Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!
Dịch Full Điểm Dối Lừa
Chương 100


Khi chiếc máy bay Dolphin của đội cứu hộ bờ biển còn cách chiếc tàu Goya những hai dặm, Tolland đã gọi người phi công.

- Máy bay của anh có trang bị thiết bị nhìn xuyên đêm NightSight không?

Người phi công gật đầu:

- Chúng tôi được trang bị đầy đủ!

Tolland không mong gì hơn. NightSight là thiết bị chụp ảnh cảm ứng nhiệt của hãng Raytheon, cho phép xác định được những người còn sống sót sau khi đắm tàu trong đêm tối. Hơi ấm toả ra từ đầu của nạn nhân sẽ hiện lên như một chấm đỏ trên nền đại dương đen thẫm.

- Bật lên đi. - Tolland bảo anh ta.

Người phi công thắc mắc:

- Anh muốn tìm người dưới biển sao?

- Không, tôi muốn xem cái này.

- Ở độ cao này thì chẳng nhìn thấy gì đâu, trừ phi dưới kia có một vệt dầu loang đang bốc cháy.

- Anh cứ bật lên đã nào. - Tolland khăng khăng.

Người phi công ném về phía Tolland ánh mắt khó chịu, rồi ấn mấy cái nút, điều chỉnh vài cái cần, chỉnh ống kính cảm ứng nhiệt lắp dưới bụng máy bay để nhìn bao quát vùng biển có đường kính ba dặm trước mặt họ. Màn hình LCD trên bảng điều khiển trước mặt anh ta sáng lên. Ảnh cảm ứng nhiệt được chuyển ngay.

- Ái chà chà! - Máy bay hơi tròng trành mất mấy giây khi anh ta co người lại vì kinh ngạc, rồi bình tĩnh lại và ngồi thẳng dậy, chăm chú nhìn màn hình.

Rachel và Corky nhoài hẳn người về phía màn hình, không kém phần ngạc nhiên. Trên nền đại dương đen thẫm là một vòng xoáy lớn màu đỏ sáng loè.

Rachel bối rối quay sang Tolland:

- Trông như một xoáy nước vậy.

- Nó đấy. - Tolland đáp - một dòng hải lưu ấm chảy xoáy.

- Đường kính của nó phải đến nửa dặm.

Anh chàng phi công cứu hộ ồ lên kinh ngạc:

- Dòng xoáy này lớn thật. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp xoáy nước ấm, nhưng chưa thấy cái xoáy nào rộng đến mức này.

- Nó mới xuất hiện tuần trước, - Tolland giải thích - chắc chỉ vài hôm nữa là biến mất.

- Cái gì tạo nên xoáy nước này? - Rachel hỏi, bối rối thấy một xoáy nước lớn đến thế giữa lòng đại dương.

- Magma đấy. - Viên phi công nói.

Rachel quay sang Tolland, giọng lo lắng:

- Có núi lửa sao?

- Không. - Tolland đáp. – Bờ biển phía đông không có núi lửa nào cả, mà thỉnh thoảng chỉ có những túi đá nhão xuất hiện dưới đáy biển, tạo ra những vùng nước nóng mà thôi. Vì những túi nước nóng đó, một gradien nhiệt độ đảo ngược xuất hiện - nước nóng ở dưới đáy trong khi nước mát lại ở bên trên. Do đó mà có những xoáy nước nóng lớn thế này. Chúng được gọi là các megaplume. Những xoáy nước này chỉ hoạt động trong khoảng một hai tuần rồi sẽ biến mất.

Người phi công quan sát xoáy nước nóng đang chảy trên màn hình.

- Trông xoáy nước này có vẻ còn mạnh lắm. - Anh ta ngừng lại một lát, kiểm tra lại toạ độ mà tàu ngầm của Tolland đang neo đậu, rồi quay lại, vẻ ngạc nhiên:

- Anh Tolland này, hình như con tàu của anh đang thả neo rất gần trung tâm dòng xoáy này thì phải.

Tolland gật đầu.

- Gần trung tâm thì tốc độ dòng chảy có chậm hơn đôi chút. - Mười tám hải lí. Gần giống như thả neo trên một dòng sông chảy xiết. Những dây néo của chúng tôi đã bị kéo căng suốt cả tuần vừa rồi.

- Lạy Chúa tôi. - Viên phi công nói. - Hải lưu có tốc độ mười tám hải lý! Ngã một cái là xong! - Anh ta phá lên cười.

Rachel không cười nổi.

- Mike này, không hề thấy anh nhắc gì đến túi đá nhão, megaplum hay dòng hải lưu nóng nào hết.

Ông đặt tay lên đầu gối, cô động viên:

- An toàn tuyệt đối, cứ tin ở tôi.

Rachel nhíu mày:

- Tức là các anh đang quay phim về megaplume này à?

- Megaplume và sphyrna mokarranan.

- Đúng đấy, tôi đã nghe thấy anh nói đến thứ đó!

Tolland mỉm cười bẽn lẽn:

- Sphyrna mokarranan rất thích nước ấm, và ngay lúc này, trải dài khắp một trăm dặm quanh đây, chúng đang tập trung vô cùng đông đúc.

- Hay thật. - Rachel gật đầu, không chút thoải mái. - Và chúng thế nào? Lũ sphyrna mokarranan ấy?

- Loài cá xấu xí nhất đại dương.

- Giống cá bơn à?

Tolland cười lớn:

- Cá mập đầu búa.

Rachel sợ cứng người:

- Quanh tàu của anh có cá mập đầu búa à?

Tolland nháy mắt:

- Bình tĩnh nào, chúng không nguy hiểm đâu mà.

- Nếu chúng không nguy hiểm thì anh đã chẳng phải nói vậy.

Tolland cười ha hả:

- Chắc cũng đại loại như thế. - Ông tinh nghịch gọi người phi công - Này, kể từ lần gần đây nhất mà các anh cứu được người nào bị cá mập đầu búa tấn công đến nay là bao lâu rồi?

Anh ta nhún vai:

- Phải đến mấy chục năm nay chưa có lấy một lần.

Tolland quay sang Rachel:

- Thấy chưa, mấy chục năm rồi. Lo gì!

- Nhưng mà mới tháng trước, có mấy tay lặn tự do bị…

- Này! - Rachel lên tiếng - Anh nói là mấy chục năm chưa cứu người nào cơ mà!

- Đúng thế! - Anh ta đáp. - Cứu sống. Thường là chúng tôi đến quá muộn. Giống cá này tấn công nhanh lắm.
 
Chương 101


Từ trên cao, họ thấy bóng dáng tàu Goya lung linh phía chân trời.

Cách nửa dặm, Tolland nhận ra ngay những bóng đèn mà Xavia đã bật trên boong. Nhìn những ngọn đèn, ông chợt thấy mình giống lữ khách mệt mỏi vừa nhìn thấy mái nhà thân yêu hiện lên phía cuối đường.

- Tôi tưởng chỉ có một người trực trên tàu cơ mà? - Rachel ngạc nhiên thấy nhiều đèn sáng đến vậy.

- Chẳng lẽ những lúc ở nhà một mình thì cô không bật đèn sao?

- Một bóng thôi, không phải toàn bộ căn nhà như thế kia.

Tolland mỉm cười. Dù cố tỏ ra vui vẻ, Rachel không giấu nổi cảm giác bồn chồn lo lắng. Ông muốn đặt bàn tay vai cô gái để nói đôi lời an ủi, nhưng chẳng biết nói gì vào lúc này.

- Đèn bật lên thế kia là để cho an toàn. Để làm ra vẻ vẫn có rất nhiều người trên tàu.

Corky cười khùng khục:

- Các anh sợ cướp biển à?

- Không. Nguy cơ lớn nhất lại chính là những kể khờ không biết đường mà dùng radar. Cách tốt nhất để không bị đâm là để cho ai cũng phải thấy mình.

Corky liếc nhìn con tàu chan hoà ánh sáng:

- Nhìn thấy à? Trông như thể các anh sắp mở vũ hội hoá trang nhân dịp năm mới thì có.

- Dĩ nhiên là tiền điện thì đã có đài NBC chi trả.

Chiếc trực thăng của đội cứu hộ bờ biển nghiêng cánh và lượn vòng quanh con tàu. Người phi công bắt đầu cho máy bay tiếp cận sân bay trực thăng trên nóc tàu. Từ trên cao, Tolland thấy rõ những thanh giằng của con tàu đang phải chịu áp lực rất lớn của dòng hải lưu.

Được thả neo từ phía mũi - con tàu Goya như đang đâm thẳng vào dòng nước xoáy, những dây xích để neo tàu bị kéo căng, như thể một quái vật biển đang kéo căng xiềng xích muốn vùng thoát ra ngoài…

- Con tàu này đẹp gớm. - Người phi công vừa nói vừa cười.

Tolland biết ngay anh ta đang nói mỉa. Tàu Goya trông rất xấu. Xấu không chịu nổi - theo cách nói của một biên tập viên truyền hình. Nó là một trong mười bảy chiếc tàu duy nhất hiệu SWATH, con tàu hai thân vùng ngấn nước hẹp này trông không đẹp mắt chút nào.

Về cơ bản, con tàu là một khối kết cấu nằm ngang nổi bồng bềnh trên những thanh giằng rất lớn gắn với bốn xà lan. Nhìn từ xa, nó giống như giàn khoan loại thấp. Nhìn gần thì nó giống như cái xà lan lớn gắn trên những cây cột khổng lồ. Khu ở của thuỷ thủ đoàn, các phòng nghiên cứu cũng như khoang điều khiển được xếp thành dãy tít trên cao, khiến người ta liên tưởng đến đống hổ lốn những, nhà cửa, phòng cao ốc bị chất chồng trên cái bàn cà phê bé nhỏ.

Dù trông không vừa mắt chút nào, con tàu Goya có ưu điểm là vùng ngấn nước rất hẹp, do đó ít tròng trành hơn. Mặt nền được treo rất thăng bằng cho phép họ dễ dàng quay phim và thao tác trong phòng thí nghiệm, và ít người bị say sóng hơn.

Dù đài NBC đã đề nghị mua cho ông con tàu mới, Tolland vẫn từ chối. Dù rằng hiện nạy có những con tàu mới có độ ổn định cao hơn, nhưng Goya đã là nhà của ông từ hơn chục năm nay - trên chính con tàu này, ông đã chiến đấu với nỗi cô đơn trống trải sau khi Celia ra đi mãi mãi. Thỉnh thoảng vẫn có đêm ông như nghe thấy tiếng nàng trên boong tàu lộng gió. Chừng nào những tiếng gọi ấy không còn vang lên nữa thì ông sẽ chuyển sang tàu mới.

Còn hiện tại thì chưa.

Cuối cùng thì chiếc trực thăng cũng hạ cánh xuống boong tàu Goya.

Rachel Sexton thở phào. Tin tốt là cô không còn bay qua đại dương nữa. Tin xấu là giờ đây, cô đang đứng trên mặt biển. Rachel cố giữ cho hai chân không run lên khi cô bước lên boong và nhìn quang cảnh xung quanh. Boong tàu chật chội kỳ lạ, đã thế chiếc máy bay lại choán hẳn phần đuôi tàu.

Dõi mắt về phía mũi tàu, Rachel chăm chú quan sát cấu trúc xấu xí mất cân đối của con tàu. Tolland đứng sát bên cô.

- Tôi biết, - ông nói to để át tiếng dòng nước ào ào bên dưới - Khi lên tivi, cái boong này có vẻ rộng hơn.

Rachel gật đầu.

- Và cũng có vẻ ít tròng trành hơn.

- Đây là một trong những con tàu an toàn nhất. Thật đấy.

Tolland đặt tay lên vai Rachel và dẫn cô đi dọc boong tàu.

Ông không ngờ hơi ấm từ bàn tay mình lại có thể khiến Rachel an lòng đến vậy. Tuy nhiên, khi Rachel nhìn về phía đuôi tàu, cô thấy dòng hải lưu chảy xiết cuộn lên như thể con tàu đang chạy hết tốc lực. Chúng ta đang ở ngay trên một xoáy nước lớn, cô thầm nghĩ.

Ở tận cùng phía đuôi tàu, Rachel nhận ra chiếc tàu lặn nhỏ Triton - được đặt tên theo thần biển của người Hy Lạp - trông chẳng giống vị thần biển bị nhốt trong lồng sắt chút nào. Ngay trên mũi con tàu nhỏ này là vòm chứa acide acrylic, khiến nó trông giống chiếc bể cá hơn là chiếc tàu ngầm. Rachel thầm nghĩ trên đời này không còn gì đáng sợ hơn ở một mình trong lòng biển sâu, sát cái vòm chứa đầy acide kiểu này. Nhưng theo lởi Tolland, khó chịu nhất lại là giai đoạn đầu, khi con tàu được thả xuống biển bằng cái tời gắn bên hông tàu Goya, treo lủng lẳng như quả lắc đồng hồ trên không trung, cách mặt biển ba mươi mét.

- Xavia chắc đang ở trong phòng thí nghiệm. - Tolland nói, đi dọc boong tàu. - Lối này.

Rachel và Corky bước theo Tolland. Còn viên phi công thì ngồi lại trên máy bay, được dặn dò kỹ lưỡng là không được dùng sóng vô tuyến để bên lạc với bất kỳ ai.

- Hai người hãy xem nhé. - Tolland nói, dừng lại bên lan can ở đuôi tàu.

Rachel miễn cưỡng tiến sát đến mép tàu. Lan can khá cao. Mặt nước bên dưới cách họ những ba mươi foot, thế mà Rachel vẫn cảm thấy vô cùng sợ hãi.

Nhiệt độ ở đây tương đương với nước ấm trong bồn tắm.

Tolland nói trong tiếng nước ào ào. Ông với tay bật công tắc gắn trên tay vịn. - Xem này.

Một chùm sáng toả rộng chiếu xuyên qua vùng nước phía đuôi tàu. Cả Rachel và Corky đều thấy ngộp thở.

Quanh con tàu là hàng chục hình dáng ma quái. Chỉ cách mặt nước vài foot, hàng đàn cá lớn đen xì, bóng nhẫy bơi song song ngược dòng hải lưu, những cái đầu hình búa không lẫn vào đâu được đang lắc qua lắc lại trong một nhịp điệu ma quái đặc trưng mà tổ tiên chúng từ thời tiền sử truyền lại.

- Chúa ơi. - Corky lắp bắp. - Rất mừng được anh báo trước thế này, Mike ạ.

Rachel đờ người. Cô muốn lùi xa mép tàu, nhưng chân không nhúc nhích nổi. Những gì vừa trông thấy đã khiến cô ngây dại.

- Cảnh tượng hiếm có, đúng không? - Tolland nói. Ông lại đặt tay lên vai Rachel để trấn an. - Chúng sẽ vui đùa ở vùng nước ấm này vài tuần. Những con cá này thính mũi nhất đại dương - thuỳ khứu giác telencephalon của chúng cực kỳ nhạy bén. Chúng có thể ngửi được mùi máu cách xa một dặm.

Corky tỏ ra hoài nghi:

- Thuỳ khứu giác telencephalon cực nhạy à?

- Anh không tin ư? - Tolland đến bên cái tủ bằng nhôm đặt gần đó. Loáng một cái, ông đã lôi ra một con cá nhỏ. – Tốt lắm. - Ông lấy con dao nhỏ và khía vài nhát trên mình con cá mềm oặt. Máu bắt đầu rỉ ra.

- Mike này, lạy Chúa tôi. - Corky nói. - Ghê quá!

Tolland ném con cá xuống biển. Ngay khi con cá rơi xuống mặt biển, gần chục con cá mập lập tức lao bổ đến, những chiếc răng trắng nhởn, sắc nhọn bổ phầm phập vào con cá bé nhỏ. Sau một tích tắc, con cá hoàn toàn biến mất.

Kinh hãi, Rachel quay lại nhìn Tolland ông đã cầm trên tay một con cá nữa. Cùng loại. Cùng kích cỡ.

- Lần này không có máu. - Tolland nói, rồi ném luôn con cá xuống biển mà không lấy dao cắt ra như lần trước nữa. Con cá rơi xuống nước, nhưng không có bất kỳ động tĩnh nào. Lũ cá mập đầu búa dường như không hề để ý. Con cá mồi bị dòng hải lưu chảy xiết cuốn đi, không gây ra bất kỳ xáo động nào.

- Chúng chỉ tấn công khi ngửi thấy có mùi máu. - Tolland đứng dựa người vào lan can boong tàu và nói. Thực ra chúng ta có thể bơi ở khu vực này mà vẫn an toàn với điều kiện là trên người không có vết thương hở nào.

Corky chỉ tay vào những mũi khâu trên mặt ông ta.

Tolland nhíu mày:

- Đúng thật, cậu thì không được bơi.

 
Chương 102


Chiếc taxi của Gabrielle Ashe không thể nhúc nhích.

Bị mắc kẹt trong đám tắc đường gần đài tưởng niệm FDR, Gabrielle đưa mắt nhìn quang cảnh hai bên đường, và chợt cảm thấy màn sương mờ siêu thực như đang ôm trùm lấy thành phố.

Lúc này phát thanh viên trên đài đang thông báo rằng người vừa bị tai nạn có thể là một nhân vật cao cấp của Chính phủ.

Lấy điện thoại cầm tay ra, cô gọi Thượng nghị sĩ. Chắc chắn giờ này ông đang băn khoăn tại sao cô lại biến mất lâu đến thế.

Đường dây đang bận.

Nhìn đồng hồ đo độ dài của chiếc taxi đang nhấp nháy, Gabrielle nhnl mày. Mấy chiếc xe xung quanh đang quay đầu để đi đường khác.

Người lái xe quay đầu lại hỏi:

- Cô có muốn đợi không? Lâu quá là đồng hồ sẽ tự nhảy đấy.

- Thêm nhiều xe của cảnh sát đang kéo đến. - Không. Quay lại thôi.

Người lái xe làu nhàu gì đó vẻ đồng tình rồi cho xe quay lại. Đi qua chỗ ngoặt, cô lại gọi cho Thượng nghị sĩ lần nữa.

Máy vẫn bận.

Vài phút sau, sau khi vòng vèo, chiếc xe đi qua phố C., Gabrielle nhìn thấy toà cao ốc văn phòng Phillip A. Heart lờ mờ phía trước. Cô định đến thẳng nhà riêng của Thượng nghị sĩ, nhưng nếu văn phòng của ông ở ngay gần đây thế này thì…

- Dừng lại đi. - Cô bảo người lái xe. - Tôi xuống đây cũng được.

- Cảm ơn anh.

Xe dừng bánh.

Thanh toán tiền xong, Gabrielle cho anh ta thêm mười đô la nữa.

- Anh có thể đợi tôi mười phút được không?

Người lái xe cầm tiền và nhìn đồng hồ đeo tay:

- Đúng mười phút thôi nhé.

Gabrielle hối hả bước đi. Năm phút nữa tôi quay ra ngay…

Vào lúc khuya khoắt này, khu văn phòng lát đá hoa cương của Thượng nghị sĩ trông thật đìu hiu. Đi lướt qua dãy tượng đặt cạnh hành lang tầng ba, Gabrielle chợt có cảm giác căng thẳng. Những đôi mắt bằng đá như đang theo dõi từng cử động của cô.

Đến cửa khu văn phòng mà Thượng nghị sĩ thuê riêng, cô tra thẻ ra vào vào khe để mở cửa. Hành lang mờ tối. Qua sảnh chờ rộng, cô tiến tới hành lang dẫn vào phòng thư ký. Cô vào trong, bật đèn lên, và bước thẳng tới bên chồng tài liệu trên bàn của mình.

Gabrielle có cả cặp tài liệu về những chi phí của NASA cho dự án PODS cũng như những thông tin về chính dự án đó. Rất có thể Thượng nghị sĩ sẽ cần có ngay những tài liệu cần thiết về PODS sau khi nghe cô báo cáo về Harper.

NASA nói dối về PODS.

Gabrielle chưa kịp chạm tay vào cặp tài liệu thì điện thoại cầm tay của cô đổ chuông.

- Thượng nghị sĩ phải không ạ? - Cô trả lời máy.

- Không đâu, Gabrielle. Yolanda đây. - Người bạn thân thiết của cô lên tiếng. - Em vẫn còn ở trụ sở NASA đấy à?

- Không. Em ở văn phòng.

- Có tìm được gì ở NASA không?

- Chị không thể tin nổi đâu. Gabrielle biết rằng cô nên nói chuyện với Thượng nghị sĩ trước rồi mới kể với Yolanda. Thượng nghị sĩ sẽ quyết định xử lý thông tin theo cách nào. - Em phải báo cáo với Sexton trước rồi mới kể với chị được. Em đang trên đường đến nhà riêng ông ấy.

Yolanda im lặng một lúc.

- Gab này, em còn nhớ những điều hồi nãy em nói với chị về chuyện tiền bạc giữa Sexton và SFF không?

- Em đã bảo chị là em sai và…

- Chị vừa được biết rằng hai phóng viên chuyên phụ trách mảng vũ trụ của đài chị đang điều tra về chuyện ấy đấy.

Gabrielle ngạc nhiên:

- Thế nghĩa là sao?

- Chị không biết. Những họ đều là người tử tế, và đều tin rằng Sexton nhận tiền của SFF. Biết tin là chị gọi cho em ngay. Hồi tối chị có nói với em là chuyện đó không thể có thật. Những thông tin mà Marjorie Tench cung cấp có thể không chính xác. Nhưng những phóng viên của đài chị…, chị cũng chẳng biết thế nào, có lẽ em nên nói chuyện với họ rồi hãy đến gặp Thượng nghị sĩ.

- Nếu họ tin là thế thật thì tại sao chưa cho phát tin lên sóng?

Gabrielle không ngờ giọng điệu của cô lại đanh thép đến thế.

- Họ chưa có bằng chứng cụ thể. Thượng nghị sĩ rất giỏi xoá dấu vết.

- Chính khách nào mà chả thế.

- Không có chuyện ấy đâu Yolanda ạ. Em khẳng định với chị là Thượng nghị sĩ chỉ nhận những khoản hiến tặng trong giới hạn cho phép.

- Chị biết là ông ấy bảo em thế, Gab ạ. Chị không muốn khẳng định điều gì đúng, điều gì sai. Chị chỉ cảm thấy có trách nhiệm phải báo cho em biết vì chị đã khuyên em đừng tin lời nói của Marjorie Tench; và giờ đây chị vừa được biết rằng những người khác cũng có cùng quan điểm với bà ta. Thế thôi.

- Hai phóng viên đó tên là gì? - Gabrielle chợt cảm thấy bực bội.

- Chị không thể nói tên. Nhưng chị có thể dàn xếp một cuộc gặp Họ tử tế lắm. Và rất am hiểu luật… - Yolanda lưỡng lự giây lát - Em biết không, họ còn tin rằng Sexton đang khốn đốn vì tiền thậm chí đến mức phá sản.

Trong văn phòng yên ắng, Gabrielle tưởng như nghe rõ mồn một giọng nói chát chúa của Yolanda. Sau khi Catherine mất, Thượng nghị sĩ đã tiêu tán phần lớn số tiền bà ấy để lại vào những khoản đầu tư thiếu khôn ngoan, vì hưởng thụ cá nhân, và đánh đổi cho mình chút thành công nhỏ mọn trước mắt. Cách đây khoảng sáu tháng, ông ta đã phá sản.

- Hai phóng viên này chắc sẽ đồng ý nói chuyện với em đấy. - Yolanda nói.

- Dĩ nhiên rồi! - Gabrielle thầm nghĩ. - Em sẽ gọi lại cho chị.

- Hình như em không tin tưởng lắm.

- Bao giờ em cũng tin chị. Em luôn tin ở chị. Cảm ơn chị.

Gabrielle tắt máy.

Người vệ sĩ đang gà gật trên chiếc ghế bành ngay cửa căn hộ của Thượng nghị sl Sexton tại khu Westbrooke, đột nhiên chuông điện thoại trong túi áo vang lên khiến anh ta giật mình tỉnh giấc. Ngồi bật dậy, anh ta dụi mắt rồi nghe máy.

- Tôi nghe.

- Owen à? Gabrielle đây.,.

- Vệ sĩ của Sexton nhận ra giọng cô, là, xin chào.

- Tôi có chuyện cần nói với Thượng nghị sĩ. Anh gõ cửa hộ tôi được không? Máy bàn của ông ấy bận suốt.

- Đêm khuya lắm rồi.

- Ông ấy vẫn thức đấy. Tôi biết mà. - Gabrielle tỏ ra rất nôn nóng.

- Khẩn cấp lắm.

- Lại chuyện khẩn nữa à?

- Vẫn chuyện ban nãy. Bảo ông ấy trả lời máy tôi ngay. Có chuyện này tôi phải hỏi ông ấy.

Anh chàng vệ sĩ thở dài đứng dậy.

- Thôi được, thôi được. Tôi sẽ gõ cửa. - Anh ta sải bước về phía cửa phòng riêng của Sexton.

- Hồi tối đã cho cô vào rồi thì giờ phải gọi cửa cho cô nốt vậy. Đã chót thì phải chét. - Anh ta miễn cưỡng giơ tay lên định gõ cửa.

- Anh vừa bảo gì cơ? - Gabrielle hỏi.

Anh chàng vệ sĩ rụt phắt tay lại.

- Tôi bảo là lúc nãy Thượng nghị sĩ tỏ ra hài lòng vì tôi đã để cô vào. Ông ấy bảo tôi xử sự thế là đúng. Không có vấn đề gì cả.

- Anh đã cho Thượng nghị sĩ biết à?

- Ừ. Thế thì sao?

- Không tôi tưởng…

- Quả là ông ấy hơi bị bất ngờ. Phải mất vài giây ông ấy mới nhớ ra là cô cũng ở trong đó. Chắc bọn họ uống khá nhiều rượu.

Im lặng một hồi lâu.

- Thôi… thôi. Chẳng có gì đâu. Để lúc khác tôi hỏi Thượng nghị sĩ cũng được. Tôi gọi vào máy bàn xem thế nào đã. Biết đâu lại được. Nếu cần tôi sẽ gọi lại nhờ anh gõ cửa.

Anh chàng vệ sĩ trợn tròn mắt.

- Thế cũng được, cô Ashe ạ.

- Cảm ơn Owen. Phiền anh quá.

- Không có gì. - Anh ta tắt máy, lại nằm phịch xuống ghế rồi ngủ ngay.

Một mình trong văn phòng, Gabrielle đứng chết lặng mất mấy giây rồi mới tắt được máy. Sexton đã biết mình vào trong căn hộ… nhưng không nói với mình một lời.

Đêm nay, một đêm đầy biến động, trời trở nên u ám. Gabrielle nhớ lại cuộc nói chuyện điện thoại với ngài Thượng nghị sĩ lúc còn ở đài NBC ông ta làm ra vẻ không biết cô ở đó, ra vẻ tự nguyện kể hết cho cô nghe về cuộc gặp bí mật cũng như chuyện tiền bạc.

Tưởng ông ta thật thà, cô đã tin ngay. Giờ đây, Gabrielle nhận ra rằng ngài ứng cử viên của mình không trung thực đến thế.

Tiền chẳng đáng bao nhiêu, Sexton đã nói với cô như thế. Hoàn toàn hợp pháp…

Đột nhiên, tất cả những điều Gabrielle nghi ngờ về Thượng nghị sĩ Sexton cùng đồng loạt quay trở lại.

Dưới đường, người lái taxi đang bấm còi inh ỏi.

 
Chương 103


Đài chỉ huy của tàu Goya là một căn phòng hình vuông, cao hơn boong chính hai tầng lầu. Từ đây, Rachel có thể quan sát khắp vùng biển tối sẫm xung quanh, một quang cảnh chẳng mấy hấp dẫn, tập trung vào công việc đang dở dang, cô không nhìn ra ngoài nữa.

Sau khi để Tolland và Corky đi tìm Xavia, Rachel liên lạc với Pickering. Cô đã hứa với Giám đốc là đến nơi thì sẽ gọi ngay về, vả lại lúc này Rachel cũng nóng lòng muốn hỏi xem ông đã biết thêm được gì sau khi gặp Marjorie Tench.

Hệ thống liên lạc SHINCOM 2100 của tàu Goya rất quen thuộc đối với Rachel. Cô biết những cuộc đàm thoại ngắn bằng hệ thống liên lạc số hoá này thường rất an toàn.

Quay xong số máy cá nhân của Pickering, cô đợi, áp chặt ống nghe vào tai. Rachel tưởng Pickering sẽ nghe máy ngay sau hồi chuông đầu tiên. Nhưng chuông cứ đổ mãi.

Sáu hồi. Bẩy hồi. Tám…

Rachel đăm đăm nhìn mặt biển tối sẫm, không liên lạc được với chỉ huy, cô càng cảm thấy bất an trước biển.

Chín hồi chuông. Mười hồi. Nghe máy đi sếp!

Rachel đi đi lại lại, chờ đợi. Có chuyện gì thế nhỉ? Lúc nào Pickering chả mang máy theo người, ông còn dặn Rachel gọi lại cơ mà.

Sau mười lăm hồi chuông. Rachel gác máy.

Lo lắng bồn chồn, cô quay số một lần nữa.

Bốn hồi. Năm hồi.

Sếp đâu nhỉ.

Cuối cùng thì cũng kết nối được. Rachel thấy nhẹ nhõm, nhưng chẳng được bao lâu. Không có ai trả lời máy. Hoàn toàn im lặng.

- Alô. - Rachel lên tiếng. - Phải Giám đốc đó không?

Có ba tiếng bíp vang lên.

- Alô? - Rachel nói.

Một loạt những tiếng bíp bíp vang lên ầm ĩ, nghe rất chói.

Rachel phải đưa ống nghe ra xa tai. Những tiếng bíp đột nhiên chấm dứt. Sau đó là một loạt những tiếng lách cách, mỗi tiếng cách nhau nửa giây. Rachel hiểu ra. Rồi thấy sợ.

- Chết tiệt!

Quay về bêện bàn điều khiển, cô dập mạnh ống nghe, ngắt cuộc gọi. Rachel sợ hãi đứng chết sững mất mấy giây, thầm băn khoăn không biết ngắt cuộc gọi như thế có kịp thời không.

Cách boong chỉ huy hai tầng lầu, phòng thí nghiệm của tàu Goya là một khu làm việc khá rộng được chia thành nhiều ngăn nhỏ, chứa đầy thiết bị điện tử - thiết bị quan sát đáy biển, thiết bị phân tích dòng hải lưu, các phòng kính, phòng làm lạnh mẫu vật, máy tính cá nhân, và hàng loạt khay nhựa đựng số liệu nghiên ứu và các phụ từng dự trữ.

Khi Tolland và Corky bước vào, nhà địa lý học duy nhất trên tàu Goya – Xavia - đang ngồi trước tivi. Cô không quay đầu lại.

- Các anh hết tiền mua bia rồi à? - Cô nói vọng ra, tưởng mấy thuỷ thủ của tàu vừa quay về.

- Xavia đấy à? - Tolland lên tiếng, - Mike đây.

Nuối vội miếng bánh mì kẹp đang ăn dở, Xavia quay phắt lại.

- Mike à? - Cô lắp bắp, vô cùng kinh ngạc. Đứng dậy, cô tắt tivi và tiến lại gần hai người, miệng vẫn đang nhai. - Tôi cứ tưởng mấy anh chàng vừa đi nhậu nhẹt về. Anh làm gì ở đây thế?

Xavia khá đậm người, da ngăm đen, giọng nói sắc lạnh và vẻ mặt hằm hằm khó chịu. Cô chỉ chiếc tivi đang phát lại đoạn phim tài liệu của Tolland.

- Anh ở trên phiến băng không được lâu lắm nhỉ.

Có chuyện rắc rối xảy ra. Tolland nghĩ thầm.

- Xavia này, tôi đoán là cô biết Corky Marlinson.

Xavia gật đầu:

- Rất hân hạnh được gặp tiến sĩ.

Corky thèm thuồng nhìn mẩu bánh mì mà Xavia đang ăn dở.

- Trông ngon lành ghê.

Xavia khó chịu liếc xéo nhà cổ sinh học.

- Tôi đã nghe đoạn băng cô thu sẵn cho tôi trên điện thoại. - Tolland nói với Xavia. - Trong đoạn phim tài liệu của tôi có sai sót à? Cô hãy nói rõ hơn về điều đó.

Nhà địa chất học trợn tròn mắt nhìn Tolland rồi phá lên cười sằng sặc.

- Chỉ vì thế mà anh phải quay về đây ngay à? Mike ơi là Mike! Tôi đã bảo anh là chi tiết đó không có gì đáng kể cơ mà. NASA đã cung cấp cho anh những dữ liệu quá lạc hậu. Nhưng không có gì trầm trọng đâu. Chắc chỉ dăm ba nhà địa chất hoc hàng đầu nhận ra được sai sót đó thôi mà.

Tolland gần như nín thở khi ông hỏi:

- Có phải sai sót đó liên quan đến các chrondrule không?

Xavia kinh ngạc đến tái mặt:

- Chúa ơi! Đã có người gọi điện đến cho anh về chuyện đó rồi cơ à?

Tolland ngồi sụp xuống. Các chrondrule. Ông hết nhìn nhà cổ sinh học rồi lại quay sang nhìn chuyên gia địa lý học:

- lXavia này, hãy nói với tôi tất cả những gì cô biết về các chrondrule. Sai sót của tôi là thế nào?

Xavia nhìn Tolland chăm chú, và cuối cùng cũng nhận ra dáng vẻ hết sức căng thẳng của ông.

- Mike, thực ra chẳng có gì to tát cả. Dạo trước tôi đã đọc một báo cáo khoa học đăng trên tạp chí. Nhưng tại sao anh lại lo lắng đến mức thái quá như vậy nhỉ?

Tolland thở dài.

- Xavia này, câu chuyện này vô cùng lạ lùng, nhưng đêm nay cô càng biết ít càng tốt. Hãy nói với chúng tôi tất cả những gì cô biết về chrondrule, sau đó phân tích hộ tôi một mẫu đá.

Dường như Xavia vẫn đang tò mò không biết có chuyện gì, nhưng không hỏi gì thêm.

- Được, để tôi quay về phòng lấy bài báo đó cho anh xem. - Cô để miếng bánh đang ăn dở xuống ghế và nhanh nhẹn tiến ra cửa.

Corky gọi với theo:

- Này, cho tôi nốt nhá!

Xavia dừng lại, không tin vào tai mình:

- Ông muốn ăn nốt cái bánh của tôi à?

- À, nếu cô không muốn ăn nữa thì…

- Ông tự đi lấy bánh mới mà ăn! - Xavia bỏ đi.

Tolland cười ha hả, chỉ cái tủ lạnh đặt trong góc phòng. - Ngăn dưới cùng bên trái, Corky. Cạnh túi để mực khô ấy.

Trên boong tàu, Rachel đang hối hả sải bước từ lầu chỉ huy xuống đuôi tàu, chỗ chiếc trực thăng đang đậu. Đang gà gà gật gật, người phi công ngồi thẳng dậy khi cô đập thình thình lên cửa cabin.

- Xong rồi cơ à? Anh ta hỏi. - Sao nhanh thế?

Rachel lắc đầu, vẻ mặt vô cùng căng thẳng:

- Anh làm ơn bật hết cả radar quét trên không và trên mặt biển lên.

- Được ngay. Bán kính quan sát là mười dặm.

- Làm ơn bật ngay lên hộ tôi.

Người phi công vặn nút, gạt vài cái cần, và màn hình radar bật sáng. Ông kính quan sát bắt đầu quay chầm chậm.

- Có thấy gì không? - Rachel hỏi ngay.

Người phi công đợi đến khi ống kính đã quay kín một vòng. Chỉnh lại ống kính, rồi lại chờ. Không thấy gì hết.

- Chỉ có vài con thuyền nhỏ đi lướt qua ở tít ngoài xa, nhưng đều đi ra hướng khác. Chẳng có gì hết. Cả mặt biển lẫn bầu trời đều trống không.

Rachel Sexton thở phào, dù vẫn chưa hoàn toàn yên tâm.

- Tôi nhờ anh một việc. Nếu thấy bất kỳ cái gì tiến về phía chúng ta - thuyền, máy bay, bất kỳ cái gì - thì báo cho tôi ngay, được không?

- Được! Mọi thứ vẫn ổn cả chứ?

- Không có gì. Tôi chỉ muốn biết có ai đang tiếp cận chúng ta hay không thôi.

Người phi công nhún vai:

- Tôi sẽ quan sát, thưa cô. Nếu có tiếng bíp nào thì cô sẽ là người đầu tiên được biết.

Rachel đi về phía phòng thí nghiệm, ruột gan như có lửa đốt.

Đến nơi, cô thấy Tolland và Corky đang đứng trước một cái máy tính nhồm nhoàm nhai bánh mì.

Đầy miệng bánh, Corky trông thấy cô là gọi liền:

- Cô muốn ăn loại nào? Xa lát gà và cá, cá bologna, hay cá và trứng nào?

Rachel chẳng nghe thấy gì.

- Mike, mất bao lâu nữa thì chúng ta xong việc và rời khỏi nơi này được?
 
Chương 104


Tolland đi đi lại lại trong phòng thí nghịêm, ông cùng với Corky và Rachel đang đợi Xavia quay lại. Thông tin mới về các chrondrule cũng như những gì Rachel vừa kể lại đều rất đáng lo ngại.

Giám đốc không trả lời máy.

Có người cố tình xác định toạ độ của tàu Goya.

- Chúng ta hãy bình tĩnh. - ông nói. - Chúng ta vẫn an toàn. Người phi công cứu hộ vẫn đang quan sát bằng radar. Nếu có kẻ nào đến đây thì chúng ta sẽ được báo trước để chuẩn bị ứng phó.

Rachel gật đầu tán thưởng, dù vẫn rất lo lắng.

- Mike, cái gì đây? - Corky hỏi, tay chỉ một màn hình máy tính Sparc đầy những sinh vật lạ lùng đang chuyển động nhịp nhàng sống động Thiết bị chụp ảnh mặt đáy bằng sóng siêu âm đấy. Tolland trả lời. - Dùng để quan sát mặt cắt của dòng hải lưu bên dưới đáy tàu cũng như những thay đổi nhiệt độ của đáy biển.

Rachel trợn tròn mắt:

- Chúng ta đang thả neo ngay bên trên những thứ này sao?

Tolland buộc phải thừa nhận rằng quang cảnh này quả là hơi đáng sợ. Trên mặt biển là màu xanh lục cuộn sóng, nhưng sâu dần xuống dưới đáy, nước biển chuyển sang màu đỏ cam thật đáng sợ do nhiệt độ tăng lên. Gần đáy biển là xoáy nước cuồn cuộn đỏ rực.

- Đấy chính là một megaplume đấy. - Tolland giải thích.

Corky lẩm bẩm:

- Trông y như một núi lửa ngầm dưới đáy biển.

Về bản chất thì chính là nó đấy. Thông thường thì càng sâu xuống đáy đại dương, áp suất càng tăng lên, nhiệt độ càng giảm xuống. Nhưng tại đây, những điều kiện đó bị đảo ngược. Nước dưới đáy nóng và nhẹ hơn, nên nó nổi lên trên bề mặt. Trong khi đó nước trên bề mặt thì lại mát và nặng hơn, nên chìm xuống dưới để lấp vào chỗ trống đó. Đôi khi có những hiến tượng y hệt như bão nhiệt đới, nhưng ở trong lòng đại dương. Đó là những xoáy nước lớn rất mạnh.

- Cái bướu lớn sát đáy biển là gì thế? - Corky chỉ tay vào vùng đáy biển khá rơng lồi lên như nhà mái vòm, phập phồng như cái bong bóng lớn. Tâm của dòng nước xoáy nằm ngay bên trên nó.

- Chỗ lồi lên đó là vòm nham thạch. - Tolland nói. - Nham thạch phun ra từ đáy đại dương.

Corky gật gù:

- Trong như cái hậu môn khổng lồ.

- Đó cũng là một cách so sánh.

- Nếu nó phun trào lên thì sao?

Tolland nhíu mày, ông nhớ lại sự kiện magma phun trào nổi tiếng năm 1986 ở vùng biển Juan de Fuca Ridge. Hàng ngàn tấn magma ở nóng 12 ngàn độ C bỗng bị phun vọt lên tận mặt biển, và lập tức tạo ra một xoáy nước xiết khổng lồ. Các dòng hải lưu trên biển lập tức chảy mạnh do xoáy lan lên tận mặt biển với tốc độ chóng mặt. Tối nay Tolland không muốn kể cho Corky và Rachel nghe những gì xảy ra tiếp sau đó.

- Các vòm magma ở vùng biển Atlantic thường không đột ngột phun mạnh lên. - Tolland nói. - Nước lạnh liên tục chảy qua miệng vòm làm nó nguội đi, và đá cứng lại, khiến cho magma bị nén chặt bên dưới lớp đá cứng. Cuối cùng cả magma cũng nguội đi nốt, và xoáy nước cũng biến mất. Các vòm magma thường không có gì nguy hiểm cả.

Corky chỉ quyển tạp chí cũ nhàu nát ai đó để ngay gần chiếc máy tính bên cạnh họ:

- Thế chẳng lẽ Tạp chí Khoa học Hoa Kỳ đăng chuyện khoa học viễn tưởng hay sao?

Tolland trông thấy trang bìa. Ông nhíu mày, chắc ai đó đã lấy cuốn tạp chí này từ tủ sách trên tàu Goya. Số xuất bản tháng Hai năm 1999. Trên bìa trước là tranh vẽ một tàu chở dầu lớn bị lọt vào giữa xoáy nước khổng lồ. Dòng tít chạy ngang qua bức tranh: VÒM MAGMA - SÁT THỦ NGẦM DƯỚI ĐÁY ĐẠI DƯƠNG?

Tolland cười lớn, rồi nói át đi: Tình huống này thì lại khác. Bài báo đó nói về những vòm magma ở những khu vực hay có động đất cơ. Đó là một giả thuyết rất được ưa chuộng vài năm trước về tam giác quỷ Bermuda, để giải thích cho sự biến mất của tàu bè. Về mặt kỹ thuật mà nói thì nếu có động đất dưới đáy đại dương, thì vòm magma này có thể phun ra rất nhiều nham thạch, và xoáy nước có thể lớn đến nỗi… anh cũng biết rồi đấy…

- Không, chúng tôi không hề biết gì hết. - Corky nói.

Tolland nhún vai:

- Nó sẽ lan đến tận mặt biển.

- Kinh quá, thật may là chúng ta đang ở trên tàu.

Xavia quay lại, tay cầm mấy tờ giấy:

- Các vị đang chiêm ngưỡng đáy đại dương đấy à?

- Vâng, đúng thế! - Corky chua chát - Mike đang giải thích với chúng tôi rằng nếu cái vòm này phun trào thì chúng ta sẽ bị dòng nước xiết hút thẳng vào tâm xoáy nước khổng lồ,.

- Dòng nước xiết thôi à? - Xavia lạnh lùng chỉnh lại. - Giống bị xả xuống một cái toa lét khổng lồ thì đúng hơn.

Trên boong tàu Goya, viên phi công trên chiếc trực thăng cứu hộ đang chăm chú quan sát màn hình radar MES. Anh ta đã nhìn thấy ánh mắt sợ hãi của Rachel, và cũng đang thầm cảm thấy bất an. Rõ ràng là Rachel Sexton đã tỏ ra rất lo lắng khi yêu cầu anh bật máy quét radar lên để quan sát tất cả những vị khách không mời muốn tiếp cận tàu Goya.

Cô ấy sợ ai thế không biết, anh ta băn khoăn.

Trong phạm vi mười dặm kể từ vị trí của tàu Goya, không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cả trên biển lẫn trên trời. Cách họ tám dặm có một con tàu đang đánh cá. Thỉnh thoảng lại có một chiếc máy bay sượt qua rìa màn hình rời mất hút phía xa.

Người phi công thở dài, đưa mắt nhìn mặt biển cuộn sóng xung quanh thân tàu. Thật kỳ quái, cứ như thế con tàu đang chạy hết tốc lực chứ không phải là đang bỏ neo nữa.

Anh lại quay sang nhìn màn hình radar, đầy cảnh giác.

 
Chương 105


Trên tàu Goya, Tolland vừa giới thiệu Xavia với Rachel.

Nhà địa chất học trên con tàu càng lúc càng cảm thấy băn khoăn về những người đang đứng trong phòng thí nghiệm lúc này. Thêm vào đó, thái độ nôn nóng muốn kết thúc công việc thật nhanh để rời khỏi con tàu của Rachel càng khiến cô thấy không thoải mái.

- Cứ từ từ, Xavia, - Tolland bảo cô. Chúng tôi cần phải biết mọi thứ.

Xavia bắt đầu nói, giọng chắc nịch:

- Trong đoạn phim tài liệu của mình, Mike, anh nói rằng những chrondrule chỉ có thể xuất xứ từ vũ trụ

Tolland thấy tim thắt lại vì sợ hãi, chrondrule chỉ có thể bắt nguồn từ trong vũ trụ, NASA đã nói với mình như vậy mà.

- Nhưng theo một trong những tài liệu này, Xavia giơ cao tập giấy trên tay - thì điều đó không hoàn toàn chính xác.

Corky trợn tròn mắt.

- Dĩ nhiên điều đó là chính xác!

Xavia quắc mắt nhìn ông ta, tay vung vẩy mấy tập tài liệu.

Năm ngoái, một nhà địa chất học trẻ tuổi ở Trường Đại học Drew đã sử dụng một loại người máy mới để tiến hành thăm dò vỏ trái đất ở vực ngầm Mariana, sau đó đưa lên được một khối đá mềm có những phần tử về thạch học cực kỳ khác thường. Nhìn bề ngoài thì rất giống các chrondrule. Anh ta đặt tên cho chúng là "những khoáng chất plagiocla thể vùi" - những túi kim loại cực nhỏ hiển nhiên là đã trở nên tái đồng đẳng khi phải chịu áp suất cực cao dưới đáy đại dương. Tiến sĩ Pollock rất kinh ngạc khi thấy những túi kim loại này trong đá đại dương, và ông đã đưa ra giả thuyết hoàn toàn mới để giải thích cho hiện tượng đó.

Corky lẩm bẩm:

- Dĩ nhiên là thế chứ còn gì!

Xavia không thèm đếm xỉa đến nhà cổ sinh học.

- Tiến sĩ Pullock khẳng định rằng loại đá đó được hình thành trong môi trường biển có áp suất cực lớn. Áp suất đó khiến những tảng đá có sẵn bị biến chất, cho phép một số kim loại khác nhau trong thành phần của nó chảy ra.

Tolland trầm tư. Vực ngầm Mariana sâu tới mấy dặm, một trong những địa điểm mà hầu như chưa được giới khoa học để tâm nghiên ứu. Mới chỉ có một vài tàu thăm dò không người lái được thả xuống độ sâu đó, và chưa xuống đến đấy đã bị nát vụn. Áp suất nước trong vực ngầm đó cực lớn - ba mươi sáu ngàn pound trên một xăng ti mét vuông so với hai mươi tám pound trên mặt biển. Các nhà hải dương học vẫn còn hiểu biết rất ít về các thực chất khác nhau tồn tại ở độ sâu đó.

- Tức là tiến sĩ Pullock cho rằng vực ngầm Mariana có thể tạo ra những tảng đá có các phần tử trông giống chrondrule à?

- Lý thuyết này vẫn còn khá mơ hồ. - Xavia nói. - Thực ra người ta vẫn chưa chính thức công bố lý thuyết này. Tháng trước, do tình cờ tôi đã tìm được những ghi chép cá nhân của tiến sĩ Pullock khi đang tìm tài liệu về những tương tác của đá nóng chảy để chuẩn bị cho bộ phim mới của chúng ta về vòm nham thạch. Nếu không thì tôi cũng chẳng thể nào biết được.

- Lý thuyết này chưa được công bố là vì nó quá ngớ ngẩn. - Corky nói. - Phải có nhiệt lượng thì mới có được các chrondrule. Không cách gì áp suất nước lại có thể làm biến đổi những cấu trúc nội tại của đá được.

- Áp suất mới là yếu tố quan trọng nhất trong các biến đổi địa chất trên hành tinh chúng ta. - Xavia phản bác. - Ông đã bao giờ nghe nói tới đá biến chất chưa? Địa lý học nói đấy.

Corky giận tím mặt.

Tolland nhận thấy Xavia có lý. Dù nhiệt năng quả thực đóng vai trò nhất định trong sự hình thành của một số loại đá biến chất trên trái đất, đa số các loại đá biến chất được hình thành dưới tác động của áp suất. Các vỉa đá sâu trong lòng trái đất chịụ áp lực lớn đến nỗi chúng tương tác với nhau như những chất lỏng sệt chứ không phải như những loại đá cứng, trở nên đàn hồi và trải qua những thay đổi về hoá học. Tuy nhiên, giả thuyết của tiến sĩ Pullock mới chỉ là suy đoán mà thôi.

- Xavia này, tôi chưa bao giờ nghe nói đến chuyện chỉ cần áp lực nước cũng đủ để làm thay đổi đặc tính hoá học của một tảng đá. Là nhà địa chất học, cô nghĩ thế nào?

- Thực ra mà nói thì… - Xavia vừa nói vừa lật giở tập tài liệu - có vẻ như áp suất của nước không phải là yếu tố duy nhất. - Cô tìm thấy trang tài liệu liên quan và đọc từng chữ một. - Vỏ trái đất ở đáy vực ngầm Mariana, ngoài lực thuỷ tĩnh cực lớn, còn phải chịu sức ép của các lực kiến tạo của một khu vực đang lún dần.

Dĩ nhiên rồi, Tolland thầm nghĩ. Vực ngầm Mariana, ngoài việc chịu áp lực của khối nước sâu chín dặm, còn là khu vực đang sụt lún nằm đúng trên vết đứt gãy của trái đất, nơi đĩa Pacific và đĩa Indian trôi theo hai hướng ngược nhau và đâm vào nhau. Nhiều lực ép kết hợp với nhau chắc chắn phải tạo ra áp suất rất lớn. Và bởi khu vực này rất xa xôi và nguy hiểm, nếu như các chrondrule thực sự được hình thành ở đó thì số người biết hiện tượng đó cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Xavia vẫn đang đọc tiếp.

- Lực thuỷ tĩnh và lực kiến tạo kết hợp với nhau có thể biến vỏ trái đất ở khu vực đó chuyển sang trạng thái nửa lỏng, buộc các phần tử nhẹ hơn chảy ra biến thành các tinh thể trông giống chrondrule vốn được coi là chỉ có thể hình thành trong vũ trụ.

Corky quắc mắt:

- Không thể nào!

Tolland đưa mắt nhìn ông ta:

- Liệu có thể giải thích theo cách nào khác sự hiện diện của các chrondrule trong tảng đá mà tiến sĩ Pullock đã tìm được không?

- Dễ thôi. - Corky đáp. - Pullock đã tìm thấy một tảng thiên thạch thật sự. Thiên thạch vẫn thường xuyên rơi xuống biển chứ. Pullock có thể không nghĩ đến điều đó vì sau thời gian dài, nước có thể ăn mòn mất lớp vỏ nóng chảy bên ngoài tảng đá đó. Và nhìn thoáng qua thì nó giống các loại đá thông thường khác. - Ông ta quay sang nói thêm với Xavia. - Tôi cho là gã đó không đủ thông minh và tỉnh táo để kiểm tra hàm lượng nickel đâu.

- Thực ra ông ta đã làm điều đó. - Xavia bác bỏ, lại một lần nữa lật lật các trang tài liệu. - Pulllock đã viết thế này: "Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy hàm lượng nikel trong mẫu đá rơi vào tỉ lệ trung bình không thường gặp trong các loại đá mặt đất thông thường".

Tolland và Rachel nhìn nhau, choáng váng.

Xavia lại đọc tiếp:

- Dù hàm lượng nickel không rơi đúng vào ngưỡng trung bình đặc trưng của thiên thạch, nhưng rất sát với tỉ lệ đó

Rachel tỏ ra rất quan tâm:

- Gần đến mức nào? Liệu có thể nhầm thiên thạch với đá thường dưới lòng đại dương được không?

Xavia lắc đầu.

- Tôi không chuyên về thạch học hoá học. Nhưng tôi biết là còn có nhiều khác biệt về hoá học giữa tảng đá của Pollock và thiên thạch thứ thiệt.

- Là những khác biệt nào vậy? - Tolland hỏi ngay.

Xavia chăm chú xem những bảng biểu in trong tập tài liệu.

Theo tài liệu này thì bản thân thành phần của các chrondrule cũng khác biệt. Có vẻ như tỉ lệ titan, zirconium khác nhau. Tỉ lệ này trong mẫu đá của ông ta gần như bằng không. - Cô ngước nhìn lên. - Chỉ có hai phần triệu.

- Hai phần triệu! - Corky thốt lên. - Các thiên thạch có tỉ lệ cao hơn thế hàng ngàn lần!

- Chính xác. - Xavia thừa nhận. - Vì thế cho nên Pollock mới tin rằng tảng đá mà ông ấy lấy được lên không phải là một thiên thạch.

Tolland nhoài sang hỏi Corky:

- NASA có kiểm tra tỷ lệ titan, zirconium trong tảng đá ở phiến băng Milne không?

- Dĩ nhiên… là không. - Ông ta lắp bắp. – Không ai làm thế làm gì. Chẳng khác nào đã nhìn rõ một cái xe hơi rồi lại còn đi lấy thước để đo lốp xe xem đấy có đúng là ô tô không!

Tolland thở dài, quay lại hỏi Xavia:

- Nếu đưa cho cô một mẫu đá thì cô có thể xác định được các chondrule của nó có bản chất thiên thạch hay chỉ là tảng đá đại dương của Pollock không?

Xavia nhún vai:

- Chắc là được. Độ phân giải của kính hiển vi điện tử chắc đủ để xác định được. Nhưng chuyện thế này nghĩa là sao?

Tolland quay sang bảo Corky:

- Đưa cho cô ấy đi.

Corky miễn cưỡng lấy mẫu đá trong túi áo ra đưa cho Xavia.

Cầm miếng đá mỏng. Xavia nhíu mày. Cô quan sát lớp vỏ bị nóng chảy và mẫu hoá thạch trong lòng mẫu đá.

- Chúa ơi! - Cô thốt lên, tay giơ cao mẫu đá. - Chẳng phải mẫu này được lấy từ…

- Đúng thế đấy. - Tolland thừa nhận. - Chẳng may là đúng như thế.

 
Chương 106


Một mình trong văn phòng, Gabrielle Ashe đứng phân vân bên cửa sổ, không biết nên làm gì tiếp.

Cách đây chưa đến một giờ đồng hồ, cô đã rời khỏi trụ sở NASA trong tâm trạng đầy háo hức muốn được báo ngay cho Thượng nghị sĩ biết về lời nói dối của Cris Harper, Giám đốc Dự án PODS.

Giờ đây, tâm trạng ấy đã tan biến.

Yolanda vừa cho cô biết rằng hai phóng viên độc lập của Đài Truyền hình ABC đang nghi ngờ rằng Sexton đã lén lút nhận tiền của SFF. Thêm vào đó, Gabrielle vừa được biết rằng Sexton thực ra đã biết chuyện cô nghe lén cuộc họp bí mật giữa ông ta và SFF tại nhà riêng, nhưng ông ta lại không hề hé răng nửa lời.

Gabrielle thở dài. Xe taxi đã bỏ đi từ lâu. Chỉ cần vài phút là gọi được ngay xe khác, nhưng Gabrielle biết rằng ngay, lúc này cô có việc phải làm. Không lẽ mình định làm thế thật sao?

Gabrielle nhíu mày, tự nhủ không còn cách nào khác. Cô chẳng còn biết nên tin vào ai nữa.

Ra khỏi văn phòng của mình, Gabrielle bước ra hành lang để sang dãy phòng đối diện. Cuối hành lang là hai cánh cửa gỗ sồi chắc chắn, hai bên treo hai lá cờ, một bên là cờ Old Glory, đối diện với nó là cờ Delaware - phòng làm việc của Thượng nghị sĩ Sexton.

Cánh cửa này, giống như ở hầu hết các phòng làm việc dành cho những Thượng nghị sĩ trong toà nhà này, có khung bằng thép, được trang bị ổ khoá thông thường kèm theo khoá điện tử mở bằng thẻ từ thêm vào đó là hệ thống báo động.

Gabrielle biết rằng nếu cô có thể vào trong, dù chỉ trong vòng vài phút, tất cả sự thật sẽ được phơi bày. Chân vẫn bước lại gần hai cánh cửa nặng nề, nhưng Gabrielle không hề có ý định động đến hai cánh cửa kiên cố này. Cô có những dự định khác.

Còn cách phòng làm việc của Sexton mười mét, Gabrielle rẽ sang phải, vào nhà vệ sinh nữ. Đèn tự động bật sáng, ánh sáng phản chiếu từ những bức tường trắng bóng, nhà vệ sinh nữ sáng trưng. Đợi đến khi mắt đã thích nghi với ánh sáng, Gabrielle ngắm mình trong gương. Như thường lệ, vẻ mặt của Gabrielle luôn khiến cô hài lòng. Những đường nét dịu dàng. Ngược với vẻ ngoài yếu ớt Gabrielle vốn là người rất dẻo dai.

Việc này có thực sự đáng làm không?

Gabrielle biết Sexton đang nóng lòng đợi cô về để có thông tin cụ thể về PODS. Thế nhưng cô vừa mới nhận ra rằng mình đang bị ngài Thượng nghị sĩ xỏ mũi. Gabrielle Ashe không bao giờ chấp nhận được điều đó. Đêm nay, Thượng nghị sĩ tỏ ra không trung thực. Cô cần biết sự thật. Chắc chắn câu trả lời sẽ có trong văn phòng của ngài Thượng nghị sĩ - liền tường với nhà vệ sinh. Năm phút là xong. - Gabrielle nói lên thành tiếng, hạ quyết tâm. Đến bên tủ đựng đồ thay thế trong góc nhà vệ sinh, Gabrielle lần tay lên bên trên khung cửa. Một cái chìa khoá lách cách rơi xuống nền nhà. Các nhân viên tạp vụ trong toà nhà Philip A. Hart đều ăn lương nhà nước, và mỗi khi công đoàn tổ chức đình công thì họ đều biến mất, có đợt đến mấy tuần liền. Cánh phụ nữ trong văn phòng của Sexton, quá mệt mỏi vì chuyện đó và không muốn bị thụ động, đã tự đánh thêm một chìa khoá dự trữ để đề phòng những trường hợp "khẩn cấp".

Đêm nay là trường hợp khẩn cấp, Gabrielle tự nhủ.

Cô mở tủ.

Đằng sau cánh tủ là lỉnh kỉnh những dụng cụ chùi rửa, giẻ lau, giá đựng đồ, giấy vệ sinh. Tháng trước, trong lúc lục tìm giấy vệ sinh, Gabrielle đã tình cờ phát hiện ra. Vì không với được đến giá trên cùng, cô phải lấy cán chổi để chọc, cho một cuộn giấy rơi xuống. Nhỡ tay, cô làm rơi một mảng gỗ ép từ trên trần xuống. Trèo lên để gắn lại tấm gỗ, Gabrielle đột nhiên nghe thấy tiếng Thượng nghị sĩ Sexton đang nói chuyện.

Rõ mồn một.

Thượng nghị sĩ lúc đó đang độc thoại trong nhà tắm dành riêng cho ông. Những tấm gỗ ép tháo rời được là vật duy nhất ngăn cách phòng tắm ấy với cái tủ đựng đồ này.

Lần này, Gabrielle mở tủ không phải để lấy giấy. Cô cởi giầy trèo lên giá, dỡ bỏ tấm gỗ ép dát trần, đu người lên. An ninh quốc gia mà hớ hênh thế này đây, cô nghĩ thầm. Gabrielle sắp vi phạm không biết bao nhiêu đạo luật, cả cấp bang lẫn cấp liên bang.

Lách người qua khe hở trên trần, cô chui sang phòng tắm của Sexton, tì chân vào bồn rửa mặt, rồi tụt xuống nền. Nín thở, cô vào phòng làm việc của Sexton.

Những tấm thảm phương Đông trên sàn thật dầy, thật ấm.
 
Chương 107


Cách con tàu Goya ba mươi dặm, chiếc trực thăng chiến đấu Kiowa màu đen đang bay sát những cánh rừng thông ở miễn bắc Delaware. Delta-Một kiểm tra lại toạ độ mà họ vừa nhập vào hệ thống định vị.

Dù thiết bị liên lạc vô tuyến ở trên tàu mà Rachel sử dụng cũng như điện thoại cầm tay của Pickering đều sử dụng chế độ mã hoá để chống bị nghe lén, nội dung của cuộc điện thoại không phải cái mà Đội Delta quan tâm khi họ bắt được cuộc gọi của Rachel từ ngoài biển. Mục tiêu của họ là dò tìm vị trí của đối tượng. Nhờ có hệ thống định vị toàn cầu và hệ thống máy tính trên mặt đất, việc xác định toạ độ của một cuộc điện đàm đã trở lên dễ dàng hơn nhiều so với việc nghe lén nội dung của những cuộc gọi ấy.

Delta-Một luôn cảm thay thú vị về điều này. Hầu hết những người sử dụng điện thoại cầm tay đều không hề hay biết rằng mỗi khi họ bấm số để liên lạc với bất kỳ ai, Chính phủ có thể xác định vị trí của họ với sai số không đến mười foot, bất kể nơi nào trên trái đất - tiện ích này bị cấm quảng cáo. Đêm nay, đội Delta đã dò được tần số của một cú điện thoại gọi đến máy cầm tay của William Pickering, họ dễ dàng lần ra toạ độ của người gọi.

Lúc này, họ chỉ còn cách con mồi chưa đầu hai mươi dặm.

- Chuẩn bị chiến thuật hình cái ô. - Anh quay sang nói với Delta-Hai đang điều khiển hệ thống radar và vũ khí.

- Rõ. Sẽ bắt đầu ở khoảng cách năm dặm.

Năm dặm! Delta-Một nghĩ. Anh sẽ phải lái chiếc máy bay này vào trong tầm quan sát của hệ thống radar của đối phương rồi mới sử dụng được vũ khí. Anh đoán chắc rằng tàu Goya đang căng mắt quan sát khắp bầu trời và bởi vì nhiệm vụ của đội Delta là diệt gọn mục tiêu, không để cho họ có cơ hội kêu cứu bằng sóng vô tuyến điện, Delta-Một phải kín đáo tiếp cận mục tiêu.

Cách mục tiêu mười lăm dặm, vẫn nằm ngoài tầm quan sát của hệ thống radar trên tàu Goya, Delta-Một bất ngờ lái chiếc máy bay Kiowa lệch sang hướng tây ba lăm độ. Anh cho máy bay lên đến độ cao ba ngàn foot - độ cao thường thấy ở các máy bay hạng nhẹ - và chuyển sang tốc độ một trăm mười hải lý.

Trên con tàu Goya, thiết bị radar của trực thăng cứu hộ bờ biển kêu một tiếng bíp khi một vật thể bay xuất hiện trong bán kính mười dặm. Người phi công ngồi thẳng dậy, quan sát màn hình. Dường như đó là một chiếc máy bay vận tải hạng nhẹ đang di chuyển về phía tây.

Chắc bay đến Newark.

Nếu chiếc máy bay cứ tiến thẳng theo hướng ấy, nó sẽ tiếp cận tàu Goya ở khoảng cách bốn dặm, nhưng rõ ràng chỉ là tình cờ. Tuy nhiên, người phi công vẫn rất cảnh giác, anh chăm chú quan sát những chấm đỏ lập loè bên phải màn hình, chiếc máy bay này di chuyển khá chậm. Giờ nó chỉ còn cách con tàu của họ bốn dặm về phía tây. Chiếc máy bay vẫn bay thẳng, khoảng cách từ máy bay đến con tàu bắt đầu tăng lên.

4,1 dặm. 4,2 dặm.

Viên phi công thở phào nhẹ nhõm.

Rồi một sự kiện kỳ lạ xảy ra.

- Chiến thuật hình cái ô bắt đầu. - Delta-Hai lên tiếng. Anh đang ngồi trên chiếc ghế bên cánh trái máy bay, trước mặt là bảng điều khiển vũ khí. Tiếng ồn gây nhiễu điều biến và hàng rào xung điện đã được khởi động…

Delta-Một ngay lập tức cho máy bay rẽ ngoặt sang phải, thẳng hướng con tàu Goya. Hệ thống radar trên tàu sẽ không thể nhận biết được thay đổi này.

- Sóng radar gây nhiễu đã được khởi động! - Delta-Hai hô to.

Delta-Một gật đầu. Chiến thuật gây nhiễu radar đã được một phi công người Anh đầy mưu trí nghĩ ra từ thời Thế chiến thứ Hai.

Trong khi tiến hành không kích, anh ta đã cho thả những bó cỏ khô bọc giấy thiếc xuống vùng trời đối phương. Quân Đức nhìn thấy quá nhiều vật thể phản quang trên màn hình radar nên chẳng biết bắn vào cái gì. Kể từ đó đến nay, người ta liên tục cải tiến chiến thuật này.

Hệ thống gây nhiễu radar "hình cái ô" được trang bị cho máy bay Kiowa là một trong những phương tiện tác chiến điện tử tối tân nhất. Bằng cách tung ra những sóng âm thanh có biên độ dao động lớn bao trùm đối tượng, máy bay Kiowa có thể vô hiệu hoá mắt, tai, cũng như giọng nói rủa đối tượng. Vừa rồi, chắc chắn toàn bộ màn hình radar trên tàu Goya đều bị nhiễu loạn. Khi thuỷ thủ đoàn muốn phát tín hiệu cấp cứu, họ sẽ hoàn toàn bất lực. Tất cả mọi phương tiện liên lạc trên tàu đều sử dụng sóng điện hoặc vi sóng - không có liên lạc hữu tuyến. Khi máy bay Kiowa đến gần hơn nữa, toàn bộ hệ thống liên lạc trên tàu Goya sẽ ngừng hoạt động; một bức tường bằng sóng âm vô hình do máy bay Kiowa phát ra sẽ có tác động như chiếc đèn pha khổng lồ, mọi sóng liên lạc đều bị vô hiệu hoá…

Hoàn toàn đơn độc, Delta-Một nghĩ. Họ không thể tự vệ.

Những người này đã may mắn thoát chết trên phiến băng Milne. Điều đó sẽ không lặp lại lần nữa. Rachel Sexton và Michael Tolland đã quyết định sai lầm. Đây sẽ là sai lầm cuối cùng trong đời họ.

Trong Nhà Trắng, Zach Herney ngồi nguyên trên giường đờ đẫn, tay cầm điện thoại.

- Ngay bây giờ à? Ekstrom cần nói chuyện với tôi ngay bây giờ à? - Herney liếc nhìn đồng hồ báo thức đặt cạnh giường. Ba giờ mười bảy phút sáng.

- Đúng thế, thưa Tổng thống. - Nhân viên tổng đài của Nhà Trắng đáp. - Ông ấy nói là gấp lắm ạ.

 
Chương 108


Corky và Xavia đang chăm chú nhìn vào kính hiển vi điện tử để xác định tỉ lệ zirconium trong các chrondrule, Rachel theo Tolland sang phòng thí nghiệm nhỏ bên cạnh. Ông khởi động máy tính trong phòng. Rõ ràng là nhà hải dương học nổi tiếng muốn kiểm tra thêm chi tiết nào đó.

Trong khi đợi máy tính chuẩn bị làm việc, ông quay sang Rachel, ngập ngùng, như muốn nói điều gì, nhưng lại lặng im.

- Có chuyện gì vậy? - Rachel hỏi. Cô thầm ngạc nhiên cảm nhận được sức hút lan toả từ cơ thể cường tráng của ông, ngay trong những giây phút gấp gáp như lúc này. ước gì Rachel có thể quên hết tất cả mọi sự, để được ở bên Mike - dù chỉ trong giây lát.

- Tôi nợ em một lời xin lỗi. - óng nói, ánh mắt đầy vẻ nuối tiếc.

- Vì sao?

- Về con tàu… Về cá mập đầu búa. Tôi quá sung sướng được quay về tàu. Đôi khi tôi quên mất là có những người rất sợ hãi khi phải đối mặt với biển cả.

Mặt giáp mặt Tolland, Rachel tưởng như mình trở lại thời còn là nữ sinh ngây thơ lần đầu hẹn hò với bạn trai.

- Cảm ơn anh. Không sao đâu mà. Thật đấy.

Dường như ông rất muốn được hôn cô. Rồi ông ngượng ngùng quay đi.

- Tôi biết em rất nóng lòng được lên bờ ngay. Chúng ta vào việc nhé.

- Vào việc thôi! - Rachel mỉm cười, nói khẽ.

- Ừ! - Tolland ngồi vào trước máy tính.

Rachel đứng sát sau lưng Tolland, tận hưởng sự yên tĩnh và ấm cúng của căn phòng nhỏ. Cô nhìn Tolland di chuyển con chuột qua một dãy file. - Chúng ta làm gì bây giờ?

Mở cơ sở dữ liệu để tìm con chấy đại dương khổng lồ Biết đâu chúng ta lại tìm được hoá thạch nào đó giống như trong tảng thiên thạch của NASA - Ông kích chuột vào chương trình tìm kiếm và gõ mấy chữ in hoa: PROJECT DIVERSITAS…

Vừa di con chuột dọc thanh công cụ, ông vừa giảng giải:

- Diversitas là cơ sở dữ liệu liên tục được cập nhật về các loại sinh vật trong đại dương. Mỗi khi nhà hải dương học nào đó phát hiện được một loài mới, anh ta có thể báo cho các đồng nghiệp khác biệt bằng cách tải thông tin và ảnh của loài vật đó lên cơ sở dữ liệu trung tâm. Vì sau mỗi tuần lại có rất nhiều thông tin mới nên đây là cách duy nhất để khỏi bị lạc hậu.

Rachel nhìn Tolland bấm nút trên thanh công cụ.

- Và bây giờ chúng ta nối mạng intemet à?

- Không. Ở biển rất khó nối mạng intemet. Chúng tôi lưu giữ tất cả các dữ liệu cần thiết trong một loạt ổ đĩa hình ở phòng bên.

Mỗi khi cập cảng thì chúng tôi lại cập nhật thông tin từ máy chủ để nhận các dữ liệu mới. Đây là cách tiếp cận dữ liệu không cần đường truyền, và thông tin của chúng tôi không bao giờ bị lạc hậu quá một tháng. - Tolland vừa cười vừa gõ từ khoá vào ô tìm kiếm trên máy tính. - Chắc Rachel đã từng nghe nói tới phần mềm nghe nhạc mở tên là Napster?

Rachel gật đầu.

Diversita được coi là phiên bản dành cho các nhà hải dương học của Napster. Chúng tôi đặt cho nó biết hiệu là LOBSTER3 - Cơ sở dữ liệu vô cùng lập dị của các nhà hải dương học cô đơn.

Rachel cười phá lên. Khiếu hài hước của Tolland đã đánh bạt được cảm giác lo lắng của cô trong những giờ phút căng thẳng như thế này. Rachel chợt nhận thấy cuộc sống của cô gần đây quá thiếu vắng tiếng cười.

- Đây là cơ sở dữ liệu khổng lồ. - Tolland vừa nói vừa đánh những từ khoá cuối cùng vào ô tìm kiếm. - Hơn mười terabyte thông tin và hình ảnh. Nó chứa những thông tin không ai biết đến, và sẽ chẳng có ai buồn quan tâm đến. Đơn giản là các loài thuỷ sinh vật quá đa dạng. - Ông nhấn chuột vào nút "tìm kiếm". - Rồi, để xem đã có ai thấy hoá thạch nào gần giống với mẫu hoá thạch trong tảng đá của NASA không nào.

Vài giây sau, màn hình chuyển, một danh sách có bốn mục hoá thạch hiện lên. Tolland lần lượt kích chuột vào từng mẫu hoá thạch và xem xét. Không mẫu hoá thạch nào có bất cứ nét nào tương đồng với con chấy hoá thạch khổng lồ trong tảng thiên thạch trên phiến băng Milne.

Tolland nhíu mày.

- Thử cách khác xem nào. - Ông xoá bỏ từ hoá thạch trong chuỗi từ khoá rồi nhấn vào nút "tìm kiếm".

Chúng ta tìm các sinh vật đang sống vậy. Biết đâu mợt loài đang sống nào đó có những đặc điểm gần giống hoá thạch trong tảng đá của NASA.

Màn hình lại chuyển lần nữa.

Tolland lại nhíu mày. Lần này hàng trăm đề mục hiện lên trên màn hình. Ông ngồi im lặng giây lát, tay gãi gãi cái cằm lởm chởm râu. - Nhiều quá, phải giới hạn bớt lại xem.

Rachel quan sát Tolland kích vào một thanh công cụ nằm dọc có tên là "môi trường sống". Số lượng đề mục để chọn quả là khổng lồ: Vùng thuỷ triều, đầm, phá, vùng có đá ngầm, núi ngầm trong lòng đại dương, vùng có mạch phun sulfur. Tolland di chuột xuống tít bên dưới và chọn dề mục NHỮNG KHE SU ÍT SỰ SỐNG, VỰC SU ĐẠI DƯƠNG.

Rất sáng suốt, Rachel thầm nhận xét. Tolland đang giới hạn phạm vi tìm kiếm vào những khu vực mà họ cho rằng có thể hình thành các chrondrule.

Màn hình chuyển. Lần này Tolland mỉm cười hài lòng.

- Tốt lắm, chỉ còn ba đề mục.

Rachel nhìn cái tên đầu tiên trên màn hình Limulus poly… lạ hoắc.

Tolland nhấn chuột vào đó. Một bức ảnh hiện ra. Con vật này trông giống loài của móng ngựa khổng lồ nhưng không có đuôi.

- Không phải. - Tolland nói, rồi quay về trang trước.

Rachel nhìn cái tên thứ hai trên danh sách. Tômus Machêus Quỷhờnus. Thật khó hiểu.

- Đây có phải là tên thật không?

Tolland cười phá lên.

- Không đâu. Đây là một loài mới và chưa được phân loại. Anh chàng nào phát hiện ra nó quả là có óc hài hước. Anh ta đề nghị cho con vật này cái tên chính thức là Tômus Machêus Quỷhờnus - Ông nhấn chuột vào đề mục, hiện ra hình ảnh một chú tôm xấu xí có râu và những cái ăng ten phát sáng.

- Cái tên quả là thích hợp, - Tolland nhận xét - nhưng không giống con bọ vũ trụ mà chúng ta đang tìm. - Ông quay lại trang đầu.

- Cơ hội cuối cùng của chúng ta là… - Ông kích chuột vào cái tên thứ ba, và trang tài liệu được mở ra.

- Bathynomous giganteus… - Tolland đọc to cái tên của nó, khi từng dòng chữ lần lượt hiện lên. Một bức ảnh được tải xuống. Ảnh màu, chụp cận cảnh.

Rachel nhảy dựng lên. - Lạy Chúa tôi! - Con vật như đang nhìn thẳng vào cô, khiến Rachel thấy ớn lạnh.

Tolland hít một hơi thật dài:

- Trời đất ơi, anh chàng này trông giống quá chừag.

Rachel gật đầu, không thốt nên lời. Bathynomous giganteus.

Giống y chang một con chấy biết bơi khổng lồ. Rất giống mẫu hoá thạch trong tảng thiên thạch của NASA.

Có vài khác biệt không đáng kể - Tolland nói, ông di chuột qua một vài tiêu bản giải phẫu học và bảng số liệu. - Giống nhau kinh khủng, đặc biệt là nếu nghĩ rằng loài vật này đã tiến hoá qua một trăm chín mươi triệu năm.

Giống lắm, Rachel thầm nghĩ, quá giống.

Tolland đọc to những miêu tả hiện trên màn hình:

- Được cho là một trong những loài cổ xưa nhất trong đại dương. Đây là một loài hiếm gặp và mới được xếp loại. Bathynomous giganteus là một loài đẳng tức ăn xác thối hiếm gặp ở đại đường. Có chiều dài tới hơn nửa mét, loài này có lớp vỏ kitin che phủ khắp đầu, ức, và bụng. Chúng có hai phần phụ, ăng ten, và mắt hỗn hợp giống các loài côn trùng trên mặt đất. Loài sinh vật đáy biển này không bị bất kỳ loài nào khác ăn thịt và sống ở những vùng có môi trường cằn cỗi mà cho đến gần đây chúng ta vẫn tưởng là không có sự sống. - Tolland ngước mắt lên. - Chi tiết này giải thích vì sao trong tảng đá đó không có bất kỳ mẫu hoá thạch nào khác!

Rachel chăm chăm nhìn con bọ trên màn hình, vừa phấn chấn, vừa không biết nên hiểu tất cả mọi sự như thế nào cho phải.

- Thử tưởng tượng xem. - Tolland hào hứng nói - Cách đây một trăm chín mươi triệu năm, một ổ Bathunomous bị chôn sâu trong một túi bùn dưới đáy đại dương. Và khi túi bùn ấy bị thạch hoá, những con bọ này trở thành hoá thạch! Trong suốt thời gian đó, đáy đại dương luôn luôn biến đổi do các đĩa kiến tạo di chuyển. Vì vậy, tảng đá này bị chuyển đến một vùng có áp suất cực lớn, và các chrondrule hình thành! - Những lời nói của Tolland mỗi lúc một gấp gáp. - Và nếu một phần của tảng đá ấy vỡ ra, - rồi trôi dạt đến một khe sâu không quá khó tiếp cận dưới đáy đại dương, nó sẽ được phát hiện!

- Nhưng nếu NASA… - Rachel lắp bắp. - ý em là nếu đây là một sự lừa dối, NASA phải biết là sớm muộn gì cũng sẽ có người tình cờ phát hiện ra sự giống nhau giữa các hoá thạch và loài sinh vật đại dương này, đúng thế không nào? Y như cách chúng ta vừa tìm ra đấy.

Tolland bắt đầu in bức ảnh chụp Bathynomous.

- Chẳng biết nữa. Nếu có người vô tình phát hiện ra những điểm giống nhau giữa những mẫu hoá thạch và loài chấy biển này đi nữa thì đặc điểm sinh học của chúng cũng không hoàn toàn giống nhau. Điều đó càng có lợi cho NASA.

Rachel chợt hiểu ra.

- Thuyết tha sinh. Cuộc sống trên Trái đất bắt nguồn từ trong vũ trụ.

- Chính xác. Những nét tương đồng giữa một sinh vật của trái đất vả một sinh vật từ vũ trụ sẽ mang ý nghĩa khoa học rất lớn. Loài chấy biển này sẽ càng có lợi cho NASA.

- Trừ trường hợp người ta nghi ngờ về tính xác thực của tảng thiên thạch.

Tolland gật đầu.

- Một khi đặt vấn đề nghi ngờ về tảng thiên thạch thì mọi chi tiết sẽ sụp đổ hết. Loài chấy biển này sẽ không còn là phao cứu hộ của NASA nữa, nó sẽ thành một cái thòng lọng.

Rachel đứng im trong khi bức ảnh của loài Bathunomous từ trong máy in từ từ chạy ra. Cô cố thuyết phục mình rằng đây chỉ là một sai sót trung thực của NASA mà thôi, nhưng thâm tâm cô vẫn quả quyết rằng không phải vậy. Những người mắc phải sai lầm một cách trung thực không bao giờ ra tay giết người.

Đột nhiên nghe thấy giọng nói léo nhéo của Corky từ phòng thí nghiệm bên cạnh.

- Không thể nào!

Cả Tolland lẫn Rachel cùng lúc đều quay sang…

- Đo lại cái tỉ lệ chết tiệt này lần nữa đi! Không thể có chuyện đó!

Xavia hối hả bước ra khỏi phòng, tay cầm tờ giấy vừa rút ra từ máy in, mặt tái mét.

- Mike này, tôi cũng không biết phải nói thế nào nữa… - Xavia lạc giọng:

- Tỉ lệ titan, zirconium mà chúng tôi đo được ở mẫu đá này… - cô hắng giọng - chắc chắn là NASA đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Đây chỉ là tảng đá có xuất xứ từ đại dương thôi.

Tolland và Rachel nhìn nhau, không ai nói được câu gì. Họ biết. Bao nhiêu hồ nghi, ngờ vực lúc này đều đã được chứng minh rõ ràng.

Tolland gật đầu, ánh mắt buồn bã.

- Vâng, cảm ơn cô, Xavia.

- Nhưng tôi chẳng hiểu gì cả. - Xavia nói. - Còn lớp vỏ bị cháy xém, còn vị trí của nó trong lòng băng hà…

- Trên đường vào đất liền chúng tôi sẽ giải thích. - Tolland nói.

Đi thôi Rachel nhanh chóng vơ lấy tất cả những gì có thể dùng làm bằng chứng. Những bằng chứng này vô cùng hiển nhiên: ảnh chụp cắt lớp vết khoan bên dưới phiến băng Milne, ảnh chụp một loài sinh vật biển rất giống hoá thạch trong tảng đá, bài báo về sự hình thành các chrondrule trong môi trường đại dương của tiến sĩ Pollock, và kết quả quan sát trên kính hiển vi điện tử cho thấy tỉ lệ ti tan, zirconium.

Không thể có kết luận nào khác. Lừa dối…

Tolland nhìn tập giấy trong tay Rachel và thở dài buồn bã - Lần này thì William Pickering có bằng chứng rồi.

Rachel gật đầu, lại một lần nữa băn khoăn vì sao Giám đốc của cô không trả lời máy.

Tolland nhấc máy điện thoại đặt trong phòng, chìa cho Rachel.

- Hay thử gọi cho ông ấy lần nữa?

- Thôi chúng ta lên đường ngay đi. Chúng ta gọi từ trên máy bay cũng được.

Rachel đã quyết định sẽ bay thẳng về NRO nếu cô không thể gọi cho Giám đốc từ trên máy bay cứu hộ bờ biển. NRO chỉ cách họ có 180 dặm.

Tolland đang định gác máy, bỗng dừng phắt lại. Ông nhíu mày, áp sát ống nghe vào tai, vẻ ngạc nhiên.

- Kỳ quặc. Không thấy có tín hiệu gì cả.

Anh nói cái gì cơ? - Rachel lo lắng, hỏi.

Lạ thật. - Tolland nói. - Sóng liên lạc trực tiếp COMSAT có bao giờ bị mất thế này đâu.

- Anh Tolland ơi! - Người phi công lao xong xộc vào phòng thí nghiệm, mặt tái xám.

Có chuyện gì thế? - Rachel hỏi. - Có người đến đây à?

- Chắc là thế. - Anh ta trả lời. Tôi chả hiểu gì cả. Đột nhiên toàn bộ hệ thống radar bị mất tín hiệu.

Rachel nhét mớ giấy thật sâu vào trong áo khoác.

- Lên máy bay! Chúng ta phải đi ngay. NGAY LẬP TỨC.

 
Chương 109


Dò từng bước trong văn phòng tối sẫm của Thượng nghị sĩ Sexton, tim Gabrielle đập thình thịch. Căn phòng thật rộng rãi và sang trọng tường ốp gỗ, những bức tranh sơn dầu, những tấm thảm Ba Tư, những chiếc ghế bọc da, và chiếc bàn gỗ gụ bóng lộn.

Nguồn sáng duy nhất trong căn phòng là những tia sáng màu tím sẫm toả ra từ màn hình máy tính của Sexton.

Gabrielle đến bên bàn làm việc.

Thượng nghị sĩ Sexton say sưa mô hình "văn phòng số hoá" đến mức điên khùng. Ông luôn tránh những chồng hồ sơ dày cộp, và ưa thích sự gọn gàng, tiện dụng của chiếc máy tính cá nhân. Trong chiếc máy tính này là vô vàn thông tin - biên bản các cuộc họp, những tài liệu đã được đưa vào máy quét, những bài phát biểu, những ghi chú cá nhân… Máy tính của Thượng nghị sĩ Sexton chính là mảnh đất thiêng của riêng ông, và vì thế lúc nào ông cũng khoá cửa văn phòng rất cẩn thận để bảo vệ chiếc máy tính này. Thậm chí ông còn từ chối sử dụng intemet vì sợ tin tặc đột nhập vào chiếc máy thiêng liêng của mình.

Chỉ cần cách đây một năm thôi, Gabrielle sẽ nhất định không chịu tin rằng các chính trị gia lại ngu si đến mức lưu trữ tất cả những tài liệu có thể bị sử dụng để buộc tội họ, nhưng Washington đã dạy cô rất nhiều điều. Thông tin chính là quyền lực. Gabrielle đã rất kinh ngạc khi biết rằng tất cả những chính trị gia nhận tiền hiến tặng bất hợp pháp đều giữ lại những tài liệu làm bằng chứng cho các khoản tiền ấy - thư từ, hoá đơn ngân hàng, biên lai… - thảy đều được cất ở nơi kín đáo và an toàn. Chiến thuật chống tống tiền này có tên tục là "bảo hiểm kiểu anh em sinh đôi người Xiêm"; nó có tác dụng bảo vệ chính trị gia trước những người có ý nghĩ rằng những khoản tiền hiến tặng hào phóng của họ là vật bảo đảm cho những áp lực mà họ có quyền tạo ra đối với các chính trị gia. Nếu bị ép quá, chính trị gia chỉ cần lôi bằng chứng ra để cho đối tác biết rằng cả hai bên đều vi phạm luật pháp. Bằng chứng ấy sẽ khiến cho cả chính trị gia lẫn đối tác của mình bị dính chặt vào nhau từ ngang hông trở lên - như hai anh em sinh đôi dính nhau người Xiêm La nọ trong tiêu thuyết của Mark Twain.

Gabrielle ngồi xuống bên bàn làm việc của ngài Thượng nghị sĩ. Cô nhìn chiếc máy, hít thật sâu. Nếu Thượng nghị sĩ nhận tiền của SFF, tất cả bằng chứng sẽ nằm hết trong chiếc máy tính này…

Ảnh chờ trên máy tính của Thượng nghị sĩ là cảnh Nhà Trắng và mặt tiền của nó do một nhân viên vốn luôn lạc quan của ông thiết kế cho ông. Xung quanh bức ảnh là tấm biểu ngữ rất dài với dòng chữ:

- Tổng thống Hoa Kỳ Sedgewick Sexton… Tổng thống Hoa Kỳ Sedgewick Sexton…, Tổng thống Hoa…

Gabrielle chạm nhẹ tay vào con chuột, một hàng chữ hiện lên.

HÃY NHẬP MẬT KHẨU:

Gabrielle không hề thấy bất ngờ. Chẳng có gì khó khăn. Tuần trước, cô bước vào phòng đúng lúc Thượng nghị sĩ vừa ngồi xuống và đang nhập mật khẩu vào máy. Cô thấy ông bấm rất nhanh ba ký tự.

- Thế mà cũng đòi là mật khẩu sao, thưa Thượng nghị sĩ? - Cô vừa bước vào vừa nói.

Sexton ngước lên.

- Gì cơ?

- Thế mà ai cũng tưởng Thượng nghị sĩ rất quan tâm đến vấn đề bảo mật cơ đấy. - Cô mắng yêu. - Mật khẩu gì mà chỉ có mỗi ba ký tự. Các chuyên gia máy tính vẫn khuyến cáo mọi người phải dùng ít nhất sáu ký tự cơ.

- Chuyên gia máy tính rặt một lũ trẻ ranh. Làm sao mấy anh chàng đó hiểu được rằng đã qua tuổi bốn mươi thì chẳng ai nhớ được sáu ký tự ngẫu nhiên cả. Cửa phòng này đã có hệ thống báo động rồi. Chẳng ai vào được đây.

Gabrielle tươi cười đến bên ông:

- Thế nhỡ có người lẻn vào lúc Thượng nghị sĩ đang ở nhà vệ sinh thì sao?

- Phải mò tất cả các ký tự đã. - Ông cười lớn. - Tôi thường ở trong đó lâu, nhưng không lâu đến mức ấy đâu.

- Cá một bữa tối ở nhà hàng Davide là em có thể lần ra mật khẩu của ông trong vòng mười giây.

Sexton trở nên tò mò đầy thú vị:

- Cô không đủ tiền trả cho nhà hàng Davide đâu, Gabrielle ạ.

- Tức là ông sợ không dám cá chứ gì ạ?

Sexton nhận lời gần như không giấu nổi vẻ thương hại đối yới Gabrielle. Mười giây à? - Ông thoát ra khỏi chương trình đang chạy và ra hiệu bảo Gabrielle ngồi xuống ghế. - Cô nên biết là mỗi khi đến Davide tôi chỉ gọi mỗi món saltimbocca thôi đấy. Và món ấy không rẻ chút nào đâu.

Gabrielle ngồi xuống, nhún vai nói:

- Ông sẽ phải tự trả tiền thôi mà

NHẬP MẬT KHẨU:

- Mười giây. - Sexton nhắc lại.

Gabrielle không nhịn được cười. Cô chỉ cần không quá hai giây. Từ tận ngoài cửa đã thấy là ông gõ ba ký tự rất nhanh bằng ngón tay trỏ. Rõ ràng là cùng một nút ký tự. Chàng khôn ngoan chút nào, cô cũng đã thấy là tay ông hướng về phía bên trái bàn phím - có nghĩa là chỉ còn lại khoảng chín mười phím ký tự mà thôi.

Và việc chọn ký tự cũng chẳng có gì khó khăn - Thượng nghị sĩ vốn rất ưa thích điệp âm Sexton trong cái tên của mình. Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton.

Ông bao giờ đánh giá thấp một chính trị gia.

Cô gõ ba chữ SSS, và màn hình chờ biến mất.

Sexton há hốc miệng..

Đó là chuyện từ tuần trước. Lúc này Gabrielle lại đang ngồi trước máy tính, cô tin rằng Thượng nghị sĩ chưa có thời gian để thay mật khẩu khác. Cần gì phải thế? Ông ấy hoàn toàn tin tưởng ở mình cơ mà.

Cô gõ ba chữ SSS

MẬT KHẨU KHÔNG CHÍNH XÁC - TIẾP CẬN BỊ TỪ CHỐI

Gabrielle sững sờ.

Rõ ràng là cô đã đánh giá quá mức sự tin tưởng của Thượng nghị sĩ đối với mình.
 
Chương 110


Hoàn toàn bất ngờ, họ bị tấn công. Từ phía tây nam con tàu, bóng ma đen trùi trũi đầy chết chóc của chiếc trực thăng hiện ra. Rachel không thể hiểu nổi nó là cái gì, và vì sao lại có mặt ở nơi này.

Trong bóng tối bao trùm, một loạt đạn xả từ mũi máy bay xuống, lia khắp từ mũi tới tận đuôi tàu. Không kịp tìm chỗ trú ẩn ngay. Rachel bị một quả đạn sượt qua cánh tay. Cô ngã dúi xuống sàn gỗ, rồi co người, lết đến nấp sau chiếc tàu ngầm Triton có mái vòm bằng kính.

Tiếng cánh quạt kêu rú lên inh tai khi chiếc máy bay trực thăng lao vụt qua thân tàu, sau đó đột ngột im hẳn đi khi nó lao ra biển để chuẩn bị lộn trở lại lần thứ hai.

Run rẩy, nằm sau chiếc tàu ngầm mini, Rachel vừa ôm cánh tay vừa quay lại nhìn Tolland và Corky. Cả hai đã kịp nấp sau kho chứa đồ, giờ vừa mới đứng dậy, đang hoảng hốt quan sát bầu trời Rachel đứng dậy. Quang cảnh quanh cô giờ y như một bộ phim vừa bất ngờ chuyển sang chế độ chiếu chậm.

Lom khom sau mái vòm trong suốt của chiếc tàu ngầm nhỏ, Rachel quan sát phương tiện thoát thân duy nhất của cả nhóm - chiếc trực thăng cứu hộ bờ biển. Xavia đã leo được lên đến cabin máy bay, và đang rối rít vẫy họ lên. Rachel thấy rõ viên phi công đang lom khom trong buồng lái, ấn nút, gạt cần, vặn núm. Cánh quạt máy bay bắt đầu quay…, chậm chưa từng thấy.

Quá chậm.

Nhanh lên!

Rachel giờ đã đứng thẳng dậy và chuẩn bị chạy. Cô băn khoăn không biết mình có kịp băng qua boong tàu trước khi chiếc máy bay đen kia quay lại lần nữa không. Cô nghe tiếng chân của Tolland và Corky đang chạy về phía mình, về phía chiếc trực thăng đang đợi sẵn. Phải rồi. Nhanh lên!

Roi cô trông thấy…

Cách họ khoảng một trăm mét, từ trên trời cao, một chùm tia laze sáng đỏ nhỏ bằng cây bút chì xuất hiện giữa bóng đêm mịt mùng. Chùm tia ấy quét dọc thân tàu. Rồi tìm thấy mục tiêu nó dừng lại ở sườn chiếc máy bay phản lực cứu hộ bờ biển đang đợi họ.

Chỉ trong tích tắc, Rachel hiểu ngay mình vừa nhìn thấy gì.

Trong giây phút ấy, tất cả những gì đang diễn ra trên boong tàu Goya dường như hoà thành một mớ hỗn loạn những âm thanh và hình ảnh. Tolland và Corky đang cố sức lao thật nhanh về phía cô Xavia ra sức vẫy họ lên máy bay - chùm tia sáng màu đỏ rực xuyên thủng màn đêm.

Quá muộn mất rồi.

Rachel lao như tên bắn về phía hai người đàn ông đang ra sức chạy thật nhanh về phía chiếc phi cơ. Cô chặn đường họ, dang hai tay thật rộng để ngăn cả hai lại. Cả ba người lao vào nhau đánh sầm, cùng ngã nhào như một toa tàu vừa trệch khỏi đường ray, mằm chồng chất lên nhau.

Phía xa, một luồng sáng trắng cực mạnh loé lên. Rachel kinh hãi rụng rời thấy luồng khí xả phụt ra theo đúng đường thắng mà chùm tia laze kia vừa vạch sẵn về phía chiếc máy bay đang đậu trên boong tàu.

Khi quả tên lửa Hellfire lao đúng vào thùng chứa nhiên liệu của nó, chiếc trực thăng nổ tung thành từng mảnh, y như một món đồ chơi. Luồng hơi nóng và tiếng động tràn khắp boong tàu, vỏ đạn rơi như mưa. Chiếc máy bay ngùn ngụt lửa lắc lư trên cái đuôi đã vỡ tan tròng trành trong giây lát rồi nhào khỏi boong tàu rơi đánh ầm xuống biển, cả một đám mây lớn những hơi nước vụt bay lên.

Rachel nhắm mắt lại, cảm thấy hụt hơi. Cô nghe rõ mồn một tiếng xèo xèo, ùng ục khi chiếc máy bay đang rừng rực lửa chìm xuống nước, rồi bị dòng hải lưu chảy xiết cuốn đi. Trong tất cả những hỗn độn ấy, cô nghe tiếng Michael Tolland đang la hét. Cánh tay rắn chắc của ông vừa túm lấy vai cô, kéo Rachel đứng dậy. Nhưng Rachel không thể cử động.

Người phi công cứu hộ bờ biển và Xavia đã chết.

Tiếp đến sẽ là chúng ta.

 
Chương 111


Trên phiến băng Milne, trời đã yên, bán sinh quyển đã yên tĩnh trở lại Nhưng Giám đốc NASA, Lawrence Ekstrom, không có ý định lên giường đi ngủ. Ông đã đi đi lại lại trong căn nhà mái vòm suốt mấy giờ đồng hồ, rồi chăm chú nhìn lỗ thủng mà tảng đá để lại trên mặt băng, rồi lại vuốt về lớp vỏ cháy xém của tảng đá.

Cuối cùng, ông đi đến quyết định.

Giờ đây, ngồi trong phòng thông tin liên lạc PSC, ông đang nhìn thẳng vào cặp mắt ngái ngủ của Tổng thống Zach Herney. Vị Tổng thống Hoa Kỳ vẫn mặc nguyên quần áo ngủ và có vẻ chẳng lấy gì làm dễ chịu. Ekstrom biết, sau khi đã biết hết sự thật thì Tổng thống sẽ không thể cảm thấy dễ chịu một chút nào hết.

Sau khi Ekstrom nói xong, Tổng thống tỏ vẻ khó chịu như thể ông đang nghĩ rằng mình quá buồn ngủ nên chưa hiểu đúng những lời vừa nghe thấy.

- Gượm đã nào. - Herney nói. - Tôi vẫn chưa hiểu ra thế nào hết. Có phải anh vừa bảo là các anh tình cờ biết được toạ độ của tảng thiên thạch do bắt được tín hiệu cấp cứu bằng làn sóng điện - rồi sau đó giả vờ là PODS đã phát hiện ra nó à?

Ekstrom không nói gì, im lặng trong bóng tối, ông cố không để cho cơn ác mộng này nhấn chìm bản thân mình.

Rõ ràng là Tổng thống không thích sự im lặng đó chút nào.

- Trước Chúa, Larry, anh hãy nói với tôi rằng tất cả những điều này đều không phải là sự thật!

Ekstrom thấy miệng đắng ngắt.

- Tảng thiên thạch đã được tìm thấy thưa Tổng thống. Đó mới là điều quan trọng nhất.

- Tôi đã bảo anh hãy nói với tôi rằng tất cả không phải là sự thật cơ mà!

Hai tai Ekstrom như ù đi. Mình cần phải cho Tổng thống biết tất cả, ông tự nhủ. Khó khăn một chút nhưng rồi mọi cái sẽ qua thôi mà.

- Thưa Tổng thống, thất bại của dự án PODS đã khiến uy tín của Tổng thống bị sa sút nghiêm trọng. Khi bắt được lời kêu cứu bằừng sóng radio có nhắc đến tảng thiên thạch trong lòng băng hà, chứng tôi cho rằng đây là cơ hội để giúp Tổng thống giành lại điểm.

Herney choáng váng:

- Bằng cách giả mạo thành công của PODS ư?

PODS sẽ nhanh chóng được khắc phục và sẽ hoạt động tốt, nhưng không kịp cho cuộc bầu cử lần này. Tổng thống đang mất điểm từng ngày, và Sexton thì không ngớt chỉ trích NASA, cho nên..

- Anh mất trí hẳn rồi, Larry?

- Cơ hội sờ sờ ngay trước mắt, thưa Tổng thống. Và tôi đã quyết định chớp lấy nó. Chúng tôi bắt được làn sóng điện do một nhà khoa học Canada phát đi sau khi phát hiện ra tảng thiên thạch. Ông ấy đã chết vì gặp bão. Không một người nào khác biệt gì về tảng thiên thạch đó. Mà PODS thì lại đang bay trong quỹ đạo. NASA đang cần một chiến thắng, chúng tôi lại sẵn có toạ độ trong tay.

- Tại sao lúc này anh lại nói với tôi tất cả những thứ đó?

- Tôi cho rằng anh nên biết sự thật.

- Anh có biết Sexton sẽ làm những gì khi phát hiện ra điều này không?

Ekstrom không muốn nghĩ đến khả năng đó.

- Ôngta sẽ lu loa với cả thế giới là Tổng thống và NASA đã lừa dối dân Mỹ. Mà anh cũng thừa biết là ông ta đúng chứ không sai đâu.

Tổng thống không nói dối, chỉ là tôi thôi. Tôi sẽ nhận tất cả về mình…

- Larry, anh quên mất một điều quan trọng! Tôi quyết tiến hành tranh cử một cách trung thực và tích cực! Chả ra cái gì cả! Tối qua thật sạch sẽ. Vẻ vang. Thế mà bây giờ anh cho tôi biết là tôi vừa nói dối cả thế giới!

- Chỉ một chi tiết nhỏ thôi, thưa Tổng thống.

- Vẫn là nói dối cả thôi! Larry ạ. - Herney nóng nảy nói.

Ekstrom cảm thấy căn phòng chợt ngột ngạt và tù tứng vô cùng.

Còn rất nhiều điều ông muốn báo cáo với Tổng thống, nhưng có lẽ phải đợi đến sáng mai.

- Xin lỗi đã đánh thức Tổng thống dậy. Tôi chỉ nghĩ là nên nói hết sự thật với anh.

Ở phía bên kia thành phố, Sedgewich Sexton nhấp một tợp rượu cô nhắc nữa và cáu kỉnh đi đi lại lại trong phòng.

Gabrielle đi đâu rồi không biết!

 
Chương 112


Trong văn phòng của Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton, Gabrielle Ashe đang ngồi trong bóng tối, chán nản nhìn chiếc máy tính trước mặt.

MẬT KHẨU KHÔNG ĐÚNG - TIẾP CẬN BỊ TỪ CHỐI

Cô đã thử một số chùm ký tự khác nhau, nhưng lần nào cũng không được. Sau khi lục khắp văn phòng để tìm một ngăn kéo nào đó mà Thượng nghị sĩ bỏ quên không khoá, hay bất kỳ một manh mối nào để dò tìm, Gabrielle đành bỏ cuộc. Đang chuẩn bị ra về thì Gabrielle chợt trông thấy một cái gì đó lấp lánh trên lịch bàn của Thượng nghị sĩ. Có người đã dùng bút bóng màu xanh, đỏ, vàng để đánh dấu ngày bầu cử Tổng thống. Dĩ nhiên Thượng nghị sĩ không bao giờ làm thế. Gabrielle với lấy quyển lịch. Những chữ cái POTUS được viết bằng mực bóng đè lên con số của ngày hôm ấy!

Chắc chắn cô thư ký luôn lạc quan của Sexton đã viết những chữ này. Bên mật vụ vẫn thường dùng chữ viết tắt POTUS để chỉ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Vào ngày bầu cử, nếu mọi sự diễn ra suôn sẻ, Sexton sẽ trở thành POTUS mới…

Gabrielle để lại cuốn lịch vào chỗ cũ và đứng lên, định ra về.

Cô đột ngột dừng lại, liếc nhìn màn hình máy tính.

NHẬP MẬT KHẨU:

Cô lại nhìn cuốn lịch.

POTUS.

Gabrielle chợt tràn đầy hi vọng. Rất có thể Sexton dùng POTUS làm mật khẩu. Đơn giản, lạc quan, và liên quan đến cá nhân.

Cô gõ những ký tự ấy.

POTUS

Nín thở, Gabrielle ấn nút enter. Một tiếng bíp vang lên.

MẬT KHẨU KHÔNG ĐÚNG - TIẾP CẬN BỊ TỪ CHỐI

Gabrielle ngồi sụp xuống ghế, quyết định bỏ cuộc. Cô quay lại nhà tắm để trèo ra khỏi văn phòng. Nhưng vừa đi được vài bước thì điện thoại cầm tay của cô đổ chuông. Đang trong tâm trạng căng thẳng, Gabrielle giật nảy mình. Cô dừng phắt lại ngước lên chiếc đồng hồ Jordain lớn treo trên tường để xem giờ, tay rút điện thoại trong túi ra. Gần bốn giờ sáng. Giờ này chắc chắn chỉ có một người gọi cho cô mà thôi - Sexton. Chắc chắn Thượng nghị sĩ đang băn khoăn không hiểu cô biến đi đâu lâu như vậy. Có nên trả lời máy không nhỉ? Nếu trả lời máy thì Gabrielle sẽ phải nói dối. Nhưng nếu không trả lời thì chắc chắn Sexton sẽ nghi ngờ.

Cô nhận cuộc gọi:

- A lô?

- Gabrielle đấy à? - Sexton tỏ ra rất sốt ruột. - Sao lâu thế?

- Em bị mắc kẹt ở đài tưởng niệm FDR. - Gabrielle trả lời. - Và bây giờ đang..

Rõ ràng là cô không ở trong taxi.

- Không ạ. - Cô đáp, - Tiện thế em đã ghé qua văn phòng để lấy thêm một số tài liệu về NASA có liên quan đến dự án PODS. Nhưng vẫn chưa tìm được.

- Nhanh nhanh lên. Tôi muốn tổ chức họp báo ngay đầu giờ sáng, và phải có con số cụ thể.

- Em đến ngay đây ạ.

Đường dây đột ngột im lặng.

- Cô đang ở trong văn phòng à?

Hình như Sexton đột ngột thấy khó hiểu.

- Vâng ạ. Mười phút nữa em sẽ lên đường ngay ạ.

Đường dây lại im lặng một lúc.

- Tốt lắm. Lát nữa gặp lại nhé.

Gabrielle tắt máy, sơ suất không để ý thấy những tiếng tích tắc ba hồi một rất đặc trưng đang đều đều phát ra từ chiếc đồng hồ treo tường Jordain ngay trước mặt.
 
Chương 113


Mãi đến khi kéo cô vào nấp phía sau chiếc tàu ngầm mini Triton và nhìn thấy vệt máu trên cánh tay Rachel thì Tolland mới biết cô đã bị thương. Nhìn ánh mắt thất thần của Rachel, ông đoán ngay rằng cô chưa hề cảm thấy đau. Đặt cô yên ổn sau chiếc tàu, ông quay sang tìm Corky. Nhà vũ trụ học đang hối hả chạy băng qua boong tàu, mắt dại đi vì sợ hãi.

Phải tìm chỗ ẩn nấp. Tolland nghĩ. Bận bịu lo đối phó với những diễn biến quá nhanh, ông chẳng còn thời gian để cảm thấy sợ hãi.

Theo bản năng, Tolland đưa mắt nhìn những bậc thang dẫn lên cao. Cầu thang trơ trọi chạy thẳng lên đài quan sát bằng kính trong suốt quá trống trảỉ. Đi lên đó thì chẳng khác nào tự sát. Chỉ còn lại một hướng đi duy nhất.

Ngay lập tức, ông quay sang nhìn chiếc tàu ngầm mini Triton, thầm hi vọng biết đâu nó có thể đưa cả ba người xuống dưới nước, thoát khỏi làn đạn từ chiếc máy bay đen sì chết chóc kia.

Ngớ ngẩn. Tàu Triton chỉ đủ chỗ cho một người, và phải mất mười phút thì máy tời mới thả được con tàu đó xuống mặt đại dương. Ngoài ra, nếu ắc quy và máy nén không được sạc đủ điện thì con tàu cũng sẽ chết dí trong lòng đại dương mà thôi.

Chúng quay lại rồi! - Corky lạc giọng vì sợ hãi, đưa tay chỉ lên trời.

Không kịp ngẩng lên nhìn, Tolland chỉ tay vào vách ngăn gần đó một lối đi bằng nhôm thoai thoải dẫn xuống những boong bên dưới. Corky chẳng đợi giục đến lần thứ hai, ông ta khom người chạy băng qua chỗ boong tàu trống trơn, rồi lao vụt xuống lối đi đó. Tolland ôm chặt Rachel, kéo cô chạy theo. Cả hai vừa kịp chạy khuất thì chiếc máy bay quay lại, vãi đạn như mưa xuống boong tàu bằng gỗ.

Tolland dắt Rachel chạy theo lối đi dốc bằng lưới nhôm, xuống tít boong bên dưới. Xuống đến nơi, ông chợt thấy toàn thân Rachel co cứng lại. Tưởng cô lại bị trúng một viên đạn nữa, ông quay sang nhìn.

Trông vẻ mặt Rachel, ông biết ngay không phải là đạn. Nhìn theo ánh mắt đầy kinh hãi của cô đang hướng xuống dưới chân họ, Tolland chợt hiểu ra.

Rachel đứng như trời trồng, hai cẳng chân như hoá đá. Cô sợ hãi, trân trân nhìn cảnh tượng hãi hùng dưới chân mình.

Vì được cấu tạo theo trường phái SWATH, tàu Goya không có hầm tàu, mà được chống đỡ bằng bốn mảng bè lớn giằng vào nhau.

Đi hết lối đi dốc, họ vừa đặt chân vào lối đi rất hẹp dẫn qua một khe hở rất lớn, dưới chân họ, cách ba mươi foot, là mặt biển hung dữ. Nước vỗ ầm ầm vào những cái bè lớn, tạo nên tiếng ầm ầm đinh tai nhức óc. Đã thế, một ngọn đèn pha vẫn bật sáng, rọi những tia sáng màu xanh nhạt xuống vùng nước bên dưới. Rachel khiếp đảm thấy sáu bảy bóng đen ma quái. Những con cá mập đầu búa. Những cái thân đen sì, bóng nhẫy đang quẫy qua quẫy lại, lũ cá bơi tại chỗ, ngược dòng nước xiết.

Cô nghe thấy tiếng Tolland.

- Rachel, không sao đâu mà. Nhìn thẳng về phía trước đi. Có anh đây rồi. - Từ phía sau, ông dịu dàng kéo bàn tay Rachel đang xiết chặt lan can. Đến lúc này Rachel mới nhìn thấy dòng máu đang chảy dọc cánh tay của mình và rơi từng giọt tõm xuống mặt biển. Cô đưa mắt nhìn theo hướng đó. Dù không nhìn thấy gì, Rachel biết rằng ngay khi giọt máu chạm đến mặt nước, cả lũ cá mập hung dữ kia sẽ ngoác những hàm răng sắc nhọn của chúng và lao bổ vào.

Thuỳ khứu giác telencephalon cực nhạy…

Đánh hơi được mùi máu từ càch xa một dặm.

- Em hãy nhìn thẳng về phía trước. - Tolland nhắc lại, giọng nói thật ấm áp và mạnh mẽ. - Tôi ở ngay sau em đây rồi.

Ông xiết chặt lấy Rachel, đẩy cô về phía trước. Cô không nhìn xuống cảnh tượng kinh khủng dưới chân, cô tiến bước. Cánh quạt của chiếc trực thăng đang rít lên ầm am ngay trên đầu họ. Lảo đảo, lắc lư như người say, Corky đã chạy trước họ một quãng khá xa.

Tolland gọi ông ta:

- Chạy xuống hết thanh giằng đi, Corky!

- Chạy xuống dưới!

Lúc này thì Rachel đã hiểu họ đang chạy đi đâu. Trước mặt họ là mấy cầu thang ngoặt hình chữ chi khác cũng dẫn xuống dưới. Ở ngang tầm với mặt nước là một cái boong khá hẹp nối thêm vào đuôi tàu Goya. Mấy cầu tàu nhỏ nhô ra từ boong hẹp đó tạo thành một bến tàu mini. Có một tấm biển lớn:

KHU VỰC LẶN

Thợ lặn có thể bất ngờ nổi lên không báo trước.

Thận trọng khi lái thuyền.

Rachel hi vọng Tolland không có ý định chọn vùng nước này làm nơi trú ẩn, nhưng ngay lập tức lại lo lắng đến cháy lòng khi thấy ông dừng lại rồi mở kho chứa đồ có lưới sắt bao quanh. Bên trong chứa toàn những bộ đo lặn, ống thở, chân vịt, áo bảo hộ, và xiên đâm cá. Rachel chưa kịp nói câu gì thì ông đã chộp lấy một cây súng bắn pháo sáng.

- Đi nào.

Cả ba lại đi tiếp.

Chạy rất nhanh, Corky đã đi đến tận chỗ ngoặt và bắt đầu bước xuống một cái cầu thang.

- Tôi thấy rồi! - ông ta sung sướng hét lên, át cả tiếng nước đang chảy ầm ầm.

Thấy cái gì? Rachel tự hỏi, nhìn Corky đang chạy băng băng.

Cô chỉ nhìn thấy có mặt đại dương đầy những cá mập đang trải rộng dưới chân họ. Tolland tiếp tục hối thúc cô tiến về phía trước.

Và đột nhiên, Rachel hiểu ra vì sao Corky sung sướng đến thế. Ở tít cuối bến tàu là chiếc thuyền máy được neo gọn gàng. Corky chạy ngay về phía đó.

Rachel trợn tròn mắt. Dùng xuồng máy để chạy trốn máy bay trực thăng hay sao?

Trên đó có cái máy bán dẫn, - Tolland nói, - Nếu chiếc xuồng máy này có thể đưa chúng ta thoát khỏi vùng nhiễu sóng của máy bay thì…

Rachel không nghe được hết những lời còn lại. Những gì vừa bất thần đập vào mắt đã khiến máu cô ngừng chảy trong huyết quản.

- Quá muộn rồi. - Cô thét lên, tay run run chỉ lên cao.

Thế là hết…

Ngước nhìn lên, Tolland ngay lập tức biết là không còn kịp nữa.

Từ đầu bên kia của con tàu, chiếc máy bay đen trũi đã quay lại, sà xuống rất thấp y như một quái vật đang nhòm vào miệng hang. Ông tưởng nó định bay xuyên qua khoảng không giữa hai tầng boong để đâm vào bọn họ, nhưng không, nó lượn vòng và bắt đầu ngắm bắn.

Tolland nhìn theo hướng những cái nòng súng đang chĩa tới. Không.

Đang lúi húi bên chiếc xuồng máy để tháo dây neo, Corky ngước nhìn lên đúng lúc một tia chớp sáng loè phụt ra từ khẩu súng máy bên dưới thân máy bay. Corky bị trúng đạn loạng choạng. Ông ta vẫn lao như điên ra mép tàu, bò xuống xuồng, rồi nằm rạp xuống để tránh đạn, máu bê bết từ ngang ống chân phải trở xuống. Vẫn nằm sát xuống lòng xuồng, Corky giơ tay lên, quờ quạng rồi tìm được chìa khoá. Động cơ Mecury 250 mã lực của chiếc thuyền rú lên ầm ỹ.

Chỉ sau đó một tích tắc, một chùm tia laze xuất hiện từ mũi chiếc máy bay đang lượn lờ, nhằm thẳng vào chiếc thuyền.

Theo phản xạ bản năng, Tolland đưa thứ vũ khí duy nhất trong tay lên ngắm bắn.

Tolland kéo cò, một luồng sáng chói loà từ nòng súng phụt ra, lao thẳng đến chiếc trực thăng trên đầu. Nhưng Tolland biết ông hành động quá muộn. Đúng vào lúc quả đạn phảo sáng chạm vào cửa chắn gió của máy bay, một quả tên lửa cũng lao vụt ra từ dưới bụng nó. Cũng đúng lúc quả tên lửa rời khỏi bệ phóng, chiếc máy bay rẽ ngoặt sang một bên, rồi bay thốc lên cao để tránh viên đạn đang lao tới.

- Cẩn thận! - Tolland hét to, dắt Rachel xuống cầu thang sắt.

Quả tên lửa bị trệch hướng, không trúng vào Corky, mà bay dọc theo thân tàu Goya, rồi lao xuống thanh giằng lớn bên dưới, cách Rachel và Tolland ba mươi foot.

Một tiếng nổ khủng khiếp. Lửa và nước văng tung toé. Những mảnh kim loại nham nhở vặn xoắn bay loạn xạ rồi rơi loảng xoảng xuống cầu thang ngay trước mặt họ. Có tiếng sắt nghiến vào nhau kêu ken két đinh tai, con tàu tròng trành một hồi, rồi giữ yên ở thế cân bằng mới, hơi nghiêng về một bên.

Khi khói đã tan bớt. Tolland mới thấy một trong bốn thanh giằng lớn của con tàu đã bị hư hại nặng. Dòng hải lưu hung dữ chảy tràn qua chiếc thuyền phao, tấm phao sắt khổng lồ của con tàu Goya cổ thể bị gãy tan bất kỳ lúc nào. Cầu thang xoắn bằng sắt dẫn xuống tầng dưới đang lung lay chao đảo dữ dội.

- Đi nào! - Tolland hét lớn. - Chúng ta phải xuống dưới đó!

Nhưng không kịp nữa rồi. Có tiếng răng rắc nứt gẫy, rồi chiếc cầu thang sắt rời ra và rơi ùm xuống biển.

Trên cao, Delta-Một vật lộn với những cần và nút điều khiển của chiếc máy bay. Bị đạn pháo sáng làm loá mắt, anh đã cho máy bay lao thốc lên, khiến quả tên lửa bay lệch hướng. Vừa lầm rầm nguyền rủa, anh vừa cho máy bay sà xuống sát mũi tàu để thực thi nốt nhiệm vụ.

Tiêu diệt toàn bộ hành khách. Lệnh của chỉ huy rất rõ ràng.

- Chết tiệt! Nhìn kia! - Từ ghế sau, Delta-Hai hét lên. - Thuyền máy kìa!

Quay phắt lại, Delta-Một nhìn thấy chiếc thuyền máy bị trúng đạn lỗ chỗ vừa rời khỏi con tàu Goya và lao vút vào bóng đêm.

Anh phải quyết định ngay.

 
Chương 114


Hai bàn tay bê bết máu, Corky vẫn xiết chặt bánh lái của chiếc thuyền máy Crestliner Phantom 2100 đang lao vun vút trên mặt biển. Ông tăng ga hết cỡ, chạy với tốc độ tối đa. Chợt cảm thấy đau nhói, Corky cúi xuống nhìn, và nhận thấy máu đang tuôn xối xả từ cẳng chân bên phải. Nhà vũ trụ học ngay lập tức thấy sa sẩm mặt mày.

Tì người vào bánh lái, ông quay lại nhìn con tàu Goya, mong thấy chiếc máy bay đuổi theo mình. Nhận thấy không thể đợi được Tolland và Rachel đã bị mắc kẹt ở boong trên, ông buộc phải quyết định thật nhanh.

Chia để trị.

Corky tính toán rằng nếu ông có thể lừa cho chiếc máy bay tách xa khỏi con tàu thì Rachel và Tolland sẽ có cơ hội dùng làn sóng điện để kêu cứu. Oái oăm thay, chiếc trực thăng vẫn đang sà xuống sát bên cạnh con tàu, như thể lũ sát nhân vẫn còn đang do dự.

Lũ chó ma kia! Đuổi tao đi!

Nhưng chiếc phi cơ không đuổi theo ông. Thay vào đó, nó lượn trước mũi tàu, rồi hạ cánh xuống boong. Không. - Corky sững sờ, thế là ông đã bỏ mặc Tolland và Rachel trong lúc khó khăn nhất rồi!

Biết rằng người duy nhất có khả năng gọi cứu viện lúc này chính là mình, Corky đưa tay sờ soạng tìm núm điều khiển. Lần thấy chiếc đài phát thanh, ông bật nút điện. Chẳng thấy gì cả.

Không có đèn báo. Không có tín hiệu. Ông vặn núm cho âm lượng lên hết cỡ. Vẫn không thấy gì. Thôi mà! Tạm thời buông bánh lái ra, ông cúi xuống nhìn cho rõ, và không dám tin vào mắt mình.

Bảng điều khiển đã bị đạn bắn tơi tả, cần dò sóng bị gãy rời ra.

Dây điện đứt lung tung. Corky trợn tròn mắt, thật không thể tưởng tượng nổi.

Thật hoạ vô đơn chí…

Run rẩy. Corky cố đứng thẳng dậy, tự hỏi liệu còn có tình huống nào trên đời tồi tệ hơn thế này không. Rồi khi quay lại nhìn con tàu Goya lần thứ hai, ông lập tức nhận được câu trả lời. Hai người lính vũ trang đầy đủ vừa nhảy từ trên máy bay xuống boong tàu. Sau đó chiếc máy bay lại cất cánh, và tăng tốc nhằm thẳng con thuyền của Corky.

Corky ngồi sụp xuống. Chia để trị. Rõ ràng là chỉ có ông mới sáng suốt nghĩ đến chiến thuật khôn ngoan này.

Băng qua boong tàu, đến bên lối đi dọc lót lưới sắt, Delta-Ba nghe văng vẳng tiếng phụ nữ la hét ở bên dưới. Anh quay lại ra hiệu với Delta-Hai rằng mình sẽ xuống dưới đó. Đồng đội của anh gật đầu, ở lại để khống chế boong trên. Hai người sẽ dừng thiết bị CrypTalk để liên lạc với nhau; thiết bị gây nhiễu của Kiowa đường nhiên phải chừa lại một tần số cho chính nó.

Tay xiết chặt khẩu súng máy nòng hếch, Delta-Ba lặng lẽ tiến đến lối đi xuống boong dưới. Với sự thận trọng của một sát thủ chuyên nghiệp, anh lần từng bước một xuống, súng luôn trong tư thế sẵn sàng.

Do tầm nhìn rất hạn chế nên Delta Ba phải khom người xuống để quan sát. Bắt đầu nghe rõ những tiếng la hét. Anh tiếp tục xuống sâu hơn. Xuống được nửa cầu thang, anh bắt đầu nhìn thấy những lối đi chằng chịt đan vào nhau ở tầng boong bên dưới.

Tiếng la thét giờ đã to hơn hẳn.

Anh đã trông thấy cô ta. Đứng ngay chỗ những lối đi chằng chịt kia giao nhau, Rachel Sexton đang cúi xuống bên tay vịn, tuyệt vọng gào to:

- Michael Tolland…

Hay Tolland bị ngã xuống đó rồi? Chắc do chấn động của vụ nổ.

Nếu thế thì nhiệm vụ của Delta-Ba quả là dễ dàng. Anh chỉ cần tiến thêm vài bậc thang nữa để lấy điểm ngắm bắn. Bắn một con cá trong chậu. Anh chỉ hơi băn khoăn chút xíu vì Rachel đang đứng cạnh tủ chứa đồ, có nghĩa là cô ta có thể có vũ khí - xiên đâm cá, hoặc súng bắn cá sấu - dù cả hai thứ đó đều không thể đọ với súng máy của anh. Tin vào thế áp đảo của mình, Delta-Ba hạ súng xuống, bước thêm một bậc cầu thang nữa. Lần này thì Rachel Sexton đã nằm trong tầm ngắm. Anh giương súng lên.

Thêm một bậc nữa.

Có cái gì động đậy dưới chân anh. Thấy Michael Tolland đang cầm một thanh nhôm dài và thọc mạnh vào chân mình, anh chỉ bị bất ngờ chứ không hề sợ hãi. Dù bị mắc mưu, Delta-Ba chỉ cảm thấy buồn cười trước những nỗ lực vô ích đến mức hài hước của đối tượng.

Nhưng rồi thanh nhôm tưởng như vô hại kia bất chợt đâm thẳng lên gót chân anh.

Bàn chân phải của anh nổ tung, cảm giác bỏng rát, nhói buốt khủng khiếp chạy khắp thân thể. Anh bị mất thăng bằng, ngã nhào và lăn lông lốc xuống cầu thang. Khẩu súng máy rơi xuống bậc cầu thang sắt, rồi nảy lên, và văng xuống biển. Đau đớn, anh co người. Ôm lấy bàn chân phải, nhưng bàn chân không còn nữa.

Tolland ngay lập tức có mặt bên kẻ vừa định tấn công mình, tay vẫn xiết chặt cây gậy nhôm - thiết bị đặc dựng dài năm foot để khống chế cá mập. Cây gậy nhôm đặc biệt này được gắn thiết bị cảm ứng áp suất ở đầu, kèm theo một băng đạn mười hai viên - vũ khí tự vệ của thợ lặn khi bị cá mập tấn công. Tolland đã ngay lập tức nạp băng đạn khác vào vũ khí của mình, và giờ đang chĩa thẳng cái đầu gậy vẫn còn nóng bỏng vào yết hầu đối phương. Anh ta nằm bất động trên sàn, khuôn mặt đầy vẻ kinh ngạc, đau đớn và tức tối. Rachel chạy lại. Đáng ra cô đã lấy được khẩu súng máy, nhưng chẳng may nó đã bị văng xuống nước mất rồi.

Thiết bị bộ đàm đeo ở thắt lưng anh ta bắt đầu kêu sột soạt.

Một giọng nói như của máy tính vang lên:

- Delta-Ba đấy à? Lên đi! Tôi vừa nghe thấy tiếng súng.

Anh ta không trả lời.

Máy bộ đàm lại kêu tít tít lần nữa:

- Delta Ba, trả lời đi, anh có cần tôi yểm trợ không?

Gần như ngay lập tức, một giọng nói khác vang lên trong máy.

Vẫn là giọng nói qua máy tính xử lý, nhưng nghe rõ tiếng động cơ máy bay đang nổ ầm ầm:

- Delta-Một đây. Tôi đang đuổi theo chiếc thuyền máy. Delta-Ba, hãy trả lời đi. Anh xuống boong dưới à? Có cần yểm trợ không?

Tolland dí khẫu súng bắn cá mập vào sát cổ họng anh ta.

- Bảo gã phi công kia đừng đuổi theo chiếc thuyền nữa. Nếu nó giết bạn tao thì mày sẽ phải chết.

Nhăn nhó vì đau, người lính đưa thiết bị bộ đàm lên môi. Tay bấm nút để trả lời máy, anh ta vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt Tolland:

- Delta-Ba đây. Tôi vẫn ổn. Hãy tiêu diệt chiếc thuyền.

 
Chương 115


Gabrielle Ashe đã quay trở lại phòng tắm trong khu văn phòng của Sexton và đang chuẩn bị trèo ra ngoài. Cuộc gọi của ngài Thượng nghị sĩ đã khiến cô rất lo lắng. Rõ ràng là ông ta đã tỏ ra nghi ngờ khi cô nói rằng đang ở trong văn phòng dành cho thư ký - như thế đã đoán ra là cô đang nói dối. Dù sao thì cô cũng không mở được máy tính cá nhân của ông ta, và giờ vẫn chưa biết nên làm gì tiếp.

Sexton đang đợi.

Trèo lên đến bồn rửa mặt, đang chuẩn bị đu người lên tran để ra ngoài thì cô nghe có cái gì rơi leng keng xuống sàn nhà. Quay lại, Gabrielle bực bội thấy mình vừa đá phải hai cái móc cài tay áo mà Sexton vẫn để trên thành bệ.

Phải để mọi thứ y như cũ.

Gabrielle lại trèo xuống, nhặt hai cái móc cài và để lên thành bệ y như cũ. Đang quay người định trèo lên lại thì Gabrielle dừng lại, nhìn những cái móc cài một lần nữa. Nếu là những lúc khác thì chắc chắn cô đã chẳng để ý đến nó, nhưng đêm nay những chữ viết lồng này đặc biệt thu hút sự chú ý của Gabrielle. Giống như nhiều biểu tượng chữ viết lồng khác của ông Thượng nghị sĩ háo danh, đây lại là hai chữ Sexton viết lồng xoắn xuýt lấy nhau. SS. Gabrielle nhớ lại mật khẩu máy tính đầu tiên của ông ta: SSS. Cô nghĩ đến những chữ viết bằng mực phản quang trên quyển lịch… POTUS và hình ảnh chờ có cảnh Nhà Trắng và những tấm biếu ngữ đầy lạc quan chạy khắp xung quanh màn hình.

Tổng thống Hoa Kỳ Sedgewick Sexton… Tổng thống Hoa Kỳ

Sedgewick Sexton… Tổng thống Hoa Kỳ…

Gabrielle băn khoăn ngẫm nghĩ. Chẳng lẽ ông ta quả thật chủ quan đến thế sao?

Biết rằng chỉ cần vài tích tắc là tìm ra sự thật, Gabrielle quay trở lại văn phòng, ngồi xuống ghế và gõ bảy chữ cái vào ô mật khẩu.

POTUSSS

Màn hình chờ lập tức biến mất.

Gabrielle sững sờ, không thể tin nổi.

Đừng bao giờ đành giá thấp một chính trị gia.
 
Chương 116


Corky Marlinson không giữ chặt bánh lái của chiếc thuyền máy Crestliner Phantom nữa. Ông nghĩ rằng dù có giữ bánh lái hay không thì chiếc thuyền này sẽ chạy theo một đường thẳng. Theo hướng nguy hiểm nhất…

Ngồi phía đuôi con thuyền đang bị đại dương đẩy lên dằn xuống dữ dội, ông đang xem xét vết thương ở chân. Một viên đạn đã bay đúng vào phía trước xương trụ, may không phải là xương đùi. Không thấy có vết thương hở nào ở mặt sau chân phải, có nghĩa là viên đạn vẫn ở bên trong. Ông lục tìm khắp xung quanh, tìm kiếm một ít bông băng để cầm máu, nhưng chẳng thấy gì - chỉ có chân vịt, ống thở, và mấy cái áo phao cứu sinh. Không có dụng cụ sơ cứu. Luống cuống, Corky tìm thấy cái ngăn kéo bên trong có giẻ rách, băng dính. dầu nhờn, và một số dụng cụ sửa chữa khác. Nhìn cẳng chân đầy máu của mình. Corky tự hỏi không biết còn bao lâu nữa thì ông sẽ thoát ra khỏi vùng có nhiều cá mập.

Chắc còn xa lắm.

Delta Một cho chiếc Kiowa bay là là sát mặt biển để tìm chiếc thuyền Crestliner đang chạy trốn. Đoán rằng chiếc thuyền sẽ tìm cách vào đất liền và tránh con tàu Goya càng xa càng tốt, anh cho máy bay lao thẳng theo hướng lúc nãy chiếc thuyền đã xuất phát.

Lẽ ra mình phải rượt chiếc thuyền đó rồi mới phải.

Thường thì chỉ cần dùng máy quét radar là tìm thấy ngay những mục tiêu kiểu này, nhưng thiết bị gây nhiễu bằng sóng âm địa nhiệt của chiếc máy bay này có tác động trong bán kính những mấy dặm, nên cả radar của anh cũng không hoạt động được. Phải đợi đến khi tiêu diệt xong tất cả các đối tượng thì mới được tắt thiết bị gây nhiễu. Đêm nay, không một ai trên con tàu Goya được đàm thoại với người ngoài.

Bí mật về tảng thiên thạch sẽ bị chôn vùi. Tại đây. Chính vào lúc này.

Delta Một may mắn có một thiết bị khác để thay thế hệ thống radar. Anh có thễ dễ dàng phát hiện được tín hiệu nhiệt phát ra từ chiếc thuyền, ngay cả trong vùng có dòng hải lưu nóng như thế này. Anh bật máy quét. Nhiệt độ nước ở vùng biển này lên đến 95 độ F, nhưng may thay, nhiệt độ của chiếc thuyền có động cơ 250 mã lực đang chạy hết tốc độ còn cao hơn thế gấp mấy lần.

Corky Marlinson thấy chân tay mình bắt đầu tê cứng.

Không biết làm gì hơn, ông đã dùng giẻ để lau sạch máu ở ống chân rồi lấy băng dính quấn chặt xung quanh. Khi cuộn băng dính hết sạch thì toàn bộ ống chân của ông, từ đầu gối đến tận mắt cá, đã được bọc trong lớp vỏ nhựa màu bạc. Đã cầm được máu, nhưng hai tay và quần áo của ông thì vẫn bê bết toàn máu là máu.

Ngồi yên trên thuyền, Corky lấy làm lạ tại sao chiếc máy bay vẫn chưa tìm được nình. Ông quay lại đằng sau, nhìn thật kỹ, tìm những ngọn đèn trên tàu Goya và bóng chiếc máy bay đang bám đuổi sau lưng. Lạ thật. Chẳng thấy gì cả. Toàn bộ bóng đèn trên tàu Goya đều đã tắt ngấm, không lẽ ông đã đi được xa đến thễ.

Corky chợt thấy tràn trề hi vọng. Biết đâu vì trời tối nên bọn chúng không tìm được ông. Biết đâu ông về được đến đất liền!

Bất ngờ, Corky nhận thấy đường rẽ nước ở sau đuôi cơn thuyền này rất khác thường. Nước rẽ thành một đường cong nhẹ đều đặn từ sau đuôi thuyền, như thể nó đang đi theo đường vòng cung chứ không phải đường thẳng. Bối rối, ông đưa mắt nhìn theo rẽ nước sau đuôi thuyền đang tạo thành một đường tròn rất lớn trên mặt biển: Gần như ngay tức khắc, Corky trông thấy nó.

Con tàu Goya sừng sững hiện ra bên mạn trái, cách ông không đến nửa dặm. Kinh hãi, Corky nhận ra sai lầm chết người của mình. Vì bánh lái bị bỏ không, chiếc thuyền máy đã tự động đi xuôi theo dòng hải lưu chảy xiết - xoáy nước lớn bao quanh vòm nham thạch. Mình đang đi theo một đường tròn lớn!

Ông đã tự đá bóng vào lưới nhà.

Nhận ra mình vẫn luẩn quẩn trong khu vực có nhiều cá mập, ông hãi hùng nhớ lại những lời của Tolland. Thuỳ khứu giác telencephalon cực kỳ thính nhạy… Giống cá mập đầu búa có thể nhận được mùi máu từ cách xa một dặm. Corky lo lắng nhìn cẳng chân quấn băng và hai bàn tay bê bết máu của mình.

Chẳng bao lâu nữa chiếc trực thăng sẽ tìm thấy chiếc thuyền này.

Cởi bỏ bộ quan áo dính đầy máu, Corky bò về phía đuôi thuyền. Tin chắc rằng không một con cá mập nào có thế bơi nhanh bằng chiếc thuyền máy của nình, ông vớt nước bắn lên từ đường rẽ nước sau đuôi con thuyền, cẩn thận rửa thật sạch máu dính ở hai bàn tay cũng như trên khắp cơ thể.

Từng giọt máu một…

Rửa xong, ông đứng thẳng dậy, biết rằng giờ chỉ còn một động tác nữa là xong. Ông nghe nói các loài động vật dùng nước tiểu để đánh dấu lãnh thổ của chúng, và chất acide uric chính là chất bài tiết nặng mùi nhất trên cơ thể con người.

Có tác dụng mạnh hơn máu. Corky thầm hi vọng. Vừa lầm bầm ao ước giá như vừa được uống vài vại bia hồi tối, ông gác chân phải lên bảng điều khiển và cố đái vào lớp băng dính quấn xung quanh.

Ra đi nào! Corky kiên nhẫn chờ đợi. Thật không gì khổ bằng phải cố mà đái vào người trong khi bị máy bay đuổi theo sát nút.

Mãi rồi nó cũng phải ra. Corky đái ướt đẫm lớp băng quấn quanh ống chân. Ông tận dụng nhũng giọt cuối cùng còn sót lại trong bàng quang để thấm ướt miếng giẻ rồi chà xát khắp người.

Quả là dễ chịu.

Từ" trên trời đêm, một chùm tia laze xuất hiện, chiếu chếch xuống chiếc thuyền máy, trông như lưỡi thép sắc lạnh của cái máy chém khổng lồ. Chiếc máy bay xuất hiện chếch từ một bên. Rõ ràng là viên phi công cũng bị ngạc nhiên khi thấy Corky lộn trở lại bên con tàu Goya.

Mặc xong bộ quần áo phao bảo hộ, Corky nhanh nhẹn di chuyển xuống đuôi thuyền. Một đốm sáng đỏ rực xuất hiện trên chiếc thuyền vấy máu, chỉ cách chân ông khoảng mười xăng ti mét.

Đã đến lúc.

Trên boong tàu Goya, Tolland không nhìn thấy chiếc thuyền máy Crestliner Phantom 2100 bị một ánh chớp sáng loà nuốt chửng, rồi khói lửa cuộn lên ngùn ngụt.

Nhưng ông nghe thấy tiếng nổ.

 
Chương 117


Thông thường, vào giờ này thì chái Tây của Nhà Trắng thường rất tĩnh mịch, nhưng thái độ vội vã của Tổng thống cùng với bộ quần áo ngủ và đôi dép lê ở chân ông đã khiến cho các trợ lý và nhân viên đang trực phiên thấy lo lắng và bật dậy khỏi những chiếc giường gấp đặt ngay cạnh bàn làm việc và những phòng ngủ nhỏ bố trí rải rác tại đây.

- Thưa Tổng thống, không thấy bà ấy đâu cả. - Một trợ lý trẻ vừa nói vừa hối hả theo Herney vào phòng bầu dục. Anh ta đã tìm kiếm khắp nơi. - Cả điện thoại cầm tay lẫn máy nhắn tin, bà Tench đều không nghe ạ.

Tổng thống cáu gắt:

- Thế anh đã sang tìm ở…

- Bà ấy đã rời khỏi Nhà Trắng rồi ạ. - Một trợ lý khác vừa bước vào phòng đã nhanh nhảu báo cáo. - Bà ấy ra khỏi cổng cách đây một giờ. Chắc là đi sang bên trụ sở NRO rồi. Nhân viên tổng đài cho biết tối qua bà ấy đã điện đàm với Pickering.

- William Pickering à? - Tổng thống ngỡ ngàng. Tench và Pickering chưa bao giờ chịu quan hệ với nhau. - Cậu đã gọi cho ông ấy chưa?

- Cả ông ấy cũng không trả lời máy ạ. Nhân viên tổng đài của NRO cũng không gọi được ông ấy. Họ nói là máy của ông ấy thậm chí còn không đổ chuông. Như thể là ông ấy đã biến mất khỏi trái đất.

Herney tròn mắt nhìn hai người trợ lý của mình một hồi lâu, rồi đến bên quầy rượu và tự rót cho mình một ly Bourbon. Ông vừa mới đưa ly rượu lên môi thì một nhân viên mật vụ xuất hiện.

- Tôi rất không muốn đánh thức Tổng thống, nhưng vừa có vụ đặt bom gần đài tưởng niệm FDR.

- Cái gì? - Suýt nữa Herney làm rơi cái ly.

- Cách đây một giờ. - Anh ta nói giọng rầu rĩ. - Và bên FBI đã nhận dạng được nạn nhân…

 
Chương 118


Cảm giác nhức nhối dội lên từ chân của Delta-Ba. Anh tưởng như mình đang trôi nổi, bông bềnh trong vô thức. Hay đây chính là cái chết? Anh gắng gượng cử động chân tay, nhưng không được, đến cả hít thở cũng thấy khó khăn. Hai mắt anh chỉ nhìn được những đốm đen trắng lờ mờ. Rồi tỉnh táo hơn lên, anh nhớ lại tiếng nổ trên mặt đại dương, vẻ giận dữ điên cuồng trong ánh mắt của Michael Tolland khi ông ta đứng đó, tay chĩa cây gậy bắn cá mập vào cổ họng anh.

Chắc Tolland đã giết mình…

Nhưng rồi cơn đau như xé ở chân nhắc Delta-Ba rằng anh vẫn còn sống. Và tất cả những sự kiện lần lượt hiện về trong tâm trí.

Nghe tiếng nổ trên đại dương khi chiếc thuyền máy Crestliner bị trúng tên lửa, Tolland đã gào lên đau đớn và căm hận vì mất người bạn quý. Rồi ông ta, quay sang anh, mắt quắc lên giận dữ, lưng khom xuống, như thế định ngay lập tức đâm mạnh vào yết hầu của anh; nhưng hình như đúng lúc ấy lương tâm của ông ta đã lên tiếng can ngăn. Thế là Tolland quẳng cây gậy sang một bên, mắt long lên, rồi thúc mạnh mũi ủng vào bàn chân vừa bị bắn nát của anh.

Chi tiết cuối cùng mà Delta-Ba còn nhớ được là anh đau đớn đến nỗi nôn hết mật xanh mật vàng, tối tăm mặt mũi và ngất đi.

Lúc này anh đã hồi tỉnh lại, nhưng không thể nhớ nổi mình đã bị bất tỉnh bao nhiêu lâu. Hai khuỷu tay anh bị trói giật ra đằng sau, nút dây trói xiết chặt khủng khiếp, chắc chỉ có thuỷ thủ chuyên nghiệp mới xiết chặt được đến thế. Hai cẳng chân anh cũng bị bẻ giật về phía sau, và bị buộc vào cùng với hai cổ tay, khiến cho thân người bị bẻ cong về phía sau một cách hết sức kỳ quái. Anh cố hét to lên, nhưng không âm thanh nào thoát ra khỏi cổ họng. Miệng anh đã bị nút chặt.

Delta-Ba không thể tin rằng sự thể lại đến nông nỗi này. Chợt thấy có làn gió ấm áp thổi nhẹ và những ngọn đèn sáng chói, anh nhận ra mình đang ở trên boong chính của tàu Goya. Anh vặn vẹo, nhìn quanh, hi vọng thấy đồng đội đến cứu mình, nhưng chỉ thấy một hình ảnh hãi hùng - hình ảnh méo mó và ngoặt ngoẹo của chính anh, phản chiếu trên mặt kính Plexiglas của chiếc tàu lặn mini. Chiếc tàu lặn đang lơ lửng trước mặt, và Delta-Ba thấy mình đang nằm ngay trên ngưỡng cửa giật trên boong tàu, thật nguy hiểm. Và không kém phần đáng sợ là một câu hỏi vừa hiện lên trong óc.

Mình ở trên boong…, còn Delta-Hai ở đâu?

Delta-Hai mỗi lúc một thêm lo lắng.

Dù đồng đội của anh đã trả lời là không có gì bất ổn, nhưng tiếng súng phát một anh vừa nghe thấy rõ ràng không phải ra từ súng máy. Rõ ràng là Rachel Sexton và Tolland vừa bắn. Delta-Hai đến sát bên lối lên xuống mà đồng đội của anh lúc nãy bước xuống, và trông thấy máu.

Súng lên đạn sẵn, anh xuống cầu thang, lần theo vết máu dọc một hành lang hẹp dẫn đến mũi tàu. Đến đây, vết máu anh đến cầu thang thứ hai dẫn xuống boong chính. Không thấy ai. Càng lo lắng hơn, Delta-Hai tiếp tục lần theo vết máu dọc theo boong, đến tận đuôi tàu, gặp lại chính cầu thang đầu tiên mà anh đặt chân xuống.

Cô chuyện gì thế nhỉ? Vết máu dường như tạo thành một vòng tròn lớn.

Thận trọng, vừa chĩa súng tứ phía vừa nhích từng tí một, Delta Hai tiến đến khu đặt các phòng thí nghiệm. Vệt máu kéo dài mãi đến tận boong sau. Cẩn thận đi vòng rộng ra để tránh góc ngoặt, mắt anh vẫn nhìn theo vết máu.

Rồi anh trông thấy.

Lạy Chúa lòng lành!

Delta-Ba đang nằm đó - bị trói chặt, bịt miệng - ngay trước chiếc tàu lặn mini của tàu Goya. Từ xa anh đã thấy một bên chân của Delta-Ba không còn nữa.

Sợ bị gài bẫy, Delta-Hai giương súng sẵn sàng, thận trọng tiến lên. Delta-Ba đang vùng vẫy và cố nói với anh điều gì đó. Trong cái rủi có cái may, có lẽ do chân bị trói quặt ra đằng sau mà Delta-Ba còn sống được đến lúc này, máu chảy ra từ vết thương có vẻ đã giảm nhiều.

Đến gần chiếc tàu lặn cỡ nhỏ, tầm nhìn bao quát phía sau của Delta-Hai không thể tốt hơn, vòm kính của buồng lái phản chiếu toàn bộ boong tàu. Mãi đến lúc đã đứng sát người đồng đội không may mắn của mình, Delta-Hai mới nhận ra ánh mắt đầy hàm ý của Delta-Ba, nhưng đã quá muộn.

Bỗng đâu tia chớp màu bạc bất thần loé lên.

Một trong những cánh tay máy của chiếc tàu lặn Triton chợt tung ra và túm chặt đùi trái của Delta-Hai. Anh cố giãy ra, nhưng cánh tay máy càng xiết chặt thêm, chặt đến nỗi xương bị gãy. Delta-Hai thét lên đau đớn. Anh trừng mắt nhìn vào trong cabin tàu lặn. Đằng sau những đường nét của boong tàu phản chiếu trên mặt kính là khuôn mặt xanh xao, người đó ngỗi thu mình gọn lỏn ở góc khuất trong con tàu Triton.

Michael Tolland đang ở trong tàu lặn, bên bàn điều khiển.

Quá ngu, Delta-Hai rít lên, nén đau để giương súng máy lên.

Anh nhằm thẳng vào ngực trái của ông ta, ngay sau lớp kính, chỉ cách anh không quá ba foot. Anh kéo cò, đạn nổ ầm ầm. Tức tối vì bị mắc bẫy, Delta-Hai giữ chặt cò súng cho đến khi không còn một viên đạn. Thở hắt ra, anh quẳng súng xuống đất, rồi chằm chằm nhìn mái vòm bằng kính bị thủng lỗ chỗ.

- Chết đi con! - Vừa gằn giọng rít lên, Delta-Hai vừa cố gỡ chân khỏi cánh tay máy. Những cái móc thép nghiến sâu thêm, làm da thịt rách toác ra. - Chết tiệt! - Anh quờ tay lần tìm máy bộ đàm đeo ở thắt lưng. Nhưng vừa cầm được chiếc máy thì bị một cánh tay máy nữa bật ra và xiết chặt cổ tay. Máy bộ đàm CrypTalk rơi xuống boong tàu.

Đúng lúc ấy một bóng ma hiện ra ở cửa sổ kính ngay bên cạnh anh. Khuôn mặt nhợt nhạt ban nãy đang ngó qua mép kính còn nguyên vẹn và nhìn anh chòng chọc. Choáng váng. Delta-Hai nhìn lại vòm kính của chiếc tàu lặn, hoá ra không một quả đạn nào xuyên nổi qua lớp kính dày của mái vòm trước mặt. Mặt ngoài mái vòm chi chít những vết đạn.

Sau giây lát, một cánh cửa mở ra trên nóc mái vòm kính, Michael Tolland nhô đau lên. Ông ta vẫn còn run, nhưng không hề hấn gì. Xuống đến mặt boong, ông chăm chú nhìn cửa sổ tàu ngầm thủng lỗ chỗ.

- Những mười ngàn pound một inch đấy. - Tolland lên tiếng. - Đáng ra anh bạn nên dừng loại súng lớn hơn.

Đứng trong phòng thí nghiệm của cơn tàu, Rachel biết cô không còn nhiều thời gian. Cô vừa nghe tiếng súng nổ, và thầm khẩn cầu cho mọi sự diễn ra đúng như dự kiến của Tolland. Bây giờ cô không cần biết ai là kẻ đứng sau tất cả những chuyện này - Giám đốc NASA, Marjorie Tench, hay đích thân Tổng thống - chi tiết đó không còn quan trọng nữa. Kẻ đó sẽ không thể phủi tay sau tất cả những gì đã gây ra. Dù kẻ đó có là ai thì sự thật vẫn phải bị phanh phui.

Vết thương trên cánh tay Rachel đã hết chảy máu, và một lượng lớn hoóc-môn adrenaline đang thấm đẫm từng tế bào của cô, khiến cho phản xạ nhạy bén hơn, đồng thời cảm giác đau cũng bớt đi nhiều. Tìm được giấy và bút, Rachel đã nén đau viết một bức điện hai dòng. Những ngôn từ trên giấy không được hùng hồn cho lắm, nhưng lúc này đâu phải là lúc trau chuốt câu chữ. Cô để tờ giấy ấy vào cùng một xấp với những bằng chứng khác - bức ảnh chụp cắt lớp phiến băng Milne, ảnh loài sinh vật biển Bathynomous Giganteus, bản sao những bài báo về các chrondrule hình thành trong lòng đại dương, bản in kết quả soi mẫu đá trên kính hiển vi. Tảng thiên thạch đó hoàn toàn là giả mạo, và những tài liệu này sẽ chứng minh điều ấy.

Rachel xếp tất cả những giấy tờ đó vào máy fax. Do không thuộc lòng nhiều số fax, cô không có nhiều chọn lựa, nhưng Rachel đã quyết định ai sẽ là người nhận được những thông tin này. Nín thở cô cẩn thận bấm số của người nhận.

Vừa nhấn vào nút "gửi". Rachel vừa thầm mong mình đã chọn lựa một cách sáng suốt.

Một tiếng bíp vang lên từ chiếc máy fax.

LỖI: KHÔNG CÓ TÍN HIỆU ĐƯỜNG TRUYỀN

Không có gì bất ngờ. Hệ thống liên lạc của con tàu vẫn bị nhiều. Cô kiên nhẫn quan sát chiếc máy hoạt động, hi vọng nó được cài đặt cùng một cơ chế với chiếc máy cô vẫn thường dùng ở nhà riêng.

Nhanh lên nào!

Năm phút sau, lại có một tiếng bíp nữa.

ĐANG KẾT NỐI LẠI…

Tuyệt lắm! Chiếc máy đang tự động quay lại số mà Rachel vừa bấm.

LỖI: KHÔNG CÓ TÍN HIỆU ĐƯỜNG TRUYỀN

ĐANG KẾT NỐI LẠI…

Để cho chiếc máy tiếp tục tự động đợi tín hiệu đường truyền, Rachel lao ra ngoài boong tàu, vừa kịp lúc chiếc trục thăng sầm sập quay lại.
 
Chương 119


Cách con tàu Goya một trăm sáu mươi dặm, Gabrielle Ashe đang tròn mắt nhìn màn hình máy tính cá nhân của Thượng nghị sĩ Sexton, kinh ngạc đến sững sờ. Tất cả những nghi vấn của cô đều đúng sự thật.

Nhưng cô không thể ngờ lại đúng đến mức này.

Gabrielle đang xem hàng chục tờ séc ngân hàng mà Thượng nghị sĩ đã quét vào máy tính - đều từ các công ty vũ trụ tư nhân gửi vào tài khoản của Sexton tại đảo Cayman. Tờ có mệnh giá nhỏ nhất cũng trị giá tới mười lăm ngàn đô la. Có mấy khoản lên tới nửa triệu đô. Chỉ là những khoản chẳng đáng kể, nguyên văn lời ông ta là thế. Tất cả những khoản hiến tặng của họ đều duới mức hai ngàn đô la.

Hiển nhiên là ông ta đã nói dối từ bao lâu nay. Những bằng chứng về hoạt động gây quỹ tranh cử bất hợp pháp không thể tha thứ đang hiện ra sờ sờ trước mắt Gabrielle. Trái tim cô nhói lên, đau vì bị lừa dối, đau vì thất vọng. Ông ta nói dối!

Gabrielle thấy mình thật ngu ngốc, thật nhơ nhuốc. Cô như muốn phát điên.

Ngồi chết sững trong bóng tối, Gabrielle chẳng biết nên thế nào.

 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top