Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!
Dịch Full 1Q84 (Tập 2)
Chương 20: Tengo


Con voi biển và ông chủ tiệm bán mũ điên

Đúng vậy. Có hai mặt trăng.

Một là mặt trăng xưa nay vẫn luôn có đó, còn một là mặt trăng nhỏ hơn nhiều, màu xanh xanh, hơi méo mó, và kém sáng hơn nhiều. Thoạt trông như đứa trẻ họ hàng xa, vừa nghèo vừa xấu xí, bị vận rủi đưa đẩy đến gia đình này, không được ai niềm nở đón chào. Nhưng hiển nhiên, nó vẫn ở đó, không thể phủ nhận được. Không phải là một bóng ma, không phải là ảo giác quang học. Nó là một thiên thể, có thực thể và hình dáng rõ ràng, treo lơ lửng trên bầu trời. Không phải máy bay, không phải tàu vũ trụ, không phải vệ tinh nhân tạo, cũng không phải món đạo cụ bằng giấy bồi ai đó làm cho vui. Không nghi ngờ gì, nó là một khối đá. Tựa hồ như một dấu chấm câu chỉ được đặt xuống sau khi suy tính kỹ càng, hoặc một nốt ruồi đen có từ thuở lọt lòng, nó lặng lẽ, bướng bỉnh chiếm lấy vị trí của mình trên bầu trời đêm.

Tengo nhìn chằm chằm hồi lâu vào mặt trăng mới ấy như thể muốn gây hấn với nó, không chịu rời mắt, gần như không chớp mắt dù chỉ một lần. Nhưng dẫu anh có chăm chú nhìn bao lâu, nó vẫn không nhúc nhích, im lìm, ngoan cố ở lì một chỗ trên bầu trời.

Tengo buông lỏng nắm tay phải đang siết chặt, khẽ lắc đầu gần như vô thức. Thế này chẳng phải giống hệt như trong Nhộng không khí sao? Thế giới có hai mặt trăng treo trên bầu trời. Khi Tử thể sinh ra, mặt trăng sẽ biến thành hai.

“Đó chính là dấu hiệu. Cô phải chú ý nhìn lên trời,” Người Tí Hon nói với cô bé.

Người viết ra đoạn này là Tengo. Nghe theo lời khuyên của Komatsu, anh đã cố gắng miêu tả vầng trăng mới này càng tỉ mỉ và cụ thể càng tốt. Đây cũng là đoạn anh bỏ công sức nhiều nhất. Hình dạng của mặt trăng mới này gần như hoàn toàn là do Tengo tự nghĩ ra.

Komatsu nói: “Tengo à, cậu thử nghĩ mà xem: bầu trời chỉ có một mặt trăng thì độc giả đã thấy không biết bao nhiêu lần rồi. Nhưng trên trời cùng lúc hiện ra hai mặt trăng, cảnh tượng ấy chắc chắn họ chưa thấy bao giờ. Khi cậu miêu tả trong tiểu thuyết một thứ gần như tất cả độc giả đều chưa từng thấy bao giờ thì nhất định cần phải tả càng kỹ càng chuẩn xác càng hay.”

Một ý kiến hết sức hợp lý.

Vẫn ngẩng đầu nhìn trời, Tengo lại lắc đầu. Mặt trăng mới thêm vào kia, cả về kích cỡ lẫn hình dáng đều hoàn toàn giống hệt như anh đã viết ra lúc nhất thời hứng khởi. Thậm chí cả những lối ví von anh sử dụng cũng hầu như hoàn toàn ăn khớp.

Không thể nào như vậy được, Tengo nghĩ. Hiện thực kiểu gì lại đi mô phỏng theo hư cấu trong tiểu thuyết chứ? “Không thể nào như vậy được,” anh thốt câu đó thành tiếng, hoặc cố thử thốt thành tiếng, song không thể phát ra âm thanh. Cổ họng anh khô khốc nứt nẻ, như thể anh vừa chạy một quãng đường rất dài. Bất kể thế nào, chuyện quái đản này không thể xảy ra được. Đó là thế giới hư cấu! Một thế giới không tồn tại trong hiện thực. Đó là thế giới trong câu chuyện kỳ ảo mà Fukaeri kể cho Azami hằng đêm, rồi chính anh đã gia công nó thành văn tự.

Chẳng lẽ đây là thế giới trong tiểu thuyết? Tengo tự hỏi. Chẳng lẽ bằng cách nào đó mình đã thoát ly khỏi thế giới hiện thực, bước vào trong thế giới của Nhộng không khí, giống như Alice rơi vào hang thỏ? Hay là thế giới hiện thực đã bị cải tạo sao cho trở nên giống hệt như trong Nhộng không khí? Thế giới vốn có xưa nay, thế giới quen thuộc chỉ có một mặt trăng kia không còn tồn tại nữa chăng? Phải chăng sức mạnh của Người Tí Hon có liên quan mật thiết đến chuyện này?

Anh đưa mắt nhìn xung quanh, tìm câu trả lời. Nhưng đập vào mắt anh chỉ có cảnh tượng của một khu dân cư đô thị hoàn toàn bình thường. Không thấy thứ gì kỳ dị hay bất bình thường cả. Hoàng hậu Quân bài, không voi biển, không ông chủ tiệm bán mũ điên cũng không. Xung quanh anh là những hố cát và xích đu không người, ngọn đèn thuỷ ngân đang rải xuống thứ ánh sáng vô sinh, cây sồi cành lá rậm rạp, nhà vệ sinh công cộng đã khoá cửa, toà nhà sáu tầng (chỉ có bốn căn hộ còn sáng đèn), bảng thông báo của chính quyền quận, cái máy bán hàng tự động màu đỏ có in logo của Coca Cola. Một chiếc Volkswagen Golf màu xanh lá cây kiểu cũ đỗ trái phép, cột điện và dây điện, xa xa có thể thấy những ngọn đèn neon với màu sắc cơ bản. Chỉ có những thứ ấy. Những tiếng ồn bình thường của thành phố, những ánh sáng bình thường. Tengo đã sống ở khu vực Koenji này bảy năm. Không phải anh thích định cư ở khu này. Anh chỉ tình cờ tìm được một căn hộ cho thuê giá rẻ cách nhà ga không xa lắm, liền dọn đến ở luôn. Ở đây đi làm rất tiện, anh lại lười chẳng muốn chuyển nhà cho nên cứ ở mãi đến giờ. Có điều, phong cảnh ở đây thì anh đã quá quen thuộc, có thay đổi gì là anh có thể phát hiện ra ngay.

Số lượng mặt trăng đã tăng lên từ khi nào? Tengo không thể chắc được. Có lẽ từ mấy năm trước mặt trăng đã biến thành hai mà anh không để ý thấy. Anh thường bỏ sót rất nhiều thứ kiểu ấy. Anh lười đọc báo, cũng không bao giờ xem ti vi. Có thể nói những sự biệt mọi người đều biết mà chỉ mình anh không biết nhiều không đếm xuể. Cũng có thể vừa nãy đã xảy ra chuyện gì đó khiến mặt trăng từ một biến thành hai. Tốt nhất là hỏi người bên cạnh: “Xin lỗi, tôi hỏi câu này có lẽ hơi kỳ quặc, nhưng biết đâu anh lại biết. Mặt trăng từ một biến thành hai từ bao giờ vậy?” Nhưng quanh Tengo chẳng có một bóng người. Không thấy ngay cả một con mèo.

Không, không phải không có người. Có ai đó ở gần đây đang cầm búa đóng đinh lên tường. Đinh, đinh, đinh, đinh, những âm thanh không ngừng vẳng đến; bức tường rất rắn, cái đinh cũng vậy. Giờ này có ai còn đóng đinh lên tường làm gì nữa? Tengo lấy làm lạ, bèn nhìn quanh quất, song chẳng thấy đâu có bức tường như thế, cũng chẳng có bóng dáng người đang đóng đinh nào cả.

Một lúc sau anh mới phát hiện ra đó là âm thanh do tim mình phát ra. Quả tim anh bị adrenalin từ tuyến thượng thận kích thích, đang bơm lượng máu tăng đột biến đi khắp cơ thể. Nó đang dội thình thình trong tai anh.

Cảnh tượng hai mặt trăng khiến Tengo hơi choáng váng, giống như lúc bất thình lình đứng vụt lên, như thể hệ thần kinh bị rơi vào trạng thái mất cân bằng. Anh ngồi xuống đỉnh cầu trượt, dựa vào tay vịn, nhắm mắt lại, cố chịu đựng. Anh có cảm giác dường như lực hấp dẫn xung quanh mình đang biến đổi một cách tinh vi. Ở đâu đó triều đang dâng, nhưng ở nơi nào đó khác triều lại đang rút. Mọi người qua qua lại lại giữa insane và lunatic[1] với nét mặt đờ đẫn không xúc cảm.

[1] Ở tập trước có nhắc đến “insane” là người thần kinh không bình thường, còn “lunatic”, theo truyền thuyết ở Anh, là những người thần kinh không bình thường do ảnh hưởng của mặt trăng.

Trong trạng thái choáng váng ấy, Tengo bỗng sực nhớ ra, đã lâu lắm rồi anh không bị ảo ảnh về mẹ mình quấy nhiễu. Hình ảnh anh khi vẫn còn là đứa trẻ sơ sinh đang say ngủ, bên cạnh nó, người mẹ mặc váy ngủ màu trắng để một người đàn ông trẻ tuổi mút nụ hoa. Anh hầu như hoàn toàn quên mất mình từng bị ảo ảnh đó hành hạ suốt nhiều năm. Lần cuối cùng mình nhìn thấy ảo ảnh đó là lúc nào nhỉ? Anh không thể nhớ chính xác, có lẽ là từ lúc anh bắt tay viết cuốn tiểu thuyết mới. Không hiểu vì nguyên nhân gì, bóng ma của mẹ dường như đã ngừng ám ảnh anh kể từ thời điểm ấy.

Nhưng thay vào đó lúc này Tengo đang ngồi trên một cái cầu trượt trong sân chơi dành cho trẻ con ở Koenji, ngước nhìn hai mặt trăng treo trên bầu trời. Một thế giới mới, kỳ quặc và khó hiểu, lặng lẽ bủa vây quanh anh như một dòng nước cuồn cuộn tối tăm. Tengo nghĩ, chắc là mối phiền nhiễu mới đã đến xua đi mối phiền nhiễu cũ. Có lẽ câu đố cũ quen thuộc đã được thay bằng một câu đố mới. Tengo không hề có ý giễu cợt khi nghĩ như thế, cũng không thấy có gì đáng phải phàn nàn. Cái thế giới mới trước mặt mình lúc này đây, cho dù căn nguyên của nó từ đâu, mình cũng không có lựa chọn nào khác ngoài lẳng lặng chấp nhận nó. Ngay cả ở thế giới từng tồn tại trước đây, mình cũng đâu có quyền lựa chọn. Đằng nào cũng vậy. Và ngoài ra, anh tự hỏi mình, dù có muốn phàn nàn, rốt cuộc mình phải phàn nàn với ai đây?

Tim anh vẫn tiếp tục phát ra âm thanh cứng ngắc khô khốc, song cảm giác choáng váng đã ngơi dần. Tengo lắng tai nghe tiếng tim đập, dựa đầu vào tay vịn cầu trượt, ngửa mặt nhìn hai mặt trăng lơ lửng trên bầu không khu Koenji. Một cảnh tượng thật quái dị. Một thế giới mới với một mặt trăng mới. Mọi thứ đều bất định, mọi thứ đều đa nghĩa. Nhưng có điều này mình có thể khẳng định, Tengo nghĩ, sau này, dù có xảy ra chuyện gì , mình cũng không bao giờ coi cảnh tượng hai mặt trăng cùng treo bên nhau trên bầu trời này là bình thường và như một lẽ dĩ nhiên.

Lúc đó, rốt cuộc Aomame đã giao kết thoả ước bí mật gì với mặt trăng? Tengo tự hỏi. Anh nhớ lại ánh mắt hết sức nghiêm trang của Aomame khi ngước lên nhìn vầng trăng giữa ban ngày. Lúc đó, rốt cuộc cô đã ký thác điều gì với mặt trăng?

Còn mình, điều gì sẽ xảy đến với mình?

Năm mười tuổi, là cậu bé nhút nhát sợ hãi đứng trước cánh cửa lớn, Tengo cứ băn khoăn nghĩ mãi chuyện này trong khi Aomame tiếp tục nắm tay anh trong lớp sau giờ tan học. Đến giờ, anh vẫn băn khoăn một chuyện ấy. Anh vẫn cứ bất an như thế, sợ hãi như thế, run rẩy như thế. Trước mặt anh là một cánh cửa mới còn lớn hơn. Và mặt trăng cũng lơ lững ở đó, song lần này là hai trăng, không phải một.

Aomame có thể ở đâu?

Anh lại đưa mắt nhìn xung quanh cái cầu trượt một lần nữa. Nhưng thứ anh mong mỏi tìm được thì chẳng thấy đâu. Anh xoè tay trái ra trước mắt, cố tìm ra manh mối gì đó. Nhưng trên lòng bàn tay anh ngoài mấy đường chỉ hằn sâu ra không còn thứ gì khác. Dưới ánh sáng thiếu chiều sâu của ngọn đèn thủy ngân, trông chúng như dấu vết còn sót lại của những con kênh trên bề mặt sao Hoả. Nhưng chúng chẳng cho anh biết bất cứ điều gì. Cái bàn tay to gộ này chỉ cho anh thấy con đường đời dài đằng đẵng của anh từ năm mười tuổi đến nay để cuối cùng tới nơi này, trên cái cầu trượt trong khu vui chơi dành cho trẻ con ở khu Koenji, nơi có hai mặt trăng cùng lơ lửng trên bầu trời.

Aomame có thể ở đâu? Tengo lại tự hỏi. Rốt cuộc cô ấy đang ẩn nấp ở đâu?

“Có lẽ cô ấy ở gần đây thôi,” Fukaeri nói. “Có thể đi bộ từ đây đến.”

Aomame hẳn đang ở gần đây, cô ấy có nhìn thấy hai mặt trăng này không nhì?

Chắc chắn là có, Tengo nghĩ. Dĩ nhiên, anh không có căn cứ gì cả, nhưng anh tin chắc vào điều đó, niềm tin kiên định đến khó tin. Cô có thể nhìn thấy thứ anh đang nhìn thấy. Tengo nắm chặt bàn tay trái lại, đấm lên cầu trượt mạnh đến nỗi, mu bàn tay đau điếng.

Chính vì vậy chúng ta cần phải tình cờ gặp nhau, ở đâu đó có thể đi bộ từ đây tới, Tengo nghĩ. Aomame có lẽ đang bị ai đó truy đuổi, cô đang ẩn mình ở đâu đó, như con mèo bị thương. Mình không có nhiều thời gian để tìm cô ấy. Nhưng rốt cuộc là ở đâu? Tengo hoàn toàn không biết.

“Hô hô…” người phụ trách bè kêu lên.

“Hô hô…” sáu người còn lại phụ hoạ theo.
 
Chương 21: Aomame


Mình phải làm sao?

Đêm đó, Aomame mặc bộ đồ thể thao màu xám, mang dép lê đi ra ngoài ban công để nhìn mặt trăng. Nàng cầm theo một cốc ca cao. Tự dưng nàng lại muốn uống ca cao, đã lâu lắm rồi không có chuyện này. Trong tủ bếp có một hộp ca cao bột hiệu Van Houten, nhìn thấy nó, nàng đột nhiên muốn uống. Trên nền trời trong vắt không gợn một vạt mây nào ở phía Tây Nam, có hai mặt trăng đang lơ lửng, một lớn một nhỏ. Nàng muốn thở dài, nhưng thay vào đó chỉ khẽ phát ra một tiếng rên khẽ thấp trầm trong cổ họng. Từ khi nhộng không khí sinh ra Tử thể, mặt trăng liền biến thành hai, và năm 1984 biến thành năm 1Q84. Thế giới cũ đã một đi không trở lại, và nàng không thể nào quay về đó được nữa.

Aomame ngồi trên chiếc ghế ngoài ban công, nhấp từng ngụm ca cao nóng, nheo mắt ngước nhìn hai mặt trăng, cố gắng lục tìm những ký ức về thế giới cũ. Nhưng giờ đây nàng chỉ có thể nhớ lại mỗi chậu cây cao su Ấn Độ đặt trong góc căn hộ cũ. Giờ nó ở đâu? Tamaru có chăm sóc cho cái cây ấy như đã hứa trên điện thoại không? Dĩ nhiên là có. Chẳng có gì phải lo lắng, Aomame tự nhủ. Tamaru là người biết giữ lời hứa. Nếu cần thiết, có lẽ anh ta sẽ giết chết ta mà chẳng hề do dự. Nhưng dù thế, anh ta vẫn sẽ chăm sóc cây cao su Ấn Độ của ta cho đến tận cùng.

Nhưng sao mình lại lo lắng về cây cao su Ấn Độ ấy như thế?

Đến tận lúc vứt bỏ nó, rời khỏi căn nhà ấy, Aomame hầu như chẳng bao giờ chú ý đến cây cao su Ấn Độ. Đó là một cái cây hết sức tầm thường, màu sắc bệch bạc đơn điệu, trông ủ rũ, nhìn qua là biết yếu ớt quặt quẹo thế nào. Nó là hàng giảm giá đặc biệt, nhãn giá ghi 1.800 yên, nhưng khi nàng bê nó đến quầy, cô thu ngân chẳng nói chẳng rằng giảm luôn còn 1.500 yên. Nếu mặc cả, có khi nàng còn mua được rẻ hơn nữa. Hẳn là đã lâu lắm rồi chẳng ai buồn hỏi đến nó. Suốt dọc đường về nhà, nàng cứ thấy hối tiếc đã nhất thời hứng lên mà mua thứ này về, không phải chỉ vì nó trông xấu xí buồn thảm, cành lá rườm rà, khó mang, mà còn bởi nó là vật có sự sống.

Đó là lần đầu tiên trong đời nàng ôm trên tay một vật có sự sống. Dù là thú cưng hay chậu cây cảnh, nàng chưa từng mua, chưa từng được tặng, lại càng chưa từng nhặt ở trên đường. Với nàng, đây là lần đâu tiên nàng sống chung với một thực thể có sự sống riêng. Khi nhìn thấy hai con cá vàng nhỏ bà chủ mua ở chợ đêm tặng cho Tsubasa trong phòng khách nhà bà, Aomame cũng rất muốn có những con cá vàng như thế. Thèm muốn mãnh liệt. Nàng không thể rời mắt khỏi lũ cá vàng ấy. Tại sao mình lại đột nhiên thèm muốn thứ ấy? Có lẽ vì ghen tị với Tsubasa. Chưa từng có ai mua đồ ở chợ đêm tặng cho Aomame, thậm chí chưa từng có ai từng dẫn nàng di dạo chợ đêm. Cha mẹ nàng là tín đồ nhiệt thành của hội Chứng nhân Jehovah, trung thành vô hạn với lời dạy trong Kinh Thánh, bởi vậy họ luôn coi khinh và tránh xa mọi hoạt động ồn ào của cõi tục thế.

Vì vậy Aomame quyết định tự mình đến cửa hàng giảm giá ở gần ga tàu điện ngầm Jiyugaoka mua cá vàng. Không ai mua cá vàng và âu cá tặng mình thì mình tự mua vậy. Thế thì đã sao? Nàng nghĩ. Mình đã ba mươi rồi, sống độc thân trong căn nhà của chính mình. Mình có hàng bó tiền chất như gạch trong két bảo hiểm ngân hàng. Mấy việc kiểu như mua một đôi cá vàng này, mình chẳng phải xin phép ai cả.

Nhưng khi đến quầy bán thú cưng và tận mắt thấy những con cá vàng đang phe phẩy cặp vây mỏng như ren bơi qua bơi lại giữa đám rong nước, Aomame lại không muốn mua nữa. Cá vàng rất nhỏ, thoạt trông có vẻ là một giống cá không có tư tưởng, không có tự ngã, nhưng dẫu sao nó cũng là một thể sống hoàn chỉnh. Nàng cảm thấy bỏ tiền ra mua một sinh thể sống làm sở hữu của riêng mình dường như là việc không thích đáng. Nó còn làm nàng nhớ lại tình cảnh của mình thời thơ ấu. Lũ cá vàng bị cầm tù trong cái ang thủy tinh chật hẹp, chẳng thể đi đâu, cũng không thể phản kháng. Có vẻ như lũ cá vàng chẳng hề cảm thấy trạng thái này là không ổn. Có lẽ bọn chúng thực tình chẳng muốn đi đâu. Nhưng dù có vậy, Aomame vẫn không thể nào cảm thấy thoải mái.

Lúc nhìn thấy cá vàng ở phòng khách nhà bà chủ, nàng không hề có cảm giác ấy. Lũ cá có vẻ vui thích bơi lượn trong bình thủy tinh một cách thanh nhã, ánh nắng mùa hạ khẽ gợn trong làn nước. Vậy nên nàng nghĩ, sống chung với cá vàng hình như là một ý rất hay, chúng hẳn sẽ mang lại cho cuộc sống của nàng ít nhiều sự ấm áp. Nhưng khi đứng trước quầy bán thú cưng ở cửa hàng giảm giá cạnh nhà ga, lũ cá vàng chỉ khiến Aomame cảm thấy tức thở. Không được. Mình không thể nuôi cá vàng được.

Đúng khoảnh khắc đó, cây cao su Ấn Độ trong góc cửa hàng lọt vào mắt nàng. Nó bị nhét vào chỗ khuất tầm nhìn, như đứa trẻ mồ côi bị người ta vứt bỏ. Ít nhất thì Aomame cũng cảm thấy như thế. Cái cây không bóng bẩy, hình dạng oằn oèo không đẹp, nhưng nàng thậm chí không nghĩ ngợi gì đã mua ngay nó về. Không phải mua vì thích, mà bởi nàng không thể không mua nó. Kỳ thực, mặc dầu đã mua về để trong nhà, song ngoài những lúc thi thoảng tưới nước, nàng gần như chẳng bao giờ để mắt đến nó.

Nhưng khi bỏ lại nó sau lưng, và nhận ra sau này mình không thể nhìn thấy nó nữa, không hiểu sao Aomame cứ lo lắng mãi không thôi cho cái cây cao su Ấn Độ. Nàng nhăn tít mặt lại, giống như những khi tâm trạng rối bời, chỉ muốn hét to lên. Mọi cơ mặt nàng đều bị kéo ra đến gần như cực hạn, gương mặt nàng hoàn toàn biến đổi, như thể thành một người khác. Sau khi đã nhăn mặt theo đủ góc độ khác nhau, Aomame đưa gương mặt trở về nguyên dạng.

Tại sao mình lại lo lắng về cây cao su Ấn Độ ấy như thế?

Dù thế nào, chắc chắn Tamaru sẽ chăm sóc cho cái cây cao su Ấn Độ ấy tử tế. Anh ta đã quen với việc chăm sóc và yêu thương những thứ có sinh mệnh. Không như mình. Tamaru đối xử với con chó như đối với phân thân của mình. Thậm chí, hễ rảnh rỗi là anh ta lại loanh quanh khắp vườn nhà bà chủ, cẩn thận kiểm tra tỉ mỉ cây cối trong vườn. Hồi còn ở cô nhi viện, anh ta từng liều mạng sống bảo vệ một đứa bé ngốc nghếch nhỏ hơn mình. Mình chẳng thể nào làm được những chuyện như thế, Aomame nghĩ. Mình không có thời gian để chịu trách nhiệm về sự sống của người khác. Chỉ riêng việc chịu đựng sức nặng cuộc sống của bản thân mình, sự cô đơn của bản thân mình là đã đủ cho mình kiệt sức rồi.

Hai chữ “cô đơn” khiến Aomame nhớ đến Ayumi.

Ayumi bị một gã không rõ lai lịch nào đó dùng còng tay khóa vào giường khách sạn cưỡng hiếp, sau đó lấy thắt lưng của áo choàng tắm siết cổ chết. Theo Aomame được biết, hung thủ đến giờ vẫn ngoài vòng pháp luật. Ayumi có người thân, có đồng nghiệp, nhưng cô ấy vẫn cô đơn, cô đơn đến mức thậm chí chỉ có thể chết theo cách ghê rợn như thế. Mà mình thì không ở đó với cô ấy. Cô ấy cần gì đó ở mình, chắc chắn là vậy. Nhưng mình cũng có những bí mật riêng, sự cô đơn riêng cần được bảo vệ. Những bí mật và sự cô đơn không thể nào chia sẻ với Ayumi. Tại sao Ayumi lại cứ muốn tìm sự trao đổi về tâm hồn với loại người như mình chứ? Trên đời này chẳng phải vẫn còn rất nhiều người khác sao?

Aomame nhắm mắt lại, và chậu cây cao su Ấn Độ bị bỏ lại trong gian phòng trống không ấy lại hiện lên trong óc nàng.

Tại sao mình lại lo lắng về cây cao su Ấn Độ ấy như thế?

Sau đó, Aomame khóc một chặp. Làm sao thế này? Nàng khẽ lắc đầu, thầm nhủ, dạo này mình khóc nhiều quá. Nàng không muốn khóc một chút nào. Sao mình lại chảy nước mắt vì cái cây cao su Ấn Độ xấu xí đó? Nhưng nàng không sao cầm được nước mắt. Aomame khóc đến nỗi hai vai run lên. Mình chẳng còn gì nữa cả. Thậm chí cả một cây cao su Ấn Độ giản dị cũng không còn. Những thứ có chút giá trị mà mình sở hữu đều lần lượt biến mất. Tất cả đều rời xa mình, ngoại trừ ký ức ấm áp tề Tengo.

Mình không được khóc nữa, nàng tự nói với mình. Giờ mình đang ở bên trong cơ thể Tengo, giống như các nhà khoa học trong bộ phim Hành trình kỳ diệu. Đúng rồi, bộ phim đó tên là Hành trình kỳ diệu. Nhớ lại được tên phim, Aomame ít nhiều bình tĩnh lại, nàng nín khóc. Dù nước mắt có chảy thành sông cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Mình phải trở lại là Aomame bình tĩnh và kiên cường trước đây.

Ai mong muốn điều đó?

Chính mình mong muốn điều đó.

Nàng đưa mắt nhìn xung quanh. Trên trời vẫn lơ lửng hai mặt trăng.

“Đó chính là dấu hiệu. Cô phải chú ý nhìn lên trời,” một Người Tí Hon nói. Đó là Người Tí Hon có giọng rất nhẹ.

“Hô hô…” người phụ trách bè kêu lên.

Ngay khi đó, Aomame đột nhiên phát hiện ra: không chỉ có mình nàng đang ngẩng đầu lên nhìn mặt trăng. Phía bên kia đường cái, nàng nhìn thấy trong sân chơi dành cho trẻ em đối diện có một người đàn ông trẻ. Anh ngồi trên đỉnh cầu trượt, đang nhìn chăm chăm về cùng một hướng với nàng. Người đàn ông này cũng nhìn thấy hai mặt trăng, giống như mình. Trực giác cho Aomame biết điều đó. Không thể sai được. Anh ấy đang nhìn thứ mình đang nhìn. Anh ấy có thể nhìn thấy: thế giới này có hai mặt trăng. Nhưng Lãnh Tụ đã nói, không phải ai sống ở thế giới này cũng đều có thể thấy hai mặt trăng.

Không nghi ngờ gì nữa: người đàn ông trẻ tuổi cao lớn kia đang nhìn hai mặt trăng treo trên bầu trời. Mình dám đánh cược, cược gì cũng được. Mình hiểu mà. Anh ấy ngồi đó, đang ngước nhìn mặt trăng lớn màu vàng và mặt trăng nhỏ hình dáng kỳ dị màu xanh, tuồng như trên bề mặt có mọc một lớp rêu. Dường như anh ấy đang suy nghĩ rất lung về ý nghĩa sự tồn tại của hai mặt trăng ấy. Người này lẽ nào cũng là một trong những người bị cuốn vào thế giới năm 1Q84 này một cách không tự chủ? Có lẽ anh ấy đang hoang mang vì không sao lý giải được ý nghĩa của thế giới này. Chắc chắn là vậy. Cho nên anh mới không thể không trèo lên đỉnh cầu trượt giữa đêm khuya, một mình ngước nhìn hai mặt trăng, liệt kê ra trong đầu mọi khả năng và giả thiết, rồi cẩn thận tiến hành nghiệm chứng.

Không, có lẽ không phải vậy. Người đàn ông này có lẽ đến đây để tìm kiếm mình, có thể anh ta là một trong những kẻ Sakigake phái đến.

Trong chớp mắt, nhịp tim nàng bỗng tăng mạnh, hai tai ù đi. Tay phải Aomame bất giác lần xuống khẩu súng tự động giắt dưới thắt lưng, nắm chặt vào báng súng cứng đanh.

Nhưng, nàng không thể tìm thấy cảm giác bức bách nghẹt thở và dáng vẻ bạo lực nào trên thân thể người đàn ông ấy. Anh ngồi một mình trên đỉnh cầu trượt, đầu dựa vào tay vịn, nhìn chằm chằm lên hai mặt trăng treo lơ lửng giữa trời, chìm trong suy nghĩ. Aomame ở trên ban công tầng ba, anh ở bên dưới. Aomame ngồi trên ghế, cúi xuống nhìn người đàn ông qua khe hở giữa tấm che bằng nhựa đục của ban công và hàng lan can kim loại. Cho dù người kia ngẩng đầu nhìn về phía này, chắc chắn anh ta cũng không thể thấy Aomame. Dù thế nào đi nữa, anh đang chăm chú nhìn lên bầu trời, hoàn toàn không thể ngờ rằng từ trong bóng tối lại có người đang quan sát mình.

Aomame trấn tĩnh, lặng lẽ thở hắt ra hơi thở đang ghìm trong lồng ngực. Sau đó, nàng thả lỏng lực dồn lên các ngón tay, buông bàn tay đang nắm chắc báng súng, tiếp tục giữ nguyên tư thế quan sát người đàn ông. Từ vị trí này nàng chỉ có thể thấy mặt anh nhìn nghiêng. Ngọn đèn thủy ngân trong sân chơi từ trên cao chiếu xuống khiến cả người anh trắng sáng lên. Đó là một người đàn ông cao lớn, bờ vai rộng. Mái tóc trông có vẻ khô cứng cắt ngắn. Anh mặc áo phông dài tay, tay áo xắn lên đến khuỷu. Tướng mạo anh không thể nói là tuấn tú, song mạnh mẽ, gây thiện cảm. Hình dáng cái đầu cũng không tệ. Khi già thêm chút nữa, tóc thưa đi, chắc chắn anh sẽ khá ưa nhìn.

Ngay sau đó, Aomame bỗng ngộ ra.

Đó là Tengo.

Không thể nào. Aomame nghĩ. Nàng lắc đầu mấy lần, khẽ nhưng kiên quyết. Không thể nào. Đây chắc chắn là ảo giác. Sự việc không thể nào trùng hợp đến mức ấy được. Nàng không thể hít thở bình thường. Các hệ thống trong cơ thể nàng đâm ra rối loạn, ý nghĩ và hành vi không đồng bộ với nhau. Nàng muốn nhìn người đàn ông ấy kỹ hơn, nhưng không hiểu sao đôi mắt không thể tập trung được. Dường như có một thứ ngoại lực nào đó khiến thị lực hai mắt nàng đột nhiên trở nên khác xa nhau. Nàng nhăn mặt lại một cách vô thức.

Mình phải làm sao?

Nàng đứng lên khỏi ghế, đưa mắt ngó nghiêng xung quanh một cách tuyệt vọng. Rồi nàng chợt nhớ ra trong tủ phòng khách có một đôi ống nhòm cỡ nhỏ của hàng Nikon, bèn vào lấy. Nàng cuống cuồng cầm ống nhòm trở lại ban công, nhìn về phía chiếc cầu trượt. Người đàn ông trẻ vẫn ở đó, tư thế không khác lúc nãy, nghiêng mặt về phía này, ngước lên nhìn trời. Nàng đưa bàn tay run rẩy điều chỉnh tiêu cự ống nhòm, kéo gương mặt nghiêng nghiêng ấy lại gần, nín thở, tập trung. Đúng rồi, đó là Tengo. Dù hai mươi năm đã trôi qua, nhưng Aomame biết chắc đó là Tengo, tuyệt đối không thể là ai khác.

Điều khiến Aomame ngạc nhiên nhất là, bề ngoài của Tengo từ năm mười tuổi đến giờ gần như không thay đổi, cơ hồ như cậu bé mười tuổi ấy cứ vậy biến thành ba mươi tuổi vậy. Nói thế không có nghĩa là anh trông trẻ con. Thân hình dĩ nhiên là cao lớn hơn rất nhiều, đầu to hơn, tướng mạo toát lên vẻ trưởng thành, nét mặt cũng bộc lộ chiều sâu xúc cảm. Bàn tay đặt trên đầu gối to bè mạnh mẽ, rất khác với bàn tay nàng từng nắm chặt trong lớp học hai mươi năm về trước. Mặc dầu vậy, thần thái tỏa ra từ thân thể ấy lại hoàn toàn giống hệt như của Tengo năm mười tuổi. Thân thể cường tráng rắn chắc của anh mang đến cho nàng cảm giác ấm áp tự nhiên, và sự yên lòng từ trong sâu thẳm. Aomame khát khao được áp má lên lồng ngực ấy. Khát khao mãnh liệt, và điều ấy khiến nàng ngập tràn niềm vui. Anh đang ngồi trên cầu trượt trong sân chơi dành cho thiếu nhi, ngước nhìn trời, nhìn chằm chằm vào thứ nàng đang nhìn, hai mặt trăng. Đúng, mình và anh ấy có thể thấy cùng một thứ.

Mình phải làm sao?

Aomame luống cuống không biết phải làm gì tiếp theo. Nàng đặt ống nhòm xuống đầu gối, siết hai bàn tay, mạnh đến nỗi móng tay bấm hẳn vào trong thịt, để lại trên da dấu vết khó phai mờ. Hai bàn tay đang siết chặt ấy run lên.

Mình phải làm sao?

Nàng lắng nghe hơi thở gấp gáp của chính mình. Cơ thể nàng dường như đã tách ra làm hai nửa từ lúc nào không rõ. Một nửa sẵn lòng chấp nhận sự thực là Tengo đang ở ngay trước mắt. Nửa kia lại từ chối chấp nhận, cố tự thuyết phục rằng chuyện ấy không thể xảy ra được. Bên trong nàng, hai thứ lực ngược chiều nhau này tranh đấu với nhau dữ dội, cả hai đều cố kéo nàng theo hướng mình. Aomame có cảm giác cơ bắp toàn thân bị xé toang, các khớp lỏng ra, xương cốt bị nghiền thành bột phấn.

Aomame rất muốn xông thẳng vào sân chơi, leo lên cầu trượt, nói chuyện với Tengo đang ngồi ở đó. Nhưng, nói gì bây giờ? Nàng không biết cách vận dụng các cơ thịt ở vùng miệng mình như thế nào nữa. Liệu nàng có thể rặn ra dù chỉ dăm câu không? “Em là Aomame, hai mươi năm trước từng nắm tay anh trong lớp học ở trường cấp một Ichikawa. Anh còn nhớ em không?”

Nói thế có ổn không?

Chắc chắn vẫn còn cách nói nào khác tốt hơn.

Một Aomame khác lại ra lệnh cho nàng: “Ở yên đấy! Cứ nấp trên ban công này đi! Cô chẳng làm gì khác được đâu. Cô biết điều đó mà. Đêm qua cô đã thực hiện giao dịch với Lãnh Tụ. Cô phải từ bỏ mạng sống của mình để cứu Tengo, để anh ấy được tiếp tục sống trên thế giới này. Nội dung giao dịch là thế. Hợp đồng đã được ký kết. Cô đồng ý đưa Lãnh Tụ sang thế giới kia, và chấp thuận hiến sinh mạng mình. Giờ cô gặp mặt và kể chuyện ngày xưa với Tengo ở đây thì được ích gì? Và, ngộ nhỡ anh ấy không nhớ cô là ai, hoặc chỉ nhớ cô là ‘con bé kỳ cục chuyên môn khấn khứa những câu phát rùng mình’ thì cô tính sao? Nếu đúng thế thật, cô sẽ chết trong tâm trạng như thế nào?”

Ý nghĩ ấy vừa hiện lên trong đầu, toàn thân nàng liền cứng đờ. Nàng bắt đầu run rẩy không sao cưỡng được. Như thể nàng bị cảm nặng, ớn lạnh thấu tim gan. Nàng vòng hai tay ôm chặt lấy người, không ngừng run lên cầm cập. Nhưng mắt nàng vẫn không dời khỏi Tengo đang ngồi trên đỉnh cầu trượt ngước nhìn trời. Dường như chỉ cần nàng dịch mắt đi là Tengo sẽ lập tức biến mất.

Nàng khát khao được Tengo ôm vào lòng, được anh vuốt ve bằng đôi bàn tay to bè của anh. Nàng khát khao cảm nhận hơi ấm của anh bằng cả cơ thể, khát khao được anh vuốt ve từng bộ phận khắp châu thân, làm cho cả người nàng ấm lên. Em muốn anh xua đi cái lạnh tận sâu trong cơ thể, sau đó tiến vào trong em, thỏa sức khuấy trộn, như người ta dùng thìa khuấy ca cao, chầm chậm, tiến sâu xuống tận cùng. Nếu anh có thể làm thế với em thì dù có chết ngay tại đó em cũng không hối tiếc. Thật đó.

Không, có thể nào thật như vậy không? Aomame nghĩ. Nếu thế, có lẽ mình lại không muốn chết nữa. Có lẽ mình sẽ thèm được mãi mãi ở bên anh ấy. Quyết tâm đến với cái chết của mình sẽ bốc hơi mất, như hạt sương bị nắng chiếu thẳng vào. Hay có lẽ mình sẽ muốn giết anh ấy. Có lẽ mình sẽ dùng khẩu Heckler & Koch bắn chết anh ấy, rồi bắn phọt óc mình ra. Mình hoàn toàn không thể đoán trước sẽ xảy ra chuyện gì hay mình có thể làm những chuyện ngu xuẩn gì.

Mình phải làm sao?

Phải làm sao, nàng không thể quyết được. Hơi thở nàng trở nên gấp gáp, hàng loạt ý nghĩ ào ạt ùa tới, rối bời, khiến nàng không sao sắp xếp nổi mạch tư duy. Thế nào là đúng, thế nào là sai? Nàng chỉ biết chắc một điều duy nhất: lúc này và ở đây, nàng khát khao được hai cánh tay lực lưỡng của anh ôm vào lòng. Chuyện gì xảy ra sau đó sẽ phải xảy ra. Hãy để Thượng đế hay Ma quỷ tùy ý sắp xếp.

Aomame hạ quyết tâm. Nàng xông vào toa lét, lấy khăn bông lau sạch vệt nước mắt trên má, soi gương vuốt nhanh lại mái tóc. Gương mặt nàng là cả một mớ bừa bộn. Mắt đỏ lựng, đầy những tia máu. Quần áo mặc trên người cũng tệ hết sức: một bộ đồ thể thao đã bạc màu, thắt lưng giắt một khẩu súng lục tự động 9mm, tạo thành một cái bọc hình thù cổ quái bên hông. Ăn mặc kiểu này hoàn toàn không thích hợp để đi gặp người mà hai mươi năm nay nàng ngày đêm nhung nhớ. Tại sao mình không ăn mặc tử tế một chút nhỉ? Nhưng đã đến nước này rồi thì chẳng có cách nào khác. Không có thời gian thay quần áo nữa. Nàng xọc chân trần vào đôi giày thể thao, không khóa cửa, rảo chân chạy xuống ba lượt cầu thang thoát hiểm của tòa nhà, băng qua đường, lao vào sân chơi không một bóng người, rảo bước đến phía trước cái cầu trượt. Bóng dáng Tengo đã biến mất. Trên cái cầu trượt đang tắm trong ánh sáng nhân tạo của ngọn đèn thủy ngân không có ai cả, còn tối tăm, lạnh lẽo, trống trải hơn cả phía bên kia của mặt trăng.

Có phải là ảo giác không?

Không, không thể là ảo giác, nàng thở hổn hển nghĩ. Mới đây thôi Tengo còn ở đây. Không thể sai được. Nàng trẻo lên cầu trượt, đứng trên đỉnh, nhìn xung quanh. Không thấy một bóng người, Nhưng chắc chắn anh chưa đi xa. Mấy phút trước anh vẫn còn ở đây. Cùng lắm khoảng bốn năm phút, không thể nhiều hơn. Gần như thế, nếu mình chạy theo thì vẫn có thể đuổi kịp.

Nhung Aomame lại đổi ý. Nàng hầu như phải dốc hết sức lực ra mới ngăn mình lại được. Không, không được, không thể làm như vậy. Mình thậm chí còn không biết anh ấy đi theo hướng nào kia mà. Mình không muốn chạy lồng lên khắp khu Koenji giữa đêm khuya để tìm kiếm Tengo. Đó không phải là điều mình nên làm. Khi mình còn đang do dự trên ban công, Tengo đã leo xuống cầu trượt rời khỏi đây mà đi rồi. Nghĩ lại, đây chính là số mệnh ông Trời dành cho mình. Mình đã trù trừ do dự, nhất thời đánh mất năng lực phán đoán, trong khoảnh khắc ấy Tengo đã rời khỏi nơi này. Đó là những gì vừa xảy ra với mình.

Thôi vậy cũng tốt, Aomame tự nhủ. Có lẽ như vậy mới là điều tốt nhất. Ít nhất mình đã tìm được Tengo. Mình đã nhìn thấy anh ấy phía bên kia đường. Mình đã run rẩy vì có thể được anh ấy ôm vào trong lòng. Tuy chỉ có mấy phút, nhưng dầu sao mình cũng đã toàn tâm toàn ý nếm trải niềm vui và sự chờ đợi cuồng nhiệt ấy. Nàng nhắm mắt lại, bấu chặt vào tay vịn cầu trượt, khẽ cắn môi.

Aomame ngồi xuống đỉnh cầu trượt theo tư thế giống Tengo lúc nãy, ngẩng đầu nhìn bầu trời phía Tây Nam. Ở đó treo lơ lửng hai mặt trăng một lớn một nhỏ. Sau đó, nàng liếc nhìn về tầng ba tòa nhà, căn hộ vẫn sáng đèn. Mới đây thôi nàng còn ở trên ban công căn hộ đó chăm chú nhìn Tengo ngồi dưới này. Trên ban công ấy dường như vẫn còn tàn lưu sự do dự của nàng.

Năm 1Q84, đây là cái tên được đặt cho thế giới này. Mình đã bước vào thế giới này khoảng nửa năm trước, và giờ đang chuẩn bị ra khỏi đó. Mình không tự nguyện bước vào đây, nhưng lại tự nguyện đi ra. Sau khi mình đi, Tengo vẫn sẽ ở lại nơi này. Dĩ nhiên mình không thể biết đối với Tengo thế giới này sẽ thành như thế nào. Mình không thể tận mắt chứng kiến. Nhưng thế cũng chẳng sao. Mình sẽ chết vì anh ấy. Mình không thể sống vì mình, khả năng đó ngay từ đầu đã bị tước đoạt khỏi mình rồi. Thế nhưng, mình có thể chết vì anh ấy. Vậy là đủ. Mình có thể ngậm cười mà chết.

Đây không phải lời dối trá.

Aomame nỗ lực hết sức hòng cảm nhận được chút hơi hướm của Tengo còn sót lại trên cầu trượt, dù chỉ một chút thôi. Nhưng không còn chút hơi ấm nào lại. Ngọn gió đêm mang theo dự cảm mùa thu xuyên qua kẽ lá cây sồi, xóa sạch mọi dấu vết của Tengo. Mặc dầu thế, Aomame vẫn ngồi ở đó một lúc lâu, ngước nhìn hai mặt trăng, tắm mình trong thứ ánh sáng kỳ dị vô cảm ấy của chúng. Tiếng ồn đô thị tạo nên bởi vô số âm thanh hòa trộn vào nhau biến thành bè trầm của dàn hợp tấu bủa vây quanh nàng. Nàng bỗng nhớ đến những con nhện nhỏ chăng tơ trên cầu thang thoát hiểm ở đường cao tốc Thủ đô. Lũ nhện ấy còn sống không nhỉ? Có phải chúng vẫn đang chăng tơ?

Nàng mỉm cười.

Mình đã sẵn sàng, nàng nghĩ.

Nhưng trước đó có một nơi mình cần phải ghé thăm một lần.
 
Chương 22: Tengo


Chỉ cần trên trời có hai mặt trăng

Sau khi leo xuống cầu trượt và rời khỏi sân chơi dành cho trẻ em, Tengo đi lang thang không mục đích trên phố. Anh bước giữa các con ngõ lớn nhỏ của khu Koenji, gần như không ý thức mình đang đi đến đâu. Vừa đi, anh vừa cố gắng sắp xếp cho thứ tự lớp lang những dòng suy nghĩ tán loạn trong óc. Nhưng dù cố gắng đến mấy anh cũng không sao chỉnh được tư duy của mình thành một mạch thống nhất. Có lẽ bởi lúc ngồi trên cầu trượt anh đã nghĩ quá nhiều chuyện cùng một lúc: về mặt trăng từ một biến thành hai, về quan hệ huyết thống, về chương mới trong cuộc đời anh, về giấc mộng ban ngày, thực đến gây choáng váng, về Fukaeri và Nhộng không khí, và về Aomame đang ẩn nấp ở đâu đó quanh đây. Não anh rối như tơ vò, tinh thần căng thẳng gần đến mức cực hạn. Anh ước gì có thể lên giường đánh một giấc thật say. Những vấn đề kia để sáng mai dậy hẵng nghĩ tiếp. Đằng nào thì bây giờ có vắt óc ra cũng khó lòng nghĩ được gì cho ra đầu ra đũa.

Lúc Tengo về nhà, Fukaeri đang ngồi trước bàn làm việc của anh, cầm con dao gấp gọt bút chì. Tengo bao giờ cũng cắm khoảng mười cái bút chì trong ống bút, nhưng giờ số lượng đã tăng lên ít nhất hai mươi cái. Cô gọt bút chì rất đẹp. Tengo chưa bao giờ thấy những cây bút chì nào gọt đẹp như thế. Đầu bút nhỏ và nhọn như mũi kim khâu.

“Anh có điện thoại,” cô vừa dùng ngón tay kiểm tra lại độ nhọn của đầu bút vừa nói. “Của Chikura.”

“Anh đã bảo em đừng bắt máy mà?”

“Vì cuộc điện thoại này rất quan trọng.”

Dường như cô có thể nghe tiếng chuông mà đoán cuộc điện thoại gọi đến có quan trọng hay không.

“Chuyện gì vậy?” Tengo hỏi.

“Họ không nói.”

“Nhưng đó là điện thoại của viện điều dưỡng ở Chikura đúng không?”

“Họ bảo anh gọi điện.”

“Muốn anh gọi lại cho họ à?”

“Nhất định phải gọi ngay hôm nay, muộn mấy cũng được.”

Tengo thở dài. “Anh không biết số điện thoại của họ.”

“Em biết.”

Cô đã nhớ số điện thoại ấy. Tengo viết dãy số xuống một mảnh giấy nhớ, đoạn liếc nhìn đồng hồ. Tám giờ rưỡi.

“Điện thoại gọi đến lúc nào vậy?”

“Vừa mới xong.”

Tengo đi vào bếp, uống một cốc nước. Anh chống tay xuống mép bồn rửa bát, nhắm mắt, xác nhận lại rằng bộ não mình có thể làn việc bình thường, rồi bước đến chỗ điện thoại, quay số. Có lẽ cha anh đã qua đời. Ít nhất cũng có thể khẳng định đó là vấn đề liên quan đến sự sống chết. Nếu không phải việc quan trọng, họ không gọi điện tới muộn thế này đâu.

Một phụ nữ bắt máy. Tengo báo tên mình, rồi nói anh vừa nhận được điện thoại của trung tâm, yêu cầu gọi lại.

“Anh là con của ông Kawana à?”

“Vâng.” Tengo trả lời.

“Lần trước tôi gặp anh ở đây rồi,” người phụ nữ kia nói.

Tengo hình dung trong đầu gương mặt một nữ y tá trung niên đeo kính gọng kim loại. Anh không nhớ tên chị ta.

Anh hỏi han một hai câu cho phải phép, rồi bảo: “Chắc là vừa rồi chị gọi tới?”

“À, vâng. Giờ tôi sẽ chuyển điện thoại cho bác sĩ điều trị chính, phiền anh trực tiếp nói chuyện với ông ấy.”

Tengo áp sát ống nghe vào tai, đợi bên kia chuyển cuộc gọi. Đầu dây bên kia mãi không có người nghe máy. Giai điệu đơn điệu của bài “Home on the Range” cứ vẳng đi vẳng lại một lúc lâu, như thể chẳng bao giờ dứt. Tengo nhắm mắt, nhớ lại phong cảnh trung tâm điều dưỡng bên bờ biển bán đảo Boso. Rừng thông rậm rạp trùng trùng điệp điệp, gió biển lướt qua khu rừng. Những cơn sóng Thái Bình Dương ầm ào ập đến không ngừng nghỉ. Sảnh chờ không thấy bóng người vào thăm bệnh. Âm thanh phát ra mỗi khi có những chiếc giường có bánh xe được đẩy qua hành lang. Tấm màn cửa phơi nắng gió đến bạc màu. Những bộ đồ y tá trắng là ủi phẳng phiu. Thứ cà phê nhạt nhẽo vô vị bán trong nhà ăn.

Cuối cùng, bác sĩ cũng cầm máy.

“Xin lỗi, bắt anh phải chờ lâu. Vừa nãy tôi nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ một phòng bệnh khác.”

“Không sao đâu,” Tengo nói. Anh cố nhớ lại gương mặt của vị bác sĩ điều trị chính. Nhưng nghĩ kỹ, thực ra anh chưa bao giờ gặp mặt vị bác sĩ đó. Bộ não anh vẫn chưa hoạt động lại bình thường. “Vậy, cha tôi có chuyện gì phải không ạ?”

Bác sĩ ngập ngừng một thoáng rồi đáp: “Không phải hôm nay xảy ra chuyện gì đặc biệt, chỉ là dạo gần đây tình trạng cha anh không được ổn lắm. Nói điều này thật khó, nhưng hiện tại cha anh đang bị hôn mê.”

“Hôn mê,” Tengo nói.

“Ông ấy cứ ngủ suốt.”

“Có nghĩa là, ông ấy không có ý thức, phải không?”

“Đúng thế.”

Tengo cố vắt óc. Cần phải làm cho não bộ hoạt động trở lại. “Cha tôi mắc bệnh nên rơi vào trạng thái hôn mê phải không?”

“Nói đúng ra thì không phải vậy.” Bác sĩ dường như cảm thấy rất khó xử.

Tengo chờ bác sĩ nói tiếp.

“Giải thích rõ ràng qua điện thoại rất khó, nhưng không phải ông ấy mắc bệnh gì đặc biệt nghiêm trọng kiểu như ung thư hay viêm phổi, không phải kiểu bệnh mà chúng tôi có thể gọi tên. Xét từ góc độ y học, chúng tôi không phát hiện chứng bệnh gì rõ ràng. Chỉ là vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao, nhưng trong trường hợp cha anh, sức sống tự nhiên của ông ấy đang giảm đi một cách rõ rệt. Nhưng vì không rõ nguyên nhân nên chúng tôi chưa tìm được phương pháp trị liệu. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục truyền dịch để bổ sung dinh dưỡng cho ông ấy, nhưng đấy chỉ là trị ngọn chứ không phải trị gốc.”

“Tôi có thể hỏi thẳng một câu được không?” Tengo nói.

“Tất nhiên là được.”

“Có phải ông muốn nói, cha tôi không còn sống được bao ngày nữa?”

“Nếu trạng thái hiện tại tiếp tục duy trì thì khả năng đó là rất cao.”

“Có phải vì già yếu không?”

Bác sĩ khẽ phát ra một âm thanh mơ hồ trong điện thoại, rồi nói: “Cha anh mới hơn sáu mươi, vẫn chưa đến độ tuổi già yếu. Thể trạng ông ấy về cơ bản là tốt, ngoài chứng đãng trí tuổi già ra thì không có bệnh tật gì khác. Kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ của ông ấy rất tốt. Chúng tôi không phát hiện ra một vấn đề đáng kể nào cả.”

Bác sĩ im lặng trong giây lát, sau đó tiếp lời:

“Nhưng… Ừm, dựa trên quan sát mấy ngày nay, có lẽ ông ấy phần nào có dấu hiệu bị lão suy như anh nói. Các chức năng cơ thể thảy đều giảm sút, xem chừng ông ấy không còn muốn sống nữa. Thông thường, phải trên tám mươi lăm tuổi mới xuất hiện tình trạng này. Khi đến tuổi đó, đôi khi người ta cảm thấy tiếp tục sống thực là mệt mỏi nên quyết định từ bỏ nỗ lực duy trì sự sống. Nhưng tôi không hiểu tại sao tình trạng ấy lại xuất hiện ở người mới hơn sáu mươi tuổi như ông Kawana.”

Tengo cắn môi, suy nghĩ một lúc.

“Cha tôi bắt đầu hôn mê từ lúc nào?” anh hỏi.

“Cách đây ba ngày,” bác sĩ trả lời.

“Trong ba ngày, ông ấy không mở mắt lần nào à?”

“Không một lần nào.”

“Và các dấu hiệu của sự sống mỗi lúc một yếu đi?”

Bác sĩ nói: “Không phải quá nhanh. Vừa nãy tôi nói với anh rồi, sức sống của ông ấy giảm đi từng chút một, nhưng rõ rệt. Giống như đoàn tàu đang từ từ giảm tốc, cuối cùng sẽ hoàn toàn ngưng lại.”

“Theo ông, cha tôi còn bao nhiêu thời gian nữa?”

“Tôi không thể nói chính xác được. Nhưng nếu tình trạng hiện tại tiếp tục kéo dài thì trong tình huống xấu nhất có lẽ chỉ được một tuần,” bác sĩ đáp.

Tengo đổi tay cầm ống nghe, rồi lại cắn môi.

“Mai tôi sẽ tới,” Tengo nói. “Nếu các ông không gọi điện, tôi cũng định đến đó sớm. Các ông gọi điện báo cho tôi thế này thật tốt quá, tôi rất cám ơn.”

Bác sĩ có vẻ nhẹ nhõm hẳn khi nghe anh nói thế. “Vậy thì tốt. Tôi cảm thấy anh nên đến gặp ông ấy càng sớm càng tốt. Có lẽ hai người không thể nói chuyện được, nhưng nếu anh có thể đến đây chắc chắn ông ấy sẽ rất vui.”

“Nhưng cha tôi không còn ý thức, phải vậy không?”

“Không còn ý thức.”

“Liệu ông ấy có đau đớn không?”

“Trước mắt thì không. Có lẽ là không. Đây là may mắn trong bất hạnh. Ông ấy chỉ đang say ngủ thôi.”

“Cám ơn ông,” Tengo nói.

“Anh Kawana này,” bác sĩ nói, “Cha anh, tôi nên nói thế nào nhỉ, là người rất dễ chăm sóc. Ông ấy không bao giờ gây phiền phức cho người khác.”

“Ông ấy luôn là người như thế,” Tengo đáp. Sau đó, anh cảm ơn bác sĩ lần nữa rồi gác máy.

Tengo hâm nóng cà phê, ngồi đối diện với Fukaeri mà uống.

“Mai anh phải đi,” Fukaeri hỏi.

Tengo gật đầu. “Sáng mai anh phải bắt xe lửa đi thành phố mèo một chuyến.”

“Thành phố mèo,” Fukaeri hờ hững nói, vẻ mặt không xúc cảm.

“Em có ở đây đợi anh không,” Tengo hỏi. Sống chung với Fukaeri, anh cũng quen với việc đặt câu hỏi không dùng dấu chấm hỏi.

“Em đợi anh ở đây.”

“Một mình anh đến thành phố mèo,” Tengo nói, lại uống một ngụm cà phê. Sau đó, anh đột nhiên nhớ ra, liền hỏi cô: “Em muốn uống gì không?”

“Vang trắng, nếu anh có.”

Tengo mở tủ lạnh xem có còn chút rượu vang trắng ướp lạnh nào không. Ở sâu bên trong, anh thấy chai Chardonnay anh mới mua đại hạ giá đợt trước, trên nhãn có in hình một con lợn rừng. Tengo mở nút bần, rót một chút ra ly uống rượu vang, đặt trước mặt Fukaeri. Sau một thoáng ngần ngừ, anh cũng rót cho mình một ly. Đúng vậy, so với cà phê, rõ ràng lúc này anh muốn uống rượu vang hơn. Rượu để hơi lạnh, vị hơi quá ngọt, nhưng chất cồn khiến tinh thần Tengo ít nhiều ổn định lại.

“Ngày mai anh phải đến thành phố mèo,” cô gái lặp lại.

“Sáng sớm là lên xe lửa đi rồi,” Tengo nói.

Nhấp một ngụm rượu vang trắng, Tengo nhớ lại, mình từng xuất tinh vào bên trong cô gái xinh đẹp mười bảy tuổi ngồi đối diện cách một chiếc bàn này. Chuyện rõ ràng mới chỉ xảy ra đêm hôm trước, song anh lại có cảm giác như đã là quá khứ xa xăm lắm, hầu giống như một sự kiện lịch sử. Nhưng cảm giác lúc ấy giờ vẫn lưu lại rõ nét trong tâm trí anh, sống động như mới.

“Số lượng trăng tăng lên rồi.” Tengo chầm chậm xoay ly rượu trong tay, như thể đang chia sẻ một bí mật. “Mới rồi anh nhìn lên trời, thấy có hai mặt trăng, một mặt trăng lớn màu vàng, một mặt trăng nhỏ màu xanh. Có lẽ từ trước đã thế rồi mà anh không để ý. Vừa rồi anh mới biết.”

Fukaeri không bảy tỏ cảm tưởng đặc biệt gì về chuyện có thêm mặt trăng. Cô thậm chí còn không lộ vẻ ngạc nhiên khi nghe tin ấy. Nét mặt cô hoàn toàn không thay đổi, thậm chí cả nhún vai cũng không. Có vẻ như với cô điều này chẳng thể coi là thông tin mới mẻ gì.

“Lẽ ra anh không cần nói với em… Nhưng hai mặt trăng trên trời ấy giống hệt như thế giới trong Nhộng không khí.” Tengo nói. “Hình dạng của mặt trăng mới hoàn toàn giống như anh miêu tả. Về cả kích cỡ lẫn màu sắc.”

Fukaeri không nói gì. Cô không bao giờ trả lời những vấn đề không cần thiết phải trả lời.

“Sao lại xảy ra chuyện như vậy? Sao có thể xảy ra chuyện như vậy?”

Vẫn không có câu trả lời.

Tengo kiên quyết hỏi trực diện: “Có phải chúng ta đã vào trong thế giới mà Nhộng không khí miêu tả hay không?”

Fukaeri chăm chút xem xét hình dạng các móng tay mình, sau đó nói: “Bởi vì chúng ta đã cùng viết cuốn sách ấy.”

Tengo đặt ly rượu lên bàn, hỏi: “Anh và em cùng viết Nhộng không khí và xuất bản nó. Đó là công việc chúng ta cùng hoàn thành. Và cuốn sách trở thành sách bán chạy, thông tin về Người Tí Hon, Mẫu thể và Tử thể đã được tung ra thế giới bên ngoài. Kết quả là chúng ta đã cùng tiến vào trong thế giới mới bị thay đổi này. Phải vậy không?”

“Giờ anh là người tiếp thụ.”

“Giờ anh là người tiếp thụ,” Tengo lặp lại. “Phải, anh đã viết về người tiếp thụ trong Nhộng không khí. Nhưng, thực ra anh không hiểu người tiếp thụ là gì. Nói cụ thể ra, người tiếp thụ đóng vai trò gì vậy?”

Fukaeri khẽ lắc đầu. Ý cô muốn nói, cô không thể giải thích.

“Chuyện mà không giải thích không hiểu thì có giải thích thế nào cũng không thể hiểu,” cha Tengo đã nói vậy.

“Tốt nhất chúng ta nên ở cạnh nhau,” Fukaeri nói, “Cho đến khi tìm được người đó.”

Tengo nhìn Fukaeri một lúc, cố đọc xem nét mặt cô biểu đạt điều gì. Nhưng vẫn như mọi khi, gương mặt ấy không bộc lộ cảm xúc nào. Anh xoay mặt đi một cách vô thức, nhìn ra ngoài của sổ. Nhưng từ góc độ này không nhìn thấy mặt trăng, chỉ thấy cột điện và dây điện cuốn chằng chịt vào nhau xấu xí.

Tengo hỏi: “Có cần tư chất gì đặc biệt để trở thành người tiếp thụ không?”

Fukaeri khẽ chuyển động cằm lên xuống, ý muốn nói cần phải có tư chất đặc biệt gì đó.

“Nhưng Nhộng không khí vốn là câu chuyện của em, là câu chuyện do em hư cấu ra, nảy sinh từ bên trong em. Anh chẳng qua chỉ là người nhận được ủy thác, thêm bớt và nhuận sắc cho lời văn, anh chỉ là người thợ thủ công.”

“Bởi vì chúng ta cùng viết cuốn sách đó,” Fukaeri lặp lại câu nói lúc nãy.

Một cách vô thức, Tengo lấy ngón tay day day lên huyệt Thái dương. “Ý em là, bắt đầu từ lúc đó, anh đã đóng vai trò người tiếp thụ mà bản thân không hay biết?”

“Từ trước đó đã bắt đầu rồi,” Fukaeri nói, sau đó dùng ngón trỏ bàn tay phải chỉ vào mình, rồi chỉ sang Tengo. “Em là người cảm tri, anh là người tiếp thụ.”

“Perceiver và Receiver,” Tengo lặp lại bằng tiếng Anh, “Có nghĩa là, em cảm tri, còn anh tiếp thụ. Phải thế không?”

Fukaeri đáp bằng một cái gật đầu ngắn ngủn.

Tengo hơi nhăn mặt. “Tức là, em biết anh là người tiếp thụ, hoặc biết anh có tư chất để trở thành người tiếp thụ nên mới giao cho anh viết lại Nhộng không khí. Thông qua anh, em biến thứ mà em cảm tri được thành hình thức một cuốn sách. Có phải thế không?”

Không có câu trả lời.

Gương mặt Tengo trở lại bình thường, anh nhìn vào mắt Fukaeri mà nói: “Tuy vẫn chưa xác định được thời điểm cụ thể, nhưng chắc là trong khoảng thời gian đó anh đã bước vào thế giới có hai mặt trăng này. Chỉ là từ đó đến giờ anh không nhận ra thôi. Anh không bao giờ ngẩng lên nhìn bầu trời lúc nửa đêm, nên không nhận thấy là đã có thêm mặt trăng. Nó là vậy, phải không?”

Fukaeri chỉ im lặng. Sự im lặng ấy như những hạt bụi nhỏ li ti lơ lửng trên không trung. Đó là thứ bột phấn vừa mới tung ra bởi đàn bướm đến từ một không gian đặc biệt. Trong một thoáng, Tengo nhìn chăm chú vào hình dạng những hạt bụi ấy tạo thành trong không khí. Anh cảm thấy dường như mình đã biến thành tờ báo buổi chiều của hai ngày trước. Thông tin được cập nhật hàng ngày, nhưng anh là người duy nhất không biết.

“Nguyên nhân và kết quả có vẻ như đã trộn lẫn vào nhau thành một đống bùng nhùng,” Tengo gắng lấy lại tinh thần, nói. “Không biết cái nào trước cái nào sau, nhưng nói tóm lại chúng ta đã bước vào thế giới mới này rồi.”

Fukaeri ngẩng đầu lên, chăm chú nhìn vào mắt Tengo. Có lẽ chỉ là do anh tưởng tượng ra, song Tengo cảm thấy trong đôi mắt cô thấp thoáng ánh lên một tia nhìn ấm áp.

“Tóm lại, thế giới ban đầu đã không còn tồn tại nữa.”

Fukaeri nhún vai. “Chúng ta tiếp thục sống ở đây.”

“Ở thế giới có hai mặt trăng?”

Fukaeri không trả lời. Cô gái mười bảy tuổi xinh đẹp mím chặt môi lại thành một đường chỉ thẳng tắp và nhìn thẳng vào mắt Tengo. Cặp mắt hệt như của Aomame lúc nhìn vào mắt Tengo hồi mười tuổi trong lớp sau giờ tan học, tập trung toàn bộ tinh thần, mạnh mẽ và sâu thẳm. Trước ánh mắt ấy của Fukaeri, Tengo cảm thấy mình dường như sắp biến thành đá. Biến thành đá, rồi cứ thế tiếp tục biến thành mặt trăng mới, mặt trăng nhỏ có hình dáng kỳ quái. Một lúc sau, Fukaeri rốt cuộc cũng lơi ánh mắt, giơ tay phải lên, đầu ngón tay khẽ ấn lên huyệt Thái dương, chừng như muốn đọc ra những suy nghĩ bí mật trong tâm trí mình.

“Anh đang tìm ai đó.” Cô gái hỏi.

“Đúng vậy.”

“Nhưng chưa tìm thấy.”

“Chưa tìm thấy,” Tengo nói.

Chưa tìm thấy Aomame, nhưng anh phát hiện ra sự thực rằng mặt trăng từ một đã biến thành hai. Đó là vì theo gợi ý của Fukaeri anh đã đào bới xuống tầng sâu ký ức, và do vậy mới nghĩ ra mình hãy ngẩng lên nhìn mặt trăng.

Có gái thả lỏng ánh mắt, nâng ly rượu vang lên. Cô ngậm rượu trong miệng một lúc, rồi cẩn trọng nuốt từng chút một, như con sâu đang uống nước sương.

Tengo lên tiếng: “Em nói cô ấy đang trốn ở đâu đó. Nếu vậy thì không dễ dàng tìm được.”

“Không cần lo lắng,” cô gái nói.

“Anh không cần lo lắng,” Tengo lặp lại lời cô.

Fukaeri gật mạnh đầu.

“Ý em là anh có thể tìm được cô ấy?”

“Người đó sẽ tìm thấy anh,” cô gái nói với giọng bình thản, nghe như cơn gió phất qua thảo nguyên phủ kín cỏ mềm.

“Ở khu Koenji này?”

Fukaeri nghiêng đầu. Ý muốn nói không biết.

“Ở một nơi nào đó.”

“Ở một nơi nào đó trong thế giới này,” Tengo nói.

Fukaeri khẽ gật đầu. “Chỉ cần trên trời có hai mặt trăng.”

“Xem ra anh chỉ có thể tin lời em rồi,” Tengo nghĩ trong giây lát, rồi nói với vẻ cam chịu.

“Em cảm tri, anh tiếp thụ,” Fukaeri nói đầy tư lự.

“Em cảm tri, anh tiếp thụ,” Tengo lặp lại.

Fukaeri gật đầu.

Vì vậy chúng ta mới giao hợp? Tengo muốn hỏi Fukaeri. Trong cơn mưa bão dữ dội đêm trước, điều đó có ý nghĩa gì? Nhưng anh không hỏi. Đó rất có thể là câu hỏi không thích hợp. Và dù sao cũng sẽ không nhận được lời đáp, anh biết.

“Chuyện mà không giải thích không hiểu, thì có giải thích thế nào cũng không thể hiểu,” cha anh từng nói.

“Em cảm tri, anh tiếp thụ,” Tengo lặp lại, “Giống như việc viết lại Nhộng không khí vậy.”

Fukaeri lắc đầu, sau đó vuốt tóc ra phía sau, để lộ một cái tai nhỏ nhắn xinh đẹp, như đang dựng một chiếc ăngten phát tín hiệu.

“Không giống,” Fukaeri nói. “Anh đã thay đổi.”

“Anh đã thay đổi.”

Fukaeri gật đầu.

“Anh thay đổi như thế nào?”

Fukaeri nhìn chằm chằm vào ly rượu vang trên tay, tựa như cô có thể nhìn thấy trong đó thứ gì đấy quan trọng lắm.

“Đến thành phố mèo anh sẽ biết,” cô gái xinh đẹp nói, sau đó nhấp một ngụm vang trắng, cái tai vẫn lồ lộ trước mắt Tengo.
 
Chương 23: Aomame


Hãy để chú hổ bơm xăng cho xe của bạn [1]

[1] Tiếng Anh: Put a tiger in your tank, tên một chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm Enco Extra và Esso Extra của hãng xăng dầu Exxon.

Aomame thức dậy lúc sáu giờ sáng. Đó là một buổi sớm trong lành đẹp đẽ. Nàng đun cà phê bằng bình điện, nướng bánh mì, luộc một quả trứng. Trong khi ăn, nàng xem tin tức trên ti vi để cho chắc rằng vẫn chưa có tin gì về cái chết của lãnh tụ Sakigake. Họ không báo cảnh sát, cũng không công bố với thế giới bên ngoài, rõ là đã lén lút đem thi thể đi xử lý rồi. Vậy cũng chẳng sao. Người đã chết thì dù xử lý thế nào cũng vẫn là người chết, không thể sống lại được.

Lúc tám giờ, Aomame tắm dưới vòi sen rồi soi mình trong gương nhà tắm mà chải tóc cẩn thận, thoa một lớp son nhạt gần như không thể nhận ra. Nàng đi tất liền quần, mặc chiếc sơ mi lụa trắng treo trong tủ âm tường, rồi khoác ra ngoài bộ đồ tây thời thượng hiệu Junko Shimada của mình. Nàng lắc lư rồi vặn người mấy cái, để cho cái áo ngực có đệm lót và khung kim loại vừa khớp với người mình hơn, đoạn nghĩ: giá bầu vú to hơn một chút nữa thì tốt. Ý nghĩ ấy ít nhất cũng hiện lên trong đầu nàng bảy vạn hai nghìn lần khi đứng trước gương. Nhưng thế thì sao chứ? Nghĩ cái gì, nghĩ bao nhiêu lần là quyền tự do của mình. Cho dù đã nghĩ bảy vạn hai nghìn lẻ một lần rồi thì đã sao? Chừng nào còn sống trên đời này, mình có quyền muốn nghĩ gì thì nghĩ, nghĩ lúc nào thì nghĩ, nghĩ cách nào thì nghĩ, nghĩ bao nhiêu lần thì nghĩ, người khác nói gì cũng mặc! Sau đó nàng xỏ chân vào đôi giày cao gót Charles Jordan.

Aomame đứng trước tấm gương cao bằng người ở cửa, kiểm tra xem bộ đồ mặc trên người có điểm nào chê trách được không. Nàng hơi nhún vai trước gương, thầm nhủ trông mình hình như hơi giống Faye Dunaway trong phim The Thomas Crowns Affair[1]? Trong phim đó, Faye đóng vai điều tra viên của công ty bảo hiểm, một người phụ nữ giống như con dao lạnh ngắt, bình thản mà gợi tình, rất hợp với bộ đồ tây. Đương nhiên, Aomame trông không giống Faye Dunaway, nhưng về mặt khí chất hai người có gì đó khá tương đồng. Ít nhất thì cũng không hoàn toàn khác. Đó là thứ khí chất đặc biệt mà chỉ có các chuyên gia hàng đầu mới sở hữu được. Huống hồ, thêm vào đó, trong túi đeo chéo của nàng còn giấu một khẩu súng lục tự động cứng và lạnh lẽo.

[2] Một bộ phim sản xuất năm 1968 do Steve McQueen và Faye Dunaway thủ vai chính và được đề cử hai giải Oscar. Ở Việt Nam, bản làm lại năm 1999 của phim này được biết đến dưới tên Triệu phú trộm cắp.

Aomame đeo đôi kính râm Ray-Ban nhỏ lên, đi ra khỏi căn hộ. Nàng băng qua đường, vào trong sân chơi thiếu nhi đối diện với khu nhà, đứng trước cái cầu trượt tối qua Tengo đã ngồi, tái hiện cảnh tượng lúc đó trong óc. Khoảng mười hai tiếng đồng hồ trước, Tengo bằng xương bằng thịt từng ở chỗ này, chỉ cách chỗ mình ở một con đường. Anh ấy lặng lẽ ngồi một mình ở đây, ngước nhìn trăng một lúc lâu, cũng hai mặt trăng mà lúc đó nàng đang ngước lên nhìn.

Đối với Aomame, phải là phép màu hay một điềm báo thì mới có thể gặp lại Tengo theo cách ấy. Có thứ gì đó đã mang Tengo đến trước mặt nàng. Và có vẻ như sự kiện ấy đã gây ra thay đổi rất lớn trong cấu tạo cơ thể nàng. Từ khi thức dậy sáng sớm nay, Aomame luôn có cảm giác toàn thân mình kêu lên răng rắc. Anh ấy xuất hiện ngay trước mắt mình, rồi lại đi mất. Mình không thể nói chuyện với anh ấy, cũng không thể chạm vào anh ấy. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó anh ấy đã thay đổi rất nhiều thứ trong cơ thể mình. Như thể dùng thìa khuấy trộn ca cao, anh ấy đã khuấy trộn tâm trí và xác thịt mình, đến tận các cơ quan nội tạng, tận bên trong tử cung.

Aomame đứng đó đến trọn năm phút, một tay đặt lên tay vịn cầu trượt, khẽ chau mày, đập đập gót nhọn đôi giày cao gót xuống đất. Nàng kiểm tra lại tình trạng tâm trí và xác thịt mình bị khuấy đảo, nhấm nháp cảm giác đó. Cuối cùng, nàng hạ quyết tâm, đi ra phố lớn, gọi một chiếc taxi.

“Đến Yohga trước, sau đó lên đường cao tốc Thủ đô tuyến số ba, dừng trước lối ra ở Ikeriji,” nàng nói với lái xe. Lẽ dĩ nhiên, người lái xe hoàn toàn lúng túng.

“Cô à, rốt cuộc cô muốn đi đâu vậy?” anh ta hỏi, giọng nói ra chiều bỗ bã vô lo.

“Lối ra ở Ikeriji. Tạm thời là vậy.”

“Nếu thế thì từ đây đi thẳng đến Ikeriji gần hơn nhiều. Nếu qua Yohga, sẽ phải vòng cả một quãng đường dài đấy. Vả lại, vào tầm này tuyến số ba đường cao tốc Thủ đô chắc chắn sẽ tắc chật cứng, không nhúc nhích gì được. Chắc chắn đấy, cũng như chắc chắn hôm nay là thứ Tư vậy.”

“Tắc đường cũng không sao. Hôm nay là thứ Năm hay thứ Sáu hay là ngày sinh nhật Thiên Hoàng cũng chẳng liên quan gì. Tôi muốn anh lên đường cao tốc Thủ đô từ Yohga. Thời gian tôi có thừa.”

Tài xế khoảng tầm ba mươi đến ba lăm tuổi, gầy nhom, trắng trẻo, mặt dài và tái, trông giống như một con thú ăn cỏ dè dặt. Cằm dưới anh ta nhô ra phía trước, trông hệt như những bức tượng đá trên đảo Phục Sinh. Anh ta quan sát gương mặt Aomame quan gương chiếu hậu, cố dựa vào nét mặt để xác định người ngồi trên băng sau xe mình là một ả ngốc toàn tập hay chỉ là một người bình thường đang có ẩn tình phức tạp. Nhưng chuyện này không đơn giản với anh ta, đặc biệt là khi chỉ nhìn qua tấm gương chiếu hậu nhỏ xíu.

Aomame rút ví tiền trong túi đeo chéo, lấy ra một tờ mười nghìn yên mới toanh trông như vừa mới in xong, gí vào trước mặt tay tài xế.

“Không cần trả lại. Cũng không cần hóa đơn,” Aomame nói ngắn gọn, “Vì vậy anh không cần nói nhiều, cứ làm như tôi nói là được. Lái xe đến Yohga trước, rồi từ đó lên đường cao tốc Thủ đô, đến Ikeriji. Kể cả tắc đường thì số tiền này chắc cũng đủ rồi.”

“Dĩ nhiên là đủ,” tay tài xế có vẻ vẫn lấy làm ngờ vực, nói. “Cô có công chuyện gì đặc biệt trên đường cao tốc Thủ đô à?”

Aomame phe phẩy tờ giấy bạc mười nghìn yên như một lá cờ đuôi nheo trong gió. “Nếu anh không đi thì để tôi xuống bắt taxi khác. Đi hay không, phiền anh quyết định cho mau.”

Tay tài xế chau mày nhìn tờ tiền trong khoảng mười giây, sau đó quyết định cầm lấy. Sau khi giơ lên phía ánh sáng để xem có chắc là tiền thật không, anh ta bỏ nó vào cái túi da dùng khi làm việc.

“Tôi hiểu rồi. Ta đi thôi, đường cao tốc Thủ đô tuyến số ba. Nhưng nói thật nhé, chỗ đó tắc đường ghê lắm đấy. Vả lại, giữa Yohga và Ikeriji không có lối ra nào đâu, cả nhà vệ sinh công cộng cũng không. Vì vậy, nếu cô muốn đi vệ sinh thì hãy đi luôn bây giờ đi.”

“Không sao đâu. Anh cứ đưa tôi đến đấy đi.”

Tài xế giong xe vòng qua lối rẽ trong khu dân cư, đi lên Đường Vành đai Số tám, hòa vào dòng xe cộ chật ních đi về hướng Yohga. Dọc đường hai người không nói một lời. Tài xế mải nghe tin tức trên radio, còn Aomame thì chìm trong suy nghĩ. Lúc sắp đến đường nối lên đường cao tốc Thủ đô, tài xế vặn nhỏ radio, hỏi Aomame:

“Tôi hỏi thế này có lẽ hơi lắm lời, nhưng cô à, có phải cô làm nghề gì đặc biệt đúng không?”

“Nhân viên điều tra của công ty bảo hiểm,” Aomame không do dự đáp.

“Nhân viên điều tra của công ty bảo hiểm,” tay tài xế cẩn trọng lặp lại cụm từ ấy trong miệng một lần, như đang nếm một món ăn mới.

“Tôi tìm bằng chứng trong các vụ lừa gạt tiền bảo hiểm,” Aomame nói.

“À,” tay lái xe nói với vẻ khâm phục. “Chuyện lừa tiền bảo hiểm có liên quan gì đến tuyến số ba đường cao tốc Thủ đô à?”

“Có đấy.”

“Cứ như là trong bộ phim đó ấy nhỉ?”

“Phim nào?”

“Phim từ lâu rồi. Có Steve McQueen đóng ấy. Ừm, tôi quên mất tên rồi.”

“The Thomas Crowns Affair,” Aomame nói.

“Đúng đúng đúng, chính là nó. Faye Dunaway đóng vai nhân viên điều tra của công ty bảo hiểm. Cô nàng là chuyên gia về bảo hiểm mất trộm. McQueen là một tay nhà giàu, phạm tội để cho vui. Phim nay thật. Tôi xem từ thời học cấp ba và rất thích phần nhạc phim. Rất tuyệt.”

“Michel Legrand.”

Tay tài xế khẽ ngâm nga mấy đoạn nhạc đầu tiên trong ca khúc chủ để, sau đó nhìn vào gương chiếu hậu, quan sát gương mặt Aomame phản chiếu trong đó một lần nữa.

“Cô à, nói gì thì nói, thực tình cô có một cái gì hơi giống Faye Dunaway năm đó đấy.”

“Cám ơn,” Aomame nói, ít nhiều phải tốn chút sức để che đậy nụ cười hiện lên nơi khóe môi.

Quả nhiên, đúng như lời tay tài xế dự đoán, tuyến số ba của đường cao tốc Thủ đô chật cứng xe. Sau khi lên đường cao tốc, xe chưa đi được trăm mét thì đã bắt đầu tắc đường. Tắc một cách hoàn mỹ, cơ hồ khiến người ta muốn chụp lại cho vào bộ sưu tập các hình mẫu tắc đường. Thế nhưng, đây chính là điều Aomame mong muốn. Cùng bộ trang phục đó, cùng con đường đó, cùng một cảnh tắc đường đó. Chỉ tiếc là radio trong xe không phát bản Sinfonietta của Janáček. Chất lượng âm thanh không được chuẩn như chiếc Toyota Crown Royal Saloon kia, đây cũng là một điều đáng tiếc nữa. Nhưng đòi hỏi như vậy thì e hơi quá nhiều.

Chiếc taxi bị kẹp giữa đám xe tải, chầm chậm nhích lên từng chút một. Nó đứng yên tại chỗ một lúc lâu, rồi như sực nhớ ra, lại nhích lên phía trước một chút. Người thanh niên lái chiếc xe tải đông lạnh ở làn xe bên cạnh tranh thủ lúc dừng xe cắm đầu vào quyển tạp chí manga. Đôi vợ chồng trung niên ngồi trong chiếc Toyota Corona Mark II màu kem sữa mặt mũi nhăn nhó nhìn về phía trước, không nói với nhau một câu nào. Có lẽ họ không có gì để nói với nhau. Cũng có thể chính vì đã nói chuyện gì đó nên cục diện mới thành ra như vậy. Aomame dựa người sâu vào trong ghế, trầm tư, còn tay tài xế tiếp tục nghe chương trình radio.

Khó khăn lắm chiếc taxi mới đến được chỗ có dựng tấm bảng “Komazawa”, rồi tiếp tục bò như sên về hướng Sangenjaya. Aomame chốc chốc lại ngẩng lên nhìn phong cảnh bên ngoài cửa sổ. Đây là lần cuối cùng mình nhìn thấy thành phố này. Mình sẽ đến một nơi rất xa. Dù nghĩ thế, nàng chẳng thấy lưu luyến gì thành phố Tokyo. Các tòa nhà dọc theo đường cao tốc đều thậm xấu, lại bị khí thải xe hơi nhuộm một lớp đen mỏng, khắp nơi dựng đầy những bảng quảng cáo lòe loẹt. Cảnh tượng ấy chỉ khiến tâm trạng Aomame thêm nặng nề u uất. Sao người ta cứ phải dựng ra những nơi khiến người ta bực bội thế này? Mình không yêu cầu mỗi ngóc ngách trên thế giới này đều phải đẹp đẽ, nhưng có cần thiết phải làm cho xấu xí như vậy không?

Cuối cùng, một khu vực quen thuộc cũng lọt vào tầm mắt Aomame. Đây chính là nơi nàng bước ra khỏi taxi lần trước. Bác tài trung niên đã chỉ cho Aomame rằng đằng kia có một cầu thang thoát hiểm, dường như khi nói vậy bác ta có ẩn ý gì đó không tiện nói ra. Ở ngay phía trước nàng thấy tấm biển quảng cáo lớn của hãng Esso, một chú hổ đang toét miệng cười, tay cầm ống bơm xăng. Vẫn là tấm biển quảng cáo lần trước.

Hãy để chú hổ bơm xăng cho xe của bạn.

Aomame chợt cảm thấy cổ họng khô khốc. Nàng ho một tiếng, cho tay vào túi đeo chéo lấy một viên kẹo ngậm ho vị chanh ra ngậm, rồi cất hộp kẹo vào túi. Tay vẫn còn đút trong túi, nàng tiện thể nắm chặt báng súng khẩu Heckler & Koch, độ cứng và trọng lượng của nó khiến nàng yên tâm trở lại. Được rồi, Aomame nghĩ. Xe lại nhích lên phía trước thêm một chút.

“Anh làm ơn lái xe sang làn bên trái được không,” Aomame nói với tài xế.

“Nhưng làn bên phải đang đi được cơ mà,” anh ta cãi lại một cách ôn hòa, “Vả lại lối ra Ikeriji ở bên phải, giờ mà chuyển sang làn bên trái thì lát nữa tôi lại phải quành lại.”

Aomame không để ý đến sự phản đối của anh ta. “Không sao. Cứ lái sang làn bên trái đi.”

“Cô đã nhất quyết như vậy thì…” Tay lái xe đành chịu thua.

Anh ta thò tay ra ngoài cửa sổ xe, ra hiệu cho chiếc xe tải đông lạnh phía sau. Sau khi chắc chắn người kia đã nhìn thấy, anh ta liền xoay cửa sổ lên, đánh tay lái lách vào làn xe bên trái. Họ tiến thêm được chừng năm mươi mét nữa thì tất cả xe cộ lại dừng.

“Tôi muốn xuống ở đây, anh mở cửa xe ra đi.”

“Xuống xe?” tay lái xe hết sức kinh ngạc. anh ta chẳng hề động tay kéo chốt cho cửa mở ra. “Ý cô là cô muốn xuống xe ở đây?”

“Đúng. Ngay chỗ này. Tôi có việc ở đây.”

“Nhưng cô à, chúng ta đang ở giữa đường cao tốc Thủ đô, làm vậy quá nguy hiểm. Huống hồ dù cô có xuống xe thì cũng chẳng đi đâu được cả.”

“Đừng lo, ở đằng kia có cầu thang thoát hiểm.”

“Cầu thang thoát hiểm?” tay lái xe lắc đầu. “Có thứ ấy hay không thì tôi không biết. Nhưng nếu công ty biết tôi để khách xuống xe ở chỗ như thế này thì tôi sẽ bị phiền to đấy, lại còn bị công ty quản lý đường cao tốc Thủ đô phạt cho nữa. Cô làm ơn tha cho tôi đi.”

“Nhưng tôi có việc phải làm, bằng mọi giá tôi phải xuống xe ở đây,” Aomame nói, lại lấy trong ví ra một tờ mười nghìn yên nữa, búng búng ngón tay vào mặt tờ giấy rồi đưa cho tài xế. “Xin lỗi đã làm anh phải khó xử. Đây là khoản trả cho rắc rối của anh. Vì vậy làm ơn đừng nói gì nữa, để tôi xuống xe ở đây đi. Phiền anh!”

Tài xế không nhận tờ mười nghìn yên ấy, nhưng anh ta cũng thôi không nói gì nữa, chỉ kéo chốt. Cửa sau bên trái liền tự động mở ra.

“Tôi không cần thêm tiền. Vừa nãy cô đã trả đủ rồi. Nhưng cô phải cẩn thận đấy. Đường cao tốc Thủ đô này không có vai đường, dù đang tắc đường thì đi bộ ở đây cũng rất nguy hiểm.”

“Cám ơn anh,” Aomame nói. Nàng xuống xe, gõ cốc cốc vào cửa kính sát bên ghế lái phụ, bảo tài xế hạ kính xuống, sau đó thò đầu vào trong, nhét tờ mười nghìn yên ấy vào tay anh ta.

“Không sao đâu. Anh cứ nhận đi. Đừng ngại, tôi nhiều tiền đến nỗi chẳng biết tiêu việc gì nữa.”

Tài xế ngơ ngác nhìn tờ giấy bạc rồi lại nhìn mặt Aomame.

Aomame nói tiếp: “Nếu vì tôi mà anh bị cảnh sát hoặc công ty chất vấn, anh cứ nói là tôi rút súng ép anh phải làm vậy. Anh không còn cách nào khác ngoài để tôi ra khỏi xe. Như vậy họ sẽ không làm khó dễ anh được nữa.”

Tài xế dường như không hiểu nàng đang nói gì. Tiền nhiều đến nỗi chẳng biết tiêu việc gì nữa? Rút súng ép buộc? Nhưng anh ta vẫn nhận tờ giấy bạc mười nghìn yên, có lẽ vì sợ rằng nếu từ chối, nàng sẽ còn làm chuyện gì còn khó hiểu hơn nữa.

Giống như lần trước, Aomame đi xuyên qua khoảng trống giữa làn xe bên trái và vách chắn, hướng về phía Shibuya. Còn khoảng năm mươi mét nữa. Mọi người ngồi trong xe chằm chằm nhìn nàng với vẻ dường như không thể tin nổi, nhưng Aomame hoàn toàn không để ý. Nàng ưỡn thẳng lưng, sải chân bước dài về phía trước, như người mẫu trên sàn catwalk ở tuần lễ thời trang Paris. Gió thổi tóc nàng bay bay. Trên làn xe trống trải đối diện, những chiếc xe tải cỡ lớn lao vun vút làm mặt đường rung lên. Tấm biển quảng cáo của hãng Esso mỗi lúc một lớn, cho đến khi rốt cuộc Aomame đến được chỗ dừng xe khẩn cấp quen thuộc.

Cảnh vật xung quanh không thay đổi gì so với lần trước. Có một lan can sắt, bên cạnh có chiếc hộp nhỏ màu vàng, trong đó là điện thoại dùng khi khẩn cấp.

Đây chính là khởi điểm của năm 1Q84, Aomame nghĩ.

Từ khi mình leo cầu thang thoát hiểm này đi xuống đường quốc lộ số 246 ở bên dưới, thế giới của mình đã bị thay đổi. Vì vậy, giờ mình phải thử đi xuống những bậc thang này một lần nữa xem sao. Lần trước leo từ đây xuống là đầu tháng Tư, mình mặc áo khoác màu be. Giờ là đầu tháng Chín, mặc áo khoác thì nóng quá. Nhưng ngoài cái áo khoác ra, quần áo mình đang mặc giống hệt như lúc đó. Đây chính là bộ đồ mình mặc khi giết tên khốn làm việc trong ngành dầu mỏ ở khách sạn Shibuya. Đồ tây hiệu Junko Shimada, giày cao gót Charles Jourdan. Áo sơ mi trắng. Quần tất và áo lót ngực màu trắng có khung kim loại. Mình đã vén mini jupe lên, trèo qua hàng rào sắt và leo cầu thang xuống từ chỗ này.

Mình sẽ làm lại một lần chuyện ấy. Thuần túy chỉ vì hiếu kỳ. Mình chỉ muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra khi mình mặc cùng một bộ đồ đó, làm lại việc đó ở đúng nơi đó. Mình không mong đợi được giải cứu. Chết đối với mình không đáng sợ. Dù có phải chết, mình cũng sẽ làm không do dự. Mình có thể ngậm cười mà chết. Nhưng Aomame không muốn chết mà không biết, hoàn toàn không biết gì về nguyên nhân cũng như kết quả của sự việc. Nàng muốn thử hết sức mình. Nếu không được thì chết cũng chẳng sao. Nhưng mình phải cố gắng đến phút cuối cùng. Đây là phong cách sống của mình.

Aomame vươn người ra khỏi hàng rào sắt, tìm cầu thang thoát hiểm. Nhưng ở đó không có cầu thang thoát hiểm.

Nàng xem đi xem lại, kết quả vẫn giống nhau. Cầu thang thoát hiểm đã biến mất.

Aomame cắn môi, nhăn mặt, làm mặt nàng biến dạng.

Địa điểm không sai. Đúng là chỗ dừng xe khẩn cấp này. Mọi thứ ở xung quanh vẫn hệt như lần trước. Biển quảng cáo của hãng Esso ở ngay trước mắt. Trong thế giới của năm 1984, cầu thang thoát hiểm nằm ở vị trí này. Aomame có thể tìm thấy nó dễ dàng, chính xác như bác tài kỳ lạ ấy đã nói. Nàng đã trèo qua lan can, bước xuống các bậc thang. Nhưng trong thế giới của năm 1Q84, chiếc cầu thang thoát hiểm đó không còn tồn tại.

Lối ra đã bị bịt kín.

Aomame thôi không vặn vẹo gương mặt nữa, cẩn trọng nhìn xung quanh, rồi ngước lên tấm bảng quảng cáo của hãng Esso thêm một lần. Chú hổ cầm vòi bơm xăng, đuôi vểnh cao, nhìn xuống dưới với vẻ ranh ma, sành sỏi, toét miệng cười vui vẻ. Dường như chú ta đang hạnh phúc lắm, trên đời này tuyệt không có chuyện gì làm chú ta thỏa mãn hơn được nữa.

Dĩ nhiên rồi, Aomame nghĩ.

Đúng vậy, ngay từ đầu mình đã biết là như vậy rồi. Trong phòng suite ở khách sạn Okura, trước khi chết dưới tay Aomame, Lãnh Tụ từng nói: tuyệt không có đường nào từ năm 1Q84 trở về năm 1984. Cánh cửa dẫn vào thế giới này chỉ có thể mở về một hướng.

Mặc dầu vậy, Aomame vẫn muốn chính mắt mình xác nhận lại sự thực này. Đây là bản tính của nàng. Và giờ nàng đã xác nhận nó. Vãn tuồng. Chứng cứ hoàn tất. Q.E.D[3]

[3] Viết tắt của cụm từ tiếng Latinh quod erat demonstrandum (điều phải chứng minh).

Aomame dựa vào hàng rào sắt, ngẩng đầu nhìn lên trời. Thời tiết hoàn hảo. Trên nền trời xanh thẳm, có mấy vạt mây nhỏ dài, thẳng tắp trôi lơ lửng. Bầu trời mênh mông vô tận, hồ như không phải bầu trời phía trên một thành phố, nhưng nàng không thấy mặt trăng. Mặt trăng đi đâu rồi? Thôi kệ, mặc xác nó. Mặt trăng là mặt trăng, mình là mình. Mỗi bên đều có cách sống riêng, có lịch trình riêng.

Nếu là Faye Dunaway, lúc này chắc nàng sẽ rút một điếu thuốc lá dài và mảnh, ung dung bật lửa châm thuốc, rồi nheo mắt lại một cách thanh lịch. Nhưng Aomame không hút thuốc, nàng không mang theo thuốc lá, cũng không có bật lửa. Trong chiếc túi nàng đeo chỉ có hộp kẹo ngậm ho vị chanh. Thêm một khẩu súng lục tự động 9mm bằng thép ròng, cùng với chiếc dùi đục nước đá đặc chế đã đâm vào gáy vài gã đàn ông. Cả hai thứ có lẽ đều chết người hơn là thuốc lá.

Aomame nhìn về phía hàng xe đang tắc cứng. Mọi người ngồi trong xe, trố mắt nhìn nàng. Dĩ nhiên, chẳng mấy khi họ có cơ hội tận mắt thấy một thị dân bình thường đi bộ trên đường cao tốc Thủ đô. Nếu đó là một cô gái trẻ tuổi, mặc mini jupe, chân đi giày cao gót nhọn hoắt, mắt đeo kính râm màu xanh mực, miệng nhoẻn cười thì lại càng hiếm thấy hơn nữa. Chỉ có ai mắc bệnh thì mới không nhìn.

Xe tắc ở trên đường chủ yếu là xe tải chở hàng cỡ lớn. Các xe này chở đủ loại hàng hóa từ khắp nơi về Tokyo. Lái xe có lẽ đều cả đêm không ngủ, lúc này lại bị cuốn vào vụ tắc đường buổi sáng ông-trời-định-sẵn này. Họ buồn chán, mệt mỏi, chỉ muốn sớm được tắm rửa, cạo râu, lên giường đánh một giấc. Đó là nguyện vọng duy nhất của họ. Những người này ngây ra nhìn Aomame, như đang quan sát một loài vật lạ. Họ đã quá mệt mỏi, chẳng muốn dính dáng đến bất cứ thứ gì khác nữa.

Kẹt giữa đống xe tải chở hàng có một chiếc Mercedes Benz màu bạc, như một chú linh dương thanh lịch lạc vào giữa bầy tê giác thô tục. Thân xe đẹp đẽ, trông như với vừa trong nhà máy ra, phản chiếu ánh mặt trời mới lên. Lazăng được phối màu rất hợp với thân xe. Đây là xe nhập khẩu, vô lăng bên trái. Cửa kính bên ghế lái hạ xuống, một phụ nữ trung niên ăn mặc hợp mốt đang nhìn chằm chằm về phía Aomame. Kính râm Givenchy. Có thể thấy bàn tay bà ta đặt trên vô lăng. Những cái nhẫn lấp lánh.

Trông người phụ nữ ấy có vẻ tử tế, và dường như đang lo lắng thay cho Aomame. Hiển nhiên, bà ta đang băn khoăn không biết rốt cuộc một cô gái trẻ ăn mặc thanh lịch làm gì trên đường cao tốc. Đã xảy ra chuyện gì? Bà ta xem chừng định cất tiếng gọi Aomame. Nếu nàng nhờ vả, có lẽ bà ta sẽ cho nàng quá giang một đoạn.

Aomame gỡ cặp kính râm Ray-Ban xuống, cho vào túi áo ngực. Nàng nheo mắt lại dưới ánh mặt trời rực rỡ buổi sáng, đưa ngón tay lên day day vết gọng kính hằn trên hai cánh mũi. Nàng đưa đầu lưỡi liếm cặp môi khô khốc, nghe có vị son nhàn nhạt. Sau đó, nàng ngẩng đầu lên nhìn bầu trời trong vắt, rồi lại nhìn xuống dưới chân một lần nữa, để cho chắc.

Nàng mở túi đeo chéo, thong thả rút khẩu Heckler & Koch ra, rồi thả bịch cái túi xuống chân để hai tay được thoải mái. Tay trái nàng mở chốt an toàn, lên đạn. Một loạt động tác được nàng thực hiện nhanh và chuẩn xác. Âm thanh giòn tan văng vẳng xung quanh. Aomame cầm khẩu súng trên tay lắc lắc, kiểm tra lại trọng lượng. Bản thân khẩu súng nặng bốn trăm tám mươi gam, cộng thêm trọng lượng của bảy viên đạn. Không vấn đề, đạn đã lên nòng. Nàng có thể cảm nhận điều đó qua sự khác biệt về trọng lượng.

Trên khóe môi mím chặt thành đường thẳng của Aomame vẫn thấp thoáng một nụ cười. Mọi người chăm chú quan sát các động tác của nàng. Khi thấy nàng rút khẩu súng lục trong cái túi đeo chéo ra, không ai kinh ngạc, hay ít nhất là không ai bộc lộ sự kinh ngạc ra ngoài mặt. Có lẽ họ không tin đó là súng thật. Nhưng mà, đây là súng thật đấy, Aomame nói thầm.

Sau đó, nàng xoay ngược khẩu súng, nhét nòng súng vào miệng mình. Họng súng hướng thẳng vào bộ não, cái mê cung màu xám nơi ý thức đang nương náu.

Không cần nghĩ ngợi, lời cầu nguyện tự động thoát ra khỏi miệng nàng. Vẫn ngậm nòng súng ở trong miệng, nàng nhanh chóng lầm rầm một lượt những lời cầu nguyện ấy. Có lẽ không ai nghe rõ mình đang nói gì. Nhưng chẳng sao. Chỉ cần Thượng đế nghe là được rồi. Hồi nhỏ, Aomame gần như không hiểu nổi những lời khẩn nguyện mình đang lầm rầm trong miệng. Nhưng chuỗi câu từ ấy đã thấm vào tận sâu thẳm linh hồn nàng. Trước mỗi giờ cơm trưa ở trường, nàng nhất định phải cầu nguyện, một mình, lớn tiếng, không để tâm đến những ánh mắt tò mò và tiếng cười chế giễu của người xung quanh. Điều quan trọng là Thương đế đang quan sát ta. Không ai có thể thoát khỏi ánh mắt Người.

Anh Cả đang nhìn ngươi đấy.

Lạy Chúa của chúng con ở trên trời, xin cho danh Người cả sáng, xin cho nước Người trị đến. Xin Người thứ tội chúng con. Xin Người ban phúc cho những tiến bộ nhỏ nhoi của chúng con. Amen.

Người phụ nữ trung nhiên có gương mặt thanh tú đang cầm vô lăng chiếc Mercedes Benz mới tinh vẫn nhìn chăm chăm vào Aomame. Bà ta, cũng như mọi người xung quanh, có vẻ như vẫn chưa nắm được chính xác ý nghĩa của khẩu súng trên tay Aomame. Nếu hiểu được, bà ta chắc chắn sẽ phải nhìn đi chỗ khác, Aomame nghĩ. Nếu chứng kiến cảnh óc mình phọt ra tứ phía, chắc là bà ta sẽ khó lòng nuốt nổi bữa trưa và cả bữa tối hôm nay mất. Aomame nói thầm với bà, Nghe lời tôi đi, làm ơn nhìn sang phía khác. Tôi không phải đang đánh răng mà đang nhét một khẩu súng lục tự động hiệu Heckler & Koch của Đức vào miệng. Tôi cầu nguyện xong rồi. Chắc bà hiểu thế nghĩa là thế nào chứ.

Đây là lời khuyên của tôi. Một lời khuyên quan trọng. Quay mặt đi, đừng nhìn gì cả. Lái chiếc Mercedes Benz màu bạc mới cứng của bà về thẳng nhà, ngôi nhà xinh đẹp nơi chồng con bà đang đợi, và tiếp tục sống cuộc đời yên ổn của bà. Đây không phải thứ mà người như bà nên nhìn. Đây là súng thật, một khẩu súng lục xấu xí, đã nạp bảy viên đạn 9 ly xấu xí. Và, như Anton Chekhov đã nói, một khi đã có súng xuất hiện trong câu chuyện thì ở một cảnh nào đó nó nhất thiết phải nổ. Đó là ý nghĩa của thứ được gọi là “câu chuyện.”

Nhưng người phụ nữ trung niên không chịu dịch ánh mắt đi nơi khác. Aomame bỏ cuộc, khẽ lắc đầu. Xin lỗi, tôi không thể đợi được nữa. Đã đến lúc. Màn diễn phải bắt đầu rồi.

Hãy để chú hổ bơm xăng cho xe của bạn.

“Hô hô…” Người Tí Hon phụ trách bè kêu lên.

“Hô hô…” sáu Người Tí Hon còn lại phụ họa theo.

“Tengo,” Aomame thầm thì, sau đó đặt ngón tay lên cò súng, dồn lực xuống.
 
Chương 24: Tengo


Tranh thủ chút hơi ấm còn sót lại

Buổi sáng, Tengo lên tàu tốc hành từ ga Tokyo đến Tateyama. Ở Tateyama, anh đổi sang tàu phổ thông để đến Chiruka. Một buổi sáng trong lành và đẹp trời. Không có gió, mặt biển dường như cũng không gợn sóng. Mùa hè đã đi xa. Anh mặc áo phông cộc tay, bên ngoài khoác áo vest vải cô tông mỏng, vừa kéo rất hợp với thời tiết này. Không có khách đến tắm biển, thị trấn bên bờ biển vắng lặng khó ngờ. Như là một thành phố mèo thực sự vậy, Tengo nghĩ.

Tengo ăn bữa trưa đơn giản ở ga, sau đó bắt taxi đến viện điều dưỡng, khoảng hơn một giờ thì đến nơi. Ở quầy lễ tân, nữ y tá trung niên lần trước tiếp đón anh. Cũng chính là người đã nghe điện thoại tối hôm qua, y tá Tamura. Chị ta nhớ mặt Tengo, thái độ nhã nhặn hơn so với lần đầu tiên, thậm chí còn nhoẻn miệng mỉm cười với anh. Lần này Tengo ăn mặc chỉnh tề hơn, chắc điều này cũng gây ảnh hưởng nhất định.

Chị ta dẫn Tengo đến nhà ăn, mời anh một tách cà phê. “Phiền anh đợi ở đây một lát. Bác sĩ sẽ đến ngay,” chị ta nói. Khoảng mười phút sau, bác sĩ điều trị cho cha anh vừa dùng khăn bông lau khô tay vừa bước đến. Ông ta tuổi áng chừng trên dưới năm mươi, tóc cứng quèo lấm tấm sợi bạc. Ông ta không mặc áo blu trắng, hình như vừa hoàn thành việc gì đó. Thay vào đó ông ta mặc áo thể thao dài tay màu xám, quần thể thao cùng bộ, đi đôi giày chạy cũ. Ông ta khá cao lớn, trông không giống bác sĩ làm việc trong viện điều dưỡng mà giống huấn luyện viên thể thao ở trường đại học, kiểu người dù có cố gắng mấy cũng không thể thăng hạng được.

Những điều bác sĩ nói về cơ bản giống những gì hai người đã trao đổi qua điện thoại tối hôm trước. Đáng tiếc là hiện nay, xét từ góc độ y học, gần như không còn cách nào nữa, bác sĩ nói đầy vẻ nuối tiếc. Từ nét mặt và cách biểu đạt, có thể thấy tình cảm của ông ta dường như rất chân thành. “Ngoài cách mời con trai ông ấy đến gọi ông ấy, cổ vũ ông ấy, kích thích ham muốn sinh tồn của ông ấy, chúng tôi không còn biện pháp nào khác nữa.”

“Cha tôi có nghe thấy những gì tôi nói không?” Tengo hỏi.

Bác sĩ nhấp một ngụm trà xanh nguội, nét mặt nhăn lại trầm ngâm. “Nói thực lòng, tôi cũng không rõ nữa. Cha anh đang hôn mê. Nói với ông ấy, cơ thể ông ấy cũng không có chút phản ứng vật lý nào. Nhưng cũng có trường hợp, dù đang hôn mê sâu, người ta vẫn nghe thấy được tiếng nói chuyện ở xung quanh, thậm chí còn hiểu được nội dung cuộc nói chuyện nữa.”

“Nhưng chỉ nhìn bề ngoài thì không thể phân biệt được đúng không?”

“Không thể phân biệt.”

“Tôi có thể ở đây đến khoảng sáu rưỡi tối,” Tengo nói. “Từ giờ đến đó tôi sẽ ngồi cạnh ông ấy, cố gắng nói chuyện càng nhiều càng tốt, để xem có tác dụng gì không.”

“Nếu ông ấy có phản ứng gì, nhờ anh gọi tôi một tiếng,” bác sĩ nói. “Tôi ở ngay đây thôi.”

Một y tá trẻ dẫn Tendo đến phòng cha anh. Cô đeo tấm biển tên ghi chữ “Adachi”. Cha anh đã được chuyển đến một phòng đơn ở khu nhà mới dành cho các bệnh nhân bệnh tình tương đối nặng. Có nghĩa là, bánh răng đã lại nhích lên một nấc. Phía trước không còn nơi nào để chuyển đến nữa. Đó là một gian phòng nhỏ, hẹp và dài, lạnh lẽo, riêng giường bệnh đã chiếm hơn một nữa. Ngoài cửa sổ, khu rừng thông chắn gió trải dài. Ngước nhìn lên, rừng thông rậm rạp như một tấm bình phong khổng lồ ngăn cách viện điều dưỡng với thế giới hiện thực đầy sức sống. Sau khi y tá Adachi ra ngoài, chỉ còn Tengo ở lại với người cha đang nằm ngửa ngủ say. Anh ngồi xuống ghế cạnh giường chăm chú nhìn cha.

Chỗ đầu giường đặt giá treo để truyền dịch, dịch thể bên trong chiếc túi bằng chất dẻo chảy theo ống nhỏ vào mạch máu trên cánh tay cha anh. Niệu đạo cũng được cắm ống để bài tiết, nhưng lượng nước tiểu dường như nhỏ đến độ đáng ngạc nhiên. So với lần gặp nhau tháng trước, cha anh cơ hồ đã thu nhỏ lại một nấc. Hai má và cái cằm gầy giơ xương của ông mọc râu ria lởm chởm trắng phớ, chắc đã hai ngày nay không cạo. Hốc mắt cha anh vốn dĩ rất sâu, giờ đây nó lại còn hõm vào sâu hơn nữa. Tengo không khỏi hoài nghi có nên dùng công cụ chuyên dụng để kéo nhãn cầu ra khỏi cái hố sâu đó hay không. Dưới đáy hố sâu ấy, hai mí mắt đóng chặt như hai cánh cửa cuốn bị hạ xuống, còn miệng ông thì hơi hé mở. Anh không nghe thấy tiếng thở, nhưng áp tai lại gần thì vẫn cảm nhận được không khí chuyển vận nhè nhẹ. Sự sống được lặng lẽ duy trì ở mức độ thấp nhất.

Tengo có cảm giác, câu nói tối qua bác sĩ nói trong điện thoại “Giống như đoàn tàu đang từ từ giảm tốc, cuối cùng sẽ hoàn toàn ngưng lại” thực tình hết sức chuẩn xác. Đoàn tàu của cha anh đang từ từ giảm tốc, đợi khi hết quán tính, nó sẽ lặng lẽ dừng lại giữa chốn đồng không mông quạnh. Niềm an ủi duy nhất là trên đoàn tàu ấy đã không còn hành khách nào, cho dù dừng lại ở đó thì cũng không ai phàn nàn gì hết.

Mình phải nói gì đó với ông ấy, Tengo nghĩ. Thế nhưng anh không biết nên nói gì, nói như thế nào, nói bằng giọng gì. Mặc dù muốn nói, nhưng óc anh lại không thể đùn ra được một lời nào có ý nghĩa.

“Bố,” anh gọi khẽ như đang thì thầm. Nhưng sau đấy không còn lời nào nữa thốt ra.

Tengo đứng dậy khỏi ghế, bước tới cửa sổ, ngắm bãi cỏ được cắt tỉa công phu trong sân viện, cùng với bầu trời cao tít tắp phía trên rừng thông. Một con quạ đen đậu trên cột ăng ten lớn, tắm mình trong ánh mặt trời, liếc nhìn bốn phía xung quanh như đang trầm tư vấn đề gì. Bên cạnh giường bệnh đặt một chiếc radio bán dẫn có đồng hồ báo thức, nhưng cả hai công năng ấy cha anh đều không cần đến nữa rồi.

“Con là Tengo, vừa ở Tokyo đến. Bố nghe thấy con nói gì không?” Anh đứng trước cửa sổ, cúi xuống nhìn cha mà gọi. Không có phản ứng. Âm thanh do anh phát ra làm không khí rung động trong khoảnh khắc, sau đó bị hút vào sự trống rỗng đã chiếm cứ căn phòng này, không để lại dấu vết gì.

Người đàn ông này muốn chết, Tengo nghĩ. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt hõm sâu của ông là rõ. Ông đã quyết tâm kết thúc sự sống của mình, nên nhắm mắt lại và thả mình vào giấc ngủ sâu. Dù mình có nói gì với ông ấy, cổ vũ ông ấy thế nào thì cũng không thể làm suy chuyển quyết tâm ấy được. Xét từ góc độ y học, ông ấy vẫn sống. Nhưng đối với ông, cuộc đời này đã kết thúc. Ông ấy không còn lý do hay ý chí để nỗ lực kéo dài sự sống. Điều duy nhất Tengo có thể làm là tôn trọng nguyện vọng của cha, để ông chết bình yên. Nét mặt ông bình tĩnh lạ thường, dường như không hề cảm thấy đau đớn. Đúng như bác sĩ đã nói qua điện thoại, đây là niềm an ủi duy nhất.

Nhưng Tengo vẫn cần nói gì đó với cha. Một là vì đây là giao hẹn giữa anh với bác sĩ. Người bác sĩ đó đã chăm sóc cha anh giống như người thân của ông. Vả lại, còn có… Anh không nghĩ ra cách biểu đạt nào thích hợp… Vấn đề “lễ tiết”. Đã nhiều năm nay, Tengo không một lần nào nói chuyện dài với cha, thậm chí trò chuyện mấy câu cũng không. Lần cuối cùng hai người trò chuyện với nhau một cách thực sự có lẽ là từ thời anh học trung học. Từ đó trở đi Tengo hầu như không về nhà. Nếu vạn bất đắc dĩ có chuyện phải về nhà, anh cũng cố hết sức tránh chạm mặt cha.

Giờ đây, sau khi thẳng thắn thừa nhận với Tengo rằng mình không phải cha ruột của anh, người đàn ông này rốt cuộc cũng trút được gánh nặng trên vai. Trông ông có vẻ thanh thản. Thế có nghĩa là chúng ta đều đã trút được gánh nặng trên vai mình. Ở thời điểm then chốt cuối cùng.

Mặc dù có lẽ không có quan hệ máu mủ ruột rà, người này đã nuôi dưỡng và đăng ký tên anh trong sổ hộ tịch như con đẻ, cho đến khi anh có khả năng tự nuôi sống mình. Ông ấy có ơn với mình. Mình có nghĩa vụ báo với ông ấy rằng đến nay mình đã sống như thế nào, mình nghĩ những gì trong đầu từ bấy đến nay, Tengo thầm nhủ. Không đúng, đó không phải là nghĩa vụ. Xét cho cùng, đây là vấn đề lễ tiết. Còn ông ấy có nghe được hay chăng, làm thế có tác dụng gì chăng thì cũng không quan trọng.

Tengo ngồi lại xuống ghế bên giường bệnh, bắt đầu kể lại những nét chính trong cuộc đời anh cho đến thời điểm này. Bắt đầu từ khi anh thi đậu cấp ba, rời nhà vào sống trong ký túc xá của câu lạc bộ Judo. Kể từ lúc đó, cuộc sống của anh và người cha này gần như mất đi toàn bộ các giao điểm, hai người ai đi đường nấy và gần như không can dự gì đến nhau nữa. Tengo cảm thấy có lẽ anh nên cố gắng hết sức để bù lấp lại khoảng trống to lớn ấy.

Nhưng thực ra không có gì để nói nhiều về cuộc sống của Tengo ở trường cấp ba. Anh thi đậu vào một trường tư thục nổi tiếng về môn judo ở tỉnh Chiba. Thực ra, anh có thể dễ dàng thi vào một trường tốt hơn, nhưng điều kiện của trường đó là hấp dẫn nhất. Ngoài việc miễn hoàn toàn học phí, nhà trường còn cấp cho anh một phòng trong ký túc xá và ba bữa ăn một ngày. Tengo trở thành tuyển thủ nòng cốt trong đội nhu đạo của trường, anh tranh thủ những lúc rảnh rỗi giữa các buổi tập để học bài (không cần phải cố gắng, anh cũng có thể dễ dàng giữ thành tích hàng đầu trong trường). Mỗi khi được nghỉ, anh và đám bạn trong đội judo đi lao động chân tay, kiếm thêm tiền tiêu vặt.

Do phải làm nhiều việc như thế nên anh luôn thiếu thì giờ. Thời kỳ ấy niềm vui chẳng lấy gì làm nhiều, anh cũng không có mấy bạn thân. Anh chưa bao giờ thích trường học vì có quá nhiều quy tắc. Anh làm những gì phải làm để duy trì quan hệ với các bạn đồng đội, nhưng thật ra họ với anh chẳng có nhiều điểm chung. Thật tình mà nói, Tengo chưa bao giờ thật sự toàn tâm toàn ý với judo như một môn thể thao. Anh cần phải thắng để có tiền tiêu, nên anh dành rất nhiều công sức để tập luyện ngõ hầu không phụ lòng trông đợi của người khác. Với anh judo không hẳn là một môn thể thao mà đúng hơn là kế sinh nhai, một việc làm. Suốt ba năm cấp ba, anh cứ mong tốt nghiệp để có thể sống một cuộc sống nghiêm túc hơn càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, ngay cả khi vào đại học anh vẫn tiếp tục tập judo. Cuộc sống về cơ bản không khác gì thời ở trường cấp ba. Chỉ cần tiếp tục tập judo là anh có thể vào ở trong ký túc xá sinh viên, không cần lo lắng về chỗ ngủ và cái ăn nữa (tất nhiên là ở mức độ thấp nhất). Anh cũng được học bổng, nhưng chỉ bằng chút tiền đó thì không sống nổi, nên vẫn cần tiếp tục tập judo. Khỏi phải nói, ngành học của anh là toán. Anh khá nỗ lực trong học tập, vì vậy thành tích ở trường đại học cũng rất tốt, thầy hướng dẫn thậm chí còn đề nghị anh tiếp tục học lên cao học. Nhưng lên đến năm thứ ba và thứ tư đại học, nhiệt tình của anh với toán học nhanh chóng nguội lạnh. Dĩ nhiên, anh vẫn thích toán như trước. Nhưng anh chẳng hề muốn lấy nghiên cứu toán học làm nghiệp cả đời một chút nào. Cũng như judo vậy. Anh là một tuyển thủ nghiệp dư có thực lực, nhưng không có khát khao hay tư chất để giành cả đời cho nó. Bản thân anh hiểu rõ điều này.

Trong khi niềm hứng thú với toán học trở nên nhạt nhòa, ngày tốt nghiệp đại học cũng mỗi lúc một gần, anh không còn lý do gì để tiếp tục tập judo nữa. Vậy nên, Tengo hoang mang không biết sau này mình sẽ làm gì, sẽ đi trên con đường nào. Cuộc đời anh dường như mất đi trọng tâm. Thực ra, cuộc đời anh vốn đã không có trọng tâm, nhưng trước đó dù sao cũng có người kỳ vọng ở anh, đặt ra yêu cầu cho anh và việc hồi đáp những điều đó giữ cho anh bận rộn. Khi những yêu cầu và kỳ vọng ấy không còn nữa thì cũng không còn gì đáng nhắc đến. Anh không có mục tiêu cho cuộc đời mình. Anh không có bạn thân. Anh như thể trôi dạt không mục đích, không thể tập trung năng lực tinh thần vào bất cứ sự vật nào.

Thời đại học, anh từng qua lại với mấy cô bạn gái, có nhiều kinh nghiệm quan hệ tình dục. Xét theo quan niệm thông thường thì Tengo không được coi là đẹp trai, không phải loại quảng giao, nói năng cũng không thú vị cho lắm. Tiền trong túi anh lúc nào cũng không đủ tiêu, ăn mặc thì càng chẳng ra sao. Song giống như một số loài thực vật biết dùng mùi vị để thu hút lũ ngài bướm, anh có khả năng hấp dẫn một loài phụ nữ nào đó, và sức hấp dẫn ấy rất mạnh mẽ.

Năm hai mươi tuổi (gần như trùng với thời điểm anh bắt đầu mất đi hứng thú với toán học), anh đã phát hiện ra sự thực này. Anh không cần làm gì cả, nhưng luôn luôn có những phụ nữ hứng thú với anh, chủ động tiếp cận anh. Bọn họ khao khát được cánh tay cường tráng của anh ôm vào lòng, ít nhất là họ không bao giờ cự tuyệt khi anh làm thế. Mới đầu Tengo không hiểu tại sao lại như vậy, nên có hơi ngại ngùng và hoang mang, song không lâu sau anh đã hoàn toàn nắm bắt được sức hấp dẫn kỳ lạ đó, và vận dụng thứ năng lực ấy một cách thành thạo. Từ đó trở đi Tengo gần như không bao giờ thiếu phụ nữ ở bên. Nhưng anh chưa bao giờ có tình yêu với những người phụ nữ ấy. Anh chỉ qua lại và duy trì quan hệ xác thịt với họ mà thôi. Hai bên lấp đầy sự trống trải của nhau. Kể cũng lạ, những người phụ nữ ấy bị anh hấp dẫn một cách mãnh liệt song chưa từng có ai trong số đó hấp dẫn anh mãnh liệt được như thế cả.

Tengo kể lại những chuyện đó cho người cha không còn ý thức nghe. Mới đầu anh còn cẩn thận chọn lựa câu chữ, sau dần dần trở nên thao thao bất tuyệt, cuối cùng lại còn khá hăng hái nữa. Những vấn đề liên quan đến tình dục, anh cũng cố gắng kể một cách thành thực nhất. Đã đến lúc này rồi, còn có gì phải xấu hổ nữa chứ? Tengo nghĩ. Cha anh vẫn không đổi tư thế, nằm ngửa mặt lên trần, tiếp tục chìm sâu trong giấc ngủ, hơi thở không thay đổi.

Lúc gần ba giờ, y tá đến thay túi nhựa truyền dịch, đổi túi hứng nước tiểu mới và đo nhiệt độ cơ thể cho cha anh. Người y tá này khoảng ba tư ba lăm tuổi, thân hình to khỏe, ngực cũng rất to. Biển tên của chị ta ghi “Omura”. Mái tóc chị ta búi chặt lại phía sau đầu, bên trên cắm một chiếc bút bi.

“Có thay đổi gì đặc biệt không?” chị ta vừa hỏi Tengo vừa dùng bút bi điền các con số lên tấm bảng kẹp trong kẹp giấy.

“Không có gì. Vẫn ngủ từ đó đến giờ,” Tengo đáp.

“Nếu có chuyện gì, làm ơn nhấn cái nút này.” Chị ta chỉ vào cái công tắc kêu cứu treo trên đầu giường, rồi cắm lại chiếc bút bi lên tóc.

“Tôi biết rồi.”

Y tá Omura đi được một lúc thì có tiếng gõ cửa ngắn, và y tá Tamura đeo kính thò đầu vào.

“Anh có cần ăn cơm không? Trong nhà ăn có thức ăn đấy.”

“Cám ơn. Giờ tôi vẫn chưa đói,” Tengo đáp.

“Tình hình cha anh sao rồi?”

Tengo gật đầu. “Tôi vẫn nói chuyện với ông ấy từ nãy đến giờ, không biết ông ấy có nghe được không nữa.”

“Nói chuyện với ông ấy là điều tốt,” chị ta nói, mỉm cười như cổ vũ anh, “Không sao đâu, nhất định là cha anh nghe thấy được.”

Chị ta nhẹ nhàng đóng cửa. Trong căn phòng bệnh chật hẹp, chỉ còn lại hai cha con Tengo.

Tengo tiếp tục nói.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh dạy toán tại một trường dự bị ở Tokyo. Anh đã không còn là thần đồng toán học được cho là có tương lai xán lạn, cũng không còn là tuyển thủ judo được mọi người kỳ vọng, mà chỉ là một thầy giáo ở trường dự bị. Nhưng chính điều này khiến Tengo vui. Cuối cùng anh cũng có thể thở phào một tiếng. Bởi vì đây là lần đầu tiên trong đời anh có thể không lo lắng về ai, được sống một mình, tự do thoải mái.

Không lâu sau, anh bắt đầu viết tiểu thuyết. Anh có mấy tác phẩm gửi đến dự thi giải Tác giả mới của nhà xuất bản. Về sau, anh quen với một tay biên tập viên độc lập và tính khí thất thường mang họ Komatsu. Người này khuyên anh viết lại Nhộng không khí, tác phẩm của một thiếu nữ mười bảy tuổi tên là Fukaeri (tên thật là Fukada Eriko). Fukaeri đã tạo ra câu chuyện, nhưng lại không có năng lực viết văn, nên Tengo nhận nhiệm vụ này. Anh hoàn thành công việc một cách viên mãn, tác phẩm giành được giải Tác giả mới của tạp chí văn nghệ, được xuất bản, trở thành sách bán chạy. Vì Nhộng không khí gây ra quá nhiều tranh luận, các ủy viên trong hội đồng bình xét giải Akutagawa đều giữ khoảng cách với nó, nên sách không giành được giải này. Tuy nhiên nó vẫn bán chạy khủng khiếp đến nỗi Komatsu nói, theo cách nói thẳng thừng của anh ta, “Ai cần vào cái giải đó”.

Tengo không chắc chắn những gì mình nói có lọt vào tai cha hay không, và kể cả khi ông nghe thấy thì anh cũng không thể biết cha có hiểu hay không. Không có phản ứng, cũng không có cảm giác. Dầu cha anh hiểu được thì cũng không có cách nào biết ông có hứng thú với những chuyện đó không. Có lẽ ông chỉ cảm thấy phiền phức quá”. Có lẽ ông đang nghĩ, “Đời của người khác liên quan gì đến tôi, để cho tôi ngủ yên đi!” Nhưng Tengo chỉ biết không ngừng nói ra những câu chữ hiện lên trong tâm trí. Anh không nghĩ ra việc gì khác hay hơn khi ngồi mặt đối mặt với cha trong gian phòng bệnh chật hẹp này.

Cha anh vẫn không nhúc nhích dù chỉ một chút. Cặp mắt ông đóng chặt dưới đáy hai cái hố sâu tăm tối đó. Trông ông như thể đang lặng lẽ chờ tuyết rơi, lấp đầy hai cái hố đó thành màu trắng.

“Giờ vẫn chưa thể nói là mọi thứ tiến triển thuận lợi, nhưng nếu có thể, con muốn sống bằng nghề văn. Không phải đi viết lại tác phẩm của người khác mà viết ra thứ mình thích, theo ý của mình. Con cảm thấy viết văn, đặc biệt là viết tiểu thuyết, khá hợp với tính cách của con. Thật là vui khi có một thứ gì đó mình thực sự muốn làm. Cuối cùng thì con đã có một thứ như thế. Tuy những thứ con viết ra vẫn chưa hề được xuất bản dưới tên con, nhưng không bao lâu nữa chuyện đó sẽ xảy ra thôi. Tự mình nói thì không hay lắm, nhưng con biết mình không phải nhà văn kém. Ít nhất là có một biên tập viên nhận xét tốt về con. Đối với chuyện này, con không lo lắng.”

Có lẽ nên thêm vào một câu: hình như con có tư chất của một Người Tiếp thụ, đến độ bị kéo vào thế giới do chính mình hư cấu ra. Nhưng chỗ này không phải là nơi để nói những vấn đế phức tạp như vậy. Đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Anh quyết định đổi chủ đề.

“Con cảm thấy có một vấn đề bức thiết hơn, đó là cho đến giờ con vẫn chưa thể thực sự yêu ai. Từ khi sinh ra trên đời, con chưa từng yêu một ai đó vô điều kiện, chưa từng cảm thấy vì một ai đó mà có thể vứt bỏ tất thảy. Dù chỉ một lần cũng không.”

Tengo vừa nói vừa nghĩ, ông già trông có vẻ khốn khổ trước mặt mình đây, không biết liệu trong đời ông đã thực lòng yêu một ai đó hay chưa? Có lẽ ông đã thực lòng yêu mẹ Tengo, nên mới nuôi dưỡng Tengo như con đẻ, ngay cả khi ông biết rõ hai người không có quan hệ máu mủ ruột rà. Nếu đúng vậy, có thể nói, xét về tinh thần, cuộc đời ông đầy đủ hơn Tengo rất nhiều.

“Chắc là chỉ có một ngoại lệ duy nhất. Có một cô bé mà con không thể nào quên được. Cô bé ấy học cùng lớp với con hồi lớp ba và lớp bốn ở trường tiểu học Ichikawa. Phải, đó là chuyện của hai mươi năm trước. Cô bé ấy thu hút con mạnh mẽ. Con vẫn luôn nhớ đến cô ấy, cho đến giờ vẫn nhớ. Thực ra, con gần như chưa bao giờ nói chuyện với cô ấy. Cô ấy chuyển trường, sau đó con không gặp lại cô ấy nữa. Nhưng gần đây xảy ra một số việc khiến con bắt đầu muốn tìm kiếm cô ấy. Cuối cùng, con đã hiểu ra mình cần có cô ấy. Con muốn gặp cô ấy, nói chuyện với cô ấy đủ thứ chuyện. Nhưng con không tìm được cô ấy. Lẽ ra con nên tìm kiếm cô ấy từ trước, như vậy có lẽ mọi việc sẽ đơn giản hơn nhiều.”

Tengo thoáng trầm ngâm, chờ cho những chuyện mình vừa kể lại ngấm vào tâm trí cha. Hoặc chính xác hơn là đợi cho chúng ngấm vào tâm trí của chính anh. Sau đó anh tiếp tục kể.

“Đúng thế, trong những việc kiểu thế này, con rất hèn nhát. Chẳng hạn, cũng vì lý do ấy mà con không đi tra lại hồ sơ hộ tịch của chính mình. Muốn điều tra xem mẹ con đã chết thật hay chưa thực ra rất dễ. Chỉ cần đến tòa thị chính tìm đọc lại hồ sơ là lập tức rõ ngay. Thực ra đã mấy lần con muốn đi rồi. Thậm chí con còn đã đến cả tòa thị chính. Nhưng con không thể nào buộc mình đi vào làm thủ tục xin tra tìm tài liệu. Vì con sợ người khác mang sự thực ra bày trước mắt mình, sợ chính mình là người vạch trần sự thực ấy. Vì vậy con chờ đợi, chờ đến một ngày sự thực sẽ sáng tỏ một cách tự nhiên.”

Tengo thở dài.

“Thôi không nói chuyện này nữa. Lẽ ra con nên khởi sự tìm cô gái đó từ lâu rồi mới phải. Con đã đi vòng quá xa. Có điều, con không thể nào bắt tay vào hành động được. Nói thế nào nhỉ, cứ hễ dính đến những vấn đề thuộc nội tâm là con trở thành kẻ hèn nhát. Đây mới là nhược điểm chết người của con.”

Tengo đứng dậy khỏi ghế, bước đến trước cửa sổ nhìn ra rừng thông. Gió đã ngừng. Anh không nghe thấy tiếng sóng biển. Một con mèo lớn đi qua sân. Bụng thõng xuống thế kia, chắc hẳn nó đang mang thai. Con mèo nằm dưới gốc cây, xoãi hai chân sau ra, bắt đầu liếm liếm bụng.

Anh dựa người vào cửa sổ, tiếp tục nói chuyện với cha.

“Nhưng dù sao chăng nữa, cuộc đời con gần đây rốt cuộc cũng bắt đầu thay đổi. Con cảm thấy vậy. Nói thực lòng, con đã hận bố suốt một thời gian dài. Từ nhỏ con đã cho rằng đáng lẽ mình không nên sinh ra ở một nơi chật chội thảm thương như thế, lẽ ra mình phải có một hoàn cảnh sống hạnh phúc hơn. Con cảm thấy mình bị đối xử như vậy thật bất công. Các bạn học cùng lớp có vẻ như đều sống sung túc, hạnh phúc. Những đứa cả tài năng và phẩm chất đều kém con xa dường như lại sống vui vẻ hơn con rất nhiều. Lúc đó con thực sự hy vọng, nếu bố không phải là bố con thì tốt biết bao nhiêu. Lúc nào con cũng tưởng tượng đó là một sự lầm lẫn, bố không phải là bố đẻ của con, chắc chắn chúng ta không có quan hệ máu mủ gì.”

Tengo lại hướng ra ngoài cửa sổ, nhìn xuống chỗ con mèo kia. Con mèo không hề biết có người đang nhìn mình, chỉ chú tâm liếm phần bụng gồ hẳn lên. Trong khi quan sát con mèo, Tengo tiếp tục nói.

“Bây giờ thì con không nghĩ thế nữa. Con cảm thấy mình đã ở đúng hoàn cảnh dành cho mình, có một người cha phù hợp dành cho mình. Con nói thực đấy. Quả tình, trước đây con là một kẻ vô vị, một kẻ không có giá trị. Xét về mặt nào đó, con đã hủy hoại chính bản thân mình. Giờ đây con hiểu rõ rồi. Hồi nhỏ con đúng là thần đồng toán học, điều đó thì chắc chắn. Ngay cả bản thân con cũng biết mình có tài năng thực sự. Mọi người đều nhìn con với ánh mắt đặc biệt, đều xun xoe bên cạnh con. Nhưng xét cho cùng, đó chỉ là tài năng không có tiền đồ phát triển. Nó chỉ dừng lại ở đó. Từ nhỏ con đã có thân hình cao lớn và có sở trường judo, giành được thành tích tốt trong đại hội thể thao của tỉnh. Nhưng, ngoài thế giới rộng lớn kia, những tuyển thủ judo mạnh hơn con ở đâu cũng có. Hồi ở đại học, con thậm chí còn không được chọn làm đại biểu của trường tham gia thi đấu toàn quốc. Con bị sốc, có một dạo con không biết mình là cái thá gì nữa. Có điều, đó là lẽ đương nhiên thôi, bởi vì quả thực con chẳng là cái thá gì.”

Tengo mở nắp chai nước khoáng anh mang theo, uống một ngụm rồi lại ngồi xuống ghế.

“Lần trước con đã nói với bố rồi, con cám ơn bố. Con nghĩ, con không phải là con đẻ của bố. Điều đó con gần như chắc chắn. Con cám ơn bố đã nuôi đứa con không phải máu mủ của mình này thành người. Gà trống nuôi con không phải chuyện dễ dàng gì, nhất định là vậy. Bố đã dẫn con đi khắp nơi thu phí nghe nhìn cho đài NHK, đến giờ con nhớ lại vẫn còn cảm thấy khó chịu, thấy đau lòng. Toàn là những ký ức khủng khiếp. Có điều, chắc chắn bố không nghĩ ra được cách nào khác để tiếp xúc được với con. Con nên nói thế nào nhỉ, đối với bố, đây có thể nói là chuyện bố có thể làm tốt nhất rồi. Đó là giao điểm duy nhất giữa bố và xã hội. Nhất định là bố muốn cho con thấy thế giới bên ngoài là như thế nào. Đến bây giờ con đã hiểu được điểm này. Đương nhiên, bố cũng có tính toán rằng nếu dẫn theo một đứa trẻ thì việc thu phí sẽ dễ dàng hơn. Nhưng hẳn không chỉ vì một mục đích đó.”

Tengo ngừng trong giây lát, để những gì mình nói ngầm vào trong tâm trí cha, đồng thời tranh thủ sắp xếp lại những dòng suy nghĩ trong đầu.

“Hồi nhỏ tất nhiên con không hiểu được những điều này. Con chỉ thấy xấu hổ, thấy đau đớn. Ngày Chủ nhật, bọn trẻ con cùng lớp đều thoải mái chơi đùa, riêng con lại phải cùng cha đi thu phí. Mỗi khi ngày Chủ nhật đến con lại thấy chán ghét tột bực. Nhưng giờ con đã hiểu được, ít nhất là ở một mức độ nào đó. Con không thể nói là bố đã làm đúng. Tâm hồn con đã bị tổn thương. Đối với một đứa trẻ, làm như vậy là quá khắc nghiệt. Nhưng đó là chuyện quá khứ cả rồi, bố không cần để ý làm gì. Vả lại, cũng chính vì thế con mới thấy mình ít nhiều trở nên cứng cỏi hơn. Con đã học được rằng, tồn tại trên thế giới này tuyệt đối không phải chuyện dễ dàng gì.”

Tengo xòe hai tay ra, nhìn xuống lòng bàn tay một lúc.

“Con đang cố gắng để sống. Con cảm thấy từ nay trở đi có lẽ mình sẽ sống tốt hơn trước, không vòng vèo không cần thiết nữa. Con không biết giờ bố muốn gì. Có lẽ bố chỉ muốn yên tĩnh nằm ngủ ở đây mãi, không bao giờ mở mắt ra nữa. Nếu bố muốn thế thì cứ làm vậy đi. Con không thể ngăn cản bố, nếu đó là điều bố mong mỏi. Con chỉ có thể để bố tiếp tục ngủ say. Có điều, chuyện gì ra chuyện ấy, con vẫn muốn nói những lời này với bố, kể với bố những chuyện con đã làm từ trước đến nay, những điều con đang suy nghĩ trong giờ phút này. Có lẽ bố không muốn nghe. Vậy thì, cứ coi như con đang làm phiền bố vậy. Xin lỗi bố. Dù sao thì con cũng không còn gì để nói nữa. Những điều cần nói, về cơ bản con đã nói hết rồi. Con sẽ không quấy rầy bố nữa. Bố cứ ngủ thoải mái đi, muốn ngủ bao lâu tùy thích.”

Khoảng hơn năm giờ, y tá Omura trên tóc cắm cây bút bi đến kiểm tra túi nước truyền dịch. Lần này chị ta không đo nhiệt độ cho cha anh.

“Có hiện tượng gì không anh?”

“Không có gì đặc biệt. Ông ấy vẫn ngủ suốt,” Tengo đáp.

Người y tá gật đầu. “Lát nữa bác sĩ sẽ đến. Anh Kawana, hôm nay anh ở đây được đến mấy giờ?”

Tengo liếc đồng hồ đeo tay. “Tôi đi chuyến tàu lúc bảy giờ tối, chắc có thể ở đến khoảng sáu rưỡi.”

Y tá Omura điền xong bảng biểu, lại cắm cây bút bi lên búi tóc.

“Từ trưa đến giờ tôi vẫn luôn nói chuyện với ông ấy, nhưng hình như ông ấy không nghe thấy gì cả,” Tengo nói.

Y tá Omura nói: “Hồi còn ở trường hộ lý tôi học được một câu thế này: những lời sáng sủa có thể khiến màng nhĩ con người rung động một cách đặc biệt. Những lời sáng sủa có tần số của riêng chúng. Mặc cho bệnh nhân có hiểu được nội dung hay không, màng nhĩ cũng đều rung lên theo tần số ấy. Chúng tôi được dạy là không cần biết bệnh nhân có nghe thấy hay không, mình cứ phải nói với họ thật lớn tiếng, giọng thật sáng. Làm như vậy chắc chắn là có hiệu quả. Từ kinh nghiệm của mình, tôi tin vào điều đó.”

Tengo nghĩ ngợi về điều này trong một thoáng. “Cám ơn chị,” anh nói. Y tá Omura khẽ gật đầu, nhanh nhẹn bước ra khỏi phòng bệnh.

Sau đó, Tengo và cha im lặng một lúc lâu. Anh không còn gì để nói nữa. Nhưng sự im lặng này không phải là thứ im lặng khiến người ta cảm thấy khó chịu. Nắng chiếu yếu dần, cảm giác về hoàng hôn lơ lửng khắp xung quanh. Những tia nắng cuối cùng lặng lẽ dịch chuyển trong phòng.

Mình chưa kể với bố chuyện trên trời có hai mặt trăng, Tengo đột nhiên sực nhớ ra. Hình như vẫn chưa kể. Giờ đây Tengo đang sống trong một thế giới có hai mặt trăng. “Dù sao chăng nữa, cảnh tượng ấy cũng hết sức kỳ quái”. Anh rất muốn kể cho cha nghe, nhưng lại cảm thấy lúc này lôi chủ đề đó ra chẳng có ý nghĩa gì. Trên trời có mấy mặt trăng thì cũng không liên quan gì đến cha anh. Đây là vấn đề mà Tengo phải tự mình đối mặt.

Vả lại, trong thế giới này (hoặc thế giới kia), dẫu cho chỉ có một mặt trăng, hay hai, thậm chí ba mặt trăng, xét cho cùng chỉ có một Tengo. Vậy thì có gì khác nhau? Dù đi tới đâu, Tengo cũng chỉ có thể là Tengo. Anh vẫn là người phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình, sở hữu những tư chất chỉ riêng anh có. Đúng vậy, mấu chốt của vấn đề không phải ở mặt trăng, mà ở chính bản thân anh.

Khoảng ba mươi phút sau, y tá Omura quay lại. Trên tóc chị ta không hiểu vì lý do gì đã không còn cắm cây bút bi nữa. Cây bút đi đâu rồi? Tengo nhận ra mình quá để ý đến chuyện này một cách lạ lùng. Có hai nhân viên nam đẩy giường có bánh xe cùng đến. Cả hai đều thấp và mập, da ngăm ngăm, không nói một lời nào. Trông họ như người nước ngoài vậy.

“Anh Kawana, chúng tôi phải đưa cha anh đến phòng xét nghiệm. Anh đợi ở đây nhé?” người y tá nói.

Tengo nhìn đồng hồ. “Có gì không ổn sao?”

Y tá Omura lắc đầu. “Không, không phải đâu. Chỉ là phòng này không có máy móc thiết bị dùng để xét nghiệm nên chúng tôi phải đưa ông ấy sang bên đó thôi. Không có gì đặc biệt cả. Bác sĩ sẽ nói chuyện với anh sau khi xong việc.”

“Tôi biết rồi. Tôi sẽ đợi ở đây.”

“Trong nhà ăn có trà nóng đấy. Anh nên nghỉ ngơi một lát đi.”

“Cám ơn chị,” Tengo nói.

Hai người đàn ông nhẹ nhàng nhấc thân thể gầy gò của cha anh lên, cùng với ống truyền dịch cắm trên người, chuyển sang giường có bánh xe. Họ đẩy cả giá treo túi truyền dịch theo giường ra ngoài hành lang. Động tác hết sức nhanh nhẹn và thành thạo, nhưng không nói một lời.

“Không lâu lắm đâu,” y tá nói.

Nhưng một lúc lâu sau vẫn không thấy cha anh quay lại. Ánh sáng chiếu vào qua cửa sổ mỗi lúc một yếu dần, nhưng Tengo không bật đèn trong phòng. Anh có cảm giác, nếu bật đèn lên, dường như một thứ gì đó quan trọng ở đây sẽ bị tổn thương.

Trên giường có vết lõm do cơ thể cha anh để lại. Có lẽ giờ ông chẳng còn được bao nhiêu cân nữa, nhưng trên mặt giường vẫn để lại một hình dáng rõ nét. Nhìn vết lõm ấy, bên trong Tengo dần dâng lên một cảm giác mình bị bỏ lại một mình trên thế giới này. Thậm chí anh còn cảm thấy bình minh sẽ không bao giờ lên nữa, sau khi mặt trời lặn tối nay.

Tengo ngồi xuống ghế, tắm mình trong màu sắc của hoàng hôn đang xuống, giữ nguyên một tư thế, chìm trong suy nghĩ. Sau đó, anh đột nhiên nhận ra, thực ra mình chẳng nghĩ ngợi gì mà chỉ đắm chìm vô mục đích vào một khoảng rỗng không. Anh chầm chậm đứng lên khỏi ghế, vào nhà vệ sinh đi tiểu, rửa mặt bằng nước lạnh, lấy khăn mùi soa lau khô rồi soi mặt trong gương. Nhớ lại lời cô y tá, anh xuống nhà ăn ở tầng dưới uống một chút trà Nhật nóng.

Sau khoảng hai mươi phút dưới nhà ăn, Tengo trở lại phòng bệnh. Cha anh vẫn chưa được đưa về. Nhưng ở chỗ vết lõm mà ông để lại trên giường có một vật thể màu trắng anh chưa từng thấy bao giờ.

Thứ đó dài khoảng một mét tư đến một mét rưỡi, hình dạng uốn theo những đường cong mềm mại, đẹp đẽ. Thoạt nhìn nó rất giống hạt lạc, bề mặt phủ một lớp gì đó gần giống như lông tơ. Lớp lông tơ ấy ánh lên một quầng sáng đều, mịn màng, yếu ớt. Trong gian phòng đang bị bóng tối dần xâm lấn, một thứ ánh sáng nhuốm sắc xanh nhạt mềm mại bao bọc vật thể đó. Nó lặng lẽ nằm trên giường, cơ hồ như lấp vào khoảng không gian riêng mà cha anh tạm thời để lại sau lưng. Tengo đứng sững chỗ cửa phòng, tay đặt lên nắm đấm cửa, nhìn chằm chằm vào vật thể kỳ quái đó một lúc. Môi anh mấp máy, song chẳng nói nổi thành lời.

Đây là thứ gì vậy? Tengo ngây người ra, nheo mắt, tự hỏi chính mình. Tại sao thứ này lại nằm ở đây, ở chỗ của cha anh? Hiển nhiên, không phải do bác sĩ hay y tá mang đến. Xung quanh nó là một không khí đặc biệt xa rời với hiện thực.

Ngay sau đó, Tengo chợt hiểu ra: đây là nhộng không khí.

Đây là lần đầu tiên Tengo tận mắt thấy nhộng không khí. Trong cuốn tiểu thuyết Nhộng không khí, anh đã dùng lời văn miêu tả nó kỹ lưỡng, nhưng dĩ nhiên anh chưa từng thấy vật thực bao giờ, cũng không cho rằng nó thực sự tồn tại. Song trước mắt anh lúc này chính là nhộng không khí, hoàn toàn giống hệt những gì anh tưởng tượng trong đầu và miêu tả dưới ngòi bút. Như thể bị ai đó dùng kìm sắt kẹp chặt dạ dày, một cảm giác dường-như-đã-từng-gặp-đâu-đó-rồi trào dâng mãnh liệt trong anh. Dẫu vậy Tengo vẫn bước vào phòng, đóng cửa lại. Tốt nhất đừng để người khác trông thấy. Sau đó anh nuốt ngụm nước bọt tích tụ trong miệng. Sâu trong họng anh phát ra một âm thanh không tự nhiên.

Tengo chầm chậm nhích lại cạnh giường, cách khoảng một mét, cẩn trọng quan sát cái nhộng không khí. Giờ thì anh biết chắc nó giống hệt hình ảnh nhộng không khí như anh đã viết trong truyện. Trước khi động bút miêu tả hình dáng của “nhộng không khí”, anh từng dùng bút chì phác một bức ký họa đơn giản, chuyển hóa ý tưởng trong đầu thành hình thái thị giác, rồi mới chuyển thành lời văn. Trong cả quá trình viết lại Nhộng không khí, anh luôn dùng đinh ghim ghim bức tranh đó lên mặt tường trước bàn viết. Xét về hình dạng, nó trông giống kén hơn là nhộng. Nhưng Fukaeri (và cả Tengo cũng vậy) chỉ có thể dùng “nhộng không khí” để gọi thứ này mà thôi.

Lúc đó, Tengo đã tự nghĩ ra và thêm vào rất nhiều đặc điểm về hình dạng của nhộng không khí. Tỉ dụ như đường cong hõm xuống một cách thanh lịch ở giữa, ngấn tròn mềm mại mang tính trang trí ở hai đầu. Tất cả những chi tiết ấy đều do anh tưởng tượng ra. “Câu chuyện” nguyên tác của Fukaeri vốn không hề đề cập đến chúng. Đối với Fukaeri, nhộng không khí chỉ là nhộng không khí, một thứ nằm trên ranh giới giữa vật thể hữu hình và khái niệm, cô gần như chưa bao giờ thấy cần thiết phải dùng ngôn ngữ để hình dung nó. Tengo đành phải tự mình thiết kế ra hình dạng cụ thể của nó. Và cái nhộng không khí anh nhìn thấy lúc này mang chính các chi tiết đó: đường cong hõm xuống ở giữa, hai đầu có ngấn tròn mềm mại.

Thứ này giống hệt như mình vẽ phác thảo và miêu tả, Tengo nghĩ. Cũng như hai mặt trăng trên bầu trời. Không hiểu tại sao, mọi thứ anh miêu tả trong tiểu thuyết, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt, cũng đều trở thành hiện thực. Nguyên nhân và kết quả rối tung vào nhau như nắm tơ vò.

Một cảm giác kỳ lạ lan tỏa khắp tứ chi Tengo, tựa hồ như dây thần kinh bị vặn xoắn lại. Anh nổi hết cả gai ốc. Anh không còn phân biệt được thế giới này phần nào là hiện thực, phần nào là hư cấu nữa. Phần nào của nó thuộc về Fukaeri, phần nào thuộc về Tengo? Phần nào của nó thuộc về “chúng ta”?

Một vết nứt dọc đã mở ra ngay phía trên nhộng không khí: nó sắp vỡ làm đôi. Vết nứt vừa hình thành dài có lẽ chừng ba phân. Nếu cúi xuống ghé mắt nhìn vào lỗ nứt, có lẽ anh sẽ thấy được bên trong. Nhưng Tengo không gom đủ dũng khí để làm vậy. Anh ngồi xuống ghế cạnh giường, nhìn chăm chăm cái nhộng không khí trong khi hai vai anh nhô lên hạ xuống rất nhẹ, rất nhẹ bởi anh đang cố ghìm cho nhịp thở bình thường trở lại. Cái nhộng không khí trắng phau nằm im đó, phát ra ánh sáng mờ mờ, như một mệnh đề toán lặng lẽ đợi Tengo đến giải.

Trong cái nhộng này rốt cuộc là thứ gì?

Nó sẽ phơi ra trước mắt anh thứ gì?

Trong tiểu thuyết Nhộng không khí, nhân vật chính, cô bé ấy, đã trông thấy phân thân của mình bên trong nó. Tử thể của cô. Và cô bé đã bỏ lại Tử thể, một mình bỏ trốn khỏi cộng đồng. Nhưng trong nhộng không khí của Tengo (dựa vào trực giác, Tengo đoán đây có lẽ là nhộng không khí của anh) rốt cuộc chứa thứ gì? Là Thiện hay là Ác? Nó sẽ dẫn dắt anh hay sẽ phương hại đến anh? Vả lại, rốt cuộc thì ai đã đem cái nhộng không khí này đến đây?

Tengo hiểu rõ hình bị yêu cầu phải hành động, nhưng không sao dồn đủ dũng khí đứng dậy nhòm vào bên trong cái nhộng không khí. Anh sợ. Thứ bên trong cái nhộng không khí ấy có lẽ sẽ làm hại anh, có lẽ sẽ gây ra những thay đổi lớn lao trong cuộc đời anh. Ý nghĩ ấy khiến Tengo cứng đờ ra trên chiếc ghế nhỏ, như một kẻ không còn biết chạy trốn đi đâu. Trong anh lúc này chính là nỗi sợ đã khiến anh không dám điều tra hộ tịch của cha mẹ, cũng như không dám tìm kiếm Aomame. Anh không muốn biết bên trong cái nhộng không khí chuẩn bị cho riêng mình kia chứa đựng thứ gì. Nếu có thể vượt qua được chuyện này dù không biết nó chứa gì, anh chỉ muốn tiếp tục mù mờ mãi. Nếu có thể , anh muốn lập tức đi ra khỏi căn phòng này, lên tàu đi một mạch về Tokyo. Anh muốn nhắm tịt mắt lại, nút chặt tai, trốn vào trong thế giới nhỏ bé của riêng mình.

Nhưng Tengo cũng hiểu, không có khả năng ấy. Nếu không nhìn xem bên trong là thứ gì mà đã bỏ đi, chắc chắn mình sẽ hối hận cả đời. Nếu không dám nhìn thẳng vào cái thứ đó, e rằng mình sẽ không bao giờ có thể tha thứ cho bản thân được, anh nghĩ.

Tengo đờ người trên ghế một lúc lâu, không biết phải làm sao, không thể tiến, cũng không thể lui. Anh khép hai tay trên đầu gối, nhìn chằm chằm vào cái nhộng không khí trên giường, chốc chốc lại hướng ánh mắt ra ngoài cửa sổ như để né tránh. Mặt trời đã lặn hẳn, ánh sáng nhá nhem còn lại cuối cùng chầm chậm phủ lên rừng thông. Vẫn không có gió, cũng không nghe tiếng sóng biển. Không gian tĩnh lặng đến bất thường. Căn phòng càng lúc càng tối, ánh sáng do vật thể máu trắng ấy phát ra trở nên sâu hơn, rõ nét hơn. Tengo có cảm giác tự thân thứ ấy dường như đang sống, tỏa ra một thứ ánh sáng dìu dịu của sự sống, nó có hơi ấm đặc hữu, và nhịp rung gần như không thể nhận ra được.

Cuối cùng Tengo hạ quyết tâm, anh đứng lên khỏi ghế, khom người xuống giường. Không thể bỏ trốn như vậy được. Không thể mãi là một đứa trẻ hèn nhát, không dám nhìn thẳng vào thứ đang ở ngay trước mắt mình. Chỉ khi hiểu được sự thực, bất kể đó là sự thực thế nào, con người mới có được thứ sức mạnh chính đáng.

Vết nứt trên nhộng không khí giống như lúc nãy vẫn không thay đổi, không to lên cũng không nhỏ đi. Tengo nheo mắt nhìn vào qua khe hở, nhưng không thấy thứ gì. Bên trong rất tối, ở giữa dường như phủ một lớp màng mỏng căng. Tengo điều chỉnh lại nhịp thở, kiểm tra cho chắc rằng đầu ngón tay mình không run rẩy. Sau đó, anh lùa ngón tay vào kẽ hở rộng khoảng hai xăng ti mét ấy, chầm chậm vẹt sang hai bên, như mở hai cánh của chiếc cửa trượt. Không có lực cản nào, cũng không phát ra âm thanh, nó mở ra dễ dàng, tựa như đang đợi sẵn ngón tay anh vậy.

Lúc này, ánh sáng tự thân của nhộng không khí, dìu dịu như ánh phản chiếu tỏa ra từ tuyết, soi tỏ phần bên trong. Tuy không thể nói là đủ sáng, nhưng anh đã thấy được thứ ở bên trong nó.

Tengo trông thấy một cô bé mười tuổi xinh đẹp.

Cô bé đang ngủ say. Cô mặc váy liền thân màu trắng giản dị, không trang trí, trông như váy ngủ, hai bàn tay nhỏ nhắn xếp trên bộ ngực phẳng. Thoạt nhìn, Tengo đã nhận ra cô ngay lập tức. Gương mặt gầy guộc, đôi môi mím lại thành một đường thẳng như vạch bằng thước kẻ. Trên vầng trán nhẵn bóng xinh xắn, tóc mái cắt đều tăm tắp buông rủ. Chiếc mũi nhỏ nhắn hếch lên trên, như thể đang tìm kiếm gì đó. Xương gò má ở hai cánh mũi hơi chếch sang hai bên. Đôi mắt nhắm nghiền, nhưng Tengo biết đôi mắt ấy sẽ trông như thế nào khi mở ra. Anh không thể nào không rõ được. Hai mươi năm nay, dung mạo của người con gái này lúc nào cũng hằn sâu trong trái tim anh.

“Aomame,” Tengo kêu thành tiếng.

Cô bé vẫn ngủ. Một giấc ngủ sâu và hoàn toàn tự nhiên, hơi thở hết sức mỏng manh yếu ớt. Tim cô bé đập rất nhẹ, tiếng tim đập hư ảo đến độ không vẳng đến tai. Thậm chí cô còn chẳng đủ sức nhấc mi mắt lên. Thời điểm đó vẫn chưa đến. Ý thức của cô không ở nơi này, mà đang ở nơi nào đó xa xăm. Mặc dù thế, âm thanh Tengo buột miệng phát ra ấy vẫn làm màng nhĩ cô rung lên nhè nhẹ. Đó là tên của cô.

Aomame ở một nơi xa xăm nghe thấy tiếng gọi ấy. Tengo, nàng gọi thầm, rồi thốt lên thành tiếng. Nhưng tiếng gọi ấy không làm rung động cặp môi cô bé đang nằm trong nhộng không khí, cũng không lọt vào tai Tengo được.

Tengo như người mất hồn, thở từng hơi ngắn, nhìn chằm chằm không biết chán vào cô bé. Vẻ mặt cô dường như rất thanh bình, không có lấy một chút bóng mờ của buồn đau, khổ sở, bất an. Cặp môi mỏng xinh xắn hồ như bất cứ lúc nào cũng có thể động đậy, thốt ra một lời có ý nghĩa nào đó. Mi mắt cô dường như bất cứ lúc nào cũng có thể mở ra. Tự đáy lòng, Tengo cầu cho điều đó xảy ra. Anh không biết lời cầu nguyện chính xác phải như thế nào, nhưng tim anh đang dệt nên những lời cầu nguyện vô hình trên không trung. Tuy vậy, cô bé không có vẻ gì là sẽ tỉnh lại.

“Aomame,” Tengo gọi lại lần nữa.

Anh có nhiều chuyện cần phải nói với Aomame, nhiều tình cảm muốn giãi bày. Bao năm nay anh ôm trong lòng những tình cảm ấy. Nhưng lúc này, điều duy nhất anh có thể làm là gọi tên cô.

“Aomame,” anh gọi.

Sau đó anh dứt khoát vươn tay ra, chạm vào bàn tay cô bé nằm trong nhộng không khí, đặt bàn tay người trưởng thành to bè của mình lên trên. Bàn tay nhỏ nhắn ấy đã từng nắm chặt tay Tengo năm mười tuổi. Bàn tay ấy đã đến với anh, cần anh, khích lệ anh. Bàn tay của cô bé đang ngủ trong ánh sáng nhàn nhạt ấy có hơi ấm không thể nhầm lẫn của sự sống. Tengo nghĩ, Aomame đến đây để truyền cho mình hơi ấm của cô ấy. Đây là ý nghĩa của chiếc hộp cô ấy đưa cho mình trong lớp học hai mươi năm về trước. Giờ thì rốt cuộc anh đã có thể mở lớp giấy bọc ngoài ra, xem trong hộp có gì.

“Aomame,” Tengo nói. “Nhất định anh sẽ tìm thấy em.”

Sau khi cái nhộng không khí mất dần ánh sáng rồi biến mất, như bị hút vào trong bóng tối của buổi chạng vạng , và cô bé Aomame cũng biến mất theo. Tengo nhận ra mình không thể phán đoán liệu chuyện này có thực sự xảy ra hay không. Nhưng trên ngón tay anh vẫn còn vương lại cảm giác lúc chạm vào bàn tay nhỏ nhắn ấy, cả hơi ấm thân thương của nó.

Hơi ấm này sẽ không bao giờ biến mất, Tengo nghĩ trong khi ngồi trên tàu tốc hành về Tokyo. Hai mươi năm nay, Tengo đã sống cùng cảm giác tay nắm chặt tay với cô bé trong ký ức. Từ đây chắc hẳn anh có thể tiếp tục sống chung với hơi ấm mới này.

Men theo đường bờ biển uốn quanh dãy núi, con tàu tốc hành vạch lên một đường cong dài, cho đến khi tới một chỗ có thể trông thấy hai mặt trăng treo bên nhau trên bầu trời. Trên mặt biển êm đềm, chúng hiện lên rõ nét. Trăng lớn màu vàng, trăng nhỏ màu xanh. Đường nét rất rõ ràng, song dường như lại khó bề nắm bắt được cảm giác về khoảng cách. Dưới ánh trăng, những gợn sóng lăn tăn trên mặt biển giống như những mẩu thủy tinh vỡ, lấp lánh một thứ ánh sáng huyền bí. Khi con tàu tiếp tục uốn mình theo tuyến đường vòng, hai mặt trăng chầm chậm chuyển động bên ngoài cửa sổ, bỏ lại những mảnh vụn li ti ấy ở phía sau, như thể những ám thị không lời, chẳng bao lâu sau thì biến mất khỏi tầm mắt. Khi mặt trăng biến mất, hơi ấm lại trở về trong lồng ngực Tengo. Hơi ấm ấy mong manh song đáng tin cậy, đầy hứa hẹn, như ngọn đèn nhỏ xuất hiện đằng xa trước mắt người lữ khách.

Tengo nhắm mắt lại, thầm nhủ, mình sẽ tiếp tục sống trong thế giới này. Anh hoàn toàn không biết thế giới này có kết cấu như thế nào, nó vận hành theo nguyên lý ra sao. Anh cũng không thể dự đoán sau này sẽ xảy ra chuyện gì. Nhưng vậy cũng chẳng sao. Anh không phải sợ. Dẫu thứ gì chờ đợi anh ở phía trước đi chăng nữa, anh cũng sẽ ngoan cường sống trong thế giới có hai mặt trăng này, và anh sẽ tìm ra con đường của mình. Chỉ cần anh không quên hơi ấm này, không đánh mất cảm giác này trong tim anh.

Anh nhắm mắt ngồi yên bất động một lúc lâu, rồi mở mắt, nhìn thẳng vào bóng tối của đêm chớm thu ngoài cửa sổ. Không còn thấy biển nữa rồi.

Mình phải tìm được Aomame, Tengo hạ quyết tâm một lần nữa. Không cần biết sẽ xảy ra chuyện gì, không cần biết đây là thế giới như thế nào, không cần biết cô ấy ra sao.

> Mời bạn đọc tiếp 1Q48 tập 3
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top