Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch [Bóng Tối & Ánh Sáng I] Tàn Sát

Dịch [Bóng Tối & Ánh Sáng I] Tàn Sát

admin

Thánh Ngự Hư Không
Đại Thần
Tham gia
11/6/23
Bài viết
917,222
VNĐ
900,499
[Diendantruyen.Com] [Bóng Tối & Ánh Sáng I] Tàn Sát

[Bóng Tối & Ánh Sáng I] Tàn Sát
Tác giả: Chị Vi Ma Quái
Tình trạng: Đã hoàn thành

--- oOo ---


Số Chương: 100
Thể Loại: Truyện Ngắn Truyện Ma Huyền Bí Linh Dị
Độ Tuổi 13+

Tổng hợp những câu chuyện huyền bí và kinh dị về những tồn tại bí ẩn xung quanh chúng ta.

Cùng đọc truyện nhé!!!!
 
Sửa lần cuối:
Chương 1: Nhà hoang


Trước nhà tôi là một cái nhà để hoang. Chó mèo suốt ngày vào đấy ỉa đái đầy ra, hôi thối không tả nổi. Nhưng cha chung không ai khóc thành ra chẳng có ma nào buồn dọn.

Bọn trẻ con hay bảo tôi là trong cái nhà ấy có ma thật. Tôi thì không tin lắm. Ma quỷ nào ở được cái chốn thối hoắc như thế? Kể cả khi chó mèo không vào ỉa đái lung tung thì chỗ ấy cũng không thể chứa ma được bởi nó vốn dĩ được xây lên để làm văn phòng cho một công ty địa ốc. Mà văn phòng làm việc hành chính thì lấy đâu ra người chết mà lo ma quỷ? Về sau, công ty nhà đất nọ phá sản. Thời buổi tiền tệ mất giá, lạm phát tăng cao, kinh tế suy thoái, không ai muốn mua lại ngôi nhà đó cả. Cuối cùng nó bị bỏ lại, lầm lũi như một cựu chiến binh già nua, cứ mãi hồi tưởng lại những tháng năm huy hoàng.

Một đêm hè khó ngủ, tôi ra ngoài sân hóng mát. Gió đêm lùa vào trong ngõ cuốn theo cả rác rến và lá khô. Để đỡ phải ngồi không, tôi bèn châm thuốc hút.

Bỗng tôi thấy từ ngôi nhà bỏ hoang có một đoàn người đi ra. Trời tối mò mò, lại ở khoảng cách xa, tôi chỉ thấy hàng chục cái bóng đen thù lù lũ lượt nối đuôi nhau. Bộ dạng của họ trông cực kì quái dị. Có người béo quay như một con lợn nái. Có người lại gầy nhẳng, không khác gì bộ xương khô. Có người lại cụt chân, phải chống bốn cánh tay xuống đất để di chuyển. Một người khác thì có tận ba chân. Người khác nữa lại có cái đầu to như bánh xe ô tô. Họ cứ đi rồng rắn từ trong ngôi nhà ấy ra, không hề để ý tôi đang nửa ngạc nhiên nửa hãi hùng với điếu thuốc lá cháy đỏ lập lòe trên tay.

Đột nhiên tôi thấy thằng bé hàng xóm vẫn hay sang nhà tôi chơi đứng ngay bên cạnh. Trong ánh sáng vàng đục lờ mờ của ngọn đèn tròn lơ lửng trước hiên nhà, gương mặt thằng nhóc ấy tái xanh. Môi nó thâm sì như người nghiện lâu năm.

Thằng bé nhìn tôi mấy giây, rồi không đợi tôi hỏi, nó bảo:

- Em bảo rồi mà. Ngôi nhà ấy có nhiều ma lắm.

Nói rồi, nó chạy theo đám đông không rõ là người hay ma kia, để mặc tôi đứng một mình, run như cầy sấy.

Tôi không biết mình đã vào nhà bằng cách nào và đã ngủ suốt đêm kiểu gì. Tôi chỉ biết rằng, sáng hôm sau, người ta nháo nhào đi tìm thằng nhóc.
 
Chương 2: Phá hoại


Nhà tôi là nhà mặt phố, chuyên kinh doanh thực phẩm tươi sống. Tầng dưới là chỗ bán hàng, có một kho nhỏ để trữ hàng đông lạnh. Tầng hai là hai phòng ngủ của vợ chồng tôi và thằng con năm nay mới 7 tuổi.

Đêm ấy, tôi thấy ruột gan mình hơi cồn lên. Tại lúc tối tôi ăn hơi ít, nên giờ lại đâm ra đói. Để khỏi làm phiền đến vợ, tôi rón rén bước xuống cầu thang.

Khi còn cách tầng dưới mươi bậc thang nữa, tôi nghe có tiếng gầm gừ như tiếng chó ẳng. Nhà tôi đâu có nuôi động vật? Tôi lắng tai nghe xem mình có nhầm không, thì tiếng gầm gừ ấy vẫn không biến mất. Trái lại, nó còn rõ ràng hơn, như âm thanh truyền qua một cái headphone vậy. Và ngoài tiếng ấy ra tôi còn nghe tiếng chóp chép nhai nuốt.

Có con vật hoang nào đó đã chui vào nhà tôi chăng? Nếu thật vậy thì tôi phải nhanh xuống nhà dưới. Nhà kinh doanh thực phẩm mà để chó mèo phá hoại thì chỉ có nước sạt nghiệp! Nghĩ thế, tôi vội vã chạy xuống, với tay bật công tắc đèn.

Thật khủng khiếp. Cái cửa kho bị mở toang. Thịt thà cá mú đông lạnh từ các ngăn khác nhau bị lôi ra, nằm la liệt trên sàn. Ghê rợn hơn nữa là trên những đồ thịt cá tươi sống ấy có dấu răng nhọn và to tướng như răng thú hoang.

Tôi lăm lăm con dao thái thịt trên tay, cố ý đằng hắng cho con thú kia biết rằng có người ở đây hòng dụ cho nó ra khỏi kho thịt sống.

Nhưng sau cùng, tôi không thấy gì cả. Sau màn cảnh cáo của tôi, âm thanh nhai nuốt lẫn gầm gừ kia biến mất hẳn. Tôi nhìn ra ngoài, cửa vẫn đóng chặt.

Hết đêm hôm ấy, tôi đã lau dọn bằng sạch mớ hỗn độn trên sàn. Chuyện ngày hôm ấy, tôi chưa kể cho bất cứ ai nghe, kể cả vợ tôi. Sẽ như thế nào nếu cô ấy biết rằng thứ quái vật kia vẫn ở trong nhà?
 
Chương 3: Nuôi vịt


[Hồi tôi còn học cấp 2, trong dịp đi tham quan với lớp, chúng tôi có dịp ngồi kể chuyện ma cho nhau nghe. Một trong những người tham gia kể chuyện là Mỹ, bạn tôi. Câu chuyện của cô ấy chỉ là chuyện bịa, vừa nghĩ vừa kể nên không logic lắm. Tuy nhiên tôi vẫn thấy nó khá thú vị. Vậy nên chẳng có lí do gì để tôi không biên tập lại rồi viết ra cho độc giả cùng đọc.]

Đó là một đêm hè nóng nực, oi bức. Những người dân sống xung quanh trường cấp hai A. nếu không ngủ được thì hẳn là đã nghe thấy tiếng kêu quang quác của một lũ vịt.

Ông bảo vệ trường A. nhìn đàn vịt béo quay không biết từ đâu ra. Vịt xuất hiện trong sân trường lúc nửa đêm, chẳng là của ai, càng không phải của ông. Nhưng máu tham nổi lên, ông ra túm lấy hai con, đập cho chết rồi bỏ vào cái túi treo lủng lẳng trước cửa phòng trực.

Sáng hôm sau, ông mang cái túi đựng vịt về cho vợ. Khỏi phải nói bà nhà vui thế nào. Không ai thắc mắc vịt ở đâu ra, kể cả con trai lẫn con dâu ông.

Đến bữa cơm, bà vợ ông bê đĩa thịt luộc lên. Anh con trai thì ra mua mấy chai bia. Còn cô con dâu lại loay hoay với nồi canh măng.

Bữa ăn diễn ra rất bình thường, hay ít ra là bề ngoài của nó. Một lúc lâu sau, khi ai nấy đã ăn đẫy bụng thịt vịt, thì sự lạ bắt đầu xảy ra.

Trừ cô con dâu, thì ba người trong nhà tự dưng ngủ say như chết. Họ nằm lăn ra sàn, ngáy o o, bụng căng phềng sau một bữa no say. Hình như chỉ đợi có thế, cô con dâu lẳng lặng đi vào bếp, lấy con dao chặt củi bổ thẳng vào đầu ông bố chồng đáng kính. Ông chết không kịp kêu. Rồi đến mẹ chồng, đến chồng. Cả ba người họ bị băm vằm ra mà không kịp ý thức được rằng mình đã chết.

Nốt ngày hôm ấy, giữa một vũng máu loang đầy sàn nhà, cô vợ trẻ nọ ngồi cầm dao xả thịt cả nhà chồng. Những tảng thịt người đỏ máu được xếp chồng lên nhau trong một cái chậu nhựa to mà cả nhà vẫn thường dùng để rửa bát.

Sáng hôm sau, cô dậy thật sớm, đem đống thịt người sống ra chợ bán. Thật khó có thể tin được một phụ nữ trẻ, mảnh mai như thế lại khiêng nổi cái chậu thịt nặng trình trịch, tanh lợm mùi thịt sống. Nhưng chỉ mới đi được nửa đường thì có người đàn ông có làn da xanh xám, hai mắt trũng sâu lại gần, hỏi:

- Thịt gì đây?

- Thịt người đấy. - Cô vợ trả lời. Hai mắt đỏ kè long lên sòng sọc không khác gì mắt chó dại như đề phòng người đàn ông đứng trước mặt.

- Tôi đang cần mua thịt người đây. - Ông ta rút từ trong túi ra một xấp tiền lẻ. - Tôi mua hết.

Cô vợ nhận tiền mà không thèm đếm, chỉ lẳng lặng đặt chậu thịt người xuống đất. Rồi cô quay lưng bỏ về nhà, nơi mà ba cái xác không còn ra hình người nằm giữa mớ nội tạng vụn lẫn với máu vẫn đang chờ cô.

Còn người đàn ông kia lấm lét nhìn quanh xem có ai đang nhìn mìnhkhông. Mấy phút sau, ông mới dám khệ nệ bưng cái chậu lên rồi đem về nhà. Đàn vịt của ông cần ăn.
 
Chương 4: Soi gương


Tôi vừa mua một bộ bàn ghế trang điểm cho mẹ. Trông nó hơi cổ kính. Các hoa văn, cách trang trí... ừm... tôi không biết tả thế nào. Nhưng mà trông nó rất cổ. Chỉ biết thế thôi.

Mẹ tôi có vẻ mê cái bàn phấn ấy. Hay nói đúng ra là bà mê soi gương để trang điểm, chải tóc. Có gì lạ đâu? Mẹ tôi là người phụ nữ thích làm đẹp. Mặc dù tôi cũng là con gái, nhưng tôi không quan tâm chuyện ngoại hình lắm. Tôi không thích động vào bất cứ thứ đồ trang điểm nào, nên tôi để cái bàn phấn mẹ dùng một mình. Đằng nào nó cũng được đặt trong phòng bố mẹ tôi.

Mọi chuyện dần dần trở nên khó hiểu khi mẹ tôi đâm ra say mê cái bàn trang điểm ấy. Bố con tôi về nhà, lắm hôm thấy bếp núc lạnh tanh. Khắp nơi bụi bám vì không được lau dọn. Hai bố con đành bỏ công bỏ tiền ra mua đồ ăn sẵn về. Ngày Chủ Nhật lẽ ra là lúc cả nhà cùng ở cạnh nhau thì cũng chỉ có tôi và bố lao vào dọn dẹp nhà cửa. Mẹ tôi vẫn ngồi đó soi gương.

Chỉ sau một tháng ăn đồ tiệm, bố tôi đã phát cáu lên. Ở tầng trên, tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng bố mẹ cãi nhau trong phòng. Tôi thấy hơi có lỗi vì đã rước cái gương ấy về nhà. Mẹ tôi giờ chỉ yêu cái nhân ảnh trong gương chứ đâu còn thiết tha gì gia đình?!

Tôi buồn bã lắc đầu thở dài rồi cũng mò xuống nhà dưới. Tôi muốn nói chuyện nghiêm túc với mẹ. Tôi muốn mẹ biết là chính tôi, tôi là người dễ dãi nhưng giờ tôi cũng phát ngấy cơm tiệm. Tôi đã chán lắm cái cảnh mẹ vừa ăn vừa soi gương.

Cửa phòng bố mẹ không đóng. Có lẽ cơn giận của họ sôi lên đến độ quên đi cả sĩ diện. Từ bé tới lớn tôi chưa từng thấy bố mẹ mình cãi nhau mà lại để hớ hênh cho tôi biết. Chứng tỏ chuyện hôm nay phải vô cùng nghiêm trọng.

Tôi bước vào phòng. Nhìn gương mặt đờ đẫn của bố và vẻ ngang ngược hiện rõ trên mặt mẹ. Họ không nói gì nữa, chỉ nhìn nhau thở hồng hộc. Tôi đẩy mẹ sang một bên. Mẹ nhìn tôi, mặt lộ rõ vẻ sửng sốt. Nhưng tôi kệ. Tôi nhấc cái ghế mua cùng bộ bàn phấn lên, phang thật lực vào cái gương soi mặt. Mảnh thủy tinh vỡ vụn, văng tung tóe.

Mẹ tôi rú lên. Bà ngã ngồi xuống đất, hai tay sờ soạng khắp người. Trong khoảnh khắc, cơ thể bà vỡ tung ra như một kẻ liều mạng ôm lựu đạn bên người. Máu thịt mẹ vương vãi, bắn cả vào mặt hai bố con tôi. Những gì còn sót lại của mẹ dính lẫn với mảnh vụn thủy tinh từ cái gương trên sàn nhà.
 
Chương 5: Xe bus


Chuyến xe bus ấy là chuyến cuối cùng của ngày. Hành khách chẳng còn mấy ai. Chỉ có tôi, bác tài luống tuổi và anh phụ xe trẻ măng. Khi đi đến một ngã tư, bác tài cho xe dừng đèn đỏ thì anh phụ xe gợi chuyện với tôi:

- Cô đi đâu mà đi muộn thế?

- Dạ em đi học về muộn.

- Eo. Thế mà không sợ ma nhỉ?

Tính tôi vốn hay đùa, lại thích nói chuyện nên không hề thấy khó chịu trước câu hỏi vô thưởng vô phạt của anh phụ xe:

- Ma thì em chưa thấy bao giờ. Người em mới sợ chứ em không sợ ma. Em nghĩ ma nó gặp em là nó bỏ chạy trước!

Mặt anh phụ xe có cái nét gì đó rất khác thường. Anh bước lại gần tôi rồi bảo:

- Khoảng năm phút nữa xe sẽ đỗ ở trước cái nhà số 136 đường Y. Cái nhà ấy trước đây giàu lắm em ạ. Em có thấy không? Nhà 136, rồi 136A, 136B với 136C thật ra là một. Về sau mới bán dần bán mòn cho người ta.

- Ô? Thật hả anh?

Anh phụ xe gật đầu:

- Thật mà em. Anh biết mà. Nhà ấy ngày xưa có người chủ giàu lắm, tiền rừng bạc bể có véo dần mà ăn cả đời cũng không hết. Nhưng mà giàu quá rồi lại sinh ra tật ham mê cờ bạc, thành ra nợ nần chồng chất. Chủ nhà bán sạch gia sản đi cũng không trả nổi nợ nên phải treo cổ tự tử. Người ta hay bảo là nhà 136 có ma. Để tí nữa qua đấy tôi cho chỉ cho cô xem.

Tính tò mò bị kích thích, tôi cũng muốn xem chuyện dị thường mà anh phụ xe bảo là chuyện gì cho dù trong lòng vẫn bán tín bán nghi. Khi xe bus dừng ở cách nhà số 136 khoảng 20m thì thình lình có tiếng va đập rất mạnh vào ô cửa kính ngay chỗ tôi ngồi.

Thứ vừa đập vào cửa là một cái thân người đàn ông mà tôi chỉ thấy từ cổ trở xuống. Và trên cái cổ ấy còn nguyên cái thòng lọng thít chặt. Tôi còn chưa kịp định thần thì sợi dây treo cổ từ từ hạ xuống mỗi lúc một thấp hơn cho tới khi hai con mắt trợn trừng của người chết nhìn chằm chằm vào mặt tôi.

Tôi vãi linh hồn lao ra khỏi xe, guồng chân chạy như bay về hướng ngược lại. Tôi chẳng biết đi đâu nữa. Tôi không thể về nhà được. Cái nhà số 136 ấy chính là nhà tôi đang ở. Còn bộ mặt chết chóc của con ma trên xe bus lại giống hệt mặt của anh phụ xe khi nãy.

Khi không thể chạy nổi nữa tôi mới dừng lại. Tim tôi vẫn còn dộng thình thịch trong lồng ngực. Bỗng tôi thấy mất giọt nước rơi xuống đầu mình. Ươn ướt. Chắc là mưa. Tôi ngẩng đầu lên trời nhìn theo phản xạ.

Chỉ thấy ngay trên đầu tôi có một cái xác chết đàn ông treo lơ lửng trên cành cây. Mắt trợn ngược, lưỡi lè ra, nhỏ nước dãi lên đầu tôi.
 
Chương 6: Hiếu khách


Tôi không biết từ lúc nào mà mình bị lạc trong khu rừng này. Có lẽ là từ khi lớp sương đục lờ từ từ giăng kín không gian xung quanh, khiến tôi không nhìn thấy nổi chân mình nữa.

Tôi lần tay dưới đất, nhặt một cành cây làm gậy dò đường. Sương chiều càng lúc càng dày hơn, đặc như lớp vỏ bông mềm của bánh bao. Bên trong bánh bao là thịt, còn bên trong lớp màn trắng mờ ảo này là tôi, những con thú hoang cùng với mùi đất ẩm lẫn với lá mục. Vậy là đủ cả rau lẫn thịt.

Đây là lần đầu tôi đi du lịch một mình, cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân đến chốn ma thiêng nước độc thế này. Hơn lúc nào hết, tôi muốn tìm đường ra khỏi đây càng nhanh càng tốt. Nhưng bao nhiêu kiến thức đi rừng, tìm đường, định hướng đều thành vô ích. Tôi đã quên sạch.

Bỗng từ trong hơi sương chiều trắng toát, tôi thấy một ngôi nhà dựng kiên cố đang nằm im lìm như muốn né tránh ánh mắt của nhân loại. Nó giống như những nhà trọ trong khu du lịch suối nước nóng ở Nhật Bản.

Tôi lại gần, gõ vào cánh cửa ba lần liên tiếp.

Chủ nhà mở cửa ngay. Đó là một người đàn bà tuổi đã khá cao, lưng hơi còng nhưng đôi mắt vẫn có vẻ tinh anh và nhanh nhẹn. Bà nhìn tôi như dò xét rồi hỏi cộc lốc:

- Ngủ nhờ hử?

- Dạ vâng. Cháu bị lạc. - Tôi bỏ mũ cúi chào để bày tỏ thiện chí. - Bà cho cháu ở lại đến sáng mai cháu đi ngay. Tốn kém bao nhiêu cháu xin chịu.

- Tiền nong gì? Vào đi! - Bà già mở rộng cánh cửa đón tôi vào. - Chả mấy khi có khách!

Tôi xúc động muốn rớt nước mắt vì sự hiếu khách của bà cụ. Và tôi còn xúc động hơn khi thấy trong ngôi nhà xinh xắn của bà có đủ các loại tranh ảnh về đồ ăn. Đại đa số là món Việt Nam. Chỉ có mấy thứ đồ bánh bao, sủi cảo, há cảo là đồ Tàu. Thấy thế, bụng tôi lại sôi lên. Từ trưa tới giờ tôi chưa kịp ăn gì cả.

Bà già hình nghe được tiếng ruột tôi réo ầm ĩ nên lập tức đề nghị:

- Ăn gì nhé, tôi đem ra cho?

Rồi không đợi tôi trả lời, bà đi nhanh về phía bếp, để một mình tôi ngồi đợi giữa ánh nến chập chờn. Tôi nhìn qua qua ô cửa kính đóng kín, sương đã tỏa kín cả khu rừng.

Bà già bưng lên một đĩa bánh cuốn cùng với bát nước chấm có tinh dầu cà cuống thơm lừng. Tôi đỡ lấy, đặt cả hai lên chiếc bàn trà thấp lè tè:

- Mời bà xơi trước!

- Tôi ăn nhiều rồi. Cậu cứ ăn. - Bà ngồi sang bên cạnh.

Tôi không khách sáo nữa. Việc gì phải thắc mắc tại sao lại có bà già sống một mình trong rừng? Mà sao bà lại làm nhiều bánh cuốn thế nhỉ? Hay bà biết là sẽ có khách? Tôi ăn từng miếng một ngồm ngoàm, cảm thấy không thể ngừng ăn được.

Chợt có cái gì dắt vào răng tôi. Tôi thò tay vào mồm cậy ra.

Đó là một cái móng tay sơn xanh, đính đá giả.
 
Chương 7: Bồn cầu


Ông Hùng sống với anh con trai. Năm ngoái, anh mới li dị vợ. Thằng con tám tuổi sống với mẹ. Thành ra ngôi nhà ba tầng chỉ còn có hai bố con, một già, một trẻ. Sợ bố ở nhà buồn, anh con trai thuê thêm cô giúp việc rồi đều đặn cho bố tiền.

Tuổi già thường thấy cô đơn. Ông bèn mua một con chim cảnh bé xíu, treo toòng teng trong cái lồng trước hiên nhà. Khi thì chị giúp việc chăm, khi thì ông chăm. Một chủ một chim suốt ngày quấn quýt bên nhau.

Dịp nghỉ lễ 30-4, chị giúp việc về quê. Anh con trai sang nhà vợ cũ, đón thằng cu con đi chơi Tam Đảo cho bố con có dịp gần gũi nhau. Ông Hùng ở nhà một mình đêm ấy. Người già ngủ không sâu. Nửa đêm, ông Hùng chợt thấy có tiếng gì như tiếng một vật lầy nhầy, dính dớp trườn trên sàn. Những hình ảnh hỗn độn rùng rợn tràn vào tâm trí khiến ông già không dám ra khỏi giường. Tất nhiên ông không tài nào ngủ nổi. Một hồi dài sau đó, ông nghe thấy tiếng cọt kẹt cọt kẹt và vật lạ kia lại trườn bò trên sàn nhà.

Sáng hôm sau, chưa kịp đánh răng rửa mặt, ông Hùng đã chạy ra nhà ngoài. Không thấy con chim cưng của ông ở trước hiên, hót líu lo như mọi hôm. Cửa lồng mở toang, bên trong chỉ còn lại mấy đốm máu khô và những cái lông vũ bé ti teo, xác xơ đến tội nghiệp. Ông Hùng run lên vì giận dữ thì ít mà sợ hãi thì nhiều.

Ông lần theo những vết máu li ti trên sàn. Chúng dẫn ông vào trong nhà vệ sinh.

Cái bồn cầu bị đóng kín như cái miệng ngậm chặt lại. Ông Hùng cầm cây chổi chà nhà xí hất nắp cầu lên. Từ bên trong bồn xí, một cái lưỡi đen sì, nhớt nhát phóng vọt ra như con rắn khổng lồ.

*Lời tác giả: Đọc xong chắc ung thư lít đỗ vì không dám đi cầu. Ó.Ò
 
Chương 8: Ngủ chung


[Câu chuyện sau đây dựa trên một chuyện có thật, xảy ra cách đây tầm 60 năm trước và ông nội tôi là người trong cuộc. Ông đã kể cho tôi chuyện này cùng với vài chuyện ma khác. Đây là một câu chuyện rất thú vị, nhưng để các bạn dễ theo dõi tôi sẽ đổi bối cảnh sang hiện đại hơn.]

Mùa đông Hà Nội thừa sức làm cho những người khỏe mạnh nhất cũng phải run lên vì giá rét chứ đừng nói đứa con gái còi cọc như Hà. Nó nằm cuộn tròn như con sâu trong cái chăn bông, mơ màng màng, nửa thức nửa ngủ giữa tiếng chuông điểm mười hai tiếng.

Phòng riêng của Hà đã đóng kín cả cửa chính lẫn cửa sổ. Chỉ có một ô cửa thông gió trổ ra, cách đầu giường Hà nằm tầm hai mét. Gió đông lùa qua cái khe nhỏ xíu, len lỏi vào trong lớp chăn dày khiến Hà run lên bần bật.

Chợt Hà thấy lưng mình lạnh hẳn đi. Hình như có cái gì phẳng lì, dèn dẹt vừa dí sát vào sống lưng Hà. Lỗ chân lông nó lập tức dựng đứng lên vì biết đó là một bàn tay. Bàn tay ấy lạnh ngắt với những ngón tay có móng sắc như dao cào nhè nhẹ trên lưng Hà như muốn khều nó dậy. Hà không đủ can đảm để quay đầu lại nhìn thẳng vào con ma sau lưng mình.

Con ma hình như vừa trườn lại sát hơn, đến mức Hà cảm thấy rất rõ có kẻ lạ đang ôm cứng lấy lưng nó. Một mớ tóc mỏng mảnh, ngắn cũn cỡn cọ vào tai Hà. Mấy giấy sau, không thấy Hà phản ứng lại, con ma thì thầm bằng giọng nửa âm nửa dương:

- Mày ngủ chưa?

- ...

- Mày ngủ mất rồi à?

Hà không trả lời. Nó sợ muốn són đái ra quần. Bố ai mà ngủ nổi với một con ma lạnh toát như ướp đá sau lưng?! Thấy Hà nằm đông cứng như một cái xác chết để qua đêm, con ma ngồi dậy, bước những bước xa dần và tan biến vào trong màn đêm tĩnh lặng.

Nằm yên mãi, Hà nhẩm chắc con ma đã đi mất rồi. Lúc này Hà mới để ý toàn thân nó vẫn còn run rẩy như người mắc bệnh sốt rét rừng. Giờ là mùa đông mà Hà toát mồ hôi đầm đìa lạnh cả sống lưng.

Hà nghe ngóng thêm một lúc nữa rồi mới dám từ từ mở mắt ra.

Trong luồng ánh sáng yếu ớt, mờ ảo như ánh nến của cây đèn ngủ bên giường, Hà thấy một cái mặt trắng nhợt nhạt, ướt sũng và chảy rữa như vừa vớt từ dưới đáy ao lên. Cái mặt ghê rợn nhe hàm răng cải mả ra cười với Hà, nụ cười rộng ngoác đến tận mang tai:

- Tao biết là mày chưa ngủ mà!
 
Chương 9: Quái vật


[Dựa trên một giấc mơ của Mỹ - bạn tôi từ nhiều năm về trước.]

Hiếm có mùa hè nào nóng như mùa hè năm nay. Nóng đến độ Ly tưởng tượng mình đang dần trở thành một con lợn bị quay chín. Mồ hôi nhơm nhớp trên da thịt nó, làm con bé cứ mươi phút lại phải vớ cái khăn bông bên cạnh lau từ đầu đến chân.

Lúc này, người nhà Ly cũng thấy sự nực nội đang gia tăng như thể cả ngôi nhà bị nén vào trong một cái nồi áp suất khổng lồ. Ai nấy đều đờ đẫn. Chỉ có bà nội Ly là vẫn thản nhiên ngồi ngủ gật trên chiếc tràng kỉ kê ở góc nhà. Bà đã già lắm rồi. Đến tên của mình bà cũng còn quên, bà còn để ý gì tới thời tiết nữa?

Bỗng Ly thấy giữa cái nắng chói chang của buổi trưa tháng Sáu, có một bóng người cao lêu nghêu khập khiễng bước lại gần cửa hàng tạp hóa của gia đình Ly. Người ấy trùm kín phần thân trên bằng một cái áo măng tô đen đã bị sờn rách nhiều chỗ. Còn nửa người dưới được cuộn chặt bởi cái quần tây màu cứt ngựa. Giữa mùa nóng, sao lại có kẻ ăn mặc thế này? Ly ngẩng lên nhìn vào mặt bị khách lạ.

Hắn ta không có mắt. Hai hốc mắt là hai cái hố đen ngòm như hang động không đáy, sẵn sàng nuốt chửng Ly vào bên trong. Mũi hắn chỉ là hai cái lỗ bé xíu phập phồng lên xuống. Và cái mồm hắn ta thì đích thị không thể là mồm người! Vì cái mồm ấy chẳng có môi trên, môi dưới, lại rộng ngoác tới mang tai và đầy những răng. Cái nào cũng nhọn hoắt, vàng khè, chìa ra ngoài khiến dãi rớt nhễu ra tong tỏng. Thấy Ly đang kinh hãi trố mắt nhìn mình, dị nhân dí sát cái đầu trọc lốc của hắn lại gần mặt Ly hơn như muốn con bé phải hét lên vì khủng hoảng.

Bố Ly thấy sự bất thường bèn đánh thức bà mẹ già và vợ dậy rồi tính nện cho quái nhân kia một trận. Nhưng không kịp nữa. Kẻ nửa người nửa quỷ phóng tới chỗ bà cụ đang ngồi mơ màng, nhanh như một con sói đói thấy mồi. Những móng vuốt sắc như dao của hắn cắm vào cổ bà cụ. Và cũng với tốc độ ấy, hắn nhai nát cái đầu bà làm máu và dịch nhầy bên trong trào ra, chảy cả xuống sàn.

Bố Ly liều mạng xông vào, dùng tay không gỡ con quái ra khỏi bà mẹ tội nghiệp lúc này chỉ còn là cái xác vô hồn. Cánh tay ông vừa dính vào con quỷ thì lập tức bị nó túm lấy, bẻ gãy như người ta bẻ cái chân của một con ghẹ luộc.

Ly đứng đó nhìn. Hai con mắt nó lồi ra vì nỗi kinh hoàng xảy đến quá nhanh. Thứ quỷ sứ ấy đã kịp túm lấy mẹ nó, xé toạc mảng da trên lưng bà cho vào mồm nhai như bò nhai rơm.

Sắp đến lượt Ly rồi.
 
Chương 10: Mặt thớt


1. Vì đang trong dịp nghỉ Tết nên phòng ký túc xá số 304 chẳng còn mấy ai. Chỉ có An và Ngọc ở lại. An mồ côi, chẳng còn bố mẹ, cũng không có họ hàng thân thích. Còn Ngọc thì buồn chuyện gia đình, suốt ngày thấy tranh chấp chuyện giấy tờ, đất đai nên ở lại với bạn cho vui. Hai người bình thường vốn không thân thiết vì học khác khoa, lại chẳng đăng ký chung một lớp nào. Đây là dịp hiếm hoi để An và Ngọc nói chuyện với nhau, giúp hai người gần gũi nhau hơn.

Đêm 30 Tết, trời không trăng không sao. Cái không khí âm u của tòa nhà cũ dùng làm kí túc xá cho sinh viên càng trở nên rõ rệt hơn khi thiếu vắng bóng người. Để tăng thêm cảm giác mạnh trong lúc chòe tiếng pháo hoa giao thừa vang lên, Ngọc bắt đầu kể cho bạn một chuyện ma mà cô từng nghe hồi còn ở quê nhà:

" Có một ông công nhân đi làm ca ba, lúc về nhà đã khuya lắm rồi, tứ bề không có lấy một bóng người. Ông ta đang đi trên đường thì thấy một người có cái mặt trắng toát, không mắt không mũi lại gần. Ông ta sợ quá, chạy vào một cửa hàng tạp hóa còn mở cửa. Chủ cửa hàng thấy thái độ của ông công nhân trông là lạ, bèn hỏi:

- Ô cái ông này sao trông sợ thế?

- Tôi... tôi sợ quá!

- Sao? Gặp ma hay sao mà run như cầy sấy thế?

Ông công nhân nghe thấy chữ "ma" thì rùng mình, bèn kể hết đầu đuôi câu chuyện cho người chủ cửa hàng tạp hóa nghe. Nhưng ông ta kể chưa xong thì tay chủ hàng tạp hóa đã tự xóa trắng trơn mặt mình và cười hé hé:

- He he... Có phải con ma ấy trông như thế này không?"

An chau mày bảo:

- Tao thấy mày kể không hay lắm, vì nó cứ sai sai thế nào ấy!

- Sai ở đâu? - Ngọc nhíu mày.

- Sai ở chỗ cái mặt con ma như thế thì làm gì có mồm mà cười hé hé!

Nói rồi An vuốt mạnh mặt mình, khiến cái mặt cô phẳng lì, trơn nhẵn như tờ giấy.

2. Hồi nhỏ tôi đã gặp một chuyện tương tự mà tôi không nhớ. Chỉ đến dịp Tết vừa rồi tôi về thăm ông nội, ông mới kể cho tôi nghe. Quả đúng là tôi đã gặp một chuyện ma kiểu này thật.

Năm đó tôi còn chưa đi học. Một tối nọ ông nội tôi cho tiền đi mua quà vặt. Trong ngõ nhà tôi có một cái ngách, tôi hay gọi là "chỗ nhà ông râu xồm". Lúc nhỏ tôi chúa sợ những ông râu ria xồm xoàm hoặc râu quai nón vì có cảm tưởng họ rất dữ tợn. Cứ đi qua cái ngách đó là tôi chạy thật nhanh, cố gắng để không nhìn vào trong vì rất sợ là ông râu xồm sẽ nhảy ra dưới ánh đèn vàng vọt.

Khi về đến nhà, tay vẫn cầm gói kẹo, tôi hỏi ông nội tôi là:

- Ông ơi có ma không hả ông?

Ông nội tôi đã từng gặp ma rồi, nhưng mà không muốn tôi sợ nên mới nói:

- Không con, làm gì có ma?

- Thế mà lúc nãy con thấy có một người mặt trắng toát, phẳng lì chẳng có mắt mũi gì cả ông ạ.]
 
Chương 11: Đổi chỗ


Cánh đồng lúa chờ gặt lúc nửa đêm chỉ toàn những âm thanh rúc rích của côn trùng và lũ thú ăn đêm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có mấy tiếng khóc của trẻ con vọng lại từ một nơi nào đó xa lắm, xa đến độ Hồng không biết là chỗ nào.

Gió đêm thổi qua những ngọn cây xạo xạc, cứ như có kẻ đang vin vào cái chạc ba nào đó, đu qua đu lại để dọa Hồng. Lâu lắm rồi Hồng mới về thăm nhà, lại bắt taxi để về vào lúc nửa đêm nửa hôm thế này. Hồng ngại không muốn gặp người làng. Đôi mắt người nhà quê nhìn kẻ hồi hương cay nghiệt lắm! Hồng không chịu được.

Đi được nửa đoạn đường đất trơn như da lươn, Hồng bỗng thấy rờn rợn. Hồi trước Hồng chẳng bao giờ thấy sợ ma. Nhưng giờ thì Hồng sợ thật. Ở thành phố đã lâu, quen với ánh đèn lúc nào cũng chiếu sáng suốt đêm từ những quán bar, các câu lạc bộ người lớn và mấy cửa hàng 24 giờ, Hồng đâm ra sợ bóng tối.

Cơ mà may quá! Đằng kia có hai người đang đứng loay hoay làm cái gì, hình như là dựng bù nhìn rơm. Ở nhà quê, có mấy thằng choai choai suốt ngày phóng xe máy rú ga ầm ĩ rồi hú hét trên đường làng, chẳng cho ai ngủ. Người dân đành dựng mấy cái hình nộm rơm, đội mũ mặc áo, xỏ giày y như người, cốt để làm cho mấy tay tổ lái giật mình.

Hồng chạy lại gần hai người ấy, nỗi sợ trong lồng ngực vơi hẳn đi quá nửa. Nhưng hai người ấy không để ý tới Hồng. Họ vẫn tiếp tục làm việc của họ. Hồng bèn lấy điện thoại, bật đèn flash soi cho rõ mặt hai người ấy, soi cả hai con bù nhìn rơm đang cứng đờ trên cọc gỗ.

Nhưng mà Hồng đã lầm. Bởi ngay sau khi ánh sáng chiếu vào bốn cái mặt của người rơm và người thật, Hồng nhận ra trên cọc là hai cái đầu người đẫm máu, còn những kẻ mà Hồng cứ ngỡ chúng mang mặt người kia, hóa ra chỉ toàn rơm là rơm.
 
Chương 12: Đi theo


[Dựa trên một câu chuyện có thật mà tác giả là người trong cuộc, xảy ra gần mười năm trước.]

Ba giờ chiều. Ngõ nhỏ vắng tanh. Chỉ có tôi và mấy cuốn sách giáo khoa vừa mua trên tay. Khu nhà tôi ở lúc ấy rất ít trẻ con. Người lớn thì đi làm, còn các ông bà già ngủ trưa còn lâu mới dậy.

Một người bán bánh mì đội cái thúng to tướng trên đầu xuất hiện từ lúc nào. Tôi không để ý lắm. Nhưng tiếng rao mỗi lúc một to hơn. Người đàn bà trông lam lũ, gầy gò như thế, không hiểu sao có thể rống lên những âm thanh như thể kéo còi tàu. Và chỉ một lúc sau, tôi bắt đầu nhận ra bà ta đang đi theo tôi về nhà. Tôi đi nhanh hơn, nhưng cái bóng của bà bán bánh mì ấy cũng nhanh chóng bắt kịp tốc độ của tôi. Tôi đứng lại, nín thở, xem người kia có đuổi theo mình nữa không.

Không, bà ấy vừa quay lưng đi rồi. Tôi thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được tảng đá nghìn cân đè trên ngực. Để chắc ăn hơn, tôi quay lại nhìn người đàn bà kia một lần nữa.

Lẽ ra tôi không nên làm vậy. Vì ngay sau khi tôi nhìn vào tấm lưng đẫm ướt mồ hôi kia, bà bán bánh mì lập tức im bặt. Cái đầu bà ta vẫn đội thúng bánh mì, nhưng nó đang từ từ quay ngược lại. Tôi có thể nghe rõ mồn một tiếng xương cổ bị vặn gãy kêu răng rắc.

- Bánh mì đây!

Tôi hộc tốc chạy vào nhà, chốt chặt cửa lại. Người đàn bà quái đản vẫn chưa buông tha cho tôi. Mấy ngón tay xanh xao của bà ta thò qua khe cửa, không ngừng cào cấu lớp sơn chống gỉ.

- Bánh mì đây!

- ...

- CON KHỐN NẠN MÀY CÓ MỞ CỬA RA KHÔNG TAO SẼ GIẾT CHẾT MÀY MỞ CỬA RA MỞ RA MAULÊNMAULÊNMAULÊN ARGGGGGGGGGGGGGGGGG!!!
 
Chương 13: Quạt trần


Tôi cược tiền với các bạn là tất cả những người đang đọc truyện này đều ít nhất một lần tưởng tượng rằng cái quạt trần trong lớp rơi vào đầu mình. Hình ảnh hãi hùng ấy cũng tương tự với việc bạn đứng trên ban công rồi nghĩ đến cảnh mình rơi xuống nát xác.

Câu chuyện của tôi cũng gần giống thế.

*****

Khi còn là sinh viên năm nhất, tôi thường phải học ở phòng 307. Nó cũng như mọi giảng đường khác với bảng đen, máy chiếu, bàn ghế và mấy cái cửa chớp ngu si mở ra hết cỡ cũng chả có tí gió nào lùa vào. Sáu cái quạt trần được bật hết lên mà vẫn không xoa dịu nổi sức nóng của mùa hè. Tôi vẫn thường ghen tị với bọn được học ở tòa nhà 15 tầng mới xây, cái nhà đó lắp điều hòa ở mọi phòng.

Một hôm tôi đang nằm vờ vật trong lớp chờ vào học thì có tiếng gì đó rất lạ phát ra trên trần nhà nghe như tiếng loa rè. Ban đầu tôi tưởng đó là cái quạt trần bị hỏng hóc ở chỗ nào đó. Cơ mà rõ ràng đó là tiếng người. Tuy nhiên tôi không để ý lắm. Có thể một nhóm sinh viên nào đó ở tầng trên nói chuyện gây ồn ào chăng? Vả lại tính tôi vốn cả nể thiên hạ, nếu có bạn bè ở đây cùng tôi thì chúng nó có thể chửi vu vơ đôi câu, chứ tôi thì chẳng bao giờ.

Vấn đề là... những buổi sau, khi ở lại nghỉ trưa trong lớp, trông đồ cho bạn bè, tôi vẫn thấy cái tiếng lè rè ấy, càng ngày càng to hơn. Tôi bắt đầu cảm thấy bị làm phiền. Nhưng tôi không thể bỏ hết đồ đạc của bạn mình ở trong lớp rồi hùng hổ lên chửi cho cái bọn tầng trên vô ý thức một trận được. Tôi bèn đem mọi chuyện kể cho bạn bè nghe. Tuy thế, họ không tin tôi, họ chỉ cho là tôi bị ảo giác và có đứa còn trêu rằng tôi nên gặp bác sĩ tâm thần. Bạn tôi có lí. Vì âm thanh ấy chỉ phát ra lúc tôi đang ở trong lớp một mình. Tôi cũng thử lên trang web của trường xem lớp nào học ở tầng trên mà ồn ào thế, thì thấy ngày hôm đó không có lớp nào học trên tầng 4 cả.

Một tháng sau, cái âm thanh khó chịu ấy chuyển dần thành tiếng va đập của một vật gì cứng như đá. Y như thể có một đội quân đang duyệt binh trên đầu tôi vậy. Tôi không biết chuyện quái quỷ gì đang xảy ra, và cũng vì không biết nên tôi càng hoang mang tợn. Những tiếng va đập ngày một rõ hơn, tôi có thể thấy những vết nứt xung quanh cái quạt trần. Tình hình có vẻ nghiêm trọng đây, tôi nghĩ thế và báo lại cho phòng Quản lý cơ sở vật chất. Họ hẹn sẽ lên kiểm tra ngay.

Tròn một tuần kể từ vết nứt đầu tiên xuất hiện, những âm thanh như khủng bố tinh thần tôi vẫn tiếp tục phát ra đều đều. Hình như bên cơ sở vật chất họ chỉ hứa cho có thôi, chứ họ cũng quên khuấy mất chỗ này rồi. Nhưng tôi không phải chịu đựng tiếng ồn ấy thêm nữa, hay đúng ra là lớp phó đời sống chịu thay tôi.

Không chịu đựng được sức nặng của cái quạt trần, trần nhà đã vỡ toác và rơi mất một mảng gạch vữa lớn lẫn với cái quạt còn chạy vù vù theo quán tính xuống đầu con bé lớp phó tên Thu. Thu chết ngay. Cánh quạt đã chém vào giữa mặt Thu làm hai con mắt văng cả ra ngoài. Ngoại trừ cái xác của Thu, chúng tôi còn thấy một cái bao tải, bên trong có một xác chết phụ nữ cùng hàng đống chất khử mùi.

Công an đến điều tra rất lôi thôi. Họ bảo người phụ nữ trong bao tải chết được hơn một tháng rồi. Nhưng không hiểu vì sao những vết cào cấu trên các mảng trần nhà còn rất mới, cứ như cái xác ấy tự biết phá trần nhà chui ra vậy.
 
Chương 14: Thử nghiệm


Mười bảy tuổi, học lớp 11, vậy mà Duyên vẫn chưa có kinh nguyệt. Ngực nó phẳng lì, chẳng có gì ngoài hai cái núm vú bé tí như hai con ốc vít. Ở âm hộ cũng không có lông mu. Nhìn từ trên xuống dưới, trông Duyên chỉ như đứa học sinh tiểu học. Cơ thể Duyên không có những đặc trưng của một thiếu nữ. Tuy vậy, nó vẫn đạt chiều cao tầm 1m60, ngang ngửa với bạn đồng lứa.

Mấy lần Duyên đi khám, bác sĩ đều bảo Duyên ăn kém. Mỗi bữa lưng bát cơm thì làm sao mà lớn nổi? Thiếu dinh dưỡng đâm ra gầy gò ốm yếu là phải rồi! Cơ mà Duyên vẫn không muốn ăn. Đúng ra là nó không ăn nổi. Sức chứa của dạ dày chỉ đến thế!

Cho đến lần khám định kì này thì khác. Bác sĩ Hằng đẩy mắt kính như muốn nhìn cho rõ hơn những giấy tờ lằng nhằng đầy từ ngữ chuyên môn trước mặt bà. Gương mặt bà có nét khó khăn như thể một học sinh gặp bài toán lạ.

- Kết quả cho thấy cháu chỉ còn ba tháng nữa để sống nếu không điều trị ngay từ bây giờ. Cháu bị một thứ bệnh gọi là Napra. Bệnh này làm cho cháu cứ gầy mòn dần, ốm yếu dần cho đến chết. Giờ bệnh đã tới giai đoạn cuối.

Duyên sững sờ nhìn bà bác sĩ như thể bà chính là thần chết. Nó còn trẻ quá. Nó còn chưa được vào đại học. Nó đã nhắm đến một trường có tiếng trong thành phố. Giờ thì chỉ còn ba tháng... ba tháng...

- Rất may là chúng ta có thứ này. -Bác sĩ Hằng đứng lên, tiến về phía cái tủ kính bị khóa ở sau lưng bà. Bên trong ngổn ngang các loại giấy tờ và những cái hộp trắng, hình như toàn là hộp thuốc. -Đây là loại thuốc do bệnh viện này nghiên cứu hòng chữa cho những người như cháu. Thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người. Việc tôi cho cháu sử dụng loại thuốc này là trái phép...

- Thế nào cũng được! Cháu muốn sống. -Duyên cắt ngang. Nó đang đặt cược mạng sống của mình vào những hộp thuốc không nhãn mác. Nhưng thế có thấm vào đâu? Thiếu gì kẻ trên thế giới này đang chết dần chết mòn vì AIDS. Họ chỉ mong duy trì cái mạng của mình, được ngày nào hay ngày nấy. Duyên có cơ hội chữa bệnh miễn phí, tội gì không làm?

Duyên nhận lấy hộp thuốc. Bên ngoài là một cái nhãn mới được dán vào:

NGÀY MỘT VIÊN. KHÔNG UỐNG QUÁ LIỀU ĐỂ TRÁNH TÁC DỤNG PHỤ.

*****

Ngay sau khi uống những viên thuốc đầu tiên, Duyên đã nhận ra cơ thể nó có thay đổi rõ rệt. Nó đã thấy ngực mình đau và từ từ nhú lên. Quầng vú và đầu v* to hơn, hai bầu ngực cũng bắt đầu gồ lên. Chỗ cần to thì to hơn, chỗ cần nhỏ thì nhỏ lại. Duyên đã giống thiếu nữ. Chỉ một tháng sau khi uống những viên thuốc bí mật kia, Duyên có kinh nguyệt lần đầu.

Cơ mà Duyên không đi tái khám. Nó không có thời gian. Nó bận đi chơi với mấy cậu bạn học đang từ từ để ý đến nó.

Chỉ có Hoàng - người Duyên thích nhất khối là chẳng hề để ý xem Duyên trông như thế nào. Hoàng thích mấy đứa con gái ngực to hơn. Duyên tuy có phát triển, nhưng mà ngực nó vẫn chỉ ở cỡ bình thường và hình như đang chững lại sau khi nó có kinh nguyệt.

Liệu uống tăng liều lượng lên có ảnh hưởng gì không? Chắc là không. Duyên thấy nó cũng như mấy loại thuốc giúp người ta tăng cân thôi. Nó bắt đầu nghi ngờ căn bệnh "Napra". Làm gì có bệnh Napra! Duyên đã Google cái thứ bệnh quái quỷ ấy rồi. Nó không tồn tại. Bà bác sĩ có lẽ đang thử nghiệm thứ thuốc tăng cân hoặc một loại thuốc tăng hormones nữ tính nào đó.

Vậy thì uống thêm một viên cũng chẳng hại gì. Duyên nhún vai và bỏ tọt hai viên thuốc vào mồm. Những phản ứng của cơ thể ngay lập tức chứng minh rằng Duyên đã sai. Nó lăn lộn trên sàn vì đau đớn. Ruột gan như thể bị đốt cháy. Máu chảy tràn ra qua mắt, mũi, mồm, tai, hậu môn và âm đ*o. Rất, rất nhiều máu. Duyên xây xẩm mặt mày vì đau và mất máu quá nhanh.

Khi tỉnh dậy, Duyên thấy nó đang ở trong một cái buồng kính hình trụ cao xấp xỉ 2m. Duyên nằm trong cái ống ấy, nhìn ra xung quanh. Có vô số những cái ống như thế. Bên trong chứa người. Nam và nữ. Họ hoàn toàn trần truồng như Duyên. Duyên thở hồng hộc. Nó đưa mắt nhìn về hướng có ánh sáng mờ mờ. Bác sĩ Hằng đang đứng ở đấy. Bà ta đang cắt xẻo lồng ngực một đứa con gái có cặp vú khổng lồ đang chảy tràn sữa dưới ánh đèn mổ. Con bé bị trói cứng xuống cái bàn, nó giãy đành đạch nhưng không la hét được. Bác sĩ Hằng đã bịt kín mồm nó bằng một nhùi giẻ.

- Tỉnh rồi à? Tốt lắm. Mày sẽ là người tiếp theo. Mày đâu phải người cuối cùng muốn mua thuốc của tao? Tao phải điều chế liên tục chứ.
 
Chương 15: Mèo hoang


[Dựa trên những chuyện có thật.]

Khu chung cư T. ở quận M. rất nhiều mèo hoang. Chúng kêu suốt đêm suốt ngày. Tuy vậy người ta không thấy phiền, vì nhờ có mèo hoang, bọn chuột không phá phách nhiều nữa. Chuột ở khu này như thể thành tinh vậy. Ngày trước chúng quậy phá kinh hồn. Một bà góa trung niên thấy mấy cái bánh chưng treo ở tay vịn cầu thang bị cắn nát, lầm bầm chửi "Đ.mẹ con chuột". Sáng hôm sau, bà thấy quần áo của bà trong tủ bị nhằn rách tả tơi. Ba mẹ con dùng chung cái tủ, cơ mà bọn chuột chỉ cắn đồ của bà! Còn ông Hoành bán bánh khúc ở đầu đường thấy lắm chuột quá bèn rải đầy bả chuột ra nhà. Nhưng mà chẳng có con chuột nào chết cả. Chúng không ăn bả.

Từ hồi có bọn mèo thì đố có con chuột nào dám lọ mọ quanh khu này. Trong đàn mèo ấy có một con mèo già đen sì như hòn than với đôi mắt là hai đốm lửa lập lòe. Nó già quá rồi. Nó không tham gia vào bản hợp xướng của những con mèo khác mỗi đêm.

Một hôm, con mèo già ấy chết. Nó nằm còng queo trước cửa nhà ông Hoành bán bánh khúc. Ông đem chôn nó ở một bãi đất trống mà người ta vẫn hay quẳng đủ thứ rác rưởi ra. Dĩ nhiên, ông không quăng con mèo tội nghiệp như như người ta quăng rác. Ông tìm một chỗ sạch sẽ để làm nơi an nghỉ cuối cùng của con mèo. Thân già với nhau có lẽ dễ đồng cảm chăng?

Sau hôm con mèo già chết, thì lũ mèo hoang bỗng không kêu meo meo nữa. Bọn chuột lại được dịp phá hoại. Điều quái đản nhất là những người già trong khu chung cư lần lượt qua đời. Từng người từng người một. Ông Hoành bán bánh khúc không nằm ngoài số đó. Chỉ trong vòng một tháng đã có ngót nghét chục người quy tiên. Hằng đêm, thay vì tiếng éo éo mèo gọi mèo, người ta nghe thấy tiếng khóc hờ người chết và tiếng trống kèn inh ỏi.

Tôi sống ở ngay tầng một. Đêm nào cũng thấy mấy con mèo gầy gò chạy qua. Tôi vẫn thường đem đồ ăn thừa cho chúng nó. Nhưng chẳng hiểu vì sao mấy hôm nay không thấy bọn nó đâu. Sao bọn nó không kêu? Đã cả tháng nay rồi, chẳng lẽ chúng nó bị bắt làm thịt?

Đêm thứ bốn mươi chín kể từ ngày bọn mèo biến mất, tôi vẫn không thấy mèo. Nhưng mà tôi thấy người. Thằng Bá ở tầng bảy chơi với tôi từ hồi còn cởi truồng tắm mưa. Lớn lên hai đứa bận học bận làm, tuy không bám dính lấy nhau như lúc nhỏ nhưng vẫn hay nó chuyện. Chẳng hiểu sao đêm nay nó lại lọ mọ xuống đây. Nóng bỏ mẹ ra, trời chẳng có tí gió nào mà Bá cứ đứng sừng sững. Thấy thằng bạn như bị ma bắt hồn, tôi lân la ra gợi chuyện:

- Ê Bá này.

- Gì?

- Dạo này chẳng thấy bọn mèo kêu nữa nhỉ? -Tôi liếc nhìn thằng bạn chí cốt. Bá là thằng có tật ăn nói bạt mạng. Suốt ngày mở mồm ra là ** ***. Mặt Bá lúc nào cũng nhăn nhở cười cợt. Vậy mà hôm nay nhìn nó nghiêm túc như ông giáo sư già bước vào giảng đường dạy môn Triết học.

- Tại bọn mèo bận tiễn con mèo già về địa phủ đấy.

Nói câu ấy, mặt Bá không đổi sắc. Nó cứ lờ đờ như kẻ bị nhập. Tôi thấy gai gai, bèn dập tắt điếu thuốc đang hút rồi vào nhà trùm chăn ngủ tới sáng.

Hôm sau, tôi thấy Bá đang ngáp ngắn ngáp dài tập thể dục ở khoảng sân trước chung cư. Trông nó khác hẳn hôm qua. Cái mặt nó lại nhăn nhở như con tườu.

- Sao mà ngáp ngắn ngáp dài thế hả Bá? Thiếu ngủ hả?

- Đm đêm qua tao đi club với bọn bạn học hồi cấp 3. Ba giờ sáng mới vác xác về nhà. Đm buồn ngủ vl mà tí vẫn phải đi làm. -Bá vừa nói vừa vặn mình.

Ba giờ sáng Bá mới về nhà, vậy thì nửa đêm hôm qua, ai nói chuyện với tôi?

Đó là câu hỏi tôi không trả lời được.

Từ đêm hôm ấy trở đi, bọn mèo lại kêu. Bọn chuột ngừng phá. Và cũng không có thêm người nào chết trong khu chung cư này nữa.
 
Chương 16: Người lạ


Tôi: Xin chào.

Người lạ: Xin chào. Bạn ăn tối chưa?

Tôi: Tôi ăn rồi. Bạn ăn chưa?

Người lạ: Bạn vẫn chưa nhận ra tôi sao? Chúng ta là người quen.

Tôi: Sao bạn biết tôi là người quen của bạn?

Người lạ: Vì tôi là một người có khả năng phi thường. Tôi biết mọi thứ trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tôi: Vậy bạn nói xem tôi là ai nào?

Người lạ: Bạn tên là Nguyễn Lan Anh, 15 tuổi, học lớp 10A3 trường Thpt Cầu Giấy. Bạn đang sống với bố và mẹ kế. Bố bạn là Nguyễn Văn Tài. Mẹ kế là Lê Thị Hồng Hà. Bạn nuôi một con chó. Con chó ấy tên là Cici...

Tôi: Phương hả?

Người lạ: Tôi không phải Phương.

Tôi: Thế chắc là Thảo rồi.

Người lạ: Đoán sai rồi. Bạn đoán nữa cũng không đúng đâu.

Tôi: Vậy bạn là ai mới được chứ?

Người lạ: Tôi đã bảo rồi, tôi có tài năng thần bí. Tôi có siêu năng lực mà.

Tôi: Thế bạn đoán xem hôm nay tôi mặc áo màu gì?

Người lạ: Bạn mặc đồ ngủ màu vàng chanh có in họa tiết hoa cúc.

Tôi: Bố hay dì thế? Chắc là một trong hai người đang trêu con rồi!

Người lạ: Đoán sai rồi. Nghe này, tôi không muốn trêu chọc bạn đâu. Tôi có tài biết được những điều đã xảy ra trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Cửa sổ phòng bạn sẽ bị gió thổi cho mở tung ra trong vòng ba... hai... một.

Tôi: Vãi! Nó mở ra thật kìa! Trời ạ tôi out đây! Bạn làm tôi ghê quá!

Người lạ: Đừng out. Tôi có chuyện này cần nói cho bạn biết. Bạn sắp gặp nguy hiểm. Đừng ra ngoài hành lang.

Bạn đâu rồi?

Tôi: Tôi đây. Ở ngoài hành lang có gì đó sợ lắm! Nó to mà còn lông lá nữa.

Người lạ: Tôi bảo rồi mà! Bạn có tin tôi không? Bạn sắp gặp nguy hiểm! Trốn đi!

Bạn lại đi đâu mất rồi?

Tôi: Tôi đây, tôi đang ở dưới gầm giường.

- Cảm ơn. Tao không có chân nên không bò ra được. Giờ thì mày tự chui vào rồi.
 
Chương 17: Hát ru


[Dựa trên một câu chuyện có thật mà bố tôi là người trải nghiệm.]

Đoạn đường làng ấy rất vắng vào lúc nửa đêm. Tất cả những đoạn đường khác cũng thế. Một cây đa sừng sững ở ngay đầu đường. Mảnh trăng lưỡi liềm treo lơ lửng trên đầu Hồng như một cái miệng cười quái đản. Ánh sáng hiếm hoi từ vầng trăng hắt xuống những tán cây rậm rạp, vẽ lên nên đất vô số hình ảnh méo mó, dị dạng.

Hồng thấy hơi sợ sợ. Bà nội bảo đi chơi nhớ về sớm. Nhưng mà Hồng mải chơi quá. Nó chẳng muốn về sớm tí nào. Lúc này Hồng bắt đầu hối hận.

Đi ngang qua một cái cây khá to, Hồng bỗng thấy có thứ gì dài dài đang thõng xuống đất.

Một đống tóc người. Người ấy mặc đồ trắng toát, tóc xổ tung xuống dài như con trăn. Hồng thấy rõ đó là một người đàn bà đang ngồi trên một chạc cây cao quá tầm với. Hình như bà ta biết Hồng đang nhìn nên từ từ quay đầu lại. Hồng nghe có cả tiếng xương cổ gãy răng rắc bị bẻ.

Cái mặt của bà ta trống trơn, phẳng lì như mặt thớt, chẳng có mắt mũi gì cả.

Hồng chỉ biết chạy thật nhanh. Cảnh âm u hai bên đường trôi vùn vụt về phía sau. Sau lưng Hồng vẫn văng vẳng mấy tiếng hát ru con, tưởng gần mà hóa ra nghe như từ cõi xa xôi nào đó vọng về.

Về đến nhà, Hồng ôm cứng lấy bà ngoại. Tim nó vẫn còn đánh trống thình thình như muốn phá vỡ lồng ngực chui ra. Nghe Hồng kể bằng giọng đứt quãng, bà cụ đứng dậy, châm hương thắp. Bà khấn gì, Hồng không biết. Có lẽ bà đang cầu xin các đấng linh thiêng khuất mày khuất mặt cho hai bà cháu được bình an. Hồng không cần gì cả, ngoài một giấc ngủ ngon cho tới sáng. Nhưng sau cùng, Hồng lại không ngủ nữa. Bà ngoại Hồng đang hát ru Hồng bằng giọng hát âm âm i i của con ma kia.
 
Chương 18: Bóng ma


[Dựa trên một câu chuyện có thật.]

Không biết hôm nay là ngày gì mà các phòng trọ ọp ẹp ở gần bệnh viện Nhi Trung ương đều kín chỗ. Phải khó khăn lắm tôi mới xin bà chủ nhà một chỗ nằm được. Người đàn bà tuổi ngót nghét sáu mươi chỉ cho tôi cái ghế dài kê sát góc nhà và bảo:

- Anh nằm tạm đây với ông râu quai nón này. Hai người nằm tráo đầu tráo đuôi. Mỗi người tôi lấy mười nghìn. Nhưng mà ông ấy, với mấy chú kia, -Bà quay đầu nhìn sang một nhóm ba người đàn ông đang ngáy o o như kéo bễ, nằm la liệt dưới đất. -mai là đi luôn rồi. Nếu anh có ở tiếp thì bảo tôi. Ở chung với ông râu quai nón nhé! Tôi lấy rẻ, ba mươi nghìn một ngày.

Tôi gật đầu đồng ý ngay. Dễ gì mà tìm được chỗ ngủ? Cho dù cái nhà trọ tạm bợ ấy có hôi thối, bẩn thỉu vì mùi mồ hôi và hơn hết là mùi cứt mèo chua chua, tôi vẫn phải ở. Ở đây còn hơn ra nằm ghế đá ở bệnh viện. Hứng sương đêm rồi lại ốm ra đấy thì ai trông con bé con?

Trời nóng, ngôi nhà bị hun như cái ổ chuột bị xông khói mà bà chủ nhà ki bo nhất nhất không lắp điều hòa. Con mèo cái của bà ta hình như sắp đẻ, cứ nằm cuộn tròn cái bụng to tướng ở dưới cái ghế thang. Nó nhìn tôi, meo meo mèo mèo mấy tiếng.

Tôi tản bộ ra ngoài, định mười một giờ đêm sẽ trở lại. Ghé đâu ăn bát phở, no bụng, ngủ cho ngon giấc. Ở gần bệnh viện Nhi Trung ương có hai con dốc. Một dốc dẫn xuống khu nhà trọ xập xệ. Dốc bên kia dẫn sang hồ Ngọc Khánh. Ra đó hóng mát thì phải biết.

Khi tôi về đến cái hẻm nhà trọ, đã quá nửa khuya. Bà chủ nhà có giận tôi không nhỉ? Chắc hẳn bà sẽ bực lắm. Người già hay ngủ sớm. Tôi bắt bà chờ đến giữa đêm thế này...

Chợt tôi thấy có gì khác lạ trong hẻm. Một luồng gió lạnh buốt, lạnh thấu xương thổi ập tới làm tôi rùng mình. Trời không trăng không sao, chỉ có ngọn đèn vàng vọt tỏa ra thứ ánh sáng nhờ nhờ yếu ớt lơ lửng sau trận gió lạnh hiếm hoi của mùa hè. Tôi đảo mắt nhìn quanh, và thấy vụt một cái! Có cái gì vừa lướt qua người tôi. Nó trắng toát, lạnh như ướp đá. Rồi sau đó lại thêm ba cái bóng nữa. Cái nào cũng trắng, trong suốt và lao đi vun vút.

Ma! Là ma chứ còn gì nữa?! Tôi hoảng hồn chạy vào nhà trọ, miệng lưỡi như cuộn lại với nhau không sao nói được. Cơ mà bà chủ nhà vẫn chưa ngủ. Bà ra mở cửa cho tôi ngay. Mặt bà có vẻ gì căng thẳng, lo âu lắm.

Thì ra con mèo cái của bà đã đẻ. Nó đẻ bốn con mèo con. Con nào cũng có lông trắng.
 
Chương 19: Ma quỷ


Có một sự thật là tôi ghét cay ghét đắng giáo viên dạy môn Toán hồi lớp 5. Một người đếm từ 1 đến 100 cũng không ra hồn như tôi đương nhiên không thích Toán. Một giáo viên tồi tệ chỉ kgiến cho tình trạng của tôi trở nên khó khăn hơn. Giáo viên môn Toán của lớp tôi khi ấy, bà H. là một người theo đạo Phật. Bà không bao giờ tin chuyện ma quỷ. Thứ ma quỷ bà nhắc đến nhiều nhất là "ma trong tim mình ấy".

Thay vì dạy môn Toán cho chúng tôi, hoặc cho bọn tôi cái gì hấp dẫn để làm, bà H. mang băng phim về đề tài quả báo đến cho học sinh xem. Tôi không biết cái phim ấy là phim gì, chỉ nhớ láng máng nó có cảnh tra tấn, cưa người,... dưới địa phủ.

Ngoài mấy câu chuyện Phật giáo của bà, bà còn mang những cuốn sách theo kiểu hạt giống tâm hồn, truyện Phật giáo, truyện lịch sử cho học sinh mượn. Tôi chỉ mượn có vài lần. Đọc cho biết. Cá nhân tôi không thấy chúng có gì hấp dẫn. Chủ nhân của chúng thì tôi càng không ưa. Tôi đến phát ốm vì cái luận điệu "Các nhà khoa học đều nhất trí rằng không có ma". Vâng! Hẳn là bà đã phát biểu thay cho một cả một cộng đồng về một điều mà cả ngàn năm nay người ta vẫn đang tranh cãi! Với cả, thôi nào, chúng tôi là học sinh. Việc đầu tiên chúng tôi phải làm là học chứ không phải ngồi cả ngày để nghe nói về những giáo lí của nhà Phật. Người lớn còn chẳng hiểu hết được nữa là bọn oắt con vắt mũi chưa sạch!

Một trong những trò củ chuối nhất bà H. từng bày ra là hỏi học sinh có mua từ điển tiếng Việt không. Vâng, từ điển tiếng Việt. "Từ điển tiếng Việt do nhà in cạnh nhà cô sản xuất". Mặc dù bà H. không bắt cả lớp phải mua nhưng có những đứa đếch biết vì ngu hay vì cực kì ngu mà mua tận hai quyển khác nhau! Và bà H. cũng không ngăn cản học sinh của bà làm những trò đại ngu đần như thế.

Ôi, tôi lại lạc đề mất rồi! Cứ mỗi lần nói xấu giáo viên là tôi lại như thế đấy!

Câu chuyện của tôi xảy ra sau một lần tôi thấy bà H. bị một mẩu hành lá dính vào răng trong khi tôi đang bị bà gọi lên bảng vì không làm nổi mấy bài toán. Tôi đã cố cảnh báo cho bà biết.

- Thưa cô... cô có...

- Có gì? Làm sao? Sao lại không làm bài? -Bà H. nhìn tôi với ánh mắt rõ ràng là không chứa tí hài lòng nào. Như thể tôi là một thứ mụn ghẻ hôi hám mà bà chờ đủ ngày đủ tháng để búng tôi đi thật xa. Cơ mà bà không biết trước khi búng tôi thì bà nên búng cái mẩu hành xanh đáng ghét trên răng bà đi thì hơn.

- Ờm... thưa cô... -Tôi cố gắng dùng body language để nói cho bà H. biết. Mặc dù điều tôi muốn làm lúc ấy là gào ầm lên cho cả lớp hay để chúng nó xầm xì, chỉ trỏ, nhao nhao lên còn bà giáo viên đáng ghét ấy phải thò tay vào sờ cả hàm răng xem chỗ nào bị dính hành.

- Sao cái gì?

- Thôi, không có gì đâu ạ. -Tôi thở dài. Tôi chán lắm rồi.

Nhưng ngay khi tôi vừa thở hắt ra, thì bà H. lè lưỡi liếm cọng hành con con dính ở bộ nhá của bà. Liếm một thứ bị dính ở răng cửa bằng cái lưỡi mềm và tròn thì khó lắm, và nó khó hơn gấp vạn nếu bạn thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, với bà H. thì đó là một chuyện tương đối dễ với bà.

Cái lưỡi của bà H. có hình dạng như lưỡi rắn. Nó chẻ ra làm đôi, nhọn hoắt như hai cái chân nhện mà lại mềm dẻo như đuôi con thạch sùng. Với hai đầu lưỡi bà H. chỉ mất một giây để gỡ cái mẩu hành chướng mắt ra.

- Con còn gì để nói nữa không?

- Không ạ. -Tôi lảng đi, cố gắng không nhìn vào cái mồm bà H. Tuy vậy, tôi vẫn biết lưỡi bà đã trở lại bình thường.

Còn bà H., chắc chắn chưa bao giờ bình thường. Ít nhất là trong suy nghĩ của tôi.

Về chỗ ngồi, tôi quay sang con A. A. là một "tín đồ" của bà H. Nó luôn luôn nhắc lại câu nói "Ma quỷ chỉ tồn tại trong tim mình" của vị giáo viên đáng kính kia.

- Tôi biết rồi A. ạ. Cô H. nói cũng có phần đúng đấy. Không phải ở đâu cũng có ma quỷ. -Tôi đặt vấn đề.

A. trả lời bằng giọng kẻ cả:

- Đã bảo mà! Ma quỷ chỉ có ở trong tim mình thôi!

- Ờ, không những trong tim. Mà có thể là ở lưỡi ấy. -Tôi mỉm cười để kết thúc câu chuyện vô thưởng vô phạt.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top