Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Trên Núi Có Chuyện Gì? - Uông Nhạ Nhạ

Trên Núi Có Chuyện Gì? - Uông Nhạ Nhạ
Chương 40: Mì dao cắt nấu trong nồi đất


“Dạo này sao rồi?”

“Dạ, ổn lắm.”

“Nhìn sắc mặt thấy cũng tốt lắm à. Còn cái Tễ sao rồi?”

Phù Tô nghiêng nhẹ điện thoại để màn hình hướng về phía Uông Tễ. Anh mỉm cười lịch sự, đáp: “Dạ cháu cũng khỏe. Còn cô chú sao rồi, mọi chuyện vẫn ổn chứ ạ?”

“Cả hai đều khỏe.” Giọng mẹ Phù Tô nghe vui vẻ và dịu dàng. “Trời lạnh, cô nghỉ phép ở nhà. Còn chú con thì không sợ lạnh, cứ lười biếng chẳng muốn đến công ty, suốt ngày ở trường đua ngựa. À, chú còn nhắn cô dặn lại Phù Tô là Sparky sớm muộn gì cũng sẽ thích con hơn thôi.”

Phù Tô khẽ cười, Sparky là con ngựa của hắn.

“Con cũng nhớ nó.” Hắn nói.

“Không nhớ ba mẹ luôn sao?”

“Có. Tụi con sẽ về thăm sớm.”

“Cái Tễ cũng về chung luôn hả?” Giọng mẹ hắn lộ vẻ mong đợi.

Uông Tễ cười, đáp: “Dạ, cháu sẽ về cùng ảnh, nhưng mà do vướng thủ tục visa, chắc phải tới tầm tháng ba hoặc tháng tư ạ.”

“Được rồi, con à, con chịu qua đây là tụi cô vui lắm rồi. Tháng tư bên này hoa anh đào cũng nở, cô chú đợi hai đứa.”

Gác máy xong, Phù Tô đặt điện thoại xuống, hai tay đan vào nhau. Hắn ôm chặt Uông Tễ như ôm gối ôm, đè lên sofa mà dụi vào lòng anh.

Năm nay, mùa đông có trận tuyết lớn hiếm thấy. Bên ngoài, tuyết chất thành tầng, gió bấc rít từng cơn đập vào kính cửa sổ.

“Đừng có lười, cháo xay xong rồi, dậy ăn sáng đi.” Uông Tễ khẽ đẩy hắn.

Bây giờ đang là mùa đông ở đây, Toronto và trong nước lệch tới 13 tiếng. Khi mẹ của Phù Tô gọi điện, trời bên nhà vừa mới tảng sáng, chỉ mới tám giờ ở Vân Lĩnh.

Sáng nay, họ còn có nhiệm vụ. Phải chở chú Uông và thím Uông lên thị trấn mua đồ chuẩn bị Tết.

Chỉ còn mấy ngày nữa là đến giao thừa. Mọi năm, thường là Uông Dịch Dương về đón chú thím đi, nhưng càng gần cuối năm, nhà hàng của cậu ta lại càng bận rộn, nên năm nay Uông Tễ nhận luôn phần việc này.

Đúng giờ đã hẹn, xe đỗ trước cổng nhà chú thím. Hai người đã đứng sẵn trong sân chờ.

“Sao không ở trong nhà chờ? Trời lạnh vậy mà còn tuyết rơi nữa.” Uông Tễ nói.

“Không sao đâu, có cái lò sưởi, ngồi lên nó ấm lắm.” Thím Uông trả lời.

Cái lò sưởi bằng gỗ kiểu cũ, bên dưới ghế được đốt than hồng, vừa ấm chân vừa ấm người. Ở làng này, nhà nào cũng có một cái. Hồi trẻ, mùa đông đi học, ai nấy cũng cắp theo một cái lò nhỏ để sưởi. Đến trưa, còn có thể đặt bình cơm sành lên đó để hâm nóng.

Lên xe xong, thím Uông liền nói: “Ủa, con chó cũng đi nữa hả?”

Chó đang nằm gọn trong lòng Uông Tễ, vừa mới tắm xong, mặc bộ đồ nhỏ trông xinh xắn. Nó quẫy quẫy đuôi, nghiêng đầu nhìn thím.

“Dẫn nó đi cho biết đây biết đó.” Uông Tễ cười.

Thím Uông xoa đầu nó, vui vẻ nói: “Cưng quá chừng!”

Chú Uông lại chẳng mấy hứng thú với chó, chỉ bâng quơ lẩm bẩm: “Tôi nói rồi mà, thằng Dịch Dương đó không đáng tin. Gọi về sớm thì cứ nói bận hoài, thành ra để bây phải đi chuyến này.”

“Cháu đi cũng vậy mà chú, có chi đâu khách sáo.” Uông Tễ cười, đáp. “Tụi cháu cũng tính đi huyện mua đồ, tiện đường thôi. Dịch Dương cũng không còn cách nào khác, cuối năm nhà hàng đông khách, nó đang ráng kiếm tiền lo chuyện cưới xin đó.”

Nghe vậy, chú Uông cười xòa: “Ừ, bận rộn chút cũng tốt. Cái nhà cũ dưới thị trấn không ổn nữa, nó nói tính mua căn mới làm nhà cưới. Chú bảo nó mua cái lớn chút, không đủ tiền thì chú thím cũng để dành sẵn, không để con gái người ta chịu thiệt được.”

Nói tới đây, chú chợt quay sang, ngó hai người trong xe mà hỏi: “Dịch Dương vậy mà còn lo cưới vợ, còn tụi bây sao lại chưa tính gì hết?”

Chú Uông nói bằng giọng phương ngữ, Phù Tô phải suy nghĩ một hồi mới hiểu. Nhưng Uông Tễ đã bật cười trước câu nói đó.

Anh nghiêng đầu nhìn hắn, bên ngoài tuyết trắng phủ kín trời. Uông Tễ nhẹ giọng: “Bây giờ như vậy là được rồi.”

Xe đi qua chợ xã. Người lớn tuổi thường rất niềm nở, cuối năm đường làng đông đúc, gặp người quen là chú thím Uông hạ kính xe xuống chào hỏi. Người bên kia bất kể đứng xa cỡ nào, đều bước tới gần xe trò chuyện một chút.

Từ việc nhà ai làm thịt heo mở tiệc, tới giá hạt khô năm nay tăng vọt, chuyện trò rôm rả khiến xe đi như rùa bò. Đến khi chính thức khởi hành vào thị trấn thì đã trễ mất nửa tiếng.

Huyện thành nhộn nhịp, dòng người đông đúc như trẩy hội. Những người tha hương rải rác khắp nơi, mỗi dịp cuối năm đều đổ về quê.

Chú thím Uông muốn ghé chợ nông sản bán đồ khô trước, sau đó sẽ tới khu hội chợ. Phù Tô lái xe đưa họ tới cổng chợ, sau đó chia nhau ra đi, hẹn khi mua đồ xong thì gặp lại ở nhà hàng của Dịch Dương.

Họ ghé qua trung tâm thương mại. Hai tháng trước, Phù Tô đã hủy dịch vụ giao hàng từ siêu thị. Trước đây hắn ngại tự mình lái xe nên đặt giao định kỳ về Vân Lĩnh, nhưng từ khi ở với Uông Tễ, chuyện đó đã khác.

Cả hai cùng lái xe lên thị trấn, cùng nhau đẩy xe đi siêu thị, Uông Tễ luôn cúi xuống tỉ mỉ chọn từng món đồ. Xung quanh có những cặp đôi hay gia đình ba người đi ngang qua, nhìn họ chẳng khác gì những người khác.

Trung tâm thương mại đông đúc, nơi này là tụ điểm hiếm hoi của thị trấn, với các rạp chiếu phim, quán cà phê, trà sữa và KTV. Phần lớn khách ở đây đều là người trẻ.

Mà chỗ nào có người trẻ, chỗ đó mèo chó cũng nhiều. Nếu ngày trước Tết về quê là dẫn cả nhà, thì giờ lại là mang theo mèo chó đi cùng.

Trước khi xuống xe, Nếp – chú chó nhỏ của Phù Tô nhìn ra ngoài thấy một chú corgi ngồi trong xe đẩy trẻ em thì hơi co rúm lại. Uông Ký cúi xuống cột dây xích cho nó, cười bảo: “Đừng tự ti nha, dù người ta là chó giống Tây, còn mày là chó ta, nhưng ba mày giàu lắm. Chắc gì tụi nó ăn hạt còn ngon bằng mày đâu.”

Từ khi trở về sau chuyến đi Hoàng Sơn, Phù Tô lấy cảm hứng từ câu chuyện Uông Bàn từng đặt tên “Bánh Nướng” cho con mèo vì cô ta mê món bánh này. Hắn cuối cùng cũng nhớ ra phải đặt tên cho cậu con trai của mình. Ban đầu, hắn định gọi là Canh Cơm Cháy, nhưng bị Uông Ký thẳng thừng bác bỏ với lý do không giống tên chó. Thế là hắn đổi thành Nếp, nghe vừa hay vừa gần gũi.

Vừa dắt Nếp xuống xe, họ còn chưa kịp vào trong trung tâm thương mại thì đã gặp ngay một chú chó Maltese sang chảnh, đầu buộc nơ bướm lấp lánh.

Hai chú chó nhỏ, xét về kích thước thì không bên nào kém cạnh bên nào. Nhưng vừa nghe Maltese sủa một tiếng, Nếp đã dựng hết cả lông đuôi, trông y như nồi cơm đang sôi mà bất ngờ bị nhấc vung. Nó quay đầu lại cào vào ống quần Phù Tô, hoảng loạn nhảy loi choi.

Cả chú chó Maltese lẫn chủ của nó đều đứng hình nhìn cảnh tượng này.

Phù Tô nhanh tay bế Nếp lên, ôm vào lòng dỗ dành, nhưng miệng lại châm chọc:

“Thiệt là mất mặt.”

Họ vào siêu thị, vừa bước vào đã nghe nhạc Tết vang lên quen thuộc. Ai cũng vui vẻ sắm sửa, không khí như rộn ràng hơn hẳn.

Mua đủ những thứ đồ dùng cần thiết xong, Uông Tễ kéo Phù Tô qua khu thực phẩm. Dù cả hai đều không thích ăn ngọt, Tết này cũng chẳng có ai tới nhà chúc mừng, họ vẫn mua ít mứt khô và bánh kẹo cho có không khí. Uông Tễ còn chọn thêm vài hộp bánh đậu xanh loại mà ít người thích, nhưng nhà nào Tết cũng phải có trên bàn tiếp khách.

“Cái này là gì vậy?” Phù Tô cầm hộp bánh hỏi.

Uông Tễ bật cười, giải thích: “Đây là lương thực dự phòng. Tết mà nhà nào có con nít lôi cái này ra ăn là biết tụi nhỏ đói lắm rồi.”

Đi thêm một đoạn, thấy khu bày bán câu đối đỏ và đồ trang trí Tết rất nhộn nhịp, Phù Tô hỏi: “Có cần mua mấy cái này không?”

Uông Tễ lắc đầu: “Mấy thứ này thì mình về chợ mua. Ở làng kế bên có ông cụ, năm nào cũng viết câu đối và cắt hoa dán cửa. Ông làm mấy chục năm nay rồi, không lấy tiền, ai muốn thì đem đồ qua đổi là được.”

Lúc ông nội Uông Tễ còn sống, mấy năm liền Tết đến nhà đều dán câu đối và trang trí cửa sổ do chính tay ông làm. Dạo trước, anh ít khi về quê ăn Tết, nhưng vài hôm trước Tết sẽ cố ý hỏi thăm thím Uông về ông. Thím bảo ông vẫn khoẻ mạnh lắm, mỗi dịp cuối năm, trước sân nhà luôn có một hàng dài người đến xếp hàng. Ông bảo người ta đem cái gì đổi cũng được, dù chỉ là một nắm hạt dưa hay củ cà rốt, ông đều đồng ý. Nhưng bây giờ đời sống khá hơn, bà con trong làng toàn mang bánh mứt hoặc thịt đến.

Bánh mứt, thịt thì đắt giá hơn câu đối hay hoa cửa sổ, nhưng ai cũng vui lòng. Tết mà, người ta quý ở truyền thống và tình cảm.

Từ siêu thị đi ra, Uông Tễ với Phù Tô ghé vào một cửa hàng quốc doanh lâu đời để chọn quần áo mùa đông cho chú Uông và thím Uông.

Từ hồi mùa xuân anh quay lại Vân Lĩnh, chú thím đã lo cho anh và Phù Tô không ít. Đám gà vịt trong chuồng nhà thím đã vơi đi thấy rõ, chưa kể thím còn đều đặn gửi trứng gà qua cho hai người.

Đứng cùng nhân viên bán hàng ướm thử cỡ, Uông Tễ chọn hai chiếc áo lông vũ và một chiếc áo gile lông vũ. Phù Tô đi xếp hàng thanh toán, trong khi Uông Tễ để ý thấy trên tường dán mấy tấm poster khổ lớn.

Nhân viên bán hàng giới thiệu: “Những mẫu trên người mẫu là hàng mới năm nay bên em. Kiểu dáng đứng form, lông vũ nhồi đầy đủ. Em lấy thử vài mẫu cho anh mặc thử nha? Dáng anh chuẩn vậy, mặc mẫu nào cũng đẹp hết.”

Uông Tễ đáp: “Tôi muốn xem kỹ phần cổ tay áo của mấy mẫu này.”

Nghe vậy, nhân viên dẫn anh qua giá treo một bên.

Uông Tễ cầm mấy chiếc áo lên, cẩn thận lật xem thiết kế phần cổ tay, sau đó kiểm tra nhãn mác để biết chất liệu và phần lông nhồi bên trong. Cuối cùng, anh nói: “Gói giúp tôi hai chiếc này.”

“Anh không thử mặc thử sao?”

“Không cần,” anh lắc đầu, “tôi không mặc.”

Chọn xong màu sắc và kích cỡ, anh dứt khoát mở hai đơn lớn, khiến nhân viên bán hàng mừng rỡ, cảm thấy công việc làm thêm suốt nửa tháng cuối cùng cũng đáng công!

Đến quầy thanh toán, Uông Tễ đưa túi đồ cho Phù Tô, bảo: “Nè.”

Phù Tô nhướng mày: “Chọn cho tôi hả?”

Nếp hơi nhát người, từ lúc vào trung tâm thương mại đã được Phù Tô kéo khóa áo lông vũ nhét vào lòng. Uông Tễ đưa tay xoa đầu nó, nói: “Đừng có cào tay ba mày nữa. Để ổng mặc áo trầy hết vải vậy mà chịu được hả?”

Rồi anh quay qua bảo Phù Tô: “Hai nhãn hiệu anh hay mặc, đừng nói ở huyện, ngay cả trên thành phố cũng không có cửa hàng chính thức. Tạm mặc hai cái này trước, qua Tết em lại mua thêm.”

Giữa dòng người đông đúc, Phù Tô nắm lấy tay anh, siết nhẹ: “Ừ, được.”

Ra khỏi trung tâm thương mại đã đến giờ cơm, nghĩ hôm nay chú Uông, thím Uông lên thị trấn, kiểu gì Uông Dịch Dương cũng sẽ đưa Tân Hinh đến gặp họ. Có khi hai nhà gặp nhau. Uông Tễ quyết định không làm phiền, mà lái xe đưa Phù Tô đến một quán ăn quen thuộc hồi còn đi học.

Đó là một quán mì sợi với nồi đất nằm cạnh trường cấp ba cũ của anh.

Đúng dịp nghỉ đông, quán đông khách hơn hẳn ngày thường. Nếp được để lại trong xe ngủ, còn hai người lấy số rồi đứng ngoài chờ.

Trên phố, người qua lại khoác áo dày, bước đi vội vã. Uông Tễ chỉ vào một cây ngô đồng to ven đường, nói với Phù Tô: “Con đường này, cái cây đó, hồi học cấp ba ngày nào em cũng đi qua. Ngồi lớp nào trong trường cũng đều thấy được nó qua cửa sổ.”

Mùa đông, cây ngô đồng đã trụi lá từ lâu. Mười phút sau, hai người vào quán, ngồi ghép bàn với người khác.

Uông Tễ nhìn bảng thực đơn trên tường, lẩm bẩm: “Giờ có nhiều vị quá ha.”

Ngồi cùng bàn là một cậu trai, nghe vậy nói: “Không phải xưa giờ đều có mấy vị đó sao?”

Uông Tễ gọi hai phần mì xương, quay sang cười nhẹ: “Hồi tôi học ở đây chỉ có xương với chua cay thôi. Ra trường lâu rồi, giờ mới quay lại ăn.”

Cậu trai nhìn anh với ánh mắt ngưỡng mộ: “Ra trường sướng quá trời. Em năm nay lớp 12, hết Tết là lao đầu vào ôn thi đại học. Đầu óc em sắp nổ tung luôn rồi. Anh cũng học trường này hả? Khóa mấy vậy? Học ở đâu ra? Thầy chủ nhiệm em cứ bảo trường mình càng ngày càng tệ…”

“Bàn số 18, một phần mì xương, hai phần tam tươi xong rồi!”

“Dạ, ở đây ạ. Cô ơi, tụi con còn gọi ba trứng ốp la nữa.”

“Trứng đang chiên, có ngay đây.”

“Bàn số 19, hai phần chua cay xong rồi!”

“Biết rồi…. lấy số giùm cô nha. Còn hai bàn nữa mới tới lượt tụi con.”



Trong quán ồn ào nhưng rất ấm áp, cánh cửa kính dày ngăn cách cái lạnh bên ngoài. Không gian nhỏ hẹp tràn ngập mùi thơm của những nồi đất nóng hổi.

Rất nhanh, phần mì của họ được mang lên. Cô phục vụ dặn: “Coi chừng nóng đó nha.”

Uông Tễ ngước mắt lên, nhẹ nhàng đáp: “Cảm ơn cô.”

Quán này đã mở hơn hai mươi năm. Cô phục vụ cùng chồng mình đã từng thấy và tiễn đi biết bao thế hệ học sinh của huyện. Hôm qua còn từng tốp học sinh rủ nhau đến đây ăn mì, hôm nay họ đã tản mác khắp mọi miền đất nước.

Cô không biết rằng chàng trai trẻ tuấn tú trước mặt từng nhiều lần đẩy cánh cửa quán này cách đây hơn mười năm. Dù thời gian đã trôi qua, anh vẫn nhớ rõ bát mì nơi đây.

Qua lớp hơi nóng bốc lên từ nồi đất, Phù Tô nhìn gương mặt Uông Tễ lúc anh trò chuyện với cậu trai trẻ cùng bàn, đôi chân mày nhẹ nhướng lên. Hắn như thấy thời gian quay ngược lại, nhìn thấy một thiếu niên gầy gò mặc đồng phục, đi qua cây ngô đồng năm ấy. Đó là những tháng năm xanh tươi trong cuộc đời Uông Tễ, quãng thời gian mà Phù Tô chưa từng tham dự.
 
Chương 41: Núi sâu có gì?


Ngày 29 tháng Chạp, đêm giao thừa.

Sáng sớm, Uông Tễ hấp một xửng bánh bao và bánh mè tròn.

Bánh bao là loại bánh trắng thông thường, Uông Tễ chuẩn bị sẵn màu thực phẩm, dùng đũa chấm lên bánh một điểm đỏ. Bánh bao điểm đỏ vừa dùng để cúng, vừa để ăn, mang ý nghĩa cầu mong may mắn, sức khỏe, bình an, trường thọ.

Bánh mè tròn cũng là một đặc sản ngày Tết ở quê họ, mỗi chiếc lớn cỡ lòng bàn tay, được làm rất chắc tay. Lớp vỏ nếp dẻo mịn bọc bên trong là nhân mè đen sánh mịn. Sáng ngày giao thừa hấp bánh mè tròn, tối đến chiên thịt viên, tất cả đều mang ý nghĩa đoàn viên, sum vầy.

Bánh bao và bánh mè được xếp gọn lên đĩa, kèm theo rượu và bánh ngọt. Trong căn bếp kiểu cũ ngập hơi nước, Uông Tễ lên tiếng: “Đi thôi.”

Sau một đêm tuyết lớn, khắp nơi bên ngoài phủ trắng xóa, sạch sẽ và tĩnh lặng.

Hôm qua họ đã về nhà Uông Tễ, dọn dẹp sạch sẽ từ trong ra ngoài ngôi nhà nhỏ, tối đến còn nhóm lửa ở bếp củi đã lâu không dùng. Nhân bánh mè cũng cần chuẩn bị trước từ hôm ấy.

Uông Tễ đặt những chiếc bánh mè còn nóng hổi trước mộ, rồi nói: “Tụi cháu không có lười biếng đâu nha, không dùng máy móc, mè này đều cho vào cối giã bằng tay.” Anh vừa nói vừa chỉ về phía Phù Tô bên cạnh: “Là anh ấy giã đó.”

Phù Tô bước lên trước, nâng bình rượu, cẩn thận rót đầy hai chén.

Tuyết phủ lên đôi lông mày của Uông Tễ một màu bạc trắng. Anh châm ba nén nhang, cắm vào lư hương, rồi chậm rãi nói: “Lại thêm một năm nữa rồi.”

Giữa núi non trùng điệp, gió cuốn theo hơi nóng từ thức ăn và mùi thơm của rượu, không gian mênh mông như chứa đựng cả nỗi nhớ không cùng. Những người bên cạnh là điều quý giá cần phải trân trọng.

Nhang nến cháy hết, họ quay lưng lại, trong ánh nhìn dịu dàng của đất trời, sánh vai bước đi.

Bữa cơm tất niên ăn ở nhà chú Uông, chuyện này chú và thím Uông hôm qua còn phải lặn lội đến tận nơi để nhắc: “Giao thừa không như ngày thường, ngày thường hai đứa bây ăn qua loa thế nào cũng được, chứ giao thừa là phải vui vẻ đông đủ.”

“Phiền phức quá trời.”

“Có thêm hai đôi đũa thôi chứ phiền gì? Tết nhất phải đông mới vui. Với lại, bác cả với chú ba của thằng Dương đều là người nhìn bây lớn lên, quen thuộc cả mà.”

Không từ chối được, Uông Tễ và Phù Tô đành gật đầu đồng ý.

Chiều hôm đó, hai người cùng dán câu đối và hoa dán cửa sổ cho hai nhà, mở hết đèn trên dưới, rồi dắt chó xuống núi.

Đêm giao thừa, đường phố dưới chân núi vắng vẻ hơn hẳn. Ai nấy đều ở nhà vừa sưởi ấm vừa trò chuyện, chuẩn bị cơm tất niên, chỉ thi thoảng có người ghé tiệm tạp hóa mua thêm món gì còn thiếu sót.

“Lấy một thùng cồn khối với một chai nước tương, đúng hông?”

“Đúng, may mà tôi nhớ ra, không thì tối nay bưng nồi lẩu lên mà không có cồn đốt thì rắc rối chết! Lấy thêm cho tôi một chai nước ngọt loại lớn, để mấy đứa nhỏ uống.”

“Mấy đứa nhỏ uống thì lấy nước dừa được hông?”

“Được chứ, tôi trả tiền mặt nha.”

“Dì ơi, má con kêu con ra mua cồn nè!”

“Nhà con cũng quên mua hả?”

“Không phải quên, mà là hết rồi. Tháng này nhà con ăn lẩu hoài, một thùng cồn mà giờ chỉ còn hai viên.”

“Chờn đất ơi, ăn lẩu hoài hèn chi dì thấy mặt con tròn quay luôn á!”

“Dì đừng có chọc nữa, nghỉ Tết về nhà cái là con mập mấy ký liền rồi.”

“Uông Ngọc cũng vậy đó, suốt ngày nằm dài trên ghế sofa coi tivi với chơi điện thoại, ăn xong rồi ngủ, ngủ dậy rồi ăn, mỗi bữa có thể ngốn hết nửa rổ quýt đường, cái eo giờ chật hết cả rồi.”

“Thanh toán qua ví điện tử 18 tệ.”

“Dì, mai mốt kêu Uông Ngọc qua chơi với con nha, con có chuyện tám với bả nè.”

“Được!”

Chờ đến khi cô chị lớn vội vàng và cô bé nhỏ nhắn ôm đồ rời đi, Uông Tễ cùng Phù Tô mới bước đến quầy.

“Ủa,” Uông Vân Anh ngẩng lên, hơi khựng lại một chút rồi hỏi, “mua đồ hả?”

Bà nhận ra hai người này, chính là hai thanh niên trẻ hôm dự đám cưới ở làng. Một người trong đó còn là cháu của nguyên bí thư Uông trước đây. Dạo gần đây, mấy chị em trong xóm mỗi lần ngồi tụ lại nhai hạt dưa đều hay nhắc hoặc hỏi thăm về họ. Nghe nói kiếm đủ tiền rồi, từ thành phố lớn trở về nhà thư giãn. Người cao cao kia còn có bạn gái rồi, thật đáng tiếc.

Họ mua hai chai rượu, một cây thuốc, nghĩ đến chuyện anh họ của Uông Dịch Dương đã có con, Uông Tễ còn mua thêm hai bao lì xì.

“Mua rượu với thuốc ngon vậy, đi thăm họ hàng hả?”

“Dạ.” Uông Tễ mỉm cười.

Uông Vân Anh cũng cười: “Thôi, mấy đồng lẻ khỏi trả.”

“Cảm ơn dì.”

“Không có chi, Tết mà!” Uông Vân Anh vui vẻ nói.

Đã bốn giờ chiều, tiếng pháo lẻ tẻ bắt đầu vang lên trong làng. Do không gian núi đồi thoáng đãng, tiếng pháo nghe không hề ồn ào, ngược lại còn mang đến cảm giác rộn ràng, vui tươi.

Uông Vân Anh thu dọn sổ sách và hộp tiền. Trong đầu bà hiện lên cảnh gia đình đông đúc, anh em dâu rể sum họp quanh một bàn lớn. Chắc chắn giờ này ở nhà bếp, mọi người đang cười nói rộn ràng vừa chuẩn bị thức ăn. Nghĩ tới đó, bà cảm thấy không thể ngồi yên được nữa. Tiệm tạp hóa quá lạnh lẽo, bà mong mỏi được nhanh chóng đóng cửa để về nhà.

Nhà chú Uông có ba anh em, chú Uông đứng thứ hai. Ông bà đã mất từ lâu, nhưng ba anh em vẫn giữ mối quan hệ thân thiết. Đến tận bây giờ, cứ Tết đến, ba nhà vẫn cùng nhau tụ họp ăn Tết.

Đậu xe ngoài cổng, Uông Tễ và Phù Tô xách đồ bước xuống. Chưa kịp đến trước cửa, cả hai đã nghe thấy tiếng cười nói rôm rả từ trong sân và trông thấy khói bếp lượn lờ trên mái nhà.

“Đồ xào để cuối cùng, giờ lo làm nồi lẩu trước. Năm nay má tự làm cả đống hoành thánh trứng luôn.”

“Viên Viên, con ra coi chú Hai con đâu rồi. Kêu ổng ra sau vườn nhổ mấy củ cải mà tới giờ chưa về? Còn phải chờ ổng làm món cá kho nữa. Cá kho đỏ thì chỉ có chú Hai làm là ngon nhất.”

“Bốp!”

Từ trong bếp, Uông Dịch Dương thò đầu ra, tay vẫn cầm cái xẻng nấu ăn, quát lớn: “Uông Nhuệ! Mày mà còn quăng pháo vô bếp nữa là tao đập mày đó!”

Cậu nhóc nhỏ con, mặt mày lanh lợi, chẳng chút sợ hãi, cười hì hì chạy biến. Nhưng vừa quay đầu, nó đã đâm sầm vào thân cây. Sững lại vài giây, không khóc, nhưng lại há miệng gào to.

Trong bếp, ba nó chỉ ló đầu ra nhìn qua một cái rồi lại quay vào, không nói không rằng.

“Gào cái gì mà gào, làm ồn tới con chó ngủ!” Bé gái nhỏ ngồi cạnh bếp lửa, chờ nướng quýt, giọng non nớt trách. Trong lòng cô bé, con chó nhỏ tên Nếp vẫn đang nhắm mắt ngủ ngon lành.

Dưới gốc cây, Uông Tễ nhẹ nhàng đặt quân cờ xuống, thở dài chịu thua: “Được rồi, nhận thua.”

Anh và Phù Tô là khách, nên không được vào bếp phụ giúp. Đối diện anh là bác họ của Uông Dịch Dương – người nổi tiếng khắp vùng là “sát thủ nhà bếp” và cũng bị cấm bén mảng vào gian bếp.

Trước khi nghỉ hưu, bác họ làm ở trung tâm văn hóa huyện, quen môi trường đầy sách vở, tranh ảnh, nên thích đọc sách và đánh cờ. Ngày đông ngồi sưởi lửa rảnh rỗi, ông kéo Uông Tễ ra cùng đấu vài ván.

Một ván mới bắt đầu, trên cây, chim ác lành đậu trên cành hồng đông lạnh, tung tăng mổ những trái chín sót lại. Đuôi dài của nó nhảy múa theo từng cú mổ nhẹ nhàng.

Khi ván cờ bước vào thế giằng co, Uông Tễ tựa trán vào tay, ngẫm nghĩ nước đi.

Bất ngờ, từ bếp vang lên tiếng gọi lớn: “Ba ơi——”

Tiếng gọi bất thình lình khiến bác họ của Uông Dịch Dương giật mình: “Gì nữa?! Đang đánh cờ mà!”

“Cái lò cũ này nhóm không lên, ba qua coi giùm. Phải hầm gân bò nữa nè, lẹ đi!”

“Được rồi… Uông Tễ, chờ chút nha,” bác họ đứng dậy, vừa chạy vào bếp vừa lẩm bẩm, “Ai cũng làm phiền hết, đang suy nghĩ nước cờ đó chứ. Mấy việc khó khó là lại phải tới phiên ba đây!”

“Vênh váo ghê.”

Trong bếp, tiếng cười nói rộn rã không ngớt. Uông Tễ cúi đầu nhìn lại bàn cờ, chẳng biết từ lúc nào, Phù Tô đã đứng sau lưng anh, tay luồn vào cổ áo, xoa nhẹ gáy anh.

Tay hắn ấm áp. Uông Tễ ngửa mặt ra sau, mỉm cười thư thái: “Xong rồi hả?”

Uông Dịch Dương có một người em họ học rất giỏi, đang theo chuyên ngành tài chính. Năm sau cậu ta sẽ tốt nghiệp thạc sĩ và có ý định vào làm ở một ngân hàng đầu tư trong nước. Vừa bước vào nhà, Phù Tô đã bị kéo đi để “trao đổi kinh nghiệm”.

Điều này khiến Uông Dịch Dương chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm: “Trao đổi? Mày đã vào được đâu mà đòi trao đổi, phải gọi là xin chỉ giáo thì đúng hơn!”

“Ừ.” Phù Tô đáp một tiếng ngắn gọn.

Uông Tễ nhìn sắc mặt của hắn, nhắc nhở: “Đừng có qua loa với người ta.”

“Không đâu.” Phù Tô mỉm cười, ánh mắt rơi xuống bàn cờ.

Uông Tễ khẽ xoa lưng, than: “Ngồi lâu quá, đau lưng.”

Lò đã nhóm xong, bác họ của Uông Dịch Dương lại chạy từ bếp về.

Phù Tô cúi người, nắm lấy tay Uông Tễ, thay anh đặt xuống một quân cờ.

“Pháo giữa chuyển sang cột hai?” Bác họ động mày, còn chưa kịp ngồi, tay đã đưa mã lên trước.

Chim ác trên cây ăn no hồng đông, vỗ cánh bay đi.

“Chiếu tướng.” Phù Tô nhẹ nhàng lên tiếng.

Bác họ nhíu mày, vừa cười vừa lắc đầu: “Xem cờ không xen lời mới đúng đạo chớ. Sao bây lại mượn viện trợ thế này?”

Phù Tô cười khẽ, nhân lúc áo khoác che khuất, xoa nhẹ lưng cho Uông Tễ.

Khi trời dần tối, trong TV đang phát phỏng vấn trực tiếp trước chương trình mừng xuân, bên ngoài tiếng pháo nổ vang rền, bên trong lại ấm áp như mùa xuân. Người lớn, trẻ con ra vào giữa bếp và phòng khách, bưng lên những món ăn ngon lành tựa yến tiệc quốc gia. Một bàn tròn lớn, thức ăn xếp đầy ắp.

Mùa đông cuối năm, mọi nhà sum họp. Những gì đã mất, những gì đạt được, những gì đã trải qua, tất cả dường như chẳng còn quan trọng nữa. Năm cũ qua đi, năm mới sắp đến.

Trên bàn ăn, điện thoại của ai cũng không ngừng reo. Tin nhắn nhóm, tin riêng, lời chúc cứ tới tấp gửi về.

Điện thoại của Phù Tô cũng reo lên, bạn bè, cha mẹ hắn đều đang ở múi giờ khác. Hắn mở ra xem, bất ngờ thấy tin nhắn từ Phù Hạo – người vừa kết bạn qua WeChat với hắn cách đây không lâu nhờ Uông Dịch Dương giới thiệu.

Phù Hạo gửi một chuỗi tin nhắn thoại dài, nhưng Phù Tô chưa nghe, mà kéo xuống nhìn bức ảnh bên dưới trước.

“Ai vậy?” Uông Tễ hỏi.

“Phù Hạo gửi tôi ảnh gia đình.” Phù Tô đưa điện thoại cho anh xem.

Phù Hạo tuy nhỏ hơn Phù Tô, nhưng đã có con. Trong ảnh, bảy người trong gia đình, Phù Hạo ôm vợ, bế con gái, ngồi giữa cha mẹ hai bên, nụ cười rạng rỡ.

“Nó đang khoe với tôi à?” Phù Tô nhướng mày.

Uông Tễ còn chưa kịp trả lời, Phù Tô đã mở camera, một tiếng “tách” vang lên. Chưa đầy giây sau, một bức ảnh đã được gửi đi.

Cách đó vài chục cây số, Phù Hạo mở tin nhắn ra, kinh ngạc trố mắt. Trong ảnh, căn phòng ấm áp, trên tường dán tranh trang trí đỏ rực, gương mặt anh họ hắn vẫn thanh thoát, kiêu sa như mọi khi. Nhưng ngay bên cạnh, một người khác đang mỉm cười, ánh mắt ngà ngà men say.

“Chết tiệt.” Phù Hạo lẩm bẩm.

“Anh…” Uông Tễ nhìn màn hình điện thoại, lưỡng lự nói: “Làm vậy hắn sẽ biết đấy.”

“Họ nên biết.” Phù Tô bình tĩnh đáp, ánh mắt dừng lại trên anh.

Ăn xong, ngồi trò chuyện thêm một lúc, hai người cáo từ ra về.

Cả hai đã chuẩn bị sẵn lì xì cho bọn trẻ. Uông Tễ ngồi xổm xuống, bỏ một phong bì vào túi áo bé gái nhỏ, nói: “Chúc mừng năm mới.”

Cô bé ngượng ngùng cười, bất ngờ quay người chạy mất. Mọi người tưởng con bé xấu hổ, ai ngờ chẳng bao lâu sau nó quay lại, bím tóc đung đưa theo từng bước chân. Bé đưa cho Uông Tễ một trái quýt nướng, lí nhí: “Cảm ơn chú.”

Rồi rướn người, đưa trái khác cho Phù Tô: “Cảm ơn… ba của Nếp.”

Phù Tô xoa đầu cô bé, mỉm cười dịu dàng.

Ra tới cổng, Phù Tô lấy chìa khóa xe, nhưng Uông Tễ giữ lại: “Không lái đâu, đi bộ về đi.”

Tối nay anh uống hai ly rượu trắng, má vẫn còn nóng, muốn đi bộ hóng gió một chút.

“Được.” Phù Tô cất chìa khóa, tiến lên kéo lại khóa áo khoác của anh.

Khi hắn đang chỉnh lại cổ áo, Uông Dịch Dương bất ngờ bước ra. Đứng trước cổng, cậu ta sững người.

Cổ áo len cashmere ôm sát chiếc cổ trắng ngần, Phù Tô vừa lúc thu tay về.

Uông Dịch Dương lắp bắp: “Mẹ em kêu mang bánh trôi ra cho hai người.”

Không khí trầm lặng trong giây lát, Uông Tễ đưa tay nhận túi: “Trời lạnh, về nhà đi.”

Uông Dịch Dương ngẩn ngơ gật đầu, bước được vài bước, quay đầu lại như định nói gì đó, cuối cùng chỉ giơ tay vẫy: “Năm sau gặp nhé.”

Tiếng giày dẫm lên tuyết xốp kêu lên từng nhịp.

Phù Tô nói: “Cậu ấy biết rồi.”

Uông Tễ mỉm cười, học lại lời hắn: “Nó nên biết.”

Pháo hoa lại nở rộ nơi chân trời. Trong khoảnh khắc được kéo vào vòng tay người kia, Uông Tễ nhắm mắt lại, mặc gió lạnh luồn qua từng nếp áo và đuôi tóc.

Nhiều lúc, Phù Tô cảm thấy như mình đang mơ. Trong giấc mơ ấy, hắn gặp núi, thấy suối, núi xa vững chãi, suối trong dịu dàng. Đến khi tỉnh giấc, hắn lại thấy Uông Tễ trong vòng tay mình.

Họ gặp nhau trong buổi sáng đầu xuân, ôm lấy nhau trong đêm đông lạnh giá. Đợi đến khi mùa đông qua đi, giữa những dãy núi lại sẽ thổi lên làn gió xuân.

Lại thêm một mùa xuân mới.

Nơi núi rừng có gì?

Hoa tùng ủ rượu, nước xuân pha trà.

HOÀN
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top