tiêu rủa thầm:



- Đồ súc sinh!



- Đúng thế, về sau thằng súc sinh đó bị án tù chung thân, cũng coi như đáng đời nhà nó, chỉ đáng thương cho Nhiếp Tiểu Thanh. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ hình dáng của cô bé, mặt mũi trắng trẻo, mắt rất to, trông cực kỳ xinh đẹp. Sau khi sự việc xảy ra, cô ấy không nói một lời, nhưng tinh thần chắc chắn bị tổn thương nặng nề, thật đáng thương. Nhưng nghe nói về sau cô ấy rất tiến bộ, đang học nghiên cứu sinh.



- Cảm ơn anh, làm phiền lúc các anh đang nghỉ, hết sức xin lỗi!



Diệp Tiêu đứng lên đang định về, bỗng nghe thấy tiếng người cảnh sát hộ tịch vang lên sau lưng: - Nhiếp Tiểu Thanh bây giờ sao rồi? Cô bé đáng thương ấy lại xảy ra chuyện gì à?



- Không, không sao, tạm biệt!


 
Chương 51


Sắc trời tối dần. Mẹ Bạch Bích và Lam Nguyệt yên lặng nhìn nhau.



Mẹ Bạch Bích thở dài một tiếng, hình như bà vừa nói rất nhiều, sau đó lại thong thả nói:



- Tất cả là như vậy, tôi đã nói cho cô tất cả những gì tôi biết rồi.




Vẻ mặt Lam Nguyệt rất lạ, cô nhìn thẳng lên trời, cố gắng ghìm giữ những giọt nước mắt, nhưng nước mắt vẫn cứ từ từ lăn ra khỏi khoang mắt, miệng lắp bắp muốn nói gì rồi lại thôi.



Mẹ Bạch Bích:



- Cô khóc à?



Bà đứng dậy, đưa tay ra, nhẹ nhàng lau những giọt nước mắt trên mặt cô.



Lam Nguyệt ngoảnh mặt, quay lưng lại với mẹ Bạch Bích.



Mẹ Bạch Bích có phần thất vọng nhìn cô nói:




- Xin lỗi!



Lam Nguyệt chợt quay đầu lại, từ từ buông ra ba chữ:



- Tôi hận bà!



Mẹ Bạch Bích trông rất đau khổ, vẫn nói:



- Xin lỗi!




Lam Nguyệt lắc đầu:



- Tất cả đã muộn rồi, muộn mất rồi!



Nói xong Lam Nguyệt bỏ đi, mẹ Bạch Bích nhìn theo bóng cô dần dần biến mất.



Từ trong góc, người bạn nữ bệnh nhân của mẹ Bạch Bích lặng lẽ đứng nhìn Lam Nguyệt bỏ đi.



Mẹ Bạch Bích tỏ ra cực kỳ tuyệt vọng.


 
Chương 52


Trời càng lúc càng lạnh, nhất là vào buổi tối, gió gõ vào cửa sổ, những cành cây theo gió đập vào cửa kính phát ra những âm thanh kỳ quái và hắt bóng vào trong phòng. Văn Hiếu Cổ không bật điều hoà, một mình ngồi trước bàn. Trông ông ta già đi nhiều, ba tháng trước, ông ta như một người mới ngoài 40 tuổi, sức lực dồi dào, thế mà bây giờ đã như người sắp bước sang tuổi ngũ tuần. Ông xoa xoa hai bên thái dương, mái tóc lưa thưa đã bạc nhiều, trên mặt xuất hiện những vết nám màu tro. Đó là biểu hiện của người bước vào tuổi già và cận kề cái chết. Thế mà lúc này, ông lại đang nhớ về tuổi thanh xuân của mình, nhớ về Phấn của ông.



Văn Hiếu Cổ mở ngăn kéo, lấy từ trong ngăn kéo ra một ít tế bào bọc trong một cái túi đặc biệt trong suốt. Ông bắt đầu nhớ lại...



Sáng sớm hôm Giang Hà chết, Văn Hiếu Cổ bước vào căn phòng đó, ông phát hiện ra thi thể Giang Hà. Ông vội vàng chạy đến bên Giang Hà thì phát hiện anh ta đã chết. Ông thấy rất đau lòng, chân tay lóng nga lóng ngóng, nhưng bỗng nhiên ông phát hiện thấy tay Giang Hà đang nắm rất chặt, thế là ông tìm cách để gỡ nắm tay đang nắm thành nắm đấm ấy ra. Ông phải dùng hết sức mới từ từ gỡ được tay Giang Hà ra, trong tay Giang Hà đang nắm cái tế bào này. Văn Hiếu Cổ nắm lấy tiêu bản tế bào vào tay, ông chần chừ một lúc, cuối cùng bỏ nó vào trong túi.



Văn Hiếu Cổ quay lại với hiện tại. Ông lại bỏ bao đựng tế bào vào trong ngăn kéo.




Ông lại lấy từ đáy ngăn kéo ra một khung ảnh, lặng lẽ ngắm nhìn tấm ảnh đen trắng đã trải qua rất nhiều năm tháng, nền của bức ảnh là một công trình kiến trúc cổ, trong ảnh có ba người. Ông đứng bên trái, Phấn đứng giữa, đứng bên phải là Bạch Chính Thu. Văn Hiếu Cổ trong ảnh trông thật trẻ trung, đôi mắt rất có thần, trông vừa nhanh nhẹn vừa quả cảm, nhìn trong ảnh, ông hơn hẳn Bạch Chính Thu. Bạch Chính Thu trong ảnh là một con mọt sách, trông gầy yếu, vẻ mặt không có biểu cảm gì. Đứng giữa là Phấn, cũng chính là mẹ của Bạch Bích hiện nay. Đó là một cô gái đẹp, trên mặt phảng phất nụ cười, tay phải cô nắm tay trái Văn Hiếu Cổ còn tay trái thì nắm tay phải Bạch Chính Thu, tạo thành bộ ba trong tấm ảnh. Lúc này, lòng bàn tay trái Văn Hiếu Cổ bỗng nóng bừng lên, ông như lại được cảm nhận nhiệt độ từ cơ thể Phấn qua bàn tay ấy. Nhưng ngay sau đó, tay ông lại trở lại lạnh lẽo như thường, ông cất tiếng thở dài, rồi cất khung ảnh vào ngăn kéo.



Ông không thể hiểu được vì sao hồi đó Phấn lại chọn Bạch Chính Thu chứ không phải ông, có lẽ đây cũng là do duyên phận trời định. Ông đã từng rất đau khổ vì điều đó, nhưng rồi chẳng bao lâu ông đã lấy lại được lý trí, lại trở thành bạn tốt của Phấn và Bạch Chính Thu. Cho mãi đến khi Bạch Chính Thu chết, ông vẫn còn nhớ rõ đêm trước hôm tổ chức tang lễ cho Bạch Chính Thu, Phấn gục vào vai ông khóc thổn thức, nước mắt ướt cả áo sơ mi của ông. Cái cảm giác ươn ướt, nong nóng như ngấm qua làn da thấm vào người ông. Tình cảnh thật trớ trêu, lúc đó Văn Hiếu Cổ rất muốn ôm Phấn vào lòng, nhưng ông nhìn thấy Bạch Chính Thu trong bức di ảnh đang nhìn mình, nên chỉ dám vuốt mái tóc của Phấn, sau đó nhẹ nhàng đẩy Phấn ra, lau đi những giọt nước mắt còn lưu trên người, rồi nhẹ nhàng nói với Phấn:



- Em có tin đây là lời nguyền đối với Bạch Chính Thu không?



Phấn lắc đầu đau khổ:



- Em không biết, em không biết. Bạch Bích nói nó mơ một giấc mơ, nó mơ thấy người phụ nữ kia.



Văn Hiếu Cổ hơi hoảng sợ nói:




- Là người phụ nữ đó à?



Phấn gật đầu:



- Vâng, lúc đó em nghĩ ngay đến lời nguyền đối với Bạch Chính Thu. Anh ấy chết đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 40 của mình. Bây giờ tất cả những sự việc xảy ra đều ứng nghiệm với lời nguyền đáng sợ đó. Em rất hối hận, đáng lẽ không nên cho anh ấy đi, giữ anh ấy ở nhà, như thế biết đâu lại tránh được.



Văn Hiếu Cổ trả lời:



- Có lẽ đó chỉ là ngẫu nhiên thôi, mà thế giới đang tồn tại trong sự ngẫu nhiên. Nếu như năm đó chúng ta đừng bước chân lên mảnh đất ấy, nếu Bạch Chính Thu không phạm phải sai lầm, nếu như cô gái đó... Thôi, anh không nói nữa, tất cả đều có khả năng không xảy ra, chẳng ai có thể đoán biết trước được. Nếu như đây đúng là lời nguyền thì chúng ta khó có thể thoát được.



Phấn không nói gì, chỉ lặng lẽ ngồi túc trực bên linh cữu người chồng quá cố, ba nén hương âm thầm cháy, những làn hương tỏa bay nhè nhẹ trong phòng.



Lúc đó, Văn Hiếu Cổ nhớ lại tất cả, có cảm giác tất cả như đang ở trước mắt. Thời gian và không gian như chệch hướng. Tất cả vẫn như đang tiến hành. Thế giới mãi mãi ở tư thế hành động, không có quá khứ. Ông cảm thấy đau hai vai, phải vất vả lắm mới ngồi thẳng lên được. Ông lại giở mấy tấm ảnh khác ở trên bàn, nói chính xác đó là những bức di ảnh. Bức thứ nhất là Giang Hà, cậu ấy vốn sẽ là con rể của Bạch Chính Thu; bức thứ hai là Hứa An Đa, bức thứ ba là Trương Khai, bức thứ tư là Lâm Tử Tố, Văn Hiếu Cổ đánh dấu gạch chéo trên ảnh của Lâm Tử Tố thể hiện sự căm ghét của ông với anh ta.




Còn bức ảnh thứ năm, đó chính là ảnh của Văn Hiếu Cổ.



Ông nhìn vào ảnh, giễu cợt cười đau khổ. Sau đó ông gật đầu với chính mình. Ông biết, thời gian của ông đã đến. Ông thong thả rời khỏi chỗ ngồi, vuốt ve một lúc chiếc bàn làm việc đã phục vụ ông suốt nhiều năm nay. Văn Hiếu Cổ quay đầu nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ, bên ngoài chắc là lạnh lắm, những cành cây đập vào cửa kính như đang nói chuyện với ông.



Bỗng ông thấy đau đầu, những giọt mồ hôi rịn ra trên trán ông. Ông đưa tay xoa lên tim, vẻ mặt đầy đau khổ, nhưng ông cố gắng chịu đựng.



Dần dần, cuối cùng ông cũng nghe thấy âm thanh đó, âm thanh đó đang vang vọng ngay bên tai ông, luồn sâu vào trái tim ông: MUYO... MUYO... MUYO...



Ông nghe thấy lời kêu gọi đến từ đồng hoang, nhưng ông không hề cảm thấy sợ hãi, vì ông biết điều này sớm muộn cũng sẽ đến. Thậm chí ông thấy trong lòng nhẹ nhõm và thanh thản, bởi ông biết rằng rồi sẽ có lúc ông phải đối diện với nó. Người ta, ai cũng đều rất sợ cái ngày này, nhưng không ai có thể tránh được, chẳng thà mặc kệ nó xảy ra tự nhiên, coi như không có chuyện gì xảy ra còn hơn run rẩy như rơi xuống vực sâu. Văn Hiếu Cổ thong thả đi ra khỏi phòng, bước ra hành lang tối om. Trong đêm tối, mặc dù không nhìn thấy gì, nhưng ông vẫn cảm thấy chính xác hình như mình nhìn thấy cái gì đó, thế là ông đi về phía đó.



Trong hành lang tối đen như mực, Văn Hiếu Cổ vừa đi vừa nói: Tôi đến đây!


 
Chương 53


- Văn Hiếu Cổ mất tích mấy hôm rồi? - Diệp Tiêu lạnh lùng hỏi, chốc chốc anh lại nhìn quanh, quan sát vẻ mặt những người trong Viện Nghiên cứu Khảo cổ.



- Sáng hôm qua phát hiện Viện trưởng Văn không đi làm, chúng tôi gọi điện đến nhà riêng cũng không có ai cầm máy, cho đến tận sáng nay, vẫn không có tin tức gì của ông ấy. Viện trưởng Văn là người rất tuân thủ giờ giấc, xưa nay chưa xảy ra tình trạng thế này bao giờ, đi làm luôn đúng giờ, hàng ngày còn thường đến trước nửa tiếng. Chúng tôi rất lo cho ông ấy. - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khảo cổ lo lắng nói.



Diệp Tiêu nhìn anh ta, hỏi bằng một giọng rất lạ:



- Xin lỗi, anh có tham gia đợt khảo cổ ba tháng trước ở Tân Cương cùng nhóm ông Văn Hiếu Cổ không?



- Không, hồi họ đi Tân Cương chúng tôi ở nhà suốt, có chuyện gì không vậy?



- Không có gì!



Phó viện trưởng như nhớ ra cái gì:



- À, còn việc này nữa, hôm qua tôi dùng chìa khoá mở cửa phòng làm việc của viện trưởng, thấy trên bàn của ông ấy có bày mấy tấm ảnh.



Diệp Tiêu vội ngắt lời anh ta:



- Xin lỗi, anh đã động đến hiện trường trong phòng làm việc của ông ta chưa?



- Chưa!



- Thế thì tốt, hãy đưa tôi đi xem thế nào!



Họ đi vào phòng làm việc của Văn Hiếu Cổ, Diệp Tiêu nhìn mấy tấm ảnh để trên bàn. Anh nhận diện được Giang Hà, Hứa An Đa, Trương Khai, Lâm Tử Tố, còn tấm cuối cùng là Văn Hiếu Cổ. Diệp Tiêu từ từ nhấc tấm ảnh của Giang Hà lên, vừa nhìn thấy khuôn mặt rất giống mình trong ảnh, không hiểu tại sao anh thấy rất xúc động.



Diệp Tiêu lại nhìn kỹ năm bức ảnh. Bỗng anh hỏi Phó viện trưởng:




- Anh xem thứ tự sắp xếp các bức ảnh có phải có một ám hiệu gì không?



- Ám hiệu? Ồ, cả năm người trong ảnh đều tham gia cuộc khảo cổ ấy, trong đó Giang Hà là người chết đầu tiên, thứ tự tiếp theo là Hứa An Đa, Trương Khai, rồi đến Lâm Tử Tố. Đúng rồi, bốn bức ảnh này được sắp xếp theo thứ tự thời gian chết của từng người.



Diệp Tiêu chỉ vào bức ảnh Văn Hiếu Cổ:



- Còn bức thứ năm là Văn Hiếu Cổ?



Lúc đầu Phó viện trưởng không hiểu, sau đó ông vỡ lẽ:



- Ý anh muốn nói...?



Diệp Tiêu gật đầu, ánh mắt sắc lạnh.



Phó viện trưởng thần sắc hoang mang, nhưng anh ta lắc mạnh đầu:



- Không thể nào, không thể nào!



Diệp Tiêu bước ra khỏi phòng làm việc, đi đến hành lang, nhìn ra xung quanh. Ánh mắt anh nhanh nhẹn chăm chú vào từng xó xỉnh trong hành lang, anh như ngửi thấy có mùi gì, anh nói:



- Tôi đoán Văn Hiếu Cổ nhất định vẫn ở trong tòa nhà này.



- Làm sao lại có khả năng ấy chứ?



Diệp Tiêu không chú ý đến anh ta, tiếp tục nói:



- Anh có chìa khoá của tất cả các phòng trong nhà này không?



Phó viện trưởng gật đầu, sau đó lấy mười mấy chùm chìa khoá treo trên một cái bảng gỗ xuống, nói:



- Tất cả chìa khoá đều nằm ở đây.



- Đi, chúng ta đến phòng Giang Hà bị chết! - Diệp Tiêu lạnh lùng nói. Anh và Phó viện trưởng nhanh chóng rời khỏi hành lang, mở cửa, bước vào phòng của Giang Hà.



Căn phòng tràn ngập một thứ mùi lạ, có lẽ là bởi vì đã lâu không có dấu tích con người. Diệp Tiêu lại nhìn thấy cái đầu người chết bày trong tủ, không biết tại sao anh thấy tim mình đập nhanh hơn. Phó viện trưởng vừa bước vào phòng, đã không dám động đậy gì, giọng anh ta run run:



- Phòng này đã có hai người chết rồi, cảnh sát Diệp, anh điều tra một mình nhé.



Diệp Tiêu nhìn anh ta với vẻ khinh miệt, sau đó thận trọng quan sát căn phòng một lượt. Ngoài cái máy điện tử ra, trên bàn Giang Hà không còn thứ gì. Máy vi tính thì đã được mang đến phòng làm việc của Diệp Tiêu. Ở đây rất nhiều bụi, chứng tỏ không có ai đến. Anh hơi thất vọng, lại xem xét đến cửa sổ và cửa kính, cả bên ngoài cửa sổ và những cành cây. Những cành cây run lẩy bẩy trong gió, có những cành trơ trụi lá, ánh lên màu điêu tàn lạnh lẽo của mùa thu.



Diệp Tiêu và phó viện trưởng ra khỏi phòng, sau đó họ đi kiểm tra hết các phòng trong căn nhà, nhưng không phát hiện thấy bất cứ dấu vết gì. Phó viện trưởng xoè hai tay ra nói:



- Cảnh sát Diệp, Viện trưởng Văn không thể nào còn ở đây, ông ấy nếu có chuyện gì thì cũng xảy ra ở bên ngoài, nhưng chắc là không sao đâu.



- Không, vừa nãy chúng ta bỏ qua một nơi.



Phó viện trưởng hơi nghi ngờ nói:



- Anh định nói là còn cái nhà kho?



- Tôi biết nơi đó người ngoài không thể tùy tiện vào, nhưng nếu có việc cần chúng ta có thể làm các thủ tục pháp luật thông thường để vào.



- Không, không cần, nếu như anh nhất định phải vào, tôi sẽ đưa anh vào. Không để người khác tùy tiện vào chủ yếu là vì lý do an ninh, đặc biệt là mới đây có việc Lâm Tử Tố lấy trộm di vật bỏ trốn. Nhưng anh là cảnh sát, lại đang điều tra vụ án, tôi có thể ngoại lệ một lần.



Họ đi đến cửa nhà kho. Phó viện trưởng cầm chùm chìa khoá đặc biệt, mở cánh cửa nặng nề. Diệp Tiêu và Phó viện trưởng từ từ đi vào nhà kho, một cảm giác lành lạnh khiến Diệp Tiêu thấy không thoải mái, anh vẫn như ngửi thấy có mùi gì. Trong nhà kho xếp hàng dãy tủ bảo hiểm, không biết bên trong để những gì, anh không quan tâm đến chúng, mà chú ý xem xét các góc nhà. Anh đi tiếp vào bên trong kho, thấy vẫn còn một cánh cửa nữa.




- Trong này là cái gì? Có thể mở ra được không?



- Được! - Phó viện trưởng dùng chìa khoá mở cánh cửa đó ra.



Bước vào bên trong căn phòng nhỏ ấy, dưới ánh đèn mờ mờ, họ nhìn thấy một cái lồng kính, bên trong có một xác người mặc váy trắng đang nằm. Diệp Tiêu nhớ đến những lời Bạch Bích nói với anh. Anh biết rằng đây chỉ là một cái xác ướp, nhưng nhìn thấy người con gái cổ này, tim anh bỗng run rẩy, cơn buồn nôn kéo đến.



- Đừng sợ, đây chỉ là một cái xác người cổ. Cái xác này do đoàn của Viện trưởng Văn mang từ Tân Cương về để nghiên cứu từ lần khảo cổ ấy. - Phó viện trưởng giải thích.



Diệp Tiêu nghĩ, làm khảo cổ và làm cảnh sát cũng có rất nhiều điểm giống nhau, đều phải tiếp xúc với nhiều người chết, nhưng cảnh sát thì tiếp xúc với những người vừa chết không lâu, còn khảo cổ thì tiếp xúc với những người đã chết từ hàng trăm, hàng nghìn năm. Nhà khảo cổ học và người cảnh sát đều phải từ người chết hoặc thông qua hoàn cảnh của họ để tìm ra những manh mối rồi tiến hành phân tích, từ đó đưa ra kết luận, tìm ra sự thật lịch sử hoặc chân tướng của vụ án.



Anh lại ngửi thấy có mùi gì, anh nhìn Phó viện trưởng hỏi:



- Anh có ngửi thấy mùi gì không?



Phó viện trưởng vẻ mặt đầy hoài nghi, nói:



- Có mùi gì thoang thoảng.



Phó viện trưởng vòng ra đằng sau chiếc tủ, bỗng anh đứng ngẩn ra, mặt trắng bệch, kêu lên một tiếng: - Trời ơi!



Diệp Tiêu lập tức nhanh chóng chạy đến bên anh ta, quả nhiên anh nhìn thấy đằng sau cái lồng kính, có một người nằm ngang: Văn Hiếu Cổ.



Không nghi ngờ gì nữa, cái mùi lạ kia chắc chắn là từ trên người Văn Hiếu Cổ. Mới nhìn Diệp Tiêu đã biết rằng Văn Hiếu Cổ đã chết. Anh cúi xuống sờ lên động mạch cổ của ông ta, quả nhiên là như vậy. Qua sắc da trên người của Văn Hiếu Cổ, có thể thấy ông ta chết được khoảng 20, 30 tiếng đồng hồ. Nhưng nhiệt độ ở đây hơi thấp, lại khô nên cơ thể chưa bị phân hủy, chỉ mới hơi bốc mùi.



Nhưng điều khiến cho Diệp Tiêu thấy lạ là, Văn Hiếu Cổ nằm trên mặt đất, hai tay giang hai bên, chân duỗi thẳng, hình như là cố ý nằm ở tư thế đó. Vẻ mặt ông ta rất bình yên, góc miệng hình như còn phảng phất nụ cười bí ẩn. Vì sao ông ta lại chọn chỗ này, bên cạnh một cái xác ướp. Diệp Tiêu bỗng quay đầu lại nhìn người con gái trong lồng kính, không hiểu sao anh thấy người run lên.



Phó viện trưởng sợ quá, anh ta lắp ba lắp bắp hỏi:



- Viện trưởng Văn chết rồi à?



- Đúng vậy, ông ấy đã chết rồi!



- Trời ơi, từ đây nhìn lại giống như một ngôi mộ cổ nam nữ hợp táng.



Diệp Tiêu ngẩn người ra, anh đứng lên nhìn, giống thật. Văn Hiếu Cổ nằm bên trái, xác ướp trong lồng kính nằm bên phải, trông giống như một nghi thức.



- Có lẽ Văn Hiếu Cổ nghiên cứu mộ cổ đến mê muội, nên khi tìm đến cái chết cũng muốn bắt chước hình thức an táng của mộ cổ.



Diệp Tiêu nhìn Phó viện trưởng và nghĩ về câu nói của anh ta. Thế rồi Diệp Tiêu nói với anh ta:



- Đợi một lúc nữa, trước khi cảnh sát đến khám nghiệm hiện trường, anh hãy ở lại đây, đừng bỏ đi, cũng đừng động vào bất cứ thứ gì.



Phó viện trưởng sợ hãi gật đầu, toàn thân run rẩy.



Mấy tiếng đồng hồ sau, việc khám nghiệm hiện trường đã hoàn tất, xác Văn Hiếu Cổ trong nhà kho đã được mang đi. Phó viện trưởng cũng đã quay lại khoá cửa kho. Tinh thần anh ta xem ra vẫn rất xấu, trông dáng vẻ dường như đã sức cùng lực kiệt.



Diệp Tiêu đứng cạnh Phó viện trưởng nói:



- Chúng ta hãy trở lại xem xét phòng làm việc của Văn Hiếu Cổ!



Họ lại trở lại phòng làm việc của Văn Hiếu Cổ.



Diệp Tiêu xem những bức ảnh trên bàn, anh bỗng nói:



- Tôi có thể mở ngăn kéo ra xem được không?



- Đương nhiên là được!




Diệp Tiêu mở ngăn kéo, trong ngăn kéo chủ yếu là những đồ dùng thường ngày, nhưng anh phát hiện thấy có một chiếc khung ảnh, trong lồng một bức ảnh đen trắng đã cũ. Đó là ảnh chụp chung thời thanh niên của ba người: Văn Hiếu Cổ, Bạch Chính Thu và mẹ Bạch Bích.



- Ba người này là ai?



- À, đó là bức ảnh chụp hơn 20 năm trước, bên trái là Văn Hiếu Cổ, bên phải là Bạch Chính Thu, ở giữa là Vu Phấn. Họ là bạn cùng học đại học, đều được phân công về công tác ở Viện chúng tôi, về sau Bạch Chính Thu lấy Vu Phấn.



Diệp Tiêu lập tức nhớ ra:



- Bạch Chính Thu, có phải là bố Bạch Bích không?



- Đúng, đúng vậy, trước kia Bạch Chính Thu hay mang con gái đến Viện làm việc, bây giờ tôi vẫn còn nhớ đứa bé gái có nước da trắng trẻo đó. Không ngờ cô bé lớn lên lại định lấy cậu Giang Hà ở Viện tôi, nhưng trước khi cưới một tháng thì Giang Hà bị chết, thật là một cô gái đáng thương. Còn Bạch Chính Thu thì đã chết vì tai nạn giao thông hơn 10 năm trước. Vu Phấn chẳng bao lâu sau cũng bị bệnh phải vào bệnh viện Tâm Thần. Chỉ còn lại một mình Văn Hiếu Cổ, bây giờ Văn Hiếu Cổ cũng đã chết, thế sự thật khó lường. - Phó viện trưởng bỗng hơi cảm khái.



Diệp Tiêu tiếp tục lục tìm trong ngăn kéo, bỗng nhiên anh thấy mấy tế bào đựng trong một cái túi đặc biệt trong suốt. Anh cầm lên hỏi Phó viện trưởng:



- Đây là cái gì?



- Ồ, sao nó lại ở đây nhỉ? Đây là tiêu bản tế bào người lấy trên cơ thể xác người cổ.



Diệp Tiêu không nghe rõ, hỏi lại:



- Anh nói gì cơ?



- À, đây là mô tế bào lấy từ xác ướp cổ để trong kho. Viện trưởng Văn sau khi cho đội khảo cổ mang cái xác cổ ấy về đã tiến hành nghiên cứu rất tỉ mỉ. Quái lạ, cái túi này đáng lẽ phải ở chỗ Giang Hà, sao lại chạy sang được ngăn kéo của Viện trưởng Văn.



- Việc này chủ yếu do ai phụ trách?



- Chủ yếu là ba người, Viện trưởng Văn, Giang Hà và một nữ nghiên cứu sinh đến đây thực tập.



Diệp Tiêu buột miệng:



- Nhiếp Tiểu Thanh?



Phó viện trưởng gật đầu:



- Đúng, là Nhiếp Tiểu Thanh, cô ta là chuyên gia trong lĩnh vực này.



Diệp Tiêu bỗng hiểu ra vấn đề. Anh cầm cái bao lên nheo mắt chăm chú xem:



- Tôi có thể mang cái bao này đi được không?



- Nếu nó có thể giúp cho việc phá vụ án này thì có thể mang đi được. Chúng tôi ở đây đang thấp thỏm lo âu, cảnh sát Diệp, cái chết họ rốt cuộc có phải là sự cố hay không?



- Xin lỗi, lúc này chưa thể nói gì được, thôi, tôi về đây!



Diệp Tiêu cầm bao tiêu bản tế bào ra về.


 
Chương 54


Diệp Tiêu gần như chạy như bay về Sở, đúng lúc cô bạn đồng nghiệp gặp anh ở hành lang, lấy làm lạ, hỏi:



- Diệp Tiêu, anh sao thế?



Diệp Tiêu không trả lời, vội vàng chạy sang phòng Thực nghiệm pháp y.




Anh lao vào phòng gọi to:



- Phương Tân!



Bác sĩ pháp y Phương Tân quay đầu lại hỏi:



- Diệp Tiêu, có việc gì đấy?



Diệp Tiêu chạy đến trước mặt Phương Tân, vừa nãy anh chạy nhanh quá, nên nói chẳng lên lời, cứ đứng thở dốc.




- Có việc gì thế, vào đây, hãy ngồi xuống đã, rồi hãy nói.



Diệp Tiêu cuối cùng cũng lấy lại được hơi:



- Phương Tân, cho cậu cái này.



Anh đưa cho Phương Tân cái bao đựng tiêu bản tế bào lấy ở Viện Nghiên cứu khảo cổ.



Phương Tân xem xét rất kỹ, sau đó nghi ngờ hỏi:



- Cậu lấy cái này ở đâu?




- Viện Nghiên cứu khảo cổ. Cậu đừng vội tra khảo, hãy đưa cái này vào phân tích đi, tớ đoán cái này là mấu chốt quan trọng của vụ án.



- Được, nhưng cậu đợi tớ một lúc.



Phương Tân thận trọng lấy tế bào ra khỏi túi.



Diệp Tiêu vẫn đứng thở.


 
Chương 55


Con đường ven sông vắng lạnh. Nắng chiều rải trên mặt sông.



Ánh mắt lanh lợi của Lam Nguyệt đang nhìn xuống mặt nước.



Rất nhanh, Lam Nguyệt đã xuất hiện bên dưới chung cư La Chu ở, trên lưng cô đeo một ống tranh bằng nhựa. Từ dưới lầu, cô ngước nhìn lên cửa sổ căn hộ của La Chu. Trên mặt thoáng một vẻ kỳ quái.




2



Diệp Tiêu sốt ruột đứng đợi ở bên ngoài phòng Thực nghiệm pháp y.



Rất nhiều cảnh sát đã rục rịch ra về. Nữ đồng nghiệp của Diệp Tiêu cũng đã mặc thường phục đi qua chỗ anh, cô thắc mắc:



- Diệp Tiêu, sao bây giờ vẫn chưa về?



Diệp Tiêu chỉ vào cái biển hiệu phòng Thực nghiệm pháp y:



- Anh đang đợi kết quả phân tích của Phương Tân, em về trước đi!




- Vừa nãy kết quả khám nghiệm tử thi của Văn Hiếu Cổ mang đến rồi, nguyên nhân chết là vì động mạch chủ bị tắc nghẽn dẫn đến tim ngừng đập.



- Anh cũng đoán chắc là như vậy, cảm ơn em!



Cô nữ đồng nghiệp bỗng nhớ ra điều gì:



- À, còn cái việc hôm qua anh nhờ làm, em cũng đã làm xong rồi.



- Kết quả thế nào?



Nữ đồng nghiệp lắc đầu:




- Hồ sơ ghi chép danh sách nhận người về nuôi ở trại mồ côi 20 năm trước không còn nữa, nhưng họ nói sẽ giúp đỡ, sẽ cử người đến cục Hồ sơ lưu trữ tìm giúp, nếu tìm thấy họ sẽ thông báo ngay cho chúng ta.



- Cảm ơn em!



- Em về đây, anh cũng về sớm đi, đừng thức đêm nữa!



Diệp Tiêu gật đầu, nhìn theo cô bạn đồng nghiệp đang đi xa dần.



Hành lang dần dần vắng lạnh, mọi người đã về cả, chỉ còn mình anh vẫn đang đứng đợi ở cửa phòng Thực nghiệm pháp y.


 
Chương 56


La Chu ở nhà một mình, anh cứ đứng mãi bên cửa sổ, trông rất tỉnh táo.



Chuông cửa bỗng vang lên, La Chu bị tiếng chuông cửa làm cho giật mình. Anh thấy sợ, không biết có nên mở cửa không, do dự một lúc, anh thận trọng đi ra, từ từ mở cửa.



Người đứng ngoài cửa chính là Lam Nguyệt, cô đeo một ống đựng tranh bằng nhựa.



La Chu suýt nữa thì nhảy dựng lên. Anh lùi lại một bước, lấy tay sờ đầu, mãi không nói được lên lời.



Lam Nguyệt mỉm cười:



- Không chào đón em sao?



Ngần ngừ một lúc, cuối cùng La Chu cũng để Lam Nguyệt vào.



Anh im lặng một lúc mới nói:



- Lam, Lam Nguyệt, em bỏ đi đâu đấy, bọn anh đang đi tìm em!



Lam Nguyệt chúm chím đôi môi, tiến lại gần La Chu:



- Anh sợ à?




La Chu bỗng lùi lại:



- Ừ, anh sợ lắm!



- Anh sợ gì, sợ em à?



Nói xong, cô lại tiến đến gần La Chu, từng bước áp sát.



Trông La Chu rất khổ sở, nhưng cuối cùng vẫn phải thừa nhận:



- Đúng, anh sợ em!



- Hãy nói đi, vì sao?



- Anh cũng đang muốn biết tại sao?



- Có phải là vì Tiêu Sắt không ?



La Chu nói to:



- Em lẽ nào không biết? Tiêu Sắt chết rồi, cô ấy chết rồi!



- Anh có biết cô ấy vì sao phải chết không? Đó là vì... - Lam Nguyệt bỗng nhiên dừng lại.



- Bởi vì cái gì?



- Bởi vì cô ta là Công chúa Lâu Lan, cho nên nhất định phải bị trừng phạt!



La Chu lắc đầu:



- Trời ơi, Công chúa Lâu Lan chẳng qua chỉ là một vai trong vở kịch thôi mà, có liên quan gì đến Tiêu Sắt đâu?



- Em hận Công chúa, em hận tất cả mọi người, em cũng hận... anh!



Khi Lam Nguyệt nói đến tiếng “anh”. La Chu cảm thấy như bị điện giật, người run lên, anh lẩm bẩm:



- Vô lý, vô lý quá, em không có lý gì hận mọi người, không có lý gì hận Tiêu Sắt.



- Không, đương nhiên có lý. Tiêu Sắt có tội, cô ấy đã vụng trộm với chồng chưa cưới của người bạn thân nhất, anh nói xem thế có phải là có tội không? Còn những người ấy nữa, những kẻ nghìn dặm xa xôi, nghìn dặm xa xôi, tìm đến tận cổ xưa, tận cổ xưa...



Cô bỗng không nói tiếp được nữa.



- Đừng nói nữa!



- Không, em phải nói. Anh cũng có tội, anh... chính anh! - Cô chỉ tay thẳng vào La Chu.




La Chu lắc đầu lùi lại một bước dài, nói:



- Không! Không!



Lam Nguyệt tiếp tục đến gần anh, nói:



- Lẽ nào anh đã quên? Cái đêm đã xảy ra chuyện ấy, chính tại phòng này, tại cái giường này...



La Chu cúi đầu, đau khổ:



- Anh xin lỗi, anh có tội!



- Em đã nói rồi, sẽ có ngày anh sẽ phải hối hận về một phút phấn khích của anh.



La Chu giật mình, bên tai anh như vẫn vang lên câu Lam Nguyệt nói với anh... “La Chu, anh sẽ phải hối hận về một phút phấn khích đêm nay của anh đấy.”



La Chu lắc mạnh đầu:



- Tha lỗi cho anh, anh xin em đấy, Lam Nguyệt.



- Đừng gọi em là Lam Nguyệt! - cô lập tức ngắt lời La Chu, - Em không phải là Lam Nguyệt!



- Không, cho dù em tên là gì thì anh vẫn yêu em.



- Nói dối, lại là lời nói dối, giống như sự việc xảy ra cách đây hơn 20 năm, các người sao lại thích nói dối đến thế? Vì sao?



Nói xong, Lam Nguyệt mở ống đựng tranh ra, lấy từ trong ống ra một bức tranh, giở ra trước mặt La Chu, sau đó treo bức tranh lên bức tường đối diện cửa sổ.



Đó chính là bức tranh quảng cáo cho vở kịch “Đoạn hồn Lâu Lan”.



Cô gái trong tranh ôm đầu người đàn ông, nhìn về phía trước bằng ánh mắt như hút hồn người khác.



Đối diện với bức tranh, La Chu ngẩn người, trố mắt ra nhìn. Anh cũng hướng ánh mắt về phía cô gái trong tranh đang nhìn. Đó là cửa sổ, ngoài trời đã bắt đầu tối, chỉ thấy hàng vạn ngọn đèn phía bên kia bờ sông đang lấp lánh.



Giọng La Chu đầy sợ hãi:



- Em định làm gì thế?



- Không phải anh thích Thành cổ Lâu Lan sao? Em mang Thành cổ Lâu Lan trả cho anh đấy!



- Em đang nói cái gì thế?



Lam Nguyệt trầm xuống một lúc, thở dài một hơi, sau đó nói:




- La Chu, những ngày này, anh có cảm thấy trong người có gì đó không được khoẻ không?



La Chu nhìn Lam Nguyệt bằng ánh mắt nghi ngờ:



- Không được khoẻ? Nghĩa là gì?



- Anh sẽ sớm hiểu thôi.



- Đúng, mấy hôm nay anh thấy đau đầu, tinh thần hoảng hốt, thường gặp ảo giác kỳ lạ, có cả ảo giác nhìn và ảo giác nghe, sáng sớm nay, trong đầu thấy ngột ngạt, khó thở.



Lam Nguyệt gật đầu:



- Thế là đúng rồi!



- Đúng cái gì cơ?



La Chu có vẻ không chịu đựng nổi nữa, sắc mặt rất khó coi, người run lên cầm cập.



Lam Nguyệt cũng nhìn anh bằng ánh mắt rất lạ:



- Bây giờ có phải anh cảm thấy rất khó thở?



La Chu gật đầu.



- Khó thở thì mở cửa sổ ra cho thoáng khí!



La Chu nghe theo, anh mở cánh cửa sổ sau lưng, một cơn gió ùa vào, thổi tung mái tóc dài của anh.



Lam Nguyệt mỉm cười:



- Anh hãy xoa ngực!



Anh quả nhiên xoa lên ngực, mặt anh biến sắc, trông rất đau khổ. Anh há to mồm thở thật mạnh, nhưng nhịp thở rất khó khăn. Bên tai anh bỗng vang lên tiếng nói của Diệp Tiêu: “Đã có báo cáo kết quả khám nghiệm tử thi của Tiêu Sắt, nguyên nhân là do tắc nghẽn động mạch chủ dẫn đến tim ngừng đập.”



La Chu cuối cùng đã hiểu ra, anh chỉ vào Lam Nguyệt, mắt hằn lên sự đau khổ và thù hận, phải khó khăn lắm mới nặn ra được mấy từ: “Cô... cô... “ Nhưng anh không nói được hết câu, trán đẫm mồ hôi.



La Chu bỗng vồ lấy máy điện thoại, bấm một số máy.


 
Chương 57


Diệp Tiêu vẫn đang đứng đợi ở hành lang, bỗng nhiên chuông điện thoại di động vang lên, anh mở máy:



- A lô!




Điện thoại phía bên kia bỗng ngắt.



Diệp Tiêu thấy lạ, anh nhìn vào màn hình xem số máy gọi đến, là điện thoại nhà riêng của La Chu. Mi mắt anh chớp chớp liên tục, hình như nhớ ra điều gì. Anh vội vàng gọi lại cho La Chu, nhưng điện thoại không hiểu sao không gọi được.



Anh lo lắng đi đi lại lại trong hành lang, hành lang trống vắng vang lên tiếng bước chân anh.



Diệp Tiêu bỗng chạy nhanh xuống lầu.




5



La Chu bất lực nhìn chiếc máy điện thoại. Anh ngẩng đầu lên, bỗng anh nhìn thấy trong tay Lam Nguyệt đang cầm một đoạn dây điện thoại, hoá ra là Lam Nguyệt đã rút phích cắm ra.



La Chu lắc đầu, anh tỏ ra rất tuyệt vọng. Anh xoa xoa tay lên ngực, vô cùng đau khổ. Ánh mắt anh vô tình dừng lại trên bức tranh quảng cáo treo trên tường. La Chu bất giác mất chủ động lùi lại mấy bước, lùi đến tận mép cửa sổ, lưng tỳ vào bệ cửa. Đằng sau anh là bóng đêm mênh mông, mặt đất cách mười mấy tầng nhà.




Lam Nguyệt nhìn anh một cách vô cảm.



Mắt anh dừng lại trên đôi mắt người con gái đang bê đầu người yêu trong bức tranh quảng cáo.



Ánh mắt của La Chu hoảng loạn, sợ hãi.


 
Chương 58


Diệp Tiêu lái xe với tốc độ rất nhanh, ánh mắt anh lộ vẻ vô cùng lo lắng, xe cộ trên đường rất đông, rất hỗn độn, anh vừa bóp còi liên hồi, vừa dùng điện thoại di động gọi cho La Chu, nhưng gọi mãi vẫn không được.



Diệp Tiêu cho xe chạy theo đường tắt, đã đến con đường nhỏ ven sông, cách nhà La Chu ngày càng gần. Bỗng nhiên trong tầm mắt anh, phía bên trái con đường nhỏ thoáng có bóng một người con gái. Diệp Tiêu chạy qua được một đoạn, dừng lại, anh cảm thấy cái bóng kia quen quen. Anh quay đầu lại nhìn, nhưng không nhìn thấy bóng kia đâu nữa, chỉ còn lại bóng đêm mênh mang.




Diệp Tiêu lắc đầu, anh cho xe chạy tiếp đến nhà La Chu. Chẳng mấy chốc xe đã đến bên dưới chung cư.



Diệp Tiêu nhảy ra khỏi xe, phát hiện thấy dưới lầu rất đông người. Điều đó khiến Diệp Tiêu thấy lạ, theo thói quen nghề nghiệp, anh cố gắng lách người vào đám đông.



Ở giữa đám đông, mọi người quây thành một vòng tròn nhỏ, trong vòng tròn người đó, một người đang nằm ngửa. Dưới lầu có một ngọn đèn đường rất sáng, giúp cho Diệu Tiêu nhìn rõ mặt người kia, thoáng chốc, tim anh run lên. Anh không kìm được mình, bất giác kêu lên một tiếng, khẽ gọi tên người đang nằm dưới đất:



- La Chu!



La Chu nằm im trên mặt đất, khuôn mặt tái nhợt, toàn thân bất động, mắt trợn lên đầy sợ hãi, mũi rỉ máu liên tục, tai và miệng cũng đầy máu, phía sau gáy máu cũng đang tuôn ra, giống như một rãnh máu đang chảy trên mặt sàn bằng xi măng. Máu xối ra nhuộm đỏ cả phía bên dưới bộ quần áo anh đang mặc, làm cho La Chu trông như đang diễn kịch trước một tấm phông màu đỏ.



Diệp Tiêu hơi bị kích động và phẫn nộ. Anh bỗng kêu lên:



- Kẻ nào gây ra đây?




- Anh ta tự gây ra đấy! - Một người dân bạo dạn chỉ La Chu nằm trên mặt đất trả lời.



- Anh nói gì? - Diệp Tiêu không ghìm được cơn nóng giận của mình.



- Anh ta tự mình nhảy từ trên kia xuống, chúng tôi đi qua đây, bỗng nghe thấy từ trên trời có cái gì rơi, về sau nhìn ra thì là tiếng anh ta từ trên lầu cao nhảy xuống đập xuống đất.



Diệp Tiêu lớn tiếng hỏi:



- Xảy ra lúc nào?



- Cũng chỉ mới 3, 4 phút trước. Chúng tôi đã gọi cho cảnh sát 110 rồi.




Người đó nói chưa dứt lời đã nghe tiếng xe cảnh sát đang rú còi lao đến.



Diệp Tiêu nói với mọi người:



- Tôi là cảnh sát, đề nghị mọi người giữ nguyên hiện trường. Xin lỗi, hãy tránh ra, để tôi vào xem.



Mọi người tự động dãn ra tạo thành một khe hở, Diệp Tiêu chui qua khe hở đó đi vào chung cư.



Đi thang máy lên đến cửa nhà La Chu, Diệp Tiêu không bấm chuông mà đạp cửa xông vào.


 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top