Cập nhật mới

Dịch Full Hai Tờ Di Chúc

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
[Diendantruyen.Com] Hai Tờ Di Chúc

Hai Tờ Di Chúc
Tác giả: Nam Quân
Tình trạng: Đã hoàn thành




Tác giả: Nam Quân

Thể loại: Trinh Thám

Trích đoạn:

Bỗng một ngày kia, cụ Phạm Tú Doanh nằm liệt giường để không còn bao giờ trở dậy nữa. Mấy phút trước khi nhắm mắt lìa đời, buông xuôi, bỏ rơi tất cả để đi theo cụ bà về cõi hư vô, ông cụ già cô độc đã lắp bắp đôi môi nhợt nhạt như muốn nói một câu gì đó. Vị bác sĩ vẫn săn sóc thuốc men cho cụ, ghé tai sát tận nơi nhưng cũng không thể nghe được một tiếng gì hết.

Một ngày, sau khi an táng cụ Doanh, mọi người đã vô cùng ngạc nhiên khi tìm thấy trong phòng cụ một tờ di chúc, chỉ một tờ duy nhất, trong đó cụ ghi rõ là gia đình ông Phạm Văn Phàm được quyền thừa hưởng toàn phần di sản của cụ.
 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 1





01 - TỜ DI CHÚC THỨ NHẤT
- Nếu gia đình Phạm Văn Phàm mà lại được thừa hưởng tất cả cái gia tài này thì thật là bất công quá, hả ba ? Và rồi họ sẽ nhìn đời bằng nửa con mắt cho coi !

Vừa nói, Ái Lan vừa nghiêng người về phía cha đang ngồi coi báo bên bàn trong phòng khách.
Ông Minh chợt ngẩng đầu, đưa mắt nhìn con gái yêu :
- Hả ! Con vừa nói gì về chuyện gia đình Phạm Văn Phàm thế ? Ba chưa nghe rõ.

Ông Đặng Quang Minh là một luật sư nổi tiếng ở Đà Lạt. Nhiều người biết danh ông sau khi được chứng kiến ông cãi thắng lợi nhiều vụ kiện quan trọng. Dư luận đua nhau ca tụng đức tính sáng suốt, tài khéo léo của ông và cái khả năng giải quyết tài tình những vụ rắc rối gay go nhất.
Đang mải mê đọc báo, chợt nghe tiếng con gái nói láu táu, ông vội ngẩng lên. Nét mặt ra chiều chăm chú, môi mỉm nụ cười bao dung tươi tắn. Nhưng kỳ thật, ông chẳng quan tâm gì đến mấy người mà Ái Lan vừa nói tới. Phạm Văn Phàm và gia đình

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 2




ông ta thì kệ ông ta. Đâu có ăn nhằm gì đối với ông bằng cái khuôn mặt kháu khỉnh đang ngó ông chăm chú kia.
Ái Lan là con một của luật sư Minh. Em mới mười lăm tuổi. Mái tóc với những lọn đen nhánh phủ kín cái đầu xinh xinh đang ghé dưới ánh đèn đọc báo của cha.
Thật không ai ngờ được rằng bộ óc non nớt ở bên trong cái đầu xinh xinh ấy lại chứa đựng nhiều ý nghĩ, nhiều chương trình làm việc như của người lớn.
Đột nhiên, Ái Lan giơ tay tinh nghịch khẽ cấu vào tai cha. Giọng nói của em làm ra vẻ nghiêm nghị :

- Ba kỳ quá hà ! Con nói gì chẳng bao giờ ba chịu để ý nghe cả ! Này nhé, ba ! Con bảo rằng gia đình ông Phàm đó, thật không xứng đáng được hưởng cái gia tài hàng tỉ bạc của cụ Phạm Tú Doanh đâu, ba à ! Có cách nào cấm cản được những con người tham lam đó không, ba ?
Ông Minh đưa tay gỡ cặp kính trắng gọng đồi mồi, gấp tờ báo lại cẩn thận, đoạn nhìn con gái. Sắc mặt ông nghiêm lại thấy rõ :
- Chịu ! Làm gì còn cách nào nữa đâu, con ! Tờ di chúc là tờ di chúc ! Và hiệu lực của nó, giá trị của nó như thế nào, đã có lần ba giảng cho nghe, chắc con vẫn còn nhớ chứ !
- Con nhớ, ba ! Nhưng tại sao chỉ riêng một mình gia đình nhà ông Phàm được hưởng thôi chứ ? Con thấy thật không phải lẽ chút nào hết. Nhất là khi nhớ lại cái cung cách gia đình ông ta đối xử với cụ Tú Doanh thì quả là quá tệ.
Luật sư Minh bất giác mỉm cười :
- Ờ, ờ ! Đúng thế đấy ! Ông Phàm, bà vợ cùng các cô con gái quả thực không phải là những người có lòng nhân ái. Nhưng dù sao họ cũng đã có công tiếp đãi phụng dưỡng cụ Doanh kia mà !
- Quả có vậy ! Nhưng con cứ cho họ làm thế là có mục đích cả đấy ba ạ ! Để mua chuộc cảm tình của ông cụ rồi xúi ông cụ để lại cho họ thừa hưởng tất cả cái tài sản khi cụ chết đi. Mà khổ một nỗi, họ lại thành công đó, ba à ! Họ săn sóc cụ già chu đáo lắm, chiều đãi vô cùng, cho tới ngày ông cụ viết tờ di chúc có lợi lớn cho họ. Xong đâu đấy, khi đã nắm được tờ giấy quý báu đó rồi thì thôi, cả nhà ông Phàm đã đối đãi với ông cụ không còn ra cái gì nữa. Đến nỗi ai ai cũng bảo rằng hồi đó, cụ Doanh chỉ mong chết đi sớm được ngày nào hay ngày ấy cho thoát khỏi đau khổ ray rứt đó ba à !

- Con cũng nên biết rằng phần đông dân chúng ở cái thành phố Đà Lạt nhỏ xíu này đều không ưa gì gia đình ông Phàm đâu nghe ! Do đó dư luận có thể hơi quá đáng.
- Ưa sao nổi kia chứ hả ba ? Ông ta nổi tiếng là một người bủn xỉn keo kiệt, chuyên môn làm giàu bằng cách đầu cơ tích trữ. Bà vợ thì tham lam xảo quyệt ghê gớm. Còn hai cô con gái thì, eo ôi, lại còn quá nữa. Con biết rõ tụi nó lắm, học cùng lớp với con đấy ba ! Thiệt khó mà tìm được hạng con gái nào mà lại xấu tính xấu nết như hai con nhỏ đó. Phen này nếu cả cái gia sản kếch sù của cụ Doanh mà lại lọt vào tay họ, thì ắt họ sẽ coi khinh mọi người quá cỏ rác chứ không chơi đâu, ba !
Ái Lan nói đúng. Cả cái thị xã xứ anh đào này không ai lại còn không biết gia đình Phạm văn Phàm, từ xưa đến nay, đã nổi tiếng là gồm toàn những người khoe khoang hợm hĩnh. Chưa hết ! Dư luận lại còn phán xét khá gay gắt về cái cung cách họ đối xử tàn nhẫn với ông anh họ già lão, là cụ Phạm tú Doanh.
Ái Lan chưa có dịp hiểu biết rõ về cụ Tú Doanh lắm. Em chỉ thoáng gặp cụ có một vài lần ở ngoài phố mà thôi. Tuy vậy, em cũng có được có cảm tưởng cụ là người dễ mến, tính tình hiền lành vui vẻ, có điều hơi cổ hủ một chút. Cụ bà đã sớm quy tiên từ sau kỳ đệ nhị thế chiến. Và từ đó, cụ Doanh, để khuây khỏa nỗi buồn, cứ tha thẩn qua ngày, vạ vật hết nhà người bà con này tới nhà người bà con khác. Chẳng phải là cụ nghèo đói thiếu thốn gì. Của chìm của nổi nhiều vô kể, nhưng con cái chẳng có, cụ ghê sợ cái cảnh đời góa bụa, một mình một bóng, nên cứ thích sống ghé gẩm với gia đình các bà con xa gần trong họ. Chẳng phải cụ thèm khát cơm no áo ấm, tiền bạc sẵn, muốn mua gì mà không được, nhưng cụ chỉ muốn hưởng cái không khí ấm cúng của một mái nhà, một gia đình có cha có mẹ, có chồng vợ, có con cháu ríu rít đùa vui ! Những cái mà người ta không thể mua được bằng tiền bạc. Tuy là người giàu có nhất trong dòng họ, nhưng lại nghèo tình cảm hơn ai hết, gia đình ông Phạm văn Phàm, mới đầu, chẳng một chút ngó ngàng tới ông anh họ bất hạnh. Vì vậy cho nên một vài gia đình trong dòng họ, tuy nghèo khổ, nhưng vẫn tôn trọng cái truyền thống tốt đẹp là "một giọt máu đào, hơn ao nước lã", đã đón cụ Doanh về nhà phụng dưỡng. Cụ già, tuy không nói ra miệng, nhưng vẫn ngấm ngầm cảm động vì tấm lòng quý hóa của những người áo rách mà tâm hồn không rách này. Đôi khi quá hứng thú trong cái không khí nghèo mà vui của họ, cụ Doanh đã buột miệng để lộ ý định sẽ viết tờ di chúc để cho những người có tấm lòng vàng này được thừa hưởng cái tài sản vĩ đại nhưng thật kín đáo của cụ !
Ngày tháng dần trôi. Đột nhiên, một ngày kia, gia đình Phạm Văn Phàm thay đổi hẳn thái độ : Họ đón rước cụ Doanh về ở chung nhà. Cụ già vui vẻ nhận lời. Ít ngày sau, có tin đồn là cụ Phạm Tú Doanh đã nghe lời vợ chồng ông Phàm, viết lời di ngôn cho gia đình ông ta thừa hưởng tất cả di sản chìm và nổi của cụ.

Sau đó, sức khỏe cụ Doanh cứ giảm dần theo ngày tháng. Nhưng cụ vẫn vào ra, ăn uống, nghỉ ngơi điều hòa. Không một triệu chứng gì tỏ ra là cụ sắp sửa vĩnh biệt mọi người để về bên kia thế giới cả. Vợ chồng Phạm Văn Phàm cùng hai cô con gái đã có vẻ nóng ruột ra mặt và hùa nhau đối xử tàn tệ với ông cụ, không chút nương tay.
Cụ Doanh vẫn ở chung nhà. Nhưng nhiều người kể lại rằng, ngoài hai bữa cơm và khi vào giường đi ngủ, cụ đều chống gậy tới nhà các bạn già để chuyện trò tâm sự. Và với một vài người bạn tâm giao, cụ già đã cho biết là cụ có ý muốn truất quyền thừa hưởng gia tài của gia đình Phạm Văn Phàm.

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 3




Bỗng một ngày kia, cụ Phạm Tú Doanh nằm liệt giường để không còn bao giờ trở dậy nữa. Mấy phút trước khi nhắm mắt lìa đời, buông xuôi, bỏ rơi tất cả để đi theo cụ bà về cõi hư vô, ông cụ già cô độc đã lắp bắp đôi môi nhợt nhạt như muốn nói một câu gì đó. Vị bác sĩ vẫn săn sóc thuốc men cho cụ, ghé tai sát tận nơi nhưng cũng không thể nghe được một tiếng gì hết.
Một ngày, sau khi an táng cụ Doanh, mọi người đã vô cùng ngạc nhiên khi tìm thấy trong phòng cụ một tờ di chúc, chỉ một tờ duy nhất, trong đó cụ ghi rõ là gia đình ông Phạm Văn Phàm được quyền thừa hưởng toàn phần di sản của cụ.
Tiếng Ái Lan :
- Con cứ thắc mắc mãi và đoán không ra là cụ Doanh muốn nói cái gì với ông bác sĩ khi cụ thấy giây phút cuối cùng đã tới gần bên ! Ba thì sao, ba. Ba nghĩ thế nào? Hay là cụ muốn nói đến tờ di chúc... khác, hả ba ?
Tiếng luật sư Minh chậm rãi :

- Chắc chắn là cụ Doanh có ý muốn dành quyền thừa hưởng gia tài sản nghiệp của cụ cho những người họ hàng bà con xứng đáng kia cơ. Nhưng số mệnh khắt khe đã khiến cụ trối trăng không kịp ! Tội nghiệp !
- Biết đâu đấy, hả ba ! Biết đâu là cụ Doanh đã chẳng thu xếp đâu vào đó cả rồi. Và hôm cụ hấp hối, lắp bắp nói không ra hơi đó lại chẳng là cụ muốn chỉ cho ông bác sĩ biết chỗ cụ cất giấu tờ di chúc mới đó. Ba nghĩ sao, ba ?
Sắc mặt ông Minh hiện rõ nhiều nét trầm tư :
- Hừ... ! Biết đâu chừng ! Biết đâu đó lại chẳng là sự thật ! Và ông không ngớt nhè nhẹ gật đầu.
- Chắc ông cụ Doanh phải giấu tờ di chúc đó kỹ lắm chớ không vừa đâu, phải không, ba ?
- Ấy thế ! Ba e rằng rồi ra không ai có thể tìm ra được kia chứ ! Cụ Doanh, ba biết, nhiều khi hay làm những cái khác người lắm kia !... Vả lại, còn gia đình Phạm Văn Phàm nữa !
Ái Lan nôn nóng :
- Cái gì ba ? Ba bảo gia đình ông Phàm thì sao, ba ?
- Tài sản của cụ Doanh nghe nói vĩ đại lắm. Mà gia đình ông Phàm, thì như con đã thấy đó, không phải là những người chịu chia sớt cho ai một cái gì béo bở bao giờ. Vậy ba nghĩ rằng, nếu có thật chăng nữa, tất nhiên nhà Phàm cũng tìm cách hủy triệt tờ di chúc mới đó cho bằng được, chớ chẳng chịu để yên đâu !

- Theo ý ba thì, nếu tình cờ tìm ra được, ông Phàm sẽ dám hủy nó đi ?
- Ái Lan ! Ba không có ý nói vu cho ai hết. Nhưng có điều ba biết rõ, ông Phàm là một người lắm mưu nhiều kế, và không thực thà trung hậu đâu.
- Ba ơi ! Con muốn biết liệu có thể làm gì cái tờ di chúc mà cụ Doanh đã viết để cho gia đình ông Phàm hưởng toàn phần di sản của cụ đó không, ba ?
- Theo ý ba thì : "Không !" - Mặc dầu không nghiên cứu để hiểu rõ chi tiết vụ này, ba vẫn phải công nhận quyền thừa hưởng hiện ở trong tay ông Phàm là hợp pháp. Chống đối lại, khiếu nại để tài sản của cụ Doanh không lọt được vào tay họ nữa là cả một việc làm tốn tiền ghê gớm. Mà mấy người bà con của cụ Doanh thì lại nghèo quá, tiền đâu mà theo đuổi, nay Tòa trên, mai Tòa dưới, đủ thứ tốn hao. Cho đến tận bây giờ, cùng lắm thì mấy người bà con không may đó cũng chỉ có thể khiếu nại rằng họ cũng có quyền hưởng mỗi người một phần vào cái di sản của người chết, bằng cách nói chắc rằng còn một tờ di chúc thứ hai nữa, chưa tìm ra được. Vậy thôi ! Sự việc cũng chỉ tới đó là đi vào một cái ngõ cụt, bế tắc.
Ái Lan gần như la lên :
- Thật là vô lý quá ! Bất công quá, hả ba ! Nhà ông Phàm thật quả không xứng đáng hưởng cái gia tài đó một chút nào hết !

- Bất công thì có bất công, nhưng khốn nỗi lại rất hợp pháp con ạ ! Thiệt tình, ngay đến ba, ba cũng chịu, chẳng còn nghĩ ra cách nào để cứu vãn tình thế cả. Chắc chắn sẽ có nhiều người bị thiệt thòi lớn trong vụ gia đình Phạm Văn Phàm được hưởng trọn cái gia tài này. À... ba nghe nói trong số các người nghèo khổ mà lại không may đó, còn có hai chị em, hai cô gái hiện đang khai thác một cái nông trại tại Lạc Dương, con à ! Thực ra thì hai cô gái này không phải họ hàng bà con gì với cụ Doanh cả. Nhưng ông cụ biết rõ hai cô bé đó từ thuở ấu thơ nên thương lắm, coi cũng như con cháu trong dòng họ cả. Lẽ ra thì tên tuổi của hai chị em cô bé đó phải được ghi trong tờ di chúc cùng với mấy người cháu trai cháu gái của cụ Doanh mới phải chứ ! Họ xứng đáng trăm phần, thì gia đình ông Phàm kia không đáng một phần.
Ái Lan gật gật đầu tán thành lời cha nói. Rồi im lặng, nét mặt trầm tư, em bắt đầu duyệt lại những chi tiết ông Minh vừa cho biết.
Ái Lan thừa hưởng của cha cái thói quen hay nghiền ngẫm những sự việc đặc biệt, suy nghĩ, phân tích thật rõ rệt rồi lý luận rất vững chắc để đi tới một kết luận hết sức hợp lý không ai chối cãi được. Luật sư Minh vẫn thường nói ra miệng là em có thể, nếu em muốn, sẽ trở thành một nhà nữ trinh thám xuất sắc nhờ cái trí thông minh hiếm có và biệt tài đoán trước được nhiều sự việc thật bí mật.
Bà Minh nguyên quê quán ở một tỉnh thuộc miền trung du Bắc Việt. Nơi cảnh vật thiên nhiên có nhiều núi cao, sông rộng, ruộng bãi phì nhiêu. Sống và lớn lên trong cái khung cảnh bao la hùng vĩ đó, tính tình bà nhiễm đầy tính chất phóng khoáng hồn nhiên, khác hẳn một số lớn người điêu ngoa xảo quyệt chốn thị thành chật chội đua chen.

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 4




Trong huyết quản Ái Lan luân lưu dòng máu hiền thục của mẹ hòa lẫn với bản chất nghĩa hiệp nhân từ của cha. Tiếc thay là bà Minh đã mất được gần mười năm nay sau một cơn bạo bệnh. Lòng nhớ thương vợ hiền, ông Minh đem trút lại cả cho đứa con gái yêu độc nhất. Việc học hành của Ái Lan được ông trông coi săn sóc rất chu đáo. Trong thâm tâm, ông Minh vẫn âm thầm hãnh diện là đã truyền lại được cho con cái trí thông minh sáng suốt và cái thói quen tốt là suy nghĩ về vấn đề gì cũng thật chính chắn và xét đoán sự việc bao giờ cũng thật vô tư.
Vì thế, thêm cái đức tính kín đáo, Ái Lan tuy chưa đầy mười sáu tuổi mà đã được ông Minh hỏi ý kiến và bàn cãi về nhiều vụ kiện tụng quan trọng.
Em lại còn thường thấy cha tiếp chuyện một số các thám tử nổi tiếng, đến xin ý kiến và học hỏi những kinh nghiệm già dặn của luật sư Minh trong nhiều vụ điều tra quan trọng.
Ái Lan say mê theo dõi cuộc đối thoại giữa cha và các nhà thám tử. Các ông khách này chỉ nói ít nhưng nghe thì thật nhiều. Họ như ghi tâm từng lời nói của người đàn anh. Những lời nói rất quý báu giúp được họ thành công trong sứ mạng cao quý : bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân lương thiện.
Gặp một việc gì mờ ám là thế nào Ái Lan cũng tìm bằng được cách dúng tay vào và chỉ chịu nghỉ ngơi khi đã khám phá được điều bí mật. Chính ông Minh đã nhiều lần, nhờ nghe theo ý kiến của em, mà đạt được kết quả mong muốn trong một vài vụ mà chính ông cũng chưa tìm ra cách giải quyết. Ông thường nhủ thầm một cách thích thú câu : "Con bé đôi khi có nhiều ý kiến thật độc đáo" và ông mệnh danh những ý kiến độc đáo đó là những trực giác.
Thế rồi, khi nghe dân chúng xầm xì về vụ gia tài của cụ Phạm Tú Doanh, Ái Lan đã chú tâm đặc biệt. Và để ý nghe ngóng đây đó, em nghi là bên trong đã có một điều gì bí mật.
Đột nhiên em cất tiếng hỏi ông Minh :

- Ba này ! Theo ba thì thật ra cụ Doanh đã viết tờ di chúc thứ hai đó chưa, hả ba ?
Ông Minh bật reo lên :
- Chà ! Con hỏi gì mà khó quá, như ông Tòa hỏi cung vậy ? - Nét mặt ông hiện lên vẻ đùa vui chế diễu, nhưng kỳ thực trong lòng ông cảm thấy hân hoan thích thú khi nghe câu hỏi rất thông minh của đứa con yêu. - Thì ba cũng chỉ biết đại khái như con vậy thôi ! Chứ có hơn gì đâu !
Nhưng sau gần nửa phút im lặng, chợt ông bảo Ái Lan :
- A ! Có một điểm này... À ! Nhưng thôi, chẳng nên cho con biết vì thực ra thì cũng không có gì là rõ rệt lắm.
Ái Lan nhảy chồm ngay lên :
- Điểm gì đó ba ? Ba nói sao ? Có điểm gì mà ba định nói rồi lại thôi vậy ? Nói đi ba ! Nói cho con biết đi, ba !
- Đây, chỉ có thế này : hỏi năm ngoái, có một bữa, ba gặp cụ Doanh đi cùng với luật sư Nguyễn Hữu Công tới Ngân hàng Di Linh.
- A ! Luật sư Công chuyên coi về các chứng thư, tờ di chúc về gia tài di sản đó hả ba ?
- Đúng đó con ! Ba thấy rõ ràng ông Công cùng với cụ Doanh đang chăm chú hỏi việc gì đó, nơi ô cửa bên cạnh kế ô cửa của ba. Ba cũng không có ý định nghe lén chuyện riêng của người khác, nhưng vì hai người kề sát gần bên quá, nên lời đối thoại của họ rõ mồn một lọt vào tai ba. Thì ra hai người đang nói về một tờ chúc thơ gì đó. Ba không để ý lắm nhưng có một câu cụ Doanh nói khá lớn : cụ hẹn với luật sư Công ngày mai cụ sẽ tới văn phòng ông.
- Nếu vậy thì quả là cụ Doanh đã quyết định làm một tờ di chúc khác rồi đó ba à !

- Ừ ! Khi nghe cụ Doanh hẹn gặp ông Công như thế, ba cũng chợt có ý nghĩ như con vậy đó !
Ái Lan nét mặt đăm chiêu lẩm bẩm :
- Năm ngoái, năm ngoái cụ Doanh hẹn đến tìm luật sư Công ! Nghĩa là hai năm sau khi cụ Doanh viết lời di ngôn để lại của cải cho gia đình Phạm Văn Phàm thừa hưởng ! Phải vậy không, ba ?
- Đúng đó con ! Đúng là cụ già Doanh đã muốn thay đổi lại một vài điểm trong lá chúc thư thứ nhất, và ba chắc rằng cụ có ý truất quyền thừa hưởng toàn phần di sản của cụ hiện ở trong tay ông Phàm. Nhưng có một điều gay nhất là không hiểu cụ thực hành cái ý định đó chưa ?
Ái Lan chợt hỏi :
- Ông luật sư Công có quen ba không hả ba ?
- Quen chứ ! Ông ấy và ba cùng học Trường Luật một khóa mà !

- Thế à ! Vậy thì tại sao ba không hỏi thẳng ông Công là cụ Doanh đã nhờ ông làm tờ di chúc thứ hai chưa ?
- Hỏi thẳng ông Công chuyện đó ? Ba ngại một điều họ sẽ ình là tò mò tọc mạch, khi không lại xía vô chuyện riêng tư của người ta làm gì !
Ái Lan nhìn thẳng mặt người cha yêu quý, giọng nói của em nghe chắc nịch :
- Con chắc không khi nào luật sư Công lại dám nói với ba như thế đâu ! Bây giờ ba đang nổi tiếng, thì nếu ba có nhúng tay vào việc gì của các luật sư bạn bè của ba, con cho rằng các ông ấy lại lấy làm thích thú hơn nữa ấy chứ. Ba ơi ! Ba cứ hỏi luật sư Công chuyện đó đi nghe, ba ! Chiều con chút đi, ba !
- Cưng của ba, nghe đây này ! Ba không hứa chắc với con là ba sẽ đột ngột hỏi thẳng luật sư Công về một vấn đề quan trọng ông đang nắm trong tay như vậy... Nhưng ba muốn biết tại

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 5




sao, khi không, con gái ba lại để tâm đặc biệt đến vấn đề chúc thơ thừa hưởng gia tài này quá vậy ?
Ái Lan cười mỉm, hai má lúm đồng tiền :
- Á ! ... Ấy ! Chính con, con cũng chưa biết đích là tại sao. Nhưng có cái là tất cả sự gì bí mật đều lôi cuốn, hấp dẫn con hết ba à. Hai nữa, con muốn giúp đỡ mấy người họ hàng bà con nghèo túng của cụ Doanh. Nếu không, chắc chắn họ sẽ thiệt thòi vô kể vì bị gia đình nhà ông Phàm kia nẫng tay trên hết mất thôi !
Ông Minh nhè nhẹ gật đầu, mỉm cười vui vẻ :
- Ba nhận thấy rằng con lại đi theo đúng con đường của ba đó. Nhưng ba muốn hỏi con một câu này : Trong cái vụ lá chúc thơ của cụ Doanh thì có cái gì mà con lại cho là bí mật ?
Đôi mắt Ái Lan mở lớn, tia nhìn long lanh. Tiếng em nói nghe lớn hơn lúc thường :
- Có chứ, ba ! Một tờ di chúc bị biến mất mà ba bảo là không có gì bí mật sao ba ?
- Đồng ý là có, có bí mật ! Nhưng với điều kiện là nó phải biến mất thực sự kia chứ ! Mà muốn biến mất thực sự thì trước hết nó phải "có" đã chứ, phải không, con ? Thế lỡ cụ già Doanh hồi năm ngoái lại đột ngột thay đổi ý kiến thì sao ? Biết đâu chừng ! Biết đâu cụ ấy lại chẳng đã tự tay hủy bỏ lá chúc thơ thứ hai đó đi. Như vậy thì lấy đâu cho nó "có" được. Ba đã bảo rằng cụ già này hay làm những cái bất ngờ kỳ cục lắm mà !
Ái Lan không chút sờn lòng vì những lời nói hết sức hợp lý của ông Minh. Giọng em vẫn cứng cỏi :
- Như vậy con lại cần phải tìm hiểu thêm nữa, ba à ! Vậy ba chịu hỏi luật sư Công chuyện đó chứ, hả ba ?

Luật sư Minh bật cười nhẹ :
- Con gái ba cứng đầu thiệt tình ! Nhưng có cứng đầu, có kiên nhẫn như thế thì làm việc mới thành công được. Thôi, để ba ời luật sư Công đi ăn cơm trưa với ba ngày mai, rồi…
Ái Lan nhẩy cẫng lên reo vui :
- Ồ, vậy thì hay quá ba à ! Đúng là dịp tốt nhất để hỏi xem ông ta có biết gì về chuyện tờ di chúc của cụ Doanh không, phải không ba ?
- Ừ, may ra... Có điều ba cần báo trước cho con biết là đừng có đặt quá nhiều hy vọng, rồi lỡ ra luật sư Công cũng như ba con mình, chẳng biết gì hơn thì sao ?
Liếc nhanh đồng hồ đeo tay, ông Minh giục con :
- Ối chà ! Thế mà cũng gần nửa đêm rồi đó ! Con liệu lên gác đi ngủ đi ! Ái Lan ! Và ... đừng nghĩ ngợi lôi thôi gì đến chuyện đó nữa để ngủ cho ngon, nghe !
Tiếng nói em ỉu sìu :
- Vâng ! Con sẽ cố không nghĩ gì nữa đâu, ba ! Ba nhớ nghe, ba ! Nhớ mời luật sư Công ăn cơm trưa mai nghe ba !
Ái Lan lên lầu rồi, ông Minh còn ngồi nán lại bên lò sưởi củi cháy sáng ấm. Và ông trầm ngâm suy nghĩ :

"Phải công nhận con bé có lý. Nhất định là phải có cái gì bí mật trong vụ này. Nhưng mình phải khôn khéo lắm mới được, nếu không, trẻ thơ non dại, nó hăm hở sốt sắng quá, lao đầu vào, lỡ một cái ... À mà ... sợ quái gì nhỉ, một khi đã quyết ra tay cứu giúp kẻ cơ hàn thì gian khổ hiểm nguy cũng chẳng ngại."
02 - ĐỤNG ĐỘ
Sáng hôm sau, lúc ngồi ăn lót dạ, Ái Lan lại nhắc ông Minh :
- Ba đừng quên mời luật sư Công ăn cơm trưa nay đó nghe, ba !
- Quên sao được, con ! Để tới văn phòng là ba kêu điện thoại cho ông ấy liền mà ! Nhưng ba nhắc con một lần nữa là không chắc gì thâu lượm được tin tức hay đâu ! Con đừng đặt nhiều hy vọng quá, lỡ ra "đi câu lại xách giỏ về không", cái mặt kia sìu sịu ra thì ba thương lắm đó nghe !
Ái Lan chợt phá lên cười sằng sặc :
- Sìu sịu gì đâu ba ? Con cũng chẳng dám mong muốn điều không thể có đâu mà ba ngại. Chỉ một chút xíu tin tức xa gần hơi dính dáng đến lá chúc thơ bí mật đó là con đủ thích thú rồi, nghe ba !
- Thôi được ! Thế ngày hôm nay con có bận làm gì không ?
- Có ! Sáng nay con phải ra phố mua mấy thứ lặt vặt, và đến chiều thì qua bên chị Trâm, hai chị em sẽ cùng làm bánh xèo ăn đó ba !
- Nếu vậy thì làm gì còn thì giờ rảnh mà đi ăn với ba được chứ ?
Ái Lan vỗ tay reo lên, đôi mắt sáng long lanh :

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 6




- Ba cho phép con cùng đi ăn với ba, hả ba ? Trời ơi ! Vậy thì thích quá ! Con sẽ báo cho chị Trâm hoãn bữa bánh xèo này lại hôm khác mới được !
Luật sư Minh mỉm cười kín đáo :
- Nếu vậy thì trưa nay con tới văn phòng của ba rồi cùng đi nghe. Chỉ e luật sư Công bận việc gì mà từ chối thôi, nếu không cha con mình sẽ có dịp tốt để tìm hiểu ít nhiều về chuyện gia tài của cụ Doanh. À, và ba dặn con nên cẩn thận, đừng để lộ một vẻ gì chứng tỏ là con đặc biệt để tâm theo dõi tìm hiểu về vụ này đó nghe !
- Ba yên trí đi ba ! Con chỉ để ba nói thôi mà ! Còn con, con sẽ ngậm kín miệng không nói tiếng nào, nhưng hai lỗ tai con sẽ mở lớn hết cỡ, được chưa ba ?
- Được rồi ! Ba tin con !

- Rồi xô ghế đứng dậy, ông Minh đưa mắt ngó đồng hồ đeo tay.
- Thôi ba phải đi đây, nếu không, sẽ trễ hẹn với mấy người thân chủ, nghe con !
Ông Minh đi rồi, Ái Lan tiếp tục ăn cho xong bữa lót dạ. Đoạn em xuống bếp dặn chị Năm Dậu công việc cần làm trong ngày.
Ba năm, sau khi bà Minh mất, được cha chỉ dẫn vài lần, Ái Lan đã quen ngay với công việc trong nhà. Cửa nhà lúc nào cũng ngăn nắp, sạch bóng sạch trơn, cơm dẻo canh ngọt, cũng nhờ cái trí óc thông minh của em và hai bàn tay khỏe mạnh, khéo léo cùng tấm lòng trung thành của chị Năm Dậu. Chị Năm làm với bà Minh từ hồi còn ở ngoài Bắc, lúc Ái Lan chưa ra đời. Bà chủ hiền đức mất đi, đã khiến chị vô cùng thương tiếc. Và rồi chị cảm thấy được an ủi muôn phần, tưởng như người đàn bà đức hạnh ấy lúc nào cũng ở bên chị qua hình hài của Ái Lan xinh xắn. Đối với em, ngoài sự tận tụy của một gia nhân, chị Năm còn được sung sướng bội phần trong việc săn sóc em với tấm lòng thương mến bao la của một người mẹ. Nhờ vậy em được nhiều thì giờ rảnh rỗi để đọc sách, tập thể dục, chơi thể thao cùng đi cắm trại với các bạn gái đồng trang lứa.
So với các bạn cùng tuổi, Ái Lan không những trội hơn hẳn về thể chất mà về học vấn em cũng tiến hơn các bạn rất nhiều. Chưa đầy mười sáu tuổi em đã đậu được bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Thầy và các cô ở trường cùng các bạn, ai nấy đều yêu mến Ái Lan hết lòng.
Trong số các bạn quý mến Ái Lan, có Diễm Anh chơi thân với em hơn hết. Diễm Anh học cùng lớp với Ái Lan, cùng thi đậu một ngày. Hết hè lên lớp, hai em lại cùng được ngồi gần nhau. Trong lớp hai em, năm nay có thêm gần một chục học trò mới. Trong số, có hai chị em Bích Mai, Bích Đào, con gái ông Phàm.
Trái hẳn với các em học sinh khác ai ai cũng yêu mến Ái Lan, hai chị em Bích Mai, Bích Đào lại ghen ghét đố kỵ em ra mặt. Chuyện xích mích khởi đầu từ một ngày Ái Lan bắt gặp quả tang Bích Mai chép trộm bài thi Việt Sử của em. Giáo sư cũng đích mắt trông thấy nên đã phạt Bích Mai. Đáng lẽ phải biết phục thiện nhận lỗi mình, cô bé con nhà giàu tự ái không đúng chỗ, đã ỷ có em bênh vực lại đổ lỗi cho Ái Lan là chép bài làm của mình. Nhưng mọi người sáng suốt, đã biết ai phải ai trái, đều lên tiếng chê bai hai chị em, con nhà giàu mà nết lại xấu. Và tất nhiên Diễm Anh là người sốt sắng bảo vệ bạn thân Ái Lan hơn ai hết.
Kể từ ngày đó, Bích Mai, Bích Đào để tâm hận thù Lan, Anh ghê gớm.

Ái Lan vừa bước vào trong gian nhà bếp vừa nói với chị Năm Dậu :
- Trưa nay em không ăn cơm nhà nghe chị Năm ! Bữa cơm chiều ăn món gì, em đã ghi rõ trên bảng, thịt cá, rau đậu, cà chua ở trong tủ lạnh đủ hết đó, nghe chị Năm. Chị khỏi phải đi chợ nghe !
Dứt lời, Ái Lan bước ra sân, sau khi đã khép chặt cánh cửa phòng khách. Em xuống nhà để xe nơi cuối vườn, đạp áy nổ chiếc Vespa xinh xinh mới tinh, ông Minh mua cho em trong dịp lễ sinh nhật. Chiếc xe êm êm lướt ra khỏi vườn cây trái, vượt qua cổng lớn, trực chỉ công trường Hòa Bình, trung tâm thành phố. Lượn quanh công trường Hòa Bình một vòng em cho xe lao xuống dốc Duy Tân. Hết dốc, quẹo tay trái, Ái Lan quay hết tay ga phóng trong chớp mắt đã tới chợ.
Chợ Đà Lạt là nơi tập trung mọi hoạt động buôn bán trong toàn thị xã. Chợ có ba tầng. Tầng dưới cùng là nơi bán thịt thà, cá mú, rau trái, đủ loại thổ sản, nhất là hoa và dâu, mận. Những cành thược dược nhiều bông to bằng cái đĩa đủ màu sắc : tím, đỏ, vàng. Những bông hồng cánh mướt như nhung, to và đẹp, có thể nói là chưa có loại hồng nào to và đẹp hơn.
Ái Lan tạt vào một trong những gian hàng mua mấy thứ lặt vặt. Đoạn em đặt bước trên cầu thang xi măng lên lầu hai : nơi dành riêng cho những gian hàng bán quần áo, tơ lụa, vải vóc. Ái Lan thường hay mua tại gian hàng Tinh Hoa. Hàng ở đây bao giờ cũng tốt, đẹp hơn tất cả, tuy giá cả có hơi cao so với các gian hàng khác. Qua dãy tủ kính, em chưa tìm thấy cái món muốn mua : một chiếc áo len dài tay, cao cổ, thật ấm. Đà Lạt năm nay lạnh hơn nhiều, so với mấy năm trước.

Gặp ngày nghỉ, gian hàng Tinh Hoa sáng hôm nay đông khách tới mức chen chân không lọt. Nhân viên bán hàng tíu tít chạy hết đầu này tới đầu kia, chỗ này chưa xong, chỗ kia đã gọi rối rít.
Chờ được một cô bán hàng không phải chuyện dễ dàng và mau chóng gì. Ái Lan đành phải ngồi tạm xuống một chiếc ghế đẩu ở gần đó. Và em đưa mắt ngắm nhìn quang cảnh buôn bán nhộn nhịp bao quanh. Chưa đầy năm phút sau, bỗng em chú ý tới hai cô khách hàng cũng ở trong tình trạng chờ đợi như em. Nhưng họ khác em ở chỗ là không bình tĩnh chờ đợi mà lại tỏ lộ sự sốt ruột một cách khá ầm ĩ. Tiếng dậm gót giầy, tiếng nói bô bô bực tức của họ, khiến Ái Lan bất giác ngẩng đầu lên : hai cô mua hàng thiếu kiên nhẫn đó, chẳng phải ai xa lạ ! Chính là Bích Mai và Bích Đào, hai cô con gái cưng của ông Phạm Văn Phàm.
Hai cô con gái nhà giàu đang gay gỗ to tiếng với nhân viên chỉ huy các cô bán hàng tại khu quầy bán quần áo. Bích Đào nói như hét lên :

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 7




- Yêu cầu ông sai người tới chọn áo cho chúng tôi ngay lập tức ! Ông phải biết rằng chúng tôi đã phải chờ có tới mười phút rồi đó, nghe !
Người đàn ông phụ trách quầy hàng nói năng rất nhã nhặn.
- Hai cô thông cảm giùm ! Tôi cũng không thể làm gì hơn được ! Các cô tới sau, xin cảm phiền chờ tới lượt ! Khách hàng tới trước, chúng tôi bắt buộc phải tiếp trước chứ ạ ! - Ông ta mỉm một nụ cười lịch sự, có ý làm vui lòng hai cô gái. - Sao sáng nay khách mua ở đâu mà đông quá vậy ! Thành thử ...
Bích Mai giọng nói thật xấc xược cắt lời người chủ quầy :
- À, cái nhà ông này ! Chắc ông không biết chúng tôi là con nhà ai hả ?
Tiếng nói người đàn ông trầm hẳn xuống, xen lẫn đôi chút mỏi mệt :

- Dạ, chúng tôi biết rõ lắm chứ ạ ! Vâng để tôi ráng... ột cô tới tiếp các cô ngay ! Hai cô chờ giùm chút xíu !
Giọng nói cô gái nghe lạnh như nước đá :
- Chúng tôi không quen chờ đợi !
Cô em hùa theo cô chị :
- Nhà hàng gì đâu mà kỳ dữ vậy ! Ông chắc cũng biết là ba tôi có nhiều phần hùn bao thầu cả khu tầng lầu hai này chứ hả ? Ngay đến ông Tinh Hoa cũng còn không dám có điều trái ý chị em tôi kia, huống hồ là ông. Chúng tôi chỉ bảo ông chủ một tiếng là ông mất việc làm liền, ông nên nhớ như vậy, nghe !
Người trưởng quầy giận run người, nhưng giọng nói ông ta vẫn giữ được bình tĩnh :
- Rất tiếc là chúng tôi không thể làm khác được. Quy củ của nhà hàng Tinh Hoa trước thế nào, thì sau vẫn thế, nghĩa là : khách mua tới trước thì được tiếp trước, khách đến sau là phải chờ đến lượt.
Bích Đào khoa tay phác một cử chỉ khinh khi. Đôi mắt cô ta loáng lên tia sáng phẫn nộ. Bộ áo đầm cô mặc trên người rất đắt tiền, nhưng không nhờ thế mà cô trở thành xinh đẹp dễ thương được. Vóc người cao nhưng gầy ốm tong teo. Bộ mặt chẳng có một nét nào có thể gọi là đẹp, lại còn luôn luôn đượm vẻ kiêu căng, hợm hĩnh, thêm sự giận dữ lúc này làm cho nhăn nhó khó coi vô cùng.
Còn Bích Mai thì khá hơn, nhưng vẻ mặt không có chút nào phúc hậu gây được cảm tình. Điệu bộ, nói năng rất kiểu cách khiến ai nghe cũng phải khó chịu, nếu không thì cũng phát phì cười. Bà mẹ không mấy chú trọng đến việc học của các con mà chỉ chăm chăm để ý cho con ăn sang mặc đẹp đặng lên mặt với mọi người.
Bích Mai, Bích Đào hơn Ái Lan tới hai, ba tuổi vẫn còn lẹt đẹt ngồi cùng lớp mà học hành cũng không có gì tỏ ra xuất sắc cả. Chỉ giỏi làm bộ làm tịch ỷ thế con nhà giàu, chẳng thân thiết được với ai nên cũng ít người thân thiết với, nên hai chị em rất ít bạn.

Giờ đây, khi vừa vùng vằng quay lưng lại phía ông phụ trách quầy quần áo, hai chị em Mai, Đào chợt ngó thấy Ái Lan. Vốn sinh trưởng trong một gia đình lễ giáo, có thói quen tốt là lễ độ với tất cả mọi người, Ái Lan nhẹ gật đầu chào. Bích Mai hất hàm trả lễ, nét mặt lạnh lùng không nói một tiếng, trong khi Bích Đào mắt vẫn nhìn thằng coi như Ái Lan không có mặt ở đây vậy.
Ái Lan thầm nhủ :
- Thật là phách lối kỳ cục vô cùng ! Lần sau có gặp mình cũng sẽ làm lơ luôn !
Ngay lúc đó, một cô bán hàng đi tới. Lập tức hai chị em cô gái xáp lại to tiếng trách cứ tại sao lại để phải chờ đợi lâu vậy. Ái Lan ngầm đưa mắt theo dõi quang cảnh thì thấy cô làm công nhẫn nhục chịu đựng và khéo léo đưa cho hai chị em Mai, Đào mấy mẫu áo nhung sa-tanh rất đẹp. Nhưng hai cô gái vẫn còn cau có chỉ liếc sơ tia mắt ngó qua. Cô bán nàng lại đưa ra một bộ bằng len, màu hồng nhạt :
- Dạ, đây kiểu này và màu này hiện đang thịnh hành lắm ! Thiếu nữ Sài Gòn mặc đi dạo phố rất nhiều. Theo đúng kiểu của Ba Lê đó thưa hai cô !
Bích Đào nhấc chiếc áo, nhưng cũng lại chỉ ngó rồi tiện tay vắt luôn lên một cái ghế dựa gần đó. Chiếc áo bị để một cách cẩu thả, tuột ngay xuống sàn nhà, ụn thành một đống. Cô khách khó tính không hề có một cử động gì để giữ hoặc lượm chiếc áo mới quí giá đó lên, mà lại còn quay ngoắt đi đưa mắt ngắm nhìn một vài kiểu áo khác. Cô bán hàng sững sờ, luống cuống lo sợ đưa tia mắt bối rối nhìn xuống chiếc áo len hồng, nhàu nát đang bị bước chân lơ đễnh của Bích Đào dẫm lên, lấm bẩn hết. Sự việc xảy ra lọt vào tầm mắt quan sát của Ái Lan không sót một chi tiết. Em thấy lòng giận sôi lên, vội vàng đứng phắt dậy, bước nhanh tới đầu dãy tủ kính đằng kia cho khuất mắt, đỡ bực mình.
Một lúc sau, khi Ái Lan quay về chỗ ngồi thì hai chị em Mai Đào cũng đang sửa soạn bỏ đi, không mua một thứ gì hết. Đi ngang chỗ Ái Lan, Bích Đào cánh tay vung vẩy, nơi chốn đông đảo mà vẫn nghênh ngang coi như chỗ không người, đụng ngay vào em. Như người khác thì đã mỉm cười xã giao xin lỗi một tiếng là êm đẹp cả. Trái hẳn, cô gái kém giáo dục lại còn hất mặt nhìn Ái Lan mà cười khẩy :

- Đi đứng cẩn thận một chút nghe cô bé !
Ái Lan cắn chặt vành môi cố giữ cho khỏi bật ra một câu chua chát để trả lời. Đưa mắt khinh bỉ, em nhìn theo hai chị em Mai Đào đang vênh váo tiến về phía cầu thang. Và Ái Lan tự nhủ :
- Hai con nhỏ kỳ khôi thiệt tình ! Không trách ai cũng ghét !
Bỗng một cô bán hàng bước tới tươi cười tiếp Ái Lan. Đúng người con gái mấy phút trước đây đã tiếp hai chị em Mai Đào.

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 8




Cô ta đưa cho em coi một chiếc áo len dài tay, cổ cao, màu đen nhánh mịn màng. Đúng sở thích, Ái Lan yêu cầu cô cho phép mặc thử. Cô bán hàng vui vẻ đưa Ái Lan vào phòng thử áo. Nhìn vào tấm gương lớn, hình ảnh một cô nữ sinh khỏe mạnh tươi tắn hiện ra rõ rệt. Chiếc áo len mới, mặc vừa khít, càng làm tôn màu da trắng như trứng gà bóc và đôi má đượm nắng hanh ửng hồng tự nhiên.
Cô bán hàng, ngay từ phút đầu tiếp Ái Lan, đã có cảm tình với ngôn ngữ dịu dàng của em. Nay đối diện với hình ảnh vui tươi xinh xắn trong tấm áo len mới, cô hân hoan trò chuyện :
- Trời ơi ! Cô biết không mỗi lần hai chị em Bích Mai, Bích Đào tới mua hàng là tụi tôi ngán quá vậy đó ! Con gái ông Phàm khó tính nổi tiếng ở Thành phố Đà Lạt này đó cô !
- Tôi biết ! Rồi ra không còn ai thương nổi hai chị em cô ấy đâu ! Kỳ quá ! Họ cứ tưởng là mọi người ai ai cũng phải dưới quyền sai khiến của họ hết đó !
Cô bán hàng mỉm cười thật buồn :

- Và rồi tới khi ông bố được hưởng trọn cái gia tài vĩ đại của cụ Doanh nữa thì không biết còn lên mặt tới mức nào nữa. - Cô hạ thấp giọng : - Nghe đâu việc này còn chưa ngã ngũ ra sao mà xem chừng cả nhà các cô ta đã có vẻ hí hửng lắm rồi đó, cô ạ ! Có một hôm, tôi nghe thấy cô Bích Mai bảo em rằng, khi nào ông Chưởng Khế và mấy ông luật sư có một quyết định chung thì trắng đen mới rõ ? Theo tôi và một số bà con cô bác tại Đà Lạt này thì gia đình ông Phàm, ngoài mặt cố làm ra vẻ chắc ăn lắm rồi, nhưng thực ra thì cũng lo sốt vó lên đấy, cô ạ ! Họ chỉ sợ lỡ có tờ di chúc thứ hai của cụ Doanh để lại thật, thì họ sẽ bị mất hết quyền hưởng gia tài của cụ đó !
Ái Lan im lặng nghe chuyện mà không nói một tiếng nào. Tuy còn ít tuổi, em cũng đã biết dè dặt ý tứ, không để bị lôi cuốn say mê vào câu chuyện, lỡ nói câu gì hớ hênh rồi lại đôi co rắc rối làm phiền lòng người lớn. Và quả nhiên sự im lặng của em đã có lợi. Điều em vừa được nghe từ miệng cô bán hàng đã khiến em vui mừng vô hạn. Gia đình ông Phạm văn Phàm có lo lắng thật. Và tại sao họ lo lắng ? Vì họ tin rằng đã có một tờ di chúc thứ hai của cụ Doanh làm tiếp theo và tờ này biết đâu lại chằng trái hẳn với tờ trước. Thêm nữa, mấy người bà con nghèo khổ của cụ Doanh cũng không dại gì mà chịu ngồi khoanh tay. Họ sẽ khiếu nại với pháp luật để đòi hỏi quyền lợi của họ chứ.
Ái Lan nhận hộp áo len mới đi ra quầy trả tiền. Em chợt nhận ra là mặt trời đã gần tới đỉnh đầu. Chân bước vội vã, em tiến về phía cầu thang xuống lấy xe :
- Phải lẹ lẹ một chút mới được, kẻo ba lại phải chờ đợi !
Cũng may là văn phòng làm việc của luật sư Minh ở cách chợ không xa. Năm phút sau, Ái Lan đã tới trước cửa. Vừa kịp ông Minh cũng đang sửa soạn bước ra.
- Sao ba ? Luật sư Công có nhận lời mời của ba không, ba ?
- Có ! Trưa hôm nay ông Công sẽ ăn cơm với ba ở nhà hàng Nam Sơn ! À... này Ái Lan ! con liệu xem... có nên dò hỏi luật sư Công về chuyện gia tài của cụ Doanh không hả con ?
- Nên lắm chớ, ba ! À ba ơi ! chuyện này mỗi lúc lại càng trở nên ly kỳ lắm ba à ! Chưa biết nói sao cho rõ ra cái gì đã làm cho con tin chắc, nhưng... nhất định là cụ già Doanh quả đã viết tờ di chúc thứ hai rồi đó, ba à !
Luật sư Minh bất giác mỉm cười :

- Phải công nhận là trực giác của con đã nhiều lần trở thành sự thực rồi. Vậy ba cũng phải cố gắng hết sức dò dẫm xem luật sư Công có biết tí gì về chuyện này không mới được ! Nhớ nghe con ! Nhớ đừng có để lộ liễu cái ý muốn thâu lượm tin tức ra nghe con ! Ông khách của chúng ta mà biết được cái lý do tại sao cha con mình mời ông ấy ăn cơm thì ... hỏng cả đấy, nghe !
Ái Lan bật cười :
- Ba yên trí đi, ba ! Con sẽ ngồi im thin thít như một... bức hình vậy đó.
Nhà hàng Nam Sơn chỉ cách văn phòng luật sư Minh có mỗi con đường dốc Minh Mạng. Hai cha con để xe trước cửa văn phòng rồi đi bộ. Tới nơi, đã thấy luật sư Công ở đó rồi. Ông Minh giới thiệu con gái với bạn. Đoạn cả ba tiến vào giữa gian phòng rộng rãi của nhà hàng, ngồi vào một cái bàn trải khăn trắng dành sẵn.
Câu chuyện trao đổi giữa hai người lớn chỉ loanh quanh mấy vấn đề thời tiết, mùa màng, rau cỏ, dâu, mận tại Đà Lạt. Chán rồi hai ông lại nhắc nhở đến những kỷ niệm ngày xưa, hồi còn theo học trường Đại Học Luật Khoa, tới lúc bắt đầu đặt những bước chân bỡ ngỡ vào ngành Pháp chế Tố tụng. Bữa cơm cứ tàn dần theo với câu chuyện nở như bắp rang. Các món ăn vơi dần, khiến trong lòng Ái Lan nóng như lửa đốt, mà hai ông luật sư vẫn chưa đả động gì đến vấn đề em mong mỏi, không khác người bị khát khô cổ họng đợi chờ ly nước mát.
Mãi tới khi chiêu đãi viên bưng cà phê lên, mới thấy ông Minh khôn khéo xoay hướng câu chuyện theo chiều hai cha con ước muốn : ông thảo luận với bạn về một vài vụ kiện tụng quan trọng, gay go, mà ông đang cứu xét. Và vờ làm như vô tình, ông đem trường hợp vụ gia tài của cụ Doanh ra làm thí dụ :

- Như cái chuyện thừa kế gia sản của cụ Phạm Tú Doanh chẳng hạn. Vì không để ý đi sâu vào chi tiết, thành thử tôi cũng chả hiểu là gia đình ông Phàm đã bắt đầu hưởng dụng của cải của ông anh họ chưa... À, tôi lại còn nghe có người nói là mấy người bà con nghèo khổ của cụ Doanh có ý định khiếu nại về tờ di chúc thứ nhất hiện ở trong tay ông Phàm đấy !
Mấy câu nói có mục đích "gợi chuyện" của ông Minh hình như không đem lại kết quả như ý hai cha con mong muốn mà lại chỉ có tác đụng đem lại... sự im lặng. Ái Lan ngầm lo ngay ngáy : luật sư Công có ý không muốn gợi chuyện gia tài của cụ Doanh !
Y như rằng, luật sư Công lên tiếng, như có ý nói lảng ra :

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 9




- Thế à ! Riêng tôi, tôi cũng chẳng biết gì hơn anh, vì lẽ tôi chẳng có nhiệm vụ giải quyết việc này. Có điều là hiện tôi cũng đang nóng lòng chờ xem sự kiện sẽ diễn tiến ra sao. Theo ý tôi thì tờ di chúc cụ Doanh để lại cho ông Phạm rất hợp pháp, không thể làm gì được đâu ?
- Tức là gia đình Phạm văn Phàm sẽ thừa hưởng toàn phần di sản ?
- Đúng như vậy !... Trừ phi... trừ phi có lời di ngôn nào khác của người chết nhằm tiêu hủy tờ di chúc hiện tại mà ông Phàm đang nắm giữ !
Luật sư Minh làm ra vẻ ngạc nhiên :
- Ủa ! vậy ra anh cũng tin là cụ già Doanh đã có viết tờ di chúc thứ hai ?
Luật sư Công ngập ngừng thấy rõ, không còn biết trả lời sao cho tiện. Cuối cùng, đột nhiên trên gương mặt ông thoáng vẻ quyết định, đưa nhanh tia mắt nhìn quanh vòng, và ông hạ thấp giọng :

- Thú thực với anh, tôi rất ngại câu chuyện bị vỡ rùm beng thêm khó ra.
Ông Minh đoán biết được ngay niềm lo ngại của bạn :
- Anh có thể tin tưởng vào sự kín miệng của chúng tôi ! Cả con cháu Ái Lan cũng vậy ! Nó giống tôi ở cái điểm biết "ngậm tăm", cậy răng cũng không nói, nếu cần.
- Vậy thì được ? Đây này anh Minh ! Tôi cho rằng một ngày kia chắc thế nào tờ di chúc thứ hai cũng xuất hiện. Anh dư biết là gia đình Phạm Văn Phàm, khi đã thu vào trong tay tất cả của chìm của nổi của cụ Doanh rồi, liền thẳng tay đối xử tàn tệ với người anh họ già lão cô độc ấy. Cách đây khoảng một năm, cụ Doanh đã mò đến tìm tôi tại văn phòng, và cho biết là cụ có ý định lập một lá chúc thư mới để truất quyền thừa hưởng gia tài của tên Phàm, không ột xu nào nữa. Xem ý thì cụ già có vẻ cương quyết lắm. Cứ hỏi đi hỏi lại tôi cách thức thực hiện ý định đó ra làm sao. Tôi đã chỉ dẫn cho ông cụ đáng thương ấy mọi chi tiết rành rẽ. Xong rồi cụ già ra về, hẹn với tôi sẽ đem đủ tài liệu đến cho tôi coi giùm sau khi làm xong.
Luật sư Minh mừng quýnh lên và ngạc nhiên thực sự :
- Nếu vậy thì hiện anh đang nắm giữ cái giấy tờ quý báu đó trong tay ?
- Không ! Không có, thế mới rắc rối chứ, anh Minh ! Cụ già tuy hẹn với tôi, nhưng về sau cụ ấy đâu có tới và rồi tôi cũng chẳng hiểu là ông cụ có đem điều dự định ra thi hành hay không nữa !
- Cho dù cụ ấy có thực hiện rồi đi nữa, thì tôi cũng e rằng giấy tờ do chính tay ông cụ làm ra, sẽ không đúng thể thức đâu.
- Không ngại điều đó đâu anh ơi ! Cụ Doanh, tiếng thế, nhưng bản tính rất cẩn thận chu đáo. Cụ đã tỉ mỉ ghi từng lời chỉ dẫn của tôi vào sổ tay kia mà !
- Tôi cũng mong được như thế ! Vì nếu sơ sót, ông Phàm sẽ tấn công thật mạnh vào những điều sơ hở rồi họ nhờ pháp luật can thiệp để hủy bỏ tờ di chúc mới đó cho coi.

- Anh nói đúng ! Và theo tôi thì trong tình thế hiện tại, mình cần phải hết sức dè dặt khôn ngoan, không được để lộ một điểm gì hết nghe ! Bọn nhà Phàm có được hưởng trọn gia tài hay không, việc gì phải đến rồi sẽ đến ! Đừng cựa quậy vô ích làm chi, phải không anh ? Cựa lắm chỉ thêm trầy vẩy, chẳng có lợi gì cho ai ! Này nhé : so với các đối thủ, thì nhà ông Phàm lợi thế hơn, vì đã giàu có lớn, dư sức theo kiện. Trong khi đó thì mấy người bà con nghèo túng của cụ Doanh chạy ăn ngày hai bữa cũng đã mệt rồi. Vả lại, dù ra tới Tòa, mấy kẻ đáng thương đó cũng chỉ có thể khiếu nại rằng hiện đã có một tờ di chúc mới của người chết và yêu cầu Tòa cho thi hành mọi khoản thỉnh nguyện cụ Doanh đã ghi trong đó, nghĩa là hủy bỏ quyền hưởng gia tài trong tay ông Phàm. Thế rồi khi Tòa hỏi tờ di chúc đó đâu, thử hỏi họ lấy gì làm bằng cớ, phải không anh ?
Ái Lan im lặng ngồi nghe luật sư Công nói chuyện. Vẻ mặt em làm ra bộ thản nhiên như không, coi lời đối thoại của ông Công và ông Minh là chuyện quan trọng thuộc phạm vi người lớn, mình còn nhỏ tuổi chưa thể hiểu được. Kỳ thực, tim em đang đập thình thịch trong lồng ngực.
Hai ông luật sư nói thêm dăm ba câu chuyện vui vẻ nữa, rồi ông Minh mời chủ nhà hàng tính tiền. Ba người rời bàn, mở cửa bước ra ngoài hè phố. Luật sư Công thân mật cám ơn và từ giã hai cha con Ái Lan.
Khi chỉ còn lại hai người, ông Minh hỏi con gái :
- Thế nào ? Con gái ba ! Như vậy con đã hài lòng chưa ?
- Thú lắm ba ơi ! Thật đúng như lời con nói ! Đúng là đã có tờ di chúc thứ hai rồi đó !
- Chưa chắc gì đâu, con à ! Một, có thể là cụ Doanh nói xong lại để đấy, không thực hiện điều đã dự định. Hai là cũng có thể ông cụ viết xong rồi lại tự tay hủy bỏ đi chăng !
- À, vâng ! Có thể như thế lắm ! Nhưng riêng con thì con không tin là mọi việc đã xảy ra như thế. Vì lẽ, sau khi biết rõ lòng dạ xấu xa của ông Phàm cụ nhất quyết tìm cách tước quyền thừa hưởng gia tài mà cụ đã lỡ cho ông. Có thể nói, ông cụ đã ghét hận gia đình ông Phàm một cách ghê gớm. Do đó, con tin rằng cụ Doanh đã lập xong tờ di chúc mới đó rồi mà cụ cất giấu ở một chỗ nào kín lắm, chỉ riêng mình cụ biết. Trời ơi ! Phen này mà con tìm ra được thì … phải biết !

Ông Minh trầm ngâm sắc mặt :
- Hừ ! Tìm thấy được tờ di chúc mới đó ! Thật khác nào như đáy biển mò kim đâu con ! Ái Lan à ! Thiệt tình ba khuyên con nên quên chuyện này đi thì hơn !
Cô bé vẫn một mực "cứng đầu" :
- Ô kìa ! Ba ơi ! Ba bảo con nên bỏ câu chuyện này đi hả ba ! Bỏ sao được, ba ! Một khi còn chưa biết được sự thực về cái tờ giấy quan trọng đó ! ...

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 10




- Thôi được ! Tùy con ! Nếu con thấy thích, thì con cứ việc làm ! Nhưng riêng ba, thì ba có cảm tưởng là con đang bị làm một bài toán không có đáp số đó. Hừ ! Khám phá, truy tầm một tài liệu chưa chắc gì có thật ! Mà ngay từ lúc khởi sự không có được chút xíu ánh sáng nào. Đúng là một con số không !
Ái Lan chợt cười rộ lên. Giọng em thích thú :
- Không sao, con sẽ tìm cách mà, ba ! Ba phải cho con đủ ngày giờ chứ. Và rồi ba sẽ biết.
Tuy vậy, sau khi luật sư Minh đi rồi, ngồi trên xe Vespa lái về nhà, một vài ý nghĩ hoài nghi bắt đầu nhen nhúm trong đầu óc Ái Lan. Em nhận thấy rõ là mọi sự kiện có vẻ như bất lợi cho việc của em khiến em cứ phải băn khoăn tự hỏi : "Không biết nên bắt đầu từ đâu, khởi sự tìm tòi từ điểm nào và dò hỏi ra làm sao đây ?". Ba nói đúng : Sứ mạng của em quả thật bắt đầu từ số "không" !
Nhưng trái tim dũng cảm của Ái Lan như lên tiếng :
- Ối ! Sợ quái gì ? Chẳng có gì là đáng ngại hết ! Nếu tờ di chúc thứ hai này mà có thật, mình quyết phải tìm ra bằng được, và mong sao nó không làm lợi cho những kẻ không xứng đáng như bọn Phạm Văn Phàm, mà lại đem hạnh phúc tới cho những người có tấm lòng vàng trong manh áo rách !

03 - BÃO TỐ
Mấy ngày sau, khi hai cha con ngồi ăn lót dạ, luật sư Minh bảo con gái :
- Bữa nay con rảnh không, Ái Lan ? Nếu rảnh thì ba nhờ con một việc, nghe !
Em vui mừng láu táu :
- Vâng ! Việc gì đó, ba ?
- Đây này ! Ba có một xấp tài liệu cần chuyển cho ông Dự thẩm dưới Di Linh thật gấp. Ba định đích thân xuống đó giao tận tay ông kia đấy, nhưng sáng nay ba mắc hẹn để giải quyết mấy vụ quan trọng lắm. Vậy con đi giùm ba !
- Dạ ! Ba yên trí ! Con sẽ chuyển đến tay ông Dự thẩm tài liệu đó trước 12 giờ trưa hôm nay ! Từ đây xuống Di Linh có 70 cây số thôi mà, ba ! Xe Vespa của con chạy mấy hồi !
- Tốt lắm, cưng của ba ! Thế là ba yên trí đỡ được một gánh nặng ! À, này ! Ái Lan ! Việc phải xuống Di Linh không làm phiền con đấy chứ ?
Ái Lan reo lên :
- Đâu có ba ! Con lại càng thích ấy chứ ! Ba coi, bữa nay trời đẹp như thế này ! Con diện cái mũ dạ trắng ba mới mua cho và đôi găng tay trắng mà lái Vespa mới toanh thì oai lắm chứ, hả ba ?
Luật sư Minh đứng dậy, tiến lại khung cửa sổ và đưa tay nhẹ kéo tấm màn gió :

- Ờ, ờ ! Trời hôm nay đẹp thật... À, nhưng mà đám mây xám ở phía Tây kia trông ngại quá con à ! Chắc chắn thế nào cũng có trận mưa, nội ngày hôm nay, chưa biết lúc nào đó. Thành phố Đà Lạt ở trên cao cứ hễ hơi có chút gió lớn mưa rào là y như hứng chịu trước hết.
- Nếu vậy con phải đi gấp mới được, nghe ba ! May quá, con lại mặc quần áo sẵn sàng rồi chứ ! Ba đưa con xấp tài liệu đi, ba ?
- Được ! Ba để ở ngoài văn phòng. Để ba cùng đi với con ra đó ?
Khi đã ngồi vững trên yên sau Vespa của con gái, ông Minh mới lên tiếng, trong khi chiếc xe chạy bon bon ra phố :
- Ái Lan ! Mấy bữa nay sao không thấy con nói chuyện cụ Doanh gì hết thế ? Hay là con đã bỏ cuộc rồi ?
Sắc mặt Ái Lan nghiêm hẳn lại :
- Đâu có bỏ cuộc ba ! Trái hẳn thế ! Có điều con chưa tiến được một bước nào trong việc điều tra tìm hiểu ba à ! Thích, thì ham thích lắm nhưng có lẽ con khó mà trở thành nữ trinh thám được đó, ba ơi !

- Đừng có vội nản lòng ! Con nên biết rằng, vụ gia tài cụ Doanh có thể làm bối rối bất cứ một tay thám tử trứ danh nào ?
- Thực ra thì con cũng chưa mất hết hy vọng đâu, ba ! Hừ ! Biết đâu, một ngày nào đó con lại chẳng tình cờ vớ được một vết tích gì có thể giúp con được.
Một lúc sau, Ái Lan đã dừng xe trước cửa văn phòng của cha. Ông Minh bước xuống, chạy lẹ vào trong nhà. Ba phút sau ông đã trở ra, tay cầm một chiếc phong bì lớn, dày cộm, có gắn si và đưa cho con gái :
- Đây ! Con nhớ trao tận tay ông Dự thẩm Nguyễn Hải Ngân nhé ! Con biết địa chỉ của ông Nguyễn Hải Ngân ở Di Linh rồi chứ ?
- Dạ, biết rồi ! Ba đừng lo ! Hồi cắm trại ở Bảo Lộc con đã đi ngang văn phòng ông nhiều lần mà !

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 11




Ái Lan giơ tay tạm biệt cha, quay đầu xe hướng về phía Di Linh mở máy.
Chưa đầy năm phút sau, những căn nhà cuối cùng của thành phố Đà Lạt đã tụt lại phía sau xe, và Ái Lan ưỡn ngực hít một hơi dài khoan khoái.
Tuy sinh trưởng tại Đà Lạt, từ lúc ra đời cho tới nay, bao giờ cũng sống ở Đà Lạt, Ái Lan vẫn không hề phút nào giảm sút tấm lòng yêu mến nơi cắt rốn chôn nhau. Tuổi mới chưa đầy 16, em đã biết kiêu hãnh vì mảnh đất quê hương được nhiều người biết đến và tặng cho cái mỹ danh "Xứ anh đào trên đất Việt". Danh từ đẹp quá, nhưng không chút ngoa ngôn nếu người ta đứng trước cảnh Hồ Xuân Hương trong nắng sớm đưa mắt lặng ngắm hàng hoa Anh Đào trên bờ đang nở rộ. Ai đi qua cây cầu xi măng cốt sắt có cái tên đặc biệt "cầu ông Đạo", vừa là cầu vừa là đập ngăn nước hồ, cũng không thể không dừng chân, dựa tay vào hàng lan can sắt ngó xuống đáy đập để xem nước hồ, lách qua khe cửa sắt dày, đổ xuống những ghềnh đá, kêu ùm ùm, bọt tung trắng xóa. Rồi dòng nước trong vắt qui tụ lại, êm đềm xuôi chảy lững lờ, tản mát vào tưới ẩm những luống sà lách, bắp xu, những cụm glaieul trắng đỏ hồng, mimosa, cúc vàng tươi và những cành hoa hồng màu tiết dê cánh mướt như nhung mịn. Trên đồi thấp hàng thông hùng vĩ chen chúc mọc rồi kéo nhau soải dài liên tiếp ngút ngàn. Lá thông rung rinh hòa tấu vi vu điệu nhạc muôn đời trong gió sớm.
Cảnh đẹp là thế ! Ái Lan được ngắm nhiều nhưng không bao giờ biết chán. Nhưng buổi sáng hôm nay, việc hệ trọng do người cha giao phó trĩu nặng trên vai, em chăm chú lái xe, chốc chốc lại đưa mắt nhìn bầu trời phía tây lo ngại. Tuy nhiên mặt trời sáng ấm vẫn chiếu rải nắng đẹp trên con đường nhựa sạch sẽ như chùi. Đám mây khổng lồ màu xám tụ tập góc phía tây vẫn đứng im không nhúc nhích khiến em cảm thấy yên tâm. Ái Lan tự nhủ thầm : "Mình hy vọng chuyển xong xấp tài liệu của ba gởi cho ông Dự Thẩm Hải Ngân rồi quay trở về thật nhanh cho kịp tới nhà, trước khi ông Trời trở mặt !"
Và em gần như nói lên thành tiếng reo vui :

- May lắm ! Gió đâu có thổi về phía này !
Mười một giờ đúng, em đã tới Di Linh.
Ái Lan dựng và khóa xe xong, cầm chiếc phong bì chạy lẹ vào văn phòng ông Dự Thẩm Nguyễn Hải Ngân. Người tùy phái cho biết là ông mới đi ra Tòa được chừng mười phút. Em quay ra lái xe tới Tòa, hỏi thăm mãi mới được giáp mặt ông Hải Ngân. Ông Dự Thẩm, qua lời nói của Ái Lan, được biết em là con gái người bạn thân nhất của mình, tỏ ra vui mừng vô hạn. Ông nhất định lưu em ở lại, dẫn em về nhà ăn cơm trưa với vợ chồng ông. Ái Lan nhớ lời ba em thường dạy : "Đối với các vị trưởng thượng thì cung kính chẳng bằng vâng mệnh", em vui vẻ tuân theo. Và em đã được một tiếng đồng hồ sống vui trong gia đình ông Dự Thẩm và bà vợ hiền hòa rất yêu trẻ. Nhất là vợ chồng ông lại hãy còn hiếm muộn chưa có con. Suốt bữa cơm, bà chỉ lo gắp thức ăn bỏ đầy chén của Ái Lan rồi vui cười ngồi ngắm em ăn. Và bà nói nhiều câu khôi hài mục đích làm cho Ái Lan cười để bà lại được nhìn ngắm hai cái lúm đồng tiền trên má.
Nhưng rồi bữa cơm, dù vui tới đâu, cũng tới lúc chấm dứt. Ái Lan đứng dậy xin phép ra về.
Bà Dự Thẩm bịn rịn nắm mãi tay em. Ông Hải Ngân thân dẫn em ra tận cửa, chỗ em dựng xe.
Ái Lan tươi cười nói với ông Dự thẩm :
- Thưa ông ! Cháu muốn về Đà Lạt bằng lối Lạc Dương để có dịp ngắm cảnh dọc theo hai bờ con sông nhỏ La Ngà, nhưng cháu chỉ ngại thời tiết sẽ đột ngột thay đổi. Thưa ông ! Liệu chừng trời có mưa được không ạ ?

Ông Hải Ngân ngẩng lên nhìn. Mặt trời vẫn le lói chiếu, nhưng tia sáng có vẻ dìu dịu hẳn đi và một vài cụm mây xám đang từ từ bốc cao từ phía chân trời.
- Nếu có mưa thì cũng phải hai hoặc ba tiếng đồng hồ nữa mới mưa. Những đám mây đen kia ngó bộ cũng không có vẻ gì là đe dọa lắm !
- Dạ ! Nếu vậy cháu về theo con đường đi qua Lạc Dương.
Ngót một tiếng đồng hồ sau, Ái Lan đã, thay vì cho xe chạy thẳng, lại rẽ vào con đường trải đá bên tay mặt : con đường khá lớn chạy lượn theo bờ sông La Ngà, cũng dẫn về Đà Lạt, nhưng qua ngả Lạc Dương.
Hai bên đường, hàng cây lớn rủ bóng xum xuê mát rượi. Đường lại vắng xe cộ qua lại. Lâu lắm mới gặp một chiếc xe vận tải từ các nông trại ở hai bên đường chạy ra, trên chở đầy nông sản. Ái Lan cho xe chạy chầm chậm để có thể thưởng thức phong cảnh đẹp như vẽ.

Có một quãng, tàn lá xanh um của rặng cây hai bên đường, chen chúc vươn lên, đan vào nhau tạo thành cái mái thiên nhiên che lấp một khoảng trời xanh. Ái Lan khoan khoái lướt xe êm êm bon đi dưới cái đường hầm râm mát đó. Chừng ba phút sau, ra khỏi bóng tối xanh um lành lạnh, em bỗng giật nẩy mình : Mặt trời đã biến đâu mất ! Đám mây đen xám, mới buổi sáng trông còn hiền lành vô hại là thế, giờ đây đột nhiên trở thành đe dọa hãi hùng. Nó tản ra rất nhanh, vây kín bầu trời với một tốc độ khủng khiếp. Trong thoáng mắt, cảnh vật tối sầm lại, đang sáng sủa tươi vui, bỗng biến thành tối tăm ảm đạm, thật mau lẹ như trong một giấc mơ kinh dị. Ái Lan lẩm bẩm :
- Biết thế, mình cứ về đường cũ cho xong ! Bây giờ quay trở lại cũng lỡ rồi mà tiến thẳng thì khó lòng về tới Đà Lạt trước khi trời mưa ! Rắc rối thật !
Em được biết từ trước : con đường đi Lạc Dương này chỉ trải đá và đất đỏ, về mùa tạnh ráo thì tốt lắm. Nhưng nếu bị mưa một trận lớn sẽ trở thành rất nguy hiểm cho các loại xe có động cơ, nhất là một bên dựa bìa rừng, núi đá, cây rậm, một bên là con sông La Ngà. Mặt đường sũng nước trở nên trơn trượt tới mức các tay tài xế xe bốn bánh thiện nghệ cũng bị lắm phen thất đảm kinh hồn. Thêm nữa, đường lại ít xe qua lại, rủi bị tai nạn rắc rối ắt cũng khó có ai biết mà cấp cứu kịp thời. Đặt giả thuyết lỡ bị sa hố chẳng hạn, thì sức lực một em gái nhỏ, liệu được bao lăm, làm sao mà kham nổi chiếc xe Vespa nặng ngót một tạ. Mà muốn kêu gọi người tới khiêng giúp, ít nhất cũng phải nhanh chân cuốc bộ băng qua đồi núi hoặc bãi ruộng, xa tối thiểu là ba, bốn cây số.

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 12




Xe vẫn chạy, đồng thời Ái Lan suy nghĩ thật lung :
- Có một chỗ nào ẩn núp tạm cho qua cơn mưa lũ này thì tốt quá !
Trí óc suy nghĩ mà trong lòng em lo lắng vô cùng. Màu xanh của da trời biến mất sau bức thành mây đen kịt. Chốc chốc xe của Ái Lan lại chui qua những tàn cây che kín mặt đường khiến em cảm thấy bóng tối như bưng lấy mắt, tay lái không biết lấy gì làm chuẩn đích nữa. Ái Lan đưa ngón tay bật đèn pha. Đột nhiên một ngọn cuồng phong lao xốc tới, cuốn lá cành rơi rụng gẫy lìa kêu lắc cắc. Em rợn người, rùng mình như đám lá bị gió táp đang run rẩy trên cao.
Ái Lan nhấn thêm tay "gaz" tăng tốc lực. Chiếc xe chồm lên lao vun vút y như một con vật có linh hồn, cảm thông được với cô chủ, cùng nhau ý thức được mối nguy hiểm đang đe dọa cả hai kẻ tớ thầy. Bất thình lình một tia chớp nháng xé rách màn trời đen, tiếp theo là một tiếng sét như trời long đất lở. Ái Lan thầm thì :
- Mưa bão tới rồi ! Khó lòng thoát nổi !
Rồi rạp người trên tay lái, em lao xe vun vút, đèn chiếu sáng quắc. Cuồng phong quét thật hung bạo, hốt tung bụi trên mặt đường. Trước mắt Ái Lan, phía dẫy núi xa xa, mưa trắng xóa chạy nhanh vì gió đẩy, lao vùn vụt về phía em.

Liếc nhanh mắt nhìn hai bên vệ đường, Ái Lan chợt nhận ra mấy nóc nhà sàn cất phía tít cuối đám ruộng bên tay trái. Á kìa ! Thiệt may quá ! Không xa mép lộ trải đá, lờ mờ hiện ra một mái nhà ngói lụp xụp hình dáng trông như một cái kho chứa rơm rạ.
Em mím môi lẩm bẩm :
- Nhất định phải chạy đến đó trước khi đám mưa kia xốc tới.
Muộn rồi ! Những giọt mưa lớn đã bủa xuống, mới đầu còn lác đác, mấy giây sau đã thi nhau quất lộp độp vào tấm kính nhựa phía trước xe, tưới ướt sũng chiếc mũ dạ trắng làm nó bẹp rúm như một chiếc bị rách. Một tia chớp lằng nhằng sáng lóe như pháo bông kéo theo chuỗi sấm động ùng ùng. Rồi nước mưa trút xuống như người cầm thùng nước mà đổ.
Chưa đầy ba phút sau, con đường trải đá biến mất tăm dưới làn nước bùn đục lờ mờ. Ái Lan cũng đã bị mắc mưa nhiều phen nhưng chưa lần nào em bị kẹt giữa một trận bão tố kinh khiếp như lần này. Chiếc xe gài số một, bò chầm chậm, dò dẫm từng bước trên quãng đường lầy lội. Em chỉ lo ngay ngáy gặp phải đám đất bùn trơn trượt, tuột cả xe lẫn người xuống ruộng thì không chết cũng gẫy chân tay. Màn mưa đan trước mặt dày đặc, cách ba thước là không còn nhìn thấy vật gì nữa. Đèn vẫn bật sáng, Ái Lan luôn tay bóp còi inh ỏi để tránh tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
May quá, bóng dáng lù lù của cái nhà kho lụp xụp đã hiện ra chỉ còn cách khoảng mươi thước. Ái Lan mừng quýnh, gài số 2, rồ máy cho xe quẹo vào con đường lát đá tảng, rộng chừng hai thước, rồi xộc ngay vào trong gian nhà chứa rơm rạ, hai cánh cửa bị gió bạt mở sẵn toang hoác. Bàn tay em đưa nhanh lên tắt đèn, tắt máy, rồi vẫn ngồi sững trên yên xe, em trút một hơi thở thật dài nhẹ nhõm.
- Cô đến vừa kịp ! Thiệt may quá !
Một giọng nói lảnh lót vang lên phía sau lưng làm Ái Lan giật nẩy người, quay ngoắt lại : một cô gái lạ mặt đang giương đôi mắt tò mò ngó em không chớp.
Bên ngoài gió mưa vẫn gào thét điên cuồng. Cây cối vặn mình răng rắc, hai cánh cửa kho bị bạt mạnh đập vào tường làm phát lên tiếng "cành ! cành !". Một cơn gió thốc qua khuôn cửa lớn lọt vào đem theo cả những giọt nước lạnh buốt.
Ái Lan lật đật xuống xe, tiến lại phía người con gái :

- Chị tha lỗi cho em đã vào đây một cách quá đường đột ! Trời mưa dữ quá !
Câu trả lời nghe thật dễ thương :
- Có gì đâu, cô ! Xin cô cứ tự nhiên ! Chỉ tiếc rằng gian kho này xập xệ dơ dáy quá...
Óc tò mò ngấm ngầm nổi dậy, Ái Lan chăm chú lặng nhìn người đối thoại. Ngay từ phút đầu tiên, tiếng nói có âm điệu trong vắt êm tai đã làm em ngây người sửng sốt. Giờ đây, em lại nhận ra rằng, thoáng trông thì cô gái có vẻ nghèo nàn, nhưng quần áo rất sạch sẽ, là ủi thẳng nếp và được may cắt rất khéo. Cô ta có một dáng vẻ gì phân biệt hẳn với các cô con gái con cháu mấy người trại chủ lam lũ rải rác quanh vùng Ái Lan vừa mới chạy xe ngang. Nhưng giữa cái khung cảnh tiều tụy này, Ái Lan cảm thấy dáng điệu cử chỉ cô gái sao lại có vẻ dễ dàng và tự nhiên như thể cô ta là chủ nhân hoặc là con cái chủ nhân nông trại này vậy.
Tiếng cô gái lại dịu nhẹ cất lên trong khi sấm chớp vẫn ù ù tiếp diễn :
- Mưa bão còn lớn lắm ! Cô chưa thể đi sớm được đâu !
Ái Lan vui vẻ :

- Em cũng chỉ mong được trú ẩn chờ cho trận mưa ghê gớm này tạnh hẳn đã ! Chỉ ngại làm phiền chị thôi !
Cô gái chợt cao giọng hơn một chút, thốt một câu nói như xuất phát tự đáy lòng :
- Làm phiền chúng tôi ? Trời ơi ! Hai chị em tôi ở chỗ hoang vu hiu quạnh này chỉ mong có khách đến chơi đó thôi cô à ! Vậy mà nào có ai đâu ! Có khi hàng tuần lễ mới thấy một bóng người lai vãng. Mà nào có phải là ai khác đâu ngoài ông... phu trạm. Chị tôi và tôi chỉ thèm khát được chuyện trò với những người bạn đồng trang lứa… như cô đó. Mà có khi hàng tháng cũng chẳng hề có dịp.
Ái Lan có khả năng đặc biệt là nhận ra được cái khía cạnh khác thường của sự vật mà em nhìn thấy hoặc nghe tiếng. Tỉ như trường hợp gặp cô gái này chẳng hạn. Giác quan thứ sáu của em

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 13




chợt thức tỉnh và tâm linh máy động hình như đã trực cảm được một cái gì là lạ. Quả có thế : việc hai cô gái chân yếu tay mềm sống heo hút tại một nơi hoang dã tiêu điều như thế này, hàng tháng chẳng gặp một bóng người há chẳng phải là một cái gì rất lạ, một điều bí mật hay sao ?
Và Ái Lan nhất quyết khám phá bằng được cái điều bí mật đó.
Ngoài miệng em vẫn tươi cười :
- Em cám ơn lòng tốt của chị ! Trận bão này rủi mà lại hóa may ! Vì nhờ có nó, em mới được quen biết chị ! Chúng ta mới có dịp sung sướng được làm bạn với nhau !
Tiện vui miệng, Ái Lan vì xã giao lễ độ nên đã thốt lên những lời như thế. Ngay giây phút đó, em chẳng một mảy may ngờ rằng trong những ngày mai kế tiếp, câu nói đáng quý đó lại biến thành sự thực... nhờ những sự việc xảy ra đầy tính chất ly kỳ.
04 - MỘT CU CHUYỆN QUAN TRỌNG
Cô gái tiến vào phía trong kho rơm :

- Mưa mỗi lúc một nặng hột ! Lạnh ghê !
Ái Lan bước theo, đồng thời liếc nhanh ra ngoài trời.
Nước mưa trên mái ngói chảy tuôn như suối. Một trận gió ào tới tạt vung những giọt nước lạnh buốt vào mặt hai cô gái, vút mạnh như những lằn roi. Hai chị em bật cười rộ lên. Ái Lan :
- Ôi chà ! Mưa dữ quá ! Đứng vào đây đi, chị !
Cô bạn mới của Ái Lan run rẩy :
- Cái vựa rơm này vẫn hút gió dữ lắm ! Mời cô chịu khó chạy lẹ vào nhà tôi trong kia đi ! Nghỉ trong đó cho khỏe hơn rồi mới đủ sức đi được chứ ! Bão kiểu này chắc còn kéo dài đó !
- Sợ làm phiền chị quá !
- Không phiền gì hết mà ! Trái lại là khác ! Không đưa cô vào trú mưa trong ấy, lỡ chị tôi hay được, chị sẽ rầy la dữ lắm !
Rồi nhìn sững Ái Lan, ánh mắt cô gái bối rối :
- A... trời, quên bẵng đi mất, không giới thiệu ! Tôi là Mỹ Liên... Trần Thị Mỹ Liên ! Còn...
- À, vâng, tên em là Ái Lan đó chị ! Đặng Thị Ái Lan !
- A... vậy ra ... có lẽ, có lẽ cô là con gái của luật sư Đặng Quang Minh trên Đà Lạt ?

Ái Lan sửng sốt :
- Dạ đúng đó chị ! Chị cũng biết ba em ?
- Không ! Biết luật sư thì tôi không biết, nhưng nghe tiếng thì được nghe nhiều lắm ! Luật sư Minh nổi danh lâu rồi, ai mà không biết !
Cô gái cởi chiếc áo mưa đang mặc trên người đưa cho Ái Lan :
- Cô mặc vào đi !
- Không, em không mặc đâu ! Em mặc thì chị lấy gì che mưa?
- Cô yên trí ! Tôi còn một tấm vải buồm tốt lắm ở phía trong kia. Vả lại cái áo cánh này của tôi dầy lắm, mưa khó thấm ướt được !
Thành ra, dù muốn dù không, Ái Lan vẫn phải mặc chiếc áo mưa của Mỹ Liên. Áo rộng thùng thình khiến Mỹ Liên không nín cười được. Hai chị em đồng cười rộ lên, rồi dắt nhau chạy ra khỏi vựa rơm sau khi cài chặt hai cánh cửa lớn lại.
Hai người nối đuôi nhau ù té chạy, chân lội lõm bõm trong nước lẫn bùn, nhắm phía khu nhà lao tới. Vừa chạy đến trước cổng ngoài, thì một tia chớp loè lên, tiếp theo là một tiếng sét lớn nổ ngang trời. Mỹ Liên và Ái Lan bất giác cúi nhanh người xuống. Cả hai tưởng chừng như mọi vật, nhà cửa, hàng rào, cột gỗ, cây cối đều sập đổ xuống hết. Đồng thời mưa lại tuôn dữ hơn trước, gió thổi cũng lạnh buốt hơn.

Mỹ Liên nắm tay Ái Lan nhẩy vọt lên hàng ba. Rồi ngẩng nhìn trên lo ngại :
- Cơ mầu này có lẽ mưa đá mất ?
Dứt lời, Mỹ Liên giơ tay đẩy cánh cửa gỗ đưa Ái Lan vào một gian nhà bếp rộng. Bên bếp lửa, một cô gái đang lúi húi nấu nướng. Nghe bước vào, cô ngẩng mặt, mở to đôi mắt, ngạc nhiên. Tiếng Mỹ Liên :
- Chị Ngọc ơi ! Em dẫn về cho chị một cô khách đây này ! Rồi quay nhìn Ái Lan - Xin giới thiệu với cô : Chị tôi, bà chủ nhà đấy ! Tên chị là Mỹ Ngọc !
Mỹ Ngọc mỉm cười thật tươi và tiếp đón Ái Lan với một vẻ vui thích thấy rõ. Hai chị em Ngọc, Liên đều cao dong dỏng. Liên có nước da trắng hồng, Ngọc da bánh mật khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ái Lan đoán cô chị có lẽ hơn cô em có tới bốn, năm tuổi. Khuôn mặt Ngọc có những nét đều, đẹp, nhưng đượm vẻ tư lự, đôi mắt đen to nhiều lúc thoáng buồn, khiến chỉ mới trông cũng biết được ngay là nhiều trách nhiệm đã đè nặng lên đôi vai gầy của cô gái trẻ.

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 14




Ái Lan cảm thấy thích thú và yêu mến thực tình hai chị em cô gái đã niềm nở tiếp đón em :
- Hai chị tử tế quá, cho em trú ẩn lúc mưa to gió lớn này.
Mỹ Ngọc nói ngay :
- Được tiếp rước cô thực là một điều quý hóa cho chúng tôi đó. Cô đã thấy rõ, nội quanh đây còn có ai đâu nào ? Các bạn hữu của chị em tôi thì đều ở cả Di Linh, người gần nhất thì cũng ở tận ngoài Phi Nôm lận. Mà chúng tôi lại rất hiếm có dịp ra tới ngoài đó, cô à !
Ái Lan:
- Thôi mà chị Mỹ Ngọc ! Đừng gọi em là cô nữa nghe ! Em thích chị gọi em bằng Ái Lan như mọi người hơn, nghe chị ! Em chỉ đáng tuổi em hai chị !
Chỉ ít phút sau, ba cô gái đã vui vẻ chuyện trò, cười nói reo vui như những người bạn thân thích từ lâu lắm vậy.

Mỹ Liên quay vào bếp, lôi ra một khay bánh ngọt, đặt lên tấm vỉ sắt để cho nguội. Rồi hướng về phía Mỹ Liên và Ái Lan :
- Nào, bây giờ ba chị em mình qua bên phòng ăn, chị cắt bánh ngọt cho các em nếm để chấm điểm tài khéo của chị, đi ! Ái Lan !
Mỹ Liên sốt sắng đứng dậy kéo Ái Lan :
- Ái Lan thấy không ? Chị Mỹ Ngọc giỏi nữ công lắm ! Còn Mỹ Liên chỉ thích chạy nhảy bên ngoài thôi, hà !
Mỹ Ngọc mở chạn đồ ăn và quay mặt lại vừa cười vừa nói với Ái Lan :
- Chị và Mỹ Liên thực tình không có ý xấu, nhưng quả thực chị chỉ muốn cho trận mưa bão này kéo dài... thiệt là dài đó, Ái Lan !
Em, bản tính trẻ nít "rắn mắt" trả đũa ngay :
- Càng tốt ! Em cũng mong vậy đó hai chị ! Miễn sao về tới Đà Lạt trước khi sập tối là được à !
Phòng ăn rất rộng, nhưng kê quá ít đồ nên trông có vẻ trống trải gần như là rỗng không vậy. Một cái tràng kỷ kiểu cổ, một cái bàn gỗ mộc và bốn cái ghế dựa lâu ngày đã lên nước đen bóng. Và một cái lò sưởi xây sát tường, bên trong đám lửa than sáng ấm lách tách nổ. Sàn nhà bằng gỗ được lau chùi nhẵn bóng. Bốn khung cửa sổ có màn gió màu trắng buông rủ. Tất cả những thứ đó chứng tỏ rằng, dù sống trong cảnh nghèo nàn đạm bạc, hai chị em Ngọc Liên vẫn cố gắng tạo cho bên trong căn nhà một không khí ấm cúng vui tươi.
Ái Lan chợt hỏi :
- Nhà còn ai không, hay chỉ có hai chị thôi ?
Mỹ Liên gật đầu :

- Đúng vậy đó Ái Lan ! Nhà chỉ có hai chị em thôi ! Sau khi má tụi tôi mất, thì ba tháng sau, ba tôi, vì buồn rầu sinh bệnh, cũng mất theo luôn. Từ đó tới nay, hai chị em tôi sống côi cút quạnh hiu như vậy đó ! Ngoảnh đi ngoảnh lại thế mà đã được hai năm rồi. Mau thật ! - Giọng nói Mỹ Liên nghe khác hẳn đi, khàn đục như ẩm mùi nước mắt.
Một lúc sau, Ái Lan mới lại lên tiếng :
- Mà sao hai chị tiếp tục làm lụng sống được ở đây ? Việc trang trại, theo em biết, thì vất vả lắm, nhà lại chẳng có đàn ông ?
Mỹ Ngọc điềm đạm :
- Cái nông trại nhà chị hiện nay thì cũng không còn gì là đáng kể nữa đâu. Bán dần bán mòn mãi, đến giờ chỉ còn lại hơn hai mẫu thôi Ái Lan !
Chợt Mỹ Liên cười lên khanh khách :
- Ái Lan muốn biết chị em mình sinh sống bằng cách nào, nhưng không hỏi thẳng đấy, chị Ngọc à ! Có gì khó hiểu đâu hả, Ái Lan ! Cứ trông mấy cái màn gió ở cửa sổ, ở cửa thông xuống bếp và ở cửa phòng ngủ kia, là đủ biết kìa. Chị Ngọc, một cây kim chỉ vá may, vẫn nhận đồ may ở tiệm Thịnh Lợi Đà Lạt về nhà may ăn công đấy. Khi thưa việc, chị nhận thêm đồ con nít ở Phi Nôm, may cắt quần áo của hai chị em. Còn tôi thì làm "xếp" gà !
Ái Lan bật reo lên :
- "Xếp" gà ? Nghĩa là chị Mỹ Liên là một nhà chăn nuôi gà ? Dữ a ! Có vất vả và kiếm được khá tiền không chị Mỹ Liên ?

- Cũng khá ! Nhưng không phải vụ nào cũng lãi nhiều đâu Ái Lan. Như năm nay chẳng hạn ! Giá gà hạ, mà thức ăn, cám, bột lại cao, trứng bán cũng không chạy lắm. Nhưng chị có cái thú đam mê việc chăn nuôi, trông thấy những con gà con "khai mỏ", mổ trứng chui ra không khác những cụm bông gòn chiêm chíp gọi mẹ thì thích ghê lắm. Năm nay mà lùng được giống gà Leghorn nuôi để dành bán vào dịp Tết thì phải biết ! Cái loại gà trắng đó, Ái Lan biết không ?
Mỹ Ngọc nở nụ cười thật tươi :
- Mỹ Liên thì đặc biệt là một chủ trại chăn nuôi lắm rồi đó, Ái Lan ! Hai chị em chia nhau công tác : chị thì nội vụ, còn Liên thì ngoại giao. Được chưa ?
Mỹ Liên thoáng chút đăm chiêu :
- Mùa hạ thì không có gì đáng ngại. Rau muống, rau cần trồng dễ nên số lượng rau cắt đem bán cũng khá lắm. Nhưng mỗi khi mùa đông tới, trồng bắp su và sà lách như ở Đà Lạt, con gái sức yếu kham sao nổi việc tưới tắm, xới cỏ, bỏ phân. Mà rau muống, rau cần về mùa lạnh lại

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 15




không mọc được, dù có mọc cũng cằn cỗi không ra cái gì vì thiếu nước. Thành thử hằng năm, cứ vào cuối hạ sang thu là hai chị em lại bắt đầu lo lắm.
Mỹ Ngọc vẫn với giọng thản nhiên chịu đựng :
- Ồ ! Trời sanh trời dưỡng, lo gì em ? Miễn là chị em mình không ăn bơ làm biếng thì đâu có lo gì đói khổ…
Dứt lời, cô chị gái can đảm đứng lên quay nhìn Ái Lan :
- Các chị bắt tội em phải nghe chuyện riêng tư mãi ! Thôi ! Để chị đi pha một ấm trà Bảo Lộc thật ngon em uống nghe ! Các chị hãy còn "giàu" lắm, dư sức tặng em một chầu nước trà sen thượng hảo hạng mà !
Ái Lan định lên tiếng chối từ, nhưng em cắn môi nín kịp : chút xíu nữa là em đã làm tổn thương lòng tự ái của hai người bạn mới, nghèo tiền ít bạc, nhưng tinh thần bảo trọng nhân cách lại rất nhiều. Và em tự nhủ thầm :

"Mình chỉ muốn có cách gì giúp đỡ Ngọc Liên ! Nhưng làm sao đây ? Không lẽ lại trả tiền bánh và nước trà cho các chị ? Như vậy đâu có được ! À… hay là mình đi mua vải, rồi nhờ chị Ngọc cắt may ình một bộ áo đầm ? Ờ ! Phải đấy !"
Một lúc sau, Mỹ Ngọc ở trong bếp đi ra, bưng một cái khay gỗ, trên để một ấm nước trà bốc khói và một đĩa tây bánh ngọt. Và Ngọc nhẹ nhàng bầy bánh rót nước vào mấy chiếc tách Nhật Bản xinh xinh, cử chỉ nhẹ nhàng khéo léo và đĩnh đạc như một vị nữ chủ nhân tỉ phú tiếp đãi các quan khách vào hàng vương giả, trong một thính phòng lộng lẫy huy hoàng nơi cung điện.
Ái Lan thích thú ăn bánh uống nước rất ngon lành, nức nở khen :
- Thật chưa bao giờ em được ăn uống khoái khẩu bằng ăn bánh và uống nước của chị Ngọc ?
Tiệc bánh hầu tàn, ba cô gái vừa nhấm nháp nước chè sen thơm ngát vừa chuyện trò và đưa mắt ngắm những giọt nước mưa đang gõ đều đều lên mặt cửa kính. Tia mắt Ái Lan bỗng ngưng lại nhìn ngắm một bức tranh sơn thủy rất đẹp, lồng khung kính treo trên tường. Mỹ Liên thấy Ái Lan mải mê ngắm tranh, đột ngột lên tiếng :
- Kỷ vật của bác Doanh đó ! Buồn ghê ! Nếu bác còn sống thì đâu đến nỗi này !
Ái Lan giật nẩy mình. Bác Doanh... ? Bác Doanh mà Mỹ Liên vừa nói đó là bác Doanh nào vậy ? Hay là cụ Phạm Tú Doanh đó ?... Hừ, có thể lắm, phải, biết đâu ? Bên tai Ái Lan lại văng vẳng lời kể chuyện của luật sư Minh, ba em : "... trong số những người xứng đáng được ghi tên trong tờ di chúc của cụ Doanh, có hai cô gái nghèo hiện đang khai thác một cái nông trại hẻo lánh tại Lạc Dương..." Tia mắt Ái Lan sáng lên đồng thời trí óc em lóe rõ một tia mừng phấn khởi : "Mình phải hỏi cho ra chuyện này mới được !"
Tự nhiên như không, em lên tiếng hỏi :
- Ông bác của hai chị mất được bao lâu rồi ?

Mỹ Ngọc trả lời thay em :
- Thực ra thì bác Doanh không phải là bác ruột của hai chị. Mà bà con dòng họ cũng không nữa. Nhưng tụi chị thương mến bác hơn người thân thích ruột thịt kia, em à !
Giọng nói của Mỹ Ngọc nghẹn ngào, ướt sũng mùi nước mắt. Ngọc ngưng lại một lúc lâu, rồi như gắng gượng lắm, cô mới tiếp tục kể :
- Bác Doanh trước kia khai thác một sở cam ở kế bên nông trại của ba má chị. Ba má chị kể lại rằng, sau khi bác Doanh gái mất đi, bác không tục huyền nữa. Ngày ngày, xong công việc săn sóc vườn cam, bác chỉ qua bên này trò chuyện với ba má chị, coi chị và Mỹ Liên như con mình. Hồi đó, chị và Liên còn bé, được bác quý lắm vì một phần là bác không có con. Thế rồi, sau khi ba má chị mất, thì không biết bác nghĩ sao lại bỏ sở cam ra đi một nơi chốn nào. Và từ đó "giậu đổ bìm leo", bao nhiêu chuyện đau buồn rủi ro cứ theo nhau giáng vào hai đứa con côi cút là Mỹ Liên và chị...
Mỹ Liên láu táu :
- Ờ, phải đấy ! Ái Lan ! Bác Doanh tử tế lắm ! Nhiều người không biết cứ bảo bác những là quê mùa, cổ hủ ... gì gì nữa đó, nhưng có ở gần bác mới biết. Bác bỏ đi đâu mất được ít lâu thì Liên và chị Ngọc nghe tin là bác được người anh em bà con đón về ở chung nhà trên Đà Lạt, cái ông gì đó này... à, Phàm, Phạm Văn Phàm gì đó, đúng rồi !
Mỹ Ngọc :

- Nhưng tụi chị biết rõ là ở với ông Phàm, bác Doanh chẳng được chút nào vui thỏa hết ! Gia đình ông này chẳng có người nào tử tế cả, đối xử với bác Doanh hết sức "ráo máng cạn tàu". Lại còn ra miệng ngăn cấm bác không được giao thiệp đi lại chuyện trò với ai. Vậy mà đôi khi bác vẫn mò được về đến tận đây thăm nom chị và Liên đấy. Nhưng hình như bác không dám để nhà ông Phàm biết thì phải ! Đúng vậy không, Mỹ Liên ?
- Ừ, đúng rồi ! Lúc nào bác Doanh cũng bảo rằng bác coi hai chị em Liên như con ruột vậy ! Nhất là khi ba má mất rồi, bác đã nói ra miệng là bác không để cho chị em Liên phải thiếu thốn một thứ gì hết. À, Liên còn nhớ cái lần sau chót bác ở Đà Lạt về, bác cho biết là bác đã quyết định ghi tên hai chị em vào lá chúc thư để của cho đó. Đây này, Liên còn nhớ cả lời bác nói vào tai hai chị em như sau : Các con cứ yên tâm ! Bác sẽ để dành cho hai con một món quà quý lắm ! Chưa biết là cái gì, nhưng rồi sau này hai đứa sẽ rõ. Người ta sẽ chuyển đến tận tay các con, ý muốn cuối cùng của bác nghe !". Đó ! lời bác Doanh nói đúng như vậy đó !
Mỹ Ngọc, giọng nói thoáng đượm đôi phần cay đắng :
- Và bây giờ thì, gia đình ông Phàm nghiễm nhiên sẽ tọa hưởng toàn phần cái di sản của bác Doanh ! Nói cho đúng, thì hai chị thật tình cũng chẳng đặt nặng vấn đề thừa hưởng gia tài của bác đâu, nhưng có điều lạ lùng là tại sao cái quyền đó lại có thể lọt vào tay nhà Phạm Văn

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 16




Phàm được kia chứ ? Vô lý và bất công quá chừng, vì ai cũng dư biết là gia đình ông Phàm có coi bác Doanh ra cái gì đâu ! Chị tin chắc chắn là trong thâm tâm, không bao giờ bác lại có ý định để của chìm của nổi lại cho nhà ấy hưởng cả.
Ái Lan cho biết :
- Có thể là tên của hai chị được ghi vào tờ di chúc thứ hai rồi đó ! Nhưng hiện nay thì không biết tung tích cái tờ đó ở đâu ? Thiên hạ đồn đại dữ lắm rồi đó !
Mỹ Ngọc và em đưa mắt nhìn nhau gật đầu công nhận lời nói của Ái Lan có lý.
Mỹ Liên lẩm bẩm :
- Liên và chị Ngọc cũng nghĩ thế đó !
Ái Lan :
- Vậy thì hai chị phải tính thế nào chứ ? Ví thử cái quyền thừa hưởng di sản có về tay các chị thì chẳng qua cũng là một điều hết sức công bằng hợp lý.
Mỹ Ngọc cười buồn :
- Không hy vọng gì đâu Ái Lan ạ ! Tụi chị biết chắc là thế nào cũng đã có một lá chúc thư nhằm cứu vớt hai chị em ra khỏi được cái cảnh đói lạnh này đấy, nhưng lấy gì làm bằng cớ ? Mà theo kiện thì các chị tiền đâu mà theo được chứ ?

Ái Lan bật kêu lên :
- Nếu vậy thì nhà Phạm văn Phàm phải có cái gì nâng đỡ các chị chứ !
Mỹ Ngọc phá lên cười, giọng khinh bỉ :
- Nhà ông Phàm hả ? Chị biết họ quá mà ! Một xu teng cũng đừng hòng !
Rồi hai chị em Ngọc, Liên xoay ra nói về cái tính tình đặc biệt của cụ Doanh. Nghe hai cô gái nói chuyện về người đã chết, Ái Lan ý thức được ngay tấm tình nhớ thương của hai chị em đối với cụ già nhân hậu đã thâm sâu tới mức nào.
Mải vui câu chuyện, ngoảnh nhìn ra thì mưa gió đã tạnh êm, mặt trời đang chiếu những tia sáng ấm le lói qua đường viền tím trên mấy tầng mây trắng. Ái Lan đứng lên :
- Câu chuyện hai chị vừa kể, em nghe thật vô cùng quan trọng. Ba em sẽ có thể giúp các chị được. Chắc các chị đã biết ba em là luật sư Đặng Quang Minh ở Đà Lạt rồi chứ ?
Mỹ Ngọc vội vã :
- Biết ! Biết ! Tụi chị biết luật sư Minh nổi tiếng lắm ! Nhưng, ủa ! Mà tại sao chị và Liên lại có thể kể lể rắc rối lôi thôi bắt Ái Lan nghe mãi về chuyện này thế nhỉ ? Không, tụi chị không dám làm phiền ba Ái Lan về vụ này đâu !
Ái Lan sốt sắng :

- Chị Ngọc đừng nói vậy ! Em rất mừng khi nghe một câu chuyện lý thú như thế ! Em sẽ cố hết sức giúp các chị ! À, chị Ngọc ! Nếu ba em cần hỏi han một vài điều gì thì chị có bằng lòng để ba em gặp chị không ?
Mỹ Ngọc hơi ngập ngừng, nhưng rồi :
- Cũng được chứ, Ái Lan ! Nhưng tất cả những điều gì biết, các chị đã nói cho Lan rõ hết rồi đó !
- Đó là một chuyện ! Ba em còn có biệt tài, qua lời của người đối thoại, khám phá, phát giác được nhiều chi tiết rất đặc biệt không ai ngờ được kia chị ạ !
Mỹ Liên cảm động nhìn Ái Lan :
- Ái Lan tử tế, sốt sắng quá ! Lại còn định về nói chuyện với ông luật sư vụ này nữa. Nếu có thể làm được cái gì để khiếu nại, thì Liên và chị Ngọc mừng lắm. Quả tình hai chị em Liên không có ý đòi những cái gì thuộc về người khác. Nhưng có điều Liên nghĩ rằng, theo như lời bác Doanh đã nói với hai chị em, thì Liên và chị Ngọc có lẽ cũng phải được một phần nhỏ nào vào cái gia tài đó chứ, phải không Ái Lan ?
Ái Lan khôn ngoan dè dặt hơn :
- Nhưng em có lời khuyên các chị là đừng có đặt quá nhiều hy vọng trước khi được nghe lời khuyên của ba em, nghe ! - Vừa nói Ái Lan vừa tiến ra phía cửa - Hai chị cứ yên tâm, em hứa với hai chị là về tới nhà, em sẽ nói chuyện với ba em, và ba em có ý kiến gì, em sẽ báo cho hai chị biết ngay.
05 - CUỘC ĐỐI THOẠI
Dọc theo bờ sông, trên mặt đường, một lớp bùn mỏng bao phủ đều khắp chỉ còn rải rác đó đây một ít chỗ rải đá và đất đỏ cứng được nước mưa chùi sạch.
Mỹ Ngọc bảo Ái Lan :

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 17




- Ái Lan cho xe chạy thật chậm nghe ! Con đường này cứ bị một trận mưa lớn, là nguy hiểm lắm đó... ! À, này, chị hỏi thật, em có việc gì gấp, cần phải về lắm không ? Nếu không, thì ngủ lại, sáng mai về sớm cho chắc ăn !
- Ối, không được đâu chị Ngọc ơi ! Thế nào em cũng phải về tới nhà trước ba em. Chị đừng lo, không sao đâu ! Em chỉ thắc mắc là đã làm phiền hai chị quá, nên em...
Mỹ Ngọc cắt ngang ngay :
- Đừng nói như vậy, Ái Lan ! - Sắc mặt cô gái nghiêm hẳn lại - Chị giận em lắm đó !
Mỹ Liên phụ họa :
- Tụi này được tiếp đón Ái Lan là vui mừng hết lớn rồi đó nghe.
Ái Lan tươi cười cám ơn Ngọc, Liên rồi quay ra đi tới vựa rơm lấy xe.

Em vừa đạp áy nổ, thì Mỹ Liên đã theo ra kêu lên :
- Thôi đừng đi vội, Ái Lan ! Coi bộ đường sá nguy hiểm quá hà !
Mỹ Ngọc đứng ở hàng ba, nói với ra :
- Nếu có gì rắc rối thì quay lại ngay, nghe Ái Lan !
Mỹ Liên lo lắng hiện lên nét mặt :
- Cẩn thận chạy chầm chậm thôi nhé ! Nếu không, đâm vào cây thì nguy đó !
Ái Lan bật cười khanh khách :
- Lăn xuống sông mới nguy hơn chứ, đâm vào cây, đã ăn thua gì ! - Em cố nín cười, phụng phịu đôi má lúm đồng tiền, chẩu đôi môi vờ làm mặt giận - Hai chị nói làm em run rồi đó nghe, không dám mó vào tay lái nữa ! Chắc các chị cũng chỉ mong có thế, để em phải ở lại chớ gì ?
Mỹ Ngọc đã đứng sau lưng em từ bao giờ :
- Không có đâu ! Ái Lan ! Các chị chỉ mong em về tới Đà Lạt bình yên, mạnh giỏi thôi !
Ái Lan giơ tay, miệng nhoẻn nụ cười tươi, quay cần vào số 1. Chiếc Vespa xinh xinh bóng loáng lăn bánh chầm chậm trên quãng đường hẹp lát đá tảng, nối liền với đường cái. Mấy phút sau, đụn khói phía sau cũng theo xe và người biến mất hút sau rặng cây xanh mọc dài theo hai bên lề con đường trải đá.
Đường đi không ngờ lại chẳng có gì đáng gọi là nguy hiểm như ba cô gái đã lo sợ. Tuy đôi khi bánh xe lăn trúng đám bùn trơn trượt, nhờ Ái Lan luôn luôn chăm chú nhìn đường, hãm bớt tốc lực kịp thời, nên không xảy ra sự gì đáng tiếc.
Nửa giờ sau, em đã tới quốc lộ Sài Gòn - Đà Lạt. Khi chiếc xe, máy nổ êm êm, lên tới quá nửa đèo Prenn, Ái Lan vụt quyết định :

"Trước khi về nhà, mình phải ghé vào văn phòng của ba mới được !"
Những nóc nhà đầu tiên của Đà Lạt đã hiện ra, và năm phút sau, Ái Lan đã dựng xe trước cửa văn phòng luật sư Minh. Liếc mắt nhìn nhanh : "Con ngựa sắt" của em bùn dính tèm lem, mặt kính nhựa cản gió dính đầy lá cây, cọng cỏ. Ái Lan vỗ vỗ vào chiếc yên da êm ái :
- Yên trí đi mày, "thần mã" ! Rồi về nhà tao sẽ tắm rửa ày thật sạch sẽ, nghe !
Đặt chân thong thả bước vào nơi cha làm việc, em không ngớt lẩm bẩm : "Kể thì khá mệt, nhưng cũng bõ công ! Nếu không có trận bão nguy hiểm trên bờ sông La Ngà, thì làm sao mình lại được biết hai chị em Mỹ Ngọc, Mỹ Liên".
Luật sư Minh sáng rỡ hẳn nét mặt khi chợt thấy Ái Lan bước vào. Ông thở ra một hơi dài nhẹ nhõm :
- Trời ! Bây giờ ba mới yên tâm ! Thiệt ba đã lo quá đi khi nghĩ đến con gặp mưa bão giữa đường. Ba đã gọi điện thoại về nhà. Chị Năm nói con chưa về, ba lo quá, đã tưởng con bị rắc rối gì rồi !
Ái Lan làm vẻ mặt quan trọng :
- Rắc rối thì không có gì rắc rối đâu, ba ! Nhưng con vừa mới trải qua một cuộc mạo hiểm !

Và em kể lại rành mạch cuộc gặp gỡ hai chị em Ngọc - Liên, và một số tin tức liên hệ đến tờ di chúc của cụ Doanh.
- Mỹ Ngọc, Mỹ Liên sống trong cảnh nghèo, nhưng tính tình cao quý lắm ba à !
Ái Lan kết thúc câu chuyện mạo hiểm bằng lời nói trên.
- … Và con muốn ba con mình giúp hai chị ấy một cái gì nghe ba ! Con thấy rõ là các chị Mỹ Ngọc, Mỹ Liên thật xứng đáng hưởng một phần gia tài của cụ Phạm Tú Doanh, nhưng sẽ không hy vọng gì nếu không có người giúp đỡ !
Ông Minh, ánh mắt xa xôi, trầm ngâm suy nghĩ :
- Theo như lời con vừa nói thì chắc chắn là cụ Doanh có để lại cho hai chị em côi cút ấy một cái gì rồi đó. Và riêng phần ba, ba cũng chẳng ưa gì gia đình Phạm Văn Phàm, cho nên, nếu họ bị mất quyền hưởng cái gia tài mồ hôi nước mắt của cụ Doanh thì..., không phải là ba có ác ý, cũng là hợp lý, hợp tình. Khó chịu nhất là cái thái độ nghênh ngang của họ : chưa chi đã hí hởn làm bộ làm tịch coi như đã là của mình hết cả rồi đó. À, này con ! Ba muốn gặp hai chị em Ngọc - Liên, để chỉ dẫn cách thức cho họ, liệu có được không ? Nếu được, thì xem hôm nào tiện, con viết thơ mời hai chị em cô ấy lên chơi nhà mình, gặp ba, con nghĩ sao ?

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 18




- Vậy thì hay lắm ba à !
Luật sư Minh mỉm cười :
- Con bảo rằng Mỹ Ngọc và Mỹ Liên không biết một tí gì về tung tích cái tờ di chúc thứ hai đó cả ?
- Đúng đó, ba ! Các chị ấy chưa hề trông thấy có một lần nào nữa kia !
- Thôi được ! Nhưng ba vẫn tin rằng, qua câu chuyện trao đổi với hai chị em cô ấy, thế nào cũng sẽ thâu lượm được một vài tin tức gì hữu ích !
- Vâng ! Ba xem nếu tiện thì con biên thơ mời các chị ấy mai lên được không ?
Ông Minh lật cuốn sổ tay trên mặt bàn giấy :
- ... Ồ, may quá, được ! Được đó con ! Kể từ chiều hôm nay cho tới hết ngày mai, ba không có cái hẹn nào hết. Con viết nói cho các cô ấy biết : 3 giờ chiều mai, nghe !
Ái Lan nhảy lên nắm cánh tay cha giật giật.
Đôi mắt em sáng rỡ như đã đạt được sở nguyện, miệng vui cười láu táu :
- Con biết ngay là thế nào ba cũng chịu giúp hai cô gái đáng thương đó mà !
Rồi nhún nhảy hai chân như người khiêu vũ, em tiến ra phía cửa, quay nhanh mặt lại, tinh nghịch nháy một bên mắt và cái miệng thì liến láu :

- Ba hứa rồi, thế là con yên trí ! Thôi con về nhà đây ! Ba làm việc đi, nghe ba !
Thế rồi, suốt cả ngày hôm ấy rồi đến cả sáng hôm sau nữa, tia mắt Ái Lan cứ chăm chăm theo dõi hai cây kim trên mặt chiếc đồng hồ lớn treo trên tường : em chờ đợi hai chị em Ngọc, Liên.
Ái Lan biết rõ Mỹ Ngọc, Mỹ Liên là những người biết trọng lời hứa, nhưng em vẫn thắc thỏm : gần 3 giờ rồi mà vẫn chưa thấy bóng ai.
Đột nhiên chuông điện ai bấm ở ngoài cửa reo vang trong phòng khách. Ái Lan nhảy nhổm lên :
- Chắc Mỹ Ngọc, Mỹ Liên ! Có thế chứ !
Quả đúng hai chị em cô gái bất hạnh. Ái Lan tươi cười niềm nở nắm tay hai người đưa vào ngồi trong phòng khách.
Phút bỡ ngỡ ngượng nghịu lúc đầu qua mau, Ngọc, Liên bình tĩnh dịu dàng trả lời những câu hỏi của luật sư Minh.
- Hai chị em cho tôi biết rõ về tính tình cụ Phạm Tú Doanh nhé. Theo tôi nghĩ thì ông cụ hơi có vẻ khác thường đó ! Đúng không nào ?
Mỹ Liên bật thốt :
- Dạ, thưa đúng vậy đó, luật sư ! Hồi còn sống nhiều khi kính trắng đeo trên mắt mà bác cứ loanh quanh đi tìm khắp nơi trong nhà.
- Thế các cô có thấy thỉnh thoảng cụ Doanh lại âm thầm tìm chỗ cất giấu đồ riêng của mình không ?

Mỹ Liên cười :
- Dạ, cái đó thì có ! Bác Doanh có cái tật là thích cất đồ tại những nơi thật kín đáo chỉ riêng mình bác biết. Có thể là bác cẩn thận quá sức mà lại hóa thành lẩn thẩn. Nhiều khi bác cất giấu vào một chỗ nào kỹ quá, bí mật quá để rồi chính bác cũng… quên cái chỗ ấy luôn, không còn tìm ra được món đồ đó nữa !
- Và qua những lời cụ nói chuyện với chị em cô thì có cái gì khiến các cô có thể nghĩ rằng ông cụ đã lập tờ di chúc thứ hai rồi ?
Cô gái lắc đầu :
- Dạ thưa luật sư, cháu không nhớ !
Mỹ Ngọc chợt nói to :
- Ấy có, có chứ Liên ! Thưa luật sư, cháu còn nhớ rõ, một hôm bác về thăm nhà chúng cháu, bác nói chuyện tụi nhà ông Phàm và cái cung cách ông ta nhằm thu vào trong tay gia tài của bác. Bác nói một câu như thế này : "Ha ! Tụi nó tưởng cá đã nằm trong giỏ đó chắc ! - Và sau một tiếng cười nhạt, bác có tật hay cười nhạt như thế, bác nói tiếp : Có lẽ bác sẽ làm cho tụi hèn hạ này bị cụt hứng một phen, cho bộ mặt chúng hết vác lên, mất tuyệt đi cái vẻ làm bộ, khinh người như cỏ rác mới được. Bác sẽ làm cho chúng nó trắng mắt ra khi trông thấy một lá chúc thư khác. Bác sẽ viết một lá chúc thư khác, rồi sẽ không giao cho ai hết ! Bác sẽ tự tay cất giấu một nơi thật chắc chắn !
Mỹ Liên gật gật đầu :
- À, à... đúng rồi, phải phải, em nhớ ra rồi !
Luật sư Minh chợt hỏi :
- Thế khi nói ra những câu như thế, thì hồi đó cụ Doanh đã về ở nhà Phàm chưa ?
Mỹ Ngọc :
- Dạ ở rồi ạ !
Luật sư Minh lại hỏi :

 

admin

Thiên Ngoại Phi Tiên
Đại Thần
Cấp
0
 
Tham gia
11/6/23
Bài viết
590,436
Điểm cảm xúc
33
Điểm thành tích
48
Giải Thưởng
10
VNĐ
1,000,499
Chương 19




- Vậy theo ý hai cô, thì có thể là cụ Doanh đã cất giấu tờ di chúc mới này nội trong nhà ông Phàm ?
- Dạ thưa, chị em chúng cháu lúc đầu cũng chỉ nghi thế thôi, nhưng rồi thì chúng cháu đoán chắc là sự việc phải như thế rồi.
Ông Minh và Ái Lan liếc mắt nhìn nhau một cái thật nhanh. Hai cha con cũng đã có ý nghĩ như vậy. Nếu quả thực cụ Doanh đã cất giấu tờ chúc thư tại nhà ông Phàm, và lỡ đã lọt vào tay ông, tất nhiên ông ta phải tiêu hủy gấp cái tờ giấy nguy hiểm cho gia đình ông đó rồi chứ !
Luật sư Minh còn hỏi thêm vài câu nữa và chị em Ngọc, Liên cố gắng nhớ lại các việc đã qua để trả lời inh bạch. Nhưng tựu trung cũng không thêm được một tin tức nào khác có thể soi chút ánh sáng qua bức màn bí mật.
Ái Lan đứng lên pha trà, lấy bánh đậu mời cha và chị em Ngọc, Liên uống nước trà, ăn bánh. Rồi, hai cô gái lễ phép xin được ra về, đồng thời nồng nhiệt cám ơn ông Minh đã để tâm đến việc khó khăn của họ.
Luật sư Minh cùng con gái tiễn hai chị em ra tận cổng :

- Nếu có thể giúp các cô được việc gì tôi sẽ hết lòng ! Và đừng có ngại gì phí tổn thù lao cả nhé ! Nhưng có điều là hiện nay chưa tìm ra được tờ di chúc thứ hai thì vẫn chưa thể làm cái gì cho thắng lợi được cả !
Hai cô gái đi rồi, Ái Lan đưa mắt ngó cha như dò hỏi. Ông Minh nói ngay :
- Đúng như lời con nói, hai chị em Mỹ Ngọc, Mỹ Liên quả thật hiền ngoan lắm và rất xứng đáng cho cha con mình giúp đỡ một tay.
Ái Lan nôn nóng :
- Vậy thì ba nhất định sẽ giúp họ chứ hả ba ?
- Hừ ! Chỉ ngại là không làm nên trò trống gì thôi ! - Giọng nói luật sư có vẻ kém vui. - Có thể là tờ giấy quan hệ đó đã mất tiêu luôn rồi chứ chẳng không đâu ! Hà ! Biết đâu chừng !
- Vậy là ba nghi nhà ông Phàm... ? Con cũng nghĩ thế đó ba à ! Vô phúc mà lá chúc thư mới này lọt vào tay họ, con dám chắc họ sẽ thủ tiêu lập tức đó ba ! Nhà họ thì có bao giờ lại ngại ngùng do dự trước bất cứ một việc xấu nào. Miễn là có lợi !
- Ba đồng ý với con. Tuy nhiên đó chỉ là những giả thuyết riêng của ba và con. Nghi thì cứ việc nghi, nhưng chớ có nói ra cho chị em cô Ngọc biết sự nghi ngờ của mình. Vẫn biết hai người bạn mới của con có quyền hưởng một phần gia tài của cụ Doanh để lại thật, nhưng cũng vẫn không thể khiếu nại cho hữu hiệu được một khi chưa tìm ra tờ di chúc mới kia.
Giọng nói Ái Lan trầm hẳn xuống :

- Ba nói đúng lắm !
Tuy vậy em vẫn không hề một phút nào nghĩ đến chuyện bỏ cuộc giúp đỡ hai chị em Ngọc, Liên. Em vẫn ngấm ngầm hy vọng biết đâu một ngày kia, nhờ một phép mầu nào đó, hai cô gái nghèo lại được hưởng một phần cái di sản mà người để lại muốn cho các cô hưởng. Và em ngẫm nghĩ :
"Phải lắm ! Nếu tờ di chúc mới này đã bị tiêu hủy rồi thì đành chịu thua. Nhưng một khi mình chưa tìm ra được bằng cớ dấu vết gì chứng thực là nó đã bị thủ tiêu thì nhất định là chưa chịu bỏ cuộc."
Đứng phắt lên, nét mặt cương quyết, Ái Lan tự nhủ : "Thế nào mình cũng phải tìm hiểu bằng được số phận cái tờ di chúc này của cụ Doanh xem nó đã ra sao rồi ! Trở ngại, khó khăn ! Bất chấp hết.
06 - LẠI ĐỤNG ĐỘ
Mặc dầu cương quyết giúp bạn là thế, mà mấy ngày qua đi rồi, Ái Lan cũng không làm cách nào để biết được tấm giấy quan hệ kia đã thực sự lọt vào tay bọn nhà Phàm chưa ?

Trước mặt cha, em cố làm ra vẻ thản nhiên vờ như không quan tâm gì lắm, nhưng ông Minh chỉ liếc sơ qua nét mặt em là đã biết trong đầu óc em nghĩ thế nào, như người nhìn vào trang giấy có chữ vậy.
Một hôm, khi cùng ngồi ăn cơm trưa, ông đã bảo con gái :
- Ba biết là vấn đề cụ Doanh đang làm con thắc mắc nhiều lắm ! Và hiện con đang lo lắng cho hai người bạn mới của con không ít ! Đó là một cái hay, một đức tính tốt. Nhưng con cũng đừng để sự việc làm khó chịu, ray rứt thái quá ! Ba nhắc lại để con nhớ rằng : "Chúng ta không thể làm được một cái gì hết khi mà lá chúc thư mới của cụ Doanh không có ở trong tay ? Vậy thì tốt hơn hết là, thôi, đừng nghĩ gì đến chuyện tranh chấp gia tài với nhà Phàm nữa ! Từ bữa tiếp đón hai chị em Ngọc, Liên tới nay, ba thấy con cứ loanh quanh lẩn quẩn trong nhà, chẳng chịu đi chơi đâu cả. Hôm nay, trời đẹp lắm, đi ra ngoài cho nó thoải mái một chút nghe, Ái Lan ! Thả bộ lòng vòng lên công trường Hòa Bình coi có phim gì hay thì mua vé vào coi, không thì ra chợ, vào các tiệm, có gì thích thì mua, hoặc tạt vào "Book Shop" xem có quyển gì hay mua về đọc xong cho ba đọc với !… Đi chơi đi con, cho đầu óc thanh thản một chút đi !
Ái Lan mỉm cười thật buồn :

 
CHÚ Ý !!!
Các đạo hữu nhớ thêm TÊN CHƯƠNG và THỨ TỰ CHƯƠNG ở ô phía trên phần trả lời nhanh. Như vậy hệ thống mới tạo được DANH SÁCH CHƯƠNG.
Cập nhật chức năng ĐĂNG TRUYỆN và THÊM CHƯƠNG MỚI trên web Diễn Đàn Truyện tại https://truyen.diendantruyen.com
Top Bottom