Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full Cây Ô Liu Màu Trắng

  • Tác giả Tác giả admin
  • Ngày gửi Ngày gửi
Dịch Full Cây Ô Liu Màu Trắng
Chương 65


Tháng Tám là mùa nóng nhất trong năm ở thành phố Lương. Ánh nắng gay gắt len lỏi mọi ngóc ngách, chói lóa mắt người.

Tống Nhiễm dừng xe trên bãi đất trống của khu tập thể cán bộ. Vừa xuống xe, hơi nóng ập vào mặt, cô đổ mồ hôi lấm tấm, khệ nệ xách mấy túi hàng to trong cốp xe, đi lên tầng hai.

Mở cửa ra, trong nhà yên tĩnh, rèm cửa ngoài ban công chỉ kéo một nửa, phòng khách nửa sáng nửa tối.

Tống Nhiễm đổi dép, rón rén đi vào, cửa phòng ngủ chính vẫn còn đóng kín. Ba tiếng trôi qua, bên trong vẫn im ỉm.

Cô bỏ rau quả, thịt cá vào tủ lạnh, đặt dầu muối, tương giấm lên kệ bếp, sau đó đem mấy thứ quá hạn bỏ xuống thùng rác dưới tầng.

Lúc trở lên, cô thấy bác sĩ quân y đi ra khỏi phòng ngủ chính. Tống Nhiễm đi đến, liếc nhìn qua khe cửa đang từ từ đóng lại, Lý Toản nằm trên giường, khép mắt.

Bác sĩ quân y ra hiệu với cô, hai người đi qua phòng ngủ phụ. Tống Nhiễm nhẹ nhàng đóng cửa lại, quay đầu, "Bác sĩ Lâm, tình hình của anh ấy thế nào?"

"Không mấy lạc quan." Bác sĩ Lâm trước giờ vẫn đảm nhiệm nhiệm vụ theo dõi vấn đề tâm lý của Lý Toản thở dài, "Tôi đề nghị đưa cậu ấy đến bệnh viện tâm thần."

Lòng Tống Nhiễm lạnh toát, đờ đẫn chốc lát mới luống cuống lấy điều khiển bật điều hòa, khẽ hỏi: "Nghiêm trọng vậy sao?"

"Rất nghiêm trọng. Tôi từng tiếp xúc với vô số quân nhân mắc chứng PTSD(*), cậu ấy là người nặng nhất. Tương lai có thể cậu ấy sẽ giết người, hoặc tự sát." Bác sĩ Lâm nói xong, lại bổ sung: "Nhưng tỷ lệ giết người cực ít, đa số đều chọn tự sát."

(*) PTSD là từ viết tắt của cụm từ Post-traumatic Stress Disorder, chỉ bệnh rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Gió vù vù thổi ra từ điều hòa, cánh tay để trần của Tống Nhiễm sởn cả gai ốc, "Nhưng mà... trên đường tôi đưa anh ấy từ nước D trở về, anh ấy rất ngoan, không làm bất cứ chuyện gì khác thường."

Bác sĩ Lâm hỏi lại: "Vậy sao?"

Tống Nhiễm không lên tiếng. Trên chặng đường trở về, cô luôn luôn ở bên cạnh anh. Ở sân bay, hai người được chính phủ nước D đặc cách không cần qua kiểm tra an ninh. Vào máy bay, trong khoang thương gia cũng không có những hành khách khác.

"Đó là vì cô có thể trấn an cậu ấy, và cậu ấy không gặp phải điều gì kích thích. Nhưng một khi gặp phải yếu tố gây kích động, thế giới trước mắt cậu ấy sẽ lập tức biến thành chiến trường. Nhà cao trong mắt cậu ấy sẽ thành đống đổ nát bốc cháy, ô tô chính là xe tăng, tạp âm trở thành tiếng súng, người lạ là quân địch, có thể chiếc ô dài cũng trở thành súng trường. Trong tình huống đó, cậu ấy sẽ phản ứng thế nào? Tôi nghĩ, chắc cô đã đoán được, và có thể còn từng chứng kiến rồi cũng nên.

Tôi đã gặp quá nhiều người lính như thế này. Chiến tranh kết thúc, nhưng họ không trở về cuộc sống bình thường được nữa." Bác sĩ Lâm cảm khái: "Bởi vì xưa nay chiến tranh không chỉ tước đoạt mạng sống của người chết, mà còn hút luôn cả linh hồn của những người may mắn còn sống."

Tống Nhiễm mấp máy môi, "Đưa đến bệnh viện tâm thần... có thể chữa trị hết không?"

Bác sĩ Lâm trầm mặc chốc lát, "Đưa đến bệnh viện tâm thần, dùng thuốc men và quản chế kìm hãm tinh thần của cậu ấy, giảm bớt ý nghĩ tăng động, cậu ấy sẽ không hành động cực đoan."

Tống Nhiễm bàng hoàng: "Có nghĩa là không thể chữa được? Phải nhốt anh ấy trong bệnh viện tâm thần... cả đời sao?"

Bác sĩ Lâm không trả lời thẳng: "Năm xưa tôi học ở Mỹ từng gặp rất nhiều người lính trở về từ chiến trường. Họ đều có vấn đề về tinh thần hoặc ít hoặc nhiều, chỉ khác ở mức độ nghiêm trọng thôi. Mà người ở mức độ như Lý Toản, về cơ bản không thể nào quay trở về cuộc sống bình thường được nữa. Cô phải chuẩn bị tâm lý thật tốt."

Tống Nhiễm vịn vách tường, im lìm.

"Trên chiến trường có một từ gọi là "người may mắn sống sót". Từ này nghe thì giống như vô cùng may mắn, nhưng gặp nhiều trường hợp, tôi mới phát hiện thật ra nó là một lời nguyền. Người hy sinh đều trở thành anh hùng, mọi chuyện chấm hết. Nhưng người sống sót lại rất gian nan, dần dà theo thời gian trôi đi, không còn ai nhớ đến hỏi thăm... Rất nhiều năm trước, tôi sang Mỹ thăm một vị tù binh may mắn thoát khỏi tay Nazi(*), ông ấy là lính thời Chiến tranh thế giới thứ hai, chịu mọi tra tấn, toàn thân chằng chịt vết thương. Ông ấy sống suốt đời ở bệnh viện tâm thần, trước khi lâm chung trí nhớ vẫn dừng lại ở thời chiến. Ông ấy qua đời vào Giáng sinh, đường phố náo nhiệt, khắp nơi đều là tiếng cười nói rôm rả, tuyết rơi lả tả."

(*) Đảng Công nhân Đức quốc gia Xã hội chủ nghĩa, gọi tắt là Đảng Quốc xã, là đảng cầm quyền Đức trong thời kỳ Đức Quốc xã. Thủ lĩnh của đảng này là Adolf Hitler (1889-1945).

Tống Nhiễm nghe bác sĩ kể, hồi lâu mới quả quyết lắc đầu, "A Toản sẽ không sống cô độc cả đời, tôi sẽ luôn ở bên cạnh anh ấy."

Quân y thở dài: "Tống Nhiễm, hiện giờ cậu ấy đã không phân biệt được thực tế và ảo ảnh. Trái tim cậu ấy không cách nào về nhà được, vẫn còn phiêu bạt ở chiến trường nước D. Có khi trong thâm tâm cậu ấy, thậm chí cô của thế giới chân thực cũng là ảo giác của cậu ấy thôi."

Vành mắt Tống Nhiễm hoen đỏ, ngẩng đầu mỉm cười, "Chính vì thế, tôi càng không thể bỏ lại anh ấy một mình."

Bác sĩ Lâm không nói thêm lời nào nữa. Hiển nhiên, cô gái trước mặt ông ấy vẫn không hiểu được tính nghiêm trọng của sự việc. Rất nhiều gia đình ban đầu cũng không chịu đưa bệnh nhân vào bệnh viện tâm thần, tuy nhiên chăm sóc ngày qua ngày không nhìn thấy được tương lai khả quan, chỉ có nỗi giày vò từng chút bào mòn sự kiên nhẫn của họ.

"Bất kể như thế nào, tôi sẽ định kỳ sang đây khám, hy vọng có thể giúp được cô."

"Cảm ơn. Làm phiền bác rồi, bác sĩ Lâm."

Nhóm quân y ra về. Tống Nhiễm đóng cửa lại, đứng lặng chốc lát ở cửa hiên, nhìn mảng tối do rèm cửa sổ khép hờ in xuống. Cô đi đến kéo hết rèm cửa ra, để ánh nắng trải kín phòng khách.

Cô rón rén trở về phòng ngủ, Lý Toản vẫn chưa tỉnh lại. Rèm cửa sổ trong phòng kéo kín, ánh sáng mờ mờ, hàng mày anh cau chặt, vẻ mặt khá khó chịu. Hai tay đặt trên bụng của anh đang nắm chặt lấy tấm chăn mỏng.

Tống Nhiễm cầm lấy điều khiển từ xa, hạ nhiệt độ xuống. Một tiếng "tít" vang lên, Lý Toản mở choàng mắt, vẻ mặt đề phòng, vừa định bật dậy khỏi giường thì thấy Tống Nhiễm, phút chốc ngơ ngác.

Mái đầu hơi rướn lên của anh từ từ nằm xuống gối, lồng ngực phập phồng cũng dần ổn định trở lại. Anh lẳng lặng nhìn cô, hồi lâu mới khàn giọng cất lời: "Anh gặp ác mộng."

Tống Nhiễm khẽ cười với anh. Cô hy vọng nửa năm trôi qua kia chỉ là một cơn ác mộng đối với anh biết mấy.

"Em muốn ngủ cùng anh, lại sợ nóng quá nên chỉnh nhiệt độ thấp xuống." Cô trèo lên giường, vén chăn lên ôm anh.

"Bố anh đâu?"

"Về thành phố Giang rồi. Bảo cuối tuần lại đến thăm anh."

"À."

Vừa tỉnh dậy, trên nhân trung của anh đọng mồ hôi li ti, Tống Nhiễm lau đi, "A Toản, anh mơ thấy gì?"

Anh im lặng hồi lâu mới đáp: "Thấy rất nhiều người chết. Vô số người xa lạ, còn có Benjamin, và còn..." Cả em nữa.

"Nhưng em không chết, anh xem đi, vết thương trên cổ em đã lành từ lâu rồi, không hề sâu chút nào." Cô nắm tay anh, sờ lên cổ mình.

Tay anh kháng cự, song cô vẫn ghì lại ấn lên cổ mình. Anh thở dồn dập, tim đập kịch liệt, ngón tay chạm vào vết sẹo kia của cô, đầu ngón tay cảm nhận được nhịp đập mạnh mẽ nơi cổ cô.

"Vết thương đã lành rồi, A Toản, đã lành lâu rồi. Không còn đau đớn chút nào."

Lý Toản nhìn chằm chằm vết sẹo kia hồi lâu, ánh mắt chầm chậm hướng lên, ngón tay cũng lần lên chạm vào khuôn mặt cô, nhẹ nhàng nắm lại.

Tống Nhiễm thẳng thắn nói: "Bây giờ không phải anh đang mơ, em là thật."

Cô đưa tay tắt điều hòa, tiếng gió ngừng lại, căn phòng trở nên yên tĩnh. Xế chiều mùa hè, trong phòng nhanh chóng bốc lên khí nóng.

Cô trở mình, nằm xuống bên cạnh anh, cúi đầu nhìn anh đăm đăm. Lòng bàn tay nóng hổi của cô vuốt ve cổ anh, muốn anh tường tận cảm nhận được sức ấm từ thân nhiệt của cô.

Cô nắm lấy tay anh đặt lên ngực, trái tim cô vẫn đập mạnh mẽ, nhẹ nhàng từng hồi trong lòng bàn tay anh.

Tống Nhiễm cúi đầu hôn lên môi anh, hàng mi anh run run, có chút sượng cứng, rồi dần dần, hơi thở quen thuộc của cô đã trấn an anh.

Đó chẳng phải một nụ hôn sâu, nó chỉ phớt qua, cánh môi nhè nhẹ và chậm chạp mơn trớn, vuốt ve. Chóp mũi cọ nhẹ, hơi thở vấn vít.

Ánh nắng chiếu xuyên qua khe hở rèm cửa sổ, soi lên tấm chăn, nhiệt độ dần dần tăng cao, nhân trung trên môi rỉ lớp mồ hôi mỏng. Cô không ngừng lại, vẫn khe khẽ hôn anh với bao yêu thương và quyến luyến, để anh cảm nhận được nhịp tim thình thịch và nụ hôn ấm áp của mình.

Cuối cùng Lý Toản cũng cảm nhận được, thế nên tay anh mới ôm lấy eo cô, môi anh đáp lại cô.

***

Hai người ôm nhau ngủ đến lúc mặt trời lặn mới tỉnh lại. Tống Nhiễm xuống giường kéo rèm, ánh nắng chiều ấm áp soi vào một màu cam dịu. Hơi lạnh từ điều hòa tạo nên bầu không khí mát mẻ trong phòng.

Lý Toản tỉnh lại, dụi mắt ngồi dậy, người thoáng chao đảo. Tống Nhiễm lập tức trở về bên cạnh, nắm lấy tay anh, "Choáng váng đầu hả?"

"Hơi hơi." Vẻ mặt anh vẫn ngơ ngác, dường như còn chưa tỉnh hẳn.

"Uống chút nước trước đi." Tống Nhiễm đưa cốc nước ở đầu giường cho anh.

Anh từ từ uống hơn nửa cốc.

"Em đi nấu cơm cho anh. Hôm nay em mua rất nhiều món ngon, còn có cá trê vàng. Ông chủ hàng bảo bắt được dưới sông, không phải cá nuôi đâu."

"Được."

Tống Nhiễm đi vào bếp, đeo tạp dề vào, rửa tay nấu ăn.

Lý Toản xuống giường, vịn lấy vách tường chầm chậm đi ra khỏi phòng ngủ. Điều hòa trong phòng khách vừa bật, không khí vẫn còn nóng bức.

Anh vịn khung cửa, đứng ở nơi giao nhau của khí lạnh và khí nóng, nhìn một vòng xung quanh. Đây là ngôi nhà thân quen của anh, ngoài ban công phủ kín nắng chiều, quần áo của anh đã được giặt sạch phơi bên cửa sổ, đong đưa theo gió.

Anh nghe tiếng bát đĩa, nồi chảo vang lanh canh trong phòng bếp, thấy Tống Nhiễm đang bận rộn bên trong, mùi thức ăn lan tỏa ngào ngạt.

Là hương vị gia đình, cảnh này từng xuất hiện vô số lần trong giấc mơ của anh, không chân thật chút nào.

Lý Toản khó khăn lê bước đến phòng bếp. Tống Nhiễm nghe thấy tiếng động, quay đầu lại, "Anh ra đây làm gì? Để em lấy ghế cho anh."

Cô quay người đi ra ngoài, mang ghế vào cho Lý Toản.

Ánh mắt anh nhìn cô đăm đăm, không rời khỏi dù chỉ một giây, luôn luôn dõi theo. Bỗng nhiên, anh thấy được ngoài ban công có một thân cây. Thân cây olive màu trắng, cành lá phản chiếu vàng óng trong trời chiều.

Hơi thở của anh bỗng chốc dồn dập, định thần nhìn lại, thân cây kia đã biến mất.

Tống Nhiễm mang ghế vào, dìu anh ngồi xuống. Cô nhoẻn miệng cười, kề đến hỏi nhỏ: "Anh muốn xem em nấu ăn à?"

"Ừ." Lý Toản ậm ừ đáp, vội vàng nắm lấy ngón tay cô như đứa trẻ. Tay cô ấm áp, ươn ướt và dính dầu trơn trượt.

Không phải là mơ, mơ không thể nào chân thật như vậy.

"Tay em bẩn lắm." Cô vội vàng lấy tay ra, lại cúi người, cọ gò má vào mặt anh, "Nhưng mà mặt em rất sạch."

Khuôn mặt cô vô cùng mềm mịn, trên da thịt có hương thơm của riêng cô, là thứ anh hết sức quen thuộc và nhớ rõ nhất. Lúc cô đứng dậy, Lý Toản hơi nghiêng đầu, môi lướt qua gò má cô.

Cô mím môi cười, hai gò má đỏ hây hây, quay người đi xào rau cải.

Lý Toản ngồi trên ghế quan sát cô, ánh mắt bướng bỉnh nhìn thật lâu. Anh thử thăm dò, rủ mắt nhìn sàn nhà. Ánh sáng chiếu vào, trên sàn lại in bóng cây olive thật dài.

Anh tức khắc nhìn lại phòng bếp, trước bếp trống rỗng, hệt như cõi lòng bỗng dưng hụt hẫng của anh. Mấy giây sau, Tống Nhiễm đi ra khỏi góc khuất, anh vội vàng hít thở, lại nhìn xuống sàn nhà, bóng cây kia đã mất tăm mất tích.

"Nhiễm Nhiễm."

"Hả?" Cô quay đầu lại.

"Nóng." Anh bảo: "Em kéo rèm cửa sổ lại đi."

"Được." Cô rảo bước chạy đến kéo rèm cửa sổ, chỉnh nhiệt độ điều hòa thấp xuống.

Món ăn đã chín, cô quay lại bếp xúc thức ăn ra, Lý Toản nhìn cô không chớp mắt, mặt cô đỏ bừng, trên chóp mũi còn rịn mồ hôi. Ngoài cửa sổ, khung cảnh đã bị che kín.

Hai người cùng nhau ăn cơm, cô chỉ làm ba món. Người Lý Toản quá gầy, Tống Nhiễm múc canh cá cho anh, "Anh thử trước đi, xem có phải hương vị trước đây không?"

Anh uống một miếng, mùi canh cá thoang thoảng, gật gù khen: "Ngon."

Cô cười gắp một đũa rau cho anh, "Em biết khẩu vị của anh không tốt, nhưng phải ăn hết mấy món này. Nếu không em sẽ giận, trừ phi anh cho rằng em giận cũng không sao."

Anh cong cong khóe môi, "Không thành vấn đề." Rồi ngoan ngoãn cúi đầu ăn cơm.

Tống Nhiễm thoáng sửng sốt, cuối cùng đã được thấy nụ cười từ anh lần nữa.

"A Toản?"

"Hả?"

"Anh theo em về nhà, có vui không?"

Lý Toản gật đầu, lơ đãng ngoái nhìn rèm cửa sổ kéo kín, ánh nắng chiều xuyên qua khe hở.

"Nhiễm Nhiễm."

"Ừ."

Anh bỗng hỏi một câu bí mật riêng tư kỳ lạ: "Em... thích anh từ khi nào?"

"Anh không biết hả?" Cô lườm anh.

Lòng anh căng thẳng, "... Không biết."

"Lúc anh cứu em ở thành phố Shuri. Về nước em còn tìm anh rất lâu, sau đó kéo được mặt nạ của anh ở sân bay, có phải anh không có ấn tượng gì không?"

"Có ấn tượng. Anh nhớ hết mà."

"Còn anh?"

"Em nhớ lần em cùng đồng nghiệp, trong đó có cả Thẩm Bội đi ăn lẩu không?"

Dĩ nhiên cô nhớ rồi.

"Hôm đó lúc ra về, em cười với anh rồi quay đầu đi, có phải em đã khóc không?"

Tống Nhiễm sửng sốt. Khi ấy đúng là cô muốn khóc, chỉ không ngờ lại bị anh phát hiện ra.

Thật ra Lý Toản cũng không diễn tả được, không biết tại sao lúc ấy tim anh chợt se sắt, nhoi nhói. Vào thời điểm ấy không cảm nhận được rõ ràng, sau này nhớ đến, cảnh đó lại khắc sâu vào lòng anh một cách khó hiểu.

Cơm nước xong, Tống Nhiễm thu dọn bát đũa đi vào bếp, Lý Toản đi theo cô, không rời một bước.

"Anh đang làm em vướng víu đấy." Cô buồn cười.

Thế là anh xích qua bên cạnh một chút.

Cô phì cười, cầm giẻ ra phòng ăn lau bàn.

Lý Toản đứng bên cạnh bồn định rửa bát giúp cô, thoáng thấy con dao phay cạnh bồn. Anh nhìn giây lát, rồi cầm dao lên.

Lưỡi dao sắc bén, lóe ánh sáng trắng, một giọng nói vang lên bên tai: "Song đã chết rồi!"

Tiếng súng, phần cổ trắng ngần ngập trong sắc đỏ của máu, đống thi thể, gương mặt trắng bệch của cô.

Dao nhọn, đứa trẻ, tiếng cười, khuôn mặt bê bết máu của Benjamin.

Giết chóc tàn bạo, cái chết, đầu người, máu thịt và xương trắng chất đống.

Tinh thần anh thoáng dao động, không biết giờ phút này mình đang ở đâu. Trong mơ ư?

Đau... Nỗi đau thấu xương lan khắp toàn thân...

Con dao trước mặt thình lình bị Tống Nhiễm rút khỏi tay. Anh hoàn hồn, sắc mặt cô trắng bệch, nhanh chóng đặt dao lên tấm thớt cách xa anh nhất.

Căn bếp yên tĩnh như tờ, chỉ có tiếng gió thổi vù vù ngoài phòng khách.

Cô cúi đầu, vịn bàn bếp đứng giây lát, bỗng nhiên xông đến ôm lấy eo anh, anh bị cô va chạm thoáng lảo đảo.

"A Toản, sau này anh đừng chạm đến mấy thứ này được không? Kéo, dao cạo râu, dao găm đều không được đụng vào, được không?"

Anh ôm chặt thân thể ấm áp run rẩy của cô.

"Em biết trong lòng anh rất đau khổ, em cũng không muốn nói câu "Sau này nhất định sẽ tốt thôi" sáo rỗng kia. Tốt hay không đều không quan trọng. Cho dù không thể tốt, cũng không sao, đúng không? Chỉ là... anh đừng chạm vào những thứ đó, chúng ta cứ thế mà sống, từ từ chữa trị được không?"

Anh gật đầu: "Được."

Sức khoẻ của Lý Toản còn rất yếu, Tống Nhiễm giúp anh tắm rửa xong, dìu anh lên giường nghỉ ngơi thật sớm.

Hơn bảy giờ sáng, Trần Phong và bác sĩ trong quân đội đến. Đều là người quen của Lý Toản, anh không có biểu hiện cảm xúc bất thường. Bác sĩ không nhắc đến bất cứ bệnh trạng nào trước mặt anh, chỉ tuần tự khám cho anh, thay băng gạc và thuốc trên đùi anh, sau đó tiêm cho anh chất dinh dưỡng.

Trần Phong ngồi bên cạnh nhìn Lý Toản đau ốm nằm trên giường, vẻ mặt đau xót.

Lý Toản bỗng cất lời: "Em xin lỗi."

Trần Phong sửng sốt, mắt hoen đỏ, "Cậu nói gì vậy?"

"Đã uổng phí công anh dốc lòng bồi dưỡng."

Trần Phong vội can ngăn: "Xảy ra chuyện bất trắc không ai muốn, cậu đã làm rất tốt rồi. Bí mật cử đi mười ba lính đặc chủng, chỉ có chín người trở về. A Toản, có thể trở về là tốt rồi, trở về là tốt rồi."

Lý Toản không nói lời nào, giống như đã mệt, nhắm mắt lại.

Bác sĩ làm việc xong, ra khỏi phòng ngủ, nói với Tống Nhiễm: "Sức khỏe của cậu ấy quá kém, chờ thêm mấy ngày nữa tình hình hồi phục tốt hơn thì đến bệnh viện quân y khám tổng thể. Đến khi lấy được kết quả toàn diện, căn cứ theo tình hình cụ thể mới có thể tính toán hướng điều trị. Dự đoán... phải trường kỳ kháng chiến rồi."

"Được, tôi sẽ đưa anh ấy đi." Cô chỉ tiễn họ ra đến cửa, "Chỉ đạo viên, tôi sợ A Toản cần tôi, không tiễn mọi người xuống dưới được."

"Không sao, đến đây được rồi." Trần Phong nói xong vẫn đứng lại ở hành lang, thấy nhóm bác sĩ y tá đi xuống rồi, mới lấy mấy giấy tờ và vài tấm thẻ đưa cho Tống Nhiễm: "Thẻ lương của A Toản vẫn ở chỗ của cậu ấy, bậc lương vẫn là Thượng úy. Thẻ này là tiền trợ cấp thương binh, cũng chuyển khoản hằng tháng. Tiền khám chữa bệnh cho cậu ấy đều do quân đội chịu trách nhiệm chi trả. Mấy thứ này là hồ sơ và các số liên lạc tương quan, có vấn đề gì cứ liên lạc ngay."

Tống Nhiễm nhận lấy, "Cảm ơn anh."

Trần Phong khó xử, do dự một hồi mới nói: "Tuy hiện tại cậu ấy không thể nào thăng chức, nhưng chờ đến khi cậu ấy lành bệnh, vẫn có hy vọng tiếp tục nhậm chức..."

"Chỉ đạo viên." Tống Nhiễm ngắt lời Trần Phong: "Chuyện sau này thì sau này hãy nói."

"Được." Trần Phong buồn bã gật đầu, "Cho dù sau này... Bất kể thế nào, các loại phụ cấp của cậu ấy đều được tăng theo năm. A Toản..."

"Chỉ đạo viên, tôi sẽ không rời khỏi A Toản. Anh ấy cũng không phải gánh nặng của tôi."

"Vất vả cho cô rồi."

"Không vất vả. Chỉ là cảm thấy bất công cho anh ấy thôi."

Trần Phong nghẹn ngào không tiếp lời được.

"Có điều không sao cả, anh ấy còn sống, tôi đã rất biết ơn rồi."
 
Chương 66


Sáng sớm hôm đó, Lý Toản ngủ đẫy giấc mới tỉnh lại. Đã lâu lắm rồi anh không có giấc ngủ ngon nào, vậy mà mấy ngày qua luôn ngủ li bì từ sáng đến tối.

Lúc tỉnh lại là khoảng tám giờ sáng. Tống Nhiễm vén rèm cho nắng sớm soi vào phòng, cây cối ngoài cửa sổ xanh tươi, nắng mai chiếu lên lá xanh.

Cô mở cửa sổ ra, thế giới vẫn còn yên ắng, không khí cũng trong lành.

"Hôm nay trời đẹp." Cô cười thật tươi với anh, trở về giường nằm cạnh anh, "A Toản, hôm nay em đưa anh đến bệnh viện quân y khám. Anh đừng sợ."

Anh nở nụ cười dịu dàng, "Anh đâu phải trẻ con."

Tống Nhiễm ấm áp cả cõi lòng, nắm tay anh khẽ hỏi: "A Toản, anh biết bây giờ là tháng mấy không?"

Anh im lặng.

"Tháng Tám rồi." Cô cho hay: "Đã qua nửa năm rồi, cuộc chiến ở Gandhi đã kết thúc lâu rồi, hiện giờ khắp nước D đều đang xây dựng lại, anh biết không?"

"Không biết."

"Không sao. Anh chỉ cần biết, anh đã về nước, bây giờ chúng ta ở thành phố Lương, ở trong nhà mình." Giọng cô nhỏ nhẹ: "Chúng ta đã về nhà rồi, biết không?"

Ánh mắt đen láy của Lý Toản nhìn cô chăm chú, "Anh biết."

Mắt anh nhìn thẳng vào cô, tròng mắt không rời, tuy nhiên khóe mắt thoáng nhìn ra cây cối bị ánh nắng soi đến trắng lóa bên ngoài. Gió thổi làm cây đong đưa xào xạc, dường như lại biến hóa thành hình dạng khác.

Anh không muốn xem.

"Anh ngửi đi!" Cô kéo chăn lên đến mặt anh, "Đều là mùi hương trong nhà."

Anh hít hà, ánh mắt nhu hòa trở lại. Cô nhoài người đến ôm cổ anh, bóng dáng cô chặn lại cành xanh biếc ngoài cửa sổ.

"A Toản, bác sĩ bảo anh sẽ cho rằng đây là ảo giác, cho rằng anh vẫn ở nước D. Nhưng không phải, em đã đón anh về rồi, anh nhớ không?"

Anh gật đầu, "Anh nhớ."

"Nếu anh quên, em lại nhắc anh."

"Được."

***

Hai người ăn sáng xong, sửa soạn ra cửa. Chân Lý Toản bị thương, phải chống gậy baton, bước đi không thuận tiện. Tống Nhiễm dìu anh chậm rãi đi xuống dưới.

Tám giờ rưỡi sáng, nhiệt độ đã tăng cao. Anh khó nhọc bước xuống cầu thang, trán lấm tấm mồ hôi. Lúc chậm chạp đi qua khúc quanh, anh lại bất giác cong cong khóe môi.

Tống Nhiễm nghiêng đầu hất mái tóc lòa xòa, thấy anh cười, tâm trạng cũng tươi sáng hơn, "A Toản, anh cười gì vậy?"

Ánh mắt anh lấp lánh, "Cảm giác giống như chúng ta đã bảy mươi, tám mươi tuổi rồi vậy."

Tống Nhiễm chú tâm dõi theo bước chân anh đi xuống bậc thang, cười hỏi: "Thế không tốt sao? Chờ đến khi chúng ta già, vẫn sẽ như vậy."

"Già rồi đến lượt anh dìu em."

"Vậy anh phải nhanh chóng hồi phục, ăn nhiều hơn rồi rèn luyện lại sức khỏe đi."

"Được." Dứt lời, anh vén lọn tóc ra sau tai giúp cô.

Tống Nhiễm dìu anh lên xe. Thời gian còn sớm, trên đường xe cộ và người qua lại không nhiều, xem như yên tĩnh, nắng cũng rực rỡ.

Tống Nhiễm tránh những đoạn đường nhiều giao lộ, cố ý đi vòng lên đường vành đai cao tốc. Suốt chặng đường, cô luôn liếc nhìn Lý Toản, anh tựa vào lưng ghế, vẻ mặt bình tĩnh, ánh mắt tỉnh táo.

Đường đến bệnh viện quân y vô cùng thuận lợi.

Đội đã gọi đến bệnh viện báo trước, trường hợp của anh đặc biệt, không cần đăng ký khám.

Sáng sớm, bệnh viện đông đúc, Tống Nhiễm bất giác nắm chặt tay anh. Lý Toản chống gậy, từ từ băng qua đại sảnh, lúc cách thang máy còn hơn mười mét, tay anh thoáng run lên, dừng chân lại hỏi dò: "Đi thang cuốn được không?"

"Được."

Cô ý thức được anh từng bị nhốt trong phòng giam, phòng tối và thủy lao, nên mắc chứng sợ không gian hẹp. Dằn xuống cảm giác đau nhói vừa nhen nhóm trong tim, cô dìu anh đến thang cuốn.

Trên thang cuốn có người đi vội, Tống Nhiễm tránh đường, che phía trước Lý Toản. Mấy người đi ngang thấy họ đi đứng bất tiện, tốt bụng nhắc nhở: "Bên kia có thang máy."

Tống Nhiễm cười cảm ơn.

Khu khám bệnh theo yêu cầu đặc biệt nằm ở tầng bảy.

Bác sĩ điều trị liệt kê cho Lý Toản mấy chục mục xét nghiệm, họ theo y tá đi lấy mẫu máu, siêu âm, chụp CT...

Lúc xét nghiệm mật độ xương, bác sĩ nói chỉ số loãng xương hơi cao, phải chú ý bổ sung canxi. Tống Nhiễm ghi nhớ.

Khi kiểm tra chiều cao và cân nặng, cân điện tử hiện lên con số chưa tròn năm mươi sáu cân, bác sĩ bảo gầy quá, cần phải bổ sung dinh dưỡng nhiều vào.

Tống Nhiễm u sầu than thở: "Mấy ngày nay rõ ràng ăn rất nhiều, sao không tăng lên cân nào thế?"

Lý Toản hơi mím môi, "Vậy buổi tối anh sẽ cố gắng ăn thêm một bát."

Khi kiểm tra hết các mục thì đã đến mười một giờ trưa, thường thì kết quả xét nghiệm mấy ngày sau mới có. Tống Nhiễm cảm ơn bác sĩ, dìu Lý Toản đi về theo lối cũ.

Lúc này, người trong bệnh viện càng đông, đại sảnh lố nhố đầu người, khá huyên náo.

Tống Nhiễm để ý trông chừng anh, vất vả né tránh đám đông, băng qua đại sảnh đi đến cửa. Hai cánh cửa tự động mở ra, họ vừa định bước ra ngoài thì sau lưng đột nhiên có người vội vã xông đến, giành ra cửa trước. Người kia không cẩn thận va vào Lý Toản, đá văng cây gậy trong tay anh.

Cây gậy baton văng xa mấy mét, nện xuống sàn nhà vang lên tiếng chói tai. Người Lý Toản loạng choạng, sắc mặt đột ngột biến đổi.

Lưỡi dao, roi gai, đinh sắt, xiềng xích... Từng hình ảnh bỗng hiện ra trước mắt.

Người va vào anh là một cậu thiếu niên mười tám, mười chín tuổi, vội vàng hấp tấp chạy đến nhặt lại cây gậy cách đó vài mét.

Tống Nhiễm vội lên tiếng: "Đưa cho tôi đi."

Cậu thiếu niên kia không hiểu nguyên nhân sâu xa, lại lười đi thêm vài bước, trực tiếp chĩa cây gậy về phía cô, để cô nhận lấy. Hình dáng giống như cầm một khẩu súng trường.

Tống Nhiễm vừa định đưa tay ra nhận, Lý Toản đã kéo phăng cô ra sau bảo vệ, đá văng cây gậy đi. Cây gậy dội ngược lại nện vào đầu cậu thiếu niên, khiến cậu ta kêu lên đau điếng, rồi rơi xuống đất leng keng.

"Chết tiệt, ông bị điên à?" Cậu thiếu niên tức tối la hét, mẹ của cậu ta là một người đàn bà trung niên cũng nổi giận tiến tới trách mắng: "Cậu này sao thế? Sao lại đánh người?" Bà ta xót con trai, nhào đến lôi tay áo Lý Toản, "Cậu lập tức xin lỗi con trai tôi..."

Lý Toản không tránh kịp, hất tay bà ta ra. Người đàn bà lảo đảo lùi về sau vài bước, kêu cứu: "Có ai giúp tôi không, đánh người, đánh người này!"

Con trai bà ta càng phẫn nộ, tuổi trẻ hăng máu, nhặt lấy cây gậy giơ lên định đánh anh. Ánh mắt Lý Toản đanh lại, kéo Tống Nhiễm, một tay chụp lấy cây gậy đang vung đến, kéo phắt lại. Người cậu thiếu niên bổ nhào về phía anh, anh nhấc chân định tung một cú đá, Tống Nhiễm kinh hoàng lao ra ngăn cản, ra sức nắm lấy cây gậy, đẩy cậu thiếu niên kia ra.

"A Toản, không có chuyện gì đâu!"

Thế nhưng, ánh mắt và vẻ mặt của Lý Toản đã căng thẳng cực độ. Người vây xem chỉ trỏ, họ còn cầm điện thoại giơ lên quay phim. Trong mắt anh lại là cảnh tượng đám người giơ súng.

Lý Toản lập tức ôm lấy Tống Nhiễm vào lòng, nhanh chóng chống gậy, lê bước chạy ra ngoài. Song lại đúng lúc gặp một chiếc xe cứu thương phanh lại, người bị tai nạn giao thông cụt chân được khiêng xuống xe.

Máu tươi như lửa thiêu đốt mắt anh.

Người đàn bà và con trai gạt đám người ra đuổi theo, la hét ầm ĩ: "Đánh người còn muốn chạy, mày đứng lại đấy!"

"A Toản!" Tống Nhiễm muốn ngăn cản anh, trấn an anh, nhưng chỉ vô ích.

Ánh mắt anh quyết liệt và ẩn khuất nỗi sợ hãi, tuy hiên ngang nhưng vẫn cảnh giác. Sắc mặt lạnh lùng trắng bệch, lồng ngực phập phồng kịch liệt, anh ôm chặt lấy cô liều mạng chạy về phía trước.

Họ ngả nghiêng chạy đến ven đường, xe đạp, xe máy ngang qua như bay, xe cộ trên phố chật như nêm, ấn còi đinh tai nhức óc. Nhất thời anh cũng không biết phải trốn vào đâu, ngẩng đầu nhìn xung quanh.

Cảnh hạnh phúc an yên trong mơ kia bỗng chốc vỡ vụn như thủy tinh. Quần áo trên giá phơi đồ, bóng lưng cô trong phòng bếp, tấm chăn vương mùi hương quen thuộc, rèm cửa sổ ửng ánh nắng đều tan tành như bụi phấn.

Anh đứng giữa địa ngục nhân gian, những tòa nhà cao tầng nổ tung sụp đổ, lửa chiến tranh bốc cháy trên phố, đạn pháo xẹt qua bầu trời, xe quân sự phóng đi trong khói thuốc súng. Nhóm chiến hữu của anh, Benjamin, Morgan, George, Kevin đều chết trong mưa bom lửa đạn.

Vô số kẻ ôm súng xông đến, xả súng đùng đoàng, không ngơi nghỉ.

Người đàn bà kia và con trai, cùng với những người giơ điện thoại vây xem đều đuổi theo.

Lý Toản thất kinh, kéo Tống Nhiễm trốn sang một bên. Anh càng vội thì bước chân càng chật vật, thoáng cái ngã nhào trên đất.

Tống Nhiễm đau khổ gọi anh: "A Toản, không có gì cả, chúng ta về nhà rồi..."

"Nhiễm Nhiễm." Anh không nghe thấy được gì nữa, cuống quýt ôm chặt cô, cong lưng khom eo, bảo vệ cô trong lòng, dùng thân mình che chắn cho cô. Máu trên cổ cô tuôn ra ào ạt, anh ôm lấy cổ cô, muốn ấn chặt vết thương, thế mà chất lỏng nóng hổi sền sệt kia liên tục chảy qua kẽ tay anh.

"Nhiễm Nhiễm..." Đầu anh buông rủ, nước mắt rơi lã chã, "Đừng!"

Anh gập người, kề sát vào gương mặt "lạnh ngắt" của cô, khóc đến toàn thân run rẩy, "Nhiễm Nhiễm..."

"A Toản, chiến tranh kết thúc rồi." Nước mắt Tống Nhiễm rơi như mưa, "Kết thúc rồi, chúng ta về nhà rồi."

Đúng vậy, chiến tranh đã kết thúc, nhưng anh vẫn chưa về nhà được. Anh trở thành kẻ vất vưởng, lang thang giữa đống hoang tàn đổ nát nơi xứ người. Trong thành phố to lớn này, anh chính là một hòn đảo cô đơn.

Người đi đường bàn tán xôn xao, nhìn họ như hai kẻ điên. Cậu thiếu niên thấy thế cũng không đành lòng, chỉ có bà mẹ không chịu bỏ qua, nhào đến đòi nói chuyện cho ra lẽ.

Bảo vệ và cảnh sát chạy đến, giải tán đám đông. Một người cảnh sát đi đến vỗ vai Lý Toản, "Chuyện gì xảy ra..."

Lý Toản đột ngột quay người, hất văng tay đối phương ra, ôm Tống Nhiễm lùi lại một khoảng.

Người đàn bà gắt giọng: "Tôi đã nói cậu ta đánh người, các anh không thấy à? Tôi muốn báo cảnh sát."

Tống Nhiễm vẫn còn giàn giụa nước mắt, xin lỗi: "Xin lỗi chị, tinh thần anh ấy không ổn định cho lắm..."

Người đàn bà vẫn không chịu thôi: "Điên thì nhốt trong nhà đừng cho ra đường. Làm người khác bị thương thì sao?"

Tống Nhiễm cắn chặt răng, siết chặt tay thành nắm đấm, cố dằn xuống nỗi hận trong lòng. Hiện giờ tình trạng anh không tốt, cô không muốn cãi nhau sợ gây kích động tới anh.

Xung quanh có người không làm ngơ được, lên tiếng bênh vực: "Người ta đã đáng thương lắm rồi, bỏ qua đi."

"Đúng vậy, với lại là do mẹ con bà đụng vào người ta trước mà."

Người đàn bà kia còn định nói thêm nữa, có điều đứa con trai ngại mất mặt, kéo mẹ mình, "Đi thôi, đi thôi."

Người đàn bà rời đi, dù miệng vẫn lải nhải không phục.

"Giải tán, giải tán đi." Cảnh sát xua đám đông, đi đến hỏi thăm tình hình Lý Toản.

Lý Toản vẫn trong trạng thái đề cao cảnh giác, không để bất cứ ai đến gần anh và Tống Nhiễm.

Cảnh sát cho rằng đây là trường hợp nghiêm trọng, đề nghị Tống Nhiễm cùng vào bệnh viện kiểm tra.

Tống Nhiễm gạt đi, vội cho hay mới vừa từ bệnh viện kiểm tra đi ra.

Anh cảnh sát phát hiện tình hình có vẻ không ổn, vẫn quyết định đưa người vào khoa tâm thần. Bác sĩ kiểm tra phát hiện anh mắc chứng PTSD cực kỳ nghiêm trọng, dưới tình huống cực đoan sẽ có khuynh hướng giết người, đề nghị đưa vào bệnh viện tâm thần.

Trong lúc cảnh sát và bác sĩ trao đổi trong phòng khám, Tống Nhiễm ngồi với Lý Toản ngoài hành lang. Thấy cảnh sát mãi chưa ra, cô dần bất an, cắn móng tay. Bấy giờ Lý Toản ổn định trở lại, đờ đẫn nhìn vào hư không.

Cô đi đến trước mặt Lý Toản, vuốt ve mặt anh, khẽ giọng dỗ dành: "Đừng sợ, A Toản."

Anh ngước mặt lên, cười khổ với cô, "Nhiễm Nhiễm, anh xin lỗi."

"Anh đừng nói vậy." Cô lắc đầu, mắt đỏ hoe.

Khóe môi anh khó khăn nhếch lên, muốn cười với cô nhưng cố thế nào nụ cười kia vẫn không sao nở ra được, trở nên vô cùng khó coi, "Anh xin lỗi, lại gây ra phiền phức cho em rồi. Nhiễm Nhiễm, em đưa anh đi..."

"Anh đừng nói vậy." Cô chợt gắt giọng: "Anh không sợ làm em giận sao?" Cô nhìn anh, mắt rưng rưng lệ, gần như nghiến từng câu từng chữ: "Anh không được xin lỗi em nữa, nghe chưa? Anh không sai, càng không có lỗi với em."

Anh không nói lời nào, đôi mắt ươn ướt ngước nhìn cô.

Cô hối hận vì đã không kiểm soát được cảm xúc, ngẩng đầu nhìn trời, hít vào thật sâu rồi mới cúi đầu nhìn lại anh, "A Toản, em không giận anh." Môi cô run run, cắn răng, "Em chỉ..."

"Em chỉ ghét thế giới này." Rốt cuộc cô buông lời oán hận: "Em ghét cả thế giới này!"

Anh khẽ giọng: "Anh biết."

"Anh đừng nói xin lỗi em nữa." Cô ôm lấy anh, cúi đầu cọ vào tóc anh, xót xa, "A Toản, anh không phải gánh nặng của em, không hề là gánh nặng."

Anh ôm eo cô, tựa đầu vào ngực cô, nhắm mắt lại. Vòng eo cô mảnh mai, ấm nóng, hết sức chân thật. Nỗi xấu hổ và hoang mang trong cõi lòng dần tan biến, chỉ còn sức mạnh ấm áp ùa vào.

Là thật hay giả đều không quan trọng.

Giờ phút này anh chỉ muốn tựa vào cô, dù chỉ là sự bình an ngắn ngủi, anh cũng không muốn buông tay.

"A Toản."

"Ừ?"

"Nếu anh lại nói với em, bảo em đưa anh đi, em thật sự sẽ..." Nhưng lời đến bờ môi, cô lại không thể thốt ra câu nói nặng lời nào với anh, lòng đau như xé, "Anh nói thật với em đi, anh muốn bị đưa đi không?"

"Anh không muốn đến bệnh viện tâm thần." Lý Toản thú thật: "Nhiễm Nhiễm, em dẫn anh về đi."

"Được, chúng ta về." Tống Nhiễm nói xong, dìu anh đứng dậy, cầm lấy cây gậy đưa cho anh, định rời đi.

Đúng lúc này, anh cảnh sát rời khỏi phòng làm việc của bác sĩ, gọi lại: "Này đợi đã, chuyện ở đây còn chưa giải quyết xong đâu. Tinh thần anh ấy có vấn đề, phải ở bệnh viện chữa trị."

Tống Nhiễm chắn trước người Lý Toản, "Tôi không đồng ý, ai có thể bắt anh ấy đi?"

"Cô là... người nhà của anh ấy à?"

"Đúng." Tống Nhiễm gằn giọng: "Tôi là vợ anh ấy."

Lý Toản giật mình, nắm chặt tay cô.

"Là người nhà phải có trách nhiệm, tình trạng của anh ấy không ổn. Nhỡ anh ấy làm hại người khác thì sao?"

"Khi nãy anh ấy đã làm hại ai?" Tống Nhiễm chất vấn: "Với trường hợp hiện tại, cảnh sát cũng không có quyền cưỡng ép đưa người đi."

Anh cảnh sát á khẩu. Tống Nhiễm không muốn ở lại đây thêm, quay người dìu Lý Toản, từng bước đi khỏi hành lang.

Lên xe, Tống Nhiễm bỗng nhiên hỏi: "A Toản, anh còn nhớ, anh bảo chúng ta về nước sẽ kết hôn không?"

Giây phút này anh lại mỉm cười hòa nhã, "Nhớ chứ."

***

Tống Nhiễm và Lý Toản không về nhà, mà từ bệnh viện chạy thẳng đến doanh trại tìm Trần Phong. Xui xẻo thay, Trần Phong lại phải đi họp ở tỉnh khác, mấy ngày gần đây không ở doanh trại.

Lãnh đạo trong doanh trại không đồng ý: "Với tình trạng tinh thần hiện giờ, A Toản không thể kết hôn, điều này trái với quy định."

"Nếu anh ấy không phải quân nhân, thì không cần phải làm thủ tục thẩm tra này. Tôi và anh ấy cứ đi thẳng đến Cục Dân chính đăng ký kết hôn, sẽ không ai nhìn ra cả. Với lại, chúng tôi kết hôn rồi sẽ dọn đến nơi vắng vẻ yên tĩnh, chẳng gây ảnh hưởng đến ai hết."

Lãnh đạo vẫn không chịu: "Với tình trạng hiện tại của cậu ấy, có thẩm tra chính trị chắc cũng không đạt yêu cầu. Nếu không như vậy đi, chờ bệnh tình cậu ấy chuyển biến tốt hơn, tôi sẽ làm thủ tục cho hai người, được không?"

Tống Nhiễm biết không thể thuyết phục được đối phương, đành từ bỏ, lái xe mấy tiếng đồng hồ đến thành phố Giang.

La Chiến gặp lại Lý Toản, vừa vui mừng vừa thương xót, luôn miệng hỏi han việc điều trị của anh. Anh ấy an ủi: "A Toản, cậu hãy thư giãn đi, đừng nghĩ nhiều. Cậu đã lập được chiến công, chỉ là hồ sơ vẫn trong tình trạng tối mật, chưa trao được huy chương cho cậu. Chuyện điều trị cũng không cần áp lực, chúng ta cứ thuận theo tự nhiên. Có vấn đề gì thì phải kịp thời báo cáo với tổ chức."

Lý Toản cười ôn hòa, "Không có vấn đề gì khác, chỉ là... Chính ủy, em muốn kết hôn với Tống Nhiễm."

La Chiến sửng sốt, không thốt lên được lời nào.

Tống Nhiễm lên tiếng: "Chính ủy, đây là ý định của tôi. Tôi không phải đến để gây phiền phức. Tôi nhớ hồi ở doanh trại quân Gìn giữ hòa bình trước đây, anh đã nói một câu. Anh bảo "Cô ưng ý ai trong doanh trại này, bất kể là người nào, chỉ cần chưa kết hôn, cô cứ lên tiếng, tôi sẽ sắp xếp ngay cho cô". Chính ủy, lời này anh còn nhớ chứ?" Rồi không đợi La Chiến trả lời, cô nói tiếp: "Tôi ưng Thượng úy Lý, lúc đó đã thích anh ấy rồi. Tôi muốn kết hôn với anh ấy, tổ chức có sắp xếp cho tôi được không?"
 
Chương 67


Lý Toản một tay vịn vai Tống Nhiễm, tay còn lại nắm lấy lan can, bước từng bậc lên tới bậc thềm cuối cùng trước cửa Cục Dân chính. Anh thở hắt, gương mặt ửng hồng.

Tống Nhiễm lấy khăn giấy ra lau mồ hôi đọng trên môi anh. Anh để cô chăm sóc, ánh mắt trầm tĩnh đăm đăm nhìn cô.

Nắng sớm mùa hè soi lên gương mặt Tống Nhiễm dịu dàng. Hôm nay cô trang điểm nhẹ, mắt sáng long lanh, hàng mày mảnh mai, da dẻ càng trắng nõn mịn màng, gò má thoa phấn hồng, môi tô son nước. Mái tóc dài mềm mượt buông xõa, một bên tóc vén ra sau tai.

"Nhiễm Nhiễm."

"Hả?" Cô ngước đôi mắt trong veo.

"Em nghĩ kỹ rồi chứ?" Rõ ràng đã biết chắc, nhưng anh vẫn muốn nghe cô xác nhận.

"Anh nói xem?" Cô khẽ lườm anh.

Anh nhoẻn miệng cười, khóe môi cong cong.

Cô hỏi ngược lại: "Còn anh? Anh nghĩ kỹ chưa?"

Nụ cười anh thấp thoáng ngại ngùng, mắt cũng đong đầy vui sướng, "Anh nghĩ kỹ lâu lắm rồi."

"Vậy không phải là được rồi sao?" Cô thân mật đến gần anh, khoác lấy cánh tay anh. Hôm nay anh mặc áo sơ mi trắng, dáng người cao dong dỏng, cô nhỏ giọng khen: "A Toản, hôm nay anh đẹp trai lắm."

"Em cũng rất xinh."

Cô cũng mặc áo sơ mi trắng, vì lát nữa sẽ chụp ảnh chứng nhận kết hôn.

Họ tới sớm, là đôi đầu tiên đăng ký kết hôn hôm nay. Nhân viên Cục Dân chính nhiệt tình tiếp đón họ, lúc nhận lấy hồ sơ bèn ngạc nhiên reo lên: "Ôi, đôi đầu tiên hôm nay là quân nhân kết hôn. Chúc anh chị trăm năm hòa hợp, chúc mừng, chúc mừng."

Tống Nhiễm cảm ơn.

Hai người nộp giấy tờ, điền đơn đăng ký, rồi đi đến phòng nền đỏ chụp ảnh.

Tống Nhiễm khe khẽ dặn người chụp ảnh: "Anh chụp chúng tôi đẹp chút nhé."

"Với nhan sắc của hai người thì chụp thế nào cũng đẹp cả. Lâu lắm rồi tôi mới gặp đôi vợ chồng đẹp như vậy đấy."

Tống Nhiễm vẫn kiên trì: "Phiền anh chụp thêm cho vài tấm, tôi muốn chọn tấm đẹp nhất."

"Được. Không thành vấn đề."

Lý Toản và Tống Nhiễm nhìn nhau cười, rồi nhìn về phía ống kính. Quả nhiên tấm nào cũng rất đẹp. Trước nền đỏ, hai người mặc áo sơ mi trắng tinh khôi và trẻ trung, đầu hơi tựa vào đối phương, trên gương mặt là nụ cười ngọt ngào.

Tống Nhiễm lén ngắm nhìn Lý Toản trong ảnh, mắt anh sáng ngời, nụ cười vô cùng rạng rỡ.

Giấy hôn thú nhanh chóng được đưa đến. Lý Toản - Tống Nhiễm, tên hai người được in bên trên, trên ảnh còn được đóng dấu mộc nổi. Là vợ chồng hợp pháp được quốc gia công nhận.

Tống Nhiễm vuốt ve giấy hôn thú, lòng trào dâng cảm xúc khôn tả, ngẩng đầu nhìn anh. Anh cũng nhìn chằm chằm tờ giấy đó, ngón tay miết nhẹ lên tên cô.

"A Toản, hôm nay chính là ngày cưới, chỉ có hai người chúng ta thôi."

Cô không cần tổ chức hôn lễ, cũng không muốn mời ai cả. Chỉ cần anh có mặt, cầm lấy giấy hôn thú thì chính là hôn lễ rồi.

Xế chiều hôm đó, Tống Nhiễm đưa Lý Toản về thành phố Giang, trở về vùng nông thôn.

Giữa hè, con đường về quê cây cối xanh ươm, che khuất bầu trời. Ve kêu ra rả không mỏi mệt trên cây, chim sẻ tíu tít trong vườn rau.

Kênh rạch ngang dọc, nước trong như gương, xanh biếc kéo dài đến tận chân trời. Dưới những thửa ruộng trồng đầy lúa và đủ mọi hoa màu, nào là mía, đậu Hà Lan, dưa chuột...

Thôn quê vắng vẻ, mỗi căn nhà cách nhau một khoảnh ruộng. Nhà nào nhà nấy đều hòa mình vào bức tranh điền viên.

Bệnh của Lý Toản không thích hợp sống ở thành phố, sau này ngoại trừ đến bệnh viện quân y thành phố Giang khám định kỳ, thời gian còn lại hai người sẽ ở nông thôn.

Năm ngoái chú anh đã chuyển đi, nhà ở quê để trống, ngay bên cạnh nhà ông bà nội anh, cách một nửa mẫu đất và chung một hồ nước.

Đứng trước cửa nhà phóng tầm mắt ra xa, chỉ thấy ruộng đồng biêng biếc kéo dài bất tận, con đường nhỏ rợp bóng cây xanh nối dài tít tắp. Phía xa có một dãy nhà, cuối dãy là cánh rừng trùng điệp đến tận chân trời, đường nét uốn lượn hệt như tranh thủy mặc.

Tống Nhiễm dọn dẹp hành lý xong, bảo sẽ dành thời gian để sửa sang và trang trí lại nhà cửa, tiện thay luôn vài đồ gia dụng mới.

Lý Toản bảo: "Để anh nói với bố anh."

Hôm sau, ông Lý Thanh Thần dẫn theo nhóm công nhân của mình đến, khảo sát toàn bộ ngôi nhà, hỏi thăm hai vợ chồng trẻ ý tưởng trang hoàng và nhu cầu sửa sang, rồi nhanh chóng lên phương án thiết kế, thi công luôn trong hè.

Lý Toản và Tống Nhiễm dọn sang nhà ông bà nội ở tạm một thời gian.

Ông bà nội Lý Toản đã sáu mươi, bảy mươi tuổi, trước giờ chỉ lao động ở quê, sức khỏe rất tốt. Lý Toản kể, trước kia bố anh muốn đón ông bà lên thành phố ở, nhưng ông bà sống không quen, bảo ở quê thoải mái hơn.

Đương nhiên cuộc sống ở miền quê thư thái vô cùng. Chó mèo vờn nhau ở sân phơi lúa, bầy vịt bơi lội trên kênh rạch, vỗ cánh rẽ ngang đầm ấu, gà con theo gà mẹ đi loanh quanh ruộng, lông tơ dính đầy cành lá khô.

Tống Nhiễm ở với ông bà nội chồng một thời gian, một hôm hí hửng kể: "A Toản, em phát hiện ra một bí mật."

"Bí mật gì?" Khi ấy, hai người đang tản bộ bên đường ruộng râm mát bóng cây, ven đường cây quýt trĩu quả xanh mọng, Lý Toản hái một quả quýt cho cô.

"Tính cách của anh và bố đều được di truyền từ ông nội."

"Gì cơ?"

"Ông nội rất dịu dàng, cực kỳ thương bà nội. Nói chuyện ôn hòa, tính tình điềm đạm, mỗi khi đi bộ cũng tay trong tay với bà nội. Tối qua ngồi hóng mát trên giường trúc, ông còn cầm quạt ba tiêu quạt gió cho bà nữa. À đúng rồi, hôm trước em còn bắt gặp ông lén hái một đóa hoa cài lên tóc bà nội."

Lý Toản bật cười, "Quả nhiên là phóng viên, quan sát tỉ mỉ thật."

"Anh không phát hiện ra à?"

"Có thể do quen rồi, không chú ý." Anh bóc vỏ quýt, đưa cho cô.

Tống Nhiễm lắc đầu nhe răng, "Vừa nhìn đã thấy chua rồi."

Anh cười giải thích: "Cây này trồng nhiều năm rồi, từ lúc anh còn bé đã ra quả ngọt."

Thế nên cô lấy thử một múi, cho vào miệng, một vị ngọt thanh và mọng nước đến không ngờ lan tỏa, "Ngon."

Lý Toản đưa phần còn lại cho cô. Băng qua một con lạch, anh lại mò vài củ ấu bẻ cho cô ăn.

Gió hè xào xạc, cô ăn say sưa, đi theo anh một vòng dưới ruộng, ăn những loại quả dân dã do chính tay anh hái.

"A Toản, hồi bé anh ở quê suốt à?"

"Năm nào nghỉ hè cũng về, xuống hồ bơi lội, mò cua bắt cá, và cả tôm càng xanh." Anh vừa dứt lời, cảnh tượng thời thơ ấu như một thước phim hiện lên trong hồ nước lấp lánh, tựa như mơ.

Quả quýt, bóng cây, củ ấu, khuôn mặt tươi cười của cô... tất cả đều lướt qua mặt nước, sóng gợn lăn tăn, mong manh dễ vỡ.

Anh lẳng lặng nhìn mặt hồ, thấy được trong bóng nước có một cây olive trắng, giữa tán cây có gương mặt cười tủm tỉm của cô.

"Tốt thật, ở quê nhàn nhã quá." Tiếng cười của cô kéo anh về thực tại.

Lý Toản im lặng, ngón tay đùa nghịch đám cỏ đuôi chó ven đường, cảm giác nhồn nhột truyền vào lòng, hết sức rõ rệt.

Anh đang phán đoán thì cô khẽ reo lên: "A Toản, em muốn ăn hạt sen."

Phía trước là hồ sen, lá sen đang phơi mình đón nắng, có cơn gió thoảng qua, cả hồ dập dìu đu đưa.

Lý Toản hái đài sen cho cô, nhân tiện hái luôn cả lá sen. Cô ôm lá sen ngồi trên tảng đá ven đường, bóc vỏ hạt.

"Đã lâu lắm rồi không ăn hạt sen ngon như vậy, vừa tươi vừa mềm, hệt như chứa đựng cả hương thơm của hồ sen vậy. Mấy cái trên đường bán đều già, cắn không nổi, còn chát nữa..." Cô càu nhàu lải nhải, hệt như có cả đống lời nói không hết.

Lý Toản đứng bên cạnh nhìn cô, lá cây trên đỉnh đầu xào xạc trong gió.

Đây là một buổi trưa hè quá đỗi yên bình.

Một chú ếch nhảy từ ao lên lá sen, cành sen lay động. Anh lại loáng thoáng thấy được một gốc cây trắng dưới hồ nước. Cô bỏ vỏ đài sen xuống hồ, tạo thành một vòng sóng, thân cây kia biến mất.

Anh hoàn hồn, đi đến bên cạnh cô, chạm nhẹ vào tóc cô. Gió thổi sợi tóc cô quấn quanh ngón tay anh, mảnh mai mềm mại. Anh vuốt ve gương mặt cô, cô sợ nhột, cười khanh khách, rụt cổ lại, đánh nhẹ vào lòng bàn tay anh. Đánh xong cô lại nắm chặt, kéo anh đi về phía trước.

Anh mỉm cười, lòng dần nhẹ nhõm.

Đến cuối tháng Tám, nhà đã sửa sang xong. Từ phòng bếp đến phòng vệ sinh, từ phòng khách đến phòng ngủ chính, phòng ngủ phụ đều được thiết kế rất ấm cúng. Nhất là phòng khách và phòng ngủ có một cửa sổ sát đất bằng kính rất rộng nhìn ra đồng ruộng.

Nghĩ đến khí hậu thành phố Giang và sức khỏe của Lý Toản, họ còn lắp thêm hệ thống điều hòa và máy sưởi.

Hôm hai người dọn vào nhà mới, bà Nhiễm Vũ Vi cũng đến thăm.

Ông Lý Thanh Thần áy náy: "Bà thông gia, tôi thất lễ quá. Nhiễm Nhiễm kết hôn với A Toản nhà tôi, đáng lý tôi phải đến thăm hỏi bà trước, vậy mà tôi không..." Ông xấu hổ phân trần không thôi.

Bà Nhiễm Vũ Vi thản nhiên trấn an: "Không sao, hai đứa nó cũng kết hôn rồi mới cho tôi biết mà."

Tống Nhiễm lặng thinh chốc lát, bèn giải thích: "Mẹ, bố vốn định đến Bắc Kinh gặp mẹ từ sớm, nhưng chỗ chúng con bận sửa nhà."

Bà Nhiễm Vũ Vi cảm thấy từ "bố" kia là lạ, cho rằng vì mình không quen nên bỏ qua, nhìn sang Lý Toản, dịu giọng hỏi thăm: "Sức khỏe của con khá hơn chút nào không?"

Lý Toản mỉm cười đáp lời: "Khá hơn rồi thưa cô."

Tống Nhiễm huých anh, "Anh gọi gì thế?"

Lý Toản đỏ mặt, gật đầu đổi lời: "Mẹ."

Bà Nhiễm Vũ Vi càng gượng gạo, tiếp lời: "Mẹ thấy con vẫn gầy hơn lần trước gặp nhiều, sức khỏe giảm sút nhiều quá."

Ông Lý xen lời: "Hồi đầu tháng gầy lắm, chỉ có năm mươi lăm cân, giờ đã lên được năm mươi tám cân rồi."

Bà Nhiễm Vũ Vi thở dài, "Người làm bố như ông cũng vất vả rồi."

Tống Nhiễm ngạc nhiên, lúc này mới phát giác, trước giờ ông Lý luôn gượng cười đôn hậu trước mặt họ, vào giờ khắc này vành mắt đỏ hoe.

Bữa trưa do ông Lý xuống bếp, nào canh gà ta, cải xào, rau muống, tôm hùm đất, cá chiên... Đều là những món tươi ngon, đặc sản của vùng này.

Trong lúc chờ cơm chín, Tống Nhiễm vào phòng ngủ phụ trải giường cho bà Nhiễm Vũ Vi.

"Con bí mật kết hôn như vậy, Tống Trí Thành có nói gì không?"

"Bố không vui cho lắm, nhưng cũng không nói gì. Tống Ương sinh con, bố và dì bận chăm sóc em bé, không có thời gian can thiệp vào chuyện của con."

"Còn con? Không có ý định sinh con à?"

Tống Nhiễm nhìn ra cửa phòng, phát hiện mẹ cô đã sớm đóng cửa lại. Cô cúi đầu trải ga giường, "Tạm thời chưa nghĩ đến vấn đề này."

"Với tình trạng của Lý Toản, từ từ hãy... sinh thì tốt hơn."

Tống Nhiễm không tiếp lời, tập trung bọc ga giường.

"Còn con?"

"Con làm sao?" Tống Nhiễm hỏi ngược lại.

"Cứ ở quê mãi không cần làm việc hả? Chuyện này không hay đâu."

Tống Nhiễm ôm gối, ngẩng đầu, "Chờ xem sao đã. Bây giờ con muốn hoàn thành quyển ký sự trước. Con có kế hoạch từ lâu rồi, vậy mà cứ luôn bị việc nọ việc kia làm sao nhãng, không chấp bút được. Dọn về quê lại hay, con có thể chuyên tâm làm việc này. Về phần công việc thì tính sau đi." Cô nhét gối vào vỏ, "Mẹ, con biết mẹ muốn nói gì. Có thể mẹ thấy chăm sóc A Toản rất vất vả, nhưng ở bên anh ấy, con vô cùng hạnh phúc. Thật ra con rất cần anh ấy, bởi vì anh ấy cũng cần con, lệ thuộc vào con. Con cần cảm giác này. Con không biết nói sao cho mẹ hiểu, chỉ là hiện tại con cảm thấy, những vấn đề tâm lý con mắc phải, cũng dần không thành vấn đề nữa."

"Mẹ hiểu, mẹ chỉ sợ trong lòng con không thoải mái thôi."

Tống Nhiễm ngồi bên mép giường, kéo khóa vỏ gối, nghe thấy thế cảm xúc bỗng chốc trào dâng, mắt hoen đỏ, quay đầu đi. Bà Nhiễm Vũ Vi ôm cô vào lòng, vuốt tóc cô.

Mắt Tống Nhiễm rưng rưng, uất ức cất lời: "Con chỉ không hiểu, rõ ràng anh ấy là người tốt sao lại gặp phải cảnh này? Con... con cũng là người tốt, tại sao..."

Bà Nhiễm Vũ Vi thở dài, "Đời người ai mà chưa từng chịu bất công?"

Tống Nhiễm tựa vào ngực mẹ mình, nước mắt lặng lẽ tuôn rơi, thấm ướt áo bà.

Bà Nhiễm Vũ Vi không khuyên nhủ cũng không an ủi, biết cô cần chỗ trút nỗi lòng. Sau khi khóc xong, cô nhanh chóng bình tĩnh trở lại, sợ ra ngoài bị Lý Toản phát hiện, đành ở trong phòng thêm một lát.

Vì công việc bận rộn nên bà Nhiễm Vũ Vi chỉ ở một ngày rồi rời đi. Vừa hay ông Lý phải về thành phố Giang, nên sẵn tiện đưa bà thông gia ra sân bay.

Hai vợ chồng trẻ đứng trên con đường nhỏ sau nhà dõi mắt tiễn họ.

Về đến nhà, Tống Nhiễm ngắm nghía nhà mới, tâm trạng vô cùng vui sướng. Vốn định thu dọn nhà cửa sạch sẽ, không ngờ trước khi đi bố chồng đã lau nhà sạch sẽ giúp cô, hoàn toàn không cần cô quét dọn.

Phòng khách được thiết kế giữa nhà theo yêu cầu của cô, đối diện là cửa kính sát đất nhìn ra ruộng đồng, một nửa là chiếc bàn làm việc to dài bằng gỗ của cô, nửa còn lại đặt chiếc ghế dựa thư giãn.

Cô ngồi trước bàn viết lách, anh tựa vào ghế đọc sách, chỉ cần khẽ liếc mắt là thấy được nhau.

Một bình trà chanh bỏ đá đặt ở mép bàn, trên thành thủy tinh rịn nước lấm tấm, trượt xuống thành dòng. Ngoài cửa sổ, ve đang gọi hè, còn trong cửa sổ thi thoảng vang lên tiếng anh lật sách và âm thanh gõ bàn phím của cô.

Giữa chừng, Lý Toản ngước mắt nhìn cô say đắm hồi lâu, chợt bỏ sách xuống, đứng dậy đi ra ngoài.

Cô quay đầu lại ngay: "Anh đi đâu thế?"

"Phòng vệ sinh."

Lý Toản lấy một lọ hoa nhỏ trong ngăn tủ, đi ra cửa. Anh tìm kiếm khắp sau nhà, bên bờ ruộng, bên kênh rạch... cuối cùng tìm được một đóa hoa đậu Hà Lan, hoa lan, hoa quýt, hoa bìm bìm và những đóa hoa màu xanh, màu hồng không biết tên cắm vào lọ. Anh mang về đưa cho cô đặt bên bàn máy tính.

Lúc trở về đi qua sau nhà, ánh mắt anh vô tình thoáng thấy máy khoan gỗ bỏ trong phòng chứa củi. Mũi khoan vừa mảnh vừa nhọn, lúc hoạt động cấp tốc chuyển động, sắc bén đâm thủng tất cả.

"Két..." Âm thanh động cơ điện vang ầm ầm trong tai.

Máu tươi tung tóe, xương thịt nhầy nhụa. Tiếng cười, tiếng thét, tiếng khóc, tiếng gọi...

Anh khó khăn hít thở, nhà cửa trước mắt bắt đầu vặn vẹo, như muốn sụp đổ, vỡ tan tành.

Không được! Đó là nhà anh.

Không thể! Nhiễm Nhiễm đang ở bên trong.

Thế nhưng con đường dưới chân cũng trở nên hư ảo.

Anh thở dồn dập, thất tha thất thểu lần chạy đến cửa. Vừa nhìn thấy Tống Nhiễm ngồi cắm cúi viết lách qua cửa sổ sát đất, hơi thở của Lý Toản lập tức hòa hoãn trở lại. Căn nhà vốn vặn vẹo lại quay về đường nét rắn chắc.

Anh ổn định trở lại, lẳng lặng ngắm nhìn cô từ xa.

Có lẽ cô cảm nhận được điều gì đó, ngẩng đầu nhìn sang. Trong thoáng chốc ánh mắt giao nhau với anh, cô cong mắt cười, nói câu gì đó, cách lớp thủy tinh nghe không rõ.

Lý Toản cúi đầu theo ánh mắt cô, thấy trong tay mình vẫn nắm chặt chiếc lọ nhỏ cắm đầy hoa.

Anh đi vào nhà, đặt lọ hoa trước bàn cô. Cô ngẩng đầu cười tít mắt, "Sao anh lại ra ngoài?"

Anh mỉm cười, "Hồi ở nước D, em bảo hoa cắm trong lọ sẽ rất đẹp."

Nụ cười nở rộ trên môi Tống Nhiễm, cô nằm gục trên bàn nghịch mấy khóm hoa.

Lý Toản chợt cất tiếng gọi: "Nhiễm Nhiễm."

"Ơi!" Cô quay đầu.

"Nhẫn." Anh vừa nói vừa nâng tay lên cho cô xem.

Hai chiếc nhẫn màu vàng nhạt, một lớn một nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay anh.

Tống Nhiễm bất ngờ, vui sướng hỏi: "Anh mua khi nào?"

"Nhờ bố mua giúp."

Họ kết hôn quá vội, nhẫn cũng không kịp mua, may mà giờ vẫn kịp bổ sung.

Lý Toản đeo chiếc nhẫn nhỏ vào ngón áp út của Tống Nhiễm, kích cỡ vừa khít. Còn chiếc nhẫn lớn đeo vào tay Lý Toản thì hơi rộng một chút.

Anh cười bảo: "Để lại mấy hôm nữa đeo, giờ tay anh gầy quá."

Hai tay đeo nhẫn đan vào nhau, lập lời hẹn ước.

Cô hạnh phúc nhảy xuống ghế, chen vào ghế anh, ôm anh.

"A Toản."

"Hả?"

Cô vuốt ve ngón áp út của anh, "Anh phải nhớ rằng chúng ta kết hôn rồi. Dù trong mắt anh, cái gì là thật, cái gì là giả, nhưng A Toản và Nhiễm Nhiễm đã kết hôn rồi, Lý Toản và Tống Nhiễm đã kết hôn là sự thật. Điều này anh nhất định phải nhớ kỹ."

Lý Toản vuốt chiếc nhẫn trên ngón áp út của mình bằng ngón cái: "Được. Anh nhớ."

Cô ôm cổ anh, tựa đầu vào hõm cổ anh.

Anh nghiêng đầu áp vào trán cô, áy náy: "Xin lỗi em, anh không thể mạnh mẽ hơn."

Anh từng muốn trở nên mạnh mẽ, trở về kết hôn với cô, cố gắng hơn, xuất sắc hơn, để cho cô một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn.

"Là lỗi của anh. Nếu anh mạnh mẽ hơn chút nữa, có lẽ sẽ không bị bệnh."

Cô lắc đầu, "Không có gì. Không mạnh mẽ cũng được, yếu ớt cũng chẳng sao."

Người ta luôn nói kiên cường một chút, cắn răng là có thể gắng gượng vượt qua. Thật sự có một số việc, dù có cắn nát cả răng cũng không sao vượt qua được. Nó quá thống khổ!

Vì thế A Toản, không sao cả, yếu ớt cũng không sao! Tất cả những gì anh gặp phải, những đau khổ đã trải qua, anh không cần buộc mình đối mặt, cũng không cần ép mình nhìn thẳng vào nó.

Bị bệnh cũng không là gì, dù gì em cũng sẽ mãi mãi ở bên anh.

Chiếc ghế bập bênh chậm chạp lắc lư, anh và cô cùng khép mắt, vừa như nghỉ ngơi vừa như ngủ say.

Ánh nắng soi vào cặp nhẫn vàng trên tay hai người, phản chiếu lấp lóe, như thể vĩnh hằng.
 
Chương 68


Cuối tháng Chín, thời tiết bắt đầu se lạnh. Hôm ba mươi, Tống Nhiễm đưa Lý Toản lên thành phố, đến bệnh viện quân y khám định kỳ.

Bác sĩ đã quen mặt anh, lúc kiểm tra cân nặng, vui mừng nói: "Hay lắm, hơn sáu mươi hai cân rồi, A Toản phải tiếp tục cố gắng nhé."

Lý Toản nghe giọng dỗ dành trẻ con của bác sĩ, buồn cười gật đầu.

"Phải ăn nhiều vào, chú ý cân bằng dinh dưỡng. Nói gì thì nói, ít nhất phải tăng mười cân nữa. Ngoài ra còn phải tập luyện thích hợp. Có điều hiện giờ sức khỏe cậu kém quá, nếu tập thì đi bộ thôi, mỗi ngày đi một, hai tiếng. Mấy môn chạy bộ, chống đẩy gì đó vẫn chưa thể làm."

"Vâng."

Bác sĩ lại dặn riêng Tống Nhiễm, sắp sang thu, chú ý đừng để bị cảm lạnh. Thân thể Lý Toản sẽ vô cùng đau nhức vào mùa mưa dầm và mùa rét. Con người chỉ cần cơ thể khó chịu, thì tinh thần cũng sẽ giảm sút, dễ dàng nảy sinh cảm xúc tiêu cực.

Tống Nhiễm bảo sẽ chú ý, thầm thấy thật may vì đã lắp hệ thống sưởi trong nhà.

Những mục kiểm tra còn lại vẫn còn xa lắm mới đạt được tiêu chuẩn khỏe mạnh, dấu hiệu phục hồi cũng cực kỳ nhỏ bé. Tống Nhiễm thầm lo lắng, nhưng vẫn chuẩn bị kỹ càng. Muốn khôi phục sức khỏe vốn có của anh, không phải chuyện có thể làm được ngay trong vòng nửa năm, thậm chí một năm. Huống hồ, muốn anh hồi phục trạng thái của một năm về trước đã là chuyện không thể rồi.

Cô cũng không trông mong nhiều, chỉ cần anh đừng bị ốm đau nặng là được.

Kiểm tra sức khỏe xong, hai người lại đến gặp bác sĩ tâm lý.

Tống Nhiễm ngồi ngoài phòng tư vấn một, hai tiếng, bác sĩ đi ra, bảo không khác gì lần trước. Bệnh của anh trước mắt rất khó có biện pháp chữa trị hiệu quả, vẫn phải quan sát định kỳ thôi. Bác sĩ thành phố Giang và bác sĩ thành phố Lương đều có cùng ý kiến, cho rằng nên để anh nhập viện, hạn chế hoạt động thường ngày với cộng đồng. Nhưng nghĩ họ sinh sống ở vùng nông thôn, chẳng mấy khi tiếp xúc với xã hội, gần như không gây ra ảnh hưởng đến người khác, cộng thêm nguyện vọng của bản thân bệnh nhân và người nhà, nên bác sĩ cũng không bắt ép phải nhập viện.

Bác sĩ lại nhấn mạnh với Tống Nhiễm lần nữa, tuy không bị tác động từ bên ngoài, loại trừ khả năng gây nguy hiểm và sợ hãi, nhưng vui vẻ và hạnh phúc cũng có thể trở thành yếu tố kích thích. Khi quá vui vẻ và hạnh phúc, Lý Toản sẽ không phân biệt được thực tế và ảo giác, cho rằng tất cả những điều an lành đang trải qua đều là tưởng tượng của mình. Đối với trường hợp đó, một khi gặp phải đả kích từ bên ngoài, cảnh trong mơ vỡ nát, tinh thần anh sẽ sụp đổ, để lại hậu quả khôn lường.

"Cô phải cố hết sức cho cậu ấy cảm nhận được là cậu ấy đang ở thế giới thực. Tuy nó không có tác dụng nhiều, nhưng ít ra giúp cậu ấy tránh bị kích thích."

"Tôi biết."

Lúc ra khỏi bệnh viện thì đã sắp đến giờ ăn trưa.

Ở mãi dưới quê, Tống Nhiễm cũng muốn đưa Lý Toản lên thành phố dạo chơi một chút, nhưng lại sợ gặp phải chuyện ngoài ý muốn. Suy đi nghĩ lại, cô đưa anh đến ngoài trường trung học. Ngày mai là đến kỳ nghỉ Quốc khánh dài ngày, nhóm học sinh đi học buổi cuối, trong lớp vang vọng tiếng đọc sách.

Một lát nữa mới đến giờ tan trường, cửa hàng gà rán đối diện trường vắng tanh. Thế lại hay.

Hai người ngồi vào bàn gần cửa sổ, gọi gà rán, khoai tây chiên và coca.

Cuối hè đầu thu, ánh nắng chan hòa, ấm áp bao phủ hai người. Ngoài vách kính, bóng cây xanh mướt, đường phố trống trải tĩnh lặng, gió thổi vi vu khiến ngọn cây lắc lư. Bảo vệ ở cổng đang bắc thang, treo quốc kỳ.

"Hôm nay không có lớp học Thể dục, nếu không sẽ thấy được cảnh nhóm học sinh nhảy dây." Tống Nhiễm nhìn sân thể dục trong trường phía đối diện, giọng tiếc nuối.

Lý Toản vừa định nhìn theo mắt cô, lại trông thấy cây cối rậm rạp bên ngoài, bèn rời mắt nhìn chằm chằm vào tay cô. Ánh nắng chiếu lên mu bàn tay Tống Nhiễm, khiến màu trắng đến trong suốt của tay cô chuyển sang ửng hồng, là màu của sự sống.

Anh vô thức vươn tay đến, chạm vào tay cô. Ngay lập tức, cô trở tay nắm lấy ngón tay anh. Anh thở phào nhẹ nhõm.

Tay cô vẽ vòng tròn trong tay anh, một tay chống cằm, ngồi bên bàn đối diện cười với anh.

Anh cũng cười theo, "Em cười gì thế?"

"Anh có nhớ lúc chúng ta mới quen, anh đưa em đi xem trường học của anh, còn cho em ăn kẹo mạch nha không?"

"Nhớ."

"Nhưng khi đó không có cửa hàng gà rán này đúng không? Chắc là mới mở."

"Hình như kinh doanh không tốt lắm." Anh khe khẽ nói: "Chắc ăn không ngon đâu."

"Ôi xong rồi, em gọi những hai phần đấy. Nếu không ngon thì anh ăn hết nhé."

Anh cười thật tươi, "Được."

"A Toản phải ăn nhiều thịt vào." Tống Nhiễm nắm lấy cổ tay anh đo thử. Nó nằm gọn trong lòng bàn tay cô, nhưng so với lúc mới trở về từ nước D thì to hơn một chút rồi.

Gà rán được mang lên, mùi vị khá ngon, nhiều thịt và mềm.

"Ngon không?" Cô hỏi.

"Ngon." Anh liếm dầu dính bên mép, gật gù.

"Thỉnh thoảng ra ngoài đổi khẩu vị cũng tốt. Ngày nào cũng ăn món em nấu, em sợ anh thấy ngán."

"Không có." Anh ấm giọng đáp: "Sẽ không ngán, ăn cả đời cũng không ngán."

"Anh còn biết nói mấy lời dỗ ngọt này cơ à?" Cô khẽ lườm anh.

Anh vừa ăn gà rán, vừa tủm tỉm cười. Chiếc nhẫn trên ngón áp út tay trái lấp lánh ánh vàng dưới nắng.

Tống Nhiễm chợt nhớ lại lời bác sĩ nói, anh sẽ cho rằng cô là ảo giác do anh tưởng tượng ra. Nhưng cô cũng biết, anh vui vẻ là sự thật, anh cười với cô cũng là thật, giống như giờ phút này.

Hai người nhàn nhã ăn xong gà rán và khoai tây chiên, đang ngồi bên cửa kính uống coca thì trong trường vang lên tiếng chuông tan học.

Tống Nhiễm đảo mắt, "A Toản, đi thôi, tan học rồi. Chúng ta không giành đường với đám nhóc kia."

"Được." Lý Toản cầm lấy cốc coca, nắm tay Tống Nhiễm rảo bước ra khỏi cửa hàng gà rán. Lúc nhóm học sinh túa ra khỏi lớp, Tống Nhiễm đã khởi động xe, nhanh chóng bỏ lại âm thanh huyên náo của đám trẻ đằng sau.

Trời sắp chuyển mùa, cô đưa Lý Toản đến trung tâm thương mại mua quần áo. Suốt hành trình, cô luôn khoác chặt tay anh, dè dặt để ý xung quanh, sợ có tình huống xấu phát sinh. Ngay cả lúc thử quần áo trong cửa hàng cô cũng dính chặt lấy anh, cô nhân viên bán hàng cảm thán: "Anh chị tình cảm quá, thật ngưỡng mộ."

Tống Nhiễm chỉ cười không đáp, mọi việc vô cùng thuận lợi. Mua xong vài bộ quần áo, đi ngang qua một cửa hàng bán phụ kiện, Tống Nhiễm thoáng thấy có dây đỏ, bèn kéo Lý Toản vào mua hai sợi, mỗi người đeo một sợi.

Sợi dây lúc trước của Lý Toản đã mất từ lâu. Chắc hẳn anh làm mất khi bị giam trong ngục của phần tử khủng bố.

"Đeo sợi dây đỏ này vào, A Toản sẽ bình an cả đời. Em chia một nửa vận may của em cho anh."

Anh gật đầu tin tưởng: "Cả đời bình an."

Rời khỏi trung tâm thương mại, Lý Toản chợt đề nghị: "Hôm nay qua nhà bố anh ăn tối nhé?"

"Được."

Đến thành phố Giang một chuyến, họ cũng nên đi thăm ông Lý. Tống Nhiễm lái xe đến khu nhà của tập đoàn xây dựng kiến trúc, trong radio bỗng đưa tin: "Tập đoàn XX Trung Quốc thành công trúng thầu xây dựng đường quốc lộ và các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng nối dài từ Agri đến Gandhi nước D. Chính phủ hai nước gần đây cũng bắt đầu bàn bạc đến vấn đề phát triển mua bán dầu hỏa. Trước mắt, nước D đã chiếm lại 90% lãnh thổ và đang xây dựng lại cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, thương nghiệp, công nghiệp. Trung Quốc và nước D vẫn duy trì tình hữu nghị gắn kết..."

Tống Nhiễm tắt ngay radio, liếc nhìn Lý Toản qua kính chiếu hậu trong xe, anh vẫn bình tĩnh nhìn con đường phía trước.

Qua hồi lâu, Tống Nhiễm mới cất lời: "A Toản, mười ba người lính đặc chủng ban đầu được cử đi, các anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi."

"Ừ." Anh buông lời nhẹ tênh.

Quốc gia ra tay giúp đỡ, cuối cùng đổi được lợi ích.

Cô không muốn nghĩ nữa, chăm chú nhìn phía trước.

Bầu trời xanh trong, đường phố thông thoáng, cây cối xanh um, cờ đỏ phấp phới.

Do đang dịp Quốc khánh nên tất cả các cửa hàng, trung tâm thương mại, công ty đều treo quốc kỳ trước cửa. Có vài chiếc xe chạy đến từ phía đối diện đều cắm cờ, mấy đứa trẻ cầm cây cờ nhỏ lắc lư chạy trên đường.

Đầu thu, thành phố Giang êm ả hân hoan, không khí ngày lễ dần nô nức.

Người xe qua lại trên phố, ai nấy đều cười vui vẻ, họ nào biết được câu chuyện của người đang ngồi bên cạnh cô.

Xe rẽ vào khu chung cư, cờ đỏ bay phấp phới trên ngọn cây, Lý Toản bỗng lên tiếng: "Lần trước lúc tham gia đội quân Gìn giữ hòa bình, trên quân trang có thêu quốc kỳ, năm ngôi sao."

Tống Nhiễm né tránh xe ra vào, chưa kịp đáp lời đã nghe anh kể tiếp: "Để phân biệt quốc tịch, trên quân trang của Benjamin là ngôi sao và hàng ngang, của George là cờ ba chữ thập."

Trong lửa đạn bay tán loạn, khuôn mặt tươi cười của lớp người trẻ tuổi như họ biến thành trắng đen, mờ tối và vỡ nát. Anh đứng trong khói thuốc súng, đưa mắt nhìn quanh, hàng triệu người lính trẻ máu thịt nhầy nhụa, chết thảm trên bãi tha ma.

Một đôi tay nắm chặt lấy anh, "A Toản."

Lý Toản hoàn hồn, phát hiện xe đã đỗ trước chung cư của bố anh, trên kính chắn gió trải đầy ánh nắng, sáng chói như ảo ảnh.

"Ừ?" Anh nghe thấy giọng mình đáp lại.

Nỗi lo lắng thoáng lướt qua đáy mắt Tống Nhiễm, cô dịu dàng cười, "A Toản, đến nơi rồi."

"Được." Anh nắm chặt tay cô.

Lý Toản đi từ sáng nên người hơi mệt, vừa về đến nhà liền vào phòng ngủ trưa. Tống Nhiễm trông chừng bên cạnh, thấy hơi thở của anh đều đặn, an giấc, mới nhẹ nhàng rời khỏi phòng.

Ông Lý đang chuẩn bị nguyên liệu hầm canh gà trong bếp, rửa kỹ nấm hương, "Mấy thứ này nhiều đất cát lắm. Con xem, rửa ba lần vẫn thấy bẩn." Ông đổ nước rửa đi, lại hứng chậu khác, "Hôm nay hai đứa đi đâu chơi?"

"Bọn con đến bệnh viện rồi đi mua quần áo, xong qua đây luôn ạ."

"Bác sĩ nói thế nào?"

Tống Nhiễm chỉ nói những điều tích cực: "Có chút chuyển biến tốt ạ."

Ông Lý Thanh Thần im lặng, tiếp tục rửa nấm. Tống Nhiễm biết chẳng gì có thể qua mắt được ông, bỗng nhớ đến câu nói kia của bà Nhiễm Vũ Vi. Nỗi đau trong lòng ông e rằng còn sâu sắc hơn cả cô.

Ông dành cả đời nuôi dưỡng con trai nên người. Vậy mà...

Tống Nhiễm gọt vỏ củ gừng, nhớ đến lời bác sĩ và cờ đỏ trên phố, trong lòng nhất thời cuộn trào cảm xúc, cất tiếng: "Bố..."

Ông Lý cất giọng hồn hậu: "Con có tâm sự gì cứ nói với bố, đừng ngại."

"Con..." Tống Nhiễm vốn không có gì, nghe lời ông dỗ dành lại thấy xúc động nghẹn ngào: "Con chỉ... khó chịu trong lòng thôi. Bố, có khi con nghĩ, bố nói xem... tại sao lại như vậy?"

Ông Lý khựng lại giây lát, cúi đầu rửa nấm hương, hồi lâu mới thở dài, "Chuyện đã như vậy rồi, có lấn cấn hơn nữa cũng có cách nào đâu?" Người đàn ông trung niên luôn điềm đạm thong dong vào lúc này lại luống cuống và bất lực, "Nếu mà chết thì cũng thôi. Nhưng còn sống thì phải cố mà sống, dù có khó khăn như thế nào, con không cam lòng thì cũng đâu thay đổi được gì? Đành phải chấp nhận, chuyện này rơi xuống đầu ai cũng như vậy cả."

Tống Nhiễm ngẩn người. Đúng vậy, không tự vượt qua cửa ải này, thì số phận cũng không cho ta lựa chọn khác. Nhưng mà...

Lòng cô rất đau, nhớ đến A Toản đổ lỗi cho bản thân rằng mình không đủ mạnh mẽ, cô xót xa rơi lệ.

Tống Nhiễm cầm dao bào ra sức gọt vỏ củ gừng, im lặng. Trong phòng bếp không có tiếng động nào khác, chỉ có tiếng nước chảy. Cô cúi đầu, nắm củ gừng trong tay, "Bố, bố có oán trách không?"

Ông Lý mấp máy môi, định nói nhưng lại không thể thốt nên lời. Ông bỏ nấm hương đã rửa sạch vào rổ cho ráo nước, đưa tay áo quệt qua mũi mình.

"Trên đời này, có những việc dù gì cũng phải có người nhận trách nhiệm. A Toản đã nhận gánh vác nên bố không trách ai cả. Nhưng nếu con hỏi bố có cam tâm tình nguyện không, thì làm sao bố có thể cam tâm cho được? Nếu kiểu gì cũng phải có người làm, vậy thì để người khác làm đi, ai muốn con mình phải gánh chịu chứ?"

Tống Nhiễm sụt sịt hít vào, quay đầu đi.

Ông Lý nói xong, cũng im lặng thật lâu, chỉ còn tiếng nước chảy rào rào vào bồn.

Ông lại rửa nấm hương lần nữa, lần này đã sạch, đáy bồn không còn cát nữa. Tuy trong lòng ông đã vơi đi phần nào, song lại thở dài thườn thượt, "Nói đi nói lại, so sánh với những chiến sĩ khác đi cùng đã hy sinh, bố thấy thỏa mãn phần nào rồi. Con của người ta thì cũng là con mà."

Cõi lòng Tống Nhiễm tức khắc như có thứ gì mềm mại vuốt ve. Người bố trước mặt cô rõ ràng đau lòng uất ức, rối rắm mờ mịt hơn ai hết, nhưng vẫn thiện tâm đến nhường này. Tấm lòng của ông đã cho cô niềm an ủi và sức mạnh một cách khó hiểu.

Tống Nhiễm về phòng, Lý Toản vẫn đang ngủ say, hàng mi dài buông rủ, đầu mày vẫn khẽ cau. Cô nhẹ vuốt hàng mày anh, mãi cho đến khi đầu mày anh dãn ra, lòng mới nhẹ nhõm.

Sau bữa cơm chiều, Lý Toản và Tống Nhiễm lên đường về nhà. Xe chạy trên đê thượng lưu sông Trường Giang, dưới sông sóng cả cuồn cuộn.

Lý Toản nhìn ra sông, Tống Nhiễm thấy thế hỏi han: "Muốn dừng lại ngắm cảnh không?"

"Được."

Xe dừng trên đê, hai người đi đến bờ sông dạo một vòng.

Mùa hè vừa qua, mực nước sông Trường Giang vẫn còn dâng cao, dòng nước chảy xiết, kéo theo phù sa ở thượng nguồn, con sông vẩn màu vàng đục. Cảnh sắc xanh biếc trong veo ngày xuân đã không còn nữa.

Bên bờ dòng nước nhẹ nhàng hơn, có mấy gia đình xắn quần xuống nghịch nước. Giờ trời đã se lạnh, nên không ai dám xuống bơi.

Lý Toản đứng hóng gió bên sông, gió thổi phồng áo sơ mi trắng, ôm trọn lấy thân hình gầy gò của anh. Tống Nhiễm thấy góc mặt anh trong gió có chút cô quạnh, bỗng nhiên cô đứng trước người anh, "Để em chắn gió cho anh."

Lý Toản nhàn nhạt cười, ôm lấy cô từ phía sau, tựa đầu vào đầu cô.

Tống Nhiễm đặt tay lên bàn tay lành lạnh trên eo mình của anh, run run trong gió, "A Toản?"

"Hả?"

"Anh biết không, hôm nay em đã hỏi bố."

"Hỏi bố việc gì?"

"Hỏi bố có oán hận không? Bởi vì... bất công."

Lý Toản im lặng trong chốc lát mới hỏi: "Bố nói như thế nào?"

"Bố không trách ai cả. Bố nói, đã sống thì phải cố gắng vượt qua, ai cũng vậy thôi. Chỉ là thấy anh chịu khổ, trong lòng bố cũng khó tránh khỏi có chút buồn bã oán trách."

Lý Toản nhớ đến bố mình, mắt hoen đỏ.

"Còn anh? A Toản, anh có oán trách không?"

Lý Toản không nói lời nào.

"Em biết, anh không hối hận với quyết định ban đầu của mình. Em chỉ hỏi là thi thoảng thôi. Có khi nào bản thân anh cảm thấy đau khổ vì bế tắc không?" Cô nói xong, bướng bỉnh chờ anh trả lời.

Gió thổi rối mái tóc anh, lướt qua mặt khiến anh phải nheo mắt lại. Cuối cùng anh gật đầu, "Có."

Màn sương vừa hiện lên trong mắt cô bị gió thổi tan, "A Toản, có lúc em cũng không cam tâm, nhưng nghĩ đến anh vẫn còn sống, lại cảm thấy không mong gì hơn nữa, đành chấp nhận bằng lòng với số phận."

Mắt anh cay cay, vùi đầu vào cổ cô, dường như tránh chạm mắt với cô, chỉ có chất giọng trầm khàn và nghẹn ngào bật thốt qua cổ họng: "Anh không biết diễn tả với em cảm giác này như thế nào. Anh không oán trách bất cứ ai, cũng không hối hận. Anh chỉ trách mình không đủ kiên cường. Những chuyện đã và đang xảy ra, em bảo anh đừng quan tâm, buông bỏ hoàn toàn, giờ anh chưa làm được. Điều đó quá khó."

Sau này có thể hay không thì anh không biết. Anh hy vọng mình có thể thoát được, hy vọng mình có thể đủ cứng cỏi. Tuy nhiên, rất nhiều cảm xúc tiếc nuối, bi thương, không cam lòng, uất ức không cách nào có thể thôi cuộn trào, tha thứ hay buông xuôi tất cả chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Nếu dễ dàng tha thứ như thế, vậy những đau đớn khổ hạnh từng trải qua kia có tính là gì?

Việc này không liên quan đến thanh tao và nhân từ, càng không phải cao thượng và lý trí.

Tôi luyện, vất vả, những từ này nói thì dễ nghe đấy, nhưng đau khổ vẫn là đau khổ. Nó thấm vào cuộc sống của từng người còn sống sót, là những cơn đau nhức từ xương cốt mỗi khi mưa dầm, là mộng tưởng chưa trọn vẹn tan vỡ trong thâm tâm, là nỗi hoang mang và sợ hãi vô tận khi thần trí lấp lửng giữa ranh giới của thực tế và hư ảo, tận mắt chứng kiến giấc mộng đẹp tan thành mây khói.

Mà đời người dài đằng đẵng, liệu có ngày nó nắm tay giảng hòa với mình hay không thì chẳng thể biết được.

Chỉ là...

"Anh cũng như em." Suy nghĩ đau khổ rối rắm trong đầu anh tan đi, chỉ còn một ý niệm hết sức rõ ràng.

"Gì cơ?"

"So với..." Hàng mi anh cau chặt, vẫn không cách nào thốt ra được tên chiến hữu của mình, khó khăn cất lời: "Nhiễm Nhiễm, ít nhất, anh còn có thể đứng ở đây." Cùng với em.

Nghĩ đến đây, nỗi lòng anh bình tĩnh trở lại, nhẹ nhõm đôi phần. Thật hay giả? Anh đều mặc kệ.

Cho dù là giả, dù đây chỉ là một giấc mơ, anh cũng nguyện đắm chìm trong nó, không muốn tỉnh lại. Vì cảm giác ảo ảnh vỡ nát quá đau đớn. Ít nhất giờ khắc này, anh có thể cảm nhận được hơi ấm từ cô, nhịp tim của cô, rót vào cõi lòng hoảng loạn lạnh lẽo của anh sức mạnh và sự ấm áp.

Cô siết chặt bàn tay anh.

Gió sông thổi hiu hiu, hai người ôm lấy nhau, thân thể gầy gò run run trong gió quyện chặt vào nhau, như thể muốn cố hết sức để cảm nhận được nhịp tim đang đập trong lồng ngực nhau.

Chỉ có sống mới là chân thật.

Như vậy là đủ, ít nhất có được giờ khắc này đã là quá đủ.

Mãi đến khi gió mang hơi lạnh đến, Tống Nhiễm sợ anh bị cảm, lúc này, mới ngẩng đầu nhìn anh, "A Toản, chúng ta đi thôi. Cảnh sông mùa thu không đẹp, chờ đến mùa xuân năm sau lại đến nhé?"

"Được."

Bờ sông Trường Giang rậm rạp cỏ dại, hoa nở li ti. Anh nắm tay cô rời đi, lướt qua đồng cỏ thơm.

Sắp đến chạng vạng, không ít người đi lễ lái xe chen chúc lên đường cao tốc. Họ chạy ngược dòng xe, cả con đường dẫn về nông thôn hết sức thông thoáng.

Mùa thu sắp đến, gió thổi lá cây rơi lả tả lên kính chắn gió. Ruộng lúa đã bắt đầu ngả vàng, qua một thời gian nữa sẽ trở thành cảnh đẹp ngày thu.

Về đến nhà, mặt trời đã lặn hẳn. Cuối cánh đồng ngoài cửa sổ sát đất, chân trời hửng ánh ráng chiều muôn hồng nghìn tía.

Tắm rửa xong, hoàng hôn đã tắt, Tống Nhiễm kéo rèm cửa sổ, lên giường ngủ với anh thật sớm.

"Hôm nay ở bên ngoài cả ngày, mệt không?" Cô chui vào chăn.

Lý Toản cười thư thái khép mắt, "Không mệt."

Thế là cô đến gần hơn, áp sát vào lồng ngực anh, mắt long lanh, "A Toản."

"Ừ." Anh nhìn vào mắt cô, lồng ngực rộn ràng.

Cô khẽ trở mình, che trên người anh, ngón tay vuốt ve ngực anh, môi hôn phớt lên cánh môi anh, thỏ thẻ: "Em muốn anh..."

Anh hôn môi cô, nghiêng người sang ôm cô vào lòng.

Mười ngón tay đan cài ấn trên gối, ngón tay cô vuốt ve chiếc nhẫn trên tay anh, bóng loáng và rắn rỏi, mang theo thân nhiệt nóng rực của anh.

Cô khép hờ mắt, không kìm được ngửa cổ, bật thốt ngâm nga. Quanh quẩn bên tai là tiếng hít thở nặng nhọc, ẩn nhẫn của anh và âm thanh sột soạt ma sát của chăn gối. Hơi thở nóng hổi và nồng nàn của Lý Toản bủa vây lấy cô. Cô vẫn mềm mại, ướt át như dòng nước ấm, càng chìm càng sâu, nguyện không tỉnh lại.

Ánh trăng soi lên tấm rèm voan, mông lung như mộng.

Cô gối lên ngực anh, nhắm mắt ngủ yên, hai gò má vẫn còn ửng hồng. Anh nghiêng đầu, môi khẽ chạm vào chóp mũi cô, hàng mi buông rủ in bóng trên mắt.

"A Toản." Cô chợt rủ rỉ trong mơ.

"Hả?" Anh thoáng tỉnh lại, thầm thì.

"Chờ hai năm nữa, chúng ta sinh một A Toản nhỏ được không?"

Anh cọ mũi vào mặt cô, "Được."

Bóng trăng nhuốm lụa mỏng, một đêm không mộng mị.

Hôm sau là Quốc khánh, thời tiết cực đẹp, trời xanh mây trắng, ruộng đồng bát ngát.

Tin thời sự cho hay trong mùa Quốc khánh cao điểm, nhiều địa điểm du lịch chật kín người, đường cao tốc tắc nghẽn. Tống Nhiễm tắt tivi, đặt bình trà nóng xuống bàn sách.

Lý Toản ngồi tựa vào ghế phơi nắng, thổi kèn harmonica bài Castle in the sky cô từng nghe.

Giai điệu kèn harmonica du dương, cô nâng tách trà lên nhấm nháp. Trên thửa ruộng ngoài cửa, lúa đã ngả vàng, cây hồng kết quả, hồ sen dần tàn úa, mấy chú vịt vỗ cánh rẽ nước lăn tăn.

Lý Toản thổi xong khúc nhạc, Tống Nhiễm nhìn đàn chim nhạn bay về phương Nam, bỗng nói: "A Toản, kiếp sau em muốn làm một con chim, nhưng không bay về phương Nam, chỉ làm một con chim sẻ là được, cả đời đều ở trên một đỉnh núi."

Anh khẽ giọng: "Vậy thì anh sẽ làm một cây cổ thụ."

Trên bờ ruộng, gió thổi lá cây xào xạc, chim sẻ rít rít chuyền cành thoăn thoắt trên nhành cây.

"Vậy... nếu kiếp sau làm người, anh muốn trải qua một cuộc đời thế nào?"

"Như bây giờ." Anh khảng khái đáp.

"Em hy vọng anh..." Tống Nhiễm liếc mắt, cầm lấy một tờ giấy, viết vài chữ rồi đưa cho anh, "... Sống như thế này."

Lý Toản nhận lấy xem: Nhàn nhã phú quý, vui hưởng lạc thú, cả đời thảnh thơi.

Khóe môi anh cong cong, ung dung nở nụ cười.

Cô uống trà xong, tiếp tục lật tư liệu viết sách. Anh bỏ kèn harmonica xuống, cầm sách lên xem.

Năm tháng tĩnh lặng, bầu bạn cùng nhau.

Thỉnh thoảng anh ngẩng đầu nhìn cô, say đắm ngắm thật lâu.

Nắng soi vào mắt, anh khẽ nheo lại, phóng tầm mắt về phía xa. Khi ấy, trông ra cửa sổ, anh thấy một cây olive màu trắng trên đồng nội bao la.
 
Chương 69


Cây Olive màu trắng

Lời tựa 1:

Lời mở đầu của tác giả Tống Nhiễm

Quyển sách này ban đầu được đặt tên là Ký sự những số phận thăng trầm ở nước D, vốn là hành trình của tôi ở nước D sáu năm trước. Tôi đã lên dàn ý suốt sáu năm, hai năm sau đó mới bắt đầu sáng tác, cho đến hôm nay ra mắt, xin cảm ơn anh La Tuấn Phong, nhân viên bản quyền kiêm biên tập đã theo sát và không rời bỏ tôi.

Có hai lý do khiến tên sách được đổi thành Cây Olive màu trắng: Thứ nhất, tôi tự nhận mặc dù đã tận lực đi khắp các thành phố nước D, ghi chép lại xã hội muôn màu muôn vẻ dưới thời kỳ chiến tranh, nhưng những điều tôi chứng kiến và ghi lại được mới chỉ là một phần của "thăng trầm", còn lâu mới đạt tới "số phận" to lớn. Lý do thứ hai, là vì chồng tôi. Thượng úy Lý.

Một năm trên đường từ Garos đến Hapo, tôi và anh ấy đã gặp được cây olive màu trắng trong sa mạc, câu chuyện cụ thể tôi đã kể trong sách, ở đây xin không nói nhiều.

Sáng tác suốt bốn năm, vậy mà tôi chưa hề dành thời gian trau chuốt câu chữ tỉ mỉ, chỉ vì cuộc sống cá nhân chiếm quá nhiều thời gian. Và hơn nữa là vì tôi không có cách nào giữ được góc nhìn tỉnh táo khách quan. Mỗi lần nhấc bút trước tư liệu sống mình tìm được, từng cảnh trong ký ức đều hiện lên rõ ràng trong đầu, lòng tôi sầu não đến mức bế tắc không viết ra được câu nào.

Câu chuyện về chiến tranh xưa nay chưa bao giờ là đề tài nhẹ nhõm. Trong tác phẩm, tôi đã cố gắng giảm bớt cảm xúc cá nhân, chỉ muốn mang tới cho độc giả những ghi chép khách quan bình thường nhất. Dù như vậy, chiến tranh cũng không phải là một câu chuyện có thể kể lại một cách nhẹ nhàng bâng quơ.

Nó luôn là bi kịch lớn nhất từ xưa đến nay của loài người. Tiếc rằng, bi kịch ấy vẫn diễn ra hết lần này đến lần khác.

Tôi theo học chuyên ngành Lịch sử ở đại học, nhưng nỗi đau chiến tranh để lại trong sách, trong câu văn không bằng một phần vạn khi ta được tận mắt chứng kiến. Nếu chưa đến nước D, có lẽ tôi sẽ đĩnh đạc cất lời với quan niệm lịch sử rằng: Chiến tranh là con đường tất yếu khi mâu thuẫn xã hội tích lũy đến mức không thể hòa giải, chiến tranh và máu đổ là tiến trình phát triển cần thiết của con người.

Vì thế, vô số người vô tội sẽ thành vật hy sinh dưới bánh xe cuồn cuộn của lịch sử.

Song, dù đưa ra hàng nghìn hàng vạn lý do, tôi cũng không thể hiểu được tại sao loài người lại muốn giết hại đồng loại của mình, và càng không thể tha thứ cho điều đó.

Có một câu mà tôi luôn tự hỏi lòng mình: Phải chăng thế giới của chúng ta thiếu hụt sự đồng cảm, thiếu hụt lương thiện và tình thương? Mỗi khi thấy người khác bị thương, tôi sẽ đau, cũng không hiểu tại sao lại có người không thấy đau.

Sống lâu trên chiến trường, tôi bắt đầu nghi ngờ, phải chăng lí trí, văn minh chỉ là những khái niệm vô căn cứ? Phải chăng tất cả vấn đề khó khăn của con người cơ bản không có cách giải quyết hợp lý nào khác? Cực đoan, xung đột và thù hận, chỉ có thể giải quyết bằng việc giết chóc hay sao? Phải chăng lịch sử luôn là những vòng lặp luẩn quẩn không có hồi kết, loạn lạc luôn là quy định để giành chiến thắng, và bạo lực luôn luôn chiến thắng văn minh?

Mà mơ ước hòa bình cuối cùng của loài người chỉ là cây olive trắng trên sa mạc hay sao?

Xán lạn, tươi đẹp, tinh khiết, tráng lệ. Từng gặp một lần sẽ khắc cốt ghi tâm, suốt đời tìm kiếm.

Thế nhưng nó cũng hư ảo, mờ mịt, ở xa tít tận chân trời không thể đoán định.

Thậm chí nó còn không hề tồn tại.

Chỉ là khung cảnh hão huyền thoáng qua rồi biến mất, là ảo tưởng cuối cùng trước khi người ta sa vào vũng lầy tăm tối.

Ta hoang mang không tìm được phương hướng, nhưng mỗi lần như thế lại được dẫn về con đường ngay thẳng.

Bởi lẽ sau này ta phát hiện, thế giới có thể tăm tối, có thể không có ánh sáng, thế nhưng sự lương thiện của tâm hồn lại giống như trân châu sáng loáng trên bờ cát. Dù khi kiếm tìm nó có thể bị cát đá cắt vào chân, nhưng một khi được nâng niu nó trong lòng bàn tay, ánh sáng mỹ lệ long lanh dịu dàng của nó sẽ khiến ta mỉm cười không hối hận.

Những cá nhân như thế chính là những người lính Cook tôi đã viết trong sách với những biệt hiệu như B, G, L, M, K, S, A.

Họ bền bỉ, lương thiện, kiên cường. Họ có nụ cười rạng rỡ như tia nắng, gương mặt kiên nghị và bất khuất. Họ chịu đựng được nỗi thống khổ và sợ hãi mà người thường không thể nào chịu nổi. Họ cũng giống như một que diêm nhỏ, thắp lên tia sáng nóng rực cho một thế giới nhân sinh đang tuyệt vọng.

Có lẽ, con người chính là loài vật như thế đấy. Trong họ có cả thiện lẫn ác, cả sự vĩ đại và tàn nhẫn.

Sau những đen tối thâm sâu nhất, tội ác hung tàn và xấu xa nhất, tôi vẫn thấy may mắn vì mình đã tìm được ánh sáng, gặp được những tâm hồn lương thiện và đẹp đẽ nhất.

Đúng vậy, tôi vẫn cảm kích vì mình đã được tận mắt chứng kiến rừng cây olive trắng tinh khôi kia.

Thành phố Giang

Ngày 07 tháng 10 năm 202x

Tống Nhiễm

***

Lời tựa 2:

Ấn bản kỷ niệm năm năm

Lời mở đầu của biên tập La Tuấn Phong

Tôi quen biết Tống Nhiễm vào mười một năm trước. Năm đó chuyên mục Tuyến đầu chiến sự của đài truyền hình thành phố Lương nổi tiếng khắp cả nước, phóng viên Tống chịu trách nhiệm quay chụp ghi chép lại 90% tư liệu sống của chuyên mục đó. Câu chuyện qua ống kính của cô ấy tinh tế, mộc mạc, nhưng lại chạm đến tiếng lòng của mỗi người, và lập tức thu hút tôi.

Tôi thích những câu chuyện hay, càng thích người kể chuyện hay. Tống Nhiễm chính là kiểu người kể chuyện tôi yêu thích nhất, cô ấy ôn hòa kiên nhẫn, bao dung nhân ái. Nhiều người nói tôi rất mát tay trong việc tìm được tác giả đặc sắc, nhưng ngay cả tôi cũng không ngờ, sách của Tống Nhiễm chính là quyển sách bán chạy nhất mà tôi khai thác được. Lượng sách tiêu thụ hơn năm triệu bản trong năm năm qua đã trở thành thần thoại trong giới xuất bản. Tác phẩm này được biên dịch sang nhiều ngôn ngữ khác như Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức, bây giờ chỉ đợi ngày phát hành. Tôi nghĩ, điều này không chỉ vì danh hiệu Pulitzer mà cô ấy đã đạt được, mà phần lớn là vì cô ấy đã phác họa ra số phận của một đất nước trôi nổi một cách bình dị nhất nhưng lại cảm động nhất.

Tác phẩm này được viết theo trình tự thời gian và những địa danh Tống Nhiễm từng đặt chân tới, ghi lại những gì cô ấy mắt thấy tai nghe ở nước D. Từ người nhặt ve chai cho đến sĩ quan chỉ huy, từ chủ cửa hàng buôn bán nhỏ đến những người lính anh dũng. Qua lăng kính của cô ấy, mọi người đều bình đẳng, nhân vật nhỏ bé đều có một vị trí nhất định trong tác phẩm của cô ấy. Hình ảnh được in trong sách cũng do chính cô ấy chụp lại. Tuy cô ấy nói góc nhìn của cô ấy chưa thể ghi lại một cách toàn diện khung cảnh loạn lạc thời đó, song cô ấy đã phác họa từng người trong chiến tranh một cách khách quan và chân thật nhất.

Những năm gần đây, có nhiều bạn bè và giới truyền thông hỏi thăm tôi về cuộc sống riêng của Tống Nhiễm, có người còn tò mò về Thượng úy Lý, chồng của cô ấy là người như thế nào. Vì Tống Nhiễm sống khá khép kín, không nhận bất cứ cuộc phỏng vấn nào liên quan đến tác phẩm này, nên tôi không thể tiết lộ nhiều hơn.

Tôi chỉ có thể nói rằng, Tống Nhiễm là một cô gái xinh đẹp, hiền lành, hay cười, bề ngoài yếu đuối nhưng nội tâm lại mạnh mẽ. Thượng úy Lý chồng cô ấy là một người lính tuấn tú, tính cách lại rất ôn hòa, cư xử nhã nhặn. Trong bốn năm sáng tác, Tống Nhiễm đều sống ở vùng quê, trước cửa nhà là đồng ruộng bát ngát, cảnh đẹp như tranh.

Tôi từng đến thăm họ, khi đó Tống Nhiễm đã bắt đầu viết tác phẩm này được hai năm. Lúc ấy trong nhà họ còn có một cậu bé con vừa mới tròn một tuổi, nhũ danh(*) là Cây Nhỏ, hay còn gọi là Cây Non.

(*) Tên được đặt cho trẻ nhỏ lúc mới sinh.

Cây Nhỏ rất giống Thượng úy Lý - bố cậu, chỉ mới tập đi, hiếu động không chịu ngồi yên. Cậu bé cứ lon ton đi quanh Thượng úy Lý, cười khanh khách ôm lấy chân bố, trò chơi đơn giản như vậy mà chơi mãi không chán. Khi đó, cậu đang tuổi tập nói, miệng cứ bi bô gọi "Bố, bố", tiếng gọi vang vọng khắp nhà, nghe rất vui tai. Khi thì cậu kéo ống quần bố đòi ra ngoài, lúc thì ngắm bươm bướm, hoặc đuổi gà con.

Lúc chúng tôi bàn bạc về bản thảo trong phòng khách, Tống Nhiễm sẽ thường nhìn ra ngoài cửa sổ, vô thức ngắm chồng mình dẫn con chơi đùa trong sân phơi lúa trước nhà. Thượng úy Lý ngồi xổm trên đất, nụ cười ấm áp, dang hai tay ra, Cây Nhỏ loạng choạng chạy đến ôm cổ cậu ấy, rồi bỏ ra chạy đi, xong lại chạy về nhào vào lòng bố.

Tống Nhiễm cười, mắt cong cong. "Chỉ có trò như vậy mà anh ấy có thể chơi với Cây Non đến trưa, còn tôi ngắm nhìn họ chơi cũng hết ngày."

Tôi nói: "Chẳng trách cô viết chậm thế."

Ồ, lạc đề rồi. Tôi cũng không hiểu vì sao lại viết ra câu chuyện không liên quan gì đến tác phẩm này như thế nữa. Tuy nhiên trong chuyến viếng thăm đó, có rất nhiều hình ảnh đã vô tình để lại ấn tượng cho tôi, thi thoảng tôi vẫn nhớ đến. Ví dụ như lúc Tống Nhiễm nói chuyện với tôi, Thượng úy Lý âm thầm mang tới một đĩa táo đã gọt sẵn, Tống Nhiễm vừa nói chuyện với tôi vừa liếc nhìn cậu ấy, đáy mắt toát lên niềm yêu thương và dịu dàng. Hay lúc cô ấy và tôi đang trao đổi nội dung bản thảo, Thượng úy Lý dọn dẹp bàn làm việc, thấy tài liệu và bản thảo liền tiện tay sắp xếp gọn gàng cẩn thận. Hay lọ hoa cắm đầy những khóm hoa nhỏ mới hái cùng ấm trà thơm ngát trên bàn.

Tôi nghĩ, có thể không khí ấm áp trong nhà họ chính là thứ mà trong cuộc sống thành thị nhiều năm qua của tôi không có được. Cũng có thể vì mấy năm nay, xã hội chúng ta luôn cổ súy cho việc vị lợi vị kỷ, còn họ lại khác biệt, hệt như hòn đảo cô đơn. Mặc dù, tôi không thể nói quá nhiều về chuyện của họ, nhưng ít ra, những việc họ từng trải qua đều được viết trong tác phẩm này. Mỗi độc giả mở sách ra đọc đều có thể cảm nhận được câu chuyện qua góc nhìn của họ.

Gần đây, vì lên kế hoạch cho ấn bản kỷ niệm năm năm này, tôi đến thăm thượng úy Lý và phóng viên Tống lần nữa. Họ đã sớm dọn đến Bắc Kinh, Cây Non cũng lớn hơn nhiều, đang học tiểu học, vẻ ngoài hay thần thái đều giống hệt bố cậu. Nhà họ có thêm thành viên mới, là Bồ Câu Nhỏ năm tuổi đang học lớp Lá. Phóng viên Tống mở một studio, Thượng úy Lý cũng lên chức Thiếu tá, cậu ấy tự trau dồi kiến thức, cho dù làm việc ở nhà vẫn nghiên cứu khá sâu trong lĩnh vực của mình. Dường như họ đã thay đổi một chút, nhưng lại như không thay đổi gì cả, vẫn hòa hợp êm ấm ở bên nhau.

Tôi vốn định mời Tống Nhiễm viết thêm một lời tựa cho ấn bản kỷ niệm, chỉ có điều cô ấy bảo câu chuyện mình muốn viết đã hoàn thiện từ mấy năm trước, không còn cảm xúc để viết nữa.

Tôi tôn trọng quyết định của cô ấy.

Năm năm qua, khắp nơi trên thế giới lại bùng phát chiến tranh. Xem ra, lời tựa ngày trước cô ấy viết dù cũ nhưng vẫn tinh túy. Dù hai mươi năm sau, đều không cần thêm bớt.

Bắc Kinh

Ngày 01 tháng 09 năm 203x

La Tuấn Phong

***

Lời tựa 3:

Ấn bản kỷ niệm mười tám năm

Lời mở đầu của con trai Lý Tống Chi

Một tuần trước, ông La Tuấn Phong, nhân viên khai thác bản quyền kiêm biên tập tác phẩm của mẹ tôi – bà Tống Nhiễm đã liên lạc với tôi, mong muốn tôi viết lời tựa cho ấn bản kỷ niệm mười tám năm của Cây Olive màu trắng. Tôi chỉ là một sinh viên học ngành Khoa học Công nghệ hai mươi mốt tuổi, bằng với tuổi của Shashin trong tác phẩm, không có năng khiếu sáng tác, cũng không giỏi văn chương. Dù tôi đã nói mình không có khả năng viết lời tựa cho tác phẩm, ông La Tuấn Phong vẫn kiên quyết bảo tôi viết cảm tưởng cũng được.

"Viết cảm tưởng" nghe khá giống đề bài tập làm văn. Nhưng ở đây là viết cảm tưởng về một câu chuyện trong sách, hay cảm tưởng về cả cuốn sách? Ông La Tuấn Phong không cho tôi phạm vi, tôi cũng không tỏ tường cho lắm.

Phần lớn mọi người đều bảo đây là một cuốn sách thiên về chiến tranh. Nếu nói cảm tưởng về chiến tranh, thì đã làm khó cho người chưa từng đích thân trải qua cuộc chiến nào như tôi. Dù luôn luôn có các nước khai chiến với nhau ở khu vực nào đó, nhưng với tôi, đó là chuyện quá đỗi xa xôi.

Tuy thân phận của bố mẹ tôi khá đặc biệt, nhưng cuộc sống của tôi không khác gì so với những đứa trẻ bình thường, không hề có giác ngộ trời sinh gì với vấn đề chiến tranh này.

Hồi bé tôi sống ở vùng nông thôn thành phố Giang. Ký ức đầu tiên trong đời của tôi là về bố. Tôi nhớ mang máng đó là vào một buổi hoàng hôn khi tôi hai tuổi, bố bế tôi đi qua bờ ruộng phủ đầy lá, cánh tay và lồng ngực bố là nơi nương tựa ấm áp và kiên cố nhất trong ký ức hồi bé của tôi.

Mẹ ở bên cạnh hôn trán tôi, khe khẽ gọi: "Tiểu A Toản..."

Bố tôi cười, "Muốn gọi con dậy luôn sao?"

Dĩ nhiên tôi không tỉnh dậy. Trong lòng bố ấm áp và an toàn, tôi duỗi tay chân, ôm bố ngủ mê mệt. Nhắc đến cũng lạ, mẹ luôn thích gọi tôi là Tiểu A Toản, có thể do tôi quá giống bố.

Người thầy đầu tiên trong đời tôi cũng chính là bố. Bố dạy tôi viết chữ, dẫn tôi đi thả diều, bắt ve, câu tôm càng, bắt cua, trồng hoa trồng cỏ. Bố hay dặn:

"Mẹ con sợ ve, chúng ta đừng mang nó về nhà."

"Mẹ thích ăn tôm càng, câu thêm mấy con nữa cho mẹ con."

"Hái mấy đóa hoa về cho mẹ đi."

Phần lớn thời gian, mẹ đều ở bên cạnh bố con tôi, nói luôn miệng:

"A Toản, anh bỏ con xuống đi, để con tự đi."

"A Toản, anh xem trên mặt Cây Nhỏ toàn là bùn kìa, ha ha ha."

"A Toản, hái trộm quả bưởi về được không? Hả, không được sao? Vậy thôi. Lần sau không có Cây Nhỏ thì chúng ta hái sau."

...

Sau đó Tự Chi ra đời, tôi đến tuổi đi học, nhà tôi chuyển lên Bắc Kinh. Thời gian trưởng thành trôi qua cực nhanh, năm này qua năm nọ, tôi dần lớn lên. Có một số việc dù năm tháng trôi qua vẫn không có gì thay đổi, bố tôi luôn là người dịu dàng, đặc biệt là đối với mẹ tôi.

Có thể rất nhiều người khó có thể tin được, song bố tôi và mẹ tôi không hề rời xa nhau ngày nào cả. Sức khỏe của bố tôi không tốt, mỗi tháng đều đến bệnh viện khám định kỳ. Bình thường bố mẹ đều làm việc ở nhà hoặc cùng đến studio của mẹ.

Tôi phải thừa nhận rằng, dù rất yêu bố mẹ mình, tôi cũng chỉ giống như những đứa con khác trên đời, bận tìm hiểu thế giới và lớn lên, không hề chú ý đến cuộc sống và nội tâm của họ. Huống hồ, họ còn có thế giới riêng của hai người, mà thân là con cái như chúng tôi không cách nào tham gia hay chạm đến được.

Trước sau tôi vẫn không chạm được tới nơi sâu nhất trong đáy lòng của bố mẹ, mãi cho đến năm chín tuổi.

Vào dịp kỷ niệm mười năm ngày cưới, bố đưa mẹ con tôi về vùng quê thành phố Giang. Lúc tìm phim tài liệu trong phòng sách, tôi bất ngờ phát hiện được bản thảo và nhật ký mà mẹ tôi chưa công khai. Hôm ấy, tôi mới biết được việc "bố phải đi bệnh viện" mà tôi đã quá quen từ bé đến lớn rốt cuộc có nghĩa gì. Bác sĩ đã sớm bó tay hết cách, vậy mà bố vẫn một mực đấu tranh, vì mẹ, vì sự bất khuất trong cốt cách, cũng vì mơ ước chưa trọn vẹn và niềm kiêu hãnh của bố.

Cũng chính năm đó, từ chiến tranh mơ hồ này bắt đầu trở nên rõ nét trong thế giới của tôi.

Tôi bắt đầu để ý đến chiến tranh, đọc lại tác phẩm này lần nữa. Hồi bé đọc qua, tôi chỉ coi như đọc truyện, cảm thấy vô cùng đặc sắc. Song khi tôi đọc lại lần nữa, lại có cảm giác đau đớn. Hiện giờ viết lời tựa này thì cảm thấy càng bi thương.

Một câu chuyện biết bao người đọc, nhưng thật sự có mấy người để ý đến những nhân vật trong câu chuyện đó? Trong những ngày kỷ niệm chiến thắng nhàm chán kia, có bao nhiêu người nhớ lại quá khứ, và có những ai chú ý đến người may mắn sống sót trong chiến tranh?

Viết đến đây, tôi nhớ đến những việc mình từng trải qua mấy năm qua: Nhiều lần trên phố tôi gặp được những người lính già, họ khổ hạnh nghèo nàn, quần áo lam lũ, tinh thần rối loạn. Người đi đường vội vã né tránh, không hề có ai dừng lại quan tâm.

Khi ấy tôi nghĩ, lẽ nào người nháy mắt chết đi là anh hùng, còn người may mắn sống sót lại là đau đớn và đáng xấu hổ cả đời?

Sau này tôi lại đi tìm sách, tìm phim phóng sự, tìm được rất nhiều ghi chép về người hy sinh, người tử nạn, vô số bộ phim và tiểu thuyết được sáng tác để tưởng niệm họ. Còn người may mắn sống sót lại rất ít, khuôn mặt họ mờ dần theo thời gian, biến mất trong con sông năm tháng.

Gần trăm năm qua, nhiều cuộc chiến tranh đã nổ ra, Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai, Chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh vùng Vịnh, Chiến tranh Israel và Palestine... Nhưng vì sao thì hình như không ai biết, cũng không ai để ý đến những người may mắn sống sót đã phải sống tiếp như thế nào.

Rất nhiều người trong số họ phải sống lưu lạc đầu đường xó chợ, mang trong mình vết thương chẳng bao giờ khép miệng. Họ chỉ tồn tại chứ không hề gọi là sống, và cũng không có cách nào trở về cuộc sống bình thường.

Trước mặt chiến tranh, họ trở thành quân cờ bi kịch của loài người, dùng xong thì bị vứt bỏ.

Mẹ tôi luôn nói, khổ nạn khiến người ta chán ghét, không ai muốn đối mặt và nhìn thẳng vào chúng.

Cho nên, sống sót là xấu xí, quên lãng là im lặng.

Vì vậy, không ai biết mỗi tháng bố tôi đến bệnh viện không chỉ vì chữa trị vết thương trên thể xác mà nhiều hơn là vết thương tâm lý. Bố và mẹ tôi không tách rời dù chỉ một ngày vì không thể để bố một mình được. Không ai biết bố sẽ đau đến thấu xương vào những ngày mưa dầm và rét lạnh, đau đến mức đè nén tiếng rên rỉ trong lòng mẹ tôi. Cũng không ai biết qua rất nhiều năm sau, ông vẫn sẽ rơi lệ khi tỉnh dậy khỏi cơn ác mộng.

Anh hùng được người ta ghi nhớ, khắc tên vào bia đá, người may mắn sống sót lại bị người đời quên lãng, hoàn toàn đổi thay.

Mọi người luôn nói, thời gian sẽ xoa dịu mọi vết thương, rồi có ngày ta sẽ quên đi hết những điều thống khổ, sau đó sẽ tốt hơn. Nhưng không, có những nỗi đau mãi mãi không bao giờ nguôi, cũng có những vết thương vĩnh viễn sẽ không thể lành lại.

Cho nên vào năm tôi chín tuổi, bố đã tự sát bằng khẩu súng lục tự chế.

Sức khỏe của bố luôn rất kém, vào năm đó đã bệnh liệt giường. Thân thể sụp đổ đã thả ra con mãnh thú trong ý thức tinh thần của ông. Bố rơi vào ác mộng triền miên, không có cách nào thoát khỏi. Bố thường hay nhìn ra cửa sổ, bảo nơi đó có cây olive màu trắng. Vấn đề là ngoài cửa sổ không có gì cả, đó là dấu hiệu bố đã nhầm lẫn thực tế thành hư ảo. Lúc ý thức không rõ, thậm chí bố còn không nhận ra tôi và Tự Chi.

Lần đó tôi đến bệnh viện thăm bố, ông nằm trên giường bệnh nhìn tôi, ánh mắt như chìm vào hồi ức: "Con đến rồi hả?"

"Vâng ạ, con đến thăm bố."

"Con bao nhiêu tuổi rồi?"

"Chín tuổi ạ."

"May mà vẫn còn sớm. Chờ đến khi con hai mươi ba tuổi, đừng đẩy tên phần tử khủng bố kia vào nhà dân ven đường."

Tôi bật khóc nghẹn ngào: "Bố, con là Tống Chi, là Cây Non đây."

Thế nhưng ông lại nở nụ cười, "Cây Non, con sẽ từ từ lớn lên, sau này bất kể có bao nhiêu gian khổ cũng đừng sợ. Chim nhỏ sẽ đến tìm con, dù con chịu biết bao đau khổ, hóa thành que diêm, cô ấy cũng sẽ đến tìm con."

Bố cho rằng tôi là ông hồi trẻ, bố không nhận ra tôi nữa. Bố chỉ nhớ được mỗi mẹ tôi.

Khoảng thời gian đó, mẹ tôi ngày nào cũng ở bên bố, sáng tối trông chừng bên cạnh giường bệnh. Cũng chỉ những lúc mẹ tôi có mặt, ý thức của bố mới tỉnh táo. Những ngày cuối cùng, ông rất yếu ớt, chỉ muốn nói chuyện với mẹ tôi, không để bà rời đi dù chỉ một phút.

Có lần tôi đến thăm, nghe bố nói với mẹ: "Nhiễm Nhiễm, anh hối hận rồi."

"Hối hận điều gì?"

"Em còn nhớ anh đã nói với em, kiếp sau muốn làm một thân cây không?"

"Ừ, nhớ. Chuyện lâu lắm rồi."

"Anh hối hận rồi Nhiễm Nhiễm. Kiếp sau anh vẫn muốn làm A Toản, là A Toản trong câu "A Toản đã kết hôn với Nhiễm Nhiễm rồi"."

"Câu này anh vẫn còn nhớ sao?"

"Không phải em bảo anh nhớ kỹ sao?" Bố mỉm cười.

Tôi đứng ngoài phòng bệnh, nước mắt giàn giụa, bởi vì "Nhiễm Nhiễm" của bố, bố tha thứ cho tất cả thống khổ trong cuộc đời.

Bố không nói xin lỗi mẹ, cũng không nói cảm ơn, chỉ nói muốn trở về thành phố Giang, trở về mái nhà ban đầu của họ.

Hôm về quê, tôi nhớ đến một câu chuyện nhỏ vu vơ.

Rất nhiều năm trước, hồi tôi còn học tiểu học, có mùa hè cả gia đình về quê nghỉ hè theo thường lệ, Bồ Câu Nhỏ và mẹ đi hái rau cải cúc. Bố ngồi bên bờ hồ, nắm tay dạy tôi câu tôm càng. Bố vô cùng cao lớn, ôm gọn tôi vào lòng, vô cùng ấm áp. Trên người bố có hương thơm thoang thoảng, như khu rừng mùa xuân trong buổi sớm mai.

Bố thủ thỉ: "Cây Non, bố sẽ cố gắng. Nhưng nếu một ngày bố thất bại, con phải tha thứ cho bố, phải khỏe mạnh trưởng thành, sống cho thật tốt."

Khi đó tôi bảy tuổi, không hiểu lời bố nói, sau này nhớ lại, mới biết bố đã vất vả nỗ lực cả chục năm.

Thời điểm trở về thành phố Giang là mùa đông, cảnh vật đều mang vẻ điêu tàn đìu hiu. Bố ngồi tựa vào ghế, đắp chăn, tuyết rơi đầy ngoài cửa sổ, trải lên mặt đất như một tấm thảm dày. Bố lẳng lặng nhìn mẹ, ánh mắt tĩnh lặng và xa xăm, quyến luyến vô vàn, tràn ngập cảm kích.

Mẹ cũng mỉm cười, đăm đắm nhìn bố. Họ cứ lặng lẽ nhìn nhau suốt buổi chiều tuyết rơi.

Đó là thời khắc tỉnh táo cuối cùng của bố tôi. Sau đó thân thể bố như đèn đã cạn dầu, ý thức không thể quay lại, trong cảnh thực tế và hư ảo giao thoa, bố đã bóp cò súng vào vị trí vết thương trên cổ.

Lúc mất, vẻ mặt bố rất yên bình, mặc bộ đồ ngủ gia đình mua cùng với mẹ con tôi, trên tay đeo sợi dây đỏ, ngón áp út đeo chiếc nhẫn vàng. Bố vẫn đẹp trai tuấn tú hệt thời trẻ.

Mẹ tôi không khóc, chỉ hôn bố thật lâu, giọng khẽ khàng: "A Toản, vất vả cho anh rồi."

Những đấu tranh đau khổ và tràn ngập cảm kích, tình yêu và trách nhiệm đối với mẹ, hối hận tiếc nuối của quá khứ, kiên trì tìm kiếm lý tưởng, hoang mang và ôm lòng cầu may với cuộc sống, khát vọng và quý trọng sinh mệnh trong suốt mười năm qua của bố đều tan thành mây khói theo tiếng súng kia, theo sự ra đi của ông.

Những việc sau đó mọi người đều biết cả rồi. Trong lúc đi lấy tin chiến tranh giữa hai nước A và S, vì cứu một đứa bé nên mẹ tôi đã bỏ mình vì đạn lạc. Lúc thi thể mẹ được đưa về nước, trên quan tài đắp quốc kỳ.

Khi đó, tôi và Tự Chi theo ông nội và bà ngoại đến sân bay đón mẹ, chợt nhớ đến lúc bố hạ táng, mẹ đã cảm khái: "Thật đáng tiếc, trên quan tài của A Toản nên đắp quốc kỳ mới đúng."

Nhìn lá cờ bay phấp phới trên sân bay, tôi nghĩ, hóa ra số phận lại có sự sắp đặt như thế.

Tôi thấy được vẻ mặt của mẹ khi qua đời, tĩnh lặng và an nhiên. Có lẽ, mẹ đã vội vàng muốn đi gặp bố rồi. Dù sao, tôi từng nghe mẹ nói, mẹ tình nguyện chia một nửa sinh mệnh của mình cho bố.

Viết đến đây, đại khái tôi đã hiểu được rốt cuộc chiến tranh là gì. Nó là một nỗi đau trường kỳ, nỗi đau đó có thể vượt thời gian, không gian, thậm chí vượt cả thời đại.

Hai mươi hai năm sau khi chiến tranh kết thúc, tại Boston xa xôi, người con trai chưa đến hai mươi mốt tuổi là tôi đây lại viết ra đoạn văn này dưới sự thôi thúc của cảm xúc bí ẩn nào đó mà lệ rơi đầm đìa.

Tôi không thể viết nhiều, khổ nạn chỉ khiến người ta thấy phiền chán và bài xích. Tôi nên kể lại một vài câu chuyện vui vẻ hơn khiến mọi người mỉm cười.

Mỗi lần nhớ về bố mẹ, dù rất tiếc vì họ không có mặt trong nhiều bước ngoặt của cuộc đời tôi, nhưng tôi cũng rất biết ơn họ. Cảm ơn bố mẹ đã dịu dàng ôm tôi, cho tôi cuộc đời tươi đẹp, khiến mỗi lần tôi nhớ đến họ, tuy rằng tiếc nuối, song lại cảm nhận được hơi ấm vây quanh. Vì bố mẹ đã ở bên nhau nhiều năm chưa hề rời xa nhau dù chỉ một ngày. Mặc dù vì bệnh tình mà bố không có cách nào rời khỏi mẹ, nhưng chính vì thế, tình yêu và sự gắn bó của họ quá sâu sắc, sâu sắc hơn cả thời gian. Nên sau khi họ rời đi, vẫn có người ghi nhớ và tưởng niệm tình yêu của họ.

Tác phẩm này của mẹ tôi đã đạt được quá nhiều giải thưởng, mà gần đây việc hồ sơ được tiết lộ cũng mang đến việc truy phong cho bố tôi, ngày càng nhiều người biết được câu chuyện của họ.

Nếu như các bạn đọc đến đây, hy vọng đừng quá đau buồn, tôi có thể chắc chắn một điều rằng: Những năm tháng bên nhau nồng thắm của họ đã sớm vượt xa cả đời của rất nhiều người.

Họ đã dìu dắt nhau, phấn đấu vì nhau, tự tay tạo dựng cuộc đời rực rỡ của họ.

Tôi nghĩ, đây là lý do vì sao mỗi lần mơ thấy bố mẹ, họ luôn nở nụ cười ôn hòa nhất. Mẹ luôn miệng liên thoắng việc này việc nọ, còn bố mỉm cười nhìn mẹ gật đầu.

Đó cũng là nguyên do của việc dù ở nơi đâu, tôi vẫn luôn cảm nhận được tình yêu của bố mẹ. Trên đại dương, trong gió núi, trên ngọn cây, giữa ánh nắng, đâu đâu tôi cũng đều cảm nhận được và hồi tưởng đến tình yêu của họ, là yêu đối phương và yêu cả thế giới này.

Có một câu mà tôi mãi mãi không kịp nói với bố mẹ: Những năm qua, con từng đi đến rất nhiều nơi, gặp gỡ vô số người, duy chỉ có tâm hồn của bố mẹ vẫn là điều dịu dàng nhất. Được chứng kiến cuộc đời của bố mẹ là điều may mắn và cảm kích nhất đời con.

Boston

Ngày 31 tháng 07 năm 204x

Lý Tống Chi

***

Lời bình của biên tập:

Trước đêm tác phẩm này được đưa đi in ấn bản kỷ niệm mười tám năm, hồ sơ tuyệt mật hai mươi ba năm trước liên quan đến bốn quốc gia đối kháng với phần tử khủng bố đã được công khai.

Thiếu tá Lý Toản được truy phong Liệt sĩ, cũng được trao tặng danh hiệu Anh hùng, truy phong Chiến công hạng nhất, thăng cấp bậc quân hàm Thượng tá. Chính phủ nước D trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống, Liên Hiệp Quốc trao tặng Huân chương Hòa bình thế giới. Thượng tá Lý Toản chính là lính đặc chủng biệt hiệu L trong tác phẩm.

Đồng thời cũng trao tặng Chiến công cho bốn vị anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tha hương hai mươi hai năm trước, tên của họ vừa được công bố lần đầu là Vương Kiếm Phong, Quý Hạo Nhiên, Tiểu Lệ, Phương Chấn.

**E*F*F**

Kính tặng tác phẩm này cho mỗi người tha thiết yêu thương sinh mệnh.

- -----HẾT------

Lời kết

Lúc viết lời kết này, tác phẩm đã được đăng đầy đủ trên mạng rất nhiều ngày. Bất ngờ là, sau một thời gian dài, vẫn có rất nhiều độc giả, bạn bè gửi thư bày tỏ cảm tưởng với tôi, để lại những bình luận thật dài. Kiểu cảm xúc chầm chậm lên men này là điều tôi không ngờ đến, giống như bản thân tôi hiện giờ vậy. Một ngày trước khi tác phẩm kết thúc, sáng sớm tôi đã bận rộn rời khỏi nơi thân quen, đến sân bay để ra nước ngoài. Đến giờ tôi đã đi qua vài đất nước, vài thành phố, quay đầu nhìn lại, tôi vẫn chưa thoát được cái bóng của cây olive.

Tôi đã lên dàn ý cho tác phẩm từ ba năm trước, vào cuối năm 2015. Sau khi viết xong Thời niên thiếu tươi đẹp ấy vài tháng, tôi muốn viết một truyện ngắn về đề tài chiến tranh, đã đặt sẵn tên là Cây Olive màu trắng, nhưng khi ấy nam nữ chính vẫn chưa phải là Lý Toản và Tống Nhiễm hiện giờ. Lúc đó tôi viết được ba, bốn chương rồi gác lại một bên, vì cảm thấy chưa ổn. Có thể nói, nam nữ chính thời điểm ấy chỉ thuộc kiểu nam thô lỗ và nữ kiêu kỳ, người thì độc tài ngông cuồng, người lại gợi cảm ngang ngược.

Nguyên nhân gác lại rất đơn giản. Một là tôi cảm thấy câu chuyện này đã tái diễn lại tác phẩm Anh biết gió đến từ đâu. Tuy tôi khá am hiểu về nhân vật kiểu đó, nhưng bản thân việc tái diễn này hết sức vô nghĩa. Hai là viết chiến trường thành sân khấu để thể hiện sức hút lóa mắt của cá nhân thì khinh nhờn và lỗ mãng quá.

Thế là tôi cứ gác đề tài này lại đó, không sờ tới nữa. Mãi cho đến những năm gần đây, xem được nhiều tin tức và sự kiện liên quan, tôi lại có ý tưởng và cảm xúc mãnh liệt để viết tiếp.

Một lần nữa nhấc bút lên viết dàn ý, vấn đề và lựa chọn khó khăn nhất vẫn là xây dựng tính cách cho nhân vật chính. Bởi cá tính sắc sảo thì dễ viết, dễ tạo mâu thuẫn nảy lửa và cao trào hơn. Nhưng thâm tâm tôi lại muốn thử viết một kiểu tính cách mới, không gai góc, không sắc bén mà chỉ bình dị và dịu dàng như nước. Từ lúc bắt đầu nghiệp sáng tác đến nay, tôi chưa từng viết ra nhân vật nào thật sự bình thường. Tôi muốn thử một lần, thử thách bản thân một chút.

Cuối cùng, sau vài lần sửa đổi lớn, nam chính từ "hiên ngang ngông cuồng" đến "lạnh lùng khó gần" cuối cùng thành "ôn hòa lương thiện", nữ chính từ "gợi cảm ngang ngược" đến "tâm cơ thủ đoạn" và sau cùng thành "dịu dàng trầm tính". Họ là hai con người hết sức bình thường, có tính cách không hề nổi trội.

Bỏ đi tất cả cá tính và thu hút, hay nói rõ hơn là sự gai góc của nhân vật chính, đặt ra một thử thách mới, viết về một người không lạnh lùng cũng không hoạt bát, không nổi trội cũng không nham hiểm, không ngang ngược cũng không mềm yếu, không ngông cuồng cũng không phách lối, mà chỉ bình dị hệt như một cảnh nền.

Tôi nghĩ, đoạn kết của tác phẩm có thể ôn hòa bình thản mới ẩn chứa sức mạnh lớn nhất. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến quyết định cuối cùng của tôi. Bởi vì, xưa nay điều tôi muốn viết không phải là tác phẩm về chiến tranh, mà là chống chiến tranh. Đây mới là nội dung chính của Cây Olive màu trắng.

Lúc kết thúc, tôi đã nói một câu, nhớ lại lúc đầu sáng tác, tôi đã gạt bỏ những nhân vật mang cá tính ngang tàng nổi bật mà chọn A Toản và Nhiễm Nhiễm dịu dàng nhất, tôi thấy vô cùng may mắn và cảm kích với lựa chọn khi ấy của mình.

Sau đó từ phản hồi của độc giả, phát hiện ra mọi người đều cảm nhận được tình yêu, sức mạnh và cá tính cứng cỏi nằm sâu trong vẻ dịu dàng kia, tôi lại thấy vui mừng khôn xiết.

Viết xong tác phẩm này, chính bản thân tôi cũng có chút nhói lòng. Nói thế nào nhỉ, cảm giác giống như đã... trao hết tất cả tình yêu, bi thương và dịu dàng của mình vào câu chuyện này.

Tôi chỉ muốn viết nên câu chuyện và kết cục tôi muốn, còn bạn có đồng cảm được hay không thì tùy duyên. Tuy nhiên, hy vọng bạn đừng đau buồn, khó chịu hay giận tôi.

Tôi nghĩ, các bạn đều yêu A Toản và Nhiễm Nhiễm như chính tôi.

Tôi vẫn muốn viết về một người lính chân chính, không phải như những người lính đa số được đắp nặn hình tượng đẹp trai, hùng dũng, bá đạo, ngang tàng, không phải kiểu tổng giám đốc giàu có khoác quân trang, yêu giang sơn hơn yêu mỹ nhân. Nam chính không cần là người lạnh lùng rắn rỏi. Khi cởi bỏ quân trang, anh cũng chỉ là người bình thường, giống như bao thanh niên khác, ôn hòa thẹn thùng, thậm chí còn hay xấu hổ. Nhưng khi khoác lên người bộ quân trang, anh phải gánh vác tất cả trên vai, phải dốc hết kiên cường vì niềm tin và lý tưởng của chính mình. Dù cho phải hy sinh tình yêu của bản thân, chịu đựng đau khổ và tra tấn, nhưng vẫn phải chọn tuân theo quân lệnh, đó mới là lính.

Trên thực tế, có rất nhiều quân nhân mang tính cách ôn hòa hay thẹn thùng, không phải lúc nào cũng nghiêm trang nhiệt huyết, nam tính hừng hực. Họ là người rất đỗi bình thường, nhưng lại không thể nghi ngờ năng lực của họ trên chiến trường.

A Toản chính là người lính như thế, ôn hòa, thương người, lý trí và tỉnh táo.

Mà phóng viên của chúng ta thì sao? Như bao cô gái trong cương vị công tác khác, không hề mang khí thế lấn át, phóng khoáng ngông nghênh, nhưng họ vẫn hoàn thành trọn vẹn công việc của mình. Tống Nhiễm chính là cô gái như thế đấy, vứt vào giữa đám đông sẽ chẳng hề nổi bật, nhưng lại tỏa sáng trong sở trường của bản thân. Bởi lẽ, ai cũng tỏa ra một vẻ đẹp cao quý khi họ nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình, hệt như mỗi độc giả đang đọc tác phẩm này.

Câu chuyện kể về hai người hết sức bình thường, họ gặp gỡ, hiểu nhau, sau đó nắm tay đi đến hết cuộc đời. Cuộc đời là ngọt hay đắng, đáng giá hay không, hối hận hay không thì chỉ họ mới biết được.

Còn tôi vô cùng cảm kích sức mạnh toát ra từ bản thân họ. Phẩm chất chói sáng nhất chính là thấu hiểu, tha thứ, là trải qua tất cả khổ nạn vẫn giữ vững được tấm lòng nguyên vẹn, mỉm cười dịu dàng với thế giới.

A Toản, Nhiễm Nhiễm, tôi từng đi đến rất nhiều nơi, gặp gỡ vô số người, duy chỉ có tâm hồn của hai bạn vẫn là điều dịu dàng nhất. Gặp được hai bạn, là may mắn vô vàn của tôi.

Bắc Kinh

Ngày 16 tháng 11 năm 2018

Cửu Nguyệt Hi
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top