Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện!

Diễn Đàn Truyện là diễn đàn chuyên về truyện, văn, thơ và giải trí. Để có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn vui lòng bạn đăng ký thành viên, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và dễ dàng!

Đăng ký!

Dịch Full Thường Nga

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
685,651
VNĐ
1,000,499
[Diendantruyen.Com] Thường Nga

Thường Nga
Tác giả: Thẩm Nhạn
Tình trạng: Đã hoàn thành




Tựa gốc: Thường Nga / 嫦娥

Series: Rượu và đao / 酒与刀

Tác giả: Thẩm Nhạn / 沈雁

Dịch: Cụt

Giới thiệu:

Thường Nga ắt hối trộm linh dược, trời xanh nước biếc quạnh nỗi niềm.
 
Chương 1


1. Mẹ

Có mây trong mắt mẹ.

Tống Nhị nhà bên bị mẹ nó dùng roi mây đánh cho gào la om sòm như lợn bị chọc tiết, một tiếng vừa hạ xuống thì lại thêm một tiếng vang dội hơn, inh ỏi chói tai, làm Tạ Bất Hối nhớ đến tiếng ve trỗi dậy vào ngày hè.

Trán bỗng đau nhói như kim châm, Tạ Bất Hối hoàn hồn.

Ngước mắt lên, mẹ đang cầm khăn nhúng nước lau cát bụi dính trên vết thương cho nó, trong tiếng quất roi vùn vụt của roi mây và tiếng bạn chơi cùng kêu khóc, cử chỉ của mẹ càng có vẻ dịu dàng hơn.

Bất kể lần này nó và Tống Nhị nô đùa bước hụt, ngã xuống sườn núi bị trầy trán, hay hồi sáu, bảy tuổi không cẩn thận đá gãy chân trẻ con nhà khác, Tạ Bất Hối có nghịch ngợm thế nào đi chăng nữa, mẹ cũng chẳng bao giờ phiền não, giống như người mãi mãi không biết tức giận, giống như…

Giống như một bức tượng đất hình người.

“Sao thế?”

Mẹ dừng tay, hỏi.

Giọng mềm mại dịu dàng, gương mặt nhìn nghiêng nổi bật sống mũi cao thẳng, ấn đường đỏ thắm nốt ruồi son.

Thật thà mà nói bằng lương tâm, chẳng tâng bốc chút nào, Tạ Bất Hối chưa từng thấy người phụ nữ nào đẹp hơn mẹ mình, Liễu cô nương bị bà mối giẫm hỏng ngưỡng cửa nhà trong trấn Bạch Thủy so với mẹ cũng thua chị kém em, núi cao còn có núi cao hơn.

Tống Nhị rất ghen tị khi nó có một người mẹ mỹ nhân dịu hiền như vậy, trước giờ bọn trẻ con trong trấn Bạch Thủy đều rất thích mẹ, mẹ đối xử với tất cả bọn chúng đều rất tốt, như với nó vậy. Có lúc thậm chí, Tạ Bất Hối còn cảm thấy trong mắt mẹ, thực ra nó cũng chẳng khác gì trẻ con nhà khác.

Tống Nhị nhà bên khóc khàn cả giọng, gào khan nghe như nồi hơi mẻ đun nước.

Tạ Bất Hối mất một hồi lâu mới rặn ra được hai giọt nước mắt: “Đau.”

Nó tưởng rằng mẹ sẽ mắng nó “Đáng đời”, Tống Nhị mà nhõng nhẽo với mẹ nó thế thì đã sớm ăn một cái tát rồi…

Nhưng không.

Mẹ chỉ giơ bàn tay láng mịn lên, nhẹ nhàng xoa đầu nó: “Vậy mẹ nhẹ tay hơn nữa nhé.”

Tạ Bất Hối vốn nên cảm thấy mình đang ở cõi cực lạc, nhưng chẳng biết tại sao, tự dưng nó lại hơi hâm mộ Tống Nhị đang bị mẹ nó đánh trầy da sứt thịt ở nhà bên.

Lúc tiếng khóc lóc của Tống Nhị dừng lại, mẹ cũng đã thoa xong thuốc trị thương thượng hạng cho nó, đứng dậy đi tới bên thùng gỗ đựng nước giặt cái khăn dính đầy vết máu.

Khi đi, sống lưng mẹ thẳng tắp như thân lúa mạch, bước chân dịch về phía trước mà vạt váy vẫn bất động.

Dáng vẻ đoan trang nhã nhặn của người khiến Tạ Bất Hối nhớ đên con thiên nga vào nhầm trấn Bạch Thủy hai ngày trước, cái cổ mảnh dẻ thon dài đẹp đẽ, đầu ngẩng thật cao.

Mẹ khác hẳn những người phụ nữ khác trong trấn, như thể một sinh ra ở quẻ càn, một sinh ra từ quẻ khôn, khác biệt một trời một vực.

Năm nay mẹ đã hăm bảy, đôi bàn tay vẫn trắng trẻo mềm mại như thiếu nữ đôi tám. Mẹ gần như chẳng bao giờ làm việc nặng, đồ ăn đều do tiểu nhị của quán trọ duy nhất trong trấn mang đến, quần áo thì giao cho bà Vương mù, đều đặn cứ cách vài ngày lại đưa tiền đồng cho bà ấy. Đa số thời gian, mẹ đều vô cùng buồn chán, thỉnh thoảng làm ít việc thêu thùa, khác với người ta ở chỗ hoa văn tinh xảo trang nhã, đường kim mũi chỉ phức tạp. Có bận Tạ Bất Hối nghe mẹ Tống Nhị nói đó gọi là lối thêu kinh tú, chỉ con gái bên Lạc Dương mới học được.

Bên tai vọng lại tiếng mẹ Tống Nhị oang oang: “A Bảo, lại đây!”

Lão nhị nhà họ Tống tên là Tống Dụ, tên này là mời một tú tài dừng chân nghỉ ngơi ở trấn Bạch Thủy đặt cho, sau đó mẹ Tống Nhị chê tên nó đọc không thuận miệng nên thường gọi bằng nhũ danh.

Tạ Bất Hối chưa từng nghe mẹ gọi tên mình.

Có lần nó và Tống Nhị mải chơi quên giờ, vô tình ngoái đầu mới phát hiện ra mẹ đang đứng yên lặng sau lưng không xa, là tới tìm nó về nhà ăn tối. Khi ấy là tháng Chạp lãnh lẽo, mẹ thà chịu gió rét cũng không muốn gọi tên nó.

Có một dạo Tạ Bất Hối rất muốn hỏi mẹ, đã không vừa ý như vậy thì vì sao ban đầu phải lấy tên này cho nó?

Lời đến cửa miệng lại chẳng dám nói ra.

Có mây trong mắt mẹ, đôi mắt đẹp mơ mơ màng màng, tựa như quanh năm suốt tháng bao phủ trong mây khói vấn vít, khiến người ta chẳng thể nhìn thấu, tựa như chỉ thoáng không để ý sẽ tiêu tan như mây trời.

Gần như là bản năng, Tạ Bất Hối biết rằng nếu nó hỏi câu này ra khỏi miệng sẽ gây nên hậu quả có hối cũng chẳng kịp.

Mẹ Tống Nhị không đánh nổi nữa, vừa thở hổn hển vừa bận bịu bôi thuốc cho Tống Nhị, nhà không còn thuốc cao chữa trầy xước bầm tím nữa, bèn sang nhà họ Tạ mượn dùng.

Chẳng biết xuất phát từ tâm tư gì, Tạ Bất Hối lặng lẽ trốn sau cửa, nghe mẹ Tống Nhị hỏi: “… Em gái, sao em chẳng tức giận gì thế? Trông em cứ như chẳng để ý gì đến con cái nhà mình ấy.”

Cây nhãn ngoài nhà bị gió thổi kêu xào xạc.

Nó nghe mẹ đáp bằng chất giọng như oanh hót:

“Để ý, nhưng không thích.”
 
Chương 2


2. Cha

Có gió trong mắt cha.

“Bất Hối.”

Bị gọi dậy lúc trời vừa tảng sáng, bên tai vẳng tiếng gáy của con gà trống già nhà Tống Nhị, Tạ Bất Hối mở mắt, nghe cha bình thản nói: “Đến giờ luyện công rồi.”

Lời vừa dứt, tiếng bước chân trầm ổn mà nhẹ nhàng đã nhanh chóng đi xa.

Tạ Bất Hối lắc lắc cái đầu hỗn độn, đang giữa đợt rét đậm, nước dưới mái hiên đóng thành băng, là thời điểm quyến luyến giường đệm nhất. Vật lộn hồi lâu mới ngồi dậy xuống giường được, dùng nước giếng lạnh thấu xương rửa mặt, rốt cuộc cũng tỉnh táo được mấy phần.

Đêm qua tuyết rơi, Tạ Bất Hối xỏ guốc gỗ giẫm lên mặt tuyết xốp, tiếng nghe “Kẽo kẹt” khó nghe.

Cha đã đứng bên bảy cọc hoa mai đóng trong sân, tay trái xách hai thanh kiếm gỗ, sau lưng đeo một thanh kiếm dài ba thước đã cởi bao khác. Thân hình cha gầy guộc mà cao ráo, Tạ Bất Hối mười tuổi chỉ đứng đến ngực người, ngẩng đầu thật cao mới có thể nhìn thấy mặt cha.

Tạ Bất Hối nhận lấy kiếm gỗ, đi tới cạnh cọc hoa mai, cọc gỗ cao ngang một người, nó ngậm kiếm gỗ trong miệng, hai tay thuần thục ôm cọc, hai chân kẹp lấy leo lên.

Kể từ khi nó bắt đầu có kí ức, bảy cây cọc hoa mai này đã được dựng trong sân, cha gọi là “cọc thất tinh”, là vật sư môn người dùng để dạy tiểu đệ tử tập võ. Cha rất ít nhắc đến sư môn, Tạ Bất Hối chỉ biết cha bái sư danh môn võ học, chưa kịp xuất sư, sư môn đã suy vi, môn hạ đệ tử tan tác chim muông, cha cũng nằm trong đó.

Tạ Bất Hối lùi chân trái ra sau một bước, giẫm lên một cọc hoa mai khác, bày thế, phía đối diện, cha đã nâng kiếm ung dung nhảy lên cọc hoa mai.

Tiếng kiếm gỗ va chạm không thể vang dội lanh lảnh được như binh khí thực thụ.

Tạ Bất Hối miễn cưỡng tiếp được năm chiêu đã bại, kiếm gỗ bị đánh bật đi, không khỏi ủ rũ.

Cha thu kiếm, vươn tay trái vỗ vai nó: “Luyện công xong cha dẫn con ra ngoài.”

Tạ Bất Hối sải chân trên cọc hoa mai, đứng tấn hai giờ, múa kiếm năm trăm đường. Kể từ nằm sáu tuổi theo cha tập võ đến giờ đều gió mặc gió mưa mặc mưa, bao năm vẫn như một.

Đến lúc nhảy xuống cọc hoa mai thì đã quá trưa, người như vớt từ dưới nước lên, thở hồng hộc, hơi nóng phả ra không khí mùa đông hóa thành khói trắng lượn lờ bay lên rồi từ từ tan biến. Hai tay Tạ Bất Hối chống lên đầu gối, há miệng thở dốc, cha đưa cho một cái khăn, nó nhận lấy qua quýt lau mồ hôi trên mặt.

“Mặc thêm áo vào đi,” Cha nhắc nhở, “Cẩn thận cảm lạnh.”

Lúc rảnh rỗi hoặc thỉnh thoảng một buổi ngẫu nhiên nào đó Tạ Bất Hối không muốn ở nhà, cha sẽ dẫn nó đến chỗ làm việc hóng gió. Cha là tiêu sư của tiêu cục Tứ Hải trong trấn Bạch Thủy, trong đó phần nhiều là người lưu vong cùng đường bí lối, việc buôn bán khi tốt khi xấu, lúc xấu chiếm đa số, khi túng thiếu cha sẽ nhận vài việc chân tay.

Đương nhiên, Tạ Bất Hối rất sùng bái cha, con trai niên thiếu chưa trưởng thành rất dễ tin phục người đàn ông đã trưởng thành mà mình thân quen, chẳng hạn như lúc này…

Một tay trung niên mặt mày đen nhẻm, trên mặt có vết sẹo dài cỡ hai ngón tay, đang trỏ vào cha nó chửi rủa ầm ĩ, nước bọt văng tung tóe, Tạ Bất Hối nhớ tiêu sư bên cạnh gọi người này là “Lão Đặng”, nghe nói khi xưa cũng từng hô mưa gọi gió, sau đó tới trấn Bạch Thủy để lẩn tránh kẻ thù.

Lão Đặng mặt đỏ gay, phỏng chừng có rượu vào nên ăn nói càng lúc càng không chọn lời.

Vẻ mặt cha chẳng có quá nhiều cảm xúc, thanh kiếm ba thước sau lưng đam thẳng lên trười: “Lão Đặng, làm người phải biết chừa đường, tiêu cục sở dĩ lấy tên là Tứ Hải chính là vì mọi người đều đến từ năm sông bốn bể, gặp nhau chẳng dễ nên cần trân trọng, huống hồ anh cũng không chứng minh được là tôi cướp mối làm ăn của anh.”

“Ông ghét nhất cái giọng văn vở này của mày,” Lão Đặng vung tay lên, “Tạ Thất, hôm nay ông huỵch toẹt hết ra thế đấy, cục tức này ông nuốt thế nào cũng không xuôi, mày liệu mà xem giải quyết thế nào đi!”

Cha thoáng trầm mặc rồi đáp: “Vậy vẫn quy tắc cũ.”

Lão Đặng nhếch mép, vết sẹo trên mặt nom càng thêm dữ dằn: “Lại cái trò ‘đao xuất tay thu, một chiêu xóa bỏ’ chứ gì? Tạ Thất, mày có ngông cũng vẫn là kẻ có học, luận về hiểm độc còn xa mới đuổi kịp bọn tao.”

Cha đặt tay trái lên bàn, để lộ cổ tay, lòng bàn tay chằng chịt chai dày do luyện kiếm.

Tạ Bất Hối biết trò xiếc này, tuy biết cha chưa từng thất thủ nhưng vẫn không kìm được căng thẳng.

… Không, thật ra không thể nói là chưa từng thất thủ.

Có tiêu sư mới tới kinh ngạc: “Tạ Thất thuận tay trái à?”

“Cũng không phải,” Người ngoài giải thích, “Nghe nói ngày xưa dùng kiếm bằng tay phải, nhưng chơi trò này bị người ta chém cụt. Tục ngữ nói miếng ngon nhớ lâu đòn đau nhớ đời nhưng Tạ Thất lại cứ không nghe, thế nào cũng phải không đâm tường nam không chịu quay đầu.”

Lão Đặng hai tay cầm đao, giơ cao khỏi đỉnh đầu, mắt lộ vẻ giễu cợt: “Tạ Thất, tay trái mà cũng cụt mất là không còn tay nào để cầm kiếm nữa đâu.”

Cha cười nhạt: “Không phiền anh nhọc lòng.”

Tạ Bất Hối cầm lòng không đậu nhìn về phía cha song không tìm thấy chút nôn nóng bất an nào trên mặt người, ánh mắt người thì lại chẳng hề bình tĩnh, sáng rực đáng sợ. Có gió trong mắt cha, đôi khi, Tạ Bất Hối cảm thấy cha như con chim ưng bị bẻ gãy cánh, nếu chẳng có gì làm vướng chân người, người sẽ cưỡi gió bay đi bất cứ lúc nào.

Đao chém xuống, cắm sâu ba phân vào gỗ, cha giơ bàn tay trái lành lặn không chút sứt mẻ gì lên, tiêu sư hóng hớt chung quanh bặt thinh một chớp mắt rồi nổ tung.

Lão Đặng thở hắt ra một hơi, rút thanh đao chém ngập vào bàn về: “Coi như mày có bản lĩnh.”

Tạ Bất Hối thả lỏng cơ thể căng thẳng xuống, tức khắc cơn mắc tiểu dâng lên, nói một tiếng với cha rồi chạy vào rừng. Vừa kéo quần lên thì đối diện hắt tới một chậu nước lạnh băng, Tạ Bất Hối luyện võ mấy năm đã có nền móng vững chắc, tóm được người đánh lén, đối phương ré lên sợ hãi, lại là giọng của một bé gái.

Nó sửng sốt, tay bất giác buông lỏng, để đối phương nhân cơ hội chạy mất.

Tháng Chạp rét buốt, chỉ một chốc sau mình mẩy đã cóng đến run lên, trở về không khỏi than vãn một phen, cha ngẫm nghĩ rồi nói: “Chắc là con gái lão Đặng.”

Tạ Bất Hối bĩu môi: “Còn nhỏ mà lòng dạ đã độc địa thế rồi.”

Cha nghe vậy bỗng nghiêm mặt: “Bất Hối, chớ khinh thường phụ nữ.”

“Bàn tay này của cha chính là bị phụ nữ chém cụt đấy.” Cha giơ cánh tay phải lên, ống tay áo tuột xuống khuỷu tay, để lộ cổ tay cụt đã sớm khép miệng vết thương, nơi đó chỉ còn lại cái gốc tròn trịa trụi lủi, “Trước đây cha vô cùng tự phụ, lòng tự phụ ấy đã bị chém rụng theo bàn tay phải này.”

Đây là lần đầu tiên cha nhắc đến cổ tay cụt này, Tạ Bất Hối nhìn vết sẹo đan xen dữ tợn, có thể tưởng tượng ra nó từng máu thịt be bét như thế nào, không nhịn được hỏi: “Vì sao cha cứ phải chơi trò đó? Quá nguy hiểm, rõ ràng có biện pháp tốt hơn mà.”

“À,” Cha đáp, “Chỉ là thói quen thôi.”

Giọng cha vững vàng mà ôn hòa, hệt như bình thường, ấy vậy nhưng Tạ Bất Hối lại như trông thấy gió cuốn gào thét trong mắt cha.
 
Chương 3


3. Vợ chồng

Về đến nhà thì đã là giờ lên đèn, trấn Bạch Thủy đèn đuốc sáng choang, khói bếp lượn lờ, đưa mắt nhìn chỉ thấy duy nhất một nhà không vương khói lửa, rất chói mắt. Người mới đến cũng có thể nhận ra đó là nhà họ Tạ, bởi nhà họ Tạ thường không nổi lửa.

Tối nay, nhà họ Tạ đặc biệt quạnh quẽ, đến đèn cũng chẳng thắp.

Từ xa, Tạ Bất Hối đã trông thấy Tống Nhị đứng trước cửa nhà họ Tạ vẫy tay với mình: “Hôm nay sang nhà tao ăn!”

Cha mẹ rất ít qua lại với người dân trấn Bạch Thủy, duy chỉ với nhà Tống Nhị là xem như thân thiết, thứ nhất là vì bảy người nha họ Tống đều tự sang làm thân, tính tình là chân thành xởi lời, thứ hai là vì hai nhà là hàng xóm cách vách, chạm mặt nhiều khó tránh quen thân hơn chút.

Tạ Bất Hối rất vui lòng sang nhà họ Tống ăn cơm, đồ ăn mẹ Tống Nhị nấu tuy không khéo léo bằng của quán trọ đưa tới, bàn về sắc, hương, vị đều thua kém hơn hẳn, nhưng nó lại cảm thấy đồ ăn nhà họ Tống có một mùi vị mà nó chưa từng được thưởng thức chân chính, khiến nó say mê.

Nhảy vào ngưỡng cửa nhà họ Tống, mẹ nó đang thắt nút kết cùng mẹ Tống Nhị trong sân, nghe tiếng ngẩng đầu lên, nở một nụ cười trong cạn như nước suối.                                                                                                                                                          

Đặt nút kết xuống, người bước lại chạm nhẹ lên chỗ trán bị thương của Tạ Bất Hối: “Đỡ hơn chút nào chưa?”

Cái chạm của mẹ như một chiếc lông ngỗng bay từ trên cao xuống.

Tạ Bất Hối gật đầu: “Không đau lắm nữa ạ.”

Mẹ nhìn về phía cha, không vươn tay đụng chạm như với Tạ Bất Hối, thậm chí còn chẳng nở nụ cười, chỉ nói một câu với giọng nhạt thếch: “Về rồi đấy à.”

Cha đáp một tiếng thật thấp.

Có lúc, Tạ Bất Hối cảm thấy họ chẳng hề giống một cặp vợ chồng, so với cha mẹ Tống Nhị, ngoài mấy bận cãi vã vô cùng thi thoảng ra thì đa số thời gian còn lại đều kính nhau như khách, đến bạn bè cũng không bằng. Tuy ở cùng một căn nhà nhưng Tạ Bất Hối thường xuyên phải cách mấy ngày mới có thể nghe thấy họ nói chuyện với nhau. Họ rất ít khi chạm mặt, cha dậy sớm về khuya, ban đêm mẹ nghỉ ngơi từ rất sớm, chỉ để lại bữa tối và một ngọn đèn trên bàn dài. Đôi khi, thậm chí Tạ Bất Hối còn cảm thấy cha mẹ tựa hồ cố ý né tránh nhau, có thứ gì đó mà nó không biết, sâu như hào rộng vắt ngang giữa hai người.

Nhưng cũng có lúc, hai người họ giống một cặp vợ chồng hơn bất kì ai, thần giao cách cảm, ăn ý như một, chẳng hạn như lúc này.

Cha Tống Nhị là tá điền, làm việc sinh hoạt khó tránh khỏi hơi thô tục, hôm nay ăn mì suông, cha Tống Nhị vùi đầu vào húp nghe “xùm xụp”, sợi mì văng nước dùng ra tứ tung.

Tạ Bất Hối bưng bát mì lên, lẳng lặng ngó mẹ, thấy người đang nhíu mày đúng như dự đoán.

Nó hiểu mẹ không cố ý, chỉ là không kìm được.

Mẹ Tống Nhị đang gắp thức ăn cho Tống Nhị, chỉ cần thu đũa ngẩng đầu lên là có thể thấy ngay vẻ mặt chán ghét khó nhịn vụt lóe chưa kịp biến mất trên mặt mẹ.

“Tiên Nhi,” Cha bỗng cất tiếng, gọi nhũ danh của mẹ, “Sao không ăn thế, hôm nay chán ăn à?”

Mẹ cụp rèm mi rung rung xuống, cầm đũa gảy mì sợi thô trong bát, nở nụ cười như tượng đất mà Tạ Bất Hối hằng quen: “Chắc là buổi trưa ăn nhiều quá nên hơi đầy bụng, thành ra làm phụ lòng cả bàn món ngon của chị rồi.”

Mẹ Tống Nhị khoát tay lia lịa: “Em gái như tiên nữ vậy, tay nghề của tôi sao kham nổi chứ.”

Ăn xong, cha Tống Nhị đề cập đến một vụ làm ăn người ngoài giao phó cho mình tìm người làm, sau cùng nói: “Khách hàng hỏi tên của chú.”

Cha thoáng sững người: “Cứ bảo ‘Tạ Thất’ là được.”

“Nói rồi,” Cha Tống Nhị đáp, “Nhưng khách hàng đòi tên thật của chú cơ.”

Giọng nói không giấu nổi vẻ tò mò, từ ngày đầu tiên đến trấn Bạch Thủy tới giờ, Tạ Thất đã tự xưng là “Tạ Thất”, con trai thứ bảy nhà họ Tạ, người dân trấn Bạch Thủy lại chưa từng gặp sáu người anh em trước của người.

Cha cau mày, mẹ cũng thôi tán gẫu với mẹ Tống Nhị, ngẩng lên.

Tạ Bất Hối cũng nhìn cha, thật ra nó có biết tên cha, từng có lần cha mẹ cãi cọ vì chuyện vặt, trong cơn sôi gan mẹ đã gọi tên cha nó: Tạ Thiêm.

Chỉ có đúng lần đó, rồi mẹ nhanh chóng im bặt như bỗng chốc bị ai bóp cổ.

Cha thả lỏng chân mày: “Tống đại ca tìm người khác đi ạ.”

Cha Tống Nhị lấy làm ngạc nhiên: “Làm xong được trả những năm mươi lượng bạc đấy, chú nỡ bỏ qua thật à?”

Cha gật đầu, vẫn nói câu kia: “Tìm người khác đi ạ.”

Mẹ nhìn cha, vẻ mặt ẩn nhẫn, tựa như định há miệng cất lời rồi lại nuốt về.

Về đến nhà, Tạ Bất Hối lật xem cuốn truyện chích quái hôm qua chưa đọc xong, dạo này nó đang có hứng với thứ này. Khi còn nhỏ cha bận rộn làm việc, là mẹ dạy vỡ lòng cho nó, sách trên kệ cũng là mẹ mang từ nhà ngoại tới, trong sách rất hay xuất hiện dấu bút khoanh tròn và lời phê mẹ đề thời còn trong khuê phòng.

Tạ Bất Hối giở vài trang, chợt phát hiện có một câu dùng mực đỏ khoanh trùng điệp, màu còn rất mới, hẳn là mới khoanh trong mấy ngày gần đây.

Nó nhìn kĩ, câu bị khoanh là: “Rồng bơi nước cạn bị tôm cợt, hổ xuống đồng bằng bị chó khinh.”

Bên cạnh còn có lời bình, màu mực cũng tươi rói. Tạ Bất Hối nhận ra là chữ mẹ viết, không giống chữ tiểu triện mai hoa nắn nót ngay ngắn ngày thiếu nữ mà viết láu nóng nảy, rồng rắn thoăn thoắt, có thể thấy lúc đặt bút tâm loạn như đay rối.

Lời bình rất ngắn, chỉ có ba chữ, hằn sâu vào giấy.

“Lòng sao cam!”
 
Chương 4


4. Thuyết thư1

1 Một loại hình nghệ thuật dân gian, biểu diễn các loại kí khúc như bình thư, bình thoại, đàn từ.

Vào tháng Bảy, thời tiết đương mùa nóng nhất thì một gánh nghệ nhân thuyết thư đến từ Lạc Dương tới trấn Bạch Thủy, áo quần bảnh bao đúng kiểu đang thịnh hành, lời nói ra đĩnh đạc giọng quan thoại, đó là chuyện mới lạ mà dạo gần đây ai nấy đều khoái.

Tống Nhị đu nửa người lên cửa nhà họ Tạ, í ới: “Quán trà lại bắt đầu thuyết thư rồi, mẹ tao cho hai đồng, đi không?”

Tâm tính thiếu niên khó tránh khỏi hiếu kì, Tạ Bất Hối bèn nói với mẹ rồi định ra ngoài.

Người mẹ ngày thường cùng lắm chỉ hỏi nó đi đâu, hôm nay lại bất ngờ cất tiếng hỏi thăm câu đầu tiên nó được nghe trong đời: “Nghe nói những nghệ nhân đó đến từ Lạc Dương?”

Tạ Bất Hối sửng sốt, Tống Nhị cướp lời đáp: “Đúng ạ! Tin tức truyền khắp trấn mình rồi, nghe nói xuất phát từ Lạc Dương vào đầu năm, đi xuôi một dọc xuống nam.”

Mẹ vốn đang vá một tấm áo khoác cũ màu thạch anh, nghe vậy bỗng bỏ kim chỉ trong tay xuống.

Quán trà trước đây vắng tanh hiện giờ đã chẳng còn chỗ ngồi, họ đến hơi muộn, người thuyết thư đã lên đài chuẩn bị bắt đầu, trong quán đông nghịt người, đến chỗ đặt chân cũng chẳng có. Tạ Bất Hối ỷ mình tập võ từ bé, tuy tuổi còn nhỏ song cũng đã cao lớn khỏe khoắn, dẫn mẹ và Tống Nhị chen ra một cái khe trong đám đông, vất vả mãi mới lên được hàng trước, mồ hôi đầm đìa, nóng bức ngột ngạt.

Quá nhiều khán giả, chưởng quỹ ghép hai cái bàn bát tiên lại, kê thêm một ghế dài, thế là thành một sân khấu kịch đơn sơ. Người thuyết thư giẫm lên ghế leo lên bàn bát tiên cao cao ngồi xuống, bắp chuối chân phải buộc bốn mảnh gỗ rộng hai tấc xỏ chỉ da dê, trong lòng ôm cây đàn tam huyền bằng gỗ hồng, tay phải cầm miếng gảy.

Miếng gảy quét qua dây đàn, tiếng đàn khô khốc vang dội, chân phải rung mảnh gỗ giòn giã, tức thì xủng xoảng đến là sôi nổi.

Người thuyết thư có một chất giọng rất tốt, chỉ nghe y cất tiếng trong trẻo sáng rõ: “Lại nói tuy Giang Đô vương gia dã tâm hừng hực, thân ở hoàng gia, còn được sủng ái từ nhỏ mà chẳng thoát đặng lòng tranh đấu, song ngờ đầu cuối cùng thành may áo cưới cho người ta, dã tràng xe cát biển Đông…”

Tống Nhị nghệt ra: “Kể chuyện gì vậy?”

Tạ Bất Hối nghe lại hiểu ra đôi chút: “Kể chuyện phế Giang Đô vương của tiền triều mưu phản, bức vua thoái vị.”

Mặc dù đã lập thái tử nhưng Tiên đế tiền triều lại yêu chiều ngũ hoàng tử, bất tri bất giác chiều ra lòng đoạt đích, bị thái tử bẻ gãy vây cánh, thụ phong Giang Đô vương trục xuất khỏi Lạc Dương. Gặp khốn khó vẫn chưa chịu tỉnh ra, trái lại, không cam lòng còn tiếp thêm lửa cho dã tâm, Giang Đô vương bề ngoài thì an phận thủ thường ở đất phong ba năm, song lại ngấm ngầm chiêu binh mãi mã, chiêu hiền nạp sĩ không kiêng nể. Vào dịp đại thọ tiên hoàng, Giang Đô vương trở về Lạc Dương chúc thọ, đêm sau ngày mừng thọ liền cấu kết với người giang hồ dấy binh mưu phản bức vua thoái vị, thái tử cứu giá chậm, không cứu được tiên đế. Thừa lúc binh hoang mã loạn, Giang Đô vương thoát khỏi Lạc Dương qua mật đạo ở vương phủ, sau khi đăng cơ, thái tử phế tước vị ông ta, biếm thành thứ dân, cấm quân lùng sục mấy lần vẫn chẳng tìm ra phế Giang Đô vương, không rõ tung tích.

Cố sự dữ dội ba đào của mười một, mười hai năm trước hiện đã thành chuyện kể trong miệng người thuyết thư.

Tạ Bất Hối quay đầu nhìn mẹ, phát hiện ra mặt người đã đầm đìa nước mắt.

Tan cuộc, mẹ như một cái xác không hồn, ngây phỗng hồi lâu trong quán trà hỗn độn. Tạ Bất Hối và Tống Nhị gọi mấy tiếng mới sực tỉnh, lại như chẳng hề nhìn thấy hai đứa, đi thẳng về phía người thuyết thư như một hồn ma.

Tới gần mới phát hiện người thuyết thư không chỉ giọng hay mà tướng mạo cũng rất tuấn tú, tuổi chừng hai mươi, mặt trái xoan trắng trẻo, mày liễu mắt phượng ngó sang, đến Tạ Bất Hối còn nhỏ cũng lấy làm kinh hãi. Nếu không phải ban nãy vừa được nghe một màn biểu diễn thuyết thư đặc sắc vô song, khiến người ta phải vỗ bàn khen hay, thì dẫu là ai cũng sẽ tưởng rằng đây là tiểu quan trốn từ phường mua vui nào ra.

Giọng mẹ run rẩy: “Tiểu tiên sinh…”

“Không dám,” Người thuyết thư vội xua tay, mặt ửng đỏ, “Tiểu sinh họ Trần, tên Phượng Sinh.”

Câu ngắt lời làm mẹ tỉnh táo lại đôi chút, ngón tay thon trắng siết chặt, nhấn từng chữ hỏi: “Trần tiên sinh, anh thực sự cho rằng Giang Đô vương là kẻ không tội ác nào không làm ư?”

Tạ Bất Hối chú ý đến mẹ mình không gọi là “phế Giang Đô vương”.

Màn thuyết thư mới rồi không hề vùi phế Giang Đô vương xuống bùn lầy như người đời thường kể, ngược lại còn toát lên vẻ tiếc hận. Chắc hẳn đây không phải lần đầu tiên nghe khán giả thắc mắc như vậy, Trần Phượng Sinh chẳng bất ngờ chút nào: “Phế Giang Đô vương mưu phản giết cha, tội nghiệt đương nhiên sâu nặng. Có điều, thuở thiếu thời phế Giang Đô vương cũng là nhân vật tài hoa tót vời, thời thế tạo gian hùng, cuối cùng đi đến kết cục ấy có lẽ cũng chẳng phải chỉ là tội của một người.”

Nói xong, tựa hồ tự biết mình lỡ lời, Trần Phượng cười mỉm ngại ngùng: “Mong phu nhân chớ để bụng quan điểm phiến diện của tiểu sinh.”

Mẹ siết chặt năm ngón tay thành quyền, lại từ từ buông lỏng.

Người nở một nụ cười tươi đẹp lạ thường: “Đa tạ.”

Trần Phượng Sinh như bị nụ cười này làm chấn động, ngẩn ngơ một lúc mới lấy lại tinh thần, cũng chậm rãi hé một nét cười.
 
Chương 5


5. Lục đục

Trước khi rời quán trà, sắc mặt mẹ thay đổi mấy lần, ngập ngừng lưỡng lự, tựa hồ nhẫn rồi lại nhịn mà chẳng kìm nén được, sau cùng vẫn cất thành lời: “Trần tiên sinh, chẳng hay bây giờ tình hình ở Lạc Dương thế nào?”

Trần Phượng Sinh không hiểu ý người: “Ý phu nhân chỉ phương diện nào?”

Mẹ mím môi, để lộ vẻ khẩn trương Tạ Bất Hối chưa từng chứng kiến, giọng nói tựa oanh hót thời khắc này chơi vơi mà xa xăm: “… Sau khi tân đế kế vị, Lạc Dương thế nào rồi?”

Trần Phượng Sinh như hoàn toàn không lường tới câu hỏi như vậy, không khỏi sững sờ: “Bệ hạ đăng cơ đã mười năm, đương nhiên là trời yên biển lặng, thiên hạ thái bình.”

Trên gương mặt xưa nay nhẹ tựa mây giờ của mẹ hiển hiện vẻ phức tạp tột cùng, như oán hận, như không cam, lại như buông bỏ. Tạ Bất Hối chưa bao giờ thấy nhiều biểu cảm phức tạp như vậy biến ảo trên cùng một khuôn mặt, nó chợt phát hiện dường như mình chưa từng chân chính quen biết người phụ nữ chí thân sớm chiều chung đụng này.

Đợi cảm xúc cuộn cuộn như thủy triều lắng lại, mẹ một lần nữa hỏi: “Nhà họ Tạ bây giờ thế nào?”

Trần Phượng Sinh ngẫm nghĩ, mở miệng hỏi dò: “Ý phu nhân là nhà họ Tạ xuất thân của Tạ thừa tướng ấy ạ?”

Mẹ gật đầu như lẽ tất nhiên: “Phải.”

“Tiểu sinh không biết chuyện triều đình nên không rõ tường tận, có điều ban đầu trong vụ mưu phản phế Giang Đô vương bức vua thoái vị, Tạ thừa tướng chịu họa lao ngục mà chẳng khom lưng, vừa trung kiên vừa có công tòng long, có vẻ như bệ hạ vô cùng coi trọng nhà họ Tạ. Năm ngoái đề bạt vài con cháu nhà họ Tạ vào triều đình, khoảng thời gian ấy Lạc Dương bàn tán xôn xao lắm.”

Lúc này, Tạ Bất Hối thậm chí còn chẳng biết phải miêu tả thế nào hình dung của mẹ mình, nếu nhất định phải miêu tả thì hẳn rất quái dị…

Đúng vậy, rất quái dị, mất tự nhiên, gần như có thể gọi là méo mó.

Mẹ gần như bật thốt: “Tạ thất công tử thì sao? Nếu nhà họ Tạ đã vực được dậy thì hẳn Tạ gia và Tạ thừa tướng có đi tìm Tạ thất công tử bị mất tích vào buổi đêm Giang Đô vương mưu phản mười năm trước chứ?”

“Tất nhiên là có,” Dường như Trần Phượng Sinh rất có ấn tượng về chuyện này, kể rõ đầu đuôi, “Đến nay Lạc Dương hãy còn dán thông báo tìm người treo thưởng ba ngàn lượng hoàng kim nữa kìa, ngờ đâu sắp mười năm rồi vẫn bặt vô âm tín. Nghe nói Tạ thất công tử là con trai út của Tạ thừa tướng, vì chuyện này mà phu nhân Tạ thừa tướng khóc suýt mù mắt, nhưng sống không thấy người chết không thấy xác như vậy, chỉ e là lành ít dữ nhiều.”

Mẹ im lặng hồi lâu, cho đến khi Trần Phượng Sinh không khỏi tỏ ra nghi hoặc, người mới bỗng cất giọng khe khẽ: “Nếu anh ta còn sống thì sao?”

“Còn sống mà mặc phụ mẫu hãi hùng,” Trần Phượng Sinh đáp chẳng buồn nghĩ ngợi, “Há chỉ là bất hiếu, quả thực không bằng súc sinh.”

Trên đường trở về, mẹ đặc biệt trầm mặc, không phải yên lặng đơn thuần mà một sự tĩnh mịch đờ đẫn. Đến độ vô tư lự như Tống Nhị cũng phát hiện ra bất thường, không còn ríu rít líu lo như lúc đi mà nhanh trí ngậm kín miệng.

Từ xa đã thấy có bóng người loanh quanh trước cổng nhà, lại gần, là một gã đàn ông áo vải nom như du côn, tuổi trên dưới bốn mươi, nửa thân trên ở trần, bên hông buộc mảnh vải đỏ tươi, trên vai vác thanh kiếm lá liễu bụi bặm.

Người đàn ông đeo kiếm mỉm cười với họ: “Còn tưởng là tìm nhầm địa chỉ chứ, lâu rồi không gặp, cháu dâu.”

Hiển nhiên mẹ nhận ra y, sắc mặt vốn đã sẵn khó coi tức thì sầm xuống, trong sát na mắt tóe ra lửa giận khiến Tạ Bất Hối cơ hồ xa lạ.

Người miễn cưỡng nhoẻn cười: “Lát nữa Tạ Thất mới về nhà, Thạch đại hiệp vượt đường xa tới, bôn ba vất vả, vào nhà nghỉ ngơi trước đi ạ.”

Đoạn vung tay bỏ đi, đến cửa nhà cũng không thèm vào.

Người đàn ông đeo kiếm lắc đầu như đành chịu, cũng tựa lòng ngổn ngang trăm mối, quay đầu trông thấy Tạ Bất Hối, “ơ” một tiếng, cúi người xuống ngang bằng nó, chần chờ mở miệng: “Cháu là… con trai Tạ sư điệt?”

Đó giờ sư môn của cha chỉ xuất hiện trong lời kể của người, đây là lần đầu tiên có người trong sư môn người tìm tới.

Tạ Bất Hối gật đầu.

“Lần cuối thấy cháu, cháu còn nằm trong tã lót cơ đấy,” Người đàn ông đeo kiếm đứng thẳng dậy dùng tay so, “Nhoáng cái đã cao thế này rồi.”

Lại hỏi: “Cháu tên gì?”

Nhận được câu trả lời, người đàn ông như bị sét đánh, lẩm bẩm: “Sao lại lấy cái tên như thế, chẳng lẽ mất trí rồi…”

Lạc Dương, phế Giang Đô vương, Tạ thừa tướng… Những danh từ vốn đầy lạ lẫm hôm nay lại không ngừng quanh quẩn bên tai, đã xảy ra quá nhiều chuyện khó lòng tưởng tượng, lúc này còn gặp cố nhân của cha mẹ, Tạ Bất Hối chẳng kiềm chế đầy bụng ngờ vực được nữa: “Rốt cuộc cha mẹ cháu là ai?”

Người đàn ông đeo kiếm không trả lời mà giơ tay chỉ vào ngọn núi xanh phía bắc trấn Bạch Thủy: “Cháu có biết ngọn núi kia không?”

Tạ Bất Hối từng nghe cha nói ngọn núi ấy gọi là Bắc Sơn, bởi cách trấn Bạch Thủy hơi xa nên ngoại trừ thợ săn, ngày thường không có ai lên núi.

“Hồi trước, cách đây cũng không lâu lắm, chỉ tầm mười năm mà thôi, ngọn núi ấy là đất tọa lạc của một danh môn võ lâm, trong danh môn võ lâm đó từng xuất hiện một đại tông sư tiếng tăm lẫy lừng.” Người đàn ông lộ vẻ hồi tưởng, như hoài niệm mà cũng giống cảm khái, “Về sau, vị tông sư anh hùng xế bóng, chết rất không vẻ vang, danh môn võ lâm ấy thì sụp đổ trong khoảnh khắc chỉ vì một suy nghĩ lầm lỡ của hai đời chưởng môn nhân, hiện giờ trong giang hồ trừ người có tuổi thì đã chẳng còn ai biết đến hai cái tên này.”

“Từ cao cao tại thượng đến sụp đổ tan rã chẳng qua chỉ là chuyện một sát na.” Người đàn ông đeo kiếm nhìn về phía Tạ Bất Hối, “Cháu không cần phải để tâm quá khứ của cha mẹ, cái cần để tâm là hiện tại, chỉ có hiện tại mới là quan trọng nhất.”

Không bao lâu sau, cha về nhà, trông thấy người đàn ông đeo kiếm thì không khỏi ngớ người, nở một nụ cười đã lâu không gặp tạm coi là cởi mở.

Họ hàn huyên với nhau trong phòng hơn một canh giờ, giữa chừng cha đánh vỡ mất một chén trà, lúc Tạ Bất Hối rốt cuộc cũng không nhịn được ngó trộm, nó loáng thoáng nghe thấy giọng người đàn ông rò rỉ qua khe cửa:

“… Không phải ta muốn chia rẽ hai người, nhưng nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản, trí dũng bị vây khốn lâu ắt sẽ bạc nhược, Tạ Thiêm, cậu không thể không rõ cái lí này. Dù đứt mất bàn tay phải thì cậu cũng đã luyện được tay trái dùng kiếm còn xuất thần nhập hóa hơn khi xưa, sư phụ không hề nhìn lầm, trên con đường võ học, cậu đích xác là kỳ tài ngút trời, lẽ nào thực sự cam lòng sống cả đời ở nơi lụn bại không ai thăm hỏi này? Có tình uống nước cũng no bụng, ta biết, nhưng nếu cậu và phu nhân vẫn đồng vợ đồng chồng như khi hai người cùng nhau rời Lạc Dương mười năm trước thì hôm nay ta đã chẳng đến khuyên cậu. Còn tiếp tục như vậy, các cậu sắp thành oán lữ rồi, đừng vây khốn chính mình bên cạnh nhau. Con bé, ta thương nó bất hạnh, còn cậu, ta giận cậu nản lòng.”

“Thạch Lãng, đó là chuyện nhà của cháu.” Giọng cha kìm nén phẫn nộ và mỏi mệt, “Không cần người ngoài như ngài khua tay dạy bảo.”

Người đàn ông đeo kiếm rời đi rồi, mãi đến đêm khuya, mẹ mới trở về, vừa bước vào nhà đã nổ ra một trận cãi vã kịch liệt.

Tạ Bất Hối chưa từng chứng kiến người mẹ như nàng tiên giáng trần của mình biểu lộ vẻ mặt dữ tợn như thế, giọng nói sắc nhọn, cao chói đến vỡ vụn như thế: “Tại sao ta về muộn như vậy ư? Chuyện này phải hỏi chính chàng mới đúng, chẳng phải chính chàng đã nói cho Thạch Lãng biết chúng ta sống ở trấn Bạch Thủy ư? Có phải cảm thấy y là sư thúc của chàng nên chắc chắn sẽ không tiết lộ tung tích của ta ra ngoài không? Huống hồ nói cho cùng, nếu không phải khi đó sư môn chàng xảy ra sai sót thì phụ vương và đương kim bệ hạ ai thắng ai thua còn chưa biết đâu. chàng biết tình cảnh của ta bây giờ nguy hiểm nhường nào, nếu bị người trong cung biết ta còn sống, ta chết chẳng có chỗ chôn!”

Như tượng đất rũ bỏ vỏ bọc đất bùn, mẹ nó hiện giờ chẳng khác nào mụ đàn bà chanh chua không biết lựa lời, chửi đổng vô lí nơi phố chợ: “Hay là… chàng hối hận rồi? Cũng phải, kẻ cần mai danh ẩn tính, trốn đông trốn tay là ta, còn chàng, Tạ Thiêm, Tạ thất công tử, chàng là đứa con út mà Tạ thừa tướng, tâm phúc trước mặt đương kim bệ hạ, một lòng muốn tìm về, sống với ta là chôn vùi tiền đồ gấm vóc và tài hoa xuất chúng của chàng, ngăn trở chàng báo hiếu dưới gối cha mẹ! Được thôi, dù sao ta cũng chịu đủ cuộc sống chán chường này rồi, phải mặc thứ y phục con gái thương hộ cũng không thèm mặc, phải ăn thứ thức ăn cám lợn cũng không bằng, không thể không kết giao với hạng người thô tục không biết lễ nghi liêm sỉ, tí xíu chuyện khác người cũng không dám làm, đến cái tên mình cũng phải che che giấu giấu… Chàng không chịu được cũng là chuyện bình thường.”

“Ta chưa bao giờ hối hận.” Như rốt cuộc không thể nhẫn nhịn được nữa, cha khàn giọng ngắt lời, “Tào Ngọc Doanh, ta đây cũng muốn hỏi nàng, nàng đã hối hận lựa chọn cùng ta rời Lạc Dương năm xưa rồi ư?”

Trước nay cha chỉ gọi mẹ bằng nhũ danh “Tiên Nhi”, đây là lần đầu tiên gọi thẳng khuê danh của mẹ. Tào Ngọc Doanh, thì ra tên mẹ êm tai như vậy.

“Ta?”

Tạ Bất Hối thấy mẹ bày ra biểu cảm đang nghe chuyện nực cười nhất thiên hạ, cao giọng đáp như chém đinh chặt sắt, song lại tựa giấu đầu hở đuôi: “Không hề!”
 
Chương 6


6. Vụng trộm

Tống Nhị xuống ruộng bắt được hai con dế mèn đực, xin mẹ nó một chiếc lọ gốm để đựng dế rồi bừng bừng hứng khởi kéo Tạ Bất Hối đi chơi chọi dế.

Hai đứa ngồi xổm dưới cây long não già cao ngất ngưởng, vây quanh lọ gốm to cỡ bàn tay, bóng cây um tùm chẳng ngăn được hơi nóng cuồn cuộn, mồ hôi lăn từng hạt xuống mặt, tí tách gõ lên mặt đất, thấm ướt đất bùn nóng bỏng, nhanh chóng bạc màu.

Hai con dế đực một to một bé, con trước to gần gấp đôi con sau, cặp đùi cường tráng căng mẩy, Tống Nhị nói chắc như đinh đóng cột: “Con này thắng chắc.”

Lại hỏi Tạ Bất Hối: “Mày chọn con nào?”

Tạ Bất Hối hơi mất tập trung, hờ hững đáp: “Tao chọn con còn lại là được.”

Chạm trán ngõ hẹp kẻ dũng thắng, con dế to mạnh mẽ vỗ cánh gào rít, phát ra tiếng “Chít chít” vang vọng, như muốn diệt uy phong của đối thủ, ngay sau đó nhe răng nhào tới. Con dế nhỏ cũng chẳng lùi bước mà cuộn cọng râu mảnh dài, không ngừng xoay tròn, tìm cơ hội đánh giết.

Húc đầu, đá chân, y hệt hai hiệp khách khua đại đao giao chiến.

Tạ Bất Hối xem một hồi dần nảy hứng thú, không khỏi hiếu kì: “Cùng là dế mà sao phải đánh giết nhau?”

“Bảo vệ lãnh địa,” Tống Nhị nhìn chằm chằm cuộc chọi dế không chớp mắt, “Hoặc là tranh giành phối ngẫu. Như hai con này ấy, lúc tao bắt, bên cạnh chúng nó có một con dế cái.”

Sau mấy hiệp, con dế nhỏ rũ đầu ỉu xìu, thua trận, con to đắc ý kiêu hãnh, ngửa đầu ưỡng ngực.

Tống Nhị tỏ vẻ mặt đúng như dự đoán, đang định cất tiếng thì bỗng, con dế nhỏ thừa dịp đối thủ dương dương tự đắc, bổ nhào tới cắn chân và đầu nó. Chỉ trong chớp mắt, hai chân sau của con to đã bị xé đứt, ngã vật trong lọ gốm kêu la.

Côn trùng ác chiến, phe chiến bại hoặc bỏ chạy hoặc rời khỏi cuộc đấu, hiếm khi tử trận sa trường. Con bé chẳng thừa thắng truy kích, chỉ đập cánh, phát ra tiếng kêu to đầu tiên từ khi khai chiến tới nay.

Tống Nhị há hốc, cúi đầu hồi lâu, tiu nghỉu bê lọ gốm lên, thả lại hai con dế xuống ruộng rồi ủ ê quay trở lại với Tạ Bất Hối: “Tao thua rồi, mày muốn cái gì?”

Tạ Bất Hối vốn chẳng mấy hứng thú, đang định từ chối thì chợt nhớ ra một chuyện, thoáng do dự nhưng cuối cùng vẫn hỏi: “Mẹ tao… Người khác nói gì mẹ tao?”

Hai cậu bé đồng thời im bặt.

Sau bữa cố nhân ghé thăm, cha mẹ cãi vã một trận to, nảy sinh mâu thuẫn một tháng trước, mẹ đã chẳng buồn để đèn để bữa tối cho cha nữa, ban ngày cũng ít thấy bóng dáng, quá nửa thời gian là tới quán trà nghe Trần Phượng Sinh thuyết thư, đây là hoạt động mẹ thích nhất gần đây. Dần dà khó tránh có kẻ lắm lời đặt điều thêu dệt về mối quan hệ giữa mẹ và Trần Phượng Sinh, chuyện tốt không ra cửa, tiếng dữ lan ngàn dặm, trấn Bạch Thủy rất nhỏ, lời ong tiếng ve truyền đi rất nhanh. Hiện giờ, việc này đã thành đề tài trà dư tửu hậu của người toàn trấn, đến tiêu sư của tiêu cục Tứ Hải cũng nghe được, ánh mắt nhìn cha đều có phần khác thường.

Tống Nhị há miệng, tựa hồ nhất thời không biết phải trả lời thế nào.

Tạ Bất Hối bỗng thấy hối hận khi hỏi câu hỏi này, thực chất trong lòng nó biết rõ người khác đang bàn tán ra sao về mẹ mình, không ngoài mấy chữ lẳng lơ lăng loàn, không biết liêm sỉ, chính tai nó cũng từng nghe mấy lần. Sự xuất hiện như thiên tiên giáng trần của mẹ hồi mới đến từng gây chấn động bao nhiêu trong quá khứ thì hiện giờ, lời lẽ chung quanh người nghiệt ngã bấy nhiêu.

Mãi sau Tống Nhị mới phun được một câu: “Người ta đặt điều nói mò thôi, mày đừng để bụng.”

Có thật chỉ là đặt điều thôi không?

Tạ Bất Hối không kìm lòng không đặng, nghĩ.

Càng ngày về càng muộn, nếu cha ở nhà thì đến cửa mẹ cũng chẳng muốn vào, cùng với lúm đồng tiền duyên dáng đó giờ chưa từng hé lộ nay lại thốt nhiên nở rộ lúc tán gẫu với Trần Phượng Sinh, dạo gần đây, những điều này bám riết trong trí óc nó không sao xua đi được, thậm chí, mỗi lúc một dai dẳng.

Cho đến khi bước tới trước cửa nhà, Tạ Bất Hối nghe thấy tiếng cười đùa nam nữ vọng từ trong nhà vọng ra, cẩn thận mở cửa, xuyên qua khe cửa, nó nhìn thấy người mẹ xa cách lạnh nhạt của mình đang để mặc Trần Phượng Sinh áp sát đến cơ hồ dán lấy mặt người, nói nói cười cười. Ánh mắt mẹ không còn phiêu diêu như gió thổi nữa, thay vào đó rực rỡ xán lạn.

Sự thật mà trong lòng thấu tỏ, song lại không dám thừa nhận rốt cuộc cũng hiện rõ mồn một, Tạ Bất Hối không còn cái cớ nào để thuyết phục mình nữa, cõi lòng chấp chới rơi mạnh xuống đất theo chân tướng, cùng với đó là cảm giác khủng hoảng khó thốt thành lời, như muốn bóp nghẹt nó.

Sau lưng bỗng vang lên tiếng thở trầm nặng.

Tạ Bất Hối hốt hoảng quay đầu, trông thấy cha chẳng biết đã về từ lúc nào, đang im lặng nhìn cảnh xuân trong nhà. Nó như nhìn thấy đôi mắt đen đặc của cha nổi hình nổi khối, trong con ngươi vằn vện tia máu thời khắc này đang tụ tập gió lốc gào rít cuồng loạn.

Nó tưởng rằng cha sẽ xông tới cắn xé đối thủ, vung đao khua khoắng như dế đực tranh giành phối ngẫu…

Nhưng không.

Cha chỉ nhắm mắt lại rồi mở ra lần nữa, xoay người bỏ đi không nói một lời.
 
Chương 7


7. Đi xa

Đầu hạ, mưa nói rơi là rơi mà chẳng buồn đánh tiếng một câu, mới nãy nắng hãy còn chói chang, chỉ chốc lát đã ùn ùn mây đen kéo tới, mưa to như trút nước. Trấn Bạch Thủy gà bay chó sủa, đàn ông đàn bà cuống quít tìm mái hiên tránh mưa như bầy kiến vỡ tổ, ngoài nhà vọng vào tiếng mẹ Tống Nhị oang oang kêu Tống Nhị mau rút quần áo phơi trong sân.

Tạ Bất Hối ở nhà một mình.

Sau bữa bắt gặp mẹ và Trần Phượng Sinh rủ rỉ trong buồng, cha không còn về nhà nữa, đêm nào cũng ngủ lại tiêu cục Tứ Hải. Mẹ như cảm nhận được gì, thời gian ở nhà dài hơn những ngày qua đôi chút, song vẫn kiên trì ngày ngày đến quán trà nghe Trần Phượng Sinh thuyết thư.

Căn nhà vốn quạnh quẽ lại càng thêm tĩnh lặng, sát vách, lúc Tống Nhị hãy còn đang cuống quít lấy quần áo phơi đầy sào trúc thì Tạ Bất Hối đã thu dọn xong dăm manh áo manh quần, đứng dưới mái hiên tránh mưa.

Giữa hè oi bức mà ẩm thấp, màn mưa như thác đổ, trong lòng Tạ Bất Hối như đè nặng một tảng đá khổng lồ, ngột ngạt như sắp nghẹt thở.

Trong tầm mắt chợt xuất hiện một bóng người lảo đảo, chân phải tựa hồ bị thương, sẩy chân ngã xuống rồi lại bò dậy tiếp tục đi về phía này. Tạ Bất Hội vốn hơi đờ đẫn, đợi người ta lại gần hơn rồi mới nhận ra dáng hình này rất quen mắt, nheo mắt nhìn hồi lâu mới giật nảy trong lòng: Người này là mẹ!

Vội vàng về phòng lấy ô giấy dầu chạy vào màn mưa, gương mặt xương xương của mẹ bị mưa táp trắng bệch, bàn tay tóm lấy cánh tay nó yếu ớt mà bải hoải, có lúc Tạ Bất Hối còn tưởng ngay khắc sau thôi mẹ sẽ ngất xỉu.

Cũng chính trong lúc dìu mẹ, Tạ Bất Hối mới thốt nhiên phát hiện người mẹ vốn mảnh mai của mình nay lại gầy đi không ít, vai gầy đến mức chỉ còn lại khung xương, chạm vào vô cùng cấn tay.

Đỡ người mẹ khập khiễng, Tạ Bất Hối không nhịn được cất tiếng: “Chân mẹ…”

Mẹ lại hỏi một đằng đáp một nẻo: “Trần Phượng Sinh chuẩn bị rời đi rồi.”

Gánh thuyết thư kia đã nán lại trấn Bạch Thủy quá lâu, cảm giác mới lạ phai nhạt, quán trà hiện giờ đã chẳng còn chật kín người như lúc ban đầu, hẳn là đã đến lúc nên đi.

Tạ Bất Hối bưng bát trà gừng mới đun xong ra, thấy mẹ đã thay một bộ váy áo sạch sẽ khác tựa vào bệ cửa sổ, đang thất thần nhìn màn mưa như châu rơi ngoài phòng.

Trà gừng mới đun bốc hơi nóng hổi, ngón tay giữ trôn bát bỏng rẫy phát đau.

Trong tiếng mưa rơi tí tách, mẹ thình lình mở miệng: “Mười năm trước lúc mẹ quyết ý cùng cha con bỏ trốn, trời cũng đang đầu hạ thế này, ngày ấy cũng mưa, nào ngờ cha con lại bị ông ngoại con cố tình gây sự quấn chân. Cả đời này mẹ cũng chẳng quên được đêm ấy, vô ý đánh mất ô giấy dầu, bị mưa xối cho ướt lướt thướt, váy áo dính đầy bùn đất, sống ngần ấy năm mà mẹ chưa nhếch nhác như vậy bao giờ. Mãi sau mưa mới ngớt, đã đến giờ hẹn trước với cha con, thế mà đợi sao cũng chẳng chờ được người, nhất thời sốt ruột, trượt chân ngã vào hố đá. Khoảnh khắc đó mẹ nghe thấy một tiếng ‘cách’ rõ ràng, chân phải đau đớn khôn xiết, đợi đến khi người trong nhà đón mẹ về, mới biết là ngã gãy chân.”

Tạ Bất Hối không kìm được ngắt lời: “Hôm nay vết thương cũ của mẹ tái phát ạ?”

Mẹ nở nụ cười rất nhạt, như đang cười nó không rành thế sự, lại như đang cười bản thân thời niên thiếu không rành thế sự: “Con nghe mẹ kể nốt đã. Khi ấy sở dĩ mẹ muốn bỏ trốn cùng cha con là bởi không có cách nào giải trừ hôn ước trên thân, sau khi ngã gãy chân, có một khoảng thời gian không sao đứng dậy được, vị hôn phu xuất thân danh gia vọng tộc, hôn sự này đương nhiên là vứt. Sau nữa, Lạc Dương đại loạn, buộc phải ly tán với người nhà, rời đi cùng cha con, con đoán xem thế nào?”

Mẹ cười một tiếng cơ hồ xảo quyệt: “Gần như đại phu nà cũng nói cái chân phải này què chắc rồi, lúc ở Lạc Dương quả đúng là thế, trước sau thương thế không mảy may chuyển biến tốt. Nhưng rời Lạc Dương rồi, tuy không có đại phu ngày ngày chăm sóc nhưng vết thương lại dần lành lại, sau ba tháng đã có thể hành động không khác gì trước đây.”

“Nhưng ban nãy,” Mẹ quay đầu nhìn mưa rơi ngoài cửa sổ, “Chân phải mẹ chưa từng tái phát suốt nhiều năm nay, ngay khi Trần Phượng Sinh báo với mẹ hắn sắp phải đi, lại chợt đau nhức dữ dội, y như… y như cơn đau lúc ngã gãy chân mười năm trước vậy.”

Người đưa tay vuốt ve bầu má Tạ Bất Hối, ánh mắt bình lặng mà thương xót, tựa như Quán Thế Âm Bồ Tát tay cầm nhành dương liễu tay cầm bình Ngọc Tịnh: “Mẹ nghĩ chứ, nhất định là ở đâu có thứ gì đó khiến lòng mẹ bài xích, không ưa, mới có thể khiến cái chân này đau trở lại.”

“Lồng giam…” Mẹ chậm rãi gằn từng chữ, như đang ngẫm kĩ xem từ này có thỏa đáng hay chăng, lặp lại một lần nữa, “Hiện giờ nơi này đối với mẹ chẳng khác nào lồng giam.”

Nửa đêm, nhịp tim Tạ Bất Hối bỗng đập gấp gáp, thốt nhiên choàng tỉnh khỏi giấc nồng, áo ướt đẫm mồ hôi.

Tỉnh táo lại mới nhận ra trời đã tạnh mưa, ngoài khe cửa lấp ló tia sáng, đẩy cửa ra, trên mặt bàn đặt một ngọn nến đã cháy nửa cây. Tạ Bất Hối lấy làm bất ngờ, phải biết rằng đã lâu rồi cha không về nhà, cũng đã lâu rồi mẹ không để đèn cho cha.

Lại gần mới phát hiện chân nến chặn một tờ giấy, trên giấy là bài thơ mẹ chép: “Nến tỏ bình phong bóng triền miên, sông Ngân dần cạn đốm sao chìm. Thường Nga ắt hối trộm linh dược, trời xanh nước biếc quạnh nỗi niềm.”1

1 Bài “Thường Nga” của Lý Thương Ẩn, đời Đường.

Nỗi khủng hoảng và bất an to lớn đột ngột cuốn phăng Tạ Bất Hối, cơn ngái ngủ tắt phụt, nó gần như bò lăn vào phòng cha mẹ, đúng như dự đoán, người đi nhà trống. Chỉ còn lại chăn gối phẳng phiu sạch sẽ và ánh trăng lạnh lẽo vung vãi, chừng như chưa từng có ai xuất hiện.

Tạ Bất Hối tìm từ canh hai đến canh năm, lùng sục khắp trấn Bạch Thủy mà không thấy bóng dáng mẹ đâu.

Trời hửng sáng, nó đến trước cửa khách điếm Trần Phượng Sinh trọ ngồi chờ, người đầu tiên đi ra bị nó dọa cho hết hồn: “Nhóc con, làm cái gì đấy?”

Tạ Bất Hối nhận ra người này cũng là người thuyết thư cùng gánh với Trần Phượng Sinh: “Trần Phượng Sinh đâu ạ?”

“Cậu tìm Trần tiên sinh à?” Người kia đáp, “Không khéo rồi, đêm qua có việc gấp, anh ta đã rời đi.”

Tạ Bất Hối không nhớ nổi mình đã tìm đến cha như thế nào, có lẽ khóc lóc nức nở, có lẽ hồn lạc phách bay, nói chung là vô cùng thảm hại.

Lúc đó cha đang tựa bên cửa sổ lau thanh kiếm ba thước ôm trong lòng, nghe nó nói chuyện mẹ bỏ đi, động tác tay khựng lại, vẻ mặt lại chẳng có vẻ gì là quá bất ngờ.

Chỉ cười khổ: “Tào Ngọc Doanh… Chính vì như thế, nàng mới là Tào Ngọc Doanh. Bao nhiêu năm nay, ta đã thay đổi, nhưng nàng vẫn là nàng khi xưa.”
 
Chương 8


8. Chuyện cũ

“Vừa mua thuốc giải rượu mấy ngày trước đã uống xong hết rồi à?” Tống Nhị hỏi.

Họ đang đi mua thuốc ở hiệu thuốc duy nhất trấn Bạch Thủy, đầu thu khi nóng khi lạnh, đau đầu phát sốt chẳng phải chuyện gì lạ lùng, thế nên trước cửa hiệu thuốc xếp hàng dài hiếm gặp. Tiểu nhị bốc thuốc đến là trôi chảy, trong lúc nói chuyện, họ đã chuyển từ cuối hàng đến giữa hàng, tiết trời chớm thu chưa đủ mát, hãy còn vương cái nóng bức chưa đi hẳn. Ngực người này chạm lưng người kia, chẳng bao lâu quần áo đã ướt mồ hôi, dính nhớp khó chịu.

“Ừ,” Tạ Bất Hối đáp, “Dạo này cha uống say tít mù.”

Tống Nhị lộ thần sắc khó nói thành lời: “Chú Tạ là khí khái đến vậy kia mà, ai ngờ lại trở nên thế này…”

Ngó thấy sắc mặt vốn mệt mỏi của Tạ Bất Hối như phủ một lớp sương, bèn ngậm miệng.

Rất nhanh đã đến lượt họ, tiểu nhị bốc thuốc trông thấy hai cậu nhóc choai choai, lập tức tỏ vẻ đã hiểu: “Vẫn là bột vỏ quất tỉnh rượu đúng không? Mấy thang?”

Tạ Bất Hối nhớ đến mùi rượu nồng nặc trong phòng cha trước khi ra cửa: “Năm thang ạ.”

Trong lúc đợi tiểu nhị bốc thuốc, đằng sau truyền đến tiếng xì xào: “Kia là thằng bé nhà họ Tạ đúng không, kể cũng tội, mẹ chạy mất, cha ngâm trong vạc rượu, thằng bé nó còn chưa lớn đã phải chăm sóc cha rồi.”

“Lại chẳng? Vợ Tạ Thất cũng thật nhẫn tâm, nói đi là đi… Nghe nói là bỏ trốn cùng tay thuyết thư họ Trần tới đây bận trước? Nom băng thanh ngọc khiết thế, ai ngờ bên trong lại lẳng lơ lăng loàn.”

Bốn đồng một thang thuốc giải rượu, Tạ Bất Hối mò trong túi tay áo ra một xâu hai mươi đồng đưa cho tiểu nhị. Nhìn quanh, cạnh quầy đặt một giỏ trúc đựng bã thuốc, bã thuốc nguội ngắt thoang thoảng tỏa ra mùi đắng nồng.

Tạ Bất Hối cúi xuống xách giỏ trúc lên, cánh tay quanh năm tập võ cuồn cuộn cơ bắp, cầm trong tay nhẹ nhàng xóc xóc.

Tống Nhị hoảng hồn nhìn nó.

“Đàn bà không nên chiều chuộng, chiều cái là lòng tham không đáy ngay…”

Tạ Bất Hối một tay đỡ đế giỏ trúc, xoay người trở tay ụp lên đầu kẻ xuyên tạc, bã thuốc như cỏ khô rào rào rơi xuống, có cọng chui vào trong vạt áo người kia, tiếng mắng chửi dồn dập liên tục.

Không đợi người chung quanh có phản ứng, nó đã nhấc chân chạy thẳng.

Về đến nhà lại thấy cửa mở rộng, có khách tới, trong phòng vọng ra tiếng nói chuyện nhỏ nhẹ, là giọng nữ nhân. Trong một chớp mắt, Tạ Bất Hối tưởng là mẹ về, mừng rỡ còn chưa kịp dâng lên đã nhanh chóng tắt ngóm – Mẹ chẳng bao giờ nói chuyện với cha bằng giọng điệu dịu dàng như thế.

Tạ Bất Hối nấp sau cửa dòm vào trong, cha vẫn nằm kềnh giữa đống vò rượu lộn xộn tanh bành, rượu chảy lênh láng, mặt đất bừa bộn. Trên người cha đắp tấm áo khoác cũ màu thạch anh, nom hơi quen mắt, chính là tấm áo mẹ khâu dở. Thoạt đầu, chỉ thi thoảng cha mới say, nhưng theo thời gian mẹ rời đi càng ngày càng dài, thời gian cha bí tỉ cũng mỗi lúc một nhiều hơn.

Một thiếu nữ áo vàng ngồi xổm bên cạnh cha, khẽ giọng thì thầm: “Tạ công tử, Giảo Giảo đến để cảm tạ công tử lúc đó đã đuổi kẻ xấu đi, bằng không chỉ e bây giờ không biết Giảo Giảo ra làm sao.”

Tạ Bất Hối nhận ra thiếu nữ này, tam cô nương nhà họ Liễu ở Hà Đông, Liễu Giảo Giảo, là cô gái đợi gả bỏng tay nhất trấn Bạch Thủy, bà mối sắp giẫm hỏng ngưỡng cửa nhà họ Liễu rồi, nghe nói vì chưa lọt mắt được vị nam tử đến cầu hôn nào nên tới giờ vẫn chưa xác định hôn sự. Lúc trước có nghe cha kể là từng ra tay cứu giúp lúc Liễu Giảo Giảo bị cường hào ức hiếp, có điều, đó là chuyện hơn nửa năm trước.

“Sao Tạ công tử chảy nhiều mồ hôi vậy,” Liễu Giảo Giảo lấy một chiếc khăn lụa ra, cúi người xuống, “Giảo Giảo lau cho công tử nhé.”

Tạ Bất Hối trông thấy cha ngước cặp mắt say lờ đờ lên, mặc Liễu Giảo Giảo cầm khăn lụa chậm rãi lại gần.

Bàn tay trắng ngần của thiếu nữ sắp chạm đến trán cha thì thình lình, cha nện bầu rượu uống hết trong tay xuống mặt đất, gân cổ lên rống: “Cút!”

Suy cho cùng vẫn là cô nương khuê các chưa trải đời, thoắt chốc, Liễu Giảo Giảo đỏ hoe hốc mắt, vừa xấu hổ vừa giận dữ, y như một con thỏ bị kinh sợ, cầm khăn lụa bụm mặt chạy trối chết.

Tạ Bất Hối cho cha uống chén canh giải rượu, cha tỉnh táo hơn đôi chút, hai mắt trống rỗng nhìn trần nhà: “Bất Hối, con có biết khi xưa cha là người thế nào không?”

Tạ Bất Hối đặt chén sành sang một bên, nó biết cha không cần câu trả lời của nó, chỉ cần nó yên lặng lắng nghe.

Cha đưa bàn tay trái còn lại sờ cổ tay cụt khiếm khuyết bên phải: “Lúc bàn tay phải này vẫn còn, cha cũng từng là một thiếu niên phấn chấn hăm hở, áo đẹp ngựa sang, thậm chí còn cao ngạo bất kham hơn tuyệt đại đa số con em quan lại. Cha ta hi vọng ta sẽ bước lên hoạn lộ như sáu người anh đi trước, không thể nói được là vì không muốn đi hoạn lộ hay đơn thuần chỉ để chống đối phụ thân, tóm lại ta đã bỏ nhà một đi không trở lại, xông pha giang hồ bái sư tập võ, thề phải áo gấm về nhà cho cha mẹ rửa mắt.”

“Nói thật thì cha chẳng hề thấy lạ chuyện mẹ con bỏ đi, khi đó, một trong những nguyên nhân chính yếu khiến nàng thích ta chính là vì nhìn trúng ta dám can đảm quả quyết bỏ đi vì tự do.” Tạ Bất Hối không nhìn thấy vẻ mặt cha, chỉ nghe người bình thản nói, “Nhưng không ai có thể là thiếu niên mãi mãi… Ít nhất ta không thể.”

“Bây giờ nàng không có được tự do, trái lại còn bị đè nén, bị trói buộc, đương nhiên là muốn rời đi, mà tay thuyết thư kia thì có thể đem lại tự do cho nàng.” Giọng cha bình tĩnh mà sáng suốt, không hề giống một người say không còn biết trời đất trăng sao, thậm chí Tạ Bất Hối còn hoài nghi mấy ngày nay cha say rượu chỉ là đang lừa mình dối người chứ thực chất người chưa từng chân chính uống say, “Bất Hối, có lúc cha nghĩ, trong quá khứ mẹ con thực sự thích cha là vì bản thân nàng bị cha nàng bó buộc nên sinh lòng hướng về ta là một người đã giành được tự do trong cuộc đối kháng với phụ thân, bởi thế mà lầm tưởng lòng khát khao ấy là tình mến mộ.”
 
Chương 9


9. Bất Hối

Tạ Bất Hối do dự hồi lâu trước tiệm sách, đến cùng vẫn cất bước đi vào.

Chưởng quỹ đang gảy bàn tính trước quầy, nghe tiếng ngẩng đầu lên nhìn nó: “Mua sách hay mượn sách?”

“Mượn ạ,” Tạ Bất Hối đáp, thoáng ngừng rồi hỏi, “Có cuốn nào viết về phế Giang Đô vương và Tạ thừa tướng không ạ?”

Chưởng quỹ nói: “Chỉ có dã sử tạp đàn tiểu thuyết gia viết thôi.”

Tạ Bất Hối gật đầu: “Cũng được ạ.”

Thanh toán xong tiền mượn sách, Tạ Bất Hối ngồi vào bàn, lật xem sách chưởng quỹ đưa cho nó. Lục tìm chừng một khắc, một cuốn tiểu thuyết viết về chuyện gió trăng của Tạ thừa tướng viết: “Con trai út của Tạ thừa tướng, thất lang nhà họ Tạ tên là Tạ Thiêm, rời nhà từ nhỏ, bái làm môn hạ danh môn võ lâm Vô Nhai Tông. Sau, Vô Nhai Tông cuốn vào án mưu phản của phế Giang Đô vương, nhà họ Tạ vì bị phế Giang Đô vương chèn ép nên thất thế, Tạ Thiêm mất tích tại Lạc Dương vào đêm phế Giang Đô vương bức vua thoái vị.”

Lại tra thêm nửa canh giờ, lúc Tạ Bất Hối chuẩn bị từ bỏ, rốt cuộc cũng tìm được điều nó cần trong truyện kí do Lạc Dương kỳ nữ viết: “Đích trưởng nữ của phế Giang Đô vương khuê danh Tào Ngọc Doanh, nhũ danh Tiên Nhi, từng đính hôn với cháu ruột đại tư mã, sau hủy bỏ hôn sự. Sau khi phế Giang Đô vương bức vua thoái vị, vương phi và đích trưởng nữ không rõ tung tích.”

Câu chuyện mười năm trước vùi trong cát bụi thời gian không để ai hay dần xâu chuỗi hiển hiện rõ ràng.

Tạ Bất Hối chậm rãi siết trang sách trong tay.

Ngoài tiệm sách có người chạy như bay qua, bỗng dừng khựng lại, là giọng của Tống Nhị: “Bất Hối, mẹ mày về rồi, mau về nhà xem đi!”

Thoạt đầu Tạ Bất Hối không dám tin, trên đường về nhà nó thậm chí còn ngẫm nghĩ xem liệu đây có phải trò đùa Tống Nhị trêu nó không, cho đến khi nhìn thấy bóng dáng không thể quen thuộc hơn song cũng xa lạ khôn kể trước cổng nhà, trái tim phấp phỏng mới rơi thịch xuống đất.

Nom mẹ không có vẻ gì là thay đổi quá lớn, vẫn xinh đẹp tuyệt trần như trước, trong mắt vẫn bồng bềnh mây bay.

Tạ Bất Hối dè dặt lại gần, mới phát hiện mẹ đang nhíu chặt mày nhìn vào nhà. Nương theo ánh mắt mẹ nhìn qua, chỉ thấy cha say mèm trước sau như một, xiêu vẹo bên giường bất tỉnh nhân sự, mặt đỏ gay khác thường.

Tạ Bất Hối vội vàng nói: “Để con nấu canh giải rượu…”

Lời còn chưa dứt, mẹ đã bỏ ngoài tai, sải bước qua ngưỡng cửa, nhấc gáo gỗ nổi trong ang nước lên, múc một gáo nước giội mạnh xuống đầu cha.

Nước giếng lạnh, cha nhanh chóng tỉnh lại, mờ mịt mở mắt, lẩm bẩm: “Ta đang nằm mơ ư…”

“Theo ta thấy thì đúng là chàng đang mơ đấy!” Mẹ lạnh lùng mở miệng, “Ra vẻ thế này làm gì, muốn ta thương hại chàng chắc? Đừng hòng!”

Giọng nói như oanh hót giờ đây lại như lưỡi dao bằng băng sắc ngọt giữa đông, chẳng biết tại sao, Tạ Bất Hối lại cảm nhận được sự yên tâm đã lâu không gặp, yên tâm hơn hẳn so với lúc mẹ như pho tượng đất vĩnh viễn không biết giận khi trước.

Cha day thái dương, đỡ đầu chậm rãi ngồi thẳng dậy, vuốt mặt, lúc ngẩng đầu lên ánh mắt đã sáng rõ: “Nếu tháng sau nàng vẫn không về, ta sẽ rời khỏi đây.”

Tạ Bất Hối thảng thốt nhìn cha, nó chưa từng nghe nói đến việc này.

Nghe câu này, mẹ lại chẳng nổi giận, còn bình tĩnh lại: “Ta biết, chàng chính là người như vậy.”

Tạ Bất Hối chợt nhớ đến nội dung ban nãy đọc được trong sách, mẫu thân là quý nữ hoàng thân, cha cũng là con cưng của trời, họ đều có cái ngông của mình.

Mẹ chẳng để ý tới cha nữa, vứt bọc quần áo xuống, nhặt vò rượu ngổn ngang đầy đất ném ra cửa, nhúng ướt khăn lau dọn một lượt đồ đạc phủ bụi trong nhà, đánh nước giếng đổi nước cho cái ang đã mấy ngày không đổi.

Thò tay giật phắt tấm áo choàng màu thạch anh cũ kĩ khoác trên người cha xuống, mẹ nguýt: “Bốc mùi thế này rồi còn mặc được!”

Cha không nói một lời, mặc mẹ rầy.

Mẹ xắn tay áo, ôm chậu gỗ đi tìm bà Vương mù giặt hồ trong trấn Bạch Thủy, vừa ra đến cửa thì chợt nhớ ra điều gì: “Bất Hối, lấy cho mẹ ít bồ kết.”

Tạ Bất Hối không khỏi ngẩn ngơ, đây là lần đầu tiên mẹ gọi tên nói… Ấy vậy mà mẹ lại gọi tên nó.

Nó mím môi, chạy vào phòng.
 
Chương 10


10. Thường Nga

Cuối thu đầu đông, lúc ngỗng trời bay về phương nam, có gánh hát tới trấn Bạch Thủy, tầng hai quán trà sửa thành sân khấu kịch, đại sảnh cả ngày đông như mắc cửi, cảnh tượng so với khi nhóm thuyết thư tới trước đây chỉ có hơn chứ không có kém. Gánh hát này dự định hát hí kịch liên tiếp mười ngày tại trấn Bạch Thủy, bầu gánh giương tờ danh sách kịch khúc ra, đủ loại kịch khúc “Đào hoa phiến”, “Ly miêu hoán thái tử”, “Mộc Quế Anh qua soái” đều được liệt kê bên trên.

Tạ Bất Hối học thuộc kịch khúc, về nhà ríu rít với cha mẹ, vốn tưởng chỉ là một chủ đề chuyện phiếm, nào ngờ mẹ lại xen lời: “Có cả ‘Thường Nga bôn nguyệt’ cơ à? Hôm nào hát vở đó vậy?”

Tính toán thời gian, Tạ Bất Hối đáp: “Ngày mai ạ.”

Rút kinh nghiệm từ bài học bận trước, lần này từ rất sớm đã dời bàn ghế đến quán trà, giành vị trí hàng đầu. Quả nhiên, không bao lâu sau quán trà đã chật ních người, gánh hát đã lên đài hai ngày, hiệu quả rất tốt, người xem tới hôm nay còn đông hơn hai ngày trước.

Mẹ trở về trấn Bạch Thủy đã hơn một tháng, lời ong tiếng ve đã sớm chìm nghỉm, rất nhiều người quen chào hỏi họ, vẻ mặt mẹ như thường, mỉm cười đáp tiếng.

Sai vặt đi quanh đại sảnh khách khứa đông đúc một vòng, lúc đi ra trong lòng ôm một giỏ trúc đầy ụ, đồng xu va vào nhau lanh canh.

Chiêng đồng gõ vang, xô na dậy tiếng, thanh y bưng thủy tụ đi từ sau đài ra, cất giọng hát: “Nghĩ ta vốn là phàm nhân hạ giới, lại bị chồng thúc ép, vào nhầm cung Quảng, có tội không chém đã là vạn hạnh, sao dám cư địa vị này, đứng đầu chấp chưởng cung trăng?

… Ban nãy giữa bữa rượu, thấy có cặp vợ chồng nhân gian, thành đôi thành cặp, đoàn viên vui vầy; nghĩ Thường Nga ta ngày ngày sống nơi cung Quảng Hàn, lạnh lẽo hiu hắt, quạnh quẽ vắng tanh, cứ nghĩ đến là phiền muộn khôn nguôi! Ấy rằng: Năm xưa hối sao trộm linh dược, trời xanh nước biếc quạnh nỗi niềm.”1

1 Lời thoại trích từ vở kinh kịch “Thường Nga bôn nguyệt” (chú thích của tác giả)



Kịch tan về nhà, mẹ lấy kim chỉ trong sọt ra, tiếp tục khâu tấm áo choàng cũ màu thạch anh, cảm khái với Tạ Bất Hối: “Khi xưa phụ thân mẹ từng nói với mẹ một câu: ‘Tưởng mình là thần tiên không ăn ngũ cốc thật đấy à mà không quản chuyện thế tục chỉ lo mình thống khoái?’ Thuở thiếu thời không biết trời cao đất dày, tự cho là thật sự có thể sống cuộc sống thần tiên, cả đời tiêu dao tự tại, đến lúc ngoảnh đầu lại chẳng thể không thừa nhận mình chẳng qua chỉ là người phàm. Thường Nga sinh ra mang trái tim phàm trần, trộm linh dược trở thành tiên tử cung Quảng Hàn, làm thần tiên chỉ sung sướng được nhất thời, ngoảnh đầu lại phàm tâm chưa mất, sau cùng phải hối hận.”

Tạ Bất Hối nhớ lại bài thơ mẹ để lại trên bàn lúc rời nhà, sau cùng lòng vẫn khó yên, đã qua nhiều ngày song rốt cuộc vẫn không nhịn được hỏi: “Mẹ, vì sao mẹ trở lại ạ? Mẹ… hối hận rồi sao?”

Đi trọn hai tháng, đã đi rồi sao phải trở về?

Động tác xâu kim của mẹ nó thoáng khựng rồi lại tiếp tục, hỏi một đằng đáp một nẻo: “Mẹ nhờ Trần Phượng Sinh dẫn mẹ về Lạc Dương xem thử, mẹ từng tưởng tượng Lạc Dương sẽ thay đổi hoàn toàn như thế nào, ngờ đâu kỳ thực Lạc Dương chẳng quá khác biệt so với khi trước. Bất kể là đổi một vị tân đế hay bớt đi vài quý nhân hiển đạt, Lạc Dương vẫn là Lạc Dương đó, vẫn là Lạc Dương mà mẹ của quá khứ trăm phương ngàn kế muốn trốn thoát. Có lẽ phải đến khi cái gọi là chấp niệm chân chính được thực hiện rồi mới phát hiện thì ra chẳng cần thiết phải chấp nhất.”

“Không thể nói là có hối hận hay không,” Mẹ cụp mắt nhìn tấm áo trong tay, bình thản nói, “Chỉ là, khoảnh khắc ấy đột nhiên cảm thấy trấn Bạch Thủy cũng chẳng tệ, trước đây là mẹ hành động điên rồ, huống hồ…”

Mẹ cất kim chỉ, cẩn thận gấp gọn áo choàng: “Trong lòng mẹ hiểu cha con đã gắng hết sức cho mẹ một cuộc sống thần tiên.”

Tạ Bất Hối không kìm được hỏi: “Trần tiên sinh thì sao ạ?”

“Trần Phượng Sinh?” Mẹ nhoẻn miệng rất nhạt, nụ cười như đóa hoa chớp mắt đã tàn, tựa như chuyến bỏ trốn lần này của người, “Hắn chỉ là một gã nam nhân có chút thú vị mà thôi.”

Giọng điệu hời hợt như một con cá chán nước, nhô ra khỏi mặt nước thông hơi chốc lát rồi tiếp tục chìm xuống đáy ao.

Sau cùng, Tạ Bất Hối vẫn chẳng dám hỏi “Không thể nói là có hối hận hay không” là chỉ chuyện bỏ trốn cùng Trần Phượng Sinh hay là lần bỏ trốn cùng cha khi xưa, hay là cả hai.

Cha trở về trước bữa tối, gần đây tiêu cục Tứ Hải rất đắt khách, vậy nhưng cha lại về nhà sớm hơn ngày trước ít nhiều, nếu không có gì ngoài ý muốn thì sẽ về nhà trước khi họ đi ngủ.

Sau bữa tối, mẹ giũ tấm áo choàng đã khâu xong ra bảo cha mặc thử, cha nghe lời làm theo, bỗng “ơ” một tiếng: “Nàng thêu gì vậy?”

Chỉ thấy chỗ thủng trên áo thêu một con hùng ưng giương cánh chân thực kĩ càng, lối thêu theo kiểu trong kinh, nom rất sống động, rất có hồn.

Ưng đập cánh trời cao, quả thực tiêu dao tự tại.

Cha có vẻ hơi kinh ngạc, tiếp đó bật cười, Tạ Bất Hối như lại thấy gió lộng đã ngơi trong mắt cha một lần nữa gào thét.

Trước khi đi ngủ, Tạ Bất Hối bị sai đi đóng cửa sổ, chợt nhận ra đêm nay trăng tròn, tiết trời se lạnh, trăng sáng sao thưa, vầng trăng như chiếc đĩa ngọc treo cao trên trời. Có câu: Người có buồn vui ly hợp, trăng có mờ tỏ đầy vơi.

Mẹ đi ngang qua cạnh nó, ngẩng đầu nhìn: “Hôm nay rằm à? Quên mất đấy, xem ra mai trời sẽ đẹp lắm.”

Tạ Bất Hối ứng tiếng, “loạt xoạt” đóng cánh cửa sổ.

– Hết –
 
Chương 11: Lời cuối truyện


“Thường Nga” hoàn toàn là sản phẩm tâm huyết dâng trào, so với “Nửa chén rượu” và “Thích khách” được cấu tứ qua năm này tháng nọ trước khi đặt bút, tác phẩm này được viết ra không hề qua suy nghĩ tường tận. Trước khi có cảm hứng, tôi vốn định để mở câu chuyện về Tào Ngọc Doanh và Tạ Bất Hối ở “Thích khách”, mặc độc giả tự tưởng tượng cái kết của họ. Cảm hứng đến quá đột ngột, tựa như đóa hoa thình lình nở rộ, hoặc giả thực chất vốn không hề đột ngột, đây chỉ là một khoảnh khắc lượng thay đổi dẫn đến chất thay đổi, bởi có rất nhiều suy nghĩ tích lũy từ trước đó nên mới có thể nảy sinh cảm hứng trong chớp mắt đó, cũng giống như phải sau một loạt quá trình gieo hạt, bắt rễ, nảy mầm, bông hoa mới có thể nở rộ trong một đêm.

Mấy tháng trước, tôi tình cờ nhìn thấy một bức hình trên mạng, trong hình có hai lon nắp bật, một lon hoàn hảo không sứt mẻ, bên trong cắm một nhánh hồng đỏ rực rỡ, mà lon còn lại thì như bị ai giẫm đạp, lõm xuống, bên trong cắm một nhánh hồng héo rũ. Có lẽ là do đang trong quá trình sáng tác nên thấy cái gì cũng không kìm được nghĩ theo hướng sáng tác, tóm lại, trong chớp mắt ấy, trong đầu tôi dần hiện ra một câu: Sáng tác như đóa hoa nở rộ trong đống rác. Sở dĩ gọi là đống rác là bởi phần lớn cảm hứng vụn vặt, hay chỉ có thể nói là ý nghĩ lộn xộn, đều không có trợ giúp gì với sáng tác chân chính, mà một vài ý nghĩ lộn xộn này, trong một khoảnh khắc nào đó, lại đột ngột tự phát thành một cảm hứng hoàn chỉnh, khiến việc sáng tác trở nên khả dĩ, tựa như nhánh hoa bắt rễ hấp thu dinh dưỡng trên đống rác. Rác rưởi che trời lấp đất, đóa hoa lác đác chẳng mấy, tôi nghĩ mỗi một người sáng tác đều nên quý trọng những bông hoa khó kiếm như vậy để bông hoa này sau cùng trở thành bài thơ dưới ngòi bút.31.5.2021

Cũng nhờ vậy mà có câu chuyện “Thường Nga” này, hổ thẹn mà nói thì truyện ngắn này tôi viết không quá dụng tâm, ban đầu thậm chí còn định trực tiếp lấy làm ngoại truyện của “Thích khách”, về sau, vì độ dài của “Thích khách” chỉ có một trăm mười ngàn chữ, nếu ngoại truyện lại hơn mười ngàn chữ thì thực sự không hợp lẽ thường, thế nên mới thôi. Nói chung thì, tuy tại tật cũ hay trì hoãn nên viết nửa năm mới xong nhưng câu chuyện này viết khá nhẹ nhàng, không đắn đo từng câu từng chữ, đặc biệt là khi so với “Nửa chén rượu” cũng ngắn tầm vậy. So với các truyện trước, truyện này tôi chú trọng vào biến hóa của tình tiết và biến hóa tâm lí nhân vật hơn, hành văn tinh tế duyên dáng thì bị gác sang một bên, thế nên từ góc nhìn của người sáng tác là tôi, thành phẩm cuối cùng trông có hơi xù xì.Mấy tháng trước, tôi tình cờ nhìn thấy một bức hình trên mạng, trong hình có hai lon nắp bật, một lon hoàn hảo không sứt mẻ, bên trong cắm một nhánh hồng đỏ rực rỡ, mà lon còn lại thì như bị ai giẫm đạp, lõm xuống, bên trong cắm một nhánh hồng héo rũ. Có lẽ là do đang trong quá trình sáng tác nên thấy cái gì cũng không kìm được nghĩ theo hướng sáng tác, tóm lại, trong chớp mắt ấy, trong đầu tôi dần hiện ra một câu: Sáng tác như đóa hoa nở rộ trong đống rác. Sở dĩ gọi là đống rác là bởi phần lớn cảm hứng vụn vặt, hay chỉ có thể nói là ý nghĩ lộn xộn, đều không có trợ giúp gì với sáng tác chân chính, mà một vài ý nghĩ lộn xộn này, trong một khoảnh khắc nào đó, lại đột ngột tự phát thành một cảm hứng hoàn chỉnh, khiến việc sáng tác trở nên khả dĩ, tựa như nhánh hoa bắt rễ hấp thu dinh dưỡng trên đống rác. Rác rưởi che trời lấp đất, đóa hoa lác đác chẳng mấy, tôi nghĩ mỗi một người sáng tác đều nên quý trọng những bông hoa khó kiếm như vậy để bông hoa này sau cùng trở thành bài thơ dưới ngòi bút.Quay trở lại với câu chuyện, mặc dù tự thuật ở ngôi thứ hai, kể toàn bộ câu chuyện qua góc nhìn của con trai Tào Ngọc Doanh và Tạ Thiêm, Tạ Bất Hối, nhưng nhân vật chính hiển nhiên là Tào Ngọc Doanh, bộ phận chủ đạo trong cốt truyện chính là chuyến bỏ trốn và cuối cùng trở về trong tâm hồn của Tào Ngọc Doanh. Về giới thiệu, thực ra vừa có thể hiểu là Tào Ngọc Doanh hối hận đã chọn bỏ trốn cùng Tạ Thiêm mười năm trước, vừa có thể hiểu là hối hận mười năm sau bỏ trón cùng Trần Phượng Sinh. Chương cuối cùng có một câu: “‘Trần Phượng Sinh?’ Mẹ nhoẻn miệng rất nhạt, nụ cười như đóa hoa chớp mắt đã tàn, tựa như chuyến bỏ trốn lần này của người, ‘Hắn chỉ là một gã nam nhân có chút thú vị mà thôi.’” Như đóa hoa chớp mắt đã tàn, đây chính là toàn bộ sự kiện Tào Ngọc Doanh bỏ trốn lần này. Người có buồn vui ly hợp, trăng có mờ tỏ đầy vơi, chuyện tình cảm chưa bao giờ có thể phán xét đơn giản bằng đúng sai mà phải xem căn nguyên phức tạp đằng sau. Tình cảm phức tạp, người gánh vác tình cảm cũng phức tạp, nhân tính vốn phức tạp.

Quay trở lại với câu chuyện, mặc dù tự thuật ở ngôi thứ hai, kể toàn bộ câu chuyện qua góc nhìn của con trai Tào Ngọc Doanh và Tạ Thiêm, Tạ Bất Hối, nhưng nhân vật chính hiển nhiên là Tào Ngọc Doanh, bộ phận chủ đạo trong cốt truyện chính là chuyến bỏ trốn và cuối cùng trở về trong tâm hồn của Tào Ngọc Doanh. Về giới thiệu, thực ra vừa có thể hiểu là Tào Ngọc Doanh hối hận đã chọn bỏ trốn cùng Tạ Thiêm mười năm trước, vừa có thể hiểu là hối hận mười năm sau bỏ trốn cùng Trần Phượng Sinh. Chương cuối cùng có một câu: “‘Trần Phượng Sinh?’ Mẹ nhoẻn miệng rất nhạt, nụ cười như đóa hoa chớp mắt đã tàn, tựa như chuyến bỏ trốn lần này của người, ‘Hắn chỉ là một gã nam nhân có chút thú vị mà thôi.’” Như đóa hoa chớp mắt đã tàn, đây chính là toàn bộ sự kiện Tào Ngọc Doanh bỏ trốn lần này. Người có buồn vui ly hợp, trăng có mờ tỏ đầy vơi, chuyện tình cảm chưa bao giờ có thể phán xét đơn giản bằng đúng sai mà phải xem căn nguyên phức tạp đằng sau. Tình cảm phức tạp, người gánh vác tình cảm cũng phức tạp, nhân tính vốn phức tạp.Cuối cùng cũng đến đoạn khiến tôi chấn động nhất khi nghe buổi diễn thuyết ban đầu, cuối bài diễn thuyết đề cập: “Ngoại tình có thật sự mang ý nghĩa kết thúc một mối quan hệ yêu đương không? Chúng ta phải làm sao mới có thể thoát khỏi hành vi ngoại tình? Dục vọng thâm căn cố đế, phản bội cũng thâm căn cố đế, nhưng đều có thể chữa trị được. Một số hành vi ngoại tình giống như gõ vang tiếng chuông báo tử cho mối tình không thể vãn hồi, nhưng một số hành vi ngoại tình khác sẽ mang lại cho chúng ta khả năng mới sau khi vỡ mộng. Trên thực tế, đại đa số cặp đôi trải qua ngoại tình vẫn về lại bên nhau, không chia tay, nhưng trong đó có một số chỉ là kéo dài hơi tàn, một số khác mới chân chính có thể biến nguy cơ thành cơ hội, họ sẽ biện chuyện này thành một kinh nghiệm sống.” Sở dĩ nói sự bỏ trốn trong hành vi và tâm hồn của Tào Ngọc Doanh chuyến này tựa như đóa hoa chớp mắt đã tàn là bởi trước khi nở hoa cần rất nhiều trình tự, mặc dù nguyên nhân Tào Ngọc Doanh ngoại tình rất phức tạp, lại còn tích lũy qua năm này tháng nọ mà nên, nở hoa chính là thời điểm sự bất mãn đối với cuộc sống hiện tại của nàng đạt cực độ bộc phát, tức lựa chọn bỏ trốn cùng Trần Phượng Sinh. Song đến cùng, đoán hoa này là phù dung sớm nở tối tàn, cuộc trốn chạy này ngắn ngủi như con cá nhô ra khỏi mặt nước hít thở một lần vậy, rất nhanh sau đó Tào Ngọc Doanh đã lựa chọn trở lại cuộc sống dĩ vãng, bởi quay về Lạc Dương rồi mới phát hiện ra “Lạc Dương vẫn là Lạc Dương mà mẹ của quá khứ trăm phương ngàn kế muốn trốn thoát”, bởi “Có lẽ phải đến khi cái gọi là chấp niệm chân chính được thực hiện rồi mới phát hiện thì ra chẳng cần thiết phải chấp nhất”, bởi “Trong lòng mẹ hiểu cha con đã gắng hết sức cho mẹ một cuộc sống thần tiên.”Về chuyện ngoại tình, giảng viên tiếng Anh thời đại học từng cho cả lớp xem video một buổi diễn thuyết TED có tiêu đề “Tái nhận thức về hành vi ngoại tình”, nhớ lại thì lúc ấy đã gây chấn động rất mạnh cho tôi, lật tìm xem lại, dĩ nhiên không thể nói mình hoàn toàn đồng ý với diễn giả nhưng một phần quan điểm trong đó có thể giải thích rất rõ hành vi của Tào Ngọc Doanh.

Về chuyện ngoại tình, giảng viên tiếng Anh thời đại học từng cho cả lớp xem video một buổi diễn thuyết TED có tiêu đề “Tái nhận thức về hành vi ngoại tình”, nhớ lại thì lúc ấy đã gây chấn động rất mạnh cho tôi, lật tìm xem lại, dĩ nhiên không thể nói mình hoàn toàn đồng ý với diễn giả nhưng một phần quan điểm trong đó có thể giải thích rất rõ hành vi của Tào Ngọc Doanh.Trong bài diễn thuyết đó có đề cập: “Chúng ta đều có một người tình lí tưởng trong ảo tưởng lãng mạn, anh ta có thể thỏa mãn nhu cầu vô tận trong mỗi một phương diện của chúng ta, anh ta có thể hóa thân thành người yêu vĩ đại của chúng ta, thành người bạn thân thiết, thành cha mẹ có trách nhiệm, thành tri kỉ đáng tin cậy, bầu bạn trong tình cảm, tương xứng trong lí trí.” Rõ ràng, mới đầu khi động lòng với Tạ Thiêm, không thể nghi ngờ là Tào Ngọc Doanh đã coi Tạ Thiêm là nhân vật như vậy, cho rằng Tạ Thiêm có thể giúp mình thoát khỏi sự kiểm soát của phụ thân, thoát khỏi trói buộc của mối hôn nhân với người mình không thích, thoạt khỏi thành Lạc Dương khiến nàng nghẹt thở. Nhưng không có người đàn ông nào hoàn mĩ, người đàn ông có hoàn mĩ hơn nữa cũng không có khả năng hoàn toàn thỏa mãn tất thảy nhu cầu của phụ nữ, dù là trong truyện cũng không có, đúng như Tạ Thiêm nói, không ai có thể mãi mãi là thiếu niên. Đó chính là bước đầu tiên khiến Tào Ngọc Doanh chán ghét cuộc sống hiện tại.Cũng nhờ vậy mà có câu chuyện “Thường Nga” này, hổ thẹn mà nói thì truyện ngắn này tôi viết không quá dụng tâm, ban đầu thậm chí còn định trực tiếp lấy làm ngoại truyện của “Thích khách”, về sau, vì độ dài của “Thích khách” chỉ có một trăm mười ngàn chữ, nếu ngoại truyện lại hơn mười ngàn chữ thì thực sự không hợp lẽ thường, thế nên mới thôi. Nói chung thì, tuy tại tật cũ hay trì hoãn nên viết nửa năm mới xong nhưng câu chuyện này viết khá nhẹ nhàng, không đắn đo từng câu từng chữ, đặc biệt là khi so với “Nửa chén rượu” cũng ngắn tầm vậy. So với các truyện trước, truyện này tôi chú trọng vào biến hóa của tình tiết và biến hóa tâm lí nhân vật hơn, hành văn tinh tế duyên dáng thì bị gác sang một bên, thế nên từ góc nhìn của người sáng tác là tôi, thành phẩm cuối cùng trông có hơi xù xì.

Trong bài diễn thuyết đó có đề cập: “Chúng ta đều có một người tình lí tưởng trong ảo tưởng lãng mạn, anh ta có thể thỏa mãn nhu cầu vô tận trong mỗi một phương diện của chúng ta, anh ta có thể hóa thân thành người yêu vĩ đại của chúng ta, thành người bạn thân thiết, thành cha mẹ có trách nhiệm, thành tri kỉ đáng tin cậy, bầu bạn trong tình cảm, tương xứng trong lí trí.” Rõ ràng, mới đầu khi động lòng với Tạ Thiêm, không thể nghi ngờ là Tào Ngọc Doanh đã coi Tạ Thiêm là nhân vật như vậy, cho rằng Tạ Thiêm có thể giúp mình thoát khỏi sự kiểm soát của phụ thân, thoát khỏi trói buộc của mối hôn nhân với người mình không thích, thoát khỏi thành Lạc Dương khiến nàng nghẹt thở. Nhưng không có người đàn ông nào hoàn mĩ, người đàn ông có hoàn mĩ hơn nữa cũng không có khả năng hoàn toàn thỏa mãn tất thảy nhu cầu của phụ nữ, dù là trong truyện cũng không có, đúng như Tạ Thiêm nói, không ai có thể mãi mãi là thiếu niên. Đó chính là bước đầu tiên khiến Tào Ngọc Doanh chán ghét cuộc sống hiện tại.

Trong diễn thuyết còn nói: “Bất trung là một loại phản bội, nó cũng biểu đạt một sự khát vọng và thiếu thốn, nguyên nhân cốt lõi của ngoại tình chính là mọi người có thể thông qua đó tìm đến sự tương thông trong tình cảm, cảm giác mới mẻ, cảm giác tự do, quyền tự chủ, hi vọng bù lấp lỗ hổng của bản thân, hoặc là khát vọng hướng tới việc một lần nữa thử giành lại sức sống khi đối mặt với đau thương và thiếu thốn trong sinh hoạt.” Ngoại trừ theo thời gian, Tạ Thiêm không còn là người bạn tình hoàn mĩ trong lòng, nguyên nhân Tào Ngọc Doanh chán ghét cuộc sống hiện tại rất dễ thấy: Bởi vì phế Giang Đô vương mưu phản khiến nàng không thể không sống mai danh ẩn tính, từ đó mất đi tự do nàng truy đuổi cả đời, từ con gái thân vương đến người đàn bà nơi thị trấn xa xôi, thân phận địa vị và chất lượng sống sụt giảm đáng kể, không thể không giao thiệp với phụ nữ thôn quê mà người trước đây người vốn là quý tộc hoàng thân như nàng khinh thường, vì duy trì ẩn dật mà chẳng dám làm chuyện gì khác người. Mà chuyến thăm hỏi của Thạch Lãng thì trở thành giọt nước tràn ly, bởi trong lòng Tào Ngọc Doanh hiểu rõ rằng so với nàng, Tạ Thiêm có lựa chọn tốt hơn, mà nàng thì không thể không phụ thuộc vào Tạ Thiêm để sống sót. Nói cách khác, sở dĩ Tào Ngọc Doanh lựa chọn rời khỏi trấn Bạch Thủy, nguyên nhân tuyệt đối không chỉ giới hạn tại tình cảm với Tạ Thiêm, thậm chí có thể nói đây là một nguyên nhân rất nhỏ trong số đó, nhiều hơn cả chính là hoàn cảnh sinh hoạt không thể không đối mặt khiến nàng bài xích, căm ghét cuộc sống hiện tại, áp lực tâm lí khổng lồ khiến nàng không thể không tìm điểm đột phá, cũng chính là rời đi. Nói cách khác, xét từ nguyên nhân căn bản, thân phận và quá khứ của Tào Ngọc Doanh cùng Tạ Thiêm đã dẫn đến một lượng lớn vấn đề còn sót lại của lịch sử tồn tại trong cuộc hôn nhân của họ, mà những vấn đề lịch sử còn sót lại này thì tất nhiên sẽ dẫn đến quan hệ hôn nhân xuất hiện rạn nứt.Trong diễn thuyết còn đưa ra: “Trong lúc chúng ta kiếm tìm ánh mắt của người khác, cái tìm được thường không phải người bạn tình chúng ta chán ngán mà là một người nào đó tự bản thân chúng ta hóa thân thành, tỉ lệ chúng ta tìm được người khác còn không lớn bằng tỉ lệ chúng ta tìm được một “bản thân” khác. Ngoại tình một phần cũng là để hòng thay đổi trạng thái âm u chết lặng, coi nó như cọng rơm cứu mạng.” Câu này nói về việc tuyển chọn đối tượng ngoại tình, nếu chán ghét cuộc sống hiện thời, hiển nhiên Tào Ngọc Doanh sẽ không lựa chọn con em nhà quan như Tạ Thiêm mà chọn người thuyết thư tầng lớp dưới Trần Phượng Sinh tự do tự tại, qua lại thong dong, đồng thời mang thái độ cảm thông đối với hành vi mưu phản của cha mình. Cái nàng yêu chính là mộng mơ mà thân phận Trần Phượng Sinh có thể đem lại cho nàng, xưa nay nàng đều hi vọng mình có thể trở thành người tự do chứ không phải đi từ lồng giam này sang lồng giam khác.

Trong diễn thuyết còn chỉ ra: “Trong lúc chúng ta kiếm tìm trông mong của người khác, cái tìm được thường không phải người bạn tình chúng ta chán ngán mà là một người nào đó tự bản thân chúng ta hóa thân thành, tỉ lệ chúng ta tìm được người khác còn không lớn bằng tỉ lệ chúng ta tìm được một “bản thân” khác. Ngoại tình một phần cũng là để hòng thay đổi trạng thái âm u chết lặng, coi nó như cọng rơm cứu mạng.” Câu này nói về việc tuyển chọn đối tượng ngoại tình, nếu chán ghét cuộc sống hiện thời, hiển nhiên Tào Ngọc Doanh sẽ không lựa chọn con em nhà quan như Tạ Thiêm mà chọn người thuyết thư tầng lớp dưới Trần Phượng Sinh tự do tự tại, qua lại thong dong, đồng thời mang thái độ cảm thông đối với hành vi mưu phản của cha mình. Cái nàng yêu chính là mộng mơ mà thân phận Trần Phượng Sinh có thể đem lại cho nàng, xưa nay nàng đều hi vọng mình có thể trở thành người tự do chứ không phải đi từ lồng giam này sang lồng giam khác.“Thường Nga” hoàn toàn là sản phẩm tâm huyết dâng trào, so với “Nửa chén rượu” và “Thích khách” được cấu tứ qua năm này tháng nọ trước khi đặt bút, tác phẩm này được viết ra không hề qua suy nghĩ tường tận. Trước khi có cảm hứng, tôi vốn định để mở câu chuyện về Tào Ngọc Doanh và Tạ Bất Hối ở “Thích khách”, mặc độc giả tự tưởng tượng cái kết của họ. Cảm hứng đến quá đột ngột, tựa như đóa hoa thình lình nở rộ, hoặc giả thực chất vốn không hề đột ngột, đây chỉ là một khoảnh khắc lượng thay đổi khiến chất thay đổi, bởi có rất nhiều suy nghĩ tích lũy từ trước đó nên mới có thể nảy sinh cảm hứng trong chớp mắt đó, cũng giông như phải sau một loạt quá trình gieo hạt, bắt rễ, nảy mầm, bông hoa mới có thể nở rộ trong một đêm.

Cuối cùng cũng đến đoạn khiến tôi chấn động nhất khi nghe buổi diễn thuyết ban đầu, cuối bài diễn thuyết đề cập: “Ngoại tình có thật sự mang ý nghĩa kết thúc một mối quan hệ yêu đương không? Chúng ta phải làm sao mới có thể thoát khỏi hành vi ngoại tình? Dục vọng thâm căn cố đế, phản bội cũng thâm căn cố đế, nhưng đều có thể chữa trị được. Một số hành vi ngoại tình giống như gõ vang tiếng chuông báo tử cho mối tình không thể vãn hồi, nhưng một số hành vi ngoại tình khác sẽ mang lại cho chúng ta khả năng mới sau khi vỡ mộng. Trên thực tế, đại đa số cặp đôi trải qua ngoại tình vẫn về lại bên nhau, không chia tay, nhưng trong đó có một số chỉ là kéo dài hơi tàn, một số khác mới chân chính có thể biến nguy cơ thành cơ hội, họ sẽ biến chuyện này thành một kinh nghiệm sống.” Sở dĩ nói sự bỏ trốn trong hành vi và tâm hồn của Tào Ngọc Doanh chuyến này tựa như đóa hoa chớp mắt đã tàn là bởi trước khi nở hoa cần rất nhiều trình tự, mặc dù nguyên nhân Tào Ngọc Doanh ngoại tình rất phức tạp, lại còn tích lũy qua năm này tháng nọ mà nên, nở hoa chính là thời điểm sự bất mãn đối với cuộc sống hiện tại của nàng đạt cực độ bộc phát, tức lựa chọn bỏ trốn cùng Trần Phượng Sinh. Song đến cùng, đoá hoa này là phù dung sớm nở tối tàn, cuộc trốn chạy này ngắn ngủi như con cá nhô ra khỏi mặt nước hít thở một lần vậy, rất nhanh sau đó Tào Ngọc Doanh đã lựa chọn trở lại cuộc sống dĩ vãng, bởi quay về Lạc Dương rồi mới phát hiện ra “Lạc Dương vẫn là Lạc Dương mà mẹ của quá khứ trăm phương ngàn kế muốn trốn thoát”, bởi “Có lẽ phải đến khi cái gọi là chấp niệm chân chính được thực hiện rồi mới phát hiện thì ra chẳng cần thiết phải chấp nhất”, bởi “Trong lòng mẹ hiểu cha con đã gắng hết sức cho mẹ một cuộc sống thần tiên.”Cuối cùng, Tào Ngọc Doanh về lại trấn Bạch Thủy, tựa hồ hết thảy đều chưa từng thay đổi, lại tựa hồ hết thảy đều đã thay đổi.

Cuối cùng, Tào Ngọc Doanh về lại trấn Bạch Thủy, tựa hồ hết thảy đều chưa từng thay đổi, lại tựa hồ hết thảy đều đã thay đổi.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại https://truyen.diendantruyen.com
Đang hoạt động
Không có thành viên nào
Back
Top Bottom