Cập nhật mới

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
618,372
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 20


ANH ĐEO CHIẾC NHẪN LÊN NGÓN TAY CÔ VÀ, TRONG MỘT khoảnh khắc, giữ nó ở đó. Sự yên bình hòa điệu với những câu chữ của buổi lễ giản dị. Kathryn nhìn các ngón tay Jack đặt trên chiếc nhẫn bạc, nhìn chiếc nhẫn bạc ánh lên. Anh đã mua một bộ đồ vest cho dịp này, một bộ màu xám khiến anh trông thật lịch lãm nhưng xa lạ với cô, theo kiểu những người đàn ông không thường mặc vest. Cô mặc một chiếc đầm hoa bằng tơ nhân tạo ghim lại ở eo và không làm lộ bụng bầu. Đầm có tay ngắn và miếng lót vai, dài vừa qua đầu gối. Cô vẫn còn ngửi thấy mùi cửa hàng trong sợi vải. Cô cũng đội mũ - màu đào, như chiếc đầm, trên vành gắn một bông hoa lụa màu xanh phớt, màu xanh hợp với màu hoa trên áo. Trên hành lang, một đôi uyên ương khác đang nói chuyện thì thào bằng giọng thiếu kiên nhẫn. Kathryn ngẩng mặt lên cho một nụ hôn giản dị, kéo dài và chính thức. Chiếc mũ rộng vành trượt khỏi tay cô.

- Anh sẽ mãi yêu em, Jack nói.

***

Họ lái xe đến một trang trại trên núi. Nhiệt độ giảm gần bốn độ. Cô khoác áo da của anh bên ngoài chiếc áo đầm màu đào. Cô vẫn còn cảm thấy nụ cười hôn lễ trên mặt mình, một nụ cười chưa phai tàn, như đã được lưu lại trong ảnh chụp. Đầu cô lắc lư một chút khi anh đổi tư thế. Cô tự hỏi đêm tân hôn có ý nghĩa gì trong khi họ đã sống chung với nhau từ trước, và họ có cảm thấy khác khi ở trên giường không. Cô tự hỏi làm lễ cưới trước một người mà anh và cô chưa gặp bao giờ và người đó sẽ không nhớ gì về họ thì có ý nghĩa gì không. Không khí khô của miền tây khiến tóc cô có cảm giác mỏng hơn so với cảm giác gây ra do độ ẩm ở Ely. Nó làm se lớp da trên mặt cô.

Họ vẫn tiến lên cao hơn. Bầu trời đêm tối đen và trong vắt, vẽ nên những đường màu trắng trên các bụi rậm và đất đá, đổ bóng lên những tảng đá to. Xa xa, họ thấy ánh đèn.

Trong nhà, lửa đã được thắp lên. Cô tự hỏi màu đỏ giữa các khúc củi là thật hay giả. Phòng tắm có vòi hoa sen kim loại và bồn rửa mặt màu hồng. Jack có vẻ ngượng ngùng trước đồ nội thất khiêm tốn, như thể anh đã chuẩn bị cho một thứ khác.

- Em thích chỗ này lắm, Kathryn nói, trấn an anh.

Cô ngồi trên giường, chiếc giường lún xuống, phát ra tiếng kim loại kẽo kẹt. Mắt cô tròn xoe, anh bật cười.

- Anh rất vui vì đây là một căn nhà gỗ, anh nói.

Họ cởi quần áo trong ánh lửa. Cô nhìn anh nới cà vạt sang một bên, cởi nút áo. Nhìn anh kéo nhẹ khóa dây thắt lưng để mở ra. Anh rút chân ra khỏi quần. Giống như quần tất dành cho nam, cô nghĩ. Nếu họ biết họ trông như thế nào thì họ sẽ không mặc loại quần đó.

Khi đã trần truồng, anh thấy lạnh và chui vào giường. Họ trườn trên nhau như lụa khô. Trên giường có một đống chăn cao và nặng, tiện nghi duy nhất trong phòng. Anh kéo chăn qua khỏi vai.

Chiếc giường kêu kẽo kẹt mỗi khi có chuyển dịch trọng lượng nhỏ nhất. Họ nằm cạnh nhau, mặt không rời nhau quá một centimet, và vuốt ve nhau theo cách chưa từng làm trước đây: chậm rãi, với một sự thận trọng trong chuyển động, như đang thực hiện một điệu nhảy cổ xưa, mang tính lễ nghi và chăm chú. Khi vào trong cô, anh di chuyển với một sự cẩn thận tuyệt đối và kiên nhẫn. Cô thở hắt ra.

- Ba người chúng ta, anh nói.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
618,372
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 21


HAI CÁNH TAY MATTIE RUN BẦN BẬT, giật mạnh ống quay.

“Trời, mẹ có thấy không?” Mattie kêu to.

“Trông to thật,” Kathryn đáp.

“Con nghĩ con đã bắt được nó rồi.”

“Con kéo cước ra xa khỏi mấy tảng đá đi để nó không bị đứt.”

Kathryn có thể thấy những sọc đen và bạc quẫy tung dưới mặt nước. Trong suốt bốn mươi phút qua, cô đã quan sát Mattie chiến đấu với con cá bằng chiếc cần câu to ngoại cỡ của bố nó, thả dây cước, gắn mồi, nghiến răng, rồi kéo con cá lên, kẹp cần câu dưới nách để làm đòn bẩy. Kathryn lội ra chỗ Mattie, đem theo lưới, vớt rồi lại hụt, lại vớt lần nữa. Cuối cùng, cô giơ con cá hanh lên cho Mattie xem.

Jack nên có mặt ở đây, Kathryn lập tức nghĩ.

Mattie đặt cần câu xuống, đón lấy con cá từ mẹ, rồi đặt nó lên cát. Con cá hanh xấu số quẫy đuôi liên tục. Mattie lấy thước đo ra, và Kathryn cúi xuống với con để nhìn rõ hơn.

“Một mét,” Mattie nói vẻ tự hào.

“Tuyệt!” Kathryn nói và xoa đầu Mattie. Tóc con bé đã chuyển sang màu đồng đáng yêu sau mùa hè. Nó để tóc tự nhiên, thích xoăn chỗ nào thì xoăn. Nó gần như không mặc gì, chỉ có bộ đồ bơi gồm hai túm vải mỏng màu xanh lơ.

“Con định ăn hay thả nó?”

“Mẹ nghĩ con nên làm gì?”

“Nếu nó không phải là chiến tích đầu tiên của con, mẹ sẽ khuyên con thả nó. Bố có bao giờ dạy con cách làm cá chưa?”

Mattie đứng dậy, nâng con cá lên bằng hai cánh tay đã mệt rã rời.

“Mẹ sẽ lấy máy ảnh,” Kathryn nói.

“Con yêu mẹ lắm,” Mattie cười toe toét nói.

***

Kathryn băng qua bãi cỏ và lắng nghe tiếng sợi dây treo trên cột cờ phát ra giai điệu loạn xạ không vần điệu. Đó là một ngày đẹp như mọi ngày trong mùa hè năm nay, một chuỗi những ngày đẹp trời kéo dài, trung hòa bằng những sắc màu tươi thắm. Chỉ mới sáng nay, cô đã chứng kiến thời khắc bình minh kỳ diệu, những đám mây thấp của phút hừng đông nhường chỗ cho màu hồng dạ quang kéo dài hết đường chân trời, từng làn hơi nước dâng lên như khói oải hương. Và rồi mặt trời nhô lên, một vụ nổ trên mặt biển, và nước biển, trong vài phút huy hoàng, đã chuyển từ phẳng lặng sang màu xanh ngọc lam lung linh, phản chiếu những vệt hình thoi của ánh dạ quang. Đó là vẻ đẹp nghịch lý của bom nguyên tử, cô nghĩ, hoặc của một vụ hỏa hoạn trên một chiếc tàu. Một đám cháy lớn của mặt đất, biển và không khí.

Bây giờ điều cô than phiền duy nhất là chuyện dậy sớm, như một bà cô hay bà góa, mà quả là thế. Những buổi dậy sớm cho thấy sự thiếu vắng niềm vui thú ban đêm khiến người ta không còn biết làm gì hơn là đi ngủ. Vào những buổi sáng thường là tê tái này, Kathryn đọc sách, cảm thấy mãn nguyện vì giờ đây cô đã có thể đọc trọn một quyển sách. Cô cũng có thể đọc hết một tờ báo, như đã đọc tờ báo lúc ở hiên nhà, đặc biệt đọc hết bài viết trang nhất về sự kiện ngừng bắn.

Câu chuyện về quả bom được đem lên chuyến bay Vision 384, với sự trợ giúp một cách vô ý nhưng không hẳn là vô tội của Cơ trưởng Jack Lyons, đã được đăng tải vào ngày đầu năm mới trên tờ Belfast Telegraph. Bài báo cũng tường thuật về lịch sử buôn lậu lâu đời với sự giúp đỡ của phi hành đoàn trong các hãng hàng không, tên những phi công khác có liên quan, và những hiệu ứng từ nỗ lực của nhóm Trung quân ly khai nhằm hạ uy tín IRA và phá hoại tiến trình hòa bình. Trong số những người bị bắt có Muire Boland và anh trai, và người ta đã xác định được một sự liên hệ với Jack Lyons. Chưa thấy báo nào đề cập đến một cuộc hôn nhân hoặc một gia đình khác, và suốt nhiều tháng nay Kathryn đã lo sợ phán quyết này. Cô đã đánh bạc với Mattie, quyết định không kể gì với con gái trừ khi chuyện này bị công khai. Đó là một canh bạc lớn, và ai có thể nói nó sẽ kết thúc ra sao? Mattie chỉ biết những gì mà phần còn lại của thế giới biết, và như thế đã đủ rồi.

Kathryn không biết chuyện gì đã xảy ra với các con của Muire Boland. Đôi khi cô tưởng tượng chúng ở nhà A.

Vào mùa xuân, Kathryn đã đọc những quyển sách về các cuộc xung đột để hiểu hơn về chúng. Cô có thể nói rằng cô đã biết nhiều chuyện hơn so với tháng mười hai, nhưng cô nghĩ kiến thức này chỉ khiến cho câu chuyện thêm phức tạp. Trong vài tháng qua, cô cũng đọc trên báo, về những vụ bạo loạn trong trại giam, các vụ hành quyết của lực lượng bán vũ trang, và các vụ đánh bom xe. Bây giờ lại là một vụ ngừng bắn. Có thể một ngày nào đó sẽ có một giải pháp, dù Kathryn không nghĩ điều đó sẽ sớm xảy ra.

Nhưng đó không phải là chuyện để cô bình phẩm. Đó không phải là cuộc chiến của cô.

Trong hầu hết các ngày, đó là tất cả những gì Kathryn có thể làm để đương đầu với một ngày phía trước, và, kết cục là, cô đòi hỏi rất ít ở bản thân. Cô mặc đồ tắm dưới một lớp áo thun màu xanh đã bạc màu. Cô đang đan một chiếc áo cho Mattie bằng sợi cotton nhiều màu sắc, và cô muốn thử một cái cho mình. Đây dường như là tận cùng tham vọng của cô. Bà Julia ghé qua nhà vào hầu hết các ngày, nếu không thì Kathryn đến nhà bà. Họ cùng nhau ăn uống, cố gắng tạo lại không khí gia đình ba người. Bà Julia đón nhận tin Jack ngoại tình một cách đặc biệt khó khăn. Đó là lần đầu tiên Kathryn thấy bà của mình không biết nói gì, không thể đưa ra lời khuyên nào.

Kathryn chạy lên bậc tam cấp, băng qua phòng khách và nhà bếp. Cô nghĩ máy ảnh đang để trong chiếc áo gió ở hành lang phía sau. Cô rẽ vào hành lang và dừng lại.

Anh đang đứng ở cửa sau, đã gõ trước đó. Cô có thể thấy khuôn mặt anh qua lớp kính. Cô đưa tay ra chống tường để đứng vững. Giữa cô và cánh cửa là một kỷ niệm cay đắng, một điệp khúc về một thời gian khác khi cô đi hết hành lang đến mở cửa cho anh, một khoảnh khắc khi toàn bộ cuộc đời cô thay đổi, biến chuyển mãi mãi.

Cô đi sáu, bảy bước đến cửa như đang mộng du, rồi mở ra.

Anh tựa vào khung cửa, hai tay đút vào túi quần. Anh mặc áo thun trắng và quần soọc kaki. Anh đã cắt tóc, cô nhận ra, và da rám nắng. Ngoài những điểm đó ra, cô không nhìn thấy nhiều vì mặt trời ở ngay phía sau anh. Tuy nhiên, cô có thể cảm thấy anh đang ở đó, trong tâm trạng kỳ lạ pha lẫn giữa quyết tâm và thoái lui đang tỏa ra từ người anh. Cô nghĩ anh đang đợi cô đóng cửa lại hoặc đuổi anh đi hoặc hỏi anh, một cách cộc lốc, rằng bây giờ anh còn muốn gì ở cô nữa.

Không khí như ngạt thở xung quanh họ.

“Thời gian qua đã đủ chưa?” anh hỏi.

Và cô tự hỏi, trong lúc đứng đó, chính xác thì bao lâu mới là đủ.

“Mattie câu được một con cá,” cô nói, chợt nhớ ra. “Tôi phải đi lấy máy ảnh.”

Cô tìm thấy chiếc máy ảnh ở đúng nơi cô đã đoán. Cô đặt một tay lên trán trong lúc băng qua ngôi nhà. Da cô nóng ran, dính những lớp cát biển và muối biển. Trước đó, cô và Mattie đã đi lướt sóng, bò lồm cồm từ những đợt sóng dội bờ như hai thủy thủ bị đắm tàu.

Cô lại băng qua bãi cỏ, giờ đây tâm trí chỉ nghĩ đến người đàn ông cô đã bỏ lại ở khung cửa. Cô tự hỏi, trong thoáng chốc, phải chăng cô đã mơ thấy anh ta ở đó, chỉ là tưởng tượng ra cảnh anh đứng ngược sáng. Cô chụp hơn chục tấm ảnh Mattie và con cá, chờ đợi để kéo dài khoảnh khắc này, để cho cô chút thời gian. Chỉ đến khi Mattie hết kiên nhẫn, Kathryn mới đeo máy lên cổ và giúp Mattie khiêng con cá về nhà.

“Con có chắc con muốn làm việc này không?” cô hỏi Mattie, nhắc đến việc cắt phi lê cá. Nhưng Kathryn nghĩ đó cũng là câu hỏi mà cô nên hỏi bản thân mình.

Mattie tinh mắt hơn và nhìn thấy người đàn ông trên hiên nhà trước cả mẹ nó. Con bé đứng lại và hạ con cá xuống một chút. Đôi mắt nó ánh lên vẻ cảnh giác, ký ức về một giấc mơ xấu.

Người báo tin, Kathryn nghĩ.

“Không sao đâu,” Kathryn khẽ nói với con gái. “Chú ấy mới đến.”

Hai người cùng nhau băng qua bãi cỏ, về nhà sau chuyến đi câu như vô số người đã làm trước đó, mẹ vác cần câu, con mang chiến lợi phẩm, con cá đầu tiên trong số nhiều con sẽ bắt được trong đời. Tuần trước, Mattie đã tìm thấy cần câu và đồ nghề của bố nó trong garage và đã xem lại một cách bài bản những gì Jack dạy nó vào mùa hè trước. Kathryn không thể giúp được nhiều, vì bản thân cô chưa bao giờ thích đi câu. Nhưng Mattie rất quyết tâm và đã học cách sử dụng chiếc cần câu ngoại cỡ, phát triển một số kỹ năng thuần thục.

Gió đổi sang hướng đông, và lập tức Kathryn cảm thấy cơn rùng mình trong không khí do gió đông đem lại. Trong vài phút nữa, biển sẽ có sóng bạc đầu. Lúc đó cô nghĩ đến Jack, như cô vẫn luôn nghĩ, và cô biết cô sẽ không bao giờ cảm nhận một cơn gió đông mà không nhớ đến ngày cô đứng trên hiên nhà, ngày mà Jack thông báo việc mua nhà với cô. Đó là một trong số hàng trăm ngòi nổ, những khoảnh khắc nhỏ: Lần nữa nó lại đến, cơn gió đông.

Cô thường xuyên có những khoảnh khắc này. Cô có những khoảnh khắc về Jack Lyons, về Muire Boland, và về Robert Hart. Cô có những khoảnh khắc về máy bay, về bất cứ cái gì thuộc về Ireland, về London. Cô có những khoảnh khắc về những chiếc áo trắng, về những chiếc ô. Thậm chí một ly bia cũng có thể kích thích một ký ức vỡ vụn. Cô đã học cách sống với nó, như học cách sống với tật nói lắp hoặc cái đầu gối giở chứng thỉnh thoảng lại đau buốt.

“Chào Mattie,” Robert nói khi con bé đã đến hiên nhà. Anh nói bằng giọng thân thiện, nhưng không quá trớn, vì như thế sẽ khiến Mattie cảnh giác, làm cho nó cảm thấy không thoải mái hơn cả tâm trạng hiện giờ.

Và Mattie, được dạy dỗ tử tế, đã chào đáp lại, nhưng quay đầu đi.

“Con cá đẹp quá,” Robert nói.

Kathryn, cân nhắc Robert và Mattie trong cùng khuôn hình của mình, nói: “Mattie tự học cách câu cá đấy.”

“Nó dài tám, chín tấc không?” Robert hỏi.

“Một mét,” Mattie đáp, không giấu vẻ hãnh diện.

Mattie cầm lấy hộp đồ nghề từ tay mẹ. “Con sẽ làm ở đây,” nó nói, chỉ vào một góc của hiên nhà.

“Miễn khi làm xong con dội nước cho sạch là được,” Kathryn đáp. Cô nhìn theo Mattie đặt con cá lên mép hiên. Nó xem mang cá từ nhiều góc khác nhau, rồi cầm lên một con dao từ hộp đồ nghề. Nó cắt thử một nhát. Kathryn hy vọng con cá đã chết.

Robert tiến đến đầu kia của hiên nhà. Anh ta muốn bắt chuyện, cô nghĩ.

“Đẹp thật,” Robert nói khi cô đang lơ lửng theo hướng đi của anh. Anh quay lại và tựa lưng vào lan can. Ý anh là phong cảnh. Giờ thì cô đã thấy rõ mặt anh, và cô nghĩ trông nó sắc nét hơn so với những gì cô nhớ, rõ ràng hơn. Đó chính là màu da rám nắng. “Anh đã tưởng tượng ra cảnh này,” anh nói.

Cả hai đều nghe thấy sự gợi nhớ đầy đau đớn về những điều trong trí tưởng tượng.

Chân của Robert cũng rám nắng và có những sợi lông nhỏ xíu màu vàng. Kathryn nghĩ có lẽ cô chưa từng thấy chân anh trước đây. Chân cô cũng lộ ra, và anh đã nhìn thấy.

“Con bé thế nào rồi?” anh hỏi, ánh mắt như cô nhớ: quả quyết và sắc sảo.

“Khá hơn rồi,” Kathryn đáp khẽ để Mattie không nghe thấy. “Khá hơn. Mùa xuân vừa rồi rất khó khăn.”

Trong nhiều tuần lễ, cô và Mattie đã phải chịu đựng sự nặng nề của một cơn giận dữ tích tụ. Nếu Jack không có liên quan..., người này nói. Chính bố mày là người đem bom..., người kia nói. Đã có những cuộc điện thoại đe dọa từ người lạ, những bức thư phẫn nộ từ thân nhân, một đội quân nhà báo ở cổng nhà cô. Chỉ lái xe đi làm thôi thỉnh thoảng đã là một cực hình, nhưng Kathryn không chịu dọn đi nơi khác. Cô đã yêu cầu thị trấn Ely cử dân phòng để đảm bảo an ninh trên phần đất nhà cô. Các ủy viên đã họp toàn thị trấn, tiến hành biểu quyết, và sau rất nhiều tranh luận, người ta đã nhất trí trích ra từ ngân sách một số tiền ngoài dự toán. Nó được xếp vào mục Tình trạng bất khả kháng.

Nhu cầu bảo vệ an ninh đã giảm dần theo thời gian, nhưng Kathryn biết cả cô lẫn Mattie đều không thể có lại cuộc sống bình thường nữa. Giờ đây, đó là một sự thật, một việc được khẳng định, về sự tồn tại của họ mà họ phải vật vã mỗi ngày để chấp nhận. Cô nhớ đến lời nhận xét của Robert về con cái của những nạn nhân vụ tai nạn: Chúng biến đổi cùng với thảm họa và học cách thích nghi.

“Còn em thì sao?” anh hỏi.

“Em vẫn khỏe,” cô đáp.

Anh quay lại, dựa một tay lên cột, nhìn bãi cỏ và khu vườn.

“Em trồng thêm hoa hồng,” anh nói.

“Em trồng thử.”

“Nhìn đẹp lắm.”

“Đó là gia tài gần biển của một kẻ ngốc đấy.”

Trong cổng vòm của vườn, cô đã trồng các giống hồng Friar và Wenlock gai; trong bờ giậu hình oval là giống Cressida và Prospero. Tuy nhiên, cô nghĩ mình thích giống St. Cecilia nhất, vì những búp hoa ửng hồng không e thẹn. Chúng rất dễ trồng dù không khí biển không phù hợp. Kathryn thích vung tay đầu tư cho hoa cỏ, sự xa xỉ lãng phí.

“Lẽ ra anh nên cho em biết ngay ngày đầu tiên,” anh nói, và cô chưa chuẩn bị tinh thần để đón nhận việc này sớm đến thế. “Rồi sau đó, anh biết rằng nếu nói ra, anh sẽ mất em.”

Cô im lặng.

“Anh đã có một quyết định sai lầm,” anh nói.

“Anh đã cố gắng nói với em.”

“Nhưng chưa cố gắng đủ.”

Vậy đấy, chuyện đã được nói ra. Thế là xong.

“Đôi khi em không thể tin được bất kỳ chuyện nào trong số đó đã xảy ra,” Kathryn nói.

“Nếu bọn anh phát hiện ra họ sớm hơn thì chuyện đó có thể đã không xảy ra.”

Phát hiện ra Jack và Muire sớm hơn, ý anh là thế.

“Quả bom dự kiến sẽ phát nổ ở giữa Đại Tây Dương, phải không?” cô hỏi. “Dự định nổ ở nơi còn sót lại ít chứng cứ.”

“Bọn anh nghĩ vậy.”

“Sao họ không gọi điện đến ngay và nói là IRA làm việc đó?”

“Họ không thể. Có những mật mã riêng giữa IRA và cảnh sát.”

“Vậy là họ chỉ việc chờ cho cuộc điều tra dẫn đến Muire và Jack.”

“Như một ngòi nổ dài.”

Kathryn hít vào một hơi sâu, có thể nghe được.

“Bây giờ cô ta ở đâu?”

“Trại giam Maze. Ở Belfast. Trùng hợp là những tên khủng bố Trung quân cũng ở đó.”

“Anh đã tình nghi Jack?”

“Bọn anh đã biết có thể là một người bay hành trình đó.”

Cô tự hỏi, không phải lần đầu, liệu một người phụ nữ có thể tha thứ cho người đàn ông đã phản bội mình không? Và nếu cô tha thứ thì có phải là công nhận chuyện đó hay không? Hay đó chỉ đơn giản là ngu ngốc?

“Em đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất chưa?” Robert hỏi.

Cô gãi vết muỗi đốt trên cánh tay. Ánh sáng chói chang, sắc nét trong thời khắc chiều tà.

“Điều khó khăn nhất là em không thể để tang,” Kathryn đáp. “Làm sao em có thể để tang một người mà em có thể thậm chí còn không biết? Ai mới không phải là người mà em tưởng đã là anh ấy? Anh ấy đã phá nát ký ức em.”

“Hãy để tang cho bố của Mattie,” Robert nói, và cô nhận ra anh đã nghĩ về chuyện này.

Kathryn nhìn Mattie cắt một nhát từ sau mang cá đến xương lưng.

“Anh không thể lảng tránh,” Robert nói. “Anh phải đến.”

Cô nhận ra cả Robert cũng đã đánh bạc. Như cô đang làm với Mattie. Không chịu tiết lộ chuyện lẽ ra nên tiết lộ.

Rồi sau đó, từ từ quay người lại để nhìn khu vườn từ mép hiên, ở một góc có thể nhìn xuống vì cô hiếm khi làm thế - hoặc có lẽ là do những bông hoa hồng trồng vào năm nay - cô nhìn thấy nó.

“Nó kia rồi,” cô nói khẽ.

Mattie, nghe thấy sự ngạc nhiên trong giọng nói của mẹ, ngước lên nhìn, tay vẫn cầm dao.

“Nhà nguyện,” Kathryn giải thích.

“Cái gì ạ?” Mattie hỏi, vẻ ngơ ngác.

“Khu vườn. Mái vòm ở đó. Hình dáng đó. Miếng đá cẩm thạch mà mẹ bấy lâu nay cứ tưởng là một băng ghế? Nó không phải là băng ghế.”

Mattie ngắm nghía khu vườn một lúc, chỉ nhìn thấy khu vườn mà thôi, Kathryn biết.

Trong khi Kathryn có thể thấy những nữ tu sĩ dòng Thánh Jean de Baptiste de Bienfaisance quỳ gối trong bộ quần áo mùa hè của họ. Trong một nhà nguyện làm bằng gỗ có hình dạng như một ô cửa sổ hình cung. Một nhà nguyện có thể đã bị cháy rụi, chỉ còn lại bệ thờ bằng cẩm thạch.

Cô tiến gần hơn đến khu vườn.

Nhìn mọi vật đúng như bản chất của chúng, cô nghĩ.

“Em sẽ lấy nước uống cho chúng ta,” cô nói với Robert, lòng thầm mãn nguyện trước phát hiện của mình.

Cô đi vào phòng khách, dự định sẽ đi tiếp đến nhà bếp, rót trà đá vào ly, cắt chanh thành lát, nhưng cô không đi mà dừng lại để nhìn ra ngoài một trong những ô cửa sổ cao từ sàn đến trần nhà. Trong khung cửa, Mattie đang đánh vật với con cá, còn Robert thì nhìn nó từ lan can. Anh đã có thể chỉ nó cách đặt dao như thế nào, nhưng đây là đồ nghề của Jack, và Kathryn biết Jack sẽ kiên nhẫn chờ đợi.

Cô nghĩ về Muire Boland trong một trại giam ở Bắc Ireland. Về Jack, xác anh vẫn chưa được tìm thấy. Cô nghĩ sẽ dễ chấp nhận hơn nếu cô có thể nói nguyên nhân là vì mẹ anh đã bỏ rơi anh khi anh còn bé, hoặc sự ác độc của bố anh. Hoặc là do ảnh hưởng của một linh mục ở trường Holy Name, hoặc tuổi trung niên, hoặc tâm trạng chán nản với hãng hàng không. Hoặc là hành trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời anh. Hoặc là mong muốn chia sẻ rủi ro với một người đàn bà mà anh yêu. Nhưng cô biết có thể là do tất cả những lý do đó hoặc không vì lý do nào cả. Động cơ của Jack, điều sẽ mãi là ẩn số đối với Kathryn, được lập thành từ nhiều mảnh nhỏ của toàn bộ các động cơ của anh, một bức tranh ghép khó hiểu.

Cô tìm thấy tờ giấy nơi cô mới để nó gần đây, nhét dưới chiếc đồng hồ trên bệ lò sưởi. Cô đã nghĩ, cách đây vài tuần, rằng cô có thể sẽ làm việc này.

Cô mở tấm vé số ra.

Trên hiên, Mattie nhấc lên một miếng phi lê rồi cho nó vào chiếc túi nhựa mà Robert đang cầm giúp nó. Ở London, có một sự im lặng, như Kathryn đã dự đoán.

“Tôi chỉ muốn biết lũ trẻ có ổn không,” cô nói với người ở bên kia đại dương.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
618,372
Điểm cảm xúc
34
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 22


ĐÂY HOÀN TOÀN LÀ MỘT CÂU CHUYỆN HƯ CẤU về một người phụ nữ có chồng tử nạn trong tai nạn máy bay. Các nhân vật không dựa trên người thật và không giống bất kỳ người nào tôi biết hoặc từng nghe nói đến.

Tôi muốn cám ơn những người sau đây ở nhà xuất bản Little, Brown and Company: biên tập viên của tôi, Michael Pietsch, vì con mắt tinh tường, niềm đam mê biên tập, và sự uyên bác khiêm tốn; người làm công tác đối ngoại của tôi, Jen Marshall, vì đã giải quyết mọi vấn đề phát sinh một cách dễ dàng; và Betsy Uhrig, vì sự rõ ràng và chu đáo mà cô đem lại cho công việc chỉnh sửa bản thảo quyển sách này.

Tôi cũng muốn cám ơn con gái tôi, Katherine Clemans, vì đã giúp định hình chân dung Mattie; Alan Samson ở Little, Brown and Company, Anh quốc, vì đã đọc bản thảo và sự ủng hộ không ngừng; và Gary DeLong, vì đã chia sẻ với tôi những chi tiết về thực tế khắc nghiệt của giai đoạn để tang.

Như thường lệ, tôi vô cùng biết ơn John Osborn, luôn là người đầu tiên đọc bất kỳ bản thảo nào của tôi và không ngừng hướng tôi đi đúng hướng một cách hết sức nhẹ nhàng.

Và cuối cùng, dù không kém phần quan trọng - kỳ thực, đây là điểm mấu chốt trong tất cả những quyển sách của tôi - tôi muốn cám ơn người đại diện và người bạn của tôi, Ginger Barber, vì sự phê bình sắc sảo và lòng tử tế vô biên.



Một cuộc trò chuyện với Anita Shreve

Bốn năm sau khi phát hành Vợ phi công, tác giả trò chuyện với phóng viên Sue Fox của báo The Independent về nguồn gốc quyển tiểu thuyết và về cuộc đời nhà văn của mình.

Thật là một cảm giác nhẹ nhõm khi gặp Anita Shreve ngoài đời. Ở khắp nơi trên thế giới, trên máy bay, tàu lửa, và bãi biển, khó mà không bắt gặp một ai đó đang đọc một trong những tiểu thuyết bán chạy của chị: Vợ phi công, Fortune’s Rocks, Thủy trọng, Lần cuối họ gặp nhau. Lại là chị - ảnh chân dung tác giả trên bìa sách, trông hoàn hảo đến khó tin. Áo khoác đen đắt tiền, áo sơ mi trắng cổ điển (một chiếc vòng bằng vàng kín đáo nằm dưới cổ tay áo), những lọn tóc vàng tinh tế, trang điểm hoàn hảo, và một ánh mắt bí ẩn.

“Chỉnh sửa và thủ thuật ánh sáng thôi,” Anita Shreve nói, xua con chó đi và đón cậu con trai, Christopher, một cậu bé mười hai tuổi đáng yêu và thích chuyện trò, mới đi học về. Chúng tôi đang ngồi trong nhà bếp của ngôi nhà là niềm ao ước của nhiều người, rộng, sơn trắng, tràn ngập ánh nắng, xây được gần một thế kỷ và vừa mới được tu sửa, ở Longmeadow, Massachusetts. “Người chụp bức ảnh đó chuyên làm việc với người mẫu mà.”

Không qua chỉnh sửa và ánh sáng, Shreve trông chẳng có nét nào giống bức ảnh đó. Nhưng ngay cả khi chỉ mặc quần jean và không trang điểm, trông chị vẫn khá đáng yêu. Chị sở hữu nhan sắc tự nhiên mặn mòi, hoàn toàn thích hợp với một người phụ nữ năm mươi lăm tuổi đã kết hôn lần thứ hai và có hai con (chồng chị, John, làm trong ngành bảo hiểm, đã có ba con với người vợ trước). Trông chị giống hệt như người vợ và người mẹ có những tác phẩm - viết bằng tay, trong lúc mặc áo choàng tắm, trong một góc của phòng khách - quá thành công đến nỗi có thể không cần phải làm việc nữa. “Nhưng tôi luôn có động lực và không thể tưởng tượng sẽ ra sao nếu không viết nữa. Đó là công việc của tôi. Anh không dừng lại chỉ vì anh đã viết xong một quyển sách. Không ai nghĩ đến việc nói với một kiến trúc sư, ‘Ông có thiết kế một tòa nhà khác không?’ nhưng người ta luôn hỏi các nhà văn câu hỏi đó.”

Shreve đã sáng tác chín tiểu thuyết trong mười một năm. Chị viết về những câu chuyện tình, kể bằng giọng lưu loát, nghệ sĩ và những đoạn đối thoại hấp dẫn. Chúng chứa đựng những con sóng thủy triều cảm xúc gây chấn động diễn ra ở những địa điểm được vẽ nên một cách hết sức tinh tế.

Tác phẩm mới nhất của chị là Thủy tinh biển, lấy bối cảnh New Hampshire năm 1929. Honora Beecher và chồng, Sexton, đang xây dựng gia đình hạnh phúc thì chợt rơi vào vòng xáo trộn của cơn khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 1929. Mất sạch tất cả, họ buộc phải thích nghi với hoàn cảnh mới.

Shreve, khám phá mối liên hệ đan xen giữa những cuộc đời khác nhau, kể câu chuyện của họ bằng cách đưa độc giả trở lại ngôi nhà nằm ở trung tâm của Vợ phi công và Fortune’s Rocks. Chị cho biết ngôi nhà được dựa một phần trên một ngôi nhà có thật mà chị từng thấy từ bên ngoài mà vì lý do nào đó, chị không thể nào quên được. “Nhưng toàn bộ các chi tiết đều là tưởng tượng. Ngôi nhà ra đời từ chính sự tưởng tượng của tôi; nó cũng chỉ là một nhân vật, như Honora và Sexton. Trong Thủy tinh biển, tôi có nhắc đến bức họa của Claude Lugny, một họa sĩ mà tôi có đề cập trong Vợ phi công. Chỉ là do tôi tạo ra cho vui, nhưng một số độc giả lại tin rằng ông ta có thật và muốn biết họ có thể xem thêm tranh của ông ta ở đâu.”

Shreve thường xuyên trở về bờ biển New England, dùng những cách thức mới mẻ để tạo ra các nhân vật lặp lại, những tiên tri và hồi ức hấp dẫn, và những cái kết gây bồi hồi khôn tả. Hai quyển tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim. Vợ phi công được dựng thành phim trên đài truyền hình Mỹ. Thủy trọng, với sự tham gia của Liz Hurley và Sean Penn, được chiếu tại Liên hoan phim London. “Phim cũng khá giống sách, chỉ khác là trong phim thì đứa bé không chết. Hollywood sẽ không bao giờ làm phim với kết cục như thế.”

Oprah Winfrey đã thổi bùng sự thành công thương mại của Shreve, chọn Vợ phi công cho câu lạc bộ đọc sách truyền hình của bà. Những đầu sách do Oprah chọn thường lập tức bán được hơn một triệu bản, đẩy các tác giả lên bục vinh quang trong nước, và cả quốc tế. “Oprah đã khích lệ cả một lực lượng độc giả mới, vì vậy các nhà xuất bản rất quý chị ấy. Xác suất được chọn là cực kỳ thấp. Tôi đã quá may mắn.” Vợ phi công khiến Oprah nảy ra “ý tưởng thực hiện một chương trình về những người phụ nữ phát hiện ra chồng mình đang có gia đình ở nơi khác. Tôi được mời đến buổi ghi hình, hôm đó Oprah mời năm người phụ nữ đến để chia sẻ câu chuyện của họ. Từng câu chuyện đều thê thảm hơn những gì tôi từng viết. Cuộc đời thật lúc nào cũng thê thảm hơn so với tiểu thuyết.”

Shreve cho biết, viết tiểu thuyết là một sự nghiệp tuyệt vời đối với bất kỳ người nào có con nhỏ. “Tôi làm việc vào tất cả các buổi sáng, ngay sau khi Chris đi học, và kết thúc vào giờ ăn trưa. Có một số giai đoạn, khi quá nhập tâm với những gì đang diễn ra, tôi thường dành rất nhiều thời gian sống trong thế giới đó. Đôi khi rất khó để trở về thế giới thật - nhất là vào lúc đầu, khi có quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Nhân vật nào sẽ kể câu chuyện này? Tôi sẽ dùng thì gì?”

Trong ngôi nhà mới, Shreve không còn mặc áo choàng tắm ngồi viết nữa. Chị có một căn phòng riêng: một phòng làm việc nằm phía trên phòng ngủ trong căn nhà liền kề dành cho khách. Chị cũng có một hồ bơi với một thiết bị mà chỉ cần bấm một nút là sẽ tạo ra những gợn sóng giống như đang bơi trên biển. Hồ bơi này là thú giải trí xa xỉ duy nhất của chị. “Căn phòng nơi tôi viết là một lớp học trống. Chỉ có một chiếc bàn với những bức tường trơn. Tôi không nghe nhạc, không treo tranh ảnh, vì không muốn sự sống xâm lấn. Tác phẩm của tôi phải được tạo ra từ sự thiếu thốn, chứ không phải từ sự thừa mứa.”

Đặt câu hỏi từng là sở trường của Shreve. Từng làm nhà báo mười lăm năm, song chị không quá quan tâm đến phần việc này. “Tôi luôn cảm thấy căng thẳng mỗi khi đặt câu hỏi, nhưng tôi thích nghiên cứu trong thư viện và tìm ra những cách sáng tạo để kết hợp các tư liệu với nhau.” Nhưng bù lại, nghề báo là một sự tập dượt tốt cho nghề văn. “Tôi không thể nào viết được một bài báo nếu không biết câu cuối cùng sẽ là gì. Nó cũng tương tự như khi viết sách. Tôi phải biết kết cục, dù tôi không nhất thiết phải biết mình sẽ đến được đó bằng cách nào. Đó là một phần của thú vui mà - cảm giác được phát triển câu chuyện.” Dù lúc này không có thời gian, nhưng trong vài năm qua Shreve đã giảng dạy các lớp sáng tác tại trường Cao đẳng Amherst, dùng những kỹ thuật viết báo để khuyến khích sinh viên sáng tạo ra câu chuyện của họ.

Lớn lên ở Dedham, một vùng ngoại ô trung lưu ở Boston, chị đã luôn mơ ước trở thành nhà văn. “Tôi học chuyên ngành Anh ngữ ở trường cao đẳng, nhưng bố tôi lớn lên trong thời đại Suy thoái và là người rất thực dụng. Ông một mực bảo tôi rằng sau khi tốt nghiệp, tôi có thể làm bất cứ việc gì miễn là phải có bằng sư phạm và có một cái nghề. Tôi dạy phổ thông được năm năm thì nghỉ để viết truyện ngắn và nhận ra bố tôi đã đúng. Rất khó để kiếm sống bằng việc viết lách.” Một số truyện của Shreve được đăng trên tạp chí và có một tác phẩm đoạt giải thưởng O. Henry.

Lập gia đình và có một cô con gái (năm nay hai mươi tuổi, đang học cao đẳng ở xa), nghề báo, và thời gian ở Kenya đã tạo nên câu chuyện riêng của Shreve, nhưng chị rất dè dặt trong việc tiết lộ về đời tư của mình. “Tôi thích gặp gỡ mọi người ở các câu lạc bộ sách, thảo luận nội dung, hoặc đọc sách, nhưng chỉ có thế. Một phần trong tôi ao ước tôi có thể viết ẩn danh. Tất nhiên đó là điều không thể nếu anh muốn người ta mua sách của mình. Những câu chuyện của tôi đều được sáng tạo ra. Các nhân vật đều là tưởng tượng. Họ không phải là tôi hay cuộc đời tôi. Ngay từ đầu tôi đã ý thức phải gạt tất cả những người tôi quen biết - bố mẹ, bạn bè, thậm chí cả độc giả - ra khỏi đầu để khỏi có cảm giác bị trấn áp, và không có ai can thiệp vào những cơn mơ mộng của tôi.”

Shreve mô tả việc viết tiểu thuyết là mơ mộng giữa ban ngày. “Một cách tuyệt vời để có những cuộc nói chuyện tưởng tượng.” Chị bắt đầu viết truyện hư cấu một cách bí mật. “Nó cũng giống như cố gắng cai thuốc lá. Anh không muốn người ta biết anh đang làm chuyện đó, đề phòng trường hợp anh bỏ cuộc. Cần phải có một niềm tin mãnh liệt mới có thể viết được một thứ mà không ai yêu cầu và có thể không muốn.” Thành công là vậy, song chị vẫn rất kín kẽ. “Vũ trụ mà tôi đang tạo ra rất mong manh, không tiết lộ gì sẽ dễ hơn - kể cả tựa sách. Tôi không muốn biên tập viên của tôi hay bất kì ai biết tôi đang viết gì cho đến khi tôi đã sẵn sàng.”

Khi còn làm báo, Shreve là biên tập viên của tạp chí Us, cộng tác với tạp chí Newsweek và Tạp chí New York Times. Chị từng sống vài năm ở Nairobi, biên tập một tờ tạp chí châu Phi, “làm tất tần tật từ viết công thức nấu ăn đến phỏng vấn tổng thống.” Hai bài báo của chị đã được phát triển thành hai quyển sách phi hư cấu. “Khi viết xong một bài cho Tạp chí New York Times là anh đã thu thập được quá nhiều tư liệu nghiên cứu, việc mở rộng... không còn quá khó nữa. Nó cho tôi động lực để thoát ra khỏi sự giới hạn của báo chí về số chữ, nhưng phi hư cấu khiến tôi nhận ra là tôi thích sáng tác truyện hơn nhiều.”

Một điều trong nghề báo chưa bao giờ khiến Shreve thích thú là quy tắc vàng: nhà báo phải quan tâm đến sự thật. “Anh không thể đi vào đầu người khác để đưa ra phán đoán về họ,” chị nói. “Kể cũng lạ, tôi lại nghĩ rằng khi viết truyện hư cấu, anh sẽ dễ ‘nói thật’ hơn.”

Toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn của Sue Fox với Anita Shreve được đăng trên The Independent vào ngày 30 tháng 3 năm 2002.

Bản quyền 2002 The Independent. Việc in lại phải được sự cho phép.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại https://truyen.diendantruyen.com
Top Bottom