Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full Sứ Giả Của Thần Chết

  • Tác giả Tác giả admin
  • Ngày gửi Ngày gửi
Dịch Full Sứ Giả Của Thần Chết

admin

Thánh Ngự Hư Không
Đại Thần
Tham gia
11/6/23
Bài viết
919,300
VNĐ
900,499
[Diendantruyen.Com] Sứ Giả Của Thần Chết

Sứ Giả Của Thần Chết
Tác giả: Sidney Sheldon
Tình trạng: Đã hoàn thành




Sidney Sheldon, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết thuộc hàng Best-selling được người đọc Việt Nam yêu thích như "Nếu còn có ngày mai", “Âm mưu ngày tận thế”, "Thiên thần nổi giận"..., đã từ trần ở tuổi 89.

Warren Cowan, một trong những cố vấn của Sheldon cho biết nhà văn từ trần vào chiều ngày 30/12 tại Bệnh viện Eisenhower ở Rancho Mirage (Mỹ) vì bệnh viêm phổi. Vợ ông, bà Alexandra, con gái Mary Sheldon đồng thời cũng là một nhà văn, đã có mặt bên cạnh Sheldon trong lúc lâm chung. Cowan xúc động nói: “Tôi đã mất một người bạn lâu năm và thân thiết nhất. Trong suốt những năm tháng được làm việc cùng Sheldon, tôi chưa bao giờ nghe thấy ai đó nói một từ không hay về ông”. Sidney Sheldon từng có thời gian làm việc tại Hollywood và là tác giả của nhiều kịch bản phim nhựa và phim truyền hình nổi tiếng.

Tuy nhiên, bước sang 50 tuổi, tức là vào khoảng những năm 1967, ông lại chuyển sang viết tiểu thuyết và nổi tiếng với hàng chục tác phẩm ăn khách nhất hành tinh, được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau trên toàn thế giới. Những cuốn sách của Sheldon, như “Thiên thần nổi giận”, “Phía bên kia nửa đêm”, “Nếu còn có ngày mai” đã khiến tên tuổi của nhà văn Mỹ luôn tồn tại trong lòng bạn đọc.

Ông là một nhà văn có tài thực thụ. Bằng cách viết và diễn tả tình tiết câu chuyện rất ly kỳ với giọng văn hóm hỉnh nhưng đầy trí tuệ, những tác phẩm của Sheldon thường nói về những nhân vật thành đạt, nổi tiếng nhưng không có thật và thường là phụ nữ.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1982, Sheldon tâm sự: “Tôi cố gắng viết những tác phẩm để người đọc không thể đặt chúng xuống. Tôi viết để khi người đọc đọc tới cuối chương, họ phải đọc thêm một chương nữa”. Giải thích lý do tại sao có quá nhiều phụ nữ là các nhân vật chính trong các tác phẩm của ông, Sheldon nói: “Tôi thích viết về những người phụ nữ tài giỏi, và quan trọng hơn, là họ vẫn đầy quyến rũ, nữ tính. Phụ nữ có một sức mạnh vô cùng to lớn - đó là nét quyến rũ và người đàn ông không thể làm gì nếu thiếu điều này”. Không giống như những nhà văn khác thường sử dụng máy chữ hoặc máy tính để viết tác phẩm, Sheldon thường đọc ra 50 trang truyện mỗi ngày cho thư ký hay máy thu âm ghi lại. Sau đó, ông sửa bản sáng tác vào ngày hôm sau và cứ tiếp tục công việc như vậy cho tới khi tác phẩm của ông dài từ 1.200 tới 1.500 trang.

Sheldon nói: “Tôi đọc và sửa lại bản viết cuối cùng từ 12 tới 15 lần. Có thể tôi chỉ dùng cả năm để sửa lại bản viết đó”. Sidney Sheldon sinh ngày 11/2/1918 tại Chicago, Illinois dưới tên Sidney Schechtel, trong một gia đình có bố là người Do Thái gốc Đức, mẹ là gốc Nga. Ông bắt đầu việc viết lách ngay từ khi còn rất nhỏ. Lên 10 tuổi, cậu bé Sheldon đã kiếm được 10 USD cho một bài thơ. Thời trai trẻ, Sheldon từng làm nhiều nghề để kiếm sống trong khi là sinh viên tại Northwestern University và tham gia một nhóm chuyên viết những vở kịch ngắn.

Sheldon từng thú nhận ông suýt tự tử vào năm 17 tuổi. Năm 17 tuổi, Sheldon quyết định thử vận may tại Hollywood. Công việc ban đầu duy nhất mà Sheldon nhận được là đọc kịch bản phim tại Universal Studio với giá 22 USD/ tuần. Trong khi đó, ban đêm ông viết kịch bản phim riêng của mình và bán lại cho Universal với giá 250 USD. Sau thế chiến thứ 2, từ một phi công của Lực lượng không quân Mỹ, Sheldon giải ngũ và về làm việc cho sân khấu kịch Broadway - nơi đánh dấu những bước đi quan trọng trong sự nghiệp viết văn của ông. Cũng tại đây, Sheldon nhận giải Tony award cho kịch bản hay nhất cho “Redhead”.

Với hơn 300 triệu ấn bản được bán, Sheldon không chỉ là một trong những nhà văn “lão làng” của Mỹ mà còn có ảnh hưởng lớn trong nền văn học thế giới. Ông từng đoạt giải Oscar với kịch bản hay nhất cho phim “The Bachelor and the Bobby-Soxer” (1957), giải Tony Award cho vở nhạc kịch “Rehead” (1957) nổi tiếng của sân khấu kịch Broadway và giải Emmy cho “Dream of Jeannie” (1967) Tại Việt Nam, nhiều tác phẩm của Sheldon đã được dịch và xuất bản như “Âm mưu ngày tận thế”, “Bầu trời sụp đổ”, “Người lạ trong gương”, “Phía bên kia nửa đêm”, “Nếu còn có ngày mai”, “Kế hoạch hoàn hảo”, “Cát bụi thời gian”….
 
Chương 1: Lời mở đầu


Perho, Phần Lan

Cuộc họp diễn ra trong một cabin tiện nghi, chịu được thời tiết trong một vùng rừng núi hẻo lánh cách Helsinki độ 200 dặm. Các thành viên Cánh TâycủaUỷ ban đã đến một cách kín đáo vào những thời điểm cách quãng không đồng đều. Họ đến từ tám quốc gia khác nhau, nhưng chuyến viếng thămcủahọ đã được một bộ trưởng kỳ cựu ở Valtioneuvoso âm thầm tổ chức và trong hộ chiếucủahọ chẳng có ghi sự tiếp nhận nào cả. Ngay cả đến khi họ gặp những vệ sĩ võ trang đưa vào cabin và khi người khách cuối cùng đã xuất hiện, cách cửa cabin được khoá lại và các vệ sĩ chiếm giữ các vị trí dưới những ngọn gió tháng giêng tê cóng, cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu xâm nhập nào. Các thành viên ngồi chung quanh chiếc bàn hình chữ nhật rộng là những người có thế lực cao trong các hội đồngcủaquốc gia họ. Trước đây họ đã gặp nhau vào những dịp kém bí mật hơn và họ tin tưởng nhau vì không còn cách nào khác hơn. Để tăng thêm phần an toàn, mỗi người đều có một mật danh. Cuộc họp kéo dài gần năm tiếng đồng hồ và cuộc thảo luận rất sôi nổi. Cuối cùng, vị chủ toạ quyết định đã đến lúc phải nhờ vào việc biểu quyết. Ông nhỏm dậy, đứng thẳng lên và quay người sang người ngồi bên phải.

- Sigurd?

- Thuận!

- Odin!

- Thuận!

- Balden!

- Chúng ta vội quá. Nếu việc này lộ ra, sinh mệnhcủachúng ta sẽ…

- Làm ơn trả lời thuận hoặc không!

- Không…

- Freyr?

- Thuận!

- Signund?

- Không. Sự mạo hiểm…

- Thor?

- Thuận!

- Tyr?

- Thuận!

- Tôi biểu quyết thuận. Quyết định được thông qua. Tôi sẽ thông báo với ngài chủ sự như thế. Vào cuộc họp kế tiếpcủachúng ta, tôi sẽ cho các ông biết lời đề nghịcủangài về người có khả năng nhất để thi hành nghị quyết. Chúng ta sẽ tôn trọng những biện pháp cẩn thận thường lệ và sẽ ra đi từng 20 phút một. Cám ơn các ông!

Hai tiếng bốn mươi lăm phút sau, chiếc cabin không còn ai. Một toán chuyên viên mang dầu hoả đến và đốt chiếc cabin, ngọn lửa đỏ bốc cao nhờ các cơn gió hung hãn. Cuối cùng thì Palokunta, đội cứu hoả ở Perrho đến hiện trường, chẳng còn gì để trông thấy ngoài những đống than hồng đang âm ỉ cháy có hình dángcủaphòng cabin trên nền tuyết đang rơi xuống. Người đội phó đội cứu hoả đến gần đống tro, cúi xuống và đánh hơi.

- Dầu hoả, - Ông nói. - Hoả hoạn cố ý.

Người đội trưởng cứu hoả nhìn đăm đăm vào đống tro tàn, mặt lộ vẻ bối rối.

- Thật kỳ lạ, - Ông lẩm bẩm.

- Gì thế?

- Tôi đã đi săn ở khu này tuần trước. Chẳng có chiếc cabin nào cả.
 
Chương 2


Washington D.C

Stanton Rogers dự định ứng cử Tổng thống Hoa Kỳ. Ông là một chính trị gia có sức thu hút được nhận thấy khá rõ với đông đảo quần chúng ủng hộ và được những bạn bè có thế lực hậu thuẫn. Không may cho Rogers, cuộc đời tình ái lại dính vào con đường sự nghiệp của ông. Hoặc, như Washington Mavens diễn đạt: "Lão già Stanton đã tự đẩy mình ra khỏi ghế Tổng thống".

Không phải Stanton Rogers tưởng tượng mình là một Casanova. Trái lại, cho đến cuộc chạy trốn khỏi phòng ngủ duy nhất tai hại ấy, ông đã là một người chồng gương mẫu. Ông đẹp trai, giàu có và đang trên đường tiến đến một trong những chức vụ quan trọng nhất của thế giới, và mặc dầu trước đây ông có nhiều cơ hội để phụ bạc vợ ông, ông chưa bao giờ nghĩ đến một người phụ nữ nào cả.

Trong lúc Barbara, người phụ nữ mà Rogers yêu và cuối cuộc đời đi đến hôn nhân sau một cuộc ly dị được đăng báo rộng rãi, lớn hơn Stanton những năm tuổi, có khuôn mặt dễ nhìn, hơi xinh đẹp một tí và hình như chẳng có điểm nào chung với ông cả. Stanton thích điền kinh, Barbara ghét tất cả các hình thức thể dục. Stanton ưa sống tập thể, Barbara chỉ thích ở một mình với chồng hoặc chơỉ với các nhóm bạn bè nhỏ. Sự kinh ngạc lớn đối với những ai biết Stanton Rogers là sự khác biệt về chính trị. Stanton thuộc Đảng Tự Do trong lúc Barbara lại trưởng thành trong một gia đình bảo thủ chính cống.

Paul Ellison, bạn thân nhất của Stanton đã nói:

- Có lẽ cậu điên rồi đấy. Cậu và Liz như được ghi vào sách "Kỷ lục Guinness" như là đôi vợ chồng hoàn hảo. Cậu không thể vứt điều ấy đi vì một vài điều vội vã!

- Cậu có cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của cậu như thế nào không?

- Hết phân nửa các cuộc hôn nhân trong đất nước này đều dẫn đến ly dị. Chẳng nhằm nhò gì cả, - Stanton trả lời.

Ông đã tỏ ra là một nhà tiên tri tồi. Tin tức về cuộc ly dị cay đắng trở thành miếng mồi ngon cho báo chí và những tờ báo nhảm nhí tận dụng việc ấy càng ác liệt càng tốt, với những bức tranh vẽ tổ ấm của Stanton Rogers và các câu chuyện về các cuộc hẹn hò bí mật lúc nửa đêm. Báo chí cố giữ cho câu chuyện càng kéo dài càng tốt và khi nào sự náo nhiệt tắt lịm, những người bạn có thế lực đã ủng hộ Stanton Rogers đi đến chiếc ghế Tổng thống biến mất. Họ tìm ra một bạch y hiệp sĩ mới để đoạt chức vô địch: Paul Ellison.

Chọn Ellison là một sự chọn lựa lôgich. Tuy ông vừa không có được vẻ đẹp trai lẫn sự thu hút của Stanton Roges, nhưng ông thông minh, dễ mến và có nền tảng đứng đắn. Ông thấp người, có những đường nét đều đặn bình thường và đôi mắt bộc trực. Ông đã kết hôn và sống hạnh phúc được mười năm với Aliee con gái một nhà đại tư bản thép và họ được tiếng là một đôi uyên ương nồng thắm.

Như Stanton Roges, Paul Ellison đã theo học tại Yale và tốt nghiệp Trường luật Harvard. Cả hai đã cùng nhau trưởng thành. Gia đình họ có những ngôi nhà nghỉ hè nằm kề cận nhau tại Southampton và các cậu bé cùng đi bơi với nhau, tổ chức các đội bóng chày và sau này, đi với nhau như một cặp bài trùng. Họ học cùng lớp tại Harvard.

Paul Ellison học giỏi, nhưng chính Stanton Roges lại là học trò xuất sắc là chủ bút của tờ tạp chí Luật Harvard, ông lo cho anh bạn Paul của ông trở thành phụ tá. Bố của Stanton Roges là một thành viên kỳ cựu tại một hội luật gia có tiếng tăm tại Wall Street và khi Stanton đến đấy làm việc trong những dịp hè, ông cũng thu xếp cho Paul đến đấy nữa. Khi tốt nghiệp trường Luật, ngôi sao chính trị của Stanton Roges bắt đầu vụt sáng như sao băng và nếu ông là sao chổi thì Paul Ellison là cái đuôi.

Cuộc ly dị đã làm thay đổi mọi việc. Bây giờ chính Stanton Roges lại trở thành phần phụ thuộc cho Paul Ellison. Con đường mòn lên đỉnh núi mất gần mười lăm năm. Ellison thất bại trong một cuộc bầu cử Thượng viện, thắng trong cuộc bầu cử sau đấy và trong vòng vài năm kế tiếp, đã trở thành một luật gia vững vàng khá được trọng vọng. Ông đấu tranh chống lại sự lãng phí trong chính phủ và chế độ quan liêu Washington. Ông là một người theo quan niệm dân kiểm và tin vào sự hoà hoãn quốc tế ông được mời đọc diễn văn đề cử cho cuộc chạy đua tái cử Tổng thống đương nhiệm. Đó là bài diễn văn hùng hồn, xuất sắc làm cho mọi người phải ngồi thẳng dậy và đưa ra nhận xét. Bốn năm sau, Paul Ellison được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ. Việc bổ nhiệm đầu tiên của ông ta là đưa Stanton Roges vào chức Cố vấn ngoại giao của Tổng thống.

Lý thuyết của Marshall McLuhan cho rằng truyền hình sẽ biến thế giới thành một ngôi làng hình cầu đã trở thành sự thật. Lễ tuyên thệ nhậm chức Tống thống thứ 42 của Hoa Kỳ được vệ tinh truyền đi đến trên 190 nước.

Tại Black Rooster, một nơi vãng lai dành cho báo chí tại Washington D.C., Ben Cohn, một phóng viên chính trị lão thành của tờ Washington Post ngồi tại một chiếc bàn với bốn đồng nghiệp xem lễ tuyên thệ nhậm chức qua một chiếc tivi lớn đặt trên quầy rượu.

- Thằng chó đẻ làm tôi tốn mất 50 đô-la đấy, - một phóng viên lên tiếng phàn nàn.

- Tôi cảnh cáo cậu không nên đánh cá với Ellison đấy, - Ben Cohn lên tiếng. - Lão có ma thuật, em bé ạ. Tốt hơn cậu nên tin đi.

Máy quay phim thành công với việc trình bày cả đám đông khổng lồ tụ tập trên đại lộ Pennsylvania, co ro trong những chiếc áo khoác để chống chọi với các cơn gió tê cóng của tháng giêng, lắng nghe buổi lễ bằng loa phóng thanh đặt chung quanh vòng đai. Jason Merlin, Chánh án Toà án tối cao Hoa Kỳ chấm dứt lời tuyên thệ với vị tân Tổng thống bắt tay ông và bước đến micro.

- Hãy nhìn những tên ngốc nghếch đang đứng đấy kìa và đang tê cóng đít, - Ben Cohn lên tiếng phê bình. - Các cậu có biết tại sao họ không được thoải mái như những người bình thường xem truyền hình không?

- Tại sao vậy?

- Bởi vì có một người đang làm lịch sử các cậu ạ. Một ngày nào đấy, tất cả những người

ấy sẽ kể với con cháu của họ rằng họ đã ở đấy vào ngày mà Paul Ellison đã tuyên thệ. Và tất cả bọn họ sẽ khoác lác rằng: "Tôi đứng gần người đến nỗi tôi có thể sờ vào người đấy".

- Ông cay độc thế, ông Cohn.

- Và tự hào nữa. Mọi chính trị gia trên thế giới đều xuất thân từ cùng một con dao cắt bánh quy cả. Họ đều ở cả trong ấy để tìm điều gì họ có thể lấy ra được. Hãy đối diện với nó, các cậu ạ, vì tân Tổng thống của chúng ta là một người theo chủ thuyết tự do và là một người lý tưởng. Điều ấy đã đủ cho bất kỳ người thông minh nào những cơn ác mộng rồi đấy. Định nghĩa của tôi về một người theo chủ thuyết tự do là một người mà đít dính chặt vào những đám mây len bông.

Sự thật thì Ben Cohn chẳng cay độc như giọng nói của ông. Ông đã bảo vệ cho sự nghiệp của Paul Ellison ngay từ đầu và mặc dầu sự thực thì lúc đầu Cohn đã chẳng có cảm giác gì cả, trong lúc Ellison bước lên chiếc thang chính trị, Ben Cohn bắt đầu thay đổi ý kiến. Con người chính trị này chẳng phải là con người "vâng ạ" với bất kỳ một ai. Ông ấy là một cây sồi trong một khu rừng liễu.

Bên ngoài, bầu trời giăng một bức màn mưa giá lạnh. Ben Cohn hy vọng rằng thời tiết không phải là điềm báo trước bốn năm đang trước mặt.

Ông lại chăm chú nhìn vào tivi.

"Chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ là một ngọn được được người dân Mỹ thắp lên và được chuyền tay cứ bốn năm một lần. Ngọn được đã được tín nhiệm vào sự chăm sóc của tôi là vũ khí mạnh nhất trên thế giới. Nó khá mạnh để đốt trụi nền văn minh như chúng ta biết đấy hoặc là ngọn được soi đường, thắp sáng tương lai cho chúng ta và thế giới còn lại. Chúng ta có quyền chọn lựa. Tôi lên tiếng ngày hôm nay không những cho các đồng minh của chúng ta mà còn cả cho các quốc gia thuộc cánh Xô viết nữa. Bây giờ, tôi nói với họ, trong lúc chúng ta chuẩn bị tiến vào thế kỷ 21, rằng chẳng còn chỗ nào cho sự đối nghịch nữa, rằng chúng ta phải học để làm cho câu "một thế giới" trở thành một hiện thực. Bất kỳ con đường nào khác chỉ có thể tạo ra một sự tàn phá kinh khủng mà chẳng bao giờ có quốc gia nào bình phục được. Tôi biết rõ những sự khác biệt rộng lớn giữa chúng ta và các quốc gia XHCN, nhưng ưu tiên nhất của chính quyền này sẽ là xây dựng những cây cầu không lay chuyển được bắc qua những sự cách biệt đó.

Những lời của ông vang ra bằng một tấm chân tình sâu sắc.

- Ông ấy muốn nói lên điều đó" - Ben Cohn suy nghĩ. - Mình hy vọng rằng chẳng ai ám sát đứa con hoang cả.

Tại thị xã Junction, Kansa, vào một loại ngày mà thị xã như ở trong một phòng kính phình ra, lạnh giá và ẩm ướt và tuyết rơi dày đến nỗi tầm nhìn trên Đại lộ số 6 hầu như zéro. Mary Ashley cẩn thận lái xe camionette cũ kỹ của cô hướng về trung tâm đại lộ nơi có những chiếc xe cày tuyết đã làm việc. Cơn giông đã làm cô đến lớp dạy muộn. Cô lái chậm chậm, cẩn thận để chiếc xe khỏi gặp tai nạn.

Từ chiếc đài trên xe vang lên giọng nói của vị Tổng thống.

"Có nhiều người trong chính phủ và nhân dân cho rằng Mỹ nên xây dựng thêm nhiều chiến luỹ thay vì xây cầu. Câu trả lời của tôi cho vấn đề ấy là chúng ta không còn có thể chấp nhận việc đẩy chính chúng ta và con cái chúng ta vào một tương lai mà những kình địch trên toàn thế giới và chiến tranh hạt nhân sẽ đe doạ".

Mary Ashley suy nghĩ: Mình sung sướng vì đã bỏ phiếu cho ông. Paul Elhson sẽ là một vị Tổng thống vĩ đại.

Tay cô ghì chặt tay lái vì tuyết đã biến thành một cơn lốc trắng toát.

Tại St. Croix, mặt trời nhiệt đới chiếu sáng trên một bầu trời trong xanh, không một gợn mây, nhưng Harry Lantz chẳng có ý định nào đi ra ngoài cả. Hắn đang có quá nhiều trò vui trong nhà. Hắn đang nằm trên giường, trần truồng, ép chặt giữa chị em Dolly, Lantz có bằng chứng theo kinh nghiệm rằng họ thực sự không phải là chị em. Annette là một cô gái nước da bánh mật tự nhiên, cao lớn và Sally là một cô gái tóc hoe tự nhiên, cao lớn. Ở đầu xa của phòng khách sạn, hình ảnh của vị Tổng thống rung rinh trên máy truyền hình.

"… Vì tôi tin rằng chẳng có vấn đề nào không giải quyết được bằng thiện chí thuần tuý của cả hai phe, bức tường bê-tông chung quanh Đông Berlin phải được hạ xuống.

Sally dừng các động tác của nàng khá lâu để hỏi.

- Anh yêu, anh muốn em tắt cái máy trời đánh ấy không?

- Để mặc nó. Anh muốn nghe điều ông ấy phải nói.

Annette ngẩng đầu lên.

- Anh có bỏ phiếu cho ông ấy không?

Harry Lant la lên:

- Nè, hai người! Tiếp tục đi…!

"Như các bạn biết đấy, ba năm trước đây, Rumani cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Tôi muốn báo cho các bạn biết rằng hiện nay chúng ta đã xích lại gần chính phủ Rumani và chủ tịch của họ, Alexandros Ionescu, đã đồng ý tái lập quan hệ ngoại giao với nước ra đấy".

Có tiếng hoan hô từ đám đông trên Đại lộ Pennsylvania, Harry Lantz ngồi bật dậy thật đột ngột.

- Anh cử động làm gì thế, anh yêu!

Lantz không nghe nàng. Đôi mắt hắn dán vào máy truyền hình.

"Một trong những hành động chính thức của chúng ta, - vị Tổng thống nói - là sẽ đưa một đại sứ đến Rumani. Và đấy chỉ là bước đầu".

***

Tại Bucarest, trời đã về chiều, thời tiết mùa đông đột ngột dịu lại và những con đường của các khu chợ chiều đầy nghẹt những công nhân đang sắp hàng để mua sắm trong thời tiết ấm áp trái mùa.

Chủ tịch của Rumani, Alexandros Ionescu đang ngồi trong văn phòng của ông tại Peles, dinh thự xưa, trên đường Calea Victoriei, với năm sáu người phụ tá vây quanh, và lắng nghe tin tức trên một chiếc đài sóng ngắn.

"Tôi không có ý định dừng lại đấy, - vị Tổng thống Mỹ nói, - Anbani đã cắt đứt tất cả liên hệ ngoại giao với Hoa Kỳ năm 1946. Tôi định nối lại những sợi dây ấy. Thêm vào đấy, tôi định củng cố những mối liên hệ ngoại giao chúng ta với Bungari, Tiệp Khắc và Đông Đức".

Trên chiếc đài vang lên những tiếng hoan hô và vỗ tay.

"Việc chúng ta gửi đại sứ đến Rumani là khởi đầu của một phong trào giữa các dân tộc rộng khắp thế giới. Chúng ta đừng quên rằng tất cả nhân loại đều có chung một nguồn gốc, những vấn đề chung và chung một số phận cuối cùng. Chúng ta hãy nhớ rằng những vấn đề chúng ta cùng nhau chia sẻ lớn hơn những vấn đề ngăn cách chúng ta và điều ngăn cách chúng ta chính là tác phẩm của chúng ta".

***

Tại một biệt thự được canh gác nghiêm ngặt ở Neuilly, một vùng ở ngoại ô Paris, nhà lãnh tụ cách mạng Rumani, Marin Groza, đang nhìn vị Tổng thống trên băng tần 2 vô tuyến truyền hình.

"Giờ đây tôi hứa với các bạn rằng tôi sẽ cố gắng hết sức mình và tôi sẽ tìm cho ra những người tốt nhất giữa những người khác…"

Tiếng vỗ tay kéo dài tròn 5 phút.

Marin Groza lên tiếng đầy suy tư:

- Tôi nghĩ rằng giờ của chúng ta đã điểm, Lev ạ. Ông ta thật sự muốn điều ấy.

Lev Pasternak, viên bí thư chính của ông, đáp lại:

- Việc này sẽ không giúp gì cho Ionescu chứ?

Marin Groza lắc đầu.

- Ionescu là một tên độc tài nên rốt cuộc chẳng có gì giúp được hắn cả. Nhưng tôi phải rất cẩn thận trong việc tính toán thời gian. Tôi không được quyền thất bại nữa.

***

Peter Connors không say - không say như ông ta dự định. Ông hầu như đã uống cạn ly Scotch thứ năm khi cô Nancy, cô thư ký riêng sống chung với ông ta, lên tiếng:

- Anh không nghĩ rằng anh đã uống đủ rồi ư, Peter?

Ông mỉm cười và vỗ lên người nàng.

- Tổng thống của chúng ta đang nói chuyện. Em phải tỏ ra tôn trọng một tí chứ. - Ông ta quay sang nhìn bức ảnh trên máy truyền hình. - Đồ chó đẻ Cộng sản - ông ta thét vào màn ảnh. - Đây là đất nước của tao và CIA sẽ không để mày phản bội đâu. Chúng tao sẽ chặn mày lại, Cộng sản ạ(1).

Mày có thể lấy mạng mày đánh cuộc đi.

Chú thích:

(1) Ngôn ngữ của một nhân vật phản động quá khích, bày tỏ sự bất bình trước chính sách thân thiện với các nước xã hội chủ nghĩa của nhân vật Tổng thống Hoa Kỳ Ellison (ND)
 
Chương 3


Paul Ellison nói.

- Tôi sẽ cần nhiều đến sự giúp đỡ của cậu, anh bạn già ạ.

- Cậu sẽ có, - Stanton Roges điềm tĩnh đáp.

Họ đang ngồi ở văn phòng Bầu dục, vị Tổng thống ngồi tại bàn giấy với một lá cờ Mỹ sau lưng.

Đây là cuộc họp đầu tiên của họ trong văn phòng này, và Tổng thống Ellison cảm thấy khó ở.

Nếu Stanton lỗi lầm duy nhất ấy, Paul Ellison nghĩ, cậu ấy sẽ ngồi vào chiếc bàn giấy này thay vì mình.

Dường như đọc được tâm trạng của ông, Stanton Roges lên tiếng:

- Tôi có một lời tự thú. Ngày cậu được bổ nhiệm chức vụ Tổng thống, tôi thật ganh tị, Paul ạ. Đấy là giấc mơ của tôi và cậu lại thay vào đấy. Nhưng cậu có biết việc gì không? Cuối cùng tôi nhận ra rằng nếu tôi không thể ngồi vào chiếc ghế ấy thì chẳng còn ai khác trên đời mà tôi muốn đặt vào đấy ngoài cậu ra. Chiếc ghế ấy thích hợp với cậu đấy.

Paul Ellison mỉm cười với bạn và nói:

- Thực sự mà nói, Stan, căn phòng này làm tôi sợ kinh khủng. Tôi có cảm giác thấy được những hồn ma Washington, Lincoln và Jefferson.

- Chúng ta cũng đã có những vị Tổng thống…

- Tôi biết. Nhưng chính họ là những vĩ nhân mà chúng ta phải cố gắng sống theo.

Ông ấn nút trên bàn giấy và vài giây sau, một người phục vụ mặc áo khoác trắng bước vào phòng.

- Vâng, thưa Tổng thống?

Paul Ellison quay sang Rogers:

- Cà phê chứ?

- Nghe hay đấy!

- Thích gì nữa không?

- Không, cám ơn. Barbara muốn tôi để ý đến vòng bụng.

Vị Tổng thống gật đầu với Henry, người phục vụ và anh ta lặng lẽ rời căn phòng.

Barbara. Nàng đã làm mọi người kinh ngạc. Ở Washington, người ta bàn tán rằng cuộc hôn nhân sẽ dài không quá một năm. Nhưng giờ đây hầu như đã mười lăm năm rồi và đấy là một thành công. Stanton Roges đã xây dựng được một cuộc thực tập về luật cho uy tín của mình tại Washington và Barbara đã được tiếng là một bà chủ duyên dáng.

Paul Ellison đứng dậy và bắt đầu đi đi lại lại.

- Bài diễn văn giữa các dân tộc của tôi hình như đã gây náo động thực sự. Tôi cho rằng cậu đã đọc tất cả báo chí rồi.

Stanton Roges nhún vai:

- Cậu biết họ như thế nào đấy. Họ thích dựng lên anh hùng để họ có thể hạ bệ đấy. Nói thẳng ra, tôi chẳng nguyền rủa điều gì báo chí nói đâu. Tôi quan tâm đến điều người dân nói. Khách quan mà nói, cậu đang đặt lòng sợ hãi Thiên chúa vào nhiều người, Paul ạ. Các lực lượng võ trang đang chống lại kế hoạch của cậu và những kẻ sách động có thế lực muốn thấy việc của cậu thất bại.

- Nó sẽ không thất bại đâu, - ông dựa lưng vào thành ghế. - Cậu có biết những vấn đề lớn đối với thế giới ngày nay là gì không? Không còn chính khách nào nữa cả. Các quốc gia đang bị các chính trị gia cai trị. Đã có một thời, không lâu mấy, khi quả đất có những người khổng lồ. Một số tốt và một số xấu, nhưng nhờ trời, họ là những người khổng lồ. Roosevelt và Churchill, Hitler và Mussolini, Charles de Gaulle và Joseph Stalin. Tại sao tất cả bọn họ lại đều sống vào thời kỳ đặc biệt có một không hai ấy? Tại sao bây giờ không có chính khách nào cả?

- Kể cũng khó là một người lừng danh thế giới trên một màn ảnh 21 inch đấy.

Cánh cửa mở ra và người phục vụ xuất hiện mang một chiếc khay bạc với một bình cà phê và hai chiếc tách, mỗi món đều in con dấu Tổng thống. Anh ta rót cà phê một cách thành thạo.

- Tôi có thể lấy thêm gì khác không thưa Tổng thống?

- Không. Được rồi, Henry. Cám ơn anh.

Vị Tổng thống đợi đến lúc người phục vụ đi khỏi.

- Tôi muốn nói chuyện với cậu về việc tìm ra một đại sứ đúng đắn để đi Rumani.

- Đúng rồi!

- Tôi không cần phải nói với cậu việc này quan trọng như thế nào. Tôi muốn cậu xúc tiến vấn đề ấy càng nhanh càng tốt!

Stanton Roges hớp một ngụm cà phê rồi đứng dậy.

- Tôi sẽ đặt quốc gia lên đấy ngay.

Trong một vùng ngoại ô nhỏ của Neuilly, lúc ấy là hai giờ sáng. Biệt thự của Marin Groza đang nằm trong bóng tối như mực, mặt trăng lẩn trong một đám mây giông tố dày đặc. Đường phố vào giờ này im bặt, chỉ có âm thanh của một khách qua đường bất chợt làm chao động sự im lặng. Một bóng người mặc đồ đen đi không tiếng động xuyên qua đám cây về hướng bức tường gạch bao bọc biệt thự. Trên vai hắn mang một cuộn dây thừng và một chiếc mền và trong tay hắn là một khẩu Uzi có ống giảm thanh và một ống phóng phi tiêu. Khi đến bức tường, hắn dừng lại và lắng tai nghe. Hắn chờ đợi, bất động, trong năm phút. Cuối cùng, vẻ hài lòng, hắn mở cuộn dây nylon và ném cái móc leo buộc vào đầu dây cho đến khi nó móc được vào bờ xa của bức tường. Gã đàn ông bắt đầu leo lên một cách nhanh nhẹn. Khi hắn lên đến đầu bức tường, hắn vung chiếc mền lên đấy để bảo vệ hắn khỏi những chiếc cọc kim loại có bôi thuốc độc ở đầu cọc gắn đầy trên đầu bức tường. Hắn lại dừng lại để lắng nghe. Hắn lật ngược cái móc, thòng dây vào bên trong bức tường và chuồi xuống đất. Hắn kiểm soát lại chiếc balisong ở thắt lưng, chiếc dao xếp Phillipinnes chết người có thể được bật ra và đóng lại bằng một tay.

Bầy chó tấn công sẽ là việc kế tiếp. Kẻ đột nhập nằm phục đấy đợi chúng bắt mùi. Có ba con Doberman, được huấn luyện để giết người. Nhưng chúng chỉ là chướng ngại vật đầu tiên. Mặt đất và biệt thự đầy dẫy những máy móc điện tử và liên tục được thu vào các ống kính truyền hình. Tất cả thư từ và kiện hàng đều được nhận tại cổng và được những người gác cổng khui ra ở đấy. Các cửa biệt thự có khả năng chống bom. Biệt thự có nguồn cung cấp nước riêng và Marin Groza có riêng một người nếm thức ăn. Biệt thự bất khả xâm phạm. Giả sử như thế đi.

Bóng người mặc đồ đen đang đến đây đêm nay để chứng minh rằng không phải là như thế.

Hắn nghe tiếng động của bầy chó lao vào cắn hắn trước khi hắn thấy chúng. Từ trong bóng tối, chúng phóng lên tấn công vào cổ họng hắn. Có hai con. Hắn đưa ống phóng phi tiêu lên, ngắm và bắn con gần nhất bên trái trước rồi đến con bên phải, vừa tránh né kiểu lao người tấn công của chúng. Hắn xoay một vòng cảnh giác con chó thứ ba và khi nó đến, hắn lại bắn và rồi chỉ còn lại sự yên lặng.

Gã xâm nhập biết các bẫy âm thanh được chôn ở đâu và hắn đi vòng qua chúng. Hắn im lặng trườn qua các vùng đất mà các ống kính truyền hình không kiểm soát và trong vòng không đầy hai phút sau, khi hắn đã vượt qua tường, hắn đã đến cửa sau của biệt thự.

Khi hắn vừa chạm vào tay nắm của cánh cửa, hắn đột nhiên bị chụp kiểm trong vùng sáng đột ngột của nửa tá đèn pha. Một giọng nói vang ra.

- Đứng im! Bỏ súng xuống và đưa tay lên.

Bóng người mặc đồ đen cẩn thận bỏ súng xuống và nhìn lên. Có nửa tá người dàn ra trên mái nhà với đủ loại vũ khí chĩa vào hắn.

Người mặc đồ đen gầm lên.

- Tụi bay làm gì lâu thế? Lẽ ra tao đã không đi xa như thế này.

- Cậu không đi xa đâu! - người trưởng toán gác bảo hắn - Chúng tớ đã bắt đầu theo dõi cậu trước khi cậu vượt qua đường.

Lev Pasternak vẫn chưa nguôi giận:

- Vậy thì lẽ ra các cậu phải chặn tớ lại sớm hơn. Tớ có thể đã thi hành một sứ mệnh tự sát với một số lựu đạn hoặc một quả pháo quỷ quái. Tớ muốn có một cuộc họp toàn ban tham mưu vào sáng ngày mai, đúng tám giờ sáng. Mấy con chó đã bị thuốc mê. Hãy cho người canh chừng chúng cho đến lúc chúng tỉnh dậy.

Lev Pasternak tự hào là người bảo vệ an ninh giỏi nhất thế giới. Hắn đã là một phi công trong cuộc chiến đã trở tranh sáu ngày của Do Thái và sau cuộc chiến đã trở thành nhân viên hàng đầu tại Mossad, một trong năm cơ quan mật vụ của Do Thái.

Hắn không bao giờ quên được buổi sáng hai năm trước, khi vị đại tá của hắn gọi hắn lên văn phòng.

- Lev, có người muốn cậu ít tuần lễ.

- Tôi hy vọng đấy là một cô gái tóc vàng hoe, - Lev nói hàng hai.

- Đấy là Marin Groza!

Mossad có một hồ sơ đầy đủ về người bất đồng chính kiến Rumani. Groza là lãnh tụ của một phong trào dân chúng nhằm mục đích hạ bệ ông Alexandros Ionescu và sắp sửa đảo chính thì ông ta bị một trong những người của ông ta phản bội.

Hơn hai chục chiến sĩ bí mật bị hành quyết và Groza đã vừa vặn trốn được ra khỏi nước và tánh mạng của mình. Nước Pháp đã cho phép ông ta ẩn náu. Ionescu tố cáo Mann Groza là kẻ phản quốc và treo giá cái đầu của ông ta. Cho đến nay, hàng chục nỗ lực ám sát Groza đã thất bại, nhưng ông ta đã bị thương trong đợt tấn công mới nhất.

- Ông ta muốn gì ở tôi thế? - Pasternak lên tiếng hỏi.

- Ông ta cần có người đặt một hệ thống an ninh thật an toàn. Ông ta đến với chúng tôi. Tôi giới thiệu cậu đấy.

- Tôi phải đi Pháp ư?

- Cậu sẽ chỉ mất vài tuần lễ thôi.

- Tôi không…

- Tin tức của chúng ta cho biết rằng ông ta có đủ sự ủng hộ của dân chúng tại Rumani để hạ Ionescu. Khi nào đúng thời điểm, ông ta sẽ tiến công. Trong lúc này, chúng ta phải bảo vệ mạng sống cho con người ấy!

Lev Pasternak suy nghĩ về việc ấy.

- Ngài bảo vài tuần lễ ư?

- Từng ấy thôi.

Vị đại tá đã nhầm về thời gian nhưng lại đúng về Marin Groza. Ông ta là một con người gầy gò, trông yếu ớt với một nét mặt khắc khổ và một khuôn mặt hằn nét buồn rầu. Ông ta có chiếc mũi khoằm, chiếc cằm cương nghị và một vầng trán rộng phủ lơ thơ vài sợi tóc trắng. Và khi ông ta nói, đôi mắt đen sâu rực lên với vẻ xúc động.

- Tôi cóc cần quan tâm đến chuyện sống chết của tôi, - Ông ta bảo Lev trong cuộc họp mặt đầu tiên - Tất cả chúng ta đều sẽ chết cả. Nhưng khi nào là điều tôi đang quan tâm đến. Tôi cần phải sống vài năm nữa. Đấy là tất cả thời gian tôi cần để đuổi Ionescu ra khỏi nước tôi.

Ông ta lơ đễnh đưa tay lên lướt qua một vết sẹo xám xịt trên gò má.

- Không người nào có quyền nô lệ hoá một nước cả. Chúng ta phải giải phóng Rumani và để cho người dân được tự quyết đình lấy vận mệnh của mình.

Lev Pasternak đến thực hiện hệ thống an ninh tại biệt thự ở Neuilly. Hắn dùng một số nhân viên riêng và những người ngoài được hắn thuê đều qua kiểm tra kỹ lưỡng. Mỗi một mẫu thiết bị đều là một tác phẩm nghệ thuật.

Pasternak gặp lãnh tụ phiến loạn Rumani mỗi ngày và càng ở với ông ta, hắn càng khâm phục.

Khi Marin Groza mời Pasternak ở lại làm trưởng toán an ninh của ông, Pasternak không do dự.

- Tôi sẽ phụ trách việc ấy, hắn nói, - cho đến khi ngài đã sẵn sàng để tiến công. Rồi tôi sẽ quay trở về Israel.

Họ đã thoả thuận với nhau.

Vào những thời điểm đột xuất, Pasternak tổ chức các cuộc đột kích vào biệt thự để trắc nghiệm vấn đề an ninh. Giờ đây, hắn suy nghĩ: một số nhân viên bảo vệ trở nên bất cẩn. Mình cần phải thay họ.

Hắn bước qua các dãy hành lang, cẩn thận kiểm soát các máy dò nhiệt, các hệ thống báo động điện tử và các tia hồng ngoại tại mỗi ngưỡng cửa.

Khi vừa đến phòng ngủ của Marin Groza, hắn nghe một tiếng đổ lớn và một lúc sau đấy Groza bắt đầu hét to trong cơ hấp hối.

Lev Pasternak bước qua phòng Groza và tiếp tục bước đi.
 
Chương 4


Tổng hành dinh của cơ quan tình báo trung ương toạ lạc tại Langley, Virginia, cách Washington, D.C. bảy dặm về hướng Tây Nam. Trên con đường dẫn vào cơ quan có một ánh đèn tín hiệu đỏ nhấp nháy trên đỉnh một chiếc cổng. Cổng ngôi nhà được canh gác 24 trên 24 và các vị khách có thẩm quyền được cấp phát các thẻ màu chỉ cho phép họ vào những bộ phận đặc biệt mà họ có liên quan công tác. Bên ngoài toà nhà tổng hành dinh bảy tầng màu xám được gọi một cách bất thường là "Hãng đồ chơi", là một pho tượng lớn của Nathan Hale. Bên trong, ở tầng dưới cùng, một bức tường hành lang lồng kính đối diện với một sân trong vôi một khu vườn cảnh rải rác những cây mộc lan.

Trên bàn tiếp khách, một câu thơ được khảm bằng cẩm thạch.

Và bạn sẽ biết sự thật và

Sự thật sẽ giải phóng bạn.

Công chúng không bao giờ được vào bên trong toà nhà, và chẳng có phương tiện nào cho các du khách cả. Đối với những ai muốn vào khu "đen" mà không bị trông thấy - có một đường hầm chạy vào tận một phòng giải lao đối diện một chiếc cửa thang máy màu nâu đỏ được một đội lính canh mặc đồ nỉ xám canh gác 24 trên 24.

Trong phòng họp ở tầng bảy, dưới sự canh gác của các phụ tá an ninh trang bị bằng các khẩu P.38 mũi tẹt và hếch, cuộc họp sáng thứ hai của ban điều hành đang khai diễn. Ngồi chung quanh một chiếc bàn gỗ sồi rộng là Ned Tillngast, giám đốc CIA; Tướng Oliver Brooks, Tham mưu trưởng Lục quân; Bộ trưởng Ngoại giao Floyd Baker; Peter Connors, Trưởng ngành Phản gián; và Stanton Roges.

Ned Tullingast, giám đổc CIA, 60 tuổi, là một người lầm lì, lạnh lùng, gánh nặng những bí mật hiểm ác. CIA có một ngành nổi và một ngành chìm. Ngành chìm thực hiện các hoạt động bí mật và trong bảy năm qua, Tillingast đã phụ trách 4.500 nhân viên làm việc trong ngành này.

Tướng Oliver Brooks là một quân nhân tốt nghiệp West Point, sống cuộc đời cá nhân và nghề nghiệp theo sách vở. Ông ta là một con người cộng đồng và cộng đồng mà ông ta làm việc là Lục quân Hoa Kỳ.

Floyd Baker, Bộ trưởng Ngoại giao, là một con người lỗi thời, một con người lùi lại vào kỷ nguyên trước. Ông ta thuộc vùng trồng nho phía nam, là một người cao lớn, tóc vàng và có vẻ đặc biệt vì nét cao nhã cổ xưa. Ông ta là một con người có óc thích cãi nhau vặt vãnh. Ông ta có một hệ thống báo chí nhiều ảnh hưởng trên cả nước và nổi tiếng giàu sụ.

Không ai ở Washington có một ý thức chính trị kiên định hơn và những cầu ăng-ten của Baker luôn luôn điều chỉnh để bắt những dấu hiệu thay đổi ở quốc hội.

Peter Connors là người Irlend, nước da đen, một con người ngoan cố, gan lì, nát rượu và không hề hoảng sợ. Đây là năm cuối cùng của ông ta làm việc với CIA; ông ta đang đương đầu với việc hưu trí bắt buộc vào tháng sáu tới. Connors là trưởng ban phản gián, một ngành bí mật biệt lập khá cao, của CIA. Quá trình công tác của ông ta tiến triển qua các ban tình báo khác nhau, và ông ta đã có mặt trong những ngày tốt đẹp xa xưa khi các nhân viên CIA là những con người vàng. Chính Peter Connors cũng đã là một con người vàng. Ông ta từng tham gia vào cuộc đảo chính đã lấy ngai vàng Con Công tại Iran cho Hoàng tộc, và ông ta đã tham gia vào cuộc hành quân Mongoose, một nỗ lực nhằm lật đổ chính phủ Castro năm 1961.

- Sau vụ vịnh Con Heo, mọi việc đều thay đổi cả, - Peter cất tiếng than vãn. Độ dài của những lời chỉ trích kịch liệt của ông ta thường tuỳ thuộc vào số lượng rượu ông ta uống. -Những quả tim rỉ máu tấn công chúng ta trên trang nhất của mọi tờ báo khắp thế giới. Họ gọi chúng ta là một bọn nói láo những tên hề lén lút không thể thoát khỏi đường lối của chúng ta. Một số tên chống CIA đã công bố danh sách các nhân viên của chúng ta và Dick Welch, trưởng ngành của chúng ta ở Athens, đã bị giết.

Peter Connors đã trải qua ba cuộc hôn nhân khốn khổ vì áp lực và bí mật công tác nhưng theo sự quan tâm của ông ta, chẳng có sự hy sinh nào quá lớn để phục vụ đất nước cả. Bây giờ, giữa cuộc họp mặt ông ta đỏ rần vì giận dữ.

- Nếu chúng ta để Tổng thống tiến hành chương trình giữa các dân tộc quỷ quái ấy ông ta sẽ phản bội đất nước. Việc ấy phải chặn lại. Chúng ta không thể cho phép.

Floyd Baker cắt ngang.

- Tổng thống vừa làm việc chưa được một tuần. Tất cả chúng ta ở đây để thi hành các chính sách của ngài và…

- Thưa ngài, tôi không đứng đây để trao đất nước cho bọn Cộng sản trời đánh ấy. Tổng thống chẳng bao giờ đề cập đến kế hoạch của ông ta trước khi đọc diễn văn cả. Ông ta bất ngờ thảy lên người tất cả chúng ta. Chúng ta chẳng có dịp nào để đưa ra một lời từ chối cả.

- Có lẽ đấy là điều mà ngài đang nghĩ đến đấy! - Braker lên tiếng đề nghị.

Peter Connors nhìn ông ta trừng trừng.

- Trời ơi ông đồng ý à!

- Ngài là Tổng thống của tôi! - Floyd Baker quả quyết - Cũng như ngài là Tổng thống của ông vậy!

Ned Tillingast quay sang Stanton Roges:

- Connors có lập trường. Hiện nay Tổng thống đang dự định "mời" Rumani, Anbani, Bungari và các quốc tế Cộng sản khác đưa gián điệp của họ đến đây với tư cách là các tuỳ viên văn hoá, tài xế, thư ký và bồi phòng. Chúng ta đã chi tiêu hàng tỷ đô là để bảo vệ cửa sau và Tổng thống muốn mở toang cửa trước!

Tướng Brooks gật đầu đồng ý.

- Tôi cũng không được hỏi ý kiến. Theo ý kiến tôi, kế hoạch của Tổng thống rất có thể tiêu diệt quốc gia này.

Stanton Roges lên tiếng.

- Thưa các ngài, một số chúng ta có thể bất đồng ý kiến với Tổng thống, nhưng chúng ta đừng quên rằng dân chúng đã bầu Paul Ellison để điều khiển quốc gia này. - Đôi mắt ông ta chớp sang các người ngồi chung quanh - Tất cả chúng ta đều thuộc về nhóm người của Tổng thống và chúng ta phải nghe theo sự lãnh đạo của ngài và yểm trợ ngài bằng mọi cách chúng ta có thể có được.

Những lời nói của ông được nối tiếp bằng một sự im lặng nặng nề.

- Vậy thì được rồi. Tổng thống muốn có một hành động phù hợp ngay với tình hình hiện tại Rumani. Hãy báo ngay tất cả những gì các ngài biết được.

- Kể cả vấn đề bí mật của chúng tôi à? – Peter Connors chất vấn.

- Mọi việc. Hãy nói thẳng với tôi. Tình hình thế nào tại Rumani với Alexandros Ionescu?

- Ionescu đang ngồi cao trên yên, - Ned Tillngast đáp. -Từ khi ông ta cầm quyền, Ionescu đã hút cạn máu đất nước ông ta. Dân chúng ghét lòng dạ của ông ta.

- Có viễn cảnh nào về một cuộc cách mạng không?

Tillingast nói:

- À, việc ấy hơi thú vị đấy. Hãy nhớ lại vài năm trước đây khi Marin Groza hầu như lật đổ được chính quyền của Ionescu.

- Vâng, Groza suýt chết mới thoát ra khỏi nước được.

- Với sự trợ lực của chúng tôi. Tin tức của chúng tôi cho biết rằng có một luồng sóng ngầm trong dân chúng muốn đưa ông ta về lại. Groza sẽ tốt đẹp cho Rumani, và nếu ông về được, điều ấy sẽ tốt đẹp cho chúng ta. Chúng ta đang theo dõi sát tình hình.

Stanton Roges quay sang vị Bộ trưởng Ngoại giao.

- Ngài có danh sách các ứng cử viên cho chức vụ ở Runani ấy không?

Floyd Baker mở chiếc cặp tuỳ viên bằng da, rút ra mấy tờ giấy và trao cho Roges một phó bản.

- Đây là triển vọng hàng đầu của chúng tôi. Tất cả đều là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp đấy đủ khả năng. Mỗi người đều đã được kiểm tra. Chẳng có vấn đề an ninh, tài chánh, vết nhơ rắc rối nào cả trong hồ sơ.

Trong lúc Rogers lấy danh sách, vị Bộ trưởng Ngoại giao nói thêm:

- Đương nhiên Bộ ngoại giao ưu đãi một nhà ngoại giào chuyên nghiệp hơn là một nhà chính trị được bổ nhiệm. Đặc biệt, trong tình hình này. Rumani là một vị trí cực kỳ nhạy bén. Phải được đối xử thật thận trọng!

- Tôi đồng ý. - Stanton Roges đứng bật dậy. - Tôi sẽ thảo luận về những cái tên này với Tổng thống và sẽ trả lại cho ngài. Tổng thống đang mong việc bổ nhiệm càng nhanh càng tốt.

Trong lúc những người khác đứng dậy đi, Ned Tillingast lên tiếng:

- Hãy ở lại đây Peter. Tôi có chuyện muốn nói với ông.

Khi Tillingast và Connors còn lại một mình, Tillingast nói:

- Ông tấn công khá mạnh, Peter.

- Nhưng tôi có lý, - Peter Connors ngoan cố nói. - Tổng thống định bán nước. Chúng ta sẽ phải làm gì?

- Ngậm miệng ông lại đi.

- Ned, chúng ta được huấn luyện để phát hiện và giết kẻ địch. Sẽ thế nào nếu kẻ địch ở phía sau phòng tuyến của chúng ta - ngồi ngay trong Văn phòng Bầu dục?

- Hãy cẩn thận. Hãy rất cẩn thận.

Tillingast đã có mặt lâu hơn Connors. Ông ta là một thành viên của tổ chức OSS của Wild Bill Donovan trước khi nó trở thành CIA. Ông ta cũng ghét những quả tim rỉ máu tại quộc hội đang làm đối với tổ chức mà ông ta yêu.

Trên thực tế, trong hàng ngũ CIA đang có một sự rạn nứt sâu sắc giữa những người có đường lối cứng rắn và những người tin tưởng rằng Nga có thể thuần hoá thành vô hại. Chúng ta phải chiến đấu vì từng đồng đô-la một, Tillingast suy nghĩ. Tại Matxcơva, tổ chức Komitet Gosudarstvennoi Bezopasnosti - KGB - huấn luyện hàng ngàn nhân viên cùng một lúc.

Ned Tillingast đã tuyển mộ Peter Connors từ trường đại học và Connors đã trở nên một trong những người xuất sắc. Nhưng trong vài năm qua, Connors đã trở thành một tên cao-bồi hơi quá độc lập một tí, hơi quá nhanh một tí chỗ cò súng. Nguy hiểm.

- Peter - Ông đã nghe gì chưa về một tổ chức bí mật tự gọi mình là "Các nhà yêu nước vì tự do"? - Tillingast hỏi.

- Connors cau mày.

- Không, không thể nói rằng tôi biết được. Họ là ai vậy?

- Cho đến nay, họ chỉ là lời đồn đại. Tôi chỉ ngửi được khói thôi. Ông xem thử là có thể dò ra bọn chúng không?

- Tôi sẽ làm.

Một giờ sau, Peter gọi điện từ một phòng điện thoại công cộng tại Hain s Point.

- Tôi có một bức điện cho Odin.

- Odin đây, - Tướng Oliver Brooks lên tiếng.

***

Trên chiếc xe hòm trở về văn phòng, Stanton Roges mở toang phong bì đựng danh sách các ứng cử viên đại sứ và nghiên cứu. Thật là một danh sách tuyệt vời. Vị Bộ trưởng Ngoại giao đã làm việc tại nhà. Tất cả các ứng cử viên đều đã phục vụ tại các quốc gia Đông và Tây Âu, và một số ít còn có thêm kinh nghiệm tại Viễn Đông hoặc Châu Phi nữa. Tổng thống sẽ hài lòng - Stanton suy nghĩ thế.

- Họ là những con khủng long, - Paul Ellison cáu kỉnh nói. Ông ta ném danh sách xuống bàn giấy - Mỗi người trong danh sách.

Stanton Roges lên tiếng phản đối.

- Những người này đều là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm đấy.

- Và thủ cựu do truyền thống của Bộ Ngoại giao. Cậu có nhớ chúng ta đã bị tống cổ và chúng ta bị ở ngoài trời lạnh. Những tay được vẽ kiểu sẵn làm tôi lo lắng. Bọn họ đều giấu đuôi cả. Khi tôi nói chuyện về một chương trình về các dân tộc, tôi muốn nhấn mạnh từng từ một. Chúng ta cần gây một ấn tượng tích cực tại một quốc gia lúc này đang rất đề phòng chúng ta.

- Nhưng nếu cậu đặt vào đấy một người nghiệp dư - một người chẳng có tí nào kinh nghiệm - cậu sẽ rất mạo hiểm.

- Có lẽ chúng ta cần có ai đấy với một loại kinh nghiệm khác hẳn. Rumani sẽ là một trường hợp thí điểm, Stan ạ. Một người dẫn đường cho cả chương trình của tôi, nếu cậu muốn! - Ông lưỡng lự, - Tôi không đùa đâu. Sự tín nhiệm của tôi đang bị thử thách. Tôi biết có nhiều người có thế lực không muốn thấy công việc này. Nếu nó thất bại, tôi sẽ bị cụt giò. Tôi sẽ phải quên đi về Bungari, Anbani, Tiệp Khắc và những quốc gia Đông Âu khác. Và tôi không dự trù cho việc ấy xảy ra.

- Tôi có thể kiểm tra một số nhà chính trị được bổ nhiệm của chúng ta…!

Tổng thống Ellison lắc đầu:

- Vẫn lại vấn đề cũ.

- Tôi muốn có ai đấy với một quan điểm hoàn toàn mới mẻ. Ai đấy có thể đánh tan được nước đá. Kẻ đối lập với một người Mỹ xấu xí.

Stanton Roges nhìn đăm đăm vị Tổng thống bối rối.

- Paul, tôi có ấn tượng rằng cậu đã có ai đấy trong đầu rồi, phải không?

Paul Ellison lấy một điều xì gà trên bàn giấy và châm.

- Thực sự, - Ông nói chậm rãi. - Tôi nghĩ rằng tôi có thể có được.

- Ai vậy?

- Cô ấy. Cậu có cơ hội nào đọc được bài viết trong số phát hành vừa rồi của mục "Vấn đề Ngoại giao" gọi là "Hoà hoãn lúc này" không?

- Cậu nghĩ gì về điều ấy?

- Tôi nghĩ rằng đấy là điều thú vị. Tác giả tin rằng chúng ta đang ở vào một vị trí để cố gắng khuyến dụ các quốc gia cộng sản vào trại của chúng ta bằng cách đề nghị hỗ trợ về kinh tế. - Ông đột nhiên dừng lại. - Nó có nhiều điểm giống như bài diễn văn nhậm chức của cậu.

- Chỉ có điều nó được viết sáu tháng trước. Cô ấy đã viết những đlều nổi bật trong tờ Commentary và Public Affairs. Năm ngoái, tôi có đọc một cuốn sách của cô ấy về vấn đề chính trị của Đông Âu và tôi phải chấp nhận rằng nó đã góp phần làm sáng tỏ một số ý kiến của tôi!

- Đúng rồi. Vậy là cô ấy đồng ý với lý thuyết của cậu Chẳng có lý do nào để cất nhắc cô ấy vào một chức vụ quan….

- Stan, cô ấy còn đi xa hơn lý thuyết của tôi nữa kìa. Cô ấy phác hoạ ra một kế hoạch tỉ mỉ thật hấp dẫn. Cô ấy muốn lấy bốn khối kinh tế chủ yếu của thế giới và hoà hợp lại!

- Làm sao chúng ta có thể…

- Sẽ mất thời gian, nhưng việc ấy có thể làm được. Này, cậu biết rằng năm 1949, các quốc gia khối Đông Âu đã thành lập một Hiệp ước để hỗ trợ về kinh tế gọi là COMECON và năm 1958 các quốc gia châu Âu khác đã thành lập EEC - Thị trường chung!

- Đúng!

- Chúng ta có Tổ chức Công tác và Phát triển kinh tế gồm Hoa Kỳ, một số quốc gia khối Tây và Nam Tư. Và đừng quên rằng các quốc gia thế giới thứ ba đã thành lập một phong trào phi liên kết ngoài chúng ta. - Giọng nói của vị Tổng thống bỗng kích động. - Hãy nghĩ đến những điều có thể xảy ra. Nếu chúng ta có thể kết hợp tất cả những kế hoạch này và thành lập một thị trường lớn - Chúa ơi, điều ấy thật đáng sợ? Điều ấy có nghĩa là một cuộc mậu dịch toàn thế giới thực sự. Và điều ấy có thể mang lại hoà bình.

Stanton Roges thận trọng lên tiếng:

- Một ý kiến thú vị đấy, nhưng con đường còn xa vời.

- Cậu biết câu cổ ngữ Trung Hoa "Một cuộc hành trình thiên lý chỉ bằng một bước thôi".

- Cô ấy là một người không chuyên, Paul ạ!

- Một số những vị đại sứ hay nhất của chúng ta đã là những người không chuyên đấy. Ann Amstrong, cựu đại sứ Anh, là một nhà giáo dục chẳng có kinh nghiệm chính trị nào cả. Perle Mesta được bổ nhiệm tại Đan Mạch, Clare Boothe Luce là đại sứ Ý, John Gavin, một tài tử sân khấu, là đại sứ tại Mexico. Một phần ba những vị đại sứ hiện nay của chúng ta đều là cái mà cậu gọi là không chuyên đấy.

- Nhưng cậu chẳng biết gì về người phụ nữ này cả?

- Ngoại trừ cô ấy quá nổi bật, và chúng tôi cùng ở chung một bước sóng. Tôi muốn cậu cố gắng tìm ra mọi việc về cô ấy.

Ông nhặt một bản Foreign Affairs và liếc vào bản nội dung.

- Tên cô ấy là Mary Ashley.

Hai ngày sau, Tổng thống Ellison và Stanton Roges cùng ăn sáng với nhau.

- Tôi đã được tin tức mà cậu yêu cầu. - Stanton Roges rút một mảnh giấy từ trong túi. "Mary Elizabeth Ashley, 27 đường Old Milfold, thị trấn Junction, Kansas. Tuổi gần 35, kết hôn với Tiến sĩ Edward Ashley - hai con, Beth 12 và Tim 10. Chủ tịch chi hội cử tri đoàn Phụ nữ thị trấn Junction. Giáo sư phụ tá khoa Chính trị Đông Âu, Trường đại học tiểu bang Kansas. Ông nội sinh tại Rumani! - Ông nhìn lên, - Tôi càng nghĩ đến vấn đề này, nó càng có ý nghĩa. Có lẽ cô ấy biết nhiều về Rumani hơn hầu hết các vị đại sứ về các quốc gia họ sẽ phục vụ.

- Tôi hài lòng rằng cậu cảm thấy như thế, Stan ạ. Tôi thích có được một bản điều tra an ninh đầy đủ về cô ấy!

- Tôi sẽ lo thực hiện điều đó.
 
Chương 5


- Tôi không đồng ý, thưa ngài giáo sư Ashley! - Barry, Dylan, sinh viên trẻ nhất và xuất sắc nhất của nhóm chuyên đề chính trị của Mary Ashley, nhìn quanh với vẻ thách thức - Alexandros Ionescu còn tệ hơn.

- Anh có thể cho chúng tôi vài yếu tố để làm yểm trợ cho câu nói ấy không? - Mary Ashley hỏi.

Có 12 sinh viên tốt nghiệp tại cuộc họp chuyên đề được tổ chức tại Giảng đường Dykstra thuộc Trường đại học Tiểu bang Kansas. Các sinh viên đang ngồi thành một vòng bán nguyệt đối diện với Mary.

Các danh sách chờ để vào các lớp học của cô dài hơn của bất kỳ giáo sư nào tại Trường đại học.

Cô là một giáo sư lỗi lạc có óc khôi hài dễ dãi và một sự ấm cúng bọc quanh người cô một cách thú vị. Mặt cô hình trái xoan biến chuyển từ ưa nhìn đến đẹp, tuỳ theo tâm trạng của cô. Đôi gò má cô cao, hình quả hạnh điển hình và đôi mắt màu nâu lục nhạt. Mái tóc cô đen và dày. Vóc người cô làm cho các nữ sinh viên của cô ganh tị và các nam sinh viên phải tưởng tượng, tuy nhiên cô không biết mình đẹp như thế nào.

Barry tự hỏi liệu cô có hạnh phúc với chồng không. Anh miễn cưỡng tập trung vào vấn đề đang tranh luận.

- Vâng, khi Ionescu lên cầm quyền ở Rumani, ông ta thẳng tay đàn áp tất cả những thành phần thân Groza và tái lập lại một địa vị thân Xô viết theo đường lối cứng rắn.

Một sinh viên khác lên tiếng.

- Vậy thì tại sao Tổng thống Ellison lại quan tâm thiết lập liên hệ ngoại giao với ông ta?

- Bởi vì chúng ta muốn nài nỉ ông ta vào quỹ đạo Tây Âu.

- Ta nói thế nào về sự liên hệ hiện nay của Rumani với các quốc gia khác trong Hiệp ước Warsawa và đặc biệt là Nga? - Mary hỏi.

- Tôi nói rằng bây giờ nó mạnh hơn.

Một giọng nói khác.

- Tôi không đồng ý. Rumani đã chỉ trích cuộc xâm lăng của Nga vào Afganixtan và họ đã chỉ trích thoả hiệp của người Nga với EEC. Cũng vậy, thưa giáo sư Ashley…

Chuông rung. Hết giờ.

Mary lên tiếng:

- Thứ hai, chúng ta sẽ bàn về những yếu tố cơ bản đã ảnh hưởng đến thái độ của Liên Xô đối với Đông Âu và chúng ta sẽ thảo luận đến những có thể xảy ra của kế hoạch xâm nhập vào khối Đông của Tổng thống Ellison. Chúc ngày cuối tuần tốt đẹp.

Mary nhìn các sinh viên đứng lên và đi ra cửa.

- Cô cũng thế, thưa giáo sư.

Mary Ashley yêu thích các cuộc trao đổi tại các cuộc hội nghị chuyên đề. Môn Sử Địa trở nên sinh động trong các cuộc thảo luận sôi nổi giữa các sinh viên tốt nghiệp trẻ và xuất sắc. Các tên người và tên đất ngoại quốc trở thành thực tế và các biến cố lịch sử trở thành sinh động. Đây là năm thứ năm của cô tại một phân khoa thuộc Trường đại học Tiểu bang Kansas, và việc giảng dạy vẫn còn kích thích cô. Cô dạy năm lớp khoa chính trị học mỗi năm, cộng thêm các cuộc hội nghị chuyên đề và mỗi cuộc hội nghị đều đề cập đến Liên Xô và các quốc gia anh em của họ. Đôi khi cô cảm thấy như một sự gian lận. - Mình chưa hề đến bất cứ quốc gia nào mình dậy cả, - cô nghĩ thế. - Mình chưa bao giờ ra ngoài Hoa Kỳ cả!

Mary Ashley sinh ra tại thị xã Junction, như cha mẹ cô. Phần tử duy nhất đã biết châu Âu là ông của cô, xuất thân từ một ngôi làng nhỏ Voronet thuộc Rumani. Mary đã định xuất ngoại một chuyến khi cô nhận bằng cử nhân, nhưng cô đã gặp Edward Ashley mùa hè năm ấy và chuyến đi châu Âu đã biến thành tuần trăng mật ba ngày tại Waterville, cách thị xã Junction 55 dặm, nơi mà Edward đang chăm sóc một bệnh nhân đau tim nguy kịch.

- Năm sau, chúng ta phải đi thật, - Mary nói với Edward ngay sau khi họ kết hôn với nhau. - Em muốn thăm Rome, Paris và Rumani, muốn chết đi được.

- Anh cũng vậy. Đây là một cuộc hẹn. Mùa hè sang năm.

Nhưng mùa hè sau, Beth sinh ra và Edward bận bịu công việc tại bệnh viện Cộng đồng Geary.

Hai năm sau, Tim được sinh ra. Mary đã lãnh bằng Tiến sĩ Triết học và trở về dạy tại Trường đại học Tiểu bang Kansas, và năm tháng trôi qua bằng một cách nào đấy. Ngoại trừ các chuyến đi Chicago. Atlanta và Denver ngắn ngủi, Mary chưa bao giờ rời khỏi Tiểu bang Kansas cả.

- Một ngày, - cô tự hứa với mình. - Một ngày…

***

Mary thu lại sổ sách của mình và liếc ra cửa sổ.

Sương giá đã phủ lên cửa sổ một màu xám mùa đông và tuyết lại bắt đầu rơi. Mary mặc chiếc áo khoác da và quàng chiếc khăn len đỏ rồi đi về lối phố Vather, nơi cô đậu xe.

Sân bãi rộng, 325 héc ta, rải rác với các toà nhà gồm các phòng thí nghiệm, hý viện, nhà nguyện giữa những hàng cây thôn dã. Từ xa, những toà nhà đá vôi nâu của Trường đại học giống như những lâu đài cổ có những tháp nhỏ trên đỉnh, sẵn sàng đánh đuổi quân thù.

Khi Mary đi ngang qua Giảng đường Denison, một gã lạ hoắc mang một chiếc máy ảnh Nikon đang đi về phía nàng. Hắn đưa máy ảnh lên định ngắm toà nhà và bấm. Mary ở vào cận cảnh của bức ảnh "Đáng lẽ mình nên tránh lối cho ông ta, - cô nghĩ thế. Mình đã làm hỏng bức ảnh của ông ta".

Một giờ sau, âm bản của bức ảnh đang trên đường đi Washington, D.C.

Mỗi thành phố đều có nhịp điệu riêng biệt của mình, một sức sống toát ra từ người dân và đất đai. Thị trấn Junction, tại lãnh địa Geary, là một cộng đồng nông trại, cách thành phố Kansas 130 dặm về phía Tây, tự hào là trung tâm địa dư của Hoa Kỳ đại lục. Nó có một tờ báo "Daily Union" - một đài phát thanh và một đài truyền hình. Khu vực kinh doanh ở phố gồm một loạt các cửa hiệu và các trạm xăng mọc rải rác dọc đường số 6 và tại Washington. Có một Penney, Ngân hàng quốc gia đầu tiên, một Domino Pizza, tiệm nữ trang và một cửa hàng len. Có những cửa hàng bán "món ăn nhanh", một trạm xe bus, một tiệm bán quần áo đàn ông và một tiệm rượu - loại cơ bản trong hàng trăm thành phố nhỏ khắp Hoa Kỳ. Nhưng người dân thị trấn Junction yêu nó vì vẻ thanh bình và yên tĩnh đồng quê của nó. Ít ra là trong những ngày làm việc trong tuần. Vào các dịp nghỉ cuối tuần, thị trấn Junction trở thành trung tâm nghỉ ngơi và giải trí cho các quân nhân ở Fork Riley gần đấy.

Mary Ashley dừng lại để mua thức ăn chiều tại chợ Dillon trên đường về nhà và rồi đi về hướng Bắc đến đường Old Milford, một khu vực nhà ở đáng yêu trông ra một cái hồ. Những cây sồi và cây du thẳng hàng dọc theo lề trái của con đường trong lúc bên phải là những ngôi nhà đẹp làm bằng đá, gạch hoặc gỗ.

Nhà Eshley là một ngôi nhà lầu hai tầng bằng đá toạ lạc giữa những ngọn đồi thoai thoải. Ngôi nhà đã được bác sĩ Edward Ashley và cô dâu của chàng mua 13 năm trước đây. Nó gồm một phòng khách rộng, một phòng ăn, thư viện, phòng ăn sáng và nhà bếp ở tầng dưới và một dãy phòng của chủ nhà và thêm hai phòng ngủ trên lầu.

- Nó rộng kinh khủng đối với chúng ta, chỉ có hai người, - Mary Ashley đã phản đối.

Edward đã ghì chặt nàng vào lòng:

- Ai bảo rằng nó chỉ cho hai người thôi?

Khi Mary từ Trường đại học trở về nhà, Tim và Beth đang đợi để đón nàng.

- Mẹ hãy đoán gì nào? - Tim lên tiếng. - Chúng ta sẽ được đăng ảnh lên báo?

- Hãy giúp mẹ cất những thứ linh tinh này, - Mary nói. - Báo nào thế?

- Người đó không nói, nhưng ông ấy chụp ảnh chúng con và bảo chúng ta sẽ được tin của ông ấy!

Mary dừng lại và quay sang nhìn con trai.

- Người đó có nói tại sao không?

- Không, - Tim nói, - nhưng điều chắc chắn là ông ấy có một cái máy Nikon rất sộp.

***

Ngày chủ nhật, Mary kỷ niệm - mặc dầu đấy không phải là từ đã nẩy ra trong đầu - ngày sinh nhật thứ 35 của nàng. Edward đã thu xếp một bữa tiệc bất ngờ tại câu lạc bộ của vùng quê. Những người láng giềng của họ, Florence và Douglas Schiffer và bốn đôi khách đang đợi nàng. Edward hài lòng như một đứa bé với vẻ ngạc nhiên trên mặt Mary khi nàng bước vào câu lạc bộ trông thấy bàn tiệc và hàng biểu ngữ mừng ngày sinh nhật hạnh phúc. Nàng chẳng có lòng dạ nào để bảo với chàng rằng nàng đã biết về bữa tiệc từ hai tuần trước. Nàng tôn thờ Edward. "Và tại sao không nhỉ? Ai không chịu nhỉ?". Chàng hấp dẫn, thông minh và chu đáo. Ông nội và bố chàng đã làm bác sĩ và Edward không bao giờ thoáng nghĩ rằng chàng sẽ làm khác đi. Chàng là một phẫu thuật gia giỏi nhất tại thị trấn Junction, một người cha tốt và một ông chồng tuyệt vời.

Trong lúc Mary thổi tắt những cây nến trên chiếc bánh sinh nhật của nàng, nàng nhìn qua Edward và nghĩ: Một cô gái có thể may mắn như thế nào nhỉ?

Sáng thứ hai, Mary thức giấc với một tâm trạng buồn nản. Đêm trước có nhiều ly Champagne chúc mừng và nàng uống rượu không quen. Nàng phải cố gắng để ra khỏi giường.

- Champegne đã làm mình kiệt sức. Mình sẽ không bao giờ uống nữa!

Nàng bước nhẹ xuống cầu thang và rón rén khởi sự chuẩn bị bữa ăn sáng cho con, cố gắng lờ đi tiếng đập trong đầu.

- Champagne, - Mary rên rỉ, - Là cuộc trả thù của Pháp đối với chúng ta.

Beth đi vào phòng mang theo một chồng sách dầy.

- Mẹ đang nói chuyện với ai thế?

- Với mẹ đấy.

- Lạ thật!

- Khi nào con đúng là con đúng. - Mary đặt lên bàn một hộp ngũ cốc. - Mẹ mua cho con một hộp ngũ cốc mới. Con sẽ thích nó!

Beth ngồi xuống bàn nhà bếp và chăm chú nhìn vào cái nhãn trên hộp ngũ cốc:

- Con không thể ăn cái này. Mẹ đang định giết con đấy.

- Đừng đặt ý kiến nào vào đầu mẹ, - mẹ nó gắt. - Làm ơn ăn sáng đi.

Tim, đứa con trai mười tuổi của nàng, chạy vào nhà bếp. Nó nhủi vào một chiếc ghế cạnh bàn và nói:

- Con sẽ ăn thịt mỡ và trứng.

- Chuyện gì đã xảy ra cho cái chào buổi sáng rồi? - Mary hỏi.

- Chào mẹ. Con sẽ ăn thịt mỡ và trứng.

- Nào xin mời.

- Nào nhanh lên, mẹ. Con trễ học mất.

- Mẹ hài lòng vì con đã nói điều ấy. Cô Reynolds đã gọi điện cho mẹ. Con kém toán. Con nói điều gì về điều ấy?

- Tưởng tượng thôi.

- Tim, việc ấy con cho là đùa à?

- Cá nhân con không nghĩ rằng nó buồn cười, - Beth khịt mũi.

Nó cau có với chị.

- Nếu chị muốn buồn cười, hãy soi gương đi!

- Đủ rồi - Mary nói. - Hãy cư xử cho phải phép!

Cơn nhức đầu của nàng trở nên tệ hơn.

Tim hỏi.

- Con có thể đi trượt băng sau khi con học xong được không mẹ?

- Con đã trượt trên lớp băng mỏng rồi đấy. Con phải về nhà ngay và học. Con nghĩ một giáo sư đại học trông như thế nào khi có một đứa con trai yếu môn toán!

- Họ nói về hai tên kinh khủng! - Mary suy nghĩ một cách buồn bã. - Và còn chuyện gì nữa nếu có đến chín, mười, mười một, mười hai tên khủng bố?

Beth nói:

- Tim có nói với mẹ rằng nó được một điểm "D" trong bài phát âm không?

Hắn trợn mắt nhìn chị hắn.

- Mẹ có bao giờ nghe về Mark Twain không?

- Mark Twain có liên quan gì với việc này? - Mary hỏi.

- Mark Twain nói rằng ông ta không phục một người đàn ông nào chỉ biết phát âm đơn điệu một từ.

- Mình thắng không được, - Mary nghĩ, - Chúng nó ranh hơn mình.

Nàng đã gói thức ăn trưa cho mỗi đứa, nhưng nàng lo cho Beth vì nó đang dùng chế độ ăn mới ngốc nghếch.

- Beth, làm ơn ăn hết cho mẹ bữa trưa của con ngày hôm nay nhé.

- Nếu nó không có thuộc phòng bệnh nhân tạo. Con sẽ không để cho tính tham lam của kỹ nghệ chế biến thức ăn làm hại sức khoẻ của con.

- Việc gì đã xảy ra cho những ngày xưa tốt đẹp với thức ăn ướp muối? - Mary tự hỏi.

Tim giật một mảnh giấy long ra từ một trong những quyển vở của Beth.

- Nhìn này, - hắn hét lên.

- Beth thân yêu, hãy cùng nhau ngồi chung trong suốt kỳ học. Anh đã nghĩ đến em suốt cả ngày hôm qua và…

- Trả lại tao! - Beth hét lên. - Của tao mà! - Nó chụp lấy Tim nhưng hắn đã nhảy khỏi tầm với của nó.

Hắn đọc chữ ký ở cuối bức thư.

- Này. Ký tên là Virgil. Em nghĩ rằng chị yêu Arnold chứ.

Beth giật lại bức thư trong tay hắn.

- Mày biết gì về tình yêu mà nói. - Đứa con gái 12 tuổi của Mary lên tiếng chất vấn. - Mày là thằng con nít.

Tiếng đập trong đầu Mary trở nên không chịu đựng nổi.

- Các con ơi, cho mẹ nghỉ một tí.

Nàng nghe tiếng còi xe bus của nhà trường bên ngoài. Tim và Beth đi ra cửa.

- Đợi đã! Các con chưa ăn sáng! - Mary nói.

Nàng theo chúng ra ngoài hành lang.

- Không có thì giờ, mẹ. Phải đi thôi.

- Tạm biệt. Mẹ!

- Trời rét bên ngoài đấy. Hãy mặc áo khoác và quàng khăn vào.

Và thế là chúng nó đi. Mary cảm thấy kiệt sửc.

- Tình mẹ đang ở trong mắt bão.

Nàng đưa mắt nhìn lên lúc Edward xuống cầu thang và nàng cảm thấy dễ chịu.

- Ngay cả sau tất cả những năm này, - Mary nghĩ, - Chàng vẫn còn là người đàn ông hấp dẫn nhất mà mình đã từng biết.

Chính sự dịu dàng của chàng làm Mary thích thú trước tiên. Đôi mắt chàng xám dịu phảng phất một trí thông minh ấm áp, nhưng chúng cũng có thể biến thành đỏ rực, khi chàng say sưa một điều gì đấy.

- Chào em, - chàng đặt lên trán nàng một nụ hôn. Họ cùng đi vào nhà bếp.

- Anh ơi - cho em một đặc ân nhé?

- Chắc chắn rồi, người đẹp. Bất cứ điều gì.

- Em muốn bán con đi!

- Cả hai à?

- Khi nào?

- Hôm nay.

- Ai mua chúng nó!

- Những người lạ mặt. Chúng nó đã đến tuổi mà em chẳng có thể làm điều gì đúng cả. Beth đã trở thành một đứa ăn uống quái đản và con trai của anh trở nên một tên đần độn tầm cỡ thế giới!

Edward nói một cách thận trọng:

- Có lẽ chúng không phải là con của chúng ta.

- Em hy vọng là không. Em đang nấu cháo yến mạch cho anh đây.

- Chàng nhìn đồng hồ đeo tay.

- Xin lỗi, em. Không có thì giờ. Anh phải đi giải phẫu trong nửa giờ nữa. Hank Cates bị vướng vào một cái máy nào đấy. Ông ấy có thể bị mất vài ngón tay đấy.

- Ông ấy già quá mà vẫn làm nghề nông à?

- Đừng để ông ấy nghe em nói điều ấy nhé.

Mary biết rằng Hank Cates đã ba năm rồi chưa thanh toán những phiếu tiền của chồng nàng. Như hầu hết các nông gia trong cộng đồng. Hank Cates phải chịu đựng giá thấp về hàng nông nghiệp và thái độ lạnh nhạt của ban quản trị tín dụng nông nghiệp đối với các nông gia. Nhiều người đã mất các nông trại mà họ đã làm việc trên đó suốt cả đời. Edward không bao giờ ép bệnh nhân nào của chàng thanh toán tiền cả, và nhiều người trả chàng bằng hoa màu. Gia đình Eshley có một căn hầm chứa đầy bắp, khoai tây và lúa mì. Một nông gia đã đề nghị trả cho Edward một con bò cái, nhưng khi Edward kể điều ấy với Mary, nàng nói:

- Trời ơi, hãy bảo ông ta rằng việc trị liệu ở trong nhà cơ mà.

Bây giờ Mary nhìn chồng và lại nghĩ: Mình may mắn thật.

- Được rồi1 - nàng nói - Em có thể quyết định giữ con lại. Em yêu bố chúng nó nhiều.

- Nói thật với em nhé, anh hơi mê mệt mẹ chúng nó đấy! - Chàng đưa tay ôm nàng và ghì chặt vào lòng. - Sinh nhật hạnh phúc, thêm một lần nữa!

- Anh vẫn còn yêu em lúc em đã là một phụ nữ lớn tuổi hơn chứ?

- Anh thích những phụ nữ lớn hơn.

- Cám ơn! - Mary bỗng nhiên nhớ lại điều gì. - Hôm nay em phải về nhà sớm và sửa soạn bữa ăn chiều. Đến lượt chúng ta phải đi thăm gia đình Schiffer.

Cây cầu nối liền với những người láng giềng của họ là nghi thức đêm thứ hai. Việc Douglas Schiffer là một bác sĩ và cùng làm việc với Edward tại bệnh viện làm họ càng gần gũi hơn.

Mary và Edward cùng rời khỏi ngôi nhà, đầu cúi xuống vì cơn gió tàn nhẫn. Edward phóng mình vào trong chiếc Ford Cranada của chàng và đưa mắt nhìn Mary leo lên sau tay lái của chiếc xe Camionnette.

- Xa lộ có lẽ nhiều băng đấy, - Ellison gọi. - Hãy lái cẩn thận!

- Anh cũng thế nhé!

- Nàng gửi cho chồng một nụ hôn gió và hai chiếc xe chạy ra khỏi ngôi nhà. Edward hướng về bệnh viện và Mary về phố Manhattan nơi Trường đại học toạ lạc, cách đấy 16 dặm.

Hai người đàn ông trong một chiếc xe đậu cách nhà Ashley độ phân nửa khu nhà nhìn hai chiếc xe chạy đi. Họ đợi cho đến khi những chiếc xe khuất dạng.

- Đi thôi.

Họ lái đến ngôi nhà kế nhà Ashley. Rex Olds, người tài xế, ngồi trong xe trong lúc người bạn đồng hành bước đến cửa trước và bấm chuông.

Cánh cửa được một người phụ nữ nước da bánh mật khoảng 35 tuổi mở ra.

- Thưa ông. Tôi có thể giúp gì cho ông?

- Bà Douglas Schiffer?

- Vâng…

Người đàn ông đưa tay vì túi áo khoác và lấy ra một thẻ chứng minh.

- Tên tôi là Donald Zamlock. Tôi đang làm việc trong cơ quan an ninh Bộ Ngoại giao.

- Chúa ơi! Đừng bảo tôi rằng Doug đã cướp nhà băng!

Người nhân viên mỉm cười lịch sự.

- Không, thưa bà. Không phải chúng tôi muốn biết điều ấy. Tôi muốn hỏi bà một ít câu hỏi về người láng giềng của bà, bà Ashley ấy.

Bà ta bỗng nhìn ông lo ngại.

- Mary à? Bà ấy thể nào?

- Tôi có thể vào nhà không?

- Vâng. Dĩ nhiên! - Florence Schiffer đưa ông ta vào phòng khách.

- Mời ông ngồi. Ông thích dùng cà phê không?

- Không, cám ơn. Tôi chỉ làm tốn vài phút của bà thôi.

- Tại sao ông lại hỏi về Mary?

Ông ta mỉm cười trấn an.

- Đây chỉ là một cuộc điều tra thường lệ. Bà ấy không bị nghi ngờ làm điều gì sai quấy đâu.

- Tôi hy vọng là không! - Florence Schiffer phẫn nộ. - Mary Ashley là một trong những người tốt nhất mà ông đã từng gặp đấy. - Bà nói thêm. - Ông đã gặp bà ấy chưa?

- Không, thưa bà. Cuộc viếng thăm này có tính cách mật, và tôi sẽ cảm kích nếu bà giữ nó như thế. Bà đã biết bà Ashley được bao lâu rồi?

- Khoảng 13 năm. Kể từ ngày bà ấy dọn đến ở bên cạnh.

- Bà nói rằng bà biết rõ bà Ashley chứ?

- Dĩ nhiên rồi. Mary là bạn thân nhất của tôi.

- Bà ấy và chồng có hoà thuận với nhau không?

- Ngoài Douglas và tôi ra, họ là đôi vợ chồng hạnh phúc nhất mà tôi đã từng gặp. - Bà ta suy nghĩ một lúc. - Tôi nói lại. Họ là đôi vợ chồng hạnh phúc nhất mà tôi đã từng gặp.

- Tôi biết rằng bà Ashley có hai đứa con. Một đứa con gái 12 tuổi và một đứa con trai 10 tuổi phải không?

- Đúng đấy, Beth và Tim!

- Bà có cho rằng bà ấy là một người mẹ tốt không?

- Bà ấy là một bà mẹ vĩ đại. Cái gì…

- Bà Schiffer, theo ý kiến bà, bà Ashley có phải là một con người vững vàng về tình cảm không?

- Dĩ nhiên rồi!

- Bà ấy không có những vấn đề tình cảm mà bà biết được chứ?

- Chắc chắn là không!

- Bà ấy có uống rượu không?

- Không. Bà ấy không thích rượu.

- Còn về ma tuý thì sao?

- Thưa ông, ông đã đến nhầm thành phố rồi. Không có vấn đề ma tuý tại thị trấn Junction chúng tôi.

- Bà Ashley kết hôn với một bác sĩ à?

- Vâng!

- Nếu bà ấy muốn có ma tuý…

- Ông mất trí rồi. Bà ấy không dùng ma tuý. Bà ấy không khịt mũi và cũng chẳng lên cơn.

Ông ta dò xét bà một lúc.

- Hình như bà biết tất cả những từ chuyên môn.

- Tôi có xem Miami Vice, như mọi người khác. - Florence giận dữ - Ông còn câu hỏi nào khác nữa không.

- Ông của Mary Ashley sinh ra ở Rumani. Có bao giờ bà nghe bà ấy thảo luận về Rumani không?

- Ồ, có một lần bà ấy kể những câu chuyện mà ông của bà ấy kể cho bà ấy nghe về đất nước cũ. Ông của bà ấy sinh ra tại Rumani nhưng cụ đã đến đây lúc còn thanh xuân.

- Bà có bao giờ nghe bà Ashley bày tỏ một ý kiến tiêu cực về chính quyền Rumani hiện tại không?

- Không. Tôi không nhớ được.

- Một câu hỏi cuối cùng. Bà có bao giờ nghe bà Ashley hoặc bác sĩ Ashley nói điều gì chống lại chính phủ Hoa Kỳ không?

- Tuyệt đối là không?

- Vậy theo ước tính của bà, cả hai đều là những người Mỹ trung thành chứ?

- Ông muốn đánh cuộc không. Xin vui lòng cho tôi biết…

Người đàn ông đứng dậy.

- Tôi muốn cám ơn vì thời giờ của bà, bà Schiffer. Và tôi muốn khẳng định với bà rằng vấn đề này có độ mật khá cao. Tôi sẽ cảm kích nếu bà không thảo luận điều ấy với bất kỳ một ai - ngay cả chồng bà cũng thế!

Một lát sau, ông đi ra cửa. Florence Schiffer đứng dậy chăm chú nhìn theo ông ta.

- Tôi không tin rằng cả chuyện này cũng đã xảy ra. - Bà ta nói lớn.

Hai nhân viên lái xe xuống đường Washington và chạy về hướng Bắc. Họ đi ngang qua một bảng dán thông cáo có ghi "Hãy vui lên trên phần đất Ah!"

- Sắc sảo đấy - Rex Old lẩm bẩm.

Họ đi ngang qua phòng thương nghiệp và kiến trúc hoàng gia của toà nhà Elks, nhà nuôi các con vật cưng Irina và một quầy rượu mang tên "Fat chance". Các toà nhà kinh doanh chấm dứt đột ngột.

- Chúa ơi, con phố chính chỉ dài có hai khu nhà ở. Đây không phải là một thành phố. Đây là một cái bẫy! - Zamlock nói

- Đối với cậu nó là một cái bẫy, và đối với tớ nó cũng là một cái bẫy, nhưng đối với những người này nó là cả một thành phố. - Rex Old nói.

- Có lẽ đấy là một địa điểm tốt để sống, nhưng chắc chắn là tớ không muốn đến thăm nơi đây. - Zamlock lắc đầu.

Chiếc xe mui kín dừng lại trước mặt ngân hàng của tiểu bang và Rex Old bước vào bên trong.

Chàng trở lại hai mươi phút sau.

- Sạch sẽ, - chàng vừa nói, vừa bước vào trong xe. - Gia đình Ashley có 7.000 đô-la ở nhà băng, một văn tự cầm cố về ngôi nhà của họ và họ thanh toán những phiếu nợ của họ đúng kỳ hạn. Giám đốc ngân hàng cho rằng vị bác sĩ quá từ tâm để trở thành một thương gia giỏi, nhưng theo ông ta để ý, ông ấy có nguy cơ thiếu nợ cao nhất!

Zamlock nhìn vào cặp giấy tờ bên cạnh.

- Chúng ta hãy kiểm tra một vài người nữa và trở lại đất văn minh trước khi tôi bắt đầu chịu hết nổi.

Douglas Schiffer bình thường là một con người vui tính, dễ dãi, nhưng lúc này mặt chàng có vẻ dữ tợn. Gia đình Schiffer và Ashley đang chơi ván bài bridge hàng tuần của họ và gia đình Schiffer bị gác 10.000 điểm. Lần thứ tư buổi chiều hôm ấy, Florence Schiffer đã đánh con bài sai lầm.

Douglas Schiffer dằn mạnh tay bài của chàng xuống.

- Florence - Chàng la lớn, - Em đang chơi cho bên nào thế? Em không biết chúng ta bị gác thế nào à?

- Xin lỗi, - nàng khẩn trương nói. - Chỉ vì em không thể tập trung được thôi.

- Ra là thế, chồng nàng khịt mũi.

- Có gì quấy rầy chị không? - Edward Ashley hỏi Florence.

- Tôi không thể cho anh biết đâu.

Tất cả đều nhìn nàng ngạc nhiên.

- Thế nghĩa là gì? - Chồng nàng hỏi.

Florence Schiffer hít một hơi dài.

- Mary! Chuyện của chị đấy.

- Chuyện gì của tôi?

- Chị đang gặp một loại rắc rối nào đó chứ?

Mary nhìn nàng đăm đăm.

- Rắc rối à? Không. Sao chị lại nghĩ như thế?

- Người ta bảo tôi không được nói. Tôi đã hứa.

- Chị hứa với ai thế? - Edward hỏi.

- Một nhân viên Liên bang từ Washington. Ông ta đến nhà sáng nay hỏi tôi đủ thứ câu hỏi về Mary. Ông ta làm như chị là một loại gián điệp quốc tế ấy!

- Loại câu hỏi nào vậy - Edward chất vấn.

- Ồ anh biết đấy. Chị ấy có phải là một người Mỹ trung thành không? Chị ấy có phải là một người vợ và một người mẹ tốt không? Chị ấy có dùng ma tuý không?

- Tại sao họ lại hỏi bà những câu hỏi quỷ quái như thế nhỉ?

- Đợi một phút đã, - Mary lên tiếng một cách khích động. - Tôi nghĩ rằng tôi biết. Đấy là về nhiệm kỳ của tôi!

- Gì thế? - Florence hỏi.

- Tôi đang có nhiệm kỳ tại Trường đại học. Trường đại học làm một số công việc nghiên cứu bén nhạy của chính phủ trên khu đại học, do đó, tôi cho rằng họ phải kiểm tra mọi người thật kỹ.

- À Cám ơn Chúa vì chỉ có từng ấy! - Florence Schiffer thở một hơi nhẹ nhõm. - Tôi nghĩ rằng họ sẽ bắt giam chị đấy chứ!

- Tôi hy vọng họ làm thế, - Mary mỉm cười. - Tại tiểu bang Kansas.

- Nào, giờ thì việc ấy đã xong! - Douglas Schiffer lên tiếng, - ta có thể tiếp tục chơi nữa không? - Chàng quay sang vợ. - Nếu em còn nhầm thêm một con bài, anh sẽ đặt em lên đầu gối của anh đấy!

- Xin hứa. Xin hứa.
 
Chương 6: Abbegood, anh


- Chúng ta họp theo những luật lệ thông thường, - vị chủ toạ loan báo. Chẳng có hồ sơ nào được giữ lại, cuộc họp này sẽ không bao giờ được mang ra thảo luận và chúng ta gọi nhau bằng những mật danh mà chúng ta đã đặt!

Có tám người đan ông trong thư viện của lâu đài Claymore thuộc thế kỷ 15. Hai người võ trang mặc thường phục, khoác lên người nước chiếc áo khoác dày, cảnh giới bên ngoài; trong lúc một người thứ ba canh tại cửa ra vào thư viện. Tám người bên trong căn phòng đã đến điểm họp riêng rẽ, sớm hơn một cuộc đảo chính chống lại Alexandros Ionescu. Một nhóm sĩ quan quân đội kỳ cựu tại Rumani đã quyết định ủng hộ Groza.

Lần này rất có thể ông ta sẽ thành công.

Odin lên tiếng.

- Việc ấy sẽ ảnh hưởng gì đến kế hoạch của chúng ta?

- Nó sẽ huỷ diệt kế hoạch của chúng ta. Nó sẽ mở ra quá nhiều chiếc cầu sang phương Tây.

Freyr nói:

- Vậy thì chúng ta phải ngăn chặn việc ấy xảy ra.

- Cách nào? - Balder hỏi.

- Chúng ta ám sát Groza, - chủ toạ đáp.

- Không thể được. Người của Ionescu đã nỗ lực nhiều!ần như chúng ta đã biết và họ đều thất bại. Biệt thự của ông ta hình như là bất khả xâm phạm. Dù sao thì chẳng có ai trong phòng này có thể chịu dính líu vào một nỗ lực ám sát cả.

- Chúng ta sẽ không trực tiếp can dự vào, - vị chủ toạ lên tiếng.

- Vậy làm cách nào?

- Ngài chủ sự phát hiện được một hồ sơ mật đề cập đến một kẻ khủng bố quốc tế để thuê.

- Abul Abbas, người đã tổ chức cướp chiếc Achille Lauro?

- Không. Thưa các ngài có một tay súng mới. Một tay súng hay hơn. Tên hắn là Agel.

- Chưa bao giờ nghe đến hắn, - Sigmund nói.

- Đúng. Uỷ nhiệm thư của hắn gợi cảm nhất. Theo hồ sơ của ngài chủ sự, Agel đã dính líu vào cuộc ám sát Sikh Khalistan Ấn Độ. Hắn đã giúp bọn khủng bố Macheteros tại Puerto Rico, và bọn Khmer đỏ tại Campuchia. Hắn đã đạo diễn cuộc ám sát nửa tá sĩ quan quân đội tại Isarel và người Isarel đã trao giải thưởng một triệu đô-la cho mạng hắn, chết hoặc bắt sống.

- Hắn có vẻ hứa hẹn đấy, - Thor nói. - Chúng ta có thể thuê được hắn không?

- Hắn đắt giá. Nếu hắn đồng ý hợp đồng, chúng ta sẽ phải tốn mất hai triệu đô-la.

Freyr huýt gió, rồi nhún vai.

- Việc ấy có thể thu xếp được. Chúng ta sẽ lấy số tiền ấy ở tổng quỹ mà chúng ta đã thiết lập.

- Làm sao chúng ta có thể tiếp xúc tay Angel này? - Sigmund lên tiếng hỏi.

- Mọi liên lạc với hắn đều được thực hiện qua trung gian bà chủ của hắn, một người phụ nữ tên là Neusa Munez.

- Chúng ta tìm mụ ấy ở đâu?

- Mụ sống tại Arhentina. Angel đã bố trí cho mụ ở một căn phòng tại Buenos Aires.

Thor lên tiếng:

- Bước kế tiếp sẽ là gì? Ai sẽ tiếp xúc mụ cho chúng ta?

Vị chủ toạ đáp:

- Ngài chủ sự đề nghị một người đàn ông tên là Harry Lantz.

- Tên ấy nghe quen đấy!

Vị chủ toạ lạnh lùng nói:

- Vâng, hắn có tên trên báo. Harry Lantz là một người hoạt động độc lập. Hắn đã bị loại khỏi CIA vì đã thiết lập việc buôn bán ma tuý riêng tại Việt Nam. Hắn là một kẻ móc nối tuyệt vời … - Ông dừng lại. - Tôi đề nghị chúng ta biểu quyết. Ai tán thành việc mướn Angel xin vui lòng giơ tay.

Tám cánh tay được chăm sóc kỹ lưỡng giơ lên không.

- Vậy là xong. - Vị chủ toạ đứng dậy. - Cuộc họp đình lại. Xin vui lòng thận trọng như thường lệ!

***

Vào một ngày thứ hai, cảnh sát Leslie Hanson đi cắm trại trong nhà kính trên khu đất của lâu đài nơi anh ta không có quyền có mặt. Anh ta không đi một mình, sau này, anh ta phải giải thích với thượng cấp. Thời tiết ấm áp trong nhà kính và bạn gái của anh ta, Annie, một cô gái quê tròn trĩnh, đã thuyết phục được tay cảnh sát tốt bụng mang theo hòm mây đựng đồ cắm trại.

- Anh mang thức ăn, - Annie cười rúc rích, - Và em sẽ mang đồ tráng miệng.

Đồ tráng miệng cao 1m70 với bộ ngực và đôi mông nẩy nở đẹp tuyệt mà một đàn ông có thể cắn vào. Không may, giữa khi dùng món tráng miệng, sự tập trung của cảnh sát Hanson bị xao lãng vì một chiếc xe hòm đang chạy ra cổng toà lâu đài.

- Địa điểm đẫm máu này lẽ ra phải đóng cửa vào những ngày thứ hai, - anh ta lẩm bẩm.

- Đừng rời vị trí của anh nhé, - Annie tán tỉnh.

- Không đâu, cưng.

Hai mươi phút sau, viên cảnh sát nghe một chiếc xe thứ hai ra đi. Lần này anh ta khá tò mò lên đứng dậy và lén nhìn ra cửa sổ tối để che giấu các hành khách bên trong.

- Nào, tỉnh lại chưa Leslie?

- Rồi. Có điều anh không thể đoán ra ai có thể ở trong lâu đài. Trừ những ngày tham quan, nó đóng cửa liên tục.

- Y như điều sẽ xảy ra cho em đây, cưng ơi, nếu anh không cỡi lên nó.

Hai mươi phút sau, khi viên cảnh sát nghe chiếc xe thứ ba ra đi, dục tình của anh ta đã nhường chỗ cho bản năng cảnh sát. Còn năm chiếc nữa, đều là xe hòm, tất cả đều cách nhau hai mươi phút. Vì một trong những chiếc xe dừng lại một lúc đủ cho một con nai băng qua nên cảnh sát Hanson có đủ thời gian để ghi số đăng ký xe.

- Lẽ ra ngày đẫm máu của anh, anh phải nghỉ chứ, - Annie than vãn.

- Việc này có thể quan trọng đấy, - viên cảnh sát nói. Và ngay cả lúc lão nói, lão băn khoăn có nên báo cáo không.

- Anh đang làm gì ở lâu đài Claymore? - Trung sĩ Twill lên tiếng hạch hỏi.

- Ngắm cảnh, thưa ngài!

- Lâu đài đóng cửa mà.

- Vâng, thưa ngài. Nhà kính mở cửa!

- Vậy là anh quyết định ngắm cảnh trong nhà kính à?

- Vâng, thưa ngài.

- Một mình, dĩ nhiên chứ?

- À, thực ra…!

- Hãy bỏ giùm tôi những chi tiết lố bịch đi, ông cảnh sát. Điều gì làm anh nghi ngờ những chiếc xe nào?

- Tư cách của họ, thưa ngài.

- Các chiếc xe không có tư cách, Hanson. Tài xế đấy!

- Dĩ nhiên, thưa ngài. Các tài xế có vẻ rất thận trọng. Các xe bỏ đi từng hai mươi phút một.

- Anh biết rằng, dĩ nhiên, có thể có cả nghìn lời giải thích ngây thơ. Thực ra, người duy nhất hình như không có một lời giải thích ngây thơ chính là anh đấy.

- Vâng thưa ngài. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi nên báo cáo việc này.

- Đúng. Đây có phải là số đăng ký mà anh có được không?

- Vâng, thưa ngài.

- Rất tốt. Cút đi. - Ông ta nghĩ đến một câu nhận xét tế nhị để thêm vào. - Hãy nhớ ném đá vào người ta là điều nguy hiểm nếu anh đang ở nhà kính đấy. - Ông ta cười khúc khích với trò chơi chữ của ông ta suốt buổi sáng.

Khi báo cáo về số đăng ký trở về, Trung sĩ Twill quyết định rằng Hanson đã phạm sai lầm.

Ông ta đưa bản tin lên lầu cho Thanh tra Pakula và giải thích về hậu trường.

- Lẽ ra tôi không nên làm ngài bận tâm đến việc này, thưa ngài thanh tra, nhưng số đăng ký xe…

- Vâng, tôi biết. Tôi sẽ lo việc ấy?

- Cám ơn ngài.

Tại tổng hành dinh, thanh tra Pakula có một cuộc họp ngắn ngủi với một trong những xếp kỳ cựu của Cơ quan tình báo mật Anh, một con người có khuôn mặt hồng hào, rắn chắc. Ngài Alex Hyde-White.

- Ông hoàn toàn có lý khi đưa việc này vào sự chú ý của tôi, - Ngài Alex mỉm cười, - Nhưng tôi e rằng chẳng có gì e ngại hơn bằng tìm cách thu xếp một chuyến nghỉ hè cho Hoàng gia mà không cho báo chí biết.

- Tôi tiếc là đã làm phiền ngài về chuyện này, thưa ngài. - Thanh tra Pakula đứng dậy.

- Chẳng phiền tí nào cả, thanh tra. Việc ấy tỏ ra là ngành của ông nhanh nhẹn đấy. Ông nói tên của tay cảnh sát trẻ ấy là gì?

- Hanson, thưa ngài. Leslie Hanson.

Khi cánh cửa đóng lại sau lưng thanh tra Pakula, ngài Alex Hyde-White nhấc điện thoại đỏ trên bàn giấy lên.

- Tôi có một công điện cho Balder. Chúng ta có một vấn đề nhỏ. Tôi sẽ giải thích vào cuộc họp kế tiếp. Đồng thời, tôi muốn ngài thu xếp ba cuộc thuyên chuyển. Trung sĩ Leslie Hanson. Hãy rải họ ra ít ngày. Tôi muốn đưa họ ra vị trí riêng rẽ, càng xa London càng tốt. Tôi sẽ báo cho ngài chủ sự và xem thử nếu ngài muốn hành động gì thêm không.

***

Trong phòng khách sạn của mình tại New York, Harry Lantz thức giấc nửa đêm vì chuông điện thoại reo.

- Ai mà biết được mình ở đây kìa? - hắn tự hỏi.

Hắn nhìn vào chiếc đồng hồ lờ mờ trên giường rồi chộp lấy điện thoại. - Mới bốn giờ sáng mà? Ai…?

Một giọng nói nhẹ nhàng ở đầu dây kia bắt đầu nói và Lantz ngồi đơ trên giường, tim hắn bắt đầu đập mạnh.

- Vâng thưa ngài, - hắn nói. - Vâng, thưa ngài… Không, thưa ngài, nhưng tôi có thể thu xếp để được rảnh. - Hắn lắng nghe một lúc lâu. Cuối cùng hắn nói, - Vâng, thưa ngài, tôi hiểu. Tôi sẽ đáp chuyến phi cơ thứ nhất đi Buenos Aires. Cám ơn ngài.

Hắn gác ống nghe, với tay đến chiếc bàn bên giường và đốt một điếu thuốc. Tay hắn run rẩy.

Người mà hắn vừa nói chuyện là một trong những người có thế lực nhất thế giới và điều ông ta đề nghị Harry làm…

- Việc quái quỷ gì đây? - Harry Lantz tự hỏi. - Một việc gì to lớn đây. Người đàn ông sẽ trả hắn một số tiền 50.000 đô-la để chuyển giao một bức điện. Trở lại Arhentina là một điều vui đây Harry Lantz thích phụ nữ Nam Mỹ.

Lúc 9 giờ sáng, Lantz nhấc điện thoại và quay số Hàng không Arhentina.

- Chuyến bay đầu tiên của các ông đến Buenos Aires mấy giờ?

Chiếc 747 đến sân bay Ezeiza, Buenos Aires lúc năm giờ chiều ngày hôm sau. Chuyến bay dài giờ nhưng Harry Lantz không quan tâm.

- 50.000 đô-la để chuyển một bức điện. - Hắn cảm thấy một sự hưng phấn nổi lên khi bánh máy bay nhẹ nhàng chạm đất. Hắn không đến Arhentina đã gần năm năm rồi. Gặp lại những người quen cũ thật là thú vị.

Trong lúc Lantz bước ra khỏi phi cơ, một luồng không khí nóng làm hắn giật mình mất một lúc. Dĩ nhiên ở đây là mùa hè.

Trên taxi vào thành phố, Lantz thích thú vì những hàng chữ graffito nguệch ngoạc trên tường các toà nhà và các vỉa hè đã không có gì thay đối.

Plebiscito las pelotas (Phổ thông đầu phiếu), Militares Asesinos (quân đội, bọn sát nhân), Tennemos hambre (Chúng tôi đói), Marihuana na libre (Cần sa giải thoát), Droga, sexo y muncho rock (Ma tuý, dục tình và rock-and-roll), Juicio y castigo a los culpables (Xét xử và trừng phạt bọn tội phạm).

Vâng, trở lại đây thật là hay.

Sau giấc ngủ trưa đường phố nhộn nhịp với những người uể oải bước đi tới lui các điểm hẹn.

Khi chiếc taxi đến khách sạn El Conquistador tại trung tâm khu vực Barrio Norte hợp thời trang, Lantz trả tài xế bằng một tờ bạc một triệu peso.

- Hãy giữ lại tiền thối, - hắn nói. Tiền của họ là một trò đùa.

Hắn đăng ký tại một bàn giấy trong một hành lang hiện đại, rộng lớn, nhặt một tờ Buenos Aires Herald và Lantz Prensa và để người phụ tá giám đốc chỉ cho hắn dãy phòng của mình. 60 đô-la một ngày cho một phòng ngủ, buồng tắm, phòng khách và nhà bếp có gắn điều hoà không khí và truyền hình. Tại Washington, cơ sở này phải tốn mất một cánh tay và một cái giò, Harry nghĩ thế. Cả ngày mai mình sẽ lo công chuyện Neusa này và ở lại ít ngày hưởng lạc.

Phải mất hơn hai tuần lễ, Harry Lantz mới có thể theo dõi tung tích của Neusa Munez.

Cuộc tìm kiếm của hắn bắt đầu với các sổ niên giám điện thoại của thành phố. Lantz bắt đầu với các địa điểm tại trung tâm thành phố: Khu vực Constitucion, Plaza San Martin, Barri Norte, Catalinas Norte. Chẳng nơi nào có tên Neusa Munez cả. Cũng chẳng có tên này tại những khu vực ven Bahia Blanca hoặc Mar del Plaza.

- Mụ ta ở đâu kìa? - Lantz tự hỏi. Hắn xuống phố, tìm những nơi liên lạc cũ.

Hắn đi vào Lantz Biela và người chủ quán rượu kêu to:

- Seno Lantz! Por dios. Tôi nghe ông đã chết rồi mà.

Lantz cười toe toét.

- Đúng đấy, nhưng tôi nhớ ông quá, Antonio, nên tôi trở lại.

- Ông định làm gì ở Buenos Aires thế?

Giọng của Lantz ra vẻ suy tư.

- Tôi đến đây tìm một người bạn gái cũ. Chúng tôi định lấy nhau, nhưng gia đình nàng đã chuyển đi và tôi mất dấu nàng. Tên nàng là Neusa Munez.

Người chủ quán rượu lắc đầu. - Chưa bao giờ nghe đến tên nàng ta. Lo siento (1).

Lần dừng chân của Lantz là chỗ một người bạn tại Bộ tư lệnh cảnh sát.

- Lantz! Harry Lantz! Dios! Qué pasa? (2)

- Chào Jorge. Thật là hay được gặp lại cậu.

- Lần cuối cùng tôi nhận được tin cậu, CIA đã đuổi cậu đi!

Harry Lantz cười.

- Không phải thế, bạn tôi ơi. Họ năn nỉ tôi ở lại. Tôi bỏ đi để theo đuổi công việc cho riêng tôi đấy? - Tôi đã mở rộng văn phòng thám từ tư. Do vậy, việc ấy đã đưa tôi đến Buenos Aires. Một thân chủ của tôi chết ít tuần trước. Ông ta để lại cho con gái một số tiền và tôỉ đang tìm cách tìm ra chỗ ở của nàng. Tất cả tin tức tôi có được về nàng là nàng đang sống tại một căn phòng đâu đấy tại Buenos Aires.

- Tên nàng là gì?

- Neusa Munez.

Một lúc kéo dài đến nửa tiếng.

- Rất tiếc, anh bạn. Tôi chẳng giúp cậu được. Nàng không có tên trong máy điện toán của chúng tôi hoặc bất cứ hồ sơ nào của chúng tôi cả.

- Ồ, thôi. Nếu cậu có tin tức nào về nàng ta, báo cho tôi đang ở El Conquistador đấy.

- Được!

Kế tiếp là các quán rượu, các nơi lui tới quen thuộc cũ. Pepe gonzalez và Almeida, Café Tabac.

- Buenas tardes, amigo. Soy de los Estados Unidos. Estoy buscando una mujier. El nombre es neu Munez. Es una emergencia!(3).

- Lo siento, senor. No Lantz conozco(4).

Khắp nơi, câu trả lời cũng vậy thôi. Chẳng một ai từng nghe đến mụ khỉ gió ấy.

Harry Lantz lang thang quanh Lantz Boca, khu vực bến cảng màu sắc rực rỡ, nơi mà người ta có thể trông thấy những chiếc tàu cũ kỹ bỏ neo rỉ sét trên sông. Chẳng một ai quanh đấy biết về Neusa Munez. Lần đầu tiên, Harry Lantz bắt đầu cảm thấy mình có thể đang đi săn ngỗng hoang.

Chính tại Pilar, một quán rượu nhỏ trong những quán rượu vùng Flores, mà dịp may đột nhiên đến với hắn. Đấy là một đêm thứ sáu và quán rượu đông nghịt thợ thuyền. Lantz phải mất mười phút để gây sự chú ý cho chủ quán. Lantz vừa nói được một lúc bài diễn văn đã chuẩn bị sẵn thì người chủ quán lên tiếng

- Neusa Munez à? Có. Tôi biết mụ ta. Nếu mụ ta muốn nói chuyện với ông, mụ sẽ đến đây ngày mai, vào khoảng nửa đêm.

Chiều hôm sau, Harry Lantz quay trở lại Pilar lúc 11 giờ, thấy quán rượu dần dần đông nghịt người. Càng về nửa đêm, hắn càng cảm thấy bồn chồn. Nếu mụ không đến thì sao nhỉ?

Lantz quan sát lúc một nhóm phụ nữ trẻ cười rúc rích bước vào quán. Họ nhập bọn với một số đàn ông tại một chiếc bàn.

- Mụ phải lộ mặt ra, - Lantz nghĩ thế! - Nếu nàng ta không đến, mình có thể hôn từ giã món 50.000 ấy là vừa.

Hắn tự hỏi liệu mụ ta trông thấy như thế nào. Mụ phải là một con người kỳ quặc. Hắn được quyền đề nghị với bạn trai của mụ, Angel, một số tiền là hai triệu đô-la chẵn để ám sát một người nào đấy vậy là có lẽ Angel sẽ ngồi trên đống bạc triệu.

Hắn rất có thể sẽ kiếm được một bà chủ trẻ đẹp. Quả thật, có lẽ hắn có thể kiếm được cả tá. Mụ Neusa này phải là một cô đào hoặc một người mẫu.

- Ai biết được, có thể mình có thể đùa với nàng một tí trước khi mình rời thành phố. Chẳng có gì khoái bằng vừa làm việc vừa hưởng lạc, - Harry Lantz suy nghĩ khoái trá.

Cánh cửa mở ra và Lantz nhìn lên chờ đợi. Một người phụ nữ đang bước đi một mình. Nàng là một người trung niên và không hấp dẫn gì với một tấm thân phì nộn và bộ ngực to đùng lúc lắc theo mỗi bước đi. Mụ có cái mặt rỗ, mái tóc nhuộm hoe nhưng nước da đen của mụ chứng tỏ dòng máu lai thừa hưởng được của một tổ tiên người Indien đã ăn nằm với một người Tây Ban Nha. Mụ mặc một chiếc váy không thích hợp và một chiếc áo thun chỉ hợp với một phụ nữ trẻ hơn nhiều.

- Một kẻ móc câu vào sự may mắn của mụ! - Lantz quả quyết như thế.

Nhưng tên quái nào muốn "đi" với mụ thế?

Người phụ nữ nhìn quanh quán rượu bằng đôi mắt lờ đờ hoang vắng. Mụ gật đầu bơ thờ với nhiều người rồi chen qua đám đông. Mụ bước đến quầy rượu.

- Hắn mua cho tôi một cốc rượu chứ? - Mụ nói giọng Tây Ban Nha nặng và càng tới gần, mụ càng thiếu hấp dẫn hơn.

Mụ ta trông như một con bò cái mập ú, không được vắt sữa - Lantz nghĩ thế - và mụ đã xỉn.

- Chị nhầm rồi chị ơi.

- Esteban nói rằng ông đang tìm tôi, không phải à?

Hắn nhìn mụ chăm chú.

- Ai thế?

- Esteban. Chủ quán.

Harry Lantz vẫn không thể chấp nhận.

- Có lẽ ông ta đã lầm. Tôi đang tìm Neusa Munez.

- Đúng rồi. Tôi là Neusa Munez.

- Nhưng không đúng người này, - Harry Lantz nghĩ thế. Thây kệ - Bà là bạn của Angel à?

Mụ cười chếnh choáng.

- Đúng rồi.

Harry Lantz bình tĩnh lại nhanh chóng.

- Được rồi. - Hắn gượng gạo mỉm cười. - Chúng ta có thể tìm một chiếc bàn trong góc nói chuyện không?

Mụ gật đầu lạnh nhạt.

- Được.

Họ rẽ lối qua quán rượu nồng nặc khói thuốc và khi họ ngồi xuống, Harry Lantz lên tiếng.

- Tôi thích nói chuyện về…

- Ông mua cho tôi một cốc rum chứ?

Lantz gật đầu.

- Hẳn rồi.

Một người hầu bàn xuất hiện, mặc một chiếc tạp dề bẩn thỉu. Lantz nói.

- Một cốc rum, một cốc Scotch pha soda.

Mubez nói:

- Làm cho tôi một cốc đúp, hả?

Khi người hầu bàn bỏ đi, Lantz quay sang người phụ nữ ngồi bên cạnh:

- Tôi muốn gặp Angel.

Mụ nhìn chăm chú bằng đôi mắt buồn ướt át.

- Để làm gì?

Lantz hạ thấp giọng.

- Tôi muốn có một món quà nhỏ cho ông ấy!

- Vậy à? Loại quà gì thế?

- Hai triệu đô-la!

Rượu được mang đến. Harry nâng ly nói:

- Khoái chứ?

- Vâng. - Mụ nốc cạn ly một hơi. - Ông muốn cho Angel hai triệu đô-la để làm gì?

- Đây là điều tôi thảo luận ngay với chính ông ấy.

- Không thể được. Angel, ông ấy không nói chuyện với ai cả.

- Bà ơi, vì hai triệu đô-la!

- Tôi muốn uống một ly rum nữa. Một ly đúp chứ?

Chúa ơi, mụ ta có vẻ như sắp ngất đi.

- Hẳn rồi! - Lantz gọi hầu bàn và gọi ly rượu. - Bà đã biết Angel lâu rồi chứ? - Giọng hắn ra vẻ vô tình.

Mụ nhún vai.

- Vâng!

- Hẳn ông ấy là một người thú vị.

Đôi mắt trống vắng của mụ chăm chú vào một điểm trên bàn đối diện.

- Chúa ơi! - Harry Lantz nghĩ - Coi bộ muốn nói chuyện với một bức tường quái quỷ đây.

Ly rượu của mụ đến và mụ uống cạn bằng một hơi dài.

Mụ có thân hình của một con bò cái và tư cách của một con heo.

- Làm thế nào tôi có thể nói chuyện sớm với Angel?

Neusa Munez cố gắng đứng dậy.

- Tôi đã bảo ông rồi, ông ta không nói chuyện với ai cả. Vĩnh biệt.

Harry Lantz đột nhiên tràn đầy kinh hãi:

- Này. Chờ một phút! Đừng đi.

Mụ dừng lại và nhìn xuống hắn bằng đôi mắt lờ đờ:

- Ông muốn gì?

- Ngồi xuống đi, - Lantz chậm rãi nói, - và tôi sẽ nói cho bà biết tôi muốn gì?

Mụ nặng nhọc ngồi xuống.

- Tôi cần một ly rum, hả?

Harry Lantz hoang mang:

- Tên Angel này là loại người quỷ gì thế? Bà chủ của hắn chẳng những là con đĩ xấu xí nhất cả Nam Mỹ mà còn là một con mẹ nát rượu nữa?

Lantz không thích giao dịch với những người say. Họ thật không dám tin tưởng. Mặt khác, hắn ghét ý nghĩ tuột mất sự mệnh giá 50.000 đô-la. Hắn nhìn Munez uống rượu. Hắn tự hỏi mụ đã uống bao nhiêu rồi trước khi đến gặp hắn.

Lantz mỉm cười, và nói lý lẽ:

- Neusa, nếu tôi không thể nói chuyện với Angel, làm sao tôi có thể giao dịch với ông ấy được?

- Đơn giản thôi. Ông bảo tôi ông cần gì. Tôi bảo lại Angel. Nếu ông ta bảo được, tôi bảo ông được. Nếu ông ta bảo không, tôi bảo ông không?

Harry Lantz không tin tưởng dùng mụ làm trung gian, nhưng hắn không còn cách lựa chọn nào khác.

- Bà có nghe về Marin Groza không?

- Không!

Dĩ nhiên là mụ không biết. Vì đấy không phải là tên một chai rượu rum. Con chó cái ngu xuẩn này sẽ nhận sai hoàn toàn bức điện và làm hại cả công việc cho hắn.

- Tôi cần một ly rượu, hả?

Hắn đập vào bàn tay mập của nàng.

- Hẳn rồi.

Hắn gọi một ly đúp nữa.

- Angel sẽ biết Groza là ai. Bà chỉ việc nói với Marin Groza. Ông ấy sẽ biết.

- Vâng. Rồi gì nữa?

Mụ còn ngốc nghếch hơn cả vẻ mặt của mụ. Mụ nghĩ rằng Angel sẽ phải làm cái quỷ quái gì vì hai triệu đô-la hả? Hôn người ấy à? Harry thận trọng lên tiếng.

- Những người đưa tôi đến đây muốn nhổ lão đi!

Mụ chớp mắt.

- Nhổ đi là gì?

- Chúa ơi! Giết!

- Ồ! Mụ gật đầu một cách lạnh nhạt. - Tôi sẽ hỏi Angel - Giọng mụ bắt đầu còn líu lo hơn nữa. Ông nói tên người đàn ông là gì?

Hắn muốn lay người mụ.

- Groza. Marin Groza.

- Vâng. Chàng của tôi đã ra khỏi phố. Tối nay tôi sẽ gọi anh ấy và sẽ gặp ông ở đây ngày mai. Tôi có thể uống một ly rum nữa chứ?

Neusa Munez đã trở thành một cơn ác mộng.

***

Chiều hôm sau, Harry Lantz vẫn ngồi chiếc bàn ấy trong quán rượu từ nửa đêm đến bốn giờ sáng khi quán rượu đóng cửa. Munez không xuất hiện.

- Ông có biết bà ấy sống ở đâu không? Lantz hỏi chủ quán.

Người chủ quán nhìn hắn bằng đôi mắt ngây thơ.

- Quien sabe?(5)

Con chó cái đã làm rối tung mọi việc. Làm sao một người đàn ông được coi là tinh ranh như Angel có thể mắc câu vì một con ngốc nghếch uống rượu rum như thế nhỉ? Harry Lantz tự hào là một đấu thủ nhà nghề. Hắn đã quá khéo léo để bước vào một công việc như thế này mà không chịu kiểm tra trước. Hắn đã cẩn thận dò hoi và tin tức đã gây xúc động cho hắn nhất là người Isarel đã treo đầu của Angel với giá một triệu đô-la. Một triệu đô-la sẽ mua được một cuộc đời trị giá bằng những cuộc say sưa và những cô nàng cắn câu trẻ tuổi. Mà thôi, hắn có thể quên đi việc ấy và hắn có thể quên đi 50.000 đô-la của hắn. Sợi dây liên lạc duy nhất của hắn với Angel đã bị đứt. Có lẽ hắn phải gọi cho người ấy và bảo ngài rằng hắn đã thất bại.

Mình sẽ không gọi ông ấy vội, Harry Lantz quyết định. Có thể mụ sẽ trở lại đây. Có lẽ những quán rượu khác sẽ hết rượu rum. Có lẽ mình sẽ bị đá đít vì đã đồng ý với công tác quái quỷ này.

Chú thích:

(1) Tiếng Tây Ban Nha: xin lỗi.

(2) Tiếng Tây Ban Nha: Lạy chúa, chuyện gì vậy?

(3) Tiếng Tây Ban Nha: Chào bạn. Tôi từ Mỹ đến. Tôi đang tìm một phụ nữ. Tên bà ta là Neusa Munez. Đây là một công việc đột xuất

(4) Tiếng Tây Ban Nha: Thưa ông, rất tiếc, tôi không biết bà ta.

(5) Tiếng Tây Ban Nha: Ai mà biết được?
 
Chương 7


Lúc 11 giờ đêm hôm sau, Harry Lantz ngồi, cũng bàn ấy tại quán rượu Pilar, cứ chốc chốc lại nhai đậu phộng và cắn móng tay. Lúc hai giờ sáng, hắn trông thấy Neusa Munez, trượt chân ở cửa và tim Harry nhấp nhỏm. Hắn nhìn mụ bước lại bàn hắn.

- Chào, - mụ lẩm bẩm và ngồi thụp xuống một cái ghế.

- Bà sao thế? - Harry hỏi. Hắn chỉ có thể nói thế để dằn cơn giận.

Mụ nheo mắt.

- Hả.

- Lẽ ra bà đã gặp tôi tại đây tối hôm qua. Chúng ta đã hẹn, Neusa.

- Ồ, tôi đã đi xinê với một cô bạn gái. Một phim mới mà, ông thấy không? Chuyện về một người đàn ông yêu một nữ tu sĩ và…

Lantz thật ngao ngán đến nỗi phát khóc lên được Lẽ nào Angel có thể trông thấy gì trong con chó cái say sưa ngốc nghếch này? Có lẽ mụ có một "con mèo" vàng, nhất định như thế.

- Neusa, bà có nhớ nói chuyện với Angel không?

Mụ nhìn hắn ngây dại, cố gắng tìm hiểu câu hỏi.

- Angel à? Có. Tôi có thể uống một tí không?

Hắn gọi cho nàng một ly đúp rượu rum và một ly đúp Scotch cho mình. Hắn cần rượu ghê gớm.

- Angel nói gì không? Neusa?

- Angel à? Ồ, anh ấy đồng ý, Được rồi.

Harry cảm thấy nhẹ nhõm.

- Tuyệt vời!

Hắn không còn xem thường sứ mệnh của người liên lạc của hắn nữa. Hắn đã nghĩ đến một ý tốt hơn. Con chó cái sau này sẽ đưa đến với Angel. Số tiền thưởng một triệu đô-la.

Hắn nhìn mụ nốc ly rượu, trào một ít xuống chiếc áo cánh đã vấy bẩn mụ.

- Angel, còn nói gì khác không?

Mụ nhíu mày tập trung:

- Angel, anh ấy nói rằng anh ấy muốn biết người của các ông là ai?

Lantz cho mụ một nụ cười đắc thắng.

- Bà bảo ông ấy rằng đấy là việc bí mật, Neusa ạ. Tôi không thể cho ông ta biết tin ấy được.

Mụ gật đầu lạnh nhạt.

- Vậy thì Angel bảo nói với ông hãy cút đi. Tôi có thể uống một ly rum trước khi đi không?

Đầu óc Harry Lantz bắt đầu làm việc với tốc độ tối đa. Nếu mụ bỏ đi, hắn chắc chắn sẽ không bao giờ gặp mụ lại lần nữa.

- Tôi sẽ nói với bà, tôi sẽ làm gì, Neusa ạ. Tôi sẽ điện thoại cho những người tôi đang làm việc và nếu họ cho phép tôi, tôi sẽ cho bà một cái tên, đồng ý không?

Mụ nhún vai.

- Tôi chẳng quan tâm.

- Không, - Lantz kiên nhẫn giải thích, - Nhưng Angel quan tâm đấy. Vậy hãy bảo ông ấy rằng tôi sẽ có câu trả lời cho ông ấy ngày mai. Có địa điểm nào để tôi tiếp xúc với bà không?

- Tôi đoán có!

Hắn hỏi dồn tới.

- Ở đâu?

- Ở đây!

Rượu của mụ đến và hắn nhìn mụ nốc cạn như một con thú. Lantz muốn giết mụ.

Lantz gọi điện tổng hợp để khỏi bị theo dõi từ một phòng điện thoại công cộng trên đường Calvo.

Hắn mất một giờ mới gọi xong.

- Không, - ngài chủ sự nói. - Tôi bảo với ông rằng không được đề cập đến cái tên nào cả.

- Vâng, thưa ngài. Nhưng có một vấn đề. Neusa Munez, bà chủ của Angel, nói rằng hắn đồng ý tiến hành cuộc đổi chác, nhưng hắn sẽ không tiến hành nếu hắn không biết ai là người hắn giao dịch. Đương nhiên, tôi đã bảo mụ ta rằng tôi phải làm việc lại với ngài trước đã.

- Người phụ nữ này trông thế nào?

Ngài chủ sự không phải là người để cùng chơi bài.

- Mụ ta mập, xấu xí và ngu xuẩn, thưa ngài.

- Dùng tên tôi sẽ nguy hiểm vô cùng.

Harry Lantz có thể cảm thấy ngay việc giao dịch đang tuội khỏi tay hắn.

- Vâng, thưa ngài, - hắn nói nghiêm chỉnh. Tôi hiểu. Điều duy nhất là, thưa ngài, tiếng tăm của Angel được căn cứ vào việc hắn có thể kín miệng. Nếu bao giờ hắn bắt đầu nói, hắn sẽ không kéo dài được năm phút trong công việc của hắn.

Im lặng một lúc lâu.

- Ông xuất sắc đấy. - Một sự im lặng khác, còn lâu hơn nữa. - Tốt lắm, ông có thể cho Angel tên tôi. Nhưng hắn không bao giờ được tiết lộ và không bao giờ tiếp xúc trực tiếp với tôi. Hắn chỉ làm việc qua trung gian của ông thôi!

Harry Lantz đã có thể khiêu vũ được.

- Vâng, thưa ngài. Tôi sẽ bảo hắn. Cám ơn, thưa ngài.

Hắn gác máy, một nụ cười rạng rỡ trên mặt. Hắn sẽ nhận 50.000 đô-la. Và rồi phần thưởng một triệu đô-la nữa.

***

Khi Harry Lantz gặp Neusa Munez khuya hôm ấy hắn gọi ngay mụ một ly đúp rum và vui vẻ nói:

- Mọi việc đã xong. Tôi đã được phép.

Mụ nhìn hắn lạnh nhạt.

- Thế ạ?

Hắn cho mụ biết tên ông chủ của hắn. Đấy là một cái tên dùng trong gia đình và hắn mong mụ nhớ kỹ tên ấy.

Mụ nhún vai.

- Chưa bao giờ nghe đến ông ấy.

- Neusa, những người tôi phục vụ muốn việc này tiến hành càng nhanh càng tốt. Marin Groza đang trốn tại một biệt thự tại Neuilly, và…

- Ở đâu?

Chúa quyền năng! Hắn đang cố giao dịch với một đứa con nít đang say. Hắn kiên nhẫn nói:

- Đấy là một thành phố nhỏ ở ngoại thành Paris. Angel sẽ biết.

- Tôi cần một ly nữa.

Một giờ sau, Neusa vẫn còn uống mãi. Và lần này, Harry Lantz khuyến khích mụ.

Chẳng phải là mụ ta cần nhiều sự khuyến khích! - Lantz nghĩ thế. - Khi mụ khá say, mụ sẽ đưa mình đến với tên bạn trai của mụ. Phần còn lại sẽ dễ dàng thôi.

Hắn nhìn phớt qua Neusa Munez đang đưa đôi mắt lờ đờ nhìn chăm chú vào ly rượu của mụ.

Sẽ không khéo thộp được Angel. Hắn có thể dai sức nhưng hắn không thông minh lắm đâu.

- Khi nào Angel về lại thành phố?

Mụ tập trung đôi mắt ướt của mụ lên người hắn.

- Tuần sau.

Harry Lantz cầm tay của mụ đập đập.

- Tại sao bà và tôi không về chỗ bà? – Harry hỏi giọng dịu dàng.

- Được!

Hắn đang nhập cuộc.

Neusa Munez sống trong một gian nhà hai buồng tồi tàn tại khu Belgrano thuộc Buenos Aires. Gian nhà bẩn thỉu và bừa bãi, như chủ của nó. Khi họ đi qua cửa, Neusa đi thẳng vào tủ rượu nhỏ trong góc nhà. Mụ đứng không vững:

- Nào uống chứ?

- Tôi không uống! - Lantz lên tiếng. - Bà cứ việc uống đi. - Hắn nhìn mụ rót rượu và uống cạn.

Mụ là con chó xấu xí ghê tởm nhất mà mình chưa hề gặp, - hắn nghĩ thế, - Nhưng một triệu đô-la sẽ đẹp đấy.

Hắn nhìn quanh gian phòng. Có một số sách chồng trên bàn cà phê. Hắn nhặt lên từng quyển, hy vọng nhìn thấy được đầu óc Angel. Các đề tựa làm hắn kinh ngạc: Gabriela của Jorge Amado; Lửa trên đỉnh núi của Omar Cabezas; Trăm năm cô đơn của Garcia Marquez; Những con mèo ban đêm của Antonio Cisneros. Vậy Angel là một nhà trí thức. Những quyển sách này không hợp với căn phòng hoặc không hợp với con mụ đàn bà.

Lantz bước đến bên mụ và vòng tay quanh cái co rộng và mềm nhũn của mụ.

- Em thật đáng yêu, em biết chứ? - Hắn lần lên và bóp vú mụ, chúng to như hai quả dưa hấu. Lantz ghét những phụ nữ vú to - Em có một thân hình lớn thật.

- Hở? - Đôi mắt mụ rực lên.

Đôi cánh tay của Lantz xuống thấp và chạm vào cặp đùi của mụ và luồn tay qua chiếc áo bông mỏng của mụ.

- Cái này cảm thấy thế nào? - Hắn thì thầm.

- Gì vậy?

Hắn không đi đến đâu cả. Hắn phải nghĩ đến việc gạ gẫm được con mụ amazon này vào giường.

Nhưng hắn biết hắn phải tiến thận trọng. Nếu hắn làm mụ giận, có thể mụ sẽ trở mặt và báo cáo hắn với Angel, và việc ấy sẽ chấm dứt việc giao dịch.

Hắn có thể tìm cách ăn nói ngọt ngào với mụ, nhưng mụ ta đã quá say để biết hắn nói gì.

Trong lúc Lantz đang tuyệt vọng tìm cách để nghĩ ra một bước đầu khéo léo, Neusa lẩm bẩm:

- Muốn chơi không?

Hắn cười lên nhẹ nhõm.

- Ý kiến vĩ đại đấy, bé.

- Nào, vào phòng ngủ đi!

Mụ lảo đảo trong lúc Lantz bước theo mụ vào căn phòng ngủ nhỏ. Trong ấy có một chiếc tủ với một cánh cửa mở hé, một chiếc giường lớn bề bộn, hai chiếc ghế và một bàn giấy trên ấy có một chiếc gương vỡ. Chính chiếc tủ ấy đã gây sự chú ý của Harry Lantz. Hắn liếc mắt thấy một hàng y phục đàn ông treo trên một cái giá.

Neusa đứng bên cạnh giường mò mẫm những chiếc cúc trên chiếc áo cánh của mụ. Theo những trường hợp bình thường, có lẽ Harry Lantz đã đến bên cạnh mụ, cởi quần áo cho mụ, vuốt ve thân thể mụ và lầm thầm vào tai mụ những lời tục tĩu kích thích. Nhưng cảnh Munez làm hắn muốn bệnh.

Hắn đứng dậy nhìn chiếc váy của mụ rơi xuống đất. Trần truồng, mụ còn xấu hơn cả khi mặc quần áo. Bộ ngực đồ sộ của mụ xệ xuống và cái bụng phệ của mụ rung rinh như thịt đông lúc mụ cử động. Cặp đùi mập của mụ là một khối thịt u.

Mụ là con người phì nộn nhất mà mình chưa từng thấy, - Lantz nghĩ thế. - Hãy nghĩ tích cực đi, - Lantz tự nhủ. - Việc này sẽ thực hiện trong ít phút thôi. Một triệu đô-la sẽ còn mãi mãi.

Từ từ, hắn cố gắng cởi quần áo. Mụ ngã người lên giường, như một con thuỷ quái, đợi hắn, và hắn bò lên giường bên cạnh mụ.

- Em thích gì nào? - hắn hỏi.

- Hở? Sôcôla. Tôi thích sôcôla.

Mụ còn say hơn hắn nghĩ. Tốt thôi. Công việc sẽ dễ dàng hơn. Hắn bắt đầu vuốt ve thân thể trắng toát mềm nhũn của mụ.

- Em là một người đàn bà rất xinh, cưng ơi. Em biết không?

- Thế à?

- Làm bạn gái của Angel phải thật là thú vị. Nào bé, hãy cho anh biết Angel như thế nào?

- Giàu. Angel, anh ấy rất giàu.

Tay của Lantz tiếp tục công việc.

- Ông ấy tốt với em không?

- Vâng. Angel tốt với tôi.

- Anh cũng sẽ tốt với em, bé ạ!

Giọng hắn dịu dàng. Vấn đề của hắn là mọi việc phải thực hiện dịu dàng. Điều hắn cần là xây dựng một triệu đô-la.

Hắn bắt đầu nghĩ đến chị em Dolly và những việc họ đã phục vụ hắn. Hắn hình dung họ đang làm việc trên thân thể trần truồng của hắn với cái lưỡi ngón tay và núm vú của họ.

Hắn bắt đầu cử động hông lên xuống.

- Hãy nói với anh về Angel đi. Ai là của ông ấy!

Giọng mụ ngái ngủ.

- Angel không có bạn, tôi là bạn ông ấy?

- Dĩ nhiên là em rồi, bé. Angel có sống đây với em không, hay ông ấy có chỗ riêng?

Neusa nhắm mắt lại.

- Này, tôi buồn ngủ rồi, chừng nào ông xong?

Không bao giờ, hắn nghĩ thế.

- Với con bò cái này! - Anh đã xong rồi, - Lantz nói dối.

- Vậy ta ngủ đi.

Hắn lăn ra khỏi mụ và nằm cạnh mụ cáu kỉnh.

- Tại sao Angel không thể nào kiếm được một tình nhân bình thường nhỉ? Một ả nào đấy đẹp và có máu nóng? Rồi hắn sẽ không gặp rắc rối nào để có được tin tức mà hắn cần. Nhưng con chó cái ngu xuẩn này… Vẫn… còn những cách khác.

Lantz nằm đấy lặng lẽ một lúc lâu cho đến lúc hắn chắc chắn Neusa đã ngủ. Rồi hắn cẩn thận nhỏm dậy và bước lại chiếc tủ. Hắn bật đèn trong tủ lên và đóng cánh cửa lại để ánh sáng không đánh thức con vật kếch xù đang ngáy.

Có một tá áo quần và đồ trang bị thể thao treo trên giá và sáu đôi giày đàn ông trên sàn nhà.

Lantz mở những chiếc áo vest ra và xem nhãn hiệu. Các bộ quần áo đều được may đo tại Herrera, đại lộ Lantz Plata. Những đôi giày được làm tại Vill.

Mình vớ được món bở đây! Lantz nhìn thoả thích. - Chúng ghi địa chỉ của Angel. Sáng mai trước tiên mình sẽ đến tiệm và hỏi vài câu hỏi.

Một lời cảnh cáo vang lên trong trí hắn. "Không, không hỏi gì cả". Hắn phải khéo léo hơn thế. Xét cho cùng, hắn đang đương đầu với một tên sát nhân tầm cỡ thế giới. Để Neusa đưa hắn đến với Angel sẽ an toàn hơn. Vậy thì tất cả những gì mình phải làm là báo tin trước cho chiến hữu của mình tại Mossad và nhặt lấy phần thưởng. Mình sẽ tỏ cho Ned Tillingast và bọn quỷ CIA ấy rằng thằng Harry già đã không mất ngón nghề. Tất cả những thằng xuất sắc của CIA đã quắn đít để tìm Angel và mình là người duy nhất khá tinh ranh để thành công trong vấn đề ấy!

Hắn nghĩ là hắn nghe một tiếng động trên giường. Hắn cẩn thận hé nhìn ra từ cửa tủ, nhưng Neusa vẫn còn đang ngủ.

Lantz tắt đèn ở tủ và đi về giường. Mắt Munez nhắm lại. Lantz nhón gót đi về bàn giấy và bắt đầu lục lọi ngăn kéo, hy vọng tìm ra một tấm ảnh của Angel, chẳng có cơ may nào cả. Hắn bò lại về giường. Neusa đang ngáy vang.

Cuối cùng Harry buồn ngủ híp mắt, những giấc mơ của hắn đầy những ảo ảnh của một chiếc du thuyền của một chiếc du thuyền trắng đầy những cô gái khoả thân đẹp đẽ có bộ ngực nhỏ nhắn chắc nịch.

Buổi sáng khi Harry Lantz thức giấc, Neusa đã đi mất. Lantz kinh hoàng một lúc. Có phải mụ đi gặp Angel? Hắn nghe những tiếng động ở nhà bếp.

Hắn vội ra khỏi giường và mặc quần áo lại. Neusa đang đứng tại bếp.

- Beunos dias!(1) - Lantz lên tiếng.

- Uống cà phê không? - Neusa lẩm bẩm. - Tôi không thể nấu bữa ăn sáng được. Tôi có hẹn.

"Với Angel"- Harry Lantz cố giấu sự xúc động của mình.

- Tốt thôi. Anh không đói. Tại sao em không đi đến chỗ hẹn đi và chúng ta sẽ gặp lại nhau để đi ăn tối nay.

Hắn vòng tay quanh người mụ và mơn trớn cặp vú lòng thòng của mụ.

- Em thích ăn tối ở đâu? Chẳng có gì đâu, anh chỉ muốn phục vụ tốt cho một cô gái của anh thôi.

Lẽ ra mình phải đóng kịch, - Lantz nghĩ thế.

- Tôi không quan tâm.

- Em biết Chiquin ở Đại lộ Cangallo không?

- Không.

- Em sẽ thích. Tại sao anh không đón em ở đây lúc tám giờ nhỉ? Hôm nay anh có nhiều việc phải làm! - Hắn chẳng có việc gì phải làm cả.

- Được!

Hắn dồn tất cả ý chí để chồm qua hôn từ biệt Neusa. Môi mềm nhũn, ướt át và ghê tởm.

- Tám giờ.

Lantz bước ra khỏi căn phòng và gọi một chiếc taxi. Hắn hy vọng rằng Neusa đang nhìn từ cửa sổ.

- Rẽ phải - ở góc đường kế tiếp! - hắn bảo tài xế.

Khi họ đã rẽ sang góc đường, Harry Lantz bảo:

- Tôi sẽ xuống đây!

Người tài xế nhìn hắn kinh ngạc.

- Ông chỉ muốn đi một khu nhà à, thưa ông?

- Đúng Tôi hư một chân. Vết thương chiến tranh!

Harry Lantz trả tiền rồi vội vã trở lại một tiệm thuốc lá đối diện với toà nhà của Neusa. Hắn châm một điếu thuốc và đợi.

Hai mươi phút sau, Neusa ra khỏi toà nhà.

Harry quan sát trong lúc mụ núng nính đi xuống phố và hắn theo dõi mụ với một khoảng cách thận trọng. Chẳng có cơ hội nào để mất mụ cả. Việc ấy giống như theo dõi Lusitania.

Neusa Munez hình như chẳng vội vã gì cả. Mụ đi xuống đường Avenida Belgrano, ngang qua thư viện Tây Ban Nha và lê bước dọc theo Đại lộ Cordoba. Lantz quan sát trong lúc mụ bước vào Berenes, một cửa hàng da thuộc trên đường San Martin. Hắn đứng bên kia đường và nhìn mụ tán gẫu với một nam thư ký. Lantz tự hỏi liệu cửa hiệu này có thể là một điểm tiếp xúc với Angel không.

Hắn ghi vào đầu.

Ít phút sau, Neusa đi ra mang theo một gói nhỏ. Mụ ghé vào một quán kem trên đường Corrientes, để mua một cái kem lạnh. Mụ từ từ đi xuống đường San Martin. Hình như mụ bước đi chẳng có mục đích nào cả, và chẳng có điểm đến đặc biệt nào cả trong đầu mụ.

- Việc quỷ gì đã xảy ra cho cuộc hẹn của mụ thế? Lantz tự hỏi. - Angel ở đâu nhỉ? - Hắn không tin câu nói của Neusa rằng Angel đã đi khỏi thành phố. Bản năng của hắn bảo rằng Angel đang ở đâu đấy gần đây.

Lantz bỗng phát hiện không còn trông thấy Neusa Munez nữa. Mụ đã quay sang một góc đường trước mắt và biến mất. Hắn bước nhanh.

Khi Lantz vòng qua góc đường, không còn thấy mụ.

Ở đâu nữa. Có những cửa hiệu nhỏ ở hai bên thành phố và Lantz thận trọng bước đi, đôi mắt sục sạo khắp nơi, sợ rằng Neusa có thể trông thấy hắn trước khi hắn trông thấy mụ.

Cuối cùng hắn dò ra mụ tại một Fiambreria một cửa hiệu bán cao lương, đang mua đồ tạp hoá.

Mụ mua cho mình hay mụ đợi ai ở phòng mụ để ăn trưa? Một người nào đấy tên là Angel.

Từ một khoảng xa Lantz trông thấy Neusa bước vào một cửa hiệu rau quả mua trái cây và rau. Hắn theo đuôi mụ về lại toà nhà của mụ.

Harry Lantz quan sát toà nhà của Neusa từ bên kia đường trong bốn giờ kế tiếp, bằng cách đi quanh quẩn để cố gắng khỏi bị lộ. Cuối cùng, hắn khẳng định rằng Angel sẽ không lộ mặt ra.

- Có lẽ tối nay mình có thể moi ở mụ thêm một số tin tức, - Lantz nghĩ thế, - mà không phải ân ái với mụ.

Ý nghĩ về việc phải làm tình với Neusa làm hắn muốn bệnh trở lại.

***

Tại Văn phòng Bầu dục của Toà Bạch ốc, trời đã về chiều, thực ra đó là một ngày dài cho Paul Ellison. Cả thế giới hình như chỉ gồm những Uỷ ban, những hội đồng, các bức điện khẩn, các cuộc họp kín và các khoá họp, và ông đã không có một lúc nào riêng cho mình cả cho đến lúc này. À, hầu như cho mình.

Stanton Roges đang ngồi đối diện với. Ông lần đầu tiên trong ngày ấy, ngài Tổng thống cảm thấy dễ chịu.

- Tôi làm cậu phải xa gia đình, Stan ạ.

- Được thôi, Paul.

- Tôi muốn nói chuyện với cậu về cuộc điều tra Mary Ashley. Việc ấy thế nào rồi?

- Hầu như đã hoàn thành. Chúng ta sẽ kiểm tra bà ấy lần cuối ngày mai hoặc ngày mốt. Cho đến nay, việc ấy có vẻ rất tốt. Tôi xúc động khi nghĩ đến đó. Tôi nghĩ rằng sẽ có kết quả đấy.

- Chúng ta sẽ làm mọi chuyện thành đạt. Cậu muốn uống một ly nữa không?

- Không, cám ơn. Trừ phi cậu cần tôi làm việc gì khác, tôi sẽ đưa Barbara đến một buổi khai mạc tại trung tâm Kennedy.

- Cậu cứ việc, - Paul Ellison lên tiéng. - Alice và tôi phải chiêu đãi một số thân nhân của bà:ấy.

- Cho tôi gửi lời ưu ái đến Alice, - Stanton Roges nói, và đứng dậy.

- Và cho tôi gởi lời thăm đến Barbara. - Ông nhìn Stanton Roges ra đi. Tư tưởng của Tổng thống quay trở lại với Mary Ashley.

***

Khi Harry Lantz đến căn phòng của Neusa chiều hôm ấy, để đưa mụ đi ăn, chẳng có ai trả lời tiếng gõ cửa của hắn cả. Hắn cảm thấy sững sờ một lúc. Có phải mụ đã cho hắn leo cây không?

Hắn thử mở cửa. Cửa không khoá. Angel có mặt đây để gặp hắn chăng? Có lẽ hắn đã quyết định thảo luận hợp đồng mặt đối mặt. Harry làm ra vẻ như đang giao dịch, nhanh nhảu bước vào căn phòng vắng lặng.

- Ê.

Chỉ có âm thanh dội lại. Hắn đi ngang vào phòng ngủ. Neusa đang nằm vắt ngang giường, say tuý luý.

- Đồ ngu… - hắn tự chế. Hắn không nên quên rằng con đĩ đần độn, say sưa này là mỏ vàng của hắn. Hắn đặt tay lên vai mụ và tìm cách lay mụ dậy.

Mụ mở mắt.

- Việc gì đấy?

- Anh đang lo cho em, - Lantz nói. Giọng hắn hồi hộp một cách chân thật. - Anh không thích thấy em bất hạnh, và anh nghĩ rằng em uống rượu vì có ai đấy làm cho em bất hạnh. Anh là bạn của em.

- Em có thể nói với anh tất cả việc ấy. Angel phải không?

- Angel - mụ lẩm bẩm.

- Anh chắc rằng ông ấy là người tốt, - Harry Lantz đấu dịu. - Có lẽ cả hai có một sự hiểu lầm nho nhỏ, đúng không nào?

Hắn cố gắng đưa mụ nằm thẳng ra trên giường. Giống như đưa một con cá voi lên cạn, - Lantz nghĩ thế.

Lantz ngồi xuống bên cạnh mụ. - Hãy nói với anh về Angel đi, - Lantz nói, - Ông ấy đã làm gì em nào?

Neusa nhìn hắn đăm đăm, đôi mắt mờ mờ tìm cách tập trung vào hắn. - Làm tình đi!

- Ồ, chúa ơi! Việc ấy sẽ là một đêm dài. Đúng rồi, ý kiến vĩ đại đấy. - Lantz miễn cưỡng bắt đầu cởi quần áo.

Khi Harry Lantz thức giấc vào buổi sáng một mình trên giường, những việc đã tràn ngập đầu óc hắn và hắn cảm thấy đau bụng.

Neusa đã đánh thức hắn vào lúc nữa đêm.

- Ông biết tôi muốn ông làm gì cho tôi không?! - mụ lẩm bẩm. Mụ bảo với hắn điều ấy. Hắn lắng nghe một cách hoài nghi, nhưng hắn đã làm những điều mụ bảo hắn làm. Hắn không thể nào phản kháng lại mụ. Mụ là một con vật dã man, bệnh hoạn và Lantz tự hỏi liệu Angel có bao giờ làm những việc ấy cho mụ không. Ý nghĩ về điều hắn đã hoàn thành làm Lantz lợm giọng. Hắn nghe Neusa lạc điệu trong phòng tắm. Hắn không chắc có thể đương đầu nổi với mụ.

Mình đã quá đủ! - Lantz nghĩ thế. - Nếu sáng nay mụ không bảo cho mình biết Angel ở đâu, mình sẽ đi đến chỗ thợ may và thợ giày của hắn.

Hắn vứt những tấm trải giường lại và đi vào với Neusa. Mụ đang đứng trước gương soi ở phòng tắm. Tóc mụ đang cuốn trong những ống cuốn to và mụ trông có vẻ, có lẽ thế, còn không hấp dẫn hơn cả lúc trước.

- Em và anh sẽ nói chuyện với nhau nhé, - Lantz quả quyết

- Hẳn rồi. - Neusa chỉ một bồn tắm đầy nước. - Tôi chuẩn bị nước tắm cho ông. Khi nào xong, tôi sẽ sửa soạn bữa ăn sáng.

Lantz sốt ruột, nhưng hắn biết hắn không nên ép quá mạnh.

- Ông thích trứng tráng không?

Hắn chẳng thích ăn tí nào cả.

- Vâng, hay đấy.

- Tôi thích làm trứng tráng ngon. Angel dạy tôi đấy!

Lantz nhìn trong lúc mụ đang bắt đầu lấy những ống cuốn to bự ra khỏi mái tóc. Hắn bước vào bồn tắm.

Neusa nhặt một chiếc máy sấy tóc lớn, cắm điện và bắt đầu hong tóc.

Lantz nằm trong bồn tắm ấm suy nghĩ: Có lẽ mình sẽ lấy súng và tự mình bắt lấy Angel. Nếu mình để bọn Isarel làm việc ấy, có lẽ sẽ có một cuộc điều tra lôi thôi về người lãnh thưởng. Cách này sẽ chẳng có vấn đề gì cả. Mình sẽ chỉ cho họ biết nơi để nhặt xác hắn.

Neusa nói điều gì đấy nhưng Harry Lantz chỉ có thể nghe loáng thoáng qua tiếng máy sấy tóc.

- Em bảo gì thế? - hắn gọi lớn.

Neusa đến bên cạnh bồn tắm.

- Tôi mang cho ông món quà của Angel.

Mụ thả chiếc máy sấy điện vào trong nước và đứng đấy nhìn thân thể của Lantz quằn quại trong một điệu khiêu vũ của tử thần.

Chú thích:

(1) Tiếng Tây Ban Nha: Xin chào.
 
Chương 8


Tổng thống Paul Ellison đặt bản báo cáo an ninh cuối cùng về Mary Ashley xuống và nói:

- Chẳng có một vết nhơ nào cả, Stan ạ.

- Tôi biết. Tôi nghĩ bà ấy là một ứng cử viên hoàn hảo. Dĩ nhiên, Bộ Ngoại giao sẽ không thích thứ.

- Chúng ta sẽ cho họ một vố nên thân. Bây giờ chúng ta hãy hy vọng Thượng viện sẽ ủng hộ chúng ta.

Văn phòng của Mary Ashley tại giảng đường Kedzie là một phòng nhỏ dễ chịu với những giá sách nhét đầy những quyển sách tham khảo về các quốc gia Trung Âu. Đồ dùng khiêm tốn gồm một chiếc bàn giấy gãy nát và một chiếc ghế quay, một bàn nhỏ ở cửa sổ chất đầy những giấy tờ thi cử, một chiếc ghế dựa hình nấc thang và một chiếc đèn đọc sách. Trên bức tường sau bàn giấy là một bản đồ Balkan. Một bức tranh xưa của ông nội Mary treo trên tường. Nó đã được chụp khoảng đầu thế kỷ và người trong bức ảnh đang đứng trong tư thế cứng nhắc không tự nhiên, trong bộ đồ của thời kỳ ấy. Bức ảnh là một trong những bảo vật của Mary. Chính ông nội của nàng đã truyền lại cho nàng sự tò mò sâu sắc về Rumani. Ông đã kể cho nàng những câu chuyện lãng mạn về Nữ hoàng Marie, các nữ nam tước và công chúa, những chuyện cổ tích về Ambert, ông hoàng Consort của Anh quốc và Alexander II, Nga hoàng và hàng chục nhân vật ly kỳ.

- Ở đâu đấy trong căn bản của chúng ta có một giòng máu hoàng gia. Nếu không có cách mạng, có lẽ con sẽ là một công chúa đấy.

Nàng hay mơ về điều ấy.

Mary đang ở giữa những đống giấy tờ thi lên lớp khi cánh cửa mở ra và khoa trưởng Hunter bước vào.

- Chào bà Ashley. Bà có rảnh một chút không?

Đây là lần thứ nhất mà khoa trưởng viếng thăm văn phòng nàng.

Mary đột nhiên cảm thấy phấn khởi. Chỉ có thế có một lý do duy nhất cho việc khoa trưởng đích thân đến đây: ông sẽ bảo nàng rằng Trường đại học sẽ cho nàng một chân giảng dạy.

- Dĩ nhiên! - nàng lên tiếng - Xin mời ông ngồi.

Ông ngồi xuống chiếc ghế nấc thang.

- Các lớp học của bà như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng rất tốt. - Nàng không thể chờ đợi việc báo tin cho Edward. Chàng sẽ thật hãnh diện.

Ít có ai vào tuổi nàng, lại nhận được một chân giảng dạy tại một Trường đại học.

Khoa trưởng Hunter hình như không được thoải mái.

- Bà có gặp một loại rắc rối nào đó không, bà Ashley?

Câu hỏi đột kích nàng bất thình lình.

- Rắc rối à? - Tôi… không. Tại sao?

- Một số người từ Washington đã đến gặp tôi và đặt câu hỏi về bà.

Mary Ashley lại nghe âm vang của những lời Lorence Schiffer "Một nhân viên Liên bang ở Washington… ông ta đặt ra đủ câu hỏi về Mary. Ông ta làm như nàng là một loại gián điệp quốc tế Nàng có là một người Mỹ trung thành không? Nàng có phải là một người vợ và là một người mẹ tốt không?"

Vậy, rốt cuộc chẳng phải là chân giảng dạy của nàng. Nàng bỗng đâm ra khó nói.

- Họ muốn biết điều gì, thưa khoa trưởng Hunter?

- Họ hỏi thăm về danh tiếng làm giáo sư của bà và họ đặt ra các câu hỏi về đời tư của bà.

- Tôi không thể giải thích được. Thực sự tôi không biết việc gì đang diễn ra. Tôi chẳng bị loại rắc rối nào cả. Theo tôi được biết! - nàng nói thêm một cách thoả đáng.

Ông nhìn nàng bằng vẻ hoài nghi rõ ràng.

- Họ có bảo với ông tại sao họ đặt các câu hỏi về tôi không?

- Không. Thực ra, tôi được yêu cầu giữ câu chuyện hoàn toàn bí mật. Nhưng tôi trung thành với bạn của tôi và tôi chỉ cảm thấy công bằng với bà nếu bà được báo tin về việc này. Nếu tôi biết được điều gì, tôi chỉ thích biết được từ bà thì hơn. Bất kỳ một điều xấu xa nào liên quan đến một trong những giáo sư của chúng tôi sẽ phản ánh xấu cho Trường đại học.

Nàng lắc đầu tuyệt vọng.

- Tôi thật sự chẳng thể nghĩ ra điều gì cả!

Ông ta nhìn nàng một lúc, dường như sắp nói một điều gì khác, rồi gật đầu.

- Như vậy đấy, bà Ashley ạ!

Nàng nhìn ông bước ra khỏi văn phòng và tự hỏi:

- Trời ơi, không biết mình đã làm gì nào?

***

Mary rất điềm tĩnh suốt bữa ăn chiều. Nàng muốn đợi Edward ăn xong mới tiết lộ tin tức của diễn biến vừa qua. Họ sẽ cùng cố gắng hình dung ra vấn đề. Hai đứa bé trở nên bất trị. Beth đã từ chối đụng vào bữa ăn chiều của nó.

- Chẳng còn ai ăn thịt nữa cả. Đấy là một phong tục dã man đã được một người thượng cổ mang lại. Người văn minh không ăn thú vật sống.

- Không phải ăn sống, - Tim biện luận. - Nó chết rồi. Vậy chị cũng có thể ăn được.

- Các con! - Thần kinh của Mary chịu hết nổi. - Không được thêm lời nào nữa. Beth, hãy tự ăn xà lách lấy.

- Chị ấy có thể gặm cỏ ngoài đồng, - Tim đề nghị.

- Tim ăn cho xong đi. - Đầu nàng bắt đầu đập mạnh. - Edward! Chuông điện thoại reo.

- Của con đấy, - Beth nói. Nó nhảy ra khỏi ghế và chạy nhanh lại điện thoại. Nó nhấc lên và lên tiếng một cách quyến rũ:

- Virgil đấy à? - Nó nghe một lúc và vẻ mặt nó thay đổi. - Ồ, đúng rồi, - nó nói một cách chán nản. Nó dằn mạnh ống nghe xuống và trở về bàn.

- Việc gì thế, - Edward hỏi.

- Một kẻ đùa thực sự. Ông ta nói rằng Toà Bạch Ốc gọi mẹ.

- Toà Bạch Ốc à? - Edward hỏi.

Điện thoại lại reo.

- Em sẽ đến, - Mary lên tiếng. Nàng đứng lên và đi đến chỗ điện thoại. - Vâng.

Trong lúc lắng nghe, khuôn mặt nàng trở nên giận dữ. - Chúng tôi đang ăn chiều và tôi không chợt nghĩ rằng việc này buồn cười ông chỉ có thể… gì thế? Ai? Tổng thống à?

Căn phòng bỗng im lặng.

- Hãy đợi… tôi… Ô, chào ngài Tổng thống.

Khuôn mặt nàng hiện lên vẻ kinh ngạc. Gia đình nàng trố mắt nhìn nàng.

- Vâng, thưa ngài. Tôi nhận ra giọng nói của ngài. Tôi… Tôi xin lỗi về việc gác máy một lúc hồi nãy. Beth nghĩ rằng đó là Virgil và… vâng, thưa ngài, cám ơn ngài.

Nàng đứng đấy lắng tai nghe.

- Tôi có muốn phục vụ gì cơ ạ? - Mặt nàng chợt ửng đỏ.

Edward đã đứng dậy, đi về phía điện thoại, hai đứa trẻ theo sát sau lưng chàng.

- Có lẽ có sự nhầm lẫn nào đấy, thưa ngài Tổng thống. Tôi tên là Mary Ashley. Tôi là một giáo sư tại Trường đại học Kansas của tiểu bang và… ngài có đọc à? Cám ơn ngài… Ngài tốt quá… Vâng. Tôi tin rằng… - Nàng lắng nghe một lúc lâu. - Vâng, thưa ngài, tôi đồng ý. Nhưng không có nghĩa rằng tôi... Vâng, thưa ngài. Tôi rõ, chắc chắn rằng tôi hãnh diện. Tôi chắc rằng đấy là một cơ hội tuyệt vời, nhưng tôi… Dĩ nhiên là tôi muốn. Tôi sẽ bàn lại với chồng tôi và trả lời lại với ngài. - Nàng nhặt một cây bút và viết số. - Vâng, thưa ngài. Tôi đã viết xong. Cám ơn ngài Tổng thống. Chào ngài.

Nàng chậm rãi gác ống nghe và đứng dậy đầy kinh ngạc.

- Có việc gì đấy, em? - Edward lên tiếng chất vấn.

- Tổng thống thật à? - Tim hỏi.

Mary buông mình xuống một chiếc ghế:

- Phải, đúng thật.

Edward nắm lấy tay của Mary trong tay chàng.

- Mary, ông ấy nói gì thế, ông ấy muốn gì thế?

Mary ngồi lặng ở đấy, suy nghĩ: Vậy ra tất cả những câu hỏi là thế.

Nàng nhìn lên Edward và những đứa con rồi chậm rãi nói:

- Tổng thống có đọc cuốn sách của em và bài viết của em trong tạp chí Foreign Affairs và ngài cho là xuất sắc. Ngài nói rằng đấy là loại suy nghĩ mà ngài muốn cho chương trình giữa các dân tộc của ngài. Ngài muốn bổ nhiệm em làm Đại sứ tại Rumani.

Khuôn mặt Edward lộ vẻ hoài nghi hoàn toàn.

- Em à? Tại sao là em?

Đấy đúng là điều Mary đã tự hỏi mình, nhưng nàng thấy Edward có thể đã khéo xử hơn. Lẽ ra chàng nên nói "Tuyệt thật! Em sẽ làm một đại sứ vĩ đại", nhưng chàng lại thực tế.

- Quả thực, tại sao lại là mình nhỉ?

- Em không có kinh nghiệm chính trị nào cả?

- Em nhận thức rõ điều ấy - Mary chua chát trả lời - Em đồng ý rằng cả sự việc này buồn cười thật.

- Mẹ sẽ đi làm đại sứ à? - Tim hỏi.- Mình sẽ đi Rome à?

- Rumani đấy.

- Rumani ở đâu?

Edward quay sang lũ con.

- Cả hai con ăn cho xong đi. Mẹ và bố muốn trò chuyện một chút.

- Chúng con không được tham gia bỏ phiếu à? - Tim hỏi.

- Bằng lá phiếu khiếm diện.

Edward cầm tay Mary và đưa nàng vào thư viện. Chàng quay sang nàng nói:

- Anh xin lỗi nếu giọng anh như một con lừa vênh váo trong đấy. Anh chỉ là một…

- Không. Anh đúng hoàn toàn, Edward ạ. Tại sao họ lại phải chọn em nhỉ?

Khi Mary gọi chàng là Edward, chàng biết chàng đang gặp rắc rối.

- Em à, có lẽ em sẽ là một vị đại sứ hoặc một nữ đại sứ vĩ đại hoặc bất kỳ thứ gì họ gọi lúc nãy. Nhưng em phải chấp nhận ràng đến hơi kinh ngạc đấy!

Mary dịu lại.

- Hãy thử tin vào cái tin sét đánh ấy - Giọng nàng như một cô gái nhỏ. - Em vẫn chưa tin được điều ấy. - Nàng bật cười. - Hãy đợi đến lúc em báo cho Florence. Chị ấy sẽ chết đấy.

Edward nhìn kỹ nàng.

- Em thực sự kích động về chuyện này phải không?

Nàng nhìn chàng ngạc nhiên:

- Dĩ nhiên rồi.

- Anh không bị kích động à?

Edward cẩn thận lựa lời.

- Đấy là một vinh hạnh lớn, em à, và anh chắc đấy không phải là một việc họ đề nghị hời hợt đâu. Họ phải có lý do tốt để chọn em. - Chàng lưỡng lự, - Chúng ta phải suy nghĩ điều này thật cẩn thận. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta.

Nàng biết chàng định nói gì và nàng nghĩ:

Edward nói đúng. Dĩ nhiên là chàng nói đúng.

- Anh không thể nào bỏ việc thực tập của anh và bỏ rơi những bệnh nhân của anh. Anh phải ở lại đây. Anh không biết em phải đi xa bao lâu, nhưng nếu nó thực sự có ý nghĩa lớn lao với em, thì thôi vậy, có lẽ chúng ta có thể nghĩ ra cách nào đấy mà em có thể đến đấy với con và anh có thể đến với em mỗi khi…

Mary dịu dàng nói:

- Anh điên rồi. Anh nghĩ rằng em có thể sống xa anh à?

- Vậy thôi, đấy là một điều vinh dự lớn lao kinh khủng và…

- Làm vợ anh cũng thế. Chẳng có gì có ý nghĩa với em nhiều bằng anh và mấy đứa con. Em sẽ không bao giờ rời xa anh. Thành phố này không thể tìm được một bác sĩ khác như anh, nhưng tất cả những gì chính phủ phải làm để tìm ra một vị đại sứ khá hơn em là nhìn vào những trang giấy vàng.

Chàng ôm nàng vào lòng.

- Em chắc chắn vậy à?

- Vâng, em rất thích anh nói thế, thế đủ cho…

Cánh cửa tung ra và Beth và Tim chạy vội vào.

Beth lên tiếng.

- Con vừa gọi Virgil và bảo anh ấy rằng mẹ sẽ đi làm đại sứ.

- Vậy tốt hơn hết con nên gọi lại cho nó và bảo rằng mẹ không đi.

- Tại sao không, hở mẹ? - Beth hỏi.

- Mẹ con đã quyết định sẽ ở lại đây.

- Tại sao? - Beth rên rỉ. - Con chưa bao giờ đi Rumani cả. Con chưa bao giờ đi đâu cả.

- Con cũng thế, Tim nói. Hắn quay sang Beth.

- Em bảo chị rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ thoát được chỗ này mà.

- Đề tài đã kết thúc! - Mary báo cho chúng.

Sáng hôm sau, Mary quay số điện thoại mà Tổng thống đã cho nàng. Khi một nhân viên tổng đài trả lời, Mary nói:

- Đây là bà Mary Ashley. Tôi nghĩ rằng vị phụ tá Tổng thống - một ông Greene nào đấy - đang đợi tôi gọi.

- Xin vui lòng chờ một lúc.

Một giọng đàn ông ở đầu dây bên kia nói:

- Chào bà Ashley!

- Vâng, - Mary nói, - Xin ông vui lòng chuyển lời của tôi cho Tổng thống.

- Hẳn rồi.

- Xin ông vui lòng thưa với ngài rằng tôi rất hãnh diện về lời đề nghị của ngài, nhưng nghề nghiệp của chồng tôi cột chân anh ấy lại đây, do đó tôi e rằng tôi không thể nào chấp nhận được. Tôi hy vọng rằng ngài sẽ hiểu.

- Tôi sẽ chuyển lời của bà, - giọng ấy nói một cách vô thưởng vô phạt. - Cám ơn Ashley. - Đường dây cúp ngay.

Mary chậm rãi cúp ống nghe. Xong rồi trong một lúc ngắn ngủi, một giấc mơ nhỏ đã được đề nghị với. Nhưng chỉ có vậy. Tốt hơn hết là mình nên dọn sẵn cho lớp sử kỳ bốn của mình.

***

MANAMA BAHRAIN

Ngôi nhà đá quét vôi trắng là ngôi nhà vô danh khuất giữa hàng chục ngôi nhà tương tự, cách Souks, khu chợ trời to lớn đầy màu sắc một đoạn ngắn. Chủ nhân là một thương gia có cảm tình với mục đích của tổ chức có tên là "Các nhà yêu nước vì tự do".

- Chúng tôi cần đến nó chỉ trong một ngày thôi, - một giọng nói trên điện thoại bảo ông ta như thế.

Sự việc đã được thu xếp. Bây giờ vị chủ toạ đang nói với những người nhóm họp trong phòng khách.

- Một vấn đề đã nổi lên, - vị chủ toạ lên tiếng.

- Đề nghị vừa được thông qua đã gặp phải khó khăn.

- Loại khó khăn nào thế? - Balder hỏi.

- Người trung gian chúng ta đã chọn - Harry Lantz - đã chết.

- Chết à - Chết cách nào?

- Hắn bị sát hại. Xác hắn được tìm thấy nổi lên tại hải cảng ở Buenos Aires.

- Cảnh sát có ý kiến gì về người đã làm việc ấy không? Tôi muốn nói - họ có thể liên hệ việc này với chúng ta bằng một cách nào đấy không?

- Không. Chúng ta hoàn toàn an toàn.

Thor lên tiếng hỏi:

- Chương trình của chúng ta thế nào? Chúng ta có thể tiếp tục được không?

- Lúc này thì không. Chúng ta chưa nghĩ ra cách tiếp xúc với Angel. Tuy nhiên, ngài chủ sự đã cho phép Harry Lantz được tiết lộ danh tánh của ngài với hắn. Nếu Angel quan tâm đến đề nghị của chúng ta, hắn sẽ tìm ra cách để tiếp xúc. Tất cả những gì chúng ta làm được lúc này là chờ đợi.

***

Đầu đề lớn trên tờ Daily Umon của thị xã Junetion ghi: Mary Ashley ở thị trấn Junction từ chối làm Đại sứ.

Có một đoạn tiểu sử hai cột về Mary và một tấm ảnh của nàng. Trên KJCK, các buổi phát thanh buổi xế, và buổi chiều loan đi những câu chuyện về đặc điểm của nhân vật nổi danh mới của thành phố. Sự việc Mary Ashley đã từ chối lời mời của Tổng thống làm cho câu chuyện càng lớn hơn là nàng đã chấp nhận. Dưới cặp mắt của những người dân tự hào, thị trấn Junction, Kansas, còn quan trọng hơn nhiều so với Bucarest, Rumani.

Khi Mary Ashley lái xe xuống phố để mua thức ăn chiều, nàng tiếp tục nghe tên nàng trên chiếc radio trên xe.

"Trước đây, Tổng thống Ellison đã loan báo rằng chức đại sứ tại Rumani sẽ là khởi đầu cho chương trình giữa các dân tộc của ngài, viên đá tảng của chính sách ngoại giao của ngài. Sự từ chối nhận chức vụ của Mary Ashley sẽ làm mất uy tín như thế nào đến…"

Nàng chuyển sang một đài khác.

"... kết hôn với Bác sĩ Edward Ashley và người ta tin rằng…"

Mary tắt radio. Nàng đã nhận được ít nhất ba chục cú điện thoại của bạn bè, những người láng giềng, các sinh viên và những người tò mò. Các phóng viên đã gọi từ những vùng thật xa tận London và Tokyo.

- Họ đã xây dựng tất cả một cách không tương xứng, - Mary nghĩ thế. - Không phải lỗi của mình về việc Tổng thống đã quyết định đặt nền tảng cho thành công của chính sách ngoại giao của ngài đối với Rumani. Mình không biết sự hỗn loạn này sẽ kéo dài bao lâu, có lẽ trong một hai ngày sẽ chấm dứt.

Nàng lái chiếc camionnette vào trạm xăng Derby và dừng lại trước một máy bơm tự phục vụ.

Trong lúc Mary đang ra khỏi xe, ông Blount, chủ trạm xăng, vội vã chạy đến với nàng.

- Chào bà Ashley. Một bà đại sứ không nên không gọi bơm xăng cho xe mình. Để tôi giúp bà một tay nhé.

Mary mỉm cười:

- Cám ơn. Tôi đã quen làm.

- Không. Không. Tôi xin bà.

Khi bình xăng đầy, Mary lái xuống đường Washington và đậu trước một tiệm giày.

- Chào bà Ashley - nhân viên bán hàng chào nàng. - Sáng nay bà đại sứ thế nào?

- Việc này khó chịu đấy, - Mary nghĩ thế. Nàng nói to, - tôi không phải là đại sứ, nhưng tôi khoẻ thôi, cám ơn ông. - Nàng trao cho ông một đôi giày.

- Tôi muốn thay đế cho đôi giày của Tim.

Nhân viên bán hàng xem xét.

- Không phải những chiếc mà chúng tôi làm tuần trước ư?

Mary thở dài. - Tuần trước nữa kìa.

***

Kế đến, ghé vào cửa hàng tổng hợp. Bà Hacker, chủ quầy hàng quần áo, bảo nàng:

- Tôi vừa nghe tên bà trên đài. Bà đã đưa thị trấn Junction lên bản đồ. Vâng, thưa bà. Tôi đoán rằng bà, Eisenhower và Alf Landon là những chính trị gia nổi tiếng nhất của Kansas, bà Đại sứ ạ.

- Tôi không làm đại sứ, - Mary kiên nhẫn nói. - Tôi đã từ chối rồi.

- Tôi muốn nói việc ấy đấy.

- Có ích lợi gì? - Mary nói, - Tôi cần mấy cái quần Jeans cho Beth. Tốt nhất là thứ thiệt chắc.

- Bây giờ Beth bao nhiêu tuổi rồi? Độ 10 tuổi à?

- Nó 12.

- Trời ơi, lúc này chúng nó lớn nhanh thật, phải không? Nó sẽ đến tuổi cập kê mà bà không hay đấy!

- Beth sinh ra đã là một đứa đến tuổi cập kê rồi, bà Hacker ạ.

- Tim thế nào?

- Nó giống Beth lắm.

***

Việc mua sắm làm Mary mất gấp đôi thời gian hơn thường lệ. Mọi người đều đưa ra một lời phê bình nào đấy về tin tức lớn ấy. Nàng vào một cửa hiệu Dillon, để mua một số tạp hoá và khi đang xem xét những giá hàng thì bà Dillon đến gần.

- Chào bà Ashley.

- Chào bà Dillon. Bà có một loại thức ăn sáng mà trong đấy chẳng có gì cả không?

- Gì thế?

Mary xem lại một bảng kê trong tay nàng.

- Không có đường nhân tạo không có chất natri, mỡ, hydrat carbon, cafein, đường caramen màu, axít phôlích hoặc bột thơm.

Bà Dillon nghiên cứu tờ giấy:

- Có phải đây là một loại thí nghiệm y khoa không?

- Theo một nghĩa nào đấy cho Beth đấy. Nó sẽ chỉ ăn thức ăn tự nhiên.

- Tại sao bà không đưa nó ra đồng cỏ và để nó gặm cỏ?

Mary bật cười.

- Con trai tôi đã đề nghị như thế đấy - Mary cầm lên một gói hàng và xem nhãn - Đây là lỗi của tôi. Đáng lẽ tôi không nên dạy Beth đọc chữ.

Mary cẩn thận lái xe về nhà trong lúc leo lên ngọn đồi ngoằn ngoèo về hướng hồ Milford. Nhiệt độ ở trên độ không vài độ, nhưng yếu tố giá lạnh của gió đã đưa nhiệt độ xuống dưới không độ vì chăng có gì để ngăn gió khỏi trận càn quét cắt da xuyên qua những đồng cỏ vô tận. Các bãi có phủ tuyết và Mary nhớ lại mùa đông vừa qua khi cơn bão băng đã càn quét qua lãnh địa và nước đá đã làm đứt các đường dây điện. Họ đã không có điện một tuần lễ. Nàng và Edward đã làm tình mỗi đêm. Có lẽ mình sẽ gặp may mùa đông này, - nàng cười một mình.

Khi Mary về đến nhà, Edward vẫn còn ở bệnh viện. Tim đang trong phòng nghiên cứu xem một chương trình khoa học giả tưởng. Mary cất hàng tạp hoá và bước vào nhà để trao đổi với con trai nàng.

- Con không phải làm bài ở nhà à?

- Con không làm được!

- Sao lại không?

- Vì con không hiểu.

- Con sẽ không hiểu khá hơn tí nào cả bằng cách xem Star Trek. Cho mẹ xem bài học của con!

Tim chìa ra cho nàng xem quyển sách toán lớp năm.

- Đây là những bài toán ngốc nghếch, - Tim nói.

- Chẳng có những bài toán nào ngốc nghếch cả. Chỉ có những học sinh ngốc nghếch thôi. Bây giờ hãy nhìn vào cái này!

Mary đọc lớn bài toán.

- Một chiếc xe hoả rời Minneapolis có một trăm bốn mươi chín người trên tàu. Tại Atlanta thêm nhiều người lên tàu. Như thế có hai trăm hai mươi ba người trên tàu. Có bao nhiêu người lên tàu tại Atlanta? - Nàng nhìn lên.

- Đơn giản mà Tim. Con chỉ việc lấy 223 trừ đi cho 149 thôi.

- Không, mẹ, không làm thế, - Tim nói một cách rầu rĩ. - Nó phải là một phương trình. 149 cộng n bằng 223. Vậy n bằng 223 trừ đi l19. Vậy n bằng 74.

- Thật ngốc nghếch, - Mary nói.

***

Trong lúc Mary đi ngang qua phòng Beth, nàng nghe tiếng động. Mary bước vào. Beth đang ngồi xếp bằng trên sàn nhà xem truyền hình, nghe một đĩa rock và làm bài tập ở nhà.

- Làm sao con tập trung được với tất cả sự ồn ào này? - Mary hét lên.

Nàng đi đến máy truyền hình vặn tắt rồi tắt mày hát đĩa.

Beth nhìn lên kinh ngạc.

- Mẹ làm gì thế? Đấy là Goerge Michael mà.

Phòng của Beth dán đầy những bức hình quảng cáo của các nhạc sĩ. Kiss, Van Halen, Motley Crue, Aldo Nova và David Lee Roth. Chiếc giường phủ đầy tạp chí: Seventeen và Teen Idol và nửa tá những quyển khác. Quần áo của Beth vất lung tung trên sàn nhà.

Mary nhìn quanh phòng hỗn độn tuyệt vọng.

- Beth - Làm sao con có thể sống được như thế này nhỉ?

Beth nhìn lên mẹ bối rối.

- Sống như gì cơ ạ?

Mary nghiến răng.

- Chẳng có gì cả.

Nàng nhìn vào một phong bì trên bàn giấy của con gái.

- Con viết thư cho Rick Springfield à?

- Con yêu anh ấy.

- Mẹ nghĩ con yêu George Michael đấy.

- Con mê George Michael. Con yêu Rick Springfield. Mẹ, vào thời của mẹ, mẹ không bao giờ mê ai à?

- Vào thời của mẹ, mẹ quá bận để tìm cách đẩy các cỗ xe qua đất nước.

Beth thở dài.

- Mẹ có biết rằng Rick Springfield có một thời kỳ thơ ấu sa đoạ không?

- Nói thật đứng đắn. Beth, mẹ không biết chuyện ấy.

- Thật kinh khủng. Bố anh ấy đã ở trong quân đội và họ đã đi nhiều nơi. Anh ấy cũng là một người ăn kiêng. Như con đấy. Anh ấy thật đáng sợ.

Vậy ra đấy là điều đằng sau chế độ ăn uống điên rồ của Beth.

- Mẹ ơi, con được phép đi xem phim tối thứ bảy với Virgil chứ?

- Virgil à? Việc gì đã xảy ra với Arnold rồi?

Im lặng một lúc.

- Arnold thích làm chuyện vớ vẩn. Anh ấy kỳ thật.

Mary cố giữ giọng điềm tĩnh:

- Làm chuyện vớ vẩn, con muốn nói…

- Chỉ vì con bắt đầu có ngực mà bọn con trai nghĩ rằng con dễ dãi. Mẹ ơi, mẹ có bao giờ cảm thấy khó chịu về thân thể của mẹ không?

Mary đi ra sau lưng Beth và vòng tay quanh người nó.

- Có, con yêu. Khi mẹ ở tuổi con, mẹ cảm thấy rất khó chịu.

- Con ghét thời kỳ hành kinh của con, rồi có ngực và mọc lô lô khắp cả. Tại sao thế?

- Việc ấy xảy ra với mọi đứa con gái và con sẽ quen đi!

- Không, con sẽ không quen đâu. - Nó giãy nảy và nói mạnh, - Con không quan tâm đến việc yêu đương, nhưng con sẽ không bao giờ ngủ với ai cả. Arnold, Virgil, hoặc Kevin Bacon cũng vậy.

Mary trịnh trọng nói:

- Thôi, nếu đấy là quyết định của con…

- Nhất định đấy. Mẹ ơi, Tổng thống Ellison đã nói gì khi mẹ bảo ông ấy rằng sẽ không làm đại sứ cho ông ấy?

- Ông ấy rất dũng cảm về việc ấy, - Mary quả quyết vội nói, - Mẹ nghĩ rằng tốt hơn là mẹ khởi sự chuẩn bị bữa ăn chiều.

***

Nấu nướng là một việc khó chịu bí mật của Mary Ashley. Nàng ghét nấu nướng và kết quả là nàng chẳng khéo tay mấy, và bởi vì nàng muốn giỏi trong mọi công việc của nàng, nàng càng ghét việc ấy hơn nữa. Đây là một vòng luẩn quẩn được giải quyết một phần nào bằng cách nhờ Lucinda đến ba lần mỗi tuần để nấu nướng và dọn dẹp ngôi nhà. Đấy là một trong những ngày nghỉ của Lucinda.

Khi Edward từ bệnh viện về, Mary đang ở trong bếp làm khê một ít đậu. Nàng tắt bếp và tặng Edward một nụ hôn:

- Chào anh, hôm nay thế nào? Có gì quái dị không?

- Em nên tìm hiểu con gái chúng ta! - Edward lên tiếng. - Quả vậy, thực là quái dị. Xế nay anh đã chữa một cô gái 13 tuổi bị loét ở bộ phận sinh dục.

- Ồ, anh! - Nàng ném đậu đi và mở một hộp cà chua.

- Em biết đấy, việc ấy làm anh lo cho Beth.

- Anh không phải lo, - Mary quả quyết với chàng.

- Nó định ở vậy cho đến chết.

Lúc ăn chiều, Tim lên tiếng hỏi:

- Bố ơi, con có thể đi thuyền lướt sóng vào ngày chủ nhật của con không?

- Tim! Bố không bực mình vì chuyện phô trương của con, nhưng con đang sống tại Kansas mà.

- Con biết vậy, Johnny mời con đến Hawaii với hắn mùa hè tới. Người nhà của hắn có một ngôi nhà ở bờ biển tại Maui.

- Thôi vậy, - Edward nói một cách hợp lý, - Nếu Johnny có một ngôi nhà tại bờ biển, có lẽ hắn có một chiếc thuyền lướt sóng.

Tim quay sang mẹ hắn:

- Con đi được không?

- Xem đã nào. Này đừng ăn nhanh quá, Tim. Beth, con không ăn gì cả đấy nhé.

- Ở đây chẳng có gì hợp với sự hấp thụ của con người cả. - Beth nhìn cha mẹ nói. - Con xin loan báo. Con sẽ đổi tên con.

Edward thận trọng hỏi:

- Có lý do nào đặc biệt không?

- Con đã quyết định đi trình diễn.

Mary và Edward cùng nhau trao đổi một cái nhìn lâu, đau đớn.

Edward nói:

- Được rồi. Để xem con có thể thành công như thế nào.
 
Chương 9


Một vụ tai tiếng đã làm rung chuyển các tổ chức mật vụ quốc tế, Medhi Ben Barka, một đối thủ của vua Hassan II Marốc, đã bị bắt cóc trong khi bị lưu đày tại Paris và bị sát hại với sự trợ lực của mật vụ Pháp. Tiếp theo sự kiện ấy là việc Tổng thống Charles de Gaulle đã đưa ngành mật vụ ra khỏi sự kiểm soát của Văn phòng Thủ tướng và đặt nó dưới sự bảo trợ của Bộ quốc phòng đương nhiên chịu trách nhiệm về sự an toàn của Marin Groza, người được chính phủ Pháp cho tị nạn. Lực lượng cảnh sát đóng trước mặt biệt thự tại Neuilly gác bảo vệ 24/24, nhưng chính nguồn tin về việc Lev Pasternak phụ trách an ninh nội bộ của biệt thự đã làm cho Passy tin tưởng. Chàng đã tự để mắt đến việc thu xếp vấn đề an ninh và tin chắc rằng ngôi nhà không thể nào xâm nhập được.

Trong những tuần lễ vừa qua, tin đồn đã loan ra trong giới ngoại giao rằng một cuộc đảo chính sắp xảy ra, rằng Marin Groza dự định trở về Rumani, và riêng Alexandros Ionescu sẽ bị những sĩ quan quân đội kỳ cựu của ông lật đổ.

Lev Pasternak gõ cửa và bước vào thư viện nhét đầy sách được dùng làm văn phòng của Marin Groza. Groza đang ngồi làm việc sau bàn giấy. Ông ngước lên khi Pasternak bước vào.

- Mọi người đều muốn biết khi nào cuộc cách mạng sẽ xảy ra, - Pasternak lên tiếng. - Đây là một thế giới bí mật tệ nhất đấy.

- Bảo họ hãy kiên nhẫn. Anh sẽ đến Bucarest với tôi không, Lev?

Hơn bất kì thứ gì khác, Lev Pasternak khao khát được trở về Israel.

- Tôi sẽ chỉ tạm thời đảm nhận công việc này, - chàng đã bảo Marin Groza thế. - Cho đến khi nào ông đã sẵn sàng để tiến công.

"Tạm thời!" đã biến thành hàng tuần lễ và hàng tháng rồi cuối cùng thành ba năm. Và bây giờ đã đến lúc họ phải có một quyết định khác.

Trong một thế giới người lùn - Pasternak nghĩ thế, - Mình đã được đặc ân phục vụ một người khổng lồ. - Marin Groza là một con người vị tha và lý tưởng nhất mà Lev Pasternak đã từng biết.

Khi Pasternak đã đến làm việc cho Groza, chàng không hề biết gì về gia đình của ông. Groza không bao giờ đề cập đến họ, nhưng vị sĩ quan đã dàn xếp cho Pasternak đến gặp Groza đã kể cho chàng nghe Groza bị phản bội. Bọn bắt và hành hạ ông năm ngày. Họ hứa trả lại tự do cho ông nếu ông chịu khai tên các cộng sự viên bí mạt của ông. Ông không chịu nói. Họ bắt vợ và đứa con trai 14 tuổi của ông và đưa họ vào phòng thẩm vấn. Groza đã được phép chọn lựa khai hoặc nhìn họ chết. Đấy là quyết định khó khăn nhất của bất kỳ người đàn ông nào trong trường hợp như vậy. Đấy là sự lựa chọn giữa sinh mạng của vợ con yêu quý và sinh mạng của hàng trăm người tin tưởng ông. Tôi nghĩ rằng điều cuối cùng đã khiến cho Groza quyết định chọn cách ông ấy đã làm là ông ấy tin rằng dù sao thì ông và gia đình ông ấy cũng sẽ bị giết. Ông ấy từ chối khai tên. Các người gác cột ông vào một chiếc ghế và buộc ổng phải nhìn vợ và con gái ông bị hiếp dâm tập thể cho đến chết. Nhưng họ chưa chịu ngừng tay với Groza, khi việc ấy xong và thân xác máu me của họ nằm dưới chân ông, họ còn thiến ông nữa!

- Ồ Chúa ơi.

Viên sĩ quan nhìn vào mắt của Lev Pasternak và nói:

- Điều quan trọng cho ông hiểu là Marin Groza không muốn trở về Rumani để trả thù. Ông muốn chắc chắn rằng những sự việc tương tự sẽ không bao giờ tái diễn nữa.

Lev Pasternak đã ở với Groza từ ngày ấy và càng ở với nhà cách mạng, chàng càng yêu ông hơn. Giờ đây, chàng sẽ phải quyết định có nên bỏ chuyện trở về Israel của chàng và đi Rumani với Groza không.

***

Pasternak đang đi xuống hành lang chiều hôm ấy và trong lúc chàng đi ngang qua cửa phòng ngủ của Marin Groza, chàng nghe những tiếng Lantz kêu đau đớn quen thuộc vọng ra. "Vậy là thứ sáu rồi"- Pasternak nghĩ thế. Ngày bọn gái điếm đến. Họ được chọn từ Anh, Bắc Mỹ, Brasil, Nhật Bản, Thái Lan và nửa tá các quốc gia khác, được chọn lọc ngẫu nhiên. Họ chăng biết họ sẽ đến đâu và sẽ gặp ai. Họ được đón tại phi cảng lên chuyến bay trở về.

Mỗi đêm thứ sáu, các căn phòng vang dội những tiếng la thét của Groza. Ban tham mưu cho rằng một sự hành dục kỳ dị đang diễn ra. Người duy nhất biết được điều gì đang thực sự xảy ra sau cửa phòng ngủ lại là Lev Pasternak. Bởi vì những việc tiếp bọn gái điếm chẳng liên quan gì đến tình dục cả Đó chỉ là một cuộc hành xác. Mỗi tuần một lần.

Groza cởi trần truồng và bảo một người phụ nữ cột ông vào một chiếc ghế và quất ông tàn nhẫn cho đến khi máu ông đổ ra và mỗi lần ông bị quất như thế ông sẽ trông thấy vợ con ông bị hãm hiếp đến chết, Lantz thét kêu cứu. Và ông ta lại la lớn:

- Tôi hối hận? Tôi sẽ khai. Ồ, Chúa ơi, hãy để tôi khai!

Cú điện thoại đến mười ngày sau khi thân thể của Harry Lantz được tìm thấy. Ngài chủ sự đang ở giữa một cuộc họp tham mưu trong một phòng họp khi tín hiệu hệ thống liên lạc mắc song song vang lên.

- Tôi biết rằng ngài yêu cầu không nên quấy rầy, thưa ngài, nhưng đây là cú điện thoại gọi từ hải ngoại. Khẩn cấp đấy. Một cô Neusa Munez gọi từ Buenos Aires. Tôi đã bảo cô ta…

- Được rồi. - Ông nén thật kỹ cảm xúc của mình.

- Tôi sẽ nhận điện thoại tại văn phòng riêng của tôi - ông xin lỗi, đi vào văn phòng và khoá cửa lại.

- Ông nhấc máy lên, - Alô, đấy có phải là cô Munez không?

- Vâng ạ. - Một giọng nói có âm điệu Nam Mỹ, thô lỗ và không có học thức. - Tôi có lời của Angel cho ngài đây. Anh ấy không thích người sứ giả tọc mạch mà ngài đã gửi đến!

- Ông phải chọn từ cẩn thận. - Tôi rất tiếc. Nhưng chúng tôi vẫn muốn Angel tiến hành với việc dàn xếp của chúng tôi. Việc ấy có thể được không?

- Vâng. Anh ấy bảo anh ấy muốn làm việc ấy.

Người đàn ông cố giữ lại một tiếng thở dài nhẹ nhõm. - Tuyệt. Làm cách nào tôi có thể dàn xếp được việc ứng trước cho ông ấy!

Người phụ nữ bật cười.

- Anh Angel không cần món tiền ứng trước nào cả. Không ai lừa Angel được - Giọng nói bỗng trở nên lạnh lùng. - Khi xong việc, anh ấy bảo ngài đặt tiền tại - chờ một phút - tôi có ghi đây - đây này - Ngân hàng quốc gia tại Zurich. Đấy là một nơi ở Thuỵ Sĩ. - Giọng nàng như một đứa con nít.

- Tôi cần số tài khoản.

- Ồ, vâng. Số là - Giêsu. Tôi quên rồi. Hãy giữ máy đấy. Tôi có đâu đấy ở đây thôi. - Ông nghe tiếng giấy sột soạt và cuối cùng nàng lại cầm điện thoại lên. - Đây này. J 349077.

- Ông lặp lại con số. - Ông ấy có cách nào sớm tiến hành vấn đề này không?

- Khi nào anh ấy chuẩn bị xong, thưa ngài. Angel nói ngài sẽ biết khi nào anh ấy làm xong. Ngài sẽ đọc được trên báo.

- Rất tốt. Tôi sẽ cho cô số điện thoại riêng của tôi trong trường hợp Angel cần liên lạc với tôi.

Ông chậm rãi cho nàng số ấy.

TBILISI, LIÊN XÔ

Cuộc họp được tổ chức tại một ngôi nhà biệt lập bên bờ sông Kura.

Vị chủ toạ lên tiếng:

- Hai vấn đề khẩn cấp đã nói lên. Vấn đề thứ nhất là tin tức tốt. Ngài chủ sự đã được Angel nhắn. Hợp đồng đang tiến hành.

- Đấy là tin rất tốt! - Freyr thốt lên. - Còn tin xấu thế nào?

- Tôi e rằng nó liên quan đến ứng cử viên đại sứ tại Rumani, nhưng tình hình có thể thu xếp…

Thật là khó cho Mary Ashley chú tâm vào lớp học. Có điều gì đấy đã thay đổi. Dưới mắt của sinh viên, nàng đã trở thành một nhân vật nổi danh.

Đấy là một cảm giác nặng nề. Nàng có cảm giác rằng lớp học đang chú ý tới từng lời nói của nàng.

- Như chúng ta biết, năm 1956 là một năm đại hồng thuỷ xảy ra ở nhiều quốc gia Đông Âu. Với việc Gomulka trở lại chính quyền, cộng sản quốc gia đã nổi lên tại Ba Lan. Tại Tiệp Khắc, Antonin Malloryny lãnh đạo Đảng cộng sản. Năm ấy tại Rumani chẳng có thay đổi chính quyền nào quan trọng cả…

Rumani… Bucarest… Từ những bức ảnh mà Mary đã xem, nó phải là một trong những thành phố đẹp nhất tại châu Âu. Nàng chưa quên bất cứ câu chuyện nào mà ông nàng đã kể cho nàng về Rumani cả. Nàng nhớ lại nàng đã kinh hãi như thế nào lúc còn là một cô gái nhỏ vì những chuyện cổ tích của ông về ông Hoàng Vlad kinh khủng thuộc Transylvania.

- Lão là một con quỷ hút máu, Mary ạ, sống trong lâu đài to lớn của lão trên núi cao thuộc rừng Brasow và hút máu những nạn nhân vô tội của lão.

Mary bỗng nhận ra một sự im lặng hoàn toàn trong căn phòng. Lớp học đang nhìn chăm chú.

- Mình đã đứng đây và lo ra bao lâu rồi nhỉ? - Nàng tự hỏi và vội vã tiếp tục bài thuyết trình.

- Tại Rumani, Gheorgin-Dej đã củng cố quyền lực trong Đảng công nhân…

Giờ học hình như tiếp tục mãi mãi, nhưng may quá, nó gần xong rồi.

- Bài làm ở nhà của các anh chị sẽ là viết một bài tiểu luận về việc đặt kế hoạch và điều hành kinh tế của Liên Xô, mô tả tổ chức cơ ban của các cơ quan chính phủ và sự kiểm soát của Đảng cộng sản Xô viết. Tôi muốn các anh chị phân tích các vấn đề đối nội và đối ngoại của chính sách Xô viết với sự nhấn mạnh vào địa vị của họ tại Ba Lan, Tiệp Khắc và Rumani.

"Rumani… Xin mời đến Rumani, bà Đại sứ. Chiếc xe hòm của bà đây để đưa bà về Toà đại sứ của bà. Toà đại sứ của nàng. - Nàng đã được mời đến sống tại một trong những thủ đô thú vị nhất của thế giới, để báo cáo với Tổng thống và là điểm trung tâm trong quan điểm giữa các dân tộc của ngài. - Đáng lẽ mình có thể là một phần của lịch sử đấy".

Nàng tỉnh mộng vì tiếng chuông reo. Giờ học đã xong. Đã đến giờ trở về nhà và thay áo. Edward có thể từ bệnh viện về sớm, chàng sẽ đưa nàng ra một câu lạc bộ thôn quê để ăn chiều.

Việc ấy phù hợp với một vị Đại sứ hụt.

***

- Luật xanh! Luật xanh!

Giọng nói oang oang qua chiếc loa vọng khắp hành lang của bệnh viện.

Ngay cả khi toán cấp cứu bắt đầu tụ ở cửa vào xe cứu thương, âm thanh của chiếc còi báo động vẫn còn vang dội. Bệnh viện cộng đồng, Geary là một toà nhà màu nâu ba tầng có vẻ khắc khổ nằm trên ngọn đồi trên đường St. Mary tại khu vực Tây Nam của thị trấn Junction. Bệnh viện có 92 giường với hai phòng giải phẫu hiện đại và một dãy phòng khám bệnh và văn phòng quản trị.

Đấy là một ngày thứ sáu bận rộn và khu trên tầng lầu trên cùng đã đầy nghẹt các bệnh binh đến thành phố từ pháo đài Riley kế cận, khu vực đồn trú của Sư đoàn I bộ binh còn là Sư đoàn Big Red, để nghỉ cuối tuần.

Bác sĩ Edward Ashley đang may lại da đầu cho một người lính đã thua trận tại một quầy rượu.

Edward Ashley làm bác sĩ tại bệnh viện Cộng đồng Geary được 13 năm và trước khi đi vào viện thực tập riêng, chàng là một phẫu thuật viên phi hành của không quân với cấp bậc đại uý. Nhiều bệnh viện nổi tiếng tại các thành phố lớn đã tìm cách quyến rũ chàng đi xa, nhưng chàng lại thích ở lại chỗ cũ hơn.

Chàng hoàn tất công việc với bệnh nhân và nhìn quanh. Có ít nhất một tá binh sĩ đang chờ đợi chàng may vá. Chàng nghe tiếng còi hú của một chiếc cứu thương đang đến gần. "Họ đang chơi bản nhạc của chúng ta đấy ":

Bác sĩ Douglas Schiffer, người đang chăm sóc cho một bệnh nhân bị thương vì đạn, gật đầu.

- Ở đây hỗn độn thật. Cậu nên nghĩ rằng chúng ta đang ở một loại chiến tranh nào đấy.

Edward Ashley nói:

- Đấy là cuộc chiến tranh duy nhất của họ. Đấy là lý do họ vào thành phố mỗi dịp cuối tuần với trạng thái hơi mất trí. Họ bị thương đấy. - Chàng chấm dứt mũi khâu cuối cùng. - Xong rồi đấy, anh lính ạ. Anh trông như mới!

Chàng quay sang Douglas Schiffer.

- Chúng ta nên xuống phòng cấp cứu.

Bệnh nhân mặc quân phục binh sĩ và trông chưa được 18 tuổi. Hắn đổ mồ hôi như tắm và thở nặng nhọc. Bác sĩ Asley thăm mạch. Mạch yếu ớt và nhỏ. Một vết máu vấy lên phần trước chiếc áo nhà binh của hắn. Edward Ashley quay sang một trong những người cứu thương chiến trường đã mang bệnh nhân đến.

- Việc gì thế?

- Một vết thương dao vào ngực, bác sĩ ạ.

- Chúng ta hãy xem thử phổi có bị xẹp không?

Chàng quay sang một y tá.

- Tôi muốn có ảnh X quang thẳng đứng. Cô có ba phút.

Bác sĩ Douglas Schiffer nhìn máy đo tĩnh mạch. Mạch tăng. Chàng nhìn qua Edward.

- Mạch trương lên. Màng ngoài tim có thể bị xuyên thấu. Có nghĩa rằng màng bảo vệ tim đã chứa đầy máu và đang ép vào quả tim nên nó không thể đập bình thường.

Người y tá lấy huyết áp của bệnh nhân lên tiếng:

- Huyết áp xuống nhanh.

Máy đo điện tâm đồ bắt đầu chậm lại, bệnh nhân sắp tiêu.

Một y tá khác vội chạy đến với phim X quang lồng ngực.

Edward xem qua.

Vùng ngoại tâm bị ứ. Quả tim bị thủng một lỗ. Lá phổi xẹp xuống.

- Đặt ống vào và làm giãn phổi ra! - Giọng chàng điềm tĩnh nhưng không vi phạm đến sự khẩn cấp trong đấy - Hãy tìm người gây mê. Chúng ta sẽ mở lồng ngực. Luồn ống vào khí quản cho hắn.

Một y tá trao cho bác sĩ Schiffer một ống nội khí quản, Edward Ashley gật đầu với chàng. - Ngay bây giờ đi.

Douglas Schiffer cẩn thận bắt đầu đẩy ống khí vào khí quản của người lính bất tỉnh. Ở đầu ống có một cái túi và Schiffer bắt đầu bóp theo một nhịp đều đặn để thông phổi. Máy kiểm tra bắt đầu chậm và vòng cong trên máy kiểm tra hoàn toàn bẹt. Mùi chết chóc đang ở trong phòng.

- Hắn đi rồi!

Chẳng có thì giờ để đẩy bệnh nhân vào phòng mổ. Bác sĩ Ashley phải quyết định ngay.

- Chúng ta sẽ phải giải phẫu lồng ngực của bệnh nhân.

Hầu như không có máu vì qua tim bị bó vào mô ngoại tâm.

- Cái banh miệng vết mổ!

Dụng cụ được đưa vào tay chàng và chàng đưa nó vào lồng ngực của bệnh nhân để tách xương sườn ra.

- Kéo! Đứng lui lại!

Chàng di chuyển gần hơn để xử lý túi ngoại tâm. Chàng bấm kéo vào đó và máu được giải thoát khỏi sự tù túng của bao tim bắn ra, trúng các y tá và bác sĩ Ashley cho tay vào và bắt đầu xoa bóp quả tim. Máy kiểm tra bắt đầu nhảy và mạch trở nên rõ ràng. Đỉnh tâm thất trái có một vết rách nhỏ.

- Đưa hắn lên phòng mổ.

Ba phút sau bệnh nhân nằm trên bàn mổ.

- Truyền máu - 1000 cc.

Không có thì giờ để thử loại máu, nên "O âm" - loại máu cho chung chung - được dùng đến.

- Trong một lúc cuộc truyền máu bắt đầu, bác sĩ Ashley bảo

- Một ống ngực 32.

Một y tá trao cho chàng.

Bác sĩ Schiffer lên tiếng nói:

- Tôi sẽ may lại, Ed. Tại sao cậu không đi tắm rửa đi?

Chiếc áo giải phẫu của bác sĩ Edward vấy máu.

Chàng liếc máy kiểm tra. Nhịp tim mạnh và đều:

- Cám ơn.

Edward Ashley đã tắm và thay quần áo xong và đang ở văn phòng viết báo cáo y khoa cần thiết. Đấy là một phòng trang nhã đầy những giá các sách y khoa và các thiết bị điền kinh. Phòng gồm một bàn giấy, một chiếc ghế có tay dựa và một chiếc bàn nhỏ với hai chiếc ghế thẳng. Trên tường là văn bằng của chàng được đóng khung gọn gàng.

Thân thể Edward cảm thấy cứng đờ và mệt mỏi vì trải qua cơn căng thẳng. Đồng thời, chàng cảm thấy tình dục được khơi dậy như thường sau mỗi cơn giải phẫu quan trọng. Chính việc đối diện với tử thần tăng giá trị của sức sống - một nhà phân tâm học đã có lần giải thích với Edward như thế.

Dù gì đi nữa, Edward nghĩ thế, mình cũng mong có Mary ở đây.

Chàng chọn một tẩu thuốc ở giá tẩu thuốc trên bàn giấy, đốt, rồi buông người xuống ghế và dang chân ra. Việc nghĩ đến Mary làm chàng có cảm giác tội lỗi. Chàng chịu trách nhiệm về việc nàng từ chối lời đề nghị của Tổng thống và lý lẽ của chàng có cơ sở. - Nhưng còn nhiều hơn thế nữa, - Edward thú nhận với mình, - Mình ghen. Mình phản ứng như một thằng nhóc bại hoại. Việc gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống đề nghị với mình như thế? Có lẽ mình sẽ vồ lấy nó. Chúa ơi Tất cả những gì mình có thể nghĩ đến là mình muốn Mary ở nhà và săn sóc mình và những đứa con. Hãy nói về con heo nọc thuần tuý sô-vanh của bạn đi.

Chàng ngồi đấy hút tẩu thuốc và giận mình.

- Quá trễ - chàng nghĩ thế. - Nhưng sẽ đền bù cho nàng. Mình sẽ làm nàng ngạc nhiên trong mùa hè này với một chuyến đi Paris và London. Có lẽ mình sẽ đưa nàng đi Rumani. Chúng mình sẽ có một tuần trăng mật thực sự.

***

Câu lạc bộ nông thôn của thị trấn Junction là một toà nhà đá vôi ba tầng nằm giữa những ngọn đồi sum suê. Câu lạc bộ có một sân golf 18 lỗ, hai sân tennis, một hồ bơi và một quầy rượu, có phòng ăn và một lò sưởi lớn ở một đầu, một phòng chơi bài trên lầu và một dãy phòng kho tầng dưới.

Cha của Edward là thành viên của câu lạc bộ này như cha của Mary và Edward cùng Mary đã được đưa đến đấy từ khi họ còn bé. Thành phố là một cộng đồng liên kết với nhau mật thiết và câu lạc bộ nông thôn là biểu tượng.

Khi Edward và Mary đến, trời đã khuya và chỉ còn rải rác vài người khách trong phòng ăn. Họ nhìn chăm chăm trong lúc Mary ngồi xuống và họ thì thầm với nhau. Mary đã quen với cảnh ấy.

Edward nhìn vợ:

- Tiếc không?

Dĩ nhiên là tiếc. Nhưng đấy là những sự hối tiếc mơ hồ về loại giấc mơ huy hoàng không thể thực hiện được mà mọi người đều có. "Nếu mình sinh ra là một nàng công chúa, nếu mình là một triệu phú, nếu mình nhận giải Nobel về việc điều trị bệnh ung thư, nếu… nếu… nếu…"

Mary mỉm cười.

- Không đâu, anh. Đấy là một dịp may để họ hỏi em. Dù sao, tuyệt nhiên em sẽ không bao giờ bỏ anh hoặc con đâu. - Nàng cầm lấy tay chàng. - Chẳng tiếc gì cả. Em hài lòng vì đã từ chối lời đề nghị.

Chàng chồm qua người nàng và thì thầm:

- Anh sẽ đề nghị một điều mà em không thể từ chối được.

- Mình đi thôi! - Mary mỉm cườị.

Lúc đầu, khi họ mới cưới nhau, việc làm tình của họ mãnh liệt và thôi thúc. Họ luôn luôn có nhu cầu xác thịt và không thể nào thoả mãn được cho đến khi nào cả hai đã hoàn toàn giải quyết với nhau. Sự cấp bách đã dịu lại với thời gian nhưng xúc cảm vẫn còn đấy, ray rứt, ngọt ngào và trọn vẹn.

Giờ đây khi họ trở về nhà, họ cởi quần áo không vội vã và lên giường Edward ghì chặt lấy nàng và bắt đầu vuốt ve thân thể nàng một cách nhẹ nhàng. Chàng đùa với bộ ngực của nàng, xoa xoa đôi núm vú bằng ngón tay và đưa xuống vùng tơ mềm mại.

Mary rên rỉ khoái trá.

- Thật tuyệt vời.

Nàng trèo lên người chàng… Edward ôm chặt vợ trong vòng tay.

- Mary anh yêu em thật nhiều.

- Em yêu anh gấp đôi. Chúc ngủ ngon anh yêu.

***

Lúc ba giờ sáng, điện thoại reo vang. Edward ngái ngủ vớ lấy chiếc máy và đưa vào tai.

- A-lô.

Giọng khẩn cấp của một người phụ nữ nói:

- Bác sĩ Ashley phải không?

- Vâng!

- Peter Grimes lên cơn đau tim. Ông ta đau kinh khủng. Tôi nghĩ rằng ông ta đang hấp hối. Tôi không biết phải làm thế nào?

Edward ngồi dậy trên giường. Cố gắng chớp mắt để xua đi giấc ngủ.

- Đừng làm gì cả. Hãy để ông ta nằm. Tôi sẽ đến đấy nửa giờ sau.

Chàng gác ống nghe, trườn ra khỏi giường và bắt đầu mặc quần áo.

- Edward…

Chàng nhìn qua Mary. Đôi mắt nàng hé mở.

- Có gì đấy?

- Mọi việc đều tốt đẹp. Ngủ lại đi.

- Khi nào anh về, hãy đánh thức em dậy nhé! - Mary lẩm bẩm. - Em nghĩ rằng em sẽ lại cảm thấy kích dục.

Edward bật cười.

- Anh sẽ vội về ngay.

Năm phút sau, chàng đang trên đường đến nông trại Grimes.

Càng lái xe trên đồi xuống đường Old Milford về hướng đường J. Hill. Đó là một buổi sáng tinh sương lạnh lẽo có gió tây bắc đưa nhiệt độ xuống xa dưới độ không. Edward bật máy sưởi trên xe.

Trong lúc chàng lái xe, chàng tự hỏi liệu có nên gọi một chiếc xe cứu thương trước khi chàng rời nhà không. Hai cơn đau tim vừa qua của Peter Grimes cuối cùng đã trở thành những khối u rỉ máu.

- Không. Trước tiên chàng phải kiểm tra lại đã.

Chàng rẽ xe qua đường 18, đại lộ hai chiều đi suốt thị xã Junction. Thành phố còn ngủ với những ngôi nhà Connors dưới cơn gió lạnh cắt da.

Khi Edward đến cuối đường số 6, chàng rẽ sang đường số 57 và hướng về Grandview Plaza. Bao nhiêu lần chàng đã lái xe qua những con đường này vào những ngày nắng hè với mùi hương thơm đồng bắc và cỏ khô toả trong không khí, qua những khu rừng nhỏ với những cây bông gòn, những cây tuyết tùng và những cây ôliu và những đồng cỏ tháng 8 chất dọc theo đường rồi nhỉ? Các cánh đồng đã chứa đầy mùi của những cây tuyết tùng cháy, những cây cần phải được phá huỷ đều đặn vì chúng cứ tiếp tục phủ lên mùa màng. Và bao nhiêu mùa đông chàng đã lái xe trên con đường này xuyên qua phong cảnh sương giá với những đường dây điện bọc trong lớp băng mỏng trông xinh đẹp và một đám khói cô đơn của những ống khói xa xăm. Một cảm giác cô đơn hồ hởi được đóng khung trong màn tối của buổi sáng trong lúc nhìn những cánh đồng và cây cối lặng lẽ trôi qua. Edward lái xe thật nhanh và chú tâm đến con đường trơn trượt dưới bánh xe. Chàng nghĩ đến Mary đang nằm trên chiếc giường êm ấm của họ đợi chàng.

"Hãy đánh thức em dậy lúc anh về. Em nghĩ rằng em sẽ lại cảm thấy kích dục".

Chàng thật hạnh phúc. Mình sẽ đền bù cho nàng tất cả - Edward tự hứa với mình. Mình sẽ cho nàng tuần trăng mật ghê gớm mà chưa hề có người phụ nữ nào có được.

Phía trước, tại ngã tư các đại lộ 57 và 77 có một bảng tín hiệu dừng lại.

Edward rẽ sang đường số 77, và khi chàng bắt đầu vào ngã tư, một chiếc xe tải xuất hiện từ đâu không rõ. Chàng bỗng nghe một tiếng xe gầm và chiếc xe có hai ngọn đèn pha đang lao tới phía chàng chọc thẳng. Chàng liếc mắt thấy một chiếc quân xa năm tấn khổng lồ xông đến và âm thanh cuối cùng chàng nghe được chính là tiếng thét của chàng.

***

Tại Neuilly lúc ấy là chủ nhật và từng hồi chuông ngân vang qua bầu không khí yên tĩnh của buổi trưa. Những người cảnh binh canh gác biệt thự của Marin Groza chàng có lý do gì để chú ý vào chiếc Renault bám đầy bụi đang chạy ngang qua cả.

Để nắm được mọi việc, Angel lái xe chậm chạp nhưng không đủ chậm để gây sự nghi ngờ. Hai người gác đứng trước một bức tường cao, có lẽ có gài điện, và bên trong, dĩ nhiên, có những ngọn đèn pha, máy dò tiếng động và còi báo động điện tử thường lệ. Phải mất một đạo quân mới tràn ngập được biệt thự.

- Nhưng ta đâu cần một đạo quân, - Angel nghĩ thế. - Chỉ cẩn thiên tài của ta. Marin Groza là một người chết. Ước gì mẹ ta còn sống để nhìn thấy ta giàu như thế nào nhỉ. Mẹ sẽ hạnh phúc như thế nào nhỉ.

Tại Arhentina, các gia đình nghèo, quả thật rất nghèo. Mẹ của Angel cũng là một trong những người nghèo khổ bất hạnh. Chàng ai biết hoặc quan tâm đến chuyện ai là người cha. Theo thời gian, Angel đã nhìn bạn bè và những người thân ngã gục vì đói khát và bệnh tật. Angel nghĩ một cách triết lý "Bởi vì dù thế nào thl việc ấy cũng phải xảy ra, tại sao không lợi dụng nó nhỉ?". Lúc đầu, có những người nghi ngờ tài giết chóc của Angel, nhưng những ai tìm cách đặt chướng ngại vật trên đường có thói quen biến mất. Danh tiếng sát nhân của Angel gia tăng. Ta chưa hề thất bại - Angel nghĩ thế - Ta là sứ giả. Sứ giả của thần chết.
 
Chương 10


Xa lộ Kansas tuyết phủ rực cháy với những chiếc xe nhấp nháy đèn đỏ biến bầu không khí sương giá thành màu đỏ như máu. Một chiếc xe cứu hoảa, xe cứu thương, xe trục, bốn chiếc xe tuần tra xa lộ, một chiếc xe cảnh sát nằm ở giữa, trong ánh pha bao phủ, là chiếc xe cẩu quân đội M.871 năm tấn và bên dưới nó, một phần chiếc xe móp méo cửa Edward Ashley. Một chục sĩ quan cảnh sát và lính cứu hoả đang đi vòng quanh, vung tay và giậm chân tìm cách giữ ấm trong cơn rét trước lúc bình minh. Giữa xa lộ là một cái xác được phủ lên bằng tấm vải dầu. Một chiếc xe cảnh sát trưởng tiến đến và trong lúc dừng lại, Mary Ashley từ trong xe chạy ra. Nàng run rẩy khủng khiếp đến nỗi hầu như nàng không đứng được. Nàng trông thấy tấm vải dầu và vụt chạy về phía ấy.

Cảnh sát trưởng Munster chộp lấy tay nàng:

- Tôi sẽ không nhìn thấy ông ấy nếu tôi là bà, bà Ashley ạ.

- Buông tôi ra! - Nàng thét lên. Nàng thoát khỏi tay ông và tiến về phía tấm vải dầu.

- Xin vui lòng, bà Ashley. Bà không nên nhìn thấy ông ấy trông thấy như thế nào. - Ông chộp được tay nàng trong lúc nàng xỉu đi.

***

Nàng tỉnh lại trong ghế sau của chiếc xe cảnh sát trưởng. Cảnh sát trưởng Munster đang ngồi ở ghế trước qua sát nàng. Máy toả nhiệt được bật lên và chiếc xe ngột ngạt.

- Chuyện gì đã xảy ra? - Mary buồn rầu hỏi.

- Bà xỉu đấy.

Nàng bỗng nhớ lại. "Bà không nên nhìn thấy ông ấy trông như thế nào".

Mary từ cửa sổ nhìn ra tất cả những chiếc xe cấp cứu và những ánh đen đỏ nhấp nháy, nàng nghĩ: "Đây là một cảnh địa ngục". Mặc dù trong xe rất ấm, răng nàng vẫn đánh bò cạp.

- Làm thế nào… - nàng cảm thấy khó nói thành tiếng. - Việc ấy xảy ra như thế nào?

- Chồng bà chạy qua bảng tín hiệu dừng lại. Một quân xa đang tiến đến dọc theo đường 77 và định tránh ông ấy, nhưng chồng bà đã đâm thẳng trước mặt.

Nàng nhắm mắt và nhìn tai nạn diễn ra trong trí. Nàng trông thấy chiếc xe xông đến Edward và cảm giác được cơn kinh hãi trong khoảnh khắc cuối cùng của chàng…

Tất cả những gì nàng nghĩ ra được để nói là Edward là một trong những người lái xe cẩn thận… Anh ấy… không bao giờ lái xe qua một bảng tín hiệu dừng lại cả!

Viên cảnh sát trưởng tỏ vẻ thông cảm nói:

- Bà Ashley, chúng tôi có nhân chứng. Một vị linh mục và hai nữ tu sĩ đã trông thấy việc ấy xảy ra và ông đại tá Jenkins từ pháo đài Riley nữa. Họ đều nói y như nhau. Chồng bà chạy qua bảng tín hiệu dừng lại.

***

Mọi việc sau đấy hình như xảy ra với những cử động chậm chạp. Nàng xem xác của Edward được khiêng vào một chiếc xe cứu thương. Cảnh sát đang thẩm vấn một vị linh mục và hai nữ tu sĩ và Mary nghĩ: "Họ sẽ bị cảm lạnh vì đứng ngoài như thế".

Cảnh sát trưởng Munster nói:

- Họ sẽ chuyển cái xác đến nhà xác.

- Cái xác, Cám ơn ông, - Mary lịch sự nói.

Ông nhìn nàng một cách kỳ lạ.

- Tốt hơn, tôi đưa bà về nhà, - Ông nói. - Tên của vị bác sĩ thân nhân bà là gì?

- Edward Ashley, - Mary nói. - Edward Ashley là thân nhân của tôi.

Sau này, nàng nhớ lại nàng đã đi bộ lên nhà và cảnh sát trưởng Munster đã dìu nàng vào bên trong. Florence và Douglas Schiffer đang đợi nàng trong phòng khách. Trẻ con vẫn còn ngủ.

Florence quàng tay người nàng.

- Ồ, chị yêu quý, rất tiếc, thật kinh khủng.

- Được thôi, - Mary điềm tĩnh nói. - Edward đã bị tai nạn.

Douglas nói:

- Nào, tôi sẽ đưa chị về giường.

- Tôi không buồn ngủ. Có chắc rằng anh không muốn dùng gì không?

***

Trong lúc Douglas đưa nàng vào phòng ngủ, Mary bảo chàng:

- Đấy là một tai nạn. Edward bị tai nạn.

Douglas nhìn xoáy vào mắt nàng. Đôi mắt nàng mở to và ngây dại. Chàng cảm thấy ớn lạnh.

Chàng xuống cầu thang để lấy túi thuốc của chàng. Khi chàng trở lại Mary vẫn chưa động đậy.

- Tôi sẽ cho chị uống một tí để ngủ.

Chàng cho nàng một viên thuốc an thần, dìu nàng vào giường và ngồi bên cạnh. Một giờ sau, Mary vẫn thức.

Chàng cho nàng một viên an thần khác. Rồi một viên thứ ba. Cuối cùng, nàng ngủ.

***

Tại thị trấn Junction đang diễn ra những thủ tục điều tra nghiêm ngặt trong bản báo cáo mẫu 1048 - tai nạn thương tích. Một chiếc xe cứu thương được phái đi từ cơ quan cứu thương tỉnh và một sĩ quan của cảnh sát trưởng được đưa đến hiện trường. Nếu nhân viên quân đội dính líu vào tai nạn cơ quan CID - Đơn vị điều tra tội phạm của lục quân - sẽ tiến hành điều tra song song với văn phòng của cảnh sát trưởng.

Shel Planchard, một sĩ quan mặc thường phục từ tổng hành dinh CID tại Pháo đài Riley, cảnh sát trưởng và một vị phụ tá đang xem báo cáo tai nạn trong văn phòng cảnh sát trưởng tại đường số 9.

- Nó lừa tôi rồi, - Cảnh sát trưởng Munster nói.

- Có vấn đề gì thế, Cảnh sát trưởng? - Planchard lên tiếng hỏi.

- Nhìn đây này. Có năm nhân chứng cho tai nạn, đúng không? Một linh mục hai nữ tu sĩ, đại tá Jenkins và tài xế xe tải, trung sĩ Walhs. Mọi người đều nói rằng xe của Bác sĩ Ashley đã rẽ vào xa lộ, chạy qua bảng tín hiệu dừng lại và bị một chiếc xe tải quân đội tung.

- Đúng rồi, - nhân viên CID nói. - Điều gì đã làm ông bận tâm nào?

Cảnh sát trưởng Munster gãi đầu.

- Thưa ông, ông có bao giờ trông thấy một bảng báo cáo tai nạn có hai nhân chứng đều nói y như nhau không? - Ông đấm mạnh nắm tay xuống đống giấy tờ. - Điều làm tôi bận tâm kinh khủng là mỗi nhân chứng đều nói y như thế.

Nhân viên CID nhún vai.

- Điều đó cho thấy rằng sự việc đã xảy ra khá rõ ràng.

Vị cảnh sát trưởng nói:

- Còn có một điều gì khác mà tôi nghĩ không ra.

- Hả?

- Một linh mục, hai nữ tu sĩ và một vị đại tá làm gì ngoài xa lộ số 77 vào lúc bốn giờ sáng thế?

- Chẳng có gì bí ẩn cả. Vị linh mục và hai nữ tu sĩ đang trên đường đến Leolardviue và ngài đại tá đang trở về Pháo đài Riley.

Vị cảnh sát trưởng nói:

- Tôi đã kiểm tra. Tấm phiếu phạt cuối cùng của Bác sĩ Ashley đã sáu năm qua thuộc về tội đậu xe bất hợp pháp. Ông ấy chẳng có hồ sơ tai nạn nào cả.

Nhân viên CID nhìn ông dò xét:

- Cảnh sát trưởng ạ, ông chỉ đề nghị có thế à?

Munster nhún vai:

- Tôi không đề nghị gì cả. Tôi chỉ có một cảm giác buồn cười về chuyện này thôi.

- Chúng ta đang đề cập đến một tai nạn được trông thấy bởi năm nhân chứng. Nếu tôi nghĩ rằng có một âm mưu nào đó có liên can đến chuyện này, giả thuyết của ông có lỗ hổng lớn đấy. Nếu…

Vị cảnh sát trưởng thở dài.

- Tôi biết nếu đấy không phải là một tai nạn, tất cả những gì chiếc xe tải quân đội phải làm là hất tung ông ta và tiếp tục đi. Sẽ chẳng có lý do nào cho tất cả những nhân chứng này và câu chuyện phi lý này cả!

- Đúng thế, - người nhân viên CID đứng dậy và vươn vai. - Mà thôi, tôi phải trở về lại căn cứ. Về phần tôi, tài xế xe tải, trung sĩ Wallis, vô tội. - Ông ta nhìn vị cảnh sát trưởng. - Chúng ta đồng ý không?

Cảnh sát trưởng Munster miễn cưỡng nói.

- Vâng. Có lẽ là một tai nạn.

***

Mary thức giấc vì tiếng con khóc nàng nằm yên vẫn nhắm chặt và suy nghĩ. Đây là một phần của cơn ác mộng của mình. Mình ngủ và khi mình thức dậy, Edward sẽ sống lại.

Nhưng tiếng khóc vẫn tiếp tục. Khi nàng không còn chịu đựng nổi nữa, nàng mở mắt, nằm đấy nhìn đăm đăm lên trần nhà. Cuối cùng nàng miễn cưỡng cố gắng ra khỏi giường. Nàng cảm thấy chán nản. Nàng bước vào phòng ngủ của Tim.

Florence và Beth đang ở đấy với nó. Cả ba đang khóc. Ứớc gì mình có thể khóc được nhỉ.

Beth ngẩng đầu nhìn Mary.

- Có phải bố chết thật không?

Mary nghẹn ngào gật đầu. Nàng ngồi xuống mép giường.

- Tôi phải cho chúng nó biết, - Florence lên tiếng xin lỗi. - Chúng nó định đi chơi với một số bạn bè.

- Được rồi. - Mary vuốt tóc Tim. - Đừng khóc con. Mọi việc rồi sẽ ổn cả thôi.

Chẳng có gì còn ổn nữa.

Chẳng bao giờ!

***

Ban chỉ huy CID lục quân hoa kỳ tại pháo đài Riley đóng tại toà nhà số 169, một toà nhà kiến trúc đá vôi cổ có cây cối bao bọc với những bậc cấp dẫn đến cổng toà nhà, Trong một văn phòng trên tầng nhất, Shel Planchard, sĩ quan CID, đang nói chuyện với đại tá Jenkins.

- Thưa ngài, tôi e rằng có một số tin tức không hay. Trung sĩ Wallis, tài xế chiếc xe tải đã giết ông bác sĩ dân sự!

- Có chuyện gì?

- Sáng nay, hắn chết vì chứng đau tim.

- Thật là nhục.

Nhân viên CID nói với giọng yếu đuối.

- Vâng, thưa ngài. Xác hắn được hoả táng sáng nay. Việc ấy rất đột ngột.

- Bất hạnh. - Vị đại tá đứng lên. - Tôi sắp thuyên chuyển ra nước ngoài. - Ông nhếch mép cười nụ. - Một sự thăng chức hơi quan trọng đấy.

- Chúc mừng thưa ngài. Ngài xứng đáng đấy!

***

Mary Ashley sau đấy quyết định rằng điều duy nhất vãn hồi được sự lành mạnh của tâm hồn nàng là ở trong một tình trạng sốc. Mọi việc đã xảy ra hình như đang xảy ra cho một người khác. Nàng như người đang ở dưới nước, di chuyển chậm chạp và nghe các giọng nói từ nơi xa vắng lọc qua một lớp nệm.

Tang lễ được tổ chức tại nhà tang lễ MASS - Hinitt Alexander trên đường Jefferson. Đấy là một toà Nhà Xanh có cổng xây trắng và một chiếc đồng hồ trắng lớn trên lối vào. Phòng tang lễ chật ních bạn bè và đồng nghiệp của Edward. Có hàng chục vòng hoa và bó hoa. Một trong những vòng hoa to nhát có một tấm thiếp ghi đơn giản: "Sự thương cảm sâu xa nhất của tôi. Paul Ellison".

Mary Beth và Tim ngồi một mình trong gian phòng dành cho gia đình bên cạnh phòng tang lễ, hai đứa bé mắt đỏ hoe và im lặng.

Quan tài đựng thi hài Edward được đậy lại. Nàng không sao không nghĩ đến lý do.

Vị mục sư lên tiếng…

Nàng và Edward đang ở trên một chiếc thuyền buồm con trên hồ Milford.

- Em thích đi chơi thuyền buồm không? Chàng đã hỏi nàng đêm hò hẹn đầu tiên.

- Em chưa bao giờ đi chơi thuyền buồm cả.

- Thứ bảy, - chàng nói, - Chúng ta hẹn gặp nhau nhé.

Họ cưới nhau một tuần sau đấy.

- Cô có biết tại sao tôi cưới cô không, thưa cô, - Edward chọc. - Cô đã thi đậu. Cô đã cười nhiều và cô đã không ngã trên boong.

Khi tang lễ chấm dứt Mary và con nàng vào trong một chiếc xe hòm đen, dài, dẫn đầu đoàn tang đi vào nghĩa địa. Nghĩa địa cao nguyên trên đường Ash là một công viên rộng rãi có một đường trải sỏi vòng quanh. Đó là một nghĩa địa cổ nhất tại thị trấn Junction và nhiều mộ bia từ lâu đã bị ngày tháng ăn mòn. Vì cái lạnh cắt da, buổi lễ bên mồ được cử hành ngắn ngủi.

- Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin ta, dù có chết cũng sẽ sống; và bất cứ ai sống và tin ta sẽ không bao giờ chết. Ta là người đã sống và đã chết và, nhìn này, ta sống mãi mãi.

Cuối cùng buổi lễ kết thúc một cách thương tâm.

Mary và con nàng đứng trong cơn gió rít nhìn chiếc quan tài đang được hạ xuống lòng đất lạnh, không ai chăm sóc.

Vĩnh biệt, anh yêu dấu của em.

***

Cái chết được xem như một sự kết thúc, nhưng đối với Mary Ashley, nó lại là khởi đầu của một địa ngục không chịu đựng nổi. Nàng và Edward đã đề cập đến cái chết và Mary đã nghĩ rằng nàng đi đến thoả thuận với nó, nhưng bây giờ cái chết đã đột nhiên khoác lên mình một thực tế cấp bách và kinh khiếp. Nó không còn là một biến cố mơ hồ sẽ xảy ra vào một ngày xa xôi nào đấy. Chẳng có cách nào để đương đầu với nó. Mọi thứ trong người Mary đều thét lên để chối bỏ điều đã xảy ra cho Edward. Khi chàng chết, mọi điều tuyệt vời đều chết theo chàng. Thực tế vẫn tiếp tục chạm đến nàng bằng những đợt sốc mới mẻ. Nàng muốn được ở một mình. Nàng thu mình lại thật sâu bên trong người nàng, và cảm thấy mình giống như một đứa bé kinh hãi vì bị người lớn bỏ rơi. Nàng cảm thấy giận Thượng đế. "Tại sao ngài không mang mình đi trước?" - nàng gặng hỏi. Nàng giận Edward vì đã trốn tránh, nàng giận con và giận với chính nàng. "Mình là một phụ nữ 35 tuổi với hai đứa con và chẳng biết mình là ai. Khi mình là bà Edward Ashley, mình có một sự đồng nhất mình thuộc về một người thuộc về mình".

Thời gian trôi qua chế giễu sự trống vắng của nàng. Cuộc đời nàng giống một con tàu đang lồng lên mà nàng chẳng kiểm soát được.

Florence và Douglas và những người bạn khác ở lại với nàng, tìm cách làm cho sự việc dễ dàng hơn, nhưng Mary mong họ bỏ đi và để nàng một mình.

Florenee vào nhà vào một buổi chiều và thấy Mary đang xem một trận túc cầu trên máy truyền hình trước mặt.

- Chị ấy cũng không biết em đến nữa - Florence bảo chồng vào tối hôm ấy, - Chị ấy đang tập trung thật tuyệt vọng vào trận đấu ấy. - Nàng rùng mình. - Thật như có ma ấy.

- Sao vậy?

- Mary ghét túc cầu. Chỉ có Edward xem các cuộc thi đấu ấy thôi.

Mary đã mất ý trí cuối cùng để giải quyết những vấn đề còn lại do cái chết của Edward để lại. Có chúc thư và bảo hiểm, các tài khoản ngân hàng và thuế má, các phiếu nợ và đoàn thể y khoa các khoản vay mượn, tài sản và các khoản thiếu hụt của Edward và nàng muốn thét vào mặt những luật sư, những chủ ngân hàng và những nhân viên kế toán rằng hãy để nàng yên.

- Mình không muốn đối phó - nàng khóc.

Edward đã đi rồi và bất cứ ai cũng chỉ muốn đề cập đến tiền thôi.

Cuối cùng, nàng bị bắt buộc phải thảo luận.

Frank Dunphy, nhân viên kế toán của Edward nói, - Tôi e rằng những thứ phiếu và thuế tử sẽ tốn mất nhiều tiền bảo hiểm sinh mạng đấy, bà Ashley ạ Chồng bà khá bê trễ về việc đòi các bệnh nhân trả tiền cho ông ấy. Ông ấy nợ nhiều tiền. Tôi sẽ thu xếp việc thu nhập các chứng từ đế theo dõi những mắc nợ…

- Không! - Mary nói một cách mãnh liệt. - Edward không muốn điều ấy.

Dunphy lúng túng.

- Vậy thôi, tôi cho rằng thấp nhất tài sản của bà cũng được 30.000 đô-la tiền mặt và ngôi nhà này, có thể cầm cố. Nếu bà bán ngôi nhà…

- Edward không muốn cho tôi bán nốt.

Nàng ngồi đấy, kiên quyết và cứng rắn, bám chặt vào sự nghèo túng của nàng. Dunphy nghĩ: "Mình ao ước vợ mình cũng lo cho mình nhiều như thế".

Nhưng điều tệ hại nhất vẫn chưa đến. Đã đến lúc phải giải quyết những đồ đạc riêng của Edward. Florence đề nghị giúp nàng, nhưng Mary nói:

- Không, Edward muốn tôi làm việc ấy.

Có quá nhiều những vật thân thiết nhỏ bé. Một chục ống điếu, một hộp thuốc lá mới toanh, hai cặp kính đọc sách, những ghi chép về một bài thuyết trình y khoa mà chàng sẽ chẳng bao giờ đọc nữa.

Nàng vào trong tủ của Edward và đưa ngón tay vuốt nhẹ những bộ quần áo chàng sẽ chẳng bao giờ mặc lại. Chiếc cà vạt xanh chàng đã mang đêm cuối cùng chung sống với nhau. Những chiếc găng tay và khăn quàng giữ ấm cho chàng trong những cơn gió mùa đông. Chàng không còn cần đến những thứ ấy trong nấm mồ lạnh lẽo của chàng.

Nàng cẩn thận cất giữ dao cạo và những chiếc bàn chải đánh răng của chàng bằng những cử động như một người máy. Nàng tìm thấy những bức thư tình họ đã viết cho nhau, gợi lại những kỷ niệm của những ngày túng thiếu khi Edward bắt đầu cuộc thực tập riêng. Một bữa ăn chiều vào lễ Tạ ơn không có một con gà tây, những buổi cắm trại hè và những buổi trượt tuyết mùa đông và những lần mang thai đầu tiên của nàng và những lúc cả hai đọc sách cho Beth và chơi nhạc cổ điển cho nó khi nó còn trong bụng mẹ, bức thư tình Edward đã viết cho nàng khi Tim mới sinh và quả táo mạ vàng mà Edward đã tặng nàng khi nàng bắt đầu đi dạy cùng cả trăm những vật xinh đẹp khác đã làm nàng bật khóc. Cái chết của chàng như một trò đùa của một phù thuỷ độc ác nào đấy.

Một thời Edward đứng đấy, sống động, nói chuyện, mỉm cười, yêu đương và thời kế tiếp là chàng đã biến vào lòng đất lạnh.

Mình là một người trưởng thành. Mình phải chấp nhận thực tế. Mình không trưởng thành. Mình không thể chấp nhận nó. Mình không muốn sống.

Nàng thức trắng suốt đêm dài chỉ đơn giản là suy nghĩ theo Edward, hầu chấm dứt cơn hấp hối không chịu đựng nổi, để được yên tĩnh. Mình được giáo dục để hy vọng một kết thúc hạnh phúc, - Mary nghĩ thế.

Nhưng chẳng có kết thúc hạnh phúc nào cả.

Chỉ có cái chết chờ đợi mình thôi. Mình tìm thấy tình yêu và hạnh phúc và nó bị giật khỏi tay mình một cách vô lý. Mình đang ở trên một phi thuyền hoang vắng. Đang bay loạn xạ một cách vô tình giữa các vì sao. Cuộc đời là Dachau (một trại tập trung tù chính trị của Đức quốc xã gần Munich) và tất cả bọn mình là người Do Thái.

Cuối cùng nàng thiếp đi và vào giữa đêm, những tiếng thét rùng rợn của nàng làm con nàng thức giấc và chúng nó chạy đến bên giường nàng rồi bò vào giường, ôm chặt lấy nàng.

- Mẹ sẽ không chết chứ? - Tim thì thầm.

Mary suy nghĩ: "Mình không thể giết mình. Chúng nó cần đến mình. Edward sẽ không bao giờ tha thứ cho mình".

Nàng phải tiếp tục sống. Vì các con. Nàng phải cho chúng nó tình yêu mà Edward không còn cho chúng nó được.

Tất cả chúng con quá nghèo túng vì không có Edward. Chúng con cần nhau kinh khủng. Thật mỉa mai là cái chết của Edward khó chịu đựng hơn vì chúng con đã cùng nhau có một cuộc sống thật hạnh phúc. Còn quá nhiều lý do hơn để nhớ chàng, có quá nhiều kỷ niệm sẽ chăng bao giờ xảy ra nữa. Chúa ơi, ngài ở đâu? Ngài có nghe con không? Hãy giúp con. Xin ngài hãy giúp đỡ con.

Ring Lardner đã nói "Ba trong cả ba sẽ phải chết, vậy hãy ngậm miệng và đối phó". Con phải đối phó. Con ích kỷ kinh khủng. Con cư xử tệ dường như con là người duy nhất trên đời đau khổ. Chúa không tìm cách phạt con. Cuộc đời là một cái bao tạp vật khổng lồ. Vào lúc này, ở đâu đấy trên cuộc đời, một người nào đấy đang mất một đứa con, đang trượt tuyết xuống một ngọn núi, đang khoái lạc đến cực điểm, đang húi tóc, đang nằm trên một chiếc giường đau đớn, đang hát trên sân khấu, đang chết đuối, đang kết hôn, đang chết đói trong một nơi bẩn thỉu. Cuối cùng có phải chúng con đều cũng là con người ấy không? Một niên đại là một nghìn triệu năm và một niên đại trước mọi nguyên tử trong thân xác chúng ta là một phần của một vì sao. Hãy chú ý đến con, Chúa ơi. Tất cả chúng con đều là một phần của vũ trụ của ngài và nếu chúng con chết, một phần vũ trụ của ngài cũng chết với chúng con.

EDWARD Ở KHẮP NƠI

Chàng ở trong những bài hát mà Mary nghe trên radio, trên những ngọn đồi mà họ đã cùng nhau đi qua. Chàng ở trên giường bên cạnh nàng lúc nàng thức dậy khi mặt trời mọc.

- Em ơi, sáng nay em phải dậy sớm. Anh phải giải phẫu tử cung và giải phẫu hông.

Giọng nói của chàng đến với nàng rõ ràng.

Nàng bắt đầu nói chuyện với chàng

"Em lo cho con, Edward ạ. Chúng nó không muốn đi học. Beth nói là chúng nó sợ rằng khi chúng nó về nhà em sẽ không còn ở đây nữa".

Mary đi viếng nghĩa địa mỗi ngày, đứng trong bầu không khí lạnh giá than khóc cho những gì nàng đã mất đi mãi mãi. Nhưng điều ấy chẳng làm nàng khuây khoả gì cả.

"Anh không có ở đây. - Mary nghĩ thế. - Hãy cho em biết anh ở đâu? Em van anh đấy".

Nàng nghĩ đến câu chuyện của Marguerite Yourcenarl! "WANG-FU ĐÃ ĐƯỢC CỨU THOÁT CÁCH NÀO". Đó là một câu chuyện cổ tích về một nghệ sĩ Trung Hoa bị Hoàng đế kết án tử hình vì tội nói dối, vì chàng đã vẽ những bức tranh về một thế giới mà vẻ đẹp mâu thuẫn với thực tế. Nhưng nhà nghệ sĩ đã lừa Hoàng đế bằng cách vẽ một chiếc thuyền rồi chàng bước lên, kéo buổm lên đi mất.

- Em cũng muốn trốn thoát, - Mary nghĩ thế. - Em không thể nào đứng dậy mà không có anh, anh yêu dấu.

Florence và Douglas tìm cách an ủi nàng.

- Anh ấy đã yên rồi - họ bảo Mary như thế. Và một trăm câu nói rập khuôn khác. Những lời nói an ủi thanh thản, ngoại trừ chuyện chúng chẳng khích lệ tí nào cả.

Bây giờ cũng thế. Mãi mãi cũng thế.

Nàng hay thức giấc lúc nửa đêm và chạy qua phòng các con để chắc chắn chúng được an toàn.

- Con mình sẽ phải chết, - Mary nghĩ thế. - Tất cả chúng mình sẽ phải chết. - Người ta đang điềm tĩnh đi trên phố "Ngu xuẩn, cười cợt, hạnh phúc" vì tất cả bọn họ phải chết. Giờ của họ đã được xếp đặt và họ làm mình hao mòn bằng cách chơi những ván bài ngu xuẩn và đi xem những phim ngốc nghếch và những trận túc cầu vô vị. Tỉnh dậy, nàng muốn hét lên. "Mặt đất là lò sát sinh của Thượng đế và chúng ta là bầy gia súc của ngài. Họ có biết điều gì sẽ xảy ra cho họ và cho mỗi người mà họ yêu không?"

Câu trả lời đến với nàng, từ từ, đau thương, xuyên qua những bức màn đen nặng nề của sầu muộn. Dĩ nhiên là họ biết. Các trò chơi của họ là một hình thức thách đố, tiếng cười của họ là một hành động của vẻ hiên ngang giả tạo - sự hiên ngang giả tạo phát sinh từ nhận thức rằng cuộc đời có giới hạn, rằng mọi người đều phải đối diện với cùng một số phận, và dần dần sự sợ hãi và cơn giận của nàng tan đi và chuyển thành sự kinh ngạc về lòng can đảm của những người đồng loại của nàng. Mình xấu hổ thực. Mình phải tìm ra con đường của mình qua mê cung của thời gian. Cuối cùng, mỗi người chúng ta cô đơn, nhưng đồng thời, tất cả chúng ta đều phải sát cánh với nhau để cho nhau hơi ấm và niềm an ủi.

Nàng tiếp tục chuyện trò với chàng.

"Hôm nay, em đã nói chuyện với thầy giáo của Tim. Điểm của nó có tiến bộ. Beth đang cảm lạnh liệt giường. Hãy nhớ xem nó thường bị cảm lạnh như thế nào vào thời gian này trong năm? Tối nay, tất cả bọn em sẽ ăn tối tại nhà của Florence và Douglas. Họ thật tuyệt, anh yêu. Và giữa đem đen, khoa trưởng ghé lại nhà. Ông ấy muốn biết liệu em có dự định trở về dạy lại Trường đại học không. Em không muốn bỏ con một mình, ngay cả trong chốc lát. Con rất cần đến em. Anh có nghĩ rằng sẽ có ngày em đi dạy lại không?.

Ít ngày sau đấy. Douglas được thăng chức, Edward ạ. Anh ấy được bổ nhiệm làm trưởng ban ở bệnh viện".

***

Tổng thống Paul Ellison, Stanton Rogers và Floyd Baker đang họp trong văn phòng bầu dục.

Ngài Bộ trưởng Quốc phòng nói:

- Thưa Tổng thống, cả hai chúng ta bị nhiều áp lực. Tôi không cho rằng chúng ta không thể hoãn lại lâu hơn nữa việc bổ nhiệm một đại sứ sang Rumani. Tôi thích ngài nhìn qua danh sách mà tôi đã trao cho ngài để ngài chọn…

- Cám ơn, Floyd. Tôi đánh giá cao nỗ lực của ông. Tôi vẫn nghĩ rằng muốn Ashley sẽ là người lý tưởng. Tình hình gia đình bà ấy đã thay đổi. Vận rủi của bà ấy có thể trở thành một dịp may cho chúng ta. Tôi muốn hỏi thử bà ấy lại.

Stanton Rogers lên tiếng:

- Thưa Tổng thống, tại sao tôi không bay đến đấy và xem thử tôi có thể thuyết phục bà ấy không nhỉ?

- Hãy thử đi!

***

Mary đang sửa soạn bữa ăn chiều thì điện thoại reo và khi nàng nhấc ống nghe, một âm thoại viên lên tiếng:

- Đây là Toà Bạch Ốc. Tổng thống đang gọi bà Edward Ashley!

- Bây giờ thì không? - nàng nghĩ thế, - Mình không muốn nói chuyện với ngài hoặc bất kỳ ai cả!

Nàng nhớ lại cú điện thoại của ngài đã có lần làm nàng phấn khởi như thế nào. Bây giờ thật vô nghĩa. Nàng lên tiếng:

- Đây là bà Ashley, nhưng…

- Yêu cầu bà giữ máy.

Một lúc sau, giọng nói quen thuộc vang lên trong máy.

- Bà Ashley. Đây là Paul Ellison. Tôi chỉ muốn nói với bà rằng chúng tôi lấy làm tiếc kinh khủng như thế nào về việc chồng bà. Tôi hiểu ông ấy là một người tốt.

- Cám ơn Tổng thống. Ngài rất tử tế, đã gởi hoa phúng điếu.

- Bà Ashley, tôi không muốn chen vào chuyện riêng tư của bà và tôi biết thời gian ngắn ngủi quá, nhưng vì bây giờ tình hình gia đình bà đã thay đổi, tôi xin bà hãy nghĩ lại đề nghị chức vụ đại sứ của tôi!

- Cám ơn, nhưng lẽ nào tôi có thể…

- Xin vui lòng nghe tôi nói hết đã. Tôi đang cho người bay đến chỗ bà để nói chuyện với bà. Tên ông ấy là Stanton Rogers. Tôi sẽ cảm kích nếu ít nhất bà tiếp xúc với ông ấy.

Nàng không biết nói gì cả. Làm sao nàng có thể giải thích rằng thế giới của nàng đã đảo lộn và cuộc đời của nàng đã tan hoang? Tất cả những vấn đề của nàng lúc này là Beth và Tim.

Nàng quyết định rằng bằng tất cả sự lịch thiệp, nàng sẽ gặp người đàn ông ấy và rồi từ chối thật nhã nhặn.

- Tôi sẽ gặp ông ấy, thưa Tổng thống, nhưng tôi sẽ không thay đổi ý kiến đâu!

***

Có một quán rượu bình dân tại đại lộ Bineau mà các nhân viên bảo vệ Marin Groza hay lui tới khi họ không trực tiếp ở biệt thự tại Neuilly. Ngay cả Lev Pasternak đôi khi cũng ghé chỗ này. Angel chọn một chiếc bàn nằm trong khu vực của văn phòng mà các câu chuyện có thể được nghe loáng thoáng. Những nhân viên bảo vệ khi đã rời bỏ công việc thường ngày căng thẳng của biệt thự, thích uống rượu và khi uống, họ bắt đầu ba hoa. Angel lắng nghe để tìm ra nhược điểm của biệt thự. Luôn luôn phải có một nhược điểm. Đơn giản là người ta phải khá tài năng để phát hiện nó.

Ba hôm trước, Angel nghe loáng thoáng một câu chuyện đưa ra manh mối cho cách giải quyết vấn đề.

Một nhân viên bảo vệ lên tiếng:

- Tớ không hiểu Groza làm gì với bọn gái điếm ông mang đến đấy, nhưng chắc chắn rằng họ sẽ quật ông khủng khiếp. Cậu sẽ nghe tiếng la hét liên tục. Tuần trước, tớ thoáng thấy mấy chiếc roi ông ta cất trong tủ…

Và đêm kế tiếp.

- … Bọn gái điếm mà vị lãnh tụ dũng cảm của chúng ta mang đến biệt thự quả là những trang tuyệt sắc. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Lev tự thu xếp đấy. Ông ấy cáo thật. Ông ấy không bao giờ dùng một ả hai lần cả. Như thế, chàng ai có thể dùng bọn gái để tấn công Marin Groza cả.

Angel chỉ cần có thế.

Sáng sớm hôm sau, Angel đổi xe mướn và lái một chiếc Fiat vào Paris. Cửa hàng bán đồ phục vụ sinh lý tại Montmartre, trên Quảng trường Pigalle ở giữa một khu vực toàn đĩ điếm và ma cô sinh sống. Angel bước vào, đi từ từ dọc theo các phòng bên, thận trọng nghiên cứu những món hàng bày bán. Có những chiếc cùm, xích và nón bọc đầu bằng sắt, quần da có khe phía trước, dụng cụ xoa bóp dương v*t và thuốc kích thích, những con búp bê bằng cao su bơm hơi được và các cuốn băng video khiêu dâm. Có những ống thụt cho đàn ông và kem thoa hậu môn, những chiếc roi tết bằng da dài 6 feet với những sợi dây da ở đầu.

Angel mua một chiếc roi, trả tiền mặt và đi.

Sáng hôm sau, Angel mang chiếc roi trở lại cửa hàng. Ông chủ cửa hàng nhìn lên càu nhàu:

- Không được trả lại.

- Tôi không muốn trả lại, - Angel giải thích. - Tôi cảm thấy lúng túng vì mang cái này theo. Tôi sẽ rất cảm kích nếu ông gửi đi giúp tôi. Tôi sẽ trả tiền thêm, dĩ nhiên.

Chiều hôm ấy, Angel ở trên một chiếc phi cơ đi Buenos Aires.

Cái roi, được gói cẩn thận, đến biệt thự tại Neuilly ngày hôm sau. Nó bị người gác cổng giữ lại. Hắn đọc nhãn hiệu cửa hàng trên gói, mở ra và xem xét thật thận trọng.

- Người ta nên nghĩ rằng ông già có đủ những thứ này rồi!

Hắn chuyển nó vào và một người gác đưa nó vào tủ trong phòng ngủ của Marin Groza. Hắn đặt nó chung với những chiếc roi khác.
 
Chương 11


Pháo đài Riley, pháo đài lục quân xưa nhất của Hoa Kỳ, được xây cất năm 1853 khi Kansas vẫn còn được đề cập đến như "Lãnh thổ của thổ dân". Nó được xây dựng lên để bảo vệ các toa xe lửa khỏi bị các nhóm thổ dân tấn công. Ngày nay, nó được dùng trước tiên để làm một căn cứ trực thăng và một bãi đáp cho các phi cơ quân sự nhỏ hơn có cánh cố định.

Khi Stanton Rogers đáp xuống trong một chiếc DC7, ông được chỉ huy trưởng căn cứ và ban tham mưu đón tiếp.

Một chiếc xe hòm đang đậu cạnh đấy đợi sẵn để đưa Stanton đến nhà Ashley. Ông đã điện thoại cho Mary sau cú điện thoại của Tổng thống.

- Tôi hứa sẽ đi thăm bà thật ngắn ngủi, thưa bà Ashley. Tôi định bay đến vào chiều thứ hai được không?

Ông ấy thật lịch thiệp. Và ông ấy đúng là một nhân vật quan trọng. Tại sao Tổng thống lại đưa ông ấy đến nói chuyện với mình nhỉ.

- Tốt đấy.

Bằng một hành động phản xạ, Mary hỏi:

- Ngài có thích dùng cơm chiều với chúng tôi không?

Ông lưỡng lự.

- Cám ơn bà.

Sẽ là một buổi chiều dài và phiền phức đấy, - Stanton nghĩ thế.

Khi Florence Schiffer nghe tin, nàng rùng mình.

- Cố vấn ngoại giao của Tổng thống sẽ đến đây ăn tối à? Có nghĩa là chị sẽ nhận lời bổ nhiệm đấy?

- Florence, chẳng có nghĩa như vậy đâu. Tôi đã hứa với Tổng thống rằng tôi sẽ nói chuyện với ông ta. Thế thôi.

Florence vòng tay quanh người Mary và ôm chặt nàng.

- Tôi chỉ muốn làm bất kỳ điều gì để chị được hạnh phúc thôi.

- Tôi biết.

Stanton là một con người kinh khủng, Mary quả quyết như thế. Mary đã trông thấy ông tại cuộc họp báo và đã trông thấy ảnh của ông in trong tạp chí, nhưng nàng nghĩ: "Ông ấy trông to lớn hơn. Ông lịch thiệp, nhưng có một nét gì xa vắng".

- Cho phép tôi lại được nhắn những lời chia buồn thành thật của Tổng thống về thảm kịch khủng khiếp của bà, bà Ashley ạ.

- Cám ơn ngài!

Nàng giới thiệu ông với Tim và Beth. Mary đi vào bếp để xem thử Lucinda chuẩn bị bữa cơm chiều như thế nào.

- Bất cứ lúc nào bà sẵn sàng - Lucinda nói.

- Nhưng ông ấy sẽ không thích đâu!

Khi Mary bao Lucinda rằng Stanton Rogers sẽ đến nhà ăn tối và nàng muốn Lucinda làm món thịt om, Lucinda nói:

- Người như ông Rogers không ăn thịt om đâu!

- Ồ, thế họ ăn gì cơ?

- Món Châteaubriand và crêpes suzettes!

- Chúng ta sẽ ăn thịt om.

- Được thôi, - Lucinda ngoan cố nói, - Nhưng đấy là bữa ăn tối không đúng điệu.

Cùng với thịt om, chị đã dọn khoai tây nghiền có bỏ kem, rau tươi và xà lách. Chị đã làm bánh nướng nhân bí để tráng miệng. Stanton ăn hết mọi thứ trong đĩa của ông. Trong suốt bữa ăn, Mary và Stanton Rogers thảo luận những vấn đề của nông gia.

- Nông gia miền Trung Tây bị bóp chẹt kinh khủng giữa giá cả thấp và sự sản xuất ứ đọng - Mary lên tiếng một cách hăng hái. - Họ quá nghèo để sơn nhà và quá tự hào để quét vôi!

Họ nói chuyện về lịch sử rực rỡ của thị trấn Junction và cuối cùng Rogers đưa cuộc thảo luận về Rumani.

- Bà có ý kiến gì về chính phủ của chủ tịch Ionescu? - ông hỏi Mary.

- Tại Rumani chẳng có chính phủ nào cả, theo đúng nghĩa của từ ấy, - Mary đáp. - Ionescu là chính phủ. Ông ta kiểm soát tất cả.

- Bà có nghĩ rằng sẽ có một cuộc cách mạng ở đấy không?

- Không, trong những điều kiện hiện tại. Người duy nhất có đủ sức để lật đổ ông ta là Marin Groza đang lưu vong tại Pháp.

Cuộc chất vấn tiếp tục. Nàng là một chuyên viên về các quốc gia Đông Âu mà Stanton Rogers xúc động ra mặt. Mary có một cảm giác khó chịu rằng ông đã dò xét nàng dưới một chiếc kính hiến vi suốt buổi chiều. Nàng đã đến gần lằn mức hơn là nàng biết.

"Paul có lý, - Stanton Rogers nghĩ thế. - Bà ấy thực sự có thẩm quyền nói về Rumani. Và còn thêm điều gì đấy nữa! Chúng ta cần người đối lập với người Mỹ xấu xí. Bà ấy đẹp. Bà ấy và con cái tạo thành một nhóm toàn người Mỹ có giá trị". Càng lúc Stanton Rogers càng phấn khởi hơn với viễn ảnh "Bà ấy có thể hữu ích hơn là bà ấy nhận thức được".

Cuối buổi chiều, Stanton Rogers nói:

- Bà Ashley, tôi sẽ thẳng thắng với bà. Tôi đã chống lại việc Tổng thống bổ nhiệm bà làm đại sứ một nơi nhạy bén như Rumani. Tôi đã nói với ngài rất nhiều. Bây giờ tôi bảo bà điều này vì tôi đã thay đổi ý định. Tôi nghĩ rằng rất có thể bà sẽ làm một vị đại sứ tuyệt vời đấy!

Mary lắc đầu.

- Tôi lấy làm tiếc, ông Rogers ạ. Tôi không phải là nhà chính trị. Tôi chỉ là một kẻ không chuyên?

- Như Tổng thống Ellison đã vạch rõ cho tôi thấy, một số những đại sứ tinh tế nhất của chúng ta đều là những người không chuyên. Có nghĩa là, kinh nghiệm của họ không phải trong cơ quan ngoại giao. Walter Annenberg, vị cựu đại sứ của chúng ta tại Vương quốc Anh, làm nghề xuất bản.

- Tôi không phải…

- Arthur Burns, vị cựu đại sứ của chúng ta tại Cộng hoà Liên bang Đức, là một phụ khảo và John Kenneth Galbraith, đại sứ của chúng ta tại Ấn Độ, cũng là một giáo sư. Mike Mansfield khởi sự là một phóng viên trước khi làm Thượng nghị sĩ và rồi được bổ nhiệm làm đại sứ của chúng ta tại Nhật Bản. Tôi có thể cho bà thêm cả chục ví dụ nữa. Những người này đều là điều mà bà gọi là không chuyên đấy. Cái mà họ có, thưa Bà Ashley, là sự thông minh, một tình yêu nước và một thiện chí đối với dân tộc của quốc gia mà họ được đưa đến phục vụ.

- Ông làm cho việc ấy nghe ra đơn giản thật.

- Như có lẽ bà cũng biết đấy, bà đã được điều tra rất kỹ lưỡng. Bà đã được chấp thuận qua một bản phúc trình an ninh, bà chẳng có vấn đề gì với IRS cả và không có mâu thuẫn về quyền lợi nào cả. Theo khoa trưởng Hunster, bà là một giáo sư tuyệt vời và dĩ nhiên bà là một chuyên viên về Rumani. Bà đã có một điểm khởi đẩu. Và cuối cùng, nhưng không phải tối thiểu, bà có loại hình ảnh mà Tổng thống muốn chiếu lên các quốc gia Đông Âu!

Mary lắng tai nghe, một thoáng suy tư trên mặt nàng.

- Ông Rogers, tôi muốn ngài và Tổng thống biết rằng tôi cảm kích về mọi điều ngài đã nói. Nhưng tôi không thể chấp nhận được. Tôi còn Beth và Tim để nghĩ đến. Tôi không thể nhổ gốc chúng như…

- Có một trường học tốt cho bọn trẻ của các nhà ngoại giao tại Bucarest, - Rogers báo cho nàng biết.

- Đấy sẽ là một sự giáo dục tuyệt vời cho Tim và Beth để sống tại một quốc gia xa lạ. Chúng nó sẽ học được những điều mà chúng nó sẽ chẳng bao giờ học được ở các trường học tại đây.

Câu chuyện không đi theo cách Mary đã dự định.

- Tôi không - Tôi sẽ nghĩ lại việc ấy.

- Tôi lưu lại đêm nay trong thị trấn! - Stanton Rogers nói. - Tôi sẽ ở tại khách sạn Bốn Mùa. Hãy tin ở tôi đi, bà Ashley ạ, tôi biết đây là một quyết định lớn lao như thế nào cho bà. Nhưng chương trình này quan trọng chẳng những cho Tổng thống, mà còn cho quốc gia chúng ta nữa. Xin vui lòng nghĩ lại điều ấy nhé.

Khi Stanton Rogers đi khỏi, Mary lên lầu, con nàng đang đợi nàng, mắt ráo hoảnh và thích thú.

- Mẹ sẽ nhận công việc ấy không? - Beth hỏi.

- Mẹ con ta sẽ nói chuyện. Nếu mẹ chấp nhận, có nghĩa là các con sẽ bỏ trường học và tất cả bạn bè của chúng con. Các con sẽ sống tại một nước xa lạ mà chúng ta không biết tiếng và các con sẽ học tại một ngôi trường lạ!

- Tim và con đã bàn tất cả về việc ấy, - Beth nói, - Và mẹ biết chúng con nghĩ gì không?

- Gì thế?

- Bất cứ quốc gia nào cũng sẽ thật sự may mắn nếu có mẹ đến làm đại sứ.

Đêm ấy nàng nói chuyện với Edward.

"Có lẽ anh nên nghe ông ta nói, anh yêu. Ông ta nói như thể Tổng thống cần đến em thực sự. Có lẽ có cả triệu người có thể làm việc ấy tốt hơn em, nhưng ông ta quá tâng bốc em. Anh có nhớ anh và em đã nói chuyện với nhau rằng việc ấy sẽ thích thú thế nào không? Này, bây giờ em lại có cơ hội và em không biết phải làm gì cả. Nói thật với anh đấy, em rất sợ. Đây là nhà của chúng ta. Làm sao em có thể bỏ đi cho được? Ở đây có quá nhiều kỷ niệm của anh. - Nàng nhận ra nàng đang khóc. - Đảy là tất cả những gì của anh, em còn lại. Hãy giúp em quyết định. Em van anh, hãy giúp em…"

Nàng ngồi cạnh cửa sổ, trong chiếc áo ngủ, nhìn ra cây cối đang run rẩy trong cơn gió hú không ngừng.

Đến bình minh, nàng đi tới quyết định.

Lúc 9 giờ sáng, Mary điện thoại đến khách sạn Bốn Mùa và xin gặp Stanton Rogers.

Khi ông nhấc ống nghe, nàng lên tiếng bảo:

- Ngài Rogers, xin ngài vui lòng nói với Tổng thống rằng tôi sẽ rất vinh dự chấp nhận việc Tổng thống bổ nhiệm tôi vào chức vụ đại sứ.
 
Chương 12


- Con này còn đẹp hơn cả con kia, - nhân viên bảo vệ nghĩ thế. Nàng trông không giống một con điếm mà có thể là minh tinh điện ảnh hoặc một người mẫu gì đấy, tuổi vừa độ 20, có mái tóc hoe dài và một làn da trắng như sữa. Nàng mặc một chiếc áo kiểu.

Lev Pasternak đích thân đến cổng để đưa nàng vào nhà. Cô gái, Bisera, người Nam Tư và đây là chuyến đầu tiên nàng đến Pháp. Quang cảnh của tất cả những nhân viên an ninh võ trang làm nàng căng thẳng. Mình không biết mình phải làm gì đây? Bisera chỉ biết rằng tên ma cô của nàng đã trao cho nàng một vé phi cơ khứ hồi và bảo nàng rằng nàng sẽ được trả 2.000 đô-la cho công việc dài một tiếng đồng hồ.

Lev Pasternak gõ vào cửa phòng ngủ và giọng của Groza vọng ra:

- Vào đi.

Pasternak mở cửa và đưa cô gái vào bên trong, Marin Groza đang đứng tại chân giường. Ông đang mặc áo ngủ và nàng không biết được rằng ông đang trần truồng trong chiếc áo ấy.

Lev Pasternak lên tiếng:

- Đây là Bisera. - Chàng không nói đến tên Mary Groza.

- Chào em, vào đi.

Pasternak bỏ đi sau khi cẩn thận đóng cửa lại sau lưng chàng và Marin Groza còn lại một mình với cô gái.

Nàng đi về phía ông và nở nụ cười quyến rũ:

- Anh trông thoải mái đấy. Tại sao em không cởi quần áo và cả hai chúng ta đều thoải mái nhỉ?

Nàng bắt đầu cởi áo.

- Không, Hãy giữ quần áo lại.

Nàng nhìn ông kinh ngạc:

- Anh không thích em.

Groza bước đến tủ và lựa một cây roi. "Tôi muốn em dùng cái này".

À ra thế. Một thần vật nô dịch. Kỳ lạ. Ông ta không có vẻ như thế. Người ta không bao giờ biết đâu: Bisera nghĩ thế.

- Được thôi, anh yêu. Bất cứ gì tuỳ anh.

Marin Groza cởi chiếc áo ngủ ra và xoay ]ại.

Bisera sững sờ khi nhìn thấy thân thể đầy những vết sẹo của ông. Nó đầy những đường khâu dữ tợn.

Có một điều gì đấy trên nét mặt ông làm nàng bối rối và khi nàng nhận thức được đấy là gì, nàng càng lúng túng hơn. Thực là thống khổ. Người đàn ông đang bị điều đau đớn. Tại sao ông ta muốn bị quất như thế? Nàng nhìn ông trong lúc ông đang đi đến một chiếc ghế đẩu và ngồi lên đấy.

- Mạnh, - Ông lên tiếng. - Hãy quất cho tôi thật mạnh.

- Được thôi!

Bisera nhặt chiếc roi da dài lên. Sự khổ dâm không phải là mới lạ với nàng, nhưng ở đây có một điều gì khác mà nàng không hiểu được.

Mà thôi, chẳng phải là phận sự của mình, - Bisera nghĩ thế! - Cứ lấy tiền và chuồn đi.

Nàng giơ roi lên và quất vào tấm lưng trần của ông.

- Mạnh hơn, - Ông thúc giục. - Mạnh hơn.

Ông nao núng với cơn đau khi chiếc roi da đập mạnh vào da ông. Một lần, hai lần… thêm nữa… và thêm nữa, càng lúc càng mạnh hơn. Cái ảo ảnh mà ông đã đợi lúc ấy đến với ông. Cảnh vợ con ông bị hãm hiếp hiện dần lên trong óc ông. Đó là một cuộc hãm hiếp tập thể và những bọn lính cười ha hả đi từ người đàn bà tới cô gái nhỏ, quần chúng kéo xệ xuống, sắp hàng đợi đến lượt mình. Marin Groza bám vào chiếc ghế đẩu như thể bị buộc vào đấy. Trong lúc chiếc roi liên tục hạ xuống, ông có thể nghe được những tiếng thét của vợ con ông van lơn xin thương xót, ngạt thở vì dương v*t của bọn đàn ông nhét trong miệng, đồng thời bị hãm hiếp như con vật cho đến khi máu bắt đầu thổ ra và những tiếng kêu khóc của họ lắng dần.

Và Marin Groza rên rỉ:

- Mạnh hơn!

Và với mỗi tiếng roi, ông cảm thấy lưỡi dao bén ngọt thọc sâu vào thiến bộ sinh dục của ông. Ông khó thở.

- Thôi! Thôi! - Giọng ông chỉ còn là tiếng khò khè. Phổi ông như bị tê liệt.

Cô gái dừng lại, giữ chiếc roi lại nửa chừng.

- Này, anh có sao không? Em…

Nàng trông thấy ông ngã xuống sàn nhà, đôi mắt mở to chẳng nhìn vào đâu cả.

Bisera thét lên.

- Cứu tôi với! Cứu tôi với!

Lev Pasternak chạy vào, súng cầm tay. Chàng trông thấy bóng người trên sàn nhà.

- Việc gì đã xảy ra thế?

Bisera cuồng loạn.

- Ông ấy chết. Ông ấy chết! Tôi chẳng làm gì cả. Tôi chỉ quất ông ấy như ông ấy bảo tôi. Tôi thề đấy!

Vị bác sĩ trong biệt thự, vào phòng chỉ trong vài giây. Ông nhìn thân thể Marin Groza và cúi xuống khám nghiệm. Nước da đã xanh lại và cơ bắp cứng đờ.

Ông ta nhặt chiếc roi lên và ngửi.

- Gì thế?

- Trời! Chất cura. Nó là chất nhựa lấy từ một loại cây Nam Mỹ. Người Inca dùng nó để giết kẻ thù. Trong vòng ba phút, toàn bộ hệ thống thần kinh sẽ bị tê liệt.

Hai người đàn ông đứng đấy, bất lực nhìn vị lãnh tụ đã chết của họ.

***

Tin tức về cuộc ám sát Marin Groza được loan khắp thế giới bằng vệ tinh. Lev Pasternak có khả năng tránh báo chí về những chi tiết bẩn thỉu. Tại Washington DC, Tổng thống có một cuộc họp với Stanton Rogers.

- Cậu nghĩ ai ở đằng sau vậy, Stan?

- Hoặc người Nga hoặc Ionescu. Rốt cuộc cũng đến việc ấy thôi, phải không? Họ không muốn nguyên trạng bị quấy rối.

- Vậy là chúng ta sẽ đương đầu với Ionescu. Rất tốt. Hãy xúc tiến việc bổ nhiệm Mary Ashley càng nhanh càng tốt.

- Bà ấy đang trên đường đến đây, Paul ạ.

***

Được tin, Angel mỉm cười.

- Việc xảy ra sớm hơn mình nghĩ.

10 giờ tối, điện thoại riêng reo và ngài chủ sự nhấc ống nghe.

- A-lô.

Ông nghe giọng hầu của Neusa Munez.

- Angel đã xem báo sáng nay. Anh ấy bảo đặt tiền vào tài khoản ngân hàng của anh ấy.

- Hãy bảo ông ấy rằng việc đó sẽ được lo ngay. Và cô Munez hãy bảo Angel rằng tôi rất hài lòng.

Đồng thời hãy bảo ông ấy rằng tôi có thể lại cần đến ông ấy rất sớm đấy. Cô có một số điện thoại nào để tôi có thể liên lạc với cô không?

Ngưng lại một lúc lâu, rồi:

- Tôi đoán vậy.

Nàng cho ông số điện thoại.

- Tốt. Nếu Angel…

Đường dây bị cúp.

- Khỉ thật con chó cái ngu xuẩn ấy.

Số tiền được đặt vào số tài khoản tại Zurich sáng hôm ấy và một giờ sau đấy nó được nhận và được chuyển đến một ngân hàng Ả-rập Saudi tại Genève.

- Một người không thể không quá thận trọng lúc này, - Angel nghĩ thế. - Bọn chủ ngân hàng quái quỷ ấy sẽ lừa bạn bằng mọi cơ hội có được.
 
Chương 13


Còn hơn là gói ghém một ngôi nhà. Đó là gói ghém một cuộc đời. Đó là vĩnh biệt 13 năm mơ mộng, kỷ niệm và yêu đương. Đó là một lời từ giã cuối cùng với Edward. Ngôi nhà này đã là tổ ấm của họ và bây giờ nó chỉ lại là một ngôi nhà làm nơi cư ngụ của những người lạ không biết gì về những niềm vui, những nỗi buồn, những giọt lệ và những tiếng cười đã có trong những bức tường này.

Douglas và Florence Schiffer hài lòng vì Mary đã quyết định chấp thuận chức vụ đại sứ.

- Chị kỳ thật, - Florenee Schiffer quả quyết với Mary, - Doug và tôi sẽ nhớ chị và lũ trẻ.

- Hãy hứa rằng chị sẽ đến Rumani thăm chúng tôi đi!

- Hứa đấy.

Mary tràn ngập những chi tiết thực tế cần phải lo, rất nhiều những trách nhiệm không quen.

Nàng lập một bảng liệt kê.

Gọi công ty lưu trữ để gom những vật cá nhân mà chúng mình bỏ lại.

Huỷ bỏ hợp đồng với người mang sữa.

Huỷ bỏ hợp đồng đặt mua báo.

Cho người đưa thư địa chỉ thư từ mới.

Ký hợp đồng cho thuê ngôi nhà.

Thu xếp vấn đề bảo hiểm.

Thay đồ dùng.

Thanh toán tất cả các phiếu nợ.

Đừng sợ hãi. Thu xếp với Khoa trưởng Hunter một giấy phép vắng mặt vô hạn định tại Trường đại học.

- Tôi sẽ có người để phụ trách các lớp học bỏ dở cửa bà. Chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng các sinh viên hội thảo chuyên đề của bà chắc chắn sẽ nhớ bà đấy - ông mỉm cười. - Tôi chắc rằng bà sẽ làm cho tất cả chúng tôi tự hào đấy, bà Ashley ạ. Chúc bà may mắn.

- Cám ơn ông.

Mary cho con nghỉ học. Phải thu xếp chuyến đi và phải mua vé máy bay. Trong quá khứ, Mary đã phó mặc những việc giao dịch tài chánh vì đã có Edward giải quyết. Bây giờ chẳng có Edward nào cả, ngoại trừ trong tâm khảm của nàng và nơi đó chàng sẽ ở lại mãl mãi.

Mary lo lắng về Beth và Tim. Lúc đầu chúng phấn khởi về việc sống tại một nước ngoài, nhưng bây giờ lúc mà chúng phải đối diện với thực tế, chúng e sợ đủ thứ. Mỗi đứa đã đến gặp riêng Mary.

- Mẹ ơi! - Beth nói, - Con không thể nào bỏ cả bạn bè của con. Con không còn được gặp lại Virgil nữa. Con có thể ở lại đây cho đến cuối học kỳ không?

Tim nói:

- Con vừa tham gia vào một đội bóng nhỏ. Nếu con đi, bọn nó sẽ tìm một thủ môn thứ ba mất. Có lẽ sau mùa hè chúng con mới có thể đi được, khi hết mùa bóng. Con xin mẹ đấy!

Chúng nó đều hoảng sợ. Như mẹ chúng. Stanton Rogers quả thật có sức thuyết phục.

Nhưng lúc còn lại một mình với những nỗi sợ hãi giữa đêm tối, Mary nghĩ: "Mình chẳng biết gì về việc làm đại sứ cả. Mình chỉ là một người nội trợ Kansas mà đòi làm một loại chính khách. Mọi người sẽ biết mình gian lận. Mình đồng ý việc này là điên thật đấy".

Cuối cùng, mọi việc đã đâu vào đấy thật lạ lùng. Ngôi nhà được một gia đình vừa đến thị trấn Junction thuê dài hạn.

Đã đến lúc phải đi.

- Doug và tôi sẽ đưa chị ra sân bay, - Florence nài nỉ.

Sân bay, nơi họ sẽ đáp một chiếc phi cơ hành khách sáu chỗ ngồi bay hàng tháng đi thành phố Kansas, Missouri, toạ lạc tại Manhattan, Kansas.

Tại thành phố Kansas, họ sẽ chuyển sang một phi cơ lớn hơn để đi Washington DC.

- Hãy cho tôi chỉ một phút thôi. - Mary nói.

Nàng bước lên lầu đến căn phòng ngủ mà nàng và Edward đã cùng nhau chia sẻ những năm tháng tuyệt vời. Nàng đứng đấy nhìn khá lâu một lần cuối cùng.

- Anh thân yêu nhất đời, bây giờ em sắp đi. Em chỉ muốn nói lời từ giã. Em nghĩ rằng em sẽ làm những gì có lẽ anh thích em làm. Em hy vọng thế.

Điều duy nhất thật sự làm em phiền là em có cảm giác rằng em và con có lẽ sẽ chẳng còn bao giờ trở về đây nữa. Em có cảm giác hình như em bỏ trốn anh. Nhưng anh sẽ cùng em trên mọi bước đường em đi. Bây giờ em cần đến anh hơn bao giờ hết.

- Hãy ở bên em. Hãy giúp em. Em yêu anh thật nhiều đấy. Đôi khi em không nghĩ rằng em có thể chịu đựng nổi khi không có anh. Anh có thể nghe em không, anh yêu! Anh có đấy không?

Douglas Schiffer lo kiểm soát hành lý của họ đưa lên chiếc phi cơ nhỏ. Khi Mary trông thấy chiếc phi cơ nằm trên sân trải đá dăm, nàng khựng lại tại chỗ.

- Ôi, Chúa ơi!

- Việc gì thế? - Florence hỏi.

- Tôi bận quá, tôi quên bẵng đi!

- Về việc gì?

- Bay! Florence à, suốt cả đời, tôi chưa bao giờ lên một chiếc phi cơ nào cả. Tôi không thể leo vào cái vật ấy được?

- Mary - bất cứ điều gì xảy ra cũng đều chênh lệch một phần triệu đấy!

- Tôi không thích việc may rủi, - Mary nói thẳng - Chúng tôi sẽ đi xe lửa.

- Chị không thể đi được. Họ đang đón chị tại Washington chiều nay.

- Còn sống. Nếu chết, tôi sẽ chẳng có ích gì cho họ cả.

Gia đình Schiffer phải mất 15 phút để thuyết phục Mary lên phi cơ. Nửa giờ sau, nàng và con nàng buộc dây an toàn trong khoang chuyến bay số 82 của Hàng không Trung Tây. Trong lúc động cơ rú lên và phi cơ bắt đầu chạy nhanh xuống phi đạo, Mary nhắm mắt lại và nắm chặt tay ghế. Vài giây sau, họ được nhấc bổng lên không.

- Suỵt! Đừng nói!

Nàng ngồi cứng đờ, không nhìn ra cửa sổ, tập trung vào việc bám lấy chiếc phi cơ trên không.

Con nàng đang chỉ tay xuống những quang cảnh bên dưới, rất thích thú.

- Lũ trẻ, - Mary suy nghĩ cay đắng - Chúng biết gì cơ chứ!

Tại sân bay thành phố Kansas, họ chuyển sang một chiếc DC-10 và cất cánh đi Washington DC, Beth và Tim cùng ngồi với nhau và Mary ngồi bên dãy ghế bên kia. Một phụ nữ lớn tuổi ngồi gần Mary.

- Nói thật với bà nhé, tôi hơi lo lo đấy, - người bạn ngôi bên cạnh của Mary tự thú. - Trước đây tôi chưa hề đi máy bay lần nào.

Mary vỗ vào tay bà ta mỉm cười.

- Chẳng có gì phải lo cả. Sự rủi ro chỉ là một phần triệu của bất cứ điều gì xảy ra thôi.
 
Chương 14


Khi phi cơ của họ đáp xuống sân bay Dulles tại Washington, Mary và các con được một thanh niên tại Bộ Ngoại giao ra đón.

- Chúc mừng bà đã đến Washington, bà Ashley. Tên tôi là John Burns. Ông Rogers yêu cầu tôi đón và đưa bà đến khách sạn của bà an toàn. Tôi đã giữ chỗ cho bà tại Riverdale Towers. Tôi nghĩ rằng bà và các cháu đều được thoải mái ở đấy.

- Cám ơn ông.

Mary giới thiệu Beth và Tim.

- Xin bà trao cho tôi vé hành lý của bà, bà Ashley, tôi sẽ lo liệu mọi việc cho.

Hai mươi phút sau, tất cả đều ngồi trong một chiếc xe hòm hướng về trung tâm Washington.

Tim nhìn ra cửa xe, bàng hoàng.

- Nhìn kìa, - nó la lên - Kia là đài kỷ niệm Lincoln.

Beth nhìn ra cửa sổ bên kia.

- Đài kỷ niệm Washington mà.

Mary nhìn John Burns bối rối.

- Tôi chắc rằng bọn trẻ không rành mấy, - nàng lên tiếng xin lỗi. - Ông thấy đấy, chúng nó chưa bao giờ đi xa… nàng liếc ra cửa sổ và mắt nàng mở to.

- Nhìn kìa! Toà Bạch Ốc đấy?

Chiếc xe hòm di chuyển lên Đại lộ Pennsylvania, được bao bọc bằng một số mốc giới hạn rắc rối nhất thế giới. Mary phấn khởi nghĩ: "Đây là thành phố cai trị thế giới. Đây là nơi của quyền lực. Và ở một khía cạnh nhỏ, mình sẽ là một phần của nó.

Khi chiếc xe hòm tiến dần đến khách sạn, Mary lên tiếng hỏi:

- Khi nào tôi được gặp ông Rogers nhỉ?

- Ông ấy sẽ tiếp xúc với bà ngay sáng nay.

***

Peter Connors, trưởng Kudesk, ban phản gián của CIA, làm việc khuya và ngày làm việc của ông đã chấm dứt từ lâu rồi, mỗi buổi sáng, lúc ba giờ, đều có một toán báo cáo để chuẩn bị danh sách kiểm tra tin báo hằng ngày cho Tổng thống đã được thu nhập qua các công điện trong đêm. Bản báo cáo mật danh là "pickles" phải chuẩn bị xong lúc 6 giờ sáng để đưa lên bàn giấy của Tổng thống vào lúc khởi sự ngày làm việc của ngài. Một người văn thư võ trang mang danh sách đến Toà Bạch Ốc vào bằng cổng phía Tây. Peter Connors thích thú trở lại việc nghe trộm các điện đài đánh đi từ Đông Âu, bởi vì đa số liên quan đến việc bổ nhiệm Mary Ashley làm Đại sứ Mỹ tại Rumani.

Liên Xô lo rằng kế hoạch của Tổng thống Ellison là một thủ đoạn để xâm nhập vào các quốc gia anh em trong khối, để theo dõi hoặc dụ dỗ họ.

- Bọn cộng sản không lo lắng như ta, - Peter Connors suy nghĩ một cách giận dữ. - Nếu ý kiến của Tổng thống thành công, cả quốc gia này sẽ là một cái nhà trống cho những tên gián điệp quái quỷ của họ.

Peter Connors đã được thông báo lúc Mary Ashley đáp xuống Washington. Ông đã nhìn thấy ảnh của nàng và hai đứa con.

- Họ sẽ tuyệt đấy, - Connors vui vẻ nghĩ thế.

Riverdale Tower, cách khu nhà máy nước Liên Hợp một dãy nhà, là một khách sạn gia đình nhỏ có những dãy phòng tiện nghi trang trí đẹp.

Một người trực tầng mang hành lý đến và trong lúc Mary bắt đầu mở ra, chuông điện thoại reo. Mary nhấc ống nghe.

- A-lô.

Một giọng nam lên tiếng:

- Bà Ashley đấy à?

- Vâng!

- Tên tôi là Ben Cohn. Tôi là phóng viên của tờ Washington Post. Không biết tôi có thể nói chuyện vài phút không?

Mary ngần ngại.

- Chúng tôi vừa đăng ký xong và tôi…

- Sẽ chỉ mất 5 phút thôi. Thật ra tôi chỉ muốn chào bà!

- À, tôi cho rằng…

- Tôi đang lên đây.

Ben Cohn lùn và chắc nịch, có thân hình vạm vỡ và khuôn mặt méo mó của một võ sĩ đoạt giải. Ông ta trông giống một phóng viên thể thao, - Mary nghĩ.

Ông ngồi trên một chiếc ghế có tay đối diện với Mary.

- Bà đến Washington lần đầu chứ, bà Ashley? Ben Cohn hỏi.

- Vâng! - Nàng nhận thấy ông chẳng có sổ sách hoặc máy ghi âm nào cả.

- Tôi sẽ không hỏi bà câu hỏi ngốc nghếch nào đâu?

Nàng cau mày.

- Thế nào là câu hỏi ngốc nghếch?

- Bà thích Washington như thế nào? Mỗi khi một nhân vật nổi danh bước ra khỏi một chiếc phi cơ ở đâu đấy, việc đầu tiên họ được hỏi là, ngài thích địa điểm này như thế nào?

Mary cười.

- Tôi không phải là một nhân vật nổi danh, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ rất thích Washington.

- Bà là một giáo sư tại Trường đại học tiểu bang Kansas phải không?

- Vâng. Tôi dạy một lớp có tên là Đông Âu: Chính sách ngày nay.

- Tôi hiểu rằng Tổng thống lần đầu tiên được biết đến bà khi ngài đọc một quyển sách của bà về Đông Âu. Và các bài viết ở tạp chí.

- Vâng!

- Và phần còn lại, như họ nói, là lịch sử.

- Tôi cho rằng đấy là một cách bất thường để…

- Không phải bất thường đâu. Jeane Kirpatrick được Tổng thống Reagan chú ý cũng bằng cách ấy và ngài đã bổ nhiệm bà ta làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc. - Ông ta mỉm cười với nàng. - Vậy bà thấy đấy đấy là tiền lệ. Đấy là một trong những lời đồn đại lớn tại Washington. Tiền lệ. Ông bà của bà là người Rumani à?

- Ông tôi. Đúng đấy!

Ben Cohn ở lại thêm 15 phút nữa lấy tin về gốc gác của Mary.

Mary hỏi:

- Khi nào cuộc phỏng vấn này sẽ đưa lên báo? - Nàng muốn biết chắc để gửi các phó bản về cho Florence và Douglas và những bạn bè khác của nàng tại quê nhà.

Ben Cohn đứng dậy và nói mơ hồ:

- Lúc này thì tôi giữ nó lại. - Có một cái gì đấy về tình hình làm ông bối rối. Vấn đề là ông không hiểu đấy là cái gì. - Chúng ta sẽ nói chuyện sau.

Sau khi ông đi, Beth và Tim vào phòng khách.

- Ông ta tử tế không mẹ?

- Ừ, - nàng ngần ngại, không xác nhận. - Mẹ nghĩ thế.

Sáng hôm sau, Stanton Rogers gọi điện.

- Chào bà Ashley. Stanton Rogers đây.

Giống như nghe giọng nói của một người bạn cũ. Có lẽ vì ông là người duy nhất trong thành phố mà mình biết, Mary nghĩ thế. - Chào ông Rogers. - Cám ơn ông đã cho ông Burns đón chúng tôi tại sân bay và thu xếp khách sạn cho chúng tôi!

- Tôi tin là bà hài lòng! Thật đáng yêu!

- Tôi nghĩ rằng sẽ là một ý kiến hay nếu chúng ta gặp nhau để thảo luận một số thủ tục mà bà sẽ phải trải qua.

- Tôi muốn thế đấy.

- Tại sao chúng ta hôm nay không dùng cơm trưa tại Grand nhỉ? Không xa khách sạn của bà đâu! Một giờ nhé?

- Tốt thôi!

- Tôi sẽ gặp bà ở phòng ăn dưới lầu nhé!

Bắt đầu đấy.

***

Mary thu xếp cho con nàng ăn trong phòng vào lúc một giờ, một chiếc taxi đưa nàng đến khách sạn Grand. Mary nhìn nó sợ hãi. Khách sạn Grand là trung tâm quyền lực của thành phố. Các Bộ trưởng Ngoại giao và các nhà ngoại giao khắp thế giới ở đấy và lý do thật dễ thấy: Đấy là một toà nhà thanh nhã có một hành lang uy nghi và những tầng lầu bằng đá cẩm thạch ý, những cây cột duyên dáng đứng dưới trần nhà hình vòng cung.

Có một sân cây cảnh, một vòi phun và một hồ bơi lộ thiên. Cầu thang đá cẩm thạch đưa xuống nhà hàng dạo mát, nơi Stanton Rogers đang đợi nàng.

- Chào bà Ashley!

- Chào ông Rogers!

Ông cười.

- Nghe trịnh trọng quá. Bà nghĩ thế nào về việc ta gọi nhau là Stan và Mary nhỉ?

Nàng hài lòng.

- Hay đấy!

Stanton Rogers có vẻ khác khác thế nào ấy và Mary khó mô tả sự thay đổi ấy. Tại thị trấn Junction, ông có vẻ xa cách, hầu như là một sự căm ghét đối với nàng. Bây giờ điều ấy hình như đã tan biển hoàn toàn. Ông nồng nhiệt và thân mật. Sự khác biệt là ông ấy đã chấp nhận mình! - Mary nghĩ một cách sung sướng.

- Bà muốn dùng một ly rượu chứ?

- Không, cám ơn.

Họ gọi bữa ăn trưa. Những món khai vị hình như quá đắt đối với nàng. - Không như giá cả tại thị trấn Junction đâu. - Giá phòng khách sạn của nàng là 250 đô-la một ngày.

- Dù thế nào, tiền của mình sẽ không kéo dài được mấy, - Mary nghĩ thế.

- Stan, tôi không muốn có vẻ thô lỗ, nhưng ông có thể cho tôi biết lương đại sứ được bao nhiêu không?

- Ông bật cười. - Đấy là một câu hỏi thú vị.

Lương của bà sẽ là 65.000 đô-la một năm cộng với phụ cấp nhà cửa.

- Khi nào thì bắt đầu?

- Lúc bà tuyên thệ.

- Và từ bây giờ đến lúc ấy!

- Bà sẽ được trả 75 đô-la một ngày.

Tim nàng chùng xuống. Số tiền ấy sẽ không lo được ngay cả phiếu thanh toán tiền khách sạn của nàng, chưa kể đến những khoản chi tiêu khác nữa.

- Tôi sẽ ở lại Washington có lâu không? - Mary hỏi.

- Độ một tháng. Chúng tôi sẽ làm mọi việc theo khả năng để xúc tiến công việc của bà. Bộ trưởng Ngoại giao đã gửi điện đến chính phủ Rumani để xin chấp thuận sự bổ nhiệm của bà. Nói riêng với bà nhé, đã có những cuộc thảo luận riêng tư giữa hai chính phủ. Sẽ chẳng có vấn đề gì với người Rumani cả, nhưng bà vẫn còn phải được Thượng nghị viện thông qua!

Vậy là chính phủ Rumani sẽ chấp nhận mình - Mary ngạc nhiên suy nghĩ. Có lẽ mình có đủ điều kiện hơn là mình nhận thức được.

- Tôi đã hội ý không chính thức về việc bà với chủ tịch Uỷ ban liên hệ ngoại giao của Thượng viện. Bước kế tiếp sau đấy sẽ là một cuộc tường trình công khai của toàn thể Uỷ ban. Họ sẽ hỏi bà về gốc gác của bà, về sự trung thành của bà với quốc gia này, nhận thức của bà về công việc, và bà hy vọng hoàn thành những gì.

- Sau đấy thế nào?

- Uỷ ban bỏ phiếu và khi họ nộp báo cáo, toàn thể Thượng viện sẽ bỏ phiếu.

Mary chậm rãi nói:

- Các việc bổ nhiệm đã được bổ nhiệm từ trước phải không?

- Uy tín của Tổng thống còn chưa rõ với điều này. Bà sẽ được sự ủng hộ hoàn toàn của Toà Bạch Ốc. Tổng thống tha thiết tiến hành việc bổ nhiệm bà càng nhanh càng tốt. Bỗng nhiên tôi nghĩ rằng bà và các cháu có thể thích đi xem phong cảnh trong ít ngày tới, nên tôi đã thu xếp một chiếc xe và một tài xế cho bà và một chuyến tham quan riêng tại Toà Bạch ổc.

- Ồ, cám ơn ông nhiều.

Stanton Rogers mỉm cười.

- Rất hân hạnh.

***

Chuyến tham quan riêng tại Toà Bạch Ốc được thu xếp vào sáng hôm sau. Một người hướng dẫn đi theo họ. Họ được đưa qua vườn hồng Jacqueline Kennedy và khu vườn Mỹ kiểu thế kỷ 16 gồm một cái ao, cây cối và rau cỏ dùng cho nhà bếp của Toà Bạch Ốc.

- Trước mặt! - người hướng dẫn thông báo, - là cánh Đông: Đấy là các văn phòng quân sự, các liên lạc viên của Quốc hội với Tổng thống, một phòng khách và văn phòng của Đệ nhất phu nhân.

Họ đi qua cánh Tây và nhìn vào Văn phòng Bầu dục của Tổng thống.

- Họ có bao nhiêu phòng ở đây? - Tim lên tiếng hỏi.

- Có 132 phòng, 69 chiếc tủ, 29 lò sưởi và 17 phòng tắm.

- Chắc họ phải đến phòng tắm nhiều đấy!

- Tổng thống Washington đã coi sóc việc xây cất Toà Bạch Ốc. Ngài là vị Tổng thống duy nhất không bao giờ ở đây.

- Tôi chẳng trách người đâu! - Tim lẩm bẩm. - Nó quá lớn.

Mary thúc khuỷu tay và nó đỏ mặt.

Chuyến tham quan mất gần hai giờ và lúc chấm dứt, gia đình Ashley mệt lừ và xúc động.

Đây là nơi tất cả đã khởi đầu. - Mary nghĩ thế. - Và giờ đây mình là một thành phần của nó.

- Mẹ à!

- Gì đó Beth?

- Mặt mẹ có vẻ buồn cười đấy.

***

Cú điện thoại từ văn phòng Tổng thống đến vào sáng hôm sau.

- Chào bà Ashley. Tổng thống Ellison không biết liệu bà có thể có mặt chiều nay để gặp ngài không?

Mary nhẫn nại.

- Vâng. Tôi… dĩ nhiên.

- Ba giờ thích hợp chứ?

- Tốt đấy!

- Một chiếc xe hòm sẽ đợi bà dưới lầu lúc 2 giờ 45.

Paul Elhson đứng lên trong lúc Mary được đưa vào Văn phòng Bầu dục. Ông tiến đến bắt tay nàng, cười cởi mở và nói:

- Gotcha.

Mary cười:

- Thưa Tổng thống, tôi hài lòng. Đây là một đặc ân lớn cho tôi đấy!

- Ngồi xuống đi, bà Ashley. Cho phép tôi gọi bà là Mary chứ?

- Xin ngài tự nhiên!

Họ ngồi xuống trường kỷ.

Tổng thống Ellison lên tiếng.

- Bà sẽ là doppelganger của tôi đấy. Bà biết đấy là gì không?

- Đấy là một loại tinh thần tương đồng của một con người sống!

- Đúng. Và đấy là chúng ta. Mary, tôi không thể nói cho bà biết tôi đã phấn khởi như thế nào khi tôi đọc bài báo mới nhất của bà. Dường như tôi đang đọc lại điều tôi đã viết vậy. Có nhiều người không tin rằng kế hoạch giữa các dân tộc của chúng ta có thể thực hiện được, và tôi sẽ đùa họ đấy.
 
Chương 15


Như Stanton Rogers tiên đoán cuộc bỏ phiếu của toàn thể Thượng nghị viện chỏ là thủ tục.

Mary được đa số đông đủ bỏ phiếu thuận: Khi Tổng thống Ellison nghe tin, bảo ngay Stanton Rogers:

- Chương trình của chúng ta đang tiến hành, Stan ạ. Bây giờ chẳng có gì có thể ngăn cản chúng ta được.

Stanton Rogers gật đầu đồng ý:

- Chẳng có gì cả.

***

Peter Connors đang ở văn phòng khi ông nhận được tin. Ông thảo ngay một công điện và mã hoá nó. Một trong những nhân viên của ông đang trực tại phòng truyền tin CIA.

- Tôi muốn dùng hệ thống Rogers, - Connors nói, - Hãy đợi bên ngoài.

Hệ thống Rogers là một hệ thống truyền tin tối mật của CIA, chỉ có những uỷ viên chấp hành cao cấp nhất mới được phép dùng. Các công điện được chuyển đi bằng một máy phát bằng tia lazer, trên một tần số cực cao trong một phần giây. Connors còn lại một mình, ông chuyển bức điện. Nó được gửi cho Sigmund.

Suốt tuần lễ tiếp theo, Mary ghé đến thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng ngành CIA, Bộ trưởng thương mại, các Giám đốc Ngân hàng dịch vụ Manhattan tại New York và nhiều tổ chức Do Thái quan trọng. Mỗi người đều cho những lời cảnh cáo, khuyên răn và yêu cầu.

Ned Tillngast tại CIA rất phấn khởi.

- Đưa người của chúng ta trở lại hoạt động ở đấy thật là việc làm lớn lao đấy, bà Đại sứ ạ. Rumani đã trở thành điểm mù của chúng ta từ khi chúng ta trở thành những người thất sủng. Tôi sẽ bổ nhiệm cho Toà đại sứ của bà một người với tư cách là tuỳ viên của bà. - Ông đưa mắt nhìn nàng đầy ý nghĩa. - Tôi chắc bà sẽ hợp tác hoàn toàn với ông ấy.

Mary không hiểu chính xác điều ấy có nghĩa là gì "Đừng hỏi" - nàng quyết định.

Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của các tân đại sứ theo thông lệ được Bộ trưởng Ngoại giao chủ toạ và thường hay có từ 25 đến 30 ứng viên tuyên thệ cùng một lúc. Sáng hôm buổi lễ được tổ chức, Stanton điện thoại cho Mary.

- Mary, Tổng thống yêu cầu bà có mặt tại Toà Bạch Ốc vào trưa nay. Tổng thống sẽ đích thân cho bà tuyên thệ. Hãy mang Tim và Beth theo.

Văn phòng bầu dục đầy các nhân viên báo chí.

Khi Tổng thống Ellison bước vào với Mary và các con nàng, các máy quay phim truyền hình bắt đầu quay và các máy quay phim cố định bắt đầu nháy.

Mary đã ở nửa giờ trước cùng với Tổng thống và ngài đón tiếp nồng hậu và trấn an nàng.

- Bà thật tuyệt cho việc bổ nhiệm này! – Ông bảo nàng, - như thể tôi không hề chọn bà vậy. Bà và tôi sẽ biến giấc mơ này thành sự thật đấy.

Và quả thật có có vẻ giống như một giấc mơ đấy - Mary nghĩ thế trong lúc nàng đối diện với dàn máy quay phim.

- Nào, đưa tay phải lên!

Mary làm theo Tổng thống. - Tôi, Mary Elizabeth Ashley, xin long trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp của Hoa Kỳ chống lại tất cả những kẻ thù trong và ngoài nước, rằng tôi sẽ thực sự tin tưởng và trung thành với Hiến pháp, rằng tôi nhận nhiệm vụ này một cách tự do và không hề ngầm hạn chế tán thành đẩy đủ và trung thành nào cả, rằng tôi sẽ hoàn thành đầy đủ và trung thành các nghĩa vụ của văn phòng mà tôi sắp bước vào, xin Thượng Đế giúp tôi.

Và thế là xong. Nàng trở thành vị đại sứ tại cộng hoà xã hội chủ nghĩa Rumani.

***

Công việc buồn tẻ bắt đầu. Mary được lệnh đến trình diện tại Ban Vụ châu Âu và Nam Tư của Bộ Ngoại giao, toạ lạc tại Toà Nhà Nhỏ trông ra các Đài kỷ niệm Washington và Lincoln. Ở đấy nàng được giao cho một văn phòng nhỏ, tạm thời, như cái hộp cạnh tổ công tác Rumani.

James Stickley, sĩ quan tổ công tác Rumani, là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp có 25 năm trong nghề. Ông ta trạc cuối ngũ tuần, tầm vóc trung bình, với một khuôn mặt xảo quyệt và đôi môi mỏng, nhỏ. Đôi mắt ông ta màu nâu nhạt lạnh lẽo. Ông ta nhìn khinh bỉ những chính trị gia được bổ nhiệm nào xâm nhập vào thế giới của ông.

Ông ta được xem là chuyên viên xuất sắc nhất về tổ công tác Rumani, và khi Tổng thống Ellison loan báo kế hoạch của ông nhằm hỗ trợ một vị đại sứ tại Rumani, Stiekley đã bàng hoàng vì ông ta hoàn toàn hy vọng rằng chức vụ ấy sẽ được trao cho ông ta. Tin tức về Mary Ashley là một đòn cay đắng. Thực khá tệ vì đã bị bỏ qua, nhưng bị mất mặt với một chính trị gia được bổ nhiệm - một người không tên tuổi từ Kansas - là một điều thật xúc phạm.

- Cậu có thể tin được không? - ông ta lên tiếng hỏi Bruce, người bạn thân nhất của ông ta. - Phân nửa những vị đại sứ của chúng ta đều là loại quái quỷ gì ấy. Việc ấy không bao giờ có thể xảy ra tại Anh hoặc Pháp đâu nhé. Họ dùng các sĩ quan tại ngũ rành nghề. Quân đội có gọi một tay tài tử làm tướng không nhỉ? Mà thôi, ở hải ngoại, những tay đại sứ tài tử quái quỷ của chúng ta làm tướng cả đấy.

- Cậu say rồi, Jimbo ạ.

- Tôi sẽ còn say hơn nữa.

Bây giờ ông ta dò xét Mary Ashley trong lúc nàng ngồi đối diện bàn làm việc của ông ta.

Mary cũng dò xét ông ta. Có một điều gì đấy trông bần tiện ở ông ta. - Mình sẽ không muốn biến ông ta thành kẻ thù, Mary nghĩ thế.

- Bà có nhận thức rằng bà sắp được đưa đến một chức vụ cực kỳ bén nhạy không, bà Ashley?

- Vâng, dĩ nhiên. Tôi…

- Vị đại sứ tiền nhiệm của chúng ta đã bước sai một bước và toàn bộ mối liên hệ đã nổ tung vào mặt chúng ta. Chúng ta phải mất ba năm để bước lại vào cái cửa ấy. Tổng thống sẽ điên lên nếu chúng ta cho nó nổ trở lại đấy.

- Nếu ta cho nó nổ, ông ta muốn nói như thế.

- Chúng tôi sẽ phải biến bà thành một chuyên viên tức khắc. Chúng tôi không có nhiều thì giờ.

Ông ta trao cho nàng một ôm hồ sơ.

- Bà có thể bắt đầu bằng cách đọc những báo cáo này.

- Tôi sẽ bỏ cả buổi sáng của tôi cho nó!

- Không. Trong vòng 30 phút nữa, theo chương trình bà sẽ bắt đầu học tiếng Rumani. Lớp học thường mất hàng tháng, nhưng tôi được lệnh phải dạy bà thật căng.

Thời gian đã biến thành một vết lem, một cơn lốc hoạt động làm Mary kiệt sức. Mỗi buổi sáng, nàng và Stickley phải cùng nhau xem qua các hồ sơ hàng ngày của tổ công tác Rumani.

- Tôi sẽ đọc những công điện bà gửi đến Stickley cho nàng biết. - Những bản màu vàng là về hoạt động, những bản màu trắng là tin tức. Những bản sao các công điện của bà sẽ được gửi đến Bộ quốc phòng, CIA, USIA, Bộ văn khố và hàng chục các bộ khác. Một trong những vấn đề đầu tiên mong đợi bà giải quyết là những người Mỹ đang bị giữ trong các nhà tù Rumani. Chúng ta muốn họ được thả ra.

- Họ bị kết tội gì!

- Gián điệp, ma tuý, trộm cắp, bất cứ thứ gì người Rumani muốn kết tội.

Mary không biết phải xoay sở cách nào để được một lệnh tha cho một tội phạm gián điệp cả. Mình sẽ tìm ra cách!

- Đúng - nàng nói cộc lốc.

- Hãy nhớ Rumani là một trong những quốc gia Đông Âu độc lập hơn cả. Chúng ta sẽ phải khuyến khích thái độ ấy.

- Đúng như thế.

Stickley nói.

- Tôi sẽ cho bà một cái gói. Đừng để nó rời khỏi tay bà. Chỉ bà được xem thôi. Khi bà đã đọc và tiêu thụ nó xong, tôi muốn bà đích thân giao cho tôi vào sáng mai. Còn câu hỏi nào nữa không?

- Không, thưa ngài!

Ông ta trao cho nàng một phong bì dày dán bằng băng keo đỏ.

- Xin mời, ký vào đây.

Nàng thở dài.

***

Suốt chuyến đi trở về khách sạn, Mary kẹp nó chặt vào đùi, cảm thấy mình như nhân vật trong một phim James Bond.

Con nàng đã mặc quần áo chỉnh tề đợi nàng.

- Ồ! - Mary nhớ lại. - Mình đã hứa đưa chúng đi ăn cơm Tàu và xem phim.

- Các con, - nàng nói. - Có một sự thay đổi kế hoạch. Chúng ta sẽ đi ngắm cảnh vào một buổi chiều khác. Tối nay, chúng ta sẽ ở nhà và ăn tối trong phòng. Mẹ có việc khẩn cấp phải làm.

- Được thôi, mẹ ạ.

- Đồng ý.

Và Mary nghĩ: "Trước khi Edward mất, có lẽ chúng đã thét lên như giặc. Nhưng chúng đã phải trưởng thành. Tất cả chúng ta đều phải trưởng thành".

Nàng ôm cả hai đứa vào lòng.

- Mẹ sẽ đền cho các con, - nàng hứa.

Vậy mà James Stickley trao cho nàng không tin được. - Chẳng lạ gì khi ông ta muốn đòi lại ngay, - Mary nghĩ thế. Đó là những báo cáo chi tiết về mọi viên chức quan trọng của Rumani, từ chủ tịch xuống đến bộ trưởng thương mại. Đó là hồ sơ về những thói quen tình dục, sử dụng tài chánh, bạn bè, những nét cá biệt và thành kiến của họ.

Một số tài liệu thật trắng trợn. Bộ trưởng thương mại, ví dụ, hay ngủ với tình nhân và người tài xế trong lúc vợ ông ta quan hệ với người hầu.

Mary thức đến nửa đêm để học thuộc tên và những lỗi nhỏ của những người nàng sẽ phải đương đầu. - Mình không biết liệu mình sẽ có thể giữ được một khuôn mặt chân thật khi gặp họ không?

Buổi sáng, nàng trả lại các tài liệu mật.

Stickley nói:

- Được rồi, bây giờ thì bà đã biết mọi việc cần biết về các lãnh tụ Rumani rồi!

- Xong một số đấy, - Mary nói nhỏ.

- Có một điều bà nên ghi nhớ: lúc này bọn Rumani đã biết mọi việc cần phải biết về bà đấy.

- Họ sẽ không làm được gì nhiều đâu. - Mary nói.

- Không à? - Stiekley dựa vào thành ghế. - Bà là một người phụ nữ và bà cô đơn. Bà có thể chắc chắn rằng họ đã ghi nhận bà là một mục tiêu dễ dàng đấy. Họ sẽ tấn công vào sự cô đơn của bà. Mọi hành vi của bà sẽ được quan sát và ghi hồ sơ. Toà đại sứ và dinh của bà sẽ bị soi mói. Tại các quốc gia cộng sản, chúng ta bị buộc phải dùng các "ban tham mưu địa phương", nên mọi kẻ giúp việc trong dinh sẽ là nhân viên của công an Rumani đấy.

Ông ta định làm cho mình hoảng sợ, - Mary nghĩ thế. - Mà thôi, chẳng ăn nhằm gì đâu.

Mỗi giờ trong ngày của Mary hình như đều được trưng dụng và hầu hết các buổi chiều cũng thế. Ngoài các bài học ngôn ngữ Rumani, chương trình của nàng còn bao gồm một lớp tại Viện Ngoại giao tại Rosslyn, các cuộc thuyết minh tại cơ quan tình báo quốc phòng, các buổi họp với Bộ trưởng ISA - Các vấn đề an ninh quốc tế - và với các Uỷ ban thượng viện. Tất cả đều có những yêu cầu, các lời khuyên, các câu hỏi.

Mary cảm thấy có tội đối với Beth và Tim. Nhờ sự giúp đỡ của Stanton Rogers, nàng đã tìm được một người giám hộ cho con nàng. Thêm vào đấy, Beth và Tim đã gặp được một số trẻ con khác sống trong khách sạn, nên ít ra chúng cũng có được một số bạn để chơi; tuy nhiên, nàng vẫn không thích bỏ bê chúng quá nhiều.

Mary coi là quan trọng việc ăn điểm tâm với con mỗi buổi sáng trước khi nàng đi tham dự lớp ngoại ngữ lúc 8 giờ tại viện. Môn ngoại ngừ thật khó tin được.

Mình còn kinh ngạc tại sao người Rumani có thể nói thứ tiếng ấy được nhỉ. - Nàng học to những câu - Chào - Bumă Dimineata - Cám ơn - Multamésc - Không sao - Cu Plăcére - Tôi không hiểu. - Nu Inteleg - Thưa ngài - Domnule - Thưa cô – Domniscara. Và chẳng có từ nào được đọc theo vần của nó cả.

Beth và Tim ngồi nhìn nàng vất vả với bài làm ở nhà của nàng và Beth cười toe toét.

- Đây là sự trả thù của chúng con về việc mẹ bắt chúng con học các bản cửu chương đấy.

***

James Stickley nói:

- Bà Đại sứ, tôi muốn bà gặp tuỳ viên quân sự của bà, đại tá William Mc Kinney.

Bill Mc Kinney mặc thường phục nhưng với tư cách quân sự của ông, nó lại trông giống một bộ quân phục. Ông ta là một người trung niên cao lớn có một khuôn mặt phong trần chằng chịt những vết sẹo.

- Thưa bà Đại sứ, - giọng ông chói tai và nặng nề như có một vết thương ở cổ.

- Tôi hài lòng được gặp ông, - Mary nói.

Đại tá Mc Kinney là nhân viên tham mưu đầu tiên của nàng và việc gặp ông làm nàng có một ý thức phấn khởi. Nó có vẻ như đưa vị trí mới của nàng đến gần hơn.

- Tôi mong được làm việc với bà tại Rumani.

Đại tá Mc Kinney lên tiếng.

- Trước đây ông đã đến Rumani chưa?

Vị đại tá và James Stickley trao đổi nhau một cái nhìn.

- Ông ấy đã đến đấy trước kia, - Stickley đáp.

***

Mọi buổi chiều thứ hai, các phiên họp ngoại giao dành cho các tân đại sứ được tổ chức trong một phòng họp trên tầng tám của Bộ Ngoại giao.

"Trong công tác ngoại giao, chúng ta có một hệ thống chỉ huy chặt chẽ, - lớp học được cho biết như thế. - Trên cùng là đại sứ. Dưới ông ta (dưới nàng, Mary tự động nghĩ thê) - là DCM - Phó trưởng phái đoàn. Dưới ông ta (dưới nàng) - có lãnh sự chính trị, lãnh sự kinh tế, lãnh sự hành chánh và lãnh sự các vấn đề công cộng. Rồi quí vị có các tuỳ viên nông nghiệp, thương mại và quân sự. - Đấy là đại tá Mc Kinney, - Mary nghĩ thế. - Khi quý vị đến nhiệm sở mới, quý vị sẽ được quyền bất khả xâm phạm về ngoại giao. Quý vị không bị bắt vì lái xe nhanh, lái xe lúc say rượu, đốt nhà hoặc ngay cả việc sát hại. Khi quý vị chết, chẳng ai được chạm đến xác quý vị, hoặc khám xét bất cứ giấy tờ gì quý vị có thể bỏ lại. Quý vị sẽ không phải trả các phiếu mua - các cửa hiệu không thể kiện quý vị.

Có ai đất trong lớp la to, "Đừng để vợ tôi nghe điều ấy"

Giảng viên liếc đồng hồ.

- Trước buổi học tới, tôi đề nghị quý vị nghiên cứu Sách hướng dẫn các vấn đề ngoại giao,

***

Mary và Stanton Rogers dùng bữa trưa tại khách sạn Watergate.

- Tổng thống Ellison muốn bà làm một số việc truyền thông đại chúng cho ngài - Rogers nói.

- Loại việc truyền thông đại chúng nào vậy?

- Chúng ta sẽ thiết lập một số việc mang tính chất quốc gia. Họp báo, radio, truyền hình chẳng hạn.

- Tôi chưa bao giờ, mà thôi, nếu điều ấy quan trọng, tôi sẽ cố gắng.

- Tốt. Chúng tôi sẽ phải cho bà một tủ quần áo mới. Bà không thể ngồi chụp ảnh hai lần với bộ quần áo cũ.

- Stan, việc ấy sẽ mất cả một gia tài đấy. Ngoài ra, tôi không có thì giờ để đi phố. Tôi bận từ sáng sớm cho đến khuya. Nếu…

- Chẳng có gì đáng lo cả. Helen Moody.

- Gì thế?

- Bà ấy là một trong những người đi mua hàng chuyên nghiệp hàng đầu tại Washington. Chỉ việc giao mọi việc cho bà ấy.

***

Helen Moody là một phụ nữ da đen duyên dáng đã thôi việc. Chị đã từng là một người mẫu thành công trước khi bắt đầu công việc đi mua hàng riêng. Chị xuất hiện tại phòng khách sạn của Mary vào một buổi sáng sớm và bỏ ra một giờ để xem qua tủ áo của nàng.

- Rất tốt cho thị trấn Junction, - chị nói thẳng. - Nhưng chúng ta phải diện thật đẹp tại Washington DC chứ, đúng không nào?

- Tôi không có nhiều tiền để…

Helen Moody cười to.

- Tôi biết cách trả giá. Và chúng ta sẽ nhanh thôi. Bà sẽ cần một chiếc áo dạ hội dài chấm đất, một chiếc áo cho các bữa tiệc cốc tai và các cuộc tiếp tân buổi chiều, một chiếc áo buổi xế cho các bữa tiệc trà và các bữa tiệc trưa, một bộ đồ mặc dạo phố hoặc mặc trong văn phòng, một chiếc áo đen, và một khăn quàng đầu thích hợp cho các tang lễ chính thức.

Việc mua hàng mất ba ngày. Khi xong việc, Helen Moody ngắm Mary Ashley.

- Bà vốn đẹp, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta còn có thể làm cho bà đẹp hơn nữa. Tôi muốn bà đến gặp Susan tại Rainbow để làm mặt và rồi tôi sẽ đưa bà đến Billy tại Sushine để làm tóc.

Vào buổi chiều sau, Mary tình cờ gặp Stanton Rogers tại một bữa ăn chiều thân mật tổ chức tại CorcoLan Gallery. Ông ta nhìn Mary mỉm cười.

- Bà trông đẹp mê hồn đấy.

Cuộc tấn công chớp nhoáng của đám truyền thống báo chí bắt đầu. Đạo diễn là Ian Villlers, Trưởng Ban liên lạc báo chí của Bộ Ngoại giao.

Villiers trạc cuối tứ tuần, một cựu nhà báo hiếu động, có vẻ như quen biết tất cả mọi người trong đám báo chí.

Mary bỗng thấy mình đứng trước ống kính của đài Good Morning America, Meet The Press, và Firing Line. Nàng bị tờ Washington Post, tờ New York Times và nửa chục các nhật báo quan trọng khác phỏng vấn. Nàng trả lời phỏng vấn của tờ Times của London, Der Spiegel, Oggi và Le Monde. Tạp chí Time viết các bài đặc biệt về nàng và con nàng. Ảnh của Mary Ashley hình như có khắp nơi và bất cứ nơi nào có loan tin về một biến cố tại một góc xa xăm nào đấy của thế giới, nàng đều bị yêu cầu cho lời bình phẩm. Tối đến, Mary và con nàng trở thành những nhân vật nổi danh.

Tim nói:

- Mẹ ơi, thật như có ma quỷ ấy, khi trông thấy ảnh của mình trên bìa của tất cả các tạp chí.

- Đúng là ma quy thật đấy, - Mary đồng ý.

Dù sao nàng cũng cảm thấy khó chịu về tất cả những việc đăng tải ấy. Nàng nói với Stanton Rogers về việc ấy.

- Hãy nhìn vào đấy như là một phần việc của bà. Tổng thống đang tìm cách tạo nên một hình ảnh. Lúc bà đến châu Âu, mọi người ở đấy sẽ biết bà là ai.

***

Ben Cohn và Akiko đang nằm trên giường, khoả thân, Akiko là một cô gái Nhật đáng yêu, trẻ hơn chàng phóng viên 10 tuổi. Họ đã gặp nhau ít năm trước khi chàng viết một chuyện về các người mẫu và họ đã sống chung với nhau kể từ đấy. Cohn đang có điều gì đấy.

- Có vấn đề gì đấy, anh? - Akiko dịu dàng hỏi. - Anh có muốn em tiếp tục với anh thêm nữa không?

Tâm trí chàng đang để mãi tận đâu đâu.

- Không. Anh đang có điều bực mình.

- Em không thấy, nàng ghẹo.

- Nó ở trong đầu anh, Akiko ạ. Anh bực mình về một Connors. Có điều gì đấy kỳ lạ, xảy ra trong thành phố này.

- Có điều gì mới lạ đâu nào?

- Điều này khác hẳn. Anh không thể hình dung ra được.

- Anh muốn nói về chuyện ấy không?

- Đấy là Mary Ashley. Anh đã trông thấy bà ấy trên bìa của sáu tạp chí trong hai tuần lễ qua và bà ấy vẫn chưa nhận nhiệm sở? Akiko à, có ai đấy đang quảng cáo cho bà Ashley như một minh tinh điện ảnh. Bà ấy và hai đứa con được đăng loạn xạ khắp các tờ báo và tạp chí. Tại sao vậy nhỉ?

- Em được cho là người duy nhất có đầu óc Đông Phương ma mãnh. Em nghĩ rằng người ta đang làm cho phức tạp một việc rất đơn giản.

Ben Cohn đốt một điếu thuốc và giận dữ bập mạnh:

- Em có thể đúng đấy, - chàng lẩm bẩm.

Nàng lần tay xuống và bắt đầu mơn trớn chàng.

- Anh thấy thế nào về việc tắt điếu thuốc ấy đi và đốt em lên?

***

- Có một bữa tiệc được tổ chức để chiêu đãi Phó Tổng thống Bradford, - Stanton Rogers báo cho Mary biết, - và tôi đã thu xếp để bà được mời đến. Vào tối thứ sáu tại Câu lạc bộ Pan American.

Câu lạc bộ Pan American là một toà nhà rộng, yên tĩnh có một khoảng sân trong thật rộng và thường xuyên được dùng cho những buổi tiệc họp mặt ngoại giao. Bữa ăn tối chiêu đãi phó Tổng thống là một công việc công phu với những chiếc bàn bày dao mạ bạc cổ xưa bóng loáng và những chiếc cốc Baccarat lấp lánh. Có một ban nhạc nhỏ.

Danh sách thực khách gồm những nhân vật ưu tú của thủ đô. Ngoài ông bà Phó Tổng thống, còn có các thượng nghị sĩ, các đại sứ và các nhân vật nổi tiếng thuộc mọi tầng lớp xã hội.

Mary nhìn quanh cuộc họp mặt quyến rũ.

- Mình phải nhớ mọi việc để có thể kể lại cho Beth và Tim nghe, - nàng nghĩ thế.

Khi bữa ăn tối được loan báo, Mary bỗng thấy mình hoà lẫn vào một bàn ăn một cách thú vị với các thượng nghị sĩ, các viên chức và các nhà ngoại giao của Bộ Ngoại giao. Người nào cũng trông hấp dẫn và bữa ăn tuyệt vời.

Lúc 11 giờ, Mary nhìn đồng hồ và nói với vị thượng nghị sĩ bên phải nàng:

- Tôi không hay về khuya đến thế. Tôi đã hứa với con tôi là sẽ về sớm đấy.

Nàng đứng dậy và gật đầu với những người ngồi cùng bàn.

- Thật là thích thú được gặp tất cả các ngài. Chúc ngủ ngon.

Có một sự im lặng đầy kinh ngạc và mọi người trong phòng tiệc rộng lớn quay lại để nhìn Mary trong lúc nàng bước qua sàn khiêu vũ và đi ra.

- Ồ Chúa ơi! - Stanton Rogers nói nhỏ. - không một ai bảo cho bà ấy biết cả.

Stanton Rogers ăn sáng với Mary sáng hôm sau.

- Mary! - ông nói, - Đây là một thành phố giữ luật lệ nghiêm ngặt. Nhiều người ngu xuẩn, nhưng tất cả chúng ta phải sống nhờ họ đấy.

- Ồ! Tôi đã làm gì thế?

Ông thở dài.

- Bà đã huỷ luật số một: Không ai được phép rời bàn tiệc trước người khách danh dự. Đêm qua, người khách danh dự đấy là Phó Tổng thống Hoa Kỳ.

- Ồ, trời ơi!

- Phân nửa số điện thoại tại Washington đều gọi toáng lên cả đấy.

- Tôi xin lỗi, Stan. Tôi không biết. Dù sao, tôi đã hứa với bọn trẻ…

- Chẳng có bọn trẻ nào cả tại Washington, chỉ có cử chỉ trẻ thôi. Thành phố này là của quyền lực. Đừng bao giờ quên điều ấy.

Tiền bạc chứng tỏ là một vấn đề giá sinh hoạt khủng khiếp. Giá cả mọi thứ tại Washington hình như đối với Mary đều cao quá. Nàng giao một số đồ cần giặt ủi cho người phục vụ khách sạn và khi nàng nhận được phiếu, nàng sững sờ. - 5 đô-la rưỡi để giặt một cái áo cánh, - nàng nói. - Và một đô-la 95 cho một cái xu chiêng?

- Thôi đi, - nàng thề như thế. - Từ nay mình sẽ tự giặt lấy.

Nàng ngâm bít tất dài của nàng trong nước lạnh và cho vào tủ lạnh. Bằng cách ấy, các thứ giữ gìn được lâu hơn. Nàng giặt bít tất, khăn tay và quần lót của con nàng cùng với xu chiêng của nàng trong chậu rửa mặt. Nàng trải khăn tay lên gương soi để phơi khô và rồi cẩn thận xếp lại để khỏi phải ủi. Nàng phơi áo của nàng và quần của Tim bằng cách treo lên giá của gương sen, vặn vòi nước nóng của gương sen thật mạnh và đóng cửa phòng tắm lại. Một buổi sáng khi Beth mở cửa, nó chạm phải một bức tường hơi nóng.

- Mẹ-mẹ làm gì đấy!

- Tiết kiệm tiền, - Mary nói cho nó biết một cách kiêu kỳ. - Đồ giặt ủi tốn cả gia tài đấy.

- Nếu Tổng thống vào nhà thì sao? Sẽ trông như thế nào? Ngài sẽ nghĩ rằng chúng ta là bọn Okie đấy!

- Tổng thống sẽ không vào đâu. Và con làm ơn đóng cửa phòng tắm lại. Con phí tiền đấy.

Quả thực là bọn Okie? Nếu Tổng thống bước vào và trông thấy việc nàng đang làm, ngài sẽ hãnh diện vì nàng. Nàng sẽ chỉ cho ngài bảng giá đồ giặt của khách sạn và cho ngài biết nàng đã tiết kiệm được bao nhiêu bằng cách sử dụng việc làm ngây thơ của một người Mỹ bình thường. Ngài sẽ xúc động.

- Nếu có nhiều người hơn trong chính phủ có được óc tưởng tượng của bà, bà Đại sứ ạ, nền kinh tế của quốc gia chúng ta sẽ khá hơn nhiều. Chúng ta đã mất tinh thần tiên phong từng làm cho quốc gia này vĩ đại. Dân tộc chúng ta đã uỷ mị. Chúng ta cậy quá nhiều: vào các thiết bị điện tiết kiệm thời gian và ít cậy vào chính sự tiết kiệm của chúng ta. Tôi muốn dùng bà làm một tấm gương sáng cho một số những người ăn tiêu lãng phí tại Washington, những người nghĩ rằng quốc gia này được làm bằng tiền. Bà có thể dạy cho tất cả bọn họ một bài học. Thực sự, tôi có một ý kiến tuyệt vời. Mary Ashley, tôi sẽ bổ nhiệm bà làm bộ trưởng bộ tài chánh.

Hơi nóng len ra từ dưới cửa phòng tắm. Mary mơ màng mở cửa. Một đám hơi nóng tràn vào phòng khách.

Có tiếng chuông reo ở cửa, và một lúc sau Beth lên tiếng nói:

- Mẹ ơi, ông James Stickley đến để gặp mẹ đấy.
 
Chương 16


- Toàn bộ sự việc càng lúc càng lạ, - Ben Cohn nói.

Chàng đang ngồi trên giường, trần truồng. Cô tình nhân trẻ của chàng, Akiko Hadaka, ở bên cạnh. Họ đang xem Mary Ashley trên đài Meet The Press.

Nàng đang nói:

- Tôi tin rằng Hoa Lục đang hướng về một xã hội Cộng sản cá nhân chủ nghĩa nhân đạo hơn với sự sáp nhập Hongkong và Ma Cao.

- Bây giờ bà ấy biết cái quái gì về Trung Hoa nhỉ? - Ben Cohn lẩm bẩm. Chàng quay sang Akiko. - Em đang nhìn một bà nội trợ ở Kansas đã trở thành một chuyên viên về mọi việc ban đêm đấy.

- Bà ấy trông có vẻ rất rực rỡ, - Akiko nói.

- Rực rỡ là ngoài đề tài. Mỗi lần bà ta cho phỏng vấn, các ký giả đều điên cả. Giống như nuôi dưỡng cả một sự điên cuồng. Làm thế nào mà nàng được lên đài Meet The Press? Anh sẽ giải thích cho em nghe. Có một người đã quyết định rằng Mary Ashley sẽ trở thành một nhân vật nối tiếng. Ai nhỉ? Tại sao thế? Charles Lindbergh chưa bao giờ được quang cáo như thế này cả!

- Charles Linderbergh là ai thế?

Ben Cohn thở dài.

- Đấy là vấn đề lỗ hổng giừa các thế hệ. Chẳng liên lạc gì với nhau được cả.

Akiko dịu dàng nói.

- Có nhiều cách khác để liên lạc.

Nàng nhẹ nhàng đẩy chàng nằm lại xuống giường và leo lên mình chàng. Nàng từ từ lần xuống thân thể chàng, quất nhẹ mái tóc mềm như lụa dài ngang ngực chàng, bụng chàng, và háng chàng và nhìn chàng cứng dần lên. Nàng vuốt ve chàng và nói:

- Chào Arthur!

- Arthur muốn đi vào trong em đấy.

- Chưa đâu. Em sẽ về lại với anh chàng.

Nàng đứng dậy và bước xuống bếp. Ben Cohn nhìn nàng đi ra khỏi phòng. Chàng nhìn vào truyền hình và nghĩ: "Người phụ nữ ấy làm mình thật lúng túng. Trong đó ít thấy những việc kinh khủng hơn là nhìn tận mắt và nhất định mình sẽ tìm xem đấy là việc gì.

- Akiko! Chàng thét lên. - Em đang làm gì đấy? Arthur buồn ngủ rồi.

- Bảo anh chàng chờ đi, - nàng gọi. - Em sẽ đến đấy ngay.

Ít phút sau, nàng trở lại mang theo một chiếc khay đầy kem lạnh, kem bánh và một quả anh đào.

- Trời ơi, - chàng nói. - Anh không đói. Anh cứng ngắc đây!

Khi chàng không còn chịu đựng lâu hơn nữa, chàng lật ngửa Akiko và cắm vào người nàng.

***

Trên truyền hình, Mary Ashley đang nói:

- Một trong những cách hay nhất để ngăn cản chiến tranh với các quốc gia đối lập với lý tưởng Mỹ là tăng cường giao thương với họ…

Khuya hôm ấy, Ben Cohn điện thoại cho Ian Villiers.

- Chào Ian.

- Benjie, em bé của tôi! Tôi có thể làm gì cho cậu nhỉ?

- Tôi cần một ân huệ.

- Nói ra đi và cậu sẽ có.

- Tôi hiểu rằng cậu phụ trách liên lạc báo chí cho vị tân đại sứ của chúng ta tại Rum ani.

Một tiếng "vâng" thận trọng.

- Ai ở đàng sau sự quảng cáo của bà ấy thế? Ian? Tôi quan tâm đến…

- Tôi xin lỗi, Ben. Đấy là công việc của Bộ ngoại giao. Tôi chỉ là một tay làm thuê. Cậu có thể gửi thư lên bộ trưởng ngoại giao!

Sau khi gác máy, Ben nói:

- Tại sao hắn không chỉ việc bảo mình cút đi? - Chàng đi đến một quyết định.

- Anh nghĩ rằng anh phải đi khỏi thành phố ít ngày.

- Anh sẽ đi đâu thế, anh?

- Thị trấn Junction, Kansas.

Kết quả, Ben Cohn đến thị trấn Junction, Kansas chỉ có một ngày. Chàng bỏ ra một giờ nói chuyện với Cảnh sát trưởng Munster và một trong những phụ tá của ông, rồi lái một chiếc xe mướn đến Pháo đài Riley và đến văn phòng CID. Chàng lên một chiếc phi cơ chiều đến Manhattan, Kansas và một chuyến bay liên lạc trở về nhà.

Khi phi cơ của Ben Cohn cất cánh, một cú điện thoại riêng được gọi từ Pháo đài đến một số nơi tại Washington DC.

***

Mary Ashley đang đi xuống hành lang dài của Toà Ngoại giao trên đường đến gặp mặt James Stickley, nàng bỗng nghe một giọng trầm của một người đàn ông sau lưng nàng nói:

- Nào, đây là điều mà tôi gọi là con số mười hoàn toàn.

Mary xoay lại. Một người lạ mặt cao lớn đang tựa vào tường, trắng trợn nhìn thẳng vào nàng, một điệu cười láo xược trên khuôn mặt hắn. Hắn trông thô lỗ, mặc quần Jeans, áo áo phông và giày tennis trông lùi xùi và râu ria lởm chởm. Có những đường hằn của tiếng cười chung quanh miệng hắn, và đôi mắt xanh long lanh của hắn có vẻ chế giễu. Hắn có một vẻ cao ngạo chọc giận người ta. Mary xoay lại và giận dữ bỏ đi, ý thức đôi mắt hắn đang theo dõi nàng.

Cuộc họp với James Stickley kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Khi Mary trở về văn phòng, kẻ lạ mặt đang ngồi trên ghế của nàng, chân gác lên bàn giấy và xem giấy tờ của nàng. Nàng có thể cảm thấy máu đang dồn lên mặt.

- Ông nghĩ là ông đang làm cái quỷ gì thế?

Gã đàn ông ném cho nàng một cái nhìn uể oải thật lâu và từ từ đứng dậy.

- Tôi là Mike Slade. Bạn bè gọi tôi là Michael.

Nàng lạnh lùng nói:

- Ông cần gì ở tôi, ong Slade?

- Thực ra, chẳng gì cả, - ông ta hời hợt trả lời. - Chúng ta là láng giềng. Tôi làm việc ở đây trong bộ, nên tôi nghĩ rằng tôi nên ghé qua và chào hỏi một chút.

- Ông đã nói rồi đấy. Và nếu thật sự ông là người trong bộ, tôi cho rằng ông có bàn giấy riêng đấy. Vậy, trong tương lai, ông sẽ không phải ngồi vào bàn giấy tôi và rình rập.

- Trời, thế là giận đấy! Tôi nghe người Kansas hoặc bất cứ người gì mà bà tự xưng, được xem là bạn bè đấy.

Nàng nghiến răng.

- Ông Slade, tôi cho ông hai giây để ra khỏi văn phòng tôi trước khi tôi kêu lính gác.

- Có lẽ tôi đã nghe lầm, - Ông ta lẩm bẩm một mình.

- Và nếu ông thực sự làm việc trong bộ, tôi đề nghị ông nên về nhà cạo râu và mặc đồ thích hợp một tí!

- Tôi đã có một bà vợ hay nói như thế, - Mike Slade thở dài. - Tôi không còn bà ấy nữa!

Mary cảm thấy mặt mình đỏ hơn.

- Đi ra.

Ông ta vẫy tay với nàng.

- Chào, em yêu. Anh sẽ gặp em lại.

- Ồ, không Mary nghĩ thế - Không, ông sẽ không gặp lại được đâu.

Suốt buổi sáng là một loạt kinh nghiệm khó chịu. James Stickley đối kháng ra mặt. Đến trưa, Mary quá giận nên không ăn được. Nàng quyết định bỏ ăn trưa, đi vòng quanh Washington để xoa dịu cơn giận của nàng.

Chiếc xe hòm của nàng đang đậu ở lề đường trước mặt Toà Ngoại giao.

- Chào bà Đại sứ, - người tài xế lên tiếng. - Bà thích đi đâu thế?

- Đâu cũng được, Marvin. Chỉ đi vòng quanh thôi.

- Vâng, thưa bà. - Chiếc xe nhẹ nhàng ra khỏi lề đường. - Bà thích đi thăm Toà đại sứ Rumani không?

- Tốt. - Bất cứ thứ gì để lấy khẩu vị của buổi sáng ra khỏi miệng nàng.

Ông ta rẽ sang tay trái ở góc đường và hướng về Đại lộ Massachusetts.

- Nó bắt đầu ở đây, - Marvin lên tiếng trong lúc ông ta rẽ sang con đường rộng. Ông ta cho xe chậm lại và bắt đầu đưa tay chỉ các Toà đại sứ.

Mary nhận ra Sứ quán Nhật vì có lá cờ Mặt Trời Mọc phía trước. Toà đại sứ Ấn Độ có một con voi phía trên cửa. Họ đi qua một nhà thờ Hồi giáo đẹp. Có những người đang quỳ cầu nguyện ở sân trước. Họ đến góc đường số 23 và đi qua một toà nhà đá trắng với những chiếc trụ hai bên ba bậc cấp.

- Đấy là Toà đại sứ Rumani, - Marvin nói. - Kế bên là…

- Anh làm ơn dừng lại!

Chiếc xe hòm rẽ vào lề đường. Mary nhìn ra cửa xe vào một tấm biển bên ngoài toà nhà: Toà đại sứ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Rumani.

Trong một cơn bốc đồng, Mary nói:

- Xin anh vui lòng đợi đây. Tôi sẽ vào bên trong.

Tim nàng bắt đầu đập nhanh hơn. Đây sẽ là cuộc tiếp xúc thực sự đầu tiên của nàng với quốc gia mà nàng được giảng dạy quốc gia sẽ là quê hương của nàng trong ít năm tới.

Nàng hít một hơi dài và bấm chuông. Im lặng.

Nàng thử mở cửa. Cửa không khoá. Nàng mở cửa và bước vào. Phòng tiếp tân tối và lạnh giá. Có một chiếc trường kỷ đỏ ở một góc và kế đấy là hai chiếc ghế đặt trước một chiếc máy truyền hình nhỏ.

Nàng nghe những bước chân và quay lại. Một người gầy, cao lớn đang vội vã đi xuống cầu thang.

- Vâng, vâng? - ông ta gọi - Gì thế? Gì thế?

Mary tươi cười.

- Chào ông. Tôi là Mary Ashley. Tôi là tân Đại sứ tại Rumani.

Người đàn ông đưa tay vả mặt mình.

- Ô, trời ơi!

Nàng giật mình.

- Có gì phiền không?

- Điều phiền là chúng tôi không mong bà, bà Đại sứ ạ!

- Ồ, tôi biết. Tôi chỉ lái xe qua và tôi…

- Đại sứ Corbeseue sẽ giận kinh khủng!

- Giận à? Tại sao thế? Tôi chỉ nghĩ là tôi chỉ đến chào thôi và…

- Dĩ nhiên, dĩ nhiên. Hãy thứ lỗi cho tôi. Tên tôi là Gabriel Stoica. Tôi là Phó trưởng phái đoàn. Xin vui lòng để tôi bật đèn và mở máy sưởi. Chúng tôi không mong khách khứa như bà có thể thấy đấy. Chẳng tí nào cả.

Rõ ràng là ông ta đang thật sự hoảng hốt nên Mary chỉ muốn bỏ đi, nhưng đã quá trễ. Nàng quan sát trong lúc Gabriel chạy quanh bật đèn trên trần cho đến khi phòng tiếp tân sáng loà.

- Chỉ mất ít phút để có nhiệt, - ông ta lên tiếng xin lỗi, - Chúng tôi cố gắng tiết kiệm xăng đến mức tối đa, Washington rất đắt đỏ.

Nàng ước gì nàng có thể độn thổ được.

- Nếu tôi đã ý thức được…

- Không, không. Chẳng có gì cả, chẳng có gì cả. Ngài đại sứ đang ở trên lầu. Tôi sẽ báo cho ngài rằng bà đến đây.

- Đừng phiền…

Stoica đã chạy lên lầu.

Năm phút sau, Stoica quay lại.

- Xin mời lên. Ngài đại sứ hài lòng việc bà đến đây. Hài lòng.

- Ông có chắc…

- Ngài đang đợi bà đấy.

Ông ta đưa Mary lên lầu. Ở đầu cầu thang là một phòng họp với mười bốn chiếc ghế quanh một chiếc bàn dài. Tựa vào tường là một chiếc tủ đựng đầy các đồ thủ công và các bức tượng điêu khắc của Rumani, và trên tường là một bản đồ nổi của Rumani. Có một lò sưởi với một lá cờ Rumani bên trên. Đến đón nàng là Đại sứ Radu Corbescue, khoác vội một chiếc áo khoác lòi tay áo sơ-mi. Ông ta là một người chắc nịch, cao lớn, nước da ngăm đen. Một người giúp việc đang vội vã bật đèn lên và điều chỉnh nhiệt độ.

- Bà Đại sứ? - Corbescue reo lên. - Thật là một vinh hạnh bất ngờ! Hãy tha thứ cho chúng tôi vì đã tiếp bà thật không đúng nghi thức. Bộ Ngoại giao của bà không cho chúng tôi biết rằng bà sẽ đến.

- Đấy là lỗi của tôi, - Mary lên tiếng xin lỗi. - Tôi đang ở vùng lân cận và tôi…

- Thật là hài lòng được gặp bà. Một điều hài lòng? Chúng tôi đã xem quá nhiều về bà trên truyền hình, báo chí và tạp chí, chúng tôi rất tò mò về vị tân đại sứ tại nước chúng tôi. Bà dùng trà

- À tôi, nếu ngài chắc rằng không phiền phức nhiều quá.

- Phiền à? Dĩ nhiên là không. Tôi xin lỗi vì chúng tôi đã không chuẩn bị một bữa ăn trưa long trọng cho bà. Hãy tha thứ cho tôi. Tôi thật lúng túng!

- Mình là người duy nhất lúng túng đấy, - Mary nghĩ thế. -Điều gì đã khiến mình làm điều điên rồ này thế? Ngu, ngu, ngu. Mình sẽ không thể kể cho các con nghe điều này đâu. Đấy sẽ là bí mật của mình cho đến khi xuống mồ.

Khi trà được mang lên, vị đại sứ Rumani thật căng thẳng đến nỗi ông ta đổ tràn ra.

- Tôi thực vụng về? Hãy thứ lỗi cho tôi!

Mary mong ông ta đừng nói như thế nữa.

Vị đại sứ cố gắng nói chút đỉnh, nhưng chỉ làm cho tình hình càng thêm tệ hại. Rõ ràng là ông ta bực mình một cách đáng thương hại. Ngay khi nàng có thể kín đáo đứng dậy, nàng nói:

- Thưa ngài, cám ơn ngài thật nhiều. Thật là hay được gặp ngài. Chào ngài!

Và nàng biến đi.

Khi Mary trở về văn phòng, James Stickley tức khắc cho mời nàng đến.

- Bà Ashley, - Ông ta lạnh lùng nói, - xin bà vui lòng giải thích cho tôi chính xác bà nghĩ gì về việc bà làm?

- Mình đoán việc ấy sẽ không là điều bí mật mà mình sẽ mang theo xuống mồ đâu. - Mary cả quyết như thế.

- Ồ, ông muốn nói về Toà đại sứ Rumani à? Tôi… Tôi chỉ nghĩ rằng tôi ghé vào và chào hỏi và…

- Đây không phải là một cuộc họp mặt nhỏ ấm cúng ở nhà, - Stickley đốp chát lại. - Tại Washington, bà không được ghé vào một Toà đại sứ. Khi một đại sứ đi viếng một đại sứ khác, đấy chỉ là do được mời thôi. Bà đã làm Corbeseue bối rối kinh khủng. Tôi đã phải bảo ông ta đừng làm một kháng thư chính thức gửi cho Bộ Ngoại giao. Ông ta tin rằng bà đã đến đấy, để do thám ông ta và làm ông ta mất cảnh giác đấy.

- Vậy à! Mà thôi, tất cả…

- Chỉ cần cố gắng nhớ lại rằng bà không còn là một công dân riêng tư nữa bà là một người đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ. Lần sau đến bà có một cơn bốc đồng ít cá nhân hơn việc đánh răng của bà, bà phải kiểm tra với tôi trước đã. Rõ ràng chứ, ý tôi rất rõ ràng chứ?

Mary nhẫn nhục.

- Tốt thôi.

- Tốt. - Ông ta nhấc điện thoại và quay một số.

- Bây giờ bà Ashley đang ở chỗ tôi. Mời ông đến?

- Phải. - Ông ta gác ống nghe.

Mary ngồi đấy lặng thinh, cảm thấy mình như một đứa bé bị đầy đoạ. Cửa mở ra và Mike Slade bước vào.

Ông ta nhìn Mary cười:

- Chào. Tôi đã nghe theo lời khuyên của bà và cạo râu rồi đấy.

Stickley nhìn lần lượt hết người này đến người kia.

- Hai người đã gặp nhau à?

Mary trừng mắt Slade.

- Thực sự thì không. Tôi thấy ông ta rình rập ở bàn giấy của tôi đấy.

James Stickley nói:

- Bà Ashley, đây là Mike Slade. Ông Slade sẽ là phó trưởng phái đoàn của bà đấy.

Mary trố mắt nhìn ông ta.

- Ông ấy là gì?

- Ông Slade làm việc tại tổ công tác Đông Âu. Ông ấy thường làm việc ngoài Washington nhưng ông ấy đã được quyết định làm phụ tá cho bà tại Rumani.

Mary bỗng bật ra khỏi ghế.

- Không. - Nàng phản đối. - Không thể được.

Mike nói nhẹ:

- Tôi hứa sẽ cạo râu mỗi ngày!

Mary quay sang Stickley.

Tôi nghĩ rằng một đại sứ được phép chọn phó trưởng phái đoàn riêng cho mình.

- Đúng đấy, nhưng…

- Vậy tôi không chọn ông Salde. Tôi không muốn có ông ấy.

- Theo những trường hợp thông thường, bà có quyền đấy, nhưng trong trường hợp này, tôi e rằng bà không còn cách nào cả. Lệnh đã đến từ Toà Bạch Ốc đấy!

Mary hình như không thể nào tránh được Mike Slade. Người đàn ông ấy có mặt khắp nơi. Nàng bất ngờ gặp ông ta tại Ngũ giác đài, trong phòng ăn của Thượng viện, trong hành lang của Bộ Ngoại giao. Ông ta thường mặc đồ vải bông chéo, áo phông hoặc đồ thể thao. Mary thắc mắc không biết làm sao ông ta có thể thành công được trong một môi trường thật nghi thức.

Một hôm, Mary trông thấy ông ta ăn trưa với đại tá Mc Kinney. Họ đang thảo luận sôi nổi và Mary thắc mắc không biết những người này thân mật với nhau như thế nào. Có thể nào họ là bạn cữ? Và có thể nào họ dự định hiệp lực để chống lại mình? Mình chỉ hoang tưởng thôi, - Mary tự nhủ - Mình còn chưa đến Rumani mà!

***

Charlie Campbell, trưởng Uỷ ban liên lạc Ngoại giao của Thượng viện chiêu đãi một bữa tiệc cho Mary tại Phòng Corcoran. Khi Mary bước vào phòng và trông thấy tất cả phụ nữ đều mặc áo dài trang nhã, nàng nghĩ "Mình còn chưa thuộc về nơi đây Họ có vẻ như được sinh ra từ nơi đài các cả".

Nàng không có khái niệm gì về chuyện nàng trông đáng yêu như thế nào.

Có hơn một chục nhiếp ảnh viên hiện diện, và Mary được chụp ảnh nhiều nhất trong buổi chiều hôm ấy. Nàng khiêu vũ với nửa chục đàn ông, một số đã có gia đình và một số còn độc thân, và được hầu hết tất cả những người ấy hỏi số điện thoại.

Nàng chẳng hề phật ý hoặc quan tâm đến.

- Tôi xin lỗi, - nàng nói với một người trong nhóm, - Công việc và gia đình tôi làm tôi quá bận để nghĩ đến chuyện đi chơi.

Ý tưởng không chịu đi với ai cả ngoài Edward là điều không thể không nghĩ ra được. Sẽ chẳng bao giờ có thể có người đàn ông khác cho nàng.

Nàng ngồi cùng bàn với Charlie Campbell, vợ ông và nửa chục người của Bộ Ngoại giao. Câu chuyện chuyển sang giai thoại về các vị đại sứ

"Ít năm trước tại Madrid - một người khách kể chuyện, - hàng trăm sinh viên xuống đường đòi trả lại Gibraltar trước mặt sứ quán Anh. Trong lúc họ sắp sửa xông vào sứ quán, một bộ trưởng của tướng Franco điện thoại đến.

- Tôi thật lo lắng khi nghe sự việc xảy ra tại sứ quán của ông! - Ông ta nói. - Có cần tôi gửi thêm cảnh sát không?

"Không, - vị đại sứ nói, chỉ cần gởi đến ít sinh viên hơn".

Có người hỏi:

- Có phải Hermes, là vị thần được những người cổ Hy Lạp xem như thần bảo hộ của các vị đại sứ không?

- Vâng! - có tiếng đáp. - Vị thần ấy còn là thần bảo hộ cho những kẻ lang thang, trộm cắp và nói dối nữa.

Mary thật vui buổi chiều hôm ấy. Mọi người đều rực rỡ, khôn ngoan và thú vị. Nàng đã có thể ở lại suốt đêm.

Người đàn ông cạnh nàng nói.

- Ngày mai bà không phải dậy sớm cho các cuộc hẹn à?

- Không! - Mary nói. - Chủ nhật rồi. Tôi có thể ngủ trưa được!

Một lúc sau một phụ nữ ngáp. - Thứ lỗi cho tôi, tôi đã trải qua một ngày dài.

- Tôi cũng thế - Mary tươi cười nói.

Nàng thấy hình như căn phòng im lặng bất thường. Nàng nhìn quanh và hình như mọi người đều nhìn nàng đăm đăm.

- Khỉ gì thế? - Nàng liếc đồng hồ. 2g30 sáng. Nàng bỗng kinh hãi nhớ lại điều Stanton Rogers đã bảo nàng: "Tại một bữa tiệc tối, người khách danh dự luôn luôn về trước".

Và, nàng - là người khách danh dự! Ối trời ơi! - Mary nghĩ thế. - Mình đã bắt mọi người thức khuya đấy.

Nàng đứng dậy nói bàng một giọng nghẹn ngào:

- Chúc mọi người ngủ ngon. Thật là một buổi tối đáng yêu.

Nàng xoay lại và đi vội ra cửa và sau lưng nàng, nàng có thể nghe những người khách khác tranh nhau ra về.

Sáng hôm sau, nàng bỗng chạm mặt với Mike Slade trong hành lang. Ông ta cười nói:

- Tôi nghe bà đã bắt nửa thành phố Washington phải thức khuya tối thứ bảy đấy.

Vẻ mặt khinh khỉnh của ông ta làm nàng nổi sùng. Nàng lướt qua ông ta và vào căn phòng James Stickley.

- Ông Stickley, tôi thực sự không nghĩ ràng việc ông Slade và tôi cố gắng làm việc với nhau sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho toà đại sứ chúng ta tại Rumani.

Ông ta ngừng đọc một tờ giấy và ngẩng lên.

- Thực thế ư? Có vấn đề gì thế?

- Đấy là thái độ của ông ta. Tôi thấy ông Slade thô lỗ và ngạo mạn. Nói trắng ra, tôi không thích ông Slade.

- Ồ, tôi biết Mike có một số cá tính, nhưng…

- Cá tính à? Ông ta là một viên thạch anh chưa mài giũa. Tôi chính thức yêu cầu ông đưa một người khác thay cho ông ta.

- Bà xong chưa?

- Vâng!

- Bà Ashley, Mike Slade là chuyên viên hàng đầu của chúng tôi về vụ Đông Âu đấy. Công việc của bà là kết bạn với người bản xứ. Công việc của tôi là lo cho bà có được tất cả những sự trợ giúp theo khả năng của tôi. Và tên ông ấy là Mike Slade. Tôi thực sự không muốn nghe đến điều lạ nữa? Tôi diễn đạt rõ không?

- Vô ích - Mary nghĩ thế. - Hoàn toàn vô ích.

Nàng quay trở về văn phòng mình, thất bại và giận dữ. - Mình có thể nói chuyện với Stan - nàng nghĩ thế. - Ông ấy sẽ hiểu. Nhưng điều ấy sẽ là một dấu hiệu yếu ớt. Mình sẽ phải tự mình giải quyết vụ Mike Slade.

- Mơ mộng à?

Mary nhìn lên, giật mình. Mike Slade đang đứng trước bàn giấy của nàng, tay cầm một chồng bị vong lục.

- Lần sau nếu ông muốn vào văn phòng tôi phải gõ cửa.

Đôi mắt ông ta nhìn nàng chế giễu. - Tại sao tôi có cảm giác rằng bà không say mê tôi nhỉ?

Nàng cảm thấy cơn giận của nàng bùng lên.

- Tôi sẽ cho ông biết tại sao, ông Slade. Bởi vì tôi nghĩ rằng ông là một người ngạo mạn, bẩn thỉu, tự phụ.

Ông ta đưa một ngón tay lên.

- Bà nói thừa rồi.

- Đừng có đùa với tôi - nàng cảm thấy như đang thét lên.

Giọng ông ta hạ xuống đến một mức nguy hiểm.

- Bà muốn nói rằng tôi không thể theo đuổi các người khác à? Bà nghĩ gì về điều mọi người tại Washington đang nói về bà?

- Tôi không thực sự quan tâm đến điều họ nói.

- Có, nhưng bà nên quan tâm, - Ông ta chồm qua bàn giấy của nàng. - Mọi người đang hỏi bà có quyền gì để ngồi vào bàn giấy của một đại sứ. Thưa bà, tôi đã ở bốn năm tại Rumani. Đấy là một miếng dynamit sẵn sàng nổ, và chính phủ đang gửi đến một đứa bé ngu xuẩn nhà quê để đùa với nó.

Mary ngồi đấy lắng nghe và nghiến răng.

- Bà là một người không chuyên, bà Ashley ạ. Nếu có ai đấy muốn trả thù bà, có lẽ họ sẽ cho bà làm đại sứ tại Iceland đấy.

Mary không còn bình tĩnh. Nàng đứng bật dậy và tát mạnh vào mặt ông ta.

Mike Slade thở dài.

- Bà không bao giờ lúng túng trước một câu trả lời chứ?
 
Chương 17


Thiệp mời ghi: "Đại sứ cộng hoà xã hội chủ nghĩa Rumani mong bà có mặt để dự buổi tiệc cốc tai và ăn tối tại Toà đại sứ, 1607 Đường số 23, vào lúc 7 giờ 30 chiều. Cà vạt đen, RSVP 232-6593".

Mary nghĩ đến lần trước nàng đến viếng Toà đại sứ ấy và nàng đã cư xử ngốc nghếch như thế nào. Mà thôi, việc ấy sẽ không tái diễn. Mình đã quà khỏi tất cả những điều ấy. Bây giờ mình là một phần của sân khấu Washington rồi.

Nàng mạc bộ đồ mới mua, một chiếc áo cho buổi chiều bằng nhung đen với tay áo dài. Nàng mang đôi giày cao cổ lụa đen và một xâu chuỗi ngọc trai.

Beth lên tiếng nói:

- Mẹ trông xinh hơn Madonna đấy!

Mary ôm lấy nó.

- Mẹ lo lắm. Hai con ăn tối trong phòng ăn dưới lầu rồi có thể lên xem truyền hình. Mẹ sẽ về sớm. Ngày mai tất cả chúng ta sẽ đi thăm nhà của Tổng thống Washington tại núi Vernon!

- Chúc mẹ vui vẻ.

Điện thoại reo. Đó là thư ký tổ công tác.

- Thưa bà đại sứ. Ông Stickley đang đợi bà ở hành lang.

- Mình ước gì được đi một mình, - Mary nghĩ thế. - Mình không cần ông ta hoặc ai khác để mình khỏi phiền phức.

Toà đại sứ Rumani trông hoàn toàn khác hẳn lần trước như Mary đã trông thấy. Có một bầu không khí tiệc tùng đã thiếu vắng trong chuyến đi thăm lần trước của nàng. Họ được Gabriel Stoica, phó trưởng phái bộ tiếp đón ở cửa.

- Chào ông Stickley. Thật là thú vị được gặp ông.

James Stickley gật đầu về phía Mary.

- Cho phép tôi được giới thiệu đại sứ của nước chúng tôi.

Chẳng có dấu hiệu nào to vẻ nhận ra nàng trên nét mặt của Stoica.

- Hân hạnh được gặp bà, bà Đại sứ. Xin theo tôi!

Trong khi họ bước xuống hành lang, Mary nhận thấy tất cả các phòng đều sáng rực và thật ấm áp. Từ trên lầu nàng có thể nghe những giai điệu của một ban nhạc nhỏ. Khắp nơi đều có các chậu hoa.

Đại sứ Corbescue đang nói chuyện với một nhóm người khi ông ta trông thấy James Stickley và Mary Ashley đến gần.

- À, chào ông Stickley!

- Chào ngài đại sứ. Cho phép tôi được giới thiệu đại sứ Hoa Kỳ tại Rumani!

Corbescue nhìn Mary và nói một cách bình thản:

- Tôi hân hạnh được gặp bà.

Mary mong đợi một tia lấp lánh trong mắt ông ta. Nó không bao giờ có cả.

***

Có một trăm người tại bữa ăn tối. Đàn ông mặc véttông dạ tiệc và phụ nữ phục sức đẹp đẽ trong những chiếc áo kiểu Luis Estévez và Osear de la Renta. Chiếc bàn lớn mà Mary đã trông thấy trên lầu trong chuyến viếng thăm trước đã được tăng cường thêm nửa chục chiếc bàn nhỏ hơn chung quanh. Các người hầu mặc chế phục đi quanh căn phòng với những khay champagne.

- Bà thích uống không? - Stickley hỏi.

- Không, cám ơn ông, - Mary nói. - Tôi không uống.

- Thật à? Thực là khốn khổ.

Nàng nhìn ông ta bối rối.

- Tại sao?

- Bởi vì đấy là một phần công việc. Tại mỗi bữa tiệc ngoại giao mà bà tham dự, sẽ có những ly rượu chúc mừng. Nếu bà không uống, bà sẽ làm phật ý chủ nhân. Thỉnh thoảng bà phải hớp một ngụm.

- Tôi sẽ nhớ, - Mary nói.

Nàng nhìn qua căn phòng và kia là Mike Slade. Nàng không nhận ra ông ta trong một lúc.

Ông ta đang mặc một chiếc véttông dạ tiệc và nàng phải công nhận rằng ông ta không phải không hấp dẫn trong bộ đồ buổi chiều. Cánh tay ông ta đang quàng qua một cô tóc hoe khêu gợi sắp ngã vì chiếc áo của ả. "Rẻ mạt" - Mary nghĩ thế. - Đúng là năng khiếu của ông ta: Mình không biết ông ta đang đợi bao nhiêu cô gái cho ông ta tại Bucarest nhỉ.

Mary nhớ lại lời của Mike: "Bà là một người không chuyên, bà Ashley ạ. Nếu có ai muốn trả thù bà, có lẽ họ sẽ đưa bà làm Đại sứ tại Iceland đấy" - "Thằng đểu".

Trong lúc Mary nhìn ông ta, đại tá Mc Kinney, trong bộ đại lễ, bước đến bên Mike. Mike tạm biệt cô gái tóc hoe và bước đến một góc phòng với vị đại tá "Mình sẽ phải quan sát cả hai, - Mary nghĩ thế".

Một người hầu đi ngang qua với rượu champagne.

- Tôi nghĩ rằng tôi sẽ uống một ly, - Mary lên tiếng.

James Stickley nhìn nàng uống cạn.

- Được rồi. Đã đến lúc bắt đầu khai thác căn phòng.

- Khai thác căn phòng à?

- Nhiều công việc được hoàn thành ở những bữa tiệc này. Đấy là lý do các Toà đại sứ tổ chức tiệc tùng.

Mary trải qua một giờ nữa để được giới thiệu với các vị đại sứ, thượng nghị sĩ, thống đốc và một số nhân vạt chính trị có thế lực nhất cả Washington. Rumani đã trở thành một nhãn hiệu nóng bỏng và hầu hết mọi người quan trọng đều cố gắng nhận được giấy mời đến dự buổi tiệc của Toà đại sứ. Mike Slade đến gần James Stickley, tay ôm cô gái tóc hoe.

- Chào ông, - Mike vui vẻ nói, - Tôi muốn ông gặp Debbie Dennison. Đây là James Stickley và Mary Ashley.

Thực là một cú tát cố ý. Mary nói mát, - Đại sứ Ashley đấy.

Mike đưa tay vỗ trán.

- Xin lỗi, Đại sứ Ashley.

Bố của cô Dennison cũng là đại sứ nữa. Ông ấy là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, dĩ nhiên. Ông ấy đã phục vụ nửa chục quốc gia trong vòng 25 năm qua.

Debbie Dennison nói:

- Đấy là một cách tuyệt vời để trưởng thành đấy.

Mike nói:

- Debbie đã đi nhiều!

- Vâng, - Mary điềm đạm nói. - Tôi chắc vậy.

Mary khẩn cầu khỏi phải ngồi cạnh Mike trong bữa ăn tối và những lời khẩn cầu của nàng đã được chấp thuận. Ông ta ở một bàn khác, cạnh cô gái tóc hoe gần như bán khoả thân. Có một chục người ở bàn Mary. Một số là những khuôn mặt quen thuộc nàng đã trông thấy ở bìa các tạp chí và trên truyền hình, James Stickley ngồi đối diện với Mary. Ngưởi đàn ông bên trái Mary nói một thứ ngôn ngữ thần bí mà Mary không thể nào hiểu được. Bên phải nàng là một người đàn ông tóc hoe, trung niên gầy và cao, với khuôn mặt hấp dẫn, nhạy cảm.

- Tôi hân hạnh được ngồi cạnh bà, - Ông ta bảo Mary. - Tôi là một người nồng nhiệt hâm mộ bà. - Ông ta nói bằng một giọng Bắc Âu nhẹ nhàng.

- Cám ơn ông. - Một kẻ hâm mộ điều gì nơi mình? - Mary tự hỏi."Mình chưa làm gì cả".

- Tôi là Olaf Peterson, tuỳ viên văn hoá Thuỵ Điển!

- Tôi rất sung sướng được gặp ông, ông Peterson.

- Bà đã đến Thuỵ Điển chưa?

- Chưa. Nói thật với ông, thực sự tôi chưa đi đâu cả!

Olaf Peterson mỉm cười.

- Vậy thì có thật nhiều nơi có cách chiêu đãi riêng cho họ.

- Có lẽ có ngày con tôi và tôi sẽ đi thăm đất nước của ông đấy.

- A, bà có con à? Chúng nó bao nhiêu tuổi rồi?

- Tim mười tuổi và Beth mười hai. Tôi sẽ cho ông xem!

Mary mở ví và lấy ra những bức ảnh chụp nhanh của con nàng. Phía đối diện, James Stickley lắc đầu không chấp nhận.

Olaf Peterson xem các bức ảnh chụp nhanh.

- Những đứa trẻ đẹp đấy! - Ông ta reo lên, trông giống mẹ đấy. - Chúng có đỏi mắt của bố đấy!

Nàng và Edward thường hay có luận điệu chế giễu về chuyện mấy đứa con giống ai.

- Beth sẽ là một trang tuyệt sắc như em đấy! - Edward sẽ nói như thế. - Anh không biết Tim trông giống ai. Em có chắc nó là của anh không? Và cuộc tranh luận để đùa của họ sẽ chấm dứt bàng việc làm tình.

Olaf Peterson đang nói điều gì đấy với nàng.

- Xin lỗi, ông nói gì?

- Tôi nói rằng tôi có đọc về việc chồng bà tử nạn ôtô. Tôi lấy làm tiếc. Có lẽ rất khó khăn cho một người phụ nữ cô đơn không có người đàn ông.

Giọng ông ta đầy vẻ thương cảm.

Mary đưa ly rượu trước mặt nàng lên và hớp một ngụm. Nó lạnh và làm nàng dịu lại. Nàng uống cạn ly. Nó được một người hầu bàn mang găng trắng đi qua lại sau lưng thực khách rót đầy lại ngay.

- Khi nào bà nhận nhiệm sở tại Rumani? - Peterson hỏi.

- Tôi được cho biết rằng chúng tôi sẽ đến đấy trong vài tuần nữa. - Mary nhặt ly rượu lên. - Đến Bucarest. - Nàng uống. Rượu thật ngon và mọi người đều biết rằng nồng độ của rượu thấp.

Khi người hầu bàn đề nghị rót đầy lại, nàng sung sướng gật đầu. Nàng nhìn quanh căn phòng, tất cả những vị khách đều ăn mặc đẹp đẽ đang nói hàng chục thứ tiếng khác nhau và nàng nghĩ: "Họ không tổ chức tiệc tùng như thế này tại thị trấn Junction cổ kính. Không? thưa ngài. Kansas khô như một khúc xương. Washington ướt át như một… Washington ướt át như gì nhỉ? Nàng cau mày cố gắng suy nghĩ.

- Bà có xạo không? - Olaf Peterson lên tiếng hỏi.

Nàng đập lên cánh tay ông ta.

- Vĩ đại. Tôi thật vĩ đại! Tôi muốn một ly rượu nữa, Olaf.

- Chắc chắn rồi.

Ông ta vẫy người hầu bàn, và ly rượu của Mary được rót đầy lại.

- Ở nhà, - Mary thổ lộ, - Tôi chưa bao giờ uống rượu cả. - Nàng nâng ly và uống. - Thật sự, tôi chưa bao giờ uống gì cả - Nàng bắt đầu líu lưỡi. - Không kể nước, dĩ nhiên.

Olaf Peterson quan sát nàng và mỉm cười.

Tại bàn giữa, Đại sứ Rumani Corbescue đứng dậy.

- Thưa các ông, các bà, những vị khách đặc biệt, tôi muốn đề nghị một ly rượu mừng.

Nghi thức bắt đầu. Có những ly rượu chúc mừng Alexandros Ionescu, Chủ tịch Rumani. Có những ly rượu chúc cho bà Alexandros Ionescu. Có những ly rượu chúc cho Tổng thống Hoa Kỳ và cho Phó Tổng thống, cho quốc kỳ Rumani và cho quốc kỳ Mỹ. Mary thấy hình như có cả nghìn ly rượu chúc. Nàng uống tất cả mọi ly.

Mình là đại sứ, - nàng tự nhủ - Đấy là nhiệm vụ cùa mình.

Giữa các ly rượu chúc, vị đại sứ Rumani lên tiếng:

- Tôi chắc rằng tất cả chúng ta đều muốn nghe vài lời của tân đại sứ xinh đẹp của Hoa Kỳ tại Rumani.

Mary nâng ly và bắt đầu uống một ly rượu mừng khi nàng chợt nhận ra rằng được yêu cầu.

Nàng ngồi đấy một lúc rồi cố gắng đứng dậy. Nàng đứng lên bám chặt vào bàn để đứng vững. Nàng nhìn đám đông và vẫy tay.

- Chào mọi người. Chúc mọi người vui vẻ.

Nàng chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc hơn trong đời. Mọi người trong phòng đều thật thân hữu. Họ đều mỉm cười với nàng. Một số còn cười to nữa. Nàng nhìn sang James Stickley và cười toe toét.

- Thật là một bữa tiệc lớn - Mary nói, - Tôi hân hạnh vì mọi người đều đến cả. - Nàng ngồi xuống nặng nề và quay sang Olaf Peterson.

- Họ bỏ gì đấy vào ly rượu của tôi, ông ta bóp tay nàng. - Tôi nghĩ rằng điều bà cần là một ít không khí mát. Ở đây rất ngột ngạt.

- Vâng. Ngột ngạt. Nói thực với ông nhé, tôi cảm thấy hơi choáng váng.

- Để tôi đưa bà ra ngoài.

Ông ta đỡ Mary đứng dậy và nàng rất ngạc nhiên thấy bước đi khó khăn. James Stickley đang nói chuyện sôi nổi với một người bạn cùng bàn và không thấy Mary bỏ đi. Mary và Olaf Peterson đi ngang qua bàn Mike Slade và ông này cau mày nhìn nàng bất bình.

- Hắn ghen tị đấy! - Mary nghĩ thế. - Họ không mời hắn đọc diễn văn.

Nàng nói với Peterson.

- Ông biết chuyện của ông ấy chứ? Ông ta muốn làm đại sứ. Ông ta không chịu nổi việc tôi nhận chức vụ ấy.

- Bà đang nói về ai thế? – Olaf Peterson hỏi.

- Không quan trọng. Ông ta không quan trọng.

Họ ra ngoài, không khí ban đêm lạnh mát.

Mary cảm kích vì sự nâng đỡ của cánh tay Peterson. Mọi sự hình như mờ đi.

- Tôi có một chiếc xe hòm ở đâu đấy - Mary nói.

- Ta bảo nó đi đi! - Olaf Peterson đề nghị.

- Chúng ta sẽ đến chỗ tôi để uống một ly rượu ngủ nhỏ.

- Không uống rượu nữa.

- Không, không. Chỉ là một ly rượu nhỏ để ổn định lại dạ dày của bà thôi!

Rượu mạnh. Trong sách vở, tất cả những người sành sỏi đều uống rượu mạnh. Rượu mạnh và sôđa. Đấy là loại rượu Cary Grant.

- Với sôđa à?

- Dĩ nhiên!

Olaf Peterson đỡ Mary lên một chiếc xe taxi và cho tài xế một địa chỉ. Khi họ dừng lại trước một chung cư rộng, Mary nhìn Peterson, bối rối.

- Chúng ta ở đâu đây?

- Chúng ta cứ tự nhiên đi, - Olaf Peterson nói.

Ông ta đỡ Mary bước ra taxi và giữ nàng lại trong lúc nàng bắt đầu ngã.

- Tôi say à? - Mary hỏi.

- Tất nhiên là không, - Ông ta dịu dàng nói.

- Tôi cảm thấy buồn cười.

Peterson đưa nàng vào một hành lang và bấm chuông gọi thang máy.

- Một chút rượu mạnh sẽ làm bà ổn lại thôi!

Họ bước vàe thang máy và ông ta bấm nút.

- Ông có biết tôi là một người kiêng rượu không?

- Không. Tôi không biết điều ấy.

- Thực tế là vậy đấy.

Peterson vuốt ve cánh tay trần của nàng.

Cửa thang máy mở ra và Peterson giúp nàng bước ra khỏi thang máy.

Có bao giờ ai đó bảo ông rằng sàn nhà không bằng phẳng không?

- Tôi sẽ lo điều ấy, - Olaf lên tiếng hứa.

Ông ta xốc nàng bằng một tay trong lúc ông ta lục tìm chìa khoá phòng và mở khoá. Họ bước vào bên trong.

Căn phòng sáng mờ mờ.

- Ở đây tối quá - Mary nói.

Olaf Peterson ôm nàng trong tay.

- Tôi thích bóng tối, bà thấy thế nào?

Nàng thích không à? Nàng không rõ.

- Bà là một phụ nữ rất đẹp, bà biết không?

- Cám ơn ông. Ông là một người đàn ông đẹp.

- Ông ta đưa nàng vào trường kỷ và đặt nàng ngồi xuống. Nàng cảm thấy choáng váng. Môi ông ta ép vào môi nàng và nàng cảm thấy bàn tay ông ta lần lên đùi nàng.

- Ông đang làm gì đấy?

- Nghỉ đi, em yêu. Sẽ cảm thấy đáng yêu!

Nó cảm thấy đáng yêu thật. Tay ông ta rất nhẹ nhàng, như tay Edward. Anh ấy là một bác sĩ tuyệt vời - Mary nói.

- Anh chắc ông ấy như thế. - Ông ta ép người vào người nàng.

- Ồ vâng. Bất cứ khi nào có ai cần giải phẫu, họ luôn luôn yêu cầu Edward.

Nàng ngã lưng trên trường kỷ và đôi tay mềm mại vén áo nàng lên và nhẹ nhàng mơn trớn nàng.

Đôi tay của Edward. Mary nhắm mắt lại và cảm thấy môi chàng di chuyển xuống thân thể nàng, đôi môi mềm mại và một cái lưỡi dịu dàng. Edward có một cái lưỡi thật dịu dàng. Và nàng muốn nó không bao giờ dừng lại.

- Tuyệt thật đấy, anh yêu! - nàng nói. - Yêu em đi. Nào yêu em đi!

- Anh sẽ làm ngay bây giờ. - Giọng ông ta khàn khàn, bỗng thô bỉ. Chẳng giống giọng Edward tí nào cả.

Mary mở mắt và nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của người lạ. Trong lúc nàng cảm thấy ông ta bắt đầu cho vào người nàng, nàng bỗng thét lên.

- Không, dừng lại đi!

Olaf Peterson trố mắt nhìn nàng.

- Nhưng…

- Không?

Nàng ngây dại nhìn quanh căn phòng.

- Xin lỗi! - nàng nói. - Tôi đã lầm. Tôi không muốn ông nghĩ rằng tôi…

Nàng lăn qua và chạy lại cửa.

- Đợi đã! Ít nhất hãy để tôi đưa bà về nhà.

Nàng đã biến mất.

Nàng bước xuống những con đường hoang vắng, cố gắng chống chọi với cơn gió lạnh lẽo và tràn ngập một sự xấu hổ sâu xa, đau đớn. Chẳng thể nào giải thích được điều nàng đã làm. Và chẳng có lý do nào cả. Nàng đã làm nhục địa vị của nàng. Và bằng một cách thật là ngu xuẩn! Nàng đã say sưa trước phân nửa đoàn ngoại giao tại Washington, đã đi vào phòng của một người lạ và hầu như đã để ông ta dụ dỗ nàng. Sáng ra, nàng sẽ là mục tiêu cho mọi mục bàn tán tại Washington.

***

Ben Cohn nghe câu chuyện từ ba người đã dự bữa ăn tối tại Toà đại sứ Rumani. Chàng lục qua các cột báo Washington và New York. Chẳng có một lời nào cả về biến cố đã xảy ra. Có ai đấy đã bưng bít câu chuyện này. Phải là ai đấy rất quan trọng.

Cohn ngồi trong một phòng ngủ nhỏ mà báo chí gọi là văn phòng, suy nghĩ. Chàng quay số điện thoại của Ian Villiers.

- Alô, ông Villiers có đấy không?

- Vâng. Ai gọi đấy?

- Ben Cohn!

- Xin vui lòng chờ một chút. - Nàng trở lại điện thoại một phút sau. - Rất tiếc, ông Cohn ạ. Ông Villiers hình như đã đi ra ngoài.

- Khi nào tôi có thể gặp được ông ấy?

- Tôi e rằng ông ấy sẽ bị giữ lại cả ngày đấy.

- Rõ.

Chàng gác ống nghe và quay số của một người viết cột bình luận làm việc cho một tờ báo khác. Chẳng có gì xảy ra tại Washington mà nàng không biết cả.

- Linđa, - chàng bảo - trận đánh hằng ngày thế nào rồi?

- Cũng vậy thôi.

- Chẳng có gì hấp dẫn xảy ra quanh lỗ nước mạ vàng này à?

- Thực sự chẳng có gì cả, Ben ạ. Yên tĩnh chết người đấy.

Chàng bỗng nói:

- Tôi biết rằng Toà đại sứ Rumani đêm qua có một chuỷện động trời đấy.

- Có à! - Giọng nàng bỗng trở nên thận trọng.

- Ờ hờ. Cô có nghe gì về vị tân đại sứ của chúng ta tại Rumani không?

- Không. Bây giờ tôi phải đi, Ben ạ. Có ai gọi điện thoại cho tôi từ xa đấy.

Đường dây im bặt.

Chàng quay số của một người bạn tại Bộ Ngoại giao. Khi nhân viên tổng đài thông đường dây cho chàng, chàng lên tiếng:

- Alô, Alfred?

- Benjie? Nấu nướng gì đấy?

- Lâu thật. Tôi nghĩ rằng mình có thể cùng nhau ăn trưa đấy!

- Tốt. Bạn có đề tài gì đấy?

- Tại sao không để đến lúc gặp anh hãy nói?

- Khá hay. Lịch của tôi hôm nay khá nhẹ đấy. Anh có muốn gặp tôi tại Watergate không?

Ben Cohn lưỡng lự.

- Tại sao chúng ta không đề cập chuyện ấy ở Regina tại Silver Spirings nhỉ?

- Chỗ ấy hơi hẻo lánh một tí, phải không?

- Ừ,- Ben nói, dừng lại một tí. - Tôi biết rồi.

- Một giờ chứ?

- Tốt!

Ben Cohn ngồi ở chiếc bàn trong góc khi người khách của chàng, Alfred Shuttleworth, đến chủ nhà, Tony Sergio, mời chàng ngồi.

- Các bạn thích uống rượu không?

Shuttleworth gọi một ly Martini.

- Tôi chẳng uống gì cả, - Ben Cohn nói.

Alfred Shuttleworth là một người trung niên trông vàng bủng làm việc tại Vụ châu Âu của Bộ Ngoại giao. Ít năm trước, chàng đã dính líu vào một tai nạn lái xe trong lúc say nên Ben Cohn phải đảm nhiệm tờ báo của chàng. Nghề nghiệp của chàng bị đe doạ. Cohn đã bưng bít câu chuyện và Shuttleworth đã cảm kích chàng bằng cách thỉnh thoảng cho chàng những mẩu tin.

- Tôi cần sự giúp đỡ của bạn, Al ạ.

- Nói ra đi và bạn sẽ được.

- Tôi muốn có tin tức nội bộ về tân đại sứ của chúng ta tại Rumani?

Alfred Shuttleworth cau mày.

- Bạn muốn nói gì?

- Có ba người gọi tôi bảo rằng đêm qua tại Toà đại sứ Rumani, bà ấy thực chai đá đến nỗi đã làm trò bỉ ổi trước mặt những nhân vật danh tiếng của Washington đấy. Bạn có đọc báo sáng nay hoặc những ấn phẩm trước của báo buổi chiều không?

- Có. Họ đề cập đến bữa tiệc tại toà đại sứ, nhưng chẳng đề cập gì đến Mary Ashley cả.

- Đúng đấy. Tin bạc đấy.

- Xin lỗi.

- Sherloek Holmes: Con chó ấy không chịu sủa. Nó im lặng. Báo chí cũng vậy. Tại sao những tay viết cột lượm lặt lại bỏ qua một câu chuyện hay ho như thế nhỉ? Có ai đấy đã bưng bít câu chuyện. Một người nào đấy quan trọng. Nếu có một nhân vật quan trọng nào khác công khai tự làm nhục mình, có lẽ báo chí sẽ được một ngày lễ hội của La Mã đấy.

- Việc ấy không cần thiết phải làm theo, Ben ạ.

- A, có một cô bé Lọ Lem đến từ đâu không biết, được chiếc đũa thần của Tổng thống chạm đến và bỗng biến thành Grace Kelly. Công chúa Di Jacqueline Kennedy cuộn lại thành một. Bây giờ tôi phải công nhận bà ấy đẹp, nhưng bà ấy không đến nỗi xinh đẹp như thế. Bà ấy xuất sắc, nhưng không đến nỗi xuất sắc như thế. Theo ý kiến thô thiển của tôi, việc giảng dạy một lớp ở khoa chính trị tại Trường đại học tiểu bang Kansas không hẳn tạo đủ điều kiện cho bất cứ ai làm đại sứ, tại một trong những điểm nóng hổi của thế giới như thế.

- Tôi sẽ cho bạn biết một điều vô trật tự khác. Tôi đã bay đến thị trấn Junction và nói chuyện với vị cảnh sát trưởng ở đấy.

Alfred Shuttleworth nốc cạn ly Martini còn lại.

- Tôi nghĩ rằng tôi muốn uống một ly Martini nữa. Bạn làm cho tôi lo âu đấy.

- Hãy đến câu lạc bộ. - Ben Cohn gọi một ly Martini.

- Tiếp tục đi, - Shuttleworth nói.

- Bà Ashley không nhận lời Tổng thống vì chồng bà ấy không thể bỏ công việc thực nghiệm y khoa của ông ấy. Rồi ông ta bị giết trong một tai nạn ôtô thích hợp. Thế là người phụ nữ có mặt tại Washington trên đường đi Bucarest. Đúng là có ai đấy đã xếp đặt kế hoạch ngay từ đầu.

- Một người nào đấy à? Ai thế?

- Đấy là một câu hỏi lớn!

- Ben à, anh đề nghị gì đấy?

- Tôi chẳng đề nghị gì cả. Để tôi cho anh biết Cảnh sát trưởng Munster đã đề nghị gì. Ông ta nghĩ rằng thật là đặc biệt vì có nửa chục nhân chứng lộ diện từ đâu không rõ giữa đêm đông giá lạnh, chỉ đúng lúc để chứng kiến tai nạn. Và anh còn muốn nghe một điều còn đặc biệt hơn không?

Tất cả bọn họ đều biến mất cả. Từng người một.

- Tiếp tục đi.

- Tôi đã đến pháo đài Riley để nói chuyện với tài xế xe tải quân đội đã giết chết bác sĩ Ashley.

- Và ông ta có gì để nói?

- Không nhiều đâu. Ông ta đã chết. Lên cơn đau tim. Hai mươi bảy tuổi.

Shuttleworth đang nghịch với đế ly của mình.

- Tôi cho rằng còn nữa phải không?

- Ồ vâng. Còn nữa. Tôi đến văn phòng CID tại pháo đài Riley để phỏng vấn đại tá Jenkins, vị sĩ quan phụ trách điều tra quân đội cũng là một trong những nhân chứng của tai nạn. Vị đại tá không còn ở đấy. Ông ta đã được thăng cấp và thuyên chuyển đi. Bây giờ ông ta là thiếu tướng ở đâu đấy tại hải ngoại. Hình như chẳng ai biết ở đâu cả!

Alfred Shuttleworth lắc đầu.

- Ben, tôi biết bạn là một phóng viên đại tài, nhưng tôi thực tâm nghĩ rằng lần này bạn mất dấu rồi đấy. Bạn đang xây dựng một ít sự kiện trùng hợp vào một phim truyện Hitcock đấy. Người ta vẫn bị chết vì các tai nạn ô tô. Người ta vẫn bị lên cơn đau tim và các sĩ quan vẫn được thăng cấp. Bạn đang tìm một loại âm mưu nào đấy ở nơi mà chẳng có gì cả.

- Al, bạn có nghe đến một tổ chức gọi là "Các nhà yêu nước vì tự do" không?

- Không. Cái gì đấy giống như DAR à?

Ben Cohn điềm tĩnh nói:

- Chẳng giống DAR chút nào cả. Tôi vẫn nghe tin đồn đại, nhưng tôi chẳng xác định được gì cả.

- Loại tin đồn nào thế?

- Nó được xem là một phe đảng của cánh hữu cấp cao và những người cuồng tín cánh tả từ hàng chục quốc gia phương Đông và phương Tây. Lý tưởng của họ đối lập hoàn toàn, nhưng điều đã đưa họ lại gần với nhau là sự sợ hãi. Các phần tử Cộng sản nghĩ rằng kế hoạch của Tổng thống Ellison là một trò của khối tư bản nhằm tiêu diệt khối Đông Âu Những người cánh hữu tin rằng kế hoạch của ngài sẽ là một cánh cửa mở để cho cộng sản tiêu diệt chúng ta. Do đó, họ đã thành lập cái liên minh xấu xa này.

- Chúa ơi! Tôi không tin!

- Còn nữa. Ngoài những nhân vật quan trọng người ta bảo rằng nhiều nhóm nhỏ của các cơ quan an ninh của các quốc gia khác nhau cũng dính líu vào. Bạn có nghĩ rằng bạn có thể phối kiểm lại giùm tôi được không?

- Tôi không biết. Tôi sẽ cố gắng.

- Tôi đề nghị bạn làm việc ấy một cách kín đáo nhé. Nếu tổ chức ấy có thực, họ sẽ không mừng run để cho bất cứ ai chõ mũi vào đâu!

- Tôi sẽ bàn lại với bạn sau, Ben.

- Cám ơn. Hãy gọi bữa ăn trưa nhé.

Món mỳ ống chiên giòn ngon tuyệt.

***

Alfred Shuttleworth hoài nghi về lý thuyết của Ben Cohn. Các phóng viên hay tìm những khía cạnh giật gân; Shuttleworth nghĩ thế. Chàng thích Ben Cohn, nhưng Shuttleworth chẳng có ý kiến gì về cách dò la về một tổ chức thần bí khả dĩ có được cả. Nếu nó có thực sự, nó sẽ có trong một chiếc máy điện toán nào đấy của chính phủ. Bản thân chàng không thể đến gần các máy điện toán được "Nhưng mình biết có người", Alfred Shuttleworth nhớ lại. - Mình sẽ gọi ông ta.

Alfred Shuttìeworth đang uống ly Martini thứ hai thì Peter Connors bước vào quán rượu.

- Xin lỗi tôi đến trễ, - Connors bảo: "Một vấn đề nhỏ tại hãng nước chấm!"

Peter Connors gọi một ly Scoth và Shuttleworth một ly Martini khác.

Hai người đã gặp nhau vì bạn gái của Connors và vợ của Shuttleworth đã làm việc cùng hãng và kết bạn với nhau. Connors và Shuttleworth hoàn toàn đối nghịch, một người can dự vào những trò chơi điệp báo chết người và người kia làm việc như một quan lại bàn giấy. Tính cách khác biệt nhau ấy đã làm họ thích thú khi kết bạn với nhau, và thỉnh thoảng họ trao đổi cho nhau những tin tức hữu ích. Lần đầu tiên khi Shuttleworth gặp ông ta, Peter Connors là một người bạn vui tính và hấp dẫn. Ở đâu đấy suốt chặng đường, có một điều gì đấy đã làm ông ta trở nên gắt gỏng. Ông ta đã trở thành một người phản động cay cú hơn.

Shuttleworth hớp ly Martini của chàng.

- Peter. Tôi nhờ bạn một việc đặc biệt. Bạn có thể xem giùm tôi một điều trong máy điện toán của CIA không? Có lẽ không có ở đấy, nhưng tôi đã hứa với một người bạn rằng tôi sẽ cố gắng.

Connors cười thầm.

- Tên khốn khổ này có lẽ muốn tìm xem có ai đấy nện vợ hắn không.

- Được. Tôi có nợ bạn một ít. Bạn muốn biết về ai?

- Đấy không phải là ai, đấy là cái gì đấy. Và có lẽ nó cũng không có. Đấy là một tổ chức gọi là "Các nhà yêu nước vì tự do". Bạn đã nghe đến chỗ nó chưa?

Peter Connors cẩn thận đặt ly rượu xuống.

- Tôi không thể nói rằng tôi biết, Al ạ. Bạn của bạn tên gì?

- Ben Cohn. Anh ấy là một phóng viên của tờ Post.

***

Sáng hôm sau, Ben Cohn đi đến quyết định.

Chàng bảo Akiko.

- Hoặc là anh nắm được câu chuyện của thế kỷ, hoặc anh chẳng có gì cả. Đây là lúc anh đã tìm ra!

- Cám ơn Chúa! - Akiko reo lên. - Arthur sẽ rất sung sướng đấy?

Ben Cohn gọi Mary Ashley tại văn phòng nàng.

- Chào Đại sứ. Ben Cohn. Bà nhớ tôi không?

- Vâng, ông Cohn. Ông đã viết câu chuyện ấy chưa?

- Thưa bà Đại sứ, đấy là điều tôi đến thăm bà đấy Tôi đã đến thị trấn Junction và nhặt được một số tin mà tôi nghĩ rằng bà sẽ quan tâm đến.

- Loại tin tức nào thế?

- Tôi không thích nói chuyện ấy qua điện thoại.

- Tôi không biết liệu chúng ta có thể gặp nhau đâu đấy không?

- Tôi có cả một thời khoá biểu thực khôi hài. Để tôi xem. Tôi rảnh được nửa giờ sáng thứ sáu, được không?

- Qua ba ngày! Tôi đoán là có thể đợi đến lúc đó.

- Ông có muốn đến văn phòng tôi không?

- Có một quầy cà phê tầng dưới trong toà nhà của bà. Tại sao chúng ta không gặp nhau ở đấy?

- Được rồi, tôi sẽ gặp ông vào thứ sáu.

Họ chào nhau và gác máy. Một lúc sau, có tiếng clic thứ ba trên đường dây.

***

Chẳng có cách nào để tiếp xúc trực tiếp vớỉ ngài chủ sự cả. Ông ta đã tổ chức và hỗ trợ cho tổ chức "Các nhà yêu nước vì tự do", nhưng ông ta không bao giờ dự các buổi họp và ông ta hoàn toàn nặc danh. Ông ta là một số điện thoại - không thể tìm ra được (Connors đã cố gắng) - và một máy ghi bảo rằng, - Bạn có sáu mươi giây để chuyển công điện. - Số ấy chỉ được dùng trong những trường hợp khẩn cấp. Connors dừng lại tại một phòng điện thoại công cộng để gọi. Ông ta dùng đến máy ghi. Bức điện được nhận lúc 6 giờ tối. Tại Buenos Aires lúc ấy 8 giờ tối.

- Vị chủ sự nghe bức điện hai lần, rồi quay một số ông đợi đến ba phút mới nghe giọng của Neusa Munez trên máy.

- Vâng! Vị chủ sự lên tiếng, - Đây là người đã dàn xếp với cô trước kia về Angel. Tôi có một hợp đồng khác với ông ấy. Cô có thể tiếp xúc ngay với ông ấy không?

- Tôi không biết. - Nàng có vẻ say.

Ông cố kìm lại sự sốt ruột trong giọng nói của mình.

- Khi nào cô hy vọng được tin anh ấy?

- Tôi không biết.

- Con mụ quỷ quái thật. - Hãy nghe tôi đây.

Ông nói từ từ và thận trọng, dường như đang nói với một đứa bé. - Hãy bảo Angel rằng tôi cần làm ngay việc này. Tôi muốn ông ấy…

- Chờ một phút. Tôi phải đi cầu…

Ông nghe nàng bỏ điện thoại xuống. Vị chủ sự ngồi đấy, đầy thất vọng.

Ba phút sau, nàng trở lại đường dây.

- Uống nhiều bia làm mắc tiểu đấy. - Nàng lên tiếng.

Ông nghiến răng.

- Điều này rất quan trọng.

Ông ngại nàng sẽ chẳng còn nhớ gì cả.

- Tôi muốn cô lấy bút chì viết lại. Tôi sẽ nói từ từ.

***

Tối hôm ấy, Mary tham dự một bữa tiệc do Toà đại sứ Canada tổ chức. Lúc nàng rời văn phòng về nhà thay đồ, James Stickley nói:

- Tôi muốn đề nghị lần này bà sẽ nhấm các ly rượu chúc mừng!

Ông ta và Mike Slade là một cặp bài trùng tuyệt vời.

Bây giờ nàng đến dự tiệc và nàng mong được thoải mái với Beth và Tim. Những khuôn mặt ở bàn, nàng đều không quen. Bên phải nàng là một tay trùm tàu bè Hy Lạp. Bên trái nàng là một nhà ngoại giao Anh.

Một nhà tai mắt Philadelphia đeo đầy kim cương; bảo Mary.

- Thưa bà Đại sứ, bà thích Washington chứ?

- Rất nhiều, cám ơn bà.

- Có lẽ bà sung sướng run vì đã thoát khỏi Kansas của bà đấy!

Mary nhìn bà ta không hiểu.

- Thoát khỏi Kansas à?

Người phụ nữ tiếp tục nói:

- Tôi chưa bao giờ đến Trung Mỹ cả, nhưng tôi tưởng tượng có lẽ nó kinh khủng đấy. Tất cả những nông gia ấy và chẳng có gì cả ngoài những cánh đồng bắp và lúa mì ảm đạm. Thật là ngạc nhiên vì bà có thể chịu đựng lâu thật đấy.

Mary cảm thấy một cơn giận đang dâng lên, nhưng nàng tự chủ được giọng nói. - Bắp và lúa mì mà bà đang đề cập đến - nàng lịch sự bảo "Nuôi thế giới đấy".

Người phụ nữ lên giọng kẻ cả.

- Xe cộ chúng ta chạy bằng xăng, nhưng tôi không muốn sống trong những vùng có dầu. Nói một cách văn chương, người ta phải sống tại Phương Đông, phải không? Bây giờ hoàn toàn đúng đắn - tại Kansas, trừ phi người ta phải ra đồng gặt hái cả ngày, thực sự chẳng có gì để làm cả phải không?

Những người khác ở bàn đều lắng nghe kỹ.

Thực sự chẳng có gì để làm cả, phải không?

Mary nghĩ đến những chuyến xe chở cỏ khô tháng 8, những phiên chợ trong thành phố, và những bi kịch cổ điển thú vị tại rạp hát của Trường đại học. Những buổi cắm trại Chủ Nhật tại công viên Milford, các cuộc thi đấu banh mềm và những cuộc câu cá trong hồ trong vắt. Ban nhạc chơi trên sân cỏ, các cuộc họp mặt trong sảnh đường thành phố, các bữa tiệc tập thể, các cuộc khiêu vũ đồng quê và niềm phấn khởi lúc gặt hái… những chuyến xe trượt tuyết và những đợt pháo bông ngày 4 tháng 7 sáng rực bầu trời Kansas êm ả.

Mary bảo người phụ nữ.

- Nếu bà thực sự chưa bao giờ đến Trung Mỹ bà thực sự không biết điều bà đang nói! Vì đấy là điều cả đất nước này cần đến. Nước Mỹ không phải là Washington, Los Angeles hoặc New York. Chính hàng nghìn những thành phố nhỏ mà bà chưa từng thấy hoặc nghe đến đã làm cho đất nước này vĩ đại. Đấy là những người thợ mỏ, những nông dân và những công nhân quần áo bẩn thỉu. Và vâng, tại Kansas chúng tôi có vũ kịch, nhạc giao hưởng và sân khấu. Và, để bà mở kiến thức, chúng tôi còn trồng nhiều thứ hơn cả bắp và lúa mì - chúng tôi trồng những con người trung tín với Thượng Đế.

***

- Bà biết rằng, dĩ nhiên, bà đã làm nhục em gái của một thượng nghị sĩ rất quan trọng đấy! – James Stickley cho Mary biết sáng hôm sau.

- Chưa đủ đâu. - Mary thách thức nói. - Chưa đủ đâu.

***

Sáng thứ năm Angel khó ở, chuyến bay từ Buenos Aires đến Washington DC phải hoãn lại vì một cú điện thoại đe doạ như bom nổ.

Cuộc đời không còn an toàn nữa, - Angel suy nghĩ một cách giạn dữ. Phòng khách sạn đã đăng ký trước tại Washington cũng quá hiện đại nữa - từ ấy là gì nhỉ "Plastic. Đúng là nó". Tại Buenos Aires, mọi việc đều là "Autentico" cả.

Mình sẽ hoàn tất hợp đồng này và trở về nhà. Công việc đơn giản hầu như là một điều nhục mạ cho tài năng của mình. Nhưng tiền bạc tuyệt vời.

Đêm nay mình sẽ được bù khú. Mình không biết tại sao sự giết chóc làm mình cứ cương cứng lên. Lần dừng lại đầu tiên của Angel là ở một cửa hàng phụ tùng điện, rồi một tiệm sơn và cuối cùng là một siêu thị, nơi Angel chỉ mua sáu bóng đèn.

Thiết bị còn lại đang đợi trong phòng khách sạn hai thùng dán kín ghi "Dễ vỡ - Nhẹ tay". Bên trong chiếc thùng thứ nhất là bốn quả lựu đạn tay sơn màu xanh quân đội. Trong thùng thứ hai là dụng cụ hàn.

Bằng cách làm việc thật chậm chạp, thật thận trọng, Angel cắt phần trên của quả lựu đạn thứ nhất ra rồi sơn phần đáy cùng màu với bóng đèn.

Bước kế tiếp là lấy thuốc nổ ra và thay bằng một loại chất nổ cực mạnh. Khi nó được nhét chặt vào, Angel thêm vào đấy những mảnh chì và kim loại.

Angel đập một bóng đèn vào bàn, giữ lại dây tóc và đế tim đèn. Chỉ mất không đầy một phút để hàn dây tóc của bóng đèn vào một ngòi nổ điện. Bước cuối cùng là nhét sợi dây tóc vào một chất đệm để giữ cho nó vững và rồi đặt nhẹ nó vào bên trong quả lựu đạn đã sơn. Khi Angel hoàn tất, nó trông y như một bóng đèn bình thường.

Angel bắt đầu làm đến các bóng đèn còn lại. Sau đấy, chẳng còn gì khác để làm ngoài việc chờ đợi một cú điện thoại.

Điện thoại reo lúc 8 giờ buổi chiều ấy. Angel nhấc điện thoại lên và lắng nghe, không nói gì cả.

Sau một lúc, một giọng bảo

- Hắn di rồi.

Angel gác ống nghe. Cẩn thận, thật cẩn thận bỏ cái bóng đèn vào một chiếc hộp nhồi vỏ bào và đặt vào một chiếc vali cùng với tất cả những mảnh vật liệu phế thải.

Chuyến taxi đến chung cư mất 17 phút.

Chẳng có người giữ cửa nào ở hành lang cả, nhưng nếu có, Angel đã chuẩn bị sẵn để đối phó.

Mục tiêu ở tầng năm. Phòng cuối của hành lang. Cái khoá là một cái Schlage kiểu xưa, rất đơn giản để sử dụng. Angel vào bên trong căn phòng chỉ trong vài giây, đứng im làng tai nghe. Chẳng có ai ở đấy cả Việc thay sáu cái bóng đèn trong phòng khách chỉ mất ít phút. Sau đấy, Angel hướng về sân bay Dulles để đáp chuyến bay nửa đêm về lại Buenos Aires.

***

Thật là một ngày dài cho Ben Cohn. Chàng đã theo dõi một cuộc họp báo vào buổi sáng do Bộ Trưởng Ngoại giao tổ chức, một bữa ăn trưa cho Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ về hưu, và đã được tường trình ngoài chương trình do một người bạn tại Bộ quốc phòng. Chàng đã về nhà tắm và thay đồ rồi lại đi ăn tối với một chủ bút lão thành của tờ Post. Khi chàng trở về toà chung cư cửa chàng trời đã gần nửa đêm.

- Mình phải chuẩn bị giấy tờ cho cuộc họp mặt với Đại sứ Ashley, ngày mai, - Ben nghĩ thế.

Akiko đã ra ngoài thành phố và chỉ trở về vào ngày mai. - Cũng thật đúng lúc. Mình có thể dùng phần thì giờ còn lại. Nhưng lạy Chúa - chàng bật cười nghĩ thế. - Người phụ nữ ấy chắc biết cách ăn một quả chuối nứt nẻ.

Chàng tra chìa vào ổ khoá và mở cửa. Căn phòng tối như mực. Chàng với tay lên công tắc đèn và ấn vào. Đột nhiên ánh sáng chớp loá và căn phòng nổ như một quả bom nguyên tử, tung toé những mảnh vụn của thân thể chàng vào bốn bức tường.

Ngày hôm sau, vợ của Alfred Shuttleworth báo cáo chàng mất tích. Không ai bao giờ tìm thấy chàng nữa.
 
Chương 18


- Chúng tôi vừa nhận được lời thông báo chính thức - Stanton Rogers nói. - Chính phủ Rumani đã chấp thuận cho bà làm tân Đại sứ của Hoa Kỳ!

Đây là một trong những lúc hồi hộp nhất trong cuộc đời của Mary Ashley. Có lẽ ông nội mình sẽ rất tự hào đấy.

- Tôi muốn đích thân mang cho bà tin tức tốt đẹp Mary ạ. Tổng thống muốn gặp bà. Tôi sẽ đưa bà đến Toà Bạch Ốc.

- Tôi không biết phải cám ơn ông như thế nào về mọi việc ông đã làm, Stan ạ.

- Tôi chưa làm gì cả, - Rogers phản đối. - Chính Tổng thống đã chọn bà. - Ông cười. - Và tôi phải nói rằng ông ấy đã chọn lựa thật tuyệt đấy.

Mary nghĩ đến Mike Slade.

- Có một số người không đồng ý.

- Họ nhầm đấy. Bà có thể làm nhiều hơn ở đấy cho quốc gia chúng ta hơn bất cứ người nào mà tôi có thể nghĩ đến.

- Cám ơn ông - nàng khiêm tốn nói. - Tôi sẽ cố gắng sống cho điều ấy.

Nàng định nói về chuyện của Mike Slade.

Stanton Rogers có nhiều quyền lực. Có lẽ ông có thể thu xếp cho Slade ở lại Washington.

Không, Mary nghĩ thế, mình không nên đặt lên người Stan. Ông ấy đã làm đủ rồi.

- Tôi có một đề nghị. Thay vì bay thẳng sang Bucarest, tại sao bà và các cháu không dừng chân trước tiên tại Paris và Rome ít ngày. Các chuyến bay của Hàng không Tarom sẽ bay trực tiếp từ Rome đến Bucarest đấy.

Nàng nhìn ông nói:

- Ồ, Stan, sẽ là thiên đường đấy? Nhưng tôi có thì giờ không?

- Ông nháy mắt. - Tôi có bạn bè ở địa vị cao. Để tôi thu xếp cho bà!

Nàng cao hứng ôm chầm lấy ông. Ông đã trở nên một người bạn thực thân thiết. Những giấc mơ mà nàng và Edward thường đề cập đến sắp biến thành sự thật. Nhưng không có Edward. Đấy là một ý nghĩ vừa ngọt ngào, vừa cay đắng.

***

Mary và Stanton Rogers được đưa vào Phòng Xanh bởi Tổng thống Elhson đang đợi họ.

- Tôi muốn xin lỗi bà về sự chậm trễ trong vấn đề tiến hành công việc, Mary ạ. Stanton đã bảo cho bà biết rằng bà đã được chính phủ Rumani chấp thuận. Đây là uỷ nhiệm thư của bà. Ông trao cho nàng một bức thư. Nàng chậm rãi đọc:

"Bà Mary Ashley theo đây được bổ nhiệm làm Trưởng Đại diện cho Tổng thống Hoa Kỳ tại Rumani và mọi nhân viên của chính phủ Hoa Kỳ đi theo đều thuộc thẩm quyền của bà".

- Cái này kèm theo nó, - Tổng thống trao cho Mary một hộ chiếu. Nó mang bìa đen thay vì bìa xanh thường lệ. Mặt trước in bằng chữ mạ vàng: "Hộ chiếu ngoại giao!

Mary đã tiên liệu điều này hàng tuần trước, nhưng bây giờ, khi việc ấy đã đến, nàng hầu như không thể tin được điều gì đã xảy ra.

Paris!

Rome!

Bucarest!

Hình như nó có vẻ quá đẹp để thành sự thật, và không biết từ đâu, một điều mà mẹ của Mary thường bảo nàng chợt thoáng hiện trong óc nàng: "Nếu có điều gì có vẻ như quá đẹp để trở thành sự thật, Mary ạ, có lẽ có đấy".

***

Có một mục ngắn ngủi trong báo buổi chiều rằng phóng viên Ben Cohn của tờ Washington Post đã bị giết bằng hơi nổ trong phòng của chàng. Vụ nổ được xem như do một cái bếp ga bị hở.

Mary không nhìn thấy bản tin. Khi Ben Cohn không tới chỗ hẹn của họ, Mary khẳng định rằng hoặc là chàng phóng viên đã quên hoặc không còn quan tâm nữa. Nàng trở lại văn phòng với công việc của nàng.

Sự liên hệ giữa Mary và Mike Slade càng lúc càng khiến nàng giận dữ hơn.

- Hắn là người đàn ông ngạo mạn nhất mà mình chưa hề gặp - Mary nghĩ thế. - Mình sẽ phải nói chuyện với Stan về hắn.

Stanton Rogers đi theo Mary và bọn trẻ đến sân bay Dulles trong một chiếc xe hòm của Bộ Ngoại giao. Trong chuyến đi, Stanton bảo rằng:

- Các Toà đại sứ tại Paris và Rome đã được báo trước về việc bà đến đấy. Họ sẽ lo săn sóc chu đáo cho ba người.

- Cám ơn Stan. Ông rất tuyệt.

Ông mỉm cười.

- Tôi không thể cho bà biết tôi hài lòng như thế nào.

- Con có thể đi thăm khu hầm mộ ở Rome không?

Stanton cảnh cáo:

- Dưới đấy khá dễ sợ đấy! Tim!

- Đấy là điều khiến cháu muốn đi thăm đấy.

***

Tại sân bay, Ian Villers đang đợi với hàng chục nhiếp ảnh viên và phóng viên. Họ vây quanh Mary, Beth và Tim và gọi to các câu hỏi thông thường.

Cuối cùng, Stanton Rogers nói:

- Đủ rồi đấy.

Hai người thuộc Bộ Ngoại giao và một đại diện của hãng hàng không đưa phái đoàn vào trong một phòng riêng. Hai đứa bé đi tới giá để tạp chí.

Mary nói:

- Stan, tôi không thích trút gánh nặng này cho ông, nhưng James Stickley bảo tôi rằng Mike Slade sẽ là phó trưởng phái đoàn của tôi. Có cách nào để thay đổi việc ấy không?

Ông nhìn nàng ngạc nhiên.

- Bà đang có vấn đề gì với Slade à?

- Nói thật nghiêm chỉnh, tôi không thích ông ta tôi không thể cho ông biết lý do. Có ai có thể thay ông ta không?

Stanton Rogers nói với vẻ suy tư:

- Tôi không rõ Mike Slade mấy nhưng tôi biết ông ta có một hồ sơ thật tuyệt vời. Ông ta đã phục vụ xuất sắc trong các nhiệm sở tại Trung Đông và châu Âu. Ông ta có thể cho bà biết chính xác loại nghiệp vụ nào bà sẽ cần đến.

Nàng thở dài:

- Ông Stickley cũng đã nói như thế!

- Tôi e rằng tôi phải đồng ý với ông ấy, Mary ạ. Slade có tài giải quyết những việc rắc rối đấy!

- Không phải. Slade chính là rắc rối đấy. Chấm hết!

- Nếu bà có vấn đề gì với ông ta, tôi muốn bà hãy cho tôi biết. Thực sự nếu bà có vấn đề gì với ai, - tôi muốn bà hãy cho tôi biết. Tôi muốn biết chắc chắn rằng bà có được tất cả mọi sự giúp đỡ mà tôi có thể cho bà được!

- Tôi xin cám ơn về điều ấy.

- Một việc cuối cùng. Bà biết rằng tất cả những sự giao thiệp của bà sẽ được ghi lại và gởi đến các bộ tại Washington chứ?

- Vâng!

- À, nếu bà có bất cứ công điện nào muốn gửi cho tôi mà không có ai khác được đọc, mật mã ở đầu công điện là ba chữ x. Tôi sẽ là người duy nhất nhận công điện ấy!

- Tôi sẽ nhớ!

***

Sân bay Charles De Gaulle là một điều ngoài sự tưởng tượng của khoa học, một chiếc kính vạn hoa, những hàng cột bằng đá và điều đáng chú ý đối với Mary hình như là hàng trăm chiếc cầu thang tự động chạy loạn xạ. Sân bay đông nghẹt hành khách.

- Hãy đứng gần mẹ nhé, các con, - Mary thúc giục.

Khi họ ra khỏi cầu thang tự động, nàng nhìn quanh tuyệt vọng. Nàng chặn một người Pháp đang đi qua và tập trung nhớ lại vài câu tiếng Pháp mà nàng biết. Nàng hỏi một cách ngập ngừng.

- Xin lỗi, thưa ông, hành lý ở đâu?

Bằng một âm Pháp nặng, ông ta buồn bã nói, - Rất tiếc, thưa bà. Tôi không nói được tiếng Anh.

Ông ta bỏ đi để lại Mary trố mắt nhìn theo.

Vừa lúc ấy, một thanh niên Mỹ ăn mặc lịch sự vội vàng đến với Mary và con nàng.

- Thưa bà Đại sứ, hãy thứ lỗi cho tôi? Tôi được chỉ thị gặp bà ở phi cơ, nhưng tôi bị chậm trễ vì một tai nạn lưu thông. Tên tôi là Peter Callas. Tôi là việc tại Toà đại sứ Mỹ.

- Tôi thực sự hân hạnh được gặp ông, - Mary nói. - Tôi nghĩ rằng tôi đã bị lạc. - Nàng giới thiệu con nàng. - Chúng tôi tìm hành lý chúng tôi ở đâu?

- Chẳng có gì đáng lo cả, - Peter Callas quả quyết với nàng. - Mọi việc sẽ được chu tất cho bà.

Chàng nói đúng. 15 phút sau, trong lúc các hành khách khác bắt đầu đi qua quầy kiểm tra hộ chiếu và quan thuế, Mary, Beth và Tim hướng về cổng ra của sân bay.

Thanh tra Henri Durand thuộc ban Tổng giám đốc an ninh ngoại giao, Cơ quan tình báo Pháp, quan sát họ bước vào một chiếc xe hòm đang đợi sẵn. Khi chiếc xe chuyển bánh, viên thanh tra bước đến một dãy phòng điện thoại và đi vào một phòng. Ông đóng cửa, cài then và quay số.

Khi có người trả lời, ông nói:

- Xin vui lòng nói với Thor rằng kiện hàng của ông ấy đã đến Paris.

Khi chiếc xe hòm đậu trước Toà đại sứ Mỹ, báo chí Pháp đang đợi đông nghẹt.

Peter Callas nhìn ra cửa xe.

Chúa ơi. Giống như một đám biểu tình.

Đợi họ bên trong là Hugh Simon, Đại sứ Mỹ ở Pháp. Ông là người Texas, đứng tuổi, với đôi mắt tò mò trên một khuôn mặt tròn, trên đó là mái tóc đỏ nhạt dợn sóng.

- Chắc là mọi người rất nôn nóng được gặp bà, bà Đại sứ ạ. Báo chí đã lẩn quẩn bên chân tôi suốt buổi sáng!

Cuộc họp báo của Mary kéo dài suốt hơn một giờ. Khi xong xuôi, nàng mệt lử. Mary và lũ con được đưa đến văn phòng của Đại sứ Simon.

- À, - ông nói - Tôi hài lòng vì việc ấy đã xong. Khi tôi đến đây để nhận việc này, tôi nghĩ rằng nó chiếm cả một đoạn trong trang cuối của tờ Le Monde đấy. - Ông mỉm cười, - Dĩ nhiên, tôi không xinh như bà. - Ông ta nhớ lại một việc. - Tôi đã nhận được điện thoại của Stanton Rogers. Tôi nhận những chỉ thị vô cùng quan trọng của Toà Bạch Ốc để lo cho bà, Beth và Tim được vui vẻ trong tất cả thời gian gia đình bà còn ở tại Paris.

- Thực sự vô cùng quan trọng à? - Tim hỏi.

Đại sứ Simon gật đầu.

- Lời ông ấy đấy. Ông ấy rất mến tất cả mọi người trong gia đình bà!

- Chúng tôi rất mến ông ấy, - Mary quả quyết với ông.

- Tôi đã thu xếp cho bà một dãy phòng tại Ritz. Đấy là một khách sạn đáng yêu cách xa quảng trường Concorde. Tôi chắc rằng bà sẽ hoàn toàn thoải mái ở đấy!

- Cám ơn ông. - Rồi nàng lo âu hỏi, - Có đắt lắm không?

- Vâng - nhưng bà không phải lo. Stanton Rogers đã thu xếp cho Bộ Ngoại giao chịu tất cả chi phí của bà.

Mary nói:

- Ông ấy tuyệt vời không thể tưởng tượng được!

- Theo ông ấy, bà cũng vậy đấy.

Các tờ báo chiều và tối đăng tải những câu chuyện rực rỡ về chuyến đến của vị đệ nhất Đại sứ Tổng thống trong chương trình giữa các dân tộc của ngài. Sự kiện chiếm toàn bộ chương trình tin tức truyền hình tối và báo chí buổi sáng ngày hôm sau.

Thanh tra Durand nhìn chồng báo và mỉm cười.

Mọi việc đều tiến triển theo kế hoạch. Cuộc quảng cáo này còn tốt hơn cả điều mong đợi. Ông có lẽ sẽ tiên đoán được lộ trình của gia đình Asley trong ba ngày nữa. - Họ sẽ đi đến tất cả các địa điêm du lịch không đáng lưu tâm để thăm viếng đối với người Mỹ, - Ông nghĩ thế.

Mary và con ăn trưa tại nhà hàng Jules Verne ở tháp Eiffel và sau đấy lên đỉnh cung Chiến thắng.

Sáng hôm sau họ đi xem bảo vật ở điện Louvres, ăn trưa gần Versailles và ăn chiều tại tháp D Argent.

Tim nhìn ra cửa sổ nhà hàng xem nhà thờ Notre-Dame và hỏi:

- Họ giữ "Thằng Gù" ở đâu thế?

Mỗi giây phút tại Paris đều là một niềm vui thú. Mary vẫn cứ nghĩ rằng nàng mong có Edward

Ngày tiếp theo sau khi ăn trưa, họ được đưa đến sân bay. Thanh tra Durand nhìn họ ghi tên vào chuyến bay đến Rome.

- Người phụ nữ trông hấp dẫn, quả thật đáng yêu. Một khuôn mặt thông minh. Hình dáng đẹp, chân và mông lớn. Mình không biết nàng ta sẽ trông như thế nào trên giường nhỉ? Lũ trẻ, thật là một điều kinh ngạc. Chúng rất đúng đắn so với người Mỹ.

Khi phi cơ cất cánh, Thanh tra Durand đến một phòng điện thoại:

- Xin vui lòng nói với Thor rằng kiện hàng của ông ấy đang trên đường đi Rome.

Tại Rome, báo chí đang đợi tại sân bay Michel-Angele. Lúc Mary và con nàng xuống phi cơ, Tim nói:

- Trông kìa, mẹ, họ theo chúng ta kìa!

Quả thực, đối với Mary hình như sự khác biệt duy nhất là âm điệu Ý.

Câu hỏi đầu tiên của các phóng viên là:

- Bà thích Ý như thế nào?

Đại sứ Oscar Viner cũng bối rối như Đại sứ Simon.

- Frank Sinatra không được tiếp đón lớn như thế này. Có điều gì đấy ở bà mà tôi không được biết chăng, bà Đại sứ?

- Tôi nghĩ rằng tôi có thể giải thích, - Mary đáp - Không phải tôi là người báo chí quan tâm đến. Họ quan tâm đến chương trình giữa các dân tộc của Tổng thống đấy. Chẳng bao lâu, chúng ta sẽ có đại diện tại mỗi quốc gia khối XHCN. Đấy sẽ là một bước vĩ đại hướng đến hoà bình. Tôi nghĩ rằng đấy là điều đã kích thích giới báo chí.

Sau một lúc, Đại sứ Viner nói:

- Nhiều việc đặt lên người bà, phải không?

Đại tá Caesar Barzini, trưởng ngành cảnh sát mật Ý, cũng có thể tiên đoán chính xác những địa điểm mà Mary và con nàng sẽ thăm viếng trong những ngày ở lại ngắn ngủi của họ.

Vị đại tá cho hai người canh chừng gia đình Ashley và mỗi ngày khi họ báo cáo lại, hầu như đúng những điều ông đã liệu trước.

- Họ uống sôđa pha kem lạnh tại Doney, đi bộ dọc theo đường Veneto và đi thăm điện Colossée!

- Họ đến thăm suối Trevi. Bỏ vào đấy những đồng tiền.

- Thăm Terme đi Caracalla và rồi Hầm mộ. Cậu bé đau và được đưa về lại khách sạn.

- Các đối tượng đi xe ngựa trong công viên Borghese và đi bộ dọc theo Piazza Navona!

- Cứ vui chơi đi - Đại tá Barzini nghĩ một cách mỉa mai.

Đại sứ Viner hộ tống Mary và con nàng đến sân bay.

- Tôi có một túi ngoại giao gửi đến Toà đại sứ ở Rumani. Bà có phiền khi mang nó theo với hành lý của bà không?

- Dĩ nhiên là không. - Mary nói.

***

Đại tá Barzini đến sân bay để quan sát gia đình Ashley lên chiếc phi cơ Hãng hàng không Tarom đi Bucarest. Ông ở lại đến lúc phi cơ cất cánh, rồi gọi điện thoại.

- Tôi có một công điện cho Balder. Mọi sự đều hoàn hảo. Báo chí vây kinh khủng thật.

***

Chỉ sau khi họ đã ở trên không, sự lớn lao của điều sắp xảy ra mới thực sự làm Mary xúc động.

Thật khó tin đến nỗi Mary đã phải nói lớn.

- Chúng ta đang trên đường đi Rumani, nơi mà mình sẽ nhận chức vụ Đại sứ của Hoa Kỳ.

Beth trố mắt nhìn nàng kỳ lạ.

- Vâng, thưa mẹ. Chúng con biết. Đấy là lý do tại sao chúng ta có mặt ở đây!

Nhưng làm sao Mary giải thích cho chúng được sự phấn khởi của nàng?

Phi cơ càng đến gần Bucarest, sự phấn khởi của nàng càng tăng.

- Mình sẽ là vị Đại sứ giỏi nhất mà họ chưa từng thấy. - Nàng nghĩ thế. - Trước khi mình thôi việc, Hoa Kỳ và Rumani sẽ là đồng minh thân thiết!

Dấu hiệu CẤM HÚT THUỐC sáng lên và những giấc mơ thần tiên làm nhà đại chính khách tan biến đi.

Chúng ta không thể đáp xuống được - Mary nghĩ trong một cơn kinh hoàng.

"Chúng ta vừa mới cất cánh mà. Tại sao chuyến bay ngắn thế nhỉ?"

Nàng cảm thấy áp lực trong tai lúc phi cơ bắt đầu hạ thấp dần, và ít lâu sau bánh phi cơ chạm đất. Điều ấy đã thực sự xảy ra, Mary phân vân.

"Mình không phải là Đại sứ. Mình là giả hiệu. Mình sẽ không đưa nước mình vào một cuộc chiến. Xin Chúa phù hộ tất cả. Có lẽ Dorothy và mình không nên rời Kansas".
 
Chương 19


Sân bay Otopeni, cách trung tâm Bucarest 25 dặm, là một sân bay hiện đại, được xây dựng để thuận lợi cho việc lưu thông của các hành khách từ các quốc gia Đông Âu láng giềng, cũng như phụ trách một số ít hơn những du khách phương Tây đến thăm Rumani mỗi năm.

Bên trong phi cảng là các binh sĩ mặc quân phục màu nâu, trang bị súng trường, súng ngắn và trong toà nhà có một bầu không khí lạnh lẽo nhưng chẳng liên quan gì với nhiệt độ giá lạnh.

Một cách vô thức, Beth và Tim đi sát hơn vào người Mary. Vậy là chúng cũng cảm nhận được điều ấy nữa - Mary nghĩ thế.

Hai người đàn ông tiến đến gần. Một người trong nhóm là một người giống như người Mỹ, gọn gàng và lực lưỡng, người kia lớn tuổi hơn và mặc bộ đồ có vẻ xa lạ, không vừa mấy.

Người Mỹ tự giới thiệu:

- Chúc mừng bà đã đến Rumani, bà Đại sứ ạ. Tôi là Jerry Davis, Lãnh sự công vụ của bà. Đây là Tudor Costache, Trưởng ban lễ tân ngoại giao của Rumani!

- Hân hạnh khi bà và con bà đến với chúng tôi! - Costache nói:

- Chào bà đến nước chúng tôi!

Theo một góc độ nào đó - Mary nghĩ - Đây cũng sẽ là quốc gia của mình nữa.

- Multumése, domnule, - Mary lên tiếng.

- Bà nói tiếng Rumani à! - Costache kêu lên. - Cu phăcére?

Mary hy vọng rằng người đàn ông sẽ không mê mải.

- Vài tiếng thôi, - nàng vội đáp.

Tim nói:

- Bunădimineata!

Mary thật sự tự hào đến nỗi nàng có thể nổ tung được.

Nàng giới thiệu Tim và Beth.

Jerry Davis nói.

- Xe hòm của bà đang đợi bà, thưa bà Đại sứ. Đại tá Mc Kinney ở ngoài đấy!

- Đại tá Mc Kinney và Mike Slade!

Nàng không biết Slade cũng có đây không nhưng nàng không chịu hỏi.

Có một hàng người dài đợi kiểm soát quan thuế, nhưng Mary và con nàng đã ra ngoài toà nhà chỉ trong vài phút. Cũng lại có phóng viên và nhiếp ảnh viên đang đợi, nhưng thay vì "sự tự do cho tất cả!" - mà Mary đã gặp trước kia, họ đang kiểm soát trật tự. Khi xong việc, họ cám ơn Mary và đi thành một đoàn.

Đại tá Mc Kinney, trong bộ quân phục, đang đợi bên lề đường. Ông chìa tay ra.

- Chào bà Đại sứ. Bà đi có vui không?

- Vâng, cám ơn ông!

- Mike Slade muốn đến đây, nhưng ông ấy còn phải lo vài việc quan trọng!

Mary tự hỏi liệu đấy có phải là một cô tóc đỏ hoặc một cô tóc hoe nào đó không.

Một chiếc xe hòm đen dài với một lá cờ Mỹ bên cánh phải phía trước dừng lại. Một người đàn ông vẻ mặt vui tươi trong bộ đồng phục tài xế mở cửa.

- Tôi là Florian!

Người tài xế cười toe toét để lộ hàm răng trắng đẹp:

- Chúc mừng bà Đại sứ, cậu Tim, cô Beth. Thật là hân hạnh được phục vụ tất cả!

- Cám ơn ông. - Mary nói.

Florian sẽ được đặt dưới quyền bà 24 giờ mỗi ngày.

- Tôi nghĩ rằng chúng ta nên đi thẳng về Dinh để bà có thể thay đồ và nghỉ ngơi. Sau đấy, có lẽ bà sẽ thích đi vòng thành phố một tí. Vào buổi sáng, Florian sẽ đưa bà đến Toà Đại sứ Mỹ.

- Nghe hay đấy! - Mary nói.

Nàng lại thắc mắc không hiểu Mike Slade đang ở đâu.

Chuyến xe đi từ sân bay về thành phố thật quyến rũ. Họ đi trên một đại lộ hai chiều, có rất nhiều xe ô tô và xe tải qua lại, nhưng cứ ít dặm lại bị ngừng lại vì những chiếc xe kéo bước đi nặng nề dọc theo đường. Hai bên đại lộ là những nhà máy hiện đại đứng ngay bên cạnh những túp lều tranh cũ kỹ. Chiếc xe đi qua hết nông trại này đến nông trại khác, có những phụ nữ làm việc trên cánh đồng chít khăn rằn sặc sỡ quanh đầu.

Họ đi qua Baneasa, sân bay nội địa của Bucarest. Ngay bên kia, cách đại lộ chính là một toà nhà hai tầng thấp, xanh xám với một vẻ ghê rợn.

- Gì đấy? - Mary hỏi.

Florian nhăn mặt.

- Nhà tù Ivan Stelian đấy. Đấy là nơi họ giam bất cứ ai không đồng ý với chính quyền Rumani đấy!

Trong lúc đi, đại tá Mc Kinney chỉ vào một nút đỏ gần cửa. - Đây là nút bật khẩn cấp, - Ông giải thích. - Nếu có bao giờ bà bị rắc rối - bị những kẻ khủng bố hoặc bất cứ ai tấn công - chỉ cần ấn nút này. Nó khởi động một máy phát trong xe và sẽ được ghi nhận tại Toà đại sứ, và bật ngọn đèn đỏ trên mui xe. Chúng tôi có thể xác định vị trí của bà trong vòng ít phút thôi!

Mary chân thành nói:

- Tôi hy vọng sẽ không bao giờ dùng đến nó!

- Tôi cũng hy vọng thế, thưa bà Đại sứ!

***

Trung tâm thành phố Bucarest đẹp. Có những công viên và đài tưởng niệm và vòi phun khắp nơi.

Mary nhớ lại lời ông nội của nàng: "Bucarest là một Paris thu nhỏ, Marry à. Họ còn có ngay cả một tháp tương tự như tháp Eiffel nữa". Và nó kìa.

Nàng đang ở quê cha đất tổ.

Các đường phố đông nghẹt người, xe bus và xe điện. Chiếc xe hòm bóp còi dẹp lối đi và các người đi bộ vội vàng tránh lối trong lúc chiếc xe rẽ vào một con phố nhỏ có cây cối mọc hai bên.

- Dinh ở phía trước đấy! - vị đại tá nói, - Con đường được đặt tên theo một vị tướng Nga. Mỉa mai. Hở?

***

Nàng hầu như thức trắng đêm ấy, đầy một nỗi cô đơn lạnh lùng, sâu sắc với một cảm giác phấn khởi càng lúc càng tăng về việc bắt đầu công việc mới của nàng.

"Bây giờ tuỳ thuộc ở em, anh yêu. Em không có ai để tựa cả. Em ước gì có anh ở đây với em để bảo cho em đừng hoảng sợ, rằng em sẽ không thất bại.

Em không được thất bại!

Cuối cùng khi nàng ngủ thiếp đi, nàng mơ thấy Mike Slade nói.

"Tôi ghét những kẻ không chuyên.

Tại sao bà không về nước đi!

***

Toà đại sứ Mỹ tại Bucarest ở số 21 Soseava Kiseieff, là một toà nhà hai tầng màu trắng, kiến trúc kiểu bán Gô-tic, với một cổng sắt ở trước, được canh phòng bởi một sĩ quan mặc áo veste xám và một chiếc mũ đỏ. Một người gác thứ hai ngồi bên trong một trạm bảo vệ an ninh bên cạnh cổng. Có một lối cho xe ra vào và những bậc tam cấp cẩm thạch hồng dẫn đến hành lang.

Bên trong, tiền sảnh trang hoàng lộng lẫy. Sàn lát cẩm thạch, hai máy truyền hình mạch trong tại một bàn giấy do một lính thuỷ quân lục chiến canh gác và một lò sưởi với một màn cách nhiệt, trên ấy vẽ một con rồng thở ra khói. Các hành lang được trang trí bằng chân dung các vị Tổng thống. Một cầu thang ngoằn ngoèo đưa đến tầng hai nơi đặt một phòng họp và các văn phòng.

Một lính thuỷ quân lục chiến bảo vệ đang đợi Mary.

- Chào bà Đại sứ, - anh ta lên tiếng. - Tôi là trung sĩ Hughes. Họ gọi tôi là Gunny!

- Chào Gunny!

- Họ đang đợi bà trong văn phòng của bà. Tôi sẽ hộ tống và đến đấy!

- Cám ơn anh!

Nàng theo anh ta lên lầu đến một phòng tiếp tân, nơi có một phụ nữ trung niên đang ngồi sau một bàn giấy.

Bà ta đứng dậy.

- Chào bà Đại sứ. Tôi là Dorothy Stone, bí thư của bà!

- Bà khoẻ chứ?

Dorothy nói:

- Tôi e rằng bà có cả một đám người đang đợi trong đấy!

Bà mở của văn phòng và Mary bước vào. Có chín người ngồi quanh một chiếc bàn họp lớn. Họ đứng lên khi Mary bước vào. Tất cả đều trố mắt nhìn nàng và Mary cảm thấy một luồng sáng thù ghét hầu như rõ ràng. Người đầu tiên mà nàng trông thấy là Mike Slade. Nàng nghĩ đến giấc mơ đêm qua của nàng.

- Tôi biết rằng bà đã đến đây an toàn, - Mike lên tiếng. - Tôi xin giới thiệu với bà những người trưởng ban của bà. Đây là Lucas Janklow, Lãnh sự Hành chánh; Eddie Malt, Lãnh sự Chính trị; Patricia Hatfield, Lãnh sự Kinh tế; David Wallace, Trưởng ban Hành chánh; Ted Thompson. Nông nghiệp. Bà đã gặp Jerry Davis rồi, Lãnh sự Công vụ; David Victor, Lãnh sự Thương mại và bà đã biết đại tá Bill Mc Kinney rồi!

- Xin mời ngồi - Mary nói. Nàng đến ghế đầu bàn và quan sát nhóm người ấy. - Sự thù ghét đến trong mọi lứa tuổi, kích thước và hình dáng - Mary nghĩ thế.

Patricia Hatfield có một thân hình mập mạp và một khuôn mặt quyến rũ. Lucas Janklow, uỷ viên trẻ tuổi nhất trong nhóm, ăn mặc và trông giống như Ivy League. Những người đàn ông khác lớn tuổi hơn, tóc xám, đầu hói, ốm, mập. Sẽ có thời giờ để phân loại họ hoàn toàn.

Mike Slade lên tiếng.

- Tất cả chúng tôi đều phục vụ bà vô điều kiện. Bà có thể thay thế bất cứ ai trong chúng tôi bất kỳ lúc nào!

- Láo thật. - Mary suy nghĩ một cách giận dữ, - Tôi đã tìm cách thay thế ông đấy!

Cuộc họp kéo dài 15 phút. Cuộc nói chuyện chung chung rời rạc. Cuối cùng Mike Slade nói:

- Dorothy sẽ định ra cuộc họp riêng rẽ cho tất cả mọi người với Đại sứ sau đấy trong vài ngày. Cám ơn!

Mary ghét việc phụ trách của ông ta. Khi nàng và Mike Slade còn lại một mình, Mary hỏi:

- Ai trong họ là nhân viên CIA tại Toà đại sứ?

Mike nhìn nàng một lúc và nói:

- Tại sao bà không đến đây với tôi?

Ông ta bước ra văn phòng. Mary do dự một lúc rồi đi theo ông ta. Nàng theo ông ta dọc theo một hành lang dài, qua các văn phòng chi chít. Ông ta đến một chiếc cửa rộng có một lính thuỷ quân lục chiến đang đứng gác ở trước.

Người gác bước sang bên trong lúc Mike đẩy cửa ra. Ông ra xoay lại và ra dấu cho Mary bước vào. Nàng bước vào và nhìn quanh. Căn phòng là một sự pha trộn không tin được giữa kim loại và thuỷ tinh bao phủ khắp sàn nhà, những bức tường và trần nhà.

Mike Slade đóng cánh cửa nặng nề sau lưng:

- Đây là phòng cách âm. Mỗi Toà đại sứ trong mộ nước Đông Âu đều có một cái. Đấy là căn phòng duy nhất trong Toà Đại sứ không thể bị nghe trộm.

Ông ta nhìn thấy vẻ mặt không tin của nàng.

- Thưa bà Đại sứ, chẳng những Toà Đại sứ bị

đặt máy nghe trộm, mà bà có thể cả đồng đô la cuối cùng của bà rằng Dinh của bà cũng bị nghe trộm và nếu ta đi ra ngoài để đến nhà hàng ăn chiều, bàn của bà cũng bị đặt máy nghe lén nữa. Bà đang ở trong lãnh thổ của kẻ thù đấy"

Mary buông người xuống một cái ghế.

- Làm sao ông đối phó với điều ấy? - nàng hỏi. - Tôi muốn nói rằng ta không bao giờ được nói chuyện tự do cả"

- Mỗi buổi sáng, chúng tôi đều tảo thanh bằng điện tử. Chúng tôi tìm ra máy nghe lén của họ và lấy nó đi. Rồi họ thay và chúng tôi lại lấy đi!

- Tại sao chúng ta cho phép những người Rumani làm việc trong Toà Đại sứ nhỉ?

- Đây là sân nhà của họ. Họ là đội bóng chủ nhà. Chúng ta chơi theo luật của họ hoặc hủy bỏ cuộc thi đấu. Họ không thể đặt máy vi âm vào phòng này vì có nhừng người thủy quân lục chiến trực chiến 24/24. Nào, bà hỏi những câu gì nào?

- Tôi chỉ thăc mắc nhân viên CIA là những ai?

- Eddie Maltz, Lãnh sự chính trị của bà.

Nàng cố gắng nhớ lạỉ xem Eddie Maltz trông như thế nào. Tóc xám và trầm trọng. Không, đấy là Lãnh sự nông nghiệp. Eddie Maltz… à, ông ta là người trung niên, rất ốm, một khuôn mặt nham hiểm. Có lẽ do bây giờ nàng nghĩ lại bằng hồi tưởng vì nàng được cho biết rằng ông ta là CIA?

- Có phải ông ta là người CIA duy nhất trong ban tham mưu không?

- Vâng!

Có phải trong giọng nói của ông ta có một sự do dự không?

Mike Slade nhìn đồng hồ.

- Bà phải trình uỷ nhiệm thư của bà trong ba mươi phút nữa. Florian đang đợi bà bên ngoài. Mang theo uỷ nhiệm thư của bà. Bà sẽ nộp bản chính cho chủ tịch Ionescu và giữ lại một bản sao trong tủ an toàn của bà!

Mary nhận ra nàng đang nghiến răng.

- Tôi biết điều ấy ông Slade!

- Ông ta yêu cầu bà mang con theo bà. Tôi đã cho xe đón các cháu rồi!

Không thèm hỏi ý nàng.

- Cám ơn ông!

***

Tổng hành dinh của chính phủ Rumani là một toà nhà cấm nhìn làm bằng những khối sa thạch toạ lạc tại trung tâm Bucarest. Nó được bảo vệ bằng một bức tường thép với các người gác võ trang đằng trước. Còn có thêm một người gác nữa ở lối vào toà nhà. Một người phụ tá hộ tống Mary và con nàng lên lầu chủ tịch Alexandros Ionescu tiếp Mary và con nàng trong một căn phòng chữ nhật dài trên tầng hai. Chủ tịch Rumani có một vẻ mặt uy quyền.

Ông ta ngăm đen với những đường nét như con diều hâu và mái tóc đen quăn. Ông có một trong những chiếc mũi uy quyền nàng chưa từng trông thấy. Đôi mắt ông sáng rực, có sức thôi miên.

Viên phụ tá lên tiếng:

- Thưa ngài, cho tôi được phép giới thiệu bà Đại sứ Hoa Kỳ!

Vị chủ tịch cầm lấy tay Mary và đặt lên đấy một cái hôn dài.

- Bà còn đẹp hơn cả những bức ảnh của bà đấy.

- Cám ơn ngài. Đây là con gái tôi Beth, và con trai tôi, Tim!

- Những đứa bé xinh đẹp, - Ionescu nói. Ông ta nhìn nàng chờ đợi. - Bà có gì cho tôi không?

Mary hầu như đã quên. Nàng nhanh nhẹn mở ví lấy ra tờ uỷ nhiệm thư của Tổng thống Ellison.

Alexandros Ionnescu liếc sơ qua.

- Cám ơn bà.

Thay mặt cho chính phủ Rumani, tôi nhận nó. Bây giờ bà chính thức là Đại sứ Mỹ tại quốc gia của tôi đấy - ông tươi cười với nàng. - Chiều nay, tôi đã thu xếp một cuộc tiếp tân cho bà. Bà sẽ gặp một số người của chúng tôi sẽ làm việc với bà.

- Ngài thật tử tế. - Mary nói.

Ông ta lại cầm lấy tay nàng và nói:

- Ở đây, chúng tôi có một câu nói: "Một người Đại sứ đến trong nước mắt vì ông ta biết rằng ông ta sẽ phải sống bao năm tại một nơi ngoại quốc, xa cách bạn bè nhưng khi ông ta đi, ông ta lại đi trong nước mắt vì ông ta phải bỏ lại những người bạn mới của mình trong một đất nước mà ông ta đã yêu mến. Tôi hy vọng rằng bà sẽ yêu đất nước chúng tôi, bà Đại sứ ạ - ông ta mân mê bàn tay nàng.

- Chắc chắn tôi sẽ yêu.

Ông ta nghĩ rằng mình chỉ là một khuôn mặt đẹp khác thôi, Mary giận dữ nghĩ thế. Mình sẽ phải làm một điều gì đấy về việc ấy.

Mary đưa con nàng về nhà và trải qua phần ngày còn lại ở Toà đại sứ, trong phòng họp rộng lớn để hội nghị với các trưởng ban, các lãnh sự chính trị, kinh tế, nông nghiệp và hành chánh cũng như lãnh sự thương mại. Đại tá Mc Kinney hiện diện với tư cách tuỳ viên quân sự.

Tất cả đều ngồi chung quanh một chiếc bàn chữ nhật dài. Tựa vào những bức tường phía sau là một chục uỷ viên trung cấp thuộc các ban ngành khác nhau.

Lãnh sự thương mại, một người đàn ông nhỏ con, vênh váo lên tiếng đọc một dãy các sự kiện và các con số. Mary nhìn quanh phòng suy nghĩ: "Mình sẽ phải nhớ tất cả tên của họ!

Rồi đến phiên Ted Thompson, lãnh sự nông nghiệp.

- Bộ trưởng nông nghiệp Rumani đang gặp rắc rối tệ hại hơn là ông ta chấp nhận. Họ sẽ lâm vào một vụ thu hoạch tệ hại trong năm nay và chúng ta không thể để họ phá sản.

Lãnh sự kinh tế, Patricia Hatfeld, phản đối:

- Chúng ta đã hỗ trợ họ đủ rồi, Ted ạ. Rumani đã hoạt động theo một hiệp ước các quốc gia được ưu đãi. Đấy là một quốc gia của GSP. - Bà ta kín đáo nhìn Mary.

Bà ta dứt khoát cố ý như thế, - Mary nghĩ - định làm cho mình bối rối đây.

Patricia Hatfield lên giọng nói:

- Một quốc gia GSP là…

- Là một hệ thống ưu tiên tổng quát, - Mary chen vào. - Chúng tôi đối xử với Rumani như là một quốc gia kém phát triển để họ được lợi ích về xuất nhập khẩu!

Nét mặt Hatfield thay đổi.

- Đúng đấy, - bà ta nói. - Chúng ta đã phân phát kho dự trữ và…

David Victor, Lãnh sự Thương mại, ngắt lời:

- Chúng ta sẽ không phân phát - chúng ta chỉ cố gắng mở nó ra để chúng ta có thể mua hàng ở đấy. Họ cần nhiều tín dụng hơn để mua bắp của chúng ta. Nếu chúng ta không bán cho họ, họ sẽ mua của Arhentina. - Ông ta quay sang Mary - Có vẻ như chúng ta thua lỗ về đậu nành. Người Brasil đang tìm cách đưa ra giá hạ hơn chúng ta. Tôi sẽ cảm kích nếu bà nói với Thủ tướng càng sớm càng tốt và tìm cách bán ồ ạt trước khi chúng ta bị đóng cửa.

Mary nhìn qua Mike Slade đang ngồi thườn thượt trong chiếc ghế ở đầu bàn đối diện, viết nguệch ngoạc trên một tập giấy hình như không chú ý gì cả.

- Tôi sẽ xem thử tôi có thể làm được gì! - Mary lên tiếng hứa.

Nàng thảo một lời ghi chú để gửi một công điện đến Bộ trưởng Thương mại tại Washington xin phép được cho chính phủ Rumani vay thêm tín dụng. Tiền sẽ được chuyển từ các ngân hàng Mỹ, nhưng họ chỉ cho vay với sự chấp thuận của chính phủ.

Eddie Maltz, Lãnh sự chính trị, cũng là nhân viên CIA, lên tiếng.

- Tôi có một vấn đề hơi khẩn cấp, thưa bà Đại sứ. - Đêm qua một sinh viên Mỹ 19 tuổi bị bắt vì tội cất giữ ma tuý. Đây là một sự xúc phạm cực kỳ trầm trọng.

- Hắn có loại ma tuý nào trên người thế?

- Cô ta. Đây là một thiếu nữ. Cần sa, chỉ một ít onces thôi!

- Cô gái trông thế nào?

- Rực rỡ, một sinh viên đại học, khá xinh!

- Ông nghĩ rằng họ sẽ đối xử với cô ta như thế nào?

- Án thường lệ là năm năm tù.

Chúa ơi, - Mary nghĩ - Nàng ta sẽ ra sao khi được thả ra?

- Chúng ta có thể làm gì được về việc ấy?

Mike Slade uể oải nói:

- Bà có thể dùng nhan sắc của bà để mê hoặc trưởng ngành an ninh. Tên ông là Istrase. Ông ta có nhiều quyền hành!

Eddie Matlz tiếp tục:

- Cô gái bảo rằng cô ta bị chụp mũ và cô ta có thể có lý. Cô ta khá ngu xuẩn khi giao thiệp với một cảnh sát viên. Sau khi hắn đã đưa nàng vào giường, hắn tố cáo cô ta!

Mary ghê tởm.

- Làm sao hắn có thể như thế?

Mike Slade lạnh lùng nói:

- Thưa bà Đại sứ, ở đây chúng ta là kẻ thù chứ không phải họ. Rumani đang chơi trò vỗ tay với chúng ta và tất cả chúng ta đều là bạn và họ mỉm cười, chìa tay qua biển chúng ta để họ bán cho chúng ta và mua của chúng ta với giá thoả thuận thấp nhất vì chúng ta ve vãn họ tách ra khỏi nước Nga. Nhưng khi việc ấy ổn thoả, họ vẫn là cộng sản!

Mary ghi chú thêm.

- Được rồi, tôi sẽ xem thử tôi có thể làm gì được. - Nàng quay sang lãnh sự công vụ Jerry Davis. - Còn ông có vấn đề gì không?

- Ban của tôi đang gặp rắc rối trong vấn đề xin chấp thuận sửa chữa những căn phòng mà ban tham mưu sứ quán đang ở. Khu ở của họ đang ở trong một điều kiện nhục nhã!

- Họ không thể ở tiếp tục và tự chữa lấy à?

- Không may là không. Chính phủ Rumani phải nhận sửa chữa tất cả. Một số người chúng ta không có lò sưởi và trong nhiều gian phòng, các phòng vệ sinh không hoạt động và không có nước máy!

- Ông có than phiền về điều này chưa?

- Có thưa bà. Mọi ngày trong ba tháng vừa qua!

- Vậy thì tại sao…

- Đó là một sự quấy rối, - Mike Slade giải thích.

- Đấy là cuộc chiến tranh thần kinh mà họ muốn chơi với chúng ta đấy!

Mary lại ghi chú nữa.

- Thưa bà Đại sứ, tôi có một vấn đề cực kỳ khẩn cấp! - Jack Chacelor, trưởng thư viện Mỹ lên tiếng.

- Chỉ mới ngày hôm qua, một số sách tham khảo rất quan trọng đã bị đánh cắp từ…

Đại sứ Ashley bắt đầu đau đầu.

***

Buổi chiều trôi qua bằng cách nghe hàng loạt lời than phiền. Mọi người đều có vẻ không được sung sướng. Và rồi đến mục đọc. Trên bàn nàng có cả một đống giấy trắng. Đấy là những bản dịch ra tiếng Anh những mẩu báo đã xuất hiện ngày hôm trước trên báo chí và tạp chí Rumani. Hầu hết các câu chuyện trong tờ báo bình dân Scinteia Tineretulni, là về các hoạt động hằng ngày của chủ tịch Ionescu với ba hoặc bốn bức ảnh của ông trên mỗi trang.

Cái tôi không tin được của người đàn ông này - Mary nghĩ thế.

Có những mẩu cô đọng khác để đọc: Tờ Romama Leberă, tuần báo Flăcara và Magafinul.

Và đấy chỉ là phần mở màn. Còn có hồ sơ điện báo và bản tóm lược của những điều triển khai tin tức được báo cáo tại Hoa Kỳ. Có một hồ sơ gồm bản văn đầy đủ của các bài nói chuyện của các viên chức Mỹ quan trọng. Một báo cáo dày về các cuộc thương thuyết kiểm soát vũ khí và một quyển cập nhật về tình trạng nền kinh tế Hoa Kỳ.

- Có đủ tài liệu đọc trong một ngày - Mary nghĩ, - Để bắt mình bận rộn hàng năm và mình sẽ phải làm điều này mỗi buổi sáng.

Nhưng vấn đề gây phiền hà cho Mary nhất là cảm giác đối lập của ban tham mưu của nàng. Việc ấy phải được chấn chỉnh ngay.

Nàng cho mời Harriet Kruger, viên chức lễ tân ngoại giao của nàng.

- Bà đã làm việc tại Toà đại sứ này bao lâu?

- Bốn năm trước khi chúng ta cắt đứt với Rumani và bây giờ, ba tháng vinh dự - Giọng bà có vẻ chua chát.

- Bà không thích ở đây à?

- Tôi là cô gái ở đảo Mc Donald và Coney. Như bài ca "Hãy chỉ cho tôi đường về!"

- Chúng ta có thể mạn đàm mà không bị ghi nhận không?

- Không, thưa bà!

Mary đã quên.

- Tại sao chúng ta không chuyển qua Phòng cách âm nhỉ? - Nàng đề nghị.

Khi Mary và Harriet Kruger đến ngồi vào bàn của phòng cách âm và cánh cửa nặng nề đã an toàn đóng lại sau lưng họ, Mary bảo:

- Có một việc vừa xảy ra với tôi. Cuộc họp của chúng ta hôm nay tại phòng họp. Nó không bị nghe lén à?

- Có lẽ, - Kruger vui vẻ nói. - Nhưng chẳng hề gì đâu Mike Slade sẽ không để cho ta thảo luận điều gì mà người Rumani chưa sẵn sàng biết đến!

Lại Mike Slade.

- Bà nghĩ gì về Slade?

- Ông ta nhất đấy!

Mary quyết định không bày tỏ ý kiến của mình.

- Lý do tôi muốn nói chuyện với bà là vì hôm nay tôi có cảm giác rằng tinh thần quanh đây không được tốt mấy. Mọi người đều than phiền. Không ai có vẻ sung sướng cả. Tôi muốn biết liệu có phải vì tôi không hay vì luôn luôn là như thế!

Harriet Kruger nhìn nàng một lúc.

- Bà muốn một câu trả lời trung thực à?

- Xin mời!

- Đấy là sự pha trộn của cả hai. Những người Mỹ làm việc ở đây như đang ở trong một nồi áp suất vậy Nếu chúng ta phá luật, chúng ta sẽ bị rắc rối lớn. Chúng tôi ngại kết bạn với những người Rumani vì có lẽ rốt cuộc họ là người của an ninh, do đó chúng tôi bám lấy người Mỹ. Chúng tôi là một nhóm nhỏ, nhỏ đến phát chán và sanh loạn luân - Bà ta nhún vai. - Lương lậu ít ỏi thức ăn ghê tởm và thời tiết xấu! - Bà nhìn Mary đăm đăm. - Điều này chẳng có gì là lỗi của bà cả, bà Đại sứ ạ. Bà có hai vấn đề. Thứ nhất, bà là chính trị gia được bổ nhiệm và bà phụ trách một Toà đại sứ trang bị toàn các nhà ngoại giao chuyên nghiệp. - Bà dừng lại. - Có phải tôi nói quá mạnh không?

- Không, xin vui lòng tiếp tục đi!

- Họ hầu hết đều chống đối bà ngay cả khi bà chưa đến đây. Các công nhân chuyên nghiệp có khuynh hướng không làm cho con tàu lúc lắc. Các nhân vật chính trị thích thay đổi sự việc. Đối với họ, bà là một người không chuyên bảo những kẻ chuyên nghiệp phải lo công việc của họ như thế nào được. Vấn đề thứ nhì, bà là một phụ nữ. Có lẽ Rumani nên có một biểu trưng lớn trên lá cờ của họ: một con heo nọc sô-vanh. Các người đàn ông Mỹ trong Toà đại sứ không thích tuân lệnh một phụ nữ và người Rumani còn tệ hơn nhiều.

- Tôi hiểu.

Harriet Kruger mỉm cười.

- Nhưng chắc bà là một nhân viên vĩ đại đấy. Tôi chưa bao giờ trông thấy quá nhiều câu chuyện đầy các tạp chí trong đời tôi Bà làm cách nào thế?

Mary không trả lời được.

Harriet Kruger liếc đồng hồ.

- Ô! Bà sẽ trễ đấy. Florian đang đợi để đưa bà về nhà để thay đồ!

- Thay đồ để làm gì? - Mary hỏi.

- Bà đã nhìn thời khoá biểu tôi đặt trên bàn giấy của bà chưa?

- Tôi e rằng tôi chưa có thì giờ đấy. Đừng bảo tôi rằng tôi được đề nghị đi dự một bữa tiệc nào đấy nhé!

- Tiệc ư! Tối nay có ba bữa tiệc. Bà có tất cả 21 bữa tiệc trong tuần này.

Mary trố mắt nhìn bà.

- Không thể được. Tôi có quá nhiều việc để…

- Việc ấy phù hợp với đất này đấy. Tại Bucarest có 75 Toà đại sứ và vào một đêm nào đấy đã cho biết trước, một trong số họ mừng một cái lễ gì đấy.

- Tôi không thể từ chối à?

- Điều ấy sẽ là Hoa Kỳ từ chối với họ đấy. Họ sẽ bị phật ý đấy!

Mary thở dài.

- Tôi đoán rằng tốt hơn là tôi nên đi thay đồ!

***

Buổi tiệc cốc-tai được tổ chức tại dinh Ngoại giao Rumani cho một yếu nhân đến thăm từ Đông Đức. Ngay khi Mary đến, chủ tịch Ionnescu bước đến bên nàng. Ông ta hôn tay nàng và nói:

- Tôi đã mong được gặp lại bà.

- Cám ơn ngài. Tôi cũng vậy.

Nàng có cảm giác rằng ông ta đã quá say. Nàng nhớ lại tập hồ sơ của ông ta: "Đã có gia đình, một con trai, 14 tuổi, thừa kế hiển nhiên và ba con gái. Là một người làm phụ nữ xiêu lòng. Uống rượu nhiều. Một đầu óc nông dân thông minh. Hấp dẫn khi hợp với ông ta. Độ lượng với bạn bè. Nguy hiểm và tàn nhẫn với kẻ thu". - Mary nghĩ - "Một người đàn ông phải cảnh giác".

Ionnescu cầm tay Mary và đưa nàng đến một góc phòng vắng.

- Bà sẽ thấy những người Rumani chúng tôi rất là thú vị! - Ông ta bóp tay nàng. - Chúng tôi là một dân tộc rất say đắm. - Ông ta nhìn nàng xem phản ứng và khi ông ta không thấy có phản ứng nào cả, ông ta tiếp tục. - Chúng tôi là con cháu của người Dace xưa kia và những kẻ chinh phục họ, người La Mã, mãi tận năm 106 trước Công nguyên. Qua bao thế kỷ, chúng tôi là thảm chùi chân cho châu Âu. Đất nước với biên giới cao su. Người Hung-Nô, Gô-tíe, Avar, Slave và Mông Cổ chùi chân trên chúng tôi, nhưng Rumani vẫn sống sót. Và bà biết thế nào không? - Ông ta chồm đến gần người nàng hơn và nàng có thể ngửi được mùi rượu trong hơi thở ông ta. - Bằng cách cho dân tộc chúng tôi một sự lãnh đạo mạnh mẽ, kiên quyết đấy. Họ tin tôi và tôi cai trị họ tốt.

Mary nghĩ đến một số câu chuyện nàng đã nghe. Những cuộc bắt bớ giữa đêm tối, toà án hình thức, những sự tàn bạo, những sự mất tích.

Trong lúc Ionescu tiếp tục nói, Mary qua vai ông ta, nhìn những người trong căn phòng đông nghẹt. Ít nhất có khoảng 200 và Mary biết chắc họ đại diện cho một Toà đại sứ đóng tại Rumani. Chẳng bao lâu, Mary sẽ gặp tất cả bọn họ. Nàng đã liếc vào danh sách hẹn của Harriet Kruger và thích thú vì thấy một trong những nhiệm vụ đầu tiên của nàng sẽ là viếng thăm công vụ chính thức tại mọi Toà đại sứ trong số 75 Toà đại sứ ấy. Thêm vào đấy, có khá nhiều bữa tiệc cốc-tai và ăn tối được dự trù cho sáu đêm trong tuần.

- Khi nào mình có thì giờ, để làm Đại sứ nhỉ?

Mary tự hỏi. Và ngay lúc nàng đang suy nghĩ nàng nhận ra tất cả điều này là một phần của công việc Đại sứ. Một người đàn ông đến bên Ionescu và thì thầm vào tai ông ta. Nét mặt Ionescu bỗng trở nên lạnh lùng. Ông ta rít một điều gì đấy bằng tiếng Rumani và người đàn ông gật đầu, vội vã ra đi. Nhà độc tài quay lại với Mary, duyên dáng trở lại.

- Bây giờ tôi phải xa bà. Tôi mong được gặp lại bà sớm.

Và Ionescu bỏ đi.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top