Chào mừng bạn đến với Diễn Đàn Truyện !

Xin vui lòng Đăng ký hoặc Đăng nhập mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng diễn đàn. Việc Đăng ký hoàn toàn miễn phí!

Đăng ký ngay!

Dịch Full Thiên Thần Và Ác Quỷ

Dịch Full Thiên Thần Và Ác Quỷ

admin

Thánh Ngự Hư Không
Đại Thần
Tham gia
11/6/23
Bài viết
919,300
VNĐ
900,499
[Diendantruyen.Com] Thiên Thần Và Ác Quỷ

Thiên Thần Và Ác Quỷ
Tác giả: Dan Brown
Tình trạng: Đã hoàn thành




Thiên thần và ác quỷ thu hút người đọc bởi sự uyên bác và tài dẫn truyện của Dan Brown, người đã thể hiện khả năng nắm bắt siêu hạng về các lĩnh vực khoa học và tôn giáo qua loạt tác phẩm đã được phát hành ở Việt Nam như “Mật mã Da Vinci”, “Pháo đài số”… Cuộc chiến giữa tôn giáo và khoa học ẩn hiện trong Thiên thần và ác quỷ, bắt đầu bằng cái chết của một nhà khoa học tên tuổi. Robert Langdon, giáo sư trường Đại học Harvard, được mời đến hiện trường để xác nhận biểu tượng bí hiểm mà hung thủ đã khắc lên ngực nạn nhân. Kết luận: Thủ phạm là Illuminati, một hội kín vốn đã ngừng hoạt động từ gần bốn trăm năm trước, giờ tái sinh để tiếp tục báo thù nhà thờ Thiên Chúa giáo, kẻ thù truyền kiếp của họ.

Người ta “tóm” nguồn cơn tạo ra sự bí hiểm của Thiên thần và ác quỷ trên các trang viết :”Lúc ấy, tại Rome, đâu đó giữa những bức tường của Tòa thánh Vatican là một quả bom hẹn giờ đang đếm những giây cuối cùng trước khi phô diễn sức mạnh hủy diệt. Vào những giây phút cuối cùng ấy, cùng với Vittoria Vetra - một nhà khoa học nữ người Italia vô cùng quyến rũ và bí hiểm, Langdon tìm cách giải mã những ký hiệu cổ trải khắp thành Rome để tìm ra đại bản doanh của hội Illuminati với hi vọng giải cứu cho thành phố Vatican. Họ luôn chậm chân hơn Illuminati bởi tổ chức này đã cài được nội gián vào Tòa thánh...”.

Hồi hộp, háo hức, căng thẳng là cảm nhận của bạn đọc khi dõi theo hơn 600 trang viết của Dan Brown. Dale Brown, một nhà văn khác, người từng 12 lần có sách được New York Times bình chọn là bán chạy nhất, nhận xét: “Thiên thần và ác quỷ” là địa ngục mà một cuốn sách có thể tạo ra. Nó gợi trí tò mò, sự ngờ vực và trí tưởng tượng”. Davina Morgan - Witts thì viết trên mạng BookBrower.com rằng: “Một trong số những cuốn sách hay nhất mà tôi từng đọc. “Thiên thần và ác quỷ” một phần là chuyện rùng rợn, phần là chuyện ly kỳ bí ẩn và hoàn toàn là chuyện hành động”…

(Anh Bảo - Báo HNM).

"Brown tưởng tượng ra một hành trình đầy ngoạn mục xuyên qua thành Rome. Những tình tiết, những giờ khắc đầy kinh ngạc khiến độc giả phải hồi hộp nín thở, nhất là phần kết". Pubishers Weekly.

"Những cuộc vật lộn sinh tử, những âm mưu lắt léo, tình yêu, tôn giáo, khoa học, hành động sát nhân, kỳ bí, kiến trúc, và hành động". Reviews Kirkus.

"Một cuốn tiểu thuyết với tốc độ gấp gáp và kịch tính không kém gì Clancy và Cussler. Những hành động dồn dập cuốn độc giả vào một cuộc hành trình hiểm nghèo rất đời thực. Thiên thần và Ác quỷ là một câu chuyện độc giả sẽ không thể nào quên". Midwest Book Review.

"Thật xuất sắc! Những nhân vật rất có chiều sâu... cốt truyện thật bất ngờ, kỳ thú, khác lạ, và đầy ngạc nhiên. Và phần kết thì... không thể diễn tả bằng lời". New Hampshire Sunday News.
 
Sửa lần cuối:
Chương 1


Từ trên bậc cao nhất của Kim tự tháp vĩ đại Giza, một phụ nữ trẻ đang cười và gọi vọng xuống.

- Robert, nhanh lên! Lẽ ra em nên lấy ông chồng trẻ hơn! - Nụ cười của cô đầy quyến rũ.

Anh gắng hết sức để theo cho kịp, nhưng đôi chân như hoá đá.

- Đợi đã. Làm ơn đi. - Anh năn nỉ.

Tiếp tục leo lên, anh thấy mọi thứ trước mặt nhoà đi. Trong tai anh như có tiếng đập thình thịch. "Mình phải đuổi kịp cô ấy". Những khi anh ngước lên lần nữa thì người phụ nữ đã biến mất, thay vào đó là một ông già răng rụng gần hết. Ông ta nhìn xuống, môi mím lại, vẻ nhăn nhó, rồi gào lên đau đớn, tiếng gào vang khắp sa mạc.

Robert Langdon tỉnh dậy sau cơn ác mộng. Chiếc điện thoại cạnh giường reo vang. Nửa tỉnh nửa mê, anh nhấc máy.

- Xin chào.

- Tôi cần gặp ông Robert Langdon, - giọng một người đàn ông cất lên.

Langdon ngồi dậy trên chiếc giường trống trải và cố gắng trả lời một cách tỉnh táo.

- Tôi… là Robert Langdon đây.

Anh ghé mắt nhìn đồng hồ. Mới có 5 giờ 18 phút sáng.

- Tôi cần gặp ông ngay lập tức.

- Ông là ai?

- Tên tôi là Maximilian Kohler, nhà vật lí hạt cơ bản.

- Là gì cơ? - Langdon hầu như không thể tập trung tư tưởng. - Ông có gọi đúng Langdon mà ông cần tìm không đấy?

- Ông là giáo sư ngành biểu tượng học của Trường đại học Harvard. Ông từng viết ba cuốn sách về biểu tượng và...

- Ông có biết bây giờ là mấy giờ không?

- Tôi xin lỗi. Tôi có một thứ muốn nhờ ông xem hộ. Chuyện này không thể thảo luận trên điện thoại được.

Langdon rên lên. Trước đây, những chuyện tương tự như thế này đã từng xảy ra. Một trong những nỗi khổ của việc viết sách về biểu tượng tôn giáo là những kẻ cuồng tín thường gọi đến đòi anh khẳng định những dấu hiệu mới nhất của Chúa. Thág trước, một cô gái hành nghề thoát y ở bang Oklahoma hứa sẽ cho anh một đêm ái ân tuyệt vời nhất trong đời nếu anh có thể bay đến và chứng minh tính xác thực của biểu tượng thánh giá xuất hiện một cách kỳ lạ trên ga giường của cô ta. "Tấm vải liệm người chết ở Tulsa" 1, Langdon đã đặt cho nó cái tên như vậy.

- Làm thế nào ông có số điện thoại của tôi? - Dù vào giờ này, song Langdon vẫn cố gắng tỏ ra lịch sự.

- Trên mạng toàn cầu và trang web về cuốn sách của ông.

Langdon nhíu mày. Anh biết chắc chắn rằng trang web đó không nêu số điện thoại nhà của anh. Rõ ràng người đàn ông nay đang nói dối.

- Tôi cần gặp ông. - Người gọi điện khăng khăng. - Tôi sẽ trả công cho ông hậu hĩnh…

Đến lượt Langdon nổi đoá:

- Xin lỗi, nhưng tôi thực sự….

- Nếu đi ngay bây giờ, - ông có thể ở đây vào lúc….

- Tôi chẳng đi đâu hết! Mới có 5 giờ sáng! - Langdon gác máy và nằm vật xuống giường. Anh nhắm mắt và cố ngủ, nhưng vô ích. Giấc mơ ban nãy vẫn hiện rõ nét trong tâm trí anh. Anh đành miễn cưỡng mặc quần áo và đi xuống nhà.

Với đôi chân trần, Robert Langdon đi tha thẩn trong ngôi nhà trống trải ở bang Massachusetts được thiết kế theo phong cách Victoria, và tự chữa căn bệnh mất ngủ thường xuyên của mình bằng một cốc ca-cao Nestle Quik nghi ngút khói. Ánh trăng tháng 4 rơi qua khung cửa sổ lồi và đùa rỡn trên những tấm thảm phương Đông. Đồng nghiệp của Langdon vẫn đùa rằng nơi này giống bảo tàng nhân chủng học hơn là một ngôi nhà. Trên các giá chất đầy những mẫu vật tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới - bức tượng gỗ ekuaba 2 từ Ghana, cây thánh giá vàng của Tây Ban Nha, bức tượng thời kỳ đồ đồng của vùng biển Aegean 3, tượng gỗ đan boccus hiếm có của Borneo - biểu tượng trẻ mãi không già của các chiến binh.

Khi ngồi xuống bên chiếc rương đồng Maharishi và thưởng thức vị ấm nóng của so-co-la, anh chợt nhìn thấy hình ảnh mình phản chiếu trong khung kính cửa sổ, trong méo mó và nhợt nhạt… giống như ma. Một con ma già, anh nghĩ, hình ảnh đó gợi nhắc tới thực tế trần trụi là tâm hồn trẻ trung của anh đang sống trong vỏ bọc già cỗi.

Mặc dù không có vẻ ngoài đẹp trai theo kiểu cổ điển, song ở tuổi 45, Langdon được các nữ đồng nghiệp đánh giá là người có vẻ đẹp "thông thái" - mái tóc dày màu nâu, đôi mắt xanh ánh lên niềm khát khao học hỏi, giọng nói trầm trầm cuốn hút, nụ cười vô tư của một vận động viên thể thao thành viên trong đội tuyển lặn của trường trung học và đại học, Langdon vẫn giữ vóc dáng cao 1 mét 8 và thân hình rắn chắc của một vận động viên bơi lội bằng cách bơi 50 vòng quanh bể bơi ở trường đại học mỗi ngày.

Bạn bè của Langdon cho rằng anh thuộc tip người khó hiểu - con người của nhiều thế kỷ. Vào ngay nghỉ cuối tuần, bạn bè thường bắt gặp anh lang thang trong sân trường, mặc quần jean, thảo luận về đồ hoạ máy tính hay lịch sử tôn giáo với các sinh viên, có khi người ta lại bắt gặp anh trong chiếc ao vest thêu hoa làm bằng vải tuýt hiệu Harris và được đăng hình trên các tạp chí nghệ thuật hàng đầu khi tham dự lễ khai trường bảo tàng, nơi anh đã từng được mời đến thuyết giảng.

Mặc dù là một giáo viên khó tính và nghiêm khắc nhưng Langdon lại là người đầu tiên bạn bè chạy đến nếu muốn nghe "những chuyện cười nghệ thuật" - Sinh viên vẫn đồn rằng anh có biệt tài truyền sự say mê của mình sang người khác. Biệt danh "Cá heo" ở trong khu nội trú đã minh chứng cho bản chất hoà nhã và khả năng ngụp lặn kỳ diệu của anh, vượt trội hơn hẳn toàn bộ đối phương trong các trận đấu bóng Polo nước.

Khi Langdon ngồi một mình, lơ đễnh nhìn vào bóng tối, sự im lặng trong ngôi nhà bị tan bởi tiếng xành xạch của máy fax. Kiệt sức vì bị quấy rầy, anh gượng nở một nụ cười mệt mỏi.

"Người của Chúa, anh nghĩ. 2000 năm chờ đợi Chúa Cứu Thế, và họ vẫn kiên trì như vậy".

Anh mệt nhọc đặt chiếc cốc lên bàn ăn và chậm chạp tiến về bàn làm việc bằng gỗ sồi. Bản fax vừa gửi đến đang nằm trên khay. Anh thở dài nhắc tờ giấy lên xem.

Ngay lập tức, Langdon thấy buồn nôn.

Trên trang fax là hình ảnh của một xác chết, toàn thân bị lột trần, đầu bị vặn ngược ra sau. Trên ngực nạn nhân có một vết cháy sém khủng khiếp. Người này bị đóng dấu... khắc một từ.

Langdon biết rõ từ này. Rất rõ. Anh nhìn chằm chằm vào những chữ cái được trang trí hết sức cầu kỳ, không thể nào tin được.

images

- Illuminati… - anh lắp bắp, tim đập thình thịch. Không thể nào...

E ngại vì những gì mình sắp chứng kiến, Langdon chầm chậm xoay tờ fax 180 độ. Anh nhìn ngược từ đó.

Ngay lập tức, anh cảm thấy nghẹt thở, hệt như bị xe tải đâm. Không tin vào mắt mình, anh quay lại tờ fax, đọc xuôi rồi đọc ngược.

Illuminati, anh thì thầm.

Langdon sững sờ ngồi sụp xuống ghế. Anh lặng đi một lúc, hoàn toàn ngây dại. Một lúc sau, anh nhận ra ánh đèn đỏ vẫn đang nhấp nháy trên máy fax. Người gửi cho anh bản fax này vẫn đang giữ máy... chờ nói chuyện với anh. Langdon nhìn ánh dèn đỏ nhấp nháy một hồi lâu.

Rồi anh run rẩy nhấc điện thoại.

--- ------ ------ ------ -------

1 Tulsa: Thành phố lớn thứ hai ở bang Oklahoma, Mỹ.

2 Ekuaba: tượng một vị thần làm bằng gỗ - biểu tượng cho sự phồn thịnh ở Ghana và các khu vực phụ cận.

3 Aegean: vùng biển nằm gần Địa Trung Hải, giữa phía Nam bán đảo Balkan và Anatolian (giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ)
 
Chương 2


- Liệu tôi đã được anh chú ý đến chưa? - Giọng nói của người đàn ông cất lên khi anh trả lời đường dây.

- Vâng, ông đã làm được cái việc chết tiệt ấy rồi đấy. Ông muốn giải thích gì về bản thân?

- Ban nãy tôi đã định trình bày với ông. - Giọng nói có vẻ cứng nhắc. - Tôi là một nhà vật lí, đang điều hành một cơ sở nghiên cứu. Ở đây vừa xảy ra một vụ án mạng. Ông dã nhìn thấy xác chết rồi đấy.

- Làm thế nào ông tìm ra tôi? - Langdon hầu như không thể tập trung được vì tâm trí anh vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh trên tờ fax.

- Tôi đã nói với ông rồi. Trên mạng toàn cầu. Trên trang web về cuốn sách của ông: Nghệ thuật của Illuminati.

Langdon cố gắng tập trung suy nghĩ. Cuốn sách của anh ít người trong giới học thuật biết đến, nhưng nó vẫn được tung lên mạng. Tuy nhiên, những gì người đàn ông này nói có vẻ không hợp lí.

- Trang web đó không có thông tin liên lạc. - Langdon nói - Tôi chắc như vậy.

- Người của tôi ở phòng thí nghiệm rất thạo việc moi thông tin của người sử dụng từ trên mạng.

Langdon vẫn còn hoài nghi:

- Nghe cứ như phòng thí nghiệm của ông biết rất nhiều về Internet.

- Đúng thế, - người đàn ông đáp trả. - Chúng tôi tạo ra nó mà.

Giọng nói của người này cho thấy ông ta không đùa.

- Tôi cần gặp ông? - người gọi điện khăng khăng - Vấn đề này không thể đề cập trên điện thoại được. Phòng thí nghiệm của chúng tôi chỉ cách Boston một giờ bay.

Langdon đứng im dưới ánh sáng lờ mờ hắt ra từ bàn làm việc, chăm chú nhìn bản fax trong tay. Hình ảnh quá ấn tượng, có lẽ phải mất cả thế kỷ để tìm kiếm. Một thập kỷ nghiên cứu của anh chỉ để khẳng định một dấu hiệu.

- Rất khẩn cấp đấy. - Giọng nói ở đầu dây bên kia lộ rõ vẻ căng thẳng.

Mắt Langdon dán chặt vào hình dấu khắc. Illuminati, anh đọc đi đọc lại. Các công trình nghiên cứu của anh luôn dựa vào các biểu tượng đào từ dưới đất lên - những tài liệu cổ xưa với những câu chuyện truyền miệng - nhưng hình ảnh trước mắt anh là của thực tại. Của thời hiện tại. Anh thấy mình giống như một nhà cổ sinh vật đang đối mặt với một con khủng long sống.

- Tôi sẽ cử một máy bay riêng đến chỗ ông, - giọng nói cất lên. - Nó sẽ có mặt ở Boston trong vòng 20 phút nữa.

Langdon cảm thấy miệng đắng ngắt. Một giờ đồng hồ bay...

- Xin hãy tha lỗi cho sự đường đột của tôi, - giọng nói tiếp tục, - nhưng tôi cần ông ở đây.

Langdon nhìn lại bản fax - một bí ẩn cổ đại trong bức ảnh đen trắng. Y nghĩa sâu xa của nó thì thật là ghê rợn. Anh lại nhìn lơ đãng qua khung cửa sổ. Những tia nắng bình minh đầu tiên đang chiếu xuống hàng cây bulô ngoài vườn, nhưng sáng nay quang cảnh trông khác hẳn. Sự đan xen kỳ lạ của nỗi sợ hãi và cảm giác phấn khích tràn ngập trong anh. Langdon biết anh không còn sự lựa chọn nào khác.

- Ông đã thắng. - Anh nói - Cho tôi biết chỗ đậu máy bay.


Cách đó hàng chục ngàn kilômét, hai người đàn ông đang gặp nhau trong một căn phòng tối tăm bằng đá xây từ thời Trung cổ.

Benvenuto(1), người có quyền lực nói. Ông ta ngồi trong bóng tối nên không nhìn rõ mặt.

- Ngươi có làm được việc không?

Si(2), bóng đen đáp lại.

- Perfettamente(3) – Lời nói của hắn chắc như đinh đóng cột.

- Và không thể biết được ai là người phải chịu trách nhiệm?

- Không.

- Tuyệt vời. Ngươi đã lấy được thứ ta yêu cầu chưa?

Đôi mắt của kẻ giết người sáng quắc lên. Hắn đưa ra một thiết bị điện tử khá nặng và đặt lên bàn.

Người đàn ông trong bóng tối có vẻ hài lòng:

- Ngươi được việc lắm.

- Được phụng sự hội là niềm vinh dự đối với tôi. – Kẻ giết người đáp.

- Giai đoạn hai sẽ bắt đầu sớm thôi. Hãy nghỉ ngơi đi. Đêm nay chúng ta sẽ thay đổi cả thế giới.

Chú thích:

(1) Benvenuto (tiếng Ý): Chào mừng, Xxin chào.

(2) Si (tiếng Ý): Có.

(3) Perfettamente (tiếng Ý): Tuyệt vời.
 
Chương 3


Cách đó hàng chục ngàn kilômét, hai người đàn ông đang gặp nhau trong một căn phòng tối tăm bằng đá xây từ thời Trung cổ.

Benvenuto(1), người có quyền lực nói. Ông ta ngồi trong bóng tối nên không nhìn rõ mặt.

- Ngươi có làm được việc không?

Si(2), bóng đen đáp lại.

- Perfettamente(3) – Lời nói của hắn chắc như đinh đóng cột.

- Và không thể biết được ai là người phải chịu trách nhiệm?

- Không.

- Tuyệt vời. Ngươi đã lấy được thứ ta yêu cầu chưa?

Đôi mắt của kẻ giết người sáng quắc lên. Hắn đưa ra một thiết bị điện tử khá nặng và đặt lên bàn.

Người đàn ông trong bóng tối có vẻ hài lòng:

- Ngươi được việc lắm.

- Được phụng sự hội là niềm vinh dự đối với tôi. – Kẻ giết người đáp.

- Giai đoạn hai sẽ bắt đầu sớm thôi. Hãy nghỉ ngơi đi. Đêm nay chúng ta sẽ thay đổi cả thế giới.

Chú thích:

(1) Benvenuto (tiếng Ý): Chào mừng, Xxin chào.

(2) Si (tiếng Ý): Có.

(3) Perfettamente (tiếng Ý): Tuyệt vời
 
Chương 4


Chiếc xe SABB 9005 của Robert Langdon lao vun vút trong đường hầm Callahan và nhô lên ở bờ đông cảng Boston, gần lối vào sân bay Logan. Nhìn kỹ lại hướng đi, Langdon thấy đường Aviation và anh rẽ trái đi qua toà nhà của hãng hàng không Phương Đông. Cách lối vào gần 300m, một gara chứa máy bay lù lù hiện ra trong bóng tối, trên thân máy bay hiện con số "4" to tướng. Anh cho xe vào gara và bước ra ngoài.

Một người đàn ông có khuôn mặt tròn mặc bộ đồ bay màu xanh nước biển xuất hiện từ phía sau toà nhà.

- Ông Robert Langdon? - Anh ta gọi bằng giọng thân thiện. Langdon không thể xác định được anh ta nói bằng thứ thổ ngữ nào.

- Tôi đây. - Langdon vừa nói vừa khoá xe.

- Cực kỳ đúng giờ. - Người đàn ông nói - Chúng tôi cũng vừa hạ cánh. Xin mời đi theo tôi!

Khi họ đi vòng ra sau toà nhà, Langdon bắt đầu cảm thấy căng thẳng. Anh không quen với những cuộc điện thoại bí ẩn và gặp gỡ với những người xa lạ. Không biết phải làm thế nào nên anh chỉ ăn mặc như thường ngày lên lớp - đôi giày vải bố, áo cổ lọ và thêm chiếc áo vét vải tuýt hiệu Harris. Vừa bước đi, anh vừa nghĩ về tờ fax để trong túi áo, vẫn không thể tin nổi hình ảnh đó.

Viên phi công đường như cảm nhận được nỗi lo lắng của Langdon.

- Ông không sợ bay chứ?

- Không hề, - Langdon đáp lại. Xác chết bị đóng dấu nung mới là vấn đề chính. Liệu mình có thể giải quyết được vụ việc này hay không?

Người đàn ông dẫn anh đi dọc theo nhà ga chứa máy bay. Họ đi vòng qua một góc rồi rẽ vào dường băng.

Langdon đứng chết lặng trên đường, há hốc mồm nhìn chiếc phi cơ đang đỗ trên sân băng rải nhựa.

- Chúng ta sẽ di bằng cái này sao?

Người kia cười cười:

- Ông không thích à?

Langdon nhìn chằm chằm một hồi.

- Thích ư? Cái thứ quỷ quái này là gì vậy?

° ° °

Chiếc phi cơ trước mật họ thật đồ sộ. Nó gần giống chiếc tàu vũ trụ con thoi, trừ phần đầu đã được gọt đi trông khá bằng phẳng. Đậu lên đường băng, nó giống như một cái nêm khống lồ. Ấn tượng đầu tiên của Langdon là anh thấy mình như đang trong mơ. Trông nó giống như chiếc ô tô Buick trên không. - Trên thực tế, máy bay gần như không cánh - chúng chỉ như hai chiếc vây ngắn gắn vào thân máy. Bộ phận dẫn hướng nhô ra ở phần đuôi. Phần còn lại là thân máy bay - dài khoảng 61 mét không có cửa sổ, không có gì khác, chỉ đơn thuần là thân máy.

- Nếu nạp đầy nhiên liệu, trọng lượng máy bay là 250 tấn, viên phi công nói với giọng huênh hoang tựa như ông bố đang khoe đứa con sơ sinh. - Chạy bằng nguyên liệu hydro lỏng. Vỏ bằng hợp kim titan và sợi cac-bua si-li-côn. Tỷ lệ áp lực / trọng lượng là 20:1; động cơ phản lực thường chỉ chạy ở mức 7:1. Ngài giám đốc hẳn đang rất cần gặp ông. Thường thì ông ấy không cử chiếc máy bay này đi.

- Thứ này bay được à? - Langdon hỏi.

Viên phi công mỉm cười:

- Ồ, vâng. - Anh ta dẫn Langdon vượt qua đường băng tiến đến chiếc máy bay. - Ông có vẻ hơi ngạc nhiên, tôi biết, nhưng ông nên làm quen với nó. Trong 5 năm tối, ông sẽ toàn thấy những chiếc máy bay như thế - máy bay HSCT - phương tiện vận chuyển dân dụng tốc độ cao. Phòng thí nghiệm của chúng tôi là một trong những nơi đầu tiên sở hữu máy bay kiểu này.

Phòng thí nghiệm chết tiệt, Langdon thầm nghĩ

- Chiếc này là mô hình của Boeing X-33, - viên phi công tiếp tục, - nhưng còn hàng chục chiếc khác - máy bay hàng không vũ trụ quốc gia, người Nga có Scramjet, người Anh có HOTOL. Đây là máy bay của tương lai. Ông có thể tạm biệt những chiếc máy bay phản lực cổ điển được rồi.

Langdon nhìn chiếc phi cơ với vẻ thận trọng.

- Tôi vẫn thích loại máy bay phản lực truyền thống hơn.

Viên phi công chỉ tay về phía cầu thang:

- Đường này, thưa ông Langdon. Cẩn thận đấy!

Vài phút sau Langdon đã ngồi trong cabin máy bay vắng lặng. Viên phi công cài khoá an toàn cho Langdon ở hàng ghế trước rồi tiến về phía đầu máy bay.

Thật kinh ngạc, ở bên trong cabin, mọi thứ trông giống như một khoang máy bay thương mại cỡ lớn. Điều duy nhất làm Langdon không thoải mái là anh không thấy có cửa sổ. Cảm giác sợ bị giam hãm vẫn ám ảnh anh đến lận bây giờ - hậu quả của một tai nạn thời thơ ấu mà anh chưa vượt qua được.

Ác cảm của Langdon đối với không gian kín có giảm đi đôi chút nhưng nó vẫn hiện hữu theo nhiều cách tinh tế và khiến anh thấy mệt mỏi. Anh luôn tránh những môn thể thao trong nhà như quần vợt sân tường, hay bóng quần, và anh cũng không luyến tiếc khi phải trả tiền để được sống trong căn nhà kiểu Victoria trần cao, thoáng khí dù trong trường luôn luôn có nhà ở.

Langdon cho rằng thế giới nghệ thuật hấp dẫn anh ngay từ khi anh còn bé bởi anh yêu thích những khoảng không rộng mở trong các viện bảo tàng.

Tiếng động cơ khởi động ngay dưới chân anh. Chiếc máy bay lắc mạnh. Langdon thở khó nhọc và chờ đợi. Anh cảm thấy chiếc phi cơ bắt đầu di chuyển. Tiếng sáo tiêu dạo khúc nhạc đồng quê đang khe khẽ vang lên ngay trên đầu.

Điện thoại trên tường kêu bíp bíp. Langdon nhấc ống nghe.

- Xin chào!

- Ông cảm thấy thoải mái chứ, ông Langdon?

- Không hề.

- Thư giãn đi. Chúng ta sẽ đến đó trong vòng một tiếng nữa.

- Thế chính xác nơi đó ở đâu? - Langdon hỏi vì nhận ra anh không hề biết một chút gì về nơi anh đang đến.

- Geneva. - Viên phi công trả lời và tăng tốc động cơ. - Phòng thí nghiệm nằm ở Geneva.

- Geneva, - Langdon nhắc lại, cảm thấy thoải mái hơn chút ít. - Phía trên bang New York. thực sự tôi cũng có họ hàng ở gần hồ Seneca. Tôi không biết là ở Geneva có phòng thí nghiệm vật lí đấy.

Viên phi công phì cười:

- Không phải Geneva ở New York đâu. Geneva ở Thuỵ Sĩ kia.

Phải mất một lúc Langdon mới hiểu được từ đó:

- Thuỵ Sĩ? - Anh cảm thấy mạch máu đập ùng ùng: - Tôi tưởng các anh bảo phòng thí nghiệm chỉ cách có một giờ bay!

- Đúng đấy, ông Langdon. - Viên phi công cười thầm. - Máy bay này bay với tốc độ siêu thanh Mach 15 1.

--- ------ ------ ------ -------

1 Bay nhanh gấp 15 lần so với tốc độ âm thanh.
 
Chương 5


Trên một đường phố ở châu Âu, tên giết người đang luồn lách giữa dòng người đông đúc. Hắn là kẻ đầy uy lực. Da ngăm ngăm và mạnh mẽ. Vẻ nhanh nhẹn giảo hoạt. Các cơ trong người hắn vẫn căng lên sau cuộc gặp mặt ly kỳ đó.

"Mọi việc đều tối đẹp" hắn tự nhủ. Mặc dù kẻ thuê hắn không bao giờ để lộ mặt nhưng tên sát nhân vẫn cảm thấy hãnh diện khi được gặp người đó. Có phải ông chủ liên lạc với hắn lần đầu cách đây chỉ mới 15 ngày? Tên giết người vẫn còn nhớ như in lừng lời trong cuộc điện thoại đó...

- Tên ta là Janus. - Người gọi điện nói - Chúng ta là những huynh đệ cùng chung một kẻ thù. Ta nghe nói ngươi rất được việc.

- Cái đó còn phụ thuộc vào việc ông đại diện cho ai, - kẻ giết người đáp.

Người gọi điện nói cho hắn biết.

- Ông có đùa không đấy?

- Ta biết ngươi đã nghe nói đến tên của chúng ta, - người gọi điện đáp.

- Đương nhiên. Hội kín này chỉ còn là truyền thuyết.

- Và ngươi vẫn còn nghi ngờ.

- Ai mà chẳng biết hội kín đó đã tiêu tan thành cát bụi.

- Đó chỉ là một âm mưu để đánh lừa kẻ địch thôi. Kẻ thù nguy hiểm nhất chính là kẻ mà không ai ngờ đến.

Tên sát nhân vẫn còn ngờ vực:

- Hội kín đó vẫn còn tồn tại?

- Bí mật hơn bao giờ hết. Bọn ta có chân rết khắp nơi, mọi thứ như ngươi thấy... thậm chí cả ở trong pháo đài thiêng liêng nhất của kẻ thù muôn đời của hội.

- Không thể nào. Nơi đó là bất khả xâm phạm.

- Tầm với của chúng ta rất xa.

- Không ai có thể với xa như vậy.

- Ngươi sẽ tin điều này ngay thôi. Một cuộc biểu trưng quyền lực vô cùng hoành tráng của hội chúng ta sắp bắt đầu. Ngươi sẽ thấy!

- Ông đã làm gì?

Kẻ gọi điện nói cho hắn biết. Tên giết người mở to mắt:

- Điệp vụ đó là bất khả thi.

Ngày hôm sau, báo chí trên toàn thế giới đều đưa chung một cái tin. Tên giết người hoàn toàn tâm phục khẩu phục.

Bây giờ, sau 15 ngày, niềm tin của tên sát thủ đã được củng cố, bóng đêm ngờ vực đã tan biến hẳn. Hội kín vẫn còn tồn tại, hắn nghĩ. Đêm nay họ sẽ sống dậy và thực thi quyền lực.

Rảo bước trên phố, đôi mắt hắn ánh lên đầy hiểm ác. Một trong những hội kín đáng sợ nhất trên đời này đã vời đến hắn.

Họ đã lựa chọn một cách khôn ngoan, hắn nghĩ. Danh tiếng về tài giết người và sự kín mồm kín miệng của hắn đã vang xa.

Cho đến tận bây giờ, hắn vẫn luôn nhiệt tình phục vụ họ. Hắn đã giết người và chuyển cho Janus thứ ông ta yêu cầu. Bây giờ Janus muốn đặt vật đó ở đâu là tuỳ ông ta.

Nơi đặt vật đó...

Tên sát nhân băn khoăn không hiểu làm thế nào Janus có thể giải quyết một việc khó khăn đến vậy. Người này rõ ràng có nội gián. Quyền lực của hội kín dường như vô tận.

Janus, kẻ giết người nghĩ. Rõ ràng đây là một bí danh. Hắn băn khoăn, liệu nó có ngụ ý chỉ vị thần hai mặt của người La Mã... hay để chỉ mặt trăng của thần Satuya không? Không khác nhau là mấy. Janus đang sở hữu quyền lực vô biên. Ông ta đã minh chứng điều này một cách hết sức thuyết phục.

Chân tiếp tục sải bước, tên sát thủ hình dung tổ tiên đang mỉm cười với hắn. Đêm nay, hắn sẽ chiến đấu cho cuộc chiến của họ, cho kẻ thù chung mà họ đã chiến đấu từ bao lâu nay, từ thế kỷ XI… khi những đội quân thập tự chinh lần đầu tiên hành quân đến vùng đất quê hương hắn, bắn giết và cưỡng bức dân lành, viện cớ rằng họ không thanh sạch, rồi làm ô uế các đền thờ và các vị thần của họ. Tổ tiên của hắn từng tạo ra một đội quân nhỏ nhưng tinh nhuệ để tự bảo vệ mình. Đội quân này trở nên nổi tiếng khắp nơi với vai trò người bảo vệ - những tay đao phủ thiện nghệ lang thang khắp các vùng và tiêu diệt bất kỳ kẻ thù nào họ bắt gặp.

Những người này nổi tiếng không chỉ bởi kiểu giết người man rợ mà còn bởi những trận say ma tuý mà họ tự thưởng cho mình sau mỗi lần giết chóc. Thứ thuốc mà họ thường dùng là một loại chất gây nghiện có tên gọi hashish. Từ khi trở nên nổi tiếng khắp nơi, những sát thủ chuyên nghiệp này được gọi bằng một cái tên chung - Hassasin - nghĩa là "những tông đồ của hashish". - Cái tên Hassasin đồng nghĩa với sự chết chóc trong hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới. Ngày nay, từ này vẫn được sứ dụng, kể cả trong tiếng Anh hiện dại… nhưng giống như những thủ thuật giết người, từ này cũng phát triển thêm.

Bây giờ người ta dùng thuật ngữ assasin- Sát thủ.
 
Chương 6


64 phút đã trôi qua kể từ khi Robert Langdon, với vẻ hoài nghi và say máy bay, bước từ cầu thang máy bay xuống dải đường băng ngập tràn ánh nắng mặt trời. Làn gió khô lạnh thổi qua, khiến chiếc áo jacket vải tuyt của anh bay lật phật. Khoảng không gian mở thật tuyệt vời. Anh dưa mắt quan sát khắp thung lũng xanh tươi với những đỉnh núi phủ đầy tuyết bao quanh.

Ta đang mơ, anh tự nhủ. Từ bây giờ ta sẽ phải tỉnh táo.

- Xin chào mừng ông đến với Thuỵ Sĩ. - Viên phi công nói, cố át tiếng gầm rú của động cơ HEDM từ chiếc X-33 đang nhả khói ngay sau lưng họ.

Langdon kiểm tra đồng hồ. 7 giờ 07 phút sáng.

- Ông vừa bay qua sáu múi giờ, - viên phi công nói - Bây giờ ở đây là hơn 1 giờ chiều rồi.

Langdon đặt lại đồng hồ.

- Ông thấy thế nào?

Anh lấy tay xoa bụng"

- Như thể tôi vừa ăn món bọt biển.

Viên phi công gật đầu"

- Say độ cao thôi. Chúng ta bay cách mặt đất hơn 18.000 mét. Ở trên đó, trọng lượng của ông nhẹ đi 30%. May mắn thay chúng ta mới chỉ thực hiện bước nhảy nhỏ. Nếu đi Tokyo, tôi phải nhảy xa nhiều hơn nữa - những 160km. Bấy giờ thì lục phủ ngũ tạng của ông sẽ lộn tùng phèo hết.

Langdon uể oải gật đầu, anh tự thấy mình vẫn còn may mắn. Như đã nói, chuyến bay rất suôn sẻ. Ngoại trừ cú xóc lúc tăng tốc cất cánh chuyền động của chiếc máy bay này giống hệt các máy bay bình thường khác - thỉnh thoảng rơi vào vùng xoáy, vài lần thay đổi áp suất do thay đổi độ cao, nhưng không hề có cảm giác bị va mạnh trong không gian khi máy bay chuyển động với vận tốc 17.600km/h.

Một số kỹ thuật viên đang chạy hối hả trên đường băng và tiến lại gần chiếc X-33. Viên phi công hộ tống Langdon đến chiếc Peugeot mui kín màu đen đang đỗ trong bãi đỗ xe bên cạnh tháp điều khiển. Một lát sau, họ đã lao nhanh trên con đường trải rộng tới chân thung lũng. Một khu nhà thấp thoáng nhô lên ở phía xa. Bên ngoài, những đồng cỏ lúc ẩn lúc hiện, rẽ sang hai bên.

Langdon sửng sốt khi thấy viên phi công chạy xe với tốc độ 170km/h - trên 100 dặm một giờ. Gã này làm sao thế nhỉ? Anh băn khoăn.

- Năm cây số nữa sẽ đến phòng thí nghiệm, - viên phi công nói - Hai phút nữa chúng ta sẽ có mặt ở đó.

Langdon đưa mắt tìm đai an toàn nhưng vô vọng. Sao không là 3 phút để mình còn có cơ sống sót nhỉ?

Chiếc xe tăng tốc.

- Ông có thích nhạc Reba không? - Viên phi công vừa hỏi vừa nhét cuốn băng cát-sét vào hộc.

Một giọng nữ cất lên. "Đó chỉ là nỗi sợ cô đơn…"

Không có nỗi sợ nào cả, Langdon lơ đễnh nghĩ. Một số nữ đồng nghiệp thường đùa anh rằng bộ sưu tập các hiện vật đáng trưng bày ở bảo tàng của anh chẳng qua là để lấp kín ngôi nhà trống trải, ngôi nhà mà họ khăng khăng cho rằng nó sẽ tuyệt vời hơn nếu có bàn tay chăm sóc của phụ nữ. Langdon thì thấy chuyện đó thật nực cười. Anh nhắc họ rằng anh có ba tình yêu lớn trong đời biểu tượng học, bóng nước Polo và thói quen độc thân - tình yêu cuối cùng này cho phép anh được tự do đi khắp nơi trên thế giới, ngủ nướng thêm bất cứ lúc nào anh muốn và hưởng những đêm yên tĩnh tại nhà với một chai rượu mạnh hay một cuốn sách hay.

- Khuôn viên chỗ chúng tôi không khác gì một thành phố thu nhỏ - viên phi công lên tiếng, kéo Langdon ra khỏi trạng thái mơ màng. - Không chỉ có phòng thí nghiệm, chúng tôi còn có cả siêu thị bệnh viện và rạp chiếu bóng.

Langdon lơ đễnh gật đầu và nhìn những loà nhà đang vụt qua trước mặt.

- Trên thực tế. - viên phi công nói tiếp. - chúng tôi sở hữu cỗ máy lớn nhất thế giới.

- Thật sao? - Langdon đưa mắt nhìn xung quanh.

- Ngồi trong xe thế này thì không trông thấy được đâu! - Anh ta mỉm cười. - Nó nằm ở rất sâu, cách mặt đất những sáu tầng nhà kia.

Langdon không còn thời gian để hỏi. Bất ngờ, viên phi công đạp phanh, chiếc xe trượt ngay vào điểm đỗ bên ngoài một chòi gác.

Langdon đọc tấm biển trước mặt. SECURITE. ARRESTEZ 1.

Nhận ra nơi mình đang đặt chân tới, anh chợt thấy e ngại.

- Chúa ơi! Tôi không mang theo hộ chiếu!

- Không cần hộ chiếu, - người lái xe trấn an. - Chúng tôi đã có thoả thuận với chính quyền Thuỵ Sĩ.

Langdon im lặng quan sát người lái xe khi anh ta trình thẻ căn cước cho lính gác. Người lính gác dùng một thiết bị nhận dạng điện tử quét qua thẻ. Chiếc máy lập lòe ánh sáng màu xanh.

- Tên hành khách?

- Robert Langdon, - người lái xe đáp.

- Khách của ai?

- Giám đốc.

Người lính gác phướn mày. Anh ta quay lại và kiểm tra dữ liệu từ máy tính, đối chiếu thông tin trên màn hình, rồi quay ra cửa sổ và nói:

- Chúc vui vẻ, thưa ông Langdon.

Chiếc xe lại lao di chừng gần 200 mét quanh lối vòng lớn dẫn đến cửa chính của trung tâm. Hiện ngay trước mắt họ là một khu nhà bằng thuỷ tinh và thép hình chữ nhật cực kỳ hiện đại. Langdon kinh ngạc quan sát toà nhà trong suốt này. Anh luôn yêu thích các kiểu kiến trúc.

- Nhà thờ xây bằng kính. - Người hộ tống lên tiếng.

- Một nhà thờ?

- Ôi không. Nhà thờ là thứ chúng tôi không có. Vật lí là tín ngưỡng duy nhất ở đây. Ông có thể gọi tên Chúa mỗi khi cảm thấy tuyệt vọng, nếu ông muốn, - anh ta cười. - Nhưng đừng phỉ báng hạt quark hay meson 2.

Langdon lặng người đi khi người lái xe lượn chiếc ô tô vòng quanh và dừng lại phía trước toà nhà kính. Hạt quark và meson? Không biên giới? Phản lực Mach 15 3? Câu trả lời nằm ở dòng chữ khắc trên tấm biển đá granite phía trước toà nhà viết:

CERN 4

Collseil Européen pour la Recherchc Nuclcaire

"Nghiên cứu hạt nhân?" Không biết mình dịch có đúng không, Langdon cất tiếng hỏi.

Người lái xe không trả lời. Anh ta đang cúi người về phía trước điều chỉnh chiếc máy cát-sét trong xe tô.

- Đã đến nơi. Giám đốc sẽ gặp ông ngay ở cửa.

Langdon trông thấy một người đàn ông đang ngồi trên xe lăn, ngay lối vào toà nhà. Ông ta trạc 60 tuổi, khuôn mặt hốc hác, đầu hói, mặc chiếc áo phòng thí nghiệm trắng toát, đôi giày đặt chắc chắn trên bệ kê chân của chiếc xe lăn. Từ rất xa đã nhận thấy đôi mắt vô hồn của con người này - hai mắt như hai viên đá xám.

- Ông ta đấy phải không? - Langdon hỏi.

Người lái xe ngước lên.

- Ồ, đúng đấy. - Anh ta quay lại nhìn Langdon và nở nụ cười vẻ hăm doạ. - Nhắc đến Tào Tháo là Tào Tháo có mặt.

Không biết chắc điều gì sắp xảy ra, nhưng Langdon vẫn bước đến bên chiếc xe lăn..

Người đàn ông ngồi trên xe tiến về phía Langdon và chìa bàn tay ướt nhoẹt.

- Ông Langdon phải không? Chúng ta đã nói chuyện với nhau qua điện thoại. Tên tôi là Maximilian Kohler!

--- ------ ------ ------ -------

1 Securite. Arrestez (tiếng Pháp): An ninh. Dừng lại.

2 Quark hay meson là tên của loại hạt cơ bản (thuật ngữ dùng trong vật lý học).

3 Số Mach xuất phát từ tên gọi của nhà vật lý học người Australia, Emst Mach. Mach 1 là tốc độ âm thanh, xấp xỉ bằng 1.216 km/h ở mực nước biển.

4 CERN: Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu.
 
Chương 7


Khi không có mặt Maximilian Kohler - Tổng Giám đốc CERN, người ta còn gọi ông là Konig - Ông vua. Danh hiệu này khiến mọi người cảm thấy sợ hãi hơn là tôn kính đối với một người cai trị đầy quyền lực ngồi trên ngai vàng - chiếc xe lăn. Mặc dù ít người được tiếp xúc riêng với ông ta, nhưng câu chuyện khủng khiếp vì sao ông ta tàn tật thì ai ở CERN cũng biết, và một số ít người cằn nhằn về tính khí gay gắt của ông… chứ không phải niềm đam mê khoa học thuần tuý.

Dù mới tiếp xúc với Kohler, Langdon nhận ra ngay, giám đốc Kohler luôn tự mình giữ khoảng cách. Anh phải đi rất nhanh mới theo kịp chiếc xe lăn chạy bằng điện của Kohler khi họ im lặng tiến đến cửa chính. Chiếc xe lăn này không giống bất cứ chiếc nào mà Langdon từng nhìn thấy - nó được trang bị nhiều thiết bị điện tử gồm hệ thống điện thoại đa đường dây, hệ thống nhắn tin, màn hình máy tính, thậm chí cả máy quay camera nhỏ có thể tháo rời. Nó thực sự là trung tâm chỉ huy di động của vua Kohler.

Langdon bước qua cánh cửa dẫn vào sảnh chính rộng lớn của CERN.

Nhà thờ kính, Langdon đăm chiêu, ngước mắt nhìn lên trời.

Phía trên, mái nhà kính màu xanh nhạt lấp lánh dưới ánh mặt trời ánh lên những tia nắng, tạo ra các tia có dạng hình học trong không gian, mang lại cảm giác về một gian đại sảnh kỳ vĩ. Những vệt tối góc cạnh buông thõng tựa như những đường vân cắt ngang bức tường ốp gạch trắng, rồi phủ xuống nền nhà lát đá cẩm thạch. Không khí sạch sẽ, thoáng mùi thuốc khử trùng. Một nhóm các nhà khoa học đang vội vã đi tới đi lui, bước chân họ dội vào khoảng không.

- Lối này, ông Langdon! - Tiếng ông ta vang lên như một chiếc máy, giọng nói cứng nhắc, khô khan y như vẻ ngoài nghiêm nghị của ông ta. Kohler húng hắng ho và lau miệng bằng chiếc khăn mùi xoa trắng, trong khi đôi mắt xám cô hồn nhìn chằm chặp vào Langdon.

- Nào, hãy nhanh chân lên. - Chiếc xe lăn dường như muốn lao vút đi trên sàn nhà ốp đá.

Langdon cứ bước theo ông ta, đi qua những dãy hành lang tưởng như vô tận. Mỗi dãy hành lang đều rất sống dộng. Các nhà khoa học trông thấy Kohler đều tỏ vẻ ngạc nhiên, đưa mắt nhìn Langdon như muốn hỏi anh ta phải là người thế nào thì mới được ưu ái đến vậy.

- Tôi rất xấu hổ khi phải thú nhận rằng, - Langdon đánh bạo lên tiếng, cố gắng bắt chuyện. - Tôi chưa bao giờ nghe nói đến CERN cả.

- Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, - Kohler đáp, câu trả lời gấp gáp của ông ta nghe có vẻ cay nghiệt - Đa số người Mỹ không xem châu Âu là cái nôi của những nghiên cứu khoa học. Họ chỉ coi chứng tôi là một khu vực buôn bán kỳ dị - một quan niệm kỳ quặc nếu ông nhìn lại quốc tịch của những người như Anhxtanh, Galieo hay Newton.

Langdon không biết phải trả lời ra sao. Anh lôi tờ fax từ trong túi áo ra.

- Người đàn ông trong tờ fax này, ông có thể…

Kohler vẫy tay ngắt lời anh:

- Thôi nào. Không phải ở đây. Tôi sẽ đưa ông đến chỗ ông ta ngay bây giờ. - Ông ta chìa tay ra - Có lẽ tôi nên lấy lại cái đó.

Langdon đưa cho ông ta tờ fax và im lặng bước theo.

Kohler đột ngột rẽ trái rồi đi vào một sảnh rộng treo đầy bằng khen và huy chương. Một tấm biển lớn chắn ngay lối vào.

Langdon chậm rãi đọc hàng chữ được khắc bằng đồng trên đó.

GIẢI THƯỞNG ARS ELECTRONICA

Vì những sáng tạo văn hoá trong thời kỳ kỹ thuật số

Trao cho Tim Berners Lee và CERN vì phát minh ra

MẠNG THÔNG TIN TOÀN CẦU

Ồ mình thật tệ, Langdon nghĩ thầm khi đọc những dòng chữ này. Ông ta không đùa tí nào. Anh cứ tưởng rằng người Mỹ phát minh ra Web. Và vốn kiến thức của anh cũng chỉ giới hạn ở mấy trang web tải cuốn sách của anh hay thỉnh thoảng anh lên mạng tìm tài liệu về Bảo tàng Louvre hay El Prado bằng cái máy Macintosh cổ lỗ sĩ của mình.

- Mạng toàn cầu, - Kohler vừa nói vừa ho và lau miệng - Ban đầu, đây là một mạng kết nối các máy tính nội bộ. Nó cho phép các nhà khoa học từ nhiều bộ phận khác nhau chia sẻ những phát kiến của họ hàng ngày. Đương nhiên, cả thế giới đều cho rằng Web là công nghệ của Hoa Kỳ.

Langdon vẫn bước dọc hành lang.

- Sao không công bố chuyện này một cách công khai?

Kohler nhún vai, rõ rành không bận tâm.

- Một sự hiểu nhầm vặt vãnh về một công nghệ chẳng có gì to tát. CERN vĩ đại hơn rất nhiều so với việc nối mạng máy tính toàn cầu. Các nhà khoa học của tôi ngày nào cũng tạo ra những phép màu.

Langdon nhìn Kohler vẻ dò hỏi. Những phép màu? - Từ phép màu chắc chắn không nằm trong vốn tử vựng của Harvard. Phép màu là để dành cho khoa thần học.

- Ông có vẻ hoài nghi? - Kohler nói - Tôi nghĩ ông là nhà nghiên cứu biểu tượng học tôn giáo. Chẳng lẽ ông không tin vào phép màu sao?

- Tôi không dám chắc về những phép màu. - Langdon nói - Nhất là những thứ diễn ra trong phòng thí nghiệm.

- Có lẽ dùng từ phép màu ở đây chưa đúng lắm. Tôi chỉ muốn nói bằng ngôn ngữ của đất nước các ông thôi.

- Ngôn ngữ của tôi? - Langdon đột nhiên cảm thấy không thoải mái.

- Tôi không muốn làm ông thất vọng, nhưng tôi nghiên cứu biểu tượng tôn giáo - Tôi là một học giả chứ không phải một linh mục.

Kohler đột ngột giảm tốc độ và quay lại, ánh mắt ông ta dịu đi đôi chút:

- Đương nhiên. Tôi cũng khá đơn giản. Người ta không cần chờ đến lúc bị ung thư rồi mới đem ra phân tích các triệu chứng.

Langdon chưa bao giờ thấy ai lập luận kiểu như vậy.

Khi họ đi dọc hành lang, Kohler gật đầu đồng tình:

- Chắc là tôi và ông sẽ hiểu nhau rất nhanh thôi, ông Langdon ạ.

Dù sao thì Langdon cũng nghi ngờ điều đó.

° ° °

Khi hai người rảo bước nhanh hơn, Langdon bắt đầu thấy như có tiếng gõ trên đầu. Âm thanh càng ngày càng vang dội theo mỗi bước đi, vọng cả vào tường. Dường như nó phát ra từ phía cuối hành lang trước mặt họ.

- Cái gì vậy? - Cuối cùng Langdon cũng lớn tiếng hỏi. Anh cảm thấy như họ sắp đi vào chỗ có núi lửa đang hoạt động.

- Ông rơi tự do, - Kohler đáp, giọng nói ồm ồm của ông ta phá tan bầu không khí tẻ nhạt và ông không đưa ra thêm lời giải thích nào.

Langdon ngừng hỏi. Anh quá mệt mỏi, còn Maximilian Kohler thì dường như không muốn thể hiện lòng hiếu khách.

Langdon nhắc mình nhớ lại tại sao anh có mặt ở đây. Illuminati.

Anh chắc rằng ở đâu đó trong cái phòng thí nghiệm khổng lồ này có một xác chết… xác chết được đóng dấu biểu tượng mà anh phải bay gần 5.000 km tới để xem.

Khi họ đến cuối hành lang, tiếng động trở nên lo đến nỗi điếc cả tai, làm đế giày Langdon rung lên bần bật. Họ rẽ vào một lối ngoặt và nhìn thấy phòng trưng bày bên phải. Bốn cánh cửa dày gắn trên một bức tường cong, giống cửa sổ tàu ngầm. Langdon dừng lại và nhìn qua một trong những cái lỗ.

Giáo sư Langdon đã từng trông thấy nhiều thứ kỳ quặc trong đời nhưng đây là thứ kỳ lạ nhất. Anh chớp mắt mấy lần, băn khoăn không hiểu mình có bị ảo giác hay không. Anh nhìn chằm chằm vào căn phòng hình tròn khổng lồ. Bên trong là những người đang trôi bồng bềnh như không trọng lượng. Ba người tất cả. Một trong số họ vẫy chào và làm động tác nhào lộn trên không.

Chúa ơi, anh nghĩ. Mình đang ở vùng đất kỳ lạ của Oz.

Sàn nhà là một mạng lưới hỗn độn, giống như lưới chuồng gà. Những gì nhìn thấy được ở phía dưới chiếc lưới là ánh sáng kim loại lờ mờ của một cánh quạt lớn.

- Ông rơi tự do, - Kohler nói và dừng lại đợi anh. Trò chơi lộn nhào trên không trong nhà để xả stress. Đây là đường hầm quay theo chiều dọc.

Langdon nhìn với vẻ kinh ngạc. Một trong số những người lộn nhào là một phụ nữ béo phì đang tiến dần về phía cứa sổ. Bà ta đang bị dòng không khí đẩy đi nhưng vẫn cười tươi và giơ cao ngón tay cái với Langdon báo hiệu mọi việc tốt đẹp. Langdon mỉm cười yếu ớt, cũng đáp trả lại bằng cứ chỉ đó và băn khoăn không biết bà ta có biết rằng đấy là biểu tượng phồn thực cổ xưa, biểu trưng cho sức mạnh tình dục của đàn ông hay không.

Langdon nhận ra rằng bà béo đó là người duy nhất mang trên người một thứ trông giống như chiếc dù nhỏ xíu. Miếng vải quấn quanh người khiến bà ta trông chẳng khác gì một món đồ chơi.

- Cái dù bé của bà ta để làm gì vậy? - Langdon hỏi Kohler. - Nó có đường kính chưa đến 1 mét.

- Để ma sát, - Kohler nói - Làm giảm khí động lực học của bà ta, như thế cánh quạt ở dưới mới nhấc bà ta lên nổi. - Ông tiếp tục di chuyển dọc theo hành lang. - Mỗi mét vuông lực cản sẽ làm giảm trọng lượng rơi của cơ thể di gần 20%.

Langdon gật đầu lơ đễnh.

Anh không thể ngờ rằng vào đêm nay, ở một đất nước cách xa nơi đây hàng ngàn cây số, thông tin này sẽ cứu sống anh.
 
Chương 8


Cùng Kohler ra khỏi cổng hậu tổ hợp chính của CERN đứng ngắm ánh mặt trời Thuỵ Sĩ ảm đạm, Langdon thấy mình như được về nhà. Cảnh vật trước mắt anh trông giống như khu nội trú Ivy League 1.

Một con dốc phủ đầy cỏ dẫn xuống lối đi rộng phía dưới, nơi những rặng cây maple 2 điểm xuyết bốn góc sân tiếp giáp với khu nhà ở xây bằng gạch và những lối mòn. Những con người trông có vẻ uyên bác, tay ôm hàng chồng sách đang nhộn nhịp ra vào toà nhà như góp phần làm tăng không khí của một trường đại học, hai nhân vật tóc dài ăn mặc kiểu hippy ném dĩa Frisbee 3 qua lại cho nhau trong khi đang thường thức bản Giao hưởng số bốn của Mahler phát ra từ cửa sổ khu nội trú.

- Đây là khu nhà ở của chúng tôi, - Kohler giải thích khi ông ta tăng tốc xe lăn tiến xuống đường mòn về phía toà nhà. - Chúng tôi có trên 3000 nhà vật lý học ở đây. Chỉ riêng CERN đã thu nạp hơn một nữa số nhà vật lí hạt cơ bản trên thế giới - những bộ óc thông minh nhất - người Đức, người Nhật, người Ý và Hà Lan. Các nhà vật lí này đại diện cho hơn 500 trường đại học và 60 quốc gia trên thế giới.

Langdon ngạc nhiên.

- Họ làm thế nào để giao tiếp được với nhau?

- Dĩ nhiên là họ dùng tiếng Anh. Đó là ngôn ngữ toàn cầu của khoa học.

Langdon luôn nghe thấy người ta nói rằng Toán học mới là ngôn ngữ toàn cầu của khoa học, nhưng anh quá mệt mỏi nên không muốn tranh luận. Anh ngoan ngoãn đi theo Kohler xuống dưới đường.

Đi được nửa đường, họ gặp một thanh niên chạy bộ qua. Trên áo phông của anh ta có dòng chữ: KHÔNG GUT, KHÔNG VINH QUANG!

Langdon nhìn anh ta ngạc nhiên:

- Gut là gì?

- Thuyết thống nhất chung, Kohler châm biếm - Học thuyết về vạn vật.

- Tôi hiểu, - Langdon nói nhưng chẳng chú ý gì cả.

- Ông có biết vật lí hạt cơ bản 4 không, ông Langdon?

Langdon nhún vai:

- Tôi biết vật lí học đại cương - cơ thể rơi tự do, đại loại như thế. - Những năm tháng kinh nghiệm của môn nhảy cầu đã làm anh lưu tâm đặc biệt tới sức mạnh kinh ngạc của gia tốc rơi tự do. - Nghiên cứu vật lí hạt nguyên tử, đúng thế không?

Kohler lắc đầu:

- Nguyên tử giống như các hành tinh nếu so với những gì chúng tôi nghiên cứu. Mối quan tâm của chúng tôi là hạt nhân nguyên tử kia - chỉ bằng một phần trăm kích cỡ của nguyên tử. - Ông ta lại ho, vẻ rất ốm yếu - Tất cả mọi người ở CERN đều đang tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi chung mà nhân loại đặt ra từ thuở sơ khai. Chúng ta xuất hiện từ đâu? Được tạo thành từ vật chất nào?

- Và những câu trả lời này nằm trong phòng thí nghiệm vật lí?

- Ông có vẻ ngạc nhiên.

- Đúng thế. Những câu hỏi này dường như mang nặng chất tâm linh.

- Ông Langdon, tất cả những câu hỏi này đã từng liên quan đến lĩnh vực tâm linh. Ngay từ thuở xa xưa, tâm linh và tôn giáo đã cùng nhau lấp chỗ trống mà khoa học chưa khám phá nổi. Việc mặt trời mọc và lặn cũng được gán cho thần Helios và cỗ chiến xa lửa thần kỳ. Động đất và sóng thần là do sự nổi giận của thần Poseidon. Khoa học ngày nay chứng minh rằng những vị thần này chỉ là hình mẫu giả tưởng. Sắp tới tất cả những vị thần sẽ được minh chứng là hình mẫu giả tưởng. Khoa học ngày nay đã giải đáp gần hết mọi câu hỏi của con người. Chỉ còn vài câu hỏi nữa và chúng là những câu bí truyền. Loài người xuất hiện từ đâu? Chúng ta đang làm gì ở đây? Ý nghĩa của cuộc sống và vũ trụ là gì?

Langdon ngạc nhiên:

- Và đây là những câu hỏi mà CERN đang cố giải quyết?

- Sửa một chút. Đây là những câu hỏi mà chúng tôi đang tìm kiếm câu trả lời.

Langdon im lặng khi có hai người đàn ông đi lướt qua sân khu nhà ở. Langdon và Kohler đang đi thì một chiếc đĩa bay qua đầu và rơi ngay trước mặt họ. Kohler bỏ qua và đi tiếp.

Một giọng nói cất lên từ trong sân "S il vous plalt!" 5

Langdon nhìn quanh. Một người đàn ông luống tuổi tóc bạc mặc chiếc áo thể thao có in chữ College Paris trên ông tay đang vẫy anh. Langdon nhặt chiếc đĩa và ném lại cho ông ta một cách thành thạo. Ông già đó giơ một ngón tay chụp lấy và tung lên vài lần trước khi ném qua vai cho người bạn cùng chơi.

- Cám ơn! -Ông ta gọi với theo Langdon.

- Xin chúc mừng, - Kohler nói khi thấy anh bắt trúng cái đĩa. -Ông vừa chơi ném đĩa với một người từng giành giải Nobel, Georges Charpark đấy, người phát minh ra buồng tỉ lệ đa dây (Multi-vice Propotional Chamber).

Langdon gật đầu. Một ngày may mắn.

Phải mất ba phút nữa Langdon và Kohler mới đến đích, đó là một khu nhà lớn, gọn gàng và sạch sẽ nằm giữa rừng dương. So với những khu khác, toà nhà này có vẻ sang trọng hơn. Tấm biển khắc đá phía trước đề dòng chữ NHÀ C.

Một cái tên mang đầy tính tưởng tượng, Langdon nghĩ.

Mặc cho cái tên khô khan, toà nhà C thu hút sự chú ý của Langdon bởi lối kiến trúc rất bảo thủ và vững chắc, với mặt tiền màu gạch đỏ, hàng lan can trang trí và hàng rào chạm trổ cân xứng. Khi hai người đàn ông tiến xuống con đường đá dẫn đến lối vào họ băng qua cánh cổng được tạo bởi hai cột đá cẩm thạch. Ai đó đã dán một mẩu giấy nhắn trên một trong hai chiếc cột.

ĐÂY LÀ CỘT IONIC 6.

Dòng chữ nghịch ngợm của các nhà vật lí? Langdon trầm ngâm, mắt dán vào cột và tự mỉm cười một mình. "Tôi thở phào khi thấy chính những nhà vật lí lỗi lạc cũng mắc lỗi.

Kohler nhìn sang:

- Ý ông là gì?

- Người viết dòng chữ này mắc một sai lầm. Đó không phải là cột Ionic. Các cột Ionic đều có chiều rộng thống nhất. Cái kia có hình tháp nhọn: Nó được gọi là Doric - một bản sao của người Hy Lạp, rất nhiều người lầm lẫn kiểu này.

Kohler không buồn mỉm cười.

- Tác giả câu này muốn đùa một chút, ông Langdon ạ. Ionic có nghĩa hàm chứa i-ôn - các hạt tích điện. Đa số các vật thể đều chứa hạt này.

Langdon nhìn lại cây cột đó và rên lên.

Khi bước ra khỏi thang máy lên tầng trên cùng của toà nhà C, Langdon cảm thấy vốn kiến thức của mình thật ít ỏi. Anh theo Kohler đến một dãy hành lang được trang hoàng rất công phu. Lối trang trí tuyệt vời theo kiểu thuộc địa truyền thống của Pháp đi văng màu mận chín, lọ hoa bằng sứ, đồ gỗ chạm trồ.

- Chúng tôi muốn cuộc sống của các nhà khoa học nơi đây phải thật thoải mái. - Kohler giải thích.

Rõ rồi, Langdon thầm nghĩ. Anh hỏi.

- Vậy người đàn ông trong tờ fax cũng sống ở đây à? Có phải là một trong những nhân viên cấp cao của các ông không?

- Gần như vậy! - Kohler nói - Sáng nay ông ta bỏ lỡ một cuộc họp với tôi và không trả lời máy nhắn tin. Tôi lên đây để tìm và phát hiện ông ta đã chết trong phòng khách.

Langdon cảm thấy một luồng khí lạnh chạy qua khi biết rằng mình sắp nhìn thấy một xác chết. Anh chưa bao giờ gặp phải tình huống này. Hồi còn là sinh viên nghệ thuật, anh đã thấy nôn nao khi nghe giáo viên kể rằng Leonardo Da Vinci có được kinh nghiệm về giải phẫu cơ thể người là do đi khai quật những xác chết và mổ xẻ các cơ trên người họ.

Kohler dẫn đường đi tới cuối góc hành lang. Chỉ có một cánh cửa.

- Nhớ thông tầng, như chính các ông gọi. - Kohler tuyên bố, rồi thấm nhẹ những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán.

Langdon đưa mắt dọc tấm biển trên cánh cửa gỗ sồi trước mặt.

Trên tấm biển viết:

LEONARDO VETRA

- Leonardo Vetra, - Kohler nói - Tuần sau ông ta sẽ tròn năm 58 tuổi, ông ta là một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất của thời đại này. Cái chết của ông ấy là một mất mát lớn cho khoa học.

Trong chốc lát, Langdon cảm nhận được sự xúc động trên khuôn mặt cứng đờ của Kohler. Nhưng cảm xúc đó ngay lập tức tan biến. Kohler lần túi và lôi ra một chùm chìa khoá to.

Langdon chợt thấy lạ lùng. Toà nhà này dường như rất vắng vẻ.

- Mọi người đâu rồ? - anh hỏi. Nơi đây vắng bóng các hoạt động mà anh thường nghĩ đến khi họ sắp bước vào hiện trường một vụ giết người.

- Những cư dân ở đây đang trong phòng thí nghiệm, - Kohler đáp tay vẫn mải tìm chìa khoá.

- Ý tôi là cảnh sát kia, - Langdon nói lại cho rõ. - Họ đã rời khỏi dây rồi à?

Đang tra dở khoá vào ổ, Kohler lập tức ngừng lại:

- Cảnh sát?

Langdon nhìn thẳng vào mắt vị giám đốc:

- Cảnh sát chứ sao.

- Ông gửi cho tôi một tờ fax về vụ giết người. Hẳn ông đã phải gọi cảnh sát rồi chứ?

- Không thể được.

- Cái gì?

Đôi mắt màu xám của Kohler quắc lên:

- Tình hình rất phức tạp ông Langdon ạ.

Langdon cảm thấy e ngại;

- Nhưng… thể nào chả có người biết chuyện này rồi!

- Có. Con gái nuôi của Leonardo. Cô ấy cũng là nhà nghiên cứu vật lí của CERN. Hai cha con cô ấy cùng làm chung trong một phòng thí nghiệm. Họ là đồng nghiệp của nhau. Tuần này cô Vetra đi nghiên cứu thực nghiệm. Tôi đã thông báo về cái chết của cha cô ấy và trong khi chúng ta nói chuyện ở đây, cô ấy đang trên đường trở về.

- Nhưng có một người bị giết…

- Một cuộc điều tra chính thức, sẽ được tiến hành. - Kohler nói, giọng chắc nịch. - Tất nhiên, chắc chắn người ta sẽ tiến hành khám xét phòng thí nghiệm của Vetra, nơi hai cha con họ muốn giữ bí mật. Vì vậy chúng ta phải đợi đến khi cô Vetra trở về. Tôi cho là cần phải thận trọng một chút.

Kohler xoay chìa khoá.

Cánh cửa mở ra, một luồng khí lạnh từ trong phòng phả thẳng vào mặt Langdon. Anh hoang mang lùi lại, nhìn qua ngưỡng cửa của một thế giới xa lạ. Căn hộ trước mặt anh chìm trong màn sương mù màu trắng dầy đặc. Làn khói màu trắng đục bao phủ căn phòng và cuộn xoáy xung quanh đồ đạc.

- Cái gì thế này? - Langdon lắp bắp.

- Hệ thống làm lạnh freon, - Kohler đáp. - Tôi phải giữ lạnh căn phòng để bảo quản xác.

Langdon cài nút áo khoác vải tuýt để đỡ lạnh. Mình lạc vào xứ sở Oz 7 anh nghĩ. Lại còn quên không mang theo đôi dép thần kỳ.

--- ------ ------ ------ -------

1 Ivy League: Nhóm 8 trường Đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, trong đó có Harvard.

2 Maple: Cây thích (biểu tượng của Canada).>

3 Frisbee: Một trò chơi ném đĩa phố biến của trẻ em Mỹ.

4 Vật lý hạt (particle physics): Là một ngành của vật lý, nghiên cứu về các hạt sơ cấp chứa trong vật chất và bức xạ, cùng với những tương tác giữa chúng.

5 S'il vous plait (tiếng Pháp): Làm ơn.

6 Cột Ionic: cột trụ tròn, thường dùng trang trí ở những nơi quan trọng như đền thờ. Là một trong ba kiểu cột đỡ theo kiến trúc cổ của người Hy Lạp. Hai kiểu cột kinh điển kia là Doric và Corinthian.

7 Trích dẫn "Phù Thuỷ xứ Oz", khi Dorothy lạc vào xứ Oz cô bé có một đôi dép thần kỳ.
 
Chương 9


Xác chết trên sàn nhà trước mặt Langdon trông thật gớm ghiếc. Leonardo Vetra quá cố đang nằm ngửa, bị lột trần truồng, da xám xịt. Chỗ xương cổ bị gãy thò ra, đầu bị vặn ngược hoàn toàn. Mặt úp xuống sàn nhà, không nhìn thấy được. Người đàn ông này đang nằm trên đống nước tiểu đã đông cứng lại của chính mình, nhúm lông xung quanh bộ phận sinh dục của ông ta lấm tấm sương giá..

Cố kìm để không nôn oẹ, Langdon đưa mắt nhìn lên ngực nạn nhân. Dù Langdon có nhìn kỹ vết thương hình đối xứng trên tờ fax hàng chục lần, thì rõ ràng ở đây vết cháy trên thực tế vẫn tác động mạnh hơn nhiều. Chỗ thịt cháy sần sùi tạo thành… một biểu tượng hoàn chỉnh.

images

Langdon băn khoăn không hiểu liệu có phải anh lạnh người đi là do điều hoà nhiệt độ hay vì sự ngạc nhiên đến tột cùng trước tầm quan trọng của thứ mà anh được nhìn tận mắt.

Tim anh đập thình thịch khi đi vòng quanh xác chết, đọc ngược, đọc xuôi, khẳng định lại tính xác thực của hình đối xứng. Biểu tượng này không thể là giả mạo.

- Ông Langdon?

Langdon không nghe thấy gì. Anh đang ở một thế giới khác… thế giới của riêng anh, nơi lịch sử, truyền thuyết và sự thật hoà quyện vào nhau, khiến tim anh tràn ngập cảm xúc. Tất cả như bị cuốn vào một guồng quay.

- Ông Langdon? - Kohler nhìn anh thăm dò, đầy vẻ hy vọng.

Langdon không ngẩng lên. Anh đang tập trung cao độ:

- Ông biết được gì rồi nào?

- Điều duy nhất tôi đọc được trên trang web của ông là từ Illuminati có nghĩa là "những người khai sáng" - Đây là tên một hội kín cổ xưa gì đó.

Langdon gật đầu:

- Ông đã nghe nói đến nguyên tử này bao giờ chưa?

- Chưa, cho đến khi tôi nhìn thấy nó được khắc trên người ồng Vetra.

- Vì vậy ông tìm một trang web nói về thứ này?

- Đúng.

- Và kết quả cho ra hàng trăm tài liệu tham khảo, tôi chắc là như vậy

- Hàng ngàn, - Kohler nói. Trang web của ông chứa những tài liệu tham khảo từ Harvard, Oxford, nhiều nhà xuất bản danh tiếng cũng như danh sách các ấn bản liên quan. Là một nhà khoa học, tôi nhận ra rằng thông tin cũng như nguồn dẫn đều có giá trị. Uy tín của ông có vẻ rất đáng tin cậy.

Langdon vẫn dán mắt vào xác chết.

Kohler không nói thêm lời nào. Ông ta chỉ nhìn, rõ ràng đang chờ Langdon đưa ra đầu mối cho cảnh tượng trước mắt họ.

Langdon ngước mắt lên, nhìn quanh căn hộ lạnh giá.

- Có lẽ là nên thảo luận vấn đề này ở nơi nào ấm hơn?

- Phòng này là được rồi. - Kohler dường như quên đi cái lạnh. - Chúng ta nói chuyện ở đây.

Langdon nhíu mày. Lịch sử của hội Illuminati không hề đơn giản. Mình sẽ chết cóng mất nếu giải thích mọi chuyện ở đây. Anh quay lại nhìn dấu sắt nung, lòng trào lên một nỗi sợ hãi khác.

Mặc dù biểu tượng Illuminati là huyền thoại đời với ngành biểu tượng học hiện đại, những chưa một học giả nào thực sự nhìn thấy nó. Các tài liệu có xưa gọi biểu tượng này là ambigram, biểu tượng hai chiều đối xứng - ambi có nghĩa là "hai" - nó đọc được theo hai chiều. Và mặc dù ambigram rất phổ biến - dấu thập ngoặc, hình âm dương, ngôi sao của người Do thai, dấu nhân chéo đơn giản - song ý tưởng cho rằng bất cứ chữ nào cũng có thể tạo thành hình biểu tượng hai chiều đối xứng có vẻ bất khả thi. Các nhà biểu tượng học hiện đại đã mất nhiều nắm nỗ lực để làm giả chữ "Illuminati" với tỉ lệ cân xứng đến hoàn hảo những đều thất bại. Đa số các học giả cho rằng, sự tồn tại của biểu tượng này là một huyền thoại.

- Vậy ai là hội viên của Illuminati? - Kohler hỏi.

Vâng, Langdon thầm nghĩ, thực sự họ là ai? Anh bắt đầu câu chuyện.

- Kể từ buổi đầu lịch sử, - Langdon giải thích, - Đã tồn tại mối bất đồng sâu sắc giữa khoa học và tôn giáo. Những nhà khoa học nổi bật như Copernicus…

- Đã bị giết chết, - Kohler xen ngang. - Bị nhà thờ ra lệnh hành hình vì dám cả gan tiết lộ những chân lý khoa học. Tôn giáo luôn khủng bố khoa học.

- Đúng. Nhưng vào thế kỷ 16, một nhóm người ở thành Rome đã chiến đấu chống lại nhà thờ. Một vài trong số những người khai sáng giỏi nhất ở Ý - các nhà vật lí, toán học, thiên văn học - bắt đầu nhóm họp một cách bí mật nhằm chia sẻ mối quan tâm của họ đối với những tín điều không chính xác của nhà thờ. Họ sợ rằng sự độc quyền của nhà thờ về "chân lý" sẽ đe doạ quá trình khai sáng học thuật trên toan thế giới. Họ thành lập nhóm cố vấn khoa học đầu tiên trên thế giới, tự gọi ban than là "Những người khai sáng".

- Hội Illuminati.

- Đúng! - Langdon nói - Những bộ óc vĩ đại nhất ở châu Âu… hiện minh cho cuộc săn tìm chân lý khoa học.

Kohler im lặng.

- Đương nhiên, những thành viên của Illuminati bị Giáo hội Cơ đốc săn đuổi một cách tàn bạo. Nhờ có những chiêu thức giữ bí mật tuyệt đối, các nhà khoa học này mới được an toàn. Những lời truyền đạt của các học giả được truyền đi một cách bí mật, và hội Illuminati phát triển tới mức thu nạp được nhiều học giả ở khắp châu Âu. Các nhà khoa học thường xuyên gặp nhau ở một địa điểm cực kỳ bí mật có tên gọi là Nhà thờ ánh sáng.

Kohler húng hắng ho, rồi đổi tư thế ngồi.

- Rất nhiều thành viên của Illuminati. - Langdon tiếp tục, - muốn chiến đấu chống lại ách thống trị của nhà thờ bằng vũ lực, nhưng một thành viên được tôn kính nhất của hội đã thuyết phục họ không làm như vậy. Ông ta là một người theo phái ôn hoà và là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất.

Langdon chắc Kohler biết cái tên đó. Thậm chí cả những người không thuộc giới khoa học cũng từng nghe nhắc đến nhà thiên văn học có số phận hẩm hiu, người từng bị nhà thờ bắt giữ và suýt bị hành quyết vì dám cho rằng mặt trời, chứ không phải trái đất, là trung tâm của Thái Dương hệ. Mặc dù các số liệu mà ông ta đưa ra không thể chối cãi được, nhà thiên văn học này vẫn bị trừng phạt rất nghiêm khắc vì ám chỉ rằng Chúa đặt loài người ở đâu đó chứ không phải trung tâm của vũ trụ.

- Tên ông ta là Galileo Galilei, - Langdon nói.

Kohler ngước mắt lên.

- Galileo?

- Đúng, Galileo là người của hội Illuminati. Và cũng là một con chiên Cơ đốc giáo mộ đạo. Ông đã cố gắng làm giảm nhẹ ảnh hưởng của nhà thờ lên khoa học bằng cách tuyên bố khoa học không phủ nhận sự hiện diện của Chúa mà chỉ khẳng định lại những chân lý của Người. Ông viết rằng một lần khi nhìn những hành tinh đang quay qua kính thiên văn, ông nghe thấy giọng nói của Chúa vang lên trong tiếng nhạc của các thiên cầu. Ông nói rằng khoa học và tôn giáo không phải là kẻ thù, mà là đồng minh dùng hai ngôn ngữ khác nhau để kể cùng một câu chuyện, câu chuyện về sự đối xứng và cân bằng… về thiên đường và địa ngục, ngày và đêm, nóng và lạnh, Chúa trời và quỷ Sa tăng. Cả khoa học và tôn giáo đều hãnh diện về sự cân đối của Chúa… cuộc đua bất tận giữa ánh sáng và bóng tối. - Langdon ngừng lại, giậm chân một lúc cho ấm người.

Kohler ngồi im trên chiếc xe lăn, ánh mắt đăm chiêu.

- Thật không may, - Langdon nói thêm, - Sự thống nhất giữa khoa học và tôn giáo là điều nhà thờ không hề mong muốn.

- Đương nhiên rồi, - Kohler ngắt lời. - Sự thống nhất này sẽ vô hiệu hoá những lời quyên bố của nhà thờ cho rằng mình là phương thức duy nhất giúp con người hiểu được Chúa. Họ gọi Galileo là kẻ dị giáo, nên đã kết tội và quản thúc ông tớ đến hết đời tôi biết rất rõ lịch sứ khoa học, ông Langdon. Nhưng chuyện này đã xảy ra cách đây hàng thế kỷ rồi. Nó có liên quan gì đến Leonardo Vetra?

Câu hỏi đáng giá triệu đô. Langdon cắt ngang lời:

- Việc bắt giữ Galileo đã đẩy Illuminati vào bước ngoặt mới. Họ bắt dầu sơ hở, và nhà thờ phát hiện thêm bốn thành viên khác, tất cả đều bị bắt giữ và điều tra. Nhưng bốn nhà khoa học này không để lộ điều gì… kể cả khi bị tra tấn.

- Tra tấn?

Langdon gật đầu.

- Họ đều bị khắc trên ngực dấu sắc nung với biểu tượng cây thánh giá khi còn sống.

Đôi mắt Kohler mở to, ông ta khó nhọc nhìn cơ thể Vetra.

- Sau đó, các nhà khoa học đều bị giết hại đã man, xác họ bị thả trên đường phố Rome như một lời cảnh báo mới những người đang nghĩ đến việc gia nhập Illuminati. Do bị nhà thờ truy lùng, những thành viên còn lại của Illuminati đã bỏ chạy khỏi Ý.

Langdon ngừng lại để nhấn mạnh những gì sắp nói. Anh nhìn thẳng vào đôi mắt cô hồn của Kohler.

- Hội Illuminati chuyển sang hoạt động bí mật và bắt tay với những nhóm khác vốn vẫn phải trốn chạy khỏi sự thanh trừng của giáo hội Cơ đốc - hội thần bí, pháp sư, những nhà giả kim thuật, Hồi giáo, Do Thái giáo. Qua nhiều năm tháng, Illuminati bắt đầu kết nạp thêm thành viên mới. Một hội Illuminati mới nổi lên. Hội Illuminati đen tối. Một tổ chức kịch liệt chống lại Thiên Chúa giáo. Hội này ngày càng lớn mạnh, thực hiện các nghi lễ bí ẩn, những bí mật chết người, thề nguyện một ngày nào đó sẽ sống dậy và trả thù nhà thờ Cơ đốc giáo. Hội này mạnh tới mức bị nhà thờ coi là đội quân chống lại giáo hội Thiên Chúa nguy hiểm nhất trên thế giới.

Vatican gọi hội huynh đệ này là quỷ Shaitan.

- Shaitan?

- Một từ của đạo Hồi, nghĩa là "kẻ thù… kẻ thù của Chúa". Nhà thờ lấy tên này nguyên từ đạo Hồi vì họ cho rằng đây là thứ ngôn ngữ bẩn thỉu. - Langdon ngập ngừng. - Trong tiếng Anh, từ Sa-tăng bắt nguồn từ… Shaitan.

Vẻ khó chịu hiện lên lên khuôn mặt Kohler.

Giọng Langdon dứt khoát. - Ông Kohler, tôi không biết bằng cách nào dấu hiệu này lại xuất hiện lên ngực người đàn ông này… hoặc lại sao… nhưng ông đang được tận mắt nhìn thấy biểu tượng thất truyền của một nghi lễ sùng bái Sa-tăng lâu đời và quyền lực nhất.
 
Chương 10


Trong con hẻm hẹp và vắng vẻ, tên sát thủ sải những bước dài, đôi mắt đen của hắn sáng quắc lên những tia hy vọng. Khi gần đến đích, những lời nói của Janus lúc chia tay vang lên trong tâm trí hắn. Giai đoạn hai sẽ sớm bắt đầu thôi. Nghỉ ngơi đi đã.

Tên sát thủ cười khẩy. Hắn đã thức cả đêm rồi, nhưng giấc ngủ vẫn là thứ xa vời trong tâm trí hắn. Giấc ngủ chỉ làm hắn yếu đi. Hắn là một chiến binh, như tổ tiên của hắn và người dân của hắn không bao giờ ngủ một khi cuộc chiến đã nổ ra. Trận chiến này thực sự đã bắt đầu và hắn có vinh hạnh được ra tay đầu tiên. Còn bây giờ hắn có hai tiếng đồng hồ ăn mừng chiến thắng trước khi công việc tiếp theo bắt đầu.

Ngủ ử? Còn nhiều cách hay hơn để thư giãn…

Niềm đam mê khoái lạc là thứ mà tổ tiên đã gieo trồng con người hắn. Những bậc tiền bối của hắn đắm chìm trong chất gây nghiện hashish, còn hắn thì lại thích một phần thưởng khác. Hắn tự hào về cơ thể mình - một cỗ máy giết người được phối hợp nhịp nhàng mà hắn không bao giờ để nó bị nhiễm ma tuý. Hắn nghiện một thứ còn bổ dưỡng hơn thuốc phiện… một phần thưởng lành mạnh và thoả mãn hơn nhiều.

Một cảm giác đê mê quen thuộc trỗi lên trong người hắn. Tên sát thủ rảo bước về phía cuối con hẻm. Hắn đến bên một cánh cửa được nguỵ trang và ấn chuông. Ô cửa con quan sát hé mở, một đôi mắt màu nâu nhạt quan sát hắn một cách kỹ lưỡng. Rồi cánh cửa lớn mở ra.

- Mời vào, - người phụ nữ ăn mặc cầu kỳ lên tiếng. Bà ta dẫn hắn đến một phòng khách bày biện hoàn hảo dưới ánh đèn mờ mờ. Không gian tràn ngập mùi nước hoa và xạ hương.

- Bất cứ khi nào ngài sẵn sàng. - Bà ta đưa cho hắn một tập ảnh. - Hãy gọi cho tôi khi ngài đã chọn lựa xong. - Rồi bà ta biến mất.

Tên sát thủ mỉm cười.

Ngồi trên chiếc đi-văng sang trọng, đặt cuốn album lên đùi, tên sát thủ thấy cơn đói nhục dục đang trỗi dậy khắp cơ thể. Dù dân tộc hắn không có lễ Giáng sinh nhưng hắn vẫn có cảm giác của một đứa trẻ Công giáo ngồi trước đống quà Giáng sinh, háo hức khám phá điều thần kỳ ở bên trong. Hắn mở quyển album và xem xét kỹ các bức ảnh. Niềm đam mê dục vọng ánh lên trong mắt hắn.

Marisa. Nữ thần Italia. Thân hình bốc lửa. Một Sophia Loren trẻ.

Sachiko. Một Geisha Nhật Bản. Cơ thể mềm mại. Cực kỳ điêu luyện.

Kanara. Hình bóng sững sờ của Châu Phi. Dáng người cơ bắp. Vẻ đẹp kì lạ.

Hắn xem xét kỹ cuốn album hai lần, chọn lựa rồi đưa tay ấn nút trên bàn. Một phút sau, người phụ nữ ban đầu xuất hiện.

Hắn chỉ cô gái hắn chọn. Bà ta mỉm cười:

- Đi theo tôi.

Sau khi thoả thuận về tiền bạc, người phụ nữ im lặng nhấc máy. Bà ta chờ vài phút rồi dẫn hắn leo lên những bậc cầu thang đá hoa cương uốn lượn dẫn đến một hành lang sang trọng.

- Cánh cửa màu vàng ở cuối dãy. - Bà ta nói - Ngài quả là người sành sỏi.

Xứng đáng chứ, hắn nghĩ. Ta là kẻ sành sỏi mà.

Tên sát thủ nhẹ bước hết chiều dài hành lang như một con báo đã phải đợi bữa ăn quá lâu. Đến gần cánh cửa, hắn tự mỉm cười.

Cửa mở hé… đón chào hắn bước vào. Hắn đẩy nhẹ và cánh cửa mở ra không một tiếng động.

Nhìn thấy sự chọn lựa của mình, hắn biết là đã không nhầm.

Cô ta chính là người hắn yêu cầu… trần truồng, nằm ngửa, hai tay bị trói vào cột giường bằng dây vải nhung.

Hắn tiến vào phòng và đưa tay lên vuốt ve thân hình ngọc ngà của cô ta. Đêm qua ta đã giết người, hắn nghĩ. Cô em là phần thưởng của ta.
 
Chương 11


Quỷ Sa-tăng? - Kohler lau miệng và khó chịu đổi tư thế. - đây là biểu tượng của nghi lễ sùng bái quỷ Sa-tăng à?

Langdon đi đi lại lại trong phòng cho ấm người.

- Hội Illuminati sùng bái Sa-tăng. Nhưng không phải theo quan niệm hiện tại.

Langdon nhanh chóng giải thích tại sao đa số mọi người hình dung tôn giáo thờ quỷ Sa-tăng là hội thờ quỷ dữ mặc dù trong quá khứ, hội Sa-tăng đều là những người có học nhưng chống lại nhà thờ. Shaitan. Lời đồn đại về lễ hiến tế các động vật mang tính tà thuật và ngôi sao năm cánh chỉ là những điều dối trá mà nhà thờ tuyên truyền nhằm chống lại những kẻ đối nghịch. Qua thời gian, những kẻ chống lại nhà thờ muốn ganh đua với Illuminati nên bắt đầu tin vào lời nói dối đó và thực thi các nghi lễ này. Vì vậy trò thờ cúng quỷ Sa-tăng kiểu hiện đại ra đời.

Kohler đột nhiên làu bàu:

- Đây chỉ là lịch sử xa xưa. Tôi muốn biết làm sao biểu tượng này lại ở đây.

Langdon thở dài:

- Biểu tượng này được một nghệ sĩ vô danh của hội Illuminati tạo ra để tôn vinh niềm say mê của Galileo đối với cấu trúc đối xứng - một biểu tượng thiêng liêng của Illuminati. Hội kín này giữ bí mật thiết kế của mình. Người ta cho rằng họ chỉ để lộ ra khi đã có đủ sức mạnh để trỗi dậy từ trong bóng tối và thực hiện mục tiêu tối thượng.

Kohler hoang mang:

- Vậy dấu hiệu này cho thấy hội Illuminati đang sống dậy?

Langdon nhíu mày:

- Không thể nào. Còn một chương trong lịch sử Illuminati tôi vẫn chưa giải thích hết.

Giọng Kohler đầy vẻ van lơn:

- Khai sáng cho tôi đi nào.

Langdon xoa hai bàn tay vào nhau, trong đầu đang lựa chọn từ hàng trăm nguồn tài liệu anh đã từng đọc hoặc viết về Illuminati.

- Những thành viên còn sống sót của Illuminati, - anh giải thích, chạy trốn khỏi Rome, đi khắp châu Âu, rồi tìm nơi an toàn để nhóm họp lại. Họ được một hội bí mật khác thu nhận… hội thợ thủ công khắc đá Bavanan giàu có hay còn gọi là hội Tam Điểm.

Kohler giật mình:

- Hội Tam Điểm?

Langdon gật đầu, không hề ngạc nhiên khi thấy Kohler đã từng nghe nói đến nhóm người đó. Hội Tam Điểm hiện có hơn 5 triệu thành viên trên khắp thế giới, một nửa đang cư trú tại Mỹ và trên 1 triệu người ở châu Âu.

- Có một điều chắc chắn: hội Tam Điểm không phải là nhóm tôn thờ Sa-tăng. - Kohler tuyên bố, dù không giấu nổi vẻ hoài nghi.

- Chắc chắn là không. Hội Tam Điểm là nạn nhân của chính lòng từ bi của họ. Sau khi giang tay đón tiếp những nhà khoa học đang bỏ chạy ở thế kỷ XVIII, hội này đã vô tình trở thành lá chắn cho Illuminati. Dưới sự che chở của hội Tam Điểm, Illuminati dần phát triển và từ từ thay thế quyền lực của những người lãnh đạo trong hội. Những người này âm thầm gây dựng lại hội Illuminati trong lòng Tam Điểm - một hội bí mật tồn tại trong một hội bí mật khác. Rồi các thành viên của Illuminati sử dụng những chi nhánh của hội Tam Điểm trên toàn thế giới để truyền bá ảnh hưởng của họ.

Langdon hít một hơi dài trước khi tiếp tục.

- Xoá sổ Cơ đốc giáo là lời thề của các thành viên hội Illuminati. Tín điều của hội này là nhà thờ là kẻ thù không đội trời chung của loài người. Họ sợ rằng nếu nhà thờ tiếp tục tuyên truyền các truyền thuyết tôn giáo như những chân lí và đà phát triển khoa học bị chặn lại thì con người sẽ rơi vào một tương lai u tối với những cuộc chiến tranh tôn giáo vô nghĩa.

- Giống như những gì chúng ta thấy ngày nay!

Langdon nhíu mày. Kohler nói đúng. Chiến tranh tôn giáo vẫn trở thành tiêu đề lớn trên các báo. Chúa của ta tốt đẹp hơn Chúa của các người. Dường như luôn có mối liên hệ giữa các tín đồ cuồng tín và số lượng các xác chết.

- Tiếp tục đi, - Kohler nói.

Langdon tập trung suy nghĩ và tiếp tục câu chuyện. - Illuminati ngày càng lớn mạnh ở châu Âu là bắt đầu hướng tới nước Mỹ, nơi có nhiều nhà lãnh đạo chính phủ là người của Tam Điểm - George Washington, Ben Franklin - những con chiên ngoan đạo không thể ngờ Illuminati lại thao túng hội Tam Điểm đến mức độ ấy.

Illuminati biết cách thâm nhập và thiết lập các ngân hàng, trường đại học, các ngành công nghiệp nhằm cung cấp tài chính cho mục đích tối cao của họ. - Langdon ngừng lại. - Tạo ra một thế giới không nhất phi tôn giáo - một trật tự thế giới mới trên thế gian.

Kohler không nhúc nhích.

- Một trật tự thế giới mới, - Langdon lặp lại, dựa trên công cuộc khai sáng khoa học. Họ gọi nó là Học thuyết Ma Vương. Nhà thờ cho rằng Ma Vương có liên hệ tới quỷ dữ, nhưng hội kín này khăng khăng khẳng định trong tiếng Latinh nó có nghĩa là người đem lại ánh sáng - hay Illuminator.

Kohler thở dài, giọng ông ta đột ngột trở nên trịnh trọng.

- Ông Langdon, xin mời ngồi.

Langdon dè dặt ngồi lên chiếc ghế lạnh giá.

Kohler lăn chiếc xe tới gần hơn.

Tôi không chắc tôi hiểu những gì ông vừa nói, nhưng tôi biết rõ điều này. Leonardo Vetra là một trong những tài sản quý giá nhất của CERN. Ông ta còn là một người bạn. Ông hãy giúp tôi tìm Illuminati.

Langdon không biết phải trả lời ra sao.

"Tìm Illuminati?" Ông ta đùa đấy à?

- Thưa ông, tôi e rằng điều đó hoàn toàn không thể được.

Kohler nhíu mày.

- Ý ông là gì? Ông không…

- Ông Kohler, - Langdon hướng người về phía chủ nhà, không biết giải thích thế nào cho ông ta hiểu những gì anh sắp nói -Tôi vẫn chưa nói xong câu chuyện. Mặc dù dấu nung này xuất hiện ở đây nhưng không thể chắc rằng đây là hành dộng của hội Illuminati. Không còn bằng chứng nào về sự tồn tại của hội này trong hơn nửa thế kỷ qua, đại đa số các học giả đều cho rằng hội Illuminati đã bị diệt vong từ nhiều năm nay rồi.

Những lời nói ấy rơi vào im lặng. Kohler nhìn đâu đó trong màn sương mù trước mắt với vẻ thảng thốt pha lẫn tức giận.

- Làm thế quái nào mà ông dám nói với tôi nhóm người này đã biến mất trong khi tên của họ được khắc lên người Vetra!

Langdon đã tự hỏi mình câu hỏi đó cả buổi sáng nay rồi. Sự xuất hiện của biểu tượng hai chiều đối xứng Illuminati thật kỳ lạ. Các nhà biểu tượng học trên khắp thế giới hẳn phải sững sờ kinh ngạc. Nhưng kiến thức học thuật của Langdon mách bảo anh rằng sự xuất hiện trở lại của dấu nung này không hề liên quan đến Illuminati.

- Biểu tượng này, - Langdon nói, - không hề khẳng định sự hiện diện của người tạo ra nó.

- Điều đó có nghĩa gì?

- Nó có nghĩa là một khi những tổ chức như Illuminati không còn tồn tại, biểu tượng của nó có thể bị… nhóm khác sử dụng. Đó là hiện tượng chuyển giao. Trong ngành biểu tượng học, chuyện này cực kỳ phổ biến. Phát-xít Đức lấy hình chữ thập ngoặc của người Hindu, người Thiên Chúa giáo lấy biểu tượng thập giá của Ai Cập, người…

- Sáng nay, - Kohler nói giọng thách thức, - khi tôi gõ chữ "Illuminati" trong máy tính, nó cho ra hàng ngàn trang web tham khảo. Rõ ràng có rất nhiều người nghĩ rằng nhóm này vẫn còn hoạt động.

- Đúng là những câu chuyện giật gân, - Langdon đáp. Anh thấy khó chịu với sự tràn ngập của các biện pháp câu khác trong nền văn hoá đại chúng hiện đại. Các phương tiện truyền thông tranh nhau đưa những tiêu đề vè ngày tận thế, tự cho mình là những "chuyên gia văn hoá" tìm cách kiếm chác bằng cách thổi phồng trước công chúng những câu chuyện thêu dệt rằng Illuminati còn tồn tại và đang chuẩn bị tổ chức lại trật tự thế giới mới. Gần đây, Thời báo New York còn đưa tin hội Tam Điểm kỳ quái có mối liên hệ với vô số nhân vật nổi tiếng - Sir Arthur Conan Doyle, Quận công xứ Kent, Peter Sellers, Irving Berlin, Hoang tử Phillip, Louis Armstrong cũng như lăng tẩm của những trùm tư bản nổi tiếng trong các lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp hiện đại.

Kohler giận dữ chỉ vào xác Vetra:

- Nếu nhìn vào bằng chứng này, tôi thấy những câu chuyện giật gân câu khách đó là đúng.

- Tôi hiểu nó xuất hiện thế nào, - Langdon nói với cung cách của một nhà ngoại giao. - Nhưng cũng còn có một giả thuyết khả thi hơn rằng các tổ chức khác đang kiểm soát dấu nung của Illuminati và sử dụng cho mục đích riêng của họ.

- Mục đích nào? Vụ giết người này chứng minh được điều gì?

Câu hỏi hay lắm, Langdon nghĩ. Anh không thể tưởng tượng ra ai đó lại có thể lôi ra dấu nung Illuminati sau 400 năm cất giữ.

- Tất cả những gì tôi có thể nói với ông lúc này là nếu Illuminati còn hoạt động cho đến ngày nay, điều này tôi chắc chắn là không thể, thì hội này cũng không liên quan đến cái chết của Leonardo Vetra.

- Không ư?

- Không. Người ta cho rằng Illuminati có ý muốn xoá bỏ Thiên Chúa giáo, nhưng họ thường sử dụng sức mạnh chính trị và tài chính, không phải bằng biện pháp khủng bố. Hơn nữa, Illuminati có một quy định đạo đức ngặt nghèo về những người mà họ xem là kẻ thù. Thành viên của hội này thường là những người làm khoa học ở đẳng cấp cao nhất. Chẳng có lí gì mà họ lại sát hại một nhà khoa học, đống nghiệp của họ, như Leonardo Vetra.

Ánh mắt Kohler vô cùng lạnh lẽo.

- Có lẽ tôi chưa đề cập đến một chuyện, Leonardo Vetra không phải là một nhà nghiên cứu khoa học thuần tuý.

Langdon cố giữ kiên nhẫn.

- Ông Kohler, tôi chắc Leonardo Vetra xuất sắc trong nhiều lĩnh vực nhưng sự thật vẫn là…

Kohler đột ngột quay xe đi ra khỏi phòng khách, để lại một khoảng sương mù phảng phất khi ông ta biến mất vào lối sảnh.

Vì lòng kính Chúa! Langdon rên rỉ. Anh bước theo. Kohler đang đợi anh ở một góc tường nhỏ phía cuối sảnh.

- Đây là phòng nghiên cứu của Leonardo, - Kohler nói và chỉ tay vào cánh cửa kéo. - Có lẽ anh nên xem đi thì sẽ hiểu mọi chuyện khác thôi. - Vẻ khó xử, Kohler đẩy cửa mở ra.

Langdon nhìn một lượt căn phòng làm việc và ngay lập tức nổi da gà. Đức Mẹ của Chúa Giê-su, anh tự nhủ.
 
Chương 12


Ở một đất nước khác, một người lính gác trẻ đang ngồi kiên nhẫn trước hàng loạt màn hình video giám sát. Anh quan sát những hình ảnh lập lòe trước mắt - hình ảnh trực tiếp được truyền về từ hàng trăm chiếc camera không dây theo dõi trong cả khu tổ hợp rộng lớn. Những hình ảnh xuất hiện tưởng chừng vô tận.

Một đại sảnh trang trí đẹp mắt.

Một phòng làm việc riêng.

Một bếp ăn rộng.

Vừa nhìn những hình ảnh trước mắt, người lính vừa cố cưỡng lại cơn buồn ngủ. Cũng gần hết phiên gác rồi, nhưng vẫn cần phải hết sức cẩn thận. Được phụng sự nơi đây là một vinh hạnh. Một ngày nào đó, anh sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.

Khi những dòng suy nghĩ ấy lướt qua trong tâm trí người lính, một hình ảnh phát tín hiệu báo động. Giật mình, anh đưa tay ấn nút trên bảng điều khiển. Màn hình trước mặt đứng lại.

Đầu ù đi anh nhoài người về phía màn hình để nhìn cho rõ.

Thông số trên màn hình cho biết hình ảnh này đang được truyền đi từ camera số 86 - chuyên giám sát một sảnh ra vào.

Nhưng hình ảnh trước mắt chắc chắn không phải sảnh ra vào.
 
Chương 13


Đứng trước phòng làm việc, Langdon ngơ ngác:

- Đây là nói nào? - Dù có luồng không khí ấm thổi vào mặt, anh vẫn run rẩy khi bước qua cửa.

Kohler không nói gì, chỉ đi theo Langdon vào trong.

Langdon đảo mắt nhìn khắp phòng, hoàn toàn không hiểu gì. Căn phòng chứa đầy những bảo vật kỳ lạ nhất mà anh từng chứng kiến. Ở phía góc tường chiếm hầu hết không gian trang trí là một cây thánh giá bằng gỗ lớn mà Langdon nghĩ phải từ thế kỷ XIV ở Tây Ban Nha. Phía trên cây thánh giá, một mô hình các hành tinh chuyển động quay quanh quỹ đạo bằng kim loại đang treo lơ lửng sát trần nhà. Bên trái là một bức tranh sơn dầu Đức Mẹ đồng trinh Maria, còn bên cạnh đó có gắn bảng các nguyên tố tuần hoàn. Trên giường, hình hai cây thánh giá bằng đồng treo kèm hai bên bức ảnh Albert Anhxtanh cùng với câu trích nổi tiếng của nhà bác học lừng danh này: CHÚA KHÔNG ĐÁNH CƯỢC VỚI VŨ TRỤ.

Langdon bước vào bên trong, kinh ngạc nhìn quanh. Một cuốn Kinh thánh bìa bọc da được đặt trên bàn của Vetra, bên cạnh mô hình nguyên tử của Bohr và một phiên bản thu nhỏ bức tượng thần Moses của Michelangelo.

Tư tưởng khoáng đạt, Langdon thầm nghĩ. Ở đây dù rất ấm, nhưng không hiểu sao lối bài trí này khiến anh thấy ớn lạnh khắp người. Anh cảm giác mình đang được chứng kiến sự ra chạm của hai triết lý khống lồ… của những lực lượng đối lập. Anh nhìn tiêu đề trên giá sách:

Hạt nhân của Chúa

Lí thuyết của Đạo trong Vật lí.

Bằng chứng của Chúa trời

Một trong những giá kê sách có khắc câu nói:

KHOA HỌC THỰC SỰ KHÁM PHÁ CHÚA TRỜI

CÂU TRẢ LỜI NẰM SAU MỖI CÁNH CỬA

GIÁO HOÀNG PIUS XII

- Leonardo là một linh mục Cơ đốc giáo, - Kohler nói.

Langdon quay lại.

- Một linh mục? Tôi tưởng ông nói ông ấy là nhà vật lí?

- Là cả hai. Người của cả khoa học và tôn giáo không phải không có tiền lệ trong lịch sử. Leonardo là một trong số họ. Ông ấy quan niệm vật lí như "quy luật tự nhiên của Chúa", rằng kinh thánh có thể nhìn thấy ở những quy luật thiên nhiên xung quanh chúng ta. Thông qua khoa học, ông ấy muốn chứng minh sự hiện diện của Chúa trong hàng loạt những nghi ngờ của con người. Leonardo coi mình là một nhà vật lí lí thuyết!

Nhà vật lí lí thuyết? Langdon thấy chuyện này không có gì mâu thuẫn cả.

- Lĩnh vực vật lí hạt, - Kohler nói, - gần đây có rất nhiều phát minh gây chấn động - những phát hiện có liên quan đến tôn giáo. Leonardo đã khám phá ra rất nhiều trong số đó.

Langdon quan sát ông giám đốc của CERN, cố gắng hiểu những điều kỳ lạ đó.

"Tôn giáo và vật lí?" - Langdon từng dành nhiều năm nghiên cứu lịch sử tôn giáo, nhưng cứ theo chu kỳ tuần hoàn, từ thuở xa xưa, tôn giáo và khoa học vẫn luôn như nước với lửa… hai kẻ thù không đội trời chung… không thể nào hoà hợp.

- Vetra đang tiến gần đến nghiên cứu vật lí hạt, - Kohler nói -Ông ấy muốn hợp nhất khoa học và tôn giáo… muốn chứng minh rằng chúng bổ trợ cho nhau theo một cách không ai ngờ tới. Ông ấy gọi lĩnh vực này là Vật lí mới - Kohler lôi từ giá sách ra một cuốn và đưa cho Langdon.

Langdon nhìn bìa ngoài cuốn sách. Chúa trời, Phép màu và Vật lí mới - tác giả Leonardo Vetra.

Đây chỉ là một lĩnh vực nhỏ, - Kohler nói tiếp, - Chúng nó mang lại câu trả lời mới cho một số vấn đề cũ - câu hỏi về nguồn gốc vũ trụ và lực liên kết giữa chúng ta. Leonardo tin rằng nghiên cứu của ông ấy sẽ giáo hoá cho hàng triệu người. Năm ngoái, ông ấy đã khẳng định một cách chắc chắn về sự tồn tại của một trường năng lượng thống nhất tất cả mọi người chúng ta. Ông ấy còn chứng minh rằng chúng ta đều có mối liên hệ vật lí… rằng các phân tử trong cơ thể anh luôn thu hút các phân tử trong cơ thể tôi… rằng có một đơn lực nào đó chuyển động xung quanh tất cả chúng ta.

Langdon thấy rối trí. Và sức mạnh của Chúa thống chúng ta. Ông Vetra thực sự đã tìm ra cách chứng minh các hạt có liên kết với nhau?

- Kết luận rõ ràng. Một bài báo gần đây trên tờ Khoa học Mỹ đã ca ngợi Vật lí mới như một con đường chắc chắn tiến tới Chúa trời chứ không phải tôn giáo.

Lời bình luận thuyết phục. Langdon đột nhiên nghĩ đến hội kín bài tôn giáo Illuminati. Anh miễn cưỡng nghĩ đến việc hớt tay trên của một thành tựu tri thức. Nếu thực sự hội Illuminati còn sống, liệu họ có giết Leonardo chỉ vì sợ ông đưa thông diệp về tôn giáo này tới dân chúng? Rồi anh gạt bỏ ngay suy nghĩ đó. Thật ngớ ngẩn! Illuminati chỉ là lịch sử xa xưa! Học giả nào mà chẳng biết điều đó!

- Vetra có vô khối kẻ thù trong giới khoa học, - Kohler nói tiếp -Nhiều nhà khoa học thuần tuý ghen ghét ông ta, kể cả ngay tại CERN này. Họ cho rằng sử dụng Vật lí phân tích để hậu thuẫn cho các nguyên lí tôn giáo là phản bội lại khoa học.

- Nhưng chẳng phải các nhà khoa học ngày nay ít bảo thủ hon nhà thờ sao?

Kohler càu nhàu vẻ ghê tởm:

- Tại sao chúng ta lại phải như vậy? Nhà thờ không còn thiêu sống các nhà khoa học nữa rồi, nhưng nếu ông nghĩ họ không còn thống trị khoa học, cứ tự hỏi mình xem tại sao một nữa số trường học ở đất nước các ông không cho phép dạy về thuyết tiến hoá. Hãy tự hỏi mình tại sao Nghiệp đoàn Công giáo lại có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất lên những tiến bộ khoa học trên thế giới. Trận chiến giữa khoa học và tôn giáo vẫn còn đang dữ dội lắm, ông Langdon ạ. Nó chuyển từ chiến trường sang giảng đường, nhưng vẫn còn rất quyết liệt.

Langdon phải công nhận Kohler nói đúng. Chỉ cách đây có một tuần, khoa Thần học của trường đại học Harvard còn diễu binh qua toà nhà của khoa Sinh vật, phản đối môn kỹ thuật gen được đưa vào chương trình đại học. - trưởng khoa Sinh vật, Richard Aaronian, một người nổi tiếng chuyên nghiên cứu về các loài chim, đã bảo vệ chương trình giảng dạy bằng cách treo một tấm băng rôn to tướng trên cửa sổ văn phòng ông ta. Tấm băng rôn vẽ hình một con cá Thiên Chúa giáo bị sửa thành cá bốn chân - mà theo Aaronian, là sự mô tả tiến hoá của những con cá thở bằng phối ở châu Phi khi di chuyển lên mặt đất. Phía dưới con cá, thay vì chữ "Giê-su" người ta đề chữ "DARWIN".

Một tiếng bíp sắc gọn vang lên và Langdon ngước mắt nhìn.

Kohler đưa tay với xuống hệ thống điện tử cài bên xe lăn. Ông ta lôi chiếc máy nhắn tin ra và đọc dòng chữ trên đó.

- Tốt lắm. Con gái của Leonardo Vetra. Cô Vetra sắp đến bãi đỗ trực thăng ngay bây giờ. Chúng ta sẽ gặp cô gái này ở đó. Tôi nghĩ tốt hơn hết không nên để cô ấy đến dây và nhìn thấy cha mình trong tình cảnh này.

Langdon đồng ý. Đây sẽ là một cú sốc mà không một người con nào muốn chứng kiến.

- Tôi sẽ đề nghị cô Vetra giải thích về dự án mà hai cha con họ đang tiến hành… có lẽ sẽ hé lộ ra vài manh mối tại sao ông ấy bị giết hại.

- Ông nghĩ rằng công trình nghiên cứu của Vetra khiến ông ấy bị giết à?

- Có thể lắm chứ. Leonardo nói với tôi ông ấy đang tìm ra một thứ gây chấn động. Đó là tất cả những gì ông ấy nói. Ông ấy giữ bí mật dự án. Vetra có phòng thí nghiệm riêng và yêu cầu được bảo mật, tôi dành cho ông ấy những quyền đó vì ông ấy là một nhà bác học thực sự lỗi lạc. Gần đây, công trình này tiêu tốn rất nhiều năng lượng điện nhưng tôi chưa muốn hỏi lý do. - Kohler quay về phía cửa phòng làm việc. -Tuy nhiên, còn một việc tôi muốn ông biết trước khi rời khỏi đây.

Langdon không chắc mình còn muốn nghe thêm nữa hay không.

- Kẻ giết người đã lấy đi một thứ của Vetra.

- Một thứ?

- Đi theo tôi.

Vị giám đốc chuyển bánh xe lăn vào phòng khách đang mù mịt sương khói. Langdon đi theo, không hiểu còn chuyện gì nữa.

Kohler tiến gần đến xác của Vetra và dừng lại. Ông ta ra hiệu Langdon cùng đến. Langdon miễn cưỡng di đến gần hơn, cổ họng muốn nôn mửa vì mùi nước tiểu đông cứng của nạn nhân.

- Nhìn vào mặt ông ta đi! - Kohler nói.

Nhìn vào mặt ông ta? Langdon nghĩ thầm. Tôi tưởng ông bảo chúng đánh cắp một vật gì cơ mà.

Langdon e ngại quỳ gối. Anh cố gắng nhìn khuôn mặt Vetra nhưng cái đầu đã bị vặn ngược 180 độ ra sau, mặt cắm xuống thảm.

Vất vả với thân hình què quặt, Kohler cúi xuống cẩn thận lật cái đầu đông cứng của Vetra lên. Khuôn mặt xác chết quay lại nghe kêu răng rắc, méo mó đau đớn. Kohler giữ nó trên tay một lát.

- Lạy Chúa tôi! - Langdon kêu lên sợ hãi, lập cập suýt ngã. Mặt Vetra đầy máu. Một con mắt màu lam nhạt vô hồn đang nhìn anh chằm chặp. Hốc mắt bên kia bị xé rách và trống trơn. - Chúng đã lấy đi con mắt của ông ấy sao?
 
Chương 14


Langdon bước khỏi toà nhà C, ra ngoài trời, vui mừng vì được thoát khỏi căn hộ của Vetra. ánh nắng mặt trời giúp anh gạt bỏ hình ảnh hốc mắt trống hoác khỏi tâm trí.

- Lối này, ông Langdon. - Kohler nói rồi quay lên một con dốc. Chiếc xe lăn nhẹ nhàng tăng tốc. - Cô Vetra sẽ về bất cứ lúc nào.

Langdon vội vã leo theo.

- Vậy thì, - Kohler hỏi. - Ông còn nghi ngờ về sự dính líu của Illuminati nữa không?

Langdon không biết phải nói thế nào. Các mối quan hệ tôn giáo của Vetra nhất định có vấn đề, nhưng Langdon cũng không thể từ bỏ những chứng cứ khoa học mà anh đã nghiên cứu. Bên cạnh đó, con mắt…

- Tôi vẫn cho rằng, - Langdon nói, giọng mạnh mẽ bất ngờ - Illuminati không thể chịu trách nhiệm trong chuyện này. Con mắt bị mất là một bằng chứng.

- Gì cơ?

- Lấy đi một bộ phận, - anh giải thích, - thật… không giống cung cách của Illuminati chút nào. Các nhà nghiên cứu nghi lễ tôn giáo đều cho rằng cách cắt rời một bộ phận làm biến dạng khuôn mặt là của những kẻ cực đoan non nớt "những kẻ cuồng tín tuỳ tiện hành động khủng bố", còn hội Illuminati vốn thận trọng hơn nhiều.

- Thận trọng ư? Phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu của ai đó mà là thận trọng?

- Hành động đó chẳng chuyển tải thông điệp gì cả, không phục vụ cho một mục đích cao cả nào hết.

Chiếc xe lăn của Kohler đột ngột dừng trên đỉnh đồi. Ông ta quay lại.

- Ông Langdon, tin tôi đi, con mắt bị mất tích đó thực sự được dùng cho một mục đích quan trọng hơn… quan trọng hơn rất nhiều.

Khi hai người đàn ông vượt qua bãi cỏ cao ngút, họ nghe thấy tiếng đập phành phạch của cánh quạt chiếc máy bay từ phía tây vọng lại. Một chiếc trực thăng xuất hiện, vòng quanh thung lũng rồi tiến về phía họ. Nó nghiêng mạnh, rồi từ từ lượn trên bãi đỗ được sơn vạch trên cỏ.

Langdon đứng tách ra ngắm nhìn, đầu óc anh quay cuồng y hệt như những cánh quạt máy bay, không hiểu liệu một đêm ngủ đẫy giấc có thể làm mớ suy nghĩ hỗn độn trong đầu anh sáng sủa hơn chút nào không. Dù sao thì một giấc ngủ lúc này cũng thật xa vời.

Khi máy bay hạ cánh, một viên phi công nhẩy xuống, bắt đầu dỡ các dụng cụ - những bộ đồ nghề, những túi nhựa dẻo còn ướt, bộ đồ lặn, và vô số thứ trông như những thiết bị công nghệ cao.

Langdon bối rối.

- Đấy là đồ nghề của cô Vetra à? - Anh gào lên át tiếng động cơ máy bay.

Kohler gật đầu và gào lại.

- Cô ta đang tiến hành nghiên cứu sinh học trên biển Balearic 1.

- Tôi tưởng cô ấy là nhà vật lí cơ mà!

- Đúng đấy. Cô ấy là nhà vật lí sinh học, nghiên cứu mối liên hệ trong hệ sinh thái. Công việc của cô ấy liên quan chặt chẽ với công trình nghiên cứu vật lí hạt của Vetra. Gần đây, cô ấy đang phủ nhận một trong những học thuyết cơ bản của Anhxtanh bằng cách ghi lại sự phối hợp từ khi quan sát một đàn cá ngừ.

Langdon nhìn kỹ xem trên khuôn mặt chủ nhà có pha chút hài hước nào không. Anhxtanh và đàn cá ngừ? Anh bắt đầu băn khoăn liệu có phải chiếc X-33 đã thả nhầm anh lên một hành tinh khác không?

Một lúc sau, Vittoria Vetra mới ra khỏi máy bay. Robert Langdon phải thừa nhận rằng hôm nay là một ngày của hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vittoria Vetra bước xuống máy bay, mặc chiếc quần soóc vải ka ki và áo không tay màu trắng, không hề giống một nhà khoa học chỉ biết tối ngày chúi mũi vào sách vở như anh vẫn tưởng. Cô gái này cao ráo, làn da màu hạt dẻ, mái tóc đen dài bị luồng gió mạnh từ cánh quạt động cơ phả ra thổi tung lên, thật mềm mại và duyên dáng. Khuôn mặt của Vittoria mang nét đặc trưng Italia - không quá đẹp nhưng đầy đặn, một vẻ đẹp đầy trần tục, đến nỗi dù cách cô gần 20 mét, Langdon vẫn thấy xao xuyến. Luồng gió mạnh từ cánh quạt máy bay khiến cho bộ quần áo ép sát vào thân hình thon thả và bộ ngực nhỏ của cô gái trẻ.

Cô Vetra là một phụ nữ có sức mạnh phi thường, - Kohler nói, dường như dọc được thái độ đắm đuối của Langdon. - Cô ấy đã từng làm việc ở những khu vực sinh thái nguy hiểm suốt hàng tháng trời. Một người ăn kiêng nghiêm ngặt và chuyên gia Hatha Yoga 2 trong khu tập thể của CERN. Hatha Yoga? Langdon cười thầm. Nghệ thuật thiền định cổ xưa của đạo Phật khó có thể phù hợp với con gái của một linh mục Cơ đốc giáo.

Langdon ngắm Vittoria khi cô tiến lại gần anh. Cô gái chắc đã khóc rất nhiều, và đôi mắt nâu lúc này tràn ngập những cảm xúc mà Langdon chưa thể gọi tên. Tuy nhiên, dáng điệu của Vittoria vẫn tỏ ra mạnh mẽ và kiên quyết. Làn da rám nắng của vùng Địa Trung Hải ánh lên trên đôi chân mạnh mẽ và săn chắc.

- Vittoria, - Kohler nói khi cô đến gần họ. - Tôi thành thật chia buồn. Đây là một tổn thất cực kỳ to lớn đối với khoa học… đối với tất cả chúng ta ở CERN.

Vittoria gật đầu vẻ biết ơn. Cô gái cất tiếng nói với một chất giọng thật du dương mượt mà:

- Đã tìm được hung thủ chưa?

- Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm.

Cô gái quay sang Langdon, chìa cánh tay mánh mai về phía anh.

Tên tôi là Vittoria Vetra. Ông là người của Interpol, đúng không?

Langdon bắt tay cô gái, và ngay lập lức anh bị ánh mắt sâu thẳm nỗi buồn ấy hút mất hồn.

- Robert Langdon. - Anh không biết nên nói thêm gì nữa.

- Ông Langdon không phải là nhà chức trách, - Kohler giải thích. -Ông ấy là một chuyên gia đến từ nước Mỹ. Ông Langdon sẽ giúp chúng ta tìm ra kẻ đã gây ra chuyện này.

Vittoria có vẻ hoài nghi.

- Thế còn cảnh sát?

Kohler chỉ thở dài, không nói gì.

- Thi thể của cha tôi giờ ở đâu? - cô hỏi.

- Đang được chăm sóc cẩn thận.

Langdon ngạc nhiên trước lời nói dối trắng trợn này.

- Tôi muốn được ở bên ông ấy. - Vittoria nói.

- Vittoria, - Kohler vội vã. - Cha cô đã bị sát hại một cách dã man. Tốt hơn hết là cô hãy nhớ về ông ấy với những hình ảnh ngày xưa.

Vittoria định nói gì đấy nhưng bị ngắt lời.

- Xin chào, Vittoria! - xa xa có vài người gọi - Chào mừng trở về nhà!

Cô quay lại. Một nhóm các nhà khoa học đang đi đến gần bãi trực thăng. Họ vui vẻ vẫy chào.

- Cô còn phủ nhận thêm thuyết nào của Anhxtanh nữa không? - Một người gọi to.

Một người khác đế vào:

- Cha cô hẳn phải tự hào lắm!

Vittoria vụng về vẫy chào lại khi họ đi ngang qua. Rồi cô quay sang Kohler, mặt đầy vẻ khó hiểu.

- Không ai biết chuyện này sao.

- Tôi cho rằng sự thận trọng là thứ quan trọng nhất.

- Ông vẫn chưa nói với các nhân viên khác là cha tôi bị giết hại? - Vẻ phẫn nộ bắt đầu lộ rõ trong âm giọng trầm trầm của cô gái trẻ.

Trong phút chốc Kohler trở nên cứng rắn.

- Có lẽ cô quên mất một điều, cô Vetra ạ, một khi tôi báo cáo về cái chết của cha cô, người ta sẽ tiến hành điều tra ở CERN. Toàn bộ phòng thí nghiệm của ông ấy sẽ bị khám xét. Tôi tôn trọng thế giới riêng của cha cô. Có hai việc cha cô từng nói với tôi về dự án đang thực hiện. Việc thứ nhất, dự án này sẽ đem đến cho CERN tiền triệu từ các loại hợp đồng trong thập kỷ tới. Và thứ hai, nó không nên được tiết lộ trước công chúng bởi vì đây vẫn là một công nghệ nguy hiểm. Sau khi suy nghĩ về hai điều này, tôi thấy tốt hơn hết là không nên để người lạ nhòm ngó phòng thí nghiệm của ông ấy cũng như ăn cắp công nghệ hoặc tự hại mình rồi đổ hết lên đầu CERN. Tôi diễn đạt như thế đã rõ chưa?

Vittoria nhìn lại, không thốt lên được lời nào. Rõ ràng là cô buộc phải tôn trọng và chấp nhận những lập luận hết sức lôgíc của Kohler.

- Trước khi chúng ta báo cho nhà chức trách, - Kohler nói, - Tôi cần biết hai cha con cô đã làm gì. Tôi muốn cô đưa chúng tôi tới phòng thí nghiệm.

- Chẳng có gì liên quan ở phòng thí nghiệm,, Vittoria nói.- Không ai biết cha con tôi đang làm gì. Thí nghiệm này không thể dính dáng tới cái chết của cha tôi.

Kohler thở dài não nề.

- Nhưng bằng chứng lại cho thấy điều ngược lại.

- Bằng chứng? Bằng chứng nào?

Langdon cũng thấy băn khoăn về điểm này.

Kohler đưa tay lên xoa miệng:

- Rồi cô sẽ tin tôi ngay thôi.

Ánh mắt đầy phẫn nộ của Vittoria cho thấy cô gái trẻ không hề tin những lời vừa nghe thấy.

--- ------ ------ ------ -------

1 Biển Balearic: Vùng biền nằm trong khu vực Địa Trung Hải, gần Tây Ban Nha, Pháp.

2 Hatha Yoga: Nền tảng của các môn Yoga, ha (mặt trời) và tha (mặt trăng) là sự cân bằng khi thiền định, thư giãn và nghỉ ngơi (nguồn Wikipedia).


Langdon lặng lẽ sải bước theo sau Vittoria và Kohler khi cả ba quay trở lại nơi mà anh vừa phải chứng kiến cảnh tượng kinh khủng ấy. Bước chân Vittoria nhịp nhàng uyển chuyển – hệt như một vận động viên lặn đẳng cấp Olympic – dáng vẻ dẻo dai, theo như Langdon phỏng đoán, là biểu hiện của sự linh hoạt và hài hoà mà Yoga mang lại. Anh nhận thấy cô gái đang thở rất đều đặn và chậm rãi, như thể đang cố gắng kiềm chế nỗi đau.

Langdon muốn nói với cô gái một điều gì đó, những lời cảm thông, rằng anh cũng đã từng trải qua cảm giác trống vắng đến không chịu đựng nổi khi bất ngờ mất đi người cha yêu dấu. Anh nhớ nhất là ngày tang lễ. Đó là một ngày mưa sụt sùi, bầu trời u ám chỉ cách hai ngày sau sinh nhật lần thứ 12 của anh. Những đồng nghiệp của cha, tất cả đều vận quần áo màu xám, kéo đến chật nhà. Tất cả bọn họ đều nắm chặt tay anh và nhắc đi nhắc lại những từ như bệnh tim và stress. Nước mắt giàn giụa, mẹ anh đùa rằng chỉ cần cầm tay cha là bà đã cầm chắc phần thắng ở thị trường chứng khoán, vì mạch đập của ông chính là chiếc đồng hồ vạn năng đối với bà…

Một lần, khi cha còn sống, Langdon nghe thấy mẹ van nài cha “Hãy nghỉ ngơi một chút để thưởng thức vẻ đẹp của hoa hồng”.

Năm đó, Langdon mua tặng cha một bông hồng ép trong bình thuỷ tinh nhân dịp Giáng sinh. Đó là bông hoa đẹp nhất mà anh từng trông thấy… những tia nắng mặt trời chiếu rọi vào chiếc bình đều hoá thành những dải sáng màu cầu vồng rực rỡ, chiếu rọi lên bức tường gần đó.

- Đẹp lắm! – cha nói khi mở gói giấy ra rồi hôn lên trán Langdon. – Cha con ta hãy tìm cho chiếc bình này một vị trí thích hợp nào!

Rồi ông cẩn thận cất chiếc bình trên một cái giá đầy bụi, trong góc tối nhất ở phòng khách. Vài ngày sau, Langdon bắc ghế đẩu để lấy chiếc bình xuống, đem trả lại cửa hàng. Cha anh không bao giờ biết rằng bông hoa đã biến mất.

Tiếng chuông thang máy kéo Langdon quay trở về thực tại. Cả Vittoria và Kohler đều đang đứng trước mặt anh, chuẩn bị bấm nút. Langdon vẫn đang ngập ngừng bên ngoài cánh cửa.

- Sao thế? – Kohler hỏi, với vẻ sốt ruột hơn là quan tâm.

- Không có gì, – Langdon trả lời, nặng nề bước vào thang máy chật hẹp. Anh chỉ sử dụng thang máy khi nào thực sự cần thiết, dù sao thì cầu thang bình thường vẫn thoáng đãng hơn nhiều.

- Phòng thí nghiệm của tiến sĩ Vetra nằm dưới tầng hầm. – Kohler nói.

Tuyệt vời, Langdon thầm nghĩ khi anh cảm nhận được luồng gió mát lạnh thổi lên từ sâu dưới hầm. Cánh cửa đóng lại và thang máy bắt đầu đi xuống.

- Sáu tầng nhà, – Giọng nói của Kohler nghe lạnh lẽo như được phát ra từ một cỗ máy.

Langdon hình dung ra bóng tối phủ đầy căn hầm trống phía dưới. Anh cố xua đuổi ý nghĩ ấy đi bằng cách nhìn chăm chăm vào bảng chỉ dẫn trên thang máy. Kỳ lạ thật, thang máy này chỉ hiển thị hai chặng đến là TẦNG HẦM VÀ LHC.

- LHC nghĩa là gì? – Langdon hỏi, cố không để cho giọng nói trở nên run rẩy.

- Máy gia tốc hạt Hadron, – Kohler nói – Một loại máy gia tốc hạt.

Máy gia tốc hạt? Langdon rất mơ hồ về khái niệm này. Lần đầu tiên anh nghe đến nó khi đang ăn tối với mấy ông bạn đồng nghiệp ở Dunster House thuộc Cambridge. Một người bạn, nhà vật lí Bob Brownell,, đã đến muộn, vẻ mặt đầy tức giận.

- Lũ khốn đó bác bỏ rồi! – Brownell lầm bầm chửi rủa.

- Bác bỏ cái gì? – tất cả đồng thanh hỏi.

- Là cái gì?

- Máy va đập siêu dẫn lớn!

Ai đó nhún vai.

- Tôi không hề biết là Harward đang tiến hành lắp đặt một cỗ máy như thế.

- Không phải của Harvard! – Anh ta kêu lên. – Của nước Mỹ! Nó sẽ là máy gia tốc hạt mạnh nhất trên thế giới! Một trong những dự án khoa học quan trọng nhất thế kỷ! Chi phí lên tới 2 tỷ đô la, và Thượng nghị viện vừa bác bỏ. Những kẻ vận động hành lang Công giáo bảo thủ đáng nguyền rủa!

Khi Brownell bình tĩnh trở lại, anh ta giải thích rằng máy gia tốc hạt là một ống hình trụ cực lớn, trong đó các hạt nhỏ hơn nguyên tử được gia tăng tốc độ. Từ trường bên trong ống sẽ liên tục tắt bật cực nhanh để quay các hạt cho đến khi chúng đạt đến siêu vận tốc. Các hạt khi quay trong ống sẽ đạt vận tốc tối đa trên 288.000 km/s.

- Như thế là gần bằng tốc độ ánh sáng rồi còn gì, – một trong những giáo sư có mặt ở đó lên tiếng.

- Thì đúng là thế mà lại, – Brownell nói. Anh ta tiếp tục giải thích thêm rằng nếu tăng tốc hai hạt từ hai hướng đối lập nhau trong ống và cho chúng va đập vào nhau, các nhà khoa học có thể xé nhỏ thành phần của chúng ra là có được thành phần cơ bản nhất của tự nhiên.

- Máy gia tốc hạt, – Brownell tuyên bốt – Cực kỳ quan trọng đối với lương lai của khoa học. Hiện tượng va chạm giữa các hạt là chìa khoá mở ra cả một kho kiến thức về các công trình trong vũ trụ.

Nhà thơ của khu nội trú Harvard, một người ít nói tên là Charles Pratt, tỏ ra không mấy quan tâm:

- Tôi nghĩ rằng, làm thế chẳng khác gì nghiên cứu khoa học theo phương pháp của người vượn Nê-an-đéc-tan… đem nghiền nát một cái đồng hồ để nghiên cứu các bộ phận bên trong.

Brownell ném đĩa xuống bàn rồi hằm hằm lao ra khỏi phòng.

Vậy ra CERN có máy gia tốc hạt? Langdon thầm nghĩ trong khi thang máy tiếp tục lao xuống dưới. Một cái ống tròn để nghiền nhỏ các hạt. Anh băn khoăn không hiểu tại sao lại phải chôn cỗ máy này dưới lòng đất.

Thang máy dừng lại, Langdon cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận ra mặt đất quen thuộc đang ở ngay dưới chân mình. Nhưng khi cánh cửa mở ra thì cảm giác ấy hoàn toàn tan biến. Lại một lần nữa, anh đang ở một thế giới hoàn toàn xa lạ.

Lối đi dường như kéo dài đến vô tận ra cả hai phía: bên phải và bên trái. Lối đi này hình ống, lát xi măng đủ rộng để một cỗ xe 18 bánh có thể di chuyển dễ dàng. Nơi họ đang đứng tràn ngập ánh sáng, nhưng hành lang phía dưới thì tối thui. Một luồng gió lạnh lẽo phả ra từ khu vực tối tăm đó, như muốn nhắc nhở mọi người rằng họ đang ở rất sâu trong lòng đất. Langdon gần như cảm nhận được sức nặng của lớp đất đá ngay trên đầu họ.

Trong thoáng chốc, anh bỗng thấy mình lại là một cậu bé 9 tuổi… bóng tối nơi này đang đẩy anh trở lại với năm giờ đồng hồ khủng khiếp phải vật lộn với bóng đêm đen kịt… năm giờ đồng hố ấy còn ám ảnh anh đến tận bây giờ. Siết chặt hai bàn tay, anh cố xua nỗi ám ảnh ấy khỏi tâm trí.

Vittoria lẳng lặng bước ra khỏi thang máy, rồi nhanh nhẹn tiến vào vùng bóng tối, chẳng cần chờ Kohler và anh đi cùng. Những bóng đèn huỳnh quang trên đầu tự động bật lên soi đường cho cô. Cảm giác thật bất an, Langdon thầm nghĩ như thể toàn bộ đường hầm đang dõi theo mỗi bước chân của cô gái. Langdon và Kohler đi theo, bóng họ đổ dài phía sau. Đèn tự động tắt phụt đi ngay sau lưng họ.

- Máy gia tốc hạt này dẫn đến đâu? – Langdon khẽ hỏi?

- Đến kia, – Kohler chỉ về bên trái, nơi một đường ống mạ crôm bóng loáng chạy dọc theo bức tường trong đường hầm.

Langdon bối rối ước lượng đường ống.

- Đây là máy gia tốc?

Chẳng giống như anh tưởng tượng chút nào. Cỗ máy này thẳng tắp, đường kính khoảng 0,9 mét, chạy dọc chiếu dài đường hầm cho đến khi biến mất vào bóng tối. Giống y hệt một cái ống cống công nghệ cao, Langdon nghĩ.

- Tôi tưởng máy gia tốc hạt hình tròn.

- Máy gia tốc này hình tròn, – Kohler nói – Trông có vẻ thẳng đấy nhưng chỉ là ảo giác quang học. Chu vi của đường ống này lớn đến nỗi người ta không thể nhận ra đường cong của nó – giống như trái đất.

Langdon lặng người kinh ngạc. Cái này hình tròn?

- Nhưng… hẳn nó phải lớn khủng khiếp!

LHC là cỗ máy lớn nhất trên thế giới.

Langdon nhớ lại một chuyện. Người phi công của CERN từng nói về một cỗ máy khổng lồ chôn sâu dưới mặt đất. Nhưng…

- Nó có đường kính trên 8 km… và dài 27 km.

Đầu óc Langdon quay cuồng.

- 27 km? – Anh nhìn ông giám đốc rồi quay sang nhìn khoảng tối trước mặt. – Đường hầm này dài 27 km? Trên… 16 dặm!

Kohler gật đầu. – Một hình tròn hoàn hảo. Nó kéo dài đến tận nước Pháp rồi uốn cong trở lại đến điểm này. Các hạt được tăng tốc tối đa sẽ di chuyển vòng quanh đường ống mười ngàn lần một giây trước khi va đập.

Langdon trân trối nhìn đường hầm khổng lồ, hai chân anh như nhũn ra.

- Ý ông muốn nói rằng CERN đã đào hàng triệu tấn đất chỉ để nghiền nhỏ các hạt?

Kohler nhún vai:

- Để tìm ra chân lí thì có khi phải dời non lấp bể.


Cách trung tâm nghiên cứu hạt nhân của Uỷ ban châu Âu (CERN) hàng trăm cây số, một giọng nói rè rè vang lên từ máy bộ đàm.

- Được rồi, tôi đang ở lối vào.

Người nhân viên kỹ thuật ấn nút trên máy bộ đàm:

- Các anh hãy tìm chiếc camera số 86. Đáng ra nó phải ở góc cuối kia cơ.

Máy bộ đàm câm lặng hồi lâu. Người kỹ thuật viên bắt đầu vã mồ hôi. Cuối cùng thì nó cũng bắt đầu nhận tín hiệu.

- Không thấy máy quay ở đây, – giọng nói ban nãy cất lên. – Tôi nhìn thấy giá treo, nhưng máy thì bị tháo mất rồi.

Người kỹ thuật viên thở hắt ra nặng nề:

- Cám ơn. Chờ chút đã nhé!

Anh thở dài, nhường sự chú ý đến dãy màn hình trước mặt.

Phần lớn khu liên hợp được mở cửa công khai, và những chiếc camera không dây vẫn thỉnh thoảng biến mất, thường là do những kẻ nghịch ngợm ăn trộm về làm kỷ niệm. Nhưng ngay khi camera bị tháo ra khỏi thiết bị, tín hiệu bị mất vì màn hình trở nên trống trơn, song thật kỳ lạ, nhân viên kỹ thuật dán mắt vào thiết bị điều khiển, một hình ảnh trong suốt như pha lê vẫn được camera số 86 truyền về.

Nếu chiếc camera đã bị đánh cắp, anh băn khoăn, tại sao vẫn có tín hiệu nhỉ? Tất nhiên, chỉ còn một lời giải thích. Chiếc camera vẫn nằm trong tổ hợp và có người đã mang nó đặt ở một vị trí khác. Nhung ai mới được chứ? Và để làm gì?

Nghiên cứu màn hình hồi lâu, cuối cùng anh nhấc máy bộ đàm.

- Ở chân cầu thang còn có căn phòng nhỏ nào không? Một cái tủ hay hốc tường nào đó?

Giọng nói đáp lại vẻ hoang mang.

- Không. Sao vậy?

Người kỹ thuật viên nhíu mày:

- Không sao. Cám ơn sự giúp đỡ của anh! – Anh tắt máy bộ đàm, mím chặt môi.

Xem xét kích cỡ nhỏ bé của chiếc camera không dây, anh biết rằng hình ảnh ghi được ở camera số 86 có thể được chuyển về bất cứ chỗ nào trong phạm vi hệ thống được canh gác cẩn mật – một tổ hợp 32 toà nhà trong bán kính gần một cây số. Đầu mối duy nhất là dường như nó được đặt ở một góc tối. Dĩ nhiên, điều này chẳng giúp ích gì nhiều. Tồ hợp này có vô khối những chỗ tối – hộp kỹ thuật, ống dẫn nhiệt, kho chứa đồ, tủ đựng quần áo, thậm chí cả đường dẫn nước trong hầm ngầm. Phải mất hàng tuần mới xác định được vị trí của camera số 86.

Nhung đấy mới chỉ là vấn đề nhỏ nhất, anh nghĩ. Dù cho khâu xác định lại vị trí có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng trước mắt còn có một vấn đề khác trầm trọng hơn nhiều.

Người kỹ thuật viên chăm chú nhìn hình ảnh truyền về từ chiếc camera bị mất tích. Đó là một vật thể bất động, trông lạ hoắc.

Anh quan sát kỹ những ánh chớp nhấp nháy dưới đáy của nó. Dù đã được rèn luyện kỹ càng để đối phó với những tình huống căng thẳng, người lính gác vẫn thấy mạch đập thình thình.

Anh tự nhắc mình không được sợ hãi. Chắc chắn phải có ai giải thích cho sự việc này. Vật thể này trông rất bé nhỏ, chắc không thể gây ra nguy hiềm gì đáng kể. Thế nhưng, sự hiện hữu của nó trong tổ hợp này vẫn là mối rắc rối lớn.

Lại vào đúng ngay hôm nay cơ chứ, anh thầm nghĩ.

An ninh luôn được xem là ưu tiên hàng đầu đối với chỉ huy của anh. Và hôm nay, hơn bất cứ ngày nào khác trong suốt 12 năm qua, an ninh lại càng có tầm quan trọng đặc biệt. Người kỹ thuật viên quan sát vật thể trên màn hình hồi lâu, linh tính mách bảo anh rằng một cơn bão khủng khiếp đang hình thành.

Mồ hôi vã ra như tắm, anh quay số gọi cấp trên.


Hai cổ tay bị trói chặt của cô gái giờ đã sưng vù lên, tím bầm lại do bị cọ xát nhiều. Gã sát thủ có nước da sẫm màu đang nằm bên cạnh, sờ mó, chiêm ngưỡng phần thưởng đã bị lột trần truồng của mình. Hắn tự hỏi liệu có phải giấc ngủ của cô ta chỉ là một trò lừa gạt, một mánh khóe để khỏi phải phục vụ hắn thêm nữa hay không.

Hắn không cần biết. Hắn đã tận hưởng xong phần thưởng của mình. Sau khi cơn khát dục vọng được thoả mãn, kẻ giết người ngồi dậy.

Ở nước hắn, đàn bà chỉ là vật sở hữu. Yếu ớt. Là công cụ mua vui Là thứ đồ để mua bán chẳng khác gì gia súc. Và họ rất biết thân biết phận. Nhưng ở đây, trên đất châu Âu, đàn bà luôn làm ra bộ mạnh mẽ và độc lập cũng chính vì thế mà hắn thấy thích thú và phấn khích. Buộc họ phải phục tùng mình về thể xác là thứ khoái lạc mà hắn luôn thèm khát.

Sau khi ham muốn nhục dục được thoả mãn, tên sát thủ bắt đầu cảm nhận một dục vọng khác đang lớn dần lên trong hắn.

Đêm qua hắn đã giết người một cách dã man. Đối với hắn, giết chóc đã trở thành một loại ma tuý gây nghiện, mỗi phi vụ chỉ có thể nhất thời xoa dịu dục vọng ấy, để rồi sau đó nó càng trở nên thôi thúc hơn. Cảm giác đê mê khoái lạc tiêu tan. Cảm giác thèm thuồng muốn giết chóc quay trở lại.

Hắn quan sát kỹ cô gái đang nằm ngủ bên cạnh mình. Luồn tay quanh cổ cô, hắn biết chắc rằng chỉ cần một tích tắc cũng đủ để kết liễu mạng sống này. Nhưng nhỡ xảy ra hậu quả thì sao?

Cô ta chỉ là phường hạ đẳng, là thứ công cụ để mua vui. Những ngón tay mạnh mẽ của hắn vờn quanh cổ cô gái, áp vào động mạch, rồi cảm nhận từng nhịp đập nhẹ nhàng, đều đặn. Cố cưỡng lại bản năng giết chóc, hắn rụt tay lại. Còn có những việc khác cần phải làm. Sứ mệnh của hắn lúc này cao cả hơn khoái lạc gấp bội lần.

Bước ra khỏi giường, niềm vinh hạnh được tham gia vào sứ mạng sắp tới choán đầy tâm trí tên sát thủ. Hắn chưa thể đánh giá được hết ảnh hưởng của người đàn ông mang tên Janus và hội kín mà hắn mới được gia nhập. Thật tuyệt vời, hắn được chọn! Không hiểu bằng cách nào mà hội biết được mối thù trong lòng hắn, và cả khả năng của hắn. Hắn sẽ chẳng bao giờ hiểu được Hội có chân rết ở khắp mọi nơi.

Giờ đây niềm vinh hạnh tột đỉnh đó đã được ban cho hắn.

Hắn sẽ hành động, và thay mặt hội để phát ngôn. Hắn sẽ giết người, và truyền bá thông điệp của hội. Ở đất nước của hắn, những người như thế được gọi là Malk al-hag – Thần Chân lý.


Rất hiếm khi bọn trẻ nhớ được ngày đầu tiên chúng gặp cha, nhưng Vittoria thì luôn nhớ như in giây phút ấy. Lúc đó cô bé mới lên 8 tuổi. Không một lần được gặp cha mẹ mình, Vittoria là đứa trẻ bị bỏ rơi, và từ bé được nuôi dạy ở Orfanotrofio di Siena, một trại trẻ mồ côi của giáo hội Cơ đốc gần Florence. Hôm ấy trời mưa rả rích. Đã hai lần các xơ gọi đi ăn tối, nhưng cô bé cứ tảng lờ như không nghe thấy gì. Cô bé nằm ngoài sân, nhìn từng hạt mưa rơi, cảm nhận những giọt nước ấy đang quất vào người… và đoán xem hạt tiếp theo sẽ chạm vào chỗ nào trên cơ thể. Các xơ lại gọi lần một nữa, doạ rằng một đứa trẻ đã yếu ớt lại còn cứng đầu như cô bé thì chắc chắn sẽ bị viêm phổi, và sẽ chẳng còn cơ hội mà khám phá thiên nhiên.

Con có nghe thấy các xơ gọi đâu, Vittoria thầm nghĩ.

Khi cô bé đã ướt sũng thì một vị thầy tu trẻ tuổi tiến lại gần.

Vittoria chưa gặp ông bao giờ, một người hoàn toàn xa lạ. Vittoria tưởng con người xa lạ này sẽ túm cổ mình và lôi vào trong.

Nhưng không. Thay vào đó, cô bé ngạc nhiên thấy vị linh mục này cũng nằm xoài ra đất ngay cạnh mình, khiến cho tấm áo thầy tu mặc trên người ông cũng ướt sũng luôn.

- Các xơ nói rằng con rất hay vặn hỏi, – Ông lên tiếng.

Vittoria phản đối:

- Hỏi thì có gì là xấu?

Vị linh mục bật cười:

- Thế thì quả là các xơ nói đúng đấy.

- Cha tới đây làm gì vậy?

- Như con thôi… ta đang thắc mắc tại sao lại có mưa.

- Con không băn khoăn về điều đó! Con biết rồi!

Vị linh mục nhìn cô bé, vẻ ngạc nhiên:

- Con biết rồi ư?

- Xơ Francisca nói hạt mưa là những giọt nước mắt của các thiên thần rơi xuống để gột sạch tội lỗi của chúng ta.

- Ôi trời! – Vị thầy tu làm bộ kinh ngạc – Hoá ra là thế.

- Không phải đâu! – cô bé đáp ngay. – Mưa rơi vì tất cả mọi thứ đều rơi! Mọi thứ đều rơi! Không chỉ có mỗi mưa!

Vị linh mục gãi đầu, vẻ bối rối.

- Con biết không, cô bé, con nói đúng đấy. Mọi thứ đều rơi. Đó là do trọng lực.

- Đó là gì cơ”

- Ông lại nhìn cô bé ngạc nhiên. con chưa từng nghe nói đến trọng lực bao giờ à?

- Chưa ạ.

Vị linh mục buồn bã nhún vai.

- Tệ quá. Trọng lực là lời giải thích cho rất nhiều câu hỏi đấy.

Vittoria ngồi dậy.

- Trọng lực là gì ạ? Cha hãy nói cho con biết đi!

Vị linh mục nháy mắt:

- Câu hỏi này ta sẽ trà lời trong bữa tối.

Vị linh mục trẻ đó chính là Leonardo Vetra. Mặc dù đã từng giành giải thưởng khi còn học đại học, nhưng ông đã nghe theo một tiếng gọi khác và vào trường dòng. Leonardo và Vittoria đã trở thành người bạn vô cùng thân thiết trong thế giới cô đơn và tẻ nhạt của những tu sĩ và phép tắc. Vittoria khiến Leonardo phải bật cười, và ông giang tay che chở, rồi giảng giải cho cô bé những điều tuyệt vời như cầu vồng hay những dòng sông. Ông giảng giải cho cô về ánh sáng, về các hành tinh, các vì sao và các hiện tượng thiên nhiên theo quan điểm của cả Chúa trời lẫn khoa học. Trí thông minh thiên bẩm cộng với sự tò mò đã biến cô bé trở thành một học sinh tài năng. Leonardo bảo vệ Vittoria như thể cô bé chính là con gái của ông vậy.

Vittoria cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Cô bé chưa bao giờ được hưởng niềm hạnh phúc có cha. Khác hẳn những người lớn khác, chỉ trả lời những câu hỏi của cô bé theo kiểu an ủi, cha Leonardo đã dành hàng giờ đồng hồ để mở sách cho cô xem. Thậm chí ông còn hỏi xem ý kiến của cô bé thế nào. Vittoria cầu mong sao cha Leonardo sẽ ở mãi bên mình. Thế rồi một ngày, cơn ác mộng kinh hoàng nhất đời cô bé đã xảy ra. Cha Leonardo nói ông sẽ rời xa trại trẻ mồ côi.

- Cha sắp đi Thuỵ Sĩ, – Leonardo nói – Cha giành được học bổng ngành vật lí tại trường đại học Geneva.

- Ngành vật lí? – Vittoria khóc – Con tưởng cha yêu Chúa cơ mà!

- Ta yêu Chúa chứ, rất yêu là đằng khác. Đó là lí do tại sao ta muốn nghiên cứu những quy luật thiêng liêng của Chúa. Các định luật vật lí chính là tấm vải toan mà Chúa trải ra để vẽ nên kiệt tác của Người.

Vittoria cảm thấy vô cùng đau khổ. Nhưng cha Leonardo còn có một thông tin khác nữa. Ông nói với Vittoria rằng ông đã xin phép bề trên nhận Vittoria làm con nuôi, và đã được chấp nhận.

- Con có muốn làm con nuôi của ta không? – Leonardo hỏi.

- Con nuôi là thế nào ạ? – Vittoria nói.

Nghe cha Leonardo giải thích, Vittoria ôm ghì lấy ông đến năm phút, những giọt nước mắt sung sướng lăn trên gò má.

- Ôi vâng! Vâng!

Leonardo dặn dò cô bé rằng ông phải đi vắng một thời gian để chuẩn bị nhà mới cho hai cha con ở Thuỵ Sĩ; nhưng ông hứa sau 6 tháng sẽ quay lại đón cô bé. Đó là khoảng thời gian chờ đợi dài nhất trong cuộc đời Vittoria. Leonardo đã giữ lời hứa. Năm hôm trước ngày sinh nhật lần thứ 9 của mình, Vittoria được đến Geneva. Ban ngày cô bé học tại trường Quốc tế Geneva, còn ban đêm thì được cha nuôi dạy dỗ.

Ba năm sau, Leonardo được nhận vào làm việc tại CERN.

Vittoria và Leonardo chuyển đến một nơi ở tuyệt vời, một nơi mà cô gái bé bỏng Vittoria chưa bao giờ dám mơ tới.

***

Sải bước trong đường hầm LHC, Vittoria thấy lòng tê tái. Nhìn bóng dáng câm lặng của mình phản chiếu trên tường, cô gái càng nhớ thương cha. Bình thường thì trong cô luôn có một cảm giác bình an và hài hoà với thế giới xung quanh. Nhưng giờ đây, tất thảy bỗng chốc bị đảo lộn. Ba tiếng đồng hồ vừa trôi qua như một giấc mơ.

Lúc đó là 10 giờ sáng trên quần đảo Balearic khi Vittoria nhận điện thoại của Kohler. “Cha cô đã bị sát hại. Về nhà ngay đi”. Trên boong tàu ngầm rất nóng nực, nhưng những lời nói đó khiến cô gái thấy lạnh đến tận xương sống. Cô đau đớn vì thông tin kinh hoàng ấy, và cũng vì cả giọng nói lạnh lùng vô cảm của Kohler.

Giờ thì Vittoria đã về đến nhà. Nhưng nhà là gì chứ? CERN, thế giới của cô từ năm 12 tuổi, đột nhiên trở nên xa lạ. Người cha thân yêu, người đã biến nơi này thành xứ sở thần tiên, giờ đây không còn nữa.

Hít thở sâu, cô gái tự nhủ, nhưng tâm trí vẫn chẳng dịu đi chút nào. Bao nhiêu câu hỏi cứ xoay đảo trong đầu. Ai giết cha? Và tại sao? Cái anh chàng “chuyên gia” người Mỹ này là ai? Tại sao Kohler lại khăng khăng đòi xem phòng thí nghiệm?

Kohler nói rằng có bằng chứng cho thấy vụ sát hại cha cô liên quan đến dự án đang tiến hành. Bằng chứng nào? Không ai biết chúng tôi đang làm gì! Cho dù có biết đi chăng nữa thì giết cha tôi để làm gì?

Sải bước dọc theo đường hầm LHC, xuống gần đến phòng thí nghiệm của cha, Vittoria nhận ra rằng mình sắp công bố thành tựu lớn nhất đời của cha, còn cha thì không thể có mặt ở đây được nữa. Trong trí tưởng tượng của Vittoria, khoảnh khắc này đáng ra phải hoàn toàn khác. Cô gái đã mường tượng cảnh cha mình mời những nhà khoa học hàng đầu của CERN đến phòng thí nghiệm, cho họ xem phát minh của hai cha con, và quan sát vẻ mặt kinh ngạc của họ. Rồi cha sẽ nở một nụ cười rạng rỡ, và ôn tồn giải thích rằng nhờ có ý tưởng của Vittoria nên cha đã có thể biến dự án thành này hiện thực… rằng con gái của cha là một phần không thể tách rời trong những phát minh mang tính đột phá này. Vittoria thấy cổ họng mình tắc nghẹn. Đáng ra mình phải được chia sẻ khoảnh khắc này với cha. Nhưng giờ đây chỉ có một mình Vittoria. Không đồng nghiệp. Không có những khuôn mặt rạng rỡ. Chỉ có một anh chàng người Mỹ xa lạ và Maximilian Kohler.

Maximilian Kohler.

Từ thuở bé, Vittoria đã không thích người đàn ông này. Dù sau này cô gái có ngưỡng mộ trí thông minh kiệt xuất của ông ta, thì lối cư xử vô tình và lạnh lẽo của Kohler vẫn luôn đối lập hoàn toàn với thái độ nồng hậu của cha cô. Kohler theo đuổi khoa học vì tính lôgíc thuần khiết của nó… còn cha cô lại vì những trăn trở tâm linh. Vậy mà kỳ lạ thay, hai người lại luôn luôn kính trọng nhau, dù không ai nói thành lời. Thiên tài, có người đã giải thích với cô, thường chấp nhận tài năng một cách vô điều kiện.

Thiên tài, cô thầm nghĩ. Cha… Cha đã mất rồi.

Lối vào phòng thí nghiệm của Leonardo Vetra là một hành lang dài được khử trùng, lát toàn đá trắng. Langdon cảm tưởng như đang bước vào một nhà thương điên dưới lòng đất. Nối giữa các hành lang là hàng chục bức ảnh đen trắng được đóng khung.

Dù nghề của Langdon là nghiên cứu hình ảnh, nhưng anh vẫn thấy những bức ảnh này cực kỳ lạ lẫm, trông như những đoạn phim âm bản lộn xộn ngổn ngang những hình xoáy và kẻ sọc ngẫu nhiên. Nghệ thuật hiện đại? Anh đăm chiêu. Liều thuốc kích thích của Jackson Pollockl?

- Gieo hạt trên những khoảnh đất, – Vittoria nói, rõ ràng là đã nhận thấy mối bận tâm của Langdon. – Máy tính thể hiện sự va đập của các hạt. Đó là các hạt Z – Vittoria chỉ vào một vệt mờ hầu như rất khó nhận ra trong mớ hỗn độn đó. – Cha tôi phát hiện ra nó 5 năm trước đây. Năng lượng thuần tuý – hoàn toàn không trọng lượng. Có lẽ nó là khối vật chất tự tạo nhỏ nhất trong tự nhiên. Vật chất không trọng lượng, nhưng lưu giữ năng lượng..

Vật chất là năng lượng? Langdon ngẩng đầu lên. Nghe hơi giống Thiền. Anh nhìn kỹ vào vệt sọc nhỏ bé trong bức ảnh và băn khoăn không biết mấy ông bạn thân của mình ở khoa vật lí tại Trường đại học Harvard sẽ nói gì khi nghe anh kể lại rằng ông bạn của họ đã có hàng tuần tha thẩn trong một cỗ máy gia tốc hạt (LHC) để chiêm ngưỡng các hạt Z.

- Vittoria, – Kohler lên tiếng khi họ tiến gần đến cánh cửa thép lớn của phòng thí nghiệm:

- Tôi nên nói cho cô biết rằng sáng nay tôi đã xuống đây tìm cha cô.

Vittoria hơi đỏ mặt.

- Ông ư?

- Đúng. Và hãy tưởng tượng tôi ngạc nhiên thế nào khi phát hiện ra rằng ông ấy đã thay thế phím an ninh chuẩn của CERN bằng một thứ khác. – Kohler chỉ tay vào một thiết bị điện tử phức tạp được treo bên cạnh cửa.

- Tôi xin lỗi, – cô nói – Ông biết đấy, cha tôi có ý định giữ bí mật. Ông ấy không muốn ai ngoài hai chúng tôi có thể tiếp cận phòng thí nghiệm.

Kohler nói:

- Được rồi. Mở cửa ra đi.

Vittoria đứng một lúc lâu. Rồi hít một hơi dài, cô bước đến cái máy trên tường.

Langdon không hề đoán được điều gì sắp xảy ra.

Vittoria bước lên gần thiết bị và cẩn thận hướng mắt phải tới ống kính nhô ra như kính viễn vọng. Rồi cô ấn nút. Trong máy phát ra tiếng lách cách nhẹ. Một luồng sáng lia vòng quanh để quét hình hình nhãn cầu, tựa như máy photocopy.

- Đây là máy quét võng mạc. – Cô nói – An toàn và chính xác. Nó chỉ chấp nhận hai cầu hình võng mạc thôi. Của tôi và cha tôi!

Robert Langdon đứng đó, vẻ thảng thốt. Hình ảnh Leonardo Vetra trở lại trong tâm trí với từng chi tiết rùng rợn: khuôn mặt đầy máu, ánh mắt màu lam nhạt đơn độc trợn trừng, còn hốc mắt bên kia thì trống trơn. Anh cố quên đi hình ảnh ấy, nhưng nó cứ hiện lên… phía dưới máy quét, trên nền đá lát màu trắng… những giọt máu đỏ mờ mờ. Máu đã khô.

Ơn trời, Vittoria không để ý thấy.

Cánh cửa thép mở ra, và cô gái bước vào.

Kohler chặn Langdon bằng ánh mắt sắc lạnh. Thông điệp của ông ta rất rõ ràng: Như tôi đã nói… con mắt bị mất dùng cho một mục đích cao hơn.

Chú thích:

(1) Jackson Pollock: Một nghệ sĩ người Mỹ (1912-1956), đứng đầu trường phái ấn tượng, dùng phong cách “nghệ thuật hành động”. Ông thường dùng sơn vẩy lên tấm vải lớn để tạo những bức tranh


Phòng thí nghiệm của Vetra trông hệt như một cảnh trong phim viễn tưởng.

Toàn bộ hệ thống máy tính và các thiết bị điện tử chuyên biệt đều cùng một màu trắng ảm đạm, chẳng khác gì phòng mổ trong bệnh viện. Langdon băn khoăn không hiểu bí mật được lưu giữ ở nơi này ghê gớm đến mức nào mà người ta phải nhẫn tâm móc mắt người khác để vào bằng được.

Cùng họ bước vào phòng, Kohler có vẻ không được thoải mái. Ông ta đưa mắt nhìn khắp phòng một lượt, như thể muốn tìm dấu vết của kẻ đã đột nhập vào đây. Nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy người nào. Vittoria bước từng bước chậm chạp… như thể căn phòng này đã trờ nên vô cùng xa lạ từ khi cha cô không còn trên cõi đời này nữa.

ASnh mắt Langdon lập tức đúng lại giữa phòng. Anh thấy một dãy cột nhô lên trên sàn, giống như phiên bản của những phiến đá Stonehenge, khoảng một chục cây cột bằng thép bóng loáng xếp thành hình vòng tròn chính giữa phòng. Những cây cột này cao khoảng gần 1 mét, gợi nhớ tới một bảo tàng trưng bày đá quý nào đó. Nhưng không hề có đá quý. Trên mỗi cột là một hộp nhỏ, đầy dặn, trong suốt, to bằng hộp bóng tennis. Tất cả những cái hộp này hình như đều trống không.

Kohler bối rối đưa mắt nhìn những hộp nhỏ ấy. Nhưng rõ ràng là ông ta chưa muốn đả động đến chúng ngay lúc này. Ông giám đốc quay sang hỏi Vittoria:

- Có mất cái gì không?

- Mất cái gì? Làm sao mà mất được? – Cô phản đối – Máy quét võng mạc chỉ cho phép hai cha con tôi vào được thôi.

- Quan sát kỹ đi đã.

Vittoria thở dài và tìm kiếm xung quanh phòng một lúc. Cô nhún vai. – Mọi thứ vẫn như cha tôi sắp xếp. Hỗn độn một cách có trật tự.

Langdon nhận thấy Kohler đang cân nhắc điều gì đó, có lẽ ông ta đang nghĩ xem có nên ép Vittoria hay không… và nên để cho cô gái biết bao nhiêu phần sự thật. Rõ ràng là ông ta không muốn chờ đợi lâu hơn nữa. Điều khiển cho xe lăn di chuyển ra giữa phòng, Kohler chăm chú quan sát những cái hộp.

Cuối cùng ông ta lên tiếng:

- Bí mật là một thứ xa xỉ đối với chúng ta trong hoàn cảnh này.

Vittoria gật đầu đồng tình. Bất chợt cô gái có vẻ xúc động, có lẽ những kỷ niệm về người cha đang ùa về trong tâm trí.

Cho cô ấy thêm một phút nữa đi, Langdon nghĩ.

Như thể muốn chuẩn bị tinh thần để nói ra những điều vô cùng quan trọng, Vittoria nhắm nghiền mắt lại, hít thở sâu. Thở ra, hít vào, lặp đi lặp lại…

Theo dõi từng biểu hiện của cô gái, Langdon bỗng thấy lo lắng. Vittoria có làm sao không? Anh quay sang nhìn Kohler. Ông ta vẫn hoàn toàn bình thản, rõ ràng đã quá quen với những cảnh này. Mười giây trôi qua, Vittoria mở mắt.

Langdon không ngờ cô gái lại có thể thay đổi nhanh đến thế.

Vittoria đã hoàn toàn khác hẳn. Đôi môi không còn mím chặt nữa, vai rũ hẳn xuống, ánh mắt yếu đuối đầy vẻ cam chịu. Như thể cô gái đã sắp xếp lại toàn bộ hệ cơ trong thân thể mình để thích nghi với tình thế bất ngờ này. Vẻ căm hờn vì đau khổ đã được thay thế bằng dáng vẻ điềm nhiên tự tại.

- Tôi nên bắt đầu từ đâu nhỉ… – cô lên tiếng, giọng điềm tĩnh.

- Từ đầu đi, – Kohler nói – Hãy cho chúng tôi biết về thí nghiệm của cha cô.

- Dùng khoa học để chứng minh tôn giáo là giấc mơ cả đời của cha tôi, – Vittoria nói – Cha tôi hy vọng có thể chứng minh được rằng tôn giáo và khoa học là hai lĩnh vực rất tương đồng – hai cách thức tuy khác nhau, nhưng đều dẫn đến cùng một chân lý.

Vittoria dừng lại một lúc, như thể không tin vào những gì mình sắp nói ra.

- Và gần đây, ông ấy đã tìm ra cách để chứng minh điều đó.

Kohler không nói gì.

- Cha tôi đã làm một thí nghiệm, một thí nghiệm chắc chắn sẽ gây ra những xung đột gay gắt chưa từng thấy trong lịch sứ khoa học và tôn giáo.

Langdon băn khoăn không hiểu Vittoria muốn nhắc tới xung đột gì. Trong suốt quá trình lịch sử, người ta đã tranh cãi quá nhiều.

- Liên quan tới thuyết nói rằng Chúa đã tạo ra thế giới, – Vittoria tuyên bố. – Những tranh cãi về sự hình thành của vũ trụ.

Ôi, Langdon thầm nghĩ. Cuộc tranh cãi này.

- Theo kinh thánh thì dĩ nhiên vũ trụ là do Chúa tạo ra, – cô gái giải thích. – Chúa nói phải có ánh sáng, – và thế là từ một khoảng không vĩ đại, mọi thứ hiện ra. Thật không may, một trong những định luật vật lí cơ bản lại cho rằng vật chất không thể tự nhiên sinh ra.

Langdon đã từng nghe nói về chuyện này. Ý tưởng cho rằng Chúa tạo ra “mọi thứ từ hư vô” hoàn toàn đối lập với những định luật vật lí hiện đại đã được công nhận. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng học thuyết Chúa sáng tạo ra thế giới là hoàn toàn lố bịch về mặt khoa học.

- Ông Langdon, – Vittoria quay sang anh – Ông đang nghĩ đến thuyết Big Bang phải không?

Langdon nhún vai:

- Đại loại như vậy.

- Anh biết rằng Big Bang hiện là học thuyết được đông đảo các nhà khoa học chấp nhận về sự hình thành nên vũ trụ. Nhận thức của anh cũng không được sâu sắc lắm, nhưng theo thuyết này thì một khối vật chất ban đầu chứa đựng một nguồn năng lượng cực lớn đã nổ tung, các mành nhỏ của nó văng ra khắp mọi hướng, tạo thành vũ trụ ngày nay.

- Đại thể là thế.

Vittoria nói tiếp:

- Khi Giáo hội Thiên Chúa giáo lần đầu tiên đưa ra học thuyết Big Bang vào năm 1927 thì…

- Cái gì cơ? – Không thể tự kiềm chế, Langdon ngắt lời cô gái – Cô nói thuyết Big Bang là ý tưởng của Giáo hội?

Câu hỏi của anh khiến Vittoria ngạc nhiên.

- Đương nhiên. Một tu sĩ Thiên Chúa giáo tên là Georges Lemaltre đã đưa ra giả thuyết này năm 1927.

- Tôi tưởng là…, – Anh ngập ngừng – Chẳng lẽ thuyết Big Bang không phải do Edwin Hubble, nhà thiên văn học của Harvard đề xuất sao?

Kohler trừng mắt:

- Lại nữa rồi, sự ngạo mạn của giới khoa học Mỹ. Hubble công bố năm 1929, hai năm sau Lemaltre.

Langdon trừng mắt.

- Người ta gọi là kính viễn vọng Hubble, thưa ngài – Tôi chưa bao giờ nghe nói đến kính viễn vọng Lemaltre!

- Ông Kohler nói đúng đấy, – Vittoria lên tiếng:

- Ý tưởng đó thuộc về Lemaltre. Hubble chỉ khẳng định lại điều đó bằng cách thu thập bằng chứng để chứng minh rằng vụ nổ Big Bang là có căn cứ khoa học.

- Ồ, – Langdon thốt lên, băn khoăn không hiểu những kẻ vốn ngưỡng mộ Hubble đến mức mê cuồng ở khoa thiên văn của trường Harvard đã bao giờ đề cập đến Lemaltre trong các bài giảng của họ hay chưa.

- Lần đầu tiên khi Lemaltre đưa ra thuyết Big Bang, – Vittoria nói tiếp, – Các nhà khoa học cho rằng học thuyết này hoàn toàn lố bịch. Họ nói vật chất không thể được tạo ra từ con số không. Vì vậy khi Hubble làm chấn động cả thế giới bằng cách cung cấp những bằng chứng khoa học để chứng minh Big Bang, nhà thờ tuyên bố thắng cuộc và cho đây là một minh chứng cho rằng Kinh thánh chính xác về mặt khoa học. Là chân lí thần thánh.

Langdon gật đầu, chăm chú lắng nghe.

Lẽ dĩ nhiên là các nhà khoa học không hưởng ứng việc giáo hội sử dụng các phát minh khoa học để truyền bá tôn giáo, vì vậy họ ngay lập tức toán học hoá học thuyết Big Bang, gỡ bỏ những gì dính đến tôn giáo, và tuyên bố rằng phát minh này là của họ. Thật không may cho khoa học cho đến tận ngày nay, những phương trình của họ vẫn còn một thiếu sót lớn mà giáo hội muốn chỉ ra.

Kohler lầu bầu:

Đơn thức, – Ông ta nhấn mạnh từng chữ như thể sự tồn tại của mình sắp sụp đổ.

- Vâng, đơn thức, – Vittoria nói – Khoảnh khắc chính xác của tạo hoá. Điểm khởi đầu của thời gian. – Cô gái nhìn Langdon. – Thậm chí ngày nay khoa học vẫn chưa thể nắm bắt được thời điểm khởi đầu của sự hình thành vũ trụ. Các phương trình của chúng ta giải thích thời kì sơ khai của vũ trụ rất tốt, nhưng khi ta lùi thời gian lại tiến đến điểm số không thì các tính toàn lại không thống nhất, và mọi thứ dường như trở nên vô nghĩa.

- Rất đúng, – Kohler nói, giọng bực bội, – Và nhà thờ đã coi khiếm khuyết này là bằng chứng của sự tham gia màu nhiệm của Chúa. Bây giờ cô hãy nói vào vấn đề đi.

Giọng Vittoria bỗng trở nên xa xăm:

- Vấn đề là ở chỗ cha tôi vẫn luôn tin rằng có sự tham gia của Chúa vào vụ nổ Big Bang. Mặc dù giờ dây khoa học vẫn chưa thể nào lý giải được khoảnh khắc kỳ diệu của tạo hoá, nhưng ông ấy vẫn tin rằng một ngày nào đó khoa học sẽ làm được điều đó. – Cô buồn bã chỉ vào những tờ ghi nhớ dán khắp nơi trong khu vực làm việc của cha mình. – Cha tôi thường giơ những tờ giấy này ra trước mặt tôi mỗi khi tôi tỏ ra hoài nghi.

Langdon đọc dòng chữ in trên tờ giấy:

KHOA HỌC VÀ TÔN GIÁO KHÔNG HỀ XUNG ĐỘT NHAU.

ĐƠN GIẢN LÀ KHOA HỌC CÒN QUÁ NON TRẺ NÊN CHƯA LÝ GIẢI ĐƯỢC TẤT CẢ.

- Cha tôi muốn nâng khoa học lên một tầm cao mới, để khoa học chứng minh được sự tồn tại của Chúa – Vittoria nói và buồn bã vuốt mái tóc dài của mình. – Và cha tôi đã bắt tay tiến hành một việc mà chưa nhà khoa học nào nghĩ tới. Điều mà chưa ai đủ sức mạnh về công nghệ để tiến hành. – Cô gái ngừng lại, như thể chưa chọn được những ngôn từ thích hợp. – Ông đã tiến hành một thí nghiệm để chứng minh rằng thuyết Chúa sáng tạo ra vạn vật là chính xác.

Chứng minh rằng Chúa sáng tạo ra thế giới? – Langdon băn khoăn. Phải có ánh sáng? Vật chất hình thành từ hư vô?

Đôi mắt lạnh lẽo của Kohler lia một lượt khắp gian phòng.

- Cô vừa nói cái gì?

- Cha tôi tạo một vũ trụ… từ con số không.

Kohler ngẩng phắt lên:

- Cái gì?

- Nói một cách chính xác thì ông ấy đã tái tạo vụ nổ Big Bang.

Kohler trông như thể sắp nhảy dựng lên.

Langdon hoàn toàn rối trí. Tạo ra một vũ trụ? Mô phỏng vụ nổ Big Bang?

- Đương nhiên, đây là sự mô phỏng trên quy mô nhỏ hơn.

Những lời nói của Vittoria mỗi lúc một trở nên gấp gáp:

- Quá trình này cực kỳ đơn giản. Cha tôi tăng tốc độ của hai hạt siêu mỏng từ hai hướng đối lập nhau trong ống gia tốc. Hai hạt này va đập ở vận tốc cực lớn, đâm xuyên vào nhau và nén toàn bộ năng lượng của chúng vào một điểm đơn nhất. Cha tôi đã tạo ra được tỷ trọng năng lượng cực đại.

Cô gái bắt đầu dùng đến hàng loạt thuật ngữ chuyên ngành, còn ông giám đốc thì tròn mắt kinh ngạc.

Langdon cố hiểu những điều cô gái nói. Vậy là Leonardo Vetra đang mô phỏng điểm năng lượng nén đã sinh ra vũ trụ ngày nay.

- Kết quả cực kỳ hấp dẫn. – Vittoria nói – Khi được công bố, thí nghiệm này sẽ làm rung chuyển toàn bộ ngành vật lý đương đại.

Cô gái nói chậm lại, như thể muốn tăng trọng lượng cho câu nói tiếp theo:

- Không hề sắp đặt trước, trong mỗi ống gia tốc, từ điểm tập trung năng lượng cực lớn này, các hạt vật chất xuất hiện từ hư không.

Kohler ngồi im như trời trống, hai mắt nhìn trân trối.

- Vật chất, – Vittoria lặp lại, – được sinh ra từ hư không. Một cuộc trưng bày pháo hoa ngoạn mục của các hạt nhỏ hơn nguyên tử. Một mô hình vũ trụ đang hình thành. Ông ấy muốn chứng minh không chỉ vật chất được tạo ra từ hư không mà cả vụ nổ Big Bang lẫn sự kiện Chúa sáng tạo thế giới có thể được giải thích đơn giản bầng cách chấp nhận sự hiện diện của một nguồn năng lượng khổng lồ.

- Ý cô là Chúa? – Kohler hỏi.

- Chúa Trời, Đức Phật, Đấng Tối Linh, Thánh Yahweh (Vị thánh của người Do Thái), đơn thức, điểm đơn nhất – bất cứ cái tên nào cũng được – kết quả vẫn là thế. Cả tôn giáo lẫn khoa học cùng tôn sùng một chân lí – năng lượng thuần tuý chính là cha đẻ của tạo hoá.

Cuối cùng thì Kohler cũng lên tiếng, giọng yếu ớt:

- Vittoria, tôi vẫn chưa hiểu. Hình như cô vừa nói rằng cha cô tạo ra vật chất… từ hư không?

- Vâng. – Vittoria chỉ về phía những chiếc hộp – Và đây là bằng chứng. Trong những chiếc hộp này là mẫu các vật chất mà cha tôi tạo ra.

Miệng húng hắng ho, Kohler tiến lại gần những chiếc hộp như một con thú đang thận trọng lượn quanh những thứ mà bản năng của nó mách bảo rằng có vấn đế.

- Có một điều tôi vẫn chưa hiểu. – Ông ta nói tiếp – Làm sao mọi người có thể tin được rằng những cái hộp này chứa các hạt vật chất mà cha cô thực sự tạo ra? Chúng có thể là những hạt lấy được từ bất cứ chỗ nào.

- Chắc chắn họ sẽ phải tin. – Vittoria nói bằng giọng tự tin. – Đây là những hạt độc nhất vô nhị. Chúng là một dạng vật chất chưa từng tồn tại ở bất cứ nơi nào trên trái đất… do đó chúng chỉ có thể được tạo ra.

Kohler càng tỏ ra hoài nghi:

- Vittoria, cô nói đến một dạng vật chất nhất định nghĩa là sao? Chỉ có một dạng vật chất duy nhất, và Kohler đột ngột ngừng bặt.

Giọng Vittoria đầy đắc thắng:

- Ông chẳng vừa tự nói ra đó sao, thưa giám đốc. Vũ trụ bao gồm hai loại vật chất. Sự thật khoa học đấy. – Vittoria quay sang Langdon – Ông Langdon, Kinh thánh nói thế nào về sự sáng tạo nhỉ? Chúa tạo ra gì?

Langdon cảm thấy ngượng, không hiểu tại sao cô gái lại hỏi mình điều đó.

- Ừm, Chúa tạo ra… ánh sáng và bóng đêm, thiên đường và địa ngục…

- Chính xác, – Vittoria nói – Người tạo ra vạn vật theo cặp đối lập Rất đối xứng và cực kỳ cân bằng. – Cô quay sang Kohler – Thưa giám đốc, khoa học cũng khẳng định như vậy, rằng vụ nổ Big Bang tạo ra vạn vật trong vũ trụ theo những cặp đối lập.

- Kể cả chính vật chất, – Kohler thì thầm, như thể đang tự nói với mình.

Vittoria gật đầu.

- Và trong thí nghiệm của cha tôi, quả thực là hai loại vật chất đã hình thành.

Langdon băn khoăn không hiểu. Leonardo Vetra tạo ra cái đối lập với vật chất?

Kohler có vẻ giận dữ:

- Thứ vật chất mà cô đề cập đến chỉ tồn tại đâu đó trong vũ trụ. Chắc chắn không ở trên trái đất, thậm chí không hiện diện trong thiên hà của chúng ta.

- Chính xác, – Vittoria đáp, – Điều đó là bằng chứng cho thấy những hạt trong hộp này là nhân tạo.

Mặt Kohler khó đăm đăm:

- Vittoria, cô có chắc những hộp này chứa mẫu thật không?

- Chắc chứ. – Cô tự hào nhìn những chiếc hộp – Trước mắt giám đốc là những mẫu phản vật chất đầu tiên trên thế giới.


Giai đoạn hai đây, tên sát thủ nghĩ thầm trong khi sải bước vào đoạn đường hầm tối om.

Ngọn đuốc hắn đang cầm trong tay sẽ trở nên vô cùng lợi hại.

Hắn biết điều đó. Phải thế mới được việc. Hiệu quả chính là điều quan trọng nhất. Tên sát thủ biết. rằng nỗi sợ hãi luôn là đồng minh cửa hắn. Cảm giác sợ hãi lan nhanh hơn bất cứ loại vũ khí nào khác.

Trong đường hầm không có tấm gương nào để tên sát thủ tự chiêm ngưỡng tài hoá trang của hắn, nhưng nhìn vào bóng chiếc áo thầy tu trải dài trên lối đi, hắn biết rằng khâu hoá trang của hắn vô cùng hoàn hảo. Đóng giả là một phần trong kế hoạch… một phần của điệp vụ. Tên sát thủ chưa bao giờ dám mơ đến một niềm vinh hạnh nhường này, kể cả trong những giấc mơ điên khùng nhất.

Hai tuần trước đây, hắn đã cho rằng nhiệm vụ mà hắn sắp thực hiện ở đầu kia của đường hầm là không khả thi. Làm thế chẳng khác nào tự sát. Tay không dẫn xác vào hang hùm. Nhưng Janus đã làm thay đổi định nghĩa của cụm từ bất khả thi.

Chỉ trong vòng hai tuần vừa rồi, Janus đã tiết lộ với tên sát thủ không biết bao nhiêu điều bí mật… đường hầm này chỉ là một trong số ấy. Quả là cũ kỹ, nhưng vẫn còn tốt.

Cần đến sào huyệt của kẻ thù, kẻ giết người băn khoăn không hiểu mọi sự có suôn sẻ và dễ dàng đúng như lời hứa của Janus hay không. Janus đã nói chắc như đinh đóng cột rằng một nội gián trong toà thánh đã sắp xếp hết mọi thứ cần thiết. Có kẻ nội gián bên trong. Thật không tin nổi. Càng nghĩ, hắn càng thấy chuyện này giống hệt trò trẻ con.

Wahad… tintain… thalatha… arabaa, hắn tự nhủ bằng tiếng Ả-rập khi tiến gần đến cuối đường hầm. Một… hai… ba… bốn…


- Hình như ông đã từng nghe nói đến phản vật chất, phải thế không ông Langdon? – Vittoria đang nhìn anh chăm chú. Nước da màu nâu sẫm của cô gái tạo nên một sự lương phản đầy ấn tượng với màu trắng của phòng thí nghiệm.

Langdon ngước mắt lên. Đội nhiên anh trở nên ấp úng:

- À… Ừm… đại loại như thế.

Cô gái thoáng mỉm cười:

- Tức là anh đã xem bộ phim Star Trek.

Langdon đỏ mặt:

- Ừ…, tại lũ sinh viên của tôi thích… – Anh nhíu mày – Không phải phản vật chất là thứ cung cấp nhiên liệu cho U.S.S Enterprise đấy chứ?

Cô gật đầu.

- Khoa học viễn tưởng thường bắt nguồn từ khoa học chính thống.

- Vậy phản vật chất là có thật?

- Chân lí của tự nhiên. Mọi thứ đều tồn lại song song với một thứ đối lập với nó. Có hạt proton thì phải có electron. Có hạt quark trên tất phải có hạt quark dưới. Có sự đối xứng trong vũ trụ ở mức độ tiểu nguyên tử. Phản vật chất là âm so với vật chất là dương. Nó cân bằng phương trình vật lí.

Langdon nghĩ đến quan điểm đối ngẫu của Galileo.

- Từ năm 1918, các nhà khoa học biết rằng, – Vittoria nói, – hai loại vật chất được tạo ra trong vụ nổ Big Bang. Loại vật chất thứ nhất ta thấy hiện diện trên trái đất, tạo thành núi đá, cây cối, con người. Loại vật chất kia ngược lại với loại thứ nhất – giống nhau mọi khía cạnh trừ điện tích trái dấu.

Kohler nói như thể vừa tỉnh cơn mộng. Giọng nói của ông ta đột nhiên mất hẳn tự tin:

- Nhưng có những rào cản kỹ thuật thực sự lớn đối với khâu lưu giữ phản vật chất. Thế còn chất trung lập thì sao?

- Cha tôi đã xây dựng một ống chân không phân cực đảo chiều để kéo các pozitron của phản vật chất ra khỏi máy gia tốc trước khi chúng bị phân huỷ.

Kohler giận dữ.

- Nhưng một ống chân không cũng sẽ kéo các vật chất ra ngoài. Sẽ không thể tách các hạt ra được.

- Cha tôi sử dụng từ trường. Vật chất tạo thành cung lửa điện ở bên phải, còn phản vật chất tạo ra cung lửa điện ở bên trái. Chúng ở hai cực đối nhau.

Đến lúc này, những nghi ngờ của Kohler dường như đã bị đập tan. Ông ta ngước nhìn Vittoria với vẻ ngạc nhiên tột độ, rồi đột nhiên ho rũ rượi:

- Thật… không…tin nổi… – Ông ta nói, tay quệt ngang miệng, – Nếu… – Dường như lối lập luận lôgíc vẫn chưa hoàn toàn bị chinh phục – Nhưng dù cho ống chân không có làm được điều đó đi nữa thì vẫn phải dùng đến vật chất để tạo ra những chiếc hộp này. Phản vật chất không thể được lưu trữ trong những chiếc hộp bằng vật chất. Phản vật chất sẽ ngay lập tức phản ứng với…

- Mẫu vật này không chạm vào thành hộp. – Vittoria nói, rõ ràng đã đoán trước câu hỏi. – Phản vật chất bị treo lơ lửng. Hai cha con tôi gọi những cái hộp này là “bẫy phản vật chất”, bởi chúng giữ cho phản vật chất lơ lửng ở giữa, ở một cự ly an toàn so với các thành hộp và đáy hộp.

- Treo lơ lửng? Nhưng… làm thế nào?

- Giữa hai từ trường đan xen vào nhau. Đây, ông nhìn đi.

Vittoria bước qua căn phòng và lấy một bộ dụng cụ điện tử lớn. Chiếc máy kỳ lạ đó khiến Langdon nhớ đến một loại súng bắn tia chùm nào đó trong các phim hoạt hình – một nòng súng kiểu canon có ống ngắm trên đầu và một mớ dây điện loằng ngoằng phía dưới. Vittoria hướng ống ngắm vào một trong những chiếc hộp, ghé mắt vào ống kính và kiểm tra vài nút vặn. Rồi cô lùi lại đưa cho Kohler xem.

Kohler bối rối.

- Cô thu thập được cả lượng hữu hình?

- 5000 nanogram, – Vittoria nói – Một lượng plasma lỏng chứa hàng triệu pozitron(1).

Hàng triệu? Nhưng người ta chỉ phát hiện tất cả có vài hạt ở… khắp nơi.

- Chất xenon. – Vittoria bình thản nói – Cha tôi đã tăng tốc các tia hạt xuyên qua một tia xenon, tách bỏ các hạt electron. Cha tôi muốn giữ bí mật quy trình này, nhưng nó liên quan đến việc đồng thời bơm thêm các hạt electron thô vào máy gia tốc.

Langdon chẳng hiểu gì, anh tự hỏi không biết có đúng là hai người này vẫn đang nói chuyện bằng tiếng Anh hay không.

Kohler dừng lại, nhíu mày, rồi đột nhiên thở hắt ra. Ông ta bất thần sụp xuống như thể vừa bị trúng đạn.

- Xét về kỹ thuật, điều này sẽ để lại…

Vittoria gật đầu.

- Đúng thế. Rất nhiều là đằng khác.

Kohler quay lại nhìn chiếc hộp trước mặt với vẻ hoài nghi. Ông nhấc người khỏi xe lăn, đưa ống nhòm lên gần mắt rồi ghé nhìn vào bên trong. Kohler im lặng chăm chú quan sát hồi lâu. Cuối cùng ông ta cũng ngồi xuống, mồ hôi vã ra, những nếp nhăn trên trán giãn hết ra, ông giám đốc gần như thì thào:

- Chúa ơi cô thực sự đã làm được điều đó?

Vittoria gật đầu:

- Cha tôi đã làm được điều đó.

- Tôi… tôi không biết phải nói gì.

Vittoria quay sang Langdon:

- Ông có muốn xem không? – Cô chỉ tay về phía thiết bị quan sát.

Không biết chắc điều gì đang chờ mình, nhưng Langdon vẫn bước về phía trước. Cách anh khoảng nửa mét, chiếc hộp dường như trống rỗng. Dù có bất cứ thứ gì ở bên trong thì chắc chắn cũng phải có kích thước vô cùng nhỏ bé. Langdon ghé mắt nhìn vào ống nhòm. Phải mất một lúc anh mới xác định được hình ảnh trước mắt mình.

Và anh đã nhận ra.

Vật thể đó không nằm dưới đáy hộp như anh tưởng, nó trôi bống bềnh ở giữa – một giọt trông giống hệt như thuỷ ngân đang lấp lánh. Như thể có phép màu, chất lỏng đó bay lượn, nhào lộn trong không trung. Những giọt sóng kim loại gợn lăn tăn trên bề mặt của nó. Thứ chất lỏng treo lơ lửng này làm Langdon nhớ đến một bộ phim anh đã từng xem về một giọt nước trong zero. Mặc dù biết giọt chất đó cực nhỏ, anh vẫn có thể nhìn thấy từng khe nhỏ đang chuyển động và dập dờn như quả cầu plasma chầm chậm cuộn mình trong không trung.

- Nó đang… bập bềnh, – anh nói.

- Tốt nhất là nên như vậy, – Vittoria đáp. – Phản vật chất cực kỳ không ổn định. Xét về mặt năng lượng, phản vật chất là hình ảnh phản chiếu của vật chất, vì vậy chúng sẽ ngay lập tức huỷ diệt lẫn nhau nếu tiếp xúc với nhau. Tất nhiên, giữ cho phản vật chất tách biệt khỏi vật chất là một thách thức lớn, vì mọi thứ trên trái đất này đều làm bằng vật chất. Những mẫu này phải được cất giữ ở những nơi nó không bao giờ được chạm vào bất cứ cái gì – kể cả không khí.

Langdon kinh ngạc. Trong môi trường chân không ư?

Những cái bẫy phản vật chất này…, – Kohler đột ngột ngắt lời, mặt đầy vẻ ngạc nhiên khi ông ta lướt ngón tay xanh xao của mình quanh đế hộp – đều do cha cô thiết kế à?

- Sự thật thì chúng do tôi thiết kế, cô gái đáp.

Kohler ngước nhìn lên.

Giọng nói của Vittoria vẻ đầy khiêm tốn:

- Cha tôi tạo ra những hạt phản vật chất đầu tiên nhưng lại lúng túng không biết nên lưu giữ chúng thế nào. Tôi đã nảy ra ý tưởng về những cái hộp này. Những vỏ hộp bằng công nghệ nano tổng hợp kín khí với các nam châm điện ngược chiều ở hai đầu.

- Có lẽ tài năng của cô vượt trội hơn ông ấy rồi đấy.

- Không hẳn đâu. Tôi lấy ý tưởng này từ thiên nhiên. Những con sứa Bồ Đào Nha thường bẫy cá giữa các xúc tu của chúng, dùng tế bào điện châm. Tôi cũng dùng nguyên tắc tương tự. Mỗi hộp có hai nam châm điện, mỗi đầu một cái. Từ trường ngược chiều nhau đan xen ở giữa và giữ các phàn vật chất lơ lửng giữa chân không.

Langdon nhìn lại chiếc hộp. Phản vật chất đang trôi bồng bềnh trong chân không, không chạm vào bất cứ thứ gì. Kohler nói đúng. Quả là thiên tài.

- Thế còn nguồn năng lượng cho những nam châm thì lấy ở đâu? – Kohler thắc mắc.

Vittoria chỉ tay:

- Trong cột, dưới cái bẫy. Những cái hộp này được bắt vít vào một chân đế liên tục nạp điện, cho nên nguồn năng lượng cho những thỏi nam châm này không bao giờ cạn.

- Còn nếu như năng lượng cạn kiệt thì sao?

Hiển nhiên là phản vật chất sẽ thoát khỏi tình trạng bị treo lơ lửng, rơi xuống đáy hộp, và chúng ta sẽ thấy sự huỷ diệt.

Langdon căng tai nghe ngóng:

- Sự huỷ diệt? – Anh không thích nghe từ đó chút nào.

Vittoria dường như không để ý.

- Vâng. Nếu phản vật chất tiếp xúc với vật chất, cả hai sẽ bị phá huỷ ngay tức khắc. Các nhà vật lí gọi đây là quá trình “huỷ diệt”.

Langdon gật gù:

- À, ra thế.

- Đó là phản ứng đơn giản nhất trong tự nhiên. Một hạt vật chất và một hạt phản vật chất kết hợp lại với nhau tạo ra hai hạt mới – gọi là photon. Một photon chỉ là một luồng ánh sáng nhỏ li ti.

Langdon đã từng đọc về photon – các hạt ánh sáng – dạng thuần khiết nhất của năng lượng. Anh cố kiềm chế không hỏi chi tiết thuyền trưởng Kirk sử dụng ngư lôi photon trong việc chống lại quân Klingons(2).

- Vậy nếu phản vật chất rơi xuống, chúng ta sẽ nhìn thấy một luồng sáng nhỏ?

Vittoria nhún vai:

- Còn phải xem anh định nghĩa thế nào là nhỏ. Lại đây, tôi sẽ cho anh xem. – Cô với lấy một cái hộp và bắt đầu mở vít, tháo hộp khỏi bục sạc điện.

Bất ngờ, Kohler hét lên kinh hoàng và nhào tới, dập vào lay cô gái:

- Vittoria! Cô điên rồi!

Chú thích:

(1) Pozitron: Phản rất nhỏ của vật chất có điện tích dương và có cùng khối lượng với electron.

(2) Thuyền trưởng Kirk và quân Klingons là những nhân vật nổi tiếng trong bộ phim truyện giả tưởng Star Trek.
 
Chương 15


Langdon lặng lẽ sải bước theo sau Vittoria và Kohler khi cả ba quay trở lại nơi mà anh vừa phải chứng kiến cảnh tượng kinh khủng ấy. Bước chân Vittoria nhịp nhàng uyển chuyển – hệt như một vận động viên lặn đẳng cấp Olympic – dáng vẻ dẻo dai, theo như Langdon phỏng đoán, là biểu hiện của sự linh hoạt và hài hoà mà Yoga mang lại. Anh nhận thấy cô gái đang thở rất đều đặn và chậm rãi, như thể đang cố gắng kiềm chế nỗi đau.

Langdon muốn nói với cô gái một điều gì đó, những lời cảm thông, rằng anh cũng đã từng trải qua cảm giác trống vắng đến không chịu đựng nổi khi bất ngờ mất đi người cha yêu dấu. Anh nhớ nhất là ngày tang lễ. Đó là một ngày mưa sụt sùi, bầu trời u ám chỉ cách hai ngày sau sinh nhật lần thứ 12 của anh. Những đồng nghiệp của cha, tất cả đều vận quần áo màu xám, kéo đến chật nhà. Tất cả bọn họ đều nắm chặt tay anh và nhắc đi nhắc lại những từ như bệnh tim và stress. Nước mắt giàn giụa, mẹ anh đùa rằng chỉ cần cầm tay cha là bà đã cầm chắc phần thắng ở thị trường chứng khoán, vì mạch đập của ông chính là chiếc đồng hồ vạn năng đối với bà…

Một lần, khi cha còn sống, Langdon nghe thấy mẹ van nài cha “Hãy nghỉ ngơi một chút để thưởng thức vẻ đẹp của hoa hồng”.

Năm đó, Langdon mua tặng cha một bông hồng ép trong bình thuỷ tinh nhân dịp Giáng sinh. Đó là bông hoa đẹp nhất mà anh từng trông thấy… những tia nắng mặt trời chiếu rọi vào chiếc bình đều hoá thành những dải sáng màu cầu vồng rực rỡ, chiếu rọi lên bức tường gần đó.

- Đẹp lắm! – cha nói khi mở gói giấy ra rồi hôn lên trán Langdon. – Cha con ta hãy tìm cho chiếc bình này một vị trí thích hợp nào!

Rồi ông cẩn thận cất chiếc bình trên một cái giá đầy bụi, trong góc tối nhất ở phòng khách. Vài ngày sau, Langdon bắc ghế đẩu để lấy chiếc bình xuống, đem trả lại cửa hàng. Cha anh không bao giờ biết rằng bông hoa đã biến mất.

Tiếng chuông thang máy kéo Langdon quay trở về thực tại. Cả Vittoria và Kohler đều đang đứng trước mặt anh, chuẩn bị bấm nút. Langdon vẫn đang ngập ngừng bên ngoài cánh cửa.

- Sao thế? – Kohler hỏi, với vẻ sốt ruột hơn là quan tâm.

- Không có gì, – Langdon trả lời, nặng nề bước vào thang máy chật hẹp. Anh chỉ sử dụng thang máy khi nào thực sự cần thiết, dù sao thì cầu thang bình thường vẫn thoáng đãng hơn nhiều.

- Phòng thí nghiệm của tiến sĩ Vetra nằm dưới tầng hầm. – Kohler nói.

Tuyệt vời, Langdon thầm nghĩ khi anh cảm nhận được luồng gió mát lạnh thổi lên từ sâu dưới hầm. Cánh cửa đóng lại và thang máy bắt đầu đi xuống.

- Sáu tầng nhà, – Giọng nói của Kohler nghe lạnh lẽo như được phát ra từ một cỗ máy.

Langdon hình dung ra bóng tối phủ đầy căn hầm trống phía dưới. Anh cố xua đuổi ý nghĩ ấy đi bằng cách nhìn chăm chăm vào bảng chỉ dẫn trên thang máy. Kỳ lạ thật, thang máy này chỉ hiển thị hai chặng đến là TẦNG HẦM VÀ LHC.

- LHC nghĩa là gì? – Langdon hỏi, cố không để cho giọng nói trở nên run rẩy.

- Máy gia tốc hạt Hadron, – Kohler nói – Một loại máy gia tốc hạt.

Máy gia tốc hạt? Langdon rất mơ hồ về khái niệm này. Lần đầu tiên anh nghe đến nó khi đang ăn tối với mấy ông bạn đồng nghiệp ở Dunster House thuộc Cambridge. Một người bạn, nhà vật lí Bob Brownell,, đã đến muộn, vẻ mặt đầy tức giận.

- Lũ khốn đó bác bỏ rồi! – Brownell lầm bầm chửi rủa.

- Bác bỏ cái gì? – tất cả đồng thanh hỏi.

- Là cái gì?

- Máy va đập siêu dẫn lớn!

Ai đó nhún vai.

- Tôi không hề biết là Harward đang tiến hành lắp đặt một cỗ máy như thế.

- Không phải của Harvard! – Anh ta kêu lên. – Của nước Mỹ! Nó sẽ là máy gia tốc hạt mạnh nhất trên thế giới! Một trong những dự án khoa học quan trọng nhất thế kỷ! Chi phí lên tới 2 tỷ đô la, và Thượng nghị viện vừa bác bỏ. Những kẻ vận động hành lang Công giáo bảo thủ đáng nguyền rủa!

Khi Brownell bình tĩnh trở lại, anh ta giải thích rằng máy gia tốc hạt là một ống hình trụ cực lớn, trong đó các hạt nhỏ hơn nguyên tử được gia tăng tốc độ. Từ trường bên trong ống sẽ liên tục tắt bật cực nhanh để quay các hạt cho đến khi chúng đạt đến siêu vận tốc. Các hạt khi quay trong ống sẽ đạt vận tốc tối đa trên 288.000 km/s.

- Như thế là gần bằng tốc độ ánh sáng rồi còn gì, – một trong những giáo sư có mặt ở đó lên tiếng.

- Thì đúng là thế mà lại, – Brownell nói. Anh ta tiếp tục giải thích thêm rằng nếu tăng tốc hai hạt từ hai hướng đối lập nhau trong ống và cho chúng va đập vào nhau, các nhà khoa học có thể xé nhỏ thành phần của chúng ra là có được thành phần cơ bản nhất của tự nhiên.

- Máy gia tốc hạt, – Brownell tuyên bốt – Cực kỳ quan trọng đối với lương lai của khoa học. Hiện tượng va chạm giữa các hạt là chìa khoá mở ra cả một kho kiến thức về các công trình trong vũ trụ.

Nhà thơ của khu nội trú Harvard, một người ít nói tên là Charles Pratt, tỏ ra không mấy quan tâm:

- Tôi nghĩ rằng, làm thế chẳng khác gì nghiên cứu khoa học theo phương pháp của người vượn Nê-an-đéc-tan… đem nghiền nát một cái đồng hồ để nghiên cứu các bộ phận bên trong.

Brownell ném đĩa xuống bàn rồi hằm hằm lao ra khỏi phòng.

Vậy ra CERN có máy gia tốc hạt? Langdon thầm nghĩ trong khi thang máy tiếp tục lao xuống dưới. Một cái ống tròn để nghiền nhỏ các hạt. Anh băn khoăn không hiểu tại sao lại phải chôn cỗ máy này dưới lòng đất.

Thang máy dừng lại, Langdon cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận ra mặt đất quen thuộc đang ở ngay dưới chân mình. Nhưng khi cánh cửa mở ra thì cảm giác ấy hoàn toàn tan biến. Lại một lần nữa, anh đang ở một thế giới hoàn toàn xa lạ.

Lối đi dường như kéo dài đến vô tận ra cả hai phía: bên phải và bên trái. Lối đi này hình ống, lát xi măng đủ rộng để một cỗ xe 18 bánh có thể di chuyển dễ dàng. Nơi họ đang đứng tràn ngập ánh sáng, nhưng hành lang phía dưới thì tối thui. Một luồng gió lạnh lẽo phả ra từ khu vực tối tăm đó, như muốn nhắc nhở mọi người rằng họ đang ở rất sâu trong lòng đất. Langdon gần như cảm nhận được sức nặng của lớp đất đá ngay trên đầu họ.

Trong thoáng chốc, anh bỗng thấy mình lại là một cậu bé 9 tuổi… bóng tối nơi này đang đẩy anh trở lại với năm giờ đồng hồ khủng khiếp phải vật lộn với bóng đêm đen kịt… năm giờ đồng hố ấy còn ám ảnh anh đến tận bây giờ. Siết chặt hai bàn tay, anh cố xua nỗi ám ảnh ấy khỏi tâm trí.

Vittoria lẳng lặng bước ra khỏi thang máy, rồi nhanh nhẹn tiến vào vùng bóng tối, chẳng cần chờ Kohler và anh đi cùng. Những bóng đèn huỳnh quang trên đầu tự động bật lên soi đường cho cô. Cảm giác thật bất an, Langdon thầm nghĩ như thể toàn bộ đường hầm đang dõi theo mỗi bước chân của cô gái. Langdon và Kohler đi theo, bóng họ đổ dài phía sau. Đèn tự động tắt phụt đi ngay sau lưng họ.

- Máy gia tốc hạt này dẫn đến đâu? – Langdon khẽ hỏi?

- Đến kia, – Kohler chỉ về bên trái, nơi một đường ống mạ crôm bóng loáng chạy dọc theo bức tường trong đường hầm.

Langdon bối rối ước lượng đường ống.

- Đây là máy gia tốc?

Chẳng giống như anh tưởng tượng chút nào. Cỗ máy này thẳng tắp, đường kính khoảng 0,9 mét, chạy dọc chiếu dài đường hầm cho đến khi biến mất vào bóng tối. Giống y hệt một cái ống cống công nghệ cao, Langdon nghĩ.

- Tôi tưởng máy gia tốc hạt hình tròn.

- Máy gia tốc này hình tròn, – Kohler nói – Trông có vẻ thẳng đấy nhưng chỉ là ảo giác quang học. Chu vi của đường ống này lớn đến nỗi người ta không thể nhận ra đường cong của nó – giống như trái đất.

Langdon lặng người kinh ngạc. Cái này hình tròn?

- Nhưng… hẳn nó phải lớn khủng khiếp!

LHC là cỗ máy lớn nhất trên thế giới.

Langdon nhớ lại một chuyện. Người phi công của CERN từng nói về một cỗ máy khổng lồ chôn sâu dưới mặt đất. Nhưng…

- Nó có đường kính trên 8 km… và dài 27 km.

Đầu óc Langdon quay cuồng.

- 27 km? – Anh nhìn ông giám đốc rồi quay sang nhìn khoảng tối trước mặt. – Đường hầm này dài 27 km? Trên… 16 dặm!

Kohler gật đầu. – Một hình tròn hoàn hảo. Nó kéo dài đến tận nước Pháp rồi uốn cong trở lại đến điểm này. Các hạt được tăng tốc tối đa sẽ di chuyển vòng quanh đường ống mười ngàn lần một giây trước khi va đập.

Langdon trân trối nhìn đường hầm khổng lồ, hai chân anh như nhũn ra.

- Ý ông muốn nói rằng CERN đã đào hàng triệu tấn đất chỉ để nghiền nhỏ các hạt?

Kohler nhún vai:

- Để tìm ra chân lí thì có khi phải dời non lấp bể.
 
Chương 16


Cách trung tâm nghiên cứu hạt nhân của Uỷ ban châu Âu (CERN) hàng trăm cây số, một giọng nói rè rè vang lên từ máy bộ đàm.

- Được rồi, tôi đang ở lối vào.

Người nhân viên kỹ thuật ấn nút trên máy bộ đàm:

- Các anh hãy tìm chiếc camera số 86. Đáng ra nó phải ở góc cuối kia cơ.

Máy bộ đàm câm lặng hồi lâu. Người kỹ thuật viên bắt đầu vã mồ hôi. Cuối cùng thì nó cũng bắt đầu nhận tín hiệu.

- Không thấy máy quay ở đây, – giọng nói ban nãy cất lên. – Tôi nhìn thấy giá treo, nhưng máy thì bị tháo mất rồi.

Người kỹ thuật viên thở hắt ra nặng nề:

- Cám ơn. Chờ chút đã nhé!

Anh thở dài, nhường sự chú ý đến dãy màn hình trước mặt.

Phần lớn khu liên hợp được mở cửa công khai, và những chiếc camera không dây vẫn thỉnh thoảng biến mất, thường là do những kẻ nghịch ngợm ăn trộm về làm kỷ niệm. Nhưng ngay khi camera bị tháo ra khỏi thiết bị, tín hiệu bị mất vì màn hình trở nên trống trơn, song thật kỳ lạ, nhân viên kỹ thuật dán mắt vào thiết bị điều khiển, một hình ảnh trong suốt như pha lê vẫn được camera số 86 truyền về.

Nếu chiếc camera đã bị đánh cắp, anh băn khoăn, tại sao vẫn có tín hiệu nhỉ? Tất nhiên, chỉ còn một lời giải thích. Chiếc camera vẫn nằm trong tổ hợp và có người đã mang nó đặt ở một vị trí khác. Nhung ai mới được chứ? Và để làm gì?

Nghiên cứu màn hình hồi lâu, cuối cùng anh nhấc máy bộ đàm.

- Ở chân cầu thang còn có căn phòng nhỏ nào không? Một cái tủ hay hốc tường nào đó?

Giọng nói đáp lại vẻ hoang mang.

- Không. Sao vậy?

Người kỹ thuật viên nhíu mày:

- Không sao. Cám ơn sự giúp đỡ của anh! – Anh tắt máy bộ đàm, mím chặt môi.

Xem xét kích cỡ nhỏ bé của chiếc camera không dây, anh biết rằng hình ảnh ghi được ở camera số 86 có thể được chuyển về bất cứ chỗ nào trong phạm vi hệ thống được canh gác cẩn mật – một tổ hợp 32 toà nhà trong bán kính gần một cây số. Đầu mối duy nhất là dường như nó được đặt ở một góc tối. Dĩ nhiên, điều này chẳng giúp ích gì nhiều. Tồ hợp này có vô khối những chỗ tối – hộp kỹ thuật, ống dẫn nhiệt, kho chứa đồ, tủ đựng quần áo, thậm chí cả đường dẫn nước trong hầm ngầm. Phải mất hàng tuần mới xác định được vị trí của camera số 86.

Nhung đấy mới chỉ là vấn đề nhỏ nhất, anh nghĩ. Dù cho khâu xác định lại vị trí có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng trước mắt còn có một vấn đề khác trầm trọng hơn nhiều.

Người kỹ thuật viên chăm chú nhìn hình ảnh truyền về từ chiếc camera bị mất tích. Đó là một vật thể bất động, trông lạ hoắc.

Anh quan sát kỹ những ánh chớp nhấp nháy dưới đáy của nó. Dù đã được rèn luyện kỹ càng để đối phó với những tình huống căng thẳng, người lính gác vẫn thấy mạch đập thình thình.

Anh tự nhắc mình không được sợ hãi. Chắc chắn phải có ai giải thích cho sự việc này. Vật thể này trông rất bé nhỏ, chắc không thể gây ra nguy hiềm gì đáng kể. Thế nhưng, sự hiện hữu của nó trong tổ hợp này vẫn là mối rắc rối lớn.

Lại vào đúng ngay hôm nay cơ chứ, anh thầm nghĩ.

An ninh luôn được xem là ưu tiên hàng đầu đối với chỉ huy của anh. Và hôm nay, hơn bất cứ ngày nào khác trong suốt 12 năm qua, an ninh lại càng có tầm quan trọng đặc biệt. Người kỹ thuật viên quan sát vật thể trên màn hình hồi lâu, linh tính mách bảo anh rằng một cơn bão khủng khiếp đang hình thành.

Mồ hôi vã ra như tắm, anh quay số gọi cấp trên.
 
Chương 17


Hai cổ tay bị trói chặt của cô gái giờ đã sưng vù lên, tím bầm lại do bị cọ xát nhiều. Gã sát thủ có nước da sẫm màu đang nằm bên cạnh, sờ mó, chiêm ngưỡng phần thưởng đã bị lột trần truồng của mình. Hắn tự hỏi liệu có phải giấc ngủ của cô ta chỉ là một trò lừa gạt, một mánh khóe để khỏi phải phục vụ hắn thêm nữa hay không.

Hắn không cần biết. Hắn đã tận hưởng xong phần thưởng của mình. Sau khi cơn khát dục vọng được thoả mãn, kẻ giết người ngồi dậy.

Ở nước hắn, đàn bà chỉ là vật sở hữu. Yếu ớt. Là công cụ mua vui Là thứ đồ để mua bán chẳng khác gì gia súc. Và họ rất biết thân biết phận. Nhưng ở đây, trên đất châu Âu, đàn bà luôn làm ra bộ mạnh mẽ và độc lập cũng chính vì thế mà hắn thấy thích thú và phấn khích. Buộc họ phải phục tùng mình về thể xác là thứ khoái lạc mà hắn luôn thèm khát.

Sau khi ham muốn nhục dục được thoả mãn, tên sát thủ bắt đầu cảm nhận một dục vọng khác đang lớn dần lên trong hắn.

Đêm qua hắn đã giết người một cách dã man. Đối với hắn, giết chóc đã trở thành một loại ma tuý gây nghiện, mỗi phi vụ chỉ có thể nhất thời xoa dịu dục vọng ấy, để rồi sau đó nó càng trở nên thôi thúc hơn. Cảm giác đê mê khoái lạc tiêu tan. Cảm giác thèm thuồng muốn giết chóc quay trở lại.

Hắn quan sát kỹ cô gái đang nằm ngủ bên cạnh mình. Luồn tay quanh cổ cô, hắn biết chắc rằng chỉ cần một tích tắc cũng đủ để kết liễu mạng sống này. Nhưng nhỡ xảy ra hậu quả thì sao?

Cô ta chỉ là phường hạ đẳng, là thứ công cụ để mua vui. Những ngón tay mạnh mẽ của hắn vờn quanh cổ cô gái, áp vào động mạch, rồi cảm nhận từng nhịp đập nhẹ nhàng, đều đặn. Cố cưỡng lại bản năng giết chóc, hắn rụt tay lại. Còn có những việc khác cần phải làm. Sứ mệnh của hắn lúc này cao cả hơn khoái lạc gấp bội lần.

Bước ra khỏi giường, niềm vinh hạnh được tham gia vào sứ mạng sắp tới choán đầy tâm trí tên sát thủ. Hắn chưa thể đánh giá được hết ảnh hưởng của người đàn ông mang tên Janus và hội kín mà hắn mới được gia nhập. Thật tuyệt vời, hắn được chọn! Không hiểu bằng cách nào mà hội biết được mối thù trong lòng hắn, và cả khả năng của hắn. Hắn sẽ chẳng bao giờ hiểu được Hội có chân rết ở khắp mọi nơi.

Giờ đây niềm vinh hạnh tột đỉnh đó đã được ban cho hắn.

Hắn sẽ hành động, và thay mặt hội để phát ngôn. Hắn sẽ giết người, và truyền bá thông điệp của hội. Ở đất nước của hắn, những người như thế được gọi là Malk al-hag – Thần Chân lý.
 
Chương 18


Rất hiếm khi bọn trẻ nhớ được ngày đầu tiên chúng gặp cha, nhưng Vittoria thì luôn nhớ như in giây phút ấy. Lúc đó cô bé mới lên 8 tuổi. Không một lần được gặp cha mẹ mình, Vittoria là đứa trẻ bị bỏ rơi, và từ bé được nuôi dạy ở Orfanotrofio di Siena, một trại trẻ mồ côi của giáo hội Cơ đốc gần Florence. Hôm ấy trời mưa rả rích. Đã hai lần các xơ gọi đi ăn tối, nhưng cô bé cứ tảng lờ như không nghe thấy gì. Cô bé nằm ngoài sân, nhìn từng hạt mưa rơi, cảm nhận những giọt nước ấy đang quất vào người… và đoán xem hạt tiếp theo sẽ chạm vào chỗ nào trên cơ thể. Các xơ lại gọi lần một nữa, doạ rằng một đứa trẻ đã yếu ớt lại còn cứng đầu như cô bé thì chắc chắn sẽ bị viêm phổi, và sẽ chẳng còn cơ hội mà khám phá thiên nhiên.

Con có nghe thấy các xơ gọi đâu, Vittoria thầm nghĩ.

Khi cô bé đã ướt sũng thì một vị thầy tu trẻ tuổi tiến lại gần.

Vittoria chưa gặp ông bao giờ, một người hoàn toàn xa lạ. Vittoria tưởng con người xa lạ này sẽ túm cổ mình và lôi vào trong.

Nhưng không. Thay vào đó, cô bé ngạc nhiên thấy vị linh mục này cũng nằm xoài ra đất ngay cạnh mình, khiến cho tấm áo thầy tu mặc trên người ông cũng ướt sũng luôn.

- Các xơ nói rằng con rất hay vặn hỏi, – Ông lên tiếng.

Vittoria phản đối:

- Hỏi thì có gì là xấu?

Vị linh mục bật cười:

- Thế thì quả là các xơ nói đúng đấy.

- Cha tới đây làm gì vậy?

- Như con thôi… ta đang thắc mắc tại sao lại có mưa.

- Con không băn khoăn về điều đó! Con biết rồi!

Vị linh mục nhìn cô bé, vẻ ngạc nhiên:

- Con biết rồi ư?

- Xơ Francisca nói hạt mưa là những giọt nước mắt của các thiên thần rơi xuống để gột sạch tội lỗi của chúng ta.

- Ôi trời! – Vị thầy tu làm bộ kinh ngạc – Hoá ra là thế.

- Không phải đâu! – cô bé đáp ngay. – Mưa rơi vì tất cả mọi thứ đều rơi! Mọi thứ đều rơi! Không chỉ có mỗi mưa!

Vị linh mục gãi đầu, vẻ bối rối.

- Con biết không, cô bé, con nói đúng đấy. Mọi thứ đều rơi. Đó là do trọng lực.

- Đó là gì cơ”

- Ông lại nhìn cô bé ngạc nhiên. con chưa từng nghe nói đến trọng lực bao giờ à?

- Chưa ạ.

Vị linh mục buồn bã nhún vai.

- Tệ quá. Trọng lực là lời giải thích cho rất nhiều câu hỏi đấy.

Vittoria ngồi dậy.

- Trọng lực là gì ạ? Cha hãy nói cho con biết đi!

Vị linh mục nháy mắt:

- Câu hỏi này ta sẽ trà lời trong bữa tối.

Vị linh mục trẻ đó chính là Leonardo Vetra. Mặc dù đã từng giành giải thưởng khi còn học đại học, nhưng ông đã nghe theo một tiếng gọi khác và vào trường dòng. Leonardo và Vittoria đã trở thành người bạn vô cùng thân thiết trong thế giới cô đơn và tẻ nhạt của những tu sĩ và phép tắc. Vittoria khiến Leonardo phải bật cười, và ông giang tay che chở, rồi giảng giải cho cô bé những điều tuyệt vời như cầu vồng hay những dòng sông. Ông giảng giải cho cô về ánh sáng, về các hành tinh, các vì sao và các hiện tượng thiên nhiên theo quan điểm của cả Chúa trời lẫn khoa học. Trí thông minh thiên bẩm cộng với sự tò mò đã biến cô bé trở thành một học sinh tài năng. Leonardo bảo vệ Vittoria như thể cô bé chính là con gái của ông vậy.

Vittoria cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Cô bé chưa bao giờ được hưởng niềm hạnh phúc có cha. Khác hẳn những người lớn khác, chỉ trả lời những câu hỏi của cô bé theo kiểu an ủi, cha Leonardo đã dành hàng giờ đồng hồ để mở sách cho cô xem. Thậm chí ông còn hỏi xem ý kiến của cô bé thế nào. Vittoria cầu mong sao cha Leonardo sẽ ở mãi bên mình. Thế rồi một ngày, cơn ác mộng kinh hoàng nhất đời cô bé đã xảy ra. Cha Leonardo nói ông sẽ rời xa trại trẻ mồ côi.

- Cha sắp đi Thuỵ Sĩ, – Leonardo nói – Cha giành được học bổng ngành vật lí tại trường đại học Geneva.

- Ngành vật lí? – Vittoria khóc – Con tưởng cha yêu Chúa cơ mà!

- Ta yêu Chúa chứ, rất yêu là đằng khác. Đó là lí do tại sao ta muốn nghiên cứu những quy luật thiêng liêng của Chúa. Các định luật vật lí chính là tấm vải toan mà Chúa trải ra để vẽ nên kiệt tác của Người.

Vittoria cảm thấy vô cùng đau khổ. Nhưng cha Leonardo còn có một thông tin khác nữa. Ông nói với Vittoria rằng ông đã xin phép bề trên nhận Vittoria làm con nuôi, và đã được chấp nhận.

- Con có muốn làm con nuôi của ta không? – Leonardo hỏi.

- Con nuôi là thế nào ạ? – Vittoria nói.

Nghe cha Leonardo giải thích, Vittoria ôm ghì lấy ông đến năm phút, những giọt nước mắt sung sướng lăn trên gò má.

- Ôi vâng! Vâng!

Leonardo dặn dò cô bé rằng ông phải đi vắng một thời gian để chuẩn bị nhà mới cho hai cha con ở Thuỵ Sĩ; nhưng ông hứa sau 6 tháng sẽ quay lại đón cô bé. Đó là khoảng thời gian chờ đợi dài nhất trong cuộc đời Vittoria. Leonardo đã giữ lời hứa. Năm hôm trước ngày sinh nhật lần thứ 9 của mình, Vittoria được đến Geneva. Ban ngày cô bé học tại trường Quốc tế Geneva, còn ban đêm thì được cha nuôi dạy dỗ.

Ba năm sau, Leonardo được nhận vào làm việc tại CERN.

Vittoria và Leonardo chuyển đến một nơi ở tuyệt vời, một nơi mà cô gái bé bỏng Vittoria chưa bao giờ dám mơ tới.

***

Sải bước trong đường hầm LHC, Vittoria thấy lòng tê tái. Nhìn bóng dáng câm lặng của mình phản chiếu trên tường, cô gái càng nhớ thương cha. Bình thường thì trong cô luôn có một cảm giác bình an và hài hoà với thế giới xung quanh. Nhưng giờ đây, tất thảy bỗng chốc bị đảo lộn. Ba tiếng đồng hồ vừa trôi qua như một giấc mơ.

Lúc đó là 10 giờ sáng trên quần đảo Balearic khi Vittoria nhận điện thoại của Kohler. “Cha cô đã bị sát hại. Về nhà ngay đi”. Trên boong tàu ngầm rất nóng nực, nhưng những lời nói đó khiến cô gái thấy lạnh đến tận xương sống. Cô đau đớn vì thông tin kinh hoàng ấy, và cũng vì cả giọng nói lạnh lùng vô cảm của Kohler.

Giờ thì Vittoria đã về đến nhà. Nhưng nhà là gì chứ? CERN, thế giới của cô từ năm 12 tuổi, đột nhiên trở nên xa lạ. Người cha thân yêu, người đã biến nơi này thành xứ sở thần tiên, giờ đây không còn nữa.

Hít thở sâu, cô gái tự nhủ, nhưng tâm trí vẫn chẳng dịu đi chút nào. Bao nhiêu câu hỏi cứ xoay đảo trong đầu. Ai giết cha? Và tại sao? Cái anh chàng “chuyên gia” người Mỹ này là ai? Tại sao Kohler lại khăng khăng đòi xem phòng thí nghiệm?

Kohler nói rằng có bằng chứng cho thấy vụ sát hại cha cô liên quan đến dự án đang tiến hành. Bằng chứng nào? Không ai biết chúng tôi đang làm gì! Cho dù có biết đi chăng nữa thì giết cha tôi để làm gì?

Sải bước dọc theo đường hầm LHC, xuống gần đến phòng thí nghiệm của cha, Vittoria nhận ra rằng mình sắp công bố thành tựu lớn nhất đời của cha, còn cha thì không thể có mặt ở đây được nữa. Trong trí tưởng tượng của Vittoria, khoảnh khắc này đáng ra phải hoàn toàn khác. Cô gái đã mường tượng cảnh cha mình mời những nhà khoa học hàng đầu của CERN đến phòng thí nghiệm, cho họ xem phát minh của hai cha con, và quan sát vẻ mặt kinh ngạc của họ. Rồi cha sẽ nở một nụ cười rạng rỡ, và ôn tồn giải thích rằng nhờ có ý tưởng của Vittoria nên cha đã có thể biến dự án thành này hiện thực… rằng con gái của cha là một phần không thể tách rời trong những phát minh mang tính đột phá này. Vittoria thấy cổ họng mình tắc nghẹn. Đáng ra mình phải được chia sẻ khoảnh khắc này với cha. Nhưng giờ đây chỉ có một mình Vittoria. Không đồng nghiệp. Không có những khuôn mặt rạng rỡ. Chỉ có một anh chàng người Mỹ xa lạ và Maximilian Kohler.

Maximilian Kohler.

Từ thuở bé, Vittoria đã không thích người đàn ông này. Dù sau này cô gái có ngưỡng mộ trí thông minh kiệt xuất của ông ta, thì lối cư xử vô tình và lạnh lẽo của Kohler vẫn luôn đối lập hoàn toàn với thái độ nồng hậu của cha cô. Kohler theo đuổi khoa học vì tính lôgíc thuần khiết của nó… còn cha cô lại vì những trăn trở tâm linh. Vậy mà kỳ lạ thay, hai người lại luôn luôn kính trọng nhau, dù không ai nói thành lời. Thiên tài, có người đã giải thích với cô, thường chấp nhận tài năng một cách vô điều kiện.

Thiên tài, cô thầm nghĩ. Cha… Cha đã mất rồi.

Lối vào phòng thí nghiệm của Leonardo Vetra là một hành lang dài được khử trùng, lát toàn đá trắng. Langdon cảm tưởng như đang bước vào một nhà thương điên dưới lòng đất. Nối giữa các hành lang là hàng chục bức ảnh đen trắng được đóng khung.

Dù nghề của Langdon là nghiên cứu hình ảnh, nhưng anh vẫn thấy những bức ảnh này cực kỳ lạ lẫm, trông như những đoạn phim âm bản lộn xộn ngổn ngang những hình xoáy và kẻ sọc ngẫu nhiên. Nghệ thuật hiện đại? Anh đăm chiêu. Liều thuốc kích thích của Jackson Pollockl?

- Gieo hạt trên những khoảnh đất, – Vittoria nói, rõ ràng là đã nhận thấy mối bận tâm của Langdon. – Máy tính thể hiện sự va đập của các hạt. Đó là các hạt Z – Vittoria chỉ vào một vệt mờ hầu như rất khó nhận ra trong mớ hỗn độn đó. – Cha tôi phát hiện ra nó 5 năm trước đây. Năng lượng thuần tuý – hoàn toàn không trọng lượng. Có lẽ nó là khối vật chất tự tạo nhỏ nhất trong tự nhiên. Vật chất không trọng lượng, nhưng lưu giữ năng lượng..

Vật chất là năng lượng? Langdon ngẩng đầu lên. Nghe hơi giống Thiền. Anh nhìn kỹ vào vệt sọc nhỏ bé trong bức ảnh và băn khoăn không biết mấy ông bạn thân của mình ở khoa vật lí tại Trường đại học Harvard sẽ nói gì khi nghe anh kể lại rằng ông bạn của họ đã có hàng tuần tha thẩn trong một cỗ máy gia tốc hạt (LHC) để chiêm ngưỡng các hạt Z.

- Vittoria, – Kohler lên tiếng khi họ tiến gần đến cánh cửa thép lớn của phòng thí nghiệm:

- Tôi nên nói cho cô biết rằng sáng nay tôi đã xuống đây tìm cha cô.

Vittoria hơi đỏ mặt.

- Ông ư?

- Đúng. Và hãy tưởng tượng tôi ngạc nhiên thế nào khi phát hiện ra rằng ông ấy đã thay thế phím an ninh chuẩn của CERN bằng một thứ khác. – Kohler chỉ tay vào một thiết bị điện tử phức tạp được treo bên cạnh cửa.

- Tôi xin lỗi, – cô nói – Ông biết đấy, cha tôi có ý định giữ bí mật. Ông ấy không muốn ai ngoài hai chúng tôi có thể tiếp cận phòng thí nghiệm.

Kohler nói:

- Được rồi. Mở cửa ra đi.

Vittoria đứng một lúc lâu. Rồi hít một hơi dài, cô bước đến cái máy trên tường.

Langdon không hề đoán được điều gì sắp xảy ra.

Vittoria bước lên gần thiết bị và cẩn thận hướng mắt phải tới ống kính nhô ra như kính viễn vọng. Rồi cô ấn nút. Trong máy phát ra tiếng lách cách nhẹ. Một luồng sáng lia vòng quanh để quét hình hình nhãn cầu, tựa như máy photocopy.

- Đây là máy quét võng mạc. – Cô nói – An toàn và chính xác. Nó chỉ chấp nhận hai cầu hình võng mạc thôi. Của tôi và cha tôi!

Robert Langdon đứng đó, vẻ thảng thốt. Hình ảnh Leonardo Vetra trở lại trong tâm trí với từng chi tiết rùng rợn: khuôn mặt đầy máu, ánh mắt màu lam nhạt đơn độc trợn trừng, còn hốc mắt bên kia thì trống trơn. Anh cố quên đi hình ảnh ấy, nhưng nó cứ hiện lên… phía dưới máy quét, trên nền đá lát màu trắng… những giọt máu đỏ mờ mờ. Máu đã khô.

Ơn trời, Vittoria không để ý thấy.

Cánh cửa thép mở ra, và cô gái bước vào.

Kohler chặn Langdon bằng ánh mắt sắc lạnh. Thông điệp của ông ta rất rõ ràng: Như tôi đã nói… con mắt bị mất dùng cho một mục đích cao hơn.

Chú thích:

(1) Jackson Pollock: Một nghệ sĩ người Mỹ (1912-1956), đứng đầu trường phái ấn tượng, dùng phong cách “nghệ thuật hành động”. Ông thường dùng sơn vẩy lên tấm vải lớn để tạo những bức tranh
 
Chương 19


Phòng thí nghiệm của Vetra trông hệt như một cảnh trong phim viễn tưởng.

Toàn bộ hệ thống máy tính và các thiết bị điện tử chuyên biệt đều cùng một màu trắng ảm đạm, chẳng khác gì phòng mổ trong bệnh viện. Langdon băn khoăn không hiểu bí mật được lưu giữ ở nơi này ghê gớm đến mức nào mà người ta phải nhẫn tâm móc mắt người khác để vào bằng được.

Cùng họ bước vào phòng, Kohler có vẻ không được thoải mái. Ông ta đưa mắt nhìn khắp phòng một lượt, như thể muốn tìm dấu vết của kẻ đã đột nhập vào đây. Nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy người nào. Vittoria bước từng bước chậm chạp… như thể căn phòng này đã trờ nên vô cùng xa lạ từ khi cha cô không còn trên cõi đời này nữa.

ASnh mắt Langdon lập tức đúng lại giữa phòng. Anh thấy một dãy cột nhô lên trên sàn, giống như phiên bản của những phiến đá Stonehenge, khoảng một chục cây cột bằng thép bóng loáng xếp thành hình vòng tròn chính giữa phòng. Những cây cột này cao khoảng gần 1 mét, gợi nhớ tới một bảo tàng trưng bày đá quý nào đó. Nhưng không hề có đá quý. Trên mỗi cột là một hộp nhỏ, đầy dặn, trong suốt, to bằng hộp bóng tennis. Tất cả những cái hộp này hình như đều trống không.

Kohler bối rối đưa mắt nhìn những hộp nhỏ ấy. Nhưng rõ ràng là ông ta chưa muốn đả động đến chúng ngay lúc này. Ông giám đốc quay sang hỏi Vittoria:

- Có mất cái gì không?

- Mất cái gì? Làm sao mà mất được? – Cô phản đối – Máy quét võng mạc chỉ cho phép hai cha con tôi vào được thôi.

- Quan sát kỹ đi đã.

Vittoria thở dài và tìm kiếm xung quanh phòng một lúc. Cô nhún vai. – Mọi thứ vẫn như cha tôi sắp xếp. Hỗn độn một cách có trật tự.

Langdon nhận thấy Kohler đang cân nhắc điều gì đó, có lẽ ông ta đang nghĩ xem có nên ép Vittoria hay không… và nên để cho cô gái biết bao nhiêu phần sự thật. Rõ ràng là ông ta không muốn chờ đợi lâu hơn nữa. Điều khiển cho xe lăn di chuyển ra giữa phòng, Kohler chăm chú quan sát những cái hộp.

Cuối cùng ông ta lên tiếng:

- Bí mật là một thứ xa xỉ đối với chúng ta trong hoàn cảnh này.

Vittoria gật đầu đồng tình. Bất chợt cô gái có vẻ xúc động, có lẽ những kỷ niệm về người cha đang ùa về trong tâm trí.

Cho cô ấy thêm một phút nữa đi, Langdon nghĩ.

Như thể muốn chuẩn bị tinh thần để nói ra những điều vô cùng quan trọng, Vittoria nhắm nghiền mắt lại, hít thở sâu. Thở ra, hít vào, lặp đi lặp lại…

Theo dõi từng biểu hiện của cô gái, Langdon bỗng thấy lo lắng. Vittoria có làm sao không? Anh quay sang nhìn Kohler. Ông ta vẫn hoàn toàn bình thản, rõ ràng đã quá quen với những cảnh này. Mười giây trôi qua, Vittoria mở mắt.

Langdon không ngờ cô gái lại có thể thay đổi nhanh đến thế.

Vittoria đã hoàn toàn khác hẳn. Đôi môi không còn mím chặt nữa, vai rũ hẳn xuống, ánh mắt yếu đuối đầy vẻ cam chịu. Như thể cô gái đã sắp xếp lại toàn bộ hệ cơ trong thân thể mình để thích nghi với tình thế bất ngờ này. Vẻ căm hờn vì đau khổ đã được thay thế bằng dáng vẻ điềm nhiên tự tại.

- Tôi nên bắt đầu từ đâu nhỉ… – cô lên tiếng, giọng điềm tĩnh.

- Từ đầu đi, – Kohler nói – Hãy cho chúng tôi biết về thí nghiệm của cha cô.

- Dùng khoa học để chứng minh tôn giáo là giấc mơ cả đời của cha tôi, – Vittoria nói – Cha tôi hy vọng có thể chứng minh được rằng tôn giáo và khoa học là hai lĩnh vực rất tương đồng – hai cách thức tuy khác nhau, nhưng đều dẫn đến cùng một chân lý.

Vittoria dừng lại một lúc, như thể không tin vào những gì mình sắp nói ra.

- Và gần đây, ông ấy đã tìm ra cách để chứng minh điều đó.

Kohler không nói gì.

- Cha tôi đã làm một thí nghiệm, một thí nghiệm chắc chắn sẽ gây ra những xung đột gay gắt chưa từng thấy trong lịch sứ khoa học và tôn giáo.

Langdon băn khoăn không hiểu Vittoria muốn nhắc tới xung đột gì. Trong suốt quá trình lịch sử, người ta đã tranh cãi quá nhiều.

- Liên quan tới thuyết nói rằng Chúa đã tạo ra thế giới, – Vittoria tuyên bố. – Những tranh cãi về sự hình thành của vũ trụ.

Ôi, Langdon thầm nghĩ. Cuộc tranh cãi này.

- Theo kinh thánh thì dĩ nhiên vũ trụ là do Chúa tạo ra, – cô gái giải thích. – Chúa nói phải có ánh sáng, – và thế là từ một khoảng không vĩ đại, mọi thứ hiện ra. Thật không may, một trong những định luật vật lí cơ bản lại cho rằng vật chất không thể tự nhiên sinh ra.

Langdon đã từng nghe nói về chuyện này. Ý tưởng cho rằng Chúa tạo ra “mọi thứ từ hư vô” hoàn toàn đối lập với những định luật vật lí hiện đại đã được công nhận. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng học thuyết Chúa sáng tạo ra thế giới là hoàn toàn lố bịch về mặt khoa học.

- Ông Langdon, – Vittoria quay sang anh – Ông đang nghĩ đến thuyết Big Bang phải không?

Langdon nhún vai:

- Đại loại như vậy.

- Anh biết rằng Big Bang hiện là học thuyết được đông đảo các nhà khoa học chấp nhận về sự hình thành nên vũ trụ. Nhận thức của anh cũng không được sâu sắc lắm, nhưng theo thuyết này thì một khối vật chất ban đầu chứa đựng một nguồn năng lượng cực lớn đã nổ tung, các mành nhỏ của nó văng ra khắp mọi hướng, tạo thành vũ trụ ngày nay.

- Đại thể là thế.

Vittoria nói tiếp:

- Khi Giáo hội Thiên Chúa giáo lần đầu tiên đưa ra học thuyết Big Bang vào năm 1927 thì…

- Cái gì cơ? – Không thể tự kiềm chế, Langdon ngắt lời cô gái – Cô nói thuyết Big Bang là ý tưởng của Giáo hội?

Câu hỏi của anh khiến Vittoria ngạc nhiên.

- Đương nhiên. Một tu sĩ Thiên Chúa giáo tên là Georges Lemaltre đã đưa ra giả thuyết này năm 1927.

- Tôi tưởng là…, – Anh ngập ngừng – Chẳng lẽ thuyết Big Bang không phải do Edwin Hubble, nhà thiên văn học của Harvard đề xuất sao?

Kohler trừng mắt:

- Lại nữa rồi, sự ngạo mạn của giới khoa học Mỹ. Hubble công bố năm 1929, hai năm sau Lemaltre.

Langdon trừng mắt.

- Người ta gọi là kính viễn vọng Hubble, thưa ngài – Tôi chưa bao giờ nghe nói đến kính viễn vọng Lemaltre!

- Ông Kohler nói đúng đấy, – Vittoria lên tiếng:

- Ý tưởng đó thuộc về Lemaltre. Hubble chỉ khẳng định lại điều đó bằng cách thu thập bằng chứng để chứng minh rằng vụ nổ Big Bang là có căn cứ khoa học.

- Ồ, – Langdon thốt lên, băn khoăn không hiểu những kẻ vốn ngưỡng mộ Hubble đến mức mê cuồng ở khoa thiên văn của trường Harvard đã bao giờ đề cập đến Lemaltre trong các bài giảng của họ hay chưa.

- Lần đầu tiên khi Lemaltre đưa ra thuyết Big Bang, – Vittoria nói tiếp, – Các nhà khoa học cho rằng học thuyết này hoàn toàn lố bịch. Họ nói vật chất không thể được tạo ra từ con số không. Vì vậy khi Hubble làm chấn động cả thế giới bằng cách cung cấp những bằng chứng khoa học để chứng minh Big Bang, nhà thờ tuyên bố thắng cuộc và cho đây là một minh chứng cho rằng Kinh thánh chính xác về mặt khoa học. Là chân lí thần thánh.

Langdon gật đầu, chăm chú lắng nghe.

Lẽ dĩ nhiên là các nhà khoa học không hưởng ứng việc giáo hội sử dụng các phát minh khoa học để truyền bá tôn giáo, vì vậy họ ngay lập tức toán học hoá học thuyết Big Bang, gỡ bỏ những gì dính đến tôn giáo, và tuyên bố rằng phát minh này là của họ. Thật không may cho khoa học cho đến tận ngày nay, những phương trình của họ vẫn còn một thiếu sót lớn mà giáo hội muốn chỉ ra.

Kohler lầu bầu:

Đơn thức, – Ông ta nhấn mạnh từng chữ như thể sự tồn tại của mình sắp sụp đổ.

- Vâng, đơn thức, – Vittoria nói – Khoảnh khắc chính xác của tạo hoá. Điểm khởi đầu của thời gian. – Cô gái nhìn Langdon. – Thậm chí ngày nay khoa học vẫn chưa thể nắm bắt được thời điểm khởi đầu của sự hình thành vũ trụ. Các phương trình của chúng ta giải thích thời kì sơ khai của vũ trụ rất tốt, nhưng khi ta lùi thời gian lại tiến đến điểm số không thì các tính toàn lại không thống nhất, và mọi thứ dường như trở nên vô nghĩa.

- Rất đúng, – Kohler nói, giọng bực bội, – Và nhà thờ đã coi khiếm khuyết này là bằng chứng của sự tham gia màu nhiệm của Chúa. Bây giờ cô hãy nói vào vấn đề đi.

Giọng Vittoria bỗng trở nên xa xăm:

- Vấn đề là ở chỗ cha tôi vẫn luôn tin rằng có sự tham gia của Chúa vào vụ nổ Big Bang. Mặc dù giờ dây khoa học vẫn chưa thể nào lý giải được khoảnh khắc kỳ diệu của tạo hoá, nhưng ông ấy vẫn tin rằng một ngày nào đó khoa học sẽ làm được điều đó. – Cô buồn bã chỉ vào những tờ ghi nhớ dán khắp nơi trong khu vực làm việc của cha mình. – Cha tôi thường giơ những tờ giấy này ra trước mặt tôi mỗi khi tôi tỏ ra hoài nghi.

Langdon đọc dòng chữ in trên tờ giấy:

KHOA HỌC VÀ TÔN GIÁO KHÔNG HỀ XUNG ĐỘT NHAU.

ĐƠN GIẢN LÀ KHOA HỌC CÒN QUÁ NON TRẺ NÊN CHƯA LÝ GIẢI ĐƯỢC TẤT CẢ.

- Cha tôi muốn nâng khoa học lên một tầm cao mới, để khoa học chứng minh được sự tồn tại của Chúa – Vittoria nói và buồn bã vuốt mái tóc dài của mình. – Và cha tôi đã bắt tay tiến hành một việc mà chưa nhà khoa học nào nghĩ tới. Điều mà chưa ai đủ sức mạnh về công nghệ để tiến hành. – Cô gái ngừng lại, như thể chưa chọn được những ngôn từ thích hợp. – Ông đã tiến hành một thí nghiệm để chứng minh rằng thuyết Chúa sáng tạo ra vạn vật là chính xác.

Chứng minh rằng Chúa sáng tạo ra thế giới? – Langdon băn khoăn. Phải có ánh sáng? Vật chất hình thành từ hư vô?

Đôi mắt lạnh lẽo của Kohler lia một lượt khắp gian phòng.

- Cô vừa nói cái gì?

- Cha tôi tạo một vũ trụ… từ con số không.

Kohler ngẩng phắt lên:

- Cái gì?

- Nói một cách chính xác thì ông ấy đã tái tạo vụ nổ Big Bang.

Kohler trông như thể sắp nhảy dựng lên.

Langdon hoàn toàn rối trí. Tạo ra một vũ trụ? Mô phỏng vụ nổ Big Bang?

- Đương nhiên, đây là sự mô phỏng trên quy mô nhỏ hơn.

Những lời nói của Vittoria mỗi lúc một trở nên gấp gáp:

- Quá trình này cực kỳ đơn giản. Cha tôi tăng tốc độ của hai hạt siêu mỏng từ hai hướng đối lập nhau trong ống gia tốc. Hai hạt này va đập ở vận tốc cực lớn, đâm xuyên vào nhau và nén toàn bộ năng lượng của chúng vào một điểm đơn nhất. Cha tôi đã tạo ra được tỷ trọng năng lượng cực đại.

Cô gái bắt đầu dùng đến hàng loạt thuật ngữ chuyên ngành, còn ông giám đốc thì tròn mắt kinh ngạc.

Langdon cố hiểu những điều cô gái nói. Vậy là Leonardo Vetra đang mô phỏng điểm năng lượng nén đã sinh ra vũ trụ ngày nay.

- Kết quả cực kỳ hấp dẫn. – Vittoria nói – Khi được công bố, thí nghiệm này sẽ làm rung chuyển toàn bộ ngành vật lý đương đại.

Cô gái nói chậm lại, như thể muốn tăng trọng lượng cho câu nói tiếp theo:

- Không hề sắp đặt trước, trong mỗi ống gia tốc, từ điểm tập trung năng lượng cực lớn này, các hạt vật chất xuất hiện từ hư không.

Kohler ngồi im như trời trống, hai mắt nhìn trân trối.

- Vật chất, – Vittoria lặp lại, – được sinh ra từ hư không. Một cuộc trưng bày pháo hoa ngoạn mục của các hạt nhỏ hơn nguyên tử. Một mô hình vũ trụ đang hình thành. Ông ấy muốn chứng minh không chỉ vật chất được tạo ra từ hư không mà cả vụ nổ Big Bang lẫn sự kiện Chúa sáng tạo thế giới có thể được giải thích đơn giản bầng cách chấp nhận sự hiện diện của một nguồn năng lượng khổng lồ.

- Ý cô là Chúa? – Kohler hỏi.

- Chúa Trời, Đức Phật, Đấng Tối Linh, Thánh Yahweh (Vị thánh của người Do Thái), đơn thức, điểm đơn nhất – bất cứ cái tên nào cũng được – kết quả vẫn là thế. Cả tôn giáo lẫn khoa học cùng tôn sùng một chân lí – năng lượng thuần tuý chính là cha đẻ của tạo hoá.

Cuối cùng thì Kohler cũng lên tiếng, giọng yếu ớt:

- Vittoria, tôi vẫn chưa hiểu. Hình như cô vừa nói rằng cha cô tạo ra vật chất… từ hư không?

- Vâng. – Vittoria chỉ về phía những chiếc hộp – Và đây là bằng chứng. Trong những chiếc hộp này là mẫu các vật chất mà cha tôi tạo ra.

Miệng húng hắng ho, Kohler tiến lại gần những chiếc hộp như một con thú đang thận trọng lượn quanh những thứ mà bản năng của nó mách bảo rằng có vấn đế.

- Có một điều tôi vẫn chưa hiểu. – Ông ta nói tiếp – Làm sao mọi người có thể tin được rằng những cái hộp này chứa các hạt vật chất mà cha cô thực sự tạo ra? Chúng có thể là những hạt lấy được từ bất cứ chỗ nào.

- Chắc chắn họ sẽ phải tin. – Vittoria nói bằng giọng tự tin. – Đây là những hạt độc nhất vô nhị. Chúng là một dạng vật chất chưa từng tồn tại ở bất cứ nơi nào trên trái đất… do đó chúng chỉ có thể được tạo ra.

Kohler càng tỏ ra hoài nghi:

- Vittoria, cô nói đến một dạng vật chất nhất định nghĩa là sao? Chỉ có một dạng vật chất duy nhất, và Kohler đột ngột ngừng bặt.

Giọng Vittoria đầy đắc thắng:

- Ông chẳng vừa tự nói ra đó sao, thưa giám đốc. Vũ trụ bao gồm hai loại vật chất. Sự thật khoa học đấy. – Vittoria quay sang Langdon – Ông Langdon, Kinh thánh nói thế nào về sự sáng tạo nhỉ? Chúa tạo ra gì?

Langdon cảm thấy ngượng, không hiểu tại sao cô gái lại hỏi mình điều đó.

- Ừm, Chúa tạo ra… ánh sáng và bóng đêm, thiên đường và địa ngục…

- Chính xác, – Vittoria nói – Người tạo ra vạn vật theo cặp đối lập Rất đối xứng và cực kỳ cân bằng. – Cô quay sang Kohler – Thưa giám đốc, khoa học cũng khẳng định như vậy, rằng vụ nổ Big Bang tạo ra vạn vật trong vũ trụ theo những cặp đối lập.

- Kể cả chính vật chất, – Kohler thì thầm, như thể đang tự nói với mình.

Vittoria gật đầu.

- Và trong thí nghiệm của cha tôi, quả thực là hai loại vật chất đã hình thành.

Langdon băn khoăn không hiểu. Leonardo Vetra tạo ra cái đối lập với vật chất?

Kohler có vẻ giận dữ:

- Thứ vật chất mà cô đề cập đến chỉ tồn tại đâu đó trong vũ trụ. Chắc chắn không ở trên trái đất, thậm chí không hiện diện trong thiên hà của chúng ta.

- Chính xác, – Vittoria đáp, – Điều đó là bằng chứng cho thấy những hạt trong hộp này là nhân tạo.

Mặt Kohler khó đăm đăm:

- Vittoria, cô có chắc những hộp này chứa mẫu thật không?

- Chắc chứ. – Cô tự hào nhìn những chiếc hộp – Trước mắt giám đốc là những mẫu phản vật chất đầu tiên trên thế giới.
 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại: https://hoinhieuchu.com
Back
Top