Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full Tôi Vô Tội

  • Tác giả Tác giả admin
  • Ngày gửi Ngày gửi
Dịch Full Tôi Vô Tội
Chương 20: Xe ô tô của bác sĩ Lord


Thám tử gõ cửa ngôi nhà nhỏ của bà y tá Hopkins. Bà ta ra mở cửa, miệng đầy bánh.

- Chào ông Poirot! Ông còn cần thêm gì nữa?

- Tôi vào được không?

Vẻ mặt khó chịu, bà Hopkins đành tránh sang một bên, nhường lối cho nhà thám tử. Bà y tá niềm nở mời khách uống trà, và một phút sau, Poirot hoảng sợ nhìn thấy thứ nước sẫm màu trong tách.

- Tôi vừa uống xong... Trà pha đậm, và là trà rất ngon!

Poirot cầm thìa chậm chạp khuấy tách trà, rồi dũng cảm nhấp một ngụm nhỏ. Sau đó ông nói:

- Bà đoán tôi đến đây gặp bà có việc gì không?

- Nghe ông nói xong tôi mới trả lời ông được! Tôi không có tài đoán ý nghĩ người khác.

- Tôi đến gặp bà để bà kể cho tôi nghe sự thật.

Bà y tá đứng phắt dậy, mặt đỏ tía lên giận dữ:

- Ông nói giọng hỗn hào ấy là nghĩa làm sao? Cả đời tôi chưa bao giờ nói dối, ít nhất cũng không nói dối để che giấu những lỗi lầm của tôi. Trong lúc thẩm vấn, tôi đã nói ra cả việc tôi đánh mất lọ thuốc moóc-phin, trong khi người khác và trường hợp của tôi chẳng bao giờ nói ra! Tôi dám nói mặc dù tôi biết sau đây tôi sẽ phải chịu một hình phạt về sự lơ đễnh đối với thuốc men, thậm chí tôi bị cấm không được hành nghề nữa. Với lại có ai trên đời lại không lần nào quên thứ gì? Người ta đã chỉ trích tôi, và như tôi vừa nói đấy, tôi sẽ chịu thiệt thòi trong việc hành nghề chuyên môn của tôi. Nhưng tôi đã không giấu diếm. Tôi biết một chi tiết có thể làm rõ vụ án và tôi thấy có bổn phận phải nói ra, cho dù phải chịu sự trừng phạt. Cho nên ông hãy tin là tôi không giấu diếm bất cứ thứ gì. Nếu ông cần, tôi sẵn sàng thề...

Poirot không ngắt lời. Ông thừa biết làm như thế sẽ ra sao đối với một phụ nữ đang cơn giận dữ. Ông để mặc cho bà y tá thao thao nói, điềm tĩnh đợi bà ta nói xong. Rồi ông dịu dàng đáp:

- Tôi chưa hề nghĩ rằng bà giấu diếm sự thật về vụ án mạng.

- Nếu vậy, câu lúc nãy ông nói nghĩa là sao?

- Tôi đề nghị bà cho tôi biết sự thật, không phải về cái chết của Mary Gerrard mà về lai lịch cuộc đời cô ấy.

Bà y tá ngơ ngác.

- Thì ra ông đến đây vì mục đích ấy? Lai lịch cuộc đời Mary không liên quan gì đến vụ án mạng!

- Tôi cũng biết là như thế. Tôi chỉ nghĩ là bà đã tung ra những tin mập mờ vào tai cô ấy.

- Đấy là quyền của tôi, tôi muốn nói với nó cái gì mặc tôi, miễn là không dính dáng đến vụ án mạng.

Nhà thám tử nhún vai:

- Tại sao bà lại giấu tôi lai lịch của cô ấy?

Bà y tá đỏ bừng mặt:

- Chỉ vì tôi nghĩ không nên nhắc đến những người đã khuất, và họ chẳng còn tác dụng nào đến người đang sống. Những chuyện chẳng ảnh hưởng đến ai.

- Nếu những chuyện bà nói ra với cô ấy chỉ là những điều phỏng đoán thì tôi chẳng cần! Nhưng nếu bà biết sự thật, thì bà không có quyền giấu diếm.

- Tôi chưa hiểu, thưa ông Poirot.

- Nếu vậy tôi xin nhắc bà. Đồng nghiệp của bà, chị O’Brien, có nói bóng gió đôi chút. Tôi còn đã gặp và hỏi bà Slattery. Bà Slattery còn nhớ rõ những chuyện xảy ra cách đây hai chục năm. Tôi xin thuật lại những gì bà Slattery đã kể tôi nghe. Cách đây hơn hai chục năm... Một mối tình đã nảy nở giữa phu nhân góa chồng Welman và ông Lewis Ricroft, đang có vợ mắc bệnh điên, nằm bệnh viện tâm thần. Thời đó luật pháp chưa cho phép ly hôn trong trường hợp như thế. Bà vợ ông Ricroft, tuy điên nhưng sức khỏe lại rất tốt, bà có thể sống đến chín mươi tuổi. Mối tình giữa hai người khá lộ liễu, nhưng họ dùng mọi biện pháp để giữ kín. Về sau ông Lewis chết trong chiến tranh.

- Rồi sao nữa?

- Tôi có đủ lý để tin rằng sau khi ông Lewis chết, một đứa trẻ đã ra đời, và đó chính là Mary Gerrard.

- Chà, ông chịu bỏ công ra điều tra đấy! - Bà y tá Hopkins kêu lên.

- Đấy chỉ là tôi đoán. Nhưng tôi tin rằng bà có đủ bằng chứng chính thức về vụ đó.

Bà y tá ngồi một lúc, vẻ mặt tối xầm. Rồi bà ta đứng lên, bước ra mở một ngăn kéo, lấy ra một phong bì dầy, đưa nhà thám tử.

- Tôi sẽ kể ông nghe tại sao phong bì này lọt vào tay tôi. Do tôi sẵn có nghi ngờ, từ khi thấy cách bà cụ nhìn Mary và khi nghe những lời đồn đại... Hơn nữa, lão Gerrard, trong khi đau ốm, đã nói cho tôi biết Mary không phải là con của lão. Sau khi Mary chết, tôi đã đến nhà lão ta, và tìm thấy trong số giấy tờ của lão có bức thư này. Ông hãy đọc đi.

Thám tử Poirot đọc, thấy ngoài phong bì có dòng chữ bằng thứ mực đã phai màu, rất nhạt:

Để chuyển cho Mary sau khi tôi chết.

Poirot nhận xét:

- Dòng chữ này không phải mới viết hôm qua.

- Và cũng không phải chữ lão Gerrard, - Bà y tá Hopkins nói - mà là chữ của mẹ Mary, mất cách đây đã mười bốn năm. Thư này lẽ ra để chuyển cho Mary, nhưng lão già giấu biệt, để cô ta không bao giờ nhìn thấy... thế là rất may cho cô ta. Bởi đọc được lá thư này, Mary sẽ không còn dám ngẩng cao đầu nữa.

Ngừng lại một lát, bà ta nói tiếp:

- Phong bì này không dán. Thú thật là khi thấy nó, tôi đã đọc một mạch từ đầu đến cuối. Lẽ ra tôi không nên làm thế. Nhưng Mary đã chết. Trước khi đọc, tôi đoán được nội dung lá thư và hiểu rằng bức thư này không còn một người nào trên đời quan tâm. Lẽ ra tôi cũng nên hủy nó đi, nhưng không hiểu sao, tôi có cảm giác tôi không có quyền làm như thế. Nhưng ông đọc đi.

Poirot lấy lá thư trong phong bì ra. Thư viết bằng một thứ chữ nhỏ li ti.

Tôi kể ra ở đây sự thật về một trường hợp, để một ngày nào đó khi cần đến.

Tôi là hầu phòng của phu nhân Welman, chủ nhân của lâu đài Hunterbury. Phu nhân bao giờ cũng rất tốt đối với tôi. Phu nhân đã che chở tôi và nhận tôi vào làm tiếp, sau khi sinh nở, nhưng đứa con của tôi không sống được. Bà chủ và ông Lewis Ricroft yêu nhau nhưng không lấy được nhau, vì ông còn vợ, bà này bị nhốt trong một nhà thương điên.

Ông Ricroft là trang quý tộc trọng danh dự và đã thiệt mạng trong chiến tranh. Sau đó ít lâu phu nhân cho tôi biết bà có thai. Bà đi đến xứ Ecôt để sinh nở, có tôi đi theo hầu hạ. Đứa trẻ ra đời tại làng Ardlochrie. Anh Bod Gerrard đã bỏ tôi trong thời gian tôi gặp những chuyện phiền muộn, bây giờ lại tiếp tục cầu hôn. Bà chủ tôi và tôi bàn nhau, quyết định tôi sẽ lấy Bod, hai vợ chồng chúng tôi sẽ sống trong trạm bảo vệ ngoài cổng lâu đài, vài đứa trẻ sẽ sống với tôi, trên danh nghĩa là con riêng của tôi.

Trong thời gian chúng tôi sống trong lâu đài, lẽ tất nhiên phu nhân rất quan tâm đến đứa con, cho nó ăn học chu đáo và hết lòng thương yêu nó. Phu nhân muốn đứa trẻ không hề biết gì về nguồn gốc của nó. Bà cho chúng tôi một số tiền lớn, nhưng đáp lại tôi cũng tận tụy giúp phu nhân trong việc này.

Tôi sống hạnh phúc với Bod Gerrard nhưng anh ấy không yêu đứa trẻ. Cho đến hôm nay tôi vẫn giữ kín điều bí mật. Tuy nhiên tôi thấy tôi có bổn phận trước khi chết phải làm giấy xác nhận này.

Ký tên: ELISA GERRARD

(Tên khai sinh là Elisa Riley)

Thám tử Poirot buông một tiếng thở dài rồi gấp lá thư lại.

- Ông định làm gì bây giờ? - Bà y tá Hopkins lo lắng hỏi - Bây giờ tất cả tất cả những người trong cuộc đều đã qua đời. Moi lại quá khứ để làm gì? Phu nhân Welman được dân khắp vùng kính trọng. Khơi lại chuyện xấu xa này e có tàn nhẫn quá chăng? Và Mary là đứa con gái đáng yêu đến thế, ta chẳng nên để mọi người biết nó là con hoang. Theo tôi nghĩ, ta nên để yên những người đã khuất.

Poirot phản đối:

- Nhưng vẫn cần nghĩ đến những người còn sống.

- Câu chuyện này không liên quan gì đến vụ án mạng Mary.

- Tôi không đồng ý với bà. - Nhà thám tử nói.

Ông chia tay với bà y tá Hopkins, ra khỏi ngôi nhà nhỏ, nhưng đầu óc vẫn suy nghĩ miên man. Đi được một quãng đường khá dài, ông nghe thấy tiếng chân rụt rè sau lưng. Poirot đứng lại, anh thợ phụ làm vườn ở Hunterbury. Anh ta dáng điệu bối rối, đứng vặn vẹo chiếc mũ cát két trong tay.

- Xin lỗi, thưa ông. Tôi muốn nói với ông một câu chuyện được không ạ?

- Được chứ. Nhưng chuyện gì?

Horlick càng vò mạnh chiếc mũ.

- Thưa ông, chuyện chiếc xe ô-tô.

- Chiếc xe ô-tô sáng hôm đó đỗ ở cổng sau của lâu đài phải không?

- Thưa ông, vâng. Sáng nay ông bác sĩ có nói đấy không phải là xe của ông ấy, nhưng thật ra chính đó là xe ông ấy.

- Anh khẳng định như thế?

- Vâng, thưa ông. Bởi số xe... MSS 2022, tôi nhớ rất rõ, MSS 2022. Xin ông biết cho, cả làng này đều biết cái xe ấy, và gọi đùa nó là “Tiểu thư Hai mươi hai”! Tôi không thể nhầm được.

- Nhưng ông bác sĩ lại bảo sáng hôm đó ông ta đi Withenbury.

Nét mặt mỗi lúc lại thêm thảm hại. Horlick khẽ nói:

- Vâng, thưa ông. Tôi đã nghe thấy ông bác sĩ nói thế. Nhưng chính là xe của ông ấy. Tôi sẵn sàng thề là tôi không nói sai.

- Cảm ơn anh, Horlick. Có lẽ anh sắp phải thề thật đấy.
 
Chương 21: Nhãn hộp thuốc


Trong phòng xử án rất nóng chăng? Hoặc rất lạnh? Elinor Carlisle không biết nên nói thế nào. Có lúc nàng thấy người bừng bừng như lửa đốt, lúc nàng lại thấy lạnh toát và run lên cầm cập.

Nàng không nghe đoạn cuối của phần thẩm vấn. Đầu óc nàng trở lại quá khứ, từ cái ngày nàng nhận được lá thư mặc danh bỉ ổi kia, cho đến hôm viên sĩ quan cảnh sát với bộ mặt nhẵn nhụi đứng trước nàng dõng dạc nói những lời chính xác một cách khủng khiếp.

- Bà là Elinor Carlisle. Tôi mang theo trát bắt giam bà với tội danh là thủ phạm giết cô Mary Gerrard bằng thuốc độc ngày 27 tháng Bảy vừa qua. Tôi báo trước: Từ giờ phút này trở đi, mọi điều bà nói ra đều được lập thành biên bản và sử dụng trong phiên tòa.

Câu cú mới chính xác làm sao! Elinor cảm thấy dường như nàng bị cuốn vào các bánh xe đang chạy của một cỗ máy bôi trơn, dầu mỡ, một cỗ máy vô nhân và không ai cưỡng nổi.

Lúc này đây, nàng đang đứng trước vành móng ngựa, giơ mặt ra trước những cặp mắt nghiệt ngã của cả một đám công chúng đang khao khát nhìn thấy kẻ khác đau khổ.

Chỉ các thẩm phán là không nhìn nàng. Họ bối rối nhìn đi chỗ khác, tránh không nhìn nàng Elinor thầm nghĩ: “Bởi họ biết trước bản án họ sẽ tuyên cho mình!”

II

Bác sĩ Lord bước ra vị trí nhân chứng. Phải chăng chính là ông ta, người bác sĩ trẻ vui tính và thích nói, hồi ở Hunterbury đã tỏ ra tốt bụng và có tình cảm đặc biệt với nàng? Lúc này ông ta làm bộ điệu, ra cái vẻ nghiêm nghị của một thầy thuốc. Lord trả lời giọng nhạt nhẽo: ông ta nghe được điện thoại gọi ông ta đến ngay lâu đài Hunterbury, khi ông ta đến thì đã quá muộn, không cứu nổi nạn nhân nữa. Chỉ vài phút sau đó, cô Mary tắt thở. Theo ông, nguyên nhân cái chết là do một liều moóc-phin mạnh, và được gọi theo thuật ngữ y học là một liều “sét đánh”.

Luật sư Bulmer đứng lên hỏi:

- Ông là thầy thuốc tư chính thức của phu nhân Welman, đúng thế không?

- Đúng.

- Trong các cuộc thăm bệnh của ông ở lâu đài Hunterbury trong tháng Sáu, có lần nào ông nhìn thấy bị cáo đi cùng với nạn nhân Mary Gerrard không?

- Có. Nhiều lần.

- Ông thấy thái độ bị cáo với Mary Gerrard thế nào?

- Rất thân tình và tự nhiên.

Khẽ mỉm cười khinh bỉ, luật sư Bulmer hỏi:

- Có lúc nào ông nhìn thấy ở bị cáo thái độ “ghen ghét cùng cực” như chúng ta đã được nghe thấy quá nhiều ở đây không?

Cắn răng, bác sĩ Lord nói giọng quả quyết:

- Không.

Elinor thầm nghĩ: “Thật ra là có... ông ta nói dối để bênh mình... Ông ta thừa biết mình căm giận cô ta...”

Sau bác sĩ Lord đến bác sĩ pháp y. Bản trình bày của ông này dài và tỉ mận. Kết luận là nạn nhân đã chết vì một liều moóc-phin “sét đánh”. Theo yêu cầu của một thẩm phán, ông ta giải thích tỉ mỉ nghĩa của thuật ngữ chuyên môn này. Chết do moóc-phin có thể diễn ra dưới nhiều hình thái, thông thường nhất là sau một cơn vật vã rồi hôn mê và đồng tử co lại. Còn hình thái “sét đánh” ít gặp hơn nhiều, thể hiện qua một cơn ngủ rất sâu xuất hiện rất nhanh sau khi dùng thuốc... thường chỉ khoảng mười phút. Đồng tử vẫn giãn như bình thường.

III

Sau khi nghỉ giải lao ngắn, phiên tòa tiếp tục làm việc. Các chuyên gia thâm định y tế làm việc rất lâu.

Bác sĩ Garcia, chuyên gia về độc dược học cho biết những thứ tìm thấy trong dạ dầy nạn nhân: bánh mì, cá, bơ, trà, chất moóc-phin... Mỗi chất lại kèm theo một danh từ La tinh và một con số đinh lượng. Lượng moóc-phin nạn nhân hấp thu được tính bằng đơn vị là khoảng bốn “hạt”, lượng nay đủ để gây tử vong.

Vẫn với nụ cười mỉa mai trên môi, luật sư Bulmer đứng lên:

- Tôi đề nghị nói rõ hơn vài điểm, ông chỉ thấy trong dạ dầy nạn nhân bánh mì, cá, bơ, trà và moóc-phin. Còn có thức ăn nào khác nữa không?

- Không.

- Nghĩa là nạn nhân trong một khoảng thời gian khá dài trước đó không ăn uống gì?

- Đúng thế.

- Ông có cách nào tìm biết là chất moóc-phin được đưa vào người nạn nhân cùng với thứ thức ăn nào không?

- Tôi chưa hiểu rõ ý của ông.

- Tôi xin cắt nghĩa câu hỏi của tôi. Chất moóc-phin được cho vào bánh mì, cá chiên bơ kẹp trong bánh mì, trong nước chè, hay trong sữa pha vào nước trà?

- Đúng thế.

- Không có gì cho thấy chất moóc-phin được cho vào cá chiên bơ chứ không phải thứ gì khác hay sao?

- Không.

- Nhưng chất độc moóc-phin có thể được đưa vào người bằng từng viên, nghĩa là không cần kèm theo thức ăn?

- Tất nhiên.

Luật sứ Bulmer tiếp tục việc chất vấn:

- Và ông khẳng định, dù được đưa vào bằng cách nào thì cũng là trong cùng một lúc với thức ăn và thức uống?

- Đúng thế.

- Xin cảm ơn.

IV

Thanh tra Brill tuyên đọc lời thề bằng giọng nói nghe như ông ta đã quá thuộc. Tác phong nhà binh, ông ta trình bày bằng chứng một cách trơn tru rất nghề nghiệp.

- Được gọi đến lâu đài... Bị cáo nói: “Chắc cá đã bị ươn...” Khám xét hiện trường... một lọ cá chiên bơ được rửa sạch để trên chạn... một lọ khác còn một nửa... được thu lại làm tang vật...

- Ông còn tìm được tang vật gì nữa?

- Trong khe gỗ sàn đằng sau bàn, tôi tìm thấy một mẩu nhãn.

Tang vật được đưa lên cho các thẩm phán.

ỐC VIÊN

Chlohydrat

morphin

gam 1/20

- Theo ông thì mảnh giấy này là gì?

- Một mảnh của nhãn dán trên lọ thuốc, giống như các nhãn dán trên các lọ thuốc moóc-phin khác.

Luật sư bào chữa chậm chạp đứng lên, nói:

- Ông tìm thấy mẩu giấy này trong khe sàn nhà?

- Đúng.

- Đấy là một mẩu nhãn?

- Đúng.

- Ông không tìm thấy phần nhãn còn lại?

- Không.

- Cũng không thấy lọ có dán nhãn này?

- Không.

- Khi ông tìm thấy, mảnh nhãn này trong tình trạng thế nào? Sạch hay bẩn?

- Hoàn toàn mới.

- Ông nói “mới” nghĩa là sao?

- Ngoài một số bụi dính vào, còn nhãn hoàn toàn mới.

- Theo ông thì mẩu giấy này nằm ở đó đã bao lâu?

- Tôi đoán là trước đó chỉ một lúc.

- Nói cách khác, cũng trong ngày hôm đó. Không sớm hơn?

- Không.

Luật sư khẽ càu nhàu gì đó rồi ngồi xuống.

V

Bà y tá Hopkins đứng lên chỗ dành cho nhân chứng, khuôn mặt đỏ ửng và rất đĩnh đạc.

Elinor đánh giá bà ta không đáng sợ bằng viên thanh tra Brill, bộ mặt độc ác của ông này làm nàng khiếp đảm. Nàng thấy rõ ông ta là một bánh xe trong cỗ máy khổng lồ vô danh, gọi là cỗ máy pháp luật. Còn bà y tá Hopkins thì giống như mọi người khác, nghĩa là có yêu có ghét, có say mê và có định kiến.

- Bà tên là Jessie Hopkins?

- Vâng.

- Bà là y tá làm việc theo giờ ở quận, và bà cư trú tại ngôi nhà “Hoa hồng” tại làng Hunterbury?

- Vâng.

- Ngày 28 tháng Sáu vừa rồi bà ở đâu?

- Trong lâu đài Hunterbury.

- Người ta gọi bà đến đấy?

- Vâng. Phu nhân Welman vừa bị cơn tai biến thứ hai... Tôi có nhiệm vụ giúp chị y tá O’Brien trong khi chờ đợi một y tá nữa đến bổ sung.

- Bà thường đem chiếc va-li nhỏ đến nhà bệnh nhân?

- Vâng.

- Bà hãy nói cho Tòa biết, trong va-li ấy đựng những gì?

- Bông băng, ống tiêm và kim tiêm, một số thuốc, trong đó có một lọ moóc-phin.

- Bà đem thuốc moóc-phin đi làm gì?

- Mỗi ngày hai lần, sáng và tôi, tôi phải cho một bệnh nhân của tôi uống thuốic mỗi lần một viên.

- Lọ thuốc ấy đựng gì?

- Hai mười viên moóc-phin, mỗi viên một phần hai mươi gam.

- Bà để va-li thuốc của bà ở đâu?

- Trong gian tiền sảnh.

- Đấy là tối 28. Sau đó, đến lúc nào bà mới ra lần đầu tiên?

- Sáng hôm sau, khoảng chín giờ, lúc tôi chuẩn bị về nhà.

- Bà thấy mất thứ gì?

- Lọ moóc-phin.

- Bà có báo tin mất ấy cho ai không?

- Tôi có nói riêng với chị O’Brien, y tá thường trực của phu nhân Welman.

- Bà để va-li thuốc đó ở chỗ mọi người qua lại?

- Vâng.

Luật sư Bulmer yêu cầu dừng lại và hỏi:

- Bà thân với cô Mary Gerrard?

- Vâng.

- Bà nghĩ thế nào về cô ấy?

- Tôi thấy là một cô gái trẻ đáng yêu.

- Cô ấy có phải là người tốt không?

- Rất tốt.

- Bà có biết những nỗi buồn của cô ấy chứ?

- Không.

- Thời gian trước khi chết, cô ấy lo lắng cho tương lai phải không?

- Hoàn toàn không.

- Vậy cô ấy không có lý do nào để tự tử?

- Hoàn toàn không.

Câu chuyện thê thảm kia được nhắc lại từng điểm một. Trong hoàn cảnh nào bà Hopkins đi cùng cô Mary đến ngôi nhà dùng làm trạm bảo vệ. Việc Elinor đến. Tâm trạng bối rối của Mary. Việc Elinor mời hai người vào lâu đài ăn bánh mì. Elinor chìa chiếc đĩa mời Mary đầu tiên. Elinor yêu cầu bà Hopkins rửa đĩa tách rồi nhờ bà ta lên gác giúp cô thu dọn đồ đạc của phu nhân Welman.

Rất nhiều lần, luật sư Bulmer yêu cầu ngừng lại để ông phản đối một điểm nào đó.

Elinor thầm nghĩ: “Tất cả những chuyện này có vẻ đúng... và nàng tin là đúng. Nàng tin rằng mình có tội. Và mỗi lời nàng nghe thấy đều toát lên sự thật... Quả là khủng khiếp. Mọi chuyện đều đúng...”

Lại một lần nữa Elinor đưa mắt nhìn công chúng, và nàng thấy khuôn mặt của thám tử Hercule Poirot. Ông ta suy nghĩ gì đó, trong khi vẫn nhìn nàng chăm chú bằng cặp mắt phúc hậu. Elinor thầm nghĩ, vì ông biết quá rõ câu chuyện.

Miếng bìa cứng trên dán mẩu nhãn lọ thuốc được đưa cho nhân chứng xem.

- Bà biết đây là cái gì chứ?

- Một mẩu của nhãn thuốc.

- Bà có thể nói cho Tòa mẩu nhãn này từ đâu ra không?

- Có... Đấy là mẩu xé ra từ nhãn dán bên ngoài lọ thuốc moóc-phin một phần hai mươi của một gam... như lọ thuốc tôi đã mất.

- Bà có chắc như thế không?

- Hoàn toàn chắc. Mẩu nhãn này chính là từ lọ thuốc của tôi.

- Có dấu hiệu nào chứng tỏ nhãn này chính là nhãn lọ thuốc bà bị mất không?

- Không, nhưng tôi tin rằng nhãn này chính là dán trên lọ thuôc của tôi.

- Trên thực tế, bà chỉ có thể xác nhận nó giống nhãn lọ thuốc của bà được thôi.

- Vâng, tôi nói chính là ý đó.

Phiên tòa tạm nghỉ.
 
Chương 22: Ngày xử án thứ hai


Luật sư đưa ra một số câu hỏi mới, nhưng ông đã không còn vẻ mặt mỉa mai hôm qua nữa.

- Tôi xin trở lại chiếc va-li nổi tiếng kia - Ông ta nói bằng giọng khô khan - Ngày 28 tháng Sáu, cái va-li ấy được để trong gian tiền sảnh lâu đài Hunterbury cả đêm?

- Đúng thế. - Bà y tá Hopkins thừa nhận.

- Có nghĩa bà đã phạm một sơ suất đáng lên án, đúng vậy không?

Bà y tá đỏ mặt:

- Vâng, đúng thế.

- Bà có thói quen để quên thuốc men tại những nơi nằm trong tầm tay của những người không trong nghề không?

- Không đâu.

- Đúng vậy không? Nhưng lần này bà lại để quên?

- Vâng.

- Và một người nào đó đã lấy lọ thuốc đó?

- Tôi đoán thế.

- Đây không phải là chuyện đoán. Bà hãy trả lời có hay không.

- Vâng... có.

- Không phải bị cáo là người duy nhất có khả năng lấy lọ thuốc moóc-phin đó. Bất cứ một gia nhân nào trong lâu đài có thể lấy. Hoặc bác sĩ Lord, hoặc ông Roddy Welman. Hoặc bà O’Brien. Hoặc có thể là bị cáo.

- Có thể như thế.

- Đúng thế hay không đúng?

- Đúng thế.

- Có ai biết trong va-li thuốc của bà có lọ moóc-phin không?

- Tôi không rõ.

- Bà có nói cho ai không?

- Không.

- Nếu vậy cô Elinor Carlisle cũng rất có thể không biết là trong va-li thuốc của bà có lọ moóc-phin?

- Nhưng cũng không có gì bảo đảm là cô ấy không biết.

- Điều phỏng đoán của bà không có cơ sở.

- Tôi không biết.

- Nhiều người khác có khả năng biết trong va-li của bà có moóc-phin hơn cô Elinor, thí dụ bác sĩ Lord chẳng hạn? Chắc ông ấy phải biết. Bà cho thuốc bệnh nhân là theo đơn ông Lord, đúng thế không?

- Tất nhiên là đúng như thế.

- Cô Mary có biết trong va-li của bà moóc-phin không?

- Không?

- Cô ấy có hay đến nhà bà không?

- Không đến luôn lắm.

- Tôi lại cho rằng cô Mary đến nhà bà luôn, và trong tất cả những người trong lâu đài, cô ấy là người có nhiều khả năng biết trong va-li bà có đựng những thứ gì nhất.

- Tôi phản đối.

Luật sư Bulmer ngừng lại một lát.

- Sáng hôm ấy bà nói với bà O’Brien chuyện mất lọ moóc-phin, đúng thế không?

- Đúng.

- Tôi xin nhắc lại câu bà đã nói hôm ấy: “Tôi để quên lọ thuốc ở nhà. Tôi lại phải quay về nhà lấy”.

- Không. Tôi không nói như thế.

- Bà đã nói có lẽ bà để lọ thuốc trên lò sưởi và hiện nó vẫn nằm trên đó.

- Vì không thấy lọ thuốc trong va-li cho nên tôi đoán như vậy.

- Thật ra bà không biết bà để ở đâu chứ gì?

- Có tôi biết, tôi đã cho nó vào va-li thuốc.

- Nếu vậy, tại sao sáng ngày 29 bà lại bảo bà để quên ở nhà?

- Bởi lúc đó tôi tưởng như vậy.

- Tôi xin nhắc lại, bà là một phụ nữ hết sức lơ đễnh.

- Điều ấy thì ông nói không đúng.

- Và các lời khai của bà nhiều khi không chính xác.

- Không phải. Tôi cân nhắc rất kỹ những lời tôi khai.

- Hôm cô Mary chết, ngày 27 tháng Bảy, bà có nói bà bị gai hoa hồng đâm, đúng thế không?

- Tôi không hiểu câu đó có ảnh hưởng gì ở đây?

Chủ tọa phiên tòa hỏi:

- Câu hỏi đó có thích đáng không, thưa luật sư Bulmer?

- Có, bởi câu nói đó rất quan trọng đối với việc bào chữa. Tôi đang muốn mời một nhân chứng khác nói để khẳng định câu nói kia của bà Hopkins là sai.

Ông ta nói tiếp:

- Bà vẫn cho rằng hôm ấy bà bị gai hoa hồng đâm, ngày 27 ấy?

- Đúng thế. - Bà y tá đáp lại một cách bướng bỉnh.

- Bà bị gai đâm lúc nào?

- Lúc tôi rời trạm bảo vệ, trên đường vào lâu đài Hunterbury, sáng hôm 27 tháng Bảy.

Luật sư Bulmer nghi ngờ hỏi:

- Bà bị gai cây hoa hồng nào đâm phải?

- Cây hồng leo lên dàn trạm bảo vệ.

- Bà tin chắc như thế?

- Hoàn toàn chắc.

Ngừng lại một lát, luật sư hỏi tiếp:

- Đến lúc này bà vẫn quả quyết rằng lúc bà đến lâu đài Hunterbury ngày 28 tháng Sáu, trong va-li của bà có lọ moóc-phin?

- Đúng thế.

- Nhưng mới vừa rồi, trước tòa, bà O’Brien lại khai rằng chính bà đã nói với bà ấy rằng bà để quên ở nhà, vậy là sao?

- Tôi bảo đảm tôi có đem theo lọ moóc-phin ấy trong va-li thuốc.

Luật sư Bulmer thở dài.

- Lúc đó bà lo lắng về việc mất lọ thuốc ấy không?

- Không, tôi không lo lắng.

- Mặc dù một lượng lớn moóc-phin bị mất?

- Bởi lúc đó tôi không nghĩ là ai lại lấy của tôi.

- Tôi hiểu. Lúc đó bà không nhớ rõ là bà đã để lọ thuốc đó ở đâu, đúng thế không?

- Tôi nhớ chứ. Lọ moóc-phin trong va-li thuốc của tôi.

- Hai mươi viên một phần hai mươi gam, tức là một gam moóc-phin, có thể làm chết cả tiểu đội, đúng vậy không?

- Đúng.

- Vậy mà bà không hề hốt hoảng... Thậm chí bà cũng không kêu ầm lên là bị mất?

- Lúc đó tôi không cho đấy là chuyên quan trọng lắm.

- Tôi cho rằng nếu bà thấy mất một số lượng moóc-phin lớn như thế, lẽ ra bà phải báo cho nhà chức trách.

Mặt bà y tá Hopkins đỏ bừng:

- Tôi đã không làm như thế.

- Bà đã phạm một tội sơ suất nguy hiểm, không xứng đáng với một y tá nghiêm túc. Bà có hay làm mất những thứ thuốc nguy hiểm không?

- Không. Đấy là lần đầu tiên.

Cuộc chất vấn kéo dài thêm vài phút nữa. Bà Hopkins bối rối, mặt đỏ bừng, trả lời lúng túng, không nhất quán... và dễ dàng trở thành con mồi cho luật sư khôn khéo Bulmer.

- Có đúng là Thứ năm 6 tháng Bảy, cô Mary làm bản di chúc không?

- Đúng.

- Cô ấy làm để làm gì?

- Vì cô ấy cho rằng nên làm. Còn tôi thì tán thành.

- Bà có nghĩ rằng cô ấy đang buồn và quá lo cho tương lai không?

- Hoàn toàn không.

- Tuy nhiên việc làm di chúc chứng tỏ cô ấy nghĩ đến cái chết... và nỗi ám ảnh ấy bám theo cô ấy.

- Hoàn toàn không phải! Cô ấy chỉ nghĩ là nên làm thế.

- Phải chăng đây chính là bản di chúc ấy? Ký tên Mary Gerrard, hai người làm chứng là Emily Biggs và Roger Wade, làm công trong hiệu bánh kẹo. Người viết di chúc chỉ định người hưởng thừa kế là Mary Riley, em gái bà Elisa Riley.

- Đúng thế.

Bản di chúc được đưa lên cho các thẩm phán.

- Theo bà thì cô Mary có tài sản gì không?

- Lúc đó thì chưa có.

- Nhưng sau đây ít lâu cô ấy sẽ được nhận?

- Đúng thế.

- Có đúng một khoản tiền khá lớn... hai ngàn bảng... cô ấy sẽ nhận được của Elinor Carlisle không?

- Đúng.

- Elinor Carlisle tặng cô ấy khoản tiền trên là tự nguyện chứ? Hoàn toàn do tấm lòng hào hiệp phải không?

- Đúng thế. Không ai bắt cô Elinor phải cho Mary số tiền đó.

- Nếu Elinor Carlisle thật sự căm ghét Mary Gerrad như người ta suy luận, thì Elinor đã không cho Mary một số tiền lớn đến như thế.

- Có thể.

- Bà nói “Có thể” nghĩa là sao?

- Không có nghĩa gì cả.

- Thôi được. Bây giờ bà có biết là người ta đồn mối quan hệ giữa cô Mary và ông Roddy Welman không?

- Ông ta theo đuổi Mary.

- Bà có bằng chứng gì không?

- Tôi biết, có vậy thôi.

- Bà biết! Câu trả lời đó không có sức thuyết phục đối với tòa. Có lần bà đã khai rằng Mary khước từ vì ông Roddy đã đính hôn với Elinor Carlisle, và hôm đó ở London, Mary một lần nữa nhắc lại câu trả lời đó. Có đúng như thế không?

- Mary kể với tôi như thế.

Viên công tố Attenburu chen vào:

- Có phải lúc bà và cô Mary đang trao đổi về nội dung bản di chúc thì Elinor Carlisle đứng ngoài cửa sổ ngó vào không?

- Đúng.

- Elinor nói thế nào?

- Cô ấy bảo: “Mary, cô làm di chúc đấy à? Đúng là buồn cười!” Rồi cô ấy đi, miệng vẫn cười ngặt nghẹo. Theo tôi, chính vào lúc đó trong đầu Elinor lần đầu tiên nảy ra ý định thủ tiêu Mary.

Chủ tọa phiên tòa nhắc nhân chứng:

- Tòa yêu cầu nhân chứng trả lời vào câu hỏi thôi. Câu vừa rồi của bà là hoàn toàn vô ích.

Elinor thầm nghĩ: “Cứ hễ nhân chứng nói sự thật thì tòa lại bảo lạc đề!” Và nàng thấy không nhịn được cười.

Đến lượt chị y tá O’Brien được tòa mời ra.

- Sáng ngày 29 tháng Sáu, bà Hopkins nói với bà thế nào?

- Bà ấy cho tôi biết mất lọ moóc-phin mà bà ấy để trong va-li thuốc.

- Bà đáp lại thế nào?

- Tôi giúp bà ấy tìm.

- Nhưng bà không tìm thấy?

- Không.

- Theo bà thì cái va-li ấy nằm suốt đêm ở gian tiền sảnh của lâu đài?

- Đúng thế.

- Xin bà kể lại chuyện gì đã xảy ra ngày 29 tháng Sáu, tức là sau hôm phu nhân Welman chết.

- Tôi bắt gặp cậu Roddy ngỏ lời cầu hôn với Mary. Cậu ấy định ôm hôn Mary.

- Lúc ấy ông ta vẫn còn đính hôn với bị cáo?

- Vâng.

- Sau thế nào nữa?

- Mary trách cậu Roddy, bảo cậu đã đính hôn với tiểu thư Elinor, sao còn cầu hôn với nó.

- Theo bà thì tình cảm của bị cáo đối với Mary Gerrard ra sao?

- Cô ấy rất căm Mary, mỗi khi nhìn Mary, cô Elinor như thể muốn ăn sống nuốt tươi nó.

Luật sư Bulmer bật đứng lên:

- Có đúng là bà Hopkins nói với bà rằng bà ta để lọ moóc-phin ở nhà bà ấy không?

- Đúng.

- Lúc ấy bà Hopkins có vẻ gì hốt hoảng không?

- Lúc ấy thì tôi không thấy.

- Bởi bà Hopkins tin rằng để quên ở nhà. Cho nên bà không lo lắng gì hết.

- Bà ta chỉ cho rằng đã có kẻ lấy lọ thuốc đó của bà ấy.

- Đúng thế, nhưng đấy là về sau, khi cô Mary đã bị chết vì moóc-phin, óc tưởng tượng của bà ấy mới hoạt động.

Chủ tọa phiên tòa ngắt lời:

- Thưa ông luật sư, theo tôi nhớ ông đã hỏi vấn đề này với nhân chứng trước.

- Tôi thừa nhận. Có cuộc cãi cọ nào xảy ra giữa bị cáo và cô Mary Gerrard không? - Viên luật sư hỏi quay sang chị O’Brien.

- Không, không hề có.

- Elinor lúc nào cũng tỏ ra dịu dàng với Mary Gerrard phải không?

- Bề ngoài thì như vậy.

- Đúng, đúng, đúng! Nhưng câu trả lời của bà làm chúng tôi chưa thỏa mãn. Bà là người Ai-len phải không?

- Vâng.

- Người Ai-len thường có óc tưởng tượng mạnh.

Chị y tá O’Brien kêu lên:

- Tất cả những gì tôi nói ở đây đều là sự thật hoàn toàn.

II

Ông Abbott, chủ hiệu thực phẩm đứng vào vị trí dành cho nhân chứng, ông ta rất sợ hãi, mặc dù có phần nào tự hào về vai trò quan trọng của ông ta.

Lời khai của ông ta ngắn gọn. Ông ta kể về việc Elinor mua hai lọ cá chiên bơ. Bị cáo có nói với ông “Đã có nhiều người ngộ độc về cá chiên bơ đấy!” Ông ta nhận thấy hôm đó bị cáo bồn chồn và có thái độ rất lạ.

Cuộc thẩm vấn tạm ngừng.
 
Chương 23: Mary Draper


Thưa Tòa - Luật sư bào chữa nói - Tôi có thể đề nghị Hội đồng xét xử thấy rằng, không có bằng chứng nào khẳng định bị cáo có tội, mặc dù cho đến lúc này chúng ta mới chỉ nghe các nhân chứng của bên buộc tội. Bên buộc tội cho rằng Elinor Carlisle lấy cắp lọ moóc-phin (mặc dù tất cả mọi người trong lâu đài đều có thể lấy lọ thuốc đó, chưa kể không có bằng chứng nào khẳng định lọ thuốc đó có trong lâu đài) và đã đầu độc Mary Gerrard. Người ta chỉ dựa vào phỏng đoán. Người ta cố tìm cho ra một động cơ, nhưng không thấy. Thật ra, thưa các vị thẩm phán, không làm gì có cái động cơ ấy. Người ta nói cả về cuộc đính hôn được hủy bỏ. Tôi xin hỏi các vị: Nếu như các cuộc đính hôn bị hủy bỏ đều dẫn người ta đến chỗ giết người, thì ngày nào trên đất nước ta cũng có vụ án mạng. Hơn nữa, xin Tòa lưu ý một điều, là cuộc đính hôn ở đây không xuất phát từ tình yêu mà chỉ do một kiểu thu xếp trong gia đình, một cuộc đính hôn lý trí. Tiểu thư Elinor Carlisle và ông Roddy Welman, cùng lớn lên bên nhau, đã có mối cảm tình sẵn với nhau và mối cảm tình đó dần dần thành tình thân ái gắn bó. Nhưng tôi sẵn sàng chứng minh để Tòa thấy, đấy chỉ là một mối tình nhè nhẹ.

(Ôi, Roddy... Roddy, một tình yêu nhè nhẹ!)

Chưa kể, cuộc đính hôn kia bị hủy bỏ không phải do ông Roddy Welman, mà do bị cáo. Xin Tòa đừng bỏ qua việc tiểu thư Elinor và ông Roddy đính hôn là để chiều phu nhân Laura Welman. Khi bà cụ qua đời, hai người thấy tình cảm giữa họ chưa đủ mạnh để đảm bảo hạnh phúc vợ chồng. Tuy nhiên, sau khi hủy cuộc đính hôn, hai người vẫn là bạn thân của nhau. Elinor Carlisle, được nhận thừa kế của bà cô, do lòng tốt, đã dự tính sẽ cấp cho Mary Gerrard một khoản tiền lớn... cho cô gái... mà tiểu thư tính sẽ giết!... Nghe mới vô lý làm sao!

Điểm khả nghi duy nhất là xung quanh hoàn cảnh diễn ra vụ nhiễm độc.

Bên buộc tội đưa ra:

Chỉ một mình Elinor Carlisle có khả năng giết Mary Gerrard.

Họ cố tìm cho ra một động cơ, nhưng như tôi đã trình bày trước tòa, họ không tìm thấy bất cứ một động cơ nào khả dĩ đẩy bị cáo đến giết người.

Vậy thì phải chăng chỉ một mình Elinor Carlisle có khả năng giết Mary Gerrard? Không. Rất có thể cô Mary Gerrard tự tử. Cũng rất có thể một kẻ nào đó mà chúng ta chưa biết lọt vào lâu đài, cho thuốc độc vào những khoanh bánh mì, trong lúc Elinor Carlisle ra trạm bảo vệ. Hơn nữa kẻ đó giết Mary và có động cơ để làm việc đó. Không một quan tòa nào trên thế giới lại tán thành kết Elinor Carlisle vào tội giết người chỉ vì một nghi ngờ, chưa kể nghi ngờ này lẽ ra phải dành cho một kẻ có động cơ hẳn hoi, đủ để y giết Mary Gerrard. Tôi đã mời đến đây những nhân chứng để chứng minh cho tòa thấy là một trong các nhân chứng của bên buộc tội đã khai dối trá, làm trái với lời thề trước tòa là khai đúng sự thật. Trước tiên, tôi mời bị cáo kể, để tòa thấy những lời buộc tội bà ta ít có giá trị đến mức nào”.

II

Sau khi thề không nói sai sự thật, Elinor trả lời rất khẽ những câu hỏi của luật sư Bulmer. Luật sư đề nghị nàng nói to lên.

Bằng giọng dịu dàng và khích lệ, ông đưa ra những câu hỏi mà nàng đã chuẩn bị sẵn câu trả lời.

- Bà có yêu ông Roddy không?

- Có, yêu nhiều. Tôi coi anh ấy là người anh... là anh họ.

- Bà đính hôn với ông Roddy Welman là do muốn kết hôn với một người bà đã cảm mến từ khi còn nhỏ tuổi... Nhưng đấy người ta không gọi là tình yêu?

(Tình yêu? Ôi. Roddy!..)

- Không phải thế... Hai chúng tôi hiểu nhau rất rõ...

- Sau khi phu nhân Welman qua đời, giữa hai người có một mối bất hòa nhỏ đúng thế không?

- Đúng.

- Nguyên nhân mối bất hòa?

- Một phần là vấn đề tiền bạc.

- Tiền bạc?

- Đúng thế. Anh Roddy áy náy, anh ấy sợ mọi người cho rằng anh ấy lấy tôi vì tiền.

- Cuộc đính hôn đã bị hủy bỏ phải chăng vì Mary Gerrard?

- Anh Roddy mê cô ấy, nhưng tôi tin rằng đấy chỉ là một sự mê muội nhất thời.

- Nếu ông Roddy Welman yêu Mary thật sự, bà có đau khố không?

- Không, tôi chỉ nghĩ rằng cuộc hôn nhân đó không cân xứng, có vậy thôi.

- Thưa bà Elinor Carlisle, bà có lấy lọ moóc-phin trong vali bà y tá Hopkins hôm 28 tháng Sáu không?

- Không.

- Có lúc nào bà có thuốc moóc-phin trong tay không?

- Chưa bao giờ.

- Trước khi phu nhân chết, bà có biết là phu nhân chưa viết di chúc không?

- Không. Thậm chí đến lúc tôi biết, tôi rất ngạc nhiên.

- Bà có tin rằng đêm 28 tháng Sáu, trước khi chết, phu nhân đã cố trăng trối lại cho bà không?

- Lúc đó, tôi lại hiểu rằng trong di chúc, cô tôi chưa kịp đưa vào điều khoản về quyền lợi của Mary, cho nên trước khi qua đời, cô tôi muốn thêm vào điều khoản ấy.

- Và chính vì muốn tuân theo ý nguyện của phu nhân mà bà đã quyết định chia cho Mary Gerrard một khoản tiền lớn?

- Đúng thế. Tôi muốn theo đúng ý nguyện cuối cùng của cô tôi, đồng thời tôi cũng xuất phát từ lòng biết ơn Mary đã rất tốt với cô tôi.

- Ngày 26 tháng Bảy, có đúng là ngày bà từ London về thị trấn Maidensford và nghỉ ở khách sạn Huy hiệu Hoàng gia không?

- Đúng.

- Để làm gì?

- Có người tậu lâu đài và muốn tôi giao nhà sớm, cho nên tôi phải về để kiểm lại đồ đạc của cô tôi và xử lý những đồ đạc ấy.

- Ngày 27 tháng Bảy, trên đường đến lâu đài Hunterbury, bà có ghé vào cửa hàng mua thức ăn không?

- Có. Tôi nghĩ rằng buổi trưa nên ăn tạm thứ gì đó trong lâu đài hơn là về thị trấn ăn.

- Vậy là bà đến lâu đài Hunterbury thu dọn đồ đạc của phu nhân Welman?

- Đúng thế.

- Rồi sau đó?

- Tôi xuống bếp để chuẩn bị vài khoanh bánh mì kẹp thức ăn. Rồi tôi ra trạm bảo vệ ngoài cổng lâu đài mời bà y tá Hopkins cùng Mary vào lâu đài ăn với tôi.

- Để làm gì?

- Để họ khỏi phải về làng ăn giữa lúc trời nắng gay gắt.

- Tóm lại, đấy là một hành động tốt bụng và tự nhiên của bà. Hai người kia có nhận lời chứ?

- Có. Họ theo tôi vào tận lâu đài.

- Những khoanh bánh mì kẹp thức ăn lúc đó nằm ở đâu?

- Tôi để trên một chiếc đĩa trong bếp.

- Cửa sổ có mở không?

- Có.

- Lúc bà đi vắng, bất cứ ai có thể vào được chứ?

- Tất nhiên.

- Nếu có kẻ nào nấp bên ngoài theo dõi bà lúc bà cắt bánh mì, y có thể nghĩ sao?

- Y thấy tôi chuẩn bị một bữa ăn nhẹ.

- Kẻ đó liệu có đoán được là bà sẽ mời người khác đến ăn cùng không?

- Không. Bởi chỉ khi thấy thức ăn quá nhiều, tôi mới nảy ý nghĩ rủ thêm người vào ăn.

- Giả sử có kẻ lọt vào bếp trong lúc bà đi vắng, và cho moóc-phin vào một khoanh bánh mì, có khả năng hắn tính giết bà không?

- Chắc chắn là như thế.

- Lúc bà quay vào lâu đài thì như thế nào?

- Chúng tôi vào phòng khách nhỏ. Tôi sang bếp lấy đĩa thức ăn và mời hai người kia.

- Bà có uống thức gì không?

- Tôi có uống nước thường. Có bia trên bàn, nhưng bà Hopkins và cô Mary chỉ uống trà. Bà Hopkins sang bếp để đun nước pha trà. Bà ta bưng khay trà ra phòng khách nhỏ rồi cùng Mary uống.

- Bà có uống không?

- Không.

- Cả bà Hopkins cùng cô Mary cùng uống trà phải không?

- Đúng.

- Sau đó thì sao?

- Sau đó bà Hopkins vào bếp tắt bếp ga.

- Còn lại trong phòng khách nhỏ chỉ có bà và cô Mary?

- Đúng thế.

- Sau đấy?

- Vài phút sau, tôi đem khay, đĩa bánh mì đem xuống bếp. Bà Hopkins đang ở đó. Tôi với bà cùng rửa đĩa bát.

- Phải chăng lúc đó bà Hopkins xắn cổ tay áo lên?

- Đúng thế, bà ấy rửa, còn tôi lau khô.

- Và bà nhìn thấy trên cổ tay bà Hopkins có rớm máu?

- Đúng thế, tôi liền nhắc để bà thấy.

- Bà Hopkins trả lời thế nào?

- Là bà bị gai hoa hồng đâm vào và lát nữa bà ấy sẽ nhể ra.

- Thái độ của bà Hopkins lúc đó thế nào?

- Bà có vẻ rất khó chịu vì nóng bức. Mặt đẫm mồ hôi và có màu sắc lạ.

- Sau đấy thì sao?

Bà Hopkins theo tôi lên phòng ngủ của cô tôi giúp tôi soạn áo quần trong các tủ.

- Bà và bà Hopkins xuống nhà khi nào?

- Sau đấy khoảng một tiếng đồng hồ.

- Bà thấy Mary Gerrard đang ở trong phòng khách nhỏ?

- Cô ấy ngồi trong chiếc ghế bành, thở rất khó khăn, có vẻ bị hôn mê. Theo lời khuyên của bà Hopkins tôi gọi điện thoại cho bác sĩ, và ông ấy đến trước khi Mary tắt thở vài phút.

Luạt sư ngửa đầu, làm bộ điệu như diễn viên sân khâu, trịnh trọng hỏi:

- Bà Elinor Carlisle, có phải bà giết Mary Gerrard không?

(Coi chừng! Đầu ngẩng cao và mắt nhìn thẳng!)

- Không phải.

III

Sau đó luật sư Bulmer đọc bản bào chữa. Tim Elinor đập mạnh đến mức làm nàng thấy đau. Lúc này nàng cảm thấy một kẻ thù độc ác nào đó đè nàng xuống và nàng không còn sức chống đỡ. Vậy là hết! Còn đâu nữa những câu hỏi mà nàng đã biết trước cách trả lời. Tuy nhiên viên chánh án hỏi nàng bằng một giọng dịu dàng:

- Như bà đã khai, bà đã đính hôn với ông Roddy Welman, đúng thế không?

- Đúng.

- Bà yêu ông ấy chứ?

- Rất yêu.

- Bà có yêu ông Roddy Welman đến mức căm ghét cô Mary Gerrard không?

- Không. (Nàng nói chữ “không” chưa đủ mạnh chăng?)

Viên công tố hỏi bằng giọng đe dọa:

- Tôi yêu cầu bà trả lời một cách rõ ràng, là bà có ý định giết cô Mary để ông Roddy Welman trở lại với bà không?

- Tất nhiên là không. (Bà phải trả lời bằng giọng mệt mỏi, chán chường, nếu được như thế thì tốt nhất.)

Các câu hỏi tiếp theo nhau như trong một giấc mơ, một giấc mơ hãi hùng...

Liên tục vang đến tai nàng các câu hỏi khủng khiếp, nặng nề, làm tổn thương phẩm giá nàng... Một số câu nàng đoán được từ trước, nhiều câu khác nàng bị bất ngờ.

Nàng cố nhớ vai kịch của nàng. Chưa bao giờ nàng nói ra miệng: “Đúng, tôi căm giận cô ta... Tôi muốn cô ta chết... Đúng, trong khi cắt bánh mì ra từng khoanh, tôi đã nghĩ đến lúc nhìn thấy cô ta chết...”

Nàng phải giữ được tỉnh táo và trả lời càng ngắn gọn và bằng giọng lạnh lùng càng tốt. Nàng phải chiến đấu trên từng bước đi...

Cuối cùng, thế xong... Con người khủng khiếp có cái mũi Do Thái kia ngồi xuống. Giọng ngọt ngào luật sư Bulmer đưa ra thêm vài câu hỏi nữa.

Những câu hỏi đơn giản, dịu dàng, cốt để xóa ấn tượng nặng nề sau cuộc thẩm vấn của viên công tố vừa rồi.

Bây giờ Elinor Carlisle lại đứng trước vành móng ngựa và nhìn các thẩm phán...

IV

Roddy, Roddy đứng đó, mắt chốc chốc lại chớp, và anh ấy đang tự rủa thầm bản thân. Nàng cảm thấy anh giống như một ảo ảnh.

Thật ra, nàng thấy mọi thứ xung quanh nàng đều là ảo ảnh... Mình cũng không còn là Elinor Carlisle nữa mà là “bị cáo”. Mình không còn chỗ nào bấu víu nữa!

(Họa chăng chỉ còn khuôn mặt của bác sĩ Lord với những chấm tàn nhang đỏ và vẻ mặt cực kỳ thản nhiên).

“Ông luật sư Bulmer đang hỏi đến đâu rồi nhỉ?”

- Xin ông cho biết tình cảm của Elinor Carlisle đối với ông.

Roddy trả lời giọng chính xác:

- Elinor rất gắn bó với tôi, nhưng có lẽ cô ấy không yêu tôi tha thiết.

- Ông có hài lòng về cuộc đính hôn không?

- Hoàn toàn hài lòng. Hai chúng tôi có rất nhiều điểm giống nhau.

- Thưa ông Welman, xin ông cho Tòa biết nguyên nhân khiến cuộc đính hôn bị hủy bỏ.

- Sau khi thím tôi, phu nhân Welman qua đời, hai chúng tôi nghĩ lại. Tôi rất không muốn kết hôn với một phụ nữ giàu có, trong khi bản thân tôi không có lấy một xu trong túi. Thật ra cuộc đính hôn của hai chúng tôi được hủy bỏ do cả hai bên và khiến cho cả hai đều nhẹ nhõm.

- Xin ông cho Tòa biết tình cảm thật của ông đối với Mary Gerrard.

(Ôi, Roddy, tội nghiệp Roddy, màn kịch này chắc làm anh ta khó chịu lắm!)

- Tôi thấy cô ấy rất đẹp.

- Ông yêu cô ấy chứ?

- Một chút...

- Lần cuối cùng ông gặp cô ấy là bao giờ?

- Hình như ngày 5 hoặc 6 gì đó, tháng Bảy.

Luật sư Bulmer nói:

- Theo tôi được biết thì sau ngày đó ông còn gặp Mary Gerrard, có đúng không?

- Không. Sau ngày đó tôi ra nước ngoài... Tôi du lịch Venise và Dalmatie.

- Ông trở về Anh hôm nào?

- Khi nhận được điện, tôi về ngay... Ngày 1 tháng Tám.

- Vậy là ngày 27 tháng Bảy ông chưa có mặt ở nước Anh?

- Đúng thế.

- Xin nhắc ông là ông đã thề nói đúng sự thật. Trong hộ chiếu của ông có ghi ông về nước Anh ngày 25 tháng Bảy, và tối 27 ông mới đi, có đúng như thế không?

Giọng viên luật sư Bulmer đầy vẻ đe nẹt. Elinor cau mày và trí óc nàng đột nhiên tỉnh táọo. Tại sao luật sư của nàng lại hành hạ một nhân chứng của ông ta?

Roddy tái mặt, im lặng bối rối một lát, rồi anh ta cố gắng trấn tĩnh để trả lời:

- Đúng như thế.

- Và ông đã đến gặp cô Mary Gerrard tại căn hộ của cô ấy tại London?

- Đúng thế.

- Ông đã ngỏ lời cầu hôn với cô ấy?

-... Đúng thế.

- Cô Mary Gerrard trả lời ông thế nào?

- Cô ấy từ chối.

- Ông không giầu chứ?

- Không.

- Thậm chí hình như ông nợ nần rất nhiều.

- Chuyện ấy liên quan gì đến ai đâu?

- Ông không biết, cô Elinor Carlisle viết di chúc cho ông hưởng thừa kế toàn bộ gia tài của cô ấy hay sao?

- Bây giờ tôi mới biết đấy!

- Sáng ngày 27 tháng Bảy ông có mặt ở thị trấn Maidensford không?

- Không.

Luật sư Bulmer ngồi xuống.

Luật sư bên nguyên nói:

- Ông cho rằng bị cáo không yêu ông tha thiết?

- Tôi nghĩ là như thế.

- Ông có phải là người lịch thiệp với phụ nữ không?

- Tôi không hiểu câu ông hỏi.

- Nếu một người phụ nữ yêu ông tha thiết và ông không yêu lại, ông có thấy bổn phận của ông là phải giấu tình cảm thật của ông không?

- Không.

Luật sư bên nguyên mỉm cười ngồi xuống.

- Cảm ơn.

V

- Ông Alfred Wargrave, ông là chuyên gia trồng vườn và ông cư trú ở Emsworth, quận Berks, đúng không?

- Đúng.

- Ngày 20 tháng Mười, ông có đến Maidensford để xem xét cây hoa hồng leo trồng trước trạm bảo vệ lâu đài Hunterbury phải không?

- Vâng.

- Ông vui lòng miêu tả cây hồng leo ấy cho Tòa nghe.

- Đấy là giống hồng leo, còn gọi là tầm xuân hoặc “Zephirine Drouhin”, có hoa màu hồng nhạt và tỏa mùi thơm thoang thoảng, dễ chịu, và cây hồng này không có gai.

- Có thể bị gai cây hồng loại này đâm không?

- Không thể. Bởi giống hồng này làm gì có gai?

Nhà trồng vườn bước ra ngoài.

VI

- Ông là James Littledale, nhà hóa chất, làm việc cho hãng hóa chất Jenkins Halw phải không?

- Đúng thế.

- Xin ông cho biết mẩu giấy này là thế nào, được không?

Người ta đưa ông mẩu giấy nhãn.

- Đây là một mảnh trong giấy nhãn của hãng chúng tôi.

- Nhãn thứ gì?

- Nhãn dán trên lọ thuốc apomorphin một phần hai mươi gam.

- Chứ không phải nhãn thuốc moóc-phin?

- Hai thứ khác nhau. Đây là nhãn thuốc “apomorphin”.

- Ông có thể chứng minh?

- Chữ “m” trong mẩu nhãn này viết thường, có nghĩa không phải chữ đầu. Nếu là morphin thì chữ “m” phải viết hoa: Morphin. Nhưng ở đây, chữ “m” nằm giữa nên không viết hoa, bởi nó nằm giữa tên thuốc: “Apomorphin”.

- Xin ông cho biết tác dụng dược lý của chất “apomorphin”.

- “Apomorphin” là chế từ morphin nhưng lại dùng để chống lại tác dụng của morphin. Nó là thuốc gây nôn mạnh nhất hiện nay. Cách dùng là tiêm dưới da.

- Nếu một người nhận vào cơ thể một lượng moóc-phin chết người, sau đó tiêm dưới da một liều apomorphin thì hiện tượng sẽ thế nào?

- Thì gần như ngay lập tức sẽ nôn thốc nôn tháo và chất moóc-phin cùng với mọi thức ăn chứa trong dạ dầy sẽ bị đẩy ra đường miệng hết.

- Nếu hai người cùng ăn hoặc uống chất có lượng moóc-phin chết người, nhưng một người tiêm dưới da chất apomorphin thì sẽ nôn tháo và thoát chết còn người kia không tiêm sẽ chết đúng như vậy không?

- Đúng thế.

- Sau khi đã nôn mửa ra rồi, có phục hồi sức khỏe như cũ được không?

- Lại như cũ, không để lại di chứng gì.

- Ông có đem theo một số nhãn tương tự không?

- Có.

Nhà hóa chất đưa một xấp nhãn cho viên thư ký Tòa để người này chuyển cho các thẩm phán.

Náo động dưới chỗ công chúng ngồi xem. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu im lặng.

VII

- Bà là Amelia Sedley, địa chỉ cư trú 17 phố Charles, quận Boonamba, bang Auckland, nước New Zealand phải không?

- Vâng.

- Bà biết bà Draper?

- Vâng, từ hai mươi năm nay.

- Bà biết tên người con gái của bà Draper?

- Biết. Chính tôi đã dự đám cưới của chị ấy. Tên thời con gái của chị ấy là Mary Riley.

- Sinh tại New Zealand?

- Không. Chị ấy là người Anh, từ Anh sang.

- Bà có mặt trong phòng xét xử này từ đầu phiên tòa chứ?

- Vâng.

- Bà có nhận thấy bà Mary Riley... hoặc Mary Draper ấy trong phòng này không?

- Có.

- Ở chỗ nào?

- Trên ghế nhân chứng.

- Bà ta làm nhân chứng dưới cái tên gì?

- Hopkins... Jessie Hopkins.

- Và bà khẳng định Hopkins chính là Mary Riley hoặc Mary Draper, người bà đã quen từ hai mươi năm nay?

- Tôi hoàn toàn khẳng định.

Tiếng ồn ào trong phòng xử án.

- Không kể từ ngày hôm nay, lần gần đây nhất bà gặp Mary Draper là bao giờ?

- Cách đây năm năm, sau đó Mary Draper về Anh.

Công tố viên đứng lên, bối rối nói:

- Bà Sedley, có lẽ bà nhầm đấy.

- Tôi hoàn toàn không lầm.

- Có thể hai người giống nhau quá.

- Tôi biết rất rõ Mary Draper.

- Bà Hopkins là một y tá có bằng cấp hẳn hoi.

- Mary Draper trước khi cưới cũng là y tá bệnh viện.

- Bà có biết là bà đang buộc tội một mhân chứng của bên buộc tội không?

- Tôi cam đoan điều tôi khai là đúng sự thật.

VIII

- Ông Edward Marshall, ông đã sống một số năm tại New Zealand, và hiện giờ ông cư trú tại số 14 phố Wren, thị trấn Deptford. Đúng thế không?

- Đúng thế.

- Ông biết Mary Draper chứ?

- Thời gian sống ở New Zealand, tôi có biết chị ta.

- Hôm nay ông có nhìn thấy bà Mary Draper ấy trong phòng xử án này không?

- Có. Chị ta được mọi người gọi là Hopkins nhưng tên thật chị ta chính là Mary Draper.

Chủ tọa phiên tòa ngẩng đầu lên nói:

- Tôi thấy cần mời nhân chứng Jessie Hopkins đứng lên trả lời.

Im lặng. Có tiếng xì xào.

- Thưa Chủ tọa, Jessie Hopkis đã trốn ra khỏi phòng xử án cách đây vài phút.

IX

- Xin mời ông Hercule Poirot!

Poirot đứng dậy, bước lên trước mặt hội đồng xét xử. Tuyên thệ, rồi xoăn ria mép đứng đợi, hơi nghiêng đầu sang một bên. Ông từ chối không khai tên thật, địa chỉ và nghề nghiệp.

- Ông Poirot, ông nhận ra tài liệu này không?

- Tất nhiên là nhận ra.

- Làm sao tài liệu này lại lọt được vào tay ông?

- Bà y tá Hopkins đưa cho tôi.

Luật sư Bulmer nói với Chủ tọa phiên tòa:

- Thưa ông chủ tọa, nếu ông cho phép, tôi xin đọc to lên, sau đó sẽ chuyển đến các vị thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử.
 
Chương 24: Bản trình bày của bên bào chữa bản án


Kính thưa các vị thành viên Hội đồng xét xử. Các vị sẽ quyết định xem Elinor Carlisle có đáng được trắng án hay không?

Nếu sau khi nghe hết lời khai của các nhân chứng các vị vẫn tin rằng Elinor Carlisle đã đầu độc Mary Gerrard, thì xin các vị tuyên bố bị cáo là kẻ có tội.

Còn nếu những giả thuyết khác của bên bào chữa chúng tôi đưa ra các vị thấy có thể chấp nhận được và các vị thấy phù hợp với sự thật thì xin các vị tuyên bố bị cáo vô tội.

Đến phút này, hẳn các vị đã thấy các sự kiện khác hẳn với những gì chúng ta hình dung lúc bắt đầu phiên tòa.

Hôm qua, sau bằng chứng đầy bi thảm do ông Hercule Porot đưa đến, tôi mời các nhân chứng khác, và họ đã chứng minh một cách không thể hồ nghi được, rằng Mary Gerrard chính là con ngoài giá thú của phu nhân Laura Welman. Và như thế có nghĩa, tiếp sau đây sẽ là sự công nhận của Viện quý tộc Hoàng gia Anh sẽ công nhận vị trí quý tộc của tiểu thư đã quá cố Mary Gerrard. Tiểu thư mới là người có quan hệ huyết thống gần nhất của cố phu nhân Laura Welman và được quyền hưởng thừa kế gia tài. Thưa các vị, đấy chính là điểm mấu chốt của vụ án.

Khoản tiền to lớn khoảng hai trăm ngàn bảng thuộc về tiểu thư Mary Gerrard nhưng tiểu thư đến lúc qua đời vẫn chưa biết mình được hưởng quyền lợi đó. Đồng thời cũng chưa biết lai lịch thật của người đàn bà tên là Hopkins. Các vị có thể cho rằng Mary Riley hoặc Draper có quyền chính đáng đổi tên thành Hopkins nhưng tại sao bà ta không công khai nói rõ điều đó ra ở đây?

Sau đây là tất cả những gì chúng ta đã biết: Do bị Hopkins mớm, tiểu thư Mary Gerrard đã làm di chúc để lại toàn bộ tài sản cho ‘Mary Riley, em gái của Elisa Riley’. Chúng ta biết rằng do nghề nghiệp, bà ta có điều kiện có thuốc morphin và apomorphin, và biết tác dụng của hai thứ thuốc này. Hơn nữa, chúng ta đã có đủ bằng chứng để thấy vết rớm máu bà ta bảo là do gai hoa hồng, thật ra là do mũi tiêm dưới da chất apomorphin, giúp bà ta tống ra ngoài chất độc bà ta cho vào nước trà và đã uống cùng với tiểu thư Mary Gerrard. Nhờ vậy, mặc dù hai người uống, nhưng chỉ Mary Gerrard bị chết, bà ta thì không. Chúng ta hẳn còn nhớ lời khai của bị cáo, cho biết lúc bị cáo vào bếp thấy Hopkins có vẻ mệt mỏi và da mặt có màu sắc ‘rất lạ’. Chúng ta dễ dàng hiểu được, chính là bà ta vừa nôn thốc nôn tháo...

Tôi xin chứng minh một điểm nữa: nếu phu nhân Laura Welman sống thêm hai mươi tư giờ nữa, hẳn phu nhân đã để lại di chúc. Nhiều khả năng là trong bản di chúc đó, Mary Gerrard sẽ được hưởng một khoản tiền lớn, tuy chưa phải toàn bộ gia tài, bởi phu nhân nghĩ rằng con gái ngoài giá thú của bà sẽ sống sung sướng hơn, nếu đứng ngoài tầng lớp xã hội của bà.

Lẽ ra tôi không nên đưa ra những bằng chứng kết tội một người nào khác, nhưng tôi buộc phải đưa ra ở đây, chỉ nhằm mục đích chứng minh: ngoài bị cáo, còn có một người khác cũng có động cơ mạnh mẽ không kém gì bị cáo để giết nạn nhân.

Tự đặt mình dưới góc độ đó, thưa các vị thành viên Hội đồng xét xử, tôi xin phép được khẳng định trước tòa rằng lời buộc tội đối với bị cáo Elinor Carlisle đã sụp đổ...”

II

Bài phát biểu của Chủ tọa phiên Tòa, thẩm phán Beddingfeld:

- “... Các vị còn tin rằng bị cáo đã đầu độc Mary Gerrard bằng một lượng moóc-phin nguy hiểm ngày 27 tháng Bảy nữa không? Nếu các vị không còn tin như thế nữa, xin các vị hãy xác nhận bị cáo vô tội.

Bên buộc tội nói rằng người duy nhất có lý do để giết Mary Gerrard là bị cáo.

Nhưng bên bào chữa đã ra sức bác bỏ nhận định trên. Thoạt đầu bên bào chữa cố chứng minh, đây là một vụ tự tử. Lập luận họ đưa ra chỉ là dựa vào bản di chúc của Mary Gerrard lập ra trước khi chết ít ngày. Nhưng lại không có bằng chứng nào nói lên được rằng nạn nhân đau khổ, tuyệt vọng đến mức quyên sinh.

Bên bào chữa còn đưa ra giả thuyết cho rằng có một người nào khác đã lọt vào bếp trong lúc Elinor Carlisle ra ngoài, và chính kẻ này đã rắc bột moóc-phin lên những khoanh bánh mì. Nếu như vậy, mục tiêu kẻ đó nhằm giết hại phải là bị cáo chứ không thể là Mary Gerrard, và nếu như vậy, sự kiện Mary Gerrard nhiễm độc chỉ là kết quả của một sự lầm lẫn của hung thủ.

Giả thuyết thứ ba của bên bào chữa là một người nào khác nữa bỏ moóc-phin vào thức ăn, nếu như thế, chỉ có thể bỏ vào trà chứ không thể vào bánh mì.

Bên bào chữa bèn dẫn đến nhân chứng Littledale, ông này đã xác nhận mẩu giấy tìm thấy trong khe sàn bếp sau bàn là một phần của nhãn dán trên lọ thuốc apomorphin, chứ không phải nhãn thuốc morphin, và apomorphin là một chất gây nôn cực mạnh. Chúng ta đã được xem bản mẫu nhãn này so sánh. Theo tôi, cảnh sát đã có khuyết điểm là không nghiên cứu kỹ. Lẽ ra phải tìm nhãn còn nguyên vẹn để điều tra, đã làm việc thiếu thận trọng, vội vã kết luận một điều không đúng, chưa qua thẩm tra nghiêm túc.

Nhân chứng Hopkins khai rằng bị gai hoa hồng đâm phải, nhưng nhân chứng Wargrave đã kiểm tra cây hoa hồng này không có gai. Và các vị chỉ còn việc xác định thực chất vết rớm máu trên cổ tay bà y tá Hopkins là sẽ tìm ra được nguyên nhân của vết rớm máu đó.

Nếu bên buộc tội thuyết phục được các vị rằng chính bị cáo chứ không phải người nào khác là thủ phạm vụ đầu độc, xin các vị tuyên bố bị cáo là có tội.

Nếu một trong những giả thuyết do bên bào chữa đưa ra được các vị thấy có thể chấp nhận, xin các vị tuyên bố bị cáo vô tội.

Tôi đề nghị các vị đưa ra lời phán quyết một cách chính xác và dũng cảm, hoàn toàn chỉ căn cứ vào bằng chứng các vị đã nghe”.

Elinor Carlisle lại được dẫn vào phòng xét xử.

Các thẩm phán ngồi vào vị trí.

- Thưa các vị! Xin các vị cho biết: đồng ý hay không với bản phán quyết?

- Đồng ý.

- Xin các vị hãy nhìn bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa, và xin nói bà ta có tội hay không có tội?

- Bị cáo vô tội!
 
Chương 25: Cứu tinh


Người ta thả nàng ra theo lối cửa nhỏ kín đáo phía sau nhà tạm giam. Những khuôn mặt tươi cười đứng đón nàng: Roddy... nhà thám tử có bộ ria rậm...

Nhưng nàng quay lại nhìn bác sĩ Lord vẻ cầu khẩn:

- Tôi muốn đi khỏi đây...

Lát sau nàng đã ngồi bên cạnh viên bác sĩ trong chiếc ô-tô êm ái đang đưa họ với tốc độ rất cao ra khỏi trung tâm thành phố London.

Lord chưa nói gì với nàng, và Elinor tận hưởng sự im lặng tốt bụng ấy.

Mỗi phút họ lại xa thêm London.

Một cuộc sống mới...

Đấy chính là thứ nàng đang ao ước.

Một cuộc sống mới!

Đột nhiên nàng nói:

- Tôi muốn đến một nơi nào yên tĩnh... nơi tôi không phải nhìn thấy những bộ mặt người nữa...

Bác sĩ Lord rất bình thản đáp:

- Tôi đã lường trước tất cả. Cô sẽ vào nhà an dưỡng, xung quanh là vườn cây bao la và tuyệt đẹp. Sẽ không ai quấy rầy cô.

Elinor thở dài, nói:

- Đúng bây giờ tôi cần được nghỉ ngơi hoàn toàn...

Là thầy thuốc cho nên Lord hiểu rõ tâm lý nàng lúc này. Anh ta biết... nhưng không dằn vặt nàng. Elinor cảm thấy rất hạnh phúc được ở bên cạnh người bác sĩ trẻ... được thoát khỏi thế giới con người, được xa hẳn London... được đến một nơi hoàn toàn yên tĩnh...

Elinor muốn quên... Đối với nàng, thực tế không còn tồn tại... Vậy là chấm dứt cuộc đời cũ và những đau khổ đã qua! Nàng trở thành một con người mới, lạ lẫm và bất lực, một kẻ mộc mạc và hoang sơ. Một cuộc sống mở ra trước mắt nàng.

Ngồi bên cạnh Peter Lord, nàng cảm thấy dễ chịu vô cùng.

Bây giờ họ đã ra khỏi nội thành London, xe đang chạy trên vùng ngoại vi thành phố.

Cuối cùng nàng nói:

- Đây là nhờ anh... Nhờ có anh...

Peter Lord cãi lại:

- Không, cô hãy cảm ơn Hercule Poirot. Ông mới đúng là một tay phù thủy!

Nhưng Elinor lắc đầu, nhắc lại một cách bướng bỉnh:

- Không, nhờ anh! Chính anh đã tìm ông ấy và nhờ ông ấy bào chữa cho tôi.

Peter nhếch một nụ cười:

- Ông ta đã làm nên điều kỳ diệu.

- Anh có tin tôi vô tội không?

- Tôi không tin lắm.

- Chính vì thế mà tôi đã định nhận tội, lúc bắt đầu vào phiên tòa... bởi vì, anh biết không, thực ra tôi đã có cái ý nghĩ ấy... Tôi đã nảy ra cái ý nghĩ ấy hôm đi qua trước cửa nhà bà ta. Tôi cười phá lên và anh đã nhìn thấy.

- Tôi cũng chưa tin là cô có tội.

- Bây giờ nghĩ lại, mọi chuyện sao kỳ quái thế... giống như tôi đã sống trong giấc mơ, như tôi đã sống trong giấc mơ, như tôi bị kẻ nào đó thôi miên! Hôm mua cá chiên bơ và lúc chuẩn bị những khoanh bánh mì kẹp thức ăn, tôi đã thầm nghĩ: “Mình sẽ cho thuốc độc vào cá, cô ta ăn và sẽ chết... Khi đó Roddy sẽ trở lại với mình...”

- Đôi khi tưởng tượng ra những chuyện đó cũng là một cách nguôi ngoai được phần nào nỗi đau khổ. Đấy là cách dùng hoang tưởng để thỏa mãn những thèm khát xấu xa...

- Đúng thế. Nhưng những ý nghĩ độc ác ấy tan biến ngay và tôi đã tỉnh lại! Đó là khi bà kia nói đến những cây hoa hồng ngoài trạm bảo vệ. Lập tức bao kỷ niệm êm đềm vụt hiện lên và tôi trở lại được trạng thái bình thường, tỉnh táo.

Nàng run rẩy nói:

- Sau đó lúc tôi với bà kia xuống phòng khách nhỏ. Mary đã chết... hoặc sắp chết. Tôi thầm nghĩ: “Có gì khác nhau đâu giữa việc giết chết người và ý nghĩ định giết người?”

- Hai thứ khác nhau hoàn toàn!

- Nhưng anh công nhận, về thực chất thì hai thứ chỉ là một chứ?

- Tất nhiên! Tuy nhiên nghĩ đến chuyện giết một người chưa phải đã hại cho ai. Con người dễ nghĩ vấn đề này theo kiểu rất lạ. Họ cho rằng nghĩ đến chuyện giết người tương đương với chuẩn bị giết người... trường hợp này không phải như vậy. Chỉ sau một thời gian, thấy ý nghĩ của mình là đen tối, cô đã trở lại tỉnh táo và bỏ ý nghĩ ấy đi.

- Anh rất giỏi an ủi người khác!

Peter Lord phản đối một cách đáng yêu.

- Hoàn toàn không phải! Đấy chỉ là cách suy nghĩ lành mạnh.

Mắt long lanh ướt, Elinor nói:

- Chốc chốc... trong phiên tòa... tôi lại nhìn anh. Sự có mặt của anh đã giúp tôi có thêm can đảm.

Lần đầu tiên, từ khi nàng bước lên ô-tô, bây giờ nàng mới quay đầu lại chăm chú nhìn viên bác sĩ.

Hình thức Peter Lord không làm nàng khó chịu, trong khi hình thức Roddy lại làm nàng vừa sung sướng vừa đau khổ lẫn lộn.

Nàng yêu khuôn mặt phúc hậu của chàng bác sĩ, khuôn mặt vừa ngộ nghĩnh vừa đáng yêu.

Cuối cùng xe chạy đến một cổng sắt. Một lối đi dẫn lên một ngôi nhà màu trắng xây trên sườn đồi.

- Tại đây cô được tuyệt đối an toàn. Không có ai đến làm phiền cô.

- Anh... anh sẽ đến đây với tôi chứ?

- Tất nhiên rồi.

- Luôn chứ?

- Cô muốn luôn mức nào tôi sẽ làm theo đúng mong muốn của cô. - Bác sĩ Peter Lord đáp.

- Nếu vậy, anh hãy đến đây... rất luôn luôn.
 
Chương 26: Những điều dối trá


Anh bạn nên biết rằng, - Hercule nói - điều dối trá nhiều khi đáng quý ngang với sự thật đấy.

- Nghĩa là người ta đã nói với ông những điều dối trá? - Bác sĩ Peter Lord hỏi.

Hercule Poirot gật đầu.

- Tất nhiên, và với nhiều lý do khác nhau. Nhưng người làm tôi ngạc nhiên chưa từng thấy là Elinor Carlisle. Cô ta nói dối vì quá nghiêm khắc trước lương tâm. Cô ấy bị nghi oan nhưng không đấu tranh mà định đầu hàng ngay, nhận trước tòa một tội mà cô không làm.

Bác sĩ Lord mệt mỏi thở dài.

- Quả là khó ai tin nổi.

- Vậy mà lại có! Cô ấy tự kết án... bởi cô ấy tự đặt ra một tiêu chuẩn đạo đức cao hơn hẳn tiêu chuẩn của con người nói chung. Lúc mới tiến hành điều tra, tôi đã nghi cô ta chính là thủ phạm. Nhưng vì anh yêu cầu tha thiết nên tôi tiếp tục tìm hiểu thêm và tôi hiểu ra rằng các bằng chứng đều nói lên, thủ phạm là người khác.

- Mụ y tá Hopkins?

- “Đúng thế. Nhưng không phải tôi nghi mụ ấy ngay. Đầu tiên tôi nghi Roddy, mà trường hợp này cũng do một lời nói dối. Anh ta bảo anh ta rời nước Anh ngày 9 tháng Bảy và trở về ngày 1 tháng Tám. Trong khi mụ Hopkins lại tình cờ lộ ra với tôi rằng Roddy đến gặp Mary ở London, nhắc lại lời cầu hôn, nhưng Mary từ chối. Theo tin tức của anh thì ngày 10 tháng Bảy, Mary mới đến London... Một ngày sau khi Roddy rời khỏi đó. Vậy làm sao Roddy gặp cô ta được? Tôi bèn xem hộ chiếu của Roddy, thì ra anh ta có về Anh hai ngày, từ 25 đến 27 tháng Bảy. Anh ta đã cố tình nói dối tôi.

Tôi nghĩ đến quãng thời gian ngắn ngủi từ lúc Elinor rời khỏi bếp, ra chỗ trạm bảo vệ rủ hai người phụ nữ kia vào cùng ăn. Tôi đã nghĩ có kẻ nào định giết Elinor, chứ không phải giết Mary. Mà Roddy lại có một động cơ rất quan trọng để thủ tiêu Elinor. Dùng một cách hỏi khéo léo, tôi phát hiện ra là anh ta có biết nội dung bản di chúc của Elinor Carlisle”.

- Vậy sao ông lại biết anh ta vô tội?

- “Nhờ một lời nói dối... Một lời nói dối vớ vẩn chẳng để làm gì. Mụ Hopkins bảo rớm máu ở cổ tay là do gai hoa hồng leo. Tôi đến tìm hiểu thì ra cây hoa hồng leo ở trạm bảo vệ không có gai. Câu nói dối đó rõ ràng là vô ích và ngu xuẩn, chẳng để làm gì, nhưng lại khiến tôi chú ý.

Thế là từ đấy tôi bắt đầu quan tâm nhiều đến mụ ta. Trước kia tôi tưởng mụ ta thành thật. Tuy mụ ta đổ diệt tội cho Elinor, tôi vẫn nghĩ là tại mụ ta yêu Mary quá. Nhưng sau khi mụ nói dối một cách vụng về kia, tôi chợt hiểu tôi đã bỏ sót một chi tiết. Mụ ta biết một điều gì đó về Mary Gerrard nhưng giấu biệt, mà chỉ nói theo lời đồn của mọi người”.

Viên bác sĩ ngạc nhiên kêu lên:

- Vậy mà tôi lại đánh giá khác kia chứ!

- “Mụ rất giảo quyệt. Mụ đóng vai một người biết một điều nhưng không nỡ nói ra. Sau khi suy ngẫm, tôi thấy mụ ta có một dụng ý, một mục đích. Và tôi đã tìm ra được mưu mẹo của mụ.

Từ lúc ấy, tôi nhận ra sự khác nhau giữa kiểu nói dối của mụ với kiểu nói dối của người khác, thí dụ kiểu của Roddy Welman. Một bên là nói dối tội lỗi và một bên là nói dối vụng về nhưng vô tội. Roddy chính là thuộc loại thứ hai này. Vì không có mặt ở nơi xảy ra vụ án nên anh ta nói dối cho gọn là lúc đó ở nước ngoài. Roddy thuộc loại người ngại mọi phiền phức.

Lọ moóc-phin vẫn trong tay mụ, nhưng mụ lại rao ầm lên là bị mất để đánh lạc hướng. Mụ sử dụng chị y tá O’Brien khờ khạo làm cái loa, để mỗi khi cần tung ra một cách hiểu nào đó.

Mụ ta biết một điều bí mật về lai lịch cô Mary. Bằng cách khôn khéo tôi đã moi được lá thư. Ngoài phong bì đề ‘Chuyển cho Mary sau khi tôi chết’. Nhưng nội dung lá thư lại rõ ràng là người viết không muốn cho Mary Gerrard biết. Vậy ‘Mary’ ở đây không phải Mary Gerrard mà là ‘Mary Riley’! Bà vợ bác bảo vệ Gerrard gửi thư thổ lộ điều bí mật này cho cô em ở New Zealand có vậy thôi! Hoàn toàn không phải để Mary Gerrard biết chuyện bí mật kia.

Mụ Hopkins nói dối là thấy lá thư trong đống giấy tờ của ông Gerrard, thật ra mụ nhận được từ khi còn ở New Zealand. Sau khi bà Elisa Riley qua đời, người ta đã gửi lá thư đó cho em gái bà tức là Mary Riley, theo tên chồng là Mary Draper, hoặc sau này Jessie Hopkins! Không khó khăn gì, tôi tìm được một nhân chứng ở New Zealand biết rõ Mary Riley...”

- Tôi e ông lầm khi khẳng định bà y tá Hopkins chính là Mary Draper.

- Tôi không lầm đâu, anh bạn trẻ ạ!

Bác sĩ Lord phá lên cười, nhưng nhà thám tử đã nói tiếp:

- Theo thông tin tôi thu lượm được của cảnh sát New Zealand, thì họ đã có nghi mụ ta, nhưng chưa tìm được đủ chứng cứ để kết tội. Một bệnh nhân già sau khi làm di chúc để lại cho mụ ta một tài sản kha khá, đã chết một cách rất lạ. Chồng mụ ta cũng vậy, sau khi ký xong di chúc cho mụ ta cũng vậy, sau khi ký xong di chúc cho mụ ta hưởng thừa kế cũng lăn ra chết, và cũng một cách khó hiểu. Còn nhiều bệnh nhân của mụ chết kiểu như thế... Khi thấy sắp bại lộ, mụ ta vội chuồn về Anh, đội tên Hopkins, là tên một người trong số bạn y tá của mụ bị chết trong lúc đang ở nước ngoài. Mụ chọn Maidensdorf làm địa bàn hoạt động...

- Không có ông, Elinor Carlisle đã bị tội oan!

- Nhờ anh đấy, anh bạn trẻ ạ. Cô ta thoát tội là nhờ anh, Peter Lord!

- Sao lại nhờ tôi? Tôi hoàn toàn không hiểu?

- Anh bạn rất ranh ma, nhưng tôi khuyên anh từ nay về sau chỉ nên bó hẹp hoạt động trong những gì anh bạn thành thạo, thí dụ chữa cúm, ho gà, vân vân... Còn nói dối thì anh bạn nên tránh cho xa. Anh bạn nói dối xoàng lắm. Anh bạn dẫn tôi vào chỗ lùm cây, cho tôi thấy một bao diêm Đức để tôi nghi có tên Đức lọt vào đây. Quá trẻ con, anh bạn thân mến ạ! Rồi anh bạn cho tiền thằng bé bảo nói khai với tôi là xe ô-tô đỗ ngoài đường hôm đó là của anh. Sau đấy anh bạn lại quả quyết rằng đấy là xe khác, không phải xe của anh, viện cớ loại xe và màu xe đó ở Maidenford rất nhiều, cũng nhằm đánh lạc hướng, để tôi nghi có một kẻ khác đã đến lâu đài. Cũng lại trẻ con quá!

- Tôi nhận lỗi... Bây giờ thì tôi hy vọng Elinor và Roddy sế sống bên nhau hạnh phúc...

- Thực lòng anh bạn không mong như thế đâu, anh bạn trẻ!

- Tại sao? Elinor sẽ tha thứ cho cậu ta. Tình yêu của cậu ta đối với Mary chỉ là thoảng qua...

- Không đâu! Vết thương vừa rồi trong lòng Elinor sâu hơn thế rất nhiều. Nó là hố ngăn quá khứ và tương lai... Con người mỗi khi thoát chết, đều khác đi nhiều lắm. Elinor sẽ sống một cuộc sống khác hẳn trước... Mà chính là nhờ anh đấy, anh bạn trẻ ạ.

- Không phải nhờ tôi.

- Anh bạn hãy thú nhận đi. Lòng biết ơn của cô ấy dành hoàn toàn cho anh, đúng thế không?

- Đúng. Cô ấy tỏ ra rất biết ơn tôi... Cô ấy bảo tôi hãy đến thăm cô ấy luôn.

- Elinor rất cần đến anh đấy, anh bạn trẻ ạ.

- Cô ấy cần cả đến cậu kia.

Nhà thám tử lắc đầu:

- Elinor sẽ vĩnh viễn không bao giờ cần đến Roddy nữa.

- Nhưng sẽ không bao giờ cô ấy yêu tôi như trước đây cô ấy đã yêu cậu ta.

- Có thể. Nhưng bây giờ Elinor cần đến anh bạn, vì chỉ bên cạnh anh bạn, cô ấy mới hạnh phúc.

Chàng bác sĩ không trả lời.

Poirot dịu dàng nói:

- Tại sao ta lại không chịu chấp nhận thực tế? Cô ấy đã từng yêu Roddy. Đấy là thực tế. Nhưng bây giờ? Bên cạnh anh bạn, cô ấy sẽ hạnh phúc. Đấy cũng là một thực tế!
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top